Ngày 31-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
00:48 31/10/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (58)

581. Người thánh có thể là người không có gì lạ lùng.

Đức Mẹ là Nữ Vương Các Thánh nhưng Ngài đã sống một cuộc đời bên ngoài không có gì lạ lùng.
Có nhiều vị đại thánh, khi sống, không được ai chú ý gì cả. Đức Giáo Hoàng Piô XI nói:
- “Nếu chị thánh Têrêxa không viết tiểu sử của mình trong “Truyện Một Linh Hồn”, thì chắc chắn không ai biết được một bậc thánh lớn nhất của thời đại chúng ta.”

582. Người thánh là người biết vươn lên.

Bạn đừng tưởng các thánh đã tử tế ngay khi mới chào đời. Họ cũng phạm tội, cũng có nhiều khiếm khuyết, nhưng họ đã biết cố gắng sửa mình, cố gắng vươn lên.
Hãy xem gương thánh Phanxicô Salêsiô. Lúc nhỏ, ngài vung văng nóng giận rất dễ dàng. Về sau, ngài nổi tiếng là một người rất hiền lành.
Bạn cũng đừng nghĩ lầm rằng các thánh không có tình dục hổn loạn.
Thánh Augustinô thú nhận:
- “Ai có thể nhớ lại các tội lỗi tôi đã phạm trong thời thơ ấu? Chúa ôi! Ai có thể trong sạch trước mặt Chúa, dẫu em bé mới sinh một ngày?”
Thánh Canisiô cũng thú nhận:
- “Hồi đó, tôi đã có đủ mọi tính xấu… Tôi đã lao mình theo các sự đam mê như con lừa bất kham.”
Dầu vậy, Augustinô và Canisiô đã nên thánh rất lớn.

583. Nên thánh không khó như con tưởng

Ngày kia, cha Dan nói chuyện với một người thợ sắp chữ in. Cha đặt câu hỏi:
- “Con có bao giờ nghĩ rằng mình phải nên thánh không?”
Người thợ đơn sơ trả lời:
- “Thưa cha, khó quá vì từ mai đến tối, con phải sắp chữ để in, không có thời giờ để nghĩ đến việc nên thánh.”
Cha Dan động viên:
- “Nên thánh không khó gì đâu. Nên thánh không cần phải làm điều chi lạ. Khi con sắp chữ, con sắp vì Chúa, con làm vì lòng kính mến Chúa.”
Người thợ thuận lời:
- “Dạ, để con thử.”
Vài ngày sau, người thợ đến tìm cha Dan và nói:
- “Thưa cha, nên thánh không khó như con đã tưởng.”

584. Cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục

Giáo Hội dạy chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục vì các linh hồn nầy đã hết thời ăn năn đền tội, nên cần đến sự cầu nguyện, hy sinh và các việc lành của chúng ta.
Nhưng còn một lý do khác mà các thánh thúc đẩy chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục, là vì các linh hồn nầy cầu nguyện cho chúng ta.
Thánh nữ Gertruđê rất thương mến các linh hồn trong Luyện ngục. Ngày kia, Chúa Giêsu hiện ra, phán với vị thánh nầy:
-“Hỡi con, con hãy vui mừng. Con sẽ không qua Luyện tội. Và tất cả những linh hồn con đã cứu khỏi Luyện tội, sẽ đến rước con vào thiên đàng.”

585. Chỉ một mình Chúa Giêsu là Đấng đã thắng cái chêt.

Khi còn sống, Chúa Giêsu nói rõ:
- “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10,18)
Và Chúa Giêsu còn đưa ra một lời tiên tri táo bạo về sự sống lại của Ngài:
- “Thầy bị giết, nhưng ngày thứ ba, Thầy sẽ sống lại.” (Mt 16,21)
Trên núi Canvariô, quân nghịch nhạo cười Chúa Giêsu đang hấp hối trên thập giá:
- “Ông Kitô vua Israen ấy, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin.” (Mc 15,32)
Chúa Giêsu im lặng, không trả lời.
Đối với Chúa Giêsu lúc đó, xuống khỏi thập giá cũng dễ dàng như khi Ngài ra lệnh cho bão táp lặng im, cho người bất toại bước đi, cho Ladarô sống lại sau khi đã chôn nhiều ngày trong mồ.
Nhưng Chúa Giêsu muốn dành cho loài người chúng ta một sự lạ lùng vĩ đại hơn nhiều: Ngài muốn chết như mọi người trong chúng ta, bị đem chôn chặt trong mồ, để rồi từ trong ngôi mộ - ngôi mộ mà từ xưa đến nay, và từ nay cho đến tận thế, đè bẹp tất cả những ai nằm trong đó, không cho ai ngóc đầu chổi dậy – Ngài tung mồ sống lại sau khi chết chôn ba ngày trong đó.
Vì Chúa Giêsu là Con Đức Chúa Trời!

586. Phương thế linh diệu để thắng các cơn cám dỗ

Một thanh niên truỵ lạc đến gặp cha Philiphê Nêri và thú thật:
- “Lạy cha, con muốn sửa mình mà không thể được. Các cơn cám dỗ mạnh quá, mạnh hơn con nhiều.”
Cha Philiphê khuyên:
- “Con hãy can đảm. Mỗi ngày, con đọc một kinh”Lạy Nữ Vương”, và suy đến cái chết. Con tưởng tượng khi con chết, thân xác nằm dưới đất, đôi mắt con lúc đó thối tha, xác thịt con lúc đó hôi hám, lỗ miệng con lúc đó đầy sâu bọ, và con nói: “Vì những cái như thế nầy mà tôi mà tôi mất thiên đàng à!”
Chàng thanh niên vâng lời.
Chàng giữ lời hứa. Chàng thắng được các cơn cám dỗ một lần, hai lần, nhiều lần, và suốt đời.

587. Thời giờ ở trong tay Chúa.

Một ông chủ nhà băng người Anh rất giàu. Ông đau bệnh màng óc.
Bác sĩ danh tiếng đến khám bệnh, lạnh lùng nói:
- “Ngài không sống được ba giờ nữa!”
Người bệnh yêu cầu:
- “Xin bác sĩ làm thế nào cho tôi sống được tới mai để tôi thanh toán các công việc. Tôi sẽ thưỏng bác sĩ mười vạn đồng.”
Bác sĩ danh tiếng, lắc đầu, bất lực:
- “Thưa ngài, bác sĩ chúng tôi có thể cho toa để ngài đi mua thuốc, nhưng bác sĩ chúng tôi không bán thời giờ được. Thời giờ ở trong tay Chúa.”

588. Hãy để người khác thắng chúng ta trong những việc nho nhỏ.

Constant, người hầu phòng thân cận nhất của Hoàng đế Nã Phá Luân, thường hầu bi da Hoàng hậu Joséphine.
Trong cuốn “Ký ức về đời tư của Nã Phá Luân”, ông viết: “Tuy tôi chơi bi da rất giỏi, nhưng tôi cũng cố ý nhường cho Hoàng hậu thắng tôi, mà được vậy, Hoàng hậu rất vui lòng.”
Ta nên luôn luôn nhờ bài học đó: ta hãy để cho khách hàng, bạn bè, người yêu và bạn trăm năm của ta thắng ta trong những cuộc tranh biện nho nhỏ mà không tránh được. (Đắc Nhân Tâm: Bí Quyết Thành Công)

589. Sai lầm thường đến khi nào?

Một người đàn ông nổi tiếng về tài trèo cây, hướng dẫn cho chàng trai trẻ trèo lên một cây cao. Ông yêu cầu chàng trai trèo lên chặt ngọn cây nầy.
Trong suốt thời gian đó, khi chàng trai đang ở trong tình huống cực kỳ nguy hiểm, ông vẫn giữ im lặng, không nói một lời nào.
Chỉ đến khi chàng trai xuống được một nữa, ông mới nói lớn:
- “Cẩn thận! Hãy coi chừng!”
Quá đổi ngạc nhiên, tôi (Kenkô) hỏi ông:
- “Ông nói vậy để làm gì? Ở độ cao nầy, an toàn hơn nhiều khi nãy chứ?”
- “Đó mới là vấn đề.” - ông nói - “Khi cậu ta trèo lên đến độ cao nguy hiểm như lúc nầy và có thể ngã bất cứ lúc nào, thì cậu ta khắc biết cách để cẩn thận hơn, nên tôi không cần phải nhắc nhở. Nhưng sai lầm thường đến khi người ta đã ở những vị trí tưởng chừng như an toàn.” (Khám Phá Sức Mạnh Bản Thân)

590. Làm sao để có lợi cho người lãnh đạo đưa ra quyết sách?

Một công ty Mỹ thực hiện một quy tắc gọi là “quy tắc năm phút.”, “bất cứ ai cũng có thể đưa ra kiến nghị”, tham dự quyết sách.
Trong hội nghị, không cho phép ai được đàn áp ý kiến người khác. Người chủ trì, đặc biệt là người lãnh đạo, không phát biểu ý kiến để tránh gây trở ngại cho bầu không khí tự do của hội nghị.
Cách làm nầy rất hữu hiệu ở phương diện tìm kiếm ý tưởng mang tính sáng tạo và quan niệm mới. Người lãnh đạo có thể lắng nghe các loại ý kiến khác nhau. Điều nầy rõ ràng có lợi cho việc đưa ra quyết sách. (Lòng Tự Tin)
 
Bí quyết trở nên người cao cả
LM Inhaxiô Trần Ngà
00:51 31/10/2008
Bí quyết trở nên người cao cả

(Chúa Nhật 31 thường niên, Matthêu 23, 1-12)

Đã là người, ai cũng muốn nâng mình lên, muốn khẳng định mình, muốn nâng cao giá trị bản thân. Tại sao mọi người đều cùng có chung một khát vọng như thế? Có thể nói rằng chính Thiên Chúa đã đặt vào lòng chúng ta khát vọng muốn vươn cao như thế để thôi thúc chúng ta vươn lên, để "trở nên người thành toàn, đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô". Chính Chúa Giê-su cũng mời gọi mọi người vươn tới những giá trị cao cả: "Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện." (Mt 5, 48) Như thế, khát mong trở nên con người thành toàn là một khát vọng rất chính đáng và tự nhiên. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người nhắm đạt đến lý tưởng nầy bằng những hình thức hư ảo. Vậy ta có thể vươn tới lý tưởng nầy bằng cách nào?

1.Những phương thức sai lầm

Những luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giê-su muốn nâng cao giá trị của mình bằng cách làm những việc đạo đức bề ngoài cốt để cho người ta thấy; họ "đeo những hộp kinh lớn hơn người khác trên trán, mang những tua áo dài hơn mọi người chung quanh, ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm những hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và mong được thiên hạ gọi là thầy." Các môn đệ Chúa Giê-su có lúc cũng muốn nâng cao giá trị của mình qua nhiều cuộc tranh luận để xác định giữa các ông, ai là người lớn nhất. (Mc 9,33-37. Lc 9,46-47) Và rồi một bữa nọ, tưởng lầm rằng mai đây Chúa Giê-su sẽ được lên ngôi cao, hai anh em Gioan và Giacôbê cùng với mẹ là Bà Dê-bê-đê đến nài xin Chúa Giê-su cho mình được ngồi bên hữu và bên tả ngai vinh hiển của Người. Nghe vậy, mười môn đệ kia bất bình ra mặt với Gioan và Gia-cô-bê, vì chưa gì mà hai anh em nầy đã toan tính nắm giữ hai chiếc ngai mà họ cũng đang ngấp nghé. (Mc 10, 35-41) Trong xã hội hôm nay cũng thế, ai cũng muốn được trọng vọng, được tôn vinh, được nâng cao bằng cách nầy hay bằng cách khác.

2. Đâu là phương cách thực sự mang lại giá trị cho đời người

Giá trị con người không tuỳ thuộc vào của cải hay địa vị xã hội như những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giê-su tưởng lầm. Họ tưởng rằng hễ "đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, được ngồi vào chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm được hàng ghế đầu trong hội đường, được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy…" là có giá trị trước mặt mọi người. Thật ra, giá trị con người không do những thứ nêu trên đem lại. Giá trị con người cũng không tuỳ thuộc vào ghế cao, ghế thấp, vào địa vị công danh như hai môn đệ Gioan và Giacobê lầm tưởng, nhưng giá trị đó tuỳ thuộc vào phẩm chất và lòng đạo đức của con người. Qua Công Đồng Vaticano II, Giáo Hội minh định: "Giá trị con người không tuỳ thuộc nơi "tôi-có" (= bản thân ta và những gì ta sở hữu) mà tuỳ thuộc nơi "tôi-là" (= bản chất đích thật của ta)".

Biệt thự của ta, xe hơi sang trọng của ta, chức vụ và quyền hạn lớn lao của ta… không làm cho ta có giá hơn những người không nhà, không xe, không địa vị, không chức quyền. Chỉ có phẩm chất cao đẹp và lòng đạo đức (nếu có) của ta mới có thể làm cho ta có giá trị hơn người khác mà thôi.

Nhân dịp nầy, Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ, các luật sĩ và biệt phái và cho cả chúng ta biết phương thế đích thực để làm cho mình nên cao trọng. Đó là hạ mình phục vụ tha nhân như người tôi tớ: "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em" (Mc 10, 43. Mt 23,11) Lời dạy nghe thật ngược đời, khó được mấy ai chấp nhận, nhưng đó là chân lý!

Cuộc đời Mẹ Tê-rê-xa Calcutta minh chứng điều đó. Mẹ Tê-rê-xa sinh ngày 26 tháng 8 năm 1910 tại An-ba-ni nhưng trải qua phần lớn đời mình trên mảnh đất Calcutta của An-độ, từ đó, Mẹ được mang danh hiệu Tê-rê-xa Calcutta. Mẹ đã hiến thân làm tôi tớ phục vụ những mảnh đời cùng khổ nhất trên thế gian nầy nên Mẹ trở thành người phụ nữ được trọng vọng và yêu mến nhất trên thế giới. Năm 1975, kỷ niệm 25 năm mẹ Têrêxa lập Dòng Thừa Sai Bác Ái, các vị đại diện của18 tôn giáo đã họp nhau tại Calcutta để tham dự tuần lễ cầu nguyện, cảm tạ Thượng Đế vì sự đóng góp của một người phụ nữ mang danh "Thừa Sai Bác Ái". Năm 1996, quốc hội lưỡng viện của Hoa Kỳ nhất trí phong tặng mẹ danh hiệu "Công Dân Danh Dự" của Hoa Kỳ. Mẹ là nhân vật thứ tư trên thế giới được ban tặng danh hiệu nầy. Ngày 5-9-1997, Mẹ Têrêxa qua đời tại Calcutta, Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ tổ chức an táng trọng thể Mẹ Têrêxa theo nghi thức quốc táng, một vinh dự từ trước tới nay chỉ dành cho các lãnh tụ hàng đầu của đất nước có nhiều công trạng với quốc gia. Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được Giáo Hội nâng lên hàng Chân Phước. Mẹ là người được phong Chân Phước nhanh nhất trong lịch sử Giáo Hội từ trước đến nay: chỉ 6 năm sau ngày qua đời! Trước Mẹ, hai vị được phong chân phước nhanh nhất là Thánh Gio-an Bosco và Thánh Maximilian Kolbe cũng phải mất đến 30 năm. Cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta minh chứng lời dạy của Chúa Giê-su là chân lý.

Ước gì mỗi người chúng ta thôi tìm kiếm vinh quang cho mình bằng những hình thức hư ảo của những hạng người nông nổi, nhưng biết dấn thân phụng sự tha nhân theo lời dạy của Chúa Giê-su và theo gương Chân Phước Tê-rê-xa Calcutta để cho thế giới nầy được ấm lên bằng lửa yêu thương và hạnh phúc hơn bằng tinh thần phục vụ.
 
Giáo dục và Gia đình
Thanh Thanh
00:54 31/10/2008
GIÁO DỤC và GIA ĐÌNH

Giáo dục con người không giống giống như trồng khoai nuôi cá, không giống như làm lúa nuôi heo, cũng không giống như trồng rau nuôi gà. Giáo dục con người cần phải có thời gian, kiến thức, kinh nghiệm, tâm lý, phương pháp, nhẫn nại, tình yêu và lòng đạo đức. Vì con người là một huyền nhiệm và thật khó hiểu. Bởi con người chịu ảnh hưởng bởi tuổi tác, hoàn cảnh, môi trường, thời tiết, giàu nghèo, giáo dục, kiến thức, tôn giáo, xã hội.

Nói về giáo dục, Chúa Giêsu là mẫu gương đào tạo tuyệt vời nhất. 5 trong vô số cách thức Ngài thực hiện mà mỗi gia đình nếu biết quan tâm và khéo léo áp dụng để giáo dục con cái thì sẽ thu được rất nhiều kết quả.

Giáo dục khởi đi từ những sự thật

Chúa Giêsu. Ngài nói: “Không ai thắp đèn rồi đem đặt gầm giường, nhưng đặt trên đế” (Mc 4,21-25; Lc 8,16-18). Không ai đốt đèn rồi lấy thùng úp lên… Người nghe sẽ chấp nhận ngay, vì đó là sự thật. Vâng, rồi từ đây Ngài dẫn người nghe đi xa hơn: đặt trên cao để ai đi thì nhìn thấy ánh sáng. Rồi tiếp, vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất. Ngài dẫn từ ánh sáng thường đến ánh sáng chân lý mà chính mỗi người phải thắp lên. Vì thế hãy cẩn thận và chăm chú lắng nghe.

Gia đình. Ví dụ nói về tuổi dậy thì. Ta có thể bắt đầu là: cây trồng, vật nuôi mỗi ngày mỗi tháng sẽ phát triển lớn lên, cành lá sum xuê, thân xác lớn dần. Con người cũng vậy, từ 11 tuổi trở đi, ta sẽ thấy người ta cao to, nặng, rồi tóc, râu mọc nhiều, bắp chân bắp tay nổi to, giọng nói thì ôm ồm, toàn thân phát triển… Như thế người ta gọi là dậy thì. Mẹ thấy con đang lớn nhanh. Đó là chuyện bình thường. Con không có gì phải lo sợ mà hãy vui mừng vì đây là dấu hiệu của người khoẻ mạnh. Con đã đến tuổi dậy thì rồi.

Người con được cha mẹ nói như tâm sự vậy quả thật rất an tâm và sẽ quên hết những lo âu sợ hãi bởi sự thay đổi nhanh của thân xác.

Giáo dục khởi đi từ những dư luận

Chúa Giêsu. Ngài hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Dạ, "kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ". Ngài lại hỏi: "Thế anh em bảo Thầy là ai ?" Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,13-16; Lc 9,18-22).

Nếu hỏi trực tiếp: anh em bảo Thầy là ai, chắc chắn các tông đồ sẽ bỡ ngỡ, ngạc nhiên, hoặc vì tế nhị mà im lặng, hay không dám nói hết sự thật. Với cách của Chúa Giêsu, các tông đồ nhập cuộc từ xa, rồi lúc đang hào hứng, sôi nổi, Ngài mới hỏi đến các ông. Dĩ nhiên, các ông trả lời một cách tự nhiên, chân thành, và trung thực.

Gia đình. Ta cũng dễ dàng áp dụng cách này để không những thăm dò về cha mẹ họ hàng, mà còn trực tiếp đến con cái.

Ví dụ: đi họp phụ huynh học sinh, mẹ nghe thầy cô giáo nói về tình hình của lớp, của từng thành viên, về các bạn cùng lớp trong làng xã của mình thế này thế này…. Thế con thì sao ?

Người con có thể sẽ chối, sẽ nói khác đi nếu cha mẹ hỏi trực tiếp. Nhưng với cách thức này, người con hiểu rằng bố mẹ biết rồi, không cần phải dấu diếm, phải nói quanh nữa. Và cha mẹ biết rõ sự thật hơn về con mình.

Giáo dục khởi đi từ những câu truyện

Chúa Giêsu. Ngài thường lấy những hình ảnh đời thường liên quan đến nghề nghiệp và cuộc sống con người; hoặc kể chuyện rồi giải thích giúp cho người nghe dễ hiểu, dễ đón nhận.

Ví dụ: dụ ngôn người gieo giống, người cha nhân từ, con chiên lạc, các thợ làm vườn nho, những nén bạc, lễ phục ngày cưới…

Gia đình. Câu truyện sẽ giúp con cái cảm thấy nhẹ nhõm. Coi mình như một khán giả ngồi trước sân khấu. Tâm hồn nhẹ nhàng, nhập cuộc dễ dàng. Áp lực dạy bảo từ trên sẽ giảm nhỏ đến mức tối thiểu. Và khi giải thích, người nghe tưởng đơn thuần là giải thích truyện. Nhưng thực tế lại là bài học mà ta nhắm tới khi dùng truyện để dạy dỗ. Truyện liên quan đến các lãnh vực nhân bản học làm người, đạo đức, khoa học, tâm lý thì rất nhiều. Ta có thể dễ dàng tìm thấy ở tạp chí, sách vở, báo đài...

Giáo dục khởi đi từ những tiền nhân

Chúa Giêsu. Người xưa bảo rằng, luật xưa dạy rằng: “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ ly dị, đừng bội thề, mắt đền mắt, răng đền răng, hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù”.

Còn Thầy, Thầy bảo rằng: đừng giận, đừng mắng chửi, đừng bất bình với anh em mình;

Còn Thầy, Thầy bảo rằng: chớ nhìn người khác phái mà thèm muốn, chớ ngoại tình dù là trong tâm hồn;

Còn Thầy, Thầy bảo rằng: trời là ngai Chúa, đất là bệ dưới chân Người, Giêrusalem là thành của đức Vua cao cả. Vì thế đừng có thề. Mà có thì nói có không thì nói không. Thêm điều đặt chuyện là do ma quỷ;

Còn Thầy, Thầy bảo rằng: đừng chống cự mà hãy chia sẻ. Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình. Có như vậy ta mới trở thành con cái của Cha anh em Đấng ngự trên trời (Mt 5,21-48).

Chúa Giêsu đủ khả năng và khôn ngoan để hướng dẫn, thế nhưng Ngài vẫn nhắc lại uy tín và công phúc của tiền nhân. Ngài làm thế vừa tạo cảm giác thân quen cho người nghe, vừa để con cháu tránh đi thái độ phủ nhận, coi thường, đả phá. Và tiếp đó, Ngài nâng cấp để cho thấy, tuy các vị này có nhiều điểm hay, nhưng mà cần phải bổ sung, hoàn chỉnh như thế này thế này. Còn Thầy, Thầy bảo rằng… Người nghe đã được chuẩn bị tâm lý trước khi lĩnh hội một điều tốt và cao hơn.

Gia đình. Với kinh nghiệm và kiến thức nuôi dạy con, cha mẹ có thể nói trực tiếp. Nhưng con cái, tâm lý đôi khi không muốn nghe dạy bảo. Đơn giản vì chúng nghĩ mình là người lớn, đủ khôn ngoan, là trưởng thành rồi, là trung tâm của vũ trụ.

Nếu cha mẹ biết dùng những danh nhân nổi tiếng mà người đời cũng như con cái biết đến và thán phục mà khởi sự cho nội dung hướng dẫn của mình thì chắc chắn có nhiều thuận lợi hơn. Bởi con cái biết là ta cũng có kiến thức, có hiểu biết và kinh nghiệm.

Muốn đạt hiệu quả, đầu tiên ta phải gây được sự chú ý của con cái. Tiếp đến là tạo sự tò mò, thắc mắc, tìm hiểu và cảm thấy thích nghe, hay ít là cần nghe. Sau cùng ta nói điều cần nói.

Giáo dục khởi đi từ những mệnh lệnh

Chúa Giêsu. “Hôm nay con đi làm vườn nho cho ta” (Mt 21, 28-32). Ngài không cần phải nại đến các tiền nhân, những câu truyện, hay dựa vào một sự thật, hoặc từ dư luận, mà là một áp lực. Vì giáo dục cần thiết phải có sự đòi hỏi và áp lực.

Cách thức này không phải để biểu dương quyền lực, nhưng vâng lời là việc cần có trong tiến trình trưởng thành nhân cách.

Gia đình.

Cách thức này xem ra được các bậc phụ huynh thích dùng. Nhưng nếu lạm dụng nhiều quá thì bầu khí gia đình sẽ căng thẳng, sợ hãi. Khiến cho con cái nghĩ rằng cha mẹ chỉ dùng quyền để áp chế, bắt chúng phải thế này thế nọ.

Như con dao, nếu dùng đúng sẽ phục vụ con người, nếu dùng sai sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Giáo dục kiểu mệnh lệnh cũng vậy. Phải biết cần thận, nghĩa là dùng lúc nào, tuổi nào, việc nào.

Những chuyện thông thường như quét nhà rửa ly, giặt quần áo…. thì không có vấn đề. Nhưng nếu là tình yêu, tình cảm, tiền bạc, tình nghĩa… mà áp dụng cách này thì thật nguy hiểm.

Cha mẹ nào chẳng thương con. Nhưng là thương cách nào. Nếu không thương đúng cách, chúng sẽ hiểu lầm, nghi ngờ, mất lòng tin, hoặc vô hình chung làm cho chúng hư hỏng. Giáo dục con cái là một chặng đường đầy chông gai, đòi hỏi cha mẹ luôn phải để tâm suy nghĩ, cố gắng phấn đấu học hỏi để có được cách thức tốt nhất. Vì:

Con cái là hồng ân Chúa ban, nên cha mẹ cần tạ ơn Chúa, bởi Ngài đã cho làm mẹ làm cha, và được thay Chúa giáo dục để chúng trở thành con người và thành người con Chúa.

Con cái là kết tinh của tình yêu cha mẹ, nên hãy yêu thương giáo dục chúng với tất cả tình thương yêu và hy sinh.

Con cái cần được chăm sóc kỹ lưỡng, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn, để biết được tình tình, tâm tư nguyện vọng, sở thích… để có thể đưa ra cách thức giáo dục kịp thời, hợp tâm lý.

Con cái còn nhiều sai phạm và lỡ lầm, cha mẹ cần có lòng kiên nhẫn và thứ tha để ngay từ nhỏ, con cái đã hiểu và cảm nhận được thế nào là bao dung nhẫn nại.

Con cái là tương lai của Giáo hội và xã hội, cha mẹ hãy vì sự tồn vong lớn lao này mà đầu tư nhiều hơn. Đầu tư về tiền bạc, thời gian, tình thương, tha thứ, kiến thức, kinh nghiệm, kiên trì, quảng đại, hy sinh, nhẫn nhục…

Con cái là người, mà con người thì huyền nhiệm và khó hiểu, nên không những cha mẹ cần có phương pháp và tâm lý, mà cần thiết hơn cả là lòng đạo đức.


Nếu muốn con cái vâng lời, thì ta hãy vâng lời Thiên Chúa trước.

Nếu muốn con cái kính sợ và mến yêu, ta hãy làm như thế với Thiên Chúa.

Hãy bắt chước thánh Mônia, chính nhờ lòng đạo đức và mến Chúa, Người đã chỉ cho cách thức khôn ngoan giáo dục con cái. Và hoa trái lớn lao là thánh Augustinô.

Hãy cầu nguyện thật nhiều để mình thêm đạo đức, nhất là xin ơn kính sợ Chúa. Ơn khôn ngoan dẫn đầu các nhân đức, nhưng ơn kính sợ Chúa mới làm cho các nhân đức ấy phát triển, trổ hoa, kết trái.
 
chốn luyện hình
Hai Tê Miệt Vườn
00:57 31/10/2008
CHỐN LUYỆN HÌNH

Các linh hồn ở nơi luyện tội,
Từng phút giây mong đợi thiên đàng.
Ngõ hầu chiêm ngắm thánh nhan,
Của Cha Từ Ái lòng tràn niềm vui.

Từ đây hết nếm mùi đau khổ,
Bởi gặp Chúa là chỗ tựa nương.
Chính Ngài mạch suối yêu thương,
Hằng luôn tưới gội cho muôn người phàm.

Chốn Thiên Quốc đầy tràn sự thiện,
Khi thời gian thanh luyện đã qua.
Từ nay có mặt trong nhà,
Muôn đời được sống bên Cha Nhân Lành.

Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.
Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết
” (Ga 11,25-26)
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
00:59 31/10/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (55)

541. Một quả bom nổ vang, làm sửng sốt mọi người công giáo

Nhiều người công giáo lúc bấy giờ, quan niệm rằng nhơn đức, thánh thiện, là cái gì xa biệt và nghịch lại với bản tính con người. Họ cho rằng Phúc Âm và thế gian không thể nào đi đôi được: vì Phúc Âm chỉ bày ra một bộ mặt khắc khổ, buồn bực, còn thế gian thì quá vui vẻ và quyến rũ. Họ cho rằng chỉ có những người đi tu mới sống nhơn đức, thánh thiện được, còn những người ở đời thì không thể nào sống thánh.
Trong lúc nhiều người đang ôm ấp những tư tưởng sai lạc như thế về Đạo Chúa và về thế gian, thì bỗng nhiên một quả bom nổ vang, làm mọi người sững sốt: đó là cuốn sách “Nhập môn vào đời sống nhơn đức” của Đức Giám mục Phanxicô Salêsiô, trong đó ngài chủ trương rằng:
- Dù ở địa vị nào, sang hay hèn, giàu có hay nghèo khổ, đi tu hay ở đời, ai cũng có thể nên thánh được cả.
- Trang điểm, tiệc tùng, sắc đẹp đều tốt cả, chỉ có những gì chúng ta lạm dụng mới ra xấu.
- Nét dặc biệt của người công giáo không phải là sự thui thủi cô độc, sự yếm thế bi quan, hay là những điều kỳ dị trong cách ăn nét ở, nhưng là sự bình an trong tâm hồn, sự vâng theo thánh ý Chúa trong mọi sự, sự chịu đựng anh dũng những cơn đau đớn và thử thách Chúa gởi đến, cười vui trong những hồi rất đau xót, sống yêu thương những ai túng đói, và luôn vui sống với Chúa trong lời cầu nguyện và trong nguyện gẫm.

542. Đức Hồng Y Newman khích lệ chúng ta nên thánh hiện nay thế nào?

Phải làm thế nào để nên thánh?
Muốn nên thánh, trước hết phải ngủ dậy theo giờ đã định và phải đi ngủ đúng giờ đã định.
Khi đọc kinh dâng lễ, hãy làm cho sốt sắng, đừng cố ý lo ra.
Lòng trí đừng suy nghĩ những điều xấu xa dơ bẩn.
Khi ăn, khi uống, hay khi làm bất cứ việc gì, hãy làm vì lòng yêu Chúa và làm cho sáng danh Chúa.
Cố gắng năng nguyện gẫm vắn tắt (khi rảnh một vài phút, suy về Chúa, về Mẹ, về các sự đời đời, …).
Tối đến, xét mình trước khi đi ngủ.

543. Thánh, tựu trung là gì?

Chúng ta thấy các vị thánh đều khác nhau: thánh đàn ông sống khác thánh đàn bà; thánh người Á Đông sống khác thánh người Âu Mỹ Phi Úc; thánh đi tu khác thánh ở đời; trẻ em nên thánh theo trẻ em, người lớn nên thánh theo người lớn; có thánh thì ưa hoạt động, có thánh thì ưa trầm tĩnh; mỗi thời đại, mỗi loại thánh; mỗi hoàn cảnh, mỗi cách thánh; mỗi hạng người, mỗi kiểu thánh; mỗi lứa tuổi, mỗi cách thánh; mỗi tính tình, mỗi lối thánh; mỗi dân tộc, mỗi hội nhập văn hóa thánh.
Nhưng tựu trung, thánh là bắt chước Chúa Giêsu, nên giống Chúa Giêsu, sống theo lời Chúa Giêsu dạy, đi trên con đường trọn lành thánh thiên do Chúa Giêsu vạch ra.
Như những người học trò gương mẫu luôn nhìn vào ông thầy để xem ông làm gì mà bắt chước làm theo, chúng ta cũng phải luôn hướng về Chúa để sống cuộc đời thánh thiện.
Mỗi người chúng ta phải luôn có Chúa Giêsu trong quả tim để yêu mến Ngài, luôn có Chúa Giêsu trong đầu óc để suy gẫm về Ngài, luôn có Chúa Giêsu trong đôi tay để nắm lấy Ngài, luôn có Chúa Giêsu trước đôi mắt để theo dõi Ngài.
Các thánh là những người bắt chước Chúa Giêsu thật đúng, thật sát và thật hay. Đời sống của các thánh là những bản phôtôcôpi hết sức trung thực của đời sống Chúa Giêsu.

544. Suy về Luyện ngục

Trí khôn chúng ta suy có luyện ngục vì Chúa thánh thiện vô cùng nhưng Chúa cũng công bình vô cùng.
Chúng ta biết có hai loại hình phạt trong Luyện ngục: hình phạt không được hưởng Nhan Thánh Chúa (tuy tạm thời, như rất đau khổ), hình phạt thanh tẩy (cũng giống như những hình phạt trong hoả ngục, chỉ khác một điều là có thể chấm dứt khi đã được hoàn toàn thanh tẩy).
Chúng ta có thể giúp các linh hồn trong Luyện ngục bằng nhiều cách: bằng sự cầu nguyện (nhất là dự lễ, rước Chúa, viếng Chúa, xin lễ), bằng cách nhường ân xá, đại xá (có nhiều ân xá, đại xá chúng ta hưởng đi trong đời sống đức tin, chúng ta hãy nhường lại cho Các Đẳng và Bấy Nhiêu Linh Hồn trong gia đình chúng ta), bằng sự bác ái bố thí cho những người nghèo, bằng sự hy sinh hãm mình đền tội thay cho các linh hồn trong Luyện ngục, vân vân …
Chúng ta biết các linh hồn trong Luyện ngục đang thông công với chúng ta bằng cách cầu bàu cho chúng ta trước mặt Chúa.
Chúng ta học được nhiều bài học hữu ích mà các linh hồn trong Luyện ngục răn dạy chúng ta: đừng bắt chước tôi vì xưa kia, tôi đã khinh tội nhẹ; vì xưa kia, tôi đã biếng nhác hãm mình đền tội; vì xưa kia, tôi đã dùng thời giờ không nên; vì xưa kia, tôi đã không thương người; vân vân …

545. Đạo Công giáo là Đạo của sự chểt.

Ngày nào, Giáo Hội cũng dạy con cái mình lời cầu nguỵện xa xưa nhất cho kẻ chết: “Xin cho các linh hồn được nghỉ ngơi bằng an.”
Ngày nào, người công giáo cũng âu yếm nhìn lên Cây Thánh Giá để thấy Chúa Giêsu chết.
Ngày nào, người công giáo cũng sốt sắng làm Dấu Thánh Giá để kính nhớ sự Chúa Giêsu chết, để in cái chết của Chúa Giêsu trên thân xác mình.
Sáng nào, khi vừa thức dậy, cũng như mỗi tối trước khi đi ngủ, người công giáo nào cũng xin cho được khỏi phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp trong kinh Cám Ơn Chúa.
Ngày nào, từ sáng đến tối, thế nào môi miệng người công giáo cũng nhiều lần lặp đi lặp lại lời cầu nguyện với Mẹ Maria trong kinh Kính Mừng: cầu cho con là kẻ có tội khi nầy và trong giờ lâm tử.
546. Đạo công giáo là Đạo hiệp thông với người chết.
Khi biết được trái tim của con cái mình thôi đánh, Giáo Hội là Mẹ, liền dạy đánh chuông để báo cho mọi người biết một linh hồn đã được Chúa gọi về.
Khi nghe tiếng chuông báo tử nầy, anh chị em trong giáo xứ đến nhà người vừa qua đời, đọc kinh, cầu nguyện, tẩm liệm theo nghi thức của Giáo Hội.
Và kìa, xác người chết được rước trọng thể đến Nhà Thờ, được đặt bên cạnh Cây Nến Phục Sinh, được đặt ngay trước Nhà Chầu của Chúa Giêsu, để đưuợc gần quả tim của Ngài.
Rồi thánh lễ được long trọng cử hành, nói lên việc Giáo Hội cung kính xác người chết như thánh nữ Mađalêna cung kính Xác Thánh của Chúa Giêsu.
Sau Thánh Lễ, linh mục, đại diện Giáo Hội, lên đường đi tống táng, từ Nhà Thờ ra đến Đất Thánh. Nơi đây, linh mục làm phép huyệt để thánh hoá nơi người chết được an táng, và nói lên cho mọi người nghe những lời hy vọng tuiyệt vời: chúng ta hãy gởi xác người thân yêu ở lại đây, đợi ngày sống lại, sẽ gặp nhau lại trên nước thiên đàng.
Như vậy, Đạo Công giáo là Đạo của người sống cũng như Ddaoj của người chết.
Ôi, Đạo Công giáo quá an ủi, quá hấp dẫn, quá tuyệt vời!

547. Bài học của cái chết

Cái chết cho chúng ta thấy cuộc sống mong manh, vắn vỏi.
Cái chết cho chúng ta thấy từng giây từng phút trôi qua trong cuộc sống của chúng ta, thật vô cùng quý báu.
Cái chết mời gọi chúng ta luôn tĩnh thức vì thường xảy đến rất bất ngờ.
Cái chết nhắc nhở chúng ta chỉ là những khách lữ hành đang đi trên đường về Quê Trời vĩnh cửu sau nầy.

548. Hạnh phúc của tuổi trẻ và của tuổi già

Hạnh phúc của tuổi trẻ là được sống yêu đời, được làm việc say mê và đem lại những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời.
Hạnh phúc của tuổi già là được nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ đầy ý nghĩa của mình. . (Chìa Khoá Sống Thanh Thản)

549. Làm thế nào để chận đứng tai họa phát sinh?

Tai họa khởi nguồn từ những chi tiết nhỏ.
Chúng ta hay xem nhẹ, lơ là những tiểu tiết. Kết quả cái sảy nảy cái ung, khiến công việc khó tiến hành, tình hình ngày một xấu đi.
Cần phát hiện vấn đề ở những chi tiết nhỏ. Nếu không, một khi sơ suất, sẽ dẫn đến việc rối ren, hoang mang, căng thẳng.
Hãy tập trung tinh lực làm việc.
Khi phát hiện vấn đề, dù là khuyết điểm lớn hay nhỏ, cần giải quyết kịp thời. Đó mới là bí quyết chận đứng tai hoạ phát sinh. (Trí Tuệ Của Sự Thành Công)

550. Đừng nhút nhát, nhưng hãy dũng cảm!

Nếu chưa chắc chắn, thì bạn đừng hành động.
Những nghi ngờ và do dự của bạn sẽ ảnh hưởng đến việc bạn đang muốn thực hiện.
Tính nhút nhát sẽ không mang lại điều gì, ngoài sự thất bại.
Những lỗi lầm mà bạn mắc phải khi dũng cảm dấn thân, sẽ dễ dàng được sửa chữa bằng một lòng dũng cảm hơn.
Lòng dũng cảm thì luôn được ca ngợi, còn tính nhút nhát thì không (Robert Greene) (Khám Phá Sức Mạn Bản Thân)
 
Nhớ các đẳng – nghĩ phận mình
Anmai, CSsR
01:04 31/10/2008
Nhớ các đẳng – nghĩ phận mình

Còn ít ngày nữa, chúng ta lại giã từ một năm Phụng vụ cũ và bước vào năm Phụng vụ mới. Những ngày cuối năm Phụng vụ là dịp để mỗi người nhìn lại mình một năm qua, nhìn lại cuộc đời của mỗi người qua một chặng đường. Dẫu là bất cứ ai trên cõi đời này đi chăng nữa nhưng không thể nào thoát khỏi cái phận người mong manh, mỏng dòn và non yếu.

Những trang sách Thánh, những trang Tin mừng càng về cuối năm càng đưa mỗi kitô hữu chúng ta về ngày cánh chung, về ngày chung cục của cuộc đời. Đặc biệt, tháng cuối năm này, Giáo Hội lại mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại phận người trong tháng nhớ đến các đẳng linh hồn. Các đẳng linh hồn đấy là ai ? Là ông, là bà, là cha, là mẹ, là anh, là chị, là người thân quen nghĩa thiết với mỗi người chúng ta. Nhìn họ, nhớ họ để nhìn, để nhớ đến phận người của mỗi người chúng ta.

Với tuổi sung sức để làm việc trong vườn nho nhà Chúa nhưng nào ngờ người anh em thân thương đã được Thiên Chúa gọi về. Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng (Dòng Chúa Cứu Thế) đã dệt trong mình biết bao nhiêu mơ ước cho đời mục tử của mình. Anh vui vẻ, dễ thương quá để rồi đàn em gọi anh với một cái tên thật gần gụi, thật dễ thương: anh Hai. Cái tên ấy đi theo anh mãi ngay cả sau cái ngày anh lãnh sứ vụ linh mục. Và thật sự là như thế sau khi lãnh sứ vụ linh mục, anh Hai Đồng thân yêu đã không từ nan bất cứ một việc gì được Thiên Chúa sai đi qua ý của Bề Trên. Từ vùng biển mặn Cần Giờ ngược ra Nha Trang và lại về vùng Nước nổi trước ngày trở về với Chúa. Anh đã tận tuỵ, anh đã dốc hết sức lực của anh để làm việc trong vườn nho Nhà Chúa thế nhưng cơn bạo bệnh đã đến với anh.

Anh ra đi để lại trong lòng cha mẹ, những người thân và nhất là anh em trong Dòng sự thương tiếc vô hạn vì tình cảm của con người dành cho nhau. Sự ra đi của anh cũng để lạo sự trống vắng một bàn quỳ trong ngôi nhà nguyện thân thương mà ngày mỗi ngày anh cùng cầu nguyện, cùng kinh sách với anh em. Và quan trọng nhất, sự ra đi của anh đang còn tuổi xanh như thế cho ta nhìn lại phận của con người. Chúng ta, dù thương anh vô hạn, dù tiếc anh vô cùng nhưng cũng không thể nào ngăn cản được thánh ý của Chúa trên anh. Anh ra đi như là một sự nhắc nhớ cho những người còn ở lại về phận người.

Mới đây, sau khi dâng lễ chiều, tôi chạy sang đường Thích Quảng Đức để thăm một nữ tu Dòng Nữ Vương Hoà Bình. Trong tin nhắn vì không có dấu nên tôi cứ nhầm tưởng là nữ tu ấy đang bệnh thế nhưng khi đến cộng đoàn, hỏi ra mới biết là sơ ấy đang đi nuôi một sơ trẻ đang chờ ngày về trình diện với Chúa. Thêm một chút nữa thì được biết sơ trẻ ấy năm nay mới ngoài ba mươi, mới khấn trọn đời được có vài năm !

Trên đường về lại tu viện, lòng tôi nặng trĩu khi đối diện với một sự thật mà khó ai có thể chấp nhận. Nữ tu trẻ ấy không phải là người tội lỗi nhất để lãnh căn bệnh nghiệt ngã mà cả ngoại quốc cũng phải bó tay, nữ tu trẻ ấy không phải là người xấu để lãnh nhận bản án xấu như vậy, nữ tu trẻ ấy không phải là người muốn mang gánh nặng cho chị em trong cộng đoàn và gia đình. Qua căn bệnh nghiệt ngã mà nữ tu trẻ ấy đón nhận chúng ta là những người tin sẽ nhận ra rằng Thiên Chúa muốn nói điều gì đó với mỗi người chúng ta:

Nhà tôi ở đã bị giật tung
và đem đi như lều mục tử
Con như người thợ dệt
đang mãi dệt đời mình
bỗng nhiên bị tay Chúa
cắt đứt ngay hàng chỉ
… (Is 38, 12)

Qua biến cố của anh Đồng, qua biến cố của vị nữ tu trẻ tuổi ấy chúng ta lại xác tín với nhau như lời Thánh Vịnh 145:

Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế
nơi người phàm chẳng cứu nổi ai.
Họ tắt hơi là trở về cát bụi
dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan
Phúc thay người được Chúa Trời nhà Giacob phù hộ
và cậy trong Chúa, Thiên Chúa họ thờ.
Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi
cùng muôn loài trong đó. (Tv 145, 3.4)

Chỉ có một Đấng mà chúng ta tín thác tôn thờ là Chúa thế nhưng đôi lúc ta lại quên đi Đấng là Chúa là Chủ của cuộc đời ta. Phận con người mong manh, mỏng dòn và yếu đuối để rồi có những lúc chúng ta đánh mất Chúa và chúng ta lại để cho con người yếu đuối nổi lên trong lòng ta. Và khi đối diện với những thực tại căn bản và hiện thực như thế này lòng chúng ta chạnh lại.

Nhớ lại câu chuyện của vị thiền sư nọ bên Tô Châu. Ông để trên bàn làm việc của ông chiếc quan tài con để rồi ai vào phòng của ông đều ngạc nhiên với chiếc quan tài đó. Người ta thắc mắc thì ông giải thích rằng trước khi giải quyết chuyện gì ông đều nhìn vào chiếc quan tài đó để mà quyết. Và cứ như thế, nhìn vào chung cục đời mình, nhìn vào cùng đích của đời mình ông đã quyết định mọi việc có tình và có nghĩa hơn.

Thiển nghĩ thân phận của anh Hai Đồng, thân phận của vị nữ tu trẻ, hình ảnh cũng suy nghĩ của vị thiền sư phần nào để lại trong chúng ta cái nhìn về phận người. Phận người mong manh, mỏng dòn và yếu đuối lắm vậy mà quá nhiều lúc ta cứ tưởng ta hơn người khác, ta hay hơn người khác để rồi đủ mọi mánh khoé, đủ mọi mưu mô, đủ mọi tính toán mà chà đạp anh chị em đồng loại.

Đừng để những hành động mang tính con người nó chi phối ta để đến ngày phải đối diện với cái chết ta mới nhận ra phận người. Đừng để anh chị em đồng loại xung quanh ta phải quá đau khổ vì những suy nghĩ, những lối hành xử quá sức là kinh khủng của ta.

Ta hoàn toàn tự do chọn lựa quyết định, ta hoàn toàn tự do lựa chọn cách hành xử. Bề ngoài, có thể là những quyết định, hành xử rất bác ái, rất hoa mỹ, rất hoành tráng nhưng có thể bên dưới những lời hoa mỹ, những lời đầy tính bác ái yêu thương đấy lại là những vết dao đang đâm thâu anh chị em đồng loại.

Chỉ khi nào ta đối diện với lòng ta, với lương tâm ta và với chính Chúa ta mới có thể nhận ra ta là người thật hay người giả mà thôi. Chỉ khi nào ta đối diện với những cái chết, với những cơn đau đớn do căn bệnh thập tử nhất sinh mang lại ta mới có lòng thương cảm với những phận người nhỏ bé và yếu đuối xung quanh ta mà thôi.
 
Xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời
LM Trần Bình Trọng
01:15 31/10/2008
XIN CHO CÁC LINH HỒN ÐƯỢC NGHỈ YÊN MUÔN ÐỜI

Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (Kn 3:1-9; Rm 6:3-9; Ga 11:17-27)

Tại những xứ sở có bốn mùa, thì tháng Mười Một nằm giữa mùa Thu - mùa lá vàng. Giữa những khu rừng lá vàng, còn điểm những vùng lá đỏ ối. Chẳng thế mà giới thi sĩ cũng như hoạ sĩ đã tốn nhiều sơn mực để mô tả vẻ đẹp của mùa thu. Những người không biết hoạ, cũng không biết làm thơ, nhưng có tâm hồn thi sĩ, thì lái xe hằng giờ ra khỏi nhà để ngắm lá thu. Ôi chao, mầu sắc rực rỡ của mùa thu, sao mà đẹp thê-ế! Tuy nhiên chẳng bao lâu nữa, lá cây sẽ rụng xuống, rồi vạn vật cũng đi nằm ngủ. Mùa thu báo hiệu cái chết của thảo mộc: cỏ cây và hoa lá, khiến cho người ta cũng liên tưởng đến cái chết của con người.

Với người không tin tưởng vào sự sống đời sau thì chết là hết, chết là một thất bại, ngoài ra không còn gì khác nữa. Ðối với họ chỉ có mùa đông, mà không có mùa xuân. Còn đối với người tín hữu tin tưởng, thì chết không phải là hết, cũng không phải là thất bại. Chết chỉ là một sự biến đổi từ đời này qua đời khác. Chết không phải là một thất bại vì Chúa Kitô qua cái chết, đã toàn thắng sự chết nhờ cuộc phục sinh vinh hiển: Nhờ máu Chúa Kitô đổ ra, ta đã được nên công chính hoá (Rm 5:9). Như vậy chết không phải là hết, nhưng chỉ là kết thúc đời sống tại thế như kinh Tiền tụng I Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời ghi lại: Sự sống biến đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời.

Trước Công đồng Vaticanô II, người ta hay nói đến hỏa ngục. Sau Công đồng, người ta lại ít nói về hỏa ngục, và cũng ít nói về luyện ngục. Nhắc đến hoả ngục thì không ai có ý hù ai đâu. Chính Chúa Giêsu cũng nói về hoả ngục một số lần trong Tân ước (Mt 5:22, 29, 30; Mt 10:28; Mt 18:9; Mt 23:33; Mc 9:43, 45, 47; Lc 12:5); nơi tối tăm bên ngoài (Mt 25:30); nơi chịu cực hình muôn kiếp (Mt 25:46); nơi khóc lóc nghiến răng (Lc 13:28) hay chốn âm phủ (Lc 16:23). Chúa Giêsu còn nói đến nơi phải trả hết đồng xu cuối cùng (Mt 5:26; Lc 12:59).

Luyện ngục nói lên lòng từ bi thương xót của Chúa. Thật vậy nếu không có luyện ngục thì Thiên Chúa quả là khắt khe độc dữ. Nếu không có luyện lục mà chỉ có thiên đàng và hỏa ngục, thì quả là điều đáng sợ vì khi chết rồi, nếu không lên thiên đàng thì phải xuống hoả ngục, không có nơi ỡ giữa để được luyện lọc thanh tẩy linh hồn. Nếu không có luyện ngục thì người ta không cần cầu nguyện cho người quá cố, không cần xin lễ cho linh hồn nọ, linh hồn kia làm gì. Ngay từ thời Cưu ước, sách Macabê cũng đã nhắc đến việc dâng lễ cầu nguyện cho người quá cố trong nơi thanh luyện khỏi tội lỗi: Thật quả là một ý nghĩa đạo đức và thánh thiện. Ðó là việc xin dâng hy lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi (2Mcb 12:45-46).

Trên đường hành trình đi về nhà Chúa, người tín hữu không đi một mình, nhưng đi cùng với toàn thể dân Chúa: đi cùng với Mẹ Maria và các thánh trên trời, đi cùng với người tín hữu tại thế, và đi cùng với các linh hồn nơi luyện ngục. Theo Tín điều Các Thánh cùng thông công thì Mẹ Maria và các thánh trên trời có thể bầu cử cho người tín hữu tại thế. Người tín hữu tại thế cũng có thể hiệp thông với nhau bằng lời cầu nguyện, bằng gương sống đạo và việc hi sinh bác ái và thiện hảo. Người tín hữu tại thế còn có thể dâng lời cầu nguyện và công việc hi sinh, bác ái và thiện hảo cho các linh hồn nơi luyện ngục. Giáo lí về việc người tín hữu tại thế cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục được các Công Ðồng Nicea II, Firenze và Triđentinô. Ðiều mà Công Ðồng Triđemtinô gọi là Tín điều Các Thánh cùng Thông công thì Công Ðồng Vaticanô II gọi là sự hiệp thông sống động (GH # 51).

Như vậy đời sống đức tin của người tín hũu được hỗ trợ một cách tối đa bằng việc bầu cử của mẹ Maria và các thánh, bằng việc cầu nguyện và thúc đẩy của người này lẫn cho người kia. Và ngay cả khi nằm xuống vĩnh viễn, ta vẫn còn được hỗ trợ. Người quá cố vẫn được nhớ đến bằng hình ảnh, bằng công việc người quá cố để lại, bằng kỷ niệm và nhất là bằng lời cầu nguyện và lễ dâng. Biết được như vậy, biết được sau khi chết, ta vẫn còn được sự nâng đỡ và hỗ trợ sẽ làm sưởi ấm lòng ta biết bao! Truyền thống công giáo nhắc nhở người tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục. Tuy nhiên các linh hồn nơi luyện ngục không thể làm gì để cứu giúp mình. Các linh hồn nơi luyện ngục tuỳ thuộc vào lời cầu nguyện và những việc hy sinh, bác ái và thiện hảo của người tín hữu làm để chỉ cho họ.

Hôm nay nhằm ngày lễ các Linh hồn, ta cùng dâng lời cầu nguyện cho các linh hồn tiên nhân, các linh hồn thân nhân, bạn hữu, các linh hồn đã qua đời. Ðiều răn thứ bốn dạy ta thảo kính cha mẹ. Thảo kính cha mẹ khi sống thì cũng thảo kính cha mẹ khi các vị đã khuất bóng. Nhớ ơn người sống thì ta cũng nhớ ơn người quá cố bằng việc dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục để xin Chúa vì lòng xót thương tha thứ tội lỗi cho người quá cố và dẫn đưa các linh hồn về hưởng ơn nghĩa trong nước Chúa như lời Chúa Giêsu đã hứa trong Phúc âm hôm nay: Ai tin vào người Con thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho sống lại trong ngày sau hết (Ga 6:40).

Theo truyền thống trong Giáo hội, hôm nay người tín hữu được khuyến khích ra viếng nghĩa địa để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, đặc biệt cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân nhân họ hàng. Và trong cả Tháng các Linh hồn người tín hữu cũng được nhắc nhở để dâng lễ cầu nguyện theo những ý chỉ trên.

Lời cầu nguyện, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời:

Lạy Chúa cả toàn năng!
Chúa là vinh quang của các thánh,
là hi vọng của người tín hữu.
Xin tha thứ tội lỗi cho những người quá cố
Xin chiếu ánh sáng ngàn thu trên linh hồn họ.
Và xin cho con được ở trong nhà Chúa
khi sống cũng như sau khi lìa đời.
Xin đừng để con xa lìa Chúa
. Amen.

Lm Trần Bình Trọng
trongtb@yahoo. com
 
Nghĩa trang
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:17 31/10/2008
NGHĨA TRANG

(Lễ cầu cho các linh hồn 02-11)

Hằng năm cứ vào tháng 11 Dương lịch, đặc biệt vào ngày 02 của tháng, đoàn tín hữu được dịp quây quần với người đã khuất. Thánh Lễ được cử hành tại nghĩa trang quả là một truyền thống tốt đẹp. Thánh Lễ ở nghĩa trang là một trong những sinh hoạt Phụng Vụ không chỉ làm nổi bật chiều kích tâm linh như kiểu cảm nhận của cố nhạc sĩ họ Trịnh “ người chết nối linh thiêng vào đời”, không chỉ đượm nét nhân văn khi con người sống biết cội biết nguồn… mà còn ghi đậm nhiều tâm tình trong lòng người đang còn lữ thứ.

Lẽ thường, ai ai cũng sợ chết cả. Không phải bằng thể lý nhưng bằng ý nghĩ, người ta tìm cách tránh né những hình ảnh gợi nhớ về sự chết như quan tài, ngôi mộ hay nghĩa trang… Bà con có niềm tin thì cứ vào dịp xuân về hay dịp kỵ giỗ người thân, thưòng đi tảo mộ. Kitô hữu, cách riêng người Công giáo thì có thêm một ngày đặc biệt trong năm là ngày 02-11, ngày hướng lòng về những người đã khuất. Khác với bà con lương dân hay anh em khác đạo, Kitô hữu quây quần bên nhau tại các nghĩa trang quanh các ngôi mộ với một bầu khí tưng bừng như lễ hội.

Xin được chia sẻ một đôi tâm tình, đúng hơn là một vài cảm nghiệm liên hệ đến cái nơi được gọi là nghĩa trang. Nếu được hỏi nghĩa trang là gì ? Ta dễ dàng trả lời đó là nơi chôn cất người chết. Văn vẻ hơn thì nói đó là nơi yên nghĩ của những người đã ra đi, đã giả từ dương thế. Nếu chịu khó nghĩ suy một chút thì hai từ nghĩa trang còn gợi mở cho ta nhiều điều sâu xa.

Từ “nghĩa” diễn tả những việc, những điều hợp lẽ đạo. Chẳng hạn “nghĩa tử, nghĩa tận” tức là những gì ta làm cho người đã khuất là làm cho đến cùng mới hợp lẽ đạo. Từ “nghĩa” còn diễn tả sự kết hợp, sự nối liền nhờ ân tình. Chẳng hạn nghĩa tử, nghĩa phụ, nghĩa huynh, nghĩa đệ, nghĩa tế… tức là nhờ ân tình mà nối kết nhau thành cha con, anh em... Từ “trang” diễn tả nơi ở, nơi sinh hoạt. Chẳng hạn “gia trang” là nơi ở, nơi sinh hoạt của gia đinh, “nông trang” là nơi ở, nơi sinh hoạt của nông dân…Ghép hai từ nghĩa trang thì ta có được khái niệm đó là nơi ở của những người liên kết với nhau bằng ân tình, một nơi ở hợp lẽ đạo.

“Sinh ký, tử quy” và “lá rụng về cội”. Chết là đi về. Người đã khuất thì sẽ về một mối là về với cội nguồn. Trước đây, khi còn sống, người ta có thể khác nhau về tuổi tác, xa nhau về môi trường sống, sinh hoạt, khác nhau về địa vị, công việc…nhưng sau khi chết người ta được gần kề nhau. Là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, người già hay trẻ bé, là đàn ông hay đàn bà…tất thảy đều nằm bên nhau và với nhau, không một chút tị hiềm hay cạnh tranh, không một chút so sánh hay đôi co hơn thiệt. Khi còn sống, có thể khác nhau huyết nhục, có thể khác nhau ngôn ngữ hay màu da và cả khác nhau về chính kiến hay niềm tin, người ta vẫn nằm kề bên nhau, có khi lại nằm chồng lên nhau trong sự an bình, yên tỉnh. Nghĩa trang là nơi ở của những người được kết nối với nhau bằng ân tình, hợp lẽ đạo là đạo làm người.

Nhiều người với nhiều cái xưa khác nhau, nay lại yên nghỉ trong cùng một mái nhà ân tình là nghĩa trang, ít nhiều cũng nhắc nhớ chúng ta quy luật của muôn đời, đúng hơn là quy luật của Đấng Tạo thành đặt để trên phận người là rồi đây ai cũng sẽ trở về với nơi mình phát xuất ra. Trong đức tin, chúng ta tin nhận rằng mọi người, bất phân chính kiến, màu da, quốc tịch hay niềm tin, thảy đều phải ra trình diện trước Đấng Chí Tôn, Đấng Tạo Thành. Hết thảy mọi người rồi sẽ trở về với cội nguồn để trả lẽ về những gì mình đã sống trên cõi dương gian này. Và cái nơi hội ngộ của ân tình là nghĩa trang cũng nhắc nhớ chúng ta tiêu chuẩn căn bản mà chúng ta phải trả lẽ trước Đấng Hoá Công đó là trái tim, tấm lòng của chúng ta đối với nhau khi ta còn lữ thứ. Chúa Kitô đã minh nhiên nói lên sự thật này trong dụ ngôn ngày phán xét chung ( x. Mt 25,31-46 ).

Cố nhạc sĩ họ Trịnh không chỉ cảm nhận “ người chết nối linh thiêng vào đời” mà còn đồng cảm với Kitô hữu chúng ta rằng người chết nhắc nhớ ta hãy sống với nhau cho có ân tình: “ Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không ? Để gió cuốn đi…”, nghĩa là để bình an, thanh thản mà đi đến nơi mọi người sẽ đến là nghĩa trang, căn nhà của ân tình. “ Nào, những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát. các ngươi đã cho Ta uống…” ( Mt 25,34 tt ).

Tháng 11 lại về, Hội Thánh mẹ mở kho tàng ân phúc của Chúa tạo dịp để các tín hữu mở rông tấm lòng hướng về người đã khuất. Các nguồn ân đại xá hay tiểu xá dành cho các linh hồn nơi luyện hình chính là những quà tặng của ân tình. Trao cho người đã khuất, dù chỉ là một món quà mọn cũng là vô giá, vì các linh hồn trong luyện hình giờ đây không thể làm được gì cho bản thân. Mầu nhiệm Hội Thánh thông công là một trong những mầu nhiệm đẹp của tình yêu. Dù rằng Hội Thánh dạy mỗi ngày chỉ có thể lãnh nhận một ân xá dành chi các linh hồn thế mà vẫn có đó hình ảnh nhiều cụ ông, cụ bà hết vào Nhà Thờ cầu nguyện lại ra nghĩa trang cầu nguyện. Có người vừa bước ra khỏi Nhà thờ lại quay vào để tiếp tục kiếm xin ân tình của Chúa mà trao dâng cho các linh hồn. Nói đến các linh hồn thì ít ai tiếc xót công hay của. Nhiều người đang nằm đó trong các nghĩa trang như một lời mời gọi chúng ta hãy sống cho có ân tình không chỉ cho chính họ mà cho cả chúng ta, những người đang con trong kiếp lữ thứ gian trần.
 
Muốn được phong thánh nhưng lại ngại làm thánh
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:20 31/10/2008
MUỐN ĐƯỢC PHONG THÁNH NHƯNG NGẠI LÀM THÁNH

Hằng năm cứ tháng 11 lại về Mẹ Hội Thánh dẫn đoàn con sống mầu nhiệm hiệp thông. Đây là một tín điều trong bản tuyên xưng đức tin Công giáo hay còn gọi là “kinh Tin Kính”: Tôi tin các thánh thông công. Các tín hữu đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa và các tín hữu đang còn lữ thứ trần gian luôn hiệp thông với nhau trong cùng một sự sống thần linh và có thể chuyển thông công nghiệp cho nhau. Trong số các tín hữu đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa có một số đông các vị đã được Hội Thánh tuyên phong hiển thánh. Là tín hữu, chúng ta buộc nhìn nhận các Ngài đã được hưởng kiến nhan thánh Chúa cách trọn hảo, nghĩa là đã được hưởng hạnh phúc viên mãn “trên trời”.

Trong Cựu ước, từ “thánh” được dùng để chỉ những người được tuyển chọn, được tách riêng ra để thi hành sứ mạng Chúa giao phó. Trong Tân ước, từ ngữ này được dùng để chỉ các Kitô hữu (x. Cv 9,13; 31-41; 1 Cr 1,1; Rm 16,2). Các Kitô hữu được gọi là các thánh vì họ được Thiên Chúa tuyển chọn. Nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần, họ được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, làm nên dân tộc thánh thiện. Họ được mời gọi dùng chính bản thân con người và đời sống mình làm thành hy lễ thánh thiện hiến dâng Thiên Chúa (x. Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh hạn từ “Các Thánh”). Dần dà về sau, có phải Kitô hữu nhận thấy sự thật này là dù đã được chết đi cho con người cũ và sống lại với Chúa Kitô trong sự sống mới thì cuộc sống của họ dường như ít đổi thay, và cũng có thể có không ít người không vượt qua được cám dỗ “ngựa quen đường cũ”, mà hai từ các thánh chỉ dành riêng cho những người có lối sống trổi vượt về đức hạnh ? Trong số những người có đời sống đạo hạnh thì càng về sau người ta lại chỉ dành chữ “thánh” cho những ai đã qua đời. Đã một thời Hội Thánh lại thận trọng tuyên phong hiển thánh cho một ai đó khi mà những người đương thời với vị ấy đang còn sống. Phải chăng chuyện “nhân bất thập toàn” là một rào cản tâm lý ?

Tâm lý muốn được “phong thánh”: tâm lý thường tình

Là người, là Kitô hữu, sự thường ai cũng có cám dỗ muốn được người khác nhìn nhận phẩm giá của mình. Một chước cám dỗ tự nó không phải là xấu. Xuất hiện ở đời này, theo năm tháng khi trí khôn phát triển, con người dần khám phá bản thân và tự ý thức về sự hiện hữu của mình. Khi biết được đây là tôi, thì tôi lại muốn tha nhân nhìn nhận đây chính là tôi. Khi người khác nhìn nhận đây là tôi thì vẫn chưa đủ. Tôi còn muốn tha nhân công nhận tôi là thế này, tôi là thế kia theo những tiêu chí mà xã hội mỗi thời trân trọng. Có lẽ thưở sơ khai thì con người thích chứng tỏ mình “mạnh” hơn. Mình mạnh hơn nghĩa là mình xứng đáng có quyền làm đầu với sức mạnh của cơ bắp. Xã hội phát triển dần lên thì con người muốn chứng tỏ mình là có tài hơn, khôn ngoan hơn. Lúc này con người muốn đứng trên kẻ khác bằng tài năng, bằng trí khôn của mình. Cám dỗ muốn chứng tỏ mình đạo đức hơn xem ra tinh tế và đáp ứng được khát vọng của nhiều người hơn. Dù tôi không được khôn ngoan, dù tôi kém tài hay yếu sức nhưng tôi rất có thể sống đàng hoàng, đức hạnh hơn ai đó. Và thế là cũng có cái để hơn người. Quả thật, người ta thường nể sợ những người mạnh sức, thông minh, lắm tài nhưng người ta lại mến mộ người đạo hạnh cho dù họ ở cương vị nào, thân phận ra sao. Mong ước được phong thánh nghĩa là muốn được nhìn nhận phẩm hạnh của mình là một ước mong chính đáng và tốt đẹp. Đây là một trong những nét trổi vượt của con người so với các loài thọ tạo hữu hình khác. Trong điều kiện bình thường, môi trường bình thường thì con người luôn có đó khát vọng vươn lên.

Sợ phải làm thánh: chuyện bình thường kiếp người

Trong khi vẫn muốn sống tốt hơn, đạo đức hơn thì con người lại bị một sức ì, một lực cản cầm giữ. Thánh Phaolô cảm nghiệm nơi bản thân Ngài: “Những điều tôi muốn thì tôi không làm, còn những điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Truyền thống gọi tình trạng này là hậu quả của nguyên tội. Nói đến nguyên tội, Kitô hữu trước đây rất dễ đón nhận nội dung giáo lý, đặc biệt được thánh Augustinô triển khai cách tượng hình. Với sự tiến bộ của các ngành khoa học lẫn thần học thánh kinh thì cách trình bày nội dung tội nguyên tổ như trước đây hình như thiếu tính thuyết phục. Tuy nhiên chúng ta khó chối bỏ cái thực tế trong kiếp người như thánh Phaolô thú nhận: “Tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa, nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể của tôi” (Rm 7,21-23).

Xu hướng vị kỷ một cách nào đó đang tồn tại trong mỗi người chúng ta. Nó biểu lộ dưới dạng này hay dạng khác thì đều có điểm chung là “có lợi cho mình”. Xét theo khía cạnh tiêu cực thì càng ít điều thiệt cho mình càng tốt. Bên cạnh đó còn vương cái tâm lý ngại hy sinh, sợ gặp sự khó, điều không hay, không may. Xu hướng vị kỷ này còn cám dỗ ta muốn sống yên phận. Người ta sao thì mình vậy. Sống khác người làm chi cho thiệt thân. An mình trong đám đông là một cách thế khôn ngoan đấy chứ. Cái xu hướng này không ít thì nhiều cũng có trong đời sống Kitô hữu chúng ta. Là Giám mục, miễn sao như chư huynh anh em là được. Là linh mục, cứ bình bình như “các cha” là ổn. Là tu sĩ nam nữ, thật hiếm thấy nhiều người dám lội dòng nước ngược như Phanxicô khó khăn, như Gioan Thánh Giá…, hay gần đây như mẹ Têrêxa thành Calcuttta. Là tín hữu giáo dân, miễn sao được lãnh nhận các Bí tích là đủ rồi. Cái lý do thường được viện dẫn quả có tình có lý. Mình có hơn gì ai. Một con én không làm nên mùa xuân. Không nên làm nổi, chơi trội khác người. Nếu không được gì hoặc giả có sơ suất nào thì tiếng tăm khó mà che được.

Tuy nhiên, rà soát sâu xa tận đáy lòng thì chúng ta có thể nhận ra chước cám dỗ này là ta ngại phải sống tốt hơn. Muốn được phong thánh thì cũng muốn mà lại sợ phải sống thánh thiện hơn. Chỉ cần vào được thiên đàng là đủ hay ít ra có một chỗ trong luyện ngục là chắc ăn. Đến đây thì ta mới thấy cái xu hướng vị kỷ hiện rõ mặt thật. Có người còn hiện sinh hơn dựa vào câu nói của Pascal: “con người không phải là súc vật cũng không phải là thiên thần. Khi nó muốn trở nên thiên thần thì sẽ rơi xuống hàng súc vật”. Phải chăng, lắm khi muốn trở thành thánh thì ta trở nên ác quỷ ? Cũng có thể có nhiều trường hợp ấy chứ. Ma quỷ tinh tế lắm. Cám dỗ một ai đó để họ tưởng rằng mình phải là thánh là chước cám dỗ xảo quyệt nhất. Tổ tiên loài người đã không từng ngã gục trước chước cám dỗ đó sao. Không gì hơn, hãy biết “khiêm nhu” bằng lòng với cái tầm sống chung chung của thiên hạ. Vấn nạn thật nan giải. Nhưng chúng ta đừng quên là Đức Giêsu đã từng mời gọi mọi chúng ta: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Không dám giải quyết vấn nạn cách kín lẽ, nhưng để tiếp cận vấn đề thì không gì hơn, chúng ta cần nhìn lại chân dung của những người mà Hội Thánh đã tuyên phong hiển thánh.

Các thánh là những ai ?

Câu hỏi này không muốn được trả lời bằng liệt kê một chuỗi danh sách, tên tuổi những người đã được hiển thánh, nhưng muốn chúng ta truy tìm chân dung các vị ấy. Dựa vào gợi ý của Hội Thánh qua các bài đọc trong Thánh Lễ kính các Thánh nam nữ (ngày 01-11), chúng ta thử sơ phác diện mạo các Ngài.

- Các thánh là một tập hợp “rất rất nhiều người”, đếm không xuể.

Tác giả sách Khải Huyền trong thị kiến đã thấy “đoàn người thật đông không tài nào đếm được, thuộc mọi nước, mọi dân, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Riêng số con dân Israel thì cũng đã là vô số. Ngài đưa ra con số biểu trưng: 144.000 người. Tức là cả ngàn lần của bình phương số 12 (12 x 12 x 1000 = 144.000). Số người đông không đếm xuể mà tác giả sách Khải Huyền đưa ra chắc hẳn không chỉ là lời động viên mà còn là lời xác nhận rằng ai cũng có thể làm thánh được. Không phải tôi muốn làm thánh là khác người nhưng trong khi có vô số người đã làm thánh, còn tôi thì ngại làm thánh mới là khác người.

- Các thánh vốn là những tội nhân.

“Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (c.14). Chiếc áo tâm hồn vương bẩn nghĩa là đã nhiễm tội. Họ không chỉ giặt mà còn phải tẩy chiếc áo tâm hồn trong máu Đấng cứu độ nghĩa là tâm hồn các Ngài không chỉ bẩn sơ sơ mà bẩn ghê lắm. “Không một thánh nhân nào mà không có một quá khứ, vì thế không có tội nhân nào lại không có một tương lai” (Têrêxa). Làm thánh không có nghĩa là không có tội. Thánh nhân cũng là những người yếu đuối và nhiều lầm lỗi như ta. Nhìn lên thập giá để nhớ lại năm xưa trên đỉnh đồi Canvê, người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu, chính anh ta đã tự thú nhận tội lỗi anh ta xứng đáng với cái án hình nhục nhã là thập giá, thế mà anh ta đã là một trong những thánh nhân, một thánh nhân được đích thân Chúa Giêsu tuyên phong. Yếu đuối, lỗi lầm không phải là những yếu tố ngăn cản ta, không cho ta nên thánh.

- Chính Máu châu báu của Đức Kitô làm cho ta nên thanh sạch, nên thánh.

“Này là Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, đổ ra cho anh em và muôn người được tha tội” (x. Mt 26,28). Quả thật “trong Thánh Tử, nhờ Máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu độ, được thứ tha tội lỗi” (Ep 1,7). Chính tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ rõ nét qua Trái Tim bị đâm thâu của Đức Kitô mới làm cho chúng ta nên thanh sạch, nên thánh thiện, vô tì tích. Tuy nhiên Thánh giáo phụ Augustinô khẳng định: “Thiên Chúa có thể dựng nên tôi, không cần có tôi. Nhưng Người không thể cứu tôi mà không có tôi”. Đối với Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể (Mc 10, 27). Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng Người đã ban cho loài người một trong những hồng ân cao cả là sự tự do. Chính vì thế để cứu độ con người, Thiên Chúa cần đến sự cộng tác, sự đáp trả của con người. Thánh Gioan Tông đồ trong thư thứ nhất hé mở cho chúng ta về sự đáp trả ấy. “Phàm ai đặt hy vọng vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1 Ga 3,3).

- Con đường nên thánh: tin cậy vào Đức Kitô.

Đến thế gian, Chúa Kitô thường mời gọi những nguời muốn nhận ơn lành của Người hãy tin vào Người. “Đức tin của con đã cứu chữa con; Bà tin sao thì được vậy; Anh có tin không ?...” Chúng ta vốn quen thuộc những kiểu nói này của Chúa Giêsu đến nỗi ta phải khẳng định rằng cách bình thường thì đó như là điều kiện tiên quyết để đón nhận ơn lành của Người. Thánh Phaolô Tông đồ trong hai thư gửi giáo đoàn Rôma và Galata đã nỗ lực minh chứng rằng chúng ta được nên công chính là nhờ tin vào Đức Kitô chứ không do bởi công nghiệp chúng ta. Quả thật, với hồng phúc được công chính hoá thì mọi cố gắng dù lớn lao đi mấy của chúng ta cũng không thể sánh bì. Hơn nữa giả như làm bản so sánh giữa công và tội thì được mấy ai có phần công nghiệp lớn hơn tội lỗi mà mình đã phạm. Tuy nhiên, đặt sự hy vọng hay niềm tin cậy vào Đức Kitô không phải là một tình cảm, cũng không chỉ là một quyết định một lần nhưng là một quá trình dõi theo con đường Đức Kitô đã đi, đó là con đường sống đức ái. Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x. 1 Pr 4,8). Và sống Đức Ái là chu toàn mọi lề luật (x. Rm 13,10).

- Những nẻo đường nên thánh: theo chân Đức Kitô sống Đức Ái bằng “Tám mối phúc thật”.

Trong Thánh Lễ kính các Thánh nam nữ, Hội Thánh cho chúng ta nghe bài Tin mừng tường thuật việc Chúa Giêsu long trọng tuyên bố bản hiến chương Nước Trời là tám mối phúc thật. Tám mối phúc thực ra đó là những nẻo đường Đức Kitô đã đi khi Người nhập thể, nhập thế. Khó nghèo, hiền lành, khát khao sự công chính, xây dựng hoà bình… là những nẻo đường sống đức ái, đức trọn lành. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Đức Kitô (x. Ga 14,6). Để được làm công dân Nước Trời, nghĩa là để được làm thánh thì không thể không đi những nẻo đường Đức Kitô đã đi. Thế nhưng thử hỏi được có mấy ai đã đi qua đủ những nẻo đường ấy. Nhìn vào các Thánh mà Hội Thánh đã tuyên phong thì mỗi thánh mỗi vẻ, mỗi thánh mỗi con đường theo chân Giêsu. Cuộc đời của các thánh cho ta thấy các Ngài đã chọn một nẻo đường nào đó đặc biệt hơn để theo Đức Kitô. Thánh Phanxicô khó khăn chọn con đường khó nghèo để theo Thầy chí thánh. Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô thì chọn con đường “biết xót thương người”. Các thánh tử đạo thì chọn con đường bị bách hại vì lẽ công chính. Và rồi cũng có những vị thánh mà cuộc sống không rõ nét là nẻo đường nào. Phải chăng ngoài tám nẻo đường chính thì vẫn có đó những con đường nhỏ tạm gọi là đường mòn, lối đi phụ ?

Theo cái nhìn của Kinh Dịch: Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (âm – dương); Luỡng Nghi sinh Tứ Tượng (thái âm, thiếu âm; thái dương, thiếu dương); Tứ Tượng sinh Bát Quái (càn, khôn, ly, khảm, chấn, đoái, tốn, cấn); Và Bát Quái sinh muôn vật. Phải chăng sự giao thoa giữa Bát Phúc sẽ làm nên nhiều nhiều cái phúc khác ? Như thế, để theo chân Giêsu thì có muôn vạn nẻo đường ? Nhìn lên thập giá, nhớ lại đồi Canvê năm xưa, hướng nhìn lên người tử tội bên phải Chúa Giêsu, chúng ta thử hỏi rằng anh ta đã chọn con đường nào để vào Nước Trời ? Anh đã đến đích ngay hôm ấy. “Tôi bảo thật với anh: ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên đàng với Tôi” (Lc 23,43).

Những tiêu chí đê kiểm nghiệm hướng đến của các con đường.

Tuy nhiên, đường này hay nẻo kia, để kiểm nghiệm xem có thực chúng hướng đến lối đi của Đấng cứu độ hay không thì cần có tiêu chí xem xét. Có thể có nhiều tiêu chí, nhưng xin đề ra hai tiêu chí mà Tin Mừng hay lặp đi lặp lại. Trước hết là sự bỏ mình. Đường vào thiên quốc là “con đường hẹp” (Mt 7,13-14), là con đường “vác thập giá mình” (Mc 8,34-38). Thứ đến là một tấm lòng hướng tha, biết nghĩ đến thiện ích của người khác. Hãy về và làm như “người Samaritanô nhân hậu” thì sẽ được sự sống đời đời. (x. Lc 10,25-37). Dụ ngôn ngày cánh chung trong Mt 25 làm rõ tiêu chí này. Người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa khi tự nhận lỗi mình đã phạm thì anh ta cũng đã bỏ mình cách nào đó và anh ta cũng đã có chút tình với Chúa Giêsu khi anh ta trách sửa người đồng phạm: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm. Còn Ngài đây đâu có làm điều gì sai trái” (Lc 23,41).

Với ân sủng Chúa ban, thì đường nên thánh quả là đã ở trong tầm tay của mỗi người. Vấn đề còn lại là ở chúng ta. Mong sao ta biết bỏ mình đi một chút để hướng về thiện ích của tha nhân. Sống thánh là thế đó. Quả thật, vừa dễ lại vừa khó. Để kết thúc những chia sẻ này, xin mượn lời người xưa: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi, e sông” (Nguyễn Bá Học). Làm thánh không khó, nhưng bạn, tôi, chúng ta vẫn đang ngại làm thánh !
 
Sống chân thành
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:55 31/10/2008
Chúa Nhật 31 Thường niên

SỐNG CHÂN THÀNH

Chân thành, nguyên ngữ Latinh là: Sincerus, a, um.

Sincera có một lịch sử. Ngày xưa, người La mã thấy cột đá cẩm thạch nào không được nhẵn, có lỗ, sứt mẻ, thì họ lấy sáp ong nhét vào những lỗ đó, rồi đánh cho thực trơn láng. Cũng giống như phụ nữ lấy phấn sáp thoa vào mặt để che những vết nhăn. Những cột cẩm thạch nào không có sáp ong, thì là dấu tuyền vẹn, và gọi là: Sine cera; Sine: không, cera: sáp ong. Qua các thời đại, hai tiếng này dính lại thành một là “sincera”, và có nghĩa là không phấn sáp, không giả tạo, nhưng thành thực, chân thành.

Tình thương giữa con người với nhau cần phải sinecera: không phấn sáp, không giả tạo, nhưng tự nhiên và chân thành.

Ngày xưa, Nữ Hoàng Saba nghe biết về sự khôn ngoan của Salomon nên đã gởi đến Nhà Vua hai bó hoa để thử xem sự khôn ngoan của ông tới đâu. Đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả rất giống nhau. Vua đặt hai bó hoa lên bàn và liền mở cửa để cho bầy ong bướm bay vào. Thế là đàn ong bướm liền sà ngay xuống những bông hoa thật. Những bông hoa giả có sắc mà chẳng có hương, có hình dáng mà không có sự sống.

Những kẻ giả hình nói thì nhiều mà làm thì chẳng bao nhiêu, thậm chí nói suông mà không thực hành, dung túng cho mình, nghiêm khắc với kẻ khác.

Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu vạch trần sự giả hình của các Kinh sư, Pharisiêu.

- Giả hình: vì họ nói mà không làm
- Thích thống trị: Vì họ bó những gãnh nặng lên vai người khác, còn chính họ thì không buồn động động ngón tay vào.
- Thích khoe khoang: Vì họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.
- Thích hám danh: Vì họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi nơi cộng cộng, được thiên hạ gọi là Rápbi.

Những người Pharisiêu tự cho mình là đạo đức, là bậc thầy dạy dỗ dân chúng về cách sống đạo. Nhưng Đức Giêsu đã nhìn thấy trong lối sống đạo của họ có những biểu hiện lệch lạc, giả hình làm hoen ố đạo thật. Nhân đó, Người đưa ra mấy chỉ dẫn thiết thực cho đời sống đạo:

- Chỉ dẫn 1: Lời nói đi đôi với việc làm:

Giữa lời nói và việc làm thường có một khoảng cách rất lớn như giữa lý thuyết với thực hành, giữa ước mơ với hiện thực, giữa lý tưởng với thực tại. Nói thì dễ nhưng làm thì khó nên người ta để rơi vào thói nói nhiều, làm ít hoặc chỉ nói suông mà không làm hoặc còn tệ hơn khi việc làm mâu thuẫn với lời nói như người Pharisiêu “ nói mà không làm”. Trong những trường hợp ấy, nói về Đạo trở thành phản chứng làm cho người nghe khó chấp nhận Đạo.

Khi phê phán thái độ của người Pharisiêu, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta đừng nói nhiều nhưng hãy làm. Chính việc làm minh chứng Đạo thật, việc làm mới có sức thuyết phục. Lý thuyết dù có hay đến đâu nếu không thực hiện được thì cũng vô ích. Người ta thích câu tục ngữ "Đừng nghe những gì người ta nói mà hãy nhìn kỹ những gì người ta làm"

- Chỉ dẫn 2: Hãy làm một cách khiêm tốn.

Người Pharisiêu làm gì cũng muốn phô trương, muốn tỏ ra mình đạo đức, họ đeo lề luật trên trán, trên tay. Đeo rồi sợ người khác không nhìn thấy, họ phải đeo những hộp kinh thật lớn, may những tua áo thật dài để cho mọi người biết họ yêu mến lề luật, giữ đạo cặn kẽ. Thói phô trương biến thành tự phụ, tự mãn, hợm hĩnh. Cho nên những người Pharisiêu luôn ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, ưa được chào hỏi nơi công cộng.

Khi phê phán người Pharisiêu, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ hãy thực hành đạo trong kín đáo: Khi làm việc lành phúc đức, anh em chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí đừng để tay trái biết việc tay phải làm (Mt 6,3). Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo.(Mt 6,6) (x. Chia sẻ Tin Mừng năm A, ĐGM Giuse Ngô Quang Kiệt).

Âm thầm làm việc đạo đức là dấu chỉ lòng mến Chúa chân thực. Lòng mến chân thực dẫn đến thái độ khiêm tốn, biết kính trọng ngươi khác, biết luôn phục vụ anh em.

Lời chỉ dẫn trên đây của Đức Giêsu giúp chúng ta sống chân thành và khiêm tốn. Người chân thành khiêm tốn chỉ sống những gì họ nói và chỉ nói những gì họlàm. Người chân thành khiêm tốn không nói láo, không giả hình, không tự cao cho mình hơn kẻ khác, không phê bình, chỉ trích.

Ưng xử trong các mối quan hệ phải chân thành. Còn gì thất vọng cho bằng khi thấy những cử chỉ, thái độ, lời nói có vẻ lịch sự, bác ái nhưng thực tế lại giả tạo, xã giao miễn cưỡng, một thứ nguỵ tạo giả hình. Trước mặt thì niềm nở sau lưng thì phá ngầm, nói hành nói xấu, gièm pha. Lối sống của Pharisêu vẫn còn nhiều lắm trong đời sống thực tế hàng ngày. Sự giả hình, giả dối đã thành ra như thông lệ, từ lãnh vực tình yêu đến lãnh vực văn hoá, kinh tế, tôn giáo, chính trị, người ta vẫn thường dùng cái bên ngoài mà lừa đảo nhau. Vì vậy cần phải sống chân thành, tín nhiệm, tin tưởng nhau.

Kinh nghiệm cho thấy một người không chân thành thì khó được tín nhiệm “một lần bất tín, vạn sự bất tin”.

Trong bài đọc 1, Tiên tri Malakhi trách mắng nghiêm khắc những tư tế Do Thái làm việc cẩu thả, biếng nhác và giả dối trong khi thi hành tác vụ của mình. Sau khi đi lưu đày về, đền thờ đã được tái thiết, nền phụng tự đã được thiết lập lại, nhưng sự nhiệt thành của những ngày đầu tiên đã bị biến mất. Nhiều tư tế không còn lưu tâm đến trách nhiệm của mình, bỏ bê công việc tôn vinh danh Chúa, làm gương mù gương xấu khiến cho nhiều người đi sai đường lối Chúa và hủy bỏ giao ước. Họ không còn được dân chúng tín nhiệm vì họ không chân thành trong sứ vụ hàng ngày của mình.

Thánh Phaolô trong bài đọc 2 nhắc lại với giáo đoàn Thessalonica tình yêu vô vị lợi, tình yêu dâng hiến mà ngài đã ân cần dành cho họ, như một người mẹ dành cho con cái mình. Ngài đã giảng dạy lời Chúa cho họ; họ đã đền đáp ngài cũng tràn đầy tình yêu. Thánh Phaolô sống chân thành với cộng đoàn, ngài đã không ngần ngại và vui mừng được trao ban cho họ chính cả mạng sống của mình. Đáp lại, mọi người đã sống trung thành với Lời Chúa. Lời Chúa đã phát huy tác dụng nơi cộng đoàn này, đã sinh hoa trái tốt đẹp nơi cuộc sống của mỗi người.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống chân thành với chính mình, với người khác, với Thiên Chúa. Tư tưởng đi đôi với lời nói. Lời nói đi đôi với việc làm. Cả ba lãnh vực tư tưởng, lời nói, việc làm đều phải diễn tả sự trung thực và chân thành. Như bông hoa thật đẹp đầy màu sắc toả hương thơm, những người chân thành khiêm nhường toả hương thơm qua việc làm. Những điều mà các vị ngôn sứ vĩ đại đã nói ra thường hay bị lãng quên, nhưng những hành động mà các vị Thánh nhân, anh hùng thực hiện luôn được hậu thế ghi nhớ mãi.
 
Lời mặn nồng yêu thương
Tuyết Mai
02:15 31/10/2008
Lời Mặn Nồng Yêu Thương

Khi ấy, (Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng:) "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa". (Ga 17, 24-26)

Ôi! lời cầu nguyện của Chúa Giêsu nghe như lời ru của một người mẹ hiền yêu thương đàn con của mình đến tận cùng, sợ chúng bơ vơ, sợ chúng tản mác mỗi đứa một phương trời, không định hướng. Nên Chúa Giêsu đã khẩn nài van xin cùng Người Cha Chí ái, chí thánh, chí tình của mình, ban cho tất cả những ai đi theo Ngài thì cũng được luôn ở với Ngài mãi mãi. Tình đời của con người có phải Chúa hằng ban cho một tình yêu rất sung mãn, rất mạnh, và rất can đảm, khi ta tỏ bày tình yêu của mình cho người mình yêu. Cũng y như Chúa Giêsu vậy! Khi yêu thì dám hy sinh chết cho người mình yêu được sống và thường thì sự hy sinh đó được đánh đổi cho một lý tưởng cao cả và vĩ đại. Lý tưởng ấy không khác với Chúa Giêsu là vì Ngài "Yêu" nhiều.

Tình yêu được tỏ bày một cách rất tự nhiên là thích và luôn muốn được gần nhau. Tình yêu thì phải có sự chia sẻ, lo lắng cho nhau, và nhất là mong muốn cho người mình yêu luôn được vui vẻ và bình an. Nhất nhất mọi suy tư và mọi suy nghĩ ta đều hướng về người mình yêu. Đôi khi phải xa nhau một thời gian ngắn thì nhớ nhau vô cùng. Bằng mọi cách ta phải liên lạc được với người mình yêu. Cái thuở xa xưa thì ta nhờ chim bồ câu giao thư dùm. Từ từ những cánh thơ xanh được gởi trao cho nhau qua bưu điện. Rồi thời bây giờ thì qua email và cell phone.

Tình yêu gia đình:

Giữa cha mẹ và con cái luôn là sợi dây ràng buộc cách thiêng liêng, không thể nào xa cách nhau được. Cha mẹ thì luôn muốn được gần gũi với con cái để mong chúng được an bình và được chở che. Nếu chúng bắt buộc phải đi đâu xa thì lúc nào cha mẹ cũng canh cánh lo sợ, không biết chúng ra sao!? Ăn đâu, ngủ đâu, và ở đâu? Chúng có đi xa thì vali của chúng luôn được cha mẹ chứa đựng, nhét vào, hay nén thêm, những đồ dùng mà có thể chúng sẽ không bao giờ cần dùng đến, và không nghĩ rằng làm sao chúng xách cho nổi ngần ấy cái vali? Dẫu không gần chúng được thì cha mẹ luôn chạy đến dưới chân Chúa và Đức Mẹ để xin gìn giữ chúng luôn được bình an cho đến ngày chúng trở về.

Con cái cũng vậy! Không gì sung sướng và hạnh phúc cho bằng là chúng được sống dưới một mái nhà mà có đủ cả cha lẫn mẹ. Mẹ thì luôn nuông chìu con cái và hay nhẹ nhàng dịu êm. Ít khi nào bị mẹ la rầy hay cho ăn đòn. Thèm ăn gì thì chỉ cần nói một tiếng là ngày mai mẹ nấu liền cho mà ăn. Còn nhỏ thì làm nũng mỗi khi đau đớn hay bị người ngoài ăn hiếp. Còn lớn khôn thì luôn chạy đến mẹ để mong mẹ dậy cho những chuyện khôn ở đời. Mẹ dậy cho từ nhỏ đã biết đọc kinh, kính sợ Thiên Chúa, giữ mình, giữ linh hồn, và làm sao để được lên Thiên Đàng.

Người cha trong gia đình thì luôn cứng rắn và nghiêm nghị hơn, thường thì khi hư hỏng mẹ sẽ là người đến nói với cha để răn dậy đàn con ngỗ nghịch phá làng phá xóm, hay làm biếng học để cô giáo phải máng vốn, hay vào nhà thờ mà ngủ gà ngủ gật thì sẽ bị ký đầu ngay, nhưng cha là nguồn hạnh phúc của mẹ. Cha biết làm cho mẹ vui thì mẹ cũng sẽ là trung tâm cho cả nhà được vui. Ấy, có phải là đạo luật thiên nhiên mà Thiên Chúa ban cho một gia đình như gia đình Thánh Gia trước đây!?

Tình yêu bằng hữu:

Tuy dù tình cảm giữa hai người bạn với nhau không có sợi dây thiêng liêng ràng buộc nhưng không phải hai người bạn thân hay nhiều bạn thân lại yêu thương nhau kém hơn là tình yêu gia đình!? Vâng, thưa có khác chút đỉnh là có thể giữa bạn bè không cần phải có trách nhiệm hay bổn phận cho nhau, nhưng vẫn phải đòi hỏi là cần phải có hy sinh lẫn cho nhau. Có nghĩa là đôi khi ta phải biết nhường nhịn, phải biết tình trạng sống của nhau để mà thông cảm. Không phải anh giầu rồi thì anh khi dể tôi. Hay không phải anh nghèo rồi thì anh lợi dụng tôi. Tình bằng hữu rất quý giá và trân trọng khi ta có cùng một lý tưởng và cùng một tầm nhìn về tất cả mọi lãnh vực để được chia sẻ cho nhau trong cuộc sống. Ở đời quý nhất là ta có được tình bạn. Có những cái thật tế nhị trong cuộc sống gia đình mà ta không thể nào thảo luận hay thông cảm nhau cho được mà ta chỉ có thể tìm được nguồn an ủi hay những lời khuyên thật hữu ích nơi người bạn thân của mình được thôi! Cảm tạ Chúa ban cho chúng con có được những người bạn chí thân.

Tình yêu đôi lứa:

Có phải bao nhiêu nghìn năm trôi qua, tình cảm đôi lứa vẫn mãi muôn đời là những mối tình được dệt bằng thơ? Được dệt bằng nước mắt? Được dệt bằng muôn nghìn lời lẽ trữ tình và nên thơ qua biết bao nhiêu bản nhạc, và bao nhiêu phim ảnh, còn để lại cho đến ngày nay. Yêu nhau thì thề non hẹn biển. Yêu nhau thì ngày ngày đón đợi nhau. Yêu nhau thì dối cha dối mẹ, qua cầu gió bay. Yêu nhau thì. ... áo anh sứt chỉ đường tà vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu. ... áo anh sứt chỉ đã lâu mai mượn cô ấy về khâu cho cùng. ... khâu rồi anh sẽ trả công. ... Yêu nhau thì. ... ban ngày thì mắc cở, tối ở quên dzìa. ... Yêu nhau thì ngày đọc kinh, đêm nguyện cầu. Cầu cho đôi lứa sống đời bên nhau. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con tình yêu nguyên thủy của Adam và Eva để chúng con yêu thương nhau và tạo thành một mái ấm gia đình.

Tình yêu đồng loại:

Tình yêu đồng loại cũng mạnh mẽ vô cùng khi Chúa Thánh Thần đánh động trái tim mềm mại và luôn xót thương của ta. Khi chưa có thần khí của Chúa Thánh Thần ban cho thì trái tim thịt hay chết này cũng vẫn trơ trơ chai đá khi đứng trước tình cảnh đáng thương của biết bao anh chị em sống chung quanh mình. Có thể nói rằng trái tim khi chưa được ơn của Chúa thì chúng chẳng khác nào một tảng băng đá lạnh cóng không một chút xót thương hay cảm giác nào. Ta có thể chửi rủa, khinh khi, đuổi xua người anh chị em bất hạnh của mình, mà không một mảy may cảm thấy gì cả! Cho đến một ngày. ... như Thánh Phaolô xưa đã được Chúa gọi trở lại, trên con đường ông đi bắt bớ người anh chị em không cùng tôn giáo với mình mà ông luôn thù ghét. Sau khi ông được Chúa biến đổi và thần khí Chúa Thánh Thần ở trong ông thì những gì trước kia ông thù ghét thì nay ông lại say mê vô cùng. Ông yêu vô cùng những người trước kia ông từng tìm bắt để giết đi. Bởi khi con người có được tình yêu thì không bao giờ họ lại muốn được hết yêu. Có phải đó là định luật thiên nhiên mà chỉ có Chúa ban cho nếu tất cả chúng ta thật lòng và nếu chúng ta tha thiết nài xin để tình yêu trong ta không bao giờ bị tắt ngúm.

Vì có phải con người có tình yêu thì luôn được Chúa ở bên, ở cạnh, ở cùng, và ở trong chúng ta hay không? Và linh hồn của chúng ta khi lìa cõi thế cũng sẽ chắc chắn được lên Thiên Đàng và ở cùng Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Maria, các Thiên Thần, các Thánh, và cùng cả Triều Thần Thiên Quốc, mãi mãi đến muôn thuở muôn đời sau, Amen.
 
Tại soa lần hạt Mân Côi
Duy Trà Phạm Cảnh Đăng
02:39 31/10/2008
TẠI SAO LẦN HẠT MÂN CÔI

Trong giây phút thanh vắng này, bên chân Mẹ đây, chúng ta cùng nhau tìm lại những lý do: “ tại sao tôi phải lần hạt Mân côi”, để rồi xác tín và sống trọn vẹn với chuỗi Mân côi hơn.

Trước hết: lần hạt Mân côi là một mệnh lệnh.

Theo dòng lịch sử, chuỗi Mân côi đã được các cha dòng Đa Minh truyền bá từ thế kỷ 15, nhất là sau khi, nhờ Tràng chuỗi Mân côi, mà hạm đội Công giáo đã chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ ở vịnh Lépanté, ngày 7-10-1571.

Và để khẳng định Hồng ân tuyệt vời của chuỗi Mân côi, chính Mẹ Maria đã hiện ra tại Fatima vào năm 1917 và công bố: “Các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi”. Đó là mệnh lệnh Fatima.

Và suốt trong dòng lịch sử Giáo Hội, tất cả các Đức Giáo Hoàng đều nhắc nhở, khuyên bảo, truyền dạy mọi Kitô hữu phải sống với tràng hạt Mân Côi.

Đức Giáo Hoàng Pio X đã nói: “ Nếu chúng con muốn gia đình bình an, hoà thuận thì hãy đọc kinh Mân Côi”.

Đức Giáo hoàng Pio XI lại khuyên: “ Ta khuyến khích các bậc cha mẹ hãy ghi sâu vào tâm trí con cái mình thói quen lần hạt” và Ngài còn xác quyết: “chính ta không bỏ ngày nào mà không lần chuỗi”.

Còn Đức Giáo Hoàng Pio XII thì dạy: “cảnh tượng nào êm dịu và đẹp lòng Chúa, cho bằng cảnh tượng gia đình mỗi khi chiều buông, vang dội lên những lời kinh ca ngợi Nữ Vương Mân Côi, Nữ Vương Trời đất uy quyền”, Ngài còn nói thêm: “bao giờ Giáo Hoàng ta chưa lần hạt Mân Côi, thì một ngày của ta chưa chấm dứt”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II thì nói: “kinh Mân Côi là lời cầu nguyện mà tôi thích nhất, đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đon giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lặp lai nhiều lần những lời mà Đức Trinh nữ đã nghe Tổng lãnh Thiên Thần và người chị họ Elizabeth nói với Ngài”.

Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã lập ra 1 “năm Mân côi”, năm 2003, để nhắc nhở, cỗ vũ tín hữu trên toàn Thế giới hãy siêng năng lần hạt Mân côi trong cuộc sống của mình. Vì theo Ngài: “ kinh Mân côi sẽ tán trợ việc thánh hoá các linh hồn”. Ngài cũng đặc biệt mời gọi và khẳng định với chúng ta: “các con hãy siêng năng lần hạt Mân côi, vì càng sống các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, cùng với Mẹ Maria, càng làm cho chúng ta gần Đức Kitô hơn”.

Thứ hai: Kinh Mân Côi là lời kinh tuyệt vời.

Tất cả mọi người -ai cũng công nhận- kinh Mân Côi tuy rất đơn sơ, mộc mạc nhưng lại vô cùng thâm uyên và sâu sắc, vì đó là lời kinh do chính Thiên Chúa, các sứ thần và Mẹ Maria lập nên. Kinh Mân côi - gồm có kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh- là lời cầu nguyện rất có thế giá trước mặt Chúa, vì miệng đọc, tay lần hạt, trí lòng suy gẫm các biến cố trong cuộc đời tại thế của Đức Giêsu và Mẹ Ngài. Một cuộc đời với 5 niềm vui nho nhỏ, âm thầm, đi trước 5 biến cố đau thương tột đỉnh, và vinh quang mừng vui cũng chỉ đến sau Núi Sọ. Tràng chuỗi Mân côi càng thêm phong phú huyền nhiệm khi được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gắn thêm 5 bông hồng mầu nhiệm sự sáng. Năm mầu nhiệm này giúp chúng ta đào sâu lòng tin vào Đấng Cứu độ nhân loai, từ những ngày đầu chịu phép rửa ở sông Giócđan, đến biến nước thành rượu ngon ỏ tiệc cưới Cana, sau đó đi rao giảng Tin Mừng và sự sám hối, rồi biền hình trên núi Tabo, cuối cùng là lập ra bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta.

Kinh Mân côi quả là gia tài Thánh của chúng ta. Chúng ta có thể đọc ở đâu cũng được, lúc nào cũng được và bất cứ ai cũng đọc được.

Thứ ba: Kinh Mân Côi là một Hồng ân cao cả.

Hồng ân Chúa, qua tay Mẹ, đã tuôn xuống dồi dào cho những ai biết siêng năng lần hạt Mân côi: ơn phần hồn, ơn phần xác. Có biết bao điều phi thường đã được Mẹ Mân côi cứu giúp, thực hiện nơi con cái Mẹ.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ. Vào lúc 5h chiều thứ tư, ngày 13-5-1981 tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Roma, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bị tên sát nhân, Thỗ Nhĩ Kỳ, tên Ali Agca, đứng cách Ngài khoảng 20 bước chân, đã dùng súng máy tự động ám sát Ngài. Nhưng lạ thay, viên đạn xuyên qua bụng mà không vào bất kỳ một cơ quan quan trọng nào, nó chỉ sém bên động mạch chủ ở bụng, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thoát chết.

Sau đó Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tin tưởng mãnh liệt đó là phép lạ của Mẹ Maria ban cho Ngài, vì Ngài luôn luôn lần hạt Mân côi. Ngài nói: “ một người nổ súng, và một người khác dẫn đường đi của viên đạn”. Ngài đã đem viên đạn xuyên qua bụng Ngài, gắn vào chiếc Vương miện bằng vàng, và đem đội lên đầu bức tượng Mẹ ở đền Fatima, để tôn vinh Mẹ.

Một ơn lạ khác mà Cha Albert Pfleger kể rằng:

Tại khu vực ngoại ô ở Tokyo- Nhật bản, có 1 khu tế bần, gần cả ngàn người già cô độc, không gia cư, không con cái sống ở đó. Một đêm nọ, khoảng 2 giờ sáng, điện thoại phòng Ngài reo vang. Nguời ta báo có một cụ già đang hấp hối, xin được gặp Linh mục Công giáo. Cha đến nơi và biết rằng: lúc còn trẻ, bà ta vào học tại một trường Công giáo trong 3 năm. Và năm 17 tuổi bà trở lại đạo, đã được rửa tội và rước lễ. Nhưng sau đó, do sự ép buộc của gia đình bà phải lấy chồng; chồng bà là 1 nhà sư Phật giáo, trụ trì một ngôi Chùa tại một vùng núi xa xôi. Ở đấy bà có 8 người con, nhưng rồi những đứa con của bà cũng lần lượt qua đời. Cách đây 10 năm, chồng bà cũng qua đời. Thế là có một nhà sư khác đến thay thế,bà phải rời khỏi Chùa và sống vô gia cư, không nơi nương tựa.

Cha Albert hỏi bà: “Trong suốt những năm tháng qua,bà có nhớ đến Chúa không?” bà nhìn Cha và khó nhọc đưa cánh tay phải lần vào thắt lưng và rút ra 1 trang chuỗi Mân côi cũ kỷ và nói: “ Trong suốt những năm tháng qua, không có ngày nào là con không lần chuỗi, có ngày nhiều lần. Con lần chuỗi lúc rãnh rỗi, cả khi làm việc. Con luôn luôn có tràng chuỗi trong tay hay trong túi, và con cũng luôn cầu xin cùng Mẹ là trước khi con chết, cho con được 1 lần gặp 1 Linh mục Công giáo, để con xưng tội và rước lễ. Hôm nay Mẹ đã nhậm lời con”.

Ôi biết bao Hồng ân, phần hồn, phần xác, mà Mẹ đã ban cho những ai siêng năng lần chuỗi Mân côi. Chúng ta không sao kể hêt được.

Giờ đây, mọi người chúng ta hãy sốt sắng dâng lên Mẹ tràng chuỗi Mân côi với suy niệm 5 sự Mừng, để xin Mẹ ban mọi ơn lành hồn xác cho chúng ta, và đưa nhiều người đến với Chúa qua tay Mẹ.

(Lễ bế mạc tháng Mân Côi tại GX Thanh Đức, ngày 31 tháng 10 năm 2008)
 
Lễ các Linh hồn: cầu cho Cha Chẹ và cho chính bản thân ta
Anmai, CSsR
09:12 31/10/2008
CẦU CHO CÁC ĐẲNG:
CẦU CHO CHA, CẦU CHO MẸ, CẦU CHO CHÍNH BẢN THÂN TA


Hội thánh có 3 trạng thái: Vinh Hiển – Thanh Luyện và Lữ Hành. Sau khi tuyên xưng “Hội Thánh Công Giáo”, kinh tin kính các tông đồ còn thêm “các thánh hiệp thông”. “Hội Thánh là gì, nếu không phải là cộng đoàn tất cả các thánh ?”. Hội Thánh chính là mầu nhiệm các thánh hiệp thông. Chúng ta, tất cả mọi người tuỳ theo mức độ của mình đều hiệp thông trong tình Chúa – tình người. Vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và sở hữu Thánh Thần Người, đều hợp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Đức Kitô.

Hội Thánh Vinh Hiển là các Thánh đã sống trọn vẹn tình Chúa – tình người và ngày nay được hưởng Nhan Thánh Chúa trên Thiên quốc mà Chúa đã hứa dành cho những người có tinh thần nghèo khó, bị bách hại, có tâm hồn trong sạch … Hội Thánh Thanh Luyện có thể nói là những người sống trong cuộc đời nhưng còn khiếm khuyết một chút gì đó về tình Chúa – tình người để rồi cần phải có một thời gian thanh luyện mới được hưởng Nhan Thánh của Ngài. Hội Thánh Lữ Hành là gồm tất cả mọi người chúng ta còn đang sống, còn đang trong hành trình tiến về nhà Cha.

Dẫu là 3 đấy nhưng 3 vẫn hướng về nhau và vẫn hiệp thông với nhau. Hội Thánh Vinh Hiển cầu bầu cho Hội Thánh Thanh Luyện và Hội Thánh Lữ Hành, Hội Thánh Lữ Hành chiêm ngưỡng, noi theo gương lành, nhờ Hội Thánh Vinh Hiển cầu thay nguyện giúp cho mình và Hội Thánh Lữ Hành làm những việc lành phúc đức, cầu nguyện cho Hội Thánh Thanh Luyện. Hội Thánh Thanh Luyện thì lại nại đến lời chuyển cầu của Hội Thánh Lữ Hành và Hội Thánh Vinh Hiển.

Trong suốt năm Phụng vụ, nhiều và rất nhiều dịp để Hội Thánh Lữ Hành mừng kính các vị trong Hội Thánh Vinh Hiển. Cách riêng, trong tháng 11 này, Hội Thánh dành riêng và mời gọi con cái mình chuyên tâm, chú ý hơn nữa để cầu nguyện cho Hội Thánh Thanh Luyện. Cầu cho Hội Thánh Thanh Luyện để cầu mong ngày sống lại, tất cả mọi người được hưởng Nhan Thánh Chúa. Như trong Kinh Tin Kính chúng ta vẫn thường tuyên xưng: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và vì vậy những người đang trong cõi Thanh Luyện cũng như chúng ta những người đang còn sống, một ngày nào đó cũng ra đi và mong cũng như tin xác loài người ngày sau sống lại.

Khi đề cập đến sự sống lại của con người sau khi chết, chúng ta cũng cần phải sẵn sàng nhìn nhận rằng đây không phải là một vấn đề luôn luôn được mọi người hay tôn giáo xác tín. Không chỉ ngày nay, nhưng ngay từ xa xưa cũng đã thế. Sách Công Vụ Tông Đồ đã tường trình cho thấy rằng sau khi thánh Phaolô đến rao giảng Tin mừng cho thành A-then, thủ đô của đế quốc văn minh Hy Lạp lúc bấy giờ, ông đã được cả những nhà trí thức, các học giả và các triết gia thích thú lắng nghe. Nhưng khi Phaolô đề cập đến việc kẻ chết sống lại, thì ai nấy đều nhạo cười ông và bỏ ra về với lời mỉa mai: “Thôi, để lần khác chúng tôi lại nghe ông luận bàn về điều đó” (Cv 17,18-32). Nhưng không chỉ dân ngoại mới có phản ứng tiêu cực như thế, ngay cả trong Do thái giáo cũng không phải mọi tín hữu cũng đều tin có sự sống lại. Ví dụ: Phái Xa đốc trong Do thái giáo hoàn toàn phủ nhận sự sống lại của con người sau khi chết. Chính họ đã đến tranh biện với Đức Giêsu và vặn hỏi Người về điều đó.

Vì thế, chúng ta có thể nói được rằng niềm tin vào sự sông lại là một đặc điểm rõ ràng nhất của Kitô giáo, vì đã được chính Đức Kitô chuẩn nhận, và chính Người cũng là Người đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Tuy nhiên, niềm tin vào sự sống lại không phải là khám phá mới của Kitô giáo mà niềm tin vào sự sống lại thực sự đã xác định trong Cựu Ước. Ngôn sứ Isaia đã đề cập: “Các vong nhân của Người sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên. Nay những kẻ nằm trong bụi đất, hãy chỗi dậy, hãy reo mừng !” (Is 26,19). Còn tác giả các Thánh Vịnh dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần đã viết: “Thiên Chúa sẽ chuộc mạng sống tôi ra khỏi âm phủ, vâng, Người tiếp nhận tôi” (Tv 49, 16). Đặc biệt nhất, trong sách Đaniel, chúng ta còn đọc thấy lời khẳng định: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đnl 12, 2).

Qua đó, chúng ta thấy rằng có một sự liên hệ rõ ràng giữa sự sống lại của các kẻ chết và việcc xét xử phúc tội của họ. Đây là điều đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thần học và tu đức Kitô giáo.

Nhất là trong công cuộc rao giảng Tin mừng và các giáo huấn của Đức Giêsu cũng chứa đựng những mạc khải về sự sống lại của những kẻ đã chết. Đặc biệt nhất là trong cuộc đối thoại với phái Sa đốc, Đức Giêsu đã làm nổi bật vấn đề sống lại của các kẻ đã qua đời. Và cao điểm của cuộc đối thoại đó, là những lời khẳng định của Người: “Thiên Chúa không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng là Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.

Còn chính niềm hy vọng sống lại của Đức Giêsu đã được bày tỏ trước hết qua những lời loan báo rằng Người, với tư cách là Con Người, sẽ phải chịu khổ hình nhưng “ngày thứ ba” Người sẽ được chỗi dậy từ kẻ chết. Và chắc chắn rằng Đức Giêsu cũng đã biết mình sẽ sống lại ngay sau khi chết. Một dẫn chứng cụ thể để minh chứng điều đó là lời Người hứa cùng một trong hai tên trộm đã chịu đóng đinh với Người, khi tên này thành khẩn xin cùng Người: “Lạy Đức Giêsu, khi nào Ngài về trong Nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng !” (Lc 23, 42). Và Người đã trả lời cho tên trộm: “Ngày hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).

Đức tin dạy cho chúng ta rằng Đức Giêsu Phục Sinh luôn hoạt động dưới một cách thức mới và Người hiển trị trên toàn thể mọi tạo vật, nhưng Người không hoạt động và hiển trị một mình. Những ai đã được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Trời đều cùng đồng hiển trị với Đức Kitô (Mt 19, 28). Như vậy, qua đức tin, chúng ta cũng biết được rằng - bằng một cách thức đặc biệt – chúng ta luôn liên kết với những anh chị em đang được vui hưởng hạnh phúc Thiên Đàng, như chúng ta hằng liên kết gắn bó với Đức Giêsu vậy.

Mỗi người chúng ta, sinh ra làm người đều mang trong mình những mối tương quan: nào là ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, cô dì chú bác … Là kitô hữu, chúng ta lại có thêm mối tương quan với các tín hữu đang hưởng Nhan Thánh Chúa cũng như có mối tương quan với những tín hữu đang ở trong thời gian Thanh Luyện.

Đặc biệt, ngày hôm nay, Giáo Hội - mỗi người chúng ta – nhớ đến những người đã khuất. Những người đã khuất đó có thể là ông, là bà, là cha, là mẹ, là anh chị em ruột thịt cũng như chỉ là họ hàng, thân hữu và có cả những linh hồn mồ côi.

Dẫu là ai đi chăng nữa, cũng không thể nào thoát khỏi cái ngày phán xét chung cục. Ngày phán xét chung cục được Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta trong trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe đấy: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái”.

Phải nói rằng trang Tin mừng này quá quen thuộc với chúng ta đến đỗi có thể trong chúng ta có những người thuộc nằm lòng. Nhất là các em thiếu nhi, trang Tin mừng này quá quen thuộc với các em khi nói về ngày cánh chung, ngày chung tận. Hồi còn nhỏ, tôi nhớ có trò chơi: “Thiên Đàng - Địa Ngục hai bên, hai bên ai dại thời khôn. Thiên Đàng có Chúa có Cha, phải lo phải giữ để lên Thiên Đàng”. Trò chơi từ những ngày còn thơ ấu đấy đã để lại trong suy nghĩ của tôi hình ảnh một Thiên Đàng trong đó có Thiên Chúa và làm sao ta phải sống để đạt được Thiên Đàng mà ở đó có Chúa còn nếu không thì phải vào địa ngục thì thật là khổ.

Trang Tin mừng hôm nay đã vẽ lên cho mỗi người chúng ta viễn cảnh của ngày phán xét và rõ ràng có hai lớp người hẳn hoi. Người tốt thì được Thiên Chúa là Cha chúc phúc còn những người xấu thì bị nguyền rủa. Cả hai lớp người trong ngày phán xét đều ngạc nhiên trước lời phán xét của Chúa nhưng rồi Chúa bảo cho ca hai rằng khi họ làm cho những người bé mọn chính là họ làm cho chính Chúa vậy.

Vấn đề nằm ở chỗ này, đó chính là những người bé mọn chứ không phải là những người tai to mặt lớn ! Và đa số con người dễ bị rơi vào cái hoàn cảnh phải nói là éo le cay nghiệt này bởi vì khi sống thì quả thật ít ai chịu quan tâm đến những con người nghèo, những con người bị bỏ rơi nhưng lại quan tâm đến những người có chức có quyền hay là những người có thể mang lại nguồn lợi cho mình.

Mới đây, chúng ta cảm thấy quá buồn cười khi người ta đưa ra văn bản là những người thiếu chiều cao, thiếu vòng ngực và thiếu cân nặng thì không được điều khiển xe máy !? Thật sự mà nói thì họ là những người kém may mắn hơn chúng ta, thật sự họ là những người thấp cổ bé họng, thật sự họ là người chịu nhiều thiệt thòi hơn những người chúng ta. Là những người may mắn hơn họ, lẽ ra những người may mắn ấy phải ưu đãi, phải dành một số ưu tiên cho những người bất hạnh đấy nhưng rồi họ đã quyết định ngược lại.

Thế nhưng, đây chẳng là vấn đề gì cả vì đây là văn bản, là quy định của đất nước, của quê hương mà đất nước quê hương này chỉ là tạm bợ mà thôi. Và điểm này thôi, chúng ta thấy quê hương trần gian này ngược hẳn với Nước Trời. Trần gian có vẻ như khước từ những kẻ thấp cổ bé miệng, những người nghèo, những người bị đẩy ra bên lề. Thế nhưng, là con cái của Chúa, là công dân Nước Trời, chúng ta hoàn toàn bình an, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tình thương của Chúa. Thấp cổ bé họng, nghèo, bị bỏ rơi, bị bách hại, bị vu khống, bị thoá mạ như Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, như các Cha dám đứng ra bảo vệ công lý và sự thật đi chăng nữa cũng chẳng là vấn đề gì cả. Vì lẽ giữa cuộc đời này, chuyện quan trọng, chuyện căn cốt không phải là thành công hay thất bại, không phải là được vênh vang hay bị nhục mạ nhưng chuyện căn cốt đó là có được Thiên Chúa cứu hay là không cứu mà thôi.

Chúng ta nhớ lại lời Thánh Vịnh 24 mà chúng ta vẫn thường nghe, đọc và hát: “Này là dòng dõi những người tìm Chúa. Đây là những người mong bệ kiến Người. Một đời lòng ngay không hề gian dối. Giữa bao hận thù luôn sống mến yêu. Ai được lên núi Chúa ? Ai được ở trong đền Thánh của Người ? Đó là những kẻ có lòng ngay, không mê theo ngẫu tượng, không hề, thề dối thề gian” (Tv 24, 2-6)

Vâng ! Vậy là chuẩn được lên núi Chúa đó là mỗi người chúng ta phải có lòng ngay, không mê theo ngẫu tượng và không được thề dối thề gian !

Vậy thì Hội Thánh Vinh Hiển là những người đã sống như lời Thánh Vịnh 24 đã nói. Những người đang ở trong Hội Thánh Thanh Luyện là những người đang còn vướng bận, đang còn khiếm khuyết điều nào đó để rồi đang còn phải chờ và chúng ta là những người còn đang sống, những người đang còn cơ hội thì chúng ta cầu nguyện cho những người đang còn chờ để thanh luyện ấy.

Cầu nguyện cho họ và cũng là cơ hội, cũng là dịp để cầu nguyện cho mỗi người chúng ta. Chúng ta cần phải xác định lại với nhau rằng quê hương chúng ta đích thực ở đâu ? Nếu quê hương là trần gian này thì cứ sống tự do, cứ sống thoải mái chẳng cần tin ai cả, cũng chẳng cần tin Chúa và cũng chẳng tin vào đời sau làm gì. Còn nếu, còn nếu chúng ta tin rằng quê hương chúng ta ở trên trời như Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Quê hương chúng ta ở trên trời. Vậy tôi xin anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”.

Nếu quê hương chúng ta ở trên trời thì tháng kính nhớ các Đẳng linh hồn - Hội Thánh Thanh Luyện cũng là tháng mà chúng ta nhớ đến phận người của chúng ta để rồi chúng ta cố gắng cân chỉnh, cố gắng sữa chữa những khiếm khuyết của mình để ngày sau chúng ta cùng được hưởng Nhan Thánh Chúa cùng với Hội Thánh Vinh Hiển.

Và thêm nữa. Bên Phật Giáo, họ dành tháng 7 là tháng Vu Lan để tỏ lòng báo hiếu. Người ta vẫn thường nói mùa Vu Lan là mùa báo hiếu vậy thì tháng 11 này với kitô hữu chúng ta cũng là mùa báo hiếu. Mùa này là cơ hội để chúng ta nhìn lại những đấng bậc sinh thành của chúng ta, những người còn sống cũng như những người đã khuất.

Chắc hẳn rằng chúng ta, không phải từ lỗ nẻ mà chui lên nhưng chúng ta ai ai cũng có cha và có mẹ cả. Phúc thay những ai đang còn bóng cha, Diễm thay cho những ai còn hình mẹ.

Thi thoảng, mở CD để Gia Ân trải lòng của người con về cha và mẹ mình:

“Con cứ ngỡ rằng núi Thái Sơn không bao giờ ngã xuống
Con cứ ngỡ rằng bàn tay Cha mãi mãi bên con
Nhưng hôm nay bóng dáng Cha đã khuất xa rồi
Núi Thái Sơn ngã bóng cuối trời
Con ở lại với nỗi đơn côi
Gọi thầm tên Cha: Cha ơi Cha hỡi !
Con cứ ngỡ rằng núi đá kia muôn đời đứng vững
Con cứ ngỡ rằng rồi mai đây được báo hiếu công ơn
Nhưng hôm nay tấm thân cha về với cát bụi
Núi Thái Sơn chìm giữa biển đời
Có dòng lệ thấm xuống đại dương
Nhưng hôm nay tấm thân Cha về với cát bụi
Núi Thái Sơn tìm đến cội nguồn
Có dòng lệ thấm xuống hồn con.”

Và với người Mẹ thì:

“Mẹ đã đi rồi lòng con thương nhớ khôn nguôi
Mẹ đã đi rồi con không còn gọi tiếng: Mẹ ơi !
Từng bữa cơm ngon không còn có Mẹ
Rồi lúc đi xa quay về mái nhà
Con chẳng còn thấy Mẹ đợi con
Con vẫn biết Mẹ đã đi rồi
Mẹ đi về cùng Chúa tình thương
nơi Mẹ hằng khao khát chờ mong
mà lệ buồn sao cứ tuôn
Con vẫn biết Mẹ đã đi rồi
Nơi cõi trời là bến bờ vui
Con với Mẹ rồi sẽ đoan khiên
mà lòng con sao vẫn nghẹn ngào.
Mẹ đã đi rồi, buồn đau giây phút chia ly
Mẹ đã đi rồi cho đôi dòng lệ đắm bờ mi
Mẹ đã ra đi đi về Nước Trời
là chính quê hương Mẹ hằng trông đợi
Suốt một đời vững dạ đợi trông”.

Cũng trong tâm tình ấy. Linh mục Lê Quang Uy nhắc nhớ chúng ta rằng: “Giả như khi tôi mất, một người bạn thân tình, thì quanh tôi vẫn có thật nhiều bạn dễ thương nhưng khi cha tôi mất hoặc mẹ đã khuất xa ôi sao bơ vơ quá ! Biết tìm đâu Mẹ Cha. Vì Mẹ Cha tôi đó một đời sống cho tôi, một đời dưỡng nuôi tôi là phúc đức ơn trời để cho tôi làm người !”.

Vâng ! Những ai không còn cha mẹ hãy xin lễ, hãy đọc kinh, hãy cầu nguyện cho cha mẹ mình mau được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Và, những ai đang hạnh phúc còn cha còn mẹ hãy làm điều gì đó nhỏ bé hết sức có thể để báo hiếu cho Cha Mẹ mình.

Tất cả ấy cũng là biểu lộ lòng tin, lòng mến của người Công Giáo.

Nguyện xin Chúa là Chúa của kẻ chết và kẻ sống thương đến những người thân yêu của chúng ta đã khuất. Xin thương tha mọi hình phạt cho những người ấy và mở lòng cho những người ấy được vào hưởng Nhan Thánh Chúa.

Nguyện xin Chúa là Chúa của kẻ chết và kẻ sống thương đến thân phận mỏng dòn và yếu đuối của chúng ta và giúp chúng ta dẫu sống trong trần gian đầy thăng trầm này nhưng lòng luôn luôn hướng tìm Nhan Thánh Chúa như những đấng bậc trong Hội Thánh Vinh Hiển đang được hưởng Nhan Thánh Chúa. Amen.
 
Sự thanh luyện cần thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:15 31/10/2008
SỰ THANH LUYỆN CẦN THIẾT

Ngày lễ Các Thánh, Giáo hội vui mừng với những con cái của mình đã được hưởng vinh quang thiên quốc. Hôm nay trong tinh thần hiệp thông, Giáo hội tưởng niệm và cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời hiện đang còn thanh luyện trước khi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

1. Các linh hồn cần được thanh luyện.

Những tín hữu đã chết trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa sạch hết mọi tội và chưa đền tội bằng những hình phạt tạm thời này thì không thể vào thẳng thiên đàng được, chưa xứng đáng hưởng nhan thánh Chúa nên họ phải chờ đợi thanh luyện xong mới vào thiên đàng. Thời gian đó là thời gian xa cách Chúa. Công đồng Floren đã định tín: có luyện ngục để thanh luyện các linh hồn. Các linh hồn ra khỏi trần gian không còn có thể làm được việc gì lành để cứu mình nên chỉ trông cậy vào những người còn sống lập công cầu nguyện cho mình để rút ngắn thời gian thanh luyện. Vì thế mà Giáo hội kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội. Đặc biệt là việc dâng thánh lễ, dành tháng 11 cầu nguyện cho họ. Giáo hội còn mở kho tàng ân xá là công nghiệp của các Thánh để nhường cho các linh hồn nơi luyện tội. Giáo hội khuyến khích việc đi viếng các nghĩa địa, sửa sang mồ mả và cầu nguyện cho các linh hồn theo câu tục ngữ: mồ thật chôn các người chết là trái tim người sống.

Công đồng Vatican II đã xác tín lại tín điều Giáo hội cùng thông công giữa ba thành phần: lữ hành, thanh luyện và vinh thắng. Cả ba thành phần đều hiệp thông với nhau trong đức mến và truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng: Trong số những môn đệ của Chúa, có những kẻ tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ hoàn tất cuộc sống này nhưng đang được thanh luyện, và có những người đang được chiêm ngưỡng "rõ ràng Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có"... Sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghĩ trong bình an Chúa Kitô không hề bị gián đoạn. Nhưng trái lại, Giáo hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được vững mạnh hơn nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng. Quả thực, nhờ kết hiệp mật với Chúa Kitô hơn, các người ở trên trời cũng cố toàn thể Giáo hội vững bền hơn trong sự thánh thiện, làm cho việc thờ phượng mà hiện nay Giáo hội tại thế dâng lên Thiên Chúa được cao cả hơn, và họ góp phần phát triển Giáo hội rộng rãi hơn bằng nhiều cách (Lumen Gentium, chương 7, số 49).

Trong số 50, Hiến Chế Lumen Gentium viết: nhận biết sự đúng đắn sự hiệp thông này trong toàn Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Giáo hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã chết vì "cầu nguyện cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh tốt đẹp" (2 Mac 12, 46).

Việc lành thánh tốt đẹp ấy được nói đến trong Thánh kinh và giáo huấn của Giáo hội.

A. Thánh kinh:

Hai đoạn văn thường được nhắc đến là 2Macabê12, 39-46 và 1Côrintô 3, 10-15. Một bản văn thuộc Cựu ước và một thuộc Tân ước.

a. Sách Macabê II: sách được viết vào khoảng năm 124 trước công nguyên, đánh dấu nhiều bước tiến trong mạc khải cánh chung. Ở chuơng 7, chúng ta gặp thấy chứng tích về niềm tin vào sự sống lại dành cho các vị tử đạo. Chương 11, chúng ta lại thấy chứng tích về việc cầu nguyện cho người đã qua đời được thúc đẩy bởi niềm tin vào sự phục sinh.

b. Thư thứ nhất Côrintô: bản văn nói đến sự thanh luyện. Đoạn văn đã được sử dụng để nói tới sự phân biệt ba hạng ngưởi sau khi chết: những người lành được lên thiên đàng, những người xấu phải xuống hoả ngục, hạng người thứ ba được cứu rỗi nhưng cũng cần được thanh luyện bằng lửa, tức là lửa thanh luyện.

Trong bối cảnh tổng quát của mạc khải, có thể biện minh sự hiện hữu của việc thanh luyện tội lỗi sau khi chết với ba lý chứng sau đây: sự thanh sạch cần thiết để được đến gần Chúa (x. Xh 29, 4; Lêvi 11; Tv 24, 3-4; Is 35, 8. 52, 1; Mt 5, 8. 48; Kh 21, 27); trách nhiệm cá nhân trong việc đền tội (x. 2Sm 12, 13-15); và giá trị của sự cầu nguyện cho người qua đời (x. 2Macabê 12, 40; 1Cor 15, 29; 2 Tim 1, 16-18).

B. Giáo huấn giáo hội:

Công đồng Vatican II bàn đến tình trạng thanh luyện sau khi chết ở chương VII của hiên chế Lumen Gentium. Số 49, Công đồng nhìn nhận rằng "có những tín hữu đã qua đời và đang được thanh luyện". Số 50, đạo lý về sự thông hiệp giữa hết mọi phần tử Giáo hội được dựa trên thói tục bắt nguồn từ thưở ban đầu Kitô giáo về sự tưởng niệm người chết và cầu nguyện cho họ. Phần kết chương VII trình bày về đường hướng mục vụ, Công đồng tái khẳng định đạo lý cổ truyền của Giáo hội: "Thánh Công Đồng kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được vinh hiển trên trời hay còn phải thanh luyện sau khi chết, và lấy lại các sắc lệnh của thánh Công đồng Nicêa II, Firence, Trento (số 51 a)"

C. Sách giáo lý Giáo hội Công giáo

Các số 1030 -1032 bàn đến sự thanh luyện. Có thể tóm lại trong các điểm sau:

• Các linh hồn cần được thanh luyện để hoàn tất sự thánh thiện cần thiết để được vào thiên đàng (sô1030). Lưu ý là sự thanh luyện được hiểu về trạng thái hơn là một 'nơi chốn', lại càng không thể nói "thời gian" bao lâu.
• Các linh hồn có thể được chúng ta giúp đỡ bằng lời càu nguyện (số 1032)
• Luyện ngục không phải là một hoả ngục ngắn hạn (số 1031), luyện ngục hoàn toàn khác xa hoả ngục.
• Sách giáo lý có trích dẫn cụm từ "lửa thanh luyện" (x. 1Cor 3, 15; 1Pr 1, 7) nhưng không nói là phải hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng (số 1032)

2. Các linh hồn được thanh luyện bằng cách nào?

Truyền thống Giáo hội nói rằng: các linh hồn được thanh tẩy bằng lửa, lửa tình yêu (x. Dc 8, 7), lòng khát khao thấy Thiên Chúa. Sự đau khổ trong day dứt hối hận tột độ. Các linh hồn mong hưởng nhan thánh Chúa nhưng lại chưa được vì mình chưa trong sạch xứng đáng nên phải thanh luyện bằng sự hối hận đầy lòng mến. Thánh Tôma cho rằng nguyên sự nôn nao muốn về thiên đàng cũng đã đủ tạo nên cực hình rồi (x. IV Sent, d. 21, q. 1 de Purgatorio, a. 3). Thực vậy, nếu các tội nhân hoả ngục đau đớn vì mãi mãi lìa xa Chúa, thì các linh hồn đang thanh luyện phải trải qua một thứ cực hình khác: họ mong mỏi mau đựoc về với Chúa. Sự náo nức vì chờ đợi kẻ thân yêu cũng đã đủ "thiêu đốt tâm can" rồi! Dù sao, một khi họ biết được lý do vì sao họ chưa được vào thiên đàng, họ sẽ đau buồn vì trước kia họ chưa mến Chúa cho đủ, họ đã coi nhẹ việc thống hối đền tội.

Do đó có thể hiểu rằng nổi thống khổ của các linh hồn thanh luyện tuy cực độ nhưng đượm màu hân hoan và tràn trể hy vọng. Đức Cha Tihaner quan niệm rằng: luyện ngục là một hoả ngục đầy hân hoan, là một thiên đàng đầy đau khổ. Chính linh hồn ý thức tình trạng bất xứng của mình trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì thế tự nguyện được thanh tẩy. Giống như khi ta vào nhà nào lát gạch men bóng loáng, thì tự nhiên để dép ở ngoài. Nếu chân ta dính nhiều bùn đất mà muốn vào phải rửa chân cho sạch. Chính linh hồn muốn trở nên thanh khiết hơn, trưởng thành hơn, trong sáng hơn để được hiệp nhất với Thiên Chúa nên đón nhận những đau khổ do việc thanh luyện như là một phương thế cần thiết. Bởi đó trong luyện ngục hạnh phúc đã bắt đầu chớm nở. Đây là một thứ đau đớn làm sung sướng hay một thứ hạnh phùc pha lẫn đau khổ. Nhìn dưới lăng kính tình yêu, các linh hồn đau đớn do hình phạt đền tội, do sự khắc khoải vì chưa được lên thiên đàng. Nhưng họ vui sướng bởi vì chính tình yêu Chúa đang thanh luyện họ, họ đang tập "yêu mến" cách trọn hảo hơn, cắt đứt những ràng buộc với thọ tạo. Họ cũng vui sướng vì họ đã được đảm bảo về phần rỗi, bởi vì họ chắc chắn rằng mình sống trong ân sủng và đức ái.

Sự thanh luyện nói lên lòng lân tuất của Thiên Chúa: Ngài muốn chúng ta nên hoàn thiện, thanh sạch ngõ hầu xứng đáng chiêm ngắm nhan Ngài. Sự thanh luyện cũng nói lên tình yêu của Thiên Chúa: Ngài muốn cho chúng ta dành trọn cả mối tình cho Ngài chứ không quyến luyến với thọ tạo nào.

3. Cần phải cầu nguyện cho các linh hồn

Sự thanh luyện thuộc về "cánh chung trung thời" bởi vì nó sẽ không tồn tại sau ngày tận thệ thế nữa. Luyện ngục chỉ là thời gian tạm trú. Không ai có hộ khẩu thường trú ở đóù cả. Luyện ngục chỉ là một chuyến đò ngang. Thiên Chúa mới là bến bờ. Đời sống vĩnh cửu mới là cùng đích, là phần thưởng Thiên Chúa hứa ban.

Đạo lý về sự thanh luyện thúc giục chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Tập tục này đã có từ cuối thời Cựu ước và trong suốt lịch sử Giáo hội (x. GLCG số 1032; 958; 1371; 1689). Ngoài những hình thức cầu nguyện riêng tư, phụng vụ Giáo hội khuyến khích tục lệ này. Khởi đầu từ Thánh lễ, nơi đó Giáo hội hiệp thông với Các Thánh trên trời cũng như với các linh hồn còn đang chịu thanh luyện. Hằng năm, ngày 2 tháng 11 được dành để cầu nguyện cho tất cả các linh hồn đã qua đời tiếp sau lễ kính Các Thánh. Giáo hội còn dành cả tháng 11 nhớ đến các linh hồn và mời gọi con cái mình cầu nguyện, hy sinh hãm mình, làm việc bác ái như là nghĩa cử biểu lộ lòng yêu thương đối với họ cũng như tình hiệp thông trong nhiệm thể Chúa Kitô.
 
Thánh Lễ tại nghĩa trang: Mùa Xuân Vĩnh Cửu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:17 31/10/2008
Thánh Lễ tại nghĩa trang: Mùa Xuân Vĩnh Cửu

Ca dao viết:

Cây có gốc mởi nở nghành sanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta có gốc từ đâu
Có cha có mẹ rồi sau có mình
.

Lòng hiếu thảo và biết ơn của con cháu đối với ông bà cha mẹ rất quan trọng trong tâm thức người dân Việt nam. Tình cảm này không những được thể hiện qua cách đền ơn đáp nghĩa của con cháu đối với ông bà cha mẹ khi còn sống mà cả khi các Ngài đã qua đời,con cháu vẫn thực hiện việc cúng giỗ để báo hiếu,ghi nhớ công ơn những người đã gầy dựng nên cuộc đời mình.Việc cúng giỗ mang một sắc thái đặc biệt trong tín ngưỡng ngàn đời của dân tộc Việt nam,đó là tín ngưỡng Tôn Kính Tổ Tiên hay Đạo Ông Bà.

Người Việt nam tin rằng: con người có hồn có xác,chết chưa phải là hết hẳn,thể xác chết nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại và lui tới với những người thân trong gia đình.Hồn mới thật cao quý là tinh anh của con người ”Thác là thể phách, còn là tinh anh”.Văn hoá truyền thống dân tộc gặp được ánh sáng Tin mừng soi dẫn và người Việt nam Công giáo chúng ta hướng tới một thực tại cao cả hơn đó là sự sống lại,là hạnh phúc Thiên đàng.

Giáo hội dành tháng 11 cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời,nên tháng 11 là tháng của niềm hy vọng Phục sinh.Đây là thời gian mà mỗi khi thắp nén nhang trên phần mộ người chết,nhìn theo làn khói nhẹ toả bay ta cũng nâng tâm hồn lên tới Chúa là nguồn sự sống của mình.Và mỗi khi đặt bó hoa tươi trên phần mộ người thân yêu,ta thấy được mùa xuân vĩnh cửu đang bừng lên từ khắp những nấm mồ chung quanh.Quả that: sự sống thay đổi chứ không mất đi.

Sau thánh lễ chúng ta ra về,trên nghĩa trang này chỉ còn hương khói và những ngọn nến lung linh.Bầu khí tĩnh mịch thật trầm lắng và thánh thiện.Cảnh vắng lặng của một thế giới đang tan thành bụi đất như đang nói về sự rũ bỏ những vướng víu để đạt tới thành toàn viên mãn.Vài người thắp nến trên phần mộ người thân thương,ánh sáng toả ra một vùng nhỏ,toả vào ký ức nhớ những người thân đã khuất bóng.Gia đình cùng đọc kinh rồi im lặng để hình ảnh người đã khuất hiện dần lên trong trí nhớ.Những kỷ niệm lung linh nhập nhoà,bởi hình hài thể phách vật chất không còn nữa.Nơi đây là thế giới của tan rã,chỉ có bụi đất và cỏ cây,những người chết không còn nói năng,ăn uống, đi đứng,cảm xúc, nghĩ ngợi, nổi niềm,không ham muốn, không lo âu,không hoạch định không gắng sức.Họ đã bước vào cõi đời đời sau khi đã đi qua thế giới hữu hạn,họ trải qua mùa đông ảm đạm của sự chết để đi vào mùa xuân vĩnh cửu của sự sống thiên quốc.Như hạt lúa gieo xuống lòng đất tuy có bị thối đi nhưng chính từ trong hạt giống bị chết đi đó,môt cây lúa mới mọc lên,con người cũng vậy,chỉ có thể bước vào sự sống đời đời qua ngưỡng cửa sự chết.

Trong Phúc Am,các phụ nữ đã đến thăm mồ Chúa và các bà được Thiên sứ báo tin Người đã phục sinh.Các bà đã thấy chính Chúa Phục sinh xuất hiện ngay bên nấm mộ sự chết.Vậy thì hôm nay,khi cùng nhau cử hành thánh lễ nơi nghĩa trang – Đất Thánh,bên phần mộ những người thân yêu đã chết,người Kitô hữu chúng ta lắng nghe lời Đấng Phục Sinh khẳng định:Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống,ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống.Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết.Và chúng ta cũng thưa với Chúa Giêsu như Macta xưa rằng:Lạy Chúa,con tin,Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống,Đấng phải đến thế gian.

Tạ ơn Chúa vì Chúa đã chết và sống lại để tiêu diệt sự chết và trao ban sự sống bất diệt cho chúng ta.

Tạ ơn Chúa vì tình thương Người đã quy tụ chúng ta lại chung quanh bàn Tiệc Ly của Người để chúng ta hiệp thông với nhau,hiệp thông giữa những người đang sống và những người đã an giấc nơi đây đang được chiêm ngưỡng Chúa và hăng liên kết với chúng ta trong mối dây liên hệ mới bền vững muôn đời.
 
Đôi điều suy tư nhân tháng các Linh hồn
Lại Thế Lãng
09:19 31/10/2008
ĐÔI ĐIỀU SUY TƯ NHÂN THÁNG CÁC LINH HỒN

Ở Việt Nam khoảng ba năm trước đây người ta thấy rộ lên những tin tức về một nhà ngoại cảm nữ ở Hà Nội. Báo chí trong nước đua nhau ca tụng thành tích của nhà ngoại cảm này về việc nhờ khả năng giao tiếp được với người “cõi âm”, chị ta đã tìm được nhiều ngôi mộ bị thất lạc hay là xác định được nơi chôn cất của những chiến binh bị chết trong chiến tranh. Qua lời tường thuật của chính đương sự thì năm 1990 khi vừa thi đậu vào đại học, chị ta bị chó dại cắn và qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chị ta thoát chết. Từ đó chị ta nhận thấy mình có khả năng tiếp xúc được với người chết nghĩa là có thể nhìn thấy người chết và nói chuyện được với họ. Nói chuyện trước đông đảo cử tọa tại Hà Nội và trả lời phỏng vấn, nhà ngoại cảm nữ này- đã tốt nghiệp đại học, hiện công tác tại trường đại học Quản Trị Kinh Doanh Hà Nội và cũng là thành viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học- cho rằng chết không phải là hết và rằng người “cõi âm” rất sợ bị lãng quên, họ mong mỏi sự quan tâm của người thân.

Nêu lên chuyện này chỉ muốn nói lên rằng chính người cộng sản vô thần càng ngày càng tin tưởng có một thế giới khác sau cuộc sống hiện tại và họ cũng tin rằng người đã qua đời vẫn cần đến người còn sống. Trong khi đó, thật đáng buồn, không ít người Kitô hữu vốn có niềm tin vào cuộc sống đời sau lại chạy theo cách sống như là chết là hết và vì vậy họ đã dễ dàng lãng quên những người qúa cố.

Tôi nhớ có đọc được ở đâu đó một mẩu chuyện kể rằng một ngày nọ một bà mẹ hối thúc người con trai đi lễ cầu nguyện cho thân phụ của anh vào ngày giỗ của thân phụ anh. Nhưng người con trai lười biếng không muốn đi lễ đã tìm cách thoái thác cho rằng “Lên thì đã lên rồi, xuống thì cũng đã xuống rồi”. Câu nói của anh thanh niên này cho thấy anh không hề quan tâm đến người cha đã chết và cũng không hiểu rằng lời cầu nguyện của người còn sống có sức cứu thoát những linh hồn khỏi luyện ngục. Nếu anh ta đọc những sách nói về cuộc sống đời sau kể về một số trường hợp các linh hồn ở luyện ngục được Chúa cho phép trở về trần gian để xin người còn sống cầu nguyện cho họ thì anh ta sẽ thấy việc cầu nguyện cho người chết là khẩn thiết đến chừng nào. Nhiều linh hồn đã phải ở luyện ngục hàng mấy chục năm trời vì thiếu lời cầu nguyện của người còn sống.

Lúc còn ở Việt Nam tôi biết có một gia đình thường xin lễ và tổ chức đọc kinh cho bà mẹ trong mấy năm liên tiếp sau khi bà cụ mất. Nhưng rồi đến một năm, gia đình thôi không xin lễ nữa và những lời kinh cầu nguyện cho bà cụ cũng không còn nữa. Hỏi ra mới biết những người trong gia đình cho rằng bà cụ đã được lên thiên đàng rồi nên không cần phải xin lễ hay đọc kinh cầu nguyện cho cụ nữa.

Tôi thật sự kinh ngạc và không thể nào đồng ý với lập luận này nhưng là chuyện của gia đình người ta mình đâu có quyền xen vào. Không biết phải làm gì, tôi đem câu chuyện trình bày với một vị có uy tín với hy vọng tìm được người đồng minh với mình. Nào ngờ, trái với những gì tôi trông đợi, vị này đã cho tôi câu trả lời cộc lốc: lên thiên đàng rồi thì còn cầu nguyện làm gì.

Ai chả biết những linh hồn đã được lên thiên đàng tức là đã được làm thánh. Mà đã làm thánh thì còn cần ai cầu nguyện cho nữa. Nhưng vấn đề là làm sao người phàm có thể biết được một linh hồn nào đó đã được lên thiên đàng. Căn cứ vào đâu để xác định được rằng bà cụ đã được lên thiên đàng. Điều tôi muốn nói đến là liệu gia đình kia có đúng không khi họ bảo rằng bà cụ đã lên thiên đàng? Bởi vì ai cũng biết một linh hồn được lên thiên đàng là quyền của Chúa chứ không phải con người có thể định đoạt. Một linh hồn được cứu rỗi là nhờ vào lòng từ bi, nhân hậu và thương xót của Chúa chứ không phải là do công trạng của linh hồn đó.

Tôi cũng tin rằng khi ta cầu nguyện cho một linh hồn mà linh hồn đó đã được lên thiên đàng rồi thì vì ở trong một giáo hội hiệp thông, một linh hồn khác sẽ được Chúa cho hưởng lời cầu nguyện đó. Và rồi linh hồn này khi được lên thiên đàng sẽ cầu nguyện lại cho chúng ta. Do đó lời cầu nguyện không bao giờ là vô ích mà lúc nào cũng cần thiết và có ích cho phần rỗi các linh hồn.

Có nhiều người rất quan tâm đến việc cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là những linh hồn mồ côi. Linh hồn mồ côi theo cách hiểu thông thường là những linh hồn bị lãng quên hay là ít được cầu nguyện cho. Trong ý nghĩa này có ý kiến táo bạo cho rằng những linh mục cao tuổi sau khi qua đời cũng dễ trở thành linh hồn mồ côi. Là vì đến khi đó thì ông bà cố đều đã mất, anh chị em nhiều khi cũng không còn, linh mục lại không có con cái, giáo dân thì cứ nghĩ linh mục dễ lên thiên đàng và thế là linh mục bị rơi vào tình trạng… mồ côi.

Viết đến đây tôi nhớ đến một mẩu chuyện liên quan đến cha Francis Holland, một linh mục người Mỹ được mọi giáo dân trong cộng đoàn của chúng tôi yêu mến. Một lần cha đến nhà quàn để cùng với giáo dân Việt Nam cầu nguyện cho một giáo dân trong cộng đoàn mới qua đời. Tại đây cha đã có dịp tham dự một buổi cầu nguyện cho người qua đời theo kiểu Việt Nam. Buổi cầu nguyện gồm có hát thánh ca, đọc sách Thánh, cầu kinh và cuối cùng thì tất cả những người hiện diện xếp hàng và lần lượt tiến đến trước quan tài rảy nước thánh cho người qúa cố. Cha cũng đi trong hàng người rảy nước thánh cho người qúa cố. Sau đó khi trở về ghế ngồi cha đã nói bằng môt giọng rất chân thành rằng cha rất thích buổi cầu nguyện hôm nay và cha mong muốn khi cha chết cũng sẽ có được một buổi cầu nguyện như vậy. Có phải khi thấy mình tuổi đã gìa sức đã yếu cha đã mơ hồ nghĩ đến cảnh…mồ côi”?

Có một số ý kiến không chấp nhận có linh hồn mồ côi. Những ý kiến này cho rằng không có linh hồn nào là mồ côi theo ý nghĩa là không được cầu nguyện cho. Lý do là vì trong thánh lễ hàng ngày ở phần Kinh Nguyện Thánh Thể, linh mục chủ tế đều “Xin Chúa cũng nhớ đến… mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa, xin cho các linh hồn ấy được vào hướng ánh sáng tôn nhan Chúa”. Mặt khác khi lần hạt mân côi sau mỗi chục kinh đều có lời cầu “ Lạy Chúa Giêsu … Xin đem các linh hồn lên thiên đàng” hay trong kinh Vực Sâu “Lạy Chúa con, xin ban cho các linh hồn được nghỉ ngơi đời đời, và được sáng soi vô cùng. Lạy Chúa con, xin cứu lấy các linh hồn cho khỏi tù ngục mà được nghỉ yên”. Hàng ngày có biết bao nhiêu thánh lễ được dâng trên địa cầu và có biết bao nhiêu người lần hạt mân côi trên thế giới đều nhớ đến mọi linh hồn thì không có linh hồn nào bị bỏ rơi hay là không được cầu nguyện cho.

Tuy nhiên, thiết tưởng cũng không cần phải đặt nặng vấn đề có hay không có linh hồn mồ côi. Thực tế vẫn có những linh hồn cần được cầu nguyện nhiều hơn những linh hồn khác như đã được xác nhận trong lời cầu nguyện được Đức Mẹ dạy tại Fatima “.... xin đưa các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”. Trong tháng các linh hồn chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn cho những linh hồn đó.

Giáo hội đưa tháng Các linh hồn vào lịch Phụng vụ là muốn nhắc nhở người tín hữu nhớ đến và cầu nguyện cho những người đã ra đi trước chúng ta. Đồng thời Giáo hội cũng muốn cảnh giác chính người tín hữu về cuộc đời chóng qua ở trần gian này. “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai người sẽ trở về bụi tro”.

Trong cuộc sống ai cũng có những điều để ưu tư, lo lắng, chuẩn bị … nhưng có lẽ ít ai ưu tư, lo lắng và chuẩn bị cho cái ngày ra đi mà không có ai tránh khỏi. Cái ngày ấy chẳng ai biết trước được. Xin Chúa cho con luôn biết sẵn sàng để lúc nào cũng có thể cất lên lời hát:

Khi Chúa thương gọi tôi về,
hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ.
Miệng tôi nức vui tiếng cười,
lưỡi tôi vang lời ca hát.
Ngàn dân tung hô, tôi thật vinh phúc

(Ngày Về: Kim Long)
 
Các Thánh Nam Nữ: ''Dân tộc của các mối phúc''
LM. Giuse Trương Đình Hiền
15:41 31/10/2008
CÁC THÁNH NAM NỮ: “dân tộc của các mối Phúc”

Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa….

Ca Nhập Lễ của cử hành Phụng vụ lễ Chư Thánh đã khơi lên một niềm hân hoan vui mừng bằng những lời hiệu triệu: “Tất cả chúng ta hãy vui mừng trong Chúa khi cử hành ngày lễ các Thánh Nam Nữ”. Quả thật, gia đình Hội Thánh hôm nay tràn ngập hân hoan vui mừng: Hội thánh lữ hành tại thế hân hoan ngưỡng vọng về trời cao để dõi mắt chiêm ngưỡng những anh chị em kitô hữu đã hoàn thành cuộc chiến đấu và chiến thắng vinh quang. Các linh hồn trong luyện ngục hân hoan trong niềm hy vọng mãnh liệt sẽ được đoàn tụ cùng các Thánh trên quê trời. Các Thánh Nam Nữ trên thiên đàng hân hoan vui sướng vì đang được chiêm ngưỡng vinh quang rạng người của Ba Ngôi Thiên Chúa như Kinh Tiền Tụng trong Thánh lễ hôm nay xác quyết: “Hôm nay, nơi thành trì của Thiên Chúa, nơi Giêruxalem trên trời, có đông đảo anh em chúng ta ca tụng Chúa muôn đời”.

Trong thánh lễ hôm nay, trong khi dâng lời ca khen chúc tụng Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội muôn vàn hoa trái thánh thiện là Các Thánh Nam Nữ, chúng ta nguyện xin Các Thánh nam Nữ ở trên trời cầu thay nguyện giúp cho tất cả chúng ta hân hoan và can đảm tiếp bước các Ngài trong cuộc hành hương về quê thật.

Chia sẻ Lời Chúa:

Trong cách nghĩ và định nghĩa thông thường của mọi tín hữu thì Thánh Nhân phải là người: đã sống và thực thi trọn vẹn giới răn “mến Chúa-yêu người”, hoặc là đã đạt tới đỉnh cao các nhân đức, hay là đã trung thành đến chết vì niềm tin, vì tình yêu dâng hiến; cũng có người cho rằng: thánh nhân phải là những con người xuất chúng và có thể làm những việc lạ lùng…; cũng có một lối định nghĩa mang tính biểu tượng đượm chất thi ca khi gọi các Thánh là “những vì sao lấp lánh trên bầu trời” như cách nói của nhà giảng thuyết R.A. Knox:

“Khi nhìn lên bầu trời vào đêm tháng Mười Một và nhìn thấy một khoảng trời đầy sao lấp lánh, bạn hãy nghĩ đến vô số các Thánh trên thiên đàng đang sẵn lòng giúp đỡ bạn” (R.A. Knox, Bài giảng 1.11.1950)

Chính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trong một đêm sao, khi nhìn thấy chòm sao có hình chữ T, đã hân hoan thốt lên: “Kìa tên con đã được viết trên trời”.

Nếu Các Thánh là những người “siêu quần bạt chúng” như cách hiểu vừa nêu, hay toàn là những “vì sao lấp lánh trên bầu trời”…thì chắc mỗi người chúng ta ở đây, những con người phàm phu tục tử, suốt ngày chật vật với miếng cơm manh áo, thường xuyên đối diện với những nhỏ nhen đời thường…chắc đành “bó tay” trước con đường nên thánh mà Đức Kitô đã đề nghị: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Thế nhưng, nên thánh lại là con đường phổ quát, là ơn gọi chung cho hết mọi người như xác quyết của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Giáo Hội: “Được ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (GH số 11)

Chúng ta thử tìm lại những con đường, những phương cách đã mang lại không biết bao nhiêu hoa quả thánh thiện cho Dân Chúa, đó là các Thánh nam Nữ mà chúng ta long trọng mừng kính hôm nay.

1. Thánh Nhân theo định nghĩa của Thánh Kinh:

•Các Thánh là những tôi tớ Thiên Chúa được Ngài niêm ấn: “Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cố, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta…” (Kh 7,3-9)

•Các Thánh là những người chiến thắng và được tinh luyện qua những thử thách của đau khổ tử đạo: “Họ là những người đã đến, sau khi đã trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,9-14)

•Các Thánh là những người chiếm được hạnh phúc Nước Trời vì:

- có tâm hồn thơ bé: “Nếu anh em không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3).

- thực thi con đường Tám Mối Phúc Thật: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ...” (Mt 5,3-10)

- đã ăn ở công chính: “Vậy Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và biệt phái, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5, 20)

- đã thực thi ý muốn của Thiên Chúa: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21)

•Các Thánh là những người chiếm được sự sống đời đời vì:

- dám từ bỏ mọi sự để dấn thân theo Đức Kitô: “Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19,27-29)

- Thực thi trọn hảo các giới răn và biết chia sẻ, bác ái: “Tất cả những việc đó tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Nghe vậy, Đức Giêsu bảo ông: “Ông chỉ còn thiếu một điều, là bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Lc 18, 21-22).

“Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đâu yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù các ngươi đã hỏi han.”(Mt 25,31-46)

Qua những câu định nghĩa của Thánh Kinh nêu trên, chúng ta nghiệm ra rằng: Làm Thánh tức là được vào Nước Trời, là thuộc trọn về Đức Kitô, là chu toàn Thánh ý Chúa, là thực thi rốt ráo những đòi hỏi của Tin Mừng, đặc biệt Tin Mừng Tám Mối Phúc Thật. Và như thế, việc Nên Thánh chẳng qua là “cách diển tả khác” của việc sống Phúc Âm, việc thực thi Lời Chúa, chu toàn các giới răn...hay gần gũi nhất, đó là việc thực hành sống đạo.

Như vậy, Thánh Nhân, Các Thánh Nam Nữ hôm nay Hội Thánh mừng kính, đa phần trong hàng hàng lớp lớp đó, là những “anh hùng vô danh”, là những Kitô hữu bình thường nhưng đã sống phi thường các đòi hỏi của Lời Chúa.

Và đó cũng chính là cách hiểu và định nghĩa về các Thánh của Giáo Hội.

2 Thánh Nhân trong niềm tin và cái nhìn của Giáo Hội:

· Các Thánh là những người được thông phần bản tính Thiên Chúa qua nhiệm tích Rửa tội: “Được Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Kitô, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép rửa, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó thực sự đã nên thánh” (GH 40)

· Các thánh là tất cả những ai sống Đức Ái cách trọn hảo: “Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng là các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái” (Sđd 40)

· Các Thánh là những người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Chúa: “những con người nam nữ qua việc không mệt mõi thực thi những công việc hằng ngày trong vườn nho Chúa. Sau khi đã sống cuộc đời âm thầm chẳng được ai biết đến, và có thể còn bị những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các Ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các Ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại, đối với công cuộc phát triển Nước Chúa trong lịch sử” (ĐGH G.P. II, Tông Huấn “Kitô hữu giáo dân”, 30.12.1988)

Suốt 2000 năm nay, Giáo Hội đã hiểu và đã sống những chiều kích cơ bản đó qua những đứa con thánh thiện của mình mà bảng liệt kê của Kinh Cầu Các Thánh chỉ là một đại diện ít ỏi.

3. Hôm nay chúng ta tìm được gì nơi Các Thánh?

Là một bài học ư ? Có quá nhiều những bài học và là những bài học cụ thể Các Thánh nam Nữ để lại, rất gần gũi, rất đời thường và cũng rất cần thiết cho cuộc sống chúng ta hôm nay:

· Ai đang sống một cuộc đời phóng túng, lạc đạo thì hãy tìm về những giọt nước mắt thống hối của Thánh Cả Phêrô, Thánh nữ Maria Mađalêna, Thánh Tiến sĩ Giáo Phụ Augustinô...

· Ai đang đam mê của cải vật chất và bị vật chất cuốn trôi trong cơn thác của sự giàu có thế gian thì hãy chạy đến với đôi chân ăn mày của Phanxicô thành Assisi, hay đến với ngai vàng của Vua Thánh Louis, kẻ sẵn sàng cho Chúa và Hội Thánh tất cả mà không hề tiếc nuối.

· Ai, nhất là các bạn trẻ, đang bị cuốn hút vào con đường đồi trụy của dòng thác hưởng thụ và đam mê vật chất..thì hãy chiêm ngưỡng trái tim anh hùng của cô bé Thánh thiện Maria Goretti, sẵn sàng đón lấy mấy chục mũi dao cho đến chết để bảo vệ tới cùng đức khiết trinh; cuộc đời hy sinh cao cả trong bện tật nhưng chất chứa tràn đầy lửa mến yêu thương của Thánh nữ Anphonsa, vị tháh đầu tiên của Ấn Độ, vừa mới được phong thánh cách đây hai tuần.

· Ai là những người mẹ người vợ đang phải âu sầu, lao tâm khổ tứ vì chồng vì con, vì gánh nặng gia đình luôn chồng chất...thì hãy noi gương Thánh nữ Monica, dành cả một đời để hy sinh và cầu nguyện cho chồng và cho con cho tới khi đem cả hai về với Chúa; hay tìm đến với đôi vợ chồng Louis Martin và Zélie Guérin song thân của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu vừa mới được phong Chân Phước tại Lisieux trong ngày Khánh Nhật Truyền giáo vừa qua, đôi vợ chồng thánh thiện, người cha, người mẹ tuyệt vời đã cống hiến cho Giáo Hội những bông hoa khả ái thánh thiện.

· Ai là những người kiêu căng tự mãn thích nâng mình lên và hạ thấp kẻ khác thì hãy học cho biêt thế nào là “con đương thơ ấu thiêng liêng” của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu để noi gương Ngài hoán cải trở nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời.

· Ai là những người sống ích kỷ và yếu hèn, không dám bước ra khỏi cái tôi, cái biên giới gia đình để dấn thân phụng sự Hội Thánh thi hãy học hỏi cuộc đời truyền giáo của Thánh Phanxicô Xavie, hay thánh Anrê Phú Yên của quê hương chúng ta đã can đảm “lấy tình yêu đáp trả tình yêu hiến dâng mạng sống báo đền mạng sống” để Danh Chúa được tôn vinh và con người nhận biết Tin mừng.

· Ai là người chỉ thích sung sướng, ngại hy sinh và không dám đánh mất một chút gì trong cái tôi vị kỷ thì hãy tìm về với Mẹ Thánh Têrêsa thành Calcutta, người nữ tu muốn ôm trọn cả người nghèo và kẻ đau khổ của thế giới trong vòng tay già nua yếu ớt của mình; hoặc chạy đến cùng 117 Vị Thánh Tử Đạo Việt nam, để nhận được nơi các Ngài lòng can đảm tín trung với Chúa Kitô cho dẫu phải đánh đổi cả mạng sống...

Trong vườn hoa thánh thiện của Hội Thánh còn nhiều lắm nhiều lắm những mẫu gương lành thánh trong hàng hàng lớp lớp các Thánh Nam Nữ mà hôm nay chúng ta mừng kính.

Nhưng không chỉ là “gương sáng” không thôi. Ngày đại lễ kính nhớ Các Thánh Nam Nữ hôm nay còn nhắc cho chúng ta tuyên tín lại niềm tin “Các Thánh Thông Công”, để chúng ta một lần nữa xác tin mạnh mẽ mối quan hệ thân thương giữa trời và đất, giữa Hội Thánh lữ hành dương thế với Cộng đoàn Hội Thánh vinh quang là các Ngài, nhất là sự chuyển cầu mạnh thế của các Ngài dành cho chúng ta trên cuộc lữ hành trần thế mà lời Kinh Tiền Tụng sẽ nhắc bảo chúng ta: “Những anh chị em của chúng con là các Thánh giờ đây đang chúc tụng Cha muôn đời quanh ngai tòa Cha và vinh quang của các Đấng ấy làm cho chúng con chan chứa niềm vui. Sự hợp nhất của chúng con với các ngài qua Giáo Hội Cha đem lại cho chúng con niềm phấn khởi và sức mạnh khi chúng con vội vã trên đường lữ thứ đức tin, hăm hỡ được gặp gỡ các Đấng ấy” (Kinh Tiền Tụng).

Xin mượn lời hiệu triệu của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong dịp Đại Hội Giới trẻ thế giới tại Torontô năm 2002 như một hành trang, một khẩu hiệu, một quyết tâm để cùng nhau mang theo cất bước lên đường: “Các bạn hãy trở thành những vị thánh của thiên niên kỷ mới”, hãy trở thành “dân tộc của các mối Phúc”;

cùng với lời cầu xin của chính Ngài:

Lạy Chúa Giêsu, …Xin biến toàn bộ đời chúng con thành một phản ánh rực rỡ của Chúa, Đấng là ánh sáng thật đã đến trong thế gian để hễ ai tin vào Chúa sẽ không chết nhưng sẽ được sự sống đời đời (x. Jn 3:16)!
 
Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa - Cầu cho chúng con
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:44 31/10/2008
„Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa- Cầu cho chúng con“

Trong đạo Công giáo có nhiều Thánh, như Giáo Hội Công giáo Việtnam có 118 Thánh Tử đạo.

Biết hết về mọi vị Thánh, chắc có ít người, trừ những người chuyên môn khảo cứu về họ. Nhưng đem lòng yêu mến, khấn nguyện nhờ các ngài cầu thay nguyện giúp phù hộ cho trước tòa Thiên Chúa, chắc chắn ai cũng thích làm.

Người Công giáo hầu như ai cũng cũng có một Thánh bổn mạng hay những Thánh mà ta yêu mến tôn kính đặc biệt.

Nghe kể cùng đọc biết tiểu sử đời sống của các Thánh cũng đã nhiều lần. Nhưng có lẽ nghe chính các Thánh kể về đời sống của họ, chắc rất họa hiếm có người được diễm phúc đó.

Ngày lễ kính các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa, 01.11., xin cùng lắng nghe một vài vị Thánh tâm sự với ta về đời sống của họ, dù họ bây giờ đang trên thiên đàng.

1. Có lẽ không có vị Thánh nào trong Gíao hội Chúa Giêsu, mà không được người đời biết đến qua tiểu sử còn ghi chép lại. Nhưng ta, Giuse thành Nadarét, một người được toàn thể Giáo Hội Công giáo tôn kính yêu mến, mà không để lại chút tiểu sử gì. Vì có nơi nào ghi lại ta sinh ra ở đâu, năm nào, qua đời lúc nào, được tôn phong là Thánh khi nào đâu?

Phúc âm ghi lại vỏn vẹn về đời sống của ta: một người công chính là cha nuôi Chúa Giêsu, và được Thiên Thần hiện ra trong giấc ngủ báo cho biết ý định của Thiên Chúa muốn thực hiện.

Đúng như vậy, thưa anh chị em Tín hữu Công giáo, ta cám ơn mọi người đã dành cho ta những chân tình lòng yêu mến tôn kính sâu thẳm đạo đức.

Ta không quên ai đâu. Ta không bỏ rơi ai đâu. Ngày xưa lúc vào tuổi thanh niên, ta cũng muốn lập gia đình. Nhưng khi biết vị hôn thê Maria, người mà ta sắp cưới làm người bạn đường, bỗng có thai, ta buồn phiền lo lắng, và đã có ý định âm thầm rút lui bỏ cuộc. Vì bào thai đó đâu phải là dòng máu sự sống của ta như thiên nhiên đã quy định!

Thiên Chúa, Đấng sinh thành ra đời ta, thấu suốt tâm can ta. Ngài sai Thiên Thần đến nói với ta trong giấc ngủ: Hãy nhận Maria làm người bạn đường, đứng ra là cha nuôi trẻ Giêsu, con Thiên Chúa, còn đang trong bào thai cung lòng Maria.

Ta nghĩ đến chương trình ý định của Thiên Chúa muốn như thế. Ta nghĩ đến nhân phẩm danh dự của Maria, của thai nhi. Nên ta không bỏ rơi Maria, âm thầm đứng về phía con trẻ Giêsu còn đang trong cung lòng người mẹ.

Và Thiên Chúa, qua cung cách sống trung thành của ta chấp nhận đời sống thường nhật hằng ngày -phải, nó hầu như tẻ nhạt không có gì hoành tráng ngoạn mục - đã dẫn dắt biến đổi thành điều thành to lớn: trong gia đình của ta Con Thiên Chúa, đấng cứu chuộc trần gian đã sinh ra làm người.

Ta không dám nhận là như thế, nhưng theo ngôn ngữ học, người ta diễn dịch tên của ta, Josephus

(Giuse) có nghĩa: Thiên Chúa làm ra cho nhiều, Người thêm vào cho rộng lớn ra!

Và Thiên Chúa, sau cuộc sống lữ hành của ta trên trần gian, đã cho ta về trời, sống giữ nhiệm vụ cầu bầu phù hộ cho các gia đình, cho nhân phẩm con người.

Ta vui mừng được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ đó. Ta cũng cám ơn mọi người tín hữu, những người cha trong gia đình, những em bé bạn trẻ, đã luôn tín nhiệm chạy đến xin ta cầu bầu cho.

Thánh Giuse, người cha của mọi gia đình.

2. Xưa nay khi nói đến những vị thánh, thường người ta hay nghĩ nhớ đến các Thánh đàn ông nhiều hơn. Nơi hàng ngũ các Thánh của toàn thể Giáo hội Công giáo cũng có nhiều Thánh phụ nữ. Tôi Monica, một người mẹ đau khổ vì gia đình là một trong số những vị Thánh phụ nữ.

Có lẽ tên tôi được nhiều bà mẹ thế hệ ngày xưa biết đến nhiều hơn. Ngày nay vẫn còn một số ít chị em phụ nữ có thánh hiệu bổn mạng Monica. Tôi vui mừng cám ơn những chị em phụ nữ đó đã yêu mến kính trọng lấy tên tôi làm vị thánh quan thầy.

Tôi sinh ra ở miền đất vùng bắc Phi châu vào thế kỷ thứ tư sau Chúa giáng sinh. Là người có đạo Công giáo, nhưng gia đình tôi có nhiều trắc trở rắc rối lắm. Chồng tôi là một người ngoại đạo. Ông không dành cho tôi tình yêu vợ chồng trọn vẹn. Ông hành hạ tôi và lại còn sống bê tha ham vui về đời sống tình dục với những người phụ nữ khác nữa.

Dẫu vậy tôi cố gắng trong nước mắt kiên trì chịu đựng xây dựng hòa bình trong gia đình. Tôi được Trời ban cho có hai người con trai và một người con gái. Cậu con trai Aucơtinh ( Augustino) là người thông minh, có thiên tư từ bẩm sinh, nhưng là người có đời sống hoang đàng giống như cha cậu. Trước thì cha cậu, bây giờ cậu con trai lớn lên làm tôi đau khổ nhiều nhất.

Sau khi chồng tôi qua đời, tôi ngày đêm kéo dài hằng chục năm trời hằng kêu khấn Thiên Chúa phù hộ cho mẹ con tôi. Và sau cùng, sau bao năm tháng đau khổ hòa lẫn trong dòng nước mắt, tôi đã thành công khuyên bảo Aucơtinh ăn năn trở lại cùng Thiên Chúa, về với con đường đời sống làm người tốt lành.

Những khi qúa đau khổ vì chồng, vì con trai Aucơtinh, tôi đã có lần chán chường nói chuyện với một vị Gíam mục, xin ngài giúp để đưa người con trai Aucơtinh tôi trở về với Thiên Chúa. Vị Gíam mục này nói với tôi lời an ủi: Nước mắt lòng hy sinh kiên trì của bà, chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhậm lời!

Sự trở về của Aucơtinh là phần thưởng Thiên Chúa dành cho đời tôi. Aucơtinh tỉnh ngộ bỏ mọi thói tật cũ, trở về sống ngay chính tu thân tích đức. Sau cùng ông được phong làm Giám mục ở gíao phận Cathago vùng Bắc Phi Châu. Và ngày cuối cùng đời tôi, tôi được diễm phúc nhắm mắt ra đi bình an trong vòng tay của con trai tôi là Aucơtinh.

Tôi thầm xác tin, những lúc con ngừời chúng ta nghĩ cho là tận cùng, chính là lúc Thiên Chúa vực dậy cho bắt đầu một khởi đầu mới!

Thánh Monica, người mẹ gia đình

3.Tôi là Antôn thành Padua, một người được phong là Thánh trong Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian, xin chào mọi tín hữu Chúa Giêsu Kitô.

Khách hành hương thập phương hằng năm tuốn đến đền thờ ở Padua, nơi có ngôi mộ, có di tích đời sống tôi còn lưu giữ ở đó. Hầu như ở rất nhiều thánh đường trên thế giới đều có tạc tượng tôi cắm hoa nến thắp sáng hằng ngày. Nhiều người đến rờ vào chân tượng tôi kêu van cầu xin khấn khứa, có nhiều người còn có ảnh của tôi giữ trong bóp ví túi áo. Tôi rất vui mừng được cùng đồng hành với trong đời sống của con người trên khắp mọi nẻo đường trần gian.

Tôi được Thiên Chúa ngày xưa lúc còn sống trên trần gian ban cho ơn Kêu Gọi vào tu trì làm thầy Dòng trong Hội Dòng Thánh Phanxico khó khăn. Tôi muốn đi truyền giáo sang đất nước Maroko, nhưng Thiên Chúa lại muốn khác. Số là lúc đó tôi bị bệnh nặng, nên không đi được như lòng mong ước. Ở lại quê nhà bên Âu Châu, tôi cố gắng học hỏi Kinh Thánh, sống đời cầu nguyện của một thầy Dòng. Và Thiên Chúa đã ban cho tôi khả năng giảng dậy trong nhà Dòng, cùng là người đi gỉang phòng tĩnh tâm ở các xứ đạo thời đó.

Ngày xưa lúc còn sinh thời là thầy Dòng, đi tới đâu gặp ai, tôi cũng đều cầu nguyện xin Thiên Chúa chúc lành gìn giữ đời sống của họ. Và Thiên Chúa đã nhậm lời ban cho họ được nhiều ân phúc. Sau khi tôi qua đời, bây giờ được Thiên Chúa cho về trời bên Ngài, mọi người vẫn còn yêu mến nhớ đến tôi. Những người mất mát của cải, lạc mất chồng, lạc mất vợ con, anh em hay sự gì họ quên sót để ở đâu…thường đến tâm sự xin tôi giúp đỡ. Thế lại tôi lại xin Thiên Chúa, đấng là nguồn mạch trung tâm đời sống, trợ giúp họ tìm lại được, giúp họ trở về trung tâm đời sống.

Ở nhiều Thánh đường, nơi có tượng tôi, thường có một thùng tiền, để cho mọi người bỏ vào đó, với ý nguyện xin giúp đỡ cho người nghèo. Nghĩa cử đạo đức tình người này rất thánh đức. Tôi vui mừng được làm công việc phù giúp cho người gặp cơn khốn khó.

Chắc nhiều người thắc mắc, tại sao trong ảnh hình vẽ tôi, cũng như bức tượng trên tay tôi có Chúa Giêsu hài đồng ngồi trên cuốn sách. Chuyện lịch sử như thế này. Khi tôi bị bệnh, theo lời khuyên của anh em trong Dòng, tôi trở về sống trong tu viện ở Camposampiero. Ở đó tôi không chỉ lo việc dưỡng bệnh, nhưng chuyên chú việc ăn chay hãm mình và cầu nguyện cho mình cùng cho mọi người.

Bỗng một ngày vào buổi chiều đang lúc qùi gối cầu nguyện trong phòng, một luồng ánh sáng rực rỡ chiếu trên thân thể thôi. Bên ngoài cửa một vị quan quyền giàu có đến thăm tôi, ông cũng thấy luồng sáng tỏa bao phủ từ phòng tôi lọt ra ngoài. Ông hoảng sợ tưởng là đám lửa cháy. Thế là ông đẩy cửa xông vào. Bàng hòang ông nhìn thấy tôi đang qùi cầu nguyện trên tay bồng Chúa Giêsu hài đồng trong luồng ánh sáng chiếu ra từ trẻ Giêsu.

Sau đó chúng tôi nói chuyện với nhau về sự lạ này... Tôi không muốn chuyện này lọt ra bên ngoài, nên đã xin yêu cầu vị khách qúi không được kể lại chuyện này với ai. Ông đã giữ lời hứa. Nhưng sau khi tôi qua đời, ông cảm thấy áy náy nên đã thố lộ câu chuyện đó cho mọi người cùng biết.

Thế là từ đó người ta đã vẽ đúc tạc tượng tôi có Chúa Giêsu hài đồng ngồi trên tay. Chúa Giêsu không chỉ ngồi trên tay tôi, nhưng Ngài hằng hiện diện trong tâm hồn cuộc sống mỗi người.

Thánh Antôn, người phù trợ những người quên mất của cải!

4. Hằng năm vào ngày 22.tháng Mười Một tôi, Cecilia, được toàn thể Giáo Hội tôn kính là vị Thánh bổn mạng của âm nhạc thánh đường. Bây giờ hầu như chỗ Ca đòan đứng hát trong thánh đường hay bên ngoài vỏ áo đàn đại phong cần trong nhà thờ, đều có hình tượng tôi hai tay ôm gẩy cây đàn dây Zither – Cithare.

Thật ra tôi không biết hát cũng chưa bao giờ chơi một thứ nhạc khí nào lúc còn sinh thời. Tại sao tôi lại được chọn tôn phong là bổn mạng của âm nhạc thánh đường? Tôi cũng không biết. Có lẽ lịch sử thời xa xưa thế kỷ thời trung cổ đã viết lập nên tập tục như vậy!

Tôi chỉ biết, tôi nhất định không từ bỏ đức tin vào Thiên Chúa cho tới hơi thở cuối cùng. Và tôi đã, trước khi bị bắt vì đức tin vào Thiên Chúa, đem hết của cải phân phát cho người nghèo túng.

Nhưng không sao. Tôi vui mừng được giữ vai trò bổn mạng trong việc ca hát cầu nguyện trong nhà Thiên Chúa. Bây giờ trên thiên đàng bên ngai Thiên Chúa, mọi người chúng tôi cùng với ca đoàn chín phẩm các Thiên Thần hằng ca hát tung hô Thiên Chúa toàn năng.

Là người được chọn làm vị Thánh bổn mạng của những người hát thánh ca, tôi vui mừng nghe họ ca hát, chơi những nhạc khí hoà điệu trầm bổng mạnh nhẹ, diễn tả nét đẹp văn hóa nghệ thuật cao sang. Tôi không chỉ nghe tiếng hát, tiếng âm thanh phát ra từ nhạc cụ, nhưng còn nhiều hơn cảm nhận nghe được tiếng âm thanh vượt qúa tầm thu nhận của thính gíac con người.

Đó là âm thanh phát ra ở tận tâm hồn trái tim, âm thanh tình yêu Thiên Chúa. Âm thanh này không nghe được bằng tai thường, nhưng chúng có sức mở cánh cửa sổ tâm hồn hướng lên trời cao. Âm thanh nhạc cụ rung động trái tim rộn lên niềm vui phấn khởi, hay dẫn đưa tâm hồn chìm lắng trong thinh lặng suy tư.

Tôi còn nhớ mãi lời Thánh Augustino tâm tình: Hát là cầu nguyện hai lần!

Tôi gởi lời chào thăm các Bạn hát trong các Ca đoàn nhà thờ, các Bạn nhạc công chơi đàn, chơi các nhạc khí trong Phụng vụ. Chúc các Bạn sức khoẻ và niềm vui với nghệ thuật ca hát, văn hóa nghệ thuật sáng tác và chơi đàn.

Thánh nữ Cecilia, người bạn của các Bạn yêu thích âm nhạc thánh ca..

5. Niềm hy vọng cho đời sống là thức ăn cần thiết nuôi dưỡng đời sống phát triển tươi tốt. Chính vì thế, tôi, Philipp Neri, một người được Giáo Hội tôn phong là Thánh, khi xưa hồi thế kỷ thứ 16. đã trải qua đời sống cùng với các người trẻ bên Florenz bên Roma, khơi dậy nơi họ tiếng hát nụ cười.

Tiếng hát nụ cười tôi muốn khơi dậy cùng họ sống không phải là tiếng cười vui thú ăn chơi thỏa thích, nhưng là nụ cười của một tâm hồn vui với thiên nhiên, vui với đời sống là con người trong tương quan với Thiên Chúa và con người với nhau trong xã hội.

Tôi cố gắng làm sao diễn dịch Tin mừng đời sống tin yêu Thiên Chúa trong niềm vui được thể hiện qua nụ cười bằng những câu chuyện lành mạnh vui ngắn gọn dễ hiểu. Nói thế không phải là nhẹ dạ điều gì cũng coi thường đâu, nhưng là cách sống chân thành đầy lòng khiêm nhượng không cho mình là quan trọng, cũng không coi thường người khác. Nụ cười thân ái mang đến cho tâm hồn mình và cho người khác niềm vui, niềm hy vọng phấn khởi vươn lên. Cứ quan sát một em bé, một bạn trẻ cười nói hồn nhiên, có thể đọc được tâm tình trung thực phát tỏa qua tiếng cười nơi gương mặt em bé, bạn trẻ.

Có lẽ vì thế, ngày xưa tôi đã thu hút được nhiều người trẻ yêu mến. Và ngay cả Gíao triều Roma thời đó, hồi thế kỷ 16., cũng nhìn nhận cung cách sống đạo đức với tâm hồn gương mặt vui tươi cởi mở phản ảnh tin mừng của Chúa cho trần gian.

Tôi cám ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi khả năng biết dùng nụ cười quy tụ người trẻ về bên nhau, về với Thiên Chúa nguồn niềm hy vọng, cùng khơi lại nơi họ dùng nụ cười mà sống phúc âm của Chúa giữa lòng đời sống.

Tôi yêu thích và cám ơn nụ cười của em Bé, của Bạn trẻ cùng cả của mọi người cho nhau và cho Thiên Chúa chúng ta!

Thánh Philipp Neri, bạn của nụ cười niềm vui thánh đức.

Lễ kính các Thánh Nam Nữ 01.11.2008
 
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:46 31/10/2008

“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”



Ngoài nghĩa trang trên phần mộ người đã qua đời thường có tấm bia ghi khắc tên tuổi, quê quán, ngày chào đời cùng ngày qua đời của người nằm dưới nấm mộ. Đó là dấu tích ghi nhớ lại người đã qúa cố. Và cũng có những phần mộ được chôn chung vô danh không còn hay không có dấu tích gì ghi lại nhớ đến người đã qúa cố nữa.

Đức tin Công giáo hướng tầm nhìn cách khác: Tận sâu trong đáy tâm hồn, luôn có sẵn niềm trông mong hy vọng về một đời sống. Một đời sống mà sự chết không làm cho bị tiêu tan đi được.Và như thế không ai bị quên lãng, không ai bị tiêu tan mất tên.

Hằng năm người tín hữu Chúa Kitô dành ngày 02.11. nhớ đến tất cả những người đã qua đời, dù họ là người không quen biết, dù tên tuổi họ không được ghi khắc, hay không còn bất cứ dấu vết gì để lại, dù họ đã bị đẩy lui vào vòng quên lãng không còn ai người thân người quen nhớ tới nữa.

Vào ngày này Giáo Hội dâng Thánh lễ cầu nguyện nhớ tới mọi người đã qúa cố, dù là những trẻ em đã qua đời vì bị bệnh tật, vì nghèo đói thiếu ăn thiếu thuốc men, thiếu dinh dưỡng, hay những thai nhi đã bị khai tử ngay từ trong cung lòng mẹ.

Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống không quên họ. Và Giáo Hội cũng không quên họ. Vì thế, như mỗi Thánh lễ, tưởng nhớ cầu nguyện cho họ là một lễ mừng đức tin, một lễ mừng Chúa phục sinh.

Khi qua đời, với niềm tin Công giáo, đó là sự sống thay đổi, chứ không bị biến mất đi. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta biết rằng, ai cũng có ngày chào đời và cũng đều có ngày chấm dứt đời sống trần gian.

Đức tin không làm ta sống mãi mãi trên trần gian, và cũng không làm tiêu tan nghĩa trang nấm mồ.

Đức tin chỉ ra con đường sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa: Chết không phải là hết, là chấm dứt, nhưng là bắt đầu một đời sống mới bên ngai Thiên Chúa.

Trong dân gian có câu ngạn ngữ “ Không có gì cản ngăn chống lại được sự chết”. Phải, cho dù phương pháp y khoa tối tân, hay môn thuốc thần dược thượng hạng cũng không cản ngăn được ngày giờ sau cùng của đời sống con người.

Nhưng Chúa Giêsu lại nói: Thầy là Bành hằng sống ( Ga 6,35). Và nơi khác Ngài qủa quyết rõ hơn: Ai ăn Bánh Thầy ban, sẽ được sống, cho dù đã chết!

Như thế, phải chăng Bánh của Chúa Giêsu cản ngăn được sự chết?

Không, Ngài không có nói như vậy.

Trong Thánh lễ người tín hữu Công giáo cử hành lễ tế tạ ơn Thiên Chúa chung quanh bàn tiệc Thánh Thể Chúa Giêsu. Chung quanh bàn tiệc Thánh Thể bao gồm hết tất cả mọi người: Các Thánh trên trời, những người đã qua đời và mọi người còn đang sống trên trần gian. Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu vươn tới cùng nối kết tất cả mọi người lại với nhau. Đó là điều cần thiết cho sự sống.

Con đường dẫn tới đời sống vĩnh cữu bắt đầu từ ngày nhận lãnh làn nước Bí tích rửa tội. Chúa Giêsu hằng cùng đồng với trong đời sống. Sứ điệp từ phần mộ nấm mồ nói về cái chết, chúng ta ghi nhớ trong tâm hồn.

Với lòng tin tưởng cùng niềm hy vọng, chúng ta sống đời lữ hành trên trần gian, cùng xác tín có đời sống vĩnh cửu mai sau cho con người.
 
Hình ảnh Chúa
Lm Vũđình Tường
18:42 31/10/2008
Lễ mừng các thánh và tưởng nhớ các linh hồn mời gọi chúng ta cùng với các thánh dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ, ngợi khen vì Chúa không những đã tạo dựng nên ta giống hình ảnh Chúa, còn ban ơn cứu độ để ta được sống trong nhà Chúa suốt đời. Tội lỗi lung lạc ý chí đưa đến việc xử dụng quyền tự do chọn lối sống sai lầm. Chính tội lỗi và tự do chọn lựa cách sống làm lu mờ và làm nhoà hình ảnh tốt đẹp Chúa tạo dựng lúc ban đầu. Thiên Chúa yêu thương không để con người phải hư đi nhưng sai chính Con một là Đức Kitô xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại, lấy lại hình ảnh tốt đẹp xưa bị tàn phá vì tội lỗi.

Thiên Chúa yêu thương tạo dựng vũ trụ, ban cho vũ trụ sự sống. Ngài là Thiên Chúa của tình yêu, sáng tạo và cứu độ. Người ta cố biện luận, chứng minh, chối bỏ Thiên Chúa hiện hữu nhưng không thể chối sự sống của chính họ bởi vì Ngài là chủ mọi sự sống. Từng hơi thở của ta đều do Chúa ban. Bao lâu Ngài còn ban hơi thở ta còn sống; Ngài lấy đi ta ra người thiên cổ.

Nơi đâu nghèo tình yêu Chúa; nơi đó giầu đau khổ, tràn lan sự dữ, hằn thù, bè phái, phe đảng, chém giết, tranh giành hư danh. Chối bỏ Thiên Chúa nhưng không chối bỏ được sự dữ, tội lỗi và các thói hư tật xấu do tội lỗi phát sinh. Đường lối Chúa là sự thật và là sự sống. Ngài công bằng lại rất nhân từ không phạt kẻ phản bội. Ngài hay tha thứ và sẵn sàng đón nhận khi kẻ tội lỗi tỏ dấu thống hối, ăn năn quay về nẻo chính. Chối bỏ Thiên Chúa hiện hữu không phải chỉ tâm linh đau khổ mà cả thân xác lẫn tinh thần đều đau khổ. Chối bỏ Thiên Chúa là chối bỏ chính mình, chối bỏ nguồn gốc mình. Trước khi phản bội Thiên Chúa ta phản bội chính ta, lừa dối tâm hồn ta.

Nguồn gốc đau khổ

Thứ nhất chối bỏ Thiên Chúa là nguồn mạch sự thật nên không thể tìm được sự thật khác. Chúa là sự thật duy nhất nên ngoài Chúa ra không còn sự thật nào khác. Không thể tìm được điều không có nên con đường tìm sự thật ngoài Chúa ra là con đường hão huyền. Tìm kiếm lí tưởng do kết quả của suy luận là điều không thật. Hy sinh chết cho điều không thật là hy sinh trong vô vọng. Vinh quang ca tụng là hư danh. Thành tích ghi đậm là thành tích tạm bợ. Đến khi nhận biết sai lầm để sửa sai, phản tỉnh lúc đó tuổi đời đã già, sức tàn, lực cạn, ý chí hao mòn. Còn lại là hối tiếc, ngao ngán với đời.

Thứ hai không chấp nhận Thiên Chúa là nguồn tình yêu tự trời cao ban cho nên phải dựa vào tình yêu phàm trần để sống còn. Tình yêu tạo vật có giới hạn và luôn đổi thay tùy thuộc vào hoàn cảnh và vật chất. Tình yêu tạo vật cần có tạo vật khác để nuôi dưỡng. Biếu xén, lỡi ngãi, vật chất và danh lợi được dùng để nuôi dưỡng những mối tình trần thế. Bao lâu còn tiền, còn bạc, tình còn tồn tại. Nguồn lợi nhuận nhỏ dần mối tình đó cũng teo theo, èo ọt rồi chết thảm. Không phải chỉ mối tình đó chết mà người nuôi dưỡng nó cũng chết theo. Không khéo léo khi nuôi dưỡng tình yêu vật chất là đề tài gây nhiều tranh cãi trước toà; nhiều gia đình đổ nát; nhiều cuộc tình bi thương, nhiều tâm hồn uất hận, một đời ngậm đắng nuốt cay.

Mâu thuẫn

Cuộc sống có nhiều mâu thuẫn trầm trọng. Hầu như ai cũng mong mình xuất thân từ một gia đình danh giá, hậu sinh của một minh quân, tự hào một dòng tộc sang trọng. Thế nhưng khi bàn về nguồn gốc con người tự mâu thuẫn, nghi ngờ về nguồn gốc tốt đẹp, cao trọng của tiền nhân. Hãnh diện nhận nguồn gốc con người phát xuất từ Thiên Chúa yêu thương bao giờ cũng cao trọng, đẹp đẽ, đáng hãnh diện hơn là từ chối Thiên Chúa hằng hữu. Chối bỏ Thiên Chúa đồng nghĩa với chết là hết. Xây mộ bia, lăng tẩm là việc làm vô bổ, nghịch lí.

Cuộc sống cố vươn lên hàng trưởng giả, cao trọng nhưng khi bàn về nguồn gốc lại từ chối nguồn gốc chân thiện mỹ do Thiên Chúa ban cho và tạo dựng. Người hữu thần tin Thiên Chúa vì yêu thương dựng nên họ, ban cho sự sống và ơn cứu chuộc và họ hãnh diện về nguồn gốc cao trọng đó. Cuộc đời họ có cùng đích không phải nơi lăng tẩm cao, mộ bia lớn mà chính là trở về cội nguồn ban đầu sống trong Chúa.

Nguồn gốc tình yêu

Vì yêu thương Thiên Chúa tạo dựng và hiện diện trong con người cả hữu thần lẫn vô thần. Từ chối Chúa hiện hữu không ảnh hưởng chi đến Ngài. Bằng chứng tình yêu Chúa thể hiện qua hạt giống tình yêu nằm sâu trong tim mỗi người. Khi tạo dựng con người Chúa ban hạt giống đó làm nguồn sống. Nhờ hạt giống này con người ra đời, được yêu, biết cho đi và lãnh nhận tình yêu. Dù nhận hay từ chối mầm tình yêu vẫn tồn tại trong tim. Thiên Chúa là tình yêu nên hình ảnh Chúa ban cho con người chứa đựng tình yêu. Sức mạnh của những người hữu thần là tình yêu và lòng thương xót. Con người ai cũng muốn yêu và thích được yêu nhưng lại không chấp nhận một Thiên Chúa yêu thương là điều nghịch lí. Tất cả các nghịch lí trên là kết quả của tội, là mưu mô quỷ dữ. Từ chối tin vào một Thiên Chúa yêu thương sẽ bế tắc trong việc giải thích tình yêu và liên hệ tình cảm con người dành cho nhau và cho vũ trụ quanh ta.

Việc làm thánh

Mừng lễ các thánh và cầu cho các linh hồn chúng ta tái xác nhận niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, tuyên xưng có sự sống vĩnh cửu đời sau. Chúng ta cùng với các thánh chung lời cảm tạ Thiên Chúa vì các ơn Chúa ban. Các thánh sống một đời làm gương sáng, làm sống lại hình ảnh nguyên thủy Thiên Chúa trao ban khi tạo dựng ta. Các thánh sống làm chứng nhân cho một Thiên Chúa yêu thương và giúp tha nhân làm trong sáng hình ảnh yêu thương Chúa đặt trong tâm hồn mỗi người.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:54 31/10/2008
TIẾN BỘ

N2T


Ngày hôm sau, sư phụ nói: “Chạy bôn ba bên ngoài, so với biết dừng lại thì thật không dễ dàng chút nào ?”

Các đệ tử hỏi nguyên nhân.

- “Bởi vì khi tâm thần con chạy vùn vụt, thì ít nữa là có một khát vọng có thể nắm bắt; một khi ngừng lại, thì có thể đối diện với chân tướng nó.”

Một đệ tử nọ thích chuyện hoang đường hỏi:

- “Nếu chúng ta, ngay cả một khát vọng hay một mục tiêu đều không có, thì làm thế nào để tiến bộ ?”

- “Sự tiến bộ chân chính thường không phải phát xuất từ sự mong đợi của bản thân. Khi con đối diện với chân tướng, ý tưởng không đạt được tiến bộ, thì nó sẽ hoàn thành trong sự vô tình.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu phải không ngừng tiến bộ, bằng không thì sẽ thụt lùi, mà sự thụt lùi của đời sống tâm linh thì nguy hiểm vạn lần so với tụt hậu của xã hội.

Khi mà xã hội ngày càng tiến bộ về mọi mặt, thì Giáo Hội cũng nắm bắt được vai trò của mình là “men trong bột” cần phải phát triển để hướng dẫn thế giới đem sự tiến bộ của khoa học đến sự tiến bộ của đời sống tâm linh. Một xã hội không tiến bộ về đời sống tâm linh thì xã hội chỉ là một tập đoàn thụt lùi, đầy dẫy văn hóa sự chết: phá thai, hút xách, trụy lạc.v.v...

Người Ki-tô hữu cần phải tiến bộ mỗi ngày về mặt tâm linh của mình, sự tiến bộ này phải đặt trên nền tảng Lời Chúa và được phát triển bằng bí tích Thánh Thể, để mỗi một người Ki-tô hữu là một viên gạch xây lên cao, để tha nhân nhờ đó mà tiến bộ về mọi mặt tâm linh cũng như trần thế.

Nhưng tiên vàn phải trở thành người khiêm tốn, bởi vì khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức.
 
Lễ Các Đẳng Linh Hồn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:56 31/10/2008
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

(2.11)


Tin mừng: Ga 6, 37-40.

“Ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”


Bạn thân mến,

Một ngày sau khi mừng lễ các thánh nam nữ thì Giáo Hội tiếp theo nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục, các ngài là ai ? Thưa, các ngài là những người khi còn sống ở thế gian được đẹp lòng Chúa, nhưng chưa đền tội xong những tội thiếu sót của mình.

Các linh hồn trong luyện ngục đang ngày đêm mong đợi lời cầu nguyện của chúng ta –những người còn sống- bởi vì các ngài giờ đây ở trong ngục tù không làm gì được để xin Chúa tha tội cho mình, cái mà các ngài làm được để đền tội cho mình là khi các ngài còn sống ở thế gian, đó chính là thời gian đền tội quý báu nhất mà Chúa ban cho chúng ta. Và giờ đây, mỗi giây phút trong luyện ngục, các ngài đều chờ đợi những hy sinh, cầu nguyện và việc lành của chúng ta, để được Chúa mau đem về thiên đàng.

Ai cũng có người thân đã qua đời, và chắc chắn ai cũng có những người thân ở trong luyện ngục, việc cầu nguyện và hy sinh của chúng ta làm mỗi ngày đều không đi vào quên lãng, bởi vì Thiên Chúa sẽ dùng những hy sinh cầu nguyện ấy để cứu các linh hồn trong luyện ngục.

Bạn thân mến,

Ngày hôm nay bạn đi dâng lễ thật sốt sắng hơn mọi ngày, vì bạn đang thành tâm nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục: bạn nhớ đến ông bà cha mẹ bạn đã qua đời, bạn nhớ đến anh chị em, bà con và bạn hữu đã qua đời, và bạn cũng quên nhớ đến các linh hồn mồ côi không người nhớ đến để cầu nguyện cho họ. Lòng thành của bạn chắc chắn sẽ được Chúa Giê-su nhậm lời, và các linh hồn trong luyện ngục cũng sẽ không bao giờ quên bạn khi các ngài ở trước nhan thánh Chúa.

Cầu nguyện, hy sinh và làm việc lành để cầu cho các linh hồn trong luyện tội là việc làm có ích và cần thiết, bởi vì khi cầu nguyện cho họ là chính lúc ấy chúng ta cầu nguyện và tích trử ơn lành của Chúa cho chính mình vậy. Bởi vì ai tin vào Chúa Giê-su thì sẽ được sống muôn đời, và Ngài sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Đó chính là hạnh phúc đích thực của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:58 31/10/2008
N2T


32. Cầu nguyện là người thành khẩn hướng lên Thiên Chúa mà kêu cầu ân sủng.

(Thánh Basil tiến sĩ)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tin là bí quyết của Đức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII
Nguyễn Quốc Tâm
01:53 31/10/2008
VATICAN, ngày 29 tháng 10, năm 2008 (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Benedict XVI phát biểu: “Niềm tin vào Chúa Kitô và Giáo Hội là bí quyết khiến cho Đức Giáo Hoàng ĐGH Gioan XXIII trở thành người cỗ võ hòa bình trên toàn thế giới” trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày “vị Giáo Hoàng thánh thiện” được bầu làm giáo hoàng.

Vị giáo hoàng người Đức đã phát biểu như vậy trong bài diễn văn đọc cho khách hành hương đang tụ tập ở quảng trường Thánh Phêrô để đánh dấu lễ kỉ niệm qua thánh lễ do quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone cử hành.

Giờ cử hành thánh lễ gợi nhớ lại chính xác lúc mà 50 năm trước đây Đức Hồng Y Angelo Roncalli (1881-1963) được tuyển chọn vào chức vụ thánh Phêrô.

Nhớ lại “niềm vui lớn lao” mà Giáo Hội đã kinh qua khi nhìn thấy vị tân Giáo Hoàng đứng trên ban công vương cung thánh đường thánh Phêrô, vị kế nhiệm Ngài nhận ra rằng “đó là phút giây mở đầu và là sự tiên báo về kinh nghiệm trên cương vị làm cha. Đây là điều Thiên Chúa muốn ban phát dồi dào qua lời, cử chỉ và sự phục vụ Giáo Hội của Vị Giáo Hoàng thánh thiện.”

Ngài nói thêm: “Ân sủng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho một thời điểm đầy mong manh và hứa hẹn cho Giáo Hội và cho xã hội. Ân sủng ấy được tìm thấy trong sự ngoan ngõan nghe theo sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Đây chính là điều tạo nên nét tiêu biểu của cuộc đời Đức Gioan XXIII. Ngài là mảnh đất tốt làm nảy nở sự hòa hợp xanh mầm, niềm hy vọng, sự đoàn kết và nền hòa bình nhằm mưu ích cho tất cả mọi người.”

Đức Benedict XVI tiếp tục: “Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã diễn tả niềm tin vào Chúa Kitô và sự thuộc trọn về Giáo Hội – người mẹ và là thầy dạy – như là sự bảo đảm chắc chắn về chứng từ Kitô giáo đã sinh hoa trái ở trong lòng thế giới. Trong những xung đột đầy gian nan vào thời của Ngài, thì giáo hoàng là một con người và là vị chủ chăn của hòa bình, là người biết cách cởi mở với phương Đông và phương Tây - những chân trời đầy bất ngờ về tình huynh đệ giữa những người Kitô hữu, và là người đối thoại với hết mọi người.”

Vị Giáo Hoàng người Đức nhớ lại một trong những buổi yết kiến nổi tiếng của Đức Gioan XXIII vào dịp lễ Giáng Sinh đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của Ngài. Khi ấy, Ngài hỏi những người tham dự về ý nghĩa của cuộc gặp gỡ ngày hôm ấy. Rồi Ngài đã tự trả lời: “Ánh mắt tôi mang cùng cái nhìn với ánh mắt của anh chị em và trái tim tôi hòa cùng nhịp đập với trái tim của anh chị em.”

Đức Benedict XVI kết luận: “Tôi nài xin Đức Gioan cho chúng ta cảm nghiệm được sự gần gũi của ánh mắt và con tim Ngài để chúng ta cảm thấy chúng ta thật sự là gia đình của Thiên Chúa.”

Vị chủ chăn thánh thiện

Trong suốt bài giảng nhân ngày lễ kỷ niệm, Đức Hồng Y Bertone cũng suy ngắm đức tin của Đức Gioan XXIII khi Ngài tiết lộ một số bài viết của Đức Gioan XXIII.

Đức Hồng Y đã trích một đoạn ở chỗ Đức Gioan XXIII viết: “Sự bối rối gợi dậy trong tôi cảm nghĩ về tính khiêm nhường và sự từ bỏ trong bàn tay Thiên Chúa. Ngài thật sự đã và đang làm mọi sự mà không cần đến tôi. Còn tôi, tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng hoặc

khao khát thật nhiều. Tôi không khao khát hoặc suy nghĩ về bất cứ điều gì khác ngoại trừ sống và chết cho linh hồn đã được trao phó cho tôi.”

Đức Hồng Y cũng đề cập đến lòng sốt sắng cầu nguyện của Đức Gioan XXIII. Ngài cũng trích tiếp một bài viết của Đức Gioan XXIII: “Trong một vài năm còn lại của cuộc đời, tôi muốn trở thành một vị chủ chăn thánh thiện bằng tất cả những cách thức mà tôi có thể làm được. Ngày sống của tôi luôn mở ra bằng lời cầu nguyện. Cầu nguyện là chính hơi thở của tôi.”
 
Bangladesh: Các nữ tu giúp đỡ người nghèo và người bệnh bằng thảo dược
Trần Hoàn Chỉnh
02:07 31/10/2008
Mymensingh, Bangladesh (UCAN) – Subeda Begum 36 tuổi, bị mắc bệnh nặng, nhưng người phụ nữ Hồi giáo này quá nghèo và bà không thể đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện của nhà nước hay tư nhân ở Mymensingh. Rốt cuộc, bà cảm thấy mất hết hy vọng được chữa bệnh. Nhưng đau khổ của người phụ nữ này cuối cùng cũng chấm dứt khi bà gặp một nhóm các nữ tu Công Giáo. Họ đã giúp bà chữa bệnh bằng thuốc từ thảo mộc.

“Bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc và khỏe mạnh, xin cảm ơn sự điều trị của các soeurs,” và “tôi biết ơn họ vô cùng”, bà Begum nói với UCAN như vậy sau nhiều tháng chữa trị bằng thảo mộc.

Dòng chị em Salêdiêng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (SSMI) phục vụ tại giáo xứ Biroidakuni thuộc Mymensingh, cách thủ đô Dhaka 150 km về phía đông bắc đã cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh cho người nghèo và người bệnh trong vùng.

Trước đây, ba nữ tu dòng SSMI đã tham gia một khóa huấn luyện cơ bản về các loại dược thảo tại trụ sở của chính quyền vùng Mymensingh do các bác sĩ ngoại quốc giảng dạy. Hiện nay các nữ tu có thể tự chế các lại dược thảo và lưu giữ chúng trong lọ tại trạm y tế Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được thành lập năm 1931 theo như tên tu viện của các nữ tu.

Các nữ tu cũng phục vụ mọi người trong vùng bằng nhiều cách khác như giáo dục trẻ em và giúp đỡ các phụ nữ.

“Khi tôi đặt chân đến đây lần đầu tiên cách đây vài năm, tôi nhận thấy có nhiều người không thể mua thuốc bởi vì họ quá nghèo và tôi cảm thấy bị sốc”, vì vậy “Tôi cùng với 2 chị em khác đã quyết định làm một điều gì đó cho họ,” một soeur dòng SSMI nói.

Sau khi kết thúc khóa đào tạo, ba nữ tu đã trồng khoảng 60 loại thảo dược xung quanh tu viện. “hầu hết nguồn thảo dược chúng tôi sử dụng là từ tu viện, người ta đến với chúng tôi để nhận thuốc và họ nói rằng chúng rất công hiệu,” soeur Rose nói.

Được biết, các nữ tu đã cung cấp các loại dược thảo để trị tiêu chảy, viêm gan, kiết lỵ, ho và đau bụng.

Soeur Rose nói rằng những bệnh nhân có thể đến với phòng khám của họ để được chăm sóc miễn phí và chỉ trả tiền thuốc. Tuy nhiên đối với những bệnh nhân nghèo không có khả năng thì được miễn phí luôn.

Bên cạnh việc khám chữa bệnh, các nữ tu cũng tư vấn cho người dân về những vấn đề liên quan đến đời sống gia đình và tài chính. Mục tiêu của họ là phải giúp mọi người được thăng tiến và trở nên khấm khá hơn.

Bà Sufia Begum, 60 tuổi và cũng là người Hồi giáo nói rằng bà được lợi từ sự chăm sóc của các nữ tu. Bà nói với UCAN “các nữ tu cung cấp thuốc điều trị miễn phí và giúp đỡ những người nghèo và bệnh tật như tôi rất nhiều.” “Và khi chồng ly dị tôi, các nữ tu đã tư vấn, khuyên bảo và giúp tôi quên được ông ta” “các nữ tu cũng khuyên tôi tiếp tục nuôi dạy 5 cô con gái của mình”
 
Tòa Thánh kêu gọi thay đổi cách hiểu về Nhân quyền
Trần Hoàn Chỉnh
02:09 31/10/2008
NEW YORK, ngày 29 tháng 10, năm 2008. – Tòa Thánh phát biểu: “Sự thừa nhận về nhân quyền phải luôn được đặt ở trung tâm xã hội. Nó không phải là kết quả của những quyết định về chính sách.”

Đức Tổng Giám Mục (TGM) Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã khẳng định điều này vào hôm thứ ba trước khi ủy ban thứ ba trong kỳ họp lần thứ 63 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bàn về sự thăng tiến và bảo vệ nhân quyền.

Ngài nói rằng một trong những khía cạnh cần đặt trọng tâm nơi con người là sự phát triển.

Đức TGM nói: “Sự suy sụp nền kinh tế toàn cầu hiện nay nêu bật và chắc chắn sẽ làm trầm trọng hơn cảnh ngộ điêu đứng của cái được gọi là “vực sâu tiền tỉ”, một con số mà trong tình hình đang xấu đi như ngày hôm nay đang trên đà gia tăng tăng. Những con người khốn khổ này có quyền được cung cấp thực phẩm do sự khủng hoảng thực phẩm toàn cầu. Với khoản chi của chính phủ tập trung vào việc cứu nguy sự đổ vỡ tài chính, thì những bộ phận xã hội khác như giáo dục hoặc y tế sẽ bị tụt dốc và thiếu hụt tài chính.

Trong khi khủng hoảng kinh tế gây ra một số thách đố cho cộng đồng toàn cầu, thì khi chúng ta bắt đầu đề ra những biện pháp để cứu vãn sự sụp đổ kinh tế, chúng ta không được phép lơ là đối với những ai đang sống trong niềm hy vọng mong manh về một tương lai tương sáng.

Người tàn tật

Khi xem xét về một vấn đề khác, Đức TGM Miglior hân hoan chào mừng hiệp đinh về quyền của người tàn tật đã đi vào hoạt động, vì nó sẽ thúc đẩy nhân phẩm và quyền của người tàn tật.

Ngài nói: “Đoàn đại biểu chúng tôi hy vọng rằng khi nhà nước tán thành việc này thì quyền căn bản đối với sự sống vốn được đặt ở trung tâm của hiệp đinh sẽ được tôn trọng và xúc tiến cho tất cả những người khuyết tật ở mọi giai đoạn của cuộc sống. Đây là lúc hiệp định này phục vụ không chỉ nhằm thăng tiến sự kính trọng lớn lao hơn đối với những người khuyết tật, nhưng quan trọng hơn, mà còn nhằm cổ võ sự kính trọng lớn lao hơn cho tất cả mọi người bất chấp khả năng thể lý hay tâm lý của họ.”

Hiệp định về người tàn tật được phê chuẩn vào tháng 12 năm 2006. Nó đã chính thức đi vào hoạt động và có mặt ở hai mươi quốc gia.

Các quốc gia đã phê chuẩn hiệp định cần phải tường thuật đều đặn các bước tiến triển tới một ủy ban giám sát việc thi hành hiệp định.

Theo sự miêu tả về hiệp định tại Liên Hiệp Quốc, thì hiệp định đã đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc thay đổi cách suy nghĩ về người tàn tật, từ mối bận tâm phúc lợi xã hội thành vấn đề về nhân quyền. Điều này công nhận rằng hàng rào xã hội và những thành kiến đang tự làm cho chúng tàn tật.”
 
Những kẻ khủng bố đánh bom trường đại học Công Giáo tại Tây Ban Nha
Trần Hoàn Chỉnh
02:10 31/10/2008
Pamlona, ngày 30.10.2008 (CNA) – Trường Đại học Navarra, một trường Công Giáo ở Pamlona Tây Ban Nha đã bị nhóm khủng bố ly khai xứ Basque đánh bom vào sáng thứ năm. Theo ước tính ban đầu cho biết khoảng 21 người đã bị thương.

Khoảng 11 giờ sáng, một chiếc xe bom đã nổ tung tại bãi đậu xe nằm giữa tòa nhà chính và thư viện khiến 21 người bị thương và phá hủy 20 chiếc xe gần đó.

Ông Bernardino Leon, một giáo sư của trường đại học Navarra nói với kênh truyền hình Antena rằng “đã có những tiếng nổ nhỏ khác sau khi lửa bùng lên do các bình xăng của những chiếc xe hơi đậu gần đó”

Vụ đánh bom nhắm vào trường đại học do Opus Dei điều hành ngay lập tức bị lên án bởi Đức Hồng Y Agustin Garcia-Gasco, Tổng Giám mục giáo phận Valencia. Ngài gọi đây là “một hành động phi nhân tính hèn hạ”. “Tôi xin bày tỏ tình hiệp thông sâu xa đến toàn thể các sinh viên và sự phản đối mạnh mẽ của tôi đối với hành động khủng bố này”, ngài nói hôm thứ năm.

“Sự kiện này cho thấy thêm về sự dã man và hiện thân cho văn hóa sự chết của ETA”, Đức hồng y Garcia-Gasco nói. Ngài cũng bày tỏ tình hiệp thông với hiệu trưởng trường đại học và Đức giám mục Javier Echeverria, lãnh đạo của Opus Dei.

“Bằng việc tấn công vào trường đại học Navarre, những kẻ khủng bố cho thấy chúng hoàn toàn đối lập với lợi ích của con người”, Đức hồng y kết luận.

Ông Ángel Gómez-Montoro, Viện trưởng của trường đại học phán ứng với sự tấn công khi nói rằng, “ chúng tôi quyết định phục hồi mọi việc bình thường càng sớm càng tốt và chúng tôi sẽ làm điều đó mà không sợ hãi hay căm giận”.

“Đây là lúc để nhớ đến tầm quan trọng của sự tha thứ và chúng tôi muốn kêu gọi những kẻ khủng bố hãy dừng lại và đừng làm người khác đau khổ nữa,” ông nhấn mạnh.

Các sinh viên và giáo sư của trường sẽ tổ chức một cuộc tuần hành trong thinh lặng để phản đối bạo lực vào trưa ngày 31 tháng 10.
 
Tự do không biện minh mọi sự
Nguyễn Quốc Tâm
02:12 31/10/2008
VATICAN, ngày 30 tháng 10, năm 2008 (Zenit.org).- Đức Benedict XVI phát biểu: “Không thể viện dẫn tự do để biện minh cho tính vô độ vốn dẫn đến sự lạc hậu trong cách hiểu về con người.”

Đức Giáo Hoàng đã khẳng định điều này ngày hôm nay trong buổi nói chuyện bằng tiếng Pháp với đại sự mới của Canada ở Tòa Thánh, bà Anne Leahy. Ngài đặc biệt muốn nói đến sự vô độ khi xét đến vấn đề sự sống và gia đình.

Đức Thánh Cha nói: “Thật là cần thiết để tái định nghĩa ý nghĩa của tự do. Càng ngày người ta càng ý thức rằng tự do là ‘quyền bất khả xâm phạm của từng cá nhân’, trong khi ‘tầm quan trọng của nó xét ở nguồn gốc thánh thiêng và chiều kich cộng đồng' lại không được nhắc đến.”

Ngài nói tiếp: “Theo cách giải thích này thì tự mỗi cá nhân có thể quyết định và chọn lựa cho mình diện mạo, tính cách và những vấn đề mang tính dứt khoát như sự sống, cái chết và hôn nhân. Nhưng chỉ trong Thiên Chúa người ta mới tìm thấy và làm thăng tiến đến mức tối hậu sự tự do theo đúng nghĩa của nó. Tự do là một hồng ân mà ta có thể hân hoan đón nhận, giống như việc lãnh lấy một hạt giống và làm cho nó đâm chồi, nảy lộc, trưởng thành một cách đầy trách nhiệm để làm phong phú cho bản thân và xã hội.”

Đức Giáo Hoàng khẳng định: “Tự do có một hệ quy chiếu. Đó là luật luân lý tự nhiên mang tính phổ quát. Luật này dẫn đầu và liên kết mọi quyền và nghĩa vụ.”

Đức Thánh Cha diễn tả niềm tin tưởng rằng nền văn hóa sự sống “sẽ một lần nữa đem lại sức sống mới cho hoàn cảnh sống cá nhân và xã hội của toàn thể đất nước Canada.”

Ngài nói thêm: “Tôi biết đây là điều có thể thực hiện được và đất nước các bạn có khả năng làm được điều này.”

Các trường học tôn giáo

Đức Benedict XVI cũng đã nói về nền giáo dục tôn giáo. Ngài khẳng định “đó là quyền không ai có thể lấy mất từ các bậc cha mẹ để đảm bảo nền giáo dục luân lý và tôn giáo cho con em của họ.”

Ngài nói: “Việc giảng dạy tôn giáo, căn cứ vào những đóng góp cụ thể mà nó mang lại, là nhằm đáp lại lời cầu viện căn bản và không thể thiếu được đối với nền giáo dục đặt ra những mục tiêu hàng đầu là giúp sinh viên xây dựng nhân cách và sự phát triển năng lực của họ, là giúp họ vận dụng kiến thức và kinh nghiệm vào cuộc sống trên chiều kích tình cảm và tinh thần.”

Đức Giám Mục Rome cũng đề cập đến “lịch sử đối thoại lâu đời” giữa Canada và Tòa Thánh. Ngài nhắc lại ba chuyến công du tông đồ đến Canada của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, lần cuối là vào dịp ngày đại hội giới trẻ thế giới tại Toronto mà Leahy là tổng điều phối viên vào thời điểm ấy.

Đức Giáo Hoàng nhắc đến vị tiền nhiệm của Ngài là nhằm khẳng định rằng nhân dân Canada đã và đang thừa hưởng một “chủ nghĩa nhân văn phong phú diệu kỳ, nhờ vào sự kết giao của vô số yếu tố văn hóa đa dạng”, bao gồm “nhận thức siêu việt và thiêng liêng về sự sống, vốn được đặt trên nền tảng là mặc khải Kitô giáo. Điều này đã tạo nên một động lực lớn lao cho sự phát triển lớn mạnh của đất nước Canada thành một xã hội tự do, đoàn kết và dân chủ.”

Ngài tiếp tục: “Như bà đã nói, đạo Công Giáo là tảng đá góc tường để xây lên tòa nhà xã hội Canada, nhờ vào những cơ sở đã được xây dựng và nhờ vào nền văn hóa luôn được thăng tiến.”

Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng “những nguồn cội lâu đời của cây cổ thụ Công Giáo vẫn còn sinh động trong đất nước Canada và người Canada có thể làm cho nó sinh hoa kết quả một lần nữa.” Ngài cũng khuyến khích người Công Giáo Canada dấn thân.
 
Tòa Thánh công bố hướng dẫn về tâm lý học cho các linh mục tương lai
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:34 31/10/2008
(VIS) - Sáng 30/10/2008, tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đã công bố tài liệu: “Hướng dẫn sử dụng Tâm lý học trong Tuyển sinh và Đào tạo ứng sinh Linh mục”. Tài liệu dài 15 trang đã được công bố bằng các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, và Bồ Đào Nha. Đức Hồng y Zenon Grocholewski, Tổng Trưởng; Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Brugues, OP, thư ký và Cha Carlo Bresciani, cố vấn và là nhà tâm lý học của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đã hiện hiện trong buổi họp báo.

Đức Hồng y Grocholewski khẳng định rằng tài liệu nêu bật “bối cảnh văn hoá-xã hội ít nhiều ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của các ứng sinh gia nhập chủng viện, trong một số trường hợp tạo nên những tổn thương không thể chữa lành hay nhất là những khó khăn có thể ‘tác động đến khả năng của họ để tiến theo con đường huấn luyện hướng đến thiên chức linh mục’”. Ngài nói thêm: “Những vấn đề này không chỉ được thấy tại thời điểm gia nhập chủng viện mà chính chúng còn được bộc lộ rõ ràng tại thời điểm trước lúc phong chức linh mục”.

Đức Hồng y nêu lên rằng: “những ảnh hưởng của bối cảnh văn hoá-xã hội cũng như sự cần thiết nhu cầu huấn luyện con người của các linh mục tương lai, đặt ra vấn đề sử dụng môn khoa học tâm lý trong các chủng viện”; “Tài liệu này nhấn mạnh vai trò cơ bản của các nhà đào tạo và do đó cần chuẩn bị đầy đủ trong lĩnh vực giáo dục ơn gọi”. Mặt khác “trong đào tạo con người – vốn không thể tách rời với đào tạo tinh thần – người hướng dẫn tinh thần có một vai trò đặc biệt”. Trong ý nghĩa này, ngài trích dẫn tài liệu nói rằng: “hướng dẫn tinh thần không cách nào có thể được thay thế bằng các hình thức phân tích hay hỗ trợ tâm lý, và rằng chính đời sống tinh thần tạo đà tăng trưởng các đức tính con người, nếu không cản trở sự tồn tại tâm lý tự nhiên”.

Sau đó, ngài nhấn mạnh đến một khía cạnh khác mà tài liệu chú trọng đến: “tầm quan trọng của ơn Chúa trong việc đào tạo ứng sinh cho thiên chức linh mục”. Đức Hồng y chỉ ra rằng “việc nhờ đến các chuyên gia của khoa tâm lý học nên chỉ được sử dụng ‘trong một số trường hợp’ để đưa đánh giá về một chẩn đoán, nay trị liệu có thể xảy ra, hoặc hỗ trợ tâm lý trong sự phát triển những phẩm chất của con người bằng việc thi hành thừa tác vụ. Những điều này nên được tư vấn ‘si casus ferat’, nghĩa là trong các trường hợp đặc biệt vốn biểu thị những khó khăn đặc biệt”.

Ngài nói thêm “Sự trợ giúp của tâm lý học nên được tích hợp vào việc đào tạo toàn diện của ứng sinh, theo cách đó, nó không gây trở ngại mà lại còn đảm bảo việc bảo vệ các giá trị tinh thần không thay thế được theo một đường hướng đặc biệt”. Đây là lý do tại sao, “các nhà tâm lý học không thể là một phần của đội ngũ đào tạo”

Đức Hồng y Grocholewski kết luận bằng việc nhắc lại tài liệu “trong ba lần trích dẫn Giáo luật 1052 của Bộ Giáo Luật, theo đó, đối với giám mục tiến hành phong chức, ngài phải có sự chắc chắn về luân lý rằng ứng sinh thích hợp và ‘đã được thiết lập rõ ràng’ và trong trường hợp một nghi ngờ được minh chứng thì không thể tiến hành phong chức”

Đức Tổng Giám Mục Brugues khẳng định rằng "không ai, cho dù la tu sĩ hay bề trên giáo phận có thể đi vào các chi tiết tiểu sử tâm lý của ứng sinh mà không cần phải nhận biết trước, rõ ràng, có hiểu biết, và hoàn toàn đồng thuận về họ. Các nhà tâm lý không thể tiết lộ các khía cạnh đời sống riêng tư của bệnh nhân mình với bên thứ ba, bất kể thẩm quyền của họ, dù là tôn giáo hay chính trị, mà không có đồng thuận hoàn toàn của các bên”.

Cuối cùng, Cha Carlo Bresciani nhấn mạnh rằng “với những chỉ dẫn này, Giáo Hội chẳng những muốn trao phó cho các nhà tâm lý việc đào tạo tâm lý cho các ứng sinh linh mục, vốn là và tiếp tục là cần thiết cho sức sống tinh thần, để tìm những giá trị mà con người và nhất là khoa tâm lý học có thể đóng góp vào sự chuẩn bị của các linh mục bằng sự cân bằng nhân cách. Giáo Hội đánh giá cao các phương pháp tâm lý, tuy nhiên, đồng thời muốn nó được sử dụng theo cách thức nó có thể thực sự mang lại lợi ích”.
 
Văn Hóa Sự Sống
Supreme Knight Carl A. Anderson
12:46 31/10/2008

Knights of Columbus Supreme Knight on voting Pro-life



New Haven, CT 10/30/2008:


Because of the importance of the pro-life issue in this year’s U.S. elections, I have decided to reprint here excerpts from my annual report to the Supreme Convention:

In eight of the last nine presidential elections, the crucial “Catholic vote” has picked the winner. America’s 69 million Catholics are again likely to hold the key not only to the White House, but to a great number of other races as well.

The bishops of the United States recently stated, “The Church’s obligation to participate in shaping the moral character of society is a requirement of faith.”

At the top of their list of Catholic moral convictions, the bishops put “defending the inviolable sanctity of human life from the moment of conception until natural death.”

This is especially important since Catholics often confront a dilemma in deciding how to vote: Can we support a candidate who may be attractive for many reasons but who supports abortion rights? Some partisan advocates have sought to excuse support for pro-abortion-rights candidates through a complex balancing act. They claim other issues are important enough to offset a candidate’s support for abortion rights.

But the right to abortion mandated in the United States by the Supreme Court’s Roe v. Wade decision is not just another political issue; it is in reality a legal regime that has resulted in more than 40 million deaths.

Imagine for a moment the largest 25 cities in the United States and Canada suddenly empty of people. This is what the loss of 40 million human beings would look like. In fact, 40 million is greater than the entire population of Canada.

What political issue could possibly outweigh this human devastation? The answer, of course, is that there is none.

Some will argue that faith has no place in politics. But the notion that the First Amendment’s Establishment Clause somehow forbids either a public official or a voter from taking into account personal religious values when deciding matters of public policy is absurd.

After all, some of the most important movements in our history – the abolitionist movement which ended slavery, the civil-rights movement, which finally made racism morally unacceptable in America – were born as religious movements.

It is significant that both of these movements sought to end what were rightly regarded as fundamental violations of the dignity possessed by every human person. Legal respect for, and protection of, human dignity lie at the heart of our Constitution, as well as at the core of religious faith.

It is time to put away the arguments of political spin masters that only serve to justify abortion rights. How should Catholics exercise their responsibility as citizens? The most important way is to build a culture of life.

It is time for Catholics to demand the end of Roe v. Wade. It is time to stop creating excuses for voting for pro-abortion-rights politicians. It is time that Catholics shine a bright line of separation between themselves and all those politicians who defend the abortion-rights regime of Roe v. Wade.

During the pope’s visit to the United States last April, he urged those gathered at Yankee Stadium to protect “the unborn in the mother’s womb.” That statement drew the loudest, longest applause of his trip.

Imagine the effect if this year millions of Catholic voters simply say “no” – no to every candidate for every office of every political party who supports abortion rights.

It’s time Catholics stop accommodating pro-abortion-rights politicians and it’s time to start demanding that politicians accommodate us. In this election, if a Catholic cannot vote for a pro-life candidate, then not voting for that office may be the sincerest expression of faithful citizenship.

As faithful citizens, Catholics can build a new politics – a politics that is not satisfied with the status quo, but one that is dedicated to building up a culture of life.

Vivat Jesus!

Supreme Knight Carl A. Anderson
 
Ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha nhắm vào các Thánh
Bùi Hữu Thư
19:31 31/10/2008

Ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha nhắm vào các Thánh



VATICAN CITY, ngày 31 tháng 10, 2008
(Zenit.org).- ĐTC Benedict XVI tháng này cầu xin cho các thánh có thể trở thành các tấm gương sáng cho các Kitô hữu bắt chước Chúa Kitô.

Hội Tông Đồ Cầu Nguyện tuyên bố ý chỉ chung được ĐTC lựa chọn: “Chớ gì nhân chứng tình yêu của các Thánh có thể tăng sức cho các Kitô hữu trong sự tận hiến cho Thiên Chúa và tha nhân, và bắt chước Đức Kitô, đấng đã đến để phục vụ và không để được phục vụ.”

ĐTC cũng chọn một ý chỉ tông đồ cho mỗi tháng. Vào tháng Mười Một, ngài sẽ cầu cho “các cộng đồng Kitô giáo tại Á Châu, trong khi ngắm nhìn gương mặt Chúa Kitô, có thể biết cách tìm được phương cách thích hợp nhất để tuyên xưng Người, với sự hoàn toàn trung thành với Phúc Âm, cho các dân nước tại lục địa rộng lớn này, là nơi hết sức phồn thịnh về văn hóa và các hình thức tôn giáo thiêng liêng xưa cổ.
 
2009 sẽ là “Năm Châu Phi” của Giáo hội Công giáo?
Phụng Nghi
21:52 31/10/2008
Vatican (NCR) - Mặc dầu chưa có lời tuyên bố chính thức nào về vấn đề này, nhưng năm 2009 có lẽ sẽ được thành hình là “Năm của châu Phi” trong giáo hội Công giáo.

Ba sự việc công khai nổi bật dường như khẳng định rằng sự lớn mạnh đặc biệt của đạo Công giáo ở châu Phi, cũng như những thách đố cam go giáo hội đang phải đương đầu tại đây, sẽ là ngọn đèn chiếu sáng chói lọi suốt cả năm:

1. Tháng ba năm tới, Đức giáo hoàng Bênêđictô sẽ tới Cameron và Angola, đây là chuyến du hành đầu tiên tới châu Phi và là chuyến tông du ra ngoại quốc lần thứ 11 trong triều đại giáo hoàng của ngài. Tính đến nay, đây là chuyến du hành duy nhất trong năm 2009 được loan báo.

2. Nghị hội của Hội đồng giám mục châu Phi và Madagascar (Symposium of Episcopal Conferences of Africa and Madagascar (SECAM) sẽ họp phiên khoáng đại, qui tụ các giám mục khắp lục địa châu Phi, tại Roma từ ngày 27 tháng 9 đến 3 tháng 10 năm 2009. Địa điểm họp sẽ bảo đảm được giới truyền thông phương Tây và các phóng viên săn tin tức Tòa thánh chú ý theo dõi hơn những cuộc họp thông thường của SECAM trước đây.

3. Thượng hội đồng giám mục về châu Phi lần thứ hai sẽ họp tại Vatican từ ngày 4 đến 25 tháng 10 năm 2009. Đây là cuộc họp tiếp theo Thượng hội đồng giám mục châu Phi đầu tiên được tổ chức năm 1994, lần này sẽ qui tụ các vị chức sắc trong giáo hội châu Phi họp cùng các vị giám mục khác trên thế giới, cũng như với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, để thảo luận về những điều hứa hẹn cũng như những nguy cơ của đạo Công giáo tại châu Phi.

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố kế hoạch trong chuyến tông du của ngài tới châu Phi vào lúc kết thúc Thượng hội đồng giám mục về Lời Chúa tổ chức từ ngày 5 đến 26 tháng 10 vừa qua. Mặc dầu thời khóa biểu chính thức chưa được sắp đặt, nhưng vị đặc sứ của ngài tại Angola tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 2 tháng 10 vừa qua rằng Đức giáo hoàng sẽ tới thủ đô Luanda vào ngày 20 tháng 3 và ở đất nước Angola này cho đến 23 tháng 3. Một trong những hoạt động tại đây là ngài sẽ tham dự các lễ hội mừng kỷ niệm 500 năm công cuộc truyền giáo tại Angola kể từ thế kỷ 15.

Trước khi đến Angola, Đức giáo hoàng sẽ thăm viếng Cameroon, có lẽ sẽ ở nước này 2 hay 3 ngày. Mục đích chính thức cuộc thăm viếng này là trình bày Instrumentum Laboris, hay còn gọi là nghị trình làm việc, cho Thượng hội đồng giám mục về châu Phi trong cuộc họp của SECAM tại Yaounde, thủ đô nước Cameroon.

Cả Cameroon, dân số 17.8 triệu người và Angola, dân số 16.9 triệu, đều nằm ở phía tây châu Phi. Ngôn ngữ chính của Cameroon là Pháp và Anh ngữ, còn ở Angola thì ngôn ngữ chính là tiếng Bồ đào nha.

Chủ đề chính thức của Thượng hội đồng giám mục về châu Phi là “Giáo hội tại châu Phi trong công tác phục vụ hòa hợp hòa giải, công lý và hoà bình.”

Mục tiêu suốt năm 2009 nhắm tới châu Phi là rọi sáng vào hai khía cạnh: sự tăng trưởng mạnh mẽ của đạo Công giáo cũng như các mối đe dọa cũng không kém phần lớn lao cả giáo hội và xã hội rộng lớn châu Phi phải đương đầu.

Sự bùng nổ của đạo Công giáo tại vùng châu Phi hạ Sahara ở thế kỷ 20 được coi là một trong những thành quả truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử giáo hội. Từ số người Công giáo là 1.9 triệu vào năm 1900, tổng số tại vùng châu Phi hạ Sahara năm 2000 đã nở rộ thành 139 triệu, một tỷ lệ tăng trưởng gây sửng sốt lên đến 73%. Hơn nữa, gần một nửa số người lớn được rửa tội trong giáo hội Công giáo toàn cầu xảy ra tại châu Phi, có nghĩa là mức tăng trưởng của giáo hội được thúc đẩy không chỉ do chiều hướng gia tăng dân số chung nhưng còn bởi sự thành công trong việc lôi kéo được những người cải đạo mới.
Vùng Châu Phi Hạ Sahara là những nước màu xanh


Vào năm 2050, ba nước tại châu Phi sẽ được xếp vào số 10 quốc gia có người Công giáo đông nhất trên mặt đất: nuớc Cộng hoà Dân chủ Congo (97 triệu người Công giáo), Uganda (56 triệu) và Nigeria (47 triệu). Lúc đó, những quốc gia có thế lực Công giáo truyền thống như Tây ban nha và Ba lan, sẽ bị loại ra khỏi danh sách những nước có nhiều giáo dân nhất.

Ơn gọi cũng nở rộ. Chủng viện ở vùng đông nam Nigeria với con số chủng sinh lên đến 1.100, được coi là chủng viện Công giáo lớn nhất thế giới. Số chủng sinh này gần bằng 1/5 tổng số chủng sinh hiện đang chuẩn bị làm linh mục tại Mỹ. Vậy mà, với một mùa gặt phi thường như thế, lại không có chuyện dư thừa linh mục ở châu Phi, phần lớn vì số người Phi được rửa tội tăng trưởng nhanh hơn số được thụ phong.

Mục tiêu nhắm vào châu Phi suốt năm 2009 do đó sẽ đưa ra một hình ảnh trái ngược rõ rệt với những quan niệm của Tây phương cho rằng có sự co rút và đi xuống trong giáo hội, vì đó không nhất thiết là câu chuyện xảy ra trên bình diện toàn cầu.

Đồng thời, đạo Công giáo tại châu Phi cũng phải đối diện với một loạt những điều thách đố. Một điều đơn giản là phải theo kịp với đà tăng trưởng, bảo đảm rằng những người mới theo đạo được học hỏi và huấn luyện đầy đủ về đức tin, và hạ tầng cơ sở của giáo hội phải có khả năng về mục vụ và cung ứng nhu cầu cần thiết của con người cho các cộng đoàn giáo dân đang không ngừng tăng trưởng.

Trong những ngày kết thúc Thượng hội đồng giám mục tại Roma mới đây, các giám mục châu Phi đã chỉ ra hai thách thức quan trọng họ phải đối diện: Hồi giáo và Phong trào Ngũ Tuần (Pentecostalism).

Suốt thế kỷ 20, Hồi giáo cũng phát triển mạnh mẽ ở châu Phi. Mặc dầu sự phân bố dân số theo yếu tố tôn giáo ở châu Phi rất mực mơ hồ, hầu hết các ước tính đều nói rằng số người Hồi giáo trên lục địa này ngang bằng với số người theo Kitô giáo, và hai bên thường sống chung với nhau trong bầu khí không hoà thuận. Đặc biệt là tại những nước không có một đa số rõ rệt – chẳng hạn như Nigeria, Tanzania, và Ivory Coast – người ta đã chứng kiến nhiều đợt xung đột giữa người Kitô giáo và Hồi giáo trong những thập niên vừa qua.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo NCR (National Catholic Reporter) tại Thượng hội đồng giám mục, tổng giám mục John Onaiyekan thuộc Abuja nước Nigeria, cho biết rằng theo quan điểm của người châu Phi, thì Hồi giáo đáng được nhiều chú ý quan tâm của giáo hội ngang bằng với những nỗ lực đối thoại giáo hội dành cho Do thái giáo.

Tổng giám mục Onaiyekan nói: “Mối liên lạc với Hồi giáo tạo ra nhiều kết quả hơn trên đời sống giáo hội và sứ vụ của giáo hội cũng như cho một số lớn các giám mục. Mối liên lạc với Do thái giáo có thể rất quan trọng về phương diện lịch sử và nhiều mặt khác, nhưng trên bình diện toàn cầu, chúng ta có nhiều điều phải đương đầu với người Hồi giáo hơn với người Do thái.”

“Còn nữa, khi đề cập đến sứ vụ của giáo hội, sự kiện là trong khi người Do thái không quan tâm đến việc rao giảng và truyền đạo, thì người Hồi giáo lại đang mạnh mẽ - rất mạnh mẽ - cải đạo những người khác. Có thể nói là họ đang câu cá ở cùng một cái ao với chúng ta. Chúng ta phải xét đến việc đó.”

Sự lớn mạnh của Phong trào Ngũ Tuần khắp châu Phi, thường là cái giá phải trả của giáo hội Công giáo, đặt ra một thách thức về mục vụ khác không kém phần quan trọng. Tại Thượng hội đồng giám mục, đức hồng y Polycarp Pengo nước Tanzania, hiện là Chủ tịch của SECAM, cảnh báo về một cuộc “xuất hành ồ ạt” người Công giáo khắp châu Phi rời bỏ giáo hội để gia nhập vào nhiều phong trào Ngũ Tuần khác nhau.

Giám mục Louis Portella Mbuyu ở Kinkala, nước Congo, nói rằng ngày nay tại châu Phi còn có một yếu tố tranh đua khác đang lớn mạnh: đó là hình thức hồi sinh của tôn giáo châu Phi truyền thống, đề cao sự giải phóng cá nhân.

Ngoài những mối quan tâm về tôn giáo nói trên, các giám mục châu Phi còn yêu cầu chú ý nhiều hơn đến nỗi thống khổ vẫn còn tiếp tục nơi đại lục này dưới hình thức kém phát triển trầm trọng, bệnh tật kinh niên và những cuộc xung đột võ trang.

“Chỉ số khổ cực” về châu Phi hiện nay ai cũng biết là đáng chán:

1. Ngân hàng Thế giới tường tình rằng trong khi vùng Á Đông giảm thiểu tỷ lệ người sống trong cảnh cực kỳ nghèo túng - nghĩa là kiếm được dưới 1 mỹ kim một ngày – từ 80% xuống còn 20% trong giai đoạn từ 1981-2005, thì ở châu Phi không có sự cải tiến tương tự như thế. Năm 1981, 200 triệu người châu Phi sống trong cảnh cực kỳ nghèo túng, trong khi đó con số ước tính vào năm 2005 là 400 triệu người.

2. Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa kỳ, thì trong 30 nước chậm phát triển nhất trên thế giới thì có đến 21 nước nằm ở vùng vùng châu Phi hạ Sahara.

3. Năm 2005, người ta ước tính có khoảng 30 triệu người lớn và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS trong vùng châu Phi hạ Sahara, chiếm khoảng 2/3 số người bị nhiễm trên toàn thế giới. Ước chừng 1 triệu rưởi người châu Phi thiệt mạng mỗi năm vì căn bệnh này. Trong số 15 triệu trẻ em mồ côi do cha mẹ chết vì bệnh AIDS trên toàn thế giới thì vùng châu Phi hạ Sahara đã chiếm tới 95% con số trẻ em đó.

4. Tính từ năm 1981, có khoảng 28 nước ở trong vùng châu Phi hạ Sahara đã có liên hệ trong các cuộc xung đột quân sự, gây ra cái chết cho hàng triệu người, làm cho khoảng 9.5 triệu người phải đi tỵ nạn và từ 18 đến 20 triệu người phải rời bỏ chỗ ở. Theo cơ quan Oxfam Quốc tế, các cuộc xung đột quân sự từ năm 1990 đến 2005 đã làm cho châu Phi tốn phí khoảng 300 tỷ, tương đương với tổng số ngoại viện phân phối cho châu Phi trong cùng khoảng thời gian đó.

5. Người ta ước tính nạn tham nhũng kinh niên trong nhiều nước châu Phi đã làm tốn hao đại lục này hàng trăm tỷ mỹ kim vì mất mát trong sản xuất và các nguồn tài nguyên bị bòn rút.

Những người phát ngôn của châu Phi thường khiếu nại rằng các chỉ số về nỗi khổ cực của con người thường bị bỏ qua hoặc không được tường trình đầy đủ ở phương Tây. Theo một cuộc nghiên cứu của nhóm Media Watch, những cuộc xung đột ở châu Phi chỉ được giới báo chí phương Tây tường thuật khoảng 2% trong thời gian 3 năm tiếp sau những cuốc tấn công khủng bố xảy ra ngày 9/11.

Các nhà lãnh đạo Công giáo ở châu Phi ngày nay đang lên tiếng với niềm hy vọng rằng trọng tâm đặt vào lục địa này năm 2009 của giáo hội toàn cầu có thể một phần nào giúp cải tiến những sự bất quân bình như thế.

Nguồn: JOHN L. ALLEN JR./ National Catholic Reporter

 
Top Stories
Vietnam: Avant même le procès des fidèles de Thai Ha, le Tribunal populaire demande un supplément d’enquête
Eglises d'Asie
02:05 31/10/2008
Vietnam: Avant même le procès des fidèles de Thai Ha, le Tribunal populaire demande un supplément d’enquête

Un coup de théâtre étonnant vient de se produire au cours des préparatifs du procès des fidèles de la paroisse de Thai Ha. Le 24 octobre 2008, le parquet populaire du district de Dông Da (Hanoï) avait dressé et rendu public l’acte d’accusation contre les huit fidèles de la paroisse de Thai Ha (1). Ceux-ci avaient été arrêtés et inculpés pour leur participation à la transformation en sanctuaire marial du terrain accaparé par le gouvernement, le 15 août dernier. L’acte d’accusation du 24 octobre ne retenait contre eux qu’un seul chef d’inculpation à savoir « troubles de l’ordre public ». Or, le 28 octobre suivant, on apprenait que le Tribunal populaire du district de Dông Da avait retourné le dossier au Parquet populaire du district, alléguant que l’acte d’accusation avait omis la mention d’un délit de « destruction de biens ».

Ce ‘ jugement anticipé ’ porté par le tribunal avant même le procès, a grandement étonné le public vietnamien concerné par l’affaire. Selon le droit vietnamien, le tribunal ne peut juger qu’en s’appuyant sur l’acte d’accusation du parquet. Ce n’est que lors du jugement lui-même qu’il eût été possible de demander un supplément d’enquête. Certains ont aussitôt pensé à une intervention du pouvoir politique, mécontent de la « légèreté » des griefs retenus contre les fidèles qu’il considère comme impliqués dans une affaire grave.

Ce n’est d’ailleurs pas la première fois que l’inculpation change de motifs. Le 28 août, quand les quatre premiers fidèles ont été arrêtés et inculpés, ils étaient accusés de « destruction de biens ». Plus tard, l’enquête de police, devant la minceur des preuves de ce délit, abandonna cette accusation pour ne retenir que les « troubles à l’ordre public ». Plus tard, entre le 5 et le 17 septembre, la police inculpa encore quatre autres fidèles pour « troubles à l’ordre public ». Le 15 octobre, la police décidait d’abandonner définitivement l’accusation de « destruction de biens publics »…

Le 20 octobre, les résultats de l’enquête policière étaient transmis au parquet, lequel faisait parvenir son acte d’accusation au Tribunal populaire le 27 octobre suivant. Selon des sources en provenance de la paroisse de Thai Ha, les huit inculpés étaient convoqués aujourd’hui, 30 octobre 2008, pour un interrogatoire supplémentaire. Par ailleurs, des proches du pouvoir politique ont confié que le procès de Thai Ha serait mené rondement dans les jours qui viennent et, sans doute, dans une grande discrétion.

Le code pénal vietnamien (1999), traitant du délit de « destruction de biens » à l’article 143, ne distingue pas entre « biens publics » et « biens privés ». Les peines sont infligées en fonction de la valeur du bien détruit et de la gravité du délit. Elles vont de six mois à 15 ans de prison. En cas de gravité extrême, ce délit peut entraîner la prison à perpétuité. Les peines prévues par l’article 245 pour « troubles à l’ordre public » varient en fonction de la gravité et des circonstances des troubles causés. Les délits les moins graves sont sanctionnés par deux ans de rééducation sans internement ou une amende ou encore trois mois à deux ans de prison. Les cas les plus graves sont punis de sept ans de prison.

(1) La photocopie des 21 pages de l’acte d’accusation a été mise en ligne par de nombreux sites et blogs de langue vietnamienne.

(Source: Eglises d'Asie, 30 octobre 2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đêm Văn nghệ Đại Hội La Vang tại Las Vegas nhớ về La Vang và Quê Hương Việt Nam
VietCatholic
09:43 31/10/2008
Đêm Văn nghệ Đại Hội La Vang tại Las Vegas nhớ về La Vang và Quê Hương Việt Nam

LAS VEGAS - Một buổi văn nghệ thật đặc sắc và ý nghĩa được trình diễn vào chiều ngày Thứ Bảy ngày 25.10.2008 tại Trung tâm Mục Vụ Việt Nam ở Las Vegas với sự tham dự của trên 5000 người.

Xin mời thưởng thức sơ khởi (videos chưa edit và chưa ghép nối) 4 Vũ khúc sau đây:

-Lối về Xóm Nhỏ (Đoàn VietCatholic)

- Ân Huệ Tình Yêu (Đoàn Teresa Long Beach)

-Hành trình trên đất Phù Sa (Đoàn La Vang Las Vegas)

-Tơ Hồng Lý Ngựa Ô (Đoàn VietCatholic)

Các tiết mục trong Đêm Văn Nghệ với sự đóng góp của các Ca đoàn La Vang Las Vegas, Ca đoàn Teresa Long Beach, Vũ đoàn VietCatholic, Vũ đoàn La Vang, Vũ đoàn Teresa Long Beach, cùng các ca sĩ Ngọc Huệ, linh mục Tiến Linh và có sự trình bầy của Ban Tam Ca Áo Trắng mãi từ Việt Nam qua. Nổi bật nhất là Hoạt Cảnh La Vang được Ca đoàn La Vang (giáo xứ chủ nhà) trình bầy. Chương trình được nối tiếp rất gọn gàng và nhịp nhàng dưới sự điều khiển của LM Đồng Minh Quang.

Sau phần Văn Nghệ là cuộc Rước trọng thể kính Đức Mẹ La Vang và cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam cũng như Quê Hương Việt Nam. Một cuộc rước kiệu rất sốt sắng, nghiêm trang và hoành tráng với hàng ngàn ngọn nến bừng sáng lên một góc trời với những bài hát du dương và những lời cầu kinh tha thiết làm nâng dậy tâm hồn con cái của Mẹ La Vang.

Tất cả những hình ảnh, nhưng nghi lễ, những bài giảng thuyết và những sinh hoạt của 3 ngày Đại Hội đã được cơ quan Truyền hình HD và VietCatholic thực hiện với 6 máy camera chuyên nghiệp TV quay cảnh với anh Hợp Phạm đạo diễn, xướng ngôn viên Kim Thúy diễn giải và LM Trần Công Nghị phối trí tổng quát.

VietCatholic đang phối hợp với LM Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ La Vang Las Vegas để sẽ phát hành trong tuần tới 3 cuốn DVD cho Đại Hội La Vang 2008 “Sa Mạc Tình Yêu”:

  • Cuốn DVD 1: Các Nghi lễ Đại Hội La Vang Las Vegas 2008
  • Cuốn DVD 2 Các Buổi Hội Thảo và Thuyết trình tại Đại Hội La Vang Las Vegas 2008
  • Cuốn DVD 3: Văn Nghệ tại Đại Hội La Vang Las Vegas 2008
4 Màn Vũ được ghi lại trên đây chỉ là tạm thời chưa có edit và ghép nối từ 6 máy quay khác nhau, nhưng cũng phần nào nói lên được “nét văn hóa truyền thống và mầu sắc rất quê hương”, nhưng đồng thời cũng rất “nóng bỏng của nhịp độ tân kỳ Las Vegas”.
 
Paraguay- Một dấu lặng khác trong cuộc sống Truyền giáo
Lm. Trần Xuân Sang, SVD
11:26 31/10/2008
PARAGUAY - MỘT DẤU LẶNG KHÁC TRONG CUỘC SỐNG TRUYỀN GIÁO

Một mai sau cơn đau!

Sau khóa học tiếng Guarani để bổ sung cho đời sống mục vụ từ trên núi trở về, tôi đã phải lao đầu vào công việc cho tháng truyền giáo và lên chương trình cho những tháng cuối năm 2008.

Phải thật sự nói rằng tháng 10, tháng Mân Côi, trong giáo xứ chúng tôi có nhiều việc để làm vì người dân ở đây cũng rất tôn sùng Đức Mẹ như dân Việt mình vậy. Các ngày thứ Năm trong tuần họ tổ chức lần chuỗi Mân Côi kết hợp cho việc cầu nguyện truyền giáo rất sốt sắng. Tôi luôn hiện diện với họ để lần chuỗi Mân Côi và ban phép lành trước khi kết thúc buổi cầu nguyện. Tôi cũng đến các giáo điểm truyền giáo trong các ngày bổn mạng giáo họ như Giáo họ Têrêsa Hài Đồng, Phan-xi-cô Assisi… để dâng lễ và chung vui với họ.

Vì quá đam mê vào công việc nên một vài ngày trước đó tôi đã cảm thấy trong người hơi khó chịu mà mình cứ chủ quan, đến khi tôi bị nóng sốt và phần đầu đau như búa bổ nên mới vội nhờ người đưa đến một trạm xá gần giáo xứ. Người ta đã vội vàng chuyền nước biển và tiêm thuốc cho tôi nhưng tôi không cảm thấy tốt hơn chút nào.

Sau gần 3 ngày nằm ở trạm xá mà tình hình vẫn càng tội tệ hơn, vị bác sĩ ở trạm xá ấy đã viết thư chuyển viện tức khắc cho tôi và yêu cầu người thân của tôi đưa tôi đi ngay trong đêm kẻo muộn. Tôi bị mê mệt và được đưa đi ngay đêm hôm ấy lên bệnh viện thành phố cách xứ tôi hơn 6 tiếng xe.

Tôi đã ngỡ mình chết vì trên chuyến xe tải nhỏ đưa tôi đi đêm ấy, máu đã ra rất nhiều từ chiếc bình Sirum mà người ta gắn trên tay tôi. Khi đến khu cấp cứu của bệnh viện, thân hình tôi mềm nhũng ra và sau đó người ta muốn làm gì thì làm để xét nghiệm thân thể tôi. Thật sự lúc đó tôi chỉ nghĩ đến cái chết đã gần kề.

Những ngày nằm ở bệnh viện là thời gian cực kỳ đau khổ đối với tôi. Tôi chẳng biết mình bị bệnh gì mà người ta lại xét nghiệm đủ thứ và chụp toàn bộ vùng đầu của tôi bằng máy chụp điện sóng. Tôi nghe mù mờ rằng Paraguay hiện đang có một bệnh dịch nào đó nên người ta cố tìm ra con vi-rút có nằm ở trong cơ thể tôi không. Vừa đau thể xác, vừa bị ám ảnh bởi căn bệnh mới lạ, tôi bỗng rùng mình và sợ chết. Cái cảm giác sợ chết ghê gớm thật. Giả như mình đang đi đường rồi bị tai nạn và chết thình lình thì không có gì phải sợ. Đằng này mình đang khỏe mạnh, rồi bỗng dưng bị đau và mình sẽ biết mình chết dần, chết mòn thì đáng sợ làm sao. Vừa nghĩ đến cái chết thì cơn nóng lạnh và chứng đau đầu lại hành hạ tôi. Chưa thấy cơn đau nào dữ dội và dai dẵng như cơn đau lần này xảy đến với tôi.

Cũng thật an ủi cho tôi trong những ngày nằm bệnh. Các giáo dân của tôi đạo đức và hăng say cầu nguyện nhiều hơn cho tôi. Những người thân ở xa điện thọai hỏi thăm và động viên tôi dù bác sĩ hạn chế không cho tôi nói chuyện nhiều qua điện thoại. Cha bề trên và các anh em cùng Dòng thường xuyên thăm viếng và nâng đỡ tôi nên tôi thấy phấn khởi lắm lắm. Hai anh em linh mục đồng hương khi biết tin tôi lâm bệnh nặng đã sắp xếp thời giờ đến túc tực bên tôi như người anh em ruột thịt dù các anh ở rất xa. Thật quá cảm động và mang ơn các anh em dường nào. Chúa đã ban cho mình nhiều hơn mình nghĩ dù mình sống ở đây là đất lạ quê người.

Sau cơn đau chí tử ấy tôi mới thấy được tình thương của các anh em đồng đạo và những người giáo dân mà mình gắn bó làm việc. Nếu mình biết đối xử chân tình và hết lòng vì họ thì họ cũng sẽ hết lòng vì mình. Và tôi cũng nghiệm một điều là khi mình sống ở xứ lạ quê người mình nên để ý đến chuyện ăn uống một tý vì nếu mình cứ ỷ vào sức trẻ và ăn uống bất kể thứ gì thì rất dễ bị ngã gục.

Một dấu lặng nữa được viết lên trong cuộc sống của tôi ở vùng truyền giáo này để tôi biết nghĩ thêm về đời sống của các bệnh nhân mà chính tôi đã kinh qua. Tôi còn nhớ khi nghe một cuốn album ca nhạc của Khánh Ly, cô ca sĩ nổi tiếng này đã phỏng vấn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một câu rất ngắn gọn rằng trong cuộc sống cái gì là quí nhất. Cố nhạc sĩ họ Trịnh đã trả lời rằng cái quí nhất trên đời chính là ở tấm lòng. Đúng vậy, sống trên đời cần phải có một tấm lòng để một mai khi mình không còn trên đời này nữa người đời vẫn còn nhớ đến mình qua tấm lòng thành.

Kỷ niệm ngày chịu chức

Hôm nay là ngày cuối tháng 10, kỷ niệm ngày 6 anh em cùng lớp và tôi lãnh nhận chức linh mục. Hồi tưởng lại những kỷ niệm đời tu giúp tôi nhận ra ý Chúa luôn từng bước hướng dẫn tôi trên bước đường theo Ngài.

Từ năm 1988, tôi đã bắt đầu theo đuổi ơn gọi như là một ứng sinh của giáo phận dù lúc ấy chuyện tu trì là vô cùng khó. Tôi đã tham gia dạy giáo lý, tham gia các sinh họat của giáo xứ và đợi ngày được gia nhập chủng viện, nhưng chuyện đó thật viễn vông.

Mãi đến năm 1992, tôi đã chính thức xin gia nhập Dòng Thánh Giuse Nha Trang (sau này là Dòng Ngôi Lời-Giuse) mặc dù Đức Giám Mục và cha xứ của tôi lúc ấy muốn tôi chờ đợi thêm một thời gian nữa khi chủng viện được mở lại. Tôi vì quá hăng hái đi tu nên đã bất tuân rồi khăn quả mướp lên đường đi Nha Trang và trở thành chú chủng sinh chui cùng với 27 anh em cùng lớp. Chính ở nơi đây, dù trong điều kiện rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn được học âm nhạc, giáo lý, Kinh Thánh, ngoại ngữ… do các tu sĩ trong Dòng hướng dẫn. Chúng tôi phải làm việc hàng ngày để giúp đỡ nhà Dòng và cải thiện cuộc sống nữa. Và có nhiều đêm khi nghe tiếng chó sủa, chúng tôi phải ôm mềm chiếu chạy trốn sang nhà hàng xóm vì là những chủng sinh chui không đăng ký.

Những năm tháng đại học rồi tu học trôi qua và thời gian cũng là thước đo cho cuộc sống mỗi người. Chúng tôi lần lượt bước vào Thỉnh Viện, Tập Viện rồi Khấn Dòng. Nhiều anh em cùng lớp lần lượt nói lời chia tay để trở về cuộc sống gia đình. 8 anh em còn lại tiếp tục thực tập đời tu ở các giáo xứ và mài dùi kinh sử ở các học viện Triết-Thần tại Sài Gòn. Một anh em trong số đó đã chọn ơn gọi Tu Huynh trong khi 7 anh còn lại chọn ơn gọi làm linh mục.

Rồi ngày mong đợi đã đến. Lần đầu tiên trong Dòng, 7 anh em chúng tôi (một con số kỷ lục trong Dòng từ xưa đến giờ) gởi đơn xin chịu chức linh mục và chờ đợi. Các sĩ quan cảnh sát phòng PA 38 của Tỉnh phỏng vấn từng anh em. Nghĩ lại thấy cũng vui vui vì khi đầu vào là tu chui còn đầu ra lại được phỏng vấn. Tôi có anh bạn cùng lớp đại học là ứng sinh đại chủng viện bị phỏng vấn ở đầu vào 2 lần và đều bị rớt bởi vì anh ta rất đạo mạo có vẻ rất giống thầy tu nên người ta hông thích! Mãi đến lần thứ 3 mới được chấp thuận và giờ cũng đã là linh mục. Anh em chúng tôi ai nấy cũng đều hồi hộp giống như phỏng vấn đi Mỹ vậy. Không hồi hộp sao được vì lớp trước chúng tôi có 3 thầy lớn tuổi đệ đơn chịu chức vậy mà chỉ đậu 2, rớt 1. Không hồi hộp sao được khi 7 anh em đã sống gắn bó với nhau ngần ấy năm trời mà lỡ có anh nào bị rớt lại chắc là buồn lắm. Hình như Chúa cũng hiểu được cái ưu tư của chúng tôi nên cuối cùng 7 anh em chúng tôi đều được toại nguyện. Các cha, các thầy lớn tuổi trong Dòng thường thì thầm bảo nhau rằng lớp chúng tôi khá đều và nhiều tài năng, không biết sau này có đem lại được gì cho nhà Dòng và Giáo hội hay không.

Thế là sau ngày chịu chức, 7 anh em lại chuẩn bị hành trang lên đường cho sứ vụ mới: 2 anh có bài sai đi Paraguay, 1 anh đi Papua New Guinea, 1 anh đi xứ sở kim chi Hàn Quốc, 1 anh đi học Kinh Thánh ở Rôma và 2 anh trụ lại tại Việt Nam để làm đào tạo.

Nhìn lại các tấm hình xưa thỉnh thoảng phải phì cười vì thấy ngô ngố làm sao. Thời gian trôi đi nhanh quá và tôi cảm thấy mình mỗi ngày một già đi. Thời gian làm việc truyền giáo ở Paraguay giúp cho tôi mở rộng thêm tầm nhìn non nớt của mình.

Hôm nay tôi đã cử hành một thánh lễ an táng và dâng lễ tại một giáo điểm truyền giáo khác để rửa tội cho 28 dự tòng nhân ngày chịu chức của mình. Tính ra tôi cũng có tý công để khoe với anh em cùng lớp khi chỉ trong một thời gian ngắn năm làm việc truyền giáo mà đã hợp nhất được nhiều gia đình rối rắm, và rửa tội gần 600 người lớn nhỏ. Công đó chẳng phải do mình mà do chức linh mục của Chúa ban tặng cho mình.

Viết vài hàng tâm sự nhân dịp kỷ niệm chịu chức mà trong người vẫn còn thấy yếu sức do cơn đau vừa qua.

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con trở thành linh mục của Chúa. Xin Chúa tiếp tục gìn giữ, đồng hành và nâng đỡ con và anh em con trong đời sống linh mục để chúng con trở nên nhân chứng của Chúa trên trần gian này. Xin Chúa cũng ban nhiều ơn lành cho các ân nhân, thân nhân, bằng hữu và gia đình chúng con. Amen.

Paraguay 31/10/2008, Kỷ niệm ngày chịu chức Linh Mục

tranxuansang@gmail.com
 
Nhóm bảo vệ Sự Sống ở xứ Nghệ
Quang Huyền
11:50 31/10/2008
ĐÔI ĐIỀU VỀ NHÓM BẢO VỆ SỰ SỐNG Ở XỨ NGHỆ

Hoạt động bảo vệ sự sống diễn ra ở Miền Nam Việt Nam hơn cả chục năm nay. Riêng ở xứ Nghệ thì hoạt động này chỉ mới diễn ra trong vài năm trở lại đây. Từ thực trạng xã hội trong quá trình đô thị hóa cùng với những mặt trái của nó đã và đang làm gia tăng các tệ nạn xã hội ở vùng này. Trong số các tệ nạn đó, phá thai là vấn đề nóng bỏng và gây nhiều bức xúc cho nhiều người.

Trước tình cảnh đó, có một số giáo dân nông dân ở giáo xứ Yên Đại, Giáo phận Vinh đã quy tụ lại với nhau, mày mò và chập chững bước vào lĩnh vực bảo vệ sự sống các thai nhi. Những điều tốt lành họ đã và đang thực hiện vì sự sống của các thai nhi vô tội là điều đáng được ghi nhận.

1. Phá thai ở xứ Nghệ - Một thực trạng đau lòng

Trong những năm gần đây việc phá thai ở xứ Nghệ đã trở thành một thực trạng đau lòng đối với nhiều người. Hiện nay các bệnh viện và phòng mạch tư nhân đã mọc lên như nấm ở Vinh và Hà Tĩnh. Riêng ở Vinh đã có hơn 10 bệnh viện thực hiện dịch vụ nạo phá thai. Ngoài ra, còn có hàng chục dịch vụ tư nhân tham gia vào công việc này.

Ước tính trung bình ở Nghệ An mỗi ngày có khoảng từ 300-500 ca nạo phá thai. Như thế, mỗi ngày có khoảng từ 300-500 đứa trẻ bị chính cha mẹ của mình giết chết. Trung bình mỗi ngày, các thành viên trong Nhóm Bảo Vệ Sự Sống Gioan Phaolo II (BVSS) thu gom và chôn cất từ 30-50 thai nhi trong phạm vi hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Một con số thật khiêm tốn so với con số thực tế về các thai nhi bị tước đoạt sự sống ở địa phương này, nhưng đây là một cố gắng của các anh chị trong nhóm BVSS.Tuy vậy, công việc của họ đang bị người ta hiểu nhầm và chống đối. Lý do đơn giản là nhiều người ở vùng này chưa hiểu rõ mục đích việc làm của họ.

2. Những tấm lòng thiện chí giữa một thế giới không hiểu họ.

Chứng kiến những việc làm trông có vẻ ngây ngô và lãng phí thời gian của nhóm BVSS, nhiều người cả lương dân và công giáo đều hiểu nhầm và lên án họ. Các bác sĩ và một số người dân xem công việc tư vấn và lượm các thai nhi của nhóm ở các bệnh viện và các trung tâm phá thai là việc làm đáng kinh tởm. Một số người lập luận rằng: Hành động phá thai là chuyện riêng của họ và việc làm này giúp họ giảm số con và gia đình họ sẽ hạnh phúc. Can ngăn, khuyên bảo họ đừng phá thai là hành động cản trở không cho họ hạnh phúc và là việc làm thất đức.

Từ cái nhìn phiến diện đó, nhiều lần họ đã tìm cách ngăn cản và xua đuổi các thành viên của nhóm khi họ tiếp cận với người đến phá thai. Hơn thế nữa, họ tìm mọi cách để vu khống cho nhóm. Họ coi việc làm này là chống lại chính sách của nhà nước hay tay sai của một nhóm kỳ dị nào đó. Một số khác lại nghi ngờ các thành viên trong nhóm lượm xác các thai nhi để bán cho Trung Quốc. Còn chính quyền thì ra tay ngăn chặm và vùi dập vì sợ không hoàn thành chỉ tiêu DS&KHHGĐ mà cấp trên giao.

Càng bị hiểu nhầm và chống đối thì tinh thần của các anh chị trong nhóm càng vững vàng hơn và họ càng xác tín hơn về công việc thánh thiêng mà họ đang cộng tác với Chúa để bảo vệ sự sống của con người.

3. Vượt qua những khó khăn vì sự sống của con người

Sống trong một thế giới không hiểu họ, Nhóm BVSS vẫn kiên trì và tiếp tục công việc của mình. Giờ đây, khi chứng kiến những việc làm tốt lành của anh chị em trong nhóm với những người bất hạnh và những thai nhi vô tội, nhiều người trước đây chống đối hoặc dửng dưng với nhóm đã trở lại ủng hộ nhóm.

Về phía các bác sĩ, ở một số bệnh viện và phòng mạch tư nhân đã “bắt tay” với nhóm trong việc này, bằng cách “làm thinh” cho nhóm thu lượm các thai nhi trong các thùng rác. Thậm chí có một số bác sĩ còn gọi điện, nhắn tin cho nhóm tới nhận các thai nhi hoặc giúp đỡ các thai phụ không muốn bỏ con mình.

Về phía Giáo hội, các linh mục trong địa phận đã lên tiếng ủng hộ nhóm và tìm mọi cách giúp đỡ nhóm về cả vật chất và tinh thần. Đặc biệt, gần đây cha Gioan Thiên Chúa Nguyễn Phước, Ofm đã “làm bạn” và đồng hành với nhóm trong vai trò linh hướng. Trong dịp hè vừa qua cha đã gởi hai thầy học viện ra đồng hành và giúp đỡ nhóm. Nhờ sự quan tâm của cha và các thầy, các thành viên trong nhóm như có thêm một sự động viên quý báu cho công việc của mình. Vì thế, các anh chị em trong nhóm ngày càng xác tín hơn vào giá trị tốt lành của công việc mình đang làm, và nhất là qua đó họ muốn gõ những tiếng chuông ngân, thức tỉnh bao tâm hồn đang lạc lối, tìm về với giá trị của Tin Mừng.

4. Những thành quả bước đầu.

Sự kiên trì và chịu khó trong công việc và nhất là lòng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa đã dẫn đưa nhóm tới những hành động cụ thể để bênh vực cho sự sống của con người.

Cho đến nay, nhóm đã khuyên được 6 bà mẹ bỏ ý định phá thai và cưu mang họ trong thời gian sinh con ở những mái tranh nghèo của người dân nào đó ở các làng quê xứ Nghệ. Chị H, 20 tuổi quê ở Quế Phong, một trường hợp lầm lỡ đã nghe theo lời tư vấn của nhóm bỏ ý định phá thai tâm sự: “Tôi là một mảnh đời bất hạnh, tôi đã chán ngấy cuộc đời này. Từ khi tôi được các anh chị trong nhóm cưu mang và giúp đỡ, tôi thấy ở đây chứa chan tình người và đó là nghị lực để tôi tiếp tục cuộc sống này, vì tôi thấy vẫn còn có nhiều người tốt trong xã hội lọc lừa này. Tôi sẽ nuôi con trong một tháng và sau đó tôi phải xa đứa bé vì hoàn cảnh cuộc sống, nhưng 3 năm sau tôi sẽ trở lại xin nhận lại đứa con”.

Thật cảm động, khi những mái tranh nghèo thấp lè tè lại là nơi cưu mang những bà mẹ lỡ lầm và nhất là những đứa bé vô tội kháu khỉnh lại được sinh ra và nuôi dưỡng. Những mần sống thánh thiêng đã nhờ lòng yêu thương đùm bọc của nhóm mà được cất tiếng khóc chào đời và trở thành một con người như bao đứa trẻ khác. Tương lai của một xã hội vẫn có thể ở trong tầm tay của những trẻ thơ này.

Linh mục Đa minh Xuân Kế quản xứ Yên Đại cũng rất cảm kích tinh thần hy sinh tận tuỵ của các anh chị trong nhóm. Ngài đã nhiều lần động viên họ: “Những Dấu chân vất vả của các con vì các thai nhi đã được các thiên thần đến cả rồi”.

Ngoài ra, sự hy sinh của nhóm BVSS còn được thể hiện qua việc góp công góp của xây được hai Nghĩa Trang Anh Hài ở Hồng Lĩnh (gần Vinh) và Văn Hạnh thuộc Tp. Hà Tĩnh, để chôn cất các thai nhi xấu số bị cha mẹ mình loại bỏ. Tính đến nay đã có hằng trăm em bé được các anh chị trong nhóm lượm về và chôn cất tử tế nơi các nghĩa trang này. Khi các thai nhi có được nơi an nghĩ thì các chị trong nhóm mới cảm thấy an tâm. Anh Chắc, trưởng nhóm đã chia sẻ: “Chúng tôi chưa an tâm khi mà các em vẫn còn phải ở những nơi lãnh lẽo và dơ bẩn. Nay có được hai nghĩa trang để chôn cất các em, chúng tôi mới ăn ngon và ngủ yên hơn một chút. Nhưng chúng tôi mong ngày nào đó không còn các em nào đến đây nữa mới thật sự mừng (không còn phá thai thai)”.

Nhóm Bảo Vệ Sự Sống đã sẵn sàng chia sẻ một phần sự sống của mình và gia đình mình như bà góa trong Tin Mừng đã làm và được Chúa Giêsu khen ngợi. Chính những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi lao nhọc đã sinh ra những mầm sống đẹp cho đời và cho người. Bằng cách đó, các anh chị em trong nhóm BVSS ở Vinh đang cộng tác một cách quãng đại với Thiên Chúa trong việc bảo vệ sự sống thánh thiêng của con người.

5. Thay lời kết

Công việc bảo vệ sự sống ở xứ Nghệ đã qua được giai đoạn khởi đầu khó khăn và đang có nhiều tiến triển tốt đẹp. Việc làm của những người giáo dân nông dân ở đây đã và đang mang lại những ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ và tôn trọng sự sống và phẩm giá của con người, nhất là sự sống của các thai nhi vô tội.

Các thành viên trong nhóm BVSS ở xứ Nghệ luôn ý thức rằng chính Thiên Chúa đã khởi sự và đang đồng hành với nhóm trong công việc rất ý nghĩa nhưng cũng không thiếu những khó khăn này. Cầu chúc các anh chị trong NBVSS luôn được Thiên Chúa chúc lành và các thánh Anh Hài bầu cử trước nhan thánh Chúa, để họ tiếp tục công việc tốt lành vì sự sống của các thai nhi vô tội.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhà văn Nguyễn Khải Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất
Nguyễn Khải
01:23 31/10/2008
Nhà văn Nguyễn Khải Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất

11.

Trong nửa thế kỷ sống dưới sự lãnh đạo của một Đảng theo học thuyết Mác Lê, tôi luôn luôn được nhắc nhở phải tôn trọng quần chúng, sức mạnh của quần chúng có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử và số phận của nhiều cá nhân. Nhưng cũng thật trớ trêu, không có một chế độ cộng hoà nào ở thế kỷ 20 lại dám coi thường quần chúng như tại các nước xã hội chủ nghĩa. Sống trong thể chế này suốt mấy mươi năm không có một cuộc biểu tình nào được tổ chức để phản đối một chính sách nào đó của nhà nước. Như thời làm cải cách ruộng đất hay thời huy động nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp. Giám đốc xí nghiệp nhà nước tham ô, mức sống của công nhân giảm sút cũng không có đình công. Nông dân bị kẻ cường quyền đàn áp, làm nhiều việc trái pháp luật, vừa mới nhen nhóm bày tỏ sự bất bình liền bị giập tắt ngay. Vì người lãnh đạo đã nhận định rất đúng rằng, nhân dân ta rất tốt, rất dễ bảo, bỗng dưng họ dám nói xược, dám đòi hỏi này nọ là do có mấy thằng cán bộ về hưu bất mãn cầm đầu. Cứ nhắm mấy thằng đó mà đe, nếu cần thì bắt là đâu vào đấy ngay. Quả nhiên thế thật. Tức là người cầm quyền chả coi dân chúng vào đâu. Họ chỉ sợ các cá nhân hiểu nhiều biết rộng, rất khó bắt nạt, là hay bày trò xúi giục thôi. Giống hệt cái thời còn vua còn Tây, kẻ cai trị rất sợ người cộng sản vì họ là kẻ hay gây rối. Đã là người cầm quyền với nước ta thì xưa là thế nay vẫn là thế, người dân vẫn sống dưới chế độ chuyên chế chứ chưa bao giờ được biết chế độ dân chủ là gì, đâu là dân chủ tư sản. Đã chuyên chế là chuyên chế làm gì có sự phân biệt chuyên chế tư bản với chuyên chế vô sản.

Người cộng sản rất kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng lại chính từ các nước xã hội chủ nghĩa mà cái tệ sùng bái cá nhân đã nảy sinh. Vì lãnh tụ của học thuyết cũng là lãnh tụ của quốc gia. Họ lên cầm quyền không do phiếu bầu mà do tín nhiệm sẵn có của các tín đồ với giáo chủ. Giáo chủ là nhân vật tối linh, thuộc về thiêng liêng nên những gì của thế gian không thể ràng buộc ông ta được. Ông ta cầm quyền không có niên hạn vì ông phải phục vụ nhân dân cho tới lúc chết. Ông không phải tự phê bình và cũng không ai dám phê bình ông vì ông là biểu tượng của quốc gia, của Đảng cầm quyền, đứng trên hiến pháp và mọi luật pháp. Ông là người tự do hoàn toàn so với nguyên thủ các quốc gia dân chủ khác. Các cấp dưới từ trung ương tới địa phương cũng là những người có nhiều tự do nhất ở các ngành, các bộ và các địa phương họ cầm quyền. Là các lãnh chúa trong các lãnh địa của họ. Chả ai dám xâm phạm nếu còn muốn giữ cho mình một chút tự do cỏn con. Một xã hội có hàng triệu cá nhân không được đếm xỉa, không được tôn trọng nhưng một nhúm cá nhân lại được tôn vinh hết mức và được được hoàn toàn thoả mãn trong mọi nhu cầu là cái xã hội gì đây, là xã hội kiểu mẫu cho nhân loài tương lai ư?! Nói miệng mấy chuyện kỳ cục này đã khó nghe, lại còn viết thành văn mà các nhà văn không thấy ngượng sao? Ngượng thì vẫn ngượng nhưng chả lẻ lại gác bút, gác bút thì nuôi vợ con bằng gì? Nghĩ tới miếng ăn lại phải quên hết để sự bán mình cho quyền lực được hoàn toàn. Năm đất nước mới thống nhất vào Sài Gòn được gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sỹ của chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải mái quá, nói năng hoạt bát, cử chỉ khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ, sợ gặp người thân vì chưa rõ họ có liên quan gì với Mỹ nguỵ? Nói cũng sợ vì nói thế là đúng hay sai? Đến vẻ mặt của mình cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh giác, khen quá có thể đã ăn phải bả của nền kinh tế tư bản. Người lúc nào cũng căng cứng, nói năng gióng một nên bị bà con trong này chê là quê, nhà văn nhà báo gì mà “quê một cục”. Giải thích chuyện này cũng chả khó, họ là sản phẩm của nền kinh tế công nghiệp tư bản, dẫu là thuộc địa cũng vẫn thuộc hệ thống tư bản, vẫn là những người đã được giải phóng khỏi nhiều ràng buộc từ quá khứ trong cách nghĩ, trong cách làm. Còn mình là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp phong kiến, đâu đã được làm chủ nhân ông nhưng cũng chưa từng được hưởng cái mùi vị tự do và dân chủ là thế nào! Cái khoảng cách ấy có tính thời đại không thể bỏ qua mà cũng không thể rẽ tắt. Mình cũng đã đi tắt suốt mấy chục năm, rất tiếc là lịch sử không công nhận cái lối đi ấy. Tôi còn sợ rồi sẽ có ngày lịch sử sẽ trừng phạt mình vì cái tội muốn khôn hơn lịch sử, muốn đánh lừa lịch sử

Tích Đọan số 11 trong Tùy Bút Chính Trị của Nhà văn Nguyễn Khải từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước.
 
Cải thiện nhân quyền ư...? Dễ ợt
Người Tây Nguyên
01:36 31/10/2008
CẢI THIỆN NHÂN QUYỀN Ư…? DỄ ỢT

Cái nhóm Nghị Viên Châu Âu và nhiều nhóm phản động nước ngoài la lối đảng ta, chính quyền ta đang vi phạm nhân quyền, đàn áp phong trào dân chủ, hạn chế quyền ngôn luận, đàn áp tôn giáo… Xem ra khá gay go đây. Ngày nay truyền thông đại chúng nhanh như tên bắn và thật khó kiểm soát. Tuy nhiên đâu cần phải lo cuống cuồng lên. Hai đế quốc to mà ta con đánh thắng, còn ba cái chuyện lẻ tẻ này thì nhằm nhò gì. Quân đội, công an, toà án… trong tay ta. Phục vụ ta có cả hơn mấy trăm tờ báo và nhất là các sóng đài truyền hình VTV, đài truyền hình các địa phương. Ta đã đánh là phải thắng vì cán cân lực lượng rõ ràng quá nghiêng về ta.

Nước ta đã và đang tiến vào biển lớn của thế giới, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại, du lịch, văn hoá… Không thể bế quan toả cảng như xưa. Hơn nữa, chúng ta cũng cần sự giúp đỡ của nhiều nước vì ta đang là nước nghèo. Mấy cái nước lớn hễ mở tay giúp đỡ một chút thì cứ ỳ xèo chuyện nhân quyền, chuyện tự do ngôn luận, tự do tôn giáo… Quả là có khó khăn đây, nhưng không sao cả. Ta có cách của ta.

Người anh em láng giềng cộng sản xa là Bắc Triều Tiên có cách của họ. Để tìm cách xoá đói giảm nghèo cho nhân dân thì họ gắng sức làm mấy lò hạt nhân. Doạ dẫm thế giới chuyện vũ khí nguyên tử là một cách thế táo bạo. Làm ra cái thứ có nguy cơ huỷ diệt hàng loạt thì mấy tay nhà giàu phải lo cuống cuồng lên. Chúng mình là dân nghèo rớt mồng tơi thì dù đang sống cũng như chết thôi, có gì phải sợ. Nhân dân Bắc Triều Tiên ta có khi còn muốn chết hơn là sống kiểu đói khổ và lầm than như hiện nay. Người giàu thì sợ chết. Thế là chúng nó, những nước lớn phải năn nỉ chúng ta ngưng, thôi cái chuyện sản xuất những thứ gây chết người. Vậy là ta được ở thế thượng phong, và ta có thể bắt chúng viện trợ cho ta. Làm ra một quả bom nguyên tử, đúng hơn là doạ thôi, thì cũng hơn canh tác, sản xuất lúa gạo. Vì các quân nước lớn phải đem lúa gạo viện trợ cho ta. Hễ nhận viện trợ thì ta tạm ngưng chuyện “hạt nhân”. Ăn hết gạo thì ta lại tiếp tục chuyện hạt nhân để doạ chúng nó.

Người anh em Bắc Triều Tiên chơi hơi bị độc mà hiệu quả. Tuy nhiên cách chơi kiểu ấy có phần nhục làm sao ấy. Nước Việt ta không nên theo cách ấy. Mình là dòng dõi “Rồng – Tiên” thì không thể chơi cách hạ đẳng. Hơn nữa khả năng hiện tại của ta cũng không thể làm được cái chuyện hạt nhân hạt vỏ.

Người anh em láng giềng gần Trung Quốc vốn có nhiều lợi thế. Trên dưới một tỉ ba nguời là một con số đáng gờm. Chỉ cần bóc lột một người một tí là đủ vốn để xây dựng các khu trung tâm kinh tế phát triển cao. Thế giới phải loá mắt đi thôi. Người anh em to đùng kia làm cái kiểu “mèo đen, mèo trắng gì cũng được, miễn là bắt được chuột” quả là hiệu nghiệm. Trên một tỉ con chuột thì cũng chỉ cần trăm triệu con mèo là đủ. Chuột không đuôi thì vẫn cứ sống nhăn răng. Cắt đuôi cả tỉ con chuột rồi đem xuất khẩu thì thu khối tiền. Tha hồ vung vít làm đẹp cho chế độ. Cho dù thế giới bên ngoài thỉnh thoảng có phát giác xảo kế người anh em nhưng chúng nó vẫn thèm đuôi chuột nên người anh em môi liền môi, răng kề răng của nước Việt ta vẫn ung dung tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Dân Việt ta là con cái rồng tiên mà cắt đuôi của nhau thì xem không được. Ai có thể hình dung cảnh rồng cụt đuôi bao giờ. Không thể theo cách của người anh em phương Bắc được.

Phần ta phải nghĩ ra cái cách riêng của mình. Phải vận dụng sáng tạo theo hoàn cảnh của mình. A! đây rồi. Phải bắt cá hai tay thôi. Một mặt đừng làm người anh em phương Bắc phẩn nộ kẻo mang hoạ. Nước xa không thể cứu lửa gần. Đồng thời cần tỏ ra thân thiện với bạn bè năm Châu. Anh bạn nào mở tay thì ta chìa tay nhận. Nhận thì nhận, nhưng cần giữ thể diện. Nước ta đã vào khối Thương mại thế giới (WTO), đã từng là một thành viên không thường trực của Liên Hiệp Quốc. Bọn thù địch nước ngoài cộng tác với nhiều tên trong nước hô hào đòi nhân quyền, đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo… Lắm khi cũng bực mình. Không thể cho chúng tự do được. Vì có tự do thì vị trí lãnh đạo của đảng cộng sản ta sẽ lung lay và có khi bị sụp đổ tan tành như chuyện đã xảy ra ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Làm sao vừa nhận được tiền từ bên ngoài, vừa giữ được thế độc tôn, độc quyền, độc đoán, cho dù phải độc ác? Đảng ta là đỉnh cao của trí tuệ thì không có gì là không thể khắc phục.

DIỆU KẾ: DÌM - THẢ: Dìm những tay phá rối xuống nước, dĩ nhiên hầu hết là những tay ở trong nước và thỉnh thoảng nếu được thì kiếm vài tay Việt kiều. Dìm chúng xuống nước cho chúng ngạt thở rồi sau đó thả tay ra cho chúng ngoi đầu lên để hít thở không khí. Đây đúng là một diệu kê, nhất cử lưỡng tiện. Ai làm trái ý ta thì bắt hết, nhốt hết vào tù. Xét xử ra sao ư? Kết tội gì ư? Chúng ta đừng quên một vị đại biểu Quốc Hội và là một Bộ Trưởng là Đào Đình Bình trước diễn đàn Quốc Hội đã từng phán: Với cái cơ chế này (cơ chế cộng sản) thì ai cũng có tội cả. Cả hội trường Quốc Hội lúc ấy có ai phản đối gì đâu. Toàn dân ta ai cũng có tội cả. Một chân lý như phi lý mà không thấy ai dám phản đối. Làm sao dám phán đối khi mà cũng một vị đại biểu Quốc Hội và là chánh án tối cao là Trịnh Ngọc Dương đã từng phán: “ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được, xử thua cũng được…”.

Cái được thứ nhất: Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Ai cũng sợ ở tù. Ai léng phéng là ta bắt nhốt. Đem ra toà xét xử, có cả luật sư bào chữa cho có vẻ dân chủ, pháp trị, nhưng toà cứ tuyên án theo lệnh của đảng. Chẳng hạn chuyện xét xử hai vị quan to ngành công an và hai phóng viên nhà báo liên quan đến vụ PMU 18 vừa qua đó. Ta đã họp và quán triệt đường lối xét xử rồi, dù nguời ta có thu băng được và phát trên các mạng lưới thông tin cũng chẳng sợ. Rồi đây mấy người giáo dân Thái Hà cũng sẽ bị xét xử theo lệnh đảng mà thôi. Bọn chống đối bên ngoài có la lối gì thì kệ xác chúng. Còn người trong nước mà ỳ xèo kiểu trà dư tửu hậu cũng chẳng sao. Nếu có ai dám to gan lên báo chí thì ta cắt cái rụp và cho chúng chung số phận với quân phản động. Ta có mạng lưới truyền hình và hơn 700 tờ báo dư sức lèo lái dư luận. Nhốt những người chống đảng ta vào tù rồi sau đó một thời gian ta lại khoan hồng cho ra tù. Ngoại trừ một số cứng đầu, còn đa số thì chắc không dám trái ý đảng ta. Nhiều lúc còn dâng lời cám ơn thống thiết. Hãy nhớ ghi cho kỹ những lời cám ơn này để loè bịp thế giới.

Cái được thứ hai: Khi nào ta cần xin xỏ các nước giàu, các nước lớn cái gì đó, chẳng hạn như vào WTO hay nhận khoản viện trợ ODA nào đó thì ta chứng tỏ cho thế giới thấy ta đang thực thi nhân quyền, dân chủ bằng cách cho ra tù một vài người nào đó. Thật ra họ chẳng có tội gì ngoài tội yêu nước không như đảng ta yêu nước. Nhưng phải có nhiều người ở tù để có con bài chứng tỏ với thế giới về sự ưu việt của chế độ ta là rất khoan hồng và nhân đạo.

Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm! Chủ nghĩa Mac – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh bách chiến bách thắng! Nhân dân thua, nhân dân cùng khổ? Mặc kệ chúng, dân ta quen chịu khổ rồi. Bọn nước ngoài thua? Dĩ nhiên.
 
Phòng chống ma túy hay chống tôn giáo!
Trần Văn Tuấn
01:43 31/10/2008
PHÒNG CHỐNG MA TÚY HAY CHỐNG TÔN GIÁO

Ngày 03-12-2007, trên đường Thành Phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt (Lâm Đồng), tôi thấy một bảng tuyên truyền Phòng chống Ma túy được đặt ở Trung Tâm Văn Hóa Thể Thao Huyện Đức Trọng.

Tôi hoàn toàn đồng tình với việc kêu gọi mọi người, cách riêng các bạn trẻ: “Hãy tránh xa MA TÚY. Không được thử, dù chỉ một lần”.

Tuy nhiên, khi nhìn kỹ bảng truyên truyền, tôi thấy một hình vẽ làm cho tôi phải suy nghĩ: “Bảng tuyên truyền phòng chống ma túy hay phòng chống tôn giáo?”.

Đương nhiên là chống ma túy rồi. Những một trong những hình vẻ trong bảng tuyên truyền đã dùng hình thập giá, biểu tượng của Kitô giáo nói chung, của Công giáo nói riêng. Ở giừa hình thập giá đó có hàng chữ: “MA TÚY HỦY HOẠI CUỘC SỐNG”.

Hình ảnh và hàng chữ này làm cho tôi nhớ tới một nhận định của Karl Marx về tôn giáo. Năm 1844, Karl Marx viết một cuốn sách với nhan đề “The criticism of religion” (Phê bình về tôn giáo), trong đó Karl Marx coi tôn giáo là thuốc phiện.

Có phải đây là “Một mũi tên bắn trúng hai con chim” (vừa chống ma túy, vừa chống công giáo), như người ta thường nói?

 
Bức xúc
Lê Tám
01:46 31/10/2008
BỨC XÚC

VỤ ÁN XÉT XỬ PHÓNG VIÊN VÀ CẢNH SÁT ĐIỀU TRA: LÀM LỘ BÍ MẬT HAY VU KHỐNG?

Qua Báo Thanh Niên ngày 14, 15 và 16-10-2008, tôi được biết, Tòa Án Nhân Dân Tp. Hà Nội đã xét xử 4 bị cáo là nguyên cán bộ cảnh sát điều tra và nguyên phóng viên báo chí liên quan đến vụ án PMU 18.

Vào lúc 12g19 phút ngày 15, bản án sơ thẩm dành cho 4 bị cáo đã được tuyên, vì đã “làm lộ bí mật công tác” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Khi đọc các tội danh, tôi có một bức xúc: NHƯ VẬY NHỮNG ĐIỀU BÁO TUỔI TRẺ VÀ THANH NIÊN ĐĂNG TẢI LÀ ĐÚNG. NẾU ĐÚNG, THÌ SAO VỤ ÁN PMU 18 (THAM NHỦNG VÀ CHẠY ÁN) KHÔNG ĐƯỢC XÉT XỬ CÁCH NGHIÊM MINH. NẾU KHÔNG ĐÚNG, THÌ TẠI SAO TÔI DANH KHÔNG PHẢI LÀ “VU KHỐNG”?

UY TÍN CỦA TỔNG GIÁM MỤC NGÔ QUANG KIỆT

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng (16/10/2008), vào ngày 15-10 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có buổi tiếp và làm việc với các Đại sứ, Phó Đại sứ và Trưởng đại diện các Đoàn ngoại giao tại thành phố Hà Nội để thông báo kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại về nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo tại khu vực 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng và những hành vi vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân liên quan đến khu vực này; chủ trương, biện pháp giải quyết của thành phố Hà Nội.

Cũng theo Báo Sài Gòn Giải Phóng (16/10/2008), “Liên quan đến việc TP kiến nghị không để ông Ngô Quang Kiệt giữ chức vụ Tổng giám mục địa phận Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói rõ, đó là do uy tín, tín nhiệm của cá nhân ông Kiệt đối với nhân dân Thủ đô, thậm chí đối với cả giáo dân đã không còn nữa. Ông Kiệt đã thiếu tôn trọng và hợp tác với Chính quyền để tìm giải pháp thích hợp, có những lời lẽ thách thức Nhà nước, có những phát ngôn xúc phạm đối với đất nước, dân tộc, coi thường vị thế của đất nước và tư cách công dân Việt Nam”.

Theo Bài Báo đó, Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nôi kiến nghị không để ông Ngô Quang Kiệt giữ chức vụ Tổng giám mục địa phận Hà Nôi, vì đã mất uy tín đối với nhân dân Thủ đô, thâm chí đối với giáo dân.

Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt có thực sự mất uy tín đối với nhân dân Thủ Đô Hà Nội, thì tôi không rõ, nếu không muốn nói là không mất; còn đối với giáo dân Thủ Đô và tòan quốc, thì uy tín của ngài còn nhiều và mãnh liệt hơn nữa. Vì sau khi nghe và đọc bài phát biểu của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt ngày 20-09-2008 tại Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, tôi xin quả quyết rằng ngài đã không phát ngôn xúc phạm đối với đất nước và dân tộc, ngài đã không coi thường vị thế của đất nước và tư cách công dân Việt Nam. Và tôi cũng minh định rằng những người cắt xén lời phát biểu của ngài với ý đồ xấu, mới là những người đã đánh mất uy tín của mình đối với nhân dân Thủ Đô, đối với tòan thể Dân Tộc và Đất Nước, và do đó BÔI NHỌ ỦY TÍN VÀ VỊ THẾ CỦA ĐẤT NƯỚC MÌNH TRÊN THẾ GIỚI.

“QUÂN TỬ” VÀ “TIỂU NHÂN”

Trong cuộc họp với Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội vào ngày 20-09-2008, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã phát biểu khá dài để trả lời Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội. Bài phát biểu của ngài có bốn nội dung chính sau đây:

(1) Trước hết Tổng Giám mục cám ơn vì buổi tiếp xúc vừa trân trọng vừa cởi mở và chân tình. Đồng thời ngài cũng mong muốn có một sự hài hoà trong cái khối đoàn kết thống nhất. Tuy nhiên muốn có cái hài hoà trong cái mối thống nhất thì đâu chỉ có cái tình mà phải có lý.

(2) Tiếp đến ngài chân nhận trong thời gian qua Ủy Ban Nhân Dân đã tạo điều kiện cho Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, khi nói tạo điều kiện, người ta vẫn còn mang cái tâm lý xin cho. Nhưng mà tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và Nhà Nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân, chứ không phải cái ân huệ “xin cho”.

(3) Tổng Giám mục rất đồng ý và tâm đắc khi Ông Chủ Tịch nói: mọi cư xử phải vừa dựa trên pháp luật và cũng phải trên tình người, và công dân. Tuy nhiên, về phương diện pháp luật chúng ta phải làm theo pháp luật, thì cái gì cũng phải có cơ sở pháp lý. Về vấn đề đất đai, điều căn bản là phải có giấy tờ của chính quyền. Chính quyền này có thể thay đổi, chính quyền sau có thể thay đổi, nhưng phải có giấy tờ văn bản rõ ràng. Chúng tôi thấy đất 42 chưa có cái văn bản đó.

(4) Theo Ông Chủ tịch, ngoài vấn đề pháp lý, chúng ta phải cư sử theo tình người, nguyện vọng của người dân, thì chúng tôi thấy vẫn chưa được: biết bao nguyện vọng chúng tôi nêu lên về khu đất đó, vì nó gắn bó với chúng tôi, gần gũi với chúng tôi. Nguyện vọng thật là chính đáng nhưng không bao giờ được giải quyết.

(5) Chúng tôi đòi lại Tòa Khâm Sứ, vì đã thành cái nơi sàn nhảy, đã thành cái nơi kinh doanh buôn bán, đã có dấu hiệu buôn bán chia chác để làm cái trung tâm thương mại. Chúng tôi nói tới bởi vì nó rơi vào tay tư nhân thế nên chúng tôi nói, thế nên chúng tôi không tranh chấp với nhà nước. Nhưng chúng tôi nói lên tiếng nói của công lý.

(6) Từ cảm nhận về sự nhục nhã cá nhân khi đi nước ngòai vị bị soi xét, Tổng Giám mục biểu lộ một mong muốn mãnh liệt: “Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên, thật sự đòan kết, thật sự tốt đẹp, để đi đâu, chúng ta cũng được kính trọng. Tuy nhiên, để được như vậy, chỉ có tình cảm mong muốn là được, nhưng phải có lý luận xây dựng thật vững chắc trên nền tảng pháp lý.

(7) Sau cùng, Tổng Giám mục nói đôi lời cám ơn và biểu lộ tinh thần cộng tác và đối thọai: “Một lần nữa chúng tôi xin hết sức cám ơn Ông Chủ tịch và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội đã dành cho chúng tôi một buổi tiếp đón thật là trân trọng và thân tình, hứa hẹn những trao đổi khác, chúng tôi thấy hy vọng nhờ đó chúng ta hiểu nhau hơn và mới có thể làm cho Thành Phố Hà Nội chúng ta tiến đến kỷ niệm ngàn năm Thăng Long được vui vẻ, xứng đáng là một thành phố hòa bình và trong hòa bình thì có công lý và làm cho đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển”.

Theo tôi nghĩ, Ông Chủ Tịch và nhiều người trong Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, cũng như các Báo Đài, đã nghe, đã quay phim, đã ghi âm đầy đủ lời phát biểu của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Nhưng không hiểu tại sao lại cắt xén với ý đồ xấu như vậy.

NGƯỜI CÓ CHỨC CÓ QUYỀN CẦN PHẢI LÀM NHƯ VẬY KHÔNG? ĐÁNG LẼ NGƯỜI CÓ CHỨC CÓ QUYỀN PHẢI TỎ LỘ MÌNH LÀ QUÂN TỬ. NHƯNG TẠI SAO LẠI VÔ LIÊM SỈ VÀ TIỂU NHÂN NHƯ VẬY?

VƯỜN HOA HÀNG TRỐNG – HẬU QUẢ CỦA SỰ NÓNG VỘI

Ngày 25-10 vừa qua tôi có dịp đi qua Vườn Hoa Hàng Trống, tôi chứng kiến một cảnh tượng thật đau lòng:

Vì muốn hòan thành nhanh để được khánh thành sớm. Cho nên Vườn Hoa Hàng Trống đã phải đào bới lên 2-3 lần, đã tốn tiền, lại càng tốn hơn.

ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC CÓ ĐAU XÓT VÌ SỐ TIẾN PHẢI BỎ RA ĐỂ XÂY DỰNG VÀ SỬA CHỮA NHƯ HIỆN NAY KHÔNG? CÓ PHẢI ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC MUỐN TẠO CÔNG ĂN VIỆC LÀM CHO NGƯỜI DÂN?

Khi đi trên nhiều con đường mới xây, nhiều người có thể nhìn thấy những tấm bản kỳ quặc (có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có): “ĐƯỜNG CHỜ LÚN”. Khi cầu Cần Thơ sập, nhiều người đã nói về hiện tượng “CẦU CHỜ SẬP”. Bây giờ chứng kiến việc sửa lại Vườn Hoa Phường Hàng Trống, tôi cám cảnh thốt lên rằng: “VƯỜN HOA CHỜ SỬA”.
 
Cộng đồng Việt Nam tại Bỉ mời tham dự Đêm Thắp Nến hiệp thông
Nguyễn Đức Hồ
01:51 31/10/2008
CỘNG- ĐỒNG VIỆT NAM tại BỈ


THƯ MỜI THAM DỰ
Đêm Thắp Nến Hiệp Thông
với Tòa Khâm Sứ Hà Nội, Và Giáo Sứ Thái Hà

THỨ BẨY 08 tháng 11 năm 2008

Kính thưa Qúy Đồng Hương,

Cộng Đồng Việt Nam tại Bỉ, sẽ cùng với Đồng bào trong nước và Hải ngoại,
đồng lên tiếng đấu tranh cho Công Lý.
Qua các sự việc đã và đang xẩy ra tại Giáo Xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội.
Những Tôn Giáo khác như: Phật Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo.v.v.v
và Người Dân đều chung số phận, những quyền Tự Do Ngôn luận và Tự Do Tôn Giáo
đang bị đàn áp, Công Lý bị chà đạp và khủng bố hiện nay.

Cộng Đồng Việt Nam tại Bỉ trân trọng kính mời Qúy Vị Đại Diên các Tôn Giáo,
Qúy Vị Đại Diên Hội Đoàn, Qúy Thân Hào Nhân Sĩ,
cùng Qúy Đồng Hương tham dự đông đảo.

ĐÊM THẮP NẾN HIỆP-THÔNG với
TOÀ KHÂM-SỨ HÀ-NỘI và GIÁO SỨ THÁI-HÀ
được tổ-chức trước nhà thờ Carmes ( CĐCG Bruxelles)
45 Avenue Toison d’Or, 1050 Bruxelles
Ngày thứ bẩy 08 tháng 11 năm 2008
Từ 19giờ30 đến 21giờ30

Sự hiện diện của Qúy Vị sẽ thể hiện tinh thần đoàn kết, tạo sức mạnh
trong nỗ lực đấu tranh đem lại Công Lý,Tự Do, Dân Chủ
cho Dất Nước vá Dân Tộc Việt Nam.


Trân trọng Kính Mời.
Nguyễn Đức Hồ
Trưởng Ban Tổ Chức
 
Phác họa hình ảnh TGM Ngô Quang Kiệt qua bài phát biểu...
LS Trần Lê Nguyên
02:28 31/10/2008
Phác họa hình ảnh TGM Ngô Quang Kiệt qua bài phát biểu tại phòng họp Ủy Ban Nhân Dân TP Hà-Nội ngày 20/9/2008

Đúng một tháng rưỡi trước đây, ngày 20/9/2008 Đức TGM Ngô Quang Kiệt, tổng quản Giáo Phận Ha-Nội, theo lời mời của Ủy Ban Nhân Dân TP Hà-Nội đã phát biểu tại phòng họp của Ủy Ban, đã phát biểu quan điểm của Ngài về việc khiến nại bât đông sản thuộc Giáo Phận.

Nhân dịp này, Ngài cũng cho biết những khó chiụ, nhục nhã vì bị đối xử phân biệt, thiếu tôn trọng khi cầm Hộ Chiếu của XHCH Việt-Nam bởi các viên chức chính phủ các quốc gia khi nhập cảnh, khác hẳn cách đối sử dễ dãi đối với các công dân cầm Hộ Chiếu Nhật và Đại Hàn.

Ngày 20/9/2008, trong bản tin buổi tối Đài Truyền Hinh VN thông tin về buổi họp diễn ra tốt đẹp và trích dẫn lòi phát biểủ tích cực của TGM Ngô Quang Kiệt.

Nhưng đột nhiên, ngay hôm sau, ngày 20/9/2008, Chính Quyền Hà Nội thay đổi thái độ, xoay chiều 180 độ, dùng tiểu xảo cắt môt câu “chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam,... trong một đoạn dài “đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế”.

Rồi vu khống, mạ lỵ làm mất danh dự và phẩm giá của Ngài bằng những danh từ, tĩnh từ như phản quốc, không xứng đáng và còn bảo trợ cho một số thanh niẽn CS mặc áo xanh hung hãn dọa giết TGM Ngô Quang Kiệt và LM Dòng Chúa Cứu Thế Xứ Thái Hà.

Sự phản ứng tức thời của Hội Đồng Giám Mục Việt-Nam về sự vu cáo nói trên đối với TGM Ngô Quang Kiệt: Ngài không vi phạm Luật Pháp đồng thời Hội Đồng Giám Mục Việt-Nam cũng gửi cho Chính Quyền một văn bản mạnh mẽ về lập trường của Giáo Hội Công Giáo về nhưng bức xúc của Giáo Hội về con người và đất nươc.

Đồng loạt, cộng đồng các giáo dân trong nước và hải ngoại không phân biệt tôn giáo phản ứng mãnh liệt trên toàn thế giới về cung cách hành sử vô luật pháp của Chính Quyền Hà-Nội.

Hơn thế nữa, các Lãnh Tụ các Tôn Giáo cũng như các Nghị sĩ, Dân biểu các quốc gia sở tại cũng lên tiếng phản đối Chính Quyền Việt Nam không tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền.

Cho tới hôm nay, thời gian hơn 1 tháng đã đũ để đại đa số đồng bào Việt-Nam nhận biết sự thật về thiện tâm, thiện chí của TGM Hà-Nội và ngay Chính Quyền Việt Nam có lẽ cũng nhận thấy cách hành sử vụng về và quá đáng không tương xứng với tầm vóc lãnh đạo một Thủ Đô Hà Nôi có 1000 năm văn hóa.

Qua các diễn biến trên, chúng tôi thử phác họa chân dung hình ảnh của TGM Ngô Quang Kiệt qua toàn bài phát biểu 20/9/2008 tại phòng họp của Ủy Ban Nhân Dân TP Hà-Nội.

Sau khi đã đọc (read) và nghe (audio) nhiều lần toàn bài phát biểu của TGM Ngô Quang Kiệt, chúng tôi thấy được những nét đặc thù sau đây:

1- Hình ảnh một trí thức lịch thiệp, hoà nhã và tôn trọng người đối diện

Với giọng điệu ôn tồn, nhã nhặn, văn vẻ mạch lạc, không cầu ký khách sáo dễ cảm mhận ngưới nghe với thái độ tôn trọng người đối thoại. Đặc điểm này rất khó cho những ai mất kiên nhẫn đi khiếu nại kéo dài hàng chục năm với hơn 15 lá đơn mà không được trả lời hay giải quyết thỏa đáng nguyện vọng chính đáng của mìn. ( Nhớ lại dân oan khiếu kiện vơí với biểu ngữ và hô hoán khẩu hiệu, đôi co với Canh Sát tại Vướn Hoa Xuân Thượng Hà nôĩ và tại TP Hồ Chi Minh trước đây)

“ Tôi hết sức cám ơn ông Chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Hà nội cũng như là tất cả các ban ngành trong Thành Phố Hà nội đã dành cho chung tôi một buổi tiếp xúc vừa trân trọng vừa cởi mở và chân tình.

Những lời ông Chủ tịch nói kết thúc thật là đẹp và tất cả chúng ta ai cũng mong muốn, thật ra có một sự hài hoà trong cái khối đoàn kết thống nhất”;


2- Hình ảnh một người trí thức hiểu biết tường tận vấn đề và yêu công bằng dám nói lên sự thật

Với tất cả sự khiểm tốn và lắng nghe, TGM cộng nhận Ủy Ban Nhân Dân đã tạo ra rất nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm vừa qua nhất là vào dịp lễ Noel.

Mặc dù ghi nhận thiện ý nêu trên, TGM Ngô Quang Kiệt, cũng thẳmg thắn nhắc nhở khéo Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân TP Hà-nôi rằng việc tạo điều kiện cho tôn giáo sinh hoạt là hơp với Pháp Luật Việt Nam vì Tự Do Tôn Giáo lá cái quyền hiến định chứ không phải là ân huệ (1)

“ Trước hết ông chủ tịch có nói rằng: Uỷ ban nhân dân TP đã tạo rất là nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm qua nhất là dịp Lễ Noel… chúng ta phải công nhận trong những năm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý xin cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó.

Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho”.


TGM cũng kín đáo đưa ra phương cách giải quyết bằng kinh nghiệm của người Pháp qua câu tục ngữ về cách phải đối sử với nhau trong xã hội: không lạm dụng tình bạn để gây sự bất công với bạn: de bons comptes font de bons amis có nghĩa là phải sòng phẳng giữa tình bạn và công việc làm sao để không ai bị thiệt thòi nếu muốn tình bạn lâu dài.

TGM Ngô Quanh Kiệt muốn dùng câu tục ngữ Pháp này ám chỉ Ủy Ban Nhân Dân dù có lời lẽ tốt đẹp, tình cảm tốt cũng đừng quyên giải quyết vụ đất đai bất động sản thuộc Giáo Phận Hà nội một các công bằng thỏa đáng:

“Tuy nhiên muốn có cái hài hoà trong cái mối thống nhất thì đâu chỉ có cái tình mà phải có lý nữa, tục ngữ pháp có nói rằng, những cái tính toán nó đúng mực nó mới là những người bạn tốt được. Muốn bạn tốt với nhau cũng phải tình lý phân minh chứ không phải chỉ có tình mà thôi. Chính vì thế tôi cũng xin có một vài lời cuối cùng trước những lời kết thúc của ông Chủ tịch ’;

3- Hình ảnh một trí thức hiều biết Pháp Luật và muốn mọi người kể cả Chính Quyền phải thực sự tôn trọng Pháp Luật

Trên lý thuyết các cấp Chính quyền từ trung ương tới điạ phương luôn luôn đề cao người dân phải sống và làm theo Pháp Luật. Nhưng thực tế khắc hẳn những lời tuyên bố, các khậu hiệu, bích chương treo trên các đường phố.

Chính vì vậy, TGM yêu cầu Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội hãy áp dụng và thi hành Luật Pháp dựa trên các dữ liệu chứng cứ chính thống thông qua các thời điểm thủ đắc quyền sở hữu đất đai, bất động sản của Toà Giám Mục Há Nội, không thể nói lấy được của người có quyền, bất chấp Pháp Luật.

“Cái thứ hai, ông chủ tịch có nói mọi cư xử phải vừa dựa trên pháp luật và cũng phải trên tình người, và công dân. Cái điều đó tôi rất đồng ý, rất là tâm đắc. Tuy nhiên trong cái thực chúng ta phải làm như thế. Đó về phương diện pháp luật chúng ta phải làm theo pháp luật, thì cái gì cũng phải có cơ sở pháp lý.

Ông chủ tịch có nói rằng: đất đai thì nó từ ngàn xưa không biết nguồn gốc từ đâu mà đến thời Giáo Hội Công Giáo thì lại được trao cấp cái đó thì chúng tôi công nhận cái đó. Thế nhưng ít ra khi cấp như thế người ta có một mảnh giấy công nhận là đây được cấp.

Và đến thời chính quyền sau có thể thay đổi, nhưng phải có giấy tờ để chứng minh cái sự thay đổi (và không ai có thể thay đổi được là làm sao?). Thế thì trên mảnh đất 42 chúng tôi chưa được cái văn bản nào của nhà nước nói về cái sự thay đổi đó.

Không có đi vào cái diện cải tạo tư sản, không có đi vào cái diện cải tạo nông nghiệp, cũng không có cái văn bản nói lên sự tịch thu hay là trưng thu trao cho cơ quan nào… hoàn toàn không có “.

4- Hình ảnh một Tổng Giám Mục công giáo phục vụ công ích xã hội

Măc dù vị thế của Ngài là Tổng Giám Mục có nhiều trách nhiệm trong đó có trách nhiệm bảo vệ tài sản của Giáo Phận, nhưng không vi thế Ngài quên tới trách nhiệm xã hội một khi có sụ tương phản quyền lợi: Ngài không đòi các tài sản thụôc Giáo Phận đang dùng vào lơị ích xã hội phục vụ nhân dân như các cơ sở trường học hay bệnh viện mà chỉ ngăn ngừa các quan chức lạm dụng quyền lục chiếm đoạt chia chác tài sài hay dùng không đúng mục đích các tài sản của Giáo Hội:

“Bằng chứng đó là, như ông chủ tịch có nói đó, trong tờ kê khai của linh mục Nguyên Tùng Cương, lúc đó là quản lý tòa Tổng Giám Mục, có 95 cơ sở. Chúng tôi có đòi cơ sở nào đâu, vì những cơ sở đó thực sự dùng vào những lợi ích chung.

Chẳng hạn như cái trường Hoàn Kiếm, chúng tôi không bao giờ nói tới. Bệnh viện Xanh Pôn chúng tôi không bao giờ dám nói tới. Bệnh viện Bài Lao không bao giờ chúng tôi dám nói tới, vì sử dụng vào lợi ích chung.

Nhưng khách san Láng Hạ chúng tôi sẽ nói tới, bởi vì sử dụng vào mục đích kinh doanh. Và cái Tòa Khâm Sứ đã thành cái nơi sàn nhảy, đã thành cái nơi kinh doanh buôn bán, đã có cái dấu hiệu buôn bán chia chác để làm cái trung tâm thương mại. Chúng tôi nói tới bởi vì nó rơi vào tay tư nhân thế nên chúng tôi nói, thế nên chúng tôi không tranh chấp với nhà nước.

Nhưng chúng tôi nói lên cái tiếng nói của công lý. Bằng chứng cái trường Hoàn Kiếm bên cạnh, chúng tôi có bao giờ dám đòi đâu. Bởi vì nó phục vụ lợi ích chung, các bệnh viện nó phục vụ lợi ích chung”.


5- Hình ảnh một công dân thiện chí muốn Xã Hội phải được xây dựng trên nền tảng Pháp Lý để đưa đất nước lên giầu mạnh văn minh được Thế Giới kính trọng.

Ngày 20/9/2008 Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã phát biểu trong phòng họp của Ủy Ban, với các quan chức và một số ký gỉa Đai truyền Hình do Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội mời.

Tuyệt nhiên công chúng không đựơc vào tham dự ngoài trừ phái đoàn vài Linh Mục của Giáo Phận Hà nội.

Trong một không gian nhỏ hẹp của một văn phòng với mái che và 4 bức tường xung quanh qui tụ gần hai chục người tham dự.

Sau khi đã trình bày xong phần chính, Ngài đã tâm tình nhận xét và cảm nhận của Ngài khi bị xoi mói, không tôn trọng khi xuất trình Hộ Chiếu Nhà Nước XHVN và cảm thất bị nhục nhã và rất buồn so sánh với anh Nhật và Đại Hàn được thong dong đi qua:

``Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.

Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.


Một lần nữa chúng tôi xin hết sức cám ơn ông chủ tịch và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội dã dành cho chúng tôi một buổi tiếp đón thật là trân trọng và thân tình và hứa hẹn những trao đổi khác thì chúng tôi thấy hy vọng như thế chúng ta hiểu nhau hơn và mới có thể làm cho Thành Phố Hà Nội chúng ta nói riêng, tiến đến kỷ niệm ngàn năm Thăng Long được vui vẻ, xứng đáng là một thành phố hòa bình và trong hòa bình thì có công lý và làm cho đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển. Tôi xin cám ơn.”


Lời phát biểu trên chỉ là cảm nhận cá nhân ghi nhận được và chỉ nói trong giới hạn nội bộ trong phòng họp của Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội, không công khai trên bất cứ diễn đàn quốc nội hay quốc tế nào.

Tương tự câu tực ngữ Việt nam “ đóng cửa bảo nhau “ khác hẳn Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết khi sanh Mỹ năm 2006 tuyên bố không đúng sự thật (bịa đặt) với Đài Truyền Hình CNN về vụ bắt giam tù LM Nguyễn Văn Lý và đã bị Hội Đồng Giám Mục ViệtNam chính thức gưi thư cho Chủ Tịch nước yêu cầu cải chánh.

Chủ Tịch Nhà Nuớc CHXH Việt Nam Nguyễn Minh Triết cũng tuyên bố khoa khoang với các ký gỉa ngoại quốc rằng: ViệtNam có ưu thế là nhân công rẻ và gái đẹp!!!

Và mới đây Ngài Chủ Tịch Nước lại phán: bỏ điều 4 Hiến Pháp (dành độc quyền cai trị đất nươc cho Đảng Cộn Sản VN) là tự sát! Quyền lợi quốc gia hay quyền lợi Đảng?

Chắc rằng chẳng có công nhân VN nào hãnh diện khi bị bót lột sức lao động!!!

Cũng chẳng có cô gái đẹp Vn nào hãnh diện phải phải lấy một anh nông dân, công nhân Hàn Quốc hay Đài Loan, phần lớn không có khả năng tài chánh, hay khùng điên lấy vợ bản xứ họ, phải sanh Việt Nam kiếm vợ!!!

VÀI NHẬN XÉT VỀ KHÍA CẠNH PHÁP LÝ

A- bài phát biểu TGM Ngô Quang Kiệt tại phòng họp Ủy Ban Nhân Dân TP Hà-Nội ngày 20/9/2008 là hợp với Luật Pháp Việt Nam và Luật Pháp Quốc Tế.

Điều 69 Hiến Pháp Việt Nam 1992

«Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Điều 19 Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân Quyền 1948

“mọi người có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia «

Điều 19 Công Ước Quốc Tế về những quyền dân sự và chính trị ban hành năm 1966

1. Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.

2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.

B- Một quôc gia đưộc biểu tượng chính là Quốc Kỳ và Quốc Ca

Điều 141 Hiến Pháp Việt Nam 1992

“Quốc kỳ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hình chũ nhật chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

Điều 143 Hiến Pháp Việt Nam 1992

Quốc ca nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “tiến quân ca”

Đối với Hộ Chiếu (Passport) hay Sổ Thông Hành không một quốc gia nào coi đó là biều tượng của quốc gia.

Chính vì vậy mà hình thức và nội dung của Hộ Chiếu thường thay đổi mỗi khi Cơ Quan Hành Chánh của Chính Phủ thấy cần thiết phải thay đồi cho phù hợp với thực thế với nhu cầu an ninh và tiến bộ khoa học.

Sự thay đổi này chỉ là một quyềt định hành chánh đơn giản của một Bộ trong Nội Các chính phủ, khác hẳn với thủ tục thay đổi Quốc kỳ hay Quốc ca phải đựơc thông qua bởi Quốc Hội và qua cuộc trưng cầu dân ý (referendum).

Cũng chính vì vậy mà Hộ Chiếu chỉ được cấp phép có hạn kỳ từ 5 hay 10 năm cho mỗi công dân tùy theo mỗi quốc gia.

Việc Chính Quyền Thành Phố Hà Nội cắt xén bài phát biểu và xuyên tạc vu khống, hạ nhục TGM Ngô Quang Kiện là vi phạm trắng trợn Luật Pháp Việt Nam và Luật Pháp Quốc Tế mà Việt nam đã ký và cam kết thi hành.

Ví dụ: Điều 74 Hiến Pháp Việt Nam 1992 ( quyền khiếu nại); Điều 604 Bộ Luật Dân Sự ( Trách nhiệm bòi thường thiệt hại); Điều 25.6 Luật Tố Tụng dân Sự (Toà Án xét xử bồi thường thiệt hại); Điều 103 Bộ Hình Luật VN ( tội đe dọa giêt người); Điều 121 ( tội làm nhục người khác ); Điều 122 (tối vu khống); Điều 132 (tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo) vv...

Tuy nhiên cái mất mát lớn nhất là, qua cung các hành sử độc đoán và vô pháp luật của Chính Quyền TP Hà nội, người dân càng mất niềm tin vào Chính Quyền và hình ảnh Việt Nam trên trương quốc tế bị xấu đi rất nhiều như nội dung Nghị Quyết của Quốc Hội Au Châu kết án Chính Quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền đựơc công bố mới đây.

Ghi Chú: (1) Điều 70

Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.
 
Thổi lên ngọn lửa hy vọng
ABBA
02:31 31/10/2008
THỔI LÊN NGỌN LỬA HY VỌNG

Đất của Tòa Khâm Sứ và Thái Hà trở thành hai vườn hoa rồi, vậy coi như người Công giáo thua rồi, cần làm gì nữa?

Hai miếng đất không là chuyện lớn, mà là danh dự của cả giáo hội Công giáo Việt Nam đã bị xúc phạm nghiêm trọng. Người Công giáo đang là nạn nhân của chiến dịch chia rẽ dân tộc. Hơn nữa, lý lẽ cho rằng đây là những sai lầm của quá khứ, muốn khắc phục cần có thời gian, bây giờ trả chỗ này, thì những chỗ khác đứng lên đòi hết thì loạn hết… là hoàn toàn lấp liếm. Ngay vào lúc này, không khó để thấy đây đó vẫn ngang nhiên xảy ra cướp đất của người dân và các tôn giáo. Mọi người cần nhất loạt lên tiếng. Công Lý và Sự Thật đang bị chà đạp không thương tiếc tại đất nước chúng ta.

Vẫn biết chuyện này không phải mới, mà bấy lâu nay cũng có làm gì được họ đâu?

Nhưng hiện nay, tình hình đã đổi khác nhiều. Ngọn lửa Hy Vọng đang nhen nhúm, chỉ cần mỗi người một làn hơi nhỏ thôi, cũng đủ để nó bùng cháy lên.

Khó lắm, các thế hệ sau chiến tranh đều là nạn nhân của một nền giáo dục, một bộ máy tuyên truyền nhồi sọ hết rồi. Họ thậm chí không phân biệt được thật giả, đúng sai mà? Vì thế, ngoài việc cầu nguyện cách riêng cho giáo dân, tu sĩ Hà Nội, Thái Hà, người Công giáo, hãy cầu nguyện cho người dân, cho những nhà cầm quyền, cần phải đặc biệt cầu nguyện cho những thế hệ trẻ bị bịt mắt, bịt tai, mong cho họ mở mắt sáng lòng. Rất nhiều việc làm cho mọi người đấy.

Tôi thấy công cuộc đấu tranh này như “trứng chọi đá”, khó mà thực hiện được? Một câu chuyện về các giá trị cuộc sống kể lại: có một người kia bị một tai nạn thảm khốc trong khi anh ta đang trên đỉnh cao của mọi thứ: tiền tài, danh vọng, tình yêu. Mặc cho các bác sĩ quả quyết “bó tay” và cái chết đã rất cận kề, chỉ một câu động viên của người mẹ đã cho anh ta nghị lực phi thường: “Khi những việc khó khăn cần có thời gian, thì những việc không tưởng chỉ cần thêm một chút thời gian nữa.” Và không lâu sau đó, anh ta đã lấy lại được gần như hầu hết những gì mình đã từng có: gia đình hạnh phúc, chủ tịch công ty, diễn giả, tác giả viết sách, vận động viên liệt cả tay chân có thể bơi lội, chèo thuyền, chạy xe lăn. Vậy thì chúng ta nên làm gì bây giờ?

Tiếp tục cầu nguyện. Bấy lâu nay, chúng ta đã bỏ quên một vũ khí rất lợi hại, không tốn nhiều của, cũng chẳng tốn chi công, mà lại rất hiệu nghiệm. Thiên Chúa đã dạy chúng ta, cứ tin tưởng và phó thác, còn mọi sự Ngài sẽ ban cho. Nhưng cầu nguyện bao lâu nay, kết cục là đàn áp, là bạo lực, vu khống? Triết gia B.Russell đã nói “Niềm hy vọng lớn nhất sẽ đến vào chính lúc bi thảm nhất”. Một người bạn đã chia sẻ cách thức cầu nguyện đơn sơ như trẻ nhỏ của mình: “Giống như đứa con xin mình cho nó ăn kẹo. Mình không cho, không phải vì mình không thương nó, mà mình sợ nó sâu răng, hay cũng có thể là mình dự định sẽ cho nó ăn một cái bánh to hơn, ngon hơn chẳng hạn. Nhưng nếu nó cứ xin hoài, xin mãi, thì tới lúc nào đó, có khi vì để đỡ phiền hà, mình sẽ cho nó. Thì chắc khi mình cầu nguyện với Chúa cũng vậy thôi. Khi cầu xin Chúa điều gì đó mà chưa được, mình cứ cầu nguyện hoài, rồi biết đâu tới lúc nào đó, Chúa sẽ “mệt mỏi với cái con nhỏ này quá, thôi nhậm lời xin của nó cho rồi!”

Tôi cũng muốn góp sức vào công cuộc này, nhưng tôi không đủ khả năng, và tôi cũng không đủ can đảm? Đụng vào những vấn đề này rất nguy hiểm, tôi sợ lắm? Lời cầu nguyện chỉ có bạn và Thiên Chúa nghe, không ai có thể bắt bẻ hay làm khó dễ bạn được, rất an toàn. Lời cầu nguyện của bạn tuy âm thầm nhưng sẽ là niềm khích lệ và sức mạnh to lớn cho những ai đang thực hiện thay cho bạn, vì họ biết rằng có hàng triệu triệu người đang cầu nguyện cho họ.

Tôi đang có một công việc ổn định, thu nhập cao, cuộc sống đang bình yên, hạnh phúc, tôi không muốn mọi việc bị xáo trộn lên, lỡ đâu tôi sẽ mất hết thì sao? Dù bạn có đang trong toa hạng VIP với bao nhiêu tiện nghi bậc nhất đi chăng nữa, hãy nên nhớ rằng bạn cũng đang trên cùng một con tàu, mà con tàu đó đang đi lùi về phía vực thẳm. Có thể bạn sẽ an toàn hưởng lạc cho đến cuối đời, nhưng còn đời con, đời cháu, những thế hệ sau bạn? Chắc chắn chúng sẽ xuống vực thẳm.

Tôi sẽ chú trọng và có đủ khả năng giáo dục con tôi theo cách riêng, không để chúng tiêm nhiễm những cái xấu? Giáo dục không thể chỉ dựa vào mỗi cha mẹ, hay gia đình, mà cần sự phối hợp của toàn xã hội. Bạn không thể nhốt mãi con cháu mình trong toa hạng nhất, cũng không thể bảo vệ cho chúng mãi được sạch sẽ, khi toàn bộ con tàu nhơ nhớp dơ bẩn, và những lái tàu đang đẩy ngược con tàu rơi vào thảm họa trong khi họ đã chuẩn bị cho bản thân và gia đình họ nhảy qua những con tàu khác “xịn” hơn. Khắp nơi nhan nhản con chửi bới mẹ, mẹ cắt gân con, chồng giết vợ… Bạn có bao giờ dám hình dung một ngày nào đó, bạn sẽ là một nhân vật trong những câu chuyện hãi hùng đó không? Dám lắm chứ, con bạn có thể nói “ối giời, chuyện đó bây giờ bình thường” và “bụp” bạn!

Tôi sẽ cật lực “đi cày” kiếm tiền, và tìm mọi cách để con cháu tôi sang nước ngoài sinh sống? Bạn cũng chắc biết % thực hiện được mơ ước trên là bao nhiêu. Mỗi ngày, người dân – giàu hay nghèo – đều phải đối mặt với trăm ngàn nỗi khổ đau, bất công. Giá cả leo thang, gian lận trắng trợn, đường đào xới, ngập úng, điện nước không đủ xài, thực phẩm nhiễm độc… Bạn nhắm mình sẽ đủ sức chịu đựng những áp lực, căng thẳng đó cho đến bao giờ? Đừng an phận chấp nhận khổ đau khi bạn hoàn toàn có thể loại bỏ nó? Sao bạn không dám mơ ước rằng con cháu mình sẽ đường hoàng sống hạnh phúc trên chính quê hương chúng, nhờ công sức đấu tranh của bạn hôm nay?

Xem tin tức thấy nước này nước nọ đánh nhau, nội chiến, biểu tình… lung tung. Chỉ toàn là đổ máu và chết chóc, tôi thích cuộc sống bình an, hòa bình như nước ta hiện nay. Nếu bạn suy nghĩ kỹ, đó chỉ là một sự bình an giả tạo. Khắp nơi đầy rẫy những bất ổn, bạo lực, tham nhũng, bất công… nhưng chẳng qua chúng ta đã bị bưng bít thông tin mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta không chủ trương bạo động, cũng chỉ người Việt Nam với nhau thôi mà. Nhưng chúng ta cần phải mạnh dạn lên tiếng, để chính quyền bớt coi thường nhân dân đi.

Chuyện ngoài Hà Nội, hay những chuyện bất công trong xã hội, nếu liên quan đến tôi, tôi sẽ lên tiếng, còn không thì tôi không ngu dại gì dây vào đâu, mắc công. Thời buổi này Lục Vân Tiên bị coi là thằng khùng mà? Một phụ nữ thấy một đứa trẻ đói khát, rách rưới, bà trách Chúa “Sao Ngài không làm gì cho đứa trẻ này đi?” Thiên Chúa trả lời “Có đấy chứ, Ta đã tạo ra con”. Khi bạn chứng kiến sự bất công, vô lý, gian trá, không phải bạn vô tình có mặt ở đó đâu, mà là Chúa đã gửi bạn đến. Đừng thờ ơ, đừng im lặng nữa. Đó là việc của bạn đấy!

Tôi bận rộn tối tăm mặt mày, có muốn làm cái gì đó cũng khó quá? Bạn có thể tham gia những buổi thắp nến cầu nguyện chung đông người. Bạn có thể cầu nguyện với gia đình hay nhóm bạn của mình. Một người bạn kể “Mấy ngày nay mình bận rộn lắm, làm gì có thời gian, cũng không biết làm sao, thôi thì cầu nguyện được lúc nào thì cầu nguyện. Mình thường tranh thủ cầu nguyện khi đang chạy xe trên đường”. Cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi, với bất kỳ ai, hay chỉ một mình bạn và Thiên Chúa, thật dễ dàng.

Tôi thấy mọi việc đang có vẻ bị chìm xuồng? Các nhà thờ, giáo xứ khắp nơi cần liên tục tiếp sức. Trong mỗi thánh lễ, ở phần “cầu theo ý người xin” nên đọc thêm câu “Cầu cho Công lý và Hòa bình trên đất nước Việt Nam”. Cuối lễ, cũng đọc câu này trước khi giáo dân đọc chung vài kinh như lệ thường.

Có cách nào đơn giản giúp những người trẻ luôn tỉnh táo nhìn ra sự thật của vấn đề, khi toàn bộ thông tin bị bưng bít, lèo lái có dụng ý? Luôn tỉnh táo hỏi “Tại sao?” ít nhất là ba lần trước mỗi sự kiện, để không bị dẫn dắt, nhồi sọ. Tại sao không đưa ra tòa án xét xử mấy tu sĩ và giáo dân, nếu họ vi phạm pháp luật? Tại sao lại gấp rút khởi công làm công viên? Tại sao không tường thuật toàn bộ nội dung bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục? v.v…

Nếu tôi hăng hái nhiệt tình tham gia vào công cuộc đấu tranh cho Công lý này, liệu đã đủ chưa? Bạn phải hết sức bình tĩnh, luôn tìm về với Chúa trong mọi sự, để luôn nhẫn nhịn, hiền hòa, tránh rơi vào bẫy bạo động của kẻ khác. Và một lưu ý nhỏ sau cùng: bạn phải luôn cố gắng chu toàn mọi bổn phận trong cuộc sống thường nhật của bạn, với mọi người chung quanh trước khi cùng hà hơi thổi bùng ngọn lửa Sự Thật, nếu không, công cuộc đấu tranh của bạn và của tất cả mọi người sẽ bị dè bỉu và không còn ý nghĩa nữa.
 
Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
Tường Văn
02:35 31/10/2008
Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Nhân một lần vào thăm một linh mục quản xứ trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên-tỉnh Hà tĩnh, tôi đựơc vị linh mục cho đọc "nguyên văn" bài phát biểu của nguyên chủ tịch UBMTTQVN Phạm Thế Duyệt do UBMT huyện gửi đến. Sau khi đọc xong tôi hỏi vị linh mục ấy: liên quan đến vấn đề này mặt trận có gửi gì thêm nữa không? Vị linh mục lắc đầu tỏ vẽ buồn bã và trả lời rằng: mặt trận không gửi gì thêm.

Vì thời gian không dài nên tôi đọc thật nhanh bài phát biểu đó. Tôi thành thật cám ơn UBMT huyện Cẩm Xuyên- đã vì trách nhiệm của mình mà phải gửi bài phát biểu của nguyên chủ tịch UBMTTQVN cho các tổ chức tôn giáo, đạo công giáo trên địa bàn huyện để như UBMT huyện nói là "để nghiên cứu vận động, động viên đồng bào các tôn giáo, bà con giáo dân làm tốt phong trào thi đua yêu nước của người công giáo:"Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc". "Sống tốt đời đẹp đạo".

Tuy nhiên, để phối hợp một cách chặt chẽ giữa công tác mặt trận với các tổ chức xã hội khác, đặc biệt là người công giáo trên địa bàn huyện, thiết tưởng tôi nghĩ rằng giáo dân hoặc các linh mục trên địa bàn huyện nên và phải gửi ngay bài phát biểu của Đức Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt vào sáng ngày 20-9-2008 tại UBND Thành phố Hà Nội cho UBMT huyện (nếu chưa có) để UBMT huyện tham khảo, và đồng thời sau khi tham khảo bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục vì là tổ chức góp phần xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân, phản ánh những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân nên tôi tin rằng UBMTTQ huyện sẽ phổ biến ngay bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục cho mọi người. Vì theo tôi biết, hầu như người dân trên địa bàn huyện qua thông tin báo chí và thời sự trên Đài Truyền Hình Việt Nam nhất là đêm 20-9-08 khi nói về Toà Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà thì rất nhiều người và nhất là những người muốn biết thực hư thế nào và trong đó có tôi luôn phải tự đặt câu hỏi:

Chẳng lẽ Đức Giám Mục lại có thể nghĩ và nói về con cái Giáo Hội của mình và dân tộc của mình những lời như vậy sao?!!!

Đức Tổng Giám Mục, người đã nguyện hy sinh phấn đấu suốt đời, quên bản thân mình cũng như tất cả của mình để lo cho hạnh phúc của nhân thế và phụng sự Thiên Chúa. Những hy sinh đó, được thề hứa một cách trọng thể và được hàng triệu con mắt theo dõi, giám sát. Chưa có một thông tin cá nhân nào phủ nhận được những hy sinh to lớn của TGM Giuse Ngô Quang Kiệt từ những ngày học hành và bươn chải lo cho từng giáo dân nơi miền sơn cước khó khăn xa xôi cho đến những ngày làm TGM Hà Nội.

Chưa có ai giám nói về tư cách của Ngài trong tất cả những sinh hoạt, đó là sự trong sạch, sự hy sinh cống hiến cho những nhu cầu thực tế của người dân.. Vậy thì Ngài đã làm gì, nói gì, thực hư thế nào mà thông tin báo chí và Đài Truyền Hình lại đưa tin như vậy?!!!

Cũng nên nói ra ở đây, tôi đã thấy và đã nghe nhiều nơi trong và ngoài nước sau khi nghe thông tin báo chí và đài truyền hình Hà Nội đưa tin như thế, thì nhiều người đã tìm đến bài phát biểu của Ngài vào buổi sáng của ngày hôm đó (20/9/2008). Và chính tôi cũng đã đọc được nguyên văn lời phát biểu của Ngài.

Thiết tưởng tôi cũng xin ghi ra đây nguyên văn trích đoạn bài phát biểu của Ngài để chúng ta đối chiếu thực hư thế nào: ". .. Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ. Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên, làm sao như một anh Nhậ,t nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế, còn người Việt Nam chúng ta thi tôi cũng rất mong muốn đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh lên, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng".

Khi đọc bài phát biểu của Ngài, tôi nghĩ rằng một người ít học, thậm chí là trình độ tiểu học cũng có thể hiểu được nội dung trong bài phát biểu ấy không hề có ý như kiểu thông tin báo chí và đài truyền hình đã đưa ra và bình luận. Trái lại, Ngài đã nói lên điều khắc khoải và trăn trở về đất nước, mà bao nhiêu người con đất Việt có tâm huyết với quê hương cũng đã phải trăn trở bấy lâu nay.

Vậy thì lý do gì, nguyên cớ nằm ở chỗ nào mà các phương tiện truyền thông lại cắt xén lời nói của Ngài như vậy? Mục đích như thế để làm gì?!!! Tôi hiểu, nếu các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam làm như vậy thì đây không phải là việc làm để cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, lại càng không phải là truyền thống ngàn năm của người dân Việt vốn Hồ Chủ Tịch đã nói: " Các vua Hùng có công dựng nước, bác cháu ta cùng nhau giữ nước"

Thiết tưởng, đây là trách nhiệm của UBMT huyện và đặc biệt là các linh mục trên địa bàn huyện phải có trách nhiệm thông tin đầy đủ về bài phát biểu của Ngài trong cuộc họp với UBND tp Hà Nội vào sáng ngày 20/9/2008, để mọi người dân trên địa bàn huyện và cũng như những người dân nơi khác hiểu được một cách tường tận.

Trong thời đại văn minh ngày nay, với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ truyền thông, để tìm đến bài phát biểu của Ngài quả là một điều quá dễ dàng. Nếu ai đó đã quên hoặc chưa thể tìm thấy các địa chỉ để lấy nguyên bài phát biểu của Ngài và các thông tin có liên quan đến TKS và Giáo xứ Thái Hà thì chỉ cần một vài cú líc nhẹ nhàng là có ngay. Cụ thể vào thanhlinh.net; hoặc vào http://haokan.buonceme.net/dmirror/http/vietcatholic.net/new; hoặc vào dcct.org hoặc vào http://.bbc.co.uk/vietnamese vân vân và vân vân.

Chính vì lý do đó, qua ý kiến của tôi ở trên, tôi tin tưởng và hy vọng rằng vì sự thật, vì sự bình yên của người dân, vì tinh thần xây dựng khối đại đoàn kết, cũng như nhiệm vụ mà các linh mục và các cán bộ mặt trận đã lãnh trách nhiệm trước Giáo Hội và nhà nước sẽ cùng nhau phối hợp chặt chẽ để khẩn trương làm tốt vấn đề trên.

Có như vậy thì các linh mục cũng như UBMTTQ huyện mới đúng nghĩa là " Người đầy tớ của nhân dân", có như vậy người dân mới khởi thắc mắc, khỏi phải đặt câu hỏi thế này thế nọ???

Có hiểu thực hư thế nào thì lúc người dân thực sự mới an tâm, mới vui vẻ nắm chặt tay nhau để cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cùng nhau xây dựng một đất nước ngày càng giàu mạnh, ấm no và hạnh phúc.
 
Giáo xứ Nhân Thọ (GP Vinh) thắp nến cầu nguyện hiệp thông với TGP Hà Nội
Đức Giang
11:58 31/10/2008
QUẢNG BÌNH - Vào tối, ngày 27/10/2008, cộng đòn Giáo xứ Nhân thọ, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ Chăn giáo phận và lời kêu gọi của cha xứ Antôn Đậu Thanh Minh đã quy tụ về ngôi nhà thờ tạm thời (vi giáo xứ Nhân Thọ đang xây dựng thánh đường mới) cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể cho hoà bình và công lý t rên đất nước, và cho Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Vào lúc 19 giờ, toàn thể cộng đoàn đã tấp nập về dưới mái nhà thờ tạm trong tay mỗi người cầm ngọn nến cháy sáng lung linh trước Thánh Thể Chúa. Khởi đầu cho buổi cầu nguyện mọi đèn điện trong nhà thờ được tắt và thay vào đó là ánh sáng của cây nến cháy sáng trong tay mọi người. Cha chủ sự nói: “Cây nến cháy sáng mà chúng ta đang cầm trên tay gợi cho ta nhớ lại ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội. Chúng ta đã được trao cây nến sáng tượng trưng ánh sáng của Chúa Kitô “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô…”. Chúng ta hãy làm làm bừng sáng lên ngọn nến đức tin, công lý và bình an để cho thế giới, cho quê hương Đất Nước chúng ta được sống trong an bình và hạnh phúc.

Sau khi được nghe thông tin đa chiều, nhất là được nghe bản phát biểu ý kiến của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, ngày 20/9/2008, người tín hữu Nhân Thọ đã thấy rõ được bộ mặt thật của các nhà làm báo và truyền thông Việt Nam đã cắt xén sự thật và làm méo mó bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục.

Là người tín hữu trong Tổng Giáo Phận nhà, chúng tôi luôn hiệp thông với vị Tổng Giám Mục, với bà con Giáo phận Hà Nội. Trước sức mạnh của nhà nước chúng tôi là những người dân chân lấm tay bùn, quê mùa mộc mạc chỉ biết trong cậy vào Chúa, vào Đức Mẹ xin các Ngài ban thêm sức mạnh cho Đức Tổng Giám Mục được can đảm nói lên sự thật vi “Sự thật sẽ giải phóng các con” “Thầy đây đừng sợ”; xin cho Ngài khôn như rắn và hiền như bồ câu. Chúng tôi cũng xin Chúa Giêsu Thánh Thể so sáng cho các vị lãnh đạo đất Nước biết nhận ra sự thật để đi đến đối chân thành và cởi mở trong giai đoạn lịch sử này giữa Giáo Họi vầ Nhà Nước.

Hàng nghìn ngọn nến được thắp lên làm bừng sáng bầu khí tối tăm phủ đầy sân nhà thờ như muốn nói lên chúng tôi muốn xua tan bóng tối của hận thù, của sự chia rẽ, nghi kị thay vào đó, chúng tôi muốn thắp lên ánh sáng công lý và hoà bình, tha thứ và bao dung. Ước gì ngọn nến chúng tôi mãi cháy sáng để minh chứng cho sự thật.
 
Linh mục Trưởng hạt Văn Hạnh (GP Vinh) trả lời phỏng vấn
Trâm Oanh
12:20 31/10/2008
LM NGUYỄN VĂN VINH, TRƯỞNG HẠT VĂN HẠNH GP VINH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

LM Nguyễn văn Vinh
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Chính xứ Văn Hạnh, Hạt trưởng Hạt Văn Hạnh ở Hà Tĩnh, thuộc Thành phố Hà Tĩnh, Địa phận Vinh. Linh mục Vinh mặc dầu còn trẻ nhưng rất năng nổ và nhiệt huyết. Chúng tôi được biết: Từ ngày xảy ra vụ Thái Hà và Tòa Khâm sứ xảy ra ở Hà Nội, Giáo xứ Văn Hạnh đã có nhiều hoạt động thiết thực để hiệp thông cùng giáo dân Hà Nội. Họ đã photo nhiều tài liệu về Thái Hà và Tòa Khâm sứ, bài phát biểu của TGM Giuse Ngô Quang Kiệt để phát cho người dân, kể cả các cán bộ vì nhà thờ nằm ngay trong khu vực tỉnh lỵ. Sau đây là bài phỏng vấn Linh mục Pet. Nguyễn Văn Vinh – Hạt trưởng Hạt Văn Hạnh, Giáo phận Vinh.

Trâm Oanh xin kính chào Linh mục Nguyễn Văn Vinh
Kính chào Quý thính giả.

Xin mời nghe cuộc phỏng vấn này

Kính thưa Cha, nguyên nhân nào giáo dân Giáo xứ Văn Hạnh đã liên tục về Hà Nội cũng như tổ chức cầu nguyện liên tục cho Giáo xứ Thái Hà ạ?

- Trước hết, tôi xin được giải bày là không chỉ có giáo dân chúng tôi về Hà Nội và cầu nguyện cho Thái Hà, mà chúng tôi chỉ hòa mình vào dòng người muôn nơi và lời cầu nguyện bất tận của người Công giáo, cách riêng tại Giáo phận Vinh chúng tôi cho công lý và hòa bình. Về nguyên nhân, mà nói đúng hơn là động lực là thế này:
Trước hết là sự hiệp thông của thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Giáo dân Hà Nội và chúng tôi, đều là chi thể trong thân mình mầu nhiệm ấy.
Giáo phận Vinh của chúng tôi thuộc Giáo tỉnh Hà Nội, nên Đức Tổng Kiệt là người cha của chúng tôi và giáo dân Thái Hà là anh em gần của chúng tôi.
Thứ hai, chúng tôi muốn nói với anh chị em Thái Hà rằng, anh chị em ngoài đó không cô đơn, anh chị em luôn có chúng tôi bên cạnh dù xa cách về thể lý.
Sau nữa, chúng tôi muốn nói với mọi người rằng: Ở Thái Hà không phải là những kẻ xấu, những kẻ xâm hại an ninh quốc gia như các phương tiện truyền thông mô tả. Họ là những người tốt, những người đang đòi công lý, chúng tôi trân trọng họ. Họ là nạn nhân của bất công, chúng tôi cầu nguyện cho họ.

Thưa Cha, giáo dân tại đây đã hiệp thông với Thái Hà bằng cách photo rất nhiều tài liệu về Thái Hà và Tòa Khâm sứ, để phát cho người dân, kể cả cán bộ. Xin Cha nói rõ hơn về sự việc này.

- Sau khi nghe các phương tiện truyền thông mô tả một chiều về sự việc, nhất là cảo thuật cắt xén câu nói của Đức Tổng, bình luận cách ác ý với điệu bộ hằn học trên màn hình. Người giáo dân tốt lành thì hoang mang, lo lắng, người khô khan tỏ ra thất vọng, người lừng khừng tỏ vẻ nghi ngờ. Khắp nơi, xưởng thợ chợ búa, xe tàu, đồng ruộng, trường học đâu đâu người ta cũng bàn tán. Những người không có thiện cảm với đạo được dịp để chế giễu người công giáo, một số trường học và công sở xem ra có tư thế đề phòng và phân biệt đối với người công giáo…
Đứng trước tình thế này, người nhiệt tình với đạo đã can đảm khẳng định đức tin vào Thiên Chúa, khẳng định lòng kính trọng đối với Đức Tổng, sự thông cảm sâu sắc với bà con Thái Hà. Từ đó nảy sinh những cuộc đối thoại, có lúc tranh cãi khá gay gắt. Người giáo dân trở thành những nhà hộ giáo lúc nào không hay. Câu chuyện càng lan rộng càng gây thêm sự chú ý, có người vì thách thức, đố kỵ, có người vì tò mò, lại có người vì muốn tìm hiểu sự thật, nhất là xung quanh câu nói của Đức Tổng mà người công giáo cho là bị cắt xén ác ý.

Vấn đề đặt ra là “nói có sách, mách có chứng”. Thế là không ai bảo ai, người giáo dân tự động photo tài liệu mang theo mình để phòng thân. Người đi chợ, người đi tàu xe đường xa, người đến xưởng… đều thủ tài liệu. Thậm chí có những em học sinh còn mang theo bài nói của Đức Tổng đến trường, phòng khi bạn bè hỏi thì có mà trả lời. Lại có những người làm công việc nhà nước, chỗ bạn bè với nhau người ta vẫn trao cho nhau bài nói của Đức Tổng để xem cho biết.

Thưa Cha, báo chí Hải ngoại có cho rằng: Thái độ làm chứng cho công lý của Cha và giáo dân thuộc Giáo xứ Văn Hạnh rất là tuyệt vời, Cha nghĩ sao về nhận định trên?

Nhà thờ Văn Hạnh
- Tôi xin cảm ơn về những ý nghĩ tốt đẹp nói trên, nhưng chúng tôi không dám nhận lời khen đó cho riêng mình, vì chúng tôi chỉ là “những đầy tớ vô dụng”, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận mà thôi. Hơn nữa là vì biết mà không làm chứng cho sự thật là đồng lõa với sự dối trá.
Chính Chúa Giêsu đã dạy: “Điều Thầy nói với các con lúc đêm hôm, hãy nói ra giữa ban ngày. Điều các con nghe rỉ tai, hãy lên mái nhà mà rao giảng”. Vả lại, sự làm chứng đó không chỉ có ở xứ tôi, mà đó là sự hiệp thông sâu rộng và mạnh mẽ gần như khắp nơi trong Giáo phận và tôi nghĩ rằng các nơi khác cũng thế.

Vẫn theo VietCatholic chủ nhật ngày 21/9.2008 thì ngày 21/9/2008, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 1370 v/v cảnh cáo Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Trong công văn cảnh cáo này đã viết: 1- Dừng ngay các hành vi vi phạm pháp luật, nếu không sẽ bị xử lý theo các quy định của luật, đồng thời có trách nhiệm vận động các giáo sỹ, giáo dân chấp hành các quy định của pháp luật, không được tổ chức các hoạt động tôn giáo trái phép, khẩn trương di chuyển tượng, Thánh giá về đúng nơi thờ tự. 2- Không được tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền với nội dung xuyên tạc kích động lợi dụng lôi kéo giáo sỹ, giáo dân vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Xin Cha chia sẻ cảm nghĩ của Cha về lời cảnh cáo trên

- Theo tôi nghĩ thì lời cảnh cáo này có tính cách áp đặt, bất công và không có giá trị. Vì thực ra, để đạt được mục đích nói trên, người ta đã dùng bạo lực, kể cả thủ đoạn khủng bố và bàn tay bẩn thỉu của bọn lưu manh, côn đồ chứ không có một quy trình pháp luật nào cả. Trong khi đó, Đức Tổng Giám mục và giáo dân Hà Nội đã không phải thi hành hay bị xử lý theo quy trình pháp luật nào cả, họ chỉ là nạn nhân của bạo lực và khủng bố mà thôi.

Thưa Cha, cũng trong lời phát biểu trước UBND TP Hà Nội, Đức TGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã nói: “Trước hết ông chủ tịch có nói rằng: Uỷ ban nhân dân TP đã tạo rất là nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm qua nhất là dịp Lễ Noel… chúng ta phải công nhận trong những năm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý xin cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó. Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho”. Cha nghĩ sao về lời tuyên bố trên của Đức TGM Hà Nội?

- Lời tuyên bố này thẳng thắn, có phần gây khó chịu hàm chứa những rủi ro nhưng lại hoàn toàn xác đáng. Quả thật, lời tuyên bố này thẳng thắn, từ trước đến giờ chưa ai dám tuyên bố cách công khai trước nhà cầm quyền trong giai đoạn “nhạy cảm” như thế cả. Tuyên bố kiểu này gây khó chịu, vì người ta không thích nghe như thế. Vì khó chịu nên dẫn tới những rủi ro bởi người ta có thể nâng quan điểm hoặc tìm cớ bắt chẹt cách nọ, cách kia.

Tuy nhiên, người phát ngôn tuyên bố này là người quả cảm, đã dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Xác đáng, vì quyền tự do tôn giáo là quyền tự nhiên, nghĩa là con người sinh ra đã có quyền đó rồi chứ không ai ban cho cả. Người ban chính là Thượng đế, người theo đạo nào, là quyền của người ta. Ai không theo bất kỳ đạo nào là đã không sử dụng quyền đó, chứ không ai tước mất của họ cả.
Hiến pháp Việt Nam cũng công nhận quyền tự do tín ngưỡng (Điều 70) mà một khi tôn giáo đã được công nhận thì phải có các điều kiện và môi trường thuận lợi để các tín đồ hành đạo. Nhà nước của dân, do dân vì dân có bổn phận tạo nên điều kiện này cũng như muôn mặt khác của đời sống cả xã hội. Nó cũng góp phần tạo nên sự thịnh vượng chung của quốc gia cũng như toàn thể nhân loại.

Thưa Cha, trong một diễn tiến chưa bao giờ xảy ra, hôm 15/10/2008, UBND TP Hà Nội mời họp và thông báo với đại diện với ngoại giao các nước tại Việt Nam rằng: “sẽ đề nghị thuyên chuyển Đức TGM Ngô Quang Kiệt ra khỏi Giáo phận Hà Nội, xin Cha chia sẻ cảm nghĩ về sự việc này.

- Thông thường, việc bổ nhiệm và thuyên chuyển Giám mục là việc của Tòa Thánh. Ở Việt Nam chúng ta, xem ra chưa có được quyền thông thường ấy dẫn đến mỗi lần phái đoàn Tòa Thánh sang Việt Nam có trao đổi về vấn đề này. Như thế, nếu Tòa Thánh có trao đổi, thì trao đổi với Chính phủ Việt Nam chứ không trao đổi với chính quyền TP Hà Nội.
Việc UBND TP Hà Nội đề nghị thuyên chuyển Đức Tổng, là sự can thiệp cách thô bạo, sống sượng và không đáng có vào công việc nội bộ của Giáo hội. Như ông Nguyễn Thế Thảo nói là vì “ông Ngô Quang Kiệt mất uy tín”? Tôi nghĩ rằng lý do này không thuyết phục. Chúng tôi là người có đạo, chúng tôi biết rõ vị chủ chăn của mình hơn ông ấy. Vả lại, ông Nguyễn Thế Thảo đề nghị, thì tôi không biết là đề nghị với ai? Tôi nghĩ rằng Tòa Thánh không có chức năng tiếp nhận hồ sơ này.

Con xin cảm ơn Cha về những lời chia sẻ trên. Câu hỏi tiếp theo là Hội Đồng Giám mục Việt Nam vừa ra các văn bản về những vấn đề về Thái Hà và Tòa Khâm sứ với những quan điểm mạnh mẽ. Cha nghĩ sao về vấn đề này?

Các Hội đoàn giáo xứ Văn Hạnh
- Tôi nghĩ rằng, những văn bản đó, không chỉ nói riêng về Thái Hà và Tòa Khâm sứ mà con quan tâm đến lợi ích và sự thịnh vượng chung của cả dân tộc trước mắt và lâu dài. Vấn đề nổi cộm là quyền tư hữu không được tôn trọng, cộng thêm nạn tham nhũng và hối lộ là vấn đề nhức nhối liên quan đến vô số con người và là nỗi oan khiên cho không biết bao nhiêu thân phận con người thấp cổ bé miệng không thể cất lên tiếng nói trong xã hội, vấn đề đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, dùng đối thoại thay cho bạo lực là vấn đề trăm họ mong chờ chứ không riêng người Công giáo.
Các văn bản này, vừa phát huy truyền thống về giáo thuyết xã hội của Hội Thánh, vừa đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện tại. Vì phải làm chứng cho chân lý trong bối cảnh khẩn trương, dồn dập và trong bầu khí căng thẳng, lại vì tầm mức quan trọng của vấn đề, nên lời lẽ có phần thẳng thắn và dứt khoát. Sứ điệp rõ ràng được gửi gắm trong tinh thần đối thoại cởi mở và thẳng thắn.

Thưa Cha, cũng trong buổi tiếp và làm việc với các đại sứ, phó đại sứ và trưởng đại diện của Đoàn ngoại giao tại TPHN vào ngày 15/10/2008. Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TPHN đã nói: “nguyên nhân chính của các vụ việc tại 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng là do một số giáo sỹ mà đứng đầu là Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, lợi dụng đức tin và sự thiếu hiểu biết của một số giáo dân, cố tình vi phạm pháp luật; đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và của giáo hội. Những giáo sỹ này đã làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chính quyền Thành phố với Tòa Tổng giám mục cũng như Nhà thờ Thái Hà, ảnh hưởng đến hình ảnh của công giáo trong lòng nhân dân Thủ đô và cả nước”. Cha nghĩ sao về lời tuyên bố trên của ông Nguyễn Thế Thảo?

- Đây lại là một tuyên bố định sẵn trong đường lối chủ trương chính sách. Ông Nguyễn Thế Thảo không bao giờ muốn đặt vấn đề kiểu khác, mặt khác ông cũng không có khả năng nói khác đi được.
Ông Chủ tịch vẫn cho rằng Đức Tổng, các giáo sỹ và Giáo dân Thái Hà vi phạm pháp luật và từ chỗ vi phạm pháp luật này kéo theo nhiều hậu quả xấu cho lợi ích quốc gia là đoàn kết dân tộc. Trong khi chúng tôi xác tín rằng việc cầu nguyện bất bạo động không phải là phạm pháp. Vì đất của nhà thờ, chưa có văn bản nào đúng pháp luật nào cho thấy đất đó đã trở thành của nhà nước thì đất vẫn là của nhà thờ, cho nên việc xây cất trên đó là trái phép. Vậy thì việc quy kết giáo dân là phá hoại tài sản XHCN khi họ xô đổ bức tường xây trên đất của họ là vô lý và bất công.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa đưa những người đang bị giam ra xét xử trước tòa công khai vì tội phá hoại tài sản, thì tôi e rằng những lời quy kết của ông Chủ tịch nhắm vào Đức Tổng và các giáo sỹ khó lòng thuyết phục được ai. Vậy thì nguyên nhân chính của các vụ việc không phải là do các giáo sỹ đứng đầu là TGM Ngô Quang Kiệt, mà đến từ những người không tôn trọng quyền lợi chính đáng của người dân và là hậu quả của bạo lực.

Kính thưa Cha, Cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh trong bài giảng lễ đám tang của Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến ngày 25/9/2006, có viết: “Tôi muốn làm viên gạch dưới tầng sâu/ Làm chất đốt cho cuộc đời ấm lửa/ Làm phân bón cho cây đời tươi nhựa/ Trĩu quả vàng bát ngát những mùa sau”. Xin Cha chia sẻ những cảm nghĩ của Cha về bài giảng này.

- Mấy câu thơ trong bài giảng này nói lên tinh thần hy sinh tự hủy theo gương Chúa Giêsu “Hạt lúa mì khi rơi xuống đất, nếu không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt”. Ngài đã tự hủy ra không để cứu độ muôn người. Thánh Inhaxiô Antiokia đã thấm nhuần bài học này khi tự nguyện: “Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa, và sẽ được nanh thú dữ nghiền nát để trở thành tấm bánh tinh tuyền của Đức Kitô”.
Hy sinh tự hủy, nhưng hi vọng cũng tràn trề, “Họ ra đi khi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo, lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng”. Điều quan trọng là người mục tử cũng như giáo dân phải biết vượt qua những giới hạn của chính mình để nhận ra sứ mạng cao cả mà Nước Trời giao phó để sống, để cống hiến và phụng sự chân lý, hầu để lại hoa trái tốt tươi cho đời.
Ngày nay, chúng ta đang được xem các tấm gương, cũng là dấu chỉ của thời đại.

Thưa Cha, những chuyện xảy ra ở Tòa Khâm sứ cũ 42 Nhà Chung và Giáo xứ Thái Hà 178 Nguyễn Lương Bằng Hà Nội, đến nay vẫn là đề tài nóng bỏng được nhiều người dân, nhất là giáo dân Công giáo quốc nội cũng như hải ngoại hết sức quan tâm. Trâm Oanh nghĩ: Một giáo xứ như giáo xứ Văn Hạnh ở Hà Tĩnh, rất thân thương bình dị về một niềm tin, về một tinh thần Hiệp thông, gắn bó vô cùng sâu sắc với Giáo Hội, với tất cả những con người thống khổ. Trâm Oanh xin cảm ơn Linh mục Nguyễn Văn Vinh, Chính xứ Văn Hạnh, Hạt trưởng Hạt Văn Hạnh, Địa phận Vinh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Trước khi kết thúc, xin Cha giới thiệu với bà con quốc nội cũng như hải ngoại vài nét về giáo dân Giáo xứ Văn Hạnh và những chia sẻ của Cha với bà con Công giáo trên toàn thế giới.

- Kính thưa anh chị em, Giáo hạt Văn Hạnh chúng tôi gồm gần 40.000 giáo dân, có 11 giáo xứ. Riêng giáo xứ Văn Hạnh chúng tôi có gần 4.000 giáo dân. Giáo xứ chúng tôi trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh, địa bàn này mới được nhập vào Thành phố cách đây vài năm. Người dân vẫn làm ruộng, một số làm nghề buôn bán, một số làm thợ… nhìn chung cũng có khá nhiều ngành nghề. Cuộc sống bà con cũng đang còn nhiều vất vả, nhất là những bà con đông con, có thu nhập thấp. Việc học hành ngày càng trở nên gánh nặng. Tuy nhiên bà con cũng rất lạc quan, tin tưởng, cậy trông vào Chúa và có tinh thần xây dựng Giáo hội rất cao cả. Đặc biệt, thời gian vừa rồi, bà con luôn lo lắng, hướng về Đức Tổng Giám mục, cầu nguyện cho Ngài, hướng về những người anh em em gần ở Giáo xứ Thái Hà để cầu nguyện. Việc cầu nguyện của chúng tôi bây giờ theo hướng dẫn của bề trên Địa phận cũng như hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Không chỉ cầu nguyện cho giáo dân Thái Hà và Đức Tổng, mà cầu nguyện cho Hòa Bình, Công lý nói chung, cho mọi người dân được hưởng nền hòa bình, tự do đích thực. Để được như thế, xin Chúa cho các nhà cầm quyền được sáng suốt, để nhận định, để phân biệt đâu là lợi ích quốc gia đích thực, đâu là lợi ích của cá nhân, của phe nhóm, để mọi người can đảm nhìn thẳng vào sự thật để đối thoại, để nước nhà được hòa bình, thình vượng, cho nhân dân trăm họ được hạnh phúc.
Chúng tôi vẫn luôn luôn lo lắng theo dõi quan sát tình hình, nhất là mấy hôm nay được tin mấy giáo dân Thái Hà có thể bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng. Chúng tôi biết rằng, đó là những người anh em của chúng tôi và là những chứng nhân cho đức tin, cho sự thật. Chúng tôi xin anh chị em, tất cả mọi người cầu nguyện, để những anh chị em đó được vững mạnh, giữ vững đức tin, giữ vững lập trường, đồng thời cho Công lý được sáng tỏ. Xin chúc quý thính giả bình an. Xin cảm ơn.

Xin cảm ơn Linh mục Nguyễn Văn Vinh, Chính xứ Văn Hạnh, Hạt trưởng Hạt Văn Hạnh, Địa phận Vinh đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn hôm nay. Thay mặt Vietnamexodus Trâm Oanh xin gửi tới linh mục lời chúc sức khỏe chân thành nhất. Xin kính chào Linh mục.

Ghi chú: Linh mục Pet. Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1966 tại xứ Kẻ Gai. Thụ phong Linh mục năm 1999.
Hiện là chính xứ Văn Hạnh, Hạt trưởng Hạt Văn Hạnh, giáo phận Vinh. Trưởng ban Tình thương Giáo phận Vinh.


(Nguồn: Trâm Oanh - Vietnamexodus thực hiện)
 
Một “ngôi sao” của Công an CSVN rớt “mặt nạ”
Người Việt
12:41 31/10/2008
Cà Mau (NV) - Thanh tra Bộ Công An CSVN vừa công bố kết luận thanh tra về những sai phạm của ông Trần Hoàng Thọ, thượng tá, cựu chỉ huy trại giam K1 Cái Tàu, nằm ở xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Trại giam K1 Cái Tàu được đặt dưới quyền kiểm soát của Cục Quản lý trại giam, thuộc Bộ Công an CSVN. Ðây là nơi giam giữ những người bị kết án từ mười năm tù trở lên. Trong khoảng thời gian từ giữa thập niên 1990 cho đến cuối năm ngoái, báo chí CSVN đã viết hàng trăm bài về trại giam K1 Cái Tàu và ca ngợi Trần Hoàng Thọ như một “ngôi sao” đầy tài năng trong việc biến K1 Cái Tàu từ trại giam trở thành “căn nhà chung cho những người lầm lỡ, quyết tâm làm lại cuộc đời”. Trần Hoàng Thọ còn được xem như một bằng chứng sống động về “sự nhân ái và khả năng cảm hóa phạm nhân của công an nhân dân”. Thậm chí đã có một số tờ báo đề nghị phong tặng Trần Hoàng Thọ danh hiệu “anh hùng lực lượng vũ trang”.

Cũng vì vậy, kết luận mà thanh tra Bộ Công An CSVN mới công bố về các sai phạm của ông Trần Hoàng Thọ khiến rất nhiều người ngỡ ngàng.

Theo kết luận đó, khi còn là chỉ huy trại giam K1 Cái Tàu, ông Trần Hoàng Thọ đã có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Trước hết là chiếm đất an ninh quốc phòng. Khi bàn giao đất mà phạm nhân bị buộc phải khai hoang cho lâm ngư trường U Minh 3, ông Thọ đã tự ý giữ lại một thửa đất có diện tích trên 14 ngàn m2 rồi đề nghị UBND huyện U Minh cấp nó cho mình. UBND huyện U Minh đã chấp nhận đề nghị này.

Ông Thọ cũng là người vi phạm nhiều qui định về quản lý trại giam để trục lợi. Chẳng hạn, theo quy định, việc tổ chức căn-teen phải giao cho các phân trại tự thực hiện và trông coi. Song vì lợi nhuận thu được từ canteen rất lớn nên ông Thọ đã ra lệnh giao các canteen cho vợ là bà Nguyễn Thị Cần và con là Trần Hoàng Phong kinh doanh.

Ông Trần Hoàng Thọ còn chỉ đạo bộ phận hậu cần của trại giam K1 Cái Tàu vay nóng của nhiều người mà không báo cáo với cấp trên là Cục Quản lý trại giam. Trong đó, vay của cả vợ ông Thọ. Khi bị thanh tra, nhân vật này không thể giải thích được với thanh tra về mục đích vay, những khoản đã chi tiêu cũng như kế hoạch hoàn trả.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2002 đến tháng 11 năm 2003, ông Trần Hoàng Thọ còn chỉ đạo cho bộ phận kế toán của trại giam rút tiền chi cho vợ, con ông bảy lần. Tổng số tiền chi riêng cho vợ, con ông Thọ lên tới 2.3 tỷ đồng và đến nay vẫn chưa trả lại.

Theo thanh tra Bộ Công An CSVN, cơ quan này đã yêu cầu ông Trần Hoàng Thọ trả lại thửa đất đã chiếm, đồng thời yêu cầu UBND huyện U Minh thu hồi và hủy bỏ quyết định cấp đất cho ông Thọ. Tờ Pháp Luật TP.HCM cho biết, Bộ Công An CSVN cũng đã yêu cầu tiếp tục làm rõ trách nhiệm của ông Trần Hoàng Thọ và các cán bộ có liên quan, thu hồi số tiền ông Thọ đã lấy của trại giam K1 Cái Tàu để chi cho vợ con. Cục quản lý trại giam được yêu cầu phải: Tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các sai phạm của ông Trần Hoàng Thọ và những cán bộ có liên quan theo đúng quy định.

Theo luật pháp Việt Nam, lẽ ra công an CSVN phải khởi tố vụ án “tham ô” và “cố ý làm trái” cũng như khởi tố ông Trần Hoàng Thọ nhưng tuyệt nhiên không thấy báo chí Việt Nam đề cập đến những vấn đề này. (G.Ð)

(Nguồn: Người Việt, Thursday, October 30, 2008)
 
Đi Tìm Nguồn Sống (thơ)
Mynh Hứa
13:04 31/10/2008
Đi Tìm Nguồn Sống

Anh tìm đâu nơi đứng
Chị tìm đâu chỗ ngồi
Giữa xã hội đãi bôi
Việt nam thời Cộng Sản

Em tìm đâu chỗ dựa
Cháu tìm đâu miếng thừa
Giữa bọn người tham nhũng
Việt Nam lệ như mưa

Cụ tìm đâu chính đạo
Bác tìm đâu lòng thành
Ba tìm đâu thiện chí
Giữa bọn người lưu manh

Mẹ tìm đâu nguồn sống
Con tìm đâu ủi an
Cậu tìm đâu ánh sáng
Giữa lảnh đạo dã man

Mợ tìm đâu nhân nghĩa
Chú tìm đâu luân thường
Thím tìm đâu bác ái
Giữa xã hội nhiểu nhương

Người tìm đâu công lý
Dân tìm đâu nhân quyền
Đời tìm đâu sự thật
Giữa lật lọng tuyên truyền

Hãy trở về uyên nguyên
Của tâm hồn khởi thủy
Của thời đại hồng hoang
Của ban đầu bổn thiện

Hãy tìm đường giao duyên
Với thành tâm chí nguyện
Cùng Thượng Đế uy quyền
Sẽ có nguồn chân lý

Hãy tự mở lý trí
Đón nhận lấy lương tri
Đừng nghe một lời gì
Nói ra từ Cộng Sản

Và cũng xin đừng nản
Hãy mạnh dạn đứng lên
Tranh đấu thật vững bền
Để xóa tên Cộng Sản.
 
Hương lòng dâng tặng Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Hồng Lĩnh
13:11 31/10/2008
HƯƠNG LÒNG DÂNG TẶNG CỐ TỔNG THỐNG DIỆM

Mùa thu khởi điểm kết liễu miền Nam tự do

TT Eisenhower đón tiếp TT Ngô Đình diệm
Mùa thu ấy, vào sáng 02/11/1963, chiến tuyến chống cộng miền Nam, nơi quy tụ cuối cùng của lực lượng quốc gia chống cộng đã mất đi một con người của phép lạ của các năm 1954 - 1956, đó là Tổng Thống Diệm, một tiên khởi của VNCH, một niềm kiêu hãnh và tướng tiên phong đương cự với xâm lăng CSVN và Đệ III Quốc Tế CS. Để rồi kể từ ngày ấy, cuộc chiến đấu cho tư do bị cướp mất chính nghiã và cuối cùng thua cuộc. Nhắc đến một thu cũ của niềm đau. Nay một thu nữa lại về, gợi lại thu xưa. Xin thắp một nén hương lòng tưởng niệm và vinh danh một tinh thần.

Thanh gươm và cành ô liu của cố TT Kennedy.

Tàn sát bạn từ vịnh Con Heo tới Việt Nam

Vịnh Con Heo: Niềm đau của các chiến sĩ tự do Cuba

Ngày 17/04/1961, vào lúc 2 giờ sáng, khoảng 1' 500 chiến sĩ di cư Cuba chống Fidel Castro, được huấn luyện tại Guatamala và Nicaragua, bắt đầu đổ bộ tại hai bãi biển Playa Girón và Playa Larga của bờ biển có tên Con Heo. Bờ biển nầy nằm ở phía nam thủ đô La Havane và xa cách 200 km. Dùng lữ đoàn 2506 với mật mã I.D. (Invasion Day). Sau 72 giờ giờ chiến đấu (vào ngày 20/04/1963), thành phần đổ bộ mất 90 lính do tử thương và 1179 lính bị bắt và bị kết án 30 năm tù. (Sau nầy Mỹ chuộc họ bằng viện trợ cho Fidel Castro 63 triệu Mỷ Kim hồi ấy, để mua máy cày và thuốc men).

Cuộc đổ bộ thành thảm thương, ngoài lý do tình báo Mỹ sai lầm, vì TT Kennedy không cho phép không quân và hải quân Mỹ yểm trợ. Nên lực lượng đỗ bộ đã bị 200’ 000 quân của Fidel Castro tiêu diệt bằng phi cơ, chiến xa và trọng pháo. Thanh gươm của TT Kennedy bị gãy. Ngoài ra vào ngày 28/10/1963, TT Kennedy dùng cành ô liu qua tuyên bố cam kết không tấn công và tháo gỡ các tên lửa Jupiter đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ hướng vào Nga như đổi chác để Nikita Khrouchtchev rút các hỏa tiễn từ Cuba về nước Nga. Nông nỗi nầy do ai?

Trung lập Lào - Niềm đau của TT Diệm và các chiến hữu Lào

Người Pháp suốt cả một chiều dài lịch sử 80 năm cai trị, không bao giờ thành thật với Việt Nam. Nhưng truớc lúc rời khỏi Việt Nam, vào năm 1956, đã để lại một di chúc cho lực luợng chống cộng miền Nam: “ CSVN và CS Quốc Tế sẽ xâm lăng miền Nam tự do qua ngã Lào”.

TT Einsenhower truớc lúc rời khỏi chức vụ đã nhắc nhỡ TT Kennedy: “ Lào là vòm trời bảo vệ tự cho miền Nam. Có thể quân đội Mỹ sẽ phải chiến đấu tại đây”. Nhưng TT Kennedy cương quyết trung lập hóa Lào, để rút chân ra khỏI nơi đây. Trong lúc quân CSVN đang tìm cách xâm lăng tạo địa bàn chuyển quân và vũ khí vào Nam cho cuộc xâm lăng (1960-1975).

TT Diệm, cùng đồng quan điểm với TT Eisenhower và di chúc Pháp: “ CSVN sẽ dùng đất Lào để chuyển quân vào miền Nam”, đã đáp lởi kêu gọi khẩn trương của tướng hữu phái chống cộng Phoumi của Lào quốc. Ông nôn nóng xin TT Diệm quân viện và TT Diệm đã đáp lời qua lệnh mở các kho vũ khí do Pháp để lại. Nhưng TT Kennedy cương quyết không dùng thanh gươm và nhất định cắm cành ô liu tại Lào qua Hiệp Định trung lập Lào vào tháng 07/1962. Tất cả các lực lưỡng chống cộng phải rút khỏi Lào và CSVN ở lại. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cực lực phản đối quyết định trên và từ đó mối tình Việt Mỹ trở nên thù nghịch tới chỗ phải hạ hạ sát TT Diêm sau nầy.

Riêng các chiến sĩ hữu phái như tuớng Phoumi Nosavan và các tuớng lãnh khác phải lao đao chống đỡ các hiệu quả của cái Hiệp Định ác quái và ngu ngốc cũng như làm tàng của Mỹ. Rồi khi Đệ I Cộng Hoà miền Nam, người bạn độc nhất và tận tụy với họ, bị TT Kennedy tàn sát còn tàn nhẫn hơn khi ông tàn sát họ. Họ trở thành cô đơn và rơi vào tuyệt vọng. Tướng Phoumi Nosavan rời quê hương để rồi mất tại Thái Lan sau đó (1964).

Kennedy và tội ác giết nền Đệ I Cộng Hoà miền Nam non trẻ và sát hại TT Diệm cùng hai bào huynh của TT Diệm!

Thanh gươm và cành ô liu của TT Kennedy tại Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu chính trị đồng thanh về sách lược của TT Kennedy như sau: “ Ứng biến tùy khi! Hôm nay thế nầy. Mai thế nọ của năm 1963!. Từng hồi- Gián đoạn- Tất cả trái ngược của một chiê’n lược chính trị có suy nghĩ và cương quyết. Trong thời kỳ của chính phủ Kennedy,chỉ có thuyết nhị nguyên liên tại (dualisme persiste): “Their War-Our War”. Cuộc chiến của chúng nó- Cuộc chiến của chúng ta ».

Không quan tâm tới sự cương quyêt xâm lăng của cộng sản Việt nam trong suốt chiều dài của nhiệm kỳ, TT Kennedy chỉ đối mặt với ba chọn lựa chính:

1. Có nên nhúng tay vào Việt Nam để tránh cộng sản chiến thắng không?

2. Có nên ủy thác quân bộ chiến Mỹ hoàn thành nhiệm vụ ấy không?

3. Có nên dành ưu tiên cho giải pháp quân sự chống cộng sản hay cho giải pháp cải thiện chính trị cần thiết hầu được sự ủng hộ của dân chúng miền Nam không?

Sự ngớ ngẫn về tinh thần chống cộng của bọn chính trị xa lông ở Miền Nam Việt Nam đã tạo ra sự nghi ngờ nầy cho chính quyền Kennedy.

Một đêm với TT Diệm qua ghi chép của Nguyễn Mẫu:

1.- « Quốc gia đang trải qua một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. Quân lực ta thiếu cán bộ. Các tướng lãnh được người Pháp đặt để trong ý thức dùng thâm niên quân vụ như một yếu tố hợp lý cho sự tùng phục để chỉ huy. Quân đội cần những tướng lãnh có học, có tài, có óc hơn cái gọi là thâm niên quân vụ… »

2.- « Ta cần thời gian để xây dựng quân đội và kiện toàn tổ chức quốc gia hầu ứng phó với CSVN».

3.- « Họ (Mỹ) muốn lật đổ chế độ này để cho lính Mỹ vào Việt Nam. Việt Nam không cần lính Mỹ mà chỉ cần duy trì các quan hệ chính trị quốc tế hiện hữu, dành thời gian cho quân lực trường thành và cho tồ chức quốc gia kiện toàn từ trên xuống dưới »

4.- «Lính Mỹ đến. Lính Mỹ không dẹp được du kích CS. Lính Mỹ không ngăn chận được quân Bắc Việt vào Nam…. Lính Mỹ sẽ ra đi và lính Mỹ để lại xã hội Việt Nam băng hoại thui chột đạo đức cổ truyền ».

5.- « Lính Mỹ đền rồi lính Mỹ sẽ ra đi… Không, ta sẽ chết ở đây cho quê hương. Không, ta sẽ chết ở đây cho đồng bào ruột thịt, Bắc Nam cũng như nhau ».

Những lời nói chót của TT Diệm

1.- Vào một buổi tối, trời đã khuya, TT Diệm đi bách bộ bộ trong vườn, tùy viên Lê Công Hoàn nghe TT nói đi và nói lại một một mìnhnhiều lần: « Sau nhiệm kỳ nầy thì mình xin nghỉ, cũng đã ngoài 60 mươi. Xin nghỉ để về lo phụng dưỡng bà cụ. Ở xa mãi chắc bà cụ cũng buồn ».

2.- Riệng đối với Đại Sứ Cabot Lodge ra mặt chủ động và hách dịch, TT Diệm đập mạnh tay xuống bàn và nói qua sự giận dữ tột độ: « Ông nên nhớ rằng tôi vẫn còn là Tổng Thống của một quốc gia có chủ quyền. Tôi muốn ông phải nghe câu hỏi nầy của tôi, là người Mỹ các ông muốn gì ? Tôi sẽ ở đây, và nếu cần, tôi sẵn sàng chết cho danh dự Dân Tộc tôi ».

3.- Khi Thiều Tá Duệ nhờ tùy viên Lê Công Hoàn trình TT Diệm: « Xin sử dụng toàn bộ lực luỡng lữ đoàn, gồm cả thiềt giáp, đánh chớp nhoáng… Phải đánh ngay để hốt gọn bộ tham mưu của họ trước khi cuộc đảo chánh thu hút thêm những đơn vị khác. Lưc luỡng của lữ đoàn sẽ không khó khăn gì nhiều trong việc áp đảo tân binh quân dịch (hình như nhóm quân nầy tới từ TTHL Quang Trung ? ». TT Diệm sau khi nhìn bào đệ Ngô Đình Nhu rồi trầm ngâm: « Đã đành thì thế nào cũng đổ máu. Rồi vợ con của những đứa bị chết, bị thương sẽ ra sao ? Tiết kiệm xương máu để đánh thằng CS không lợi ích hơn hay sao ? Mi nói với Duệ gọi cho họ coi họ muốn gì ở nơi chính phủ ? Nói Duệ đùng có hành động gì nóng nảy ».

4.- Vào lúc 11 giờ 30 tối ngày 01/11/1963, TT Diệm hội tùy viên Đỗ Thọ và Lê Công Hoàn lại và dặn: « Hai đứa mi, một đứa đi theo tau, một đứa ở lại lo việc canh phòng dinh ». Rồi vào lúc 4 giờ sáng, tùy viên Đỗ Thọ gọi về cho tùy viên Lê Công Hoàn và chuyển lệnh của TT Diêm không biết đang ở đâu: « Nếu hôm nay họ có kéo đến đánh dinh thì nói anh em đừng kháng cự, tránh mọi cuộc đổ máu ». Sau chẳng bao lâu TT đã trở thành người thiên cổ bên cạnh xác cố vấn Nhu, đầy máu me và vết đạn cũng như vêt dao găm, trong thiêt vân xa.

Thời gian và chất liệu đã đủ để ghi công một con người

Từ dạo ấy tởi nay đã 45 năm trôi qua. Một chiều dài thời gian, tuy ngắn so với lịch sử của một dân tộc, được xem như đã khá dài so với chiều dài của một đời người. Một khoảng thời gian được xem khá đủ để làm lắng đọng những nét nóng bỏng do các sự kiện đã tạo ra nơi quần chúng. Cũng với thời gian qua, các chất liệu thông tin xem như khá đầy đủ để cho phép có một cái nhìn bao quát về cuộc hành trình của cố TT Diệm trên đường phục vụ quê hương.

Lịch sử chỉ có nhiệm vụ ghi lại một cách đúng đắn về cuộc đời một nhân vật cùng các việc họ đã làm được, gồm tốt lẫn xấu. Những nhận xét phải thật công tâm và phải có nền tảng dựa trên các sự kiện có thật. Xuyên suốt cuộc đời của cố TT Diệm là một hành trình phục vụ quê hương. Vào thời điểm của năm 1954, tại miền Nam không ai có thể hơn cố TT Diệm được từ qúa khứ tới con người. Tuy thế, tới nay vẫn còn một bài viêt nặng mùi hẳn học, cay cú và nhục mạ cố TT Diệm. Đó là nhũng nhận xét đầy cảm tính và lệch lạc.

Không ai có thể chối cãi đuợc là cố TT Diệm, lúc về chấp chánh vào tháng 6 năm 1954, đã phải chấp nhận một di sản hấp hối, xem như tuyệt vọng của nmiền Nam. Nhưng đã tạo được những thành tích vẻ vang: Đón tiếp và an cư lạc nghiệp gần 1’ 000’ 000 đồng bào di cư từ Bắc vào Nam. Tiếp đến khai trương một thể chế dân chủ đầu tiên cho Việt Nam. Và cố TT Diệm đã tạo đuợc sự kính nể của nhiều quốc gia trên thế giới đối với chính phủ dân chủ miền Nam non trẻ. Miền Nam Việt Nam từ trước tới nay chỉ có 9 năm dân sung suớng và an lành duới một thể chế dân chủ đầu tiên. Thời gian dưới sự lãnh đạo cửa cố TT Diệm ( 1954 – 1963).

Vào lúc CSVN, được CS quốc tế yểm trợ từ vật chất tới tinh thẩn, đang tấn công mãnh liệt vào miền Nam. Thanh gươm và cành ô liu của cái chính phủ thuộc loại ngu ngốc nhất của Mỹ đã gieo rắc tan nát từ Cuba, qua Lào, rồi tới miền Nam Việt Nam. Bất hạnh chồng chất bất hạnh, cũng thanh gươm ấy đã sát hại cố TT Diệm và hai bào đệ của Ông. Nhưng chính phủ ấy đã không có can đảm nhìn nhận đã ra lệnh ấy. Một tồi tàn của tận đáy của tồi tàn.

Tưởng niệm và vinh danh tinh thần Ngô Đình Diệm

Gần ba chục năm gian khổ tìm đường sống cho dân tộc và quốc gia miền Nam Việt Nam, cố TT Diệm đã tạo được một ý thức cao độ về ý niệm danh dự, uy tín và chủ quyền của quốc gia Việt Nam.

Trong tương quan với nước Mỹ, dầu là một quốc gia viện trợ sinh tử cho miền Nam chống cộng, nhưng cố TT Diệm đã chấp nhận cái chết, chứ quyết không chịu bất cứ một chà đạp nào trên danh dự của quốc gia Việt Nam. Cố TT Diệm đã chọn cho mình một tư thế cũa một thủ lãnh miền Nam Việt Nam trên trận tuyến chống cộng sản, quyết không phải cúi mặt khi thương thuyết.

Suốt thời gian chấp chính 9 năm, cố TT Diệm đã không quản ngại vất vả và nguy hại tới tính mệnh, luôn kinh lý tìm hiểu tầt cả sự tình dân gian.

Một vị Tổng Thống có một không hai dùng đồng lương của mình để ủng hộ xây đắp chùa chiền và hàn huyên với các chân tu tại chùa Từ Đàm khi có dịp về Huế.

Một vị Tổng Thống luôn chấp nhận thiệt thòi cho chính bản thân, để tránh đổ máu cho lính tráng trong chính biến 63. Sự thiệt thòi nầy được thể hiện qua nấm mộ sơ sài của Ông tại Lái Thiêu.

Cố TT Diệm đã để lại cho hậu thế một di sản cao quý: Vì dân, vì nước hy sinh tính mạng mình. Trong hàng ngũ các nhà dân chủ hôm nay, thử hỏi có bao nhiêu người can đảm chấp nhận thái độ quyết liệt và dứt khoát như cố TT Diệm, khi phải đối phó với kẻ thù đáng sợ nhất?
 
Thái Hà và Tòa Khâm Sứ: Lật qua một trang sử mới
Nguyễn Bình
13:22 31/10/2008
Thái Hà và Tòa Khâm Sứ: Lật qua một trang sử mới

Sự kiện Tòa Giám mục Hà Nội và giáo xứ Thái Hà đòi lại hai mảnh đất đã được các tay tư bản đỏ phân lô để bán, lấy tiền bỏ túi có thể coi là tạm lắng xuống. Nay mặc dù giáo xứ Thái Hà và Tòa Giám mục Hà Nội đã mất hai mảnh đất ấy, nhưng cuộc tranh đấu này có công ngăn chặn được một vụ tham nhũng lớn, lột mặt nạ của một chính quyền khéo che đậy và giúp cho nhiều người dân bước ra khỏi màn đêm của sự sợ hãi trước bạo quyền của chế độ cộng sản.

Sau những gì xẩy ra, những người theo dõi biến cố này đã thấy được bộ mặt thật của chính quyền, đồng thời thấy được sự lúng túng của tập thể chính quyền Hà Nội, tưởng rằng mạnh mẽ lắm, nhưng qua cách hành xử của họ cho thấy chính quyền ấy quá bạc nhược đến nỗi đã phải sử dụng đến những trò chơi bẩn thỉu nhất để đối phó với một tập thể chẳng có súng ống, cảnh sát, quân đội và chó nghiệp vụ.

Thật vậy, công lý và sự thật sẽ không bao giờ hiện hữu trên quê hương Việt Nam nếu chúng ta – những người Việt Nam yêu chuộng tự do, hòa bình và sự thật – dừng lại ở đây. Cũng vậy, nếu sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ dừng lại ở đây, thì tôi nghĩ đó là một sự thất bại hoàn toàn của Giáo hội Công giáo vì cuộc tranh đấu vừa qua chỉ là một cuộc đòi lại quyền lợi riêng của Giáo hội Công giáo mà thôi.

Chính vì vậy, qua sự kiện này Giáo hội Công giáo đã có được một cơ hội thử sức đức tin trước một chính quyền độc tài, lì lợm, ngang nhiên chà đạp công lý để bảo vệ cho quyền lợi của những kẻ tham nhũng, những tay đục khoét để vơ vét và chia chác tài nguyên quốc gia.

Nếu Giáo hội Công giáo dừng lại đây, thì sẽ có nhiều người nghĩ rằng Giáo hội chỉ thực sự vào cuộc, tức là tranh đấu cho công lý và sự thật, khi quyền lợi của Giáo hội bị mất hoặc bị chiếm đoạt. Đó là điều mà tôi nghĩ các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo – tức là các vị giám mục nên sáng suốt và tỉnh thức, để đưa ra lập trường, giáo huấn và những đường hướng mục vụ, và trên hết, lập trường, giáo huấn và những đường hướng mục vụ đó phải thông qua những hành động, việc làm cụ thể, chứ không thể dừng lại ở phương diện lý thuyết được công bố bằng những bức thư gọi là Thư Chung sau những cuộc họp dài ngày, điều đã diễn ra trong nhiều năm với quá nhiều thư chung chung.

Thật vậy, Chúa Giê-su thiết lập Giáo hội của Ngài trên trần thế không phải chỉ mưu cầu hạnh phúc cho riêng một mình Giáo hội của Ngài, mà thông qua Giáo hội, nhân loại được kín múc từ đó một kho tàng chân lý để xây dựng hòa bình, đảm bảo tự do, thực thi công lý và tôn trọng sự thật.

Trong suốt cuộc đời rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho sự thật, Chúa Giê-su đã phải đối diện với hàng loạt sự chống đối, sự cô đơn, sự phản bội của môn đệ… và cuối cùng là bị treo trên thập giá và trải qua một cái chết hết sức nhục nhã, không khác gì một tên tội phạm. Điều Chúa Giê-su đã làm là để minh chứng cho sự thật và chân lý đó được rao giảng cho đến ngày hôm nay, thông qua Giáo hội của Ngài.

Ngài đã tuyên bố là Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hy sinh mạng sống của mình để cứu chuộc nhân loại. Tấm gương của Chúa Giê-su đòi buộc những người tin theo Ngài, đặc biệt là những người được giao phó trách nhiệm chăn dắt đàn chiên, tức là các giám mục và linh mục, phải triệt để sống và làm chứng cho sự thật đó, và trong những trường hợp cần thiết còn phải hy sinh cả mạng sống để bảo đức tin và các giá trị Tin Mừng, giống như Chúa Giê-su đã làm, đã chiến thắng và hôm nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam lại đang tiếp tục đi theo con đường và tiếng gọi của Vị Sáng Lập.

Trở lại với những vấn nạn của đất nước hiện nay, chắc chắn rằng có rất nhiều người dân nói chung và người Công giáo Việt Nam nói riêng đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào Giáo hội Công giáo, bởi đây là một tập thể có tổ chức và có một hệ thống giáo lý chặt chẽ, có thể xem như đủ sức để chống lại sự bất công, gian dối, độc tài toàn trị của chính quyền… đang ngự trị trong hầu hết mọi lãnh vực của đời sống xã hội.

Trong số những vấn nạn đó, những điều hoàn toàn đi ngược lại với những giá trị của Tin Mừng đòi buộc người Kitô hữu không thể làm ngơ hoặc im hơi lặng tiếng trước những vấn đề như phá thai, gian dối, tham nhũng, sa sút đạo đức, ô nhiễm môi trường, thể chế chính trị phi nhân, độc tài dẫn đến chia chác tài nguyên quốc gia trong giới tư bản đỏ để rồi đẩy hàng loạt người dân vào cảnh lầm than cơ cực.

Sở dĩ đặt ra trách nhiệm và bổn phận đối với Giáo hội Công giáo, thông qua các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, là bởi vì Giáo hội sở hữu trong tay mình kho tàng chân lý của Chúa Giê-su, và nếu chúng ta không triệt để sống và bênh vực cho công lý và bảo vệ quyền lợi cho những người thấp cổ bé miệng, người bị áp bức, người bị gạt ra bên lề… thì không khác gì là chúng ta đang đi ngược với căn tính Kitô giáo của mình.

Qua những dòng trên đây, với tư cách là một người yêu chuộng tự do và hằng khát khao cho nước nhà sớm có được một nền CÔNG LÝ và DÂN CHỦ đích thực, tôi xin mạn phép có một số lời CẦU XIN sau đây:

1. Hãy cùng nhau hậu thuẫn mạnh mẽ cho Đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt và Dòng Chúa Cứu Thế

Để thổi bùng ngọn lửa Thái Hà và Tòa Khâm Sứ không phải dễ dàng, bởi vì chính quyền cộng sản có vô số mưu kế và tai mắt ở khắp mọi nơi. Sự bùng phát ngọn lửa tranh đấu cho công lý và hòa bình, thông qua việc đòi lại hai mảnh đất này, có thể là nằm ngoài dự đoán của nhiều người, kể cả phía nhà nước vốn luôn cảnh giác. Do đó nếu ngọn lửa này bị dập tắt hay do nản chỉ của con người mà nó tự tắt đi thì rất uổng công. Do đó, bằng mọi cách đừng để nó bị tắt đi.

Muốn cho ngọn lửa đó khỏi tắt thì mọi người Công giáo trên toàn quốc và những người thiện chí hãy hậu thuẫn mạnh mẽ cho Đức cha Kiệt, tập thể Dòng Chúa Cứu Thế, đặc biệt sự hậu thuẫn đó đến từ các giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ, các Hội Dòng.

Mặt khác, phải rất lâu sau biến cố 1975 chúng ta mới có các vị Giám mục can đảm gióng lên tiếng nói chống bắt công và nhập cuộc, và có một tập thể tu sĩ có sự đồng thuận mạnh mẽ và rất dứt khoát trong đường hướng tranh đấu cho công lý và hòa bình của dân tộc.

2. Xây dựng một mặt trận truyền thông

Sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ nếu diễn ra cách đây 10 năm thì có lẽ sẽ bị dập tắt một cách thê thảm. Nhưng vấn đề này đã khác và những kết quả gặt hái được là nhờ tin tức truyền đi rất nhanh chóng và được người dân mau mắn đón nhận. Do đó, tất cả những ai có khả năng viết lách, nắm bắt tình hình, biết được tin tức xin hãy tung lên mạng internet để mọi người cùng tìm hiểu. Mỗi người dân ý thức trách nhiệm có thể trở thành một phóng viên.

Trong một buổi gặp mặt mà tôi có tham dự, các cha Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã thừa nhận là nếu tin tức không được phổ biến nhanh chóng thì chắc có lẽ giáo dân Thái Hà còn bị hành hung giã man hơn nữa, chứ không phải chỉ có xịt hơi cay, đánh đập, sai côn đồ đến đòi giết chết Đức Tổng Kiệt, cha Vũ Khởi Phụng…

Do đó xin mọi người hãy luôn luôn ý thức rằng trong cuộc tranh đấu đòi công lý và cỗ võ hòa bình, mặt trận truyền thông chính xác, nhanh chóng là vô cùng quan trọng, không thể thiếu, nếu thiếu mặt trận này cuộc tranh đấu sẽ thất bại thê thảm.

3. Xin các Hội Dòng hãy nhập cuộc

Nếu anh em Dòng Chúa Cứu thế và Đức Tổng Kiệt chỉ đơn thuần đi đòi lại hai mảnh đất để xây nhà hay phục vụ cho mục đích riêng thì không có lý do gì để các Hội Dòng nhập cuộc. Nhưng xin hãy nhìn rộng ra rằng đây là cuộc tranh đấu cho công lý và hòa bình của đất nước, và cũng chính là của Giáo hội nữa.

4. Xin Hội Đồng Giám mục Việt Nam hãy phát động cuộc thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình được hiển trị trên quê hương đất nước

Lời cầu xin này không chỉ là ước vọng sâu xa của người viết, mà đó là sự kỳ vọng lớn lao của hơn 6 triệu giáo dân và của toàn thể nhân dân, đặc biệt là những ai yêu chuộng tự do, nhân quyền và dân chủ.

Đây là điều hết sức chính đáng, và Hội đồng Giám mục nên làm. Vì tại Việt Nam, nhà cầm quyền đã bắt bỏ tù những người yêu nước, ra sức tranh đấu cho nền dân chủ nước nhà.

Đây không chỉ một đòi hỏi nơi Hội đồng Giám mục, mà đây cũng là trách nhiệm và bổn phận của các vị bởi vì các giám mục là cha là mẹ, thay mặt dân Chúa, công bố các giáo huấn và đường hướng mục vụ cho cộng đồng dân Chúa. Hơn bao giờ hết, đây là trách nhiệm và bổn phận của các vị Chủ Chăn, những đấng kế vị các tông đồ.

5. Cảnh giác và can đảm khước từ ân huệ xin cho của chính quyền

Đối thoại thẳng thắn để đạt được sự công bằng và công lý hay nhượng bộ để có được những ích lợi trước mắt là hai chuyện khác nhau. Cách đối thoại chân thực, thẳng thắn, không nhượng bộ trước bạo quyền đã được Đức tổng giám mục Ngô Quan Kiệt thể hiện hết sức dứt khoán bằng một lập trường kiên quyết, rõ ràng tại cuộc gặp với UBND tp Hà Nội:

Trước hết ông chủ tịch có nói rằng: ủy ban nhân dân TP đã tạo rất là nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm qua nhất là dịp lễ Noel… chúng ta phải công nhận là trong những năm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý xin cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó. Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải cái ân huệ “xin cho”.

Tôi nghĩ phát biểu của Đức cha Kiệt chắc chắn là được Thánh Linh soi sáng, bởi vì lâu lắm rồi, chúng ta mới được thưởng thức một sự minh định vững chắc của một vị giám mục rằng Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải cái ân huệ “xin cho”.

Tôi nghĩ rằng đây chính là lời cảnh tỉnh cho giới Công giáo, bởi vì trong thực tế có nhiều trường hợp, nhiều sự việc chúng ta mang ơn nhà nước cho nên chúng ta cảm thấy khó khăn, không dám chống lại sự bất công, gian dối… Trong khi đó lại là quyền chính đáng của mình mà mình không biết đàng đòi, nên chấp nhận ngửa tay xin, và khi được ban cho thì mang ơn.

Đây là âm mưu hiểm độc, nếu không tỉnh thức thì nhà nước sẽ dùng tiền, cơ chế xin cho để bịt miệng các vị lãnh đạo Giáo hội và do đó nhiều vị buộc phải im hơi lặng tiếng trước những bất công, nạn phá thai, trước sự bạo ngược của chính quyền, không ngừng ra sức cai trị dân chúng bằng những chính sách sai lầm, ngu dốt, mị dân, lừa dối…

Mong thay, đất nước sớm có được công lý và dân chủ thực sự.
 
Chuyện Thái Hà - Toà Khâm Sứ (thơ)
Kim Dung
13:25 31/10/2008
Chuyện Thái Hà - Toà Khâm Sứ

Nực cười thay chuyện Thái Hà
Chuyện Tòa Khâm Sứ nói ra đau lòng
Phân giải lý lẽ đến cùng
Đuối lý nên đã phát khùng đảo điên
Đức Cha chia sẻ cảm phiền
Lời xây dựng Đất Nước thêm hùng cường
Cắt trên xén dưới ẩm ương
Cắt nghĩa xuyên tạc vẽ đường cực đoan
Thương Tổng Giám mục bị oan
Lời vu khống được đặt trên pháp quyền
Bóp méo rồi đem tuyên truyền
Biến đen thành trắng đảo điên lộng xòng
Đâu còn “phụ mẫu” chí công
“Mẹ ranh” nốt sói ăn không nói thừa
Bao giờ trở lại ngày xưa !!!
Thời Bao Hắc Chửng cho vừa lòng dân
Giết hết bè lũ gian thần
Ôi! Những quân tử hiền nhân đâu rồi?
Hướng về nguồn gốc xa xôi…
Tấm lòng yêu nước, thương nòi biết bao,
Máu quân thù thấm chiến bào
Cứu dân cứu nước khỏi bao nhục hình…
Sẵn sàng liều mạng hy sinh
Cho đất nước mình có được ngày nay
Hồn thiêng xin hãy về ngay !!!....
Cứu đất nước này khỏi bọn tham quan
Họ không biết dưới, biết trên
Trà đạp thần quyền sát hại dân đen
Bạo lực, điêu trá, đê hèn
Tối mặt vì tiền mất cả lương tri!
Hơi cay, roi sắt tràn đi…
Tham lam tàn ác cướp đi tình người
Nhân quyền mất hết thật rồi!...
Tiểu nhân đắc trí một thời nghêng ngang
Trời cao xin đổ Mưa Thiêng
Rửa cho sạch những oan khiên dân người.

Hải Phòng, ngày 28.10.2008
 
Tưởng nhớ 6 năm Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận về Nhà Cha
LM Phêrô Nguyễn Văn Tiến
13:47 31/10/2008
TÙ BỎ BAO CHO TÙ

Tưởng nhớ 6 năm Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận về Nhà Cha.

Và một năm lập hồ sơ phong Chân Phước

Nhân ngày kỷ niện 16-9-2008 [ sáu năm ] Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn văn Thuận được gọi về Nhà Cha hưởng hạnh phúc vĩnh hằng, Và để hồ sơ phong Chân Phước cho Ngài được thêm phong phú, nếu tôi không viết bài này thì tôi có lổi với Ngài, vì tôi mắc nợ Ngài quá nhiều:

LM Nguyễn văn Thuận mới chịu chức bế cháu gái
Năm 1978 tình hình Việt Nam rất lộn xộn về kinh tế chính trị, phía bắc thì Trung Quốc lăm le tràn quân xuống phương nam, Việt Nam bất ổn về mọi mặt, những sĩ quan chế độ Saìgòn, đã được thả về, và một số đối tượng khác nữa mà họ cho là nguy hiểm, thì được tập trung để tái cải tạo,[ vì tôi bị cải tạo lần đầu từ 31-8-1975 đến ngày 04-01-1977 ] tôi cũng được liệt vào thành phần tái cải tạo. Ngày 12-9-1978, tôi được công an tỉnh Bình Thuận ra Giáo Xứ Long Hương bắt tôi vì lúc đó tôi là linh mục Chánh Xứ Long Hương, đem vào trại tập trung số một ờ thị xã Phan Thiết. Khi Trung Quốc xua quân tràn xuống những tỉnh ở phiá bắc Việt Nam, thì kinh tế VN lại còn thê thãm biết bao, Chỉ tội nghiệp cho mấy ông tù mà thôi, thật đúng như lời ông bà nói: ' Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.'

Sau một thời gian dài đói khổ, rồi một hôm tôi nhận được quà bỏ bao, và đồ bỏ bao nhiêù gấp ba lần hơn mọi khi. Trên bao đựng hai ký đường miếng mầu vàng có đề chữ:" Bác Thuận gởi quà." Lúc bấy giờ tôi nghĩ là một người họ hàng nào đó gởi cho. Tôi không bao nghĩ tới là Đức TGM FX Nguyễn văn Thuận. Sở dĩ tôi gọi là bỏ bao, vì từ 12-9-1978 đến khi tôi ra tù là ngày 01-12-983, chưa bao giờ tôi được thăm nuôi, thăm nuôi có nghĩa là được gặp mặt gia đình và nhận quà trực do gia đình đưa. Hơn năm năm ở trong phòng biệt giam, ngày 01-12-1983, tôi được thả về, nhưng không cho về lại giáo xứ Long Hương, cũng không cho tôi về gia đình ở với mẹ gìa Giáo xứ Thanh Hải, Giáo Phận Phan Thiết, mà bắt tôi đi vùng kinh tế mới cách thị xã Phan thiết 23 km đường đi về Sài Gòn, ở với người anh. Hiện nay là giáo xứ Thánh Phao Lô, giáo phận Phan Thiết.

Một sự việc làm cho cho tôi ngạc nhiên là được mẹ tôi kể lại là trong thời gian tôi ở tù là được Đức TGM FX Nguyễn Văn Thuận gởi tiền cho mẹ tôi mua qùa BỎ BAO cho tôi, lúc đó Ngài bị biệt giam ở Giáo xứ Cây Vông. Mẹ tôi kể hàng tháng có người đem tiền vào bảo mẹ tôi mua quà bỏ bao cho tôi, và hỏi sức khẻo cùa tôi, mẹ tôi nói với người đưa tiền là từ ngày tôi bị bắt đến nay chưa bao giờ thấy mặt, nên không biết sức khẻo thế nào, cô về nói với Đức TGM cầu nguyện nhiều cho con tôi với. Thật là lạ lùng, một tù nhân không lo cho mình, mà lo cho người con cũng trong lao tù. Có lẽ Ngài thương tôi, vì tôi bị biệt giam: hai chân bị cùm, hai tay bị còng trong một thời gian dài, vì chính Ngài cũng đã sống trong cảnh biệt giam như tôi, nên đã hiểu cái khổ của biệt giam như thế nào rồi: " Nhất nhật biệt giam, vạn thu tại ngoại."

Năm 1986, tôi vào thăm một gia đình ở xứ Ba Chuông, tôi tình cờ gặp một Cán Bộ Nhà Nước, chủ nhà giới thiệu tôi là linh mục quê ở Phan Thiết, đã bị tù trên 5 năm, Từ hai chữ tù, chúng tôi quen nhau. Ông nói ông là Cai Tù, Tù Nhân của ông chỉ có một người, Một con người đặc biệt đó là TGM FX Nguyễn Văn Thuận, Ông khen TGM Thuận là người rất dễ thương, đẹp trai, miệng luôn nở nụ cười. Có la rầy Ngài, Ngài vẫn tươi cười, sống không làm mất lòng ai, kể cả Ông Cai tù Ngài cũng thương, cũng mến. Lúc đầu tôi không có cảm tình gì với Ngài như bao nhiêu người cộng sản khác, nhưng ở với Ngài được gian ngắn, từ ác cảm đến cảm tình. Ngài rất thương tôi, tôi cũng mến thương Ngài. Sau một thời gian, tôi nhận định Ngài là một nhà tu hành chính thống. Ông kể cho tôi: TGM Thuận nói: năm 1987, nền kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi. Tôi [ người viết bài này ] chờ cho đến năm 1987 xem nền kinh tế VN như thế nào, có xảy ra như lời ĐỨC TGM FX Nguyễn văn Thuận tiên báo không? Và tạ ơn Chúa, sự thật xảy ra đúng như vậy. Ông thấy tôi ngồi nghe ông, có vẻ không tin, ông đứng dậy lại bàn thờ, với tay lấy một cái vật gì đó cầm lại đưa cho tôi và nói linh mục biết cái này không, tôi cầm, tôi nhìn và tôi sửng sờ vì đó lọ Dầu Thánh kẻ liệt bằng ngà voi có đề chữ: IO, OS, SC. Ông ta lại hỏi tôi tiếp, linh mục có biết cái này cùa ai không? Tôi yên lặng không trả lời, ông nói tiếp: của TGM Thuận đó. Khi chia tay, Ngài đưa cho tôi cái này và dặn tôi khi nào gặp một linh mục thì ông đưa lọ này cho linh mục đó. Nghe của TGM Nguyễn văn Thuận, linh mục Tống Đình Quý, học dưới tôi một lớp và rất thân nhau, từ phòng chạy ra lanh tay lanh miệng nói với tôi: thôi bác nhường laị cho em nhé, miệng nói tay lấy. thế là lọ Dầu Thánh sức dầu bệnh nhân hiện thời Linh Mục Tống Đình Qúy đang giữ, và Ngài hiện đang ở Đà lạt. Sở dĩ lâu nay tôi không dám viết câu truyện." Người Cai tù của Đức TGM FX Nguyễn Văn Thuận", vì tôi nghĩ sợ liên lụy đến Ông Cai Tù, nhưng đã gần 25 năm trôi qua, chắc Ông Cai Tù đã sang thế giới bên kia, nên tôi mới mạnh dạn viết câu truyện giữa tôi và Ông Cai Tù về Đức TGM FX Nguyễn Văn Thuận. Ông Cai Tù, người Cộng sản nòi và có lẽ nắm một điạ vị quan trọng, nên mới được chỉ định coi sóc đặc biệt một Con Người cũng đặc biệt là ĐỨC TGM FX Nguyễn văn Thuận. Sau một thời gian, người cán bộ này đã không cảm hóa ĐỨC TGM FX Nguyễn Văn Thuận, mà ngược lại, chính đời sống của Tù Nhân đã cảm hóa được Ông Cai Tù. Như lời Ông Cai Tù nói lần đầu tiên tôi gặp Ngài, nét mặt tôi lạnh như tiền, tôi nhìn Ngài, Ngài nhìn tôi với một nụ cười trên môi, Ngài chào tôi với một giọng nói nhỏ nhẹ, từ giây phút đầu khi gặp Ngài, hình như tôi đã bị Ngài xâm chiếm, tôi cảm thấy thế nào đó và thời gian cứ trôi qua và mỗi lần tiếp xúc với Ngài, tôi lại cảm thấy con người của tôi thế nào đó mà tôi diễn tả không được. Rồi một hôm, sau khi gặp Ngài, tôi cảm nghiệm được con người của tôi biến đổi từ ác cảm sang bình thường, từ bình thường sang có cảm tình và nhiều khi tôi cảm thấy tôi chỉ là miếng sắt vụn, còn Ngài là cục nam châm khổng lồ và tôi luôn luôn bị Ngài cuốn hút, và chúng tôi trở nên thân thiện với nhau, tin nhau, và trở thành bạn thân của nhau. Ngài tin tôi nên mới đưa lọ dầu gì đó cho tôi. Tôi muốn nói ở đây: Người Cai Tù Cộng Sản nòi, đã được học bao lý thuyết Cộng Sản, nhưng đã thất bại trước một địch thủ, tay không, trong một hoàn cảnh cô thân độc mã, nhưng với một vũ khí sắc bén duy nhất: Đó là lòng nhân đạo, đó là Sức Mạnh của Tình Thương, đúng như Chúc Thư của Ngài được Cố Giáo Hoàng Gio an - Phao lô II đọc trong Thánh Lễ An Táng của Ngài: " Hãy yêu mến Đức Mẹ, Hãy tín thác nơi Thánh Giuse, Hãy trung thành với Giáo Hội, Hãy đoàn kết và yêu thương tất cả mọi người. "

Tiện đây tôi nói đến lòng yêu thương của Ngài đối anh em linh mục trong giáo phận Nha Trang lúc còn chính quyền Sài Gòn. Sở dĩ tôi biết rõ, vì cha Augustino Phạm Ngọc Oanh, Nghĩa phụ của tôi làm cha quản Hạt nhiều năm, nên mỗi lần đi Sài Gòn, ĐGM FX Nguyễn Văn Thuận thường ghé vào giáo xứ Thanh hải, Phan Thiết. Có một lần tôi được nghe Ngài nói với cha Aug Phạm Ngọc Oanh: " Ở trong Hạt của Cha, nếu có các cha nào bệnh hoạn, cha hãy đưa các cha vào bệnh viện St. Paul chữa trị, Tôi sẽ thanh toán mọi chi phí." Đối các cha xứ ở vùng quê nghèo, Ngài lưu ý một cách đặc biệt, và đặc hơn nữa đối các linh mục sống trong vùng xôi đậu, Ngài luôn động viên, thăm hỏi sức khỏe, giúp đỡ về mặt tài chánh. Ngài vẫn thường nói:" Anh em linh mục là cánh tay của tôi, Gíám Mục mà không có linh mục thì cũng như không, thàng công của linh mục là thành công của Gíám Mục, thất bại của linh mục là thất bại của Giám Mục. Nếu nhiều linh mục trong giáo phận mà bất mãn với Giám Mục, hoặc ốm đau bệnh hoạn thì giáo phận sẽ không bao giờ phát triễn." Bởi vậy, Ngài luôn luôn săn sóc, thông cảm với các linh mục trong giáo phận: Thương yêu, săn sóc, giúp đỡ, thăm hỏi và nhất khi gặp hoạn nạn, ốm đau.

Đối với các thầy trong giáo phận, Ngài cũng lưu tâm đặc biệt và biết tên từng thầy, nếu Ngài gặp một lần. Và nếu thầy nào chưa có cha nghĩa phụ, thì Ngài nhận để khuyến khích ƠN THIÊN TRIỆU, và Ngài đã có trên 20 người con làm linh mục trong đó có một linh mục người Mỹ tên là John Prinelli. Tất cả các Giám Mục liên hệ với đời sống tu trì của tôi, hình ảnh Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận luôn luôn trong trái tim tôi. Khi tôi còn là một ông thầy học Gíáo Hoàng Học Viên PIO X, ở thành phố thơ mộng ĐÀ LẠT, Hằng năm đến ngày 29-6- Lễ Thánh Phêrô, Quan Thầy của tôi, bao giờ tôi cũng nhận được một tấm card chúc mừng của Ngài gởi. Từ năm 1967 đến 19-3-1975, hằng năm Ngài lên Đà Lạt thăm các thầy thuộc Giáo Phận Nha Trang, học ở Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Có lần thì Ngài mang cho các thầy 4 hoặc 5 ký cá mực, có lần Ngài mang bánh it. Tôi nhớ cái cảnh Cha con ngồi chung nướng cá mực, ăn bánh ít trong không khí lạnh mưa phùn, thật là ấm cúng và đầy tình thương. Tôi tự nghĩ: ít ký cá mực, ít cái bánh ít, tự bản chất nó không là gì, nhưng nó nói lên tình yêu thương của người Cha đối với các con, nó nói lên sự hòa đồng thân mật. Một Giám Mục luôn luôn nghĩ đến và sống bình dân với các thầy, thật một Giám Mục đặc biệt, và hiếm có trong hàng Giáo Phẩm.

Để kết luận bài này, tôi xin được trích đoạn đăng trên Vietcatholic News nhân ngày giổ thứ sáu của Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận: 16-9-2002 – 16-9-2008: " Lúc 18giờ ngày 16-9-2002, khi nghe tin Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận qua đời, Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình đã tuyên bố với báo chí:" MỘT VỊ THÁNH VỪA QUA ĐỜI. "

Phú hài, Ngày 01-11-2008
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Thông báo bổ nhiệm Trưởng/Phó Ban Liên Tôn Liên Đoàn
LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
01:12 31/10/2008

Ngày 30 tháng 10, 2008

Thông Báo Bổ Nhiệm
Trưởng/Phó Ban Liên Tôn Liên Đoàn


Chiếu theo quyền hạn qui định trong Nội Qui và được sự chấp thuận của đương sự, Chủ Tịch Liên Đoàn trân trọng bổ nhiệm LM. NGUYỄN UY SỸ, TRƯỞNG BAN LIÊN TÔN, thay thế LM. Mai Khải Hoàn đang nghỉ phép mục vụ. Đồng thời cũng tái bổ nhiệm LM. NGUYỄN TIẾN BÌNH, PHÓ BAN. Quyết định có hiệu lực ngay hôm nay.

Ủy Ban Liên Tôn của Liên Đoàn có nhiệm vụ làm nhịp cầu với các tôn giáo bạn tại Hoa Kỳ theo những hướng dẫn chung của Giáo Hội như sau: 'Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo' (Tuyên Ngôn về Liên Lạc của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo', Nostra Aetate, Khóa VII, 28-10-1965, Công Đồng Vaticano II).

Cha Nguyễn Uy Sỹ, thụ phong Linh Mục năm 1991. Sau một thời gian làm việc mục vụ tại các giáo xứ, Cha đã du học ở Roma, và tốt nghiệp Cao Học Giáo Luật (JCL) tại Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana năm 2003. Hiện tại, Cha đang phục vụ trong cương vị Giám Đốc Văn Phòng Giáo Luật, và là Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, California.

Cha Nguyễn Tiến Bình, thụ phong Linh Mục năm 2001. Hiện là Phó Xứ St. Columban, địa phận Orange.

Liên Đoàn chân thành cám ơn Cha Mai Khải Hoàn, đã hết lòng phục vụ cho Liên Đoàn trong thời gian qua. Xin Chúa trả công bội hậu cho Cha.
Xin Thiên Chúa và Mẹ Lavang ban cho hai Cha Sỹ và Bình, ơn khôn ngoan và sức khoẻ để hai Cha cùng với các vị đại diện của các tôn giáo bạn xây dựng và cộng tác các việc chung trong sự tương kính, tôn trọng, cảm thông, và bình đẳng. Chân thành cám ơn sự hy sinh và dấn thân phục vụ của hai Cha cho Liên Đoàn.

Trân trọng kính báo,

LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
Chủ Tịch Liên Đoàn CGVNHK
 
Có sách ghi Phaolô là tác giả thư gởi tín hữu Do thái, sao không thấy Giáo hội nói đến?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.
12:46 31/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 10: Có sách ghi Phaolô là tác giả thư gởi tín hữu Do thái, sao không thấy Giáo hội nói đến?

Một số sách xưa có ghi tên Phaolô là tác giả thư gởi tín hữu Do thái, nhưng ngày này phần lớn các nhà Thánh Kinh không tin như vậy. Trong phụng vụ của Giáo hội, chúng ta để ý là các bài đọc trong thánh lễ không còn để tên Phaolô là tác giả, mà chỉ đọc: “Bài trích thư gởi tín hữu Do thái.”

Việc tìm hiểu tác giả là ai đã có nhiều tranh cải từ những thế kỷ đầu tiên. Giáo phụ Origen (chừng năm 185-254) cũng đã kết luận: “Chỉ có Thiên Chúa biết tác giả thư này là ai.”

Về thời gian, các nhà nghiên cứu chắc chắn rằng thư được viết trước năm 96, vì vào năm đó, Đức Giáo Hoàng Clementê từ Roma gởi thư cho giáo đoàn Corintô có trích một đoạn trong thư gởi tín hữu Do thái này (1 Clement 17:1; 36:2-5). Ngày nay các chuyên gia chỉ đoán thư được viết vào giữa những năm 69-95.

Có vài lý do đưa đến việc nhiều người nghĩ rằng Phaolô là tác gỉa thư này. Trước hết, trong những thế kỷ đầu tiên, nhiều người giàu có hay có quyền thế trong xã hội đôi khi đọc cho người khác viết thư cho mình, hay gợi ý cho người khác viết thư thay mình và nhân danh mình. Một số tin tác giả thư này là những học trò hay một học trò (môn đệ) của Phaolô viết nhân danh Phaolô.

Thứ hai, khi sắp xếp thứ tự các thư trong sách Tân Ước, các nhà Thánh Kinh ngày xưa đã đặt thư gởi tín hữu Do Thái ngay sau thư gởi tín hữu Roma. Việc này làm nhiều người khi tìm hiểu bản quyền của thư gởi Do Thái đã nghĩ đến Phaolô là tác giả, vì thư này được đặt gần với thư gởi tín hữu Roma, mà tác giả thư gởi Roma là Phaolô.

Thứ ba, trong thư có một chi tiết nhỏ nhắc đến tên Timôthê (13:23), mà Timôthê là môn đệ và người đồng hành quen thuộc với Phaolô (Rom 16:21; 1 Cor 4:17). Vì thế, có người cho rằng chính Phaolô là người viết và nhắc đến tên này.

Thứ tư, vì Phaolô nổi tiếng là người viết thư hay, nội dung sâu sắc, thần học thâm thúy nên nhiều người gắn tên Ngài cho thư này vì nội dung súc tích và tính thần học thâm sâu của nó.

Những tín hữu Đông phương (Ai cập và lân cận) thừa nhận Phaolô là tác gỉa thư này. Những tín hữu Tây phương (Roma và lân cận) không công nhận cho đến thế kỷ thứ tư.

Ngày nay, các nhà Kinh Thánh không tin Phaolô là tác giả vì: (1) hình thức và cấu trúc của thư này hoàn toàn khác với những thư khác của Phaolô; (2) những danh từ dùng cũng không trùng hợp với những danh từ Phaolô thường dùng; (3) cách trình bày lá thư giống như một tiểu luận về thần học hơn là một lá thư trình bày những ý kiến hay vấn nạn muốn nói như Phaolô thường viết; và cuối cùng (4) nội dung của thư này trình bày tư tưởng mà người ta không tìm thấy trong bất cứ thư nào của Phaolô (và ngay cả những thư khác của các tông đồ trong Tân Ước), chẳng hạn tư tưởng về chức Thượng tế của Chúa Giêsu Kitô.

Về độc giả của thư, chúng ta cũng không biết chính xác là ai. Điều ta biết chắc là nội dung thư nói và trích nhiều tư tưởng thần học trong Cựu Ước. Vì thế chúng ta có lý do để tin là độc giả của thư là những người Do Thái theo Kitô giáo. Những từ “thư gởi tín hữu Do thái” được các giáo phụ thêm vào cuối thế ký thứ hai, vì tự lá thư không thấy gởi cho ai một cách cụ thể.

Tóm lại, chúng ta không biết ai là tác giả thư này, nhưng thư đã có ảnh hưởng lớn trong tư tưởng thần học của mọi Kitô hữu kể từ cuối thế kỷ thứ nhất.

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@stmarys.edu
 
Tại sao gọi Phaolô là tông đồ dân ngoại?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.
12:47 31/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 11: Tại sao gọi Phaolô là tông đồ dân ngoại?

Câu trả lời một cách ngắn gọn là vì trong thư gởi tín hữu Galata, Phaolô đã tự nhận danh hiệu này cho mình: “Tôi đã được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì, cũng như Phêrô được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người được cắt bì. Thật vậy, Đấng đã dùng ông Phêrô hoạt động tông đồ cho những người được cắt bì, cũng đã dùng tôi hoạt động cho dân ngoại” (Gal 2: 7-8).

Về mặt lịch sứ, bối cảnh của giáo đoàn Galata mà Phaolô viết những lời này giúp ta hiểu hơn về vai trò tông đồ dân ngoại của ông.

Trong chuyến hành trình đến Galata lần thứ hai, khi còn dừng chân ở Ephêsô, Phaolô đã nghe biết một số người loan tin rằng Phaolô không phải là Tông Đồ, và sứ mạng ông rao giảng không được Chúa Kitô hay các Tông đồ trao phó (Gal 1:1, 7, 12). Hơn nữa, Phaolô rao giảng ngụy tin mừng (không là tin mừng thật) (Gal 1:7) vì ông cho phép những người theo Kitô giáo không cần phải giữ luật Môisê, như không giữ những ngày lễ ghi trong lịch Do Thái và không chịu cắt bì chẳng hạn (Gal 4:10; 6:12). Nhiều người còn vu cáo ông là người “đón gió trở cờ” hay theo cơ hội, vì có lúc ông chấp nhận phép cắt bì cho tân tòng (Gal 5:11), nay thì dạy là không cần cắt bì để nhằm có thêm nhiều tân tòng gia nhập đạo.

Những tin đồn và vu cáo này là nguyên nhân khiến Phaolô viết thư khẳng định giáo huấn thần học Ngài dạy và vai trò “Tông Đồ Dân Ngoại” của mình.

Trước hết, với những người Do thái trung thành với luật Môisê mà nay tin theo Chúa Kitô, Phaolô tôn trọng những luật lệ họ giữ, và nêu rõ là Phêrô được sai đến với họ, “những người chịu cắt bì này” (Gal 2:7-8). Với những người ngoại (không chịu cắt bì như người Hy Lạp, Roma, Ai cập…), Phaolô rao giảng rằng họ không cần phải chịu cắt bì hay giữ tất cả luật Môisê khi tin theo Đức Giêsu Kitô. Quyết định này không là ý kiến cá nhân Phaolô mà kết qủa của công đồng Jerusalem trong đó thánh Giacôbê, Giám mục Jerusalem, thay mặt các Tông đồ công bố (Cvtd 15:1-21).

Vì thế Phaolô đã phản bác những tuyên truyền sai lạc của những người mà Ngài gọi là “kẻ phá rối” (Gal 1:7), và khẳng định rằng Ngài chính là Tông đồ, được sai bởi Thiên Chúa, và tin mừng Ngài rao giảng được Thiên Chúa mặc khải qua Đức Giêsu Kitô (Gal 1:1, 12). Và với tính khẳng khái, Phaolô công bố rằng tin mừng Ngài nhận là từ Thiên Chúa chứ không phải từ loài người. Do đó, nếu có ai đến rao giảng những gì nghịch lại với tin mừng Ngài dạy, ngay cả các tông đồ hay các thiên thần từ trời xuống, Phaolô cảnh báo giáo dân không được tin theo (Gal 1:8-9).

Câu hỏi đặt ra là: khi xưng mình là tông đồ dân ngoại, Phaolô có từ bỏ căn tính Do Thái của mình để theo người ngoại hay không?

Có hai trường phái cắt nghĩa khác nhau. Một số người cho rằng Phaolô đã bỏ quyền ưu tiên làm người Do Thái để lãnh nhận căn tính Kitô hữu có tính cách rộng lớn và bao quát hơn. Những người này còn cho là Phaolô đã nhiều lần phê bình chủ nghĩa độc tôn Do Thái khi cho rằng dân tộc Do Thái là trên hết, và chỉ có người Do Thái mới được cứu rỗi.

Một số đông hơn ngày nay tin rằng Phaolô không hề từ chối căn tính Do Thái để mặc lấy căn tính Kitô hữu vì tính phổ quát của nó vì những lý do: (1) thời kỳ đó (những năm 50-60), Phaolô không rao giảng Kitô giáo như một tôn giáo mới tách hẳn ra khỏi Do Thái giáo; (2) Phaolô không hề từ chối căn tính Do Thái của mình mà còn tự hào và nhắc nhở các Tông đồ: “Chúng ta bẩm sinh là người Do Thái, chứ không phải hạng người tội lỗi gốc dân ngoại.” (Gal 2:15); hay “chính tôi đây cũng là người Israel thuộc dòng dõi Ápraham, thuộc chi tộc Bengiamin.” (Rom. 11:1).

Tư tưởng Phaolô thay đổi theo cuộc sống. Khi còn bắt bớ đạo Chúa Kitô, Phaolô tin rằng chỉ có người Do Thái tin và làm theo Ngũ Thư (Luật Môisê) mới được cứu rỗi, còn dân ngoại sống không có hy vọng trong tương lai.

Sau khi Trở Lại, Phaolô tin Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Thế cho người Do Thái cũng như dân ngoại. Giờ đây Đức Kitô, chứ không phải Ngũ Thư, là đối tượng đức tin và việc làm cho mọi người dân thuộc về Thiên Chúa.

Với tư tưởng này Phaolô tự nhận mình là Tồng Đồ Dân Ngoại khi Ngài rao giảng cho mọi người biết Đức Kitô đến để được cứu rỗi loài người. Hơn nữa, công việc rao giảng có tính cách cấp bách vì Ngài (cũng như nhiều người đương thời) tin rằng Chúa Kitô sắp đến lần thứ hai (hay tận thế gần kề) (1 Thes 4:16-17).

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@stmarys.edu
 
Thánh Phaolô là người Do Thái, làm sao có thể là công dân Roma?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.
12:48 31/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 12: Thánh Phaolô là người Do Thái, làm sao có thể là công dân Roma?

Ta biết được cuộc đời thánh Phaolô qua sách Công Vụ Tông Đồ và những thư Ngài viết cho các tín hữu trong thời kỳ đầu tiên của giáo hội. Nhiều chi tiết trong đời sống của Phaolô (chẳng hạn quyền công dân Roma) được sách Công Vụ Tông Đồ kể lại, nhưng không thấy Phaolô nhắc đến trong những thư Ngài gởi cho các tín hữu, dù Ngài có nói đến công dân “nước trời” trong thư gởi tín hữu Philiphê (Phil 3:20).

Sách Công Vụ Tông Đồ cho ta biết là Phaolô có quyền công dân Roma khi sinh ra, không phải là người trở nên công dân Roma khi đã lớn:

“Họ vừa nọc ông Phaolô ra để đánh đòn, thì ông nói với viên đại đội trưởng đứng gần đó: "Một công dân Rôma chưa được xét xử, các ông có được phép đánh đòn không?" Nghe vậy, viên đại đội trưởng đi báo cáo cho vị chỉ huy rằng: "Ông định làm gì bây giờ? Đương sự là công dân Rôma!" Vị chỉ huy liền đến gặp ông Phaolô và hỏi: "Ông nói cho tôi biết: ông là công dân Rôma sao?" Ông Phao-lô trả lời: "Phải." Vị chỉ huy nói tiếp: "Tôi đây, tôi phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy." Ông Phaolô đáp: "Còn tôi, sinh ra đã có quyền ấy rồi." Lập tức những người sắp tra tấn ông rút lui, còn vị chỉ huy thì phát sợ, vì biết rằng ông Phaolô là công dân Rôma mà mình lại đã còng ông ấy (Cvtđ 22:25-29; xem thêm 23:27 và 16:37).

Công dân Roma là một quyền ưu tiên chỉ dành cho những người sinh ra bởi cha mẹ có công dân Roma trong đất nước của hoàng đế Roma cai trị, hay những ngoại kiều có công trạng với Roma.

Chúng ta không biết tại sao và làm thế nào gia đình Phaolô có được quyền ưu tiên này. Tuy nhiên, trong lịch sử ghi lại là một số các tướng lãnh nổi tiếng của Roma như Julius Caesar và Mark Anthony đã ghé thăm Tarsus, nơi Phaolô sinh ra

Theo Thánh Kinh ta biết Phaolô làm nghề dệt lều (Cvtđ 18:3). Công việc này giúp Phaolô kiếm tiền trên đường đi truyền giáo mà không phải là gánh nặng về kinh tế cho những cộng đoàn Ngài đến thăm (1 Cor 9:18), và gặp sự giúp đỡ của những đồng nghiệp, nhất là hai vợ chồng Aquila và Pricilla (Cvtđ 18:1-3).

Sống trong vùng Trung Đông, lều là một phương tiện cần thiết cho đời sống của những du mục và dân định cư điạ phương.

Có lối giải thích rằng khi lính Roma đóng quân trong khu vực Tarsus, gia đình Phaolô có thể đã cung cấp lều như quân cụ cho quân đội. Vì thế, khi những tướng lãnh đến thăm vùng này, gia đình nhận được sự chú ý của tướng Roma nên được ưu đãi quốc tịch Roma hay được sự tưởng thưởng của hoàng đế Augustus về những đóng góp này.

Đây chỉ là những lối giải thích phỏng đoán. Điều ta biết chắc là Phaolô sinh ra trong gia đình Do Thái, thuộc chi tộc Benjamin (Rom 11:1; Phil 3:5; 2 Cor 11:22). Trong xã hội, ông được nhiều ưu tiên hơn đồng bạn, như được học với thầy Gamaliel nổi tiếng thời bấy giờ (Cvtđ 22:3), và sau này được tin tưởng cắt cử làm người dẫn đầu đi bắt bớ Kitô hữu (Cvtđ 9:1-2).

Việc thánh nhân làm thế nào mà có quyền công dân Roma từ khi mới sinh thì không ai biết rõ, nhưng chính nhờ có quyền này mà Phaolô không bị đối xử tàn tệ như những ngoại kiều (Cvtđ 23:27), và theo truyền thuyết, Phaolô bị chặt đầu (hình phạt dành cho công dân Roma) chứ không bị hành hạ và đóng đinh (như Phêrô là người Do Thái).

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:

LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@stmarys.edu
 
Phaolô có vợ con gì không?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.
12:49 31/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 13: Phaolô có vợ con gì không?

Trong Thánh Kinh và cả những sử liệu bên ngoài không thấy nói đến vợ và con của thánh Phaolô. Có người cho là Phaolô đã có gia đình nhưng có thể vợ chết, hoặc ly dị vợ nên sống đời độc thân. Không có tài liệu chính xác nào nói đến những đồn đãi này, ngoại trừ người ta biết chắc là sau khi trở lại, Phaolô sống như một người độc thân.

Căn cứ vào những thư thánh Phaolô viết, lời giải thích rằng Phaolô không có vợ-con đáng tin cậy hơn là những giải thích ngược lại.

Có nhiều lý do để ta tin là Phaolô không có gia đình. Trước hết, trong những thư gởi tín hữu Roma, Galata, Ephêsô và nhất là Corintô, thánh Phaolô nói đến vai trò phụ nữ nhiều lần nên không thể nào không nhắc đến vợ con, nếu có.

Thứ hai, khi nói đến đời sống gia đình, Phaolô nhấn mạnh đến sự trung thành vợ chồng “… tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng… và chồng cũng không được rẫy vợ” (1 Cor 7: 10-12). Vì thế, không có lý do gì để ta tin rằng Phaolô ly dị vợ hay bỏ gia đình để đi làm việc mục vụ cho Giáo hội vì nghịch lại những gì Ngài dạy.

Thứ ba, trong thư thứ nhất Corintô, Phaolô nói: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ” (1 Cor 7:7-8). Đoạn Kinh Thánh này thuyết phục nhiều người tin rằng Phaolô là một người độc thân, không lập gia đình.

Với những người tin rằng Phaolô đã có gia đình, họ căn cứ vào thư thứ nhất Corintô: “Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?” (1 Cor 9:4-5). Thật ra, đây không là một bằng chứng rõ đủ để nói lên Phaolô là người có gia đình. Có thể câu này được dùng để biện minh về quyền có gia đình thì đúng hơn, nghĩa là, Phaolô cũng như bao người khác có quyền lập gia đình, và nếu có gia đình thì họ có quyền đem theo vợ trong khi làm công việc mục vụ như Phêrô hay các tông đồ khác.

Thứ hai, những người này cho rằng việc Phaolô không có vợ là một chuyện lạ trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, vì người Do Thái xem việc lập gia đình và có con cái như một ơn lành của Thiên Chúa ban thưởng, ngay cả đây là mệnh lệnh Thiên Chúa yêu cầu ông bà Adong Evà trong đời sống: “hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất…” (Sáng Thế 1:28). Tuy nhiên, họ quên rằng chuyện lạ không có nghĩa là không xảy ra (như Chúa Giêsu cũng không lập gia đình).

Cuối cùng một số Kitô hữu vào thế kỷ 3-4 tin là Phaolô đã có gia đình, vì họ căn cứ vào câu nói trong thư gởi tín hữu Philiphê “Tôi xin cả anh Xidigot nữa, người bạn chân thành đã đồng lao cộng khổ với tôi, xin anh giúp đỡ các chị ấy. Các chị đã giúp tôi chiến đấu cho Tin Mừng, cũng như anh Clementê và các cộng sự viên khác mà tên tuổi đã được ghi trong Sổ Trường Sinh” (Phil 4:3). Thật ra, đây là bằng chứng yếu kém nhất trong việc thuyết phục để tin là Phaolô có vợ.

Dù không biết chắc chắn về vợ con thánh nhân, ta biết thánh nhân nhắc đến bà con Ngài một vài lần, có người trở thành Kitô hữu trước Ngài, và có người ở trong tù với Ngài (Rom 16:7).

Sách Công Vụ Tông Đô nhắc đến một người chị của thánh Phaolô ở Jerusalem, và con trai của bà. Người cháu này có lẽ có chức vị trong xã hội nên đã có điều kiện biết chuyện nội bộ và báo tin cho Phaolô hay rằng các vị trong Thượng Hội Đồng đang lập mưu để giết Phaolô: “Nhưng người con trai của bà chị ông Phaolô nghe biết âm mưu đó, liền đến đồn và vào báo tin cho ông Phaolô” (Cvtđ 23:16).

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@stmarys.edu
 
Thánh Phaolô bắt bớ Kitô hữu khi nào, và tại sao?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.
12:50 31/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 14: Thánh Phaolô bắt bớ Kitô hữu khi nào, và tại sao?

Sự kiện thánh Phaolô gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus có thể đã xảy ra chừng ba năm sau khi Chúa Giêsu sống lại, nhưng việc thánh Phaolô tham gia quấy nhiễu, gây khó khăn cho Kitô hữu chắc chắn đã bắt đầu trước đó.

Trong Công Vụ Tông Đồ ghi lại là khi Stephanô bị ném đá chết, Phaolô có mặt ở đó, và “các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô” (Cvtđ 7:58). Không chỉ tham gia một cách thụ động, Phaolô còn “tán thành việc giết ông Stêphanô” (Cvtd 8:1). Sau này, khi rao giảng trước triều đình vua Acrippa, Phaolô đã tự nhận: “Về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại danh Giêsu người Nadarét. Đó là điều tôi đã làm tại Giê-ru-sa-lem. Được các thượng tế uỷ quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong dân thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành. Nhiều lần tôi đã rảo khắp các hội đường, dùng cực hình cưỡng bức họ phải nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành nước ngoài mà bắt bớ họ” (Cvtđ 26:10-11).

Câu hỏi “tại sao Phaolô bắt bớ các Kitô hữu?” có nhiều lý do để cắt nghĩa. Về phương diện tôn giáo, Phaolô là một tín đồ Do Thái giáo nhiệt thành, theo gương cha ông, muốn bảo vệ đạo mình và chống lại tất cả những tổ chức gây nguy hại cho Do Thái giáo (Gal 1:13-14; Phil 3:6). Về phương diện chính trị (mà chính trị không thể tách ra khỏi tôn giáo với nhiều người Do Thái thời đó), Phaolô tỏ ra yêu dân tộc Do Thái qua việc bảo vệ Do Thái giáo chống lại ảnh hưởng của một giáo phái mới (là Kitô giáo) chấp nhận sự có mặt của người ngoại (Roma, Hi Lạp…) sinh hoạt chung với người Do Thái. Phaolô cũng như những người yêu nước khác sợ rằng nếu nhiều người Roma theo giáo phái mới này, dần dà ảnh hưởng của Kitô sẽ mạnh hơn, vì về chính trị người Roma là những kẻ nắm quyền đô hộ.

Phaolô, cũng như nhiều thanh niên nhiệt thành Do Thái đương thời, đề cao gương sống anh hùng của 3 vị: Pinkhát (cháu Aharon), tiên tri Elia, và tư tế Mattítgia. Ba vị này ảnh hưởng đời sống Phaolô cũng như nhiều thanh niên đương thời.

Pinkhát, vì nhiệt thành với đạo của Giavê Thiên Chúa, giết chết Dimri vì Dimri tuyên truyền tà thần khác ngoài Giavê và quảng bá đời sống sa đoạ cho dân Do Thái (Dân số 25:7-13). Việc ông giết Dimri được xem là đẹp lòng Chúa (Dân số 25:10-13), và được dân Do Thái khen tặng (Tv 106:30-31).

Tiên tri Elia, vì lòng nhiệt thành với Giavê, đã thách thức hơn 450 ngôn sứ của thần Baal trong cuộc đấu sức trên núi Carmen để xem Giavê hay Baal đích thực là thần. Sau khi thắng cuộc thi, Elia đã ra lệnh giết chết các tiên tri này (1 Các Vua 18:17-40; 19: 10).

Theo chân của Elia và Pinkhát, Mattítgia “nhiệt tình với luật Chúa” nên đã giết một người đồng hương Do Thái khi người này dám nghe theo vua Antiochus IV để cúng ngoại tà thần (1 Macabê 2:23-28).

Như những cha ông này, Phaolô có lòng nhiệt thành với Chúa Giavê, với dân Israel, và với Luật Môisê.

Về phương diện thần học, lý do Phaolô cưỡng bức Kitô giáo vì: (1) những người theo Đức Giêsu Kitô coi nhẹ Luật Môisê; (2) họ có thái độ coi thường Đền Thờ vì họ không còn thờ phượng Thiên Chúa trong đền thờ; (3) họ (Kitô hữu) dám nhận người ngoại vào trong cộng đoàn chung với những người Do Thái. Vì thế người Do Thái lúc này ngồi ăn cùng bàn với những người không chịu phép cắt bì; (4) và điều khó công nhận nhất là trong khi những nhà lãnh đạo tôn giáo (thượng tế, luật sĩ, biệt phái…) kết án Đức Giêsu là người phạm thánh, và bị giết chết treo như một ác nhân (mà theo Do thái giáo, Thiên Chúa lên án chết cho kẻ phạm tội - xem Đệ Nhị Luật 21:23), thì những Kitô hữu tôn thờ và công bố Đức Giêsu được Thiên Chúa cho chỗi dậy từ cõi chết, là Đấng Mêsia của Israel. Đây là điều phạm thánh không chấp nhận được.

Tóm lại, có thể có lý do này quan trọng hơn lý do kia, nhưng tính tổng hợp của tất cả những lý do trên đã khiến con người Phaolô nhiệt thành trở nên người bắt bớ Kitô hữu.

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:

LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@stmarys.edu
 
Thánh Phaolô được xem là người thành lập nhiều cộng đoàn Kitô hữu, vậy Ngài đi rao giảng và thành lập những cộng đoàn ấy thế nào?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.
12:51 31/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 15: Thánh Phaolô được xem là người thành lập nhiều cộng đoàn Kitô hữu, vậy Ngài đi rao giảng và thành lập những cộng đoàn ấy thế nào?

Sách Công Vụ Tông đồ (Cvtd) và những thư thánh Phaolô cho ta ấn tượng Phaolô là một nhà thuyết giảng di động và một người xây dựng nhiều cộng đoàn trên đường Ngài đi truyền giáo. Ngài cũng thường xuyên liên lạc, lo lắng đến đời sống mục vụ và tinh thần những cộng đoàn này bằng những thư từ hay gởi lời hỏi thăm khi có điều kiện, nhất là sau khi Ngài rời khỏi những cộng đoàn này.

Về địa lý, thường thì thánh Phaolô tập trung rao giảng tin mừng ở những thành phố lớn vùng Tiểu Á và Hi Lạp như Antiokia, Cilicia, Athens, Corintô, Galata, Thessalonica… Về thời gian, có nơi Ngài ở lại chừng vài tuần lễ, có nơi Ngài ở lại lâu hơn như hơn 2 năm ở Ephêsô và chừng 18 tháng ở Corintô. Về mục vụ, thánh Phaolô quan tâm đến những cộng đoàn Ngài thành lập (như Corintô, Galata…) cũng như cộng đoàn Ngài không thành lập (như Roma).

Khi nói đến những cộng đoàn thánh Phaolô thành lập, chúng ta cũng không bỏ qua những cộng đoàn nhỏ, bắt đầu với vài ba gia đình họp nhau, việc thờ phượng và giảng dạy được tiến hành trong các nhà ở của họ.

Các nhà Kinh Thánh cho rằng những cộng đoàn tiên khởi sinh hoạt trong hai hình thức. Vì một số những Kitô hữu đầu tiên là người Do Thái nên họ họp nhau với những tín hữu Do Thái giáo mộ đạo khác trong các Hội Đường để nghe các thầy Rabbi đọc và nghe giải thích Thánh Kinh (thường là Ngũ Kinh hay Luật Môisê). Sách Công Vụ Tông Đồ cũng kể chuyện Phaolô đến giảng ở các Hội Đường (Cvtđ 14:1; 17:1-2).

Sau đó, họ về nhà riêng để cử hành Bữa Ăn Của Chúa, mà chúng ta hiểu là Thánh Lễ ngày nay. Trong thư thứ nhất Corintô, thánh Phaolô miêu tả cho ta thấy Bữa Ăn (Thánh Lễ) trong nhà có những chia rẽ của người giàu kẻ nghèo, và thánh Phaolô quở trách như thế là làm nhục Hội Thánh Chúa, không xứng đáng để ăn Bánh và uống Chén của Chúa (1 Cor 11:17-22; xem thêm Cvtđ 18:7-8).

Thường những nhà này là của những người khá giả, rộng lớn đủ để dung nạp chừng 50-60 người. Trong thư gởi Roma, Phaolô gởi thư từ nhà của “anh Gaiô, người tiếp rước tôi và tiếp rước cả Hội Thánh trong nhà của anh” (Rom 16:23). Trong thư thứ nhất Corintô, Phaolô viết: “Aquila và Priscilla cùng với Hội Thánh họp tại nhà họ gửi lời chào anh em trong Chúa” (1 Cor 16:19; xem thêm 16:5). Khi viết thư trong tù để gởi đến thăm Philêmon, thánh Phaolô nhắc đến “Hội Thánh họp tại nhà anh” (Phile 1:2). Cuối cùng, trong thư gởi tín hữu Côlôsê mà có lẽ Phaolô viết trước khi chịu chết, Ngài “gửi lời chào các anh em ở Laođikia, chị Nympha và Hội Thánh vẫn họp tại nhà chị ấy” (Col 4:15).

Nhiều nhà Kinh Thánh cho rằng thánh Phaolô thành lập nhiều cộng đoàn Kitô hữu, nhưng không thành lập những “Hội Thánh họp trong nhà” tại vùng Colôsê và Laodicea, kể cả “Hội Thánh họp trong nhà” của Philêmon và Nympha. Còn hai vợ chồng Priscilla và Aquila ở Roma có “Hội Thánh họp trong nhà” họ thời gian khá lâu trưóc khi Phaolô đến Roma.

Tóm lại, chúng ta khó nói chính xác con số bao nhiêu cộng đoàn Phaolô đã thành lập hay đã thăm viếng, một phần vì hình thái thành lập của các cộng đoàn tiên khởi thường có tính cách gia đình, một phần ta không có những tài liệu chính xác để làm việc này.

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:

LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@stmarys.edu
 
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô có nhiều bạn đồng hành và cộng tác với Ngài, những ai là người đáng chú ý?
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.
12:52 31/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 16: Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô có nhiều bạn đồng hành và cộng tác với Ngài, những ai là người đáng chú ý?

Khi đi rao giảng Tin Mừng, thánh Phaolô không đi một mình mà thường là có những bạn đồng hành. Vì Ngài đi rao giảng nhiều nơi và nhiều lần khác nhau nên con số những người đi theo thánh nhân cũng thay đổi tùy theo chuyến đi.

Có hơn 30 tên của những người có liên hệ đến công việc truyền giáo với thánh nhân được kể lại trong những thư Ngài viết. Họ là những người cùng đi rao giảng với Phaolô, hoặc những người đưa thư đến các cộng đoàn, hoặc những người xây dựng cộng đoàn điạ phương, hoặc thư ký v.v.…

Điều chắc chắn là những người này đã hỗ trợ Phaolô cả tinh thần lẫn vật chất, thăm viếng, an ủi khi bị cầm tù, giúp Phaolô vượt qua những khó khăn trong việc rao giảng tin mừng.

Trong số hơn 30 tên được nhắc đến, một số tên đáng chú ý nhất là: Timôtê, Titô, Barnabas, Silvanus hay Silas, vợ chồng Priscilla và Aquila, và Appôlô. Trong những người này, Timôtê và Titô đóng vai trò quan trọng đặc biệt vì những lá thư nhắc riêng đến họ.

Timôtê: Phaolô gọi “Timôtê, người cộng tác với tôi” (Rom 16:21), và coi ông là “người con yêu quý và trung tín của tôi trong Chúa.” (1 Cor 4:17), và “Timôtê đã chứng tỏ mình là người có giá trị, bởi vì anh ấy đã cùng với tôi phục vụ Tin Mừng, như con với cha.” (Phil 2:22).

Phaolô cũng kể tên Timôtê như một cộng sự viên cùng gởi lời chào thăm đến các tín hữu Côrintô và cho Philêmon (2 Cor 1:1; Phlm 1:1), và nhắc đến những chia sẻ trong tư tưởng và công việc mục vụ với Phaolô. Timôtê trở thành Kitô hữu ở Lystra (Tiểu Á) trước khi gặp Phaolô. Ông là con một người mẹ Do Thái và người cha Hi Lạp. Phaolô có lòng kính trọng đặc biệt đối với bà Eunice, mẹ Timôtê, và Lois, bà ngoại Timôtê vì lòng đạo đức của họ (2 Tim 1:5). Vì cha Timôtê là người Hi Lap nên Timôtê sinh ra không chịu phép cắt bì như những người Do Thái. Khi Phaolô gặp Timôtê và muốn đem ông theo cộng tác trong việc truyền giáo, Phaolô đã cắt bì cho Timôtê, dù không nhất thiết phải làm vì Phaolô là người đấu tranh cho việc người dân ngoại theo Kitô giáo không cần chịu cắt bì ở công đồng Jerusalem, nhưng để tránh những rắc rối cho người Do Thái theo Kitô giáo vì nhiều người vẫn còn giữ luật cắt bì (Cvtd 16:1-3).

Titô: Không như Timôtê, Titô không bao giờ được nhắc đến trong Công Vụ Tông đồ mà chỉ trong thư của thánh Phaolô mà thôi. Titô là người dân ngoại trở lại, và được Phaolô gọi là “người anh em của tôi” (2 Cor 2:13), là “vừa là bạn đường, vừa là người cộng tác với tôi” (2 Cor 2: 23). Công việc của Titô là sứ giả đưa thư đến cho cộng đoàn Corintô, giáo đoàn mà Titô có nhiều quan hệ thân thiện (2 Cor 7:13-14). Titô cũng giúp Phaolô xin tiền dâng cúng từ giáo đoàn Corintô để giúp giáo đoàn Jerusalem (2 Cor 8:1-7). Điều đặc biệt đáng nhớ về Titô là khi Phaolô về Jerusalem để họp chung với các tông đồ khác để quyết định vấn đề người ngoại (không là Do Thái) có cần cắt bì khi theo Kitô giáo không, Phaolô đã đem theo Titô. Nhờ tài tranh biện của Phaolô và sự hiện diện của Titô, các tông đồ đã quyết định qua phán quyết của Giacôbê là dân ngoại không cần phải chịu cắt bì khi gia nhập Kitô giáo (Gal 2:1-3). Titô trở thành trường hợp điển hình cho người theo Chúa Kitô không cần cắt bì như một nghi thức tôn giáo.

Silvanus là một tiên tri ở Jerusalem (Cvtd 15:32), là sứ giả đưa thư của Phaolô đến cho giáo đoàn Thessalonica (1 Thes 1:1; 2 Thes 1:1). Ông còn giúp Phaolô đi truyền giáo ở Corintô (2 Cor 1:19), và đến với dân ngoại. Phaolô chọn Silanus thay thế cho Barnaba để đồng hành với Ngài trong hành trình truyền giáo lần thứ hai (Cvtđ 15:36-40).

(còn tiếp)

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@stmarys.edu
 
Phaolô có nhiều bạn đồng hành và cộng tác với Ngài, những ai là người đáng chú ý? (tiếp theo)
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.
12:53 31/10/2008
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 17: Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô có nhiều bạn đồng hành và cộng tác với Ngài, những ai là người đáng chú ý? (tiếp theo)

Barnabas, một người Do Thái thuộc dòng họ Lêvi, quê ở Cyprus, đã bán thửa ruộng lấy tiền đặt dưới chân các tông đồ (Cvtđ 4:36-37), và có một vai trò quan trọng trong thư gởi tín hữu Galata (Gal 2:1-13; xem thêm 1 Cor 9:6).

Phaolô cho rằng Barnabas đã dính líu đến vụ căng thẳng về vấn đề đòi hỏi những người dân ngoại theo Kitô giáo phải giữ những luật về ăn uống theo Luật Môisê. Ban đầu, Barnabas đồng hành với Phaolô đến Jerusalem, và ở đó ông được chúc lành và được sai đi đến dân ngoại. Nhưng thánh Phaolô nhận định rằng sau này Barnabas bị lôi cuốn bởi Phêrô và những Kitô hữu gốc Do Thái sống giả hình (Gal 2:13), nghĩa là họ không chấp nhận ngồi đồng bàn với dân ngoại không chịu cắt bì nếu có những Kitô hữu gốc đạo Do thái chất vấn họ. Còn khi không có ai để ý, họ lại đến với dân ngoại như không có gì xảy ra.

Ta cũng nên biết tình bạn giữa Barnabas và Phaolô ban đầu rất thân thiết. Chính Barnabas là người đã bảo vệ và giới thiệu Phaolô đến các môn đệ ở Jerusalem vì những môn đệ này sợ Phaolô là kẻ săn bắt họ (Cvtđ 9:26-27). Rồi chính Barnabas đã đem Phaolô đến Antiokia (Cvtđ 11:25-26) và cùng Phaolô đi rao giảng tin mừng (Cvtđ 14:1). Sau này, vì bất đồng ý kiến trong việc nhận Gioan Máccô cùng đi truyền giáo chung, Phaolô và Barnabas chia tay nhau, hai người hai ngã: “Ông Banarbas muốn đem theo cả ông Gioan cũng gọi là Máccô. Nhưng ông Phaolô thì nghĩ là một người đã từng bỏ hai ông từ khi ở miền Pamphylia và đã không cộng tác với hai ông, thì không nên đem theo. Hai bên nổi nóng đến mức phải chia tay nhau. Ông Barnabas đem ông Máccô theo, vượt biển đi đảo Cypre. Còn ông Phaolô thì chọn ông Silas và lên đường, sau khi đã được các anh em giao phó cho ân sủng Chúa” (Cvtđ 15:37-40). Cũng nên biết rằng Gioan Maccô là em họ của Barnabas (Col 4:10).

Appolô: được nói đến trong Công Vụ Tông Đồ và thư thứ nhất giở tín hữu Corintô. Là một người Do Thái lưu vong, quê quán ở Alexandria, Ai Cập, Appôlô đi truyền giáo ở Ephêsô và Corintô (Cvtđ 18:24-28).

Ở Corintô, vì “ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh” (Cvtđ 18:24) nên ông được nhiều người ngưỡng mộ. Một số người theo ông và tự nhận mình thuộc nhóm Appôlô: “Trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô." (1 Cor 1:12). Sự chia rẽ bè phái không hẳn là do Appôlô, vì không thấy Phaolô nói đến trong thư, mà có thể do lòng yêu mến cá nhân của nhiều người đi theo ông. Phaolô cải huấn tư tưởng chia rẽ trong những phân biệt mục vụ này bằng lời khuyên: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cor 3:6).

Aquila và Priscilla: Chồng Aquila và vợ Priscilla được nhắc đến trong thư Phaolô gởi Roma (Rom 16:3). Aquila là người Do Thái, sinh ở Pontus, vùng Cilicia. Hai vợ chồng có nhiều đóng góp cho Hội Thánh (Cvtđ 18:2 ff; 26; 1 Cor 16:19). Hai người sống ở Roma, nhưng vào khoảng năm 43-44, hoàng đế Claudius ra lệnh trục xuất tất cả những người Do Thái ra khỏi Roma, hai vợ chồng dời về định cư ở Corintô (Cvtđ 18:2). Thánh Phaolô gặp hai vợ chồng tại Corintô trong hành trình truyền giáo lần đầu tiên, lúc đó hai ông bà đã là Kitô hữu. Hai ông bà làm nghề dệt lều, và có thể vì đồng nghiệp với Phaolô nên họ trở nên bạn thân (Cvtđ 18:1-3). Hai người đưa Phaolô từ Corintô đến Ephêsô trên đường Ngài qua Syria (Cvtđ 18:18-19). Ở đây hai vợ chồng dạy giáo lý cho Apôlô (Cvtđ 18:18-28), và giúp Phaolô ở đó chừng hơn 2 năm. Ở Ephêsô, hai vợ chồng họp mặt Hội thánh Chúa trong nhà riêng (1 Cor 16:19). Họ rời Ephêsô trở về Roma, có lẽ sau cuộc nổi loạn của thợ bạc Demetrius nổi lên chống đối Phaolô (Cvtđ 19:24-40), và ở Roma họ cũng họp Hội thánh trong nhà mình (Rom 16:3-5). Khi Nerô vu cáo Kitô hữu đốt thành Roma và trừng phạt Kitô hữu, hai vợ chồng có lẽ trốn qua Ephêsô và ngụ lại đo (2 Tim 4:19). Hai vợ chồng đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc truyền giáo của Phaolô.

Ngoài ra, chúng ta còn đọc được tên những người cộng tác với Phaolô trong việc truyền giáo: Urbanô (Rom 16:9), Epaphroditus ở Philiphê (Phil 2:25), Clementê (Phil 4:3), Philêmon (Philêmon 1), Maccô, Demas, Aristarchus và Luca (Philêmon 24), Epaphras ở Côlôsê (Col 1:7; 4:12).

Tóm lại, hai điều đáng chú ý trong công cuộc truyền giáo của thánh Phaolô. Một là thánh nhân không đi truyền giáo một mình mà được sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều người. Hai là sự tham gia đóng góp của giáo dân trong Giáo hội là điều cần thiết và tất yếu để công cuộc rao giảng tin mừng được thực hiện.

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@stmarys.edu
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hướng dẫn của các Giám Mục California về kỳ bầu cữ lần này
Các Giám Mục
12:04 31/10/2008
 
Các Giám Mục Hoa Kỳ Kêu Mời Cầu Nguyện Trước Bầu Cử
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
15:36 31/10/2008
Kansas (Agenzia Fides) – Khi ngày bầu cử ở Hoa Kỳ đã cận kề, 4 vị Giám Mục của bang Kansas đã đưa ra một văn bản hướng dẫn mục vụ dành cho tín hữu với tựa đề: “Các Nguyên Tắc Luân Lý Dành Cho Các Cử Tri Công Giáo.” Mặc dù Giáo Hội Công Giáo không ủng hộ bất kỳ ứng viên nào nhưng các Giám Mục cho hay: “đó là trách nhiệm giúp người Công Giáo đào luyện lương tâm của mình một cách đúng đắn, nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện quyền công dân mang tầm mức quan trọng này”. “Các Nguyên Tắc Luân Lý Dành Cho Các Cử Tri Công Giáo” không bảo người Công Giáo bỏ phiếu thế nào, nhưng “giúp họ bỏ phiếu theo cách có hiểu biết, phù hợp với Giáo huấn luân lý Kitô giáo.”

Các giám mục nhắc lại 5 điểm “không khoan nhượng” và vì thế người Công Giáo không bỏ phiếu ủng hộ: “Lương tâm Kitô hữu được đào luyện kỹ càng không thể cho phép bất kỳ ai bỏ phiếu ủng hộ cho việc đặt ra chương trình chính trị hoặc việc phê chuẩn dự luật chứa đựng những đề nghị trái nghịch với những nội dung cơ bản của đức tin và những nguyên tắc luân lý”. Năm điểm không khoan nhượng là: phá thai, an tử, nghiên cứu tế bào gốc, sinh sản vô tính người và kết hợp đồng tính.

Thêm vào đó, các giám mục Hoa Kỳ cũng yêu cầu người Công Giáo tham gia cửu nhật cầu nguyện đặc biệt trước cuộc bầu cử, cầu cho sự sống, công lý và hoà bình. Cuộc cầu nguyện mang tựa đề “Cửu nhật cầu cho Công Dân Chân Chính (Novena for Faithful Citizenship)” và có thể tìm thấy lời cầu trên Website của Hội đồng Giám Mục Hoà Kỳ cho đến ngày bầu cử 04/11 (http://www.faithfulcitizenship.org/resources/podcasts).

Joan Rosenhauer, Trợ lý Giám Đốc Văn phòng Công lý, Hoà bình và Phát triển Con người của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho hay Cửu Nhật Cầu Nguyện đặc biệt là một phần “cuộc vận động của các giám mục nhằm giúp người Công Giáo phát triển lương tâm được đào luyện kỹ càng cho việc nhận xét các vấn đề chính trị và xã hội”. Helen Osman, Thư ký truyền thông của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, bày tỏ niềm hy vọng rằng Cửu nhật cầu nguyện có thể giúp “Người Công Giáo tham gia vào suy tư cầu nguyện để họ chuẩn bị bỏ phiếu.” Cô nói thêm rằng Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ muốn truyền sức mạnh cho người Công Giáo khi chúng có ảnh hưởng đến các vấn đề tiền bầu cử và để “việc cung cấp một nguồn mạch cầu nguyện trên web có thể giúp chúng ta chú trọng đến các giá trị chung và được nhận diện là người Công Giáo.”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Góc Vườn Tháng Mười
Lm. Vũ Đình Huyến
00:18 31/10/2008

GÓC VƯỜN THÁNG MƯỜI



Ảnh của Lm. Vũ Đình Huyến, CMC.

Dù cho công việc ngổn ngang

Chớ quên ngắm cánh lá vàng mùa thu!

"Even if something is left undone,

everyone must take time to sit

still and watch the leaves turn."

(Elizabeth Lawrence – nđc phóng ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News