Ngày 24-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ai thắng ai ?
LM. Giuse Trương Đình Hiền
00:02 24/11/2008

AI THẮNG AI ?



1/. Chuyện Vua Kitô và Vương quốc nước trời.

Ngẫm chuyện ngày xưa. Khi các Đạo sĩ phương Đông vừa xong nghi lễ triều bái Tân Vương Do Thái mới “đăng quang” trong thân phận một “Em bé mới sinh nằm trong máng cỏ”, thì lập tức, vó ngựa và gươm đao của bạo vương Hêrôđê đã san bằng thị trấn Bêlem với thâm ý quyết làm cỏ mọi mầm mống ôm mộng đế vương mà nạn nhân trực tiếp chính là “những trẻ thơ từ hai tuổi trở xuống”. Kể từ dạo ấy, tiếng khóc của những bà mẹ mất con vẫn còn vang vọng hoài trong lịch sử thế giới cứ mỗi độ Giáng Sinh về.

Sau biến cố chính trị đầy bạo lực dữ dằn đó, nhất là sau những tháng năm dài yên lặng, tưởng chừng cái tên “Vua Giêsu” đã vĩnh viễn đi khỏi dòng lịch sử thế giới. Thì đột nhiên, 30 năm sau “biến cố Bêlem”, danh hiệu Vua Giêsu lại đường hoàng xuất hiện trên khắp nẽo đường Palestina, ngang nhiên thách thức cả quyền lực đạo đời ngay tại đế đô Giêrusalem, nơi trị vì của “Hêrôđê con” không kém ngang tàn bạo ngược và cũng là nơi chấp chính của Tổng trấn Philatô, đại diện cho quyền lực tối cao là hoàng đế Rôma lúc bấy giờ.

Thì ra, em bé Giêsu khóc oa oa trong hang lừa máng cỏ được 3 đạo sĩ Phương Đông triều bái là “Vua nước Do Thái” đã lọt lưới trong trận tàn sát của bạo vương Hêrôđê 30 năm trước, và hôm nay, cũng chính “Em Bé ấy” đã là anh chàng thanh niên Giêsu con bác phó mộc Giuse và cô thôn nữ hiền hòa Maria nơi quê nghèo Na-da-rét đã long trọng “đăng quang vương đế” trong một nghi thức xem ra khá lạ lùng vào một buổi sáng trên triền sông Gio-đa-nô, khi chen chân giữa đám “bụi đời” lội xuống dòng sông Gio-đa-nô để ông Gioan làm phép rửa:

“Hồi ấy, Đức Giêsu từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,9-11).

Và cũng khởi đi từ cuộc đăng quang với nghi lễ “phép rửa tại sông Gio-đan” ấy, Vua Giêsu lần lượt loan báo về một “Vương quốc”, một “Triều đại” do chính Ngài chấp chính, cai trị, mà Ngài gọi tên là “Nước Trời”, là “Triều đại Nước Thiên Chúa”:

- Nào: “Thời kỳ đã mãn, Triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 15)

- Nào: một loạt các dụ ngôn để ám chỉ thực tại Nước Trời: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình…” (Mt 13,24-30), “Nước Trời giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình” (Mt 13,31-32), “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men…” (Mt 13,33), “Nước Trời như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng”… (Mt 13,44), “Nước Trời cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp..” (Mt 13,45-46), “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển…” (Mt 13,47-50), “Nước Trời giống như chuyện gia chủ thuê người làm vườn nho…” (Mt 20, 1-16), “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình…” (Mt 22,1-14), “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón tân lang…” (Mt 25,13).

- Nào: Ngài tuyên cáo 8 con đường phúc thật để chiếm được Nước Trời mà nhiều người đã gọi đó là “bản hiến chương Nước trời”: “Phúc cho ai khó nghèo…, hiền lành…, sầu khổ…, khát khao công chính, xót thương người…, tâm hồn trong sạch…, xây dựng hòa bình…, bị bách hại sống công chính…” (Mt 5,1-12)

- Nào: Ngài đề nghị muốn vào được Nước Trời thì phải hoán cải nên như trẻ nhỏ: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 1-4); và những kẻ dễ đi vào Nước Trời nhất lại là những người nghèo: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19, 23-24)…

Và khung trời Palestina thuở ấy rạng rỡ hẳn lên với hàng hàng lớp người đua nhau đến với Ngài như đi trẫy hội. Mọi người bổng dưng rạo rực vui mừng và tràn trề hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Từ Capharnaum tới Giêricô, từ hoang mạc tới thị thành, từ ven biển hồ tới lưng chừng đồi núi…đâu đâu cũng nghe những tin vui xiết kể: những kẻ què đi được, những người mù sáng mắt, người điếc nghe, người câm nói, bao nhiêu người phung cùi được lành sạch, những kẻ bại tay, những người loạn huyết, cả những người bị quỷ ma ám hại lâu năm…cũng được chữa lành.

Làm sao mà chẳng tin “Nước của Vua Giêsu đang đến gần”, làm sao mà chẳng muốn tôn Ngài lên làm Minh Chủ để đem về một triều đại thái bình thịnh trị, no cơm ấm áo, như lời loan báo từ nghìn xưa của các sứ ngôn. Dự định đó suýt nữa đã trở thành hiện thực sau biến cố “Năm chiếc bánh và hai con cá”. “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,5-15).

Quả thật, với những thành công vang dội như thế, ai mà chẳng tin rằng: giấc mộng đế vương của Rabbi Giêsu đến từ Na-da-rét sắm trở thành hiện thực nay mai, khi Ngài cùng đoàn môn đệ lên đường trở về Giêrusalem, thành đô muôn đời của các bậc đế vương trong lịch sử Dân Chúa. Hèn chi, hai môn đệ Giacôbê và Gioan con của ông bà Giêbêđê đã thụt thò nhờ mẹ đến để định chơi trò hối lộ: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20,20-23)

Thế nhưng oái ăm thay, càng tiến gần về Giêrusalem, Vị Tiên tri đến từ Nadarét càng tung ra những lời rao giảng sao mà khó nghe, sao mà lạ đời: Nào “ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ được sống đời đời”, nào “Con Người sẽ bị nộp vào tay kẻ dữ, bị kết án chết và ngày thứ ba sẽ sống lại…”, nào “Ta là mục tử tốt lành sẽ chết cho đoàn chiên…”, nào “hạt lúa mì có chết thối đi mới sinh hoa kết trái…”.

Cho dù có những dự báo ảm đạm ấy thì cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem của Ngài vẫn tạo một ấn tượng bất ngờ cho các cấp lãnh đạo đương quyền tại thủ đô bởi những tiếng hò reo vang dội: “Hoan hô Con Vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21, 9)

Nhưng rồi, chính trong “Bữa tiệc Vượt Qua đến sớm” vào ngày Thứ Năm, Ngài lại làm và nói những điều khiến các môn sinh gần như bị sốc: đích thân rửa chân cho các môn sinh kèm theo huấn dụ: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14); và nhất là những lời tiên báo thê lương như một lời di chúc, như một tạ từ vĩnh biệt: “Mình Thày sẽ bị nộp vì anh em…Máu Thầy sẽ đổ ra cho anh em…”. (Mt 26,26-28).

Và sau đó: BIẾN CỐ “Ngày Thứ Sáu khổ nạn quả thật đã lật nhào tất cả ! Tin Giêsu bị bắt, bị hành hạ, bị kết án đã mau chóng lan ra khắp hang cùng ngỏ hẻm Giêrusalem. Niềm hy vọng về một Minh quân Giêsu và một Triều đại vinh quang do Ngài đem đến đã mau chóng sụp đổ trong cõi lòng của đại đa số cư dân thủ đô lúc ấy. Từ thiện cảm, tin yêu, hy vọng đã vội đổi sang chán chường thất vọng đến ghét bỏ rẽ khinh. Trước một “Ecce Homo” Giêsu hình hài tan nát, thân tàn ma dại, dân chúng đã chọn tha tên cướp Baraba và đồng thanh hô lớn: “Đóng đinh nó vào thập giá”.

Câu chuyện Vua Giêsu và triều đại Nước Thiên Chúa như một chuyện lừa đảo sắp đến hồi kết thúc.

Cho dù “bản án trên thập giá có được viêt bằng 3 thứ tiếng Hy lạp, Do Thái, La Tinh với hàng chữ lớn “GIÊ-SU NA-DA-RÉT, VUA DÂN DO THÁI”, thì cũng chẳng thuyết phục được đám đông dám đặt hy vọng và tin tưởng vào một ông Vua Giêsu đang bị đóng đinh vào thập giá. Hầu hết các môn đệ lũi trốn. May ra chỉ còn mỗi môn đệ Gioan đứng bên cạnh thập giá với Đức Maria để lãnh nhận những lời trăn trối sau cùng.

Trong cái không gian ảm đạm của một buổi chiều lênh láng máu, ồn ào bụi bặm của xúc phạm và sĩ nhục, “hồ sơ Vua Giêsu” tưởng đâu đã khép lại với thất bại và buồn tênh, với nãn lòng và chưng hửng, thì đã chợt sáng lên, cho dầu như một ngọn đèn le lóa. Một chuyện chẳng ai ngờ: Người kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa đã nhận ra một “hình hài tan nát, một “Ecce Homo” dở sống dở chết kia chính là một Vị Vua với một vương Quốc đang mở ra tràn trề hy vọng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Khi thân thưa những lời như thế, chắc chắn anh ta đã cảm nhận cách xác tín rằng: Giêsu đây chính là Vua, không phải là “loại vua trong thế giới trần tục”, mà là “Vua thật đến từ Thiên Chúa”; và cũng thế, “Nước của Ngài” không phải là bờ cõi thế gian nhưng là một triều đại của thiêng liêng vĩnh cửu. Và anh đã không thất vọng khi Đức Kitô đã hồi đáp: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.

Động lực nào, nhân tố nào đã mở mắt tâm hồn của người kẻ trộm để có được niềm tin như thế ? Chúng ta chỉ có thể trả lời được rằng: ngoài lý do ân sủng là yếu tố quyết định, phải nói rằng, sự sám hối, trở về trong khiêm hạ đã làm cho đôi mắt tâm hồn của tên trộm mở ra.

2/. Con đường tiến vào vương quốc của Đức Kitô

Tin Đức Kitô-Tử nạn-phục sinh là Vua và chấp nhận “tiến vào vương quốc của Ngài” trên những nẻo đường của Tin Mừng muôn đời và muôn nơi vẫn là chuyện của tình yêu và ân sủng. Bởi vì đó chính là cách thế mà Thiên Chúa, Đức Kitô đã dùng để trao gởi đức tin, để ban niềm hy vọng cho bao con người như Maria Mađalêna, Giakê, Matthêô, như Augustinô, như Charles de Foucauld…

Kể từ lúc Vua Giêsu đăng quang khai mạc triều đại nước Thiên Chúa cho đến mãi hôm nay, đã có không biết bao nhiêu tâm hồn, bao nhiêu cuộc sống đã quyết trao thân gởi phận cho Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng sẵn sàng đi tìm con chiên lạc, sẵn sàng cúi xuống để rửa chân, sẵn sàng chết để yêu thương và tha thứ, sẵn sàng chấp nhận đồng hình đồng dạng với những kẻ bé mọn khiêm hèn, khổ đau bệnh tật.

Vì thế, để dấn thân vào Vương quốc đó, để thuộc về thần dân của Vua Kitô, nhân loại phải mang một “căn cước khác”, một hộ chiếu khác, không dựa trên tiền tài hay sắc đẹp, quyền lực hay ma mánh, dối trá hay thủ đoạn…Phải có con mắt mới tinh, trong sáng, phải có cõi lòng thanh thản bao dung, phải có con tim hiền lành và khiêm hạ, phải xây cuộc sống sao cho đong đầy hy sinh và sám hối…mới có thể nhìn ra Đức Kitô, Vị Vua quyền năng đang hiện diện ở đó trong những người nghèo, trong những người anh em chung quanh, trong một xã hội nhầy nhụa và phức tạp, trong mọi cơ chế tưởng chừng như đã vắng bóng Thiên Chúa tự thuở nào. Vì đã không có “con mắt như thế, cái nhìn như thế, niềm tin như thế” nên những kẻ dữ trong dụ ngôn “Ngày Phán xử” đã ngạc nhiên: “Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?”.

Mà không chỉ những “kẻ dữ đàng kia” đã không nhận ra hình hài Thiên Chúa đang hiện diện; chắc chắn không ít lần, chính chúng ta, những Kitô hữu, những môn đệ của Chúa Giêsu, cũng đã mù tịt hay, ít nhất cũng nghi ngờ sự nhập thể của Ngài trong những biến cố đời thường hôm nay. Mới đây thôi, khi đứng trước lực lượng công an với dùi cui và súng ống, với chó dữ và thép gai, có không ít người đã lo sợ rằng đám dân Công giáo ô hợp không tất sắt trong tay thế nào cũng bị đè bẹp và dánh cho tan tác. Thánh giá kia, tượng Mẹ nọ rồi cũng phải bị bứng đi để nhường chỗ cho sức mạnh của Đảng, của Nhà ước. Mà quả thật, Tòa Khâm Sứ, khu đất của giáo xứ Thái Hà đã bị dọn sạch, như Hêrôđê dọn sách thành Bêlem thuở trước. và còn hơn thế nữa: hệ thống truyền thông mở hết công suất để bôi nhọ và kết án, để cả vú lấp miệng em. Chẳng khác nào chiến dịch tuyên truyền và kết án của tập đoàn tư tế Do Thái dành cho Vua Kitô cách đây 2000 năm trước tại thủ đô Giêrusalem. Nhưng câu ngạn ngữ của Trung Hoa chưa bao giờ sai nghĩa: “Một cây đỗ thì ồn ào hơn cả cánh rừng đang mọc”. Vâng, cũng chính trong những thời khắc hổn tạp của bạo lực và dối trá ập xuống trên Giáo Hội tại thủ đô Hà Nội hay những bách hại, hận thù giáng xuống trên các cộng đoàn Công Giáo khác ở Phi Châu, Ấn Độ…, thì ngoài kia nơi những họ đạo xa xôi của các buôn làng dân tộc, nơi những nhà thờ của những vùng quê hẻo lánh, hay nơi những thánh đường sầm uất đông vui, đang dâng lên những thánh lễ, đang âm vang những lời kinh hạt Mân Côi, đang lấp lánh những ánh nến nguyện cầu, chẳng khác nào hàng vạn bông hoa đang rực rỡ khoe sắc, từng vạn cánh chim đang nhảy múa hát ca, hay hàng triệu triệu mầm cây đang âm thầm vở đất đâm chồi vươn lên sức sống.

Cũng thế, trong cái thế giới đang bị bao phủ bởi bóng tối âm u màu tử địa của nạn phá thai, nạo thai, của ly dị và buông thả tính dục, của tự do phóng túng và hưởng thụ trụy lạc, của bạo lực khủng bố và hận thù sắc tộc, tôn giáo… thì cũng trong thế giới ấy đang có hàng triệu mái nhà ấm cúng thân thương đã vang lên bao tiếng khóc oa oa chào đời của bao nhiêu em bé, đang chất chứa tiếng cười hạnh phúc bình an của những đôi vợ chồng chung thủy, tín trung, giọng nói thân thương của những người cha, người mẹ trách nhiệm và đạo đức…và cũng trong thế giới đó, có bao nhiêu tiếng hát thánh thiện, trong sáng vang lên tự đáy lòng của những thanh niên nam nữ quảng đại hy sinh sống đời thánh hiến, linh mục, vang vọng tiếng cười vui lý tưởng của những bạn trẻ chọn lối sống anh hùng và phục vụ…

Vua Kitô đã chỗi dậy cùng với triều đại cứu độ của Ngài đang từng ngày chinh phục thế giới. Vương quốc của tình yêu và sự sống, của ân sủng và bình an vẫn đang từng ngày lớn lên như “hạt cải”, như mầm non giữa lòng đất để chờ ngày kết trái đâm bông.

Trong niềm tin của người Kitô hữu muôn nơi và muôn thuở, trong cuộc chiến “Ai thắng ai” giữa “ma vương” và vương quốc của bóng tối, sự dữ với Vua Kitô và vương quốc của chân lý và tình yêu, thì kết cuộc không phải đợi đến ngày tận thế, những chắc chắn đã hiện thực rồi, đã hiện thực ngay từ hang đá Bêlem, hay mái nhà Na-da-rét, nơi tòa án Philatô hay đỉnh đồi Núi Sọ. Điều quan trọng còn lại hôm nay dành cho chị cho anh cho tôi, cho tất cả những ai cháp nhận làm thần dân của Vua Kitô trong Vương quốc của Ngài đó chính là không ngừng:

- Hoán cải để từng ngày trở nên bé nhỏ khiêm hạ.

- Quảng đại để không ngừng yêu thương tha thứ.

- Quên mình để hy sinh, phục vụ

- Trung tín để từng ngày bước đi trong Lời Chúa và thực thi những giá trị của Tin Mừng.

Được như thế hôm nay, để

Ngày nao đạt tới Nước trời

Ngàn thu hưởng phúc Vua tôi chẳng cùng.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:34 24/11/2008
TÀN ÁC HUNG BẠO

N2T


Sư phụ thường giảng dạy: cảm giác tội lỗi thì giống như ma quỷ vậy, là một loại tinh thần của ác tà.

- “Nhưng, chúng ta không nên oán hận tội lỗi của mình sao ?” một vị đệ tử hỏi.

- “Khi con phạm tội, cái mà con hận chính là bản thân của mình, chứ không phải là tội của con.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Ai cũng oán hận tội cả, nhưng có mấy ai suy nghĩ là chính bản thân mình đồng ý ưng thuận thì mới có thể phạm tội, cho nên đáng oán hận nhất chính là bản thân của mình.

- Nếu bản thân mình không ưng thuận thì làm gì phạm tội.

- Nếu bản thân mình không la cà vào những nơi dễ dàng phạm tội, thì lấy gì để phạm tội.

- Nếu bản thân mình không kết thân với những bạn bè xấu, thì lấy gì mà bắt chước để phạm tội.

- Nếu bản thân mình hết lòng xa lánh những dịp tội thì lấy gì mà phạm tội...

Quả táo trong vườn địa đàng không đi tìm nguyên tổ, nhưng chính nguyên tổ A-dong đã đi tìm và đồng thuận với nó nên phạm tội. Cũng vậy, tội lỗi, tự nó không thể làm gì được chúng ta, nhưng bởi vì chúng ta tự mình đi tìm nó, nên nó mới trở thành nguyên nhân làm cho chúng ta mất sự sống đời đời.

Phải oán hận mình chứ không phải oán hận tội lỗi, bởi vì nếu chúng ta không ưng thuận thì tàn ác hung bạo bởi đâu mà có !
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:36 24/11/2008
N2T


14. Con người ta bình thường đều có những tật xấu, nếu không muốn sửa đổi thì không cảm thấy tật xấu ấy ghê gớm, giống như con chim ở trong lồng, nếu không muốn bay ra thì cũng không cảm thấy cái lồng nhỏ hẹp.

(Thánh John Climacus)
 
Họ là ai? Các Anh Hùng Tử Đạo
Trần Văn Cảnh
11:10 24/11/2008
HỌ LÀ AI,
BÀI THƠ VỀ NHỮNG ANH HÙNG TỬ ĐẠO


Cách đây 20 năm, ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II, đã tôn vinh hiển thánh 117 chân phước tử đạo Việt Nam tại Rôma. Từ ngày ấy, hai mươi năm qua, nhiều người, vì yêu mến và thán phục Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đã thử tìm hiểu xem « họ là ai » ?

Nhiều câu trả lời đã quen thuộc với chúng ta, như câu trả lời lịch sử của linh mục sử gia Vũ Thành [1], Câu trả lời truyền giáo của Đức giáo hoàng Gioan Phao lô II [2], hay câu trả lời mục vụ đức tin của Đức Ông Mai Đức Vinh [3].

Trong bầu trời ảm đạm mùa thu, mùa của gió mưa, của mây trăng, mùa kỷ niệm các thánh Tử Đạo Việt Nam, đôi khi chúng ta tự hỏi « Với một cái nhìn thi sĩ, người công giáo việt nam » sẽ trả lời thế nào cho câu hỏi « Họ là ai, những anh hùng tử đạo » ? Một linh mục thi sĩ đã cho ta câu trả lời ấy. Đó là Lương Nhi Tử. Xin mời bạn đọc khám phá cái nhìn thi sĩ công giáo việt nam hỏi Các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam, xem họ là ai của Lương Nhi Tử. Vừa hỏi, vừa trả lời. Trong câu hỏi đã có câu trả lời. Mà dường như câu trả lời đã có trước câu hỏi. Hỏi họ là ai, rồi vỏn vẹn trả lời họ là các ANH HÙNG TỬ ĐẠO VIỆT NAM, hay đi xa và đi sâu hơn nữa [4] ?

« HỌ LÀ AI » ?

Họ là ai, những anh hùng tử đạo ?
Là Quan cao, Cai, Đội, Tổng, thường dân,
Là Linh mục, là Tu sỹ, Giáo dân,
Là Chủng sinh, là Trùm họ, Thày giảng,
Là Giám Mục, y thương gia, lính tráng,
Tóc hoa râm, tuyết trắng hay còn xanh
Là nam nữ nổi tiếng hay vô danh
Tên tuổI đủ hay mơ hồ khiếm khuyết.. .

Họ là ai trong số ít được biết
Thuộc dòng tộc Lê, Nguyễn, Phạm, Trần, Hoàng
Chi Đinh, Trương, Đỗ, Vũ, Tống, Bùi, Đoàn
Ngành Phan, Võ, hay Hà, Hồ, Tạ, Đặng ?

Họ là ai muốn nói trong im lặng
Để nêu CAO TRUNG HIẾU vẻ HIỀN KHOAN
PHỤNG sự Chúa trong DŨNG LẠC hân HOAN
Nhằm phát HUY nét MỸ HÒA huynh ĐỆ
Mục ĐÍCH ĐẠT AN BÌNH TỰ cõi THẾ
HƯỞNG LỘC Trời nhờ NGÔN HẠNH tinh TÂN
ĐƯỜNG MINH ĐỨC QUÍ hơn TRIỆU kim NGÂN
Lòng THÀNH KÍNH dưỡng tâm ĐIỀM LIÊM TỊNH
Việc hành THIỆN ĐÔNG NAM BẮC hưng THỊNH
Như QUỲNH UYỂN LƯU HƯƠNG XUYÊN CAO xa
Như YẾN TƯỚC VEN TƯỜNG cất tiếng ca
THÔNG bốn cõi DƯƠNG gian cùng tiên CẢNH

Họ là ai được xếp hàng Thần Thánh
Không tham sinh ÚY tử không KHOA trương
Lấy THI THỂ làm HY TẾ HIẾN dưng
Bả VINH HOA huyện đường không DỤ nổi.

Họ là ai TRÔNG LOAN THẾ giới MỚI
Nơi VÂN hương phú TÚC THỌ KHANG NINH
Nơi THUẦN NGUYÊN ân TRẠCH phúc Thiên đình
Nơi CẨM tú ĐA mầu không phiền TOÁI

Họ là ai không tính TOÁN NGHI ngại
Như thơ NHI dung MẠO nét tin yêu
Câu tạ ơn trong suy GẪM sớm chiều
TÙY Thánh ý TUÂN hành sao VIÊN mãn.

Họ là ai dốc một niềm LIÊM HẠNH
Lời chân THÀNH THỂ hiện TỰ tâm XUYÊN
Ý MỸ miều LỰU đỏ sắc thần tiên
ĐẠT VINH phước nguồn MẬU huân MINH giám.

Họ là ai GIA đình đông vô hạn
Chín tầng trời dưới luyện ngục trần ai
TẢ sao nổi đoàn KHANH tướng KHÂM sai
Cơn thử thách CẦN qua thừa DŨNG cảm

Họ là ai cho miêu DUỆ kiêu hãnh
Đọc những tên MẬU THÌN TRUẬT PHAN BƯỜNG
TUẦN CỎN ĐẬU KHUÔNG LỰU CHIỂU HUYÊN PHƯƠNG
Như đọc thấy cả ba miền Dất Nước.

Họ là ai muôn đời quên sao được
Lãy máu đào viết Giáo Sử Quê hương
Gieo vào lòng đất mẹ hạt yêu thương
Bằng hằng trăm ngàn con tim bác ái…

Lạy tiên tổ vô cùng thánh ái
Giúp chúng con vững chãi niềm tin
Trung kiên thờ Chúa hết mình
Đi đâu vẫn thắm mối tình Việt Nam.

(Kính dâng các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam đặc biệt 117 vị có Họ, Tên (chữ hoa) chức phận, nghề nghiệp,… được phong Hiển Thánh ngày 19.06.1988 tại quảng trường Thánh Phê rô, Lamã, trước 10.000 dân Việt từ các Cộng Đoàn thế giới đổ về, trong đó có Cộng Đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris. LƯƠNG NHI TỬ)

Vừa đặt câu hỏi, vừa trả lời, linh mục thi sĩ LƯƠNG NHI TỬ đã đặt vấn nạn « Họ là ai », đã đi vào chi tiết, đã nêu Họ và Tên (viết hoa) của hết 117 vị hiển thánh mà ngài gọi là CÁC ANH HÙNG TỬ ĐẠO VIỆT NAM và đã đưa ra mười đường mô tả qua những nét căn bản của văn hóa việt nam và của đức tin công giáo: cảnh sống họ, dòng tộc họ, tư cách họ, chí khí họ, đức tin họ, tâm hồn họ, chí hướng họ, sĩ số họ, gương lành họ, công lao họ.
Mười đoạn tả, nhưng đoạn nào cũng vẫn hỏi lại « Họ là ai ». Những trả lời, mười lần khác nhau đã được đưa ra, nhưng dường như không lần nào câu trả lời đã thỏa mãn hồn thi sĩ công giáo việt nam.

Rút cục, không cần đặt câu hỏi nữa và cũng chẳng cần câu trả lời nào.
Nhưng là một lời cầu cùng « tiên tổ vô cùng thánh ái ».
Hồn thi sĩ công giáo việt nam đã tìm được hạnh phúc của mình !

Paris, ngày 23 tháng 11 năm 2008
Trần Văn Cảnh


-------------------------------------------
Ghi chú

[1]. http://nguoitinhuu.com/martyrs/tudao53.html
[2]. Bài giảng của ĐGH Gioan Phaolô II trong đại lễ tôn vinh hiển thánh 117 chân phước tử đạo Việt Nam tại Rôma ngày 19-06-1988
[3]. http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=5588
[4]. Kỷ yếu 50 năm thành lập GXVN tại Paris, 1997, trang 109
 
Các thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm Nguyễn Minh Hùng
11:35 24/11/2008
Các thánh Tử Đạo Việt Nam

Tin Mừng đến với dân tộc Việt nam trên 400 năm, thì hết 300 năm, Giáo Hội Việt Nam thấm đẫm dòng máu các anh hùng tử đạo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là vào thế kỷ 19, trong các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam: những người Việt Nam tàng nhẫn sát hại nhau. Chính những đồng bào Việt Nam chung cội, chung nguồn lẽ ra phải yêu thương nhau, lại quay mũi kiếm giết nhau hàng loạt.

Thật vinh phúc cho Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội còn non trẻ, nhưng lại căng tràn sức sống, đạp trên đầu sóng ngọn gió, vượt thắng mọi thử thách, mọi đau đớn, mà cho đến nay, dẫu đã qua đúng một thế kỷ, thời gian đủ bình tĩnh để suy niệm, sao vẫn còn nghe hãi hùng, vẫn còn nghe nhức nhối tâm can, làm lặng đi mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi thanh âm. Những người con đất Việt tưởng như gục ngã không thể gượng dậy nổi dưới bàn tay tàn bạo của làn kiếm, mã tấu, gông cùm, tù đày, lửa nung, bá đao, tùng xẻo, xiết cổ, chém bay đầu, lại là sức mạnh ngàn đời của một đức tin không gì lay chuyển nổi. Bởi Thân xác các thánh Tử đạo dù bị giết, nhưng đức tin của các ngài thì không ai giết được.

Một Giáo Hội còn non trẻ đến thế, lại có sức chịu đựng sự giày xéo quá sức tưởng tượng của người đời. Giờ nhìn lại sự nhiệm mầu của sức chịu đựng, ta chỉ còn có thể bật thốt lên như thánh nữ Têrêsa: Tất cả là hồng ân. Hồng ân nhận được không chỉ là một quà tặng, nhưng còn là một quà tặng vinh dự, một quà tặng của niềm kiêu hãnh thánh thiện. Hồng phúc tử đạo không chỉ là một hành động dâng hiến tận cùng mà còn là một dâng hiến vinh thắng tận cùng. Đó không là một vinh phúc lớn lao lắm hay sao! Một vinh phúc lớn lao mà một Giáo Hội còn non trẻ như Giáo Hội Việt Nam lại có thể cùng Giáo Hội hoàn vũ đã qua mấy ngàn năm, vẽ thêm vào đó một đường lịch sử của đức tin không bao giờ mệt mõi, không bao giờ dừng lại.

Các thánh Tử đạo đã viết sử bằng máu của mình. Còn chính Thiên Chúa, Người cũng đã làm cho Giáo Hội Việt Nam được khai sinh, lớn lên và phát triển nhờ dòng máu các thánh. Nếu cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam, thì đối với đức tin, đó lại là một trang sử hùng tráng cho Giáo Hội Việt Nam nói riêng và Giáo Hội hoàn vũ nói chung: Bởi những người con đất Việt càng yêu mến quê hương, yêu mến bản thân mình, luyến tiếc cuộc đời, luyến nhớ người thân và điều đặc biệt: yêu mến các vua quan là những người bên trên mình, thì càng yêu mến đức tin khôn cùng. Chính cái chết của các thánh Tử đạo là một lời nói xác quyết và chung quyết cho mọi lời tuyên xưng đức tin rằng: Không có bất cứ cái gì có thể ngang bằng đức tin

Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ vượt trên tất cả, dẫu là chính bản thân các vua quan hay lệnh truyền của các vua quan đi nữa, không có gì sánh ví được với Đức Chúa mà lẽ ra các vua quan cũng phải tôn thờ, các thánh Tử đạo đã chối từ một cuộc sống dễ dãi.

Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ là Đức Chúa của mình, vì thế, dẫu chỉ là hai que củi vắt chéo trên mặt đất, bình thường chỉ là hai que củi không hơn, không kém, nhưng để biểu lộ đức tin, thì bất cứ một bàn chân giẫm đạp nào, bất cứ lời lụy mạ nào, hay bất cứ một hành động nào đối lại đức tin khi đứng trước hai que củi ấy, tất cả đều là sự chà đạp đức tin, chà đạp Giáo Hội, chà đạp chính Đấng mà mình tôn thờ.

Ngược lại, bất cứ một hành động hay một lời nói nào để tuyên xưng đức tin mà phải tôn trọng hai que củi hình chữ thập ấy, điều đó không còn đơn thuần là hai que củi hình chữ thập nữa nhưng là hình tượng Thánh Giá, hình tượng của lòng tin, hình tượng của một tâm hồn quả cảm quyết một lòng tôn thờ Đức Chúa của mình! Hiểu rất rõ điều đó, cho nên dù chỉ là đối điện với hai que củi vắt chéo hình chữ thập, các thánh Tử đạo không chỉ đứng trước hai que củi, nhưng là đối diện với nỗi giằng co mạnh bạo, đối diện với sự chọn lựa không khoan nhượng, nhưng dứt khoát: đức tin hay cuộc sống trần thế. Và cái giá phải trả cho sự chọn lựa đứng về phía đức tin là bị tước đoạt tất cả những gì đang có trong cuộc trần. Bị tước đoạt cả sự sống, cả đến giọt máu sau cùng.

Máu các thánh Tử đạo Việt Nam đã dệt đỏ thắm dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam, vì thế, các thánh Tử đạo mãi mãi vẫn xứng đáng sống trong lòng Giáo Hội và nơi từng người tín hữu Việt Nam.

Vượt trên tất cả mọi tấm gương, vượt trên tất cả mọi bài học, máu các thánh phải là chính cuộc sống của những người Việt Nam Công giáo hôm nay, khi làm người Việt Nam giữa dân tộc mình, và làm người giữa đời.
 
Gương chứng nhân của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm Phạm Văn Phượng
11:38 24/11/2008
Gương chứng nhân của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Chúng ta có thể coi đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam từ thế kỷ 16, còn trước đó thì rất mơ hồ. Một vài tác giả cho rằng: các môn đệ của Thánh Tôma từ Ấn Độ theo các tàu buôn đã đến truyền giáo cho người Việt Nam.

Theo Đại Việt Sử Ký thì Sĩ Nhiếp là người thờ kính Chúa Trời, có xây một đền tại dinh của ông. Trong đền này có hình Gia tô thập tự. Ông chết năm 226, thọ 90 tuổi. Tuy nhiên đó mới chỉ là ức đoán mà thôi. Việc truyền giáo chỉ thực sự khởi sắc vào thời hậu Lê thuộc thế kỷ 16, khi các cha dòng Tên theo các tàu đã đến và giảng đạo tại Việt Nam.

Thời hậu Lê, tuy cấm đạo nhưng chưa khắc nghiệt lắm vì hoàn cảnh loạn lạc. Sau đó Tây Sơn đánh đổ nhà hậu Lê, đã ban cho tự do tôn giáo, nhưng không được bao lâu, nhà Tây Sơn cũng ra lệnh cấm đạo. Từ thời hậu Lê cho tới nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian 162 năm, đã có 11 lần cấm đạo, những chưa gắt gao cho lắm.

Nhờ giám mục Bá Đa Lộc giúp đỡ, Nguyễn Phúc Ánh đánh thắng nhà Tây Sơn, lên làm vua và khởi đầu cho triều đại nhà Nguyễn. Vì thế, vua Gia Long không cấm đạo mà còn bênh vực và nâng đỡ. Có người nói rằng khi gần chết nhà vua đã trở lại, nhưng không có bằng chứng chắc chắn nào cả.

Sang thời Minh Mạng, lúc đầu nhà vua không cấm đạo, nhưng chung quanh nhà vua, toàn những vị quan thù ghét đạo, luôn tìm cách vu khống cho người có đạo, thành thử nhà vua đã ngả theo và ra sắc chỉ cấm đạo trong cả nước.

Thời Thiệu Trị cũng vậy, lúc đầu nhà vua cũng không cấm đạo, nhưng kể từ ngày tàu Pháp tấn công cửa Hàn Tứ tại Đà Nẵng, nhà vua tức giận và đã cấm đạo một cách gắt gao. Nhà vua treo thưởng cho ai bắt được một linh mục Pháp là 30 nén bạc. Công việc chua đi đến đâu, thì nhà vua lâm bệnh và qua đời.

Thời Tự Đức, khi mới lên ngôi, nhà vua tỏ ra rất khoan hồng, mở cửa ngục tù cho giáo dân ra về, hy vọng những ngày đen tối sẽ chấm dứt. Thế nhưng, chẳng được bao lâu, hoàng hậu và các quan không đồng ý. Vì sợ có chia rẽ, nên nhà vua lại ban hành lện cấm đạo một cách gắt gao, không kém gì các bạo vương Rôma ngày xưa.

Trải qua hơn ba thế kỷ, hằng trăm ngàn người đã phải lìa xa quê hương, sống lén lút nơi rừng thiêng nước độc, để trốn tránh sự truy lùng như những giáo dân vùng La Vang Quảng Trị. Còn những người bị bắt, thì đã phải chịu những cực hình dã man, không kém gì các thánh tử đạo của Giáo Hội trong thời buổi sơ khai. Vậy đâu là những lý do khiến cho vua quan ra lệnh cấm đạo.

Lý do thứ nhất đó là vì óc thủ cựu và hẹp hòi. Họ luôn cho rằng chỉ mình mới tốt và đúng, còn người khác thì xấu và sai. Hơn nữa do ảnh hưởng của Nho giáo, phàm những gì thánh hiền đã nói hay đã viết, đều là khuôn vàng thước ngọc cần phải tuân theo.

Lý do thứ hai đó là vì thái độ giận cá chém thớt. Thuở ban đầu các vua Minh Mạng, thiệu Trị và Tự Đức đều không cấm đạo, nhưng sau đó, vì không ngăn chặn được sự tấn công của người Pháp, nên vua quan quay ra thù ghét những người mà họ cho rằng đã theo đạo của Tây và khép vào tội phản động, nối giáo cho giặc.

Lý do thứ ba, đó là vì cho rằng những người theo đạo không còn tôn trọng truyền thống cha ông để lại, chẳng hạn trong việc thờ cúng ông bà tổ tiên, hiếu kính đối với cha mẹ…Đây cũng chỉ vì óc thiển cận, không tìm hiểu cho thấu đáo, nên đã gây ra những ngộ nhận, những hiểu lầm đáng tiếc.

Tuy nhiên lý do căn bản nhất vẫn là sự đối kháng giữa tinh thần của Chúa và tinh thần của thế gian. Đối kháng như lửa và nước, như ánh sáng và boqng tối. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã tiên báo: Người ta đã bắt bớ Thầy, thì người ta cũng sẽ bắt bớ các con…Nhưng ai xưng tụng Thầy trước mặt người đời thì Thầy cũng sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự ở trên trời.

Sự bắt bớ, hay nói đúng hơn, sự đối kháng này không phải chỉ xảy ra bên ngoài trên bình diện xã hội, như chúng ta đã thấy, mà còn xảy ra bên trong, trên bình diện nội tâm. Thực vậy, chúng ta luôn cảm thấy một sự giằng co giữa sự thiện và sự ác, để rồi như thánh Phaolô đã diễn tả: Sự thiện tôi muốn thì tôi lại không làm, còn điều ác tôi ghét thì tôi lại làm. Bởi đó, hãy trung thành với Chúa trong những bắt bớ bên trong bằng cách thự hiên điều thiện điều tốt, nhờ đó chúng ta sẽ trung thành với Chúa trong những bắt bớ bên ngoài. Vì ai bền đỗ đến cùng, thì sẽ được cứu thoát.

2. Bách hại

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những viên thuốc đắng, người ta phải bọc đường để cho dễ uống. Thế nhưng qua Tin mừng, Chúa Giêsu đã không hành động như vậy. Trái lại, Ngài đã nói rõ cho các môn đệ biết những khó khăn đang chờ đón các ông. Ngài bảo:

- Thầy sai các con đi như chiên con ở giữa sói rừng. Người ta đã ghét bỏ Thầy, thì rồi họ cũng sẽ ghét bỏ các con. Đầy tớ không trọng hơn chủ. Họ sẽ xua đuổi các con ra khỏi hội đường, sẽ bắt bớ và hãm hại các con. Đã đến giờ những kẻ giết các con tưởng rằng làm như thế là phụng sự Thiên Chúa…

Quả thật là rõ ràng và minh bạch, không dấu diếm, không úp mở và chúng ta cũng chẳng cần phải cắt nghĩa hay thêm bới điều gì nữa.

Kể từ nay, các công sẽ phải mạnh dạn tiến lên với dấu ấn của người môn đệ Đức Kitô. Thế gian sẽ nhìn các ông như những kẻ xa lạ và thù địch, không có cùng một mẫu số chung, không đồng hội đồng thuyền với họ.

Nếu Đức Kitô đã bị đóng đanh vào thập giá như một tên tội phạm về phương diện chính trị, thì các ông cũng vì Ngài mà bị điệu tới vua chúa và chính quyền, bị hành hạ và ngược đãi, để rồi sau cùng đã chết đi cho ánh sáng Tin mừng được chiếu tỏa.

Và sự thật đã xảy ra như thế. Tất cả các ông, ngoại trừ thánh Gioan tông đồ, đều đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô.

Theo mẫu gương kiêu hùng của các ông, Giáo hội sơ khai cũng đã bị nhuộm thắm bởi dòng máu của hàng ngàn, hàng vạn các tín hữu bị bách hại duới thời các bạo vưong La Mã, đúng như lời Chúa đã báo trước:

- Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con.

Tại Hollywood, kinh đô điện ảnh của thế giới, người ta đã dàn dựng những cuốn phim vĩ đại nói về những cuộc bách hại các tín hữu trong những thế kỷ đầu. Hàng ngàn tín hữu đã bị làm mồi cho sư tử tại các hý trường. Với màn ảnh rộng và với màu sắc huy hoàng, người ta đã thực hiện được những cảnh hùng vĩ ấy một các dễ dàng và đã gây được một sự xúc động mạnh mẽ nơi khán giả.

Dầu vậy, đó vẫn chỉ là những cảnh giả tạo. Ống kính không thể thu được cái thực tại sống động và cay đắng mà các môn đệ cũng như các tín hưu sơ khai đã phải trải qua:

- Thầy sai các con đi như chiên con ởi giữa sói rừng.

Kinh nghiệm đau thương ấy vẫn luôn xảy ra ơ mọi nơi và trong mọi lúc. Ngay như Giáo hội Việt Nam cũng vậy. Với hơn ba trăm năm cấm cách, trải dài từ thời Hậu Lê cho đến thời nhà Nguyễn, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, hàng trăm ngàn người đã phải rời bỏ nơi quê cha đất tổ, sống lẩn trốn nơi rừng thiêng nước độc như các tín hữu vùng La Vang Quảng Trị.

Hàng ngàn tín hữu đã ngã gục duới những cực hình dã man để trở thành những chứng nhân bất khuất cho Tin Mừng, trong số đó, 117 vị đã được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tôn lên bậc hiển thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 tại Rôma.

Từ những sự kiện trên, chúng ta thấy tinh thần Kitô giáo luôn là một cái gì trái ngược với tinh thần thế gian. Chẳng hạn khi Đức Thánh Cha lên tiếng trình bày quan điểm của Giáo hội trước những vấn đề thời sự nóng bỏng trên thế giới, thì người ta lập tức mổ xẻ, phê bình và không ngần ngại chỉ trích và phản đối. Họ muốn giới hạn tôn giáo vào những hoạt động mang tính cách riêng tư, chứ không để cho tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống của xã hội cũng nhu đến những sinh hoạt trong lãnh vực kinh tế, chính trị…

Làm như vậy là đi ngược lại với sứ mạng của Kitô giáo. Đúng thế, Kitô giáo không phải là một hòn đảo biệt lập, hay là một pháo đài cho chúng ta ẩn náu an tòan, cũng không phải là một cái vỏ ốc cho chúng ta thu mình vào đó. Trái lại, Kitô giáo phải là một con đường dẫn chúng ta đến với người khác để rồi cùng với họ chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa.

Vì thế mỗi người Kitô hưu đều có bổn phậnph trở nên như muối ướp cho trần gian khỏi ươn thối, phải trở nên như ánh sáng chiếu soi trong đêm tối.

Chúng ta không phép được che dấu tinh thần của Đức Kitô, trái lại phải làm cho nó thấm sâu vào môi trường chúng ta đang sống.

Chúng ta không được phép để mặc cho thế gian chìm vào bóng đêm, dù có gặp phải những gian nan và thử thách.

Như các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta phải lấy làm vinh dự vì đã bị thế gian ghét bỏ, chúng ta phải lấy làm hãnh diện vì được trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô.

3. Sống đạo tốt

Có lẽ chúng ta đều thuộc lòng hay ít nhất cũng đã nghe nói nhiều lần một câu nói nổi tiếng của Tetulianô: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống tốt sinh ra người Công giáo”. Nếu vậy chúng ta cứ xin Chúa làm cho nhiều quyền lực thế gian ra tay bắt bớ đạo, thẳng tay cấm cách đạo, hầu tạo điều kiện cho có nhiều vị tử đạo, và hy vọng khi máu tử đạo tăng lên thì số hạt giống đức tin càng tăng lên, sinh ra nhiều người Công giáo và mở rộng cánh đồng đức tin.

Chúng ta nói như vậy là để nói mà thôi, chứ chẳng ai trong chúng ta lại xin Chúa điều đó, vì lời xin như vậy không hợp lý. Chúng ta phải nhìn nhận rằng: thực đúng là máu các thánh tử đạo có khả năng làm hạt giống sinh ra người tín hữu. Nhưng theo Kinh Thánh, thực chất làm cho một người, một việc trở thành hạt giống đức tin, đó là Lời Chúa và những kẻ sống lời Chúa, vâng theo lời Chúa như Chúa đã phán: “Lời Ta là lời ban sự sống”. Nếu máu các thánh tử đạo có hạt giống tốt sinh ra người Công giáo, thì chính vì những giọt máu ấy đã đổ ra do những người sống lời Chúa. Lời Chúa mới là hạt giống tốt sinh ra người Công giáo.

Ngoài ra, việc bách hại đạo Chúa là một việc xấu, mà việc xấu thì chẳng bao giờ Chúa khuyến khích, và cầu xin như thế cũng chẳng đẹp ý Chúa. Nếu chúng ta nhận định như thế thì chúng ta sẽ thấy rằng: trong ngày lễ kính các thánh tử đạo Việt Nam, ngoài việc chúng ta phải cảm tạ Chúa, vì đã ban ơn tử đạo cho các bậc tổ tiên của chúng ta và ban các thánh Việt Nam cho Giáo Hội chúng ta, chúng ta còn cần phải xin Chúa, vì công nghiệp các thánh ban cho chúng ta, cho mọi người Công giáo chúng ta, cho Giáo Hội Việt Nam chúng ta, biết cách nào thích hợp nhất, có hiệu quả nhất, để diễn tả đức tin, để truyền bá đức tin trong thời buổi hôm nay.

Bởi vì mỗi thời có cách diễn tả đức tin và truyền bá đức tin theo thời của nó. Nội dung đức tin trước sau vẫn là một nhưng cách diễn tả đức tin, cách truyền bá đức tin, phải thay đổi tùy nơi, tùy thời, hợp với tâm lý của con người, hợp với trình độ tiến hoá của từng nơi. Có nơi, nhất là những nơi bị bách hại, thì cách tốt nhất để diễn tả đức tin và truyền bá đức tin là chấp nhận đổ máu mình ra, chết cho đức tin. Có nơi, có thời không bị bách hại, có nhiều tự do, thì cách tốt nhất để diễn tả đức tin, để truyền bá đức tin là sống đạo cho tốt. Mình sống đạo cho tốt, con cái mình sẽ bắt chước. Mình sống đạo cho tốt, người ngoại giáo thấy sẽ có cảm tình với đạo.

Thế nào là sống đạo tốt? Đó là thực thi bác ái. Đức ái là điều kiện căn bản của giáo lý Phúc âm. Chúa Giêsu đã nói: “Giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất, đó là yêu thương kẻ khác như chính mình”. Chúng ta ai cũng yêu mình, ai cũng muốn điều hay, điều tốt cho mình, ai cũng thích được người khác thông cảm, dễ dãi, nhân từ với mình. Chúng ta yêu mình như thế, nên Chúa bảo chúng ta hãy yêu thương người khác như vậy. Nhưng thực tế ít người thực hành đúng như vậy. Yêu mình hơn người thì có, yêu người như mình thì ít, và yêu người thua mình thì nhiều. Như thế là chúng ta chưa sống đạo tốt rồi, và chưa sống đạo tốt thì cũng là chưa diễn tả đức tin và truyền bá đức tin. Tóm lại, để sống đạo tốt trong thời buổi này, mỗi người chúng ta cần phải có chất lượng. Chất lượng đó là bác ái đối với tha nhân.

Đây là cách làm chứng tốt nhất cho Chúa, cho đạo, đây cũng là cách tốt nhất để sống đạo và truyền đạo. Chung quanh chúng ta, những đồng bào không Công giáo cũng đã quan tâm rất nhiều đến sự bác ái yêu thương đối với nhau và đối với kẻ khác: những việc làm xoá đói giảm nghèo, những ngôi nhà tình nghĩa, những lớp học tình thương, những chia sẻ cho những anh em bị bão lụt, những người bệnh tật, neo đơn… Chúng ta có quan tâm đến những việc đó hay những việc tương tự khác không? Chúng ta cũng nên tự hỏi: cách sống đạo của chúng ta có thực sự tuyên xưng Chúa, tuyên xưng đức tin không? Ngoài việc tuyên xưng Chúa, tuyên xưng đức tin trong những nghi lễ của chúng ta, trong nhà thờ của chúng ta, chúng ta còn phải tuyên xưng bằng những việc từ thiện bác ái, bằng cách sống chân thành, cởi mở, yêu thương với những người chung quanh nữa. Nói tóm lại, chúng ta cần phải thuyết phục những người chưa có đạo, những người không hiểu về chính nghĩa của đạo chúng ta bằng sự chúng ta sống trọn vẹn, quyết liệt, dứt khoát tinh thần bác ái yêu thương đối với nhau và đối với những người chung quanh.

Xin Chúa Thánh Thần là tình yêu Thiên Chúa ban ơn thêm sức cho chúng ta, đặc biệt là ban ơn bác ái yêu thương, để chúng ta thêm tình mến Chúa yêu người một cách đơn sơ trung thành, một cách bền vững và một cách quảng đại, bởi vì chỉ có tình yêu là cách sống đạo tốt nhất và làm chứng cho Chúa, cho đạo hữu hiệu nhất.
 
Đức Thánh Cha đề cao giá trị của đời đan tu
LM Trần Đức Anh, OP
20:20 24/11/2008
VATICAN -. ĐTC Biển Đức 16 tái kêu gọi các đan sĩ sống Tin Mừng một cách quyết liệt, chuyên cần chiêm niệm và say mê Lời Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 20-11-2008 dành cho 60 HY, GM và Bề trên Tổng quyền, tham dự khóa họp toàn thể 3 năm một lần của Bộ các dòng tu về chủ đề ”đời đan tu”, đặc biệt là đời sống của các nữ đan viện. Ngài nhận xét: ”Từ công việc của anh em, có thể nảy sinh những chỉ dẫn hữu ích cho tất cả các đan sĩ nam nữ, những người đang tìm kiếm Chúa, thực hiện ơn gọi của mình để mưu ích cho toàn thể Giáo Hội.”

ĐTC nhấn mạnh đến một điểm thiết yếu trong đời đan tu là ”Không đặt điều gì lên trên Chúa Kitô” (RB 72,11). Thành ngữ này mà tu luật thánh Biển Đức lấy lại từ truyền thống trước đó, diễn tả rất rõ kho tàng quí giá của đời đan tu được thực hành cho đến nay tại Tây phương cũng như Đông phương. Đó là một lời mời gọi tha thiết hãy uốn nắm đời đan tu để biến nó thành ký ức Tin Mừng của Giáo Hội và là mẫu gương về đời sống theo bí tích rửa tội”.

ĐTC cũng khẳng định rằng ”Khi các đan sĩ sống Tin Mừng một cách quyết liệt, khi những người tận tụy sống đời chiêm niệm toàn vẹn, vun trồng sự kết hiệp sâu xa với Chúa Kitô,.. thì đời đan tu có thể là một ký ức cho tất cả các hình thức khác của đời sống tu trì thánh hiến về những gì là thiết yếu và có chỗ đứng tối thượng trong mọi cuộc sống theo phép rửa tội: đó là tìm Chúa Kitô và không đặt điều gì trên tình yêu Chúa.”

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC đề cao chỗ đứng của Lời Chúa trong đời sống đan tu và nhận xét rằng ”Ước muốn Thiên Chúa và yêu mến Lời Chúa nuôi dưỡng lẫn nhau và nhất thiết sinh ra đời đan tu nhu cầu phải thi hành công việc của Chúa, học cách chiêm niệm, lectio divina, đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh, nghĩa là lắng nghe Lời Chúa, kèm theo những tiếng nói cao cả của truyền thống các Giáo Phụ và các Thánh, rồi cầu nguyện được Lời Chúa hướng dẫn và nâng đỡ”.

ĐTC nhắc đến Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 12 vừa qua về Lời Chúa với lời mời gọi tất cả các tín hữu Kitô hãy làm cho cuộc sống của mình được ăn rễ sâu trong Lời Chúa, chứa đựng trong Kinh Thánh. Các nghị phụ đặc biệt mời gọi các cộng đồng tu trì, và mỗi người nam nữ thánh hiến hãy biến Lời Chúa thành lương thực hằng ngày của mình, đặc biệt là qua việc thực hành lectio divina (đề nghị 4).

”Anh em thân mến, ai vào một đan viện để tìm một ốc đảo thiêng liêng trong đó họ học cách sống như những môn đệ chân thực của Chúa Giêsu trong sự thanh thản và kiên trì hiệp thông huynh đệ, họ cũng tiếp đón khách thăm như chính Chúa Kitô (RB 53,1). Đó là chứng tá mà Giáo Hội đang yêu cầu đời đan tu thời nay”.

Sau cùng, ĐTC nhắc lại sự kiện cách đây 100 năm Thánh Piô 10 Giáo Hoàng thành lập Bộ các dòng Tu như một bộ độc lập. Ngài cầu chúc cho chương trình mừng kỷ niệm của Bộ cử hành vào ngày 22-11-2008 với chủ đề ”100 năm phục vụ đời thánh hiến” được thành công tốt đẹp.

Hội nghị của Bộ các dòng tu tiến hành từ ngày 18 đến 20-11-2008 và bàn về ”Đời sống đan tu và ý nghĩa của đời này trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Trong số các tham dự viên có 12 HY, 5 GM thành viên, cùng với 8 Bề trên Tổng quyền các dòng nam.

Sau diễn văn mở đầu của ĐHY Tổng trưởng Franc Rodé, Đức TGM Gianfranco Gardin, Tổng thư ký, đã tường trình hoạt động của Bộ từ sau khóa họp toàn thể cách đây 3 năm. Tiếp đến, Đức Cha Viktor Joseph Dammertz, nguyên viện phụ Tổng quyền dòng Biển Đức, cựu GM giáo phận Augsburg, nam Đức, đã trình bày về ý nghĩa đời tu đối với Giáo Hội và đời sống tu trì trong thế giới ngày nay.

Một số bài tường trình khác nói về sự hiện diện của đời nữ đan tu trong Giáo Hội, các vấn đề và viễn tượng của đời đan tu. Mẹ Theresa Brenninkmejer, dòng nữ Xitô, trình bày chứng từ về kinh nghiệm của một đan viện sinh động, trong khi Mẹ Maria del Sagrario Fernández Franco, dòng nữ Cát Minh, nói về các đan viện gặp khó khăn.

Thông cáo của Bộ các dòng tu cho biết khóa họp toàn thể này có mục đích tái khẳng định giá trị của đời đan tu, vốn là một sự phong phú không thể thay thế được trong Giáo Hội. Đồng thời các đan sĩ nam nữ được mời gọi làm chứng tá rạng ngời, đặc biệt là quyền tối thượng của Thiên Chúa, tình hiệp thông huynh đệ và sự nhắc nhở về những thiện ích tương lai.

Hiện nay có trong Giáo Hội có 12.876 nam đan sĩ sống trong 905 đan viện, bình quân mỗi cộng đoàn có 15 đan sĩ; 48.493 nữ đan sĩ sống trong 3520 nữ đan viện, trong số này 2 phần 3 tại Âu Châu. (SD 20-11-2008)
 
Một mùa xuân mới
LM. Anphong Trần Đức Phương
23:01 24/11/2008
MỘT MÙA XUÂN MỚI…

(CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM B)

Với Chúa nhật I Mùa Vọng, chúng ta bước vào một Mùa Xuân Mới của năm Phụng vụ Giáo Hội và năm nay khởi đầu là ngày 30-11-2008, chu kỳ năm B.

Mùa Vọng là mùa để chúng ta sống lại Lịch Sử Ơn Cứu Độ, sống lại niềm hy vọng ơn Cứu độ trong suốt thời gian Cựu Ước. Tất cả những biến cố quan trọng trong cuộc đời của Đức Giêsu nơi trần gian đều đã được nói đến trước qua các lời tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước: như việc ‘Người được sinh ra do một Trinh Nữ…’ ( Isaia 7,14), ‘giáng sinh tại Belem…’ (Mikha 5,10); kể cả việc ‘Người bị bán với gía 30 đồng bạc…’ (Dacaria 11,12&13), ‘bị đâm thâu qua cạnh sườn khi Người chịu treo trên Thánh Gía…” (Dacaria 12,10)…vv…

Trong suốt Mùa Vọng, ngoài vai trò của Đức Mẹ Maria, chúng ta thường gặp hai nhân vật khác nổi bật, đó là Tiên tri Isaia (khoảng từ 740-687 trước Chúa Giáng sinh) và Thánh Gioan Baotixita (+28). Tiên tri Isaia là vị Tiên tri của niềm Hy vọng; vì lời tiên tri của Isaia đặc biệt hướng đến Đấng Thiên Sai sẽ đến khi ‘thời giờ đã viên mãn’ và sinh bởi “một Trinh nữ”. Bài đọc I trong các Chúa Nhật Mùa Vọng (đặc biệt năm B) thường trích trong sách Tiên tri Isaia. Nhiều bản Thánh Ca trong Mùa Vọng cũng được lấy từ Sách Tiên tri Isaia, như “Trời Cao Hãy Đổ Sương Xuống…”, “Này Dân Sion…”, “Có Tiếng Kêu Từ Nơi Hoang Vắng…”, “Trời Gieo Sương Xuống.” Thánh Gioan Baotixita là vị tiên tri nối liền Cựu Ước và Tân Ước, người dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến (Tiền Hô), là người ban Phép Rửa Thống Hối (Tẩy Giả).

Trong Chúa Nhật I Mùa Vọng năm nay, Bài đọc I (Isaia 63,16b-17,19b;64,2-7) là lời cầu xin khấn nguyện xin Đấng Cứu Độ đến để giải thoát Dân Chúa khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Bài đọc II (1 Cor. 1,3-9) là lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta “hãy sống xứng đáng, không gì đáng trách, trong khi mong chờ ngày Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến trong vinh quang”. Bài Tin Mừng (Matcô 13,33-37), Chúa Giêsu nói với chúng ta “Hãy luôn luôn sống xứng đáng để sẵn sàng chờ ngày Chúa đến với mọi người chúng ta vào bất cứ lúc nào mà chúng ta không ngờ!”

Vậy hợp với toàn thể Giáo hội chúng ta hãy cùng cầu nguyện chung cho nhau và giúp nhau sám hối lỗi lầm, thanh tẩy tâm hồn, luôn sống trong ơn nghĩa Chúa, sống một Mùa Vọng thánh thiện trong tinh thần hòa hợp yêu thương với mọi người, để chuẩn bị mừng Đại Lễ Giáng sinh; đồng thời đón chờ Chúa đến với mỗi người chúng ta bất cứ lúc nào khi chúng ta từ giã cuộc đời đầy gian nan thử thách này và bước vào một Mùa Xuân Vĩnh Cửu trong vinh quang nước Chúa.

Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta.
 
Mùa Vọng: Mùa trông đợi trời mới đất mới
LM. Anphong Trần Đức Phương
23:06 24/11/2008

MÙA VỌNG: MÙA TRÔNG ĐỢI TRỜI MỚI ĐẤT MỚI…



“Ta sẽ tạo dựng một Trời Mới Đất Mới; những gì đã qua sẽ không còn được nhớ đến nữa, sẽ không còn ở trong tâm trí ai nữa! …Trời Mới Đất Mới được tạo dựng sẽ tồn tại trước nhan Ta như thế nào, dòng dõi các con và tên các con cũng sẽ tồn tại như vậy!”(Isaia 65,17; 66,22).

“Bây giờ tôi thấy một Trời Mới và Đất Mới; vì trời cũ và đất cũ đã qua đi …Sẽ không còn sự chết nữa; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa; vì những điều cũ đã qua đi”(Khải Huyền 21, 1-4).

“ Ngày của Chúa đến như kẻ trộm. Ngày đó các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngủ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị tiêu hũy… Nhưng theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta đang mong đợi một Trời Mới Đất Mới, nơi công lý ngự trị. Trong khi mong chờ ngày đó, anh em hãy cố gắng hết sức để sống làm sao cho tinh tuyền, không vết nhơ tội lỗi và an bình trước mặt Chúa! (II Phêrô 3-9).

Chúng ta bắt đầu Năm Mới theo Lịch Phụng Vụ Giáo Hội từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng. Mùa Vọng, ngày xưa thường gọi là “Mùa Áp” (theo tiếng Latinh là Adventus, ra tiếng Anh là Advent; từ động từ Advenire, có nghĩa là “đến gần”). Trong lịch Phụng Vụ của Giáo Hội Việt Nam bây giờ gọi là “Mùa Vọng”, với ý nghĩa là Mùa “trông đợi”, “mong chờ”.

Vậy chúng ta trông đợi, mong chờ điều gì ?

Thực tế, Mùa Vọng là mùa để chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng trong niềm mong chờ mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới. Tuy nhiên, phụng vụ Mùa Vọng cũng nói với chúng ta, qua các Bài Đọc Sách Thánh trong các Thánh Lễ, hãy chuẩn bị tâm hồn trong sự chờ đợi Chúa đến viếng thăm mỗi người chúng ta vào lúc chúng ta “qua khỏi đời nầy (qua đời) và đó là lúc “chúng ta không ngờ”. Như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Vọng (Năm B), Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào!” (Matcô 13,33). Và trong Bài Đọc II (Côrintô 1, 3-9), Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra …” và mong rằng “ chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến…”.

Xa hơn nữa, Phụng vụ Mùa Vọng cũng chuẩn bị tâm hồn chúng ta để đón chờ ngày “cuối cùng của thế giới nầy, ngày “tận thế!”, ngày đó cũng là ngày “không ngờ”, ngày mà “các tầng trời rung chuyển”, ngày mà “Con Người sẽ ngự đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả!”. (Bài Phúc Âm, Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm C). Tuy nhiên đối với những ai có lòng tin nơi Đấng Cứu Thế, và sống theo Phúc Âm của Ngài, thì ngày đó, không đáng kinh khiếp, nhưng lại là “Ngày Giải Thoát” để bước vào miền hạnh phúc viên mãn của cuộc sống “trường sinh, vinh hiển”, một “Trời Mới Đất Mới” (Xin xem Asaia 65, 17; 66, 22 và sách Khải Huyền 21, 1-4).

Mùa Vọng cũng là Mùa để chúng ta sống lại lịch sử ơn cứu độ, đặc biệt qua các Bài Đọc Cựu Ước, thường trích ra từ Sách Tiên Tri Isaia, một vị Tiên tri lớn trong Cựu ước, sống vào khoảng hậu bán thế kỷ VIII trước Chúa Giáng Sinh. Tiên tri đã được linh ứng và tuyên sấm về ngày Đấng Cứu Thế đến, mặc thân xác loài người và sống giữa nhân loại như một con người để chia sẻ thân phận con người như chúng ta, rao giảng Tin Mừng tình thương và Ơn Cứu Độ, chịu bao khổ hình, và chết trên Thập Gíá để đền tội và cứu chuộc nhân loại tội lỗi; rồi Ngài đã sống lại và lên Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho mọi người tin theo và sống theo tinh thần Tin Mừng mà Ngài đã rao giảng. Ngài được sinh ra từ lòng một Trinh Nữ và được gọi là Emmanuel, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tiên tri Isaia đã loan báo trước: “Này một Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai ….” (Bài đọc I, Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Năm A).

Tiên tri Asaia cũng nói đến Đấng Cứu thế như một “Hoàng Tử Hòa Bình” và triều đại của Ngài là một thời đại Thanh bình: “ Người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cầy, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này sẽ không còn tuốt gươm để chống nước kia !” (Bài đọc I, Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm A). Đó cũng là thời đại của tình yêu thương, hòa hợp: Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ sống chung với nhau; các trẻ thơ sẽ chăn dắt đoàn thú vật; bò con và gấu ăn chung một nơi ! …” (Bài Đọc I, Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm A).

Nhưng để có thể đi vào Thời đại của Đấng Cứu Thế trong một “Trời Mới Đất Mới”, mỗi người phải sửa đổi cuộc sống cho ngay thẳng, lương thiện, sống công chính và yêu thương. Tiên tri Isaia đã hô hào: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng, hãy lấp các hố sâu và bạt mọi núi đồi. Con đường cong queo, hãy sửa cho ngay thẳng, con đường gồ ghề, hãy san cho bằng; rồi vinh hiển của Chúa sẽ xuất hiện; mọi người sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa …” (Bài đọc I, Chúa Nhật II, Mùa Vọng). Thánh Gioan Tiền Hô cũng nhắc lại lời này để kêu gọi mỗi người chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước Trời đã gần đến. Chính Người là Đấng Tiên Tri Isaia đã loan báo: Có tiếng kêu trong hoang địa: hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng …” (Phúc Âm Chúa Nhật II, Mùa Vọng, Năm A, B, C). Đó cũng là tinh thần chúng ta đọc thấy trong thơ II Phêrô 3-9: “ Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em; vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mỗi người đi đến chỗ ăn năn hối cải …”.

Vậy trong tinh thần “dọn đường Chúa đến…”, chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau để mỗi người cùng biết nhìn nhận chính mình là con người yếu đuối, dể sa ngã phạm tội, sống khiêm tốn, hòa hợp yêu thương để Nước Bình An của Chúa có thể đến trong tâm hồn mỗi người, mỗi gia đình và lan tỏa ra trên tòan thế giới chúng ta. Để đến ngày mừng Chúa Gíáng Sinh, chúng ta có thể cùng với các Thiên Thấn ca hát:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho loài người được Chúa Yêu thương!” (Luca 2,14).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sự sống và Bầu cử
Vũ Văn An
01:30 24/11/2008
Sự Sống và Bầu Cử

Bầu cử tổng thống Mỹ đã ngã ngũ nhưng vấn đề sự sống thì sẽ không bao giờ ngã ngũ cả. Tuần vừa qua, các vị giám mục Hoa Kỳ bắt đầu “giương cung” nhắm vào chính phủ tương lai của tổng thống đắc cử Barack Obama, khi cảnh cáo cho rằng “sự hợp nhất mà tổng thống đắc cử Obama cũng như toàn dân Mỹ mong muốn vào lúc khủng hoảng này” sẽ không thể nào thực hiện được, nếu các chính sách của tân chính phủ làm gia tăng nạn phá thai.

Một chủ trương gây chia rẽ

Trong một bản tuyên bố nhân danh toàn thể các giám mục Hoa Kỳ, sau cuộc họp tại Baltimore, Đức Hồng Y Francis George của Chicago, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói rằng: Giáo Hội mong mỏi được làm việc với ông Obama trong các vấn đề cải tổ di trú, chăm sóc y tế và công bình kinh tế, nhưng cho hay dự luật Tự Do Lựa Chọn (FOCA) mà ông Obama tuyên bố ủng hộ là “một đạo luật xấu sẽ chia rẽ quốc gia nhiều hơn nữa”.

Các giám mục cho rằng nếu ban hành dưới hình thức như đã được Quốc Hội thông qua trước đây, đạo luật này sẽ đặt ngoài vòng pháp luật bất cứ loại can thiệp nào đối với lời yêu cầu phá thai: “Đạo luật ấy sẽ tước đoạt quyền tự do của công dân Mỹ ở tất cả 50 tiểu bang, quyền tự do mà hiện nay họ đang giúp họ có thể đưa ra một số giới hạn và quy định khiêm tốn đối với kỹ nhệ phá thai”.

Các ngài cũng cho rằng FOCA còn triệt để hơn phán quyết Roe v.Wade năm 1973 của Tối Cao Pháp Viện, là phán quyết chính thức hợp pháp hóa phá thai tại Hoa Kỳ. Vì đạo luật này sẽ hủy bỏ quyền tự do lương tâm của các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế, những người mà xác tín bản thân không cho phép họ cộng tác vào các vụ phá thai, cũng như sẽ đe dọa các cơ chế chăm sóc y tế và các cơ quan từ thiện của Công Giáo. Nó là “một đạo luật xấu sẽ chia rẽ quốc gia chúng ta hơn nữa, nên Giáo Hội sẽ quyết tâm chống lại nó”.

Các giám mục nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua chủ yếu được quyết định bởi các yếu tố kinh tế. Do đó, nếu dùng ý thức hệ mà giải thích sai lầm, coi nó như một cuộc trưng cầu dân ý về phá thai, thì sự hợp nhất mà tổng thống đắc cử Obama mong muốn sẽ không thể nào thực hiện được. “Phá thai không những chỉ giết hại trẻ em chưa sinh ra; nó còn hủy diệt trật tự hiến định và ích chung, những điều chỉ được bảo đảm khi sự sống của mọi con người nhân bản được bảo vệ trước pháp luật”. Trong cuộc bầu cử, nhiều vị giám mục đã nhấn mạnh việc người Công Giáo có bổn phận phải dùng lá phiếu của mình chống lại việc phá thai. Tuy có đến 54% người Công Giáo bỏ phiếu cho ông Obama, nhưng đa số người Công Giáo sống đạo đã bỏ phiếu cho TNS Cộng Hòa, John MaCain, là người ủng hộ sự sống.

Lên tiếng về vấn đề này còn có đức Hồng Y Sean O’Mahey, Tổng giám mục Boston. Trong bài phỏng vấn đăng trên tờ Boston Globe, Đức Hồng Y cho hay: dù hết sức vui mừng thấy một người da đen được bầu làm tổng thống, nhưng niềm vui của ngài bị giảm đi phần lớn khi biết rằng ông Obama có “một thành tích đáng chê trách trong các vấn đề phò phá thai và rất có thể đang ở trong túi của nhóm Planned Parenthood (Làm Cha Mẹ Có Kế Hoạch {một nhóm tranh đấu cho quyền được chọn lựa)”. Trong một diễn văn đọc tại Washington D.C. vào ngày thứ Năm vừa qua, Đức Hồng Y James Francis Stafford chỉ trích chủ trương của tổng thống đắc cử Obama là “gây hấn, phá phách và đem đến tai họa khôn lường” và cho hay: ông ta đã tranh cử với một “cương lĩnh chống sự sống đầy cực đoan”.

Vị đứng đầu Tòa Ân Xá Tối Cao của Tòa Thánh nói thêm: “Trong mấy năm sắp tới, Vườn Diệtsimani sẽ không còn ở ngoại biên nữa. Ta sẽ đích thân biết vườn ấy. Nước Mỹ quả đã bị một cơn động đất văn hóa vào ngày 4 tháng Mười Một năm 2008”.

Chiếc áo không đường nối

Trong khi ấy, thứ Bẩy qua tại Rôma, nhân khi nói truyện với các tham dự viên cuộc hội nghị do Hội Đồng Giáo Hoàng về Trợ Giúp Các Nhân Viên Chăm Sóc Sức Khỏe tổ chức với chủ đề “Chăm Sóc Mục Vụ Cho Trẻ Em Bệnh Hoạn”, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI minh nhiên khẳng định phẩm giá của mọi sự sống nhân bản từ lúc tượng thai. Tuy nhiên, Ngài cũng cho hay: các trẻ em đã sinh ra, nhất là các trẻ em chịu cảnh nghèo, bệnh tật và chiến tranh phải được Giáo Hội đặc biệt quan tâm chăm sóc. Ngài cho hay: hàng năm có tới 4 triệu trẻ em trên thế giới chết lúc chưa được 26 ngày, vì nghèo, vì không được chăm sóc sức khỏe hay vì các tranh chấp vũ trang.

Một số báo chí “cấp tiến” Công Giáo đã dựa vào giáo huấn trên của Đức Giáo Hoàng để nhấn mạnh đến tính bất khả phân chia của vấn đề sự sống. Nhóm này cho rằng việc quan tâm của Giáo Hội về sự sống phải nhằm sự sống trong cái toàn bộ từ lúc tượng thai cho tới lúc vào lòng huyệt của nó, chứ không phải chỉ ở lúc còn trong bụng mẹ. Họ còn đi tới chỗ ca ngợi quyết định gần đây của một số cơ quan Công Giáo ủng hộ các quy định mới đây của các chính phủ Anh và Wales cho phép các cặp “vợ chồng” đồng tính được nhận con nuôi, nhất là những trẻ em khó tìm được cha mẹ nuôi, mặc dù làm thế là đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội. Đối với họ, phúc lợi của các trẻ em khó tìm được cha mẹ nuôi này phải được đặt lên hàng đầu.

Ngoài việc dựa vào “giáo huấn” của Đức Bênêđíctô, một giáo huấn rõ ràng đã bị họ hiểu sai, nhóm này còn trích dẫn hình ảnh từng được Đức Hồng Y Bernardin, nguyên Tổng Giám Mục Chicago, đưa ra. Đức Hồng Y dùng hình ảnh “chiếc áo không đường nối” (seamless garment) để miêu tả phương thức trên khi ngài nói truyện với hội nghị các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Ngài nói: trẻ em đã được sinh ra, nhất là các trẻ em chịu nghèo đói, bệnh tật và chiến tranh, phải có chỗ trong trái tim Giáo Hội.

Ở đây, tử xuất trẻ em không phải là vấn đề duy nhất. Các trẻ em thiếu thốn tình thương, giáo dục và dinh dưỡng cũng không thể tiển nở, không thể sống trọn vẹn. Những vấn đề ấy cũng phải được kể là các vấn đề thuộc sự sống. Họ cho rằng: Giáo Hội không thể từ bỏ các cố gắng chống phá thai của mình, cũng như không thể để các chính phủ tự do muốn quy định ra sao thì quy định về đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, các giáo huấn của Giáo Hội sẽ bị hiểu lầm và sẽ không có tiếng vang trong cộng đồng Công Giáo vào lúc có những cuộc bầu cử, trừ khi đặt chúng vào một cái khung toàn bộ gồm các giá trị tích cực. Các nhà lãnh đạo Công Giáo nào chủ trương và ra tay bảo vệ sự sống trong mọi giai đoạn của nó sẽ được giáo dân cũng như người ngoài chú ý lắng nghe và tôn trọng hơn là những vị chỉ loay hoay với một vấn đề duy nhất.

Điều những người này nhấn mạnh chỉ là chuyện lo bò trắng răng. Không một vị lãnh đạo Giáo Hội nào lại không quan tâm tới sự sống từ lúc tượng thai cho tới lúc vào mộ huyệt. Giáo huấn và hành động của các ngài đủ chứng tỏ điều ấy. Nhưng trong khung cảnh một cuộc bầu cử, khi cán cân nghiêng hẳn về phá thai, thì người “phớt tỉnh ăng-lê” nhất cũng phải có thái độ, đừng nói chi đến những vị có trọng trách “chăm sóc” phần rỗi người ta. Đúng là tất cả các vấn đề trên đều là vấn đề sự sống, và đều nằm trong trái tim Giáo Hội. Chúng không có chi phải loại trừ nhau. Còn nói rằng “phò phá thai” để giảm phá thai, thì không những chỉ là chuyện không tưởng mà còn ngụy biện nữa. Cùng lắm, chủ trương ấy chỉ là cách kiếm phiếu. Rất hy vọng sau khi đã kiếm được phiếu, ông Obama sẽ nghĩ lại.

Phò sự sống không giảm

Chuyên gia luật pháp, Clarke Forsythe, Cố Vấn Cao Cấp của tổ chức Americans United for Life (AUL=Người Mỹ Đoàn Kết vì Sự Sống), trái lại, có cái nhìn khá lạc quan. Theo ông, trong khi khủng hoảng kinh tế và chiến tranh tại Iraq được coi là ưu tiên hàng đầu đối với cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, thì chả có gì cho thấy người Mỹ ít phò sự sống hơn trước. Trong cuộc nói truyện với hãng tin Zenit vào ngày 20 tháng Mười Một vừa qua, ông đã đặt kết quả cuộc bầu cử năm 2008 trong bối cảnh 35 năm tiến bộ của phong trào phò sự sống. Ông cũng đề cập tới các thách đố có thể có đối với các vấn đề sự sống dưới thời tổng thống của Barack Obama.

Về kết quả bầu cử vừa qua, Forsythe cho rằng khó có thể duy trì các vấn đề về sự sống cũng như các vấn đề khác về công bình trong tâm thức công luận lúc ta đang bị khủng hoảng về kinh tế và chiến tranh. Chiến dịch chống việc buôn bán nô lệ của William Wiberforce tại Anh trong thập niên 1790 là một điển hình. Chiến dịch ấy đã bị trệch đường rầy chỉ vì cuộc Cách Mạng Pháp, chiến tranh với Pháp, khủng hoảng kinh tế và những vụ mùa thất thu hãi hùng. Nhưng nhờ Wilberforce và bằng hữu trì chí mà sau một thời gian đáng kể, sự việc đã xoay chiều.

Theo Forsythe, không có dữ kiện nào cho thấy cử tri Mỹ bỏ phiếu “chống lại việc phò sự sống” trên bình diện quốc gia; và ông cho rằng đã có những dữ kiện cho thấy tổng thống đắc cử Obama thắng là nhờ các yếu tố bản thân, chứ không hẳn đảng phái. Tầm cỡ chiến thắng của ông không lớn lao, và cũng có dữ kiện chứng tỏ “các đuôi áo” của ông không dài lắm.

Các sáng kiến dành phiếu không thành công phần lớn là các vấn đề địa phương, được tranh cử trên bình diện địa phương, tùy thuộc các yếu tố đặc thù của từng tiểu bang: bối cảnh chính trị, công luận, sức mạnh và việc tổ chức hạ tầng, nguồn tài chính, tác động của việc quảng cáo vào phút chót. Vấn đề có tính toàn quốc là vấn đề kinh tế và cuộc chạy đua đoạt chức tổng thống đã xoay chiều vào khoảng từ 6 tới 8 tuần lễ cuối cùng sau khi có sự xụp đổ của thị trường nhà cửa và tín dụng. Không có dữ kiện nào cho thấy con số đáng kể các ứng cử viên quốc hội liên bang hay các ứng cử viên tiểu bang thua cuộc vì họ phò sự sống hay bị nhận dạng là phò sự sống.

Phôi thai

Trong kỳ bầu cử tháng Mười Một vừa qua, hai biện pháp phò sự sống có liên quan tới phôi thai đã bị cử tri đánh bại. Tiểu bang Colorado đã bác bỏ tu chính án Sự Sống Con Người, là tu chính án nhằm công nhận tư cách nhân vị (person) của phôi thai. Trong khi ấy, tiểu bang Michigan chấp thuận dùng phôi thai người để nghiên cứu. Nhưng theo Forsythe, dù có liên quan tới phôi thai, hai biện pháp trên hoàn toàn khác nhau và các lý do bị đánh bại phần nhiều có tính địa phương và tỷ lệ bị đánh bại cũng hết sức khác nhau. Cho nên, cần phải hiểu tường tận mỗi biện pháp trên. Tu chính án Sự Sống Con Người ở Colorado do nhóm phò sự sống đệ trình và tỷ lệ bị đánh bại rất lớn. Trong khi sáng kiến dùng phôi thai nghiên cứu tại Michigan do các người ủng hộ ngành này đệ trình và chỉ thắng bằng một tỷ lệ rất nhỏ. Forsythe cho rằng phe phò sự sống chưa hề đạt được một thành công nào về chính trị cũng như về quan điểm phò sự sống tại tiểu bang Colorado, nên tu chính án Sự Sống Con Người làm sao có hy vọng được thông qua tại đó.

Người ta cần phải đặt và lượng giá câu hỏi căn bản này là liệu có thể sử dụng sáng kiến đầu phiếu tại tiểu bang để cổ vũ việc phò sự sống và nhận được sự bảo vệ của luật pháp đối với sự sống con người hay không. Về phương diện này, thiết tưởng ta cần phải dựa vào hoàn cảnh cụ thể của từng tiểu bang mà phán đoán khôn ngoan, biết làm thế nào nối kết được phương tiện với mục đích. Muốn thành công trong các sáng kiến đầu phiếu về việc ngăn cản không dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu chẳng hạn, điều cốt yếu là phải làm hết cách giáo dục công luận biết đến giá trị và thành quả của chương trình dùng tế bào gốc người lớn, và các thất bại tương đối của chương trình dùng tế bào gốc nơi phôi thai. Việc này cần có thời gian.

Phá thai

Nhân hai tiểu bang South Dakota và California bác bỏ các tu chính án nhằm giới hạn việc phá thai, Forsythe cho hay bất chấp các trở ngại to lớn, kể cả các phán quyết trái nghịch của Tối Cao Pháp Viện, chính nghĩa phò sự sống tại Hoa Kỳ vẫn đã thực hiện được nhiều tiến bộ đáng kể trong 35 năm qua, nhằm giới hạn việc phá thai, thu nhỏ phạm vi phán quyết Roe v. Wade năm 1973 của Tối Cao Pháp Viện, gia tăng sự che chở của luật pháp đối với trẻ chưa sinh (bên ngoài bối cảnh phá thai), và nâng cao mức hoài nghi về phá thai.

Trong năm 2008, phán quyết Roe bị đe dọa vì thành phần của Tối Cao Pháp Viện và vì cái đà tiến (momentum) tạo được trong 35 năm qua. Kể từ 1992, các vụ phá thai đã giảm tới 25%. Phá thai đã được người ta hiểu như tước bỏ sự sống con người. Các rào cản bằng luật lệ đã được dựng lên nhằm giảm thiểu nạn phá thai. Sau đây là một số biện pháp:

--Gần 40 tiểu bang đã ban hành các đạo luật chỉ cho phép các y sĩ được thực hành việc phá thai;

-- 32 tiểu bang đã áp dụng các giới hạn tài trợ phá thai của Tu Chính Án Hyde của Liên Bang, trong khi chỉ có 17 tiểu bang là nới rộng việc tài trợ phá thai;

-- 36 tiểu bang đã thông qua luật đòi phải có ưng thuận hiểu biết;

-- 36 tiểu bang đã thông qua các đạo luật đòi có sự can dự của phụ huynh;

-- 47 tiểu bang đã ban hành các đạo luật bảo vệ quyền lương tâm;

-- 22 tiểu bang đã thông qua các đạo luật quy định các bệnh xá phá thai;

-- 16 tiểu bang đã thông qua các đạo luật siêu âm.

Ngoài ra, từ năm 1970, việc bảo vệ của luật pháp đối với sự sống đang phát triển bên ngoài bối cảnh phá thai mỗi ngày mỗi gia tăng. Hiện đã có nhiều luật qui tội giết hại phôi thai (fetal homicide) tại 36 tiểu bang. Các đạo luật này coi việc giết trẻ chưa sinh là tội giết người. Tại 38 tiểu bang, đã có luật qui định việt giết lầm, là đạo luật cho phép kiện dân sự đối với việc giết trẻ chưa sinh ở một độ tháng tuổi nào đó. Các đạo luật này được ban hành nhằm hạn chế nạn phá thai.

Ngoài ra, như phán quyết của Tối Cao Pháp Viện năm 2007 trong vụ Gonzales v. Carhart (duy trì đạo luật liên bang chống việc phá thai ‘bán sinh’) đã chứng tỏ, đa số Tối Cao Pháp Viện dưới thời chánh án Roberts (Roberts Court) nghi ngại việc phá thai, nếu không muốn nói là phò sinh. Công chúng cũng nghi ngại phần lớn các vụ phá thai. Các áp lực về luật lệ, về xã hội và kinh tế đối với các cơ quan phá thai mỗi ngày một lên cao. Năm 2008, hệ thống các trung tâm chăm sóc thai nghén toàn quốc mạnh mẽ hơn thời 1973. Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu y khoa chứng minh những nguy hiểm về y khoa do phá thai đem lại cho người đàn bà. Năm 2008, 45 tiểu bang đã xem sét 450 biện pháp có liên quan tới phá thai. Trong số các thành quả phò sinh trong năm 2008, ta thấy:

-- Một biện pháp tổng hợp tại tiểu bang Oklahoma đòi hỏi người đàn bà phải được siêu âm trước khi phá thai, quy định việc cung cấp thuốc “phá thai” RU-486, và cấm không được cưỡng bức người khác phá thai;

--Các đạo luật mới tại các tiểu bang Ohio, South Carolina, và South Dakota đòi buộc các cơ quan phá thai phải giúp phụ nữ cơ hội được duyệt hình siêu âm trước khi phá thai;

-- Cơ quan lập pháp tại các tiểu bang Colorado, Maryland, và Michigan đã hạn chế việc dùng tiền của người đóng thuế để tài trợ các vụ phá thai và cố vấn về phá thai;

-- Các nhà làm luật của tiểu bang Idaho đã củng cố luật của tiểu bang đòi phải có sự thuận tình có hiểu biết và ngăn cấm việc cưỡng bức phá thai;

-- Tài trợ đáng kể cho các chương trình thay thế phá thai tại các tiểu bang Louisiana, Missouri, Oklahoma, và Pennsylvania.

Vấn đề vì thế không đơn giản. Theo Forsythe, phải dựa vào tình thế của từng tiểu bang mà đặt câu hỏi: liệu sáng kiến đầu phiếu tại đó có hứa hẹn thành công hay không. Muốn thế, phải tìm hiểu công luận, cân nhắc tài nguyên tài chánh, xem sét tài nguyên tổ chức, hạ tầng cơ sở, khả năng tài chánh dành cho quảng cáo…trước khi phát động sáng kiến luật pháp.

Yếu tố Barak Obama

Ai cũng biết Barak Obama ủng hộ phán quyết Roe v. Wade, là phán quyết hợp pháp hóa nạn phá thai. Phải chăng, việc ông ta được bầu làm tổng thống là dấu chỉ cho thấy công luận Mỹ đã từ bỏ con đường phò sinh? Forsythe không nghĩ thế. Nguyên việc bầu Obama làm tổng thống không hẳn có nghĩa điều ấy. Vì rõ ràng, yếu tố quyết định thành bại trong kỳ tổng tuyển cử này là vấn đề kinh tế, và cuộc tranh cử quả đã xoay chiều khoảng từ tuần lễ thứ sáu hay thứ tám vì mối lo do việc xụp đổ thị trường nhà đất và hệ thống tín dụng đem lại.

Điều thực sự làm người ta ngạc nhiên là dù công chúng lo âu vì chiến tranh Iraq và nền kinh tế, thế mà tổng thống đắc cử Obama vẫn không thắng quá 15 hay 20 điểm. Ta không thể chỉ dựa vào cuộc bầu cử tổng thống này mà đoán định được sự thay đổi. Cần phải dựa vào hành động lập pháp của Quốc Hội Liên Bang và các tiểu bang trong hai năm 2009 và 2010 và điều xẩy ra trong các lần tuyển cử toàn quốc năm 2010, họa may mới biết chắc được. Các tiểu bang thì chắc chắn sẽ tiến theo đường phò sinh bắt đầu từ tháng Giêng 2009. Ta hãy chờ xem đến tháng Sáu năm 2009, Quốc Hội Liên Bang cũng như các tiểu bang sẽ làm ăn ra sao.

Tự Do Lựa Chọn

Năm 2007, Obama nói với nhóm Sinh Sản Có Kế Hoạch (Planned Parenthood) rằng nếu được bầu, ông ta sẽ ký ban hành đạo luật Tự Do Lựa Chọn (FOCA) là đạo luật sẽ hủy bỏ mọi hạn chế phá thai hiện có trong luật lệ các tiểu bang. Cứ dựa vào lời tuyên bố ấy, thì chắc chắn việc đầu tiên Obama làm với tư cách tổng thống thế nào cũng là ký ban hành đạo luật ấy. Forsythe cho hay đó là điều hết sức đáng quan tâm.

Đạo luật này là một đạo luật liên bang dựa vào Điều Khoản Tối Thượng (Supremacy Clause) trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, nhìn nhận ngừa thai là “quyền căn bản” ở bất cứ giai đoạn thai nghén nào. Nó sẽ vô hiệu hóa bất cứ “điều luật, pháp lệnh, qui định, luật hành chánh, phán quyết, chính sách, thực hành hay bất cứ hành động nào” của mọi chính quyền liên bang, tiểu bang hay địa phương có tính “kỳ thị chống lại việc thực thi quyền này…trong việc ấn định hay cung cấp phúc lợi, phương tiện, dịch vụ hay thông tin”.

Không đạo luật nào có ngôn từ rõ ràng, dứt khoát và tuyệt đối bằng đạo luật này. FOCA sẽ cưỡng bức việc tài trợ của liên bang và tiểu bang cho các vụ phá thai theo yêu cầu và vô hiệu hóa mọi qui định về phá thai cũng như thủ tục phá thai của tiểu bang, của liên bang và của chính quyền địa phương từng được đưa ra từ 35 năm qua, kể cả các hạn chế đối với các vụ phá thai bán sinh (partial birth abortion), mọi luật lệ đòi cha mẹ phải liên lụy, và mọi luật lệ từng bảo vệ quyền lương tâm liên quan đến việc phá thai.

Chỉ trừ một chiến dịch ồ ạt toàn quốc, khó lòng ngăn cản Obama không thể hiện lời hứa tranh cử của ông ta. Hiện đang có nhiều chiến dịch xin chữ ký để yêu cầu Obama đừng ký ban hành đạo luật trên. Một trong các websites của chiến dịch này là www.fightFOCA.com., số chữ ký hiện đã lên hơn 200,000.

Obama phò sinh?

Nhiều Kitô hữu bỏ phiếu cho Obama nghĩ rằng: ông ta mới thực sự là người phò sinh vì chống chiến tranh Iraq, cam kết giảm nghèo đói và giúp đỡ những người đang chật vật về kinh tế. Luận điệu ấy khó có thể chấp nhận. Vì ông ta ra tranh cử với một cương lĩnh minh nhiên ủng hộ phá thai, mà bản thân ông ta cũng vốn sẵn là người ủng hộ phá thai từ lúc còn là thượng nghị sĩ tại quốc hội Illinois và sau đó là thượng nghị sĩ Liên Bang. Lời hứa của ông ta với nhóm “Sinh Sản Có Kế Hoạch” vào năm 2007 rằng “việc đầu tiên” trong chức tổng thống của ông ta sẽ là ký ban hành FOCA đủ nói lên tất cả. Ngoài ra, ông ta còn cam kết sẽ đề cử làm chánh án Tối Cao Pháp Viện những ai chịu diễn dịch các nguyên tắc của FOCA vào Hiến Pháp Liên Bang và do đó áp đặt FOCA vĩnh viễn lên toàn bộ quốc gia như luật hiến định liên bang. Khó lòng ông ta có thể làm ngược lại quá khứ và cam kết của mình.

Phá thai là một hành vi chủ ý và là một sự xấu nội tại và do đó khác hẳn với các giải pháp khôn ngoan liên quan tới chiến tranh chính nghĩa, phúc lợi xã hội và chính sách kinh tế. Các dữ kiện hiện nay cho thấy luật lệ các tiểu bang về phá thai đã làm giảm 25% các vụ phá thai từ năm 1992…Chúng ta hy vọng rằng Obama sẽ chú tâm đến những ưu tiên thực sự chủ yếu và quên đi những cam kết và hứa hẹn về phá thai.

Một truyện vui: người ta kể lại: Obama từng hứa với các con sẽ mua cho chúng một con chó để mang vào Toà Nhà Trắng. Nhưng lúc chắc mẩm mình đã trúng cử rồi, ông ta mới khám phá ra một điều làm cho lời hứa kia khó lòng thực hiện được: một trong hai đứa con gái của ông bị “dị ứng” với chó! Cho nên, ngay tại cuộc họp báo đầu tiên trong tư cách tổng thống đắc cử, ông cho mọi người hay, việc mua chó ấy nay trở thành một “vấn đề lớn” (theo Nhật Báo Chiêu Dương ngày 22/11/2008 tại Sydney). Nếu đây là “chuyện” có thật, thì biết đâu đây không phải là khúc đàn dạo cho những khám phá hậu bầu cử của Obama khiến ông phải suy nghĩ lại. Dù sao, Obama phò phá thai hay phò sinh, tất cả còn tùy thuộc chúng ta. Hãy đồng thanh nhất loạt dị ứng với phá thai như đứa con gái nào đó của Obama dị ứng với chó làm cho lời hứa lúc tranh cử với việc thực hiện lời hứa ấy sau khi đắc cử đã ra khác nhiều!

Liệu Mùa Xuân Có Ló Dạng Sau Cuộc Bầu Cử ở Mỹ?

Đó là câu hỏi được Elizabeth Lev, hiện dạy môn nghệ thuật và kiến trúc Kitô giáo tại Đại Học Duquesne ở Rôma, đặt ra. Bà trở lời là có, dựa vào bài trình bầy của Kellyanne Conway tại cuộc hội nghị của tổ chức “Springtime Foundation” tại Kinh Thành Muôn Thuở vào tuần qua. Lev mang hình ảnh tương phản giữa cảnh ảm đạm tháng Mười Một của Rôma với tinh thần tươi mát của Springtime Foundation mà ví với hậu cảnh cuộc bầu cử tại Mỹ, một cuộc bầu cử khá ảm đạm đối với thật nhiều Công Giáo, nhưng theo Conway, thực ra nó không ảm đạm như thế.

Conway, sáng lập viên của “ The Polling Company”, đã cho thấy nhiều dấu chỉ chứng tỏ cả một mùa xuân đức tin đang bừng nở sau cuộc bầu cử tại Mỹ. Cô đã dẫn cử toạ, trong đó có cả Hồng Y Arinze, qua thế giới quanh co của thăm dò và thống kê để làm sáng tỏ những cạm bẫy, những trình bầy sai lạc dùng để lèo lái công luận, nhất là trong các vấn đề phá thai, hôn nhân đồng tính và “lá phiếu Công Giáo”.

Trước nhất, cô cảnh cáo về cái nguy hiểm của “cách nói làm mình cảm thấy tốt” (feel good phraseology). “Phò lựa chọn” nghe ra đầy tiến bộ và tích cực, ngược với “phò tàn sát trẻ thơ”. Đàng khác, những người phò sự sống bị báo chí chế riễu đến độ xoàng nhất cũng bị coi là những tên cố chấp cứng ngắc mà tệ hơn nữa còn có dây mơ rễ má với chủ nghĩa thánh chiến (jihadism) vì thường xuyên đặt bom các bệnh xá phá thai. Conway cho hay: Người ta thích cảm thấy tốt về chính mình, nên phải đặt câu hỏi ra sao khiến họ vui mà trả lời theo ý mình muốn. Kết quả là nếu hỏi: bạn phò sự sống hay phò phá thai, 42% người Mỹ sẽ lọt vào loại thứ nhất trong khi 48% cho là mình thuộc loại hai. Nhưng nếu cẩn thận phân tích, tình thế có khác hẳn.

Sáu loại hạn chế và ủng hộ phá thai

Theo Conway, 9% chủ trương phải hoàn toàn ngăn cấm phá thai vì bất cứ lý do nào., trong khi 12% nghĩ nên cấm phá thai ngoại trừ trường hợp phải cứu sống người mẹ. 32% lại nghĩ rằng trường hợp trừ duy nhất cho phép phá thai là bị hiếp dâm, loạn luân hay mạng sống người mẹ. Đối với loại cho phép phá thai, 28% cho hay nên cho phép phá thai trong hạn tam cá nguyệt đầu, 7% cho phép phá thai cho tới tháng thứ sáu, và 6% nghĩ phải cho phép phá thai bất cứ lúc nào và vì bất cứ lý do gì.

Như thế, nhóm chủ trương hạn chế phá thai tối đa lên tới 53% dân số, trong khi những người dễ dãi với phá thai chiếm 41%. Conway thắc mắc làm thế nào một ông tổng thống đang đối diện với một nền kinh tế thê thảm và những tranh chấp quốc tế gay gắt lại có thể quan tâm đặt lên hàng đầu một đạo luật chỉ vì một nhóm thiểu số kia?

Conway còn cho cử tọa hay cách người ta dùng thống kê để lèo lái công luận. Tin tưởng rằng phần lớn người ta không nghĩ phá một bào thai là giết người, nên tờ Los Angeles Times đã cho tổ chức một cuộc thăm dò xem người ta có coi phá thai là giết người hay không. 54% những người được thăm dò đã trả lời là có, là giết người. Tiết lộ đầy đủ đòi phải công bố các dữ kiện, nhưng thay vì chạy tít lớn trên ấn phẩm in, tờ báo đã “dấu” các dữ kiện ấy trong trang mạng của mình!

Conway nhấn mạnh ta cần phải làm cho những tin tức ấy được nhiều người biết tới, cũng như việc phải bảo vệ và bảo dưỡng những hạt giống của mùa xuân đức tin. Các Kitô hữu phải chào mừng các anh hùng của mình giống như người Mỹ vây quanh Anh Joe Ống Nước (Joe the Plumber). Như Jill Stanek, người nữ y tá can đảm, từng làm chứng cho nhiều cái chết thảm thương của trẻ em sống sót sau những vụ phá thai thất bại, đã bị cho vào bóng tối thay vì được chào đón như vị anh hùng.

Conway trưng cuộc tranh đấu chống hôn nhân đồng tính làm điển hình cho một truyền thông thành công. Thay vì dùng định luật khoa học mà nói, các vị giám mục chỉ đơn giản giải thích hôn nhân đồng tính là gì, nó đem theo hậu quả nào và tác động ra sao tới đời sống người ta, ấy thế mà dù người ta dồn không biết bao tiền của và lôi kéo được nhiều khuôn mặt nổi tiếng vào chiến dịch chống lại, đạo luật chống hôn nhân đồng tính vẫn đã được thông qua. Dựa vào tinh thần Công đồng Trent 400 năm trước đây, Conway cho rằng ta cần có sự rõ ràng trong các vấn đề, làm người ta dễ dàng hiểu vấn đề muốn nói gì và thúc đẩy họ sống đạo đức. Một mùa xuân mới sẽ bừng nở mang lại hoa trái tốt tươi trong tâm hồn mọi người, gieo vào trong họ lòng thèm khát nội tại muốn làm điều đúng.
 
188 vị tử đạo người Nhật bản vào thế kỉ thứ XVII được phong Chân Phước tại Nagasaki
LM Trần Công Nghị
19:22 24/11/2008
NAGAZAKI – Sáng hôm nay ngày 24.11.2008, Giáo hội phong Chân Phước cho 188 vị tử đạo Nhật Bản trong một nghi lễ long trọng có chừng 30.000 người tham dự, trong đó có phái đoàn Việt Nam do ĐHY Phạm Minh Mẫn trưởng đoàn.

Lễ phong Chân Phước hôm nay mang một ý nghĩa lớn lao là Giáo hội Nhật bé nhỏ nhưng qua sự kiện này làm cho người không Công giáo cũng nhận biết được tiến trình muốn làm “sống lại đức tin” nơi người Nhật như lời Đức Cha Mizobe Osamu, giám mục giáo phận Takamatsu và là Trưởng Ban sửa soạn cho việc Phong Chân Phước.

Giáo hội Nhật có rất nhiều vị tử đạo, con số lên tới mấy chục ngàn vị, và cũng đã có trên mấy chục vị đã được phong thánh trước đây.

Đức Tin Công Công giáo được gieo vào đất Nhật do chính thánh Phanxicô Xaviê vào năm 1549. Và từ ngày đó đã mau chóng phát triển cho tới năm 1587 thì bị đình chỉ lại vì cuộc bách hại Công giáo tại Nhật. Cuộc bách hại này kéo dài cho đến năm 1614, trong đó nhiều vị thừa sai đã bị giết hại và những tín hữu Công giáo bĩ cầm tù và bị giết. Các vị lãnh chúa thời kỳ này coi người Công giáo là một nguy hại cho đất nước.

5 năm sau khi Minh Trị thiên hoàng lên ngôi, tức là vào năm 1873, đạo Công giáo tại Nhật mới được hoạt động trở lại.

Tuy nhiên Tòa thánh Vatican vào năm 1862 đã phong thánh cho 26 vị tử đạo Nhật, được mênh dnah là “26 thánh Tử Đạo thành Nagasaki”. Trong đó có thánh Pholô Miki, và 26 vị gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân bị tử hình thập giá trên một ngọn đồi tại Nagasaki vào năm 1613.

Tới năm 1867, ĐGH Piô IX lại phong Chân Phước cho 205 vị tử đạo khác của Nhật Bản.

Tất cả 188 vị tử đạo được phong Chân phước hôm nay là người giáo dân Nhật và là những chứng nhân cho Chúa Kitô trong 2 năm là năm bách hại đạo là 1603 và 1639.

Trong một quốc gia số người Công giáo rất ít oi chỉ có 450.000 tín hữu người Nhật, công thêm chừng 580.000 tín hữu Công giáo người ngoại quốc sống ở Nhật hay công tác truyền giáo ở Nhật, trong tổng số là 127 triệu dân Nhật. Do vậy việc duy trì đức tin Công giáo rất khó khăn và sứ mệnh truyền giáo lại càng khó khăn hơn trong một quốc gia tân tiến và phát triển mạnh về kĩ thuật như Nhật bản.

Giáo hội Nhật bản cũng rất thiếu linh mục vì thế vai trò của tông đồ giáo dân lại càng khẩn thiết hơn không những trong việc truyền giáo mà cả việc tổ chức của giáo hội. Các giám mục Nhật Bản nhấn mạnh rằng: “Thời điểm đã đến, lúc này hơn khi nào hết cần phải xem việc đào tạo giáo dân là quan trọng”. Cũng vậy về khía cạnh xã hội và văn hóa, cha mẹ Công giáo cũng than phiền rằng việc truyền đạt đức tin cho con cái ngày nay xem ra khó khăn hơn. Do đó việc phong chân phước cho các giáo dân tử đạo tiền nhân của họ nhắc nhớ và khơi lại tấm gương về đời sống gia đình, về gương chứng nhân can trường của giáo dân Nhật bản thời trước.

Các đức giám mục Nhật cũng nêu lên khía cạnh khác trong cuộc phong chân phước hôm nay, là vai trò quan trọng của nhữ giới Nhật bản, vì trong số các vị tử đạo có rất nhiều phụ nữ thánh thiện và can trường.
 
Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa Lễ Chúa Kitô Vua
LM Trần Đức Anh, OP
20:20 24/11/2008
VATICAN -. ĐTC Biển Đức 16 giải thích ý nghĩa lễ Chúa Kitô Vua và nhắn nhủ các tín hữu thuộc tổng giáo phận Amalfi-Cava de Tirreni, nam Italia, ngày càng ý thức tầm quan trọng và sự cấp thiết cần làm chứng về Tin Mừng trong mọi môi trường xã hội.

Sáng 22-11-2008, ĐTC đã tiếp kiến 3 ngàn tín hữu thuộc tổng giáo phận Amalfi được Đức TGM bản quyền, Orazio Soricelli, hướng dẫn về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 800 năm di chuyển hài cốt thánh Anrê tông đồ từ thành Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) về Amalfi, một thị trấn nhỏ cách Roma lối 200 cây số về hướng nam. Đoàn tín hữu đã mang theo khám quí giá đựng hài cốt của Thánh Anrê, người đầu tiên được Chúa Giêsu gọi làm Tông Đồ (Ga 1,35-40).

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến lễ ý nghĩa lễ Chúa Kitô mà Giáo Hội cử hành chúa nhật hôm nay (23-11-2008). ”Lời Chúa mà ngày mai chúng ta sẽ nghe nhắc lại cho chúng ta rằng tôn nhan Ngài, - biểu lộ mầu nhiệm vô hình của Chúa Cha - là tôn nhan của vị Mục Tử nhân lành, sẵn sàng chăm sóc đàn chiên của Ngài bị tản mác, tụ tập chúng lại để chúng được ăn uống và nghỉ ngơi an toàn. Ngài kiên nhẫn đi tìm chiên lạc và săn sóc chiên bị đau yếu (cf Ex 34,11-12.15-17). Chỉ trong Chúa chúng ta mới có thể tìm được an bình mà Ngài đã thủ đắc cho chúng ta bằng giá máu của Ngài, mang lấy tội lỗi của trần gian và đạt cho chúng ta sự hòa giải”.

ĐTC cũng nhắc đến vai trò của Thiên Chúa là vị Thẩm Phán chí công. Đặc biệt bài Tin Mừng (Mt 25,31-46) trình bày cảnh tượng phán xét chung.. Chúa mời những người công chính vào hưởng gia nghiệp đã được chuẩn bị cho họ từ thủa đời đời, trong khi những kẻ gian ác Ngài kết án họ chịu chịu lửa đời đời, được chuẩn bị cho ma quỉ và các thiên thần phản nghịch khác. Điều quan trọng là tiêu chuẩn xét xử mà mỗi người phải chịu, đó là tình bác ái cụ thể đối với tha nhân, đặc biệt là những kẻ bé mọn, những người ở trong tình cảnh khó khăn: đói khát, ngoại kiều, trần trụi, bệnh tật, ngục tù.

ĐTC nói: ”Anh chị em thân mến, điều mà Thiên Chúa quan tâm không phải là vương quyền lịch sử, nhưng là Ngài muốn ngự trị trong tâm hồn con người, và từ đó ngự trị trên thế giới. Chúa là Vua vũ trụ, nhưng điểm trọng yếu, khu vực trong đó nước của Ngài bị lâm nguy chính là tâm hồn của chúng ta, vì tại đó Thiên Chúa gặp tự do của chúng ta. Chúng ta và chỉ có chúng ta mới có thể cấm cản Chúa không được ngự trị trên chúng ta, và vì thế chúng ta có thể đặt chướng ngại cho vương quyền của Chúa trên thế giới: trên gia đình, xã hội, lịch sử.. Chúng ta có thể chọn lựa liên minh với ai: hoặc với Chúa Kitô và các thiên thần của Ngài, hoặc với ma quỉ với các đồ đảng của hắn.. Chúng ta là người phải quyết định thực hành công chính hay gian tà, ôm ấp tình thương và tha thứ hay trả thù và oán ghét giết người. Phần rỗi bản thân của chúng ta và ơn cứu độ thế giới tùy thuộc điều đó”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chính vì thế, Chúa Giêsu muốn liên kết chúng ta với vương quyền của Ngài; và tại sao Ngài mời gọi chúng ta cộng tác để Nước tình thương, công lý và hòa bình của Ngài được hiển trị. Chúng ta có nghĩa vụ phải đáp trả Ngài, không phải bằng lời nói, nhưng bằng sự kiện: khi chọn con đường tình thương thực sự hữu hiệu và quảng đại đối với tha nhân, chúng ta để Chúa mở rộng chủ quyền của Ngài trong không gian và thời gian.”

Tổng giáo phận Amalfi đang cử hành năm kỷ niệm 800 năm đưa Hài Cốt thánh Anrê về đây. Cao điểm trong năm kỷ niệm này là buổi lễ trọng thể do ĐHY Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đặc Sứ của ĐTC, cử hành ngày 8-5-2008 và thánh lễ bế mạc năm kỷ niệm sẽ được ĐHY Tarcisio Bertone, SDB, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cử hành vào ngày 30-11-2008 tới đây (SD 22-11-2008)
 
Kinh Truyền tin lễ Chúa Kitô Vua
Bình Hòa
20:24 24/11/2008
Kinh Truyền tin lễ Chúa Kitô Vua

Vào chúa nhựt chót của năm phụng vụ, Hội thánh mừng lễ Chúa Kitô Vua, để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì công trình cứu độ nhân loại được thực hiện nơi cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô, nhờ đó mà vương quyền của Tình yêu, Công lý và sự Sống được thiết lập trên thế giới, cách riêng nhờ đó mà nhân loại được hưởng nhờ hồng ân làm nghĩa tử Thiên Chúa. Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh Truyền tin trưa chúa nhựt hôm qua gồm hai phần chính. Trong phần đầu, ngài giải thích ý nghĩa tước hiệu Đức Kitô là Vua: vua không theo nghĩa chính trị trần tục, nhưng theo nghĩa là thiết lập tình yêu của Thiên Chúa trên địa cầu. Trong phần thứ hai, chú giải đoạn Phúc âm của Thánh lễ nói đến dụ ngôn về cuộc phán xét cánh chung, ngài nhấn mạnh đến việc chúng ta được mời gọi góp phần vào việc thể hiện vương quyền Chúa Kitô trên thế giới, qua việc thể hiện lòng thương yêu tha nhân. Sau khi ban phép lành Toà thánh, đức Bênêđictô XVI nhắc đến hai cuộc phong chân phước sẽ diễn ra trong tuần này. Ngày thứ hai hôm nay, tại Nagasaki, sẽ diễn ra lễ phong chân phước cho 188 vị tử đạo vào đầu thế kỷ XVII. Đặc điểm của nhóm tân chân phước này là tất cả đều là người bản xứ; hơn thế nữa, chỉ có 4 linh mục, phần còn lại là giáo dân, thuộc đủ mọi thành phần (nam phụ lão ấu) và địa vị xã hội (từ hiệp sĩ cho đến gia nhân) rải rác trên toàn lãnh thổ quốc gia. Đức hồng y José Saraiva Martins, nguyên tổng trưỏng bộ phong thánh, sẽ đọc công thức phong chân phước, còn thánh lễ do đức hồng y Peter Selichi Shirayanagi, nguyên Tổng giám mục Tokyo chủ sự. Vào thứ bảy tới, tại Camaguey (Cuba) sẽ có lễ phong chân phước cho thầy José Olallo Valdes, thuộc dòng Bệnh viện thánh Gioan Thiên Chúa. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúa nhựt cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ. Qua Tin mừng thánh Gioan, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã phủ nhận tước-vị Vua hiểu theo nghĩa chính trị, kiểu như “lãnh đạo quốc gia” (xc. Mt 20,24). Tuy nhiên, vào dịp Tử nạn, trước mặt quan Philatô, Người đã dành cho mình một thứ vương quyền độc đáo. Khi tổng trấn hỏi Người: “Ông có phải là vua không?”, thì Người trả lời rằng: “Thật, tôi là vua” (Ga 18,37), nhưng trước đó Người đã khẳng định rằng “vương quyền của tôi không thuộc về trần gian này” (Ga 18,36). Thực vậy, vương quyền của Đức Kitô là sự biểu lộ và thực thi vương quyền của Thiên Chúa Cha, Đấng cai quản vạn vật bằng tình yêu và công lý. Chúa Cha đã uý thác cho Người Con sứ mạng trao ban cho nhân loại sự sống vĩnh cửu đến mức hiến dâng mạng sống, và đồng thời cũng trao cho Người quyền xét xử, kể từ khi Người trở thành con người, hoàn toàn giống như chúng ta (xc Ga 5,21-22.26-27).

Bài Tin mừng hôm nay nêu bật đức Kitô thực thi vương quyền hoàn vũ khi làm Thẩm phán, qua dụ ngôn về cuộc phán xét chung thẩm, được thánh sử Matthêu đặt liền ngay trước trình thuật về cuộc Tử nạn (25,31-46). Các hình ảnh của dụ ngôn rất đơn giản, ngôn ngữ thì bình dân, nhưng ý nghĩa của nó thật là quan trọng: nó diễn tả sự thật về định mạng tối hậu của chúng ta và quy chuẩn mà chúng ta sẽ bị xét xử: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; ta khát, các ngươi đã cho uống; ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón” (Mt 25,25) vân vân. Ai mà không biết đoạn Phúc âm này? Nó trở nên thành phần của nền văn minh của chúng ta. Nó đã ghi dấu đậm trên lịch sử của các dân tộc mang ảnh hưởng của văn hoá Kitô giáo: bậc thang các giá trị, các định chế, các cơ sở bác ái xã hội. Thực vậy, vương quốc của Chúa Kitô không thuộc về trần gian này, nhưng nhờ ơn Chúa, nó đưa mọi điều tốt lành ở nơi con người và nơi lịch sử đến mức thành tựu. Nếu chúng ta đem thực thi lòng thương yêu tha nhân theo sứ điệp của Tin mừng, thì chúng ta sẽ dọn chỗ cho vương triều của Thiên Chúa, và vương quốc của Chúa được thể hiện giữa chúng ta. Trái lại, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, thì thế giới sẽ đi tới sụp đổ.

Các bạn thân mến, vương quốc của Thiên Chúa không phải là chuyện danh dự quyền hành, nhưng, theo như thánh Phaolô đã viết, là “công lý, hoà bình và hân hoan trong Thánh Linh” (Rm 14,17). Chúa rất quan tâm đến điều tốt lành cho chúng ta, nghĩa là muốn cho chúng ta được sự sống, và cách riêng những người con bé nhỏ nhất có thể tới bàn tiệc đã được dọn cho hết mọi người. Vì thế Chúa không ưa thích những kẻ khúm núm thưa “Lạy Chúa, Lạy Chúa” nhưng chẳng thiết tha gì với việc tuân hành giới răn của Chúa “xc Mt 7,21). Trong vương quốc vĩnh cửu, Thiên Chúa đón nhận những kẻ nỗ lực mang Lời Chúa ra thực hành mỗi ngày. Vì thế đức Trinh nữ Maria, thụ tạo khiêm tốn nhất, đã trở nên kẻ cao cả nhất trước mặt Chúa, và được ngự trị làm Nữ Vương ở bên hữu Vua Kitô. Một lần nữa, với tấm lòng con thảo, chúng ta hãy xin Mẹ cầu bầu để cho chúng ta có thể thực hiện sứ mạng kitô hữu trên thế giới.
 
Top Stories
Catholics to be tried for peaceful protests
J.B. An Dang
07:17 24/11/2008
Eight parishioners will be tried soon in Hanoi for their peaceful protests at Thai Ha in a trial seen by Catholics as a threatening tactic and an overt human rights violation.

Fr. Joseph Nguyen Van Khai, spokesperson of Hanoi Redemptorist Monastery, reported that eight parishioners under Hanoi Redemptorists’ pastoral care would be tried on Dec. 5 at a court in Hanoi. Vietnam government threatened to punish them severely for what it described as “damaging state property and disorderly conduct in public.”

However, Fr. Joseph Nguyen, in a statement released on Nov. 22, stated that “the said eight parishioners who are being wrongfully charged did not do anything violating the law.”

Since 1996, Redemptorists and Thai Ha parishioners had sent their petitions demanding for the requisition of their land seized illegally in 1950s. All had gone into deaf ears. The public outcry and protests came as a result after Thai Ha parishioners discovered that local government officials had secretly sold their land to private entities. These victims in their desperation were left with no choice other than holding peaceful protests to call out for justice from the authorities since Jan. 5.

According to Fr. Joseph Nguyen, the protests had taken place outside a 2m high surrounding brick wall, built since decades on which protestors hang their icons and crosses, until the eve of the feast of our Lady of Assumption on Aug. 14. After days of continuous raining, on that day, part of the wall collapsed. Foreseeing that other parts could be collapsed soon in a domino fashion, and therefore, threatening the lives of protestors; parishioners removed about 3m in length of the wall, and moved their icons, statues and crosses inside the wall where it was obviously safer.

Local government immediately accused parishioners of “damaging state property.” A week later, the state Valuer General's Office of Dong Da district, reported on the New Hanoi newspaper and other state-own media that the value of the wall removed by Thai Ha parishioners was about 3,700,000 VND (approximately 200 USD).

For that 200 USD, a series of arrests was made since Sep. 1 with dozen of parishioners detained, and at least four of them have been in jailed for months.

“The to be trial is unjust.” For Redemptorists and Thai Ha parishioners, “the land had been, was and is still their property. They have their legal rights to remove part of the wall that was threatening their lives,” Fr. Joseph Nguyen explained.

“Anyway, the local government bulldozed everything, including the wall, to convert the land into a public park. Why they insist on suing the parishioners for something that cost no more than a breakfast of a high ranking official in Hanoi after having jailed them for months?” asked Sr. Marie Nguyen from Saigon.

“The answer is quite obvious: They are going to punish severely these Catholics to threaten anyone who wish to ask for their property back,” she added.

To conclude his statement, Fr. Joseph Nguyen begged Catholics around the world “to be united in prayers for victims of justice and truth.”
 
Vietnam: Le procès des huit fidèles inculpés de la paroisse de Thai Ha aura lieu le 5 décembre prochain
Eglises d'Asie
08:46 24/11/2008
Vietnam: Le procès des huit fidèles inculpés de la paroisse de Thai Ha aura lieu le 5 décembre prochain

Le procès des huit fidèles inculpés de la paroisse de Thai Ha aura lieu le 5 décembre 2008. La nouvelle a été communiquée, le 22 novembre dernier, par le Tribunal populaire de l’arrondissement de Dông Da (Hanoi) à Me Lê Trân Luât, chargé de leur défense. Le lendemain, la paroisse a diffusé l’information dans un communiqué adressé aux fidèles « et à tous les amis de la justice ». Le communiqué énumère ensuite les huit inculpés en précisant la nature de la faute qui leur est reprochée. La même inculpation est retenue pour chacun des fidèles: « Destruction de biens et troubles à l’ordre public ».

Dans le groupe des accusés, on compte quatre femmes: l’une d’entre elles a plus de 60 ans, deux autres ont dépassé la cinquantaine, la plus jeune a 46 ans. Trois des inculpés masculins sont aussi d’un âge respectable, de 50 à plus de 60 ans. Le plus jeune n’a que 21 ans. Quatre des accusés appartiennent à la paroisse de Thai Ha; deux autres à d’autres paroisses de Hanoi. Deux des inculpés viennent d’autres diocèses du nord (Hung Hoa et Bac Ninh). Les responsables de la paroisse se déclarent convaincus que ces fidèles sont injustement inculpés et qu’ils n’ont rien commis d’illégal. Tout sera mis en œuvre pour défendre leur honneur et leur faire recouvrer la liberté. Enfin, le communiqué recommande de prier en communion avec ces huit victimes « qui souffrent pour la justice et la vérité ».

Les faits précis reprochés aux huit inculpés remontent au 15 août dernier. Les paroissiens de Thai Ha, qui, depuis le mois de janvier 2008, organisaient des veillées de prière quotidiennes devant un terrain accaparé par le gouvernement et donné à des entreprises, franchissent, ce jour-là, la clôture en déplaçant quelques pierres. Ils installent alors un sanctuaire marial sur le terrain revendiqué. C’est là que se tiendront les « assemblées de prière pour la justice » jusqu’au 25 septembre, jour où les pouvoirs publics investiront les lieux pour les transformer en jardin public.

Le 27 août, la police avait lancé des poursuites judiciaires contre des fidèles de la paroisse. Après l’arrestation de quatre d’entre eux, le lendemain, quelque 500 catholiques rassemblés devant le siège de la police, pour réclamer leur libération, avaient été dispersés avec une grande brutalité. Le 10 septembre, le journal Dân Tri annonçait l’interpellation de quatre nouveaux fidèles. Les quatre premiers interpellés avaient été accusés de destruction de biens et troubles à l’ordre public. Plus tard, l’enquête de police, devant la minceur des preuves de ce délit, abandonna ce premier chef d’accusation pour ne retenir que les troubles à l’ordre public. Les quatre fidèles arrêtés plus tard étaient eux aussi accusés de « troubles à l’ordre public ». C’est aussi le seul délit retenu dans l’acte d’accusation présenté au Tribunal populaire de Dông Da par le parquet, le 24 octobre dernier (1). Or, le 28 octobre suivant, sans doute après intervention politique, le tribunal renvoyait le dossier au parquet, alléguant que l’acte d’accusation avait omis de mentionner un délit et proposant que l’on rajoute le délit de « destruction de biens ». C’est finalement sous ce double chef d’accusation que les fidèles de Thai Ha comparaîtront devant le Tribunal populaire.

(1) Voir EDA 495.

(Source: Eglises d'Asie, 24 novembre 2008)
 
Les milieux scolaires et étudiants sont la cible principale d’une campagne menée par les cadres du Parti et du gouvernement à propos du conflit entre les catholiques et les autorités de Hanoi
Eglises d'Asie
08:49 24/11/2008
Les milieux scolaires et étudiants sont la cible principale d’une campagne menée par les cadres du Parti et du gouvernement à propos du conflit entre les catholiques et les autorités de Hanoi

Depuis le début des affaires de Thai Ha et de la Délégation apostolique à Hanoi, Parti et gouvernement ont largement utilisé leur puissant appareil de propagande. Le principal rouage de celui-ci est sans conteste l’ensemble des médias officiels, qui, jusqu’ici, sans aucune exception, ont repris la version officielle des faits et diffusé les consignes gouvernementales. Il existe cependant un autre moyen de mobilisation de la population, qui, lui aussi, transmet informations officielles et consignes vers des milieux déterminés. Il s’agit du réseau serré qui relie le Bureau central de la propagande et de l’éducation (Tuyên Giao) aux organes du Parti (cellules et sections), de la Sécurité et des diverses commissions de l’agit-prop (Dân Vân).

Ces derniers temps, l’apparition, de plus en plus fréquente, sur Internet de documents officiels destinés à rester secrets informent sur les agissements de ce réseau. Dernièrement, plusieurs concernant la paroisse de Thai Ha et la Délégation apostolique ont été livrés, à diverses dates, à la connaissance du public sous forme de photocopies (1).

La propagande gouvernementale depuis le début de ces affaires s’est donnée une cible privilégiée, à savoir les écoles publiques. L’un des documents les plus récemment livrés à la connaissance du public, est une directive intitulée N° 935/UBND-VX. Il est daté du 9 septembre dernier et envoyé par la municipalité de Hanoi aux directeurs d’établissements d’éducation et de formation, aux comités populaires des divers échelons ainsi qu’au mouvement des Jeunesses communistes et à l’Association des étudiants. Les auteurs de cette note officielle affirment que celle-ci a pour but de garantir l’ordre et la sécurité dans le quartier de Thai Ha au cours de l’année scolaire 2008-2009. Il est recommandé aux destinataires de la lettre de « lancer une campagne de propagande auprès des élèves et des étudiants de toutes les écoles de la capitale afin de les éduquer et de les mobiliser ». On devra les instruire des avantages d’une « société saine (…) et soumise aux prescriptions de la loi ». Les écoliers et les étudiants ne devront participer ni aux manifestations de revendication, ni aux assemblées de prières tenues hors des lieux de culte autorisés. Des consignes sont ensuite données pour que, par l’intermédiaire des directeurs d’école, les parents soient informés des dangers encourus par leurs enfants en participant aux manifestations en question.

Par ailleurs, le 6 octobre dernier, un autre document secret destiné à mettre en garde la jeunesse contre le mouvement de revendication de l’Eglise catholique a été adressé aux responsables des écoles secondaires d’enseignement général par la Sécurité de la province du Nghê An, province où le conflit entre la communauté catholique et les autorités civiles de Hanoi est suivi avec une particulière attention par les catholiques, très nombreux en cette région. Les assemblées de prières en communion avec les catholiques de la capitale se sont multipliées dans les paroisses du diocèse de Vinh, ces mois derniers. Les consignes de la Sécurité demandent aux directeurs d’école de mettre tout en œuvre pour empêcher la diffusion de textes photocopiés relatifs au conflit de Hanoi. Parmi les textes incriminés sont cités les documents produits par la Conférence épiscopale lors de sa dernière réunion annuelle et, plus particulièrement, le texte de l’intervention de l’archevêque de Hanoi lors de sa rencontre avec le Comité populaire de la capitale, le 20 septembre 2008, texte qui avait été rapporté dans le diocèse par l’évêque, de retour de l’assemblée annuelle de la Conférence épiscopale.

Un troisième document émane directement du Bureau central de la propagande et de l’éducation; il a sans doute été publié le 16 octobre 2008. Il fournit à l’usage des cadres de toute la nation un récit complet et détaillé de deux affaires de Thai Ha et de la Délégation apostolique. Le document souligne que ces affaires qui se sont déroulées à Hanoi ont eu un écho national et international. De plus, la question de la restitution de terrains se pose dans tout le pays. C’est pourquoi le document donne un certain nombre de consignes destinées à guider la campagne de mobilisation de la population sur ce sujet. Le récit insiste sur les violations de la loi commises par les catholiques et plus particulièrement par leurs dirigeants, dont l’archevêque de Hanoi. Les cadres devront faire comprendre à la population que « l’Eglise, la hiérarchie, la législation religieuse doivent se soumettre à l’Etat et à sa loi ». Ils critiqueront les dirigeants religieux de ne se préoccuper que des intérêts de la religion sans tenir compte du bien public ou bien encore d’utiliser la politique religieuse de l’Etat à leur seul profit.

(1) Deux des documents commentés dans cette dépêche ont été publiés par VietCatholic News sous forme de photocopie; le troisième a été résumé.

(Source: Eglises d'Asie, 24 novembre 2008)
 
A Calcutta, des milliers de personnes ont observé trois jours de jeûne et formé une chaîne humaine afin de protester contre les violences antichrétiennes
Eglises d'Asie
08:51 24/11/2008
A Calcutta, des milliers de personnes ont observé trois jours de jeûne et formé une chaîne humaine afin de protester contre les violences antichrétiennes

A Calcutta, le 16 novembre dernier, des milliers de chrétiens, hindous et musulmans ont interrompu pendant dix minutes la circulation dans les rues encombrées de la capitale du Bengale, en formant une gigantesque chaîne humaine. Cette manifestation clôturait un jeûne de trois jours (du 14 au 16 novembre), organisé, sous l’égide de l’archidiocèse de Calcutta, par une quarantaine de groupes locaux. S’étendant sur 1,5 km de long, la chaîne fraternelle unissait plus de 5 000 personnes, dont des évêques catholiques et protestants, des membres du Parlement, des chrétiens de toutes confessions, des musulmans, des hindous et des sikhs.

Après plus de deux mois de violences antichrétiennes, lesquelles ont débuté fin août en Orissa (1), cette manifestation pacifique se voulait un soutien visible aux chrétiens persécutés mais aussi une protestation, afin de faire prendre conscience de l’intensification de l’intolérance religieuse dans le pays. Le P. George Pattery, supérieur des jésuites de la province de Calcutta et organisateur de l’événement, a qualifié l’opération d’« immense succès ». Quant à l’ancien archevêque de Calcutta, Mgr Henry Sebastian D’Souza (2), il a souligné auprès de l’agence Ucanews que beaucoup de personnes avaient fait de « grands sacrifices » pour jeûner et manifester leur engagement « afin que leur pays puisse vivre dans la paix et l’harmonie ».

Parmi les autres évêques qui formaient la chaîne, on pouvait remarquer la présence de Mgr Cyprian Monis, évêque d’Asansol, Mgr Thomas D’ Souza, évêque de Bagdogra, mais aussi des prélats de l’Eglise protestante de l’Inde du Nord (3), Mgr Ashok Biswas, évêque de Calcutta, et son prédécesseur Mgr P. S. P. Raju. La supérieure des Missionnaires de la Charité, Sœur Nirmala Joshi, a également participé à la manifestation.

La réponse des gens a « été tout simplement incroyable », s’enthousiasme Sunil Lucas, secrétaire du comité d’organisation et président de SIGNIS (4): « On n’a jamais vu à Calcutta des chrétiens réunis en aussi grand nombre en public. » Il ajoute que les organisateurs avaient reçu un soutien « sans réserve » de l’administration comme du gouvernement de l’Etat pour la manifestation.

Selon Sr Christine Coutinho, religieuse de l’Institut de la Vierge Marie (5), qui s’est occupée des inscriptions pour le jeûne et la chaîne humaine, plus de 10 000 personnes ont participé aux trois jours de jeûne. Environ 25 % étaient hindous, musulmans ou sikhs, précise-t-elle, les femmes en plus grand nombre que les hommes, comme pour la chaîne humaine. Le jeûne s’est tenu dans les couloirs du métro de Calcutta où environ 1 500 personnes se tenaient à partir de 9 heures du matin. Au-dessus d’une estrade, on pouvait lire: « Pour que notre pays renaisse des ténèbres de la violence à la lumière de la liberté, protestons contre le règne de la terreur ! »

A droite de l’estrade, une banderole avait été fixée, avec des photos de Rajni Majhi, femme hindoue qui a été brûlée vive en Orissa, et du P. Bernard Digal, prêtre de l’Orissa qui a succombé à ses blessures le 28 octobre dernier (6). Une légende indiquait: « A la mémoire des 59 personnes qui ont été les martyrs d’une violence absurde en Orissa, depuis août 2008. » L’inspecteur de police Bhaskar Majumdar, qui était en charge de la sécurité lors du jeûne collectif, a déclaré à Ucanews qu’il avait été fortement impressionné par le calme et la dignité qui avaient présidé à la manifestation.

Les étudiants du Morning Star College, séminaire interdiocésain, prenaient le relais du jeûne à la nuit tombée. Les deux premiers jours, les séminaristes et religieux présents (plus d’une centaine) ont récité à genoux le ‘Chapelet de la Miséricorde divine’ pour les victimes de l’intolérance religieuse. Dorothy Das, 37 ans, jeune femme catholique, raconte que toutes les personnes de sa paroisse étaient volontaires pour jeûner quand le curé l’a proposé en chaire et qu’elle a pris un jour de congé pour se joindre à eux le 14 novembre.

(1) Au sujet de la vague de violence hindouiste exercée contre les chrétiens depuis l’assassinat du Swami Laxmanananda Saraswati le 23 août 2008, voir EDA 490, 491, 492, 493, 494, 495.
(2) L’actuel archevêque de l’archidiocèse de Calcutta est Mgr Lucas Sirkar.
(3) L’Eglise de l’Inde du Nord a été créée en 1970, à partir d’un regroupement de différentes Eglises protestantes. Elle comprend aujourd’hui environ 3 000 communautés rattachées en une vingtaine de diocèses.
(4) SIGNIS, reconnue comme organisation catholique pour la communication par le Vatican, compte des membres dans 140 pays. Créée en 2001, elle regroupe des professionnels des medias chrétiens. Voir EDA 449.
(5) Les religieuses de l’Institut de la Vierge Marie (IBVM) sont plus communément appelées les Sœurs de Lorette, ordre très présent en Inde, auquel appartenait Mère Teresa avant de fonder les Missionnaires de la Charité.
(6) Voir à ce sujet EDA 491, 495.

(Source: Eglises d'Asie, 24 novembre 2008)
 
Un fallimento la riunione del Comitato vietnamita dei cattolici “governativi”
Asia-News
11:51 24/11/2008
La riunione, rinviata da tre anni, era stata preannunciata dagli organi si stampa, ma nel resoconto finale manca il dato dei partecipanti. L’organismo ha cambiato nome per la tera volta, ma continua a non avere seguito tra i fedeli.

Hanoi (AsiaNews) – E’ stato un fallimento il quinto incontro del Comitato vietnamita di solidarietà dei cattolici (VSSC), che rappresenta il più recente tentativo del governo vietnamita di dar vita ad una Chiesa patriottica di tipo cinese.

Programmato per il 2005, dopo numerosi rinvii, il VSSC si è finalmente riunito a Hanoi il 19 e 20 novemre. Nell’annuncio dato dall’aenzia governativa VNA, ad esso avrebbero dovuto prendere parte “425 delegati tra i quali 145 sacerdoti”. Le cose non debbono essere andate proprio così, visto che il resoconto fatto a fine incontro da VietNamNet, altra agenzia statale, non indica il numero dei partecipanti ed informa che sono stati eletti 128 membri, tra i quali 74 preti. Che rappresentno meno del 3% dei circa 2.800 sacerdoti vietnamiti.

D’altro canto, il tentativo governativo di creare una Chiesa cattolica fedele al Partito comnista e non al papa ha incontrato solo fallimenti. Un primo “Comitato di collegamento per cattolici patriottici e amanti della pace” fu creato nel marzo 1955. Aveva gli stessi obiettivi di analoghi organismi costituiti per dividere i seguaci delle diverse religioni, primi tra tutti i buddisti, oggi divisi tra la Chiesa buddista vietnamita (VBD) - organizzazione “approvata” dal governo - e la Chiesa buddista unificata (UBCV).

L’operazione, già allora, non riuscì ad ottenere granché, tanto che il governo cambiò politica, tentando di sradicare la Chiesa con il blocco delle nomine dei vescovi, la quasi totale chiusura dei seminari e la confisca dei beni di istituzioni ecclesiastiche. Meglio sembrò andare al regime, dopo l’unificazione del Paese, nel 1975, con il “Comitato per la solidarietà dei cattolici vietnamiti” (VCSC) che, all’inizio, vide l’adesione di numerosi cattolici. A rivoltare anche questa situazione provvidero l’imprigionamento di numerosi sacerdoti e laici cattolici, a partire dall’allora vescovo ausiliare di Saigon, il futuro cardinale Francis Nguyen Van Thuan (nella foto), ed una stupefacente celebrazione religiosa in occasione del primo congresso del VCSC: i sacerdoti eliminarono completamente la preghiera per il Papa, indicando una scelta di campo che finì col lasciare soli i pochi che rimasero.

A sancire la fine del VCSC provvide, nel 1985, una messa in guardia della Santa Sede sull’appartenenza del clero al Comitato.

Ora sembra che, almeno in parte, si voglia tornare alla politica della confisca dei beni e degli attacchi a vescovi e sacerdoti. E la riunione di questa inconsistente nuova edizione del Comitato.
 
Meeting of Vietnamese ''government'' Catholics' committee ends in disaster
Asia-News
11:52 24/11/2008
The meeting, delayed for three years, was announced by the press, but the final account fails to mention the number of participants. The body has changed its name for the third time, but it continues to find no support among the faithful.

Hanoi (AsiaNews) - The fifth meeting of the Vietnam Committee for Solidarity of Catholics (VSSC) is a failure. The meeting represents the most recent attempt by the Vietnamese government to create a Chinese-style patriotic Church.

Scheduled for 2005, after numerous delays the VSSC finally met in Hanoi on November 19 and 20. In the report by the government news agency VNA, it is claimed to have included "425 delegates, including 145 priests." But things may not have gone quite this way, since the report issued at the end of the meeting by VietNamNet, another state news agency, does not give the number of participants, and says that 128 members were elected, including 74 priests. These would represent less than 3% of the approximately 2,800 Vietnamese priests.

The government's attempt to create a Catholic Church faithful to the communist party, and not to the pope, has met with nothing but failure. An initial "Liaison Committee for Patriotic and Peace-Loving Catholics" was created in March of 1955. It had the same objectives as similar bodies set up to divide the followers of the various religions, especially the Buddhists, today split between the Vietnamese Buddhist Church - an organization "approved" by the government - and the Unified Buddhist Church.

The operation, even back then, was not able to do much, so the government changed its approach, trying to uproot the Church by blocking the appointments of bishops, almost completely closing the seminaries, and confiscating Church property. Things seemed to go better for the regime after the unification of the country in 1975, with the "Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics" (VCSC), which, at first, obtained the participation of many Catholics. But this situation was also reversed by the imprisonment of many priests and Catholic laity, beginning with the auxiliary bishop of Saigon, the future Cardinal Francis Nguyen Van Thuan, and a shocking religious celebration at the first congress of the VCSC: the priests completely eliminated the prayer for the pope, indicating a position that led to the exit of the few members who remained.

The fate of the VCSC was sealed in 1985, with a warning from the Holy See against clergy membership in the committee.

Today it seems that, at least in part, there is an intention to return to the policy of confiscating property and attacking bishops and priests. And the meeting of this precarious new edition of the committee.
 
Vietnam: Liberté sous surveillance
Monsignor Pierre Calimé
12:46 24/11/2008
Liberté sous surveillance

Vietnam: La liberté n’est pas aussi libre que l’on croit. Fragile.

La liberté de voyager et de rencontrer par exemple, toutes les agences de voyage en parlent. Eh bien, non. Je rentre, avec 25 partenaires, d’un voyage au Vietnam. Tout était prévu depuis plus de six mois: avion, hôtels, accompagnateur, rencontres avec des paroisses catholiques, un évêque, un monastère né de notre voisin « La Pierre qui Vire ». Jusqu’au vendredi soir avant le départ. « Vous avez un visa touristique: interdiction vous est faite de rencontrer quelque communauté chrétienne que ce soit, d’entrer à titre personnel ou en groupe dans quelque église ou chapelle que ce soit sous peine de reconduction à a frontière et autres sanctions. » On ne plaisante pas, en régime communiste, fut-il capitaliste, avec ce genre de « conseil ».Nous étions partis pour rencontrer des amis. Nous avons vu des paysages et des monuments. Mais quand on a vu le mausolée sans visiteurs de Lénine à Moscou, sa copie pour d’Oncle HO (Chi Minh), tout aussi déserté, à Saïgon est dénué d’intérêt.

L’interdiction faite à des touristes de rencontrer une partie de la population locale, par contre, dit sous quel régime vit le peuple. Une dictature communiste à visage capitaliste. Ce qui cumule les inconvénients des deux régimes: étouffement de la liberté de penser, délation, calomnies infâmes des non alignés par les tenants du régime, intimidations sous toutes les formes, des plus sournoises aux plus violentes.

Les chrétiens, les catholiques – mais qui en parle ? –sont depuis des années victimes de violences mortelles: en Irak les assassinats ne se comptent plus. En Inde, rien qu’en Octobre, 500 chrétiens ont été assassinés dans l’Etat d’Orissa… mais le Parti communiste indien qui a fait « son » enquête dit: 30 seulement… On croirait lire les communiqués organisateurs/forces de police au lendemain d’une manif en France. A Kenya, deux religieuses ont été enlevées voici quelques jours… La liste est loin d’être close.

N’en déplaise à deux et celles qui pensent que la liberté de conscience n‘a droit d’exister que dans les sacristies, j’ai constaté, une fois de plus, au Vietnam que quand la liberté religieuse est écrasée, interdite, massacrée, la liberté tout court n’est pas loin de mourir si elle n’est pas déjà morte.

Il n’est pas question bien sûr de revendiquer une dictature des religions sur les choix des sociétés.

Mais je rentre de Hanoï avec une certitude: quand les chrétiens, catholiques ou autres, osent vivre et dire la foi, ils sont gênants. Ce qui est un signe de santé. Pour l’Eglise qui est libre. Pour la société qui risque, sans cela, de perdre sa liberté.

(Source: Msgr. Pierre Calimé, LA GAZETTE, 24 Novembre 2008 )
 
Prosecution of Hanoi Catholics seen as intimidation tactic
Catholic World News
16:14 24/11/2008
Hanoi, Nov. 24, 2008 (CWNews.com) - Eight Vietnamese Catholics face criminal trial in Hanoi because of their peaceful protests at the Thai Ha parish, where lay Catholics have demonstrated for the return of property seized by the government from a Redemptorist monastery.

The prosecution of the Thai Ha activists is seen by Vietnamese Catholics as a human-rights violation, since the parishioners were exercising their religious freedom on property to which, they argue, the Church retains legal title. The prosecution is also viewed by many of the Vietnamese faithful as a tactic of intimidation.

Father Joseph Nguyen Van Khai, spokesman for the Hanoi Redemptorist monastery, reported that the case of the 8 parishioners would come to trial on December 5 at a court in Hanoi. Public officials have threatened to punish them severely for what they describe as “damaging state property and disorderly conduct in public.” However, Father Nguyen, in a statement released on November 22, stated that “the said 8 parishioners who are being wrongfully charged did not do anything violating the law.”

Since 1996, Redemptorists and Thai Ha parishioners had sent their petitions pleading for the restitution of the land seized illegally in 1950s. All their petitions had fallen into deaf ears. The public protests began in January, after Thai Ha parishioners discovered that local government officials had secretly sold their land to other private owners.

According to Father Nguyen, the protests have taken place outside a surrounding brick wall, on which protesters had hung their icons and crosses, until August 14: the eve of the feast of our Lady of Assumption on. After days of continuous rain, part of the wall collapsed on that day. Foreseeing that other parts would soon collapse as well, possibly causing injury to those engaged in prayer vigils, parishioners removed several feet of the wall and moved their icons and statues to a more secure location.

Local government immediately accused parishioners of “damaging state property.” One Hanoi official claimed that the monetary value of the wall was about $200, and a dozen parishioners were arrested for their part in the demolition. At least four of these protestors have been jailed for weeks.

Shortly after the incident that gave rise to the charges, the government bulldozed the wall and surrounding area, announcing that space would now be converted for use as a public park.

Why would the government throw the full force of prosecution behind an effort to punish ordinarily law-abiding citizens for such a comparatively minor matter? Vietnamese Catholics see the official drive as an intimidation tactic. Sister Mari Nguyen of Saigon reasons: "The reason is quite obvious: They are going to those Catholics punish severely to threaten anyone who wishes to ask for their property back." Father Nguyen, the Redemptorist spokesman, emphasizes that the trial is unjust and asks Catholics around the world "to be united in prayers for victims of justice and truth."
 
No state church for Vietnam
CathNews Australia
16:20 24/11/2008
Vietnamese government plans to establish a Chinese-style state controlled Church have failed after a meeting in Hanoi failed to approve the proposal.

After many postponements, a meeting of the 'Vietnam Committee for Solidarity of Catholics' designed to establish a state-approved Patriotic Church' took place in Hanoi on November 19-20, Independent Catholic News reports.

A report on the state-run Vietnam News Agency a week ahead of the meeting, said organisers were expecting 425 delegates, including 145 priests to take part. In fact it seems that far fewer people attended and at least some of the clergy who were there had been pressed into taking part, ICN says.

One priest who was forced to attend, described the atmosphere as sombre, and said: "only a few dozen attended".

No pictures were allowed, he said, as this would have revealed the true facts of the meeting.

The committee decided that it would impossible to establish a Church directed by the Party rather than the Vatican.

State-run media reported that the committee agreed to focus more on "calling upon Vietnamese Catholics at home and abroad to actively participate in a wide range of social activities in a myriad of areas, from work, study and business to production and humanitarian acts, and to continue working for national socio-economic development".

In fact the Church in Vietnam has actively participated for years in social activities, ICN says. Moreover, bishops have repeatedly asked the government to allow the Church to participate more on some specific areas, such as education, and health care. So far their requests have been ignored.

Trial for Thai Ha parishioners

In another story, VietCatholic reports that eight parishioners will be tried soon in Hanoi for their peaceful protests at Thai Ha parish in a trial seen by Catholics as a threatening tactic and an overt human rights violation.

Fr Joseph Nguyen Van Khai, spokesperson of Hanoi Redemptorist Monastery, reported that eight parishioners under Hanoi Redemptorists' pastoral care would be tried on December 5 at a court in Hanoi following protests over confiscated church land.

Earlier, the Vietnamese government had threatened to punish them severely for what it described as "damaging state property and disorderly conduct in public."

However, Fr Nguyen said in a statement that "the said eight parishioners who are being wrongfully charged did not do anything violating the law."

"The to be trial is unjust."

For Redemptorists and Thai Ha parishioners, "the land had been, was and is still their property. They have their legal rights to remove part of the wall that was threatening their lives," Fr Nguyen explained.

"Anyway, the local government bulldozed everything, including the wall, to convert the land into a public park. Why they insist on suing the parishioners for something that cost no more than a breakfast of a high ranking official in Hanoi after having jailed them for months?" asked Sr. Marie Nguyen from Saigon.

"The answer is quite obvious: They are going to punish severely these Catholics to threaten anyone who wish to ask for their property back," she added.

In conclusion, Fr Nguyen begged Catholics around the world "to be united in prayers for victims of justice and truth".
 
188 martyrs japonais du XVIIème siècle ont été béatifiés lors d’une grande cérémonie à Nagasaki
Eglises d'Asie
16:43 24/11/2008
188 martyrs japonais du XVIIème siècle ont été béatifiés lors d’une grande cérémonie à Nagasaki

Le 24 novembre 2008, à Nagasaki, l’Eglise a béatifié 188 martyrs japonais. La cérémonie a eu lieu en présence de près de 30 000 personnes, dans un stade de baseball spécialement aménagé pour l’occasion, l’événement étant, pour l’Eglise catholique au Japon, l’occasion de mieux se faire connaître des non-chrétiens et, pour les catholiques japonais, « de raviver leur foi », ainsi que l’a expliqué Mgr Mizobe Osamu, évêque de Takamatsu et président de la Commission de préparation de la béatification.

L’Eglise du Japon, dont les martyrs se comptent par dizaines de milliers, comptait déjà plusieurs dizaines de saints et de bienheureux. Le christianisme, introduit dans le pays par saint François Xavier en 1549, y avait en effet connu un essor rapide jusqu’en 1587, date à laquelle commencèrent les persécutions, plus ou moins violentes et par paliers, qui s’échelonnèrent jusqu’à l’interdiction totale du christianisme sur le territoire japonais et le renvoi définitif de tous les missionnaires étrangers en 1614, perçus par le pouvoir shogunal comme l’avant-garde des puissances étrangères. La liberté de religion ne sera instaurée qu’en 1873, cinq ans après la restauration Meiji. Rome avait alors pris les devants et canonisés, en 1862, 26 martyrs, connus sous le nom des « 26 martyrs de Nagasaki » – dont saint Paul Miki –, 26 prêtres, religieux et laïcs crucifiés sur une colline de Nagasaki en 1613, face à l’occident; en 1867, Pie IX réitérait le geste en béatifiant 205 autres martyrs.

Cette fois-ci, l’initiative de la béatification du P. Petro Kibe et de 187 martyrs – tous des laïcs, à l’exception de quatre prêtres et d’une religieuse – revient au pape Jean-Paul II. Lors de son voyage de 1981 au Japon, profondément touché par le témoignage de foi des chrétiens japonais sous les persécutions, il avait donné le conseil aux évêques japonais de faire les recherches historiques nécessaires pour faire connaître la vie de ces témoins de la foi. Vingt-six ans plus tard, Benoît XVI signait à Rome le décret de béatification de ces martyrs, amenant à son terme un processus piloté de bout en bout par l’Eglise catholique du Japon. L’an dernier, à Rome, le cardinal japonais Hamao soulignait que la béatification de ces 188 martyrs était « la première dont la cause avait été promue par les évêques du Japon » (1).

Mis à mort pour leur foi chrétienne entre 1603 et 1639, les 188 martyrs sont tous Japonais. Laïcs pour la plupart, formés d’hommes et de femmes, d’adultes, d’enfants et de vieillards, ils ont laissé des témoignages le plus souvent bouleversants (2). Dans une note de présentation, les évêques japonais écrivent: « Ces 188 martyrs n’étaient pas des militants de la chose politique, ils ne luttaient pas pour défendre leurs droits fondamentaux d’hommes et de femmes, ils ne récriminaient pas contre un régime qui leur niait le simple exercice de la liberté religieuse. Ils étaient des hommes et des femmes d’une foi profonde et vraie qui accordaient leur vie à ce qu’ils croyaient. A tous, ils donnent matière à réfléchir. »

Dans le Japon contemporain, la liberté de religion est inscrite dans la loi. Nulle persécution donc. Les évêques estiment cependant que ces 188 nouveaux bienheureux peuvent parler aux chrétiens japonais et, au-delà, à tous les Japonais, dans un pays où l’Eglise catholique compte 450 000 fidèles de nationalité japonaise. Le cardinal Hamao affirmait l’an dernier que, bien que « la liberté de croire soit totale » au Japon, cette liberté n’y était pas perçue comme un droit fondamental par l’opinion publique, laissant ainsi la possibilité à une certaine droite japonaise de revenir à l’instrumentalisation de la religion shinto à des fins politiques. Sous le régime militariste des années 1930 jusqu’à la défaite de 1945, la religion shinto avait été enrôlée à des fins de contrôle social et politique au service des objectifs des dirigeants alors en place.

Sur un plan moins directement politique, les évêques soulignent que, dans une Eglise où les prêtres sont rares, le témoignage des martyrs d’hier dit quelque chose de la place des laïcs dans la transmission de la foi et l’organisation de l’Eglise aujourd’hui. « Le temps est venu de prendre sérieusement en considération la formation de nos laïcs », écrivent-ils. Dans une Eglise où les parents déplorent le fait qu’ils n’arrivent pas à transmettre leur foi à leurs enfants, les martyrs d’hier, si souvent suppliciés en famille, expriment la force d’une foi vécue ensemble. « Ne peut-on dire que la foi des parents [d’aujourd’hui] ne se transmet pas à leurs enfants parce que cette foi n’a jamais été l’élément déterminant qui informe toute leur vie ? », interroge l’épiscopat japonais.

Les évêques soulignent encore la vigueur du témoignage laissé par les nombreuses femmes qui figurent au nombre de ces 188 martyrs. « Nous avons pris conscience que sans ces femmes, l’Eglise du Japon n’existerait pas aujourd’hui. Nous attendons de la béatification de ces femmes martyres qu’un message d’espérance et de consolation soit apportée à toutes les femmes de ce pays, quelle que soit leur appartenance religieuse », écrivent-ils.

Enfin, dans un pays en proie à une profonde dénatalité, l’Eglise au Japon présente la particularité de compter plus de fidèles d’origine étrangère (580 000) que de fidèles japonais (450 000). Dans un pays très longtemps fermé à l’immigration et où le nombre officiel des immigrés est aujourd’hui de 2,15 millions (1,69 % des 127 millions d’habitants du Japon), l’Eglise a été amenée, ces dernières années, à mettre en place des structures spécifiques dans chacun de ses diocèses, dans chacune de ses paroisses, pour accueillir les immigrés. Là encore, les martyrs d’hier, en ce qu’ils étaient pleinement japonais tout en s’étant ouvert à une religion perçue comme non japonaise, peuvent être porteurs d’enseignements pour le Japon contemporain, indiquent certains catholiques japonais.

(1) Voir EDA 461. Ancien évêque de Yokohama, le cardinal Stephen Hamao Fumio a dirigé le Conseil pontifical pour la pastorale des migrants de 1998 à 2006; il est décédé le 8 novembre 2007.

(2) On pourra lire le récit de la vie et de la mort de plusieurs d’entre eux dans le Dossier ‘Japon’ du Supplément d’Eglises d’Asie publié le 1er novembre 2008 (« Japon: 188 bienheureux martyrs »).

(Source: Eglises d'Asie, 24 novembre 2008)
 
PRESS RELEASE
The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media
22:56 24/11/2008
The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media

92 The River Rd - Revesby NSW 2212
Tel: (02) 9773 0933
Fax: (02) 9773 3998
paulvanchi@yahoo.com

PRESS RELEASE

FOR IMMEDIATE RELEASE

Contact: Fr. Paul Van Chi Chu
Tel: (02) 9773 0933
Mob: 0410 552 650


SYDNEY, November 24, 2008 – The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media (FVCMM) would like to report to the international community about the latest development in the on-going series of religious and human rights violations against Catholics by Vietnam government.

On Nov. 22, Hanoi Redemptorist Monastery reported that eight parishioners under Redemptorists’ pastoral care at Thai Ha parish would be tried on Dec. 5 at a criminal court in Hanoi, and that Vietnam government threatened to punish them severely for what it described as “damaging state property and disorderly conduct in public.”

However, in fact, the said eight parishioners who were being wrongfully charged did not do anything violating the law.

Since 1996, Redemptorists and Thai Ha parishioners had sent their petitions pleading for the restitution of the land seized illegally in 1950s. All their petitions had fallen into deaf ears. The public protests began in January, after Thai Ha parishioners discovered that local government officials had secretly sold their land to other private owners.

At first, the protests have taken place outside a surrounding brick wall, built decades ago, on which protesters had hung their icons and crosses, until August 14: the eve of the feast of our Lady of Assumption. After days of drenching rain, part of the wall collapsed on that day. Foreseeing that other parts would soon collapse as well in a domino fashion, possibly causing injury to those engaged in prayer vigils, parishioners removed several feet of the wall and moved their icons and statues to a more secure location.

Local government immediately accused parishioners of “damaging state property.” The state Valuer General's Office of Dong Da district claimed on state-own media that the monetary value of the wall was about 200 USD, and a dozen parishioners were arrested for their part in the demolition. At least four of these protestors have been jailed for weeks. At this time, two of them are still in jail.

Shortly after the incident that gave rise to the charges, the government bulldozed the wall and surrounding area, announcing that space would now be converted for use as a public park.

Why would the government throw the full force of prosecution behind an effort to punish ordinarily law-abiding citizens for such a comparatively minor matter?

The reason is obvious: It is the government intimidation tactic. They are determined to send a message of a severe punishment to Catholic parishioners to thousands of famers and civilians whose land also illegally seized by the government should they follow the Thai Ha footstep in demanding their property back.

We, Catholic priests who are in charge of various Catholic Media organs, therefore, strongly condemn that the Vietnam government after having robbed and jailed their victims, now is going to put them in a trial. This trial is unjust and shamefully violates human rights of the innocents and the victims.

In addition, we also want to report to you that recently Hanoi Redemptorist Monastery was attacked by a mob on Saturday night, November 15. Rather than trying to protect the monastery, police did their best to impede rescue efforts.

Hundreds of people, backed by the People's Committee of Quang Trung precinct, attacked the chapel. The violence began after representatives of the People's Committee had asked the Redemptorist priests for an urgent meeting at 10pm local time. The Redemptorist community was convinced that the meeting had been scheduled as a diversionary tactic to clear the way for the mob violence. Obviously, it was an organized attack at nighttime.

Summoned by priests who rang the monastery's bells, hundreds of local Catholics rushed to save the church. However, as the mob ransacked the chapel, police concentrated their efforts on keeping the Catholic rescuers away from the building.

This was the second time the St. Gerardo chapel had been attacked by thugs. On Sep. 21, the chapel was vandalized, with statues destroyed and books torn off shelves and thrown on the floor. The invaders “yelled, smashed everything on their way, threw stones into our monastery, and shattered the gate of Saint Gerardo Chapel,” reported Father Matthew Vu Khoi Phung, the Redemptorist superior. In addition, “the gang yelled out slogans threatening to kill priests, religious, faithful and even our archbishop,” he added.

As Church-state tensions have kept continuously building- up and Catholics have kept being persecuted for their faith, we desperately hope that you will take action immediately to demand Hanoi regime to respect human rights and religious freedom.

As for the up-coming trial, names of parishioners/defendants, their ages, and address are as follow:

1. Mr. Le Quang Kien, born 1945, of 8/162 A Ton Duc Thang St. Dong Da, Hanoi.
2. Mr. Nguyen Dac Hung, born 1958, of Thon Dam, Tan Hoa, Quoc Oai, Son Tay.
3. Mr. Thai Thanh Hai, born 1987, of 42 Nguyen Luong Bang St., O Cho Dua, Dong Da, Hanoi.
4. Mr. Nguyen Thi Viet, born 1949, of A2 Thuy Tinh, Thinh Quang, Dong Da, Hanoi.
5. Mrs. Nguyen Thi Nhi, born 1962, of Ha Thao, Phu Xuyen.
6. Mr. Pham Tri Nang, born 1959, of Thuong Le, Dai Thinh, Me Linh, Vinh Phuc.
7. Mrs. Ngo Thi Dung, born 1954, of 306 C3 Vinh Ho, Nga Tu So, Dong Da, Hanoi.
8. Mrs. Le Thi Hoi, born 1947, of 8/6 Tho Quan, Dong Da, Hanoi.

The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media (FVCMM) thus denounces these actions and asks that Vietnam government:

1. Stop the media campaign against the Catholic clergy, their faithful, and the Church as a whole.
2. Stop persecutions of Catholic clergy and their faithful and leave their religious items intact.
3. Respect its own law and return the property to its rightful owner.

Contact:
Fr. Paul Van Chi Chu
Tel: (02) 9773 0933
Mob: 0410 552 650

Mons. Peter Tai Van Nguyen
Director of Radio Veritas Asia
Buick St. North Fairview,
Quezon City, Philippines
P.O. Box 2642
Email: rvaprogram@rveritas-asia.org

Fr. John Nghi Tran
Director of VietCatholic News Agency
435 Berkeley Ave
Claremont, CA 91711, USA
Tel (909) 581-8888
Email: conggiao@gmail.com

Fr. Joachim Viet-Chau Nguyen Duc
Director of People Of God Magazine in America
PO Box 1419 Gretna,
LA 70053-5440, USA.
Email: danchuausa@yahoo.com

Fr. Anthony Quang Huu Nguyen
Director of People Of God Magazine in Australia
715 Sydney Rd. Brunswick Vic 3056
Australia
Email: quangsdb@yahoo.com

Fr. Stephen Luu Thuong Bui
Director of People Of God Magazine in Europe
Magazine Catholique
Katholische Monatszeitschrift
Monthly Catholic Magazine
Email: info@danchua.de

Fr. Paul Van-Chi Chu
Director of Gospel and Peace Radio, Sydney Australia
92 The River Rd - Revesby
NSW 2212
Australia
paulvanchi@yahoo.com
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chủng Sinh ĐCV Vinh Thanh thực tập mục vụ tại giáo xứ Vạn Thành
JB. Nguyễn Quốc Tuấn
00:20 24/11/2008
VINH - Chiều ngày 22 – 11 – 2008, Đoàn Chủng sinh Khoá IX - Đại Chủng viện Vinh Thanh do Cha giáo Pet. Nguyễn Hiệu Phượng dẫn đầu, đã đến thăm và thực hành mục vụ tại giáo xứ Vạn Thành, Giáo phận Vinh.

Chuyến thực tế lần này của đoàn chủng sinh chúng tôi nằm trong chương trình đào tạo của ĐCV Vinh Thanh, với mục đích bổ trợ thêm kinh nghiệm mục vụ, làm dồi dào cho hành trang linh mục mai này. Việc được tiếp cận và thực tế đời sống đạo của bà con giáo dân còn giúp những ứng sinh linh mục như chúng tôi có được cơ hội tốt để cảm thông, chia sẻ những thao thức trăn trở của bà con giáo dân nói chung và nói riêng các bạn trẻ, khi họ phải đối diện với nhiều thách thức trong đời sống tâm linh, xã hội ngày hôm nay; như lời khai lễ của Cha giáo Pet. Nguyễn Hiệu Phượng trong thánh lễ tối Thứ Bảy (lễ Chúa KiTô Vua) tại giáo xứ Vạn Thành: “... Vạn Thành, một giáo xứ tuy không giàu về vật chất nhưng giàu truyền thống tình người, giàu lòng đạo đức... anh em chủng sinh Khoá IX thật may mắn có được cơ hội tốt để cảm thông, sẻ chia, để học hỏi những kinh nghiệm vàng ngọc cho hành trang phục vụ...”.

Quả đúng như lời Cha giáo Phượng, chúng tôi cảm nhận một tình thần sống hiệp thông sâu xa của bà con giáo dân nơi đây. Trước hết phải kể đến đó là đời sống liên đới mật thiết giữa các gia đình, đoàn thể trong giáo xứ, được đặt trên nền tảng bác ái theo Tin Mừng: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống...” (Mt 25, 35a). Số giáo dân Vạn Thành được chia thành các Tổ, gọi là những “Tổ Sống Lời Chúa”. Thành viên trong các Tổ này quy tụ lại trong các Chúa Nhật hàng tuần, cùng chia sẻ Lời Chúa; từ ánh sáng Tin Mừng, các thành viên trong Tổ cùng giúp nhau thăng tiến về mọi mặt của đời sống tâm linh và xã hội, đặc biệt là nâng đỡ những thành viên trong Tổ có hoàn cảnh kém may mắn, thiệt thòi. Chúng tôi được Cha xứ cho biết, Vạn Thành là nơi có số giáo dân không đông lắm (khoảng hơn 2500 giáo dân), nhưng số di dân lại khá cao, riêng tại Sài Gòn đã chiếm con số hơn 300. Nhờ các Tổ sống Lời Chúa mà các thành viên trong Tổ một khi vì điều kiện phải đi làm việc, sinh sống nơi xa sẽ được Cha xứ và Tổ tạo điều kiện giúp đỡ để có được một cuộc sống tốt, nhất là việc duy trì tăng trưởng đức tin. Khi tiếp cận và tham gia cùng các Tổ Sống Lời Chúa, chúng tôi được lắng nghe nhiều tâm tình, nhiều thao thức của các bạn trẻ, các bậc gia trưởng... với mong muốn làm sao được cống kiến phần tài đức nhỏ bé của mình trong việc xây dựng quê hương Vạn Thành ngày một giàu đẹp, nên chứng nhân sống động cho Lời Chúa. Điều đáng ghi nhận nữa là, Vạn Thành cũng là điểm đến để cảm nhận đời sống hiệp thông của bà con nơi đây với Giáo hội, với tha nhân nói chung. Vào lúc cao điểm của biến cố Thái Hà – Toà Khâm Sứ, Cha xứ và anh chị em Vạn Thành đã tổ chức, tham dự những giờ thắp nến, cầu nguyện thật trang trọng, sốt sắng hiệp thông với Tổng Giáo phận Hà Nội, với Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt. Trong trận lụt kinh hoàng, nhiều mất mát vừa qua trên địa bàn thủ đô Hà nội và tại Miền Trung, các thông tin liên quan đến thiệt hại do lũ lụt đã được Cha xứ cập nhật tại Bảng tin của giáo xứ để bà con được biết và hiệp thông cầu nguyện... Kinh Hoà Bình, lời cầu cho công lý một lần nữa lại vang lên thật hùng nghiêm, chan chứa an hoà của bà con Vạn Thành cùng anh em chủng sinh chúng tôi trong thánh lễ tối Thứ Bảy... Tự nhiên, chúng tôi cảm nghiệm một nguồn rung động sâu xa và ý thức mạnh liệt hơn về vai trò và sứ vụ của người mục tử tương lai trong việc trở nên khí cụ kiến tạo an bình cho các tâm hồn theo gương Đức Kitô - Vua Tình Yêu.

Về Vạn Thành, chúng tôi có cơ hội đem những lời ca, tiếng hát, bao tâm tình sẻ chia tới các bạn trẻ trong những giờ giao lưu văn nghệ; trao đổi, bộc bạch những kinh nghiệm về ơn gọi phục vụ mà bước đầu đời tu anh em được diễm phúc cảm nếm. Qua những giờ gặp gỡ thân tình này, chúng tôi hiểu thấu và cảm thông hơn biết bao trăn trở mà các bạn đang phải đối diện trong bối cảnh toàn cầu hoá; những khó khăn phức tạp mà các bạn đang cần được giải toả, định hướng để có thể sống làm ki tô hữu chính danh. Qua những tiết mục mà nhiều bạn tham gia biểu diễn, và các chất vấn mà các bạn đặt ra, chúng tôi nghiệm thấy nơi các bạn tiềm tàng một triển vọng thực sự về tài năng, một lối tư duy sâu xa bén nhạy. Từ nơi các bạn, chúng tôi cảm thấy tin tưởng mạnh liệt vào tương lai của người trẻ Công giáo - họ đang là những “thần dân” đầy nhiệt huyết trong Vương Quốc Tình Yêu của Vua KiTô.

Chiều ngày Chúa Nhật, trước lúc chia tay Vạn Thành, anh em chủng sinh Khoá IX đã có cuộc giao lưu bóng đá với đội tuyển bóng đá trẻ của giáo xứ. Mặc dầu phải ra sân trong điều kiện thời tiết những ngày lập đông buốt lạnh cộng thêm những đợt mưa nặng hạt, hai đội tuyển đã công hiến cho khán giả một trận đấu hết mình, thật đẹp mắt và thắm tình huynh đệ. Tỷ số 2-1 là kết quả cuối cùng của trận đấu nghiêng về đội bạn Vạn Thành. Các cổ động viên Vạn Thành không quản ngại mưa lạnh, đã đến rất đông để cổ vũ cho cả hai đội với tinh thần hâm mộ và nhiệt tình cao độ. Đáng ghi nhận là trong số các cổ động viên có nhiều anh chị em lương dân sống lân cận Vạn Thành đã đến tham gia cổ vũ, tỏ thái độ đầy thân thiện với anh em chúng tôi; có người tấm tắc khen: “Các thầy đi bóng cũng sắc nét ghê !”. Điều này càng làm cho trận đấu thêm ý nghĩa, ấn tượng.

Chúng tôi chia tay Vạn Thành lúc trời vừa xẩm tối, những đợt gió mùa thổi mạnh và cơn mưa thêm nặng hạt hơn. Lời tri ân của Cha phụ trách và Thầy đai diện không thể bộc bạch hết những tâm tình cảm phục, biết ơn trước sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo, việc tạo kiện thuận lợi mà Cha xứ Antôn Trần Đình Văn và toàn thể bà con Vạn Thành đã dành ho chúng tôi trong gần hai ngày thăm viếng thực tế mục vụ tại đây. Trong hành trang của anh em chủng sinh khoá IX chúng tôi sẽ luôn mang trong mình hình ảnh về một Vạn Thành mến người, hiếu khách; một Vạn Thành giàu truyền thống sống đạo, tha thiết với thực tại và vận mệnh của Giáo hội.
 
Giáo Đoàn Kitô Vua Lakemba Sydney Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập
Hoàng Việt Nam
08:40 24/11/2008
SYDNEY - Tối thứ Sáu 21/11/2008 Giáo đoàn KiTô Vua Lakemba đã tổ chức buổi Dạ Tiệc mừng kính Bổn Mạng và kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo Đoàn, Ca Đoàn và Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (1983 – 2008) tại nhà hàng Maxim vùng Bankstown đồng thời ra mắt phát hành CD Thánh Ca và DVD những sinh hoạt của Giáo đoàn trong suốt 25 năm. Mục đích gây quỹ giúp tu bổ nhà thờ Giáo xứ Lakemba. Trong buổi dạ tiệc gồm có quý Cha Gary Rawson Chính xứ Lakemba, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Nguyễn Quang Thạnh, Cha Bùi Sơn Lâm, Cha Lê Văn Trọng, Cha Nguyễn Văn Vượng, quý Sơ, quý Thầy, Quan Khách Uc Việt và quý Giáo đoàn bạn.

Trước khi khai mạc buổi Dạ Tiệc là phần tường trình sơ lược về Giáo đoàn Lakemba thành lập từ năm 1983 do Cha cố Dominic Nguyễn Văn Đồi sáng lập và chọn Đức KiTô Vua làm Quan Thầy cho Giáo Đoàn. Sau đó ông Vũ Đức Thắng Trưởng ban Mục Vụ Giáo đoàn lên ngỏ lời chào mừng quý Cha và tất cả mọi người tham dự mừng kỷ niệm 25 năm của Giáo đoàn và ông tuyên bố chính khai mạc buổi Dạ Tiệc.

Kế tiếp Cha Paul Văn Chi lên ngỏ lời chúc mừng Giáo đoàn, Ca đoàn và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Cha Gary Rawson Chính xứ Lakemba ngỏ lời chúc mừng và cám ơn Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam đã nhiệt thành đóng góp trợ giúp cho Giáo xứ suốt 25 năm qua và ngày nay có thêm nhã ý gây quỹ để trợ giúp trùng tu thánh đường của Giáo Xứ. Sau cùng ông Giang Hoan Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney chúc mừng Bổn Mạng và khen ngợi Giáo đoàn đã tiên khởi sinh hoạt rất mạnh và đóng góp rất nhiều cho Cộng Đồng.

Ban nhạc trẻ LBT Melody cùng với Ca đoàn Lakemba trình diễn những tiết mục Hợp Ca, Song Ca, Đơn Ca, và những màn múa thời trang do các em Thiếu Nhi trình diễn rất vui nhộn và ngoạn mục. Sau phần cắt bánh mừng Bổn Mạng, là nghi thức tưởng nhớ cầu nguyện cho Cha cố Dominic Nguyễn Văn Đồi và các anh chị em thành viên trong Ca đoàn và những vị ân nhân. Kế tiếp là phần giới thiệu CD Phục Vụ Thánh Ca và đĩa DVD 25 năm sinh hoạt của Giáo đoàn. do Ca Đoàn KiTô Vua Lakemba thực hiện phát hành để gây quỹ trợ giúp Giáo xứ. Ngoài ra còn có phần xổ số may mắn lấy hên. Đặc biệt là những vị may mắn trúng những giải thưởng đã nhã ý kính tặng lại và đấu giá tại chỗ để giúp Giáo xứ. Cuộc đấu giá những món quà trúng xổ số rất hấp dẫn và hào hứng tạo bầu khí thậtt vui nhộn.

Buổi dạ tiệc rất thành công và gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp.

Chiều Chúa Nhật 23/11/2008 rất đông đủ Giáo dân và quan khách Uc Việt đã đến nhà thờ St. Therese Lakemba tham dự Thánh lễ mừng kính Chúa KiTô Vua là Quan Thầy của Giáo đoàn Lakemba. Vì thời tiết thay đổi trở lạnh và mưa nên kiệu cung nghinh Thánh tượng Chúa KiTô Vua được long trọng cung nghinh từ cuối nhà thờ lên an vị trên cung thánh và Cha Paul Văn Chi xông hương kiệu Thánh tượng Chúa KiTô Vua, đồng thời tất cả mọi người cùng quỳ và đọc kinh nguyện dâng mình cho Chúa KiTô.

Sau đó ông Trần Quang Bình Ban Mục Vụ Giáo đoàn đọc tiểu sử về Giáo đoàn đã thành lập và sinh hoạt trong suốt 25 năm qua 1983-2008)

Đầu năm 1983 Đức Hồng Y Edward Clancy Tổng Giáo Mục Giáo Phận Sydney đã chính thức bổ nhiệm Linh mục Dominic Nguyễn Văn Đồi về cư ngụ tại nhà xứ St. Therese Lakemba và làm Tuyên úy giúp cho Giáo dân Việt Nam tại đây và các vùng phụ cận. Sau khi chấm dứt phần tiểu sử về Giáo đoàn. Cha Paul Văn Chi, Cha Gary Rawson và Cha Nguyễn Văn Vượng cùng thắp lên 25 ngọn nến trên cung thánh đánh dấu kỷ niệm 25 năm Hồng Ân, và sau đó cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng gồm quý Cha Paul Văn Chi, Cha Gary Rawson Chính xứ, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Bùi Sơn Lâm, Cha Vượng và Thầy Đặng Đình Nên phụ giúp Lễ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Đỗ Ngọc Việt Phó chủ Tich CĐCGVN TGP Sydney và cũng là cựu thành viên trong Ca đoàn Lakemba lên ngỏ lời chúc mừng Ngân Khánh 25 Năm của Giáo đoàn, Ca đoàn, và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Cha Gary Rawson cũng ngỏ lời chúc mừng Giáo đoàn và Cha heat long cám ơn Giáo đoàn đã trợ giúp cho Giáo xứ trong buổi Dạ Tiệc hôm thứ Sáu 21/11/2008 vừa qua. Sau đó ông Vũ Đức Thắng Trưởng Ban Mục Giáo đoàn lên ngỏ lời cám ơn đến tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng và kỷ niệm 25 năm Thành lập Giáo đoàn. Ông Vũ Đức Thắng cũng công bố số tiền thu được trong đêm Dạ tiệc gây quỹ tổng cộng là $21,631 Úc kim và chị Kim Dung Trưởng ban Tổ Chức trong Ca đoàn Lakemba đã lên trao tặng Cha Gary Rawson Chính xứ Lakemba tấm Cheque $21,631.oo để trợ giúp trùng tu Giáo xứ. Đặc biệt nhân ngày mừng kính Bổn Mạng và kỷ niệm 25 năm. Giáo đoàn đã tặng tất cả mọi người một món quà lưu niệm rất quý báu và ý nghĩa đó là tấm hình Chúa KiTô Vua in trên đĩa bằng đá, để mọi người luôn đến với Ngài và nhận ân phúc của Vua Trời Đất.

Sau khi kết thúc Thánh lễ mọi người qua bên hội trường của trường học tham dự buổi tiệc liên hoan mừng kính Bổn Mạng và thưởng lãm Văn Nghệ bỏ túi do Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trình diễn với những tiết mục vui tươi. Sau đó kết thúc bế mạc vào lúc 9pm.
 
Bến Đá: Hồng phúc 50 năm hiện diện
anmai, CSsR
11:12 24/11/2008
BẾN ĐÁ – HỒNG PHÚC 50 NĂM HIỆN DIỆN

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, chứng kiến bao nổi trôi của phận người, năm nay giáo dân giáo xứ Bến Đá Tàu hân hoan mừng kỷ niệm 50 năm sống và hiện diện trên mảnh đất biển mặn núi cao Vũng Tàu. 50 năm trôi qua với biết bao nhiêu hồng ân, biết bao nhiêu tình thương mà Thiên Chúa đã đổ tràn trên chủ chăn cũng như đàn chiên.

Những ngày vui, những ngày tràn đầy kỷ niệm ấy sẽ đến và sẽ đi. Cha con cùng ngồi lại với nhau bàn bạc làm một chút gì đó gọi là “mừng lễ” với nhau. Chắc chắn sẽ có những mâm cơm, những bữa tiệc bày tỏ niềm vui nhân dịp hồng phúc này nhưng Cha con Bến Đá không quên bồi dưỡng tâm linh, chăm sóc linh hồn để tiếp tục cuộc hành trình mới sau 50 năm.

“Món” bồi bổ tâm linh đặc sắc nhất mà Cha và con Bến Đá đặt ra đó chính là hâm nóng lại đời sống đạo, cân chỉnh lại những méo mó của tương quan giữa Cha – con, con – Cha và cha con với Chúa. Cách thực hiện hiệu quả nhất mà Cha và con Bến Đá nghĩ đến đó là mời các Cha Dòng Chúa Cứu Thế xuống Bến Đá làm tuần Đại Phúc.

Và rồi, tuần Đại Phúc đã được mở đầu với tam nhật Tiền Phúc diễn ra trung tuần tháng 8 vừa qua. Từ ngày Tiền Phúc ấy, Mẹ Hằng Cứu Giúp đã đi bước trước để đến với từng gia đình trong xứ đạo Bến Đá. Mẹ Hằng Cứu Giúp không chỉ là người khai mở bước đi cho các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế nhưng còn là Bổn mạng của Tuần Đại Phúc này. Có Mẹ ở cùng, ở với và đồng hành nên các thừa sai yên tâm hơn khi mở tuần Đại Phúc ở Bến Đá này.

Sau chuỗi ngày dài Mẹ Hằng Cứu Giúp hiện diện ở các gia đình, chung chia những vui buồn sướng khổ của các gia đình thì đến các thừa sai. Sự hiện diện của các thừa sai qua các buổi thăm viếng đã phần nào biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa trong mùa hồng phúc này.

Lần đầu tiên Bến Đá mở tuần Đại Phúc nên chủ chiên cũng như con chiên Bến Đá phần nào bỡ ngỡ và ngạc nhiên. Chương trình thăm viếng cũng như các giờ đạo đức, các giờ cử hành phụng vụ hầu như chiếm hết thời gian trong ngày. Những ngày này, nhà thờ vui như trẩy hội vì các hoạt động của tuần Đại Phúc. Cha xứ cũng như ban hành giáo phải nói là mệt nhoài vì phải “chạy” theo chương trình Đại phúc đưa ra.

Phải nói thẳng với nhau và nhìn vào thực tế rằng một vị chủ chăn với bốn ngàn con chiên thì không thể nào mà biết được từng con chiên. Vả lại, có một số con chiên bị trục trặt vấn đề gì đó về các phép như là Rửa Tội, Thêm Sức và đặc biệt là Bí tích Hôn Phối thì vẫn thường có cái tâm trạng né tránh chủ chăn. Né tránh cũng đúng thôi vì tâm lý một người vi phạm, một người làm sai thì làm sao dám thẳng thắn ra trình diện trước mặt cha của mình. Như chúng ta, những con người yếu đuối và tội lỗi làm sao dám ra trước mặt Thiên Chúa dẫu biết rằng Ngài là Đấng Giàu Lòng Thương Xót nhưng chúng ta cần lắm một Đấng Trung Gian đó là chính Ngôi Hai Con Thiên Chúa làm người. Vì bôn ba với cuộc sống, vì bận bịu với các công việc mục vụ thường kỳ cũng như ngoại lệ trong xứ nên sự hoà giải, sự chỉnh sửa những trục trặt giữa con chiên và Cha xứ cũng như giữa con chiên và Thiên Chúa quả là điều khó. Và nhờ vào tuần Phúc này, những trục trặt, những thiếu sót về các bí tích về tương quan giữa cha con được các vị thừa sai như là người trung gian giải gỡ những vướng mắt ấy.

Như đã nói, một vài ngày đầu thì tương quan giữa các vị thừa sai và con chiên trong xứ cũng chưa được “mặn mà” cho lắm nhưng từ ngày thứ ba của tuần Phúc trở đi tương quan ấy đã được hoá giải một cách tuyệt vời, ngoài sự tưởng tượng của các vị thừa sai cũng như cha Xứ. Tương quan ấy càng ngày càng tốt đẹp và kết quả ngoài sự mong muốn của Đoàn Đại Phúc.

Thế nhưng, khi ngồi lại với nhau, nhìn những hoa quả thì mọi người từ cha Xứ đến các thành viên trong đoàn Đại Phúc đều quả quyết với nhau rằng đó chính là nhờ ơn của Mẹ Hằng Cứu Giúp. Có những “nố” tưởng chừng như không có cách nào gỡ nhưng rồi nhờ Mẹ những “nố” ấy đã từ từ được hé mở và chỉ chờ ngày sửa sai.

Đã là con người, không ai là không mang trong mình những yếu đuối, những vấp váp nhưng rồi có một dịp nào đó như dịp mừng hồng phúc 50 năm hiện diện của Giáo xứ Bến Đá là dịp mà tất cả những vướng víu về phần tâm linh, về phần đạo nghĩa được phục hồi, được tu chỉnh.

Những ngày này, Bến Đá rộn hẳn lên niềm vui, rộn hẳn lên tiếng cười vì khá nhiều đôi hôn phối “rối rắm” được giải gỡ. Đặc biệt, có những đôi “rối rắm” từ miền Nam “hoàn toàn giải phóng”. Những đôi ấy họ cảm thấy hạnh phúc muôn phần vì từ nay họ có được sự bình an thật trong lòng và nhất là mỗi khi tham dự Thánh Lễ họ được tự do, hân hoan sánh bước cùng với cộng đồng dân Chúa rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng họ. Niềm vui ấy dường như cứ được toả lan khắp cùng các con hẻm nhỏ của con đường Trần Phú thân quen.

Những ngày của tuần Phúc sẽ qua đi nhưng chắc chắn rằng niềm vui của tuần Phúc còn ở lại. Vì lẽ nhiều người trong nhiều năm bị ngăn trở với Chúa, với Hội Thánh nay họ được trở về sau nhiều năm xa cách.

Được biết cha xứ Đaminh Phạm Minh Hảo cũng sẽ chia tay với giáo xứ sau một thời gian khá dài gắn bó cũng như đoàn Đại Phúc sẽ trở về cộng đoàn của Nhà Dòng. Dẫu biết rằng là phận người có cái gì đó thương thương nhớ nhớ sau nhiều năm dài cũng như một tuần làm việc mệt nhọc nhưng cha Xứ cũng như các thừa sai Đại Phúc sẽ mang trong mình niềm vui, niềm hạnh phúc về xứ mới, về cộng đoàn của mình vì lẽ quá nhiều hoa quả được gặt hái sau tuần Phúc này.

Ước gì sau khi nhận được ơn hoà giải từ tuần Phúc này, những người từ xưa đến nay bị ngăn trở sẽ đổi mới cuộc đời, sẽ sống tốt hơn.

Ước gì những tâm hồn nguội lạnh từ nay sẽ được hâm nóng lên ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa lòng mến Chúa và tha nhân.

Ước gì những tâm hồn từ xưa đến nay là cánh tay nối dài, là bàn tay cộng tác đắc lực với cha Xứ sẽ tiếp tục giang đôi tay, mở bàn tay ra chung chia niềm vui, niềm hạnh phúc và nhất là tình yêu thương của Chúa đến với tất cả từng thành viên trong giáo xứ nhỏ bé thân thương này.

Phải nói là sáng kiến, suy nghĩ, cũng như cách làm thiết thực của cha Xứ và ban hành giáo cùng cộng đồng dân Chúa giáo xứ Bến Đá là cùng nhau tổ chức tuần Phúc tại giáo xứ đã mang lại không biết bao nhiêu niềm vui, niềm hạnh phúc cho chủ chăn cũng như con chiên.

Nguyện xin Thiên Chúa là Vua của Tình Yêu đến và ở lại với cha Xứ, ban hành giáo cùng từng con chiên trong giáo xứ Bến Đá thân thương này. Nguyện xin Chúa giữ mãi ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa của lòng mến nơi từng con người trong giáo xứ để ngày mỗi ngày tình yêu Thiên Chúa, lòng mến của con người với nhau được toả lan từ gia đình ra phố chợ và lan mãi cho đến những con tàu vượt biển ra khơi thả lưới.
 
7.000 bạn trẻ thuộc 10 giáo phận Miền Tổng Giáo Phận Hà Nội tham dự Đại Hội Giới Trẻ tại Bùi Chu
Antôn Trần Đức Hà
12:11 24/11/2008
BÙI CHU - Sáng Chúa nhật 23.11.2008, tại nhà thờ chính tòa Giáo phận Bùi Chu đã long trọng diễn ra Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Hà Nội. Tham dự Đại Hội có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Giám Mục GP Thanh Hóa kiêm giám quản GP Phát Diệm; Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, GP Bùi Chu; Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, GP Hưng Hóa; Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, GP Bắc Ninh; gần 70 Linh mục cùng khoảng 7000 nghìn bạn trẻ đến từ 10 giáo phận và các giáo hạt GP Bùi Chu.

Đại Hội Giới Trẻ tại GP Bùi Chu tiếp nối mục đích và ý nghĩa của các kỳ Đại hội diễn ra tại Thái Bình 2002, Phát Diệm 2003, Hà Nội 2004, Thanh Hoá 2005, Vinh 2006, Hải Phòng 2007. Đại Hội mang chủ đề "Anh em sẽ nhận được Thánh Thần, khi Ngài ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy" (Cv 1,8), đây cũng là chủ đề của ĐHGT thế giới diễn ra tại Syney tháng 7.2008 vừa qua.

Đúng 7 h 30, sau lời giới thiệu của Linh mục Giuse Trần Hưng Đạo; Đại Hội chính thức khai mạc với diễn văn chào mừng của Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám Mục GP Bùi Chu. Đức Cha Giuse nhấn mạnh đến những kết quả mà Đại hội mang lại đối với mỗi người; Đại hội đã thổi đến mọi người tham dự ngọn gió trẻ trung, tươi mát khi được hoà mình vào các hoạt động của giới trẻ. Trong lúc đó, Thánh giá và cờ Đại hội từ từ rước ra sân nhà thờ chính toà trong tiếng trống, tiếng kèn rộn vang. Hàng ngàn cánh tay giơ lên và tiếng vỗ tay vang lên chào đón Thánh giá Chúa. Thánh Giá đã trải qua một chặng đường dài lần lượt đi qua các giáo xứ thuộc hạt Phú Nhai, Đại Đồng, Quần Phương, Lạc Đạo, Tương Nam, Tứ Trùng đến hôm nay đã trở về Giáo xứ chính toà, ngôi nhà thờ cổ kính nằm bên bờ dòng sông Ninh Cơ lịch sử. Chính tại vùng đất Bùi Chu này vào năm 1533, nhà truyền giáo đầu tiên Inêkhu đã đặt chân lên Trà Lũ (Phú Nhai) và Ninh Cường.

Bài ca chủ đề Đại Hội Giới Trẻ năm nay "Bước chân Giêsu, tình yêu Giêsu" được cất lên khi diễn văn chào mừng vừa kết thúc. Các bạn trẻ thuộc 10 giáo phận tay trong tay, khoảng cách không gian được xoá nhoà thay thế bằng tình cảm anh em trong Chúa thật nồng thắm. Những vũ điệu, lời ca như nối kết tất cả các bạn làm một. Màu áo da cam của hơn 300 tình nguyện viên hoà lẫn màu áo xanh của giới trẻ Bắc Ninh, áo trắng tinh tuyền của giáo phận Vinh, Thái Bình. ..tạo nên khung cảnh đa sắc màu của Đại hội.

Xen lẫn với hoạt động sôi nổi của các bạn trẻ dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên là việc tìm hiểu những vấn đề đang nhức nhối hiện nay. Thời gian buổi sáng được tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến giới trẻ hiện nay như tình yêu và lối sống, đời sống đức tin công giáo, giáo dục xã hội, tình dục và vấn đề nạo phá thai. Đại hội cũng giành thời gian lắng nghe sứ điệp Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gởi giới trẻ thế giới nhân đại hội lần thứ 23.

Kết thúc phần thảo luận diễn ra nghi thức sám hối và suy tôn Thánh Giá. Đây là giây phút lắng đọng dành cho những suy tư của giới trẻ. Những tâm tình với Chúa Giêsu bên cạnh cây thánh giá của Ngài. Bị đóng đinh lên Thánh giá là hình phạt khổ nhục nhất trong xã hội La Mã xưa kia. Cây Thánh giá của Chúa mang thêm một sứ điệp khác là tình yêu của Chúa gửi đến nhân loại. Đó cũng là lời mời gọi của Thầy Giêsu hai ngàn năm trước, hôm nay Thánh giá Chúa vẫn mời gọi chúng ta đi làm chứng nhân cho Ngài trong một xã hội đã nhiều đổi thay, đã phát triển nhưng bên cạnh đó sự dối trá và tội lỗi đang lan tràn. Và đời sống người trẻ không chỉ là những sôi động, bóng nhoáng bề ngoài mà phải đi sâu vào trong tâm hồn tạo nên tình yêu mến Chúa Kitô, lòng thương người. Bổn phận của giới trẻ là phải ra đi, tiếp tục làm chứng cho sự hiện diện của Đức Kitô trong xã hội hôm nay. Phần diễn nguyện diễn ra sinh động trên nền hoạt cảnh của anh em sinh viên giáo phận Bùi Chu.

Buổi chiều cùng ngày diễn ra sinh hoạt văn nghệ chào mừng Đaị hội của các bạn trẻ 10 giáo phận. Nội dung các tiết mục xoay quanh các chủ đề về Chúa Thánh Thần (Giáo phận Vinh với "Chứng nhân thần khí", Bắc Ninh với "Niềm vui trong Chúa Thánh Thần", Hưng Hoá với "ngọn nến Thánh Thần"), niềm vui họp mặt ( GP Hà Nội với nhạc phẩm "Từ khắp phương trời", Lạng Sơn với vũ điệu Giã hai), niềm tin và đời sống ( GP Bùi Chu với vũ khúc"Ngài gọi con đi", GP Phát Diệm với "Gieo mầm tin yêu - Sống đạo hôm nay", Thái Bình với vũ điệu "Nước Thiên Chúa", Hải Phòng với "Lên đường cùng người-Vụ gặt" )...

Một nội dung không thể thiếu của mỗi kỳ Đại hội là Thánh Lễ bế mạc và trao đón Thánh Giá bắt đầu từ lúc 15h30. Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương đã thay mặt GP Hưng Hoá đón nhận Thánh giá. Giáo phân Hưng Hoá là một giáo phận rộng lớn 54,352 Km2 trải dài trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố. Giáo phận Hưng Hoá hân hạnh đón mừng Đại hội giới trẻ Tổng Giáo Phận Hà Nội năm 2009 và theo dự định, Đại hội lần VIII sẽ được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ nơi có đông giáo dân Công giáo.

Đại Hội Giới Trẻ kết thúc trong niềm vui sướng của các bạn trẻ. Giờ chia tay cũng là lúc hoàng hôn buông xuống. Tạm biệt mảnh đất Bùi Chu với chặng đường 475 lịch sử đón nhận Thánh giá Chúa Kitô, hẹn gặp lại tại Đại Hội Giới Trẻ 2009 tại Giáo phận Hưng Hoá.
 
Hội Sinh viên công giáo Nam Định Tổ đã chức lễ truyền thống nhân ngày kính Các Thánh Tử Đạo VN
Trần Minh
12:27 24/11/2008
NAM ĐỊNH - Ngày Chúa Nhật 23.11.2008, Hội Sinh viên công giáo Nam Định Tổ đã chức lễ truyền thống. Có hơn 500 sinh viên Công Giáo của 7 trường đại học và cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nam Định về tham dự. Lễ truyền thống được tổ chức tại nhà thờ Đức Bà Nam Định, thời gian diễn ra từ 12h -22h với Chủ đề là: "Chúa Thánh Thần thày dạy nội tâm". Thời gian cụ thể:

12h 00: Cắm trại: mỗi trại mang một chủ đề về Chúa Thánh Thần. (học hỏi, chia sẻ, thuyết trinh theo chủ để):

- Chúa thánh Thần là Tình Yêu
- Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Chân Lý
- Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Đức Tin
- Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Đức Cậy
- Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Đức Mến
- Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống
- Chúa Thánh Thần là Nguyên Lý Hiệp Thông

15h00: Chấm điểm trại
16h00: Sinh hoạt trại
16h30: Học hỏi - chia sẻ - giải đáp những thắc về chủ đề Chúa Thánh Thần
17h30: Thi giáo lý
18h30: Tập hát lễ
19h 00: Thánh lễ đồng tế

Cùng về tham dự với hơn 500 bạn sinh viên có khoảng 500 bạn trẻ của giáo xứ, và khoảng 2000 giáo dân.

Thánh lễ đồng tế có đông đảo các cha tham dự, do cha Quản hạt, chính xứ Nam Định: Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh chủ tế.

Sau thánh lễ đoàn đồng tế, các bạn sinh viên, giới trẻ và toàn thể giáo dân tiến ra linh đài Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình thắp nến cầu nguyện cho tự do, công lý và sự thật.

Sau đó là buổi giao lưu và văn nghệ:

Những điệu múa, lời ca vang lên trầm bổng tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần hãy đến biến đổi thế giới, biến đổi lòng người, đặc biệt là biến đổi và hướng dẫn các bạn sinh viên, giới trẻ tìm về nguồn tình yêu, sự thật và công lý trong cuộc sống hôm nay.

22h00: Tiệc đứng.

Trên gương mặt các ban sinh viên, giới trẻ rạng rỡ nụ cười, những lời lẽ chân thành và trong những cử chỉ chia sẻ yêu thương.

Cuộc vui nào cũng phải đến hồi kết thúc,. Các ban sinh viên, giới trẻ ngậm ngùi lưu luyến khi phải chia tay nhau trở về với những công việc bổn phận của mình. Tuy nhiên, lễ truyền thống sinh viên Nam Đinh năm nay sẽ để lại trong ký ức mỗi người một tình cảm sâu xa. Vì nơi đây họ đã được gặp gỡ Thiên Chúa, gặp giỡ nhau và đặc biệt họ được gặp gỡ, học hỏi và hiểu biết về Thầy Nội Tâm là Chúa Thánh Thần. Mỗi bạn sinh viên, giới trẻ cảm nghiệm sâu sắc hơn trong Đức Tin và niềm hy vọng: từ nay họ sẽ không còn lẻ loi một mình vì đã có Chúa Thánh Thần đồng hành, hướng dẫn trên con đường tìm về nguồn Chân, Thiên, Mỹ.
 
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Nhật Bản
Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm
16:28 24/11/2008
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Nhật Bản

1.- Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Nhật Bản

Hiện nay ở Giáo Hội Nhật Bản, số người Việt Nam Công giáo ít ỏi, có lẽ khoảng mấy trăm, qui tụ thành nhiều tiếu cộng đoàn Công giáo địa phương trong cơ cấu tố chức Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Nhật Bản. Có hai Liên Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam, Miền Đông và Miền Tây Nước Nhật, làm thành Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Nhật Bản, kết hợp gần hai mươi đơn vị Công giáo lớn nhỏ khác nhau, với khoảng 13 linh mục có một số nam nữ tu sĩ giúp đỡ phục vụ.

Quí hồ tinh, bất quí hồ đa. Tôi chú ý nhiều đến cộng đoàn Việt Nam nhỏ bé giữa một biển người bao la không tin theo Công giáo. Điều ấy chỉ cổ động tinh thần truyền giáo của anh chị em Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản nhiiều hơn, vì bất cứ lý do gì. Và cũng vì lý do ấy chúng ta khích lệ và nguyện cầu cho “cây cải nhỏ công đoàn Công giáo tro nên xum xuê cho có nhiều chim trời đến ẩn nấp”.

Cụ thể anh chị em tín hữu chúng ta được phân bố theo các cộng đoàn địa phương sau đây rải rắc tại nhiều nơi trên đất Nhật:

Danh Mục 1.- Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Nhật Bản

Danh mục 2.- Các Linh Mục người Việt Nam tại Nhật


2.- Tổ Chức Của Cộng Đoàn

Như bất cứ xứ đạo Công giáo nào, mổi đơn vị tùy theo hệ cấp đều có một Ban Đại Diện hay Ban Châp Hành đảm nhiệm việc chung của tập thể dưới sự điều hướng xa hay gần của các linh mục hay tin đồ hướng dẫn. Ban Đại Diện thường gồm một Trưởng Ban, một Thư Ký, Một Thủ Quỹ và một ủy viên phụ trách nhiều nhóm khác nhau như Nhóm Phụng Vụ Lời Chúa, thực hiện một thông tin cho cộng đoàn. Các Ban như Thiếu Nhi, tổ chức sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi, học giáo lý.

3.- Một Hình Ảnh Thoáng Qua Về Liên Cộng Đoàn Miền Đông ngày 5/5/2006 hồi 20:29:15

Vào ngày 05/05, Liên Cộng Đoàn Miền Đông đã gặp gỡ nhau tại nhà thờ Meguro từ 10g00 sáng đến 3g00 chiều.
Có các thành viên tham dự:
Linh Mục: Nguyễn Hữu Hiến, Cao Sơn Thân và
Đại diện của các cộng đoàn:
Tokyo (anh Long và cô Huệ),
Kamata (anh Dũng và anh Long),
Omori (anh Lâm),
Fujisawa (anh Kim),
Kawaguchi (anh Cường),
Kawagoe (anh Hậu),
Isesaki (anh Điền),
Nhóm CSLC (Tuyết Mai).

Linh Mục Hiến đã khai mạc buổi họp bằng lời cầu nguyện và mọi người cùng hát kinh Chúa Thánh Thần để xin ơn khôn ngoan tìm Thánh Ý Chúa, tiếp theo là phần giới thiệu Ban Đại Diện của các cộng đoàn. Anh Hậu, Trưởng Ban Đại Diện LCĐ Miền Đông ngỏ lời cám ơn các BĐD đã hy sinh ngày nghỉ, đến tham dự buổi họp, đồng thời anh cũng xin lỗi các BĐD vì những thiếu sót trong việc điều hành trong suốt nhiệm kỳ 2 năm vừa qua.

Báo cáo tổng quát về sinh hoạt của một số cộng đoàn
Kế đến các Ban Đại Diện trình bày sơ nét những sinh hoạt của Cộng Đoàn mình.


Cộng Đoàn Kamata: Được thành lập năm 2003, số nhân sự khoảng trên 30 người, trong những tháng có Chúa Nhật tuần thứ 5, thì cộng đoàn được một linh mục Việt Nam đến dâng thánh lễ. Cộng đoàn Kamata và ngay cả giáo xứ Kamata cũng rất vui, vì đây là cơ hội giao lưu giữa người Nhật-Việt trong giáo xứ, qua những món ăn do anh chị em công giáo Việt Nam trong cộng đoàn khoản đãi.

CĐ Fujisawa: CĐ Fujisawa là một cộng đoàn quy tụ đông đảo anh chị em công giáo VN tại tỉnh Kanagawa, danh sách anh chị em chính thức gia nhập cộng đoàn là hơn 300 người, mỗi tháng vào chiều Chúa Nhật tuần thứ nhất, có thánh lễ bằng tiếng Việt, vào dịp tháng 5, CĐ thường tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ. Tháng 8, vào dịp lễ Đức Mẹ lên trời, bổn mạng CĐ, CĐ tổ chức rước kiệu Đức Mẹ trước thánh lễ, và tháng 12 tổ chức lễ Giáng Sinh. Được sự đồng ý của hội đồng giáo xứ Fujisawa, mỗi tháng một lần, CĐ được đọc thánh thư bằng tiếng Việt Nam trong thánh lễ ngày Chúa Nhật của giáo xứ. Bà con công giáo trong cộng đoàn rất tích cực tham gia những hoạt động của giáo xứ, vì vậy họ rất thương yêu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những sinh hoạt của cộng đoàn. Gần đây, giáo xứ đã thành lập một ngân qũy giúp cho người ngoại quốc khi gặp những hoàn cảnh cấp bách, khó khăn về tài chánh mà không xoay sở kịp.

CĐ Isesaki: Anh chị em trong cộng đoàn thường xuyên gặp gỡ nhau trong thánh lễ 9g00 sáng mỗi ngày Chúa Nhật. Mỗi tháng vào lúc 8g00 tối ngày thứ hai của tuần thứ 3, Linh Mục Hiến đến thăm và dâng thánh lễ cho cộng đoàn. Nếu tháng nào có Chúa Nhật tuần thứ 5, thì Linh Mục Hiến đến dâng lễ bằng tiếng Việt cho cộng đoàn lúc 9g00 sáng. Ngoài ra giáo xứ cũng có tổ chức dạy giáo lý cho các em từ 9g00 sáng mỗi ngày Chúa Nhật.

CĐ Kawaguchi: Có khoảng 80 người, cộng đoàn Việt Nam là cộng đoàn đông nhất so với các nhóm người ngoại quốc khác trong giáo xứ. Mỗi tháng, vào lúc 10g00 sáng Chúa Nhật tuần thứ 3, Linh Mục Hiến đến giải tội và dâng thánh lễ cho cộng đoàn, sau thánh lễ, cộng đoàn bán bánh mì để gây qũy giúp cho các trẻ em bất hạnh tại VN. Thánh lễ của CĐ càng ngày càng đông, vì càng ngày số người xin theo đạo và gia nhập vào cộng đoàn càng nhiều. Nhưng cũng có một vài vấn đề không hay xảy ra như vấn đề ly dị,v.v... Điểm đặc biệt là từ 10 năm nay, CĐ đã cộng tác với Giám Mục địa phận trong chương trình giúp trẻ em nghèo tại VN bằng cách bán bazaar, bánh mì, mỗi năm, cộng đoàn gởi cho các em, qua Giám Mục, chừng khoảng 3 đến 4 trăm ngàn Yen.

CĐ Kawagoe: CĐ được thành lập đã lâu với hơn 10 gia đình, tổng cộng khoảng 50 nhân khẩu. Linh Mục Chính sở người Nhật rất thương người Việt Nam, ngài luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để CĐ có thể giới thiệu văn hóa, thánh ca cho người bản xứ. Giáo xứ rất quan tâm, nâng đỡ người ngoại quốc. Qua những hoạt động chung với giáo xứ như thánh lễ quốc tế, trình diễn thánh ca Giáng Sinh, làm hang đá, bán bazaar, CĐ đã đưa văn hóa VN hội nhập vào giáo xứ địa phương và được sự đón nhận nhiệt tình của mọi người trong giáo xứ.

CĐ Tokyo: Là một cộng đoàn được hình thành bởi anh chị em từ các cộng đoàn chung quanh Tokyo đến. Mỗi tháng, vào lúc 10g00 sáng Chúa Nhật tuần thứ nhất, có thánh lễ bằng tiếng Việt, quy tụ rất đông anh chị em. Sau thánh lễ, cộng đoàn có bán bánh mì để gây quỹ. Nhờ sự trợ giúp tài chánh của một hội từ thiện Nhật, cộng đoàn cũng có những lớp dạy tiếng Việt cho các em thiếu nhi, và được rất nhiều cha mẹ hưởng ứng bằng cách đưa con cái đến học, CĐ cũng có những lớp giáo lý cho các em do nữ tu Oanh, nữ tu Châu và một số các thỉnh sinh các dòng đảm trách.

CĐ Omori: CĐ Omori là một cộng đoàn duy nhất có Linh Mục Chính sở là người Việt Nam, linh mục Ngô Quang Định. Từ khi về nhận nhiệm sở, ngài đã và đang cố gắng để giúp cho hai công đoàn Việt-Nhật thông cảm, hiểu biết và yêu thương nhau hơn hầu trở thành một giáo xứ hoàn hảo. Gần đây ngài có tổ chức lớp giáo lý bằng tiếng Việt cho các em do thầy Mạnh đảm trách. Với người lớn, ngài giảng dạy cho họ hiểu những trào lưu, suy nghĩ mới trong Giáo Hội, cũng như giải đáp những thắc mắc trong đời sống đức tin và hướng dẫn họ về đời sống xã hội Nhật. Ngài cũng kêu gọi người bản xứ giúp đỡ cho người Việt nam trong các lãnh vực giấy tờ hành chánh, để nhờ đó người Việt có thể hội nhập vào đời sống và xã hội Nhật bản một cách tốt đẹp hơn. Số nhân sự của cộng đoàn Việt Nam ở Omori khoảng 40 người.

Sau báo cáo của các cộng đoàn, Linh Mục Hiến đã giới thiệu sơ về các cộng đoàn vắng mặt như Cộng Đoàn Hamamatsu và Nagoya.
Tiếp đến linh mục Thân cũng cho các BĐD biết về những sinh hoạt cũng như những khó khăn và những vấn đề nan giải mà anh chị em trong các cộng đoàn của Liên Cộng Đoàn miền Tây và xin mọi người hiệp thông cầu nguyện.

Qua những trình bày của các BĐD, anh Hậu và anh Lâm có ý kiến đề nghị cộng đoàn Việt Nam nên cộng tác tích cực hơn với các giáo xứ nơi mình sinh sống hầu tạo được sự tin tưởng và thông cảm, để khi cộng đoàn có những nhu cầu cần thiết, họ sẽ giúp mình. Người Việt chúng ta đóng góp tiến bạc rất nhiều, nhưng lại ngại tham gia những sinh hoạt của giáo xứ vì trở ngại ngôn ngữ, phong tục tập quán và không hiểu nhiều về những tập quán, phong tục của người bản xứ.

Linh Mục Hiến cũng lưu ý các cộng đoàn nên báo cho ngài biết mỗi khi trong cộng đoàn có người đau ốm hoặc có những vấn đề, để ngài có thể đến thăm viếng, an ủi và chia sẻ.

Kế hoạch dự kiến của Liên Cộng Đoàn

Sau đây là dự án những sinh hoạt tương lai của Liên Cộng đoàn.

1).Trại hè thiếu nhi: sẽ được tổ chức từ ngày 14-17/8 tại Nojiriko, Nagano-Ken.

2).Từ ngày 28-30 tháng 4 năm 2007, sẽ tổ chức khóa Thăng Tiến Hôn Nhân cho các cặp vợ chồng do cha Chu Quang Minh (Hoa Kỳ) hướng dẫn.

3).Tháng 8 năm 2007 cha Nguyễn Trọng Tước (Hoa Kỳ) sẽ giúp một khóa Linh Thao 3 ngày cho anh chị em trong các cộng đoàn.

4).Buổi họp định kỳ của LCĐ mỗi năm một lần vào những ngày nghỉ của tháng 5.

5).Về vấn đề qũy của LCĐ, cho đến nay, LCĐ chưa có ngân quỹ, vì vậy các CĐ sẽ hổ trợ bằng cách gây quỹ nhất thời cho LCĐ mỗi khi cần tổ chức một việc gì đó trong tương lai. Để giúp cho LCĐ có số quỹ ban đầu, cha Hiến đã cho LCĐ một số sách lễ giáo dân theo nghi thức mới được bán với giá 200 yen/cuốn.

6).LCĐ sẽ thành lập một ban vũ thiếu nhi của LCĐ nhằm mục đích tạo sự liên kết giữa các CĐ với nhau, để cùng nhau làm việc phục vụ cho CĐ, LCĐ một cách hữu hiệu. Vào mỗi tháng 5, ban vũ sẽ đến dâng hoa cho Đức Mẹ trong các thánh lễ tiếng Việt của các CĐ, hoặc mỗi khi các cộng đoàn tổ chức lễ bổn mạng hoặc các dịp đặc biệt, nếu muốn, CĐ có thể mời ban vũ đến tham dự. Do đó, xin các BĐD/CĐ thông báo cho bà con trong CĐ và kêu gọi các em thiếu nhi tuổi từ 12 đến 18 tham gia ban vũ, những em nhỏ hơn, nếu muốn tham gia, cần phải có phụ huynh đưa các em đến địa điểm tập. Các bạn thanh niên nam nữ cũng được mời gọi tham gia ban vũ.
Thời gian tuyển sinh của ban vũ hạn chót là ngày 31/5/2006.

Đúng 3g00 chiều, Linh Mục Hiến đã kết thúc buổi họp bằng kinh Sáng Danh, anh Hậu đã thay mặt BĐD cám ơn quý linh mục và mọi người. Buổi họp đã được diễn ra trong bầu khí thân tình, cởi mở, đầy ưu tư và nhiệt huyết của mọi người, và cũng đã được kết thúc trong bầu khí huynh đệ. Thánh Thần Chúa tiếp tục nâng đỡ BĐD/LCĐ và giúp LCĐ hoàn tất tốt đẹp những gì đã được khởi sự trong buổi họp này. (Meguro ngày 05/5/06)

4.- Sinh Hoạt của cộng đoàn

1). Phụng Vụ Lời Chúa

Chằng hạn, bình thường cha Nguyễn Minh Lập vẫn phụ trách phục vụ việc phụng vụ Lời Chúa, làm phó tổng biên tập tờ PVLC. Nhưng ngày 2006-04-29, cha đến dâng thánh Lễ tạ ơn cho nhóm thực hiện tờ PVLC. Và đây cũng là ngày cha đến cùng anh em thực hiện tờ PVLC sau cùng trước lúc đi xa. Trong việc dâng thánh lễ, đây là hoạt động có ý nghĩa nhất trong việc tạo điều kiện để cộng đoàn tham dự tích cực vào thánh lễ thờ phượng, cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa, biểu lộ tình yêu đối với Thiên Chúa và cộng đoàn nhân loại.

2). Thánh Lễ Quốc Tế 2006 tại nhà thờ chánh tòa Tokyo ngày 14/5/2006

Ngày 14-05-2006, địa phận Tokyo đã tổ chức thánh lễ Quốc tế 2006 lần thứ 16 tại nhà thờ chánh tòa Tokyo với chủ đề "Xin Ngài hãy sai con đi". Thánh lễ này tập trung hầu hết các cộng đoàn Công Giáo của các nước đang sinh hoạt tại Tokyo và cộng đoàn Công Giáo Việt Nam mà đại diện là cộng đoàn Tokyo là một thành viên thường xuyên của thánh Lễ này. Cùng với bài Tin Mừng hôm nay, trong bài giảng của mình, Giám Mục địa phận Tokyo cũng kêu gọi các thành viên trong các cộng đoàn liên kết chặt chẽ với nhau hơn để sống xứng đáng là những cành nho trĩu quả.

Sau thánh Lễ một thầy người Nhật Bản và một thầy người Hàn Quốc đại diện cho quý tu sĩ lên chia sẽ chủ đề về cuộc sống tu trì của mình. Chúng ta cũng hãy cùng nhau cầu nguyện cho giới tu sĩ luôn vững bước theo con đường dã chọn.

Sau buổi lễ là chương trình ẩm thực giao lưu văn hóa của các quốc gia. Nhóm Chia sẽ Lời Chúa cũng đại diện cho cộng đoàn Việt Nam với những món đặc trưng của Việt Nam như Phở, Gỏi cuốn... .

Trong cảnh thiên nhiên xinh đẹp này, các em đã học cầu nguyện với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng vũ trụ tốt lành và đã ban cho con người được sử dụng. Nguyện cầu Chúa giữ gìn các em, tương lai của Giáo Hội và xã hội Việt Nam, và xin cho những bậc cha mẹ, biết hy sinh mọi sự để hướng dẫn con cái sống thánh thiện và hạnh phúc ơn gọi của các em.

3) Dâng hoa kính Mẹ ngày 15/08/2006

Những ngày trại hè của thanh thiếu niên vùng Kansai đã qua đi, những tất bật chuẫn bị đã lắng xuống, giờ đây còn đọng lại trong tâm trí nhiều người ấn tượng về một trại hè đầy vui tươi, sinh động, một sức trẻ Việt Nam, một văn hóa Việt Nam. Riêng cá nhân người thong tin, một dư âm khắc sâu trên hết mọi dư âm đó là bài dâng hoa của các em thiếu nhi Himeji trong thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 15 tháng 8 vừa qua.

Có thể nói sự thành công của 3 ngày trại (13, 14, 15/8) phần lớn là nhờ ở sự chuẩn bị chu đáo của các anh chị em trong ban tổ chức. Các bạn trẻ họp đi, họp lại, các chương trình được tẩy xóa, cuối cùng một thời khóa biểu đã được lên khuôn. Một đội ngũ trẻ trung nhất, mất nhiều công phu và thời gian luyện tập nhất, đó là đội dâng hoa của 10 nem xứ Nibuno, Himeji.

Người thông tin đến Himeji trong một ngày cuối tháng 6 để lên kế hoạch tập cho các em theo lời ngỏ ý của anh Đệ, trưởng cộng đoàn. Đối với Himeji, đây là đội hoa thứ hai, tiếp gót các bậc đàn chị cách đây 15, 16 năm trước.

Từ khi được thuyên chuyển về Osaka, người thông tin luôn luôn có thao thức giúp các em thiếu nhi Việt Nam sinh trưởng và lớn lên tại Nhật biết về tập quán, văn hóa, ngôn ngữ và nguồn gốc của tổ tiên mình. Nhiều lần được tiếp xúc với các em, có nhiều em không biết mình là người gì. Một sự thật hơi đau lòng! Dẫu cho các em sống ở Nhật, hội nhập với văn hóa Nhật, lấy quốc tịch Nhật, nhưng bản chất các em không phải là con cháu Thái Dương Thần Nữ, nhưng là dòng giống Lạc Hồng, con rồng cháu tiên. Làm sao để hướng dẫn các em về với nguồn cội của mình, biết gốc tích của mình. Theo người thong tin nghĩ, không gì dễ hiểu và dễ tiếp thu hơn là tập cho các em múa, hát những vũ điệu, tổ chức cho các em những lễ hội mang tính dân tộc…

Riêng về lĩnh vực tôn giáo, thì việc dâng hoa kính Đức Mẹ đã trở thành việc làm đạo đức rất gần gủi với người dân tại các giáo xứ Việt Nam, nhất là vào tháng 5, tháng hoa Đức Mẹ. Trên xứ người, việc dâng hoa trong những giờ cử hành phụng vụ là một nét văn hóa đặc sắc của Giáo Hội Việt Nam, nó diễn tả lòng tin và niềm yêu mến một cách đặc biệt của những người con tha hương đối với Mẹ Maria của mình.

“Vạn sự khởi đầu nan”, bắt đầu với muôn sự khó. Chỉ có khoảng một tháng rưỡi để tập, đối với các em không phải là chuyện dễ dàng. Chúng tôi chỉ gặp nhau trong ngày Chúa Nhật. Sau thánh lễ đến lớp giáo lý, hết lớp giáo lý mới đến giờ tập. Tiếng Việt như là ngôn ngữ thứ hai của các em. Các em vừa phải thuộc lời bài hát, thuộc động tác, thuộc đội hình… Lần đầu tiên các em mới làm quen với bộ môn nghệ thuật này, các em không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Để dễ tiếp thu, tôi thường vẽ đội hình lên một tờ giấy lớn, rồi hướng dẫn từng em đi theo vị trí của mình. May mắn thay, chỉ một lần hướng dẫn, các em thường nhớ ngay và chỉ sau 4, 5 tuần tập, các em nhớ hết toàn bộ bài múa.

Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó. Hầu hết nhà các em ở rất xa nhà thờ, phải mất 30 phút hay gần 1 tiếng lái xe là chuyện thường. Thường trong các buổi tập, các bậc phụ huynh phải ngồi đợi con em mình cho tới khi chấm dứt, những buổi cơm trưa thường bắt đầu từ 1 hay 2 giờ chiều.

Đêm trước hôm dâng hoa, dì Động cùng các bậc phụ huynh tất bật chuẫn bị “hành trang” cho các em. người thong tin không sao quên được không khí đầm ấm, êm đềm khi mọi người cùng làm việc bên nhau ấy. Những mệt nhọc dường như đã biến mất khi 20 chiếc giỏ hoa tươi với 5 sắc xanh, hồng, trắng, tím, vàng đã được hoàn tất. Những giỏ hoa dẫu không phải là những tác phẩm hoàn hảo nhưng rất hài hòa, trang nhã, nó thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm của người mẹ đối với những đứa con của mình. Đêm ấy hơn 10 giờ đêm mọi người mới chia tay và ra về.

Ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời cũng là ngày cuối cùng của buổi trại. 9 giờ sáng, mọi người đã tụ họp đông đủ ở nguyện đường Nibuno để cùng Giám Mục Matsuura Goro, linh mục Seikawa và linh mục Thân hiệp dâng thánh lễ. Sau bài giảng của Giám Mục, đoàn 10 em trong tà áo dài trắng với những giỏ hoa trên tay, thành kính, tự tin bước lên bàn thờ. Cả nguyện đường lắng đọng dõi theo từng bước đi, từng cử điệu của các em. Giờ đây, các em thay mặt cho cả liên cộng đoàn để dâng lên Mẹ Maria lòng thành kính yêu thương, chúc mừng, tôn vinh Mẹ và xin Mẹ cho đoàn con được sống với các nhân đức tốt lành nơi Mẹ.

Bài dâng hoa vừa chấm dứt, một tràng pháo tay dài nổi lên như để cổ võ, chúc mừng và cám ơn sự cố gắng hết mình của các em. Sau thánh lễ, Đức Cha Matsuura vui cười đến chúc mừng, cám ơn và chụp hình lưu niệm chung với các em.
Một anh đến bên người thong tin, nói rằng anh cảm động khi nhìn hình ảnh thánh thiện, thơ ngây của các em, khiến anh không kìm được những hàng nước mắt. Một em nghiên cứu sinh khác cũng chia sẻ với người thong tin rằng: suốt những tiếng đồng hồ ngồi trên xe điện về nhà, em cứ miên man nghĩ đến thánh lễ hôm ấy, bài dâng hoa hôm ấy, em cứ tưởng như mình đang sống trên quê hương, trên giáo hội Việt Nam vậy.

Xin cám ơn các em thiếu niên trong đội hoa Himeji, xin cám ơn cha Thân, cám ơn dì Động đã cùng tôi chạy xuôi, chạy ngược để lo cho các em. Xin cám ơn tất cả các bậc phụ huynh và các chị đã hy sinh rất nhiều thời gian, công sức, tài chánh cho các em, cho liên cộng đoàn, để chúng ta có một buổi dâng hoa khá tốt đẹp. Chúa đã chúc phúc cho việc làm của chúng ta. Những xúc cảm, những hân hoan của những anh chị em tham dự đã dành cho chúng ta phần thưởng về sự hy sinh đó. Một hình ảnh đẹp đã đi vào lòng mọi người và chắc chắn Đức Mẹ hôm ấy cũng đang mỉm cười hài lòng với đoàn chiên nhỏ của Mẹ.

Ước mong việc dâng hoa kính Đức Mẹ sẽ trở thành một truyền thống trong các cộng đoàn có đông giáo dân Việt Nam. Dẫu biết rằng không dễ dàng để có một đội hoa như đội Himeji, nhưng anh chị em giáo dân muốn nổ lực cùng làm, Chúa sẽ hỗ trợ và chúc phúc cho chúng ta.

Đối với đội hoa Himeji, Kobe và Osaka đã được hình thành, xin chúng ta hãy giữ gìn và cưu mang nó. Một nét văn hóa tôn giáo Việt Nam. Ước mong truyền thống này được tiếp nối, những sắc hoa vẫn được tiếp tục dâng lên Mẹ từ đoàn con Việt tha hương mỗi tháng hoa về trong lòng Giáo Hội Nhật.

4) Trại hè thiếu nhi 2006 Hồ Norijiko, Nagano ngày 21/8/2006

Từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 8 - 2006, 59 em thiếu nhi đã đến tham dự trại hè do cha Hiến tổ chức tại nhà nghỉ mát của dòng Don Bosco Salesio, bên bờ hồ Norijiko thơ mộng. Các em đã có cơ hội để làm bạn với nhau, sống chung và làm việc chung, cũng như có được những giây phút nghỉ ngơi, giải trí thật thoải mái, và được tung tăng bơi lội trong hồ nước thật trong giữa một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

5) Một buổi tập của Ban Vũ Emmanuel ngày 27/8/2006

Chủ Nhật ngày 27 tháng 8 năm 2006, một ngày trong lịch tập của ban vũ Emanuel, tại nhà thờ Kamata, từ lúc 13 giờ các em trong ban vũ đã được các phụ huynh đưa đến đông đủ. Xa có, gần có, vừa bước xuống xe với gương mặt còn ngái ngủ với giấc ngủ trưa, nhưng khi bước vào phòng tập các em trở nên nhanh nhẹ hơn khi có bạn có bè, những khuôn mặt quen thuộc trong những buổi tập trước.

Dưới sự dẫn dắt nhiệt tình của chị Tuyết Mai, phụ trách ban vũ Emmanuel, các em cùng các phụ huynh đã có một lời kinh ngắn khi bắt đầu buổi tập. Buổi tập bắt đầu bằng cách ôn lại những động tác cơ bản và những đường di chuyển của bài múa. Kế tiếp là bài tập ráp với nhạc, chỉnh sửa thêm bớt những động tác để làm bài múa nhịp nhàng với điệu nhạc. Tưởng chừng bài tập sẽ là đơn giản, tuy nhiên cái khó của bài múa có thể quan sát được qua số lần lập đi lập lại các động tác di chuyển của bài múa với sự cần mẫn của cô giáo và học trò. Và đến khi mồ hôi đã bịn rịn trên trán của cô, trò thì bài múa cũng dần lộ nét uyển chuyển của nó.

Chị Tuyết Mai cho biết: “Do mọi người sống rải rác trong một vùng rộng lớn nên khó có thể tập trung được những em cùng lứa tuổi, cộng với sự ham chơi nghịch đùa của các em nên việc tập luyện cho các em cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên qua từng buổi tập, các em cũng đã cố gắng rất nhiều”.

Ngoài ra không chỉ các em, mà cả phụ huynh của các em cũng hy sinh rất nhiều. Có người phải đi một đoạn đường dài để đưa đón các em, cũng có người túc trực suốt buổi tập để coi sóc các em.

Buổi tập kết thúc lúc 17 giờ, sau lời nguyện kinh thì các em đã quên hết mệt nhọc của buổi tập lại hối hả với đứa chơi game đứa đọc truyện, các phụ huynh thì lại vội vả dọn dẹp và đưa đón các em. Dưới cái nóng của mùa hè trong một thành phố ồn ào náo nhiệt, một làn gió quê hương đang âm thầm cuộn thổi. Một làn gió làm mát cho chính mình và cho những người xung quanh mình. Xin mọi người chúng ta cầu nguyện nhiều cho ban vũ, để ban vũ có thể trình diễn những điệu múa hồn nhiên vui tươi trong những buổi liên hoan của cộng đoàn.

6) Lễ khấn dòng của nữ tu Nguyễn Thị Ngọc Châu tại nhà thờ Toyoshiki, Chiba ngày 9/9/ 2006

Tiếng Việt bình dân là lễ Khấn dòng lần đầu của nữ tu Châu thuộc dòng Hội Dòng Thừa Sai Chúa Kitô Giêsu đã diễn ra tại nhà thờ thuộc giáo xứ Toyoshiki, ngày 9-9-2006. Đến tham dự thánh Lễ hôm nay gồm đông đảo các nữ tu thuộc Hội Dòng Thừa Sai Chúa Kitô Giêsu, các tín hữu thuộc xứ Toyoshiki, các tu sinh Việt Nam thuộc các dòng vùng Tokyo, ca đoàn Cecilia Tokyo và các người thuộc các cộng đoàn Công giáo Việt nam vùng Kanto. Ba Linh Mục người Nhật và ba Linh Mục người Việt Nam đã đến dâng Thánh lễ đồng tế cho nữ tu Châu trong dịp đặc biệt này.

Nghi thức khấn dòng bao gồm, phần bày tỏ nguyện vọng, phần tuyên hứa, phần nhắn nhủ của các Nữ Tu trong dòng, trao Thánh giá, phần tuyên hứa tuân thủ các quy tắc của dòng.

Hơn 10 năm về trước, Nữ Tu Châu từng là tu nghiệp sinh làm việc ở một vùng thuộc tỉnh Yamaguchi xa xôi. Được sự giới thiệu của Linh Mục Cao Sơn Thân, chị Châu đã có dịp làm quen với Dòng, và đến hôm nay Chị đã trở nên một thành viên của Dòng.

Sau buổi Lễ là tiệc trà nhỏ. Trong buỗi tiệc này, các nữ tu trong dòng, tín hữu xứ Toyoshiki, ca đoàn Cecilia Tokyo và những người Việt Nam đến tham dự Thánh lễ đã có những tiết mục văn nghệ nhỏ để chúc mừng nữ tu Châu. Riêng nhóm ca đoàn Cecilia Tokyo đã để lại ấn tượng trong lòng mọi người với các tiết mục trình diễn áo dân tộc các miền, áo dài, các điệu hát hò dân ca...

Sau buổi tiệc, mọi người lục tục ra về, người Việt Nam chúng ta không chỉ để lại một mình nữ tu Châu đang vẫy tay chào trước cổng nhà thờ, mà đã để lại trong tất cả mọi người trong dòng và nhà thờ Toyoshiki hình ảnh về một phần văn hóa Việt Nam. Xin mọi người chúng ta cầu nguyện nhiều cho nữ tu Châu xin Chúa luôn gìn giữ nữ tu Châu, để Nữ tu luôn chu toàn được sứ mệnh của mình như ngày hôm nay đã tuyên hứa.

7) Lễ chịu chức Linh mục của thầy Vincentê Nguyễn Bản Mạnh ngày 16/9/ 2006

"Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa" Tv. 34-4. là câu suy niệm Lời Chúa mà thầy Vincentê Nguyễn Bản Mạnh đã chọn cho mình khi bước lên bàn thánh.

Ngày 16-09-2006, thánh lễ truyền chức Linh mục cho thầy Vincentê Nguyễn Bản Mạnh và thầy Phêrô Mishima đã được Giám Mục Kouda, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Tokyo chủ tế cử hành tại nhà thờ Shimoigusa, Tokyo. Hơn 60 Linh Mục thuộc giáo phận Tokyo và các Linh Mục khách đã cùng hiệp dâng thánh lễ đồng tế và nghi thức đặt tay chúc lành cho hai Tân linh mục.
Các Linh Mục người Việt đang phục vụ tại vùng Tokyo, hai Linh Mục nhân dịp ghé thăm Tokyo (cha Bình, đang phục vụ ở Hàn Quốc; cha Sang, đang phục vụ ở Úc) và hai Linh Mục thuộc giáo phận Bùi Chu, Việt Nam cũng tham gia đồng tế trong thánh Lễ này.

Nghi thức truyền chức gồm có, nghi thức tuyên thệ, nghi thức sấp mình hiến thân, nghi thức đặt tay, nghi thức nhận áo lễ, nghi thức xức dầu thánh và nghi thức trao chén thánh.

Rất nhiều người Việt Nam, các đại diện của các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Nhật, các người ở những vùng xa xôi, các anh chị em trong gia đình Tu sĩ tại Nhật cũng đã đến tham dự thánh Lễ, cầu nguyện và chúc mừng cho Tân Linh mục trong ngày hôm nay. Đặc biệt là ca đoàn Cecile Tokyo góp phần cho buổi Lễ thêm không khí nghiêm trang bằng lời ca tiếng hát của mình. Sự có mặt của rất nhiều người Việt Nam trong ngày hôm nay cũng làm vơi đi được nỗi buồn của cha Mạnh khi thiếu những nguời thân trong ngày trọng đại hôm nay.

Sau thánh lễ là một tiệc trà nhỏ để mọi người chào đón hai Tân linh mục. Trong buổi tiệc trà này, mọi người đã lần lượt nhận ơn chúc lành từ Tân linh mục, chụp hình kỷ niệm với Tân linh mục.

8) Trại Hè Nojiriko, ngày 26/9/ 2006 hồi 22:14:09

Sinh hoạt trại thường do Cha Hiến tổ chức vào tháng 8 mỗi năm, cha chú trọng nuôi dưỡng các mầm non và cảm nhận cái đáng yêu của trẻ con, vì “muốn vào nước thiên đàng thì tâm hồn chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ”.
Nojiriko là nơi thắng cảnh, du lịch nên thức ăn rất là đắt đỏ, 3 năm về trước, cha cũng đã tổ chức tại đây 1 lần rồi, nên rút kinh nghiệm lần này các cô mua hầu hết từ trên Tokyo mang xuống, như ăn phở gà, rồi vui chơi HỌC GIÁO LÝ. Người cha hơi thấp, nhưng tấm lòng cha cao cả, lúc nào cũng lo và quan tâm đến cộng đoàn và nhất là các con em của cộng đoàn
Dù mệt mà vui, với nụ cười thắm trên môi, như Chúa phán: ai cho em bé một ly nước lã là cho ta. Các em không khát nước, nhưng các em đang khát tình thương và đức tin. Chính vì thế mà mọi người, nhất là các cô chú thanh niên, đã giúp cho các em tận tình bằng chính những mồ hôi cố gắng của mình.
Cộng đoàn lo sợ nếu Chúa gọi cha về thì trại hè hàng năm cho các em có còn hay không, nhưng vẫn một long tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa
Mọi người luôn cầu xin Chúa thương ban sức khỏe, thánh thiện nhiều hơn cho cha, để vị mục tử già người như giàu tình thương và sáng suốt trong mọi công việc của ngài. Họ không quên cám ơn các nam nữ tu sĩ, các anh chị huynh trưởng đã tận tụy lo lắng cho các em từ sang cho đến tối, các cô, các anh trong ban ầm thực. Cộng đoàn cố gắn thể hiện giá trị đích thực của con người Việt Nam: nhiệt tâm, can cường và vui vẻ.

9) Tết Trung Thu em rước đèn đi chơi ngày 1/10/2006

Chiều Chúa Nhật 01/10, sau thánh lễ đầu tháng của cộng đoàn Fujisawa, hơn 100 em thiếu nhi Việt Nam cùng với các phụ huynh, không phân biệt tôn giáo, đã tu tập về trong khuôn viên trường tiểu học Yamato, để mừng tết trung thu. Thật là một ngày hội của các em. Các em đến với những khuôn mặt rạng rỡ, với những tà áo dài thuần túy Việt Nam, có em được mẹ khoác cho bộ áo kimono thật xinh, như búp bê Nhật Bản. Dù chưa đến ngày tết Trung Thu, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn ở nơi xứ người, nên các em phải mừng têt Trung Thu trước một tuần, do đó, Trung Thu có bánh, có đèn, có lân, có pháo, có chị Hằng Nga, có con thỏ, nhưng lại không có… trăng!

Nhờ sự liên lạc và giúp đỡ của Ban Đại Diện và anh chị em trong các cộng đoàn Fujisawa và Yamato, ban hiệu trưởng của trường đã cho các em sử dụng nhà hội và sân chơi của trường để mừng tết trung thu. Ban Đại Diện của 2 CĐ Fujisawa và Yamato cũng đã chuẩn bị 160 phần cơm tối, đèn trung thu và quà cho các em. Đúng 6g00 chiều, các em được tập trung để nhận phần cơm ăn tối, đèn và quà. Các em đã ăn vội vã phần cơm của mình để có nhiều giờ chơi trung thu.

6g30, sơ Chúc và anh Nghĩa đã cho các em sinh hoạt để mừng trung thu. Các em được chia đội để chơi trò viết chữ, trang điểm làm thằng cuội và chị Hằng Nga, rồi chơi Loto xổ số trung thu. Tuy không biết tiếng Việt nhiều, nhưng các em đã cố gắng để viết và trang trí một khẩu hiệu: “Mừng Trung Thu 2006” thật đẹp.

Đúng 7g15, đội múa lân đã bắt đầu chương trình rước đèn trung thu với những điệu trống thúc lân thật sôi động, làm cho Lân đang ngủ ngon cũng phải giật mình thức dậy biểu diễn những điếu múa thật độc đáo và ngoạn mục. Các em đã say sưa xem múa lân, và khi lân đã mệt, các em đốt đèn trung thu và rước đèn trung thu trong khuôn viên nhà trường. Tạ ơn Chúa. Trời mưa rã rich suốt cả ngày, nhưng đến khi các em rước đèn, thì trời hết mưa, các em sung sướng rước đèn dạo quanh sân trường. Những chiếc đèn xanh đỏ, lung linh trong đêm, làm sáng tỏa một khung trời thơ mộng. Lồng đèn trong tay, Các em nhơn nhơ lượn qua lượn lại trong màn đêm đang xuống,.như những con đôm đốm nhấp nháy làm sống động một bầu trời.

Trước khi kết thúc đêm trung thu, các em còn được đốt pháo mừng trung thu và xua đuổi tà ma ra khỏi cuộc đời thơ ngây của các em. Màn đốt pháo đã kết thúc đêm trung thu. Chắc chắn đêm nay trong giấc ngủ, các em sẽ mơ thấy chú cuội ngồi gốc cây đa chiêm ngưởng chị Hằng trên vầng trăng sáng vằng vặc, và các em mơ ước cuộc đời của các em cũng sẽ trong sáng, không vướng bận ưu phiền, đau khổ, tội lỗi như mặt trăng đêm rằm.

Xin hết lòng cám ơn Ban Đại Diện và các anh chị em trong 2 Cộng Đoàn Fujisawa và Yamato, đã hy sinh hết mình để tổ chức cho các em được mừng tết trung thu. Xin cám ơn các chị em đã chịu khó nấu ăn và làm bento cơm tối cho các em. Xin cám ơn thầy Nghĩa lớp tiếng Việt và nữ tu Chúc đã hướng dẫn chương trình để các em có được một đêm trung thu vui tươi và dễ thương. Xin cám ơn tất cả mọi người đã cộng tác, giúp đỡ tiền bạc cũng như tinh thần, nhưng không muốn được nếu danh, để các em có được một đêm trung thu ngay trên đất khách quê người. Không có những tấm lòng vàng này, các em Việt Nam tại Nhật sẽ không bao giờ biết được rằng: trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, có một lễ được gọi là trung thu, tết của các em thiếu nhi và thế nào là tết trung thu. Tạ ơn Chúa vì ở đâu đi nữa, cũng vẫn còn có những tâm hồn muốn trở nên như con trẻ, điều kiện để vào Nước Trời, vẫn còn có những con người luôn quan tâm đến trẻ em, tương lai và là sự phong phú, cũng như là hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội và xã hội Việt Nam cũng như cho thế giới.

Ngày nay, thế giới ngày càng lão hóa, xã hội Nhật cũng vậy, ngày càng mất bóng trẻ em, nhưng Giáo Hội và xã hội Việt Nam vẫn còn rất nhiều trẻ em, đây là hồng ân Chúa ban cho chúng con, xin cho chúng con biết trân qúy, gìn giữ và giáo dục, để tương lai của Giáo Hội và xã hội Việt Nam được tươi đẹp.

10) Truyền thống Tháng “Xá Tội Vong Nhân” nhân ngày 1/11/2006

Ở Việt Nam, nhiều nơi còn giữ được nhiều truyền thống đạo đức tốt đẹp như vào đầu tháng 11, mọi tín hữu cầu nguyện cho các đẳng linh hồn trong luyện ngục, bắt đầu từ ngày mồng 1 tới mồng 5, các giáo xứ tổ chức đi viếng nghĩa địa để lãnh ơn toàn xá với ý nguyện cầu cho các linh hồn, Các linh hồn đang được thanh luyện nơi luyện ngục thì cũng trông chờ vào những người thân để cầu nguyện cho họ, bởi mỗi năm chỉ có một dịp đặc biệt như thế. Đây thực sự là một sự hiệp thông tuyệt vời trong mầu nhiệm các thánh thông công, và mỗi người chúng ta suy nghĩ về chính thân phận con người nay còn mai mất của mình.
Cộng đoàn đang nối tiếp tinh thần truyền thống “Xá Tội Vong Nhân” vào rằm tháng Bảy Âm Lịch mỗi năm của các tín hữu Phật gíao

Mỗi khi có dịp về thăm nhà, nhiều người không quên theo mẹ ra nghĩa địa để thăm và cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên cũng như những người than đã khuất. Sau khi cầu nguyện, người ta đi xem, đọc tên những ngôi mộ mới. Có nhiều khi giật mình! Nhiều tên tuổi với những khuôn mặt còn rất trẻ, bây giờ đã nằm yên nghỉ nơi này. Người thì chết vì tai nạn, người thì chết vì bệnh đột xuất… Có tên và khuân mặt chỉ mới hiện diện trên cõi đời vài ba ngày hay chỉ dăm ba tháng tuổi… Nhìn đấy, người ta cám cảnh, chỉ biết thở dài, chấp nhận một sự thật: ôi đời là thế!
Bài thánh ca Kim Long thường hát lên trong những lễ tang rằng:
“Nếu con nhớ than con là cát bụi, nghĩa cuộc đời vĩnh quyết chìm sâu, còn gì đâu ngoài dăm ba tấc đất với tháng ngày thêm một nắm cỏ khô. Nếu con nhớ trăm năm còn có gì, nghĩa địa buồn lạnh lẽo tiếng trùng ca. Trời về khuya tuồng vui khi mãn lớp, nuối tiếc hoài danh vọng cũng vượt xa, thì con ơi hãy lo phụng sự lẽ thật mà tìm ra chân đích của KIẾP NGƯỜI”.

Vâng, đúng như thế! Theo niểm tin Công giáo, làm nhiều điều thiện, sống đời bác ái chân chính thẳng ngay, là một Kitô hữu tốt, nói theo kiểu “tốt đạo, đẹp đời”, thì chắc chắn sẽ khỏi lo lắng gì khi thân xác họ trở về với lòng đất. Hồn thiêng thì ra trình diện trước Thiên Chúa chí công, Thiên Chúa sẽ nói với họ: “Hãy đến đây, hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc đã dọn sẵn cho các con từ thủa tạo thiên lập địa, vì xưa Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống… Các con cũng đã tuyên xưng Ta trước vua quan, trước mặt người đời, thì bây giờ Ta cũng tuyên dương các con trước mặt Cha Ta.”(Mt 25, 34; 10, 32).

Thánh Phêrô cũng nhắc cho chúng ta: “ngày của Thiên Chúa đến như kẻ trộm” (Pr 3, 10); kiếp sống này cũng chỉ là những khách bộ hành, còn quê hương thật thì ở trên trời. Người chết dậy tôi rằng: chỉ còn công đức làm ở trần gian thôi. Những người chết nhắn nhủ tôi: “Hãy kiên nhẫn làm điều lành đi! Hãy thu tích những thứ không bị mối mọt gậm nhấm, là những thời gian dành để phụng sự Thiên Chúa, là những đồng tiền dành chia sẻ cho người nghèo khó, là những đấu tranh cho công bằng xã hội, là những mồ hôi khó nhọc lao động để kiếm của nuôi than, là những chịu đựng trong bao dung và tha thứ…
Cám ơn những người đã khuất, cám ơn linh hồn các tổ tiên đã gầy dựng nên lịch sử, lịch sử quê hương dân tộc, lịch sử Giáo Hội và vun trồng cho con cháu chúng ta những kho tàng đức tin kiên vững, cho nơi ở vững chắc, vĩnh cửa trên trời. Cám ơn tổ tiên, cám ơn các linh hồn đã khơi dậy nhều bài học vô giá về lẽ sống.

10) Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Liên Cộng Đoàn Miền Đông - Hiệp Nhất ngày 10/12/2006

Trong dịp hân hoan này, Đại Hội đã qui tụ nhiều cộng đoàn tham gia:

Ban vũ Emmanuel
Ca đoàn Cecilia, cộng đoàn Tokyo
Cộng đoàn Kamata
Cộng đoàn Kawagoe
Cộng đoàn Fujisawa
Cộng đoàn Kawaguchi
Cô Thanh Thúy và chị Tuyết Mai
Cộng đoàn Yamato
Cộng đoàn Mizonoguchi
Cộng đoàn Omori
Nhóm múa Cecilia, Tokyo

Từ ngày 1/11/2006, Thông báo về Thánh Lễ của Liên Cộng Đoàn Miền Đông này đã được phổ biến:
“Được sự đồng ý và cộng tác của Ban Đại Diện các cộng đoàn trong Liên Cộng Đoàn Miền Đông, Ban Đại Diện Liên Cộng Đoàn sẽ tổ chức một ngày họp mặt các cộng đoàn trong Liên Cộng Đoàn, để cùng nhau dọn mình xưng tội chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, cùng hát thánh ca giáng sinh với nhau và nhất là cùng hiệp nhau dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho mọi người, mọi cộng đoàn trong liên cộng đoàn.

Thời Gian: Ngày Chúa Nhật 10 tháng 12 năm 2006
Địa Điểm: Nhà thờ Kamata, 1-13-12 Shinkamata, Ota-Ku, Tokyo 144-0054, Tel. 03-3738.0844 (xin tham khảo thêm bản đồ đường đi ở mục Cộng Đoàn Kamata)
Chương Trình: từ 11g00 đến 17g00: xưng tội, hát thánh ca Giáng Sinh và thánh lễ tạ ơn. Chương trình chi tiết sẽ được đăng trên PVLC tháng 12.”

11) Nhưng thông báo linh tinh khác

Nhưng trong tất cả những dịp tang chế khác, Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật, Liên Cộng Đoàn Công Giáo Miền Đông (Hamamatsu, Tokyo, Fujisawa) và Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật Liên Cộng Đoàn Công Giáo Miền Tây (Takatori) cùng với Gia đình Bà Maria TRẦN THỊ HOAN chân thành cảm tạ quý linh mục chánh sở nhà thờ Takatori, Hyogo, Linh mục Cao Son Thân, quý nữ tu Việt Nam và Nhật Bản, Ban Đại Diện LCĐ Miền Tây, bà con Việt Nhật của Giáo Xứ Takatori, anh chị em trong các cộng đoàn Osaka và Himeji, Ca Đoàn Kobe đã giúp đỡ, đến thăm viếng, chia buồn, phúng điếu và dâng thánh lễ cầu nguyện cũng như tiển đưa.

Có những sự kiện khác cũng được thông báo như

- Trong tháng 9/2006, dưới sự chủ tọa của cha Cao Sơn Thân, anh chị em trong cộng đoàn Himeji đã bầu lại Ban Đại Diện cho nhiêm kỳ 2006-2008 với các thành viên sau đây:

Trưởng BĐD: Anh Nguyễn Hữu Đệ
Phó BĐD: Anh Nguyễn Đức Tiến
Phó BĐD: Anh Nguyễn Anh Thi
Thủ Qũy: Anh Khổng Minh Trung
Thư Ký: Chị Trịnh thị Chiên
Ban Thánh Ca: Anh Lê Huy Khang và chị Nguyễn thị Bích Nga.

Cộng đoàn cũng xin thông báo cùng qúy ông bà và anh chị em được biết: Cộng Đoàn đã mời cha Nguyễn Hữu Hiến về dâng Thánh Lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, quan thầy của cộng đoàn, sẽ được tổ chức vào lúc 8g00 tối thứ bảy 02/12. Xin kính mời qúy ông bà và anh chị em đến tham dự thánh lễ mừng kính thánh Phanxicô Xavie và cầu nguyện cho cộng đoàn. Sau thánh lễ, sẽ có tiệc mừng thánh bổn mạng.

- Tin nhóm chia sẽ lời Chúa 12-2006

Trong tháng 11-2006, Nhóm đã nhận được những đóng góp quảng đại để chia sẻ với các em bất hạnh tại Việt Nam của các Cộng Đoàn. Tổng kết (từ ngày 01/06/94 đến 25/11/06) được = 31.293.369 yen

- Quỹ giúp nạn nhân bão lụt Miền Trung 12/2006: Chiến dịch quyên góp này kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2006. Mọi đóng góp được gởi về cho Ủy Ban Xã Hôi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tổng Cộng Từ trước tới nay (08/10/06-23/11/06 838.250 yen

Một Nhận Định Thay Cho Kết Luận

Công đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật còn mới mẻ và nhỏ bé cần được khích lệ trong một nước Nhật có tỷ lệ dân số Công Giáo rất thấp. Biết đâu chính công đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật sẽ là hạt nhân tích cực đem Tin Mừng đến với dân tộc Nhật cùng với nỗ lực của Giáo Hội Công Giáo Nhật vốn đã nhỏ bé ở châu Á. Trong khi Nhật Bản được nổi tiềng thế giới về những tiến bộ kinh tế, nhưng Nhật Bản chưa góp phần hình thành một tín niệm nhân bản phổ quát thâm sâu cho châu Á và thế giới.

Oakland, CA, ĐHN sơ cứu tổng hợp ngày 06/02/2007

Đỗ Hữu Nhiên

Tham Khảo
Bài viết về trại hè của Hoa Lục Bình
Các website: webmaster@vietchurchjp.net;
pvlc@vietchurchjp.net
Phạm Nhân Hậu, Trưởng Ban Đại Diện Liên Cộng Đoàn Công Giáo Miền Đông.
VietCatholic.net

Phụ Lục:

Phái đoàn ĐHY Phạm Minh Mẫn thăm viếng Nhật Bản (VietCatholicNews 26/03/2007)
LM. Trần Công Nghị

OSAKA, Nhật Bản – Trong chương trình thăm viếng đồng người Việt Nam hải ngoại, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, chủ tịch Ủy Ban Di Dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã tới Osaka, Nhật Bản vào sáng sớm hôm nay. Cùng đi với Đức hồng y Saigòn có LM Minh, Tổng Đại Diện giáo phận Saigòn và LM Hương, giám đốc Bác Aí Xã hội TGM Saigòn, LM Cao Sơn Thân, Tuyên úy Cồng Đồng CGVN tại Osaka về Việt Nam đón Đức Hồng Y qua, và có LM Nghị, giám đốc VietCatholic từ Hoa Kỳ cùng được mời đi tháp tùng phái đoàn trong chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 5 ngày.

Sau khi rời phi trường, ĐHY Mẫn cùng phái đoàn đã đến thăm Trung tâm Bác Ái của Dòng Tên do Cha Cao Sơn Thân làm giám đốc. Trung tâm nằm ngay trong khu vực của những người vô gia cư, những bạn trẻ nghiện ngập, những người nghèo của thành phố. Trong nhiều năm nay Cha Thân đã phục vụ công tác xã hội tại đây gồm các công tác như mục vụ, linh hưóng và cố vấn, gặp gỡ, phát đồ ăn, dậy giáo lý và rất nhiều các công việc vô tên vô tuổi hầu giúp những người bất hạnh nhất trong xã hội Nhật bản hiện nay. Cha Sơn cho biết Trung Tâm của Cha hợp tác với mười mấy hội đoàn, tôn giáo khác nhau để thực hiện chương trình bác ái xã hội này.

Chúng tôi đến vào đúng lúc có đến cả 100 người đàn ông và bạn trẻ đang xếp hàng nhận chén cháo “miễn phí”.

Khu vực này nằm giữa một khu mà Cha Sơn cho biết nghèo có thể nói là nhất thành phố và cũng là nơi của người bụi đời, những người không còn thích hợp hay không muốn sống trong gia đình nữa. Cha nói: “Nhiều người họ có gia đình, hãy xem những ông già đó, họ có gia đình, nhưng họ không về được gia đình của họ, hay họ không muốn về... họ là những người do hoàn cảnh nào đó đưa đẩy đi tới chỗ bị mất việc, bị xa cơ, và vì văn hóa Nhật bản cho rằng người đàn ông không còn lo được cho gia đình là một điều xỉ nhục... nên họ không muốn về gia đình... không muốn làm ô nhục cho thân nhân gia đình, nên họ tìm tới đây sống cho qua ngày...”

Tiếp đến ĐHY Saigòn đi thăm tu viện Nữ tử Bác Ái người Nhật, hiện có một nữ tu Việt Nam là Sr. Lê Lang đã tận hiến cuộc đời ở đây được trên 15 năm. Trường hợp Sr Lang đi tu cũng thật là lắm điều diệu huyền... Sr Lang trước đây là một Phật tử... rồi trong chuyến vượt biên lênh đênh trên biển cả, phiêu dãt vào đão Malaysia, và rồi được rửa tội tại đảo... Cuối cùng được sang định cư tại Nhật... Những ngày sống một mình giữa một văn hóa xa lạ, người con gái 18 tuổi đó đã tìm vui trong việc đi phục vụ giúp những trẻ em tàn tật, những em bất hạnh... thế rồi một ngày, tìm được ơn gọi trong cánh cửa mở rộng của các nữ tu Nhật bản, khi cảm nghiệm được gương chứng nhân bác ái của các nữ tu này. Hiện nay nhà Dòng này cũng mới thêm được 2 thỉnh tu người Việt mới đến từ Việt Nam.

Chuyến viếng thăm Nhật Bản lần này được gia đình ông Tango và Dòng Thánh Giuse sắp xếp. Ông Tango là một thương gia người Nhật có người vợ Việt Nam cùng 2 con gái sống ở Sàigòn. Năm ngoái ông được ĐHY Mẫn rửa tội và hướng dẫn gia nhập Đạo Chúa. Do vậy trong chuyến thăm Nhật lần này, ông Tango muốn giới thiệu toàn thể gia đình của ông tại Nhật cho Đức Hồng Y. Trong bữa cơm thân hữu và mang sắc thái truyền thống của Nhật, có sự hiện diện của toàn thể gia quyến họ Tango, và có sự hiện diện qúi báu của Đức TGM Ikenaga Jun, Tổng giám mục Osaka nữa. Mọi người ngồi xếp vòng tròn, ăn cơm hộp truyền thống của Nhật Bản, nhiều thực khách Việt Nam tuy dù chưa đổ kềnh càng ra đàng sau nhưng mà thấy mấy cái chân thừa thãi không biết xép vào đâu cho vừa.

Trong bữa cơm ĐHY Saigòn và Đức TGM Osaka đều nói lên niềm mong ước là sự nối kết hôm nay sẽ bắt đầu cho một giai đoàn mới của sự hợp tác hữu hiệu và huynh đệ giữa 2 Giáo hội. ĐHY Saigòn ngỏ lời cám ơn TGP Osaka trong những năm qua đã cưu mang người Việt Nam trong vòng tay yêu thương... Ngược lại Đức TGM Osaka nói lên tâm tình biết ơn đối với Giáo hội Việt Nam vì đã cống hiến cho Giáo hội Nhật những người con ưu tú, một số khá đông các linh mục và tu sĩ nam nữ, năm tới đây sẽ có linh mục gốc Việt Nam đầu tiên của giáo phận. Đây là em bé đến Nhật 26 năm trước đây khi chỉ mới 3 tuổi đời...

Sau cơn trưa ĐHY Mẫn đi thăm Nhà Dòng Nữ thánh Giuse Truyền Giáo của Nhật, hiện cũng có 2 thỉnh sinh Việt Nam đầu tiên mới đến đây được 4 tháng và còn đang học tiếng Nhật.

Chiều nay vào lúc 6:30, ĐHY Saigòn đã chủ sự thánh lễ bằng tiếng Việt Nam tại nhà thờ Sonoda ở Osaka cho chừng gần 120 người gồm rất nhiều các nữ tu Nhật Bản, trong số đó có cả trên 10 tu sinh Việt Nam mới sang tu nghiệp.

Đây là dịp hết sức lịch sử vì lần đầu tiên một Hồng Y Việt Nam tới thăm họ và chia sẻ lời Chúa với người Công giáo Việt nam trên đất Nhật. Nhiều cụ già chống nạng đến dự thánh lễ và các cụ đi rất sớm, đang khi đó có một số em bé tí nheo mặc trang phục áo dài khăn đống Việt Nam vui chơi chạy nhảy thỏa thích. Một số khác là các em thanh niên thiếu nữ từ Việt sang Nhật theo diện tu nghiệp sinh.

Phở đầu thánh lễ ĐHY Saigòn chia sẻ cảm tình trân qúi ngài muốn dành cho cộng đoàn Việt Nam tại Nhật, ngài không ngờ tại Osaka lại có một số đông người Việt đến thế. Ngài nói lên ước vọng muốn bác nhịp cầu giao liên và thân hữu giữa Giáo Hội Nhật và Giáo Hội Việt Nam, mà chính anh chị em Công giáo Việt là chiếc cầu nối đó. Hôm nay ngày lễ Truyền tin, ĐHY chia sẽ mầu nhiệm phó thác và vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria và múa nến phụng vụ dâng kính Đức Trinh Nữ Maria trong ngày Truyền tin. Niềm vui của những bà mẹ là khi thấy con em của mình được nữ tu Lang tập múa bài dâng hoa kính Đức Mẹ trong dịp đặc biệt hôm nay; còn các nữ tu Nhật chú tâm theo dõi từng cử chỉ của các em và hòa mình trong tiếng nhạc Việt Nam truyền thống khi các em nhỏ ở lứa tuổi khác nhau vũ tiến hoa.

Bữa tiệc linh đình sau thánh lễ mừng ĐHY Saigòn và phái đoàn nói lên; òng trên trọng qúi yêu của các nữ tu thánh Giuse đôi với ĐHY và phái đoàn. Bữa ăn rất thịnh soạn và ngon miện, trình bầy nghệ thuật nồng ấm. Ai ai cũng vui vẻ quây quần bên nhau còn vui hơn ngày hội Tết, nhất là khi ai nấy đều được chụp hình kỉ niệm với Đức Hồng Y và quan khách. Mãi tới 10 giờ tối ra về mà mọi người vẫn còn như nuối tiếc sợ mất đi một cái gì đó rất trân qúi và đáng nhớ...

Ngày mai phái đoàn sẽ đi thăm Tòa TGM Osaka, sau đó tới thành phố Kobe và Himeji. Hai nơi này có chừng 500 giáo dân Việt Nam.

Nhân đây, chúng tôi cũng muốn trình bầy sơ qua về sự hình thành của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ra saoch.

Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật được chính thức thành lập vào ngày 15 tháng 8 năm 1986. Cho đến hôm nay, sau một thời gian dài hơn 20 năm, Giáo Đoàn đã có hơn 3.000 anh chị em công giáo sống rãi rác trong 16 công đoàn lớn, nhỏ từ nam tới bắc nước Nhật. Tuy là một nhóm nhò, nhưng Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật vẫn có những sinh hoạt đều đặn, giúp cho anh chị em sống đức tin trong hoàn cảnh và ngôn ngữ khác biệt nơi đất khách quê người.

GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH:

Từ năm 1979, làn sóng người tỵ nạn Việt Nam ào ạt ra đi khỏi nước, trong tâm tình muốn cứu giúp những người vượt biển, các tàu buôn, thuyền đánh cá ngoại quốc đã ra khơi vớt người trên biển cả, nhờ đó, một số anh chị em Việt Nam đã được các tàu Nhật, hoặc các tàu buôn ngoại quốc vớt và đưa về tạm cư trong các thành phố cảng của Nhật. Tại những trung tâm đó, họ được dạy tiếng Nhật, và làm các thủ tục để đi đến các nước khác (nếu họ có điều kiện) hoặc định cư tại Nhật. Trong thời gian này, vì không biết nhà thờ cũng như chưa có một linh mục Việt Nam nào đến Nhật, nên các giáo dân Việt Nam tự quy tụ lại với nhau để cùng đọc kinh, cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin. Dần dần với thời gian, con số các người tỵ nạn tăng thêm, chính phủ Nhật lập thêm nhiều trung tâm tỵ nạn mới rãi rác khắp nước Nhật, nhờ đó sự hiện diện của người Việt Nam cũng lan rộng ra khắp nước, số người công giáo cũng tăng thêm, Caritas Nhật Bản lúc đó đã mời cha Trần Tử Nhãn, một linh mục dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, lúc đó đang tỵ nạn tại Canada, đến giúp đồng bào công giáo mỗi năm 2 lần vào các dịp Giáng Sinh và Phục Sinh. Từ năm 1982, Cha Vũ Đình Trác đã đến Tokyo để làm luận án tiến sĩ về triết học đông phương, ngài đã dùng thời gian rãnh rỗi để đi thăm, dâng lễ, và giúp đỡ cho đồng bào Việt Nam, nhờ đó đời sống đức tin của người công giáo được nâng đỡ và phát triển.

Ý thức được nhu cầu đức tin của người Việt Nam, Caritas Nhật Bản đã mời cha Nguyễn Hữu Hiến, lúc đó đang học tại Roma, đến giúp cho đồng bào, và vào cuối năm 1987, cha Hiến đã đến Nhật làm mục vụ cho người Việt Nam suốt từ đó cho bến bây giờ.

Tiếp đến Caritas Nhật cũng đã mời cha Hồng Kim Linh, lúc đó đang ở Pháp, đến Nhật làm việc cho đồng bào công giáo trong một thời gian. Với sự hiện diện của 2 linh mục Việt Nam, đời sống đức tin của người công giáo Việt Nam được nâng đỡ rất nhiều, và nhờ sự hiện diện nâng đỡ đó, anh chị em công giáo Việt Nam sống rãi rác trong các vùng ở Nhật, đã quyết định thành lập các cộng đoàn, để có thể dễ dàng sống đạo và nâng đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày.

Vào dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, ngày 15 tháng 8 năm 1986, các cộng đoàn đã tổ chức 3 ngày đại hội tại giáo xứ Nibuno, thuộc thành phố Himeji, một thành phố nằm phía Nam Nhật, cách Tokyo chừng 600 km, và đã quyết định thành lập Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật với 2 liên cộng đoàn:

1. Liên Cộng Đoàn Công Giáo Miền Đông, gồm các cộng đoàn công giáo thuộc miền Bắc nước Nhật, đó là các cộng đoàn Tokyo (chừng 400 người), Fujisawa (250 người), Yamato (200 người), Mizonoguchi (30 người), Kawaguchi (150 người), Kawagoe (40 người), Hamamatsu (100 người), Nagoya (70 người), Isesaki-Gunma (150 người) và Karasuyama (20 người).

2. Liên Cộng Đoàn Miền Tây, gồm các cộng đoàn thuộc miền Nam nước Nhật, với các cộng đoàn Osaka (200 người), Kobe (300 ngươi), Himeji (200 người) và Saito (20 người).

Mỗi tháng một lần, vào ngày Chúa Nhật đều có thánh lễ bằng tiếng Việt trong các cộng đoàn, trừ các cộng đoàn nhỏ, cách cha Việt Nam chỉ có thể đến thăm và giải tội trong các ngày thường.

Ngoài ra có một số khá đông anh chị em công giáo, vì công ăn việc làm, sống rãi rác, xa các cộng đoàn Việt Nam, nên họ thường xuyên đi lễ trong các giáo xứ Nhật.

Tuy con số giáo dân Việt Nam rất khiêm tốn, nhưng bù lại, Chúa cho cộng đoàn có rất nhiều ơn gọi. Hiện nay tại Nhật có đến 15 linh mục (gồm cả linh mục triều vừa dòng), 2 phó tế, 5 nữ tu trẻ đã khấn trọn đời trong những năm gần đây, và còn nữ tu đã khấn tạm trong các dòng Trappist hoặc Dòng Nữ Tử Bác Ái. Thêm vào đó Cộng Đoàn CGVN tại Nhật còn có 14 đại chủng sinh vừa triều và dòng, và 41 các em thanh tuyển trong các dòng nữ.

Đây thực sự là một hồng ân Chúa ban và vào tháng 4 năm tới, với ơn Chúa ban, Giáo Đoàn sẽ có thêm 2 linh mục.

Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho anh chị em công giáo trong Giáo Đoàn Việt Nam tại Nhật, để tuy sống xa quê hương, luôn biết hiệp thông với Giáo Hội Mẹ Việt Nam và cố gắng phát huy truyền thống đức tin của các thánh tử đạo để lại, hầu làm sang danh Chúa và ích lợi cho các linh hồn.

CỘNG ĐOÀN OSAKA

Cộng đoàn Osaka có khoảng 200 người công giáo sống rãi rác trong 3 vùng trong thành phố Osaka: Yao, Amagasaki và Kyobashi. Ở đây có 2 linh mục Việt Nam:

Cha Cao Sơn Thân, dòng Tên, đang phụ trách trung tâm bác ái của dòng ở địa phận Osaka và cha Cao Duy Linh, dòng Phanxicô Conventuale, đang làm cha sở của giáo xứ Nigawa, một giáo xứ lớn, với trường trung học trong địa phận Osaka.

Với sự hiện diện của hai linh mục Việt Nam, cộng đoàn có một lịch trình sinh hoạt đều đặn, nhưng vì qúy cha cũng bận rộn với công tác mục vụ của mình, nên mỗi tháng cộng đoàn chỉ có một thánh lễ bằng tiến Việt vào lúc 2g00 chiều Chúa Nhật của tuần thứ 2 trong tháng.

Ở địa phận Osaka, ngoài 2 linh mục Việt Nam, còn có một phó tế, 3 nữ tu Việt Nam và 5 em thanh tuyển.

Anh chị em giáo dân Việt Nam cũng như người Việt Nam sống ở vùng này đã có đời sống ổn định, một số cũng đã mua được nhà riêng, và một số ít anh chị em cũng có business riêng như tiệm ăn Việt Nam, tiệm bán thực phẩm Việt Nam, v.v…

Lần đầu tiên được tiếp đón Đức Hồng Y đến từ Việt Nam, mọi người rất hân hoan và cảm thấy được nâng đỡ, dù sự hiện diện của ngài qúa ngắn ngủi, nhưng cũng đã mang lại cho mọi người thật niềm niềm vui và tình thương.

Kính chúc Đức Hồng Y luôn khang an và gặt hái được nhiều thành quả trong chuyến viếng thăm Nhật Bản này, cũng như thành công trong công việc mục vụ trong một địa phận rộng lớn với rất nhiều khó khăn và thách đố ở Việt Nam.

Khóa Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình lần đầu tiên được tổ chức tại tại Himeji, Nhật Bản. (VietCatholicNews 10/05/2007)
Kiên-Tâm

NHẬT BẢN -- Được sự đồng ý của Cha P.M. Nguyễn Hữu Hiến, LM Tuyên úy Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam (CGVN) tại Nhật bản, và cha Đaminh Cao Sơn Thân, SJ, Khóa Căn Bản Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình 368 đã được tổ chức từ trưa ngày 28 đến tối ngày 30 tháng 4 năm 2007, tại Dòng Junshin, Nibuno, Himeji, Nhật Bản.

Thành phố Himeji cách thủ đô Tokyo khoảng 650 km về hướng Tây Nam, có khoảng 1000 người Việt Nam sinh sống, trong số này có trên 200 người theo đạo Công Giáo. Từ lâu, LM Phêrô Chu Quang Minh người khai sáng ra Khóa Thăng Tiến Hôn Nhân đã ao ước có dịp mở khóa tại Nhật Bản, là nước có dân số trên 128 triệu người, nhưng chỉ có 350 ngàn người theo đạo Công Giáo; trong số này giáo dân Việt Nam chiếm khoảng 4,000 người trên tổng số khoảng 28,000 người Việt ở rải rác khắp nơi trên nước Nhật.

Từ hơn 1 năm trước, cha Minh đã lên chương trình mở khóa tại Nhật bản, giáo Đoàn CGVN tại Nhật đã đáp ứng và cho phổ biến tin tức liên quan chương trình TTHNGĐ trên tờ Phụng Vụ Lời Chúa, đăng liên tục hàng tháng trước ngày tổ chức khóa khoảng 4 tháng trước. Gần tới ngày khai mạc, còn chừng 2 tuần lễ nữa, nhưng chỉ mới có 6 cặp ghi tên tham dự, thế nhưng cứ tiép tục chuẩn bị, đến đâu hay đến đó...

Đến ngày khai mạc, đúng là hồng ân Chúa ban, có những anh chị từ xa trên 700 km, lái xe tới địa điểm tổ chức khóa mất chừng 10 tiếng đồng hồ để tham dự. Đã có 10 cặp đến tham dự khóa học, và cũng để ươm thêm hạt giống cho tương lai, cha Minh cũng khích lệ để 6 người đi một mình cùng đến tham dự khóa. Đặc biệt trong khóa này có một cặp không phải là Công Giáo.

Ban giảng huấn cho cả chương trình chỉ có một mình cha Minh đơn thân độc mã hướng dẫn từ đầu đến cuối.

Sau khóa học, mọi người chia tay, mắt rưng rưng ngấn lệ, vì đã được cảm thông và chia sẻ Hồng Ân Chúa ban cho từng cặp, từng người thành tâm tham dự khoá. Xin cảm ơn tất cả các anh chị song nguyền khắp nơi trên thế giới đã hướng lòng về xứ Phù Tang, hy sinh, cầu nguyện, làm những bó Hoa Thiêng gửi về khóa.

Trong tương lai, nếu các gia đình mong muốn và được Chúa ban ơn, Giáo đoàn sẽ xin được tổ chức 2 nơi cho Tokyo và Kansai vào khoảng tuần lễ cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2008.

Dân số Công Giáo Nhật tăng nhưng số chủng sinh giảm đến mức phải đóng cửa chủng viện VietCatholic News (Thứ Tư 19/03/2008 07:21)

Các Đức Giám Mục Nhật đã xin Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho phép nhập hai đại chủng viện của Nhật lại thành một để đỡ các chi phí quản lý.

Quyết định này đã được đưa ra trong phiên họp khoáng đại thường niên của Hội Đồng Giám Mục Nhật vì sự sụt giảm số ơn gọi và sự gia tăng chi phí điều hành cùng một lúc hại đại chủng viện ở Tokyo và Fukuoka.

Nếu được Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đồng ý thì Đại Chủng Viện Thánh Sulpice tại Fukuoka sẽ được coi là Đại Chủng Viện duy nhất của Nhật. Hiện nay, Đại Chủng Viện Fukuoka có chương trình thần học trong ba năm, trong khi tại Tokyo có chương trình triết học trong hai năm cùng với chương trình đào tạo phó tế.

Vấn đề này đã bắt đầu được thảo luận từ 2003. Với con số chủng sinh giảm sút và chi phí không ngừng tăng cao, Hội Đồng Giám Mục Nhật lo là phẩm chất đào tạo sẽ bị ảnh hưởng. Đức Cha Yoshinao Otsuka, Giám Mục Kyoto nhận định rằng việc chia làm hai cơ sở sẽ khiến cho các linh mục trong tương lai khó biết hết các linh mục, một điều được coi là cần thiết để phát triển linh đạo trong một xã hội ít người Công Giáo như tại Nhật.

Trong lịch sử của Nhật, vào năm 1549, cha Phanxicô Xaviê dòng Tên đã đặt chân đến Nhật để triều giáo. 10% dân số Nhật đã trở thành người Công Giáo. Con số đông đảo người theo đạo này đã làm vua Toyotomi Hideyoshi lo ngại các thừa sai đang xâm lược Nhật. Hệ quả là ông ta đã đặt Công Giáo ra khỏi vòng pháp luật. Năm 1597, Toyotomi bắt 26 Kitô hữu trong đó có 6 thừa sai và 20 giáo dân, cắt lỗ tai họ và bắt đi du hành thị chúng từ Kyoto đến Nagasaki trong cái lạnh chết người của mùa đông. Tại Nagasaki, vua cho người đóng đinh các vị. Trong suốt thời kỳ bách hại nhiều Kitô hữu khác cũng bị bắt và hành hình dã man, nhiều người khác phải sống trốn tránh và lo sợ vì những cuộc ruồng bắt thường xuyên. Tuy nhiên, vào năm 1873, khi đạo Công Giáo được chính thức cho hoạt động một số nhỏ vẫn kiên vững trong đức tin.

Trong thế kỷ 20 và 21, Kitô Giáo dường như chỉ còn là một bóng mờ trong lịch sử dân Nhật đang ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa vật chất.

Những báo cáo mới nhất cho thấy ngày nay, con số Kitô hữu tại Nhật đã lên đến 6% và những nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo tại Nhật đang tạo ra những thay đổi đáng kể. Nam Hàn, một quốc gia kỹ nghệ với những sắc thái gần với xã hội Nhật giờ đây cũng đã có 26.3% dân số theo Công Giáo.

Giáo Hội tại Nhật với biến cố phong Chân Phước cho 188 vị tử đạo vào năm 2008 này đang tràn trề hy vọng.
 
Nụ hôn xứ truyền giáo
Lm. Trần Xuân Sang, SVD
19:55 24/11/2008
PARAGUAY - NỤ HÔN XỨ TRUYỀN GIÁO

Nụ hôn xứ truyền giáo

Tôi đã từng chia sẻ vài nét văn hóa của người Paraguay trong đó có một nét văn hóa chào hỏi thật đặc biệt là hôn nhau hình tam giác. Có người email hỏi tôi rằng hôn nhau hình tam giác là hôn thế nào! Xin chia sẻ thêm một tý để quí vị hiểu rõ về một tý văn hóa xã giao của người dân vùng Nam Mỹ này.

Paraguay là một quốc gia có nhiều sắc dân sinh sống nên họ cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều về văn hóa và truyền thống của các dân tộc khác. Người Chile và người Argentina khi chào hỏi nhau thường hôn áp má một cái. Người Paraguay thì chào nhau và hôn áp má nhau hai cái thật kêu, còn người Brazil thì hôn áp má ba lần khi chào nhau. Tuy nhiên, người Paraguay rất chuộng và “sính” người Brazil nên giới trẻ thường kết hôn với người Brazil và bắt chước văn hóa xã giao của người Brazil nên khi chào hỏi nhau giới trẻ rất thích hôn áp má ba lần (hôn bên phải, hôn bên trái rồi lại hôn bên phải) với tiếng kêu ‘chích, chích’ nên gọi là hôn hình tam giác. Kiểu chào hỏi xã giao này đã đi vào nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng Nam Mỹ và là một nét văn hóa đẹp trong giao tiếp.

Khi từ bệnh viện trở lại giáo xứ, tôi được các bà góa và các cụ bà chạy đến viếng thăm và cũng ôm hôn thật đằm thắm như người thân yêu từ xa trở về. Thật cảm động khi mấy cụ bà không còn cái răng nào chạy đến thăm hỏi và ôm hôn tôi thắm thiết như hôn một người yêu! Khi tôi trở lại các giáo điểm để dâng thánh lễ và ban các bí tích thì họ mừng như người yêu lâu rồi mới gặp lại. Họ choàng vai, ôm hôn và hỏi chuyện ríu rít. Thế mới biết người dân nông thôn sống có tình và yêu quí người mục tử của họ thế nào. Tôi cũng thầm mừng vì ít ra mình cũng được người ta thương mến và nếu lỡ có chết đi thì cũng có người thắp hương cầu nguyện!

Người dân Paraguay có thể ví như người dân miền Tây Nam Bộ ở Việt Nam. Họ thật thà, chất phát và không bao giờ than van dù trong nhà chẳng có gì. Có lẽ vùng đất tạo nên tính đặc thù của mỗi dân tộc và do đó ta khó có thể trách cứ tại sao họ lại như vậy. Người dân miền Tây Nam Bộ Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi cho một vùng đất trù phú nên họ sống rất bình thản và không cần ra công khó nhọc làm ăn như những người dân ở các vùng khác. Người dân Paraguay cũng vậy. Họ sống rất tàn tàn vì đất đai màu mỡ, chỉ cần gieo vài hạt giống xuống là tự nhiên nó mọc lên rồi đến mùa thu họach. Nhà cửa họ làm rất sơ sài và chỉ đặt vài ba cái giường để ngủ là đủ. Họ chẳng cần dự trữ của cải hay tiền bạc và sống triệt để theo lời Chúa dạy theo nghĩa đen “ngày mai lo cho ngày mai…”. Trong nhà họ có hai thứ không thể thiếu là trà để uống Mate hay Terere

và muối để ăn với khoai mì. Khách đến nhà thì chế biến ngay món trà Terere và tất cả mọi người quây quần bên nhau để tán gẫu. Đói thì ra ngay sau vườn nhổ vài bụi khoai mì rồi gọt, rửa và nấu lên để ăn cho qua ngày. Nếu chúng ta có hỏi họ cuộc sống thế nào thì đều được nghe câu trả lời là “Bien (tốt)” dù trong nhà chẳng có gì cả.

Cuộc sống bình thản của người Paraguay khiến họ trở nên chậm tiến so với các quốc gia láng giềng và với những sắc tộc đang sống chung trong đất nước này. Nếu một ngày nào đó họ biết mở mang và thay đổi não trạng với những hủ tục thâm căn cố đế thì may ra đất nước này mới phát triển và sánh vai cùng với các quốc gia phát triển trong khu vực.

Kinh lý tổng quyền

Theo thông lệ của Nhà Dòng chúng tôi thì cứ 5 năm một lần, các vị bề trên thượng cấp hay các vị cố vấn tổng quyền có trụ sở tại Rôma phân công nhau để thăm các Tỉnh Dòng trên thế giới nơi có các tu sĩ Dòng Ngôi Lời đang phục vụ để thông tri những tin tức và đường hướng của Dòng, đồng thời cũng để lắng nghe ý kiến của các tu sĩ đang làm việc truyền giáo.

Tỉnh Dòng Ngôi Lời Paraguay của chúng tôi lần này có một vị cố vấn của tổng quyền người Argentina đến viếng thăm và lưu lại Paraguay gần 1 tháng để gặp gỡ và đối thọai với các tu sĩ truyền giáo của Dòng. Vị kinh lý tổng quyền lần này đã từng du học ở Pháp và Mỹ, từng làm việc ở Togo, Brazil và nhiều nước trên thế giới nên rất thông thạo tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Đức. Bởi thế anh em tu sĩ chúng tôi không gặp khó khăn trong việc trao đổi và không cần thông dịch viên trong các cuộc họp. Vị kinh lý tổng quyền đã đi thăm hầu như tất cả các vùng truyền giáo của Dòng Ngôi Lời tại Paraguay để nắm rõ tình hình và hiệp thông với anh em tu sĩ truyền giáo.

Vào những ngày cuối trước khi trở về Rôma sau chuyến thăm viếng mục vụ, tỉnh Dòng chúng tôi tại Paraguay đã có cuộc họp qui tụ hầu hết các tu sĩ truyền giáo của Dòng đến từ 30 quốc gia trên thế giới để giải quyết vấn đề sống còn của Tỉnh Dòng và đặc biệt cũng đề cập đến vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động mạnh đến đời sống của anh em trên thế giới nói chung và anh em nơi vùng truyền giáo nói riêng. Vị kinh lý tổng quyền của chúng tôi đã chia sẻ cho anh em biết về tình hình của Dòng Mẹ Ngôi Lời tại kinh đô Rôma cũng như các tỉnh Dòng và miền Dòng trên thế giới sau những biến động về khủng hoảng tài chính và chính trị. Anh em chúng tôi cũng có dịp thảo luận những đường hướng mục vụ và sự sống còn của tỉnh Dòng sau những biến chuyển của thời cuộc để rút ra những kinh nghiệm cho đời sống mục vụ truyền giáo. Các nhà truyền giáo đến từ Đức, Ba Lan, Thụy Sĩ và vùng Phi châu rất tích cực trong việc đóng góp ý kiến trong khi các nhà truyền giáo đến từ Á Châu và Nam Mỹ có vẻ thụ động hơn. Những cuộc tranh luận sôi nổi về đường hướng mục vụ cũng được các nhà truyền giáo khai thác triệt để, nhất là việc bảo tồn văn hóa của người thổ dân. Trong những lúc giải trí và các bữa ăn huynh đệ, anh em chúng tôi cũng đưa ra những đề tài chính trị vui về chiến thắng của người Mỹ gốc phi đầu tiên sẽ làm tổng thống nước Mỹ vào tháng Giêng 2009 sắp tới. Vị Tu huynh người Mỹ và các tu sĩ người Kenya – đồng hương của tân tổng thống Mỹ Obama luôn bị chúng tôi trêu chọc rằng một ngày nào đó nước Mỹ sẽ trở thành một đất nước Hồi giáo vì bố của tân tổng thống Obama là một tín đồ Hồi giáo! Các anh em đồng hương của các nước được dịp nói chuyện với nhau bằng chính ngôn ngữ của mình trong dịp này.

Hôm nay là ngày lễ Chúa Kitô, Vua vũ trụ. Sáng nay khi chuẩn bị dâng thánh lễ thì được cha bề trên giám tỉnh báo tin một anh em linh mục cùng Dòng người Úc đã được Chúa gọi về. Vị linh mục này có công rất lớn trong việc biên soạn từ điển Tây Ban Nha-Guarani và đã làm việc ở Paraguay trên 30 năm. Cách đây hơn 1 tháng ngài lâm bệnh và dự định trong tháng 12 sẽ đi dưỡng bệnh ở Úc, quê hương của ngài. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Chúa không cho linh mục này về lại quê hương mà cho nhập tịch ngay trong vương quốc của Người trong chính ngày lễ tôn vinh Người. Số phận của các nhà truyền giáo là thế đó vì cách đây 1 năm, cũng đúng vào ngày lễ này, một anh em linh mục cùng Dòng khi chuẩn bị dâng thánh lễ lúc 8 giờ sáng thì lúc 7 giờ Chúa đã gọi ngài về để hưởng vinh phúc. Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các anh em truyền giáo chúng con đã bỏ mình nơi đất khách sớm được hưởng hạnh phúc trước tôn nhan Chúa. Amen.

Paraguay 23/11/2008, Lễ Chúa Kitô Vua
 
Nhu cầu cải cách luật di trú HK: Hồ sơ Đoàn Tụ Gia Đình và Hồ Sơ Di Trú người Á châu bị ứ đọng
Hiệp Hội Á Châu
20:38 24/11/2008
LOS ANGELES - Chúng tôi mới nhận được thư của Đại diện Trung Tâm Dịch Vụ Luật Pháp cho Người Gốc Á Châu, mời tham dự bữa điểm tâm và buổi họp báo cho giới truyền thông Việt Nam để thảo luận về việc cải cách luật di trú vào 9:30 sáng Thứ Ba, ngày 9 tháng 12 năm 2008 tại văn phòng Quận Cam ở Garden Grove (văn phòng của OCAPICA/ Hiệp Hội Á Châu – Thái Bình Dương). Xin đăng để rộng đường dư luận. VietCatholic

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tấm Lòng Vàng: Danh Sách Ân Nhân Giúp Lũ Lụt Việt Nam 2008
Liên Đoàn CGVNHK
11:00 24/11/2008

Tấm Lòng Vàng: Danh Sách Ân Nhân Giúp Lũ Lụt Việt Nam 2008

Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ chân thành cảm tạ Tấm Lòng Vàng Giúp Lũ Lụt Việt Nam của quý Giáo Xứ, Hội Đoàn và Ân Nhân có tên dưới đây. Chương trình Lạc Quyên giúp Lũ Lụt Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 30/12/2008. Những đóng góp sẽ được gởi về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua Ủy Ban Bác Ái Xã Hội - Caritas để Ủy Ban phối hợp với những nơi bị lũ lụt phân phối thực phẩm, thuốc men, quần áo, sách vở, nông cụ đến các nạn nhân và gia đình không phân biệt lương giáo.

Mọi đóng góp xin đề: Lien Đoan
for: LuLut Vietnam
và gởi về: Lien Doan CGVNHK
PO Box 1958
Flowery Br. GA 30542


Đợt Một: >$15,322 tính đến ngày 22/11/2008:

GX St. Philip Phan Văn Minh, LM Nguyễn Thanh Châu, Orlando, $3,500
GX Christ the King, LM Hà Phạm, Fort Worth, TX $3,232
OB Vinh Quang Nguyen, Grandville, MI $1,000
LM. Nguyễn Duy Hùng, St. Anne's Church, Lodi, CA $500
Lisa Huong Dao, North Hills, CA $500
Cuong Q Phan, Forest Hills, NY $500
Ngoc Hoa Tran, Costa Mesa, CA $500
Andy Pham & Tracey Nguyen, Seattle, WA $300
Joseph VietVu & Nuong Minh N Nguyen, San Jose, CA $300
Viet H. Bui & HaHuyen T. Nguyen, San Jose, CA $300
Thomas U. Nguyen & Marie M. Nguyen, Lewisville, TX $200
T. Nguyen & TL Nguyen, Chandler, AZ $200
LM. Nguyễn Thanh Liêm, Chủ Tịch Liên Đoàn, Toccoa, GA $200
Thu Ha T. Nguyen, Apple Valley, MN $200
Trinh Pham, Newburgh, NY $200
Nga Bich Nguyen & Son P. Ho, Garland, TX $200
Tom V. Nguyen & Amy V Nguyen, Orlando, FL $250
Vinh H. Nguyen & KimDzung T. Nguyen, Union, NJ $100
Tinh Quang Tran & Linh Tuyen Thi Tran, Lancaster, PA $100
Quang Chu, St. Petersburg, FL $100
Hong Diem Nguyen, Okemos, MI $100
Francis Truong, Houston, TX $50
Annie N Hoang & Y Uyen Hoang, Elk Grove, CA $100
Michael Yeung & Cindy Yeung, Houston, TX $100
Peter Tran & Hong Phan, South Bend, IN $50
VTV, WC, PA $70
Rop Van Dinh & Minh Nguyen Dinh, Stillwater, MN $50
Martin Hoang Dinh, San Jose, CA $100
Anh H Nguyen & Bach Kim Thi Tran, Troutdale, OR $50
Anthony Bao N. Nguyen, Oklahoma City, OK $100
Dong Thai Nguyen & Nga Thuy Tran, Houston, TX $100
Loi Van Nguyen, Monrovia, CA $150
Kinh Dinh Vu & Oanh Thi Nguyen, Dorchester, MA $50
Thanh T. Hoang, Lincolnwood, IL $100
Michael Van Nguyen & Thu Hong T. Nguyen, Falls Church, VA $50
LM. Vincent Huu Phan, St. Ignatius Church, Mobile, AL $150
Anh Dao Mai, King of Prussia, PA, $100
Dinh Phung, Champaign, IL $100
Marie Gabrielle Hà, MTL, Canada, $100
Sandrine Hongvan Ho, Irvine, CA $100
Phi Pham, Columbus, OH $100
Phuong Thi M. Pham, Reseda, CA $50
Tony Luong & Phuong Lisa Truong, San Jose, CA $50
OB Phạm Bá Phán (D. Hoang & J. Pham), San Jose, CA $100
Tin Quang Cao & Tuyet Y Do, San Diego, CA $50
LM. John Phan, St. Mary of Gostyn Church, Downers Grove, IL $150
Tina Mai, Westminster, CA $100
Quang T. Tran & Thu Thao Hoang, Belleville, NJ $50
Thang Van Nguyen & Duyen M. Tran, Urbana, IL $100
Toan Cong Tran, Potomac Falls, VA $50
Thien Ho, Kentwood, MI $50
Quoc Tuan Nguyen & Hue Anh Duong JT Ten, Palm Bay, FL $150
Victoria Tonnu (Pacific Pharmacy), Westminster, CA $100
Long Tran & Marie Tran, Houston, TX $40
Khai Van Nguyen & Kim Loan Mai, Lincoln, NE $30
 
Đức TGM Hà Nội và LM Tổng Thư ký UBBAXH thăm bà con vùng lũ trong TGP Hà Nội
UBTTXH
11:04 24/11/2008
Hà Nội − Ngày 23-11-2008, ngày Lễ Chúa Kitô Vua, Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM. TGP. Hà Nội, đã dẫn đầu một đoàn đến Giáo xứ Đồng Chiêm, thuộc TGP. Hà Nội, nơi đã bị ngập lụt và chịu thiệt hại nặng nề sau trận mưa to vào đầu tháng 11 vừa qua. Mục đích của chuyến viếng thăm lần này là để tiếp tục an ủi, động viên những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ, đồng thời cũng để thẩm định tình hình thiệt hại nhằm hỗ trợ phục hồi cho giáo dân xứ Đồng Chiêm một cách hiệu quả hơn. Trước đó, ngài đã cử Cha Tổng Quản lý, Cha phó Văn phòng, các thầy chủng sinh và một số dòng tu đến cứu trợ nơi đây.

Đức TGM Kiệt và Cha Nguyễn ngọc Sơn thăm vùng lũ lụt
Ngoài Đức Tổng Giuse, đoàn còn có Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH), Lm. Giuse Nguyễn Bình An, Việt Kiều Mỹ, anh cả trong gia đình linh tông với Đức Tổng Giuse; Sr. Anna Nguyễn Thị Mai Trang, OSP, thuộc UBTTXH, Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, hiện ngụ tại Nhà Hưu dưỡng Hà Nội ở TP. HCM, đang dịp công tác ở Hà Nội; Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, Thư ký TGM. Hà Nội, cùng với 2 thầy dự tu của TGP. Hà Nội.

Tình từ ngày lũ về Hà Nội đến nay đã non một tháng, nhưng nhiều cánh đồng 2 bên đường về ngoại thành nước vẫn còn trắng xoá. Đường vào Đồng Chiêm tuy không còn lầy lội như mấy tuần trước do nước đã dần rút đi từ 5 ngày nay, nhưng tài xế cũng phải cho xe chạy lòng vòng mới vào đến nhà thờ vì nhiều đoạn đường bị hỏng hoặc đang sửa chữa dang dở.

Gác lại những sầu buồn sau những đau khổ, mất mát, những giáo dân xứ Đồng Chiêm hôm nay tràn nập niềm vui, đơn giản vì họ đang nao nức đón Đức Tổng Giuse. Ngay trên con đường nhỏ dẫn vào nhà thờ, khi thấy xe của đoàn đến từ đàng xa, hàng trăm em thiếu nhi vùng chạy ra đón ngài như một bầy ong vỡ tổ, cùng giúp đẩy xe qua đoạn đường hỏng, rồi chạy trước đón rước ngài đến nhà thờ trong tiếng reo hò vui mừng. Tại đây đã có đông đảo bà con xếp thành hàng rào chờ đón, rước ngài vào nhà thờ. Sau chào đón và thăm hỏi của Đức Tổng Giuse và Linh mục Tổng Thư ký UBBAXH, tất cả cộng đoàn giáo xứ bắt đầu Thánh lễ đồng tế tôn vinh Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.

Giáo xứ Đồng Chiêm gồm 4 họ đạo (họ Nhà xứ, Bắc Sơn, Phú Cốc, Phú Thanh) với khoảng 3.400 giáo dân, thuộc huyện Mỹ Đức, cách thủ đô Hà Nội khoảng 60km về hướng nam. Chỉ trừ họ Phú Cốc, 3 họ còn lại đều bị ngập, trong đó họ Bắc Sơn là ngập nặng nhất; do Đồng Chiêm là vùng trũng, hầu hết nằm ngoài vùng đê bao của huyện Mỹ Đức. Hằng năm, Giáo xứ Đồng Chiêm đều chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nhưng thường chỉ ngập đường làng, chứ không như trận mưa lũ lịch sử 2008 này. Nước mưa ngập tràn nhiều ngày làm cho gia súc, gia cầm chết sạch, đồ đạc trong nhà trôi hết; cá trong ao vì vậy cũng theo con nước mà trôi đi. Con số thiệt hại cho Đồng Chiêm đến nay đã lên đến trên dưới 10 tỷ đồng.

Về việc cứu trợ, theo Lm. Giuse Nguyễn Văn Liên, phó xứ Đồng Chiêm, 2 ngày sau khi xảy ra tình trạng ngập lụt, Đại diện Hội Chữ Thập Đỏ của Thành Phố có xuống xem xét, cứu trợ nhưng chỉ với số lượng thật ít ỏi, tính trung bình mỗi gia đình nhận được 3 gói mì. Còn sau đó thì không thấy cơ quan nào của chính quyền đến nữa. Cho đến nay, việc cứu trợ chủ yếu đến từ phía giáo quyền: Toà TGM. Hà Nội, các dòng, các giáo xứ bạn… gồm mì gói, gạo, mền, quần áo, sách vở, thuốc men… Sự quan tâm này đã làm cho giáo dân Đồng Chiêm vô cùng cảm động. Cha sở Giáo xứ Đồng Chiêm đã chia sẻ: “Ngập lụt có thể cuốn trôi nhân mạng, nhà cửa, tiền bạc, nhưng nó không thể cuốn trôi được tình thương của Thiên Chúa và Giáo Hội, mà cụ thể là các ân nhân đã rộng lượng chia sẻ với giáo dân xứ Đồng Chiêm”.

Vì hôm nay là Ngày Lễ kết thúc Năm Phụng vụ, Giáo Hội long trọng tôn phong Chúa Kitô làm Vua, nên những lời chia sẻ của Đức Tổng Giuse ở đầu lễ, trong bài giảng, cũng như ở cuối lễ, luôn nhấn mạnh đến Vị Vua Tình Yêu. Vị Vua này đến xét xử thế giới với một cách thức thật lạ lùng. Ngài không xét xử người ta về những việc gì lớn lao, mà chỉ xét xử về một điều duy nhất, đó là về tình yêu, tình yêu này thể hiện qua những hành động bác ái của chúng ta đối với những người nghèo, những người bé mọn, cho dù là những hành động nhỏ nhặt nhất, mà lắm lúc chúng ta đã quên sót. Thi hành Đức Bác ái chính là tinh thần của công dân Nước Trời.

Ngài cũng mời gọi mọi người hãy cảm tạ Chúa vì qua cơn ngập lụt này, tuy có những khó khăn, khổ sở và mất mát, nhưng người dân xứ Đồng Chiêm cũng nhận được một trận lụt tình thương đến từ những ân nhân xa gần: từ giáo phận, từ Hội đồng Giám mục, từ các cơ quan quốc tế, từ Toà Thánh… Và ngài nhắn nhủ phải làm sao khi đón nhận được tình thương này rồi, nó phải được nhân lên, phân phát cho những người xung quanh, theo tinh thần tương trợ: người có nhiều giúp người có ít hơn, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, ngay cả đối với những người không Công giáo.

Nhân dịp viếng thăm này, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn cũng thay mặt UBBAXH cầu chúc cho Giáo xứ Đồng Chiêm can đảm vượt qua cơn thử thách này, dù có đau khổ nhưng chúng ta hãy gắn bó với Vị Vua Tình Yêu, chính Người hiểu được thân phận con người của chúng ta, chia sẻ những đau khổ của chúng ta, để từ nỗi thiệt hại của mình, chúng ta lại tiếp tục vươn lên và có khả năng chia sẻ tình bác ái cho người khác. Cha Sơn cũng cho biết UBBAXH đã chuẩn bị nguồn tài chính để hỗ trợ phục hồi cho Đồng Chiêm.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng cũng đã có giờ tiếp xúc thân tình với bà con giáo dân, thăm hỏi cha con anh Phêrô Trần Văn Công, chồng của Chị Hân, người đã thiệt mạng tại họ đạo Bắc Sơn trong trận lũ vừa qua. Đoàn cũng được quý Cha dẫn đi thăm và tặng quà, tiền cho một số gia đình vừa nghèo lại vừa nhiễm HIV trong giáo xứ. Hậu quả sau cơn ngập lụt ở Đồng Chiêm đã để lại những căn nhà nhếch nhác, ẩm mốc, ruồi muỗi… Ai có thể ngờ rằng trong một xứ đạo nhỏ thuộc vùng sâu vùng xa như Đồng Chiêm lại có đến 20 gia đình có người nhiễm HIV. Đây là hậu quả của những người đi làm ăn xa, do thiếu hiểu biết nên đã nhiễm phải căn bệnh thế kỷ này. Trong hoàn cảnh nghèo nàn và thiếu hiểu biết như thế, chính những bệnh nhân này cũng không biết cách tự chăm sóc mình và cũng không biết cách để bảo vệ những người thân khỏi lây nhiễm. Nhiều gia đình không đủ tiền để xét nghiệp xem người thân của họ có bị lây nhiễm hay không. Đáng thương nhất vẫn là những đứa con tội nghiệp của họ.

Rời Đồng Chiêm, đoàn theo Lm. Giuse Đào Bá Thuyết đến thăm xứ Gò Mu (thuộc huyện Kim Bôi), và Quèn Danh (một họ đạo của xứ Gò Mu, thuộc huyện Mỹ Đức), là 2 địa điểm Cha đang coi sóc. Giáo xứ Gò Mu đang trong giai đoạn xây dựng, sắp hoàn thành. Còn họ đạo Quèn Danh có thể xem như một “ốc đảo” của Hà Nội. “Quèn Danh” đã nói lên được phần nào cái xót xa như chính tên gọi của nó. Chẳng ai biết cái tên “Quèn Danh” xuất phát từ đâu, bao giờ, nó như tượng trưng cho một địa điểm, cho những dân “quèn”, không được mấy ai quan tâm, ngó ngàng đến. Nó cũng có thể gọi là “vô danh” nếu không được các Cha Dòng Chúa Cứu Thế phát hiện ra vào năm 1988. Chính các Cha đã đến dạy chữ, dạy giáo lý và đưa họ ra khỏi tình trạng “ngợm” để sống cho ra “người” hơn. Còn trước đó, cuộc sống của họ gần như hoang dã, sống quây quần bên nhau, hang động là nhà, nơi thờ tự là tượng Đức Mẹ được treo trên nóc hang. Cứ mỗi độ Giáng Sinh về, các Cha lại cử hành Thánh Lễ Giáng Sinh cho họ ngay trong hang động này. Dần dần các cha cho bắt điện, giúp họ làm nhà ở, rồi xây nhà nguyện ở ven sườn núi đá. Hỏi các em ở đây có biết gì về nơi mình ở hay không thì được cho biết “chúng cháu không biết, khi có trí khôn thì đã thấy mình sống ở đây rồi”.

Đón đoàn vào Quèn Danh là hơn 10 chiếc thuyền nhỏ xíu được gò bằng tôn mỏng manh, có nguy cơ lật úp bất cứ lúc nào. Bình thường nếu không ngập nước, bà con đi lại bằng con đường mòn men theo chân núi đá rồi đi ra con đường đất ra đến đê. Nhưng những lúc ngập lụt như thế này thì họ phải dùng thuyền. Đoàn dừng xe ngày trên bờ đê rồi xuống những chiếc thuyền con mỏng manh tiến vào làng.

Nói là làng cho oai chứ nơi đây chỉ vỏn vẹn 114 nhân khẩu. Cuộc sống của họ vô cùng khó khăn và nghèo nàn. Thu nhập chính chủ yếu dựa vào mảnh đất nhỏ bé mà mỗi năm chỉ làm được một vụ, ngoài ra không có một nghề phụ nào ngoài mò cua bắt ốc để sống qua ngày. Việc học của các em rất khó khăn, do chỉ là một nhóm nhỏ nên không được chính quyền địa phương quan tâm. Những người lớn thì hoàn toàn mù chữ, còn các em nhỏ thì hiện nay chỉ được 2 em có trình độ cao nhất là lớp 6, nhiều em chưa được đến trường.

Sự hiện diện của Đức Tổng Giuse làm cho bà con nơi đây vô cùng cảm động. Điều này vượt ngoài sức tưởng tượng của họ. Ngài đã nói chuyện với họ một cách thân tình ngay trong chính ngôi nhà nguyện bé nhỏ. Ngài động viên họ hãy tiếp tục tin tưởng vào Chúa, tin tưởng vào tình tương thân tương ái của mọi người, trau dồi đời sống đức tin, và ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội, đặc biệt là TGP. Hà Nội, sẽ không quên họ. Ngài cũng nhắn nhủ các bậc cha mẹ ngoài việc mưu sinh, hãy cố gắng cho con cái được đến trường. Việc học hành là điều hết sức cần thiết song song với việc bồi dưỡng đức tin. Ngài hứa Tổng Giáo phận sẽ hỗ trợ hết mình cho việc học tập của các em.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UB BAXH, và Lm. Giuse Nguyễn Bình An cũng đã trao trực tiếp một số tiền để trợ giúp các em trong việc học tập.

Cha Thuyết, phụ trách họ đạo, đã chia sẻ rằng ước ao lớn nhất của ngài cũng như bà con giáo dân tại “ốc đảo” lúc này là có được một con đường từ nhà ra đến đường đê (với chiều dài khoảng 1.000m) để các em đi học cũng như đi đến nhà thờ xứ Gò Mu được dễ dàng. Hiện họ đã có sẵn đá, có nhân công, chỉ cần được hỗ trợ cát và xi măng. Ước mơ nhỏ nhoi này xem ra cũng xa vời nếu không được sự quan tâm và giúp đỡ của những người hảo tâm.

Bất cứ ai được chứng kiến trực tiếp cuộc sống của những bà con nơi đây chắc chắn sẽ không khỏi chạnh lòng. Thật không thể tưởng được ngay tại TP. Hà Nội lại có những người đang sống cảnh như thế. Chỉ có ra khỏi nhà, ra khỏi nơi an toàn của mình, chúng ta mới biết được còn biết bao những người nghèo đang sống quanh ta đang cần tình thương và sự giúp đỡ cụ thể.
 
Phiếm: Nhất quyết hổng thèm nhục
Tư Trời Đất
11:52 24/11/2008
Phiếm: Nhất quyết hổng thèm nhục

Gần đây, bọn tư bản đua nhau sỉ nhục nước CHXHCNVN tươi đẹp làm cho kẻ ái quốc như tui cảm thấy rất phẫn nộ. Nhưng dù phẫn nộ đến đâu tui vẫn tự hào về chế độ CS quang vinh, bách chiến bách thắng của tui. Mặc dầu ngài Lê Dũng của tui đã hùng hồn tuyên bố đủ thứ, nhưng tui vẫn bức xúc một cách tự hào, vậy nhơn danh một Đảng viên, tui lên án các nước đang sỉ nhục CHXHCNVN như sau:

- Nước Nhật Bổn: Đã cố tình khui ra vụ PCI hối lộ cho Ban Dự án Đại lộ Đông Tây ở Sài Gòn cho dù số tiền vài triệu USD thực chất chẳng đáng là bao, mấy cái vốn ODA mà phía Nhật Bổn cho vay dài hạn đó thì thế nào tụi tui cũng trả mà, tụi tui hổng trả được thì con cháu tụi tui có trách nhiệm trả hết, làm chi mà dữ dzậy. Đồng chí Huỳnh Ngọc Sĩ kính mến của tụi tui cũng là thông gia với đồng chí Lê Thanh Hải, quyền uy ngang trời, sao báo chí Nhật Bổn cứ trương tùm lum làm cho bọn báo chí nước ngoài và bọn blogger ăn theo chửi quá xá. Tụi tui kiên quyết "lộ tới đâu xử lý tới đó" mà. Tui nghiêm khắc phê bình các đồng chí Nhật Bổn đó, thôi thì để còn giao hảo tốt đẹp đặng mượn vốn ODA xài, tui nói đồng chí Huỳnh Ngọc Sỹ kính mến tạm nghỉ một thời gian cho êm êm. Đừng chỉa mũi dùi nữa, có được không hả?

- Nước Nam Phi: Đúng là mấy cha nội đài truyền hình nhiều chuyện, bộ hết cái để quay hay sao mà tự nhiên vác máy quay rình mò đại sứ quán nước CHXHCNVN tươi đẹp với lá cờ đỏ tươi để quay nguyên xi cảnh mua bán sừng tê giác đang hồi tấp nập vậy mấy cha nội. Sừng tê giác là thứ hết sức quý giá cho các vị lãnh đạo tụi tui bồi bổ. .., gì chớ món "tê pím", món tiết canh, rồi gan thận, lục phủ ngũ tạng con tê giác là thứ hết sức quý giá, tụi tui có có quan niệm rõ ràng “ăn gì bổ gì, ăn nấy bổ nấy” nên về cơ bổn, nước VN tui đã nhậu sạch tê giác rồi, mấy cha hổng biết xài thì tụi tui mua rẻ về xài.

Có dzậy thôi mà báo chí, truyền hình của mấy cha khai thác, thiệt là quá đáng. Bí thư số một Vũ Mộc Anh của sứ quán tụi tui có nói rõ rồi, đó chỉ là "cầm hộ" thôi chớ bộ! Ăn thua gì với mấy năm trước, mỗi lần đi công cán về cán bộ nào cũng "cầm hộ" các vị lãnh đạo mười mấy ký hết trơn á. Mà tui ghét mấy cha nội ghê, tự dưng nhè ngay mặt tiền ĐSQVN uy nghi thêm lá cờ đỏ quay hình chi hổng biết

- Nước CH Czech nữa nhen, khi khổng khi không tự dưng ngưng cấp visa cho công dân nước tui là sao chớ? Tui là tui thấy "bất ngờ" và rõ ràng là "hổng phù hợp" chút xíu nào nhe, Tui mong muốn là chính phủ Czech nên xem lại quyết định trên đi, hổng có lợi cho truyền thống giao hảo tốt đẹp nè, hổng có lợi cho mối quan hệ lâu đời từ hồi quý vị cũng là CS như tụi tui nữa. Mà thằng bộ trưởng nội vụ Ivan Langer gì đó cũng kỳ, nói "số vụ tội ác do người di dân từ Việt Nam tăng lên nhanh" và các vụ việc cũng "nghiêm trọng hơn" là phải có chứng cứ à nhen, hổng nói khơi khơi à. Cho tên kẻ nào phạm pháp đi, tụi tui sẽ dẫn về nước bắn bỏ liền. Quý vị nên học tập nước Ba Lan láng giềng là tạo điều kiện cho cơ quan an ninh A38 tụi tui qua bển, tụi tui sẽ xử đẹp mấy thằng tội phạm, nhơn tiện xử luôn mấy cha nội hay đòi hỏi nhơn quyền, dân chủ cho VN này nọ là êm re liền một khi.

- Nước Anh là nước bi giờ tui mới đề cập đó, từ hồi mấy năm trước lận, cứ hở ra là bắt bớ công dân nước tui rồi nói là "trồng cần sa, ma túy", "buôn người" này nọ. Thử hỏi, mấy thằng đó nó trồng là trồng trong nhà kín, thu hoạch xong xuôi nó chế biến rồi mang đi khắp nơi nó bán, tiền thuê nhà thì nó trả đầy đủ, nó sinh sống, mua bán cũng là góp phần cho kinh tế Ăng Lê phát triển, lâu lâu kẹt quá thì nó ăn trộm chút xíu điện để thắp sáng cần sa thôi mà. Tụi này theo tui là rất được, khi có lợi nhiều tụi nó thường về VN chi xài rất sộp, mấy khách sạn, quán bar sang trọng thấy tụi nó là mừng húm. Tụi nó còn biết điều với đất nước nữa, tiền nhiều mang kè kè làm chi, tụi nó đầu tư vô nhà cửa, đất đai, xây dựng nơi chơi bời quá trời, mà hổng phải tụi nó là tay vừa nhen, toàn con ông cháu cha đi từ Hải Phòng qua HongKong rồi tới Ăng Lê hông à. Quý vị giam nó lâu, ra được là nó chém liền một khi.

- Còn Singapore, ba cái siêu thị của mấy người không chịu làm chỗ gửi đồ, không chịu kiểm soát gắt gao... bởi vậy cho nên cán bộ nước tui chỉ lỡ cầm nhầm vài món mà các người làm dữ... Thiệt ra, cán bộ nước tui hổng phải tham ba cái thứ vặt vãnh vài trăm đô đó đâu, đáng gì so với tài sản kếch sù bên nhà, chẳng qua là kiểm tra coi siêu thị mấy người có hệ thống an toàn hông. Bác sĩ giám đốc bệnh viện tụi tui có cầm nhầm chai rượu hay cán bộ đoàn tụi tui "bỏ giỏ" vài lọ nước bông chính là để kiện toàn hệ thống sê cu ri ty của mấy người. Còn nữa, con gái xứ tui qua đây "làm ăn" giúp cho mấy người dzui dzẻ, sao mấy người coi rẻ, cứ đăng quảng cáo hạ giá trên báo hông vậy rồi còn làm lồng kiếng chưng giống như chưng chim hoa cá kiểng. Thiệt hết nói nổi. Nhơn danh công dân gương mẫu nước CHXHCNVN, tui đề nghị dẹp liền mấy cái vụ đó đi.

-Mỹ nữa nhen, mấy ông đừng ỷ giàu ỷ mạnh mà nay lên án, mai lên án này nọ. Chuyện nhơn quyền, dân chủ, tự do của nước tui là vấn đề nội bộ để tụi tui lo, hổng xía dzô hà.

Tụi tui ký vào hiến chương nhơn quyền LHQ thiệt, nhưng đó là chuyện xưa rích rồi. Đảng tui cho dân tui hưởng cái gì là được cái gì, mấy thứ xa xỉ như dân chủ, nhơn quyền gì đó thì còn khuya. Tụi tui khoái cách cai trị của mấy ngài Trung Quốc à, thằng nào láng cháng đòi hỏi là phạt ngang hết trọi, giống như xén bụi cây kiểng, nhánh nào đua ra là... phựt liền.

- Còn mấy cha củ sâm Cao Ly, mấy cha đòi xây cái biu đinh cao nhất thủ đô Hà Nội, cái đó tui hoan nghênh, nhưng mấy cha phải ráng sao cho kịp để tụi tui kỷ niệm 1.000 năm thủ đô văn hiến, mấy cha mà lề mề làm ăn trớt quớt hổng kịp tiến độ thì tụi tui lấy chi tự hào. Các chú, các bác cựu chiến binh bức xúc lắm rồi đó, sở dĩ các bác cựu chiến binh bày ra cái vụ cá độ là để mấy cha tự ái dồn dập mà xây cho kịp. Mấy cha đừng tưởng bở là các bác già rồi hổng biết, mấy cha có thắng cá độ thì luật sư của tụi tui sẽ phán quyết là vụ cá độ là cờ bạc, trái pháp luật là mấy cha chạy hổng kịp, 100 tỷ chớ bộ giỡn chơi sao. Có ngon thì tui cá độ với mấy cha là làm sao để kỷ niệm 1.000 năm Hà Nội, mấy cha làm cho Hà Nội hết ngập lụt thì làm nè, dám chơi hông? Tui là tui cá luôn 1.000 tỷ.

- Âu Châu là tui gom chung hết mấy nước để nắm, à quên, để nói cho dễ. Bộ mấy người nghĩ tụi tui lạc hậu rồi ăn hiếp, cứ mấy cái ngành lợi ít, công xá nhiều là chuyển qua cho nhơn công tụi tui mần, mấy người hưởng lợi trên đầu trên cổ. Sao hổng chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ bình minh đi. Ba cái công nghệ hoàng hôn hổng nước nào của mấy người thèm làm là xúi dân tui đứng ra mần. Rồi hứng lên là nay áp đặt giá thuế cao, mai hạn chế hạn ngạch gì gì đó. Tụi tui mà ghét rồi là tụi tui bắt chước mấy anh ba tàu, bỏ hóa chất độc dzô sản phẩm, dân mấy người mang giày thì ngứa, bận áo thì nổi mề đay, ăn cá thì nhiễm độc, ăn tôm là ăn toàn thuốc kháng sinh với thuốc tăng trưởng. Keke, khi đó thời mấy người mới hết ra nghị quyết lên án chánh phủ tụi tui, mấy người chỉ lo chữa bệnh cho dân mấy người là đủ mệt xỉu rồi. Keke.

- Nhơn tiện nói luôn mấy cái tổ chức quốc tế gì gì đó, khó đọc thấy tía, nào là WHO, RSF, PEN, Human Rights, Amnesty, Minh Bạch quốc tế… này nọ, hở ra là xách mé chê bai chánh phủ tui. Ba cái tổ chức đó tụi tui hổng coi ra ký lô ram gì ráo, đừng có mà lộn xộn, kể cả giải Nobel, có trao giải Nobel Hòa Bình cho lão Quảng Độ là tụi tui cũng chửi tới bến, chửi tắt bếp luôn. Coi gương mấy tổ chức NGO chuyên từ thiện kìa, họ mang tiền bạc, thuốc men tới bộn, thằng nào biết điều thì tụi tui bán cho một mớ con nít về làm con nuôi, thằng nào láng cháng là đuổi thẳng.

- Mấy cái hãng thông tấn, báo chí nữa, nào là BBC, RFA, DPA, VOA, rồi RFI, AFP, Reuter... Chiện nội bộ tụi tui xía dzô là tụi tui oánh xịt máu đầu, như thằng phóng viên AP dám binh vực Công giáo, dám chụp hình tụi tui tác nghiệp. Coi, TGM Hà Nội đứng đầu cả triệu giáo dân mà thích là tụi tui chửi, tụi tui cảnh cáo cái một. Sắp tới, Đảng tui bố trí cho anh Nông - Tổng bí thơ làm luôn chức Tổng Giám mục cho tiện cai trị luôn.

- Kính thưa các ngài sếnh sáng Trung Quốc vĩ đại. Em là kính phục các ngài lắm lắm, các ngài là mẫu mực để chúng em noi theo, em hổng phê phán chánh phủ, nhơn dân các ngài gì hết. Vụ Hòang Sa, Trường Sa (dạ, tức là Tam Sa) đâu vẫn còn y nguyên đó, hồi xưa 50 năm trước, tể tướng tụi em đã dâng cho các ngài rồi, chúng em cứ thế mà làm thôi. 16 chữ vẫn vàng rực trong tâm khảm tụi em. Dân em có đứa nào hó hé biểu tình chửi bới các ngài là em tém dẹp liền, lão Điếu Cày chúng em bỏ tù, bắt nộp phạt tơi bời, hổng để phiền các đại nhơn ra tay. Thiên triều các ngài mới cử tàu Trịnh Hòa tới Đà Nẵng với hàm ý gì thì chúng em dư hiểu, các ngài cứ yên tâm, mà em cũng chỉ gọi đại nhơn Trịnh Hòa là Zheng He thôi đặng bọn sinh viên hổng biết mà khích động. Nội bộ tụi em có thằng nào ngo ngoe làm thân với Mỹ là tụi em triệt liền, hổng để các ngài mích lòng. Mỏ dầu ở biển Đông, (à quên biển Nam Hải) của các ngài thì các ngài từ từ khui, chia cho tụi em phần nào hay phần đó, ngư dân tụi em hay tàu ngọai bang nào léo hánh tới đó các ngài cứ bắn thả giàn. Tụi em sẽ đều đều triều cống món ngon vật lạ, kể cả gái đẹp dân em cho các ngài thụ hưởng.

Tới đây, cơ bổn là tui đã làm công tác đối ngoại gọn gàng. Nay bố cáo cho toàn đảng, toàn dân, toàn quân rõ là dù thế nào thì thế chúng ta phải luôn tự hào, hổng được phép nhẹ dạ mà nghe kẻ ngọai bang đặng hổ thẹn. Nước nào sỉ nhục ta là nó tự sỉ nhục cha nó, ta cứ hiên ngang giơ hộ chiếu Việt Nam Quang Vinh cho bọn nó ngán. Bác chúng ta đã nói rồi, ta đánh thắng mấy đế quốc là sẽ có thể sánh vai với cường quốc năm châu. Bác rất khiêm tốn nên chỉ nói sánh ngang chứ thiệt ra, ta thừa sức đi tắt, đón đầu, vượt trước để lãnh đạo toàn thế giới luôn. Muôn năm, muôn năm, vạn tuế, vạn tuế Đảng ta.
 
Giáo xứ Yên Đại thắp nến cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình
Thanh Tâm
12:43 24/11/2008
Giáo xứ Yên Đại thắp nến cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình

Thể theo thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, với tinh thần chia sẻ hiệp thông và cầu nguyện vì hoà bình, công lý trên quê hương, cách riêng là sự bình an của Giáo Hội Chúa tại Việt Nam. Đêm thứ bảy, ngày 22 tháng 11 năm 2008, Cộng đoàn Giáo xứ Yên Đại một lần nữa tổ chức buổi thắp nến trọng thể cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình.

Cầu nguyện cách này cách khác là việc làm diễn ra thường xuyên, liên tục. Mỗi Thánh lễ Chúa Nhật cũng như các Thánh lễ thường, trong phần lời nguyện giáo dân, Giáo xứ Yên Đại không lúc nào quên cầu nguyện cách riêng cho Giáo xứ Thái Hà, Toà Khâm Sứ, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, Giáo xứ An Bằng (GP Huế), cộng đoàn tín hữu tại Sơn La thoát khỏi cơn bách hại, luôn kiên vững thực thi Lời Chúa, và xin cho Hoà Bình, Công Lý được thực thi trên quê hương. Kết thúc mỗi Thánh lễ, cả cộng đoàn lại dành thêm giây lát cầu nguyện cách riêng bằng các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh và lời kinh Hoà Bình sốt sắng.

Đêm thứ bảy hằng tuần, tại ngôi Thánh đường nhỏ bé này luôn diễn ra các giờ chầu với tinh thần hiệp thông ấy. Tham dự giờ chầu mỗi tuần là đông đảo thành viên của từng tổ chia sẻ Lời Chúa. Có thể nói, dường như mọi cặp mắt, mọi trái tim, mọi khối óc đều hướng về những nơi mà các Kitô hữu đang còn bị bách hại.

Khi cộng đoàn đã có mặt đông đủ, Cha Đôminicô Phạm Xuân Kế, Quản xứ Yên Đại, điểm qua tình hình tại Hà Nội, Huế, Sơn La trong những ngày qua và tuyên bố lý do của buổi thắp nến Chầu Thánh Thể. Rồi ánh điện vụt tắt, cả cộng đoàn đắm chìm trong ánh nến. Mọi ánh mắt đều hướng lên Cung Thánh, nơi có bàn thờ, Thánh Thể Chúa. Khói hương nghi ngút quyện lẫn với ánh nến lung linh, tạo nên một bầu không khí tĩnh lặng huyền diệu, cần thiết cho những lời cầu nguyện được phát xuất từ đáy lòng. Cả Thánh đường im lặng tuyệt đối khi nghe Lời Chúa và khi câu hát "Thắp sáng lên trong con Tình yêu Chúa" láy đi láy lại thành một điệp khúc, những cánh tay như muốn giơ cao hơn để ngọn nến cháy sáng thêm nữa. Cả cộng đoàn đồng thanh hát vang lời kinh "Hoà Bình" quen thuộc, sau đó lại chìm lắng trong lời kinh nguyện giáo dân sốt sắng.

Buổi thắp nến diễn ra hơn một tiếng đồng hồ, giờ chầu kết thúc lúc 20 giờ. Sẽ vẫn còn tiếp tục những giờ chầu như thế….

Cuộc sống sẽ trở nên tăm tối khi thiếu vắng ánh sáng của sự thật. Cầu nguyện là việc làm cần thiết trong đời sống Đức Tin. Đến Thánh đường với những cây nến trong tay, lòng mỗi giáo dân đều có chung niềm tin yêu cậy trông vào Chúa. Ước gì mỗi người đều có thể sống hết mình, cháy hết mình, đầy nhiệt huyết như ngọn nến kia, lung linh toả sáng trong đêm đen tối, mang lại sự ấm áp cho muôn tấm lòng. Dẫu biết rằng có một lúc nến sẽ cháy hết và sẽ tắt; rải rác đó đây chỉ còn lại những mảnh sáp nến vàng, trắng, đỏ, xanh; nhưng được sống, được cống hiến và được cháy hết mình để đem lại niềm vui, toả lan niềm hy vọng, sẻ chia cùng người khác nỗi đau và dám dấn thân quên mình phục vụ Chúa và tha nhân thì đó mới chính là cuộc sống có ý nghĩa, đáng sống, đáng tự hào.

Mỗi chúng ta hãy là những ngọn nến dù nhỏ bé, không hề yếu ớt, nhưng hết sức diệu kỳ của mình để can đảm làm chứng cho Chúa trước mọi cơn biến động…
 
Người Canada ủng hộ Thái Hà đòi Công lý cho chính Cha Ông của họ
ỦB Yểm Trợ tại Canada
19:44 24/11/2008
MONTREAL - Những người Canada thuộc Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam vừa tung ra một Thiệp Thỉnh Nguyện gởi Thủ Tướng Canada, yêu cầu lên tiếng cho Thái Hà - Hà Nội.

Luật sư Alain Ouellet, một người bạn của người Việt quốc gia. Ông cho biết: “Comité de support à la Démocracie et Liberté Religieuse au Vietnam CP Atwater” tức “Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam” (địa chỉ ở số 151 Atwater, CP 72126, Montreal, Québec H3J-2Z6, Canada) được thành lập hồi tháng 7/2008 tại Montreal, với thành phần nhân sự là:

Ông Guy Sterl và Ông Alain Ouellet
• Alain Ouellet, Luật sư, điều hành

Và sự tham gia tích cực của các vị sau:
• bà Thái Thị Lạc, Dân biểu Liên Bang Canada
• ông Guy Sterl, hoạt động nghiệp đoàn
• bà Daniele Fortin, Bác sĩ
• ông Victor Charbonneau, hoạt động nhân quyền.
• anh Yves Charbonneau, sinh viên
• ông Donald Dupuis, kỹ sư
• và rất nhiều cảm tình viên khác…

Dân biểu Thái Thị Lạc điều trần tại quốc hội Canada (24-10-2007)
Ông Alain Ouellet còn nói thêm: “Năm 1928, đất Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà được Dòng Mẹ Sainte Anne de Beaupré tại Québec - Canada mua và hiến tặng cho giáo dân Việt Nam, với đóng góp của Cha Ông chúng tôi, những người Canada chăm chỉ hiền lành, yêu chuộng hòa bình công lý… Việc nhà cầm quyền Hà Nội cướp đoạt mảnh đất này là một xúc phạm trực tiếp đến tình cảm thiêng liêng của chúng tôi…”

Ông cũng mong mỏi các Cộng Đồng Việt Nam, "với nhiều đức tính cao quý… tiếp tay với Ủy Ban qua việc đông đảo ký Thiệp Thỉnh Nguyện, để Thủ Tướng Stephan Harper phải lên tiếng đòi hỏi Công Lý Thái Hà, không những cho người Việt Nam mà cả người Canada chúng tôi nữa".

Ủy Ban Yểm Trợ Canada hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của các bạn Canada và kêu gọi đồng bào giúp một tay. Ủy Ban cũng thay mặt bà con gởi lời cám ơn đến Ls Alain Ouellet và các đồng sự. Mọi liên lạc xin gửi về:

Alain Ouellet, avocat
CP 72126
MTL, Qc
Canada H3J2Z6
 
Phủ Tổng Thống Đức và Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Đức lên tiếng về việc đàn áp người Công giáo Hà Nội
Nguyễn Ngọc Hùng
20:12 24/11/2008
Phủ Tổng Thống
Trưởng phòng chính trị đối ngoại
Giám đốc Bộ TS Wolf Kischlat


Kính gửi TS Hung Nguyen
Dang Thang Tien Viet Nam
Vietnam Progression Party (VNPP)
Postfach 101722
60017 Frankfurt am Main

Kính thưa ông Tiến sĩ Hung,

Tổng Thống Horst Köhler nhờ tôi cám ơn và trả lời lá thư ông gửi ngày 1 tháng 9 naăm 2008.

Ông đã bày tỏ hành vi bạo động của công an Việt Nam đàn áp người Công Giáo biểu tình tại Hà Nội. Thổng Thống âu lo về tình trạng này. Chính phủ Liên Bang (Đức) cũng lên án biện pháp không thích hợp nặng nề này của lực lượng an ninh Viet Nam đối với người biểu tình.

Tổng Thống theo dõi những cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Cộng Đồng Âu Châu và Việt Nam được ký kết từ năm 2001. Chính phủ Liên Bang tích cực dùng cuộc đối thoại này và các cuộc đối thoại song phương nhằm tác động sự tiến bộ tình trạng nhân quyền (tại Việt Nam). Tổng Thống đã đề cập về tình trạng nhân quyền trong các cuộc nói chuyện tại Việt Nam, việc này ông sẽ tiếp tục thực hiện.

Cuộc đề nghị đối thoại về Quốc Gia pháp trị được thoả thuận bởi cựu Thủ Tướng Schröder năm 2004 qua cuộc thăm viếng của Tổng Thống vào tháng năm 2007 khả quan hơn. Việc thể thức hoá cuộc đối thoại này vào tháng 2 năm 2008 sẽ là một đóng góp cho việc củng cố cơ cấu Quốc Gia Pháp Trị tại Việt Nam.

Tôi tin tưởng rằng, xung đột mà ông trình bày co thể được giải quyết nhanh chóng bởi Quốc Gia Pháp Tri.

Kính chào
(đã Ký tên)



 
Giấy triệu tập bị cáo Thái Hà ra tòa ngày 5.12.2008
VietCatholic
20:18 24/11/2008
 
Tòa xử ''trên Trời !!''
Gioan Nguyễn Thạch Hà
22:02 24/11/2008
TOÀ XỬ “TRÊN TRỜI!!!”

Thông tin Toà án Nhân dân quận Đống Đa sẽ xét xử các bị oan là giáo dân giáo xứ Thái Hà vào ngày 5/12/2008 – ngày phong chức Giám mục cho cha Chu Văn Minh, khiến ai cũng hiểu hậu ý của nhà cầm quyền muốn giảm bớt áp lực, giảm sự xăm soi của công luận.

Tuy nhiên, thông tin ấy không “choáng” bằng thông tin Toà án Nhân dân quận Đống Đa sẽ chọn Hội trường tầng 4, UBND phường Ô Chợ Dừa, số 55 phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa làm địa điểm xét xử.

Nhà cầm quyền chắc nghĩ rằng xử các giáo dân vào ngày lễ phong chức giám mục, thì các linh mục và giáo dân sẽ không thể tới được. Nghĩ như thế là nhầm. Nếu phải chọn lựa giữa lễ phong chức và vụ xử oan khiên các giáo dân mà họ là người đồng trách nhiệm, thì chắc chắn các linh mục và giáo dân sẽ ở nhà để dự khán phiên toà, bởi vì đây là vụ xét xử công khai.

Việc nhà cầm quyền quyết định chọn ngày lễ phong chức Giám mục và chọn “một nơi trên trời” làm địa điểm xét xử chứng tỏ không có sự minh bạch trong vụ án oan khiên này. Nếu ai đã đọc bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Quận Đống Đa luận tội các giáo dân Thái Hà, thì sẽ thấy đây không phải là một bản cáo trạng. Toàn bộ nội dung bản cáo trạng chỉ là một bản thanh minh cho những hành xử thiếu công minh, trắng trợn vi phạm pháp luật của nhà cầm quyền. Tất cả những luận cứ dùng để khép tội giáo dân đều thiếu cơ sở pháp lý.

Nhiều người nhận định, nhà cầm quyền quyết tâm đưa vụ việc này ra xét xử, mục đích là để “rửa mặt”, bởi sau vụ việc Thái Hà khuôn mặt của nhà cầm quyền đã “méo mó quá thể”.

Người khác thì lại cho rằng việc nhà cầm quyền nhanh chóng đưa vụ việc ra xét xử - nhanh như làm hai công viên, là muốn giải quyết dứt điểm cho xong vụ Thái Hà, bởi để càng lâu thì dư âm vụ Thái Hà càng lan rộng. Bao lâu vụ Thái Hà chưa xử thì bấy lâu Thái Hà còn nóng.

Dù vụ án oan các giáo dân giáo xứ Thái Hà được đưa ra xét xử nhắm mục đích gì, thì không những không rửa được mặt chính quyền mà chắc một điều nó sẽ làm cho khuôn mặt đó nhọ thêm. Chính quyền qua vụ này có thể kết án tù một số giáo dân, nhưng không thể cầm tù công lý và sự thật. Những giáo dân bị oan - điều này là chắc chắn, sẽ có dịp làm chứng cho công lý và sự thật. Đây là hạnh phúc của họ. Nhà cầm quyền sẽ chẳng răn đe được ai khi kết án họ. Trái lại, vụ án oan này có thể làm cho Việt Nam mất thêm điểm trước con mắt cộng đồng quốc tế, giống như ông chủ tịch Thảo đã từng làm khi ngu ngơ kết án Đức Tổng Giám mục Hà Nội trước các vị đại sứ quán các nước.

Không biết nhà cầm quyền Việt Nam muốn gì khi đưa vụ án “lên trời xét xử”, chỉ biết rằng dù kết quả vụ án thế nào thì một lần nữa công lý đang bị nhạo báng; chân lý đang bị chà đạp.

Trời thì không dung cho kẻ gian và sẽ chẳng hàm oan cho những người vô tội.

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2008
 
Qua những sự kiện nóng bỏng của đât nước, thử nhìn lại vai trò của người cầm bút
Nguyễn Đức Cung
22:41 24/11/2008
QUA NHỮNG SỰ KIỆN NÓNG BỎNG CỦA ĐẤT NƯỚC,
THỬ NHÌN LẠI VAI TRÒ CỦA GIỚI CẦM BÚT


Trong cuộc đấu tranh chống lại sự gian trá đang cấu kết mật thiết với bạo lực, nhất là khi sự gian trá được sử dụng như là nguyên tắc hành động ném đá dấu tay của chính quyền điển hình là qua việc sử dụng bọn du đảng, nghiện ngập kéo tới phá đền Thánh Giêrađô, Dòng Chúa Cứu Thế, Hà Nội vào đêm 15.11.2008 vừa qua, và bạo lực được xem là phương tiện hữu hiệu tiếp ứng cho sự gian trá của nhà cầm quyền. Trong thời đại được mệnh danh là thời đại của ngành truyền thông, tin học không thể thiếu bóng những người công chính làm công tác văn học nghệ thuật, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo lựa chọn lập trường bênh vực sự thật, đứng về phía quần chúng nhân dân chống lại bạo lực. Dĩ nhiên cũng không thiếu chi những cây bút bán đứng lương tâm, tự nguyện làm nô lệ cho bọn chủ nhân Mafia đỏ trên đất nước hôm nay chỉ vì miếng cơm manh áo, chút danh lợi nhỏ bé, hão huyền.

Do thực trạng của xã hội Việt Nam cũng cần thiết phải hiểu được thế nào là sức mạnh của ngòi bút và sứ mệnh của người cầm bút trên mặt trận chống gian trá để chiến thắng được nó thể hiện qua các biến cố liên hệ tới vụ đất đai Tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái hà thuộc Tổng giáo phận Hà Nội trong thời gian vừa qua.

1.- Tản mạn về chức năng và sức mạnh của ngòi bút.

Tự ngàn xưa, người dân quê Việt Nam đã biết định lượng giá trị của kẻ sĩ hay người trí thức, kẻ có học qua câu ca dao sau đây được truyền tụng trong lòng xã hội cổ truyền Việt Nam:

Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ
.”

Cái bút, cái nghiên của anh đồ tuy là những thứ vật dụng nhỏ bé, hiện tại không như ruộng cả ao liền của tên trọc phú dốt nát ở thôn quê nhưng nó có sức mạnh thần kỳ, có thể mua được các thứ kia, và làm nên nhiều việc lớn khác. Vì thế anh đồ nho mới trở nên thần tượng đối với người con gái lớn lên sau lũy tre làng. Bút nghiên tượng trưng cho người có học, môn đệ bậc thánh hiền thì dầu sao cũng là người đạo đức, biết cư xử theo đạo nhân luân, biết phân biệt điều phải trái trong cuộc sống, bênh vực kẻ yếu đuối, khuông phò chính nghĩa, không xu phụ với bạo quyền, bạo lực, nhạy cảm trước nhu cầu của thời cuộc. Có những nhà nho cam chịu cảnh nghèo nàn không chạy theo miếng ăn, quyền lợi, danh vọng, chức quyền của triều đình, nhất là những triều đình bạo chúa nên xã hội gọi họ là hàn nho. Bút nghiên cũng là biểu tượng cho hạng người lao động bằng trí óc đối lập với hạng người lao động bằng tay chân (vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu).

Trong xã hội quân chủ ngày trước, nơi chốn triều đình thỉnh thoảng cũng có sự kèn cựa, tranh chấp giữa hàng quan văn với quan võ mà ca dao Việt Nam ghi lại một vài câu đại loại như:

Trâu buộc thì ghét trâu ăn,
Quan võ thì ghét quan văn dài quần
.

Quan văn tứ phẩm đã sang
Quan võ nhất phẩm còn mang gươm hầu.


Sau chiến tranh, ở nước ta ngày nay xuất hiện những câu ca dao thời đại nói về sự thất sủng của những người cựu chiến binh quân đội nhân dân nghe đến não lòng:

Đầu đường đại tá vá xe,
Cuối đường trung tá bán chè đậu đen
.

Tất cả những nỗi đau thương của lớp người cầm súng có công trong chiến tranh, nay trở thành những kẻ bị hất ra ngoài lề xã hội và phải cay đắng ngậm hờn với cuộc sống hằng ngày, đã được minh họa rất thần tình trong phim Chuyện tử tế của nhà đạo diễn tài ba Trần Văn Thủy.

Ngày xưa ở Trung Quốc, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, Thương Ưởng hay Vệ Ưởng là một pháp gia được sử dụng làm tướng quốc, đã khuyên vua Tần áp dụng những đòn phép rất mạnh đánh vào giai cấp quí tộc để dứt bớt quyền của họ và tạo ra giai cấp mới là giai cấp quân nhân: ai chém được nhiều đầu giặc thì được lên chức cao.[1] Tuy nhiên trong các triều đại về sau, hàng ngũ nho sĩ tức những kẻ có học vẫn là người ngoi lên và tranh lấy quyền lãnh đạo xã hội.

Ngày nay, khi cuộc sống của xã hội mỗi lúc một phát triển với tầm mở mang tri thức của con người, ngôn ngữ và chữ viết trở thành phương tiện giao lưu cần thiết của vùng đất này với địa phương khác, ngòi bút đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Nhiều tác phẩm văn chương, khoa học đã có khả năng làm đổi thay bộ mặt thế giới. Nhu cầu thông tin đã phát sinh mãnh liệt khi con người ở một xứ này muốn biết tin tức của xứ khác và khi các nước trên thế giới đã xích lại gần nhau, tương trợ nhau trong cuộc sống đời thường. Việc sáng chế ra giấy được cho là của Thái Luân hay Sái Luân ở Trung Quốc trong năm 105 sau Kỷ Nguyên và việc chế ra được máy in của Gutenberg ở Đức trong năm 1440 đã thay đổi trình độ giáo dục, học thuật và văn minh của thế giới.

Căn cứ theo một số tài liệu và truyền thuyết, trong thời nhà Hán, một viên quan tên Thái Luân vào năm 105 thời Hòa đế đã có sáng kiến chế ra giấy để dùng vào việc chế tác trong hoàng cung. Hậu Hán Thư của Phạm Việp có viết: “Từ thời cổ đại, sách và tài liệu phần lớn được chép trên thẻ tre, rồi sau đó chép trên lụa, gọi là chỉ. Lục thì đắt tiền, thẻ tre thì nặng, cả hai đều không thuận tiện. Bấy giờ Sái Luân bèn có ý định dùng vỏ cây, sợi gai, vải cũ và lưới đánh cá để làm giấy. Năm Nguyên Hưng thứ nhất, ông trình với Hoàng đế và được chấp thuận. Từ đấy, giấy bắt đầu được dùng khắp nơi và vì vậy mà trong toàn cõi đế chế, người ta gọi nó là giấy Sái Hầu.” [2]

Nhưng một nhà nghiên cứu khác, ông Jean Pierre Drège, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã cho rằng giấy là do người Việt Nam phát minh ra. Jean Pierre Drège dẫn ra một giai thoại được kể trong sách Nam phương Thảo Mộc Trạng của Kê Hàm, soạn năm 304:

Mật hương chỉ làm bằng vỏ và lá của cây có mùi mật. Giấy màu nâu. Nó có những vân hình trứng cá. Giấy rất thơm, bền và mềm. Khi thấm mực, nó không bị mủn. Năm Thái Khang thứ 5 (đời Tấn, năm 284) sứ bộ La Mã dâng đến 30.000 tờ. Hoàng đế ban cho Đỗ Dự là Bình Nam tướng quân và Đan Dương hầu 10.000 tờ để viết Xuân thu thích lệ và Kinh truyện tập giải dâng lên vua. Nhưng Dỗ Dự chết trước khi giấy được gởi đến. Theo chỉ dụ, giấy đó được ban cho gia đình.”lễ vật của sứ bộ và nhà buôn La Mã đem đến không phải xuất xứ từ đế quốc La Mã mà đến từ bán đảo Đông Dương (Hậu Hán Thư nói rõ, phái bộ đến từ Nhật Nam, tức là Việt Nam khi bị nhà Hán chiếm và chia tách thành Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam). Vậy giấy mật hương làm bằng cái gì ? Rõ ràng tên gọi cây hương mật đó là để chỉ cây Aquilaire Agalloche (tên tiếng Pháp), mà người ta vẫn thường sử dụng cả vỏ cây. Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (1518-1593) gọi cây này là cây Trầm Hương, được biết nó có mọc ở Việt Nam và Ấn Độ.” [3]

Việc sứ bộ La Mã dâng cống vật lên hoàng đế Trung Hoa 30,000 tờ giấy phải chăng là một sáng kiến bất chợt khi đoàn tàu này ghé lại Nhật Nam? Cống vật là một số lượng lớn giấy và là loại tốt, như vậy phải chăng lúc bấy giờ Trung Hoa không có giấy tốt mà chỉ ở Nhật Nam mới có?

Theo Âu Đại Nhiệm trong sách Bách Việt Tiên Hiền Chí, thì Thái Luân là người ở Quý Dương (Guiyang) thuộc đất Bách Việt, nằm phía nam sông Dương Tử, là người đầu tiên làm ra giấy. Thái Luân là người Bách Việt, sinh ra trên đất Bách Việt, làm quan trong triều của nhà Hán. Và công trình phát minh ra giấy của ông bị người Tầu nhận là do người Tầu làm ra. [4]

Việc phát minh ra máy in ở Đức của Gutenberg vào thế kỷ 15 cùng với việc sử dụng la bàn, thuốc súng được xem là những sức bật kỳ vĩ đẩy nhân loại phóng những bước chân khổng lồ trong lãnh vực văn minh, giáo dục. Sách vở, tư liệu là kho tàng khôn ngoan và văn minh của loài người đi cùng với sự phát minh, chế tác ra nhiều hình thức ghi chép lại ngôn ngữ, tư tưởng của nhân loại đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới và bản đồ của nhiều quốc gia.

Đinh Gia Trinh trong tác phẩm Hoài vọng của lý trí cho biết khả năng đa diện của văn chương bằng nhận xét: “Văn chương không những diễn tình cảm mà còn gieo rắc ý tưởng nữa. Văn chương diễn ý (litérature d’idées) có thể ảnh hưởng đến đời sống của người ta rất sâu xa. Những tư tưởng của Khổng - Mạnh ở Á Đông đã chi phối đời sống của bao nhiêu thế hệ. Những tác phẩm của Montesquieu, của Rousseau đã ảnh hưởng sâu xa tới dân trí ở thế kỷ thứ 18 bên Pháp và dọn đường cho cuộc Cách mệnh năm 1789.” [5] Ngày nay, sống trong thời đại tự do, dân chủ, người ta không thể không nhớ đến công lao của những nhà văn, nhà báo, tư tưởng gia trên thế giới đã đóng góp trí óc để hình thành các hệ thống tư tưởng về tự do, dân chủ cho nhân loại như Thomas Hobbes, John Locke, Montesquieu, Jean Jacques Rousseau, Voltaire và biết bao danh nhân, trí thức khác trên thế giới qua bao thời đại.

2.- Về một trường hợp gian trá điển hình của ngòi bút tuyên huấn tại Việt Nam.

Nói về ảnh hưởng của sách vở tác động trên tinh thần của người dân trong một nước thiết tưởng không gì hơn là nhắc lại một cuốn sách do ông Hồ Chí Minh viết để ca tụng ông, (và tạo sức đẩy để người khác cũng ca tụng ông luôn) một việc làm thật ra không phải là sáng kiến của ông nhưng do ông bắt chước Staline, bậc thầy mà ông Hồ rất mực kính tôn, đó là cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, tên tác giả mà ông Hồ dùng là Trần Dân Tiên.

Trong cuộc chiến tranh Việt-Minh - Pháp (1945-1954), cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch do in năm 1949 (tái bản hàng chục lần), một tác phẩm được tác giả giới thiệu như một “tiểu sử trung thành, đúng đắn, sinh động, không thêu dệt, không bày đặt” vẽ vời một số hoạt động cách mạng của chính HCM mà nhà nghiên cứu văn học Lữ Phương từng nghĩ là rất tiêu biểu cho nền “văn chương tuyên huấn cách mạng” [6] nhằm thần thánh hóa con người HCM và áp đặt một số hành động bất xứng lên toàn thể dân tộc.

Thử theo dõi một số phân tích sau đây của Lữ Phương để thấy được tính cách dối trá của Hồ Chí Minh qua ngòi bút Trần Dân Tiên, cũng như qua đó thấy được tác động và ảnh hưởng ghê gớm của một tư liệu tuyên truyền phản ánh sức mạnh của ngòi bút.

Trước hết về sự kiện khi còn là người thiếu niên mười lăm tuổi, Hồ Chí Minh “đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan bội Châu nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của người nào."

Lữ Phương cho rằng không có bằng cớ xác nhận ông Hồ đã làm như vậy. Tất cả những tác giả, dù theo khuynh hướng nào, viết về Hồ Chí Minh sau này chẳng ai nhắc lại để sử dụng cả. Sự kiện đó được liệt vào lĩnh vực hư cấu thuần túy. Bà Phan Thị Minh, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh cho rằng trình độ của Hồ Chí Minh lúc bấy giờ còn rất hạn hẹp, biết gì để nói rằng không hoàn toàn tán thành cách làm của cụ Phan.

Cụ Phan Bội Châu muốn đưa Anh và một số thanh niên sang Nhật. Nhưng Anh không đi”. Lữ Phương cho rằng điều đó không đúng!

Trong cuốn hồi ký Năm mươi bốn năm hải ngoại của Trần Trọng Khắc (tức Nguyễn Thức Canh) có đoạn: “Tôi cùng cụ Sào Nam ở chung trong một thuyền. Chín mười ngày sau, lúc các đồng chí đã đến họp, bàn bạc xong, cụ lên đường ra Bắc, tôi cùng Ngư Hải tiên sinh đi cáo biệt với cách mạng các đồng chí và tìm thanh niên xuất dương du học. Cụ Phó bảng Thái Sơn đương thời có tặng tôi một bài thơ xuất ngơn tuyệt cú để làm quà tiễn biệt. Chúng tôi trước tới nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc rủ anh Nguyễn Sinh Cung đồng đi, nhưng anh Cung đã đi ra Bắc không được gặp.” [7]

Đại để còn rất nhiều điều bịp, sai lạc, man trá khác mà Lữ Phương đã đưa ra. Không những tác giả trong nước đã góp tay lật mặt nạ Hồ Chí Minh, các tác giả ngoại quốc như Douglas Pike và Halberstam đã nhìn nhận: “Hồ luôn luôn chứng tỏ là kẻ đại tài về xảo trá và tàn bạo.” [8]

Sau đây, một tác giả khác ở hải ngoại, Minh Võ trong cuốn Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp, có viết: “Bùi Tín từng nghĩ Hồ Chí Minh tự nhận là cha già dân tộc và xưng Bác với đồng bào trong đó có cả cụ già 70, 80 tuổi là không ổn... và cho là mỉa mai đến buồn cười khi Hồ Chí Minh ký tên khác để viết về bản thân mình, tự khen mình là vĩ đại hơn Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, tự nói về mình rằng: “Bác Hồ rất khiêm tốn, Người không bao giờ muốn nói đến bản thân...” [9]

Rất nhiều người trong nước đã bị đánh lừa về “đức tính khiêm tốn” của Bác qua cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch từ hơn nửa thế kỷ nay.

Sau đây, xin nhìn lại hình ảnh của Hồ Chí Minh do Hồ Chí Minh giới thiệu trước công chúng: “Nhân dân Việt Nam muôn người như một, nghe theo lời Hồ Chủ Tịch, vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ Tịch, họ hoàn toàn kính yêu Hồ Chgủ Tịch. Không có gì so sánh được với lòng dân Việt Nam kính mến tin tưởng lãnh tụ Hồ Chí Minh... Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng yêu nước, yêu nhân dân... Hơn bốn mươi năm nay, Hồ Chủ Tịch chỉ đeo đuổi một mục đích giải phóng Tổ Quốc và đồng bào... Chủ Tịch đã từng chịu đựng khổ sở vất vả không thể tưởng tượng được suốt trong thời kỳ hoạt động bí mật... Nhưng Chủ Tịch dũng cảm và kiên quyết vượt qua mọi khó khăn.” [10]

Xin hỏi đâu là những “chịu đựng vất vả không thể tưởng tượng được suốt trong thời kỳ hoạt động bí mật” của Hồ Chí Minh? Tiền bạc thiếu thốn ư? Phụ nữ các loại như gái Pháp, gái Nga Sô, gái Trung Hoa, gái Việt, gái Nùng thiếu ư? HCM hoàn toàn được cung cấp những nhu cầu đó trong thời gian hoạt động trong bóng tối.

Về tiền bạc, trong bài Cái đúng và cái giả dối về chuyện Hồ Chí Minh, đăng trong sách Hồ Chí Minh, Sự thật về Thân thế & Sự nghiệp (Nhà xuất bản Nam Á [Sudasie], Paris, 1990, tác giả Tôn Thất thiện cho biết trong chuyến đi từ Pháp qua Mạc Tư Khoa năm 1923, Hồ Chí Minh “đã nhận của đảng Cộng Sản Pháp 1000 quan để chi phí. Vào thời đó là một số tiền lớn (sinh viên có thể sống trong năm tháng. Ở Đức nó lại càng trở nên lớn hơn vì lạm phát nhảy vọt hoành hành nước này.” [11]

Dĩ nhiên, không kể số tiền Hồ Chí Minh cùng với Lâm Đức Thụ bán cụ Phan Bội Châu cho mật thám Pháp năm 1925 lấy được 150.000 quan Pháp, sau năm 1930, hàng tháng Hồ Chí Minh nhận được tài trợ của Cộng Sản Quốc Tế.

Trong tác phẩm Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, nhà sử học Tưởng Vĩnh Kính cho biết: “Rồi đến tháng 10 năm ấy (1930) trong đại hội đại biểu kỳ I được cử hành tại hương Cảng, tên đảng lại được đổi thành Đảng Cộng Sản Đông Dương. Cơ sở tổng bộ được dời về quốc nội. Bí thư đầu tiên của đảng là Trần Phú (bí danh là Lí Quí), người đã từng được huấn luyện ở Nga. Tháng 4, 1931, Trần Phú bị nhà đương cuộc Pháp-Việt bắt tại Sài Gòn, và đã chết trong tù. Lúc này, đảng ấy mới chính thức được gia nhập Cộng Sản Quốc tế, mỗi tháng nhận được 5.000 quan Pháp (tương đương 1.250 Mĩ kim) tiền trợ cấp.” [12]

Về gái, làm sao Hồ Chí Minh thiếu được trong suốt cuộc đời của ông từ khi sang Pháp năm 1911, qua Nga năm 1924, qua Tàu năm 1925, ở Pác Bó năm 1940, ở Bắc Bộ Phủ năm 1956 v.v... với trên chục người đàn bà từng là vợ của ông ta mà các tư liệu của giới nghiên cứu sử học ngày nay đã cung cấp khá đầy đủ tên tuổi, kể cả những việc Hồ Chí Minh cướp vợ của Lê Hồng Phong là Nguyễn Thị Minh Khai rồi âm mưu chỉ điểm Phong cho mật thám Pháp bắt giết sau đó.
Trong khi các nhà cách mạng VN khác như Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ v.v... lưu lạc sang Trung Hoa đã phải vất vả thường xuyên vật loan với cuộc sống, gia đình con cái nheo nhóc, đói khổ triền miên, tiền bạc túng thiếu thì Hồ Chí Minh không phải bận tâm về tiền bạc, và phụ nữ vì về các khoản này đã có Cộng Sản Quốc Tế lo liệu cho.

Cuốn sách của Trần Dân Tiên (tức Hồ Chí Minh) còn viết: “Chủ Tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân. Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do tính cương trực và lòng trong sạch của Người. Thái độ của Người ngay thẳng... Vì Bác Hồ mà những người lao động trong nhà máy và trên đồng ruộng tăng thêm năng suất. Đối với nhi đồng, tên bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn... Nhân dân gọi Chủ Tịch là Cha Già của Dân Tộc...” [13]

Tác giả Kiều Phong trong cuốn Chân dung Bác Hồ đã chua chát nhận xét rằng: “Hãy bỏ qua những câu chuyện dại dột, lố bịch.. . chỉ cần nhìn lại chính cái giây phút Bác ngồi nắn nót viết câu đó là thấy Bác man trá chừng nào. Đất nước còn nghèo, nhân dân còn đói, chiến tranh còn khốc liệt... con người “chỉ nghĩ đến nhân dân” ấy lại tranh nghề của bọn văn nô, bỏ hết thời giờ tâm trí vào việc ngồi viết văn tự tâng bốc. Vào lúc người dân Việty đang thi đua gục ngã ở chiến trường theo sự hướng dẫn của Chủ Tịch thì vị “cha già dân tộc” cứ say sưa bận roan với sự nghiệp tự nâng bi. Có ông Cha già nào trên đời lại nhố nhăng, vị kỷ và bất nhân đến thế.” [14]

Chính cuốn sách bịp bợm đó, chính tư liệu gian trá đó đã góp phần không ít cho biết bao nhiêu người và nhiều thế hệ bị quyến rũ, mê hoặc, bị lừa bịp vì nội dung áp đặt đầy cường điệu của nó, đã nhắm mắt đi theo CS từ năm 1945 cho đến hôm nay.

Trong những năm cuối thế kỷ 20, một cuộc cách mạng về tin học đã bùng nổ với việc phát minh ra máy điện toán (computer) đã làm đổi mới các phương tiện thông tin, ảnh hưởng rất nhiều đến các nghiệp vụ khác như báo chí, biên tập, phim ảnh, truyền thông, nhất là viết sách v.v... Một cuộc cách mạng mang tính toàn cầu trong lãnh vực truyền thông báo chí đã làm cho nhân loại đã gần gũi lại càng gần gũi nhau hơn, có thể nói chỉ trong khoảnh khắc và gang tấc.

Chính vì những tiến bộ thông tin nhanh chóng và rộng khắp đó mà sức mạnh của giới cầm bút ngày nay đã tăng lên gấp bội. Trước đây báo chí được coi là đệ tứ quyền thì ngày nay có nhiều nhận định cho rằng truyền thông báo chí chính là những cái khuôn nhào nặn nên chính quyền, lèo lái hướng dẫn chính quyền đi theo hướng của họ, thậm chí đôi khi còn là yếu tố làm sụp đổ hay hủy diệt cả một chế độ mà nền Đệ I Cộng Hòa dưới thời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một ví dụ cụ thể. Những phóng viên, ký giả của Hoa Kỳ trước đây, trong những năm của thập niên 60 thuộc thế kỷ 20 như David Halberstam, Neil Sheenan... đã không vì thành kiến đối với chế độ của Cố TT Ngô Đình Diệm, vâng lời bọn chủ vừa ngây thơ, vừa dốt nát không biết một chút gì về Cộng Sản như Averall Harriman... trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thời TT Kennedy mà đang tâm cấu kết với bọn tướng lãnh tham tiền, tham quyền như Trần Văn Đôn, Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu và nhóm CS xâm nhập trong hàng ngũ Phật Giáo thì chế độ Đệ I Cộng Hòa làm sao có thể sụp đổ được? Bức hình chụp HT Quảng Đức tự thiêu do chính sự bài trí của ký giả Hoa Kỳ.. . cũng như bức hình chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên VC Hai Lém trong dịp Tết Mậu Thân 1968 có tác dụng giết chết cả một thể chế tự do dân chủ Miền Nam Việt Nam. Bởi vậy người ta có thể ngậm ngùi chia xẻ với nhau về ý nghĩa câu nói: “Ngòi bút còn mạnh hơn cả lưỡi gươm” (Pen is mightier than sword). Mao Trạch Đông cũng đã từng nhận xét: “Một ngòi bút trung thực có sức mạnh bằng cả một trung đoàn”.

Trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vừa qua, chính báo chí, các hệ thống truyền thanh, truyền hình đã đóng một vai trò rất tích cực trong việc đưa Barack Obama lên ngôi vị Tổng Thống thứ 44 ở đất nước có vị trí đệ nhất siêu cường này.

3.- Báo chí Việt Nam hiện tại, một điển hình nô bộc trong chế độ độc tài đảng trị.

Dưới chế độ Cộng Sản, không có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, không có tự do báo chí, và nếu có tự do viết lách thì đó cũng là thứ tự do “đi theo lề bên phải” đã được nhà nước Cộng Sản tuyên bố rõ ràng gần đây. Ngày nay nhà nước Cộng Sản đã biến giới truyền thông báo chí thành một bọn tay sai đánh đấm theo lệnh chủ, ăn cơm chúa múa tối ngày. Báo chí truyền hình của chế độ CS chỉ là một thằng mõ hay một tên đạc phu nơi chốn làng xã thôn quê Việt Nam ngày xưa không hơn không kém. Vậy chân dung của thằng mõ hay đạc phu như thế nào mà báo chí của chế độ CS được chúng tôi so sánh như thế?

Trong cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Đào Duy Anh cho biết: “Khi có việc làng thì lý trưởng và hương chức sai người mõ làng, thường gọi là thằng mõ (vì người ta cho chức mõ làng là vi tiện) đi khắp làng để đánh mõ mời làng ra họp ở đình. Người mõ làng được ít sào ruộng công, và đến mùa gặt thì những nhà giàu có trong làng cho anh ta một vài bó lúa.” [15]

Phan kế Bính trong tác phẩm Việt Nam Phong Tục đã vẽ lại chân dung, vai trò và quyền lợi của một tên mõ làng một cách rõ ràng, sâu cay hơn: “Dưới bọn tuần đinh, làng nào cũng có một người làm nô lệ chung cho cả hàng xã gọi là đạc phu (thằng mõ). Khi nào trong làng có việc gì thì tên đạc phu phải đi mời mọc cả làng ra đình hội họp. Hoặc có việc gì lý dịch báo cáo cho làng biết thì đạc phu gõ mõ đi rao suốt các ngõ. Nhà tư gia ai có việc hiếu hĩ hoặc có việc giỗ kỵ muốn mời làng thì cũng sai đạc phu đi mời. Đạc phu chỉ trông cậy về những khi giỗ tết của các tư gia và những khi dân làng tế lễ ăn uống, đem nghề hầu hạ điếu đóm mà kiếm ăn. Đạc phu đã thấy nhà ai có việc mà vào thì dẫu nhà nghèo cũng phải để cho nó một cỗ. Cỗ của nó gọi là cỗ tiếp dư, nghĩa là những món thừa thãi mới cho nó. Đạc phu là kẻ đê tiện hơn hết các loài người, chỉ những kẻ khốn khó mới đi nơi xa khuất chịu làm nghề ấy mà thôi. Mà ai đã nhỡ phải bước ấy thì con cháu về sau, muốn làm nghề gì mặc lòng, cũng không rửa được tiếng xấu.” [16]

Qua hai tư liệu được trích dẫn, chúng ta thấy được vai trò thấp kém của người đạc phu hay “thằng mõ” trong xã hội phong kiến của Việt Nam ngày trước, sống trong sự bố thí của kẻ khác, mặc dù xét về công lao trong chốn làng nước, thằng mõ cũng có chút đóng góp cho việc chung không phải là ít. Thằng mõ chỉ là người giữ công tác truyền thông, tống đạt các lệnh truyền đến mọi người của giới chức cao cấp mà không có một chút quyền hành nào cả.

Tuy thế, trong một bài thơ mang tính khẩu khí “đế vương”, vua Lê Thánh Tông đã cố sức tạo ra hình ảnh một thằng mõ với biểu tượng quyền uy độc đáo hiện diện khắp thiên hạ.

Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi.
Mộc đạc vang lừng trong tám cõi,
Uy phong chấn động bốn phương trời.
Khắp nơi thảy thảy đều nghe lệnh,
Làng nước ai ai cũng cứ lời.
... . . . . . . . . . . . . . .
Một mình một cỗ thảnh thơi ngồi.


Bài thơ nôm khẩu khí của vua Lê Thánh Tông, dù được truyền tụng lâu đời, được sáng tác với dụng ý khoác cho thằng mõ một vai trò quan trọng, có chân mạng đế vương, tuy được đưa vào văn học sử VN nhưng không thay đổi được vai trò làm cái công việc truyền thông của thằng mõ và nhất là không đổi thay được cách nhìn của mọi người về thằng mõ.

Ngày nay, thế giới tiến bộ rất nhiều nhất là trong ngành truyền thông báo chí nhờ người làm báo được huấn luyện cao về kỹ thuật nghiệp vụ và lương tâm chức nghiệp. Các giải thưởng mang tính cách quốc gia và quốc tế (như Pulitzer ở Hoa Kỳ) được ban thưởng cho các nhà báo xuất sắc. Nhìn vào giới truyền thông tại Việt Nam, nếu người làm báo không biết tự nâng cao phẩm chất nghề nghiệp và lương tâm của mình, cụ thể như tờ báo Hà Nội Mới hay Sài Gòn Giải Phóng hoặc An Ninh Thủ Đô chẳng hạn, thì nhà báo Việt Nam (trừ một số ít có lương tâm như hai nhà báo vừa bị đưa ra tòa là Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải) cũng chỉ là những thằng mõ của nhà nước CS Việt Nam mà thôi. Nhà nước CS bảo rao gì thì rao nấy, bảo đánh ai thì nhắm mắt đánh tới chẳng cần dùng lương tâm chức nghiệp và lương tâm con người để phân biệt phải trái, đúng sai, chẳng những tuyệt đối tuân lệnh mà thậm chí có những thằng mõ còn muốn tâng công với chủ, “cầm đèn chạy trước ô-tô”... bảo hoàng hơn vua nữa! Bởi lẽ nếu không như vậy thì trong những cuộc đình đám do nhà nước ban phát ơn mưa móc làm sao bọn thằng mõ này có thể “ Một mình, một cỗ thảnh thơi ngồi!” được? Thông qua sự việc báo chí, đài phát thanh, truyền hình của nhà nước CS đã thực hiện âm mưu của Bộ Chính Trị Cộng đảng VN cắt xén lời nói của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt trước Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội ngày 21-9-2008 rồi xúm nhau vào xuyên tạc một cách trơ trẽn lời nói của ngài, đến nay thì mọi người dân trong nước và đồng bào Việt Nam ở hải ngoại đã thấy rõ việc làm hèn hạ của những kẻ cầm quyền trong nước.

Sau những ngày diễn ra trận Đại Hồng Thủy ở Hà Nội đầu tháng 11-2008, Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Hà nội Phạm Quang Nghị đã chửi mắng dân chúng Hà Nội qua hệ thống VietnamNet rằng: “Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm.” [17]

Riêng bản tin tiếng Anh của DPA viết rằng khi Phạm Quang Nghị đi thăm cảnh lụt, Nghị đã tuyên bố: “Tôi thấy rằng, không giống các cụ ta ngày xưa, đồng bào ngày nay chỉ trông chờ chính phủ. Họ chờ đợi chính phủ trợ cấp thứ này, thứ nọ, mà không biết cố gắng tự cứu mình.” [18]

Trong dư luận bất bình của đồng bào trong và ngoài nước, người ta đọc thấy lời tuyên bố của Luật sư Cự Huy Hà Vũ, có văn phòng đặt tại Hà Nội: “Những lời lẽ của Nghị là vô trách nhiệm, chứng tỏ một trình độ thiếu ý thức chính trị. Với tư cách là một người lãnh đạo cao cấp của thành phố, Nghị phải tận lực lo cho đồng bào mới phải.” [19]

Nghe những lời chửi bới của một đấng “cha mẹ dân” phản ánh một trình độ thiếu giáo dục như vậy, cả nước phẫn nộ, người người bất bình. Ký giả Vương Hà của VietnamNet đã vội ra tay đóng vai “Lê Lai cứu chúa”, dàn dựng một cuộc phỏng vấn để chạy tội cho Nghị đồng thời y cũng chữa lỗi như sau: “Được ông thổ lộ từ đáy lòng mình những lời như thế, cánh nhà báo chúng tôi cũng cảm thấy có phần thiếu sót. Cũng chỉ vì muốn thông tin nhanh đến bạn đọc nên phóng viên đã phỏng vấn qua điện thoại giữa lúc ông đang có mặt tại nơi úng ngập nặng và phải chỉ đạo nhiều việc tại hiện trường.” [20]

Ô hô! Thương thay cho cái gọi là nền báo chí truyền thông của xã hội xã hội chủ nghĩa và thân phận thằng mõ của giới truyền thông ăn lương nhà nước tại Việt Nam ngày nay luôn luôn phải bẩm báo và dọ trước ý chủ!

Trong cuộc phỏng vấn một nhà văn Việt Nam nổi tiếng ở hải ngoại, ông Viên Linh (California, Hoa Kỳ) do Phan Hạo Nhiên thực hiện, khi được hỏi rằng chiến tranh chấm dứt đã ba mươi năm, nhưng khó có thể nói rằng người Việt chúng ta đã được sống trong hạnh phúc trọn vẹn, ông nghĩ gì về vai trò của nhà văn hiện nay, Viên Linh đã trả lời rằng: “Nhà văn thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, nên sống độc lập với nhà nước. Ăn lương nhà nước để viết văn là nhà văn trở thành công-văn-nhân, thành cán bộ, công chức, kẻ thừa hành và phục tùng. Nhà văn là kẻ sĩ, hiểu theo nghĩa nhà văn là người phải có thái độ trung thực trước các vấn đề xã hội, chống sự phi-nhân và bất công đến cùng. Nhà văn không thể đóng vai trò gì khi cả nước không có một nhà văn nào có thực quyền quyết định trong một tờ báo, hay làm chủ một nhà xuất bản. Vai trò của nhà văn Việt nam hiện nay đối với người Việt chúng ta như anh nói, theo tôi là hãy làm chủ ngòi bút mình trước đã.” [21]

Sau đây là ý kiến của một văn sĩ khá nổi tiếng, trong nước, nhà văn Nguyễn Đình Chính, con của Nguyễn Đình Thi, một kình trụ về văn học, tư tưởng chỉ đứng sau Tố Hữu của chế độ CS Việt Nam đã quá cố: “Tốt nhất các nhà văn Việt Nam không nên ngồi nhận lương viết văn. Ai giỏi thì nên tự trả lương cho mình bằng nhuận bút, còn thì nên kiếm sống bằng một nghề nào đó trong xã hội.” [22]

Qua những lá thư trao đổi trên mạng giữa nhà văn Nguyễn Đình Chính ở Hà Nội với nhà văn Nhật Tiến ở California, chúng ta cũng đọc thấy quan điểm của hai nhà văn thuộc hai chế độ chính trị đối nghịch nhau của Việt Nam trước đây, đã gặp nhau tại điểm hội tụ rất minh bạch, rất dứt khoát đó là nhà văn phải cố gắng vượt thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của nhà nước cụ thể là vấn đề tiền bạc, để có sự tự do trong ngòi bút của mình, bởi vì như châm ngôn Pháp có viết “Ai chi tiền, người đó cai trị” (Qui paye, gouverne). Chính quyền trả tiền cho nhà văn đương nhiên chính quyền điều khiển, khống chế, tước đoạt hoàn toàn mọi quyền tự do sáng tác, viết lách của nhà văn. Do vậy nhà văn, nhà báo chỉ là một tên nô lệ, đầy tớ không hơn không kém.

Một vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, ông Hugo L. Black đã có nói: “Chỉ có một nền báo chí tự do và không bị kiềm chế thì mới có thể phơi bày sự dối trá của chính quyền một cách hiệu quả.” Nền báo chí tự do là nền báo chí được viết theo lương tâm của con người và không bị kiềm chế có nghĩa là vượt ra ngoài cương tỏa của mọi đe dọa bản thân trong đó kể cả sự khống chế của tiền bạc, chức vụ, quyền hành.

Một câu ngạn ngữ Nga ghi lại rằng: “Điều gì đã được viết bằng mực thì chẳng thể lấy búa mà đẽo đi được”. Tục ngữ nước ta thêm ý cho ngạn ngữ đó với câu: “Bút sa gà chết”. Thiết tưởng những người cầm bút ngành truyền thông báo chí trong nước nên thận trọng trước các sự kiện liên hệ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà và những bậc trí thức còn có chút lương tâm với đất nước, với dân tộc nên thận trọng lựa chọn cho mình một lập trường đứng đắn để khỏi phải hổ thẹn với lịch sử mai sau.

New Jersey, 23-11-2008
Nguyễn Đức Cung

CHÚ THÍCH:
1.- Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2003, trang 110.
2.- Jean Pierre Drège, Nghề làm giấy ở Việt Nam qua thư tịch Trung Hoa, Tạp chí Tân Văn số 14, tháng 9, 2008. Jean Pierre Drège (GSTS, Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp) đề cập giới hạn ở một vài suy xét có tính chất giai thoại về lịch sử nghề làm giấy, cụ thể hơn, là về vai trò của Việt Nam trong lịch sử nghề làm giấy ở những thế kỷ đầu sau công nguyên.
3.- Jean Pierre Drège, Nghề làm giấy ở Việt Nam qua thư tịch Trung Hoa, Tạp chí Tân Văn, số đã dẫn, trang 14..
4.- Lê Thanh Hoa, Người Việt phát minh ra giấy cho nhân loại, Tạp chí Tân Văn, số đã dẫn, trang 21.
5.- Đinh Gia Trinh, Hoài vọng của lý trí, Nxb. Văn Học, 1996, tr. 39..
6.- Lữ Phương, Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, Talawas ngày 26-01-2007.
7.- Lữ Phương, Talawas, Bài đã dẫn.
8.- Minh Võ, Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia, 2006, trang 619.
9.- Minh Võ, Sđd, trang 629.
10.- Minh Võ, Sđd, trang 633.
11.- Một nhóm tác giả, Hồ Chí Minh, Sự thật về Thân thế & Sự nghiệp, Nxb. Nam Á, Paris, 1990, bài của Tôn Thất Thiện, Cái đúng và cái giả dối về chuyện Hồ Chí Minh, trang 62.
12.- Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, bản dịch Nguyễn Thượng Huyền, Nxb Văn Nghệ, 1999, trang 111.
13.- Minh Võ, Sđd, trang 634.
14.- Minh Võ, Sđd, trang 634.
15.- Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Xuân Thu xuất bản, không đề năm in, trang 130.
16.- Phan kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Xuân Thu xuất bản, không đề năm in, trang 187.
17.- Đinh Tiến Lực, Lộ gì sau cơn mưa? Web Thông luận ngày 04-11-2008.
18.- Saigon Echo, Bí thư Thành ủy Hà nội Phạm Quang Nghị lên tiếng chửi bới các nạn nhân nước lụt là ỷ lại, VietCatholic News, Thứ Năm 06-11-2008.
19.- Saigon Echo, bài đã dẫn.
20.- Saigon Echo, bài đã dẫn.
21.- Viên Linh, Hãy làm chủ mình trước đã, Phan Hạo Nhiên thực hiện phỏng vấn, Talawas ngày 25-4-2005.
22.- Nhật Tiến, Thư gửi Nguyễn Đình Chính. Talawas ngày 12.1.2007.

 
Thông Báo
Phân Ưu: Linh mục Phaolô Phạm Văn Hội đã từ trần tại San José
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
08:10 24/11/2008

PHÂN ƯU


Được tin

Linh mục Phaolô Phạm Văn Hội


vừa được Chúa gọi về sáng thứ Tư ngày 19 tháng 11 năm 2008,
tại San Jose, California, Hoa Kỳ.
Cha Cố Phaolô nghỉ hưu thời gian qua tại San Jose và giúp các việc mục khi được mời.

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

THỨ BA 25.11.2008
09:00 sáng: Phát tang tại Drling & Fischers Funeral Home
10:00 sáng: Đưa linh cửu Cha Cố Phaolô qua Nhà thờ St. Patrick, San Jose, California
(Các hội đoàn, phong trào, giáo đoàn, v.v… thay phiên đọc kinh tới 6 giờ chiều)
06:00 chiều: Lễ Đưa Chân

THỨ TƯ 26.11.2008
10:45 sáng: Thánh Lễ An Táng tại Nhà thờ St. Patrick, San Jose, California
Hạ Huyệt tại Gate of Heaven Cemetray, Los Altos, California

Xin thành kính phân ưu với thân quyến của Cha Cố.

Xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn Cha Cố Phaolô về hưởng Thánh Nhan Chúa
và trả công bội hậu cho ngài trong bao nhiêu năm phục vụ Thiên Chúa và Hội Thánh.

Kính xin quý Linh mục và Cộng đồng Dân Chúa LĐCGVNHK
hiệp dâng Lễ cầu nguyện cho người anh em của chúng ta.

Thành kính,

Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
Chủ tịch LĐCGVNHK
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Một Ánh Lửa
Diệp Hải Dung
00:07 24/11/2008

MỘT ÁNH LỬA



Ảnh của Diệp Hải Dung (hình chụp tại Carramar, Sydney)

Một ngọn lửa nhỏ nhoi cũng đủ bật tung nắp

của màn đêm nặng trĩu.

Cùng nhau các con còn tạo ra một ánh sáng

rực rỡ đến thế nào..

(Lời của Đức Cố Giáo Hoàng John Paul II tại Đại Hội Giới

Trẻ Thế Giới 2002 Toronto – Canada)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền