Ngày 18-10-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mọi sự là của Chúa, hãy trả Thiên Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:13 18/10/2017
Suy niệm Chúa Nhật XXIX năm – A

(Mt 22, 15-22)

Dịp lễ Đức Mẹ La Vang, tháng 8 năm 2017 vừa qua. Khi đề cập đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Girelli nhận định rằng, tại một số tỉnh, nhà cầm quyền lo lắng và phàn nàn về người Công Giáo và các hành động của họ. Nhưng ngài khuyên nhà cầm quyền CSVN nên nhận thức rằng, Giáo Hội Công Giáo nên được xem như một điều tích cực, thay vì một điều có vấn đề đối với đất nước.

Trích câu nói thời danh của Chúa Giêsu rằng: "Trả cho Caesar những gì của Caesar, và trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa". Đức Tổng Giám Mục Leopoldo nói tự do tôn giáo không phải cái gì thuộc về các quan chức chính quyền, mà phải nằm trong tay của người dân. Ông kêu gọi "các Caesar Việt Nam hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa".

Đoạn Tin Mừng hôm nay mang đầy tính thời sự vì chúng ta đang sống trong một thế giới con người muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống, hoặc nhận tất cả về mình, không còn kể đến Thiên Chúa nữa. Câu kết của đoạn Tin Mừng hôm nay đã trở thành lời bất hủ và ghi đậm dấu ấn trong lịch sử, trong tương quan phân chia, sở hữu thường ngày.

Thầy dạy bảo đường lối Thiên Chúa

Chúng ta khẳng định, Chúa Giêsu là Lời sống động của Thiên Chúa thế mà con người lại cố tìm để bắt lỗi Lời của Ngài! Con người nói : "Thầy dạy bảo đường lối Thiên Chúa", nhưng vẫn cứ hỏi: "Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?" (Mt 22, 17). Hỏi để mà hỏi, không phải để biết cho bằng gài bẫy. Thực tế nhóm Pharisiêu lại tự bẫy và trói chặt mình trong câu hỏi lưỡng nan ấy. Bằng cách từ chối đơn giản hóa vấn đề của đối phương, Chúa Giêsu đặt ra vấn đề căn bản mới và thiết yếu là : ai đứng vào vị trí Thiên Chúa?

Chính vì họ hỏi con đường của Thiên Chúa, "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy … dạy bảo đường lối Thiên Chúa" (Mt 22, 16), nên Người dẫn họ đi theo hướng đó, đây là tất cả giáo lý của Chúa. Thấu hiểu tâm tư của họ, Chúa bảo họ đưa cho xem đồng tiền, xem xong, thấy có khắc hình của một hoàng đế trên đồng tiền, họ khẳng định đó là hình của Cêsarê, Chúa nói : "Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê" ( Mt 22, 21).

Thực tế, người Do thái không nhận biểu tượng hình ảnh này, dù Cêsarê được biết đến là một hoàng đế tự cọi mình là thần đi chăng nữa, ông cũng chỉ là một con người. Theo Lời Chúa trong sách Sáng Thế, chỉ có Thiên Chúa làm ra con người giống hình ảnh Chúa cách sống động : "Chúng ta làm ra con người giống hình ảnh chúng ta và giống chúng ta" (St 1, 26). Hãy trả đồng tiền này cho chủ nhân của nó và hãy trả cho Thiên Chúa linh hồn chúng ta.

Linh hồn chúng ta thuộc về Chúa

Đồng tiền mang hình ảnh của Cêsarê, nhưng linh hồn chúng ta là chính hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, thể theo thánh vịnh: " Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan Người trên chúng tôi". (Tv 4, 7) ... Ánh tôn nhan Thiên Chúa là ánh của ân sủng ghi dấu trên chúng ta hình ảnh Ngài, làm cho chúng ta giống Ngài, ánh tôn nhan Chúa còn là ấn tích được ghi trong trí chúng ta, chúng ta nhận biết ai đó nhờ khuôn mặt của người ấy, thì Thiên Chúa cũng nhận biết chúng ta nhờ tấm gương của lý trí. Nhưng lý trí này đã bị biến dạng do tội lỗi con người, vì tội lỗi khiến con người chống lại Thiên Chúa. Ân sủng Đức Kitô sửa chữa lại lý trí chúng ta. Đó là lý do tại sao thánh Tông đồ Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Êphêsô rằng : " Hãy đổi mới tình thần " ( Ep 4, 23). Ánh sáng ở đây còn là ân sủng, nhằm phục hồi hình ảnh Thiên Chúa ghi khắc trong chúng ta.

Thiên Chúa Ba Ngôi đã khắc ghi vào con người hình ảnh giống Ngài. Con người giống Chúa Cha ở điểm trí nhớ, giống Chúa con ở trí hiểu, giống Chúa Thánh Thần ở chỗ biết yêu mến… khi tạo dựng, con người được dựng lên " giống hình ảnh Chúa" (St 1, 26). Hình ảnh trong sự nhận biết chân lý, tương tự trong nhân đức yêu thương. Ánh tôn nhan Thiên Chúa chính là ân sủng công chính hóa chúng ta và một lần nữa cho thấy hình ảnh được tạo ra. Ánh sáng này là tất cả những điều tốt đẹp nơi con người, được ghi dấu, như hình ảnh của nhà vua trên đồng tiền. Đó là lý do tại sao Chúa nói: "Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê" (Mt 22, 21). Điều này ý nói : phải trả cho Cêsarê hình ảnh của Caesar, trả cho Thiên Chúa linh hồn anh em, đã được điểm tô và ghi dấu ánh sáng tôn nhan Thiên Chúa. Chúng ta không thể trao cho Cêsarê linh hồn của chúng ta, nó luôn thuộc về Chúa.

Mọi sự là của Chúa

Lời Chúa Giêsu nói : "Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa"( Mt 22, 21) xác lập một sự khác biệt sâu xa giữa thiêng liêng với thế trần, làm nền tảng cho sự tìm kiếm của người kitô hữu trên mặt đất này. Con người là trung tâm và tột đỉnh của sự sáng tạo, phẩm giá con người hiện nay được thừa nhận rộng rãi, tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó, chúng ta phải phân biệt hai chủ quyền khác nhau của Thiên Chúa trên thế giới. Cêsarê và Chúa không ở cùng một cấp độ, Chúa là Đấng Sáng Tạo, Chúa tể trời đất, Cêsarê là hoàng đế, những ông cũng chỉ là một thụ tạo, một con người, ông phải phụ thuộc vào Chúa và cũng phải trả lẽ trước mặt Chúa, đây không phải là Thiên Chúa hoặc Cêsarê mà là Thiên Chúa và Cêsarê, mỗi vị trong cấp độ xứng hợp riêng của mình.

Vậy "Trả cho Cêsarê những gì thuộc về Cêsarê" nghĩa là trả cho Cêsarê những gì chính Chúa muốn trao cho Cêsarê. Chúa thống trị trên tất cả kể cả Cêsarê, nên Thiên Chúa làm chủ quyền thiêng liêng Nước Chúa được thực thi trong Chúa Kitô qua Giáo hội của Người. Đương nhiên, Ngài làm chủ cả thế tục và thể chế chính trị mà Chúa thực hiện gián tiếp qua các quyền bính thế gian. Về vấn đề này, Chúa Giêsu đã từng nói rõ với Philatô khi ông nói với Chúa : "Ông không biết rằng ta có quyền tha ông, mà cũng có quyền đóng đinh ông hay sao?" (Ga 19, 10) Chúa Giêsu đáp : "Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho" (Ga 19, 11). Thánh Phaolô là người đầu tiên nhìn thấy hiệu quả của giáo huấn này nên viết: "Mọi người hãy phục tùng chính quyền bởi vì không có quyền bính nào mà không đến từ Chúa. Ai chống lại quyền bính thì chống lại trật tự Thiên Chúa đã đặt ra… đó là lý do tại sao anh em phải nộp thuế bởi vì chính quyền chịu trách nhiệm như những người phục vụ Chúa" (Rm13,1).

Trước khi vâng lời con người, chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa và lương tâm chúng ta. Đó cũng là nghĩa vụ của chúng ta phải nói với Cêsarê, cụ thể với quyền bính thế gian rằng, hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.

Lạy Chúa là Đấng tạo thành trời đất và là chủ muôn loài, tất cả thuộc về Chúa, xin cho chúng con biết luôn hướng lòng về Chúa và tôn thờ Chúa là Chúa chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:15 18/10/2017
15. TIẾN SĨ GẠO ĐẾN RỒI

Có người nọ vì muốn làm quan cho nên mỗi năm đều đem cống nộp cho quan phủ rất nhiều gạo, về sau cũng được nhận vào làm tiến sĩ (1) quốc tử giám (2) .

Ông tiến sĩ này tính rất thích khoe khoang, mỗi lần ngồi xe ngựa lên phố thì kêu người đánh xe đi trước thét lớn:

- “Tiến sĩ quốc gia đến rồi, mau tránh ra !”

Người đi đường biết rõ chuyện bèn cười lớn chế giễu nói:

- “Không phải tiến sĩ “cốc穀 ” (3) đến, mà là tiến sĩ gạo đến đấy !”

(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 15:

Người cố gắng học hành rồi được ghi tên trên bảng vàng thì thật là vinh hạnh biết bao, trái lại người chỉ đem tiền đút lót cho ban giám khảo để được điểm cao, đem của cải đến để hối lộ cho giáo sư chấm thì để được “thông qua” thì thật là nhục nhã vô cùng, và cái bằng cấp của sự học hành ấy sẽ làm nghèo đất nước, sẽ làm khổ bá tánh mà thôi.

Con người ta không ai thích người khoe khoang hợm hỉnh cả, ngay cả những người thường hay khoe khoang nhất cũng không thích người khác khoe khoang chính mình.

Người có để mà khoe khoang thì cũng đã bị người ta châm chọc, huống gì người không có gì mà cũng khoe khoang thì lại càng làm trò cười cho thiên hạ.

Cái nguy hại lớn nhất của đức ái chính là sự khoe khoang, bởi vì như thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác”.

Cho nên những người muốn tìm ích lợi cho riêng mình thì phải khoe khoang mình để được người khác chú ý và khen ngợi, và khi đã tự khoe khoang mình thì chính mình đã gián tiếp chê bai anh em chị em chúng ta vậy.

Người hay khoe mình chính là người từng chưa học tập đức ái nên cũng chưa thực hành đức ái, do đó ở đâu có hạng người hay khoe khoang thì ở đó có ma quỷ hiện diện, có chia rẽ và bè phái...

Chúng ta cùng cầu nguyện cho họ vậy.

(1) Ngày xưa đây là tên của một chức quan dành cho người chuyên tinh thông một môn nghệ thuật nào đó.

(2) Ngày xưa đây là cơ cấu giáo dục trung ương của triều đình.

(3) 穀nghĩa là cốc, ngũ cốc, đọc là “cù” là đọc trại của chữ “quốc國” ý chế giễu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư


-------------

http://www.vietcatholic.net

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:17 18/10/2017

4. Cầu nguyện là nước thánh tưới cây làm việc thiện của chúng ta, khiến cho nó lớn lên tươi tốt xum xuê xanh thẫm.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Suy Niệm Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo 2017
Lm. Anthony Trung Thành
22:16 18/10/2017
Trong lời mở đầu của Sứ điệp truyền giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo; nếu không, thì Hội Thánh không còn là Hội Thánh của Đức Kitô nữa, mà là một trong nhiều nhóm người cuối cùng chỉ phục vụ mục đích riêng của họ và qua đi.” (Sứ điệp Truyền giáo 2017).

Thật vậy, trước khi về trời, Đức Giêsu đã ra lệnh cho các Tông đồ rằng: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15). Vâng lệnh truyền của Thầy chí thánh, các Tông đồ đã ra đi rao giảng Tin mừng ở khắp mọi nơi bằng nhiều cách thế khác nhau và cuối cùng đã lấy cái chết để làm chứng cho lời mình rao giảng. Tiếp nối sứ mệnh của các Tông đồ, Giáo hội ở khắp mọi nơi và qua mọi thời luôn luôn thi hành sứ mệnh truyền giáo. Nhờ nổ lực của Giáo hội, từ con số 12 lúc ban đầu, hiện nay trên thế giới đã có khoảng 1,2 tỷ người Công Giáo. Dẫu vậy, số người Công Giáo vẫn còn quá ít so với số còn lại, chỉ chiếm khoảng 17%. Chính vì vậy, lời mời gọi của Đức Giêsu luôn luôn mang tính thời sự và đòi buộc mọi người kitô hữu phải có trách nhiệm thi hành. Đặc biệt, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hy vọng nhiều vào tầng lớp giới trẻ và các hiệp hội Giáo Hoàng truyền giáo. Với giới trẻ, Ngài nói: “Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo. Con Người của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng mà Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách hiến thân phục vụ nhân loại với lòng can đảm và nhiệt tâm. ‘Có nhiều người trẻ đang cung cấp sự đoàn kết của họ chống lại các sự dữ của thế gian và tham gia các hình thức khác nhau của đấu tranh và hoạt động tình nguyện…. Đẹp thay khi thấy rằng các người trẻ đang là ‘những người rao giảng ngoài đường’, vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi nẻo đường, mọi quảng trường của thành phố, đến mọi ngóc ngách của trái đất!” (ibid., 106). (x. SĐTG 2017, số 8). Với các hiệp hội Giáo Hoàng truyền giáo, Ngài nói: “Các Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo là một phương tiện quý giá đánh thức trong mọi cộng đồng Kitô hữu một ước ao vượt qua các giới hạn và sự an ninh của mình để rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người. Trong số đó, nhờ một linh đạo truyền giáo sâu xa, được nuôi dưỡng hằng ngày, và liên tục cam kết nâng cao ý thức và nhiệt tâm truyền giáo, các người trẻ, người lớn, gia đình, linh mục, giám mục và tu sĩ nam nữ làm việc để phát triển một lòng (tâm hồn) truyền giáo trong mọi người.” (x. SĐTG 2017, số 9).

Vậy, chúng ta phải làm gì để truyền giáo cho có hiệu quả? Ba việc làm thông thường nhưng quan trọng luôn cần phải có khi truyền giáo, đó là: Rao giảng, làm chứng và cầu nguyện. Trong một số bài chia sẻ về chủ đề truyền giáo, tôi đã đề cập kỹ càng về các chủ đề này rồi. Hôm nay, trong khuôn khổ của bài chia sẻ này, dựa vào sứ điệp truyền giáo của Đức Thánh Cha năm 2017, tôi xin được phép gợi ý thêm một số điểm sau đây:

Thứ nhất, đối tượng truyền giáo là tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo hay địa vị. Đặc biệt, đối với những người thiện tâm, họ mong muốn được Tin mừng biến đổi. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, nhắm đến tất cả mọi người nam nữ có thiện tâm, được dựa trên quyền năng biến đổi của Phúc Âm.” (SĐTG 2017, số 1). Vì thế, trong mọi nơi, mọi lúc, trong các mối tương quan gặp gỡ, chúng ta luôn phải có ý thức truyền giáo.

Thứ hai, nội dung truyền đạt của nhà truyền giáo là Tin mừng. Bởi vì, , bởi vì “thế giới rất cần Tin mừng của Chúa Kitô.” (x. SĐTG 2017, số 1). Hãy gieo Tin mừng vào tâm hồn người khác: Đọc Tin mừng cho họ nghe, giảng Tin mừng cho họ hiểu, tặng Tin mừng cho họ đọc, phổ biến Tin mừng bằng mọi cách nhất là qua các phương tiện truyền thông. Khi họ đã nghe, đã hiểu thì chắc chắn họ sẽ sống và được biến đổi. Bởi vì, “Phúc Âm là Tin Mừng tràn đầy niềm vui hay lây, vì nó chứa đựng và ban tặng sự sống mới: sự sống của Đức Kitô Phục Sinh là Đấng, qua việc ban Thần Khí ban sự sống, trở nên cho chúng ta Con Đường, Sự Thật và Sự Sống” (x. SĐTG 2017, số 1). Đức Thánh Cha Phanxicô còn đưa ra một số bằng chứng về sự biến đổi nhờ Tin mừng, Ngài nói: “Tôi nghĩ đến cử chỉ của một học sinh ở Dinka, người đã hy sinh mạng sống để bảo vệ một học sinh sắp bị bộ lạc thù nghịch Nuer tàn sát. Tôi nghĩ đến buổi cử hành Thánh Lễ ở Kitgum, bắc Uganda, nơi mà, sau những vụ tàn sát hung bạo bởi một nhóm loạn quân, một vị thừa sai đã làm cho dân chúng lặp lại lời của Chúa Giêsu trên thập giá: ‘Ôi Thiên Chúa của con, ôi Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ con?’ Như một cách diễn tả tiếng khóc than tuyệt vọng của các anh chị em của Chúa Chịu Đóng Đinh. Với dân chúng, buổi cử hành Thánh Lễ ấy là một nguồn an ủi và can đảm khôn lường. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến vô số chứng từ về việc Tin Mừng giúp người ta vượt qua sự hẹp hòi, xung đột, kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa bộ lạc, cùng cổ võ ở khắp mọi nơi, và giữa tất cả mọi người, sự hòa giải, tình huynh đệ và chia sẻ cho nhau như thế nào.” (SĐTG 2017, số 5).

Thứ ba, nhà truyền giáo phải có tấm lòng mục tử, từ đó mới có thể gieo rắc tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đến với mọi người. Bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu. Ở đâu có tình yêu ở đó có Thiên Chúa. Tình yêu đi liền với tinh thần phục vụ, hy sinh. Đức Giêsu đã nói:“Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”(Ga 15,13). Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã khẳng định: “Qua Hội Thánh, Đức Kitô tiếp tục sứ vụ của Người như người Samaritanô tốt lành, chăm sóc các vết thương rỉ máu của nhân loại, và như Người Mục Tử Nhân Từ, không ngừng tìm kiếm những kẻ lang thang dọc theo các nẻo đường quanh co chẳng dẫn đến đâu.” (SĐTG 2017, số 5).

Thứ tư, nhà truyền giáo phải biết liều mình đi ra “chỗ nước sâu,” tới các “vùng ngoại vi.” Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta được thách thức ‘đi ra khỏi vùng an toàn của mình để đến tất cả các vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng.’” (EG, 20). (x. SĐTG 2017, số 6). Chỗ nước sâu ở đây có thể là những vùng sâu vùng xa, các khu nhà ổ chuột, các trại phục hồi nhân phẩm, những nơi mà ít khi hoặc chưa bao giờ người ta được nghe Tin mừng. Chỗ nước sâu ở đây cũng có thể hiểu là nơi những tâm hồn chai đá, khô cứng, tội lỗi… Họ đang “đói khát chân lý và công lý” (x. SĐTG 2017, số 6) . Chỗ nước sâu ở đây có thể là những người vô thần, thậm chí là những người đang chống đối Thiên Chúa, chống đối Giáo hội. Đi ra chỗ nước sâu, đi tới vùng ngoại vi có thể gây nguy hiểm cho nhà truyền giáo, nhưng nếu nhà truyền giáo biết “liều mình” như thế chắc chắn sẽ bắt được những “con cá lớn”. Đức Thánh Cha nói tiếp: Sứ vụ truyền giáo nhắc nhở cho Hội Thánh rằng Hội Thánh không phải là cùng đích cho chính mình, mà là công cụ khiêm tốn và trung gian của Nước Trời. Một Hội Thánh quy chiếu về chính mình, một Hội Thánh hài lòng với những thành công trần thế, thì không phải là Hội Thánh của Đức Kitô, thân thể bị đóng đinh và vinh hiển của Người. Đó là lý do tại sao chúng ta nên thích "một Hội Thánh bị bầm dập, đau đớn và dơ bẩn bởi vì nó đang ở ngoài đường, chứ không phải một Hội Thánh bệnh hoạn vì bị giam hãm và ràng buộc bởi sự an toàn của mình" (ibid., 49). (SĐTG 2017, số 6).

Cuối cùng, nhà truyền giáo cần noi gương Mẹ Maria: Noi gương Mẹ lên đường mang Chúa đến với mọi người như biến cố Mẹ đi thăm bà Êlizabet (x. Lc 1,39-56); Noi gương Mẹ biết quan tâm giúp đỡ sự thiếu thốn của kẻ khác như biến cố tại tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-12); Noi gương Mẹ biết can đảm chấp nhận thánh ý Chúa châp nhận hy sinh Con Một vì nhân loại như biến cố trên thập giá (Ga 19,25-27). Đồng thời, chúng ta cũng cần nhờ Mẹ Maria đồng hành và nâng đỡ trên mọi nẻo đường truyền giáo. Đức Thánh Cha nói: “Trong việc thực thi sứ vụ truyền giáo của chúng ta, chúng ta hãy rút cảm hứng từ Mẹ Maria, Mẹ của việc Phúc Âm hóa. Được Thần Khí thúc đẩy, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa ở tận đáy đức tin khiêm tốn của Mẹ. Nguyện xin Mẹ Đồng Trinh giúp chúng con nói lên lời ‘xin vâng’ của chính mình, ý thức về nhu cầu cấp bách để làm Tin Mừng của Chúa Giêsu vang lên trong thời đại của chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con có lòng nhiệt thành mới trong việc mang đến cho tất cả mọi người Tin Mừng về sự sống, là sự sống đã chiến thắng sự chết. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con để chúng con có thể có được sự táo bạo thánh thiện cần thiết để khám phá ra những cách thức mới ngõ hầu mang lại ơn cứu độ cho mọi người nam nữ.”(SĐTG 2017, số 8).

Nguyện xin Đức Giêsu, “Đấng loan báo Tin Mừng tiên khởi và vĩ đại nhất” (Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 7), Đấng tiếp tục sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng về tình yêu của Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần (x. SĐTG 2017, lời mở đầu) hướng dẫn và đồng hành để sứ vụ loan báo Tin mừng của Giáo hội và mỗi người kitô hữu chúng ta mang lại hoa trái dồi dào. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Sarah xác nhận: Tòa Thánh vẫn có lời nói quyết định đối với các bản dịch phụng vụ
Vũ Văn An
00:30 18/10/2017
Đức Hồng Y Robert Sarah vừa có lời nhận định về văn kiện Magnum Principium, tức tự sắc của Đức Phanxicô về các bản dịch phụng vụ, nhằm trấn an tín hữu rằng Tòa Thánh vẫn tiếp tục xem xét bất cứ thay đổi nào hay bất cứ bản dịch phụng vụ mới nào để chúng trung thành với nguyên bản La Tinh.

Thực vậy, trong một bài báo đăng trên tạp chí Công Giáo Pháp L’Homme Nouveau,(Người Mới), Đức Hồng Y Bộ Trưởng Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích xác nhận rằng việc Tự Sắc thay đổi Điều Luật 838, nhằm chuyển một số trách nhiệm trong việc dịch các bản văn phụng vụ từ Tòa Thánh qua các giám mục địa phương, vẫn đòi Tòa Thánh phải chấp thuận bất cứ sự thay đổi hay bản dịch nào.

Bài báo trên, chính thức đề ngày 1 tháng Mười, ngày Tự Sắc Magnum Principium (Nguyên Tắc Vĩ Đại) có hiệu lực, đã bênh vực tài liệu hướng dẫn do Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, Tổng Thư Ký của Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, ban hành cùng lúc với Tự Sắc. Đức Tổng Giám Mục Roche nhấn mạnh rằng vai trò của Tòa Thánh trong việc xác nhận các bản dịch vẫn còn là “một hành vi có thẩm quyền” buộc người ta phải “trung thành” với nguyên bản La Tinh.

Các tuyên bố của Đức Hồng Y Sarah về vấn đề này đi ngược lại những người coi Tự Sắc như một cửa ngõ mở ra cho các bản dịch phóng khoáng hơn sang tiếng địa phương, không cần phải nhất quán với nguyên bản La Tinh.

Đức Thánh Cha, khi ký Magnum Principium vào ngày 3 Tháng 9, đã cho phép nhiều thay đổi đối với Điều Luật 838 nhằm tản quyền diễn trình dịch thuật bằng cách dành cho các giám mục địa phương trách nhiệm dịch các bản văn phụng vụ trong khi duy trì thẩm quyền chấp thuận hay bác bỏ các bản dịch này cho Tòa Thánh.

Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích sẽ không còn ra chỉ thị cho các giám mục trong việc đưa ra các đề xuất sửa đổi nhưng vẫn duy trì thẩm quyền chấp thuận hay bác bỏ các kết quả ở cuối diễn trình.

Hậu quả là Ủy Ban Vox Clara của Tòa Thánh do Đức Gioan Phaolô II thiết lập năm 2002 để giúp Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích hiệu đính các bản dịch tiếng Anh, nay không còn cần thiết nữa.

Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài đưa ra các thay đổi vì “nhiều khó khăn” đôi khi vẫn thường diễn ra giữa Tòa Thánh và các hội đồng giám mục. Ngài nói thêm rằng ngài muốn có sự “hợp tác thận trọng và sáng tạo đầy tin tưởng lẫn nhau” giữa Tòa Thánh và các hội đồng giám mục, để việc canh tân “toàn bộ đời sống phụng vụ được tiếp tục”. Do đó, theo ngài, điều “xem ra thích đáng là một số nguyên tắc truyền lại từ thời Công Đồng được tái xác nhận một cách rõ ràng hơn và được đem ra thực hành”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng sau khi lắng nghe các khuyến cáo của một ủy ban do ngài thiết lập để xem xét vấn đề, ngài muốn làm cho việc hợp tác giữa Tòa Thánh và các hội đồng giám mục “dễ dàng và mang lại hoa trái nhiều hơn” phù hợp với hiến chế của Công Đồng Vatican II về phụng vụ, tức hiến chế Sacrosanctum Concilium, và tự sắc năm 1964, tức tự sắc Sacram Liturgiam, của Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI.

Liturgiam Authenticam

Trong bài báo của ngài, Đức Hồng Y Sarah bắt đầu bằng cách tái khẳng định rằng “văn kiện có thẩm quyền” liên quan tới các bản dịch phụng vụ vẫn là Liturgiam Authenticam, tức huấn thị năm 2001 của Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích nhằm bảo đảm “bao nhiêu có thể” để các bản dịch phải dịch “một cách toàn vẹn và chính xác nhất” từ nguyên bản La Tinh.

Chính vì lý do ấy, ngài nói tiếp, các bản dịch trung thành do các hội đồng giám mục thực hiện và chấp thuận “phải phù hợp hết sức với các qui định của huấn thị này”.

Sau đó, Đức Hồng Y tập chú vào hai thay đổi chủ yếu đối với các tiết của điều luật 838: thay đổi thứ nhất nói rằng Tòa Thánh có nhiệm vụ “thừa nhận” (recognitio) các thích ứng của các hội đồng giám mục đối với các bản văn; và thay đổi thứ hai nói rằng Tòa Thánh có nhiệm vụ “xác nhận” (confirmatio) các bản dịch đã được các hội đồng giám mục soạn thảo “một cách trung thành” và được các chấp thuận và cho công bố sau khi được Tòa Thánh xác nhận.

Ngài nhấn mạnh rằng việc thừa nhận (recognition) sẽ “bảo vệ và bảo đảm sự phù hợp với lề luật và sự hiệp thông của Giáo Hội (sự hợp nhất của Giáo Hội)’ trong khi sự xác nhận (confirmation) “chỉ” được Toà Thánh ban cấp nếu, sau khi khảo sát một bản dịch, Tòa Thánh thấy nó “trung thành” và nhất quán với nguyên bản La Tinh, dựa trên các tiêu chuẩn của Liturgiam Authenticam.

Ngoài ra, Đức Hồng Y Sarah còn nhấn mạnh rằng cả việc thừa nhận lẫn việc xác nhận đều “không hề là việc có đó cho có hình thức” và không thể được ban cấp sau một cuộc “duyệt xét vội vàng”. Ngài cũng nói thêm rằng xác nhận “giả thiết và hàm nghĩa một cuộc duyệt xét chi tiết” của Tòa Thánh và khả thể là các bản dịch có thể bị bác bỏ nếu chúng không trung thành với nguyên bản La Tinh. Đức Hồng Y quả quyết rằng một quyết định như thế “sẽ có tính trói buộc” đối với các hội đồng giám mục.

Ngài nói thêm rằng sự minh xác này phù hợp với các hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục Roche về Tự Sắc.

Theo Đức Hồng Y, các thay đổi trên không “thay đổi trách nhiệm của Tòa Thánh và do đó, thẩm quyền của Tòa Thánh, liên quan đến các bản dịch phụng vụ”. Đúng hơn, theo ngài, Tòa Thánh phải tiếp tục lượng giá xem liệu bất cứ sự thay đổi nào có “thực sự trung thành” với nguyên bản La Tinh để duy trì sự hợp nhất trong Giáo Hội hay không.

Sau khi giải thích rằng việc thừa nhận và xác nhận của Tòa Thánh sẽ thực sự dẫn tới các thích ứng và bản dịch tốt hơn và trung thành hơn cho các bản văn phụng vụ, Đức Hồng Y Sarah kết thúc bằng cách nhấn mạnh rằng diễn trình tham khảo và chấp thuận như thế hết sức quan trọng để lượng giá mọi loại nỗ lực của con người, để bảo đảm chúng ta thực hiện chúng “hết khả năng của mình”.

Ngài cho rằng trong bối cảnh này, diễn trình trên cũng không khác gì: “Đời sống ta như một tấm thảm thừa nhận và xác nhận giúp ta tiến bước một cách hết sức trung thành đối với các đòi hỏi của thực tế”.

Ngài ca ngợi lời Đức Phanxicô nói trong thư ngày 26 tháng 9, gửi các hội đồng giám mục, trong đó, Đức Giáo Hoàng viết rằng ngài muốn làm cho việc hợp tác giữa Tòa Thánh và các vị “dễ dàng và mang hoa trái nhiều hơn”.
 
Hội Đồng Giám Mục Ba Lan tái khẳng định giáo huấn truyền thống của Giáo hội đối với những người ly dị và tái hôn
Đặng Tự Do
19:52 18/10/2017
Trong một tài liệu liên quan đến tông huấn Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã tái khẳng định giáo huấn truyền thống của Giáo hội về việc Rước Lễ đối với những người ly dị và tái hôn.

Báo La Nuova Bussola của Ý đã xuất bản một trích đoạn, trong đó các giám mục đặc biệt nhấn mạnh đến việc hỗ trợ những người đang sống trong tình trạng “bị rối”.

Các giám mục cam kết sẽ chỉ định các linh mục với một vai trò đặc biệt là đồng hành với những người đã ly thân với người phối ngẫu của mình. Các linh mục được khuyến khích thực hiện những “phân định cẩn thận”, nhằm phân biệt các tình huống khác nhau và nhằm bảo đảm rằng không ai cảm thấy bị loại trừ hay bị khinh miệt.

Đối với những người sống trong các kết hiệp mới sau khi ly thân hay ly dị, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan tái khẳng định giáo huấn đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu lên trong tông huấn Familiaris Consortio:

“Giáo Hội tái khẳng định thực hành của mình, dựa trên Thánh Kinh, là không ban Thánh Thể cho những người đã ly dị và tái hôn. Họ không thể rước lễ do thực tế là tình trạng và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với kết hiệp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người được thể hiện và thực hiện qua Thánh Thể. “

Các giám mục nói rằng một người sống trong tình huống như thế, mà cứ tiếp tục mối quan hệ tình dục với người bạn tình mới của họ, thì không thể rước lễ vì tình trạng cuộc sống của họ “không phù hợp với luật Chúa một cách khách quan.”

Không chỉ trích dẫn tông huấn Familiaris Consortio, các Giám Mục Ba Lan cũng viện dẫn đến Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể “Sacramentum Caritatis” của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2007 và thư của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 1994 gởi cho các giám mục trên thế giới, trong đó tái khẳng định giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về Bí Tích Thánh Thể.

Các giám mục Ba Lan cũng nhắc lại giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, theo đó, những cặp ly dị và tái hôn nếu không thể tách rời nhưng quyết tâm sống “như anh trai và em gái”, thì có thể có thể rước lễ khi xét thấy việc rước lễ như thế không gây ra gương mù cho người khác.

Source: Catholic Herald - Polish bishops’ conference: accompany the remarried, but no Communion
 
Giêrusalem: một phần rất lớn của Bức Tường Than Khóc và nhà hát Rôma vừa được tìm thấy sau 1,700 năm.
Vũ Văn An
23:20 18/10/2017
Các nhà khảo cổ sắp sửa giải thích được điều đã xẩy ra ở Giêrusalem sau việc người Rôma phá hủy Đền Thờ năm 70 CN.

Thực vậy, các nhà khảo cổ của Cơ Quan Khảo Cổ Israel hôm thứ hai, 16 tháng Mười, tuyên bố rằng trong hai năm qua, họ đã đào xới và khám phá được một phần của Bức Tường Than Khóc của Giêrusalem ở sâu dưới đất 8 thước, bị lấp kín đã 1,700 năm nay.



Và trong lúc họ đào xới, ngay bên dưới Vòm Wilson, tức khu vực cận kề khu đàn ông của Bức Tường Than Khóc, họ tình cờ khám phá được một nhà hát nhỏ của Rôma xưa. Việc đào xới này không đụng gì tới Temple Mount.

Suốt trong hai năm đào xới, một nền nhà mới được chống đỡ đã được dựng lên để không làm trở ngại việc thờ phượng hàng ngày tại địa điểm thánh thiêng nhất của Do Thái Giáo.

Công việc vẫn còn đang tiếp diễn trong vòng 6 tháng tới, và người ta mong các khám phá về thời kỳ Ngôi Đền Thứ Nhất sẽ được tiết lộ. Khi công trình này hoàn tất, địa điểm sẽ được mở ra cho công chúng tới thăm.

Trong một cuộc họp báo dưới đất vào hôm Thứ Hai ở quần thể hầm sâu của Bức Tường Than Khóc, các nhà khảo cổ, Tiến Sĩ Joe Uziel, Tehillah Lieberman và Tiến Sĩ Avi Solomon, đã bối cảnh hóa việc khám phá ra cơ cấu nhà hát ngay bên dưới Vòm Wilson như chiếc cửa sổ chưa bao giờ thấy trước đây dẫn vào cuộc sống công cộng hàng ngày của thành phố vừa được người Rôma chiếm đóng.



Tiến sĩ Uziel nói rằng “Việc khám phá ra cơ cấu giống như một nhà hát này là một bi hài kịch thực sự”.

Trong thập niên 1860, một nhà vẽ bản đồ địa chánh kiêm khảo cổ người Anh, Ông Charles William Wilson, là người đầu tiên đi tìm nhà hát này ở gần Bức Tường Than Khóc. Nhà hát nhỏ gồm chừng 200 tới 300 chỗ ngồi này vốn đã được Josephus Flavius và nhiều nguồn cổ xưa nhắc đến, nhưng suốt trong 150 năm đào xới vừa qua, chưa nhà khảo cổ nào tìm thấy nó. Các nhà khảo cổ cho rằng đây là điển hình tái khám phá một dinh thự công cộng của Rôma tại Giêrusalem.

Năm 70 CN, Đền Thờ Thứ Hai đã bị san bằng cùng với toàn bộ khu định cư của người Do Thái tại Giêrusalem. Thay vào đó, khu định cư Rôma có tên Aelia Capitolina đã được thành lập và đặt tên theo thần Jupiter của Rôma và Hoàng Đế Hadrian (cũng có tên là Aelius), tức vị hoàng đế bắt đầu tái thiết thành phố vào năm 130 CN. Sau cuộc Nổi Loạn đẫm máu của Bar Kochba khoảng các năm 132-136 CN, người Do Thái bị cấm lui tới thành phố trừ ngày Tisha B’Av, ngày than khóc, kỷ niệm việc phá hủy Đền Thờ.

Các nhà khảo cổ định niên biểu cho các lớp khai quật của họ bằng phương pháp định mẫu đồ gốm và định niên biểu đồng tiền cũng như các kỹ thuật định niên biểu bằng Carbon 14. Các kết quả sau cùng của các thử nghiệm Carbon 14 chỉ được biết rõ trong ít tháng tới, nhưng Tiến Sĩ Uziel nói rằng, nhà hát “chắc chắn có từ cuối thời Rôma”.

Nhóm chuyên gia này hy vọng tiếp tục đào xới cho tới mùa xuân. Tiến Sĩ Uziel nói rằng dù chưa thể biết bên dưới có gì, nhưng ông hy vọng sẽ đào được các di tích của thời kỳ Đền Thờ Thứ Nhất.

Trước cuộc họp báo hôm Thứ Hai, Giáo Sĩ Shmuel Rabinovitch, giáo trưởng của Bức Tường Than Khóc và các nơi thánh, nói rằng “chúng ta hiện có một công trình khảo cổ vĩ đại ở trước mặt và tôi chắc chắn rằng càng đào sâu hơn, ta càng đạt tới những thời kỳ cổ đại hơn, càng củng cố sự nối kết sâu xa của dân tộc Do Thái đối với Lãnh Thổ Israel và Giêrusalem”.

Bánh mì và trò xiếc ở Giêrusalem bình địa

Xây theo lối kiến trúc Rôma cổ điển, nhà hát nằm ngay bên dưới Vòm Wilson; vòm này như thể là mái của nó. Vòm Wilson là cấu trúc hữu hình duy nhất còn lại từ quần thể Temple Mount. Trong thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai, vòm này được dùng như cây cầu đi bộ để người thờ phượng bước vào quần thể. Theo các nhà khảo cổ, khoảng không dưới cầu đi bộ của Vòm Wilson được dùng làm đường, phố xá và mương thoát nước.

Ngày nay, 8 thước trên nhà hát là khu vực cạnh quảng trường của Bức Tường Than Khóc, được dùng làm nơi cầu nguyện; trong cuộc họp báo hôm thứ Hai vừa qua, người ta nghe văng vẳng tiếng cầu kinh ở phía trên.

Khu vực bên dưới chiếc vòm bị hư hại nặng do cuộc động đất lớn khoảng năm 360 CN. Cư dân Giêrusalem, sợ chiếc vòm bị sập, nên đã cố ý đổ đất và rác xuống khu vực trống này, do đó, cũng đã che lấp hết những gì còn lại của nhà hát suốt 1,650 năm qua. Tiến Sĩ Solomon nói rằng: niên biểu xưa nhất của đồng tiền khai quật được là năm 380 CN.

Việc khám phá cấu trúc nhà hát này cho thấy một thành phố được người Rôma chiếm đóng đang phát triển: các viên đá lót đường được dùng làm ghế ngồi và các đường mương dẫn nước thải, mà các nhà khảo cổ tin là được nối vào đường hầm nước thải của Thành Đavít gần đó, đã được hạ thấp xuống để nhường chỗ cho một vận động trường có chỗ ngồi tựa vào Bức Tường Than Khóc.

Điều đáng lưu ý, theo Tiến Sĩ Uziel, là hình như nhà hát chưa được hoàn tất. Các cầu thang chưa được đẽo hoàn toàn và có những hòn đá đã được đánh dấu nhưng chưa được đục đẽo trọn vẹn. Ông đoán rằng có lẽ cuộc Nổi Loạn của Bar Kochba đã làm gián đoạn việc xây cất. Theo Cơ Quan Khảo Cổ Israel, các cuộc khai quật trước đây tại Eastern Cardo và Quảng Trường Bức Tường Than Khóc cho ta chứng cớ thêm về các dinh thự chưa hoàn tất của thời kỳ này.

Dấu chỉ cho thấy việc tiếp tục sử dụng Temple Mount

Tiến Sĩ Solomon cho biết: nhà hát và các khám phá khác từ các cuộc khai quật trước cho thấy “dấu chỉ” sự quan trọng của Temple Mount sau sự sụp đổ của Đền Thờ Thứ Hai.

Tiến Sĩ Solomon, người, 15 năm trước đây, trong các cuộc khai quật gần đó, từng khám phá ra một nhà vệ sinh công cộng của người Rôma, nói rằng nhiều thành phố do người Rôma chiếm đóng hay thành lập khắp Bắc Phi và Âu Châu (Hy Lạp, Bảo Gia Lợi, và Thổ Nhĩ Kỳ…) cho thấy 4 yếu tố: nhà vệ sinh, phòng tắm công cộng, nhà hát, và đền thờ. Ông cho biết ở Israel cũng có các điển hình như thế, như ở Beit Shean, nơi phòng tắm công cộng được đặt cạnh 1 đền thờ, cũng như ở Jarash thuộc Jordan.

Dù chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy một đền thờ Rôma tại Temple Mount, nhưng Tiến Sĩ Solomon cho thấy càng ngày càng có bằng chứng cho thấy có người Rôma ở đây, nhờ các khám phá của Dự Án Temple Mount Sifting, trong đó, có đồ trang sức và con súc sắc của Lữ Đoàn Rôma.

Tiến Sĩ Uziel cho biết: “Điều diễn ra tại Temple Mount giữa việc phá hủy Đền Thờ Thứ Hai và thời kỳ Hồi Giáo là một trong các bí ẩn chúng tôi chưa giải thích được”. Ông nói rằng dù một số người cho rằng có một Đền Thờ Thần Jupiter ở đó, nhưng không có chứng cớ gì cả vì chưa có cuộc khai quật khoa học nào tại Temple Mount.

Bước theo con đường trải đá

Các nhà khảo cổ khám phá ra nhà hát khi đang tìm kiếm con đường dẫn tới Đền Thờ Thứ Hai. Đứng giữa đống đá vụn và vận động trường có chỗ ngồi của cấu trúc nhà hát, nhà khảo cổ Lieberman nói rằng họ bắt đầu thấy các viên đá phẳng, nên nghĩ rằng họ đã tìm ra con đường. Nhưng rồi, các phiến đá bắt đầu có hình cong. Nhận ra đây không phải là một con đường, cô nói đùa, “Vậy đây là cái gì, chả lẽ giao thông vòng tròn?”

Khi hiểu ra mình đã tìm được một nhà hát, Cô Lieberman nói toàn bộ cái hiểu của các nhà khảo cổ về thành phố Rôma xưa đã thay đổi.

“Giờ đây, chúng tôi thấy có một sự nhàn hạ, tiêu khiển ở bên dưới Vòm Wilson”. Cô cho đây là một khám phá “không thể nào tin được”.

Cô nói rằng vào thời điểm này, chưa rõ liệu cấu trúc này được dùng như một odeon, tức một nhà hát nhỏ bách âm có mái hay một bouleuterion, tức một hội đồng thành phố, thậm chí là cả hai. Vì vận động trường có chỗ ngồi tiếp giáp với Bức Tường Than Khóc, nên người ta cho nó không có tầm quan trọng đối với khán giả Rôma.

Cô Lieberman nói rằng cuối cùng, địa điểm này sẽ được mở cho công chúng như là một phần trong các chuyến du lịch Đường Hầm Bức Tường Than Khóc.

Theo Cô, các nhà khảo cổ hy vọng rằng hệ thống thoát nước có thể được nối kết với hệ thống mà du khách vốn viếng thăm tại Thành Đavít, hiện kết thúc ở Vòm Robinson, phía nam Bức Tường Than Khóc.

Các khám phá của các nhà khảo cổ sẽ được trình bầy cho công chúng lần đầu tiên tại hội nghị “Các Nghiên Cứu Mới tại Ngành Khảo Cổ Giêrusalem và vùng phụ cận” sẽ được tổ chức tuần này ở Đại Học Hebrew ở Giêrusalem.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt Nam cần công lý và công bình
Hà Minh Thảo
08:16 18/10/2017
VIỆT NAM CẦN CÔNG LÝ VÀ CÔNG BÌNH 2

II.- VIỆT NAM, THÀNH VIÊN LIÊN HIỆP QUỐC.

Ngày 20.09.1977, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã tiếp nhận Việt Nam cộng sản gia nhập. Tiếp nhận thành viên thứ 149 của Tổ chức Quốc tế này, ông Kurt Waidheim, Tổng thư ký LHQ và 13 quốc gia thành viên LHQ ‘độc ác’ quên đi sự cam kết của LHQ và chính nước họ để bảo đảm sự thực thi Hiệp định Paris ngày 27.01 1972. Việt cộng đã xé tan văn kiện Hòa bình này bằng dùng chiến tranh võ lực tiến chiếm Việt Nam Cộng hòa và tước đoạt nhân quyền của người dân sống trên miền đất của Quê hương Việt Nam.

A./ Từ Hội Quốc Liên đến Liên Hiệp Quốc.

Trước những thảm họa tang thương do Thế chiến thứ nhất (tháng 06/1914 – 11/1918) gây ra và lưu lại nơi trí óc cùng thân thể nhiều triệu người, lương tâm những các kẻ lãnh đạo các cường quốc bị ‘cắn rứt’, Hội Quốc Liên (League of Nations), một tổ chức liên chính phủ, được thành lập ngày 10.01.1920, tiếp sau Hội nghị hòa bình Paris. Tổ chức này có nhiệm vụ duy trì hòa bình thế giới. Tuy nhiên, vì các nước tranh giành ảnh hưởng cho mình, Hội Quốc Liên không khả năng ngăn chặn sự xâm lược của Phe Trục vào thập niên 1930. Đức rút khỏi Tổ chức, rồi đến các thành viên khác, đưa đến Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sau Thế chiến này, một lần nữa, trước sự dã man chết chóc của con người và sự tàn phá môi trường, LHQ được hình thành với mục đích ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ nhân quyền, v.v... Tổ chức này tạo cơ hội để các quốc gia đạt tới sự cân bằng trong sự phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện thế giới và giải quyết các vấn đề quốc tế. Do đó, LHQ đã phê chuẩn Tuyên ngôn Chung về Nhân quyền năm 1948.

Ðiều ‘khốn nạn’ vô cùng là có những quốc gia cộng sản như Nga, Tàu (thành viên thường trực Hội đồng Bảo an) và Việt Nam (từng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an và sắp được tái bầu ?). Riêng tại Việt Nam, người dân đã quá đau khổ khi phải thống thiết ‘hèn với giặc, ác với dân’. Bây giờ, chính phủ Ðức, trong vụ Trịnh Xuân Thanh, và chính phủ Hòa Lan, trong vụ Trịnh Vĩnh Bình, mới thấm biết sự bất chấp luật lệ các quốc gia và quốc tế và sự đối xử của các đảng viên cộng sản đối với đồng bào (càng tàn bạo hơn đối với người nghèo, như cướp nhà của họ để bán lại cho các nhà đầu tư ‘nước ngoài’ với giá cao hơn nhiều lần).

B./ Việt Nam, thành viên đặc biệt vi phạm Nhân quyền, được che chở.

Ngày 12.11.2013, Ðại hội đồng LHQ khóa 68 đã đầu phiếu để chọn 14 nước thành viên mới Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Với kết quả 184/192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất để lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Kết quả này, người cộng sản Việt tin rằng mình là nhà nước vô địch về Nhân quyền, nên chúng chẳng những vâng phục Tàu cộng mà còn đánh đập đồng bào vì khiếp sợ Formosa.

Buổi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR, Universal Periodic Review, tiếng Anh và Examen Périodique Universal, tiếng Pháp) lần thứ hai, về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam diễn ra ngày 05.02.2014, tại Geneva (Thụy sĩ), dưới sự chủ trì điều phối của Nhóm ba quốc gia (‘troika’ gồm Kazakhstan, Kenya và Costa Rica). Phiên Kiểm điểm kéo dài từ 14 giờ 30 đến 18 giờ, Phái đoàn Việt do Hà Kim Ngọc dẫn đầu gồm 15 người đã nói hết 45 phút. Thời gian còn lại 165 phút chia cho 107 nước phát biểu, mỗi nước được bao nhiêu phút ? Thật khôi hài.

Thụy Điển chất vấn phái đoàn Việt cộng: « Đã có hàng triệu người sử dụng Internet nhưng đã ban hành quá nhiều luật lệ đàn áp tự do Internet. Đã có ít nhất 58 người bị bắt giữ chỉ vì bày tỏ ôn hòa trên Internet. Đã có nhiều người bị bắt giữ và tra tấn trong tù, đề nghị chính phủ Việt Nam thực hiện nghiêm túc Công ước Chống tra tấn. Đề nghị bãi bỏ các điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự như 79, 88 và 258...”. Đại diện Mỹ phát biểu : « Chúng tôi cảm ơn bài diễn văn của đoàn Việt Nam, cũng như hoan nghênh việc Viêt Nam ký Công ước Chống Tra tấn và có những bước đi trong việc cải thiện quyền của người đồng tính (LGBT). Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại vì Việt Nam vẫn tiếp tục sách nhiễu và bắt giam những người thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp; tiếp tục hạn chế tự do tôn giáo, sách nhiễu các nhà thờ, công đoàn độc lập, và thực hiện lao động cưỡng bức. ngăn chặn khối xã hội dân sự tham gia tiến trình UPR. Chúng tôi kiến nghị:

1. Việt Nam xem xét lại tất cả các đạo luật mơ hồ

2. Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là: Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, và Trần Huỳnh Duy Thức...

3. Thúc đẩy quyền của người lao động, và khẩn trương ký phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn ».

Chỉ trich đúng ngay tim đen của chế độ cộng sản... Ngoại giao ít khi nói thẳng, mà chỉ để người nghe phải hiểu ý ngầm... Ví dụ như đại sứ Mozambique đề nghị Việt Nam nên huấn luyên Công an về Nhân quyền (thay vì nói Công an vi phạm nhân quyền vì vô học thức). Những phiên họp thế này đã tốn cả triệu mỹ kim để rồi những vi phạm Nhân quyền ngày càng gia tăng khắp nơi.

Về việc bảo vệ Hòa Bình, Hội đồng Bảo an LHQ đã thất bại để giải quyết cuộc chiến tại Sirya vì những sự phủ quyết những quốc gia thành viên thường trực. Tương lai, năm nước thành viên thường trực này có khả năng để chận đứng chiến tranh đối đầu Mỹ – Bắc Hàn ? Nhớ là cả năm nước đều là những tên lái buôn súng đạn, nhưng luôn miệng nói bảo vệ Hòa bình.

Trong thông cáo ngày 14.10.2016, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao ủy Nhân quyền LHQ chỉ trích Điều 88 này ‘Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên thực tế, điều này biến bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng có tội khi họ dùng tự do căn bản để bày tỏ ý kiến, thảo luận hay chất vấn chính phủ và chính sách. Điều luật quá rộng, không định nghĩa rõ ràng giúp dễ dàng để dập tắt mọi quan điểm trái chiều và tùy ý tạm giữ cá nhân dám chỉ trích chính sách của chính phủ. Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam tuân thủ ràng buộc về luật nhân quyền, xóa bỏ các cáo buộc với bà Quỳnh và thả bà ngay lập tức’. Thông cáo cũng nhắc đến ‘các trường hợp tương tự’, trong đó có vụ luật sư Nguyễn Văn Đài và phụ tá Lê Thu Hà bị bắt từ tháng 12/2015 theo điều 88.

C./ Quan hệ Việt-Ðức trong tình trạng chờ đợi.

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Ðức ngày 24.09.2017 đưa đến sự chia tay của Ðảng Dân chủ Xã hội (SPD) với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Thủ tướng Angela Merkel về đầu với 34% số phiếu hợp lệ (đa số tương đối) nên bà tiếp tục chức vụ Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ thứ tư, nhưng phải tìm sự hậu thuẩn của Dân biểu các đảng khác hầu có đa số tuyệt đối trong Quốc hội trong thời hạn một tháng. Ðây là thời gian ‘dậm chân tại chổ’ cho bang giao Ðức – Việt ?

Nhà nước Việt ‘hồ hởi’ trước sự rời nhiệm sở Tổng trưởng Ngoại giao (Hành pháp) của ông Sigma Gabriel (SPD), nhưng ông đắc cử Dân biểu (Lập pháp).

{Tại các quốc gia dân chủ tiên tiến và Việt Nam Cộng hòa, người dân (cử tri) trao quyền Lập pháp (làm luật) cho Quốc hội, quyền Hành pháp (thi hành luật) cho Chính phủ và quyền Tư pháp (xét xử theo luật) cho Tòa án. Không có sự phân quyền đó dẫn tới sự độc tài như tại Việt Nam. Nói cách khác, chỉ về một chuyện bình thường, chứ không là việc quốc gia đại sự, trong một trận đá bóng, một trọng tài không thể vừa là cầu thủ trong trận đó. Ngoài ra, ngày 05.10.2017, tại Tòa Hà Nội, khi bị cáo Châu Thị Thu Nga và luật sư Hoàng Văn Hướng, đề cập đến khoản tiền 1,5 triệu mỹ kim (khoảng 30 tỉ đồng) mà bà Nga đã khai là dùng để ‘chạy’ chức đại biểu Quốc hội. Thật đúng ‘quy trình’ kiểm duyệt, máy truyền hình từ Phòng xử sang Phòng báo chí bị mất tiếng…}

Dĩ nhiên, cuộc bầu Quốc hội Liên bang Đức này không những đánh dấu thay đổi chính trị tại Đức mà còn liên quan đến Liên minh Âu châu trong tương lai. Lần đầu tiên, đảng cực hữu AfD (13% số phiếu bầu hợp lệ) hiện diện trong Quốc hội, Thủ tướng Merkel phải đáp ứng ý muốn của người dân bằng sẽ giảm bớt số người nhập cư. Với Việt Nam, những người quan tâm muốn biết chính sách ngoại giao mà Ðức đối với Việt Nam có thay đổi hay không với Quốc hội và Chính phủ mới? Tuy nhiên, với thành phần mới Quốc hội và vị Thủ tướng thì chúng ta cũng có thể đoán được phần nào.

Cộng hòa Liên bang Ðức và Việt Nam đã thiết lập bang giao ngày 23.09.1975, và ngày 11.10.2011, tại Hà nội, Thủ tướng Merkel và Nguyễn Tấn Dũng đã ký ‘Tuyên bố Hà Nội” (Hanoier Erklärung) quy định những hợp tác giữa hai nước (đối tác chiến lược) nhằm phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư, nhưng tiên quyết phải dựa trên các điều kiện pháp lý (ngày 22.09.2017, chính phủ Ðức đã đình chỉ thi hành ‘đối tác chiến lược’ này sau khi Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh).

D./ Ðối tác chiến lược là mối quan hệ mang tính chất toàn bộ, then chốt và có giá trị lâu dài qua thời gian. Mối quan hệ này bao gồm nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi có thể bao gồm cả lĩnh vực an ninh quân sự. Mối quan hệ này cần phải có cơ chế và chính sách để thực hiện, các hoạt động hợp tác không nhất thiết phải ở cấp cao, mà có thể diễn ra ở từng ngành hoặc địa phương chỉ cần thông qua hệ thống chính quyền hoặc sở-ban-ngành, ví dụ như một trường đại học Đức cộng tác với Bộ Giáo dục Việt Nam để hình thành Ðại học Đức-Việt tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang có 15 mối quan hệ đối tác chiến lược, kể cả Cộng hòa Liên bang Đức.

Việc đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam có ý nghĩa gì? Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin không có câu trả lời chính thức cho câu hỏi trên. Tuy nhiên một viên chức cho biết, giờ đây những nhà ngoại giao Việt Nam cần phải có visa để vào nước Đức. Trước đây những nhà ngoại giao cũng như những người mang hộ chiếu ngoại giao được miễn visa khi vào Đức. Cả người bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - ông có hộ chiếu ngoại giao nhờ vào tư cách Đại biểu Quốc hội - lẫn ít nhất 3 nhân viên mật vụ từ Hà Nội đến Đức thực hiện vụ bắt cóc đều đã được hưởng lợi: miễn visa vào nước Đức. Tuy nhiên, không có hạn chế chiếu khán (visa) đối với người dân bình thường.

Theo báo TAZ, qua những nguồn tin từ Bộ Ngoại giao, những dự án (viện trợ) hợp tác phát triển nào đang tiến hành thì vẫn tiếp tục. Nhưng sẽ không ký kết những dự án mới, cho đến khi nào Hà Nội đáp ứng những yêu cầu của Đức. Dự án ‘Đối thoại nhà nước pháp quyền’ cũng tương tự vậy: những gì đã bắt đầu sẽ được tiếp tục. Ngoài ra, không có các diễn đàn đối thoại nào được dự trù cho tương lai. Những dự án lớn (tức ‘dự án hải đăng) về hợp tác kinh tế không bị ngưng. Siemens với sự hỗ trợ của Đức đã nộp đơn tham gia đấu thầu đường xe điện ngầm ở TP. Hồ Chí Minh. Ngôi nhà Đức ở thành phố này (đã hoàn thành) là nơi đặt Tổng lãnh sự quán Đức và các doanh nghiệp Ðức vẫn được tiến hành, nhưng không có lễ khai trương với sự tham dự của các quốc khách. Những cuộc đi thăm cấp cao sẽ bị hạn chế.

Phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert giải thích rằng phía Việt Nam biết rõ, "họ có thể làm như thế nào để khôi phục mối quan hệ song phương, họ có thể làm như thế nào để chuộc lỗi thất tín và chà đạp luật pháp". Tại Hà Nội có những lời lẽ thân thiện với giới chức Đức và chúc mừng bà thủ tướng Angela Merkel thắng cuộc bầu cử vừa qua, nhưng hoàn toàn im lặng không đá động đến vấn đề cốt lõi của nó.

Ð. Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh để Tiêu Diệt Tham Nhũng ?

Ngày 31.07.2017, qua các báo quốc doanh Việt Nam, Bộ Công an công bố nghi can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra, sau gần một năm trốn lệnh truy nã toàn nước và quốc tế. Trong cùng ngày, tại trụ sở Trung ương Ðảng ở Hà nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng, phiên họp thứ 12, ông Nguyễn Phú Trọng, trong niềm hy vọng nhờ những lời khai của Trịnh Xuân Thanh để diệt tham nhũng thất thế, đã đề cao ‘Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy’: « Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công ».

[khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 23.06.2017, ông Trọng phát biểu : « Đối với Trịnh Xuân Thanh đã bị khai trừ khỏi đảng và bị khởi tố, truy nã toàn quốc, quốc tế. Chúng ta làm đồng bộ nhưng phải có bước đi, có tình, có lý, mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa». Lời này khiến dư luận tưởng rằng ông đã mệt mỏi và chấp nhận thất bại trong quyết tâm ‘bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh’].

Hội nghị Trung ương 6 được khai mạc ngày 04.10.2017, không có một thông tin chính thức nào về ‘đôi hổ Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình’, nhưng do có sự thay đổi về nhân sự cấp cao của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ gói gọn tên nhỏ bé: Nguyễn Xuân Anh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, nhất từ sau vụ ‘Trịnh Xuân Thanh đầu thú’, vị thế chính trị của Tổng Trọng lên cao như diều gặp gió nhờ phất cao ngọn cờ ‘chống tham nhũng’ được coi như không còn đối thủ nào được xếp ngang hàng, qua những đợt bắt bớ giới đại gia ngân hàng và dầu khí được đẩy mạnh. Tuy nhiên, bất ngờ ‘vĩ đại’, tại Hội nghị Trung ương 6 này, Tổng bí thư đảng đã không thành công trong việc đốt lò vì có quá nhiều củi tươi... Trong tình trạng mọi đảng viên Trung ương đảng đều… tham nhũng thì ai dám tố cáo ai vì ai cũng sợ đồng chí khác tố cáo đến mình. Kết quả, không tiêu diệt được tham nhũng, Hội nghị Trung ương 6 thất bại.

(còn tiếp)

Hà Minh Thảo
 
Sẽ vớt được hay cứ chìm xuồng mãi ?
Phạm Trần
22:14 18/10/2017
Ngày 03 tháng 10 (2017) vừa qua, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã quyết định sẽ công khai cho dân biết khối tài sản của cán bộ, đảng viên thuộc diện phải khai để gọi là “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ” nhằm cứu đảng khỏi tan và giữ được cầm quyền.

Quyết định số 99-QĐ/TW do ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thành viên Thường trực Ban Bí thư ký ban hành đã đề ra những “Hướng dẫn khung để các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân” trong công tác mới này.

Đây là việc làm chưa có tiền lệ vì kể từ khi có Nghị định “Về minh bạch tài sản, thu nhập” (78/2013/NĐ-CP) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra ngày 17 tháng 07 năm 2013, hồ sơ khai báo tài sản chỉ phải “nộp về cho đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ.”

Nghị định cũng chỉ dành đặc quyền cho “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.”

Nhưng công khai với ai ? Nghị định 78 quy định:” Bằng một trong hai hình thức sau: Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc công bố tại cuộc họp với phạm vi như quy định tại Điều 14 Nghị định này vào thời điểm sau tổng kết hàng năm.”

Điều 14 cho phép chỉ phải “báo cáo” với 3 cấp : Trung ương, Điạ phương và Doanh nghiệp (Nhà nước). Nghĩa là cho phép kẻ khai và người nghe cứ tự nhiên “đóng cửa bảo nhau” để dĩ hòa vi qúy, không cho dân biết, không lợi dụng để nói xấu nhau hay tiết lộ ra bên ngoài để bảo vệ uy tín cho cơ quan, đơn vị và cho người khai để giữ tình đồng chí, đồng chóe trong đơn vị.

Vì vậy từ xưa đến nay, mỗi khi nói đến kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên là nhân dân lại được một trận cười mệt nghỉ bên bàn nhậu. Bởi vì đảng luôn lẻo mép cho rằng tài sản cán bộ, đảng viên là “vấn đề nhạp cảm” nên việc khai báo lâu nay chỉ là chuyện hình thức, làm cho có lệ để báo cáo cho an toàn xa lộ.

Bằng chứng là không biết bao nhiêu cán bộ bậc trung lương chỉ dư ra chút đỉnh sau chi tiêu mà lấy đâu ra tiền xây nhà khang trang và còn tậu thêm căn thứ 2 cho thuê kiếm lời và vẫn có tiền gửi con ra nước ngoài du học mỗi năm tốn vài chục ngàn dollars ? Ấy là chưa kể chuyện rất nhiều quan lớn còn có tiền nuôi bồ nhí, có dinh thự hoành tráng, xe ô tô, cơ sở thương mại và đất đai ở các khu vực gía vàng do người khác đứng tên dùm.

Có nhiều cán bộ cao cấp vẫn cứ ngênh ngang xiên xẹo nói với Thanh tra Chính phủ khi bị chất vấn rằng tài sản và tiền họ có là do “nuôi lợn” (heo). Chuyện quái gở này chỉ có trong xã hội Cộng sản Việt Nam mà ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng cầm quyền thì vẫn cứ sợ “đập chuột vỡ bình” thì có khôi hài không ?

Bằng chứng kê khai tài sản theo cách hiện nay đã bị chế riễu “chẳng để làm gì”, như cách nói của Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng khoa học của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (nhiệm kỳ 2017-2022). Sau đó báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ngày 17/10/2017 đã phụ họa :” Điều đáng nói là, dù cho nội dung này (Quyết định công khai 99-QĐ/TW) đã được đề cập trong nhiều văn bản và không ít nghị quyết của Trung ương, nhưng kết quả đạt được không như mong muốn. Ví như, cán bộ, đảng viên, công chức theo quy định hằng năm vẫn kê khai tài sản; vẫn đăng ký nội dung phấn đấu, học tập, công tác; vẫn viết cam kết trong thực thi nhiệm vụ… nhưng ai biết, ai theo dõi, ai giám sát thì không rõ ràng, thiếu thực tế.”

Báo này còn mỉa mai :”Một số cán bộ khi kê khai tài sản, giá trị chưa bằng tài sản của một người nông dân ở vùng sâu, vùng xa; nhưng trên thực tế thì lại có biệt thự, xe hơi, con cái thì đi du học hết nước này đến nước khác. Rồi chuyện, kiểm điểm chất lượng đảng viên, cán bộ hằng năm vẫn được cấp ủy, tổ chức đảng đánh giá là hoàn thành tốt, thậm chí là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng rồi bất ngờ lại bị truy tố vì tham ô, tham nhũng; vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư túi, vun vén cho cá nhân và gia đình…”

Như vậy có phải đảng đã hết thời với tham nhũng rồi không, hay đảng chỉ biết nói nhiều làm ít hoặc chẳng làm gì hết nên nhân dân mới điêu đứng, đất nước mới tan hoang như bây giờ ?

Vậy nguyên nhân của trì trệ từ đâu ? Báo QĐND trả lời:” Tất cả những biểu hiện trên, suy cho đến cùng là thiếu tính minh bạch. Tư tưởng “đóng cửa bảo nhau” tồn tại trong một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu vô hình trung tạo điều kiện để cán bộ có “cơ hội” tham nhũng, tư túi, coi thường nhân dân, coi thường dư luận.”

Như vậy thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng và Thanh tra Chính phủ đã làm gì mà những thói hư tật xấu này cứ tồn tại mãi ?

Chẳng nhẽ họ chỉ biết ngôi chơi xơi tiền dân quanh năm mà “ngài” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn để yên để gãi ghẻ như ông từng than phiền năm 2013 ?

NGỔN NGANG TRĂM MỐI

Đó là lý do tại sao ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nói với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Viet Nam) ngày 05/05/2017:” Sau nhiều năm đã triển khai thực hiện chưa tốt Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa đảng VIII thời Lê Khả Phiêu năm 1999) nếu quyết tâm làm thì giờ khác nhiều rồi.”

Đó là Nghị quyết về ”Xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, ra đời tháng 2/1999.

Nhưng “thiếu quyết tâm” lại là chứng ung thư cha truyền con nối trong đảng trên các mặt phòng, chống tham nhũng; suy thoái đạo đức và tư tưởng của cán bộ đảng viên.

Sau Lê Khả Phiêu, người đã nhượng bộ một phần lãnh thổ Việt Nam, để mất ải Nam Quan và phần lớn quan trọng thác Bản Giốc cho Trung Cộng trong “Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam- Trung Quốc” ký ngày 30-12-1999, người dân Việt Nam lại phải trả giá cho 10 năm cầm quyền (hai khoá IX và X) bất lực, bè phái, tham nhũng và suy thoái đạo đức của cán bộ đảng viên và nhượng biển cho Tầu dưới thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ông Mạnh cũng đã ký một lượt 2 Hiệp ước với Bắc Kinh, đó là : “Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ” và “ Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ” , ký ngày 25 tháng 12 năm 2000.

Vì vậy, sau 2 năm nắm quyền khoá đảng XI, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải triệu tập Hội nghị Trung ương 4 và ra Nghị quyết ngày 16/1/2012 gọi là “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nhưng nội dung cũng không khác gì Nghị quyết 6 (lần 2) thời Phiêu.

Nhưng sau 5 năm khua chuông gõ mõ, ông Tổng Trọng lại cũng bẽ bàng như những người tiền nhiệm khác nên buộc lòng phải dốc tâm vào Hội nghị Trung ương 4/Khoá XII để ra Nghị quyết ngày 30/10/2016 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.”

Một năm sau (2017), tình hình vẫn ngồi nguyên một chỗ với những lời than, tiếng vãn đau khổ của dân và trách oán của giới trí thức và cựu đảng viên, viên chức cao cấp thức thời trong đảng.

Vì vậy mà báo cáo nào của đảng cũng than van tình hình tham nhũng, lãng phí “vần còn nghiêm trọng, tinh vi”. Trong khi ông Trọng lại không muốn diệt kẻ tham nhũng mà chỉ muốn “vừa chống vừa xây” và sợ “đập chuột vỡ bình” nên các phần tử xấu hại dân trong đảng vẫn cứ nhe răng ra cười.

LÝ DO RA ĐỜI QUYẾT ĐỊNH 99

Đó là lý do tại sao ông Trọng phải ra Quyết định số 99-QĐ/TW để :

-“Thực hiện những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết, góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.

- Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ phải được tiến hành sâu rộng, thường xuyên, kiên trì, thiết thực, hiệu quả. Mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện, cầu thị lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân.”

Nghe qua thì có lẽ nhiều người cũng khoái tỷ vì được đảng quan tâm và coi trọng vai trò “giám sát” của mình để cho “quyền làm chủ đất nước” của mình được tôn trọng thật sự chứ không chỉ bằng nước bọt như bấy lâu nay.

Nhưng hãy khoan vội hy vọng kẻo sẽ thất vọng ê chề vì đó việc của đảng chứ không phài việc của dân mà nhảy chôm lên nôn nóng.

Trong Quyết định mới, đảng hứa sẽ công khai: “Kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).

Tiếp đến là công khai cả :”Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân; quy trình, thủ tục giải quyết công việc; danh tính, chức vụ, quyền hạn, thông tin liên hệ, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của tổ chức, công dân.”

Sau cùng là công khai cả :” Bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của cán bộ, đảng viên; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.”

Vậy đảng sẽ công khai như thế nào ?

Quyết định 99 cho phép:”Công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.”

Đây là một khúc quanh “công khai chưa có tiền lệ” đáng chú ý đối với thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng mọi người cũng nên bình tĩnh, không nên vội vàng hồ hởi phấn khỏi khi chưa biết bao giờ ông Tồng Trọng sẽ làm. Bởi vì khi đụng đến chuyện “công khai tài sản” của nhau là sẽ sinh ra muôn vàn thứ chuyện “nhạy cảm” và nhiêu khê như có nhiều khai ít như đã chứng minh trong qúa khứ.

Bằng chứng như tại buổi điều trần trước Quốc Hội ngày 28/20/2016, cả Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu và Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đếu cho biết:” Năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỉ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm.”

HAI SỐ 27 VÀ 19

Ngoài những điếm quan trọng vừa kế, Quyết định 99 cũng ra lệnh phải “Công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; 19 điều quy định đảng viên không được làm”.

Mục đích của việc phải công khai 27 biểu hiện là ông Trọng muốn mọi ngưiời phải biết sợ mà không dám tự tung tự tác trái với ý muốn của ông.

Trong số 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đứng đầu là :”Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.”

Ông Trọng biết dư tại sao đảng viên đã chán Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản của ông Hồ đến tận mang tai, chỉ vì nó đã hết thời và lạc hậu và sát hại trên 100 triệu người trên thế giới, kể cả ở Việt Nam tứ 1930. Nhân dân Nga đã ruồng bỏ nó như con ghẻ ngứa ngáy mà ông Trọng, người cực kỳ giáo điều, bảo thủ và độc tài lại cứ muốn mọi người phải đặt nó lên bàn thờ, dù nó đã chết nhăn răng từ năm 1991 giữa Mạc Tư Khoa (Moscow)

Trong số 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống thì có các chứng “tham ô , tham nhũng, lãng phí, quan liêu xa rời quần chúng, bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu"v.v...

Cuồi củng trong số 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, đứng đầu là :”Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng".

Thứ đến là :”Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.”

Thứ 3 là đã có số đông cán bộ, đảng viên công khai:”Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.” v.v..

Như thế thì còn gì là kỷ luật đảng ? Nhưng còn 19 điầu đảng cấm không được làm, có từ ngày 1/11/2011 (khoá đàng XI) cò gì khác ?

Đứng đầu là không được:”Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.”

Đảng cũng cấm không được:” Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ.” Hay :”Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác.” v.v…

DÂN MUỐN BIẾT

Bây giờ hãy tạm gác chuyện “hành động cách mạng” của Quyết định 99 mà mọi người muốn ông Trọng cho biết tiền đâu mà người Việt trong nước đã có để chuyển 3,600 triệu dollars (3 tỷ 6), qua đường không chinh thức để mua bất động sản bên Mỹ từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 3 năm 2017 ?

Đây là báo cáo ghi trong "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR). (Theo báo điện tử VietNamExpress ngày 23/07/2017)

Ngoài ra cũng từ đồng lương nào mà tính tới năm 2016 đã có tới 21.403 sinh viên VN được gia đình gửi du học tại Hoa Kỳ.

Đó là con số do tổ chức Open Doors 2016 của Viện giáo dục quốc tế hợp tác với Vụ giáo dục và văn hóa, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 15-11-2016. Open Doors nói so với năm 2015 thì mức tăng là 14,3%.

Trong khi đó, tính tới hết tháng 3 năm 2017, Việt Nam có 19.708 du học sinh tại Australia , chiếm 4,1% trong tổng số sinh viên quốc tế. Con số này cho thấy sự gia tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Đã có một số Đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ cho điều tra để biết nguồn gốc của khỏan tiền du học, nhưng Bộ Chính trị và Chính phủ vẫn gỉa điếc như không nghe thấy.

Vậy liệu Quyết định 99 có khả năng tìm ra manh mối của những khỏan tiền khổng lồ đã chạy khỏi Việt Nam, hay sẽ lại cho rằng “chuyện cũ gác lại” để nhìn vào tương lai cho bớt “nhạy cảm” ?

Phạm Trần

(10/017)
 
Văn Hóa
Chút suy tư nhân ngày Năm Thánh Nhà Giáo 17/10/2017
Trần Tuy Hòa
08:21 18/10/2017
KHI MÙA THU MANG NIỀM HY VỌNG

Xuân - Hạ - Thu - Đông là sự chuyển dịch thời tiết của Tạo Hóa, một chu kỳ đã trở nên bình thường như chuyện sinh bệnh lão tử gắn liền với thân phận con người từ khi con người sa ngã… Bình thường như thế nhưng ẩn chứa trong nó cả những chuyện phi thường mà hình như qua muôn thế hệ con người vẫn chưa khi nào hiểu hết.

Tôi muốn nói đến lúc này, chính là mùa thu năm nay, mùa thu chúng tôi được mời gọi tham dự vào biến cố trọng đại cho hành trình đức tin của mình, mùa thu mừng Năm Thánh 400 Tin Mừng đến với giáo phận Qui nhơn mà chính tôi là thành phần của cộng đoàn đức tin đã qua và đang tiếp bước sau 4 thế kỷ đầy gian truân và thử thách.

Cầm trên tay hai tập san Mục đồng vừa mới phát hành thời gian gần đây nơi bìa cuối khi ban biên tập dự định đặt tên cho số tiếp theo có chủ đề Thu Xa, tôi tự hỏi Thu Xa là thu chưa đến hay muốn đảo ngược cặp từ thành Xa Thu là Thu tôi vừa rời đi ? Dường như cả hai đều không phải…tôi muốn Thu ở lại…

Nhà thơ Cung trầm Tưởng (1932…) đứng giữa Paris lại hỏi “Mùa thu nơi đâu ?” (Mùa thu Paris) sao nó giống giống câu thơ của nhà thơ Tô Như Châu được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc “Có phải em là Mùa Thu Hà Nội ?”, khi chiêm ngưỡng Hà Nội vào Thu ; câu hỏi về mùa thu không vì không nhận ra nó của các nghệ sĩ cho bằng cảm nhận và ngạc nhiên về nó ; hỏi cũng là cách thể hiện tình cảm rồi còn gì !

Mãi muôn đời con xin tạ ơn Chúa, tạ ơn vì cho tôi được làm người, rồi làm con Chúa và tô đẹp cho tôi hơn nữa là làm thầy, làm cô, làm nghề giáo…làm xao xuyến lòng người như mùa Thu, mùa thu cho đời ! Mùa thu có “mưa giăng lá đổ, có mắt ước hoen mi, có bao trái tim vương màu xanh mới…cho hồn ngất ngây” (Mùa thu cho em- Ngô thụy Miên). Thu đẹp hơn khi có bóng dáng thầy cô ở đó, nghe ca sĩ Phan đình Tùng hát Khúc ca tạ ơn của linh mục Thiên Ân: “Đời con là những nốt nhạc thiêng, Chúa thêu dệt nên thành khúc ca tuyệt vời…”. Cuộc đời thầy cô, những kỷ sư tâm hồn, những kẻ trồng người không là những nốt nhạc thiêng đấy sao ? Mùa thu lung linh hơn khi những nốt nhạc thiêng reo lên, đánh thức bao tâm hồn !

Cho dẫu còn ai đó xem nghề làm thầy dạy đầy hẩm hiu, bạc bẽo, có lẽ vì chưa kịp nhận ra : “Chúa luôn kề bên cùng sớt chia vui buồn…” (khúc ca tạ ơn).

Có bước chân nào đẹp hơn khi bước chân của thầy cô là bước chân gieo Tin mừng, gieo mầm cứu rỗi ! Người ta hỏi tôi : Gieo bằng cách nào ? Trong một bài viết mới đây trên trang giáo phận Qui nhơn, một linh mục trẻ trong bài “thuyết trình tĩnh tâm tháng 10 2017” có những nhận định rất thực tế về khủng hoảng niềm tin tôn giáo…Dường như linh mục này muốn gợi ý, không chỉ nơi các cộng đoàn giáo xứ nhưng còn cách riêng cho các thầy cô, cho những nhà giáo dục, nỗi băn khoăn, niềm thao thức cho một thế hệ Đức tin !

Nhìn lại bước đi của các thừa sai ba bốn trăm năm trước và rất xa trước đó, bước chân của Đức Ki tô đã cứu rỗi chúng ta còn gì ! Các thừa sai, đi tìm thuộc địa sao ? Họ xây dựng chế độ thực dân sao ? Tay không đi xâm lược được sao ? Không, tôi không tin như thế vì rõ ràng những bản án tử dành cho họ chỉ vì họ đã tin vào Đức Kitô. Họ chết vì họ mang trong mình cây thập giá cứu độ đó.

Nỗi khát khao lớn nhất của các thừa sai là làm sao cho nhiều người được ơn giải thoát, được chia phần niềm hy vọng sống lại mà chính họ đã nhận được từ Thầy Chí Thánh.

Cùng một cách thức như thế, bước chân của Thầy Giê su, bước chân yêu thương đã là bước trước cho các thầy cô hôm nay. Mang lấy trái tim yêu thương và thực hiện theo sự mách bảo của nó.

Mẹ Thánh Têrêsa không phải đã mang đôi chân yêu thương đó trên mọi nẻo đường thành phố Calcutta sao ?

Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã không ngừng chia sẻ niềm hy vọng sống lại cho các bạn tù ở nơi tưởng chừng không còn ngày mai đó sao ?

Chàng sinh viên nghèo Lê Doãn Ý đã trả lại hơn một tỷ cho người đánh mất (vnexpress.net) không vì có trái tim yêu thương của Thầy Giêsu đó sao ?

Người nữ tu Mến Thánh Giá Vinh tên Phượng bị tai nạn vừa mất tháng trước không vì niềm vui, niềm hạnh phúc của các thiếu nhi trong đêm trung thu đó sao…?

Cứ như thế, chúng ta lên đường và tôi tin rằng : bằng trái tim như thế, đến một lúc nào đó, trong chúng ta thế nào cũng có những học trò tìm đến để thắc mắc với chúng ta rằng : “Thầy, cô có phải là người Công Giáo ?”, giống như cách ngạc nhiên thi vị của nhà thơ Tô Như Châu : “Có phải em là Mùa Thu Hà Nội !”.

Trần Tuy Hòa.

(Ngày cử hành Năm thánh của các nhà giáo 17/10/2017)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thu Về
Nguyễn Trung Tây Lm
08:26 18/10/2017
THU VỀ
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Thu về trên đỉnh cao nguyên.
Gió thu nhẹ thổi trinh nguyên nỗi buồn!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 18/10/2017: Fatima kỷ niệm 100 năm phép lạ mặt trời múa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:00 18/10/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Bác bỏ tin bịa đặt là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 sắp qua đời

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trước khi bắt đầu chương trình này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em một bản tin đặc biệt liên quan Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Hôm thứ Ba 17 tháng 10, trong một cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Kath.net của Công Giáo Đức, Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI, đã lên tiếng bác bỏ các báo cáo cho rằng Đức Nguyên Giáo Hoàng đang sắp qua đời.

Những tin đồn về Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đang gần kề cái chết đã được loan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội trong vài ngày qua. Các nguồn tin này nói là dựa theo những lời của Đức Tổng Giám Mục Ganswein theo đó, “Đức Giáo Hoàng danh dự giống như một ngọn đèn sắp tắt. Ngài thanh thản, bình an với Thiên Chúa, với chính Ngài và thế gian. Ngài không còn có thể đi đứng mà không có người giúp đỡ và không còn cử hành Thánh Lễ được nữa.”

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Ganswein phủ nhận không hề nói như thế và những lời này chỉ là “thuần túy thêu dệt ra”.

“Thật sai lầm! Tôi muốn biết ai là tác giả của những điều này” ngài nói.

“Tôi đã nhận được trong hai ngày vừa qua nhiều thông điệp liên quan đến cụm từ này, và mọi người đang lo lắng,”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết thêm, tuần trước, Đức Ông Georg Ratzinger đã đến Vatican thăm viếng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, và đã trở về nhà “Cả hai vị đã có một thời gian vui vẻ.”

2. Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân kết thúc kỷ niệm 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Trong video được công bố hôm ngày 11 tháng 10 nhân kết thúc kỷ niệm 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu siêng năng đọc kinh Mân Côi cầu cho hòa bình.

Ðức Thánh Cha nói:

“Thứ sáu, ngày 13 tháng 10 (năm 2017), sẽ kết thúc năm kỷ niệm 100 năm các cuộc hiện ra của Ðức Mẹ tại Fatima. Với cái nhìn hướng lên Mẹ của Chúa và là Nữ Vương Các Xứ Truyền giáo, tôi mời gọi tất cả mọi người, đặc biệt trong tháng 10 này, hãy đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Ước gì kinh nguyện có thể đánh động các tâm hồn nổi loạn nhất, để những bạo lực có thể bì trục xuất khỏi tâm hồn, lời nói và những cử chỉ của họ, và kiến tạo cộng đoàn bất bạo động, chăm sóc căn nhà chung. Không gì là không có thể, nếu chúng ta hướng lên Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả mọi người đều có thể trở thành những người xây dựng hòa bình” (Sứ điệp Ngày Thế giới hòa bình 1-1-2017).

“Cùng ngày 13 tháng 10 tới đây, là Ngày Thế giới giảm bớt thiên tai. Tôi tái tha thiết kêu gọi bảo tồn thiên nhiên qua thái độ ngày càng chú ý bảo vệ và chămsóc môi trường. Vì thế, tôi khích lệ các tổ chức và những người có trách nhiệm công cộng và xã hội ngày càng thăng tiến một nền văn hóa nhắm mục tiêu giảm bớt những nguy cơ và rủi ro thiên tai. Những hành động cụ thể, nhắm nghiên cứu và bảo vệ căn nhà chung, có thể giảm bớt dần dần những nguy hiểm đối với những người dân dễ bị tổn thương nhất.”

3. Hàng triệu người tham dự những biến cố kỷ niệm 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima

Trong hai ngày 12 và 13 tháng 10, hàng triệu người đã tham dự những biến cố kỷ niệm 100 năm phép lạ mặt trời nhảy múa tại tại Fatima. Những biến cố này đánh dấu một đỉnh cao thứ hai trong các hoạt động mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Đỉnh cao thứ nhất là lễ tuyên thánh cho hai trẻ Jacinta và Francisco do Đức Thánh Cha chủ sự hôm 13 tháng 5 vừa qua.

Lúc 21h30 tối 12/10, hàng trăm ngàn tín hữu đã tham dự buổi đọc Kinh Mân Côi trước khi tham dự một cuộc rước nến vĩ đại kéo dài đến 22:30.

Cộng đoàn sau đó đã cùng tham dự thánh lễ đại trào cho đến tận 23:45.

Tiếp theo là giờ chầu thánh thể đến 2 giờ sáng. Cộng đoàn cũng đã đi đàng thánh giá từ 2 giờ sáng đến 3:15 trước khi các thánh lễ bằng các ngôn ngữ khác nhau được cử hành liên tục cho đến 9h sáng.

Bí tích hoà giải đã được cử hành từ 9h cho đến 10h sáng khi hàng triệu tín hữu bắt đầu tham dự thánh lễ đại trào mừng 100 năm phép lạ mặt trời nhảy múa kết thúc những hoạt động chính mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Bên cạnh các biến cố tại Fatima, trên thế giới cũng có những biến cố đặc biệt đáng ghi nhận khác. Các giáo xứ trên toàn nước Anh đã thực hiện việc thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội, và Đức Hồng Y Vincent Nichols đã tái thánh hiến nước Anh và xứ Wales trước bức tượng Đức Mẹ Fatima tại nhà thờ chính tòa Westminster. Trước đây, nước Anh và xứ Wales đã được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội vào năm 1948.

Vào cuối tháng Chín vừa qua, trong phiên khoáng đại thường niên, các giám mục Canada cũng tái dâng đất nước cho Trái Tim Vô Nhiễm. Hành động này đã được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1947. Và trong suốt năm, mỗi giám mục đã hiến dâng giáo phận của mình cho Trái tim Đức Mẹ.

Các Giám Mục Ba Lan cũng đã thực hiện việc dâng hiến quốc gia cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ.

4. Hàng triệu tín hữu lưu luyến chào tạm biệt Đức Mẹ

Tại Fatima, sau mỗi lần tượng Đức Mẹ Fatima được rước ra khỏi đền thờ, các tín hữu hành hương lại tham dự một cuộc rước rất đặc biệt mà người Bồ Đào Nha gọi là Procissão do Adeus. Procissão nghĩa là cuộc rước, Adeus nghĩa là tạm biệt.

Ý nghĩa của cuộc rước này là tạm biệt Đức Mẹ và tạm biệt nhau.

Theo truyền thống này, hàng triệu người tham dự các nghi thức kỷ niệm 100 năm phép lạ mặt trời nhảy múa hôm 13 tháng 10, đã tham dự cuộc rước tạm biệt Đức Mẹ.

8 người khiêng kiệu Đức Mẹ qua các lối đi trong khi các tín hữu vẫy những khăn tay màu trắng để tạm biệt Đức Mẹ. Hàng triệu những khăn tay màu trắng như thế tạo thành một quang cảnh rất ngoạn mục.

Nếu đã từng tham dự cuộc rước Procissão do Adeus, quý vị và anh chị em sẽ cảm thấy một cảm giác rất khó diễn tả. Lưu luyến chào tạm biệt Đức Mẹ, trở về với đời thường, nhiều người không khỏi rơi lệ.

5. Ơn Toàn Xá dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Mặc dù những biến cố chính trong năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima đã kết thúc nhưng Ơn Toàn Xá dịp này vẫn còn kéo dài đến ngày 26 tháng 11 này.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima thuộc Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định ban Ơn Toàn Xá trong suốt năm mừng kỷ niệm 100 năm này, kể từ ngày 27.11.2016 đến ngày 26.11.2017.

Các tín hữu muốn được hưởng Ân Toàn Xá trong dịp này phải chu toàn các điều kiện thông thường, đó là: Xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý chỉ Đức Giáo Hoàng và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Tiếp đến, họ phải thực hiện những hình thức tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima như đích thân đi hành hương Linh địa Fatima ở Bồ Đào Nha hay tham dự Thánh Lễ hay một trong những giờ cầu nguyện trọng thể và công khai nhằm tôn kính Đức Trinh Nữ Maria. Các tín hữu vì do già yếu, bệnh tật hay vì một lý do quan trọng bất khả kháng nào đó mà không thể đích thân tham dự vào cuộc hành hương Linh địa Fatima hay vào Thánh Lễ, Giờ Chầu hay các giờ cầu nguyện công khai và trọng thể với các tín hữu khác trước các tượng ảnh Đức Mẹ Fatima để tỏ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, thì họ cũng có thể cầu nguyện trước một bức tượng hay ảnh Đức Mẹ Fatima và phải hợp ý tham dự cách thiêng liêng với các tín hữu khác.

6. Lễ Tuyên Thánh ngày 15 tháng 10

Quý vị và anh chị em đang theo dõi Lễ Tuyên Thánh cho 35 vị tân hiển thánh diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô vào sáng Chúa Nhật 15 tháng 10, tức là Chúa Nhật thứ 28 mùa Thường Niên.

Các vị được tuyên phong gồm 33 thánh tử đạo và 2 thánh hiển tu. Đó là 3 thiếu niên tử đạo đầu tiên tại Mễ Tây Cơ vào năm 1526, tiếp đến là 2 linh mục: Cha Anrê de Soveral, Cha Ambrosio Francesco Ferro và 28 giáo dân tử đạo tại Brazil năm 1645. Rồi đến hai chân phước hiển tu: Cha Angelo D'Acri dòng Capuchino người Italia và Cha Cha Manuel Míguez González dòng Scolopi người Tây Ban Nha.

Chúng tôi ghi nhận hàng chục ngàn tín hữu đang đứng tại quảng trường Thánh Phêrô để tham dự thánh lễ long trọng này. Trên lễ đài chúng tôi ghi nhận có các phái đoàn chính phủ 4 nước: Brazil, Mễ Tây Cơ, Tây Ban Nha và Italia.

Bốn bức tranh lớn của 4 nhóm các vị được treo ở mặt tiền đền thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng về dụ ngôn Nước Thiên Chúa như Tiệc Cưới (xc Mt 22,1-14). Ngài nhận xét rằng: “Nhân vật chính là hoàng tử, là vị hôn phu, qua đó ta dễ nhận thấy đó là Chúa Giêsu. Nhưng trong dụ ngôn không hề nói đến hôn thê, mà nói đến nhiều khách mời, được mong muốn và chờ đợi. Chính họ là người mặc áo cưới. Những khách mời ấy là tất cả chúng ta, vì Chúa muốn “cử hành hôn lễ” với mỗi người chúng ta. Các hôn lễ khai mào cuộc hiệp thông trọn cuộc sống: đó là điều chính Thiên Chúa muốn với mỗi ngừơi chúng ta. Vì thế, tương quan của chúng ta với Chúa, không thể chỉ là tương quan của những thần dân sùng kính nhà vua, những người đầy tớ trung tín với chủ, hoặc tương quan của các học sinh chuyên cần đối với Thầy, nhưng trước hết là tương quan của hôn thê được yêu mến với hôn phu của mình. Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta, tìm kiếm và mời chúng ta, và Ngài không chỉ hài lòng nếu chúng ta chu toàn các bổn phận tốt và tuân giữ các giới luật của Ngài, nhưng Chúa muốn có một cuộc hiệp thông cuộc sống thực sự với Ngài, một tương quan đối thoại, tín thác và tha thứ”.

Sau khi khai triển một số khía cạnh của tương quan phu phụ của tín hữu với Thiên Chúa, đặc biệt là sự kiện nhiều người từ khước lời mời của Thiên Chúa và chỉ quan tâm tới những lợi ích riêng tư của họ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Có một khía cạnh chót mà Tin Mừng nhấn mạnh, đó là áo của các khách mời, là điều không thể thiếu được. Thực vậy, không phải chỉ thưa nhận lời mời là đủ, nhưng còn cần phải mặc áo, cần có “tập quán” sống tình yêu mỗi ngày. Vì không thể nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa” mà không sống và thực thi ý Chúa (Xc Mt 7,21). Chúng ta cần mặc lấy tình thương của Chúa mỗi ngày, canh tân mỗi ngày sự chọn lựa theo Chúa. Các Thánh được tôn phong hôm nay, nhất là bao nhiêu vị Tử Đạo, chỉ cho thấy con đường ấy. Các vị không phải chỉ thưa bằng lời nói “xin vâng” với tính yêu, và trong một thời gian ngắn, nhưng bằng cuộc sống và cho đến cùng. Áo hằng ngày của các ngài là tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu điên rồ khiến Chúa yêu thương chúng ta đến cùng, để lại tha thứ và áo của Ngài cho kẻ đã đóng đinh Ngài. Cả chúng ta cũng đã nhận lãnh áo trắng khi rửa tội, áo cưới với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các thánh anh chị chúng ta, ơn chọn lựa và mặc áo ấy hằng ngày và giữ cho áo này thanh sạch. Bằng cách nào? Trước tiên bằng cách đi lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa mà không sợ hãi: đó là bước quyết liệt để đi vào phòng hôn lễ, để cử hành lễ tình yêu với Chúa”.

7. Một linh mục Coptic bị đâm chết trên đường phố Cairo

Giáo Hội Chính thống Coptic Ai Cập rúng động trước việc một linh mục bị giết trong một cuộc tấn công bằng dao ở trên đường phố Cairo. Đây là vụ tấn công chết người mới nhất nhắm vào các thành viên của nhóm thiểu số Kitô hữu ở nước này.

Giáo Hội Chính thống Coptic cho biết cuộc tấn công đã diễn ra vào hôm thứ Năm 12 tháng 10. Vị linh mục bị giết là Cha Samaan Shehata.

Các quan chức an ninh nói rằng kẻ tấn công đã đâm cha Shehata bằng dao và chạy trốn khỏi hiện trường, nhưng sau đó bị bắt.

Đức Cha Angaelos, là giám mục Chính Thống Giáo Coptic, cho biết cha Shehata là một linh mục ở vùng Thượng Ai Cập. Ngài đang thăm viếng gia đình tại Cairo và quyên góp cho những người nghèo trong giáo xứ của mình. Ngài đã để quên điện thoại di động của mình ở nhà thờ và đang trên đường đi bộ đến nhà thờ để lấy lại thì bị đâm chết.

Ngài nói rằng hoàn cảnh cái chết của cha Shehata đã nêu lên nhiều câu hỏi. Chẳng hạn như tại sao xe cứu thương phải mất một giờ mới đến được hiện trường và tại sao cảnh sát lại không làm hàng rào bảo vệ an ninh ở hiện trường để tìm ra các bằng chứng pháp y.

Vị giám mục viết: “Tại sao một linh mục không thể đi bộ một cách an toàn trên đường phố, đặc biệt là một con phố ngoại ô ở Cairo? Tại sao anh lại bị đuổi giết bởi một người trong khi không có ai chạy đến giúp đỡ ngài? Tại sao, khi ngài đang bị đổ máu thì dịch vụ xe cứu thương hơn một giờ mới đến và sau đó không chữa trị ngay cho ngài?”

8. Kitô hữu ngày nay bị bách hại tàn tệ hơn bao giờ trong lịch sử

Ngày nay, Kitô hữu đang phải đối mặt với những cuộc bách hại tàn tệ hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử, nhưng Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế phần lớn chọn thái độ bỏ mặc họ.

Báo cáo có tựa đề “Bị bách hại và bị lãng quên?” của văn phòng Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ chi nhánh tại Anh nói rằng cuộc bách hại các tín hữu Kitô đã đạt đến một kỷ lục mới trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây vì các nhóm khủng bố Hồi Giáo như ISIS và Boko Haram đã và đang tăng cường các cuộc tấn công.

Báo cáo này cáo buộc cộng đồng quốc tế đã không phản ứng một cách thích đáng với bạo lực: “Các chính phủ ở phương Tây và Liên Hiệp Quốc không cung cấp cho Kitô hữu ở các nước như Iraq và Syria những sự trợ giúp khẩn cấp mà họ cần khi nạn diệt chủng được tiến hành.”

“Nếu các tổ chức Kitô giáo và các tổ chức phi chính phủ khác không can thiệp kịp thời, sự hiện diện của Kitô hữu có thể đã biến mất khỏi Iraq và các khu vực khác của Trung Đông”.

Cũng như tại Iraq và Syria, Kitô hữu đang bị đe doạ ngày càng nghiêm trọng ở một số quốc gia nơi người Hồi giáo chiếm đa số, cũng như dưới các chế độ độc tài như Triều Tiên và Eritrea.

John Pontifex, chủ biên báo cáo này nói: “Nếu chúng ta nhìn đến con số các tín hữu Kitô là nạn nhân của các tội ác này, rõ ràng là quy mô cuộc bách hại các Kitô hữu ngày nay tệ hại hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử.”

“Những Kitô hữu không chỉ bị bách hại hơn bất kỳ nhóm tín ngưỡng nào khác, nhưng con số các nạn nhân đang ngày càng tăng ở mức chóng mặt với những hình thức khủng bố tồi tệ nhất.”

9. Tình hình tại 13 quốc gia khét tiếng bách hại các tín hữu Kitô

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Các nhà nghiên cứu đã tập trung vào 13 quốc gia, để đưa ra một cái nhìn tổng quan về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới.

Ví dụ như ở Trung Quốc, các tín hữu Kitô đã và đang phải chịu những áp lực ngày càng tăng khi bọn cầm quyền cố gắng ép buộc các tôn giáo phải đi theo đường lối phù hợp với chính sách của đảng cộng sản. Hơn 2,000 nhà thờ đã bị phá hủy ở tỉnh ven biển Chiết Giang, và cảnh sát vẫn đang bắt giữ nhiều giáo sĩ.

Kitô hữu cũng chịu đau khổ bởi những bạo lực kinh hoàng do người Hồi giáo gây ra ở Trung Đông. Tại Iraq, hơn một nửa dân số Kitô Giáo của nước này trở thành người tị nạn ngay trong nước, trong khi tại thành phố lớn thứ hai của Syria là Aleppo, cho đến năm 2011, đây là nơi có cộng đồng Kitô giáo lớn nhất đất nước. Tuy nhiên, con số các tín hữu Kitô ở đây đã giảm mạnh từ 150,000 xuống còn chỉ còn 35,000 vào mùa xuân năm 2017; nghĩa là giảm hơn 75 phần trăm.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương ở Trung Đông đã nhiều lần nói rằng họ cảm thấy bị lãng quên bởi cộng đồng quốc tế. Một số giám mục đã cáo buộc Liên Hiệp Quốc còn tỏ ra phân biệt đối xử với các Kitô hữu tị nạn, bất chấp cam kết sẽ cung cấp viện trợ “trung lập và không thiên vị”.

Chủ nghĩa cực đoan cũng là một vấn đề ngày càng tăng ở Châu Phi - đặc biệt ở Nigeria, nơi Boko Haram đã làm hơn 1,8 triệu người phải chạy loạn.

Chỉ trong một giáo phận duy nhất là giáo phận Kafanchan – và chỉ trong một năm qua thôi, đã có 988 người bị giết, và 71 ngôi làng đa số Kitô giáo đã bị phá hủy. 2,712 ngôi nhà và 20 nhà thờ bị đốt cháy.

Ông John Pontifex nhận xét cay đắng rằng:

“Bản chất lan rộng của cuộc bách hại – cũng như các bằng chứng cho thấy có sự liên quan mật thiết của bọn cầm quyền các quốc gia này với các chế độ mà phương Tây - chứng minh hùng hồn rằng các chính phủ của chúng ta không hề sử dụng ảnh hưởng của họ để gióng lên một tiếng nói cho các nhóm thiểu số, đặc biệt là Kitô hữu.”

Báo cáo của Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ kết luận rằng:

“Không nên bắt các Kitô hữu phải hy sinh trên bàn thờ cho những chiến lược địa chính trị và các lợi thế kinh tế.”

10. Giám Mục Nigeria than thở Giáo Hội đang mất dần ảnh hưởng tại quốc gia này

Một giám mục Nigeria nói rằng Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này đang mất dần ảnh hưởng một phần do sự suy giảm đức tin ở phương Tây.

Đức Giám Mục Matthew Kukah của giáo phận Sokoto nói với Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn tại Liverpool rằng sự mất lòng tin Kitô ở phương Tây chắc chắn là một trong số những nguyên nhân gây ra sự sút giảm của Giáo Hội Công Giáo ở Nigeria.

Hôn nhân đồng tính, tỷ lệ ly dị cao, các mạng khiêu dâm là các dấu chỉ phản chứng đang có những tác động tiêu cực trong việc truyền giáo tại Nigeria.

Đức Cha Kukah cũng cáo buộc các chính trị gia châu Âu và Mỹ và các nhà ngoại giao công khai “ve vãn” Hồi giáo.

Kết quả, ngài nói, là sự gia tăng mạnh mẽ của Hồi giáo và và sự suy tàn của Công Giáo.

Ngài nói: “Đối với tôi, với tư cách là một giám mục Công Giáo, tôi có thể thấy rất rõ rằng ảnh hưởng của chúng ta trong công chúng đang dần dần giảm đi, và chủ yếu là do chúng tôi mất dần khả năng huy động các nguồn tài nguyên cho việc truyền giáo.”

11. Hình thức thánh lễ Coldplay

Trong tuần qua, dư luận Công Giáo tại Mễ Tây Cơ đã tỏ ra tức giận đối với một hình thức thánh lễ do một trường đại học của Dòng Tên tại Puebla tổ chức.

Coldplay là tên của một ban nhạc Anh có khuynh hướng hát những bài hát có liên quan đến triết học với những suy tư về ý nghĩa của cuộc sống. Cần phải nói ngay rằng Coldplay không phải là một ban nhạc có khuynh hướng Kitô Giáo, càng không thể nói là một ban nhạc Công Giáo.

Các bài hát của Coldplay có tính cách tôn giáo đại đồng, hay nói thẳng ra là một thứ đạo lý nhập nhằng, mơ hồ. Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Prensa vào năm 2008, ca sĩ chính Chris Martin, nói về những bài hát của mình như sau: “Tôi luôn cố gắng để giải mã ‘ông ấy’ hay ‘cô ấy’ là ai. Tôi không chắc những gì tôi nghĩ là đúng. Tôi không biết đó là Allah hay Giêsu hay Mohammed hay Zeus, nhưng tôi đoán có lẽ là Zeus.”

Đại học Iberoamericana Puebla đã quảng cáo Thánh lễ, hứa hẹn rằng các tín hữu có thể “lắng nghe và suy tư về các bài hát của ban nhạc Anh” và “thấy những thông điệp của họ được đan quyện” với phụng vụ như thế nào.

Một đoạn video được tải lên Facebook cho thấy một linh mục cử hành Thánh Lễ trong khi bài hát “Mỗi nước mắt rơi xuống như một dòng thác” được chơi như một thứ nhạc nền. Bài hát có những lời như sau: “Tôi bật nhạc lên, tôi bật máy thu lên / Tôi quên lãng thế giới bên ngoài cho đến khi ánh đèn bật sáng / Có lẽ phố phường đang lên đèn, có lẽ những hàng cây đang trôi qua / Tôi cảm thấy trái tim tôi bắt đầu đập trước bài hát mà tôi yêu thích.”

Đây là những lời lẽ ấm ớ, tào lao, hoàn toàn không xứng đáng với Phụng Vụ Công Giáo.

12. Phản ứng của giáo quyền Mễ Tây Cơ đối với thánh lễ Coldplay

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Tư 11 tháng 10, tổng giáo phận Puebla cho biết giáo quyền địa phương bất mãn với hình thức “Thánh Lễ Coldplay” được tổ chức tại trường đại học Iberoamericana Puebla của Dòng Tên.

Tổng giáo phận Puebla tuyên bố trên Twitter rằng tổng giáo phận không “tổ chức, và cũng chẳng hề cổ vũ” thánh lễ loại này.

Các Giám Mục nhắc lại rằng Thánh Thể là “Kho báu lớn nhất của Giáo Hội”.

Tổng giáo phận Puebla kêu gọi các linh mục “tránh đừng dùng cái cớ thử nghiệm để làm những thứ như thế trong nhà thờ, làm giảm đi sự thánh thiêng của nơi thờ tự, làm hạ phẩm giá của các nghi thức phụng vụ và lòng đạo đức của các tín hữu.”

Những bài hát trong nhà thờ, tổng giáo phận nói thêm, cần phải “phù hợp với giáo lý Công Giáo; và tốt hơn, nên dựa trên Thánh Kinh và các nguồn phụng vụ.”

Trong lời tựa cuốn “Thần học Phụng vụ” ấn bản tiếng Nga, vừa được nhà xuất bản La Stampa in lại, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã than thở rằng: Thiên Chúa đã trở nên “mờ nhạt” trong Phụng Vụ, dẫn đến những khủng hoảng trong Giáo hội. Ngài nhận xét rằng những hiểu nhầm về bản chất của Phụng Vụ đã dẫn con người đến đến chỗ đặt Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu và đưa “các hoạt động và sự sáng tạo của mình” vào vị trí trung tâm của việc phụng tự.

13. Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ kỷ niệm 100 năm Bộ Ðông Phương.

Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu tiếp tục tín thác vào Chúa, qua kinh nguyện, giữa những khó khăn của cuộc sống.

Ngài đưa ra lời mời gọi này trong bài giảng thánh lễ lúc quá 10 giờ sáng ngày 12 tháng 10, tại Ðền thờ Ðức Bà Cả ở Roma, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương và Giáo Hoàng Học Viện Ðông Phương gần đó.

Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có Ðức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, Ðức Tổng Giám Mục Tổng thư ký và Cha Bề trên Tổng quyền dòng Tên cùng với cha Viện trưởng của Học Viện Ðông phương. Ngoài ra có 24 Hồng Y, 6 Thượng Phụ và Tổng Giám Mục Trưởng, 12 Giám Mục và 60 Linh Mục giáo sư.

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 đã thiết lập 2 cơ quan vừa nói vào năm 1917 giữa lúc thế chiến thứ I đang hoành hành.

Đức Thánh Cha nói:

“Ngày nay cũng vậy, chúng ta có thể nói đang có một thế chiến khác, thế chiến từng mảnh. Và chúng ta thấy bao nhiêu anh chị em Kitô chúng ta thuộc các Giáo Hội Ðông phương đang bị bách hại thê thảm và các tín hữu sống thuộc các Giáo Hội này ở hải ngoại ngày càng lo âu. Từ đó nảy sinh bao nhiêu câu hỏi “tại sao như vậy” giống như bài đọc thứ I hôm nay trích từ sách ngôn sứ Malakia (3,13-20a). Nhiều người than thách Chúa khi thấy những kẻ ác được thành công, thịnh vượng, mà không bị trừng phạt, từ đó người ta đặt câu hỏi: phụng tự Thiên Chúa có ích gì đâu?”

Sách ngôn sứ Malakia cũng xác quyết rằng Thiên Chúa không quên con cái Ngài, Ngài nhớ đến những kẻ công chính và những người đau khổ, dù bị áp bức họ vẫn không ngừng tín thác nơi Chúa.

Ðức Thánh Cha nói: Bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta rằng có một cách đánh động ký ức của Thiên Chúa, đó là kinh nguyện của chúng ta. Khi cầu nguyện cần có lòng can đảm của đức tin, tín thác rằng Chúa lắng nghe chúng ta, can đảm gõ cửa. Chúa nói với chúng ta rằng “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy và ai gõ thì sẽ mở cửa cho” (Lc 11,10).

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng “chúng ta hãy học cách gõ cửa tâm hồn của Thiên Chúa, hãy học cách làm như thế một cách can đảm. Ước gì kinh nguyện can đảm này cũng soi sáng và nuôi dưỡng việc phục vụ của anh chị em trong Giáo Hội”

14. Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương

Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, Ðức Thánh Cha đã trao cho Ðức Hồng Y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, và cũng là Chưởng Ấn Giáo Hoàng Học Viện Ðông phương, một sứ điệp, trong đó sau khi nhắc lại quá trình khai sinh và phát triển của Học Viện này trong một thế kỷ qua, Ðức Thánh Cha mời gọi các giáo sư tại đây dành ưu tiên cho việc nghiên cứu khoa học, theo gương các vị tiền nhiệm, đã nổi bật trong việc soạn và ấn hành các tác phẩm với những đóng góp quan trọng về phụng vụ, linh đạo, khảo cổ và giáo luật..

Ðức Thánh Cha cũng mời gọi Học viện Ðông Phương giúp toàn thể Cộng đoàn Giáo Hội khả năng lắng nghe cuộc sống và suy tư thần học, để nâng đỡ cuộc sống và hành trình của họ. Học viện có nhiệm vụ giúp các anh chị em chúng ta củng cố đức tin trước những thách đố lớn lao họ phải đương đầu. Học viện được kêu gọi trở thành nơi thuận tiện cho việc huấn luyện những người nam nữ, các chủng sinh, Linh Mục và giáo dân, để họ có thể nói lên lý do niềm hy vọng đang linh hoạt và nâng đỡ họ” (1 Pr 3,15), và có khả năng cộng tác vào sứ mạng hòa giải của Chúa Kitô. (Xc 2 Cr 5,18).

Nhắc đến tình trạng nhiều sinh viên tại các Học viện Ðông phương ở Roma theo học tại các Ðại học và Phân khoa trong đó họ không luôn luôn nhận được một nền huấn luyện hoàn toàn phù hợp với các truyền thống của họ, Ðức Thánh Cha mời gọi Học Viện Ðông Phương hãy suy tư xem có thể làm gì để bổ túc những thiếu sót đó.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha mời gọi dòng Tên, ngoài sứ vụ đang thi hành tại Ðại Học Gregoriana và Học Viện Kinh Thánh, cần làm sao bảo đảm cho Giáo Hoàng Học Viện Ðông phương một con số ổn định các nhà đào tạo Dòng Tên để hỗ trợ hoạt động của Học Viện này. Theo sư phạm của thánh Ignatio, và sử dụng sự phân định cộng đoàn phong phú, các phần tử của cộng đoàn, - nhà dòng cũng như Học Viện - biết tìm ra những hình thức thích hợp nhất để huấn luyện các sinh viên mà các Giáo Hội ủy thác cho dòng chăm sóc, biết nghiên cứu nghiêm túc và đáp dứng các nhu cầu mục vụ của Giáo Hội liên hệ.

15. Ðức Thánh Cha mạnh mẽ chống án tử hình.

Ðức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định lập trường chống án tử hình và kêu gọi nhấn mạnh đến vấn đề này hơn trong sách giáo lý Công Giáo.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến lúc 6 giờ chiều ngày 11 tháng 12 dành các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng tổ chức tại Hội trường Thượng Hội Ðồng Giám Mục ở Vatican, nhân dịp kỷ niệm 25 năm công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.

Ðức Thánh Cha nói:

“Cần phải mạnh mẽ khẳng định rằng án tử hình là một biện pháp vô nhân đạo hạ nhục phẩm giá con người, bất kỳ án này được thi hành thế nào. Tự nó, án tử hình là điều trái ngược với Tin Mừng vì người ta chủ ý loại bỏ một mạng sống con người vốn là điều luôn luôn thánh thiêng trước mắt Ðâng Tạo Hóa và, xét cho cùng, chỉ một mình Thiên Chúa xét cho cùng là thẩm phán đích thực và là vị bảo đảm sự sống. Không bao giờ một người, dù là kẻ sát nhân, bị mất phẩm giá của họ” (Thư gửi Chủ tịch Ủy ban quốc tế chống án tử hình, 20-3-2015), vì Thiên Chúa là một người Cha luôn chờ đợi ngừơi con trở về, người con này khi biết mình lầm lỗi, xin tha thứ và bắt đầu một cuộc sống mới. Không thể tước bỏ sự sống của một ai, và cũng không thể trước bỏ khả thể phục hồi luân lý và cuộc sống có thể mưu lợi cho cộng đoàn”.

Ðức Thánh Cha nhìn nhận rằng trong những thế kỷ trước đây, khi người ta còn nghèo các phương thế bảo vệ và sự trưởng thành xã hội chưa tiến triển tích cực, việc sử dụng án tử hình được coi như hậu quả hữu lý của việc áp dụng công lý. “Rất tiếc là cả Nước Tòa Thánh cũng đã sử dụng phương thế cùng cực và vô nhân đạo này, mà coi nhẹ quyền tối thượng của lòng thương xót trên công lý. Chúng ta nhận các trách nhiệm của quá khứ và chúng ta nhìn nhận rằng những phương thức ấy là do một não trạng vụ luật hơn là hợp với tinh thần Kitô. Sự quan tâm bảo tồn quyền bính và sự giàu có vật chất đã đưa tới thái độ quá đề cao giá trị của luật lệ, ngăn cản người ta đi sâu hơn trong sự hiểu biết về Tin Mừng. Tuy nhiên, ngày nay nếu giữ thái độ trung lập trước những đòi hỏi mới để tái khẳng định phẩm giá con người, thì chúng ta sẽ có lỗi nhiều hơn”.

Ðức Thánh Cha nhận xét rằng “Ở đây chúng ta không mâu thuẫn với giáo huấn quá khứ, vì việc bảo vệ phẩm giá sự sống con người ngay từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên luôn tìm thấy trong giáo huấn của Giáo Hội một tiếng nói thế giá và trước sau như một”.

16. Tài khoản Twitter của Ðức Thánh Cha đạt 40 triệu người theo dõi.

Tài khoản Twitter của Ðức Thánh Cha Phanxicô @Pontifex bằng 9 ngôn ngữ đã vượt quá 40 triệu người theo dõi (follower) sau 5 năm đăng ký. Ngày 12 tháng 12 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã muốn mở một tài khoản của Giáo hoàng trên mạng xã hội Twitter.

Mỗi ngày, qua các “tweet” của mình, Ðức Thánh Cha Phanxicô đến gần với dân chúng trong thế giới truyền thông xã hội. Thỉnh thoảng ngài đăng một suy tư thiêng liêng, hay nhắc nhớ đến vị thánh đước kính nhớ trong ngày, hoặc chia sẻ với những người theo dõi các suy tư về các biến cố quan trọng trên thế giới.

Trong 12 tháng qua, số follower đã tăng thêm hơn 9 triệu; điều này cho thấy sự quan tâm liên tục của dân chúng đến các “tweet” của Ðức Thánh Cha, trong đó có người bình dân, các Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo, các lãnh đạo chính trị, những nhân vật nổi tiếng về văn hóa.

Bên cạnh số đông follower trên tài khoản Twitter, tài khoản Instagram của Ðức Thánh Cha @Franciscus cũng gần đạt 5 triệu follower. Tài khoản Instagram được bắt đầu từ ngày 19 tháng 03 năm 2015 với tin: “Tôi bắt đầu một hành trình mới để đồng hành với anh chị em trên con đường của lòng thương xót và dịu dàng của Thiên Chúa.”

Một điều thật ý nghĩa là phần lớn những người theo dõi tài khoản Instagram của Ðức Thánh Cha nằm trong độ tuổi 25-34 và Ba Tây và Hoa kỳ là nơi có nhiều follower nhất.

Theo Ðức ông Dario Edoardo Viganò, Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Vatican, con số 40 triệu không chỉ có ý nghĩa về con số thống kê, nhưng quan trọng hơn hết là Ðức Thánh Cha Phanxicô, cũng như vị tiền nhiệm của ngài, cho thấy sự hiện diện của các chứng tá Kitô giáo trong “thế giới kỹ thuật số” và đặc biệt là trong các phương tiện truyền thông xã hội. 40 triệu người theo dõi là 40 triệu người, 40 triệu trái tim, trí tuệ và tình cảm. Ðó là một thế giới, một mối liên hệ, một cộng đồng.

Ðức ông Viganò cũng nhận định rằng Ðức Thánh Cha rất quan tâm đến các tài khoản xã hôi của ngài; ngài kiểm tra kỹ lưỡng các tweet được đăng trên tài khoản. Ðiều này chứng tỏ sự quan tâm của ngài với mối liên hệ với các follower và bất kỳ mối liên hệ nào cũng cần được chăm sóc, sưởi ấm trái tim, ngay cả chỉ bằng một ít từ ngữ. Ðối với Ðức Thánh Cha, “Internet là một là một nơi đầy nhân tính, là mạng lưới của con người chứ không phải của các dây dợ.

17. Đức Thánh Cha thăm tổ chức Lương Nông Thế Giới

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi khắc phục các cuộc xung đột và sự thay đổi khí hậu trong cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh lương thực trên thế giới.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng thứ Hai 16 tháng 10 trong cuộc viếng thăm Tổ chức lương nông quốc tế, gọi tắt là FAO, ở Roma, nhân ngày Thế giới về lương thực.

FAO hiện có 194 quốc gia thành viên, mỗi quốc gia đóng góp tùy theo khả năng của mình. Với các ngân khoản này, FAO hoạt động cho các nước thành viên. Một số quốc gia đóng góp thêm để nâng đỡ các dự án tại chỗ.

Ðức Giáo Hoàng Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 4 viếng thăm tổ chức FAO. Vị đầu tiên là Ðức Chân phước Giáo hoàng Phaolô 6 ngày 16 tháng 11 năm 1970 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức quốc tế này. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã đến thăm tổ chức FAO hồi tháng 11 năm 2012 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực.

Khi tới tổ chức FAO, Ðức Thánh Cha đã làm phép pho tượng bằng cẩm thạch diễn tả hai trẻ em: một em tên là Aylan tị nạn người Syria chết đuối trước bãi biển Bodrum ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10 năm 2015 và một em đang khóc. Tượng cao 75 phân, dài hơn 1 mét 7 và rộng 1 mét 2, nạng 9 tạ do Tòa Thánh thuê tạc để tặng cho tổ chức FAO.

Trong bài diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha, Ðức Thánh Cha nhắc đến những thành tựu của những cố gắng cho đến nay trong việc chống nạn đói và giải quyết nạn thiếu lương thực, nhưng ngài cũng nhấn mạnh đến thách đố đang được đề ra cho cộng đồng quốc tế và nói rằng:

“Bối cảnh những tương quan quốc tế, cũng như những đóng góp của khoa học và kỹ thuật, cho thấy khả năng ngày càng gia tăng trong việc mang lại câu trả lời cho những mong đợi của gia đình nhân loại trong việc nghiên cứu và đề ra các giải pháp thích hợp. Tuy nhiên những thành tựu này chưa thành công trong việc xóa bỏ tình trạng bị loại trừ của một phần lớn dân chúng thế giới: họ là nạn nhân của nạn suy dinh dưỡng, chiến tranh, thay đổi khí hậu. Bao nhiêu người thiếu công ăn việc làm và những thiện ích cơ bản và buộc lòng phải rời bỏ quê hương, chịu bao nhiêu hình thức bóc lột kinh khủng.”

Ðức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Chúng ta chỉ có thể bàn đến tương quan giữa nạn đói và di cư nếu đi tới căn cội của vấn đề. Về khía cạnh này, các nghiên cứu do Liên Hiệp Quốc thực hiện, cũng như bao nhiêu nghiên cứu do các tổ chức xã hội dân sự khác, đều đồng ý ở điểm này là có hai chướng ngại chính cần khắc phục: đó là các cuộc xung đột và những thay đổi khí hậu.

Làm sao khắc phục các xung đột? Công pháp quốc tế chỉ cho chúng ta những phương thế để phòng ngừa và giải quyết các xung đột một cách mau lẹ. Chúng ta hãy nghĩ đến các dân tộc bị tàn hại vì chiến tranh đã kéo dài từ nhiều thập niên, và lẽ ra những xung đột ấy có thể tránh được hoặc ít là hạn chế, nhưng trái lại chúng đang lan tràn các hậu quả tàn khốc trong đó có tình trạng bấp bênh về lương thực và nhiều người phải di tản. Cần có thiện chí và đối thoại để ngăn chặn các xung đột và sự dấn thân hoàn toàn nhắm tới một sự giải trừ võ trang dần dần và có hệ thống như Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã dự trù, cũng như phải sửa chữa một tai ương nghiêm trọng là nạn buôn bán võ khí. Tố giác sự kiện các cuộc xung đột võ trang làm cho hàng triệu người bị đói và suy dinh dưỡng có ích gì, nếu chúng ta không thực hiện một cách hữu hiệu những công tác kiến tạo hòa bình và giải trừ võ trang?

- Về những thay đổi khí hậu, chúng ta thấy hậu quả của nó mỗi ngày. Nhờ những kiến thức khoa học, chúng ta biết cách thức đối phó với các vấn đề, và cộng đồng quốc tế đã đề ra những văn kiện pháp lý cần thiết, ví dụ như Hiệp định Paris, mà rất tiếc là một số nước đang từ bỏ. Người ta thấy tái xuất hiện thái độ cẩu thả thờ ơ đối với những quân bình mong manh của các hệ thống môi sinh, những chủ trương ích kỷ nhằm lèo lái và kiểm soát các tài nguyên hạn hẹp của trái đất, và sự ham hố lợi lộc. Vì thế, cần cố gắng cổ võ một sự đồng thuận cụ thể và thực tiễn nếu chúng ta muốn tránh các hậu quả bi thảm hơn, đang tiếp tục đổ xuống trên những người nghèo nhất và vô phương thế tự vệ. Chúng ta được kêu gọi đề nghị một lối sống, trong việc sử dụng các tài nguyên, các tiêu chuẩn sản xuất, cho đến sự tiêu thụ, liên quan đến các lương thực, khiến cho sự thất thoát gia tăng. Chúng ta không thể trấn an mình và nói rằng “những người khác sẽ làm thay chúng ta”.

“Tôi nghĩ những điều đó là điều tiên quyết đối với bất kỳ diễn văn nghiêm túc nào về an ninh lương thực, trong tương quan với hiện tượng di cư. Hiển nhiên là chiến tranh và những thay đổi khí hậu gây ra nghèo đói, nhưng chúng ta cần tránh trình bày nó như một thứ bệnh bất trị. Những dự đoán gần đây do các chuyên gia của quí vị đề ra cho biết sẽ có sự gia tăng sản xuất ngũ cốc, làm gia tăng đáng kể số dự trữ của thế giới. Sự kiện này mang lại cho chúng ta hy vọng và chỉ cho chúng ta thấy rằng nếu chúng ta làm việc và quan tâm tới những nhu cầu, tránh nạn đầu cơ, thì sẽ đạt được những kết quả. Thực vậy, lương thực thường bị bỏ mặc cho nạn đầu cơ, người ta chỉ đo lường chúng theo mức độ lợi nhuận kinh tế của các nhà đại sản xuất, hoặc trong tương quan với dự báo về mức tiêu thụ, chứ không theo những nhu cầu thực sự của con người.. Vì thế, người ta tạo điều kiện cho các xung đột và những phung phí, làm tăng số người nghèo trên thế giới, họ phải tìm kiếm tương lai xa lãnh thổ nguyên quán của họ.”

Trong việc đề ra những đường hướng để giải quyết những thách đố trên đây, Ðức Thánh Cha nói:

“Tôi tự hỏi và cũng đặt câu hỏi cho quí vị: Phải chăng là điều thái quá khi du nhập vào ngôn ngữ cộng tác quốc tế những từ ngữ như tình thương, cùng với đặc tính nhưng không, đối xử bình đẳng, liên đới, nền văn hóa trao tặng, tình huynh đệ, từ bi thương xót? Những từ này thực sự diễn tả nội dung thực tế của từ “nhân đạo”, rất được sử dụng trong các hoạt động quốc tế. Yêu thương anh chị em, đề ra sáng kiến mà không mong đợi được đáp lại, đó là nguyên tắc Tin Mừng chủ yếu cũng có trong lối diễn tả của nhiều nền văn hóa và tôn giáo, trở thành nguyên tắc nhân đạo, trong ngôn ngữ của những tương quan quốc tế. Cần làm sao để ngành ngoại giao và các tổ chức đa phương nuôi dưỡng và điều hợp khả năng yêu thương này, vì đó là con đường tốt nhất bảo đảm không những an ninh lương thực, nhưng cả an ninh của con người trong chiều kích hoàn cầu. Chúng ta không thể chỉ thực hiện điều mà những người khác đang làm, và không chỉ giới hạn vào lòng thương xót, vì lòng thương xót chỉ giới hạn vào những cứu trợ cấp thiết, trong khi đó tình thương gợi hứng cho công lý và là điều thiết yếu để thực hiện một trật tự xã hội công chính giữa các thực tại khác nhau, mong muốn có sự gặp gỡ nhau. Yêu thương có nghĩa là góp phần để mỗi nước gia tăng sản xuất và đạt tới sự tự túc về lương thực. Yêu thương được biểu lộ qua việc nghĩ đến những kiểu mẫu mới trong việc phát triển và tiêu thụ, và chấp nhận những chính sách không làm cho tình trạng dân chúng kém phát triển trợ nên đồi tệ hơn, và gia tăng sự lệ thuộc ngoại viện của họ. Yêu thương có nghĩa là không tiếp tục phân chia gia đình nhân loại thành những người sống dư thừa và những người thiếu thốn những điều cần thiết nhất”.

Trong phần kết luận, Ðức Thánh Cha kêu gọi đại diện các nước: “Chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu của bao nhiêu anh chị em chúng ta bị gạt ra ngoài lề và bị loại trừ: “Tôi đói, tôi là người ngoại quốc, tôi trần trụi, tôi yếu đau, tôi bị giam giữ trong một trại tị nạn”. Ðó là một lời thỉnh cầu công lý, chứ không phải là một lời kêu xin hoặc là một tiếng kêu cấp thiết. Cần làm sao để ở mọi cấp độ có sự đối thoại rộng rãi và chân thành để tìm ra những giải pháp tốt đẹp nhất và đạt tới một quan hệ mới giữa các tác nhân khác nhau trên trường quốc tế, mang tinh thần trách nhiệm hỗ tương, liên đới và hiệp thông”.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 19/10/2017
VietCatholic Network
20:38 18/10/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư ngày 18 tháng 10.

2- Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu siêng năng đọc kinh Mân Côi.

3- Đức Thánh Cha viếng thăm Tổ chức Lương Nông Quốc Tế.

4- Sứ điệp Đức Thánh Cha: 800 năm dòng Phanxicô tại Thánh Địa.

5- Đức Thánh Cha thông báo Thượng Hội Đồng Giám Mục Amazzonia vào năm 2019.

6- Mỗi năm trên thế giới có 6 triệu trẻ em chết trước khi đầy 5 tuổi.

7- Một tu viện tại Đức có từ 900 năm đã phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi.

8- Các Giám Mục Hoa Kỳ khen ngợi những quy định mới về bảo vệ tự do tôn giáo của Bộ Tư Pháp.

9- Phật tử và Kitô hữu Miến Điện chờ đợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng thăm.

10- Người Công Giáo ít ỏi cuả Bangladesh chuẩn bị chào đón Đức Giáo Hoàng.

11 Giới thiệu Thánh Ca: Một Ngày Để Yêu Thương.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết