Ngày 17-11-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức Giêsu,Vua Niềm Tin
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:20 17/11/2010
Lễ Chúa Kitô Vua

Nói đến sức mạnh, chúng ta tự nhiên sẽ nghĩ đến những chàng trai võ sĩ thân hình lực lưỡng, cân đối rắn chắc,với những bắp thịt vạm vỡ, với những quả đấm thôi sơn ngàn cân. Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng nghĩ đến những trận bão táp, những cơn lũ lụt phá đổ cây cối nhà cửa làng mạc, đê điều, đường sá, cầu cống. Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng thường nghĩ tới những đám cháy lớn thiêu rụi cả một khu rừng, thiêu huỷ các tầng lầu,hoặc động đất san bằng nhiều thành phố, giết hại hàng triệu người trong vài giây đồng hồ. Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng liên tưởng đến những cuộc chiến tranh hoặc chiến tranh thế giới giết hại bao sinh mạng, tàn phá bình địa nhiều thành phố làng mạc nhà cửa dinh thự đền đài. Nhưng có lẽ nhiều người trong chúng ta quên rằng, còn có một sức mạnh vạn năng khác, mãnh liệt hơn cả, quyết thắng tất cả nhưng lại luôn luôn ở trong tầm tay của mình. Đó chính là sức mạnh niềm tin tôn giáo. Niềm tin tôn giáo không thể nào bị bóp nghẹt do bất cứ quyền lực nào. Không có quyền lực nào, không có luật pháp nào có thể xoá được những gì đã ăn rễ sâu trong lòng người, không thể nào loại bỏ được niềm tin tôn giáo.(x.nguoitinhuu.com; Lm Trần quý Thiện).

Trước toà án Philatô, Đức Giêsu đã biểu lộ sức mạnh niềm tin tôn giáo “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho Ngài” ( Ga 18,11). Tin vào Sự Thật, mà “Sự thật sẽ giải thoát các con”cho nên Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”(Ga 18,37). Bởi vì “Ta là đường,là sự thật và là sự sống”.

Kết thúc năm phụng vụ, tận cùng của thời gian,Giáo hội suy tôn Đức Giêsu – Vua Vũ Trụ - Vua Niềm Tin. Đức Giêsu là vua không phải theo kiểu trần thế, cũng không theo nghĩa chính trị. Đức Giêsu là vua niềm tin, vua tình yêu.Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của sự thật và “ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Nhiều lần Đức Giêsu đã khước từ làm vua theo kiểu trần thế. Vương quốc trần gian do con người thiết lập bằng sức mạnh, thường đem lại sự giàu sang và vinh quang. Đức Giêsu từ chối loại vương quốc huy hoàng do Satan đề nghị: Nếu ông quỳ gối thờ lạy tôi, tôi sẽ cho ông mọi vương quốc làm sản nghiệp. Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân Do thái muốn tôn Đức Giêsu làm vua, nhưng Ngài trốn lên núi. Khi trả lời cho những kẻ gài bẫy: chúng tôi có phải nộp thuế cho Xêza không? Đức Giêsu đáp: của Xêza hãy trả cho Xêza, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Đặc biệt trong phiên toà xét xứ, Philatô hỏi Đức Giêsu: Ông có phải là vua dân Do thái không? Đức Giêsu đồng ý nhưng xác minh: Nước tôi không thuộc về thế gian này (Ga 18,36).

Vương quốc Đức Giêsu là vương quốc sự thật thuộc thế giới niềm tin, thế giới tâm linh trong tâm hồn con người. Vương quốc đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của Xêza hay bất cứ đế quốc nào, chủ nghĩa nào. Nuớc của Xêza chỉ cai trị thể xác loài người, còn vương quốc Đức Giêsu chiếm trọn lòng người.Thế lực của Xêza là quân đội, khí giới, nhà tù. Sức mạnh vương quốc Đức Giêsu là niềm tin, là yêu thương, tha thứ. Dù rộng lớn, đế quốc Xêza cũng bị giới hạn, còn vương quốc Đức Giêsu vô biên, được thiết lập mọi nơi. Các triều đại phong kiến, các thể chế chính trị cũng đã và đang chấm dứt trong dòng thời gian như đế quốc của Xêza, chỉ còn vương quốc sự thật và niềm tin là tồn tại muôn đời.

Chính niềm tin tôn giáo dạy chúng ta rằng: mục đích tối thượng của các tôn giáo là hướng con người đến chân thiện mỹ.Qua không gian thời gian,trải qua bể dâu của lịch sử với những thao thức băn khoăn của kiếp người, con người luôn luôn tìm đến niềm tin tôn giáo. Con người tiếp nhận sự sống từ chính nguồn sống là Thiên Chúa như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời.Thiếu ánh sáng mặt trời thì không có sự sống trên trái đất. Cũng thế, không có Thiên Chúa thì không thể có sự sống.Thiên Chúa thông ban sự sống cho con người vì Thiên Chúa yêu thương con người.Thiên Chúa yêu thương mọi người ngay cả những ai chối bỏ và thù ghét Ngài.Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa.Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch, mỗi người đều là hình ảnhThiên Chúa. Chỉ xuyên qua niềm tin và tình thương con người mới đến được với Thiên Chúa. Với sức mạnh niềm tin, chúng ta khẳng định rằng: trên vạn nẻo đường của cuộc đời mỗi người, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu Thiên Chúa luôn có mặt để hướng dẫn nâng đỡ chúng ta.

Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội Việt Nam hôm nay phải chăng là khủng hoảng về niềm tin và ý nghĩa của cuộc sống?

Trong những ngày này, bên cạnh những thông tin u ám về triển vọng kinh tế quốc gia, cũng đồng thời diễn ra một làn sóng khiến niềm tin và tính đoàn kết xã hội bị tổn thương. Chế độ trong lúc bấp bênh, với những thất bại không thể hàn gắn một sớm một chiều về kinh tế, đang nỗ lực dẹp làn sóng chỉ trích với bàn tay sắt chế áp những tiếng nói đối lập. Một vài gương mặt cũ tiếp tục bị cầm tù, một số gương mặt mới bị bổ sung vào danh sách triệt hạ. Tuy nhiên, nhân dân quá mất niềm tin, thể hiện ở chỗ đồng tiền quốc gia giờ đây như một cục than bỏng tay mà giới có tiền muốn nhanh chóng đẩy đi, để ôm vào các tài sản có tính bền vững như vàng và bất động sản. Cú sốc lãi suất, tỷ giá, giá vàng và lạm phát đang diễn ra hiện nay sẽ là một cú thôi sơn vào chính quyền hiện tại. Định mệnh chông chênh. Khi lòng tin không còn, mọi tuyên bố của quan chức không còn sức nặng. Người Việt Nam đang thực sự mất phương hướng, làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng, đem ký gửi niềm tin vào vàng và bất động sản, đang là mối hiểm họa cận kề đẩy Việt Nam xuống lề vực thẳm. Lãi suất ngân hàng ngày hôm nay đã lên tới mức báo động 18%, khiến người ta mơ hồ hình dung tới địa ngục tài chính thời năm 2008. (x.Blog Lãng ngày 12/11/2010). Ngoài chợ các thứ thực phẩm tăng vọt, thu nhập chả tăng đã thế thực phẩm lại toàn nhiễm chất nọ, chất kia. Đau nhất là yêu quê hương, mua gì cũng nhất quyết tìm hàng Việt Nam trừ cái gì Việt Nam không làm được mới mua của nước khác sản xuất (hạn chế mua hàng Trung Quốc), nay lại biết tin hàng Việt Nam là mua của Trung Quốc rồi dán mác Việt Nam vào. (x.Blog Người Buôn Gió, 17.11.2010).

Niềm tin không có tai, có mắt, có mũi, nhưng nó lại hiển hiện trên gương mặt, hoặc hạnh phúc rạng ngời của một cá nhân, một xã hội, hoặc chỉ còn là vẻ vô cảm, thờ ơ lạnh lẽo của cá nhân ấy, xã hội ấy…Giải cứu niềm tin xã hội Việt Nam hôm hay cần mọi chính sách, chủ trương lấy lợi ích người dân làm trọng. Chỉ cần các quy chuẩn pháp luật xã hội hãy thực sự công bằng, minh bạch, để người dân từ đó điều chỉnh hành vi, cách ứng xử. Sự giải cứu đó, không mất tiền. Nhưng cần rất nhiều đến tấm lòng, tấm lòng vì dân, vì lợi ích một dân tộc dân chủ, giàu mạnh, văn minh và văn hóa. (x.Kim Dung,bvnpost on 21.10.2010).

Con người sinh ra trên cõi đời này để làm gì và để đi về đâu? Đó là những câu hỏi lớn mà ngàn đời con người không ngừng đặt ra cho mình khi đứng trước những mâu thuẫn bất trắc của cuộc sống. Nghĩ cho cùng, mỗi người chỉ tìm thấy giải đáp cho câu hỏi ấy nhờ ánh sáng sức mạnh niềm tin tôn giáo. Ánh sáng niềm tin ấy hướng dẫn con người đến yêu thương và phục vụ tha nhân. Khi con người biết sống cho người khác thì con người sẽ tìm thấy chính mình, thấy lý tưởng, thấy ý nghĩa cuộc sống.

Sống cho hạnh phúc của tha nhân, đó là sự thật mà mỗi thần dân sống trong vương quốc Vua Giêsu được mời gọi thể hiện mỗi ngày.

Mừng lễ Chúa Giêsu - Vua Vũ Trụ - Vua Niềm Tin, chúng ta hãy để cho Vua Giêsu chiếm trọn tất cả con người mình, từ tư tưởng lời nói cho đến việc làm. Chúng ta không còn thuộc về thế giới của bóng tối và tội lỗi. Chúng ta thuộc về vương quyền của Vua Giêsu là vương quyền của sự sống và sự thật, vương quyền của niềm tin và ân sủng, vương quyền của sự thánh thiện công lý và tình yêu hoà bình.
 
Đức Giêsu Kitô, vua của lòng tôi
PM. Cao Huy Hoàng
11:40 17/11/2010
Suy niệm CN 34 QN C Lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ

Đức Giêsu Kitô Vua

Giáo Hội kết thúc năm Phụng vụ, có thể nói, như kết thúc hành trình một đời Thiên-Chúa-Làm-Người trong niềm vui vinh hiển với danh hiệu Ki Tô Vua. Nhưng lại là một vị Vua không giống vị Vua nào trên trần đời.

Lời Chúa cho cả ba năm A, B, C đều nhắc đến

-một vị Vua “đói khát, trần truồng, không nhà ở, ở tù, đau yếu” (x.Mt 25,31-46),
-một vị vua phải đứng trước vành móng ngựa để làm chứng cho vương quốc của mình không thuộc về thế gian nhưng là vương quốc của sự thật, của chân lý (x.Ga 18,33b-37);
-và còn hơn thế nữa, năm C với đoạn Tin mừng Lc 23,35-43, là:
+ Một vị vua đang treo mình trên thập giá, đồng bản án với những tên trộm cướp. Vương miện hay long mão là vòng gai nhọn hoắc. Long bào là lớp da trên thân người loang lổ máu hồng tươi. Và bệ ngai của Người là thập giá gỗ sần sùi những u nần lởm chởm….
+ Một vị Vua đang nghe các thủ lãnh thế gian buông lời cười nhạo “Hắn đã cứu được kẻ khác, thì tự cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (Lc 23,35).
+ Một vị Vua đang phải uống giấm chua trong cơn khát của người sắp tắt thở với lời thách thức phạm thượng: “Nếu ông là Vua Dân Do Thái thì hãy cứu lấy mình đi”.(Lc 23,37).

Vua Tình Yêu

Vâng, Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, Vua của chúng ta là một vị Vua như thế. Một vị Vua bắt đầu cơ đồ của mình bằng sự khiêm tốn thuận tình vâng ý Thiên Chúa Cha, bỏ cả Ngai Vàng Trên Trời, mặc lấy thân phận phàm nhân, đến trần gian để thực hiện chương trình cứu rỗi nhân loại.

Một tuổi thơ của Vua vừa sinh ra đã bị truy nã để phải theo Cha Mẹ ruỗi rong trên đường lưu đày nơi đất khách.

Một tuổi thơ đơn sơ vâng phục cả Thiên Ý Chúa Cha và cả người phàm trần là Thánh Giuse và Mẹ Maria trong cuộc sống thường ngày.

Một tuổi lập thân vào đời đi gieo Tin Mừng bình an, Tin Mừng cứu rỗi trước bao sự phản bác của người đời.

Tin Mừng Đức Kitô là chính cả con người của Ngài cho nhân loại, “Lời đã trở thành nhục thể và đã ở giữa chúng ta”; Vua Vũ Trụ đã trở thành hữu thể thân cận nhất với người phàm vì yêu người phàm và muốn cho người phàm trở thành công dân của Nước Ngài.

Lời giáo huấn của Ngài về chủ trương chính sách đường lối của Nước Ngài không còn là Hiến Pháp ghi trên văn bản, không còn là lời nói suông trên môi miệng, hoặc là một khẩu hiệu trên pa-nô hay áp-phích, mà là chính cuộc sống của Ngài. Ngài tiên phong thực hiện Hiến Pháp Nước Thiên Chúa. Hiến Pháp ấy chỉ có một chữ: “Yêu”. Ngài muốn cho người phàm trở thành công dân nước Ngài chỉ với một điều kiện duy nhất: “Yêu”.

Tình Yêu là Hiến Pháp Nước Trời, mà Đức Kitô, con Thiên Chúa chính Người không chỉ giới thiệu cho con người mà thực hiện đúng tinh thần của Hiến pháp: Yêu Mến Chúa Cha tuyệt đối- Vì yêu mến Cha, Ngài tôn vinh và tuân phục, yêu mến tất cả những gì thuộc về Chúa Cha và bảo vệ đến cùng công trình của Cha.

Chính Tình Yêu đã viên mãn nơi Ngài, mà Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Ngài một danh hiệu vượt lên trên mọi danh hiệu(Pl 2,9):Vua Vũ Trụ, Vua Tình Yêu.

Chính Chúa Giêsu, Vua Tình Yêu đã nói: “Không có tình yêu nào cao quí cho bằng hiến mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13), và cũng chính Ngài đã chết đi cho một tình yêu vĩ đại: Tình yêu đối với Thiên Chúa Cha và tình yêu đối với nhân loại tội lỗi.

Vua chiến thắng và thống trị

Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua, chúng ta không mong đợi một tướng lãnh anh tài chiến thắng giặc biên cương trở về với ngựa xe binh mã, nhưng cũng đúng như vậy, vì Đức Giêsu Kitô đã dùng tình yêu, dùng sự chết và sự phục sinh của Ngài mà chiến thắng sự chết của tội lỗi, của lòng ích kỷ, của những bất công, của những mê lầm, của vòng trầm luân bởi satan. Và hơn thế nữa, khi sự sống của Ngài đã toàn thắng, chính Ngài thống trị sự chết và sự chết không còn đủ sức hoành hành trong nhân loại, nếu nhân loại biết đặt trọn niềm tin vào Ngài.

Người “trộm lành” đã khám phá ra chiều kích Thiên Chúa Thống Trị trong con người cùng án thập giá với mình, trong con người chung phận đau khổ với mình, và anh đã tự phát niềm tin ấy vào một con người không ai tưởng ra là Đấng Cứu Độ của mình, là Đấng Thống Trị mình, là Vua của mình: “Ông Giêsu ơi, khi nào về Nước ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42)

Vua của lòng tôi

Bài học của tôi của bạn trong ngày mừng lễ Chúa Kitô Vua có thể bắt đầu từ người “trộm lành” nầy: khám phá cho ra chiều kích Thiên Chúa nơi những con người cùng khổ quanh ta.

Họ là hiện thân của Chúa Kitô. Họ là bạn hữu của Thiên Chúa. Họ là những công dân của Nước Trời. Vì Đức Kitô không chỉ đã mặc cho họ chiếc áo “khiêm cung, đau khổ” của chính Ngài, mà còn chính Ngài đã tháp nhập trong họ để cấp cho họ một hộ khẩu thường trú trong lòng Thiên Chúa Cha, ban cho họ một phần thưởng quí giá: “Hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng”. (Lc 23, 43).

Không nhất thiết phải đợi đến ngày cùng khốn, đến hồi vong mạc, hay đến lúc bi thương ta mới có lòng thương cảm người khốn cùng, vong mạc, hay bi đát, nhưng ngay hôm nay, ngay lúc nầy… Đức Giêsu Vua tình yêu muốn chúng ta trải tình yêu mình ra trước khi ngày cùng khốn xảy đến. Tất cả chúng ta là những người trộm cướp của Thiên Chúa: trộm tự do, cướp quyền hạn, trộm thời gian, cướp ơn huệ… xét theo nghĩa từ chối tự do, quyền hạn, thời gian ơn huệ, sự giàu có, sức khỏe, tiền bạc, sắc đẹp… là do Thiên Chúa mà có. Và khi từ chối sự xác tín cơ bản nầy, chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bo bo giữ tất cả cho mình, để tất cả phục vụ cho mình mà không phục vụ cho Thiên Chúa, không phục vụ cho những gì thuộc về Thiên Chúa: trong đó có những người cùng khổ. Chúng ta chỉ có thể được gọi là những tên “trộm lành” khi chúng ta biết nhìn sang bên thập giá kia, một người chung phận người đau khổ, và biết đồng cảm sẻ chia với nỗi đau của người ấy- nỗi đau của Đức Kitô Vua Tình Yêu.

Các gia đình công giáo suy tôn Chúa Giêsu là Vua gia đình, các Huynh Đoàn khuyết tật suy tôn Chúa Giêsu là Vua của huynh đoàn khuyết tật, các Hội đoàn suy tôn Chúa Giêsu là Vua, và mỗi chúng ta, suy tôn Chúa Giêsu là Vua cõi lòng bần cùng của mình… thật là hữu lý. Vì chỉ có tình yêu, sự hy sinh, dâng hiến như Đức Giêsu mới giúp cho các gia đình, các hội đoàn, huynh đoàn và chính bản thân ta chiến thắng được những âm mưu ma quỉ. Và khi tình yêu của Đức Giêsu đã chiếm lấy trọn vẹn tâm hồn, tâm hồn ta sẽ vui lòng để Ngài thống trị đời mình trên trần gian này và chắc chắn ta sẽ có một thẻ công dân của Ngài trong Nước Ngài, Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Vua Tình Yêu, Vua Chiến Thắng, Vua Thống Trị, đến với Trái Tim Ngài, với tình yêu Ngài, tôi là kẻ bần cùng vất vả, nhưng vì lòng mến không bến không bờ, tôi xin đến.. tôi xin đến…Hãy đốt cháy tâm hồn tôi bừng cháy lên ngọn lửa yêu. Hãy chiếm lấy tâm hồn tôi, Đức Giêsu Kitô là Vua của lòng tôi.
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 34 Quanh Năm
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
20:35 17/11/2010
Thứ Hai sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,1-4

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã thương viếng thăm linh hồn chúng con. Chúng con xin chúc tụng ngợi khen Chúa, là Chúa của trí lòng chúng con. Xin cho chúng con luôn tràn ngập hân hoan trong tình yêu Chúa. Xin Mình Thánh Chúa tái tạo tâm hồn chúng con theo hình ảnh Chúa. Xin gìn giữ tâm hồn chúng con luôn thanh sạch và tránh xa những tư tưởng, hình ảnh xấu làm hoen ố tâm hồn chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã yêu thương chúng con từ đời đời. Chúa hằng luôn mong mỏi điều tốt lành đến với chúng con. Chúa là mục tử luôn chăm sóc ân cần đến từng cuộc đời của chúng con. Chúng con xin tạ ơn tình thương bao la mà Chúa đã dành cho chúng con. Chúa luôn ban cho chúng con rất nhiều niềm vui trong cuộc sống. Chúa còn cho chúng con rất nhiều ân huệ nhưng không của Chúa. Xin giúp chúng con biết đón nhận với lòng tri ân cảm tạ, và biết theo gương Chúa, chúng con cũng biết sống yêu thương và phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con luôn biết đem lại niềm vui cho mọi người. Xin ban cho con tình yêu của Chúa, để chúng con sẵn lòng giúp đỡ những ai cậy nhờ chúng con. Xin cho chúng con luôn biết sống vì tha nhân như Chúa đã sống vì yêu thương chúng con. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,5-11

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con tham dự vào đại hội trần thế này. Chúng con thật hạnh phúc vì được chiêm ngưỡng biết bao kỳ công mà Chúa đã làm. Chúa còn cho chúng con vinh dự là hình ảnh của Chúa. Chúa còn cho chúng con nên nghĩa tử trong gia đình của Chúa. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết khám phá ra tình thương của Chúa luôn đong đầy trong cuộc đời chúng con, để nhờ đó chúng con biết hết mình ca hát ngợi khen tình yêu Chúa.

Lạy Chúa, nhìn những bông hồng vừa hé nở đẹp quá! Thế mà chỉ vài ngày sau nó đã tàn úa, vì đó chỉ là vẻ đẹp chóng qua. Hôm nay Chúa nhìn đền thờ Giê-ru-sa-lem nguy nga lộng lẫy, nhưng Chúa lại tiên đoán một ngày kia nó sẽ bị tàn phá. Vâng lạy Chúa, giữa những vẻ đẹp nhân tạo, giữa những vẻ đẹp của trần thế mau qua, Chúa muốn chúng con tìm kiếm vẻ đẹp không bao giờ tàn úa. Đó chính là vẻ đẹp của tâm hồn thanh khiết không bợn nhơ tội lỗi, vẻ đẹp của tâm hồn cao thượng luôn biết sống yêu thương và phục vụ mọi người. Xin giúp chúng con biết tô điểm vẻ đẹp không bao giờ tàn phai nơi chúng con là các việc lành phúc đức, là cách ăn ở đoan trang, thanh khiết. Xin cho chúng con biết mặc vào cuộc đời mình chiếc áo của ân sủng để vượt thắng những cám dỗ trần gian.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin ngự đến tâm hồn chúng con và củng cố đức tin còn yếu kém nơi chúng con. Xin giúp chúng con vượt thắng mọi trở ngại để sống tuân hành theo thánh ý Chúa luôn. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,12-19

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa luôn ở với chúng con. Chúa luôn gìn giữ và nâng đỡ chúng con. Chúa không bao giờ bỏ chúng con mồ côi. Xin cho chúng con biết chạy đến kêu cầu Chúa khi gặp gian nan, thử thách, biết trông cậy vào Chúa khi gặp trở ngại, hiểm nguy. Xin giúp chúng con luôn tin tưởng vào quyền năng của Chúa, để chúng con biết phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, năm xưa trên đường về đất hứa, Chúa đã nuôi dân riêng bằng bánh Manna từ trời. Hôm nay trên hành trình tiến về quê trời, Chúa lại nuôi dưỡng chúng con bằng chính Thánh Thể Chúa. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Thánh Thể Chúa ban cho chúng con sức mạnh để đối phó với gian nan thử thách với tấm lòng son sắt trung kiên. Xin nâng đỡ sự yếu đuối để chúng con vượt thắng những cám dỗ mà giữ lòng thanh sạch khỏi bợn nhơ tội lỗi. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể luôn đồng hành với chúng con trong mọi nơi, mọi lúc để chúng con luôn an tâm sống trong sự quan phòng, che chở của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin giúp chúng con luôn tin vào quyền năng của Chúa, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong bất cử cảnh huống nào của cuộc đời. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,20-28

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Chúa tể càn khôn. Chúa là Chúa của lòng chúng con. Chúng con xin dâng cuộc đời cho Chúa gìn giữ và chở che. Vì giữa cuộc đời hôm nay, có quá nhiều cám dỗ khiến chúng con lạc xa tình Chúa. Xin cho chúng con luôn trung thành tuân giữ Lời Chúa để ngày Chúa đến sẽ là niềm hân hoan cho cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, với tư cách là ngôn sứ cho thời đại, các Đức Giám mục Việt Nam đã nhận định: “Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường, thế nhưng vẫn đầy dẫy sự gian dối, biển lận”. Xin giúp chúng con vượt ra khỏi trào lưu gian dối của thói đời. Xin giúp chúng con dám chấp nhận thiệt thòi để luôn sống trung thực với lương tâm ngay thẳng. Xin đừng để chúng con vì ham danh, hám lợi mà đánh mất lương tri con người. Xin cho chúng con ơn can đảm để làm chứng nhân cho sự thật giữa một thế giới đang bị sự dối trá, lừa đảo bao quanh. Xin cho người công giáo chúng con dám chấp nhận thiệt thòi để giữ công bình bác ái với tha nhân, và làm chứng cho chân lý và sự thật.

Lạy Chúa, xin Mình Máu Thánh Chúa nâng đỡ và củng cố đức tin còn yếu kém của chúng con. Xin nâng đỡ chúng con bằng ơn lành hồn xác của Chúa để nhờ đó chúng con luôn can trường sống theo tin mừng của Chúa. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,29-33

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã hứa ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin cho chúng con luôn nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa, để chúng con luôn hân hoan tiến bước trong sự quan phòng của Chúa. Xin giúp chúng con biết nhận ra ý Chúa để chúng con thực thi trong cuộc sống. Xin Thánh Thể Chúa luôn soi sáng mở lòng để chúng con khám phá ra tình yêu của Chúa luôn đong đầy trong cuộc đời chúng con, để chúng con biết dùng cuộc đời mình mà ca tụng Chúa.

Lạy Chúa, chúng con đang mong chờ ngày Chúa lại đến, xin cho chúng con biết thay đổi cuộc đời để xứng đáng được Chúa đón nhận vào vinh quang Nước Chúa. Xin giúp chúng con nhận ra dấu chỉ của Nước Chúa đang đến giữa chúng con qua các ơn lành của Chúa, qua những dấu chỉ thời đại để chúng con biết chu toàn bổn phận theo thánh ý Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì lười biếng mà lãng quên bổn phận với Chúa. Xin cho chúng con luôn canh tân đổi mới cuộc đời theo giáo huấn của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ước gì chúng con luôn biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự để hôm nay chúng con sống trong ân nghĩa của Chúa, ngõ hầu mai sau chúng con được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa đời đời. Amen.

Thứ bảy sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,34-36

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Nơi bí tích Thánh Thể, Chúa hằng chờ mong chúng con đến với Chúa. Chúa muốn chúng con dâng trọn cuộc đời cho Chúa. Chúng con xin phó thác hồn xác cho Chúa. Xin giúp chúng con luôn tỉnh thức trong mọi cảnh huống cuộc đời. Xin cho chúng con luôn biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và biết tuân theo thánh ý Chúa trong từng phút giây cuộc sống.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa hằng mong muốn chúng con tỉnh thức trong thái độ sống của mình. Chúa muốn chúng con đừng vì những thú vui mau qua mà đánh mất sự sống đời đời. Chúa muốn chúng con đừng chè chén say sưa. Chúa mời gọi chúng con hãy lo tìm kiếm giá trị Nước trời hơn là lo lắng tìm kiếm của cải trần gian. Nhưng Chúa ơi, với lối sống thực dụng, chúng con đã mải mê chạy theo những đam mê gian trần. Chúng con tìm kiếm danh vọng trần gian. Chúng con còn nặng trĩu những đam mê trụy lạc. Xin tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con biết canh tân sửa đổi, biết sống trong ân tình của Chúa.

Lạy Chúa, cuộc đời này sẽ qua đi tựa như bông hoa sớm nở chiều tàn. Xin giúp chúng con biết chọn lựa giá trị vĩnh cửu hơn là những vinh hoa phú quý trần gian. Xin đừng để những thú vui mau qua làm chúng con xa lìa Chúa. Xin giúp chúng con biết tỉnh thức để luôn sống trong ân nghĩa cùng Chúa luôn. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Cảm Nghiệm Sống #42 - Về Phân Ưu, Chia Buồn
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
20:42 17/11/2010
Cảm nghiệm Sống # 42

VỀ VIỆC PHÂN ƯU, CHIA BUỒN

Ngày chết là Ngày Sinh Nhật - Đời trần gian là thời thai nghén

-----*****-----

Ngày nay, nhiều Tín hữu đã biết rõ Lời Chúa dạy: Ngày chết là Ngày trở về Nhà Cha, Ngày Sinh Nhật; nhưng các cáo phó và phân ưu chia buồn vẫn dùng những cụm từ như: “Chúng tôi Vô cùng đau đớn”, thật là mất mát to lớn, thật bàng hoàng xúc động” báo tin, khi hay tin ông, bà… được Chúa gọi về Nhà Cha.!!! ??

1- Khi tôi nói: “thật là mất mát to lớn” hay “vô cùng đau đớn” đã làm đảo ngược Lời Chúa, và rất mâu thuẫn với niềm tin của Tín hữu về giáo huấn của Giáo hội…Sau mấy chục năm chia sẻ tại gia đình và nhà quàn, tôi thấy nhiều Tín hữu không muốn nghe kiểu nói này, mà chỉ xin Chúa ban thêm ơn hay bù đắp những ơn lành khác.

2- Đã nhiều lần tôi nghe và đọc là: “Bao lâu sống trong thân xác này là tôi lưu lạc xa Chúa. Vì chưng nhờ Đức tin chứ không phải vì tôi thấy mà tiến bước. Vì thế nên tôi vững lòng và đành lìa bỏ thân xác này để được ở cùng Chúa.” (x. 2 Cor 5, 6-8)

3- Nhưng khi được Chúa gọi về lại rất đau đớn và buồn phiền, nên không hợp với Lời Chúa và cách sống đạo của mình chút nào. Đành rằng theo bản tính tình cảm tự nhiên con người ai củng phải đau xót, nhớ thương khi người thân ra đi; nhưng tôi không nên quên Lời Chúa dạy, nói những lời làm mình giảm niềm tin và hy vọng.! 4- Khi viếng xác bạn hát rất to với niềm chan chứa vui mừng:

Khi Chúa thương gọi tôi về, - hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng tôi nức vui tiếng cười, - lưỡi tôi vâng lời ca hát. - Toàn dân tung hô tôi thật vĩnh phúc.! Nhưng tôi lại làm khác, không sống và thực hành theo lời ca của mình !!!

5- Do đó, tôi không nói: “Thật là mất mát vô cùng to lớn cho (gia đình, ông bà, anh chi…) tôi nghĩ chia sẻ như vậy làm Tín hữu đã sống đức tin, hiểu Lời Chúa và Giáo hội dạy, chắc sẽ không hài lòng mấy. Nên tôi nói: Chúng tôi xin chia sẻ niềm bùi ngùi, thương nhớ ông, bà… Nguyện xin Chúa là…sớm đón nhận linh hồn…về hưởng nhan thánh Chúa trên Thiên đàng. Như vậy cỏ vẻ hợp với Lời Chúa và đức tin hơn. Vì được Chúa gọi về là ngày bước vào cõi sống, được biến đổi, để hưởng niềm vui với Ngài. Thí dụ niềm vui mừng của gia đình có người được xuất ngoại, dù có bùi ngùi lưu luyến; nhưng chỉ là tạm biệt, sau này sẽ gặp nhau trong trạng thái vui vẻ và hạnh phúc hơn, khi một thời gian nữa mình cũng sẽ được sang đoàn tụ…

6- Các mẫu cáo phó xin viết như sau: Trong niềm cậy trông/ hy vọng vào lòng nhân từ của Chúa, đình chúng tôi xin được kính báo: Ông, bà….sau 50, 75 năm, vừa hoàn tất cuộc hành trình đức tin, nay đã được về Nhà Cha trên trời lúc:…Kính xin…cầu nguyện cho…mau hưởng nhan thánh Chúa trên Thiên đàng. (hoặc tương tự)

Các mẫu Phân ưu nên viết như sau: Chúng tôi vừa nhận được tin: ông, bà được Chúa gọi về lúc….Xin được chia sẻ nỗi niềm bùi ngùi, thương nhớ ông, bà…Nguyện xin Chúa sớm đón nhận linh hồn…về hưởng nhan thánh Chúa trên Thiên đàng..v..v…

7- Vậy chết không phải là mất mát, mà gồm 9 điều căn bản theo như Lời Chúa và Giáo hội dạy khi phân ưu như sau:

a/ Ngày trở về Nhà Cha: Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha ban cho con cũng ở đó với con (Ga 17,24) Căn nhà dưới đất bị hủy, có căn nhà Vĩnh cửu trên Trời.(2Cor 5,1-5) Theo tinh thần Á Đông: Sống gởi thác về (Sinh ký tử quy).

b/ Ngày được biến đổi: “Không phải tất cả chúng ta sẽ chết; nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy, cái thân hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt,…chỗi dậy thì bất tử. (1Cor 15,42-42;51-52)

c/ Ngày Sinh Nhật: Hội thánh xem cuộc đời Tín hữu như là thời thai nghén và gọi ngày mỗi người ra đi là Ngày Sinh Nhật. “Tôi được nên đồng hình đồng dạng với người…”. (Phil 3, 10-12)

d/ Ngày Sống trong Chúa: “Bây giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã qua đi, không còn sự chết…(Kh 21, 1-4)

e/ Ngày lên Thiên đàng: “Ông Giêsu ơi! Khi nào về nước ông, xin nhớ đến tôi…Ngay hôm nay… ở Thiên đàng với tôi>” (Lc 23,42-43)

g/ Ngày được giải phóng: “Bây giờ anh đã được giải phóng khỏi tội mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa.” (Rom 6, 22-23)

h/ Ngày được sống lại: ”Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống.” (Ga 11,24-25)

i/ Ngày được vui mừng: “Chúng tôi luôn mạnh dạn. và điều chúng tôi thích hơn đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa.” (2Cor5,6-8)

k/ Ngày hạnh phúc nhất: “Sống là sống cho Chúa, chết là chết cho Chúa. Vậy sống hay chết tôi đều thuộc về Chúa.” (Rom 14,8)

Phó tế: GB. Maria Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:24 17/11/2010
LÒNG DẠ TƯ MÃ CHIÊU, AI AI CŨNG RÕ

N2T


Thời tam quốc, Ngụy đế Tào Mao nhìn thấy đại tướng quân Tư Mã Chiêu nắm quyền lớn, làm việc hống hách bá đạo thì không nhẫn nhịn được. Một hôm, ông ta triệu thượng thư Vương Kinh cùng ba đại thần vào trong cung, rất tức giận nói:

- “Dã tâm của Tư Mã Chiêu ngay cả người qua đường cũng biết, ta không thể ngồi đợi nó đến giết ta, hôm nay ta muốn cùng các ngươi đi thảo phạt nó”.

Các đại thần đều khuyên ông ta nhẫn nại, không nên chuốc đại họa vào thân, nhưng Tào Mao không nghe, tập họp các cấm vệ quân và các thái giám hầu cận lại đánh từ trong cung đánh ra.

Không ngờ, có người để lộ tin tức cho Tư Mã Chiêu biết, kết quả Tào Mao bị đâm thủng ngực ngã xuống xe mà chết, còn sự dã tâm phản nghịch Tư Mã Chiêu thì ngày càng rõ ràng hơn.

(Tam quốc chí)

Suy tư:

Chữ “nhẫn忍” trong tiếng Tàu viết rất có ý nghĩa: trên chữ lưỡi刃 (đao) dưới chữ tâm (心).

Chữ “lưỡi” (lưỡi đao, lưỡi kéo) tượng trưng cho đao kiếm, tượng trưng cho khó nhọc, đau khổ, bị áp bức; chữ “tâm” là tâm hồn là quả tim, đem cái tâm yêu thương, cái tâm tha thứ, cái tâm hòa bình đặt trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thì tự nhiên biết nhẫn nhịn và tha thứ, hoặc ít nữa cũng là chịu đựng để sự khó khăn qua đi...

Tào Mao đã không nhịn được khi thấy Tư Mã Chiêu hống hách lộng quyền, nhưng Tào Mao đã không nhẫn nhịn để thời cơ đến, mà lấy cái không chống lại với cái có, lấy cái ít chống lại với cái nhiều, lấy cái yếu chống lại với cái mạnh, nên đã bị giết chết và làm cho Tư Mã Chiêu càng lộng quyền hơn nữa.

Muốn thành công thì phải biết nhẫn nhục, mà người biết nhẫn nhục là người có chí lớn; nhưng người khiêm tốn thì càng có chí lớn hơn, bởi vì nhẫn nhục chưa chắc đã có sự yêu thương chân thành để tha thứ, nhưng khiêm tốn thì có đủ yêu thương, tha thứ và cảm thông.

Đó chính là tinh thần của Phúc Âm vậy.

------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:26 17/11/2010
N2T


2. Hư vinh là kẻ thù của linh hồn, là ẩn giấu độc dược, là ôn dịch vô hình, là tên nộ lệ tráo trở, là bà mẹ giả lương thiện, là nương tử ghen ghét, là giòng suối thói xấu, là thức ăn có độc, là đức hạnh bại hoại, là hôn mê của hiểu biết, đem thuốc tốt biến thành độc dược, các loại độc hại, khó mà đếm cho hết.

(Thánh Bernard)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói: ngay cả đối với giới truyền thông, hành động có ý nghĩa nhiều hơn lời nói
Bùi Hữu Thư
05:45 17/11/2010
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Bebedict XVI nói, trong khi Giáo Hội tìm các phương thức sáng tạo để Phúc Âm hóa qua các phương tiện truyền thông, hành động của người Công Giáo luôn luôn có hiệu quả nhiều hơn là lời nói.

Ngài nói với các tham dự viên tại một buổi họp do Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa tổ chức:"Chỉ có tình yêu mới đáng được tin và trở nên đáng tin cậy.”

Ngài nói ngày 13 tháng 11 tại Vatican: “Đời sống thánh thiện của các vị thánh và tử đạo làm kinh ngạc và thu hút người khác theo một phương cách mà lời nói không thể làm được.”

Ngài nói: "Chúng ta cần đến những người nam và nữ nói lên được bằng đời sống của họ, những người biết truyền đạt Phúc Âm rõ ràng và can đảm, bằng sự trong sáng của hành động của họ, và bằng sự hân hoan mê say đức bác ái.”

Đức Thánh Cha nói với các thành viên và những diễn giả tham dự phiên họp khóang đại của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa từ ngày 10 đến 13 tháng 11 với chủ đề, “Văn Hóa của Truyền Thông và những Ngôn Ngữ Mới.”

Ngài nói: “hững thay đổi sâu xa về văn hóa đang diễn tiến ngày nay với các kỹ thuật và phương tiện truyền thông mới.”

Ngài nói: Các linh mục và giáo dân đã ghi nhận, “một cách ưu tư, một vài khó khăn trong việc truyền đạt sứ điệp Phúc Âm và chuyển tiếp đức tin bên trong chính cộng đồng giáo hội.”

Đức Thánh Cha nói, Giáo Hội không những phải đối phó với thách đố phúc âm hóa những người thờ ơ hay không ý thức về sứ điệp Kitô giáo, mà còn cũng phải “tái loan truyền Lời Chúa một cách thuyết phục” cho các tín hữu để cho họ có thể “có kinh nghiệm cụ thể về quyền năng của Phúc Âm.”

Nhiều khi sứ điệp Phúc Âm được trình bầy cho dân chúng một cách “không mấy hiệu qủa hay hấp dẫn.”

Giáo Hội cần tìm cách cam kết cho sứ mệnh rao giảng Phúc Âm “với một nỗ lực nhiệt thành và sáng tạo mới, nhưng còn phải có thêm một ý thức phê bình và nhận định cẩn thận” về các phương tiện truyền thông hiện hữu ngày nay.

Ngài nói, nhiều người trẻ “bị làm cho tê dại vì vô vàn khả năng cung ứng bởi mạng lưới toàn cầu và các kỹ thuật khác” trong khi họ dự phần vào những phương pháp truyền thông có cơ nguy là gia tăng cảm giác về sự cô đơn và mất định hướng.”

Đức Thánh Cha lập lại mối ưu tư cuả ngài về “tình trạng khẩn cấp về giáo dục này” mà giáo hội và các cơ quan khác phải đáp ứng bằng “sự thông minh sáng tạo.” Ngài nói, người ta phải cổ võ cho những truyền thông đề cao phẩm giá con người và khuyến khích “một ý thức phế bình và khả năng đánh giá và nhận định” những gì thực sự đáng giá trong vô vàn dữ liệu có sẵn.

Trong khi giáo hội hoạt động để cải tiến cách thức trình bầy sứ điệp của mình và thể hiện gương mặt chân thực của Thiên Chúa, ngài nói, giáo hội cũng tìm cách “thanh tẩy, đem lại sự quân bằng, và nâng cao” những đặc tính tốt đẹp nhất của giới truyền thông và các hình thức truyền tin để cho các kỹ thuật mới có thể phục vụ cho con người trọn vẹn và cộng đồng thế giới.

Giáo hội muốn đối thoại với tất cả mọi người, nhưng nếu muốn truyền thông một cách tốt đẹp và hiệu quả, “cần phải có cùng tần số về những điều kiện thân hữu và chân thành.”
 
Thế giới áp lực Pakistan bỏ án tử hình đối với bà mẹ cải đạo
BTGH chuyển ngữ
11:44 17/11/2010
Một bà mẹ Kitô hữu Pakistan 47 tuổi đã bị kết án tử hình vì đã xúc phạm tiên tri Mohammed sau khi Chị từ chối cải đạo Hồi.Asia Bibi,một cư dân ở Ittanwal trong tỉnh miền đông bang Punjab, làm việc tại một nông trang địa phương khi các phụ nữ đạo Hồi cùng làm việc với Chị gọi Chị là một người không theo đạo Hồi và thúc giục Chị cải đạo Hồi. Bibi từ chối,nói rằng Kitô giáo là Đạo thật duy nhất.

Tờ Pakistan Christian Post đưa tin: ”Những người đàn ông làm việc trong các cánh đồng gần đó cũng tụ họp lại và tấn công Asia Bibi khiến Chị phải trốn về nhà Chị trong làng.

Những người theo đạo Hồi giận dữ đã đi theo Chị và lôi Chị ra khỏi nhà và bắt đầu đánh đập Chị. Họ cũng tra tấn con cái Chị, nhưng có người đã báo cho cảnh sát”. Cảnh sát đã bắt giữ Bibi vì những cáo buộc tội phạm thượng. Tiếp sau một phiên toà kéo dài, ngày 07.11,Chị bị kết án tử hình. Kitô hữu Pakistan đã biểu tình phản đối phán quyết nầy và gọi việc kết án nầy là kích động bạo lực.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo và các nhà hoạt động nhân quyền đang sắp đặt một chiền dịch nhằm hủy bỏ luật phạm thượng của Pakistan, sau khi một bà mẹ trẻ Kitô hữu bị kết án tử hình vì bảo vệ đức tin của Chị. Asia Bibi, 45 tuổi,mẹ của 5 đứa con, bị kết án tử hình vì bị cho là xúc phạm đến Hồi giáo.

Thực tế, sự “xúc phạm’ của Chị là tự bảo vệ mình chống lại những người Hồi giáo đồng nghiệp,khi họ nói Kitô giáo là một tôn giáo giả. Bằng việc khẳng định Kitô giáo là đạo thật, Chị bị cho là đã nhục mạ Hồi giáo.

AsiaNews đã phát động một chiến dịch kiến nghị toàn cầu, tìm cách hủy bỏ trướng hợp tuyên án tử cho Asia Bibi. Gia đình chị cũng đã gửi đơn kah1ng cáo lên toà án cấp cao. Để ghi danh ủng hộ chiên dịch nầy, xin gửi một e-mail tới: salviamoasiabibi@asianews.it

(Nguồn: CWNews)
 
Hội Đồng Gíam Mục HK chọn hướng đi bảo thủ
Trần Mạnh Trác
16:16 17/11/2010
Trong một cuộc bình chọn tại Baltimore mà giới báo chí mô tả như là một cuộc 'động đất', các giám mục Hoa Kỳ đã phá vỡ một tập quán lâu đời bằng cách chọn một vị GM mới làm chủ tịch HĐGMHK thay vì đưa vị phó lên thay thế vị chủ tịch mãn nhiệm.

Chưa bao giờ các giám mục HK đã lọai một vị phó chủ tịch, ngọai trừ một lần duy nhất vì lúc đó vị phó là ĐHY John Carberry của St. Louis sắp đến tuổi về hưu.

Các GM lựa chọn bằng cách bỏ phiếu kín trên một danh sách đề cử cho đến khi một vị được số phiếu quá bán (trên 50%).

Vị chủ tịch mới là Đức Tổng Giám Mục Timothy M. Dolan của New York, ngài nổi tiếng là liêm chính và hùng biện. Quan điểm của ngài được coi là Bảo Thủ Trung Dung.

Ứng viên bị lọai là Đức Giám mục Gerald Kicanas của Tucson, người có tiếng là thích giải quyết những công việc một cách thầm lặng. Quan điểm của ngài được coi là thuộc phái Cấp Tiến Trung Dung.

Xin lưu ý là những từ Bảo Thủ và Cấp Tiến ở đây không có nghĩa giống như ở khoa chính trị học. Thí dụ phe bảo thủ ở Mỹ chủ trương tự do kinh doanh, bảo vệ nền tảng gia đình và hạn chế nhập cư thì trong đó giáo hội Công Giáo chỉ đồng ý với họ về việc bảo vệ gia đình. Trái lại phe Cấp Tiên của Mỹ chủ trương an sinh xã hội, cho phép phá thai, giúp đỡ dân di cư thì giáo hội Công giáo chỉ chống họ ở việc cho phép phá thai. Các danh từ bảo thủ khi áp dụng cho Công Giáo có nghĩa là thiên về việc duy trì truyền thống, và cấp tiến là thiên về cải cách.

Cuộc bình chọn cho thấy các giám mục Hoa Kỳ đã rất ưu tư về đường hướng của giáo hội Hoa Kỳ cho những năm sắp tới. Với một danh sách 10 vị được đề cử, các GM đã phải mất ba lần bỏ phiếu mới đi đến kết quả chung cuộc, và tỷ số thì thật là xít xao: 54%-46% (128 phiếu-111 phiếu.)

Cuộc bỏ phiếu cho vị phó Chủ Tịch thì dễ dàng hơn. Hai ứng cử viên hàng đầu đều có khuynh hướng bảo thủ. Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Lousiville, Ky, đã đắc cử với 147 phiếu, vượt xa đứcTổng giám mục Charles Chaput của Denver với 91 phiếu.

Với cuộc bình chọn này, các giám mục Hoa Kỳ rõ ràng đã mong muốn cái hướng đi theo 'cánh Hữu' của Giáo Hội Hoa Kỳ được tiếp tục. Hướng đi này bắt đầu 6 năm về trước với sự bầu cử ĐHY Francis George nổi tiếng là bảo thủ của Chicago làm phó Chủ Tịch. Dưới thời ĐHY George, việc dịch thuật về kinh sách được chú trọng làm sao cho phù hợp với bản kinh gốc từ tiếng Latinh, và năm ngóai HĐGM HK đã công khai đương đầu với những chương trình trợ cấp phá thai của chính phủ Obama trong cuộc bàn luận về Cải Tổ Y Tế.

3 năm trước đây có người đã từng nghĩ rằng việc bầu cử ĐGM Kicanas làm phó Chủ Tịch là một sự điều chỉnh hướng đi cho được trung hòa hơn, nhưng lần này thì với sự lựa chọn tất cả các vị lãnh đạo đều là bảo thủ, các quan sát viên nghĩ rằng hướng đi bảo thủ của giáo hội Hoa Kỳ bây giờ là dứt khóat.

Đây là một xác nhận rằng các giám mục muốn có một tiếng nói lãnh đạo mạnh mẽ để hướng dẫn Giáo Hội trong một nền văn hóa ngày càng phân cực và thế tục.

Tuyên bố sau khi thất cử, Đức Giám mục Kicanas nói: "Tôi tôn trọng sự khôn ngoan của các giám mục anh em của tôi trong việc lựa chọn vị chủ tịch và phó chủ tịch mới."

"Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan là một người bạn lâu dài kể từ thời chúng tôi cùng làm việc với nhau tại chủng viện," ngài nói thêm. "Tôi yêu chuộng cái tài dí dỏm tuyệt vời của ngài, cái tinh thần phóng khóang, và khả năng quan tâm đến mọi người một cách sâu sắc và phẩm chất lãnh đạo tài ba của ngài."

Ngòai những đức tính đó ra, TGM Dolan còn nổi tiếng là dứt khóat với nạn ấu dâm của hàng giáo sĩ. Khi nhậm chức làm GM Milwaukee, ngài thừa hưởng một tòa GM bị phá sản vì những vụ kiện. Khi rời khỏi nơi đây, giáo phận Milwaukee đã được các quan chức tư pháp khen ngợi là đáng làm gương mẫu cho việc giải quyết những vụ án tương tự trên tòan quốc.

Vì những thành quả ở Milwaukee, ngài mới được Đức Giáo Hòang chỉ định làm ủy viên giám sát các vấn đề liên quan đến các chủng viện của giáo hội Ái Nhĩ Lan và phúc trình thẳng lên Đức Giáo Hòang.

Ngài cũng nổi tiếng là không e dè khi phải bênh vực giáo hội. Ngài không ngại tranh luận công khai với báo chí, và ngài cũng thường xuyên trình bày quan điểm của mình và truyền bá Phúc Âm trên những trang điện tử blog.

Ngài là một thành viên ký tên trên bản truyên ngôn Manhattan.

Với tư cách mới là Chủ Tịch HĐGMHK, chắc chắn 'thế giới' sẽ dòm ngó ngài một cách soi mói hơn.

Nhưng một bình luận gia nổi tiếng và thông hiểu về những vấn đề tranh luận nóng hổi của Công Giáo, Rocco Palmo, cho biết:

"Xin các bạn hãy yên tâm khóa dây an toàn lại- đây sẽ là một chuyến đi vui vẻ."
 
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Bênêđictô XVI (4)
Vũ Văn An
17:13 17/11/2010
Đáp ứng Vị Thiên Chúa đang nói với ta

Ta được mời gọi bước vào giao ước với Thiên Chúa

Khi nhấn mạnh tới nhiều hình thức của lời, ta đã có thể chiêm ngưỡng được một số cách Thiên Chúa dùng để nói và gặp gỡ con người, làm cho Người được biết đến trong đối thoại. Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã tuyên bố, điều chắc là “cuộc đối thoại này, khi nói tới mạc khải, kéo theo tính tối thượng của lời Chúa được ngỏ với con người” (71). Mầu nhiệm của Giao Ước nói lên mối liên hệ giữa Thiên Chúa, Đấng lên tiếng mời gọi con người bằng chính lời của Người, và con người, kẻ đáp ứng, dù nó cho thấy rõ đây không phải là vấn đề gặp gỡ giữa hai người đồng trang lứa; điều ta gọi là Cựu Ước và Tân Ước không hề là một khế ước giữa hai bên ngang hàng, nhưng đơn thuần là một hồng ân của Thiên Chúa. Với hồng ân đầy yêu thương này, Thiên Chúa bắc nhịp cầu qua mọi phân cách và làm chúng ta trở nên các “bạn tình” (partners) của Người, hầu tạo nên mầu nhiệm hôn phối đầy yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Trong viễn tượng này, mỗi người trong chúng ta xuất hiện như một chủ thể được lời nói với, thách thức và mời gọi bước vào cuộc đối thoại yêu thương bằng một đáp ứng tự do. Như thế, mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa ban cho khả năng biết nghe và đáp ứng lời Người. Ta được tạo dựng trong lời và ta sống trong lời; ta không thể hiểu được chính ta nếu ta không chịu cởi mở đón nhận cuộc đối thoại này. Lời Thiên Chúa cho ta thấy bản chất hiếu tử và có tương quan của cuộc hiện hữu nhân bản. Thực vậy, ta được ơn thánh mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Con Một Chúa Cha, và được biến đổi trong Người.

Thiên Chúa nghe ta và trả lời các vấn nạn của ta

Trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa này, ta hiểu được chính ta và tìm được câu trả lời cho các vấn nạn sâu xa nhất của trái tim ta. Lời Chúa thực sự không thù nghịch đối với ta; nó không làm ngột ngạt các khát vọng của ta, nhưng đúng hơn soi sáng chúng, thanh tẩy chúng và đem chúng đến thỏa mãn hoàn toàn. Trong thời đại ta, việc nhận ra chỉ có Chúa mới đáp ứng các khát vọng trong trái tim mỗi người chúng ta là việc quan trọng biết bao nhiêu! Điều đáng buồn cần phải nói là ngày nay, ở Tây Phương, người ta đang có ý niệm phổ biến cho rằng Thiên Chúa đứng ngoài cuộc sống và các vấn nạn của con người, và sự hiện diện của Người chỉ có thể là một đe dọa đối với quyền tự lập của họ. Ấy thế nhưng, toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi đều chứng minh rằng Thiên Chúa lên tiếng và hành động trong lịch sử vì thiện ích ta và để cứu vớt ta một cách toàn diện. Như thế, đứng trên quan điểm mục vụ, điều có tính quyết định là trình bày lời Chúa trong khả năng nó có thể bước vào đối thoại với các vấn nạn thường ngày mà con người gặp phải. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng Người tới để chúng ta được sống dồi dào (xem Ga 10:10). Thành thử, ta cần hết sức cố gắng chia sẻ lời Chúa như một cởi mở đối với các vấn nạn của ta, một trả lời cho các câu hỏi của ta, một mở rộng đối với các giá trị của ta và một thoả mãn hoàn toàn đối với các hoài mong của ta. Hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải làm rõ việc Thiên Chúa lắng nghe các nhu cầu và yêu cầu xin giúp đỡ của ta ra sao. Như Thánh Bonaventura từng nói trong cuốn Breviloquium (Đoản Thoại?): "Hoa trái của Thánh Kinh không phải là bất cứ hoa trái nào, mà là chính sự viên mãn của hạnh phúc đời đời. Thánh Kinh là sách chứa đựng lời ban sự sống đời đời, đến nỗi, ta không phải chỉ tin mà còn có sự sống đời đời nữa, một sự sống trong đó ta sẽ thấy và sẽ yêu, và mọi khát vọng của ta đều được thoả mãn hoàn toàn” (72).

Đối thoại với Thiên Chúa bằng chính lời của Người

Lời Chúa lôi cuốn mỗi người chúng ta bước vào cuộc đàm thoại với Chúa: Đấng Thiên Chúa đang nói dạy ta cách để nói với Người. Ở đây, dĩ nhiên ta nghĩ tới Sách Thánh Vịnh, trong đó, Thiên Chúa ban cho ta lời dùng để nói với Người, để đặt đời sống ta trước mặt Người, và do đó, biến chính đời sống trở thành nẻo đường đưa ta tới Thiên Chúa (73). Trong các Thánh Vịnh, mọi tâm tình nhân bản có thể có đều được nói tới, được trình bày một cách tuyệt vời trước nhan thánh Chúa; niềm vui và nỗi đau, nỗi sầu muộn và niềm hy vọng, nỗi sợ sệt và nỗi lắng lo: tất cả đều được nói tới ở đây. Cùng với các Thánh Vịnh, ta cũng thấy nhiều đoạn khác của Sách Thánh nói lên việc ta hướng về Thiên Chúa trong lời kinh chuyển cầu (xem Xh 33:12-16), trong bài ca chiến thắng hân hoan (xem Xh 15) hay trong cơn buồn sầu vì gặp khó khăn trên đường thi hành sứ vụ (xem Gr 20:7-18). Theo cách đó, lời ta thưa với Chúa trở thành chính lời Chúa, và như thế củng cố bản chất đối thoại của mọi mạc khải Kitô Giáo (74), và trọn hiện sinh của ta trở nên một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng nói và nghe, Đấng mời gọi ta và hướng dẫn đời ta. Ở đây, lời Chúa cho ta thấy: trọn cuộc sống ta diễn ra dưới lời mời gọi của Người (75).

Lời Chúa và đức tin

"‘Vâng tin’ (Rm 16:26; xem Rm 1:5; 2 Cor 10: 5-6) phải là đáp ứng của ta với Thiên Chúa, Đấng mạc khải. Bằng đức tin, ta tự ý tín thác hoàn toàn nơi Chúa, ‘tâm trí và ý chí ta hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, Đấng mạc khải’ và sẵn sàng đồng thuận mạc khải của Thiên Chúa” (76). Qua những lời này, Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” muốn nói lên tư thế chính xác mà ta phải có đối với Thiên Chúa. Đáp ứng nhân bản thích đáng đối với vị Thiên Chúa đang nói chính là đức tin. Ở đây, ta thấy rõ điều này “để chấp nhận mạc khải, con người phải mở tâm trí của mình ra đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp họ có khả năng hiểu lời Chúa hiện diện trong Sách Thánh” (77). Sự thực, chính việc rao giảng lời Chúa đã phát sinh ra đức tin, nhờ đó, ta đồng tâm nhất trí với chân lý đã được mạc khải cho ta và ta hoàn toàn tín thác vào Chúa Kitô: “Đức tin đến từ điều nghe được, và điều nghe được đến từ lời Chúa Kitô” (Rm 10:17). Trọn lịch sử cứu rỗi đã lần hồi chứng minh cho mối liên kết sâu xa giữa lời Chúa và đức tin, một đức tin vốn phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Như thế, đức tin mang dáng dấp một cuộc gặp gỡ với Đấng ta tín thác trọn đời ta cho Người. Chúa Giêsu Kitô vẫn hiện diện trong lịch sử hôm nay, trong nhiệm thể Người là Giáo Hội; vì thế, hành vi đức tin của ta cùng một lúc vừa có tính bản thân vừa có tính giáo hội.

Tội lỗi là khước từ không nghe lời Chúa

Lời Chúa cũng không thể không mạc khải khả thể bi thảm này là tự do con người có thể làm họ rút chân ra khỏi cuộc đối thoại giao ước với Thiên Chúa, cuộc đối thoại mà vì nó ta đã được dựng nên. Lời Chúa cũng cho thấy tội lỗi vốn rình rập trong trái tim con người. Trong cả Cựu Ước và Tân Ước, ta thường đọc thấy tội lỗi được diễn tả là việc từ khước không nghe lời, là bẻ gẫy giao ước và do đó là đóng cửa với Thiên Chúa, Đấng vốn mời gọi ta hiệp thông với Người (78). Sách Thánh cho thấy tội lỗi con người, trong yếu tính, vốn là sự bất tuân và từ khước không nghe. Sự vâng lời căn để của Chúa Giêsu cho đến chết trên thập giá (xem Pl 2:8) đã hoàn toàn lột mặt nạ tội lỗi ấy. Sự vâng lời của Người đã phát sinh ra Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và con người, và ban cho ta khả thể giao hòa. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến làm của lễ đền vì tội lỗi ta và tội lỗi toàn thế giới (xem 1 Ga 2:2; 4:10; Dt 7:27). Như thế, ta được hiến tặng khả thể cứu chuộc đầy nhân từ và việc khởi đầu một sự sống mới trong Chúa Kitô. Vì lý do đó, điều quan trọng là phải dạy tín hữu biết nhìn nhận rằng cội rễ của tội chính là việc từ khước không nghe lời Thiên Chúa và chấp nhận nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, sự tha thứ vốn có đó để ta bước vào cứu độ.

Đức Maria, “Mẹ Lời Chúa” và “Mẹ đức tin”

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố rằng mục tiêu căn bản của Cuộc Họp Thứ Mười Hai này là “đổi mới đức tin của Giáo Hội đối với lời Thiên Chúa”. Để làm được điều đó, ta cần nhìn lên đấng mà nơi ngài hành động qua lại giữa lời Chúa và đức tin đã trở thành hoàn hảo, đó chính là Trinh Nữ Maria, “đấng, bằng tiếng ‘xin vâng’ đối với lời giao ước và sứ mệnh của mình, đã làm trọn một cách hoàn hảo lời mời gọi nhân loại của Thiên Chúa” (79). Thực tại nhân bản, do lời tạo ra, tìm được hình ảnh hoàn hảo nhất của nó trong đức tin vâng lời của Đức Maria. Từ Truyền Tin đến Hiện Xuống, ngài luôn tỏ ra là một người phụ nữ hoàn toàn cởi mở đón nhận ý Thiên Chúa. Ngài là Vô Nhiễm Thai, là đấng được Thiên Chúa làm cho “đầy ơn phúc” (xem Lc 1:28) và vâng phục lời của Người vô điều kiện (xem Lc 1:38). Đức tin vâng lời của ngài đã lên khuôn cho cuộc đời ngài mọi giây mọi phút trước kế hoạch của Thiên Chúa. Là một Trinh Nữ lúc nào cũng chăm chú lắng nghe lời Chúa, ngài sống hoà điệu hoàn toàn với lời ấy; ngài trân qúi trong lòng mọi biến cố của Con mình, nối kết chúng lại với nhau thành như một bức tranh ghép duy nhất (xem Lc 2:19, 51) (80).

Thời ta, tín hữu cần được giúp đỡ để thấy rõ hơn sợi dây nối kết giữa Đức Maria Thành Nadarét và việc nghe lời Chúa với niềm tin trọn vẹn. Tôi cũng khuyến khích các học giả hãy nghiên cứu mối liên hệ giữa Thánh Mẫu Học và nền thần học về lời. Điều này rõ ràng hết sức có ích đối với cả đời sống thiêng liêng lẫn việc nghiên cứu thần học và Thánh Kinh. Thực thế, điều mà sự hiểu biết của đức tin đã giúp ta biết được về Đức Maria nằm ngay ở tâm điểm chân lý Kitô Giáo. Vì người ta sẽ không thể nào quan niệm được sự nhập thể của lời nếu tách biệt nó khỏi sự tự do của người phụ nữ trẻ này, người, nhờ sự đồng thuận của mình, đã nhất quyết hợp tác với việc bước vào thời gian của Đấng Trường Cửu. Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội đang chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa, một lời đang lên xương thịt trong ngài. Đức Maria cũng tượng trưng cho sự cởi mở với Thiên Chúa và tha nhân; cho sự lắng nghe đầy tích cực, một sự lắng nghe biết nội tâm hóa và thẩm thấu, một sự lắng nghe trong đó lời trở thành một lối sống.

Ở đây, tôi muốn nhắc đến sự thân quen của Đức Maria đối với lời Chúa. Điều này thấy rõ trong Kinh Ngượi Khen (Magnificat). Trong kinh này, theo một nghĩa nào đó, ta thấy ngài đã đồng nhất hóa với lời, nhập hẳn vào lời; trong ca khúc đức tin đầy kỳ diệu này, Trinh Nữ đã ca bài tán tụng Chúa bằng chính lời của Người: “Kinh Ngượi Khen, bức chân dung vẽ chính linh hồn ngài, có thể nói như vậy, hoàn toàn đã được dệt bằng các sợi chỉ trong Thánh Kinh, những sợi chỉ rút ra từ lời Chúa. Ở đây, ta thấy Đức Maria đã hoàn toàn thân thuộc ra sao đối với lời Chúa, ngài thoải mái vào ra lời ấy. Ngài nói và suy nghĩ bằng lời Chúa; lời Chúa trở thành lời ngài, và lời ngài phát xuất từ lời Chúa. Ở đây, ta thấy tư tưởng của ngài hòa điệu ra sao đối với tư tưởng Thiên Chúa, ý chí của ngài là một với ý Chúa như thế nào. Vì Đức Maria hoàn toàn thấm nhuần lời Chúa, nên ngài có khả năng trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể (81).

Đàng khác, nhìn lên Mẹ Thiên Chúa, ta thấy hoạt động của Thiên Chúa trên thế giới luôn mời gọi tự do của ta cam kết như thế nào, vì nhờ đức tin, lời Chúa biến đổi chúng ta. Công việc tông đồ và mục vụ của ta không bao giờ hữu hiệu nếu không học nơi Đức Mẹ cách để Thiên Chúa lên khuôn ta trong ta: “việc lấy lòng sốt sắng và tin yêu lấy Đức Mẹ làm khuôn mẫu và nguyên mẫu cho đức tin của Giáo Hội có một tầm quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra trong thời ta một thay đổi điển hình cụ thể trong mối tương quan của Giáo Hội với lời, cả trong việc lắng nghe trong cầu nguyện lẫn trong việc dấn thân một cách quảng đại vào sứ vụ và rao giảng” (82).

Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc đời hoàn toàn do lời lên khuôn, ta hiểu được rằng cả ta nữa cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó, Chúa Kitô tới cư ngụ trong đời ta. Thánh Ambrôsiô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Kitô đều tượng thai và sinh hạ lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Kitô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin (83). Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.
 
Hãy ký tên để cứu lấy Asia Bibi và Pakistan
Bernardo Cervellera
20:24 17/11/2010
Một đơn thỉnh nguyện trực tuyến (gởi đến Asia News, hoặc trực tiếp đến Tổng thống Pakistan) để xin thu hồi án tử hình của một phụ nữ Kitô giáo đã bị kết án treo cổ vì tội phỉ báng tôn giáo. Chúng tôi cũng yêu cầu huỷ bỏ hoặc cải tổ lại luật (xử tội) phỉ báng tôn giáo, vì luật này hủy hoại sự hòa hợp và phát triển ở Pakistan.

Rome (AsiaNews) - Theo yêu cầu của độc giả, AsiaNews đã quyết định gởi ra một thỉnh nguyện thơ quốc tế gởi đến Tổng thống Asif Zardari để xin cứu mạng châu Á Bibi, người đã bị kết án treo cổ vì tội phỉ báng tôn giáo. AsiaNews cũng yêu cầu Tổng thống Zardari hủy bỏ hoặc thay đổi luật phỉ báng tôn giáo bất công đã giết chết nhiều nạn nhân vô tội và phá hủy sự sống chung hòa bình trên đất nước này. Chúng tôi yêu cầu quý vị hỗ trợ bước khởi động này bằng cách gởi một thông điệp tới các email sau đây: saveasiabibi@asianews.it

Hoặc quý vị có thể gởi tin nhắn trực tiếp cho Tổng thống Pakistan: publicmail@president.gov.pk

Cuộc vận động của chúng tôi là một trong rất nhiều (vận động) được đưa ra tại Ý (với Tv 2000), Pakistan, Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Asia Bibi, một phụ nữ Kitô giáo 45 tuổi, mẹ của năm đứa con, đã bị kết án tử hình vì tội phỉ báng tôn giáo ngày 07 tháng 11 vừa qua. Một tòa án ở Punjab đã ra phán quyết rằng người phụ nữ nông dân này đã xúc phạm đến Đấng tiên tri Mohammed. Nhưng trong thực tế, Asia Bibi đã bị xỉ nhục trước khi bị gọi là "không tinh khiết" (chỉ vì bà không theo Hồi giáo), sau đó buộc phải bảo vệ đức tin Kitô giáo của mình khi đối mặt với áp lực từ người lao động Hồi giáo khác. Chồng của một trong số những người này cũng là một tư tế địa phương, đã quyết định đưa ra lời cáo buộc và tố giác người phụ nữ này, khiến bà bị đánh đập, sau đó bị bỏ tù và cuối cùng bị kết án tử hình một năm sau đó.

Asia Bibi và chồng là anh Ashiq Masih đã quyết định kháng cáo mong đảo ngược phán quyết của tòa án. Trong khi đó, người mẹ này bây giờ phải hứng chịu nhiều tháng tù đày, số phận nằm trong tay cai tù hoặc những kẻ cuồng tín, người có thể giết bà với niềm tin sai lầm rằng họ làm thế để vinh danh đấng Allah.

Cho đến nay, luật định về tội phỉ báng tôn giáo chưa hề dẫn đến một án tử hình dành cho bất cứ ai bị kết án hoặc cáo buộc. Nhưng 33 người bị buộc tội phỉ báng tôn giáo đã bị giết bởi các cai tù, hoặc (bị giết) ngay trong khu vực lân cận của tòa án. Mới nhất như trường hợp liên quan đến hai Kitô hữu Tin Lành, Mục sư Emmanuel và anh trai của ông Rashid Sajjad, đã bị bắn ở cự ly gần khi họ rời tòa án ở Faisalabad hôm 19 tháng Bảy. Tuy nhiên chúng ta có thể xếp loại những cái chết này tương đương với những người thiệt mạng trong vụ thảm sát tại các làng mạc trong vùng Gojra, Korian, Kasur, Sangla Hill, nơi hàng trăm ngôi nhà của các anh em Kitô hữu đã bị đốt cháy, phụ nữ và trẻ em đã bị giết hoặc bị thiêu sống chỉ vì một thành viên của làng đã bị buộc tội phỉ báng tôn giáo.

Sự việc ngày càng trở nên rõ ràng rằng điều luật này đã trở thành một công cụ trong tay của những người Hồi giáo chính thống muốn gài cho người đạo Hồi chống lại người Kitô hữu để đo lường mức độ quyền lực của họ trong xã hội Pakistan. Một điều cũng trở nên rõ ràng là hầu như tất cả các cáo buộc về tội phạm thánh đều được nảy sinh từ ý tưởng ghen tị, trả thù, cạnh tranh, và việc bắt giữ người bị cáo buộc chỉ là bước đầu tiên để cho phép việc chiếm hữu đất đai, cướp bóc và trộm cắp.

Chúng tôi rất muốn cứu được mạng sống của Asia Bibi. Nhưng chúng tôi không thể bằng lòng với chỉ một điều này. Chúng tôi phải tranh đấu để luật định mà chính người Pakistan còn mô tả là "tục tĩu", phải được thay đổi hoặc tốt hơn nữa là bị thu hồi. Luật này chính là mong muốn của nhà độc tài Zia ul-Haq vào năm 86, để đổi lấy sự hỗ trợ của cộng đồng Hồi giáo. Nhưng khi làm như vậy, ông đã đặt nền móng cho sự hủy diệt của Pakistan. Đất nước này được thành lập như là một nước cộng hòa về mặt thế tục và trung lập về tôn giáo, nay đã trở thành một nước Hồi giáo chuyên giết hại chính người dân của họ, phá hủy bộ mặt xã hội của họ và là mối quan tâm lớn đối với cộng đồng quốc tế.

Những luật định về tội phỉ báng tôn giáo đã trở thành một lưỡi gươm của Damocles trên đầu mỗi người và đặc biệt là những người thuộc nhóm thiểu số, những người đang phải trả một giá quá đắt; Kitô hữu, người Ahmadi, người Ấn giáo, Hồi giáo, lại còn có cả người Shiite và người Sunni nữa.

Bằng cách loại bỏ điều luật này - hoặc ít nhất là hạn chế nó - động lực mới sẽ được trao cho sự chung sống hòa bình giữa các tín ngưỡng ở Pakistan, cho nền dân chủ và phát triển ở đây. Điều này cũng sẽ đem lại chiều kích rộng lớn hơn cho an ninh và cộng đồng quốc tế, hiện đang có nhận xét về sự lan tràn của chế độ Taliban trong một xứ sở có vũ khí nguyên tử với sự quan ngại.

Chúng tôi tin rằng bức tường thành duy nhất trước sự phát triển của chủ nghĩa chính thống là việc đảm bảo sự sống chung hòa bình một cách bình đẳng giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo. Vì lý do này chúng tôi yêu cầu Asia Bibi được giữ mạng sống của mình. Và với điều này chúng tôi yêu cầu, chúng tôi hy vọng rằng chính đất nước Pakistan cũng có thể được cứu vãn.
 
Top Stories
Assembly of Chinese Catholics "by the end of the year"
Bernardo Cervellera
11:00 17/11/2010
The Assembly is the sovereign and "democratic" body governing the Chinese Church. In his letter the Pope says that it is "incompatible" with Catholic faith and the Vatican advises against participation. So far it has been delayed owing to the resistance of many bishops. But many Chinese prelates fear retaliation against their pastoral work and funding for the work. Risk of division in the Church.

Rome (AsiaNews) – Rumours are increasing that "by the end of the year”, and perhaps even by the end of November, the Beijing government will order the eighth meeting of the representatives of Chinese Catholics take place, a meeting that has been delayed for years due the resistance of many bishops. Months ago the Vatican had asked the bishops in communion with the Pope in China to avoid participation. Benedict XVI, in his Letter to Chinese Catholics, defines the organization and its principles as irreconcilable with the Catholic faith.

AsiaNews sources in the capital say they are fearful that this meeting will lead to new tensions between the government and Catholic communities, others argue that the government is now forced to fix a date for the gathering, but "without much conviction."

The National Assembly of Catholic Representatives is the highest authority that governs the Catholic Church in China. Its statutes define it as the "sovereign body". It is a "democratic" structure in which bishops are in the minority, joined by lay administrators and secretaries of the regional Patriotic Association. The body has the power to decide on national pastoral action, activities of the Church, Episcopal appointments, and even questions of theology. Its superiority to the bishops makes it incompatible with the doctrine of the Catholic Church.

In fact, the Assembly is dominated by the Patriotic Association (PA), which has among its aims is to build a Catholic Church that is "independent" from the Holy See.

For some time the PA has been trying to organize the Assembly to vote for a new president of the PA and the chairman of the council of Chinese bishops. The two posts have been vacant for years: since the Patriotic Bishop Michael Fu Tieshan, elected president of the PA in '98, died in 2007, and Mgr. Joseph Liu Yuanren, patriotic bishop of Nanjing, who was elected President of the Council of Bishops in 2004, died in 2005.

In all these years, the gathering was always put off for "official" reasons. In 2008, it was for the earthquake and the Olympics in 2009 for the 60 years the People's Republic, in 2010 for the Expo in Shanghai. The real reason for this delay is in the fact the PA wanted to make sure that Ma Yinglin (patriotic bishop of Kunming, Yunnan), would be elected president of the PA. But the other real reason for the delay is the fact that many official bishops do not want to attend the meeting, since it is "incompatible" with Catholic faith. Thus the PA was unsure of its successful outcome.

Matters came to a head however after the government apparently ordered the convening of the Assembly "by the end of the year." According to AsiaNews sources, the PA,in order to assert its power over the bishops and convene the Assembly, seems to have decided to withdraw the nomination of Ma Yinglin, and is even willing to accept two other candidates, Mgr. Joseph Li Shan, Archbishop of Beijing, or Mgr. John Fang Xinyao, bishop of Linyi (Shandong). Both prelates are in communion with the pope, even if they are considered quite weak in the face of government pressures. The PA had also planned a trip abroad for the few patriotic bishops not recognized by the Holy See, to prevent their participation in the meeting, which would embarrass the other prelates.

Some months ago the Vatican Commission for the Church in China issued a statement asking the bishops tied to the Pope to avoid "to making gestures (such as, for example, sacraments, ordinations of bishops, attending meetings) that contradict their communion with the Pope. "

The indication took some bishops by surprise, used to reconciling an inner loyalty to the pope and apparent loyalty to the PA. They complain that in this way, they risk being accused of being "unpatriotic" because they "love the Church (and the pope)." The slogan "aigua; aijiao" (love the Motherland, love the Church) is a slogan used by the PA to demand obedience to it, sowing the seeds of suspicion that if they love the Church and the pope then they automatically hate their country.

Apparently, on October 27 last, the Vatican Commission for the Church in China, reiterated the line of advise to bishops not to attend the meeting.

But some bishops are concerned that by not attending the meeting then they will become the target of the PA revenge, which could penalize pastoral work, cut funding for t work and - for some – perhaps even careers.

In any case, the PA’s move to convene the meeting is likely to create division among those bishops who will participate, and the others who will refuse, thus weakening the Chinese Church.

(Source: http://www.asianews.it/news-en/Assembly-of-Chinese-Catholics-by-the-end-of-the-year-20019.html)
 
Vietnam: Dans une lettre adressée à son diocèse, l’évêque de Kontum revient sur sa visite pastorale du 7 novembre 2010 et la replace dans son contexte historique
Eglises d'Asie
11:25 17/11/2010
Le 9 novembre dernier, un bref récit mis en ligne sur Internet avait alerté l’opinion sur les difficultés rencontrées par l’évêque de Kontum lors d’une visite pastorale effectuée, le 7 novembre, dans trois régions isolées de son diocèse (1). Beaucoup se sont émus de l’interdit jeté par les autorités. ..

... de la région sur les célébrations et les assemblées chrétiennes et ont fait connaître leur émotion à Mgr Hoang Duc Oanh, évêque du diocèse catholique de Kontum. C’est pour répondre à toutes ces réactions que Mgr Oanh s’est résolu à rédiger une lettre adressée à la famille du diocèse, où il retrace les diverses étapes de cette tournée du 7 novembre dernier et les incidents qui les ont marquées. Il précise certains détails et surtout décrit le contexte historique, proche et lointain, qui explique, sans la justifier, l’absence presque totale de liberté religieuse dans certains secteurs de son diocèse (2).

L’évêque des Hauts Plateaux du centre du Vietnam commence par souligner que l’affaire du 7 novembre est loin d’être isolée ou nouvelle dans son diocèse, où une grande partie des catholiques appartient aux minorités ethniques de la région. Il cite un certain nombre d’autres localités où des incidents semblables ont eu lieu. Les autorités locales y interdisent également les assemblées chrétiennes et les célébrations eucharistiques.

Pour faire comprendre les raisons des interdits auxquels se heurtent les activités religieuses dans les régions citées, Mgr Oanh en raconte l’histoire à ses lecteurs. Durant la dernière guerre – qui s’est achevée en 1975 –, les montagnes et les forêts des hauts plateaux abritaient de nombreuses concentrations de forces communistes. Celles-ci y avaient établi leurs bases, des lieux d’entraînement et de repli. Après la fin de la guerre et l’unification du pays sous le pouvoir communiste, on a cultivé et exalté le caractère révolutionnaire de ces bases, considérées comme des hauts lieux de l’héroïsme et de la pureté doctrinale. C’est dans cet esprit que ces régions ont été baptisées « zones blanches » et, à ce titre, débarrassées de toute survivance superstitieuse et religieuse. Les rites et sacrifices des anciennes religions y sont tolérés, mais le christianisme y est banni.

Il va sans dire que cette situation est en totale contradiction avec l’affirmation de la liberté religieuse inscrite dans la Constitution et les lois, comme dans divers décrets et ordonnances. La politique religieuse adoptée par les autorités dans ces zones blanches s’écarte largement aussi de celle pratiquée dans le reste du pays. Elle conseille, en effet, aux populations minoritaires de garder leurs cultes ancestraux et de s’abstenir de s’orienter vers le christianisme.

La visite pastorale du 7 novembre dernier avait été programmée de telle sorte qu’une messe soit célébrée dans le domicile de fidèles de trois des localités où les manifestations religieuses sont habituellement frappées d’interdiction. En deux endroits, elle a pu avoir lieu, mais a provoqué des réactions des autorités. Quand l’évêque et le groupe de personnes qui l’accompagnait arrivèrent à proximité de la troisième étape de leur voyage, une troupe d’hommes de main de la police, appelés « guérilleros » par l’évêque, leur a barré la route, les obligeant à attendre une autorisation qui n’est jamais venue. Mgr Oanh et ses compagnons durent, finalement, rebrousser chemin.

L’évêque avait pourtant averti les autorités locales de sa visite et leur avait même transmis le programme. Pour preuve de ses dires, il a joint à la lettre adressée au diocèse, une autre lettre adressée en septembre dernier au président du Comité populaire de la province de Gia Lai (3). Avec beaucoup de franchise, il mentionnait au responsable provincial l’absence totale de liberté religieuse régnant dans les diverses zones blanches qu’il énumérait. Faute de pouvoir bâtir de véritables lieux de culte dans ces diverses localités, il lui exposait le programme provisoire qu’il comptait mettre en œuvre à partir du mois prochain. Il consisterait à rassembler les catholiques dans des maisons privées où lui ou ses prêtres se rendraient pour faire entendre la parole de Dieu et dispenser les sacrements. Les propriétaires des maisons choisies pour ce rassemblement étaient même désignés par leur nom. Aucune réponse n’étant venue signifier le refus des autorités, l’évêque avait alors entrepris sa visite pastorale.

(1) Voir EDA 539
(2) On pourra lire la traduction de la quasi-totalité de ce texte à la rubrique ‘Pour approfondir’ (voir ci-dessous).
(3) La traduction de cette lettre est également consultable à la rubrique ‘Pour approfondir’.


POUR APPROFONDIR - Lettres de l’évêque de Kontum concernant sa visite pastorale dans des régions isolées de son diocèse
[ Bulletin EDA n° 540 ]

17/11/2010 - Nous traduisons ci-dessous la presque totalité du texte de deux lettres de Mgr Hoang Duc Oanh, évêque de Kontum. La première reprend, complète et remet dans un contexte plus général le récit de sa visite pastorale du 7 novembre 2010. Celui-ci avait déjà été diffusé quelques jours auparavant (voir EDA 539). La seconde lettre date du mois de septembre.. ..
... Elle avait été envoyée au président du Comité populaire de la province de Gia Lai pour l’alerter sur la situation religieuse catastrophique de certains districts isolés relevant de son autorité, et l’avertir des prochaines visites pastorales de l’évêque en ces régions défavorisées. Ces lettres ont été mises en ligne sur plusieurs sites Internet, en particulier sur VietCatholic News, le 13 novembre 2010. Le texte vietnamien a été traduit en français par la rédaction d’Eglises d’Asie.

Lettre de l’évêque de Kontum à toute la famille du diocèse

A propos de l’affaire du 7 novembre 2010.

Aux prêtres et à l’ensemble de la famille du diocèse de Kontum.

Mes chers frères et sœurs,

Ces derniers jours, j’ai reçu sans discontinuer des coups de téléphone, des courriels, des messages émanant de nombreux organismes parmi lesquels plusieurs ambassades et même une Congrégation romaine. Tous m’ont exprimé leur communion à propos de ma récente visite pastorale du dimanche 7 novembre, à Kon Chro et à K’Bang. Je remercie sincèrement tous ceux qui se sont inquiétés et ont prié pour moi. J’avais pensé que cette histoire resterait inconnue, comme cela a été le cas pour beaucoup d’autres qui ont eu lieu à Thanh Ha, à Hoang Yên (Chu Prong), à La Nam (Duc Co), à La To, à La Sao (La Grai) ou encore à To Tung (K’Bang) et dans de nombreux autres endroits ! Mais, mardi dernier, c’est-à-dire 48 heures après les faits, je me suis aperçu que l’affaire était déjà mentionnée sur Internet. Je ne connais pas d’ailleurs l’auteur du récit qui a été mis en ligne ! Moi-même, je n’étais pas partisan de faire connaître l’affaire sur le réseau Internet. Mais, voilà les faits rendus publics. Certains d’entre vous désirent des éclaircissements de ma part. J’estime que vous tous, les membres de la famille diocésaine, avez le droit de connaître les tenants et les aboutissants de cette histoire afin de mettre fin à l’incertitude et à des conjectures inutiles. Vous pourrez ainsi consacrer vos forces à l’édification de votre patrie bien-aimée. Je prie le Seigneur qu’il fasse en sorte que tout cela concoure à votre plus grand bien sur le plan profane comme religieux.

Il s’agit en réalité d’une affaire toute simple ! Comme vous le savez tous, en 1967, le Saint-Siège a retiré du diocèse de Kontum la province de Buôn Ma Thuôt (appelée aujourd’hui province de Dak Lak) pour en faire une partie d’un nouveau diocèse, le diocèse de Buôn Ma Thuôt. Le diocèse de Kontum, lui, conserverait les trois provinces de Kontum, Pkeiku et Phu Bôn. Après 1975, les deux provinces de Pkeiku et Phu Bôn étaient réunies pour constituer la province de Gia Lai. Seul le canton de Thuân Mân de la province de Phu Bôn était rattaché au district de Ea Hleo dans la province de Dak Lak. Après ces nouvelles dispositions, le diocèse de Kontum restait toujours un grand diocèse avec de hautes montagnes et de vastes forêts. Nombre de ses régions étaient devenues avant 1975 des bases arrière de résistance pour les forces communistes. Ces régions – comme Kon Chro, K’Bang, La Grai, Chu Phong – s’enorgueillissent aujourd’hui de leur passé et ont totalement fermé leurs portes aux activités religieuses, celles du christianisme, en particulier. Les cadres y ont une compréhension du christianisme tout à fait limitée; beaucoup lui sont hostiles. Ainsi ces anciennes bases arrière sont considérées comme des régions « spéciales », ou bien « héroïques », ou encore « blanches », c’est-à-dire purifiées de toute superstition. Elles sont inviolables ! Pénétrer dans ces régions pour un étranger est extrêmement difficile ! Vis-à-vis de la religion, l’attitude adoptée est partout la même. Elle se résume en trois « non »: non aux églises, non aux prêtres, non aux célébrations et aux activités religieuses… Lorsqu’on la sollicite, l’autorisation n’est jamais accordée.

De nombreux catholiques vivent dans ces régions et il existe beaucoup de personnes voulant entendre parler de l’Evangile, ou même être introduite à l’intérieur de la famille de l’Eglise catholique. C’est parce que je savais cela que, le 11 septembre 2010, j’ai envoyé au président de la province de Gia Lai un programme de célébration de messes, avec des copies destinées aux divers services de la province comme les communes, ainsi qu’aux familles des trois chrétientés concernées. Dans cette lettre, je proposais à M. le président de la province et aux organes chargés d’examiner la requête, dans le cas où ils désapprouveraient mon programme, de me signifier leur refus par écrit. Cinquante-sept jours plus tard (du 11 septembre au 7 novembre 2010), n’ayant pas reçu de réponse écrite, pas plus que de refus oral, dans la matinée du 7 novembre 2010, je me suis mis en route pour Yang Trung, An Trung et Son Lang.

A 6h30, je célébrais la messe chez Monsieur et Madame Tran Dinh Hinh, dans le hameau N° 9 de la commune de Yang Trung, district de Kon Chro. Après la messe, nous étions en route vers An Trung quand j’ai été averti que nos amis de la Sécurité publique étaient venus rappeler à l’ordre Mme Hinh (M. Hinh étant absent ce jour-là) et l’avaient avertie que, la prochaine fois, elle ne pourrait organiser une messe dans sa maison.

A 9h00, je suis à An Trung, district de Kon Chro, à 10 km de Yang Trung. Je célèbre la messe dans la maison de M. Bô et de Mme He. Je n’ai pu le faire dans la maison qui était prévue car son propriétaire s’était absenté et n’était pas encore de retour. Le président du Comité populaire de la commune et un cadre rentrent avec moi dans la maison. Nous échangeons quelques propos au sujet du programme de célébration de messe dont je l’ai informé. Après la messe, les deux officiels reviennent accompagnés de quatre ou cinq cadres appartenant à divers services. Ils me proposent de dresser un procès-verbal Après discussion, ils remplacent le mot « procès-verbal » par « compte-rendu des faits », afin, me disent-ils, d’avoir un document à présenter aux autorités supérieures. J’ai signé, le cœur léger.

A 14h00, nous sommes en route vers Son Lang, dans le district de K’bang, à environ 135 km de An Trung. Arrivés à quelque 20 km de l’agglomération de Son Lang, nous rencontrons une portion de route en travaux, trempée par une pluie qui ne cesse de tomber depuis plusieurs jours. Nous abandonnons notre voiture et les 16 personnes de notre groupe, des prêtres, des religieux, des laïcs et moi-même continuent leur voyage sur huit petites motos Honda. Sur le point d’arriver à l’agglomération, un groupe de « guérilleros » (NDT - hommes de main recrutés par la police) nous barre le chemin. Après avoir examiné nos papiers, un par un, et s’être informé de nos intentions, à savoir célébrer la messe chez M. et Mme Tuyên, le cadre nous prie de nous arrêter en attendant l’avis des autorités communales. Dix, puis 20, puis 30 minutes passent. La réponse serait imminente ! Sur place, se trouve un certain nombre de nos compatriotes, membres des minorités ethniques. L’un d’eux s’écrie à voix haute: « Ici, c’est une base révolutionnaire ! Pas besoin de culte ! De la viande de poulet, du bœuf, de l’alcool de jarre et le son des gongs, c’est déjà très bien ! » Tout le monde s’esclaffe. Une personne filme la scène et prend des photos. Quant à nous, il nous est interdit de photographier.

Il est 16h20. Nous attendons depuis longtemps mais aucun cadre n’est encore venu régler notre problème. Il se fait tard, une pluie fine tombe. Un cadre nous informe que, aujourd’hui dimanche, les fonctionnaires se reposent. Le président de la commune est loin d’ici, à quelques dizaines de kilomètres, sans qu’on puisse le contacter. Nous sommes priés de nous en aller. Nous saluons alors toutes les personnes présentes et nous nous en retournons vers Pleiku. Il est 22h18. J’apprends alors que M. Tuyên, qui nous avait prêté sa maison pour célébrer la messe, a été retenu au siège du Comité populaire durant toute la journée. Quant aux autres responsables, je ne peux entrer en contact avec eux. Mais en fin de compte, tous sont rentrés chez eux en paix.

Cependant, le 8 novembre, j’apprends que Mme Hinh, dont le mari était absent, a été invitée au Comité populaire pour interrogatoire à 14 heures. Quant à M. Bô, il a été convoqué une demi-heure plus tard. On leur a demandé de reconnaître leur faute, celle des deux familles, mais aussi celle de l’évêque. En effet, j’ai enfreint la loi en convoquant une assemblée et en célébrant la messe. Mme Hinh et M. Bô ont été également priés de ne pas récidiver. Ils ne doivent plus inviter de prêtres ou d’évêques à célébrer la messe. L’un et l’autre ont répondu qu’il n’y avait là rien d’erroné ou de contraire à la loi, car la Constitution et la législation affirment la liberté de religion et le droit de l’évêque à circuler à l’intérieur de son diocèse. Ils ont aussi souligné que les autorités à tous les niveaux avaient été averties et qu’elles n’avaient pas fait connaître leur refus. Par ailleurs, il n’existait pas de culture où l’on défende aux enfants d’accueillir leur père (l’évêque du diocèse) et leurs frères et sœurs (les fidèles) lorsqu’ils viennent leur rendre visite. En fin de compte, j’ai entendu dire que l’une des deux personnes convoquées par la police avait intitulé son texte « récit des faits » et que l’autre avait signé le procès-verbal en ajoutant: « Je ne suis pas d’accord avec le contenu de ce procès-verbal. »

Frères et sœurs, voilà toute l’histoire, une histoire qui s’est déjà souvent produite et pourra encore avoir lieu tant que les autorités actuelles considéreront que la liberté de religion est une faveur accordée et non pas un des droits de l’homme les plus fondamentaux. Le plus important est de se demander ce qu’un tel événement signifie pour vous et pour moi. Voici quelques-unes de mes réflexions:

A franchement parler, tout le monde admire la foi et l’esprit religieux de beaucoup de nos frères de ces régions « isolées » comme Kon Chro et K’Bang. Ils sont nés et, pendant 20, 30, 40, 50 ans, ont grandi dans des régions placées sous le signe des trois « non » – pas d’église, pas de prêtres, pas de célébrations ou d’activités religieuses. Malgré cela, ils ont persévéré dans leur vie de foi et on surmonté toutes les épreuves. Un vrai miracle ! Vraiment le Seigneur est avec eux.

Mais je m’interroge: moi et mes frères prêtres et religieux, nous vivons correctement ! Qu’avons-nous fait de mal pour que « le monde » nous repousse ainsi ou nous contrecarre comme cela a été le cas le 7 novembre dernier ? N’est-ce pas parce que nous n’avons pas mis en pratique avec assez d’enthousiasme l’injonction du Seigneur: « Allez dans le monde entier, proclamez l’Évangile à toute la création. » (Mc 16,15). Si vous-même aviez habité Yang Trung, An Trung ou Son Lang, sans connaître encore le nom de Jésus et de son Eglise, auriez-vous fait partie, le 7 novembre, de la troupe qui nous a barré la route ? Si moi-même j’avais été originaire d’une famille de Kon Chro, de Son Lang ou de K’Bang, y aurait-il eu un cadre pour m’empêcher de rentrer dans une maison ? En fin de compte, nous tous et particulièrement moi votre évêque, devons reconnaître humblement que nous n’avons pas entièrement mis en œuvre l’invitation du Seigneur et nous devons le prier de nous accorder la possibilité d’éprouver en profondeur notre malheur lorsque nous n’évangélisons pas (1 Cr 9,16).

(…) Mais peut-être ne faut-il pas nous préoccuper autant de petites histoires comme celle du 7 novembre dernier alors que notre pays doit trouver une solution à de problèmes importants comme le problème des frontières de notre territoire, le problème de la bauxite sur les Hauts Plateaux, le problème de la corruption, le problème de la santé, de l’éducation, de l’écart toujours plus grand entre les pauvres et les riches. Comment faire en sorte que toutes ces petites histoires locales trouvent une solution rapidement et en douceur afin que chacun puisse concentrer ses forces au service de l’édification d’une patrie toujours plus prospère en tous les domaines, spirituel autant que matériel ?

Frères et sœurs, Dieu est le maître de l’Histoire. Dieu écrit droit sur des lignes courbes. Il nous a envoyés annoncer l’Evangile, construire une société de la vérité, de la justice, de l’amour et de la paix. Il ne cesse de nous éduquer et de forger notre foi. Le projet de Dieu sur nous, nous ne le connaîtrons que plus tard. Pour le moment, rendons grâce à Dieu et louons-le en continuant d’annoncer dans l’enthousiasme la bonne nouvelle de l’amour à tous les hommes, à tous nos frères, à nos frères les cadres athées et matérialistes d’aujourd’hui, en vivant dans la concorde et l’unité du disciple de Jésus, en harmonisant les deux commandements de l’amour de Dieu et de l’amour du prochain, de l’amour de notre patrie avec l’amour de l’Eglise, de telle sorte que le nom du Christ soit loué, que notre patrie et notre peuple soit respectés et se développent.

Chers frères et sœurs de Son Lang, le 7 novembre, vous avez participé à une messe tout à fait particulière. Elle n’a pas duré une demi-heure ou une heure, mais toute une journée « dans l’attente, l’angoisse et l’inquiétude, les larmes et la tristesse », qui ont été autant d’offrandes agréables offertes à Dieu pour notre patrie. Un prochain jour, quand le calme sera revenu, je viendrai vous rendre visite et saluer les autorités locales.

Je vous prie de bien vouloir transmettre aux cadres locaux l’expression de mes meilleurs sentiments. D’une certaine façon, j’aimerais aussi exprimer ma reconnaissance à ceux qui ont été mêlés à cette affaire. Je les considère comme des messagers envoyés par Dieu pour m’éprouver et nous aider dans l’accomplissement de notre mission d’évangélisation. Si, parmi les personnes qui m’accompagnaient ce jour-là, certaines ont prononcé des paroles qui ont pu les irriter ou les attrister, je leur en demande sincèrement pardon. (…)

Michel Hoang Duc Oanh, évêque

Lettre de l’évêché de Kontum au président du Comité populaire de la province de Gia Lai

Evêché de Kontum,
56, Tran Hung Dao, Kontum.
N° 100/VT/10/tgmkt


Kontum, le 11 septembre 2010

A M. Pham The Dung
Président du Comité populaire
de la province de Gia Lai

Monsieur le président,

Dans la province de Gia Lai, les districts de Kon Chro et de K’Bang sont aujourd’hui appelés des districts « blancs », ce qui, pour la population, signifie qu’ils ont été purifiés de tout vestige de superstition ou de religion. Les catholiques qui veulent venir vivre dans cette région doivent « volontairement » abandonner la religion et se déclarer « sans religion ». Chaque fois que des responsables de l’Eglise demandent d’y venir pour accomplir un ministère religieux auprès de nos compatriotes catholiques, il leur est brièvement répondu: « Ici, il n’y a pas de besoin religieux car il n’y a pas de fidèles. »

Dans le district de Kon Chro, à l’occasion du Nouvel An 2010, l’évêque du diocèse de Kontum est venu célébrer la messe dans la maison d’un fidèle du hameau N° 6, commune de An Trung, située sur le bord de l’autoroute. Auparavant, une lettre du diocèse avait prévenu les autorités locales. La célébration de la messe s’est déroulée sans encombre. Mais ensuite, le propriétaire de la maison a été invité à signer « volontairement » un procès-verbal où il se reconnaissait « coupable d’avoir illégalement rassemblé un certain nombre de personnes » et promettait que, dans l’avenir il n’inviterait « plus de prêtres pour célébrer la messe ». Quant à l’évêque, devant les fidèles il a dû subir les menaces des cadres: « Si tu continues à venir ici, on t’arrêtera et: on t’enfermera ! »

Dans le district de K’Bang, le climat est tel que les familles catholiques, sans doute terrorisées, n’osent même plus inviter ou accueillir l’évêque ou un prêtre dans leur maison, où, bien entendu, il n’est pas question de célébrer la messe ! Concrètement, aujourd’hui, pas une seule famille catholique n’ose publiquement prêter sa maison pour la célébration de la messe; ils ont trop peur ! Que craignent-ils ? De qui ont-ils peur ? Chacun peut donner la réponse qui convient !

Pour que tout soit clair et pour éviter des événements fâcheux aussi bien pour la société que pour l’Eglise, nous vous proposons une solution provisoire en attendant que les autorités permettent la construction d’un lieu de culte au moins dans chaque district, afin que les catholiques puissent se rencontrer publiquement, écouter la parole de Dieu et celle de l’Eglise, recevoir les sacrements.

La solution provisoire serait celle-ci: nous vous demandons officiellement d’enregistrer le programme suivant: à partir du mois de novembre 2010, le premier dimanche de chaque mois, nous viendrons rencontrer les fidèles et célébrer la messe dans les familles dont les noms suivent:
a.) pour le district de Kon Chro… (NDT - suivent les noms et adresses des familles prêtant leur maison pour l’assemblée chrétienne);
b.) pour le district de K’Bang: en ce lieu, les gens n’osent pas prêter leur maison pour y célébrer la messe. C’est pourquoi je vous demande de nous autoriser à construire un baraquement de fortune à un endroit quelconque dans les agglomérations de Kamat et Son Mang pour que, chaque mois, nous puissions venir rencontrer les croyants et célébrer la messe. Nous espérons que, dans quelque temps, les gens n’auront plus peur et nous permettront d’utiliser leur maison. Dans le cas où nous serions occupés ou malades, le P. Nguyên Van Dông ou le P. Nguyên Van Thuong nous remplaceraient.

Je souhaite vivement que vous acceptiez cette légitime demande que nous, les croyants, nous vous adressons. Dans le cas où ce ne serait pas possible, vous voudrez bien, personnellement ou par l’intermédiaire de vos services, nous adresser une communication officielle signifiant votre refus afin que nous évitions de venir vous déranger, vous et les autorités locales.

Avec nos salutations respectueuses.

Hoang Duc Oanh
Evêque de Kontum.


(NDT - suit une longue liste des destinataires de cette missive)

(Source: Eglises d'Asie, 17 novembre 2010)
 
Hebei, Chine: face aux pressions subies par leurs évêques, des prêtres en appellent au pape pour que celui-ci condamne l’ordination prochaine d’un évêque qui n’a pas été approuvé par lui
Eglises d'Asie
11:26 17/11/2010
Dans le climat actuel de tension entre l’Eglise catholique en Chine et les autorités chinoises, lié aux préparatifs de l’Assemblée nationale des représentants catholiques, la température est montée d’un cran. Des prêtres du diocèse de. ..

... Hengshui, un diocèse du Hebei, ont en effet exprimé l’espoir que le Saint-Siège condamne la récente disparition de leur évêque, que les autorités ont soustrait à son diocèse afin de faire pression sur lui pour qu’il accepte de participer à l’ordination épiscopale prochaine d’un prêtre qui n’a pas reçu de mandat pontifical.

Le problème se situe au cœur du diocèse de Chengde, diocèse situé à 250 km au nord-est de Pékin, dans la province du Hebei. La création de ce diocèse remonte à 1955, date à laquelle les autorités chinoises ont supprimé la province du Jehol, rattachant sa partie orientale à la province du Liaoning et sa partie occidentale à celle du Hebei. Conformément à leur désir de voir coïncider la carte des circonscriptions administratives avec celle des diocèses, les autorités érigèrent alors le diocèse de Chengde, érection qui n’a, à ce jour, pas été entérinée par le Saint-Siège. Aujourd’hui, ce diocèse est relativement modeste, avec six prêtres, quinze religieuses et 20 000 fidèles répartis en seize paroisses.

Actuellement, les autorités chinoises cherchent à placer à la tête du diocèse de Chengde le P. Joseph Guo Jincai. Ce dernier, ordonné en septembre 1992, est du nombre de ces jeunes prêtres « officiels » dont le parcours est favorisé par Pékin. Professeur au séminaire national à Pékin, il a ainsi été placé à la tête, en 2007, du premier voyage organisé en Terre Sainte pour des professeurs de séminaire de Chine continentale (1). Plus significativement, il occupe la fonction de vice-secrétaire général, au niveau national, de l’Association patriotique des catholiques chinois; de même, il figure au nombre des quelques catholiques choisis pour siéger à l’Assemblée nationale populaire. De toute évidence, en cherchant à le placer à la tête du diocèse de Chengde, les autorités chinoises souhaitent que ce prêtre revête des habits épiscopaux. La difficulté, soulignent des prêtres de Chine, est qu’à ce jour, le Saint-Siège n’a pas accédé à cette proposition et n’a donc pas donné son accord. Cette ordination, si elle a lieu, s’inscrirait donc en contradiction avec les dix ordinations épiscopales qui ont eu lieu en Chine depuis le début de cette année et qui, toutes, ont concerné des candidats à l’épiscopat qui étaient à la fois approuvés par les autorités chinoises et entérinés par Rome.

Selon le P. Li Shoushan, l’actuel administrateur diocésain de Chendge, les autorités chinoises ont fixé la date de l’ordination épiscopale du P. Guo Jincai au samedi 20 novembre 2010. Si la date doit encore être confirmée, les préparatifs sont en cours. La question est aujourd’hui de savoir quels sont les évêques qui accepteront d’ordonner un évêque qui n’a pas reçu de mandat pontifical. Les dernières ordinations illicites – i.e. menées sans l’accord du pape – remontent à 2006 et déjà, à l’époque, les autorités avaient eu recours à un mélange de ruse et de pressions pour obtenir que des évêques reconnus par Rome procèdent à la cérémonie d’ordination (2). Depuis cette date, la lettre du pape de 2007 tout comme le communiqué du 25 mars 2010 de la Commission pontificale pour l’Eglise en Chine ont clairement énoncé l’impossibilité pour un prêtre d’accepter l’épiscopat sans être muni d’un mandat pontifical explicite.

Sachant cela, les autorités multiplient les pressions sur les évêques « officiels » et reconnus par le pape qu’elles voudraient voir prendre part à l’ordination de ce 20 novembre. Des évêques des diocèses voisins de celui de Chengde sont ainsi soumis, depuis plusieurs semaines, à d’évidentes pressions. Ainsi, des prêtres du diocèse de Hengshui (Jingxian), diocèse situé au sud de Pékin, ont perdu le contact avec leur évêque, Mgr Peter Feng Xinmao; son téléphone portable ne répond plus depuis le 15 novembre et ses prêtres soupçonnent les autorités de l’avoir « placé à l’écart » dans un hôtel ou une résidence de la police pour le convaincre de prendre part à l’ordination à venir. « C’est une lutte à mort entre notre diocèse et le gouvernement, n’hésite pas à déclarer à l’agence Ucanews un prêtre de Hengshui (3). Nous espérons que le Vatican pourra condamner un incident d’une telle gravité, qui nuit à la communion [de l’Eglise]. »

Dans un autre diocèse du Hebei, celui de Cangzhou (Xianxian), l’évêque a là aussi « disparu ». Mgr Joseph Li Liangui a quitté son évêché le 12 novembre en compagnie de représentants des autorités. Depuis, il n’a pas donné signe de vie et son téléphone portable ne répond pas. A Baoding, l’évêque coadjuteur, Mgr Francis An Shuxin, qui a fait couler beaucoup d’encre suite à sa décision, en 2006, d’exercer son ministère au grand jour alors que l’évêque en titre, qui est « clandestin », est en prison depuis 1997, confirme que lui et les autres évêques « officiels » du Hebei sont « dans une situation difficile ». Les autorités le pressent d’aller à Chengde. Mgr An Shuxin, 61 ans, leur répond que jamais il n’acceptera de participer ou d’assister à une ordination épiscopale illicite. A Tangshan, diocèse contigu à Chengde, des informations font aussi état de fortes pressions exercées sur l’évêque en titre et sur son auxiliaire.

Selon les observateurs, les manœuvres en cours autour de l’ordination du futur évêque de Chengde ne peuvent qu’être reliées à celles qui sont constatées un peu partout dans le pays pour la convocation prochaine – mais à une date encore inconnue – de l’Assemblée nationale des représentants catholiques (4). Celle-ci doit, entre autres choses, élire les futurs présidents de la Conférence des évêques « officiels » et de l’Association patriotique, deux postes actuellement vacants. Depuis le début de cette année, dix évêques « officiels » ont été ordonnés. Si elle avait lieu, l’ordination, le 20 novembre prochain, d’un évêque non reconnu par le pape viendrait rompre un modus operandi tacite qui existerait entre Pékin et le Saint-Siège et aux termes duquel le pape s’abstient de nommer tout nouvel évêque « clandestin » tandis que Pékin renonce à imposer des évêques non reconnus par le pape.

(1) Voir EDA 459
(2) Voir EDA 522
(3) Ucanews, 17 novembre 2010.
(4) Voir EDA 539

(Source: Eglises d'Asie, 17 novembre 2010)
 
Pope urges freedom for Pakistani Christian
AP
12:04 17/11/2010
VATICAN CITY – Pope Benedict XVI on Wednesday urged the release of a Christian woman in Pakistan facing the death sentence on a charge of blasphemy.

Benedict told his weekly public audience that Christians in Pakistan "are often victims of violence and discrimination."

He called for the release of Asia Bibi, a mother of five children who was sentenced to death in early November accused of insulting the Prophet Muhammad. He expressed his "spiritual closeness" to her and said he is praying that the "human dignity and fundamental rights of everyone in similar situations" is fully respected.

Shahbaz Bhatti, Pakistan's minister for minority affairs, said a group of Muslim women reported Bibi to police after a dispute over whether she, as a Christian, was allowed to use the same water bowl as them. They accused her of making derogatory remarks against the Prophet Muhammad. She has been in prison for the past 1 1/2 years.

The verdict has drawn attention to Pakistan's blasphemy laws, which critics say are used to persecute Christian and other minorities, fan extremism and are often exploited for personal enmity.

Asked about the pope's remarks, Bhatti said "he was free to say whatever he wants. They shows his solidarity and concern for the suffering of humanity."

While the government is run by a broadly secular party, it relies on the support of Islamist groupings that are likely to protest if the blasphemy laws are struck down. Because of this, Bhatti said the government was working to amend the blasphemy laws to stop people misusing them.

Bhatti said Bibi's lawyers had appealed to a higher court to overturn the verdict, something he and other officials have said was likely.

(Source: http://news.yahoo.com/s/ap/20101117/ap_on_re_eu/eu_vatican_pakistan_2)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức cha phụ tá Lôrenxô và Linh Mục Đoàn TGP Hà-Nội thăm Đức TGM Ngô Quang Kiệt
Gioan Đình Sơn
00:15 17/11/2010
Vào ngày 15 tháng 11 năm 2010, sau đợt tĩnh tâm của linh mục đoàn Hà Nội, Đức cha phụ tá Lôrenxô Chu Văn Minh- Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội và quý cha đã tới thăm Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt- nguyên Tổng Giám mục Hà Nội tại Đan viện Xitô Thánh mẫu Châu Sơn- Nho Quan- Ninh Bình.

10 giờ đoàn tới Đan viện. Đoàn được Đức cha Giuse tiếp tại phòng khách của nhà dòng. Sau khoảng một giờ trò chuyện, hai đức cha và quý cha đã tham dự giờ kinh trưa với cộng đoàn nhà dòng tại nhà thờ trong khuôn viên của Đan viện.

Sau giờ kinh trưa, đoàn được dùng bữa cơm thân mật với Đức cha Giuse tại khu nhà khách.

Trước khi ra về, đại diện cho phái đoàn, cha Gioan Nguyễn Văn phủ có lời cảm ơn Đức cha Giuse đã giành thời gian để tiếp đoàn. Đáp lời cha Gioan, Đức cha Giuse nói: Tôi cám ơn Đức cha và quý cha đã tới thăm tôi ngay sau đợt tĩnh tâm của linh mục đoàn Hà Nội kết thúc. Mặc dù ở đây nhưng tôi vẫn hướng về Giáo phận Hà Nội và cầu nguyện cho mọi công việc của Giáo phận. Nói về sức khỏe ngài cũng cho biết, hiện tình ngài thấy đỡ hơn những vẫn chưa hoàn toàn bình phục...

Khoảng 13 giờ 30 phút, Đức cha Lôrenxô và quý cha chia tay Đức cha Giuse và quý cha nhà dòng lên đường trở về Hà Nội.
 
Các Câu Hỏi về Đại Hội Dân Chúa Năm Thánh 2010
Đại hội Dân chúa
11:07 17/11/2010
Xin cho biết nội dung, mục đích và ý nghĩa của Đại Hội Dân Chúa?

Cần đặt Đại hội Dân Chúa vào trong khung cảnh Năm Thánh 2010. Giáo Hội Công giáo Việt Nam cử hành Năm Thánh 2010 nhân kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận tông tòa đầu tiên, và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Năm Thánh 2010 là cơ hội để Giáo Hội Việt Nam nhìn lại quá khứ trong tâm tình tạ ơn, nhìn vào hiện tại để nhận diện tình hình Giáo Hội, và nhìn tới tương lai để xác định hướng đi.

Như thế, Đại hội Dân Chúa - với sự quy tụ các đại biểu của mọi thành phần Dân Chúa – là cơ hội để nhận diện tình hình Giáo Hội ngày nay và cùng nhau suy nghĩ cho hướng đi tương lai của Giáo Hội. Tất cả không nhằm mục đích nào khác hơn là xây dựng Giáo Hội theo ý Chúa muốn, và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời cho con người hôm nay trên quê hương đất nước Việt Nam.

Đại Hội Dân Chúa 2010 có giống như Đại Năm Thánh 2000 không, vì Năm thánh 2000 cũng có góp ý canh tân Giáo hội Việt Nam?

Giống nhau vì cả hai Năm Thánh đều thúc đẩy Giáo Hội sám hối và canh tân. Nhưng khác nhau vì Năm Thánh 2000 là Đại Năm Thánh cho cả Giáo Hội hoàn vũ khi bước vào thiên niên kỷ mới, còn Năm Thánh 2010 dành riêng cho Giáo Hội Việt Nam. Cũng vì thế, có những nét đặc thù của Việt Nam.

Sau Đại Hội Dân Chúa 2010, Ban Tổ chức có kế hoạch nào triển khai với những chương trình tiếp nối trong tương lai?

Sau Đại hội, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được đúc kết thành những đề nghị. Hội Đồng Giám Mục VN sẽ dựa trên những đề nghị này để biên soạn văn kiện hậu đại hội. Văn kiện này là nền tảng cho những chương trình và kế hoạch mục vụ của Giáo Hội VN trong tương lai.

Đại Hội Dân Chúa có sứ điệp gì cho Dân Chúa không?

Có. Sứ điệp này sẽ được công bố chính thức vào ngày cuối của Đại hội.

Thế nào là Dân Chúa? Anh em Công giáo Việt Nam hải ngoại có được xem là Thành phần Dân Chúa không? Họ có đại biểu tham gia Đại Hội Dân Chúa lần này không?

Hiện nay, người Công giáo Việt Nam sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới và tham gia tích cực vào đời sống của Giáo Hội tại địa phương đó. Thông thường các Hội Đồng Giám Mục tại mỗi quốc gia có Ủy ban Mục vụ Di dân để lo cho anh chị em di dân, trong đó có người Việt Nam chúng ta. Trong dịp đại hội này, một số vị giám mục phụ trách Ủy ban Di dân tại một số nước sẽ có mặt. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các vị đại diện khối Công giáo Việt Nam tại các nước đó, ví dụ linh mục Chủ tịch Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Tại sao Đại Hội Dân Chúa tổ chức từ ngày 21- 25/11/2010 mà không chọn thời điểm khác?

Theo lịch phụng vụ, ngày 24-11 hằng năm là ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tổ chức Đại hội vào thời điểm này làm nổi bật ý nghĩa “Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm nẩy sinh các Kitô hữu”; đồng thời thúc đẩy chúng ta biết trân trọng quà tặng đức tin mà mình đã lãnh nhận và nhiệt tình làm chứng cho niềm tin ấy. Ngày 24-11 cũng là ngày kỷ niệm việc thiết lập Hàng giáo phẩm VN. Cử hành Đại hội vào ngày này cũng nói lên ước mong của HĐGM muốn xây dựng Hội Thánh như lòng Chúa mong muốn.

Xin cho biết phương pháp làm viêc của Đại Hội Dân Chúa?

Đại hội kéo dài 4 ngày. Trong 3 ngày đầu tiên, mỗi ngày có một chủ đề, buổi sáng được dành cho các bài thuyết trình và tham luận của các đại biểu, buổi chiều dành cho thảo luận nhóm, sau đó đúc kết chung. Ngày cuối cùng được dành cho việc tổng kết Đại hội. Tất cả những ý kiến đóng góp đều được lưu lại làm tài liệu cho việc biên soạn văn kiện hậu đại hội.

Như vậy, Đại hội vận dụng phương pháp làm việc tập thể, tạo điều kiện và thúc đẩy sự tham gia của mọi thành phần Dân Chúa – qua các đại biểu của họ - vào việc xây dựng Giáo Hội.

Đại Hội Dân Chúa nhằm thu thập mọi góp ý canh tân của các thành phần Dân Chúa. Ban Tổ chức đã có cách nào thu thập và xử lý các ý kiến đóng góp của các thành phần Dân Chúa?

Những ý kiến đóng góp sẽ được đúc kết lại thành những đề nghị. Dựa trên những đề nghị này cùng với Tài liệu làm việc của Đại hội, Hội Đồng Giám Mục sẽ soạn thảo văn kiện hậu đại hội, làm nền tảng cho những chương trình mục vụ sau này.

Ban Thư ký của Đại hội sẽ chịu trách nhiệm về công việc này. Cách cụ thể, các thành viên của Ban Thư ký sẽ điều hành các buổi họp nhóm và đúc kết ý kiến của mỗi nhóm, rồi làm thành bản đúc kết chung cho từng ngày. Dựa vào những bản đúc kết thảo luận nhóm cùng với các bài thuyết trình, tham luận, biên bản mỗi ngày của Đại hội, Ban Thư ký sẽ đúc kết thành những đề nghị để gửi đến Hội Đồng Giám Mục.

Đại Hội Dân Chúa kỳ vọng đem lại những thành quả gì cho Giáo hội Việt Nam?

Theo Tài liệu làm việc, Đại hội “được kỳ vọng sẽ mở hướng cho Giáo Hội tại Việt Nam tiến bước trên chặng đường mới, giữa lòng một đất nước đang đổi thay nhanh chóng trong một thế giới cũng đang không ngừng biến chuyển”.

Thành quả trước mắt là Đại hội bày tỏ sự hiệp thông rộng lớn trong Giáo Hội Việt Nam, khi mọi thành phần Dân Chúa được liên kết với nhau trong Chúa và cùng thao thức trước sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước Việt Nam.

Ban Tổ chức có lời mời gọi nào để các thành phần Dân Chúa tham gia vào Đại Hội Dân Chúa lần này?

Ngay từ những tháng đầu của Năm Thánh 2010, Ban Tổ chức đã gửi đến các giáo phận và dòng tu bản Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ. Tại nhiều nơi, bản đề cương này đã được đem ra học hỏi, thảo luận, góp ý cho Ban Tổ chức. Từ những góp ý đó, Tài liệu làm việc hiện nay được biên soạn. Cho nên việc góp ý kiến của các thành phần Dân Chúa đã có từ đầu, và Đại hội là cơ hội để đóng góp ý kiến sâu sát hơn nữa.

Ban Tổ Chức Đại Hội Dân Chúa 2010 gồm những ai?

Hội Đồng Giám Mục VN trao cho Đức Hồng y Tổng giám mục Sàigòn trách nhiệm Trưởng Ban Tổ chức Đại hội Dân Chúa. Các Đức cha Mỹ Tho, Phú Cường, Phan Thiết là những thành viên trong Ban Tổ chức. Đức cha phụ tá Sàigòn là Trưởng Ban Thư ký đại hội.

Đấng Bản quyền nào chủ tọa Đại Hội Dân Chúa?

Mỗi ngày một giáo tỉnh chịu trách nhiệm làm chủ tọa đoàn: Ngày I là Hà Nội, ngày II là Sàigòn, ngày III là Huế. Ngày cuối cùng là ngày tổng kết sẽ do ba Tổng giám mục của ba giáo tỉnh chủ tọa.

Xin cho biết thành phần nào tham dự Đại Hội Dân Chúa?

Đủ hết mọi thành phần: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân.

Có thành phần Quan sát viên trong Đại Hội Dân Chúa lần này không?

Không.

Những thành phần nào có thể đóng góp ý kiến cho Đại Hội Dân Chúa? Các cộng đồng Công giáo Việt Nam hải ngoại có được góp ý không?

Ban Tổ chức mong muốn đón nhận ý kiến của tất cả mọi người Công giáo Việt Nam, trong cũng như ngoài nước.

Các ý kiến đóng góp có cần ghi rõ họ tên, địa chỉ tác giả không?

Dĩ nhiên, để Ban Tổ chức có thể trao đổi thêm, nếu cần.

Nếu góp ý qua mạng thì gửi đến trang mạng chủ đạo nào?

Ý kiến đóng góp gởi qua email, xin gởi về ykien@daihoidanchua.net.

(Nguồn: http://daihoidanchua.net)
 
Việt Nam: Một Giáo Hội bị ngược đãi phải tự chống đỡ một mình
Simon Roughneen / Đồng Nhân dịch
11:19 17/11/2010
Nhà cầm quyền Việt Nam đang cố gắng đè bẹp một cách lặng lẽ Giáo Hội Công Giáo hiện đang phát triển mạnh ở đây. Vậy Hoa Kỳ sẽ làm được bất cứ điều gì hơn là chỉ tỏ ý "quan tâm"?

HÀ NỘI, Việt Nam - Trong vùng Đông Nam Á, Việt Nam là nước có số giáo dân Công giáo đứng hàng thứ hai sau Philippines. Nhưng mọi sự dường như càng ngày càng trỏ nên khó khăn hơn cho Giáo Hội ở đây.

Vào ngày 6 tháng 11, Cù Huy Vũ, một luật sư mới đây tìm cách bảo vệ 6 dân làng Công giáo bị bỏ tù oan, chính ông cũng đã bị bắt giữ về tội "tuyên truyền chống nhà nước", theo tin trên đài truyền hình nhà nước.

Trong phiên tòa xét xử mình, sáu giáo dân Cồn Dầu-thuộc miền trung Việt Nam, đã bị (tòa) từ chối không cho có luật sư biện hộ, sau đó luật sư Cù Huy Vũ cũng noi với đài BBC rằng bản án đã được sắp đặt. Hiện không rõ đã có bất kỳ liên hệ nào giữa việc ông Cù bị bắt và nỗ lực của ông trong dự định bảo vệ sáu người kia.

Nhưng đã có một cuộc đàn áp những nhà bất đồng chính kiến chung tại Việt Nam trước Đại hội Đảng Cộng sản vào đầu năm tới. Những tháng gần đây có những luật sư, nhà báo và nhà hoạt động nổi tiếng đã bị bắt và bỏ tù, còn những người khác bị đặt trong tình trạng giám sát bởi nhà cầm quyền.

Phát biểu tại Hà Nội trong tuần vừa qua, trước khi góp tiếng với Phó Thủ tướng (VN) để tán dương sự phát triển trong mối quan hệ về mậu dịch và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam- ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng Hoa Kỳ "vẫn quan ngại về các vụ bắt giữ, và sự kiềm chế về tự do tôn giáo tại Việt Nam,"

Các nạn nhân Cồn Dầu là 6 trong số 59 người bị bắt sau khi đụng độ giữa khoảng 500 người Công giáo và người của nhà cầm quyền tại nghĩa trang giáo xứ Cồn Dầu hồi tháng 5 vừa qua. Giáo dân Công giáo khi đó đang đưa đám một bà lão 82 tuổi về nơi an táng trong nghĩa trang giáo xứ là nơi đã bị nhà cầm quyền địa phương trưng thu để xây khu du lịch.

Những buổi cầu nguyện cho các nạn nhân bị giam giữ đã được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi mọi người nghe đọc bức thư của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, trong đó thách thức sự hợp pháp của việc nhà cầm quyền tịch thu tài sản dân chúng. Đức GM cật vấn lý do tại sao nhà cầm quyền lại " xô đẩy những giáo dân Cồn Dầu hiền lành vào tình trạng bi thảm hiện nay, gây ra một cái chết, nhiều vụ bắt giữ, những người khác phải đối mặt với tổn thất toàn bộ tài sản." Bốn mươi dân làng chạy trốn sang Thái Lan sau khi sự việc xảy ra, nơi họ đang xin vào quy chế tị nạn.

Vụ Cồn Dầu chính là âm vang của vụ ở giáo xứ Thái Hà, nơi tòa khâm sứ Hà Nội được đặt ở đó cho đến khi cho đến khi bị nhà cầm quyền tịch thu vào năm 1954. Vào năm 2008, một buổi cầu nguyện quy mô lớn đã diễn ra ở đây. Cảnh sát đã sử dụng bạo lực để giải tán đám đông ước tính là 15 ngàn người, và, theo Ủy Ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, nhà nước đã gởi ra những tên côn đồ, với "một số mặc đồng phục màu xanh của Đoàn Thanh niên Cộng sản, để quấy nhiễu, đánh đập giáo dân Công giáo và phá hoại nhà thờ. "

Ông Lê Quốc Quân, một giáo dân ở Thái Hà, người trước đây từng bị giam giữ ba tháng, ngay sau khi ông trở lại Việt Nam vào đầu năm 2007. Là một luật sư, được học bổng năm tháng ở Washington tại Cơ quan Yểm trợ Dân chủ Quốc gia, đã nói: "Tôi không sợ".

Những cuộc che đậy bí mật trong rừng rậm

Nhìn từ cổng nhà thờ nơi có bức tường được giăng giây kẽm gai, ông Lê Quốc Quân chỉ tay về phía giáo xứ Thái Hà nơi (đất đai) đã bị xà xẻo xuống chỉ còn 1/4 của khu vực năm 1954, khi đất nước đã giành được độc lập từ tay người Pháp.

Trong khi phóng viên đi với một giáo dân ở bên ngoài khuôn viên nhà thờ vào giờ cao điểm, sát bên lề của một con đường chật hẹp nơi đang có những dòng xe tay ga và xe máy đan xen lẫn nhau để chở người từ sở làm về nhà, phóng viên này đã được báo cho biết là phải thậnt rọng vì người của nhà nước hiện vẫn đang canh chừng nhà thờ.

"Họ có tai mắt quanh đây," người giáo dân này nói thế, và yêu cầu giấu tên.

Phóng viên còn được nói cho biết là nhà cầm quyền muốn mở một bệnh xá cai nghiện Methadone do chính phủ Mỹ tài trợ ngay cạnh nhà thờ để tăng áp lực tâm lý lên các giáo dân.

"Ý họ là làm sao cho mọi người cảm thấy khó chịu với những con nghiện ma túy lảng vảng xung quanh cổng nhà thờ", ông Lê Quốc Quân nói vậy. Một trong những linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế của giáo xứ, với yêu cầu tên của ông không được nêu ra, nói rằng có những thủ đoạn khác đang được sử dụng, chẳng hạn như việc đại diện nhà nước phát tán (tài liệu) tuyên truyền ngay cạnh sân nhà thờ.

Tại nhiều nơi ở các vùng nông thôn, tình hình dường như tồi tệ hơn. "Ở Sơn Hạ, họ không được phép có một linh mục, vì vậy không thể có Thánh Lễ," linh mục này than vãn. "Chính phủ không công nhận họ là người Công Giáo."

Với nụ cười mang vẻ bạo dạn trẻ con, anh kể lại chuyện bí mật trốn vào rừng để gặp những người Công Giáo bị cấm không cho tiếp cận với một linh mục hay lãnh nhận phép bí tích một cách thường xuyên. Ông kể lại: "Chúng tôi cố gắng tìm một nơi nào đó yên tĩnh trong rừng, hoặc trong làng mạc nào đó, nhưng chúng tôi phải làm cho chắc ăn để không bị bắt gặp, nếu không công an sẽ làm cho người ngoài không thể ra vào được một vài nơi ở đây"

Những con số chính thức cho biết số dân Công giáo chỉ là hơn 6 triệu, nhưng điều đó có lẽ là một ước lượng thấp hơn thực tế.

"Giáo Hội ước tính rằng Việt Nam hiện có hơn 8 triệu người Công giáo", theo lời một linh mục ở Thái Hà, chiếm khoảng 10% dân số của Việt Nam.

Số người theo đạo ở xứ Thái Hà hiện cũng đang trên đà gia tăng, cũng, phù hợp với trào lưu trên tòan quốc.. Thanh Chu, 22 tuổi, là một trong số 200 người hiện đang chuẩn bị cho lễ rửa tội của cô, trước khi kết hôn với vị hôn phu người Công Giáo của mình.

"Trước khi tôi bắt đầu đến nhà thờ, tôi chẳng theo một tôn giáo nào cả," cô nói thêm rằng ngay "chúng tôi nghe rất nhiều tuyên truyền chống Công giáo." Hiện giờ, dưới sự hướng dẫn của ông Lê Quốc Quân, cô làm việc bên cạnh hàng chục sinh viên Công Giáo khác.

Một số những công việc này đã được tiến hành ngay phía sau nhà thờ, nhằm cung cấp phẩm vật cứu trợ gồm quần áo và thực phẩm đến những vùng lũ lụt ở nông thôn Việt Nam, nơi hơn 159 người đã thiệt mạng trong tháng qua.

Tất cả mọi người đều nói rằng những khổ nạn giáo xứ phải trực diện đã đem đến nhiều tiến triển rất tích cực "Có từ 15 đến 20 ngàn người đến đây để dâng Thánh Lễ mỗi thứ bảy và chủ nhật", theo lời ông Lê Quốc Quân. "Trước khi buổi thắp nến cầu nguyện ấy bắt đầu, chúng tôi chỉ có ba Thánh Lễ mỗi cuối tuần, bây giờ chúng tôi đã có đến 11 (Thánh Lễ)."

(Source: Simon Roughneen / NCR http://www.ncregister.com/daily-news/a-persecuted-church-left-to-fend-for-itself/ reprinted with permission from the National Catholic Register)
 
Cộng Đồng Công giáo Việt Nam Seattle - Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Nguyễn An Quý
13:19 17/11/2010
SEATLLE. Chúa Nhật ngày 14 tháng 11 năm 2010, một ngày vui đến với những người Công giáo Việt Nam tại Seattle, đó là ngày lễ Bổn mạng của Cộng Đồng. Hôm nay, những người Công giáo Việt Nam cư ngụ chung quanh thành phố Seattle và các vùng phụ cận đã cùng nhau hướng về ngày trọng đại của Cộng Đồng Công giáo Việt Nam, ngày mà Giáo hội Việt Nam cũng như người Công giáo Việt Nam lưu lạc trên thế giới đều mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam một cách long trọng, đặc biệt đây là ngày lễ quan thầy của Cộng Đồng Công giáo Việt Nam thuộc tổng Giáo Phận Seattle, nên hầu hết dân Chúa trong Cộng Đồng đã cùng nhau mừng đón ngày Bổn Mạng của Cộng Đồng một cách đặc biệt. Trong những ngày trọng đại của Cộng Đồng như hôm nay, số lượng giáo dân tham dự quá đông đảo nên Thánh lễ được cử hành tại một ngôi trường nằm ỏ vùng trung tâm, đó là trường AKI KUROSE middle School.

Mới 10 giờ 40 phút, tôi thấy Hội trường đã đầy kín các ghế ngồi, gần hai ngàn giáo dân ở rải rác trong Tổng Giáo phận Seattle từ phia Bắc như Everett đến phía Nam như Auburn và các vùng phụ cận đều đến tham dự ngày trọng đại của Cộng Đồng. Đúng 11 giờ chương trình diễn nguyện được bắt đầu. Nghi thức diễn nguyện do một số anh chị ca viên trong các ca đoàn và các em thiếu nhi trình bày gồm những hoạt cảnh diễn tả lại cảnh các vị anh hùng tử đạo Việt Nam đã hiên ngang chấp nhận những khổ hình, nhục hình mà họ đã can đảm đón nhận cho đến chết, với ý chí sắt đá quyết không bao giờ chối đạo. Đó là hình ảnh của Thánh Laurensô Ngôn, hình ẳnh Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành, hình ảnh Anrê Phú Yên, xen kẻ các hoạt cảnh vua quan xử các vị Thánh trên là những vũ khúc của các em thiếu nhi trình diễn khá điêu luyện. Kết thúc phần diễn nguyện là phần gợi nhớ về cuộc đời khổ ải trong lao tù của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với lời nguyện cầu xin cho công việc điều tra của Toà Thánh trong việc mở án phong Chân Phước cho ngài được hiển đạt, nghi thức diễn nguyện kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ.

Đúng 12 giờ 10, Thánh Lễ bắt đầu bằng ba hồi chiêng trống được ngân vang trong hội trường làm tăng thêm phần long trọng của Thánh Lễ. Ba hồi chiêng trống vừa dứt, nghi đoàn và đoàn đồng tế Thánh lễ tiến lên dâng hương trước lễ đài. Linh mục Phêrô Hoàng Phượng Chủ tế Thánh lễ, cùng đồng tế có linh mục Phaxicô Nguyễn Sơn Miên và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu.

Mở đầu Thánh Lễ, Cha Hoàng Phượng ngỏ lời chào mừng toàn thể Cộng Đồng dân Chúa tham dự Thánh lễ tạ ơn mừng ngày Bổn Mạng của Cộng Đồng hôm nay. Ngài nói: “tất cả là hồng ân mà Chúa đã thương ban cho Cộng Đồng chúng ta trong suốt cuộc hành trình 35 năm qua nơi xứ lạ quê người, hôm nay cùng với Giáo Hội Việt Nam và các Cộng Đồng Công giáo Việt Nam hải ngoại mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Cộng đồng chúng ta mừng lễ quan thầy bổn mạng của Cộng Đồng…” Trong bùi ngùi với giọng đầy cảm động ngài nói tiếp: “ thưa Quý ông bà và anh chị em, đây là lần cuối tôi dâng Thánh lễ tạ ơn cùng với Cộng Đồng, thứ sáu ngày 19 tháng 11 tôi sẽ đi nhận nhiệm vụ mới và cha Gioan Kim Đào Xuân Thành sẽ về làm chánh xứ tiên khởi giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của chúng ta. Cha Gioankim Đào Xuân Thành sẽ cử hành Thánh lễ nhậm chức vào Chúa nhật ngày 21 tháng 11 năm 2010 lúc 11 giờ 30, tức Chúa Nhật sắp đến theo quyết định của Đức TGM Brunett vừa ban hành ngày 5 tháng 11 vừa qua. Trong niềm vui của cuộc hành trình 35 năm thì đây cũng là niềm vui mà Cộng Đồng được đón nhận một hồng ân đặc biệt, đó là ngôi nhà thờ của Cộng Đồng được chính thức trở thành Giáo xứ thể nhân là Giáo xứ Các Thánh Tử đạo Việt Nam…”

Phần chia sẻ lời Chúa trong Thánh Lễ, ngài đã nhắc lại gương can đảm của các vị anh hùng Tử Đạo Việt Nam, ngài nói: “Giáo hội Việt nam đã trải qua thời kỳ bách hại suốt 300 năm từ thời Văn Thân, Cảnh Thịnh đến thời nhà nguyễn qua các triều đại Minh Mạng Thiệu Trị Tự Đức,.. Kính thưa quý ông, bà, anh, chị em, không những Giáo Hội Việt Nam chỉ có 117 vị anh hùng tử đạo đã được phong Hiển Thánh, mà trên tực tế Giáo hội Việt Nam đã có trên 130 ngàn vị anh hùng tử vì đạo.”

Khi đề cập đến gương cản đảm và đời sống đạo đức gương mẫu của các vị tử đạo, cha Phượng nói: “ngoài đời sống đạo đức và gương can đảm của các ngài, các vị lại là những mẫu mực trong đời sống đối với gia đình và xã hội, nhìn gương Thánh nữ Anê Lê Thị Thành, chúng ta thấy ngài là hình ảnh của một người mẹ biết thương yêu và biết hướng dẫn con cái đi theo đường lành, thánh sử kể lại: khi người con của bà là chị Lucia Nụ thấy mẹ bị hành hạ thì chị khóc nức nở, bà nói với con gái:

Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc”

rồi bà lại khuyên chị Lucia: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng …”

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cộng Đồng đã lưu luyến từ giả chào tạm biệt cha Hoàng Phượng. với chức vụ Tổng quản Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle, ngài đã phục vụ Cộng Đồng hơn 4 năm qua trong nhiệm kỳ 2006-2010, với đức tính hiền hoà, vui vẻ và tận tình phục vụ dân Chúa trong Cộng Đồng, nên ai cũng luyến tiếc khi hay tin ngài đổi đi nơi khác.. Một số các đoàn thể đã có quà lưu niệm, đặc biệt Cộng Đồng đã tặng ngài một món quà lưu niệm đầy lòng trìu mến với tất cả tâm tình giữa chủ chăn và đàn chiên. Đây là hình ảnh sau Thánh lễ, ngài đang đứng trước cửa hội trường, nơi vừa cử hành Thánh lễ và đang trân quý cầm món quà lưu niệm của Cộng Đồng đã kính tặng ngài.

Tuy bùi ngùi và luyến tiểc, nhưng niềm an ủi của toàn thể dân Chúa tại Seattle đó là niềm vui khi ngôi nhà thờ mẹ được chính thức nâng lên hàng Giáo xứ đúng với danh xưng mà ngôi nhà thờ này đã được Thánh Hiến ngày 10 tháng 7 năm 1988, nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nay là Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Giáo dân Việt Nam trong Tổng Giaó Phận Seattle.

Trong Lá Thư mục vụ hôm nay Chúa Nhật Lễ Các Thánh tử Đạo Việt Nam, có đoạn Cha Hoàng Phượng đã viết: “Với những giòng chữ trong Lá Thư Mục Vụ này, Con xin được nói lên lời: “ Cảm Tạ Hồng Ân Thiên Chúa” niềm tri ân Đức Tổng TGM Brunett, quý vị Linh mục, và Tu sĩ Nam Nữ Việt nam trong TGP Seattle cùng toàn thể dân Chúa trong Cộng Đồng Công giáo Việt nam TGP Seattle. Chủ đề Hội Chợ Hè 2010_ Tất Cả là Hồng Ân nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Cộng Đồng đã nói lên, không những sự chúc lành của Thiên Chúa trong Cộng Đồng chúng ta nói chung, nhưng còn là một hồng ân đặc biệt mà Thiên Chúa đã trao ban cho con trong suốt hơn 4 năm để được cùng sát cánh làm việc vơí quý cha, quý Tu sĩ và toàn thể dân Chúa trong Cộng Đồng…”

Thánh lễ chấm dứt lúc 1giờ 45 phút, mọi người lưu luyến ra về và hẹn gặp nhau vào bữa tiệc tiễn chân cha Hoàng Phượng và chào đón vị linh mục tiên khởi Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Seattle là cha Đào Xuân Thành, tiệc được tổ chức tại nhà hàng Jumbo chiều nay lúc 5 giờ.
 
Vài gương Thánh Tử Đạo Việt Nam: Những Bậc Thầy
Huỳnh Chấn Thinh
19:13 17/11/2010
Vài gương Thánh Tử Đạo Việt Nam: Những Bậc Thầy

Bài chia sẻ trong giờ Suy Tôn
Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Vùng Paris, ngày 14 tháng 11 năm 2010


Kính thưa quí Cha, quí thầy, quí vị tu sỉ;
Thưa quí ông bà cô bác và các em các cháu.

Hôm nay tôi được vinh dự thật lớn đến trình với quí vị vài mẫu chuyện tuyệt vời về các bậc tiền nhân anh dũng và thánh thiện của chúng ta để cùng nhau ta ngắm nhìn một vài trân châu bảo ngọc của đại gia đình giáo hội VN mình.

Vì thời giờ giới hạn, tôi xin chỉ nêu lên một vài tấm gương sống đạo tử đạo của 2 vị trong số 117 ông bà được ĐGH Gioan Phaolô 2 phong thánh ngày 19-6-1988.

Hôm ấy, Đức Giáo Hoàng long trọng giới thiệu các thánh chúng ta với cả trăm ngàn người có mặt, trước mặt ngoại giao đoàn đại diện cả trăm nước, trước rất nhiều ống kính truyền hình thu cuộc lễ chuyển vào hằng triệu gia đình khắp hoàn cầu. Ngài nói: Các vị thánh Việt nam « là những Bậc Thầy ». Mỗi lần đọc lại mấy lời nầy, trong tai tôi còn vang dội tiếng vỗ tay kéo dài rầm rộ của công trường thánh Phêrô.

Cũng trong mùa phong thánh, khi cộng đoàn Yvelines họp một ngày nghe kể chuyện để học hỏi về các thánh ông bà của chúng ta, có Đức giám mục Charles Thomas của giáo phận Versailles tham dự, vào giờ đúc kết, chính Đức Cha tuyên bố : « Tôi xin được làm học trò của các ông bà thánh thiện của anh chị em».

Những lời từ thật cao đem cho nhiều người niềm vui, hãnh diện khôn tả. Ai ai đều biết các thánh ta, từ linh mục qua thầy giảng, chức sắc, họ đạo, không ai có bằng cấp cao, không ai viết sách dạy đạo hay dạy đời, không ai có lập dòng tu hay hội từ thiện nào…Khác hẳn nhiêu vị thánh khác như Phanxicô, Têrêsa Cả, Augustin hay Têrêsa Hài Đồng đã được tôn là tiến sỉ, là bậc thầy của giáo hội.

Cũng không một vị nào trong các thánh ta được Chúa, Đức Mẹ hay một thiên thần nào hiện ra, dạy dổ, ủi an hay trao cho một sứ mạng đặc biệt như Bernadette ở Lộ-đức, ba trẻ chăn chiên ở Fatima v.v…Từ xa xưa, người ta thường cho rằng chỉ có những ông bà thánh thật sự mới được ơn thấy Chúa, Mẹ hiện ra.

Nhưng xem lại tài liệu xưa, tôi đã say mê như đi vào một kho báu. Không nhọc công lắm vẫn có thể lượm lặt nhiều trân châu bảo ngọc.

Như vài mẫu chuyện vui đem kể ra hôm nay để chúng ta, con cháu các ngài, ta kính, ta yêu, ta suy nghĩ và tự rút bài học noi gương sống đạo tuyệt vời của ông bà thánh thiện đúng theo Tin Mừng Ân Phúc của Thiên Chúa

KHÔNG AI THẤY CHÚA HIỆN RA NHƯNG ĐÃ ĐI TÌM VÀ GẶP CHÚA

Tôi đã thưa quí vị sẽ không thấy một vị nào được Chúa hiện ra dạy bảo như một số các thánh khác. Nhưng, ngồi ngay dưới ánh sáng Phúc âm, phải có thể thấy rõ các ngài đã ôm một trái tim bừng cháy mà đi tìm Chúa. Tìm và gặp. Gặp rồi chính tay mình dọn cơm nấu cháo, kho cá cho Chúa ăn, pha trà, sắc thuốc bưng tận miệng Chúa uống, giặt giủ áo quần cho Chúa, và cũng có khi cạo gió, đấm bóp cho Chúa theo cách người VN mình.

Người VN nhân lành, Thánh Hồ Đình Hy (1808-1857)

Ta thữ tưởng tượng Thánh Luca, vị thánh sử viết truyện ‘Người Samaritanô nhơn lành’ (Lc 10, 30-37) và Matthieu, vị thánh sử viết truyện ngày phán xét (Mt 25, 31-46), cùng với hai thánh Gioan và Marcô, cả bốn vị cặp nách 4 quyển Phúc Âm trở lại trên đời nầy, đi một chuyến công tác vòng quanh thế giới.

Để làm gì ? Thưa lập báo cáo về cách người đời sống Phúc âm. Khi đi một vòng trên đất nưóc VN, Thánh Luca không thể nào quên lật lại sách PÂ của ông, chưong 10, từ câu 30 đến 37 để cả 4 ông cùng đọc lại dụ ngôn của Chúa Giêsu về ‘người samaritanô nhân lành’, rồi bàn với nhau xem có người VN nào đem ra áp dụng hay không.

Chắc chắn thánh Luca và ba vi thánh Sử sẽ lưu ý tới một ông quan lớn VN là Hồ Đình Hy mà lòng yêu thương tha nhân đã được thể hiện tuyệt vời, phải nói là hơn người samaritanô xưa nhiều bậc.

Thật vậy, Hồ Đình Hy là quan lớn của triều đình, giàu sang phú quí. Được báo cáo có một cựu quân nhơn bị người ta khinh bỉ, xua đuổi, vì mắc bịnh giang mai ghê tởm (như là sida thời nay), cho nên lang thang rách rưới không còn chỗ tựa nương.- Thì quan lớn, không cần hỏi ‘nó có đạo không ?’ lập tức kêu người ta đưa anh ấy về nhà mình, bất chấp phản đối của vợ con.

Quan có nhiều tiền nhưng không giao y cho một ‘chủ quán’ nào săn sóc giùm, mà quan đem về nhà mình, cho ở một căn sau vườn, vì dầu sao quan cũng phải nể bà lớn phu nhân không chấp nhận cho y ở trong nhà. Rồi vợ con cũng không thèm ngó ngàng gì tới. Còn đầy tớ của quan không chịu phục vụ bất cứ việc gì cho y. Quan lớn đành phải vui lòng đích thân lo việc cơm cháo, thuốc thang cho người xấu số. Rồi còn ra tay lo việc tắm rửa, giặt giủ áo quần cho y. Y như làm cho Chúa (Mt 25,40).

Lòng từ bi thương người của quan lớn HĐHy đã hoán cải con người xấu số và anh ta đã xin được rữa tội theo Chúa Kitô, theo đạo của quan trước khi lìa đời.

Thưa quí vị, sau khi tìm đọc tài liệu quí nầy, tôi trầm ngâm, sung sướng, mắt lim dim trong lơ lững vài phút đẹp mơ, nghe thấy bốn thánh sử hỏi nhau ‘chúng ta sẽ viết tựa đề thế nào để lập báo cáo lên Thầy Chí Thánh về người Việt nam nầy’ ? Và Thánh Luca, tác giả truyện ‘người Samaritanô nhân lành’ đưa tay lên: « tôi lấy tựa: « Người Việt Nam sống Phúc âm tuyệt vời ».Thánh Mathieu thì góp ý: « Bậc Thầy cao vời Sống Phúc Âm ». Nghe tiếng vỗ tay rầm rô của ba thánh sử kia cùng với muôn vàn thần thánh hợp với Thầy Giêsu Chí thánh đã lay động đánh thức, kéo cẳng tôi, kêu tôi tỉnh mộng mau mau đi rủ anh chị em mình lo đăng ký làm học trò của ‘Người VN tuyệt vời’ nầy, đúng là một ‘Bậc Thầy’ tuyệt hảo của thời đại chúng ta.

Người cha nuôi nhân lành, Hồ Đình Hy

Rồi cũng quan lớn HĐHy. Đã xuất sắc đóng vai ‘người samaritanô nhân lành, cãi tiến như vừa kể, thi cũng diễn lại một cách tuyệt vời xuất sắc vai người cha trong dụ ngôn ‘Đứa con hoang đàng’ (Lc 15, 11-32) …….

Trong chuyện sống thật nầy, HĐHy đã làm gương khoan dung thứ tha cho một đứa con vô ơn bạc nghĩa. Mà nó chỉ là một đứa con nuôi, tên là Đạt, mà người ngoài nhìn vô coi như con ‘chuột sa hủ nếp’.

Sung sướng trong nhà quan một thời, đi đâu cũng vênh váo ta con nhà quan, Đạt bị nhều bạn xấu lợi dụng, rủ rê vào đường hoang dâm, trác táng.

Cho đến một ngày. Cạn túi. Rách rưới. Đói khổ. Cái thân tàn ma dại lết về gục ngã sau hè người cha nuôi. Như một nùi giẻ rách.

Van lơn năn nỉ lạy lục đầy tớ nhà quan « anh chị làm ơn, làm phước tâu quan lớn cho tôi vào quì lạy tạ tội » …

-«Dẹp mầy ra đi ! Đồ vô ơn bạc nghĩa ! Ngu hơn con bò ! »…Người nhà quan xua đuổi kẻ mà mấy năm trước họ đã tận tình phuc vụ như ‘cậu ấm’. Có lý thôi !

Đối với đạo đức truyền thống VN vô cùng trọng vọng nhân nghĩa, còn gì đáng ghét, có chi đáng khinh hơn cái thứ vô ơn bạc nghĩa làm hại thanh danh người ơn và gia đình…Vã lại, tên nầy chỉ là con nuôi. Ruột thịt gì mà phải bận tâm. Xã hội nào trách mình độc ác đối với cái thứ người như vậy.

Nhưng suy nghĩ của ông quan công giáo vượt cao nhiều bậc, trái ngược hoàn toàn lý lẽ thường tình của người đời.

Bởi vì người kitôhữu HĐHy nhận thấy nơi đứa con nuôi tội lỗi một con người mà tình ‘thương người như thể thương thân’ của đạo đức dân tộc và của giáo lý Phúc Âm dạy phải nâng đỡ cưu mang, như giúp đỡ chính Thiên Chúa. Bởi vì, trên hết và cần nhứt, có một linh hồn phải cứu vớt, có một hình ảnh Thiên Chúa bị tàn phá cần được phục hồi.

Cho nên HĐHy cho đón về cái xác tả tơi của đứa con nuôi khốn nạn.

Không hạ dê bò mở tiệc mừng, không kêu phường kèn vui ca mừng hát, mà lặng lẻ, y như người cha ruột tràn đầy yêu thương và tha thứ đúng theo Phúc Âm, người cha nuôi tức tốc lo chữa trị thằng con nuôi sa đoạ, chữa trị bịnh thân xác, chỉnh đốn tật linh hồn. Nuôi dưởng, ủi an, vun trồng lại trong óc trong tim người thống hối niềm hy vọng cãi hoá và cứu độ.

Thánh Philip Phan Văn Minh, linh mục (1815-1853)

( theo sách ‘HẠNH Cha MINH và LÁI GẨM Tử đạo là hai vị Á Thánh thứ nhứt Địa phận Nam Kỳ, in lần thứ hai,Tân định 1902) tác giả: L.m Matthêu Đức

Sau hết, xin kể mẫu chuyện nhỏ thôi trong rất nhiều chuyện rất hay về Thánh Philip Phan văn Minh, linh mục.

Đúng là ấn bản mới và cải tiến của dụ ngôn Mục tử nhân lành (Jn 10, 11)

Một hôm, quân lính vây bắt cha Lựu tại nhà ông trùm Lựu tại họ đạo Mặc Bắc ở miền Nam. Nhưng cha Lựu vừa được di chuyển đi nhiệm sở khác, cha Philip Minh thì mới đến thay cho nên chưa được biết tới. Lính liền bắt ông trùm Lựu, tra hỏi dữ tợn, và còn toan làm hổn, hành hung cả bà trùm.

Động lòng trắc ẩn, không muốn vì mình mà giáo dân phải bị hại, cha Minh tự khai tên tuổi và chức phận để nộp mình. Nhưng, thấy vị linh mục trẻ trung, mặt mày khôi ngô tuấn tú, cho nên nghi ngờ và do dự rất lâu trước khi trói cha bắt đi cùng với một số chức sắc họ đạo.

Cha đã noi gương Người mục tử Nhân lành sẳn sành thí mạng vì đoàn chiên’như Chúa đã kể trong Phúc âm. ( th’ Gioan, Jn 10,11).

Tha thứ cho kẻ làm hại mình

Tài liệu xưa cho biết vụ vây bắt Cha Lựu tại nhà ông trùm Lựu là do một Giuđa thời đại tên là Nhẫn cũng là người kitô hữu. Xấu nết, tham tàn, gian dối, y xin xõ, vay mượn khắp nơi để ăn chơi thoả thích. Bị Cha Lựu từ chối cho tiền, y tìm cách tố cáo và ăn tiền của công an để nộp cha. Nhưng chính hôm ấy, cha Minh sập bẫy. Cha Lựu về sau cũng sẽ bị bắt và tử đạo, cũng như ông trùm Lựu và cha Minh.

Nhiều giáo dân vô cùng bực tức cho nên bàn bạc lập kế trừng trị tên phản trắc. Biết được tin nầy, cha Minh vận dụng mọi cách kêu các anh em nầy vào thăm mình và làm mọi cách thuyết phục, khuyên can, nài nỉ họ lấy long quảng đại khoan dung đối với kẻ làm hại mình, đúng theo lời Chúa dạy.

Cha còn nhờ các anh em nhắn tin và giúp cho tên Nhẩn được phép vào thăm cha để cha khuyên lơn dạy dỗ. Trước lòng khoan dung đại lượng của vị mục tử nhơn lành và thánh thiện, tên Nhẩn đã vào lạy cha, tạ tội, và nhiều lần trở lại viếng thăm, nghe lời dạy dổ để hoán cải thành người lương thiện, dứt hẳn thói lưu manh ngang tàn và chấm dứt hẳn mọi cấu kết với phường gian ác.

Phải chăng một phép lạ ?

Cha Minh là một trong ít vị thông minh rất cao, khi chưa làm linh mục đã cọng tác với Đức cha Taberd ba năm liền để hoàn chỉnh cuốn ‘Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị’ (Dictionarium Anamitico-Latinum) (tiếng việt và tiếng latinh) ấn hành năm 1838. Với quyển tư vị nầy, chữ quốc ngữ của chúng ta đã hoàn chỉnh từ đó cho đến ngày nay.

Sử gia Trần Trọng Kim, trong quyển VN Sử lược, II, tr 263, nhìn nhận “Ngày nay cũng nhờ có chữ quốc ngữ ấy mà nuớc ta có một lối chữ riêng rất tiện”.

Về phía Hànội, sữ gia Nguyễn Khắc Viện thuộc Ủy ban Khoa học đã nhìn nhận (mà không bị kiểm duyệt) rằng chữ Việt ngày nay là công trình sáng tạo của người công giáo. « Avec le catholicisme fut créé le quốc ngữ »(Histoire du Vietnam, tr 96, Editions sociales. Paris 1974).

Đọc Hạnh Thánh Minh, chúng ta, con cháu, có thể tự hỏi phải chăng người xưa đã gặp một phép lạ lớn khi cải táng mồ thánh Minh ngày 6 tháng 5 năm 1870, 17 năm sau khi vị thánh tử đạo. Thật vậy, sách kể rằng khi ấy ba vi linh mục thừa sai và hai y sỉ Pháp đã nhận thấy óc của vị Thánh có tên Minh và rất thông minh được Chúa giữ cho còn nguyên vẹn.

Hài cốt được chứng nhận, niêm phong và giao cho nhà dòng Mến Thánh Giá Cái Mơng giữ gìn, cho đến năm 1900 thì đưa về chủng viện Thánh Giuse tại Sàigòn nhơn dịp Phan Văn Minh được phong Chân Phước.

Ước mong quí vị khi có dịp về Sàigòn, đến chủng viện th’Giuse xin kính viếng hài cốt thánh Minh và nhứt là bộ óc còn nguyên của vị thánh.

Kính thưa các Thánh, để kết thúc những phút thân tình hội mừng giờ nầy, con xin thưa rằng, đúng thật, quí thánh đã không ai viết để lại sách vở dạy dỗ chúng con, nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã tôn quí thánh là « Những Bậc Thầy » và còn có ông tây giám mục Charles Thomas « xin được làm học trò » của quí thánh. Bây giờ, cão thơm lần giở trước đèn, chúng con hãnh diện nhận ra gương sống Phúc Âm của quí ngài thật sáng ngời rực rỡ.

Lời nói nào hùng biện hơn, sách báo nào cao siêu bằng, và tình yêu nào quí trọng hơn thí mạng vì yêu, để yêu. Xin giúp chúng con can đảm bưóc đi theo các ngài, không bao giờ lạc khỏi con đường Tin Mừng Ân Phúc, dầu chỉ một centimètre.

Chúng con cũng nguyện cầu các thánh phù hộ đất nước thân yêu không bao giờ trở lại đường xưa lối cũ của thời bách hại đạo Chúa, đường lối mà một nhà cách mạng đáng kính là cụ Phan Bội Châu (1867-1940) đã phê trong quyển ‘Việt Nam Vong Quốc Sử’ là « đáng bỉ hơn hết »… « ức chế dân quyền, coi thường dư luận…thật là dã man, chính giáo, dân quyền càng ngày càng bị tước bớt, công luận không được mở rộng » …đưa đất nước tới chỗ suy đồi và mất vào tay ngoại bang. (‘Việt Nam vong quốc Sữ’ (tr 24-28).

Khẩn cầu các thánh cầu xin Đức Mẹ LaVang của chúng ta đoái thương đến nước Việt Nam của chúng ta./.

 
Đại Hội Dân Chúa: Xin giải thích một câu hỏi hay
Maria Vũ Loan
23:38 17/11/2010
Những ngày vừa qua, tôi có đọc được một số câu hỏi liên quan đến Đại Hội Dân Chúa, được đăng trên trang web của Tổng giáo phận Sài Gòn. Những câu hỏi được nằm trong ba phần rõ rệt là phần Mầu Nhiệm, phần Hiệp Thông và phần Sứ Vụ. Có một câu hỏi trong phần Hiệp Thông làm tôi chú ý và cảm thấy phấn khởi:

“3. Vai trò giáo dân trong việc huấn luyện các chủ chăn tương lai có cần thiết trong bối cảnh GH tại VN hôm nay không?”

Xin phép được giải bày một chút suy tư về câu hỏi mà tôi cho là khá đặc biệt và xin Đại Hội Dân Chúa giải thích thêm về ý cụ thể của câu này.

Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng khâm phục đối với người đặt ra câu hỏi này vì từ trong cái lõi của nó đã có một sự trân trọng giáo dân. Thật ra, từ lâu rồi, trong nhịp sống của Giáo Hội, giáo dân là một thành phần dân Chúa vừa âm thầm vừa tích cực. Âm thầm vì trong cơ chế tổ chức của Giáo hội, giáo dân qui tụ thành một cộng đoàn gọi là giáo xứ, đứng đầu giáo xứ là linh mục chánh xứ, vì thế, đã có một sự vâng phục tuyệt đối từ trong giáo dân đối với linh mục chăm sóc cộng đoàn. Còn tích cực thì sao? Thành phần nào trong dân Chúa cũng tích cực xây dựng và hòa nhịp cùng Hội Thánh, nhưng sự tích cực của giáo dân nổi rõ thành một bề mặt mang tính đơn sơ, tự nguyện; thí dụ, vị giám mục muốn xây dựng để hình thành một Trung Tâm Mục Vụ, với tất cả tiện nghi, lịch sự phục vụ cho sinh hoạt giáo phận thì người giáo dân nhận thư mục vụ và đóng góp bằng tất cả lòng yêu mến vì việc chung, nhưng cả khối người to lớn ấy đều mang một cái tên chung là “giáo dân”, ở trong một tư thế rất tích cực, nhưng thường thì mọi người chỉ chú ý đến “vị khởi xướng”! (ngay cả việc xây nhà thờ cũng vậy), khuyến khích con kiên trì trong ơn gọi…và còn nhiều việc tinh thần khác cũng tương tự.

Riêng việc “huấn luyện”chủ chăn có lẽ giáo dân không hề dám nghĩ đến, vì chỉ thường nghe “người giáo dân đóng vai trò thiết yếu trong sứ vụ truyền giáo của Giáo hội” mà thôi!

Nói như thế để mọi người hiểu rằng, bóng dáng người giáo dân có mặt khá nhiều trong các công trình (vật thể và phi vật thể) trong Giáo Hội. Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI đã nhắc nhở giám mục về những ưu tiên mục vụ liên quan đến việc huấn luyện giáo dân và sự góp phần của giáo dân trong hai lãnh vực giáo dục và gia đình, vì vậy đặt vấn đề “Vai trò giáo dân trong việc huấn luyện các chủ chăn tương lai có cần thiết trong bối cảnh GH tại VN hôm nay không?” là một suy nghĩ lạ, thăng tiến, và có ý muốn bộ mặt Giáo hội Việt Nam cân đối (dù rằng thực tế đã có Ủy ban Giáo dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam).

Chủ chăn tương lai là linh mục, là giám mục và là cả vị có chức hồng y nữa! Đến đây có người sẽ nghĩ rằng, giáo dân biết cái gì mà có một “vai trò” trong việc huấn luyện các chủ chăn, tốt nhất là “cầu nguyện” và nâng đỡ điều kiện học tập, làm việc cho các ngài mà thôi! Truyền thống vâng phục và kính trọng chủ chăn của người giáo dân trong Giáo hội nói chung và đặc biệt là Giáo hội Việt Nam nói riêng, đã khiến người giáo dân “không dám có ý tưởng mang một vai trò nào trong việc huấn luyện chủ chăn”, thậm chí có những điều bức xúc mà chẳng bao giờ dám nói ra, hay đệ trình lên người có trách nhiệm… Tuy nhiên, đó là hình ảnh của giáo dân “ngày xa xưa ấy”, còn trong bối cảnh Giáo hội tại Việt Nam hôm nay, bỗng dưng người giáo dân được có một vai trò trong việc huấn luyện chủ chăn, thì họ phải làm gì?

1 – Xin giải thích ý nghĩa của vai trò này?

2 - Các chủ chăn có “gốc gác” xuất phát từ gia đình giáo dân, vậy vai trò huấn luyện phải bắt đầu từ đâu?

3 - Vai trò ấy dựa trên một chức năng, trách nhiệm nào?

4 - Khi một người đã trở thành chủ chăn với những điều đã học tập tại Đại chủng viện và bản lãnh, khả năng trong đời sống thì đóng góp vai trò huấn luyện của giáo dân có cần nữa không; vì bối cảnh các giáo xứ, giáo phận chẳng bao giờ giống nhau?

5 - Tham gia vào việc huấn luyện trực tiếp hay gián tiếp có tùy theo góc độ? Cách thức trực tiếp? Cách thức gián tiếp?

6 - “Hãy là Kitô hữu xứng với danh hiệu!” vậy danh hiệu này liên quan gì đến việc huấn luyện các đấng các bậc chủ chăn?

7 – “Giáo dân là những người sống và tiếp xúc hằng ngày với trần gian” vậy Giáo hội có cần đến những kinh nghiệm thực tế, sự tinh tế trong đời thường mà giáo dân đã trải qua, để góp vào hành trang cho những vị chủ chăn tương lai không?

8 – Bản thân các vị chủ chăn tương lai có “chấp nhận” vai trò này không? (Giáo hội đặt để quí vị có mặt trong hành trình đào tạo tôi, tôi chấp nhận hay không là vấn đề khác)

Với suy nghĩ trên đây, tôi mong Đại Hội Dân Chúa giúp chúng tôi hiểu, là những người giáo dân, phải có những việc làm cụ thể nào để thể hiện rõ vai trò của mình trong việc huấn luyện chủ chăn tương lai trong bối cảnh khá đặc biệt của Giáo hội Việt Nam hôm nay.
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Xin Tạ Ơn
Trà Lũ
21:02 17/11/2010
Lá thư Canada: XIN TẠ ƠN

Rừng phong gần nhà tôi đang đổi mầu, đẹp vô cùng. Đầu xuân rừng khoác tấm áo mầu mạ non, mát mắt hết sức. Vào hè rừng mặc áo xanh biếc. Cuối thu, khi ngọn gió lạnh se sắt từ phương bắc thổi về thì tấm áo xanh biếc đổi sang màu vàng rực rỡ, rồi hồng, rồi đỏ, rồi đỏ tươi, rồi đỏ thắm. Tấm áo đổi màu khônh đồng đều, chỗ này hồng chỗ này tía, chỗ kia ngọc thạch, tùy vùng nhận ánh nắng. Từ xa ta thấy cánh rừng đẹp lộng lẫy. Rất đông du khách phương xa đang đến đây để chiêm ngưỡng rừng cuối thu. Du khách nào trên tay cũng lăm lăm máy ảnh, máy quay phim.

Các nhà khoa học cho biết rừng thu Canada đẹp vì nhờ những lá phong. Cây phong có mặt khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ cây phong ở Canada mới cho mật ngọt làm ra đường. Vì cái chất ngọt ngào này mà lá phong trở nên muôn sắc. Thi sĩ Lưu Trọng Lư mà còn sống và nhìn thấy rừng thu Canada thì chắc ông sẽ làm thêm hàng trăm bài thơ bất hủ nữa.

Nhìn rừng phong đổi màu thì dân Canada biết Lễ Tạ Ơn đã đến. Canada mừng lễ này sớm hơn Hoa Kỳ những một tháng. Canada cái gì cũng đi trước Hoa Kỳ, như lễ Độc Lập chẳng hạn. Lễ Tạ Ơn có gốc từ ngày xưa khi các di dân da trắng tạ ơn Thiên Chúa đã cho họ tới miền đất an lạc bằng an và đầy lương thực. Nhờ người Da Đỏ, họ đã có ê hề thực phẩm. Nào bí đỏ, nào bắp ngô, nào khoai lang.

Ba thứ trái này năm nào cũng được trưng bầy rất nhiều chung quanh bàn thờ nơi giáo đường của Cha Paolo. Cac cụ còn nhớ Cha Paolo của nhóm chúng tôi không ? Ngài là một linh mục Canada nhưng gốcÝ. Ngài theo cha mẹ sang Canada khi ngài 10 tuổi. Ngài vẫn còn dòng máu Ý trong người. Chính nhà thờ của ngài đã bảo trợ gia đình cụ Chánh từ trại tỵ nạn sang Canada. Vì cụ Chánh là tiên chỉ làng An Lạc của chúng tôi nên tất cả dân làng đều quen biết và yêu mến ngài. Tháng trước nghe tôi kể chuyện Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp một người Do Thái theo đạo Công Giáo, ngài khuyên anh nên tiếp tục sống cho trọn vẹn đạo Chúa, không cần phải bỏ đạo Chúa mà theo đạo Tây Tạng, cu Chánh liền bảo: Sao ông Cha Paolo giống y như Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thấy dân làng còn ngơ ngác thì Cụ Chánh kể: Khi gia đình tôi vừa từ trại tỵ nạn Pulao Bidong sang tới phi trường Toronto thì đã thấy Cha Paolo và ban giáo xứ của ngài chờ sẵn. Sau lời chào mừng và thăm hỏi thì ngài nói ngay: Chúng tôi đã biết rõ gia đình Cụ theo đạo Ông Bà, bởi vậy chúng tôi tuy đứng bảo trợ nhưng không hề có ý chinh phuc cụ và gia đình nhập đạo Công Giáo. Xin Cu và mọi ngươi hãy tiếp tục sống đúng tôn giáo của mình. Cụ Chánh nghe đến đây thì nước mắt ràn rụa rồi ôm lấy Cha Paolo. Cụ bảo xưa nay tôi không khóc công khai và chưa hề ôm ai, thế mà nghe Cha Paolo nói xong thì tôi không ngăn được xúc động. Từ đó đến nay, đã mấy chục năm, Cha Paolo vừa là ân nhân bảo trợ vừa là bạn của cả gia đình.

Năm nào cũng vậy, cả làng theo chân Cụ Chánh đi lễ Tạ Ơn ở nhà thờ Cha Paolo để bày tỏ long tri ân, tri ân Thiên Chúa, tri ân nước Canada, tri ân Cha Paolo và giáo xứ của ngài. Lễ xong bao giờ làng cũng được Cha đãi cơm ngay tại nhà xứ. Các cụ đoán được thực đơn bữa cơm truyền thống của Lễ Tạ Ơn rồi chứ ? Đã thành truyền thống nên bao giờ cũng có món gà tây, món bí đỏ, món khoai nghiền, và món bắp luộc. Năm nay thêm món mì spaghetti của Ý. Tráng miệng là 2 món rất Ý, đó là bánh tiramisu và biscotti. Cụ nào chưa biết hai món bánh này thì xin ghé qua một hiệu Ý mà ăn thử. Ngon quên chết.

. Sang đây, dự lễ Tạ Ơn này rồi tôi mới biết là trái bí ngô, bắp ngô, khoai lang có gốc từ Mỹ Châu, sản phẩm chính của dân Da Đỏ. Từ Mỹ Châu ba thứ này mới lan ra khắp thế giới. Báo chí vừa đăng hình một qủa bí ngô to hết sức, nặng 644 kí lô, do gia đình ông Jeff Reid thuộc bang Nova Scotia trồng. Các cụ đã thấy xứ Canada này là xứ thần tiên chưa, một hạt bí bé xíu mà cho một trái bí khổng lồ, 5 người ôm chưa hết một vòng. Xin hợp ý với người xưa tạ ơn Thương Đế.

Lại còn khoai nữa. Báo chí gần đây đã đăng rất nhiều bài ca ngợi khoai lang sweet patoto về công dụng chữa được trăm bệnh, nổi bật nhất là bệnh tiểu đường. Đúng như lời Chúa phán trong đầu sách Thánh Kinh: Rau cỏ và trái cây trong vườn chính là thuốc chữa bệnh cho các con.

Năm nay, ngoài việc tạ ơn Thượng Đế về các thực phẩm tươi tốt và sung mãn thường lệ, Canada còn tạ ơn về một hồng ân đặc biệt, đó là một công dân miền Québec được Giáo Hội Công Giáo Roma tôn vinh lên bậc hiển thánh ngày 17 tháng 10. Đó là Thánh Alfred Bessette, xưa nay quen gọi là Thày André ở Montréal. Các du khách khi đến Canada thì thường bao giờ cũng ghé Montreal, thủ phủ của miền nói tiếng Pháp ở Bắc Mỹ. Mà đến Montreal thì bao giờ cũng đến viếng đền Thánh Giuse quen gọi là Oratoire St.Joseph của Thày André.

Đọc tài liệu về Thánh Bessette này, ta mới thấy ThàyAndré qủa là bậc đại thánh. Ngài xuất thân từ một gia đình nghèo, mồ côi cha mẹ sớm, thất học, đã từ Montréal sang Hoa Kỳ làm nghề khuân vác, khi trở về Canada vẫn nghèo túng đói khát. Nhờ lòng đạo đức từ bé, sau khi nếm trải đủ mùi đau khổ ở đới, năm 28 tuổi ngài xin đi tu. Nhà dòng đặt tên cho ngài là Thày André và giao cho ngài công tác chính là canh cổng và làm them những việc chân tay như cắt tóc cho học sinh, quét dọn và giúp đỡ các bệnh nhân trong bệnh xá bên cạnh. Thày André có lòng tôn kính Thánh Giuse đặc biệt. Thày luôn luôn khuyên các bệnh nhân cầu khấn với Thánh Giuse. Nhiều người xin Thày cầu nguyện giúp. Thày đã giúp, Và rất nhiều người đã được chữa lành. Nhiều người đã được phép lạ. Tiếng lành đồn xa. Ai cũng chạy đến Thày André. Sau 40 năm canh cổng, thày André được bề trên cho phép làm một nhà nguyện nhỏ trên đồi để tôn kính Thánh Giuse. Danh từ Oratoire St Joseph xuất hiện từ đây. Ban đầu căn nhà thờ rất nhỏ và bằng gỗ. Sau này, khách thập phương tuôn đến và đã giúp Thày xây nên một ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ. Nhiều bệnh nhân khi đến đây cầu khấn, được Thánh Giuse chữa lành, đã bỏ lại nạng gỗ và gậy chống để làm chứng tích. Số nạng và gậy cũng như những bảng đá tạ ơn này nhiều vô vàn, nhiều y như bên hang đá Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp vậy. Thày André sống tới 91 tuổi. Khi Thày qua đời năm 1937, một triệu người đã đến viếng xác và thời gian phải kéo dài tới 6 ngày để mọi người có thể tới chào kính. Xác thày được mai táng phía sau bàn thờ. Du khách có thể tới viếng mộ ngài ngay trong thánh đường.

Kính mời các cụ phương xa mùa này tới xem rừng phong Canada, rồi tiện đường tới viếng mộ Thày André tức Thánh Alfred Bessette nha. Canada có nhiều cái đáng xem lắm.

Ngoài ra xin khoe các cụ tin Thế Vận Hội. Xứ này là xứ thể thao. Đầu năm 2010 Canada đã tổ chức Thế Vận Hội mùa đông ở Vancouver. Tháng Mười này Canada đã gửi một đoàn 255 lực sĩ đi tham dự Thế Vận Hội Khối Thịnh Vượng Chung tại Ấn Độ. Các cụ có biết người cầm cờ dẫn đầu đoàn lực sĩ Canada là ai không ? Thưa, đó là Cô Carol Huỳnh gốc Việt Nam. Sở dĩ cô Việt Nam này được tuyển chọn cầm cờ là vì trong Thế Vận Hội Mùa Hè 2008 tại Bắc Kinh cô đã đoạt huy chương vang giải đô vật nữ. Tại Ấn Độ, sau lễ khai mạc mà cô cầm cờ, Carol Hùynh lại đoạt giải đô vật huy chương vàng lần thứ hai, hạ đo ván cô Nirmala Devi một lực sĩ tên tuổi của Ấn Độ. Chung kết, Canada đoạt 26 huy chương vàng, 17 bạc và 32 đồng và đứng hạng thứ 4 sau Úc, Ấn và Anh. Đẹp qúa chứ.

Anh John trong làng tôi khi nghe tin vui về Cô Carol Huỳnh đã trêu vợ: Cô Carol thắng cô Ấn Độ chắc là vì cái gốc nước mắm VN. Rõ ràng nước mắm VN bổ dưỡng hơn món cà ri !

Cũng chưa hết tin vui về thể thao. Canada vừa được ủy nhiệm tổ chức Thế Vận Hội Pan-Am Games tức là Thế Vận Hội Liên Mỹ Châu vào năm 2015. Theo tin sơ khởi thì đã có 42 nước ở Mỹ Châu ghi danh tham dự và họ sẽ gửi một đoàn lực sĩ khoảng 1200 người. Nơi tổ chức là thành phố Toronto thân yêu này. Toronto là tiếng Da Đỏ, có nghĩa là ‘nơi gặp gỡ’. Phe ta đọc là ‘Tổ Rồng To’. Đúng qúa chứ. Người Da Đỏ là con Mẹ Âu Cơ, gốc tổ VN, nên xin gặp gỡ con cháu nơi này. Kính mời các cụ phương xa đến Toronto năm 215 nha.

Về mặt dân số, Canada vừa công bố có 34.108.000 người. Nơi đông dân nhất là bang Ontario 13 triệu, Quebec 7 triệu, British Columbia 4.5 triệu. Canada lớn hơn nước Việt Nam 30 lần mà dân số thì nhỏ xíu. Anh John trong làng tôi cứ bảo: Mai này mà các nhà khoa học chứng minh được người Da Đỏ có gốc Việt Nam thì dân VN cứ việc sang đây sống thoải mái, vì sang đất Da Đỏ là đất anh em nhà mình mà. Các cụ có nghĩ như chúng tôi không ?

Về thời sự thì có tin này mang nhiều ý nghĩa: Các cụ còn nhớ chuyện cô Anne Frank bên Đức không? Cái cô gái bé nhỏ gốc Do Thái phải sống trên một căn phòng nhỏ sát mái nhà để trốn Đức Phát Xít thời đệ nhị thế chiến ấy mà. Cô bé đã sống trong phập phồng lo sợ. Từng ngày, cô ghi chép cuộc sống vào nhật ký, và làm bạn với một cây dẻ cỏn con. Về sau cô bị phát giác, bị bắt, bị giam rồi chết trong tù.. Cây hạt dẻ của cô đã đi vào lịch sử. Người ta đã cố vun trồng và săn sóc cây dẻ này. Nó đã sống được 167 năm. Trước khi nó chết, người ta đã kịp nhân giống nó ra nhiều cây con. Và phân phát cây con lịch sử này đi khắp thế giới. Một cây hạt dẻ con đã được mang sang trồng ở thủ đô Canada, gần đài tưởng niệm các nạn nhân Phát Xít. Nghe nói một cây nữa cũng sẽ được trồng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Tin thời sự thứ hai là hạ tuần tháng Mười vừa qua, tại Toronto miền đất hạnh phúc của tôi có cuộc bầu cử đô trưởng và hội đồng thành phố. Người đắc cử đô trưởng là ông Robert Ford, 41 tuổi. Ông và em ông đều là nghị viên thành phố lâu năm. Cha ông là dân biểu tỉnh bang cũng lâu năm. Ông Robert Ford trước đây đã là là nghị viên thành phố 10 năm. Ông tự hào không ai biết rõ Toronto bằng ông. Ông ngứa mắt về nhiều việc Ông đã xắn tay áo ra tranh cử, và hứa sẽ làm cho Toronto thành một thành phố toàn bích. Nhất định ông sẽ cải tiến hệ thống chuyên chở công cộng, sẽ tối tân hoá xe bus và xe điện ngầm, sẽ làm luật cấm nghiệp đoàn lái xe bus và nghiệp đoàn đổ rác không được quyền đình công. Danh sách tranh cử rất dài, xứ này là xứ tự do dân chủ mà. Sau khi ông Ford được công bố thắng cử thì các ứng viên khác đều đến bắt tay chúc mừng và tuyên bố sẵn sàng cộng tác với ông. Điều này khác xa Việt Nam. Tôi nhớ ngày xưa tại quê mình, cứ mỗi lần có cuộc bầu cử và sau khi ban tổ chức công bố tên người thắng cuộc thì đa số các ứng viên khác đều tuyên bố không công nhận kết quả đầu phiếu, đa số đều tố cáo bầu cử gian lận.

Thành phố nhỏ Mississauga bên cạnh Toronto cũng có cuộc bầu cử cùng ngày, và ứng cử viên Hazel McCallion, 89 tuổi, đã thắng cử lần thứ 12. Tháng trước tôi đã trình các cụ về bà già gân này và ai cũng tiên đoán bà thắng cử tuy bà không hề đi vận động. Bà tuyên bố sẽ về hưu sau nhiện kỳ này. Tính ra bà đã làm thị trưởng liền tù tì từ năm 1978 đến nay, sơ sơ mới có 32 năm. Không biết trên thế giới có vị thị trưởng nào tại chức lâu như vậy không ?

Tôi xin kể thêm về ngày lễ Tạ Ơn trên đây. Vì bữa tiệc được đãi tại nhà xứ Cha Paolo nên dân làng đã phải nghiêm chỉnh mấy tiếng đồng hồ liền, ai cũng thấy mệt. Sau khi cám ơn và cáo từ Cha Paolo, tất cả dân làng kéo ngay về nhà cu Chánh và đòi cụ bữa tiệc thứ hai. Mấy bà thì tuy khen món gà tây lạ miệng nhưng không thích bao nhiêu. Các bà nhớ nước mắm và nhớ tiếng cười. Khi về tới nhà cụ Chánh, phe liền ông chúng tôi, tức các nhà quân tử trong làng đã họp hội nghị ở phòng khách để bàn các việc quốc sự, còn phe các bà thì chị chị em em tíu tít trong bếp. Loáng một cái các bà đã nấu xong nồi phở gà, Ngon ơi là ngon.

Ông OPD vừa ăn phở vừa cười ha hả. Ông bảo bữa nay làng ta thật hạnh phuc, trưa được ăn cơm Canada với gà tây bí đỏ, chiều được ăn cơm ta với phở gà nước mắm. Thiên đàng là đây chứ đâu xa. Tất cả chúng ta phải cám ơn Trời Phật đã đưa chúng ta tới xứ thiên đàng này. Sau khi cám ơn Trời Phật, tôi xin theo đúng truyền thống ở đây là ngỏ lời cám ơn các bà, đặc biệt các bà vợ. Nhiều ông ở đây đã gọi vợ mình là ‘ bà bề trên’, tôi nghĩ cái danh xưng này thật đúng. Các bà vợ thường được tán tụng trên văn đàn rất nhiều. Ngay ngày hôm qua, tôi được một chú em ở Hoa Kỳ gửi sang cho 2 bài thơ dài tán tụng các bà vợ. Nhân lễ Tạ Ơn, tôi xin trích đọc sơ sơ mấy đoạn chính:

Vợ là con Phật con Trời
Rẽ mây bước xuống làm người trần gian
Vợ là khối óc bàn tay
Vợ là bác sĩ tháng ngày trông ta
Vợ là nụ, vợ là hoa
Vợ là chồi biếc, vợ là mùa xuân
. . .
Kính vợ đắc thọ
Sợ vợ sống lâu
Nể vợ bớt ưu sầu
Để vợ lên đầu là trường sinh bất tử
. . .
Làm chồng muốn được ấm no
Việc gì quan trọng giao cho vợ nhà
Làm chồng khiêm tốn thật thà
Phải biết sợ vợ cửa nhà mới yên

Dân làng nghe xong thì vỗ tay ào ào, phe các bà gật gù ra vẻ bằng lòng lắm.

Anh H.O. liền nổi hứng bảo rằng các bà vợ chính là nguồn hạnh phúc thật. Còn các bà vợ bé, bồ nhí thì sao đây? Họ là nguồn hạnh phúc thật hay giả? Tôi xin kể các bạn nghe một câu chuyện vừa đọc trên liên mạng, không biết nhân vật trong chuyện này có hạnh phúc thật hay giả, chúng ta sẽ bàn chuyện này sau.

Rằng có một ông giám đốc kia đi làm về đang ngồi salon chờ cơm chiều, bỗng tiếng chuông điện thoại cell phone reo. Bà vợ đang làm bếp lắng tai nghe.

Giám Đốc: A lô

Bồ nhí: Em nhớ anh qúa!

: Biết rồi

Bồ nhí : Anh hôm nay sao vậy. Anh còn nhớ em hông?

: Nguyễn Văn Còn

Bồ nhí : Bà xã anh đang ở nhà hả?

GĐ: Vũ Văn Phải

Bồ nhí: Tối nay mình gặp nhau nha.

: Lê Văn Bận

Bồ nhí : Vậy khi nào gặp?

: Trần Văn Mai

Bồ nhí: Sáng hay chiều hả anh?

: Hoàng Văn Chiều

Bồ nhí : Mấy giờ anh yêu ?

: Đinh Văn Bảy

Bồ nhí : Vẫn ở khách sạn cũ hả ?

: Trần Y Nguyên

Bồ nhí: Cho em tiền như mọi lần nha

GĐ: Lê Văn Thuận

Bồ nhí: À quên, cho em thêm tiền để em mua cái áo đầm loại mới nha

GĐ: Hồ Văn Được

Bồ nhí: Anh hứa nha

: Ngô Văn Hứa

Bồ nhí: OK, ngày mai, buổi chiều, 7 giờ, ở khách sạn cũ, em sẽ chìu anh hết mình. Hun anh.

Giám Đốc tắt máy. Nói to tiếng, giọng giận dữ:

- Bực mình, có cái danh sách khen thưởng nhiêu người mà văn phòng hổng nhớ.

Dân làng vỗ tay khen chuyện hay, và các bà luận rằng ông giám đốc này không có hạnh phúc thật. Cái gì ăn vụng tuy có ngon nhưng không bao giờ là ngon thiệt tình, và không bền lâu. Ông ODP góp ý: Vì vậy người ta mới bảo vợ là cơm và bồ nhí là phở mà. Phải nhận rằng cái ông giám đốc trên đây thật là lanh trí và đóng kịch thiệt giỏi. Bà vợ nghe hết đối thoại mà đâu có ngờ. Tôi cũng có một câu chuyện về bồ nhí và anh chồng lanh trí như sau:

Có một ông chồng sau khi tan sở thì về nhà bồ nhí. Hai người du dương muì mẫn hết mình. Mãi 8 giờ tối ông chồng mới bò dậy được. Trong khi bận quần áo thì ông ta bảo cô bồ nhí đem đôi giày của ông ra chùi vào đám cỏ ngoài vườn và quẹt thêm chút đất vào nữa. Khi về tới nhà thì bà vợ hét lên:

- Ông đi đâu mà bây giờ mới về?

Ông chồng tỉnh bơ nói:

- Tui đến nhà bồ nhí du dương một tí bây giờ mới xong

Bà vợ nhìn xuống đôi giày rồi cười gằn:

- Nè, ông đừng qua mặt con gái già này nha, tôi biết ông đi chơi golf. Tôi đã cấm ông chơi golf mà sao ông cứ trốn tôi chơi, về nhà còn bày đặt nói đến nhà bồ nhí?

Dân làng nghe xong liền vỗ tay khen là chuyện hay, anh chồng lanh trí, che mắt được bà vợ. Anh H.O. lên tiếng: Xin được trở lại câu chuyện ông giám đốc và bồ nhí trên đây của tôi. Khoan nói về chuyện hạnh phúc thật với hạnh phúc giả, bây giờ xin đố cả làng: hai nhân vật trong chuyện là người Bắc hay người Nam ?

Ha, câu hỏi gay cấn đây, phải không các cụ. Cô Tôn Nữ liền nói: Chắc phải là Bắc Kỳ thì mới lanh trí và mưu mô như vậy. Cô Cao Xuân thì lắc đầu: cứ nghe lời điện thoại thì rõ ràng đây là ngôn ngữ Nam Kỳ. Các cụ có ý kiến gì không cơ? Dân làng nghĩ một chập rồi ai cũng gật dù đồng ý với cô Cao Xuân. Cụ B.95 lên tiếng:

- Hai người trong chuyện nói tiếng Nam mà, chứ có phải tiếng Bắc đâu. Tiếng Nam thì mới du dương như vậy, chứ tiếng Bắc Kỳ bây giờ hết du dương rồi, vì nó vừa lai giọng Tàu, vừa pha giọng Thanh Nghệ Tĩnh, khó nghe lắm.

Ông ODP nghe cụ B.95 nói xong liền cười hà hà rồi phát biểu:

Tiếng Miền Nam mới chính là tiếng Việt thuần túy và tinh ròng. Lời tôi nói có lạ tai các bác không cơ. Nghe như chuyện đùa mà là chuyện thực đây. Tội xin chứng minh. Người di dân đi tới đâu bao giờ cũng mang theo ngôn ngữ mẹ đẻ đến đó. Chứng cớ rõ ràng và hùng hồn nhất là tiếng Pháp đang nói ở bang Québec bây giờ. Đó chính là tiếng Pháp của thế kỷ thứ 17 khi những đợt di dân từ Pháp thời đó đem tới thuộc địa Canada này. Hiện nay nhiều người nói tiếng Pháp giọng Quebec khi sang tới Paris đã làm nhiều người Pháp ngạc nhiên vì nói khó hiểu qúa. Bởi vậy, năm 1954, dân Hà Nội di cư vào Nam đã mang theo tiếng tinh ròng Hà Nội vào. Còn ngoài đó, năm 1954, dân trong bưng, dân Thanh Nghệ Tĩnh, dân Thái Bình Nam Định ùa vào Hà Nội. Dân Hà Nội thiểu số còn lại tự nhiên phải tiếp thu một ngôn ngữ mới, giọng lơ lớ. Không tin các bác cứ hỏi Cụ B.95 đây mà xem

Cu B.95 gật gù: Đúng vậy. Hồi đó Hà Nội nhan nhản dân từ miền Trung ra, dân gốc từ quê Hồ Chí Minh, quê Võ Nguyên Giáp, quê Phạm Văn Đồng, họ nói giọng trọ trẹ khó nghe vô cùng. Rồi cái giọng trọ trẹ đó pha trộn với giọng miền biển Nam Định Thái Bình và đẻ ra cái giọng Hà Nội bây giờ. Các bác cứ nghe đài VN bây giờ thì thấy rõ.

Chị Ba Biên Hòa nghe đến đây thì sung sướng qúa sức. Chị nói lớn với anh John: Anh thấy chưa, chúng mình nói tiếng Miền Nam tức là tiếng Việt nguyên thủy và tinh ròng đó nha.

Cả làng phá ra cười và vỗ tay ầm lên. Thấy dân làng sung sướng như vậy thì Cụ Chánh chủ nhà vui mừng qúa chừng. Cụ bảo thiên đàng đâu có ở xa, thiên đàng là đây, nơi cái làng An Hạ này. Xin tạ ơn Thượng Đế đã đưa chúng tôi đến miền đất hạnh phúc. Chúng tôi trốn CS bỏ lại hết tài sản mà chạy trắng tay, ai ngờ được Trời dẫn đến miền đất an lạc và thịnh vượng Canada. Về già mà Chúa cho chúng tôi phúc đức đầy tay thế này.

Anh John lên tiếng: Cháu thấy Cụ giống y như ông giám mục Desmond Tutu ở Nam Phi mà báo Time vừa đăng. Các bạn biết không, số Time ra ngày 11 tháng Mười Một vừa qua viết một bài rất hay ca ngợi ông giám mục già Tutu, họ gọi ông là ‘ The Laughing Bishop’, một giám mục lúc nào cũng cười. Tiếng cười của ông đã mang bình an đến cho mọi người. Ông đã nói tiên tri rằng chế độ kỳ thị da mầu ở Nam Phi sẽ phải chấm dứt. Ông nói lời này trong đám tang nhà lãnh tụ Steve Biko ngày 25.11.1977, tức là 16 năm trước khi chế độ kỳ thị ở Nam Phi sụp đổ. Rồi anh John nhìn cụ Chánh và nói tiếp: Cụ ơi, xin cụ hãy nói tiên tri về chế độ Cộng Sản như giám mục Tutu đã nói về chế độ kỳ thị trắng đen đi. Bên Tàu, thủ tướng cộng sản Ôn Gia Bảo đã lên tiếng cảnh báo chế độ đỏ phải thay đổi, không phải ông chỉ nói một lần mà những 8 lần. Bên VN nghe đâu cũng đã rục rịch. Xin Ơn Trên phù hộ quê hương Việt Nam.

Cụ Chánh được anh John ca ngợi như vậy thì bối rối. Cụ bảo cụ không dám nói tiên tri, nhưng xin nói những gì đang nghĩ trong đầu: Chúng ta hãy cảm tạ Ơn Trên đã cho chúng ta được hạnh phúc như thế này, và hãy dem cái hạnh phúc đang có mà chia sẻ cho những ai chưa có. Hãy bắt chước nhà triệu phú Karl Rabeder bên Áo. Ông Rabeder đang bán tài sản để giúp đỡ những người nghèo ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. Ông tuyên bố với báo chí là ông đã tìm được hạnh phúc thật sau khi rũ bỏ tất cả những gì mình làm sở hữu chủ.

Các cụ nghĩ sao về lời trên đây của Cụ Chánh ? Riêng cá nhân tôi thì tôi nghĩ rằng cụ Chánh đã đến bên cổng Thiên Đàng.




 
Lũ về
Trầm Thiên Thu
21:25 17/11/2010
Từng giờ nước lũ dâng cao

Cuốn trôi tất cả, đồng bào tang thương

Ôi, thuong biết mấy miền Trung

Xin mưa bớt để nắng vàng lung linh

Lũ ơi! Đừng nỡ vô tình

Đồng bào trôi nổi bồng bềnh khổ đau

Màn trời chiếu đất sớm chiều

Khát khao bớt nỗi lao đao tháng ngày

Lũ ơi! Đừng nỡ đọa đày

Trẻ, già chịu cảnh đắng cay nhiều rồi

*

Lâm râm thầm nguyện Chúa Trời

Độ trì, nâng đỡ những người miền Trung
 
Cỏ May
Trầm Thiên Thu
21:40 17/11/2010
Ngày xưa hóa thành kỷ niệm. Kỷ niệm quay quắt mãi trong tôi. Kỷ niệm vẫn ngọc ngà dù bâng khuâng. Ôi cái thời mà ông bà ta thường nói “17 bẻ gãy sừng trâu” ấy…!

Vừa dừng xe trước cổng, tôi chợt thấy một người đi bộ cùng lề nhưng ngược chiều về phía tôi.

– Cô bé ơi! Cho tôi hỏi thăm.

Nghe tiếng “cô bé”, tôi đã muốn lộn ruột lên rồi.

– Cái gì? Tôi như vậy mà bé hả?

– Không phải. Thôi thì… cô lớn vậy.

– Ông hỏi gì? – Giọng tôi khô như ngói.

– Cô biết quán cà-phê Tầm Duyên ở đâu, làm ơn chỉ dùm.

Tôi “nực nội” không chịu nổi. Chỉ tay lên trên cổng, tôi đanh đá:

– Mắt ông có so le không? Tấm biển lớn thế kia mà không thấy?

Hơi ngước lên, ông dợm cặp kính cận:

– Xin lỗi cô, tôi sơ ý vì vội. Nhờ cô chỉ giúp nhà bà Tư Huỳnh.

– Đó, ông đi tới thêm khoảng 40m nữa. Bên trái, nhà cổng xanh.

– Cảm ơn cô.

Thứ người gì vô duyên không chịu được. Cái thị trấn nhỏ bằng bàn tay này, nửa quê nửa tỉnh, có gì mà không biết chứ? Nước đó có mà… ế vợ. Vô phước mới lấy lầm “của nợ” đó.

Nhà trường thông báo đổi giáo viên sinh ngữ, tôi tò mò hỏi nhỏ Khuyên:

– Ê, giáo viên Anh văn mới là thầy hay cô, mày?

– Thầy.

– Sao mày biết?

– Thế mới hay. Muốn tao làm mai không?

– Con lạy mẹ. Đùa vừa thôi. À, mà ỗng có điển trai không?

– Coi tạm được. Mà mày hỏi làm gì? Kỳ!

Chuông reo vào học. Tiết đầu. Cả lớp hồi hộp chờ giáo viên mới. Tôi hết hồn hết vía khi thấy thầy hiệu trưởng chỉ tay cho “ổng” đi vô lớp tôi. Cả lớp lao xao đứng chào. Ông trầm giọng mà không có lấy nửa môi cười, dù chỉ là nhếch mép (chắc hẳn thuộc loại ế vợ khó tính).

– Các em ngồi xuống. Tôi được chuyển công tác về đây và phụ trách môn Anh văn lớp này. Nghe nói lớp 11A khá lắm.

Cả lớp rào rào như mưa:

– Vành Khuyên giỏi Toán, thưa thầy.

– Tầm Duyên giỏi Anh văn lắm, thầy ơi!

– Thôi, các em trật tự đi.

Có tiếng vọng lên:

– Thầy cho chúng em biết tên ạ!

– À, xin lỗi các em. Tôi quên. Tôi là Nguyễn Việt Nam.

Cả lớp lại lao xao:

– Tên thầy hay quá. Nghe rất… Việt Nam.

Cuối lớp có tiếng nam sinh xen vào:

– Em tên America, thưa thầy.

Lúc này ổng mới chịu hơi nhếch mép. Được nước, lớp lại ồn lên:

– Thầy bao nhiêu tuổi ạ?

– Ba mươi. I’m out of date.

– No, You’re still young, not old.

– Thầy có wife chưa?

Ổng khoát tay:

– Cả lớp trật tự. Chuẩn bị kiểm tra bài cũ nha.

Tự nhiên tôi run lạ. Trống ngực đánh liên hồi. Nhỏ Khuyên kề tai tôi nói khẽ:

– Thầy là anh họ tao đó.

– Hèn chi…!

Tay thầy đưa xuống, rồi đưa lên chầm chậm, và bất chợt dừng lại.

– Đỗ Lê Tầm Duyên.

Chúa ơi! Cái vần D quái quỷ. Tôi thầm nguyền rủa. Nghĩ đến hôm trước, tôi càng run dữ tợn, mặt tái nhợt như trúng gió. Nhỏ Khuyên hỏi:

– Sao vậy, Duyên?

Tôi lắc đầu, thở dài như trút “độc khí” trong người ra rồi cầm vở lên kiểm tra. Nhìn cặp mắt kiếng mà… thấy ghét! Thấy tôi, thầy nhẹ giọng:

– Oh, you’re Tầm Duyên?

Thầy quay lên bảng viết: Yesterday, I meet a young girl is beautiful but furious. Thầy nói:

– Em coi có gì sai không?

“Dễ ẹc”, tôi nghĩ. Tôi biết ổng “chơi” tôi. Tôi càng lấm lét đứng như trời trồng.

– Em làm bài đi.

Tôi ấp úng:

– Thưa… thầy, “meet” phải ở quá khứ là… “met”, và sau girl phải có… đại từ quan hệ là… “who”.

– Tốt. Mời em về chỗ. Let bygones be bygones!

Nghe thầy nói vậy, tôi thấy nhẹ mình hẳn đi như trút được ngàn cân. Coi lầm lì vậy mà… cũng được!

Thời gian trôi thật nhanh. Tôi chẳng biết mình “không bình thường” từ bao giờ. Nhỏ Khuyên và tôi thân nhau từ hồi học cấp I. Hai đứa thường rủ nhau lên đồi phía sau thị trấn dạo chơi vào những buổi chiều đẹp trời. Thi thoảng có cả thầy Anh văn đi nữa. Dọc con đường mòn lên đồi mọc đầy cỏ may. Mỗi khi về là tha hồ mà nhặt. Nhặt không xuể phải lấy dao mà cạo. Cỏ may hoang dại mà lại thơ mộng. Hay chỉ thơ mộng với tôi? Thầy bình dị chứ nào có gì hấp dẫn, vậy mà tôi lại thấy mến thầy lạ thường. Hay tại tôi có chút máu văn chương nên “mê” những bài thơ thầy đăng báo?

Chỉ một tuần nữa tôi đi du học tự túc. Nghĩ đến ngày xa xứ, tôi cảm thấy buồn da diết, cộng thêm điều gì đó vu vơ khó tả. Chiều nay chủ nhật đẹp trời, thầy cùng tôi lên đồi. Không có nhỏ Khuyên vì nó đi công chuyện đột xuất. Nắng vàng nhạt. Cỏ may khẽ lay trong gió hiu hiu. Bất chợt tau tôi chạm phải “vật thể lạ”. Tôi run nhẹ, xao xuyến đầu đời con gái.

– Chiều buồn quá hả Duyên?

– Dạ.

Ngưng một chút, tôi tiếp:

– Mai mốt… thầy… nhớ viết thư cho… Duyên nha.

– Em phải viết trước mới biết địa chỉ chứ?

– Dĩ nhiên rồi. Nhưng… anh… anh nhận thư là phải viết cho Duyên liền đó.

– Lỡ bận không viết ngay được thì sao?

– Bận cũng phải viết. Nếu không… “người ta” không học nổi đâu. Viết nhiều mới chịu đó!

Anh chỉ khẽ gật đầu. Người gì mà lúc nào cũng trầm mặc, lạnh lùng như vậy đó! Ghét thì ghét mà sao tôi thấy rất buồn khi xa anh. Đôi tay tôi đau nhẹ trong tay anh. Không hiểu sao hôm nay anh lại “liều” đến vậy. Tay tôi cứ ngoan ngoãn nằm gọn trong tay anh.

– Em ráng học để mai mốt về giúp ích cho đất nước, em nhé!

Tôi “dạ” rất khẽ. Sao anh không nói gì khác? Con gái thường khó hiểu đã đành, anh là con trai mà sao cũng khó hiểu vậy? Tôi muốn nói nhiều nhưng ngại vì là con gái. Ai lại…? Anh không hiểu hay cố ý không hiểu động thái con gái?

Chuyến bay sắp cất cánh. Vẫn không thấy anh đâu. Nhỏ Khuyên chạy đến vội trao cho tôi lá thư:

Tầm Duyên mến,

Hãy giữ nhánh cỏ may này như một kỷ niệm nhỏ nhoi và đơn sơ nhất. Và hãy thông cảm cho một người không đến tiễn em được vì lý do nào đó khó nói. Chúc em đi bình an và học giỏi. Hy vọng nhánh cỏ may sẽ là nhánh may mắn cho em trên con đường tương lai trong những ngày xa xứ.

See you again,

NGUYỄN VIỆT NAM

Sống mũi tôi chợt sè cay. Và hình như có vị mằn mặn ở đầu môi. Có một loại cỏ không tên giống như cỏ may đang nhẹ găm vào trái tim tôi, vừa nhoi nhói vừa êm ái. Lẽ nào…!?

Sau bảy năm xa xứ, tôi trở về quê hương khi tiết trời đang vào xuân. Hoa cỏ có vẻ cũng tươi đẹp hơn. Nắng như tơ vàng óng ả. Không biết anh ở đâu. Không nghe Nhỏ Khuyên nói gì, mà hỏi thì… ngại thí mồ! Tôi đã báo tin trước cho anh cả tháng trời kia mà? Lá thư cuối anh gởi cho tôi cách nay đã gần một năm qua. Anh rất khác những người tôi đã gặp. Trong anh có điều gì đó huyền bí quá. Tuy anh khô như cát sa mạc và lạnh như nước đá cục, thế mà tôi vẫn thấy nhớ nhớ gì đó. Hình như vẻ băng giá của anh đã làm tim tôi hóa mềm. Nghịch lý kỳ lạ! Lẽ nào câu anh nói lần kiểm tra “Let Bygones Be Bygones” như lời tiên tri của anh sao? Không. Cỏ may vẫn mọc đầy mà!

Khoảng trống trong tôi không thể lấp đầy. Những bước chân vô tình cứ đưa tôi đi. Ngọn đồi xưa thay đổi nhiều với thời gian và mưa nắng, nhưng cỏ may vẫn lay lay trong gió như vẫy gọi kỷ niệm, vẫy gọi ký ức, nhưng thời gian không quay trở lại! Tôi mơn man những nhánh cỏ dại mà nghe lòng mình chợt hoang vu, vàng võ như vạt nắng cuối chiều. Có lẽ nhờ anh mà tôi đã thay đổi, nữ tính hơn, không ngang bướng như ngày xưa nữa. Tôi chợt cười một mình.

Đã một tuần qua vẫn không thấy tin anh. Tôi càng thấm buồn dù trời đang vào xuân. Buổi chiều, Khuyên ghé nhà tôi và bắt tôi hứa đủ thứ. Tôi bực mình và hứa đại cho xong. Khuyên cười nhìn tôi và đưa tôi lá thư ngắn gọn:

Tầm Duyên,

Nghe Khuyên nói Duyên về nhưng tôi còn chút việc chưa xong. Ba ngày nữa tôi sẽ về thăm dì Tư Huỳnh, nhỏ Khuyên và gặp Duyên nữa. Tầm Duyên đừng giận nha!

NGUYỄN VIỆT NAM

Tôi không giấu được niềm vui. Tôi cười và nhìn Khuyên. Bất chợt tôi ôm Khuyên:

– Cảm ơn mày!

– Cảm ơn suông vậy sao? Đền ơn cái gì cho tao chứ?

Tôi nhéo Khuyên:

– Con nhỏ này! Ghẹo tao hả?

– Nhưng…

– Nhưng gì chứ?

– Trước sau gì mày cũng biết. Tao biết mày có cảm tình đặc biệt với anh Nam, nhưng…

– Con nhỏ này! Cứ nhưng nhị hoài. Mày sao vậy?

Khuyên có vẻ nghiêm túc, tôi hối:

– Có gì mày cứ nói. Tao hiểu mà.

– Mày đi du học được vài tháng thì anh Nam nhập đại chủng viện. Ngày 20/12 tới, anh Nam sẽ được thụ phong Linh mục, Đức Hồng Y chủ tế tại Nhà Thờ Đức Bà.

Tôi quá bất ngờ. Vui buồn lẫn lộn. Cảm giác khó tả. Tôi nhỏ giọng:

– Sao không thấy ai nói gì cho tao biết?

Khuyên nắm tay tôi:

– Anh Nam không muốn. Mà tao thấy anh Nam làm như vậy để mày an tâm học, và anh cũng an tâm theo Chúa. Mày đừng trách anh ấy!

– Không. Tao hiểu mà. Mày đừng lo.

– Mai mốt mày đi dự lễ không?

Tôi hóm hỉnh:

– Có chứ sao không?

Hai đứa cùng cười. Chợt xa xa vọng lại giai điệu nhẹ nhàng ai đó vừa bật lên bên nhà hàng xóm, tiếng ca ngọt ngào gieo mầm thánh thiện: Bỏ Ngài con biết theo ai, trời lộng gió cánh chim ngàn khơi, trùng trùng sóng gió mênh mông, thuyền buông lái biết trôi về đâu…

Tôi không tránh được thoáng buồn, nỗi buồn len lén nhẹ nhàng trong từng ý nghĩ, nhưng tôi thầm cầu cho anh trọn bước đường theo Chúa để dẫn đưa các linh hồn về cho Chúa. Tôi mỉm cười và nói:

– Ê Khuyên, lên đồi chơi với tao chút, tới tối về ha?

– Không. Mày đi một mình đi.

– Thôi mà, năn nỉ mà, đừng làm eo với tao chứ!

Hai đứa tung tăng lên đồi. Giáng sinh đang về, mùa xuân cũng đang về êm đềm và diệu kỳ. Ý Chúa thật nhiệm mầu. Tình yêu cũng nhiệm mầu như một phép lạ, nhưng tình yêu cao thượng đã vượt lên tất cả mọi thứ tầm thường trần tục. Lòng tôi chợt ấm áp và giao mùa. Hình như trời đất cũng đồng cảm với tôi…
 
Xin cúi xuống những mảnh đời
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
23:26 17/11/2010
Tôi đau lòng nghe anh cất giọng rất cao to

Rằng không thế lực nào bắt ta bỏ đạo!

Lại đọc đó đây lời anh đạo mạo:

“Thời bây giờ ta giữ đạo khỏe re”

*

Có những người dù phải sống xa quê

Vẫn canh cánh nỗi lòng bên xứ cũ

Sao anh ở trong lòng quê lam lũ

Mà chẳng hề chia bớt những vết đinh?

*

Anh chưa một lần thắp nến cầu kinh

Cho anh em Thái Hà gian lao oan trái

Cho Cồn Dầu buồn đau đi tìm lẽ phải

Cho Tam Tòa, dân máu đổ nhuộm hồng?

*

Chung quanh anh bao sắc thắm hương nồng.

Làm sao thấy xa kia nhiều khổ lụy.

Anh có nghe Đồng Chiêm và Loan Lý.

Và có buồn ngày Đức Tổng bước đi?

*

Ngày lại ngày anh dâng lễ ngắm suy,

Đời bảo bọc trong chăn êm nệm ấm.

Rồi hội họp, rồi bao linh đình yến tiệc

Anh có nghe ngoài kia đói lạnh Lazarô?

*

Anh bảo bây giờ sắc lệnh chẳng còn đâu

Không ai bảo dân mình phải quá khóa.

Nhưng anh ơi nơi Tây nguyên rừng trút lá

Khóc chủ chăn bị đối xử hung tàn.

*

Sao kể hết cho anh bao đau khổ lan tràn?

Hãy ra đi, khỏi tháp ngà cùng châu báu,

Hãy quên đi những lời ru huyền ảo.

Để cúi mình trên bất hạnh của dân.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Bướm Vàng
Trầm Tĩnh Nguyện
10:23 17/11/2010
HOA BƯỚM VÀNG

Ảnh của Trầm Tĩnh Nguyện (Việt Nam )

Bướm vàng đậu cánh hoa vàng,

Anh về anh đậu cô nàng quê anh.

(Trầm Tĩnh Nguyện)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ?nh Ngh? Thu?t và Chiêm/Ni?m/Thi?n