Ngày 17-11-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Làm chứng cho Chúa hôm nay
Lm Đan Vinh
06:45 17/11/2017
Chúa Nhật 33 Thường niên A
Lễ các thánh Tử đạo Việt Nam (24/11)
2 Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Ga 12,20-32

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 12,20-32

(20) Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp. (21) Họ đến gặp ông Phi-lip-phê, người Bết-xai-đa miền Ga-li-lê và xin rằng: ”Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su”. (22) Ông Phi-lip-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-lip-phê đến thưa với Đức Giê-su. (23) Đức Giê-su trả lời: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! (24) Thật, Thầy bảo thật anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (25) Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất. còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. (26) Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy. (27) Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. nhưng chính vì giờ này mà Con đã đến. (28) Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: ”Ta đã tôn vinh danh Ta. Ta sẽ còn tôn vinh nữa !” (29) Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: ”Đó là tiếng sấm !” Người khác lại bảo: ”Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !” (30) Đức Giê-su đáp: ”Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì Tôi, mà vì các người. (31) Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngòai ! (32) Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”. (33) Đức Giê-su nói thế để ám chỉ người sẽ phải chết cách nào.

2. Ý CHÍNH:

Khi mấy người Hy-lạp đang ở Giê-ru-sa-lem yêu cầu các môn đệ cho được gặp Đức Giê-su, thì Người tuyên bố rằng: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh !” Sau đó, Người dùng hình ảnh một hạt lúa mì chỉ phát sinh thêm nhiều bông hạt khác nếu nó tự hủy đi. Cũng vậy, Người cũng sẽ phải trải qua sự chết rồi mới được vào trong vinh quang phục sinh. Về phần các môn đệ, các ông cũng cần phải đi con đường của Người: Ai coi thường mạng sống mình ở đời này, sẵn sàng thí mạng sống mình vì Đức Giê-su, thì sẽ có sự sống vĩnh cửu ở đời sau như Người đã hứa: “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”.

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1.LỜI CHÚA: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. (Ga 12,23-24).

2.CÂU CHUYỆN:

1) LOÀI NGƯỜI AI CŨNG SỢ CHẾT:

Một bác tiều phu đi đốn củi. Đốn được một bó to sắp mang về thì bác bỗng chợt nghĩ thấy đời mình sao khổ quá, tuổi đời cứ tăng lên, sức khoẻ thì sút đi, mà gánh nặng gia đình vẫn không đổi thay, lại thấy nhiều người chẳng phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền. Bác mới kêu lớn lên: "Ước gì tôi được gặp Thần Chết!"
Bác vừa nói xong thì thấy Thần Chết đứng ngay trước mặt, tay cầm lưỡi hái, miệng hỏi: "Ông lão muốn điều gì?" Bác lập cập trả lời: "Bó củi to nặng quá! Nhờ ngài đưa giùm lên vai tôi".
Thế đó, dù khổ đến đâu, sự sống vẫn luôn được yêu quý hơn mọi giá. Nhưng dù có quý trọng và giữ gìn đến đâu, cái chết vẫn là một sự thực không ai có thể phủ nhận được: "Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số?" (Tv 49,9-10)

2) CUỘC TỬ ĐẠO CỦA THÁNH AN-RÊ TRẦN AN DŨNG LẠC

Trần An Dũng Lạc sinh năm 1795, gia đình ngoại giáo nghèo khó ở Bắc Ninh. Lớn lên, cậu theo cha mẹ đến xứ Kẻ Chợ sinh sống. Tại đây, cậu được một thầy giảng nhận làm con nuôi và cho ăn học. Cậu được chịu phép rửa tội và nhận tên thánh là An-rê. Sau đó cậu đáp lại ơn gọi dâng mình cho Chúa và theo học tại chủng viện Vĩnh Trị. Thầy An-rê được thụ phong linh mục vào năm 1823 khi được 28 tuổi. Từ khi thụ phong linh mục, cha An-rê được sai đi giúp xứ. Ở đâu cha cũng nêu gương sáng đạo đức qua cuộc sống khổ hạnh. Ngoài những ngày giữ chay theo luật định, cha còn tự nguyện giữ chay thêm suốt cả Mùa Chay và các ngày Thứ Sáu Thứ Bảy hàng tuần. Nhờ đời sống đơn sơ khiêm hạ và khắc khổ như vậy, nên cha đã gây được thiện cảm của những người chung quanh và thành công trên bước đường tông đồ: qua cha, nhiều tội nhân đã được ơn giao hòa với Chúa và nhiều người lương đã tin vào Chúa và xin gia nhập đạo.

Khi đạo Công Giáo bị bách hại gắt gao thời vua Minh Mạng, cha An-rê Dũng đã phải trốn lánh ở nhiều nơi. Một lần kia ở Kẻ Roi, khi vừa dâng lễ xong thì bị quan quân vây bắt và được giáo dân chuộc về. Sau đó cha đã đổi tên Trần An Dũng thành Trần An Lạc. Lần thứ hai cha bị bắt ở xứ Kẻ Sông khi đang xưng tội với cha Phê-rô Thi. Hai cha bị quan quân đòi tiền chuộc tới 200 quan tiền. Nhưng giáo dân chỉ quyên góp được một nửa số tiền nói trên, nên chỉ mình cha Lạc được thả. Rồi cha lại bị đám lính khác bắt mang về huyện giam chung với cha Phê-rô Thi và cả hai được áp giải về Hà Nội.

Hôm sau, quan án cho điệu hai cha ra công đường tra xét và bắt phải bước qua Thánh Giá để tỏ ý bỏ đạo. Nhưng thay vì làm theo lệnh quan, hai cha lại cùng quì xuống hôn kính Thánh Giá và nói: “Không bao giờ chúng tôi chối Chúa và bỏ đạo cả. Chúng tôi đã suốt đời hy sinh vất vả đem Chúa đến cho người khác, thì lẽ nào bây giờ lại hèn nhát chối bỏ Chúa !”. Trước sự bất tuân của hai cha, quan tức giận sai lính đem nhốt các ngài vào ngục thất và làm thành án gửi về kinh. Suốt thời gian ở trong tù, hai cha luôn cầu nguyện và ăn chay hãm mình, xin Chúa cho được ơn bền đỗ đến cùng. Tuy giáo dân được phép thăm nuôi hằng ngày, nhưng hai cha yêu cầu họ đừng đem đồ ăn ngon đến, và nếu bữa nào có thịt cá thì các ngài lại cho các bạn tù hoặc cho lính canh.

Ngày 21 tháng 12 năm 1839, hai cha đã chính thức nghe án lệnh xử trảm của nhà vua. Rồi hai cha bị điệu ra pháp trường Cầu Giấy ở Hà Nội. Đến nơi, các ngài cầu nguyện ít phút, rồi cúi đầu cho lý hình dễ dàng thi hành phận sự. Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã tôn phong các ngài lên hàng chân phước tử đạo vào ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại nâng các ngài lên bậc hiển thánh. Hội Thánh cũng chọn làm lễ kính “Thánh An-rê Trần An Dũng Lạc Và Các Bạn Tử Đạo” hay lễ kính “Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam”.

3) THÀY GIẢNG AN-RÊ PHÚ YÊN SẴN SÀNG CHẾT VÌ DANH CHÚA:

Một thanh niên 19 tuổi bị tuyên án tử hình mà không được nói một lời để bào chữa mình. Người tuyên án là quan trấn tỉnh Phú Yên. Vào tháng 7 năm 1644 vị quan này từ triều đình nhà vua về, đem theo sắc lệnh cấm đạo và bắt đầu giam một ông già tên rửa tội là Anrê, rồi sai một toán lính đến nhà vị thừa sai Đắc Lộc để bắt thầy giảng số một là Inbaxu. Khi toán lính xông vào nhà tìm thầy Inbaxu thì chỉ gặp người thanh niên Phú Yên là người mà Cha Đắc Lộ đã rửa tội được ba năm và đã từng cho đi theo để giúp dạy giáo lý. Người thanh niên này đã can đảm nhận hết các tội chúng gán cho thầy Inbaxu và các thầy giảng, nên bị chúng trói lại và điệu đi. Anrê Phú Yên vui vẻ theo toán lính và trong suốt quảng đường không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết đường tránh hỏa ngục hầu hưởng phúc Thiên Đàng.

Nhờ sự can thiệp của cha Đắc Lộ và một số thương gia người Bồ Đào Nha, ông già Anrê được tha bổng, còn Anrê Phú Yên thì không. Người thanh niên cường tráng này dám cương quyết thà chết chẳng thà bỏ đạo nên sẽ phải chết để nêu gương cho mọi người biết vâng lệnh nhà vua. Vậy lính dẫn Anrê Phú Yên tới thửa ruộng cách thành phố chừng nửa dặm. Mặc dầu đeo gông nặng, Anrê đi rất nhanh đến nỗi cha Đắc Lộ theo không kịp. Tới nơi hành quyết, thầy giảng trẻ tuổi Anrê quỳ xuống để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác chung quanh không cho ai vào phía trong cả, nhưng viên đội trưởng cho phép cha Đắc Lộ được đứng cạnh thầy. Cha thấy rõ mắt thầy Anrê nhìn trời cao, miệng luôn hé mở và kêu danh thánh Giê-su.
Một người lính lấy giáo đâm thầy từ phía lưng, thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Khi ấy thầy nhìn cha Đắc Lộ như để vĩnh biệt và cha khuyên thầy nhìn lên trời là nơi thầy sắp được Chúa Giê-su đón vào cõi phúc. Từ giây phút đó thầy chăm chút nhìn lên và không còn nhìn xuống nữa. Người lính rút lưỡi giáo ra đâm phát thứ hai, rồi đến phát thứ ba, hắn cố ý đâm trúng tim anh nhưng vẫn chưa chết. Thấy thế, một người lính khác lấy mã tấu chặt vào cổ anh, anh vẫn chưa xong, phải thêm một nhát thứ hai đầu anh mới lìa khỏi cổ, máu chảy tràn lai làng. Hành quyết xong, toán lính kéo nhau ra bờ sông để rửa các vết máu. Cha Đắc Lộ nhặt đầu anh gói lại kỹ càng như một báu vật, còn xác anh ngài tẩm liệm gởi xuống tàu buôn đưa về Macao chôn cất. Ngài biết đây là một thánh nhân, cần tôn trọng thi thể để ngàn đời lưu danh.

3. SUY NIỆM:

1) TỬ ĐẠO LÀ CHẤP NHẬN CON ĐƯỜNG “QUA ĐAU KHỔ VÀO TRONG VINH QUANG”:

Đức Giê-su đã tiên báo: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Rồi Người kêu gọi : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,22-23).Người tiên báo : “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Lời tiên báo này đã được ứng nghiệm trong Hội Thánh như sau:

- Ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: Vào năm ba mươi tuổi, Đức Giê-su đã thi hành sứ vụ đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Các đầu mục Do thái do không tin Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, nên tìm mọi cách để chống lại Người: Họ tố cáo Người lộng ngôn phạm thượng khi dám gọi Thiên Chúa là Cha “Ab-ba” (Cha ơi), và con xưng mình là Con Thiên Chúa; tố Người đã nhờ tay Quỷ Vương mà trừ quỷ; Tố Người phạm luật “hưu lễ” khi hành nghề chữa bệnh trong ngày Sabat; Tố Người đã xách động quần chúng không nôp thuế cho chính quyền Rô-ma... Cuối cùng họ đã bắt Người và kết án tử hình cho Người trong Thượng Hội Đồng Do Thái, rồi nộp Người cho quan Tổng Trấn Phi-la-tô và làm áp lực để ông này phải kết án tử hình thập giá cho Người.

- Ứng nghiệm nơi các Tông đồ: Sau lễ Ngũ Tuần, Các Tông đồ được đầy ơn Thánh Thần đã bắt đâu chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem đến tận cùng thế giới là thủ đô Rô-ma. Các ông đã bị bắt bớ dánh đòn và bị kết án tử hình. Trong số 12 tông đồ thì ngoài Gioan bị chết già, còn các vị khác đều bị giết chết vì danh Chúa Giê-su. Tông đồ Phê-rô bị đóng đinh ngược và tông đồ Phao-lô bị chém đầu tại thủ đô Rô-ma.

- Ứng nghiệm nơi Hội Thánh Sơ Khai: Giáo Hội Chúa Ki-tô đã trải qua gần 300 năm bị bách hại do người Do Thái và do các hoàng đế Rô-ma. Đến triều hoàng đế Công-tăng-tanh đạo mới được sắc chỉ tha và sau đó còn trở thành quốc giáo. Trong suốt thời gian ấy, các tín hữu đã phải trốn tránh dưới các hang hố đào trong lòng đất, gọi là các hang toại đạo tại thủ đô Rô-ma. Rất nhiều Tông đồ và giáo dân đã bị bắt bớ, xử tử, nhất là dưới triều hoàng đế Nê-rông.

- Ừng nghiệm nơi Hội Thánh Việt Nam: Ngay từ thế kỷ 16, các vị thừa sai ngoại quốc đã đi theo các đoàn thương thuyền vượt biển từ các nước Âu châu đến Việt Nam giảng đạo theo lệnh Chúa truyền. Nhưng vua quan nước ta thời đó do thiếu khôn ngoan và hiểu biết, đã đồng hóa đạo với đế quốc xâm lược, và ra nhiều sắc chỉ cấm đạo. Phong trào Cần Vương, Văn Thân thời đó đã khích động dân chúng đi phá các làng theo đạo, đốt cháy nhiều nhà thờ và bắt bớ các vị thừa sai, các đạo trưởng và những người có uy tín trong đạo… Rất nhiều tín hữu phải bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn và sản nghiệp để chạy trốn vào những nơi rừng thiêng nước độc để bảo toàn mạng sống và để giữ vững đức tin. Đã có hàng trăm ngàn tín hữu bị bách hại trong thời kỳ này: Họ bị phân sáp thành vài ba người và phải vào ở giữa làng người lương. Nhiều làng Công Giáo bị đốt phá, nhiều nhà thờ bị triệt hạ. Trong số các tín hữu bị giết hại ấy, Hội Thánh sau khi điều tra đã tôn phong một số vị có đầy đủ hồ sơ chứng tích vào hàng ngũ các thánh Tử Đạo Việt Nam.

2) TỬ ĐẠO LÀ SẴN SÀNG CHỊU CHẾT VÌ ĐỨC TIN ĐỂ BIỂU LỘ LÒNG YÊU MẾN CHÚA:

- Một trong những thử thách mà vua quan ngày xưa áp dụng là đặt một cây thánh giá dưới đất rồi truyền cho các tín hữu bị bắt phải bước qua. Ai bước qua thánh giá là dấu công khai bỏ đạo thì sẽ được tha. Ai kiên quyết không bước qua thì bị coi là ngoan cố nên sẽ bị hành hình đến chết. Nhưng chính thái độ sẵn sàng chịu chết này lại là bằng chứng của lòng mến Chúa tột đỉnh.

- Trong số 117 vị thánh Tử Đạo Việt Nam có 8 Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo Dân, một phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành, mẹ của sáu người con. Các ngài thuộc đủ mọi thành phần xã hội, lứa tuổi, ngành nghề như: công chức, thương gia, công nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ, trùm họ v.v. Trong số đó, có một số nhà truyền giáo “ngoại quốc” như người Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý… đã đến Việt nam truyền đạo và đã được phúc tử vì đạo.

- Các ngài đã phải chịu mọi cực hình như: gông cùm xiềng xích trong cũi, bị voi giầy, bị trảm quyết (chặt đầu), xử giảo (thắt cổ), bị thiêu sinh (bị đốt cháy trong lửa đến chết), bị lăng trì (phân thây ra từng mảnh), bị bá đao (bị chém bằng trăm nhát đao), bị chết rũ tù (Chết bệnh trong thời gian đang ở tù)… để biểu lộ lòng mến tột đỉnh như lời Chúa phán: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

3) MUỐN ĐƯỢC TỬ ĐẠO PHẢI CHẾT CHO TỘI LỖI VÀ SÔNG LẠI TRONG ƠN CHÚA:

- Không phải chỉ có việc chịu chết là trở thành thánh tử đạo: Thực vậy, trước khi can đảm chịu chém đầu tại pháp trường hay trung thành chịu chết trong chốn ngục tù, các thánh tử đạo đã phải là những người chồng người vợ chu toàn bổn phận đối với gia đình và xã hội; Đã phải là những người con hiếu thảo với cha mẹ; Đã phải là những người lính dũng cảm sẵn sàng bảo vệ quê hương; Đã phải là những thầy thuốc và lý trưởng có tinh thần phục vụ cao… Vì người ta sẽ không thể là công dân của Nước Trời, nếu không là công dân tốt ở trần gian.

- Mừng kính các thánh Tử đạo Việt Nam là dịp nhắc nhở chúng ta sống niềm tin yêu trung kiên trong mọi tình huống gặp phải. Đừng vì gặp chút khó khăn mà đã chán nản bỏ đạo. Đừng thất vọng khi nhìn thấy gương xấu của một vài vị mục tử. Vì “Con người nhân vô thập toàn”: Trong thửa ruộng Hội Thánh trần gian vẫn luôn có cỏ lùng mọc chen với lúa tốt. Ngay trong hàng ngũ mười hai Tông Đồ do chính Đức Giê-su tuyển chọn và huấn luyện cũng vẫn có một Giu-đa phản bội bán nộp Thầy cho kẻ thù với giá ba mươi quan tiền.

4) LÀM CHỨNG BẰNG LỐI SỐNG VỊ THA NHÂN ÁI VÀ KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ:

- Làm chứng cho Chúa bằng sự thực thi giới răn yêu thương theo Lời Chúa dạy:

Không phải một sớm một chiều mà từ một con quỷ xấu xa có thể biến thành một vị thánh từ bi nhân ái, mà người ta chỉ có thể nên thánh với thời gian tập luyện: “Cây xiêu theo chiều nào thì sẽ đổ theo chiều ấy”. Kinh nghiệm cho thấy thực trạng người ta để có thể thay đổi: Khi xã hội và thời thế thay đổi, thì nhiều tín hữu cũng lập tức chối bỏ đức tin chỉ vì miếng cơm manh áo, vì muốn có địa vị cao trong xã hội, hay muốn được tự do hưởng thụ những lạc thú thấp hèn. Nguyên nhân chính yếu là do các tín hữu đó đã không tin cậy vào ơn Chúa giúp, và không học sống theo Lời Chúa dạy. Ngôi nhà Đức tin của họ mới chỉ được xây trên nền cát, nên dễ bị lún sụt khi hoàn cảnh khó khăn như mưa bão lũ lụt xảy ra.

- Ngày nay chúng ta cần làm chứng cho Chúa và tránh thành kẻ phản chứng thế nào? :

+ Trong môi trường xã hội hôm nay, chúng ta chỉ chiếu sáng đức tin hay làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu bằng lối sống yêu thương, luôn tha thứ và khiêm nhường phục vụ tha nhân.
Trong gia đình, vợ chồng sẽ làm chứng cho Chúa bằng cách vun sới tình yêu bằng sự tôn trọng lẫn nhau, cha mẹ quan tâm nuôi dạy con cái nên người. Con cái hiếu thảo vâng lời cha mẹ. Học trò làm chứng cho Chúa bằng việc chăm chỉ học hành, đạt thành tích cao. Các cầu thủ bóng đá hay các môn thi đấu chỉ làm chứng cho Chúa khi đạt thành tích cao được tuyên dương thăng thưởng.

+ Trái lại, chúng ta sẽ “chối đạo”, sẽ “đạp lên thánh giá ” và trở thành kẻ phản chứng:
Khi ta quá ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, mà không biết quảng đại cho đi và khiêm nhường phục vụ.
Khi ta chỉ lo tìm kiếm tiền bạc và chức quyền bất cứ giá nào, dù phải vi phạm giới răn của Chúa.
Khi ta thụ động trước những bất công và thờ ơ trước những người khổ đau bất hạnh bên cạnh.
Khi ta không giữ lời thề chung thủy vợ chồng, để chiều theo đam mê hưởng thụ lạc thú bất chính.
Khi cha mẹ nhẫn tâm giết con bằng các phương pháp ngừa thai nhân tạo hoặc nạo phá thai.
Khi ta sa đà vào bàn nhậu say xỉn để bàn chuyện làm ăn bất chính, hơn là đi dự lễ Chúa Nhật.
Khi ta nuôi lòng hận thù tha nhân, và không chịu làm hòa và tha thứ theo lời Chúa dạy.
Khi ta thoả hiệp với thế gian, cố tình bịt tai nhắm mắt không dám lên tiếng bênh vực công lý.

4. THẢO LUẬN:

1)Tại sao đạo Công Giáo luôn bị người đời thù ghét bách hại ?

2)Tử đạo là sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Chúa (x. Cv 1,8). Mỗi người chúng ta phải làm chứng cho Chúa thế nào trước mặt anh em lương dân ?

5.NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU VỊ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Xin cho chúng con luôn giữ đức tin của mình, giữ được vị mặn của muối, tác động của men… để đem đến cho trần gian một sức sống mới và một tinh thần mới của Thánh Thần, để cộng tác với Chúa thánh hóa trần gian nên Trời Mới Đất Mới.

- LẠY CHÚA. Xưa Chúa đã dạy các môn đệ : “Anh em sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về trần gian”. Xin cho chúng con hôm nay đừng bao giờ bỏ Chúa để chạy theo những cám dỗ của thế gian, ma quỉ và xác thịt. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: “Con nhà tông không giống lông, cũng giống cánh” để chúng con luôn sống xứng đáng là những con cháu của các anh hùng Tử Đạo Việt Nam. Xin cho chúng con luôn chiếu ánh sáng tin yêu trước mặt người đời: Biết nở nụ cười thân ái mỗi khi tiếp xúc với tha nhân; Luôn cởi mở đi bước trước làm quen với những người mới gặp; Động viên an ủi những ai đang bị rủi ro ; Khiêm nhường phục vụ những người đau yếu bất hạnh, để chúng con nên chứng nhân Tình Thương của Chúa và giúp đưa nhiều người về làm con Chúa trong Hội Thánh.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


 
Sức mạnh và sức sống của đức tin
Lm GB Nguyễn Minh Hùng
06:51 17/11/2017
Lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam

Hơn 2.000 năm trước, Chúa Giêsu đã phán cùng các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).

Từ sau ngày Chúa Giêsu phác lệnh truyền giáo đến nay, sứ vụ truyền giáo vẫn không ngừng được tiếp nối trong lòng Hội Thánh. Và cũng do phát xuất từ lời sai đi ấy, đức tin của Hội Thánh nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Nó khẳng định mạnh mẽ chỗ đứng của mình bằng một sức mạnh kiên cường, một sức sống vinh thắng.

Đức Tin là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban tặng. Đức Tin là “cửa” mở ra, đưa ta đến đời sống kết hiệp thân tình với Thiên Chúa và bước vào Hội Thánh của Người.

Nhờ sức sống của đức tin, các Thánh Tử Đạo khi bị bắt, vẫn luôn thể hiện sức mạnh quả cảm của chính đức tin ấy: nhất quyết không nao núng trước cực hình, không chối đạo, không bước qua Thánh giá, không làm tổn thương danh dự của Hội Thánh Chúa, không ngừng giương cao lòng tin – cậy – mến của minh.

Nhờ sức mạnh đi cùng sức sống vô cùng của đức tin, các thánh dù bị hành hạ, bị kết án tử hình bằng nhiều hình thức hung bạo, dã man, nhưng không để mình bị khuất phục. Các thánh không nhường bước, không thỏa hiệp để được sống thảnh thơi.

Các thánh không để mình bị tiền bạc làm cho mù tối, không để khổ đau làm cho chùn bước, không để nhục hình làm cho ngã qụỵ. Ngay đến cái chết, cũng không tài nào có thể uốn cong được lòng trung tín của các thánh...

Chính nhờ dòng máu quả cảm căng đầy sức mạnh và sức sống của đức tin ấy, mà các thánh trở thành như những hạt giống gieo vào lòng đất, trổ sinh một Hội Thánh Việt Nam phong phú như những gì đang diễn ra hiện tại, chắc chắn còn mãi về sau.

Hôm nay, lễ các thánh Tử đạo Việt Nam, là con cháu các thánh, chúng ta ngắm nhìn chân dung của một sức mạnh quật cường, một sức sống bất khuất mà các thánh đã soi chiếu trên suốt dòng lịch sử đầy kiêu hùng này.

Ngước nhìn chân dung các thánh là điều cần thiết để chúng ta sống lại những ngày gian khó của cha ông mà biết ơn tất cả những ai đã đặt nền móng đức tin trên quê hương Việt Nam thân yêu này…

Hội Thánh tại Việt Nam, kể từ buổi bình minh rao truyền Tin Mừng đến nay, dù chẳng bao giờ mất ơn bình an nội tâm, vẫn chưa bao giờ có một ngày bình yên ngoài thể xác, chưa một ngày tự do hoàn toàn trong việc trung thành thờ phượng Thiên Chúa, chưa bao giờ có tự do tôn giáo.

Tuy nhiên, Hội Thánh của Chúa Kitô tại mảnh đất hình chữ S này, dù phải trải qua muôn ngàn lao khổ và phải đối đầu cùng vô số sức chống đối, vẫn mạnh mẽ tuyên xưng đức tin, vẫn trung thành với lòng kính thờ Chúa không có sức mạnh nào có thể lay chuyển.

Chỉ là một Hội Thánh còn non trẻ, được khai sinh chưa đầy 500 năm, nhưng Hội Thánh tại Việt Nam đã tự hào vượt lên trên mọi đầu sóng ngọn gió, dù nguy hiểm nhất, dữ dằn nhất, để có được cả một bề dày kinh nghiệm giữ lấy đức tin cho đức tin ngày một tinh ròng đến muôn đời sau. Tất cả là nhờ ơn Chúa, tất cả là do sự linh hoạt mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần.

Có nhiều lý do dẫn đến sự bách hại Hội Thánh trong quá khứ và hiện tại: ghen tương, đố kỵ, hiểu lầm, nhiều lý do chính trị khác… Không ai biết chính xác người Công giáo Việt Nam chịu tử đạo từ trước đến nay có số lượng bao nhiêu, vì không thể thống kê hết, chỉ biết rằng đó là một con số khổng lồ.

Từ thái độ sống đến cái chết của các thánh Tử đạo nói riêng, và của các Kitô hữu nói chung, chứng minh cho mọi người thấy rằng, chỉ có Thiên Chúa là trên hết, là cao cả, là tuyệt đối, vượt trên tất cả mọi sự quý giá.

Dẫu là sự sống, điều mà mỗi người chỉ có một duy nhất mà thôi, mất là hết, mất là chấm dứt sự hiện diện đời đời trên cõi thế, vẫn không thể sánh bằng Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội, là tất cả của vũ trụ.

Từ sự hiểu biết về chân lý cao cả ấy, các thánh Tử đạo có một thái độ chọn lựa dứt khoát: Tin nơi Thiên Chúa đến cùng, dù phải hiến dâng mạng sống của mình.

Quay nhìn chân dung các thánh Tử đạo Việt Nam, Đức Thánh Cha Piô XI, trong lễ tấn phong Giám mục cho Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, đã cất tiếng gọ: “Giáo Hội Việt Nam là trưởng nam của Giáo Hội Công Giáo tại Á Đông” (Bài giảng lễ tấn phong Giám Mục).

Sử gia A. Launay cũng hết lời khen ngợi đức tin của người Công Giáo Việt Nam: “Hỡi Giáo Hội Việt Nam, một trong những Giáo Hội đã bị bắt bớ hà khắc nhất trong các Giáo Hội trên thế giới, kể từ khi công cuộc của Chúa Cứu Thế bị bắt bớ. Một trong những Giáo Hội kiên cố lạ lùng nhất… Ta kính chào Người! và bởi hy sinh càng lớn lao, thì vinh quang càng sáng chói. Người thật xứng đáng được danh thơm muôn thuở, ngang hàng với những Giáo Hội anh hùng nhất phương Tây" (Đã trích trong Lm Bùi Đức Sinh - Lịch Sử Giáo Hội).

Đức Tin bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng. Các thánh Tử đạo đã hủy mình đi và hiến dâng trọn vẹn cho thiên Chúa. Hôm nay mừng kính các thánh Tử đạo Việt Nam, Chúng ta tin, nhờ lời các thánh chuyển cầu, chúng ta sẽ được tiếp thêm sức mạnh và được đổ tràn đầy sức sống của đức tin, như chính đức tin chiến thắng của các thánh. .

Một khi được tiếp thêm sức mạnh và sức sống của một đức tin mãnh liệt, chúng ta quyết sống đạo ngoan cường, vượt thắng giữa biết bao thách đố của thời đại hôm nay, như thánh Phaolô dạy: “Hãy bén rễ sâu trong Đức Kitô, xây dựng trên nền tảng Đức Kitô và được củng cố trong đức tin” (Cl 2, 7),

Mừng lễ các thánh, chúng ta phải khám phá ra nhiều bài học có lợi cho đức tin mà các ngài để lại:

- Sẵn sàng tha thứ cho những người bắt bớ, giết chết mình;

- Cầu nguyện nhiều hơn nữa cho các nhà lãnh đạo quốc gia khôn ngoan để nhận ra đâu là đường lối lãnh đạo theo chân lý, đâu là đường lối lãnh đạo sai lầm để đừng giết chính đồng bào vô tội của mình như đã từng làm mà lịch sử không bao giờ quên;

- Biết ơn Hội Thánh đã cưu mang và sinh ra chúng ta trong ơn Chúa;

- Biết đáp trả tình yêu vô cùng của Chúa bằng tất cả đời sống chứng tá của mình dẫu phải hiến dâng mạng sống.

 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:45 17/11/2017
21. LÃNH ĐÀO VÀ HOÀNH THÁNH
Tần Thiếu Du và Phật Ấn cãi nhau về sự sinh trưởng của con chấy.
TầnThiếu Du cho rằng con chấy thích ở nơi chỗ nhiều mỡ cáu ghét mà sinh sôi nảy nở, nếu nói không đúng thì sẽ chịu phạt một bàn hoành thánh.
Phật Ấn lại cho rằng con chấy thích rúc vào trong chăn nệm mà sinh trưởng, nếu nói sai thì chịu phạt một mâm lãnh đào, sau đó cả hai người đều ngấm ngầm nhờ Tô Đông Pha mách cho mình một tiếng. Đợi khi cả ba người đều có mặt, Tần Thiếu Du và Phật Ấn lại cãi nhau.
Tô Đông Pha cười nói:
- “Theo tôi thấy, các anh hai người đều nói chưa hoàn toàn đúng, đương nhiên là vì nhiều mỡ cáu ghét nên chăn nệm mới bị rách, thật là thích hợp cho lũ chấy sinh trưởng, nên ăn lãnh đào trước sau đó mới ăn hoành thánh chứ !”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 21:
Chấy rận thì thích ở nơi những chỗ dơ bẩn, cho nên những ngừơi ăn ở mất vệ sinh thì trên người thường có chấy rận, chấy rận không phải tự nhiên mà sinh sôi nảy nở, nhưng nhờ hoàn cảnh môi trường dơ bẩn mà sinh tồn trên cơ thể, chỉ cần tắm rửa, ăn ở hợp vệ sinh ra diệt được nó, không đáng ngại cho lắm.
Chấy rận trong tâm hồn mới thật là đáng ngại, nó làm cho tâm hồn chúng ta bất an, nó làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên hắc ám, rồi trở thành cơn bệnh trầm trọng hết thuốc chữa...
Nó chính là con chấy kiêu căng, con chấy tham ô, con chấy dâm ô; nó cũng là con chấy nói xấu người khác, con chấy vu oan giá hoạ cho tha nhân; những con chấy này thích ở trong những tâm hồn tội lỗi, những tâm hồn chỉ biết hưởng thụ vật chất thế gian mà coi thường đời sống siêu nhiên của mình, họ không muốn tẩy sạch chấy rận trong tâm hồn mình nơi bí tích Giải Tội để được sạch hơn trắng hơn...
Ăn lãnh đào trước hoặc ăn hoành thánh trước đều không quan trọng, quan trọng là vì chúng ta ăn ở dơ bẩn nên mới có rận chấy, đó là nguyên nhân có chấy rận.
Người sạch sẽ ngăn nắp là người sáng tối quét nhà thu dọn ngăn nắp, ngày nào cũng tắm rửa sạch sẽ; cũng vậy, người Ki-tô hữu yêu thích sự sạch sẽ của tâm hồn thì luôn trân trọng và thường xuyên đến với bí tích Giải Tội và bí tích Thánh Thể để làm đẹp tâm hồn và nâng cao giá trị cuộc sống của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 33 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:49 17/11/2017
Chúa Nhật 33 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 25, 14-30.
“Được giao ít mà anh đã trung thành, hãy vào mà hưởng niềm vui của mình”.


Bạn thân mến,
Ân sủng của Thiên Chúa được Đức Chúa Giê-su ví như những nén bạc trao cho con người: người nhận năm nén, người nhận hai nén và người nhận một nén, tùy theo khả năng mà Thiên Chúa trao cho, chứ Ngài không tùy tiện trao năm nén cho người chỉ có khả năng làm lợi hai nén. Nhưng dù mỗi người trong chúng ta dù có nhận bao nhiêu nén đi chăng nữa, thì cũng là đã nhận nén bạc mà Thiên Chúa đã trao cho để với mục đích làm lợi cho chính bản thân mình và mưu ích cho tha nhân.
Đức Chúa Giê-su tùy khả năng của mỗi người mà trao cho họ nén bạc, để họ tùy theo khả năng và nén bạc được trao mà làm sinh lợi cho Ngài thêm những nén bạc khác :
- Có những người được ơn tình nguyện đi phục vụ các bệnh nhân bị nhiễm HIV hoặc phục vụ các bệnh nhân phong cùi ở trại phong, họ đã làm lợi thêm những nén bạc khác bằng hành động phục vụ của mình.
- Có những người tình nguyện vào vùng sâu vùng xa, để đem ánh sáng văn hóa đến cho những trẻ em và những người không có điều kiện đến trường, họ đang làm lợi thêm những nén bạc khác bằng hành động tự nguyện hy sinh của mình.
- Có những người dù đang thiếu thốn, nhưng vẫn cứ vui vẻ chia sẻ những gì mình có cho người không có, họ đang làm lợi thêm những nén bạc khác cho Thiên Chúa...
Có những người lại đem nén bạc mà Thiên Chúa trao cho chôn giấu trong đất, họ là những người không thấy được sự tín nhiệm của Thiên Chúa dành cho mình, họ đem ân sủng chôn vùi trong trong những tham lam hưởng thụ và dục vọng của họ, khi mà chung quanh họ có rất nhiều người đang cần đến “đồng tiền ân sủng” của họ để có chút an vui và hy vọng.
Bạn thân mến,
Nhận năm nén, hai nén hoặc chỉ có nhận một nén đều không quan trọng, cái quan trọng là trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần phải nổ lực, chớp thời cơ để làm lợi thêm nén bạc nữa, đó chính là điểm chính yếu mà Đức Chúa Giê-su muốn dạy dỗ chúng ta qua dụ ngôn nén bạc này.

Câu hỏi gợi ý :
1. Có lúc nào bạn nghĩ rằng Thiên Chúa đã trao cho mình năm nén bạc không ?
2. Trong những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn, bạn có nghĩ rằng mình là người may mắn nhất vì đang giữ nén bạc của Thiên Chúa trong mình ?
3. Theo bạn hiểu, thế nào là phung phí ân sủng của Thiên Chúa ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:50 17/11/2017

11. Khi ngôn ngữ của cầu nguyện liên tục phát ra thì tội ác bị che phủ.

(Thánh Ambrose)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tri ân và mừng kính các Thánh Tổ Tiên
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:46 17/11/2017
Tri ân và mừng kính các Thánh Tổ Tiên

Suy niệm lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Hàng năm cứ đến ngày này, những người con dân Việt từ khắp muôn phương cùng với Giáo hội hoàn vũ hướng tâm hồn lên một cách đặc biệt để mừng kính Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Trong hân hoan vui sướng và hãnh diện, chúng ta tôn vinh, tri ân các ngài đồng thời hô vang : « Vạn vạn tuế các Thánh Tử Đạo Việt Nam, vạn vạn tuế các Thánh Tử Đạo anh hùng ».

Hôm nay chúng ta cùng nhau hướng tâm hồn lên một cách đặc biệt để mừng kính các ngài. Nói là đặc biệt về các ngài, nên chúng ta tạm đặt ra mấy câu hỏi cho là cơ bản, để nhờ đó chúng ta lần lượt đưa ra những gì đã hiểu biết về các ngài, mặc dù đây chỉ là những điều nhiều người đã biết.

Trước hết chúng ta cần xác nhận:

Hỏi : Các ngài là ai vậy?

Thưa : Các ngài là Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, chết vì Đạo tại Việt Nam. Ở đây, từ ngữ Đạo được hiểu theo nghĩa chặt : Đạo Công Giáo Lamã, mà ai cũng biết rõ. Ngày nay thì Đạo Công Giáo Lamã hiện diện khắp nơi.

Hỏi : Các ngài là bao nhiêu?

Con số các ngài chính thức là 117 vị thánh và 1 á thánh. Đó là những vị đã được Tòa Thánh tuyên phong rõ ràng ngày 19.6.1988. Thế nhưng, đối với chúng ta hiểu, còn có biết bao nhiêu vị cũng đã « tử vì Đạo » tại Việt Nam mà chưa được tuyên phong. Dù vậy, các vị cũng phải được Giáo hội Việt Nam mừng kính. Thời gian bắt đầu vào năm 1580 và chỉ kết thúc hoàn toàn vào năm 1888, có khoảng 400.000 người bị lưu đầy và phát lưu. 130.000 người đã chết vì đạo.

Hỏi : Các ngài thuộc những thành phần nào?

Các ngài đã là các Kitô hữu thuộc đủ mọi thành phần, cấp bậc trong Giáo Hội Công Giáo. Có 8 vị Giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân (gồm 1 chủng sinh, 16 giáo lý viên, 10 vị dòng ba Đa Minh và 1 phụ nữ) ... thuộc đủ mọi tuổi tác, hoàn cảnh sống : công chức, thương gia, công nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ, trùm họ v.v. Trong số đó, bao gồm cả một số nhà truyền giáo (ngoại quốc) như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý... đã đến Việt Nam truyền Đạo và chết vì Đạo. Nói chung, cũng nhờ các vị truyền giáo này mà nhiều người Việt Nam biết Đạo, theo Đạo, sống Đạo và chết vì Đạo nữa, lại được nhập đoàn Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nammà chúng ta đang kính nhớ.

Nói tóm lại, đây là những chứng nhân của Thiên Chúa, đã anh dũng hy sinh cả mạng sống tại Việt Nam để thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao.

Nói mạnh hơn : các ngài là những tổ tiên anh dũng của chúng ta. Dĩ nhiên phải quả quyết : chính nhờ các ngài mà có chúng ta và ngày nay chúng ta luôn rất hãnh diện tuyên nhận các ngài là tổ tiên trước mặt cả thế giới.

Hôm nay, Giáo hội Việt Nam hân hoan và hãnh diện mừng kính các ngài như hướng về tổ tiên yêu quý.Ðọc lại tiểu sử các ngài, ta không khỏi cảm phục đức tin kiên cường của các ngài. Vì trung thành với Chúa, các ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng, nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì Đức tin.

Có những vị như thánh Hồ đình Hy, làm quan lớn trong triều đình. Quan án Phạm trọng Khảm, là những vị có chức có quyền trong xã hội đã thà mất chức quyền, mất danh vọng hơn mất Đức tin. Vì Chúa, các ngài không những đã sẵn sàng từ bỏ mọi quyền lợi trong xã hội mà còn sẵn sàng chịu mất mạng sống.

Có những vị như thánh Lê thị Thành, thân phận phụ nữ yếu ớt, gánh nặng gia đình, nhưng cũng đã sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Ðức Giêsu Kitô.

Có những vị đầu xanh tuổi trẻ như Tôma Thiện, Phaolô Bột, mười mấy tuổi đầu, tương lai còn dài, đường đời còn nhiều hứa hẹn. Nhưng các ngài đã cương quyết khước từ tất cả, dâng hiến tuổi thanh xuân cho Đức tin chân chính.

Hỏi : Tại sao các ngài chết vì đạo ?

Thưa : Giết thì chết chứ còn sao nữa. Đây phải được coi là cơ bản của vấn đề. Kể ra, nếu nhìn bên ngoài thôi thì đã có câu trả lời rồi : chết vì Đạo mà ! Lúc đó một số các vua chúa ghét Đạo và cấm Đạo nên họ giết những người có Đạo mà không chịu bỏ Đạo. Bị họ giết thì chết, dù là người Việt hay ngoại quốc...thế nhưng, nhận xét cho đàng hoàng thì vấn đề chết vì Đạo ở đây có ý nghĩa rất phong phú. Có thể nói tóm gọn bằng 2 từ Tin Yêu. Nhưng hai từ này bao gồm ý nghĩa rất cao siêu mà Kitô Giáo gọi là « Thần Đức » : Đức Tin kéo theo Đức Cậy và Đức Mến. Ba nhân đức siêu việt hơn các nhân đức khác mà ta phải quả quyết : chỉ « người có Đạo » mới có .

Hỏi : Các ngài đã chết tử Đạo như thế nào ?

Về các hình khổ: Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được như:

- Gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói.

- Bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng v.v.

- Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết, tức là bị chặt đầu,bị xử giảo, tức là bị thắt cổ, hay bị thiêu sống.

- Vô cùng man rợ và hiểm độc như bị xử lăng trì, tức là phân thây ra từng mảnh hay là xứ bá đao.

Theo loại hình phạt 79 vị bị trảm quyết tức là bị chặt đầu. Như vậy là con số bị trảm quyết nhiều nhất. 18 vị bị xử giảo tức là bị thắt cổ. 8 vị chết rũ tù. 6 bị thiêu sinh. 4 bị lăng trì - tức là phân thây ra từng mảnh. 1 bị tử thương và. 1 bị bá đao.

Là người Công Giáo Việt Nam, chắc chắn mỗi khi đọc lại tiểu sử các ngài, ta cảm thấy một dòng máu hào hùng trào dâng trong huyết quản. Bị cuốn hút bởi cuộc sống và cái chết cao đẹp, anh dũng của các ngài, có lẽ ta cũng có đôi lần ao ước được như các ngài : Sống cao đẹp, chết anh dũng.

Kính lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, làm sao chúng con có thể có được cái chết cao đẹp như các ngài. Ngày nay đâu còn cảnh cấm Đạo, bắt Đạo, giết người có Đạo như thời vua quan ngày xưa nữa, nên chúng con không còn hy vọng chết vì Đạo. Xin cho chúng con biết học đòi, bắt chước các ngài trung thành với Đức tin và sống đạo cho đến trọn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Vạn Tuế Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

(Kn 3,1-9; Rm 8, 31b-39; Mt 10, 28-33)

Chúa Nhật ngày 19/6/1988, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nâng 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh. Dịp khai mạc Năm Thánh 2010, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong sứ điệp gửi các Giám mục Việt Nam có viết : « Việc cử hành Năm Thánh trùng với ngày lễ kính 117 vị thánh Tử đạo hiển vinh của đất nước Đức Cha. Việc nhớ lại chứng từ cao quý của các ngài sẽ giúp toàn thể dân Chúa tại Viêt Nam kích động đức mến, gia tăng đức cậy và củng cố đức tin mà đôi lúc bị thử thách bởi chính đời sống thường ngày » (Trích Sứ điệp gửi các Giám mục Việt Nam dịp Năm Thánh 2010). Thư của Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐGMVN gửi cộng đoàn dân Chúa nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày tôn phong 117 Hiển Thánh Tử đạo Việt Nam có đoạn : « Đây là cơ hội giúp dân Chúa củng cố đức Tin qua đức Cậy nhờ đức Ái (số 1) ; Giúp cho Giáo hội Việt Nam sống chan hòa trong tình hiệp thông và hiệp nhất (số 2) ; Thúc đẩy chúng ta hăng say hơn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng (số 3) ; là dịp để cháu con noi gương các Ngài sống xứng đáng những người con thảo của Cha trên Trời (số 4) ».

Những gợi ý sống trên làm chúng ta nhớ lại bài giảng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngày 19/6/1988 như sau : « Tôi biết rằng anh em đang ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm thấy nhu cầu đứng chung quanh các thánh, để xe kết tình huynh đệ kết nghĩa, mến thương … ».

Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, khởi đi từ những bước chân thừa sai của các nhà truyền giáo. Sử liệu ghi lại sự đặt chân của giáo sĩ Inikhu vào năm 1533 trên đất Việt, tiếp theo là Gaspar da Cruz, Alexandre de Rhodes, Pedro Marques v.v. Ba trăm năm loan báo Tin Mừng, một trang sử truyền giáo hào hùng, nhưng đầy đau thương và đẫm nước mắt. Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc! Tuy nhiên, một trang sử mới đã mở ra nhờ sự hy sinh tuyệt vời của các thừa sai, cũng như hàng hàng lớp lớp người vì tử đạo đã nằm xuống với muôn cực hình cay đắng, khốn khổ. Dòng máu của các ngài đã đổ ra, tuôn trào, tưới gội Hội Thánh Việt Nam, làm cho Hội Thánh lớn lên và phát triển, không ngừng sinh hoa kết quả tươi tốt, đúng như lời Tertullien đã viết: « Máu tử đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu ».

Hôm nay đây, chúng ta hướng tâm hồn lên một cách đặc biệt để mừng kính các ngài, trong hân hoan và hãnh diện. Chúng ta tôn vinh, tri ân các ngài và cùng nhau hô vang : Vạn vạn tuế Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, vạn vạn tuế Các Thánh Tử Đạo anh hùng.

Làm sao kể lại cho hết tất cả 117 vị Tử Đạo, 1 vị á thánh, trong số đó có 8 vị Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo Dân, một phụ nữ, Thánh Anê Lê Thị Thành, mẹ sáu người con. Còn có biết bao nhiêu vị cũng đã « tử vì Đạo » mà chưa được tuyên phong, cũng được mừng kính. Các ngài thuộc đủ mọi thành phần, tuổi tác, hoàn cảnh sống : công chức, thương gia, công nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ, trùm họ v.v. Trong số đó, bao gồm cả một số những nhà truyền giáo « ngoại quốc » Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý… đã đến Việt nam truyền Đạo và chết vì Đạo.

Thánh Vinh Sơn Liêm, Dòng Đaminh là người Việt Nam tử đạo đầu tiên năm 1733. Rồi tới Cha thánh Anrê Trần An Dũng Lạc bị trảm quyết năm 1838. Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được như: gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói, bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu lên rốn rồi cho bấc vào đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng v.v. Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết, tức là bị chặt đầu, bị xử giảo, tức là bị thắt cổ, hay bị thiêu sống. Bị xử lăng trì, phân thây ra từng mảnh hay là xử bá đao là những hình phạt man rợ và hiểm độc nhất. Tổng số 79 vị bị chặt đầu. 18 vị bị thắt cổ. 8 vị chết rũ tù. 6 bị thiêu sinh. 4 bị phân thây ra từng mảnh. 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.

Lời Chúa trích sách Khôn Ngoan : “Linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài” ( Kn 3, 1 ). Quả quyết như trên có vẻ là không chính xác với thực tế lịch sử: thực ra đau khổ đã va chạm thân xác các ngài đến ghê sợ như : tùng xẻo, lăng trì, chặt đầu. Tuy nhiên, tác giả Kinh Thánh tiếp tục quảng diễn tư tưởng: «Đối với mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thực ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy trông của các nài cũng không chết » ( Kn 3, 2 – 4 ).

Đúng là : « Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời » (Thánh Phêrô Truật) ; « Thân xác tôi ở trong tay quan… nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được » (Thánh Phaolô Tịnh)

Các ngài là chứng nhân cho Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết. Thay vì hình khổ ngắn ngủi, các ngài được nhiều ơn vĩ đại, « vì Thiên Chúa đã luyện lọc các ngài và thấy các ngài xứng đáng, Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trên lửa và đã chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu » (Kn 3, 5- 6). Trong Chúa Kitô các ngài được Thiên Chúa cứu rỗi.

Chúng ta, dòng giống các vị tử Đạo. Hôm nay, hãy nghe hết lời sách Khôn Ngoan: « Trong ngày phán xét, người công chính sẽ chói sáng và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau ». (Kn 3, 7) Những tia sáng, những ánh đèn phản chiếu nguồn quang minh rữc rỡ. Và đây là câu sau cùng trong sách Khôn Ngoan: « Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài đến muôn đời » (Kn 3, 17).

Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam giúp chúng con biết chân thành chọn lựa đi theo Chúa, trung thành làm chứng cho đức tin và nhiệt thành yêu mến Giáo hội bằng tinh thần cộng tác, hiệp thông và đồng trách nhiệm trong sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương, đất nước chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Lễ các thánh tử đạo Việt Nam
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:00 17/11/2017
Chúa Nhật XXXIII TN A – Lc 9,23-26

Từ ngữ “tử đạo” vốn dễ được mến mộ theo nguyên nghĩa của từ gốc. Tử đạo là làm chứng. Các Thánh Tử đạo là những vị đáng tôn kính cách đặc biệt. Trong Kitô giáo, các Ngài được xếp sau hàng các Thánh Tông đồ và một vài Đấng đặc biệt như Mẹ Maria, Thánh cả Giuse, Thánh Gioan Tẩy Giả. Thế nhưng, chúng ta cần chân nhận một thực tế đó là hàng Thánh Tử đạo thường mang tính cục bộ của từng tôn giáo. Một vị tử đạo trong tôn giáo này chưa hẳn được trân trọng bởi người tôn giáo khác so với các bậc Thánh hiển tu, nhất là những vi Thánh có đời sống nổi bật về đức ái. Hơn nữa hai từ tử đạo ngày nay xem ra đang bị lợi dụng và cả lạm dụng khiến người ta dễ nghi ngờ, khi mà đang có đó những người ôm bom tự sát làm thiệt hại mạng sống của nhiều người vô tội.

Nói rằng các Thánh Tử đạo là những người chịu chết vì đạo thật không sai. Tuy nhiên cái nhìn này còn hạn chế và mang dáng vẻ tiêu cực. Xin mạo muội gọi các Ngài là những vị “Thánh sống đạo bằng cả giá máu”. Các Ngài sống đạo kính mến Chúa và yêu thương tha nhân bằng cả mạng sống mình.

“Chúa Giêsu nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24). Chúng ta đừng quên Chúa Giêsu ngõ những lời ấy với tất cả mọi người. Chính vì thế, đã là Kitô hữu thì chúng ta phải là những người sống đạo bằng cả giá máu. Dĩ nhiên là có người đổ máu ra cách hữu hình và có người đổ máu ra cách vô hình. Theo nội dung của bài Tin Mừng trong Thánh Lễ này, xin được gợi ý về một trong những cách thế sống đạo đến hy sinh bằng cả giá máu, đó là trung thành một cách hiên ngang với Chúa Kitô và Lời của Người. “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy...” (Lc 9 26).

Trung thành một cách hiên ngang với Giêsu, Đấng cứu nhân độ thế: Theo Chúa Giêsu là phải trung thành với công cuộc cứu thế, độ nhân. Phải thực thi đức bác ái với hết mọi người, bất phân chủng tộc, màu da hay chính kiến. Phải sống yêu thương trong mọi hoàn cảnh, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp nghịch cảnh. Quả thật cái tâm lý tìm kiếm hiệu năng trước mắt, đã khiến chúng ta tính toán quá nhiều theo cách nghĩ suy nhân loại. Một đôi khi ta cần biết khôn ngoan “đừng quẳng ngọc trai trước mặt heo”. Nhưng cũng đừng quên Thiên Chúa không ngần ngại gieo hạt giống trên các thửa đất, có khi rơi vãi trên cả vệ đường. Chỉ cần có hạt rơi vào đất tốt thì kết quả thu được sẽ lợi hơn nhiều so với phần xem như hoang phí. Hơn nữa, với ơn Chúa và sự cộng tác của con người thì dù là vệ đường, là đất cằn khô, đất gai góc đều có thể trở nên đất tốt. Khi trong tay đã đủ điều kiện vật chất lẫn tinh thần, khi điều kiện ngoại cảnh đang thuận lợi thì sẽ có đó nhiều người tuy khác niềm tin vẫn có thể thi hành việc độ thế cứu nhân. Khi điều kiện còn thiếu, hoàn cảnh còn khó khăn mà ta vẫn kiên trì trong đức ái thì đức ái của ta mới nên giống tình Chúa đã yêu thương ta. Vì khi ấy tình yêu ta dành cho tha nhân mới đậm nét vị tha.

Trung thành và hiên ngang với Lời cứu độ: Một trong những cơn cám dỗ tinh tế ma quỷ gieo vào lòng chúng ta đó là cải biến nội dung lời mạc khải cho phù hợp với hoàn cảnh bên ngoài. Dù rằng Hội Thánh dạy ta cần học hỏi, nghiên cứu để phân biệt đâu là ý tác giả Thánh Kinh muốn trình bày theo hình thức văn chương, theo nền văn hóa của từng thời kỳ và đâu là Thánh ý Chúa muốn dạy. Có thể có sự không trùng khớp giữa những gì các tác giả nhân loại trình bày với Ý Chúa muốn dạy. Điều này ta dễ nhận ra trong Cựu Ước và cả trong Tân Ước. Tuy nhiên luôn có đó những lời mà các nhà nghiên cứu đã đồng thuận đúng là những lời đích thị từ miệng Đấng Cứu Thế (ipsisima verba). Lời Chúa, cách riêng lời của của Giêsu như lưỡi gươm sắc bén, phân rẽ tâm hồn. Chính vì thế tính thách đố luôn có trong Lời Chúa. Chúng ta nhận ra điều này nơi miệng các sứ ngôn thời Cựu Ước và cách rõ nét nơi Lời của Đấng Cứu độ. Tin Mừng tường thuật rằng khi nghe những lời của Chúa Giêsu, nhiều Biệt Phái và luật sĩ đã phải tím bầm ruột gan.

Không một ai được phép tự tiện uốn nắn nội dung Lời Chúa vì bất cứ lý do gì. Hãy để cho Lời Chúa trực diện với lòng ta, với tha nhân, với môi trường xã hội, với mọi thể chế, luật lệ của con người. Xin đừng nhân danh hiệu năng mà cắt xén hay cải biên lời Chúa. Xin chớ nhân danh đức ái mà uốn ép lời Chúa cho “mềm mại” và “dễ nghe”. Những điều “dễ nghe” và “mềm mại” thường là thiếu sự thật, ít trung thực và nếu có thì chỉ là phiếm diện. Ánh sáng thì chói chang. Sự thật thì mất lòng. Khi ta trung thành cách hiên ngang với lời cứu độ thì thập giá luôn có đó.

Các tiên tổ anh hùng Tử đạo của chúng ta quả thực là những vị đã sống đạo yêu thương cho đến cùng. Martinô Thọ, Phanxicô Trung, Micae Hy, Emmanuel Triệu...không chỉ yêu thương vợ con, cha mẹ nhiệt tâm, nhiệt tình mà còn yêu thương bà con lối xóm, những người khốn khổ bất hạnh, yêu thương quê hương dân tộc, yêu cả vua quan, những người đang hành hạ mình. Và trên hết các Ngài yêu mến Đấng các Ngài tôn thờ, Thiên Chúa toàn năng, chí tôn, chí thiện. Các Ngài đã trung thành với Thầy Chí Thánh và lời của Người một cách dũng cảm, hiên ngang. “Tâu bệ hạ, đánh Tây thì hạ thần đánh hết mình, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ” (thánh Phanxicô Trung) “ Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lệnh vua, không lỗi luật nước, chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu” (thánh Phaolô Khoan). Dòng máu đào đổ ra chỉ là điểm đến của một cuộc đời sống đạo đến cùng mà thôi. Quả thật nếu như máu có đổ đến giọt cuối cùng mà không sống đạo yêu thương thì chỉ là tử nạn chứ không có tử đạo.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ khai giảng năm học mới tại nhà thờ Đức Bà Paris
Lê Đình Thông
10:41 17/11/2017
19 giờ 15 ngày 15/11/2017, ĐHY André Vingt-Trois đã cử hành đêm canh thức, tiếp theo là thánh lễ khai giảng năm học mới tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Paris, với sự đồng tế của nhiều vị Giám mục và các Linh mục tuyên úy. Sinh viên 13 viện đại học và các trường cao đẳng tại thủ đô nước Pháp ngồi chật lòng nhà thờ, trong không khí ấm cúng, hồn nhiên.

Trước khi cử hành thánh lễ, các sinh viên đồng ca nhiều bản thánh ca tán tụng Thiên Chúa, cùng với ca đoàn và ban nhạc trẻ. Sau phần tuyên đọc Phúc âm (Lc, 19,1-10) là thuyết giảng của ĐHY André Vingt-Trois. Ngài bầy tỏ niềm vui được gặp lại các sinh viên trong Chúa Kitô. Ngài mời gọi các sinh viên dâng năm học vừa bắt đầu lên Thiên Chúa để xin Ngài thánh hóa và nâng đỡ học trình mới.

ĐHY Tổng giám mục Paris cầu xin Chúa ban cho mỗi sinh viên trở thành một chứng nhân của Tin Mừng, tất cả cùng nhau kiến tạo hòa bình trong tình yêu thương. Ngài nói ‘‘Năm nay, Thánh lễ khai giảng niên khóa đại học mang ý nghĩa đặc biệt, trong bối cảnh khóa họp Thượng hội đồng Giám mục sẽ diễn ra vào mùa thu 2018 tại Roma. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi giới trẻ đón nhận Chúa Kitô đến thay đổi cuộc sống của mỗi người, vì ‘‘Thầy ở cùng anh em
mọi ngày cho đến tận thế’’ (Mt 28,20), nhờ tác động của Chúa Thánh thần qua suy niệm lời Chúa. Lời hằng sống mang lại tương lai tươi sáng cho mỗi người và cho nhân loại, mặc dầu những khó khăn trong cuộc sống, những lỗi lầm vấp phạm. Mỗi sinh viên được mời gọi sống trong ánh sáng Cứu độ.

Năm sau, các vị giám mục trên khắp thế giới sẽ tề tựu tại Roma để trao đổi các vấn đề đặt ra cho giới trẻ hôm nay, các kinh nghiệm về ơn gọi nhằm biến đổi thế giới. Tuy ơn gọi mang nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều quy hướng về Thiên Chúa. Lời hằng sống của Ngài gửi đến tâm can mỗi người như định hướng thiêng liêng cho cuộc sống. Nguyện xin Chúa ban ơn cho mỗi sinh viên lắng nghe tiếng Chúa, tiến triển trong học tập, cùng nhau dấn thân trong cuộc sống.’’

Sau thánh lễ, các sinh viên sinh hoạt ngoài sân thánh đường, cùng trao đổi và đề ra các ý kiến để trình Thượng hội đồng giám mục.

Lê Đình Thông
 
Đức Phanxicô gửi thông điệp cho nhân dân Miến Điện, trước khi tới Nước này
Vũ Văn An
18:32 17/11/2017
Ngày 17 tháng 11, trước khi qua Miến Điện, Đức Giáo Hoàng đã gửi cho nhân dân nước này một thông điệp như sau:

Các bạn thân mến

Khi chuẩn bị thăm viếng Miến Điện, trong một vài ngày tới, tôi muốn gửi lời chào kính và thân hữu tới toàn thể nhân dân. Tôi không thể chờ được nữa để được gặp các bạn.

Tôi tới để công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, một thông điệp của hòa giải, tha thứ và hòa bình. Chuyến thăm viếng của tôi có ý định củng cố cộng đồng Công Giáo của Miến Điện trong đức tin của họ vào Thiên Chúa và làm chứng cho Tin Mừng, vốn là Tin giảng dậy phẩm giá của mọi người nam nữ, và yêu cầu chúng ta mở rộng cõi lòng mình đón nhận người khác, nhất là người nghèo nhất và thiếu thốn nhất.

Cùng một lúc, tôi muốn được thăm viếng quốc gia vốn có tinh thần tôn trọng và khuyến khích mọi cố gắng nhằm xây dựng sự hòa hợp và hợp tác để phục vụ ích chung. Chúng ta đang sống trong một thời đại trong đó các tín hữu và người có thiện chí càng ngày càng cảm thấy việc phải phát triển sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, và hỗ trợ nhau như các thành viên của gia đình nhân loại duy nhất, vì tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa.

Tôi biết rõ nhiều người ở Miến Điện đang hăng hái chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của tôi, tôi xin cám ơn họ. Tôi xin mỗi người các bạn cầu nguyện để những ngày tôi ở bên các bạn trở thành nguồn hy vọng và khích lệ đối với mọi người. Tôi cầu phúc lành hân hoan và hoà bình của Thiên Chúa xuống trên các bạn và gia đình các bạn! Hẹn gặp các bạn nay mai!
 
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và vị linh mục bị bắt tại Nigeria
Đặng Tự Do
19:42 17/11/2017
Linh mục người Ý Maurizio Pallu, bị bắt cóc vào tháng 10 vừa qua tại Nigeria, sau đó được giải thoát sau năm ngày bị giam giữ đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến riêng vào sáng thứ Tư 15 tháng 11 tại cư xá Santa Marta.

Cha Pallu. linh mục thuộc Con Đường Tân Dự Tòng, nói về cuộc tiếp kiến Đức Thánh Cha dành cho ngài và gia đình như sau: “Thật là tuyệt vời. Tôi đã được Đức Thánh Cha tiếp cùng với mẹ tôi. Mẹ tôi sẽ mừng thọ 90 vào ngày 21 tháng 11. Bên cạnh đó còn có các linh mục anh em của tôi trong đoàn truyền giáo Nigeria. Đức Thánh Cha rất tử tế đối với chúng tôi; ngài để lại một ấn tượng rất mạnh nơi mẹ tôi, Ngài hỏi mẹ tôi còn ăn được những gì. .. và mẹ tôi nói rằng bà còn ăn được tất cả mọi thứ.”

“Sau đó, Đức Thánh Cha yêu cầu tôi nói về Nigeria. Ngài nói với tôi rằng ngài đã mang trong trái tim mình, trong những lời giảng dạy của mình và trong những lời cầu nguyện của mình tất cả những người đau khổ. Đức Thánh Cha hỏi tôi: 'Khi nào cha sẽ trở lại Nigeria?' Tôi trả lời: Tôi nghĩ vào ngày 1 tháng 12 tới đây.”

Bất chấp những nguy hiểm, cha Pallu muốn trở lại Nigeria, bởi vì, “đây là một khoảnh khắc tuyệt vời, một thời điểm rất thuận lợi” và người ta phải hành động vì tham nhũng tại quốc gia này “đã đạt đến mức không thể tin nổi”. Ngài cũng muốn giúp đỡ các gia đình. “Vấn đề nghiêm trọng nhất của châu Phi là gia đình. Khi tái thiết các gia đình Kitô, với những người trẻ tuổi nhiệt tình và yêu mến Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể dẫn tới những thay đổi sâu rộng trong xã hội, là điều ma quỷ không muốn. “
 
Khủng bố Hồi giáo ISIS đe dọa tấn công Tòa Thánh Vatican dịp lễ Giáng Sinh
Nguyễn Long Thao
19:47 17/11/2017
Tuần san Newsweek của Hoa Kỳ và các cơ quan truyền thông quốc tế đều đưa tin nhóm khủng bố Hồi Giáo ISIS, trong ngày thứ Ba 14 tháng 11 năm 2017 đã tung ra một video với nội dung quân khủng bố Hồi Giáo ISIS sẽ tấn công quảng trường thánh Phêrô trong dịp lễ Giáng Sinh.

Đoạn video mô tả cảnh một tên khủng bố Hồi Giáo đeo mặt nạ lái một chiếc xe với vận tốc nhanh, xông vào quảng trường Thánh Phêrô. Trong xe bên tay phải có một khẩu súng. Một hàng chữ màu đỏ trong video nói rằng Vatican sẽ bị tấn công vào dịp lễ Giáng Sinh.

Công ty có trụ sở tại Maryland Hoa Kỳ chuyên theo dõi các hoạt động khủng bố của nhóm Hồi Giáo trên mạng lưới toàn cầu cho biết Video này do nhóm Wafa Media Foundation thực hiện. Nhóm này ủng hộ Nhà Nước Hồi Giáo ISIS

Theo công ty theo dõi bọn khủng bố thì video này được thực hiện ở Marawi, Phi Luật Tân là nơi có nhóm Hồi Giáo Maute tuyên bố trung thành với Nhà Nước Hồi Giáo ISIS.

Đây không phải là lần đầu tiên, nhóm quá khích khủng bố Hồi Giáo đe doạ tấn công Vatican. Vào tháng 8 vừa qua bọn khủng bố ISIS cũng phổ biến hình ảnh tên khủng bố đang xé nát hình ĐGH Phanxicô và ĐGH tiên nhiệm Bênêđictô XVI và đe doạ sẽ đến Roma.

Bình luận về tin khủng bố tấn công Vatican, ký giả của tờ Newsweek tham khảo ý kiến của vệ binh Thuỵ Sĩ có nhiệm vụ giữ an ninh tại Tòa Thánh Vatican cho biết, dù nhà nước Hồi Giáo đã bị tan rã, nhưng không trước thì sau, cá nhân trong nhóm khủng bố sẽ tự động thực hiện tấn công Vatican.

Nguyễn Long Thao
 
ĐTC gửi Sứ điệp cho Hội Nghị COP-23 - Thay đổi khí hậu
LM. Trần Đức Anh OP
20:55 17/11/2017
VATICAN. ĐTC kêu gọi tránh 4 thái độ tiêu cực trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thay đổi khí hậu và xây dựng tương lai của trái đất.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Hội nghị quốc tế về những thay đổi khí hậu, gọi là COP-23, nhóm tại thành phố Bonn bên Đức từ ngày mùng 6 đến 17-11-2017.

Hội nghị này tiếp nối Hội nghị COP-22 nhóm tại Paris hồi tháng 12 cách đây 2 năm để theo đuổi một giai đoạn quan trọng khác của Hiệp định Paris, đó là xác định và kiến tạo những đường hướng hành xử, những qui luật và cơ cấu tổ chức để thực sự giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu.

ĐTC nhận xét rằng ”Trong tiến trình này cần duy trì cao độ ý chí cộng tác với nhau. Nhưng rất tiếc nhiều nỗ lực tìm kiến các giải pháp cụ thể cho cuộc khủng hoảng môi trường thường bị thất bại vì những lý do khác nhau: từ việc phủ nhận vấn đề cho đến thái độ dửng dưng, cam chịu, hoặc tin tưởng mù quáng vào những giải pháp kỹ thuật. Chúng ta cần tránh rơi vào 4 thái độ xấu xa ấy, chắc chắn chúng không giúp thực hiện một sự tìm kiếm chân thành và đối thoại thành thực, hữu hiệu, về việc xây dựng tương lai trái đất của chúng ta”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng ”chúng ta không thể chỉ giới hạn vào chiều kích kinh tế và kỹ thuật: các giải pháp kỹ thuật tuy cần thiết nhưng không đủ; điều thiết yếu và chính đáng là tích cực để ý đến các khía cạnh và những ảnh hưởng luân lý đạo đức và xã hội trong mô hình của sự phát triển và tiến bộ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”.

Trong viễn tượng này ĐTC kêu gọi quan tâm tới vấn đề giáo dục và lối sống chịu ảnh hưởng của một nền môi sinh toàn diện, có khả năng chấp nhận một quan niệm tìm kiếm chân thành và cởi mở trong đó có sự gặp gỡ của các chiều kích khác nhau theo Hiệp định Paris” (Rei 16-11-2017)
 
Hai dấu hiệu Đức Mẹ che chở cho vị linh mục bị khủng bố Hồi Giáo bắt tại Nigeria
Đặng Tự Do
22:17 17/11/2017
Cha Pallu, vị linh mục bị bắt tại Nigeria vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến, đã mạnh mẽ làm chứng về hai dấu hiệu của sự hiện diện từ ái của Đức Trinh Nữ Maria trong thời gian bị tù đày. “Chúng tôi bị bắt cóc vào ngày 12 tháng 10, khi đang trên đường tới Benin City, nơi các Giám mục tái thánh hiến Nigeria cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ lần thứ hai. Khi họ bắt chúng tôi – gồm 3 người - chúng tôi bị đưa đến một khu rừng, tôi tự hỏi: chúng ta hãy xem chúng làm thế nào, Đức Trinh Nữ Maria chắc chắn sẽ phá hỏng âm mưu của quỷ dữ lần này.”

Một ngày sau khi bị bắt làm con tin, “một cuộc đối thoại đã diễn ra giữa chúng tôi và bọn lãnh đạo nhóm khủng bố. Chúng gồm tám người trong đó có một người duy nhất nói được tiếng Anh. Trước những lời hằn học đe dọa của anh ta, tôi điềm tĩnh trả lời: ‘Người anh em của tôi, tôi cầu nguyện cho bạn.’ Anh ta tỏ ra dịu lại và nói: ‘Vâng, xin cầu nguyện cho tôi.’ Anh ta nói với một sự xác tín chứ không phải nói cho qua chuyện.”

“Và tôi đã thấy rằng trong những tình huống sau đó dường như anh ta đã cố tình bảo vệ chúng tôi. Có một tên thực sự rất khát máu. Y đã đánh đập các con tin một cách vô nhân đạo. Trong đêm thứ Bảy đến rạng sáng Chúa Nhật, tôi bắt đầu cầu nguyện nhiệt thành hơn nữa. Muỗi cắn đau quá khiến không ai ngủ nổi. Một người trong chúng tôi lại bị bắt ngủ ở bên ngoài - và tôi cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp đỡ. Ngày hôm sau, lãnh đạo bọn khủng bố đã phái người đàn ông khát máu và hai người khác đi xa”, vị linh mục Ý hồi tưởng lại.

Một dấu chỉ thứ hai, Cha Pallu nói: “Tôi cảm thấy sự hiện diện của Đức Trinh Nữ rất mạnh mẽ. Về sau tôi mới biết đến biến cố phép lạ mặt trời quay tại Benin City như đã từng xảy ra tại Fatima. Hội Đồng Giám Mục Nigeria đã xác nhận phép lạ này.”

Cha Pallu cho biết trước những dấu chỉ này, ngài cương quyết trở lại Nigeria bất chấp những nguy hiểm. “Đức Mẹ sẽ che chở tôi,” cha Pallu nói.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Legio Comitium Melbourne Tổng hội Thường niên 2017
Trần Văn Minh
06:22 17/11/2017
Melbourne, vào lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu Ngày 17/11/2017. Tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Comitium Legio Nữ Vương Các Thánh Tử đạo Việt Nam Flemington đã tổ chức dâng lễ tạ ơn trong ngày Lễ Tổng hội Thường niên của Comitium.

Xem hình

Đúng 6 giờ, Anh trưởng Mai Thanh Hải đã ngỏ lời chào đến tất cả anh chị em Legio đã về dâng thánh lễ Tổng hội Thường niên, sau đó Đơn vị Legio Nữ Vương Mân Côi phụ trách đã cất cao lời kinh khai mạc Tessera. Toàn thể các hội viên trong nhà thờ cùng một lòng đọc kinh Mân Côi dâng lên trước Ngai tòa Đức Maria Nữ tướng của đoàn con cái Mẹ.

Sau phần Kinh Khai Mạc và Kinh Catena. Thánh lễ do Cha Linh giám Legio Giuse Trần Ngọc Tân chủ tế. Dịp này, cha đã chia sẻ về công tác tông đồ của người quân binh Legio. Khi chúng ta hăng say hoạt động, chúng ta có làm theo ý Chúa, hay chúng ta chỉ làm việc theo ý riêng của mình. Trong Tin mừng Thánh Mt 12, 46-50, Chúa đã nói: ai là Mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Ngài giơ tay chỉ các môn đệ và nói: phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. Người quân binh Legio khi làm việc gì cũng nhớ rõ điều đó, để chúng ta thực thi Thánh ý Chúa.

Cuối lễ, anh Phó Comitium Nguyễn Văn Thống, đã thay mặt toàn thể hội viên cám ơn Cha Linh giám đã luôn luôn đồng hành, hướng dẫn giúp đỡ cho Comitium rất nhiều. Anh cũng ôn lại những sinh hoạt của Comitium trong một năm qua, những thành quả thiêng liêng mà các hội viên Legio đã đạt được trong các buổi lễ, những khóa học, nhất là những sinh hoạt trong năm Thánh kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Và gần đây nhất là Đại hội Legio sống sứ điệp Mẹ Fatima.

Anh cũng xin mọi người cố gắng cầu nguyện thêm nữa, vì con người ngày nay đang bị cuộc sống vật chất lôi kéo để ngày một xa Chúa hơn, nhất là mấy ngày gần đây, khi kết quả thăm dò cho thấy người dân Úc đã đồng ý cho những cặp đồng tính kết hôn. Và tệ hơn nữa là họ đang vận động để giúp những người già, hoặc bệnh nặng được chọ cái chết trái với luân lý và đạo đức.

Như thông lệ, một bữa tiệc nhẹ được tổ chức tại hội trường trung tâm để mọi quân binh của Mẹ từ các đơn vị có dịp gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm hoạt động tông đồ của người lính Legio là luôn cứu vớt các linh hồn về cùng Chúa. Những bài ca tập thể vui vẻ cùng nhau trong một buổi chiều ấm áp và tình thân mến.
 
Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Thánh Martino mừng bổn mạng.
Trần Văn Minh
23:53 17/11/2017
Melbourne, vào lúc 10 giờ 30 sáng Thứ Bảy 18/11/2017. Tại Thánh Đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Our Lady) Maidstone, Victoria. Huynh Đoàn Giáo dân Đa Minh Thánh Martino đã tề tựu đông đủ để dâng Thánh lễ tạ ơn, mừng bổn mạng huynh đoàn và tổ chức các nghi thức mặc áo dòng cho tân đoàn viên và nghi thức tuyên hứa cho đòan viên trong huynh đoàn.

Xem hình

Trước thánh lễ, Chị Đỗ Thị Nhơn đại diện huynh đoàn đã lên đọc tiểu sử Thánh Martino, vị thánh có lòng khiêm nhường và lòng yêu mến tha nhân một cách nồng nhiệt. Sau đó, các đoàn viên trong huynh đoàn và các huynh đoàn bạn cùng với cộng đoàn đọc Kinh Thần vụ.

Thánh lễ do Linh mục Phê Rô Nguyễn Văn Toàn OP. Là linh hướng của Liên Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Tiểu bang Victoria chủ tế. Ca đoàn Đa Minh thuộc Liên huynh Đa Minh Victoria phụ trách thánh ca giúp cho buổi lễ thêm long trọng và sốt sắng.

Trong bài chia sẻ dụ ngôn Muối và ánh sáng. Linh mục chủ tế đã nhắc lại tiểu sử của Thánh Martino, sinh ra trong một gia đình mà người cha là người da trắng, mẹ là người da đen, chính vì mầu da mà người cha đã từ chối nhận con và ruồng rẫy vợ. Nhưng Thánh nhân đã có lòng yêu người và có một đời sống khiêm nhường và thánh thiện. Trở lại bài Tin mừng qua dụ ngôn muối và ánh sáng. Linh mục chủ tế đã minh họa những nét chính của người đoàn viên, biết sống sao cho xứng đáng, như muối làm cho đời sống đức tin triển nở mạnh mẽ, như những hạt muối làm mặn cho đời, như ánh sáng soi tỏa và làm sáng danh Thiên Chúa.

Tiếp theo là nghi thức mặc áo dòng cho hai đoàn viên mới là anh chị Điền và Loan. Trong nghi thức rất long trọng này, trước sự chứng giám của Cha linh hướng, Ông Nguyễn Hoa Kỳ đại diện Huấn đức Liên huynh Đức Mẹ Lên trời Victoria, Trưởng ban phục vụ Huynh đoàn Martino Phạm Thị Ty đã chủ trì các nghi thức rất trang trọng cho các tân đoàn viên và đoàn viên Vũ Thị Liễu tuyên hứa vĩnh viễn trước cộng đoàn.

Cuối lễ, Chị Phạm Thị Ty trưởng ban phục vụ huynh đoàn đã lên cám ơn cha chủ tế, đại diện Liên huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Victoria, các ban phục vụ các huynh đoàn bạn, các ban ngành, đoàn thể trong cộng đồng, Ca đoàn Đa Minh, Ban kỹ thuật cùng toàn thể gia đình và bằng hữu đã về dâng lễ tạ ơn cùng huynh đoàn.

Một bữa tiệc nhẹ trong tình thân ái được tổ chức tại hội trường giáo xứ, để mọi người chung vui cùng huynh đoàn trong ngày lễ bổn mạng, thời tiết thật đẹp, trời trong xanh, nắng vàng và gió mát.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ý Niệm Chết trong Thánh Kinh và Thần Học (5)
Vũ Văn An
04:27 17/11/2017
III. Cái hiểu thần học về mầu nhiệm sự chết

Từ việc mô tả trên đây về sự chết như một hậu quả của tội lỗi và như một biến cố của cứu rỗi nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, 2 điều sau đây trở nên cực kỳ rõ ràng. Thứ nhất, chết là giây phút quyết định trong đời sống mọi con người; nó kết thúc thời kỳ thử thách, trong đó, con người được tự do xa lìa khỏi Thiên Chúa như là cùng đích hoặc quay về với Người. Sau khi chết, thân phận con người được xác định vĩnh viễn một là được hân hoan hai là bị khốn cùng, tùy họ chết trong Chúa Kitô hay trong Ađam. Thứ hai, yếu tính tự nhiên của sự chết phải sao đó mới đưa ta vào một là ý nghĩa mất mát hai là ý nghĩa cứu rỗi. Trong chính nó, xét về tự nhiên và theo yếu tính, sự chết của thân xác không thể hoặc là mất mát hoặc là cứu rỗi, nếu không, nó sẽ không là điều này đối với một số người và điều khác đối một số người khác. Bởi thế vấn đề đặt ra cho cái hiểu thần học là: tại sao sự chết lại là biến cố quyết định của hiện hữu con người? Trong chính nó, sự chết là chi để nó có thể hoặc là ấn tín trầm luân của người này vì phải xa lìa Thiên Chúa, hoặc là khởi đầu dứt khoát cuộc sống vĩnh cửu vì được kết hợp với Người?

1. Vấn đề Ý Chúa

Một số nhà thần học có ý kiến cho rằng sự chết có tính quyết định đơn giản và duy nhất chỉ vì Thiên Chúa muốn như thế. Rõ ràng là nếu con người, cuối cùng, sẽ ở trong trạng thái trường cửu và không thể thay đổi, thì một giây phút nào đó trong cuộc hiện sinh của họ buộc phải ấn định lúc kết thúc thời gian thử thách và khởi đầu trạng thái được thưởng đời đời hay bị phạt vĩnh viễn. Thời kỳ thử thách không thể kéo dài vô tận, nếu không, trạng thái sau cùng sẽ không bao giờ đến. Họ cho rằng tự trong chính nó, không giây phút nào trong hiện sinh con người tự nhiên và nhất thiết là giây phút quyết định này cả. Nó có thể là giây phút nào đó trong đời sống trưởng thành của người ta, hay là giây phút chết mà cũng có thể là giây phút sau khi chết. Còn việc nó là giờ chết, như mạc khải rõ ràng cho biết, thì chỉ là do sự kiện Thiên Chúa quyết định như thế. Từ giây phút đó trở đi, Thiên Chúa không còn muốn ban cho người tội lỗi ơn thánh để họ quay về với Người nữa, dù Người vẫn có thể ban nếu Người muốn. Từ giây phút đó trở đi, Người không còn để cho người công chính bị cám dỗ nữa và Người không còn nâng đỡ ý chí yếu đuối hay sa phạm của họ nữa, dù, nếu Người muốn, Người vẫn để họ phạm tội và quay lưng lại với Người. Quyết định này của Thiên Chúa không bị coi là chuyên chế vì sự chết, ít nhất, cũng là thời gian thích đáng để kết thúc thời kỳ thử thách. Lúc chết, kiểu thức hiện hữu của con người thay đổi một cách triệt để đến nỗi quả là thích đáng khi coi nó như điểm phân chia giữa cố gắng và thành tựu, giữa lao nhọc và thưởng ban, giữa tội ác và hình phạt. Tuy thế, theo họ, nó cũng có thể khác đi.

Phê phán thứ nhất. Không thể nói lối giải thích trên chắc chắn sai lầm, dù có nhiều lý do rất mạnh để bác bỏ nó. Trước nhất, bất cứ giải thích nào mà sau cùng và tối hậu dựa vào quyết định tự do của một mình Thiên Chúa đều đáng hoài nghi, ngoại trừ có lý do nào đó giải thích tại sao lại phải như vậy. Việc tạo dựng và việc nâng lên hàng siêu nhiên, chẳng hạn, có lời giải thích tối hậu trong các sắc lệnh hoàn toàn tự do và nhưng không của Thiên Chúa: Người muốn sự việc phải như thế chứ không khác đi, dù trong đức khôn ngoan của Người, Thiên Chúa có thể ra lệnh cách khác. Sự thích đáng và thích hợp của các sắc lệnh này có thể được chứng tỏ, nhưng giải thích cuối cùng vẫn là Thiên Chúa nhất định hành động cách này. Cả trong các trường hợp này, cũng có thể chứng tỏ rằng tại sao đây phải là lời giải thích sau cùng; vì nếu không, phải lệ thuộc sáng thế của Người, Thiên Chúa mới có được sự trọn vẹn và sự sống yếu tính. Nhưng, nơi nào một lý do như thế không hiển nhiên, thì người ta phải tìm một lý do nội tại nào đó để hướng dẫn thánh ý Thiên Chúa trong khôn ngoan và công chính. Thí dụ, ta không thể nói Thiên Chúa thực sự thưởng người lành và phạt người dữ chỉ vì Người quyết định hành động như vậy; ta cũng không thể nói có lẽ và một cách hợp lý, Người rất có thể chọn phạt người lành và thưởng người dữ. Lời giải thích tối hậu cho hành động của Thiên Chúa như trong trường hợp này không phải là quyền tự do của Người, mà là đức khôn ngoan và công lý của Người. Đức khôn ngoan của Người thiết lập ra một trật tự khả niệm nơi sự vật, một trật tự bắt nguồn triệt để từ bản chất sự vật lập thành vũ trụ, còn công lý của Người hành động để duy trì trật tự này.Thần học suy lý tìm cách khám phá bao xa có thể thứ trật tự khả niệm của đức khôn ngoan Thiên Chúa này chứ không chịu bằng lòng với các sắc lệnh chuyên chế mà không cho biết lý do đầy đủ tại sao Người làm vậy. Do đó, lối giải thích thần học nào chỉ biết nói Thiên Chúa muốn cách ấy và đó là tất cả lý do, thường chỉ là một cách thoái thác, không chịu suy tư mà thôi. Trong trường hợp ở đây, không có lý do nào giải thích được tại sao một mình tự do của Thiên Chúa mới là câu trả lời sau cùng cho câu hỏi tại sao sự chết là giờ phút quyết định trong hiện hữu nhân sinh. Do đó, ta phải ráng đi tìm lý do như thế trong chính sự chết.



Phê phán thứ hai. Hơn nữa, không những việc nại đến tự do của Thiên Chúa đáng hoài nghi, mà còn có lý do vững chắc để coi việc nại đó là sai lầm nữa. Nhiệm cục Cứu Chuộc được mạc khải cho con người trong Sách Thánh như là bắt nguồn từ tình yêu, từ tình yêu vốn là Thiên Chúa. Về Chúa Kitô, Chúa chúng ta, đã có lời chép rằng Người không đập gẫy cọng sậy đã bị dập mà cũng không dập tắt chiếc bấc còn bốc khói. Thành thử thật là không nhất quán chút nào đối với việc mạc khải này về lòng thương xót của Thiên Chúa khi quả quyết rằng Thiên Chúa từ khước ban ơn tha thứ và thống hối cho những người mà từ thẳm sâu trong nội tại họ vẫn còn khả năng tiếp nhận nó. Do đó, quả không thỏa đáng chút nào khi nói rằng những người có tội, lúc chết, bị củng cố trong tính tội lệ của họ, chỉ vì Thiên Chúa không còn muốn tỏ lòng thương xót họ nữa. Chính sự chết mới củng cố người tội lỗi trong việc họ quay lưng khỏi Thiên Chúa một cách mà lòng thương xót của Thiên Chúa không vươn tới họ được nữa, không phải vì Người không sẵn sàng ban ơn thánh cho họ, mà vì Người không thể làm thế, do chính tình huống nội tại. Tình huống nội tại này là gì thì vẫn còn đang được tìm hiểu. Ngoài ra, ngay trong trường hợp người lành, that là kỳ lạ khi Thiên Chúa giới hạn thời kỳ phát triển công phúc của họ vào các năm tháng vắn vỏi của cuộc đời tử sinh này, nếu thực sự không có điều gì án ngữ một cách khách quan sự kéo dài thời kỳ này quá bên kia nấm mồ. Tại sao mức độ kết hợp với Thiên Chúa lại cần phải được xác định một cách dứt khoát ở lúc chết, nếu khả thể khách quan có đó để người ta đạt được một mức độ kết hợp cao hơn nhờ các hoạt động gây công phúc bên kia nấm mồ? Sự khó hiểu này còn có thể đáng nhấn mạnh hơn trong trường hợp cả người có tội lẫn người công chính khi ta nhớ rằng sự chết nhất định sẽ đem đến cho họ một cái nhìn thông suốt hơn đối với tiêu chuẩn đích thực của các giá trị, và nhờ cách này, sự chết làm cho việc thể hiện ý định căn bản của Thiên Chúa được trọn vẹn hơn trong việc thông truyền sự tốt lành và sự sống của Người cho các tạo vật có lý trí. Do đó, chính bản chất của sự chết, chứ không phải quyết định tự do từ bên ngoài của Thiên Chúa, đã làm cho giờ phút này trở thành có tính quyết định một cách bất phản hồi đối với số phận đời đời của mỗi con người. Đây là giáo huấn của Thánh Tôma Aquinô và, sau ngài, của đa số các thần học gia viết về chủ đề này.

Kỳ sau: 2. Hoàn cảnh sinh hoạt thiêng liêng của con người
 
Thông Báo
Cáo phó: Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả từ trần tại Saigòn
LM Nguyễn Văn Hiền và Gia Quyến
08:58 17/11/2017
CÁO PHÓ:

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,

Gia đình linh tông và qia quyến chúng tôi thành kính báo tin:



Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

- Sinh ngày 10.10.1938 tại Họ Hàm Phu, Ninh Bình – Phát Diệm

đã an nghỉ trong Chúa lúc 4g30 chiều thứ sáu 17/11/2017 tại Saigon,

Hưởng thọ 79 tuổi với 50 năm linh mục.

Thánh lễ và Nghị thức tẩm liệm lúc 15g00, thứ Bảy 18/11/2017

tại tư gia số 448/17 Lễ Văn Sỹ (đối diện nhà thờ Vườn Xòai)

Sau đó, linh cữu được quàn tại Nhà xứ Vườn Xòai, 412 Lê Văn Sỹ, Quận 3, Saigon.

Thánh lễ an táng: 9g00 sáng thứ ba 21/11/2017

Sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Vài nét về Đức ông Phanxicô:

- Sinh ngày 10.10.1938 tại Họ Hàm Phu, Gx. Quân Triêm, Gíao phận Phát Diệm.

- Thụ phong Linh Mục ngày 21.12.1967 tại Nhà thờ Hoà Hưng Sàigòn.

- Giáo sư & Linh mục linh hướng Tiểu chủng viện Thánh Giuse Saigòn 1967-1974.

- Cử nhân Triết học Tây Phương Đại học Văn Khoa Saigòn.

- Cử nhân Thần học tại Giáo hòang Học viện Đà Lạt.

- Cử nhân Kinh Thánh tại Giáo hòang học viện Kinh Thánh Rôma.

- Tiến sĩ Phụng vụ tại Giáo hòang Học Viện Phụng Vụ Thánh Alselmo, Roma.

- Phục vụ tại Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích 1978-2008, Vatican.

- Cộng tác chương trình Việt ngữ Radio Vatican, Radio Veritas.

- Được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Chánh Văn Phòng của

- Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích ngày 17/12/2002, Vatican.

- Được Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI thăng cấp Đức Ông 21.12.2007.

- Nghỉ hưu ngày 10/10/2008 tại Saigòn.

- Giáo sư Phụng vụ và Kinh Thánh tại ĐCV Hà Nội, ĐCV Bùi Chu, ĐCV Xuân Lộc.

- Truyết trình viên thường huấn cho linh mục, tu sĩ, giáo lý viên.

- Linh mục giải tội ngọai trú ĐCV Thánh giuse Saigon.

- Linh mục đòng hành thiêng liêng vơi các linh m5uc trẻ của Giáo phận Saigon.

- Về Nhà Cha ngày 17/11/2017 tai Saigon.

- Hưởng thọ 79 tuổi với 50 năm Linh mục.

Kính xin Qúy Đức Hồng Y, Qúi Đức Cha, Qúy Cha,

Qúy Tu sĩ, chủng sinh, và cộng đồng dân Chúa,

hiệp ý cầu nguyện cho Đức ông Phanxicô Borgia.

Gia đình linh tông và Gia quyến thành kính tri ân.

Nghĩa tử: Linh mục Phêrô Nguyễn văn Hiền

Nghĩa nữ: Nữ tu Agnes Vũ thị Thành Đào, MTG Gò Vấp

Hiền tỷ: Bà Têrêxa Trần thị Thuần

Hiền huynh: Ông Trần Văn Ký.

Ông Cố Ông cố Trần Văn Ngoạn sinh 6 người con:

1. Ông Tổng Hùng (sinh Ông Tổng Vinh, sinh Ông Cố Kỳ, sinh Đức Ông Khả....)

2. Bà Măng

3. Bà Khanh

4. Bà cựu Hán

5. Bà Cố Xuyên

6. Ông Điển.

- Các chi tộc trên đây có Các linh mục và Tu sĩ thuộc gia quyến như sau:

Linh mục Trần Bình Trọng, Hoa Kì

Linh mục Phạm Hữu Thiết, VN

Linh mục Lưu Ðình Vinh, Hoa Kì

Linh mục Trần Công Nghị, Hoa Kì

Linh mục Trần Xuân Lãm, Gia Nã Đại

Linh mục Nguyễn Văn Mạnh, VN

Linh mục Trần Thanh Xuân, VN

Nt (Nữ tu) Phạm Thị Tám, VN

Nt Phạm Thị Dự, VN

Nt Phạm Thị Thục, Pháp quốc

Nt Trần Thị Thiên Hương, VN

Nt Nguyễn Thị Huê, VN

Nt Hoàng Thị Lan, VN

Nt Trần Thu Hà, Hoa Kì

Nt Trần Thị Thu Hương, VN

Nt Trần Thị Hường, Hoa Kì

Nt Vũ Thị Bích Thảo, VN

Nt Trần Thuỳ Trang, VN

Nt Anna Nguyễn Thị Hiền (MTG Gò Vấp)

Nt Maria Phạm Thị Minh Nhật (MTG Gò Vấp)

Nt Xexilia Phạm Thị Thu Vân (MTG Gò Vấp)

Nt Maria Nguyễn Thị Hạnh Thảo, VN

Nt Maria Nguyễn Thị Mỹ Lệ (MTG Gò Vấp)

Nt Maria Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Dòng Phan Sinh)

Nt Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Mai (MTG Đalat)

Nt Maria Nguyễn Thị Tuyết Trinh (MTG Gò Vấp)

Nt Catarina Nguyễn Thị Tuyết Thu (MTG Gò Vấp)

Nt Têrêsa Nguyễn Thị Lệ Thủy (MTG Gò Vấp)

Nt Lucia Trần Thị Kim Phượng (MTG Gò Vấp)

Nt Maria Cao Thị Tươi, VN

Nt Têrêsa Cao Thị Sinh MTG Gò Vấp)

Nt Xêxilia Cao Thị Bạch Tuyết, VN

Nt Têrêsa Phạm Thị Bích Nga (MTG Gò Vấp)

Nt Rosa Hoàng Mộng Điệp (MTG Gò Vấp)
 
Phân Ưu: Cha Cố Thomas Đỗ Thanh Hà qua đời tại Anaheim, Hoa Kỳ
Lớp Mỹ Sơn Long Xuyên
11:58 17/11/2017
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Anh Em Lớp Mỹ Sơn 1961 Giáo Phận Long Xuyên nhận được tin buồn:

Cha Giáo Tôma Đỗ Thanh Hà
15.10.1936-16.11.2017.
Vừa hoàn tất hành trình đức tin nơi dương thế, nay Cha Giáo Tôma đã về nhà Cha trên Trời
lúc 8 giờ 45 sáng ngày 16/11/2017 tại Nhà Hưu Hưỡng Thánh Giuse, Anaheim, California, Hoa Kỳ.
Hưởng Thọ 81 tuổi.

Anh Em Lớp Mỹ Sơn chúng con nhớ thương Cha Giáo Tôma Đỗ Thanh Hà
và xin Thành Kính Phân Ưu cùng Giáo Phận Long Xuyên,
Cha Nghĩa Tử FX Bùi Ngọc Tỷ, và Tang Quyến.

Nguyện xin Thiên Chúa sớm đưa linh hồn Cha Giáo Tôma về hưởng
hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Đàng.

Lớp Mỹ Sơn năm 1961 Giáo Phận Long Xuyên
 
Văn Hóa
Đức Mẹ Fatima
LM. Phêrô Hồng Phúc
09:58 17/11/2017
LTS: Hướng tới ngày 26/11/2017, ngày kết thúc năm toàn xá kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Hiệp thông trong Giáo hội và xin được cùng độc giả lưu giữ lại trong cuộc đời mình những trải nghiệm ơn phúc về Mẹ Fatima.

Fatima - điểm hành hương thế giới

Gắn mệnh lệnh Mẹ gửi tới từng người:

Ăn năn đền tội cải thiện cuộc đời,

Siêng năng lần hạt Mân côi mầu nhiệm.

Tôn sùng đền tạ trái tim Vô Nhiễm,

Cầu hoà bình, tránh họa hiểm chiến tranh.

Cova de Iria thung lũng tốt lành

Như bình nguyên trải rộng thành thánh địa.

Không chỉ đẹp trong địa danh định vị

Còn đẹp hơn trong ý nghĩa hiệp thông.

Đoàn hành hương khắp thế giới Tây Đông

Cùng quy tụ với tấm lòng con thảo.

Hai sườn đồi giao nhau thành lòng chảo

Đỉnh Thánh đường, giữa kiến tạo quảng trường.

Chính Cây Sồi Mẹ hiện xuống lạ thường

Đã chết trong hồi đau thương thế chiến.

Cây tiếp theo giữa quảng trường hiện diện

Mãi xanh tươi như Mẹ đến mỗi ngày.

Dưới tán cây: lễ, chầu sốt sắng thay

Kiệu Thánh Thể, hành hương say tiếng hát.

Làn sóng người nến trên tay, lần hạt,

Sáng lung linh như dòng thác ơn trời.

Fatima, còn ghi khắc diệu vời

Nơi tận hiến cả loài người cho Mẹ !

Một trăm năm dòng thời gian trôi nhẹ

Nhưng "Cuốn đi sự mạnh mẽ con người"(x. 1Cr 1, 27-28)

Fatima vẳng lời hứa từ trời

"Trái tim Mẹ vào cuối thời sẽ thắng".

Xin cho con được nhân lên sức mạnh,

Xin cho con thêm nhận lãnh ơn trời:

Ơn ăn năn cải thiện cả cuộc đời,

Chăm lần hạt kinh Mân côi kính Mẹ.

Xin cho con một tấm lòng mạnh mẽ

Đền tạ và sùng kính Mẹ Mẹ ơi./.



Lm Phêrô Hồng Phúc
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Bên Rừng Thu
Joseph Ngọc Phạm
09:06 17/11/2017
NẮNG BÊN RỪNG THU
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Nắng thu hỏi sao tình vương lối nhỏ
Nắng thu cười reo tạ Chúa thiên nhiên
Nắng thu khóc sương đêm còn rớt lại
Nắng thu cầu Ơn Cứu Rỗi nhân duyên.
(Trích thơ của Dã Tràng Cát)