Ngày 25-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:40 25/10/2016
54. NGỤY MINH LÀM THƠ.
Triều đại nhà Đường có một người tên là Ngụy Minh rất thích làm thơ, nhưng làm không hay, thơ của ông ta viết tất cả là một trăm câu, nhưng lại rất dở.
Một hôm, ông ta đem thơ của mình đi thỉnh giáo với Hàn Hy Tải, Hàn Hy Tải giả đò nói mắt mình lèm nhèm nên nhìn không rõ lắm, bèn thuận tay bỏ tập thơ trên bàn.
Ngụy Minh nói:
- “Như vậy thì để tôi ngâm cho ngài nghe nhé !”
Hàn Hy Tải nói:
- “Mấy ngày nay tai tôi cũng không được thính cho lắm.”
Ngụy Minh mặt mày ửng đỏ bỏ đi.
(Thiện Huyết tập)

Suy tư 54:
Không một ông thầy nào lại nở lòng dửng dưng trước lời thỉnh giáo của học trò xin họ chỉ giáo; không một người nào có thể chối từ lời van xin của người thành thật khi họ xin mình chỉ bảo...
Thơ của Ngụy Minh làm tuy không hay, nhưng ông ta đã rất thành thật xin người tài giỏi chỉ bảo, đó là người khiêm tốn biết mình biết người; Hàn Hy Tải là người tài giỏi, nhưng đã từ chối lời thỉnh cầu của người khác, ông ta đã trở thành một người kiêu ngạo, ông ta chỉ biết mình chứ không biết người, có nghĩa là ông ta chỉ biết mình tài giỏi mà không biết người khác có tâm hồn ngay thẳng.
Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nhưng Ngài vẫn cứ cúi xuống để lắng nghe lời của nhân loại cầu xin, lời cầu nguyện của nhân loại Ngài không thuận tay bỏ trên bàn, và cũng chẳng bịt tai để khỏi nghe, nhưng Ngài đã ôm nhân loại vào lòng và sẵn sàng ban ơn cho họ, Ngài đã dạy chúng ta một bài học, đó là khiêm tốn và phục vụ.
Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa, nhưng Ngài luôn sẵn sàng lắng nghe những người đau khổ, những người tội lỗi kêu đến Ngài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:41 25/10/2016

3. Bạn có biết Đức Chúa Giê-su ở trong nhà tạm là vì bạn cách đặc biệt, chỉ vẻn vẹn vì bạn mà tồn tại không ? Ngài nồng nhiệt hoan hỉ ngự vào trong tâm hồn của bạn đấy.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Hãy Thương Xót Như Cha Trên Trời
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:51 25/10/2016
Hãy Thương Xót Như Cha Trên Trời

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Năm – C

(Lc 19, 1-10)

Vào lúc Giáo Hội đang chuẩn bị đóng Cửa Thánh bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, phụng vụ Lời Chúa lại vang lên như tiếng chuông nhắc bảo chúng ta chiêm ngắm Lòng Thương Xót và thực thi lòng thương xót.

Chúa thương xót mọi loài, và yêu thương mọi tạo vật (x.Kn 11,21-26). Thương xót đến đô “nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người …không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa tác thành” (Kn 11, 23). Lòng thương xót ấy được cụ thể hóa nơi hành động của Chúa Giêsu đối với tội nhân và những người cùng khổ, Ðấng đã khẳng định rằng Người đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng để kêu gọi những người tội lỗi (x. Lc 5,32). Trình thuật về cuộc hoán cải của ông Giakêu trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay là một bằng chứng (x. Lc 19, 1-10).

Giakêu, người thấp bé. Đây không phải là một chuyện nhỏ, nhưng là một nỗi đau đối với ông. Trong trí ông luôn mang trong mình sự ảm ảnh mình bị chế giễu và loại trừ, ông là người đau khổ. Ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì để trả miếng : thậm chí trở thành người thu thuế cho ngoại bang. Đây là nghề không lành mạnh, dễ bị loại ra khỏi đời sống tôn giáo và xã hội, vì thông đồng với người Rôma, kẻ chiếm đóng và bóc lột đồng bào. Nhưng điều đó không quan trọng đối với ông, ông biết, ông có thói quen bị loại trừ. Trở thành một viên thu thuế quyền thế giàu có. Giakêu, như những người khác, đã thu về một khoản tiền lớn từ bàn thu thuế, nhưng sự yêu mến tiền bạc không phải là động lực chính của ông, ông muốn có được sức mạnh trên những kẻ coi thường ông. Vì thế, ông xa cách họ, tránh xa các cuộc tấn công của họ, và ở trên họ.

Nhưng điều trên không làm cho Giakêu chìm vào bóng tối. Con người biết tính độc ác đích thực của mình. Trong sâu thẳm của coi lòng, có cái gì đó lợi hơn : khát khao Thiên Chúa. Giakêu là người con của lời hứa và Thiên Chúa đã không quên ông. Thế là, Chúa Giêsu rảo khắp các ngả đường, giảng dạy trong hội đường. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu thấu đến tai Giakêu như cá gặp nước, củi khô gặp lửa. Người đã nhóm lên trong lòng Giakêu ngọn lửa không hề bị dập tắt từ Thiên Chúa. Giakêu, kẻ thu thuế đã nghe nói về các phép lạ của Đấng Tiên Tri, và rằng Chúa Giêsu không bao giờ từ chối những người tội lỗi. Ông chộp lấy cớ hội, quyết định tiến lại gần Chúa Giêsu.

Để đến được với Chúa Giêsu không phải là dễ, ông gặp phải sự cản trở của bản thân vì thấp bé, của đám đông. Họ sẽ nhận ra và lại chế giễu ông thấp bé, quyền lực, giàu có, bóc lột đồng bào. Họ sẽ khinh thường ông, làm cho ông xấu hổ, báo thù khơi dậy báo thù. Nhưng Giakêu không bỏ lỡ cơ hội, ông sẽ thấy Chúa Giêsu đang đến gần, không gì có thể cản trở ông được.

Vì thế, ông trèo lên cây, ẩn mình trong những tán lá để xem Chúa Giêsu mà không bị ai nhìn thấy, ông tìm cách tiếp cận, với hy vọng những tán lá sẽ bảo vệ ông khỏi đám đông. Nhưng Chúa Giêsu đi ngang qua. Người tiến lại gần, ngước mắt nhìn ông và gọi “Giakêu”. Giakêu có nghĩa là “Chúa nhớ lại”. Thiên Chúa nhớ đến kẻ yếu người nghèo, với lòng thương xót “Giakêu, hãy xuống mau” (Lc 19,5).

Cố gắng của con người xem ra vô dụng, khi dùng cả sức mạnh của mình để vươn lên tới Chúa, tới Trời : “các ngươi sẽ nên như các thần” con rắn cám dỗ Ađam như thế. Giakêu khi ở trên cao, ông khám phá ra rằng để có được điều ông tìm kiếm, ông phải đi xuống. Thiên Chúa đã hạ mình xuống với con người. Thiên Chúa đã trở nên thấp và nhỏ bé, ở dưới gốc cây. Giakêu vui sướng thấy Chúa.

Chúa Giêsu đã giao hòa Giakêu với Thiên Chúa, và với mọi người. Tiếng gọi của Chúa Giêsu đặt Giakêu vào giữa cộng đoàn, khiến ông quên đi sự báo thù, mở lòng ra để đón nhận ơn tha thứ, niềm vui này Giakêu chia sẻ với anh em. Chúng ta đừng có nhầm : Giakêu không vứt bỏ tiền vì đã gặp được Chúa, ông không còn thích nữa. Chính sự dâng cúng này, Giakêu cho thấy ông không còn cần quyền lực để bảo vệ mình giữa mọi người nữa. Cuối cùng, ông đã nhận ra họ là anh em. Trước kia ông sống trong cô đơn, nay ông khám phá ra niềm vui của một tình yêu sâu thẳm vô điều kiện ở nơi Chúa Giêsu. Vì vậy, hạnh phúc của ông là đáp lại anh em mình, bằng cách chia sẻ tài sản của ông, mở ra một mối quan hệ mới với họ, dựa trên công lý.

Trong một văn bản khác của Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định rằng, người giầu rất khó vào Nước Trời (x. Mt 19,23). Trong trường hợp của ông Giakêu, điều xem ra không thể, lại được thực hiện: thánh Girolamo giải thích rằng “ông Giakêu đã cho đi sự giầu có của ông và lập tức thay thế nó bằng sự giầu có của nước trời” (Bài giảng 83,3). Và thánh Massimo thành Torino nói thêm: “Ðối với những người dại dột, của cải giầu sang dưỡng nuôi sự bất chính, trái lại đối với những người khôn ngoan chúng trợ giúp nhân đức; cơ may cứu rỗi được cống hiến cho những người khôn ngoan, còn đối với những người dại dột sự vấp ngã khiến cho họ hư mất” (Bài giảng, 95).

Chúa Giêsu kết thúc: “Con người đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10), “điều đã hư mất” chứ không phải là “kẻ bị mất”. Đây không phải là Giakêu đã mất. Khi cô lập với anh em mình, ông đã mất niềm hy vọng tìm thấy Thiên Chúa. Chúa Giêsu mang lại cho ông niềm hy vọng khi nói với ông : “Giakêu, hãy xuống mau!”.

Thiên Chúa không loại trừ ai hết, người nghèo cũng như người giầu. Thiên Chúa thấy nơi mỗi người một linh hồn cần cứu vớt. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta : hãy noi gương Chúa và thực thi lòng thương xót như Cha trên trên! Hôm nay ơn cứu độ của Chúa đến với chúng ta ; “Hôm nay, Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19,5). Mỗi ngày, hãy đến với Chúa Giêsu, là chủ nhà của tâm hồn chúng ta và là Thầy của đời ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy niệm Chúa Nhật 31 thường niên C
Lm. Anthony Trung Thành
19:41 25/10/2016
Suy Niệm Chúa Nhật XXXI THƯỜNG NIÊN C

Tin mừng Chúa Nhật XXXI Thường niên năm C hôm nay, Thánh Luca làm nổi bật thái độ của Đức Giêsu, một người Cha nhân lành, luôn “đi tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”; thái độ của ông Giakêu, một tội nhân mong muốn được thấy Đức Giêsu và khi gặp được Ngài, ông đã thực sự “biến đổi cuộc đời mình”; thái độ của những người biệt phái tự cho mình là thánh thiện, luôn rình mò để lên án và bắt bẻ người khác.

1. Thái độ của Đức Giêsu

Trong thông điệp Truyền giáo năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ một cách cao cả và trọn vẹn nhất nơi Đức Giêsu”. Trong ba năm đời sống công khai, Ngài không chỉ rao giảng cho mọi người biết về Giáo huấn của Ngài, mà Ngài còn làm nhiều phép lạ để chữa lành các bệnh bệnh hoạn tật nguyền. Đặc biệt, Ngài tìm kiếm, gặp gỡ, và cứu chữa “những kẻ đã hư mất”: Ngài đã đích thân tìm đến bàn thu thuế để kêu gọi Mathêu và tha thứ tội lỗi cho ông; Ngài đã tha thứ tội lỗi cho cô gái điếm Madalêna; Ngài đưa mắt âu yếm nhìn Phêrô sau khi ông chối Thầy ba lần; Ngài tha thứ tội lỗi cho Phaolô và mời gọi ông làm Tông đồ cho dân ngoại…Ngài đã hành động như lời sách Khôn Ngoan diễn tả trong bài đọc thứ I: “Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa”(Kn 12,2).

Tin mừng hôm nay còn cho chúng ta biết, trên con đường đi lên Giêrusalem, Ngài đi ngang qua thành Giêricô. Trong đám đông những người tụ tập hôm đó, Ngài quan tâm đặc biệt đến ông Giakêu, một người thu thuế. Ngài ngước mắt nhìn ông khi ông đang ngồi trên cây sung. Ngài gọi ông xuống, và quyết định đi tới nhà ông, bất chấp sự phê bình, chỉ trích, dòm ngó của những người biệt phái. Hơn thế nữa, Ngài tha thứ tội lỗi cho ông khi tuyên bố: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái của Abraham”(Lc 19,9). Ngài thực sự đến thế gian là “để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (x. Lc 19,10).

Theo gương Đức Giêsu, mỗi người chúng ta cần phải có tấm lòng rộng lượng: biết quan tâm những người xung quanh; biết đem tình thương và ơn cứu độ đến cho mọi người; luôn tạo điều kiện thuận lợi để những người như Giakêu có cơ hội trở về với Thiên Chúa và đền bù những sai lỗi của mình.

2. Thái độ của ông Giakêu

Ông Giakêu là thủ lãnh của những người thu thuế. Vào thời đó, ai làm nghề thu thuế là làm việc cho ngoại bang, thường lợi dụng chức quyền để đặt ra những khoản thu nặng nề, quá mức cho phép, dễ tham ô, tham nhũng. Cho nên, người thu thuế thường bị đồng hóa với kẻ tội lỗi, bị xa lánh và khinh thường. Dầu bị xa lánh và coi thường, ông Giakêu vẫn chọn nghề thu thuế, nhưng hằng ngày ông vẫn quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh. Đặc biệt, ông nghe nói về Đức Giêsu, về những lời giảng dạy “đầy khôn ngoan” và về những phép lạ Ngài làm. Ông mong muốn được thấy Đức Giêsu, dù chỉ một lần. Vì thế, khi nghe tin Đức Giêsu sắp đi ngang qua đây. Cơ hội đã đến với ông. Nhưng làm sao thấy được Ngài? Vì cùng đi với Ngài có các môn đệ, có đám đông, đặc biệt là đám đông của dân thành Giêricô. Ông lại là người thấp bé. Ông suy nghĩ và tìm ra giải pháp. Cuối cùng, ông quyết định trèo lên một cây sung gần bên cạnh đường. May thay, khi Đức Giêsu đi ngang qua đó, Ngài đã nhìn thấy ông trước khi ông thấy Ngài. Ngài mời gọi ông và ông đã “tụt xuống”. Hành động “trèo lên” và “tụt xuống” nói lên tất cả sự quyết tâm của ông. Ông mong muốn được thấy Đức Giêsu, được gặp Ngài nên ông bất chấp tất cả. Ông quên cả địa vị, trở nên như trẻ nhỏ và không sợ người ta cười chê. Ông chỉ ước mong được thấy Đức Giêsu, giờ đây ông lại được Đức Giêsu gọi ông, quyết định tới nhà ông. Ông vui mừng và mau mắn đi cùng Đức Giêsu trở về nhà mình. Những gì diễn ra tại nhà ông còn cho chúng thấy sự quyết tâm biến đổi cuộc đời của ông. Ông tự nguyện đứng lên thưa với Đức Giêsu rằng “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Với tâm tình sám hối công khai và quyết tâm đền bù tội lỗi của mình trước mặt Đức Giêsu và mọi người, ông Giakêu đã được biến đổi hoàn toàn. Chính Đức Giêsu đã nói: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”(Lc 19,9). Tinh thần sám hối và sự quyết tâm đền bù tội lỗi của ông Giakêu là mẫu mực cho con người qua mọi thời đại.

Trong cuộc sống, không ai tránh khỏi sai lỗi. Nhưng không phải ai cũng có tinh thần sám hối như Giakêu: Có những người không muốn gặp Đức Giêsu vì sợ phải thay đổi đời sống tội lỗi của mình, sợ mất đi những khoản thu trái phép, sợ phải lìa xa những mối tình bất chính, sợ phải đền bù những thiệt hại do mình gây nên, sợ phải làm việc bác ái…Là người Kitô hữu, chúng ta được gặp gỡ Đức Giêsu hằng ngày qua Lời Chúa, qua đời sống cầu nguyện và các Bí tích, hãy bắt chước ông Giakêu quyết tâm thay đổi đời sống, hãy làm phúc bố thí, và nếu có làm thiệt hại của ai thì hãy đền trả theo lẽ công bằng.

3. Thái độ của các Biệt phái

Biệt phái là nhóm người luôn cho mình thánh thiện và coi khinh người khác. Đặc biệt, họ coi thường những người thu thuế. Họ đồng hóa người thu thuế với kẻ tội lỗi. Đối với họ, những kẻ tội lỗi như hạng thu thuế thì không đáng được nhận lãnh ơn lành của Thiên Chúa. Vì vậy, họ không bao giờ tiếp xúc với những người thu thuế và nếu thấy ai tiếp xúc với hạng người đó thì bị họ lên án, chỉ trích. Cho nên, khi thấy Đức Giêsu vào nhà ông Giakêu, họ lẩm bẩm rằng: “Ông này đến trọ tại nhà một người tội lỗi”(x. Lc 19,7).

Trong thực tế cuộc sống, có lễ nhiều khi chúng ta vẫn có thái độ như những người Biệt phái: Đó là khi chúng ta tự cho mình là thánh thiện, coi khinh người khác; đó là khi chúng ta xa lánh, loại trừ những người mà chúng ta cho là kẻ tội lỗi; đó là khi chúng ta ngăn cản không cho người khác đến với Chúa để được lãnh hồng ân tha thứ... Vậy, hãy biết loại trừ khỏi chúng ta óc kiêu ngạo của Biệt phái và hãy tập sống khiêm nhường. Sách Huấn Ca khuyên chúng ta dù làm được gì tốt, dù sống đạo đức thánh thiện thì chúng ta cũng phải luôn có thái độ khiêm nhường: “Con ơi, hãy tự hào một cách khiêm nhường, và tự trọng đúng với giá trị của con” (x. Hc 10,28).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con có tấm lòng thương xót như Chúa, có tinh thần sám hối như Giakêu, xin loại ra khỏi chúng con tính kiêu ngạo, ích kỷ của những người Biệt phái. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung Quốc 'đáp lễ' công nhận một giám mục do Vatican bổ nhiệm
Chân Phương
08:54 25/10/2016
Trung Quốc 'đáp lễ' công nhận một giám mục do Vatican bổ nhiệm

Ngày 10 tháng 11 tới đây, Giáo phận Trường Trị ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) sẽ có tân giám mục. Cha Phêrô Đinh Lệnh Bân (Ding Lingbin) sẽ được tấn phong giám mục tại nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô và Phaolô ở địa phương.

Giáo phận Trường Trị (Changzhi) với 3,5 triệu dân được thành lập vào năm 1946. Tuy nhiên, Giáo Hội đã hiện hữu ở đây từ năm 1830 và là một bộ phận của Hạt Đại diện Tông Tòa Sơn Tây (Shansi) thuộc quyền các nhà truyền giáo Dòng Phanxicô. Hiện nay, giáo phận có 51 linh mục, 22 chủng sinh phục vụ cho hơn 50.000 tín hữu.

Các linh mục và giáo dân đang tất bật cho việc chuẩn bị và cảm thấy như được vỡ òa vì địa điểm và thời gian của ngày lễ vừa được xác nhận cách đây một vài ngày, mặc dù việc bổ nhiệm Đức Cha Đinh Lệnh Bân đã được Vatican thực hiện ít nhất là hai năm trước đây.

Một số nhà bình luận giải thích rằng đây là một tín hiệu "bật đèn xanh" cho các thỏa thuận mà Bắc Kinh và Vatican vừa đạt được trong việc bổ nhiệm các giám mục, một kết quả đầu tiên của cuộc đối thoại Trung Quốc - Tòa Thánh.

Trên thực tế, vị giám mục tân cử này đã được Tòa Thánh bổ nhiệm, đang chờ đợi tình thế để được tấn phong và chính thức nhận giáo phận của ngài. Việc chậm trễ là do kỳ vọng có thêm sự chấp thuận của Bắc Kinh.

Điều tương tự như vậy có thể xảy ra là giám mục tương lai của Giáo phận Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), Đức Cha Giuse Đường Viễn Các (Tang Yuange). Ngài đã được Tòa Thánh bổ nhiệm cách đây khá lâu và cũng đang chờ đợi điều kiện tốt nhất để được tấn phong. Mặc dù một số cơ quan truyền thông ở Trung Quốc nói rằng lễ tấn phong của ngài sẽ diễn ra vào cuối năm nay nhưng thời gian và địa điểm vẫn chưa được xác nhận chính thức. Các nhà quan sát Giáo Hội tại Trung Quốc cho rằng việc trì hoãn này là sự thận trọng nhằm phòng tránh các giám mục bất hợp thức đang chịu vạ tuyệt thông có thể tham dự vào lễ tấn phong.

Từ khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã thường xuyên thể hiện sự tôn trọng của ngài đối với người dân Trung Quốc và đưa ra những sự cởi mở với Chủ tịch Tập Cận Bình. Cuộc đối thoại hiện nay giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh được nối lại sau gần một thập kỷ im lặng. Hiện tại, đoàn đàm phán của hai bên gặp gỡ với một chu kỳ nhất định (mỗi ba tháng) và họ chủ yếu làm việc về thỏa thuận trong chuyện bổ nhiệm các giám mục.

Trở về từ cuộc tông du Azerbaijan một vài tuần trước đây, trong khi bày tỏ sự lạc quan của tiến trình này, Đức Giáo Hoàng đã nói rằng con đường thì dài và chậm, "Mọi chuyện cần phải thực hiện từ tốn... luôn phải đề xuất những phương án tốt nhất. Làm vội vã thì hiếm khi có kết quả tốt". Bất chấp nhận định thẳng thắn đó của Đức Phanxicô, giới truyền thông ở Ý, Trung Quốc và trên thế giới tiếp tục khai thác kỹ lưỡng từng bước đi này và nghe ngóng mọi tin đồn, rồi họ kết luận rằng "có một thỏa thuận sắp xảy ra".

Để khẳng định cho điều "sắp xảy ra" ấy, họ nhấn mạnh đến thực tế là vào cuối Tháng Mười năm nay sẽ có một cuộc họp của hai phái đoàn nhằm hoàn tất những chi tiết cuối cùng của bản thỏa thuận. Nhưng các nguồn tin thân cận ở Trung Quốc và Vatican đều phủ nhận cuộc họp này sẽ diễn ra trong Tháng Mười và cho rằng nó sẽ diễn ra vào một ngày sau thời điểm đó.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã không bình luận về tin tức kể trên, nhưng vào hôm 22 tháng 10 đã ban hành một thông cáo nói rằng từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 10 là "Cuộc họp lần thứ sáu của Nhóm công tác giữa Tòa Thánh và Việt Nam sẽ diễn ra tại Vatican, để phát triển và đào sâu thêm mối quan hệ song phương giữa hai bên". Có vẻ như hai nhóm làm việc về hai vấn đề có phần ít nhiều nhạy cảm thì khó mà diễn ra trong cùng một ngày.

Một số người lạc quan thì lại cho rằng Vatican cố ý muốn tổ chức các nhóm làm việc cùng nhau nhằm tìm sự giúp đỡ từ bên Việt Nam (vốn đã chấp nhận có một vị sứ thần không thường trú) để giải quyết vấn đề với Trung Quốc. Nhưng sự thật là mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh hiện nay không phải là tốt đẹp bởi vì họ bị chia rẽ về chủ quyền các hòn đảo ở Biển Đông. Ngoài ra, Hội nghị của Đảng Cộng Sản sẽ bắt đầu hôm nay tại Bắc Kinh và tất cả các cán bộ cấp cao của Trung Quốc sẽ phải xem xét các nghị quyết được đề xuất.

Bất kỳ trường hợp nào loan tin về một thỏa thuận "sắp xảy ra" đều mang đến sự hoang mang sâu sắc cho các Kitô hữu thuộc cộng đoàn Giáo Hội hầm trú (không chính thức) vì họ cảm thấy bị lãng quên và bị gạt ra bên lề cuộc đối thoại này. Họ sợ rằng trong cuộc chạy nước rút để đạt được một số kết quả, Vatican sẵn sàng thỏa hiệp làm cho tín hữu Công Giáo phải suy thoái.

Một trong những thỏa hiệp đáng sợ là phải hòa giải với tám giám mục bất hợp thức (trong đó có ba người đã chính thức bị vạ tuyệt thông). Tin đồn gần đây cho rằng Vatican chuẩn bị công nhận bốn giám mục: Mã Anh Lâm (Ma Yinglin) của Giáo phận Côn Minh (tỉnh Vân Nam); Quách Kim Tài (Guo Jincai) của Giáo phận Thừa Đức (tỉnh Hà Bắc); Nhạc Phúc Sanh (Yue Fusheng) của Giáo phận Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang); và Đồ Thế Hoa (Tu Shihua) của Giáo phận Bồ Kỳ (tỉnh Hồ Nam).

Nếu đúng là Trung Quốc đang thúc đẩy việc công nhận tám giám mục thì cũng đúng là Tòa Thánh đang tiếp tục bước trên con đường hòa giải thật sự, bao hàm một yêu cầu giải vạ tuyệt thông cho những giám mục này, vốn là thẩm quyền quyết định của Đức Giáo Hoàng, và một động thái ăn năn công khai của vị giám mục đó vì những bê bối của mình trước mặt các tín hữu.

Đối với Tòa Thánh, tiến trình nói trên không thể xảy ra chỉ bằng cách vung tay với một 'cây đũa thần'. Nó đòi hỏi mỗi giám mục liên quan phải thực hiện theo một quy trình và hướng đi đúng đắn. Một vài vị trong số ấy đã bày tỏ ước nguyện xin được tha thứ cách đây vài năm, nhưng Vatican muốn điều tra thêm về tình hình của họ. Điều này có nghĩa rằng việc hòa giải với Đức Giáo Hoàng xảy ra "vào cuối năm nay" là điều không thể đoan chắc.

Trong mọi trường hợp, quá trình này không bị trói buộc với cuộc đối thoại Trung Quốc - Vatican đang diễn ra, vì nó là quá trình tâm linh và cá thể của họ. Một bài báo được công bố hôm 4 tháng 8 mang chữ ký của Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon) bên Hồng Kông giải thích về các tiêu chí và thủ tục trong cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Tòa Thánh, Đức Hồng Y nói: "Hiện nay ở Trung Quốc đại lục vẫn còn có những giám mục chưa được Đức Giáo Hoàng công nhận, họ phải tuân thủ các quy chế của Giáo Hội Công Giáo về một giám mục hợp thức để sau này họ mới có thể được Đức Giáo Hoàng công nhận là hợp thức". Tóm lại, sự công nhận này chỉ có thể xảy ra khi "hội đủ các điều kiện" và đó không phải là kết quả của một thỏa thuận chính trị. (AsiaNews)

Chân Phương
 
Văn thư của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn gửi người Ấn giáo nhân dịp mừng lễ Deepavali
Bùi Hữu Thư
16:05 25/10/2016
Vatican 25 tháng 10, 2016:

Các bạn Ấn giáo thân mến,

1. Thay mặt cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, chúng tôi xin gửi đến quý vị lời cầu chúc tốt đẹp nhất trong khi quý vị mừng Lễ Deepavali ngày 30 tháng 10, 2016. Chúc cho việc cử hành lễ này trên toàn thế giới sẽ tăng cường các mối tương quan gia đình, và đem lại niềm an vui và hoà bình đến với mọi gia đình và cộng đoàn.

2. Sự lành mạnh của xã hội tùy thuộc vào các mối tương quan gia đình, tuy nhiên chúng ta biết rằng ngày nay chính khái niệm về gia đình đang bị đe doạ bởi một bầu khí làm cho các ý nghĩa và giá trị thiết yếu trở nên có tính cách tương đối. Cũng thế, đời sống giá đình thường bị ngăn trở bởi các thực tại khó khăn như chiến tranh, nghèo khó, và di dân, đang lan tràn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu về niềm hy vọng được đổi mới nhờ vào nhân chứng của những người sốt sắng duy trì tầm quan gia đình và ý thức rõ rệt về những thay đổi bền vững của đời sống hôn nhân và gia đình cho sự an vui của mỗi cá nhân và toàn thể xã hội. Với sự tôn kính các gia đình và ý thức rõ rệt về các thách đố quốc tế chúng ta phải đương đầu, chúng tôi mong muốn đưa ra một suy tư về cách thức chúng ta, các tín hữu Kitô và Ấn giáo có thể cùng nhau cổ võ cho niềm hy vọng trong mọi gia đình và nhờ đó có thể làm cho xã hội chúng ta trở nên nhân bản hơn.

3. Chúng tôi biết rằng gia đình là “trường học đầu tiên của nhân loại”và phụ huynh là “hiệu trưởng chính” trong việc giáo dục các con em. Chính là trong các gia đình mà con trẻ, được hướng dẫn bởi các gương sáng của cha mẹ và trưởng thượng, mới được dậy dỗ về các giá trị giúp cho chúng phát triển thành những con người tốt lành và có trách nhiệm. Tuy nhiên, nhiều khi, sự lạc quan và lý tưởng hóa của giới trẻ chúng ta lại bị suy giảm vì những hoàn cảnh có ảnh hưởng đến gia đình. Vì vậy điều tối quan trọng là các phụ huynh phải cùng với cộng đồng, trao gửi cho các em ý thức của niềm hy vọng bằng cách hướng dẫn chúng tới một tương lai tốt đẹp hơn và theo đuổi việc lành dù phải đối phó với những trở ngại khó khăn.

4. Do đó, việc cung ứng môt sự đào tạo và giáo dục về hy vọng là trách vụ hết sức quan trọng đối với các gia đình, (Tông huấn Amoris Laetitia, 274-275), như được phản ảnh bản thể thiêng liêng của lòng thương xót, ôm ấp những người tuyệt vọng và đem lại cho họ mục đích cho đời sống. Một nền giáo dục về niềm hy vọng như thế sẽ khuyến khích giới trẻ vươn ra trong tình bác ái và phục vụ những tha nhân thiếu thốn, và do đó trở nên ánh sáng cho những ai đang ở trong tối tăm.

5. Vì thế, các gia đình phải là những “trường đào tạo hy vọng” (Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong đêm canh thức cầu nguyện cho Đại Hội Gia Đình tại Philadelphia, 26, tháng 9, 2015), nơi con trẻ học hỏi từ gương sáng của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, và có cảm nghiệm về quyền năng của hy vọng trong việc tăng cường các mối tương quan, phục vụ cho những người bị quên lãng trong xã hội và vượt thắng những bất công ngày nay. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng “tương lai của nhân loại phải đi qua con đường của gia đình: (Tông Huấn Familiaris Consortio, 86). Nếu nhân loại muốn phồn thịnh và sống trong hoà bình thì gia đình phải ôm lấy công trình nuôi dưỡng hy vọng và khuyến khích con cái trở nên những người công bố hy vọng cho toàn thế giới.

6. Là các tín hữu Kitô và Ấn giáo, chúng ta hãy hiệp nhất với tất cả những ai đầy thiện chí trong việc yểm trợ gia đình và đời sống hôn nhân, và thúc đẩy cho gia đình trở nên môi trường dậy dỗ về niềm hy vọng. Chớ gì chúng ta có thể dem ánh sáng hy vọng đến mọi ngõ ngách của thế giới, và đem an ủi và sức mạnh cho tất cả những ai thiếu thốn.

Chúng tôi cầu chúc quý vị một Lễ hội Deepavali thật vui vẻ!

Hồng Y Jean-Louis Tauran

Chủ Tịch

Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ

Tổng thư ký
 
Dịp lễ các Linh Hồn: Tòa Thánh Vatican lưu ý tro của người hỏa táng không được rắc rải.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:19 25/10/2016
Nhân dịp lễ Các Linh Hồn: Tòa Thánh Vatican lưu ý tro của người hỏa táng không được vứt bừa bãi.

(Nhân lễ các linh hồn…)

(EWTN News/CNA) Thánh Bộ Đức Tin Tòa Thánh vừa đưa ra một hướng dẫn vào hôm Thứ Ba về việc chôn cất và hỏa táng, nhắc lại rằng Giáo Hội không khuyến khích việc hỏa táng, nhưng cho phép trong những hoàn cảnh đặc biệt và rằng việc rải tro sau khi hỏa táng là điều cấm.

Tài liệu Ad Resurgendum cum Christo nghĩa là “ Để sống lại với Chúa Kitô” được phát hành vào ngày 25 tháng Mười cho biết rằng việc hỏa táng người chết “không bị cấm” nhưng Giáo Hội khuyến khích “việc chôn xác kẻ chết theo truyền thống, bởi vì điều này bày tỏ sự tôn trọng đối với người đã khuất.”

Tài liệu này cũng giải thích thêm rằng sau khi có những “lý do chính đáng” để thực hiện hỏa táng, thì tro của người hỏa táng phải được đặt để ở một nơi thánh thiêng như là nghĩa trang hay nhà thờ. Không được phép giữ tro trong nhà hay rải trong không khí, rải trên đất, trên sông, trên biển cũng như không được cất giữ trong những vật lưu niệm, đồ trang sức hay những hình thức tương tự.

Đức Hồng Y Gerhard Muller, Chủ tịch Thánh Bộ viết rằng “Việc chôn xác, nghi thức phụng vụ cuối cùng của chúng ta nói lên niềm hy vọng sống lại của người tín hữu, do đó Giáo Hội khuyến khích việc chôn xác người chết.”

Tài liệu giải thích rằng “bằng cách chôn xác người tín hữu, Giáo Hội khẳng định niềm tin vào sự sống lại của thân xác và bày tỏ sự kính trọng đối với thân xác như là một phần không thể thiếu để làm nên nhân cách của họ.”

“Do đó Giáo Hội không cho phép những hình thức hay nghi lễ an táng mang tư tưởng sai lầm về sự chết, chẳng hạn như coi cái chết là sự hủy diệt hoàn toàn của con người, hay chết là thời điểm trở về với thiên nhiên hay vũ trụ.

“Việc chôn cất tại một nghĩa trang hay một nơi thánh thiêng là một hình thức thích hợp để tỏ lòng kính trọng đối với thân xác của các tín hữu đã qua đời, những người đã chịu phép Rửa Tội và trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần và cùng với Chúa Thánh Thần họ đã thực hiện nhiều việc tốt đẹp.”

Tòa Thánh đã cho phép hỏa táng vào năm 1984, nhưng đến nay việc rải tro của người hỏa táng một cách tùy tiện hay giữ tro tại nhà đã càng ngày càng phổ biến, do vậy việc đưa ra một hướng dẫn mới cho các giám mục là một điều cần thiết.

Bản hướng dẫn nhấn mạnh rằng “ theo như truyền thống xa xưa của Kitô Giáo, Giáo Hội thiết tha kêu gọi chúng ta hãy chôn xác người chết.”

Theo cha Thomas Bonino, một thành viên của Thánh Bộ Đức Tin thì việc tôn trọng thích hợp dành cho thân xác giúp chúng ta nhận chân được rằng đời sống con người gồm cả thể xác và linh hồn. Cùng với linh hồn, thể xác làm nên con người chúng ta, giáo huấn này “phải được tái khẳng định” trong việc giảng dạy và trong sách giáo lý.

Việc rải tro vào trong thiên nhiên được xem như là chấp nhận thuyết phiếm thần, coi thiên nhiên là Thiên Chúa, nói lên tư tưởng sai lầm rằng “chết là hoàn toàn hủy bỏ, không còn gì nữa cả, thân xác trở về với đất và thế là hết.”

Có những phản ứng khác nhau cho rằng cái chết chỉ là việc của cá nhân hay của gia đình thân tộc, nhưng “cái chết của một người cũng là vấn đề của cộng đồng mà người chết là thành viên.”

Tài liệu này cũng nhấn mạnh đến những lý do quan trọng về việc chôn xác kẻ chết trong đó bao gồm việc Giáo Hội coi việc chôn cất là một trong những việc làm phúc đức.

“Từ xa xưa, các tín hữu mong muốn rằng khi mình chết sẽ được cộng đoàn tín hữu cầu nguyện cho và tưởng nhớ tới. Ngôi mộ của họ sẽ trở thành nơi cầu nguyện, tưởng nhớ và nhắc lại những việc lành họ đã làm.”

Khi đặt để tro của người chết ở nơi thánh thiêng, chúng ta tin tưởng rằng họ sẽ luôn được nhớ tới trong kinh nguyện của gia đình và cộng đồng tín hữu, cũng như một dấu hiệu lâu dài cho hậu thế, đặc biệt là khi thế hệ của họ đã qua đi.

Đức Hồng Y Muller nói “Là tín hữu Công Giáo… chúng ta phải hiểu được tất cả những yếu tố của đời sống mình trong đức tin Kitô Giáo.

“Chúng ta tin tưởng vào sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và chúng ta cũng hy vọng vào sự sống lại của thân xác chúng ta… Và do đó truyền thống tốt lành của người tín hữu là luôn được chôn cất trong mồ.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nói chuyện với Gs Nguyễn Xuân Vinh về hành trình Đức Tin của ông, về tôn giáo và khoa học...
Lm Trần Công Nghị
16:35 25/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Lễ Hội CMC Fest 2016 vùng Fort Worth
Trần Trọng Long
16:34 25/10/2016
Xem hình ảnh

Thứ Bảy vừa qua, ngày 22 Tháng 10, năm 2016, lễ hội CMC Fest 2016 với khẩu hiệu Come Meet Christ (tạm dịch Hãy đến Gặp Đức Kitô) dành cho tất cả các em thanh thiếu niên trong vùng Dallas, Forth-Worth, Arlington và phụ cận đã được tổ chức tại Trung Tâm Tĩnh Tâm Thánh Gia, 4057 Rendon Road, Fort Worth, Texas.

Theo lời Cha Benedictô Đặng Minh Trân, CMC, trưởng ban tổ chức thì đây là lần thứ hai Dòng Đồng Công (Congregration of Mother Co-Redemptrix- CMC) tổ chức lễ hội tại Fort Worth với mục đích giúp giới trẻ Việt Nam nhận thức được ơn gọi của mình trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội Hoàn Vũ nói chung và cách riêng của Dòng Đồng Công.

Chương trình gồm có:

1) Đón tiếp các em

2) Chương trình ca nhạc do Ban nhạc Leap of Faith thuộc giáo xứ Saint George, Fort Worth-Texas với sự công tác của Ban nhạc Never Land thuộc Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington-Texas

3) Thánh lễ

4) Cơm trưa

5) Sinh hoạt với nhiều tiết mục

Thánh lễ đồng tế có các linh mục Dòng Đồng Công. Trong phần giảng lễ, Cha Timothy Trần Viết Thắng, CMC. nhắn nhủ các em nhớ đến 2 điều quan trọng trong cuộc sống là:

1) Thiên Chúa là Đấng hay Thương xót, thì chúng ta hãy có lòng thương xót mọi người.

2) Chúng ta hãy biết nhìn nhận tội của mình.

Sau Thánh lễ, các em dùng ẩm thực do các phụ huynh của Gia Đình Tận Hiến Đồng Công đảm trách và các em đã có những sinh hoạt vui với nhiều trò chơi hữu ích như lời của hai em Ngô Cơ và Nguyễn Ngọc Thu đến từ Dallas: “các em đến đây để sinh hoạt vui, để có thêm bạn mới và hơn thế nữa, các em đến với nhau trong Chúa Kitô”.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Formosa cút! Đảng CSVN chết!
Trần An Bài
18:15 25/10/2016
FORMOSA CÚT! ĐẢNG CSVN CHẾT!
(Ông Lê Thanh Hùng thu âm và ghi lại lời phát biểu của TS. Trần An Bài trong bữa tiệc Thành Lập Chi Nhánh Khối 8406 tại Quận Hạt Marin, Bắc Cali ngày 23-10-2016)

Kính thưa Quý Vị đại diện các Hội Đoàn và Đoàn Thể Người Việt Quốc Gia Vùng Bắc Cali,
Kính thưa Ban Tổ Chức Khối 8406,
Kính thưa Quý Vị đại diện các Cơ Quan Truyền Thông,
Kính thưa Quý Vị,

Mục đích của buổi họp mặt hôm nay theo thư mời của Ban Tổ Chức là để tham dự Bữa Tiệc Chào Mừng Thành Lập Chi Nhánh Khối 8406 Quận Hạt Marin. Bữa tiệc hôm nay có hai phần: Tiệc Tinh Thần và Tiệc Vật Chất. Cũng như Quý Vị, tôi đến đây để dự tiệc, nhưng cuối cùng, Ban Tổ Chức không kiếm ra đầu bếp cho bữa Tiệc Tinh Thần, nên đã nhờ tôi làm đầu bếp luôn. Còn Tiệc Vật Chất thì sẽ do nhà hàng đảm trách.

Thường thì bữa tiệc có chén, có đũa hấp dẫn hơn và nhất là bây giờ lại đúng giờ dành cho bao tử, chứ không phải dành cho bộ óc. Thế nhưng, chúng ta không thể làm gì khác với chương trình BTC đã hoạch định.Vậy nên xin Quý Vị vui lòng giúp tôi hoàn thành công tác đầu bếp cho bữa ăn Tinh Thần này.

Nếu tôi nấu nướng được thì xin Quý Vị khen thưởng bằng những tràng pháo tay. Còn giả như không được thì cũng xin Quý Vị giữ bình tĩnh cho hội trường này được yên lặng, vì những gì tôi nói sẽ là những lời tâm huyết chân tình của đồng bào miền Bắc Cali, Hoa Kỳ, gửi về quốc nội và gửi đi khắp nơi. Trong lúc đồng bào bốn tỉnh miền Trung đang phải sống dở, chết dở, nhìn biển cả mênh mông với những con thuyền nằm ụ trên cát, con cái đói khát, không thể đến trường học và rồi một trận bão kinh hoàng lại mới ập tới thì nếu chúng ta có phải chậm khai mạc bữa tiệc của nhà hàng trong năm, 10 phút chắc mọi người chúng ta cũng đều sẵn sàng hy sinh. Có phải không Qúy Vị? (vỗ tay)

Tôi xin được vắn tắt trình bày với Quý Vị năm món ăn tinh thần, cũng là năm vấn đề thiết thực, nóng bỏng sau đây:

* Thứ nhất, món “chim cút”:

Trong những ngày tháng vừa qua, chúng ta đã nghe rõ ước nguyện của đồng bào quốc nội được dõng dạc vang lên rất can đảm trước họng súng, dùi cui, lá chắn của lực lượng CS, CA Cộng Sản VN: “Formosa! Cút!” Tôi gọi đó là món “chim cút”. (vỗ tay)

Formosa là một Công Ty sản xuất thép của Đài Loan và Trung Cộng. Công ty này đi đâu cũng bị các quốc gia trên thế giới xua đuổi. Chỉ có Đảng CSVN nhận tiền hối lộ của nó và rước về VN cho phép hoạt động trong thời hạn 70 năm. Nhưng thép sản xuất chưa thấy gì mà cá chết hàng tấn, hàng tấn nổi lềnh bềnh trôi về tràn ngập bờ biển miền Trung. Trong suốt sáu tháng qua, nhà cầm quyền VN miệng câm như hến, để cho hàng trăm ngàn ngư dân bốn tỉnh miền Trung sống hoang mang, vất vưởng. Các quốc gia trên thế giới tình nguyện đến để tìm ra nguyên nhân và giúp đỡ, nhưng Đảng CSVN đều lắc đầu từ chối. Cho đến một ngày kia, Đảng CSVN và Formosa không thể chối tội được nữa, đành cúi đầu nhận tội, khai đó là do nhà máy Formosa đã thải chất độc ra biển và xin được bồi thường 500 triệu Mỹ Kim. Đảng CSVN hý hửng đứng ra nhận số tiền bồi thường này và tuyên bố nội vụ đã được giải quyết thỏa đáng và với thời gian, biển sẽ tự động sạch sẽ trở lại.

Tại các nước văn minh, trong trường hợp này, các nạn nhân sẽ kiện Formosa trước tòa án để xét xử và bồi thường hợp lý. Nhưng tại VN, Formosa đã tự nhận tội, tự ấn định số tiền bồi thường và tự nạp tiền bồi thường cho chính phủ. Người Việt mình có câu ví von để diễn tả trường hợp này: “Đảng CSVN vừa làm cầu thủ đá banh, vừa làm trọng tài thổi còi”.

Khi các ngư dân bất bình với lối giải quyết sặc mùi tham nhũng của Đảng CSVN, họ đã cùng nhau đến tòa án khởi kiện dưới sự hướng dẫn của LM. Đặng Hữu Nam, nhưng Đảng CSVN cản trở đoàn xe chở dân đi kiện, nhưng đơn kiện vẫn tới được tòa án. Trớ trêu thay! Một tuần sau, tòa án trả lại 506 đơn kiện, với lý do người đi kiện không chứng minh được những thiệt hại. Ô hay! Tòa án chưa xét xử mà làm sao biết người ta không bị thiệt hại. Thế bộ cá chết nằm ngổn ngang trên bờ biển, thuyền bè của dân bất động, gia đình ngư dân không có gì để ăn, con cái không thể đến trường. Điều đó không gọi là thiệt hại thì là “thiên đường” của Chủ Nghĩa Xã Hội hay sao? Không lẽ phải chờ đến ngày con cái, cháu chắt của các đảng viên CSVN đẻ ra toàn quái thai thì họ mới biết đó là thiệt hại của Formosa sao? (vỗ tay)

Kính thưa Quý Vị,

Khi nghe tiếng thét: “Formosa! Cút!” Quý Vị đã hiểu thế nào? Tiếng Việt của chúng ta rất chính xác. “Cút” là một mệnh lệnh, ngắn, gọn, dứt khoát, dùng để xua đuổi hoặc là súc vật hoặc là con người, nhưng là loại người nguy hiểm tột cùng đáng khinh. (vỗ tay)

Người dân có thể nói: “Formosa! Hãy về nước đi!” Đó cũng là xua đuổi đấy. Nhưng là xua đuổi một cách rất lịch sự. Còn ở đây, đồng bào chúng ta đã ra lệnh cho bọn sát nhân, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc: “Cút! Xéo!” (vỗ tay)

Thế nhưng, tôi có cảm tưởng rằng mệnh lệnh của bà con bốn tỉnh miền Trung sẽ không bao giờ thành công cả. Formosa không ra khỏi VN đâu, vì Formosa đang có một điểm tựa rất vững chắc. Đó là Đảng CSVN. Chữ “Cút” tiếng Việt bỏ dấu sắc đi thì tiếng Anh gọi là “cut”, có nghĩa là “cắt” hay “chặt”. Khi một vật, một người, một Đảng mà bị chặt thì có nghĩa là chết. Do đó, muốn hô “Formosa Cút!” thì trước đó, đồng bào phải hô: “Đảng CSVN! Chết!”.

Sau hơn 75 năm áp đặt chế độ phi nhân CS lên đất nước VN, Đảng CSVN đã để lộ mặt thật của chúng. Cái bộ mặt buôn dân, bán nước, giống y hệt như cái xác chết thối rữa của HCM đang để ở Ba Đình, vậy mà có người còn cứ bàn Đảng CSVN phải làm thế này, phải làm thế nọ thì mới có tự do, dân chủ, v.v... Từ bản chất, chế độ CS không bao giờ cho người dân được tự do, dân chủ, nhân quyền. Bởi vậy, chỉ có một cách duy nhất để cứu nguy VN. Đó là Đảng CSVN phải chết. (vỗ tay) Y hệt như chuyện không có cách gì phục hồi sự sống cho cái xác chết HCM được, mà chỉ còn cách duy nhất là đem cái thây ma ấy đi chôn mà thôi. (vỗ tay)

Người dân VN muốn làm sạch bờ biển VN. Điều đó đúng. Nhưng làm sạch biển để làm gì, nếu một ngày không xa, chính bờ biển hình cong chữ S lại trở thành đất đai của Trung Cộng? Vậy, tôi muốn giới thiệu:

*Món thứ nhì: “Vịt Tiềm Thành Đô”.

Những tin tức mật, rất đáng tin cậy, do chính những đảng viên cao cấp của CSVN – như cựu Ngoại Trưởng CS Nguyễn Cơ Thạch - đã cho biết: Đảng CSVN đã bán nước VN cho Tàu Cộng bằng Hiệp Ước Thành Đô 1990 rồi. Theo Hiệp Ước này thì đến năm 2020, tức chỉ còn 3 năm nữa, VN sẽ trở thành một khu thuộc địa của Tàu.

Ngay lúc này, đồng bào VN cần phải buộc Đảng CSVN trả lời dứt khoát về chuyện đại sự này. Nếu Đảng CS chối là không có chuyện bán nước thì Đảng CSVN phải công bố bản Hiệp Ước Thành Đô cho dân chúng và trả lời cho hợp lý các hiện tượng nghịch thường sau đây:

- Tại sao các công ty Tàu Cộng lại trúng rất nhiều khế ước với VN để đem quá nhiều nhân công vào VN?
- Tại sao, các sách giáo khoa của học sinh VN lại in bằng tiếng Tàu?
- Tại sao lại đánh đập dân chúng khi họ biểu tình phản đối Trung Cộng đặt giàn khoan trong vùng biển của VN, chiếm Ải Nam Quan của VN? Chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của VN?

Còn nếu thực sự có Hiệp Ước Thành Đô thì nhất định nhân dân VN không thể sống yên lặng như bây giờ được nữa. Đây là thời điểm mọi người dân – vì sự sống còn của Quê Hương VN, của chính mình và con cháu mình - phải vùng lên trong một trận chiến quyết liệt để khai tử Đảng CSVN, trước khi quá trễ. (vỗ tay)

* Món thứ 3: Canh Bầu

Chúng ta đang ở vào những ngày cuối cùng trong mùa bầu cử tại Hoa Kỳ. Hiến Pháp HK tôn trọng quyền ứng cử và bầu cử của công dân. Dĩ nhiên, trong mùa tranh cử, không ít thì nhiều, các ứng cử viên bất đồng với nhau. Các cử tri cũng tranh cãi nhau. Đó là những điều vẫn thường xảy ra trong các kỳ bầu cử tại HK.

Điều tôi muốn chia sẻ với Quý Vị bây giờ là cuộc tranh cử nào rồi cũng phải có ngày kết thúc. Và kết thúc bằng kẻ thắng người thua. Nhưng chúng ta thường quên điều này: Không khí tranh cãi giữa Cộng Đồng VN chúng ta không chịu ngừng nghỉ sau khi mùa bầu cử kết thúc. Các cử tri người Việt tiếp tục tranh cãi, tiếp tục chia rẽ, sau khi những vị dân cử tuyên thệ nhậm chức.

Chúng ta quên rằng màn tranh cử tại Hoa Kỳ cũng gần giống như một màn kịch. Khi thấy các ứng cử viên mạt sát nhau thậm tệ thì chúng ta tưởng họ ghét nhau, thù hận nhau đến tận đời cha qua đời con của họ. Không đâu. Sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, người thất cử gọi điện thoại chúc mừng người thắng cử. Họ bắt tay nhau, họ ôm nhau và họ còn làm việc chung với nhau để làm tốt cho đất nước.

Các ứng viên họ cư xử với nhau như vậy, mà các cử tri VN cứ hận thù nhau liên miên. Xin đừng quên điều này: Trong bất cứ cuộc bầu cử nào, chỉ có các ứng cử viên mới có người thắng, kẻ thua. Còn các cử tri thì đừng bao giờ đặt mình vào kẻ thua người thắng. Đối với các cử tri, ai thắng – dù Cộng hoà, Dân chủ - cũng là mình thắng cả. Người thắng cử phải tuyên thệ phục vụ cho hết mọi cử tri trong đơn vị của mình, không phân biệt người đó có bỏ phiếu cho mình hay không. Lý do dễ hiểu là sau khi thắng cử, họ được mọi công dân trả lương cho họ qua tiền thuế của mỗi cử tri, dù cử tri có bầu cho họ hay không, dù có thích hay không thích người thắng cử.

Sau mùa bầu cử này, chúng ta sẽ có Tổng Thống mới, nhiều Dân Biểu, Nghị sĩ, Nghị Viên mới. Họ sẽ làm việc theo tiếng nói mạnh của các cử tri. Vậy, bổn phận chúng ta là phải đoàn kết để tạo ra tiếng nói mạnh. Tiếng nói cần thiết nhất trong những ngày sắp tới của CĐ Người Việt QG là gì?

Đó là:Thứ nhất, tranh đấu giải thể chế độ CSVN. Thứ nhì, khi chế độ CS sụp đổ thì sẽ có hiện tượng những tên lãnh tụ CS tham nhũng, ác độc, sẽ bỏ chạy trốn qua các nước văn minh mà chúng ta đang tỵ nạn.

Những ngày vừa qua, đã có tin một tên CS ác ôn miền Hậu giang là Trịnh Xuân Thanh đã trốn qua Đức. Cũng có tin ngay tại San Jose này, một tên Đại tá Công an CS có nợ máu với chính thể VNCH, vừa được con gái bảo trợ qua California. Luật pháp Hoa kỳ không chấp nhận cho những kẻ sát nhân, giết người được định cư ở nước này. Còn nước nào chưa có luật tương tự thì đồng bào cần vận động các nhà lập pháp soạn thảo những luật đó sẵn đi. Khi nào Đảng CSVN bị khai tử thì những tên cầm đầu, những tên đã đánh đập hay ra lệnh bắn giết đồng bào sẽ không có đất dung thân chung với chúng ta. Chúng ta có quyền đuổi những tên CS đi chỗ khác. (vỗ tay). Thêm nữa, những tài sản nào chúng đã ăn cắp của dân mang ra nước ngoài cũng phải được trả về cho nhân dân Việt Nam. (vỗ tay)

Tất cả những kế hoạch này đều nằm trong tầm tay của chúng ta với sự đoàn kết và liên lạc mật thiết với các vị dân cử nơi chúng ta đang sinh sống. Bởi thế, tôi xin gửi một lời nhắn nhủ đến các quân nhân và lực lượng cảnh sát công an CSVN:

Đừng bao giờ mơ tưởng rằng Đảng CSVN sẽ sống trường tồn.

Cũng đừng bao giờ mơ tưởng rằng sau khi Đảng của các người chết, các người sẽ chạy trốn sang các quốc gia sống lẫn lộn với những người VN tỵ nạn (như vụ án Bùi Đình Thi chẳng hạn). Không đâu, hình ảnh những tên CS đánh đập, bóp cổ đồng bào đã được chụp và gửi đi khắp thế giới.

Hãy từ bỏ chế độ CS vô thần ngay bây giờ.
Hãy tôn trọng tính mạng của đồng bào.
Hãy phục vụ Tổ quốc VN, đừng phục vụ Đảng CSVN.
Chỉ có như vậy mới được hưởng sự tha thứ của đồng bào. (vỗ tay lâu)

* Món thứ 4: Mì Cứu Trợ

Hàng năm, người Việt ở hải ngoại gửi tiền trợ cấp về VN khoảng 8 tỉ Mỹ Kim. Năm nay, chương trình “Cám Ơn Anh - Người Thương Phế Binh VNCH” thu được gần 1 triệu 300 ngàn MK. Đây không phải là một số tiền nhỏ và đứng về phương diện kinh tế quốc gia, Đảng CSVN đã hưởng lợi trong việc này rất nhiều. Vậy chúng ta nên hiểu vấn đề cứu trợ như thế nào?

Bổn phận lo cho đời sống ấm no thuộc về những người đang cầm quyền. Đồng bào hải ngoại chúng ta không có bổn phận và cũng không có khả năng để thay thế Đảng CS lo nuôi sống đồng bào quốc nội.

Tiền chúng ta gửi về chỉ để cứu cấp tạm thời cho đồng bào đủ sức đứng lên giật sập chế độ Cộng Sản mà thôi. Nếu người gửi tiền và người nhận tiền nghĩ cách nào khác, tức là chúng ta đang tiếp hơi cho Đảng CS và kéo dài ngày tàn của chế độ đó mà thôi. Điều này hoàn toàn sai. Tất cả chúng ta không nên làm như vậy. (vỗ tay)

* Món thứ 5: Bánh Tráng Miệng

Thường thì chiếc bánh lớn nào cũng có cắm nến sáng. Đồng bào tỵ nạn CS khắp nơi trên thế giới đã tổ chức những buổi thắp nến cầu nguyện cho Quê Hương VN và dân tộc VN. Tại sao chúng ta lại thắp nến cầu nguyện? Bởi vì người QG là người có tôn giáo. Chúng ta tin có Trời Phật. Chúng ta tin có Thiện, Ác trên thế gian này.

Đây là sự khác biệt rất lớn giữa người QG và người Cộng Sản. Người Cộng Sản theo chủ thuyết tam vô của Kark Mark: "Vô tôn giáo, vô tổ quốc và vô gia đình". Nhìn cách sống của Hồ Chí Minh và những đảng viên CSVN, chúng ta thấy rõ: Họ đốt phá chùa chiền và nhà thờ, đập vỡ tượng ảnh của các tôn giáo, để chiếm đất mở những nơi giải trí, đĩ điếm. Hồ Chí Minh đã sống cuộc đời buông thả, không gia đình, ăn ở với nhiều đàn bà, con rơi, con rớt khắp nơi.

Rất nhiều Quý Vị hiện diện tại đây hôm nay – trong đó có tôi - không phải là thành viên của Khối 8406, nhưng vẫn đến đây ủng hộ tinh thần bất khuất của Khối 8406 và cầu chúc Khối càng ngày càng phát triển rộng lớn. Khi đọc lại lịch sử thành lập Khối 8406, tôi thấy có một điểm trùng hợp với lịch sử đạo Công Giáo VN.

Tất cả chúng ta đều nhớ rằng, ngày 19-6 hàng năm là ngày Quân Lực VNCH. Đúng ngày này năm 1988, tức ngày 19-6-1988, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã phong Hiển Thánh cho 117 vị Tử Đạo tại VN. Tử Đạo là những người đã bị giết để bảo vệ Đạo của mình. Sau đó, cũng chính vị Giáo Hoàng này lại phong thêm một vị Thánh Tử Đạo nữa là Thánh Anrê Phú Yên. Như vậy, Giáo Hội VN hiện có 118 Hiển Thánh Tử Đạo. Đọc danh sách các vị nhân sĩ tại quốc nội đã ký tên thành lập khối 8406 vào ngày mồng 8-4 năm 2006, để tranh đấu chống lại Đảng CSVN, người ta cũng đếm được đúng 118 vị.

Tôi xin được minh xác rằng tôi không có ý so sánh 118 vị này với 118 Hiển Thánh Tử Đạo VN. Tôi chỉ có ý nói hai con số 118 này trùng hợp nhau và đều nêu cao một tinh thần can đảm, hy sinh của những công dân VN, quyết hy sinh mạng sống để bảo vệ niềm tin của mình. Chúng ta cầu xin 118 Thánh Tử Đạo VN phù hộ, che chở cho 118 người anh hùng đã thành lập Khối 8406.

Khi giải thích Huy Hiệu của Khối 8406, ông Trần Việt Yên có viết rằng khi vẽ bờ biển Thái Bình Dương ở góc phải, hoạ sĩ đã vẽ tới 15 gạch, tức là tới 15 cơn sóng. Và rồi tác giả Trần Việt Yên sợ rằng với 15 cơn sóng gió như vậy, liệu Khối 8406 còn có thể phát triển và tồn tại được không?

Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta cộng những năm tù đày, những ngày Đảng CSVN hành hạ các vị có tên trong bản cương lĩnh của Khối 8406 – đặc biệt là ba vị đại diện ký tên là: Lm. Nguyễn Văn Lý, chiến sĩ Trần Anh Kim, kỹ sư Đỗ Nam Hải, v.v... thì đó không phải chỉ là 15 lớp sóng mà có thể tới 150 lớp sóng hay là 1.500 lớp sóng nữa cũng không chừng. Chúng tôi nhân dịp này xin ngưỡng mộ lòng can đảm và những hy sinh vô bờ bến của Khối 8406, quốc nội cũng như quốc ngoại. (vỗ tay lâu)

Tôi cũng muốn nhắc lại hai biến cố lịch sử sắp xảy đến cho Giáo Hội CGVN. Đó là Giáo Hội Công Giáo Roma đang chuẩn bị phong thánh cho hai tu sĩ nổi danh: Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và cha Trương Bửu Diệp. Điểm đáng nói là hai vị này đều là nạn nhân của chế độ CS VN. Đức cố HY Nguyễn Văn Thuận bị Đảng CSVN giam giữ vô cớ 13 năm. Còn cha Trương Bửu Diệp bị Việt Minh chặt đầu cách đây 70 năm, không phải vì Ngài bị cáo buộc về tội gì, mà chỉ vì Ngài xin được chết thay cho con chiên bị Việt Minh cư xử tàn ác.

Để được Giáo Hội phong lên bậc Thánh, các Ngài phải làm phép lạ. Và phép lạ nhiều người Công Giáo VN – như tôi – đang cầu xin: là hơn ai hết, các Ngài hiểu Đảng CSVN là gì, chúng nó hèn với giặc, ác với dân như thế nào. Xin các Ngài cầu xin Thiên Chúa giải thể chế độ tàn ác này cho dân chúng VN được sống xứng đáng với nhân phẩm con người, nhất là: “Cho nước Việt xinh tươi Đức tin càng sáng ngời".

Xin cho các em học sinh VN bé nhỏ của tôi hàng ngày không phải bỏ sách vào bao ly lông, đội lên đầu, lội qua sông hoặc đi qua cầu khỉ lắt lẻo để đến trường, trong khi bọn cầm quyền CS thì nhà cao cửa rộng, sống bằng tiền tham nhũng, ăn cắp của dân và dùng tiền thuế của dân để xây tượng HCM và ướp xác chết HCM cho khỏi hôi thối. (Diễn giả xúc động khóc đến nỗi thính giả phải vỗ tay lâu mới khích lệ được diễn giả tiếp tục).

Cách đây hơn một tuần, ngay tại San Jose này, linh mục chánh xứ Giáo Xứ Việt Nam, cha Huỳnh Lợi, đã được phép của Toà Giám Mục Giáo Phận San Jose, tổ chức Đêm Thắp Nến cầu nguyện cho Quê Hương VN. và lạc quyên giúp đỡ các nạn nhân của Formosa. Thêm vào đó, qua lá thư ngày 26-9-2016 do Đức Ông Francis V. Cilia, Tổng Đại Diện ký, thì ĐGM Giáo Phận San Jose còn cho phép và khích lệ các giáo xứ trong giáo phận San Jose có nhiều giáo dân Việt Nam, được phép xin tiền lần thứ hai trong các thánh lễ cuối tuần trước, rồi ngài nhờ cơ quan Caritas chuyển về Tổng Giáo Phận Huế và Giáo Phận Vinh. Ngài cũng không quên xin các xứ đạo trong Giáo Phận San Jose cầu nguyện cho các nạn nhân Formosa và các nạn khốn khổ khác hiện nay... trong lời nguyện các tín hữu trong thánh lễ. Đây là một sự hiệp thông rất đáng khen ngợi giữa Giáo Phận San Jose và Giáo Phận Vinh. ĐGM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P., Giáo Phận Vinh đã gửi thư cám ơn ĐGM. Patrick McGrath và các giáo dân VN của San Jose. Trong bản lên tiếng chính thức của Giáo Xứ VN, San Jose, các linh mục và giáo dân San Jose đã nghiêm khắc lên án nhà cầm quyền VN đã làm ngơ cho Formosa “đem lậu hàng ngàn công nhân, thực chất là cán binh của Tàu, nằm vùng tại một địa điểm hết sức quan yếu nầy”.

Giáo Hội Ba Lan đã hãnh diện vì có Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã tuyên bố dám cởi áo Giáo Hoàng để về Ba Lan chống Cộng Sản, nếu Hồng Quân Liên Sô đem xe thiết giáp tràn vào quê hương ngài. Giáo Hội Phi Luật Tân hãnh diện vì có Đức Hồng Y Sin, ngài đã có mặt trong cuộc biểu tình với một triệu người để lật đổ chế độ độc tài Marcos. Và nay Giáo Hội VN cũng đang và sẽ hãnh diện vì có các linh mục DCCT và giáo dân ở Giáo Xứ Tam Hà, Hà Nội, Giáo Xứ Kỳ Đồng, Sài Gòn đã can đảm lên án đường lối cai trị độc tài, dã man của Đảng CSVN. Rồi đến Đức TGM Ngô Quang Kiệt, ĐGM Cao Đình Thuyên, ĐGM Hoàng Đức Oanh công khai chỉ trích Đảng CSVN phi dân chủ, phi nhân bản.

Mới đây nhất, ĐGM. Nguyễn Thái Hợp của Giáo Phận Vinh đã thắp sáng ngọn đuốc Công Lý và Hòa Bình cho khoảng 50.000 giáo dân. Đây là một cuộc tập hợp lịch sử, đông đảo nhất từ sau năm 1975 của dân Việt, nhằm tranh đấu cho nhân quyền và tự do.

Đặc biệt hơn nữa, ngày 2-10-2016, một linh mục của một giáo xứ nhỏ bé Kỳ Anh là cha Trần Đình Lai đã hướng dẫn khoảng 18.000 giáo dân đến ngay trụ sở Formosa biểu tình. Các giáo dân hoàn toàn khống chế và cô lập bọn cảnh sát, công an với lá chắn, dùi cui trong tay. Các giáo dân đã nói lên nguyện vọng: “Formosa! Cút!”. Đến khi các giáo dân toàn thắng, leo tường, tràn vào cơ xưởng Formosa và những tên công an, cảnh sát khát máu phải hoảng sợ, cởi áo lính bỏ chạy thì có tiếng loa hô vang của cha Trần Đình Lai yêu cầu các giáo dân hãy ngưng lại, hãy biểu lộ tình thương yêu và tha thứ cho họ. Đảng CSVN có ngu, có dốt thì cũng nên học bài học này: Xưa nay, lòng hận thù và võ lực không bao giờ thắng được lòng yêu nước và yêu người.

Triết gia Tertulianô đã nói một câu để đời về những người Công Giáo đã dám hy sinh mạng sống mình để bảo vệ Đức Tin của họ: “Máu các vị Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu”. Nghĩa là, cứ làm đổ một giọt máu thì lại có thêm một tín hữu. Nếu một ngày nào máu các tín hữu giáo phận Vinh phải đổ ra do bàn tay thô bạo của Đảng CSVN thì con số giáo dân nổi lên chống Đảng càng đông và ngày tàn của chúng càng đến gần (vỗ tay). Nếu một ngày nào Đảng CSVN bỏ tù ĐGM. Nguyễn Thái Hợp hay những linh mục can đảm như Đặng Hữu Nam và Trần Đình Lai thì ngày mở cửa nhà tù lớn để giải phóng nhân dân VN thoát ách CS càng đến gần (vỗ tay).

Tôi muốn nhấn mạnh điểm này là Ngọn Lửa đốt cháy Đảng CSVN bắt buộc phải khởi đầu từ trong nước và phải bùng lên từ khắp mọi nơi ở trong nước. Không chỉ một mình Giáo Phận Vinh hay hai nhà thờ Dòng CCT là đủ, mà phải ở các nơi trên toàn quốc nữa. (vỗ tay)

Kính thưa Quý Vị,

Tôi thiết nghĩ bữa tiệc tinh thần đã xong. Xin cám ơn Quý Vị đã thưởng thức năm món ăn của chúng tôi: Chim Cút, Vịt Tìm Thành Đô, Canh Bầu, Mì Cứu Trợ và Bánh Tráng Miệng.

Xin chúc Quý Vị có một bữa tiệc mừng thành lập Khối 8406 Quận Hạt Marin vui vẻ. (Toàn thể cử toạ đứng lên vỗ tay thật lâu)

Ngày 23-10-2016 phát biểu của Tiến Sĩ Trần An Bài
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trong Thánh Lễ, thì khi nào thì Chúa Giêsu hiện diện trong bánh và rượu?
Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
09:35 25/10/2016
NGƯỜI Công Giáo CÓ ĐỢC THAM DỰ NGHI THỨC THÀNH HÔN VÀ TIỆC CƯỚI CÁC CẶP HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH KHÔNG?

Hỏi: xin cha giải thích hai thắc mắc sau đây:
1- Người Công Giáo có được tham dự đám cưới của hôn nhân đồng tính không?
2- Trong Thánh Lễ, thì khi nào thì Chúa Giêsu hiện diện trong bánh và rượu, vì có linh mục kia nói là khi linh mục đặt tay trên chén lễ thì Chúa bắt đầu ngự xuống trên bánh và rượu. Điều này có đúng vậy không?


Trả lời:

1-Là người tín hữu Công Giáo, chúng ta có bổn phận sống và chu toàn mọi giáo lý và lề luật của Giáo Hội, là Mẹ đang thay mặt Chúa là Cha trong trách nhiệm dạy dỗ con cái mình tuân giữ mọi điều cần thiết cho được rỗi linh hồn để hưởng phúc Thiên Đàng với Chúa trên Nước Trời mai sau.

Cụ thể, giáo lý hôn nhân dạy mọi tín hữu biết rằng hôn nhân chỉ có giữa một người nam và một người nữ mà thôi, vì đây là ý muốn của Thiên Chúa từ đầu khi tạo dựng con người có nam có nữa và truyền cho họ phải “sinh sản cho nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị địa cầu.” (St 1:28).

Chúa Giêsu đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích và truyền cho con người mệnh lệnh là “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 9: 6)

(giáo luật số 1055 &1)

Như Thế, Giáo Hội không thể chiều theo su hướng của thời đại tục hóa để công nhận hôn nhân đồng tính (same sex mariage), tức là hôn nhân giữa hai người nam hay hai người nữ được, vì đây là điều trái tự nhiên và vô luân, dựa trên chính lời Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê để truyền lại cho dân Do Thái xưa như sau:

“khi người đàn ông nào nằm với một người đàn ông như nằm với đàn bà, thì cả hai đã làm điều ghê tởm,…” (Levi 20: 13)

Vậy mà các xã hội bệnh hoạn như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức…là những quốc gia có đông người theo Kitôgiáo, lại công nhận loại hôn nhân trái tự nhiên này để chiều theo đòi hỏi của thiểu số người bệnh hoạn đòi công nhân cho việc trái tự nhiên này là hôn nhân. Đây quả là một tụt hậu thê thảm cho một nếp sống tinh thần và luân lý lành mạnh, khác xa với đời sống của mọi loài vật chỉ sống với bản năng và không biết gì về luân lý, thuần phong mỹ tục.

Chúng ta không ghét hay lên án những người sinh ra với khuynh hướng bất bình thường (abnormal) về phái tính (sexuality). Chúng ta thông cảm và tôn trọng họ như mọi người bình thường khác. Nhưng chúng ta không thể công nhận việc sống chung của họ là hôn nhân được, vì bản chất trái tự nhiên, trái luân lý của sự phối hợp giữa hai người nam hay hai người nữ. Hôn nhân mà họ đòi công nhận- và đã được các xã hội bệnh hoạn kia công nhận- là thứ hôn nhân không thể đạt được mục đích của hôn nhân là sinh con cái và giáo dục chúng thành những người biết sống tự nhiên, phát triền bình thường về mọi mặt tinh thần và tình cảm.

Do đó, nếu các trẻ em mà những cặp hôn nhân đồng tính này nhận làm con nuôi thì những trẻ này sẽ nghĩ sao và học được gì trong gia đình chỉ có hai người cha hay hai người mẹ? Tệ hại hơn nữa là khi thấy hai người cha hay hai người mẹ của chúng ngủ chung với nhau một giường..thì chúng sẽ nghĩ gì về sự chung sống này

Đấy là những vấn nạn đặt ra cho những cặp hôn nhân đồng tính, cho các nhà giáo dục, các nhà xã hội học và luân lý học, và cách riêng, cho các xã hội bệnh hoạn đã công nhận loại hôn nhân trái tự nhiên này.

Trên bình diện luân lý, đạo đức, Giáo Hội không bao giờ công, nhận loại hôn nhân trái tự nhiên này vì tự bản chất nó là vô luân, trái tự nhiên và không thể đạt mục đích của hôn nhân mà Thiên Chúa đã thiết lập cho mục đích bảo tồn và phát triển sự sống của con người trên trần thế này cho đến ngày mãn thời gian,

Vì Giáo Hội không công nhận, nên người tín hữu Công Giáo cũng không được phép tham dự đám cưới của những cặp đồng tính này, kể cả dự tiệc cưới của họ. Lý do là tham dự như vậy, có nghĩa là công nhận việc sống chung của họ là hôn nhân theo luật của Chúa và của Giáo Hội, và phù hợp với luân lý đạo đức của con người.

Tiện đây cũng xin nói thêm điều này: ngay cả những đôi hôn phối Công Giáo, vì lý do riêng nào đó, không được chứng hôn trong nhà thờ,tức là thành hôn trong Giáo Hội, mà vẫn tổ chức tiệc cưới bên ngoài như những cặp hôn phối hợp pháp khác, thì người Công Giáo cũng không nên tham dự tiệc cưới này, vì tham dự như vậy, cũng có nghĩa là công nhận sự thành hôn của họ là hợp pháp theo giáo lý của Giáo Hội.

Cũng cùng lý do này, người cử tri Công Giáo cũng không được bỏ phiếu cho những ứng cử viên nào đã công khai chống lại Giáo Hội vì tán thành việc phá thai, ly dị, chết êm dịu (euthanasia) và hôn nhân đồng tính.Các ứng viên này có tham dự Thánh Lễ thì cũng không được rước Mình Thánh Chúa như những người tín hữu sống theo giáo lý, giáo luật của Giáo Hội,

2-Về câu hỏi thứ hai, xin được trả lời như sau:

Mỗi khi Thánh Lễ được cử hành thì, một cách thiêng liêng, Chúa Giêsu hiện diện trong linh mục cử hành, trên bàn thờ, trong Sách Phúc Âm (Gospel Book) và trong cộng đoàn giáo dân tham dự., đúng như lời Chúa đã phán bảo:

“Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy
Thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
(Mt 18: 20)

Nghĩa là khi linh mục mặc lễ phục, bước lên cung thánh để cứ hành Thánh lễ thì Chúa Giêsu đã hiện diện cùng với linh mục và giáo dân tham dự để diễn lại bữa ăn sau cùng của Chúa với Nhóm Mười Hai Tông Đồ, Và nhất là dâng lại Hy Tế thập giá mà một lần Chúa đã dâng trên thập giá năm xưa để xin Chúa Cha tha tội cho cả loài người đáng phải phạt vì tội.

Ngày nay trên bàn thờ ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội, Chúa đã liên tục mượn tay và miệng của các Thừa tác viên có chức thánh là Giám mục và Linh mục để dâng lại Hy tế thập giá của Người cùng thể thức và mục đích Chúa đã một lần dâng lễ đền tội lên Chúa Cha trên thập giá cách nay trên 2000 năm để xin ơn tha thứ cho con người ngày nay như cho con người xưa kia. Vì thế Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharist là việc thờ phượng, ca ngượi, cảm tạ, và xin ơn cao trọng và quan trọng nhất mà Giáo Hội hiệp nhất cùng với Chúa Giê-su Kitô để dâng lên Chúa Cha cho mục đích cứu rỗi con người tội lỗi ngày nay và còn tiếp tục cho đến ngày mãn thời gian.

Khi cử hành Thánh Lễ hay bất cứ Bí tích nào, thì giám mục và linh mục đều phải làm nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) chứ không nhân danh chính mình bao giờ.

Như thế, chính Chúa Kitô rửa tội, thêm sức, cử hành Thánh Lễ, tha tội, và sức dầu

bệnh nhân (và truyền chức thánh dành riêng cho giám mục) qua tay giám mục và linh mục. Phải nói lại điều này để lưu ý mọi người là linh muc, hay giám mục chỉ là công cụ hữu hiệu Chúa dùng để ban phát ơn thánh của Người cho những ai muốn lãnh nhận cách nhưng không (gratuitously).

Cũng chính vì linh mục hay giám mục chỉ là thừa tác viên, nên sự hữu hiệu(validity) của bí tích không liên hệ gì đến phẩm chất của thừa tác viên con người (ex opera operato). Do đó, đừng ai thắc mắc hay nghi ngờ Thánh Lễ của linh mục này hay linh mục kia không thành sự vì cho là linh mục đó có đời sống bất xứng.Nếu thực sự có đời sống bất xứng, mà vẫn cử hành các bí tích hay Thánh Lễ, thì tất cả vẫn thành sự (validly), nhưng người cử hành sẽ mắc tội phạm thánh (sacrilege). Tội phạm thánh hay tội trọng là tội cấm làm lễ (linh mục) và rước lễ (giáo dân)

(x.giáo luật số 916, SGLGHCG, số 1415)

Trở lại câu hỏi khi nào Chúa Giê su hiện diện trong hai chất thể bánh và rượu.

Khi linh mục đặt tay và cấu xin trên chén thánh (Chalice) thì đó mới chỉ là phút nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần (Epiklesis, Epiclesis) để Người biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô.Nhưng Chúa Kitô chỉ thực sự hiện diện trong bánh và rượu nho sau khi linh mục đọc lời truyền phép (consecration) mà thôi. Nghĩa là khi linh mục giơ tay trên lễ vật để xin ơn Chúa Thánh Thần thì lúc đó bánh và rượu nho chưa được biến đổi bản thể (transubstantiation) để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, cho nên Chúa chưa thực sự hiện diện trong bánh và rượu lúc này.Chúa chỉ thực sự hiện diện sau khi linh mục đọc lời truyền phép là: Đây là Mình Thầy…, đây là chén Máu Thầy..đúng như chữ đỏ (rubric) qui đinh.

Chính vì thế mà trước đây khi Thánh Lễ còn cử hành bằng tiếng La tinh, và linh mục quay lưng lại với giáo dân, thì sau khi linh mục đọc lời truyền phép và dâng Mình Thánh Chúa lên thì người giúp lễ phải rung chuông để báo cho công đoàn tham dự lễ biết rằng Chúa Giêsu đã thưc sự hiện diện trong hai chất thể là bánh và rượu nho để mọi người cúi đầu thờ lậy.

Tóm lại, trong phụng vụ thánh, thì Chúa Giêsu luôn có mặt trong các Thừa tác viên con người là linh mục và giám mục, nghĩa là chính Chúa hiện diện trong các Thừa tác viên này để rửa tội, thêm sức, tha tội, sức dầu bệnh nhân và nhất là dâng lại Hy tế thập giá của Người một lần nữa trên bàn thờ ngày nay, cùng thể thức và mục đích mà xưa Chúa đã một lần dâng Hy Tế này lên Chúa Cha trên núi Sọ để đền tội thay cho cả nhân loại.

Nhưng trong Thánh Lễ Tạ Ơn hằng ngày được dâng trên bàn thờ ở khắp nơi trong Giáo Hội, thì Chúa chỉ thực sự hiện diện (real presence) trong hai chất thể bánh và rượu nho sau khi linh mục đọc lời truyền phép mà thôi.

Việc linh mục giơ tay trên lễ vật và đọc lời cầu xin ơn Chúa Thánh Thần thì lúc này Chúa Kitô chưa thực sự ngự xuống trong bánh và rượu nho.

Ước mong những lời giải thích trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lặn Lội
Vũ đình Huyến, Lm CMC
20:07 25/10/2016
LẶN LỘI
Ảnh của Vũ Đình Huyến, Lm. (CMC)
Xin cảm ơn con cò
Những con cò lặn lội
Những con cò lộn cổ xuống ao
Những con cò thanh cao
Những con cò nỉ non nuôi chồng gánh gạo
Những con cò lo toan đời cơm áo…
Xin cảm ơn
Những con cò làm đẹp ruộng đời.
(Trích thơ của Lê Phú Hải)