Ngày 14-10-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 28 Mùa Quanh Năm 15/10/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:58 14/10/2017



Bài Ðọc I: Is 25, 6-10a

"Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài

Xướng: Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo con hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, con sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Bài Ðọc II: Pl 4, 12-14. 19-20

"Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Ðức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 22, 1-10 {hoặc 1-14}

"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: "Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới". Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: "Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

{Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: "Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?" Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".}

Ðó là lời Chúa.
 
Ý nghĩa tiệc cưới và áo cưới
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:42 14/10/2017
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên A

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta hai hình ảnh lôi kéo sự chú ý của chúng ta, đó là tiệc cưới và áo cưới. Chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của những hình ảnh này.

1. Tiệc cưới

Trong các nền văn hóa, tiệc tùng, ăn uống đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhân sinh.

Người Pháp có câu: “On s’attache par le repas,” nghĩa là người ta gắn bó với nhau qua bữa ăn. Người Việt thì nói: “Khách đến nhà không gà thì vịt.” Quả thế, bữa ăn là nơi gặp gỡ, chia sẻ và sống thân tình với nhau. Bữa ăn cũng nơi bày tỏ quý mến với nhau chứ không phải là nơi tranh cãi và chửi bới nhau, như cha ông ta đã khôn ngoan dặn dò: “Trời đánh tránh bữa ăn.”

Hình ảnh bữa ăn hay bữa tiệc cũng được Kinh Thánh nhiều lần nói tới. Cựu Ước nói tới bữa ăn mà tổ phụ Abraham khoản đãi ba người khách lạ dưới lều vải ở Mamrê (x. St 18,1-8), hay như hình ảnh bữa tiệc được tiên tri Isaia loan báo trong bài đọc I (x. Is 25,6-10). Tân Ước cũng nói nhiều đến bữa tiệc như bữa tiệc người cha già tổ chức mừng người con đi hoang trở về (Lc 15,22-32). Những biến cố lớn liên quan đến Chúa Kitô đều gắn liền với bữa tiệc như Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai với việc đến dự tiệc cưới ở Cana (Ga 2,1-10); Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để thiết đãi dân chúng ăn no nê từ 5 chiếc bánh và 2 con cá (x. Ga 6,5-15). Trước khi đi chịu tử nạn, Chúa Giêsu đã dự Tiệc Ly với các môn độ (Ga 13,1-15). Sau khi phục sinh, Người dọn bữa ăn cho các môn đệ sau một đêm lao lực (Ga 21,1-14). Như thế, bữa ăn và bữa tiệc là “môi trường” Kinh Thánh.

Trở lại với bài đọc I, với ngôn ngữ khải huyền hướng về tương lai, tiên tri Isaia nói tới việc Thiên Chúa sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thì béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (x. Is 25,6-10). Trong một bối cảnh mà dân Do Thái đang lưa đày ở Babilon, vua Ba Tư là Cyrus đã ký sắc lệnh cho họ trở để tái thiết cuộc sống mới ở Giêrusalem. Viễn tượng mới mà Isaia mô tả chan chứ niềm vui, hy vọng và hạnh phúc mà Thiên Chúa sẽ ban cho dân Người, trong đó, mọi người sẽ được ăn uống no nê, có một cuộc sống bình an, ổn định, Thiên Chúa sẽ lau khô mọi dòng lệ và xóa tan mọi nỗi ô nhục của họ.

Đó là hình ảnh tiên báo về Nước Trời được Đức Giêsu rao giảng và thực hiện với sự xuất hiện của Người như được nói trong bài Tin Mừng.

Trước hết, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn tiệc cưới để diễn tả chân lý này: Thiên Chúa muốn ban hạnh phúc Nước Trời cho dân Do Thái, dân riêng, nhưng tiếc rằng họ là những người khách được mời đã từ chối lời mời gọi của Chúa và viện cớ vì nhiều lý do khác nhau như “kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết” (Mt 22,5-6). Họ là đại diện cho tất cả những ai đã ưa chuộng và chạy theo những giá trị trần gian mà khước từ những giá trị đạo đức và vĩnh cửu của Nước Trời. Trước sự từ chối đó, ông chủ đã sai các đầy tớ ra các ngã đường, gặp ai cũng mời vào tiệc cưới, bất luận tốt xấu, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách (x. Mt 22,5-10).

Qua đó, dụ ngôn muốn nói rằng: Bữa tiệc nói lên tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho dân Người. Bữa tiệc cũng là hình ảnh để diễn tả ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho con người. Đây cũng là hình ảnh tiên báo về bí tích Thánh Thể, là bữa tiệc mà Thiên Chúa sẽ thiết đãi dân Người trong giao ước mới. Thiên Chúa đã kết giao ước hôn phối với loài người qua Con Một chí ái của Người. Qua giao ước này, Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người vào dự tiệc cưới đó. Điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người. Ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang lại là phổ quát, chứ không chỉ dành cho một số người được ưu tiên và xứng đáng. Như thế, Thiên Chúa không chỉ mời gọi mọi người vào làm việc trong vườn nho của Chúa, nhưng còn mời gọi họ vào tận hưởng niềm vui cứu độ trong tiệc cưới với Chúa Con. Hạnh phúc cho những ai được mời vào dự tiệc cưới của Chúa!

2. Áo cưới

Như thế cho thấy Thiên Chúa quảng đại mời hết mọi người vào tham dự tiệc cưới. Tuy nhiên, ở phần cuối bài Tin Mừng, có một chi tiết cần phải dừng lại để suy nghĩ, đó là chi tiết: “Nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới,” ông thắc mắc và lệnh bắt người đó và quăng vào chổ khóc lóc nghiến răng (x. Mt 22,11-14). Chi tiết này làm chúng ta phải ngạc nhiên và xem ra bất công, bởi lẽ, ban đầu nhà vua bắt các đầy tớ ra đường đột xuất mời người ta vào dự tiệc, giờ sao lại bắt nạt người này không có áo cưới. Nhưng cần lưu ý rằng đây là chi tiết mang tính dụ ngôn và biểu tưởng. Theo đó, áo cưới đây muốn ám chỉ đến những điều kiện tối thiểu mà người dự tiệc phải có khi vào dự tiệc theo phong tục Do Thái. Điều đó muốn nói rằng, một đàng, Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người, nhưng đàng khác, những ai được mời vào dự tiệc phải có sự đáp trả, chuẩn bị chiếc áo cưới của mình, để xứng đáng dự tiệc cưới.

Chiếc áo cưới ở đây là biểu tượng của sự đáp trả cách tự do của mỗi người trước phần rổi mình. Đây là điều kiện cần thiết để được cứu độ và để dự tiệc cưới Nước Trời. Như thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa sáng tạo nên con, không cần có con, nhưng để cứu độ con, thì cần có con cộng tác.”

Theo chiều hướng đó, thánh Phaolô nói đến một chiếc áo mà mỗi người Kitô phải mặc, đó chính là Đức Kitô. Ngài mời gọi: “Anh em hãy mới lấy Chúa Giêsu Kitô (Rm 13,14). Mặc áo xanh hay mặc áo đỏ, mặc áo nọ mặc áo kia, nhưng ta tin rằng ta đẹp nhất khi ta mặc áo Chúa Kitô. Nơi khác, thánh Phaolô khích lệ: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5). Nghĩa là phải từ bỏ những thói quen của con người củ, canh tân và mặc lấy con người mới là Chúa Kitô (Ep 4,22-24). Chính ngài đã để cho Chúa Kitô sống và hướng dẫn ngài, nên ngài chia sẻ nơi bài đọc II: “Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng thiếu, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu đựng được hết” (Pl 4,12-13).

Thánh Grêgiôriô Cả giải thích theo một chiều hướng khác: “Áo cưới đây chính là lòng bác ái. Bởi vì Đấng Cứu Độ chúng ta đã mặc áo đó khi Người đến để kết hợp với Giáo Hội như là hiền thê của mình.” Theo ý nghĩa này, áo cưới chính là lòng bác ái và những việc lành mà chúng ta thực hiện đối với tha nhân, nhất là với những người nghèo khổ. Vì ngày phán xét, Thiên Chúa chỉ xét xử chúng ta dựa trên tình yêu và lòng bác ái đối với tha nhân (x. Mt 25,31-46). Đó là áo cưới mà mỗi người cần có để mặc trong tiệc cưới cánh chung. Nếu không có bác ái là không visa, không có áo cưới để dự tiệc cưới, chúng ta sẽ bị đuổi ra ngoài, phải chịu cảnh khóc lóc và nghiến răng.

Như thế, Lời Chúa hôm nay một đàng mời gọi chúng ta xác tín vào ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ hết mọi người, và đàng khác, nhắc nhở chúng ta ý thức bổn phận của mình để cộng tác với ơn Chúa, biết chuẩn bị cho mình chiếc áo cưới đẹp nhất, bằng những việc bác ái để xứng đáng dự tiệc cưới Nước Trời mai sau. Amen!
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:11 14/10/2017
13. BÙA TRỪ MUỖI
Có một đạo sĩ nọ nói mình có thể vẽ bùa để trừ muỗi. Có người liền đem tiền đi mời ông ta làm bùa và kết quả là muỗi vẫn không bị giết.
Người ấy bèn chất vấn đạo sĩ, đạo sĩ hỏi:
- “Anh đem bùa dán ở chỗ nào ?”
Trả lời:
- “Dán ở trên tường”.
Đạo sĩ liền trách:
- “Tôi nói mà không linh sao, anh phải đem bùa dán trên cái mùng mới có hiệu quả chứ !”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 13:
Có những người Ki-tô hữu coi nước thánh (để trong nhà thờ) như là “nước bùa” đuổi ma quỷ, cho nên họ đến nhà thờ làm đủ mọi thứ dấu thánh giá, họ lấy nước thánh bôi lên miệng, lên mắt, lên chỗ đau trong thân thể để được khỏi bệnh, nhưng bệnh vẫn cứ không hết, đau vẫn cứ đau, thế là họ chửi toáng cả lên...
Nước thánh là một loại nước đã được linh mục làm phép nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, cho nên nó rất có hiệu nghiệm để đuổi trừ ma quỷ và những ác thần của nó, nhưng phải sử dụng nó với một đức tin tinh tuyền, tinh tuyền có nghĩa là với lòng khiêm tốn và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải dùng nó như là...bùa phép dị đoan.
Phải xức nó ở trong tâm hồn chứ không phải trên chỗ đau, phải xức nó trên lời nói và việc làm phù hợp với tinh thần của Phúc Âm của mình, chứ không phải làm qua loa dấu thánh giá như...pháp sư vẽ bùa.
Ma quỷ rất sợ nước thánh, nhưng nó cũng coi thường những người sử dụng nước thánh như kiểu vẽ bùa, tức là làm Dấu Thánh Giá cách chiếu lệ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:13 14/10/2017

2. Người nào vì người khác mà cầu nguyện, thì trong khi cầu nguyện có thể đạt được rất nhiều lợi ích.

(Thánh Gregory Pope)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tiệc cưới với bốn nghịch thường
LM. Anphong Nguyễn công Minh, ofm
09:13 14/10/2017
CN 27A : Tiệc cưới với bốn nghịch thường

Cách đây 6 năm, 29-4-2011, Hoàng tử William của hoàng gia Anh và công nương Kate Middleton đã trao đổi lời thệ ước hôn nhân tại Đại Thánh đường cổ kính Westminter. Đây là lễ cưới cung đình.

Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu cũng đã ví Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Chuyện từ 20 thế kỷ trước, ta tưởng như chuyện đời xưa mà lại không cũ chút nào, vì mới diễn ra gần đây.

Còn mùa xuân 1947 cả thế giới chú ý đến hàng tít lớn trên trang nhất của báo chí cho biết công chúa Elizabeth của nước Anh sẽ sánh duyên cùng hoàng tử Philip gốc Hi lạp. Cuộc tình duyên này quan trọng vì công chúa Elisabeth sẽ lên ngôi kế vị vua cha trị vì không những vương quốc Anh, Bắc Ai-len và còn đứng đầu khối Thịnh Vượng Chung gồm trên 50 nước lớn nhỏ (Ấn, Canada, Úc…). Lễ được tổ chức tại Thánh đường Wesminter cổ kính ngày 20/11/47. Người ta không những nhìn xem hai nhân vật chính là cô dâu chú rể nhưng còn chăm chú điểm danh những nhân vật quan trọng từ quốc trưởng, tổng thống, vua chúa... đến các nhà quí tộc, tài phiệt. Không ai được mời mà muốn vắng mặt trong lễ cưới, trong tiệc mừng long trọng như vậy. Đó là chuyện bình thường dễ hiểu.

Nhưng dụ ngôn của Chúa hôm nay ví Nước Trời như một chuyện bình thường : vua mở tiệc cho hoàng tử, nhưng lại mang đầy những chi tiết không bình thường chút nào, nếu không nói là nghịch thường, quá khác lạ. Ta nhận ra được ít là bốn khác lạ nghịch thường so với một đám cưới tương tự trong đời thường : dửng dưng – đổ máu – mở rộng – thanh trừng.

1. Dửng dưng

Đám cưới của Hoàng tử tức con vua ai lại chẳng muốn tham dự, vì một miếng đầu làng đã bằng một sàng xó bếp, huống gì là một miếng ở cung đình, một chỗ ngồi chung quanh vua mang lại vinh dự biết bao cho kẻ được mời. Đó là chưa kể có thể có những chức tước được ban, những cơ hội phát đạt… . Thế mà trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói, khách không thèm đến. Một lần giấy mời từ trước, hai lần sai gia nhân, họ đều dửng dưng để ngoài tai. Dụ ngôn nói rất rõ: Vua sai đầy tớ đi gọi những kẻ đã được mời, nhưng họ không đến. Vua lại sai đầy tớ khác dặn, hãy nói với khách mời, tiệc sẵn rồi, heo đã quay, bò đã thui, lẩu đã sôi… Họ vẫn dửng dưng, và đưa ra những lý do chảng có tầm cỡ chút nào: người thì nói mắc đi thăm trại (thăm lúc nào chẳng được !), kẻ thì nói đi buôn (buôn quanh năm chứ đâu một ngày !). Một lần thiếp mời cộng với hai lần sai hai nhóm đầy tớ khác nhau tới mời, khách vẫn dửng dưng.

2. Đổ máu

Khi toán đầy tớ thứ nhất tới nài nỉ khách đi dự tiệc, vì mọi sự đã sẵn, thì có nhiều khách đã không những không thèm đến dự mà còn “bắt các đầy tớ của vua, hành hạ rồi giết luôn.” Máu đã đổ ! Chuyện rất lạ. Và vua khi nghe được thì cũng trả đũa không kém khác thường : sai quân lính đi giết bọn sát nhân đó (mạng đổi mạng) và thiêu hủy luôn thành phố của chúng. Sự trả đũa quá tay ! Máu đổ nhiều trong ngày cưới. Năm 1989, tháng 11, tại Saigon, cô Hồng Cẩm còn mười ngày nữa là đám cưới của cô. Cô dựng xe trước nhà, bị kẻ cắp đến trộm xe, cô chạy ra giữ lại, bị hung thủ đâm chết. Máu đã đổ. Điều càm động là trong tang lễ, người ta mặc áo cưới cho cô. Đó là một chuyện lạ, lạ mà cảm động. Còn trong dụ ngôn cũng lạ, khác lạ, nhưng lạ của tàn sát tập thể ngay trong ngày cưới.

3. Mở rộng

Khi khách được mời không thèm tới, khi kẻ xứng đáng chẳng đoái hoài, thì vua mở rộng cửa phòng cưới, mời tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, đui què, tàn tật và không phân biệt cả tốt xấu, thánh nhân lẫn quỉ sứ : mời tất tần tật vào, cũng là một chuyện lạ. Thánh Luca thuật dụ ngôn tương tự như Matthêu hôm nay kể tới hai lần sai đầy tớ đi mời : mời lần đầu, chỗ còn trống, phải mời thêm một lần nữa : lượm lặt khắp hang cùng ngõ hẻm cho đầy bàn tiệc cưới. Thật ra vào thời Chúa Giêsu đã xảy ra một chuyện gần tương tự, được ghi lại trong sách Talmud : ông Bar Majan người thu thuế giàu có đã tổ chức một tiệc lớn chiêu đãi chức sắc trong thành, những vị này từ chối lời mời. Thế là thay vì nhìn mâm cỗ bị hư, ông cho mời những người nghèo tới dùng bữa. Dụ ngôn của Chúa Giêsu không dừng lại ở đó mà còn mở ra một chuyện khác lạ nữa: đó là thanh trừng.

4. Thanh trừng

Mời đột ngột, người ta đang đi ăn xin cũng mời vào, đang quét rác cũng kéo vô thì làm sao chuẩn bị y phục đàng hoàng. Vậy mà vua vào thấy một kẻ không mặc áo cưới thì nổi giận. Đáng lẽ đuổi ra là cùng, đàng này vua ra lệnh: trói chân tay nó lại, ném vào nơi tối tăm, ở đấy đầy khóc lóc và nghiến răng. Chuỵện quá lạ ! Người ta đã tìm cách giải thích nhiều kiểu cho đỡ lạ kỳ như áo cưới sẵn có nơi tiền đình, trước khi vào phòng tiệc thì khoác vào thôi. Nhưng lời giải này cũng bị bác vì chẳng hề có tục lệ đó nơi người Do thái bấy giờ. Người ta còn tìm nhiều giải thích khác như hai dụ ngôn tiệc cưới và áo cưới riêng biệt được ghép chung lại, nên nhiều khi không khớp. Nhưng dầu sao thanh trừng quá đáng như thế vẫn là một chuyện lạ !

Bốn chuỵện lạ trong một dụ ngôn : dửng dưng của khách được mời, đổ máu quá nhiều trong ngày cưới, mở rộng quá đáng cánh cửa cho mọi người vào, rồi lại thanh trừng khắt khe kẻ chưa kịp mặc áo cưới. Tất cả các chuỵện lạ đó chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của lịch sử –lịch sử dân Israel và lịch sử cứu độ-, chứ không thể hiểu được trong khung cảnh tiệc cưới.

-Những kẻ dửng dưng, đó là dân Israel chính tông chẳng đoái hoài gì đến con vua là Giêsu Kitô: vị tân lang chàng rể.

-Đổ máu là họ, dân Israel đã giết các tiên tri, đổ máu những người được Chúa sai đến báo tin vui cho họ.

-Mở rộng là ơn cứu độ của Chúa dành cho mọi hạng người bất kỳ đen trắng vàng đỏ, nô lệ, tự do, nam hay nữ, kể cả trung tính…

-Thanh trừng là, một khi được mời tới phải biết mặc lấy Chúa Kitô là áo cưới, mặc lấy con người mới, không thể khác.

Dụ ngôn với những chuyện lạ nhắm vào người Do Thái Pharisêu, nhưng cũng có thể nhắm vào chúng ta. Ta được thánh tẩy ngay từ nhỏ, tức được mời dự tiệc cưới từ đầu, nhưng biết đâu ta lại dửng dưng, coi chừng sẽ bị Chúa “mửa” ra. Cũng có thể ra mới được thánh tẩy, là Đạo Mới, tức mới được “thu gom” để vào phòng cưới, nhưng ta lại không mặc áo cưới –coi chừng sẽ bị thanh trừng. Không thể chỉ dựa vào lý lịch : tôi là con cháu các thánh tử đạo oai hùng Việt Nam. Không có chủ nghĩa lý lịch ở trên trời đâu !

Xin Chúa cho chúng ta kẻ được mời trước hay là kẻ đến sau đều biết giữ gìn chiếc áo trắng thánh tẩy ngày nhận Phép Rửa Tái Sinh, đó chính là chiếc áo cưới mà Chúa đòi hỏi để ta được vào dự tiệc cưới Nước Trời đời đời. Amen.

LM. Anphong Nguyễn công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hàng triệu người tham dự những biến cố kỷ niệm 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima
Đặng Tự Do
00:40 14/10/2017
Trong hai ngày 12 và 13 tháng 10, hàng triệu người đã tham dự những biến cố kỷ niệm 100 năm phép lạ mặt trời nhảy múa tại tại Fatima. Những biến cố này đánh dấu một đỉnh cao thứ hai trong các hoạt động mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Đỉnh cao thứ nhất là lễ tuyên thánh cho hai trẻ Jacinta và Francisco do Đức Thánh Cha chủ sự hôm 13 tháng 5 vừa qua.

Lúc 21h30 tối 12/10, hàng trăm ngàn tín hữu đã tham dự buổi đọc Kinh Mân Côi trước khi tham dự một cuộc rước nến vĩ đại kéo dài đến 22:30.

Cộng đoàn sau đó đã cùng tham dự thánh lễ đại trào cho đến tận 23:45.

Tiếp theo là giờ chầu thánh thể đến 2 giờ sáng. Cộng đoàn cũng đã đi đàng thánh giá từ 2 giờ sáng đến 3:15 trước khi các thánh lễ bằng các ngôn ngữ khác nhau được cử hành liên tục cho đến 9h sáng.

Bí tích hoà giải đã được cử hành từ 9h cho đến 10h sáng khi hàng triệu tín hữu bắt đầu tham dự thánh lễ đại trào mừng 100 năm phép lạ mặt trời nhảy múa kết thúc những hoạt động chính mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Bên cạnh các biến cố tại Fatima, trên thế giới cũng có những biến cố đặc biệt đáng ghi nhận khác. Các giáo xứ trên toàn nước Anh đã thực hiện việc thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội, và Đức Hồng Y Vincent Nichols đã tái thánh hiến nước Anh và xứ Wales trước bức tượng Đức Mẹ Fatima tại nhà thờ chính tòa Westminster. Trước đây, nước Anh và xứ Wales đã được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội vào năm 1948.

Vào cuối tháng Chín vừa qua, trong phiên khoáng đại thường niên, các giám mục Canada cũng tái dâng đất nước cho Trái Tim Vô Nhiễm. Hành động này đã được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1947. Và trong suốt năm, mỗi giám mục đã hiến dâng giáo phận của mình cho Trái tim Đức Mẹ.

Các Giám Mục Ba Lan cũng đã thực hiện việc dâng hiến quốc gia cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ.
 
ĐGH sẽ công bố 35 vị thánh mới vào Chúa Nhật.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:25 14/10/2017
(Đài Vatican) Trong Thánh Lễ Phong Thánh tại Quảng Trường Thánh Phêrô ở Roma, ĐGH sẽ công bố 35 vị Thánh mới trong Giáo Hội Công Giáo, trong đó gồm 33 Thánh Tử Đạo và 2 vị thánh khác thuộc các nước Brazil, Mexico, Tân Ban Nha và Ý.

Nhóm đầu tiên gồm có 30 vị gọi là “Các Thánh Tử Đạo của Natal” trong đó gồm các linh mục và giáo dân bị giết vào năm 1645 trong đợt bách hại Công Giáo dưới thời Dutch Calvinesit ở Natal, thuộc Brazil.

Một nhóm khác gồm 3 vị tử đạo thuộc người địa bản ở Mexico là Cristobal, Antonio và Juan là những vị thánh được biết đến như “Các Thánh Tử Đạo Trẻ của Tlaxcala” cũng sẽ được phong thánh. Những vị thánh này ở tuổi từ 12 và 13, thuộc những gia đình Công Giáo bản địa đầu tiên ở Mexico bị giết vào khoảng năm 1527 và 1529 vì đã không chịu từ bỏ đức tin Công Giáo để trở về truyền thống tổ tiên của họ.

Trong số các vị thánh còn có hai linh mục Âu Châu. Một là cha thuộc dòng Khó Nghèo Tây Ban Nha là Manuel Miguez Gonzales, vị sáng lập của dòng Nữ tỳ Chúa Nhân Lành hay còn gọi là Calazanzian Institute, ngài mất năm 1925. Vị thánh khác là linh mục Ý Cappuchin là cha Angelo da Arci, mất năm 1739.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Mẹ Đấng Cứu Chuộc : Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục
Người Giồng Trôm
09:21 14/10/2017
Chiều hôm nay, 14 tháng 10, các ngõ dẫn về Dòng Mẹ Đấng Cứu Chuộc ở Thủ Đức tuy đã hẹp nhưng hôm nay lại hẹp hơn nữa bởi lẽ chiều nay có Thánh Lễ trao sứ vụ linh mục cho 14 thầy phó tế của Hội Dòng.

Từ rất sớm, xe chúng tôi cũng như nhiều đoàn khác nữa đã đến Nhà Dòng. Ban đón tiếp đã ra tận xe để chỉ dẫn, đón tiếp các đoàn thật thân tình. Những nụ cười, những câu chuyện thân tình được trao cho nhau nhân dịp gặp gỡ hết sức đặc biệt này. Có người về từ nửa vòng trái đất để mừng Kim Khánh Khấn Dòng nên hôm nay mới có thể gặp người còn ở lại. Tình người lại cứ chứa chan một niềm thương mến.

Xem Hình

16 g 00, sau lời dẫn vào Thánh Lễ được một Thầy ngỏ với cộng đoàn, cộng đoàn hướng về cuối Nguyện Đường của Hội Dòng để đón đoàn đồng tế. Chủ tế Thánh Lễ truyền chức chiều hôm nay cho 14 thầy phó tế Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc là Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc. Tưởng nghĩ cũng phải nói rằng rất quý mến nên Đức Tổng hiện diện trong Thánh Lễ chiều nay, đơn giản là sau 1 tuần họp mệt nhoài với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Thanh Hóa và cả Thánh Lễ phong chức giám mục sang hôm nay lam cho Đức Tổng rất mệt. Nhưng vì tình thương, vì lòng mến nên Đức Tổng đã hiện diện.

Cùng đồng tế với Đức Tổng có quý Cha trong và ngoài Dòng, đặc biệt có Cha Quản Hạt Chính Tòa Cần Thơ, Cha Quản nhiệm Trung tâm hành hương Tắc Sậy, quý Cha Sở, Cha đồng hương …

Cộng đoàn dân Chúa thì quá đông bởi lẽ đây số lượng tiến chức hôm nay quả là dồi dào. Hẳn nhiên vì tình thương và lòng mến nên gia đình của 14 tiến chức hiện diện rất đông đảo.

Khi Thầy dẫn Lễ xướng “sau đây là nghi thức phong chức” thì cả cộng đoàn không khỏi ngạc nhiên vì hôm nay khác với những Lễ phong chức khác, Đức Tổng Phaolô giảng Lễ sau khi bài Tin Mừng được công bố.

Rất ngắn gọn, Đức Tổng mời gọi cộng đoàn cùng nhìn vào bài Tin Mừng hôm nay để thấy Chúa mời gọi các mục tử rằng đến để phục vụ chứ không phải để người ta phục vụ. Đức Tổng mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lại bài tin mừng theo Thánh Mattheu. Anh em hãy khiêm nhường hiền lành phục vụ anh em cũng như Đức Giesu là Đấng đã đến để lam giá chuộc cho mọi người.

Kế đến, Đức Tổng gợi lại bài đọc thứ nhất : như tiên tri Gieremia đã thưa cùng Chúa rằng : Ôi Lạy Chúa ! Chúa Thượng, con đây còn quá non trẻ, con đây không biết ăn nói nhưng Thiên Chúa phán với tiên tri : Đừng nói ngươi còn quá trẻ. Ta sai các ngươi đi đâu thì cứ việc đó. Ta đặt lời ta vào miệng ngươi.

Thánh Phaolô trong thử gửi tín hữu thành Epheso thì khuyên chúng ta sống xứng đáng ơn kêu gọi Chúa gọi chúng ta. Anh em hãy ăn ở bác ái với nhau. Anh em ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Người trao cho kẻ này làm tông đồ, kẻ thì loan báo Tin Mừng, kẻ thì chăm sóc dạy dỗ. Tất cả để xây dựng Giáo Hội.

Các cha các Thầy dòng Mẹ Cứu Chuộc rất thân mến ! Tôi tin chắc rằng các cha các thầy có đặc sủng là lo cho người nghèo, đặc biệt là những người già cả neo đơn. Dòng đã mở cửa cho các cha già không có nơi nương tựa. Ước gì các cha các thầy mở them nhà hưu dưỡng để phục vụ. Cá nhân tôi vô cùng biết ơn các cha.

Hãy loan báo Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa. Xin Chúa chúc lành cho tất cả cộng đoàn Phụng Vụ.

Sau bài giảng của Đức Tổng là phần nghi thức phong chức. Nghi thức phong chức linh mục diễn ra như bình thường trong các Lễ phong chức khác.

Cha Tổng Phục Vụ Hội Dòng đã xướng tên 14 tiến chức lãnh sứ vụ hôm nay :

Matthia Maria Vũ Hoài Ân

Maximiliano Kolbe Maria Hoàng Hùng Cường

Tephano Maria Ngô Kim Điền

Benedicto Maria Phạm Đức Hảo

Vinhson Phaolo Maria Nguyễn Đức Hùng

Henrico Maria Đinh Văn Khánh

Phaolo Maria Tống Thanh Minh

Daminh Maria Nguyễn Văn Nguyên

Luy Gonzaga Maria Phạm Y Phan

Ambrosio Maria Nguyễn Năng Thanh Phong

Mattheu Maria Nguyễn Thanh Quang

Phanxico Assisi Maria Nguyễn Trung Tín

Bonifacio Maria Đinh Văn Toàn

Augustino Maria Nguyễn Thanh Trung

Những cái ôm chúc bình an của Đức Tổng và quý Cha trên gian cung Thánh đã khép lại nghi thức phong chức linh mục chiều nay.

Trước khi Đức Tổng ban phép lành cuối Lễ, Cha Tổng Phục Vụ dã có tâm tình cảm ơn Đức Tổng, quý Cha và cộng đoàn. Đặc biệt Cha Tổng Phục Vụ đã cảm ơn quý ông bà cố vì quý ông bà cố đã dâng hiến những người con ưu tú cho Hội Dòng. Một lẵng hoa tươi thắm đã gửi đến Đức Tổng thay cho tấm lòng của cộng đoàn.

Rất ngắn gọn, trong phần đáp từ. Đức Tổng có đôi lời chúc mừng Hội Dòng và Đức Tổng ngỏ lời mời gọi lên đường truyền giáo với 14 cha mới hôm nay.

Thánh Lễ phong chức linh mục khép lại. Sau bài ca kết Lễ, quý Cha đồng tế đã nán lại cùng Đức Tổng để ghi lại những bức hình kỷ niệm với 14 cha mới. Sau đó lần lượt 14 gia đình của tân linh mục đã lên chụp hình với Đức Tổng.

Số lượng người khủng khiếp nên phần ghi hình mất rất nhiều thời gian. Thế nhưng vì đây là những khoảnh khắc quý hiếm nên cộng đoàn rất vui thích và chờ đợi nhau cho đến lượt mình.

Nguyện xin Chúa ban muôn ơn làn trên Dòng Mẹ Đấng Cứu Chuộc, cách riêng cho 14 cha mới lãnh sứ vụ linh mục hôm nay để Hội Dòng và quý Cha ngày mỗi ngày lên đường truyền giáo và đến với người nghèo. Như tâm tư Đức Tổng, xin chúc cho Nhà Dòng ngày một phát triển, cách riêng về lãnh vực phục vụ các cha già neo đơn không có người chăm sóc khi tuổi già sức yếu.
 
Đức Ông Phêrô Nguyễn Đức Tiến, cựu giám đốc TTCGVN giáo phận Orange, qua đời
LM Trần Công Nghị
09:21 14/10/2017
GP ORANGE – Đức Ông Nguyễn Đức Tiến, cựu giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, vừa qua đời lúc 2 giờ 56 phút sáng Thứ Bảy, 14 Tháng Mười, tại tư gia ở Fountain Valley, miền Nam California, hưởng thọ 87 tuổi.

Đức ông đến giáo phận Orange vào năm 1979, và cùng với các linh mục Việt Nam phục vụ Cộng đồng Công Giáo Việt Nam lớn nhất hải ngọai. Kế nhiệm Cha Đỗ thanh Hà trong vai trò giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam có trụ sở cạnh nhà thờ Tam Biên, Garden Grove.

Đức Ông Tiến đóng vai trò chính yếu trong việc tậu mại và xây dựng Trung Tâm Công Giáo Việt Nam mới, nay tọa lạc tại góc đường Harbor và đường 17th, Santa Ana. Và năm 1990, Linh Mục Nguyễn Đức Tiến nhận tước hiệu đức ông.

Nghi lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Đức Tiến:
Thứ Tư, ngày 18 tháng 10: Thánh Lễ vào lúc 9:00 sáng tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam của Giáo Phận Orange.
Sau đó linh cữu sẽ được quàn tại Trung Tâm Công Giáo suốt ngày Thứ Tư, từ 9:00 giờ sáng đến 9:00 giờ tối.
Vào lúc 6:00 giờ chiều cùng ngày sẽ có thêm một Thánh Lễ được cử hành cũng tại TTCG.

Thứ Năm, ngày 19 tháng 10, linh cữu sẽ được quàn tại Nhà Thờ St. Barbara từ 3:00 giờ chiều
và sau đó sẽ là Thánh Lễ Vọng An Táng vào lúc 6:00 giờ chiều, cũng tại Nhà Thờ St. Barbara.

Thứ Sáu, ngày 20 tháng 10: Thánh lễ An Táng lúc 10:00 giờ sáng tại Nhà Thờ St. Barbara,
và sau đó linh cữu sẽ được an nghỉ tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành (Good Shephard Cemetery).

Đôi dòng tiểu sử Đức ông Phêrô Nguyễn Đức Tiến:

1930: sinh ra tại giáo họ Đông Khê, thuộc giáo xứ Cao Mộc, tỉnh Thái Bình.
1942-1949: theo học tại tiểu chủng viện Mỹ Đức, Thái Bình.
1949-1954": vào đại chủng viện Thánh Alberto, Nam Định.
1954: cùng một số chủng sinh di tản qua Hồng Kông, và tiếp tục học ĐCV của Dòng Đa Minh.
1958: về nước, được chỉ định dạy học tại TCV Tấn Tài, Phan Rang.
1959: học tại ĐCV Alberto ở đường Trương Minh Giảng.
1960 -10/5 được thụ phong linh mục do Giám Mục Piquet Lợi đặt tay.
1960-1963: dạy học tại trường trung học Trương Vĩnh Ký.
1975 -30/4: vượt biên bằng đường biển, tới Thái Lan.
1975 -15/10: định cư tại Hoa Kỳ tại Binghamton và chăm sóc mục vụ cho CĐ VN ở Syracuse và Binghamton, NY.
1979-2001: về Orange County, California, tiếp tục làm tác mục vụ cho tới khi hưu dưỡng năm 2001.
 
Rước kiệu Đức Mẹ Mân Côi tại giáo xứ Brunswick, Melbourne, Australia
Khắc Thái
23:27 14/10/2017
 
Văn Hóa
Chiếc áo trong đời sống
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:14 14/10/2017
Chiếc áo trong đời sống

Trong đời sống con người luôn cần quần áo mặc che thân thể tránh gío lạnh, hay nắng nóng bức, lúc khoẻ mạnh cũng như lúc đau bệnh ngay từ khi còn là một em bé mở mắt chào đời cho đến ngày xuôi hai tay được bao bọc đặt nằm trong cỗ áo quan.

Và con người cần quần áo khác nhau tùy theo phong tục tập quán nơi mình sinh sống, tùy theo tuổi tác, tùy theo địa vị xã hội, cùng tùy theo từng trường hợp lễ nghi yến tiệc trong sinh hoạt văn hóa xã hội.

Thú vật được Trời sinh tùy theo chủng loại có da có bộ lông là quần áo cho thân thể chúng. Con người Trời cao ban cho tâm trí phát minh dùng vải chế biến may thành quần áo dùng mặc để che chở cùng trang trí thân thể mình.

Quần áo như vậy ngoài chức năng che thân thể, tránh mưa nắng và gío, còn có chức năng diễn tả nếp sống văn hóa xã hội, nét đẹp nếp sống tinh thần con người nữa.

Trong dân gian có thành ngữ nói lên điều diễn tả chức năng của quần áo mặc: Y phục xứng kỳ đức!

Thiên Chúa tạo dựng con người đầu tiên trong công trình sáng tạo thiên nhiên: Ông Adong và Bà Evà. Kinh thánh nói hai Ông Bà sống trần truồng không có quần áo, nhưng họ không xấu hổ trước mặt nhau ( Sách Sáng Thế, 2, 25).

Và sau khi Ông Bà lỗi luật ăn trái cây Thiên Chúa cấm ăn. Ăn xong Ông Bà thấy mình trần truồng. Xấu hổ Ông Bà đi lấy lá cây làm quần áo che thân. ( Sách sáng Thế 5, 1-10).

Như thế lịch sử cần có quần áo mặc che thân thể có nguồn gốc từ trong Kinh Thánh với con người đầu tiên trong công trình sáng tạo thiên nhiên. Quần áo dùng che thân cùng liên quan với sự yếu đuối về tinh thần thể xác, cùng với sự xấu hổ trước nhau.

Từ nhận thức cùng cảm giác đó, quần áo trở thành nhu cầu cần thiết, không có không được, cho con người để bảo vệ thân thể cùng nhân vị mình trước nhiên và trước nhau.

Đời sống đức tin đạo giáo cũng cần có quần áo. Ngày nhận lãnh Bí tích rửa tội, tấm áo trắng rửa tội là hình ảnh dấu chỉ đời sống mới được mặc hay đặt trên em bé.

Theo khía cạnh ý nghĩa thần học chiếc áo rửa tội được so sánh như chiếc áo cưới. Trong hôn nhân hai người nam nữ hứa thề kết hợp với nhau trọn suốt cuộc đời. Cũng vậy, qua bí tích rửa tội con người và Thiên Chúa gắn bó kết hợp với nhau.

Chiếc áo rửa tội mầu trắng cũng như chiếc áo cưới mầu trắng diễn tả sự trong trắng, sự vô tội, niềm mong chờ đợi trông, và sự vui mừng trong sáng không bị làm lu mờ.

Và chiếc áo trắng rửa tội cũng là hình ảnh nói về Chúa Giêsu Kitô, như Thánh Phaolo đã cắt nghĩa: " Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.“ ( Thư Galata, 3, 27)
Chiếc áo rửa tội mầu trắng là hình ảnh dấu hiệu nói lên Thiên Chúa bao bọc con người. Mầu trắng chỉ về Ba ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần - cũng là mầu sắc diễn tả về sự tốt lành, về lòng thương xót và về tin mừng.

Ngoài chiếc áo trắng rửa tội, người Kitô hữu còn có chiếc áo khác nữa, như Thánh Phaolo viết thuật lại: „1Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy mặc vào chiếc áo lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại“ ( Thư Colosseo 3,12).

Chiếc áo bằng vải bằng lụa mặc để che thân, bảo vệ thân xác nhân vị cùng tương xứng hợp với văn hóa phong tục xã hội cần thiết cho đời sống con người.

Nhưng chiếc áo tinh thần, chiếc áo đức tin đạo giáo trong tâm hồn con người, tỏ hiện ra nơi cung cách đối xử sinh sống với nhau hằng ngày cũng cần thiết không kém chiếc áo bằng vải, bằng lụa là mặc nơi thân thể.

Chiếc áo bằng vải diễn tả nếp sống văn hóa con người, thì chiếc áo đạo gíao tinh thần góp phần đáng kể chính yếu giúp cho nếp sống văn hóa, nếp sống giữa con người với nhau trong cộng đồng xã hội được vun xới triển nở thêm phong phú, xây dựng tình yêu thương hòa bình cùng mang lại niềm hy vọng.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
“Mẹ và Con”, Hình Ảnh Đẹp
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
15:54 14/10/2017
“Mẹ và Con”, Hình Ảnh Đẹp

Sáng nay lúc 6g ngày thứ Bảy 14.10.2017, Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho cha Luy Nguyễn Anh Tuấn tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn.

Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế, đồng tế với ngài có 2 Hồng Y, 36 Giám mục và trên 300 Linh mục. Tham dự Thánh lễ có gần 4.000 người, gồm Tu sĩ và Giáo dân.

Thánh lễ kết thúc lúc 08g30. Sau đó nhiều phái đoàn chụp hình lưu niệm.

Với tôi, hình ảnh đẹp nhất là bức hình “mẹ và con”. Hình ảnh thật đẹp và thật xúc động của người mẹ với con trai là Đức Tân Giám Mục Phụ Tá Sài Gòn Luy Nguyễn Anh Tuấn sau lễ Tấn phong.

Bà Cố thật giản dị với chiếc áo dài trắng kiểu cổ truyền, hạnh phúc ôm lấy con, nghiêng vào trái tim con, nhìn con như muốn hòa chung tâm tình tạ ơn ngày hồng phúc. Không biết Bà Cố có nói với con trai như mẹ của Thánh Giáo Hoàng Piô X nói với con khi con làm giám mục : "Nếu không có chiếc nhẫn cưới của mẹ đây thì làm sao có chiếc nhẫn giám mục của con ngày hôm nay được!"?

Anh em khóa 3 chúng tôi nhớ mãi, tình thương của Bà Cố với các chủng sinh. Khi học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài gòn, anh em chúng tôi thường ghé nhà anh Tuấn ở Tân Định, Bà Cố ân cần tiếp đón, niềm nở hỏi han và còn làm tiệc bồi dưỡng cho anh em nữa. Khi làm linh mục đi phục vụ trong 6 Giáo phận, có dịp về Sài gòn, anh em chúng tôi đến thăm Bà Cố, người mẹ phúc hậu, đạo đức tốt lành.

Thánh Don Bosco dạy rằng, một linh mục là hồng phúc lớn nhất đối với một gia đình, và những người dâng con trai mình thành linh mục cho Giáo Hội sẽ được chúc phúc qua nhiều thế hệ.

“Giáo hội ngưỡng mộ và biết ơn mẹ của các linh mục”. Nhân ngày lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa 1-1-2013, Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ đã viết một lá thư gửi các bà mẹ của các linh mục và chủng sinh.

Đức Hồng Y viết: “Các bà mẹ của các linh mục và chủng sinh xứng đáng được toàn thể Giáo hội ngưỡng mộ và biết ơn vì đã nuôi dạy con mình trong đức tin và nâng đỡ họ trong ơn gọi”.

Khi người mẹ có con làm linh mục, người mẹ ấy phải sống theo cung cách mới, đó là “đồng hành với linh mục con mình trong lời cầu nguyện, tuy âm thầm, nhưng rất hiệu quả và vô cùng quý giá”.

Khi một người trở thành một linh mục, điều ấy có ảnh hưởng đến mọi người trong gia đình, và mọi người được mời gọi hoán cải sâu xa hơn, nhưng “đặc biệt là những an ủi thiêng liêng dành cho người mẹ đã cưu mang trong lòng mình con người trở thành linh mục trong Chúa Kitô”.

Rõ ràng, việc học ở chủng viện và thừa tác vụ linh mục làm cho một người phải xa nhà và cuộc sống gia đình thông thường, nhưng sự xa cách thể lý ấy lại được bù đắp bằng một mối dây liên hệ thiêng liêng gần gũi hơn.

Kinh nghiệm của Giáo hội dạy rằng người mẹ đón nhận người con linh mục của mình theo một cách thức hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ, đến nỗi do ý Chúa, bà được mời gọi nhìn nhận thành quả của lòng mình là “cha”, tức là người sẽ sinh ra vô số các anh chị em và đồng hành với họ đến sự sống đời đời.

Trong khi “mỗi người mẹ của một linh mục là con của con mình một cách huyền nhiệm”, bà cũng được mời gọi tiếp tục nâng đỡ người con ấy bằng tình mẫu tử, đặc biệt qua lời cầu nguyện.

Sự nâng đỡ ấy luôn cần thiết trong đời sống Giáo hội, và ngày nay thậm chí còn khẩn thiết hơn – đặc biệt là ở phương Tây thế tục hóa, vốn đang mong chờ được loan báo Chúa Kitô một cách mới mẻ và căn bản. Những bà mẹ của các linh mục và chủng sinh thật sự đại diện cho một đội quân thêm lời cầu nguyện và của lễ dâng lên trời cao, càng ngày càng nhiều, cầu xin ân sủng từ trời cao đổ xuống trên đời sống của các mục tử thánh thiện. (CNS).

Có những người mẹ thật tuyệt vời. Anikuzhikattil Elizabeth, một người mẹ Công Giáo có 15 người con bao gồm năm linh mục, một giám mục, và bốn nữ tu. Hai cô con gái gia nhập Dòng Nữ Thánh Tâm ở Kerala, một là nữ tu dòng Salêdiêng, và một người khác là nữ tu Dòng Phanxicô Đức Maria.Sáu người con trai của bà trở thành linh mục, người con trai lớn nhất trở thành giám mục của Giáo phận Idukki ở miền nam Ấn Độ. (CNA).

Xin chúc mừng Bà Cố cùng gia đình.

Như ngày xưa, Mẹ Maria đã cưu mang và ươm vị linh mục đời đời là Đức Giêsu trong cung lòng của Mẹ, thì ngày nay, chúng con luôn xác tín rằng, gia đình Công Giáo cũng là vườn ươm cây tốt và bà mẹ là người làm vườn cần mẫn chăm sóc cho cây tốt lớn lên sinh quả tốt.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Giá
Tấn Đạt
08:41 14/10/2017
THÁNH GIÁ
Ảnh của Tấn Đạt
Dọc, ngang chữ thập nhánh đôi
Giao nhau nối kết đất trời với nhau
Lên trời một nhánh vươn cao
Giao hòa với Chúa, tin yêu suốt đời
Dang tay một nhánh ngang đời
Đến với mọi người, đoàn kết, sẻ chia…
(Trích thơ của Trầm Thiên Thu)