Ngày 19-11-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:47 19/11/2024

24. Có những lúc con cầu xin mà không được là bởi vì con cầu xin cái không đúng, hoặc lập chí bất định, hoặc qúa sơ sài, hoặc bởi vì cầu xin cái không ích lợi, hoặc là vì con ngưng việc cầu nguyện.

(Thánh Basil tiến sĩ)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:55 19/11/2024
.97. SAO LẠI ĐÀO ĐẤT

Có một nhà giàu có, người nhà đào phía sau vườn một cái ao, gánh đất đổ trên bờ ao giống như một ngọn núi nhỏ, dần dần cỏ dại mọc cao lên rậm rạp.

Một hôm, Vu công đến bên ao du lãm, kéo vạt áo trước lên, vén cỏ để đi qua ngọn núi nhỏ, trong lòng rất bực mình vì những loại cỏ tạp, bèn nói với chủ nhân:

- “Hồi đó ông đào cái ao này, sao lại bới đất lên? Nếu ông không đào, thì các loại cỏ này không phải mọc phía dưới nước hay sao?”

(Vu Tiên biệt ký)

Suy tư 97:

Có những người khi làm ăn thuận lợi thì đi đâu cũng nói lời cám ơn Thiên Chúa đã ban cho họ làm ăn phát đạt, nhưng khi làm ăn thua lỗ thì lại oán trách Thiên Chúa đã không thương yêu họ, những người này chỉ biết nhận những cái tốt và cái có lợi cho mình, mà không muốn đón nhận những thử thách của Thiên Chúa, họ sẽ dễ dàng chối bỏ đức tin của mình khi cơn gian nan đến...

Có những người khi bình thường quan hệ bà con bạn bè láng giềng tốt thì cái gì cũng tốt, cái quá khứ không đẹp cũng là tốt, nhưng khi có chuyện xích mích với nhau, thì ngay cả chuyện chôn giấu mấy đời dưới đất không ai nhớ đến cũng đào lên mà chỉ trích, mà bêu xấu, những người này thường có tâm hồn ích kỷ và thích làm bộ tịch bên ngoài, họ thích được người khác khen mình hơn là bị nói ra những khuyết điểm của mình...

Có những cái đào lên thì rất tốt, như khi chúng ta xét mình “đào” lên những khuyết điểm, những tội lỗi của mình để thống hối ăn năn, để quyết tâm làm hòa với Thiên Chúa và tha nhân; có những cái không nên đào lên, như những chuyện quá khứ không mấy tốt đẹp của người khác thì nên quên luôn, vì quá khứ giông như nấm mồ đào lên thì nực mùi ô uê, mà chỉ nên nhớ và khuyến khích những việc làm tốt của họ, đó là việc làm bác ái hiệu quả nhất và phù hợp với Tin Mừng vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Sự thật và Vương quyền
Lm Phan Văn Lợi
03:06 19/11/2024
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN NĂM B - CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ : GA 18,33b-37

Khi ấy, quan Phi-la-tô nói với Đức Giê-su rằng : “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Đức Giê-su đáp : “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Phi-la-tô trả lời : “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Đức Giê-su trả lời : “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra, Nước tôi không thuộc chốn này”. Ông Phi-la-tô liền hỏi : “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp : “Chính ngài nói rằng tôi là Vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.

SỰ THẬT VÀ VƯƠNG QUYỀN

Trong ngôn ngữ Tây phương, có một trò chơi trí tuệ gọi là “từ đảo chữ” (anagram, anagramme). Trong trò chơi này, người ta xáo các mẫu tự của một từ hay một cụm từ rồi sắp lại thành một từ hay một cụm từ khác có ý nghĩa. Nếu từ hay cụm từ mới này có ý nghĩa tương ứng với từ hay cụm từ cũ thì càng tuyệt. Người ta được biết có hai trường hợp đảo chữ rất thời danh. Trước hết là cụm từ “French revolution” (Cách mạng Pháp). Nó đã được xáo lại thành “Violence, run forth” (Hỡi bạo lực, hãy tung hoành !) Ai từng biết toàn bộ cuộc đại biến kể từ năm 1789 này, cuộc đại biến đã dìm toàn thể nước Pháp trong máu lửa thì mới thấy tất cả ý vị của từ mới sáng tạo do đảo chữ. Trường hợp thứ hai là cụm từ “Quid est veritas?” (tiếng La-tinh : Sự thật là gì? Câu Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su ở Ga 18,38 ngay sau đoạn Tin Mừng hôm nay). Nó đã được xáo lại thành “Est vir qui adest” (Là người đang đứng [đang có mặt] đây!) Quả là ý vị phải không các bạn?

1. Vương quyền trong dạng nghịch lý

Câu hỏi đó của Phi-la-tô cũng như câu trả lời của Đức Giê-su chính là trọng tâm của bài Tin Mừng ta đang suy niệm. Bài Tin Mừng này nằm trong một trình thuật dài mô tả lại cuộc Thương khó (hay cuộc Khổ nạn) của Đức Giê-su.

Được nhìn với đôi mắt của Gio-an, cuộc Thương khó ấy là một trận chiến Đức Giê-su tung ra với tất cả uy quyền. Nhìn bên ngoài, Người như thể là một nạn nhân, một tội nhân, một bị cáo. Thế nhưng Người thật sự làm chủ các biến cố và ngay cả “lèo lái” các nhân vật khác quanh mình. Bị trói, bị vả, bị đóng đinh, Người vẫn chế ngự các quan tòa và các đao phủ, duy trì sáng kiến cho tới phút chót : “Người nói : ‘Thế là đã hoàn tất !’ Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30).

Cho chúng ta, những kẻ đến dưới chân thập giá, Người đặt cùng câu hỏi đã đặt cho toán lính tới bắt mình : “Các anh tìm ai?” (18,4) Không phải tìm một con người đáng thương nhưng là một Cứu Chúa mạnh mẽ, “biết” tới cùng những gì mình đã chấp nhận.

Chúng ta sắp nghe ba lần từ “biết” ấy, biết trong ý thức sáng suốt và tự do hoàn toàn. Trước đó, cuộc Khổ nạn mở màn với một cái nhìn quả quyết về cuộc vượt qua đầy gian khổ : “Biết đã đến giờ Người phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, nhưng vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, Đức Giê-su yêu thương họ cho đến cùng” (Ga 13,1). Khi mọi sự sắp diễn ra, thì chính Người đặt và sẽ không ngừng đặt các câu hỏi : “Biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, Người tiến ra và hỏi : các anh tìm ai?” (Ga 18,4). Trong giây phút cuối cùng, Người vẫn giữ sự sáng suốt tích cực đó : “Biết là mọi sự đã hoàn tất và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : Tôi khát” (Ga 19,28).

Ngay từ cuộc đụng độ ban đầu, phong cách của Đức Giê-su đã được xác định : ba lần câu “Chính tôi đây !” (Ga 18,5.6.8) thực sự là một cuộc thần hiển : “Họ lùi lại và ngã xuống đất.” Và khi Đức Giê-su mạnh mẽ lấy lại hình ảnh chén đắng : “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” ta không thể không nghĩ đến con người ủ rũ và cầu khẩn tại vườn Ghết-sê-ma-ni : “Lạy Cha, xin cất chén này xa con !” (Lc 22,42). Nhưng thay vì là một mâu thuẫn, có thể coi đó như một sự tiến triển nên gương mẫu và gieo hy vọng cho chúng ta : không xấu hổ vì đã cảm thấy bị đè bẹp, trái lại luôn biết xin chính sức mạnh của Đấng Cứu Thế để vác thập giá của mình tốt hơn.

Và cũng với sự tự chủ như vậy, Đức Giê-su đã lợi dụng các câu hỏi của thượng tế để mô tả sứ mạng căn bản của mình là làm Đấng Mạc khải : “Tôi đã nói, đã giảng dạy ở những nơi thiên hạ giảng dạy. Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi !” (Ga 18,20-21). Cái tát của tên cận vệ tượng trưng thái độ phũ phàng từ khước Mạc khải này, nhưng ở đây cũng thế, Đức Giê-su vẫn là người điều khiển tất cả : “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (18,23). Chính Sự Thật tối cao đang phán xét nơi đây mọi kiểu hung hăng mà chúng ta vẫn bày tỏ khi bị một sự thật quấy rầy. Suốt cuộc Khổ nạn này, Đức Giêsu-Sự Thật chất vấn chúng ta.

2. Sự thật đảo ngược các vai trò

Và nhất là trong cảnh tượng vương quyền thuần túy và cao cả của Sự thật đảo ngược các vai trò. Phi-la-tô chỉ là một con rối thảm hại trước bị cáo quá vĩ đại như vậy : “Nhưng ông là ai? Ông thật là vua sao? Ông từ đâu đến?” (x. 18,37; 19,9).

Đó là nơi Gio-an đã muốn đặt chúng ta ngay từ đầu trình thuật Khổ nạn của ông : trước câu hỏi về các nguồn gốc : “Ông từ đâu đến?” (19,9). Một con người sắp chết trên thập giá. Nhưng ai chết? Làm sao con người ấy lại có thể làm chủ đến mức đó cái chết của mình và làm chủ mọi quyền lực mà Người chỉ cần dùng một từ là “Sự thật” thì đủ quét sạch? Các quyền bính tôn giáo, đám đông cuồng loạn, đế quốc Rô-ma, chẳng có chi đứng vững trước lời khẳng định bình thản : “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Vương quyền của tôi là thế” (18,37).

Việc đi từ sự thật sang vương quyền này gây chưng hửng, nhưng Sự thật ở đây, chính là những gì loài người có thể biết về Thiên Chúa và về thân phận nhân loại. Ai có quyền trên sự thật này là kẻ mạnh nhất. Người đó là Vua trên hết các vua, là Chúa ở tận đáy các tâm hồn.

Đức Giê-su có quyền trên Sự thật “sinh tử” này. Người đã đến để làm chứng, nghĩa là mạc khải, xác nhận rằng Thiên Chúa yêu thương ta và cho thấy rằng tất cả đổi thay ngay khi ta đi vào trong ánh sáng ấy. Nói cách khác, “Thiên Chúa là Tình Yêu” chính là Sự thật bao trùm mọi sự thật. Và Đức Giê-su không chỉ là kẻ nói sự thật, mà còn là sự thật, vì chính Người là bằng chứng sống động của tình yêu Thiên Chúa, là chính tình yêu ấy đã hóa nên hữu hình. Ai biết chiêm ngưỡng Đức Giê-su sẽ hiểu được tất cả : Thiên Chúa yêu thương chúng ta thế nào và làm sao chúng ta phải bước đi trong ánh mặt trời đó, nghĩa là sống thật : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống của anh em” (Ga 14,6).

Và “ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi.” Thuộc sự thật là gì? Đó là sẵn sàng đón tiếp thực tại thần linh mà Đức Giê-su đem đến cho loài người. Trong thực tế chúng ta hôm nay, điều này hệ tại thành thật đối với Thiên Chúa, Đấng phán bảo qua Thánh Kinh và Giáo Hội, sống phù hợp với những gì Thiên Chúa mạc khải cho và theo Đức Giê-su mà ta gặp thấy trong Tin Mừng, trong Giáo Hội, trong các nhiệm tích, trong anh chị em; hệ tại việc làm chứng cho sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người cách bất khuất, can đảm trong một xã hội đang gieo rắc những điều dối trá, đang bịt miệng những ai nói thẳng, đang tuyên truyền lắm lý thuyết sai lạc, đang chà đạp những giá trị thiêng liêng và nhân bản. Vương quyền của Đức Giê-su không giống chút nào với cách thống trị của nhân thế, nhưng nó trở nên hữu hiệu khi con người cá nhân và tập thể, trong cuộc sống thực sự, hiểu rằng mình đến từ Thiên Chúa và đi về cùng Thiên Chúa, cho nên hết sức ra công để nhân loại nhận biết sự thật nhờ những nét đẹp nhất của khuôn mặt nó, là những nét của Tình Yêu.

Phải chăng đây là một suy niệm về cuộc Thương Khó? Vâng, một suy niệm kiểu Gio-an. Tất cả đã là sự thật trong cuộc sống Đức Giê-su, tất cả đang là sự thật trong cái chết của Người, tất cả là sự thật cho chúng ta. Cho dẫu nhiều chuyện vẫn còn ẩn giấu đối với chúng ta về cái chết ấy, chúng ta chắc chắn rằng cái chết ấy cứu chúng ta, trong toàn bộ cũng như trong từng chi tiết của nó. Việc chiêm ngắm nó sẽ không bao giờ cạn kiệt. Chính sự thật ấy giải cứu chúng ta, vì ở đấy, tất cả đều là tình yêu, như người ta từng nói : “Tất cả đều là ân sủng”.
 
Ngày 20/11: Ai có thì sẽ được cho thêm – Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
03:16 19/11/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, dân chúng đang nghe Đức Giê-su, thì Người kể thêm cho họ một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ : ‘Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.’ Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng : ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.’

“Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình : ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ Ông bảo người ấy : ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.’ Người thứ hai đến trình : ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.’ Ông cũng bảo người ấy: ‘Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.’

“Rồi người thứ ba đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.’ Ông nói: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!’ Rồi ông bảo những người đứng đó: ‘Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.’ Họ thưa ông: ‘Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!’ Ông đáp lại: ‘Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.

‘Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.’”

Đức Giê-su nói những lời ấy xong, thì dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giê-ru-sa-lem.

Đó là lời Chúa
 
Từng xu một
Lm Minh Anh
15:45 19/11/2024
TỪNG XU MỘT
“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”.

“Thời gian là nén bạc cuộc đời. Đó là số vốn duy nhất bạn có và chỉ bạn mới có thể xác định nó sẽ được sử dụng thế nào. Hãy cẩn thận, bằng không người khác sẽ ‘tiêu nó’ thay bạn. Hãy làm lợi những gì bạn được trao, bắt đầu với từng xu một!” - Carl Sandburg.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Sandburg được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu dạy chúng ta nên làm gì trong khi mong chờ Ngài đến. Dụ ngôn cho biết, sau khi trao cho mỗi gia nhân một nén bạc, ông chủ nói, “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”. Bằng cách nào? ‘Từng xu một!’.

Mỗi Chúa Nhật, qua Kinh Tin Kính, chúng ta chứng thực niềm tin của mình, “Chúa sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết”; nhưng ngày nào, giờ nào Chúa đến, chúng ta không biết. Vậy, phải làm gì trong thời gian này? Hãy tận dụng thời gian để trung thành sống các giá trị của Vương Quốc bằng cách làm lợi nén bạc đã nhận, bắt đầu với ‘từng xu một!’.

Trong dụ ngôn, hầu như mỗi người chỉ nhận được một nén, nhưng một số sẽ đầu tư nó tốt hơn những người khác. Với Bí tích Rửa Tội, chúng ta lãnh nhận ‘một nén’ các ân sủng như nhau dưới dạng hạt giống. Và việc nhận lãnh này tuỳ thuộc vào mỗi người để bảo đảm rằng, chúng được chăm bón, tưới tiêu và có đủ ánh sáng mặt trời để phát triển hầu sinh hoa trái. Những món quà ân sủng này được ban mọi ngày, từng ngày, để mỗi người biết rằng, chúng ta là con cái rất yêu dấu của Chúa và là người thừa kế Nước Trời. Thực hiện các nhân đức - nhân lên ân sủng - tựa hồ chắt chiu từng phân vàng, 'từng xu một!'.

“Thiên Chúa là tình yêu”, bản chất của Ngài là “Thánh”. Bài đọc Khải Huyền và Thánh Vịnh đáp ca khẳng định “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng!”. Sự thánh thiện của Thiên Chúa thể hiện qua sự ‘tự hiến’ của Ngài. Vì thế, người giấu nén bạc sẽ không thể khám phá hoặc hiểu được thực tế ‘tự hiến’ này của Thiên Chúa, nhưng những ai đã ‘dám tiêu’ nén bạc của mình sẽ khám phá ra điều này và họ sẽ kiếm được nhiều hơn. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một ví dụ hoàn hảo về việc ‘dám tiêu’ và sự ‘tự hiến’ sinh ích này. Cũng thế, chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái nhiều hơn bằng cách sử dụng tài năng và thời gian Chúa ban để sinh lợi cho Vương Quốc khi bòn bọt ‘từng xu một’ qua việc chết đi mỗi ngày.

Anh Chị em,

“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”. Thiên Chúa là ông chủ vô cùng rộng lượng, Ngài ‘tiêu nhiều’, dám ‘tiêu cả Con Một’ cho thế gian. Cũng thế, Chúa Giêsu cũng ‘tiêu rộng’ đến nỗi không còn gì trên thập giá. Ngài muốn chúng ta ‘tiêu tốn’ cho Ngài và cho tha nhân. Càng chiêm ngắm việc ‘tự hiến’ của Ngài, bạn và tôi càng can đảm ‘tiêu hao’ cho vinh quang Ngài và cho phần rỗi thế giới. Ai trung thành với việc sinh lợi cho Vương Quốc - mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng - dù chỉ ‘từng xu một’ sẽ được giao phó nhiều hơn. Ai bỏ bê, phung phí điều đã lãnh nhận sẽ đánh mất những gì mình đang có!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tất cả những gì ‘con có’, những gì ‘con là’ đều đến từ Chúa và thuộc về Chúa. Đừng để người khác ‘tiêu nó’ thay con và Chúa không có lấy một xu lãi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tài Liệu Sau Cùng Của Phiên Họp Thường Lệ Lần Thứ 16 Của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Phần III
Vũ Văn An
03:12 19/11/2024

TÀI LIỆU SAU CÙNG CỦA PHIÊN HỌP THƯỜNG LỆ LẦN THỨ 16 CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
Cho một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia, sứ mệnh



Phần III – «Hãy Thả lưới»

Hóan cải diễn trình

Chúa Giêsu nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá”. (Ga 21, 5-6)

79. Việc đánh cá chưa có kết quả và bây giờ đã đến lúc phải quay vào bờ. Nhưng một giọng nói vang lên, có thẩm quyền, mời gọi họ làm điều gì đó mà nếu một mình, các môn đệ sẽ không làm, điều này cho thấy một khả thể mà con mắt và tâm trí của họ không thể hiểu được: « Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Trong tiến trình đồng nghị, chúng tôi đã cố gắng lắng nghe Tiếng Nói này và chấp nhận những gì nó bảo chúng tôi. Trong cầu nguyện và đối thoại huynh đệ, chúng tôi thừa nhận rằng sự phân định của Giáo hội, sự quan tâm đến các diễn trình đưa ra quyết định và cam kết thực hiện việc giải trình hành động của mình và đánh giá kết quả của các quyết định được đưa ra là những thực hành mà với chúng, chúng tôi đáp lại Lời đã chỉ cho chúng tôi những con đường truyền giáo.

80. Ba thực hành này gắn bó chặt chẽ với nhau. Diễn trình ra quyết định cần sự phân định của Giáo hội, một điều vốn đòi hỏi sự lắng nghe trong bầu không khí tin cậy được sự minh bạch và giải trình hỗ trợ. Sự tin tưởng phải hỗ tương: những người đưa ra quyết định cần có khả năng tin tưởng và lắng nghe dân Chúa, những người cần có khả năng tin tưởng những người thực thi quyền lực. Viễn kiến toàn diện này nhấn mạnh rằng mỗi thực hành này phụ thuộc vào thực hành khác và hỗ trợ chúng, phục vụ khả năng của Giáo hội trong việc thực hiện sứ mệnh của mình. Tham gia vào các diễn trình đưa ra quyết định dựa vào sự phân định của Giáo hội và việc tiếp nhận nền văn hóa minh bạch, giải trình trách nhiệm và đánh giá đòi hỏi phải có việc đào tạo thỏa đáng không những mang tính kỹ thuật mà còn có khả năng khám phá nền tảng thần học, kinh thánh và tâm linh của nó. Tất cả những người đã được rửa tội đều cần được đào tạo về chứng tá, sứ vụ, sự thánh thiện và phục vụ, vốn đề cao tinh thần đồng trách nhiệm. Nó mang các hình thức đặc thù đối với những người đảm nhận các vị trí trách nhiệm hoặc phục vụ sự phân định của Giáo hội.

Sự biện phân của Giáo Hội đối với sứ mệnh

81. Để cổ vũ những mối liên hệ có khả năng hỗ trợ và hướng dẫn sứ mệnh của Giáo hội, điều ưu tiên là thực thi sự khôn ngoan Tin Mừng vốn giúp cộng đồng các tông đồ của Giêrusalem đóng ấn thành quả của biến cố đồng nghị đầu tiên bằng những lời: «Vì nó xem ra tốt đối với Chúa Thánh Thần và với chúng tôi” (Cv 15: 28). Chính sự phân định, như được thực hiện bởi dân Chúa nhằm vào sứ mệnh, mà chúng ta có thể được coi là “giáo hội”. Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha đã sai đến nhân danh Chúa Giêsu và là Đấng dạy dỗ mọi sự (x. Ga 14: 26), hướng dẫn các tín hữu mọi thời, “đến với tất cả sự thật” (Ga 16:13). Qua sự hiện diện và hành động liên tục của Người, “Truyền thống bắt nguồn từ các Tông đồ, được phát triển trong Giáo hội” (DV 8). Kêu cầu ánh sáng Người, dân Chúa, chia sẻ chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô (xem LG 12), “tìm cách biện phân trong các biến cố, yêu cầu và nguyện vọng trong đón họ cùng tham gia với những người khác của thời đại chúng ta, đâu là các dấu hiệu đích thực cho thấy sự hiện diện hay kế hoạch của Thiên Chúa” (GS 11). Sự phân định này sử dụng tất cả các ơn khôn ngoan mà Chúa phân phát trong Giáo hội và bắt nguồn từ cảm thức đức tin được Chúa Thánh Thần truyền đạt cho tất cả những người đã được Rửa tội. Với tinh thần này đời sống của Giáo hội đồng nghị truyền giáo phải được hiểu lại và định hướng lại.

82. Sự phân định của Giáo Hội không phải là một kỹ thuật tổ chức, nhưng là một thực hành thiêng liêng cần được sống trong đức tin. Nó đòi hỏi tự do nội tâm, khiêm tốn, cầu nguyện, tin tưởng lẫn nhau, cởi mở đối với sự mới mẻ và phó thác cho ý muốn của Thiên Chúa. Đó không bao giờ là sự khẳng định một quan điểm bản thân hoặc nhóm, nó cũng không dẫn đến việc tổng hợp đơn giản các ý kiến cá nhân; mỗi người, nói theo lương tâm, mở lòng lắng nghe những gì người khác có lương tâm chia sẻ, như thế cùng nhau cố gắng nhận ra “điều Chúa Thánh Thần nói với các Giáo hội” (Kh 2: 7). Dự ứng sự đóng góp của tất cả những người có liên quan, việc biện phân của Giáo hội đồng thời là một điều kiện và một biểu thức ưu tuyển của tính đồng nghị, trong đó sự hiệp thông, sứ mệnh và sự tham gia được đem ra sống với nhau. Sự biện phân càng phong phú hơn khi mọi người được lắng nghe nhiều hơn. Vì lý do này, điều cần thiết là cổ vũ sự tham gia rộng rãi vào các tiến trình phân định, đặc biệt quan tâm đến sự tham gia của những người bị gạt ra ngoài lề cộng đồng Kitô giáo và xã hội.

83. Lắng nghe Lời Chúa là điểm khởi đầu và tiêu chuẩn của mọi sự phân định của Giáo hội. Thật vậy, Kinh Thánh chứng thực rằng Thiên Chúa đã nói với Dân Người, đến mức ban cho chúng ta Chúa Giêsu là sự viên mãn của mọi Mặc khải (xem DV 2), và Kinh thánh chỉ ra những nơi chúng ta có thể lắng nghe giọng nói của Người. Thiên Chúa giao tiếp với chúng ta trước hết trong phụng vụ, vì chính Chúa Kitô nói “khi Sách Thánh được đọc trong Giáo Hội” (SC 7). Thiên Chúa phán qua Truyền Thống sống động của Giáo Hội, huấn quyền của Giáo Hội, việc suy niệm Kinh Thánh của cá nhân và cộng đồng và việc thực hành lòng đạo đức bình dân. Thiên Chúa tiếp tục tỏ mình qua tiếng kêu của người nghèo và những biến cố trong lịch sử nhân loại. Một lần nữa, Thiên Chúa giao tiếp với Dân Người qua các yếu tố của sáng thế, mà chính hiện hữu của nó nhắc tới hành động của Đấng Tạo Hóa và được lấp đầy bởi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống. Cuối cùng, Thiên Chúa cũng lên tiếng trong lương tâm cá nhân của mỗi người vốn là “cốt lõi bí mật nhất và là cung thánh của con người, nơi con người thấy mình ở một mình với Thiên Chúa, giọng nói của nó vang vọng trong những tầng sâu thẳm của họ" (GS 16). Sự phân định của Giáo Hội đòi hỏi sự phân định liên tục việc chăm sóc và đào tạo lương tâm cũng như sự trưởng thành của cảm thức đức tin, để không bị xao lãng tại bất cứ nơi nào Thiên Chúa nói và gặp gỡ Dân Người.

84. Các bước phân định của Giáo Hội có thể được trình bày theo nhiều cách khác nhau, tùy theo địa điểm và truyền thống. Cũng trên cơ sở kinh nghiệm đồng nghị, có thể xác định một số yếu tố chính không thể thiếu:

a) sự trình bày rõ ràng về đối tượng của sự phân định và việc cung cấp thông tin và công cụ đầy đủ để hiểu nó;

b) thời gian thuận tiện để chuẩn bị bằng việc cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và suy gẫm về chủ đề này;

c) Một thiên hướng tự do trong nội bộ đối với lợi ích của chính mình, cả cá nhân lẫn nhóm, cam kết tìm kiếm lợi ích chung;

d) chăm chú và tôn trọng lắng nghe lời nói của mọi người;

e) việc tìm kiếm sự đồng thuận rộng rãi nhất có thể, điều này sẽ xuất hiện thông qua những gì “làm tâm hồn bừng bừng” nhiều nhất (xem Lc 24:32), không che giấu những xung đột và không tìm kiếm sự thỏa hiệp ở bình diện thấp nhất;

f) việc xây dựng bởi những người dẫn đầu diễn trình đạt được sự đồng thuận và trình bày cho tất cả những người tham gia, để họ có thể bày tỏ liệu họ có nhận ra mình trong đó hay không.

Trên nền tảng của sự phân định, quyết định thích hợp sẽ chín mùi đòi hỏi sự tuân theo của mọi người, ngay cả khi ý kiến của một người chưa được chấp nhận và một thời gian tiếp nhận trong cộng đồng, một điều có thể dẫn đến việc kiểm tra và đánh giá tiếp theo.

85. Việc biện phân luôn diễn ra trong một bối cảnh cụ thể, mà các tính phức tạp và đặc thù của nó cần được nắm vững một cách trọn vẹn bao nhiêu có thể. Để sự phân định có tính “Giáo hội” một cách hữu hiệu, cần phải sử dụng những phương tiện cần thiết, trong đó, việc chú giải thỏa đáng các bản văn Kinh thánh, chẳng hạn như giúp giải thích và hiểu chúng bằng cách tránh các cách tiếp cận phiến diện hoặc cực đoan; một sự hiểu biết về các Giáo phụ, về Truyền thống và về các giáo huấn của thẩm quyền, tùy theo mức độ thẩm quyền khác nhau của chúng; sự đóng góp của những các khoa thần học khác nhau; những đóng góp của khoa học nhân văn, lịch sử, xã hội và hành chính, mà nếu không có chúng, ta không thể biết một cách nghiêm túc bối cảnh trong đó và theo đó việc biện phân diễn ra.

86. Trong Giáo hội có rất nhiều cách tiếp cận và phương pháp phân định được thiết lập rất tốt. Sự đa dạng này là một sự phong phú: với sự thích ứng phù hợp với các bối cảnh khác nhau, nhiều cách tiếp cận có thể mang lại hiệu quả. Xuất phát từ sứ mệnh chung, điều quan trọng là bước vào một cuộc đối thoại thân tình, không đánh mất những điểm chuyên biệt của mỗi người và không cứng ngắc cố định trong cách tiến hành của nó. Trong các Giáo hội địa phương, bắt đầu từ các cộng đồng giáo hội và giáo xứ nhỏ, điều thiết yếu là cung cấp các cơ hội đào tạo nhằm truyền bá và nuôi dưỡng nền văn hóa biện phân của Giáo Hội để truyền giáo, đặc biệt đối với những người giữ vai trò có trách nhiệm. Điều quan trọng không kém là quan tâm đến việc huấn luyện những bạn đồng hành hoặc người hỗ trợ, những người mà sự đóng góp của họ thường rất quan trọng trong việc thực hiện các tiến trình biện phân.

Cấu trúc của diễn trình ra quyết định

87. Trong Giáo hội đồng nghị, “toàn thể cộng đồng, trong sự đa dạng tự do và phong phú của các thành viên, được triệu tập để cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, phân định và tư vấn trong việc thực hiện các quyết định” (ITC, n. 68) cho việc truyền giáo. Cổ vũ việc tham gia rộng rãi nhất có thể vào mọi việc dân Chúa trong diễn trình đưa ra quyết định là cách hiệu quả nhất để cổ vũ một Giáo hội đồng nghị.

Thực thế, nếu đúng là tính đồng nghị xác định modus vivendi et operandi [phương cách sống và hoạt động] vốn là đặc tính của Giáo hội, đồng thời chỉ ra một thực hành thiết yếu trong việc hoàn thành sứ mệnh của nó: biện phân, đạt được sự đồng thuận, quyết định thông qua việc thực hiện các cơ cấu và các tổ chức của tính đồng nghị.

88. Cộng đoàn môn đệ được Chúa triệu tập và sai đi không phải là một chủ thể độc dạng và vô định hình. Đó là Thân Thể của Người với nhiều chi thể khác nhau, một chủ thể cộng đồng lịch sử trong đó Nước Thiên Chúa xuất hiện như một “hạt giống và khởi đầu” để phục vụ cho sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa trong toàn thể gia đình nhân loại (xem LG 5). Các Giáo phụ đã suy tư về bản chất hiệp thông của sứ mệnh dân Chúa thông qua ba điều nihil sine [không gì nếu không]: “không có gì nếu không có Giám mục” (Thánh Inhaxiô thành An-ti-ô-ki-a, Thư gửi Trallesi, 2.2), “không có gì nếu không có lời khuyên của các Trưởng lão, không có gì nếu không có sự đồng ý của người dân” (Thánh Cyprianô thành Carthage, Thư 14.4). Nơi nào luận lý nihil sine này bị phá vỡ, căn tính của Giáo Hội bị lu mờ và sứ mệnh của Giáo hội bị ức chế.

89. Cam kết cổ vũ sự tham gia trên cơ sở đồng trách nhiệm dị biệt hóa thuộc khuôn khổ giáo hội học này. Mỗi thành viên của cộng đồng phải được tôn trọng, đánh giá cao khả năng và năng khiếu của mình trong viễn ảnh đưa ra quyết định chung. Các hình thức trung gian định chế cần thiết ít nhiều được lên cấu trúc ít hay nhiều trong mối tương quan với quy mô của cộng đồng. Luật lệ hiện hành đã quy định về các cơ quan tham gia ở các bình diện khác nhau, điều này sẽ được tài liệu đề cập sau.

90. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nó, điều có vẻ thích hợp là suy gẫm về sự khớp nối của các diễn trình ra quyết định. Việc vừa nói thường bao gồm giai đoạn xử lý hoặc hướng dẫn “nhờ công việc phân định, tham vấn và hợp tác chung” (ITC, số 69), vốn thông tri và hỗ trợ cho việc ra quyết định tiếp theo, một trách nhiệm của cơ quan có năng quyền. Không có sự cạnh tranh hay tương phản giữa hai giai đoạn, nhưng với sự khớp nối chúng, chúng góp phần bảo đảm điều này: các quyết định được đưa ra là kết quả của sự vâng phục của mọi người đối với những gì Chúa muốn cho Giáo hội của Người. Vì lý do này, cần phải cổ vũ các thủ tục nhằm làm cho hữu hiệu tính hỗ tương qua lại giữa cộng đồng và những người chủ trì, trong bầu không khí cởi mở với Chúa Thánh Thần và tin tưởng lẫn nhau, để tìm kiếm sự đồng thuận có thể nhất trí. Diễn trình này cũng phải bao gồm giai đoạn thực hiện quyết định và đánh giá quyết định đó, trong đó chức năng của các chủ thể tham gia, một lần nữa, được khớp nối với các phương thức mới.

91. Có những trường hợp luật lệ hiện hành quy định rằng, trước khi đưa ra quyết định, thẩm quyền có nghĩa vụ thực hiện việc tham vấn. Thẩm quyền mục vụ có nhiệm vụ lắng nghe những người tham gia vào cuộc tham vấn và do đó, không còn có thể hành động như thể không lắng nghe họ. Do đó, những người có thẩm quyền sẽ không đi trệch khỏi các hoa trái của một tham vấn tuy tạo ra sự nhất trí nhưng không có lý lẽ thuyết phục (xem Bộ Giáo luật, điều 127, § 2, 2°; Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông phương điều 934, § 2, 3°). Như trong bất cứ cộng đồng nào sống theo công lý, trong Giáo Hội, việc thực thi thẩm quyền không hệ ở việc áp đặt một ý chí độc đoán. Bằng nhiều cách thức khác nhau trong đó nó được thực thi, nó luôn phục vụ sự hiệp thông và chấp nhận sự thật của Chúa Kitô, trong đó và hướng tới đó, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong những thời điểm và bối cảnh khác nhau (xem Ga 14:16).

92. Trong một Giáo hội đồng nghị, thẩm quyền ra quyết định của Giám mục, của Hiệp đoàn Giám mục và của Giám mục Rôma là không thể chuyển nhượng, vì nó bắt nguồn từ cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập để phục vụ sự hiệp nhất và tôn trọng sự đa dạng hợp pháp (xem LG13). Tuy nhiên, nó không phải là vô điều kiện: một định hướng xuất hiện trong diễn trình tham vấn như kết quả của sự phân định đúng đắn, đặc biệt nếu được thực hiện bởi các cơ quan tham gia, là không thể bỏ qua. Do đó, điều không thích đáng là đặt các yếu tố tham khảo và nghị bàn (deliberation) liên hệ tới việc đạt tới một quyết định ở thế đối lập nhau: trong Giáo hội việc nghị bàn diễn ra với sự giúp đỡ của mọi người và không bao giờ lại không có những người mà việc cai quản mục vụ của họ cho phép họ tiếp nhận một quyết định theo chức vụ của họ. Vì lý do này, công thức tái diễn trong Bộ Giáo luật nói đến việc bỏ phiếu "chỉ mang tính tư vấn" (tantum Consultivum), cần được xem xét lại để loại bỏ những điểm mơ hồ có thể xảy ra. Do đó, việc xem ra thích đáng là duyệt lại các chuẩn mực giáo luật theo phương thức đồng nghị, nhằm làm rõ cả sự khác biệt cũng như sự khớp nối giữa tham vấn và nghị bàn và làm sáng tỏ trách nhiệm của những người tham gia vào diễn trình ra quyết định ở các chức năng khác nhau.

93. Quan tâm đến sự phát triển có trật tự và có trách nhiệm rõ ràng đối với những người tham gia là những yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả cho diễn trình ra quyết định theo cách dự tính ở đây :

a) Một cách riêng, tùy thuộc thẩm quyền là việc xác định rõ ràng đối tượng của việc tham vấn và nghị bàn cũng như người chịu trách nhiệm đưa ra quyết định; xác định những người cần được tư vấn, cũng dựa trên các năng quyền chuyên biệt hoặc việc can dự vào vấn đề này; đảm bảo rằng tất cả những người tham gia có quyền truy cập một cách hữu hiệu vào các thông tin liên quan để họ có thể hình thành các ý kiến được cân nhắc kỹ lưỡng của riêng họ;

b) những người bày tỏ ý kiến của mình trong một cuộc tư vấn, với tư cách cá nhân hoặc theo tư cách thành viên của một tập thể, có trách nhiệm: đưa ra ý kiến chân thành và trung thực, khoa học và hợp lương tâm; tôn trọng tính bảo mật của thông tin nhận được; đưa ra một cách trình bày rõ ràng quan điểm của mình, xác định những điểm chính, để thẩm quyền, nếu quyết định khác với ý kiến nhận được, có thể giải thích họ đã xét đến điều này trong khi nghị bàn;

c) một khi thẩm quyền có năng quyền đã ra quyết định, sau khi đã tôn trọng diễn trình tham vấn và bày tỏ rõ ràng lý do của nó, mọi người, vì mối dây hiệp thông hiệp nhất những người đã được Rửa tội, phải tôn trọng quyết định đó và thực thi nó, ngay cả khi nó không phù hợp với quan điểm của mình mà không ảnh hưởng đến nghĩa vụ tham gia một cách trung thực vào giai đoạn đánh giá.

Luôn luôn vẫn có khả thể khiếu nại lên thẩm quyền cao hơn theo những cách thức được luật lệ quy định.

94. Việc thực thi đúng đắn và kiên quyết các tiến trình ra quyết định theo lối đồng nghị sẽ góp phần vào sự tiến bộ của dân Chúa theo viễn ảnh tham gia, đặc biệt thông qua các hòa giải định chế được quy định bởi giáo luật, đặc biệt là các cơ quan tham gia. Không có những thay đổi cụ thể trong ngắn hạn, viễn kiến về một Giáo hội đồng nghị sẽ không đáng tin cậy và điều này sẽ khiến các thành viên dân Chúa xa rời con đường đồng nghị mà họ từng rút tỉa được sức mạnh và hy vọng. Tùy thuộc các giáo hội địa phương tìm ra những cách thích hợp để thực thi những thay đổi này.

Minh bạch, trách nhiệm giải trình, đánh giá

95. Việc ra quyết định không kết thúc diễn trình phân định. Nó phải đi kèm và tiếp theo là thực hành giải trình và đánh giá, trên tinh thần minh bạch được linh hứng từ các tiêu chuẩn Tin Mừng. Giải trình thừa tác vụ của mình với cộng đồng là truyền thống cổ xưa nhất, có từ thời Giáo hội Tông đồ. Chương 11 của Công vụ Các Tông Đồ cho ta một điển hình về điều này: Khi Phêrô trở về Giêrusalem sau khi rửa tội cho Cóc-nê-li-ô, một người ngoại giáo, «Các tín hữu được cắt bì khiển trách ngài rằng: “Ông đã vào nhà những người không được cắt bì và ông ăn chung với họ!'" (Cv 11:2-3). Phêrô đáp lại bằng một câu chuyện giải trình lý do cho hành động của mình.

96. Đặc biệt, liên quan đến tính minh bạch, nhu cầu xuất hiện cần làm sáng tỏ về ý nghĩa của nó bằng cách nối kết nó với một loạt các thuật ngữ như sự thật, lòng trung thành, sự rõ ràng, trung thực, liêm chính, mạch lạc, bác bỏ sự mờ ám, đạo đức giả và mơ hồ, không có động cơ thầm kín. Mối phúc Tin Mừng của người có tâm hồn trong sạch (xem Mt 5:8), mệnh lệnh phải “đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10:16), và lời của Tông Đồ Phaolô đã được nhắc lại: “chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa chúng tôi đã từ chối giả vờ đáng xấu hổ, không hành xử xảo quyệt hoặc xuyên tạc lời Chúa, nhưng công khai loan báo sự thật và trình diện trước lương tâm mỗi người, trước sự chứng kiến của Thiên Chúa” (2 Cr 4:2). Do đó, họ đã nhắc đến một thái độ cơ bản, bắt nguồn từ Sách Thánh, chứ không phải là một loạt các thủ tục hay đòi hỏi hành chính hoặc quản lý.

Tính minh bạch, theo nghĩa đúng đắn của Tin Mừng, không làm tổn hại đến sự tôn trọng tính tư riêng và bí mật, bảo vệ con người, nhân phẩm và các quyền của họ thậm chí cả trong các khiếu nại không chính đáng của chính quyền dân sự. Tuy nhiên, tính tư riêng không bao giờ có thể biện minh những thực hành trái ngược với Tin Mừng hoặc trở thành cái cớ để qua mặt hoặc che đậy những hành động để chống lại cái ác. Dù sao, liên quan đến bí mật tòa giải tội, “ấn tín bí tích là tối cần và không có quyền lực con người nào có quyền tài phán hoặc đưa ra bất cứ yêu sách nào chống lại nó" (Đức Phanxicô, Bài phát biểu với những người tham gia Khóa XXX về Tòa Trong do Tòa Ân Giải tổ chức, ngày 29 tháng 3 năm 2019).

97. Thái độ minh bạch, theo nghĩa vừa nêu, cấu thành một cách bảo vệ sự tín thác và tính khả tín mà một Giáo hội đồng nghị, lưu ý tới các mối liên hệ, không thể có nếu không có nó. Khi lòng tin bị xâm phạm, những người yếu đuối nhất và dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu hậu quả. Nơi nào Giáo hội được tin tưởng, thực hành minh bạch, giải trình và đánh giá góp phần củng cố nó và thậm chí còn là một yếu tố quan trọng hơn trong đó độ khả tín của Giáo Hội phải được xây dựng lại. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương (bảo vệ an toàn).

98. Dù sao đi nữa, những thực hành này góp phần bảo đảm sự trung thành của Giáo hội đối với sứ mệnh của chính mình. Việc thiếu vắng chúng là một trong những hậu quả của chủ nghĩa giáo sĩ trị và đồng thời thúc đẩy nó. Nó dựa trên giả định ngầm cho rằng những người có thẩm quyền trong Giáo Hội không phải giải trình về những hành động và quyết định của mình, như thể họ biệt lập hoặc đứng trên phần còn lại của Dân Thiên Chúa. Sự minh bạch và giải trình không nên chỉ được kêu gọi khi liên quan đến lạm dụng tình dục, tài chính và các hành vi lạm dụng khác. Nó cũng liên quan tới lối sống của các Mục tử, các kế hoạch mục vụ, các phương pháp truyền giảng tin mừng và những cách trong đó, Giáo hội tôn trọng phẩm giá của con người, chẳng hạn liên quan đến điều kiện làm việc trong các định chế của mình.

99. Nếu Giáo hội đồng nghị muốn được chào đón, việc giải trình phải trở thành thực hành bình thường ở mọi bình diện. Tuy nhiên, những người có vai trò quyền lực có trách nhiệm lớn hơn trong phương diện này và được kêu gọi giải trình với Thiên Chúa và Dân Người. Nếu trong nhiều thế kỷ thực hành giải trình với bề trên đã được duy trì thì chiều kích giải trình mà thẩm quyền được kêu gọi cung ứng cho cộng đồng phải được khôi phục. Các định chế và thủ tục được củng cố trong kinh nghiệm đời sống thánh hiến (như tu nghị, các cuộc viếng thăm theo giáo luật, v.v.), có thể là một nguồn gây cảm hứng về khía cạnh này.

100. Các cơ cấu và hình thức đánh giá thường xuyên cung cách trong đó các trách nhiệm thừa tác thuộc mọi loại được thực hiện cũng tỏ ra cần thiết. Việc đánh giá không cấu thành một phán xét về con người: đúng hơn, nó cho phép chúng ta làm nổi bật những khía cạnh và lĩnh vực tích cực có thể cải thiện trong các hành động của những người có trách nhiệm thừa tác và giúp Giáo hội học hỏi kinh nghiệm, điều chỉnh lại các kế hoạch hành động và luôn chú ý đến tiếng nói của Chúa Thánh Thần, tập trung sự chú ý vào kết quả của các quyết định liên quan đến sứ mệnh.

101. Ngoài việc tuân theo những gì đã được các quy tắc giáo luật dự kiến về các tiêu chuẩn và các cơ chế kiểm soát, các Giáo hội địa phương, và đặc biệt là các nhóm của họ, có trách nhiệm xây dựng một cách đồng nghị các hình thức và thủ tục giải trình và đánh giá hữu hiệu và phù hợp với tính đa dạng của bối cảnh, bắt đầu từ khuôn khổ pháp lý dân sự, những kỳ vọng chính đáng của xã hội và sự sẵn có thực tế của chuyên môn liên quan. Trong công việc này phải dành ưu tiên cho các phương pháp đánh giá có sự tham gia, nâng cao kỹ năng của những người, đặc biệt các giáo dân, những người thường quen thuộc hơn với các diễn trình giải trình và đánh giá và thực hành một việc phân định các thực hành tốt vốn có sẵn trong xã hội dân sự địa phương, điều chỉnh chúng cho phù hợp bối cảnh giáo hội. Cách trong đó việc giải trình và đánh giá được thực hiện ở bình diện địa phương nằm trong phạm vi báo cáo được trình bày trong các chuyến thăm ad limina.

102. Đặc biệt, dưới những hình thức phù hợp với những bối cảnh khác nhau, dường như cần phải đảm bảo ít nhất:

a) việc vận hành hữu hiệu của các Hội đồng Kinh tế;

b) sự tham gia hữu hiệu của dân Chúa, đặc biệt là những thành viên có năng lực nhất, trong việc lập kế hoạch mục vụ và kinh tế;

c) việc chuẩn bị và xuất bản (phù hợp với bối cảnh địa phương và khả năng tiếp cận hữu hiệu) báo cáo tài chính hàng năm, nếu có thể, được chứng nhận bởi kiểm toán viên bên ngoài, những người làm cho việc quản lý tài sản và nguồn tài chính của Giáo hội và các định chế của nó được minh bạch;

d) việc chuẩn bị và công bố báo cáo hàng năm về việc thực hiện sứ mệnh, trong đó cũng bao gồm một minh họa về các sáng kiến được thực hiện trong lĩnh vực bảo vệ an toàn (bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương) và thúc đẩy khả năng tiếp cận của giáo dân ở các vị trí quyền lực và sự tham gia của họ vào diễn trình ra quyết định, xác định tỷ lệ liên quan đến giới tính;

e) Các thủ tục đánh giá định kỳ việc thực hiện của mọi thừa tác vụ, vai trò trong Giáo Hội.

Chúng ta cần nhận ra rằng đây không phải là một cam kết bàn giấy như một mục đích ở trong nó, mà là một nỗ lực thông đạt được chứng minh là một phương tiện giáo dục mạnh mẽ về phương diện thay đổi văn hóa, cũng như cho phép nhiều sáng kiến có giá trị vốn là trách nhiệm của Giáo hội và các định chế của nó, thường bị che giấu được hiển thị rõ ràng hơn.

Các cơ quan đồng nghị và tham gia

103. Sự tham gia của những người đã được Rửa tội vào diễn trình đưa ra quyết định, cũng như các thực hành giải trình và đánh giá được thực hiện thông qua trung gian định chế, trước hết thông qua mọi cơ quan tham gia mà giáo luật đã quy định ở bình diện Giáo hội địa phương. Trong Giáo hội Latinh đó là: Thượng hội đồng giáo phận (xem CIC, điều 466), Hội đồng linh mục (xem CIC, điều 500, § 2), Hội đồng Mục vụ Giáo phận (xem CIC, điều 514, § 1), Hội đồng Mục vụ hội đồng giáo xứ ((xem CIC, điều 536), hội đồng giáo phận và giáo xứ về các vấn đề kinh tế (xem CIC, điều 493 và 537). Trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, đó là: Hội đồng giáo phận (xem CCEO, điều 235 tt.), Hội đồng Giáo phận về các vấn đề kinh tế (xem CCEO, điều 262tt.), Hội đồng linh mục (CCEO điều 264), Hội đồng mục vụ giáo phận (CCEO điều 272 tt.), các hội đồng giáo xứ (xem CCEO điều 295). Các thành viên là một phần của nó dựa trên vai trò giáo hội của họ theo các trách nhiệm dị biệt hóa nhiều cách khác nhau (các đặc sủng, thừa tác vụ, kinh nghiệm hoặc chuyên môn, v.v.). Mỗi cơ phận này tham gia vào việc phân định cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng theo lối hội nhập văn hóa, sứ mệnh của cộng đồng trong môi trường riêng của nó và chứng từ của những người đã được rửa tội tạo nên nó. Nó cũng góp phần vào diễn trình ra quyết định theo các hình thức đã được thiết lập và tạo thành một khuôn khổ cho việc giải trình và đánh giá, ngược lại, phải đánh giá và giải trình các hành động của chính mình. Các cơ quan tham gia tạo thành một trong những lĩnh vực hứa hẹn nhất để hành động cho việc thực thi nhanh chóng các xu hướng đồng nghị, dẫn đến những thay đổi có thể tri nhận một cách nhanh chóng.

104. Một Giáo hội đồng nghị dựa trên sự hiện hữu, tính hiệu năng và sức sống hữu hiệu, chứ không những trên danh nghĩa của các cơ quan tham gia mà còn trên cả chức năng của chúng phù hợp với các quy định giáo luật hoặc phong tục hợp pháp và tôn trọng các quy chế và các quy định chi phối chúng. Vì lý do này, chúng phải có tính bắt buộc, theo yêu cầu, trong tất cả các giai đoạn của tiến trình đồng nghị, và nên có khả năng thi hành đầy đủ vai trò của mình, không theo cách hoàn toàn mang tính hình thức, nhưng theo cách phù hợp với các bối cảnh địa phương khác nhau.

105. Hơn nữa, can thiệp vào việc vận hành của các cơ quan này là điều thích đáng, bắt đầu với việc áp dụng phương pháp làm việc đồng nghị. Đàm đạo trong Chúa Thánh Thần với những điều chỉnh thích hợp, có thể tạo thành một điểm tham chiếu. Phải đặc biệt chú ý tới cách thức bổ nhiệm thành viên. Khi không dự ứng được một cuộc bầu cử, nên tổ chức cuộc tham vấn đồng nghị cho thấy càng nhiều càng tốt thực tại của cộng đồng hoặc Giáo hội địa phương và thẩm quyền nên tiến hành việc bổ nhiệm trên cơ sở kết quả của nó, tôn trọng sự khớp nối giữa tham vấn và nghị bàn như đã mô tả ở trên. Cũng cần phải dự liệu điều này: các thành phần của Hội đồng mục vụ giáo phận và giáo xứ có quyền đề nghị các chủ đề để đưa vào chương trình nghị sự, tương tự như những gì xảy ra với các thành viên của Hội đồng Linh mục.

106. Thành phần các cơ quan tham gia đòi có sự lưu ý bình đẳng, để khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ, giới trẻ và những người sống trong tình trạng nghèo đói hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội. Hơn nữa, điều cần thiết là những cơ quan này phải bao gồm những người đã được rửa tội dấn thân làm chứng đức tin trong những thực tại bình thường của cuộc sống và trong các năng động tính xã hội, với khuynh hướng tông đồ và truyền giáo được công nhận, chứ không phải chỉ những người tham gia vào việc tổ chức cuộc sống và dịch vụ trong cộng đồng. Bằng cách này, việc phân định của Giáo hội sẽ được hưởng lợi từ sự cởi mở hơn, khả năng phân tích thực tại và có nhiều các quan điểm khác nhau hơn. Dựa trên nhu cầu của các bối cảnh khác nhau, điều rất có thể phù hợp là dự liệu việc tham gia của các đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Kitô giáo khác, tương tự như những gì xảy ra tại Thượng Hội đồng, hoặc của các đại diện các tôn giáo khác có mặt tại lãnh thổ. Các Giáo hội địa phương và các nhóm của họ có thể dễ dàng ấn định một số tiêu chẩn về thành phần của các cơ quan tham gia phù hợp với từng bối cảnh.

107. Phiên Họp này đặc biệt chú ý đến các trải nghiệm cải cách và các thực hành tốt đẹp đã có sẵn, chẳng hạn như việc thành lập mạng lưới các hội đồng mục vụ ở bình diện các cộng đồng cơ sở, các giáo xứ và khu vực, cho đến hội đồng mục vụ giáo phận. Như một mô hình tư vấn và lắng nghe, cũng có đề nghị cho rằng các phiên họp giáo hội nên được tổ chức đều đặn ở mọi bình diện, cố gắng không hạn chế việc tham vấn trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo mà thôi, nhưng mở rộng để lắng nghe sự đóng góp của các Giáo hội và các Hiệp hội Kitô giáo khác và luôn lưu ý tới các tôn giáo trong lãnh thổ.

108. Phiên Họp đề nghị Công đồng giáo phận và Công đồng giáo phận Đông phương được trân quý nhiều hơn như cơ quan để Giám mục địa phương thường xuyên tham khảo ý kiến phần dân Chúa được ủy thác cho ngài, như nơi lắng nghe, cầu nguyện, biện phân, đặc biệt khi nói đến những lựa chọn liên quan đến đời sống và sứ vụ của Giáo hội địa phương. Công đồng giáo phận cũng có thể tạo nên một diễn đàn để thực hiện việc giải trình và đánh giá: trước nó, Giám mục trình bày hoạt động mục vụ trong các lĩnh vực khác nhau, việc thực hiện kế hoạch mục vụ, việc tiếp nhận các tiến trình đồng nghị của toàn thể Giáo hội, các sáng kiến bảo vệ an toàn, cũng như quản lý tài chính và hàng hóa trần thế. Do đó, chúng tôi yêu cầu tăng cường các quy định giáo luật về phạm vi này, để phản ảnh tốt hơn đặc tính đồng nghị truyền giáo của mỗi Giáo hội địa phương, dự liệu để các Công đồng giáo phận và các Công đồng giáo phận Đông phương họp thường xuyên, tuy hiện nay không quá hiếm hoi.
 
Trump sẽ bổ nhiệm ai làm đại sứ tại Tòa thánh?
Vũ Văn An
13:22 19/11/2024

RM Images / Alamy Stock Photo


Michelle La Rosa, trên The Pillar, ngày 19 tháng 11 năm 2024, cho hay: Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 5 tháng 11, Donald Trump đã không lãng phí thời gian để công bố các lựa chọn nội các cho chính quyền mới của mình.

Một số người được bổ nhiệm đã trở thành tiêu đề trong những tuần gần đây và tạo ra không ít tranh cãi, nhưng có rất nhiều vị trí ít nổi bật hơn mà tổng thống cũng sẽ chịu trách nhiệm lấp đầy trong những tháng tới.

Một trong số đó là đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh.

Hoa Kỳ chỉ có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa thánh kể từ năm 1984.

Kể từ đó, vai trò đại sứ luôn do một người Công Giáo đảm nhiệm. Nhưng ngoài ra, lý lịch của những người được bổ nhiệm đã thay đổi đáng kể trong 30 năm qua - từ các thành viên của Quốc hội đến các học giả và doanh nhân.

Các đại sứ trước đây tại vị trí này bao gồm giáo sư Luật Harvard Mary Ann Glendon, cựu chủ tịch Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo Ken Hackett, chủ tịch RNC Jim Nicholson và Dân biểu Hoa Kỳ Joe Donnelly.

Theo một nghĩa nào đó, việc suy đoán về người mà Trump có thể chọn cho vị trí đại sứ có vẻ vô ích. Các cuộc bổ nhiệm của Trump trong những tuần gần đây đã cho thấy rõ rằng ông rất sẵn lòng suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ và đưa ra các cuộc bổ nhiệm không theo truyền thống, nói một cách nhẹ nhàng, thay vì lựa chọn từ một danh sách ngắn những ứng viên hàng đầu nổi bật.

Tuy nhiên, vẫn có một số cách khác nhau mà Trump có thể tiếp cận cuộc bổ nhiệm, điều này có thể ảnh hưởng đến loại ứng viên mà ông có thể chọn.

Mối quan hệ của Trump với Công Giáo rất phức tạp. Vợ ông, Melania, là người Công Giáo, cũng như phó tổng thống tương lai của ông, J.D. Vance.

Sau khi thua cuộc bỏ phiếu của người Công Giáo bốn năm trước, Trump đã dễ dàng giành chiến thắng lần này, với tỷ lệ 56-41. Ông thường xuyên đăng hình ảnh Công Giáo và lời cầu nguyện trên các tài khoản mạng xã hội của mình trong suốt chiến dịch, công nhận các ngày lễ Công Giáo như Lễ Giáng sinh của Đức Mẹ Maria và Ngày lễ các Thánh.

Đồng thời, Trump đã nhận được sự chỉ trích từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong nhiều dịp và từ hội đồng giám mục Hoa Kỳ. Sự nhấn mạnh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc chăm sóc người di cư và môi trường đã khiến ngài bất đồng với một số lập trường chính sách nổi bật hơn của Trump.

Khi được hỏi trong chiến dịch năm 2016 về kế hoạch xây dựng bức tường giữa Hoa Kỳ và Mexico của Trump, Đức Giáo Hoàng đã trả lời: "Một người chỉ nghĩ đến việc xây dựng các bức tường, bất kể chúng ở đâu, và không xây dựng những cây cầu, thì không phải là Ki-tô hữu".

Trong chiến dịch năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô một lần nữa được hỏi về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và trả lời một phần bằng cách nói rằng "người xua đuổi người di cư" là "chống lại sự sống".

Việc lựa chọn một đại sứ được coi là có thái độ chống nhập cư mạnh mẽ có thể trở thành vấn đề đối với Trump, nếu ông muốn đại sứ ngoại giao của mình tại Vatican có hiệu quả trong việc xây dựng quan hệ đối tác có nền tảng chung tiềm năng trong các vấn đề quốc tế, bao gồm cả vấn đề lớn nhất — Đức Phanxicô và Ông Trump dường như đều mong muốn thấy sự ủng hộ của quốc tế đối với một nền hòa bình được đàm phán ở Ukraine.

Vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama, vai trò đại sứ tại Tòa thánh vẫn bỏ trống trong nhiều tháng, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Vatican đã từ chối một số ứng viên tiềm năng vì họ ủng hộ phá thai hợp pháp.

Có khả thể Trump sẽ muốn chọn một ứng viên "an toàn" cho vị trí đại sứ tại Tòa thánh - một người sẽ được chào đón tại Vatican mà không gây ra những tiêu đề khó chịu hoặc thu hút thêm sự chỉ trích từ Đức Giáo Hoàng hoặc các viên chức Vatican khác.

Một ứng viên có thể là một người như cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Rick Santorum. Là một người Công Giáo nổi tiếng, Santorum đã có nhiều lập trường về vấn đề nhập cư phù hợp với quan điểm của Trump trong nhiều năm, mặc dù được trình bày theo cách ít gay gắt hơn nhiều.

Tuy nhiên, điều mà ông được biết đến nhiều hơn là lập trường ủng hộ sự sống nhiệt thành của mình. Là một diễn giả nổi tiếng tại các biến cố ủng hộ sự sống trên toàn quốc, Santorum là cha của bảy đứa con còn sống - bao gồm một đứa mắc hội chứng Trisomy 18. Ông và vợ cũng đã công khai nói về đứa con trai sinh non và chết chỉ vài giờ sau khi sinh.

Chính phủ Trump lần này đã phần lớn từ bỏ các cam kết ủng hộ sự sống, với việc tổng thống từ bỏ lời hứa trong chiến dịch tranh cử trước đó là đề cử các thẩm phán ủng hộ sự sống, tuyên bố phủ quyết lệnh cấm phá thai của liên bang và cam kết tạo ra lệnh bảo hiểm thụ tinh trong ống nghiệm. Gần đây, ông đã đề cử Robert F. Kennedy Jr., một người ủng hộ phá thai nổi tiếng, làm người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Tuy nhiên, quan điểm ủng hộ sự sống là một phần trong các tiêu chuẩn được mong đợi đối với một đại sứ tại Tòa thánh. Đức tin sùng đạo, giọng điệu dễ nghe và cách diễn đạt dễ đoán về các ý tưởng chính sách của Đảng Cộng hòa của Santorum có thể khiến ông trở thành một nhân vật đáng mến trong ngành ngoại giao của Tòa thánh.

Ngoài ra, Trump có thể tìm cách tránh xa chính trị đảng phái bằng cách lựa chọn một người như Tom Farr, chủ tịch danh dự của Viện Tự do Tôn giáo.

Trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình, Trump đã cử Calista Gingrich, vợ của đồng minh chủ chốt của Trump và cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, được bổ nhiệm làm đại sứ tại Tòa thánh. Phần lớn công việc của bà với tư cách là đại sứ tập trung vào các lĩnh vực thỏa thuận giữa chính quyền Trump và Vatican, chẳng hạn như cuộc chiến chống nạn buôn người và thúc đẩy tự do tôn giáo.

Farr, một trong những chuyên gia hàng đầu của quốc gia về tự do tôn giáo, có thể tiếp tục công việc bảo vệ mục tiêu đó.

Farr mang theo một bản lý lịch xuất sắc, với nhiều thập niên kinh nghiệm trong Quân đội Hoa Kỳ, dịch vụ đối ngoại và học viện Hoa Kỳ.

Ông cũng từng là cố vấn cho hội đồng giám mục Hoa Kỳ và là giám đốc đầu tiên của Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao. Ông sẽ là một người được kính trọng tại Vatican.

Một lựa chọn khác là Trump sẽ coi việc bổ nhiệm ở Tòa thánh là cơ hội cho chiến lược chính trị.

Một khả thể - chắc chắn là một ví dụ về sự lựa chọn không theo truyền thống - có thể là Thẩm phán Tòa án Tối cao Clarence Thomas.

Thomas, 76 tuổi, hiện là thành viên lớn tuổi nhất của Tòa án Tối cao, và một số chiến lược gia của Đảng Cộng Hòa đã gợi ý rằng ông nên cân nhắc nghỉ hưu trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, để tránh khả năng bị thay thế bởi một tổng thống không thân thiện với các lý tưởng bảo thủ.

Các thẩm phán Tòa án Tối cao có xu hướng tránh kiểu lập chiến lược chính trị đó, coi mình là người đứng trên các chia rẽ đảng phái. Và không có dấu hiệu nào cho thấy Thomas sẽ quan tâm đến công việc đại sứ - ở tuổi 76, ông sẽ già hơn đáng kể so với người được bổ nhiệm làm đại sứ trung bình.

Nhưng Thomas đã chỉ ra rằng ông không hài lòng với cuộc sống ở D.C. trong những năm gần đây, nơi ông phải đối diện với những lời chỉ trích về hoạt động chính trị của vợ mình, một người ủng hộ Trump kiên quyết, và bị chất vấn về đạo đức khi ông chấp nhận những món quà và kỳ nghỉ không được tiết lộ.

Và đức tin Công Giáo của ông rất quan trọng đối với ông. Trong nhiều năm qua, Thomas đã nói về việc ông đã từ bỏ việc thực hành đức tin vào những năm 1960, sau khi trải qua nạn phân biệt chủng tộc tại một chủng viện Công Giáo ở Georgia.

Cuối cùng, ông đã quay trở lại với đức tin và trở thành người đi lễ hàng ngày, nói rằng ông nhận ra Công Giáo là chân lý.

Nếu Trump có thể cám dỗ biểu tượng bảo thủ này nghỉ hưu khỏi tòa án bằng cách gửi ông đến Ý trong vài năm, ông có thể tăng cường ảnh hưởng và di sản của mình bằng cách đảm bảo một ứng cử viên khác cho Tòa án Tối cao.

Một cách tiếp cận khác của Trump có thể là sử dụng vị trí đại sứ tại Tòa thánh để thưởng cho bất cứ số lượng đồng minh quan trọng nào đã giúp ông đắc cử.

Trump đã nói rõ rằng ông coi trọng lòng trung thành là một trong những tiêu chuẩn chính trong các cuộc bổ nhiệm của mình, ngay cả đối với những ứng viên có thể không có thông tin xác thực truyền thống. Và không có gì lạ khi thấy nhiều vai trò đại sứ được trao làm phần thưởng cho những người ủng hộ chính trị.

Một khả thể có thể là doanh nhân Joe Ricketts, tỷ phú sáng lập TD Ameritrade.

Ricketts đã quyên góp khoảng 4 triệu đô la cho chiến dịch tranh cử của Trump trong ba chu kỳ bầu cử gần đây nhất.

Ông là người Công Giáo, thực hiện các cuộc tĩnh tâm hàng năm và đã nói về tác động của tinh thần I-nhã đối với cuộc sống của mình. Các nỗ lực từ thiện của ông bao gồm hỗ trợ giáo dục, nghệ thuật và một trung tâm tĩnh tâm ở Nebraska.

Cả bốn người con của Ricketts đều sở hữu Chicago Cubs. Con trai cả của Ricketts là Pete Ricketts, một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến từ Nebraska.

Sự giàu có của Ricketts sẽ khiến ông trở thành một nhân vật đáng lưu ý trong nền ngoại giao Vatican, xét đến những lời chỉ trích của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về chủ nghĩa tư bản vô độ và kêu gọi tăng thuế đối với các tỷ phú.

Tất nhiên, Trump có sở thích bổ nhiệm không thể đoán trước và rất có thể sẽ có một sự lựa chọn bất ngờ.

Nhưng khi Trump chọn ai đó, ông ấy chắc chắn sẽ cho cả thế giới biết. Trên thực tế, ông ấy có thể chỉ cam kết rằng đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh sẽ "làm cho Vatican vĩ đại trở lại" — bất kể Đức Giáo Hoàng Phanxicô nghĩ gì về điều đó.
 
Obadiah, cốt lõi của vấn đề và Những con ong Kinh Thánh
Vũ Văn An
14:06 19/11/2024



JD Flynn, chủ bút the Pillar, ngày 20 tháng 11 năm 2024, trước phần Tin Tức, tâm sự về sách Obadiah của Cựu ước:

Các Giáo Hội Công Giáo Đông phương hôm nay kỷ niệm thánh tiên tri Obadiah.

Obadiah, sống vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, là tác giả của bản văn ngắn nhất được đưa vào Cựu Ước, một lời cảnh cáo với vương quốc Edomite rằng sự phản bội Giêrusalem trong cuộc bao vây của Nebuchadnezzar sẽ dẫn đến sự hủy diệt của nó.

Lời tiên tri của Obadiah có ít hơn 500 chữ. Bạn có thể đọc toàn bộ trong giờ nghỉ uống cà phê buổi sáng. Không cần quá nhiều công sức, có lẽ bạn có thể học thuộc lòng được…

Thực ra, đó là điều tôi muốn đề cập ở đây. Tôi đã định viết một điều gì đó về những lời tiên tri thực sự của Obadiah, nhưng sau đó tôi tình cờ vào YouTube và điều đó đã đưa tôi vào một số hang thỏ, và tôi nghĩ rằng tôi sẽ quảng cáo cho một điều gì đó quan trọng đối với tôi.

Học thuộc lòng Kinh thánh.

Nhiều độc giả biết rằng tôi lớn lên chủ yếu trong một Nhà thờ Thệ Phản cải cách nhỏ ở New Jersey. Tôi đã được rửa tội theo đạo Công Giáo, nhưng "nhà thờ" của tôi là Nhà thờ Garwood Presbyterian, một giáo đoàn gồm vài chục gia đình nhiều thế hệ gắn bó chặt chẽ, các môn đệ tận tụy và, như thể, "đắm chìm trong Lời Chúa".

Điều này có nghĩa là tôi lớn lên trong việc học thuộc lòng Kinh thánh. Từ lớp một trở đi, theo như tôi nhớ, tôi có một câu Kinh thánh hàng tuần phải học thuộc lòng, và khi tôi lớn hơn, câu này trở thành một chương hàng tuần hoặc nhiều hơn. Và trong gia đình chúng tôi, giống như mô hình của hầu hết cộng đồng, hình phạt — (“hậu quả” theo cách nói thông thường của cha mẹ hiện đại) — chủ yếu liên quan đến việc chép tay các đoạn Kinh thánh dài, hoặc viết đi viết lại cùng một câu đối với những lỗi đặc biệt nghiêm trọng.

Tôi có một phương pháp viết cùng một câu nhiều lần bằng cách cầm nhiều bút chì cùng một lúc, nhưng tôi thường bị phát hiện.

Biết được điều đó đã tạo nên sự khác biệt trong cách tôi nhìn thế giới, trong cách tôi nghĩ về bản thân, về Thiên Chúa và về con người mà tôi sẽ trở thành. Khi đó tôi chỉ là một đứa trẻ, nhưng có điều gì đó đã tạo nên sự khác biệt đối với tôi khi được khuyến khích cầm “thanh gươm của Chúa Thánh Thần, tức là lời Chúa”.

Nhưng tôi phải nói sự thật với bạn. Khi tôi bắt đầu thực hành Đức tin Thiên Chúa và Công Giáo một cách nghiêm túc, tôi đã bỏ việc học thuộc lòng Kinh thánh. Nó không phải là một phần của văn hóa Công Giáo, có lẽ là do cuộc phản Cải cách, đó là lý do tại sao Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phải nói vào năm 1979 rằng "việc học thuộc lòng một số lời của Chúa Giêsu, những đoạn Kinh thánh quan trọng... là một nhu cầu thực sự" trong Giáo hội.

Tôi vẫn thấy việc chép tay một cuốn Kinh thánh trước Mình Thánh Chúa trong Mùa Vọng và Mùa Chay là một kỷ luật tâm linh tốt, nhưng tôi không thường xuyên ghi nhớ Lời Chúa trong trí khôn mình, chứ đừng nói đến việc ghi nhớ trong trái tim.

Hầu hết những câu Kinh thánh mà tôi đã học thuộc lòng khi còn nhỏ, giờ tôi đã quên mất. Có lẽ bây giờ tôi không biết gì về những ẩn dụ trong Kinh thánh trong văn học và cuộc trò chuyện, và có một số câu chuyện Kinh thánh mà tôi từng biết rất chi tiết, nhưng trong những thập niên gần đây chỉ còn là những nét phác thảo thô sơ, nếu có. Bất cứ ai đã từng nghe Trường Chúa Nhật đều biết về những hạn chế của tôi trong lĩnh vực này.

Khi con cái tôi hỏi tôi một câu hỏi về Kinh thánh, hơn một nửa thời gian tôi đều cảm thấy lo lắng khi phải trả lời. Tôi tự hỏi tại sao chúng không thể hỏi tôi về giáo luật như những đứa trẻ Công Giáo ngoan.

Nhưng tôi khá chắc là tôi không đơn độc.

Có những người Công Giáo, chủ yếu là những người có thói quen cầu nguyện Phụng vụ Giờ Kinh, những người đã thuộc lòng các Thánh vịnh, và có thể ghi chúng vào trí khôn và trái tim — những người thấy chúng, giống như Chúa trên thập giá, phù hợp và có thể diễn đạt những trải nghiệm tâm linh của riêng họ. Nhân tiện, đó là lý do tại sao Thánh vịnh lại ở đó.

Và đối với bản thân tôi, tôi vui mừng vì những đoạn Kinh thánh nhỏ mà tôi vẫn còn thuộc lòng, bởi vì đôi khi chúng đến với tôi khi tôi cần chúng, như sự khích lệ, hoặc lời khuyên răn, một nguồn hy vọng, hoặc thậm chí là một nguồn sứ mệnh.

Nói cách khác, tôi thấy những đoạn Kinh thánh được in trong não mình là "hữu ích cho việc giảng dạy, khiển trách, sửa sai và đào tạo trong sự công chính", như Thánh Phaolô đã nói trong II Timôthê.



Tuần trước tại Orlando, hơn 350 trẻ em đã tham gia Cuộc thi Kinh thánh Quốc gia, một cuộc thi thuộc lòng Kinh thánh có độ khó đáng kể.

Bạn có thể nhìn vào nó và nghĩ rằng toàn bộ biến cố— với tính thẩm mỹ của America’s Got Talent, những câu đọc diễn xuất đầy kịch tính và bầu không khí truyền giáo ngớ ngẩn — ít nhất cũng hơi lập dị.

Một số bạn sẽ phản đối — khá đúng — những bài học tâm linh được dạy bằng cách biến Lời Hằng Sống thành chất liệu cho một cuộc thi, đặc biệt là một cuộc thi hứa hẹn tiền thưởng lớn — lên tới 50,000 đô la trong một số trường hợp.

Bạn cũng có thể chắc chắn, xét đến mối liên hệ của nó với gia đình Duggar, rằng việc học thuộc lòng các câu Kinh thánh cho "con ong" không phải là sự đảm bảo cho hành vi tốt.

Vì vậy, tôi không đưa ra lời chứng thực cho tổ chức National Bible Bee ở đây, mặc dù tôi thừa nhận rằng tôi rất muốn tham dự, và đặc biệt là đưa tin về nó với tư cách là một nhà báo.

Nhưng đây là một cô gái thuộc lòng Kinh thánh nhiều hơn hầu hết những người Công Giáo mà tôi biết, có lẽ bao gồm cả tôi, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Nếu Lời Chúa "không trở về hư không", như tiên tri Isiaiah đã nói, thì ít nhất tôi phải hy vọng rằng Kinh thánh được đọc, học thuộc lòng và đọc lại sẽ mang lại điều gì đó có giá trị cho tâm hồn.

Điều đó đã xảy ra với Chúa Giêsu, với người Do Thái, và với các Ki-tô hữu trong 2000 năm qua.

Và tôi biết rằng nó đã xảy ra với tôi, mặc dù đã lâu rồi.



Đây là một sự trớ trêu. Nhiều người Công Giáo thực hành, và hầu hết những người đọc Pillar, có thể trích dẫn Thánh Jerome để nói với bạn rằng "không biết Kinh thánh là không biết Chúa Kitô".

Nhưng tôi cá rằng 75% những người biết câu trích dẫn đó không thuộc lòng 10 đoạn Kinh thánh thực sự quan trọng - và một lần nữa, bao gồm cả tôi. Tôi không buộc tội bất cứ ai ở đây - chỉ là chúng ta không có văn hóa mở Kinh thánh và đọc thầm cho đến khi chúng ta biết nó.

Nhưng Thánh Jerome nói đúng: Không biết Kinh thánh thực sự là không biết Chúa Kitô.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi sẽ cố gắng học thuộc lòng Obadiah. Nó chỉ dài hơn một chút so với Diễn văn Gettysburg và tốt hơn Lincoln, nó được Thiên Chúa linh hứng.

Tôi không chắc những lời tiên tri về sự sụp đổ của người Edomite sẽ làm gì cho tâm hồn tôi, nhưng tôi thực lòng hy vọng nó sẽ có tác dụng. Và tôi chắc chắn rằng việc học thuộc lòng toàn bộ tập hợp các tiên tri nhỏ là cách sử dụng thời gian hiệu quả hơn là lướt twitter.com — và có lẽ sẽ là trò tiệc tùng ấn tượng nhất của tôi, ít nhất là như vậy.

Hãy cho tôi biết trong phần bình luận nếu bạn muốn tham gia cùng tôi.

Hoặc như Obadiah già đã nói:

“Chúa Trời phán như thế này về Ê-đôm:
Chúng ta đã nghe tin từ Chúa,
và một sứ giả đã được sai đến giữa các quốc gia:
‘Hãy trỗi dậy! chúng ta hãy nổi dậy chống lại nó để chiến đấu!’”

Một câu đã đọc xong, còn 20 câu nữa.
 
Người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust khiển trách Giáo hoàng vì gọi Gaza là diệt chủng
Vũ Văn An
14:25 19/11/2024

Người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust khiển trách Giáo hoàng vì gọi Gaza là 'diệt chủng'. Edith Bruck gặp Giáo hoàng Francis tại Casa Santa Marta. (Nguồn: Vatican News.)


Tạp chí Crux, ngày 19 tháng 11 năm 2024, tường trình rằng Một người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust 93 tuổi từng tiếp đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại căn hộ của bà ở Rome, và sau đó đã viết một cuốn sách về trải nghiệm được Đức Giáo Hoàng đóng góp lời tựa, đã công khai chỉ trích ngài vì kêu gọi cuộc điều tra để xác định xem cuộc xung đột ở Gaza có đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho một "cuộc diệt chủng" hay không.

"Diệt chủng là một vấn đề khác. Khi một triệu trẻ em bị thiêu chết, thì bạn có thể nói về diệt chủng", Edith Bruck cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Ý vào ngày 18 tháng 11.

Bruck, một người Do Thái gốc Hungary và là người sống sót sau trại Auschwitz, Dachau và Bergen-Belsen, người đã mất cả cha mẹ và một người anh trai trong các trại tập trung, cho biết cảnh đổ máu ở Gaza là "thảm kịch khiến mọi người lo ngại", nhưng nhấn mạnh rằng Israel không cố gắng xóa sổ toàn bộ dân số Palestine.

Bruck cho biết bên duy nhất trong cuộc xung đột được nhắc đến là Hamas, tổ chức đã thề sẽ tiêu diệt người Do Thái trên toàn thế giới.

Những bình luận của Đức Giáo Hoàng về Gaza được đưa ra trong các trích đoạn mới được xuất bản gần đây từ một cuốn sách mới dành riêng cho năm thánh 2025, có tựa đề Hy vọng không bao giờ làm thất vọng: Những người hành hương hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.

"Theo một số chuyên gia, những gì đang xảy ra ở Gaza có đặc điểm của một cuộc diệt chủng", Đức Phanxicô cho biết. "Cần phải tiến hành điều tra kỹ lưỡng để xác định xem nó có phù hợp với định nghĩa kỹ thuật do các nhà luật học và các tổ chức quốc tế đưa ra hay không".

Theo Bruck, Đức Phanxicô sử dụng thuật ngữ diệt chủng "quá dễ dàng".

Bà cho biết, làm như vậy "làm giảm mức độ nghiêm trọng của các cuộc diệt chủng thực sự... Diệt chủng là những gì đã xảy ra với người Armenia. Diệt chủng là hàng triệu trẻ em bị thiêu trong lò thiêu ở Auschwitz, cùng với năm triệu người Do Thái khác cũng bị thiêu trong các trại tập trung".

Bruck cho biết bà không có ý hạ thấp thực tế ở Gaza.

"Tôi không muốn làm giảm bớt cái chết của phụ nữ và trẻ em", bà nói. "Không có mạng sống nào quan trọng hơn mạng sống nào, và không có nạn nhân hạng nhất hay hạng hai".

Tuy nhiên, bà khẳng định, Gaza "không phải là diệt chủng".

Bruck cũng thúc đẩy Đức Giáo Hoàng lên tiếng nhiều hơn về điều mà bà gọi là "làn sóng thần" bài Do Thái đang lan rộng khắp châu Âu.

"Tôi muốn Đức Giáo Hoàng lên tiếng về vấn đề này, nhưng tôi không nghe theo cách tôi muốn", bà nói.

Bruck cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi điện cho bà hàng năm vào ngày sinh nhật của bà và nói rằng nếu ngài gọi lại, bà sẽ đích thân nói với ngài những gì bà nghĩ.

“Tôi sẽ nói với ngài rằng tôi muốn ngài can thiệp một cách quyết liệt vào sự thù hận đang bùng phát trở lại chống lại người Do Thái”, bà nói.

Sinh ra trong một gia đình Do Thái nghèo ở Hungary gần biên giới với Ukraine, Bruck bị đưa đến trại Auschwitz vào năm 1944, cùng với cha mẹ, hai anh trai và một chị gái. Gia đình bà đã chuyển qua một loạt các trại cho đến khi Bruck, chị gái và anh trai khác của bà được quân Đồng minh giải phóng tại Bergen-Belsen vào năm 1945.

Sau chiến tranh, Bruck đầu tiên chuyển đến Israel nhưng cuối cùng định cư ở Ý và trở thành một nhà văn và đạo diễn, bên cạnh một điểm tham chiếu văn hóa với tư cách là một người sống sót sau thảm sát Holocaust.

Vào tháng 2 năm 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm Bruck tại căn hộ của bà ở Rome sau khi bị ấn tượng bởi một cuộc phỏng vấn mà bà đã dành cho tờ báo Vatican, L'Osservatore Romano. Hai người đã trò chuyện rất lâu, và sau đó là những cuộc gặp gỡ khác, bao gồm một cuộc gặp tại dinh thự của giáo hoàng ở Casa Santa Marta vào Ngày tưởng niệm Holocaust vào ngày 27 tháng 1.

Sau đó, Bruck đã viết một hồi ký về cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, có tựa đề Tôi là Phanxicô. Trong lời tựa, Đức Giáo Hoàng gọi Bruck là một "ký ức sống", người có chứng ngôn về hy vọng và đức tin có thể truyền cảm hứng cho chúng ta ngay cả trong "vực thẳm đen tối nhất trong lịch sử nhân loại".

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Bruck cho biết bà lo sợ về sự gia tăng hiện nay của chủ nghĩa bài Do Thái.

"Tôi buồn, chán nản, ghê tởm, bị xúc phạm và phẫn nộ", bà nói. "Tôi thực sự đang sống trong một khoảnh khắc rất xấu xí. Chủ nghĩa bài Do Thái, giống như chủ nghĩa phát xít, không bao giờ chết. Nó đã tồn tại hàng thiên niên kỷ và tôi tin rằng nó sẽ không bao giờ kết thúc".
 
Đức Thánh Cha gửi thư bày tỏ sự gần gũi với dân chúng Ukraine, nhân dịp đánh dấu 1.000 ngày chiến tranh
Thanh Quảng sdb
15:16 19/11/2024
Đức Thánh Cha gửi thư bày tỏ sự gần gũi với dân chúng Ukraine, nhân dịp đánh dấu 1.000 ngày chiến tranh

Một nghìn ngày kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Đức Thánh Cha gửi một tâm thư để bày tỏ sự đoàn kết với tất cả người dân Ukraine, với hy vọng và lời cầu nguyện của ngài cho hòa bình.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Thứ Ba (19/11/2024) đánh dấu 1.000 ngày kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Đánh dấu ngày bi thảm này, Đức Thánh Cha một lần nữa bày tỏ sự đoàn kết của mình với người dân Ukraine đang đau khổ.

Trong một lá thư gửi cho Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine, Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas, Đức Thánh Cha thừa nhận mức độ đau khổ mà người dân Ukraine đang phải gánh chịu.

ĐTC viết: "Tôi biết không có lời nói nào của con người có thể bảo vệ mạng sống của anh chị em khỏi những cuộc ném bom hàng ngày, an ủi những người khóc thương người chết, chữa lành những người bị thương, đưa trẻ em trở về nhà, giải thoát tù nhân hoặc khôi phục công lý và hòa bình".

Tuy nhiên, ĐTC nói thêm, chính từ "hòa bình" mà Đức Thánh Cha cầu nguyện một ngày nào đó sẽ lại vang vọng trong những ngôi nhà, gia đình và đường phố của Ukraine.

Vinh danh những người đã khuất

Trong lá thư gửi cho người đại diện của mình tại quốc gia này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại "phút mặc niệm toàn quốc" hàng ngày mà người dân Ukraine dành cho tất cả các nạn nhân chiến tranh vào lúc 9 giờ sáng để tưởng nhớ tất cả các nạn nhân chiến tranh: trẻ em và người lớn, thường dân và binh lính, cũng như các tù nhân bị giam giữ trong điều kiện khủng khiếp.

Nghĩ đến những người này, Đức Thánh Cha đã trích dẫn lời Thánh Vịnh 121: "Sự giúp đỡ của tôi đến từ Chúa, Đấng đã tạo nên trời và đất".

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự hiệp nhất trong lời cầu nguyện này là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng sự giúp đỡ của Chúa vẫn đến ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất.

“Nguyện xin Chúa an ủi trái tim chúng ta và củng cố niềm hy vọng, trong khi ngăn mọi giọt nước mắt và buộc mọi người phải chịu trách nhiệm, Ngài vẫn ở gần chúng ta ngay cả khi những nỗ lực của con người dường như vô vọng và hành động không đủ", ngài nói.

Lời kêu gọi hòa bình

Trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã là người không biết mệt mỏi kêu gọi cho hòa bình trên toàn thế giới và ngài thường cầu nguyện cho hòa bình ở nơi mà ngài mô tả là "Ukraine, một dất nước tử đạo".

Trong lá thư gửi cho Tổng giám mục Kulbokas, Đức Thánh Cha đã nhắc lại lời cầu nguyện này và nguyện cho mọi trái tim được hoán cải để thúc đẩy đối thoại và hòa hợp.

ĐTC nhấn mạnh những lời ngài đang nói với Sứ thần Tòa thánh và cùng với ngài, người dân Ukraine, không chỉ là những lời đoàn kết mà còn là lời kêu gọi sâu sắc về sự can thiệp của Chúa.

Ngài giải thích rằng chỉ có Chúa mới là "nguồn sống, hy vọng và trí tuệ duy nhất".

Một lời chúc phúc cho Ukraine

Kết thúc bức thư, Đức Thánh Cha ban phước lành cho các Giám mục và linh mục, những người vẫn kiên định trong sứ mệnh đồng hành và hỗ trợ các tín hữu Ukraine.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại lời chúc phúc của mình cho toàn thể dân chúng Ukraine, bày tỏ sự tin tưởng "rằng Thiên Chúa sẽ phán quyết cuối cùng về thảm kịch to lớn này".

ĐTC kết luận: "Tôi ban phước lành cho toàn thể anh chị em Ukraine".
 
VietCatholic TV
Nga la hoảng, Putin bối rối trước quyết định của Mỹ. Các sở chỉ huy Nga ở Kursk ưu tiên lãnh ATACMS
VietCatholic Media
03:19 19/11/2024


1. ‘Hỏa tiễn sẽ tự nói lên điều đó’ — Tuyên bố của Tổng thống Zelenskiy phản ứng với các báo cáo về việc cấp phép tấn công tầm xa

Trong diễn từ đặc biệt gởi quốc dân đồng bào hôm Thứ Hai, 18 Tháng Mười Một, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã bình luận về các báo cáo gần đây rằng Hoa Kỳ đã nới lỏng các hạn chế đối với các cuộc tấn công tầm xa trong lãnh thổ Nga. Ông nói rằng “những điều như vậy lẽ ra không nên được công bố”.

Tổng thống đưa ra tuyên bố này ngay sau khi tờ New York Times đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Biden đã cho phép sử dụng hỏa tiễn ATACMS do Hoa Kỳ cung cấp qua biên giới, chẳng hạn như để chống lại lực lượng Nga và Bắc Hàn đang tập trung tại Tỉnh Kursk của Nga.

“Hôm nay, các phương tiện truyền thông đưa tin rất nhiều về việc chúng tôi nhận được sự cho phép cho các hành động tương ứng”, Zelenskiy nói.

“Nhưng các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Những điều như vậy lẽ ra không nên được công bố. Hỏa tiễn sẽ tự nói lên điều đó.”

Quyết định này sẽ là sự thay đổi lớn trong chính sách của Hoa Kỳ vì Tổng thống Joe Biden từ lâu vẫn kiên quyết không cho phép sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp trên lãnh thổ Nga vì lo ngại căng thẳng sẽ leo thang.

Tổng thống Biden lần đầu nới lỏng các hạn chế vào tháng 5 để cho phép Ukraine sử dụng một số vũ khí nhất định như HIMARS để tấn công quân đội Nga ngay bên kia biên giới sau cuộc tấn công Kharkiv. Các hạn chế đối với ATACMS, hỏa tiễn đạn đạo chiến thuật có tầm bắn 300 km, hay 190 dặm, vẫn được áp dụng vào thời điểm đó.

Tờ New York Times đưa tin, Ukraine có thể sẽ sử dụng hỏa tiễn này ban đầu để chống lại lực lượng Nga và Bắc Hàn ở tỉnh Kursk, nhưng Washington cũng có thể cho phép sử dụng ở những nơi khác. Các quan chức Hoa Kỳ giấu tên, cũng như một nguồn tin thân cận với quyết định này, đã nói chuyện với Reuters sau quyết định này, cho biết Kyiv có kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công tầm xa đầu tiên trong những ngày tới.

Không chỉ Ukraine được thông báo về quyết định mới này của Washington. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết “Những ngày tới sẽ có tính chất quyết định đối với không chỉ Ukraine mà cả tương lai của chúng ta.” Trong khi đó, Thụy Điển, Phần Lan và các nước khác đưa ra các hướng dẫn cho dân chúng đề phòng trường hợp bị Nga tấn công. Các diễn biến này cho thấy Hoa Kỳ đã thông báo cho nhiều nước về quyết định mới này.

[Kyiv Independent: 'Missiles will speak for themselves' — Zelensky reacts to long-range strike permission reports]

2. Thụy Điển phát hành sách hướng dẫn người dân phải làm gì nếu Nga tấn công

Hôm thứ Hai, Thụy Điển đã bắt đầu phân phát một cuốn sách hướng dẫn người dân cách chuẩn bị cho chiến tranh, trong khi các nước Bắc Âu khác đang hướng dẫn người dân cách ứng phó với một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.

Cuốn sách dày 32 trang, có sẵn bằng tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác, cố vấn cho người dân về hệ thống cảnh báo, cách tìm nơi trú ẩn khi xảy ra không kích và thậm chí cả an ninh tâm lý và kỹ thuật số.

“Chúng ta đang sống trong thời đại bất ổn. Xung đột vũ trang hiện đang diễn ra ở góc thế giới của chúng ta. Chủ nghĩa khủng bố, tấn công mạng và các chiến dịch thông tin sai lệch đang được sử dụng để làm suy yếu và gây ảnh hưởng đến chúng ta”, lời mở đầu của tập sách viết.

Cuốn sách nhỏ cung cấp một số thông tin về cách mọi người có thể tham gia vào công tác chuẩn bị tập thể, chẳng hạn như tham gia tổ chức phòng vệ tình nguyện, tham gia khóa học hồi sức tim phổi khẩn cấp, hiến máu hoặc nói chuyện với hàng xóm về cách chuẩn bị tốt hơn.

“Để chống lại những mối đe dọa này, chúng ta phải đoàn kết. Nếu Thụy Điển bị tấn công, mọi người phải làm phần việc của mình để bảo vệ nền độc lập của Thụy Điển — và nền dân chủ của chúng ta. Chúng ta xây dựng khả năng phục hồi mỗi ngày,” tờ rơi nói thêm. “Bạn là một phần trong sự chuẩn bị khẩn cấp chung của Thụy Điển.”

Theo báo Aftenposten của Na Uy đưa tin gần đây, người dân Na Uy cũng nhận được những sách hướng dẫn tương tự về “phòng ngừa tình huống khẩn cấp” vì “trong trường hợp xấu nhất” các hành động chiến tranh cũng có thể ảnh hưởng đến Na Uy.

Chính phủ Phần Lan cũng đã phát hành một cuốn sách kỹ thuật số để chuẩn bị cho người dân về “các sự việc và khủng hoảng”, nêu rõ rằng đất nước này “luôn chuẩn bị cho mối đe dọa tồi tệ nhất có thể xảy ra, đó là chiến tranh”.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson đã lên tiếng cảnh báo vào tháng trước khi trả lời POLITICO rằng, “Nga là mối đe dọa chính đối với Thụy Điển và là mối đe dọa đối với toàn bộ liên minh NATO.” Theo Jonson, nguy cơ Nga tấn công vào quốc gia này “không thể bị loại trừ”.

Cựu bộ trưởng quốc phòng Stockholm thậm chí còn nêu rõ mối quan ngại của mình về hòn đảo Gotland có vị trí chiến lược của Thụy Điển. “Tôi chắc chắn rằng Putin thậm chí còn để mắt đến Gotland. Mục tiêu của Putin là giành quyền kiểm soát Biển Baltic”, Micael Bydén nói vào tháng 5. Thụy Điển sẽ tăng chi tiêu quân sự lên 2,4 phần trăm GDP vào năm tới.

[Politico: Sweden issues pamphlet telling citizens what to do if Russia attacks]

3. Putin đã nói gì về vũ khí hạt nhân khi Ukraine được cấp phép dùng ATACMS tấn công Nga

Tổng thống Joe Biden đã cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Hoa Kỳ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga, làm dấy lên lo ngại trong số những người ủng hộ Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng điều này sẽ khiến Vladimir Putin leo thang xung đột.

Dân biểu Marjorie Taylor Greene, đảng Cộng hòa Georgia, đã viết trên X: “Trên đường rời nhiệm sở, Tổng thống Joe Biden đang cố gắng gây nguy hiểm khi bắt đầu Thế chiến thứ Ba bằng cách cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa của Hoa Kỳ để tấn công Nga”.

Trong những phát biểu đầu tiên sau diễn biến này, Putin nói: “Họ chưa nói với tôi bất cứ điều gì về điều đó, nhưng tôi hy vọng họ đã nghe. Bởi vì, tất nhiên, chúng ta cũng sẽ phải tự đưa ra một số quyết định cho mình”.

Các cuộc tấn công tiềm tàng có thể bao gồm Ukraine sử dụng hỏa tiễn ATACMS, có tầm bắn lên tới 306 km. Ba nguồn tin quen thuộc với quyết định này nói với Reuters rằng Tổng thống Biden dự kiến những cuộc tấn công sâu đầu tiên có khả năng xảy ra trong những ngày tới và các mục tiêu có thể bao gồm cả Mạc Tư Khoa.

Sau đây là những gì Putin đã phát biểu trước đây về phản ứng tiềm tàng của Nga đối với một cuộc tấn công như vậy.

Vladimir Putin đã nói gì về việc sử dụng vũ khí hạt nhân?

Vào tháng 9, Putin đã thay đổi “học thuyết hạt nhân” của Mạc Tư Khoa để bao gồm các phản ứng tiềm tàng đối với một cuộc tấn công gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của Nga, do một cường quốc phi hạt nhân thực hiện với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân.

“Bất kỳ hành động xâm lược nào chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng được một quốc gia hạt nhân hỗ trợ, đều được coi là cuộc tấn công chung của họ vào Nga”, ông phát biểu trong cuộc họp được truyền hình trực tiếp của Hội đồng An ninh Nga.

“Nga cũng sẽ cân nhắc khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân khi nhận được thông tin đáng tin cậy về vụ phóng ồ ạt các phương tiện tấn công hàng không vũ trụ và việc chúng vượt qua biên giới quốc gia của chúng tôi.”

Trùm mafia Vladimir Putin nói thêm: “Điều này bao gồm máy bay chiến lược và chiến thuật, cũng như hỏa tiễn hành trình và máy bay điều khiển từ xa, máy bay siêu thanh và các phương tiện vận chuyển khác. Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xâm lược, bao gồm cả khi đối phương sử dụng vũ khí thông thường gây ra mối đe dọa nghiêm trọng”.

Mặc dù ông ta không đề cập đến bất kỳ quốc gia hay hệ thống vũ khí cụ thể nào, bối cảnh dường như là việc các nước phương Tây tăng cường cung cấp hệ thống hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine. Việc Hoa Kỳ cho phép sử dụng các hệ thống như vậy chống lại Nga diễn ra sau nhiều tháng chịu áp lực từ Ukraine, đặc biệt là khi việc Bắc Hàn điều động hàng ngàn quân ra tiền tuyến để chiến đấu cùng Nga đã làm thay đổi cục diện của cuộc chiến.

Ukraine trước đây đã sử dụng ATACMS để tiến hành các cuộc không kích vào Nga vào tháng 10 và tháng 8.

Khi được yêu cầu phản hồi về tin tức về sự cho phép của Tổng thống Biden, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với kênh truyền hình RBC TV của Nga hôm Thứ Hai, 18 Tháng Mười Một, rằng Putin “đã lên tiếng về vấn đề này”.

Zakharova dường như đang ám chỉ đến những phát biểu khác của Putin vào đầu tháng 9, khi ông nói: “Vấn đề không phải là cho phép chế độ Ukraine tấn công Nga bằng những vũ khí này hay không. Vấn đề là quyết định xem các nước NATO có trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột quân sự hay không”.

Ông nói thêm rằng Nga sẽ đưa ra “những quyết định phù hợp để ứng phó với các mối đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt”.

Các chuyên gia quốc phòng trước đây đã nghi ngờ liệu Putin có dám hành động theo lời cảnh báo hạt nhân của mình hay không.

“Đó là một lời nói dối,” Gustav Gressel, thành viên chính sách cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu, đã nói với Newsweek vào tháng 9. “Nếu họ có ý đó, tất cả chúng ta đã có một cuộc leo thang hạt nhân rồi.” Ông mô tả sự thay đổi trong học thuyết hạt nhân là “vô nghĩa”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng đã phản hồi tin tức về việc Tổng thống Biden được phép sử dụng vũ khí tầm xa do Hoa Kỳ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga trong bài phát biểu vào buổi tối Chúa Nhật.

Zelenskiy cho biết: “Kế hoạch củng cố Ukraine là Kế hoạch Chiến thắng mà tôi đã trình bày với các đối tác của chúng ta. Một trong những yếu tố chính của nó là cung cấp cho quân đội của chúng tôi khả năng tác chiến tầm xa”.

“Có rất nhiều thông tin trên phương tiện truyền thông ngày nay rằng chúng tôi đã nhận được sự chấp thuận để thực hiện các hành động tương ứng. Nhưng các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Những điều này lẽ ra không nên được công bố. Các hỏa tiễn sẽ tự nói lên điều đó.”

Một nhà lập pháp Nga đã cảnh báo rằng Tổng thống sắp mãn nhiệm Tổng thống Joe Biden đang có nguy cơ bùng nổ Thế chiến thứ ba khi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Theo các báo cáo từ The New York Times và The Washington Post, Tổng thống Biden đã cho phép Ukraine điều động hỏa tiễn ATACMS có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa tới 190 dặm, hay 306 km.

“Những kẻ này, chính quyền Tổng thống Biden, đang cố gắng leo thang tình hình lên mức tối đa trong khi họ vẫn còn nắm quyền và vẫn đang tại vị”, nhà lập pháp Nga Maria Butina cho biết hôm thứ Hai.

Bà nói với Reuters rằng: “Tôi rất hy vọng rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ bác bỏ quyết định này nếu nó được đưa ra vì họ đang thực sự mạo hiểm gây ra Chiến tranh thế giới thứ III, là điều mà không ai có lợi”.

Điện Cẩm Linh hôm thứ Hai cảnh báo rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ làm leo thang căng thẳng và khiến Hoa Kỳ càng vướng sâu vào cuộc xung đột.

Trong nhiều tháng, Ukraine đã thúc ép Hoa Kỳ chấp thuận các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga, nhưng Tòa Bạch Ốc đã do dự, viện dẫn những lo ngại về sự leo thang. Tuy nhiên, động thái điều động quân đội Bắc Hàn đến mặt trận Ukraine của Mạc Tư Khoa đã thay đổi lập trường của chính quyền.

Quyết định của Tổng thống Biden đảo ngược lệnh cấm bắn hỏa tiễn tầm xa của Hoa Kỳ vào lãnh thổ Nga bằng cách cho phép sử dụng chúng chống lại lực lượng Nga và Bắc Hàn tại khu vực Kursk của Nga được các đồng minh phương Tây nồng nhiệt hoan nghênh.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hòa Lan Caspar Veldkamp mô tả quyết định này là một “phản ứng thỏa đáng”.

Gần đây, Bắc Hàn đã điều khoảng 10.000 quân tinh nhuệ tới Kursk sau khi lực lượng Ukraine tiến hành một cuộc tấn công táo bạo và bất ngờ vượt biên giới.

Hàng ngàn quân lính Ukraine đã tiến vào Kursk vào tháng 8, phát động cuộc tấn công trên bộ quan trọng nhất vào lãnh thổ Nga kể từ khi lực lượng Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine.

Đáp lại sự tham gia rộng rãi hơn của các lực lượng từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Bắc Hàn, gọi tắt là DPRK vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, Peter Stano, Phát ngôn nhân của Liên Hiệp Âu Châu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, nói với Newsweek: “Nga dưới sự lãnh đạo hiện tại gây ra mối đe dọa sống còn đối với Liên Hiệp Âu Châu theo mọi nghĩa vì Điện Cẩm Linh sử dụng sức mạnh quân sự để vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và các nghĩa vụ quốc tế của chính mình.

“Nó cũng tấn công Liên Hiệp Âu Châu và các quốc gia thành viên bằng các công cụ kết hợp như can thiệp của nước ngoài, thao túng thông tin và tấn công mạng.

“Nga đang leo thang và tuyệt vọng tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào cho cuộc chiến của mình, bao gồm cả từ những bên đang phá vỡ nghiêm trọng hòa bình và an ninh toàn cầu. Nga không quan tâm đến một nền hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài.

“Liên Hiệp Âu Châu đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc điều động quân đội CHDCND Bắc Hàn tới Nga, có khả năng là để sử dụng trên chiến trường chống lại Ukraine.

“Việc Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên trực tiếp ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine, bên cạnh việc cho thấy những nỗ lực tuyệt vọng của Nga nhằm bù đắp tổn thất, sẽ đánh dấu sự mở rộng nguy hiểm của cuộc xung đột, với hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh của Âu Châu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây sẽ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế hơn nữa, bao gồm cả các nguyên tắc cơ bản nhất của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.”

Putin đã tới thăm Bình Nhưỡng vào tháng 6 để hội đàm song phương với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân, tại đây họ đã ký một thỏa thuận hợp tác.

Tuyên bố nêu rõ rằng “bên kia phải cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác mà không chậm trễ bằng mọi phương tiện có thể.

[Newsweek: What Putin Has Said About Nuclear Weapons As ATACMS Authorized Against Russia]

4. Công ty Tiệp phân bổ hơn 700.000 euro cho các bệ phóng hỏa tiễn chống tăng cho Ukraine

Một công ty của Tiệp đã phân bổ hơn 700.000 euro cho Ukraine, số tiền này sẽ được sử dụng để mua các bệ phóng hỏa tiễn chống tăng.

Hôm Chúa Nhật, 17 Tháng Mười Một, Bộ Ngoại giao Ukraine báo cáo rằng STV GROUP đã trao một tấm chi phiếu tượng trưng cho các bệ phóng hỏa tiễn chống tăng RPG-7 cho lực lượng phòng thủ Ukraine tại Đại sứ quán Ukraine tại Cộng hòa Tiệp. Các vũ khí này có giá trị 765.000 euro.

Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng RPG-7 là loại vũ khí đã được chứng minh là có hiệu quả cao trên chiến trường.

Đại sứ Vasyl Zvarych lưu ý rằng việc chuyển giao viện trợ quân sự này là “một ví dụ nữa về sự đoàn kết và hỗ trợ của những người bạn Tiệp của chúng ta”.

Đại Sứ Vasyl Zvarych nói: “Tôi tin rằng những bệ phóng hỏa tiễn chống tăng này trong tay quân đội anh hùng của chúng ta sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Ukraine khỏi kẻ xâm lược và bảo vệ sinh mạng con người.”

Đầu tháng 10, Vasyl Zvarych đưa tin Ukraine đã nhận được hơn một phần ba trong số 500.000 viên đạn sẽ được chuyển giao theo sáng kiến của Tiệp vào cuối năm.

Vào ngày 16 tháng 11, có thông tin cho biết chính phủ Estonia đã ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur về việc gửi cho Ukraine một gói viện trợ quân sự mới.

[Ukrainska Pravda: Czech company allocates over €700,000 for anti-tank rocket launchers to Ukraine]

5. Ba Lan có thể trao cho Ukraine cựu lãnh sự quán Nga tại Poznań

Các quan chức Nga sẽ rời khỏi lãnh sự quán Poznań trong vài ngày tới, và chính phủ Ba Lan sẽ chấp thuận đề xuất của Kyiv về việc mở một lãnh sự quán Ukraine tại cùng địa điểm.

Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cho biết vào tháng 10 rằng ông đã thu hồi quyền cho phép Tổng lãnh sự quán Nga hoạt động tại Poznań. Vào thứ Bảy, giới truyền thông đã chất vấn bộ trưởng về thời điểm các nhà ngoại giao Nga sẽ rời khỏi cơ sở tại Poznań và suy nghĩ của ông về ý tưởng thành lập một phái bộ ngoại giao Ukraine tại đó.

Ông nói: “Hợp đồng thuê cơ sở này sẽ hết hạn vào cuối tháng này. Bây giờ chúng ta đang nói về vài ngày nữa. Mạng lưới lãnh sự quán Ukraine hiện nay, với sự gia tăng chưa từng có về số lượng công dân Ukraine tại Ba Lan, không đáp ứng được nhu cầu lãnh sự.

Xin hãy nhớ rằng các lãnh sự quán làm những việc thực tế. Đây là tất cả các loại hành vi pháp lý, trẻ em được sinh ra, người ta chết đi. Và chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét với sự thông cảm lớn lao đối với yêu cầu như vậy từ phía Ukraine”, Sikorski nói.

Radosław Sikorski cho biết vào tháng 10 rằng quyết định từ chối cấp phép mở Tổng lãnh sự quán Nga tại Poznań dựa trên cuộc chiến của Liên bang Nga chống lại Ukraine và một cuộc chiến hỗn hợp chống lại phương Tây, bao gồm cả Ba Lan. Sikorski tuyên bố rằng với tư cách là Ngoại trưởng, ông biết rằng Nga đứng sau các hoạt động phá hoại ở Ba Lan và các nước đồng minh khác.

Lãnh sự quán Nga tại Poznań được thành lập năm 1946 sau một thỏa thuận giữa đại sứ quán Liên Xô và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. Lãnh sự quán đã ngừng hoạt động vào năm 1948 và tiếp tục hoạt động vào năm 1960. Năm 1971, được đổi tên thành Tổng lãnh sự quán.

Theo cuộc thăm dò của United Surveys, phần lớn người Ba Lan cảm thấy Ba Lan nên trục xuất đại sứ Nga.

[Ukrainska Pravda: Poland may give Ukraine former Russian consulate in Poznań]

6. Ngoại trưởng Ukraine cho biết Bình Nhưỡng muốn tiếp cận công nghệ quân sự của Nga để tham gia chiến tranh chống lại Ukraine

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã báo cáo rằng, dựa trên thông tin tình báo của Ukraine, Bắc Hàn đang tìm cách đổi việc tham gia vào cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine để lấy quyền tiếp cận công nghệ của Nga trong các chương trình hỏa tiễn, hạt nhân và các chương trình quân sự khác.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã đưa ra lập trường trên tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya, theo báo cáo của European Pravda

Sybiha nhấn mạnh rằng sự hợp tác quốc phòng ngày càng sâu rộng của Nga với Bắc Hàn và Iran gây ra mối đe dọa trực tiếp không chỉ đối với Âu Châu mà còn đối với Đông Nam Á và Trung Đông.

“Không chỉ Nga nhận được máy bay điều khiển từ xa, hỏa tiễn và binh lính. Đổi lại, Mạc Tư Khoa cũng tăng cường sức mạnh cho Tehran và Bình Nhưỡng”, ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, dựa trên thông tin tình báo của Ukraine, Bình Nhưỡng đang tìm cách đổi việc tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine để lấy quyền tiếp cận công nghệ Nga trong các chương trình hỏa tiễn, hạt nhân và các chương trình quân sự khác.

“Điều này cực kỳ nguy hiểm. Tất cả những điều này không thể không liên quan đến các đối tác của chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cùng nhau chống lại các mối đe dọa toàn cầu như vậy”, Ngoại trưởng Ukraine cho biết.

Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Sybiha nhấn mạnh rằng chỉ có sự ủng hộ mạnh mẽ và có hệ thống dành cho Ukraine mới có thể ngăn chặn Nga và mang lại hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững.

Tuần trước, Hoa Kỳ xác nhận rằng lần đầu tiên quân đội Bắc Hàn đã tham gia vào hoạt động thù địch ở Tỉnh Kursk của Nga, nơi lực lượng Ukraine đang tiến hành một chiến dịch.

Ngoài ra, tờ New York Times đưa tin rằng một nhóm gồm 50.000 quân Nga và Bắc Hàn đang chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn chống lại lực lượng Ukraine ở Tỉnh Kursk.

Các nước NATO lên án quyết định của Nga và Bắc Hàn khi đưa quân đội Bắc Hàn vào cuộc chiến chống lại Ukraine.

[Ukrainska Pravda: Pyongyang wants access to Russian military technology for joining war against Ukraine – Ukraine's foreign minister]

7. ‘Nga cho thấy họ không có ý định ngừng hành động xâm lược’ — Các đối tác của Kyiv lên án cuộc tấn công hàng loạt của Nga

Các đối tác quốc tế của Ukraine đã lên án cuộc không kích hàng loạt mới nhất của Nga nhằm vào nước này vào ngày 17 tháng 11.

Ngoại trưởng Hòa Lan Caspar Veldkamp cho biết: “Khi chúng ta tiến gần đến 1.000 ngày kể từ cuộc xâm lược quy mô lớn vào Ukraine, Nga cho thấy họ không có ý định chấm dứt hành động xâm lược”.

Nga đã phóng 120 hỏa tiễn và 90 máy bay điều khiển từ xa vào Ukraine, đánh vào cơ sở hạ tầng năng lượng và khu dân cư trên khắp đất nước trong một trong những cuộc tấn công lớn nhất trong chiến tranh.

Veldkamp nhận xét rằng “Hòa Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mọi mặt: chính trị, quân sự, tài chính và đạo đức”.

“Na Uy lên án cuộc chiến tranh phi pháp này và tiếp tục #ỦnghịVớiUkraine, cung cấp vũ khí và hỗ trợ chống lại hành động xâm lược của Nga”, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide phát biểu sau vụ tấn công.

Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Kyiv Bridget A. Brink, vụ tấn công nhấn mạnh rằng “cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đe dọa đến an ninh của toàn bộ Âu Châu”.

Tổng thống tái đắc cử gần đây của Moldova, Maia Sandu, đã tham gia vào các cuộc lên án, nói rằng, “Việc biến mùa đông thành vũ khí để đóng băng một quốc gia để khuất phục là tàn ác và không thể chấp nhận được. Moldova ủng hộ Ukraine.”

Nước láng giềng Moldova của Ukraine đã cảm nhận tác động trực tiếp hơn từ các cuộc tấn công của Nga khi nhiều lần phát hiện thấy xác hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa trên lãnh thổ Moldova.

Đợt tấn công bằng hỏa tiễn mới nhất của Nga đánh dấu cuộc tấn công hỏa tiễn hàng loạt đầu tiên vào Kyiv trong hơn 2 tháng, thay vào đó, Nga sử dụng nhiều cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa hơn trong những tháng gần đây để tấn công thủ đô.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Herman Halushchenko, Mạc Tư Khoa tấn công vào “các cơ sở sản xuất và truyền tải điện trên khắp Ukraine”.

Halushchenko cho biết: “Nhà điều hành hệ thống truyền tải đã khẩn trương đưa ra lệnh đóng cửa khẩn cấp”. Các quan chức đã cảnh báo rằng Nga có thể tiếp tục tấn công trên lưới điện khi nhiệt độ giảm, phản ánh chiến lược được sử dụng vào mùa xuân và mùa hè năm nay và vào mùa thu-đông năm 2022-2023.

[Kyiv Independent: 'Russia shows it has no intention of ceasing its aggression' — Kyiv's partners condemn Russian mass attack]

8. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu nói về việc chấm dứt nguồn cung cấp năng lượng của gã khổng lồ Gazprom của Nga cho Áo: Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu đã bình luận về việc tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Áo.

Von der Leyen báo cáo rằng bất chấp sự tống tiền của Nga, Âu Châu đã chuẩn bị cho mùa đông và có dự trữ khí đốt.

“Một lần nữa Putin lại sử dụng năng lượng như một vũ khí. Ông ta đang cố gắng tống tiền Áo và Âu Châu bằng cách cắt nguồn cung cấp khí đốt. Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này và sẵn sàng cho mùa đông. Kho dự trữ khí đốt trên khắp Liên Hiệp Âu Châu đã đầy”, chủ tịch Ủy ban Âu Châu nhấn mạnh.

Trước đó, công ty khí đốt OMV của Áo đã nhận được cảnh báo từ Gazprom rằng nguồn cung cấp khí đốt sẽ bị cắt vào sáng thứ Bảy.

Việc đình chỉ cung cấp khí đốt của Nga cho Áo diễn ra sau khi OMV tuyên bố sẽ ngừng thanh toán cho Gazprom để trang trải khoản phí trọng tài 230 triệu euro. Điều này diễn ra sau cảnh báo trước đó của OMV về khả năng gián đoạn nguồn cung sau phán quyết trọng tài có lợi cho Vienna, trong đó yêu cầu Gazprom của Nga phải bồi thường thiệt hại.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer nhấn mạnh rằng đất nước sẽ không bị thiếu khí đốt tự nhiên trong mùa sưởi ấm sau khi Gazprom của Nga ngừng cung cấp khí đốt cho nước này.

[Ukrainska Pravda: European Commission president on termination of Russian energy giant Gazprom's supplies to Austria: We're prepared for this]

9. Na Uy lên án vụ tấn công mới nhất vào Nga, hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine

Ngoại trưởng Na Uy, Espen Barth Eide, lên án cuộc tấn công lớn của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Theo ông, Na Uy vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí và viện trợ trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga.

Ông nói: “Khi nhiệt độ giảm xuống và Ukraine sắp bước vào 1.000 ngày chiến tranh, Nga đã tiến hành các cuộc không kích lớn nhằm vào dân thường, đặc biệt là nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Ngoại trưởng Na Uy nhấn mạnh rằng: “Na Uy lên án cuộc chiến tranh phi pháp này và tiếp tục sát cánh cùng Ukraine, cung cấp vũ khí và hỗ trợ chống lại hành động xâm lược của Nga”.

Tổng thống Moldova Maia Sandu cũng lên án mạnh mẽ cuộc tấn công quy mô lớn mới nhất của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nhấn mạnh rằng cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn mới nhất của Nga vào Ukraine là phản ứng của tên tội phạm chiến tranh Vladimir Putin đối với những người đã gọi điện hoặc đến thăm ông ta gần đây.

[Ukrainska Pravda: Norway condemns latest attack on Russia, promises to continue supporting Ukraine]

10. Ngay cả Iran cũng đang cố gắng chơi đẹp với Ông Donald Trump

Liệu Iran có sợ Ông Donald Trump đến mức bắt đầu hoặc giả vờ cư xử tử tế không?

Đó là câu hỏi trong đầu các quan chức an ninh quốc gia và các nhà phân tích Hoa Kỳ khi Tehran chuẩn bị cho bốn năm nữa của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Các quan chức Iran đã đưa ra một số cành ô liu và kênh liên lạc bí mật cho nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Đầu tiên, tỷ phú đồng minh của Tổng thống đắc cử Donald Trump là Elon Musk được cho là đã gặp đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc vào hôm thứ Hai trong một cuộc họp mà các quan chức Iran mô tả với tờ The New York Times là một cuộc trò chuyện về cách xoa dịu căng thẳng giữa hai nước. Cả chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump và đại diện của Musk đều không trả lời ngay lập tức khi được yêu cầu bình luận về các cuộc họp được báo cáo.

Và các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và nhóm đại diện hàng đầu của Iran tại Li Băng — Hezbollah — đang diễn ra sau nhiều tháng giao tranh. Các quan chức Hoa Kỳ và các nhà phân tích khu vực cho biết Hezbollah sẽ không đồng ý bất kỳ lệnh ngừng bắn nào nếu không có đèn xanh từ Tehran.

Sau đó, Iran đã mời nhà lãnh đạo cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đến thăm lần đầu tiên kể từ tháng 5. Nhà lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi đã đến Iran vào tuần này sau nhiều tháng đấu tranh để buộc Tehran dỡ bỏ lệnh cấm thực tế đối với các thanh tra viên IAEA đến thăm các địa điểm hạt nhân của nước này.

“Rõ ràng là họ sợ hãi”, một cựu quan chức chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump từng làm việc về các vấn đề Trung Đông cho biết. Người này được giấu tên để thảo luận thẳng thắn về suy nghĩ của chính quyền mới.

Vậy liệu những động thái của Iran có tạo nên sự khác biệt không?

Một mặt, hầu hết các cựu quan chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump và các nhà phân tích Trung Đông đều kỳ vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ khôi phục lại các chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình về việc ủng hộ Israel hết mình và chiến lược “gây áp lực tối đa” lên Iran để làm tê liệt nền kinh tế của nước này và cô lập Iran về mặt ngoại giao khi nước này theo đuổi chương trình hạt nhân.

Mặt khác, Tổng thống đắc cử Donald Trump mặc dù đã chọn những người theo đường lối cứng rắn với Iran cho một số vị trí quản lý cao cấp, ông cũng đã bổ nhiệm những người khác ủng hộ đường lối kiềm chế. Điều đó có thể tạo cho Iran một chút không gian để vận động hành lang cho Hoa Kỳ ít nhất là giảm bớt áp lực ngoại giao. Đó là nếu nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump coi sự tiếp cận này là chân thành.

Behnam Ben Taleblu, một nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu có quan điểm cứng rắn Foundation for Defense of Democracies, cho biết: “Rất có thể bất cứ điều gì Tehran có thể sử dụng để làm giảm hoặc làm chậm áp lực tối đa đều có thể và sẽ được sử dụng, từ ngoại giao đến phủ nhận và lừa dối”.

Phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trita Parsi, đồng sáng lập viện nghiên cứu phi can thiệp Quincy Institute tại Washington, nói với NatSec Daily rằng Iran có thể coi thời điểm này là cơ hội mới để thiết lập mối quan hệ với Tổng thống đắc cử Donald Trump cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Tehran đã từ chối yêu cầu gặp mặt từ các đồng minh của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào năm 2016 khi Tổng thống đắc cử Donald Trump giành chiến thắng lần đầu tiên, và Parsi cho biết điều đó gây bất lợi cho mục tiêu đạt được thỏa thuận với Tổng thống đắc cử Donald Trump của Iran.

“Người Iran đã kết luận, có lẽ không công khai, rằng họ đã phạm sai lầm trong những năm Tổng thống đắc cử Donald Trump nắm quyền,” Parsi nói. “Họ từ chối ông ấy vì nhiều lý do. Họ không biết phải giải quyết thế nào, nhưng điều đó khiến Tổng thống đắc cử Donald Trump rơi vào tình huống mà người Israel, những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ, những người theo chủ nghĩa diều hâu dễ dàng thuyết phục Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng cách duy nhất để đạt được thỏa thuận với người Iran là bạn phải trừng phạt họ đến chết.”

Tuy nhiên, không giống như nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump, có một cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông giữa Israel và các lực lượng ủy nhiệm hàng đầu của Iran ở Gaza và Li Băng. Các cuộc tấn công của Israel chống lại cả hai nhóm chiến binh đã tàn phá hàng ngũ quân sự của họ — cùng với việc tạo ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn — làm suy yếu bàn tay của Iran trong khu vực về mặt quân sự. Không rõ liệu điều này có thúc đẩy Iran cúi đầu nhiều hơn trước áp lực của Hoa Kỳ trong kỷ nguyên Tổng thống đắc cử Donald Trump hay sẽ phản ứng dữ dội hơn nữa hay không.

Ngoài ra, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã ám chỉ rằng ông sẽ không cố gắng kiềm chế Israel trong các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Iran như Tổng thống Joe Biden đã làm.

Sau đó, còn có thực tế là các điệp viên Iran đã tích cực tìm cách ám sát các cựu quan chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump sau quyết định của Tổng thống đắc cử Donald Trump giết chết vị chỉ huy hàng đầu của Iran là Qassem Soleimani trong một cuộc không kích năm 2020. Ít nhất thì điều này cũng sẽ cản trở những nỗ lực của Iran nhằm có khởi đầu tốt đẹp với nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

“Họ có thể thử mọi cách họ muốn”, cựu quan chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump nói. “Chúng tôi có xu hướng nhớ những điều như anh cố giết chúng tôi, bất kể anh giả vờ chơi đẹp trong giới ngoại giao đến mức nào”.

[Politico: Even Iran is attempting to play nice with Donald Trump]
 
Hoảng hốt: Nga dọa phóng SATAN-2, Hoa Kỳ sẽ biến mất. Seoul: Hàng loạt lính Bắc Hàn sẽ bỏ trốn
VietCatholic Media
16:06 19/11/2024


1. Hoa Kỳ sẽ biến mất, nhà lập pháp Nga đe dọa trên truyền hình trực tiếp

Một nhà lập pháp Nga đã đe dọa rằng “sẽ chẳng còn gì” của Hoa Kỳ sau khi có báo cáo rằng Hoa Kỳ đang cho phép Ukraine mở rộng mục tiêu tấn công các hỏa tiễn do Washington cung cấp vào Nga.

“Về cơ bản, sẽ chẳng còn gì sót lại của nước Mỹ, nước đang cố kéo chúng ta vào cuộc leo thang. Sẽ không có Tổng thống Biden hay Tổng thống đắc cử Donald Trump. Nước Mỹ đang phải chịu 95 phần trăm thiệt hại tổng thể”, Andrei Gurulev, một đại biểu Duma Quốc gia, phát biểu vào Chúa Nhật Buổi tối với Vladimir Solovyov, được phát sóng bởi đài truyền hình nhà nước Russia-1.

“Hôm nay, chúng tôi đã sẵn sàng phá hủy toàn bộ tiềm năng hạt nhân của Anh và Pháp chỉ bằng một đòn tấn công. Đây sẽ là một trong những lựa chọn để ngăn chặn Hoa Kỳ tấn công Nga”, cựu chỉ huy xe tăng nói thêm.

Những bình luận này về chương trình được người Ukraine và nhiều người phương Tây coi là tuyên truyền, được đưa ra sau khi một báo cáo của tờ New York Times được chia sẻ trên truyền hình Nga về việc Ukraine đã được chính quyền Tổng thống Biden cấp phép bắn hỏa tiễn ATACMS do Mỹ sản xuất vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Trước đây, Tổng thống Biden đã từ chối sử dụng tầm xa cho Ukraine vì lo ngại rằng điều này sẽ làm leo thang chiến tranh. Tuy nhiên, Tổng thống đã có nhiều động thái hỗ trợ Ukraine trong những tháng cuối nhiệm kỳ, bao gồm cả việc cung cấp cho họ hỏa tiễn tầm xa ngay từ đầu.

Trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, Nga được cho là đang nỗ lực kiểm soát lãnh thổ mà họ chiếm được ở Ukraine, trong bối cảnh có tin đồn rằng lệnh ngừng bắn do Tổng thống đắc cử Donald Trump đàm phán sẽ giúp họ giữ quyền kiểm soát bất kỳ vùng đất nào giành được trong chiến tranh.

Vào ngày 16 tháng 11, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công trên không lớn vào Kyiv, với 120 hỏa tiễn và 90 máy bay điều khiển từ xa. Cuộc tấn công này đã giết chết hai người và làm bị thương sáu người khác, bao gồm cả hai trẻ em.

Tuần trước, Nga cũng đã đưa 50.000 quân mới tới khu vực Kursk, trong đó có 10.000 quân Bắc Hàn.

Tuy nhiên, như Newsweek đưa tin, Nga đang phải đối mặt với nhiều tổn thất ở khu vực Kursk. Quân đội Mạc Tư Khoa đã mất gần 200 chiến xa chỉ trong 2 ngày 13 đến ngày 14 tháng 11 và quân đội của họ phải đối mặt với những gì mà các nhà bình luận gọi là “máy xay thịt” của lực lượng phòng thủ Ukraine.

Nhưng người dân Ukraine đã bày tỏ lo ngại về các thành viên nội các mà Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn cho chức vụ Tổng thống của ông.

Ông đã chọn một số người tham gia nhóm lãnh đạo của mình, những người đã từng phản đối việc gửi tiền tài trợ cho Ukraine, bao gồm Matt Gaetz, người trước đây đã lên tiếng phản đối việc hỗ trợ Ukraine, và Tulsi Gabbard, người đã lên tiếng phản đối sự can dự của Mỹ vào khu vực này.

Newsweek đã gửi email cho nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump để xin bình luận ngoài giờ làm việc.

[Newsweek: United States Will Disappear, Russian Lawmaker Threatens on Live TV]

2. Zelenskiy thăm thị trấn tiền tuyến quan trọng Pokrovsk

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm thị trấn Pokrovsk thuộc tỉnh Donetsk, hiện nằm cách tiền tuyến khoảng 6-7 km, kênh Telegram của ông đưa tin vào ngày 18 tháng 11.

Pokrovsk, một trung tâm hậu cần quan trọng của lực lượng Ukraine ở phía đông, đã nằm trong tầm bắn của pháo binh và máy bay điều khiển từ xa của lực lượng Nga đang tiến về phía trước không ngừng nghỉ ở Donetsk. Với quân đội Mạc Tư Khoa đang tiến gần, việc mất thị trấn này sẽ là một đòn nghiêm trọng đối với các bộ phận khác của tuyến phòng thủ tiền tuyến.

“Một khu vực căng thẳng. Chỉ nhờ vào sức mạnh của những người lính mà miền đông Ukraine không bị Nga xâm lược hoàn toàn. Đối phương nhận được phản ứng mỗi ngày”, Zelenskiy nói.

Nhà lãnh đạo nhà nước cũng đã đến thăm căn cứ Lữ đoàn Nhảy dù số 25 và trao giải thưởng cho các binh sĩ.

Trong chuyến đi, Zelenskiy có sự tháp tùng của Thống đốc tỉnh Donetsk Vadym Filashkin, người gọi Pokrovsk là “một trong những điểm nóng nhất” của tiền tuyến.

Zelenskiy trước đó đã đến thăm những khu vực quan trọng nhất của tiền tuyến trong cuộc chiến tranh toàn diện, bao gồm cả Bakhmut hoặc Avdiivka hiện bị Nga tạm chiếm.

Chuyến thăm của ông nhằm mục đích nâng cao tinh thần cho quân đội Ukraine, những người đang ngày càng thụt lùi trước sự tiến công của Nga. Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump vào Tháng Giêng làm tăng thêm sự không chắc chắn về tương lai của năng lực phòng thủ của Ukraine.

[Kyiv Independent: Zelenskiy visits key front-line town of Pokrovsk]

3. Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể ‘sửa đổi’ quyết định bật đèn xanh cho các cuộc tấn công vào Nga: Truyền thông Điện Cẩm Linh

Theo truyền thông TASS do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể “sửa đổi” quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Tờ New York Times đưa tin rằng Tổng thống Biden đã bãi bỏ lệnh cấm đối với các loại vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp như ATACMS vốn được áp dụng vì lo ngại làm leo thang xung đột giữa Ukraine và Nga.

Tờ báo cho biết vũ khí tầm xa có thể được sử dụng để chống lại lực lượng của Vladimir Putin trước hết là ở khu vực Kursk của Nga, nơi Kyiv đã tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới vào tháng 8 sau đó là bất cứ địa điểm nào.

Đáp lại tuyên bố của TASS, một blogger quân sự Nga có vẻ hiểu biết hơn nhận định rằng:

“Hoa Kỳ chỉ có một tổng thống tại bất kỳ thời điểm nào. Cho đến trưa ngày 20 Tháng Giêng năm 2025, tổng thống Hoa Kỳ vẫn là Tổng thống Joe Biden”

“Quyết định sử dụng những hỏa tiễn này là do ông ấy đưa ra, có thể bị sửa đổi nhưng phải đợi đến sau ngày 20 Tháng Giêng, lúc đó tôi e rằng đã quá trễ.”

Tờ New York Times dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ không tin quyết định được đưa tin của Tổng thống Biden có thể thay đổi cơ bản cuộc chiến nhưng lưu ý rằng quyết định này có thể bị ảnh hưởng bởi việc điều động quân đội Bắc Hàn đến chiến đấu ở Kursk.

John Hardie, phó giám đốc chương trình Nga tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, gọi tắt là FDD, một tổ chức nghiên cứu tại Washington, DC, phát biểu với Newsweek rằng: “Bước đi này rất đáng hoan nghênh và đã được mong đợi từ lâu”.

Ông cho biết các loại vũ khí này có thể được sử dụng để nhắm vào quân đội Nga và Bắc Hàn, các địa điểm chỉ huy và kiểm soát, cũng như các nút hậu cần ở khu vực Kursk.

“Việc cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ưu tiên cao trên khắp nước Nga có thể giúp Kyiv có vị thế tốt hơn trong các cuộc đàm phán tiềm năng, bao gồm cả việc khuyến khích Mạc Tư Khoa đồng ý tạm dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng”.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jon Finer chưa xác nhận báo cáo trên tờ The New York Times, nhưng đã nói với các phóng viên vào thứ Hai rằng rõ ràng là Washington “sẽ đáp trả” việc điều động lực lượng Bắc Hàn tại Kursk, đồng thời nói thêm rằng “lửa được thắp lên bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga”.

Điều này có thể ám chỉ đến bình luận của phát ngôn nhân của Putin là Dmitry Peskov, người cho biết nếu được xác nhận, quyết định của Hoa Kỳ đang “đổ thêm dầu vào lửa và gây ra căng thẳng leo thang hơn nữa”. Nó cũng báo hiệu “một tình hình mới theo quan điểm về sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc xung đột”.

[Newsweek: Trump May 'Revise' Decision to Greenlight Strikes on Russia: Kremlin Media]

4. Tổng thống Ba Lan Duda chỉ trích cuộc gọi của Scholz cho Putin, nói rằng ‘đó là một sai lầm’

Hôm Thứ Hai, 18 Tháng Mười Một, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gọi cuộc điện thoại giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Putin là “một sai lầm”.

Scholz đã nói chuyện với Putin vào ngày 15 tháng 11 lần đầu tiên sau gần hai năm. Thủ tướng Đức lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thúc giục Putin rút quân và thảo luận về các cuộc đàm phán tiềm năng với Kyiv.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cảnh báo rằng cuộc gọi của Scholz với Putin sẽ mở ra “chiếc hộp Pandora”, có khả năng dẫn đến “các cuộc trò chuyện và cuộc gọi khác”.

“Tôi nghi ngờ rằng cuộc trò chuyện giữa Thủ tướng Đức và Putin đã được các đồng minh đồng ý”, Duda nói.

“Nga đang tấn công Ukraine một cách tàn bạo, và một trong những nhà lãnh đạo của các nước Âu Châu, một nền kinh tế mạnh, đang đàm phán với kẻ xâm lược. Tôi nghĩ đây là một sai lầm”, Duda nói thêm.

Vào đầu cuộc xâm lược toàn diện, Ukraine và Nga đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Minsk và Istanbul vào tháng 3 năm 2022, nhưng các cuộc đàm phán cuối cùng đã bị hủy bỏ sau khi Ukraine chiếm lại miền bắc đất nước và phát hiện ra tội ác chiến tranh hàng loạt ở các khu vực được giải phóng.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình của Ukraine vào tháng 6 năm nay, Zelenskiy cho biết các cuộc đàm phán ở Istanbul đã thất bại vì “tối hậu thư” của phía Nga.

[Kyiv Independent: Duda criticizes Scholz's call to Putin, saying 'it's a mistake']

5. ‘Sự leo thang chưa từng có’ — Fico chỉ trích Hoa Kỳ vì cho phép sử dụng ATACAMS để tấn công Nga

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã chỉ trích quyết định của Hoa Kỳ cho phép Ukraine tấn công Nga bằng hỏa tiễn tầm xa ATACMS trong tuyên bố hôm Thứ Hai, 18 Tháng Mười Một.

Một số phương tiện truyền thông đưa tin vào ngày 17 tháng 11 rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn ATACMS của mình để tấn công các mục tiêu trên đất Nga.

Fico tuyên bố rằng Tổng thống Biden đã cho phép sử dụng ATACMS chống lại các mục tiêu ở Nga “để phá vỡ hoặc trì hoãn hoàn toàn các cuộc đàm phán hòa bình”.

“Đây là sự leo thang căng thẳng chưa từng có”, Fico nói, đồng tình với lập trường của Điện Cẩm Linh.

Thủ tướng nói thêm rằng ông đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Slovakia Juraj Blanar và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Kalinak không ủng hộ quyết định của Hoa Kỳ “tại bất kỳ diễn đàn quốc tế nào hoặc theo bất kỳ cách nào”.

Fico cho biết: “Những ai muốn chiến tranh ở Ukraine tiếp diễn đang gây tổn hại đến lợi ích quốc gia và nhà nước”, đồng thời nói thêm rằng việc Slovakia, với tư cách là nước láng giềng của Ukraine, đạt được hòa bình tại đây là “cực kỳ quan trọng”.

Fico được biết đến với những tuyên bố mang tính kích động về Ukraine và cuộc chiến thường lặp lại quan điểm của Mạc Tư Khoa. Ông đã nhiều lần chỉ trích viện trợ quân sự cho Ukraine và kêu gọi khôi phục quan hệ với Nga sau chiến tranh.

Vào ngày 18 tháng 11, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết chính quyền Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm có ý định “kích động leo thang chiến tranh” ở Ukraine.

Một số nhà lập pháp Nga gọi bước đi này là sự leo thang có thể “dẫn đến Thế chiến III” và chấm dứt chế độ nhà nước của Ukraine. Nga đã nhiều lần đặt ra cái gọi là “ranh giới đỏ” đối với sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine, đôi khi đi kèm với các mối đe dọa hạt nhân được che đậy hoặc công khai.

Putin trước đây từng nói rằng các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào Nga bằng vũ khí phương Tây sẽ đồng nghĩa với việc NATO tham gia vào cuộc chiến, đồng thời cho biết Mạc Tư Khoa đang chuẩn bị “nhiều phản ứng khác nhau” đối với động thái như vậy.

[Kyiv Independent: 'Unprecedented escalation' — Fico criticizes US for permitting use of ATACAMS to strike Russia]

6. Trung Quốc phản ứng khi Hoa Kỳ để Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng ATACMS

Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ “đổ thêm dầu vào lửa và leo thang chiến tranh” sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng hỏa tiễn của Hoa Kỳ.

Hãng thông tấn Associated Press đưa tin hôm Chúa Nhật, trích lời một quan chức Hoa Kỳ và ba người khác có hiểu biết về vấn đề này, rằng Ukraine hiện được phép sử dụng Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật của quân đội, gọi tắt là ATACMS, có tầm bắn lên tới 190 dặm hay 306 km, nhằm vào lực lượng quân sự Nga bên kia biên giới.

Quyết định này được đưa ra sau khi Bắc Hàn, quốc gia đã điều động quân đội tham gia vào cái gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt của Mạc Tư Khoa tại Ukraine, bị phát hiện đang vận chuyển các khẩu pháo tới Nga vào tuần trước, có khả năng bắn đạn pháo vào mục tiêu cách xa 25 đến 37 dặm.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh Mao Ninh cho biết Trung Quốc “cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và phản đối bất kỳ động thái nào có thể làm leo thang căng thẳng và tình hình khu vực”.

Bà nói thêm: “Thay vì đổ thêm dầu vào lửa và leo thang chiến tranh, các bên liên quan nên nỗ lực tạo điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua đối thoại và đàm phán, đồng thời nỗ lực thực tế để duy trì hòa bình”.

“Ưu tiên trước mắt là thúc đẩy giảm leo thang càng sớm càng tốt”. Bà cho biết Trung Quốc cam kết “đóng vai trò xây dựng” trong việc đạt được giải pháp chính trị cho cuộc chiến theo cách riêng của mình.

Trong cuộc gặp có thể là cuối cùng của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được tổ chức tại thủ đô Lima của Peru vào thứ Bảy, Tổng thống Biden đã lên án Bắc Hàn vì đã gửi hàng ngàn quân tham gia cuộc chiến phi pháp của Nga chống lại Ukraine. Cả Bắc Hàn và Nga đều là đồng minh của Trung Quốc.

Ông Tập trả lời rằng lập trường và hành động của Trung Quốc về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine “luôn công bằng và chính trực”.

“Trung Quốc tiến hành ngoại giao con thoi và hòa giải để thúc đẩy đàm phán hòa bình, nỗ lực hết sức vì hòa bình và phấn đấu giảm leo thang”, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh với Tổng thống Biden.

Tổng thống Biden cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga. Chính quyền của ông đã trừng phạt một số công ty Trung Quốc mà họ cho là có liên quan đến việc cung cấp cho Nga các thành phần máy bay điều khiển từ xa và các hàng hóa liên quan đến quân sự khác.

Ông Tập đáp lại bằng cách nói rằng Trung Quốc vẫn duy trì đường lối “thận trọng và có trách nhiệm” đối với xuất khẩu quân sự và chưa bao giờ cung cấp vũ khí sát thương cho Nga hoặc Ukraine.

“Chúng tôi đã liên tục và nghiêm ngặt quản lý máy bay điều khiển từ xa quân sự và máy bay điều khiển từ xa lưỡng dụng theo luật pháp và quy định”

“Sử dụng kép” đề cập đến hàng hóa, công nghệ và dịch vụ có thể được sử dụng cho mục đích dân sự hoặc mục đích quân sự. Máy bay điều khiển từ xa dân sự do nhà sản xuất máy bay điều khiển từ xa Trung Quốc DJI sản xuất đã được cả lực lượng Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi trên chiến trường.

[Newsweek: China Responds as U.S. Lets Ukraine Strike Russian Territory With ATACMS]

7. Tình báo Ukraine cho biết Nga sử dụng máy bay điều khiển từ xa giá rẻ để làm quá tải hệ thống phòng không của Ukraine

Lực lượng Nga sử dụng máy bay điều khiển từ xa mồi bẫy giá rẻ có gắn phụ tùng nước ngoài để gây quá tải cho hệ thống phòng không của Ukraine. Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, đưa ra lập trường trên hôm Thứ Hai, 18 Tháng Mười Một.

Gần đây, Nga đã tăng số lượng các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa quy mô lớn vào các thành phố của Ukraine, làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine và nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Theo Đại Úy Yusov, các nhà sản xuất Nga sử dụng các phụ tùng từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hòa Lan và Thụy Sĩ để sản xuất máy bay điều khiển từ xa Gerbera, phiên bản rẻ hơn và ít gây chết người hơn của máy bay Shahed của Iran, tại một nhà máy ở Yelabuga, Cộng hòa Tatarstan, miền trung nước Nga.

Máy bay điều khiển từ xa Gerbera có thể mang theo tải trọng chiến đấu tương tự như máy bay điều khiển từ xa cảm tử và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, đặc biệt là phát hiện các vị trí phòng không và ghi lại các đòn tấn công từ các máy bay điều khiển từ xa tấn công khác.

Gerbera rẻ hơn máy bay điều khiển từ xa Shahed hoặc Geran mười lần do sử dụng vật liệu đơn giản, chẳng hạn như ván ép và bọt. Tuy nhiên, máy bay điều khiển từ xa này chứa một bộ phụ tùng từ các nhà sản xuất nước ngoài “phổ biến đối với vũ khí của Nga”, theo Đại Úy Yusov.

Việc kiểm tra các máy bay điều khiển từ xa bị bắn hạ cho thấy Nga sản xuất hoa Gerbera dựa trên nguyên mẫu của Trung Quốc bằng cách sử dụng các phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ukraine tấn công kho đạn bằng vũ khí trong nước nhằm phá vỡ hoạt động hậu cần của Nga

Máy bay điều khiển từ xa Gerbera được phát triển bởi nhà sản xuất máy bay mô hình Trung Quốc Skywalker Technology Co., Ltd., công ty này cũng sản xuất thân máy bay và tổ chức cung cấp bộ dụng cụ cho Nga.

Ăng-ten chống nhiễu, gọi tắt là CRPA của Gerbera chứa chip từ Analog Devices và Texas Instruments, cả hai đều được sản xuất tại Hoa Kỳ, và NXP Semiconductors, được sản xuất tại Hòa Lan. Bộ điều khiển bay cũng sử dụng các thành phần do Texas Instruments, Atmel (Hoa Kỳ), STMicroelectronics, U-Blox (Thụy Sĩ), NXP Semiconductors (Hòa Lan) và XLSEMI (Trung Quốc) sản xuất.

Động cơ DLE60 được sản xuất bởi công ty Mile Hao Xiang Technology Co, Ltd. của Trung Quốc. Vào mùa hè năm 2024, Hoa Kỳ đã trừng phạt công ty này vì cung cấp cho Nga.

Theo Đại Úy Yusov, nguồn cung được thực hiện thông qua các công ty bên thứ ba.

“ Vào thời điểm này, lợi thế lớn nhất mà Nga có thể có trong các cuộc tấn công như vậy chính là số lượng máy bay điều khiển từ xa”.

Vào ngày 17 tháng 11, lực lượng Nga đã tiến hành một trong những cuộc không kích dữ dội nhất vào Ukraine trong suốt cuộc chiến toàn diện, chủ yếu nhắm vào mạng lưới năng lượng. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 102 trong số 120 hỏa tiễn và 42 trong số 90 máy bay điều khiển từ xa do Nga phóng trong đêm.

[Kyiv Independent: Russia uses cheap decoy drones to overload Ukraine's air defense, Ukrainian intelligence says]

8. LÁ CHẮN NGƯỜI CỦA VLAD Tôi là một người lính Bắc Hàn – Quân đội của Kim sợ hãi sẽ CHẠY TRỐN quân đội của Putin khi họ đến tiền tuyến Ukraine

TOÀN BỘ các đơn vị quân đội Bắc Hàn chiến đấu cho Vladimir Putin sẽ đào ngũ ngay khi họ ra tiền tuyến, một người lính Bắc Hàn đã đào tẩu sang Nam Hàn tuyên bố.

Lý Hiền Thăng (Hyun-Seung Lee), một người lính trong quân đội Kim vào đầu những năm 2000, cho biết quân đội ở Nga sẽ tìm cách thoát khỏi cuộc chiến ở Ukraine “ngay từ đầu”.

Ông tin rằng quân đội Bắc Hàn chưa sẵn sàng ra tiền tuyến và sẽ bị quân đội Nga sử dụng làm “lá chắn sống”.

Kim Chính Ân đã phái Quân đoàn Bão táp, lực lượng tương đương với lực lượng đặc nhiệm của đất nước, để chiến đấu cho trùm mafia Vladimir Putin khi cuộc chiến của tên độc tài tiếp tục bị đình trệ. Lực lượng 10.000 người này đã được điều động trên chiến trường khi bạo chúa Nga tìm cách giành lại Kursk.

Người ta đã đặt ra câu hỏi về việc binh lính Bắc Hàn sẽ chiến đấu tốt đến mức nào khi chưa từng tham chiến kể từ Chiến tranh Việt Nam và trong các đơn vị được trang bị vũ khí, trang phục và chỉ huy bởi người Nga.

Ông Thăng nói với tờ The Sun rằng những người lính ở Bắc Hàn sẽ bị buộc phải sang Nga và họ còn trẻ nên sẽ không quá quyết tâm chiến đấu. Ông cho biết: “Lúc đầu chỉ là những cá nhân, nhưng theo thời gian, tôi nghĩ sẽ có nhiều nhóm đào tẩu hơn, bao gồm cả sĩ quan.”

Theo Ông Thăng, đó là bởi vì người Nga có thể sẽ coi họ là những người “có thể hy sinh” và thậm chí còn tệ hơn cả quân đội của họ. Ông nói: “Những người lính Nga không tôn trọng họ như những chiến binh đồng đội người Nga. Họ sẽ coi lính Bắc Hàn như lá chắn sống của mình.”

Cuối cùng, người Bắc Hàn sẽ nhận ra thứ bậc và cách họ bị người Nga coi là “có thể vứt bỏ” và sẽ tìm cách chạy trốn, Ông Thăng nói.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ họ sẽ chết mà không đạt được kết quả gì. Putin và Kim Chính Ân mong đợi nhiều hơn từ họ...nhưng hai thằng độc tài sẽ không nhận được kết quả như mong đợi.”

Nhưng những người lính Bắc Hàn có thể phải cân nhắc kỹ hơn về việc đào tẩu vì điều đó có thể khiến gia đình họ bị bỏ tù.

Bình Nhưỡng có chính sách truy tố tội phạm; nếu đồng đội phát hiện binh lính miền Bắc đào tẩu, gia đình họ có thể bị bỏ tù. Ông Thăng cho biết: “Họ sẽ không được tôn trọng về mặt xã hội, họ sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích từ cộng đồng và các tổ chức.” Những gia đình có địa vị cao có thể phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc hơn nếu chính quyền biết người thân của họ đã bỏ trốn.

Nhưng Ông Thăng, người có gia đình chạy trốn khỏi Bình Nhưỡng vào năm 2014, cho biết một số gia đình thậm chí có thể không biết anh em, con trai hoặc cha của họ đang ở Nga chiến đấu vì Bắc Hàn giữ bí mật mọi hoạt động di chuyển quân đội.

Quân đội sẽ được một sĩ quan chính trị của Đảng Công nhân giám sát, thường được gọi là chính ủy, là người sẽ tiến hành huấn luyện tư tưởng hai giờ mỗi ngày.

Nói về kinh nghiệm của bản thân trong đào tạo tư tưởng, Ông Thăng cho biết: “Chủ yếu chúng tôi được giáo dục về lịch sử gia tộc Kim và chính sách quân sự. Điểm chính là chúng tôi phải hy sinh bản thân vì gia đình Kim, vì đảng và vì quân đội.”

Đối với quân đội ở Nga, điều đó có nghĩa là dạy họ cách tránh các kỹ thuật chiến tranh tâm lý của phương Tây và ngăn họ đào ngũ.

Ông nói: “Vì vậy, quân đội sẽ được thông báo 'đừng lấy bất kỳ tài liệu nào từ chính phủ Ukraine hoặc từ Nam Hàn' và 'tất cả những tuyên bố trong các truyền đơn đều là giả mạo'; và họ sẽ bảo rằng nếu đào tẩu, hoặc nếu bị bắt, bạn sẽ bị người Ukraine tra tấn.

Nhưng Ông Thăng tin rằng những người lính sẽ dễ bị tổn thương trước bất kỳ hoạt động tâm lý nào mà chính phủ Ukraine sử dụng để cố gắng khiến quân đội đào ngũ.

Ông nói thêm: “Tôi cho rằng, nếu chính phủ Ukraine tiến hành chiến lược tâm lý chống lại binh lính Bắc Hàn thì khả năng đào tẩu thực sự rất cao vì họ không có động lực thực sự. Không phải vì tiền, đúng không? Họ không được trả tiền.

“ Và rõ ràng là động cơ của họ không phải là bảo vệ đất nước của mình, họ không chiến đấu để bảo vệ cha mẹ và tổ quốc. Họ đơn thuần là bị đem bán cho Nga bởi vị chỉ huy tối cao của Bắc Hàn Kim Chính Ân.”

Trong khi Ông Thăng dự đoán quân đội Bắc Hàn sẽ thể hiện không tốt ở Nga, ông cũng cảnh giác rằng trùm mafia Vladimir Putin đang không ngừng vẽ ra viễn tượng rằng nếu họ làm tốt ở Nga thì điều đó có thể thúc đẩy Kim xâm lược Nam Hàn.

Ông nói: “Kim Chính Ân sẽ có sự tự tin lớn. Và sau đó, binh lính Bắc Hàn sẽ vui mừng về thành tích của họ ở Nga và nếu đúng như vậy, Nam Hàn nên cảnh giác.

“Khả năng Kim Chính Ân đưa ra phán đoán sai lầm về Nam Hàn là rất cao.”

Sự việc xảy ra khi Putin được cho là đã tập hợp 40.000 quân lính của mình và 10.000 quân lính Bắc Hàn để tìm cách tái chiếm Kursk trước khi Tổng thống Trump nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng, 2025.

Quân đội của Putin cũng đã huấn luyện người Bắc Hàn về chiến thuật bộ binh, hỏa lực pháo binh và dọn chiến hào.

Các quan chức cho biết Ukraine đã xây dựng hệ thống phòng thủ ở khu vực Kursk mà nước này hy vọng có thể giữ vững được các vùng tạm chiếm của Nga.

Cho đến nay, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Nam Hàn tin rằng đã có tới ít nhất 40 binh lính Bắc Hàn thiệt mạng trong cuộc giao tranh đầu tiên với quân đội Ukraine ở Kursk.

Một người lính bị thương, được băng bó cẩn thận và nằm trong một bệnh viện dã chiến của quân Ukraine được tường trình đang vô cùng tức giận với các nhà lãnh đạo Nga.

Anh ta khẳng định rằng anh ta được thông báo rằng lính Bắc Hàn sẽ bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhưng quân đội Bắc Hàn đã bị “phản bội” và “được cử đi tấn công khu vực Kursk”.

Người lính nói thêm: “Người Nga không cung cấp cho chúng tôi bất cứ thứ gì.

“Họ đẩy chúng tôi vào một cuộc tấn công mà không có thông tin tình báo trước, không có đạn dược, không có vũ khí thông thường.”

[The Sun: VLAD'S HUMAN SHIELDS I was a North Korean soldier – Kim’s terrified troops will FLEE Putin’s army when they reach Ukraine frontline]

9. Ngoại trưởng Đức, Pháp phản ứng về việc Hoa Kỳ cấp phép cho các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot đã phản ứng vào ngày 18 tháng 11 trước việc Washington nới lỏng các hạn chế đối với các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine.

Một số phương tiện truyền thông đưa tin vào ngày 17 tháng 11 rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn ATACMS của mình để tấn công các mục tiêu trên đất Nga.

Baerbock hoan nghênh việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho phép Kyiv sử dụng hỏa tiễn tầm xa của Hoa Kỳ nhằm vào các mục tiêu ở Nga, hãng thông tấn Đức DPA đưa tin, trích dẫn đài truyền hình Đức RBB Inforadio.

Baerbock cho biết: “Người dân Ukraine không nên phải chờ hỏa tiễn vượt qua biên giới — họ nên có thể phá hủy trực tiếp các bãi phóng”.

Baerbock, người đại diện cho Đảng Xanh, cho biết đảng của bà ủng hộ các đối tác Đông Âu cũng như chính phủ Anh, Pháp và Mỹ trong việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Barrot, trong cuộc họp với các nhà báo ở Brussels, đã nhắc lại rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ sự ủng hộ Ukraine sử dụng hỏa tiễn của Pháp để tấn công lãnh thổ Nga từ tháng 5.

Với chính phủ của Scholz đang trong tình trạng hỗn loạn, đối thủ bảo thủ đưa ra chiến lược quyết đoán hơn cho Ukraine

Bộ trưởng Pháp nói thêm rằng Paris vẫn “để ngỏ” cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa của Pháp để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga sau khi Hoa Kỳ cho phép Kyiv sử dụng hỏa tiễn Mỹ cho mục đích tương tự.

Trước đó, Ukraine đã nhận được hỏa tiễn ATACMS và Storm Shadow/SCALP do Mỹ sản xuất từ Anh và Pháp, có tầm bắn lần lượt là 300 km, hay 190 dặm, và 250 km, hay 150 dặm.

Tuy nhiên, Paris và Luân Đôn vẫn chưa cho phép Kyiv sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga trong bối cảnh Washington vẫn còn ngăn cản.

Ngược lại, Thủ tướng Đức Olaf Scholz không có kế hoạch cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine mặc dù Hoa Kỳ đã nới lỏng các hạn chế đối với các cuộc tấn công tầm xa.

Chính sách của Berlin có thể sớm thay đổi khi Đức tiến tới cuộc bầu cử đột xuất vào ngày 23 tháng 2, với liên minh đối lập trung hữu CDU/CSU hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò và đe dọa sẽ lật đổ Scholz.

[Kyiv Independent: 'Nothing new under the sun' — German, French foreign ministers react on Ukrainian long-range strikes]

10. Cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Odessa đánh trúng khu dân cư, giết chết 10 người, làm bị thương 47 người

Lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo vào thành phố cảng Odesa vào ngày 18 tháng 11, khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương.

Có mười người được báo cáo đã thiệt mạng và 47 người bị thương. Những người tử vong bao gồm bảy cảnh sát, một nhân viên y tế và hai thường dân.

Trong số những người bị thương có ít nhất 14 nhân viên thực thi pháp luật và bốn trẻ em, trong đó có hai trẻ 7, 10 tuổi và hai trẻ 11 tuổi.

Thống đốc Oleh Kiper cho biết, những đứa trẻ này đang được đưa vào bệnh viện và đang trong tình trạng nghiêm trọng ở mức độ trung bình. Ba mươi người khác đang được đưa vào bệnh viện, trong đó có ba người đang trong tình trạng nguy kịch.

“Nga đã gian trá nhắm hỏa tiễn vào một tòa nhà dân cư, một khu vực hoạt động kinh doanh”, Thị trưởng Hennadii Trukhanov phát biểu trên Telegram ngay sau vụ tấn công.

Sau đó, Không quân Ukraine đã làm rõ rằng Nga đã phóng một hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M vào khoảng giữa trưa, và hỏa tiễn này đã bị phòng không bắn hạ.

“Thật không may, hỏa tiễn bị bắn hạ đã rơi vào khu dân cư của quận Prymorskyi của thành phố”, tuyên bố viết. Nga được cho là đã phóng một máy bay điều khiển từ xa trinh sát Orlan lúc 11:45 sáng giờ địa phương, sau đó là cuộc tấn công bằng hỏa tiễn lúc 11:57 sáng

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết một bãi đậu xe, một tòa nhà dân cư, một trường đại học và một tòa nhà hành chính đã bị hư hại trong vụ tấn công.

“Sau các cuộc gọi và cuộc họp với Putin, sau những lời đồn thổi sai sự thật trên phương tiện truyền thông về việc 'kiềm chế' tấn công, Nga đã cho thấy điều mà họ thực sự quan tâm: chỉ có chiến tranh”, Zelenskiy nói.

Vụ tấn công xảy ra ngay sau khi Nga tiến hành một trong những cuộc không kích lớn nhất vào Ukraine vào ngày 17 tháng 11 và các cuộc tấn công hỏa tiễn chết người vào thành phố Sumy vào đêm ngày 18 tháng 11.

Odesa, nằm trên bờ Hắc Hải ở miền nam Ukraine, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu cư dân. Thành phố cảng này đã nhiều lần bị tấn công trong suốt cuộc chiến toàn diện.

[Kyiv Independent: Russian missile attack on Odesa hits residential area, kills 10, injures 47]