Ngày 18-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Các Thánh Tử Đạo dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:32 18/11/2019
Bài Ðọc I: Kn 3, 1-9

"Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng". Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 17-25

"Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?" Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Pr 4, 14

Alleluia, alleluia! - Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 17-22

"Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:20 18/11/2019

86. Thật vậy, nhận thức tốt nhất của con người chính là nhìn thấu cái hư không của bản thân họ.

(Thánh Angelina of Marsciano)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:30 18/11/2019
66. TỰ CHO LÀ TÀI HOA

Tỉnh Châu ở bắc Tề có một tộc lớn rất thế giá, trong tộc có một người nổi tiếng làm thơ, nhưng làm thơ thì khiến cho người ta cười mà ông ta thì lại tự cho là hết sẩy, ngay cả một vài người nổi tiếng cũng coi thường, cuối cùng làm thơ bị giảm sút.

Mỗi lần làm thơ, người bên cạnh cố ý nói thơ của ông ta làm rất hay, có tài nghệ, ông ta liền sung sướng bềnh bồng trong mơ nên giết trâu sát dê mời những người ấy đến ăn.

Vợ biết chồng hoang đường lơ mơ, nhiều lần vừa khóc vừa khuyên ông ta không nên làm như thế. Người ấy than thở nói:

- “Tài hoa của mình mà ngay cả vợ con cũng không thể nào hình dung ra được, thì huống chi là người lạ chứ ?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 66:

Tài hoa là báu vật mà Thiên Chúa ban cho mỗi người, nên xét cho cùng, mọi người trên mặt đất này ai cũng có tài hoa, bởi vì Thiên Chúa rất công bằng không ghét người này mà thương người kia, tắt một lời là Thiên Chúa không hề thiên vị ai.

Tài hoa ở thế gian như trăm hoa đua nở: có người biết vẽ, có người biết làm thơ viết văn, có người giỏi khoa học, có người là nghệ nhân, có người thông thiên văn đạt địa lý.v.v… và có rất nhiều tài hoa nơi những con người mà chúng ta không biết đến…

Người khiêm tốn có tài hoa thì biết tài của mình giỏi đến đâu nên biết dừng đúng lúc, người kiêu ngạo có tài hoa nhưng không biết tài của mình ngang cở nào, nên thường trở thành lố bịch và làm trò cười cho thiên hạ.

Có tài làm thơ nhưng bạ đâu làm đó thì ý thơ sẽ mất dần chất và lượng, có tài ăn nói nhưng nói không suy nghĩ thì trở thành kẻ lắm mồm lắm miệng…

Có một vài linh mục có tài giảng mà không cần soạn bài giảng, gặp đâu giảng đó mà không chuẩn bị, thì bài giảng sẽ thiếu đường thiếu muối, lặp đi lặp lại làm cho giáo dân chán ngấy và bài giảng trở thành phản tác dụng khi giáo dân mới nghe ngài mở miệng là biết ngay đoạn kết của bài giảng…

Tài hoa là của Thiên Chúa ban cho mỗi người, nhưng con người phải tập luyện, trau dồi và phát triển, thì tài hoa mới phát sáng giúp cho người chung quanh được nhờ…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đức Giêsu Thiên Sai Vua vũ trụ
Lm Đan Vinh
23:44 18/11/2019

Chúa Nhật 34 Thường niên C
Lễ Chúa Giêsu Vua
2 Sm 5,1-3 ; Cl 1,12-20 ; Lc 23,35-43

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 23,35-43

(35) Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn”. (36) Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống, (37) và nói: “Nếu ông là Vua dân Do thái, thì cứu lấy mình đi! (38) Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là Vua người Do thái”. (39) Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”. (40) Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà có Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! (41) Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”. (42) Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi! Khi vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (43) Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh: Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”.

2. Ý CHÍNH:

Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su trên thánh giá như một ông Vua ngự trên ngai vàng. Hầu hết những kẻ hiện diện do đã quen hình ảnh một ông vua trần tục nên không nhận ra Đức Giê-su là ông Vua Mê-si-am nên có thái độ khác nhau: Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo… Lính tráng cũng chế giễu Người. Hai tên gian phi thì một kẻ nhục mạ Người, còn kẻ tin Chúa thì bênh vực và cầu xin Người thương xót nên đã trở thành người đầu tiên nhận được ơn cứu độ của Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 35-38: + Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo: Khi đối diện với thập giá của Đức Giê-su, dân chúng ngỡ ngàng đứng nhìn hậu quả của việc mình đã về hùa với kẻ mạnh mà lên án bất công cho người công chính. Còn các đầu mục Do thái thì hả hê vì đã hạ gục được một kẻ dám chống lại họ. + Là Đấng Ki-tô: Ki-tô (Christos) là tiếng Hy Lạp, tương đương với từ Mê-si-a trong tiếng A-ram hay Do thái. Cả hai từ Mê-si-a và Ki-tô đều có nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Xức dầu là một nghi thức tấn phong, giống như Sa-mu-en đã xức dầu phong Đa-vít làm Vua (x. 1 Sm 16,13) ; như Mô-sê đã xức dầu phong A-a-ron làm Tư tế (x. 1 V 19,16) ; như Ê-li-a được lệnh xức dầu phong Ê-li-sê làm Ngôn sứ thay thế mình (x. 1 V 19,16; Is 61,1). + Là người được tuyển chọn: Đây là tước hiệu đã được Chúa Cha xác nhận trước mặt ba môn đệ khi Người hiển dung (x. Lc 9,35), phù hợp với lời tuyên sấm của I-sai-a về Đức Giê-su là “người Tôi Trung, được Thiên Chúa tuyển chọn” để thực hiện công trình cứu độ, nhưng lại bị người đời khinh dể (x. Is 42,1). + Lính tráng cũng chế giễu Người: Lính tráng ở đây là binh sĩ Rô-ma. Chúng thi hành án lệnh của quan Tổng trấn Phi-la-tô đóng đinh Đức Giê-su. Bọn lính này cũng vào hùa với các đầu mục Do thái chế giễu nhục mạ Người. + Chúng lại gần đưa giấm cho Người uống: Giấm là một thứ nước có pha giấm chua gọi là Pos-ca mà lính Rô-ma hay dùng. + Đây là Vua người Do thái: Câu này do quan Phi-la-tô truyền viết gắn lên phía trên thập giá như một bản án. Ngày nay trên cây Thánh Giá, có chữ INRI, viết tắt của câu tiếng La tinh: “JESUS NAZARETH REX JUDEORUM” - Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái (x. Ga 19,19).
- C 39-41: + “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”: Tên gian phi này đã nghĩ Đức Giê-su chỉ là Vua Thiên Sai giả, không thể làm được những điều kỳ diệu, nên đã lên tiếng chế giễu Người. Đây cũng là cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa, yêu cầu Người làm phép lạ phục vụ cho mình, giống như ma quỷ đã cám dỗ Người khi bắt đầu đi rao giảng Tin mừng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy”... (Lc 4,3). Dân làng Na-da-rét cũng có lần đã cám dỗ Người như thế (x. Lc 4,23). + Nhưng tên kia mắng nó...: Chỉ Tin mừng Lu-ca mới nhắc đến thái độ khác biệt của người gian phi có lòng sám hối này.
- C 42-43: + Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!: Trong hoàn cảnh đau thương như vậy thì lời bênh vực và kêu xin của người gian phi, dù yếu ớt, nhưng cũng an ủi Người rất nhiều. Người đã lập tức tha tội và hứa ban hạnh phúc Thiên đàng cho anh. Thật đúng như Người đã nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). + “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”: Đối với một số người Do thái thì Thiên Đàng là nơi những người công chính ở, chờ ngày sống lại (x. Lc 16,22-31). Còn đối với chúng ta thì Thiên Đàng là “Trời cao” như lời thánh Phao-lô: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Thiên Đàng còn là “Trời Mới, Đất Mới” thay thế “trời cũ đất cũ” bị biết mất (x. Kh 21,1). Nơi đó sẽ “không có sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (x. Kh 21,4). +Thập giá”: Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình thì cây thập tự được gọi là Thập tự giá, là một cái giá để hành hình tử tội mang hình chữ thập. Thập tự giá đối với những người không có niềm tin là sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn (1 Cr 1,23), nhưng đới với người tín hữu lại là biểu tượng của sự hy sinh hãm mình: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo !” (Lc. 9:23). + Thánh giá: Sau khi Chúa Giê-su phục sinh thì cây Thập giá trở thành Thánh Giá là biểu tượng của niềm tin Ki-tô. Khi dâng thánh lễ, trên bàn thờ luôn phải có cây Thánh giá.

4. CÂU HỎI:

1) Tin mừng Lu-ca ghi nhận thế nào về thái độ của dân chúng, các đầu mục Do thái, lính canh, hai tên gian phi khi chứng kiến thập giá của Đức Giê-su? 2) Ki-tô hay Mê-si-a nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Trong Thánh kinh, ba chức vụ nào được xức dầu tấn phong?
3) Chữ INRI gắn phía trên cây Thánh Giá nghĩa là gì?
4) Cơn cám dỗ cuối cùng Đức Giê-su trải qua trên Thánh Giá là gì?
5) Câu nào của Đức Giê-su cho thấy Người ưu ái đặc biệt đối với tội nhân có lòng sám hối?
6) Theo Thánh kinh thì Thiên Đàng là gì?
7) Tại sao lại gọi cây thập giá Đức Giê-su chịu khổ nạn là cây Thánh Giá ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là Vua người Do thái” (Lc 23,38).

2. CÂU CHUYỆN:

1) ANH KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ CHO EM HƠN THẾ NỮA:

Gần đây, các thợ lặn đã tìm được một con tàu đã bị đắm ở ngoài khơi biển Bắc Ái nhĩ lan cách đây 400 năm. Trong số các báu vật tìm được trên con tàu này, có một chiếc nhẫn cưới của một người đàn ông. Sau khi được lau chùi sạch sẽ, trên mặt nhẫn hiện ra một hàng chữ kèm theo hình một bàn tay đang cầm một quả tim đưa ra. Người ta đọc được câu ấy như sau: “Anh không còn gì để cho em hơn thế này nữa”. Trong tất cả những báu vật tìm thấy trên con tàu, không vật nào khiến cho các tay thợ lặn cảm động bằng chiếc nhẫn với hàng chữ khắc ghi trên đó.

2) BỨC HỌA NGÀY THẨM PHÁN:

Trần thánh điện của Nhà thờ Sixtine tại Va-ti-can có một bức danh họa vĩ đại của Michel-Ange về Ngày Thẩm phán theo Tin Mừng Mat-thêu. Đây quả thật là một bức tranh vĩ đại. Họa sĩ phải để ra một năm, hằng ngày nằm trên sàn vẽ, vừa vẽ vừa suy niệm về ngày phán xét chung. Chúa Giê-su, Vua Thẩm Phán đến trong vinh quang để xét xử công tội của mỗi người. Bài Tin Mừng hôm nay, tuy nói đến cuộc quang lâm của Chúa, nhưng trước tiên nói đến số phận của mỗi người: "Ngài sẽ đến ngự trên ngai uy linh, có hết thảy mọi Thiên thần hầu cận và Ngài sẽ phân chia họ ra".
Trước mặt Ngài chỉ có những người đã sống trong Tình yêu và những người đã chối bỏ Tình yêu. Mọi người đều lộ diện rõ ràng trước Vua Thẩm Phán Tối Cao. Người sẽ phán với họ: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta. Và những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em hèn mọn nhất của Ta, là các ngươi đã không làm cho chính mình Ta".
Đây là một cuộc xét xử về Tình yêu: Mến Chúa và yêu tha nhân. Nếu được xét xử khi ấy, chúng ta sẽ được xếp vào hàng chiên bên phải hay loài dê bên trái của Chúa?

3) PHỤC VỤ BỆNH NHÂN NGHÈO NHƯ PHỤC VỤ CHÍNH CHÚA KI-TÔ:

Hôm ấy, có một thiếu nữ Ấn-độ đến gặp Mẹ Tê-rê-xa Cal-cut-ƠN GỌI CỦA ta để tìm hiểu Hội Dòng của Mẹ. Mẹ liền nói với người thiếu nữ ấy rằng: "Con hãy qua nhà hấp hối. Ở đó, con sẽ gặp nhiều người bệnh tật bất hạnh đang nằm chờ chết. Con hãy săn sóc an ủi họ".
Thiếu nữ vừa quay lưng đi thì Mẹ Têrêxa gọi giật lại: "Nầy con, khi dâng thánh lễ, con thấy linh mục trân trọng Mình Thánh Chúa Giêsu thế nào, thì con cũng hãy trân trọng những con người bất hạnh như thế".
Nói như thế, Mẹ Têrêxa muốn dạy rằng: mỗi một con người dù bần cùng khốn khổ đến đâu cũng phải được tôn trọng như Thân Mình Chúa.

4) KÍNH TRỌNG THÂN MÌNH ĐỨC KI-TÔ NƠI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHỔ:

Tại Đại hội Thánh Thể 1982 ở Lộ Đức, Đức cha Ca-ma-ra đã kể lại câu chuyện như sau:
“Có một số nông dân đến gặp tôi. Họ kể lại rằng một tên ăn trộm đã đột nhập vào nhà thờ, cậy cửa nhà tạm và lấy Mình Thánh mang đi. Hôm sau, họ đã tìm thấy Bánh Thánh nằm vương vãi trong bùn nhơ”. Nói tới đây họ òa khóc, rồi xin tôi dâng một lễ tạ ơn.
Dĩ nhiên là tôi vui lòng dâng lễ và trong buổi lễ hôm đó tôi đã nói với họ như sau:
“ Chúng ta thật mù quáng biết bao. Chúng ta đã sững sờ khi thấy Bánh Thánh nằm giữa bùn nhơ, nhưng đó lại là những hiện tượng thường xuyên xảy ra. Chúng ta cũng thường thấy Đức Ki-tô hiện diện trong những con người nghèo khổ sống trong những căn nhà ổ chuột. Đức Ki-tô hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể thế nào thì Người cũng hiện diện trong những con người khốn khổ như vậy”.
Rõ ràng việc bác ái là thành tích có giá trị thưởng phạt trong ngày phán xét. Việc bác ái là chứng chỉ duy nhất để ta được nhận vào số những người được Chúa Cha chúc phúc. Làm việc đạo đức mà thiếu tâm tình bác ái thì cũng không được Chúa thừa nhận. Đức Kitô là Vua Tình Yêu và Vương quốc của Người là Vương quốc Tình Yêu, nên chỉ những ai sống yêu thương cụ thể mới gặp được Chúa và gia nhập vào Vương Quốc của Người.

3. SUY NIỆM:

1) TÌNH CHÚA TÌNH NGƯỜI:

Trong câu chuyện chiếc nhẫn tình yêu: hình chạm và dòng chữ: “Anh không còn gì để cho em hơn nữa” rất phù hợp với ý nghĩa của Thánh lễ Chúa Giê-su Vua hôm nay. Bởi vì trên thập giá, Đức Giê-su đã cho chúng ta mọi sự Người có là tình yêu và mạng sống của Người. Người đã chứng tỏ tình yêu tột cùng với chúng ta khi nói với các môn đệ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

2) ĐỨC GIÊ-SU LÀ VUA THIÊN SAI:

Chúng ta thường nghe nói rằng: Sư tử là vua vì là con vật mạnh mẽ nhất trong muôn loài thú. Ta cũng thấy người ta gọi người này là ông vua dầu lửa, người kia là ông vua thép, người khác là ông vua nhạc Rốc... Đó là những nhân vật tài giỏi nhất, làm bá chủ về một lãnh vực nào đó. Tương tự như thế, Đức Giê-su được gọi là “Vua”, vì Ngài là một con người hoàn hảo nhất, cao thượng nhất và quyền năng nhất. Thánh Phao-lô đã viết: “Nhờ đã hạ mình vâng lời chịu chết, một cái chết thập giá, mà Người đã được Thiên Chúa siêu tôn và ban một Danh trổi vượt trên muôn ngàn Danh hiệu. Để khi nghe danh Giê-su mọi loài trên trời dưới đất đều phải quỳ lạy và mọi miệng lưỡi đều phải tuyên xưng: Đức Giê-su Ki-tô là Chúa để tôn vinh Chúa Cha” (x. Pl 2,8-9).

3) GIÊ-SU NA-DA-RÉT VUA DÂN DO THÁI:

Bài Tin mừng hôm nay đưa chúng ta về với hình ảnh Đức Giê-su trên cây thập tự với bản án trên đầu: “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái”.
Nhưng tước hiệu Vua của Đức Giê-su không giống các ông vua trần thế :

Đức Giê-su là VUA THIÊN SAI: Vương miện của Người là vòng gai nhọn cuốn trên đầu, cẩm bào Người khoác là sự trần trụi ô nhục. Không có những lời tung hô vạn tuế, mà chỉ có những lời nhạo báng khinh chê.
Đức Giê-su là VUA HÒA BÌNH ngồi trên lưng con lừa hiền lành thay vì ngựa chiến để khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem.
Đức Giê-su là VUA MỤC TỬ, chăm lo cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào, sẵn sàng thí mạng để bảo vệ đoàn chiên khỏi bị sói rừng giết hại.
ĐỨC GIÊ-SU là VUA TÌNH YÊU, chịu lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn để máu và nước chảy ra thanh tẩy tội lỗi và ban ơn cứu độ cho trần gian. Chỉ Người mới xứng đáng nói với chúng ta câu khắc trên nhẫn vàng trong câu chuyện trên: “THẦY KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ TRAO CHO ANH EM HƠN THẾ NỮA”.

4) TÔN VINH VUA GIÊ-SU:

Giữa công trường Thánh Phê-rô ở Rô-ma có một ngọn tháp cao chót vót gắn một cây Thánh giá vươn lên giữa trời xanh. Ngọn tháp này có từ đời Hoàng đế Ca-li-gu-la, được đưa về dựng giữa công trường năm 1586. Trên ngọn tháp có khắc ba câu tôn vinh Chúa Ki-tô là Vua như sau:

Christus vincit: Chúa Ki-tô toàn thắng.
Christus regnat: Chúa Ki-tô hiển trị.
Christus imperat: Chúa Ki-tô thống lĩnh.

Ngày hôm nay, Hội Thánh cũng tôn vinh Chúa Giêsu là Vua vào Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, để tuyên xưng đức tin: Chúa Giê-su chính là An-pha (Khởi đầu) và là Ô-mê-ga (Cùng đích) của nhân loại và toàn thể vũ trụ.

5) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?:

Đức Giê-su không muốn chúng ta tin Người vì đã được thấy phép lạ. Người muốn chúng ta tin nhờ được gặp gỡ và lắng nghe Lời Người, được nhìn thấy các việc tốt đẹp Người làm. Từ đó cảm nhận được tình yêu của Người và dứt khoát chọn đi theo Người. Các bà mẹ trong gia đình cần học theo gương của một bà mẹ có lòng đạo đức, đã chỉ vào cây Thánh Giá mà khuyên đứa con nhỏ như sau: “Con ơi! Hãy nhìn xem cho kỹ. Chính Chúa Giê-su đã chết đau thương trên cây thánh giá để đền tội thay cho con đó”. Mỗi lần nhìn lên Thánh Giá, chúng ta cần có thái độ nào?

Đứng nhìn như dân chúng,
Chế nhạo như những kẻ đầu mục Do thái,
Hay xin Chúa tha tội như tên gian phi có lòng sám hối ăn năn và đức tin chân thành?

4. THẢO LUẬN:

1) Bạn có đồng ý câu: “Yêu thương là cho đi. Cho nhiều là dấu yêu thương nhiều. Cho cả mạng sống của mình là dấu chứng tỏ tình yêu tột đỉnh”?
2) Trong những ngày này bạn sẽ cho người thân những gì để biểu lộ tình yêu của bạn?

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU VUA VŨ TRỤ.
Nếu chúng con chỉ nhìn Chúa vác thập giá và tuyên xưng Chúa là Vua thì chưa đủ.
Nếu chúng con chỉ ca ngợi Chúa trong thánh lễ hôm nay mà thôi thì cũng chưa đủ.
Chúng con còn phải yêu mến và sống chết cho Chúa, phải chu toàn bổn phận làm cho Vương quốc của Chúa mau trị đến.
Xin cho chúng con biết luôn quên mình và chấp nhận vác thập giá là những bệnh tật, những con người trái tính trái nết sống chung quanh, là những tai nạn rủi ro chúng con gặp phải trong cuộc sống... mà bước theo chân Chúa.
Nhờ đó, hy vọng chúng con sẽ trở nên những môn đệ trung tín và khôn ngoan của Chúa, sẽ được Chúa nói trong giờ chết: “Ta bảo thật, hôm nay, con sẽ được ở với Ta trên Thiên đàng”.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài hátให้รักเป็นสะพาน - Hãy để tình yêu là một nhịp cầu do 5 ca sĩ trứ danh Thái Lan trình bày
Đặng Tự Do
00:05 18/11/2019
Phối hợp với Ủy Ban Truyền Thông của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan, chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican xin gởi đến quý vị và anh chị em những hình ảnh chuẩn bị cho việc đón tiếp Đức Thánh Cha tại Bangkok.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là bài hát “ห้รักเป็นสะพาน” nghĩa là “Hãy để tình yêu là một nhịp cầu” do năm ca sĩ Công Giáo nổi danh của Thái Lan như Christina Aguilar, Issara Kitnitchi, Natticha Chantaravareelekha, Nicole Theriault, Billy Ogan trình bày với phần phụ họa của hai ban nhạc trứ danh Tom Room và BNK.

Lời Việt:

Bất cứ nơi nào tình yêu được trao ra, hòa bình sẽ ngự trị ở đó.

Tất cả những điều tốt đẹp chúng ta làm, bất kể là cho ai, tình bằng hữu cũng sẽ lớn lên trong lòng chúng ta.

Theo thánh ý Chúa, Đấng Cứu Chuộc chúng ta.

Hãy là máng chuyển tình yêu đến với mọi người.

Hãy kết nối với nhau trong lòng mến, trong sự chấp nhận lẫn nhau, chia sẻ, và tôn trọng.

Hãy để tình yêu là một cây cầu kết nối chúng ta lại với nhau.

Chúng ta hãy yêu thương người khác. Như yêu mến chính mình.

Hãy dùng tình yêu làm cầu nối.

Hãy trao ban chính chúng ta cho tình yêu và cuộc sống.

Hãy thực hiện sứ mệnh của Chúa.

Thế giới sẽ tươi đẹp nếu chúng ta dành tình yêu cho nhau.

Như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Hãy để tình yêu là một nhịp cầu.

Tình yêu là sự hài hòa

Liên kết chúng ta bất tận

Hãy chia sẻ tình yêu cho tha nhân

Như yêu chính mình vậy

Hãy đổ đầy tâm hồn và linh hồn chúng ta

và thân xác chúng ta để cống hiến

Thế giới cần sự nhân lành

Để khích lệ sứ vụ của Thiên Chúa

Thế giới chúng ta sẽ đáng sống

Nếu chúng ta chia sẻ tình yêu cũng như tình yêu của Thiên Chúa

Bài hát đã được thu hình chủ yếu tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thủ đô Bangkok. Trong video cũng có sự góp mặt của danh ca linh mục Prathan Tancharoen và ca đoàn nhà thờ chính tòa.

Bài hát này do Chawalwit Yingyotsenee sáng tác và được nhận định là rất thành công.

Để giúp Đức Giáo Hoàng Phanxicô và người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha trên toàn thế giới hiểu bài hát chủ đề được viết cho chuyến viếng thăm Thái Lan, Cha Andres Felipe Jaramillo, người Colombia đang truyền giáo tại Thái Lan, đã dịch bài “Hãy để tình yêu là một nhịp cầu” từ tiếng Thái sang tiếng Tây Ban Nha.


Source:Khaosod
 
Thái Lan, hậu cứ của Đạo Công Giáo ở Việt Nam buổi đầu
Vũ Văn An
05:14 18/11/2019
Chỉ còn 1 ngày nữa, Đức Phanxicô sẽ đặt chân xuống đất Thái Lan. Cuộc tông du này sẽ lôi cuốn một số khá đông người Công Giáo Việt Nam cả từ trong nước lẫn từ các nước khác như Hoa Kỳ, Úc, ... Có người còn dám tiên đoán số người Việt Nam tại Thái Lan để chào đón Đức Phanxicô có khi đông hơn cả chính người Thái Lan nữa.

Âu điều đó phần nào nói lên lòng biết ơn của người Công Giáo Việt Nam đối với một đất nước từng có lòng quảng đại tự biến thành một trong các hậu cứ của Đạo Công Giáo ở Việt Nam buổi đầu.

Thực vậy, nếu Macao là hậu cứ cho việc đem đức tin vào Việt Nam thì Thái Lan là hậu cứ của việc lên chính sách cho việc hình thành cơ cấu Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam.

Ai cũng biết Giáo Sĩ Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ), Dòng Tên, có hai đại công đối với Giáo Hội Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung là xây dựng các cộng đoàn tín hữu Công Giáo đầu tiên và chuẩn định chữ quốc ngữ. Năm 1645, khi buộc phải rời bỏ Việt Nam, ngài đã qua Rôma vận động việc bổ nhiệm các giám mục cho miền đất truyền giáo đầy hứa hẹn này.

Giám mục, kế thừa các tông đồ, trước nhất là biểu tượng của hợp nhất, điều mà hẳn cha Đắc Lộ cảm thấy rất thiếu giữa cảnh truyền giáo hết sức năng nổ của các thừa sai Phanxinh, Augustinô, Đa Minh và Dòng Tên của ngài. Linh mục Bùi Đức Sinh và nhất là Linh mục Nguyễn Thế Thoại trong các biên soạn lịch sử (1) đã nói rất rõ và chi tiết hiện tượng thiếu hợp nhất này. Phải có các giám mục để chấm dứt tình trạng quân hồi vô phèng, rất có hại cho cánh đồng truyền giáo.

Dù gì thì đời sống Kitô hữu, muốn trọn vẹn, cần phải có các giám mục để ban đầy đủ các bí tích nhất là bí tích thêm sức và truyền chức thánh. Cha Đắc Lộ là người tha thiết muốn dùng người Việt Nam để truyền đạo cho người Việt Nam. Trong khi không thể truyền chức linh mục cho người Việt Nam, ngài đã nghĩ đến việc đào tạo các thầy giảng làm cánh tay nối dài của các thừa sai ngoại quốc. Và thầy giảng Anrê Phú Yên là một trong những cánh tay vươn dài được ngài sủng ái, vuợt mọi nguy nan mang thủ cấp thầy về Macao, trân quí như bảo ngọc.

Giám mục sẽ sản sinh các trợ thủ giá trị hơn nhiều: các linh mục và các giám mục Việt Nam. Muốn có không phải chỉ là Đạo Công Giáo mà còn là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, phải có các Giám Mục cho miền đất truyền giáo này.

Được sự chấp thuận và khuyến khích của Tòa Thánh, cha lên đường cầu hiền và gặp được giáo sĩ François Pallu, 1 linh mục trẻ người Pháp. Linh mục Pierre Lambert de la Motte không hẳn do giáo sĩ Đắc Lộ tìm ra mà tự ý tìm đến gặp và gia nhập nhóm của giáo sĩ François Pallu. Nhưng nhờ chính việc vị sau dâng hết tài sản của mình cho nhóm mà nhóm truyền giáo cho Đông Á này được Tòa Thánh chấp nhận. Tòa Thánh bổ nhiệm hai vị làm đại diện tông toà cho Đàng Trong và Đàng Ngoài Việt Nam hậu bán thế kỷ 17.



Juthia, thủ đô vương quốc Xiêm La (Thái Lan)

Pallu được tấn phong Giám Mục hiệu tòa Heliopolis ngày 17 tháng 11 năm 1658; de la Motte được tấn phong Giám Mục hiệu toà Bérythe ngày 11 tháng 6 năm 1660. Vị đầu lên đường ngày 27 tháng 11 năm 1660, tới Thái Lan ngày 22 tháng 8 năm 1662; vị sau lên đường ngày 3 tháng Giêng năm 1662, tới Thái Lan ngày 27 tháng Giêng năm 1664.

Cả hai chọn thủ đô Juthia (tên Thái Ayutthaya) của Thái Lan làm bản doanh. Tại sao lại Thái Lan mà không phải Macao? Có phải tại Thái Lan gần Pháp hơn Macao? Có thể, nhưng phần chắc là vì Thái Lan không lệ thuộc Bồ Đào Nha, một quốc gia không ưa người Pháp, và hiện giữ quyền bảo hộ khắp vùng truyền giáo Đông Á.

Thành phố này, được thiết lập năm 1350, là thủ đô thứ hai của Vương quốc Xiêm La. Nó rất phồn thịnh từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18; trong thời gian này, nó trở thành một trong các khu vực đô thị rộng lớn và có tính quốc tế nhất và là trung tâm ngoại giao và thương mãi hoàn cầu.

Nhưng năm 1767, thành phố bị quân xâm lược Miến Điện đốt phá và buộc cư dân phải rời bỏ. Juthia không bao giờ được tái thiết và hiện chỉ còn là một khu khảo cổ rộng lớn toạ lạc tại Quận Phra Nakhon Si Ayutthaya, thuộc tỉnh Phra Nakhon Si Ayutthaya. Di tích nổi tiếng là các tháp hài cốt (prang) sừng sững và các tu viện Phật Giáo đồ sộ, cho thấy sự chói sáng của nền kiến trúc Thái hồi đó.

Triều đình Juthia trao đổi đại sứ với rất nhiều quốc gia xa xôi, trong đó có triều đình Pháp ở Versailles và triều đình Mughal ở Delhi, cũng như các triều đình Nhật Bản và Trung Hoa. Các người ngoại quốc phục vụ trong các cơ quan công quyền và sống trong thành phố như các tư nhân. Gần Cung Vua là những khu đặc biệtcủa thương nhân ngoại quốc và thừa sai, được xây dựng theo lối kiến trúc của riêng họ. Ảnh hưởng ngoại quốc rất rõ trong thành phố và còn có thể nhìn thấy trong các nghệ phẩm còn lại và trong các phế tích khảo cổ.

Danh tiếng của Juthia lớn đến nỗi khi thủ đô mới được xây tại Bangkok, người ta đã cố gắng tạo dựng lại các mẫu đô thị và hình thức kiến trúc của Juthia. Nhiều kiến trúc sư và thợ xây dựng của Juthia còn sống được sử dụng trong công trình xây dựng tân thủ đô. Và danh xưng chính thức của Bangkok vẫn duy trì tên “Ayutthaya.

Nhờ ở một thủ đô “có tính quốc tế nhất” này, hai Đức Cha Pallu và de la Motte dĩ nhiên nắm vững tình hình chính trị ở Việt Nam lúc đó, khiến các ngài chưa thể tiếp tục đi vào hai giáo phận được Tòa Thánh giao phó.

Tình hình chính trị tại Việt Nam

Thực vậy, Việt Nam lúc đó được cai trị bởi 3 vương quyền: từ Sơn Nam trở ra thuộc nhà Mạc (cướp ngôi Nhà Lê, bị liên minh Trịnh Nguyễn diệt trừ, chạy lên Cao Bằng, mãi năm 1667 mới chấm dứt), từ Thanh Hóa trở vào thuộc nhà Lê, nhưng thực ra họ Trịnh nắm quyền và từ năm 1600, Nguyễn Hoàng tự xưng Chúa, cha truyền con nối, hết thần phục nhà Lê, nên kể từ Thuận hóa trở vào, phương Nam thuộc nhà Nguyễn.

Ba thế lực này đương nhiên không để nhau yên. Họ Trịnh vừa phải dẹp Mạc ở phía Bắc vừa phải đánh Nguyễn ở phía Nam. Đến năm 1672, hai họ Trịnh Nguyễn đụng trận lớn tất cả 7 lần. Phần họ Nguyễn vừa lo chống quân Trịnh vừa lo “mở mang bờ cõi”: đánh chiếm Chiêm Thành và Chân Lạp. Năm 1611, lấy Phú Yên của Chiêm Thành; 1653 lấy Diên Khánh cũng của Chiêm Thành; 1658 lấy Mối Xuy (Biên Hòa) của Chân Lạp; 1679 lấy Gia Định cũng của Chân Lạp... Chiêm Thành bị xóa sổ với việc mất Bình Thuận năm 1693; năm 1757, Chân Lạp mất thêm phần đất lớn sau này là 4 tỉnh còn lại của “Nam Kỳ Lục Tỉnh”: Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Chiến tranh vì thế có thể nói là liên miên. Trong khi đó, cả 3 vương quyền đều vừa muốn lợi dụng người ngoại quốc để gây thanh thế và xây dựng lực lượng vừa sợ ảnh hưởng và mưu mô của họ, cho nên có lúc hoan nghinh các thừa sai, nhưng thường thì nghi kỵ và cấm cách. Linh mục Bùi Đức Sinh, trích dẫn J. Tissanier (Relation du Voyage du P. Joseph Tissanier de la Compagnie de Jésus depuis la France jusqu’au Royaume de Tunquin, Paris 1663), cho rằng có lần Trịnh Trạc nói với cận thần: các thừa sai từ phương trời xa hàng vạn dặm trường, hy sinh vất vả, lại chỉ có một mục đích truyền đạo thôi sao!

Chính vì thế, năm 1658, Trịnh Tạc ra lệnh trục xuất các thừa sai: 6 vị phải ra đi, 2 vị ở lại không được truyền đạo. Năm 1663, Trịnh Tạc còn ban bố sắc dụ cải tổ phong tục. Về tôn giáo, sắc dụ bắt dân phải tuân theo tam cương ngũ thường của Nho Giáo, không được mù quáng theo tà đạo. Cuối năm này, Ông cho trục xuất các thừa sai còn lại. Liền sau đó, Ông cho soạn một chỉ dụ cấm đạo, gọi Đạo Công Giáo là “một đạo kỳ quặc”...

Phía Nam, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) tiếp tục chính sách cấm đạo của Thượng Vương. Khởi đầu còn nhân nhượng vì sợ làm phật lòng người Bồ Đào Nha; sau càng ngày càng dữ dội, nhất là sau khi Hiền Vương mất 7 huyện vùng phía nam Lam Giang đầu năm 1661. Cuộc bách hại lên cao độ vào cuối năm 1663.

Cuộc bách hại trên nặng đến nỗi, ba thừa sai cuối cùng của Dòng Tên, khi phúc đáp thư thăm hỏi của Đức Cha de la Motte, đã cho ngài hay là không nên tới Việt Nam.

Công đồng và chủng viện Juthia

Chưa vào được giáo phận của mình, hai vị giám mục Đàng Trong và Đàng Ngoài bắt tay thực hiện hai việc tối ư quan trọng đối với tương lại truyền giảng Tin Mừng cho dân Việt: tổ chức Công đồng địa phương và thiết lập một chủng viện để đào tạo các linh mục cho cánh đồng truyền giáo đầy hứa hẹn nhưng cũng lắm gian nan, ngay tại Juthia, trên Đất Xiêm La.

Đầu năm 1664, khi Đức Cha Pallu vừa đặt chân lên Juthia, Công đồng địa phương đã được triệu tập với sự tham gia của 2 Giám Mục và 6 linh mục thừa sai. Công đồng thực hiện 3 điều quan trọng: đặt tên Hội là “Hội Dòng Thừa Sai Tông tòa” với 3 lời khấn và đời sống khắc khổ; quyết định thiết lập một chủng viện; và ban hành 1 Bản Huấn Thị.

Bản Huấn thị trên có nhiều điều rất thực tiễn, biết nhìn xa trông rộng. Theo Linh mục Bùi Đức Sinh, nó khuyến cáo các thừa sai “cần biết việc, biết người, quen thuộc ngôn ngữ, phong tục, nhưng phải khước từ các phương thế và thủ đoạn nhân loại để đạt lý tưởng. Các thừa sai phải trình bầy Lời Chúa với một khoa sư phạm thích hợp cho từng lứa tuổi và từng giai đoạn, nhất là nên thận trọng đừng làm phật lòng các tôn giáo bạn. Trong tổ chức nội bộ giáo xứ, các thừa sai nên đề cử ông trùm, ông câu, ông biện và một số bà hộ sinh, với nhiệm vụ rửa tội cho trẻ sơ sinh nguy tử, để không trẻ nào chết mà không được rửa tội. Đời sống tu đức được đề nghị cho các linh mục địa phương là một nền linh đạo tập trung vào mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh”.

Phải nói ngay rằng Bản Huấn Thị trên đã được Tòa Thánh chuẩn phê và nó đã trở thành sách nhỏ đi liền với Sách Nguyện của các thừa sai Đông Nam Á.

Sau Công đồng trên, năm 1665, Đức Cha Pallu đi Rôma để đệ nạp công vụ của Công đồng Juthia. Một phần cũng vì sau nhiều cố gắng, Đức Cha vẫn không vào được Đàng Ngoài. Ngài đành trao quyền giám quản địa phận Đàng Ngoài cho Đức Cha de la Motte để về Âu Châu.

Tại Rôma, Đức Cha Pallu tích cực vận động để Đức Clêmentê IX ban hành sắc dụ “Speculatores” năm 1669 buộc các thừa sai phải vâng phục vị đại diện tông toà địa phương, một vấn đề lúc ấy và mãi sau này không được thi hành đúng đắn. Ngài cũng vận động xin Tòa Thánh tấn phong 4 giám mục người địa phương cho Đàng Ngoài, 2 Giám Mục người địa phương cho Đàng Trong, và mỗi nơi một Giám Mục người nước ngoài.

Đức Cha Pallu


Năm 1673, ngài trở lại Juthia một lần nữa và cố gắng tìm đường vào Đàng Ngoài. Ngày 20 tháng 8 năm 1674, ngài lên tầu để vào Đàng Ngoài. Nhưng tầu gặp bão, dạt vào Phi Luật Tân, bị bắt rồi bị trục xuất. Cuối cùng phải trở về Âu Châu và sau đó, lên đường qua Hoa Nam làm đại diện tông tòa ở đấy cho tới ngày qua đời, 29 tháng 10 năm 1684.

Phần Đức Cha de la Motte một mình ở lại Juthia. Việc trước mắt là thiết lập chủng viện tại Juthia, một thứ ưu tiên hàng đầu, theo huấn thị của Bộ Truyền Bá Đức Tin ngày 10.11.1659 gửi cho Hội “Được 12 linh mục tốt qúi hơn là rửa tội cho 12,000 người”. Rất may, Quốc Vương Xiêm La đã cấp cho ngài một miếng đất tốt để xây dựng chủng viện. Và Chủng Viện Thánh Giuse đã được khai giảng vào năm 1665 với các chủng sinh Xiêm La, Việt Nam, Trung Hoa với tiêu chuẩn là “nhà cầu nguyện, suy gẫm, học hành nhiều, sống tiết độ, giản dị, yên tĩnh trầm lặng suy nghĩ đến cuộc sống, phải tận hiến cho Tin Mừng và vì các linh hồn, sẽ phải sống như các tông đồ luôn chiến đấu và dâng mạng sống cho Đức Giêsu Kitô”.

Linh mục Bùi Đức Sinh không cho biết con số và tên các chủng sinh Việt Nam lúc khai giảng niên học đầu tiên năm 1665. Linh mục Nguyễn Thế Thoại thì cho biết mãi năm 1667, Cha Hainques mới “tuyển 2 thầy cho sang Juthia là Giuse Trang và Luca Bền” và 1 năm sau, 2 thầy được Đức Cha de la Motte phong chức: “Đó là hai linh mục tiên khởi của Việt Nam”. Nhưng sau đó, cha viết thêm rằng: “ngày 24.02.1668, cố chính Deydier [Đàng Ngoài] gởi sang Xiêm La: Thầy già Bentô Văn Hiền 52 tuổi và Gioan Văn Huệ 44 tuổi. Sau 4 tháng học tập tịnh tâm trong chủng viện Thánh Giuse, hai thầy được phong chức linh mục ngày 8/6/1668”.

Như thế là phù hợp với tài liệu “Biên Niên Sử Của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bien-nien-su-cua-giao-hoi-cong-giao-viet-nam-25943), theo đó “1668: Tại chủng viện Ayutthaya, Thái Lan, bốn linh mục Việt Nam đầu tiên được Đức cha Lambert de la Motte phong chức linh mục: Cha Giuse Trang và Luca Bền (Đàng Trong, được thụ phong vào tháng 3); Cha Bênêdictô Hiền và Gioan Huệ (Đàng Ngoài, được thụ phong vào tháng 6)”.

Dĩ nhiên, Chủng Viện trên tiếp tục huấn luyện các linh mục tương lai cho Giáo Hội Việt Nam. Như tháng 2 năm 1672, khi tạm biệt Đàng Trong để trở lại Juthia, Đức Cha de La Motte có mang theo 12 chủng sinh. Năm 1744, Đức Cha Néez gửi 3 chủng sinh qua Juthia “để họ học La Tinh và những khoa học thánh cần thiết cho chức linh mục”. Năm 1745, ngài lại gửi thêm 10 chủng sinh nữa.

Linh mục Nguyễn Thế Thoại có ghi: nhân việc Trịnh Cương ra chỉ dụ cấm đạo năm 1712 và trục xuất Đức Cha De Bourges của địa phận Tây Đàng Ngoài, 18 chủng sinh đã rời Phố Hiến theo Đức Cha qua Juthia.

Tốt nghiệp chủng viện Juthia có hai vị đáng lưu ý. Người thứ nhất là Cha Giuse Phước. Không hiểu cha thuộc khóa nào của chủng viện, nhưng được Đức Cha Laneau tâu về Tòa Thánh với ý định vận động cho ngài làm giám mục tiên khởi người Việt Nam, sau khi Tòa Thánh cho các Giám Mục ở Việt Nam được đề cử một linh mục bản quốc làm Giám Mục Phụ Tá, dù lúc đó, Cha Phước mới chỉ là phó tế: “Là một chủng sinh xuất sắc của Thánh Bộ, là gương các nhân đức, thánh thiện trong hành vi, chỉ cái nhìn của thầy Giuse cũng đủ khiến người ta ca tụng Chúa. Trong 6 năm ở chủng viện, thầy chưa làm phiền lòng đồng bạn và giáo sư. Thầy nhún nhường như bản tính e lệ hoặc vì bởi khiêm nhường”.

Năm 1691, cha Phước hồi hương, được Đức Cha De Bourges của Tây Đàng Ngoài giới thiệu về Tòa Thánh: “Một linh mục sống lành thánh, không có tật xấu nào”. Sau 3 năm phục vụ, Đức Cha De Bourges đề cử ngài làm Giám Mục Phụ Tá, nhưng tỏ ý ngần ngại “về khả năng giáo luật của vị linh mục mình đệ đạt, mà giáo luật rất hữu ích, nếu không phải là cần thiết cho Giám Mục”. Chính sự ngần ngại này khiến Tòa Thánh không tấn phong cho cha Phước. Linh mục Nguyễn Thế Thoại trưng dẫn nhiều phát biểu của giáo sĩ ngoại quốc cho thấy họ không chịu được iễn tượng phải làm bề dưới một giám mục bản quốc!

Người thứ hai may mắn hơn nhờ có dóng máu Tây Phương. Đó là Đức Cha Francesco Perez. Ngài có cha là người Tây Ban Nha và mẹ là người Thái Lan, được Đức Cha Laneau, đại diện tông toà đầu tiên của Thái Lan, và 2 lần làm giám quản đại diện tông tòa Đàng Trong, đưa vào chủng viện Juthia, được mô tả là “chủng sinh sớm thông minh và đạo đức căn bản vững chắc”. Khi Đức Cha Mahot [1682-1684] của Đàng Trong qua đời, Tòa Thánh đã phong ngài làm Giám Mục hiệu tòa Bugie, đại diện Tông tòa Đàng trong, ngày 17.1.1687. Tuy nhiên, vị Giám Mục này, sau đó, chịu nhiều áp lực, dè bỉu, hành tỏi của các giáo sĩ Tây phương không lai giống!

Đức Cha De La Motte

Hậu cứ

Làm gì thì làm, tâm tư của Đức Cha de la Motte, dĩ nhiên, luôn hướng về hai giáo phận nay thuộc quyền mình. Như trên đã nói ngay năm 1662, khi Đức Cha Pallu chưa tới Juthia, Đức Cha de la Motte đã cố gắng tìm đường vào Đàng Trong rồi, nhưng các thừa sai Dòng Tên hồi ấy cho biết tình hình cấm cách chưa thuận tiện để Đức Cha thực hiện việc ấy. Chính các giáo sĩ Dòng Tên cũng đã nhận được lệnh bị trục xuất vào cuối năm 1664.

Ngài đành phái cha Chevreuil với quyền cha chính Địa Phận Đàng Trong đến Hải Phố (Hội An). Đi đến đâu, ngài cũng vận động để các thừa sai thừa nhận thẩm quyền của vị đại diện Tông Tòa và cố gắng rửa tội cho nhiều người. Điều cảm kích là ngày 22 tháng 12 năm 1664, cha được chứng kiến cảnh bé gái Luxia, 12 tuổi, thấy cha là Phêrô Kỳ ở xứ Kim Long được phúc tử đạo, đã chạy đến xin quan cho mình cũng được phúc ấy. Quan chỉ cho đánh đòn rồi đuổi về. Nhưng rồi ngày 4 tháng 2 năm 1665, cô lại xuất hiện tại Hải Phố và xin quan cho mình được phúc tử đạo như cha. Lần này quan khép án cô vào nhóm tín hữu Quảng Ngãi bị hành hình. Cô bị voi giầy, đầu cô được trao cho cha chính Chevreuil đem về Juthia. Ngày 7 tháng 3 năm 1665, Cha mang thủ cấp của Luxia về Thái Lan và Đức Cha de la Motte đã long trọng chôn cất thủ cấp này dưới bàn thờ chính Nhà Thờ Thánh Giuse ở Juthia. Án phong chân phước cho cô và 44 bạn tử đạo khác đã được Đức Cha de la Motte đệ trình về Tòa Thánh nhưng đã bị thất lạc do biến cố Napoléon đem hết các tài liệu của Thánh Bộ về Paris.

Nhờ chuyến đi tốt đẹp của Cha Chevreuil, ngày 23 tháng 7 năm 1669, Đức Cha de la Motte rời Xiêm La để tới Phố Hiến, trong tư cách tuyên úy cho 1 thương thuyền Pháp. Ngoài việc ban bí tích thêm sức cho những người chưa lãnh nhận, Đức Cha thực hiện ngay 3 việc quan trọng: phong chức linh mục cho “bẩy thầy già”; họp công đồng Đàng Ngoài lần thứ nhất tại Phố Hiến, đặt nền tảng cho tổ chức Nhà Đức Chúa Trời; lập Dòng Mến Thánh Giá Nữ. Tất cả vào đầu năm 1670.

Xong xuôi, Đức Cha trở lại Juthia. Còn chính địa phận Đàng Trong? Ngài đâu chần chờ, cuối tháng 6 năm 1671, ngài rời Xiêm La, dùng thuyền và ngày 1 tháng 9 cùng năm, ngài đã có mặt tại Nha Trang. Từ đó đi Ninh Hòa, Vạn Ninh, Đèo Cả, Nước Mặn, Quảng Ngãi, Hải Phố. Chính tại Hải Phố, Đức Cha đã tổ chức công đồng đầu tiên cho Đàng Trong ngày 19 tháng 1 năm 1672 với sự tham dự của 2 thừa sai Guart và Vachet, cha Giuse Trang và chừng 3 chục thầy giảng. Các quyết định phần lớn tập chú vào chủ đề: mọi người, dù thuộc Dòng “miễn trừ” cũng phải nhìn nhận thẩm quyền của đại diện tông tòa. Quyết định này dường như được tiếp nhận rộng rãi, nên thừa sai Vachet đã viết “Thiên Chúa đã ban nhiều phước lành cho Giám Mục hiệu tòa Béryte để cỉ cho mọi người thấy ác quả nếu không giữ được hiệp nhất, nên ngay những người nóng hơn cả cũng làm theo ý ngài để góp phần giảm bớt người theo phe kia”. Linh mục Nguyễn Thế Thoại tì cho thừa sai Vachet lạc quan tếu.

Đầu tháng 2 năm 1672, Đức Cha trở về Juthia. Tháng 3 năm 1673, ngài phái cha Vachet trở lại Đàng Trong. Kết quả không khả quan, đại diện Dòng Tên ở Đàng Trong tuyên bố không thừa nhận thẩm quyền của Đức Cha de la Motte. Trước tình hình này, cuối tháng 7 năm 1675, Ngài trở lại Đàng Trong, thoạt đầu ở Hội An, ra Huế, vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, cuối năm trở lại Hội An, tại đây, ngài phong chức linh mục cho một nho sĩ nổi tiếng, tác giả “Sấm Truyền Ca” tức linh mục Lữ-Y Đoan. Chuyện buồn là ngài gặp rắc rối lớn với đại diện Dòng Tên: rắc rối đến nỗi hai bên ra vạ tuyệt thông cho nhau. Tháng 5 năm 1676, Đức Cha trở lại Juthia, báo cáo sự việc cho Tòa Thánh. Ngày 10 tháng 10 năm 1678, Tòa Thánh ra chỉ thị, đòi cả các giáo sĩ dòng “miễn trừ” cũng phải phục tùng Giám Mục đại diện tông tòa khi ở trong phạm vi giáo phận truyền giáo. Phần Dòng Tên đã cho triệu vị đại diện của mình ở Đàng Trong về Âu Châu. Còn Đức Cha de la Motte thì qua đời ngày 15 tháng 6 năm 1679.

Ngài không còn nữa nhưng các công trình của ngài vẫn tiếp tục phục vụ hai Giáo Hội Đàng Trong và Đàng Ngoài, Juthia tiếp tục là hậu cứ phục vụ Giáo Hội Việt Nam. Mấy sự kiện sau đây chứng tỏ điều đó:

• Đầu năm 1679, các nhà truyền giáo Đa Minh trở về Manila qua ngả Thái Lan;
• 17/5/1682, tại Thái Lan, Đức Cha Laneau tấn phong linh mục De Bourges làm Giám Mục phụ trách Tây Đàng Ngoài; vị này sau đó tấn phong linh mục Deydier làm Giám Mục phụ trách Đông Đàng Ngoài;
• Năm 1682, thừa sai Delavigne lâm bệnh phải đưa qua Thái Lan;

Nhất là Chủng Viện Thánh Giuse vẫn tiếp tục đào tạo các linh mục tương lai cho Việt Nam. Các năm 1760 đến 1765, Miến Điện xâm lăng Thái Lan, Chủng viện phải di về Chantaburi (gần Cao Miên); năm 1765, di về Hòn Đất (Hà Tiên); năm 1769 bị đốt phá, phải di chuyển qua Pondichéry (Ấn Độ); năm 1782 phải đóng cửa vì xa xôi quá không có sinh viên. Sau đó, vào năm 1802, nó được tái sinh tại Pénang, Mã Lai, nơi đào tạo ra nhà bác học nổi danh số một của Việt Nam là Petrus Trương Vĩnh Ký.

Tất cả là nhờ công phúc của hai vị Giám Mục tiên khởi của Việt Nam và lòng hiếu khách của nhà vua và nhân dân Thái Lan.
__________________________________________________________________________________________________________
(1) Lm Bùi Đức Sinh, O.P., M.A. Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam I-III, Calgary-Canada 2002; L.M. JMT Nguyễn Thế Thoại,
Công Giáo Trên Quê Hương Việt Nam, 2 Quyển, Lưu Hành Nội Bộ, 2001.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ CTTĐVN Seattle mừng lẽ Bổn Mạng 2019.
Nguyễn An Qúy
18:33 18/11/2019
Tukwila. Người Công Giáo Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Seattle đã cùng nhau hân hoan mừng kính trọng thể lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Bổn mạng của giáo xứ vào Chúa Nhật trung tuần tháng 11 áp vào tuần cuối năm phụng vụ tức Chúa Nhật 33 mùa thường niên.

Xem Hình

Để chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Bổn Mạng, giáo xứ đã có những buổi tĩnh tâm để học hỏi về gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo VN. Thánh Anê Lê Thị Thành là vị Thánh được đưa ra trong chủ đề tĩnh tâm của lễ Bổn mạng năm nay. Phụ trách thuyết giảng trong những ngày tĩnh tâm là Frère Phong Dòng Lasan. Buổi tĩnh tâm đã được diễn ra vào tối thứ sáu với đề tài: Thánh Anê Le Thị Thành : Mẫu gương đời sống đạo và phục vụ ". Chiều thứ bảy: "Giáo dục con cái sống đức tin " và sáng Chúa Nhật: Xin máu con được thấm vào lòng đất Việt ".

Trở lại đề tài : "Gương Sống đạo và phục vụ của nữ thánh Anê Lê Thị Thành ". Frère Phong với lối trình bày khá giản dị, dí dỏm nên đã tăng phần sống động trong giờ tĩnh tâm. Frère Phong đã đề cập đến câu chuyện về đời sống đạo và cách phục vụ của người phụ nữ bên cạnh chồng nuôi dạy 6 người con cách đây 200 năm trong xã hội Việt Nam thật tuyệt vời như đã dạy con cái học chữ, học giáo lý, cách tham dự thánh lễ và khuyên bảo con cái thường xuyên xưng tội rrước lễ qua lời chứng của những ngưới con của bà như : Cô Lucia Nụ, con gái út cung khai khi giáo quyền thẩm vấn trong việc điều tra phong thánh như sau: "Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục chúng tôi. Chính người dạy chúng tôi học chữ và giáo lý, sau dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc dục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội con Đức Mẹ, vào ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ".

Cô Anna Năm cũng xác minh: "Song thân chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những điều tốt lành. Có lần người dạy tôi: Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng đón nhận Thánh Giá chúa gởi cho ". Người cũng thường khuyên vợ chồng tôi: "Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ". Gương can đảm của bà Anê thì quả tuyệt khi áo của bà loan lổ đầy vết máu thì bà cho ó là những đoá hồng mà Mẹ ban. Một người mẹ Công Giáo thật tuyệt vời về gương sống đạo và đơì sống phục vụ. Trong ngày thứ bảy, Frère Phong đã có buổi sinh hoạt với giới trẻ cũng như phụ huynh. Frère đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nói tiếng Việt, để giữ gìn bản sắc của Dân Tộc , đặc biệt Frère đã cổ vũ cho việc xây dựng Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hoá mà Giáo xứ đang tiến hành, vì đây là điểm son cho việc giáo dục thề hệ trẻ sống đạo, là nơi trao dồi đức tin cũng như gìn giữ tiếng Việt .

Trở lại niềm vui của ngày mừng Bổn Mạng. Thánh lễ đại trào được cử hành trọng thể vào lúc 11 giờ 30. Trước Thánh Lễ có phần diễn nguyện qua hoạt cảnh : Thánh Anê Lê Thị Thành. Ban diễn nguyện đã trình bày về lòng dũng cảm và sự cương quyết tuyên xưng đức tin quyết đi theo Chúa của thánh nữ khá cảm động. Trong phần diễn nguyện, các em trưòng Việt Ngữ Đắc Lộ cũng đã trình bày phụng vũ khá điêu luyện. Phần diễn nguyện kết thúc gần 12 giờ và Thánh lễ bắt đầu.

Gần 12 giờ, sau lời dẫn lễ, một ca viên thông báo : xin ba hồi chiêng trống : Tiếng chiêng trống ngân vang làm tăng thêm sự thiêng liêng mang truyền thống hồn Việt. Tiếng chiêng trống dứt, ca đoàn hát bài ca nhập lễ; Nghi đoàn gồm đại diện của 5 Giáo Đoàn, Fatima, Mân Côi, Mông Triệu, Mẫu Tâm, La Vang với cờ hiệu của các Giáo Đoàn cùng nghi đoàn và các linh mục đồng tế cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung thánh theo tiếng hát của Ca Đoàn trong bài ca Tiếng nhạc oai hùng vang lên kắp cỏi trời Việt Nam. Tiếng lòng tha thiết, con dân nước nam hoà khúc khải hoàn ca...".

Thánh lễ do cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, cha Nguyễn Sơn Miên và cha Trần Hữu Lân cùng đồng tế. Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế nói: Hôm nay giáo xứ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Bổn Mạng của Giáo Xứ. Trong 2 ngày vừa qua, giáo xứ đã có những buổi tĩnh tâm thật sốt sắng do Frère Phong Dòng LaSan thuyết giảng rất là sống động, cám ơn Frère Phong. Năm nay có sự tham dự của một số đại diện trong 5 Giáo Đoàn với Cờ của Giáo Đoàn trong đoàn rước đầu lễ đã tăng thêm phần long trọng của ngày mừng Bổn Mạng, chào mừng sự hiện diện của toàn thể cộng đoàn dân Chúa, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau. ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu )

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo phụng vụ đặc biệt mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào Chúa Nhật gần cuối năm phụng vụ.

Tin mừng theo Thánh Luca với nội dung giới thiệu Lời Chúa nói về lòng dũng cảm tuyên xưng đức tin của người tin hữu Chúa Kitô: Khi ấy, Ðức Giê-su nói với mọi người rằng : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần."

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về gương sống đạo và cách giáo dục cho con cái luôn biết sống đức tin, ngài nói: Thánh Anê Lê Thị Thành là một bà mẹ Công Giáo tuyệt vời không những dũng cảm chiụ chết vì đạo mà con là bà mẹ luôn biết hướng dẫn con cái nên người Công Giáo gương mẫu từ đời sống hạnh phúc gia đình cũng như đời sống đạo đức. Bà đã căn dặn những người con gái của bà khi lập gia đình thì phải vâng theo ý Chúa, phải sống làm sao để giữ hạnh phúc , ngay cả việc phải tôn trọng gia đình chồng..."

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Trước khi kết thúc Thánh Lễ, cha chủ tế đã ngỏ lời cám ơn Frère Phong đã giúp giảng tĩnh tâm cho giáo xứ, cám ơn quý đại diện các Giáo Đoàn, cám ơn ban diễn nguyện, Hội Nhà Chúa, Ban Phụng Vụ, ban quay phim chụp hình, ban bảo trì vác các ban ngành cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Thánh lễ kết thúc với nghi thức chúc lành của quý cha.

Sau Thánh lễ các Giáo Đoàn đã cùng nhau họp mặt thân hữu tại Hội Trường với chương trình văn nghệ bỏ túi kéo dài đến gần 3 giờ mới kết thúc ngày vui mừng lễ Bổn Mạng. Mọi người chi tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần thứ III của Giáo Phận Xuân Lộc.
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
18:56 18/11/2019
Hiệp thông với sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô khi thiết lập Ngày Thế giới Người Nghèo, hôm Thứ Bảy 16/11/2019, Ban BAXH- Caritas Giáo phận Xuân Lộc cũng đã tổ chức Ngày Thế giới Người Nghèo, quy tụ khoảng 1000 ông bà anh chị em có hoàn cảnh khó khăn từ khắp nơi trong Giáo phận.

“Hy vọng của người nghèo không bao giờ thất vọng”, là chủ đề của ngày gặp gỡ, được lấy từ tựa đề của sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ III 2019 này.

Xem Hình

Từ 7g00, Ban tổ chức đã được đón tiếp trong yêu thương những người nghèo của Thiên Chúa đến tham dự ngày đặc biệt này tại Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc, Hố Nai, Biên Hòa. Nhìn những dáng dấp, khuôn mặt, trong những biểu cảm khác nhau, từ ngại ngùng đến ngỡ ngàng, có cả sự rụt rè, hay chợt vui vì nhận ra điều gì đó…của những khách mời đặc biệt mới thấy cần lắm rất nhiều những sự quan tâm, sẻ chia, đỡ nâng tinh thần lẫn vật chất của nhiều người dành cho những người nghèo, để “Người nghèo khổ chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv 9,19)

8g45, trong sự yêu thương, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc đã đến và ở giữa những người nghèo của Giáo phận và của ngài. Dù họ làngười nghèonhưng trái tim của họ vẫn giàu có torng những cảm xúc để bày tỏ với Đức Giám Mục Giáo phận.Ngoài ra, nhưng những người nghèo thuộc tôn giáo bạn, cũng đã bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn với Đức Giám Mục Giáo phận, vì họ nhận ra mìnhcũng được quan tâm và yêu thương.

Tiếp sau đó, Đức Giám Mục Giáo phận, quý Cha và mọi người đã lắng nghe những nỗi lòng của thân phận nghèo từ những người đại diện. Dù chỉ là lắng nghe một ít chia sẻ trong gần 1000 cảnh đời vớiphận nghèo khổ khác nhau, nhưng sự thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo bao giờ vẫn là niềm đau và thương cảm. Họ không chỉ nghèo về vật chất với biết bao nỗi lo thiếu trước hụt sau, vì con đau bịnh, nhưng còn có đó phận nghèo khác do bởi hệ lụy của những bất công trong xã hội,của sự cô đơn do bị bỏ rơi, của sự thiếu vắng tình thương, của việc phải sống ngoài mái ấm gia đình mình, của bệnh tật mà từng ngày họ phải đối mặt với những nhức nhối và sợ hãi bủa vây, …Nhưng may mắn thay, trong những mảnh đời chia sẻ ấy, vẫn bộc bạch được niềm hy vọng, vì họ nhận ra mình nhiều tấm lòng yêu thương, nâng đỡ, cụ thể từ nhiều mục tử, ân nhân qua Ban BAXH- Caritas của Giáo phận.

Phần chia sẻ khép lại, nhường chỗ cho những giây phút quý người nghèo có thời gian để đến với những gian hàng 0 đồng, từ quần áo, giày dép đến các gian hàng ẩm thực mà các ban BAXH- Caritas các giáo hạt đã đóng góp và tổ chức.

Từ việc lắng nghe những chia sẻ của đại diện quý ông bà anh chị em là người nghèo, trong vai trò mục tử luôn quan tâm đến con cái mình, cả những chiên chưa thuộc ràn, Đức Giám Mục Giáo phận đã gửi đến những khách mời đặc biệt ngày hôm ấy tâm tình yêu thương, sẻ chia của ngài. Nhắc đến những thiếu thốn, đau khổ của họ do cái nghèo gây nên, Đức Cha Giuse mong muốn họ hãy hiệp cùng với Đức Giêsu, dâng lên Chúa Cha những đau khổ mà họ đang có, nhờ vậy, những đau khổ, thiếu thốn của họ sẽ trở thành ân phúc cho chính họ, người thân, gia đình, và cho cả giáo xứ, giáo phận. Điều này được Đức Cha Giuse lấy Lời Chúa làm đảm bảo khi trưng dẫn nói với họ phúc lành Thiên Chúa hứa ban thưởng cho những ai nghèo khó ( x. Mt 5, 3 và Lc 6,20). Hạnh phúc có Chúa sẽ dành cho những người có tinh thần nghèo, mong ước sự công chính, biến những cái nghèo của mình thành của lễ dâng Chúa. Hạnh phúc ấy cũng đến từ việc họ nhận ra mình được yêu thương, quan tâm, chăm sóc từ quý cha, quý thầy, quý dì, quý ân nhân, quý cộng tác viên ban BAXH- Caritas của Giáo phận, Giáo Hạt, những người thay mặt Đức Giám Mục Giáo phận để lo lắng cho họ, cho dẫu họ vẫn còn những thiếu thốn, còn đang đau khổ do bệnh tật… Kết thúc những chia sẻ, Đức Cha nói với những người nghèo“ Xin hãy đón nhận những hương thơm của tình yêu mà Giáo phận có thể diễn tả ra được phần nào đến với quý ông bà anh chị em đang gặp những khó khăn. Xin Chúa, qua lời bầu cử của Đức Mẹ, chúc lành cho tất cả mọi người.”

Trước khi trao những phần quà cho anh chị em có hoàn cảnh khó khăn, Đức Cha Giuse đã đón nhận sự quảng đại của Ông Bà Giám Đốc Công Ty Vĩnh Phát – Biên Hòa, Đồng Nai với 1000 phong bì dành tặng cho quý người nghèo tham dự hôm đó. Liền sau đó, các phần quà đã được trao tận tay đến ông bà anh chị em có mặt, phần nào làm cho“niềm hy vọng của người nghèo chẳng bao giờ tuyệt vọng” ( x. Tv 9,19).

Đỉnh cao của chương trình là Thánh Lễ do Đức Cha Giuse chủ tế cùng với quý Cha đặc trách ban BAXH- Caritas Giáo phận và giáo hạt, quý Cha quản hạt và quý Cha. Với Thánh Lễ cử hành trong Ngày Thế Giới Người Nghèo lần nay, mọi người đã hiệp thông cầu nguyện cho tất cả mọi người nghèo trên thế giới, đặc biệt cho người nghèo đang sống trong đất nước Việt Nam, đang sống trong địa bàn Giáo phận Xuân Lộc, bất kể họ là người Công Giáo hay thuộc tôn giáo bạn như Đức Cha mời gọi. “Nhất là, xin cho những người Công Giáo, vững tin vào Chúa, để họ không bị thất vọng trong cảnh nghèo của mình.”

Trước khi ban phép lành cuối lễ, đáp lại lời tri ân của Cha Đặc Trách Ban BAXH- Caritas, Đức Cha đã cám ơn Cha Đặc Trách, Cha Phó Đặc trách, quý cha, quý thầy, quý dì, quý ân nhân, quý cộng tác viên của ban BAXH- Caritas Giáo phận đã thay mặt Đức Giám Mục, để chăm lo cho người nghèo. Và một lần nữa khi nhắn gửi với những người nghèo đang hiện diện hoặc vắng mặt, Ngài cũng tha thiết trao gửi Giáo phận vào tay họ, để nhờ những túng thiếu, đau khổ mà họ dâng lên Chúa sẽ trở thành lờicầu nguyện có giá trị cho Giáo Phận, cho mọi người, cho những người cũng đang túng thiếu như họ.

Bữa tiệc yêu thương sau Thánh Lễ đã đón tiếp tất cả mọi người nghèo, một hình ảnh thật ý nghĩa và mang nhiều giá trị.

Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần thứ III của Giáo Phận Xuân Lộc tổ chức đã và đang làm mạnh mẽ hơn lên những hy vọng trong tâm hồn của những người nghèo, bởi họ có thể còn nghèo về vật chất, nhưng họ vẫn đang được nhiều người yêu thương, quan tâm và chia sẻ. Bởi cụ thể nhất mà họ cảm nhận rõ niềm hy vọng của mình qua Đức Giám Mục Giáo Phận, Cha Giuse Nguyễn Văn Uy, Đặc Trách Ban BAXH-Caritas Giáo Phận, Cha Giuse Nguyễn Mạnh Cường, Phó Đặc Trách, cùng quý cha đặc trách, quý cộng tác viên Ban BAXH- Caritas Giáo phận, cùng quý ân nhân đã và đang góp phần trong việc nuôi dưỡng tình yêu và niềm hy vọng này.

Tin, ảnh: Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng bổn mạng Hội đồng Mục vụ giáo xứ
Văn Minh
21:20 18/11/2019
“Công việc loan báo Tin Mừng không chỉ dành cho hàng Giám mục, linh mục hay tu sĩ, mà là của mọi thành phần dân Chúa”.

Trên đây là lời chia sẻ của Đức Giám Mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, (ĐGM) - Giám Mục Phụ Tá TGP Sài Gòn - nhân dịp ngài về thăm mục vụ và dâng Thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – bổn mạng của Hội đồng Mục vụ giáo xứ Vĩnh Hòa, diễn ra lúc 17g30 Chúa Nhật ngày 17.11.2019.

Thánh lễ trọng thể mừng kính Các Thánh Tử Đạo do ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn chủ tế. Đồng tế cùng ngài có Lm Giuse Phạm Bá Lãm, hạt trưởng Phú Thọ, Lm Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ Vĩnh Hòa, và Lm Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt, Dòng linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Xem Hình

Đến tham dự Thánh lễ, ngoài quý vị trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ (HĐMVGX), còn có quý ông bà cố, quý vị cựu HĐMVGX qua các thời kì, quý vị ân nhân cùng đông đảo giáo dân trong giáo xứ.

Trước Thánh lễ, quý vị trong HĐMVGX, các em Ban Lễ sinh rước ĐGM và các Lm từ ngoài sân nhà thờ vào trong ngôi thánh đường hòa trong bài hát “Mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” do ca đoàn Cêcilia hợp xướng.

Đầu lễ, Lm chánh xứ ngỏ lời chào mừng ĐGM Louis, các Lm đồng tế, cùng cộng đoàn dân Chúa đã qui tụ về ngôi nhà thờ đá Vĩnh Hòa để hiệp dâng Thánh lễ hôm nay. Đồng thời, ngài cũng giới thiệu đôi nét về giáo xứ Vĩnh Hòa lên ĐGM cùng cộng đoàn: Giáo xứ hiện có 4 giáo họ, 19 hội đoàn tông đồ đạo đức, cùng với số giáo dân là 3700 nhân khẩu.

Sau bài Tin Mừng, ĐGM Louis đã diễn tả nét cao đẹp nơi Các Thánh Tử Đạo qua đời sống đức tin của mình. Quả thật, các ngài là những con người yếu đuối mỏng dòn, và có những hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, Các Thánh Tử Đạo có một điểm chung là sống chết cho tình yêu của Đức Kitô, cho dù có phải chịu nhiều cực hình tra tấn dã man, chịu những trận đòn doi tan xương nát thịt. Tại quê hương Việt Nam, chúng ta có 117 vị được tuyên thánh vào năm 1988. Trong đó, có 58 vịlà hàng giáo sĩ, và 59 vị là hàng giáo dân. Như tấm gương Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm, đã bị trảm quyết ngày 11 tháng 5 năm 1847, và hiệnnay còn đang lưu giữ thánh tích của ngài tại số 47B đường Nguyễn Trãi, quận I, TP HCM. Lập trường của các ngài là: “Thà chết chứ không bỏ đạo, bỏ Chúa”. Vì thế, “Công việc loan báo Tin Mừng không chỉ dành cho hàng Giám mục, linh mục hay tu sĩ, mà là của mọi thành phần dân Chúa”.

Để kết thúc bài giảng, ĐGM Louis nhấn mạnh: Mừng kính Các Thánh Tử Đạo VN, mỗi người chúng ta, cách riêng, đối với quý vị trong HĐMVGXhãy noi gương bất chước các nhân đức của các thánh nhân, và cùng nhau xây dựng Giáo hội ngày càng phát triển như lòng Chúa ước mong.

Sau bài giảng, ĐGM trao bằng tưởng lệ cho quý vị trong BTV, và Lm Giuse Phạm Bá Lãm trao bằng tưởng lệ cho quý vị trong Ban điều hành các giáo họ đã hoàn thành sứ vụ trong nhiệm kì 2016 – 2019.

Sau đó, Lm chánh xứ đọc danh sách các tiến chức được bầu chọn vào BTV và Ban điều hành các giáo họ quỳ xuống tuyên hứa trước mặt Hội Thánh và cộng đoàn. Kế đó, ĐGM trao Bằng Bổ nhiệm cho BTV, và Lm Giuse hạt trưởng trao Ủy nhiệm thư cho từng thành viên trong Ban điều hành các giáo họ trong nhiệm kì 2020 – 2024.

Thánh lễ được tiếp nối với phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông cố Giuse Phạm Văn An, Tân Chủ tịch, thay mặt HĐMVGX lên cảm ơn ĐGM, các Lm, cùng mọi thành phầndân Chúa đã hiệp dâng Thánh lễ được diễn ra trang nghiêm và sốt sắng. Để tỏ lòng tri ân, bó hoa tươi thắm được các em thiếu nhi dâng lên ĐGM cùng các Lm trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.

Đáp từ, ĐGM bày tỏ niềm vui khi về thăm giáo xứ, và chúc cho quý vị trong HĐMVGX được nhiều hồng ân, lòng hăng say phục vụ, sống yêu thương và tôn trọng nhau, và cùng nhau cộng tác với Lm chánh xứ trong mọi công việc để đưa giáo xứ Vĩnh Hòa ngày một phát triển hơn nữa.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Sau Thánh lễ, ĐGM, các Lm, cùng quý vị trong HĐMV chụp chung tấm hình kỷ niệm ngay trước thềm cung thánh, và tiệc mừng liên hoan diễn ra tại hoa viên của giáo xứ.
 
Văn Hóa
Sắc Màu Trắng Đen - Ngày Nhà Giáo Việt Nam
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
15:39 18/11/2019

Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam

Tháng 1 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ đã được thành lập ở Paris, thủ đô nước Pháp lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Vào năm 1949, tại Hội nghị Quốc tế Warsaw, thủ đô Ba Lan, FISE đã xây dựng bản “Hiến chương các Nhà giáo” gồm 15 chương. Từ ngày 26 đến ngày 30-8-1957, tại Thủ đô Warsaw, Hội nghị FISE, có 57 nước tham dự, trong đó có cả Công đoàn Giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20-11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo.

Tại Việt Nam, năm 1982, ngày 20-11 được chọn làm Ngày Nhà Giáo Việt Nam, đến nay đã 31 năm. Đây là ngày để học trò thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng của mình đối với Thầy Cô Giáo.

Đối với sự tương phản của hai màu đen - trắng, hình ảnh cao đẹp của người thầy tựa như sắc màu trắng qua nhiều tấm gương của bao thế hệ.

“Dẫu mai đi mọi phương trời
Những lời thầy dạy đời đời khắc ghi”.

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo, trực thuộc HĐGM Việt Nam đã gởi bức thư đến anh chị em Giáo chức Công Giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2013. Ngài viết: “Trong truyền thống văn hóa của đất nước ta, nghề dạy học luôn được coi trọng vì người thầy không đơn thuần là người dạy bảo một kiến thức mà hơn thế nhiều, là người truyền đạt một lý tưởng sống với cái tâm cao đẹp của mình” (WHĐ).

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống lâu đời của dân tộc. Nói đến nghề giáo, người Việt Nam thường xem đây là nghề cao quý, nghề của những người tâm huyết đóng góp công sức quý báu vào sự nghiệp trồng người bằng tất cả phẩm chất đạo đức của mình.Người thầy sống với nghề, được xã hội trọng vọng, có quyền hành và có tự do trong việc tổ chức giảng dạy và đánh giá học sinh của mình.

Còn người thầy ngày nay trong xã hội Việt Nam thì sao?

Theo tác giả Nguyễn Khánh Trung, người thầy ngày nay nhất là đối với giáo viên phổ thông thực sự là một người “thợ dạy” nghèo về vật chất, vất vả áp lực trong công việc, thiếu tự do và quyền hạn trong chuyên môn, và do đó, cũng chẳng phong phú gì về mặt tinh thần. Đó là màu đen từ thực tế của cuộc sống.

Trước hết là chuyện cơm áo gạo tiền.

Theo kết quả đề tài khoa học cấp Nhà nước do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, làm chủ nhiệm cho thấy: “Thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương trong khoảng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Tính theo năm công tác thì lương giáo viên sau 13 năm từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1 đến 4,7 triệu đồng/tháng. Giáo viên mới ra trường ở cả 3 cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/ tháng. Với số lượng Giáo viên như hiện nay, theo tính toán của đề tài, chỉ khoảng 50% Giáo viên các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên và được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân”(x.tuoitre.vn/Tuyensinh/Tuyen-sinh/492748/Nhieu-nganh-tiep-tuc-%e2%80%9ce%e2%80%9d.html).

Lương của Giáo viên như thế, trong khi vật giá đắt đỏ, các thầy cô cứ phải sống tằn tiện qua ngày. Nếu hai vợ chồng cùng là giáo viên, nuôi hai đứa con ăn học, thì kể là đói. Có thực mới vực được đạo, bụng mà còn đói thì khó có thể nói chuyện lý tưởng “trồng người”, tiêu cực dạy thêm học thêm, mua bán, trao đổi điểm chác cũng từ đây mà ra, làm nền giáo dục đi xuống, làm hình ảnh người thầy nhếch nhác trong mắt học trò và xã hội.

Về thời gian

Trước đây tuy vẫn thiếu thốn, nhưng người giáo viên còn thong dong về mặt thời gian vì họ chỉ dạy một buổi, nay đa số trường dạy hai buổi một ngày, nên họ phải có mặt ở trường từ sáng sớm đến chiều, về tới nhà lại còn phải lo chuyện gia đình, con cái, rồi bao nhiêu chuyện không tên như soạn giáo án, làm sổ sách, vv. Ngày này qua ngày khác làm họ mệt mỏi, những người có lý tưởng khi mới vào nghề vì vậy cũng phai nhạt dần.

Chuyện thiếu thời gian, thu nhập ở trên đã là vấn đề, thì chuyện áp lực trong nghề nghiệp là vấn đề trầm trọng, thường trực đối với người thầy hiện nay. Nhiều giáo viên bị căng thẳng thường trực vì luôn chịu áp lực. Căng thẳng vì phải luôn lo đối phó với các đoàn thanh tra, kiểm tra từ Bộ, từ sở, từ phòng và từ ban giám hiệu trường. Có những đợt thanh tra, dự giờ có báo trước, nhưng cũng có nhiều lúc không báo trước. Để đối phó với các đoàn thanh tra, giáo viên nhiều lúc phải bố trí cho học sinh đóng kịch, tạo ra các giờ học “chất lượng” giả tạo, không phản ánh đúng chất lượng thật, không tốt gì cho học sinh và cho cả xã hội.

Người thầy còn chịu áp lực vì bệnh thành tích

Hệ quả của cách quản lý giáo dục kiểu “thi đua khen thưởng”. Cả hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân với tập thể. Người ta nhắc lên đặt xuống các cán bộ quản lý, các giáo viên và cả học sinh đều dựa chủ yếu trên các thành tích thi đua khen thưởng này. Sự hơn thua trong các cuộc đua được đánh giá thông qua các thành tích điểm số bên ngoài. Vì phải đua, nhà trường khoán cho giáo viên làm sao đó để cuối kỳ, cuối năm, phải đạt bao nhiêu học sinh khá, giỏi, xuất sắc nhằm có được những con số đẹp trong các báo cáo. Ngoài chuyện này, hệ thống còn tổ chức vô số các cuộc đua khác, một người bạn giáo viên tiểu học viết thư cho tôi kể: “bọn mình dạy tiểu học đến trường ngày 2 buổi cho đến hết tuần. Tối về lại bao nhiêu việc không tên khác như làm báo cáo, soạn bài, làm các chuyên đề để lên lớp và ôn luyện cho các cuộc thi: Thi quản lí giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp, thi khảo sát chất lượng quản lí và giáo viên, hội thi hát dân ca, thi đàn piano, thi luật an toàn giao thông….Tháng 1 này (2013) chúng mình đếm có đến 6 cuộc thi quan trọng. Nghe thầy Hiệu trưởng công bố chúng mình hồn vía lên mây xanh cả, cảm thấy áp lực vô cùng”.

Người thầy bị giao phó đủ thứ nhưng lại chẳng có quyền hành gì trong công việc.

Các đề thi các kỳ kiểm tra trong năm đều do phòng và sở giáo dục ra. Nghĩa là giáo viên cứ dạy theo những gì có sẵn, nhưng ai đó bên trên họ lại là người giữ quyền đánh giá học sinh của họ. Không có quyền gì, nhưng họ lại là người phải chịu trách nhiệm nếu như học sinh mình không đỗ đạt cao. Kiểu tổ chức thi cử đánh giá này thể hiện sự không tin tưởng và tôn trọng người thầy, đặt cả thầy và trò vào thế bị động, buộc họ phải đối phó một cách căng thẳng và tiêu cực. Với cách làm này, chúng ta hoàn toàn dễ hiểu tại sao giáo viên sẵn sàng dạy “văn mẫu” cho học sinh, vì chỉ làm như vậy mới có thể đối phó với các đề thi áp đặt từ trên xuống. (nguồn:Tia Sáng).

Trong bối cảnh của nền giáo dục hôm nay, thiếu định hướng, với căn bệnh trầm kha thi đua “đạt chỉ tiêu”, được hỗ trợ bởi phương pháp dạy nhồi nhét, học vẹt, học tủ, quay cóp, chương trình dạy học nặng nề, giáo dục được cân đong đo đếm bằng tiền, bằng con số, bằng thành tích, bằng số lượng chứ không bằng chất lượng, uy tín của người thầy đang bị giảm sút trầm trọng.

Tại sao có những sắc đen trong bức tranh giáo dục? Bằng cách phân tích Nhu cầu và Mong muốn theo Thang Nhu Cầu của MASLOW, thầy Giuse Mai Thanh Hoài đã đưa ra phân tích:

- Nhu cầu sinh lý học: Ngành giáo dục ngày nay đã không chú trọng đến nhu cầu cơ bản của giáo viên khi nhu cầu cơ bản nhất của con người là làm sao được no bụng. Chính cuộc mưu sinh mà xã hội đã biến người thầy mất đi tâm huyết của nghề giáo vì không phải ai cũng cam chịu cảnh sống thiếu thốn để giữ vững đạo làm thầy.

- Nhu cầu an toàn: cả về tinh thần và vật chất là làm sao để người ta sống mà không phải sợ, như lo sợ về thu nhập, lo sợ về thất nghiệp. Đối với người thầy nhu cầu an toàn chính là hình ảnh người thầy trước mắt học trò.

- Nhu cầu xã hội: Người ta thường truyền nhau rằng: “thầy giáo, tháo giày”, vì hai nhu cầu trước không được đáp ứng đầy đủ, người thầy không được chỉnh tề trong cách đi đứng, ăn mặc nên địa vị người thầy mất đi trong mắt học trò.

- <b>Nhu cầu lòng tự trọng: món quà 20-11 mất đi ý nghĩa khi vấn nạn quà cáp tràn lan, đôi khi người thầy không được tôn trọng trong suy nghĩ của học trò, của phụ huynh qua hành động tặng quà.

- Nhu cầu tự thể hiện mình: nhân cách, giá trị, những tiềm năng và khát vọng của người thầy không được phát huy trong chính môi trường giáo dục.

Màu trắng thanh cao của nghề giáo bị lấn lướt bởi màu đen của thực tế xã hội.

Đức Cha Giuse, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo mời gọi quý Thầy Cô Giáo hãy nhìn lên mẫu gương Người Thầy tuyệt hảo là Chúa Giêsu, sống yêu thương trong sứ vụ ‘trồng người”cao đẹp của mình: “Nơi nhiều trường học, người ta thấy dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Điều tâm niệm này không chỉ là kim chỉ nam cho các học sinh, sinh viên, nhưng cũng là điều để nhắc nhớ quý Thầy Cô Giáo: bên cạnh việc giúp học sinh, sinh viên lãnh hội tri thức, quý Thầy Cô Giáo, với trách nhiệm và bằng tình yêu thương của mình, sẽ luôn ưu tiên, coi trọng việc hướng dẫn, giúp đỡ và khích lệ các em luyện tập những đức tính cần thiết, nhất là tình yêu thương. Đây là điều mọi người ước mong và khát khao, nhưng lại là điều thiếu thốn nhất. Để thành công, các em cần có nhiều kiến thức và khả năng, nhưng để có một cuộc sống hạnh phúc, xứng đáng với nhân phẩm, các em phải được yêu thương để học hỏi cách sống yêu thương. Tình yêu là sức mạnh nguyên thủy, mạnh hơn mọi sức mạnh, vì phát xuất từ chính Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,16) và được thông truyền vào lòng mỗi người. Vì thế, tình thương yêu phải là nét đặc trưng và là phương pháp chính yếu của các Thầy Cô Giáo để dạy và giáo dục từng học sinh, sinh viên thân yêu của mình, theo cách của Người Thầy tuyệt hảo nhất của nhân loại là Chúa Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu”.

Ngày Nhà giáo năm nay, Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, tân Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo đã viết “Thư gửi anh chị em Giáo chức Công Giáo nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11.2019”. Ngài mời gọi: “Trước sự bùng nổ có thể nói là vô tận của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hứa hẹn một diện mạo mới cho nhân loại, nhưng cũng mang theo nhiều thách thức mới cho toàn cầu. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đưa xã hội lên tầm cao mới, nhưng cũng đặt con người trước những thách đố nặng nề. Là một Kitô hữu giáo viên, anh chị em còn được mời gọi thực thi sứ mạng của mình, không chỉ là người chuyển tải kiến thức cho các thế hệ kế tiếp, hay dạy cho học trò biết sống tử tế hiền hòa, nhưng theo tinh thần của Vatican II, chúng ta còn hướng về Chân – Thiện – Mỹ, hướng về Trời Mới – Đất Mới”.

Cầu chúc quý Thầy Cô luôn là những sứ giả tình yêu của Thiên Chúa.

 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 17/11/2019: Sứ điệp ĐTC Ngày Thế Giới Người Nghèo lần 3
VietCatholic Network
11:57 18/11/2019

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 17/11/2019.

2- Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới Người nghèo lần thứ 3.

3- Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.

4- Đức Thánh Cha nói: Công lý thật sự dựa trên đối thoại chứ không trên nền văn hóa loại bỏ.

5- Hội nghị bảo vệ phẩm giá trẻ em trong thế giới kỹ thuật số.

6- Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video cho các tín hữu hành hương Lộ Đức.

7- Sứ điệp video Đức Thánh Cha gửi nhân dân Thái Lan.

8- Tại Philippines: Năm 2020 là Năm của Đại kết, Đối thoại liên tôn và Dân tộc bản địa.

9- Đức Cha Quách Hi Cẩm quyết không gia nhập “Giáo hội độc lập” của Trung Quốc.

10- Bạo lực gia tăng, các Kitô hữu Ấn Độ yêu cầu quyền hiến pháp.

11- Giáo phận Kontum mừng lễ thánh Stephanô Cuenot Thể.

12- Giới thiệu Thánh Ca: Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
Tại sao Thánh Nicolas thành Tolentino trở thành Quan Thầy các linh hồn trong luyện ngục?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:01 18/11/2019
Hai vợ chồng Guruttis là những người nông dân nghèo sống ở Sant’ Pontano, miền Macerata, nước Ý. Họ không có con, nên đã đến đền thờ Thánh Nicholas thành Myra để cầu tự. Thánh Nicholas thành Myra chính là vị thánh mà ngày nay người ta gọi là ông già Noel. Họ cầu nguyện với Thánh Nicholas để xin Chúa ban cho họ với một đứa trẻ lớn lên sẽ phục vụ Chúa. Những lời cầu nguyện tốt đẹp này của họ đã được nhậm lời, và vào năm 1245 họ sinh được một đứa con trai. Họ đặt tên cháu bé là Nicholas để nhớ ơn vị thánh mà họ đã cầu nguyện.

Ngay khi còn nhỏ, Nicholas đã thể hiện một lòng đạo sốt sắng đặc biệt. Cậu bắt chước lối sống của các ẩn sĩ và thường trốn trong các hang động gần nhà để cầu nguyện. Khi Nicholas lớn lên, anh nhận ra tiếng Chúa gọi. Một ngày nọ, khi đang lắng nghe một linh mục dòng Augustinô rao giảng, Nicholas nhận ra anh muốn tham gia vào nhà dòng này. Anh đã bước vào cuộc sống tu trì vào năm 18 tuổi.

Trong khi vẫn còn đang theo học để trở thành một tư tế, anh đã sử dụng thời gian rảnh rỗi để giúp đỡ người nghèo. Bề trên tu viện tin tưởng và giao cho anh việc cứu tế những người nghèo quanh vùng. Thành ra, anh thường có mặt tại cổng tu viện và phân phát thức ăn từ nhà bếp và kho thực phẩm của tu viện. Anh đưa mọi thứ có thể cho những người chờ đợi, và kiểm sát viên phải ngăn anh ta lại vì sợ các huynh đệ không còn gì để ăn.

Một ngày nọ, khi đang trao thức ăn cho một cậu bé bị bệnh nặng, theo bản năng anh đặt tay lên đầu cậu bé và nói: “Chúa lòng lành vô cùng sẽ chữa cho em lành bệnh”. Cậu bé đã được chữa khỏi ngay lập tức. Tin này lan truyền nhanh chóng trong khu vực.

Vài năm sau, khi đã được thụ phong linh mục, một biến cố khác đã giúp danh tiếng của Nicholas lan rộng hơn nữa. Một người phụ nữ lớn tuổi bị mù được đưa đến cho Nicholas để vị linh mục trẻ có thể cầu nguyện cho bà. Nicholas nói những lời tương tự như đã từng nói với cậu bé bị bệnh năm xưa. Thị lực của người phụ nữ ngay lập tức được phục hồi. Tin tức về phép lạ này đã sớm lan rộng, và mọi người bắt đầu đến tuôn đến từ khắp nơi để yêu cầu Nicholas cầu nguyện và đặt tay lên họ.

Nicholas nổi tiếng với tư cách là một nhà thuyết giáo, một cha giải tội và một người chữa lành. Ngài định cư tại một tu viện ở Tolentino và dành phần còn lại của cuộc đời mình ở đó. Ở đây, Nicholas là một linh mục cho người nghèo và làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ người nghèo. Ngài cầu nguyện cho vô số người yêu cầu. Nhiều người đã được chữa khỏi bệnh.

Một ngày kia sau một thời gian dài nhịn ăn, Nicholas trở nên yếu đuối và hầu như không thể đứng vững. Ngài nhận được một thị kiến về Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Augustinô. Thánh Augustinô, hay còn gọi là Thánh Âu Tinh, đã bảo ngài ăn một chiếc bánh có vẽ cây thánh giá trên đó và được nhúng trong nước. Nicholas đã làm như vậy và ngay lập tức, sức mạnh của ngài được phục hồi. Từ đó, việc phân phát bánh mì Thánh Augustinô, có vẽ cây thánh giá trên đó và được nhúng trong nước, trở thành một phong tục được thực hiện cho đến tận ngày nay.

Một phần quan trọng của câu chuyện về Nicholas có liên quan đến Luyện ngục. Một đêm nọ, khi đang ngủ, Nicholas nghe thấy giọng nói của một tu sĩ quen biết đã chết. Người tu sĩ nói với Nicholas rằng người ấy đang ở trong Luyện ngục và cầu xin Nicholas dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho mình và những linh hồn khác.

Nicholas đã dâng thánh lễ và cầu nguyện cho người tu sĩ anh em này trong bảy ngày. Sau đó, người ấy trở về và nói với ngài rằng một số linh hồn đã được thả ra và hiện đang ở với Chúa. Vì điều này, vào năm 1884, Nicholas đã được Đức Giáo Hoàng Lêo thứ 13 tuyên bố là Thánh Bảo Trợ cho các linh hồn trong luyện ngục.

Cũng có nhiều truyền thuyết liên quan đến Thánh Nicholas thành Tolentino, như việc hồi sinh các trẻ nhỏ sơ sinh, cứu người sắp chết đuối trên một con tàu bị đắm, và thậm chí cứu cả một cung điện đang cháy bừng bừng của Công tước Venice bằng cách ném một miếng bánh mì vào ngọn lửa. Ngài cũng được thấy một thị kiến trong đó Nhà Thánh Nagiarét, nơi Đức Mẹ sinh sống, đã được các Thiên thần dỡ khỏi nền móng ở Nagiarét và đưa băng qua Địa Trung Hải đến một ngọn đồi của làng Dalmatia thuộc thị trấn nhỏ Tersatto.

Thánh nhân qua đời tại Tolentino vào ngày 10 tháng 9 năm 1305. Ngài được Đức Giáo Hoàng Eugenô Đệ Tứ tuyên thánh vào năm 1446. Ngài là tu sĩ đầu tiên của dòng Augustinô được tuyên thánh.

Thánh Nicholas thành Tolentino, xin cầu cho chúng con và tất cả những ai đã ly trần mà chúng con nhớ đến trong tháng các linh hồn này.


Source:Aleteia