Ngày 20-11-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Giêsu là Vua
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:55 20/11/2017
Chúa Nhật XXXIV Thường Niên, năm A
Lễ Chúa Kitô Vua
Ga 18,33b-37

Tước hiệu Chúa Kitô là Vua được được thánh Gioan diễn tả khi Chúa Giêsu xác nhận danh tánh Ngài trước mặt Philatô khi Ông này cứ gạn hỏi Chúa :” Vậy Ông là Vua sao ? “ ( Ga 19, 37 ). Đức Giêsu đáp :” Chính Ngài nói rằng tôi là Vua.Tôi đã sinh ra và đến thế gian vì điều này : đó là để làm chứng cho sự thật.Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi “ ( Ga 19. 37 ). Hôm nay, mừng lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ, chúng ta chiêm ngưỡng Vị Vua Trời Đất đã sống hiền lành và khiêm nhượng. Vị Vua khiêm nhu đã cưỡi lừa đi vào Giêrusalem để chịu chết theo ý Thiên Chúa Cha.

Philatô thực tế đã nghe nói về Chúa Giêsu rất nhiều.Ông cảm phục Chúa vì nghe thiên hạ, dân chúng nói về những điều kỳ diệu, tính hiền lành, khiêm nhường của Ngài, do đó, Ông rất ngạc nhiên khi người ta vu cáo Chúa, tuy nhiên vì hèn yếu, vì danh vọng, vì sợ mất ngôi, Ông đã không dám can thiệp, tha cho Chúa dù Ông được Ngài xác định :” Nước của Chúa không thuộc thế gian này “ và chức vị Vua của Chúa cũng chỉ là chức vị thiêng liêng, thuộc thiên giới chứ không thuộc hạ giới. Vua là Vua thiêng liêng. Philatô đã dựa vào những lời tố cáo của dân cho rằng Chúa tự xưng là Vua theo nghĩa chính trị. Và chỉ có nghĩa này, dân chúng và Philatô mới có thể bắt giữ Chúa Giêsu, kết án Chúa Giêsu mà thôi. Mặc dầu Chúa Giêsu đã hai lần quả quyết “ Nước tôi không thuộc thế gian này “ và Ngài còn nhấn mạnh :” Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái “ ( Ga 18, 36 ). Khi nói lên điều đó, Chúa Giêsu muốn cho Philatô hiểu :” Quan tổng trấn đừng sợ “. Chúa không dành giật chức vị của ai vì Chúa đến để “ Phục vụ chứ không phải được phục vụ, được hầu hạ “.

Theo thánh Gioan:” Nước Thiên Chúa không thuộc thế gian mà thuộc thiên giới. Nước của Chúa hoàn toàn thiêng liêng, không thuộc xác thịt mà thuộc thần khí. Chính vì thế. Chúa Giêsu xác định, quả quyết rằng Ngài không có gì đối kháng với đế quốc Roma. “ Của Cêsarê trả cho Cêsarê. Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa “. Vương quyền của Thiên Chúa hoàn toàn linh thiêng. Chúa Giêsu không bao giờ lấn quyền, hay có ý chiếm quyền của Philatô hay các Vị lãnh đạo thế trần lúc đó ! Vương quốc của Chúa Giêsu đã được Ngài thiết lập ngay trên thập giá :” Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta “ ( Ga 12, 32 ). Chính trên thập giá, Ngài mới tỏ rõ uy quyền của Ngài là Vua. Chúa Giêsu là Vua hiền từ, khiêm nhượng, Vị Vua từ khước vinh quang trần thế, Vua hy sinh, tự hiến ( Philip 2, 1tt…).

Philatô biết rõ sự thật :” Chúa hoàn toàn vô tội “, nhưng Ông vẫn truyền đưa Chúa Giêsu đi và đánh đòn Người “ ( Ga 19, 1 ). Philatô cũng đã cho viết dòng chữ đóng trên thập giá :” Giêsu Nazarét, Vua dân Do Thái “ ( Ga 19, 19 ).

Ca nhập lễ lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ viết :” Con chiên đã bị giết.Nay xứng đáng lãnh nhận thần tính và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang. Kính dâng Người vinh dự và quyền năng đến muôn thuở muôn đời “ (Kh 5,12; 1, 6 ).

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ.Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi ken chúc tụng ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ ).

Đức Thánh Cha Pio XI đã thiết lập lễ mừng kính Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ hằng năm.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Tại sao Philatô lại gạn hỏi :” Chúa Giêsu có phải là Vua không?”.
2.Tước hiệu Vua của Chúa Giêsu có nghĩa gì ?
3.Tại sao Philatô lại hỏi sự thật là gì ?
4.Vương quốc của Chúa Giêsu ở đâu ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:17 20/11/2017
22. HOÀ ĐIỆU CỨU NGƯỜI
Có một ông quan nọ mời khách, bởi vì nhà bếp nấu bánh nướng chín sơ sơ nên ông quan nổi giận đánh nó và đem tống ngục, cách mấy ngày hôm sau, ông quan nọ lại bày tiệc thết khách.
Có hai người khách muốn cứu anh nhà bếp, một người bèn giả làm thầy tướng số, người kia giả làm ông lão mời thầy tướng số coi giùm vận mạng trong lúc dự tiệc.
Thầy tướng số hỏi trước:
- “Tôn lão thuộc năm canh giáp nào ?”
Ông lão nọ cố ý nói lớn tiếng:
- “Sinh năm bính.”
Thầy tướng số lên tiếng nói liền liền:
- ”Không được, không được.”
Ông lão giả bộ làm mặt không vui hỏi:
- “Mới nói một năm, giờ lại không ngày tháng, sao bây giờ lại nói không được chứ ?”
Thầy tướng số nói:
- “Hôm qua sinh năm giáp còn ở trong ngục chưa được thả, huống gì anh “sinh năm bính” chứ ?”
Những khách được mời đều cười ha ha, ông quan cũng lĩnh ngộ được ý nghĩa, thế là tha cho tên đầu bếp khỏi ngồi tù.
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 22:
Thời đại nào chức quyền cũng đều khiến cho con người ta trở thành người độc đoán, kiêu căng và có khi trở thành kẻ vô lương tâm.
Chức quyền của người đời đa phần là để hưởng thụ và thống trị, còn chức quyền của Giáo Hội Công Giáo là để phục vụ và hy sinh, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã nói và đã làm như thế khi xuống thế cứu chuộc nhân loại.
Linh mục là một thánh chức được Thiên Chúa thiết lập vì phần rỗi linh hồn của con người, chứ không phải là một công chức do loài người thiết lập vì nhu cầu trật tự thống trị của con người, cho nên cách hành xử thánh chức linh mục cũng khác biệt với cách làm việc kiểu công chức của người đời :
- Linh mục thì phục vụ tha nhân chứ không để tha nhân phục vụ mình; là yêu thương đi tìm con chiên lạc chứ không đợi con chiên lạc tìm đến mình trước; là an ủi và chữa lành vết thương tâm hồn của anh chị em, chứ không nạt nộ hống hách và ngăm đe.
- Linh mục là một thánh chức cho nên cách hành xử cũng phải thánh thiện, mà cái thánh thiện này được bộc lộ rõ nét nhất nơi con người của các ngài, đó chính là sự yêu thương, khiêm tốn, nhẫn nại và quảng đại.
Tên đầy tớ bị bỏ tù vì một tội không đáng gì, đó là cách hành xử quyền của người đời vì không yêu thương. Ngược lại, đối với các linh mục của Giáo Hội Công Giáo thì tội nhân được hớn hở vui mừng sau khi tiếp xúc với linh mục; giáo dân yêu thương và cộng tác với cha sở, đó chính là kết quả cách hành xử thánh chức của linh mục là yêu thương, khiêm tốn, nhẫn nại và quảng đại vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhant ai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các T hánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:18 20/11/2017

12. Lời cầu nguyện lên cao thì ân sủng giáng xuống, trời dù cao đất dù thấp, thì Thiên Chúa vẫn nghe được tiếng của loài người.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách n gôn thần học tu đức"

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn CG Việt Nam tại Hồng Kông mừng lễ bổn mạng Các Thánh Tử Đạo VN
Thủy Quyên
08:36 20/11/2017
Chúa Nhật 19-11-2017, CĐCGVN tại HK trọng thể mừng kính các Thánh tử đạo VN, bổn mạng của cộng đoàn.

Cộng đoàn thật hạnh phúc tột độ khi được Đức Hồng Y Tong Hon bất ngờ đến chủ sự thánh lễ như là một ân thiêng của các Thánh tử đạo VN dành cho CĐ trong lễ bổn mạng. Ngoài ra, có thêm 8 linh mục và 2 phó tế cùng đồng tế. Năm nay CĐ kỷ niệm 23 năm thành lập và tròn 10 năm nhận các Thánh tử đạo VN làm quan thầy.

Xem Hình

Đầu lễ nhóm đại diện mặc trang phục truyền thống rước kiệu các Thánh tử đạo lên Thánh đường. Kiệu hoa từ sớm đã được các sơ St Paul bày trí thật là lộng lẫy. Giáo dân đông kín nhà thờ. Áo dài Việt Nam đủ sắc màu, bầu khí thật hân hoan mà vô cùng trang trọng.

Thánh lễ cử hành bằng 2 ngôn ngữ Việt - Hoa.

Mở đầu, cha Phêrô Lâm Minh giới thiệu và cảm ơn về đặc ân mà ĐHY đã dành cho CĐ trong ngày lễ hôm nay. Khi ĐHY giảng lễ, Ngài đại diện cho giáo phận HK lời đầu tiên chúc mừng lễ quan thầy của CĐ.

Ngài chia sẻ câu chuyện lúc thiếu thời từng phải cùng gia đình đi lánh nạn, rồi lịch sử di cư của người dân HK trong thế chiến II, như là một sự đồng cảm với cộng đoàn VN ở đây vốn xuất thân đều là những người tị nạn.

Ngài cũng nhắc đến nhiều vấn đề như việc bảo vệ môi trường, và các khía cạnh chính trị, xã hội. Ngoài ra ĐHY cũng nhắc nhở: trong thời đại công nghệ cao như hiện nay, mỗi tín hữu cần biết sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến một cách hữu ích để truyền giáo.

Hôm nay cộng đoàn cũng mừng vui vì có 2 tân cử nhân là thế hệ thứ hai của CĐ vừa tốt nghiệp đại học. Sau hơn 25 năm gian nan nỗ lực hội nhập vào xã hội HK, song song với việc gìn giữ gia đình đức tin, CĐ nay đã lượm hái những thành quả ngọt ngào trong hồng ân của Chúa.

Chị Maria Thu Thủy đại diện CĐ nói lời tạ ơn ĐHY, cảm ơn giáo phận HK và giáo xứ Thánh Giuse, cảm ơn cha Phêrô Lâm Minh, quý cha VN đã nâng đỡ CĐCGVN để họ duy trì được thánh lễ tiếng Việt, duy trì cộng đoàn Việt Nam trên đất Hong Kong đã 23 năm, hôm qua hôm nay và mãi mãi.

Kết thúc thánh lễ, CĐ tiếp tục tiệc mừng và liên hoan văn nghệ sôi nổi. Mỗi tiết mục đều đặc biệt độc đáo với sự chuẩn bị công phu, nhiệt tình của tất cả các anh chị em.

Sau khi ĐHY và các cha, thầy, sơ, đại diện CĐ cắt bánh sinh nhật, màn khai mạc hết sức hào hùng bằng vũ điệu “HÀO KHÍ VIỆT NAM” do Sơ Têrêsa Bích Huệ (dòng St Paul) đạo diễn, như là 1 lời tri ân và cao rao gương sáng của các anh hùng tử đạo VN.

Ngoài ra, các tiết mục khác cũng vô cùng đặc biệt. ĐHY lên sân khấu cùng các linh mục tu sĩ cùng hát “MỪNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN”.

Sơ Maria Mai Y (dòng tiểu muội Chúa Giêsu) 80 tuổi, hát “LỜI NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG”, các tu sĩ phụ họa, bài hát là lời cầu nguyện cho đất nước VN, và cầu nguyện cho cha Gabiel Lê Hòa Lạc (MEP) đang dưỡng bệnh.

Cha MC Duy Tâm, người đạo diễn và dẫn dắt chương trình cũng đơn ca song ngữ Hoa-Việt “NGƯỜI ĐẾN TỪ TRIỀU CHÂU”.

Tân cử nhân Minh Quyên cùng cha mẹ trình diễn tiết mục guita “TOUCH THE SKY”.

Nhóm trẻ em VN mới di cư đến HK, hiện đang học trong trường Caritas cũng tham gia cử điệu vui nhộn “CON ĐƯỜNG GIÊ SU”.

Nhóm Tuen Mun làm ngỡ ngàng khán giả bằng múa điệu ‘ẤN ĐỘ” do sơ Têrêsa Thúy Hằng (dòng con Đức Mẹ phù hộ) đạo diễn.

Nhóm Shatin do thầy Sáu Giuse Trần Hưởng (Đa minh) dẫn dắt, đồng ca bài CA VANG TÌNH YÊU CHÚA.

Cuối cùng, thày Sáu đơn ca kết thúc bằng TÌNH NGÀI GỌI CON.

Hong Kong tiết cuối thu trời se lạnh, nhưng lòng ai ai cũng ấm áp. Họ ra đi trong tâm tình cảm tạ và hứa luôn xứng đáng với hồng ân của Chúa và hồng ân của các Thánh tử đạo Việt Nam, nỗ lực làm chứng nhân ở nơi mình đang sống ./.

Thủy Quyên.
 
Mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Bổn Mạng giáo đoàn Woodville - Nam Úc
Vietcatholic-Adelaide
16:11 20/11/2017
Đại lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng của Giáo đoàn Woodville và ca đoàn Hy Vọng đã được long trọng tổ chức vào lúc 16 giờ 30 chiều, Chúa Nhật ngày19/11/2017. Rất đông các quan khách, Hội đoàn và giáo dân trong và ngoài giáo xứ Croydon Park đã qui tụ về nhà thờ Mater Dei Woodville để tham dự đại lễ bổn mạng năm nay.

Theo sự hướng dẫn của Ban Tổ Chức, tất cả cộng đoàn, ăn mặc chỉnh tề, từ các cụ già đến các em nhỏ, tập trung trong sân bên hông nhà thờ để chuẩn bị rước kiệu di ảnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào nhà thờ, trong một buổi chiều mùa xuân nắng ấm, gió nhẹ.

Một hồi chiêng trống vang lên báo hiệu giây phút trang nghiêm bắt đầu giờ hành lễ. Đoàn rước có Thánh Giá Nến Cao đi đầu, theo sau là các ông bà mặc quốc phục, ca đoàn Hy Vọng, các em Thiếu Nhi, Thanh Niên. Ca đoàn Hy Vọng rất nổi bật trong đồng phục áo sơ mi trắng, cravate màu đỏ cho nam và các cô với áo dài cùng màu đỏ, tượng trưng cho máu các thánh tử đạo, rồi đến các em tung hoa, theo sau là cộng đoàn giáo dân, kiệu Các Thánh TĐVN cùng với các em giúp lễ và cuối cùng là quý Cha Đồng Tế.

Đoàn rước từ từ tiến vào nhà thờ cùng lúc ca đoàn Hy Vọng cất vang lời bài ca nhập lễb“Anh Hùng Việt Nam” thật hào hùng để mừng kính các Thánh Tử Đạo.

Trên Cung thánh trong nhà thờ hôm nay được trang hoàng rất đẹp với nhiều hoa hồng trắng, đèn nến cao, đặc biệt hai bên bàn thờ nổi bật với 2 câu đối “Chốn Thiên Cung Vinh Hiển Hồn Tử Đạo - Cõi Gian Trần Vang Tiếng Khắp Năm Châu -” và phía trước bàn thờ phủ khăn vàng với hàng chữ to in đậm: MÁU TỬ ĐẠO HẠT GIỐNG ĐỨC TIN như muốn nhắc nhở mọi tín hữu Vệt Nam là con cháu của các Thánh Tử Đạo, phải luôn can đảm sống đời sống đức tin.

Khi kiệu di ảnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã an vị trên cung thánh, các linh mục đồng tế cùng tiến lên bàn thờ dâng thánh lễ sau lời dẫn ý nghĩa lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Thánh lễ đồng tế trọng thể do Cha phó xứ Giuse Nguyễn Long Hải chủ tế, cùng với quý Cha chánh xứ Maurice Shinnick, Cha Phanxicô Trịnh Văn Phát, linh mục tiên khởi Giáo đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Woodville, nay đã nghỉ hưu.

Thánh lễ mở đầu bằng lời chào mừng của Cha chủ tế gửi đến toàn thể cộng đoàn và đặc biệt đón chào Cha Trịnh Văn Phát sau nhiều năm xa cách, nay trở lại với cộng đoàn trong ngày lễ bổn mạng hôm nay. Sau 2 bài Thánh Thư là lời công bố Tin Mừng theo Thánh Matthêu. Trong phần chia sẻ ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay, Cha Phanxicô Trịnh Văn Phát đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của các Thánh Tử Đạo trong lịch sử Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo Hội Công Giáo VN. Dù trải qua nhiều thăng trầm và bị bách hại, Giáo Hội Công Giáo không những bị tiêu diệt mà trái lại hạt giống đức tin ngày càng được phát triển sâu rộng hơn, đặc biệt đối Giáo Hội Công Giáo VN. Cha đã nhắc lại một số mẫu chuyện của các vị Thánh tử đạo VN từ thời phong kiến cũng như dưới thời cộng sàn. Các Ngài là những con người bình thường như chúng ta, nhưng các Ngài đã cam chịu cảnh tù đầy, máu chảy thịt rơi để làm chứng cho tình yêu và niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Chúng ta là con cháu, là hạt giống của các Thánh Tử Đạo, dù ở đâu, cũng cần phải noi gương các Ngài và cầu xin các Ngài cầu bầu cho chúng ta can đảm sống đời sống đức tin, biết yêu thương giúp đỡ nhau, nâng đỡ nhau để làm chúng nhân Tin Mừng cho đến cuối đời.

Trong suốt thánh lễ ca đoàn Hy Vọng đã chọn lọc và hát những bài thánh ca về các Thánh tử đạo rất hay và hào hùng giúp cho buổi lễ thêm phần long trọng và sốt sắng.

Trước khi Thánh lễ kết thúc, ông Lê Công Chính, trưởng Ban Ban Mục vụ Giáo Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Woodville, bằng cả 2 ngôn ngữ Việt- Anh đã có lời cảm ơn Cha Chánh xứ Maurice, Cha phó xứ Long Hải, đặc biệt Cha Phát, các quan khách, tất cả cộng đoàn đã tham dự thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho giáo đoàn, cảm ơn ca đoàn Hy Vọng đã dày công luyện tập và hát rất hay trong thánh lễ, cám ơn các ân nhân đã đóng góp rất nhiều về tài vật, thức ăn cho ngày lễ bổn mạng của Giáo Đoàn hôm nay. Để đáp lời, Cha chánh xứ cũng đã cảm ơn quý Cha đồng tế, chức mừng bổn mạng Giáo đoàn, ca đoàn Hy Vọng và cầu chúc mọi người vui vẻ, sức khỏe để cùng góp tay xây dựng Giáo đoàn.

Sau phần thánh lễ là tiệc mừng được tổ chức trong sân trường học bên hông nhà thờ với rất nhiều món ăn ngon miệng do các bà, các cô thiện nguyện đóng góp. Kết thúc là phần cắt bánh kỷ niệm bổn mạng. Mọi người ăn uống, trò chuyện vui vẻ trong niềm vui mừng, tự hào là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Văn Khánh)

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ý Niệm Chết trong Thánh Kinh và Thần Học (7)
Vũ Văn An
15:57 20/11/2017
b. Quan điểm tóm kết các hành vi tự do. Do đó, đối với các nhà thần học này, hành vi của linh hồn vào lúc chết, lúc tự do của họ từ đó trở đi mãi mãi được nối kết nhất định với một cùng đích đặc thù, chứ không còn tự do theo nghĩa có thể khác đi, xét vì lịch sử cụ thể của cá nhân thực hiện hành vi. Nó tự do theo nghĩa hoàn toàn tự phát, không bị bắt buộc hay ấn định bởi bất cứ điều gì ở bên ngoài linh hồn, nhưng phát sinh hoàn toàn từ những gì linh hồn đã trở nên lúc còn ở trên đời và nói lên hoàn toàn đặc tính đã hoàn thành bởi nhiều chọn lựa tự do trước đó. Hành vi này tự do theo nghĩa nó hoàn toàn tóm kết mọi hành vi tự do đã thực hiện lúc còn sống trong cuộc sống tử sinh. Nó đặc biệt hiện thân cho hướng đi triệt để của ý chí vốn đã được cá nhân này tự do chọn lựa lần cuối cùng trong một hành vi diễn ra trước giờ chết, một hành vi tự do diễn ra một cách đặc biệt dưới sự quan phòng đầy yêu thương và khôn ngoan của Thiên Chúa. Việc kêu gọi tới ơn thánh trong giây phút này có thể cực kỳ mạnh mẽ, nhưng hành vi tự do thực hiện trước cái chết, về phẩm lượng, là một với bất cứ hướng đi tự do nào đã chấp nhận trong suốt đời cá nhân lúc còn sống. Như thế, giờ chết thực đối với mỗi người là vấn đề có liên hệ đặc biệt khiến Thiên Chúa phải săn sóc con người. Điều này không có nghĩa sự chết luôn xẩy ra trong các hoàn cảnh được Thiên Chúa muốn một cách tích cực: vì một số người chết vào một lúc đặc thù nào đó là do ác ý hay do bất cẩn của người khác, chứ Thiên Chúa không tích cực muốn như thế. Nhưng nó có nghĩa: ơn thánh của Thiên Chúa chắc chắn có đó để biến sự chết thành biến cố cứu rỗi, ngoại trừ trường hợp người nào đó, do các chọn lựa trước đó, đã cứng lòng đến nỗi tự đặt mình ra khỏi tầm tay của lòng Chúa thương xót vì, trong sự khôn ngoan của Người, Thiên Chúa ngỏ lòng thương xót này cho mọi con người. Như thế, hành vi của ý chí, diễn ra ngay lúc chết như giây phút đầu tiên của trạng thái vĩnh viễn của linh hồn, là hoa trái cần thiết của mọi đáp trả tự do của con người đối với ơn thánh Thiên Chúa, nhất là đối với ơn thánh sau cùng Chúa dùng để đem con người, cuối cùng, về với Người.

Các nhà thần học này trả lời các luận điểm chọn lựa tự do vào lúc chết bằng cách trước nhất cho rằng điều mà các chọn lựa tự do cá thể thực hiện trong đời thiếu trách nhiệm đầy đủ sẽ được bù đắp bởi chính con số và các nối kết qua lại của các chọn lựa này. Không như các thiên thần, con người không quyết định số phận của họ trong một khoảnh khắc duy nhất trong đó họ hiểu biết và cam kết trọn vẹn, nhưng như một hữu thể lệ thuộc không gian và thời gian mà đời sống gồm các quyết định tự do, chỉ tăng tiến dần dần, hướng tới các chiều kích vĩnh viễn của một nhân cách dứt khoát. Như thế, hành vi xuất hiện như là hậu quả nhất thiết của diễn trình này đã giải thích một cách hữu lý việc loại bỏ người có tội ra khỏi nhan Thiên Chúa một cách công bình, và cả việc giập tắt các thói quen của đức tin và đức cậy. Vì mọi tội không được ăn năn tự nhiên có xu hướng làm sói mòn đức tin và đức cậy; ở đây, xu hướng này hết sức hữu hiệu. Các nhà thần học này cho rằng số phận các trẻ thơ chết mà chưa được chịu Phép Rửa là điểm quá tối tăm không thể dùng để minh giải bất cứ điều nào khác. Và sau cùng, họ nhấn mạnh rằng: như đã được các người chủ trương chọn lựa cuối cùng vào lúc chết mô tả, hành vị tự do cuối cùng này không phải là một hành vi nhân bản mà là một hành vi thiên thần, phản ảnh quan điểm Platông trá hình.

Các điểm tương tự. Dù có sự khác nhau về ý kiến giữa các nhóm thần học gia trên liên quan đến bản chất hành vi của linh hồn lúc chết, nhưng phóng đại sự khác nhau này sẽ là một sai lầm. Vỉ cả hai nhóm cùng đồng ý rằng hành vi này lệ thuộc một cách sâu sắc và không thể nào tránh khỏi vào các chọn lựa đã thực hiện trước đó, lúc linh hồn còn ở trong trạng thái kết hợp với thân xác. Dù có chủ trương cho rằng các chọn lựa trước đó không xác định hành vi này tự bên trong một cách toàn diện và nhất thiết, nhưng điều này không có nghĩa khuyến khích người có tội triển hạn việc thống hối của họ, hòng sẽ giải quyết sự việc vào phút chót, mà có nghĩa làm cho người này nhận trọn trách nhiệm một cách rõ ràng về câu trả lời đối với ơn thánh của Thiên Chúa. Cả hai nhóm cũng đồng ý rằng trong hành vi này, con người trở nên chính họ một cách dứt khoát, và chính trong giây phút này, việc họ liên kết một cách nội tại với hạnh phúc thiên giới hay với trống vắng khủng khiếp của tội lỗi sẽ kéo dài mãi mãi. Cuối cùng, cả hai nhóm đồng ý rằng trạng thái liền sau sự chết, xét theo yếu tính, không tiếp nhận tính bất biến của nó từ một mệnh lệnh ngoại tại, tự do của Thiên Chúa, mà từ chính bản chất của sự chết và sinh hoạt của linh hồn trong lúc đó. Sự chết và vĩnh cửu tùy thuộc đời sống và thời gian tử sinh.

c.Quan điểm dự ứng. Nhưng vì đời sống tử sinh và các chọn lựa của nó tất cả đều qui hướng về sự hoàn thành lúc chết, nên sự sống quả lệ thuộc sự chết. Sinh hoạt của linh hồn vào lúc chết đã hiện diện qua dự ứng (anticipation) và mục đích nội tại của mọi sinh hoạt tự do có chủ tâm lúc sống. Chính điều này đem lại cho mọi biến cố nhân bản khía cạnh bất phản hồi của nó. Các biến cố này không diễn ra trong một vòng tròn tự lặp lại không cùng mà là theo cách nếu sự vật diễn ra cách này vào lúc này thì nó sẽ diễn ra cách khác vào lần kế tiếp; vì sẽ không bao giờ có lần kế tiếp, theo nghĩa sâu xa nhất của từ ngữ. Bất cứ điều gì xẩy ra cũng chỉ xẩy ra một lần cho tất cả. Dĩ nhiên, ảnh hưởng của một chọn lựa tự do không biệt lập và có tính xác định từ ngay trong nó; nhưng nó đã được lồng một cách bất phản hồi vào đời một con người để xuất hiện như là được chấp nhận hay bác bỏ lần cuối cùng trong lúc chết.

Sự hiện diện dự ứng của sinh hoạt lúc chết này trong tất cả các chọn lựa tự do lúc còn sống cũng đem lại cho các kinh nghiệm hoàn toàn nhân bản đặc tính đã thể hiện một cách dự ứng. Nó có nghĩa: mọi đau khổ và thử thách trong đời đều tạo thành một phần của việc từ bỏ mình có tính cứu rỗi (redemptive unselfing) được sự chết làm cho hoàn hảo. Nó cũng có nghĩa: mọi niềm vui không vị kỷ ở trong đời, qua đó, hạnh phúc của nhiều người khác cũng là hạnh phúc của chính mình và các chiến thắng của lòng Chúa thương xót qua Chúa Kitô cũng là các chiến thắng của chính mình, những niềm vui này đều là khởi đầu cho một vinh quang trọn vẹn sẽ được tỏ lộ nơi con người. Ta thấy điều này đúng trong trường hợp của chính Chúa Kitô: tất cả việc sẵn lòng chấp nhận thiếu thốn và lo âu của Người là một dự ứng cho việc chấp nhận sự chết của Người và Núi Tabo cũng như các biểu hiện khác của việc xuất hiện Nước Thiên Chúa đều là các kinh nghiệm được dự ứng của sự chiến thắng Phục Sinh của Người.

4. Sự thành toàn có tính yếu tính

Thiển nghĩ cũng nên xem xét vấn đề: đặc tính hoàn thành có tính yếu tính của kinh nghiệm chết đã giúp giải thích các phương diện đặc biệt của mầu nhiệm sự chết được bàn từ trước đến nay ra sao.

Mặc dù sự chết, như một biến cố tự nhiên, nhất quyết không phải là một biến cố kết án hay cứu rỗi, nhưng việc nó xuất hiện đầu tiên trong lịch sử loài người là một biểu hiện của việc Thiên Chúa phán xét con người tội lỗi. Trong trường hợp người tội lỗi, việc bề ngoài đánh mất sự sống xác thân tượng trưng cho và duy trì việc họ phải xa lìa Thiên Chúa một cách bất phản hồi. Vì trong sinh hoạt lúc chết, người tội lỗi đã nói lên một cách trọn vẹn việc họ tách đời họ ra khỏi Thiên Chúa và chỉ còn thấy sự cô lập khủng khiếp của bản thân mình trong sự chọn lựa đã đặt mình vào thế xa lạ với toàn thể vũ trụ. Bởi thế, hỏa ngục chủ yếu chỉ là việc kéo dài giây phút này tới muôn đời mà thôi.

Người ta cũng thấy rõ ràng rằng việc biến đổi hiện hữu con người chỉ có thể thực hiện được qua việc biến đổi sự chết của họ; vì trọn cuộc sống của con người đều hướng về sự chết, và sinh hoạt lúc chết đã được dự ứng trong mọi chọn lựa lúc sống. Như thế, điều này có nghĩa: nếu Chúa Kitô muốn cứu chuộc nhân loại bằng cách trở nên nguồn nội tại của quyền lực biến đổi đầy vinh quang Thiên Chúa ngay bên trong nòi giống nhân loại, thì Người phải trở nên như thế bằng cách chính Người trải qua kinh nghiệm chết. Dĩ nhiên, ngay từ đầu, Chúa Kitô, trong yếu tính, vốn đã hoàn hảo ngay trong bản tính nhân loại của Người; Người đã là một người được chiêm ngắm Thiên Chúa và việc chiêm ngắm này không thể nào mất đi được. Nhưng bản tính nhân loại của Người, như Người đã mang lấy, chưa được thành toàn (consummated) trọn vẹn; nó phải chịu đau khổ, bị hắt hủi, bị cô đơn, và tối tăm chết chóc. Nó chưa là nguồn vinh hiển trao ban Thần Khí. Nó chỉ trở nên như thế bởi việc hoàn thành kinh nghiệm chết, qua đó, mọi tình yêu và đức vâng lời lúc còn sống của Người tập trung vào hành vi hiến mình hoàn toàn cho Chúa Cha và bản tính nhân loại của Người được chuyển vào lãnh vực vinh quang thần thánh, một chuyển dịch sẽ được hoàn tất trong Phục Sinh.

Đối với Kitô hữu cũng thế, nhờ dần dần mỗi ngày mỗi được đồng hóa với Chúa Kitô hơn, nên sự chết, vì hoàn toàn nắm được sự trọn vẹn của câu trả lời đối với Thiên Chúa, sẽ trở thành giây phút họ chiếm hữu được sự sống và sự chết của Chúa Kitô lần cuối cùng và cũng là giây phút họ ráng sức hướng tới sự phục sinh thân xác. Đức tin, đức cậy và đức mến và toàn bộ việc thờ phượng bằng đời sống bí tích của Giáo Hội sẽ đạt tới độ chín mùi vào giây phút hoàn toàn suy phục này với Chúa Kitô. Hành động này, một hành động đặt người Kitô hữu mãi mãi ở bên kia khả năng có thể sa vào các gian dối của Satan, sẽ giúp họ dự phần vào cộng đoàn các thánh, những vị sẽ trỗi dậy đón mừng Chúa Kitô vào những ngày sau hết, khi Người đến trong vinh quang để chuyển giao nước Thiên Chúa cho Chúa Cha để Người là tất cả trong mọi sự.

Kỳ cuối: IV. Chuẩn Bị Sự Chết
 
Văn Hóa
Kính tặng những Thầy, Cô tốt nghiệp trường “Sư Phạm Giêsu”
Sơn Ca Linh
08:48 20/11/2017
NHỮNG THẦY CÔ KHÔNG MỘT TẤM BẰNG

Ở đâu đó giữa trường đời khắc nghiệt,
Thấp thoáng bóng hình những bước chân qua…!
Gương mặt hao gầy, Mẹ Thánh Têrêsa,
Hay âm thầm, Nancy,
mẹ và thầy của của nhà bác học Edison vĩ đại !

Và cũng mới đây thôi, 23/9
Trong chương trình TV “Điều ước thứ 7”,
Diễn viên Quốc Tuấn, người cha và cũng là thầy,
Suốt 15 năm dìu con vượt gian khó miệt mài,
Giờ bé Bôm đĩnh đạc
bước vào đời cùng những nốt dương cầm cao vút…!

Vâng, thế giới nầy, mọi nơi, mọi lúc,
Luôn có những thầy, cô,
trên tay chưa bao giờ có một mảnh bằng,
Trường đào tạo chính là hai chữ “nhân văn”,
Được khắc sâu tận miền lương tâm công chính.

Bởi 2000 về trước,
Có một “Rabbi” nghèo nhưng là “Thầy” chí thánh,
Xưởng thợ Na-da-rét, mái trường của một kẻ cùng đinh.
Ngài tốt nghiệp từ đó,
Mà dẫn lối đưa đường cho hết thảy chúng sinh,
Vượt khỏi bến mê để bước đi trên nẻo về chính lộ.

Mái trường Giêsu, bao thế hệ “xuất thân” từ đó,
Những viên men nồng, muối mặn cho đời.
Những thầy, cô, mang đuốc sáng khắp nơi,
Cho thế giới ngập tin yêu và tràn hy vọng.

Xin gởi đến,
những thầy cô ấy, lời tri ân thâm trọng,
Cùng món quà đơn mọn : một lời kinh.
“Lạy Cha chúng con, Đấng ngự chốn thiên đình,
Cho các thầy cô chúng con rày hằng ngày dùng đủ”. Amen.

Sơn Ca Linh
20/11/2017
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đêm Phố Biển/Late Evening
Robert Helfman
09:31 20/11/2017
ĐÊM PHỐ BIỂN/LATE EVENING
Ảnh của Robert Helfman
Đêm về phố xá rộn ràng
Vui chơi đừng có quên ngày Chúa ban.
(bt)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 20/11/2017
VietCatholic Network
01:26 20/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 19 tháng 11.

2- Đức Thánh Cha ca ngợi gia sản tinh thần của Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16.

3- Sứ Điệp Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội và dân nước Miến Điện.

4- Đức Thánh Cha được trao tặng chiếc xe hơi Lamborghini mới tinh.

5- Khủng bố Hồi giáo ISIS đe dọa tấn công Tòa Thánh Vatican dịp lễ Giáng Sinh

6- Đức Hồng Y Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thăm Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ.

7- Bức họa Salvator Mundi ‘Đấng Cứu Thế’ phá kỷ lục bán đấu giá 450 triệu dollars.

8- Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher vừa thất vọng vừa ấm lòng về kết quả cuộc trưng cầu dân ý Úc về hôn nhân đồng tính.

9- Linh mục Thomas Đỗ Thanh Hà đã tạ thế tại thành phố Anaheim, miền Nam California.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Một Niềm Phó Thác.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 20/11/2017: Câu chuyện: Vui Ðể Ðợi Chết
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:56 20/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Cuối cùng chúng ta tất cả đều phải chết. Anh chị em đã chuẩn bị cho ngày ấy chưa

Suy tư về ngày thế mạt và ngày cuối cùng của mỗi người chúng ta là lời mời gọi mà Giáo hội ngày hôm nay muốn nói với chúng ta qua đoạn Tin mừng thánh Luca chương 17 từ câu 26 đến câu 37. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 17 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài Tin mừng thuật lại cuộc sống bình thường của những người nam nữ trước đại hồng thủy và trong thời ông Lot. Họ ăn uống, mua bán, cưới vợ lấy chồng …, nhưng rồi mọi sự đều thay đổi trong tích tắc. Giáo hội, Mẹ của chúng ta, muốn mỗi người chúng ta suy nghĩ về những thay đổi bất ngờ và sâu xa hơn là về chính cái chết của mình.

Tất cả chúng ta đều quen thuộc với sự bình thường đều đặn của cuộc sống, giờ giấc, công việc, nhiệm vụ, nghỉ ngơi và chúng ta nghĩ rằng cuộc sống sẽ luôn luôn như thế. Nhưng rồi một ngày, Chúa Giêsu sẽ gọi chúng ta “hãy đến!”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

Với một số người, tiếng gọi của Chúa sẽ bất ngờ như sét đánh ngang tai, còn đối với những người sau một thời gian dài nằm bệnh, có thể điều ấy không bất ngờ lắm đối với họ. Tiếng gọi của Chúa sẽ đến. Tiếng Chúa gọi sẽ là một sự ngạc nhiên, nhưng rồi sẽ có một ngạc nhiên khác của Chúa, đó là sự sống đời đời. Bởi thế, Giáo hội trong những ngày này nói với chúng ta: dừng lại một tí đi, dừng lại đi để suy nghĩ về cái chết.

Ngày nay việc tham dự các đám tang tại nhà hiếu, hay ngay cả tại nghĩa trang, đôi khi trở thành một biến cố xã hội. Người ta đi đến đó, nói chuyện với những người khác, về những chuyện làm ăn mua bán, chuyện trên trời dưới biển, có khi không liên quan chút gì đến người quá cố, nói cười, ăn uống vui vẻ. Nó trở thành dịp hội họp, gặp gỡ thêm các đối tác làm ăn, để không phải suy nghĩ về cái chết. Ngày hôm nay, Giáo hội, với sự tốt lành của mình, nói với mỗi người chúng ta: Hãy dừng lại, dừng lại, không phải mọi ngày sẽ luôn như hôm nay. Đừng trở nên quen thuộc với suy nghĩ rằng cuộc sống hôm nay sẽ là vĩnh cửu. Sẽ có một ngày anh chị em sẽ bị mang đi, người khác sẽ ở lại, còn anh chị em sẽ bị mang đi, anh chị em sẽ bị mang đi và đi với Thiên Chúa. Hãy nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta sẽ có kết thúc. Nghĩ như thế là điều tốt.

Nó là điều tốt vì ví dụ, trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới, chúng ta có thể suy nghĩ: Hôm nay có thể là ngày cuối cùng, tôi không biết, nhưng tôi sẽ làm công việc thật tốt. Và chúng ta làm tốt như thế, trong các mối liên hệ trong gia đình và xã hội.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với những lời khích lệ này:

Suy nghĩ về cái chết không phải là một suy tư tồi tệ. Tồi tệ hay không, tùy thuộc ở tôi, tôi nghĩ đến nó như thế nào. Nhưng bất kể tôi có nghĩ thế nào, hay chẳng nghĩ gì cả, nó sẽ đến, cái chết sẽ đến. Và ở đó sẽ là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, và điều này sẽ là nét đẹp của cái chết. Cái chết sẽ thật đẹp nếu đó là cuộc gặp gỡ giữa anh chị em với Thiên Chúa, trong đó Ngài nói: “hãy đến, hãy đến, kẻ được Ta chúc phúc, hãy đến với Ta.”

Khi Chúa gọi thì sẽ không còn thời giờ để sắp xếp mọi vấn đề của chúng ta. Chúng ta cố gắng làm tất cả phần vụ của mình trên cuộc sống dương thế này nhưng luôn luôn suy tư về thời khắc đó, về ngày mà Thiên Chúa sẽ đến để đưa tôi đến với Ngài.

2. Câu chuyện: Vui Ðể Ðợi Chết

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Theo giai thoại của người Trung Hoa thì ngày xưa có một người tên là Vinh Khải Kỳ tỏ ra là một bậc tiên ông đạo cốt, mình mặc áo lông cừu, lưng thắt dây, ngày ngày ngao du ở sơn thủy, vui thú cầm ca chậm rãi rảo bước, tay đánh đàn miệng ca hát không ngừng. Một hôm, đức Khổng Tử đi dạo gặp Vinh Khải Kỳ, ngài mới hỏi ông: “Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ ca hát như thế?”.

Khải Kỳ thưa: “Trời sanh muôn vật, loài người cao quý nhất. Ta đã được làm người, đó là điều đáng vui. Người ta sinh ra có người đui què, có người non yếu... mà ta thì khỏe mạnh sống lâu, thế là hai điều đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là hết sự đời. Ta nay biết vui với cảnh đời để đợi cái chết thì còn gì lo buồn nữa?”.

Lạc quan, vui sống là đức tính cơ bản nhất của người Kitô. Người Kitô nhận ra phẩm giá cao cả của mình và tiếp nhận mọi sự xảy đến như một hồng ân của Chúa. Cây cỏ đồng nội, muôn thú trên rừng không nhọc công tích trữ mà còn được Chúa che chở nuôi nấng, huống chi con người là hình ảnh của Người...

Khi ấy Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ:

“Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống, lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trong hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học, chúng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà , Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống chi là anh em, ôi những kẻ kém tin. Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Mỗi ngày có những niềm vui và nỗi khổ của nó. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống từng phút giây như một ân ban của Chúa, đó là bí quyết để giúp ta được hạnh phúc ở đời này.

3. Thánh Lễ là cuộc gặp gỡ tình yêu với Thiên Chúa.

Thánh lễ là lời cầu nguyện cao trọng nhất và tuyệt vời nhất, đồng thời cũng cụ thể nhất. Thật vậy, đó là cuộc gặp gỡ tình yêu với Thiên Chúa qua Lời và Mình Máu của Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể là tiệc cưới, trong đó Chúa Giêsu Phu Quân gặp gỡ sự yếu hèn giòn mỏng của chúng ta để đưa chúng ta trở về với ơn gọi đầu tiên của chúng ta: ơn gọi là hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư 15 tháng 11 năm 2017.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã quảng diễn đoạn Phúc Âm đầu chương 11 của thánh sử Luca viết rằng: “Có một lần Ðức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Nước Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lc 11,1-4).

Ðức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về Thánh Lễ. Ðể hiểu vẻ đẹp của việc cử hành Thánh Thể tôi muốn trình bầy một khía cạnh rất đơn sơ: Thánh lễ là cầu nguyện, là lời cầu nguyện tuyệt hảo, cao vời nhất và cũng cụ thể nhất. Vì qua Lời, Mình và Máu Chúa Giêsu nó là cuộc gặp gỡ tình yêu với Thiên Chúa. Nhưng trước hết phải hỏi lời cầu nguyện là gì?

Ðức Thánh Cha trả lời như sau:

Trước hết nó là cuộc đối thoại, là tương quan cá nhân với Thiên Chúa. Con người đã được tạo dựng như là bản vị tương giao chỉ tìm thấy việc thực hiện trọn vẹn chính mình trong cuộc gặp gỡ với Ðấng Tạo Hoá. Con đường cuộc sống là hướng về cuộc gặp gỡ vĩnh viễn với Chúa.

Sách Sáng Thế khẳng định rằng con người đã được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa và giông giống Thiên Chúa, là Cha và Con và Thánh Thần, một tương quan tình yêu hoàn hảo là sự hiệp nhất. Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng chúng ta tất cả đã được tạo dựng để bước vào trong một liên hệ tình yêu toàn thiện, trong một trao ban chính mình liên tục và nhận lãnh chính mình để có thể tìm ra bản thể trọn vẹn của chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ về Thánh Lễ là cầu nguyện, Ðức Thánh Cha nói: Khi ông Môshê nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa trước bụi gai cháy, ông đã hỏi Ngài tên là gì thì Chúa trả lời làm sao? : “Ta là Ðấng Ta là” (Xh 3,1-4) . Kiểu nói này, trong nghĩa nguyên thuỷ của nó, diễn tả sự hiện diện và ân huệ, và thực vậy Thiên Chúa nói thêm ngay sau đó:”Chúa, Thiên Chúa của cha ông người, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Igiaác, Thiên Chúa của Giacóp” (c. 15). Cũng thế khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ Ngài, Ngài gọi họ để họ ở với Ngài. Vì thế đây là ơn thánh lớn lao nhất: có thể kinh nghiệm rằng Thánh Lễ, Thánh Thể là lúc đặc ân để ở với Chúa Giêsu, và qua ngài ở với Thiên Chúa Cha và các anh em khác.

Cũng như mọi cuộc đối thoại thực sự khác cầu nguyện cũng là biết ở trong thinh lặng - trong các cuộc đối thoại, có những lúc thinh lặng- ở trong thinh lặng cùng với Chúa Giêsu. Và khi chúng ta đi tham dự Thánh Lễ, có lẽ chúng ta tới năm phút trước và bắt đầu nói chuyện bép xép với người bên cạnh. Nhưng đây có phải là lúc bép xép đâu: đây là lúc thinh lặng để chuẩn bị đối thoại. Ðây là lúc cầm lòng cầm trí để chuẩn bị gặp gỡ Chúa Giêsu. Sự thinh lặng quan trọng biết bao! Anh chị em hãy nhớ điều tôi đã nói tuần vừa qua: chúng ta không đi dự một buổi trình diễn văn nghê, chúng ta đi gặp gỡ Chúa và sự thinh lặng chuẩn bị và đồng hành với chúng ta. Ở trong thình lặng cùng với Chúa Giêsu. Từ sự thinh lặng nhiệm mầu của Thiên Chúa nảy sinh ra Lời Ngài vang lên trong con tim chúng ta.

Chính Chúa Giêsu dậy cho chúng ta biết làm thế nào để thực sự ở với Thiên Chúa Cha, và chứng minh điều đó cho chúng ta với lời cầu nguyện của Ngài. Các Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu rút lui vào các nơi thanh vắng để cầu nguyện. Khi trông thấy tương quan thân tình của Ngài với Thiên Chúa Cha các môn đệ cảm thấy ước muốn có thể tham dự vào đó và xin với Ngài: “Lậy Chúa, xin dậy chúng con cầu nguyện” (Lc 11.1). Chúng ta đã nghe trong bài đọc đầu buổi tiếp kiến. Chúa Giêsu trả lời rằng điều cần thiết đầu tiên để cầu nguyện là biết nói “Lậy Cha”. Chúng ta hãy chú ý: nếu tôi không có khả năng nói “Lậy Cha” với Thiên Chúa, thì tôi không có khả năng cầu nguyện. Chúng ta phải học nói “Lậy Cha”, nghĩa là đặt mình vào trong sự hiện diện của Ngài với lòng tin tưởng con thảo. Nhưng để có thể học, cần khiêm tốn nhìn nhận rằng chúng ta cần được dậy dỗ và đơn sơ nói rằng: “lậy Chúa, xin dậy con cầu nguyện”.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Ðây là điểm đầu tiên: khiêm tốn, thừa nhận mình là con, nghỉ ngơi trong Thiên Chúa Cha, tín thác nơi Ngài. Ðể vào Nước Trời cần trở nên bé nhỏ như các trẻ em. Trong nghĩa các trẻ em biết tín thác , chúng biết rằng có ai đó lo lắng cho chúng, lo cho chúng ăn, lo cho chúng mặc (x. Mt 6,25-32). Ðây là thái độ đầu tiên: tin tưởng và tín thác như trẻ em đối với cha mẹ: biết rằng Thiên Chúa nhớ tới bạn và lo lắng cho bạn, cho bạn, cho tôi, cho chúng ta tất cả.

Thái độ thứ hai cũng là thái độ của các trẻ em là để cho mình kinh ngạc. Trẻ em luôn luôn đặt ra hàng ngàn câu hỏi bởi vì nó ước ao khám phá thế giới và kinh ngạc cả trước các vật bé nhỏ, bởi vì tất cả đều mới mẻ đối với nó. Ðể vào Nước Trời cần để cho minh kinh ngạc - tôi xin hỏi - chúng ta có đề cho mình kinh ngạc hay chúng ta nghĩ rằng cầu nguyện là nói với Thiên Chúa như các con vẹt? Không, đó là tín thác và rộng mở con tim để cho mình kinh ngạc. Chúng ta có để cho Thiên Chúa luôn luôn là Thiên Chúa của các ngạc nhiên gây kinh ngạc không? Bởi vì cuộc gặp gỡ với Chúa luôn luôn là một cuộc gặp gỡ sống động. Nó không phải là một cuộc gặp gỡ của viện bảo tàng. Nó là một cuộc gặp gỡ sống động, và chúng ta đi tham dự Thánh Lễ chứ không phải đi thăm viện bào tàng. Chúng ta đi tới một cuộc gặp gỡ sống động với Chúa.

Phúc Âm cũng nói tới một ông Nicôđêmô nào đó (Ga 3,1-21), một cụ già, một người quyền thế trong dân Israel, đến gặp Chúa Giêsu để hiểu biết Ngài hơn, và Chúa nói với ông về sự cần thiết “phải tái sinh từ trên cao” (c. 3) Nhưng điều này có nghĩa là gì? Có thể tái sinh không? Có thể có trở lại sự yêu thích, niềm vui, sự kinh ngạc của cuộc sống, kể cả trước các thảm họa hay không? Ðây là một câu hỏi nền tảng của lòng tin và đây cũng là ước mong của mọi tín hữu đích thật: ước mong tái sinh, niềm vui bắt đầu trở lại. Chúng ta có mong ước này không? Mỗi ngưòi trong chúng ta có ước mong luôn luôn tái sinh để gặp Chúa không? Anh chị em có mong ước này không? Thật ra, chúng ta có thể mất nó một cách dễ dàng vì biết bao hoạt động, biết bao chương trình cần thực hiện, sau cùng chúng ta có ít thời giờ còn lại, và chúng ta mất đi điều nền tảng là cuộc sống của con tim, cuộc sống tinh thần của chúng ta, cuộc sống chúng ta là một cuộc gặp gỡ với Chúa trong lời cầu nguyện.

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn đức của ngài như sau:

Chúa khiến chúng ta kinh ngạc bằng cách chỉ cho chúng ta thấy rằng Ngài yêu thương chúng ta cả trong các yếu hèn của chúng ta nữa. “Chúa Giêsu Kitô là tế vật đền bù tội lỗi chúng ta; không phải chỉ tội lỗi của chúng ta, mà cả tội lỗi của toàn thế giới nữa” (1 Ga 2,2). Ơn đó, suối nguồn của sự an ủi đích thật - Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta - điều này an ủi, là một an ủi thật, là một ơn đã được ban cho chúng ta qua Thánh Thể, là tiệc cưới, trong đó Phu Quân gặp gỡ sự giòn mỏng của chúng ta. Tôi có thể nói rằng khi tôi rước Chúa trong Thánh Lễ, Chúa gặp gỡ sự giòn mỏng của tôi không? Có, chúng ta có thể nói điều đó, bởi vì nó thật! Chúa gặp gỡ sự giòn mỏng của chúng ta để đưa chúng ta trở về với ơn gọi đầu tiên của chúng ta: ơn gọi là hình ảnh của Thiên Chúa và giông giống Thiên Chúa. Ðó là môi trường của Thánh Thể, đó là lời cầu nguyện.

4. Nước Trời phát triển nhờ Chúa Thánh Thần, không phải nhờ các kế hoạch.

Nước Thiên Chúa không phải là cuộc trình diễn, càng không phải là lễ hội, cũng chẳng thích hợp cho những cuộc quảng cáo. Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng làm cho Nước Trời phát triển, chứ không phải các kế hoạch mục vụ. Ðức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Năm 16 tháng 11 tại nhà nguyện Marta.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay (Lc 17,20-25), người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu rằng: Khi nào Nước Thiên Chúa đến? Câu hỏi đơn sơ này xuất phát từ những người thiện tâm, và câu hỏi ấy xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng. Ví dụ, thánh Gioan Tẩy Giả khi bị giam trong tù với những đau khổ, đã sai các môn đệ của mình đi hỏi Chúa Giêsu rằng: Thầy có là Ðấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác? Hoặc là trong cuộc Thương Khó, có câu hỏi rất táo bạo và đầy thách thức được đặt ra cho Chúa Giêsu trên thập giá: Nếu ông là Ðấng Kitô, thì hãy xuống khỏi thập giá đi? Luôn luôn có nghi ngờ như thế. Luôn có sự tò mò muốn biết khi nào Nước Thiên Chúa đến.

Chúa Giêsu trả lời thật rõ ràng: Nước Thiên Chúa đang ở giữa anh em. Ðó cũng là tin mừng, là tin vui mà Chúa loan báo trong hội đường Nazaret, sau khi Người đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia. Lần đó, sau khi gấp sách lại, Chúa Giêsu nói: Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.

Nước Trời tựa hạt giống được gieo xuống, phát triển từ bên trong, phát triển âm thầm trong chúng ta và giữa chúng ta. Nước Trời cũng giống như kho báu hoặc viên ngọc quý được chôn giấu. Luôn luôn như thế, Nước Trời ở trong sự khiêm nhường bé nhỏ.

Thế nhưng ai làm cho hạt giống lớn lên, ai làm cho cây mọc lên? Ðó là Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần, Ðấng ở trong chúng ta. Chúa Thánh Thần là thần khí của sự dịu hiền, của khiêm nhường, của tinh thần vâng phục, của sự đơn sơ giản dị. Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng làm cho Nước Trời lớn lên từ bên trong. Chúa Thánh Thần là tác nhân, chứ không phải các kế hoạch mục vụ, không phải những điều to tát... Không, không phải những điều ấy, mà chính Chúa Thánh Thần âm thầm hoạt động. Ngài hoạt động làm cho hạt giống nảy mầm, cây mọc lên, và sinh hoa kết trái.

Ví dụ về anh trộm lành, ai là người đã gieo hạt giống Nước Trời trong lòng anh ta? Có thể là mẹ của anh, cũng có thể là bậc thầy nào đó trong hội đường. Có lẽ thế, và hạt giống ấy từng bị quên lãng. Thế nhưng, chính Thần Khí làm cho hạt giống ấy lớn lên. Thế đó, trong Nước Thiên Chúa luôn luôn có sự ngạc nhiên, bởi vì đó chính là quà tặng đến từ Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa không đến để thu hút sự thị hiếu của người ta, càng không phải theo kiểu những cuộc quảng cáo. Nước Trời không đến như một điều có thể quan sát được, và người ta sẽ không nói: Ở đây này, hay ở kia kìa. Nước Trời không phải là cuộc trình diễn, hay tệ hơn nữa, nhiền lần Nước Trời được người ta nghĩ tựa như lễ hội.

Nước Trời không được nhận thấy với sự kiêu hãnh tự hào. Nước Trời không thích hợp với những quảng cáo. Nước Trời rất khiêm tốn, ẩn giấu và âm thầm phát triển. Tôi nghĩ về thời khắc người ta nhìn Ðức Mẹ đứng dưới chân thập giá, người ta nói: Nhìn kìa, đó là mẹ của ông ta, Mẹ Maria đứng đó, người phụ nữ thánh thiện và âm thầm đứng đó. Chẳng ai hiểu mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, nhưng Mẹ thì hiểu, Mẹ hiểu sự thánh thiêng của Nước Trời. Khi Mẹ đứng gần thập giá của Con Mẹ

Để kết luận, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Nước Trời luôn phát triển âm thầm vì Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta. Ngài hoạt động và làm cho Nước Trời sinh hoa kết trái. Tất cả chúng ta được kêu gọi thực thi con đường Nước Trời. Ðó là ơn gọi, là ơn ban, và quà tặng nhưng không, không phải do mua bán đổi chác, nhưng là ơn phúc Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta. Tất cả chúng ta đã chịu phép rửa, chúng ta có Chúa Thánh Thần trong tâm hồn. Mối tương quan giữa chúng ta và Chúa Thánh Thần như thế nào? Chúa Thánh Thần hoạt động ra sao trong tâm hồn tôi, để có thể làm cho Nước Trời lớn mạnh? Có câu hỏi rất hay mà mỗi người chúng ta có thể tự hỏi lòng mình: Tôi có tin điều ấy không? Tôi có thực sự tin Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta không? Tôi thích một Nước Trời âm thầm hay là những cuộc trình diễn?

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn cho mỗi người và cho Giáo Hội, để Ngài làm cho hạt giống Nước Trời trong lòng mỗi người và trong lòng Giáo Hội, được nảy sinh và phát triển thành cây lớn, đủ sức trú ẩn cho nhiều người và để nảy sinh những hoa trái thánh thiện.
 
Giáo Hội Năm Châu 20/11/2017: Chương trình viếng thăm của ÐTC tại Chile và Peru
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:21 20/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Chile

Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Chile và Peru trong 1 tuần lễ từ ngày 15 tháng Giêng đến 22 tháng Giêng năm 2018.

Theo chương trình chi tiết được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 13 tháng Giêng1 năm 2017:

- Ðức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 8 giờ sáng ngày thứ hai 15 tháng Giêng năm 2018 và bay tới thủ đô Santiago của Chile lúc quá 8 giờ tối cùng ngày rồi qua đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở địa phương.

- Sáng thứ ba, 16 tháng Giêng năm 2018, ngài sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại Dinh Moneda, trước khi viếng thăm Tổng thống tại đây lúc 9 rời, rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 10 giờ rưỡi ở Công viên O'Higgins.

Ban chiều cùng ngày vào lúc 4 giờ, Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm nhà tù dành cho phụ nữ ở Santiago, rồi gặp gỡ các Linh Mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Santiago vào lúc 5 giờ 15. Một giờ sau đó, ngài sẽ gặp các Giám Mục Chile tại nhà thánh của nhà thờ này. Sau cùng, lúc 7 giờ 15, Ðức Thánh Cha viếng với tư cách riêng Ðền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp các Linh Mục cùng dòng tại đây.

- Sáng thứ tư, 17 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay tới thành phố Temuco cách Santiago hơn 600 cây số về hướng nam và cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại phi trường Maquehue. Sau lễ ngài sẽ dùng bữa trưa với một số người dân miền Aracaunia tại Nhà Mẹ Thánh Giá. Lúc 3 giờ rưỡi chiều ngài lại đáp máy bay trở về thủ đô Santiago và đến Ðền thánh Maipu để gặp gỡ giới trẻ vào lúc 5 giờ rưỡi, rồi đến viếng thăm Giáo Hoàng đại học Công Giáo Chile lúc 7 giờ chiều.

- Sáng thứ năm, 18 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ giã từ Santiago để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chile và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito lúc 11 giờ rưỡi. Ban chiều ngài giã từ Chile lúc 5 giờ để bay tới thủ đô Lima của Peru.

2. Chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Peru

- Sáng thứ sáu, 19 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoan vào lúc 8 giờ rưỡi rồi viếng thăm Tổng Thống. Sau đó, lúc 10 giờ ngài đáp máy bay tới thành phố Puerto Maldonado cách đó 530 cây số về hướng đông. Tại đây vào lúc 12 giờ trưa, ngài sẽ gặp các dân tộc vùng Amazzonia ở sân vận động Mẹ Thiên Chúa, trước khi gặp dân chúng địa phương ở Viện Jorge Basadre vào lúc 1 giờ trưa, và dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân miền Amazzonia ở trung tâm mục vụ Apaktone.

Lúc gần 4 giờ chiều, Ðức Thánh Cha viếng thăm Trung Tâm Principito rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima. Ban tối ngài gặp riêng các tu sĩ dòng Tên ở nhà thờ thánh Phêrô.

- Sáng thứ bẩy, 20 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ bay đến thành phố Trujillo cách đó 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển.

Ban chiều, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các Linh Mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo vào lúc 3 giờ rưỡi chiều.

Hơn 1 giờ sau đó, Ðức Thánh Cha chủ sự buổi phụng vụ kính Ðức Mẹ Hải Cảng ở quảng trường quân đội rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima.

- Sáng Chúa Nhật 21 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9 giờ 15 với các nữ tu chiêm niệm ở Ðền Thánh Chúa làm phép lạ, rồi đến cầu nguyện trước hài cốt các thánh người Peru tại Nhà thờ chính tòa Lima lúc 10 giờ rưỡi, rồi ngài gặp gỡ các Giám Mục Chile tại tòa Tổng Giám Mục địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12 giờ với các tín hữu.

Lúc 4 giờ 15 phút chiều Chúa Nhật 21 tháng Giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ chử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Căn cứ không quân Las Palmas. Sau thánh lễ, lúc 6 giờ rưỡi sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường Lima và Ðức Thánh Cha đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino lúc 2 giờ 15 phút chiều thứ Hai, 22 tháng Giêng năm 2018.

3. Ðức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với hai nước Iran và Iraq bị tai nạn do trận động đất.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chia buồn với nhân dân hai nước Iran và Iraq về những thiệt hại do trận động đất xảy ra hôm Chúa Nhật 12 tháng 11 năm 2017.

Trong điện thư do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký, Ðức Thánh Cha bày tỏ nỗi đau buồn sâu sắc khi nghe tin về trận động đất kinh hoàng gây nên thiệt hại cho hai quốc gia Iran và Iraq và ngài bảo đảm với họ về sự cầu nguyện liên đới của ngài.

Ðức Thánh Cha chia sẻ nỗi đau với những người đang thương khóc các người thân bị thiệt mạng, ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời và phó dâng họ cho lòng từ bi của Ðấng Toàn năng.

Ðức Thánh Cha cũng cầu xin ơn an ủi và sức mạnh cho những người bị thương tích, các đội cứu trợ và chính quyền địa phương tham gia vào công tác cứu trợ khẩn cấp và nố lực phục hồi.

Vùng bị thiệt hại nặng nhấy là tỉnh Kermanshah ở miền tây Iran, thuộc dãy núi Zagros phân cách Iran và Iraq. Dân cư tại vùng này sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt.

Cơ quan Bác ái MONA, một chi nhánh của cơ quan cứu trợ bác ái của Giáo hội ở Trung đông và Bắc Phi đã kêu gọi người dân hợp ý cầu nguyện với Caritas Iran và Iraq cho những người bị thương tổn vì trận động đất. Trên Twitter của MONA hôm 13 thán 11 năm 2017 có viết: “Những suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về các anh chị em của chúng ta ở Iran và Iraq sau trận động đất tàn phá kinh hoàng xảy ra ở vùng biên giới.”

Theo báo cáo của các đội cứu hộ, hiện đã có hơn 450 người chết và hàng ngàn người bị thương. Dân chúng ở vùng này đang ở trong các lều tạm, nhiều người ngủ ngoài trời, giữa tiết trời giá lạnh, vì sợ một trận động đất khác.

4. Diễn đàn Hồi giáo - Công Giáo: “Tự do tôn giáo phải được bảo vệ”.

Từ ngày 6 đến 8 tháng Mười Một năm 2017, tại Berkeley, California đã diễn ra cuộc gặp gỡ lần thứ tư của Diễn đàn Hồi giáo-Công Giáo với chủ đề “Phát triển con người toàn diện: Lớn lên trong Phẩm giá. Nhãn quan Kitô giáo và Hồi giáo”. Diễn đàn do Hội đồng Toà thánh về Ðối thoại Liên tôn và một nhóm học giả Hồi giáo quốc tế thành lập năm 2008. Khi ấy, những người tham dự đã cùng ký tên trong bức thư ngỏ “Một Tiếng nói chung”, gửi cho Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và các vị lãnh đạo Kitô giáo khác, nhằm thúc đẩy một cuộc đối thoại dựa trên các giá trị chung của hai niềm tin tôn giáo.

Toà thánh Vatican cho biết, kết thúc cuộc gặp gỡ tại Berkeley nói trên, Diễn đàn Hồi giáo-Công Giáo đã công bố một tuyên ngôn chung “khẳng định mọi người đều có phẩm giá và giá trị bình đẳng, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo hay địa vị xã hội”... và “quyết liệt lên án bất cứ mưu toan nào nhằm phân loại bất cứ ai hoặc gán cho họ tội ác của tập thể vì những hành động của các cá nhân trong số họ”.

Tuyên ngôn khẳng định: “người Kitô hữu và người Hồi giáo tin rằng tự do lương tâm và tôn giáo là những quyền con người quan trọng nhất”; vì thế “chúng ta có nghĩa vụ chung là phải tôn trọng, bảo vệ và cổ vũ các quyền đó”.

Kitô giáo và Hồi giáo đều dạy rằng “Thiên Chúa ban cho mọi người một phẩm giá không thể chuyển nhượng, từ đó phát sinh các quyền con người cơ bản khác, cũng như nghĩa vụ của các chính phủ là phải bảo vệ những quyền ấy”.

Các tham dự viên cũng nói rằng tôn giáo có “các nguồn lực tinh thần, trí tuệ và đạo đức” để giúp các cá nhân và cộng đồng phát triển và lớn lên theo cách tôn trọng mọi người và bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi tin rằng những bất an, xung đột và sự phổ biến vũ khí đã gây ra những trở ngại nghiêm trọng cho việc thực thi ý muốn của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với hạnh phúc và sự phát triển trong hoà bình và an ninh của nhân loại. Ðó là lý do tại sao chúng tôi cho rằng về phương diện đạo đức chúng tôi có nghĩa vụ phải lên án chiến tranh và nạn buôn bán vũ khí vốn tạo điều kiện dễ dàng cho chiến tranh, và thay vì thế hãy sử dụng những nguồn lực của nhân loại để phát triển cá nhân và tập thể của chúng ta”.

Gặp gỡ lần thứ nhất của Diễn đàn Hồi giáo - Công Giáo diễn ra tại Vatican từ ngày 4 đến 6 tháng 11 năm 2008 với chủ đề “Yêu mến Thiên Chúa, yêu thương người thân cận”.

Gặp gỡ lần thứ hai được tổ chức tại Al-Maghtas, Jordan, từ 21 đến 23 tháng 11 năm 2011 với chủ đề “Lý trí, Ðức tin và Con người: nhãn quan Kitô giáo và Hồi giáo.”

Gặp gỡ lần thứ ba diễn ra tại Vatican từ ngày 2 đến 4 tháng 12 năm 2014 với chủ đề “Kitô hữu và người Hồi giáo: Tín đồ sống trong xã hội”.

5. Ðến lượt chúng ta giúp các tu sĩ cao niên - những người đã phục vụ Giáo hội.

Hôm 03 tháng 11 năm 2017, Ðức Hồng Y Theodore E. McCarrick, nguyên giám mục thủ đô Washington, đã được nhận giải thưởng thánh Katharine Drexel do tổ chức Trợ giúp tu sĩ cao niên (SOAR) trao. Giải thưởng này vinh danh các cá nhân và tổ chức có đóng góp đáng kể cho Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt cho các tu sĩ nam nữ Hoa kỳ.

Phát biểu trong buổi lễ, Ðức Hồng Y McCarrick đã ghi nhận công ơn của các tu sĩ trong việc giáo dục các thế hệ trẻ và chăm sóc người nghèo khổ, đau bệnh và di dân. Ðức Hồng Y chía sẻ rằng ngài được các nữ tu, rồi các tu sĩ dòng Tên dạy dỗ. Ngài làm chứng về sự phục vụ của các tu sĩ đối với những người khốn khổ. Hiện nay Ðức Hồng Y sống tại nhà hưu dưỡng Jeanne Jugan ở Washington, do các nữ tu dòng Tiểu Muội Người nghèo điều hành với lòng hiếu khách và nhân từ. Ðức Hồng Y nói rằng chúng ta không bao giờ có thể cám ơn các tu sĩ nam nữ cho đủ vì đời sống phục vụ của họ. Ngài nhắc rằng qua sự phục vụ họ đã đưa Chúa Kitô đến với người dân và làm “điều lớn lao cũng như điều bé nhỏ” cho người khác.

Ðức Hồng Y Donald W. Wuerl, hiện là Giám mục Washington cũng cám ơn các cộng đoàn tu sĩ, không chỉ về việc giáo dục các thế hệ học sinh biết đọc biết viết, dạy họ phân biệt tốt xấu, nhưng còn thành lập những trường học, bệnh viện và cơ sở bác ái Công Giáo đầu tiên trong các cộng đoàn trên toàn quốc.

Nữ tu Kathleen Lunsmann dòng Trái tim vô nhiễm Ðức Maria và là chủ tịch SOAR, cám ơn moi người đã trợ giúp cho hoạt động của nhóm. Sơ cho biết, trong năm 2017, SOAR đã giúp 1.2 triệu đô la cho 70 cộng đoàn dòng tu khắp Hoa kỳ, để sửa chữa các hệ thống báo cháy, nhà tắm và mua các giường đặc biệt cho các tu sĩ cao niên. Sơ chia sẻ: “Hơn bao giờ hết, các dòng tu nam nữ hiện nay thật sự cần sự giúp đõ của chúng ta trong việc chăm sóc cho các tu sĩ cao niên.” Sau các trận bão Harvey, Irma and Maria vừa qua, SOAR cũng giúp 45,000 đô la cứu trợ khẩn cấp cho các dòng trong vùng bị thiệt hại vì thiên tai.

Jane Sullivan Roberts, đối tác của một công ty luật ở Washington được trao giải thưởng thánh Elizabeth Seton - giải thưởng trao cho những người nổi bật về vai trò lãnh đạo và quảng đại trong cộng đoàn Công Giáo theo tinh thần của thánh Elizabeth. Roberts kể rằng chính mình cũng được các nữ tu dòng Dâng mình ở tiểu học và học trung học ở trường các nữ tu dòng Thương xót. Các nữ tu đã dạy Roberts cách cầu nguyện và suy nghĩ. Các nữ tu gieo trồng các chân lý vững chắc, Thiên Chúa tốt lành và yêu bà và có kế hoạch cho đời bà và chúng ta đều là con Chúa, được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống Ngài.

Robert lưu ý rằng các tu sĩ nam nữ đã làm việc với một khoản trợ cấp và bây giờ chi phí cho hưu dưỡng và chăm sóc sức khỏe gia tăng, do đó chúng ta cần phổ biến sự việc là bây giờ đến lượt chúng ta giúp đỡ họ.

6. Ðức Thánh Cha quan tâm tới hiểm họa nhiều hải đảo biến mất.

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi gia tăng ý thức về những hiểm họa đe dọa các đảo ở Thái Bình Dương và tìm biện pháp đối phó.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 11 tháng 11 năm 2017, dành cho 46 vị thuộc Diễn đàn các vị lãnh đạo các Ðảo trong Thái Bình Dương.

Ðức Thánh Cha nói đến những lo âu của mọi người, đặc biệt là các dân tộc sống tại các đảo vừa nói. Họ dễ bị tổn thương vì những hiện tượng môi trường và khí hậu ngày càng xảy ra thường xuyên và gia tăng cường độ. Ðặc biệt là hiện tượng mực nước biển dâng cao làm biến mất những hải đảo, và sự suy thoái các hàng rào san hô, một hệ thống môi sinh ở biển rất quan trọng.

Ðức Thánh Cha nhắc lại lời báo động cách đây 35 năm của các Giám Mục Philippines: “Ai đã biến thế giới biển khơi tuyệt vời thành những nghĩa trang dưới nước không còn sự sống và màu sắc nữa?”. Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự suy thoái môi trường, nhưng đáng tiếc là có nhiều nguyên nhân do cách hành xử thiếu khôn ngoan của con người gây nên, gắn liền với những hình thức khai thác các tài nguyên thiên nhiên và nhân bản, tạo nên những hậu quả đi tới tận lòng sâu của các đại dương”.

Ðức Thánh Cha tuyên bố ủng hộ nỗ lực của các vị lãnh đạo các đảo trong Thái Bình Dương gây ý thức mạnh mẽ hơn trong dư luận thế giới trước các hiểm họa môi sinh đe dọa sự sống còn của các hải đảo trong Thái Bình Dương, và kêu gọi sự sộng tác và liên đới quốc tế, đạt tới một chiến lược chung, đối phó với các hiện tượng đe dọa môi trường, không cho phép dửng dưng trước những vấn đề trầm trọng như sự suy thoái môi trường tự nhiên và sức khỏe của các đại dương, gắn liền với sự suy thoái nhân bản và xã hội mà nhân loại ngày nay đang phải trải qua”.

Nhắc đến Hội nghị quốc tế về thay đổi khí hậu đang nhóm tại thành phố Bonn bên Ðức, gọi là COP-23, Ðức Thánh Cha cầu mong rằng Hội nghị này cũng như các Hội nghị kế tiếp sẽ giúp bảo vệ “Những vùng đất không biên cương” của chúng ta, như những hải đảo trong các đại dương.

7. Ðức Giáo hoàng gửi thư cám ơn một thương binh người Colombia.

Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi một lá thư viết tay để cám ơn Edwin Restrepo, một lính thủy quân lục chiến người Colombia đã về hưu vì bị thương tật trong cuộc nội chiến tại quốc gia này.

Trong chuyến viếng thăm Colombia hồi tháng 9 năm 2017, Ðức Giáo hoàng đã gặp anh Restrepo tại sân bay Catam, khi ngài chào các người lính và các sĩ quan cảnh sát bị tàn phế trong cuộc chiến. Khi Ðức Giáo hoàng đi ngang qua Restrepo, anh đã cúi đầu về phía trước để xin ngài chúc lành. Ðức Giáo hoàng muốn tặng cho cho người thương binh trẻ chiếc mũ “chỏm” trắng của ngài. Ðức Giáo hoàng đã tặng cho anh một tràng hạt Mân côi. Ðể đáp lại thiện ý của Ðức Giáo hoàng, Restrepo nói với ngài anh muốn tặng ngài một thứ gì biểu trưng cho quân đội và anh đã tặng cho ngài chiếc mũ lưỡi trai lính của anh mà anh nghĩ là thứ tốt nhất.

Hôm 18 tháng 10 năm 2017, Ðức Giáo Hoàng đã viết thư cám ơn người thương binh trẻ và đảm bảo rằng ngài cầu nguyện cho tất cả những người đã và đang hy sinh mạng sống vì hòa bình của quốc gia và vì nhân dân. Hôm thứ năm, 09 tháng 11 năm 2017, lá thư của Ðức Giáo Hoàng đã được Ðức cha Fabio Suescún Mutis, Giám mục Castrense và giám đốc chuyến viếng thăm Colombia của Ðức Giáo Hoàng, trao cho anh lính và đọc. Lá thư cũng được Hội đồng Giám mục Colombia công bố.

Trong thư Ðức Giáo Hoàng nói với Restrepo rằng ngài mang chiếc mũ lưỡi trai lính của anh trong suốt hành trình ở Colombia, vì nó nhắc ngài về sự hy sinh và lòng yêu nước của các quân nhân Colombia, những người đã chiến đấu trong cuộc chiến vừa kết thúc với các chiến binh Mác-xít. Ðức Giáo Hoàng cho biết hiện nay ngài giữ chiếc mũ trên một bàn thờ trong văn phòng nhỏ của ngài ở Roma. Ngài cho biết ngài thường cầu nguyện ở đó. Và mỗi khi cầu nguyện, ngài cầu nguyện cho Restrepo, cho các đồng đội đã hy sinh và bị thương của anh.

Restrepo ngạc nhiên về việc làm của Ðức Giáo Hoàng, đặc biệt vì anh chưa bao giờ nói với ngài tên của anh. Anh không bao giờ nghĩ đến điều này. Ðối với anh, đó là một trong những hành động đẹp nhất mà anh trải nghiệm. Anh cho biết mình sẽ giữ lá thư của Ðức Giáo Hoàng trong một tấm khung và đặt nó trong văn phòng nhỏ của anh, cạnh chuỗi tràng hạt Ðức Giáo Hoàng tặng cho anh.

Restrepo bị mất chân trái, một phần của tay phải và thị lực vào năm 2004, khi anh đạp trúng một quả mìn chống người trong cuộc hành quân ở vùng nông thôn Colombia. Khi đó anh chỉ mới 19 tuổi và đang hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Dù bị mù, hiện nay Restrepo đọc bằng chữ Braille dành cho người khiếm thị và đang hoàn thành chứng chỉ luật. Anh nói: Tôi muốn tiếp tục giúp đỡ những thành viên của quân đội chúng tôi. Có nhiều người không được lãnh lương hưu trí thích hợp và tôi muốn tranh đấu nhân danh họ.”

8. Bỏ ý định phá thai nhờ sự trợ giúp của nhóm ủng hộ sự sống.

Cuộc tranh luận về “Luật về trật tự công cộng liên quan đến các phòng khám kế hoạch hóa gia đình” do nghị sĩ Rupa Huq chủ trì tại Westminster Hall. Nghĩ sĩ Huq là người đang vận động để cấm những cuộc canh thức cầu nguyện ủng hộ sự sống bên ngoài dưỡng đường Marie Stopics ở Ealing và những nơi khác. Những người phản đối bên ngoài các viện phá thai bị mô tả như quấy nhiễu các phụ nữ với những hình ảnh, biểu ngữ của họ.

Trong cuộc tranh luận này, Sir Edward Leigh, một nghị sĩ Công Giáo nổi tiếng thuộc đảng Bảo thủ đã trình bày chi tiết về áp lực mà các phụ nữ phải chịu khi phá thai. Ông đã đọc chứng từ của một phụ nữ về việc bà đã thay đổi quyết định phá thai nhờ buổi canh thức bên ngoài dưỡng đường.

“Ðứa con của tôi hiện giờ được 3.5 tuổi. Nó là một bé gái tuyệt vời, hoàn hảo và là tình yêu của cuộc đời tôi. Hôm nay tôi muốn các nghị sĩ ở đây, đang kêu gọi tạo nên những vùng đệm (nơi không được tổ chức các hoạt động chống phá thai), hãy nhận ra rằng con gái tôi sẽ không được sống ngày hôm nay nếu các nghị sĩ đã thực hiện điều họ muốn.Tôi chưa bao giờ từng muốn thực hiện phá thai nhưng tôi cảm thấy áp lực rất nhiều từ những người xung quanh tôi, những người đã đề xuất nó như một giải pháp không lý trí chút nào.”

Trên đường vào dưỡng đường Marie Stopes ở Ealing, một phụ nữ đã gặp thai phụ này trong thoáng chốc và nói với thai phụ rằng bà ta luôn ở đó nếu thai phụ cần bà ta. Thai phụ đi vào dưỡng đường và lòng vẫn không vui vì mình ở đó để phá thai, nhưng bị áp lực rất lớn bởi nhóm người đi với bà để bà phá thai.

Thai phụ kể tiếp: “Khi đã ở trong dưỡng đường, trong khi nhóm người cùng đi không để ý, tôi đã nhảy qua cửa sổ của tầng trệt và băng qua 3 hàng rào để chạy thoát. Tôi đã nói chuyện với người phụ nữ tôi gặp ở cổng, người đã ngỏ ý giúp đỡ khi tôi cần để giữ lại đứa con của tôi và điều này mang lại cho tôi sự tự tin để rời bỏ nơi phá thai. Tôi không hề gặp thấy bất cứ sự tấn kích nào từ những người bên ngoài dưỡng đường ở Ealing, đang muốn giúp đỡ. Họ có tờ rơi nói về sự phát triển của một đứa trẻ, một thai nhi, trong những giai đoạn đầu.

Việc dự định đưa ra những vùng đệm là một ý kiến tồi tệ bởi vì các phụ nữ như tôi, họ sẽ làm gì? Bạn biết là, không phải mọi phụ nữ đi vào các phòng khám thật sự muốn phá thai. Có áp lực rất lớn, có lẽ họ không có khả năng tài chính để lo cho chính họ và con của họ, hay họ cảm thấy không có chọn lựa khác. Những người bên ngoài này đưa ra các chọn lựa khác.”

Peter Williams, nhân viên điều hành của tổ chức “Quyền sống” nói: “Thật là điều tốt khi nghe cách công khai từ một trong các phụ nữ, người đã giữ lại con của họ nhờ sự ủng hộ họ đã nhận được từ buổi canh thức ủng hộ sự sống bên ngoài các phòng phá thai. Các vùng đệm sẽ lấy đi chọn lựa này của các phụ nữ và thay vào đó, họ sẽ bị bỏ lại với các chiến lược buôn bán đầy áp lực của một ngành kỹ nghệ trả tiền cho nhân viên để thuyết phục các phụ nữ phá thai.”
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News