Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca. Lc 18:1-8
Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi". Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc". Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"
Kính thưa qúi ông bà và anh chị em,
Đức Giêsu đã phàn nàn: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” sau khi Ngài dùng dụ ngôn về bà góa và ông quan tòa. Ngài muốn nhắc nhở chúng ta hãy cầu nguyện liên lỉ và tin tưởng vào Thiên Chúa.
Chúng ta nên nhớ “Đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban nhưng không cho con người” như thánh Phaolô đã nói trong thư gởi tín hữu thành Êphêsô đoạn 2 câu 8. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đánh mất hồng ân vô giá đó (Giáo Lý Công Giáo đoạn 162). Vì thế, chúng ta phải chăm sóc, nuôi dưỡng để đức tin được triển nở qua đời sống cầu nguyện. Nếu không, đức tin giống như hạt lúa đã được gieo trồng mà không được chăm sóc sẽ bị chết đi không giúp gì được cho con người.
Tại sao hồng ân vô giá đó bị mất đi? Thưa là vì cuộc sống con người bận rộn và bôn ba với những miếng cơm, manh áo; hoặc ỷ vào sức mình, hoặc bị những cá tính xấu như lười biếng, đam mê này nọ, hoặc chạy theo tiền tài danh vọng sắc dục, rồi dần dần lòng mến và niềm tin bị mai một. Bởi thế, Đức Giêsu đã nhắc nhở là “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.”
Mỗi người chúng ta đều biết cầu nguyện là hướng tâm hồn lên với Chúa để yêu mến, tôn thờ, cảm tạ và xin ơn, bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Sách Giáo Lý Công Giáo cho biết, cầu nguyện là " một sự liên lạc sống động giữa cá nhân mỗi người với Thiên Chúa hằng sống... mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha trên trời" (số 2558, 2565). Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu có nói: “Đối với tôi, cầu nguyện là một sự hướng lòng lên, một cái nhìn đơn sơ hướng lên trời. Đó là tiếng kêu của lòng tri ân và của tình yêu trong cơn thử thách cũng như trong lúc hưởng niềm vui.” (Autobiography..p 25)
Nhiều người cảm nhận về cầu nguyện khác nhau. Có người nói là cách kẻ yếu đuối nương cậy vào Đấng Toàn Năng, là lúc tâm hồn mình gặp gỡ Thiên Chúa. Người khác cảm nhận là tiếng lòng khát khao nước hằng sống, là lòng cậy trông vào quyền năng của Ngài, là hơi thở của sự sống, là cầu thang giúp con người tiến trên đường thiêng liêng, trở nên thánh khiết. Một số khác cảm nghiệm là con đường giúp con người khôn ngoan và can đảm để biến đổi thử thách, cám dỗ, buồn chán thành vàng ròng, hoặc là cánh cửa mở ra cho con người thấy sự yếu đuối của mình hóa ra sức mạnh, cơn chiến đấu của mình hóa ra cuộc đắc thắng đời đời, và là cảm nhận được hồng ân Chúa tràn đầy.
Vào năm 2002, sau nghi thức Hòa Giải mùa chay, tôi gặp một chị người Việt và được nghe chị kể lại về cảm nghiệm hành trình đức tin của chị. Trước khi vượt biên với 158 người trên một con thuyền nhỏ, chị là một Phật tử rất sùng đạo. Sau khi con thuyền ra hải phận quốc tế, chị cảm thấy con thuyền thật nhỏ bé như hạt cát trong bãi biển, chẳng đáng là gì so với đại dương và bầu trời bao la. Tối ngày thứ ba con tàu gặp sóng to gió lớn khiến con thuyền nghiêng ngả, hầu như chìm nhiều lần. Mọi người đều hoảng sợ. Ai ai cũng cầu nguyện mong sao con tàu được an bình tới bến. Sóng to gió lớn mấy tiếng đồng hồ làm mọi người cảm thấy vô vọng, chỉ còn bám vào Đấng quyền năng mà mỗi người đã tin. Chị ta nhớ là lúc đó chị cảm thấy hầu như vô vọng, rồi lại nhớ đến mấy người bạn Công Giáo có nói về quyền năng của Thiên Chúa. Không biết sao, chị lại cầu nguyện xin Chúa thương giúp. Đêm đó, chị thấy một người đàn ông trôi nổi trước thuyền, giơ tay nắm lấy mũi thuyền, giữ cho con thuyền an toàn trôi nổi trên biển. Sau khi chị được định cư tại Úc, chị đã bỏ thời gian tìm kiếm. Chị đã khám phá ra đó là thánh Giuse. Sau đó, chị học giáo lý, rửa tội, trở nên một Kitô hữu thánh thiện. Chị luôn cầu nguyện hằng ngày và cảm nhận đời sống cầu nguyện giúp chị tăng trưởng đức tin, nhất là cảm nhận sự gần gũi với Chúa qua thánh Giuse, giúp chị khôn ngoan và can đảm đối diện với đau khổ, với thử thách và cám dỗ. Chị luôn tri ân thánh Giuse, Đấng đã dẫn dắt chị nhận ra Thiên Chúa và được trở nên con cái của Ngài.
Trong cuộc sống, ai cũng gặp phải những gian nan khốn khó mà mình không mong muốn, không tránh được, như bệnh tật, nghèo khó, thất nghiệp, bất công.v.v … nhất là trong cơn đại dịch hiện nay. Chúng ta hãy siêng năng và kiên trì cầu nguyện để khám phá những gian nan khốn khó, những đau khổ đó như những khổ giá mà Đức Kitô muốn chia sẻ để chúng ta được dự phần đau khổ với Ngài hầu được thông phần vinh quang với Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Ngài giúp cho có sức chịu đựng và vượt qua những khó khăn, đau khổ này. Chính Đức Giêsu cũng không tự nguyện vác thập giá xưa kia. Khi đối diện với đau khổ này trong đêm Người bị nộp vì Giuđa phẩn bội, Đức Giêsu đã thống thiết cầu xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo Ý Cha” (Lc 22:42)
Chúng ta hãy cầu nguyện.
Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin nhìn đến nỗi thống khổ của đoàn con trên khắp thế giới trong cơn đại dịch này. Xin củng cố đức tin qua đời sống cầu nguyện của chúng con, xin nhận lời chúng con khiêm tốn cầu xin, cho chúng con hoàn toàn tín thác vào tình yêu quan phòng của Cha. Nhờ vào sự đau khổ và cái chết trên thập giá của Đức Kitô, con Cha, xin giảm bớt gánh nặng khổ đau, và cho chúng con cảm nhận được bàn tay Chúa đang ân cần nâng đỡ chúng con. Xin Mẹ Maria và thánh cả Giuse chuyển lời cầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.
Nguyện xin phúc lành của Chúa ba ngôi, là Cha và con và Thánh Thần gìn giữ và ban phúc lành cho quí ông bà và anh chị em. Amen
( Lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam )
Nói đến các thánh tử đạo, người ta thường nhấn mạnh đến tính anh hùng, chí bất khuất của các vị chứng nhân đức tin. Khi chấp nhận hy sinh cả mạng sống vì một lý tưởng nào đó thì quả rất xứng là anh hùng và đáng ca tụng. Các thánh tử đạo còn xứng được ngợi ca vì cách thế hy sinh của các ngài. Các vị anh hùng dân tộc, vì nước quên thân thật đáng khâm phục. Thế nhưng khi tuẫn tiết hay khi bị quân thù sát hại thì lòng các vị ấy ít nhiều có sự căm phẫn hay hận thù. Trái lại các thánh tử đạo khi ra pháp trường hay chết trong ngục tù, lòng vẫn thư thái, an bình, thậm chí còn hân hoan, chúc lành và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình. Nhờ đâu, bởi đâu mà các ngài có được thái độ cao thượng có thể nói là phi thường như thế? Kitô hữu chúng ta tin nhận trên hết và trước hết là nhờ ân sủng Chúa ban. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn đến các nguyên nhân từ phía các vị thánh tử đạo, khi các ngài đón nhận hồng ân của Chúa. Qua cuộc đời các thánh tử đạo, cách riêng các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta có thể thấy một trong những nguyên nhân ấy đó là khi đã cảm nhận được tình yêu thì thà chết chứ không chấp nhận xúc phạm đến tình yêu, xúc phạm đến Đấng đã yêu mình.
Hẳn chúng ta đã từng biết ít nhiều các chuyện kể về các thánh tử Đạo Việt Nam. Một trong những sự kiện xảy ra với các ngài đó là các quan thời bấy giờ thường đòi buộc hay dụ dỗ các ngài “quá khóa” tức là bước qua thập giá để được tha, thậm chí còn được ban bỗng lộc. Các tiền nhân anh dũng của chúng ta đã dứt khoát không quá khóa dưới mọi hình thức. Khi được quan dụ dỗ rằng: anh còn trẻ, hãy nghĩ lại và khôn hơn một chút, ta chỉ yêu cầu anh bước qua một khúc gỗ mà có gì đâu. Thầy giảng Đaminh Bùi Văn Úy đã trả lời: Đúng là khúc gỗ, thưa quan, nhưng khúc gỗ hình thánh giá ấy lại tượng trưng cho Chúa tôi thờ. Quan nghĩ sao nếu tôi đạp hay bước qua di ảnh cha mẹ tôi? Thưa quan, quan có dám bước qua mặt đức vua không? Nhưng dù quan có bước qua mặt đức vua thì tôi cũng không bao giờ bước qua mặt Chúa tôi thờ.
Thánh giá là dấu chỉ tình yêu mà Chúa Kitô trao ban cho nhân loại chúng ta. Kính thờ thánh giá không phải là kính thờ khúc gỗ hình chữ thập mà là kính thờ Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng, với trái tim chịu đâm thâu và chịu vắt kiệt đến giọt máu, giọt nước cuối cùng và đã chết đau thương trên cây gỗ chữ thập.
Không chấp nhận quá khóa, xét về mặt tiêu cực là cương quyết không báng bổ hay xem thường tình yêu, không bao giờ xúc phạm Đấng yêu thương mình. Dù không quá khóa cách hữu hình nhưng vẫn có đó nhiều người vô tình hay hữu ý, báng bổ tình hiếu đạo khi coi thường các đấng sinh thành. Thánh giá thực sự bị xúc phạm khi nhiều người báng bổ tình yêu hôn nhân bằng sự thiếu vuông tròn trong nghĩa phu thê. Thánh giá bị chà đạp bởi không ít người xúc phạm đến tình dân tộc khi họ đặt lợi ích cá nhân hay tập thể của mình trên cả vận mệnh quê hương. Cũng có thể có người đang xúc phạm đến tình yêu của đoàn tín hữu dành cho hàng linh mục, dành cho các đấng bậc chủ chăn, khi xem đàn chiên là thành phần phải cúi đầu (tuân lệnh) ngồi nghe (nghe giảng dạy), và rút ví ra (đóng góp, dâng cúng).
Không chấp nhận quá khóa, xét về mặt tích cực là không chỉ trân trọng tình yêu, kính thờ Đấng yêu mình mà còn tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu, cậy trông vào quyền năng của Đấng yêu mình. Tình yêu thật diệu kỳ, mạnh hơn cả sự chết (x.Dc 8,6). Sống có tình, có nghĩa mới thực sự là người (nhân), đúng như thánh ý của Đấng Tạo thành. Cương quyết không quá khóa dù phải hy sinh cả mạng sống đời này, các tiền nhân tử đạo của chúng ta muốn cùng với thánh Phaolô tông đồ khẳng định rằng: Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô” (x.Rm 8,35). Với tình yêu của Đấng đã chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân, còn là kẻ phản nghịch, các anh hùng tử đạo đã sống yêu thương vượt trên lẽ thường của kiếp phàm hèn (x.Rm 5,1-21). Chúng ta nhận ra điều này nơi bước chân khoan thai của các ngài khi bước ra pháp trường, nơi tấm lòng bao dung của các vị trước những người đang hành khổ và sắp hành hình mình. Thánh Hoàng Lương Cảnh trong gông cùm, tù ngục đã chuyên tâm cầu nguyện: “Xin Chúa cho các quan trị nước cho yên”. Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng tại pháp trường đã nhắn nhủ con trai mình: “Con ơi, hãy tha thứ, đừng báo thù những kẻ tố giác ba”. Ngài còn dặn bè bạn: “Hãy tha thứ vì tôi đã thứ tha”. Linh mục Khoan cùng hai thầy Thành và Hiếu trước lúc bị xử chém đã lớn tiếng cầu nguyện: “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, Chúa trời đất, chúng con hiến dâng mạng sống cho Ngài. Xin Chúa chúc phúc cho nhà vua cai trị lâu dài trong an bình. Xin biến đổi trái tim vua để vua tin theo đạo thật, đạo duy nhất đem lại cho con người hạnh phúc đích thật”.
Nói đến Kitô giáo, người ta không thể không nói đến thập giá. Và ở đâu có bóng dáng thập giá là người ta nghĩ ngay đến các Kitô hữu. Các Thánh Tử đạo, cách riêng các Thánh Tử đạo Việt Nam đã anh dũng chấp nhận hy sinh mạng sống, không bước qua thập giá (quá khóa) để minh chứng lòng trung trinh của các Ngài với Đấng là Tình Yêu (1Ga 4,16). Sự kính nhớ, tôn vinh của đoàn cháu con dành cho các Ngài đẹp lòng các Ngài nhất, thiết tưởng không gì hơn là nỗ lực làm rạng rỡ gia phong bằng chính cuộc sống của mình, một cuộc sống nỡ đầy hoa thập giá. Cha ông chúng ta không bước qua thập giá là muốn cháu con giương cao thập giá bằng sự trân trọng tình yêu và làm cho tình yêu đơm hoa kết trái.
Mang thánh giá trên người: tốt lắm. Thường xuyên hôn kính thánh giá: đạo đức lắm. Biến cuộc đời, con người của mình thành một cây thánh giá sống động giữa đời: sự thánh thiện đích thực, xứng đáng là cháu con các tiền nhân anh hùng tử đạo. Xin đừng quên Chúa Giêsu đã từng khẳng định rằng ai không can đảm vác thập giá mà đi theo Người thì không xứng đáng làm môn đệ của Người (x.Lc 14,27)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột
60. Nếu con chỉ ham thích phúc lợi tạm thời, chỉ lưu luyến vết chân của nó, chỉ yêu thích tín hiệu của nó, mà không chú ý đến quang minh chí thánh, cũng là sự khôn ngoan của người tâm hồn yên tịnh được Thiên Chúa tỏ thị, thì con là người có tội ! Bởi vì sự kỳ diệu và tráng lệ của vạn vật chỉ là dấu tích và tín hiệu của Thiên Chúa mà thôi.
(Thánh Augustine)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
--------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Một đôi kết bái làm anh em rất thích nói dối.
Anh kết nghĩa nói với em kết nghĩa:
- “Hôm qua, anh ăn một cái bánh hấp, e rằng trên thế giới không có cái bánh nào lớn như thế: dùng một trăm cân bột mì, tám mươi cân thịt và hai mươi cân rau để làm nhân, phải ghép đến tám cái bàn vuông sắp lại mới có thể để nó trên được. Hơn hai mươi người đứng chung quang để ăn, ăn một ngày một đêm mà không hết một nửa. Khi đang vui vẻ ăn thì mất đi hai người, tìm hoài tìm mãi mà không thấy, đột nhên nghe trong cái bánh hấp có tiếng nói, mở lá ra coi, hê hê, thì ra hai người ấy chui vào trong cái bánh để ăn nhân thịt, em coi cái bánh có lớn không?”
Em kết nghĩa nói:
- “Hôm qua em ăn bánh bao thịt mới gọi là lớn, mười mấy người ăn ba ngày ba đêm mà cũng chưa thấy nhân thịt, triều đình bắt ăn cho nhanh, không ngờ đang ăn thì một cái bảng đá bày ra, trên bảng viết: “Cách nhân thịt còn ba cây số nữa”.. Anh coi nó có lớn không?”
Anh kết nghĩa hỏi:
- “Cái bánh bao thịt của em lớn như thế thì lấy gì mà nấu?”
Em kết nghĩa đáp:
- “Thì dùng cái nồi nấu bánh hấp của anh đó để nấu !”
(Hi đàm tục lục)
Suy tư 7:
Thời xưa dùng một trăm cân bột để làm một cái bánh thì là quá vĩ đại rồi, dù đó là...cái bánh nói khoác, nhưng thời nay người ta còn làm những cái bánh chưng bánh tét vĩ đại gấp trăm lần, họ dùng đến cả ngàn cân gạo nếp, ngàn ký thịt heo, để làm cái bánh thật lớn cho nổi tiếng, để được ghi vào quyển sách kỷ lục thế giới.
Nếu họ đem một ngàn cân gạo nếp và một ngàn ký thịt ấy phân phát cho người nghèo neo đơn, thì trong ba ngày tết có thêm những nụ cười tươi; nếu họ đem chừng ấy thịt và gạo phân phát cho những người vô gia cư, thì mùa xuân hoa sẽ nở trên những nẽo đường phố...
Ham danh, ham nổi tiếng là bệnh của con người, nhưng người Ki-tô hữu thì biết rằng: danh lợi, quyền uy, tiền tài, rồi cũng bay mất theo mây gió, nhưng cái tâm thông cảm, cái tâm yêu thương thì vẫn tồn tại mãi mãi...
Kỷ lục vĩ đại nhất là làm cho tâm hồn yêu thương của mình ngày càng lớn thêm, để có thể đón nhận nhiều mảnh đời bất hạnh trong xã hội hôm nay.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin Mừng đến với dân tộc Việt Nam 500 năm, thì hết 300 năm, Hội Thánh Việt Nam thấm đẫm dòng máu các anh hùng tử đạo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là thế kỷ 19, trong các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam: những người Việt Nam tàn nhẫn sát hại nhau. Chính những đồng bào Việt Nam chung cội, chung nguồn, lẽ ra phải yêu thương nhau, lại quay mũi kiếm giết nhau hàng loạt.
Thật vinh phúc cho Hội Thánh Việt Nam, dù non trẻ, nhưng lại căng tràn sức sống, đạp trên đầu sóng ngọn gió, vượt thắng mọi thử thách, mọi đau đớn, mà cho đến nay, dẫu đã qua đúng một thế kỷ, thời gian đủ bình tĩnh để suy niệm, sao vẫn còn nghe hãi hùng, vẫn còn nghe nhức nhối tâm can, làm lặng đi mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi thanh âm.
Những người con đất Việt tưởng như gục ngã không thể gượng dậy nổi dưới bàn tay tàn bạo của làn kiếm, mã tấu, gông cùm, tù đày, lửa nung, bá đao, tùng xẻo, xiết cổ, chém bay đầu…, lại là sức mạnh ngàn đời của một đức tin không gì lay chuyển nổi. Bởi Thân xác các thánh Tử đạo dù bị giết, nhưng đức tin của các ngài thì không ai giết được.
Một Hội Thánh địa phương còn non trẻ, lại có sức chịu đựng sự giày xéo quá sức tưởng tượng của người đời. Giờ nhìn lại sự nhiệm mầu của sức chịu đựng, ta chỉ còn có thể bật thốt lên như thánh nữ Têrêsa: “Tất cả là hồng ân”.
Hồng ân nhận được không chỉ là một quà tặng, nhưng còn là một quà tặng vinh dự, một quà tặng của niềm kiêu hãnh thánh thiện.
Hồng phúc tử đạo không chỉ là một hành động dâng hiến tận cùng mà còn là một dâng hiến vinh thắng tận cùng.
Đó không là vinh phúc lớn hay sao! Một vinh phúc lớn lao mà một Hội Thánh còn non trẻ như Hội Thánh Việt Nam, lại có thể cùng Hội Thánh hoàn vũ đã qua mấy ngàn năm, vẽ thêm vào đó một đường lịch sử của đức tin không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ dừng lại.
Các thánh Tử đạo đã viết sử bằng máu của mình. Còn chính Thiên Chúa đã làm cho Hội Thánh Việt Nam được khai sinh, lớn lên và phát triển nhờ dòng máu các thánh.
Nếu cuộc bách hại để lại một trang sử nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam, thì đối với đức tin, đó lại là trang sử hùng tráng cho Hội Thánh Việt Nam nói riêng và Hội Thánh hoàn vũ nói chung: Bởi những người con đất Việt càng yêu mến quê hương, yêu mến bản thân mình, luyến tiếc cuộc đời, luyến nhớ người thân… và điều đặc biệt: yêu mến các vua quan là những người bên trên mình, thì càng yêu mến đức tin khôn cùng.
Chính cái chết của các thánh Tử đạo là lời nói xác quyết và chung quyết cho mọi lời tuyên xưng đức tin rằng: Không có bất cứ cái gì có thể ngang bằng đức tin…
Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ vượt trên tất cả, dẫu là chính bản thân các vua quan hay lệnh truyền của các vua quan đi nữa, không có gì sánh ví được với Đức Chúa mà lẽ ra các vua quan cũng phải tôn thờ, các thánh Tử đạo đã chối từ một cuộc sống dễ dãi.
Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ là Đức Chúa của mình, vì thế, dẫu chỉ là hai que củi vắt chéo trên mặt đất, bình thường chỉ là hai que củi không hơn không kém, nhưng để biểu lộ đức tin, thì bất cứ bàn chân giẫm đạp nào, bất cứ lời lụy mạ nào, bất cứ một hành động nào đối lại đức tin khi đứng trước hai que củi ấy, tất cả đều là sự chà đạp đức tin, chà đạp Hội Thánh, chà đạp chính Đấng mà mình tôn thờ.
Ngược lại, bất cứ một hành động hay một lời nói nào để tuyên xưng đức tin mà phải tôn trọng hai que củi hình chữ thập ấy, điều đó không còn đơn thuần là hai que củi hình chữ thập nữa nhưng là hình tượng Thánh Giá, hình tượng của lòng tin, hình tượng của một tâm hồn quả cảm quyết một lòng tôn thờ Đức Chúa của mình!
Hiểu rất rõ điều đó, dù chỉ đối điện với hai que củi vắt chéo hình chữ thập, các thánh Tử đạo không chỉ đứng trước hai que củi, nhưng là đối diện với nỗi giằng co mạnh bạo, đối diện với sự chọn lựa không khoan nhượng, nhưng dứt khoát: đức tin hay cuộc sống trần thế.
Cái giá phải trả cho sự chọn lựa đứng về phía đức tin là bị tước đoạt tất cả những gì đang có trong cuộc trần. Bị tước đoạt cả sự sống, cả đến giọt máu sau cùng.
Máu các thánh Tử đạo Việt Nam đã dệt đỏ thắm dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam, vì thế, các thánh Tử đạo mãi mãi vẫn xứng đáng sống trong lòng Hội Thánh và nơi từng người tín hữu Việt Nam.
Vượt trên tất cả mọi tấm gương, vượt trên mọi bài học, máu các thánh phải là chính cuộc sống của những người Việt Nam Công Giáo hôm nay, khi làm người Việt Nam giữa dân tộc mình, và làm người giữa đời.
Con người ai cũng có khát vọng được sống, vậy sao các thánh tử đạo lại sẵn sàng chịu chết? Các thánh tử đạo là những người tin Chúa tốt lành, vậy tại sao lại bị ghét? Đó là những nghịch lý tử đạo, bởi vì các ngài tin Chúa, thế thôi.
1. Chết để sống. Ai cũng muốn sống, không ai dại gì muốn chết. Thế nên, các thánh tử đạo sẵn sàng chịu chết thì xin lỗi, không phải các ngài cuồng tín thích đâm đầu vào chỗ chết, mà là các ngài bước vào sự sống đời đời. Các ngài vững lòng cậy trông vào Chúa với niềm tin mãnh liệt và niềm hy vọng dạt dào rằng: Khi chết vì Chúa sẽ được bước vào cõi sống đời đời với Chúa như được nói tới nơi các bài Sách Thánh và được diễn tả như hình ảnh hạt giống chết đi thì lại trổ sinh mùa gặt trĩu hạt nơi Thánh Vịnh đáp ca: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.”
2. Tốt bị ghét. Người xấu bị ghét đã đành, đằng này các thánh tử đạo là những người tốt cũng bị ghét. Tại sao vậy? Chính Chúa Giêsu đưa ra câu trả lời “thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian” (Ga 17,14). Nhiều khi bị ghét không phải vì làm điều xấu mà vì làm điều tốt hơn người ta. Bóng tối ghét ánh sáng, đấy là nghịch lý của cuộc đời. Bị ghét nhiều khi đơn giản là vì không thuộc về phe nhóm của họ, đấy là tính ích kỷ, tính độc tôn của ý thức hệ con người.
Tạ ơn Chúa và cảm ơn cha ông chúng ta là những thánh tử đạo Việt Nam đã dám đổ máu hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho đức tin son sắt vào Chúa. Xin Chúa cho chúng ta là con cháu can đảm dấn thân tiếp bước hào hùng của cha ông sống đạo. Đạo Chúa phát triển là nhờ những tín hữu dám sống chết cho niềm tin của mình. Amen.
Một người cha của ba đứa con từ Giáo phận Lansing tuyên bố rằng Chân phước Solanus Casey, một linh mục rất mực khiêm nhường của dòng Capuchin, đã đến thăm anh hai lần trong bệnh viện và thúc đẩy nhanh tiến trình hồi phục kỳ diệu sau khi anh nhiễm phải COVID-19.
Công nhân xây dựng 52 tuổi, Nolan Ostrowski, một giáo dân tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Phêrô ở Eaton Rapids, Michigan, đã chia sẻ câu chuyện của mình với giáo phận trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 1 tháng 11.
Khi các triệu chứng COVID-19 của anh ấy trở nên tồi tệ hơn, Ostrowski được đưa vào Bệnh viện Sparrow ở Lansing vào ngày 25 tháng 7.
“Và sau đó, một đêm, tôi đang nằm ở đó và tôi thức dậy và tôi cảm thấy như có rất nhiều bóng tối xung quanh tôi, rất nhiều nỗi tuyệt vọng bao trùm lên tôi, và tôi nhận thấy có ai đó đang ngồi ở đầu giường của tôi. Không thể quay lại để xem đó là ai - tất cả những gì tôi có thể thấy là đôi chân của người ấy và chiếc áo choàng màu nâu của người ấy”, Ostrowski nói và nhấn mạnh thêm rằng ban đầu anh ấy nghĩ đó có thể là thiên thần hộ mệnh của mình.
Cuộc viếng thăm rõ ràng đó xảy ra vào ngày 30 tháng Bảy, Lễ Chân phước Solanus Casey. Đêm hôm sau, ngày 31 tháng 7, một bóng người mặc áo choàng nâu lại xuất hiện trong phòng bệnh của Ostrowski, mặc dù lần này, người đó ngồi ở chân giường và đặt tay lên đùi.
“Ngài ngồi đó và đó là lúc này tôi nhận ra rằng đây không phải là thiên thần bản mệnh của mình. Đây là một vị thánh. Đây là một người đặc biệt,” Ostrowski nhớ lại. Ostrowski bắt đầu cầu nguyện và “cầu xin cho lành bệnh”. Anh nói với nhân vật ấy rằng anh không muốn các con của mình lớn lên mà không có anh.
“Không có phản hồi nào từ người ấy. Nó giống như tôi đang nói chuyện với một bức tượng. Và sau đó tôi nói, “Nếu người cứu tôi, tôi sẽ không bao giờ sử dụng danh Chúa một cách vô ích nữa.” Và người ấy nhảy lên như thể vừa trúng xổ số. Ý tôi là, người ấy giật mình. Và người ấy chạy quanh giường của tôi. Và khi người ấy chạy, nó giống như một chuyển động lơ lửng, không chạm đất vậy,” Ostrowski nói.
“Và người ấy đưa tay ra chạm vào xương sườn của tôi dưới cánh tay của tôi và sau đó ở dưới lưng của tôi. Tôi nhớ mình hơi nhấc cánh tay lên một chút, nhưng tất cả đều rất nhanh. Và sau đó người ấy lùi lại một vài bước, và tôi cảm thấy như có một sự nhẹ nhàng tràn qua tôi và tôi cảm thấy rất thoải mái và dễ chịu. Tôi biết mình đã được cứu”.
Ngày hôm sau, vợ của Ostrowski là Kathleen cho anh xem một bức ảnh của Chân phước Solanus. Ostrowski ngay lập tức nhận ra ngài là nhân vật đã hai lần đến thăm anh ta và đặt tay lên xương sườn của anh ta.
Cha Solanus Casey là một linh mục dòng Capuchin, người đã sống phần lớn cuộc đời mình tại Tu viện Thánh Bonaventura ở Detroit. Trong suốt cuộc đời, ngài được biết đến với tư cách là một người làm được nhiều việc kỳ diệu, vì đức tin tuyệt vời và khả năng của ngài như một cố vấn tâm linh, nhưng đặc biệt là vì sự quan tâm sâu sắc của ngài đối với người bệnh. Ngài đã được phong chân phước trong một buổi lễ được tổ chức tại Ford Field ở Detroit vào năm 2017.
Gia đình Ostrowski và bạn bè của họ đã cầu nguyện Chân phước cho Solanus trong những ngày trước sự kiện 30 và 31 tháng 7.
Vào ngày 3 tháng 8, tình trạng của Ostrowski xấu đi và anh ta được đặt vào một máy thở và hôn mê. Hai ngày sau, anh ta được vận chuyển bằng máy bay đến Bệnh viện Lutheran ở Fort Wayne, Indiana, nơi anh ta được đặt trên một máy Oxygen ECMO, là máy vận hành phổi nhân tạo cho những bệnh nhân có vấn đề nghiêm trọng về hô hấp.
Bệnh viện ở Fort Wayne chỉ nằm cách Felix Friary 20 dặm, nơi Chân phước Solanus đã dành phần lớn 10 năm cuối đời để nghỉ hưu. Sau một tháng, Ostrowski đã có thể đi lại với sự hỗ trợ của máy ECMO.
“Và các bác sĩ khác trong ICU, họ nói rằng đó là một phép lạ và họ không thể tin rằng tôi đã làm tốt như thế nào. Họ đưa tôi ra khỏi máy thở. Tôi đã có thể tự thở. Và họ nói rằng điều đó chưa từng xảy ra”, Nolan Ostrowski nói.
Vào ngày 1 tháng 10, Ostrowski trở về nhà với gia đình ở Eaton Rapids. Kể từ đó gia đình đã hành hương tạ ơn đến mộ của Chân phước Solanus Casey ở Detroit.
Họ cũng đã viết thư cho những người chịu trách nhiệm quảng bá sự nghiệp phong thánh của Chân phước Solanus. Án tuyên thánh đòi phải có thêm một phép lạ nữa để “Chân phước Solanus” được Vatican tuyên bố là “Thánh Solanus”.
Source:Catholic News Agency
Các Giám Mục Pháp đã yêu cầu Đức Phanxicô cử một người nào đó để cùng các ngài kiểm tra phản ứng của các ngài đối với các nạn nhân và những kẻ lạm dụng họ.
Các giám mục của Pháp đã quyết định yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô giúp đỡ để giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục của các giáo sĩ.
Trong cuộc họp ở Lộ Đức, các giám mục quyết định yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô cử một người đáng tin cậy để “cùng chúng tôi xem xét cách chúng tôi đã đối xử và đang đối xử với những người là nạn nhân và những kẻ ngược đãi họ,” Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp thông báo như trên vào ngày 8/11.
Yêu cầu được đưa ra hơn một tháng sau báo cáo của một ủy ban độc lập về vấn đề lạm dụng giữa các giáo sĩ ở Pháp.
Đức Tổng Giám Mục Moulins giải thích: “Chúng tôi đã quyết định cùng nhau đề nghị Đức Giáo Hoàng, vì chúng tôi được ngài chỉ định, đến trợ giúp chúng tôi, bằng cách cử người mà ngài tin tưởng đến để kiểm tra cách chúng tôi đã đối xử và đang đối xử với các nạn nhân và những kẻ xâm hại họ”.
Ngài cũng bảo đảm rằng các giám mục sẽ gửi đến Đức Giáo Hoàng các khuyến nghị liên quan đến Giáo hội hoàn vũ của ủy ban do ông Jean-Marc Sauvé /giăng mạc sô-vê/ lãnh đạo đưa ra, “sau khi chỉnh sửa lại chúng một chút”. Ủy ban do ông Jean-Marc Sauvé cầm đầu, gọi tắt là CIASE, đã đưa ra 45 khuyến nghị ở cuối báo cáo, một số liên quan đến giáo luật.
Trong buổi trình bày báo cáo vào ngày 5 tháng 10, Jean-Marc Sauvé nhấn mạnh vào một cuộc cải cách cần thiết của giáo luật, lập luận rằng giáo luật đã không đóng góp, “như nó có thể, như nó cần phải có,” vào việc đương đầu thích hợp với bạo lực tình dục trong Giáo Hội.
Vào ngày 9 tháng 12, ông và tất cả các thành viên của ủy ban sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Đức Cha Eric de Moulins-Beaufort dự kiến sẽ tham gia.
Trước Đại hội đồng Giám mục toàn thể ở Lộ Đức, Đức Giáo Hoàng đã bảo đảm với các Giám Mục Pháp về sự “gần gũi” và “lời cầu nguyện” của ngài trong một thông điệp được công bố rộng rãi.
“Khi anh em vượt qua cơn bão của sự xấu hổ và bi kịch vì lạm dụng trẻ vị thành niên trong Giáo hội, tôi khuyến khích anh em mang gánh nặng của mình với niềm tin và hy vọng, và tôi mang nó cùng với anh em,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong lá thư ngày 14 tháng 10 và được công bố vào ngày 3 tháng 11.
“Tôi chắc chắn rằng cùng nhau, và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, anh em sẽ tìm cách tôn vinh và an ủi các nạn nhân; để khuyến khích tất cả các tín hữu hãy sám hối và hoán cải tấm lòng; thực hiện mọi biện pháp cần thiết để làm cho Hội Thánh trở thành ngôi nhà an toàn cho mọi người; để chăm sóc dân Chúa bị thương và bị tai tiếng; và cuối cùng, vui mừng tiếp nhận sứ mệnh, kiên quyết nhìn về tương lai”.
Source:Aleteia
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô 16 đã bày tỏ lòng kính trọng đối với một nhà lãnh đạo Chính thống giáo nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông.
Trong một bức thư ngày 11 tháng 10, vị giáo hoàng người Đức đã nghỉ hưu nói rằng dường như “không thể tưởng tượng nổi” một thập kỷ đã trôi qua kể từ cái chết vào năm 2011 của Đức Tổng Giám Mục Damaskinos Papandreou, Tổng Giám Mục Chính thống Đông phương đầu tiên của Thụy Sĩ.
CNA Deutsch, đối tác tin tức bằng tiếng Đức của CNA, đã báo cáo rằng Đức Bênêđíctô 16 đã đưa ra bình luận trong một thông điệp gửi tới một hội nghị được tổ chức để vinh danh dự vị Tổng Giám Mục vào ngày 5 tháng 11 tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ.
Đức Tổng Giám Mục Damaskinos, của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople, sinh tại Thermo, Hy Lạp, vào ngày 23 tháng 2 năm 1936. Ngài được bầu làm Tổng Giám Mục tiên khởi của Thụy Sĩ vào năm 1982.
Là tác giả của nhiều tác phẩm về chủ nghĩa đại kết, ông từng là giám mục thành phố Adrianople từ năm 2003 cho đến khi qua đời vào ngày 5 tháng 11 năm 2011, ở tuổi 75.
“10 năm đã trôi qua kể từ cái chết của Đức Tổng Giám Mục Damaskinos Papandreou của Thụy Sĩ là điều không thể tưởng tượng nổi đối với tôi,” vị giáo hoàng danh dự viết trong thông điệp gửi tới Đức Tổng Giám Mục Maximos của Thụy Sĩ và Giáo sư Stefanos Athanasiou.
Lá thư đã được đọc trong một thông điệp video gửi tới hội nghị bởi Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô Giáo.
Đức Bênêđíctô, từng giữ chức giáo hoàng từ năm 2005 đến năm 2013, cho biết đó là “một ân sủng rất đặc biệt của Chúa Quan Phòng”. Ngay sau khi ngài được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Bonn, Đức, vào năm 1959, hai đại tu viện trưởng Chính thống giáo bắt đầu theo học các khoa thần học tại Đại Học này.
Đức Bênêđíctô giải thích rằng “Đây là một điều gì đó mới mẻ và bất ngờ, bởi vì cho đến lúc đó các sinh viên Chính thống giáo chưa bao giờ học tại các phân khoa thần học Công Giáo, mà chỉ học tại các phân khoa Tin lành hay học với người Công Giáo Cổ ở Bern, Thụy Sĩ”.
“Cả hai người đều trở thành bạn của tôi. Thật không may, người bạn của tôi, Stylianos Harkianakis, người sau này trở thành Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo ở Úc, sau đó đã có một quan điểm khắt khe khiến tình bạn của chúng tôi nguội lạnh,” Đức Giáo Hoàng danh dự 94 tuổi viết.
“Tình bạn với Đức Tổng Giám Mục Damaskinos Papandreou ngày càng lớn đối với tôi, và do đó, nỗi buồn về cái chết quá sớm của anh ấy cũng rất lớn.”
“Nhưng kết quả của mối quan hệ nội tâm sống động với Chính thống giáo vẫn còn và tiếp tục phát triển trong tình bạn gắn kết tôi ngày càng nhiều hơn với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.”
Source:Catholic News Agency
Sáng thứ Sáu 12 tháng 11, Đức Giáo Hoàng đã tới thăm quê hương của vị thánh cùng tên của mình, Thánh Phanxicô, để dành thời gian cho một nhóm 500 người nghèo từ khắp Âu Châu.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu một ngày tại Vương cung thánh đường Đức Maria của các Thiên thần vào lúc 9 giờ sáng theo giờ địa phương, nơi ngài đã nghe chứng từ của sáu người sống trong cảnh nghèo khó đến từ Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha và Ý.
Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:
Cảm ơn anh chị em đã chấp nhận lời mời của tôi để cử hành ở đây tại Assisi, thành phố của Thánh Phanxicô, Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ năm, diễn ra vào ngày mốt. Thật ra, tôi cũng là chỉ khách mời! Ngày Thế giới Người nghèo là một ý tưởng được sinh ra từ anh chị em, nó đã phát triển và chúng ta đã đạt đến năm thứ năm. Assisi không phải là một thành phố giống như bất kỳ thành phố nào khác: Assisi mang khuôn mặt của Thánh Phanxicô. Nghĩ đến việc ngài đã sống tuổi trẻ náo nhiệt của mình giữa những con phố này, ngài đã nhận được lời gọi sống theo Phúc Âm từng chữ một, là một bài học nền tảng cho chúng ta. Tất nhiên, ở một khía cạnh nào đó, sự thánh thiện của ngài khiến chúng ta phải rùng mình, vì dường như không thể bắt chước được ngài. Nhưng sau đó, khi chúng ta nhớ lại một số khoảnh khắc trong cuộc đời của ngài, những “bông hoa nhỏ” đã được thu hái để thể hiện vẻ đẹp của ơn gọi của ngài, chúng ta cảm thấy bị thu hút bởi sự đơn sơ của trái tim và sự đơn sơ của cuộc sống: đó chính là sức hấp dẫn của Chúa Kitô, của Tin Mừng. Chúng là những sự thật của cuộc sống đáng giá hơn những bài giảng.
Tôi muốn đề cập đến một điều thể hiện rõ tính cách của vị Thánh Nghèo (xem Fioretti, chương 13: Fonti Francescane, 1841-1842). Thánh nhân và Thầy Masseo đã lên đường đến Pháp, nhưng họ không mang theo bất kỳ lương thực ăn dọc đường nào. Đến một lúc nào đó họ phải bắt đầu đi xin ăn. Thánh Phanxicô đi một bên và Thầy Masseo đi bên kia. Tuy nhiên, như sách Fioretti kể lại, Thánh Phanxicô có vóc dáng nhỏ bé và những người không biết ngài đều coi ngài là “kẻ ăn bám”; ngược lại Thầy Masseo “là một người đàn ông cao to và đẹp trai”. Vì vậy, Thánh Phanxicô khó khăn lắm mới xin được một vài mẩu bánh mì cũ và cứng, trong khi Thầy Masseo nhận được một số miếng bánh mì ngon.
Khi cả hai gặp lại nhau, họ ngồi dưới đất và trên một phiến đá nghèo nàn, họ đặt lên những gì họ đã xin được. Nhìn thấy những mẩu bánh xin được, Thánh Phanxicô nói: “Thầy Masseo ơi, chúng ta không xứng đáng với kho báu vĩ đại này”. Thầy Masseo kinh ngạc trả lời: “Thưa Cha Phanxicô, làm sao chúng ta có thể nói về một kho báu trong bối cảnh nghèo đói quá và thiếu thốn cả những thứ cần thiết như vậy?”. Thánh Phanxicô trả lời: “Đây chính là điều mà tôi coi là một kho tàng lớn, vì chúng ta không có gì cả, nhưng những gì chúng ta có là do Chúa Quan Phòng ban cho chúng ta những chiếc bánh này”. Đây là giáo huấn mà Thánh Phanxicô dành cho chúng ta: hãy biết hài lòng với những gì ít ỏi mình có và chia sẻ nó với người khác.
Chúng ta đang ở đây, tại Porziuncola, một trong những nhà thờ mà Thánh Phanxicô đã nghĩ đến việc khôi phục lại, sau khi Chúa Giêsu yêu cầu ngài “sửa chữa lại ngôi nhà của Người”. Lúc đó thánh nhân đã nghĩ ngay rằng Chúa sẽ yêu cầu ngài trao ra cuộc sống của mình để đổi mới không phải các nhà thờ làm bằng đá, mà là những con người, những người nam nữ là những viên đá sống động của Giáo hội. Và nếu chúng ta ở đây hôm nay thì chính xác là để học hỏi từ những gì Thánh Phanxicô đã làm. Ngài thích ở lâu trong ngôi nhà thờ nhỏ này để cầu nguyện. Ngài phủ phục tại đây trong im lặng và lắng nghe Chúa, nghe những gì Chúa muốn nơi ngài. Chúng ta cũng đến đây vì điều này: chúng ta muốn cầu xin Chúa lắng nghe tiếng kêu của chúng ta, nghe thấy những lời cầu nguyện của chúng ta ! và giúp đỡ chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng thiệt thòi đầu tiên mà người nghèo phải chịu là thiệt thòi về mặt thiêng liêng. Ví dụ, nhiều người và đặc biệt nhiều người trẻ tìm một chút thời gian để giúp đỡ người nghèo và mang đồ ăn thức uống nóng cho họ. Điều này rất tốt và tôi cảm ơn Chúa vì sự hào phóng của họ. Nhưng trên hết, tôi rất vui khi nghe tin những tình nguyện viên này dừng lại một lúc để nói chuyện với mọi người, và đôi khi cầu nguyện cùng với họ... Ở đây, ngay cả cuộc gặp gỡ của chúng ta ở đây, tại Porziuncola này, cũng nhắc nhở chúng ta về sự đồng hành của Chúa, rằng Ngài không bỏ chúng ta. Chúng ta không bao giờ đơn độc, Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Chúa ở với chúng ta hôm nay. Ngài đồng hành với chúng ta, khi lắng nghe, trong lời cầu nguyện và trong những chứng tá được đưa ra: chính Ngài đang ở với chúng ta.
Có một sự thật quan trọng khác: tại đây tại Porziuncola này, Thánh Phanxicô đã chào đón Thánh nữ Clara, những anh em đầu tiên, và nhiều người nghèo đến với ngài. Với sự giản dị, ngài đón nhận họ như anh chị em, chia sẻ mọi điều với họ. Cách diễn đạt phúc âm tốt nhất mà chúng ta được mời gọi thực hiện là chào đón. Chào đón có nghĩa là mở cửa, cửa nhà, cửa trái tim, cho người gõ cửa bước vào. Và để anh ta có thể cảm thấy thoải mái, không sợ hãi, và tự do. Ở đâu có cảm giác huynh đệ chân chính, ở đó cũng có kinh nghiệm chào đón chân thành. Trái lại, ở đâu, có sự sợ hãi người khác, coi rẻ mạng sống của người khác, thì ở đó có sự từ chối hoặc tệ hơn là thờ ơ: nhìn theo hướng khác. Sự chào đón tạo ra một cảm giác cộng đồng; ngược lại, sự từ chối khép lại trong lòng ích kỷ của chính mình. Mẹ Teresa, người đã biến cuộc đời mình thành một dịch vụ chào đón, đã yêu thích nói rằng: “Sự chào đón tốt nhất là gì? Thưa: đó là nụ cười”. Nụ cười. Hãy chia sẻ nụ cười với những người đang cần sẽ tốt cho cả chúng ta, cho tôi và cho người khác. Nụ cười như một biểu hiện của sự cảm thông, của sự dịu dàng. Và khi đó nụ cười liên quan đến anh chị em,
Tôi cảm ơn anh chị em, vì anh chị em đã đến đây từ rất nhiều quốc gia khác nhau để sống trải nghiệm gặp gỡ và đức tin này. Tôi muốn cảm ơn Chúa đã mang đến ý tưởng về Ngày của người nghèo này. Một ý tưởng được sinh ra theo một cách hơi kỳ lạ, trong một phòng thánh. Tôi chuẩn bị cử hành thánh lễ và một trong các vị đồng tế - tên ngài là Étienne - anh chị em có biết ngài không? Étienne đưa ra gợi ý cho tôi: “Hãy thiết lập Ngày của người nghèo”. Tôi đi ra ngoài và cảm thấy rằng Chúa Thánh Thần ở bên trong, đang bảo tôi làm điều đó. Vì thế, mọi thứ bắt đầu: từ lòng dũng cảm của một trong các anh chị em, người có can đảm để mang mọi thứ về phía trước. Tôi cảm ơn anh ấy vì công việc của anh ấy trong những năm qua và công việc của nhiều người đã đồng hành cùng anh ấy. Và tôi muốn cảm ơn, xin thứ lỗi cho tôi, Thưa Đức Hồng Y Barbarin vì chưa giới thiệu sự hiện diện của ngài: ngài là một trong những người nghèo, ngài cũng đã trải qua kinh nghiệm nghèo đói, bị bỏ rơi, không tin tưởng vào phẩm giá. Và ngài đã tự bảo vệ mình bằng sự im lặng và cầu nguyện. Xin cám ơn Đức Hồng Y Barbarin vì các chứng tá trong việc xây dựng Giáo Hội. Tôi nói chúng ta đến để gặp nhau: đây là điều đầu tiên, đó là hãy hướng về nhau bằng một trái tim rộng mở và một bàn tay dang rộng. Chúng ta biết rằng mỗi người trong chúng ta đều cần người kia, và ngay cả sự yếu đuối, nếu được sống cùng nhau, cũng có thể trở thành sức mạnh giúp cải thiện thế giới. Thường thì sự hiện diện của người nghèo được nhìn nhận với sự khó chịu và chịu đựng; đôi khi chúng ta nghe nói rằng người nghèo phải chịu trách nhiệm cho sự nghèo đói: đó là một sự xúc phạm nữa! Nói như thế là để né tránh, không kiểm tra lương tâm nghiêm túc về hành vi của chính mình, về sự bất công của một số luật lệ và biện pháp kinh tế. Hãy kiểm tra lương tâm về thói đạo đức giả của những người muốn làm giàu quá mức, thay vì đổ lỗi lên vai của yếu nhất.
Ngược lại, đã đến lúc người nghèo nên trả lời lại vì những yêu cầu của họ đã quá lâu không được lắng nghe. Đã đến lúc phải mở rộng tầm mắt để thấy được tình trạng bất bình đẳng của bao gia đình đang sống. Đã đến lúc phải xắn tay áo để khôi phục nhân phẩm bằng cách tạo ra công ăn việc làm. Đã đến lúc quay trở lại với thực tế đầy tai tiếng của những đứa trẻ chết đói, bị nô lệ, bị quăng quật trên mặt nước trong cơn đắm tàu, những nạn nhân vô tội của đủ loại bạo lực. Đã đến lúc bạo lực đối với phụ nữ phải chấm dứt và cần được tôn trọng và không bị coi như một con bài mặc cả. Đã đến lúc vòng tròn của sự thờ ơ phải bị bẻ gãy để khám phá vẻ đẹp của sự gặp gỡ và đối thoại. Đó là thời gian để gặp nhau. Đó là thời điểm của cuộc gặp gỡ. Nếu nhân loại, nếu những người nam nữ chúng ta không học cách gặp nhau, chúng ta đang hướng đến một kết cục rất buồn.
Tôi đã chăm chú lắng nghe những chứng tá của anh chị em, và tôi nói lời cảm ơn vì tất cả những gì anh chị em đã thể hiện với lòng dũng cảm và sự chân thành. Dũng cảm, bởi vì anh chị em muốn chia sẻ chúng với tất cả chúng tôi, mặc dù chúng là một phần của cuộc sống cá nhân của anh chị em; chân thành, bởi vì anh chị em thể hiện con người của anh chị em và mở rộng trái tim của anh chị em với mong muốn được thông cảm. Có một số điều mà tôi đặc biệt thích và tôi muốn rút lại bằng một cách nào đó, để biến chúng thành của tôi hơn nữa và để chúng đọng lại trong trái tim tôi. Trước hết, tôi nắm bắt được một cảm giác hy vọng lớn. Cuộc sống không phải lúc nào cũng quảng đại với anh chị em, ngược lại còn thường xuyên cho anh chị em thấy một bộ mặt tàn nhẫn. Sự thiệt thòi, đau đớn vì bệnh tật và cô đơn, thiếu thốn nhiều phương tiện cần thiết không ngăn cản anh chị em nhìn bằng ánh mắt biết ơn về những điều nhỏ bé cho phép anh chị em cưỡng lại hoàn cảnh.
Cưỡng lại. Đây là ấn tượng thứ hai mà tôi nhận được và xuất phát từ niềm hy vọng. Cưỡng lại có nghĩa là gì? Thưa: cưỡng lại là có sức mạnh để đi tiếp bất chấp tất cả, để ngược dòng. Cưỡng lại không phải là một hành động thụ động, trái lại, nó đòi hỏi sự can đảm để dấn thân vào một con đường mới với niềm tin rằng nó sẽ đơm hoa kết trái. Cưỡng lại có nghĩa là tìm ra lý do để không bỏ cuộc khi đối mặt với khó khăn, biết rằng chúng ta không sống chúng một mình mà cùng nhau, và chỉ có cùng nhau chúng ta mới có thể vượt qua chúng. Cưỡng lại mọi cám dỗ để buông trôi và rơi vào cô đơn và buồn bã. Cưỡng lại, trông mong vào sự nhỏ bé của chúng ta và ít của cải chúng ta có thể có. Tôi nghĩ về cô gái đến từ Afghanistan, với câu nói rất hay của cô ấy: cơ thể tôi ở đây, linh hồn tôi ở đó. Hãy kháng cự với ký ức ngày hôm nay. Tôi nghĩ về người mẹ Romania, người đã nói sau cùng về những nỗi đau.
Chúng ta hãy xin Chúa luôn giúp chúng ta tìm được sự thanh thản và vui vẻ. Ở đây tại Porziuncola, Thánh Phanxicô dạy chúng ta niềm vui đến từ việc nhìn những người xung quanh chúng ta như một người anh chị em đồng hành, những người hiểu biết và hỗ trợ chúng ta, cũng như chúng ta hiểu biết và hỗ trợ họ. Cầu mong cuộc gặp gỡ này mở rộng trái tim của tất cả chúng ta để sẵn sàng cho nhau; mở rộng trái tim của chúng ta để biến sự yếu đuối của chúng ta thành sức mạnh giúp chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của cuộc sống, để biến cái nghèo của chúng ta thành của cải để được chia sẻ, và do đó cải thiện thế giới.
Ngày của người nghèo. Cảm ơn những người nghèo đã mở rộng trái tim của họ để cho chúng ta của cải của họ và chữa lành trái tim bị tổn thương của chúng ta. Cảm ơn vì sự dũng cảm này. Cảm ơn Étienne, vì đã ngoan ngoãn trước sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Cảm ơn vì những năm làm việc; và cả vì sự “ngoan cố” trong việc đưa Đức Giáo Hoàng về Assisi! Cảm ơn! Cảm ơn Đức Hồng Y, vì sự ủng hộ của ngài, sự giúp đỡ của ngài trong phong trào này của Giáo hội - chúng tôi nói là “phong trào” bởi vì nó tiếp tục di chuyển – cảm ơn vì chứng tá của anh chị em. Và cảm ơn tất cả mọi người. Tôi lưu giữ anh chị em trong tim tôi. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi, bởi vì tôi có những cái nghèo của mình, và rất nhiều! Cảm ơn.
Buổi gặp gỡ tiếp tục với giờ cầu nguyện. Sau bài đọc trích từ sách Tông Đồ Công Vụ (3:1-10) và đoạn Tin Mừng thánh Máccô (14:3-9), Đức Thánh Cha và cộng đoàn đọc lời nguyện lấy cảm hứng từ các bản văn của Mẹ Têrêsa Calcutta và thánh Phanxicô.
“Lạy Chúa, xin làm cho chúng con xứng đáng phục vụ anh chị em của chúng con trên khắp thế giới, những người sống và chết trong nghèo đói. Xin ban cho họ ngày hôm nay, qua bàn tay của chúng con, lương thực hàng ngày, và, với tình yêu cảm thông của chúng con, xin ban cho họ bình an và niềm vui”.
Sau kinh Hoà bình của thánh Phanxicô, Đức Thánh Cha mời tất cả cùng đọc kinh Lạy Cha, sau đó ngài đọc lời nguyện kết thúc và ban phép lành cho mọi người.
Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã trở về Vatican bằng trực thăng, trong khi những người nghèo được Đức Giám Mục giáo phận Assisi tổ chức bữa trưa do tổ chức từ thiện Công Giáo Caritas tổ chức.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Tờ Financial Times cho biết Vatican sẽ phải chịu lỗ khoảng 100 triệu bảng Anh khi hoàn tất việc bán một tòa nhà văn phòng sang trọng ở London đang chờ giải quyết, hiện đang là trung tâm của một cuộc điều tra tội phạm quốc tế.
Vatican đang trong giai đoạn cuối cùng để bán tòa nhà 60 Đại lộ Sloane, một tòa nhà ở quận Knightsbridge của London, với giá khoảng 200 triệu bảng Anh cho nhóm cổ phần tư nhân Bain Capital. Bain Capital và Savills, công ty đang quản lý vụ mua bán, đều từ chối bình luận.
Các quan chức cấp cao của Tòa thánh đã đầu tư tổng cộng 350 triệu euro vào tòa nhà ở London từ năm 2014 đến năm 2018. Điều này có nghĩa là việc mua bán dự kiến sẽ xác nhận khoản lỗ khoảng 100 triệu bảng Anh.
Các công tố viên của Vatican cho biết số tiền đầu tư vào tòa nhà và các khoản đầu tư khác được lấy từ Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô, một khoản quyên góp hàng năm của những người Công Giáo trên khắp thế giới “cho nhiều nhu cầu khác nhau của giáo hội hoàn vũ và cho việc cứu trợ những người cần nhất”.
Tòa nhà London, tại một thời điểm đã được dự định chuyển đổi thành căn hộ sang trọng, là tâm điểm của một vụ bê bối buộc Vatican phải thanh tra triệt để cách quản lý tài chính của mình.
Cuối năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tước bỏ khỏi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chức năng đầu tư hàng trăm triệu euro được tạo ra từ các khoản đóng góp của người Công Giáo.
Đầu năm nay, các công tố viên của Vatican đã buộc tội Raffaele Mincione, một cựu giám đốc ngân hàng người Ý, với nhiều tội danh khác nhau bao gồm gian lận và biển thủ.
Các công ty của Mincione đã mua lại tòa nhà ở London vào năm 2012 với giá 129 triệu bảng Anh. Hai năm sau, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã mua lại tài sản thông qua một quỹ đầu tư do Mincione thành lập với mức định giá cao hơn nhiều. Vatican đã hoàn tất việc mua tòa nhà vào năm 2018.
Các công tố viên của Vatican nói rằng các công ty của Mincione đã kiếm được lợi nhuận lớn từ việc đầu tư vào tòa nhà Knightsbridge.
Mincione đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào và nói rằng việc gia tăng giá trị của bất động sản là do các chuyên gia tư vấn bên thứ ba độc lập và đã được kiểm toán minh bạch. Ông cũng cho biết Vatican luôn được tư vấn bởi các ngân hàng đầu tư của chính mình.
Các thủ tục tố tụng hình sự của Vatican đối với Mincione và những người khác, bao gồm cả một Hồng Y, đã bị tạm dừng vào tháng trước sau khi thẩm phán Vatican yêu cầu các công tố viên cung cấp thêm bằng chứng cho các luật sư bào chữa.
Mincione đã bị phong tỏa 48 triệu euro tài sản của mình ở Thụy Sĩ theo yêu cầu của các công tố viên của Vatican như một phần của cuộc điều tra tội phạm. Anh ta đang theo đuổi một khiếu kiện dân sự riêng biệt chống lại Tòa thánh tại Tòa án tối cao Anh để tìm kiếm một phán quyết đánh giá rằng anh ta đã hành động đúng.
Source:Financial Times
Trong một diễn biến đang gây rất nhiều xôn xao trong dư luận Công Giáo, Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích Vatican đã nói rằng Thánh lễ Latinh Truyền thống đã bị “Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bãi bỏ”.
Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche đã đưa ra nhận xét này trong một bức thư ngày 4 tháng 8 gửi cho Đức Hồng Y người Anh Vincent Nichols.
Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã trả lời một lá thư của vị Hồng Y đề ngày 28 tháng 7, liên quan đến việc áp dụng các quy định về Tự Sắc Traditionis Custodes của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Anh và xứ Wales.
Một phát ngôn viên của Đức Hồng Y Nichols đã xác nhận trong một email gửi CNA vào ngày 8 tháng 11 rằng bức thư, được công bố vào ngày 5 tháng 11 bởi trang web Gloria.tv, là xác thực.
Tự Sắc Traditionis Custodes, có hiệu lực vào ngày 16 tháng 7, cùng ngày được phát hành, nói rằng các giám mục có “thẩm quyền hoàn toàn” trong việc cho phép các Thánh lễ Latinh Truyền thống trong giáo phận của mình.
Tài liệu, kèm theo một lá thư gửi các giám mục, đã thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với tông thư Summorum Pontificum năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI, trong đó thừa nhận quyền của tất cả các linh mục được cử hành Thánh lễ bằng Sách lễ Rôma năm 1962 mà không cần xin phép giám mục của họ.
Thánh lễ theo Sách lễ Rôma năm 1962 được gọi là hình thức ngoại thường của Nghi thức Rôma, Thánh lễ Tridentinô, Thánh lễ Latinh truyền thống, thánh lễ cổ, hay thánh lễ theo nghi thức Vetus.
Nhấn mạnh rằng phản ứng của ngài chỉ “mang tính chất cá nhân” vì Thánh bộ chưa ban hành hướng dẫn giải thích tài liệu, Đức Tổng Giám Mục Roche viết: “Rõ ràng, đây là thời điểm đòi hỏi các mục tử phải quan tâm và hướng tới những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất theo luật hiện hành”.
“Việc sử dụng các bản văn phụng vụ trước Công Đồng đã được điều hòa chứ không bị đàn áp. Lý do cho điều này được nêu rõ ràng trong lá thư của Đức Giáo Hoàng”.
“Việc giải thích sai và thúc đẩy việc sử dụng các bản văn này, sau những nhượng bộ hạn chế của các vị Giáo hoàng tiền nhiệm, đã được sử dụng để khuyến khích một phụng vụ khác với cải cách Công đồng, và trên thực tế, đã bị Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bãi bỏ, cũng như khích lệ một Giáo hội học không thuộc Huấn quyền của Giáo hội”.
Chúng tôi dùng chữ “bãi bỏ” để dịch chữ “abrogation” là chữ Đức Tổng Giám Mục Roche dùng trong lá thư gởi cho Đức Hồng Y Nichols. Theo Bách khoa toàn thư Công Giáo, abrogation là “sự bãi bỏ hoàn toàn một đạo luật.”
Trong một lá thư gửi các giám mục thế giới đi cùng với Tự Sắc Summorum, Đức Bênêđíctô XVI đã viết rằng phụng vụ trước Công đồng “không bao giờ bị bãi bỏ về mặt pháp lý”.
Đức Bênêđíctô viết trong bức thư ngày 7 tháng 7 năm 2007 rằng:
“Về việc sử dụng Sách lễ năm 1962 như một Forma extraordinaria, tức là hình thức ngoại thường, của phụng vụ Thánh lễ, tôi muốn lưu ý đến thực tế là Sách lễ này chưa bao giờ bị coi là bị bãi bỏ về mặt pháp lý và do đó, về nguyên tắc, luôn luôn được cho phép”.
Đức Hồng Y Nichols, tổng giám mục của Westminster và là chủ tịch của hội đồng giám mục Anh và xứ Wales, đã hỏi Đức Tổng Giám Mục Roche sáu câu hỏi liên quan đến Tự Sắc Traditionis Custodes. Những câu hỏi này bao gồm liệu Vatican có ban hành thêm các hướng dẫn về việc áp dụng Tự Sắc này hay không, và Tự Sắc có áp dụng cho các bí tích khác như lễ rửa tội và cách hiểu thuật ngữ “các nhóm”.
Ngài viết: “Mặc dù Tự Sắc đã có hiệu lực ngay lập tức, nhưng chúng tôi nhận thức được rằng việc áp dụng đúng và lâu dài của nó sẽ cần có thời gian.”
“Từ sự kết hợp của văn bản Tự Sắc và lá thư kèm theo, rõ ràng là Đức Thánh Cha mong muốn một sự hiệp nhất trong việc cầu nguyện phụng vụ, được thể hiện qua cách diễn đạt độc đáo của lex orandi, nghĩa là luật cầu nguyện, của Nghi thức Rôma”.
“Với sự quan tâm mục vụ, chúng ta cần phải đồng hành với những người gắn bó bền chặt với Sách lễ năm 1962, hướng họ tới Sách lễ của các Thánh Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Gioan Phaolô II.”
Đức Tổng Giám Mục Roche, 71 tuổi, cựu giám mục của Leeds, miền bắc nước Anh, được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Vatican vào tháng 5, kế vị Đức Hồng Y Robert Sarah.
Trong lá thư cũng được ký bởi thư ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, là Đức Tổng Giám Mục Vittorio Francesco Viola, Đức Giám Mục Roche nói với Đức Hồng Y Nichols rằng bộ của ngài vẫn đang “chăm chú nghiên cứu những tác động của Tự Sắc”, nhưng ngài vẫn vui mừng “chia sẻ với Đức Hồng Y những hiểu biết hiện tại của chúng tôi về các vấn đề ngài quan tâm.”
Đức Giám Mục Roche nhấn mạnh rằng:
“Rõ ràng là lời bình luận chính về luật mới điều chỉnh việc cho phép sử dụng các bản văn phụng vụ tiền Công Đồng, là có ý nhượng bộ trong các hoàn cảnh đặc biệt, chứ không phải là quảng bá. Đó là nội dung chính trong bức thư kèm theo của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các Giám mục”.
“Rõ ràng là những nhượng bộ đặc biệt này chỉ nên được cấp cho những người chấp nhận tính hợp lệ và hợp pháp của cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II và Huấn quyền của các Giáo hoàng Tối cao. Tất cả những gì trong luật mới đều hướng đến sự trở lại và ổn định phụng vụ như Công đồng Vatican II đã quy định “.
Ngài xác nhận rằng Tự Sắc đã chuyển giao trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến Thánh lễ Latinh Truyền thống từ Bộ Giáo lý Đức tin sang Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích và Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ
Ngài viết: “Giờ đây các bộ này thực hiện năng quyền trong các lĩnh vực nhất định của họ”.
Về việc liệu tài liệu có được áp dụng cho tất cả các bí tích khác hay không, ngài nói rõ ràng là “luật mới bãi bỏ những gì đã được ban hành trước đó thông qua các nhượng bộ hạn chế trong các trường hợp ngoại lệ”.
Source:Catholic News Agency
Tất cả các nhà lãnh đạo đối lập bị bỏ tù và đảng của họ bị cấm, cho nên, Daniel Ortega và bà vợ ông ta Rosario Murillo đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nicaragua được tổ chức vào hôm Chúa Nhật.
Chỉ có một giám mục Công Giáo trong số 13 giám mục của đất nước đi bỏ phiếu.
Vào rạng sáng ngày thứ Hai, Hội đồng bầu cử tối cao của Nicaragua thông báo rằng với khoảng một nửa số phiếu được kiểm, Ortega đã giành chiến thắng với khoảng 75% số phiếu bầu. Với chiến thắng vang dội này, ông đã bảo đảm nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, đó là chưa kể thời gian cầm quyền vào những năm 1980.
Washington đã gọi các cuộc bầu cử là một trò giả mạo do sự đàn áp của nhà lãnh đạo kỳ cựu đối với các đối thủ của mình và Liên minh Âu Châu đã gọi cuộc bầu cử này là “giả mạo”.
Trong một tuyên bố được đưa ra trước khi cuộc kiểm phiếu được công bố, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng Ortega và vợ ông đã dàn dựng một “cuộc bầu cử như một thứ kịch câm không tự do cũng không công bằng”.
Trong những tuần dẫn đến cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11, các giám mục Công Giáo đã đưa ra một số tuyên bố cho rằng nền dân chủ của đất nước đang gặp rủi ro vì các quyền cơ bản không được tôn trọng. Họ cũng nói rằng việc quyết định xem họ có bỏ phiếu hay không là do lương tâm của mỗi công dân.
Đức Cha René Sándigo, của giáo phận Leon, là giám mục Công Giáo duy nhất tham gia bầu cử.
Hôm thứ Bảy, một ngày trước cuộc bầu cử, gia đình của khoảng 150 tù nhân chính trị đã gửi một lá thư đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu ngài lên tiếng kêu gọi các quyền cơ bản của con người phải được tôn trọng ở Nicaragua.
“Chúng con yêu cầu sự can thiệp nhân đạo của Đức Thánh Cha,” họ viết. “Tất cả các thành viên trong gia đình chúng con đã bị giam giữ và bỏ tù mà không có thủ tục hợp pháp, như các tổ chức nhân quyền và quốc tế đã chứng thực”.
Họ cũng nói với Đức Giáo Hoàng rằng ước tính có khoảng 150,000 người chống lại chế độ đã phải chạy trốn sang Hoa Kỳ hoặc Costa Rica, và những người vẫn còn ở Nicaragua hầu như không thể nhìn thấy người thân bị giam cầm của họ, và lưu ý đến “tình trạng nghiêm trọng của họ về suy dinh dưỡng, bệnh tật và thiếu các điều kiện vệ sinh thích hợp”.
Họ viết: “Thưa Đức Thánh Cha, đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là một vấn đề nhân đạo. Gia đình chúng con đang rất đau khổ. Giáo hội đang bị tấn công, từ các linh mục đến hàng giáo phẩm đã phải ẩn náu, lưu đày và cũng phải lo sợ cho tính mạng của chính các ngài”.
Trong số những người đã phải rời khỏi đất nước có Đức Cha Silvio Baez, người đang sống lưu vong ở Miami, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh cho ngài rời Nicaragua vì tính mạng của ngài bị đe dọa.
“Hôm nay không phải là ngày chiến thắng cho bất kỳ ai ở Nicaragua,” vị giám mục nói trong bài giảng của mình, được cử hành tại Đền thánh Quốc gia của Washington, theo lời mời của Đức Cha David Malloy, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của các giám mục Hoa Kỳ.
Đức Cha Baez nói: “Hôm nay là một ngày nữa của chặng đường đau thương đẫm nước mắt và chết chóc mà đất nước chúng ta đã trải qua và đã để lại rất nhiều nạn nhân vô tội, những người mà chúng ta không thể và không muốn quên đi.”
“Cả thế giới đang đổ dồn ánh mắt vào đất nước chúng ta vì sự kiện bất hợp pháp đang diễn ra ở đó ngày hôm nay,” ngài nói, khi đề cập đến các cuộc bầu cử tổng thống.
“Ngày nay, những tham vọng quyền lực đen tối của những kẻ đã làm tan nát đất nước chúng ta và những bài phát biểu giễu cợt của chúng đang cố xuyên tạc lịch sử và che giấu sự thật dường. Tuy nhiên, ngày nay không phải là ngày kết thúc lịch sử của Nicaragua. Hôm nay không phải là kết thúc, mà là khởi đầu của một giai đoạn đầy thách thức và hy vọng, của những cuộc đấu tranh và cam kết, của sự đoàn kết và quảng đại”, Đức Cha Baez nói.
Source:Crux
Tiếp tục công bố kết quả cuộc thăm dò của họ gần đây do Centiment thực hiện, tờ The Pillar ngày 12 tháng 11 cho đăng tải phần nói về tác động của Covid-19 đối với việc tham dự Thánh Lễ của người Công Giáo Hoa Kỳ.
Theo đó, số người Công Giáo nói họ đi lễ hàng tuần đã giảm 14% kể từ khi Covid-19 hoành hành. Và dĩ nhiên, sự suy giảm này khiến tiền quyên góp hàng tuần của các nhà thờ Công Giáo giảm theo. Ngay từ hồi tháng 3 năm 2021, tờ The Pillar đã thấy năm 2020, có một mức suy giảm trung bình lên đến 12% tiền quyên góp hàng tuần của các giáo xứ so với năm 2019.
Con số tham dự Thánh Lễ
Cuộc thăm dò của The Pillar hỏi những người trả lời về việc họ năng đi lễ tại nhà thờ hoặc nơi thờ phượng khác ra sao trước đại dịch và hiện nay, họ năng tham dự các buổi lễ tôn giáo như thế nào, bao gồm cả các buổi lễ tôn giáo phát trực tuyến từ xa trên mạng. Kết quả, cả đối với người Công Giáo và Kitô hữu khác, khá ngạc nhiên.
41% những người tự mô tả là Công Giáo cho biết họ đi lễ ít nhất mỗi tuần một lần trước đại dịch.
41% người Công Giáo khác cho biết họ đi ít thường xuyên hơn - trong khoảng từ vài lần một tháng đến ít hơn một lần mỗi năm. 18% người Công Giáo cho biết họ chưa bao giờ đi lễ trước đại dịch.
Kể từ sau đại dịch, những con số đó đã thay đổi. Chỉ có 36% người Công Giáo nói rằng họ hiện tham dự Thánh lễ ít nhất mỗi tuần một lần, gồm cả các Thánh lễ trực tuyến. Số người đi lễ ít thường xuyên hơn cũng giảm xuống, và số người nói rằng họ không bao giờ đi lễ đã tăng lên 29%.
Các con số trên cũng tương tự đối với những người không theo Công Giáo, những người tự mô tả mình là Thệ phản hoặc Kitô hữu.
Sự khác biệt giữa 41% và 36% người Công Giáo tham dự Thánh lễ hàng tuần thoạt đầu có vẻ nhỏ. Nhưng có một cách khác để xem xét sự thay đổi:
• Số người tham dự Thánh lễ hàng tuần, trực tiếp hoặc qua trực tuyến, đã giảm 14% kể từ COVID-19.
• Số người Công Giáo không bao giờ đi lễ đã tăng 62%.
Các hàng ghế, chúng phi thay đổi
Đây là một cách khác để hình dung sự vật:
Giả sử trước COVID-19, có 100 người tham dự Thánh lễ đều đặn hàng tuần trong Thánh lễ Chúa nhật bình thường ở giáo xứ của bạn.
Hôm nay:
• 11 người sẽ tham dự từ một đến ba lần một tháng.
• 2 người chỉ đi một vài lần một năm.
• 1 người giảm xuống còn một lần một năm.
• 8 người hiện nay nói rằng họ “không bao giờ” đi dự Thánh lễ.
Tất nhiên, có một số gương mặt mới trong hàng ghế nhà thờ:
• 10 người trước đây ít đi thường xuyên nay tham dự Thánh lễ ít nhất một lần mỗi tuần.
Nhưng tổng số người tham dự Thánh lễ ít hơn. Chỉ có 86 xuất hiện hàng tuần, trước đó là 100.
Ai vắng mặt?
Ai là những người Công Giáo đã đi tham dự Thánh lễ hàng tuần trước Covid, và bây giờ nói rằng họ không bao giờ đi, ngay cả xem một thánh lễ trực tuyến?
Trung bình, họ lớn tuổi hơn một chút. Tuổi trung bình của những người Công Giáo trưởng thành tham dự Thánh lễ hàng tuần là 46, trong khi tuổi trung bình của những người đã đi hàng tuần trước Covid, và bây giờ nói rằng họ không bao giờ đi, là 50. Nhưng chỉ có 19% những người đã ngừng đi lễ là 65 tuổi hoặc cao tuổi hơn.
Hóa ra một bí tích khác có liên quan một cách đáng lưu ý với việc tham dự Thánh lễ: Xưng tội. Hoặc, ít nhất, tần suất việc đi xưng tội của họ.
Trong số những người Công Giáo đi lễ ít nhất mỗi tuần một lần, 50% nói rằng họ đi xưng tội ít nhất mỗi tháng một lần.
Nhưng trong số những người nói họ đi xưng tội hàng tháng, 85% những người đi lễ hàng tuần trước Covid đã trở lại thánh lễ hàng tuần.
Trong số những người không bao giờ đi xưng tội, chỉ có 56% những người đã đi lễ hàng tuần trước Covid đã trở lại thánh lễ hàng tuần.
Covid và thừa tác vụ giáo xứ
Cuộc thăm dò của The Pillar hỏi những người tham dự các buổi lễ nhà thờ ít nhất mỗi tháng một lần về cách nhà thờ của họ đã xử lý mọi việc trong thời kỳ đại dịch ra sao.
Trong số những người Công Giáo tham dự Thánh lễ ít nhất mỗi tháng một lần trước đại dịch, 53% đồng ý rằng nhà thờ của họ giữ an toàn cho các thành viên. 27% nói rằng nhà thờ của họ đã thực hiện các thích nghi như tổ chức các buổi lễ ở ngoài trời hoặc phát video trực tuyến để giữ cho Thánh lễ và các bí tích có sẵn đó.
Ít người Công Giáo chỉ trích một cách chuyên biệt việc xử lý đại dịch của giáo xứ họ.
14% nói rằng “Nhà thờ của tôi đơn giản đóng cửa trong trận đại dịch” và 9% chuyên biệt đồng ý rằng nhà thờ của họ quá nhanh nhẩu ngưng các bí tích. 8% cảm thấy nhà thờ của họ đã chấp nhận các rủi ro không cần thiết. Và 7% cảm thấy họ trở nên xa lạ hơn với giáo xứ của họ trong thời gian xảy ra đại dịch.
Nhìn chung, 17% người Công Giáo đi lễ ít nhất hàng tháng trước đại dịch nói rằng giáo xứ của họ đến với nhau trong thời gian đại dịch, trong khi 12% nói rằng giáo xứ của họ trở nên chia rẽ hơn.
Những thay đổi trong việc tham dự Thánh lễ có phải là vĩnh viễn không? “Hiệu quả Covid” trong 5 năm tới sẽ như thế nào? Còn quá sớm để nói. Nhưng như hầu hết chúng ta đã học được trong đại dịch, rất ít điều về tương lai có thể dễ dàng dự đoán được.
Con người được tự do suy nghĩ cùng làm việc. Nhưng suy nghĩ cùng việc làm của con người bị giới hạn trong những chiều của không gian và thời gian, cùng có thể đo lường tính toán bằng những con số hay hình dạng.
Dùng một dây hay cây thước để đo lường, người ta có thể đo được chiều dài, chiều rộng hay cao một vật thể, một con đường một khoảng cách giữa hai điểm ở hai đầu.
Dây hay cây thước để đo cũng có hai đầu một khởi đầu và tận cùng. Một con đường khởi đầu từ một vị trí và kết thúc ở một vị trí khác ở mức cuối cùng. Cũng vậy, một hành trình bắt đầu với bước thứ nhất và kết thúc với bước cuối cùng.
Một lễ nghi phụng vụ, một lễ hội cũng vậy có khởi đầu và kết thúc. Người ta không dùng dây hay cây thước để đo một thánh lễ, một lễ hội. Nhưng dùng đồng hồ để đo lường, dẫu vậy điểm khởi đầu và điểm kết thúc cũng vẫn dễ dàng nhận ra.
Phần nhiều những sự thể trong đời sống có thể được nhận ra phân biệt rõ ràng khi nào lúc bắt đầu, và khi nào lúc kết thúc. Cũng có nhiều sự việc có thể nói chắc chắn được trước khi nó xẩy ra. Ví dụ người ta có thể nói trước được một ngày mới có khởi đầu vào nửa đêm (lúc 24.00 giờ) và kết thúc vào lúc nửa đêm ( lúc 24.00 giờ) tiếp sau đó.
Nhưng có những sự việc không thể đơn giản đo lường tính toán được như thế, như khi nào sự sống của một con người bắt đầu? Khi nào sự sống đó tận cùng? Việc này không đơn giản dễ dàng, và nói trước lại càng không thể.
Phúc âm nói đến ngày tận cùng của thế giới. Điều đó xảy ra thế nào? Người ta có thể nói chính xác được khi nào thế giới đã bắt đầu, và khi nào thế giới này kết thúc?
Các nhà thiên văn học và vật lý thiên văn đã suy nghĩ tính toán tìm cách chứng minh cắt nghĩa về sự khởi đầu của trái đất xuất phát là một tiếng nổ nguyên thủy đầu tiên! Nhưng không tính tìm ra được chính xác thời gian tiếng nổ nguyên thủy đầu tiên đã xảy ra.
Rồi sự kết thúc của trái đất được tính theo gỉa thuyết từ 6 tới 7 tỷ ngàn năm, khi mặt trời vào một lúc nào đó tắt lịm không phát tỏa ra ánh sáng hơi nóng nữa. Nhưng chính xác vào một thời gian nào không tìm biết ra được.
Sự khởi đầu kết thúc tận cùng của thế giới trái đất và nó sẽ ra sao, luôn luôn là suy tư thắc mắc của con người trong dòng thời gian lịch sử trải qua các thời đại.
Các nhà khoa học xưa nay thường đưa ra những cắt nghĩa khác nhau cùng những câu trả lời theo lý luận phỏng đoán. Và luôn hằng có những khám phá suy luận phát triển mới khác nhau.
Kinh thánh đề cập đến ngày kết thúc tận cùng của thế giới:
"Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng,25 các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển.26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” ( Mc 13,24-26).
Đoạn kinh thánh này phát ra âm hưởng tâm lý sợ hãi cho người đọc, người nghe. Và đoạn văn này cũng gợi lại cho người nghe lẫn người đọc nhớ đến lý thuyết mô phỏng, mà các nhà khoa học đã có lý luận đưa ra chừng 6 hay 7 tỷ ngàn năm trái đất này sẽ tới điểm kết thúc tận cùng!
Có một câu trong kinh thánh nữa nói vể ngày tận cùng kết thúc của trời đất: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi. Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được…”( Mc 13,31)
Với chúng ta người tin theo Chúa Kitô Giêsu, ý nghĩa cùng lời đoan hứa này mang lại niềm an ủi, sự bình an cho tâm hồn:
Chính Thiên Chúa không có khởi đầu và tận cùng. Thiên Chúa không nằm trong thế giới trái đất này, nơi tất cả đều có một khởi đầu và một kết thúc tận cùng có thể đo lường tính toán ra được.
Những lời của Chúa không bao giờ biến đổi trôi qua đi, không có tận cùng kết thúc, không bao giờ biến mất gía trị. Những lời của Chúa hằng luôn bền vững vĩnh cửu.
Thiên Chúa không bị khuất phục giới hạn trong không gian cùng thời gian như con người. Nhưng Ngài luôn hằng có.
Nếu lấy thước đo Ngài, thì sự khởi đầu và kết thúc tận cùng sẽ cùng chung chập vào làm một. Như thế không có khởi đầu và tận cùng nữa. Và cũng không có thời gian nữa, nhưng lả vĩnh cửu.
Và như vậy chúng ta nhận ra rằng “ sự sống vĩnh cửu” ở nơi Thiên Chúa. Đó là điều Thiên Chúa muốn cho con người.
Nếu thế, thì không còn cần phải lo âu sợ hãi trước sự tận cùng kết thúc nào: “ “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi. Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được…”( Mc 13,31).
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
1. Một phép lạ của Solanus Casey? Người đàn ông nói rằng ngài đã đến thăm anh ta trong bệnh viện
Một người cha của ba đứa con từ Giáo phận Lansing tuyên bố rằng Chân phước Solanus Casey, một linh mục rất mực khiêm nhường của dòng Capuchin, đã đến thăm anh hai lần trong bệnh viện và thúc đẩy nhanh tiến trình hồi phục kỳ diệu sau khi anh nhiễm phải COVID-19.
Công nhân xây dựng 52 tuổi, Nolan Ostrowski, một giáo dân tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Phêrô ở Eaton Rapids, Michigan, đã chia sẻ câu chuyện của mình với giáo phận trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 1 tháng 11.
Khi các triệu chứng COVID-19 của anh ấy trở nên tồi tệ hơn, Ostrowski được đưa vào Bệnh viện Sparrow ở Lansing vào ngày 25 tháng 7.
“Và sau đó, một đêm, tôi đang nằm ở đó và tôi thức dậy và tôi cảm thấy như có rất nhiều bóng tối xung quanh tôi, rất nhiều nỗi tuyệt vọng bao trùm lên tôi, và tôi nhận thấy có ai đó đang ngồi ở đầu giường của tôi. Không thể quay lại để xem đó là ai - tất cả những gì tôi có thể thấy là đôi chân của người ấy và chiếc áo choàng màu nâu của người ấy”, Ostrowski nói và nhấn mạnh thêm rằng ban đầu anh ấy nghĩ đó có thể là thiên thần hộ mệnh của mình.
Cuộc viếng thăm rõ ràng đó xảy ra vào ngày 30 tháng Bảy, Lễ Chân phước Solanus Casey. Đêm hôm sau, ngày 31 tháng 7, một bóng người mặc áo choàng nâu lại xuất hiện trong phòng bệnh của Ostrowski, mặc dù lần này, người đó ngồi ở chân giường và đặt tay lên đùi.
“Ngài ngồi đó và đó là lúc này tôi nhận ra rằng đây không phải là thiên thần bản mệnh của mình. Đây là một vị thánh. Đây là một người đặc biệt,” Ostrowski nhớ lại. Ostrowski bắt đầu cầu nguyện và “cầu xin cho lành bệnh”. Anh nói với nhân vật ấy rằng anh không muốn các con của mình lớn lên mà không có anh.
“Không có phản hồi nào từ người ấy. Nó giống như tôi đang nói chuyện với một bức tượng. Và sau đó tôi nói, “Nếu người cứu tôi, tôi sẽ không bao giờ sử dụng danh Chúa một cách vô ích nữa.” Và người ấy nhảy lên như thể vừa trúng xổ số. Ý tôi là, người ấy giật mình. Và người ấy chạy quanh giường của tôi. Và khi người ấy chạy, nó giống như một chuyển động lơ lửng, không chạm đất vậy,” Ostrowski nói.
“Và người ấy đưa tay ra chạm vào xương sườn của tôi dưới cánh tay của tôi và sau đó ở dưới lưng của tôi. Tôi nhớ mình hơi nhấc cánh tay lên một chút, nhưng tất cả đều rất nhanh. Và sau đó người ấy lùi lại một vài bước, và tôi cảm thấy như có một sự nhẹ nhàng tràn qua tôi và tôi cảm thấy rất thoải mái và dễ chịu. Tôi biết mình đã được cứu”.
Ngày hôm sau, vợ của Ostrowski là Kathleen cho anh xem một bức ảnh của Chân phước Solanus. Ostrowski ngay lập tức nhận ra ngài là nhân vật đã hai lần đến thăm anh ta và đặt tay lên xương sườn của anh ta.
Cha Solanus Casey là một linh mục dòng Capuchin, người đã sống phần lớn cuộc đời mình tại Tu viện Thánh Bonaventura ở Detroit. Trong suốt cuộc đời, ngài được biết đến với tư cách là một người làm được nhiều việc kỳ diệu, vì đức tin tuyệt vời và khả năng của ngài như một cố vấn tâm linh, nhưng đặc biệt là vì sự quan tâm sâu sắc của ngài đối với người bệnh. Ngài đã được phong chân phước trong một buổi lễ được tổ chức tại Ford Field ở Detroit vào năm 2017.
Gia đình Ostrowski và bạn bè của họ đã cầu nguyện Chân phước cho Solanus trong những ngày trước sự kiện 30 và 31 tháng 7.
Vào ngày 3 tháng 8, tình trạng của Ostrowski xấu đi và anh ta được đặt vào một máy thở và hôn mê. Hai ngày sau, anh ta được vận chuyển bằng máy bay đến Bệnh viện Lutheran ở Fort Wayne, Indiana, nơi anh ta được đặt trên một máy Oxygen ECMO, là máy vận hành phổi nhân tạo cho những bệnh nhân có vấn đề nghiêm trọng về hô hấp.
Bệnh viện ở Fort Wayne chỉ nằm cách Felix Friary 20 dặm, nơi Chân phước Solanus đã dành phần lớn 10 năm cuối đời để nghỉ hưu. Sau một tháng, Ostrowski đã có thể đi lại với sự hỗ trợ của máy ECMO.
“Và các bác sĩ khác trong ICU, họ nói rằng đó là một phép lạ và họ không thể tin rằng tôi đã làm tốt như thế nào. Họ đưa tôi ra khỏi máy thở. Tôi đã có thể tự thở. Và họ nói rằng điều đó chưa từng xảy ra”, Nolan Ostrowski nói.
Vào ngày 1 tháng 10, Ostrowski trở về nhà với gia đình ở Eaton Rapids. Kể từ đó gia đình đã hành hương tạ ơn đến mộ của Chân phước Solanus Casey ở Detroit.
Họ cũng đã viết thư cho những người chịu trách nhiệm quảng bá sự nghiệp phong thánh của Chân phước Solanus. Án tuyên thánh đòi phải có thêm một phép lạ nữa để “Chân phước Solanus” được Vatican tuyên bố là “Thánh Solanus”.
Source:Catholic News Agency
2. Các giám mục Pháp yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô giúp đỡ để đối phó với tình trạng lạm dụng
Các Giám Mục Pháp đã yêu cầu Đức Phanxicô cử một người nào đó để cùng các ngài kiểm tra phản ứng của các ngài đối với các nạn nhân và những kẻ lạm dụng họ.
Các giám mục của Pháp đã quyết định yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô giúp đỡ để giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục của các giáo sĩ.
Trong cuộc họp ở Lộ Đức, các giám mục quyết định yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô cử một người đáng tin cậy để “cùng chúng tôi xem xét cách chúng tôi đã đối xử và đang đối xử với những người là nạn nhân và những kẻ ngược đãi họ,” Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp thông báo như trên vào ngày 8/11.
Yêu cầu được đưa ra hơn một tháng sau báo cáo của một ủy ban độc lập về vấn đề lạm dụng giữa các giáo sĩ ở Pháp.
Đức Tổng Giám Mục Moulins giải thích: “Chúng tôi đã quyết định cùng nhau đề nghị Đức Giáo Hoàng, vì chúng tôi được ngài chỉ định, đến trợ giúp chúng tôi, bằng cách cử người mà ngài tin tưởng đến để kiểm tra cách chúng tôi đã đối xử và đang đối xử với các nạn nhân và những kẻ xâm hại họ”.
Ngài cũng bảo đảm rằng các giám mục sẽ gửi đến Đức Giáo Hoàng các khuyến nghị liên quan đến Giáo hội hoàn vũ của ủy ban do ông Jean-Marc Sauvé /giăng mạc sô-vê/ lãnh đạo đưa ra, “sau khi chỉnh sửa lại chúng một chút”. Ủy ban do ông Jean-Marc Sauvé cầm đầu, gọi tắt là CIASE, đã đưa ra 45 khuyến nghị ở cuối báo cáo, một số liên quan đến giáo luật.
Trong buổi trình bày báo cáo vào ngày 5 tháng 10, Jean-Marc Sauvé nhấn mạnh vào một cuộc cải cách cần thiết của giáo luật, lập luận rằng giáo luật đã không đóng góp, “như nó có thể, như nó cần phải có,” vào việc đương đầu thích hợp với bạo lực tình dục trong Giáo Hội.
Vào ngày 9 tháng 12, ông và tất cả các thành viên của ủy ban sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Đức Cha Eric de Moulins-Beaufort dự kiến sẽ tham gia.
Trước Đại hội đồng Giám mục toàn thể ở Lộ Đức, Đức Giáo Hoàng đã bảo đảm với các Giám Mục Pháp về sự “gần gũi” và “lời cầu nguyện” của ngài trong một thông điệp được công bố rộng rãi.
“Khi anh em vượt qua cơn bão của sự xấu hổ và bi kịch vì lạm dụng trẻ vị thành niên trong Giáo hội, tôi khuyến khích anh em mang gánh nặng của mình với niềm tin và hy vọng, và tôi mang nó cùng với anh em,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong lá thư ngày 14 tháng 10 và được công bố vào ngày 3 tháng 11.
“Tôi chắc chắn rằng cùng nhau, và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, anh em sẽ tìm cách tôn vinh và an ủi các nạn nhân; để khuyến khích tất cả các tín hữu hãy sám hối và hoán cải tấm lòng; thực hiện mọi biện pháp cần thiết để làm cho Hội Thánh trở thành ngôi nhà an toàn cho mọi người; để chăm sóc dân Chúa bị thương và bị tai tiếng; và cuối cùng, vui mừng tiếp nhận sứ mệnh, kiên quyết nhìn về tương lai”.
Source:Aleteia
3. Đức Bênêđíctô XVI đánh dấu kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà lãnh đạo Chính thống giáo
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô 16 đã bày tỏ lòng kính trọng đối với một nhà lãnh đạo Chính thống giáo nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông.
Trong một bức thư ngày 11 tháng 10, vị giáo hoàng người Đức đã nghỉ hưu nói rằng dường như “không thể tưởng tượng nổi” một thập kỷ đã trôi qua kể từ cái chết vào năm 2011 của Đức Tổng Giám Mục Damaskinos Papandreou, Tổng Giám Mục Chính thống Đông phương đầu tiên của Thụy Sĩ.
CNA Deutsch, đối tác tin tức bằng tiếng Đức của CNA, đã báo cáo rằng Đức Bênêđíctô 16 đã đưa ra bình luận trong một thông điệp gửi tới một hội nghị được tổ chức để vinh danh dự vị Tổng Giám Mục vào ngày 5 tháng 11 tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ.
Đức Tổng Giám Mục Damaskinos, của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople, sinh tại Thermo, Hy Lạp, vào ngày 23 tháng 2 năm 1936. Ngài được bầu làm Tổng Giám Mục tiên khởi của Thụy Sĩ vào năm 1982.
Là tác giả của nhiều tác phẩm về chủ nghĩa đại kết, ông từng là giám mục thành phố Adrianople từ năm 2003 cho đến khi qua đời vào ngày 5 tháng 11 năm 2011, ở tuổi 75.
“10 năm đã trôi qua kể từ cái chết của Đức Tổng Giám Mục Damaskinos Papandreou của Thụy Sĩ là điều không thể tưởng tượng nổi đối với tôi,” vị giáo hoàng danh dự viết trong thông điệp gửi tới Đức Tổng Giám Mục Maximos của Thụy Sĩ và Giáo sư Stefanos Athanasiou.
Lá thư đã được đọc trong một thông điệp video gửi tới hội nghị bởi Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô Giáo.
Đức Bênêđíctô, từng giữ chức giáo hoàng từ năm 2005 đến năm 2013, cho biết đó là “một ân sủng rất đặc biệt của Chúa Quan Phòng”. Ngay sau khi ngài được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Bonn, Đức, vào năm 1959, hai đại tu viện trưởng Chính thống giáo bắt đầu theo học các khoa thần học tại Đại Học này.
Đức Bênêđíctô giải thích rằng “Đây là một điều gì đó mới mẻ và bất ngờ, bởi vì cho đến lúc đó các sinh viên Chính thống giáo chưa bao giờ học tại các phân khoa thần học Công Giáo, mà chỉ học tại các phân khoa Tin lành hay học với người Công Giáo Cổ ở Bern, Thụy Sĩ”.
“Cả hai người đều trở thành bạn của tôi. Thật không may, người bạn của tôi, Stylianos Harkianakis, người sau này trở thành Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo ở Úc, sau đó đã có một quan điểm khắt khe khiến tình bạn của chúng tôi nguội lạnh,” Đức Giáo Hoàng danh dự 94 tuổi viết.
“Tình bạn với Đức Tổng Giám Mục Damaskinos Papandreou ngày càng lớn đối với tôi, và do đó, nỗi buồn về cái chết quá sớm của anh ấy cũng rất lớn.”
“Nhưng kết quả của mối quan hệ nội tâm sống động với Chính thống giáo vẫn còn và tiếp tục phát triển trong tình bạn gắn kết tôi ngày càng nhiều hơn với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.”
Source:Catholic News Agency
1. Vatican thiệt mất 100 triệu bảng Anh trong vụ mua bán tài sản ở London
Tờ Financial Times cho biết Vatican sẽ phải chịu lỗ khoảng 100 triệu bảng Anh khi hoàn tất việc bán một tòa nhà văn phòng sang trọng ở London đang chờ giải quyết, hiện đang là trung tâm của một cuộc điều tra tội phạm quốc tế.
Vatican đang trong giai đoạn cuối cùng để bán tòa nhà 60 Đại lộ Sloane, một tòa nhà ở quận Knightsbridge của London, với giá khoảng 200 triệu bảng Anh cho nhóm cổ phần tư nhân Bain Capital. Bain Capital và Savills, công ty đang quản lý vụ mua bán, đều từ chối bình luận.
Các quan chức cấp cao của Tòa thánh đã đầu tư tổng cộng 350 triệu euro vào tòa nhà ở London từ năm 2014 đến năm 2018. Điều này có nghĩa là việc mua bán dự kiến sẽ xác nhận khoản lỗ khoảng 100 triệu bảng Anh.
Các công tố viên của Vatican cho biết số tiền đầu tư vào tòa nhà và các khoản đầu tư khác được lấy từ Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô, một khoản quyên góp hàng năm của những người Công Giáo trên khắp thế giới “cho nhiều nhu cầu khác nhau của giáo hội hoàn vũ và cho việc cứu trợ những người cần nhất”.
Tòa nhà London, tại một thời điểm đã được dự định chuyển đổi thành căn hộ sang trọng, là tâm điểm của một vụ bê bối buộc Vatican phải thanh tra triệt để cách quản lý tài chính của mình.
Cuối năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tước bỏ khỏi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chức năng đầu tư hàng trăm triệu euro được tạo ra từ các khoản đóng góp của người Công Giáo.
Đầu năm nay, các công tố viên của Vatican đã buộc tội Raffaele Mincione, một cựu giám đốc ngân hàng người Ý, với nhiều tội danh khác nhau bao gồm gian lận và biển thủ.
Các công ty của Mincione đã mua lại tòa nhà ở London vào năm 2012 với giá 129 triệu bảng Anh. Hai năm sau, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã mua lại tài sản thông qua một quỹ đầu tư do Mincione thành lập với mức định giá cao hơn nhiều. Vatican đã hoàn tất việc mua tòa nhà vào năm 2018.
Các công tố viên của Vatican nói rằng các công ty của Mincione đã kiếm được lợi nhuận lớn từ việc đầu tư vào tòa nhà Knightsbridge.
Mincione đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào và nói rằng việc gia tăng giá trị của bất động sản là do các chuyên gia tư vấn bên thứ ba độc lập và đã được kiểm toán minh bạch. Ông cũng cho biết Vatican luôn được tư vấn bởi các ngân hàng đầu tư của chính mình.
Các thủ tục tố tụng hình sự của Vatican đối với Mincione và những người khác, bao gồm cả một Hồng Y, đã bị tạm dừng vào tháng trước sau khi thẩm phán Vatican yêu cầu các công tố viên cung cấp thêm bằng chứng cho các luật sư bào chữa.
Mincione đã bị phong tỏa 48 triệu euro tài sản của mình ở Thụy Sĩ theo yêu cầu của các công tố viên của Vatican như một phần của cuộc điều tra tội phạm. Anh ta đang theo đuổi một khiếu kiện dân sự riêng biệt chống lại Tòa thánh tại Tòa án tối cao Anh để tìm kiếm một phán quyết đánh giá rằng anh ta đã hành động đúng.
Source:Financial Times
2. Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích khẳng định Thánh lễ Latinh truyền thống đã ‘bị Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bãi bỏ’
Trong một diễn biến đang gây rất nhiều xôn xao trong dư luận Công Giáo, Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích Vatican đã nói rằng Thánh lễ Latinh Truyền thống đã bị “Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bãi bỏ”.
Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche đã đưa ra nhận xét này trong một bức thư ngày 4 tháng 8 gửi cho Đức Hồng Y người Anh Vincent Nichols.
Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã trả lời một lá thư của vị Hồng Y đề ngày 28 tháng 7, liên quan đến việc áp dụng các quy định về Tự Sắc Traditionis Custodes của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Anh và xứ Wales.
Một phát ngôn viên của Đức Hồng Y Nichols đã xác nhận trong một email gửi CNA vào ngày 8 tháng 11 rằng bức thư, được công bố vào ngày 5 tháng 11 bởi trang web Gloria.tv, là xác thực.
Tự Sắc Traditionis Custodes, có hiệu lực vào ngày 16 tháng 7, cùng ngày được phát hành, nói rằng các giám mục có “thẩm quyền hoàn toàn” trong việc cho phép các Thánh lễ Latinh Truyền thống trong giáo phận của mình.
Tài liệu, kèm theo một lá thư gửi các giám mục, đã thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với tông thư Summorum Pontificum năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI, trong đó thừa nhận quyền của tất cả các linh mục được cử hành Thánh lễ bằng Sách lễ Rôma năm 1962 mà không cần xin phép giám mục của họ.
Thánh lễ theo Sách lễ Rôma năm 1962 được gọi là hình thức ngoại thường của Nghi thức Rôma, Thánh lễ Tridentinô, Thánh lễ Latinh truyền thống, thánh lễ cổ, hay thánh lễ theo nghi thức Vetus.
Nhấn mạnh rằng phản ứng của ngài chỉ “mang tính chất cá nhân” vì Thánh bộ chưa ban hành hướng dẫn giải thích tài liệu, Đức Tổng Giám Mục Roche viết: “Rõ ràng, đây là thời điểm đòi hỏi các mục tử phải quan tâm và hướng tới những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất theo luật hiện hành”.
“Việc sử dụng các bản văn phụng vụ trước Công Đồng đã được điều hòa chứ không bị đàn áp. Lý do cho điều này được nêu rõ ràng trong lá thư của Đức Giáo Hoàng”.
“Việc giải thích sai và thúc đẩy việc sử dụng các bản văn này, sau những nhượng bộ hạn chế của các vị Giáo hoàng tiền nhiệm, đã được sử dụng để khuyến khích một phụng vụ khác với cải cách Công đồng, và trên thực tế, đã bị Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bãi bỏ, cũng như khích lệ một Giáo hội học không thuộc Huấn quyền của Giáo hội”.
Chúng tôi dùng chữ “bãi bỏ” để dịch chữ “abrogation” là chữ Đức Tổng Giám Mục Roche dùng trong lá thư gởi cho Đức Hồng Y Nichols. Theo Bách khoa toàn thư Công Giáo, abrogation là “sự bãi bỏ hoàn toàn một đạo luật.”
Trong một lá thư gửi các giám mục thế giới đi cùng với Tự Sắc Summorum, Đức Bênêđíctô XVI đã viết rằng phụng vụ trước Công đồng “không bao giờ bị bãi bỏ về mặt pháp lý”.
Đức Bênêđíctô viết trong bức thư ngày 7 tháng 7 năm 2007 rằng:
“Về việc sử dụng Sách lễ năm 1962 như một Forma extraordinaria, tức là hình thức ngoại thường, của phụng vụ Thánh lễ, tôi muốn lưu ý đến thực tế là Sách lễ này chưa bao giờ bị coi là bị bãi bỏ về mặt pháp lý và do đó, về nguyên tắc, luôn luôn được cho phép”.
Đức Hồng Y Nichols, tổng giám mục của Westminster và là chủ tịch của hội đồng giám mục Anh và xứ Wales, đã hỏi Đức Tổng Giám Mục Roche sáu câu hỏi liên quan đến Tự Sắc Traditionis Custodes. Những câu hỏi này bao gồm liệu Vatican có ban hành thêm các hướng dẫn về việc áp dụng Tự Sắc này hay không, và Tự Sắc có áp dụng cho các bí tích khác như lễ rửa tội và cách hiểu thuật ngữ “các nhóm”.
Ngài viết: “Mặc dù Tự Sắc đã có hiệu lực ngay lập tức, nhưng chúng tôi nhận thức được rằng việc áp dụng đúng và lâu dài của nó sẽ cần có thời gian.”
“Từ sự kết hợp của văn bản Tự Sắc và lá thư kèm theo, rõ ràng là Đức Thánh Cha mong muốn một sự hiệp nhất trong việc cầu nguyện phụng vụ, được thể hiện qua cách diễn đạt độc đáo của lex orandi, nghĩa là luật cầu nguyện, của Nghi thức Rôma”.
“Với sự quan tâm mục vụ, chúng ta cần phải đồng hành với những người gắn bó bền chặt với Sách lễ năm 1962, hướng họ tới Sách lễ của các Thánh Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Gioan Phaolô II.”
Đức Tổng Giám Mục Roche, 71 tuổi, cựu giám mục của Leeds, miền bắc nước Anh, được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Vatican vào tháng 5, kế vị Đức Hồng Y Robert Sarah.
Trong lá thư cũng được ký bởi thư ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, là Đức Tổng Giám Mục Vittorio Francesco Viola, Đức Giám Mục Roche nói với Đức Hồng Y Nichols rằng bộ của ngài vẫn đang “chăm chú nghiên cứu những tác động của Tự Sắc”, nhưng ngài vẫn vui mừng “chia sẻ với Đức Hồng Y những hiểu biết hiện tại của chúng tôi về các vấn đề ngài quan tâm.”
Đức Giám Mục Roche nhấn mạnh rằng:
“Rõ ràng là lời bình luận chính về luật mới điều chỉnh việc cho phép sử dụng các bản văn phụng vụ tiền Công Đồng, là có ý nhượng bộ trong các hoàn cảnh đặc biệt, chứ không phải là quảng bá. Đó là nội dung chính trong bức thư kèm theo của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các Giám mục”.
“Rõ ràng là những nhượng bộ đặc biệt này chỉ nên được cấp cho những người chấp nhận tính hợp lệ và hợp pháp của cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II và Huấn quyền của các Giáo hoàng Tối cao. Tất cả những gì trong luật mới đều hướng đến sự trở lại và ổn định phụng vụ như Công đồng Vatican II đã quy định “.
Ngài xác nhận rằng Tự Sắc đã chuyển giao trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến Thánh lễ Latinh Truyền thống từ Bộ Giáo lý Đức tin sang Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích và Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ
Ngài viết: “Giờ đây các bộ này thực hiện năng quyền trong các lĩnh vực nhất định của họ”.
Về việc liệu tài liệu có được áp dụng cho tất cả các bí tích khác hay không, ngài nói rõ ràng là “luật mới bãi bỏ những gì đã được ban hành trước đó thông qua các nhượng bộ hạn chế trong các trường hợp ngoại lệ”.
Source:Catholic News Agency
3. Hầu hết các nhà lãnh đạo Giáo hội tẩy chay cuộc bầu cử ‘giả mạo’ ở Nicaragua
Tất cả các nhà lãnh đạo đối lập bị bỏ tù và đảng của họ bị cấm, cho nên, Daniel Ortega và bà vợ ông ta Rosario Murillo đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nicaragua được tổ chức vào hôm Chúa Nhật.
Chỉ có một giám mục Công Giáo trong số 13 giám mục của đất nước đi bỏ phiếu.
Vào rạng sáng ngày thứ Hai, Hội đồng bầu cử tối cao của Nicaragua thông báo rằng với khoảng một nửa số phiếu được kiểm, Ortega đã giành chiến thắng với khoảng 75% số phiếu bầu. Với chiến thắng vang dội này, ông đã bảo đảm nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, đó là chưa kể thời gian cầm quyền vào những năm 1980.
Washington đã gọi các cuộc bầu cử là một trò giả mạo do sự đàn áp của nhà lãnh đạo kỳ cựu đối với các đối thủ của mình và Liên minh Âu Châu đã gọi cuộc bầu cử này là “giả mạo”.
Trong một tuyên bố được đưa ra trước khi cuộc kiểm phiếu được công bố, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng Ortega và vợ ông đã dàn dựng một “cuộc bầu cử như một thứ kịch câm không tự do cũng không công bằng”.
Trong những tuần dẫn đến cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11, các giám mục Công Giáo đã đưa ra một số tuyên bố cho rằng nền dân chủ của đất nước đang gặp rủi ro vì các quyền cơ bản không được tôn trọng. Họ cũng nói rằng việc quyết định xem họ có bỏ phiếu hay không là do lương tâm của mỗi công dân.
Đức Cha René Sándigo, của giáo phận Leon, là giám mục Công Giáo duy nhất tham gia bầu cử.
Hôm thứ Bảy, một ngày trước cuộc bầu cử, gia đình của khoảng 150 tù nhân chính trị đã gửi một lá thư đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu ngài lên tiếng kêu gọi các quyền cơ bản của con người phải được tôn trọng ở Nicaragua.
“Chúng con yêu cầu sự can thiệp nhân đạo của Đức Thánh Cha,” họ viết. “Tất cả các thành viên trong gia đình chúng con đã bị giam giữ và bỏ tù mà không có thủ tục hợp pháp, như các tổ chức nhân quyền và quốc tế đã chứng thực”.
Họ cũng nói với Đức Giáo Hoàng rằng ước tính có khoảng 150,000 người chống lại chế độ đã phải chạy trốn sang Hoa Kỳ hoặc Costa Rica, và những người vẫn còn ở Nicaragua hầu như không thể nhìn thấy người thân bị giam cầm của họ, và lưu ý đến “tình trạng nghiêm trọng của họ về suy dinh dưỡng, bệnh tật và thiếu các điều kiện vệ sinh thích hợp”.
Họ viết: “Thưa Đức Thánh Cha, đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là một vấn đề nhân đạo. Gia đình chúng con đang rất đau khổ. Giáo hội đang bị tấn công, từ các linh mục đến hàng giáo phẩm đã phải ẩn náu, lưu đày và cũng phải lo sợ cho tính mạng của chính các ngài”.
Trong số những người đã phải rời khỏi đất nước có Đức Cha Silvio Baez, người đang sống lưu vong ở Miami, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh cho ngài rời Nicaragua vì tính mạng của ngài bị đe dọa.
“Hôm nay không phải là ngày chiến thắng cho bất kỳ ai ở Nicaragua,” vị giám mục nói trong bài giảng của mình, được cử hành tại Đền thánh Quốc gia của Washington, theo lời mời của Đức Cha David Malloy, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của các giám mục Hoa Kỳ.
Đức Cha Baez nói: “Hôm nay là một ngày nữa của chặng đường đau thương đẫm nước mắt và chết chóc mà đất nước chúng ta đã trải qua và đã để lại rất nhiều nạn nhân vô tội, những người mà chúng ta không thể và không muốn quên đi.”
“Cả thế giới đang đổ dồn ánh mắt vào đất nước chúng ta vì sự kiện bất hợp pháp đang diễn ra ở đó ngày hôm nay,” ngài nói, khi đề cập đến các cuộc bầu cử tổng thống.
“Ngày nay, những tham vọng quyền lực đen tối của những kẻ đã làm tan nát đất nước chúng ta và những bài phát biểu giễu cợt của chúng đang cố xuyên tạc lịch sử và che giấu sự thật dường. Tuy nhiên, ngày nay không phải là ngày kết thúc lịch sử của Nicaragua. Hôm nay không phải là kết thúc, mà là khởi đầu của một giai đoạn đầy thách thức và hy vọng, của những cuộc đấu tranh và cam kết, của sự đoàn kết và quảng đại”, Đức Cha Baez nói.
Source:Crux