Ngày 01-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Các Đẳng Linh Hồn 2 tháng 11 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:20 01/11/2022


BÀI ĐỌC 1

Bài trích sách Gióp.

Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói:

“Ôi, những lời tôi nói đây, phải chi có người chép lại,

phải chi có người ghi vào sách,

có người đục bằng sắt, trám bằng chì,

tạc vào đá cho đến muôn đời!

Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống,

và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.

Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân này,

tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.

Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người,

Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Rm 5:5-11

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, trông cậy không làm chúng ta phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta.

Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Ga 6:40

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói : Ý của Cha tôi là tất cả những ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.

Alleluia.

TIN MỪNG Ga 6:37-40

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Đó là Lời Chúa.
 
Chết luôn có trong sống
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:39 01/11/2022
CHẾT LUÔN CÓ TRONG SỐNG

LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN 2022

Buông bỏ những tiếc nuối về quá khứ, các dự tính tương lai, những đồ án chưa hoàn thành, những cuộc hành trình vẫn còn trong hoạch định, hay một giấc mơ thành đạt..., nhưng sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra, sẵn sàng ngay cả khi thứ định mệnh nào đó vô tình cắt ngang mạng sống... Được như thế là hạnh phúc, vì đó là dấu hiệu cho thấy thái độ đón nhận một thứ bất ngờ nhất, xấu nhất tấn công bản thân: cái chết.

1. Câu chuyện về sự bất ngờ...

Vụ tai nạn thảm khốc đêm 23.4.2019 đã giết chết chị Lê Thị Thu Hà sinh năm 1977, một công nhân quét rác trên đường Láng Hạ, Hà Nội. Chị ra đi bỏ lại hai con trai là Trần Đức Anh mới 15 tuổi và Trần Đức Hiếu mới 12 tuổi, cùng mẹ già đã 75 tuổi.

Ngay sau khi chị Hà bị chiếc xe "điên" lao vào và kéo lê khoảng gần 200 thước trong lúc đang làm nhiệm vụ trong đêm, chị không kịp nói một lời từ biệt, nhưng vội vã ra đi trong hình tượng hết sức thương tâm.

Theo lời đồng nghiệp đau đớn đang ngồi bên thi thể chị Hà, còn chưa hoàn hồn sau khi chứng kiến cái chết của bạn, thì chị Hà đã gắn bó với nghề 8 năm. Nhà chị nghèo. Để có tiền nuôi 2 con ăn học và mẹ già, chị phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Cả gia đình chị sống trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, chỉ có 15 thước vuông nằm sâu trong ngõ Xã Đàn (Hà Nội).

Chị Hà đang có bệnh rất nặng. Chị cố giấu mọi người vì sợ mẹ và các con lo lắng. Chị mới đi bệnh viện, mới mua bịch thuốc còn chưa kịp uống. Người lao công nói thêm: "Chị Hà sống khổ sở lâu rồi, giờ chết vẫn không hết khổ. Nhìn chị bị như vậy chúng tôi đau đớn lắm, bây giờ làm sao chúng tôi cầm cây chổi để làm việc nữa đây. Hôm qua chị ấy còn tâm sự, con trai xin tiền nộp tiền học mà chưa có. Hôm qua chị ấy còn rủ tôi đi chùa... vậy mà...".

Người anh rể chị Hà cho biết: Trước đây chị Hà từng làm nhiều công việc từ bán bún, bán gà, đến osin. Năm 2011 chị làm lao công. Hiện tại, sáng nào chị chạy cũng grab, đến 5 giờ chiều đi quét rác. công việc thường kết thúc lúc 2 giờ sáng. "Hà là người chịu khó, siêng năng, rất hòa đồng vui vẻ với người khác, không ngại việc gì để kiếm tiền nuôi con", người anh rể nói thêm.

Còn Trần Đức Anh, con trai lớn của chị Hà đang học lớp 9, ngay sau khi nhận được tin mẹ bị tai nạn, vội có mặt tại hiện trường. Đức Anh không kềm nổi xúc động, ngồi bên thi thể mẹ gào khóc thảm thiết khiến bất cứ ai chứng kiến hoàn cảnh vốn đã quá bi thảm càng thêm xót xa, thêm quặng thắt cõi lòng.

Đặc biệt, như một định mệnh, trong cái đêm nghiệt ngã chứng kiến mẹ bị tử thương, Đức Anh lại mặc chiếc áo có hàng chữ vô cùng ám ảnh: "I Never Told You But I Was Falling In Love" (tạm dịch: Có thể con chưa bao giờ nói thành lời nhưng con yêu mẹ).

Cùng với hình ảnh Đức Anh gục đầu khóc thảm thiết, rồi hình ảnh một cô lao công đồng nghiệp của mẹ cũng đầy nước mắt, ôm Đức Anh vào lòng an ủi và hàng chữ thắm tình trên chiếc áo em mặc đã khiến không ít người rụng rời bởi những tình cảm thương xót, đau đớn, cảm thấu đan xen lẫn nhau...

Trong nước mắt giàn giụa, Đức Anh gào thét: "Mẹ nói con cố gắng học, thi tốt nếu đỗ cấp 3 mẹ sẽ mua cho một chiếc xe để đi lại, học tập... Thế nhưng, mẹ chưa thực hiện lời hứa. Mẹ bỏ anh em con mãi mãi không về...".

2. Mùa cầu nguyện cho các Đẳng, gợi nhớ phận mình...

Lại một lần nữa, chúng ta bước vào mùa cầu nguyện cho các Linh hồn, thì cũng là lần nữa, chúng ta cùng xác tín: Đời người rất ngắn ngủi, thoáng chốc sẽ trôi qua, mới đó rồi lại mất đó, mới đó rồi lại tan biến như bọt biển.

Không phải người Việt Nam mới nói "đời người như bóng câu qua cửa sổ". Từ ngàn xưa, Thánh Kinh từng nhắc đến hình ảnh này. Sách Sử Biên Niên quyển I ghi lại lời cầu nguyện cảm động của vua Đavid: “Ngày đời của chúng con trên mặt đất như bóng câu cửa sổ, không để lại dấu vết” (29, 15).

Thánh vịnh 90 từng than thở: "Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài. Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi" (câu 9-10).

Từ câu chuyện thương tâm của chị Thu Hà cùng biết bao nhiêu oan khiên khác của đời sống mà chúng ta từng nghe, từng kinh nghiệm, rồi hết sức nghiêm túc nghĩ về cái chết, chắc ai cũng cảm nhận một thực tế chua chát: ngoài cái chết, những thứ khác đều là chuyện nhỏ. Tiền tài dù giá trị đến đâu, cũng không giá trị bằng mạng sống. Danh lợi dù quan trọng đến đâu, cũng không quan trọng bằng sức khỏe. Cuộc sống rất mong manh và ngắn ngủi, thật khó để biết: ngày mai và đại nạn, thứ nào sẽ đến trước.

Vì thế, không phải chỉ tưởng nhớ các Linh hồn mà thôi, nhưng thông qua việc tưởng nhớ và cầu nguyện, Hội Thánh dạy chúng ta nghĩ đến phận mình. Có ai sống mãi trên đời? Sống là để chết. Chết có trong sống. Cứ thêm một ngày sống là đã mất đi một ngày để sống, nhưng tăng thêm một ngày tiến về cái chết. Càng sống, quỹ thời gian cho kiếp người càng vơi cạn, càng rút ngắn khoảng cách giữa sống và chết...

Thời gian chẳng chờ đợi ai. Chưa kịp thành công thì đã quá nửa đời người. Dù cuộc sống mong manh, không hiểu sao cả nhân loại lại cứ xoáy vào nó. Con người ta cứ mải mê lo sự nghiệp, lo làm việc, học hành, hưởng thụ, v.v…

Để rồi một ngày, khi sức khỏe bắt đầu hao hụt, xác thân thấm mệt, bước đi chậm chạp, đuôi mắt hằn vết chân chim... mới chợt giật mình nhận ra, BẢN THÂN ĐÃ GIÀ.

Bao năm tháng lầm than vất vả đã mất rất nhiều mà có được bao nhiêu. Tiền để làm gì? Tương lai ư? Đã ở tuổi bên kia lưng đồi thì thì tham tiền chỉ là ngu dại. Đã thực sự bước vào hoàng hôn của cuộc đời, làm gì còn tương lai! Chưa kịp nhìn lại kuôn mặt thì đã thấy mình phải đối diện với cái chết...

Muộn màng và ngắn ngủi. Mọi thứ chỉ đến thế là cùng. Của cải kiếm được bao nhiêu cho đủ. Công danh sự nghiệp lắm khi phải mất cả một đời mà không thể sở hữu hai tiếng "hạnh phúc". Mọi sự rồi sẽ qua đi. Mong manh và đổ vỡ. Nghiệt ngã đến thương đau.

3. Lối đường nào cho người có đức tin?

Dù vậy, người tín hữu Kitô đúng nghĩa sẽ không thất vọng. Bởi khi tôi biết tôi phải chết, tôi sẽ ghi khắc lời dạy của Chúa Giêsu và cố gắng sống lời dạy ấy hoàn hảo nhất có thể.

Chúa dạy: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!" (Mc 13, 33-37).

Để sống lời dạy của Chúa, tôi xin được đề nghị vài cách thức:

- Phấn đấu thanh luyện mình hằng ngày để có thể xa tránh cám dỗ và sự dữ.

- Khiêm tốn quên mình, dấn thân sống theo ý Chúa. Nếp sống kiêu căng cần phải bị loại tận gốc. Nếp sống cầu nguyện khiêm nhường cần được thường xuyên phát huy.

- Thường xuyên hồi tâm để thực sự sống tinh thần ăn năn thống hối tội lỗi.

- Không bao giờ được lười biếng trong bổn phận thờ phượng Chúa, nhưng luôn lấy tinh thần đạo đức, tinh thần đức tin để tự thúc đẩy mình "siêng năng việc Đức Chúa Trời" (kinh Cải tội bảy mối có bảy đức).

- Hãy nhớ sống thánh lễ, sống mầu nhiệm Thánh Thể, khắc ghi, suy niệm và thực hành Lời Chúa.

- Siêng năng lãnh bí tích, nhất là bí tích giao hòa.

- Rộng tay sống bác ái yêu thương với mọi anh chị em.

- Luôn sống hiền hòa, tha thứ và nhẫn nhịn.

- Luôn tin tưởng và tín thác vào Chúa, thấy Chúa hiện diện trong đời mình và chân nhận hình ảnh của Chúa nơi anh chị em.

- Chấp nhận thánh ý Chúa, ngay cả khi bị thử thách đớn đau nhất, cùng quẩn nhất...
 
Hơn là những người nổi tiếng
Lm. Minh Anh
01:46 01/11/2022

HƠN LÀ NHỮNG NGƯỜI NỔI TIẾNG
“Đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài”.

Trong chuyến thăm nước Anh, Đức Bênêđictô 16 đã nói với các bạn trẻ, “Cha hy vọng, trong số các bạn đang nghe cha đây, sẽ có một số vị thánh tương lai của thế kỷ 21! Điều Thiên Chúa muốn trên hết đối với mỗi người chúng ta là phải nên thánh! Ngài yêu chúng con hơn những gì chúng con có thể tưởng tượng, Ngài muốn điều tốt nhất cho chúng con. Và điều tốt nhất là chúng con lớn lên trong sự thánh thiện!”. Đức Bênêđictô không ngần ngại thách đố các bạn trẻ Anh và các bạn trẻ trên thế giới rằng, “Hãy là những vị thánh ‘hơn là những người nổi tiếng!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy là những vị thánh ‘hơn là những người nổi tiếng!’”. Đó cũng là những gì chúng ta được thách thức nhân ngày Giáo Hội mừng kính và tôn vinh “Tất Cả Các Thánh”. Các ngài đã thực hiện điều Thiên Chúa muốn; họ chọn là những vị thánh ‘hơn là những người nổi tiếng!’; và “Đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài” như xác định của Thánh Vịnh đáp ca.

Tưởng nhớ tất cả những tâm hồn thánh thiện, những đàn ông, phụ nữ, trẻ em, những người tử đạo, những ai tuyên xưng đức tin và những con người vô danh khác đã được rửa tội hoặc chưa được rửa tội, trong đó hẳn có ông bà, cha mẹ của chúng ta… chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì tình yêu thương của Ngài đã ban cho Giáo Hội vô vàn tâm hồn thánh khiết này. Đây là điều sách Khải Huyền hôm nay nhắc đến, “Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ”. Điều phân biệt là họ đã mở lòng với ân sủng Chúa cách sâu sắc, trở nên mạnh mẽ trong Ngài. Theo những cách thức khác nhau, họ có một điểm chung là giặt trắng áo mình trong Máu Con Chiên; tức là phản ánh một điều gì đó về chân dung người môn đệ mà Chúa Giêsu đã phác hoạ qua các mối phúc trong Tin Mừng hôm nay.

Và nếu tất cả các mối phúc về căn bản là một bức chân dung hoàn hảo về Chúa Giêsu, thì từng mối phúc cũng là một chân dung của mỗi vị thánh, mà mỗi vị mỗi vẻ, mỗi sắc màu, đã góp phần làm nên cộng đồng triều thần thiên quốc. Hôm nay chúng ta mừng kính và biết ơn các ngài, những người nam người nữ thánh thiện vốn đã mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta theo một số cách thức từ những đặc sủng riêng theo ơn gọi của từng người trong họ. Đây là những môn đệ Giêsu, những người đã không rơi vào tinh thần thế tục của thời đại nhưng đã vượt lên thời đại; một số, thậm chí đã thay đổi thời đại. Họ là những người không bị văng ra ngoài bởi vòng xoáy của những sai trái đang xảy ra chung quanh. Họ tiếp tục sống trong thế giới bằng cách dõi theo Chúa Giêsu, nên giống Ngài và cuốn hút bao người tiếp cận và tin yêu Đấng họ phụng thờ.

Các thánh được mừng kính hôm nay còn là những con người đang cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Họ nói với chúng ta rằng, sự thánh thiện có thể có ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào; họ cầu cho chúng ta được nên giống Chúa, nên con cái Ngài ngày một hơn. Bài đọc thứ hai cho biết, trong cuộc sống mai sau, chúng ta sẽ nên giống Chúa; tuy nhiên, nó cũng tuyên bố rằng ‘lúc này và ở đây’, chúng ta đã là con cái Ngài, chia sẻ mối quan hệ của chính Thiên Chúa nhờ phép Thánh Tẩy đã nhận lãnh. Phải, phép Rửa là cơ sở của sự thánh thiện cho chúng ta.

Anh Chị em,

“Đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài”. Lời này đang dành cho bạn và tôi, những kẻ tìm kiếm nhan thánh Chúa. Phần phúc Nước Trời đang chờ đợi chúng ta; đó cũng là giấc mơ của Thiên Chúa. Điều tốt nhất mà chúng ta cố gắng đạt cho được ở đời này là “lớn lên trong sự thánh thiện”. Sự thánh thiện không là một điều gì đó quá sức khiến chúng ta không thể với tới; đúng hơn, phép Rửa mời gọi chúng ta nên thánh thiện, ân sủng giúp chúng ta bước đi trọn vẹn hơn vào các lối hẹp Tin Mừng; qua đó, Thiên Chúa hiện diện hoàn toàn hơn trong mỗi người và từng người. Ân sủng Chúa đổ xuống chúng ta mỗi ngày và không ngừng mời gọi chúng ta “lớn lên trong sự thánh thiện”. Công việc của chúng ta là cộng tác với ân sủng để nên thánh ‘hơn là những người nổi tiếng’, ân sủng giúp chúng ta quan chiêm thánh nhan Chúa, kết hiệp với Ngài, không chỉ mai ngày, nhưng ngay hôm nay, trong cuộc sống của mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường thích nổi tiếng dưới đất; vì thế, con nhọc nhằn, tân toan. Xin nuôi dưỡng khát vọng nên thánh trong con; với ân sủng Chúa, con sẽ làm thánh! Tại sao không?”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Ngày 02/11: Xin Đừng Quên Tôi – Forget Me Not – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
VietCatholic Media
15:40 01/11/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa".

Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

Đó là lời Chúa
 
Sự sống lại và hôn nhân ở đời sau
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
16:20 01/11/2022
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

SỰ SỐNG LẠI VÀ HÔN NHÂN Ở ĐỜI SAU

2 Mc 7,1-2,9-14; 2 Th 2,15-3,5; Lc 20,27-38

1- Vấn nạn về sự sống mai hậu

Gần cuối năm phụng vụ, chủ đề chính mà Lời Chúa hôm nay muốn giới thiệu là sự sống lại, hướng chúng ta tới cuộc sống mai sau. Đây là chủ đề được con người mọi thời quan tâm, cả những người Do Thái vào thời Chúa Giêsu và cả chúng ta hôm nay. Trong bài Tin Mừng, khi trả lời câu hỏi mà những người Xađốc đặt ra để gài bẫy Chúa Giêsu về người đàn bà có bảy người chồng. Trước hết Chúa Giêsu tái khẳng định rằng có sự sống lại ở đời sau, đồng thời Người điều chỉnh quan niệm méo mó duy vật và thực dụng của phái Xađốc về sự sống lại mai hậu.

Quả thế, hạnh phúc đời sau không phải là sự gia tăng niềm vui trần thế hay là kéo dài sự sống trần thế. Đời sống mai hậu là một đời sống hoàn toàn khác, có một phẩm chất khác như Chúa Giêsu quả quyết: “Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20,35-36).

Ở cuối bài Tin Mừng, Chúa Giêsu giải thích lý do tại sao có sự sống lại sau khi chết khi nói rằng: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy Thiên Chúa của tổ phụ Ápbraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,37-38). Vậy đâu là nền tảng của sự sống lại? Nếu Thiên Chúa được định nghĩa là Thiên Chúa của Ápbraham, Ixaác và Giacóp và là Thiên Chúa của sự sống, chứ không phải của sự chết, thì điều này có nghĩa là các tổ phụ Ápbraham, Ixaác và Giacóp vẫn còn sống ở bên Thiên Chúa, dầu họ đã chết hàng thế kỷ rồi so với lúc mà Thiên Chúa nói với Môsê. Như thế, Thiên Chúa của sự sống là nền tảng cho niềm tin vào sự sống lại của con người. Người là Đấng hằng sống và Người không muốn con người phải chết, nhưng được sống mãi. Việc Thiên Chúa đã sai Con Một làm người, chịu tử nạn và phục sinh vinh hiển để giải thoát con người khỏi chết và cho họ được sống mãi trong Thiên Chúa là bằng chứng hùng hồn cho sự sống lại mai sau.

2- Vấn nạn về hôn nhân sau khi chết

Một số người giải thích cách sai lầm câu trả lời của Chúa Giêsu cho phái Xađốc, nên đã quả quyết rằng: hôn nhân gia đình sẽ không còn tiếp tục ở trên thiên đàng. Nhưng trong câu trả lời này, Chúa Giêsu bác bỏ quan niệm méo mó mà những người Xađốc trình bày về đời sau, một quan niệm cho rằng thiên đàng đơn thuần là một sự tiếp tục tương quan vợ chồng ở trần gian. Đồng thời Chúa Giêsu mời gọi các đôi vợ chồng phải tái khám phá trong Thiên Chúa sợi dây đã liên kết họ khi ở trần gian.

Chúng ta thử đặt ra vài câu hỏi: phải chăng khi ở trần gian các đôi vợ chồng đã sống với nhau và suốt đời kính sợ Thiên Chúa, nhưng khi chết, những gì thuộc về hôn nhân của họ như tương quan vợ chồng, tình yêu và dây hôn phối… sẽ bị quên lãng hay biến mất để chỉ dành cho tình yêu Thiên Chúa mà thôi? Phải chăng có điều gì đó trái ngược với điều mà Chúa Giêsu đã nói rằng: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, thì loài người không được phân ly?” (Mt 19,6). Nếu Thiên Chúa đã liên kết họ ở trần gian, tại sao Người lại phân ly họ trên thiên đàng? Phải chăng toàn bộ cuộc sống hôn nhân này không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống của họ ở thiên đàng sao?

3- Định mệnh của sự vĩnh cửu

Chúng ta tìm thấy câu trả lời từ chính mạc khải Kinh Thánh về niềm hy vọng này. Đó cũng chính là ước vọng tự nhiên của các đôi vợ chồng. Kinh Thánh quả quyết rằng hôn nhân là “một bí tích,” bởi vì hôn nhân biểu tượng sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (Ep 5,32). Theo cái nhìn này, làm sao có thể hiểu được nếu hôn nhân sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn ở trên thiên đàng. Hôn nhân không hoàn toàn kết thúc với cái chết, tương quan và sợi dây hôn phối vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng nó được biến đổi, được “thần hóa” nhờ sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nhờ đó, nó xóa bỏ những giới hạn, bất toàn của đời sống hôn nhân ở trần gian.

Một cách tương tự, mối tương quan giữa cha mẹ và con cái hoặc tương quan bạn bè cũng vẫn tiếp tục tồn tại mà không bị quên lãng. Trong lời Kinh Tiền Tụng của thánh lễ cầu hồn, phụng vụ nói rằng: “Sự sống này chỉ thay đổi, chứ không mất đi.” Chúng ta có thể nói một cách tương tự như thế về hôn nhân, là một phần của đời sống, nó chỉ thay đổi, chứ không mất đi ở đời sau.

Đó là trường hợp của các cặp vợ chồng sống yêu thương và chung thủy với nhau trọn đời. Nhưng đối với trường hợp những người đã phải trải qua những kinh nghiệm bất đồng và đau khổ trong hôn nhân ở trần gian thì sao? Số phận của họ như thế nào? Phải chăng sợi dây hôn phối vẫn còn sẽ là một sự an ủi hay là lý do gây sợ hãi cho họ? Dựa vào giáo lý của Giáo Hội, chúng ta có thể trả lời rằng: trong thế giới của Thiên Chúa, sự dữ sẽ không còn tồn tại; những khiếm khuyết, sự thiếu thấu hiểu, cả những đau khổ đã làm họ tổn thương sẽ biến mất. Chỉ còn lại tình yêu và những gì tốt lành giữa họ tồn tại.

Các đôi vợ chồng sẽ được trải nghiệm tình yêu đích thực khi họ được tái kết hợp trong Thiên Chúa và nhờ đó, họ có niềm hạnh phúc và sự viên mãn của sự kết hợp mà họ đã có khi ở trần gian. Nhà thơ Goethe diễn tả điều này trong câu chuyện tình yêu giữa Faust và Margate: “Chỉ trên thiên đàng, sự kết hợp và niềm hạnh phúc viên mãn giữa hai thụ tạo yêu nhau mới trở thành hiện thực. Đó là điều không thể tìm thấy ở trần gian.” Trong Thiên Chúa, tất cả sẽ hiểu nhau, sẽ được hòa giải và mọi người sẽ tha thứ cho nhau.

Còn đối với trường hợp những người đã kết hôn một cách hợp luật nhiều lần thì sao? Tương quan giữa họ thế nào? Đây chính là trường hợp mà nhóm Xađốc hỏi Chúa Giêsu về bảy anh em lấy cùng một người vợ khi sống (x. Mc 12,18-27). Khi chết ai là chồng của người đàn bà này? Ngay cả trường hợp này, chúng ta phải nhắc lại một điều tương tự: đó là tình yêu đích thực và sự hiến dâng giữa vợ chồng là một điều tốt lành đến từ Thiên Chúa, chúng sẽ không bị biến mất. Nhưng trên thiên đàng không có sự tranh dành, tranh đua và ghen tuông trong tình yêu vợ chồng. Chúng là những giới hạn thuộc bản năng của thụ tạo khi ở trần gian, chúng sẽ biến mất khi ở trên thiên đàng, sẽ được hoàn toàn biến đổi. Họ sống như các thiên thần, được kết hợp nên một với Thiên Chúa và với nhau. Họ sống tình yêu đích thực của Thiên Chúa, nên họ vẫn yêu thương và tôn trọng nhau trong “trời mới đất mới.”

Như thế, cuộc sống hôn nhân ở trần gian là sự chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Trong thế giới đó, ơn gọi và đời sống gia đình sẽ được viên mãn nhờ quyền năng và ân sủng Thiên Chúa. Vì thế, các đôi vợ chồng được mời gọi hãy sống yêu thương và trung tín với nhau khi ở trần gian, để cùng nhau hưởng hạnh phúc trên thiên đàng. Đó là lời hứa và phần thưởng cho những ai sống đời sống gia đình. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một cú nhấp chuột sai, Giáo Hội mất hàng trăm ngàn Mỹ Kim. Các cuộc tấn công mạng hiện ảnh hưởng đến các tổ chức của Giáo hội
Đặng Tự Do
05:15 01/11/2022


Katholisch.de đưa tin: Caritas của Giáo phận Munich, một hiệp hội với 10.000 nhân viên, gần đây là nạn nhân của một cuộc tấn công mạng. Một lượng lớn dữ liệu, một số có khả năng nhạy cảm, đã bị đánh cắp. Bọn tội phạm đòi tiền chuộc để dữ liệu không bị phát tán. Đứng sau vụ tấn công mạng này là Blackcat, một nhóm tin tặc chuyên bán phần mềm tấn công mạng rất dễ sử dụng với giá rẻ và hoạt động của chúng đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Caritas Munich đã nói rõ rằng họ sẽ không trả tiền chuộc và đã thiết lập một cơ sở hạ tầng thay thế. Tổ chức này không phải là hiệp hội Công Giáo duy nhất là nạn nhân của kiểu tấn công này: Vatican rõ ràng cũng đã hứng chịu các cuộc tấn công có chủ đích từ một nhóm tin tặc có tên là 'Mustang Panda', được cho là thân cận với nhà nước Trung Quốc, vào mùa hè năm 2020.

Tòa thánh Vatican, Giáo phận Hương Cảng và các tổ chức khác đã bị ảnh hưởng. Trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc ở Sankt Augustin, gần Bonn, cũng được tường trình là mục tiêu. Đáp lại, các tổ chức Công Giáo đang bắt đầu đào tạo nhân viên của họ về các phương pháp hay nhất để chống lại các cuộc tấn công mạng này, nhưng quan trọng nhất là đề phòng những hậu quả nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra. Người quản lý an ninh mạng của giáo phận Munich cho biết: “Một cú nhấp chuột sai có thể dẫn đến thiệt hại vài trăm nghìn euro”.
Source:Aleteia
 
Các giám mục phản ứng với lời thề của Biden sẽ luật hóa quyền phá thai
Đặng Tự Do
05:17 01/11/2022


Đức Tổng Giám Mục Lori nhắc lại lập trường của Giáo hội và cầu xin tổng thống xem xét tác hại của việc phá thai đối với cả mẹ và con.

Hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố lên án những bình luận gần đây của Tổng thống Joe Biden, trong đó ông thề sẽ luật hóa cái gọi là quyền được phá thai nếu đảng Dân chủ duy trì quyền kiểm soát Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới đây. Tổng thống nói rõ rằng phá thai nên được cử tri quan tâm hàng đầu, trong nhận xét được đưa ra vào ngày 18 tháng 10, chỉ 22 ngày trước cuộc bầu cử.

Bình luận của Biden

Trong phát biểu của mình, được đưa ra tại Nhà hát Howard ở thủ đô, Biden đã tìm kiếm một phản ứng đầy xúc động khi anh kêu gọi tất cả hãy nhớ đến quyết định hồi tháng 6 của Tòa án Tối cao về việc đặt lại quyết định phá thai vào tay các tiểu bang. Theo hãng tin AP, ông nói:

“Tôi muốn nhắc nhở tất cả chúng ta cảm giác của chúng ta khi 50 năm tiền lệ lập hiến bị lật ngược;” Biden nói.

Biden chỉ trích các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, những người đã thúc đẩy các hạn chế phá thai ở các tiểu bang của họ, cũng như nhắc lại sự cần thiết phải có nhiều ghế hơn do Đảng Dân chủ nắm giữ để thông qua dự luật. Tổng thống thề rằng nếu đảng của ông có thể giành đủ số ghế trong Quốc hội, thì ông sẽ coi việc ký một dự luật như vậy là ưu tiên hàng đầu của mình. Biden nói:

“Nếu chúng tôi làm điều đó, đây là lời hứa mà tôi hứa với bạn và người dân Mỹ: Dự luật đầu tiên mà tôi gửi tới Quốc hội sẽ là luật hóa phán quyết Roe chống Wade,” Biden nói. “Và khi Quốc hội thông qua nó, tôi sẽ ký nó vào tháng Giêng, 50 năm sau khi Roe lần đầu tiên được Tối Cao Pháp Viện công bố.”

Phản ứng của các giám mục

Vào ngày 25 tháng 10, một tuần sau những bình luận của Biden, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã thảo luận về vấn đề này. Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của USCCB, đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh giáo huấn của Giáo hội, cũng như nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì phẩm giá của cuộc sống con người.

“Tổng thống đã sai lầm nghiêm trọng khi tiếp tục tìm mọi cách có thể để tạo điều kiện cho việc phá thai, thay vì sử dụng quyền lực của mình để tăng cường hỗ trợ và chăm sóc các bà mẹ trong những tình huống khó khăn,” Đức Tổng Giám Mục Lori viết.

Ngài thúc giục tổng thống xem xét bạo lực liên quan đến thủ tục phá thai và nó làm tổn thương cả mẹ và con như thế nào:

“Chủ nghĩa cực đoan duy ý chí này phải chấm dứt và chúng tôi khẩn cầu Tổng thống Biden công nhận tính nhân văn trong những đứa trẻ sơ sinh và sự chăm sóc sinh mạng thực sự cần thiết cho phụ nữ ở đất nước này”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng, “Là những mục tử hàng ngày phải đối mặt với những tác động bi thảm của việc phá thai, chúng tôi biết rằng phá thai là một hành động bạo lực kết thúc cuộc đời của những đứa trẻ sơ sinh và làm tổn thương vô số phụ nữ”.

Đức Tổng Giám Mục Lori kết luận bằng cách nhắc lại lập trường của Giáo hội về quyền được sống:

“Giáo Hội Công Giáo mong muốn tiếp tục hợp tác với chính phủ và các nhà lãnh đạo của chúng ta để bảo vệ quyền sống của mỗi con người và bảo đảm rằng các bà mẹ mang thai và nuôi dạy con cái được hỗ trợ đầy đủ trong việc chăm sóc con cái của họ trước và sau khi sinh”
Source:Aleteia
 
Ủy viên tự do tôn giáo Hoa Kỳ: Vatican nên suy nghĩ lại về thỏa thuận với Trung Quốc
Đặng Tự Do
05:18 01/11/2022


Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, “vô cùng thất vọng” với quyết định của Vatican trong việc gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc, và Ủy ban đã bày tỏ những thất vọng của mình với các cơ quan hữu quan chính phủ Hoa Kỳ.

“Với tư cách là một người Công Giáo, tôi chắc chắn hiểu rằng Vatican đang chơi trò chơi lâu dài ở đây và không nghĩ đến những tình huống trước mắt, nhưng tôi nghĩ rằng những thỏa thuận này đã không tạo ra bất kỳ sự cải thiện nào về tự do tôn giáo cho người Công Giáo ở Trung Quốc, và tôi nghĩ rằng Tòa thánh nên thực sự suy nghĩ lại quyết định của mình đừng khiêu vũ với Tập Cận Bình trong toàn bộ công việc này,” Ủy viên USCIRF Stephen Schneck nói với Crux.

Tổng thống Joe Biden đã bổ nhiệm Schneck, một người Công Giáo, vào ủy ban chín người vào tháng Sáu. USCIRF là một ủy ban liên bang độc lập, lưỡng đảng theo dõi và báo cáo về tự do tôn giáo cho chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ. Cơ quan này tách biệt với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Người Công Giáo ở Trung Quốc từ lâu đã bị chia rẽ giữa những người thuộc giáo hội chính thức, được nhà nước công nhận và một giáo hội thầm lặng trung thành với Đức Giáo Hoàng.

Vài tháng trước khi Schneck được bổ nhiệm, USCIRF đã công bố báo cáo năm 2022, trong đó tuyên bố rằng “bất chấp thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, chính quyền vẫn tiếp tục sách nhiễu và giam giữ các linh mục Công Giáo thầm lặng từ chối tham gia hiệp hội Công Giáo do nhà nước kiểm soát, chẳng hạn như Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) năm nay 64 tuổi, Giám Mục của giáo phận Tây Hương (Xixiang, 西乡县) tỉnh Hà Bắc.

Sau thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, đã có sự gia tăng các cuộc đàn áp, đặc biệt là đối với các cộng đồng thầm lặng: có các giám mục bị quản thúc tại gia, chẳng hạn như Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国); có các giám mục đã bị cắt nước, điện và khí đốt, chẳng hạn như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进); có cả một Giám Mục phải ngủ đầu đường xó chợ, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì bọn cầm quyền cộng sản cấm không cho các tín hữu chứa chấp ngài. Đó là trường hợp của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民); và có cả các giám mục phải chịu học tập cải tạo để “tẩy não”, như trường hợp Đức Cha Trương Vĩ Trụ vừa nêu.

Cũng có trường hợp của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, người cùng với 5 người khác, bị bắt vào tháng 5 theo luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt vì bị cáo buộc thông đồng với các lực lượng nước ngoài. Họ phải đối mặt với các cáo buộc nghiêm trọng vì không ghi danh với cảnh sát địa phương cho một quỹ cứu trợ hiện không còn tồn tại nhằm trợ giúp pháp lý và y tế cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019.

Ngoài ra, ông trùm truyền thông Công Giáo và người ủng hộ dân chủ Jimmy Lai hiện đang thụ án 20 tháng tù giam vì các cáo buộc liên quan đến vai trò của anh ta trong các cuộc biểu tình trái phép trong các cuộc biểu tình năm 2019. Anh ta đang chờ xét xử về các tội danh liên quan đến luật an ninh quốc gia, trong đó anh ta có thể bị kết án tù chung thân. Phiên tòa dự kiến diễn ra vào tháng 12.

Schneck nêu bật tình hình đối với những người Công Giáo thầm lặng và trường hợp của Đức Hồng Y Quân và Lai khi đặt câu hỏi về quyết định của Tòa thánh trong việc gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc.

“Tôi rất lo ngại,” Schneck nói. “Thật khó để tưởng tượng rằng họ có thể hy vọng bất cứ điều gì trong một trận đấu dài hơi; Tình hình trước mắt ở Trung Quốc đối với người Công Giáo là điều mà tôi nghĩ Tòa thánh nên quan tâm”.

Ủy viên USCIRF nói thêm rằng một phần của vấn đề là sự thiếu minh bạch từ Vatican về những gì trong thỏa thuận. Và anh ấy lo ngại về việc chính phủ Trung Quốc “Nhất thể hóa” tôn giáo ở Trung Quốc về cơ bản làm cho các tôn giáo tồn tại phù hợp với văn hóa và xã hội Trung Quốc.

Schneck nói: “Tôi không thể tưởng tượng được những gì đang diễn ra bây giờ lại đáng giá như vậy trong tương lai. Trên thực tế, tôi muốn nói rằng đây là nhận xét của cá nhân tôi, nhưng tôi thấy rằng trên thực tế, Trung Quốc có thể đang sử dụng thỏa thuận này để đàn áp hơn nữa đối với những người Công Giáo Trung Quốc, và nếu đó là tình huống, thì Vatican thực sự đang mất vị thế với Trung Quốc, và không giành được vị trí nào cả.”

Vào ngày 22 tháng 10, Tòa Thánh đã thông báo rằng thỏa thuận với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục đã được gia hạn thêm hai năm. Thỏa thuận được ký kết vào tháng 9 năm 2018 và được gia hạn vào tháng 10 năm 2020. Các điều khoản chính xác của thỏa thuận chưa bao giờ được công khai, nhưng nó được cho là cho phép Tòa thánh bổ nhiệm các giám mục từ một số ứng cử viên do chính phủ Trung Quốc đề xuất.

Chỉ có sáu giám mục Trung Quốc được bổ nhiệm kể từ khi thỏa thuận được thực hiện. Năm 2020 và 2021, Giám mục Tôma Trần Thiên Hạo (Chen Tianhao, 陈天皓) và Giám mục Phanxicô Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi, 崔庆琪) đã nhậm chức trong các giáo phận tương ứng của họ, với sự sắp xếp và công bố của chính quyền Trung Quốc, mà không có bất cứ thông báo nào rằng họ đã được lựa chọn và phê duyệt bởi Tòa thánh, và các cuộc cử nhiệm họ không xuất hiện trong bản tin hàng ngày về các cuộc bổ nhiệm do văn phòng báo chí Vatican phát hành. Nói cách khác, Tòa Thánh hoàn toàn không hề hay biết gì về việc bổ nhiệm hai Giám Mục Tôma Trần Thiên Hạo và Phanxicô Thôi Khánh Kỳ.

Trong thông báo, Tòa thánh cho biết Vatican “cam kết tiếp tục đối thoại với sự tôn trọng và mang tính xây dựng với Đảng Cộng sản Trung Quốc để thực hiện có hiệu quả Hiệp định và phát triển hơn nữa quan hệ song phương, nhằm thúc đẩy sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo và những điều tốt đẹp của người Trung Quốc.”

Khi được hỏi thông điệp mà sự gia hạn thỏa thuận này gửi đến những người Công Giáo ở Trung Quốc là gì, Schneck nói rằng đó là một thông điệp gây ra hoang mang.

“Ai là mục tử đức tin của họ khi các vị này đến từ một giáo hội của nhà nước?”
Source:Crux
 
Tập chú vào đối thoại, chuyến đi Bahrain của Đức Phanxicô nhằm mở các cánh cửa
Vu Van An
13:35 01/11/2022

Theo hãng tin Catholic News Service, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Bahrain, một hành trình sẽ đưa ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm vương quốc Ả Rập ngay ngoài khơi bờ biển Ả Rập Xê Út trong Vịnh Ba Tư.



Chuyến thăm từ ngày 3-6 / 11 có hai mục tiêu chính: Phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại Bahrain: Đông và Tây vì sự chung sống của con người, và khuyến khích các cộng đồng người Công Giáo và Kitô giáo chủ yếu là người nước ngoài sống và làm việc ở khu vực đa số theo đạo Hồi.

Với chủ đề của chuyến thăm, "Hòa bình trên Trái đất cho những người thiện chí", Đức Giáo Hoàng muốn trở thành "sứ giả của hòa bình", kêu gọi tất cả mọi người và các quốc gia xích lại gần nhau, không có thành kiến và cởi mở để nhìn nhận lẫn nhau như anh chị em.

Đây sẽ là quốc gia có đa số người Hồi giáo thứ 13 mà ngài đã đến thăm trong gần 10 năm làm giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Bahrain để cổ vũ hơn nữa sự hợp tác giữa các tôn giáo vì “có mối quan tâm chung giữa các tôn giáo độc thần”, Đức Cha Paul Hinder, Đại diện Tông tòa Bắc Ả Rập, nói với các phóng viên qua video từ Abu Dhabi ngày 24 tháng 10.

Mong muốn chung là giúp “chăm sóc sáng thế… vì biết rằng nếu có xung đột giữa các quốc gia đa số theo Kitô giáo và Hồi giáo, thì đó là một vấn đề cho toàn thế giới, không chỉ cho một hoặc hai quốc gia,” vị Giám mục người Thụy Sĩ 80 tuổi cho biết như thế. Ngài là người đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của vùng Ả Rập vào năm 2003, và hiện đang giám sát Bahrain, Kuwait, Qatar và, một cách chính thức cả Ả Rập Xê Út.

Ngài nói, ý định của Đức Thánh Cha là “làm cho chúng ta hiểu rằng điều hoàn toàn cần thiết” là tìm ra một nơi có thể có sự tôn trọng và hợp tác hỗ tương mạnh mẽ.

Đức Giáo Hoàng sẽ có cơ hội nhấn mạnh vai trò của các chính phủ, các nhà ngoại giao và các thành viên của xã hội dân sự khi ngài gặp họ vào ngày 3 tháng 11 tại Cung điện Sakhir. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ gặp Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa, người đã mời Đức Giáo Hoàng và tài trợ cho Diễn đàn Đối thoại.

Bahrain, một quốc gia quần đảo thịnh vượng với khoảng 30 hòn đảo, là quốc gia nhỏ nhất ở Trung Đông, với khoảng 1.5 triệu người, khoảng một nửa trong số đó là người lao động nước ngoài. Khoảng 74 phần trăm cư dân theo đạo Hồi và 9 phần trăm theo Kitô giáo. Những người theo Ấn giáo, Phật giáo và Do Thái giáo nằm trong số các cộng đồng khác có mặt tại đây.

Đức Cha Hinder cho biết không có số liệu thống kê chính thức về số Kitô hữu, nhưng Giáo Hội ước tính có khoảng 80,000 người Công Giáo ở Bahrain, trong đó có khoảng 1,000 người là công dân của tiểu vương quốc này.

Người Công Giáo ở Bahrain chủ yếu đến từ Phi Luật Tân, Ấn Độ và Sri Lanka. Người Nam Mỹ, người châu Âu và người Ả Rập từ vùng Levant chiếm phần còn lại của dân số Kitô giáo trên đảo.

Đức Cha Hinder cho biết những người Công Giáo rất vui mừng vì Đức Giáo Hoàng sẽ đến để khuyến khích họ trong đức tin.

Ngài nói, họ là “một bầy chiên nhỏ bé với ít hoặc thực tế không có quyền lực”. Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng khiến họ “cảm thấy được công nhận. ‘Chúng tôi hiện hữu!’" Và nó sẽ nâng cao tinh thần của họ.

Ngài nói, những người lao động xa xứ không có một cuộc sống dễ dàng, không phải vì họ sống ở một đất nước Hồi giáo, mà bởi vì đó là một cuộc sống đầy bất trắc khi nhiều người cố gắng tìm ra bước đi tiếp theo của họ: ở lại, trở về quê nhà hay tìm kiếm việc làm ở Tây Phương.

Đức Cha cho hay, tự do tôn giáo nói chung được tôn trọng ở Bahrain, “mặc dù không hoàn toàn lý tưởng”. Thí dụ: không có trở ngại pháp lý chính thức nào đối với việc trở lại đạo, nhưng có thể có áp lực rất lớn từ xã hội và đặc biệt từ gia đình chống lại việc trở lại đạo.

Bahrain là quốc gia đầu tiên ở Vịnh Ba Tư xây dựng một nhà thờ Công Giáo - Nhà thờ Thánh Tâm, được khánh thành vào đêm Giáng sinh năm 1939. Vào ngày cuối cùng của ngài ở Bahrain, Đức Giáo Hoàng sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện ở đó với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và những người làm công tác mục vụ.

Đất nước này hiện cũng là nơi có nhà thờ lớn nhất trong khu vực Vịnh Ba Tư; Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập được thánh hiến vào tháng 12 tại Awali, cách thủ đô Manama 16 dặm về phía nam. Nó được xây dựng để phục vụ tốt hơn cho dân số Công Giáo ngày càng tăng - ước tính khoảng 2.5 triệu người - khắp vùng Vịnh.

Đức Giáo Hoàng sẽ tổ chức một cuộc họp đại kết và cầu nguyện cho hòa bình tại nhà thờ lớn vào ngày 4 tháng 11, ngay sau khi ngài gặp Sheikh Ahmad el-Tayeb, đại giáo sĩ của đền thờ Hồi giáo và đại học Al-Azhar của Ai Cập, và với các thành viên của Hội đồng Nguyên lão Hồi giáo - một nhóm học giả và chuyên gia Hồi giáo quốc tế - tại đền thờ Hồi giáo của Cung điện Sakhir.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia Bahrain ở Awali vào ngày 5 tháng 11, và Đức Hinder cho biết các nhà tổ chức đã dành chỗ ngồi dành riêng cho những người Công Giáo từ các quốc gia lân cận, đặc biệt là từ Ả Rập Xê-út, nơi không cho phép các Kitô hữu thực hành đức tin của họ một cách công khai.

Đức cha Hinder hy vọng, chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ gửi “một tín hiệu mạnh mẽ” tới Ả Rập Xê-út, quốc gia này chắc chắn sẽ theo dõi, nhưng đang di chuyển chậm hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực khi nói đến sự tôn trọng nhiều hơn đối với tự do tôn giáo và phẩm giá của tất cả mọi người.

Vị giám mục này nói, "Tôi tin tưởng rằng khi tới một quốc gia nhỏ không có nhiều quyền lực trong trò chơi chính trị ở Trung Đông" có lẽ là “một nơi tốt để gửi tín hiệu” đến khu vực xung quanh.

Trong khi đã có một số cải cách chính trị, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã đánh dấu một số lo ngại, đặc biệt là với hệ thống tài trợ thị thực visa lao động, một điều hiện đang mang lại cho người sử dụng lao động quyền lực quá mức đối với nhân viên nước ngoài của họ và với việc sử dụng án tử hình và án tù dài hạn đối với các nhà tranh đấu dân chủ.

Đức Cha Hinder cho biết ngài sẽ không mong đợi Đức Giáo Hoàng sẽ công khai nêu lên những lo ngại đó vì theo kinh nghiệm của ngài, nhiều việc có thể được thực hiện “ở hậu trường”.

Theo ngài, các quốc gia ở Tây phương đã quen với việc có thể công khai chỉ trích người khác. Tuy nhiên, Bahrain có “văn hóa khẳng định”, nhấn mạnh đến sự khen ngợi và động viên, đồng thời không khuyến khích những lời chỉ trích công khai, vốn bị coi là thiếu tôn trọng.

Ngài nói, điều hiệu quả hơn trong các cuộc thảo luận của ngài với các nhà lãnh đạo là tâm sự một cách chân thành và riêng tư theo cách “cởi mở đầu óc” đối với các vấn đề đang bàn.

Ngài cho biết, “Tôi hy vọng một số điều có vấn đề cũng sẽ có trên nghị trình”, nhưng được xử lý một cách kín đáo hơn, ngoài ánh đèn sân khấu.

Ngài nói: “Những chuyến thăm mang tính biểu tượng như vậy của một vị giáo hoàng sẽ có những tác động mà ngày nay chúng ta có thể không lường trước được. Tôi nghĩ rằng những bước đi dũng cảm của ngài sẽ mở được nhiều cánh cửa. Chúng ta không biết ở đâu, nhưng tôi hy vọng chúng cũng sẽ đóng góp vào các giải pháp cho các cuộc xung đột trong khu vực và có lẽ cả trên hoàn cầu ”.
 
Nữ tu 87 tuổi bắt và khống chế tên trộm trong tu viện của mình
Đặng Tự Do
17:15 01/11/2022


Nữ tu lớn tuổi một mình đối mặt với một tên trộm được cho là đang cố ăn trộm của hai nữ tu. Một nữ tu 87 tuổi là nhân vật chính của một sự kiện bất thường mà tạ ơn Chúa đã kết thúc tốt đẹp.

Như nhật báo La Razón của Tây Ban Nha đã đưa tin vào ngày 20 tháng 10 vừa qua, một nữ tu thuộc tu viện Santa Clara ở khu vực cổ kính của thành phố Palencia, Tây Ban Nha, đã can đảm đối mặt với một tên trộm được cho là đang cố ăn trộm từ tu viện.

Khoảng 6:20 chiều, nữ tu nhận thấy rằng một phụ nữ đã vào tu viện. Rõ ràng, cô ta đã vào tòa nhà qua cửa quay của tu viện và đang cố ăn trộm, lợi dụng lúc các nữ tu đang cầu nguyện trong nhà nguyện.

Mặc dù đã 87 tuổi, nhưng nữ tu đã đối đầu với người phụ nữ và thậm chí vật lộn với cô ta. Vị nữ tu đã kiềm chế được người phụ nữ cho đến khi cảnh sát đến. Các nhân viên cảnh sát, khi đến nơi và nhìn thấy những gì đã xảy ra, đã rất ngạc nhiên trước sự táo bạo của một nữ tu lớn tuổi dũng cảm, người không ngại đối đầu với ai đó để ngăn họ ăn trộm của tu viện.

Điều cuối cùng mà người phụ nữ 45 tuổi không mong đợi là sự phản kháng và kết cục như thế này. Cô bị cảnh sát bắt và đưa đến phòng giam của Sở cảnh sát tỉnh Palencia, để đưa ra tòa.

Nữ tu được chăm sóc bởi các dịch vụ y tế đến tu viện, mặc dù cô được phát hiện là hoàn toàn không hề hấn gì.

Các vụ trộm trước đó.

Rõ ràng, đây không phải là lần đầu tiên người phụ nữ cố gắng ăn trộm từ tu viện Santa Clara ở Palencia, một tòa nhà kiểu Gothic thế kỷ 15 hoành tráng. Các nữ tu báo cáo rằng một thời gian trước họ đã bắt được cô ấy đang trốn khỏi nơi này, sau khi họ nhận ra rằng tiền đã bị mất trong tu viện. Tuy nhiên, vào thời điểm đó họ quyết định không khiếu nại và để sự việc trôi qua.

Tuy nhiên, lần này tình hình nghiêm trọng hơn, nguy hiểm đến tính mạng của người nữ tu. Vì vậy, vụ việc có khả năng phải ra tòa. Cadena Ser báo cáo rằng người phụ nữ này cũng là thủ phạm của hai vụ đột nhập khác liên quan đến một nhà thờ khác trong cùng thành phố vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua.

Về phần kẻ trộm, cô hy vọng sẽ có thời gian để suy ngẫm về hành động của mình và cầu xin sự tha thứ. Trong lịch sử của Giáo hội, những tên trộm có cơ hội tìm thấy một nơi vui vẻ với Chúa khi họ đã ăn năn về những hành vi sai trái của mình. Thánh Dismas, Kẻ trộm lành đã bị đóng đinh bên cạnh Chúa Kitô, là vị thánh bảo trợ của họ, và trong thời đại của chúng ta, có những người đã khám phá ra sức mạnh và vẻ đẹp của lòng thương xót của Chúa đối với tất cả chúng ta.
Source:Aleteia
 
Số người Công Giáo Thụy Sĩ rời bỏ Giáo Hội ở mức kỷ lục vào năm 2021
Đặng Tự Do
17:16 01/11/2022


Một số lượng kỷ lục người Công Giáo Thụy Sĩ đã chính thức rời khỏi Giáo hội vào năm 2021, theo số liệu thống kê mới.

Viện Xã hội học Mục vụ Thụy Sĩ, gọi tắt là SPI, ở St. Gallen cho biết có 34,182 người rời bỏ Giáo Hội vào năm ngoái, nhiều hơn khoảng 2,500 người so với năm kỷ lục trước đó là 2019.

Khoảng 2.96 triệu người vẫn là tín hữu của Giáo hội vào cuối năm 2021, trên tổng dân số Thụy Sĩ khoảng 8.7 triệu người.

Giáo Hội Tin lành ở Thụy Sĩ cũng báo cáo số lượng người ra đi kỷ lục vào năm 2021, với 28,540 người.

Thụy Sĩ là một nước cộng hòa liên bang bao gồm 26 bang. Các số liệu mới nhất về sự ra đi của Giáo hội không bao gồm các bang mà tư cách thành viên không liên quan đến việc đóng thuế nhà thờ, chẳng hạn như Geneva, Valais, Neuchâtel và Vaud, trang web của Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ kath.ch đưa tin.

Tỷ lệ bỏ đạo khác nhau giữa các bang. Basel-Stadt, bang cực bắc của Thụy Sĩ, ghi nhận tỷ lệ cao nhất là 3.6%, trong khi các bang lân cận là Aargau và Solothurn cũng ghi nhận con số tương đối cao là 2.4%.

Tỷ lệ bỏ đạo tổng thể là 1.5%, mà kath.ch cho biết có thể so sánh với tỷ lệ ở các nước láng giềng Đức và Áo.

359,338 người chính thức rời bỏ Giáo Hội Công Giáo ở Đức vào năm 2021. Mức cao trước đó là 272,771, được ghi nhận vào năm 2019.

Đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Giám Mục Valerio Lazzeri, 59 tuổi, người đã lãnh đạo Giáo phận Lugano ở bang Ticino, miền nam Thụy Sĩ, kể từ năm 2013.

Lazzeri cho biết ngài đã quyết định từ chức vì “sự mệt mỏi nội tâm” mà ngài cảm thấy đặc biệt trong hai năm qua.
Source:Pillar Catholic
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nam Úc: Lễ giỗ thứ 59 cố TT Ngô Đình Diệm
Jo. Vĩnh SA
02:07 01/11/2022

Lời Cố TT Ngô Đình Diệm: "Tôi tiến hãy theo tôi -Tôi lui hãy giết tôi -Tôi chết hãy nối chí tôi"

Tháng 11 lại về, tháng mà người Công Giáo Việt Nam có nhiều ngày lễ lớn như lễ các Thánh, lễ cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn, lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và một ngày rất đáng nhớ đối với nhiều người Việt tự do khắp nơi trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, đó là ngày giỗ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu (trùng ngày lễ các Đẳng Linh Hồn, ngày 02 tháng11).

Trong tinh thần kính nhớ và tri ơn vị Tổng Thống đầy tài đức, đã khai sinh nền đệ I Việt Nam Cộng Hòa và tưởng nhớ đến các quân, dân, cán, chính VNCH đã vị quốc vong thân. Hội Bạn Thái Hà Nam Úc đã tổ chức thánh lễ giỗ lần thứ 59 cho cố Tổng Thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm vào lúc 6 giờ 30 chiều, thứ Hai 31/10/2022 tại Thánh đường Maximilian Kolbe, giáo xứ Ottoway, Nam Úc.
Rất đông người đã đến tham dự thánh lễ giỗ chiều tối hôm nay dù thời tiết có mưa nhiều và gió mạnh. Ngoài những giáo dân tại Nam Úc còn có một số quan khách đại diện các đoàn thể, tổ chức và gia đình cựu quân nhân VNCH thuộc Cộng Đồng Người Việt Tư Do Nam Úc.

XEM HÌNH

Trước khi thánh lễ bắt đầu, BTC đã ngỏ lời chào mừng cộng đoàn và nhắc lại ý nghĩa của buổi lễ cầu nguyện cho cố Tổng Thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm và tưởng nhớ đến các quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh vì lý tưởng độc lập, tự do cho dân tộc.

BTC cũng đã có vài dòng tóm lược về cuộc đời hoạt độngvà sự hy sinh của vị Tổng Thống nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Cả cộng đoàn đều xúc động khi nghe lại câu nói bất hủ của vị chí sĩ yêu nước này:“Tôi tiến hãy tiến theo tôi, tôi lùi hãy giết tôi, tôi chết hãy nối chí tôi”.

Tiếp sau phần mở đầu là phần thắp nến và rước lên bàn thờ hương án để tưởng niệm và cầu nguyện cho chí sĩ Ngô Đình Diệm và các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ lý tưởng tự do và dân chủ Việt Nam Cộng Hoà.

BTC đã mời mọi người dời bước xuống cuối nhà thờ để cùng đoàn rước gồm: Các vị bô lão trong quốc phục truyền thống áo dài khăn đóng, các quân nhân VNCH, rước di ảnh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm lên bàn thờ hương án kế gian cung thánh.
Khi di ảnh đã được an vị trang trọng ở phía trái cung thánh, giữa 2 câu đối “Tổ Quốc Ghi Ơn- Muôn Dân Mến Mộ “ và cờ Vàng Tổ quốc. Tất cả mọi người đã lần lượt tiến lên, đặt ngọn nến lung linh trước di ảnh cố TT Ngô Đình Diệm để tưởng niệm vị chí sĩ hết lòng yêu, thương dân của nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa.

Sau phần rước di ảnh, thắp nến tưởng niệm là Thánh lễ cầu nguyện do Cha Marek, chánh xứ Ottoway cử hành.
Trong phần giảng lễ, sau bài 2 Thánh thư và bài Tin Mừng theo thánh Matthêu, Cha chủ tế đã chia sẻ ý nghĩa bài học về “8 Mối Phúc Thật”. Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, những ai hiền lành, những ai xây dựng hòa bình,.... những ai bị bách hại vì lẽ công chính, thì nước trời là của họ. Đây là những phẩm chất của đời sống đạo hạnh, của các vị thánh, mà chúng ta có thể nhận thấy qua cuộc đời của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Tiếp theo là phần lời nguyện giáo dân, cầu cho 2 linh hồn Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, linh hồn các chiến sĩ trận vong, cho đồng bào đã hy sinh vì lý tưởng độc lập tự do dân chủ và hoà bình.

Trước khi thánh lễ kết thúc, vị đại diện Hội Bạn Thái Hà Nam Úc đã có vài lời cám ơn linh mục chủ tế, tất cả quan khách, hội đoàn và cộng đoàn đã tham dự thánh lễ giỗ lần thứ 59 cầu nguyện và thắp nến tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Buổi lễ kết thúc lúc 07 giờ 30 tối cùng ngày. Một số người cũng chưa vội về ngay, mà còn lưu lại để chụp ảnh bên di ảnh TT Ngô Đình Diệm, cùng chia sẻ tâm tình tri ơn đối với vị hiền tài của đất nước và ước mong cho đất nước Việt Nam được tự do, dân chủ, công lý và hòa bình, sớm trở lại trên quê hương yêu dấu.

Văn Khánh tường thuật



 
Bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
09:40 01/11/2022
Bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh

WHĐ (01.11.2022) – Hôm nay, ngày 01 tháng 11 năm 2022, Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Giuse Bùi Công Trác, linh mục thuộc tổng giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, làm Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận này, hiệu tòa Arsennaria.

Linh mục Giuse Bùi Công Trác đang đảm trách chức vụ Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

* * * * *

Tiểu sử linh mục Giuse Bùi Công Trác

- Sinh ngày 05/05/1965 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, thuộc giáo xứ Chính tòa giáo phận Đà Lạt

- 1993 – 1999: Học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn

- Ngày 30/06/1999: Được truyền chức linh mục tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, thuộc linh mục đoàn tổng giáo phận Tp. HCM

- 1999 – 2003: Phụ tá giáo xứ Thủ Thiêm, tổng giáo phận Tp. HCM

- 2003 – 2004: Phục vụ tại Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn

- 2004 – 2010: Du học tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana – Rôma (The Pontifical Gregorian University), Ý; tốt nghiệp học vị Tiến sĩ Giáo huấn xã hội Công giáo

- 2010 – 2016: Phó Giám đốc Giáo hoàng Học viện Quốc tế Truyền giáo thánh Phaolô Tông đồ (The Pontifical International Missionary College of St. Paul the Apostle), trực thuộc Bộ Truyền Giáo – Rôma, Ý

- 2010 – 2013: Phó Chủ tịch Hội Liên Tu sĩ Rôma

- 2013 – 2016: Chủ tịch Hội Liên Tu sĩ Rôma

- Từ 2016 đến nay: Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, tổng giáo phận Tp. HCM

- Ngày 01/11/2022: Được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá, hiệu tòa Arsennaria.
 
ĐẠI HỘI THÁNH MẪU CỘNG ĐỒNG Công Giáo VIỆT NAM – TGP SYDNEY 2022 - Hội Thảo Chung ĐGM Tôma Nguyễn Thái Thành và Quý Cha
Khanh Lai
16:05 01/11/2022
 
Đa sắc dân rước kiệu kính Đức Mẹ tại xứ Thánh Maria Goretti, San Jose
Thái Phạm
16:59 01/11/2022
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ 2022
Văn Minh
21:20 01/11/2022
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ 2022

“Các thánh đều là những con người bình thường như chúng ta, tuy nhiên, tất cả các ngài đều khao khát đi tìm được gặp Chúa”

Linh mục (Lm) Martinô Đoàn Văn Hoàng Thanh Đạm – Chánh xứ Vĩnh Hòa đã chia sẻ như thế trong Thánh lễ mừng kính các Thánh Nam Nữ, diễn ra lúc 17g30 thứ Ba ngày 1-11-2022, tại ngôi nhà thờ đá giáo xứ Vĩnh Hòa.

Xem Hình

Sau bài công bố Tin Mừng Mt 5,1-12a, Lm Martinô đã quảng diễn về Tám mối Phúc thật và mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy gẫm và chọn cho mình một câu để áp dụng trong đời sống của mình. Chúa Giêsu kêu gọi mọi người được nên thánh, tuy nhiên, việc nên thánh rất dễ nhưng cũng rất khó, bởi vì nó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải bỏ đi cái tôi hẹp hòi ích kỷ của mình, bỏ đi sự đố kỵ ghen ghét và nói hành nói xấu người khác...vv

Việc trở nên thánh không phải ở đâu xa mà ngay chính trong gia đình của mình. Trong đó vợ chồng phải biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau dưỡng dục con cái và xây dựng một gia đình hạnh phúc. Đồng thời, chúng ta cũng phải biết học hỏi các nhân đức nơi các thánh. Bởi vì, tất cả các thánh đều là những con người bình thường như chúng ta, tuy nhiên, tất cả các ngài đều khao khát đi tìm được gặp Chúa. Ngoài ra, chúng ta còn phải biết hy sinh chịu đựng gian khổ, chấp nhận khó khăn thử thách trong cuộc sống nữa.

Thánh lễ nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 18g10.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Lm Chánh xứ Martinô nhắc nhở các em thiếu nhi và cộng đoàn mỗi khi vào nhà thờ hoặc đi từ bên này qua bên kia thì chúng ta phải cúi mình thờ lạy Chúa.

Được biết mừng lễ kính các Thánh Nam Nữ hôm nay, giáo xứ có tổ chức Thánh lễ lúc 5g sáng và 12g.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đảo chính 01.11.1963
Phạm Văn Hưởng
21:18 01/11/2022
Đảo chính 01.11.1963

*Tường thuật của cựu Đại tá Phạm Văn Hưởng, nguyên Tham Mưu Phó Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, kiêm Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn I phòng thủ Dinh Gia Long, 1963.

Sau đảo chính Thi Đông 11.11.1960 thất bại. Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ chính thức làm Tham mưu trưởng (TMT) Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống (LĐ), Thiếu tá Phạm Văn Hưởng tiếp tục giữ chức Tham mưu phó (TMP) và Thiếu tá Huỳnh Văn Lạc, cựu sĩ quan tùy viên (1954-55) từ trường Võ bị Đà Lạt về, làm Đại đội trưởng Cận vệ thay Đại úy Hoàng Đình Tư nằm bệnh viện. Sau ngày hai sĩ quan Không quân ném bom Dinh Độc Lập, các tổ phòng không được tổ chức chu đáo hơn. Ngoài Đại đội Công vụ, Ban Quân nhạc, Đại đội Truyền tin, Quân y và Đại đội Cận vệ biệt lập, Lữ đoàn còn có 6 Đại đội Bộ binh, chia làm 2 Tiểu đoàn: A và B.

Lữ đoàn lập ra 2 Chiến đoàn: Chiến đoàn I do tôi (Thiếu tá Phạm Văn Hưởng) chỉ huy, có nhiệm vụ phòng thủ Dinh Gia Long, gồm Tiểu đoàn A với 3 Đại đội Bộ binh và ½ đơn vị Thiết giáp Lữ đoàn. Bô Chỉ huy Chiến đoàn đặt trong nhà lều, cạnh gốc cây đa trước cửa chính Dinh Gia Long. Chiến đoàn II, gồm Tiểu đoàn B với 3 Đại đội Bộ binh, ½ thiết giáp còn lại và Đại đội Công vụ, có nhiệm vụ phòng thủ Thành Cộng Hòa và ứng chiến tổng quát, do Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Tham Mưu Trưởng, làm Chiến đoàn trưởng. Tư lệnh Lữ đoàn là Trung tá N. N. K., chỉ huy tổng quát, đóng tại Thành Cộng Hòa. Trong những ngày tháng 10/1963, dân chúng chuyền tai nhau sắp có đảo chánh… Quân nhân Lữ đoàn cấm trại 100% về đêm. Trưa và chiều 50% chia nhau về ăm cơm. Những hàng rào thép gai và ngựa sắt bao rộng vây quanh Dinh, chỉ mở một lối nhỏ cho dân chúng đi lại.

Ngày 12.10.1963, Tổng thống (TT) đi kinh lý Đà Lạt và hôm sau đến thăm trạm phát tuyến Phát Chi cách thị xã Đà Lạt hơn 20 km. Tôi và Đại úy Nguyễn Văn Lung, Đại đội trưởng Truyền tin Lữ đoàn tháp tùng Tổng thống. Tại đây, Đại úy Lung trình Tổng thống một mật thư từ Bangkok gửi cho Tướng Minh, nói ra phi trường nhận. Tướng Đính trình Tổng thống xin cho chận đường Tướng Minh lúc về, tịch thu bức thư để khai thác. Tổng thống bảo: ‘Không được’. Người tôn trọng luật pháp. Trong đêm Tướng Đính chỉ huy Quân đội và Cảnh sát khám các chùa, tôi nghe Tướng Đính cũng đã điện đàm trình Tổng thống cho xông vào Usaid bắt Thượng tọa Thích Trí Quang. Tổng thống cũng trả lời là ‘không được’.

Diễn tiến

Ngày 01.11.1963, Lễ Các Thánh, nghỉ buổi sáng. Độ 1 giờ trưa, nghe thấy tiếng súng liên thanh lẫn súng trường nổ chát chúa phía sân vận động Hoa Lư, trước cửa nhà tôi số 17, đường Hồng Thập Tự. Tôi vội chạy sang Thiếu tá Duệ buồng bên cạnh để bàn luận. Thiếu tá Duệ nói: ‘Anh gấp lên Dinh, có gì tôi báo anh ngay’. Tôi bảo nhà tôi: ‘Chắc không sao. Anh phải lên Dinh gấp’. Dân chúng quanh Dinh nhớn nhác. Các tiệm bắt đầu đóng cửa. Tôi cho lệnh quân nhân Chiến đoàn vào vị trí chiến đấu và khép kín những cổng nhỏ đã mở cho dân chúng đi lại. Vừa tới văn phòng đã nghe tiếng Tham Mưu Trưỏng: ‘Anh Hưởng, tôi đã cho Thiết giáp Lữ đoàn dồn hết Thủy quân lục chiến vào Sân Hoa Lư rồi. Chung quanh Thành Cộng Hòa yên tĩnh. Tình hình Dinh thế nào?’. ‘Thưa anh, Dinh cũng yên. Tổng thống và ông cố vấn đang ngồi ở tầng dưới, có đầy đủ sĩ quan tùy viên và hầu cận’. ‘Anh yên tâm, tôi đã cho Đại úy Phạm Minh Xuân đem Thiết giáp ra chận Cầu Phan Thanh Giản, thế nào Sư đoàn 5 cũng vào lối đó’. Thiếu tá Duệ điện thoại tới TMT Biệt khu Thủ đô, rồi TMT Quân đoàn III để biết rõ tình hình. Tất cả đều trả lời không biết gì rõ rệt.

Ít phút sau, Đài phát thanh đường Phan Đình Phùng trổi nhạc hùng rồi tuyên bố: ‘Quân đội đứng lên làm cách mạng lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm độc tài và gia đình trị’. Danh sách các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp chỉ huy trưởng các cơ quan được xướng lên. Khởi đầu là Trung tướng Dương Văn Minh, kế đến là các tướng lãnh khác. Lữ đoàn rất đau lòng khi nghe xướng tên Trung tá N. N. K, Tư lệnh Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống và là cán bộ lãnh đạo đảng bộ Cần Lao, có tên trong danh sách tham dự lật đổ Tổng thống. Trong khi nghe đọc danh sách, Đại úy Tôn Thất Đình (anh Tướng Đính) gọi nói với Thiếu tá Duệ: ‘Tướng Đính hứa nếu Lữ đoàn đầu hàng, các sĩ quan Lữ đoàn được thăng một cấp’. Nghe tới đó, Thiếu tá Duệ đập bàn la to: ‘Tướng Đính làm loạn hả?’, rồi bỏ máy. Nhiều sĩ quan Phòng 3 nghe và kể lại như thế.

Khoảng 4 giờ. Đại úy Vũ Đức Lâm, Tiểu đoàn trưởng báo: ‘Có một số xe GMC chở quân nhân võ trang từ đường Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn tiến về Chợ Bến Thành như muốn vào Dinh’. Tôi ra lệnh: ‘Bắn chỉ thiên chận lại. Nếu cứ xông vào thì bắn thẳng’. Những tràng trung liên nổ dòn. ‘Anh Hưởng, Thiếu tá Duệ lớn tiếng hỏi, trên Dinh có gì mà nổ dòn thế?’. ‘Thưa anh, có một số xe từ Chợ Lớn’. ‘Ấy chết, anh cho lệnh ngừng ngay. Ngừng ngay. Đoàn xe này do em tôi là Chuẩn úy Nguyễn Sỹ Anh hướng dẫn, đưa quân của Tiếu đoàn 41 Biệt động quân về theo mình đó. Chính tôi đã thuyết phục được họ’.

Một phi cơ phóng pháo bất thình lình xuất hiện trên bầu trời Thành Cộng Hòa trút một quả bom nhỏ, làm mấy binh sĩ bị thương. Thiếu tá Duệ lệnh cho Đại úy Trần Văn Xuân, Đại đội trưởng Đại đội 2, có Chi đoàn Thiết giáp yểm trợ ra chiếm Đài phát thanh Quân đội, để Trung úy Bảo phát thanh hiệu triệu của Tổng thống. Nửa giờ sau, Xuân báo cáo đã chiếm được đài. Mọi người chờ đợi nghe hiệu triệu. Đợi mãi không nghe gì, hỏi lại mới biết Xuân chỉ chiếm từng dưới. Thiếu tá Duệ cho lệnh Xuân, bằng mọi giá phải chiếm lầu trên gấp.

Trong trại tù Hà Tây, cựu Đại tá Phạm Lợi (Quân nhu) đã thân mật tâm tình với cựu Đại tá Nguyễn Văn Bảo (Công binh): ‘Trung tá Đỗ Bá Liên và tôi ở trên lầu với ba chuyên viên, chỉ có mấy khẩu súng lục, sợ đái ra quần. Không hiểu sao lính Lữ đoàn không lên. Lên là chúng tôi đầu hàng liền’. Đại tá Bảo nói: ‘Sao lính Lữ đoàn nhát thế?’. Ông Xuân người Huế, sợ nguy hại bản thân sau này, cho nên đã bắt chước Trung tá tư lệnh LĐ?!

Khoảng 5 giờ chiều, Đại tá Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5 dẫn đầu Sư đoàn từ Biên Hòa theo xa lộ vào Sài Gòn. Bị Thiết giáp Lữ đoàn chặn lại ngay đầu cầu Phan Thanh Giản; ông liền vòng lại và vào lối Gò Vấp.

Một giờ sau, Trung tá Vĩnh Lộc, Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp, dẫn đoàn xe Thiết giáp vào cầu Phan Thanh Giản. Bị chặn lại, ông xuống xe, một mình tiến lên hỏi: ‘Ai chỉ huy ở đây?’. ‘Thưa Trung tá, Đại úy Phạm Minh Xuân, Liên đoàn trưởng Thiết giáp’. Trung tá Vĩnh Lộc: ‘Em mời Đại úy ra đây gặp Trung tá’.

Dùng võ lực, Trung tá Vĩnh Lộc nhắm chắc sẽ thất bại vì quân nhân Lữ đoàn nhiều kinh nghiệm, có tinh thần, lại được trang bị toàn xe loại mới với vũ khí tốt; trong khi Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp chỉ có xe và vũ khí cũ kỹ, quân nhân các đơn vị về học, ít tinh thần chiến đấu, làm sao đối địch được với quân của Lữ đoàn. Đại úy Xuân đi tới và lễ phép đứng nghiêm chào: ‘Thưa thầy’. Trung tá Vĩnh Lộc nói: ‘Em à, chúng mình là quân nhân, đánh nhau có tội với tổ quốc. Chúng mình không làm chính trị. Ai làm kệ họ. Em cho thầy vào Sài Gòn được không?’. Xuân trả lời: ‘Thưa được, mời thầy vào’. Trung tá Vĩnh Lộc băng cầu vào thẳng Đài phát thanh, kịp ngăn không cho Lữ đoàn chiếm lầu Đài phát thanh.

Đại úy P.M.Xuân Thiết giáp là cán bộ cao cấp Đảng Cần lao, đã mở cửa cho địch vào Sài Gòn. Sau 30.4.1975, Trung tá Xuân ở tù tại Yên Bái; bị nhiều người phiền trách, ông đã 2 lần cắt máu tay tự sát và qua đời. Nấm mồ ông chôn trên đồi bên kia hồ cá lớn của các ‘bò lục’ (tiếng lóng trong tù Cộng sản chỉ các sĩ quan cấp đại tá).

Tôi đi lên Dinh rồi, ít phút sau, vợ tôi bà Bạch Yến ra cửa trước số 17 đường Hồng Thập Tự, ngó ra đường thấy lính Thủy quân lục chiến gác đường. Bà vào lấy nữ trang, ít tiền và quần áo bỏ trong bị xách tay, rồi dẫn đàn con 6 đứa ra đi, Thanh Hương lớn nhất 11 tuổi, Thu Hồng nhỏ nhất mới lên 2. Bố tôi nhất định ở lại coi nhà.

Lính canh thấy bà bầu sắp tới ngày sinh dẫn đoàn con thơ đi, đã không ngăn cản. Mẹ con phải đi bộ trên trăm mét quá ngã tư mới gặp Taxi. Tiếng súng nhiều hướng bắt đầu nổ. Mẹ con tới nhà Bác Long (ông Hòa Phát đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận), anh ruột Bạch Yến, mặt mày lo lắng, sợ hãi. Suốt đêm ấy, vợ tôi nghe tiếng súng đã không ngủ được; chợt thấy đau bụng, sợ tới ngày sinh, mới cho chị dâu biết. Chị nói: ‘Cô đừng lo, sinh ở đây có đầy đủ áo và tã lót’. Thực ra, Bạch yến lo là lo cho chồng đang chiến đấu trong Dinh. Đài phát thanh ra rả thông báo: ‘Tất cả Quân đội, Hải Lục Không quân đứng lên làm cách mạng lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị. Một lữ đoàn Phủ tổng thống làm sao chống lại được cả Quân đội’. Bạch Yến nghe càng lo lắng thêm, đã điện thoại vào gặp chồng, nhắc lại luận điệu của Đài phát thanh và khuyên chồng nên bỏ về nhà. Tôi trả lời: ‘Anh nghe rồi, em đừng nói nữa!’.

Khoảng 6 giờ chiều, Thiếu tá Phạm Văn Phú, Chỉ huy phó Sở Liên Lạc, cử Thiếu úy Hòa, sĩ quan cận vệ của ông, lên gặp tôi trước cửa Dinh Gia Long. Hòa nói: ‘Thưa chú, Thiếu tá Phú cho cháu lên thưa với chú: Lữ đoàn đưa Thiết giáp và 2 Đại đội Bộ binh lên phối hợp với Lực lượng Đặc biệt đánh thẳng vào tòa nhà chính nơi các tướng lãnh đang họp. Bộ Tổng Tham Mưu hiện chỉ có tân binh Quang Trung canh gác. Lữ đoàn yểm trợ hỏa lực và Lực lượng Đặc biệt đánh mìn 3 cầu thang. Thắng lợi chắc chắn 100%. Hòa gọi vợ chồng tôi là chú dì ruột. Tôi trình Thiếu tá Duệ, Tham Mưu Trưởng và hai chúng tôi cùng thảo luận. Cuối cùng Thiếu tá Duệ trình lên Tổng thống. Tổng thống thảo luận với ông cố vấn rồi cho lệnh: ‘Không được. Hãy dành lực lượng và võ khí để đánh Cộng sản. Người nhà không nên tàn sát lẫn nhau. Lữ đoàn hãy bảo vệ Bưu điện và Kho bạc’.

Trong khi tôi và Chuẩn úy Phạm Như Khuê, sĩ quan Truyền tin đang đi bộ trước Dinh Gia Long thì Pháo binh Trường huấn luyện Phú Lợi đặt đại bác 105 ly trên xa lộ rót vào vườn cây trước Dinh Độc Lập hai trái. Sợ Truyền tin Phủ Tổng thống đặt tại nhà lều bị hại, tôi ra lệnh dọn vào tầng dưới Tòa án bên kia đường.

Khoảng 9 giờ tối, Đại úy Bằng, hầu cận Tổng thống, điện thoại cho tôi xin mở cổng và dọn đường để xe 2 ngựa của Ông Cao Xuân Vĩ chở ít hồ sơ mật về Tòa Đô chính. Thực ra, chiếc xe ấy đưa Tổng thống và ông cố vấn ra khỏi Dinh. Sau khi cho mở cổng, tôi ra lệnh chiến xa chạy tuần tiễu ầm ầm quanh Dinh, để Đại úy Trang Khánh Hưng, sĩ quan tham mưu Ông Cao Xuân Vĩ lái xe 2 ngựa chở Tổng thống và ông cố vấn ra khỏi Dinh qua cổng Pasteur, chạy về phía Tòa Đô chính, rồi quẹo về Chợ Lớn. Dinh Gia Long chẳng có con đường hầm nào như báo chí hồi đó tưởng tượng loan tin.

Trước khi ra đi, Tổng thống đảo mắt âu yếm nhìn nhóm sĩ quan tùy viên và những sĩ quan có mặt như muốn tạm biệt. Trung úy Lê Công Hoàn, tùy viên, người Công Giáo Phủ Cam trình xin được đi hầu cận Tổng thống. Tổng thống nhìn Hoàn nói: ‘Hoàn đã có vợ có con, cần phải ở lại với vợ con. Đỗ Thọ độc thân sẽ đi theo Tổng thống’. Đại úy Đỗ Thọ là cháu ruột Đỗ Mậu, đã chết mất xác năm 1964 trong một tai nạn máy bay. Không hiểu tại sao nhiều người suy luận, nếu Hoàn đi theo, chắc Tổng thống không chết thê thảm như thế. Sau 01 tháng 11 năm 1963, Hoàn thuyên chuyển lên Pleiku và sau khi miền Nam thất thủ, bị tù 10 năm. Lúc về, thân thể tiều tụy, bệnh tật. Trung tá Lê Công Hoàn qua đời ngày 27.12.1990 vì bệnh phổi. Rất đông bạn hữu thời Đệ nhất Cộng hòa, các tướng tá, các vị trong Giám sát viện, các vị dân biểu… tiễn anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Vợ con anh đã sang Mỹ diện HO năm 1992.

Sau khi Tổng thống đi rồi, Thiếu tá Lạc điện thoại hỏi tôi, có nên di chuyển vào Dinh Độc Lập không? (Dinh đang được xây cất lại). ‘Thưa anh, không nên, vì ở đó, dễ bị bom dội hoặc pháo binh địch tự do hoạt động và mình khó phòng thủ vì thiếu đạn dược’. Thiếu tá Duệ điện đàm yêu cầu Đại úy Xuân Thiết giáp đón chở ông lên Dinh. Xuân từ chối, viện lý do mắc đi tuần tiễu. Có lẽ Xuân bất mãn vì đã bị Tham Mưu Trưởng rầy la đã không làm tròn nhiệm vụ, để cho Trung tá Vĩnh Lộc tự do đưa Thiết giáp Vạn Kiếp vào Sài Gòn.

11 giờ đêm, Thiết giáp Vạn Kiếp dẫn đầu bao vây Thành Cộng Hòa. Trung tá Vĩnh Lộc cho xe húc đổ cánh cổng sắt đường Thống Nhất, tức cửa chính Lữ đoàn và hô binh sĩ Lữ đoàn đầu hàng. Những loạt súng các loại từ nhiều hầm trong nhà bắn trả lời.

Để không bị bắt, Thiếu tá Tham Mưu Trưởng và toàn Bộ tham mưu, đa số người Bắc và không Công Giáo, lẻn đi về khu cư xá gia đình sĩ quan Liên đoàn, rồi phân tán. Cuộc chống cự yếu dần.

Cuối cùng, Đại úy y sĩ trưởng Lữ đoàn, Bs. Nguyễn Tuấn Anh, cũng người Bắc, không Công Giáo tập họp tất cả quân nhân còn lại trong Thành Cộng Hòa, gồm Quân nhạc, Quân y, Công binh và Văn phòng cầm cờ trắng ra hàng.

Thanh toán xong Thành Cộng Hòa, vào khoảng nửa đêm, tất cả lực lượng đảo chính dồn lên bao vây Dinh Gia Long. Tổng thống đã ra khỏi Dinh, nhưng phòng thủ vẫn kiên cố và liên tục. Thiếu tướng Khiêm điện thoại cho Thiếu tá Lạc, Đại đội trưởng cận vệ cách bật đèn để xin ra hàng nếu tình trạng bắt buộc. Quân nhân Lữ đoàn, từ trên các cao ốc quanh Dinh, lác đác bắn tỉa. Lực lượng đảo chính tiến bước chậm chạp, có chiến xa Vạn Kiếp dẫn đầu.

Ngày 02.11, khoảng 3 giờ sáng, đoàn quân đảo chính tiến về Dinh Gia Long. Nhận thấy Văn phòng chỉ huy phòng thủ Dinh ở gốc cây đa quá nguy hiểm, tôi trèo qua 2 mái nhà, dọn điện thoại và máy truyền tin vào một phòng nhỏ trên lầu thượng của tòa nhà Đại sứ Lào, có mặt tiền trên đường Pasteur. Khoảng 4 giờ 30, Thiếu tá Lạc nhận lệnh và chuyển tiếp nguyên văn lệnh của Tổng thống cho tôi: ‘Tổng thống và ông cố vấn được bình an. Tổng thống cảm ơn tất cả chúng con. Các con hãy ra đầu hàng để khỏi bị tàn sát’.



Khoảng 5 giờ, xe thiết giáp tiên phong của đảo chính tiến sát Dinh. Trung úy Ngãi dẫn đầu đoàn quân, lãnh viên đạn tử thần. Trung úy Bùi Thông Tiêm, sĩ quan nghi lễ Phủ Tổng thống, đứng trong Dinh, nấp sau cột quan sát, cũng lãnh viên đạn vào giờ thứ 25, đúng vào lúc Thiếu tá Hùynh Văn Lạc cầm cờ trắng ra hàng. Tất cả Đại đội cận vệ tập họp ngồi trước thềm Dinh. Đoàn quân tiên phong đảo chính Sư đoàn 5 ùa vào Dinh tìm bắt Tổng thống và ông cố vấn. Họ thi nhau mở tủ, mở các ngăn kéo, lật các nệm giường…

Tôi ra lệnh Chiến đoàn I dưới quyền tan hàng. Rồi tôi mượn tạm nhân viên tòa Đại sứ Lào một bộ quần áo để về nhà được an toàn.

Sáng ngày 02.11, Lễ Các Linh Hồn. Tờ mờ sáng, Bạch Yến đã nhờ anh chở về nhà cũ lấy giấy tờ cần thiết. Hai anh em vào nhà qua cửa nhỏ nhà in. Trong khi anh đứng nói chuyện với một người lính Thủy quân lục chiến, Bạch Yến đi về phía buồng ngủ. Bố tôi gặp con dâu về, bất chợt khóc, mừng mừmg, tủi tủi!. Bạch Yến ôm lấy ông cụ, thấy bố chồng bình yên cũng bật khóc vì vui mừng, làm cho ông cụ rất cảm động và được an ủi rất nhiều. Bạch Yến vào buồng, nhanh tay mở tủ sắt, lấy giấy tờ bỏ vào giỏ, rồi cùng bố chồng và anh ra đi ngay.

Trên đường về, bố tôi kể lại: Đêm qua, nghe tiếng súng nổ dữ quá, ông cụ sợ nằm một xó. Thiếu tá Duệ phải sang dẫn cụ xuống hầm ngủ với binh sĩ. Tuy vẫn không ngủ được, nhưng cụ bớt sợ. Sau đó, hai anh em trở lại lần nữa, tính lấy thêm ít quần áo và đồ dùng. Vào nhà, hai anh em thấy 3 người cởi trần, mồ hôi nhễ nhãi, đang thay phiên nhau dùng cuốc chim bổ tủ sắt. Hai anh em đành ra về tay không, vì buồng nào cũng có người vào lục soát. Bạch Yến đau lòng nhìn sản nghiệp, đồ đạc của gia đình tiêu tan. Tới nhà khoảng 11 giờ trưa, Bạch Yến vui mừng nhìn thấy chồng bình an, khoẻ mạnh, đang điện thoại cho Thiếu tá Duệ và hẹn cùng nhau 4 giờ chiều vào trình diện Bộ Tổng Tham Mưu, để tránh mọi rắc rối có thể xẩy ra.

Trung tướng Khiêm, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân đội thay Đại tướng Lê Văn Tỵ, cho hai Thiếu tá Lữ đoàn vào ngay, khỏi phải đợi lâu. Ông đứng dậy bắt tay hai người rồi nói: ‘Tổng thống và ông cố vấn đã qua đời. Các anh là sĩ quan trong Quân đội không làm chính trị, các anh không có tội gì. Các anh về lại Lữ đoàn kêu gọi tất cả quân nhân tiếp tục làm việc’. Suy nghĩ mấy phút, ông nói tiếp: ‘Để tiện làm việc, hai anh về Biệt khu Thủ đô trình diện Thiếu tướng Là’.

Cũng cần nhắc lại: Thiếu tá Duệ là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12 khi ông Khiêm làm Tư lệnh Sư đoàn 4 ở Biên Hòa và Thiếu tá Hưởng từng là Chánh văn phòng cho ông khi ông làm Quyền Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Tôi (Thiếu tá Hưởng) cũng đã điện đàm với ông khi ông đem Sư đoàn 9 về cứu giá vụ đảo chính 11.11.1960 và đã chuyển máy để ông trực tiếp thưa chuyện với Tổng thống.

Tới Biệt khu Thủ đô, hai Thiếu tá Liên đoàn đứng nghiêm chào Thiếu tá Nguyễn Hữu Dụng, Tham Mưu Trưởng Biệt khu Thủ đô. Thiếu tá Duệ nhắc lại lời Trung tướng Khiêm. Thiếu tá Dụng lên giọng nói: ‘Thiếu tướng Là mất chức rồi, hiện ngồi chơi! Trung tướng Đính, Tư lệnh Quân đoàn 3, kiêm luôn Tư lệnh Biệt khu Thủ đô’. Cũng nên biết Dụng đã làm TMT cho Tướng Nguyễn Văn Là hơn 3 năm! Nói xong, Thiếu tá Dụng ra đi và độ 15 phút sau, ông trở lại với bộ lon Trung tá mới trên vai do Tướng Đính gắn cho. Hai sĩ quan Lữ đoàn đứng nghiêm chào: ‘Xin chúc mừng Trung tá!’. Dụng lên tiếng: ‘Tôi đã trình Trung tướng về hai anh. Trung tướng chỉ thị các anh làm một bản Thông cáo đại diện quân nhân Lữ đoàn, nói Lữ đoàn đã phục vụ cho một chế độ độc tài, gia đình trị…’. Hai chúng tôi cương quyết từ chối. Dụng điện thoại lại cho Tướng Đính. Sau khi nhận chỉ thị của Tướng Đính, Dụng nói: “Các anh muốn viết gì tùy ý’. Hai anh em thảo luận, rồi đưa bản Thông cáo đại ý: ‘Chế độ cũ đã tàn và chế độ mới ra đời. Quân nhân các cấp thuộc Lữ đoàn hãy về ngay Thành Cộng Hòa tiếp tục phục vụ trong Quân đội, không nên sợ hãi mà trốn tránh kẻo phạm tội đào ngũ’. Tướng Đính đồng ý bản Thông cáo và hai chúng tôi được đưa tới Đài Phát thanh Quân đội. Thiếu tá Duệ đọc bản Thông cáo. Cùng ký tên: Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Cựu TMT Liên đoàn và Thiếu tá Phạm Văn Hưởng, Cựu Tham mưu phó LĐ. Sau đó, hai chúng tôi bị đưa về trại giam An ninh Quân đội thuộc Biệt khu Thủ đô ở Chợ Lớn. Có lẽ Tướng Đính báo thù hai chúng tôi vì câu trả lời của Thiếu tá Duệ: ‘Thiếu tướng Đính làm loạn hả?’.

Nhìn từ ngoài cổng, tòa nhà như một biệt thự thường, nhưng vào trong có nhiều ngựa giăng kẽm gai. Bước vào hành lang chính, trông về trước là một nhà tôn và sau đó là một dẫy nhà lá rào kẽm gai rất dầy. Không thấy một cửa sổ nhỏ, không lối ra vào, chỉ có một lỗ nhỏ, đủ để đút chén cơm, ly nước. Thành phần nào bị giam trong đó? Chúng tôi bị nhốt trong đó sao? Không, chúng tôi bị giữ trong nhà tôn trống, không tường, nằm giữa nhà chính và nhà lá. Hai người bị lột thắt lưng, bị khám xét có dao kéo không. Tôi điện thoại xin Trung tá Triển, Giám đốc Quân nhu, gửi mỗi người hai bộ quần áo, một mùng và một mền.

Ngày hôm sau, chúng tôi nhận giấy bút để kê khai lý lịch và tài sản (bắt buộc phải khai chi tiết). Nhiều người nghĩ những sĩ quan Lữ đoàn được nhiều ân huệ! Thực sự Tổng thống mỗi tháng cho quân nhân các cấp mỗi người 50$, gọi là tiền bao thơ của Tổng thống. Ngày Tết, Tổng thống chỉ thị Sở Nội dịch hái xoài trong Dinh cho Lữ đoàn ăn Tết! Trung bình, hai người được một quả. Các sĩ quan xin không lãnh mà nhường cho binh sĩ.

Tôi kê khai rất rõ: Tôi bị tù trong Chiến dịch Tây Bắc tại Sơn La từ Tháng 11 năm 1952. Được tha vào Tháng 12 năm 1954. Tháng 01.1955, trốn vào Nam cùng bố, mẹ, vợ, con với hai bàn tay trắng. Tháng 8 năm 1955, được gọi tái ngũ. Thời gian ở tù coi như không bị gián đoạn quân vụ và được truy lãnh khoản tiền trong thời gian bị tù CS.

Sau một tuần bị giam, hai chúng tôi được tự do. Vui mừng vì được thả, nhưng khi về Lữ đoàn lại gặp cảnh đau lòng: Trung tá N. N. K., tiếp tục chỉ huy, đã bắt Đại úy Lâm Văn Thuận, Trưởng phòng tài chánh mua 6 bó bông to đẹp đi mừng 6 tướng đã thành công giết Tổng thống. Đó là 6 tướng: Minh (Cồ), Kim, Đôn, Khiêm, Xuân và Đính. Ngoài ra, ông còn họp Bộ Tham Mưu Liên đoàn trách chúng tôi: ‘Các anh chiến đấu mà không nghiên cứu tương quan lực lượng, một lữ đoàn mà dám chống lại cả Quân đội Thủy, Lục, Không quân’.

Sợ nguy hại cho bản thân mình, ông đã quên nhiệm vụ của Lữ đoàn mà ông đảm nhận là bảo vệ Tổng thống và gia đình Người. Ông đã quên lời ông thề hứa với Tổng thống, mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, khi đem các sĩ quan TMT và TMP lên chúc thọ Người. Có một số sĩ quan cao cấp đã không theo đảo chính. Một số bị sát hại, như Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải quân; Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt và em ông là Thiếu tá Lê Quang Triệu, TMT. Riêng hai vị Thiếu tướng Nguyễn Văn Là, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, bạn Tướng Minh và Đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Nhảy dù, bạn Tướng Khiêm chỉ bị canh giữ, rồi tha. Nhiều người nói: đảo chính không dám hại ông Viên, sợ Nhảy dù ra quân chống đảo chính nếu ông Viên bị hại.

Đầu Tháng 01 năm 1964, Trung tá Đầy về làm Tư lệnh thay Trung tá N.N. K. Trung tá K. được điều về Phủ Tổng thống. Sau đó, đi làm Thị trưởng Đà Nẵng. Còn các sĩ quan cao cấp Lữ đoàn, đàn em ông, bị thuyên chuyển đi các vùng chiến thuật I và II: Thiếu tá Duệ bị giam thêm hai tuần tại Nha An ninh Quân đội, rồi đi vùng I. Thiếu tá Hưởng đi Ban Mê Thuột, Vùng II. Thiếu tá Lạc xuống Cần Thơ, Vùng 4 và Bác sĩ Anh đi Pleiku, Vùng II… Lúc mà tôi (Thiếu tá Hưởng) nhận lệnh thuyên chuyển, Trung tướng Khiêm, Tổng Tham Mưu trưởng Quân đội đang đi công du ngoại quốc, Trung tướng Đôn tạm thay. Tướng Đôn ký cho tôi đi Sư đoàn 23 ở Ban Mê Thuột và ghi: “Đương sự 8 năm ở Sài Gòn làm văn phòng, Sư đoàn cho đi đơn vị tác chiến”.

Năm 1954, sau khi ở tù Cộng Sản về, tôi được học Khóa tham mưu và mãn khóa xuất sắc, bò từ Trưởng phòng I Chiến dịch Trương Tấn Bửu lên Chánh văn phòng Tham Mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng Tham mưu, rồi Trưởng phòng An ninh Bộ Quốc phòng và cuối cùng Tham mưu phó Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống. Bất cứ ở cấp bậc nào và đảm nhận chức vụ gì, tôi luôn phục vụ tận tâm, làm tròn mọi công việc giao phó.

Tôi trình diện Sư đoàn đúng ngày ấn định. Sau khi xem kỹ hồ sơ, Đại tá Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Sư doàn 23, chỉ định tôi làm Quân trấn trưởng Ban Mê Thuột, lo phòng thủ an ninh và kỷ luật Quân đội trong thị xã, đồng thời kiêm Trưởng phòng Ấp Tân Sinh Khu 23 Chiến thuật thay Thiếu tá TMT Sư đoàn.

Tướng Đính nhận mình có công đầu, đã tự thăng lên trung tướng, nắm Bộ Nội vụ và thăng cấp cho một số đàn em. Việc làm đầu tiên của Tướng Đính là cho nhảy đầm tự do và bỏ lơ quốc sách Ấp Chiến lược (Chính thức, mãi tới ngày 09.3.1964, Thủ tướng Nguyễn Khánh mới kí hủy bỏ quốc sách Ấp Chiến Lược) khiến cho các ấp chiến lược bị tan rã, tình hình an ninh xuống dốc nhanh chóng. Việt Cộng nằm vùng và du kích tự do xâm nhập các ấp quấy phá và ám sát… Đồng bào bỏ nhà cửa ruộng vườn vào các thành phố, nhất là Sài Gòn - Gia Định, để lánh nạn. Nhiều tướng lãnh lộng hành ký thăng cấp cho đàn em hoặc người trong gia đình. Tướng Mai Hữu Xuân, Tổng giám đốc Công an, bắt bỏ tù những người ông không ưa. Thí dụ: Ông Trần Vững, người An Lộng, Quảng Trị, công chức chính ngạch, Trưởng phòng xuất ngoại Tổng Nha Cảnh sát, bị Tướng Xuân bỏ tù sau đảo chính. Họ tưởng ông giầu có. Sau một tuần điều tra, người ta chỉ thấy nhà ông ở phía sau Dòng Chúa Cứu Thế trong khu ổ chuột. Một nửa nhà nằm trên trên đất liền, nửa nhà sau nằm trên ruộng rau muống. Trong nhà không gì có vật gì đáng giá, ngoài hai chiếc xe đạp. Lương tháng nào xào tháng đó. Ông hiền lành đạo đức. Cuối cùng, ông được tha, nhưng bị sa thải. Ông phải đi làm công cho trại gà Scala của Dòng Chúa Cứu Thế.

Một lần, Đại tá Hoàng Lạc và tôi có dịp gặp lại Thiếu tướng Đỗ Mậu, lúc đó là Phó Thủ tướng đặc trách Văn hóa (ông chỉ có bằng tiểu học Pháp). Ông than phiền: ‘Mới rời Quân đội một tháng đã bị Bộ Tổng Tham Mưu cho đòi nhà, đòi xe và đòi người. Không biết tôi có công hay có tội trong vụ lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm?’.

Ba tháng sau khi lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, Mỹ lại bật đèn xanh cho Các Tướng Khánh, Khiêm, Viên làm chỉnh lý ngày 30 Tháng 01 năm 1964, không mất một viên đạn, bắt 4 Tướng Đôn, Kim, Xuân và Đính giam tại Đà Lạt. Sau này, Tướng Dương Văn Minh cũng bị đẩy đi làm Đại sứ lưu động!

Thiếu tá Nhung, tùy viên của Tướng Minh, người đã dùng dao găm và súng sát hại anh em Tổng thống, bị Nhảy dù bắt giam. Mấy ngày sau nghe tin ông đã treo cổ tự vẫn.

Bộ Tổng Tham Mưu phải mất một thời gian điều chỉnh lại cấp bậc cho các sĩ quan đã được thăng cấp sau vụ đảo chính 01.11.1963.

Chắc có độc giả thắc mắc: Tại sao tôi bị tù Cộng Sản 2 năm, khi về lại được tín nhiệm đảm trách nhiều chức vụ quan trọng? Xin thưa: ‘Trước là nhờ Chúa và Đức Mẹ, sau là có vài lý do. Sau khi mãn Khóa Sĩ quan 2 ở Huế, tôi đi hành quân hai năm liên tiếp khắp miền đồng bằng Bắc bộ: Thái Bình, Nam Định và Hòa Bình. Trong Chiến dịch Lotus, tôi được Quốc trưởng Bảo Đại gắn tại mặt trận Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng bội tinh với ngành dương liễu. Tháng 6 năm 1952, tôi được gọi theo khóa Chiến thuật Chiến lược tại Hà Nội cùng với 50 sĩ quan cao cấp: Trung tá Dương Văn Đức, Thiếu tá Nguyễn Khánh…; các Đại úy Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Đỗ Mậu; các Trung úy Ngô Dzu, Phạm Xuân Chiểu, Vương Văn Đông, Hoàng Lạc, Lê Ngọc Triển… và tôi (Phạm Văn Hưởng).

Ở tù về, tất cả các bạn cùng khóa đã thăng Trung tá, Đại tá, thấy tôi sa cơ thất thế, ai cũng hết lòng thương nâng đỡ. Người nâng đỡ đầu tiên là Đại tá Trần Thiện Khiêm. Ông cử tôi làm Trưởng phòng nhân viên Chiến dịch Trương Tấn Bửu và 3 tháng sau, cử làm Trưởng cơ quan thanh toán Chiến dịch. Khi về giữ quyền Tham mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng Tham Mưu, ông cử tôi làm Chánh văn phòng cho ông. Nhiều người hỏi tôi là người Bắc hay Nam, có họ thế nào với Đại tá Khiêm? Rồi Trung tá Hoàng Lạc giới thiệu tôi về Bộ Quốc phòng. Trung tá Triển hỏi ý kiến Trung tá Viên, Biệt bộ Tham mưu Phủ Tổng thống và Trung tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha an ninh Quân đội. Cả hai đồng ý không trở ngại và nói Hưởng là người hiền lành đạo đức. Trung tá Triển trình lên Tổng thống đề cử tôi làm Tham mưu phó Lữ đoàn Liên Binh Phòng vệ Phủ Tổng thống. Thấy ý kiến hai Trung tá, Tổng thống chấp thuận.

Như thế, làm sao tôi không trung thành với Người trong hai cuộc đảo chính?.

*Phạm Văn Hưởng
 
VietCatholic TV
Ukraine đánh mạnh ở Kherson: 46 tăng, thiết giáp Nga ra đi trong 24h. Anh tố Nga nghe lén Liz Truss
VietCatholic Media
04:05 01/11/2022


1. Ukraine đánh mạnh vào Kherson

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 1 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã thực hiện 75 vụ pháo kích, đánh vào các cụm binh lực và thiết bị của đối phương.

46 xe tăng và thiết giáp, cùng với 620 binh sĩ đã bị loại khỏi vòng chiến trong vòng 24 giờ của ngày thứ Hai 31 tháng 10. Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhận định rằng trước các tổn thất nghiêm trọng, quân xâm lược Nga đang di tản các đơn vị và thiết bị quân sự khỏi hữu ngạn của vùng Kherson. Vì mục đích này, những kẻ xâm lược đang tịch thu các phương tiện giao thông đường thủy của dân chúng, thiết lập các cầu vượt bằng phao, cố gắng sử dụng các phương pháp thay thế tương tự để vượt sông Dnipro, thay cho các cây cầu bị hư hỏng.

Trong khi đó, kẻ thù tiếp tục mở các cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ Ukraine, cũng tấn công các vị trí của Lực lượng Phòng vệ, các lãnh thổ tiền tuyến và các khu vực xa mặt trận bằng cách sử dụng máy bay, hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, trọng pháo, súng cối và máy bay không người lái kamikaze.

Trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn lớn vào Ukraine buổi sáng, quân đội Nga ở hướng nam đã bắn 13 hỏa tiễn Kh-101, bị lực lượng phòng không tiêu diệt.

Lực lượng vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 71,820 binh sĩ Nga từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 31 tháng 10, trong đó có 620 người chỉ trong ngày qua, và ngày trước đó là con số kỷ lục lên đến 950 người.

Trong thời gian này, quân phòng thủ Ukraine đã tiêu diệt 2,686 xe tăng Nga, 5,485 thiết giáp, 1,728 hệ thống pháo, 383 hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, 197 hệ thống phòng không, 275 máy bay chiến đấu, 253 máy bay trực thăng, 1,413 máy bay không người lái trinh sát và chiến thuật, 352 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,128 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 154 thiết bị chuyên dụng

2. Ukraine kiểm soát hoàn toàn đoạn đường cao tốc Svatove – Kreminna

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 1 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đã kiểm soát được hoàn toàn đoạn đường cao tốc Svatove-Kreminna sau cuộc giao tranh ngắn ngủi với quân Nga. Quân Putin giờ đây mất tinh thần nên chống trả yếu ớt trước khi bỏ chạy để lại 4 khẩu trọng pháo đã được dùng để khống chế đoạn đường này.

“Xa lộ này nằm trong tầm kiểm soát hỏa lực của chúng tôi, chúng tôi tấn công mọi thứ có thể di chuyển trên đó, và như thế, chúng tôi không cho phép kẻ thù di chuyển binh sĩ, thiết bị quân sự hoặc đạn dược dọc theo con đường này để hỗ trợ các trận chiến đang diễn ra ở đó. Trong khu vực Bilohorivka, kẻ thù cố gắng phản công nhưng các đơn vị của chúng tôi đã đẩy lùi”, Serhiy Cherevatyy, Phát ngôn nhân của Nhóm phía Đông Các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết trong buổi truyền hình toàn quốc.

Những kẻ xâm lược có khả năng quay lại cố gắng giành lại đoạn đường cao tốc này, nhưng Bộ chỉ huy Lực lượng vũ trang “đang suy nghĩ trước các bước để điều này không xảy ra”, ông lưu ý.

Như đã báo cáo, những kẻ xâm lược đã gài mìn các bờ sông, đường xá và cầu, đồng thời làm nổ tung một cây cầu khác gần Svatove và Kreminna ở vùng Luhansk.

3. Căng thẳng cao độ giữa Anh và Nga sau vụ tấn công Crimea

Hôm Chúa Nhật 30 tháng 10, Chính phủ Anh đã được yêu cầu mở một cuộc điều tra khẩn cấp sau khi có thông tin cho rằng điện thoại của cựu thủ tướng Liz Truss đã bị hack.

Tờ The Mail on Sunday đưa tin rằng trong khi giữ chức vụ Ngoại trưởng, các tin nhắn riêng giữa cô Liz Truss và các quan chức nước ngoài, bao gồm cả những cuộc điện đàm liên quan đến cuộc chiến Ukraine, đã bị nghe lén.

Tờ báo đưa tin các đặc vụ bị tình nghi làm việc cho Nga chịu trách nhiệm về vụ tấn công bị cáo buộc.

Vụ nghe lén được cho là đã bị phát hiện khi Truss lúc bấy giờ là ngoại trưởng tranh cử vào vị trí lãnh đạo của Đảng Bảo Thủ, nhưng thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Nội các Simon Case đã quyết định không mở cuộc điều tra thêm.

Các đảng đối lập đang yêu cầu một cuộc điều tra về vụ tấn công bị cáo buộc.

Người phát ngôn của chính phủ Vương quốc Anh nói với các phóng viên:

Chúng tôi không bình luận về các thỏa thuận bảo mật của cá nhân. Chính phủ có các hệ thống mạnh mẽ để bảo vệ khỏi các mối đe dọa mạng. Điều đó bao gồm các cuộc họp bảo mật thường xuyên cho các bộ trưởng và lời khuyên về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của họ và giảm thiểu các mối đe dọa mạng”.

Diễn biến này xảy ra sau khi phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, đã tức giận cáo buộc 'các chuyên gia' của Anh, những người mà họ cho là có trụ sở tại thành phố Ochakiv, miền nam Ukraine, đã giúp chuẩn bị và huấn luyện Kyiv để thực hiện cuộc tấn công. Igor Konashenkov cũng cáo buộc Mỹ theo dõi từ trên máy bay và chỉ đạo cuộc tấn công, mặc dù ông ta không đưa ra được bằng chứng nào.

Trong một trường hợp khác liên quan đến Vương quốc Anh - nước mà Mạc Tư Khoa coi là một trong những quốc gia không thân thiện nhất với phương Tây - Nga cho biết cùng một đơn vị của Anh đã tham gia vào các vụ nổ trên đường ống dẫn khí Nord Stream vào tháng trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, cáo buộc Tổng thống Nga bịa đặt những câu chuyện để 'làm giảm giá trị của việc giải quyết thảm họa đối với cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine', đồng thời nói thêm rằng Điện Cẩm Linh đang 'rao bán những tuyên bố sai trái với quy mô hoành tráng' sau các vụ nổ lớn làm rung chuyển một cảng quan trọng của Crimea.

Nga đã tuyên bố chấm dứt 'hành lang ngũ cốc' để trả đũa sau khi tuyên bố rằng các tàu mà lực lượng Ukraine nhắm tới có liên quan đến thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc.

4. Pháp lên tiếng bênh vực Anh trước các cáo buộc của Nga

Pháp đã bác bỏ cáo buộc của Nga rằng Anh đã giúp tạo điều kiện cho các cuộc tấn công vào thành phố Sevastopol của Crimea và đường ống Nord Stream, và gọi những tuyên bố này là “vô căn cứ”.

Hôm thứ Bảy, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, đã giận dữ cáo buộc Vương quốc Anh giúp Ukraine lên kế hoạch cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thành phố Sevastopol của Crimea, và tuyên bố rằng những cuộc tấn công này được tiến hành dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia hải quân Anh.

Các quan chức Nga cũng cáo buộc các đại diện của hải quân Anh có liên quan đến các vụ nổ tại đường ống dẫn khí Nord Stream vào tháng trước nhưng không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ cho cả hai tuyên bố.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp Catherine Colonna nhận xét rằng: “Các cáo buộc do Nga đưa ra vào thứ Bảy ngày 29 tháng 10 chống lại Vương quốc Anh không dựa trên bằng chứng hữu hình và là vô căn cứ”.

Pháp gọi các cáo buộc là một ví dụ về chiến lược “bóp méo thực tế” của Nga và chuyển “sự chú ý khỏi trách nhiệm duy nhất của họ đối với cuộc chiến tranh xâm lược mà họ đang tiến hành chống lại Ukraine”.

Pháp cam kết cùng các đối tác theo đuổi “những nỗ lực cần thiết để bảo đảm rằng những lời nói dối này không thể thắng thế”, nhắc nhở Nga rằng bất chấp những nỗ lực “làm mờ nhận thức”, nước này sẽ không được miễn trách nhiệm đối với những tội ác đã gây ra ở Ukraine.

5. Nga đang 'trả thù chính xác' cho những thất bại quân sự với các cuộc tấn công gần đây, Ngoại trưởng Anh nói

Ngoại trưởng Anh cho biết Vladimir Putin đang “trả thù chính xác” cho những thất bại quân sự của mình thông qua các cuộc tấn công mới vào Ukraine và việc rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu Hắc Hải.

James Cleverly đã kêu gọi Nga xem xét lại việc tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc, nói thêm rằng việc người dân phải chịu đựng những thất bại trên chiến trường là vô lương tâm.

Ông nói thêm, không có cuộc tấn công nào gần đây của Nga phục vụ bất kỳ mục đích quân sự nào và mô tả mục đích duy nhất của Putin là “gieo rắc nỗi kinh hoàng” trên khắp Ukraine.

Bộ trưởng nói: “Putin sẽ không bao giờ phá vỡ tinh thần của người dân Ukraine.

6. Cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đa số người Mỹ nói: Putin nên bị lật đổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Should Be Overthrown, Majority of Americans Say: Poll”, nghĩa là “Cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đa số người Mỹ nói: Putin nên bị lật đổ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đa số cử tri Mỹ tin rằng tìm cách loại bỏ Tổng thống Nga Vladimir Putin khỏi quyền lực là một “mục tiêu hợp lý”, theo một cuộc khảo sát mới được thực hiện dành riêng cho Newsweek.

Vào ngày 24 tháng 2, Putin đã điều quân đội của mình vào Ukraine, gây ra một trong những cuộc chiến lớn nhất ở Âu Châu kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Sau khi người Nga thu được nhiều chiến thắng ban đầu, Ukraine đã chiếm lại một số lãnh thổ trong vài tháng qua, đặc biệt là xung quanh thành phố Kharkiv ở phía bắc và Kherson ở phía nam.

Theo cuộc thăm dò của Redfield và Wilton, được thực hiện cho Newsweek, 60% cử tri Hoa Kỳ nghĩ rằng tìm cách “loại bỏ Vladimir Putin khỏi quyền lực sẽ là một mục tiêu hợp lý.”

Ngược lại, chỉ có 18% cho rằng điều này sẽ “đi quá xa”, trong khi 22% còn lại chưa quyết định. Cuộc thăm dò không hỏi Putin nên bị loại khỏi quyền lực như thế nào.

Cuộc khảo sát với 1,500 cử tri đủ điều kiện trên khắp nước Mỹ, được thực hiện vào ngày 23 và 24 tháng 10.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy 52% người Mỹ nghĩ rằng Ukraine nên tìm cách “khôi phục tất cả các lãnh thổ bị mất kể từ tháng 2 năm 2022,” trước khi tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với Mạc Tư Khoa.

20% những người khác nghĩ rằng Kyiv nên đi xa hơn, và chiếm lại tất cả các vùng đất bị mất từ năm 2014 trở đi, bao gồm cả Crimea, trước khi đưa ra các điều khoản thương thảo. 27% còn lại nói rằng họ không biết.

Hơn một nửa số người Mỹ cho rằng việc Putin sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là “rất thực tế” hoặc “thực tế”.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Nga đã giám sát các cuộc tập trận hạt nhân lớn, mà kênh truyền hình nhà nước Nga cho biết đã mô phỏng việc “phá hủy Hoa Kỳ và nước Anh”.

Trong số những người được khảo sát, 14% nói rằng mối đe dọa Mạc Tư Khoa sử dụng vũ khí hạt nhân là “rất thực tế”, 44% khác gọi nó là “thực tế”.

Ngược lại, chỉ có 12% cho rằng khả năng đó là “không thực tế” hoặc “rất phi thực tế”.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, cuộc tập trận hôm thứ Tư mô phỏng một “cuộc tấn công hạt nhân lớn” nhằm đáp trả một cuộc tấn công vào Nga.

Hỏa tiễn hành trình, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được phóng bởi máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS.

Một hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Yars, có tầm bắn tối đa 7.500 dặm, có khả năng tấn công đất liền Hoa Kỳ từ Nga, cũng đã được thử nghiệm.

Trong một tuyên bố, Điện Cẩm Linh cho biết: “Sự kiện được tổ chức nhằm kiểm tra mức độ sẵn sàng của các cấp chỉ huy và kiểm soát quân đội cũng như kỹ năng của các nhân viên cấp cao và các hoạt động trong việc tổ chức chỉ huy và kiểm soát quân đội.

“Các nhiệm vụ đặt ra trong cuộc diễn tập của Lực lượng Răn đe Chiến lược đã được thực hiện đầy đủ. Tất cả các hỏa tiễn đều đạt mục tiêu”.

Tuy nhiên, phát biểu với tờ Kyiv Post hôm thứ Tư, Trung tướng Mỹ về hưu Ben Hodges cho biết Nga “rất khó có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân”.

Ông nói: “Nga có hàng nghìn vũ khí hạt nhân và tôi rất coi trọng các mối đe dọa, nhưng tôi nghĩ rất khó có khả năng họ sử dụng vũ khí hạt nhân vì tất cả những hậu quả tiêu cực mà họ sẽ phải đối mặt. Và tôi nghĩ rằng Điện Cẩm Linh và bộ tổng tham mưu Nga biết điều này”.

Bộ Ngoại giao Nga đã được liên hệ để đưa ra bình luận.

7. Putin nói rằng Nga đang đình chỉ nhưng không chấm dứt tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Hai cho biết Nga đang đình chỉ nhưng “không chấm dứt” việc tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc quan trọng ở Hắc Hải với Ukraine.

Quyết định của Nga được đưa ra sau khi có các mối đe dọa” đối với hành lang nhân đạo, ông Putin nói tại một cuộc họp báo sau các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan ở thành phố Sochi, miền nam nước Nga.

Hôm thứ Bảy Nga thông báo ngừng tham gia vào thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian được coi là chìa khóa để giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.

Mạc Tư Khoa cho biết họ sẽ rời bỏ thỏa thuận sau khi đổ lỗi cho Ukraine về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Crimea hôm thứ Bảy. Kyiv cáo buộc Nga đã sử dụng thỏa thuận này như một hình thức “tống tiền”.

“Toàn bộ quá trình xuất khẩu ngũ cốc từ lãnh thổ Ukraine được tổ chức với lý do bảo đảm lợi ích của các nước nghèo nhất. Và chúng tôi đã làm điều này một cách chính xác vì lợi ích của các nước nghèo nhất,” ông Putin nói.
 
Cẩn thận: Đã có hàng trăm trường hợp, chỉ một cú nhấp chuột sai, Giáo Hội mất hàng trăm ngàn Mỹ Kim
VietCatholic Media
05:13 01/11/2022


1. Một cú nhấp chuột sai, Giáo Hội mất hàng trăm ngàn Mỹ Kim. Các cuộc tấn công mạng hiện ảnh hưởng đến các tổ chức của Giáo hội

Katholisch.de đưa tin: Caritas của Giáo phận Munich, một hiệp hội với 10.000 nhân viên, gần đây là nạn nhân của một cuộc tấn công mạng. Một lượng lớn dữ liệu, một số có khả năng nhạy cảm, đã bị đánh cắp. Bọn tội phạm đòi tiền chuộc để dữ liệu không bị phát tán. Đứng sau vụ tấn công mạng này là Blackcat, một nhóm tin tặc chuyên bán phần mềm tấn công mạng rất dễ sử dụng với giá rẻ và hoạt động của chúng đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Caritas Munich đã nói rõ rằng họ sẽ không trả tiền chuộc và đã thiết lập một cơ sở hạ tầng thay thế. Tổ chức này không phải là hiệp hội Công Giáo duy nhất là nạn nhân của kiểu tấn công này: Vatican rõ ràng cũng đã hứng chịu các cuộc tấn công có chủ đích từ một nhóm tin tặc có tên là 'Mustang Panda', được cho là thân cận với nhà nước Trung Quốc, vào mùa hè năm 2020.

Tòa thánh Vatican, Giáo phận Hương Cảng và các tổ chức khác đã bị ảnh hưởng. Trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc ở Sankt Augustin, gần Bonn, cũng được tường trình là mục tiêu. Đáp lại, các tổ chức Công Giáo đang bắt đầu đào tạo nhân viên của họ về các phương pháp hay nhất để chống lại các cuộc tấn công mạng này, nhưng quan trọng nhất là đề phòng những hậu quả nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra. Người quản lý an ninh mạng của giáo phận Munich cho biết: “Một cú nhấp chuột sai có thể dẫn đến thiệt hại vài trăm nghìn euro”.
Source:Aleteia

2. Các giám mục phản ứng với lời thề của Biden sẽ luật hóa quyền phá thai

Đức Tổng Giám Mục Lori nhắc lại lập trường của Giáo hội và cầu xin tổng thống xem xét tác hại của việc phá thai đối với cả mẹ và con.

Hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố lên án những bình luận gần đây của Tổng thống Joe Biden, trong đó ông thề sẽ luật hóa cái gọi là quyền được phá thai nếu đảng Dân chủ duy trì quyền kiểm soát Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới đây. Tổng thống nói rõ rằng phá thai nên được cử tri quan tâm hàng đầu, trong nhận xét được đưa ra vào ngày 18 tháng 10, chỉ 22 ngày trước cuộc bầu cử.

Bình luận của Biden

Trong phát biểu của mình, được đưa ra tại Nhà hát Howard ở thủ đô, Biden đã tìm kiếm một phản ứng đầy xúc động khi anh kêu gọi tất cả hãy nhớ đến quyết định hồi tháng 6 của Tòa án Tối cao về việc đặt lại quyết định phá thai vào tay các tiểu bang. Theo hãng tin AP, ông nói:

“Tôi muốn nhắc nhở tất cả chúng ta cảm giác của chúng ta khi 50 năm tiền lệ lập hiến bị lật ngược;” Biden nói.

Biden chỉ trích các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, những người đã thúc đẩy các hạn chế phá thai ở các tiểu bang của họ, cũng như nhắc lại sự cần thiết phải có nhiều ghế hơn do Đảng Dân chủ nắm giữ để thông qua dự luật. Tổng thống thề rằng nếu đảng của ông có thể giành đủ số ghế trong Quốc hội, thì ông sẽ coi việc ký một dự luật như vậy là ưu tiên hàng đầu của mình. Biden nói:

“Nếu chúng tôi làm điều đó, đây là lời hứa mà tôi hứa với bạn và người dân Mỹ: Dự luật đầu tiên mà tôi gửi tới Quốc hội sẽ là luật hóa phán quyết Roe chống Wade,” Biden nói. “Và khi Quốc hội thông qua nó, tôi sẽ ký nó vào tháng Giêng, 50 năm sau khi Roe lần đầu tiên được Tối Cao Pháp Viện công bố.”

Phản ứng của các giám mục

Vào ngày 25 tháng 10, một tuần sau những bình luận của Biden, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã thảo luận về vấn đề này. Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của USCCB, đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh giáo huấn của Giáo hội, cũng như nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì phẩm giá của cuộc sống con người.

“Tổng thống đã sai lầm nghiêm trọng khi tiếp tục tìm mọi cách có thể để tạo điều kiện cho việc phá thai, thay vì sử dụng quyền lực của mình để tăng cường hỗ trợ và chăm sóc các bà mẹ trong những tình huống khó khăn,” Đức Tổng Giám Mục Lori viết.

Ngài thúc giục tổng thống xem xét bạo lực liên quan đến thủ tục phá thai và nó làm tổn thương cả mẹ và con như thế nào:

“Chủ nghĩa cực đoan duy ý chí này phải chấm dứt và chúng tôi khẩn cầu Tổng thống Biden công nhận tính nhân văn trong những đứa trẻ sơ sinh và sự chăm sóc sinh mạng thực sự cần thiết cho phụ nữ ở đất nước này”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng, “Là những mục tử hàng ngày phải đối mặt với những tác động bi thảm của việc phá thai, chúng tôi biết rằng phá thai là một hành động bạo lực kết thúc cuộc đời của những đứa trẻ sơ sinh và làm tổn thương vô số phụ nữ”.

Đức Tổng Giám Mục Lori kết luận bằng cách nhắc lại lập trường của Giáo hội về quyền được sống:

“Giáo Hội Công Giáo mong muốn tiếp tục hợp tác với chính phủ và các nhà lãnh đạo của chúng ta để bảo vệ quyền sống của mỗi con người và bảo đảm rằng các bà mẹ mang thai và nuôi dạy con cái được hỗ trợ đầy đủ trong việc chăm sóc con cái của họ trước và sau khi sinh”
Source:Aleteia

3. Ủy viên tự do tôn giáo Hoa Kỳ: Vatican nên 'suy nghĩ lại' về thỏa thuận với Trung Quốc

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, “vô cùng thất vọng” với quyết định của Vatican trong việc gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc, và Ủy ban đã bày tỏ những thất vọng của mình với các cơ quan hữu quan chính phủ Hoa Kỳ.

“Với tư cách là một người Công Giáo, tôi chắc chắn hiểu rằng Vatican đang chơi trò chơi lâu dài ở đây và không nghĩ đến những tình huống trước mắt, nhưng tôi nghĩ rằng những thỏa thuận này đã không tạo ra bất kỳ sự cải thiện nào về tự do tôn giáo cho người Công Giáo ở Trung Quốc, và tôi nghĩ rằng Tòa thánh nên thực sự suy nghĩ lại quyết định của mình đừng khiêu vũ với Tập Cận Bình trong toàn bộ công việc này,” Ủy viên USCIRF Stephen Schneck nói với Crux.

Tổng thống Joe Biden đã bổ nhiệm Schneck, một người Công Giáo, vào ủy ban chín người vào tháng Sáu. USCIRF là một ủy ban liên bang độc lập, lưỡng đảng theo dõi và báo cáo về tự do tôn giáo cho chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ. Cơ quan này tách biệt với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Người Công Giáo ở Trung Quốc từ lâu đã bị chia rẽ giữa những người thuộc giáo hội chính thức, được nhà nước công nhận và một giáo hội thầm lặng trung thành với Đức Giáo Hoàng.

Vài tháng trước khi Schneck được bổ nhiệm, USCIRF đã công bố báo cáo năm 2022, trong đó tuyên bố rằng “bất chấp thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, chính quyền vẫn tiếp tục sách nhiễu và giam giữ các linh mục Công Giáo thầm lặng từ chối tham gia hiệp hội Công Giáo do nhà nước kiểm soát, chẳng hạn như Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) năm nay 64 tuổi, Giám Mục của giáo phận Tây Hương (Xixiang, 西乡县) tỉnh Hà Bắc.

Sau thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, đã có sự gia tăng các cuộc đàn áp, đặc biệt là đối với các cộng đồng thầm lặng: có các giám mục bị quản thúc tại gia, chẳng hạn như Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国); có các giám mục đã bị cắt nước, điện và khí đốt, chẳng hạn như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进); có cả một Giám Mục phải ngủ đầu đường xó chợ, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì bọn cầm quyền cộng sản cấm không cho các tín hữu chứa chấp ngài. Đó là trường hợp của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民); và có cả các giám mục phải chịu học tập cải tạo để “tẩy não”, như trường hợp Đức Cha Trương Vĩ Trụ vừa nêu.

Cũng có trường hợp của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, người cùng với 5 người khác, bị bắt vào tháng 5 theo luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt vì bị cáo buộc thông đồng với các lực lượng nước ngoài. Họ phải đối mặt với các cáo buộc nghiêm trọng vì không ghi danh với cảnh sát địa phương cho một quỹ cứu trợ hiện không còn tồn tại nhằm trợ giúp pháp lý và y tế cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019.

Ngoài ra, ông trùm truyền thông Công Giáo và người ủng hộ dân chủ Jimmy Lai hiện đang thụ án 20 tháng tù giam vì các cáo buộc liên quan đến vai trò của anh ta trong các cuộc biểu tình trái phép trong các cuộc biểu tình năm 2019. Anh ta đang chờ xét xử về các tội danh liên quan đến luật an ninh quốc gia, trong đó anh ta có thể bị kết án tù chung thân. Phiên tòa dự kiến diễn ra vào tháng 12.

Schneck nêu bật tình hình đối với những người Công Giáo thầm lặng và trường hợp của Đức Hồng Y Quân và Lai khi đặt câu hỏi về quyết định của Tòa thánh trong việc gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc.

“Tôi rất lo ngại,” Schneck nói. “Thật khó để tưởng tượng rằng họ có thể hy vọng bất cứ điều gì trong một trận đấu dài hơi; Tình hình trước mắt ở Trung Quốc đối với người Công Giáo là điều mà tôi nghĩ Tòa thánh nên quan tâm”.

Ủy viên USCIRF nói thêm rằng một phần của vấn đề là sự thiếu minh bạch từ Vatican về những gì trong thỏa thuận. Và anh ấy lo ngại về việc chính phủ Trung Quốc “Nhất thể hóa” tôn giáo ở Trung Quốc về cơ bản làm cho các tôn giáo tồn tại phù hợp với văn hóa và xã hội Trung Quốc.

Schneck nói: “Tôi không thể tưởng tượng được những gì đang diễn ra bây giờ lại đáng giá như vậy trong tương lai. Trên thực tế, tôi muốn nói rằng đây là nhận xét của cá nhân tôi, nhưng tôi thấy rằng trên thực tế, Trung Quốc có thể đang sử dụng thỏa thuận này để đàn áp hơn nữa đối với những người Công Giáo Trung Quốc, và nếu đó là tình huống, thì Vatican thực sự đang mất vị thế với Trung Quốc, và không giành được vị trí nào cả.”

Vào ngày 22 tháng 10, Tòa Thánh đã thông báo rằng thỏa thuận với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục đã được gia hạn thêm hai năm. Thỏa thuận được ký kết vào tháng 9 năm 2018 và được gia hạn vào tháng 10 năm 2020. Các điều khoản chính xác của thỏa thuận chưa bao giờ được công khai, nhưng nó được cho là cho phép Tòa thánh bổ nhiệm các giám mục từ một số ứng cử viên do chính phủ Trung Quốc đề xuất.

Chỉ có sáu giám mục Trung Quốc được bổ nhiệm kể từ khi thỏa thuận được thực hiện. Năm 2020 và 2021, Giám mục Tôma Trần Thiên Hạo (Chen Tianhao, 陈天皓) và Giám mục Phanxicô Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi, 崔庆琪) đã nhậm chức trong các giáo phận tương ứng của họ, với sự sắp xếp và công bố của chính quyền Trung Quốc, mà không có bất cứ thông báo nào rằng họ đã được lựa chọn và phê duyệt bởi Tòa thánh, và các cuộc cử nhiệm họ không xuất hiện trong bản tin hàng ngày về các cuộc bổ nhiệm do văn phòng báo chí Vatican phát hành. Nói cách khác, Tòa Thánh hoàn toàn không hề hay biết gì về việc bổ nhiệm hai Giám Mục Tôma Trần Thiên Hạo và Phanxicô Thôi Khánh Kỳ.

Trong thông báo, Tòa thánh cho biết Vatican “cam kết tiếp tục đối thoại với sự tôn trọng và mang tính xây dựng với Đảng Cộng sản Trung Quốc để thực hiện có hiệu quả Hiệp định và phát triển hơn nữa quan hệ song phương, nhằm thúc đẩy sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo và những điều tốt đẹp của người Trung Quốc.”

Khi được hỏi thông điệp mà sự gia hạn thỏa thuận này gửi đến những người Công Giáo ở Trung Quốc là gì, Schneck nói rằng đó là một thông điệp gây ra hoang mang.

“Ai là mục tử đức tin của họ khi các vị này đến từ một giáo hội của nhà nước?”
Source:Crux
 
Biến cố lớn: Đặc công Kyiv tấn công sân bay Nga cách biên giới 800km. Thi thể tướng Nga trôi sông?
VietCatholic Media
15:47 01/11/2022


1. Biến cố rất lớn: Đặc công Ukraine tấn công vào một sân bay của Nga cách biên giới Ukraine xa đến 800km

Pskov là một thành phố ở Tây Bắc nước Nga và là trung tâm hành chính của vùng Pskov, nằm cách biên giới Estonia khoảng 20 km về phía đông, trên sông Velikaya. Dân số: 203.300 người. Tại đây có trung tâm huấn luyện không quân lớn nhất nước Nga và một căn cứ không quân đứng hàng thứ năm của cả nước.

Pskov là một trong những thành phố lâu đời nhất ở Nga. Nó từng là thủ đô của Cộng hòa Pskov trước khi nó nằm dưới sự kiểm soát của Đại công quốc Mạc Tư Khoa.

Dưới thời chính quyền Xô Viết, hầu hết các phần trong thành phố đã được xây dựng lại, nhiều tòa nhà cổ kính, đặc biệt là các nhà thờ, đã bị phá bỏ để nhường không gian cho các công trình mới. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thành phố có từ thời Trung cổ này không có khả năng bảo vệ trước pháo binh hiện đại của Đức Quốc Xã, và Pskov đã bị thiệt hại đáng kể trong thời gian Đức chiếm đóng từ ngày 9 tháng 7 năm 1941 đến ngày 23 tháng 7 năm 1944. Một phần lớn dân số đã chết trong chiến tranh, và Pskov kể từ đó đã phải vật lộn để giành lại vị trí truyền thống như một trung tâm công nghiệp và văn hóa lớn của miền Tây nước Nga.

Tên của thành phố, ban đầu là Pleskov, có thể được dịch là “thị trấn của những dòng nước thanh khiết”. Nó được biết đến trong lịch sử bằng tiếng Anh là Plescow.

Forbes là tờ báo thương mại lâu đời của Hoa Kỳ vừa có bài tường thuật nhan đề: “Ukrainian Saboteurs Reportedly Blew Up Russian Helicopters 500 Miles From Ukraine”, nghĩa là “Các đặc công Ukraine làm nổ tung các trực thăng Nga cách biên giới Ukraine đến 500 dặm hay 800 km”. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Các trung đoàn không quân Nga sử dụng máy bay trực thăng tấn công Ka-52 do công ty Kamov sản xuất đã gặp phải một cuộc chiến khó khăn. Tình hình vừa trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ ít nhất một phần tư trong số hơn 100 chiếc Ka-52 hai cánh quạt mà lực lượng không quân vận hành trong cuộc chiến quy mô lớn của Nga nhằm vào Ukraine bắt đầu vào cuối tháng Hai. Cơ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết, hiện các đặc công Ukraine đã làm hỏng hoặc phá hủy 4 chiếc Ka-52 khác tại một sân bay ở miền tây nước Nga.

“Hai chiếc Ka-52 đã bị phá hủy tại sân bay ở khu vực Pskov, và hai chiếc khác bị hư hỏng nghiêm trọng”, cơ quan thông tấn của tình báo quân đội Ukraine tuyên bố hôm thứ Hai.

Dù chưa thể khẳng định được tuyên bố của cơ quan này, nhưng người dùng mạng xã hội Nga đã đề cập đến các sự việc liên quan đến trực thăng ở vùng Pskov. Và có một đoạn video mô tả vụ phá hoại ngay giữa ban ngày. Đoạn video ngắn mô tả một người đàn ông đang cúi mình bên chiếc Ka-52, chuẩn bị thứ có vẻ như là một quả bom kết hợp giữa ngòi nổ MD-5M với công tắc hẹn giờ VZD-6Ch.

VZD-6Ch hoạt động với khoảng thời gian lên đến sáu giờ, cho phép kẻ phá hoại có nhiều thời gian để thoát ra ngoài.

Các đặc vụ Ukraine làm việc ở Pskov sẽ phải cần nhiều thời gian. Căn cứ không quân Veretye ở Pskov nằm cách biên giới Nga với Estonia 15 km và cách Ukraine đến 500 dặm hay 800 km. Không rõ bằng cách nào những đặc công này có thể xâm nhập vào Nga, nhưng chắc chắn họ đã phải di chuyển một quãng đường rất xa.

Cho dù những quả bom đã phá hủy hoàn toàn các chiếc trực thăng Ka-52 hay chỉ làm hỏng một phần, thì vụ tấn công này cũng là một đòn mạnh. Ka-52 hai chỗ ngồi là trực thăng tấn công tốt nhất của Nga. Và nguồn cung cấp ngày càng thiếu.

Lực lượng không quân đã bị mất ít nhất 25 chiếc Ka-52 mà các nhà phân tích bên ngoài có thể xác nhận được. Hầu hết đều bị hệ thống phòng không Ukraine bắn hạ, nhiều chiếc bị bắn rơi khi đang bay lượn trong khi tổ lái của họ cầm thiết bị chỉ định laser nhắm vào mục tiêu để dẫn đường cho các hỏa tiễn chống tăng.

Đừng trông chờ vào việc nhà sản xuất Kamov sẽ sớm bù đắp được những thiệt hại đó. Kamov đã mất 14 năm để cung cấp khoảng 100 chiếc Ka-52 mà không quân Nga sử dụng. Và việc sản xuất máy bay quân sự của Nga thực sự đã giảm rất mạnh do các lệnh trừng phạt của nước ngoài đối với các thành phần công nghệ cao mà ngành công nghiệp Nga chưa bao giờ có thể tự sản xuất được.

2. Xác minh sự thật: Phải chăng thi thể của tướng Nga 'bị sa thải' được tìm thấy trôi trên sông Mạc Tư Khoa?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Fact Check: Was 'Fired' Russian General's Body Found in Moscow River?”, nghĩa là “Xác minh sự thật: Phải chăng thi thể của tướng Nga 'bị sa thải' được tìm thấy trôi trên sông Mạc Tư Khoa?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các báo cáo rằng thi thể của Alexander Lapin, một vị tướng có rất nhiều huy chương lãnh đạo quân đội Nga ở Syria và năm nay, ở Ukraine, được tìm thấy trên một con sông ở Mạc Tư Khoa đã được một số hãng tin chia sẻ vào cuối tuần qua và lan truyền nhanh trên mạng xã hội.

Trước đó, Lapin, người giữ chức Tư lệnh Quân khu Trung tâm của Lực lượng Vũ trang Nga kể từ năm 2017, được tường trình đã bị cách chức. Tin tức này được đưa ra sau khi vị tướng này trở thành mục tiêu chỉ trích từ liên minh ngày càng có ảnh hưởng của Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo Cộng hòa Chechnya và Yevgeny Prigozhin, người sáng lập Wagner Group, một lực lượng lính đánh thuê bán quân sự của Nga.

Cả hai người này được biết là đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, nhưng họ ngày càng mâu thuẫn với Bộ Quốc phòng Nga và các chỉ huy quân sự, trong bối cảnh có báo cáo về cuộc đấu đá nội bộ trong giới thân cận của ông Putin.

Tin đồn về việc sa thải Lapin xuất hiện vào cuối tháng 10, ban đầu được trích dẫn bởi một tờ báo địa phương từ thủ đô Grozny của Chechnya, cũng như nhiều kênh Telegram ủng hộ Điện Cẩm Linh bao gồm cả Grey Zone.

Các nguồn tin của The Moscow Times và tờ báo RBC sau đó đã chứng thực những tuyên bố đó, nhưng vẫn chưa được Điện Cẩm Linh trực tiếp đề cập đến. Một hãng tin khác cho rằng vị tướng này chỉ đơn giản là “đang đi nghỉ”.

Tuy nhiên, những báo cáo đó ngay sau đó đưa ra bởi một “tin tức” thậm chí còn tồi tệ hơn - đó là thi thể của Lapin đã được vớt từ sông Moskva ở thủ đô nước Nga.

Ví dụ đầu tiên về tuyên bố này xuất hiện trên kênh tin tức Ukraine Channel 24, theo đó: “Thi thể của Tướng Lapin, người chỉ huy quân chiếm đóng ở phía Đông, đã được vớt từ sông Moskva.”

“Các nhân viên y tế và cứu hộ đã được báo cáo đang làm việc tại chỗ,” báo cáo cho biết thêm. Phương tiện truyền thông trích dẫn các liên hệ của mình trong “bộ máy tình báo” của Ukraine làm nguồn gốc cho tuyên bố.

Một số tờ báo tiếng Ukraine và tiếng Anh đã tiếp tục đưa tin này, và người ta cũng thấy bắt đầu lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội, chủ yếu là tương tự như bản tin của Channel 24.

Trong số những phương tiện truyền thông lặp lại tuyên bố này có cả tờ The Sun của Anh.

Tuy nhiên, tuyên bố rằng thi thể của Lapin được “vớt từ sông Moskva” cho đến nay vẫn được coi là vô căn cứ. Không có bằng chứng nào chứng minh cho báo cáo về cái chết của anh ta, tính đến hôm thứ Hai.

Nguồn chính của tuyên bố này dường như là Sergej Talk, một tài khoản Twitter ủng hộ Ukraine của một giáo sư người Latvia, người đã được biết đến với những thông tin chưa được xác minh.

Trong một tweet vào ngày 29 tháng 10, Talk cho biết: “Theo thông tấn xã TASS của nhà nước Nga, thi thể của cựu tướng Alexander Lapin được tìm thấy ở sông Moskva. Các sĩ quan cảnh sát và các đặc vụ của bộ quốc phòng đang điều tra tại hiện trường”.

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Tass, hãng thông tấn của chính phủ Nga, đã đăng một câu chuyện như vậy. Bài báo cuối cùng đề cập đến Lapin trên trang web Tass là ngày 29 tháng 8 và đề cập đến một buổi lễ chính thức, nơi ông trao huy chương cho những người lính Nga đã chiến đấu ở Ukraine.

Tương tự như vậy, không có phương tiện truyền thông độc lập hoặc trực thuộc nhà nước nào đưa ra bất kỳ đề cập nào gần đây về việc thi thể của Lapin được phát hiện, ở một con sông hay bất kỳ nơi nào khác.

Không rõ dòng tweet đó là cố ý đưa ra thông tin sai lệch hay một trò đùa thô thiển có lẽ ám chỉ xu hướng cái chết bí ẩn của các nhà tài phiệt Nga và cựu quan chức chính phủ kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu.

Bất chấp điều đó, tuyên bố này dường như là hoàn toàn vô căn cứ và các báo cáo dựa trên nó sau đó đã được rút lại bởi cả Channel 24 và The Sun.

Trong khi vẫn còn phải xem liệu báo cáo về việc phế truất quyền lãnh đạo quân đội Nga của Lapin có được xác nhận bởi Điện Cẩm Linh hay không, thực tế là những tin đồn về sự qua đời của ông chưa được xác minh.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

Kết luận: Tuyên bố rằng thi thể của Lapin được phát hiện ở một con sông là không có cơ sở. Các báo cáo ban đầu dựa trên một tweet gây hiểu lầm và sau đó đã được rút lại.

Mặc dù có rất nhiều các báo cáo bao gồm cả những báo cáo từ các phương tiện truyền thông thân Điện Cẩm Linh, cho thấy rằng Lapin đã từ chức hoặc bị cách chức, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy rằng ông ta đã chết.

3. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hoàn thành lệnh động viên bán phần

Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo rằng họ đã kết thúc lệnh động viên bán phần của nước này, vốn được sử dụng để gửi quân tiếp viện vào Ukraine như một phần của điều mà Nga gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết:

“Tất cả các hoạt động liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của các quân ủy cùng với các cơ quan hành pháp của các cơ quan cấu thành của Liên bang Nga, của các công dân trong lực lượng dự bị đã được dừng lại.”

Các trung tâm tuyển mộ nhập ngũ, các điểm tập trung công dân, cũng như các tòa nhà và công trình được phân bổ theo quyết định của cơ quan hành pháp Liên bang Nga, được sử dụng cho các biện pháp động viên, có thể được giải phóng để hoạt động hoặc sử dụng cho mục đích trước đây của họ.

Đồng thời, theo chỉ thị, tất cả nhân viên tham gia bảo đảm lệnh động viên bán phần được lệnh trở về từ ngày 31 tháng 10 để thực hiện các nhiệm vụ của họ như bình thường.

Trong tương lai, công việc của các trung tâm tuyển mộ nhập ngũ cho các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga sẽ chỉ được tổ chức bằng cách tiếp nhận các tình nguyện viên và các ứng viên tham gia nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng.

Vào ngày 21 tháng 9, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã tuyên bố điều động một phần ở Nga như một bước leo thang đáng kể đặt người dân và nền kinh tế của đất nước vào tình thế thời chiến. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin cho biết đây là đợt động viên đầu tiên của Nga kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai; và là một phản ứng trực tiếp đối với những mối nguy hiểm do phương Tây gây ra, nhằm “hủy diệt đất nước chúng ta”.

Ngay sau tuyên bố của Putin, ông Shoigu cho biết 300,000 người Nga sẽ được triệu tập như một phần của lệnh động viên bán phần, áp dụng cho “những người có kinh nghiệm quân sự trước đây”.

Trong thực tế, kể cả những người không có chút kinh nghiệm quân sự nào cũng bị bắt lính. Khôi hài hơn nữa, Putin không có đủ vũ khí để trao cho họ.

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Nga đã triển khai vài nghìn quân dự bị mới được huy động tới tiền tuyến ở Ukraine kể từ giữa tháng 10. Trong nhiều trường hợp họ được trang bị kém. Vào tháng 9, các sĩ quan Nga lo ngại rằng một số lính dự bị được điều động gần đây đã đến Ukraine mà không có vũ khí.

Các hình ảnh nguồn mở cho thấy rằng những khẩu súng trường được cấp cho quân dự bị bị gọi nhập ngũ thường là AKM, một loại vũ khí được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1959. Nhiều khẩu có khả năng đã rơi vào tình trạng gần như không sử dụng được do bảo quản kém. AKM bắn đạn 7,62 ly trong khi các đơn vị chiến đấu thông thường của Nga hầu hết được trang bị súng trường 5,45 ly AK-74M hoặc AK-12.

Việc tích hợp lực lượng dự bị với các binh sĩ hợp đồng và binh sĩ có kinh nghiệm ở Ukraine sẽ có nghĩa là các nhà hậu cần Nga sẽ phải đẩy hai loại đạn dược cỡ nhỏ đến các vị trí tiền tuyến, thay vì một loại. Điều này có thể sẽ làm phức tạp thêm hệ thống hậu cần vốn đã căng thẳng của Nga.

4. Moldova tuyên bố đại diện đại sứ quán Nga là persona non grata - người không được hoan nghênh

Moldova đã tuyên bố một đại diện của Đại sứ quán Nga tại Chisinau là persona non grata – tức là người không được hoan nghênh, Bộ Ngoại giao Moldova cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.

Bộ Ngoại Giao cho biết người được đề cập, không được nêu tên trong tuyên bố, sẽ “buộc phải rời khỏi lãnh thổ của Cộng hòa Moldova.”

Bộ Ngoại Giao cũng cho biết họ đã thông báo quyết định của mình cho phía Nga và đại sứ Nga tại Chisinau vào thứ Hai.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Ukraine “tiếp tục leo thang các nguy cơ an ninh” và khi “người dân của đất nước chúng tôi ngày càng cảm thấy những tác động thảm khốc của chiến tranh”.

Bộ Ngoại Giao nói thêm rằng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine “tạo ra các mối đe dọa ngày càng tăng” đối với an ninh năng lượng của Moldova.

Trước đó vào hôm thứ Hai, một số ngôi nhà đã bị hư hại ở làng Naslavcea của Moldova - sát biên giới với Ukraine - sau khi một hỏa tiễn do lực lượng Ukraine bắn rơi trúng đã rớt xuống phía bắc của ngôi làng, theo Bộ Nội vụ Moldova.

Do đó, việc tiếp cận khu vực này bị hạn chế và số lượng cảnh sát tuần tra được tăng lên. Bộ Nội vụ cho biết trước đó vào hôm thứ Hai, một nhóm do một công tố viên dẫn đầu đang làm việc tại hiện trường.

5. Ngoại trưởng Anh cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” đối với Nga nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng ở Ukraine

Anh cảnh báo rằng sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” đối với Nga nếu các nhà lãnh đạo chọn sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết hôm thứ Hai.

“Hạ viện nên ghi nhận lời nói vô trách nhiệm của Putin về vũ khí hạt nhân và tuyên bố ngớ ngẩn rằng Ukraine có kế hoạch cho nổ một quả bom bẩn phóng xạ trên lãnh thổ của mình”, Cleverly nói trong một tuyên bố trước Hạ viện.

“Không có quốc gia nào khác nói về việc sử dụng hạt nhân. Không có quốc gia nào đang đe dọa Nga hoặc Tổng thống Putin,” ông nói thêm.

“Putin nên hiểu rõ rằng đối với Vương quốc Anh và các đồng minh của chúng ta, bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào về cơ bản sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột này”. Ngoại trưởng cho biết sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với Nga.

Ngoại trưởng James Cleverly nói rằng Putin đang “trả thù chính xác” cho những thất bại quân sự của ông ta trên dân thường Ukraine bằng cách cắt nguồn cung cấp điện và nước của họ cũng như trừng phạt “những người nghèo nhất trên thế giới bằng cách đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm của họ.”

Ông nhấn mạnh rằng 60% lúa mì được xuất khẩu theo sáng kiến ngũ cốc ở Hắc Hải đã được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và trung bình và sẽ là “vô lương tâm” nếu những vùng đất đó bị “làm cho đau khổ” vì “sự thất bại của Putin ở Ukraine.”

Ông nói: “Tôi kêu gọi Nga ngừng cản trở sáng kiến quan trọng đang giúp nuôi sống những người đói trên thế giới và đồng ý với việc tái tục sáng kiến ấy”.

Nga đã đình chỉ tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc vào hôm thứ Bảy, sau những gì họ tuyên bố là một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào hạm đội Hắc Hải của họ ở thành phố Sevastopol của Crimea.

6. 40% Kyiv vẫn không có điện trong khi công việc khôi phục vẫn tiếp tục

Thị trưởng Kyiv, Vitali Klitschko, cho biết khoảng 270,000 căn hộ ở Kyiv vẫn không có điện sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào hôm thứ Hai, và cho biết thêm rằng 40% người tiêu dùng thủ đô vẫn không có nước.

Việc cấp nước cho bờ đông của thành phố đã được khôi phục và công việc khôi phục cho bờ tây của thủ đô đang được tiến hành, Klitschko cho biết.

“Các kỹ sư điện có kế hoạch ổn định tình hình với việc cung cấp điện vào khoảng 9-10 giờ tối,” Klitschko nói. “Nhưng kể cả sau khi cấp điện trở lại, việc cắt điện vẫn sẽ được áp dụng. Vì hoàn cảnh khó khăn”.

Klitschko nói rằng để tiết kiệm điện, khoảng thời gian giữa các chuyến tàu điện ngầm sẽ dài hơn, bắt đầu từ thứ Ba.

7. Liên Hiệp Âu Châu lên án quyết định đình chỉ tham gia sáng kiến ngũ cốc ở Hắc Hải của Nga

Liên minh Âu Châu hôm thứ Hai lên án quyết định của Nga về việc đình chỉ tham gia vào thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian về sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải.

“Quyết định vô lý của Nga khi đình chỉ tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải của Liên Hiệp Quốc cản trở việc xuất khẩu ngũ cốc rất cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”, Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết.

“Nga hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu mà nước này đã gây ra bởi cuộc chiến xâm lược vô cớ và phi lý chống lại Ukraine và việc phong tỏa các cảng biển của Ukraine”.

Hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ sẽ đình chỉ tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thành phố Sevastopol của Crimea.

Liên Hiệp Âu Châu cho biết kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Mạc Tư Khoa đã “vũ khí hóa lương thực và nạn đói”.

Josep Borrell nói thêm:

“Các hành động có chủ ý của Nga, bao gồm tiêu hủy kho dự trữ, làm gián đoạn sản xuất và áp đặt hạn ngạch đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của chính họ đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu”.

Thỏa thuận Hắc Hải đã được Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng Bảy.

Bất chấp quyết định rút lui của Nga, Kyiv cho biết 12 tàu có thể rời các cảng Hắc Hải của Ukraine vào sáng thứ Hai.

8. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Hình ảnh cho thấy hai máy bay phản lực đánh chặn MiG-31K FOXHOUND gần như chắc chắn đã đậu tại Sân bay Machulishchi của Belarus vào ngày 17 tháng 10, với một hộp lớn được cất giữ gần đó trong một ụ đất bảo vệ. Nhiều khả năng hộp này được dùng cho hỏa tiễn đạn đạo phóng từ trên không AS-24 KILLJOY, một loại đạn lớn mà biến thể MiG-31K được điều chỉnh để mang theo.

Nga đã triển khai KILLJOY từ năm 2018, nhưng trước đó nó chưa được triển khai ở Belarus. Nga thỉnh thoảng tung ra những loại vũ khí này trong chiến tranh Ukraine, nhưng nguồn dự trữ có thể rất hạn chế. Nga tiếp tục sử dụng các loại đạn dược tầm xa tiên tiến của mình để chống lại các mục tiêu có tầm quan trọng rất ít về quân sự.

Với tầm bắn hơn 2000 km, việc đặt KILLJOY ở Belarus không mang lại thêm cho Nga bao nhiêu lợi thế khi tấn công các mục tiêu khác bên trong Ukraine. Nga có thể đã thực hiện việc triển khai này chủ yếu để gởi một thông điệp cho phương Tây và cho thấy Belarus ngày càng đồng lõa trong cuộc chiến.
 
Phi thường: Nữ tu 87 tuổi can đảm bắt trộm giao cho cảnh sát. Cuộc gặp gỡ Tiếng Kêu Gào Hòa Bình
VietCatholic Media
17:14 01/11/2022


1. Nữ tu 87 tuổi bắt và khống chế tên trộm trong tu viện của mình

Nữ tu lớn tuổi một mình đối mặt với một tên trộm được cho là đang cố ăn trộm của hai nữ tu. Một nữ tu 87 tuổi là nhân vật chính của một sự kiện bất thường mà tạ ơn Chúa đã kết thúc tốt đẹp.

Như nhật báo La Razón của Tây Ban Nha đã đưa tin vào ngày 20 tháng 10 vừa qua, một nữ tu thuộc tu viện Santa Clara ở khu vực cổ kính của thành phố Palencia, Tây Ban Nha, đã can đảm đối mặt với một tên trộm được cho là đang cố ăn trộm từ tu viện.

Khoảng 6:20 chiều, nữ tu nhận thấy rằng một phụ nữ đã vào tu viện. Rõ ràng, cô ta đã vào tòa nhà qua cửa quay của tu viện và đang cố ăn trộm, lợi dụng lúc các nữ tu đang cầu nguyện trong nhà nguyện.

Mặc dù đã 87 tuổi, nhưng nữ tu đã đối đầu với người phụ nữ và thậm chí vật lộn với cô ta. Vị nữ tu đã kiềm chế được người phụ nữ cho đến khi cảnh sát đến. Các nhân viên cảnh sát, khi đến nơi và nhìn thấy những gì đã xảy ra, đã rất ngạc nhiên trước sự táo bạo của một nữ tu lớn tuổi dũng cảm, người không ngại đối đầu với ai đó để ngăn họ ăn trộm của tu viện.

Điều cuối cùng mà người phụ nữ 45 tuổi không mong đợi là sự phản kháng và kết cục như thế này. Cô bị cảnh sát bắt và đưa đến phòng giam của Sở cảnh sát tỉnh Palencia, để đưa ra tòa.

Nữ tu được chăm sóc bởi các dịch vụ y tế đến tu viện, mặc dù cô được phát hiện là hoàn toàn không hề hấn gì.

Các vụ trộm trước đó.

Rõ ràng, đây không phải là lần đầu tiên người phụ nữ cố gắng ăn trộm từ tu viện Santa Clara ở Palencia, một tòa nhà kiểu Gothic thế kỷ 15 hoành tráng. Các nữ tu báo cáo rằng một thời gian trước họ đã bắt được cô ấy đang trốn khỏi nơi này, sau khi họ nhận ra rằng tiền đã bị mất trong tu viện. Tuy nhiên, vào thời điểm đó họ quyết định không khiếu nại và để sự việc trôi qua.

Tuy nhiên, lần này tình hình nghiêm trọng hơn, nguy hiểm đến tính mạng của người nữ tu. Vì vậy, vụ việc có khả năng phải ra tòa. Cadena Ser báo cáo rằng người phụ nữ này cũng là thủ phạm của hai vụ đột nhập khác liên quan đến một nhà thờ khác trong cùng thành phố vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua.

Về phần kẻ trộm, cô hy vọng sẽ có thời gian để suy ngẫm về hành động của mình và cầu xin sự tha thứ. Trong lịch sử của Giáo hội, những tên trộm có cơ hội tìm thấy một nơi vui vẻ với Chúa khi họ đã ăn năn về những hành vi sai trái của mình. Thánh Dismas, Kẻ trộm lành đã bị đóng đinh bên cạnh Chúa Kitô, là vị thánh bảo trợ của họ, và trong thời đại của chúng ta, có những người đã khám phá ra sức mạnh và vẻ đẹp của lòng thương xót của Chúa đối với tất cả chúng ta.
Source:Aleteia

2. Số người Công Giáo Thụy Sĩ rời bỏ Giáo Hội ở mức kỷ lục vào năm 2021

Một số lượng kỷ lục người Công Giáo Thụy Sĩ đã chính thức rời khỏi Giáo hội vào năm 2021, theo số liệu thống kê mới.

Viện Xã hội học Mục vụ Thụy Sĩ, gọi tắt là SPI, ở St. Gallen cho biết có 34,182 người rời bỏ Giáo Hội vào năm ngoái, nhiều hơn khoảng 2,500 người so với năm kỷ lục trước đó là 2019.

Khoảng 2.96 triệu người vẫn là tín hữu của Giáo hội vào cuối năm 2021, trên tổng dân số Thụy Sĩ khoảng 8.7 triệu người.

Giáo Hội Tin lành ở Thụy Sĩ cũng báo cáo số lượng người ra đi kỷ lục vào năm 2021, với 28,540 người.

Thụy Sĩ là một nước cộng hòa liên bang bao gồm 26 bang. Các số liệu mới nhất về sự ra đi của Giáo hội không bao gồm các bang mà tư cách thành viên không liên quan đến việc đóng thuế nhà thờ, chẳng hạn như Geneva, Valais, Neuchâtel và Vaud, trang web của Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ kath.ch đưa tin.

Tỷ lệ bỏ đạo khác nhau giữa các bang. Basel-Stadt, bang cực bắc của Thụy Sĩ, ghi nhận tỷ lệ cao nhất là 3.6%, trong khi các bang lân cận là Aargau và Solothurn cũng ghi nhận con số tương đối cao là 2.4%.

Tỷ lệ bỏ đạo tổng thể là 1.5%, mà kath.ch cho biết có thể so sánh với tỷ lệ ở các nước láng giềng Đức và Áo.

359,338 người chính thức rời bỏ Giáo Hội Công Giáo ở Đức vào năm 2021. Mức cao trước đó là 272,771, được ghi nhận vào năm 2019.

Đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Giám Mục Valerio Lazzeri, 59 tuổi, người đã lãnh đạo Giáo phận Lugano ở bang Ticino, miền nam Thụy Sĩ, kể từ năm 2013.

Lazzeri cho biết ngài đã quyết định từ chức vì “sự mệt mỏi nội tâm” mà ngài cảm thấy đặc biệt trong hai năm qua.
Source:Pillar Catholic

3. Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ Tiếng Kêu Gào Hòa Bình

Cộng đồng Sant’Egidio đã tổ chức lần thứ 36 biến cố “Tinh thần Assisi” hàng năm tại Rome, một biến cố khởi đầu từ năm 1986 với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo và Đức Phanxicô trong buổi kết thúc cầu nguyện cho hòa bình tại Colosseum, Rome, ngày 25 tháng 10, 2022.

Năm nay, sự kiện, được tổ chức với chủ đề Tiếng Kêu Gào Hòa Bình khi thế giới đang chìm trong chiến tranh, và đặc biệt là cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, một lần nữa, đã quy tụ một số nhân vật gấy ấn tượng, bao gồm một số vị tổng trưởng Vatican, trong đó có Đức Hồng Y Kurt Koch, và Đức Hồng Y José Tolentino Calaça de Mendonça, đứng đầu thánh bộ Giáo dục và Văn hóa.

Ngoài các Chủ tịch Hội đồng Giám mục quốc gia, Đức Hồng Y Raffael Sako của Iraq, và Đức Tổng Giám Mục Laurent Ulrich của Paris, cũng có mặt.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo từ Kitô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, đạo Sikh và Ấn Độ giáo, đã cùng nhau kêu gọi hòa bình trong biến cố này.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Thưa các nhà lãnh đạo lỗi lạc của các Giáo hội Kitô giáo và các Tôn giáo Thế giới,

Anh chị em thân mến,

Các nhà cầm quyền dân sự đáng kính,

Tôi cảm ơn mỗi người trong số các bạn đang tham gia cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình này. Một cách đặc biệt, tôi cảm ơn các nhà lãnh đạo Kitô giáo và những người thuộc các tôn giáo khác, những người đã tham gia cùng chúng tôi trong cùng một tinh thần huynh đệ từng truyền cảm hứng cho cuộc triệu tập lịch sử đầu tiên của Thánh Gioan Phaolô II ở Assisi, 36 năm trước.

Năm nay, lời cầu nguyện của chúng ta trở thành một lời cầu xin chân thành, bởi vì hòa bình ngày nay đã bị xâm phạm nghiêm trọng, bị tấn công và chà đạp, và điều này diễn ra ở châu Âu, trên chính lục địa mà trong thế kỷ trước đã phải chịu đựng nỗi kinh hoàng của hai cuộc chiến tranh thế giới - và chúng ta đang trải qua thế chiến ba. Đáng buồn thay, kể từ đó, chiến tranh tiếp tục gây ra đổ máu và làm nghèo trái đất. Tuy nhiên, tình huống mà chúng ta đang trải qua hiện nay đặc biệt bi thảm. Đó là lý do tại sao chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, Đấng luôn nghe thấy lời khẩn cầu đầy lo âu xao xuyến của các con trai và con gái của Người. Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con!

Hòa bình là trọng tâm của các tôn giáo, các trước tác tâm linh và giáo huấn của họ. Buổi tối hôm nay, giữa sự im lặng của lời cầu nguyện, chúng ta nghe thấy lời cầu xin hòa bình: một nền hòa bình bị đàn áp ở rất nhiều khu vực trên thế giới, bị xâm phạm bởi quá nhiều hành vi bạo lực, và bị bác bỏ ngay cả đối với trẻ em và người già, những người không được tha cho những đau khổ cay đắng của chiến tranh. Lời cầu xin hòa bình đó thường bị bóp nghẹt, không những bởi những luận điệu thù địch mà còn bởi sự thờ ơ. Nó bị giản lược thành im lặng bởi lòng căm thù, vốn lan rộng khi cuộc chiến tiếp tục.

Tuy nhiên, lời cầu xin hòa bình không thể bị dập tắt: nó trỗi dậy từ trái tim của những người mẹ; nó khắc sâu trên khuôn mặt của những người tị nạn, những gia đình phải di cư, những người bị thương và những người sắp chết. Và lời cầu xin thầm lặng này bay lên tận trời cao. Nó không có công thức ma thuật nào để chấm dứt xung đột, nhưng nó có quyền thiêng liêng để cầu xin hòa bình nhân danh tất cả những người đau khổ, và nó xứng đáng được lắng nghe. Nó triệu tập một cách chính đáng tất cả mọi người, bắt đầu từ các nhà lãnh đạo chính phủ, dành thời gian và lắng nghe, nghiêm túc và tôn kính. Lời cầu xin hòa bình đó thể hiện nỗi đau và nỗi kinh hoàng của chiến tranh, là mẹ đẻ của mọi nghèo đói.

“Mỗi cuộc chiến đều khiến thế giới của chúng ta trở nên tồi tệ hơn trước. Chiến tranh là một thất bại của chính trị và của nhân loại, một sự đầu hàng đáng xấu hổ, một thất bại nhức nhối trước các thế lực của cái ác” (Fratelli Tutti, 261). Những xác tín này là kết quả của những bài học đau đớn của thế kỷ 20, và đáng buồn thay, một lần nữa, của phần này thế kỷ 21. Quả thực, ngày nay, điều chúng ta sợ hãi và hy vọng không bao giờ nghe thấy nữa đang bị đe dọa hoàn toàn: việc sử dụng vũ khí nguyên tử, ngay cả sau Hiroshima và Nagasaki, vẫn tiếp tục được sản xuất và thử nghiệm một cách sai lầm.

Trong viễn cảnh ảm đạm này, đáng buồn phải nói rằng, kế hoạch của các nhà lãnh đạo quyền lực trên thế giới không dành chỗ cho nguyện vọng chính đáng của các dân tộc, kế hoạch của Thiên Chúa muốn cứu rỗi chúng ta, “kế hoạch tạo hòa bình chứ không phải tạo điều ác” (x. Grm 29 : 11), không bao giờ thay đổi. Ở đây tiếng nói của người không có tiếng nói được nghe thấy; ở đây niềm hy vọng của người nghèo và người bất lực được thiết lập vững chắc: trong Thiên Chúa, Đấng có tên là Hòa bình. Hòa bình là món quà của Thiên Chúa, và chúng ta đã cầu xin món quà đó từ Người. Tuy nhiên, hòa bình phải được đón nhận và nuôi dưỡng bởi những người đàn ông và đàn bà chúng ta, đặc biệt là bởi những người trong chúng ta là các tín hữu. Chúng ta đừng bị lây nhiễm bởi lý lẽ tàn khốc của chiến tranh; chúng ta đừng sa vào cạm bẫy của lòng căm ghét đối với kẻ thù. Một lần nữa, chúng ta hãy đặt hòa bình vào trọng tâm của viễn kiến cho tương lai, làm mục tiêu chính của hoạt động bản thân, xã hội và chính trị của chúng ta ở mọi bình diện. Chúng ta hãy tháo ngòi xung đột bằng vũ khí đối thoại.

Tháng 10 năm 1962, giữa một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng, khi cuộc đối đầu quân sự và thảm họa hạt nhân dường như sắp xảy ra, Thánh Gioan XXIII đã đưa ra lời kêu gọi này: “Chúng tôi khẩn khoản yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo chính phủ đừng điếc tai trước tiếng kêu này của nhân loại. Họ hãy làm mọi điều trong khả năng của mình để bảo vệ hòa bình. Như thế, họ sẽ giải thoát thế giới khỏi cảnh khủng khiếp của một cuộc chiến tranh, mà hậu quả khủng khiếp của nó, chúng ta không thể lường trước được... Cổ vũ, phát huy và chấp nhận đối thoại ở mọi bình diện và mọi thời đại là quy tắc của sự khôn ngoan và thận trọng, thu hút phước lành của thiên đàng và trái đất “(Thông điệp Truyền thanh, ngày 25 tháng 10 năm 1962).

Sáu mươi năm sau, những lời trên vẫn gây ấn tượng với chúng ta bởi tính hợp thời của chúng. Tôi biến chúng thành của riêng tôi. Chúng ta không “trung lập, nhưng liên minh vì hòa bình”, và vì lý do này, “chúng ta nại tới jus pacis [quyền hòa bình] như quyền của tất cả mọi người để giải quyết xung đột mà không cần bạo lực” (Gặp gỡ Sinh viên và Đại diện của Thế giới Học thuật, Bologna, ngày 1 tháng 10 năm 2017).

Trong những năm gần đây, liên hệ huynh đệ giữa các tôn giáo đã có những bước phát triển mang tính quyết định: “Các tôn giáo kết hợp giúp các dân tộc là anh chị em chung sống trong hòa bình” (Họp mặt các tôn giáo vì hòa bình, ngày 7 tháng 10 năm 2021). Càng ngày, chúng ta càng cảm thấy chúng ta đều là anh chị em của nhau! Một năm trước, tập trung tại đây trước Colosseum, chúng ta đã đưa ra lời kêu gọi hôm nay càng hợp thời hơn nữa: “Các tôn giáo không thể được sử dụng cho chiến tranh. Chỉ có hòa bình là thánh và không ai được sử dụng danh Thiên Chúa để chúc lành cho khủng bố và bạo lực. Nếu qúy bạn thấy chiến tranh xung quanh mình, đừng có cam chịu! Các dân tộc mong muốn hòa bình “(đd).

Đó là những gì chúng ta sẽ cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày. Chúng ta đừng bao giờ cam chịu chiến tranh; chúng ta hãy vun sới hòa giải. Hôm nay, chúng ta hãy cất lên trời cao lời cầu xin hòa bình của chúng ta, một lần nữa theo lời của Thánh Gioan XXIII: “Xin cho tất cả các dân tộc đến với nhau như anh chị em, và cầu xin cho nền hòa bình mà họ vô cùng ao ước sẽ luôn nảy nở và ngự trị ở giữa họ” (Pacem in Terris, 171). Ước mong được như vậy, với ân sủng của Thiên Chúa và thiện chí của những người đàn ông và đàn bà Người yêu thương.