Ngày 21-11-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 34 Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
02:27 21/11/2009
Thứ Hai sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,1-4

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã thương viếng thăm linh hồn chúng con. Chúng con xin chúc tụng ngợi khen Chúa, là Chúa của trí lòng chúng con. Xin cho chúng con luôn tràn ngập hân hoan trong tình yêu Chúa. Xin Mình Thánh Chúa tái tạo tâm hồn chúng con theo hình ảnh Chúa. Xin gìn giữ tâm hồn chúng con luôn thanh sạch và tránh xa những tư tưởng, hình ảnh xấu làm hoen ố tâm hồn chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã yêu thương chúng con từ đời đời. Chúa hằng luôn mong mỏi điều tốt lành đến với chúng con. Chúa là mục tử luôn chăm sóc ân cần đến từng cuộc đời của chúng con. Chúng con xin tạ ơn tình thương bao la mà Chúa đã dành cho chúng con. Chúa luôn ban cho chúng con rất nhiều niềm vui trong cuộc sống. Chúa còn cho chúng con rất nhiều ân huệ nhưng không của Chúa. Xin giúp chúng con biết đón nhận với lòng tri ân cảm tạ, và biết theo gương Chúa, chúng con cũng biết sống yêu thương và phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con luôn biết đem lại niềm vui cho mọi người. Xin ban cho con tình yêu của Chúa, để chúng con sẵn lòng giúp đỡ những ai cậy nhờ chúng con. Xin cho chúng con luôn biết sống vì tha nhân như Chúa đã sống vì yêu thương chúng con. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,5-11

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con tham dự vào đại hội trần thế này. Chúng con thật hạnh phúc vì được chiêm ngưỡng biết bao kỳ công mà Chúa đã làm. Chúa còn cho chúng con vinh dự là hình ảnh của Chúa. Chúa còn cho chúng con nên nghĩa tử trong gia đình của Chúa. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết khám phá ra tình thương của Chúa luôn đong đầy trong cuộc đời chúng con, để nhờ đó chúng con biết hết mình ca hát ngợi khen tình yêu Chúa.

Lạy Chúa, nhìn những bông hồng vừa hé nở đẹp quá! Thế mà chỉ vài ngày sau nó đã tàn úa, vì đó chỉ là vẻ đẹp chóng qua. Hôm nay Chúa nhìn đền thờ Giê-ru-sa-lem nguy nga lộng lẫy, nhưng Chúa lại tiên đoán một ngày kia nó sẽ bị tàn phá. Vâng lạy Chúa, giữa những vẻ đẹp nhân tạo, giữa những vẻ đẹp của trần thế mau qua, Chúa muốn chúng con tìm kiếm vẻ đẹp không bao giờ tàn úa. Đó chính là vẻ đẹp của tâm hồn thanh khiết không bợn nhơ tội lỗi, vẻ đẹp của tâm hồn cao thượng luôn biết sống yêu thương và phục vụ mọi người. Xin giúp chúng con biết tô điểm vẻ đẹp không bao giờ tàn phai nơi chúng con là các việc lành phúc đức, là cách ăn ở đoan trang, thanh khiết. Xin cho chúng con biết mặc vào cuộc đời mình chiếc áo của ân sủng để vượt thắng những cám dỗ trần gian.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin ngự đến tâm hồn chúng con và củng cố đức tin còn yếu kém nơi chúng con. Xin giúp chúng con vượt thắng mọi trở ngại để sống tuân hành theo thánh ý Chúa luôn. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,12-19

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa luôn ở với chúng con. Chúa luôn gìn giữ và nâng đỡ chúng con. Chúa không bao giờ bỏ chúng con mồ côi. Xin cho chúng con biết chạy đến kêu cầu Chúa khi gặp gian nan, thử thách, biết trông cậy vào Chúa khi gặp trở ngại, hiểm nguy. Xin giúp chúng con luôn tin tưởng vào quyền năng của Chúa, để chúng con biết phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, năm xưa trên đường về đất hứa, Chúa đã nuôi dân riêng bằng bánh Manna từ trời. Hôm nay trên hành trình tiến về quê trời, Chúa lại nuôi dưỡng chúng con bằng chính Thánh Thể Chúa. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Thánh Thể Chúa ban cho chúng con sức mạnh để đối phó với gian nan thử thách với tấm lòng son sắt trung kiên. Xin nâng đỡ sự yếu đuối để chúng con vượt thắng những cám dỗ mà giữ lòng thanh sạch khỏi bợn nhơ tội lỗi. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể luôn đồng hành với chúng con trong mọi nơi, mọi lúc để chúng con luôn an tâm sống trong sự quan phòng, che chở của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin giúp chúng con luôn tin vào quyền năng của Chúa, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong bất cử cảnh huống nào của cuộc đời. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,20-28

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Chúa tể càn khôn. Chúa là Chúa của lòng chúng con. Chúng con xin dâng cuộc đời cho Chúa gìn giữ và chở che. Vì giữa cuộc đời hôm nay, có quá nhiều cám dỗ khiến chúng con lạc xa tình Chúa. Xin cho chúng con luôn trung thành tuân giữ Lời Chúa để ngày Chúa đến sẽ là niềm hân hoan cho cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, với tư cách là ngôn sứ cho thời đại, các Đức Giám mục Việt Nam đã nhận định: “Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường, thế nhưng vẫn đầy dẫy sự gian dối, biển lận”. Xin giúp chúng con vượt ra khỏi trào lưu gian dối của thói đời. Xin giúp chúng con dám chấp nhận thiệt thòi để luôn sống trung thực với lương tâm ngay thẳng. Xin đừng để chúng con vì ham danh, hám lợi mà đánh mất lương tri con người. Xin cho chúng con ơn can đảm để làm chứng nhân cho sự thật giữa một thế giới đang bị sự dối trá, lừa đảo bao quanh. Xin cho người công giáo chúng con dám chấp nhận thiệt thòi để giữ công bình bác ái với tha nhân, và làm chứng cho chân lý và sự thật.

Lạy Chúa, xin Mình Máu Thánh Chúa nâng đỡ và củng cố đức tin còn yếu kém của chúng con. Xin nâng đỡ chúng con bằng ơn lành hồn xác của Chúa để nhờ đó chúng con luôn can trường sống theo tin mừng của Chúa. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,29-33

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã hứa ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin cho chúng con luôn nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa, để chúng con luôn hân hoan tiến bước trong sự quan phòng của Chúa. Xin giúp chúng con biết nhận ra ý Chúa để chúng con thực thi trong cuộc sống. Xin Thánh Thể Chúa luôn soi sáng mở lòng để chúng con khám phá ra tình yêu của Chúa luôn đong đầy trong cuộc đời chúng con, để chúng con biết dùng cuộc đời mình mà ca tụng Chúa.

Lạy Chúa, chúng con đang mong chờ ngày Chúa lại đến, xin cho chúng con biết thay đổi cuộc đời để xứng đáng được Chúa đón nhận vào vinh quang Nước Chúa. Xin giúp chúng con nhận ra dấu chỉ của Nước Chúa đang đến giữa chúng con qua các ơn lành của Chúa, qua những dấu chỉ thời đại để chúng con biết chu toàn bổn phận theo thánh ý Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì lười biếng mà lãng quên bổn phận với Chúa. Xin cho chúng con luôn canh tân đổi mới cuộc đời theo giáo huấn của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ước gì chúng con luôn biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự để hôm nay chúng con sống trong ân nghĩa của Chúa, ngõ hầu mai sau chúng con được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa đời đời. Amen.

Thứ bảy sau Chúa nhật 34 thường niên

Lc 21,34-36

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Nơi bí tích Thánh Thể, Chúa hằng chờ mong chúng con đến với Chúa. Chúa muốn chúng con dâng trọn cuộc đời cho Chúa. Chúng con xin phó thác hồn xác cho Chúa. Xin giúp chúng con luôn tỉnh thức trong mọi cảnh huống cuộc đời. Xin cho chúng con luôn biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và biết tuân theo thánh ý Chúa trong từng phút giây cuộc sống.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa hằng mong muốn chúng con tỉnh thức trong thái độ sống của mình. Chúa muốn chúng con đừng vì những thú vui mau qua mà đánh mất sự sống đời đời. Chúa muốn chúng con đừng chè chén say sưa. Chúa mời gọi chúng con hãy lo tìm kiếm giá trị Nước trời hơn là lo lắng tìm kiếm của cải trần gian. Nhưng Chúa ơi, với lối sống thực dụng, chúng con đã mải mê chạy theo những đam mê gian trần. Chúng con tìm kiếm danh vọng trần gian. Chúng con còn nặng trĩu những đam mê trụy lạc. Xin tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con biết canh tân sửa đổi, biết sống trong ân tình của Chúa.

Lạy Chúa, cuộc đời này sẽ qua đi tựa như bông hoa sớm nở chiều tàn. Xin giúp chúng con biết chọn lựa giá trị vĩnh cửu hơn là những vinh hoa phú quý trần gian. Xin đừng để những thú vui mau qua làm chúng con xa lìa Chúa. Xin giúp chúng con biết tỉnh thức để luôn sống trong ân nghĩa cùng Chúa luôn. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Suy niệm Kinh Thánh Chúa Nhật 33 Thường Niên: Con Người đã đến gần.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
15:36 21/11/2009
TORONTO (Zenit. Org).- Bài Suy Niệm Tin Mừng của Cha Thomas Rosica người Basilian, viên chức điều hành chính Tổ Chức các Phương Tiện Công Giáo Muối và Ánh Sáng và Mạng Lưới truyền Hình tại canada, là môt cố vấn viên Hội Đồng Giáo Hoàng Truyền Thông Xã Hội.

Truyện Tin Mừng hôm nay được trích từ chương khó nhất sách Tin Mừng Marco (13:24-32) và thường được giải thích như loan báo ngày tận thế.

Maccô 13 thường được gọi là “Tiểu khải Huyền.” Cũng như Daniel 7-12 và Sách Khải Huyền, tiêu điểm của Chương 13, Maccô là một thế giới bắt bớ. Khi chúng ta đọc tổng quát chương này, chúng ta sẽ có thể thấy là chúng ta đang bàn đến ý nghĩa hơn là bàn đến niên đại..

Chúa Giêsu tiên báo việc phá hủy đền thờ (Mc 13:2) gợi lên những câu hỏi mà bốn môn đệ đã hỏi riêng Ngài, liên quan đến thời gian và dấu hiệu khi tất cả những sự này sắp kết thúc (Mc 13:3-4). Câu trả lời cho những câu hỏi của họ là bài diễn từ cánh chung trước cái chết gần kề của Ngài. Câu trả lời chứa đựng huấn giáo và an ủi khuyến giục các môn đệ và Giáo Hội hãy giữ đức tin và đức vâng lời qua những thử thách đối đầu với các ông (Mc 13: 5-13).

Dấu chỉ là sự hoang tàn ghê rợn (Mc 13:14); xem Daniel 9:27), như việc chính quyền Roma xúc phạm đền thờ. Trốn khỏi Jerusalem thì khẩn cấp hơn là bảo vệ thành phố này theo hy vọng cứu thế sai lầm (Mc 13:14-23). Giêrusalem sẽ bị tàn phá (Mc 13: 24-27) trước khi được giải phóng, điều này sẽ xảy ra trước khi thế hệ Kitô hữu đầu tiên kết thúc (Marco 13:28-31)

Không ai trừ Chúa Cha biết được thời gian chính xác, hay là biết ngày quang lâm (Mc 13:32); do đó cần phải tỉnh thức luôn (Mc 13:33-37). Luca đặt ngày quang lâm muộn hơn, sau “thời dân ngoại” (Luke 21:24). Xin xem những ghi chú trong Matthêu 24:1-25,46.

Con Người

Những lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới hai thực tại: chính Chúa Giêsu sẽ thực hiện những bản văn Kinh Thánh Cựu Ước về ngày tận cùng và các môn đệ không phải lo âu về thời giờ chính xác về việc Chúa Giêsu đến lần thư hai. Khi chúng ta đọc câu 26, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là đấng từ trời sẽ đến trong quyền phép và vinh quang.

Như Con Người của Daniel, Chúa Giêsu của Maccô sẽ trở lại và qui tụ những kẻ được Ngài tuyển chọn “từ bốn phương về, từ cuối quả đất cho đến cuôi chân trời” (Mc 13:27). Khi Chúa Giêsu nói, Ngài đã không mô tả một tương lai rực rỡ cho các môn đệ Ngài. Ngài đề cập chính thời kỳ mà các độc giả đầu tiên của Marcô sống và, thực thế, chính thời gian chúng ta sống. Chúa Giêsu báo trước những chiến tranh, động đất và đói khát và gọi đó là “ những cơn đau đầu tiên khi lâm bồn:” những biến cố được tiên báo là dấu chỉ sự khốc hại của thời đại mới, thời đại này sẽ đến cả khi những thế lực của thời cổ ngăn chận nó.

Chúa Giêsu diễn tả cho dân chúng thời đại Ngài tất cả những sự sẽ gây sợ hãi trong dân chúng ngày nay: chiến tranh, băt bớ, tai nạn, gương xấu và dân chúng sống trong sầu khố. Chúa Giêsu báo trước đau khổ như là nền tảng cho hy vọng. Chúng ta được mời gọi chăm chú nhìn lên Ngài! Tôi rất lấy làm an ủi nơi những lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay (vv.29-31): “Khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết rằng Ngài đã đến gần, ngay ngoài cửa. Thầy bảo thật anh em, thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi sự ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy sẽ chẳng qua đâu.”

Minh chứng cánh chung

Minh chứng cánh chung có nhiều hình thức. Thứ nhất, sẽ có những sự phản bội. Chúa Giêsu bị “phản bội” hay là “ bị nộp” vào tay những kẻ tội lỗi để chịu thử thách. Cũng vậy, các đọc giả của Maccô sẽ “bị phản bội” hay là “sẽ bị nộp” cho các hội đồng, bị đánh đập trong các hội đường, và bị gọi ra trước quan quyền và vua chúa. Họ sẽ “bị phản bội” hay là “ bị xử chết” không những do những kẻ thù của họ, mà cũng bởi cha mẹ và con cái của họ, dòng dống của họ!

“Hai là, những Kitô giả và tiên tri giả sẽ xuất hiện, để lường gạt nhiều người.” Những kẻ phỉnh phờ này sẽ hứa giải phóng và thực hiện những dấu và những sự lạ hầu gạt gẫm dân chúng từ bỏ đức tin của mình nơi Chúa Giêsu.

Ba là, sẽ có những thử thách và cám dỗ cả cho những kẻ đang tương đối hưởng an bình và ổn định. Chúa Giêsu nói về loại thử thách sau cùng này trong dụ ngôn kết thúc của Ngài trong chương 13, vế một người đi phương xa, trao quyền cho các tôi tớ của mình và ra lệnh cho người giữ cửa phải “canh gát” hay “tĩnh thức”. Dụ ngôn gợi ý rằng những đọc giả của Maccô có nguy cơ thiếu “canh gát”, ngủ gật. Họ bị đe dọa bởi “những âu lo về thế gian, quyến rũ về của cải và tham muốn nhiều sự,” mà nơi khác Chúa Giêsu cảnh báo có thể làm cho hột giống chết nghẽn trước khi nó nẫy mầm.

Tin Mừng Maccô dạy chúng ta rằng tất cả những ai theo Chúa Giêsu sẽ bị thử thách. Họ sẽ bị thử thách bởi đau buồn lớn lao hay là bởi những kẻ dụ dỗ đầy thế lực, thực hiện những dấu hiệu và những sự kỳ lạ để lường gạt. Họ sẽ bị thử thách bởi những thói quen bình thường của cuộc sống thường nhật và bởi những ước muốn thể xác. Bất cứ hình thức thử thách nào chúng ta phải đối diện, Maccô bảo chúng ta phải tỉnh thức và cầu ngyện, vì nếu chúng ta chia lòng chia trí, chúng ta sẽ thất bại đối với những cơn thử thách và như vậy không sẵn sàng chào đón chủ nhân và sẽ bị buôc tội trước mặt ông khi ông vế.

Chúng ta sẽ bị thử thách, nhưng chứng ta đừng sợ, vì Chúa Giêsu đã thay đổi mãi mãi bối cảnh của thử thách. Bởi vì do sự chịu đựng của Ngài với thử thách, Chúa Giêsu dâng hiến mình làm lễ hy sinh hoàn hảo cho Thiên Chúa, do đó khiến sự thờ phượng trong đền thờ Jerusalem thành lỗi thời. Kể từ nay, “những hiến lễ” thích đáng của người công chính sẽ là những kinh nguyện thực hiện trong cộng đồng quy tụ các tín hữu, hơn là những hy lễ thực hiện trong đền thờ. Thiên Chúa chấp nhận sự hiến tế của Chúa Giêsu là đủ để đền tội cho nhân loại; những kẻ theo Chúa Giêsu do đó được “cứu chuộc” khỏi án phạt đầy phẫn nộ do Thiên Chúa công minh. Họ có thể tin tưởng rằng họ được định hưởng ơn cứu độ.

Cộng đồng những người cầu nguyện

Maccô nói rõ rằng sau khi đền thờ bị phá hủy, cộng dồng những kẻ cầu nguyện sẽ là “nhà cầu nguyện cho mọi quốc gia,” là đền thờ mới do Chúa Giêsu dựng lên. Cầu nguyện chuyên tâm là dấu hiệu của cộng đồng mới này, là đền thờ được xây dựng bằng những viên đá sống động. Nhưng Maccô và các đọc giả của ông đã hiểu ý niệm về sự cầu nguyện chuyên tâm thế nào”? Làm sao chúng ta tiếp tục cầu nguyện một cách như thế, và đâu là hậu quả của việc cầu nguyện như thế trong đời sống hằng ngày? Chúa Giêsu hứa sự cầu nguyện trung thành sẽ được đáp lại, nhưng lời hứa này có điều kiện: Những kẻ cầu nguyện không được nghi ngờ trong lòng.

Trong sự tối tăm và nỗi thống khổ ở Giếtsêmani, Chúa Giêsu tha thiết cầu xin Thiên Chúa cứu Ngài khỏi cơn đau đớn cực độ trước mắt, và Ngài hết lòng tin tưởng rằng Thiên Chúa có thể làm như vậy. Nhưng đông thời, Chúa Giêsu quy phục ý muốn của Thiên Chúa Cha. Sức chịu đựng của Chúa Giêsu, sự chuyên tâm của Ngài, sự quyết tâm gạt qua bên quan điểm riêng về chính mình để theo quan điểm của Thiên Chúa đối với Ngài: đó là chiến thắng trong vườn dưới chân núi Olives. Đối với Maccô, sự cầu nguyện của Ngài trong vườn Giêtsemani là kiểu mẫu cho “các môn đệ bị thử thách “ phải cầu nguuyện.

Bị thử thách

Những xúc tác lớn đánh động chúng ta trong thế giới ngày nay là gì? Chúng ta bị thử thách hằng ngày thế nào? Có phải những kinh nghiệm bị loại bỏ, đau khổ, chết chóc hay mất mát, thiếu thốn và trống trơn đưa chúng ta tới chỗ từ chối Lời hằng sống mà chúng ta đã vui mừng nhận lãnh trước kia? Có phải những quan tâm của chúng ta về tiền bạc, thành công trong nghề nghiệp hay học đường, về sức khoẻ, tử bỏ ma túy, về an ninh việc làm, về địa vị và danh giá, về gia đình hay tình liên đới làm tắt nghẽn lời Chúa đã được gieo trong tâm hồn chúng ta? Có phải chúng ta bị ràng buộc bởi những đam mê như giận dữ, buồn phiền hay tham vọng, không cho chúng ta theo Chúa Giêsu? Có niềm vui nào còn lại trong đời sống của chúng ta chăng?

Tin Mừng trong sách Tin Mừng của Maccô là chúng ta không phải tái diễn sự trung thành của Chúa Giêsu khi bị thử thách bằng sức mạnh của ý chí chúng ta. Chúng ta không phải đối đầu với những thử thách ma quỉ mà không nhờ quyền phép của Thiên Chúa. Chúa Giêsu thành Nadareth đã mãi mãi thay đổi tình huống của chúng ta. Maccô diễn tả Tin Mừng như là sự trợ lực cho kẻ tin khi cầu nguyện. Cộng đồng Kitô hữu được trợ lực để dấn thân trong việc chuyên tâm cầu nguyện, không thể bị trật bánh do sợ hải, buồn phiền, bắt bớ, hay do những quyền phép phỉnh phờ đang hoạt động trong thế gian. Chúa Giêsu đã chuộc tội cho nhân loại và làm suy yếu chính những thế lực tìm cách tách rời con người với Thiên Chúa. Do đó tất cả mọi sự đều có thể thực hiện khi chúng ta đến với Thiên Chúa trong lời nguyện.

Hình ảnh lớn hơn

Chúng ta đừng bao giờ để mất hình ảnh tổng quát của lịch sử cứu độ khi chúng ta trực diện với những thất bại, những mất mát và những thảm cảnh đời sống thường nhật. Với tư cách Kitô hữu, chúng ta được mời gọi mổi ngày đáp lại những biện chứng hy vọng và u sầu thường bám chặt thời đại chúng ta. Lo âu tập thể có thể dễ dàng trở thành cuồng loạn tập thể trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào.

Đó là lý do tại sao điều rất quan trọng là được thiết lập vững vàng trong Lời Chúa, sống từ Lời đó và sống trong Lời đó. Chính lúc đó chúng ta nhận thức được những lời của tiên tri Daniel (12:1-3) trong đời sống thường nhật của chúng ta. “Nhưng các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, và những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao.”
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:57 21/11/2009

LẮNG NGHE

CỦA LOÀI ẾCH



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch và viết suy tư


--------------------------


Tập 1:

CẦU NGUYỆN



N2T


MÚA BA-LÊ CẦU NGUYỆN

Thầy giáo và các đệ tử cùng ngồi trên ghế để coi, thầy giáo nói: “Các con đã nghe qua rất nhiều lời cầu nguyện, tự mình cùng đã cầu nguyện rất nhiều. Đêm nay thầy hy vọng các con hiểu biết một loại cầu nguyện khác.”

Chính lúc ấy màn sân khấu đã mở, màn vũ ba-lê bắt đầu.

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Người Ki-tô hữu thường có thói quen cầu nguyện trong nhà thờ, và ít người có thói quen cầu nguyện mọi nơi mọi lúc.

Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, và đặc biệt ở trong tâm hồn của chúng ta, bởi vì tâm hồn của chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, do đó, ngoài nhà thờ ra, thì bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể cầu nguyện với Chúa.

Có một vài linh mục đã nặng nề lên án các việc các linh mục khác đi coi kịch, coi múa ba-lê hay coi những tiết mục khác, bởi vì các ngài coi đó là chuyện của người đời, chứ không phải là của linh mục...

Coi phim, coi văn nghệ, coi múa ba-lê hay coi bất cứ chương trình nào cũng đều có ích, nếu chúng ta gạt bỏ những quan niệm xấu ra khỏi trí óc mình, mà thánh hóa, cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta có những diễn viên, những nghệ nhân tài giỏi biểu diễn để chúng ta thưởng thức giải trí sau những giờ làm việc mệt nhọc...

Nghệ thuật là của Chúa vì Ngài là Đấng sáng tạo vĩ đại, cho nên cần có những tâm hồn biết yêu mến và thưởng thức tình yêu của Chúa trong tất cả các loại nghệ thuật, đó chính là cầu nguyện vậy.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:58 21/11/2009
N2T


18. Đức nhẫn nại là căn bản vững mạnh đức tin của chúng ta, là cái nôi sinh trưởng đức cậy của chúng ta.

(Thánh Cyprianus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:00 21/11/2009
N2T


296. Bất cứ việc gì đều có chung kết, do đó, nhẫn nại chính là giành được một loại bản lĩnh của thành công.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Giới Trẻ Á Châu khai mạc với hy vọng một tương lai truyền giáo rạng rỡ hơn
Nguyễn Hoàng Thương
06:32 21/11/2009
Ngày Giới Trẻ Á Châu khai mạc với hy vọng một tương lai truyền giáo rạng rỡ hơn

Manila (Agenzia Fides) – Giới trẻ là “những tác nhân của thay đổi và biến đổi đích thực trước những biến đổi tương ứng của các cộng đoàn giáo hội, gia đình và bè bạn”, niềm hy vọng cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội và cho tương lai của Á Châu. Với Ngày Giới Trẻ Á Châu (AYD), hy vọng rằng đức tin của họ sẽ được củng cố, họ sẽ lớn mạnh bằng sự nhiệt tình của mình, và họ sẽ trở nên giữ vai trò chủ đạo trong việc truyền giáo. Đây là những gì mà Đức Cha Baylon Joel, Chủ tịch Ủy Ban Giới Trẻ Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân mô tả về các mục tiêu của Ngày Giới Trẻ Á Châu, bắt đầu vào ngày 20 tháng Mười Một, trên bình diện giáo phận và vào ngày 23 tháng Mười Một trên bình diện quốc tế, với lễ khai mạc tại Giáo phận Imus, phía nam Manila.

Đức Giám mục Baylon là người đứng đầu ban tổ chức cho sự kiện được gọi là Ngày Giới Trẻ Á Châu và với sự tham dự của hơn 900 người trẻ Phi Luật Tân và 600 người trẻ từ 22 quốc gia Á Châu. Chủ đề chính của sự kiện là: “Giới trẻ Á Châu, Đến với nhau, Chia sẻ Lời Chúa, Sống Bí Tích Thánh Thể”. Đó là lời kêu gọi cũng nhắm đến giới trẻ các nước mà Giáo Hội sống trong hoàn cảnh khó khăn hơn, như ở Trung Quốc, Lào, Myanmar, và Việt Nam.

Dưới đây là bài phỏng vấn Đức Cha Baylon Joel, Trưởng ban tổ chức sự kiện, của hãng Thông Tấn Công Giáo Agenzia Fides:

Mục tiêu của Ngày Giới Trẻ Á Châu là gì?

Trước hết, hy vọng rằng qua sự kiện này các đại biểu giới trẻ sẽ có thể CANH TÂN đức tin của họ và làm sâu sắc hơn tình yêu và lòng nhiệt tâm của họ đối với Lời Chúa và Thánh Thể. Thứ hai, hy vọng rằng các đại biểu sẽ tìm thấy Thiên Chúa trong thực tế, trong các vấn đề và thách đố mà họ phải đối mặt hôm nay. Thứ ba, chúng ta hy vọng và cầu nguyện rằng điều này sẽ dẫn đến biến đổi thực sự đời sống của họ, của và họ sẽ trở thành nhựng tác nhân của sự thay đổi và biến đổi đích thực trước những biến đổi tương ứng của các cộng đoàn giáo hội, gia đình và bè bạn.

Dự kiến bao nhiêu người sẽ tham dự?

Khoảng 600 đại biểu Á Châu và gần 900 đại biểu chính thức của Phi Luật Tân dự kiến sẽ tham dự, cộng với khoảng 1.300 tình nguyện viên và điều tiết viên - do đó có tổng cộng khoảng 2.800 người sẽ hiện diện trong Ngày Giới Trẻ Á Châu. Hiện có 22 quốc gia Á châu cử đại diện: Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Macao, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Pakistan, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan, Đông Timor, Việt Nam, và Phi Luật Tân.

Những điểm nổi bật từ chương trình của sự kiện là gì?

Cử hành chính của Ngày Giới Trẻ Á Châu sẽ bắt đầu vào 23/11 với một Thánh lễ khai mạc và các nghi thức chào đón tại Nhà thờ Chánh tòa của Giáo phận Imus, với sự hiện diện của các giám mục khác nhau. Ngày cuối cùng của Ngày Giới Trẻ Á Châu, 27/11, sẽ kết thúc bằng một Thánh Lễ được chủ tế bởi Đức Giám Mục Rolando Tirona của Infanta (Phi Luật Tân), Chủ tịch Văn phòng Giáo Dân và Gia đình của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC). Các diễn giả chính trong các phiên họp toàn thể của AYD là: Đức Giám Mục Cornelius Sim của Brunei (24/11) - “Giới trẻ Á Châu, Đến với nhau, Tôn Vinh Lời Chúa”; Đức Tổng Giám Mục Dominic Jala của Shillong, Ấn Độ (25/11) - “Giới trẻ Á Châu, Yêu Thương và Sống Bí Tích Thánh Thể”; Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hồng Kông (26/11) - “Trong Đường Hướng của Lời Chúa và Thánh Thể, Giới Trẻ Á Châu, Hãy là những Người Hùng trong Truyền Giáo”.

Những thách đố chủ yếu cho giới trẻ Á Châu là gì?

Cố gắng để củng cố đức tin của họ và trở nên chứng nhân đức tin trước một thế giới đang ngày càng trở nên quá thiêng về vật chất, tự xem mình là trung tâm và thờ ơ với những gì thuộc về tinh thần, cố giữ vũng cộng đoàn đức tin thuộc về họ (gia đình, giáo xứ hay trường học), nơi họ sẽ tìm thấy sự ủng hộ và là nguồn ơn gọi trong người trẻ, cố gắng tạo ra một mạng lưới thiết thực hơn nối kết các giáo hội ở Á Châu, nơi sẽ là một địa điểm để chia sẻ kinh nghiệm, các câu chuyện thành công và làm việc với nhau trên bình diện mục vụ.

Những người trẻ có thể trở thành những tác nhân của sự thay đổi trong giáo hội, xã hội hay không?

Các giáo hội ở Á Châu ngày nay đang đối mặt với một thách đố rất lớn. Trong khi ngày càng tăng số lượng những người trẻ tiêu tốn thời gian, tài năng của mình, thậm chí một số tài sản của mình cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội tại Á Châu, thì đồng thời Giáo Hội cũng đang bị đẩy sang bên lề của đời sống con người. Và có nhiều yếu tố đa dạng ảnh hưởng đến điều này - chính trị, kinh tế, tôn giáo, thậm chí là văn hóa.

Những thực tại này cũng mời gọi chúng ta cởi mở để đối thoại với các thành viên của các tín ngưỡng khác, nhất là giới trẻ trong họ. Đối thoại liên tôn giúp chúng ta mở cửa để khám phá những nền tảng chung theo hướng chia sẻ kinh nghiệm đức tin, kiến tạo hòa bình, bảo vệ môi trường và những ưu tư khác của thời đại. AYD nhận thức rất nhiều về vai trò này của Giáo Hội, vì thế qua sự kiện lớn này (AYD), chúng ta chân thành hy vọng làm rõ điều này cho giới trẻ. Vì chúng ta đang nhận thức thực tế rằng có nhiều điều phải làm hơn chứ không chỉ đơn thuần là quy tụ lại với nhau 4-5 ngày. Chúng ta hy vọng rằng sau sự kiện này, các giáo hội, các giáo xứ và các nhóm trẻ khác nhau có các đại biểu của mình tham dự sự kiện sẽ làm việc chặt chẽ hơn với giới trẻ để biến những gì xảy ra tại AYD trở nên cụ thể hơn, thực tế hơn và theo những cách thức đan kết nhau hơn trong việc đào luyện, đồng hành và hướng dẫn giới trẻ theo hướng trở thành những tác nhân thật sự của sự thay đổi nhân danh Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

Ghi chú: Theo Ban Mục Vụ Giới Trẻ Sài Gòn, đoàn Việt Nam tham gia Ngày Giới Trẻ Á Châu lần này có 43 thành viên đã rời sân bay Tân Sơn Nhất vào 1g10 sáng ngày 20/11, đến thủ đô Manila vào lúc 4g30 và được các tình nguyện viên đón tiếp ân cần.
 
Trên khăn liệm Turin có in chứng tử của Chúa Giêsu
Phụng Nghi
08:10 21/11/2009
Rome (Reuters) - Một học giả của Tòa thánh Vatican cho biết đã giải mã được “chứng tử” in trên Khăn liệm Turin, còn gọi là Khăn liệm Thánh. Đó là một tấm vải được người theo Kitô giáo tôn kính và nhiều người cho rằng trên đó có hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh.

Tiến sĩ Barbara Frale, một nhà nghiên cứu tại viện lưu trữ tài liệu mật của Tòa thánh, cho biết: “Tôi thiết tưởng là tôi đã tìm thấy cách đọc được giấy chứng chôn cất của Giêsu người Nazareth, hay là Giêsu thuộc xứ Nazareth.” Theo lời bà, bà đã tái tạo được nó từ những đoạn chữ viết bằng tiếng Hy lạp, Do thái và Latinh in trên khăn liệm có hình ảnh một người bị đóng đinh.

Tấm khăn liệm (dài 4m4 rộng 1m2 – hay 14.5ft x 3.9ft) hiện lưu giữ tại một nhà nguyện trong Nhà thờ chính tòa Turin và sẽ được đem trưng bầy vào mùa xuân năm tới, đã bị một số nhà học giả coi là chuyện giả mạo của thời Trung cổ. Năm 1988 một thử nghiệm dùng carbon để xác lập niên đại trên một mảnh lấy từ khăn liệm cho biết thời đại của khăn là vào Thời Trung cổ, nhưng thử nghiệm gần đây hơn cho biết khăn xuất phát từ Jerusalem và có trước thế kỷ thứ 8. Theo một bài báo của Robert Moynihan đăng trên Zenith.org hồi đầu tháng 11 thì những thử nghiệm nói trên có thể không chính xác vì miếng vải dùng trong thử nghiệm bị ô nhiễm.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Frale, người sẽ công bố những điều bà phát hiện được trong một cuốn sách mới nhan đề La Sindone di Gesu Nazareno (Khăn liệm Giêsu người xứ Nazareth) thì những chữ ghi chép đó cung cấp “thời gian lịch sử phù hợp với truyện kể trong các sách Tin Mừng”. Những chữ viết, mắt thường khó thấy, lần đầu tiên được phát hiện trong một cuộc khảo sát khăn liệm vào năm 1978, và từ đó những chữ khác được đưa ra ánh sáng.

Một số học giả đã gợi ý rằng hàng chữ viết này là từ một di vật được đính vào tấm vải vào thời gian Trung cổ. Nhưng Tiến sĩ Frale nói rằng bản văn này không thể do một người theo Kitô giáo thời Trung cổ viết ra, bởi vì đã không đề cập đến Chúa Giêsu là đấng Kitô, mà là “người Nazareth.” Chuyện xác định Giêsu “chỉ là một con người” chứ không phải là Con Thiên Chúa ở thời đại Trung cổ bị coi là lạc giáo.

Giống như hình ảnh con người, những chữ viết này đều đảo ngược và chỉ đọc ra ý nghĩa trong âm bản của những tấm hình chụp. Tiến sĩ Frale phát biểu với báo La Repubblica rằng theo tục lệ mai táng của người Do thái vào thời đại Chúa Kitô trong một thuộc địa của người Roma như Palestine chẳng hạn, thì xác người chôn trong một huyệt mộ chung sau khi bị tử hình chỉ được trả về cho gia đình sau một năm.

Do đó, một giấy chứng tử được dán vào vải liệm để xác định hầu sau này dễ nhận xác, và thường đính vào vải liệm ở phía chung quanh mặt. Điều đó rõ rệt đã được thực hiện trong trường hợp Chúa Giêsu tuy Người không được chôn cất trong huyệt mộ chung nhưng trong ngôi mộ được ông Joseph người xứ Arimathea hiến tặng.

Tiến sĩ Frale cho biết có nhiều chữ đã bị mất, chẳng hạn Chúa Giêsu được nói đến là "(I)esou(s) Nnazarennos" và trong từ “Tiberiou” chỉ còn thấy được là “iber”. Tuy nhiên, theo công trình phục hồi của bà, thì giấy chứng tử có thể đọc như sau: “Năm thứ 16 triều đại Hoàng đế Tiberius, Giêsu người Nazareth, được tháo xuống vào buổi chiều sau khi bị một thẩm phán Roma kết án tử vì một thẩm quyền Do thái thấy là có tội, nay được cho đem đi chôn cất với thể lệ chỉ được trao về gia đình sau một năm tròn”. Cuối cùng là những từ ngữ “ký bởi” nhưng chữ ký đã không còn.

Tiến sĩ Frale nói rằng việc sử dụng ba ngôn ngữ là điều phù uợp với tính cách đa ngôn ngữ của cộng đồng Do thái nói tiếng Hy lạp trong một thuộc địa của Roma. Bà được biết đến nhiều nhất trong công trình nghiên cứu về Knights Templar là cơ sở bà coi là đã có một giai đoạn bảo tồn khăn liệm này. Bà nói: “Những gì tôi giải mã được, đó là án tử hình của một người tên là Giêsu người Nazareth. Nếu người đó cũng là Đấng Kitô con Thiên Chúa thì đó là ngoài công việc xác định của tôi. Tôi không tiến hành việc chứng minh chân lý của đức tin. Tôi là người Công giáo nhưng tất cả mọi giáo sư của tôi đều là người vô thần hoặc theo thuyết bất khả tri, chỉ có một vị là người Do thái. Tôi buộc mình làm công tác này cũng như tôi đã thực hiện trên bất cứ phát hiện nào khác về khảo cổ học.”

Giáo hội Công giáo không hề công nhận Khăn liệm Turin là chính xác hay bác bỏ. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cho trưng bầy khăn trước công chúng vào những năm 1998 và 2000. Ngài nói: “Khăn liệm là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa cũng đồng thời của tội lỗi con người. Hình ảnh để lại trên khăn là thân xác bị hành hạ của Đấng bị Đóng đinh, chứng tỏ khả năng ghê gớm của con người có thể gây đau thương và chết chóc cho một người đồng loại, cũng còn như một biểu tượng về nỗi khổ đau của người vô tội trong mỗi thời đại.”

Đức giáo hoàng Benedict XVI sẽ đến cầu nguyện trước Khăn liệm được trưng bầy lần nữa vào mùa xuân năm tới tại Turin.
 
Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ thất vọng về dự luật Y Tế tại Thượng viện
Trần Mạnh Trác
12:04 21/11/2009
WASHINGTON- Hội Đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ kêu gọi Thượng viện thay đổi dự luật cải cách y tế để duy trì luật hiện hành cuả liên bang về tài trợ phá thai và về quyền bảo vệ lương tâm, bảo vệ quyền truy cập y tế cho người nhập cư và thêm những quy định để người dân có đủ khả năng chi trả.

Các giám mục gọi dự luật tại Thượng viện là một "thất vọng rất lớn" tạo ra những chính sách liên bang mới không thể chấp nhận được về việc tài trợ và bảo hiểm phá thai, cũng như về quyền lương tâm. Đức Giám mục William Murphy (chủ tịch ủy ban Tư Pháp), Đức Hồng Y Daniel DiNardo (chủ tịch ủy ban phát triển con người) và Đức Giám mục John Wester (chủ tịch ủy ban phò sự sống và di dân) đã lên tiếng về cải cách y tế trong một bức thư gởi đến Thượng viện ngày 20 tháng 11.

Bức thư, được kèm theo với một danh mục về những điều khoản tích cực của Tu Chính Án Stupak của Hạ Viên (http://www.usccb.org/mr/mediatalk/StupakAmendmentFactsheet.pdf), kêu gọi các Thượng nghị sĩ cải thiện dự thảo của Thượng viện trên các lĩnh vực then chốt của khả năng chi trả, di trú, tài trợ và bảo hiểm phá thai và quyền lương tâm.

Theo các giám mục, dự luật "không phản ảnh lời cam kết của Tổng thống Obama là cấm việc sử dụng tiền liên bang cho phá thai và duy trì pháp luật hiện hành về lương tâm ". Các ngài viện dẫn một “phí tổn phụ trội phá thai” (abortion surcharge) mà người mua bảo hiểm phải trả tiền cho việc phá thai của người khác, và nhiều quy định cho phép bộ trưởng Nhân Sự (HHS) bắt buộc bảo hiểm phá thai không giới hạn trên toàn quốc, và dự luật thậm chí không cho phép các tổ chức tôn giáo cung cấp bảo hiểm thích hợp với việc giảng dạy luân lý cho chính nhân viên của họ.

"Các giám mục Công giáo đã chủ trương trong nhiều thập niên việc chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo và sống ngoài lề xã hội, dự luật cuả Thượng viện có sự tiến bộ lớn trong việc bảo hiểm nhiều người trong quốc gia. Tuy nhiên, dự luật Thượng viện vẫn để lại hơn 24 triệu người ở đất nước chúng ta không có bảo hiểm y tế. Điều này là không thể chấp nhận được. "

Các giám mục khuyến khích mở rộng tiêu chuẩn hưởng Medicaid cho những người sống tại mức 133 phần trăm hoặc thấp hơn (theo tiêu chuẩn liên bang). Các ngài cũng kêu gọi chấm dứt luật cấm những người nhập cư truy cập vào các chương trình phúc lợi y tế của liên bang trong vòng 5 năm và kêu gọi rằng, những người nhập cư bất hợp pháp không nên bị cấm mua bảo hiểm với tiền riêng của họ.

"Sự cung cấp y tế với giá phải chăng và dễ dàng, phản ánh những nguyên tắc cơ bản trên thì phục vụ lợi ích chung, phù hợp với đạo đức và là ưu tiên khẩn cấp cuả quốc gia".

Văn bản của bức thư có thể được truy cập trực tuyến tại http://www.usccb.org/sdwp/national/2009-11-20-ltr-usccb-health-care-to-senate.pdf.
 
Tổng kết Hội Nghị Mùa Thu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Ngọc Loan
12:26 21/11/2009
BALTIMORE: Hội nghị mùa Thu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã được tổ chức từ ngày 16-18/11 tại Baltimore. Buổi hội nghị được khai mạc với bài nói chuyện của Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ là Đức Hồng Y Francis E. George và Tổng Giám Mục Pietro Sambi, khâm sứ Tòa Thánh tại Hoa Kỳ.

Các Giám Mục Hoa Kỳ đã duyệt lại lần cuối bản dịch tiếng Anh Sách Lễ Roma và thông qua những văn kiện về hôn nhân, kỷ thuật sinh hoá và trợ giúp y tế dinh dưỡng.

Các Giám Mục Hoa Kỳ đã hoàn thành nửa buổi sáng ngày 18/11 cho các công việc chung và dành thời gian còn lại trong ngày họp theo ban ngành riêng biệt.

Khoảng 300 Giám Mục Hoa Kỳ đã tụ về Baltimore, cũng đã nghe lại bản tường trình sơ khởi về bản văn “Nghiên cứu những nguyên nhân và nội dung” về nạn lạm dụng tính dục do Đại Học John Jay về Hình Sự và sự đả kích mạnh mẽ của Quỹ Phát Triển Nhân Bản trước những lời tố cáo cho rằng ngân quỹ đã trợ giúp những nhóm đi ngược lại Giáo Huấn Giáo Hội.

Các Giám Mục đã thông qua ngân quỹ 144.5 triệu Mỹ Kim cho tài khóa 2010 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và đồng ý nâng 3% tài trợ từ Giáo Phận cho công việc của Hội Đồng, cũng như tán thành đến những công việc ưu tiên và kế hoạch của Hội Đồng Giám Mục trong chương trình 2 năm tới.

Các Giám Mục đã đưa ra những thông tư riêng và Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Francis E. George tại Chicago đã khẩn khoản hãy tiếp tục để việc phá thai bị loại trừ khỏi luật cải tổ y thế và nhân dịp này cám ơn các nghị sĩ hạ viện đã ủng hộ đến những nỗ lực này.

Đa số các Giám Mục đã bầu vào ngày thứ Ba 17/11 đồng ý bản dịch tiếng Anh cho 5 phần còn lại trong sách Lễ Quy Roma, các bản dịch cho phần của các Thánh, những lời cầu nguyện riêng cho các Thánh trong lịch phụng vụ, những lời cầu nguyện chung khi cử hành lễ các Thánh được lên danh sách trong “Tử Đạo Thư Roma”. Các phần bổ túc trong thánh lễ, đặc biệt các phần lễ nghi riêng cho lịch Phụng Vụ Hoa Kỳ.

Mỗi phần dịch sẽ được chuyển tới Tòa Thánh Vatican để chuẩn y trước khi toàn bộ cuốn Lễ Quy Roma được hoàn tất được phép xử dụng có thể là vào năm 2011.

- Thông qua lá thư mục vụ với tiêu đề: “Hôn Nhân: Tình Yêu và Đời Sống trong Kế Hoạch của Thiên Chúa” vào ngày 17/11, mặc dầu một số các Giám Mục đã lên tiếng phẩm bình về lối diễn đạt và nội dung.

Qua 2 vòng bổ túc đã có gần 100 sự thay đổi trước khi đạt đến phiếu thuận 180/45 với 3 phiếu trắng. Theo quy luật 2/3 số phiếu mới đạt yêu cầu tức là phải được 175 phiếu thuận. Trước khi bỏ phiếu thông qua, một số Giám Mục yêu cầu rằng bản văn này phải sửa đổi và bổ sung thêm để thích nghi với thông điệp của Giáo Hoàng Biển Đức “Caritas in Veritate”, thế nhưng số phiếu bầu tán thành đề nghị này chỉ đạt được 56/169.

Lá thư mục vụ về hôn nhân cống hiến sự nâng đỡ cho các đôi vợ chồng và xác định hôn nhân trung thực chỉ xảy ra giữa một người nam và một người nữ. Đó là phần được thêm vào so với văn bản đầu tiên về hôn nhân đã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bắt đầu vào năm 2004.

Văn kiện 15 trang “Đời sống cho đi tình yêu trong một thời đại kỷ thuật” nói rằng mặc dầu Giáo Hội Công Giáo chia sẻ nỗi đau thương cho các cặp hôn nhân hiếm muộn con cái, một số kỷ thuật sinh hóa “không là phương cách hợp pháp về luân lý để giải quyết những vấn đề đó”. Bản văn này đã được tán thành với số phiếu 220/4 với 3 phiếu trống.

Đức Hồng Y Justin Rigali tại bang Philadelphia, chủ tịch Ủy Ban về những Hoạt Động Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói rằng văn kiện mới này sẽ “thêm vào cho nhu cầu mục vụ thiết thực” giữa tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ được hiểu biết hơn về “sự khác biệt giữa tầm hiểu biết Công Giáo với tầm hiểu biết đời về đời sống nhân bản”.

Các Giám Mục cũng đa số nhất trí về bản văn duyệt lại những chỉ thị hướng dẫn các cơ quan y tế Công Giáo, làm sáng tỏ rằng các bịnh nhân trong những tình trạng hôn mê kinh niên là những người không phải sắp chết, phải được tiếp nhận dinh dưỡng và nước qua những phương tiện “trợ giúp y tế” nếu họ không thể tiếp nhận dinh dưỡng một cách bình thường.

Theo bản văn “Cẩm nang đạo đức và tôn giáo cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ Công Giáo “ đã được Ủy Ban Tín Lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đưa ra và nói rằng “Như một luật chung, phải có một sự bắt buộc phải cung cấp thực phẩm và nước cho bệnh nhân, bao gồm trợ giúp y tế về dinh dưỡng cho những người không thể nhận dinh dưỡng thông thường bằng miệng”.

“Sự bắt buột này áp dụng cho những bịnh nhân trong tình trạng kinh niên (thí dụ trong tình trạng sống như cây cỏ” là những bịnh nhân có lý sẽ được sống mãi nếu được cung cấp những sự chăm sóc như thế”.

Các Giám Mục đã dành một giờ vào ngày thú Ba 17/11 để nghe và bàn thảo đển bản tường trình sơ khởi của nghiên cứu John Jay về những nguyên nhân và nội dung liên quan nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Những nhà nghiên cứu Kare Terry và Margaret Smith đã trình bày trước các giám mục rằng những tìm thấy ban đầu xác định “một sự giảm xút tột độ” nạn lạm dụng tính dục sau năm 1985. Những nghiên cứu cũng tìm thấy rằng các giáo phận đáp ứng đến những sự việc lạm dụng tính dục đã thay đổi một cách lớn lao trong thời gian 50 năm qua, qua việc cho những người lạm dụng nghỉ việc và giảm thiểu bài sai mới đối với những người lạm dụng.

Họ cũng thu hồi dữ kiện và cho đến nay không thấy dấu hiệu cho thấy người đồng tình có mòi sẽ là người lạm dụng tính dục.

Được các giám mục ủy nhiệm, bản nghiên cứu đầy đủ sẽ được đưa ra vào tháng 12 năm 2010.

Các Giám Mục đã kết thúc ngày họp trong ngày thứ Ba 17/11 với một bản tường trình từ Giám Mục Roger P. Morin tại Biloxi, Miss., chủ tịch phó ban Ngân Quỹ Phát Triển Nhân Bản, đã lên tiếng chỉ trích những lời tấn công từ các nhóm liên hiệp Công Giáo đòi tẩy chay việc quyên góp hàng năm cho ngân quỹ này tại các Giáo Phận vào cuối tuần này 21-22/11. Họ lên tiến rằng một số các tổ chức đã nhận trợ cấp từ ngân quỹ này, đã không đi đúng với Giáo Huấn Công Giáo.

Đức Giám Mục Morin đã nói những lời tố cáo trên là “sỉ nhục” và yêu cầu “những nỗ lực đang tiến hành của chúng ta sẽ đảm bảo rằng tất cả Ngân Quỹ Phát Triển Nhân Bản đã được sử dụng một cách trung thành, có hiệu quả và hợp với giáo huấn xã hội và luân lý Công Giáo”.

Đức Cha Morin cho biết công việc thiết yếu của Ngân Quỹ Phát Triển Nhân Bản là “ giúp người nghèo vượt qua cảnh nghèo đói. Nếu ngân quỹ trợ giúp đi ngược lại với điều kiện và hành động trái ngược với giáo huấn Công Giáo, thì ngân quỹ trợ giúp sẽ bị cắt ngay lập tức.”

Vào ngày Thứ Ba 17/11, các Giám Mục đã chấp thuận ngân sách 144.5 triệu Mỹ Kim cho tài khóa 2010, gia tăng chưa tới 02% so với tài khóa 2009, và gia tăng 3% tài trợ của Giáo Phận dành cho công việc của Hội Đồng Giám Mục vào năm 2011. Các Giám Mục cũng chấp thuận chương trình yêu tiên dưới tiêu đề: “Đào sâu đức tin, nuôi dưỡng hy vọng, vui mừng trong cuộc sống” và một chuỗi những chương trình hoạt động cho các văn phòng và ban ngành của Hội Đồng Giám Mục cho 2 năm tới.

Ngày thứ Hai 16/11, ngày đầu của hội nghị, các Giám Mục đã nghe tường trình về chính sách cải tổ y tế của chính phủ, và Đức Hồng Y Chủ Tịch cũng đã bày tỏ sự cam kết của các giám mục để loại trừ phá thai trong việc ban hành chính sách cải tổ tại quốc hội.

Những nỗ lực của các vị lãnh đạo trong Hội Đồng và nhân viên đã thành công để vận động những nhà làm luật không để việc phá thai trong chính sách cải tổ y tế tại Hoa Kỳ, và đó là một mẫu gương làm việc cho tương lai.

Đức Giám Mục William F. Murphy tại Trung Tâm Rockville, N.Y, là chủ tịch Ủy Ban Phát Triển Công Lý và Nhân Bản Quốc Nội đã bày tỏ rằng “Đó là một thí dụ tốt, là một hội đồng chúng ta có thể làm việc chung như thế nào để có tầm ảnh hưởng tích cực trên việc hành pháp”.

Tổng Giám Mục Timothy M. Dolan tại New York đã đưa ra một bản tường trình về những Dịch Vụ Cứu Tế Công Giáo, bao gồm việc trình chiếu một đoạn video khoảng 4 phút. Ngài ca ngợi Dịch Vự Cứu Tế Công Giáo, là cơ quan trợ giúp và phát triển tại hải ngoại, vì đó là những “công việc cứu sống mạng người”.

Tóm tắt lại những kết quả và những đề mục chính đã được thông qua trong Hội Nghị mùa Thu của Hội Đồng Giám Mục lần này.

- Nghe Giám Mục Roger P. Morin tại Biloxi, Miss., bác bỏ lời tố cáo cho rằng Quỹ Phát Triển Nhân Bản đã trợ giúp những nhóm đi ngược lại giáo huấn giáo hội, và nói những lời tố cáo này có tính cách “sỉ nhục”.

- Đại đa số tán thành với số phiếu thuận 219/4, duyệt lại những chỉ thị hướng dẫn trong việc thu hồi trợ giúp y tế truyền thực phẩm và nước cho bệnh nhân tại các cơ quan y tế Công Giáo.

- Nghe Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khẩn khoản tiếp tục những nỗ lực để loại phá thai ra khỏi luật cải tổ y tế.

- Tán đồng sau khi bổ sung đến lá thư mục vụ về hôn nhân với số phiếu thuận 180/45.

- Đồng ý bản dịch tiếng Anh và những thích nghi đối với Hoa Kỳ cho 5 phần cuốn của bản văn Nghi Lễ Roma, bản dịch này sẽ được chuyển tới Vatican để duyệt xét.

- Nghe bản tường trình sơ khởi đến nguyên nhân và nội dung đến nạn lạm dụng tính dục trẻ em.

- Tán đồng với số phiếu thuận 220/4 tới văn kiện chỉ trích kỹ thuật sinh hóa không tôn trọng đến sự ràng buộc hôn nhân và nhân phẩm của trẻ em.

- Nghe bản tường trình công việc của Dịch Vụ Cứu Tế Công Giáo và sự kêu cầu nâng đỡ nhiều hơn về tài chánh.

- Đồng ý ngân quỹ 144.5 triệu Mỹ Kim cho tài khoá 2010 và gia tăng quỹ tài trợ cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ từ giáo phận cho tài khóa 2011.

- Chuẩn y hoạt động của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong vòng 2 năm tới qua một chương trình ưu tiên và kế hoạch được đề ra trong 330 trang.

- Cập nhật thống kê về ơn gọi Dòng, theo đó cho thấy những tu sinh mới lớn tuổi hơn, được giáo dục nhiều hơn và thích nghi với truyền thống của cộng đoàn dòng tu hơn

- Nghe Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Francis Ẹ George tại Chicago, đưa ra những thách đố trên thế giới vì thiếu linh mục.

-Bầu 5 vị tân chủ tịch ủy ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và chọn thành viên vào Ban Chấp Hành Dịch Vụ Cứu Tế Công Giáo (CRS) và Mạng Lưới Công Giáo về luật pháp cho người di dân (CLINIC)

-Xem qua một số clip Video được đề ra nhắm vào việc bảo vệ và cổ vỡ hôn nhân

- Dành ngày cuối cùng thứ Năm để suy tư và cầu nguyện

-Nghe Đức Tổng Giám Mục Wilton D. Gregory về Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu được tổ chức trong tháng vừa qua tại Vatican.
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI gặp gỡ các nghệ sĩ tại Nguyện Đường Sistine
Bùi Hữu Thư
14:14 21/11/2009
VATICAN ngày 21 tháng 11, 2009 (CNS) — Sáng hôm nay Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp trên 250 nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới tại Nguyện Đường Sistine.

Nguyện Đường Sistine tại Vatican


Ngồi trước bức họa Ngày Chung Thẩm của Michelangelo, ngài đã suy tư về sự huy hoàng của Thiên Chúa và về sự nối kết giữa vẻ đẹp và niềm hy vọng.

Đức Thánh Cha Benedict nói với các nghệ sĩ:

Các bạn là những người quản thủ cái đẹp: nhờ tài năng các bạn có cơ hội để nói với trái tim nhân loại, để đánh động các cá nhân và tập thể, để gợi lên các giấc mơ và các niềm hy vọng, để mở rộng chân trời kiến thức và sinh hoạt của con người. Vậy, xin hãy biết ơn về những quà tặng các bạn đã nhận được và hoàn toàn ý thức được trách nhiệm của các bạn là truyền thông vẻ đẹp, và truyền thông bằng và qua cái đẹp!

Nhờ nghệ thuật, các bạn phải là những sứ giả và những nhân chứng về niềm hy vọng cho nhân loại! Xin đừng e ngại đến với suối nguồn đầu tiên và cuối cùng của chân thiện mỹ, để bước vào việc đối thoại với những ai biết tin, với những ai, giống như các bạn, tự coi rằng mình là những khách lữ hành trên trần thế này và trong lịch sử để tiến tới Tuyệt Mỹ vô biên! Đức tin không làm giảm mất tài năng và nghệ thuật của các bạn: ngược lại, đức tin tán dương và nuôi dưỡng chúng, khuyến khích chúng vượt qua ngưỡng cửa và chiêm ngắm một cách mê say và rung cảm mục tiêu tối hậu và tiên quyết, đó là mặt trời không bao giờ lặn, một mặt trời đang chiếu sáng giây phút hiện tại và làm cho trở nên huy hoàng.
 
Thánh Lễ kỷ niệm 50 năm cung hiến Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Mẹ Vô Nhiễm tại Washington
Ngọc Loan
17:07 21/11/2009
Cảm động thay, bài giảng có nhắc đến chiến tranh Việt Nam và ám chỉ đến người tị nạn Việt Nam trong bước đường đầu tiên tới Hoa Kỳ, rớt nước mắt....

WASHINGTON -- Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Mẹ Vô Nhiễm, một Thánh Đường lớn nhất tại Hoa Kỳ và là một trong 10 Thánh Đường lớn nhất trên Thế Gìới, đang mừng kỷ niệm 50 năm ngày cung hiến đền thờ.

Thánh Lễ kỷ niệm vào hôm thứ Năm 19/11 ngay sau khi Hội Đồng Giám Mục tham dự Hội Nghị Mùa Thu tại Baltimore, Đức Tổng Giám Mục Donald W. Wuerl tại Washington chủ tế cùng với 50 vị Giám Mục đồng tế, trong số đó có Đức Hồng Y Theodore E. McCarrick, nguyên là Tổng Giám Mục tại Washington, cũng là người đã có mặt trong ngày lễ cung hiến vào năm 1959 và cũng là vị tuyên uý đầu tiên cho Đoàn Hiệp Sĩ Columbus đặt trụ sở tại Đền Thờ này.

Đức Tổng Giám Mục Pietro Sambi, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã đọc bản dịch tiếng Anh của Chân Phước Giáo Hoàng XXIII nhân ngày cung hiến đền thờ vào năm 1959, cũng đã nói đến đền thờ được hoàn tất “sau rất nhiều những thăng trầm”. Thật vậy ý kiến xây dựng đền thờ đã được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1846, nhưng mãi đến năm 1910 mới được công bố. Thế nhưng vào năm 1920 mới được đặt viên đá đầu tiên. Công việc xây dựng bị gián đoạn vì Thế Chiến thứ 2 và thời kỳ Đại Khủng Hoảng Kinh Tế và đã được hoàn tất vào năm 1959.

Khi còn là Linh Mục, Đức Giám Mục Michael J. Bransfield tại Wheeling –Charleston, W. Va. bắt đầu phục vụ tại Vương Cung Thánh Đường vào năm 1980 với chức vụ là phó Giám Đốc và Trưởng Nghi Lễ. Từ năm 1982 đến năm 1986 Cha là Giám Đốc Ban Tài Chánh. Rồi được thăng chức lên Đức Ông làm Cha Giám Quản Đền Thờ từ năm 1986 cho đến tháng 12/2004, khi Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ngài lên làm Giám Mục. Đức Ông Bransfield đã cai quản đền thờ này trong 18 năm, hôm nay trở lại đây, với cương vị Giám Mục, Ngài đã ban bài giảng trong Thánh Lễ này.

Trong bài giảng Đức Cha nói: “Mặc dầu vẫn còn công trình xây dựng vòm mái chính ở trên đầu chúng ta chiều nay và không biết bao những dự án khác để nơi này sẽ là tòa nhà mãi tốt đệp hơn, những hòn đá này có thể nói lên được ngôi thánh đường này và mỗi thánh đường trong thế giới Kitô giáo là một công việc đang tiến hành”.

“Là người tín hữu như chúng ta cố gắng sẽ là và chúng ta sẽ là nhưng chúng ta chưa được hoàn hão, đó là tại sao chúng ta đến nơi tòa nhà này để thờ phường” và được cảm kích bởi Tin Mừng.

“Chúng ta cần nghe và suy nghĩa những câu chuyện kêu gọi cổ xưa và đáp ứng lại trong Kinh Thánh từ thời Abraham và Sarah cho đến thời Thánh Giuse và Mẹ Maria, Simeon và Anna và những vị còn lại”.

“Chúng ta biết rõ rằng chúng ta không hoàn thiện và những câu chuyện phúc âm như thế (câu chuyện truyền tin được tuyên bố trong Thánh Lễ) và những mầu nhiệm chúng ta cử hành không phải là những dư thừa ngoại lệ, nhưng đó là máu và cuộc sống nâng đỡ chúng ta khi chúng ta kiếm tìm để trở về càng lúc càng trọn vẹn hơn với Thiên Chúa, mà chúng ta thờ phương và Phúc Âm của Ngài mà chúng ta được nghe qua những mẫu chuyện Kinh Thánh, bởi vì những câu chuyện này là những lời loan báo cho chúng ta thực sự có nghĩa là gì trong cuộc sống”.

Đức Cha Bransfield thêm rằng “nếu chúng ta hoàn hảo, chúng ta không cần đến phúc âm, không cần đến Bí Tích hay tòa nhà này”.

Đức Giám Mục Bransfield đã dùng ẩn dụ “nếu những hòn đá này biết nói” để nhấn mạnh đến nhiều giai đoạn lịch sử kể từ khi xây dựng ngôi Thánh Đường và được hoàn tất vào năm 1959.

Đức Cha nói “đối với một số người Vương Cung Thánh Đường này là một nơi ngưỡng mộ và nâng đỡ khi họ chọn ra được một con đường mới để sống đời đức tin Công Giáo của họ” trong những năm theo sau Công Đồng Vaticanô II.

“Nếu những hòn đá này biết nói chúng có thể nói về ngôi nhà hy vọng giữa những cuộc nổi loạn tại Washington DC đã xảy ra vào cuối thập niên 1960 bởi vì sự kỳ thị chủng tộc và những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam”.

“Nếu những hòn đá này biết nói, nó sẽ nói đến một một căn nhà đón chào và căn nhà của người tị nạn từ đầu thập niên 1970 khi người Công Giáo và những người khác tụ họp về đây tham dự dự Thánh Lễ Quyền cho Sự Sống vào ngày 21 tháng Giêng hàng năm, ngày lễ Thánh Agnê. Thánh lễ đó có thể nói đã chứa cả vạn người từ đây cho tới cuối thềm đền thờ tham dự Thánh Lễ, để củng cố sức mạnh họ cho buổi diễn hành ngày hôm sau như là một chứng nhân quan trọng cho quyền được sống”.

Đức Giám Mục Bransfield thêm rằng “những hòn đá này sẽ nói đến một căn nhà bác ái và phục vụ cho người nghèo vào ngày Giáng Sinh khi nhiều cơ quan khác tại Washington DC đã đóng cửa, thế nhưng những cánh cửa tại Vương Cung Thánh Đường vẫn mở rộng để đón chào và cho những người nghèo ăn uống”

Đoàn Hiệp Sĩ Colmbus đã có một sự liên hệ lâu dài tới Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Mẹ Vô Nhiễm, phải kể đến tiền dâng cúng 1 triệu Mỹ Kim của Đoàn Hiệp Sĩ vào năm 1959 để xây dựng tháp chuông và dâng tặng 1 triệu Mỹ Kim để xây dựng vòm đền thờ nằm ở phía Nam và đã được hoàn tất vào năm ngoái 2008.

Tại đây cũng có Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang do Giáo Dân Việt Nam hải ngoại đóng góp xây cất và đã được thánh hiến vào ngày 21/10/2006.
 
Top Stories
Pope and Anglican leader agree on closer relations
Victor L. Simpson /AP
11:43 21/11/2009
VATICAN CITY – After offering a home in his church to disaffected Anglicans, Pope Benedict XVI assured the archbishop of Canterbury on Saturday that he is still committed to seeking closer relations between Catholics and Anglicans.

ĐGH Bênêđictô và TGM Williams (Photo: AP)
Archbishop Rowan Williams said he came away convinced there was no "dawn raid" on his church by Rome, telling Vatican Radio he wishes "every blessing" for those who want to become Catholics.

Williams and Benedict met privately for 20 minutes in what the Vatican called "cordial discussions," as part of what has clearly been a difficult visit by the Anglican leader.

The Vatican said in a brief statement that the two leaders "turned to the challenges facing all Christian communities" and the need "to promote forms of collaboration and shared witness in facing these challenges."

Referring to the recent overture for traditional Anglicans upset over the ordination of women and gay bishops to become Catholics, the Vatican said the talks reiterated "the shared will to continue and to consolidate the ecumenical relationship between Catholics and Anglicans."

Williams' visit to Rome had been long planned but the Vatican overture to conservative Anglicans, for which he admittedly received little advance notice, cast a shadow over the trip and raised questions about the future of relations between Rome and the 77-million strong worldwide Anglican Communion, which includes the U.S. Episcopal c.Church.

In the interview after the papal audience with Vatican Radio, Williams acknowledged the handling of the Vatican move put Anglicans "in an awkward position for a time. Not the contents so much, as some of the messages that were given out. So I needed to share with the pope some of those concerns and I think they were expressed and heard in a very friendly spirit."

Williams said he came away assured that it "did not represent any change in the Vatican's attitude to the Anglican communion as such; and a very strong statement came out."

In a personal gesture, the Vatican said the pope presented the archbishop with a gold bishop's cross as a gift.

Since coming to Rome on Thursday, Williams has sought to downplay the implications of the Vatican's unprecedented invitation.

The Vatican says it was merely responding to the many Anglican requests to join the Catholic Church and has denied it was poaching converts in the Anglican pond.

But the move already has strained Catholic-Anglican relations and is sure to affect the worldwide Anglican Communion, which was already on the verge of schism over homosexuality and women's ordination before the Vatican intervened.

In a speech at the Pontifical Gregorian University in Rome, Williams was gracious in referring to the Vatican's new policy, which he called the "elephant in the room." The policy was an "imaginative pastoral response" to requests by some Anglicans but broke no new doctrinal ground, Williams said.

He spent the bulk of his speech describing the progress that had been achieved so far in decades of Vatican-Anglican ecumenical talks and questioning whether the outstanding issues were really all that great.

Anglicans split from Rome in 1534 when English King Henry VIII was refused a marriage annulment. For decades, the two churches have held theological discussions on trying to reunite, part of the Vatican's broader, long-term ecumenical effort to unify all Christians.

But differences remain and the ecumenical talks were going nowhere as divisions mounted between liberals and traditionalists within the Anglican Communion itself.

The new policy allows Anglicans to convert to Catholicism but retain many of their Anglican liturgical traditions, including married priests. The Vatican will create the equivalent of new dioceses, so-called personal ordinariates, for these former Anglicans to be headed by a former Anglican priest or bishop.

Estimates on the number of possible converts has ranged from a few hundred to thousands.

Williams — the spiritual leader of the worldwide Anglican Communion — wasn't informed of the change until right before it was announced.

It remains to be seen how the new policy will affect Pope Benedict XVI's planned trip to Britain next year. Saturday's Vatican statement did not mention it.

(Source: http://news.yahoo.com/s/ap/20091121)
 
The first Catholic Hymnal published in decades
J.B. An Dang
23:43 21/11/2009
After almost half a century, the first official collection of Catholic Hymns approved by Vietnamese bishops has been published in time for the celebration of the Holy Jubilee.

During a weeklong Sacred Music Conference hold in Saigon last week, Bishop Paul Nguyen Van Hoa, the president of Sacred Music Committee of The Episcopal Conference of Vietnam, proudly presented the first official Catholic Hymnal (Volume 1)- since the communist takeover of the South Vietnam in 1975 -before an audience which gave a thunderous applause to the group effort of a dozen Catholic clergy, musicians and choir directors who have been working tirelessly to compile a book of 500 songs, composed during the beginning of the Church's music history up to the time South Vietnam had been under control of Communists in 1975. These unique songs had been selected from a pool of more than 4000 most beloved hymns.

Catholics have failed to gain permission to publish Hymnals due to a long tradition of government’s strict censorship of music, harsh religious policies and bureaucratic obstacles.

The lack of official Hymnbooks has led many local Catholic communities to composing hymns for themselves. “It's sort of bittersweet news for us" said the prelate, explaining that some hymns being used by parish choirs are not of sound theology.

“The language of some newly composed hymns is also of concern,” elaborated Peter Minh Tran, a Catholic in Saigon Archdiocese who participated in the conference. “Some authors tend to stress so much on the ‘modernisation’ using contemporary language including slang. For me, the language of hymns must be the language of worship, transparent and comprehensible by lay people,” he added.

According to Monsignor Paul Nguyen, the Sacred Music Committee has repeatedly called authors of newly composed hymns to submit their works for imprimatur. However, as the committee could not gain government’s permission to publish Hymnals, its call has seemed to be ignored.

Due to lack of funds for printing, also hampered by government's approval for publishing such religious items, parish choirs usually use hand-written hymnals in which lyrics have been changed so radically from their original verses.

Fr. Nguyen Duy, a member of the Sacred Music Committee, expressed his concern that “many old hymns have been changed far from their authors’ intention,” emphasizing that the author’s original intentions deserve respect. Fr. Nguyen, himself, is a well-known hymn composer.

He revealed that the newly published hymnals consisted of only old well-known and loved hymns. Some of them have been used for more than a century. According to Fr. Nguyen, his committee has spent four years to collect well-known hymns in their original form.

Marie Pham, a university student, argued that in some cases some verses of old hymns should be revised for better comprehensibility due to language evolvement and to suit with the context. “Hymns are taken up by the community and so become more than the expression of an individual,” she said.

“In the protest at Thai Ha, we altered a well-known hymn and our congregation has been used the new verse extensively. Every time we sing the hymn, we feel so emotional,” she continued.

The verse that Marie Pham mentioned, in its original form, was: “Our Mother, have mercy on our nation. Destructive war clouds loom all over the country” It has been changed into “Our Mother, have mercy on our nation. Injustice rampage all over the country”

Many Catholics and non-Catholics alike share her points. Tran Khai Thanh Thuy, a dissident novelist, who is being detained by the government, expressed in one of her articles that even she was not a Catholic; she was deeply moved if not electrified when she first heard the revised verse and saw Catholics singing the song passionately in front of thousands of police armed with a pack of dogs who were ready to attack them at any moment. “They are heroes who dare to publicly sing aloud a truth that few Vietnamese people dare to say even in private sphere,” she wrote.

"With the grace of God, we may be able to present to the public Volume 2 by the end of the Holy Jubilee in January of 2011" Fr. Nguyen Duy said with a big smile.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu cử hành thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Giáo Xứ CTTĐVN Toronto, Canada.
Phạm Trung
05:49 21/11/2009
Trong cuộc họp tổng hội đồng mục vụ của giáo xứ trong tháng 10 vừa qua. Cha chánh xứ Giuse Trần Tập thông báo với thành viên trong hội đồng mục vụ rằng: Hằng năm vào dịp lễ mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam và cũng là lễ mừng bổn mạng giáo xứ. Vì vậy hằng năm giáo xứ đặc biệt mời Đức Giám Mục người Canada đến để dâng thánh lễ và cùng mừng lễ bổn mạng giáo xứ. Nhưng năm nay các ĐGM đều bận rộn nên không ai đến được. Tất cả mọi người đều im lặng với bầu khí hơi buồn buồn sau khi nghe lời thông báo từ cha sở Giuse Trần Tập.

Bẵng đi một tháng sau tất cả mọi người từ cha sở cho đến giáo dân đều bỡ ngỡ và hân hoan khi nghe tin cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu được Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá của Tổng Giáo Phận Toronto. Sau khi nghe được tin mừng cho TGP nói chung và giáo dân Việt Nam nói riêng. Cha Giuse Trần Tập thông báo cho giáo dân: Quả thật Chúa và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã thương giáo xứ chúng ta. Lễ bổn mạng giáo xứ của chúng ta năm nay sẽ được Đức cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu chủ tế. Vì trước khi đi du học tại Roma. Ngài đã là cha sở của giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Chúa Nhật ngày 15 tháng 11 năm 2009. Đức cha Vincent đã đến giáo xứ CTTĐVN long trọng cử hành thánh lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cùng đồng tế với Đức cha gồm có: Cha sở Giuse Trần Tập, cha Giuse Phạm Ngọc Tuấn, cha Dominic Bùi Quyền, thầy sáu Antôn Trần Vĩnh. Ngoài ra còn có sự tham dự của các Soeurs người Việt Nam thuộc TGP Toronto. Đặc biệt có Sr. Têrêsa Ngô Hoài Bích là sơ người VN đầu tiên làm Bề Trên Cộng Đoàn Dòng Missionary Sisters of St. Peter Claver. Trước khi nghi thức thánh lễ bắt đầu. Cha Giuse Trần Tập giới thiệu quý cha đồng tế. Khi ngài giới thiệu Đức Tân Giám Mục phụ tá Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu. Tất cả mọi người từ các cha, các thầy, các soeurs cho đến toàn thể giáo dân đều vỗ tay reo mừng hầu như không muốn dứt. Đức cha Vincent chỉ biết đứng, mỉm cười và nhìn xuống giáo dân một cách trìu mến.

Đức cha đã chân tình chia xẻ với giáo dân như sau: Một anh chị em trong giáo dân đã hỏi tôi. Ai đã liên lạc và báo tin cho cha biết là Đức Thánh Cha Benedictô XVI bổ nhiệm cha làm giám mục phụ tá cho TGP Toronto? Tôi trả lời: Sứ thần tòa thánh ở Canada đã gọi điện thoại cho tôi và hỏi rằng: Đức Thánh Cha bổ nhiệm cha làm GM phụ tá, cha có chấp thuận không? Tôi vừa run vừa trả lời như sau: “ Con khiêm cung được Đức Thánh Cha kêu gọi làm giám mục phụ tá để phục vụ dân Chúa trong tổng giáo phận Toronto. Với ơn Chúa giúp con xin vâng. Xin hãy cầu nguyện cho con trong sứ vụ mới này và con sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp Đức Tổng Giám Mục Collins.”

Đức cha Vincent chia sẻ tiếp: Thêm một người hỏi tôi nữa. Sau khi trả lời sứ thần tòa thánh xong cha cảm thấy như thế nào? Sau khi nghe tôi trả lời chấp thuận. Sứ thần tòa thánh có dặn tôi là không được nói với ai đến khi có thông báo chính thức của văn phòng tòa thánh. Sau đó tôi ngồi xuống ghế sofa thật lâu mà tâm hồn cứ “lâng lâng” vừa vui vừa sợ đến nỗi ghế sofa tôi đang ngồi bị lún xuống gần tới mặt đất...

Sau khi được tin tôi được bổ nhiệm làm GM phụ tá. Giáo dân cũng như những người làm việc chung với tôi đến thăm, điện thoại và điện thư chúc mừng. Ngài vừa cười vừa nói, tôi cảm thấy là “ có lẽ anh chị em hớn hở và vui mừng hơn tôi...”

Đức cha tạ ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ cùng các Thánh Tử Đạo Việt Nam và thánh lễ bắt đầu với bài ca “Tiếng nhạc oai hùng vang trên khắp tr?i Vi?t Nam...”

Sau thánh lễ là tiệc mừng lễ bổn mạng giáo xứ và mừng đức cha mới. Các em thiếu nhi đã diễn hoạt cảnh thánh Tôma Thiện tử vì đạo rất là cảm động và anh chị em trong ca đoàn hát giúp vui rất hào hứng.

 
Tin vui cho các em học sinh Công giáo ở Huế: Không tổ chức thi học kỳ I vào ngày lễ Noel
Dân Trí
16:06 21/11/2009
DÂN TRÍ - Năm nay là năm đầu tiên tỉnh Thừa Thiên Huế không tổ chức thi học kỳ I vào dịp lễ Noel 24-25/12.

Theo thông tin từ UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, để tạo điều kiện cho các em học sinh theo đạo Công giáo và Tin lành trên địa bàn tỉnh tham gia sinh hoạt tôn giáo nhân dịp lễ Thiên Chúa giáng sinh năm nay, ngày 19/11, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Ngô Hòa đã ký văn bản yêu cầu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo hiệu trưởng các trường phổ thông, giám đốc các trung tâm trực thuộc Sở và trưởng phòng Giáo dục đào tạo TP Huế và các huyện không bố trí lịch thi học kỳ I, năm học 2009-2010 vào các ngày 24 và 25/12/2009.

Đây là năm đầu tiên Huế áp dụng việc này trên toàn địa bàn tỉnh. Ngày Thiên Chúa giáng sinh (25/12 hàng năm) là một trong những ngày lễ lớn của Giáo hội Công giáo và Tin lành tại Thừa Thiên Huế.

(Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-362723/khong-to-chuc-thi-hoc-ky-i-vao-ngay-le-noel.htm)
 
Các Bà Mẹ Công giáo mừng bổn mạng, Khu Đạo 8 mừng Đại Lễ Chúa Kitô Vua tại Giáo xứ Tân Phước Saigòn
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
18:29 21/11/2009
SAIGÒN - Ngày lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thánh (21/11) là Bổn Mạng của Các Bà Mẹ Công Giáo hạt Phú Thọ hàng năm vẫn tổ chức tại Nhà thờ của Cha Hạt Trưởng Phú Thọ tức là Nhà thờ Hòa Hưng. Để đổi bầu khí, năm nay tổ chức tại Nhà thờ Tân Phước (245 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 9, quận Tân Bình, Giáo Phận Sài Gòn), Rồi đến ban chiều cũng tại nhà thờ Tân Phước giáo dân mừng Đại Lễ Chúa KiTô Vua, Bổn Mạng Khu Đạo 8, tại Gx Tân Phước.

Hình ảnh các Lễ Mừng

Chương trình của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo hạt Phú Thọ như sau:

- 9g30: Đọc kinh – Cử hành ngày thứ bảy Tuần cửu nhật chuẩn bị Năm Thánh
- 9g45: Rước Kiệu Đức Mẹ với khoảng 1.000 bà mẹ và 6 cha của hạt Phú Thọ

- 10g00: Khai mạc Thánh Lễ: Cha Hạt Trưởng Phú Thọ chào mừng các Cha: Cha Giuse Vũ Minh Danh (Tân Phước), Cha Giuse Nguuyễn Văn Niệm (Phú Bình), Cha Alphongsô Hoàng Ngọc Bao (Bắc Hà), Cha Tôma Trần Văn Hội (Tân Trang) và Cha Giuse Huỳnh Thanh Phương (Hoà Hưng – phụ tá), chúc mừng Bổn Mạng của tất cả các bà mẹ thuộc 14 chi hội của hạt Phú Thọ, đặc biệt có thêm Chi hội Giáo Xứ Vinh Sơn với đồng phục áo xanh và khăn xanh rực rỡ mới hội nhập với Hạt. Như thế tất cả các Giáo Xứ của Hạt Phú Thọ đều có Chi hội Các Bà Mẹ Công Giáo, đạt 100%.

Bài giảng của cha Hạt Trưởng: Đức Mẹ dâng mình là hình ảnh của các bà mẹ: Chúa sinh ra chị em phụ nữ là để cho đi hơn là lãnh nhận, mà cho thì có phúc hơn là nhận. Đức Mẹ đã làm gương cho chị em qua mầu nhiệm Truyền Tin: nói hai tiếng Xin Vâng để rồi Xin Dâng, dâng cả cuộc đời “tận hiến” cho việc đồng công cứu chuộc với Con của Mẹ. Nhưng trước đó Đức Mẹ đã thực hiện ngay thuở ấu thơ: 3 tuổi đã sớm dâng mình cho Chúa.

Các người tin theo Chúa cũng đã dâng mình: hoặc công sức hoặc tiền của. Chị em ở Bêtania cung cấp nơi ăn chốn ở, Mátthêu mở tiệc đãi Chúa và bạn bè, ông Simon tật phong, ông Giuse dâng huyệt đá mới, người phụ nữ xức dầu thơm cho Chúa, người giầu và bà goá bỏ tiền trong Đền Thờ…. Nhưng của cho không bằng cách cho, khoe khoang hay trong sáng.

Tâm đắc với đoạn Tin Mừng Luca 8, 3: các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ. Các bà không những góp công sức mà còn dâng tiền của. Đó là hình ảnh của các bà mẹ Công Giáo. Các bà mẹ ghi nhớ lời này, vì hợp với ngày phụ nữ. Một sự trùng lập đầy ý nghĩa: ngày phụ nữ là ngày 8/3, mà việc lành của phụ nữ nằm trong Tin Mừng 8, 3 ! Nhớ Luca 8, 3 để thực hành.

Xin vâng và xin dâng gợi nhớ đến tấm gương của một ngưởi mẹ gia đình Tân Phước: sau lễ ra mắt tân ban Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Tân Phước tại bàn tiệc liên hoan. Chị đó đến bên Đức Cha Khảm nói rằng Đức Cha kêu gọi đóng góp cho việc xây dựng Trung tâm Mục Vụ ở giai đoạn cuối, con không mang sẵn tiền, nhưng sẵn lòng, để nói Xin vâng Đức Cha và con sẽ xin dâng… 200 triệu !

Dâng của không bằng dâng mình. Các bà mẹ dâng chính bản thân để phục vụ, và khuyến khích con cái dâng mình, tức là tham gia các đoàn thể, làm tông đồ giáo dân, và nhất là nâng đỡ con cái đi tu làm Linh mục và Tu sĩ. Đặc biệt quý bà thuộc địa phương miền Nam quan tâm kêu gọi con cái đi tu, vì tỷ lệ các Linh mục người Nam quá khiêm tốn. Phải chăng câu nói của Đức Mẹ “Tôi không biết đến người nam” làm chạnh lòng quý vị miền Nam? Nhưng cũng là cách Đức Mẹ nhắc nhở khích lệ quý vị miền Nam quan tâm cổ võ ơn gọi.

Sau Rước Lễ, đại diện của Hội Bà Mẹ Công Giáo lên cám ơn: các Cha đã giúp Hội Bà Mẹ Công Giáo trong thời gian vừa qua. Chị em trong các chi hội đã vâng theo lời các Cha dạy bảo luôn kề vai sát cánh với nhau, cùng giúp nhau thực hiện các công tác. Riêng Cha xứ Tân Phước đã giúp Hội Các Bà Mẹ năm nay được tổ chức long trọng tại xứ của Ngài. Cuối cùng, các chị em có những bó hoa tươi thắm kính dâng lên các Cha để tỏ lòng biết ơn.

Sau Thánh Lễ có diễn ra bữa cơm trong bầu khí thân thiện vui tươi đồng thời cũng giúp hâm nóng tinh thần đoàn kết của các chị em.
 
Đại Hội Sinh viên Công giáo TGP Hà Nội – “Hiệp nhất trong Tình Yêu”
Thu Trang
19:30 21/11/2009
HÀ NỘI - Đối với mỗi sinh viên Công giáo Tổng Giáo Phận Hà Nội (TGP HN) chúng tôi, Đại hội truyền thống (ĐHTT) dành riêng cho mình bao giờ cũng có điều gì đó đặc biệt để háo hức chờ đón. Năm nay cũng vậy, các công tác chuẩn bị đã được “khởi động” từ 2, 3 tháng trước khi Đại hội truyền thống diễn ra, dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của anh Giuse Nguyễn Tiến Đạt - Trưởng Hội SVCG TGP Hà Nội: Nào là chọn chủ đề, địa điểm tổ chức, phân công công việc theo các Ban, lên danh sách khách mời, liên hệ chỗ ở cho sinh viên,…tất cả đều được chuẩn bị rất công phu và kỹ càng. Có lẽ, nhờ đó mà ĐHTT lần thứ XII được tổ chức tại Giáo xứ Thạch Bích - Hà Nội được đánh giá là “thành công ngoài sự mong đợi”.

Nghi thức thượng cờ Đại hội
Buổi sáng ngày Đại hội khai mạc, trời bắt đầu trở lạnh, cái lạnh đầu mùa nhưng cũng chẳng kém phần khe khắt. Ấy thế mà mới khoảng 10h khi tôi đến khuôn viên nhà thờ Thạch Bích, mọi công tác chuẩn bị gần như đã hoàn tất, các nhóm chỉ còn lo hoàn thiện những khâu trang trí cuối cùng nơi phần trại của mình. Không khí chuẩn bị diễn ra nhộn nhịp, khẩn trương, trong tiếng nhạc và tiếng cười nói vui vẻ của các bạn sinh viên, nhanh chóng xua đi cái lạnh từ những cơn gió mùa, kéo các thành viên dù là mới quen biết tới gần nhau hơn.

Đại hội truyền thống năm nay quy tụ hơn 2.000 sinh viên đến từ 20 nhóm SVCG trong Tổng Giáo Phận Hà Nội: Nhóm Lạng Sơn, Hưng Hóa, Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh, Phát Diệm, Thanh Hóa, Vinh, Hải Hà, Hà Thành, Nam Định, Hà Nam, Nông nghiệp, Công nghiệp, Thạch Bích, Di Trạch, Xuân Hòa, Cổ Nhuế, Xuân Mai, Thái Nguyên…

Các ban Lễ tân, Ẩm thực, Y tế, Phụng Vụ, Trang trí, Truyền Thông… cũng đã bắt đầu vào cuộc. Do có sự phân công “chuyên môn” ngay từ đầu nên các Ban làm việc rất hiệu quả, góp phần quan trọng vào thành công chung của Đại hội.

Thánh lễ Đại Hội
Ban Lễ tân dưới sự chỉ huy của “Ông bầu” điển trai, nhiệt tình Phêrô Nguyễn Văn Thịnh, xứng đáng được bầu là ban “Hoa khôi” vì thành viên đều là các cô gái xinh xắn nhất của các nhóm. Khoác trên mình bộ áo dài truyền thống, trông các bạn càng thêm duyên dáng, xinh đẹp.

Ban Trang trí giữ vị trí quán quân về mức độ “khéo tay” và danh hiệu “Bàn tay vàng” thực hiện đúng lời của trưởng hội: “ít tiền nhưng phải đẹp”. Và hơn nữa, bất cứ ai còn băn khoăn với danh hiệu này sẽ thay đổi ý kiến ngay lập tức khi chiêm ngưỡng sân khấu hoành tráng dưới ánh đèn nến lung linh sau khi hoàn tất. Đây là tâm điểm của Đại hội, nơi diễn ra các cuộc thi SV 09, đêm liên hoan văn nghệ và đỉnh cao là Thánh Lễ Khai mạc và Bế mạc. Do đó, không thể không nhắc tới anh kiến trúc sư tương lai Giuse Vũ Quang Thiệp cùng đôi bàn tay “biến hóa” tài năng.

Nếu ai đó hỏi tôi Ban nào có đóng góp to lớn nhất cho ĐHTT ? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời, đó là Ban Ẩm thực! Các cụ vẫn có câu “có thực mới vực được Đạo” đấy thôi. Thành viên của Ban là các bà, các mẹ thuộc nhóm “những người xa quê Thái Hà”, các bác giáo dân xứ Thạch Bích và một số thành viên của các nhóm SVCG. Bữa tiệc Buffee ngon tuyệt mà các bạn sinh viên được thưởng thức sau Thánh Lễ bế mạc là một ấn tượng khó quên về “nghệ thuật nấu nướng” của các bà, các mẹ.

Giờ giao lưu - sinh hoạt
Một ban khác cũng không kém phần quan trọng là Ban Y tế do bạn Maria Đỗ Thị Thủy. Ban này có lẽ là ban ít thành viên nhất nhưng không phải vì thế mà sự chăm sóc của các chị “y tá” xinh đẹp thiếu đi sự chu đáo, ân cần đâu nhé. Đây này, cứ thử hỏi mấy bạn sinh viên “không may mắn” bị ốm thì biết!

Không cần phải nói gì thêm, chắc hẳn mọi người cũng có thể nhận ra mức độ “V.I.P” của ban Truyền Thông đúng không nào? V.I.P ở đây không phải là về thái độ…“khinh đời” của các bạn ý đâu (các bạn ý thân thiện cực luôn nữa là khác) mà V.I.P ở đây là mức độ quan trọng của những tin tức cập nhật của Ban trên trang Web của Sinh viên Công giáo chúng ta cơ. Nhờ đó mà các thành viên, những người ở xa hoặc đang ở nước ngoài vẫn có thể theo dõi những hoạt động của chúng ta, mặc dù không tham dự.

Ban Phụng Vụ do anh Gioan Phan Văn Lưỡng - Trưởng ban, cũng V.I.P không kém các Ban khác chút nào đâu nhé. Thiếu ban này chắc chắn Thánh Lễ khai mạc và bế mạc không thể diễn ra sốt sắng và trang nghiêm đến thế đâu. Vì trước đó, anh đã lên kế hoạch từ rất sớm, phân công tới từng nhóm và xếp lịch tập nghi thức rất kỹ càng.

Là người tổng điều phối chương trình, anh Giuse Nguyễn Tiến Đạt lúc nào cũng bận rộn với đủ mọi thứ công to việc nhỏ: từ việc lên chương trình chi tiết của Đại Hội cho tới bố trí, sắp xếp nhiệm vụ cho các Ban, các Nhóm, sao cho "trên dưới thống nhất" và làm việc một cách hiệu quả nhất. Thật đúng là "trăm dâu đổ đầu tằm"! Không chỉ vậy, với số lượng sinh viên tham dự Đại hội năm nay dự tính lên tới hàng nghìn bạn, trong khi ngân sách của Hội thì hạn hẹp, khoản chi thì nhiều….chính vì thế, ngay từ những bước đầu chuẩn bị, anh đã phải trăn trở rất nhiều; phải "chạy vạy, xoay xở" lo kinh phí cho việc tổ chức Đại hội được diễn ra tốt đẹp và ý nghĩa. Vất vả như thế mà công việc vẫn còn nhiều dang dở.

Đêm văn nghệ chào mừng Đại hội
Trước khi Đại hội diễn ra, anh phải đến Thạch Bích "nằm vùng" cả nửa tháng, để động viên anh em, "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với mọi người; thậm chí, nhiều đêm anh cùng các anh em còn phải thức trắng đêm làm việc mới kịp tiến độ, vì ban ngày các bạn sinh viên phải đi học. Nhiều lúc, có lẽ do căng thẳng vì áp lực từ nhiều phía nên anh "nổi quạu" làm các "đàn em" sợ xanh mặt đấy…Nhưng số điện thoại 0976 265 717 và địa chỉ email Nguyentiendatbc@yahoo.com thì chắc chắn ai cũng thuộc lòng rồi và cũng chẳng bao giờ có ý định xóa khỏi trí nhớ hình ảnh anh "Tổng Đạt" (các anh chị em thường gọi vui anh như vậy) luôn tận tụy, vui tính và hết lòng vì công việc như anh đâu.

Đằng sau bất kỳ thành công nào cũng có một góc khuất, đôi khi bạn nhìn thấy, đôi khi không! Đó là những hi sinh âm thầm, lặng lẽ mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ được kể nếu bạn vô tình bước qua.

Là những đêm không ngủ chuẩn bị trại, sân khấu, “đêm nay anh phải thức in và photo cho xong số sách mới đủ cho sinh viên hát lễ ngày mai…”;
“anh cùng mọi người thức cả đêm dựng sân khấu mai khai mạc, nhiều việc quá nên sợ không kịp…”
Là buổi sáng thức dậy thật sớm nhúng tay vào nước lạnh buốt chuẩn bị bữa sáng cho hàng nghìn sinh viên…
Là những bữa ăn trưa trễ, bữa tối muộn “cố viết và "up" bài cho cập nhật”…
Là chạy xe máy hàng trăm cây số, hàng chục lượt đi về chở đồ đạc, mua hàng…
Là phải ở một chỗ cho hoàn thành công việc, không được vui chơi chạy nhảy…
Là đi bộ hơn 4km từ nhà Thờ ra tới tận đường lớn để bắt xe bus đi về giữa cái lạnh cắt da cắt thịt và những cơn mưa trái mùa…
Trưởng hội đón cây nến trong phần Nghi thức sai đi.
Là chịu đựng…
Là cố gắng…
Là hy sinh…
Còn nhiều nữa, những góc khuất chúng ta không thể nhìn thấy…

Thế rồi hai ngày ĐHTT cũng nhanh chóng trôi qua trong sự tiếc nuối của tất cả mọi người. Vì học ở những trường khác nhau và lại ở cách xa nhau, nên cơ hội gặp mặt vui vẻ và đông đủ thế này thật là khó. Tôi tin rằng, không gì khác ngoài Tình Yêu Chúa đã qui tụ và mời gọi mọi người về với Thạch Bích. Kỳ Đại hội thực sự là cơ hội, là dịp để các bạn làm quen, hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn, giữa các thành viên và các nhóm Sinh viên Công giáo trong TGP Hà Nội. Để từ đây, sức sống và hơi ấm của Tình Yêu Chúa được lan tỏa như men, muối và như ánh sáng cho môi trường các bạn đang sống.

Trong giờ phút chia tay, những cử chỉ thân thiện được các bạn trao gửi cho nhau: “thỉnh thoảng chị em mình nhắn tin nhé…”, rồi những cái bắt tay tạm biệt vội vàng: “hẹn sớm gặp lại bạn”!... có lẽ là chưa đủ… Dọc đường về hơn 4km là những hàng dài các bạn sinh viên đi bộ, vai mang balo, tay hoặc cổ quàng những chiếc khăn vàng đặc trưng của Đại hội. Đi qua bến xe bus, tôi lại thấy thấp thoáng những vai balo và những mảnh khăn vàng - đó như một dấu hiệu để chúng tôi nhận ra nhau; dù có thể là chưa một lần trò chuyện hay quen biết, tôi cũng đưa tay lên vẫy chào, miệng cố hét ầm lên cùng các bạn: Về nhé, tạm biệt nhé… Mắt tôi nhòa đi, không phải vì mưa bụi!
 
Hồng ân thánh hiến: Hội Dòng Mến Thánh Gía Thanh Hóa
Cécile Trang Nhung
19:58 21/11/2009
THANH HÓA - Hôm nay, ngày 21/11/2009, Truyền thống Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Dâng mình trong Đền thờ, một ngày đầy ý nghĩa đối với Hội Dòng Mến Thánh Giá Thánh hóa: ngày mừng Kim Khánh Khấn Dòng của 4 Chị; tuyên khấn vĩnh viễn của 15 chị và tuyên khấn lần đầu của 13 chị.

Đồng hồ vừa điểm 7h30, hồi chuông vang dậy đến rạo rực lòng người với niềm vui của đời Thánh hiến. Đúng 7h45, hòa trong tiếng đàn lời ca, Cộng đoàn Mến Thánh Giá Thanh hóa và các bậc phụ huynh của các ứng sinh tuyên khấn hôm nay nhịp bước cùng đoàn đồng tế tiến vào Nhà thờ chính tòa Thanh hóa.

Thánh lễ bắt đầu vào lúc 8h sáng, do Đức Cha Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận chủ tế và đoàn đồng tế gồm 46 linh mục trong Giáo phận và Quí Cha Khách; với sự hiện diện của Bố mẹ, Gia đình, ân nhân, thân nhân các khấn sinh cùng muôn người từ các nơi về đây chung lời tạ ơn Thiên Chúa.

Trên khuôn mặt của các Chị em ánh ngời lên niềm tin-yêu-vui-phó thác trong tay Đức Ki tô chịu đóng đinh mà chính các Chị đã chọn Ngài làm Đối tượng duy nhất và vĩnh viễn của cuộc đời mình.

Từ nội dung của phụng vụ Lời Chúa hôm nay với sự tương quan rất chặt chẽ của ngày trọng đại này mà Hội Dòng đã chọn làm lề hiến thánh, trong bài giảng, Đức Cha nối kết cuộc hôn nhân huyền diệu giữa Gia-vê với Dân Ngài tuyển chọn và cuộc hôn nhân huyền nhiệm của người nữ tu với Đức Ki tô. Cũng thế, các ứng sinh tiến bước lên khấn hứa hôm nay là bắt đầu cuộc hôn nhân linh thiêng với Đức Ki tô khổ nạn và phục sinh. Vậy, bí quyết nào có thể giúp các Chị tín trung theo Chúa trọn vẹn ?- Đó chính là Thập giá Đức Ki tô.

Với tâm tình của Người Cha chung, Đức Cha cũng nhắn nhủ các Chi em rằng: « Cuộc đời của chúng con không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận tiện. Rồi đây chúng con sẽ gặp những thử thách, sẽ có lúc chúng con thấy những mũi tên của tình yêu thế trần làm xôn xao con tim chúng con và có thể chúng con sẽ trao đảo. Nhưng chúng con hãy làm thế nào để không gì làm chi phối đến lý tưởng đời đời của chúng con theo Chúa. Chúng con hãy nhìn đến 4 Chị mừng Kim khánh để chúng con thêm trung kiên ».

Thật vậy, trong Thánh Lễ hôm nay, chung một niềm vui hồng ân Thánh hiến của 4 Chị sau 50 năm trung tín Khấn Dòng, 15 khấn sinh vĩnh viễn và 13 tiên khấn; phải chăng nay cũng là chứng từ sống động, là lời nhắn nhủ các Chị em hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa đời tu. Không phải khấn rồi là đã trọn niềm thỏa mong, đã là thoát khổ, đã là kết thúc của sự cố gắng. Nhưng, mỗi một dịp đặc biệt trong đời tu, là một lần nữa để chúng ta nhìn lại mình, là một lần xác tín lại, là một lần quyết tâm và định hướng canh tân cho bước đường đi tới. Quả thực, 50 năm không ngắn ngủi để đủ nói lên niềm tri ân Chúa. Thời gian nửa thế kỷ cũng không làm chúng ta vội vàng dừng chân tiến bước. Quả thực, 50 năm trung thành theo Chúa, các Chị cũng đã gieo mầm hy vọng vào khu vườn tận hiến của Giáo Hội nói chung, của Hội Dòng Mến Thánh giá Thanh hóa nói riêng, để giờ này hoa trái thiêng liêng đã và đang nở rộ trong ngày hôm nay. Trước tấm gương can trường của 4 Chị mừng Kim Khánh, 28 Chị em cùng ngày khấn ước, được thêm tin tưởng bước đi dẫu đường đời tương lai có nhiều gian nguy chờ đón.

Và từ nay, Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh hóa có thêm 28 thành viên chính thức để góp công xây dựng và thăng tiến Hội Dòng.

Sau đây là những vần thơ kỉ niệm ngày hồng phúc, kính tặng các Chị mừng kỷ niệm 50 Năm Thánh Hiến tại Hội Dòng MTG Thanh hóa:



50 Năm, con hiến trọn cuộc sống
Trong Hội Dòng của chính Đấng Cứu sinh
Muôn đời cảm tạ Thánh Linh
Cho con hiệp ước: trọn tình Kitô

Dù đời sóng gió nhấp nhô
Gian nan, thử thách đẩy xô con thuyền
Nhưng con xaùc tín một niềm
Qua đừờng Thánh giá, tới Miền trường sinh

Hôm nay ánh sáng bình minh
Năm thập niên đó, nhìn mình bước đi
Buồn-vui, yếu đuối những khi
Bàn tay Chúa dẫn con đi an bình

Để con ghi khắc ân tình
Cuộc đời hy hiến cho mình Giêsu
Con yêu mến một đời tu
Cộng đoàn ngươì nữ đến từ muôn nơi

Ngoài kia vui thú cảnh đời
Chị em từ khước lời mời phù hoa
Song hành sống khúc hòa ca
Tình yêu Thánh giá, bài ca cứu đời

Con xin dâng tiến muôn lời
Tri ân Chúa đã thương mời gọi con
Ước nguyện giữ mãi lòng son
Yêu người, yêu Chúa, sống tròn chữ «Trung ».
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hồi Ký: Những câu chuyện về một thời: Chính sách hộ khẩu
+Gm. Phaolô Lê Đắc Trọng
11:02 21/11/2009
Chính sách hộ khẩu

Có hộ khẩu tập thể, có hộ khẩu gia đình. ở đây nói đến chính sách hộ khẩu gia đình.

Chính sách hộ khẩu có lẽ là chính sách hà khắc nhất, ngặt nghèo thâm độc nhất. Có tính cách bóp nghẹt và tước đoạt nhất trong các chính sách của cái gọi là Dân Chủ Cộng Hoà kế tiếp danh hiệu Việt Minh.

Hộ khẩu, sổ hộ khẩu, sổ gia đình: chuyện thường tình, có gì là ghê gớm. Đâu mà người ta chẳng làm cái công việc đó. Khai sổ gia đình để giúp đỡ về mặt xã hội, bảo vệ an ninh. Khai sổ gia đình để biết tiềm năng kinh tế ở một nơi nào đó, việc đó là tất nhiên.

ở cái chế độ này, không chỉ đơn thuần như thế, nhưng hơn nữa: chỉ là một phương thế hữu hiệu nhất để đưa người dân vào cái gông cùm độc tài phát xít mà không hay biết.

Trong Phúc âm nói về Đức Giêsu là Chúa Chiên Lành biết từng con chiên, con mập béo, con gầy còm. Con gầy còm bệnh tật thì Ngài bảo vỗ cho khoẻ mạnh béo tốt – Ngài thu thập các chiên thành một đoàn chiên để được hưởng sự hướng dẫn chăm nom.

ở đây người ta tìm những thành phần được gọi là “xấu” để mà cải tạo, thực chất để mà tiêu diệt.

Công việc làm sổ hộ khẩu

Từ đầu, tức là từ cuối năm 1954. Tối tối, các đường phố, trong xóm làng, từng nhóm gia đình họp lại để khai hộ khẩu. Học tập cách khai: khai người đi vắng, tức đi làm hay đi Nam; khai người ở nhà. Khai người sống, khai người chết. Người sống người chết, người đi xa, người ở nhà, đã làm gì, hiện nay làm gì. Khai man, khai thiếu, bà con bên cạnh xin lại cho, bổ sung cho. Gia đình này sức cho gia đình kia, gia đình kia bổ sung cho gia đình này. Bầu không khí chia rẽ, trả thù nhau bắt đầu nhóm lên để bùng nổ: Họ nói về nhà mình, mình cũng nói về nhà họ: cái bí mật, cái xấu, đều đem ra bới móc nhau. Đục nước béo cò, anh cán bộ hộ tịch nghe hết, biết hết và ghi lại hết. Chỉ khổ người dân mình thật thà, không hiểu gì những kế hoạch, những mưu chước gian tà độc ác của chế độ. Họ khai thác tâm lý quần chúng, họ biết hết mọi việc trong một gia đình, của mỗi người trong gia đình, biết cái xấu, biết cái tốt. Biết cái xấu hơn cái tốt. Nhờ đó họ nắm tình trạng mọi gia đình, mọi người trên khắp nước. Nắm hết để dễ cai trị, để đối phó, nhất là để loại trừ những phần tử họ cho là “xấu”.

“Đoàn kết, toàn dân đoàn kết”

“Đoàn kết, đại đoàn kết”.


Những khẩu hiệu kêu vang như thế, đều được viết lên, căng lên khắp nơi. Nhưng người Cộng sản có thói quen làm ngược lại điều họ nói, họ viết.

Từ cái chính sách lập sổ gia đình, mà các gia đình bắt đầu sợ nhau, chia rẽ nhau; gia đình này giám sát gia đình kia. Mọi người chia rẽ với nhau, mặc dù có lời kêu gọi của Các-Mác: “Hỡi những người vô sản, đoàn kết lại”.

Ngày nay khẩu hiệu hiện đại là “mỗi người công dân đều là công an”. Công an với nhau, để dò xét nhau. Việc khai hộ tịch chính là cuộc khai lý lịch.

Cuộc khai ý lịch còn cặn kẽ hơn là khai bình thường như mọi khi. Một cuộc khai lý lịch còn thành khẩn không thiếu sót gì cả: vừa tự ý, hết sức thành khẩn, lại còn được người bên cạnh “bổ sung” nếu có thiếu sót cùng một cách còn hơn là thành khẩn, nếu hai gia đình không hoà hợp, thì việc bới lông tìm vết còn kỳ công hơn vô cùng.

Nhà nước nắm lý lịch của toàn dân do việc khai hộ khẩu. Mọi hồ sơ hộ tịch. Mọi hồ sơ đều được bí mật cất kỹ ở các Sở, các Ty công an. Mỗi gia đình đều được nằm ở một ô trong các tủ hồ sơ.

Hồ sơ được phân loại. Hồ sơ bìa đen dành cho các thành phần khả nghi, hoặc có thành tích xấu. Hồ sơ của linh mục chắc chắn đứng hay nằm trong sự phong phú và bảo mật.

Muốn biết một gia đình nào, một người nào, chỉ cần kéo ngăn kéo ra là mọi sự hiện ra hết.

Sổ nhân danh ở các xứ đạo của chúng ta thì quá sơ sài. Nhà Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà ấp Hà Nội cũng làm sổ gia đình, mỗi gia đình chiếm một trang trong sổ để ghi tên các phần tử gia đình – Thế đã là kỳ công lắm rồi.

Nhưng so với hồ sơ gia đình được làm trong chế độ Việt Nam Dân Chủ Công Hoà mà thôi, thì còn là quá sơ đẳng, mặc dù giáo dân được thế là được chú ý khá nhiều.

Còn hồ sơ về gia đình của Nước Việt Nam thì quá tỉ mỉ, cái đó giúp cho việc cai trị được thuận lợi nhiều, nhưng đặt ra cho người dân nhiều cái gây vất vả khổ sở vô chừng.

Lý lịch của mỗi gia đình được cất kỹ ở văn khố các Ty công an. Còn thì mỗi gia đình được trao một cuốn sổ rất bình thường, trong đó có tên tuổi chủ hộ và nhân viên.

Có hộ khẩu tập thể: gồm những người trong một cơ quan, sống chung với nhau.

Có hộ khẩu gia đình: gồm những người trong một gia đình sống chung với nhau ở một nơi nhất định.

Có hộ khẩu tôn giáo: gồm những người trong một xứ đạo, một chùa chiền nhất định.

Có hộ khẩu cá biệt chỉ có một người.

Mỗi hộ có chủ hộ, và những thành phần khác. Người chủ hộ phải chịu trách nhiệm về hộ của mình và đại diện cho hộ trong các mối liên hệ.

Được cư trú ở địa điểm nào, phố nào, thì phải ở đó không được đi ngủ ở đâu, dù ở trong một thành phố, ở phố nọ sang ngủ ở phố kia cũng không được, có đến chơi phải về, vì lúc đó công an đến khám nhà.

ở một khu vực nhỏ gồm độ hai, ba phố, có một ông hay bà tổ trưởng, và một công an khu vực hay công an hộ tịch. Có công việc gì, cứ đến với tổ trưởng, để tổ trưởng liên lạc với khu phố. Anh công an khu vực ở gần ở sát với khu vực mình. Ngày đêm anh ta luẩn quẩn với dân phố, anh muốn vào nhà ai, vào bất cứ đêm ngày, lúc nào cũng được. Anh có nhiệm vụ giám sát và báo cáo với Đồn mỗi ngày về sự việc trong khu anh kiểm soát. Trong khu vực anh kiểm soát, không ai làm được gì mà không qua con mắt của anh. Quả là lợi hại. Giấy gọi đi đâu về việc gì, giấy mời đi họp, đều qua tay anh. Anh thôi thúc đi họp, khó mà trốn thoát, và không thể có lý do gì mà trốn tránh. May là nhà xứ Nam Định anh ít vào. Nhà xứ tuy ít được gặp anh, song còn vô số con mắt đổ dồn vào nhà xứ. Đồn công an đóng ngay trước cửa nhà thờ. Ai ra vào nhà thờ nhà xứ phải đi qua. Người ta lại thu xếp Đông Tây Nam Bắc đều có những cứ điểm giám sát và báo cáo về nhà xứ. Một nhà Công giáo bên cạnh nhà xứ đến nói với tôi:

“Công an nhờ con làm một địa điểm để giám sát nhà xứ, con từ chối, nhưng họ bảo làm việc đó không khó khăn gì, thấy có cái gì ở nhà xứ thì cứ nói, cái tốt cái xấu, không phải chỉ cái xấu đâu mà sợ. Con từ chối, nhưng con biết rằng có ba địa điểm khác cũng được mời để làm việc bác ái đó”.

Nhưng còn bao nhiêu người khác được trao nhiệm vụ đó mà người Công giáo này không biết.

Có hộ khẩu là một chuyện. Còn đi đâu phải có giấy thông hành. Hộ khẩu thì phải có, nếu không là người lang thang, vô gia cư. Nhưng chế độ này không chấp nhận có những người như thế. Vì thế ai nấy phải đăng ký hộ khẩu. Và nhà nước trước sau cũng tìm cách cho đăng ký.

Nhưng muốn đi đâu phải có giấy thông hành. Mà giấy thông hành không dễ mà xin được. Xem ra có ít người có cơ hội đi chỗ này chỗ kia, vả lại không mấy ai có thì giờ để mà đi chơi. Nên giấy thông hành có vẻ chỉ là chuyện thừa.

Nhưng lại quan trọng đối với những người cần có sự di chuyển khi làm việc. Đặc biệt là các linh mục. Con số linh mục thì ít, mà những nơi linh mục đến làm việc thì nhiều. Một linh mục có thể phải coi sóc từ mười xứ trở lên. Xin được giấy đến làm lễ các xứ thuộc quyền mình mà thôi cũng rất khó. Có xứ như Phú ốc, Tường Loan cả năm mới xin được tôi ở Nam Định đến làm lễ Chầu Lượt, và có lần chỉ được đến làm việc trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Có lần tôi lên Phú ốc, ở lại 15 phút quá thời gian qui định, cũng phải gọi ra Uỷ Ban.

Hầu hết các địa phận không tổ chức được việc cấm phòng cho các linh mục, đơn giản là các linh mục không được đến cấm phòng. ở Hà Nội, vẫn được tổ chức cấm phòng cho các linh mục, nhưng linh mục nào muốn được về cấm phòng, phải làm đủ hai việc:

1/ Khuyến khích thanh niên đi bộ đội.

2/ Khuyến khích người dân vào hợp tác xã.

Giấy thông hành liên kết chặt chẽ với hộ khẩu

Giấy cho phép đi nói rõ: đến nơi nào, vào nhà nào, quan hệ thế nào với người mình đến, thời gian ở lại bao lâu, kể cả ngày đi lẫn ngày về.

Đi đâu, thì trước khi đi phải báo hộ khẩu: tạm vắng.

Đến nơi: phải đến báo hộ khẩu: tạm trú.

Lúc trở về: báo hộ khẩu: đã trở về.

Báo hộ khẩu như thế, thường là nghĩ rằng chỉ phải báo khi có ngủ đêm. Thực thế, chỉ quen báo tạm trú có lúc thôi, để ngủ lại đêm.

Lợi dụng sự mập mờ đó, năm 1957, linh mục đi dự lễ Chầu ở xứ Lập Thành, tham gia lễ di-súp. Khi trở về, linh mục đã bị gọi ra Đồn II gần Chợ Rồng. Công an làm biên bản việc linh mục đã di chuyển trái phép, không báo cáo, và bắt linh mục phải điểm chỉ vào biên bản vì đã vi phạm. Linh mục nhất định không điểm chỉ. Vì nếu có vi phạm, thì là chỉ về hành chính, chứ không về hình sự, và nếu có vi phạm về hành chính, thì chỉ bị phạt mấy đồng bạc là cùng. Cũng chỉ là cãi chày cối với nhau, chứ chẳng ai biết nó thuộc về luật gì, và luật trong trường hợp này là thế nào. Cuối cùng công an phố nhờ một người ký thay vào biên bản vì linh mục không chịu điểm chỉ.

Về chuyện hộ khẩu, thông hành, lắm chuyện rắc rối buồn cười. Năm 1955, Cha Thông, chính xứ Trại Mới, cũng có chân trong Mặt Trận, thế mà một hôm đi vào một họ đạo, ngài bị hỏi giấy. Ngài trình bầy giấy thông hành hẳn hoi. Nhưng cán bộ không nghe, bảo ngài:

- “Giấy của ông chỉ là giấy cấp để đi đường, chứ không phải vào chỗ nọ chỗ kia”.

Vì cha già Thông không hay cãi lý, nên ngài chỉ biết rút lui.

Khám hộ khẩu

Khám hộ khẩu mục đích xem hộ đó thiếu người hay thừa người. Thiếu là khi có người đi vắng. Đi vắng mà có trình tạm vắng, thì không sao, nhưng nếu không trình sổ trước, là vi phạm, và có thể bị phạt. Tạm vắng mà không trình báo, sự vi phạm mà nhẹ, chưa tạm trú mà không báo, vi phạm bị coi là nặng nề hơn nhiều. Tạm trú không trình báo, là khi trong nhà có người khách người lạ đến mà không trình báo.

Việc trình báo phải làm vào chiều tối, trước khi quen đi ngủ, tất nhiên phải có giấy tạm vắng. Người chủ hay người nhà cầm giấy đó ra trình báo. Trong giấy ghi rõ đến vì lý do gì, ở lại bao lâu. Công an hộ tịch xem giấy rồi ghi theo giấy: đến vì lý do gì, ở lại bao lâu. Nếu hết hạn mà khách chưa kịp đi, phải trình báo và xin thêm hạn. Có gia hạn hay không là tuỳ công an. Trường hợp linh mục hết hạn cư trú mà có xin thêm một giờ cũng không được.

Khám vào ban đêm, giữa lúc mọi người vừa nhắm mắt: Chỗi dậy đột ngột, thế nào cũng bàng hoàng. Đang đêm gõ cửa, mở cửa ra, mắt nhắm mắt mở, thấy anh công an áo vàng, y phục mũ mạo đầy đủ, tay cầm quyển sổ: đó là một trong những quãng thời gian bàng hoàng của người dân cả đời chỉ mong được ăn no ngủ yên.

Trường hợp có nữ công an đi theo vào nhà xứ, đến phòng linh mục, linh mục trông thấy phải ôn tồn thưa:

- “Để cho tôi ra ngoài đã, rồi mời chị vào, vì chúng tôi có luật là phụ nữ không được vào phòng ngủ linh mục, khi linh mục đang ở đó”.

Kết quả: hoặc chị công an không vào, hoặc cả bọn không vào, vì có vào linh mục cũng phải có mặt ở đó để chứng kiến trực tiếp các sự việc. Phải có mặt linh mục, để khi khám xét xong, linh mục mới có thể ký vào biên bản là có sự việc xảy ra, hoặc không có sự gì.

Nói đúng ra: những người đi làm công tác khám xét ban đêm cũng không hồ hởi cho lắm. Dĩ nhiên đến lượt ai làm công tác ban đêm thì phải thức. Như thế để rồi đi tìm bắt quả tang một nhà nào đó vi phạm luật để cho có người lạ đến ngủ mà không báo. Khám một chục nhà, liệu có bắt được một nhà vi phạm hay không. Có bắt được thì kết quả cũng chẳng bõ. Người lỗi phạm sáng hôm sau đưa sổ có ghi lỗi phạm đến trình Đồn nộp phạt và chịu cảnh cáo.

Nhưng kết quả lớn và rộng khắp, là nơi nơi từ thành thị đến thôn quê ai nấy đều giữ không dám vi phạm, và số người vi phạm không đáng kể. Nhà nước luôn nắm chắc được người dân cả khi ngủ. Bởi đó, việc khám hộ khẩu ban đêm, vào thời kỳ đầu, có vẻ gay gắt lắm, cán bộ buông lỏng dần dần, người công dân dần dần thờ ơ.

Sau vụ gian tặc đến bóp cổ chết linh mục ở Hải Phòng, sau năm 1975. Tôi ở Nam Định quyết không mở cửa ban đêm, dù bất cứ ai đến gõ cửa. Cán bộ công an cũng khó đến với linh mục. Ban đêm không dám đi một mình, phải có người quen biết dẫn đường. Anh Thành buộc phải làm nhiệm vụ đưa đường, như ông Simeon vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu, nhưng chỉ đưa đến cổng nhà thờ. Không ai mở cổng, phải trèo qua, anh Thành từ chối rút lui. Mấy anh trèo qua cổng sắt đến gõ cửa phòng tôi ở nhà Hội Minh Minh Đức. Tầng dưới đóng cửa chặt, tôi nằm ở tầng trên. Các anh tiếp tục gõ cửa, rồi ra đứng sân ngửa cổ lên:

- Ông Trọng, ông Trọng, mở cửa – có công an đến khám sổ.

Tôi vẫn nằm yên – vẫn nghe thấy tiếng gõ cửa, vẫn nghe thấy tiếng gọi. Các chú ngủ buồng bên cạnh, cũng được lệnh cứ nằm yên, không được ho hắng. Rồi tiếng đạp cửa, tiếng gọi cứ tiếp tục. Trên gác vẫn yên lặng. Cuộc đọ sức kéo dài đến nửa tiếng đồng hồ. Chắc họ bực mình lắm.

Sáng hôm sau họ đến ngay, trách móc sao hôm qua gọi cửa mãi mà không mở. Linh mục nói:

- “Tôi có nghe biết, nhưng không dám mở cửa, vụ giết cha Nhật ở Hải Phòng vào ban đêm, tôi vẫn sợ. Đêm đến không biết thế nào là ngay là gian. Xin các ông có việc cứ đến ban ngày, ban đêm tôi không dám mở cửa”.

Các anh công an cũng đành chịu vậy. Giá phải những năm trước, thì các anh không để yên đâu.

Thay đổi hộ khẩu, xin nhập hộ

Ai cũng phải có hộ khẩu. Không có hộ khẩu thì không làm ăn gì được, không ở đâu được. Có hộ khẩu, thì mới có sổ gạo, mới có quyền, có chỗ đong gạo ăn, có tem phiếu. Chỉ có gạo mậu dịch, chỉ có hàng mậu dịch, vì thế mua hàng, đong gạo phải có sổ gạo, có tem phiếu.

Muốn ở đâu phải có sổ hộ tịch, phải đăng ký hộ khẩu. Không thể là người không có tên trong sổ sách ở Uỷ Ban. Việc làm đầu tiên của một người đến ở đâu là phải đăng ký hộ khẩu. Nếu không thì không có quyền lợi gì, cả quyền tạm trú. Không có sổ hộ khẩu thì không ai cho đăng ký tạm trú.

Việc thay đổi hộ khẩu hay xin nhập khẩu, khó dễ cũng tuỳ hạng người. Muốn thay đổi thì trước hết phải cắt khẩu ở nơi cũ, rồi xin nhập hộ ở nơi mới. Việc cắt khẩu thì rất dễ dàng, xin là được ngay, xoá ngay.

Nhưng việc xin nhập hộ có thể dễ dàng với một số người, nhưng là quá khó khăn với một số người khác.

Học sinh, sinh viên đổi trường, từ trung học lên đại học thì cắt khẩu nơi cư trú trước, đến xin nhập hộ ở nơi học mới: đó là chuyện thường, miễn là được đi học. Người Công giáo, vào thời kỳ đầu của chế độ, nếu là người Công giáo hẳn hoi, thì không được vào cấp ba, huống chi đại học, thì không nghĩ gì đến chuyển khẩu.

Người thợ ở một xưởng công, nay đổi đi làm việc ở một nơi công khác, là việc thông thường. Nhưng người nào tự ý đi làm việc nơi nọ nơi kia, thì trong những thời kỳ dễ d•i, chỉ có đi “chui”, làm “chui”, nghĩa là ngoài vòng pháp luật.

Vào thời kỳ đầu của chế độ, ai làm ở đâu, cứ ở đó, đang ở các hợp tác xã này đừng hòng sang hợp tác xã ở một tỉnh khác.

Người thành thị về nông thôn thì cư trú dễ dàng, nhưng công ăn việc làm, nhất là được cấp ruộng để canh tác, chuyện đó không khó, sống thế nào thì sống.

Người nông thôn mà lên thành thị, quả là một sự khó khăn. Không có quyền cư trú, không nơi cư trú, không ai cho việc làm.

Từ 1985, việc vào thành phố mới dễ dàng, vì từ những năm 1990, việc vào thành phố trở thành ồ ạt. Vì luật cư trú hầu như không còn. Đối với Công giáo thì bao giờ cũng có cái khác.

Trước kia các chú vào ở với cha xứ để tiện việc giúp lễ. Lớn lên độ 14, 15 tuổi là bị trục xuất ngay, vì sợ ở đó học hành ít lâu rồi “chui” “chui” “chui”. Từ khi có các Chủng Viện vào những năm 1980, thì không còn vấn đề đối với các chú ở nhà xứ.

Nhưng các chú ở với các linh mục “không đẹp lòng” thì khó mà được chấp nhận vào Chủng Viện, muốn vào Chủng Viện phải tìm sự bảo trợ của linh mục nào “dễ tính” hơn.

Về nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, thì ở địa phận nào, xưa nay vẫn khó khăn, ngày nay có bớt đi, nhưng cũng rất khó khăn trong việc nhập dòng.

Chẳng là ở Miền Bắc, sau 1954, không còn một đòng tu nào được công nhận để hoạt động. Dòng Chúa Cứu Thế chỉ còn sót một cha, không được phép đào tạo người mới để mở rộng. Dòng Chị Em Thánh Phaolô còn sót lại mấy bà già ở Sainte Marie về ở Hàng Bột, tuy có được phép nhập vài chị em mới, nhưng không đủ để thay thế các bà già qua đi. Sau này cũng cố gắng gây dựng đám đệ tử, nhưng vẫn là “chui”, chưa phép tắc gì, chẳng có hộ khẩu gì cả. Tồn tại được lúc nào, chỉ nhờ nhân viên hữu trách nhắm mắt bỏ qua.

Chỉ còn Dòng Mến Thánh Giá có vẻ thịnh đạt nhất. ở Hà Nội cũng như ở các địa phận khác. ở Hà Nội có 17 nhà, kể cả nhà chính. Những năm đầu tiếp theo năm 1954, tình trạng các nhà cũng thê thảm lắm. Nhà nào cũng thê thảm, chỉ còn mấy bà già. Nếu có chị em trẻ trung cũng không ở lâu được. Cán bộ tìm cách bằng những cuộc gặp gỡ, hội họp, đe dọa, hứa hẹn để đưa các chị em trẻ ra khỏi Nhà Dòng. Người em Thày Lâm, còn trẻ, cũng ở trong trường hợp đó – Và đã bỏ nhà dòng về lập gia đình như các chị em trẻ khác.

Còn lại vài ba bà già, song các bà cũng khéo léo tìm cách nuôi thêm mấy người trẻ. Làm sao nhà xin được hộ khẩu cho các em này? Những năm đầu năm 1954, một số em can đảm và ở “chui” ở mỗi nhà dòng. Khốn khổ là cứ đêm đến công an vào lục soát nhà. Các em vừa nhanh chân, vừa đã có đường lối để chạy thoát. Nhưng cũng nhiều lúc nhỡ nhàng: Đang đêm báo động, chị em vội chạy, không kịp xỏ dép, công an thấy giường bỏ không mà lại có đôi dép ở dưới. Chắc là có người ngủ trộm đã chạy trốn. Bà Nhất phải tìm cách xuê xoa, nhưng thế nào cũng bị khiển trách. Người nào chẳng may bị bắt quả tang, thì hôm sau hoặc đưa về trả tận nhà quê người chị em, có khi về nhà quê rồi, vẫn phải phạt đi dân công một tháng. Thật là ra sinh vào tử, nhưng nhiều chị em vẫn can đảm. Nghe ngóng ít lâu, thấy yên yên lại “chui” về nhà dòng. Nhờ có những chị em can đảm bền chí như thế, các nhà dòng mới tồn tại. ở “chày” lâu quá, người ta cũng cho một vài chị em có hộ khẩu.

Cho đến ngày nay, một số chị em vẫn chưa có hộ khẩu – hoặc vì chưa được, hoặc cả không muốn có, vì có lúc có hộ khẩu cũng bất lợi. Chẳng hạn một số người đi học nước ngoài. Nếu khai là người nhà dòng, có hộ khẩu nhà dòng, thì khó mà xin được đi học. Nên chị em đành phải giấu cái hộ khẩu nhà dòng, hy vọng dễ xin được giấy. Không hộ khẩu cũng lợi thôi, có hộ khẩu, cũng có lúc lôi thôi là thế.

Tóm lại: chính sách hộ khẩu là chính sách đặc thù của những nhà độc tài phát xít Cộng sản. Nhờ chính sách hộ khẩu mà biết được mọi người, mà thu tóm mọi người thành một đoàn, đoàn người hay đoàn vật cũng được. Đoàn người hay đoàn vật đã được xỏ mũi: để người ta muốn dắt đi đâu thì đi, cho ăn, cho uống, cho mặc: là tuỳ ý ông chủ; chủ tịch hay chủ đoàn, cho ngồi mát ăn bát vàng hay ra mặt trận làm bia đỡ đạn để trở thành liệt sĩ tuỳ như chủ tịch hay chủ đoàn muốn. Chính sách hộ khẩu được sử dụng một cách khéo léo, một cách nham hiểm, một cách độc ác như thế đấy!