Ngày 23-10-2017
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gởi giới trẻ Canada
Lm. Trần Đức Anh OP
12:49 23/10/2017
TORONTO. ĐTC kêu gọi các bạn trẻ Canada đừng để ai cướp mất tuổi trẻ của mình và hãy làm cho những môi trường sống của mình đầy niềm vui của Phúc Âm.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong sứ điệp Video gửi các bạn trẻ Canada tối Chúa Nhật 22-10-2017 trong biến cố truyền hình đặc biệt của đài TV ”Muối và Ánh sáng” để giúp các GM Canada chuẩn bị Thượng HĐGM vào tháng 10 năm tới về giới trẻ. Hiện diện tại phòng thu ở Đài truyền hình cũng có ĐHY Kevin Farell, Bộ trưởng giáo dân và gia đình, cùng với các bạn trẻ và GM đến từ 6 thành phố ở Canada.

ĐTC ca ngợi vẻ đẹp của thế giới và nhắc nhở các bạn trẻ đừng để trái đất bị hư hỏng vì những kẻ chỉ muốn khai thác và hủy hoại thế giới. Ngài nói: 'Tôi cũng mời gọi các bạn hãy làm cho những nơi các bạn sinh sống được tràn đầy niềm vui và sự phấn khởi tiêu biểu của người trẻ, hãy tưới gội thế giới và lịch sử bằng niềm vui đến từ Tin Mừng, từ cuộc gặp gỡ với một Nhân Vật là Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho các bạn say mê và thu hút các bạn ở với Ngài”.

”Các bạn đừng để cho tuổi trẻ của mình bị cướp mất, đừng cho phép một ai ngăn cản và làm lu mờ ánh sáng mà Chúa Kitô đặt trên khuôn mặt và trong tâm hồn các bạn. Các bạn hãy kiến tạo những tương quan thấm đượm lòng tín nhiệm, chia sẻ và cởi mở cho đến tận bờ cõi trái đất. Đừng dựng lên những bức tường chia cách, nhưng hãy kiến tạo những nhịp cầu”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Các bạn trẻ thân mến, Chúa Giêsu đang nhìn và mời gọi các bạn đến ở với Ngài. Các bạn có gặp thấy cái nhìn của Chúa, đã nghe tiếng nói và cảm thấy một sự thúc đẩy các bạn lên đường chưa? Tôi chắc chắn rằng mặc dù những tiếng huyên náo dường như đang ngự trị trên thế giới tiếng gọi của Chúa vẫn tiếp tục vang dội trong tâm hồn các bạn để mở con tim các bạn đón nhận niềm vui tràn đầy. Điều đó có thể xảy ra theo mức độ các bạn được những người hướng dẫn kinh nghiệm đồng hành và bắt đầu một hành trình phân định để khám phá dự phóng của Thiên Chúa đối với cuộc đời của các bạn.. Cả khi hành trình của các bạn bấp bênh và sa ngã, Thiên Chúa giàu lòng xót thương, vẫn giơ tay để nâng các bạn đứng dậy”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Thế giới, Giáo Hội đang cần những ngừơi trẻ can đảm, không khiếp sợ trước những khó khăn, đương đầu với những thử thách, có đôi mắt và con tim cởi mở đối với thực tế, để không một ai bị phủ nhận, trở thành nạn nhân của bất công, bạo lực, thiếu nhân phẩm”. (Rei 23-10-2017)
 
Đức Thánh Cha ấn định Tháng Truyền Giáo đặc biệt
Lm. Trần Đức Anh OP
12:53 23/10/2017
Đức Thánh Cha ấn định Tháng Truyền Giáo đặc biệt
VATICAN. ĐTC ấn định tháng đặc biệt về truyền giáo vào tháng 10 năm 2019.

Ngài đưa ra quyết định trên đây trong thư gửi ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, và được công bố hôm Chúa Nhật 22-10-2017, trong đó ngài nhấn mạnh rằng ”Tháng đặc biệt về truyền giáo nhắm thức tỉnh mạnh mẽ hơn nơi các tín hữu ý thức truyền giáo cho dân ngoại và phục hồi với một đà tiến mới sự biến đổi cuộc sống và việc mục vụ theo tinh thần truyền giáo”. Hồi tháng 6 năm nay, khi tiếp 120 vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo nhóm đại hội thường niên ở Roma, ĐTC cho biết ngài đã chấp nhận đề nghị của Bộ truyền giáo về việc ấn định tháng đặc biệt về truyền giáo vào tháng 10 năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tông thư ”Maximum illud” của ĐGH Biển Đức 15 ngày 30-11 năm 1919. Hồi đó, sau thế chiến thứ I, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 15 thấy cần phải tái đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trên thế giới, để thanh tẩy những ”bụi bặm của thời thực dân cũng như để tránh xa những mục tiêu quốc gia chủ nghĩa và phong trào bành trướng, gây ra nhiều thiệt hại cho chính nghĩa truyền giáo. Tông thư Maximum illud có đoạn viết: ”Giáo Hội của Thiên Chúa là hoàn vũ, và không hề xa lạ với một dân tộc nào” và ĐGH cũng kêu gọi loại bỏ bất kỳ hình thức lợi lộc, xét vì chỉ có việc loan báo và đức bác ái của Chúa Giêsu, được phổ biến cùng với đời sống thánh thiện và những công việc làn, mới là lý do của việc truyền giáo” (Rei 22-10-2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khánh Nhật Truyền Giáo tại giáo phận Xuân Lộc
Hoàng bá Quý
07:40 23/10/2017
Gp Xuân Lộc : Hơn 600 anh chị em dự tòng và khoảng 2000 anh chị em thuộc các tôn giáo bạn đến từ khắp nơi trong giáo phận Xuân Lộc đã quy tụ về giáo xứ Hà Nội, giáo hạt Hố Nai để tham dự Khánh Nhật Truyền Giáo được tổ chức hằng năm, diễn ra lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật ngày 22/10/2017.

Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn cùng với Đức cha Chủ tịch Uỷ ban Loan Báo Tin Mừng thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Đức cha Phụ tá Gioan Đỗ Văn Ngân, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh nguyên Giám mục giáo phận. Ngày lễ còn có sự hiện diện của linh mục đoàn, quý cha đặc trách Ban Loan báo Tin mừng, quý tu sĩ nam nữ các dòng tu, quý chức, nhiều tác viên Tin mừng và cộng đoàn dân Chúa gần xa.

Ngày họp mặt thật hân hoan với nhiều tiết mục thật đặc sắc do quý Sơ thuộc các Dòng tu biểu diễn. Những điệu múa thật uyển chuyển, ngợi ca tình Chúa và tình người.

Đến gặp gỡ và chia sẻ niềm vui với các tân tòng, Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long đã giúp cộng đoàn tham dự thêm nhận biết Thiên Chúa là người Cha duy nhất luôn yêu thương con người vì chưng “Ngài thật là Đường là Sự thật và là Sự sống”, tin tưởng để qua đó mỗi người có ý chí và lương tâm Chúa ban, được Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn mà phân định được đúng sai, tốt xấu. Đức cha còn trực tiếp giải đáp những thắc mắc của nhiều anh chị em khi theo đạo Công Giáo, và việc kính nhớ di ảnh tổ tiên bên cạnh việc thờ phượng Thiên Chúa.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha Giuse mời gọi cộng đoàn cùng suy niệm để xác tín Chúa là nguồn hạnh phúc, là nguồn sống đích thực. Ai đã cảm được Chúa rồi thì hãy chia sẻ niềm vui khám phá này cho những anh chị em chưa biết. Đó không phải là một lệnh truyền nhưng là một ân huệ, một sự hãnh diện dành cho chúng ta. Đức cha mong người tín hữu hãy làm chứng cho Chúa, luôn giữ đức công bình trong mọi hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng chịu thiệt thòi để truyền đạt niềm vui cảm biết Chúa đến cho anh chị em mình.

Sau bài giảng, Đức Cha giáo phận đã chủ sự Nghi thức ban Bí tích Rửa tội và Thêm sức cho hơn 600 anh chị em tân tòng, chính thức đón nhận họ vào gia đình của Thiên Chúa.

Thánh lễ tiếp tục diễn ra thật trang nghiêm, sốt sáng và đã kết thúc tốt đẹp trong niềm vui trào dâng vì có Chúa cùng đi.

Khánh Nhật Truyền Giáo thường xuyên được Giáo phận Xuân Lộc tổ chức hằng năm, nhằm tạo ý thức và nhắc nhở người tín hữu về trách nhiệm truyền giáo trong cộng đoàn giáo xứ của mình với ước mong Tin mừng của Chúa ngày càng được tỏa lan khắp muôn nơi.
 
Đại Hội Thường Niên Tuyên Úy Đoàn Việt Nam Tại Pháp
Pt Phạm Bá Nha
17:21 23/10/2017
Trong ba ngày, từ 9 đến 13.10, 2017, Tuyên Úy Đoàn VN tại Pháp, chọn họp hàng năm lần thứ 40, ở Troyes trong trung tâm hội họp, đào tạo của địa phận. Là maison Notre Dame en l’Isle, 10 rue de Isle, 1000 Troyes, với chủ đề ‘‘40 năm Hành trình đức tin và hướng về tương lai’’. Đông nhất, số thành viên về họp lên tới 31, trên 40 tuyên úy các cộng đoàn VN trong nước Pháp, phần đông là các linh mục trẻ.

Ban Điều hành là Cha Gilbert Nguyễn Kim Sang (tân Giám Đốc GXVN Paris, chủ tịch), Cha Gioan Vũ Minh Sinh (GXVN Paris, Giới Trẻ), Cha Paul Maurice Lâm Thái Sơn (Strasbourg, Giới Trưởng Thành) và sr Elisabeth Trương thị Nhàn (thư ký). Cha Joseph Nguyễn Đức Dũng, tuyên úy Troyes, đăng cai đại hội, thuê phòng ốc, di chuyển và ẩm thực.

Ngày đầu, sáng, 10.10. 2017, Đ. Ô Giuse Mai Đức Vinh, từng tham dự ĐH TUĐ từ đầu, 1979, và đã làm chủ tịch TU Đ (1990 -1996), trình bày :

I. ‘‘Đại cương lịch sử và sinh hoạt Tuyên Úy Đoàn trong 40 năm qua (1977-2017)’’

qua 6 nhiệm kỳ các đại diện;

1. Nhiệm kỳ cha Samuel Trương Đình Hoè (1977-1984)

2. Nhiệm kỳ cha Phêrô Nguyễn Văn Tự (1984-1990)

3. Nhiệm kỳ cha Giuse Mai Đức Vinh (1990-1996)

4. Nhiệm kỳ cha Clêment Nguyễn Văn Thể (1996-2003)

5. Nhiệm kỳ cha Lucas Hà Quang Minh (2003-2009)

6. Nhiệm kỳ cha Gilbert Nguyễn Kim Sang (2010-2016 + 2017...)

II. ‘‘Đại cương lịch sử và sinh hoạt của Giáo Xứ VN Paris trong 70 năm qua (1947-2017), theo thời gian :

1. Liên đoàn Công Giáo VN (1945-1952)

2. Tổ chức Truyền Giáo VN tại Pháp (1952-1977)

- Nhiệm kỳ cha Giuse Nguyễn Quang Lãm (1951-1952)

- Nhiệm kỳ cha Pacifique Nguyễn Binh An (1952-1955)

- Nhiệm kỳ cha Phanxicô Trần Thanh Giản (1955-1971)

- Nhiệm kỳ cha Michel Nguyễn Quang Toán (1971-1977)

3. Giáo Xứ VN Paris (1977-2017)

- Nhiệm kỳ cha Samuel Trương Đình Hoè (1977-1979)

- Nhiệm kỳ cha Denis Lương Tấn Hoàng (1979-1980)

- Nhiệm kỳ cha Giuse Mai Đức Vinh (1980- 2017)

- Nhiệm kỳ cha Gilbert Nguyễn Kim Sang (2017-….)

III. Suy tư mục vụ. Những nhân đức tự nhiên, người làm mục vụ cần có :

- Lòng nhân đạo. Mình đến với mọi người

- Kính trọng tha nhân

- Sự ngay thẳng

- Lịch thiệp trong cách ăn mặc và nói năng

- Tình nghĩa gia đình

- Cần cù với bổn phận

- Tha thiết với cộng đoàn

- Giữ vững căn tính và văn hóa VN

Ngoài ra, người nghe còn nhận được tài liệu qúi : Những (8) văn kiện chính yếu của Tòa Thánh về mục vụ ngoại kiều.

- Tông huấn Exsul Familia (1952)

- Thông điệp Pacem in Terris (1963)

- Sắc lệnh Christus Dominus (1965)

- Hiến chế Gaudium et Spes (1965)

- Tự sắc Pastoralis Migratorium Cura (1969

- Lập Ủy ban Giáo Hoàng về di dân (197)

- Các diễn văn của ĐGH Gioan Phaolo II

- Các văn kiện của mấy HĐ GM (Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Đức (+ Tin Lành))

Chiều, Cha đại diện Gilbert Nguyễn Kim Sang tường trình sinh hoạt TU Đ và các cộng đoàn.

Ngày thứ hai, 11.10.2017

Sáng. Đón tiếp Đức Cha giáo phận Troyes, Marc Stenger. ĐC nói qua về hiện tình giáo phận và những quan tâm của giáo phận với di dân. Từ lâu và hiện nay, Troyes có bộ mặt nhân đạo, bác ái thân thiện. Có cha tuyên úy Joseph Nguyễn Đức Dũng và nhóm giáo dân VN. Hăng say và đóng góp cho giáo phận.

Trưa. Đức Cha, các tuyên úy dâng lễ. Có một số giáo dân tham dự. Cơm trưa, do giáo dân khoản đãi. Những tấm hình còn giữ lại. Chứng tỏ sự ấm cúng, có ‘‘mùi chiên’’ chưa từng có giữa mục tử và đoàn chiên nhỏ bé.

Chiều, tiếp theo, Cha đại diện Gilbert Nguyễn Kim Sang tường trình sinh hoạt TU Đ : Tổ chức thành công được khóa ca trưởng cấp 2. Khóa Trưởng thành ở Strasbourg. Và khóa họp Giới Trẻ ở Orsay.

Dịp này, các Tuyên úy đồng ký bức thư gửi cho Ủy Ban Ngoại kiều đề cử cha Gilbert Nguyễn Kim Sang làm đại diện TU Đ trong ba năm tới. Vì năm qua, Cha Sang hết nhiệm kỳ 6 năm, mà chưa có ai ! Nên cha tạm thời đảm nhận chức vụ này.

Ngày thứ ba, 12.10.2017

Sáng. Bàn thảo cho hành hương Lộ Đức, từ 3 đến 5.8. 2018, kỷ niệm 30 năm Phong Thánh (1988-2018). Với chủ đề : ‘‘Nữ Vương các Thánh Tử Đạo VN’’

- Chọn Ban tổ chức, các Tiểu ban (sẽ họp lại vào 13. 11. 2017 , sau trưa, tại GXVN Paris), Logo Đại Hội Lộ Đức.

- Các cộng đoàn VN tại Pháp tự lo đi, ở Lộ Đức. Ban tổ chức sẽ thông báo cho các cộng đoàn VN tại Âu châu

Chiều.

- Năm tới, 8-12. 10. 2018, TUĐ sẽ họp tại Nancy, cha Tuyên úy là cha Lâm Thái Sơn, với đề tài ‘‘Giới trẻ và ơn gọi’’

- Ban Internet : cha Phạm Hoàng Trí Dũng (Nice), cha Nguyễn Xuân Nghĩa (Chalon) và thày Cao Trọng Nghĩa (GXVN Paris) thông báo sơ thảo website của TUĐ lấy tên ‘‘Cộng Đoàn Công Giáo VN tại Pháp’’, ký hiệu và nội dung.

- Thăm thành phố Troyes, nhà thờ chính tòa.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm
Hà Minh Thảo
17:29 23/10/2017
Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm

Chúng tôi viết những bài này để :
- tưởng nhớ Tổng thống Ngô Ðình Diệm, người đã dành lại Ðộc Lập cho Tổ Quốc, xây dựng Ðất Nước về mọi mặt và đem lại An Bình cho Ðồng Bào ;
- đáp yêu cầu của những người Việt muốn biết những gì đã xảy ra trên Quê Hương Miền Nam Việt Nam thời khai sáng nền Cộng hòa Việt Nam ;
- ghi lại những gì bản thân mình biết năm 1963 đã đưa đến cái chết của vị Tổng thống dân cử, để nhà nước Mỹ cướp ‘quyền Dân Tộc tự quyết’ để đưa Việt Nam Cộng hòa vào tay cộng sản Bắc Việt. Họ lợi dụng chiêu bài ‘Vì nhân quyền’ để tiếp tay bạo quyền chống lại nạn nhân chế độ độc tài. Khi Obama sang Việt Nam năm 2016, Ted Osius, đại sứ hai nước (mang hai cờ trên áo) đã mời những người đòi nhân quyền có tiếng đến gặp Tổng thống Obama, nhưng ông đã ‘nhắm mắt’ để công an trấn áp dã man và bắt đi cho đến khi cuộc ‘xem mặt Obama’ chấm dứt, ‘côn đồ’ thả các vị này ra. Huề. Hiện nay, Tổng thống Trump sắp đến Việt Nam, các vị này bắt đầu bị làm khó dễ lại. Khi vì Tiền và Quyền, bọn ‘tư bản’ lẫn ‘cộng sản’ đều xấu giống nhau và chúng rất thân thiện với nhau.

Do đó, những tin tức được viết ra đây, chúng tôi đều x ác tín là ‘Sự Thật’ và, nếu có điều gì không hợp ý quý vị, chúng tôi xin được thứ tha.}

I.- QUỐC TRƯỞNG BỔ NHIỆM THỦ TƯỚNG.

Trong hồi ký ‘Le Dragon d’Annam’ (Con Rồng Việt Nam’, Quốc trưởng Bảo Đại cho thấy ông rất quý trọng ông Ngô Đình Diệm và đã mời ông này lập chính phủ tới 4 lần và ông chỉ nhận 2 lần :

1.- Lần đầu năm 1933, vì muốn thực hiện chương trình cải cách hầu khôi phục dần chủ quyền Việt Nam, vua Bảo Đại đã đặt Ngô Đình Diệm vào chức vụ thượng thư bộ Lại (Nội Vụ) đứng đầu nội các kiêm tổng thư ký hội đồng hỗn hợp Việt Pháp về ‘Canh Tân’ do nhận thấy : « Tôi cho vời một viên quan tỉnh trẻ tuổi nhất là Ngô Đình Diệm, lúc ấy làm Tuần Vũ tỉnh Phan Thiết, để đảm trách bộ Lại. Diệm năm ấy mới 31 tuổi, nổi tiếng là thông minh liêm khiết. Đây là một người quốc gia bảo thủ… ». Vì thấy người Pháp không đáp ứng những yêu cầu của ông về canh tân nên chỉ vài tháng sau Ngô Đình Diệm đã từ chức để phản đối, mặc dù nhà vua cố thuyết phục ông nên tiếp tục. Khi bất đắc dĩ phải chấp thuận cho ông từ chức nhà vua bảo ông Diệm: ‘Mong rằng sự ra đi của quan Thượng sẽ mở mắt cho người Pháp’… Lúc đó, Bảo Đại đã chỉ kỳ vọng ở ông Diệm khi viết ‘Ngô Đình Diệm đi rồi, tôi hoàn toàn thất vọng’.

2.- Lần thứ tư và cũng là lần chót ngày 18.06.1954 khi hội nghị Genève đang khai diễn, với viễn ảnh đen tối, nếu không nói là tuyệt vọng, cho giải pháp Bảo Đại và phe quốc gia, Quốc Trưởng lại một lần nữa tìm đến ‘người mà tôi tin cẩn’. Ông đã thuật lại đầu đuôi câu chuyện như sau:

« …Tôi cho vời Ngô Đình Diệm và bảo ông ta:
– Cứ mỗi khi tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.
– Thưa Hoàng thượng, không thể được ạ. Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…
– Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.
Sau một hồi yên lặng cuối cùng ông ta đáp:
–Thưa Hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.

Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá. Trước thánh giá tôi bảo ông ta:
– Đây Chúa của ông đây, ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.
Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh giá, ông nói với giọng nghẹn ngào:
–Tôi xin thề. »

Quốc trưởng Bảo Đại đã trao cho Ngô Đình Diệm toàn quyền dân sự và quân sự để có thể đối phó với tình hình cực kỳ khó khăn lúc ấy.

Sau khi hội kiến với các nhân sĩ và chức sắc tôn giáo Việt Nam đang có mặt ở Pháp, kể cả ông Ngô Đình Luyện là bạn học với Bảo Đại từ hồi còn nhỏ, Bảo Đại đã triệu Ngô Đình Diệm từ đan viện Saint–André de Bruges (Bỉ) để đến gặp ông ta tại lâu đài Thorenc ở Cannes. Như vậy, việc giao trọng trách cho Ngô Đình Diệm là quyết định riêng của Bảo Đại không có sự tham ý với người Pháp. Chỉ có hội ý với một người Mỹ mà Bảo Đại quen biết và tin tưởng là ông Bedell Smith, một đại diện Mỹ trong phái đoàn hMỹ ở Genèvre. Hai hôm sau, Bảo Đại thông báo sự bổ nhiệm và giới thiệu ông Ngô Đình Diệm cho Tướng Ely, Cao ủy Pháp tại Việt Nam.

Sau đó, ông Diệm có buổi ra mắt và họp báo tại Hôtel Palais d’Orsay (Paris). Trong thời gian lưu lại Pháp, ông Diệm thuê một phòng ngủ rẻ tiền, không nhà tắm ở Hôtel de la Gare, gần khu phố nghèo nàn gần nhà ga xe lửa Austerlitz. Đây cũng là bằng chứng về con người và nhân cách của ông Ngô Ðình Diệm.

Ngày 26.06.1954, ông Diệm bay về Sài Gòn, cùng với Hoàng thân Bửu Lộc, Thủ tướng xuất nhiệm, để trao lại quyền hành cho ông Diệm.

II.- THỦ TƯỚNG NHẬM CHỨC.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi ông Ngô Đình Diệm xuống máy bay- mặc dù có sự chuẩn bị chu đáo của những người ủng hộ ông Diệm- chỉ có khoảng 500 người đón tiếp ông mà phần đông thuộc giới Công Giáo và các thành viên Tổng liên đoàn Lao công Việt Nam. Một dấu hiệu không mấy tốt cho vị Thủ tướng trong hoàn cảnh này. Trong hoàn cảnh cực kỳ bấp bênh và rối loạn bên bờ vực thẳm về chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội. Lúc bấy giờ chỉ cần ổn định được tình thế thì đã xứng đáng là một vị cứu tinh rồi.

Chánh phủ Bửu Lộc chỉ bàn giao lại dinh Gia Long và sở Nội dịch với năm bảy chiếc xe cũ kỹ, với một tiểu đội cảnh sát canh gác. Vài hôm sau, Thủ tướng bay ra Hà nội để xem xét tình hình và tiếp xúc chánh khách miền Bắc để mời tham gia chính phủ và Nội các được trình diện quốc dân đồng bào ngày 07.07.1954. Trong đó, ông Ngô Đình Diệm là Thủ tướng kiêm Tổng trưởng bộ Quốc phòng và Nội vụ. Tuy nhiên, ông không có trong tay Quân đội (Tướng Nguyễn văn Hinh, Tổng Tham mưu trưởng, nắm giữ) và Công an Cảnh sát do Bình Xuyên chỉ huy.

III.- NHỮNG BIẾN CỐ ÐÁNG GHI TRONG NĂM 1954.

1.- Điện Biên Phủ thất thủ.

Tin Điện Biên Phủ mất vào ngày 07.05.1954, chẳng những làm thất vọng nhiều người Pháp mà còn tạo một bầu không khí tuyệt vọng nơi những người Việt quốc gia, trong đó có Bảo Đại, và cả người Mỹ.

2.- Hội nghị Genève 1954

Hội nghị Genève 1954 được khai mạc ngày 26.04.1954 tại Thành phố Genève (Thụy Sỹ) để bàn về vấn đề khôi phục hoà bình tại Triều Tiên và Đông Dương. Nhưng vấn đề Triều Tiên không đạt được kết quả, nên từ ngày 08.05.1954, vấn đề Đông Dương được đưa ra thảo luận, dưới sự đồng chủ tọa của Anthony Eden (trưởng đoàn Anh) và Viacheslav Molotov (trưởng đoàn Liên bang Xô viết) với các phái đoàn : Pháp, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Lào, Campuchia, Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Lào được ký bởi đại diện của hai lực lượng quân sự chính có liên quan, là Thiếu tướng Delteil (Pháp) và Tạ Quang Bửu (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) có nội dung chính như sau :

- Ngừng bắn ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương.
- Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam. - 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung. Dân chúng được tự do đi lại giữa 2 miền.
- Mỗi bên quản lý lãnh thổ Hiệp định chia cho mình cho đến khi tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam.
- Thành lập hai cơ quan kiểm soát: Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (tiếng Anh: International Control Commission, ICC; tiếng Pháp: Commission Internationale pour la Surveillance et le Contrôle, CISC) gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada, với Ấn Độ làm chủ tịch và Ban Liên hợp (tiếng Anh: Joint Commission; tiếng Pháp: Commission Mixte) gồm Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trưởng đoàn Quốc gia Việt Nam, Trần Văn Đỗ, phản đối sự chia cắt đất nước bất cứ ở đâu và đã không ký vào bản hiệp định. Hoa Kỳ cũng không ký.

Cuối cùng, vì tranh cãi và mặc cả vào buổi chiều ngày 20.07.1954, Hiệp ước đình chiến chỉ được soạn thảo xong và ký kết sau 12 giờ đêm, tức qua sáng 21.07.1954, nên đồng hồ ở trụ sở nơi họp vẫn giữ nguyên ở 12 giờ đêm 20.07.1954. Ngày 21.0-07-54, khi Tổng thống Eisenhower họp báo để giải thích hiệp định Genève cho quốc dân Mỹ, thì bên ngoài đã có một nhóm sinh viên Việt Nam biểu tình lên án các cường quốc chia đôi đất nước của họ.

3.- Cuộc di cư từ Bắc vào Nam.

Trong khi chính phủ Pháp đưa 36,000 quân viễn chinh Pháp vào Nam thì chính phủ Việt Nam, với sự trợ giúp phương tiện của Hoa kỳ và Pháp, phụ trách việc tiếp đón và tìm nơi tạm trú cho trên 800 ngàn đồng bào di cư từ Bắc vào Nam. Nếu công an và bộ đội cộng sản không ngăn chận bằng võ lực, thì số người di cư chắc chắn đã còn tăng cao hơn. Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho lập phủ Tổng Uỷ Di Cư.

Bản thân chúng tôi nhớ lại, lúc đó, được nghỉ học một thời gian ngắn vì trường được dùng làm nơi tạm trú và, khi đi học lại, các lớp học phải đón ba nhóm học sinh khác nhau : sáng, trưa và chiều. Tại các nhà thờ, vì lúc đó chưa thể dâng lễ đồng tế, nên chỉ một Linh mục dâng Thánh Lễ tại bàn thờ chính và, đồng thời, có thể có Linh mục khác dâng Thánh Lễ tại bàn thờ phụ với người giúp lễ bắt buộc.

4.- Đem lại Độc Lập cho Tổ Quốc.

Để cho Toàn Dân được Dân Chủ thì, trước hết, Tổ Quốc phải được Độc Lập tức Chủ quyền Quốc gia phải được ngoại bang tôn trọng và người dân có Tự Do. Khi đó, mỗi Công Dân mới có thể tham gia bầu người đại diện cho mình Lãnh đạo Đất Nước. Bởi thế, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phải tiến hành :

a./ Tiếp thu Dinh Norodom.

Khi từ Pháp về nước, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cư ngụ và làm việc tại dinh Gia Long như các Thủ tướng tiền nhiệm trong khi Cao ủy Đông dương (Haut-commissaire de France en Indochine đại diện chính phủ Pháp để ‘cai trị’ vùng đất thuộc địa. Trước 1945, chức này có tên là Toàn quyền Đông dương, Gouverneur-général de l'Indochine Française với nhiều quyền hành hơn) ở tại Dinh Norodom, rộng lớn hơn, biểu hiện quyền người Pháp ở Việt Nam. Do đó, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phải dành cho được nơi này.

Ngày 07.09.1954, Dinh Norodom được bàn giao giữa Cao ủy Pháp, Thống tướng 5 sao Paul Ely, và Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Khi đó, quốc kỳ Pháp được hạ xuống và cờ Việt Nam được kéo lên. Thủ tướng Diệm cho đổi tên thành Dinh Độc Lập.

b./ Dành quyền chỉ huy Quân đội.

Ngày Song thất (7 tháng 7) năm 1954, khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm thành lập Nội các, giới quan sát chánh trị quốc tế nhận định chánh phủ không thọ quá 6 tháng vì ông Diệm, tuy kiêm nhiệm Tổng trưởng Quốc phòng lẫn Nội vụ, nhưng không nắm được Quân đội và Cảnh sát. Các lực lượng này đặt dưới sự chỉ huy của Tướng Nguyễn văn Hinh, Tổng Tham mưu trưởng, và ông Lê văn Viễn, tức Bảy Viễn, thủ lãnh Bình Xuyên, đều là đàn em của Tướng Ely, Cao ủy Pháp.

Ngày 09.09.1954, Tướng Hinh dùng đài phát thanh Pháp Á để chỉ trích Thủ tướng và đòi cải tổ chánh phủ. Ngày 11.09.1954, Thủ tướng Diệm ra lệnh tướng Hinh phải đi Pháp trong vòng 24 tiếng, với nhiệm vụ khảo sát tổ chức quân đội Pháp trong vòng 6 tuần. Tướng Hinh từ chối và phản đối bằng cho một tiểu đội thiết giáp chạy quanh dinh Độc lập và dùng đài phát thanh chống chánh phủ. Tướng Hinh gởi thư yêu cầu sự can thiệp của Bảo Đại.

Ngày 20.09.1954, 9 trên 18 Tổng, Bộ trưởng lo sợ tình hình, đệ đơn xin từ chức. Nhưng Đại tá Landsdale (CIA) và Toà Đại sứ Hoa kỳ đã giúp ông Diệm giải quyết được cuộc khủng hoảng. Đại sứ Heath nói với tướng Hinh Hoa kỳ sẽ ngưng viện trợ quân sự và Đại tá Landsdale tặng hai vé phi cơ đi Manila cho hai sĩ quan tham mưu của tướng Hinh. Sau đó, Thủ tướng cử tướng Lê văn Tỵ thay tướng Hinh trong chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội.

Sự khó khăn khác lại đến với Thủ tướng Diệm vì ông từ chối đề nghị của Đại sứ Heath và tướng O’Daniel, trưởng đoàn cố vấn quân sự Mỹ, yêu cầu ông giữ tướng Hinh lại trong Quân đội. Do đó, Đại sứ Heath thay đổi thái độ, gửi điện tín về Washington để tố cáo Thủ tướng Diệm bất tài và cần thay đổi. Tuy nhiên, Tổng thống Dwight D. Eisenhower và Hội đồng an ninh Quốc gia cùng Lưỡng viện Quốc hội lại thấy ông Diệm có thể lãnh đạo mặt trận chống Cộng ở Đông nam Á châu, nên bác bỏ đề nghị của đại sứ Heath và Tổng thống gửi tướng Lawton Collins, đặc sứ sang Sài gòn với thư của Tổng thống Mỹ xác nhận ủng hộ Thủ tướng Diệm và đề nghị thảo luận với ông một chương trình viện trợ kinh tế và quân sự qui mô hơn.

Chuyện lại chẳng may, hai tướng Collins và Ely, Cao ủy Pháp, quen nhau từ Đệ nhị Thế chiến và Ely đã chi phối được Collins. Nên, ngày 08.12.1954, hai ông vào hội kiến Thủ tướng Diệm tại dinh Độc lập và yêu cầu bổ nhiệm ông Phan huy Quát làm Tổng trưởng Quốc phòng và Bảy Viễn làm Tổng trưởng Nội vụ. Ông Diệm từ chối, tướng Collins nổi giận và đề nghị chính phủ Hoa kỳ đưa Bảo Đại về và ủng hộ Phan huy Quát làm Thủ tướng thay ông Diệm. Nếu không thực hiện được điều này, thì Mỹ nên rút ra khỏi Việt Nam.

Đọc xong tường trình này, Tổng thống Eisenhower và Bộ trưởng Ngoại giao Foster Dulles thật hoang mang, lưỡng lự. Hai ông mời Thượng nghị sĩ Mike Mansfield (Dân chủ, đối lập) đến tòa Bạch ốc để hội ý và ông nầy bác thỉnh cầu của tướng Collins vì Thủ tướng Diệm đang hành động tích cực. Ngày 14.12.1954. Tổng thống Eisenhower chỉ thị cho tướng Collins tiếp tục viện trợ cho Việt Nam và ủng hộ Thủ tướng Diệm.

c. Độc lập về tài chính. Ngày 30.12.1954, chánh phủ Pháp và đại diện 3 nước Việt-Miên-Lào ký Hiệp định Paris, theo đó, Pháp nhìn nhận toàn vẹn chủ quyền tài chánh và tiền tệ của 3 nước Việt-Miên-Lào và có hiệu lực kể từ ngày 02.01.1955. Kết quả là từ nay, ngân khoản viện trợ của các nước được chuyển thẳng vào trương mục của Việt Nam, chứ không phải qua Ngân hàng Pháp quốc (Banque de France) như trước đó. Từ đây, chánh phủ Việt Nam toàn quyền quản lý ngân sách quốc gia.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng những thành quả đạt được trong 6 tháng qua thật đáng khích lệ, Thủ tướng Ngô đình Diệm cho tổ chức Thánh Lễ đêm Giáng sinh ngày 24.12.1954 ngoài sân sau dinh Độc lập, để tạ ơn Thiên Chúa.

IV.- NHỮNG BIẾN CỐ ÐÁNG GHI NĂM 1955.

1./ Thực thi chủ quyền tài chính.

Từ ngày 02.01.1955, chính phủ Ngô đình Diệm trực tiếp nhận viện trợ từ các nước khác, không phải qua Pháp. Do đó, ngân sách quốc gia chi trả lương cho quân nhân và công chức, tức quân đội tùy thuộc chính phủ.

Ngày 21.01.1955, Thủ tướng yêu cầu Pháp chấm dứt việc huấn luyện Quân đội Quốc gia Việt Nam và, ngày 11.02.1955, tướng Agostini (Pháp) và tướng Lê văn Tỵ, Tổng tham mưu trưởng, ký văn kiện chuyển toàn trách nhiệm về Quân đội cho chính phủ Việt Nam. Điều này không làm cho một số sĩ quan thân Pháp lâu nay hài lòng. Bây giờ, họ phải nhận lương hàng tháng từ Thủ tướng Ngô đình Diệm và làm việc với sự cố vấn của sĩ quan Hoa kỳ. Ngoài ra, trong số họ, có những kẻ đã đánh giết những dân ta kháng chiến chống Pháp từ 1945 khi họ phục vụ trong quân đội hay công an Pháp như Trần văn Đôn, Lê văn Kim, Dương văn Minh, Mai hữu Xuân, Trần thiện Khiêm, Đặng văn Quang, Đỗ Mậu… Ngày 12.02.1955, chính phủ thâu hồi lại quyền quản trị thương cảng Sài Gòn từ tay người Pháp.

2./ Sự hợp tác của các giáo phái.

Vào năm 1955, Pháp ngưng viện trợ các giáo phái Cao đài, Hòa hảo và Bình xuyên để xây dựng các lực lượng quân sự khoảng 20 ngàn quân, mua khí giới và còn có một số tiền mặt khá quan trọng khác. Bây giờ, họ phải cần sự tài trợ từ ngân sách quốc gia, tức phải xin chánh phủ Ngô đình Diệm. Đây là là yếu tố quan trọng nhứt để định đoạt thái độ các giáo phái đối với ông Diệm, vị Thủ tướng hợp pháp. Nhờ đó, ông Diệm đã thành công trong việc chấn chỉnh Quân đội và chấm dứt các giáo phái võ trang do thực dân Pháp dựng nên để chống Cộng.

Ngày 14.01.1955, đại tá Nguyễn Văn Huệ (Hòa hảo), tham mưu truởng của tuớng Trần văn Soái, đem 3.500 người về với Quân đội Việt Nam. Ngày 13.02.1955, Lực lượng Kháng chiến Liên Minh Quốc gia do tuớng Trình Minh Thế (Cao Đài) dẫn 5.000 quân về ủng hộ Thủ tướng Diệm. Các binh sĩ dưới quyền ông được sát nhập vào Quân đội Quốc gia, và ông Thế mang quân hàm Thiếu tướng. Ngày 10.03.1955, Thiếu tá Nguyễn Văn Đầy với 5.000 quân. Tướng Nguyễn Giác Ngộ, Lưc lượng Dân xã Hòa hảo, đã hứa đem 8.000 quân về, ngày 23.02.1955, nhưng chỉ thực hiện trong tháng 5, sau khi Bình Xuyên phải đầu hàng và Bảy Viễn trốn qua Pháp.

3./ Bình Xuyên tan rã.

a. Bài trừ tứ đổ tường.

Ngày 01.01.1955, giấy phép mở sòng bạc Đại Thế giới (Grande Monde) hết hạn. Nhưng Thủ tướng ký nghị định chấm dứt quyền khai thác cờ bạc tại Đại thế giới và mãi dâm tại Bình khang của Bình xuyên vì chủ trương của chánh phủ là bài trừ tứ đổ tường (cờ bạc, rượu chè, trai gái và hút á phiện), khiến họ không còn nguồn thu tài chính duy nhất. Trong đó, mỗi ngày, họ phải nộp cho Quốc trưởng Bảo Đại một triệu đồng (khoảng 28.500 Mỹ kim).

[Sòng bạc Đại Thế Giới do Toàn quyền Pháp Thierry d’Argenlieu cho phép mở năm 1946, mặc dù Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh cầm đầu chánh phủ Nam kỳ phản đối. Các Hoa kiều Chợ lớn trúng thầu trong hai năm đầu, trả 200 ngàn đồng mỗi ngày. Sau đó, người Hoa từ Áo Môn khai thác thêm vũ trường với vũ nữ và gái điếm hạng sang, trả 400 ngàn đồng/ngày. Năm 1950, Bảo Đại can thiệp để ông Lê Văn Viễn (Bảy Viễn), cầm đầu Bình Xuyên, được Pháp phát lương để nắm quyền Chợ lớn và nhiều quận thuộc tỉnh Gò công. Ông chịu trả cho Bảo Đại 100 ngàn đồng/ngày, cho bà Từ Cung (mẹ Bảo Đại) 100 ngàn đồng/ngày, cho Nguyễn Đệ (bí thư Bảo Đại) 10 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra, Bảo Đại còn cử ông Lai Văn Sang, đàn em Bảy Viễn làm Tổng Giám đốc Công an Cảnh sát Quốc gia. Tháng 02.1952, Bảo Đại phong Bảy Viễn quân hàm Thiếu tướng. Bảy Viễn còn là chủ sòng bạc Kim Chung (Cloche d'Or).]

Thủ tướng Ngô Ðình Diệm cũng yêu cầu Bảo Đại thâu hồi lại đạo dụ cử Lai Văn Sang làm Tổng Giám đôc công an, cảnh sát để ông cử một người khác thay. Trong thông điệp trả lời, Bảo Đại xác nhận sự tín nhiệm nơi ông Diệm trong chức vụ Thủ tướng, nhưng không đề cập gì đến yêu cầu trên. Nhưng, quyết định lành mạnh hóa xã hội này sẽ làm cho Bảy Viễn và Bảo Đại mất một mối lợi to lớn khiến họ sẽ cùng thực dân Pháp liên minh với nhau để đối phó với vị Thủ tướng đang được lòng dân.

b. Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia.

Do sự thúc đẩy của Bảo Đại và thực dân Pháp, ngày 05.05.1955, Bảy Viễn mời đại diện các giáo phái họp tại Chợ Lớn với lý do là miền Nam cần một chính phủ tốt hơn là chính phủ do Diệm ‘điên’ cầm đầu. Do đó, ông khuyên các giáo phái và Bình Xuyên đoàn kết để đòi nắm giữ các bộ then chốt về tài chánh, kinh tế và để ông Diệm chỉ làm vị mà thôi. Với tham vọng có thêm quyền hành và tiền bạc, các ‘tư tưởng lớn’ gặp nhau để đồng ý thành lập ‘Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia’. Họ cử Hộ pháp Phạm Công Tắc (Cao Đài) làm Chủ tịch và ông Lê Quang Vinh (Hòa Hảo, tự Ba Cụt) làm Tư lệnh quân sự. Tham dự phiên họp, còn có ông Nguyễn Đệ (Bảo Đại), các chính trị gia Nguyên tôn Hoàn (đảng Đại việt miền Nam), Phan Quang Đán (đảng Dân chủ), Hồ Hữu Tường… và hai tướng Cao Đài Trình Minh Thế (đã về hợp tác với ông Diệm) và Nguyễn Thành Phương (đang chuẩn bị về hợp tác chánh phủ).

Hoa kỳ không muốn thấy Mỹ chi tiền mà Pháp thao túng chính truờng Việt Nam, ngày 08.03.1955, Tổng thống Eisenhower tái xác nhận vẫn tiếp tục ủng hộ Thủ tướng Ngô Ðình Diệm nếu phải bác bỏ yêu sách của Mặt trận và gởi bản sao tuyên bố cho Bảo Đại. Ngày 22.03.1955, Mặt trận gởi tối hậu thư cho Thủ tướng Diệm và cho thời hạn 5 ngày sau phải thỏa mãn các yêu sách của họ. Nếu không, họ sẽ thi hành những biện pháp cần thiết. Trong đáp thư, Ngô Thủ tướng sẵn sàng điều đình với mặt trận vì tất cả những người yêu nước đều được mời gọi để xây dựng một quốc gia bền vững và thịnh vượng. Rất tiếc, Mặt trận bác bỏ lời mời này. Bình Xuyên đặt súng cối, dọa bắn vào dinh Độc Lập, nếu Thủ tướng Diệm từ chối các yêu sách của họ.

Đầu Xuân 1955, Đạo quân Ngự lâm quân (những quân nhân bảo vệ Quốc trưởng Bảo Đại, quân số cấp trung đoàn) do tướng Nguyễn Văn Vỹ chỉ huy hợp tác với Bình Xuyên. Hành động đó buộc Thủ tướng Diệm phải ngưng chức Tổng Thanh tra Quân đội mà chính ông Diệm đã cử lối sáu tháng trước. Ngày 27.03.1955, thừa lịnh Thủ tướng, đại tá Đỗ cao Trí tiến chiếm Bộ Chỉ huy Công an Cảnh sát do Bình Xuyên nắm giữ.

c. Tình hình Thủ đô Sài gòn trở nên căng thẳng.

Sáng 29.03.1955, vì muốn kiểm chứng các tin đồn sai sự thật do những người chống ông Diệm tung ra về tinh thần Quân đội, đại tá Lansdale và trung úy Redick (CIA) đến gặp ông Diệm tại dinh Độc Lập. Ông Lansdale nhận thấy tình trạng trong Dinh Độc Lập không giống như lúc tướng Nguyễn Văn Hinh dọa đảo chánh. Tiểu đoàn phòng vệ đang bố trí tác chiến vì tin Bình Xuyên sắp tấn công. Oâng xem xét lại hệ thống điện thoại vô tuyến vừa được thiết lập cạnh phòng ông Diệm, để ông liên lạc với các nơi trong trường hợp sự liên lạc bình thường bị cắt đứt. Ông cũng cho ông Diệm biết ông được lệnh không đến dinh Độc Lập và chỉ sử dụng hệ thống vô tuyến này nếu xảy ra sự xung độ giữa những người Việt Nam. Sau đó, ông Diệm trải một bản đồ Saigon–Chợ Lớn trên bàn và chỉ cho ông Lansdale những nơi được báo cáo là Bình Xuyên đã đặt súng cối để bắn vào dinh Độc Lập. Đại tá Lansdale nhận thấy ông Diệm rất bình tĩnh và tự chủ vì nắm vững tình hình và biết mình làm theo lương tâm, chứ không vì tiền bất chính.

Ngày 31.03.1955, trong một buổi lễ long trọng, tướng Cao Đài Nguyễn thành Phương hướng dẫn 8.000 binh sĩ diễn hành trong sân dinh Độc Lập và tuyên hứa ủng hộ chính phủ Ngô Đình Diệm.

Từ cuối tháng 03.1955, nhiều Tổng trưởng đã từ chức, kể cả các tướng Cao Đài, Hòa Hảo và Ngoại trưởng Trần văn Đỗ hay Tổng trưởng kế hoạch Nguyễn văn Thoại cũng như các viên chức cao cấp do Pháp bổ nhiệm. Một số chỉ huy quân sự cũng cho biết rằng họ không muốn can dự vào nội chiến. Trung tuần tháng 04.1955, Quân đội chính phủ cũng như Bình Xuyên củng cố các vị trí chiến đấu với những bao cát, hàng rào dây thép gai và tăng cường binh sĩ. Các lực lượng Pháp cũng đi vào Sài gòn, đậu chiến xa bên lề đường để bảo vệ lính Bình Xuyên di chuyển tự do. Nhiều đoạn đường, người dân lưu thông ở giữa đường và, hai bên đường, lính hai nhìn nhau quan sát. Người Pháp còn lập ra một khu vực Pháp, sát cạnh dinh Độc Lập.

Ngày 24.04.1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cải tổ Nội các với sự tham gia của tướng Trần Văn Soái và ông Lương Trọng Tường (Hòa hảo) và tướng Nguyễn Thành Phương (Cao đài). Ngày 25.04.1955, Thủ tướng ký sắc lệnh ngưng chức Tổng giám đốc Công an Cảnh sát của ông Lai Văn Sang, Tổng giam đốc Cảnh sát Quốc gia và cử Ðại tá Nguyễn Ngọc Lễ thay thế.

Hai tướng Ely (Pháp) và Collins (Hoa kỳ) yêu cầu Thủ tướng đề nghị để giải quyết vấn đề giáo phái, gồm 5 điểm chính:

- Chính phủ trở thành lâm thời và liên hiệp với một số người chống ông Diệm.
- Thủ tướng Diệm sẽ cứ một Tổng Giám đốc Công an Cảnh sát, được chính phủ liên hiệp và phe Bình Xuyên chấp nhận để khỏi đổ máu.
- Một hội đồng lâm thời, sẽ được đề cử và nhóm họp vào ngày 15.05.1955, mỗi giáo phái đề cử 60 đại biểu, dân di cư 10, ông Diệm 10. Hội đồng lâm thời này sẽ góp ý kiến với Bảo Đại nên cử ai làm Thủ tướng.
- Một hội đồng tối cao danh dự gồm lãnh tụ các giáo phái.
- Hai người em trai của ông Diệm là ông Ngô đình Nhu và ông Ngô đình Luyện phải rời xứ trong thời gian này.

Một cách khách quan, chúng ta đều thấy các đề nghị này là những giải pháp để hai tướng Pháp và Mỹ Collins thực thi chính sách thực dân cố hữu của Pháp hầu loại trừ ông Diệm khỏi trách nhiệm phục vụ Tổ quốc và Dân tộc mà Bảo Đại đã tha thiết yêu cầu ông nhận ngày 16.06.1954.

d. Chiến cuộc bùng nổ.

Người Pháp đã dự phần quan trọng vào cuộc nổi loạn của Bình xuyên nhằm bảo vệ quyền lợi của họ thời hậu Hiệp định Genèvre 20.07.1954. Theo đó, vì bị kiệt quệ và thất trận tại Điện biên phủ, Thủ tướng Mendés France phải ký chia đôi lãnh thổ Việt Nam, nhưng họ vẫn hy vọng để tướng Ély và các xí nghiệp kỹ nghệ Pháp tiếp tục khai thác và bóc lột tài nguyên quốc gia Việt Nam ít nhất trong 2 năm nữa và, sau đó, sẽ thương lượng với người cộng sản chiếm phần đất này. Nhưng, khi Thủ tướng Diệm nắm quyền, thì không như bao Thủ tướng thời Pháp khác, ông bảo vệ tài nguyên quốc gia vì đó tài sản thuộc sở hữu của toàn dân trong nhiều thế hệ, chứ không thuộc về ông hay đảng phái nào. Những thứ khác cũng vậy, người Pháp không thể hưởng lợi gián tiếp bằng cấp môn bài cho Bình xuyên hay Hoa kiều (người Trung hoa sống tại Việt Nam) thu lợi tức trên tiền bạc, thân xác đàn bà và sức khỏe người Việt vì quyền này từ nay hành sử bởi một vị Thủ tướng đạo đức. Bởi thế, thực dân Pháp phải liên kết với mọi thành phần ‘không ưa ông Diệm do mất quyền lợi’ khác như Bình xuyên, cộng sản… để chống lại Thủ tướng Diệm. Người Mỹ Lawton Collins cũng vậy mà thôi !

Đêm 29.03.1955, thừa lệnh Bảy Viễn, quân Bình xuyên bất ngờ bắn bích kích pháo (súng cối, mortier) vào dinh Độc lập. Người Pháp muốn dùng dịp này để cảnh cáo Thủ tướng Ngô đình Diệm. Chúng tăng cường quân Pháp lên đến 30.000 trong vùng Sài gòn–Chợ lớn, chưa kể các đơn vị tại vùng ngoại ô. Pháp cung cấp võ khí mới và 3 pháo thuyền nhỏ để Bình xuyên hoạt động trên các sông vùng này. Trong khi, ông Diệm muốn chuyển quân về Sài gòn thì tướng Ély không cấp phương tiện chuyên chở. Quân đội Pháp rất hạn chế cấp nhiên liệu như xăng nhớt cho các đơn vị Quân đội quốc gia.

Ông Diệm cố gắng thảo luận với nhiều nhân vật người Việt và ngoại quốc, như Đại tá Lansdale, về những biện pháp nào để tránh xung đột giữa Bình xuyên và chính phủ. Trong khi đó, Bảy Viễn chỉ biết đòi hỏi sự giải nhiệm ông Diệm như điều tiên quyết vì ông biết ông Diệm, người đặt vấn đề liêm chính và đạo đức cho đất nước lên trên hết, không bao giờ chấp nhận sự làm giàu do độc quyền kinh doanh cờ bạc, đĩ điếm và hút sách. Bây giờ, Bảy Viễn, với sự hổ trợ của Bảo Đại và thực dân Pháp, muốn dùng bạo lực để nắm chính quyền. Do đó, nhiều đơn vị Quân đội, trong có 5 tiểu đoàn Dù (gồm 2 tiểu đoàn người Nùng), dưới quyền đại tá Đỗ cao Trí, và binh sĩ của tướng Thế, đại tá Huê và thiếu tá Đày khoảng 4.500 người.

Trưa 28.04.1955, quân Bình xuyên lại pháo kích vào dinh Độc lập. Binh sĩ Dù tấn công vào trại Bình xuyên trên đại lộ Galliéni (tức Trần hưng Đạo, Sài gòn) và tại Đại thế giới.

Trong tình hình trận chiến bắt đầu, từ Cannes, Bảo Đại gởi điện tín :
- triệu hồi Thủ tướng Diệm và tướng Lê Văn Tỵ qua Pháp để tường trình về tình hình trong nuớc ;
- bổ nhiệm tướng Nguyễn Văn Vỹ, tư lệnh Ngự lâm quân Đà lạt, làm Tổng Tham mưu Quân đội quốc gia, được toàn quyền sử dụng mọi phuơng tiện cần thiết để giải quyết cuộc tranh chấp giữa Thủ tướng Diệm và các giáo phái.

Vào giữa trưa, Thủ tướng Diệm điện thoại mời đại tá Lansdale vào dinh Độc Lập gấp để nói là Ông vừa nhận được tin từ Hoa thịnh đốn cho biết là Tổng thống Eisenhower đã đồng ý để tướng Collins thay đổi chính sách về Việt Nam và thay thế chánh phủ Ông bằng một chính phủ liên hiệp. Ông Diệm nhìn thẳng mặt ông Lansdale và hỏi rằng: ‘tin này có đúng hay không ?’. Ông Lansdale trả lời ông không tin và sẽ điện về hỏi, nhưng phải mất nhiều giờ. Ông Diệm cũng cho biết là đang xảy ra những vụ nổ súng trên đường phố và Bình xuyên đã được Pháp viện trợ cho súng cối 81 ly để nhắm vào dinh Độc Lập.

Trước sự liên kết giữa Bảo Đại, tướng Ély và tướng Collins để chống lại chánh phủ của ông, Thủ tướng Ngô đình Diệm buộc lòng phải đối phó bằng cho lệnh phản công. Trại Bình xuyên trên đại lộ Galliéni nói trên, quân chánh phủ đã thắng dễ dàng một tiểu đoàn Bình xuyên, chiến binh đã chạy tán loạn vứt bỏ mũ bê rê xanh lục đầy đường.

Các đơn vị Quân đội quốc gia, tinh thần chiến đấu anh dũng, đánh vào vị trí Bình Xuyên tại trường trung học Pétrus Trương vĩnh Ký đã bắt được 37 người Pháp đánh phụ Bình xuyên và cũng chiếm khu sòng bạc Đại Thế giới. Đại tá Lansdale lái xe thị sát nhiều nơi trong Thủ đô Sài gòn–Chợ lớn, để báo cáo tình hình Bình xuyên chiến bại về trung ương tình báo CIA tại Hoa kỳ ở Langley, Virginia. Tuy nhiên, Cao ủy Pháp và tòa đại sứ Mỹ tại Saigon đã gởi báo cáo về Paris và Washington cho biết tình thế trái ngược, do chiến dịch truyền thông xuyên tạc dữ dội của người Pháp tại Sài gòn. Bởi vậy, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ phải điện xin thông tin từ đại tá Lansdale về ông Diệm còn sống, cầm đầu chính phủ và được Quân đội ủng hộ. Những điều đó cũng được xác nhận bởi Sĩ quan tùy viên lục quân tại Tòa đại sứ Mỹ và tướng O’Daniel, trưởng đoàn cố vấn quân sự MAAG (Military Assistance Advisory Group).

Trưa 28.04.1955, đại tá Lansdale, có trung úy Redick tháp tùng, đến gặp ông Diệm tại dinh Độc Lập. Nơi này, như một bãi chiến trường : ngoài vườn dinh có nhiều lỗ do trái phá nổ đào ra, nhiều bức tường trúng các mảnh trái phá. Thủ tướng tiếp hai ông trong một phòng nhỏ, gần phòng ngủ của ông. Ông cho họ biết Quân đội quốc gia đang làm chủ tình thế và cho họ xem điện tín mà Bảo Đại, đã giận dữ lắm, nói ông Diệm làm Thủ tướng để đoàn kết và phục vụ an ninh của dân Việt Nam. Trái lại, ông Diệm đã bất tuân, nay đã hủy hoại tình thân hữu với nước Pháp và đang đưa người Việt yêu chuộng hòa bình vào cuộc chiến tranh ghê tởm huynh đệ tương tàn… Do đó, khi nhận được điện tín này, ông Diệm phải đáp chuyến phi cơ đầu tiên rời Sài gòn đi Pháp trình diện Quốc trưởng và giao quyền chính phủ cho tướng Nguyễn văn Vỹ.

Thủ tướng Diệm nói với hai sĩ quan Mỹ : « Quyền hành chính phủ phải dùng để phục vụ Dân tộc. Tôi dành lại quyền công an cảnh sát từ Bình xuyên là đúng vì lâu nay họ làm giàu với sự độc quyền về cờ bạc, đĩ điếm và thuốc phiện. Nếu tôi rời Sài gòn đi Pháp, quyền hành sẽ lọt vào tay Bảy Viễn và Bình xuyên, việc này là một đại họa cho Dân tộc. Chính quyền không thể đặt nền tảng trên các tệ đoan mà dân chúng khinh chê và phải có căn bản vững chắc về liêm chính, dân chúng mới tham dự sinh hoạt quốc gia. Nếu không làm như thế, là không có tự do. »

Lúc đó, ông Nhu vào và cho biết biết đài phát thanh Bình xuyên đang loan nội dung bức điện tín của Bảo Đại khiến ông Diệm dứt khoát không đi để ở lại lãnh đạo chính phủ. Về đến Tòa đại sứ, ông Lansdale tường trình cho xử lý Randy Kider, tạm thế quyền Đại sứ khi tướng Collins, bị triệu về Hoa kỳ từ ngày 23.04.1955, và báo cáo cho trung ương CIA.

Ngày 30.04.1955, tướng Nguyễn Văn Vỹ, với sự hậu thuẫn của Ngự lâm quân Đà lạt, kéo về đóng quanh dinh Độc lập để đòi Thủ tướng trao cho ông quyền làm Tổng Tham mưu Quân đội quốc gia. Nhưng ông không thành công vì bị Đơn vị phòng vệ Dinh và quân Cao đài của Trình minh Thế chận đường để tước khí giới. Thất bại, tướng Vỹ bỏ về Đà lạt.

Chiều ngày 29.04.1955, Cao ủy Pháp Ély vận động ngưng chiến để cứu nguy cho Bình xuyên nhưng thất bại. Do đó, ông cho 400 xe bọc sắt chạy rầm rộ qua các đường phố Sài gòn để thị uy. Quân đội quốc gia tiếp tục đánh bật quân Bình xuyên ra khỏi Chợ lớn rồi tiếp tục truy kích đến Rừng sát, bắt buộc phải đầu hàng. Trên đường truy đuổi Bình xuyên ra khỏi Sài gòn–Chợ lớn, tướng Trình minh Thế bị bắn tử thương trên cầu Tân Thuận ngày 03.05.1955 trong khi ông chỉ huy cuộc tiến quân qua cầu (Pháp đã thú nhận họ sát hại tướng Thế để trả thù cho Thiếu tướng Charles Chanson đã bị Hắc y ám sát năm 1951 tại Sa đéc ? – Ông Diệm bật khóc, nước mắt dàn dụa khi nghe tin tướng Thế chết.). Bảy Viễn trốn sang Cambodge và đi Pháp sinh sống.

e. Thủ tướng Ngô đình Diệm tìm sự ủng hộ của Quốc dân Đồng bào ?

Để đối phó với Quốc trưởng, Thủ tưởng Diệm đã khôn ngoan tìm được một lực lượng mạnh mẽ và chính đáng để đương đầu : Quốc dân. Nhân biến cố cướp quyền này, Hội đồng Nhân dân Cách mạng ra đời và, sau đó, tuyên cáo yêu cầu truất phế Bảo Đại và mời ông Diệm thành lập chánh phủ khác để đối phó với tình trạng khẩn trương.

Hoa kỳ hân hoan về sự chiến thắng của Thủ tướng Diệm, quá sự mong đợi của họ. Đến nay, do có hai nguồn báo cáo có nhiều bất đồng, nên dù ủng hộ ông Diệm, họ vẫn hồ nghi về sự thành công của nhà chính trị mang sắc thái tu sĩ này. Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles cho rằng ông hy vọng thành công cứu được miền Nam khỏi cộng sản chỉ một phần mười. Nhiều nhận định bi quan và rất bi quan khác cũng được các chính trị gia thuộc Hành pháp và Lập pháp Hoa kỳ đưa ra, kể cả bản tường trình của Đại sứ Donald Heath ngày 17.12.1954 về khả năng thành công của ông Diệm vì ‘có mọi bằng cớ cho thấy rằng người Pháp không muốn ông Diệm thành công’.

‘Quốc dân Đồng bào’ lúc đó là những ai? Thủ tướng không tìm sự ủng hộ của ‘Cần lao Nhân vị Cách mạng’ mà cần một lực lượng đại diện cho Toàn dân chủ Đất Nước. Do đó, Người triệu tập ngay Đại diện các Chánh đảng và những Nhân sĩ Quốc gia (Trần quốc Bữu, Trần trung Dung, Trần chánh Thành, có cả hai bác sĩ Bùi kiện Tín và Huỳnh kim Hữu) vào ngày 29.04.1955, để xin ý kiến: ‘Nên tuân lệnh Quốc trưởng Bảo Đại triệu qua Pháp hay không?’. Hành vi này ngụ ý đặt Hội nghị trước một sự chọn lựa dứt khoát: ‘Bảo Đại’ hay ‘Ngô đình Diệm’ ?

Phiên họp khai mạc lúc 10 giờ tại phòng khánh tiết dinh Độc lập, Thủ tướng nói vài lời cám ơn và cho biết lý do mời họp. Ông trở lên lầu để các thành viên hội nghị tự do thảo luận. Hội nghị bắt đầu làm việc bằng bầu: ông Nguyễn bảo Toàn, bí thư Dân xã đảng (Hòa hảo), làm Chủ tọa và ông Phạm việt Tuyền, ký giả, làm thư ký. (Sáng nay có 3 trái pháo kích Bình xuyên bắn vào dinh Độc lập và một trái nổ ngay đúng lúc Hội nghị bắt đầu làm việc).

Trong phần phát biểu, ông Nhị Lang, đại diện Mặt trận Quốc gia Kháng chiến Việt Nam, đứng lên tuyên bố (đại ý) : Bảo Đại ở ngoại quốc là Quốc trưởng vô dụng cần trút bỏ quyền hành lãnh đạo quốc gia của ông. Sài gòn đang có biến, dân chúng đang xôn xao, lo sợ, tại sao Bảo Đại chọn ngay lúc nầy để buộc Thủ tướng phải bỏ nước sang Pháp xa xôi kia, hầu ‘tham khảo ý kiến?’ Xin thảo luận ngay việc truất phế Bảo Đại. Đến đây, tuy hội nghị sửng sốt trước đề nghị táo bạo này, nhưng đại tá Hồ Hán Sơn, đại diện tướng Cao đài Nguyễn Thành Phương, đứng lên và tuyên bố : Việt Nam Phục Quốc hội đồng ý và đừng bận tâm tới triệu thỉnh vô lý của Bảo Đại mà hãy đồng tâm làm cách mạng, chấm dứt ngay vai trò Quốc trưởng của Bảo Đại.

Sau đó, hội nghị bầu một Ủy ban Cách mạng Quốc gia, gồm 3 nhân vật : ông Nguyễn bảo Toàn, Chủ tịch, ông Hồ hán Sơn, Phó chủ tich, Nhị Lang làm Tổng thư ký. Nhờ sự đóng góp ý kiến của mọi thành viên tham dự, sau một giờ soạn thảo, Ủy ban hoàn thành bản Kiến nghị. Sau đó, Chủ tịch Nguyễn bảo Toàn đọc hai lần, 52 người đều chấp nhận và ký tên. Khi đó, Chủ tịch lên lầu mời Thủ tướng xuống nghe kết quả hội nghị.

Ông Diệm vào phòng họp với vẻ lo buồn, Chủ tịch Ủy ban, cảm động và quả quyết đọc lớn : « Thay mặt cho toàn thể Hội nghị, tôi xin trình Thủ tướng kết quả Hộâi nghị là bản Kiến nghị gồm 3 điểm :
1.- Truất phế Quốc trưởng Bảo Đại ;
2.- Giải tán Chánh phủ Ngô đình Diệm ;
3.- Ủy nhiệm chí sĩ Ngô đình Diệm thành lập chánh phủ mới để trừng trị bọn phiến loạn Bình xuyên, thu hồi chủ quyền quốc gia, yêu cầu triệt thoái quân đội viễn chinh Pháp và tổ chức bầu cử quốc dân đại hội.
Làm ngày 29, tháng 04, 1955
Đại diện 18 chánh đảng và đoàn thể cùng 34 nhân sĩ ký tên. »

Nghe đến ‘Truất phế Quốc trưởng Bảo Đại’, mặt ông Diệm đỏ lên rồi từ từ biến sắc, lặng người, tay nhận bản kiến nghị và cố gắng lấy lại bình tỉnh, hết sức chẫm rãi nói : « Xin quí ngài cho tôi… có thời giờ suy nghĩ kỹ về vấn đề trọng đại nầy! Xin cám ơn quí ngài! ». Hội nghị đã kết thúc và giải tán lúc 17 giờ.

Thủ tướng Ngô đình Diệm bị đặt trước một sự đã rồi và cuộc Cách mạng bắt đầu tuy nơi Người, ông vẫn còn nghĩ đến một chế độ Quân chủ lập hiến. Nhưng để hợp với ý đại diện Quốc Dân, ông phải cùng họ tiến đến một chế độ Cộng hòa cho Việt Nam.

Thủ tướng Ngô đình Diệm cải tổ chính phủ ngày 10.05.1955 và tuyên bố tổ chức tuyển cử Quốc hội Lập hiến dự trù vào ngày 04.03.1956.

d. Thu hồi Chủ quyền về ngoại giao

Hai tuần sau khi tướng Collins rời Saigon để trở về chức vụ cũ tại Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Đại sứ Hoa kỳ mới G. Frederick Rheinhardt đến Sài gòn. Ông tuyên bố thực thi chính sách của Hoa kỳ là ủng hộ chính phủ hợp pháp Ngô Đình Diệm.

Trong phiên họp ngày 11.05.1955, ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles yêu cầu không nên để vấn đề Việt Nam làm sứt mẻ mối bang giao Pháp–Mỹ và đề nghị Pháp hãy tiếp tục ủng hộ ông Diệm cho đến khi Quốc hội được bầu ra và quyết định về cơ cấu chính trị có thể bao gồm ông Diệm hay không. Ngoại trưởng Anh MacMillan cũng ủng hộ đề nghị Hoa kỳ vì đặc phái viên Anh quốc tại Đông Nam Á đã báo cáo rằng ông Diệm đã chiến thắng và ông Diệm nên được ủng hộ.

Sau khi thấy ngoại trưởng Anh đồng ý với ngoại trưởng Mỹ, nên Thủ tướng Pháp Edgar Faure cũng chấp thuận theo và nhấn mạnh rằng chính phủ Ngô đình Diệm phải được mở rộng, tổ chức tuyển cử Quốc hội sớm, cần giải quyết vấn đề giáo phái, chấm dứt sự tuyên truyền chống Pháp, giữ Bảo Đại làm quốc trưởng, các viên chức Mỹ làm hại bang giao Pháp–Mỹ như Edward Lansdale phải bị triệu hồi về nước và Hoa kỳ bảo đảm các quyền lợi, kinh tế, văn hóa và tài chánh của Pháp tại miền Nam. Ông Dulles đáp : nói chung, ông đồng ý với các ý kiến của Thủ tướng Pháp, nhưng cần biết rằng ông Diệm không phải là bù nhìn của Hoa kỳ, nên ông không thể bảo đảm các vấn đề liên hệ với Việt Nam được. Kết quả, từ đó, Pháp và Hoa kỳ đã có những chính sách khác nhau về Việt Nam.

Trong thực tế, chính phủ Pháp bối rối vì chính phủ Diệm đã đưa ra hồ sơ ‘các hành động giúp Bình xuyên và chống chính phủ của quân đội Pháp’. Một số sĩ quan Pháp làm cố vấn cho Bình xuyên bị bắt giữ tại trận, đài phát thanh Bình xuyên đã được đặt trong một doanh trại Pháp, một xe cứu thương Pháp bị bắt quả tang chở vũ khí cho Bình xuyên khi chiến sự đang tiếp diễn… Do đó, Thủ tướng Diệm dứt khoát đòi chánh phủ Pháp phải triệu hồi vềâ nước những thủ phạm nói trên.

Nhân cơ hội Cao ủy Pháp Paul Ély mãn nhiệm và về Pháp ngày 20.06.1955, Thủ tướng Diệm yêu cầu Pháp chỉ cử Đại sứ và phải được Việt Nam chấp nhận trước như các nước khác. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Pháp rút hết các lực lượng quân sự về nước. Quân nhân Pháp cuối cùng rời lãnh thổ Việt Nam vào ngày 28.04.1956.

Hà Minh Thảo
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Một cách đọc tích cực đối với tông huấn Niềm Vui Yêu Thương
Vũ Văn An
22:58 23/10/2017
Linh mục James F. Keenan, Dòng Tên, cho rằng với Phục Sinh, “mọi sự trở nên mới… Và, nếu ta dám chấp nhận ơn thánh đức tin, ta có thể thấy một năng động tính mới… Năng động tính Phục Sinh, một năng động tính mời gọi ta nhìn sự việc ra mới, mời gọi ta thấy không phải điều được phép mà là điều được kêu gọi, theo tôi, rất hiển hiện trong tông huấn Niềm Vui Yêu Thương”.

Thực vậy, trong tông huấn trên, theo Cha Keenan, có rất nhiều điều mới mẻ không hề làm ta lo lắng. Vì trong Giáo Hội, mới mẻ không bao giờ mâu thuẫn với quá khứ. Phục Sinh luôn liên kết với Bêlem! Sự mới mẻ của Niềm Vui Yêu Thương hết sức khéo léo đem truyền thống vào hiện tại, vì lợi ích tương lai. Truyền thống luôn cần khai triển như nhà thần học vĩ đại Marie Dominique Chenu từng viết; nếu không, nó không thể đem ta tới tương lai.

Theo Cha Keenan, sau đây là 12 điều mới mẻ của Niềm Vui Yêu Thương.

1. Niềm Vui Yêu Thương đánh dấu một khúc rẽ. Theo Cha Keenan, khúc rẽ (Wendpunkt) chính là tên các nhà thần học Đức gọi Niềm Vui Yêu Thương trong một cuốn sách do họ biên tập. Vì theo họ, có nhiều viễn ảnh tươi mát trong tông huấn này: giáo huấn thượng hội đồng, nền thần học tương quan về hôn nhân, lương tâm ra lệnh, đồng hành thừa tác, thương xót mang thương xót, giáo hội tuyên xưng. Còn các nhà thần học Bỉ thì gọi Niềm Vui Yêu Thương là “Điểm Bất Phản Hồi” (Point of No Return).

2. Hoa trái của một giáo hội có tính công đồng. Hai mươi lăm trước đây, Đức Tổng Giám Mục John Quinn cho rằng chúng ta có các công đồng ra quyết định, không khác tinh thần của Công Đồng Giêrusalem trong Công Vụ 15. Tại Công Đồng đó, các thánh Phêrô, Phaolô và Giacôbê, cùng với các vị khác trong ban lãnh đạo Giáo Hội mạnh bạo bàn tới việc làm thế nào để thích ứng với người ngoại giáo về phương diện mục vụ, dưới ánh sáng các thực hành của Giáo Hội lúc đó.

Trong bối cảnh trên, tông huấn Niềm Vui Yêu Thương đã phát sinh từ việc làm của hai Thượng Hội Đồng trong đó các nhà lãnh đạo Giáo Hội cũng vật lộn, lý luận, tranh cãi và đấu tranh về tình trạng hiện thời của hôn nhân Công Giáo và nhu cần phải có các giải đáp mục vụ cho cuộc sống của những người kết hôn.

3. Xin mạn phép tín lý! Đây là một tông huấn mục vụ. Một trong các vị tham dự Thượng Hội Đồng lên tiếng đầu tiên khi tông huấn vừa được công bố là Đức Hồng Y Kasper: “nó không thay đổi bất cứ điều gì của tín lý Gío Hội hay của giáo luật – nhưng nó thay đổi tất cả”.

Đức Hồng Y Kasper hiểu rõ cái nhìn thông suốt của sử gia giáo hội John O’Malley khi nhắc nhở chúng ta rằng Công Đồng Vatican II là một công đồng mục vụ về cả văn phong lẫn nội dung. Ngài cũng nói thêm rằng các đường hướng chính trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều là giáo huấn của Vatican II.

Và theo O’Malley, giáo huấn được coi là mục vụ khi ta cố gắng hiểu đúng tín lý. Giáo huấn mục vụ không bao giờ là người em tồi của tín lý, mà là bạn đồng hành. Nhờ giáo huấn mục vụ, tín lý được giảng dậy cách hữu hiệu. Và theo John Noonan, Jr., chính nhờ giáo huấn mục vụ mà tín lý được khai triển.

4. Nền thần học hôn nhân có tính cụ thể và tương quan sâu sắc. Đức Phanxicô đôi lúc tỏ ra không vui khi người ta chỉ lưu ý tới chương tám của Niềm Vui Yêu Thương mà bỏ qua 7 chương đầu. Phải đọc trọn cả 8 chương, người ta mới nắm được giáo huấn mới của huấn quyền về hôn nhân.

Nhà thần học Đức, Konrad Hilpert, nhận ra mối tương quan năng động giữa hôn nhân và tính dục trong Niềm Vui Yêu Thương như là chìa khóa của sự mới mẻ nói trên. Ông cho rằng tập chú của nền đạo đức học tương quan của nó không phải là hành vi tính dục và các qui luật xác định về nó, mà đúng hơn, là bối cảnh thông đạt trong đó, một con người tiến tới chỗ ý thức tốt hơn về khả năng biết, hiểu, chấp nhận và yêu thương một con người khác.

Ở đây, ở Hoa Kỳ, có thể nói Julie Hanlon Rubio là người viết nhiều và viết có ý nghĩa hơn cả về nền thần học hôn nhân. Bà cho rằng đóng góp hàng đầu của tông huấn là “lời nó kêu gọi các cặp vợ chồng trì chí trong tình yêu phu thê qua thời gian. Nó đề cập tới các câu hỏi quan trọng: ‘Tại sao kết hôn? Tại sao tiếp tục ở lại trong hôn nhân? Và cung cấp các câu trả lời tốt đẹp hơn bất cứ giáo huấn Công Giáo chính thức nào khác về hôn nhân”.

5. Dĩ nhiên, bạn cần một sách vỡ lòng mới mong đọc được nó. Các sách vỡ lòng thuộc loại này không cần thiết vì lẽ tông huấn phức tạp, mà đúng hơn vì lẽ nó có tính nền tảng và rộng dài. Nền thần học này cần được lên xương thịt cho các giáo hội địa phương. Việc này cũng đã phát sinh ra cả một thị trường các sách vỡ lòng này. Người Pháp đã phát hành một cuốn, được coi như “một cuộc hành trình cùng đi với nhau”.

Học Viện Dòng Tên ở Nam Phi đã cung cấp một cuốn tương tự như thế. Các sách vỡ lòng bằng tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức đã được phổ biến khắp nơi trên liên mạng. Ở Hoa Kỳ, tạp chí National Catholic Reporter cũng đã cung cấp một cuốn của họ, rồi Julie Hanlon Rubio phát hành một cuốn chỉ dẫn đào tạo đức tin về nó qua nhà Liturgical Press và nay Tom Rausch cùng Roberto Dell’Oro đang chủ biên một tuyển tập cho nhà Paulist Press.

6. Nền thần học luân lý có một trách vụ mới: đồng hành với những người khác trong việc đào tạo lương tâm họ. Connor Kelly viết rằng với tông huấn này, Đức Phanxicô thay đổi trọn bộ trách vụ của thần học luân lý: Từ nay, không những lương tâm thừa nhận sự thật luân lý như đã được giảng dậy, mà nó còn biện phân và xác định rõ đường đi của nó cho tương lai. Mọi người Công Giáo phải để lương tâm mình trở thành hướng dẫn viên của mình.

Kelly bảo ta phải chú ý tới đoạn 303. “Thế nhưng, lương tâm không những có thể thừa nhận rằng một hoàn cảnh nhất định nào đó không tương ứng một cách khách quan với các đòi hỏi tổng quát của Tin Mừng.

"Nó còn có thể thành thực và trung thực nhìn nhận rằng đối với hiện nay, đây là đáp ứng quảng đại nhất có thể có đối với Thiên Chúa, và tiến tới chỗ nhìn thấy một cách khá chắc chắn rằng về phương diện luân lý thì đây là điều chính Thiên Chúa đòi hỏi giữa tính phức tạp cụ thể trong các giới hạn của họ, dù nó chưa trọn vẹn là lý tưởng khách quan.

"Dù sao, ta hãy nhớ rằng việc biện phân này có tính năng động; nó phải mãi mãi cởi mở đối với các giai đoạn tăng trưởng mới và các quyết định mới có khả năng giúp cho lý tưởng này được thể hiện cách trọn vẹn hơn”.

Việc Đức Giáo Hoàng nói đến khả năng biện phân của lương tâm hoàn toàn ăn ý với nền thần học của Công Đồng, nhất là trong Gaudium et spes. Kelly viết: “Khi nghiêm chỉnh nhận lấy ý tưởng này của Công Đồng, Niềm Vui Yêu Thương đã thăng tiến một cách có ý nghĩa cái hiểu của huấn quyền về lương tâm, nói lên một bước nữa trong diễn trình liên tục khai triển và phục hoạt truyền thống vốn sinh động trong Giáo Hội từ thời Vatican II”.

Điều trên có nghĩa lương tâm Công Giáo nay tự do được quyền làm ngơ giáo huấn của Giáo Hội hay không? Không. Nhưng ta nên hỏi giáo huấn của Giáo Hội trực tiếp ra lệnh đến mức nào cho các quyết định bình thường của lương tâm Công Giáo.

Giáo Hội hướng dẫn ta trong một số vấn đề thuộc việc làm cha mẹ và đời sống phu thê, nhưng việc sống ơn gọi đó trên căn bản hàng ngày tùy thuộc sự biện phân tích cực của lương tâm để biết được điều gì tốt nhất cho con cái, cho hôn nhân và cho gia đình. Ở nơi làm việc cũng thế, vấn đề giải trình trách nhiệm (accountability), sự hợp tình hợp lý, sự trong sáng, và tính cẩn mật tư riêng thúc đẩy ta thường xuyên phải sử dụng lương tâm.

Các quyết định đa dạng phải đưa ra hàng tuần trên đây không được thực hiện bằng các tham chiếu một thủ bản có tính huấn quyền nào đó, mà đúng hơn bằng cách thường xuyên tra vấn lương tâm mình.

7. Thói quen nại tới lương tâm mình chính là việc biện phân luân lý. Đức Phanxicô đã nắm được ý tưởng tuân theo lương tâm khi nói tới biện phân. Việc nhấn mạnh tới biện phân này thường được các độc giả của thông điệp nhận ra; như các biên tập viên của tạp chí Commonweal từng ghi nhận, đây là việc “thừa nhận tính phức tạp của con người và sự ủng hộ tính phụ đới”.

Các nhà thần học luân lý coi việc huấn quyền cổ vũ việc biện phân này như lời mời gọi chúng ta thăm dò cách làm thế nào, người Công Giáo chúng ta, bằng lương tâm, biện phân được điều Chúa Kitô hằng yêu cầu chúng ta bất luận ở thời nào. Chính đây là điều nhiều người gọi là lời tông huấn mời gọi ta đừng sa vào chủ nghĩa duy tối thiểu mà là duy tối đa.

8. Đồng hành là kiểu mẫu của thừa tác vụ Niềm Vui Yêu Thương. Tiếng nói, phong thái, và các tầm nhìn thấu suốt của Đức Phanxicô có tính mục vụ tuyệt diệu và hiện diện cùng khắp tông huấn. Chúng hiện diện cùng khắp đến nỗi khi đọc tông huấn, ta có cảm giác kỳ lạ là Đức Phanxicô đang nói với chính ta; ngài thực sự theo bước chân ta từ phòng này qua phòng nọ trong nhà ta cho tới khi ngồi xuống dưới bếp và ta cảm thấy ngài đang nói với ta về việc cho và nhận trong các mối tương quan. Nhưng, đồng thời, ngài cũng lắng tai nghe, chờ câu trả lời và bình luận của ta. Ngài đồng hành với ta khi ta đối phó với cuộc hôn nhân, với các mối liên hệ của chính ta.

Có thể nói đồng hành là hiệu lệnh được Đức Phanxicô gửi tới các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và các thừa tác viên giáo dân của ngài. Chúng ta được mời gọi đồng hành với người khác trong lúc họ đào tạo lương tâm họ và đưa ra các quyết định hàng ngày trong cuộc hôn nhân, trong gia đình và trong cộng đồng của họ.

9. Việc đồng hành nối kết chứ không dẹp bỏ lương tâm Công Giáo. Ở phần đầu tông huấn, Đức Phanxicô viết rằng “Chúng ta được mời gọi đào tạo các lương tâm chứ không thay thế chúng” (Niềm Vui Yêu Thương 37). Qủa là câu nói thời danh. Nó được trích dẫn rất nhiều lần như một nhận định tự phê đối với thừa tác vụ giáo huấn và giảng dậy của Giáo Hội.

Câu nói trên xuất hiện lúc Đức Phanxicô đề cập tới việc ta thường không cởi mở đối với hành động của ơn thánh. Ngài bảo: “ta cũng thấy khó dành chỗ cho lương tâm của tín hữu, những người rất hay hết lòng đáp ứng Tin Mừng giữa nhiều hạn chế của họ, và có khả năng thực hiện việc biện phân của họ trong các tình huống phức tạp”. Đây là một văn kiện của huấn quyền biết dành chỗ cho lương tâm Cng Giáo.

10. Thừa tác vụ đồng hành này không khác chi các giáo huấn mục vụ của Đức Gioan Phaolô II. Ta có thể nhận ra khá nhiều lời giảng dậy trong đó Đức Gioan Phaolô II cung cấp cho các cặp vợ chồng các giải pháp mục vụ về đồng hành. Hai lời chỉ giáo đó tìm thấy trong tông huấn Familiaris Consortio (1981). Lời thứ nhất, ở số 34, nói tới diễn trình hợp pháp qua đó, một cặp vợ chồng dù nhìn nhận thẩm quyền của Humanae Vitae, nhưng vì không thể tuân theo giáo huấn của nó, nên đã đi tìm lời khuyên bảo mục vụ và trong một số trường hợp, nhờ luật tiệm tiến, mà được rước lễ dù họ vẫn thực hành việc kiểm soát sinh đẻ.

Lời chỉ giáo thứ hai về đồng hành tìm thấy ở số 84. Điều đáng lưu ý là trong cuộc họp báo công bố Niềm Vui Yêu Thương, Đức Hồng Y người Áo, Christoph Schönborn, được hỏi làm cách nào giảng hòa việc Đức Phanxicô mở ra vấn đề xưng tội và rước lễ của người ly dị tái hôn với việc Đức Gioan Phaolô II bác bỏ việc cho phép những người này rước lễ chỉ trừ sau khi xưng tội, họ đồng ý sống “tiết dục hoàn toàn” (84).

Đức Hồng Y trả lời rằng: Với tông huấn Familiaris, Đức Gioan Phaolô II cho phép các người Công Giáo ly dị tái hôn nhưng sống “tiết dục hoàn toàn” được rước lễ. Trước Đức Gioan Phaolô II, không có vị giáo hoàng nào nói tới khả thể này cả. Bởi thế, giống như Đức Gioan Phaolô II, há Đức Phanxicô không được phép nêu lên các vấn đề khác hay sao?

Đức Hồng Y nói tiếp “ở đây, có sự liên tục trong giáo huấn, nhưng cũng có điều mới mẻ thực sự. Có sự phát triển thực chất về tín lý, chứ không phải gián đoạn”.

Rocco Buttiglione trên tờ Osservatore Romano của Tòa Thánh nói thêm vào chỗ Đức Hồng Y Schönborn còn bỏ ngỏ. Ông đặt câu hỏi: “Có chăng bất cứ sự mâu thuẫn nào giữa các vị giáo hoàng ra vạ tuyệt thông cho các người ly dị tái hôn và Thánh Gioan Phaolô II, người đã cởi bỏ vạ tuyệt thông đó?” Làm sao Đức Phanxicô lại có thể khác với Đức Gioan Phaolô II? Cả hai vị đều đọc các dấu chỉ thời đại và hướng dẫn Giáo Hội qua sự phát triển của Giáo Hội.

11. Sự phát triển này đồng hành cả với lương tâm của các người Công Giáo ly dị tái hôn. Người ta đã viết nhiều về vấn đề của Đức Phanxicô và việc liệu ngài có cho phép hay không các người này được lãnh nhận các bí tích hòa giải và rước lễ trong một số trường hợp họ thực sự mong muốn trong lương tâm.

Ở Ghi Chú số 351, qua một cách nói, ngài gợi ý rằng đây là một vấn đề sẽ do các giáo hội địa phương quyết định. Dù một số người có thể ngạc nhiên và nhiều người khác lý luận rằng các giáo hội địa phương không thể quyết định các vấn đề như thế này, thì ta vẫn nên nhớ một trong các thành tựu của Vatican II là phục hồi vai trò không thể thiếu của các giáo hội địa phương bên trong Giáo Hội hoàn vũ.

Đức Phanxicô tìm hết cách để thực thi các quyết định của Công Đồng và, như đã thấy trên đây về tính công đồng và về lương tâm, tinh thần của Công Đồng đã trở thành linh hồn của phần lớn giáo huấn của chính ngài.

Lisa Sowle Cahill nhận định rất đúng rằng “điều Đức Phanxicô đã làm thực sự là ban phép và dành không gian cho các giám địa phương được thử nghiệm các canh tân linh động, đầy thương xót và có tính mục vụ nhiều hơn, nhưng ngài không ra lệnh điều này”. Tuy nhiên, ngài theo dõi và chờ đợi.

Một ít sáng kiến đáng được nhắc đến ở đây. Các giám mục ở Buenos Aires đã viết một lá thư cho các linh mục của họ liên quan đến việc phải giải thích chương tám ra sao. Sau khi thừa nhận việc tông huấn Familiaris Consortio cho phép các cặp ly dị tái hôn sống tiết dục được rước lễ, các giám mục viết thêm rằng nếu giải pháp này không khả thi, thì “vẫn có thể còn có con đường biện phân”.

“Trong một trường hợp cụ thể, khi thừa nhận có sự hiện hữu của những giới hạn có thể làm giảm mức độ trách nhiệm và qui lỗi, nhất là khi một ngời tin rằng họ sẽ phạm một sai lầm khác có thể gây hại tới con cái do cuộc kết hợp mới sinh ra, thì Niềm Vui Yêu Thương dẫn khởi khả thể được lãnh nhận các bí tích hòa giải và Thánh Thể”.

Các ngài còn viết thêm rằng trong một số trường hợp, sự kín đáo riêng tư (confidentiality) sẽ là điều khôn ngoan khi cộng đồng địa phương tiến bước trong một “tinh thần hiểu biết và cởi mở”. Đức Phanxicô khen ngợi lá thư này, coi nó “rất tốt và hoàn toàn nắm được ý nghĩa chương tám của Niềm Vui Yêu Thương. Không có lối giải thích khác. Tôi chắc chắn nó sẽ mang lại nhiều ơn ích”.

Trường hợp thứ hai là Đức Tổng Giám Mục Dominique Lebrun của Rouen, Pháp. Ngài đã giới thiệu với tổng giáo phận 7 vị linh mục làm “thừa sai của Lòng Thương Xót” có nhiệm vụ “đặc biệt” chào đón các người ly dị hiện đang sống trong một mối liên hệ mới, với mục tiêu giúp họ “xét lương tâm hoàn toàn theo ý họ dưới ánh sáng Lời Thiên Chúa”.

Dĩ nhiên, có những giáo hội còn đi trước cả Niềm Vui Yêu Thương. Ít ngày sau khi công bố Niềm Vui Yêu Thương, Đức Hồng Y Schönborn tiết lộ rằng ngài “không ít tự hào” khi thấy tông huấn “hoàn toàn tiếp nhận” thực hành mục vụ liên quan tới các người ly dị tái hôn vốn đã được diễn ra tại giáo phận ngài 15 năm qua.

12. Phục hồi lòng thương xót. Đây là một điểm son của Niềm Vui Yêu Thương. Ở số 311, Đức Phanxicô viết rằng “Đôi lúc, ta thấy khó có thể dành chỗ cho lòng yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa trong sinh hoạt mục vụ của ta. Ta đặt quá nhiều điều kiện lên lòng thương xót đến nỗi ta làm rỗng hết ý nghĩa cụ thể và tầm quan trọng thực sự của nó. Đây là cách tệ hại nhất để làm loãng Tin Mừng. Chẳng hạn, đúng là lòng thương xót không loại trừ công lý và chân lý, nhưng trước hết và trên hết, ta phải nói rằng lòng thương xót chính là sự viên mãn của công lý và là biểu hiện ngời sáng nhất của chân lý Thiên Chúa. Vì lý do này, ta nên luôn coi là ‘thiếu thỏa đáng bất cứ quan niệm thần học nào, cuối cùng, nghi vấn cả sự toàn năng của Thiên Chúa và, nhất là, lòng thương xót của Người’”.
 
Tin Đáng Chú Ý
Một điển hình tuổi trẻ Công Giáo: Lên bản đồ cho Giáo Hội, một trong các sở hữu đất đai lớn nhất thế giới
Vũ Văn An
02:05 23/10/2017
Ngày 24 tháng 5 năm 2016, Molly Burhans bước vào Palazzo San Callisto ở Rôma, một tòa nhà bằng gạch có rào bao quanh tọa lạc ở phía ngoài Thành Vatican, nơi đặt trụ sở của một số tổ chức quan trọng của Công Giáo. Lúc đó 26 tuổi, Burhans bay tới Rôma với hy vọng sẽ được hội kiến với Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, cũng như một số thành viên của Phủ Quốc Vụ Khanh, tức cơ quan hành chánh cao cấp nhất của Giáo Hội…

Các ưu tư môi trường

Cô mới tốt nghiệp hậu đại học tại Conway School, một trường nhỏ, cấp tiến dạy về thiết kế ở Massachusetts, và ngay sau đó, đã thành lập GoodLands, một tổ chức vô vị lợi với sứ mệnh đầy tham vọng là tạo ra một kế hoạch sử dụng đất đai hợp sinh thái cho Giáo Hội Công Giáo. Cô biết rằng Vatican chắc chắn không chính thức ủng hộ một tổ chức ở bên ngoài, nhưng cô hy vọng Vatican sẽ im lặng chấp thuận và hợp tác. Cô nói về những cuộc hội kiến đầu tiên như sau: “tôi biết nếu ai trong hàng giáo phẩm mà nói rằng: ‘chúng tôi không muốn điều đó xẩy ra’ thì chắc chắn nó sẽ không xẩy ra”.

Là một người Công Giáo ngoan đạo, Burhans từng theo học tại một cao đẳng của Dòng Tên ở New York, thậm chí còn bắt đầu diễn trình biện phân để trở thành một nữ tu. Cô đã dành một năm để cầu nguyện, nội suy, tĩnh tâm cho mục đích này và cho biết hiện vẫn đang theo đuổi diễn trình này.

Trong thời gian ở đan viện, Cô luôn nghĩ tới các khu đất của nó đang ở trong một tình trạng thảm bại, xuống cấp vì bị xói mòn và bỏ bê. Cô thấy đây là một cơ hội, không chỉ đối với đan viện mà cả cộng đồng chung quanh sẽ được lợi nếu có sự cải thiện về phẩm chất không khí và nguồn nước. Lúc cô nạp đơn xin học ở Conway và được hỏi cô sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp, cô trả lời “tôi sẽ giúp các cộng đồng tu trì trong việc quản trị đất đai của họ”. Một năm rưỡi sau, cô có mặt ở Rôma.

Đến đó quả là một canh bài. Burhans không có bất cứ cuộc hẹn nào được xác nhận, chỉ có trong tay một số tên tuổi và một ít số điện thoại. Cô phải ở trong một nhà trọ dành cho người trẻ, âm thầm lên bản đồ kỹ thuật số cho một dòng tu có tên là Gia Đình Vincentian.
Khi liên lạc được với Đức Hồng Y Turkson và ngài bằng lòng gặp cô, cô vừa nhẹ nhõm vừa lo lắng. Cô nói: “tôi rất lo sợ trước viễn ảnh phải nói với bất cứ vị nào trong số các vị này”. Đức Hồng Y Turkson vốn là người có ảnh hưởng trong việc lên khung cho thông điệp Laudato Sí năm 2015 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thông điệp này trình bầy các luận điểm tinh thần cũng như sinh thái cho việc quản lý môi trường của Giáo Hội Công Giáo. Đức Phanxicô cho rằng săn sóc môi trường tự nhiên cũng là điều quan trọng như săn sóc người nghèo.

Laudato Si’ công bố một cái nhìn coi Giáo Hội như một tác nhân tích cực trong việc giúp quản trị các tài nguyên thiên nhiên của thế giới một cách hợp đạo đức và công bình. Burhans tìm ra một phương cách thực thi viễn kiến này. Lên bản đồ cho Giáo Hội, hay, nói cho chính xác hơn, khai triển một hệ thống thông tin địa dư của Công Giáo (gọi tắt là GIS [Geographic Information System]), tức một cơ sở dữ liệu (database) rộng lớn và tinh vi gồm đủ loại dữ kiện địa dư, là bước đầu trong việc quản lý tốt hơn các đất đai do Giáo Hội sở hữu, bất kể điều này có nghĩa là sử dụng chúng để cải thiện nơi sống cho muông thú (wildlife) hay cung cấp nhà ở hợp túi tiền.

Việc thiếu sử dụng đất đai trong Giáo Hội

Cùng một lúc, các tổ chức Công Giáo đang phải đối diện với một áp lực gia tăng buộc họ phải khảo sát lại các đất đai của họ. Ở Florida chẳng hạn, một ủy viên cấp quận (county) mới đây cho rằng khi sở hữu nhiều mảnh đất giá trị, nhưng lại không nạp thuế tài sản, các giáo hội đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hợp túi tiền mà nhiều thành phố đang phải đối phó. Ở Massachusetts, Tối Cao Pháp Viện Tiểu Bang mới đây phán quyết rằng chỉ một phần trong số gần 200 mẫu Anh đất của một đền thờ Công Giáo được sử dụng cho việc thờ phượng và do đó được miễn trả thuế đất của địa phương. Kết quả, đền thờ được yêu cầu trả $92,000 tiền thuế đất.

Sau phán quyết hồi tháng Ba năm ngoái, Burhans viết rằng “Nếu Giáo Hội không thể chứng minh và chi tiết hóa tính giải trình (accountability) của việc quản lý và sử dụng đất đai, họ có nguy cơ phải trả hàng tỷ dollars tiền thuế”. Theo cô, với GIS, việc theo dõi luật lệ về sử dụng đất đai “sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết. Thiếu việc lên kế hoạch cho việc quản trị đất đai, thiếu tính giải trình và sự ủng hộ của cộng đồng địa phương đối với việc quản lý các bất động sản trong Giáo Hội Công Giáo là một điều cần được giải quyết trước khi nó trở thành một cuộc khủng hoảng lớn”.

Với hơn 1 tỷ tín hữu, Giáo Hội Công Giáo là một trong các sở hữu nhân phi chính phủ lớn nhất trên thế giới. Có người ước lượng rằng hiện Giáo Hội nắm giữ gần 177 triệu mẫu Anh hay 277,000 dặm vuông đất đai. Nếu các tài sản này được gộp lại với nhau và đặt vào danh sách các nước trên thế giới theo diện tích đất đai, thì chúng đứng hàng 50, cao hơn cả Pháp và Tây Ban Nha. Có người còn cho rằng con số này chưa kể đất đai do các định chế thống thuộc sở hữu, như trường học, bệnh viện Công Giáo, mà con số lên tới hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu.

Không ai biết chính xác Giáo Hội sở hữu bao nhiêu đất đai vì dù định chế này trung ương tập quyền về phương diện tín lý, luật lệ, nhưng nó tản mạn khắp nơi. Vatican thực sự không sở hữu các nhà cửa của giáo hội tại Vermont hay California. Các quyết định tạo mãi hay chuyển nhượng phần lớn được cấp giáo phận đưa ra.

Riêng ở Hoa Kỳ, các tổ chức Công Giáo sở hữu các bất động sản ở gần hết mọi quận hạt của tất cả các Tiểu Bang. Một số khu đất này lên đến hàng ngàn mẫu Anh. Theo quan điểm của Burhans, sự kiện này đem lại cho Giáo Hội một trách nhiệm lớn lao. Cô cho rằng hiện nay, tại khá nhiều nơi, việc sử dụng đất đai của Công Giáo thiếu trách nhiệm một cách kinh khủng. Nhiều chỗ bị bỏ xó, không được sử dụng. Quả là một việc bỏ lỡ cơ hội lớn lao”.

Lợi ích của Hệ Thống Thông Tin Địa Dư (GIS)

Trong khi ấy, Giáo Hội là định chế duy nhất được lợi nếu theo đề nghị của Burhans. Các đất đai do Công Giáo sở hữu cũng đóng một vai trò trong việc hỗ trợ việc làm của các tổ chức môi trường như The Nature Conservancy (TNC). Mark Anderson, Giám Đốc của TNC về khoa học bảo tồn cho miền tây Hoa Kỳ, đang hướng dẫn một nhóm nhỏ gồm các phân tích gia GIS nhằm lên bản đồ cho mọi điều từ khí hậu vi mô (microclimates) dọc East Coast tới các đường viền đáy biển. Ông gọi nhóm này là “Tiệm GIS Cao Cấp”. Anderson đã sử dụng GIS gần 15 năm nay, và trong khoảng thời gian này, ông nói kỹ thuật đã trở thành chủ yếu đối với mọi việc TNC làm.

Một trong các vấn đề nóng bỏng trong ít năm qua, theo Anderson, là vấn đề nối kết (connectivity), nghĩa là vấn đề sự việc sẽ chuyển vần và tái sắp xếp ra sao để đáp ứng sự thay đổi khí hậu. TNC đã lên bản đồ cho nhiều hành lang quan yếu của muông thú (wildlife) dọc theo các dẫy núi và đường nước của vùng East Coast. Một bản đồ các bất động sản thuộc sở hữu của Giáo Hội có thể nhận diện các mảnh đất góp phần vào việc nối kết này. TNC có thể hợp tác với các nhà lãnh đạo Công Giáo để quản trị các tài sản này cho phù hợp.

Điều cũng quan trọng là ảnh hưởng của Giáo Hội. Giống các nhà lãnh đạo khác của thế giới, một vị giáo hoàng thường vẫn lên khuôn cho công luận. Anderson, người vốn được dưỡng dục trong đức tin Công Giáo nhưng không còn giữ đạo, cho rằng thông điệp Laudato Si’ “có một tiếng vang lớn lao trong thế giới bảo tồn. Chúng tôi vốn đang cố gắng bảo vệ chính nghĩa bảo tồn, nhất là đối với công chúng, và trong thập niên vừa qua, chúng tôi đã dành nhiều năng lực hơn để cổ vũ nó về phương diện kinh tế, một việc có ý nghĩa đối với giới kinh doanh. Đây là một chính nghĩa mạnh mẽ. Nhưng Đức Giáo Hoàng đã khiến chúng tôi hướng nhiều hơn về phía gốc rễ của việc bảo tồn, và đây là vấn đề đạo đức nhiều hơn”.

Lúc Burhans rời Rôma, Phủ Quốc Vụ Khanh đã hết lòng ủng hộ GoodLands. Từ đó, cô đã nhận được hơn $60,000 tài trợ từ nhiều qũy và người hiến tặng tư nhân và đã thực hiện hai chuyến tới Rôma nữa, trong đó, một chuyến, cô đã trình bầy tại một hội nghị chuyên đề về sự giao thoa của kỹ thuật học và việc bảo tồn. Tháng Mười Hai vừa rồi, một số bản đồ của Burhans đã được trưng bầy tại Casina Pio IV, là trụ sở của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Học, cơ quan ngày xưa từng được lãnh đạo bởi Galileo Galilei.

Các đột phá của Goodlands

Cô cũng đã qui tụ được khá nhiều cố vấn, trong đó, có Dana Tomlin, một người tiền phong của kỹ thuật GIS và là sáng lập viên của Phòng Thí Nghiệm Lập Bản Đồ của Đại Học Pennsylvania, và Paul Cawood Hellmund, cựu chủ tịch của Conway, người từng nói về Burhans: “Cô ấy là một trong những người không buông bỏ một điều gì cho tới khi cô ấy vắt hết những gì cô có thể vắt được từ nó”.

Tomlin và Burhans gặp nhau lần đầu năm 2015, sau khi cô điện thư cho ông để hỏi ông xem có học trò cao học nào muốn giúp Goodlands trong việc GIS hay không. Tomlin, người cũng dạy tại Đại Học Yale nhưng sống ở miền trung Massachusetts, thỏa thuận gặp Burhans tại Hartford, Connecticut, trên đường ông về nhà vào buổi tối. Nhưng vì giao thông rất tệ, nên suýt nữa Burhans lỡ hẹn. Tomlin cho hay: “Tôi sắp sửa cho xe chạy vì nghĩ rằng cô ta không thể đến được, nhưng khi nhìn vào kính chiếu hậu, thì như trong xinêma, cô ta đang bước vội trên đường”.

Họ lái xe vòng quanh Hartford cả tiếng đồng hồ, càng đi, Tomlin càng lưu ý hơn tới lời rao hàng của Burhans. Kỹ năng của cô về kỹ thuật được quân bình bằng một độ mẫn cảm đầy chất mỹ thuật đến ngạc nhiên mà theo ông rất họa hiếm trong thế giới kỹ thuật số của GIS. Ông bảo: “tổng hợp điều đó với viễn tượng đầy hứa hẹn có thể làm một điều gì đó cho một khách hàng hết sức lớn lao và có tiềm năng tác động phi thường như Giáo Hội Công Giáo, là một việc chỉ có thể nói là lôi cuốn mà thôi”.

Một cố vấn thân cận khác của Burhans là Rosanne Haggerty, tức người cổ vũ có tiếng cho việc có nhà hợp túi tiền. Vốn là tổng giám đốc của cơ quan vô vị lợi Community Solutions, Haggerty có kinh nghiệm hàng thập niên trong việc khai thác các bất động sản có năng xuất thấp. Một trong các dự án có tiếng nhất của cô là biến cải Khách Sạn Times Square thành khu gia cư hỗ trợ cho các cá nhân trước đây vốn vô gia cư, một thí nghiệm tiên khởi và đã được giải thưởng trong việc tài trợ cho các dự án có nhà hợp túi tiền.

Trước đó, giữa thập niên 1980, Haggerty là phối trí viên về phát triển gia cư tại Các Cơ Quan Bác Ái Công Giáo ở Brooklyn. Như ai cũng biết Brooklyn là một nơi, theo lời cô, “rất khác”. Khu phố này vốn kinh qua môt biến đổi đáng kể về dân số học và càng ngày càng có ít trẻ em tới trường, nên Các Cơ Quan Bác Ái Công Giáo đã đóng cửa nhiều ngôi trường. Cùng một lúc, nó phải lao đao trong việc phục vụ một số dân vô gia cư càng ngày càng gia tăng. Nhiệm vụ của Haggerty là “dùng các tu viện, trường học và viện mồ côi trước đây và giúp chúng phục vụ mục đích mới”.

Ngày nay, Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu thấy mình cũng đang ở trong một tình thế tương tự, với hàng triệu mẫu Anh đất không sử dụng hết trong một thế giới bị đe dọa bởi việc thay đổi khí hậu. GoodLands hy vọng tiếp nối điều Haggerty đã thực hiện ở Brooklyn và thăng tiến nó. Như Haggerty từng nói “Điều gì sẽ xẩy ra nếu Giáo Hội ở khắp nơi có được một cái hiểu sâu xa về tầm ảnh hưởng không gian của mình, chứ không phải chỉ là ảnh hưởng thiêng liêng?”

Đột phá lớn nhất của Burhans diễn ra hồi tháng Tám năm 2016, khi Jack Dangermond, nhà tỷ phú và nhà tiên phong của GIS, mời Burhans tới Redlands, California, để cư ngụ 4 tháng tại Esri. Esri là một trong các nhà phân phối nhu liệu GIS lớn nhất trên thế giới. Nhu liệu dẫn đầu của nó, ArcGIS, được sử dụng bởi mọi người từ những nhà quản lý rừng tới các lực lượng duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Tomlin làm việc giới thiệu, còn Dangermond, dù không tôn giáo bao nhiêu, nhưng cho biết ông hiểu tiềm năng của GoodLands “gần như tức khắc”.

Dangermond nổi tiếng là người bảo vệ môi trường một cách nhiệt tình, và công ty của ông đã cung cấp cho các tổ chức môi trường như TNC các giấy phép nhu liệu với giá thật rẻ. Nhưng Dangermond đặc biệt lưu ý tới Burhans, người được ông mô tả là một lực lượng của thiên nhiên. Ông nói: “cô ta đòi hỏi, cô ta mạnh mẽ, cô ta quả quyết. Cô ta sáng tạo sự vật từ con số không. Đó quả là bản chất của một nhà doanh nghiệp”.

Khi tới Redlands, Burhans được cấp một căn hộ, một văn phòng, và một đội ngũ các nhà khoa học vi tính, các nhà lập bản đồ, các nhà khai triển mạng, và các chuyên viên giao tế nhân sự, cũng như được sử dụng vô giới hạn Phòng Thí Nghiệm Nguyên Mẫu Áp Dụng của Esri. Sử dụng các dữ kiện của Trung Tâm Nghiên Cứu Áp Dụng Vào Việc Tông Đồ của Đại Học Georgetown và các nguồn khác, Burhans và đội ngũ của cô tạo ra điều được coi là cơ sỡ dữ liệu địa dư lớn nhất của kỹ thuật thông tin Công Giáo trên thế giới.

Đầu tiên, họ sử dụng dữ liệu này để lên bản đồ cho các biên giới tài phán (jurisdiction). Hàng trăm vòng tròn mầu xanh tượng trưng cho dân số các giáo tỉnh rải rác khắp mặt địa cầu. Với một cái “click”, người ta có thể biết có bao nhiêu người Công Giáo sống tại một giáo tỉnh, như Portland, chẳng hạn, vốn bao trùm Oregon, Idaho và Montana, so với tổng dân số, hay tổng số các linh mục.

Lần đầu tiên, một tôn giáo thế giới được hiển thị hóa kiểu này. Như Dangermond từng nói “Hàng trăm năm trước, Giáo Hội sử dụng các bản đồ để hiểu thế giới. Ngày nay, những bản đồ này giúp chúng ta hiểu Giáo Hội, trong tham chiếu với thế giới”.

Bản đồ nền tảng cũng giúp Burhans tích nhập các dữ kiện GIS hiện hữu, như các thay đổi dự báo về nhiệt độ hoàn cầu. Một trong các bản đồ này cho thấy sự gia tăng có thể có về tử xuất do hậu quả của việc gia tăng nhiệt độ, bằng những mầu cam và đỏ có tính báo động.
Trong một cố gắng nhằm cải thiện việc quản trị đất đai, Burhans cũng đã phân tích giá trị sinh thái của hơn 30,000 tài sản thuộc sở hữu của Giáo Hội tại Hoa Kỳ, bằng cách sử dụng các dữ kiện của Sáng Kiến Hạ Tầng Cơ Sở Xanh của Esri, một nhu liệu tự do sử dụng và dựa vào mạng, phát hành năm 2016. Các dữ kiện này giúp Burhans đánh giá tiềm năng đối với việc bảo tồn và tính nối kết với muông thú trên căn bản từng thửa đất một. Cô tính toán rằng nếu 70 phần trăm các giáo xứ Công Giáo chỉ cần trồng trung bình 3 cây, thì việc này sẽ cô lập được 10 triệu cân Anh khí cácbon mỗi năm.

Nhờ phạm vi của nó, các áp dụng của một hệ thống như thế thực sự là bất tận. Tại các nước kém phát triển, các dữ kiện dân số có thể giúp các tổ chức viện trợ động viên được tài nguyên tiếp theo sau, và đôi khi đi trước cả, một thiên tai hay một cuộc khủng hoảng tỵ nạn. Đối với Haggerty, đây là điều hết sức mạnh mẽ trong viễn kiến của GoodLands. “Nó vừa là một ý tưởng lớn có tính hoàn cầu, vừa là một ý tưởng có thể hướng dẫn hành động trên thực tế”.

Chỉ là một khởi đầu với nhiều thách đố

Bất chấp các tiến bộ trên, GoodLands vẫn chỉ là một khởi đầu. Khi Burhans không du hành, cô sống và làm việc tại căn nhà của Haggerty ở Hartford, không phải trả tiền. Khi cô du hành, rất ít khi như thế, cô phải dựa vào các trang mạng như Airbnb hay Couchsurfing. Cũng có điều may, khi sử dụng trang mạng Couchsurfing ở Washington, D.C., cô đã gặp được một sinh viên đang dọn tiến sĩ về địa dư tại Đại Học Maryland; người này chịu bao gồm GoodLands trong luận án tiến sĩ của anh ta. Dĩ nhiên, đối với Burhans, sống kiểu này không có vấn đề gì cả vì như lời cô nói “tôi sống đơn giản đã quen”.

Tuy nhiên, để GoodLands phát triển, cần có sự gây qũy liên tục và một số nhân viên tận tụy. Hiện nó đang sống trong tình thế khó khăn: có dư việc làm để tuyển thêm nhân viên nhưng ngân sách lại quá ít để tuyển dụng họ. Năm 2016, ngân sách của nó chỉ là $35,000. Là chủ nhân của Hệ Thống Địa Dư Công Giáo, tức cơ sở dữ kiện GIS do Burhans xây dựng tại Redlands, tổ chức có thể cho thuê dữ kiện. Việc này, cùng với việc bán bản đồ và các sách bản đồ, có thể đem lại thu nhập. Nhưng theo Burhans, thách đố là tìm ra một mẫu kinh doanh có thể cân bằng phương thức vụ sứ mệnh của GoodLands và các nhu cầu tài chánh của tổ chức.

GoodLands cũng đang đương đầu với các trở ngại định chế. Không phải ai ai trong Giáo Hội Công Giáo cũng ủng hộ thông điệp của Đức Giáo Hoàng, và hiện có khả thể một số tổ chức sẽ không chịu để các tài sản của họ được lên bản đồ. Paul Hellmund, chủ tịch cũ của Conway, nói rằng “người ta thường hay sợ các dữ kiện địa dư và việc đặt mọi chuyện thành rõ như đen và trắng”. Ông cho hay không phải vì người ta muốn dấu giếm điều chi, mà vì họ lo âu trước việc các dữ kiện này được sử dụng ra sao. GoodLands “đang làm một điều chưa được ai làm. Phần lớn người ta thấy tiềm năng tốt đẹp trong đó, nhưng cũng không thiếu lo âu”.

Phần Burhans vẫn lạc quan. Mới đây, cô vừa ký một khế ước với Gia Đình Vincentian, tức dòng tu cô đã bắt đầu lên bản đồ từ nhà trọ lúc ở Rôma, để lên bản đồ cho mọi tài sản của họ ở Tỉnh Miền Đông, tức khu vực bao trùm phần lớn East Coast, cũng như một sứ vụ tại Panama. Việc này sẽ được mở rộng để bao trùm toàn bộ dòng tu này, một cộng đồng hơn 2 triệu thành viên tại hơn 80 quốc gia.

Bất kể có thành công trong tương lai hay không, Burhans đã hiến cho thế giới một điều vô giá. Đó là nhận định của Jack Dangermond. Theo ông, các ý tưởng của cô mà thôi đã gợi hứng cho một trình độ ý thức mới bên trong và bên ngoài Giáo Hội. Ông nói: “Nó như một thứ ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ đem lại tiếng nói cho mối tương quan giữa một giáo hội, với mọi thành viên của nó, và môi trường. Cô đang tạo ra một thứ phong trào ánh sáng mới cho Giáo Hội, một ý thức mới về cách nó hành động, về các xu hướng của nó, các khuôn thước của nó, các mối liên hệ của nó”.

Nếu tầm cỡ của Giáo Hội Công Giáo làm cho trách vụ của Burhans trở thành nản lòng, thì nó cũng đem đến cho cô niềm hy vọng. Vì theo cô: “việc chăm sóc y tế của Công Giáo là mạng lưới lớn nhất loại này trên thế giới, và nền giáo dục Công Giáo cũng lớn nhất thuộc loại của nó”. Sứ mệnh của cô là làm cho các mạng lưới ấy và việc bảo tồn môi trường tồn tại lâu dài.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Gọi Đàn
Đặng Đức Cương
08:44 23/10/2017
GỌI ĐÀN
Ảnh của Đặng Đức Cương
Tiếng chim vang lừng gọi đàn trong sương sớm
Vang trong trời xa như giục lòng trong gió sương
Ngang mây thiết tha lời ca còn dư vang …
(Trích ca khúc của Hoàng Quí)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 23/10/2017
VietCatholic Network
02:32 23/10/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 22 tháng 10.

2- Thống kê của Tòa Thánh cho biết: Số tín hữu Công Giáo trên thế giới gia tăng.

3- Đức Thánh Cha tiếp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các khoa xã hội.

4- Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Methodist thế giới.

5- Đức Hồng Y Robert Sarah xác nhận rằng: Tòa Thánh vẫn có lời nói quyết định đối với các bản dịch phụng vụ.

6- Hội Đồng Giám Mục Ba Lan tái khẳng định giáo huấn truyền thống của Giáo hội đối với những người ly dị và tái hôn.

7- Nhà hát Rôma vừa được tìm bên Bức Tường Than Khóc Jerusalem sau 1,700 năm.

8- Khủng bố IS đầu hàng tập thể, Raqqa hoàn toàn giải phóng.

9- Hội nghị thường niên kỳ II năm 2017 của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Sau đây là phần tin chi tiết:
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 23/10/2017: Câu chuyện Đồng Tiền Nhân Nghĩa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
11:13 23/10/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ðừng thủ đoạn cũng đừng giả hình.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn để nhận ra sự thật trong nội tâm mình. Ðức Thánh Cha đã dâng lời cầu nguyện như trên trong thánh lễ sáng thứ Sáu 20 tháng 10 năm 2017 tại nhà nguyện Marta.

Bài trích thư của thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Roma (Rm 4,1-8) cho chúng ta biết ơn tha thứ của Thiên Chúa thực sự là gì. Ðó là một ơn nhưng không, đó là ơn sủng Thiên Chúa ban, đó là ý muốn yêu thương của Thiên Chúa. Sự tha thứ không theo kiểu chúng ta nghĩ, và sự tha thứ không phải là do những việc chúng ta làm.

Những gì chúng ta làm là để đáp lại tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa đã trao tặng chúng ta. Những việc ta làm là để minh chứng, để chứng thực về ơn tha thứ mà chúng ta được lãnh nhận và sinh hoa kết trái. Sự thánh thiện của chúng ta hoàn toàn là do chúng ta nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Như Thánh Vịnh có lời cầu nguyện: “Phúc cho kẻ tội lỗi được thứ tha. Phúc cho người không bị Chúa hạch tội.”

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thiên Chúa là Ðấng thứ tha. Ngài tha thứ cho ta tội nguyên tổ và biết bao tội ta đã phạm. Ngài tha thứ hoài tha thứ mãi. Chúng ta được tha thứ, không bao giờ là vì những việc tốt lành ta đã làm. Chúng ta được tha thứ, chỉ vì Thiên Chúa đã Ðấng giàu lòng từ nhân đã tha thứ cho ta. Và chúng ta có thể đáp lại ơn tha thứ ấy bằng những việc làm tốt lành.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 12,1-7), Chúa Giêsu nói về những kẻ công chính theo vẻ bề ngoài. Bề ngoài họ ra vẻ công chính thánh thiện, nhưng kỳ thực họ sống giả hình. Bên ngoài là tốt đẹp, nhưng bên trong thì nhơ bẩn. Bên ngoài thì làm ra vẻ ăn chay cầu nguyện bố thí, nhưng bên trong thì trống rỗng và xấu xa.

Họ sống với những thủ đoạn trong tâm hồn, trong lối sống, và làm ra vẻ thánh thiện. Chúa Giêsu luôn muốn chúng ta phải trung thực trong tâm hồn. Và nếu có điều gì đó có vẻ bên ngoài là sự thật, thì trước tiên điều ấy phải là sự thật trong cõi lòng. Do đó, Chúa đã khuyên chúng ta, là khi cầu nguyện, nên cầu nguyện nơi kín đáo. Khi ăn chay, thì đừng tỏ ra là mình ăn chay. Khi bố thí giúp đỡ người khác, thì làm cách kín đáo, việc tay trái chớ cho tay phải biết.

Ðối với những kẻ sống giả hình, cái mẽ bề ngoài của họ chỉ tựa “bong bóng xà phòng” nay còn mai mất. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta có sự hội nhất trong cuộc sống, có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa việc làm và đời sống. Những kẻ giả hình thì làm những điều xấu xa. Giả hình là một lối sống quá xấu xa. Như trong Thánh Vịnh, chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn nhận biết sự thật. Lời cầu nguyện này rất đẹp: “Lạy Chúa, xin cho con biết tội con đã phạm. Con không che giấu tội con. Con không lừa dối linh hồn con. Con xin xưng thú với Chúa tội lỗi của con.” Sự thật ấy luôn ở trước mặt Chúa, luôn luôn là như thế. Khi chúng ta thân thưa sự thật ấy với Chúa, Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta.

Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng:

Khi đạo đức giả trở thành một loại thói quen, thì thói quen giả hình ấy dẫn tới chỗ việc đổ thừa đổ lỗi cho người khác. Chúng ta đừng sống như thế, đừng đổ lỗi cho người khác, nhưng hãy tìm hiểu sự khôn ngoan để biết tự trách bản thân, để biết thân thưa với Chúa tội lỗi của mình, để được Chúa thứ tha.

2. Ðừng đánh mất chìa khóa của sự hiểu biết.

Xin Chúa ban cho ta ơn biết khắc ghi lòng quảng đại vô bờ của ơn Ngài cứu độ, biết khắc ghi điều gì cụ thể mà Chúa đã làm cho ta với lòng thương xót của Ngài. Ðó là những ơn về vật chất cũng như tinh thần. Từ lòng biết ơn chân thành ấy, chúng ta biết mở cánh cửa lòng mình trước tha nhân. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 19 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, các luật sĩ và biệt phái bị Chúa Giêsu mắng nặng lời: “Khốn cho các ngươi, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.”

Chúa phải nói nặng lời như thế, vì họ đã lấy đi khả năng hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa, lấy đi khả năng hiểu biết trái tim Thiên Chúa, lấy đi khả năng hiểu biết ơn Chúa cứu độ. Họ đã lấy đi chìa khóa của sự hiểu biết. Chúng ta có thể nói rằng, điều ấy thật trầm trọng. Khi làm như thế, họ quên mất đặc tính nhưng không của ơn cứu độ, quên đi sự gần gũi thân tình của Thiên Chúa, quên đi lòng thương xót của Ngài. Khi quên đi như thế, họ đã lấy mất chìa khóa của sự hiểu biết.

Do đó, đừng quên đi tính nhưng không của ơn cứu độ. Ơn cứu độ là sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta, chứ không phải luật pháp. Ðương nhiên, luật pháp có đó là vì chúng ta, nhưng lề luật không thể trở thành ơn cứu độ. Không phải cứ giữ theo luật lệ, là đương nhiên đạt được ơn cứu độ. Thế nên, những người chỉ công chính theo kiểu giữ luật thì không nhận được quyền năng của sự công chính của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã ban cho dân Lề Luật là vì tình yêu nhưng không của Ngài. Nhưng đừng quên đi tính nhưng không của ơn cứu độ. Nếu quên đi điều quan trọng ấy, chúng ta sẽ sa ngã, chúng ta sẽ đánh mất chìa khóa của sự hiểu biết, sẽ đánh mất cảm nhận về sự gần gũi của Thiên Chúa.

Ðối với các luật sĩ ấy, Thiên Chúa của họ là một Thiên Chúa làm theo luật pháp. Thiên Chúa của họ không phải là Thiên Chúa của mặc khải. Thiên Chúa của mặc khải là Thiên Chúa đồng hành với chúng ta từ thời Abraham cho đến Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa luôn đồng hành với dân của Ngài. Khi bạn đánh mất mối liên hệ tình thân với Thiên Chúa, thì bạn sẽ rơi vào một tâm thức tồi tệ vì tin rằng mình tự đủ cho mình, cho rằng chính mình có thể tự cứu độ bằng cách chu toàn các điều luật. Ðừng lầm tưởng như thế. Sự gắn bó thân thiết với Chúa mới thực sự quan trọng.

Khi sự gắn bó với Chúa bị đánh mất, khi việc cầu nguyện bị quên lãng, thì hiển nhiên là bạn không thể dạy giáo lý, cũng không thể làm thần học, càng không thể làm thần học luân lý. Thần học phải luôn là thần học trên bàn quỳ, phải luôn là một thứ thần học gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Gắn bó mật thiết với Thiên Chúa có nghĩa là đi đến điểm tận cùng, điểm cao nhất của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, được minh chứng bằng máu Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã nói như thế. Do đó, hành vi thương xót là đá tảng của việc kiện toàn lề luật. Bởi vì khi thực thi các công việc của lòng thương xót, là bạn đang chạm đến thân mình Chúa Kitô, chạm đến Chúa Kitô chịu đau khổ trong một con người cụ thể, cả về mặt thể lý lẫn tinh thần. Ðó là chìa khóa của sự hiểu biết. Nếu đánh mất chìa khóa ấy, chúng ta sẽ tự khóa cửa đối với chúng ta cũng như đối với tha nhân.

Trong đất nước của tôi, nhiều lần tôi nghe việc cha xứ này cha xứ kia không muốn rửa tội cho các em bé là con của các bà mẹ trẻ, bởi vì các em bé ấy không được sinh ra trong những đôi hôn phối theo luật. Khi làm như thế là đang đóng cánh cửa lại trước dân Chúa, tại sao? Bởi vì tâm hồn của các cha xứ ấy đã đánh mất chìa khóa của sự hiểu biết. Có câu chuyện khác cách đây không lâu, mới ba tháng trước thôi, tại một ngôi làng, trong một thành phố nọ, có bà mẹ muốn đứa con trai mới sinh được rửa rội, nhưng bà mẹ ấy đã kết hôn dân sự với một người đã ly hôn. Vị cha xứ ấy nói: “Ðược, được, rửa tội cho em bé thì được. Nhưng chồng của bà đã ly hôn. Nói với ông ấy là hãy đứng bên ngoài. Ông ấy không được tham dự nghi lễ.” Ðó. Ðó là điều ngày nay tiếp tục diễn ra.

Không chỉ có các người pharisêu và luật sĩ thời xưa, thời nay cũng còn rất nhiều. Ðó là lý do để chúng ta rất cần cầu nguyện cho các mục tử, cầu nguyện cho các cha xứ. Nguyện xin Chúa ban ơn, để chúng ta không đánh mất chìa khóa của sự hiểu biết, để chúng ta không đóng sầm cánh cửa đối với bản thân, để chúng ta không cản ngăn những ai muốn bước vào.

3. Câu chuyện Ðồng Bạc Nhân Nghĩa

Một câu chuyện ngụ ngôn của Nga kể rằng: Có một nhà phú hộ kia khi gần chết lòng trí vẫn chỉ nghĩ đến tiền của là động lực đã thúc đẩy ông lao lực không biết mệt mỏi suốt cả cuộc đời. Dùng chút sức tàn, ông cố gỡ chiếc bao nhỏ đeo ở cổ, lấy ra chiếc chìa khóa trao cho người đầy tớ trung tín nhất của ông. Ông phú hộ ra dấu chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà và ra lệnh cho cô ta lấy những túi tiền vàng ở trong đó bỏ vào quan tài.

Chuyện kể rằng khi sang bên kia thế giới, ông bắt đầu sống cuộc đời mới.

Ðứng trước chiếc bàn dài trưng bày đủ thứ cao lương mỹ vị, ông ta hỏi: “Món này giá bao nhiêu vậy?”. Người bán hàng trả lời: “Một xu”. Ông phú hộ chỉ một món khác kém giá trị hơn và hỏi: “Còn hộp cá mòi kia giá bao nhiêu?”. “Cũng một xu”, người bán hàng nhã nhặn trả lời.

Thấy người bán hàng vui tính ông phú hộ tiếp tục hỏi: Còn miếng bánh này?”. “Tất cả các vật trưng bày ở đây đều được bán với giá một xu”, người bán hàng cho biết.

Ông phú hộ mỉm cười thỏa mãn. Rẻ thật, ông nghĩ thầm. Rồi sau một hồi ngắm nghía, ông chọn một đĩa thức ăn lớn. Nhưng khi ông lấy một đồng tiền vàng mang theo lúc từ giã cõi đời ra trả, cô thu tiền không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói: “Ông đã học được quá ít trong cuộc sống”. Nghe nói thế ông phú hộ không khỏi ngạc nhiên, gặn hỏi: “Thế nghĩa là gì? Ðồng tiền vàng của tôi không đủ để trả cho đĩa thức ăn này sao?”.

Bấy giờ người thu tiền mới cho ông biết: “Ở đây chúng tôi chỉ nhận những đồng tiền mà trong cuộc sống trước đây ông đã dùng để giúp đỡ cho những người nghèo túng, đói khổ”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người Nhật đã bỏ ra 5 triệu 390 ngàn đô la để mua quyển Kinh Thánh cổ in vào năm 1455. Họ cũng đã mua 39 bức tranh nổi tiếng của Pháp, một trong những bức tranh ấy là bức tranh “Hoa hướng dương” của Van Gogh với giá 39 triệu 800 ngàn đô la.

Kinh thánh đã ví nước thiên đàng như một bảo vật: “Nước thiên đàng giống như châu báu chôn dưới đất. Có người tìm được, vui mừng bán cả gia tài, lấy tiền mua miếng đất ấy.

Nước thiên đàng cũng giống trường hợp nhà buôn đi tìm ngọc qúy. Khi tìm thấy viên ngọc vô giá, liền bán hết của cải để mua viên ngọc.”

Người khôn ngoan không phải là người lao lực không biết mệt mỏi suốt cả cuộc đời để chỉ giành được những tiền của không thể mang theo khi giã từ cuộc đời tạm bợ này.

4. Giữ vững niềm hy vọng trước cái chết.

Trong buổi tiếp kiến chung 30 ngàn tín hữu hành hương, sáng ngày 18 tháng 10 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu giữ vững hy vọng đứng trước cái chết.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Gioan (11,23-27) kể lại đối thoại giữa Chúa Giêsu và hai bà chị của ông Lazarô mới qua đời và được Chúa cho sống lại. “Ta là sự sống lại và là sự sống...!”

Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nói về đề tài “Phúc cho những người chết trong Chúa”. Ðây là bài thứ 37 trong loạt bài giáo lý về Ðức Hy vọng Kitô giáo.

Mở đầu bài huấn đức, Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay tôi muốn đối chiếu niềm hy vọng Kitô với thực tại sự chết, một thực tại mà nền văn minh tân tiến ngày nay ngày càng có xu hướng xóa bỏ. Vì thế, khi cái chết đến, những người ở cạnh chúng ta hoặc chính chúng ta không được chuẩn bị và thiếu cả những kiến thức sơ đẳng thích hợp để nói lên những lời ý nghĩa về mầu nhiệm sự chết, mầu nhiệm này dầu sao đi nữa vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, những dấu chỉ đầu tiên của nền văn minh nhân loại được diễn tả qua mầu nhiệm cái chết. Chúng ta có thể nói rằng con người đã sinh ra cùng với sự tôn kính người chết.

Các nền văn minh khác, cổ kính hơn nền văn minh chúng ta, đã có can đảm nhìn thẳng vào cái chết. Ðó là một biến cố được những người cao niên kể lại cho các thế hệ trẻ, như một thực tại không thể tránh né được, buộc con người phải sống một cái gì đó tuyệt đối. Thánh vịnh thứ 90 nói: “Xin dạy chúng con đếm những ngày đời và chúng con sẽ được một tâm hồn khôn ngoan” (v.12). Những lời này đưa chúng ta đến một thái độ thực tiễn lành mạnh, xua đuổi sự ham ước được toàn năng. Chúng ta “hầu như là hư vô”, như một thánh vịnh khác vẫn nói (Xc 88,48); những ngày đời chúng ta qua mau: giả sử chúng ta sống trăm tuổi đi nữa, nhưng rốt cuộc chúng ta thấy tất cả chỉ là một hơi thở thoáng qua.

Vì thế, cái chết vạch trần cuộc đời chúng ta. Làm cho chúng ta khám phá thấy rằng những hành động kiêu hãnh, giận dữ và oán ghét chỉ là hư vô. Chúng ta cay đắng nhận thấy mình đã không yêu thương cho đủ và đã không tìm kiếm những gì là thiết yếu. Và trái lại, chúng ta thấy điều thực sự tốt lành mà chúng ta đã gieo vãi: đó là những tình cảm quí mến đối với những người mà chúng ta hy sinh cho, và giờ đây họ đang cầm tay chúng ta.

Chúa Giêsu đã soi sáng mầu nhiệm cái chết của chúng ta. Qua cách cư xử của Ngài, Chúa cho chúng ta cảm thấy đau khổ khi một người thân ra đi. Ngài cũng cảm thấy sao xuyến sâu xa trước ngôi mộ người bạn Lazarô của ngài, và bật khóc (Ga 11,35). Qua thái độ đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu rất gần gũi, như người anh của chúng ta.

Và lúc đó Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, là nguồn mạch sự sống, và truyền cho Lazarô ra khỏi mồ. Và đã xảy ra như vậy. Niềm hy vọng Kitô kín múc từ thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết của con người: tuy cái chết ấy hiện diện trong chương trình tạo dựng, nhưng nó không phải là vệt làm ô danh kế hoạch tình thương của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Thế muốn chữa chúng ta khỏi điều ấy.

Ở một số nơi khác, các sách Tin Mừng kể lại một người cha có một đứa con cái bị bệnh nặng, và với lòng tin, ông cầu xin Chúa Giêsu chữa con ông (Xc Mc 5,21-24.35-43). Không có hình ảnh nào cảm động hơn hình ảnh một người cha, hoặc một người mẹ với đứa con bị bệnh. Và tức khắc Chúa Giêsu lên đường với người ấy, ông tên là Giairo. Trên đường đi, có một người từ nhà ông Giairo đi tới nói rằng con gái của ông đã chết nên không cần phải làm phiền Thầy nữa. Nhưng Chúa Giêsu nói với ông Giairo: “Ông đừng sợ, nhưng hãy tin tưởng!” (Mc 5,36). Chúa Giêsu biết rằng người ấy bị cám dỗ phản ứng giận dữ và tuyệt vọng, và ngài khuyên ông giữ nguyên ngọn lửa nhỏ đã được đốt lên trong tâm hồn ông, đó là đức tin: “Ðừng sợ, nhưng hãy giữ cho ngọn lửa ấy tiếp tục cháy sáng!”. Rồi khi đến nhà, Chúa đã đánh thức em bé gái từ cõi chết và trở lại em bé còn sống cho những người thân của em.

Chúa Giêsu đặt chúng ta trên lằn ranh này của đức tin. Với bà Marta đang khóc vì em bà là Lazarô đã chết, ngài nêu lên ánh sáng của một tín điều: “Tôi là sự sống lại và là sự sống; ai tin tôi, thì dù có chết, cũng sẽ sống; ai sống mà tin tôi, thì sẽ không chết đời đời. Con có tin điều này không?” (Ga 11,25-26). Ðó là điều Chúa Giêsu lập lại với mỗi người chúng ta mỗi khi cái chết xảy đến tước mất sự sống và những tình cảm quí mến. Toàn thể cuộc sống của chúng ta diễn ra giữa một bên là đức tin và bên kia là vực thẳm sợ hãi. “Tôi không phải là sự chết, tôi là sự sống lại và là sự sống, con có tin điều này không?”

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Tất cả chúng ta đều bé nhỏ và yếu đuối trước mầu nhiệm sự chết. Nhưng thật là hồng phúc nếu trong lúc ấy chúng ta giữ trong tâm hồn ngọn lửa đức tin! Chúa Giêsu sẽ cầm tay chúng ta, như ngài đã cầm tay con gái ông Giairô, và lập lại một lần nữa “Talità kum”, Hỡi con nhỏ, hãy trỗi dậy! (Mc 5,41). Chúa sẽ nói với chúng ta, với mỗi người chúng ta “Con hãy trỗi dậy, hãy sống lại!”

Ðó là niềm hy vọng của chúng ta trước cái chết. Ðối với người tin thì đó là một cánh cửa hoàn toàn mở toang; đối với người nghi ngờ, thì đó là một tia sáng lọt qua một cửa hé mở, không bị khép kín hoàn toàn. Nhưng đối với tất cả chúng ta đó sẽ là một ân phúc, khi ánh sáng này soi sáng cho chúng ta”.

5. Ðừng để mình bị rơi vào ba loại dại khờ.

Thật ngu ngốc khi không còn biết lắng nghe Lời Chúa. Ðừng để mình bị rơi vào sự ngu ngốc ấy. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 17 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Trong bài Tin Mừng theo Thánh Luca, Chúa Giêsu đã mắng một người Pharisêu rằng: Ðồ ngốc! Có ba nhóm người bị coi là ngốc và sẽ dẫn đến chỗ tham nhũng, dẫn đến chỗ hư hỏng.

Trước hết là nhóm các nhà luật sĩ. Chúa mắng họ, bởi vì các nhà luật sĩ giống như những mồ mả tô vôi, chỉ đẹp bên ngoài để che đậy thực tế xấu xa tham nhũng vơ vét bên trong. Bên ngoài làm như thể là đẹp lắm, là công chính lắm, nhưng bên trong thì hư hỏng hư danh phù vân. Nhóm thứ hai là nhiều người ngoại. Họ bị hư hỏng bởi thói thờ ngẫu tượng. Họ tráo đổi vinh quang của Thiên Chúa để dành vinh quang ấy cho các ngẫu tượng. Họ có thể đánh tráo các lý do để rồi thờ ngẫu tượng, ví như chủ nghĩa tiêu thụ, ví như vị thần của lợi lộc. Tiếp đến, nhóm ngốc thứ ba là một số Kitô hữu, vì họ không còn là Kitô hữu nữa, mà bị thay đổi thành những người chạy “theo một thứ ý thực hệ của chủ nghĩa Kitô giáo”, và rồi kết cục họ cũng hư hỏng.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Ngu ngốc có nghĩa là không nghe, ngu ngốc có nghĩa là không biết lắng nghe. Khi không có khả năng lắng nghe Lời Chúa, khi không để cho Lời Chúa ở lại, thì Lời ấy không thể đi vào. Kẻ ngu dại thì không biết nghe. Họ nghe mà không lắng nghe. Họ luôn làm như thế. Vì lẽ đó, Lời Chúa không thể đi vào tâm hồn của họ, bởi vì trong lòng họ không còn chỗ cho tình yêu. Nếu biết để cho Lời Chúa đi vào cõi lòng, Lời ấy sẽ biến đổi quan niệm của chúng ta về thực tại.

Thế nhưng kẻ ngu ngốc không biết lắng nghe. Thái độ điếc lác ấy dẫn đến chỗ họ tham nhũng và bị hư hỏng. Với họ, Lời Chúa không thể đi vào, vì trong con tim họ không còn chỗ cho tình yêu, cũng chẳng còn chỗ cho tự do. Khi làm như thế, họ trở thành nô lệ, vì họ tráo đổi giữa sự thật của Thiên Chúa với sự gian dối, và họ đi thờ phượng tạo vật chứ không thờ phượng Ðấng Tạo Hóa.

Khi ấy họ không còn tự do, không còn biết nghe, họ bị điếc nội tâm. Tâm hồn họ không có chỗ cho tình yêu cho tự do, và vì thế họ trở thành nô lệ. Còn tôi, tôi có biết nghe Lời Chúa không? Tôi có để cho Lời Chúa thấm nhập vào lòng mình không? Những lời mà chúng ta nghe trong phần Tung hô Tin Mừng giúp ích rất nhiều: “Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén, xuyên thấu tâm hồn và tư tưởng của lòng người”. Lời ấy có tác động lên tôi không, hay là tôi bị điếc? Tôi có biến đổi việc thờ phượng Thiên Chúa thành việc thờ ngẫu tượng hoặc thành các ý thức hệ hay không? Ðừng để mình bị rơi vào những sự ngu ngốc ấy.

Nếu chúng ta bị rơi vào sự ngu dại ấy, thì có nghĩa là chúng ta đang rời xa Chúa và quay lưng lại với Chúa. Nhưng hãy nhớ: Chúa là mục tử nhân lành đang chờ đợi chúng ta. Chúa Giêsu chờ đợi và khóc vì chúng ta. Chúa khóc thương thành Giêrusalem. Ngài khóc thương một dân được Thiên Chúa chọn. Ngài thương cho dân, một dân mà Ngài hết mực yêu thương nhưng họ lại dại khờ chạy theo những vẻ bề ngoài, chạy theo thần tượng, chạy theo các ý thức hệ.

6. Của Xê-da, trả cho Xê-da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa Nhật 22/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật nói về cách Chúa trả lời cho những kẻ gài bẫy. Đó là: Của Xê-da, trả cho Xê-da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa. Bài Tin Mừng kể cho chúng ta cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những kẻ ghét Chúa. Chủ đề được bàn tới là việc nộp thuế cho Xê-da.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

Đó là câu hỏi rất gai góc và học búa về việc có được phép hay không, khi nộp thuế cho hoàng đế La Mã. Đây cũng là vấn đề rất khó khăn của người Palestine thời Chúa Giêsu. Thế nên, những đối thủ của Chúa Giêsu đã quyết định gài bẫy Chúa bằng câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”. Thực tế xảy ra sẽ tùy vào cách Chúa trả lời. Nếu Chúa nói là được phép, thì họ sẽ kết tội Chúa là đi theo đế quốc. Còn nếu Chúa nói là không, thì họ sẽ kết tội Chúa là dám chống lại hoàng đế Roma.

Nhưng trong tình huống ấy, Chúa Giêsu rất bình tĩnh và từ chỗ dường như bị bất lợi, Chúa đã sử dụng dịp này để đưa ra bài học quan trọng, vượt lên trên những gì là tranh cãi và đối lập. Chúa nói với họ: “Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi!” Và họ đưa cho Chúa một đồng bạc. Chúa nhìn họ mà hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Các người Pharisêu chỉ có thể trả lời rằng: “Của Xê-da”. Thế là Chúa kết luận: “Của Xê-da, trả về Xê-da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Khi trả lời như thế, một mặt Chúa nói cho họ rằng, việc đóng thuế không phải là hành vi thờ ngẫu tượng, nhưng chỉ là bổn phận đối với các nhà cầm quyền của trần gian. Mặt khác, đây là lúc Chúa Giêsu nhắc nhở họ về tính ưu việt của Thiên Chúa, và chúng ta cần trả về Thiên Chúa những gì Ngài đã làm cho chúng ta trong chiều dài của cuộc sống và lịch sử.

Hình ảnh của Xê-da được khắc trên đồng tiền, cho thấy quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước. Còn hình ảnh được khắc ghi trong mỗi con người là chính hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh ấy cho thấy: mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và thuộc về Thiên Chúa. Từ câu hỏi của người Pharisêu, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy còn có câu hỏi quan trọng hơn bội phần. Đó là: tôi thực sự thuộc về ai? Tôi có gia đình, xóm làng, thành phố, bạn bè, mái trường, công sở, nền chính trị, nhà nước, quốc gia… Vâng. Tất nhiên là như thế. Nhưng Chúa Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng: điều căn cốt nền tảng là chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Chính Ngài đã ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đang có. Vì thế, trong cuộc sống, trong từng ngày sống, chúng ta cần luôn ý thức về điều ấy trong cõi lòng mình. Đó là: Thiên Chúa là Đấng dựng lên con, Ngài dựng lên con theo hình ảnh theo khuôn mẫu của Con rất yêu dấu của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Đây là mầu nhiệm thật tuyệt vời.

Người tín hữu Kitô được mời gọi tham gia tích cực vào các thực tại trần thế, trong đời sống xã hội của nhân loại, không đặt mình trong thế phản kháng giữa “Thiên Chúa” và “Xê-da”. Việc phản kháng chống lại Thiên Chúa hoặc chống lại Xê-da thì đều dẫn đến chỗ cực đoan. Người Kitô hữu được mời gọi dấn thân vào thực tại trần thế với ánh sáng đến từ Thiên Chúa. Tin tưởng nơi Thiên Chúa, đặt ưu tiên nơi Ngài, hy vọng nơi Ngài, không phải có nghĩa là đòi hỏi hoàn toàn thoát khỏi thực tại trần thế, nhưng là trả về Thiên Chúa điều thuộc về Ngài. Đó là lý do để các Kitô hữu nhìn tới tương lai trong Thiên Chúa, để sống cách sung mãn cuộc sống trần thế, để đáp lại những thách đố của cuộc sống ấy với lòng can đảm.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta, để ta luôn sống xứng đáng với hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn mình, để ta có thể tích cực góp phần xây dựng cuộc sống thế trần.