Ngày 10-11-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chân dung Thánh Anrê Tông đồ
Trầm Thiên Thu
09:14 10/11/2014
Ngày 30 tháng Mười Một, Giáo Hội Công Giáo mừng lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ. Ngài là một trong bốn môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, nhưng ngài ít xuất hiện và cũng ít được nhắc tới.

Thánh Anrê là anh của Thánh Phêrô, gọi là Simon, con ông Giôna. Hai anh em làm nghề đánh cá ở vùng biển Galilê. Trong danh sách các tông đồ, Thánh Anrê thường được nhắc tới ngay sau Thánh Phêrô.

Theo Hy ngữ, tên Anrê có nghĩa là “can đảm” hoặc cái gì đó “nam tính”, diễn tả ý cha mẹ mong muốn nơi con trai của mình. ĐGH Benedicto XVI nói: “Điều ấn tượng là tên Anrê không là tiếng Do Thái, mà là tiếng Hy Lạp, cho thấy sự cởi mở về văn hóa trong gia đình ngài. Ở Galilê có văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp” (Buổi Tiếp Kiến Chung, 14-6-2006).

Cha mẹ đã đặt tên cho con trai lớn là Anrê, tên theo tiếng Hy Lạp, nhưng lại đặt tên con trai thứ là Simôn, tên theo tiếng Aram. Điều đó phản ánh môi trường văn hóa phan trộn giữa Do Thái và dân ngoại tại Galilê.

Trong các Phúc Âm nhất lãm và sách Công Vụ, danh sách 12 Tông đồ luôn được liệt kê thành ba nhóm, mỗi nhóm bốn người. Nhóm thứ nhất nói tên những người gần gũi Chúa Giêsu nhất, trong đó có hai cặp anh em: [1] Phêrô và Anrê, các con của ông Giôna, [2] Giacôbê và Gioan, các con của ông Dêbêđê.

Như vậy, Thánh Anrê là một trong bốn Tông đồ gần gũi với Chúa Giêsu nhất, nhưng Thánh Anrê có vẻ ít gần gũi nhất trong bốn người. Thật vậy, đã vài lần Phêrô, Giacôbê và Gioan được ưu tiên đi với Chúa Giêsu, nhưng không có Anrê. Chẳng hạn khi Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, có mặt Phêrô, Giacôbê và Gioan, nhưng không có Anrê. KKtt cho biết rằng Thánh Anrê là một trong các Tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu. Ông thấy Chúa Giêsu trước Phêrô. Vì là người theo Chúa Giêsu trước, ông mệnh danh là Protoklete – Tông đồ được gọi đầu tiên.

Thánh Anrê thực sự là con người của niềm tin và hy vọng. Khi nghe Gioan Tẩy Giả gọi Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:36), Anrê ngạc nhiên, lúc đó có một môn đệ khác: “Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: ‘Các anh tìm gì thế?’. Họ đáp: ‘Thưa Thầy, Thầy ở đâu?’. Người bảo họ: ‘Đến mà xem’. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:37-39).

Như vậy, Anrê đã được tận hưởng giây phút thân mật với Chúa Giêsu. Kinh Thánh cho biết: “Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia’ (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: ‘Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha’ (tức là Phêrô). Hôm sau, Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Người gặp ông Philípphê và nói: ‘Anh hãy theo tôi’. Ông Philípphê là người Bếtxaiđa, cùng quê với các ông Anrê và Phêrô” (Ga 1:40-44). Thánh Anrê có tinh thần tông đồ khác thường.

Khi chạnh lòng thương dân chúng và muốn cho họ ăn uống, vì lúc đó chiều tối rồi, Chúa Giêsu bảo các môn đệ lo cho họ ăn, ông Philípphê nói: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6:7). Lúc đó, ông Anrê thưa với Chúa Giêsu: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6:9). Và hôm đó, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho khoảng 5.000 người ăn no nê, không kể phụ nữ và trẻ em.

Thánh Anrê rất nhạy bén khi thấy ngay một đứa bé có “năm chiếc bánh và hai con cá”, nhưng ngài cũng rất thực tế khi nhận thấy “bấy nhiêu chẳng thấm vào đâu” so với đám đông người như vậy. Tuy nhiên, Chúa Giêsu biết mình sắp làm gì nên bảo đem số thực phẩm ít ỏi đó cho Ngài.

Một lần khác, một trong các môn đệ thân tín (có thể là Anrê) đã chỉ đền thờ và trầm trồ khen công trình đồ sộ, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ” (Mc 13:2).

Sau đó, lúc Đức Giêsu ngồi trên núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các ông Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê hỏi nhỏ: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục thì có điềm gì báo trước” (Mc 13:4). Chúa Giêsu bắt đầu nói với các ông: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói ‘Chính Ta đây!’, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Khi anh em nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn” (Mc 13:5-8).

Qua đó, chúng ta có thể suy diễn rằng chúng ta không nên ngại hỏi Chúa Giêsu điều gì, dù hỏi nhiều, nhưng chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận giáo huấn của Ngài dành cho chúng ta, chắc chắn có thể có những điều không hợp ý riêng của chúng ta, nhưng đó mới là cách “xin vâng” đẹp Ý Thiên Chúa.

Thánh Anrê còn là nhịp cầu” nối kết những người Do Thái và dân ngoại đi theo Chúa Giêsu. Anrê và Philipphê là người trung gian giữa Chúa Giêsu và người Hy lạp. Khi có những người muốn gặp Chúa Giêsu, ông Anrê và ông Philípphê đến thưa với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12:23-25).

Chúa Giêsu muốn nói rằng Ngài sẽ gặp nhóm người Hy Lạp, nhưng không đơn giản, vì họ chỉ hiếu kỳ mà thôi. Giờ vinh quang của Ngài sẽ đến bằng cái chết, như hạt lúa mì được gieo vào lòng đất. Cái chết trên Thập Giá của Ngài sẽ đơm hoa kết trái: Hạt lúa mì chết đi là biểu tượng cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hạt lúa mì chết đi mới trổ sinh bông hạt là biểu tượng sự phục sinh. Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh và là Ánh Sáng cho mọi dân tộc. Nói cách khác, Chúa Giêsu đã tiên tri về Giáo Hội, hóa trái phát sinh từ Cuộc Vượt Qua của Ngài.

ĐGH Benedicto XVI cho biết: “Một số truyền thống cổ coi Thánh Anrê là người trung gian của người Hy Lạp khi gặp Chúa Giêsu, là Tông đồ của người hy Lạp trong những năm sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Họ cho chúng ta biết rằng Thánh Anrê dành phần đời còn lại để rao giảng và làm trung gian cho Chúa Giêsu đối với người Hy Lạp”.

Thánh Phêrô, em trai của Thánh Anrê, đã đi từ Giêrusalem tới Antiôkia và Rôma để thực hiện sứ vụ. Còn Thánh Anrê lại đi rao giảng cho người Hy Lạp. Họ là huynh đệ về huyết thống và cả về mối tương quan giữa Tòa Thánh và Constantinople. Hai Giáo Hội vẫn là “chị em” với nhau. Năm 1964, Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã trao thánh tích Thánh Anrê cho Tổng giám mục Chính Thống giáo của GP Patras ở Hy Lạp, nơi Thánh Anrê đã chịu tử đạo. Trước đó thánh tích Thánh Anrê được lưu giữ tại Vatican.

Đức Thượng Phụ của Giáo Hội Constantinople là Bartholomew I đã thăm ĐGH Phanxicô sau khi được bầu làm giáo hoàng. Là người kế vị Thánh Phêrô, ĐGH Phanxicô đã lưu ý vai trò quan trọng của Đức Thượng Phụ Bartholomew I là người kế vị Thánh Anrê và gọi là “người anh em Anrê”. Ngài ĐGH Phanxicô nói: “Trước mặt mọi người, tôi hết lòng cảm ơn về những điều Đức Thượng Phụ Bartholomaios I đã nói với chúng ta. Xin cảm ơn nhiều! Xin cảm ơn nhiều!”.

Truyền thống cho biết rằng Thánh Anrê tử đạo tại Patras (Hy Lạp) bằng cách chịu đóng đinh trên thập giá hình chữ X, quen gọi là “Thập Giá Thánh Anrê”. Còn người em là Thánh Phêrô thì xin được đóng đinh ngược vì cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy Giêsu.

Như chúng ta thấy, ở đây là tinh thần Kitô giáo rất sâu sắc, không coi Thập Giá là cực hình nhục nhã mà là phương tiện đến với Đấng Cứu Độ, để hạt lúa mì nảy sinh. Bài học quan trọng: Thập giá của cuộc đời chúng ta sẽ đạt được giá trị nếu chúng ta vui vẻ chấp nhận đó là một phần của Thập Giá Đức Kitô, và coi đó là Ánh Sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha : Hãy đi vào trong Nhà Thờ đừng dừng lại nơi tiếp khách .
Pt Huỳnh Mai Trác
09:13 10/11/2014

Chính Chúa Giêsu đã gầy dựng nên Giáo Hội . Chúa không nhìn vào tội lỗi của con người mà chỉ nhìn vào con tim . Ước gì mọi Kitô hữu cảm nhận mình thuộc vào một thành phần của Giáo Hội, mà không đứng riêng rẽ bên lề .

“Công việc xây dựng đã được Chúa Kitô hòan tất cách đây đã hơn hai ngàn năm, khi Chúa đã chọn 12 cột trụ để xây dựng Giáo Hội và Chúa là nền tảng cùng là viên đá góc “. Tiếp đến là Chúa mở rộng Giáo Hội cho tất cả mọi người không phân biệt một ai, bởi vì điều Chúa đặc biệt chú trọng là yêu thương và chữa lành những con tim chứ không phải là đo lường mọi tội lỗi .

Phúc Âm ngày hôm nay diễn tả lại sự phát sinh ra Giáo Hội với sự kêu gọi các Tông đồ và bài đọc của thánh Phao lồ nói về Giáo Hội như một ngôi nhà lớn rộng được xây trên nền tảng vững chắc . Hãy cẩn thận về những hành động làm hư hại nền móng của Giáo Hội. Chúa Giêsu đã rút lui để cầu nguyện . Tiếp đến là Chúa trở xuống lại với các môn đệ, chọn 12 người và cùng lúc chữa lành những ai tìm cách chạm vào Người .

Chúa Giêsu cầu nguyện, Chúa Giêsu gọi, Chúa Giêsu chọn, Chúa Giêsu gởi các môn đệ ra đi, Chúa Giêsu chữa lành đám đông . Như một viên đá góc, Chúa Giêsu hòan tất công việc xây dựng đền thờ này : Chính Chúa Giêsu hướng dẫn Giáo Hội tiến tới

Như thánh Phao lồ đã nói, Giáo Hội này được xây dựng từ nền tảng với các thánh Tông đồ . Chúa đã chọn 12 người . Họ là những kẻ tội lỗi . Giuđa không chỉ là kẻ có nhiều tội lỗi nhất, tôi không biết ai là kẻ có tội nặng hơn Giuđa . Giuđa, một con người khốn nạn, đã khép kín lòng lại với tình yêu thương, bởi vậy hắn đã trở thành một tên phản bội . Nhưng trong giây phút nguy hiểm nhất mọi người đều chạy trốn để Chúa Giêsu trơ trọi một mình . Họ đều là những kẻ tội lỗi . Nhưng Chúa đã chọn họ” .

Chúa Giêsu muốn chúng ta ở trong “Giáo Hội, không phải là những khách mời hay những kẻ xa lạ nhưng là những ngừời công dân . Trong Giáo Hội, chúng ta không phải là những kẻ qua đường, chúng ta là gốc rễ . Đời sống của chúng ta mọc rễ ở đó” .

“ Chúng ta là công dân, công dân của Giáo Hội . Nếu chúng ta không vào trong đền thờ này và nếu chúng ta không đóng góp xây dựng khi Chúa Thánh Thần ngự trị trong chúng ta , chúng ta không ở trong Giáo Hội . Chúng ta không thể là những người đứng ngòai cửa để nhìn xem :” Mà tấm tắc khen : vâng thật là đẹp, vâng thật là đẹp . . .!”.

Những người Kitô hữu không bước hẳn vào trong Nhà Thờ mà chỉ đứng ta nơi cửa . . . Nhưng vâng đúng như vậy, chúng ta là người Công Giáo , nhưng tiếc thay chúng ta có nhiều người đã sống như vậy” .

Đó là một hành động vô ý nghĩa đối với tình yêu và lòng thương xót vô biên mà Chúa Giêsu đã nuôi dưỡng mỗi người chúng ta . Điều này được giải thích bằng cách lối mà Chúa Giêsu đã đối xử với thánh Phêrô trong Giáo Hội khi Chúa đặt thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh . Mặc dù cây cột trụ thứ nhất đã phản bội Chúa, Chúa Giêsu đáp lại bằng cách tha thứ và vẫn giữ Phêrô ở vị trí đã được chọn .

“ Tội lỗi của thánh Phêrô không quan trọng đối với Chúa Giêsu : Ngài chỉ nhìn vào tâm can của Phêrô mà thôi . Nhưng muốn chữa lành con tim đó Chúa đã cầu nguyện . Chúa Giêsu cầu nguyên và chữa lành mỗi người trong chúng ta . Chúng không thể hiểu biết Giáo Hội nếu không có Chúa Giêsu cầu nguyện và chữa lành . Ước gì Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu rỏ là Giáo Hội tìm được sức mạnh trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho chúng ta và Chúa luôn chữa lành mọi người chúng ta” . (Nguồn Tin : News.va)

 
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các chủng sinh Pháp
LM. Trần Đức Anh OP
10:48 10/11/2014
VATICAN. ĐTC khích lệ các chủng sinh Pháp vun trồng tình huynh đệ, đời sống cầu nguyện và chuẩn bị thi hành sứ mạng sẽ nhận lãnh.

Ngài đưa ra những lời nhắn nhủ trên đây trong sứ điệp gửi đến hàng trăm chủng sinh Pháp vừa kết thúc cuộc hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức hôm qua, 10-11. Sứ điệp của ĐTC đã được Đức Cha Georges Pontier, TGM Marseille, Chủ tịch HĐGM Pháp, tuyên đọc trong buổi canh thức cầu nguyện khai mạc cuộc hành hương chiều Chúa Nhật 9-11.

ĐTC khẳng định rằng tình huynh đệ giữa các môn đệ của Chúa là thành phần ơn gọi của họ. Sứ vụ linh mục không thể có tính chất cá nhân và càng không thể có đặc tính cá nhân chủ nghĩa. Vì thế, ngài mời gọi các chủng sinh hết sức hăng say tập luyện sống tình huynh đệ trong thời gian thụ huấn, đây là điều rất hữu ích sau khi chịu chức.
Tiếp đến là kinh nguyện. ĐTC nhắn nhủ các chủng sinh mỗi ngày hãy dành những lúc lâu dài cho kinh nguyện để trở thành người của Thiên Chúa, có khả năng dẫn về cùng Chúa Cha những người mà linh mục được sai tới, noi gương Chúa Giêsu, đã đã lui vào nơi thinh lặng và thanh vắng để chìm đắm trong mầu nhiệm Chúa Cha. Ngài cũng mời gọi các chủng sinh đừng sợ sự khô khan bao gồm trong kinh nguyện”.

Sau cùng về sứ mạng, ĐTC nhắc nhở các chủng sinh rằng: ”Tất cả những gì các thầy làm trong thời kỳ thụ huấn đều nhắm một mục đích, đó là trở thành những môn đệ thừa sai khiêm tốn để làm cho những người khác trở thành môn đệ của Chúa”. Ngài khuyến khích các chủng sinh hãy chuẩn bị cho sứ mạng đó, bằng cách tập luyện phản xạ ra khỏi chính mình, để gặp gỡ tha nhân, học biết thế giới mà mình sẽ được sai đến, và dành ưu tiên cho những người ở xa nhất. ĐTC viết: ”Khi đến các nơi ngoại biên, ta cũng động chạm đến trung tâm, vì chính từ đó mà Đấng Phục Sinh đã đi trước các môn đệ” (SD 10-11-2014)
 
Chị Marthe Robin - Đấng Sáng Lập Tu Hội Bác Ái được nâng lên hàng Tôi Tớ Chúa.
Lm John Minh
17:13 10/11/2014
Chị Marthe Robin - Đấng Sáng Lập Tu Hội Bác Ái (Foyers de Charite) được nâng lên hàng Tôi Tớ Chúa.

Chị Marthe Robin
Đức Ông Bernard Podvin, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Pháp đã tuyên bố với báo chí tin vui là Đức Thánh Cha Phanxicô, hôm mùng 7 tháng 11 vừa qua, đã chuẩn y sắc lệnh do Đức Hồng Y Angelo Amato đệ trình về việc nâng 8 người có những nhân đức anh hùng lên hàng Tôi Tớ Chúa; trong số đó có chị Marthe Robin - Đấng Sáng Lập Tu Hội Bác Ái.

Chị Marthe Robin sinh ngày 13 tháng 3 năm 1902 tại một nông trại ở Chateauneuf de Galaure miền đông nam nước Pháp. Cha mẹ chị không có gì đặc biệt về đời sống Công Giáo, nhưng bản thân chị là một thành viên của Dòng Phan Sinh tại thế. Khoảng năm 16 tuổi chị bị một căn bệnh hiểm nghèo và đến năm 25 tuổi thì phải nằm liệt giường cho đến khi qua đời vào ngày 6 tháng 2 năm 1981.

Cuộc sống của một cô gái phải nằm liệt gường hơn nửa thế kỷ trong một nông trại có lẽ sẽ không có gì đáng nói nếu cô chỉ biết phó mặc cho số phận là mình đã trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, chị Marthe đã thánh hiến căn bệnh của mình để được hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giêsu trên thánh giá, phó thác trọn vẹn cho thánh ý Chúa theo gương của Mẹ Maria. Vị linh mục thường xuyên mang Mình Thánh Chúa đến cho chị biết rằng mình đang được tiếp xúc với một nhà chiêm niệm tuyệt vời. Không phải chỉ mình Cha, mà dần dần nhiều người cũng nhận thấy những nhân đức anh hùng của chị. Họ đến tiếp thăm chị, ghi lại những suy niệm của chị, và đặc biệt là xin chị cầu nguyện cho họ.

Ngày 10 tháng 2 năm 1936 đánh đấu một cột mốc quan trọng khi Cha George Finet chấp nhận trở thành linh phụ đầu tiên cho Tu Hội Bác Ái do chị thành lập. Đặc sủng Tu Hội là tham gia vào công cuộc Phúc Âm hoá của Giáo Hội qua việc lập những trung tâm tĩnh tâm cho mọi thành phần của xã hội. Hiện nay Tu Hội đã có mặt ở khoảng 40 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam.

Tuy còn nhiều khó khăn, Tu Hội Bác Ái tại Việt Nam đã có được ba cơ sở ở Cao Thái, Bình Triệu (TGP-SG), và Phú Dòng (GP-LK). Tin vui về Đấng Sáng Lập được Giáo Hội chính công nhận ở bậc Đáng Kính là một sự khích lệ lớn lao cho mọi thành viên của Tu Hội. Ước mong những công việc truyền giáo âm thầm của Tu Hội tại quê hương Việt Nam cũng như trên toàn thế giới sẽ tiếp tục được yểm trợ bằng lời cầu nguyện tha thiết của chị Marthe Robin trước mặt Chúa.

Lm John Minh
 
Đức Thánh Cha đau buồn trước tai nạn thảm khốc của những người hành hương. Vua và Hoàng Hậu Tây Ban Nha dự lễ an táng
Đặng Tự Do
19:08 10/11/2014
Tối thứ Bẩy 8 tháng 11, một chiếc xe buýt chở hơn 55 người hành hương về nhà sau một chuyến hành hương tại thủ đô Madrid đã lao xuống vực thẳm. Mười bốn người, trong đó có một linh mục trẻ là cha Miguel Conesa Andúgar, 36 tuổi, là chính xứ của giáo xứ Bullas, đã thiệt mạng, và 38 người khác bị thương. Hai mươi ba người vẫn còn nằm trong bệnh viện. Tất cả những người bị tai nạn đều là giáo dân trong giáo xứ Bullas.

Tai nạn xảy ra tại thị trấn Cieza, sau khi chiếc xe bus đã hoàn tất 350 km trong lộ trình 400 km từ Madrid về Bullas. Những người sống sót cho biết khi tới khúc quanh người tài xế đột nhiên la lên “Tôi không thể thắng được”, trước khi chiếc xe lạc tay lái lao xuống vực.

Đây là tai nạn xe cộ thảm khốc nhất tại Tây Ban Nha trong vòng 13 năm qua. Thánh lễ an táng cho các nạn nhân đã được cử hành vào ngày thứ Hai 10 tháng 11. Vua Felipe Đệ Lục và Hoàng hậu Letizia đã tham dự trong thánh lễ do Đức Cha José Manuel Lorca, Giám Mục giáo phận Cartagena cử hành.

Trong điện văn chia buồn, được đọc trong thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện xin Thiên Chúa "đón nhận những người quá cố vào cõi vĩnh phúc, phục hồi hoàn toàn cho những người bị thương, và an ủi những người đang than khóc vì sự mất mát của những người thân yêu của họ. "
 
Đức Thánh Cha khích lệ các nữ tu Salêsiêng truyền bá Tin Mừng cho giới trẻ qua công nghệ thông tin mới
Đặng Tự Do
19:36 10/11/2014
Sáng thứ Bảy 8 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các nữ tu Salêsiêng đang ở Rôma để tham dự Tổng Tu Nghị. Ngoài việc bầu ban lãnh đạo mới, các nữ tu cũng bàn thảo về nhiệm vụ của dòng và đường mới cho các hoạt động mục vụ.

Đức Thánh Cha khuyến khích các nữ tu tiến về phía trước với định hướng mới của các chị, trong đó có việc biến nhà của mình thành môi trường để rao giảng Tin Mừng, thực hiện những cải cách mục vụ, và đào tạo những người trẻ tuổi trở thành những nhà truyền giáo cho những thanh niên khác. Ngài cũng khuyến khích các chị duy trì cuộc sống của họ bằng lời cầu nguyện, thờ phượng và Lời Chúa.

Liên quan đến nhiệm vụ đối với giới trẻ, Đức Thánh Cha kêu gọi các nữ tu "ở khắp mọi nơi hãy là những nhân chứng tiên tri, đem lại sự hiện diện giáo dục thông qua một sự chào đón vô điều kiện các bạn trẻ và làm sao cho hoạt động tông đồ của chị em có hiệu quả hơn trong bối cảnh tràn ngập của thế giới ảo và những công nghệ thông tin mới."

Nói về ơn gọi của các chị em làm chứng nhân cho cộng đồng, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về điều mà ngài gọi là "chủ nghĩa khủng bố" đang ảnh hưởng mạnh đến đời sống thánh hiến-đó là tin đồn.

"Không bao giờ các chị em có thể cho phép có sự ghen tị giữa chị em với nhau. Đồn thổi những tin đồn là một quả bom phá hủy cộng đồng”.

Ngài khuyến khích các nữ tu lưu ý tới việc đào tạo và giáo dục thường xuyên để nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cũng khuyến khích các nữ tu trở thành "những nhà truyền giảng niềm vui, những chứng nhân cho những giá trị thích hợp với bản sắc Salesian, đặc biệt là những giá trị của sự gặp gỡ.” Đức Thánh Cha đã mô tả sự gặp gỡ là một mùa xuân mà từ đó các nữ tu "có thể kín múc một tình yêu có khả năng khôi phục lại sự nhiệt thành đối với Chúa và đối với giới trẻ ".

Đức Thánh Cha kết luận bằng cách đôn đốc các nữ tu hãy hướng về người sáng lập của dòng để khơi lại nguồn cảm hứng khi phải đối mặt với những khó khăn không thể tránh khỏi trong nhiệm vụ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney Rước Lễ Lần Đầu
Diệp Hải Dung
08:06 10/11/2014
Chiều Chúa Nhật 09/11/2014. Có 34 em Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc Liên Đoàn Nữ Vương Hòa Bình TGP Sydney đã đến nhà thờ Saint Brigid’s Marrickville Sydney lãnh nhận Bí tích Thánh Thể (Rước Lễ Lần Đầu) do Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Đặc trách Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Chủ tế.

Hình ảnh

Ngoài quý Phụ Huynh còn có qúy Sơ Trợ Úy, quý Huynh Trưởng, quý Giảng Viên Giáo Lý và quý Quan Khách Úc Việt tham dự. Trước khi dâng Thánh lễ, Cha Nguyễn Văn Tuyết ngỏ lời chúc mừng các em được lãnh nhận Mình Thánh Chúa Giêsu KiTô đầu tiên trong đời và Cha giới thiệu hôm nay có Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm, Cha Đặng Đình Nên và Cha Trần Kim Quyền đến hiệp dâng Thánh lễ

Trong bài giảng Cha khuyên nhủ các em nên biết nhận xét về tội lỗi để xưng tội thì mới được rước Chúa ngự vào trong tâm hồn của các em và hôm nay lần đầu tiên các em Thiếu Nhi đón nhận Chúa vào trong tâm hồn đây là một hồng ân, chúng ta cầu xin Chúa cho các bậc làm Cha Mẹ giúp con em của mình luôn sống trong ơn nghĩa Chúa…

Trước khi kết thúc Thánh lễ một em đại diện các em Thiếu Nhi lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Huynh Trưởng, quý Giảng Viên Giáo Lý đã nâng đỡ hướng dẫn dạy dỗ các em trong những lớp Giáo Lý suốt năm qua để hôm nay được vinh hạnh đón nhận Anh Cả Giêsu vào tâm hồn. Các em cũng cám ơn quý ân nhân đã giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, quý Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Marrickville, và tất cả mọi người đã đến tham dự cầu nguyện cho các em trong Thánh lễ hôm nay. Các em hứa sẽ cố gắng sống ngoan hiền đạo đức và noi gương Chúa Giêsu KiTô là Vị Anh Cả Tối Cao của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, qúy Cha và quý Sơ phát Chứng Chỉ và quà cho các em và và cùng các em chụp chung tấm hình kỷ niệm. Đặc biệt Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Marrickville đã giúp các em một số bánh Pizza và nước uống giải khát.
 
TGM Saigòn: Thư Mục Vụ Mùa Vọng và Giáng Sinh
+ TGM Phaolô Bùi Văn đọc
09:07 10/11/2014
Ngày 10 tháng 11 năm 2014

THƯ MỤC TỬ MÙA VỌNG và MÙA GIÁNG SINH 2014

Kính gửi : Quý Cha, Quý Bề Trên,
Quý Tu sĩ Nam Nữ, Chủng sinh
và Anh Chị Em giáo dân trong Gia Đình Giáo Phận

1. Kính chào tất cả quý cha, quý bề trên, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân. Tôi đã được mời tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới Khóa Ngoại thường về “Mục vụ Gia đình”, với tư cách là Chủ Tịch HĐGMVN. Mục đích Đức Thánh Cha Phanxicô khi triệu tập THĐGMTG lần này là để lắng nghe các nghị phụ, đặc biệt là các chủ tịch HĐGM các quốc gia, để biết tình trạng đời sống các gia đình Công Giáo trên thế giới. Tất cả bắt nguồn từ tình thương và ước muốn phục vụ con người, giống như Chúa Giêsu khi nhìn thấy đám đông thì chạnh lòng thương. Sau hai tuần làm việc ráo riết : lắng nghe, trao đổi, tham luận, góp ý, suy niệm …, Thượng Hội Đồng đã bế mạc ngày 19 tháng 10 vào ngày lễ phong “chân phước” cho Đức Thánh Cha Phaolô VI.

2. Tôi ra về, lòng hân hoan vui sướng vì đã được cộng tác với Đức Thánh Cha và hàng Giám mục thế giới trong tình huynh đệ. Tâm hồn mục tử được nâng cao và lòng đầy hy vọng cho tương lai của Giáo Hội Chúa Kitô trong thời đại đầy những biến chuyển và thử thách này. “Ở đâu tội lỗi càng nhiều, thì ở đó càng dồi dào ân sủng” (Rm 5, 20). Đó là điều thánh Phaolô đã từng rao giảng, làm nổi bật Tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa : Tình yêu không đặt điều kiện, không mặc cả, cho đi mà không tính toán, Tình yêu tự hiến trọn vẹn nơi cái chết hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập giá ! Lòng tôi đầy hy vọng vì hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều có “niềm hy vọng lớn lao” : được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần yêu thương trọn vẹn, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, Tình Yêu ấy vẫn chờ đợi chúng ta (x. Spe Salvi, số 3).

3. Mùa Vọng là “Mùa Chờ đợi”: Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Trong Thư II, thánh Phêrô nói với chúng ta : “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2 Pr 3,9b). Thiên Chúa chờ đợi, vì muốn gặp gỡ chúng ta. Chúa Giêsu Kitô muốn gặp gỡ chúng ta, nên Người sẽ trở lại trong vinh quang. Nhưng nếu trong cuộc đời lữ thứ này, chúng ta gặp gỡ được Chúa trong đức tin, nhờ lắng nghe Lời Chúa và cử hành phụng vụ bí tích, thì chúng ta đã là “phúc nhân” rồi ! Tuy ở trong thế gian, chúng ta vẫn không thuộc về thế gian, đúng như lòng Chúa Giêsu mong ước, được biểu lộ trong Lời cầu nguyện với Chúa Cha trước khi ra đi về cùng Chúa Cha (x. Ga 17,14-16).

4. Thiên Chúa chờ đợi ! Chúng ta chờ đợi ! Trong thâm sâu, lòng con người lúc nào cũng ước ao những điều cao thượng, âm thầm hướng về Thiên Chúa là Cội Nguồn, là Quê Hương đích thực. Sự hoài hương thuộc về bản chất của con người. Mùa vọng là mùa Giáo Hội khơi dậy lòng yêu mến Quê Hương đích thực của người kitô hữu. Hướng về Quê Trời, yêu mến “Quê Hương Ba Ngôi”, không phải là lãng quên các giá trị trần thế. Trái lại, nghĩa vụ của mọi người kitô hữu là biến đổi thế giới, thay đổi trần gian này, chuẩn bị cho “Trời mới Đất mới” (2 Pr 3,13) nơi Thiên Chúa ngự trị : “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Chính Thiên Chúa đổi mới tất cả, Thần Khí Tác Tạo của Chúa canh tân bộ mặt trái đất ! Hãy cộng tác với Thần Khí, đổi mới mọi sự, dọn đường cho Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể làm người và ở giữa chúng ta.

5. Hãy noi gương Gioan Tiền Hô, dọn đường cho Chúa. Hãy trở thành tiếng của “Người Hô trong sa mạc” ! Người Hô ấy chính là Đức Chúa! Cuộc đời chúng ta trở thành “tiếng nói” của Đức Chúa. Chúng ta là “sứ giả” của Người ; để bớt phần bất xứng, trước hết phải canh tân chính mình ! Hãy đổi mới bản thân! Hãy lấp cho đầy những hố sâu, để khỏi có ai rơi vào ! San bằng những lồi lõm trên đường ta đi, để người khác có thể đồng hành ! Hãy tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ đến làm phép rửa bằng Thánh Thần. Hãy quan tâm đổi mới cuộc sống gia đình, dù có rất nhiều khó khăn và thách đố ! Chuẩn bị cho gia đình đón Chúa, lắng nghe Tin mừng của Chúa !

6. Đặc biệt năm nay, hãy nỗ lực đưa Niềm vui của Tin mừng vào giáo xứ, đến với mọi thành phần trong giáo xứ, vào các cơ chế và tổ chức của giáo xứ. Làm thế nào để Giáo xứ mỗi ngày thêm giống Cộng Đoàn Kitô hữu đầu tiên (x. thư MV của HĐGMVN, số 1). Trong giáo xứ, giống như trong gia đình, mỗi người tự canh tân mình trước khi đòi hỏi người khác phải thay đổi. Sám hối và tin vào Tin mừng, thì sẽ có Niềm vui của Tin mừng. Niềm vui này trước hết là niềm vui bước theo Chúa và trở nên người môn đệ chân chính của Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Giáo xứ dần dần trở nên như gia đình của Thiên Chúa ở trần gian. Cha xứ, cha phó, làm gương sáng cho giáo dân trong nỗ lực vươn lên. Hội đồng giáo xứ và các đoàn thể cố gắng đổi mới cách sống, cách suy nghĩ.

7. Tôi đã chủ sự Thánh lễ tại nhiều nhà thờ các giáo xứ và cảm thấy rất hãnh diện về việc tham dự tích cực và sốt sắng của các thành phần Dân Chúa. Chỉ còn rất ít người đi trễ, có lẽ vì kẹt xe hay một lý do nào đó; nhưng nếu khắc phục được, thì thật là đáng khen. Chắc trong số những người tham dự Thánh lễ, có nhiều người thực sự muốn gặp gỡ và nhận được sự sống từ nơi Chúa. Tôi chưa có dịp nghe anh em linh mục giảng trong Thánh lễ, nhưng rất ước mong anh em lưu tâm chuẩn bị bài giảng vắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, có chất lượng nuôi dưỡng đời sống Dân Chúa. Trong việc dạy giáo lý, cần có sự cộng tác chặt chẽ giữa linh mục và giáo dân, nhưng linh mục vẫn là người chịu trách nhiệm chính. Làm thế nào để việc huấn giáo góp phần đưa Lời Chúa vào cuộc sống của các tín hữu.

8. Tôi ước mơ các giáo xứ trở thành những cộng đoàn hiệp thông, hiệp thông với Chúa, hiệp nhất với nhau. Mọi người đều có chỗ đứng trong lòng giáo xứ, nhất là những người nghèo, những người trẻ. Tôi ước mơ mọi kitô hữu trong giáo xứ đều trở nên những môn đệ tông đồ của Chúa Giêsu, dấn thân tích cực loan báo Tin mừng Chúa Giêsu, sẵn sàng đối thoại với mọi người, những người thuộc các tôn giáo khác, cả những người không theo một tín ngưỡng tôn giáo nào ; sẵn sàng trả lẽ về niềm hy vọng trong lòng, trong cuộc sống của anh em. Tôi ước mong tất chúng ta, những người kitô hữu, trở thành những “đấng an ủi”, “đấng bảo trợ”, giống như Chúa Thánh Thần, đối với những người gặp nhiều hoạn nạn khổ đau. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn, mở rộng tầm nhìn hướng về những phần đất xưa kia đã từng là cái nôi của Kitô-giáo như Syrie, Irak…, dâng những hy sinh để cầu nguyện cho họ, cho những người phải bỏ lại mọi sự, xa rời quê nhà để làm chứng cho Chúa. Tại Việt Nam, lòng chúng ta hướng về anh chị em di dân bỏ các vùng quê lên thành phố tìm kế sinh nhai.

9. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn năm 2015 là năm của “đời sống thánh hiến”. Đây là cơ hội thuận lợi để anh chị em sống đời thánh hiến đào sâu căn tính và đoàn sủng của mình, để “trải nghiệm không ngừng sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô” (x. Niềm vui của Tin Mừng, số 264). Chính trải nghiệm này thúc giục anh chị em ngày càng yêu mến Đức Kitô nhiều hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác, dấn thân cho sứ vụ Phúc âm hóa cách mạnh mẽ hơn, trong sự hợp tác chặt chẽ với Giáo Hội địa phương (x. Thư MV của HĐGMVN năm 2014).

10. Về phương diện mục vụ, từ Chúa Nhật I Mùa Vọng, Tổng giáo phận Saigon của chúng ta bắt đầu thực hiện chương trình đã được HĐGMVN đề nghị cho năm 2015 về việc tân phúc âm hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến. Sau Mùa Vọng, chúng ta sẽ hân hoan bước vào Lễ Giáng Sinh, một Đại Lễ không những cho Giáo Hội Công Giáo, mà cho mọi kitô hữu trên thế giới. Chúng ta vui mừng vì Chúa đến với chúng ta, Chúa sinh ra làm người ở giữa nhân loại, và sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chúng ta sẽ tiếp nối “nền văn hóa gặp gỡ” mà Chúa đã mở ra cho chúng ta, hướng về ngày mọi người gặp gỡ nhau trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.

11. Chúng ta sẽ noi gương Chúa, đến với mọi người, đặc biệt là những người nghèo, đến ở giữa họ, ở cùng họ, chia vui sẻ buồn với họ. Đem ánh sáng Tình thương của Thiên Chúa đến cho mọi người, đem “tin yêu”, đem “niềm vui của Tin Mừng” đến cho mọi người. Chúa Giáng Sinh là nguồn vui của chúng ta. Những thứ vui chơi khác chỉ là phụ thuộc, không được che lấp Ánh Sáng linh thiêng của đêm Noel, niềm vui thiêng thánh mà Chúa mang tới. Xin anh chị em bớt tiêu xài vào những vui chơi theo kiểu trần gian trong đêm Noel, để tiền bạc và của cải vật chất chia sẻ cho người nghèo. Tôi nghe nói những anh chị em bị nhiễm HIV/AIDS ở “trọng điểm”, nơi mà trước đây có một sự hợp tác khá chặt chẽ giữa các dòng tu và phía chính quyền, cùng với xã hội dân sự, rất thiếu thốn, đặc biệt trong những dịp lễ lớn, như Noel, Tết Nguyên Đán.

12. Niềm vui Giáng Sinh của chúng ta sẽ kéo dài, nếu Đức Chúa Trời không ngừng sinh ra trong tâm hồn chúng ta. Mà đâu có Tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời, đâu có lòng từ bi là đó có ân sủng Người, đâu có lòng bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi, đâu ý hợp tâm đầu, ở đó chứa chan niềm vui !

Cầu chúc anh chị em một Mùa Vọng thật sốt sắng, một Lễ Noel thật ấm cúng, một Mùa Giáng Sinh tràn ngập niềm vui và ân sủng !

Thân ái kính chào anh chị em !

+ Phao lô Bùi Văn Đọc
Tổng Giám Mục
 
Đức quốc : Họp hội đồng đại biểu toàn quốc lần thứ 27
Thanh Sơn
13:49 10/11/2014
ĐỨC QUỐC: HỌP HĐĐBLĐCGVN TẠI ĐỨC KỲ THỨ 27

ĐỨC QUỐC: Phiên họp Hôi Đồng Đại Biểu toàn quốc đã được BCH. nhóm họp vào hai ngày cuối tuần 08-09 tháng 11. 2014 tại Schullanheim Lützel miền trung Đức Quốc, với sự hiện diện của Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu đại diện Hội Đồng Tuyên Úy, 5 thành viên BCH. 2 vị tư vấn cùng 43 đại biểu,đến từ 7/10 vùng của toàn nước Đức.

Đúng 14h khai mạc phiên nhọp với bài hát "Cầu Xin Chúa Thánh Thần" sau đó Bà Tổng thơ ký Phan Thi Hương thay mặt BCH. dâng lời nguyện cầu lên Thiên Chúa xin Ngài chúc lành cho những phiên họp trong cả cuối tuần này được tốt đẹp theo thánh ý Ngài. Đồng thời chào mừng và giới thiệu BCH. cũng như toàn thể 43 đại biểu hiện diện hôm nay.

- Ông Chủ Tịch GB. Phùng Khải Tuấn ngỏ lời chào mừng đến Lm. Stêphanô, qúy vị ban tư vấn và toàn thể qúy Đại Biểu, đồng thời nêu lý do và chủ đề về phiên họp thường niên trong cả cuối tuần này.

- Lm. Stêphanô thay mặt Hội Đồng Tuyên Úy chào mừng đến toàn thể Hội Đồng, ngài cũng tạ ơn Chúa và cám ơn tới tất cả thành phần qúy Đại Biểu là những người đã phải hy sinh bao nhiêu công việc ở nhà để dấn thân cho công việc chung của ngôi nhà Liên Đoàn được mỗi ngày tốt đẹp và gắn bó với nhau hơn. Ngài cũng chia sẻ trong thời gian qua đã đại diện Tuyên Úy Đoàn đến tham dự được nhiều nơi thì thấy sự phát triển và càng ngày càng trưởng thành của rất nhiều vùng. Ngài cũng tạ ơn Chúa về Hội Đồng Giám Mục Đức đã ưu ái cho người Công Giáo Việt Nam ở nhiều vùng có những TTMV. riêng để thuận tiện cho những sinh hoạt đạo cũng như văn hóa của chúng ta, ngài gọi đây là những vùng đã được an cư lạc nghiệp. (Không phải vất vả đi tìm chỗ tổ chức chung nữa vì đã có trung tâm để sinh hoạt)

- Ông phó Chủ Tịch nội vụ Phạm Anh Tuấn Tú trường trình báo cáo về tất cả những hoạt động của BCHLĐ trong năm qua.

- Ông Thủ qũy Dương Văn Đá tường trình báo cáo chi thu tài chánh trong năm.

- Ông Chủ tịch GB. Phùng khải Tuấn trình bày cùng nhìn lại Đại Hội năm qua, với những khó khăn gặp phải khi tới một địa điểm mới ở Hassfurt. ông cũng thay mặt BCH. tri ân tới tất cả các vùng đã đóng góp tích cực trong vấn đề công tác tổ chức, đặc biệt là gánh nặng của vùng cha Vicent Trần Văn Bằng, cha Đomnik Nguyễn Mạnh Nam, và cha Stêphanô Bùi Thượng Lưu. Tất cả mọi bàn tay xây dựng nên một Đại Hội thành công tốt và đã để lại ấn tượng đẹp cho Hội Đồng thành phố cha sở và họ đạo giáo dân người Đức nơi đó.

- Mọi người nêu ý kiến rút ưu khiyết đểm trong bầu khí thật là cởi mở trong một "luồng gió mới" trong sáng và nhẹ nhàng. Vùng cha Antôn Đỗ Ngọc Hà cũng chia sẻ một niềm vui là Lm. Antôn Đỗ Ngọc Hà đã được đức TGM. Berlin quyết định làm 100% hoàn toàn cho người Công Giáo Việt Nam thay cho trước đây chỉ có 25% và có một trung tâm mục vụ. (tương lại có thể sẽ nâng lên hàng giáo xứ) Tạ ơn Chúa và mọi người cùng chia vui với vùng thủ đô Bá Linh và bế mạc phiên họp I.

Sau khi nghỉ giải lao 15 phút xong là vào Phiên Họp II.

- Đúng 16h Ông Chủ tịch Liên Đoàn trình bày về chủ đề cho ngày Đại Hội Công Giáo năm 2015 sắp tới mà Hội Đồng Tuyên Úy đã gợi ý. "NHỮNG THÁCH ĐỐ (ĐỐI CHỌI) ĐỨC TIN TRONG GIA ĐÌNH..."

Khá nhiều ý kiến góp ý cho đề này của những Đại biểu hiện diện.

- Thuyết trình viên chính của Đại Hội năm 2015 là Lm. Giuse Nguyễn Thiết Thắng thuôc dòng Biển Đức, ngài đã nhiều năm thuyết trình ở Đại Hội Thánh Mẫu tại dòng Đồng Công bên Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi trên thế giới nhưng còn rất trẻ.

- Tiếp đến là thành lập Ban Tổ Chức ĐHCG. kỳ thứ 39. Năm nay đúng là có một "Luồng gió mới" đầy ơn Chúa Thánh Thần thổi tới. Tất cả những công tác đã được các Đại Biểu vùng sẵn sàng đảm nhận trong vui vẻ đặc biệt, hai vùng gần nhất là vùng cha Vincent Trần Văn Bằng và vùng cha Đominik Trần Mạnh Nam. Một Ban Đại Hội lớn lao cho công tác toàn quốc đã hoàn thành trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ thì phải cúi đầu cảm tạ ơn Chúa đã ban cho một "Làn gió mới" của Chúa Thánh Thần. Chỉ có Ngài tác động và thúc đẩy, hướng dẫn cho chúng con mà thôi. Một Đại Gia Đình cho Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức đang ngày một gắn kết chặt chẽ với nhau và thông hiểu nhau hơn.

- Sau cơm tối cha Đại Diện Tuyên Úy Đoàn Stêphanô Bùi Thượng Lưu cùng tất cả anh chị em ngồi lại với nhau trong tâm tình thân thương để chia sẻ những điều còn thắc mắc, những gì chưa được rõ ràng với nhau. Những gì mà trước tới nay vì không có thời gian ngồi lại với nhau để chia sẻ. Đây mới là những sự qúy báu để quen biết và hiểu nhau hơn, để cùng nắm tay nhau xây dựng ngôi nhà của Liên Đoàn ngày một vững chắc và đẹp hơn lên.

Buổi tối hôm nay cũng là một buổi tối rất đặc biệt, Hội Đồng Đại Biểu được mừng 40 năm hồng phúc Lm. và 70 tuổi xuân của cha linh hướng Stêphanô Bùi Thượng Lưu. Một bữa tiệc đơn sơ do anh Hải và qúy chị phu nhân đầu bếp sửa soạn cho, với những chai rượu đỏ cha mang từ Pháp về để mời anh chị em cùng mừng chung với ngài. Hội Đồng Đại Biểu và BCH, Ban Tư Vấn tạ ơn Chúa và cầu chúc cho ngài nhiều sức mạnh hai phần hồn xác và cùng tạ ơn Chúa với ngài.

Sáng ngày Chúa Nhật 08h kinh sáng theo cách thức của Linh Thao. Sau thánh vịnh kinh sáng Chúa Nhật

Lm. đọc bài Phúc Âm: HÃY SẴN SÀNG ĐỂ ĐÓN CHÚA (Mt.25,1-13) đọc thật thong thả để suy tư. Sau đo cha gợi ý những câu chữ để anh chị em dễ nhận thấy được ý nghĩa của lời Chúa. Dụ ngôn 10 cô Trinh Nữ: được ví như chiếc áo trắng khi ta được rửa tội. Áo sẽ vấy bẩn khi ta không biết giữ gìn. Sẽ đen đi nếu ta không biết cách gội rửa đi khi tâm hồn đã chai lì.Sẽ mục rữa đi khi ta cứ đễ dầm mưa nắng, và sẽ cháy đi khi lửa đến. Năm cô khôn ngoan là biết thực hành Lời Chúa. Biết làm việc siêng năng để trữ dầu nhân đức. Biết sẵn sàng khi chàng rể đến dù là chưa biết lúc nào. Nhưng vẫn ngủ như những cô kia nhưng bất chợt khi Người đến! thì đèn có dầu sẵn rồi, và đèn sáng láng đi theo Người vào dự tiệc. Ngược lại năm cô kia thì bất ngờ Người đến! đã không có dầu thì chớ đèn cũng đen đủi nên tối om... tại sao??? thì mỗi người tự xét mình sẽ thấy... Xin Chúa cho chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng chăm sóc cho đèn tâm hồn chúng con có được những thứ dầu nhân đức, bác ái, yêu thương, hy sinh và đoàn kết.

BẦU TÂN BAN CHẤP HÀNH NHIỆM KỲ 2015-2017

09h sáng BCH đương nhiệm tạm thời ngưng trách nhiệm để thành lập một Ban Bầu Cử gồm hai ông Tư Vấn Liên Đoàn, hai vị Đại Biểu trưởng vùng và Lm. Đại Diện Hội Đồng Tuyên Úy Đoàn. 5 Vị đã tạm thời thay mặt BCH. để điều khiển chương trình bầu cử. Năm nay cuộc bầu cử tiến hành rất thuận tiện, vì 7 vùng đã gởi danh sách Ứng cử viên về trước cho BCHLĐ. nên Ban Bầu Cử chỉ cần thông báo lại tất cả cách thức bầu cử, dựa theo nội quy Liên Đoàn. Bỏ phiếu kín 2 vòng để chọn ra một BCH. mới 5 người. Kết qủa trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ đã có kết qủa tốt đẹp một BCH. mới, như Một "Làn Gió Mới".(Tân BCH. sẽ được giới thiệu trong kỳ Đại Hội Công Giáo vào ngày đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2015).

11h thánh lễ bế mạc cho kỳ họp Hội Đồng Đại Biểu lần thứ 27 bảy này.

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ "Cung Hiến Thánh Đường Latêranô". Đây là đền thờ đại thánh đường quan trọng nhất của Giáo Hội Công Giáo. Là đền thờ mẹ của các đền thờ trên thế giới, kể cả đền thờ thánh Phêrô.

Đây là Vương Cung Thánh đường của giáo phận Rôma, là nơi ngự của ngai tòa Giáo hoàng. Đó là đền thờ của Giáo Hội, được làm từ bàn tay và công sức của con người xây nên, như bao nhiêu những đền thờ đẹp đẽ nơi thế gian này với lòng trang trọng và thánh hiến.

Nhưng có một Đền thờ quan trọng nhất là con người Đức Giêsu phục sinh, một con người đầy tràn sức sống của Thánh Thần, và mọi đền thờ đều phải qui về Đền thờ đó, nếu không gắn kết với Đấng phục sinh và Thánh Thần của Ngài, chẳng đền thờ nào là đền thờ thực sự vĩnh viễn cả. Lm. Stêphanô chia sẻ về cái đền thờ "tâm hồn" của mỗi người trong chúng ta mới là cái đến thờ quan trọng nhất. Cái đền thờ trong trái tim của chúng ta nếu được thánh hiến cho Ngài trọn vẹn, thì sẽ trở nên một đền thơ tinh tuyền, và sẽ trở nên đền thờ cho Chúa Thánh Thần ngự trị. Amen.

Tay trong tay quây quần dâng lên Thiên Chúa kinh Lạy Cha mà chính Chúa Giêsu đã trực tiếp dạy giỗ và truyền đạt lại cho các môn đệ khi cầu nguyện.

- Những lời nguyện xin dâng lên Thiên Chúa tất cả Giáo Hội, Cầu ĐGH. cho thế giới được hòa bình, cho những linh hồn tiền nhân được hưởng Ánh Sáng của Ngài.v.v...

Sau thánh lễ BCH. cám ơn tới cha Stêphanô, đồng thời gởi lời cám ơn tới tất cả qúy cha Tuyên Úy, tới tất cả các vùng và mọi cộng đoàn. Cám ơn Hội Đồng Đại Biểu và Hội Đồng Tư Vấn. Chụp hình lưu niệm, và tất cả mọi bàn tay mau mắn thu dọn khiêng sếp bàn ghế lại trong phút chốc đã đâu vào đấy cả một cách mau mắn.

Sau khi dùng cơm trưa và bế mạc chia tay vào lúc 14h30. Hẹn nhau ngày Đại Hội Công Giáo lần thứ 39 sẽ được tổ chức tại thành phố Hassfurt vào 3 ngày Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 2015.

Thanh Sơn 10.11.2014

Tường thuật và ghi hình

XEM THÊM ẢNH
 
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Tgp Miami cầu nguyện cho cố TT Ngô Đình Diệm
Lm. Nguyễn Kim Long
13:43 10/11/2014
Lễ cầu nguyện cho Cố Tổng thống Gb. Ngô Đình Diệm, các Chiến sĩ và Đồng bào đã hy sinh vì dân tộc tại Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Tgp Miami.

Chiều thứ Bảy 8-11 vào lúc 5:30pm, Thánh Lễ cầu cho Cố Tổng thống Gb. Ngô Đình Diệm, các Chiền sĩ và Đồng bào đã hy sinh vì dân tộc được tổ chức tại Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Tgp Miami. Thánh Lễ do Linh mục Quản xứ Nguyễn Kim Long chủ tế, với sự tham dự của anh chị em giáo dân, Đại diện Cộng đồng Việt Nam tại Nam Florida và các cựu chiến sĩ thuộc nhiều binh chủng khác nhau của Quân Lực VNCH.

Xem Hình

Đây là lần đầu tiên tổ chức nên số người tham dự chỉ khoảng dưới 100 người. Tuy nhiên, Thánh Lễ đã diễn ra thật cảm động khi những người hiện diện được nhìn lại khuôn mặt hiền hậu của Cố Tổng thống Diệm, một anh hùng dân tộc, đặt trước những lá cờ Việt Nam thân yêu. Trong bài giảng, Linh mục chủ tế đã chia sẻ với Cộng đoàn về hai điểm nổi bật trong cuộc đời của ông:

1. Ông Diệm là con người của đức tin và hết lòng phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng Toàn năng.

2. Ông Diệm là người con của dân tộc Việt Nam.

Phẩn dâng của Lễ là sự kết hợp giữa các cựu chiến sĩ QLVNCH và các cựu chiến sĩ Việt QL Hoa Kỳ. Sau Thánh Lễ, một Đạidiện BTC đã có lời cám ơn và mởi mọi người sang Hội trường tham dự Nghi thức Tưởng niệm Cố Tổng thống, các Chiến sĩ và Đồng bào đã quên mình cho chính nghĩa Dân tộc. Buổi lễ kết thúc với bữa cơm thân mật do BTC mời, nhưng do chính các "em gái hậu phương" nấu sẵn và chuẩn bị bên ngoài. Khi bữa cơm gần tàn cũng là lúc màn đêm đã buông xuống. Mọi người ra về với lời hứa hẹn năm sau cũng vào ngày này sẽ tổ chức Thánh Lễ chu đáo và mở rộng cho cả Cộng đồng.

Lm. Nguyễn Kim Long
 
Thông Báo
Phân ưu: thân phụ Cha Giuse Nguyễn Hữu An được Chúa gọi về Nhà Cha
VietCatholic
00:02 10/11/2014
PHÂN ƯU

Được tin buồn

Ông Cố PHÊRÔ NGUYỄN HỮU PHÚ
(là thân phụ Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An, cộng tác viên VietCatholic)
đã được Chúa gọi về Nhà Cha trên Trời lúc 4g30 sáng ngày 10 tháng11năm 2014,
tại tư gia thuộc Giáo xứ Tin Mừng. Hưởng Thọ 72 tuổi.

Nghi thức tẩm liệm: 7g00 Sáng Thứ Ba, ngày 11 tháng 11 năm 2014.
Thánh lễ an táng sẽ được Đức Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết chủ sự vào lúc 15g00, Chiều Thứ Tư, ngày 12 tháng 11 năm 2014.
Tại Nhà thờ Giáo Xứ Tin Mừng - Hạt Hàm Tân - Giáo Phận Phan Thiết.
Linh cửu sẽ được an táng tại nghĩa trang Giáo xứ Tin Mừng.

Xin thành kính phân ưu cùng Cha Nguyễn Hữu An và tang gia.
Nguyện xin Chúa nhân lành ban phúc trường sinh cho Ông Cố Phêrô trên Quê Trời.

Linh Mục gioan Trần Công Nghị
và toàn Ban Giám Đốc VietCatholic Network
 
Văn Hóa
Hạt mầm kỳ diệu
Giuse Vĩnh Tuấn
11:26 10/11/2014
HẠT MẦM KỲ DIỆU

Quan sát vũ trụ thiên nhiên quanh ta, có biết bao điều kỳ diệu mà con người không sao hiểu nổi. Ngày nay, khoa học kỹ thuật rất phát triển, nó đã giúp con người giải thích được nhiều điều bí ẩn. Thế nhưng vẫn có những điều kỳ diệu mà khoa học không sao giải thích được. Một ví dụ điển hình và rất thực tế đối với mỗi người chúng ta đó là hạt mầm. Một hạt mầm tuy rất bé nhỏ nhưng lại chứa đựng biết bao điều kỳ diệu.

Trong thiên nhiên có biết bao loài cây cối, thảo mộc. Mỗi loài đều sinh trưởng và phát triển theo cây nào giống đó. Mỗi cây đều sinh ra hoa quả tùy theo loài. Khi ta cầm và quan sát một hạt bất kỳ, ta nhận thấy nơi chúng có những điểm chung này: hạt khá nhỏ bé, có nhiều hạt chỉ bé tí ti. Thế nhưng trong những hạt bé tí ấy lại chứa đựng một mầm sống và chất dinh dưỡng khác nhau. Có nhiều loại hạt dùng để làm thực phẩm cho con người. (hạt lúa, hạt bắp, hạt đậu….) Có những hạt dùng làm thực phẩm cho chim trời, cá biển và các loài động vật. Có nhiều loại hạt còn dùng để làm thuốc chữa bệnh cho con người. Nhưng cũng có những hạt khi ăn phải thì có thể bị ngộ độc và ảnh hưởng tới tính mạng. Nếu được chế biến thích hợp, thì nhiều loại hạt còn cho nhiều công dụng khác nhau. Cũng chính những hạt đó, khi gặp điều kiện thuận lợi thì sẽ nảy mầm thành cây mới.

Ngày nay khoa học phát triển nhiều mặt. Khoa học giúp cải thiện đời sống con người rất nhiều. Các nhà khoa học thể phân tích tường tận một hạt có cấu tạo thế nào. Có bao nhiêu thành tố dinh dưỡng trong đó. Nhưng khoa học không thể tạo ra một hạt mầm tự nó có mầm sống. Nhiều người cho rằng, đó là sự kỳ diệu của thiên nhiên. Còn người có niềm tin tôn giáo thì lại lý giải theo một cách khác. Khoa học có phát triển đến mấy thì vẫn có những giới hạn mà khoa học không thể vượt qua.

Cụ thể hơn, ta nhìn một hạt lúa, hay còn gọi là hạt thóc. Nó nhỏ hơn so với rất nhiều loại hạt, nhưng nó lại ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu và lý thú. Hạt thóc là thức ăn bổ dưỡng cho nhiều loại chim trời. Khi bóc võ trấu bên ngoài ra, thì phần ruột bên trong được gọi là hạt gạo. Hạt gạo đó chứa nhiều protein, là một loại chất dinh dưỡng cần thiết cho con người. Nó cũng được dùng làm thức ăn cho nhiều loại gia súc gia cầm. Khi nấu thành cơm, đem cơm ủ lên men, ta có thể chế biến thành rượu để uống. Ta đem hạt gạo xay thành bột, thì ta sẽ làm được nhiều loại bánh thơm ngon. Cũng một hạt lúa đó, nếu ta đem ủ nơi một môi trường thích hợp và thuận lợi, hạt lúa ấy sẽ nãy mầm thành một cây lúa mới đầy sức sống. Dù ngày hay đêm, cây lúa vẫn âm thầm mọc lên. Thật kỳ diệu biết bao!

Những điều trông có vẻ rất tự nhiên và tầm thường đó lại luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu bên trong. Nếu ta quan sát và để ý, thì có biết bao điều kỳ diệu đang xảy ra mỗi ngày quanh ta. Khi chiêm ngắm những điều kỳ diệu ấy, bạn có bao giờ tự hỏi: “tại sao lại xảy ra được như vậy? Ai đã và đang điều khiển quy luật mà nhiều người cho đó là luật tự nhiên của trời đất này?” Chắc chắn một điều, tất cả quy luật ấy chịu chi phối và điều khiển bởi một quy luật lớn hơn, và quy luật lớn hơn đó là gì? Mỗi người hãy tìm ra câu giải đáp thích hợp cho riêng mình bạn nhé.

Giuse Vĩnh Tuấn

Khóa 6 ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Một Mình Giữa Ao Thu
Thérésa Nguyễn
22:24 10/11/2014
MỘT MÌNH GIỮA AO THU
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Mỗi lần thu đến ngây ngây tình buồn
Vào thu lá trở tơ buông
Nghe se da thịt một luồng tâm tư.
(Trích thơ của Thái Thụy Vy)