Ngày 27-10-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tiếp kiến 7.500 thành viên Phong trào Schoenstatt
LM. Trần Đức Anh OP
03:44 27/10/2014
VATICAN. Sáng thứ bẩy 25-10-2014, ĐTC đã tiếp kiến 7.500 thành viên Phong trào Schoenstatt từ 50 nước về Roma hành hương nhân dịp mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Phong trào.

Phong Trào Schoenstatt do cha Giuse Kentenich (1885-1968) thành lập ngày 18-10 năm 1914 tại Schoenstatt cách thành phố Bonn 60 cây số về mạn nam. Cha là linh hướng tiểu chủng viện của các cha dòng Pallottin. Cùng với một nhóm chủng sinh, Cha lập một hiệp hội Đức Mẹ, qua một hành vi gọi là ”Giao ước Tình Yêu với Mẹ Maria”. Các thành viên của Phong trào Schoenstatt hiện nay có mặt tại 110 nước trên thế giới. Họ sống linh đạo gia đình giữa các thành viên, và khích lệ họ hoạt động tông đồ trong môi trường sống của mình.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ dưới hình thức các cuộc đối thoại, trình bày chứng từ và văn nghệ, trình chiếu Video của các cộng đoàn, các đôi vợ chồng và các bạn trẻ. ĐTC đã lắng nghe và trả lời một số câu hỏi được nêu lên. ĐTC khuyến khích các thành viên pong trào Schoenstatt hãy tháp tùng các gia đình và bảo vệ hôn phối, là những thực tại chưa bao giờ bị tấn công như ngày nay.

”Nhiều gia đình ngày nay bị chia rẽ, bị biến thái, coi như một cách kết hiệp nào đó. Bao nhiêu hôn phối bị vỡ tan, bao nhiêu quan niệm duy tương đối về bí tích hôn phối. Gia đình ngày nay đang bị khủng hoảng”. ĐTC nói đến nguyên nhân của tình trạng trên đây là ”nền văn hóa tạm thời”, phá hủy khả năng liên kết lâu bền của con người với nhau, và trong đó các trẻ em chịu đau khổ nhiều nhất vì những cuộc hôn nhân tan vỡ”. Những hình thức kết hiệp mới phá hoại và giới hạn sự cao cả của tình yêu hôn nhân. Có bao nhiêu những vụ sống chung, ly thân và ly dị.

ĐTC nhận xét rằng nhiều cặp kết hôn chỉ coi bí tích hôn phối như một nghi thức, mà họ không hiểu ý nghĩa sâu xa. Nhiều người chẳng biết họ làm gì trong bí tích ấy.

Theo ĐTC, chìa khóa để giúp đỡ, chính là sự tiếp xúc, tháp tùng, chứ không chiêu dụ, vì hành động này không mang lại kết quả. Trái lại cần phải kiên nhẫn tháp tùng. Ngoài ra cần phải chuẩn bị hôn phối kỹ lưỡng. ĐTC phê bình sự kiện có những nơi người ta làm lễ cưới cho các cặp đính hôn chỉ sau hai cuộc gặp gỡ để chuẩn bị.
 
60 ngàn tín hữu đọc kinh truyền tin với Đức Thánh Cha
LM. Trần Đức Anh OP
03:44 27/10/2014
VATICAN. Trưa Chúa Nhật 26-10, hơn 60 ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin cùng với ĐTC Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong số các tín hữu hiện diện đặc biệt có 8 ngàn thành viên phong trào Schoenstatt về 50 quốc gia về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập phong trào. Trước khi dự buổi đọc kinh truyền tin với ĐTC, họ đã tham dự thánh lễ bế mạc cuộc hành hương tại Đền thờ Thánh Phêrô, do ĐHY Erazzuris chủ sự cùng với hơn 200 LM. ĐHY nguyên Bề trên Tổng quyền của tu hội Schoenstatt rồi làm TGM Tổng thư ký bộ Tu Sĩ, rồi TGM Santiago de Chile.

Lúc 12 giờ ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc nơi Căn hộ giáo hoàng ở dinh Tông Tòa để bắt đầu buổi đọc kinh. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã giải thích bài Tin Mừng Chúa Nhật về sự cao trọng nhất của giới răn mến Chúa yêu người.

Huấn từ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng toàn thể Lề Luật Chúa tóm gọn trong tình yêu đối Thiên Chúa và đối với tha nhân, Thánh Sử Mathêu kể lại rằng một vài người Biệt Phái thỏa thuận với nhau để thử thách Cháu Giêsu (Xc, 22,34-35). Một người trong họ là một tiến sĩ Luật, hỏi Chúa rằng: ”Thưa Thầy, trong Luật, đâu là giới răn trọng nhất?” (v.36). Chúa Giêsu, trích dẫn sách Đệ nhị luật, đáp: ”Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và tâm trí của ngươi. Đó là giới răn thứ I và trọng nhất” (vv.37-38). Và lẽ ra Ngài có thể dừng lại ở đây. Trái lại Chúa Giêsu nói thêm điều mà vị tiến sĩ Luật không hỏi. Thực vậy, Chúa nói: ”Giới răn thứ hai giống như giới răn thứ I: Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (v. 39). Cả giới răn thứ hai này Chúa Giêsu không sáng chế ra, nhưng ngài lấy lại từ sách Lêvi. Sự mới mẻ của Ngài hệ tại đặt hai giới răn này chung với nhau - mến Chúa và yêu người - qua đó Ngài tỏ lộ rằng hai giới răn ấy không thể tách biệt, nhưng bổ túc cho nhau, đó là hai mặt của cùng một mề-đai. ĐGH Biển Đức đã để lại cho chúng ta một bình giải rất hay về vấn đề này trong Thông điệp đầu tiên của Ngài ”Deus caritas est, Thiên Chúa là tình thương” (nn.16-18).

Thực vậy, dấu chỉ hữu hình mà Kitô hữu có thể chứng tỏ để làm chứng cho thế giới về tình thương của Thiên Chúa chính là tình yêu đối với anh em mình. Giới răn mến Chúa yêu người là giới răn đầu tiên không phải vì đứng đầu danh sách các giới răn. Chúa Giêsu không đặt nó lên hàng đầu, nhưng ở trung tâm vì đó là trọng tâm từ đó tất cả phải khởi hành và tất cả phải trở về đó và tham chiếu.

Ngay trong Cựu Ước, đòi hỏi nên thánh, theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng Thánh, cũng bao gồm nghĩa vụ săn sóc những người yếu thế nhất như ngoại kiều, cô nhi và góa phụ (Xc Xh 22,20-26). Chúa Giêsu kiện toàn luật giao ước ấy, chính Ngài liên kết nơi mình, trong thân mình Ngài, thần tính và nhân tính trong một mầu nhiệm tình yêu duy nhất.

Từ nay trở đi, dưới ánh sáng Lời Chúa Giêsu, tình yêu là mực thước đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu. Chúng ta không còn có thể tách biệt đời sống tôn giáo ra khỏi việc phục vụ anh em, những người anh em cụ thể mà chúng ta gặp. Chúng ta không còn có thể tách biệt kinh nguyện, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong các bí tích, khỏi sự lắng nghe tha nhân, gần gũi cuộc sống của họ, nhất là những vết thương của họ.

Giữa rừng rậm các giới luật và qui tằc - giữa chủ trương vụ luật xưa kia và ngày nay - Chúa Giêsu mở ra một lỗ hổng giúp nhận ra hai khuôn mặt: khuôn mặt Chúa Cha và khuôn mặt người anh em. Ngài không giao cho chúng ta 2 công thức hay hai giới răn, nhưng hai khuôn mặt, đúng hơn chỉ có một khuôn mặt duy nhất, đó là khuôn mặt của Thiên Chúa phản ánh trong bao nhiêu khuôn mặt, vì trong khuôn mặt của mỗi người anh em, đặc biệt là khuôn mặt bé nhỏ, yếu ớt và vô phương thế tự vệ nhất, có chính hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện.

Như thế, Chúa Giêsu trao tặng mỗi người tiêu chuẩn căn bản để họ xếp đặt đời sống của mình. Nhưng nhất là Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài, giúp chúng ta mến Chúa và yêu người như Ngài, với con tim tự do và quảng đại. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ chúng ta, chúng ta hãy cởi mở đón nhận hồng ân ấy, để tiến bước trong luật yêu thương.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC nhắc nhở mọi người rằng: Thứ bẩy hôm qua (25-10) tại thành Sao Paolo Brazil có lễ phong chân phước cho Mẹ Assunta Marchetti, sinh tại Italia, đồng sáng lập dòng các nữ tu thừa sai Thánh Carlo Borromeo - Scalabrine. Mẹ là một nữ tu gương mẫu trong việc phục vụ các trẻ mồ côi của những người Ý di dân; Mẹ đã nhìn thấy Chúa Giêsu hiện diện nơi người nghèo, các trẻ mồ côi, nơi các bệnh nhân, người di dân. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì người phụ nữ này, mẫu gương về việc truyền giáo không biết mệt mỏi và can đảm tận tụy phục vụ bác ái.

ĐTC cũng chào thăm các tín hữu hành hương đến từ Italia và các nước khác, bắt đầu từ những người sùng kính Đức Mẹ Biển Cả, Bova Marina. Ngài đặc biệt chào thăm cộng đoàn người Peru ở Roma, hiện diện nơi đây với ảnh Đức Mẹ làm phép lạ. ”Tôi cám ơn tất cả và chào thăm với tình thân ái. Xin Anh chị em vui lòng cầu nguyện cho tôi, chúc anh chị em Chúa Nhật tốt đẹp và chúc anh chị em bữa trưa ngon lành.”
 
Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
Đặng Tự Do
06:55 27/10/2014
Sáng thứ Hai 27 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khánh thành một bức tượng bán thân của người tiền nhiệm là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tại Học viện Tòa Thánh về Khoa Học.

Trong diễn từ tại buổi lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 là một vị giáo hoàng vĩ đại về năng lực tư duy và khả năng thấu triệt của trí tuệ, những đóng góp lớn lao cho thần học, và tình yêu tuyệt vời dành cho Giáo Hội và nhân loại, cũng như đức hạnh và đạo đức sáng ngời của ngài.”

Bức tượng bán thân đã được khánh thành nhân phiên họp khoáng đại kéo dài từ 24- đến 28 Tháng 10 của các học giả về việc phát triển các khái niệm về thiên nhiên.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện về chủ đề này với lưu ý rằng các truyền thống trí thức Công Giáo đã luôn luôn khẳng định rằng trật tự tự nhiên đã được sáng tạo chứ không phải đơn thuần là một sự tình cờ. "Sự tiến hóa trong tự nhiên không có gì nghịch lại với khái niệm sáng tạo. Các nhà khoa học phải rung động bởi niềm tin vào ý tưởng theo đó thiên nhiên ẩn chứa trong các cơ chế tiến hóa của những tiềm năng mà trí tuệ và sự tự do của con người cần phải khám phá và kích hoạt, để đạt sự phát triển theo thánh ý của Đấng Tạo Hóa. "

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc với một lời kêu gọi tất cả các tham dự viên tiếp tục công việc của họ để những sáng kiến “hạnh phúc” về lý thuyết và thực hành này đem lại lợi ích cho con người, là điều mang lại vinh dự cho khoa học và các nhà khoa học.
 
Lễ khánh thành tượng đài đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Paris
Lê Đình Thông
09:25 27/10/2014
LỄ KHÁNH THÀNH TƯỢNG ĐÀI THÁNH GIOAN-PHAOLÔ II TẠI CÔNG VIÊN THÁNH GIOAN XXIII (TRUNG TÂM PARIS)

ĐHY André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris khánh thành tượng thánh Gioan-Phaolô II tại công viên thánh Gioan XXIII

11 giờ 30 ngày 25/10/2014, ĐHY André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris đã khánh thành bức tượng thánh Gioan-Phaolô II tại công viên thánh Gioan XXIII, trước sự hiện diện của bà thị trưởng Paris Anna Hidalgo. Công viên thánh Gioan XXIII nằm giữa Vương cung Thánh đường Notre-Dame de Paris và sông Seine. Trước đó, vào lúc 10 giờ 30, ĐHY Vingt-Trois đã cử hành Thánh lễ Tạ Ơn tại Vương cung Thánh đường.

Bức tượng cao 3 mét 6, nặng 1 tấn rưỡi do nhà điêu khắc Zourab Tsereteli (người Nha gốc Georgia) thực hiện. Lúc đầu, Đức Ông Stanislas Jez, Giám đốc Giáo xứ Ba Lan tại Paris, có ý định dựng tượng thánh Gioan-Phaolô II trước thềm Thánh đường Đức Bà Thăm Viếng (quận I Paris).

Vào tháng 7 vừa qua, bà thị trưởng Paris và Đức Ông Patrick Jacquin, Viện trưởng Vương cung Thánh đường cùng đồng ý dựng bức tượng tại công viên thánh Gioan XXIII, nhưng giám đốc sở công viên thành phố bày tỏ lo ngại về an ninh. Sau cùng, chính quyền và giáo quyền Paris đã đạt được thỏa hiệp chung, nhờ hồng ân hai thánh Gioan XXIII và Gioan-Phaolô II.

Tác giả công trình điêu khắc này là ông Tsereteli, giám đốc trường Mỹ thuật Nga, theo đạo Chính thống, cho biết việc dựng tượng đài là để thể hiện lòng biết ơn của nước Nga đối với thánh Gioan-Phaolô II đã có tái lập tự do và dân chủ tại Nga và các nước Đông Âu.

Giáo xứ Ba Lan tại Paris được thành lập năm 1836 nhờ lời thỉnh cầu của thi sĩ Adam Mickiwicz. Đức Ông Jez hiện là giám đốc. Tuyên úy đoàn gồm 120 linh mục Ba Lan trên toàn nước Pháp.

Ba năm trước, cũng vào ngày này (25/10/2014), Đức TGM Salvatore Pennacchio, Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn Độ đã khánh thành bức tượng thánh Gioan-Phaolô II tại New Delhi, trước sự hiện diện của Đức TGM Bernard Moras (tổng giáo phận Bangalore) và 13 vị giám mục Ấn Độ. Bức tượng bằng đồng, chân tượng có hình con công và hoa sen là biểu tượng Ấn Độ, được đúc tại Bangkok (Thái Lan).

Thánh Gioan-Phaolô II từng thăm viếng Ấn Độ vào năm 1986 và 1999. Nhân lễ khánh thành tượng đài, Đức Sứ thần Tòa thánh nhắc lại lời thánh Gioan-Phaolô II : Các con đừng sợ nghênh đón Chúa Kitô vào cuộc sống Ấn Độ.

Lúc sinh thời, thánh Gioan-Phaolô II rất mực yêu thương đất nước Việt Nam. Trong sách kinh của ngài có mảnh giấy ghi hai chữ ‘‘Việt Nam’’ nhắc nhở lời kinh nguyện hàng ngày. Theo hãng thông tấn Fides của Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc ngày 09/03/1998, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từng mong mỏi Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đến thăm quê hương Việt Nam nhân Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Vì không thể đích thân thăm đến La Vang, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban tặng Đức TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể một chén thánh.

Để mong muốn của thánh Gioan-Phaolô II được thực hiện, chúng con, các linh mục và giáo dân đứng ra tổ chức Chiều Thơ Nhạc reo rắc những vần thơ và nốt nhạc thánh Gioan-Phaolô II tại Giáo Xứ Việt Nam tại Paris ngày 05/10/2014 và tại hội trường Yerba Buena, San Jose chiều 08/11/2014 sắp tới, kính thỉnh cầu Đức Tổng Giám mục Phanxicô-Xavier Lê Văn Hồng, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế và Cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Quản nhiệm Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, chấp thuận dựng tượng thánh Gioan-Phaolô II tại Trung Tâm Hành Hương La Vang. Có thánh tượng tại La Vang, thánh Gioan-Phaolô II luôn ngư trị và ban phước lành cho đất nước Việt Nam thân yêu. Nếu thỉnh nguyện chân thành này được Đức Tổng Giám Mục và Cha Quản nhiệm chấp thuận, toàn ban Tổ chức Chiều Thơ Nhạc tại Paris và San Jose rất vinh dự được đóng góp vào việc làm đầy ý nghĩa này.

Giáo Xứ Paris, ngày 25/10/2014
Lê Đình Thông
 
Đức Hồng Y Pell cổ vũ lòng trung thành với Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
17:20 27/10/2014
Hướng tới Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình diễn ra vào tháng 10 năm 2015, Đức Hồng Y George Pell cho biết nhiệm vụ cho người Công Giáo "trong vòng 12 tháng tới" là giải thích "sự cần thiết phải hoán cải, bản chất của Thánh Lễ, sự thanh khiết của tâm hồn mà Kinh Thánh đòi hỏi chúng ta phải có để được Rước Lễ."

Đức Hồng Y đã đưa ra những bình luận trên vài ngày sau khi kết thúc Thượng Hội Đồng ngoại thường về gia đình, trong đó đã có những tranh luận sôi nổi liên quan đến khả năng cho người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ với những điều kiện nhất định.

Đức Hồng Y viết tiếp: "Chúng ta sẽ gây ra phản tác dụng nếu chúng ta tức giận hay đem lòng oán ghét, nếu chúng ta rơi vào những cuộc tranh luận vô bổ chống lại một con số rất ít đến mức đáng ngạc nhiên các đối thủ của người Công Giáo".

Nhận xét của Đức Hồng Y Pell đã được đưa ra trong một bài giảng, mà ngài đã chuẩn bị trong một Thánh Lễ theo nghi thức tiền Công Đồng vào ngày 24 tháng 10 tại Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael ở Rôma dành cho các tín hữu tham dự cuộc hành hương Populus Summorum Pontificum. Họ tụ tập về Rôma để tham dự các nghi lễ truyền thống tại các đền thờ lớn của Kinh Thành Vĩnh Cửu từ ngày 23 đến 26 tháng 10.

Đức Hồng Y Pell đã không thể cử hành thánh lễ vì bị viêm phế quản. Thư ký riêng của ngài là Cha Mark Withoos đã cử hành Thánh Lễ và đọc bài chia sẻ do Đức Hồng Y chuẩn bị. Cha nói rằng bệnh tật là lý do duy nhất ngài không thể tham dự.

Đức Hồng Y Raymond Burke, chánh tòa Ân Giải Tối Cao đã cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày thứ Bảy 25 tháng 10.

Trong bài giảng Đức Hồng Y Pell khẳng định với các tín hữu rằng "các giám mục đoàn và tất cả các công nghị đều làm việc trên cơ sở của một sự đồng thuận". Trước tháng 10 năm tới, người Công Giáo phải làm việc để xây dựng một sự đồng thuận vượt lên "những dị biệt hiện nay. Các thực hành mục vụ và giáo lý chỉ có thể được thay đổi bởi một sự đồng thuận".

"Đúng là tín lý phát triển theo thời gian vì chúng ta hiểu sự thật sâu sắc hơn, nhưng chưa hề có một sự đảo lộn tín lý nào trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Truyền thống được công bố trước hết bởi Chúa Kitô và được đặt nền tảng trên Kinh Thánh là chuẩn mực cho sự thật và cho những thực hành mục vụ chân chính."

Đức Hồng Y Pell cũng viết về tầm quan trọng của Đức Giáo Hoàng trong việc bảo vệ và phát triển học thuyết.

"Vai trò của người kế vị của Thánh Phêrô luôn luôn rất quan trọng đối với đời sống Kitô và Công Giáo, đặc biệt trong việc giữ gìn sự trung thành với tín lý và trong việc giải quyết các dị biệt cả về mục vụ lẫn tín lý".

"Giáo Hội không được xây dựng trên đá là đức tin của Phêrô, nhưng là chính Phêrô, bất chấp những lỗi lầm và thiếu sót của Phêrô. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng thứ 266 và lịch sử đã chứng kiến 37 ngụy giáo hoàng"

"Câu chuyện của các vị giáo hoàng thần kỳ hơn tiểu thuyết. Ngày nay chúng ta có một trong những vị giáo hoàng đặc biệt trong lịch sử, được người dân mến mộ hầu như chưa từng có. Ngài đang làm một công việc tuyệt vời khi ủng hộ những cải cách tài chính"

Đức Hồng Y Pell kết luận bài giảng của ngài với một lời cầu nguyện "Khi còn là một đứa trẻ tôi đã được dạy như sau: Ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng, Chúa gìn giữ người tăng gấp sinh lực và ban cho người đời nay hạnh phúc và đừng trao người cho ác tâm quân thù"
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dâng hoa kính Đức Mẹ tại giáo xứ Bằng Phú, Thanh Hóa:
Tín Thác
09:29 27/10/2014
Ba giáo xứ dâng hoa kính Đức Mẹ tại giáo xứ Bằng Phú, Thanh Hóa:

Chúa Nhật, ngày 26 tháng 10, tại Giáo xứ Bằng Phú (Giáo hạt sông Mã – Giáo phận Thanh Hóa), các đội hoa đến từ 3 giáo xứ đã cùng nhau dâng hoa kính lên Đức Mẹ trong ngày Chúa Nhật cuối cùng của tháng Mân Côi.

Xem Hình

Qúy Cha cùng với bà con giáo dân Bằng Phú đã được vui mừng chào đón sự trở về của Cha Giuse Trịnh Đức Ngọc, chính xứ Yên Khánh. Đây là người Cha đã cùng đồng hành với mảnh đất Mường gần một thập kỷ, từ khi Ngài giúp đỡ giáo xứ trong cương vị người Thầy. Trước khi trở thành Linh mục chính xứ, Ngài cũng được bề trên Giáo phận cử làm Linh mục Phó của giáo xứ.

Đội hoa Giáo xứ Kiến An (Giáo hạt Ba Làng) là một đội hoa đặc biệt, khi mà những đóa hoa tươi thắm dâng lên Mẹ bởi bàn tay của những người nam. Còn đội hoa nữ đến từ giáo xứ Yên Khánh (Giáo hạt sông Mã). Họ đã không quản ngại đường xá xa xôi, cùng thực hiện cuộc hành trình người lên miền núi, với sự chào đón nồng nhiệt của xứ Mường Bằng Phú.

Đội hoa cộng đồng của giáo xứ với nhiều hội đoàn bao gồm gia trưởng, hiền mẫu, thiếu nhi trong những bộ trang phục truyền thống của người Mường. Đội hoa đến từ các giáo họ trong giáo xứ cũng góp phần làm nên một ngày hội hoa đầy màu sắc.

Chương trình dâng hoa kính Mẹ được bắt đầu với sự hiện diện của quý Cha trong Giáo xứ, Cha xứ Yên Khánh, và đông đảo bà con giáo dân, lương dân. Những triều hoa hương sắc dâng lên Đức Mẹ với đầy đủ hương vị của miền núi rừng, của những người anh em, chị em đến từ miền xuôi đã làm nên một buổi chiều hồng phúc tại ngôi Thánh đường giáo xứ Bằng Phúc.

Buổi dâng hoa kết thúc, Cộng đoàn bước vào Thánh lễ Chúa Nhật. Chủ tế Thánh Lễ là Cha Chính xứ Bằng Phú. Hai đoàn của hai giáo xứ bạn đã cùng với cộng đoàn giáo xứ sở tại hiệp dâng Thánh lễ với sự trang nghiêm, sốt sắng.

Kết thúc Thánh Lễ, cũng là kết thúc một ngày đầy hồng ân tại Giáo xứ Bằng Phú. Cả ba giáo xứ đến với nhau, như lời của cha nguyên quản xứ: “Tôi đã say tình, say nghĩa khi trở về với Bằng Phú”. Sự hiệp thông trong Chúa, qua bàn tay chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi đã đưa những người anh em, chị em đến gần với nhau hơn, làm cho tình liên đới giữa những người con trong giáo phận ngày càng bền vững, phát triển.

Tín Thác
 
Nam California tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Nguyên Huy/Người Việt
10:14 27/10/2014
WESTMINSTER (NV) - Lễ Tưởng Niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm được cựu Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tổ chức trang trọng tại công viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, California, vào trưa Chúa Nhật, 26 tháng 10.

Ngày 26 tháng 10, cách đây 58 năm, cũng là ngày khai sinh nền Đệ I Cộng Hòa với vị tổng thống đầu tiên được bầu là ông Ngô Đình Diệm.

Trong diễn văn khai mạc của trưởng ban tổ chức, ông Nguyễn Văn Liêm phát biểu, “Chúng ta tổ chức tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày hôm nay, không chỉ để tưởng niệm vị tổng thống đã hết lòng vì dân vì nước, đã hy sinh vì lý tưởng và lòng yêu nước của mình, mà là chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử hình thành nên quốc gia Việt Nam, chấm dứt là thuộc địa của Pháp, từ bỏ chế độ quân chủ để chính thức là một quốc gia tự do, dân chủ được hơn 150 quốc gia trên thế giới công nhận.”

Ông Nguyễn Văn Liêm phát biểu tiếp, “Chúng ta cần ghi nhớ ngày 26 tháng 10 là ngày độc lập của Việt Nam ... Hôm nay chúng ta cùng nhau thắp một nén hương lòng tưởng nhớ đến vị tổng thống đã đặt nền móng tự do cho đất nước. Noi gương người, chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa tự do để tái lập Việt Nam Cộng Hòa.”

Trưởng ban tổ chức Nguyễn Văn Liêm cũng nhắc đến 9 năm cầm quyền, cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã làm cho miền Nam trù phú, mọi mặt kinh tế, chính trị, giáo dục, xã hội đều phát triển tốt đẹp và được thế giới kính nể.

Chủ Tọa buổi lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm nay là Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, chủ tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại. Giáo Sư Vinh phát biểu, “Một lớp người có tinh thần quốc gia, yêu nước đã được tạo ra mà thế hệ chúng tôi là những chứng nhân cho sự thay đổi lịch sử. Việt Nam đã rời bỏ được chế độ quân chủ, Pháp thuộc mà thành lập được một quốc gia tự do với chính thể Cộng Hòa vào ngày 26 tháng 10, 1956. Như nhiều năm qua chúng ta đã tổ chức ngày này để vinh danh người đã khai sinh nền tự do dân chủ cho đất nước.”

Buổi lễ được tiếp diễn với những nghi thức tế lễ cổ truyền do Hội Đền Hùng phụ trách. Trước một di ảnh lớn, ban tế đã trịnh trọng cử hành những nghi thức tế lễ cổ truyền trong tiếng chiêng trống rộn rã uy nghi.Mười hai hội đoàn đã lần lượt theo nhau dâng trước bàn thờ những vòng hoa tưởng niệm. Theo ban tổ chức, đó là Cộng Đồng Tôn Giáo Tây Nam Hoa Kỳ, Cộng Đồng Công Giáo Giáo Phận Orange County, Tổ Chức Người Việt Liên Bang Hoa Kỳ và Cộng Đồng Người Việt Pomona, Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Nam California, Gia Đình Cựu Học Sinh Di Cư Gia Long và Phú Thọ, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, Cộng Đồng Người Việt San Diego, Hội Đồng Hương Bình Giả, Các hội đoàn giới trẻ, hai Gia Đình Phú Cam-Huế và Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California.

Hàng trăm đồng hương và quan khách đã đến tham dự. Ban Tù Ca Xuân Điềm và ban Hợp Ca Thủy Quân Lục Chiến góp tiếng hát quân hành trong suốt chương trình tưởng niệm.
 
Đức quốc : Đại lễ mừng Khánh Nhật Truyền giáo 2014 tại St. Augustin
Thanh Sơn
16:02 27/10/2014
ĐỨC QUỐC: ĐẠI LỄ MỪNG NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 2014 TẠI ST.AUGUSTIN

Mừng ngày khánh nhật tìm vô

Nhà dòng Augustinô lễ mừng

Tim ta rộn rã chưa từng

Muôn người hội ngộ tưng bừng hoan ca.

Ngày "Khánh Nhật Truyền Giáo" khắp muôn nơi đã rộn rã, ở Đức Quốc này cũng không ngoại lệ. Tôi không nhớ đây là lần thứ mấy? Chỉ biết rằng hằng năm vào tuần thứ tư của tháng Mân Côi, khi mùa thu đến lá bắt đầu ươm vàng thì nơi nhà dòng St. Augustin các tu sĩ dòng Ngôi Lời SVD. và những cộng tác viên trong công cuộc truyền giáo lại tổ chức tưng bừng một ngày lễ mừng"Khánh Nhật Truyền Giáo" để lấy tiền giúp vào công việc này.

(Hôm nay tôi lái xe tìm về nơi đây sớm hơn mọi năm để nghe được một phần Lm. Nguyễn Thiết Thắng chia sẻ về đề tài "Gia Đình Sống Đức Tin" Vì gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Vì gia đình sống trong xã hội nên con người luôn bị lệ thuộc và ảnh hưởng trong môi trường sống đó. Cái quan trọng là chúng ta luôn phải học hỏi để hiểu biết và nếu chúng ta muốn cho con cái chúng ta nên tốt thì trước tiên chúng ta phải có cái tốt trước đã. Nếu ta không có thì không thể cho đi được. Chúng ta cứ bắt con chúng ta đi lễ mà thực chất chúng ta cũng chẳng hiểu được những nghi thức của thánh lễ thì làm sao mà dạy cho con chúng ta đây...v.v...)

Xem Hình

Chương trình nói chuyện còn đang hấp dẫn thì tới giờ giải lao để sửa soạn cho thánh lễ.

Mở đầu thánh lễ đồng tế hôm nay, Lm. Giuse Huỳnh Công Hạnh là chủ tế giới thiệu qúy linh mục tu sỹ gồm có:

- Lm. Dr. Phêrô Nguyễn Trọng Qúy niên trưởng liên tu sỹ tại Đức Quốc.

- Lm. Giuse Phan Trọng Quang dòng Thừa Sai Đức Tin từ VN. đi họp bên Rôma về ghé thăm CĐVN.

- Lm. PX. NguyễnVăn Thắng đến từ VN. thuộc Giáo Phận Bắc Ninh,

- Lm. Giuse Lê Văn Thắng VSD.

- Và Lm. trẻ nhất trong đoàn và là thuyết trình viên hôm nay Lm. Giuse Nguyễn Thiết Thắng O.S.B đến từ Hoa Kỳ. Và ngài cũng chia sẻ Lời Chúa hôm nay:

PHÚC ÂM: Mt 22, 34-40

"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi".

Kính thưa qúy cha và ông bà anh chị em, tại sao Chúa Giêsu lại nói tóm lại trong hai điều luật này?

Thưa: vì kính Thiên Chúa là điều tất cả mọi loài trên thế gian phải quy về Ngài, cái đó là quan trọng số một. Vì loài nào từ chối điều này sẽ không thể tồn tại được. Vì Ngài đã tạo dựng nên muôn vật và nuôi chúng sống theo một nguyên tắc của Người mà chúng ta tuy không hiểu biết hết được nhưng vẫn phải công nhận điều đó. Cuộc đời của mỗi con người chúng ta cũng thế, không có ngoại lệ. Chúng ta không thể chỉ sống cho cái xác này không thôi mà còn phải sống cho phần linh hồn của chúng ta nữa. Nếu ai từ chối Thiên Chúa, không tôn kính Thiên Chúa kẻ đó sẽ đi đến diệt vong không những chỉ đời này mà còn cả đời sau nữa. Chúng ta phải dùng cái trí khôn Chúa ban cho ta để mà làm sao cho tốt nhất về phần hồn của chúng ta vậy.

Thứ hai: Yêu thương kẻ khác như chính mình. Cái này cũng không đơn giản. Vì sao thế? thưa, vì mỗi cái xã hội ta đang ở, con người đã tạo ra khác nhau. Có những xã hội trong môi trường được học tập giáo dục tốt thì sẽ tạo ra tình yêu thương nhau ngay từ khi chúng ta còn thơ bé. Còn có những xã hội nếu những người cầm quyền mà đã từ chối không Kính thờ Thiên Chúa thì sẽ tạo ra cả một môi trường xấu ngay khi con người từ thơ bé. Như vậy mà Chúa Giêsu nói ta phải yêu người như chính mình vậy thì là không hề dễ chút nào cả. Cho nên mình nghe Lời Chúa và phải tập từng bước một thôi. Trước tiên là những người bên cạnh mình, trong gia đình mình, vợ chồng con cái, cha mẹ mà ta không yêu thương được thì đừng nói là yêu thương người ngoài. Tất cả các thánh cũng phải tập từ chút một thì mới nên thánh được. Gương các thánh nhân giữa thời đại chúng ta này như Mẹ Têrêsa Calcutta, Đức Hồng Y Thuận v. v...Nếu chúng ta tập từng bước một sống tốt và yêu thương được những người xung quanh ta như thế cũng là chúng ta đang tham dự vào những công cuộc truyền giáo của Giáo Hội vậy. Truyền Giáo không phải chỉ nói không nhưng mà phải hành động nữa. Phải yêu thương và tôn trọng người khác như tôn trọng chính mình thì công cuộc truyền giáo mới có kết qủa tốt được, và hoa trái của Chúa Thánh Thần sẽ triển nở Chung quanh ta, từ những người trong gia đình và vươn ra xa hơn nữa. Hôm nay chúng ta mừng lễ ngày "Khánh Nhật Truyền Giáo" chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa và thực tập sống tốt theo hai giới răn này.

Ca đoàn trẻ hôm nay đảm trách hát trong thánh lễ hát hay và sốt sắng. 6 em thanh nữ tiến dâng của lễ nhịp nhàng theo điệu nhạc lời ca của ca đoàn trẻ.

-Những lời nguyện cho ngày Khánh Nhật Truyền Giáo trên khắp năm châu được triển nở tốt đẹp.

-Cầu cho ĐGH. được trtàn đầy ơn thánh Chúa và sức khỏe trong những chuyến tông du sắp tới.

Cầu xin cho các Tu Sỹ luôn là những gương sáng trong đời sống truyền giáo.v.v..

-Trước khi chấm dứt thánh lễ 20 em thiếu nhi đã vũ tiến hoa dâng lên Đức Mẹ những nhà truyền giáo. Rất tuyệt vời! Nhất là trong tháng 10 này cũng đang là tháng Mân Côi chắc chắn Đức Mẹ sẽ vui lắm! Có những em rất bé như những thiên thần. Đây là một truyền thống rất đẹp của chúng ta nên được khuyến khích và phát trển nhất là nơi xứ người này. Chân thành cám ơn tới những ai đã giúp đỡ và hướng tập cho các em. Chắc chắn là không ít những hy sinh để đưa đón chăm sóc, bông hoa, rồi quần áo v.v...

Cuối thánh lễ Lm. Giuse Lê Văn Thắng SVD. trưởng ban tổ chức gởi lời cám ơn tới qúy Lm. qúy Sơ, qúy thầy cùng tất cả mọi người đã đến đây đông đảo tham dự và úng hộ cho ngày "Khánh Nhật Truyền Giáo" này

Đồng thời cũng mời tất cả sau thánh lễ vào hội trường nhà Dòng ủng hộ những thức ăn giúp đõ cho việc truyền giáo, đồng thời thưởng thức những tiết mục văn nghệ v. v..:

Chương trình văn nghệ của ngày "Khánh Nhật Truyền Giáo" năm nay rất phong phú với đủ thứ tiết mục ca vũ nhạc kịch đố vui v.v...

Một ngày đầy hân hoan được nghe Lm. Nguyễn Thiết Thắng thuyết trình về đề tài GIA ĐÌNH SỐNG ĐỨC TIN. Tham dự thánh lễ và thưởng thức những món ăn ngon, nghe xem văn nghệ thì không thể không nói lên lời "Tạ Ơn Chúa" và cám ơn tới ban tổ chức và tất cả những bà tay, bàn chân đóng góp cho cộng cuộc truyền giáo trong thời đại hôm nay giữa Âu Châu này.

Đẹp làm sao những bước chân truyền giáo

Mọi nẻo đường vẫn rảo bước đi qua

Khắp bốn phương tứ hải đều là nhà

Đem Tin Mừng loan ra giữa trần thế.

Thanh Sơn
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chuyện bất cập tại Việt Nam
Micae Bùi Thành Châu
08:59 27/10/2014
BẤT CẬP !

Ở đời, nếu không khéo, không tính hay chỉ thiếu suy nghĩ ta dễ làm theo ý riêng của ta để rồi những việc ta làm hóa ra bất cập. Cuộc sống đã khó khăn nên càng ít bất cập càng đỡ khổ cho người khác.

Tưởng chừng với những kinh nghiệm thực tiễn trong đời sống người ta sẽ học được bài học làm sao cho cuộc sống nó hài hòa nhưng đáng tiếc thay còn đó quá nhiều bất cập. Có thể nói rằng chỉ cần bước chân ra đường, ta sẽ thấy muôn vàn sự bất cập đang ngày mỗi ngày diễn ra quanh ta.

Bước chân ra đường dễ hụt chân vì lẽ cái thềm nhà của ta nó thấp hơn mặt đường vì sau vài lần trải nhựa bỗng nhiên nhà ta là nơi chứa nước mưa tràn từ ngoài đường. Thường khi trải nhựa, người ta phải cào lớp nhựa cũ rồi mới trải lớp nhựa mới. Nhưng không bao giờ ta thấy chuyện bình thường đó và thấy chuyện bất thường để rồi nhà ta dù mới xây nhưng chỉ ít lần trải nhựa sẽ thấp hơn mặt đườn là cái chắc.

Ra đường một tí nữa ta lại thấy nhiều chuyện bất cập đại loại như thế trong cuộc sống.

Chuyện không còn thể bưng bít, giấu diếm với nhau được nữa đó là số nợ công của nước ta cao ngất như núi. Có thể nói rằng đến đời cháu cũng trả chưa hết. Trước thực trạng như thế, càng cân nhắc hết sức trước khi quyết định làm cái gì đó gây tổn hại, gây nợ cho con cháu.

Ông bà vẫn thường nói với nhau "nợ mòn con lớn" nhưng trong thực tế nợ không mòn dù con đã quá lớn.

Tòa nhà để làm nơi hội họp dĩ nhiên cũng cần khang trang, cần xứng tầm với một đất nước nhưng xây như thế nào mới là điều quan trọng. Các vị có trách nhiệm vui vẻ xây cái tòa nhà ấy với cái giá rất vui vẻ 7.000 tỷ đồng !!!

Và rồi, Hải Dương đề xuất xây dựng khu hành chính tập trung với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Các địa phương khác như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lai Châu... cũng đang lăm le dự án xây tòa nhà hành chính. Có lẽ họ muốn vươn vai cho ngang tầm với Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu?

Thực tế, ta thấy nhiều tỉnh xây trụ sở lộng lẫy khang trang, rất phản cảm. Trong khi dân còn nghèo, nước còn nghèo thì xây trụ sở lộng lẫy như cung điện để làm gì?”

Thực tế rất chua xót khi nợ công chạm ngưỡng an toàn với con số 90 tỉ USD. Ngay cả Quốc hội đau đầu vì không có tiền thực hiện lộ trình tăng lương theo dự kiến và rồi các dự án phục vụ quốc kế dân sinh phải tạm dừng vì thiếu vốn. Trong khi đó, bệnh viện quá tải và thiếu thốn thiết bị vẫn như sự thách thức, khi trẻ em học trường tranh tre, nứa lá như là sự trêu ngươi...?

Người ta vẫn thường mắc chứng bệnh là “bệnh hoành tráng”, con gà tức nhau tiếng gáy. Không chỉ trung tâm hành chính mà nhiều công trình công cộng khác trị giá tiền tỉ cũng đua nhau mọc lên. Tỉnh này, huyện này có sân vận động lớn thì địa phương kia cũng phải làm sân vận động lớn mà không cần tính toán lưu lượng dân số được hưởng thụ từ công trình đó là bao nhiêu.

Nếu người ta cắt bớt những khoản đó thì hoàn toàn có được tiền để làm những công việc khác bức bách hơn, như tăng lương, giảm tải y tế, đầu tư cho đồng bào nghèo... Đầu tư công, lấy từ tiền của nhân dân thì phải được sử dụng cho thực sự hiệu quả. Ngược lại, nếu sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích thì sẽ có lỗi với dân.

Xã hội đáng buồn là như thế, Giáo Hội cũng như thế với vài nơi.

Có những công trình đã, đang và rồi sẽ xây dựng với cái giá ngất trời.

Không phải chỉ trích, lên án ai cả nhưng nên chăng nhìn lại công trình xây dựng. Thật lòng ai không muốn hoành tráng, bề thế vì theo cái lý luận là xây để đời. Cũng có lý nhưng phải xét đến yếu tố thực tế trong cuộc sống thực tế của con người.

Giáo hữu Công Giáo tỷ lệ người giàu, đại gia là bao nhiêu ? Đa phần vẫn là nông dân chân chất và những người nghèo buôn gánh bán bưng và di dân tha phương cầu thực ... Đại gia có đi chăng nữa cũng chỉ là đếm trên đầu ngón tay và cũng là con số thật khiêm tốn. Thế nhưng, dù là đại gia đi chăng nữa họ cũng phải cày đổ mồ hôi sôi con mắt mới có tiền và khi có tiền họ dè xẻn, chắt chiu góp vào các công trình tôn giáo vì lòng yêu mến Giáo Hội.

Đã một thời nhiều Việt Kiều cũng vì lòng yêu quê hương, yêu Giáo Hội nên đã chắt chiu từng bữa ăn, từng chi phí nhỏ nhặt để tiết kiệm giúp đỡ. Khi họ trở về họ nhìn thấy thực tế những công trình mà họ chia sẻ đó quá hoành tráng và choáng ngợp. Họ không nghĩ ra một nơi như thế mà lại xây dựng hoành tráng như thế.

Dù là Việt Kiều hay thương gia đại gia đi chăng nữa họ cũng đều phải cày và có thể ví như là cực như con trâu mới có. Tiền, dù Mỹ, dù Úc, dù Canada đi chăng nữa cũng là mồ hôi và cả nước mắt chứ không phải ở trên cây để ra mà hái. Cần phải trân quý mồ hôi nước mắt cũng như sự tiết kiệm của Việt Kiều, của thương gia, đại gia.

Ít ai hiểu rằng đàng sau cái vỏ bọc hoành tráng, bề thế của gia đình và mang hai chữ "đại gia" trong mình đó là những giọt mồ hôi và nước mắt trước vòng xoáy của cuộc đời, của cơn lốc thị trường đang đi xuống.

Có những giáo xứ số giáo dân thật khiêm tốn, vỏn vẹn chưa đến 1000 nhưng công trình xây dựng nghe đâu lên đến 50 tỷ ! Thực sự có phải là nhu cầu thật sự để làm nơi thờ phượng Chúa hay là thờ phượng cái tôi của mình. Người xây cứ việc xây và người góp cứ việc góp, người xây không hề đoái đến cái nghèo chạy ăn từng bữa của người góp cũng như những cơn bão kinh tế của những thương gia.

Dĩ nhiên là cần một nơi thờ phượng Chúa cho "phải đạo" như thao thức của vua Đavit xưa nhưng nên chăng cần ngồi lại nhìn cái thực tế trong cuộc sống hiện tại nhất là đời sống kinh tế quá khó khăn vất vả.

Đã có người trách móc con cái không đi hành hương Đức Mẹ cũng như trách móc vị mục tử quản nhiệm là không giáo dục nhân bản cho con cái là đi hành hương Đức Mẹ nhưng những lời trách móc đó có hiểu chăng con cái của Mẹ là những người dân tộc thiểu số nghèo thiếu trước hụt sau chăng ? Đầu năm tựu trường phải đối đầu với biết bao nhiêu khoảng đóng góp. Đi hành hương, đến với Mẹ phải mượn nợ chồng nợ, lãi chồng lãi liệu rằng Đức Mẹ có cam lòng không ? Trước khi nói xin hãy nhìn đến những phận nghèo. Phải ở trong cái cảnh nghèo chạy ăn từng bữa và tiền thuốc tiền men còn thiếu thì mới hiểu được cái phận nghèo là gì.

Chỉ mong những vị có trách nhiệm dù xã hội hay Giáo Hội trước khi xây dựng bất cứ công trình nhỏ to gì cũng hãy coi lại ngân khoản của đất nước, ngân khoản của gia đình và ngân khoản của từng người. Đừng vì cái tôi, đừng vì bệnh sĩ, đừng vì bệnh hoành tráng mà lại để lại những khoản nợ lớn cho đất nước cũng như những gượng ép khó nói cho những người nghèo trong Giáo Hội.

Micae Bùi Thành Châu

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh Simon và thánh Giuđa Tông Đồ
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
19:11 27/10/2014
Lễ thánh Simon và Giuđa Tông đồ

Trung thành với Chúa và nhiệt thành với sứ mạng

1. Lời Chúa: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Đó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội. Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.

2. Suy niệm

Sau một thời gian công khai rao giảng Tin Mừng, giờ đây Chúa Giêsu bắt đầu quyết định tuyển chọn những cộng sự viên cho sứ vụ của mình. Cách thức mà Chúa Giêsu thực hiện có giống với cách thức của con người khi tuyển chọn nhân sự hay không? Chúng ta thấy các công ty xí nghiệp trước khi chọn người, họ thường phỏng vấn và sơ tuyển, còn Chúa Giêsu không làm như thế. Thánh Luca cho biết trước khi bắt đầu tuyển chọn nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu không xem bằng cấp học vị, không coi lý lịch lý sự của họ,… Ngài âm thầm lên núi cầu nguyện một mình. Không phải cầu nguyện một chốc một lát, mà là thức trắng đêm để cầu nguyện cùng Chúa Cha.

Việc Chúa Giêsu thức trắng đêm để cầu nguyện trước khi tuyển chọn nhóm 12 Tông đồ nói lên điều gì? Nói lên rằng việc tuyển chọn nhóm 12 là một việc khó khăn. Sẽ chọn ai đây? Tiêu chuẩn nào để chọn? Gốc gác là “Bắc Kỳ Galilêa” hay “Nam Kỳ Giuđêa”, tỉ lệ bao nhiêu? Thân thế ra sao? Sang hay hèn, giàu hay nghèo, có học hay ít học…? Nghề nghiệp thế nào? Nông gia, ngư dân, thu thuế, Biệt phái hay luật sĩ…? Và còn mối liên hệ giữa họ nữa thì sao? Chọn hai anh em ruột có được không? Bao nhiêu cặp như vậy là vừa? Bao nhiêu người đã có gia đình, bao nhiêu người đang còn thong dong, v.v… Rất nhiều vấn đề khó khăn. Bởi đó, Chúa Giêsu cần phải cầu nguyện lâu giờ để xin Chúa Cha trợ giúp.

Hơn nữa, việc tuyển chọn nhóm 12 là một việc hết sức hệ trọng. Không hệ trọng sao được khi họ sẽ là những người sống với Chúa Giêsu và gắn bó với Ngài suốt cả cuộc đời. Không hệ trọng sao được khi họ sẽ là những người tiếp nối công trình mà Đấng Cứu Thế đã khởi sự là đem Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Không hệ trọng sao được khi họ sẽ là những chứng nhân trực tiếp cho cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Không hệ trọng sao được khi họ sẽ là những người nắm giữ vận mệnh và là cột trụ cho Giáo Hội sơ khai mà Thầy mình đã thiết lập. Chính vì hệ trọng nên trước khi tuyển chọn, Chúa Giêsu đã phải thức suốt đêm cầu nguyện là vậy.

Nói cách khác, Chúa Giêsu đã trải qua 12 giờ đồng hồ để thỉnh vấn Cha mình trong việc tuyển chọn các môn đệ. Nếu tính bình quân thì cứ mỗi giờ, Chúa Giêsu chọn được một vị, và 12 giờ ứng với 12 vị. Trong số đó có thánh Simon và Giuđa Thađêô mà Giáo Hội mừng kính hôm nay.

Trong danh sách nhóm 12, Simon Nhiệt Thành được xếp vị trí thứ 10 (con số 10 tròn trịa). Gọi là Simon Nhiệt Thành để phân biệt với Simon Đá Tảng, tức là Simon Phêrô, vị Tông Đồ Cả. Còn Giuđa Thađêô được xếp thứ 11, nghĩa là gần cuối. Hai vị Tông Đồ này luôn luôn được xếp gần sát nhau. Có lẽ vì thế mà các ngài được Giáo Hội mừng chung một ngày, 28.10.

Có điều là Kinh Thánh lại nói rất ít về hai vị Tông Đồ này. Đặc biệt đối với thánh Simon Nhiệt Thành, dường như ngài đã bị các Thánh Sử lãng quên. Ngài chỉ được nhắc đến vài ba lần, khi liệt kê danh sách các Tông Đồ. Theo Thánh Truyền thì Simon Nhiệt Thành chính là người phụ rể tại tiệc cưới Cana (Cana cũng chính là quê quán của ngài), và sau khi chứng kiến phép lạ nước hoá thành rượu, ngài đã đi theo Chúa Giêsu. Ngài cũng là người được mệnh danh là nhiệt thành, nhiệt thành đến độ cực đoan (Zêlot). Dĩ nhiên là nhiệt thành cho sứ mạng giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Ngài thấy Chúa Giêsu có những phẩm chất của một vị lãnh tụ đáng tin cậy, có khả năng đánh đuổi đế quốc Rôma đô hộ và tái lập vương quốc Israel hùng cường. Chúa Giêsu không ngần ngại chọn gọi ngài và hướng sự nhiệt thành của ngài, thay vì lo kiến tạo một vương quốc trần thế, thì lo xây dựng một vương quốc trời cao, vương quốc mà chính Chúa Giêsu sẽ thiết lập sau này. Quả vậy sau này chính ngài đã hết mình cho Tin Mừng Nước Trời đến độ hiến dâng cả mạng sống mình. Truyền thuyết cho biết ngài đã chết trên thập giá, cái chết giống Thầy mình. Một tình yêu đối với tổ quốc, với đồng bào được Chúa Giêsu nâng lên thành tình yêu phổ quát, tình yêu đối với mọi dân, mọi nước. Một mộng tưởng phục vụ cho một quốc gia Do Thái bé nhỏ được Chúa Giêsu nâng lên thành lý tưởng phụng sự cho một quốc gia không biên giới, đó chính là Nước Trời.

Còn thánh Giuđa Thađêô thì sao? Chúng ta cũng không biết gì nhiều ngoại trừ chi tiết ngài là em của thánh Giacôbê hậu, và là bà con của Đức Giêsu. Cha của ngài là ông Clêôpha, và mẹ của ngài cũng có tên là Maria. Bà này đã đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu lúc Người chịu chết, rồi sau đó đã ra mồ để xức xác Chúa bằng dầu thơm.

Nếu thánh Simon được gọi với cái tên là Simon “nhiệt thành” thì có lẽ thánh Giuđa phải được gọi là Giuđa “trung thành”. Ngài đã trung thành trong tình yêu mến, để bù lại cho một Giuđa khác, Giuđa Isacriôt, kẻ bất trung bội phản trong tình yêu. Tin Mừng cho thấy có lần ngài đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy lại tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian” (Ga 14,22). Chúa Giêsu trả lời ngài rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14,23). Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu muốn gián tiếp nói với Giuđa Thađêô rằng khi các con yêu mến Thầy, các con sẽ hiểu được câu hỏi tại sao. Và khi các con yêu mến Thầy, các con sẽ hiểu được các mạc khải cao trọng hơn thế nữa. Có “Cha Thầy và Thầy ở cùng” lẽ nào lại không hiểu được! Quả thật, sau này ngài đã hiểu, vì ngài đã yêu mến Thầy mình thực sự. Ngài đã yêu mến Thầy mình cho đến cùng. Dù có trải qua bao phong ba bão tố của cuộc đời, ngài vẫn không bỏ cuộc, không bội phản như Giuđa Iscariôt. Tương truyền cho biết ngài cùng với thánh Simon Nhiệt Thành hăng say rao giảng Tin Mừng đến tận miền Ba Tư và trung kiên làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.

Ở Việt Nam, người ta ít biết về ngài, và cũng ít người chọn ngài làm thánh Quan Thầy. Thế nhưng ở Mỹ, ngài là một vị thánh rất được sùng kính. Rất nhiều nhà thờ ở Mỹ đặt bàn thờ dâng kính ngài. Lý do thánh Giuđa được sùng kính ở Mỹ như thế là vì ngài nổi tiếng là một vị thánh hay cứu giúp người ta, cả những người lương dân, trong những trường hợp khó khăn, trong hoàn cảnh hầu như tuyệt vọng.

Chuyện kể rằng có một người phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Bà đã đến một nhà thờ ở New York làm tuần Cửu Nhật cầu khấn thánh Giuđa, xin ngài giúp cho bà một số tiền là 10.000 đôla để bà giải quyết một vấn đề quan trọng. Mỗi ngày bà đến cầu nguyện trước toà kính thánh nhân. Sang đến ngày thứ chín, bà thấy trên bàn thờ vị thánh có một chiếc phong bì, mở ra thì bà thấy trong đó có 10.000 đôla, đúng với số tiền mà bà xin. Bà mừng quá, chạy vào nhà xứ kể cho cha xứ nghe sự việc, tin rằng đây là tiền của thánh Giuđa cho bà. Tuy nhiên, cha xứ cho biết ngài vừa nhận được cú điện thoại của một người báo tin cho hay ông ta cũng vừa được thánh Giuđa ban cho một ơn như ý, và để tỏ lòng biết ơn, ông có dâng kính thánh nhân 10.000 đôla. Nhưng vì không gặp được cha xứ, nên ông ta đặt số tiền đó trên bàn thờ thánh nhân, trong một phong bì, và xin cha ra lấy và cất giữ. Như vậy, theo cha xứ, số tiền kia là của giáo xứ, bà ta phải đưa lại cho giáo xứ; còn người đàn bà thì lại quả quyết tiền đó là của thánh Giuđa giúp bà. Vì vậy, để phân xử, hai người quyết định đưa nhau ra toà.

Người ta theo dõi vụ kiện qua báo chí và lấy làm thú vị về sự việc hi hữu này. Họ không biết toà sẽ phải giải quyết bằng cách nào trước một sự việc vừa mang tính pháp lý vừa mang tính thiêng liêng như thế này? Đột nhiên, cha xứ tuyên bố rút đơn kiện, đồng ý để số tiền cho bà kia. Bà ta bình thản nói rằng bà đã biết chắc chắn số tiền sẽ thuộc về bà, vì thánh Giuđa sẽ giúp bà cho đến cùng.

Thiết nghĩ thánh Giuđa không làm một phép lạ tỏ tường, nhưng ngài đã muốn dùng số tiền người ta dâng kính ngài, để tặng lại cho người phụ nữ trong lúc gặp sự khốn khó đã hết lòng tin tưởng chạy đến cùng ngài.

Chúng ta có thêm một địa chỉ nữa để chạy đến kêu xin sự trợ giúp, khi ta gặp gian nan khốn khó. Câu chuyện vừa kể giúp ta có thêm niềm xác tín. Dĩ nhiên không chỉ đơn thuần là xin ngài giúp tháo gỡ những khó khăn về cuộc sống vật chất, mà còn là những khó khăn về đời sống đức tin, đời sống đạo. Đặc biệc xin ngài giúp chúng ta có được lòng nhiệt thành và trung thành như ngài: nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, đồng thời trung thành bền chí đi theo Đức Kitô đến cùng. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Muà bầu cử ở Hoa Kỳ: nên bỏ phiếu như thế nào?
Trần Mạnh Trác
12:28 27/10/2014


Ngày 4 tháng 11 là ngày bầu cử 'giữa kỳ' (midterm election) cuả Hoa Kỳ.

Cứ hai năm một lần, Hoa Kỳ tổ chức một 'cuộc bầu cử toàn quốc' (general election). Khi cuộc bầu cử xảy ra ở giữa nhiệm kỳ cuả một vị Tổng Thống thì được gọi là 'bầu cử giữa kỳ' (midterm election). Cuộc bầu cử khác, trùng với cuộc bầu cử Tổng Thống, thì gọi là 'bầu cử thưòng kỳ 4 năm' (quadrennial election).

Số dân cử được bầu năm nay:

Vì nhiệm kỳ cuả một dân biểu Hạ Viện là 2 năm, cho nên tất cả 435 ghế Hạ Viện sẽ được bầu lại.

Về phần Thượng Viện, nhiệm kỳ cuả một thượng nghị sĩ là 6 năm, nghĩa là mỗi 2 năm người ta bầu lại 1 phần 3 thượng viện, tức là 33 ghế.

Song song với việc bầu cử ở cấp liên bang như trên, ở cấp tiểu bang cũng sẽ có bầu cử 38 ghế Thống Đốc và 46 lưỡng viện quốc hội (trừ Louisiana, Mississippi, New Jersey và Virginia).

Viễn cảnh bế tắc:

Những năm gần đây, chính quyền Hoa Kỳ đang mắc kẹt trong một tình trạng gọi là bế tắc (gridlock) bởi vì đảng đối lập (Cộng Hoà ) nắm được đa số áp đảo tại Hạ Viện. Mọi dự luật và dự chi cuả chính quyền Obama đều bị bác bỏ thẳng thừng.

Tuy đảng cầm quyền (Dân Chủ) còn giữ được đa số ở Thượng Viện nhưng đa số đó không đủ tỷ số (60%) để có thể làm nên chuyện.



Bế tắc là một tình trạng thông thường xảy ra trên sân khấu chính trị cuả Hoa Kỳ. Các vị tổng thống gặp 'nạn bế tắc' như vậy, như các ông Reagan, Bush hay Clinton, thường phải thoả hiệp (compromise) để thúc đẩy nghị trình cuả mình. Reagan (Cộng Hòa) thoả hiệp với một nhóm Dân Chủ, có nhiều lý tưởng tương đồng với ông, gọi là Blue Dog Coalition (dùng dấu hiệu là đầu một con chó mầu xanh) để thúc đẩy những nghị trình bảo thủ. George H.W. Bush (cha) phải thoả hiệp cho tăng thuế để làm giảm sự thâm hụt công quĩ. Bill Clinton phải thoả hiệp về đồng tính với thể thức "Don't ask, don't tell" (không hỏi, không nói)...

Bế tắc trong những năm qua trở nên trầm trọng hơn vì Tổng Thống Obama không biết thoả hiệp.

Có thể là ông ta đã muốn thoả hiệp nhưng lòng thành thật cuả ông bị đặt một dấu hỏi rất lớn, ông đã từng 'thách thức' không thi hành nhiều luật lệ bất lợi cho những đồng minh cuả ông (những tổ chức phá thai, đồng tính...) và đơn phương ban hành nhiều luật lệ hành chánh làm đảo lộn những thể lệ cuả luật lệ hiện hành (những biện pháp vá víu về di dân, an ninh, y tế...). Và vì thế mà cứ mỗi lần có chút hy vọng về một kết quả nào đó, thí dụ như luật canh cải về di dân đã bàn xong ở Thượng Viện, thì phe Cộng Hoà lại chơi trò hoãn binh, viện dẫn lý do là họ cần phải có thêm thời gian để tìm được một túc số cần thiết cuả những người 'tin tưởng' (trust) vào Tổng Thống.

Năm nay viễn ảnh bế tắc sẽ tăng vì kinh nghiệm cho thấy đảng cầm quyền thường mất thêm phiếu trong các cuộc bầu cử giữa kỳ.

Hầu hết các cơ quan thăm dò dư luận tiên đoán rằng đảng Dân Chủ sẽ không còn kiểm soát ngành Lập Pháp nữa (mất cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện).

Sẽ có xa lầy thêm 2 năm nữa, cho dù Dân Chủ còn giữ được Thượng Viện hay không. Cách duy nhất để tháo gỡ là sự nhượng bộ cuả Tổng Thống Obama.

Một cái vòng luẩn quẩn sẽ xảy ra: Lập Pháp, do Cộng Hoà kiểm soát, sẽ thông qua nhiều dự luật, nhưng Obama sẽ dùng quyền phủ quyết để bác bỏ. Và vì phe Cộng Hoà không có đủ 60 ghế ở Thượng Viện để vượt qua (override) việc phủ quyết đó, cho nên 'bế tắc sẽ hoàn lại bế tắc'.

Kết quả cuả nạn bế tắc:

Không phải mọi hệ lụy cuả bế tắc đều là xấu. Nhiều kinh tế gia cho rằng nhờ có bế tắc mà sự chi tiêu hào phóng của Hoa Kỳ đã được kềm hãm, sự thâm hụt về tài chánh được giảm bớt, cán cân ngoại thương tương đối tìm được cân bằng và nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

Do đó cho nên Chính quyền Obama đã không dám rêu rao về những thành quả kinh tế là cuả mình để kiếm phiếu trong cuộc bầu cử này. Đây là một cuộc bầu cử mà người ta vẫn có nhiều vấn đề để tranh cãi, ngoại trừ vấn đề chữ "E" (Economy: Kinh Tế ).

Nhưng bế tắc cũng có nhiều hệ lụy xấu. Chính sách Hoa Kỳ bị sa sút trên lãnh vực ngoại giao và quân sự. Âu Châu không còn sống hoà nhịp với Mỹ như xưa, Tầu và Nga bắt đầu 'thí nghiệm' sức mạnh cuả Mỷ ở nhiều nơi.

Riêng ở trong nước, nhiều lãnh vực đời sống dân sự đáng lẽ phải được canh tân đã không thể thực hiện được, thí dụ như những luật lệ về di dân, việc tăng cường kiểm soát biên giới để chống nạn buôn người, ma tuý và vấn đề giảm giá y tế.

Đó là những ưu tiên rất cao đối với người Công Giáo, cộng với với 2 ưu tiên bảo vệ tự do tôn giáo và bảo vệ sự sống.

Mặc dù biết rằng sự bế tắc sẽ không có hy vọng được tháo gỡ qua cuộc bầu cử năm nay, nhiều cơ quan Công Giáo vẫn mạnh mẽ khuyên mọi người Công Giáo nên đi bầu, để tạo ra một chiều hướng thuận lợi cho tương lai.

Những lời khuyên về bầu cử

Trong các cuộc bầu cử giữa kỳ, vì không bầu Tổng Thống, nên mọi tranh luận hầu như chú trọng nhiều hơn về những vấn đề địa phương.

Hai đảng là Cộng Hoà và Dân Chủ cũng không nhấn mạnh đến một bản Cương Lĩnh nào hay một sách lược tranh cử chung nào để áp dụng trên toàn quốc.

Và vì thiếu những cương lĩnh chính trị như trên, cho nên HĐGMHK cũng không công khai ủng hộ hay phản đối lý tưởng cuả một đảng nào, một việc mà HĐGMHK đã làm khi chọn đảng Cộng Hoà trong cuộc bầu cử thường kỳ 2 năm trước.

Nói cách khác, người Công Giáo sẽ phải dựa vào những ưu tiên đả có sẵn để cân nhắc sự ủng hộ cuả mình cho những ứng viên điạ phương. Những ưu tiên cuả Công Giaó Hoa Kỳ sẽ được liệt kê ở phần phụ lục* sau cùng.

Một câu hỏi nhức nhối đã được nêu ra, đó là nếu tất cả mọi ứng viên đều không xứng đáng, thì người Công Giáo phải làm gì?

Người Công Giáo sẽ bỏ phiếu cho ai nếu tất cả đều không xứng đáng?

Trong một cuộc bầu cử, nếu tất cả các ứng cử viên đều có vấn đề, thì cử tri Công Giáo có thể chọn một trong 3 giải pháp: Một là chọn sự "thấp hơn của hai tệ nạn," Hai là bỏ phiếu phản đối, và Ba là đơn giản không bỏ phiếu, Đức Giám Mục Thomas J. Tobin của Providence, RI đã khuyên như vậy, tuy nhiên một số các nhóm phò sự sống đã lên tiếng phải thận trọng khi chọn giải pháp không đi bầu.

Đức Giám Mục Tobin viết trong tờ báo The Catholic Rhode Island rằng:

"Thục sự đó là một vấn đề lớn mà nhiều người Công Giáo công chính đang phải đối mặt trong dịp này - làm thế nào để mà bỏ phiếu đây, khi tất cả mọi ứng cử viên đều ủng hộ phá thai?"

"Đây là một thời gian khó khăn để giữ cho mình là một cử tri có đạo đức, phò sự sống." Ngài viết tiếp. " Các lĩnh vực thì đều hẹp lại và sự lựa chọn thì càng ít ỏi thêm. Nhưng, hãy bỏ phiếu theo lương tâm của bạn, hãy cầu nguyện cho đất nước và dân tộc, và cứ đi ngủ một cách an bình. Hãy nhớ rằng, Thiên Chúa vẫn điều khiển lịch sử! "

Trong một kịch bản mà mọi ứng viên đều ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng tính như ở Rhode Island, ĐGM viết, "khi không có một ứng cử viên nào có một quan điểm chấp nhận được, đặc biệt là trong những về vấn đề đạo đức quan trọng như phá thai," thì một trong ba lựa chọn sẽ là "Hãy chọn ứng cử viên nào có cái Xấu ít hơn. "

Ngoài ra, một cử tri có thể bỏ phiếu "phản đối" bằng cách "viết tên của một người đại diện cho các giá trị phò sự sống (dù người đó không ra tranh cử và không có tên trong danh sách). .. Mặc dù người này chắc chắn sẽ không đắc cử, nhưng một lá phiếu theo hướng đó sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng rằng có nhiều cử tri không hài lòng vì không có ứng cử viên phò sự sống.". .." Bầu như vậy cũng không phải là lãng phí; đó là một biểu hiện chân thành của một lương tâm muốn duy trì chân lý đạo đức. Và vì thế nó không bao giờ là một sự lãng phí! "

Một tùy chọn hợp pháp khác, Đức Giám Mục Tobin cho biết, là "bỏ qua cuộc bầu cử năm nay hay không bỏ phiếu cho một số chức vụ nào đó"

Tuy nhiên, một nhóm phò sự sống là CatholicVote.org, trong khi ủng hộ lựa chọn thứ Hai và chấp nhận có điều kiện sự lựa chọn thứ Nhất, cho rằng không nên sử dụng lựa chọn thứ Ba là bỏ qua việc đi bầu.

Ông Joshua Mercer của CatholicVote.org viết rằng "việc ở nhà thì không có gì tốt cả, vì đã là người Công Giáo thì phải có trách nhiệm đi bầu, để biểu lộ lý tưởng của mình."

"Bầu theo cách phản đối (cách thứ Hai, viết tên một người không có trong danh sách,) thì là một lựa chọn rất tốt. Và một người Công Giáo có lương tâm cũng nên xem xét đến (cách thứ Nhất,) những trường hợp khi mà cả hai ứng viên thì một là bất toàn và một khác là đáng ghê sợ."

"Khi mà số cử tri Phò Sự Sống ở trong vùng rõ ràng là một thiểu số quá ít ỏi, thì chúng ta bắt buộc phải làm một sự lựa chọn khó khăn," Ông ta viết.

Đó cũng là ý kiến cuả nhóm Rhode Island Right to Life, họ ra thông cáo kêu gọi dân chúng hãy bầu theo cách thứ nhất cuả ĐGM Tobin: bầu cho ứng cử viên nào mà chủ chương gây ra tác hại là ít nhất."

Phụ lục*: Tóm lược những ưu tiên cuả Công Giáo.

Văn phòng Liên Lạc với Quốc Hội cuả Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB) đã liệt kê những ưu tiên sau đây, xin tóm lược như sau:

PHÒ SỰ SỐNG (PRO-LIFE)

USCCB ủng hộ chính sách bảo vệ và tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, quan tâm đặc biệt đến những người chưa sinh, khuyết tật, hoặc mắc bệnh nan y. Chúng tôi chống luật phá thai; chúng tôi chống luật cho phép giết chết êm dịu; chúng tôi ủng hộ việc quản lý sự đau đớn cho những người khuyết tật và lâm tử; chúng tôi hỗ trợ những chính sách khuyến khích và giúp đỡ phụ nữ mang thai và con mọn; chúng tôi phản đối kinh phí phá thai trong và ngoài nước; và chúng tôi hỗ trợ những nghiên cứu y học nhưng phản đối việc tạo sinh những con người vô tính (clone) và những thí nghiệm phá hủy phôi thai.

TỰ DO TÔN GIÁO (RELIGIOUS LIBERTY)

USCCB chống những xâm phạm của chính quyền vào học thuyết tôn giáo, thờ phượng, quản trị hoặc thực hành. Chúng tôi hỗ trợ những luật lệ bảo vệ quyền tự do lương tâm trên các chương trình của Chính phủ, trong việc phục vụ người nghèo và dễ bị tổn thương, trong việc giáo dục trẻ em, và việc cung cấp chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi hỗ trợ các nỗ lực thúc đẩy việc làm từ thiện cuả các đoàn thể phi lợi nhuận.

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH (MARRIAGE AND FAMILY)

USCCB hỗ trợ một hôn nhân trung thủy, độc quyền, suốt đời giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Chúng tôi phản đối những pháp luật qui định những loại hôn nhân khác. Chúng tôi phản đối các biện pháp nhằm định nghĩa lại hoặc xói mòn ý nghĩa của hôn nhân. Chúng tôi ủng hộ những cố gắng để củng cố việc tôn trọng nền tảng gia đình và bảo vệ quyền và trách nhiệm của cha mẹ trong việc chăm sóc con cái.

GIÁO DỤC Công Giáo (CATHOLIC EDUCATION)

USCCB hỗ trợ các chính sách công nhận quyền của cha mẹ là những nhà giáo dục của con cái mình. Chúng tôi ủng hộ những đạo luật hỗ trợ chi phí cho phụ huynh khi họ lựa chọn cách giáo dục thích hợp nhất cho con cái của họ, bao gồm việc giáo dục trong các trường học Công Giáo. USCCB ủng hộ việc một đứa trẻ phải được chia sẻ lợi ích liên bang và các dịch vụ một cách công bằng, cho dù chúng được giáo dục ở bất cứ nơi đâu.

PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TRONG NƯỚC (DOMESTIC SOCIAL DEVELOPMENT)

USCCB ủng hộ các bộ luật bảo vệ gia đình và các chính sách thân thiện với trẻ em, chúng tôi ủng hộ việc được chăm sóc sức khỏe, bảo vệ cuộc sống nông thôn, cải cách chính sách phúc lợi, và giảm sự đói nghèo.

CÔNG PHÁP QUỐC TẾ VÀ HÒA BÌNH (INTERNATIONAL JUSTICE AND PEACE)

USCCB hỗ trợ các chính sách thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo trên toàn cầu; khuyến khích sự tương trợ quốc tế, hòa bình và việc giải trừ binh bị. Chúng tôi ủng hộ việc xóa đói giảm nghèo toàn cầu, giảm nợ cho các nước nghèo, và một nền thương mại công bình. Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực nhằm làm giảm bớt đau khổ của con người qua các chương trình y tế thích hợp về mặt đạo đức, chống mìn và các vũ khí bừa bãi khác.

DI DÂN VÀ TỴ NẠN (MIGRATION AND REFUGEES)

USCCB hỗ trợ một sự cải cách toàn diện bộ luật nhập cư của quốc gia, bao gồm việc gia tăng cơ hội cho những người nhập cư hợp pháp và một cơ hội cho những người nhập cư không có giấy tờ để được hợp pháp hóa tình trạng của họ. USCCB hỗ trợ sự cải cánh hành chánh để cho thể thức nhập cư được thân thiện hơn, và để cho tất cả những người lao động có quyền làm việc và không bị khai thác; Chúng tôi ủng hộ việc bảo vệ người di cư, đặc biệt những người dễ bị tổn thương, những nạn nhân buôn bán người và những trẻ vị thành niên không cha mẹ.

TRUYỀN THÔNG (COMMUNICATIONS)

USCCB ủng hộ sự hiện diện cuả tôn giáo trong truyền thông đại chúng, loại bỏ các rào cản đối với truyền thông, bảo vệ quyền tự do truy cập thông tin, và quyền tự do ngôn luận cho tất cả mọi người. Chúng tôi ủng hộ sự loại trừ những nội dung khiêu dâm và bạo lực, đặc biệt để bảo vệ trẻ em, ủng hộ việc cung cấp những chương trình có chất lượng cao, cung cấp thông tin và chương trình giáo dục Công Giáo, khuyến khích sự đa dạng về sở hữu cuả các hãng thông tin.
 
Thông Báo
Phân Ưu: thân mẫu LM Lưu Đình Vinh vừa qua đời tại New Orleans, Lousianna
Đức ông Trịnh Minh Trí
12:51 27/10/2014

PHÂN ƯU
Liên Đoàn Công Giáo vừa nhận được tin:
Bà Cố Maria Tống Thị An (Bà Cố Phú)
thân mẫu của Cha Lưu Đình Vinh, thuộc TGP New Orleans
vừa tạ thế ngày 24 Tháng 10, 2014 tại New Orleans, Louisiana, USA.

Chương trình Đọc kinh, Cầu nguyện, Viếng xác:
tại Giáo xứ Nữ Vương Việt Nam, New Orleans
Thứ Hai (27/10/2014) lúc 6:00pm: Đọc kinh, lần hạt, cầu nguyện
Thứ Ba lúc 6:00pm: Thánh lễ sau đó lần hạt
Thứ Tư lúc 6:00pm: Thánh lễ sau đó lần hạt
Thứ Năm lúc 6:00pm: Lễ phát tang và viếng xác
Thứ Sáu từ 4pm đến 6pm: viếng xác tại Nhà Quàn St. Bernard Funeral Home in Chalmette
Thánh Lễ an táng: ngày 01/11/2014 lúc 10 giờ sáng tại Giáo xứ Nữ Vương Việt Nam, New Orleans
do Đức TGM Tổng giáo phận New Orleans chủ tế.
Côn cất tại Nghĩa trang St. Bernard Cemetary sáng Chúa Nhật lúc 10:00am.

Xin hiệp ý cầu nguyện cho Bà Cố Maria, cho Cha Vinh và Đại Gia Đình Tang Quyến.


Liên Đoàn Công Giáo VNHK
 
Văn Hóa
Lời cầu nguyện của Tướng Douglas MacArthur cho con trai duy nhất
Vũ Văn An
04:31 27/10/2014
Con nhà tướng, vì ông bố vốn là một thiếu tướng của quân đội Hoa Kỳ, Tướng Douglas MacArthur có lần tâm sự “tôi học cỡi ngựa và bắn súng trước cả lúc biết đọc biết viết, thực ra, gần như trước cả lúc biết đi biết nói”. Điều này rất có thể đúng, vì ông sinh trong một doanh trại tại Little Rock, Arkansas, lúc ông bố là đại úy lục quân đóng tại đó.

Tốt nghiệp hạng nhất tại West Point với số điểm học thuật 2424.12 trong tổng số tối đa 2470.00 điểm, một trong ba điểm tốt nghiệp cao nhất xưa nay, MacArthur được ưu tiên gia nhập ngành Kỹ Sư của Lục Quân Hoa Kỳ và được cử qua Phi Luật Tân năm 1903. Năm 1905, được cử qua Tokyo làm tùy viên cho bố lúc ấy là một thiếu tướng. Năm 1906, hai bố con thăm Ấn Độ qua ngả Thượng Hải, Hồng Kông, Java và Singapore. Trên đường trở lại Nhật, hai bố con thăm Trung Hoa qua ngả Băng Cốc và Sài Gòn. Cuối năm đó, hai bố con trở lại Hoa Kỳ. Thăng đại úy năm 1911. Năm 1915, thăng thiếu tá. Năm 1916, đứng đầu Phòng Thông Tin của Bộ Chiến Tranh (Thế Chiến I), sau đó là tham mưu trưởng của Sư Đoàn 42 (Sư Đoàn “Cầu Vồng”, sư đoàn đầu tiên bao gồm đơn vị của nhiều tiểu bang khác nhau, do đề nghị của chính MacArthur) với hàm lon đại tá. Sư đoàn được huấn luyện đặc biệt về lối đánh chiến trường mở rộng, chứ không phải chiến trường hầm trú (trench). Năm 1917, sư đoàn được điều động qua Pháp. Được đeo lon chuẩn tướng tháng Sáu, 1918 và được cử chỉ huy Lữ Đoàn Lục Quân 84 lúc quân Đức bắt đầu rút lui. Trong thời gian ở đây, ông liên tiếp lãnh 7 huy chương Ngân Tinh (Silver Star). Ngày 10 tháng Mười Một, 1918, một ngày trước khi đình chiến, ông được cử làm tư lệnh Sư Đoàn 42 trong một thời gian ngắn.

Trở về Hoa Kỳ, ông được đề cử làm tổng giám thị trường võ bị West Point năm 1919, nhờ thế vẫn được giữ cấp bậc chuẩn tướng chứ không bị trở lại hàng thiếu tá thực thụ như phần đông người đồng thời. Ở đây ông đã thực hiện nhiều cải cách như việc tái lập học trình 4 năm cho các sinh viên sĩ quan.

Năm 1922, sau khi cưới Louise, một người thừa kế nhiều triệu đôla, đã có hai con, ông rời West Point lên đường qua Phi Luật Tân, nhậm chức chỉ huy Vùng Quân Sự Manila, tư lệnh Lữ Đoàn 23 Lục Quân thuộc Sư Đoàn Phi Luật Tân. Năm 1925, lúc 44 tuổi, ông được thăng thiếu tướng, trẻ nhất của Lục Quân. Liền sau đó, ông trở lại Hoa Kỳ. Năm 1927, hai vợ chồng ly thân.

MacArthur đa năng đến độ cùng năm đó, ông được đề cử làm chủ tịch uỷ ban thế vận Hoa Kỳ với nhiệm vụ chuẩn bị đoàn Hoa Kỳ cho Thế Vận Mùa Hè năm 1928 tại Amsterdam. Thành công rực rỡ tại thế vận này với 24 huy chương vàng, 17 kỷ lục thế vận và 7 kỷ lục thế giới, ông được lệnh trở lại chỉ huy Phân Bộ Phi Luật Tân. Năm 1929, Louise chính thức ly dị ông vì cho rằng ông “không có khả năng chu cấp”.

Năm 1930, ông được đề cử làm Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ. Trong tư cách này, ông đã khai triển kế hoạch động viên mới và đã ký thoả hiệp với hải quân để phân nhiệm giữa các ngành quân đội với nhau. Nhờ công trạng làm tham mưu trưởng, năm 1935 ông là người đầu tiên được huy chương Purple Hearts.

Cũng năm này, ông được TT Manuel Quezon của Phi Luật Tân yêu cầu giám sát việc thành lập lục quân Phi Luật Tân, với hàng thống chế. Đây là lần thứ năm ông phục vụ tại Viễn Đông. Ông mang theo Thiếu Tá D. Eisenhower đi cùng. Cùng đi có mẹ ông và Jean Marie Faircloth, một phụ nữ 37 tuổi chưa chồng, giao thiệp rộng, người ông sẽ kết hôn năm 1937. Từ người vợ này, ông có người con trai duy nhất là Arthur MacArthur IV, sinh năm 1938 tại Manila, sau khi ông chính thức rút lui khỏi lục quân.

Tuy nhiên, năm 1941, thời Thế Chiến II, TT Roosevelt gọi ông trở lại nhiệm vụ với lon thiếu tướng, làm tư lệnh Lực Lượng Quân Sự Hoa Kỳ tại Viễn Đông (USAFFE). Ngay ngày hôm sau, ông được thăng trung tướng, rồi đại tướng vào một tháng sau. Chính trong giai đoạn này xẩy ra cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng và lực lượng của ông tại Phi Luật Tân bị lần lượt tràn ngập. Manila bị bỏ ngỏ, đại quân rút về Bataan. Đến tháng Hai, năm 1942, với sức tấn công thần tốc của Nhật, được lệnh của TT Roosevelt, ông chuyển bộ chỉ huy qua Úc. Chính trong thời gian này, ông được chọn là Người Cha Của Năm 1942, một vinh dự ông hết sức hãnh diện.

Ông viết cho Ủy Ban Toàn Quốc Ngày Của Cha: “Tôi là người lính chuyên nghiệp và hãnh diện vì nghề này, nhưng tôi hãnh diện hơn, vô cùng hãnh diện hơn, được làm một người cha. Người lính tiêu diệt để xây dựng; người cha chỉ biết xây dựng, không bao giờ tiêu diệt cả. Một người có nhiều tiềm năng chết chóc; người kia hiện thân cho sáng tạo và sự sống. Và dù đạo quân chết chóc có hùng mạnh, các tiểu đoàn sự sống còn hùng mạnh hơn nhiều. Tôi hy vọng rằng khi tôi qua đi, con tôi sẽ nhớ tới tôi, không phải từ chiến trường mà từ mái ấm gia đình, nhắc đi nhắc lại với con lời cầu nguyện đơn sơ hàng ngày: ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’”.

Cũng trong thời gian ở Úc với chức Tư Lệnh Tối Cao Lực Lượng Đồng Minh tại Tây Nam Thái Bình Dương, Tướng MacArthur đã viết lời cầu nguyện bất hủ của ông cho đứa con trai duy nhất của mình:

"Lạy Chúa, xin gầy dựng cho con một đứa con trai mạnh mẽ đủ để biết khi nào nên yếu ớt và can đảm đủ để đối diện với chính mình khi sợ sệt; một đứa con trai biết tự hào và bất khuất trong thất bại trung thực, và khiêm tốn và dịu dàng trong chiến thắng.

"Xin gầy dựng cho con một đứa con trai mà ý muốn sẽ không thay thế việc làm; một đứa con trai biết Chúa và biết rằng biết mình là viên đá nền tảng của nhận thức.

"Con xin Chúa hướng dẫn cháu không đi theo con dường nhàn nhã và dễ chịu, nhưng là con đường cố gắng, nhiều khó khăn và thách thức. Ở đây, xin giúp cháu học cách đứng thẳng trong gió bão; ở đây xin giúp cháu học cách biết cảm thương những ai thất thế.

"Xin gầy dựng cho con một đứa con trai có trái tim trong sáng, có mục đích cao; một đứa con trai biết làm chủ bản thân mình trước khi tìm cách làm chủ người khác; một đứa con trai biết tiến sâu vào tương lai nhưng không bao giờ quên quá khứ.

"Và sau khi những điều trên đã là của cháu, con xin Chúa thêm cho cháu đủ tâm thức hài hước để cháu luôn nghiêm túc nhưng không bao giờ qúa coi trọng mình. Xin Chúa ban cho cháu lòng khiêm nhường để cháu luôn nhớ tính giản đơn của sự cao cả chân thực, tâm thức cởi mở của đức khôn ngoan thực sự, và tính yếu ớt của sức mạnh đích thực.

"Lúc ấy, Con, bố cháu, sẽ dám thầm thì rằng 'con đã không sống uổng công'”
 
Con tàu đã ra khơi
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
11:50 27/10/2014
CON TÀU ĐÃ RA KHƠI

(Mến tặng anh em linh mục khóa III đại Chủng viện thánh Giuse sài Gòn)

Cách đây đúng một tuần, hai ngày thứ hai và thứ ba 20-21.10.2014, như truyền thống, suốt mười lăm năm, kể từ ngày ra trường (tháng 7.1999), anh em linh mục Khóa III Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn họp mặt tại khu nhà nghỉ của Tổng giáo phận Sài Gòn (Bãi Dâu, Vũng Tàu).

Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An, cây bút quen thuộc của nhiều trang beb, và là người anh em cùng khóa chúng tôi, đã có những thông tin và hình ảnh trong bài “Hội ngộ anh em Linh mục Khóa III Đại Chủng viện Sài Gòn” (http://vietcatholic.net/News/Html/131287.htm).

…Mười lăm năm: Một hành trình. Nhìn lại hành trình vụt qua ấy, chúng tôi mượn hình ảnh con tàu và biển rộng, xin chia sẻ vài suy nghĩ từ cảm nhận ra khơi của đời dâng hiến.

Tàu nào cũng phải ra khơi. Không có tàu neo mãi bến đậu. Tàu không ra khơi mà chỉ dừng lại ở bến là tàu hỏng, tàu chết. Dù có to, có bề thế đến đâu, tàu ấy vô dụng, vô bổ.

Đời linh mục thừa tác, nhất là những ai sống ơn gọi linh mục giáo phận, khi phải nhập cuộc với đời, nhất là phải nêu cao chất Thánh trong đời, và đem chất Thánh ấy vào đời, sẽ không lạ gì những cam go, khắc khoải, trầy trụa…

Chúa Giêsu ví cuộc đời người gieo chất Thánh sẽ phải nát tan như hạt lúa gieo xuống đất: “Thầy bảo thật các con, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).

Sóng gió trên biển đời, sóng gió trong lòng sứ vụ, sóng gió trong Giáo Hội, ngoài xã hội… là những thực tế, mà con – tàu – linh – mục, dẫu lắm lúc tròng trành, vẫn phải kiên cường vượt thắng, vẫn không được dừng lại, không được đầu hàng những nghiệt ngã. Bởi càng lướt thắng, con tàu mới càng chứng minh sự vững chãi, sự dẻo dai, sức mạnh của mình.

Và như thế, làm linh mục, một khi đáp tiếng mời gọi sống chết cho sứ vụ, người linh mục, dù thấy rõ đường đi phía trước lắm khúc khuỷu, vẫn vững tâm tiến bước, vẫn chấp nhận đương đầu và chiến đấu như thánh Phaolô xưa: “Giờ đây, bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giêrusalem. Không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: Xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi chẳng đáng gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi nhận được từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng và ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20, 2-24).

Mười lăm năm cho một con tàu là một hải trình dài. Nếu đó là hành trình của ơn gọi, mười lăm năm đủ để nhìn lại, để lượng giá, để nhận ra bao nhiêu nỗi niềm, để thấy một mớ thăng trầm vừa không ít những vết thương, vừa dày lên những kiên định, những sẵn sàng, những quyết tâm…

Một hành trình, với những nỗi niềm như thế, sao thấy ơn gọi của mình quý báu biết chừng nào, giá trị thật nhiều, đáng trân đáng trọng không thể nói hết.

Vì thế, nhìn lại hành trình mười lăm năm của mình, không linh mục nào xuất thân từ khóa III Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, không xác tín tận thâm tâm: Ơn gọi của tôi là mối Phúc thật Chúa ban: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5, 5).

Chúng tôi, con – tàu – linh – mục đã ra khơi. Một khi lướt trên hải trình của mình, chắc chắn tàu sẽ va vào sóng, gió, đá, bão tố, và nhiều thương đau khác… Cảm nhận chuyến hải trình ơn gọi đời mình, xưa thánh Phaolô bật thốt: “Tôi phục vụ Chúa với tất cả lòng khiêm nhường và đã nhiều lần trong nước mắt” (Cv 20, 19).

Cũng vậy, tôi biết nhiều anh em linh mục của tôi vì sứ vụ, vì nhiệt thành lao tác, đã phải rơi nước mắt. Có những nước mắt mà người khác có thể nhận ra, có những nước mắt có thể sớt chia, nhưng cũng đầy những nước mắt âm thầm, câm nín, chịu đựng…

Lớp chúng tôi có những độ tuổi chênh lệch. Sau hành trình mười lăm năm, có người đã về Nhà Cha, có người đã ngoài sáu mươi, người nhỏ nhất cũng đã vượt con số bốn mươi. Chúng tôi ngồi lại bên nhau, không còn những mái đầu xanh, mà là những mái đầu điểm sương gió bên những mái đầu trắng phơ.

Để chuyển mình, rồi lồng lộng giữa ngàn khơi, với thời gian, với công sức đổ ra, chắc chắn con tàu sẽ hao mòn. Chúng tôi ra đi, tung mình trên biển đời mênh mông, chỉ mong sống với đời, làm lợi cho đời, cho Hội Thánh, cho các linh hồn và cho Nước Chúa.

Sẽ đến một ngày tàu cập bến yên bình. Ước mong sau chuyến hành trình dài, mỗi con – tàu – linh – mục đều cảm nhận niềm hạnh phúc, sự chiến thắng vì đã vượt ngàn khơi, đã kết thúc hành trình, đã vượt qua trong tin yêu, đã khải hoàn trong hy vọng.

Giờ đây, trở về bến đổ, cũng là nơi mình đã xuất phát, nơi lòng Cha nhân hậu từ bi, chúng tôi những linh mục của chính người Cha ấy, vui mừng thốt lên như Chúa Giêsu, trong ơn Thánh Thần rằng: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30).

Ước mong, giờ phút bình yên ấy, trong lòng Cha nhân ái, chúng tôi sẽ hạnh phúc mà thưa lên như thánh Phaolô: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy…Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. Amen” (2Tm 16, 13-19).

Tạ ơn Cha, vì mọi con – tàu – linh – mục đều có bến xuất phát là lòng Cha xót thương.

Tạ ơn Cha, vì mọi con – tàu – linh – mục đều có ngàn khơi để thi thố tài năng bằng nhiệt huyết băng mình phục vụ.

Tạ ơn Cha, vì không con tàu nào sau khi lướt sóng mà không mang về kết quả.

Tạ ơn Cha, vì chính ơn Cha gọi là động cơ để mỗi con tàu có thể ra khơi.

Tạ ơn Cha, vì chính tình yêu và ân sủng luôn bao phủ là nhiên liệu tốt để con tàu giữ mãi vị thế của mình trên biển đời mênh mông sóng gió.

Tạ ơn Cha, vì dù bão bùng giăng mắc, mỗi con tàu đều có Cha là hoa tiêu hướng dẫn từ khởi sự đến hoàn thành trên vạn nẻo hành trình.

Tạ ơn Cha, vì lòng Cha bao dung, tình Cha triều mến, để dù có lúc mỏi mệt nơi ngàn sóng, mỗi con tàu như tiếp thêm sức vươn xa trên lối trùng dương.

Tạ ơn Cha, vì nơi Cha, nguồn hạnh phúc không ngưng, để mỗi con tàu có thể dựa dẫm mà sống, mà múc lấy nghị lực cho đời hoạt động của mình.

Tạ ơn Cha, vì mỗi khi tựa đầu vào Cha, mỗi con tàu, dù rã rời, dù sinh lực mòn hao, lại bùng lên sức sống, lại thắm đến vô cùng niềm can đảm vượt đầu sóng ngọn gió.

Tạ ơn Cha, vì niềm tín thác Cha ban, đỡ nâng từng lối hành trình của mỗi con tàu.

Và tạ ơn Cha, vì nếu từ nơi Cha, con tàu xuất phát, thì cũng chính nơi lòng Cha âu yếm xót thương, mỗi con tàu sẽ về đỗ bến sau mọi thời gian tung mình trên mọi lối đời. Ước mong được Cha tha thứ và đón nhận. Ước mong lòng Cha từ ái, sẽ là bến bờ bình yên, nguồn sống vĩnh cửu, hạnh phúc miên trường.

Xin chúc tụng và tạ ơn Cha. Từng anh em khóa III đoan kết đi đến cùng sứ vụ. Rồi đến một ngày, từng con người ấy, những con người của hôm nay, sẽ bước vào ngày mai vinh thắng. Đó là những con người một đời cao rao Danh Cha, sẽ đi về Nhà Cha, sống trong tình Cha miên viễn, hưởng ngàn thu êm ái, dịu ngọt, an hòa.

Mãi muôn đời xin chúc tụng và tạ ơn Cha.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nơi Nghỉ Ngàn thu
Vũ Đình Huyến, Lm
21:18 27/10/2014
NƠI NGHỈ NGÀN THU
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)
Tháng cầu hồn cổ mộ buồn than khóc
Lá trên cành bạc tóc tiễn nhau đi
Mùa thu đến lá rụng có nghĩa gì?
Tiếng kinh cầu cớ chi mong từng chút?
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)
 
VietCatholic TV
Những vấn nạn về hôn nhân và gia đình trong bối cảnh các gia đình Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:27 27/10/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Phỏng vấn linh mục nhà văn Nguyễn Tầm Thường

Lan Vy: Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình vừa mới bế mạc với phiên họp cuối cùng diễn ra vào tối thứ Bẩy 18 tháng 10. Những vấn đề được đưa ra thảo luận tại Thượng Hội Đồng xoay quanh những khía cạnh của hôn nhân và gia đình, là những vấn đề có lẽ đang gây tranh cãi nhiều nhất trong xã hội. Cho nên các phương tiện truyền thông đã truyền đi một khối lượng thông tin rất lớn chưa từng có về một Thượng Hội Đồng tại Vatican. Tiếc là trong đó có những thông tin sai lạc, làm nhiều người xao xuyến.

May mắn là trong dịp này chúng tôi mời được một linh mục Việt Nam đã nhiều năm hoạt động trong lãnh vực mục vụ gia đình để trình bày một vài khía cạnh về hôn nhân và gia đình.

Xin giới thiệu với quý vị và anh chị em: linh mục nhà văn Nguyễn Tầm Thường tác giả của những các sách suy niệm như Nước Mắt và Hạnh Phúc, Con Biết Con Cần Chúa, Mùa Chay và Con Sâu Bướm.. .

Chúng con xin kính chào, và xin cha gởi lời chào đến quý khán thính giả VietCatholic.

1) Lan Vy: Thưa cha, lần cuối cùng VietCatholic có dịp phỏng vấn cha cách đây đã 3 năm, trong thời gian qua sinh hoạt của cha như thế nào?

Lm. Nguyễn Tầm Thường: Tôi chia thời gian 1 năm thành 3 công việc:

Tôi dành 3 tháng hướng dẫn các nhóm hành hương để học hỏi Phúc Âm, cầu nguyện ở Đất Thánh.

Thời gian còn lại tôi tiếp tục đi các nơi có Công Giáo Việt Nam để giúp các khóa linh thao và các buổi tĩnh tâm cộng đoàn. Thí dụ tháng 10 này tôi đang ở Úc để giúp 3 khóa linh thao và tĩnh tâm cho 4 cộng đoàn. Hết tháng 10 tôi rời Úc, qua Nhật để giúp các khóa linh thao cho các đệ tử và các Sơ Việt nam tu ở bên đó.

2) Lan Vy: Các nghị phụ châu Phi phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhắc nhở các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình rằng mối quan tâm chính của các ngài về việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình không giống với những lo lắng của các giám mục ở các nước giàu có phương Tây. Cha có dịp đi nhiều cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, và cả trong nước nữa. Như vậy, đối với các gia đình Việt Nam, ngay ở thời điểm này những gì cha cảm thấy băn khoăn nhất?

Lm. Nguyễn Tầm Thường: Tôi thấy nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ và con cái không tha thiết với đức tin Công Giáo của bố mẹ. Tôi không biết chính xác, nhưng qua các buổi tĩnh tâm các nơi, tôi có cảm tưởng con số này có chiều hướng gia tăng

3) Lan Vy: Một trong những vấn nạn mà chúng con thấy Á Châu mình giống châu Phi lắm là cái chuyện đa thê. Trong trường hợp một người đa thê xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo thì thông thường Giáo Hội giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa cha?

Lm. Nguyễn Tầm Thường: Ngày xưa thì đây là vấn đề lớn vì cha ông chúng ta có câu: Trai thì năm thê bẩy thiếp, gái chính chuyê n thì chỉ có một chồng. Hôm nay tôi nghĩ không là vấn đề phổ thông nữa. Luật pháp Việt Nam cũng như Tây cũng không chấp nhận. Nhưng giả sử có đa thê thì người đó không thể rửa tội. Một vợ một chồng là giáo lý của Giáo Hội.

4) Lan Vy: Trong bối cảnh của gia đình Việt Nam, theo cha thì đâu là những thách đố của hôn nhân khác đạo. Trước màn ảnh truyền hình này, chắc chắn sẽ không thiếu những thanh niên và thiếu nữ Việt Nam chuẩn bị bước vào một cuộc hôn nhân khác đạo. Cha có những lời khuyên nào dành cho họ không?

Lm. Nguyễn Tầm Thường: Trước hết xin cho tôi một suy nghĩ riêng tư ở đây. Tôi phân biệt ĐẠO và TÔN GIÁO. ĐẠO là cái TÂM của con người, nó là nhân đức, như yêu thương, như công bằng, như hiếu thảo. Tôn Giáo là những điều mình tin, mình xin, mình giữ. Có người không theo tôn giáo nào nhưng họ vẫn có tâm tốt. Tôi nghĩ không nên gọi họ là người không có đạo. Họ có ĐẠO chứ, đó là tâm đạo.

Bây giờ, đối người Công Giáo trước hôn nhân không cùng tôn giáo thì sao?

- Đối với tôi, kết hôn cùng tôn giáo vẫn là tốt hơn. Vì đức tin, giáo lý, ơn sủng các bí tích trong Công Giáo hỗ trợ hôn nhân gia đình. Nhưng tình yêu đích thực của hôn nhân, nghĩa là hợp nhau là điều quan trọng, không thể vì khác biệt tôn giáo mà đánh mất tình yêu này. Nên nhớ họ không cùng tôn giáo nhưng họ có tâm đạo.

- Giáo Hội Công Giáo chấp nhận hôn nhân khác tôn giáo. Và Thiên Chúa chúc lành cho họ. Điều quan trọng là cả người Công Giáo và không Công Giáo cần học họi giáo lý về vấn đề này kỹ lưỡng trước khi kết hôn. Lý do là để hầu khác tôn giáo mà vẫn hạnh phúc trong hôn nhân.

5) Lan Vy: Những thay đổi sâu xa trong cơ cấu xã hội và ý thức xã hội đang tác động mạnh đến gia đình. Theo cha dự đoán thì đâu là những thách đố mà các gia đình người Việt tương lai sẽ phải đối diện?

Lm. Nguyễn Tầm Thường: Đây là suy nghĩ cá nhân tôi. Sự thiếu hiểu biết về giáo lý một cách phong phú của người lớn dẫn đến chỗ không trả lời được thắc mắc của các con. Cho nên thách đố lớn là làm sao lo cho đức tin của tuổi trẻ trong tương lai.

- Luân lý gia đình bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ phóng khoáng Tây Pương đưa đến sống chung không hôn phối cũng bắt đầu nhiều.

(Thí dụ một câu hỏi rất căn bản: Thế nào là tội nặng, thế nào là tội nhẹ. Qua các cuộc tĩnh tâm cộng đoàn cho tôi thấy họ trả lời rất lung tung. Một thí dụ khác: Xưng tội thì Chúa tha tội, nhưng hậu quả của tội có được tha không? Thí dụ như giật hụi 10 ngàn đồng của người ta, cứ tôi xưng tội mà hết hay sao? Nếu phải trả thì những tội như nói xấu, gây chia sẽ, hậu quả nó cũng có chứ? Vậy cứ xưng tội là hết hay sao? Nếu phải đền trả mới hết thì đền bằng cách nào? Hoặc con cái hay hỏi: Tại sao phải đi lễ? Tôi thấy cha mẹ đều lúng túng trước những câu hỏi này.)

Chúng con cám ơn cha đã dành cho VietCatholic buổi phỏng vấn hôm nay.