Ngày 25-11-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phút hồi tâm, cách cầu nguyện cho người thời nay
Xuân Thái
08:01 25/11/2011
Đó là chủ đề lần thứ 129 của Chương trình Chuyên đề vào lúc 14 giờ 30, ngày 19/11/2011 tại Giảng đường lầu I thuộc TTMV TGP SG. Chủ đề là một công trình nghiên cứu chuyên sâu bởi linh mục Giang Trung Kiên thuộc Dòng Tên. Từ lâu chủ đề đã được áp dụng và sinh nhiều hoa trái tốt lành cho không ít người và nhiều cộng đoàn ở khắp nơi. Thực tế, chủ đề: “Phút hồi tâm” đã tạo một luồng gió mới trong đời sống tâm linh tôn giáo ở Việt Nam và thế giới, khi vào trang Web phuthoitam.net mọi người đều thấy rõ điều này.

Hôm nay, cử tọa được nghe đích thân linh mục diễn giả trực tiếp trình bày nên đã có một hấp lực rất riêng, vì thế, dù trùng sát với ngày Nhà giáo VN, Giảng đường đã quy tụ một số người đông đảo cách bất ngờ thú vị.

Bên cạnh không ít các mái đầu bạc của các vị lớn tuổi, đa phần còn lại là các bạn trẻ tuổi teen của nhiều mái ấm và nam nữ tu sĩ cùng với nhiều giới thanh niên khác.

Ngay từ lúc 14 giờ, Hội Trường đã chật kín người, Ban Tổ chức đã phải sử dụng nhiều ghế phụ, tràn ra cả lối đi.

Sau phần khởi động và các nghi thức thánh hóa buổi học vào lúc 14 h 40, dưới sự điều phối của Sơ Hồng Quế và Thầy Mai Thanh Hoài, vị diễn giả khả kính của chúng ta đã trình bày chủ đề của mình.

Chọn lựa và những ngã rẽ

Thời đại ngày nay là thời của bùng nổ thông tin, của thực dụng và hưởng thụ, một thời đại mà người ta đã thấy rằng, chỉ trong vài thập niên, nhân loại đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc và hết sức lớn lao hơn nhiều trăm năm trước đây cộng lại. Tuy nhiên, các di chứng để lại và hệ lụy của nó đang gây ra cũng không hề nhỏ.

Khi quay cuồng trong nhịp sống hối hả bon chen, người ta sẽ mất đi nhiều thứ và các giá trị sẽ bị xói mòn, đảo lộn khó bề cưỡng chống. Người ta có tất cả, trừ hạnh phúc. Con người đang sở hữu rất nhiều, trừ ra sự bình an. Nói đúng hơn, khi lọt vào vòng xoáy điên đảo mà không nhìn lại mình, người ta dễ nhận được những thứ rất giống với bình an hạnh phúc, nhưng chỉ là hạnh phúc giả và bình an ảo. Ngay cả điều thiêng liêng nhất là Tình yêu, khi ấy, cũng chỉ hình như… là tình yêu, rất giống, nhưng không thật.

Tôn giáo là một bộ phận của xã hội nên khó thể tránh khỏi những ảnh hưởng của thời đại. Nếu thiếu nhìn lại, tôn giáo thay vì là giải phóng giúp con người thăng hoa vươn cao, chỉ còn là một mớ những ràng buộc của nghi thức và những luật lệ nặng nề cấm đoán của một kiểu nô lệ tinh thần. Khi ấy, Luật Chúa không mang lại sự nhẹ nhàng thanh thản của tinh thần tín thác: “Bạn hãy giữ Luật, Luật sẽ giữ Bạn”. Thiếu nhìn lại, đời sống đạo chỉ còn là những chuỗi ngày thực hiện những hình thức có thể là hoành tráng bên ngoài, nhưng thiếu hẳn niềm vui đích thực bên trong. Đi dự lễ không vì những khát khao được gặp gỡ người tình, người cha đang thương mến chờ đợi, nhưng “phải đi lễ” vì sợ bị phạt sa hoả ngục.

Thời đại hôm nay, con người luôn đứng trước nhiều ngã rẽ, những ngã rẽ cuộc đời, những ngã rẽ của các bước chân, ngã rẽ của những tư duy ý tưởng, buộc ta phải chọn lựa quyết định, đang khi những đúng sai, được mất thường trái ngược lẫn lộn.

Ngay cả chuyện “đúng” cũng cần được phân biệt: đúng, rất đúng, đúng hơn và đúng nhất. Tôi phải làm sao, trong thời đại đầy thách đố hôm nay? Câu hỏi mang tính tự vấn này dẫn đến một câu hỏi mang tính giải mã khác, người tôn giáo và không tôn giáo khác nhau ở điểm nào? Phải thưa ngay rằng, không khác nhau gì hết, trừ niềm tin và niềm tin ấy được thể hiện qua đời sống cầu nguyện của họ. Đó cũng là nét đặc trưng, rất riêng của người có tín ngưỡng.

Chúa ở đâu và những tấm gương của sự nhìn lại

Một cách nôm na, ai cũng biết hồi tâm là nhìn lại, là phản tỉnh, là trở về với lòng mình. Hồi tâm chính là lắng nghe tiếng nói phía bên trong từ đó, diễn giả đã đưa ra những tấm gương rất gần gũi, sinh động.

Gần gũi nhất đó là vị cha đẻ ra Apple của thế giới vi tính với iPad, iTune…Cuộc đời và công lao của ông đã là mẫu gương sáng chói về nhiều mặt. Đó là Steven Job, một kẻ mồ côi và đã từng bị đuổi học và thất nghiệp. Ông vừa qua đời cách đây vài tháng. Cả thế giới biết ơn ông. Mọi người đều tôn vinh ông. Thông tin về ông tràn ngập trên báo đài thế giới.

Để được như thế chính nhờ nguyên tắc sống mà ông đã suốt đời kiên trì thực hiện, đó là nhìn lại mình. Trong bài diễn văn năm 2005 tại Đại học Stanford, ông đã nói về điều này :

“Ba ba năm qua, mỗi sáng tôi đều soi gương và tự hỏi, nếu hôm nay là ngày cuối cùng đời mình, tôi có muốn làm điều gì hay không. Nếu câu trả lời là không và kéo dài trong nhiều ngày, tôi biết tôi cần phải thay đổi ”

Cũng là sự nhìn lại, triết gia nổi danh Hy Lạp Socrate đã xác quyết cách mạnh mẽ : “Một cuộc đời thiếu hồi tâm phản tỉnh, cuộc đời ấy không đáng sống.”

Là người Công giáo ai cũng yêu mến Mẹ Maria, và một điều thật đáng chú ý vì mẹ Maria là người luôn nhìn lại phản tỉnh. Kinh thánh đã nói rất rõ về điều này: “Maria hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng ”(Lc 2, 19) (Lc 1, 41-55).

Có một người rất lỗi lạc uyên bác, nhưng cũng hết sức buông thả theo những réo gọi của xác thân nhục dục và các lạc thuyết, song, chỉ nhờ biết hồi tâm nhìn lại và đã trở thành vị Đại Thánh của mọi thời đại, chẳng cần nói nhiều, ai cũng biết đó là Thánh Âugustin với bộ sách “Tự thú” nổi danh của Ngài.

Ngay từ thuở thiếu thời, lúc mới 16 tuổi, cậu đã cùng bạn bè xông vào vườn người khác để trộm lê. Không phải hái trộm để ăn, nhưng chỉ rung cây làm cho lê rụng xuống rồi nhặt cho…lợn ăn và thỏa mãn những khoái cảm đặc biệt khi ăn trộm, cũng là khoái cảm và hấp dẫn lôi cuốn của sự tội.

Từ đó, suốt nhiều chục năm sau, việc ăn trộm lê năm 16 tuổi đã thành một ám ảnh mỗi khi hồi tâm nhìn lại, Ngài đã nhận ra một trong các đầu mối sự tội nơi con người. Sự hồi tâm ấy đã là những trải nghiệm tâm linh vô cùng quý báu và luôn hết sức hữu ích cho tất cả những ai muốn nên hoàn thiện của mọi thời.

Cũng từ sự hồi tâm ấy, Ngài đã nhận ra Chúa đang hiện diện ngay trong lòng mình, để phải thốt lên:

“Ôi ! con đã yêu Chúa quá muộn màng, Chúa ở trong con mà con cứ mãi chạy tìm Chúa bên ngoài. Con thật hư hỏng, khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp”, cùng với những tâm tình gây xúc động đến thắt cả ruột gan :

“Lạy Chúa, xin ban cho con sự thánh thiện của Ngài, nhưng…từ từ thôi”

Phút Hồi tâm, 5 bước thực hành

Chiêm niệm trong hoạt động, để nhận định ý Chúa trong đời sống hàng ngày, phút hồi tâm luôn giữ một vị trí hết sức quan trọng trong linh đạo của Thánh Inhaxio được tiến hành theo 5 bước:

Để tìm Chúa trong mọi sự, sau khi tĩnh tâm và đặt mình trước mặt Chúa cần tiến hành theo từng bước:

1/ Tạ ơn:

Tạ ơn Chúa đã tạo dựng vạn vật vũ trụ, trong đó có tôi và mọi sự thuộc về tôi. Đó những quà tặng nhưng không và vô giá.

2/ Xin ơn soi sáng

Xin Thánh thần Ngôi ba soi sáng và ban cho tôi ơn can đảm, quảng đại để đáp lại mời gọi của Chúa qua Phút Hồi tâm này.

3/ Nhìn lại ngày qua:

Ôn lại những ngày sống để nhận ra tình thương của Chúa và tôi đã ứng xử thế nào về các điều ấy.

4/ Xin ơn tha thứ và chữa lành

Khi đã nhận ra những yếu đuối, thiếu sót hoặc đam mê tật xấu, xin được tha thứ và chữa lành.

5/ Quyết tâm

Xin được nhạy cảm để nhận ra sự hiện diện của Chúa, quyết tâm đổi mới để xứng đáng hơn.

Tất nhiên, 5 bước trên không bị đóng khung một cách máy móc, nên có thể linh động tùy theo nhu cầu nội tâm và hoàn cảnh. Cũng có những Phút hồi tâm rút gọn cho gia đình hoặc các Nhóm. Tuy nhiên, nên dành đầy đủ hơn cho Bước 1, Tạ ơn Chúa.

Tạ ơn Chúa thật đơn giản nhưng cũng không ít thách đố.

Không ít thách đố khi gặp những điều bất như ý và thất bại trong công việc hoặc bất hạnh trong cuộc sống.

Chẳng dễ dàng gì để nhận đó là ƠN, khi bị tông xe hay nhà cháy. Chẳng dễ dàng gì để nhận đó là ƠN khi vợ ốm, con đau lúc đang bị thất nghiệp. Chẳng dễ dàng gì để nhận đó là ƠN, khi hết lòng trung thành nhưng vẫn bị người thương phản bội bỏ đi.

Chẳng dễ dàng gì để nhận những điều tương tự như thế là ƠN, đã không thấy đó là ƠN, làm sao TẠ ?

Người ta chỉ vượt qua những thách đố ấy trong thẳm sâu thinh lặng.

Cử tọa đã được nghe nhiều bản nhạc rất hay và phù hợp, ví dụ, một bài thơ của tác giả Trăng Thập tự được phổ nhạc : ….Một chút gì rất Chúa, ngay ở giữa đời ta. Chỉ khi lòng rất lặng. Ta mới chợt nhận ra…..

Đặc biệt, ngay phần mở đầu của Phút hồi tâm thực hành đều có những gợi ý : “…Bạn hãy thả lỏng toàn thân, thư giãn và hít vào thật sâu Tình yêu và Sự sống mà Chúa đã ban cho Bạn để tạ ơn…..”.

17 giờ 40. Mọi người thật bất ngờ khi biết Cha Trưởng ban MV Gia đình đã ngồi “ké” nơi cuối lớp để theo dõi từ hơn một giờ trước. Khi được mời lên phát biểu, Ngài đã nói rất ngắn những khát vọng về đời sống tâm linh của giới trẻ là có thật và rất lớn, sự có mặt đông đảo của họ lúc này là một minh chứng cụ thể. Đó là niềm vui không nhỏ.

Phát biểu của cha Trưởng ban cũng chấm dứt buổi học vào lúc 17 giờ 43 phút cùng ngày.

(Mời tham khảo nguyên văn bài học qua phần Audio của trang web: chuongtrinhchuyende.com)
 
Cầu nguyện - cuộc đối thoại không lời
Phương Khanh
08:03 25/11/2011
Trong cuộc sống thời hiện đại đầy tất bật và náo nhiệt, mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với bao nhiêu loại tiếng ồn: tiếng xe, tiếng còi inh ỏi, tiếng người,... Sự ồn ào tác động không nhỏ đến đời sống nội tâm của con người. Những bận rộn, lo toan của cuộc sống thường nhật khiến không ít người quên đi đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, đó là việc dành thời giờ trò chuyện với Chúa. Chính vì thế, cuộc sống ngày nay cần lắm những giây phút lắng đọng, thinh lặng để nhìn lại, để phản tỉnh về đời mình.

Nhận thấy tầm quan trọng của những giây phút hồi tâm, tìm về sự tĩnh lặng của tâm hồn, trở về với chính mình và lắng nghe tiếng Chúa giữa lòng xã hội đầy những bất an, Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề: “Phút hồi tâm” do Lm. GB. Giang Trung Kiên, SJ. trình bày vào ngày 19.11.2011, tạihội trường Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận. Đề tài dành cho những ai đang trong hành trình tìm kiếm sự bình an và hạnh phúc đích thực. Giữa những ngổn ngang trăm bề của cuộc sống náo động và bon chen, thử hỏi xem tâm hồn chúng ta có còn dành khoảng không gian nào cho Chúa nương náu không? Buổi chuyên đề đã hướng gần 300 khán giả trực tiếp của Chương Trình Chuyên Đề trở về với những giá trị cốt lõi của đời sống tâm linh, xuất phát điểm của mọi hành động – đó là lời cầu nguyện.

Việc cầu nguyện có là quá khó, quá sức, làmột điều gì đó xa xỉ đối với con người ngày nay không? Đến với buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện và xin mạn phép được chia sẻ. Câu chuyện đưa ra giả thiết rằng: Nếu một ngày có 25 giờ thì liệu con người có còn than vãn không có giờ cầu nguyện nữa hay không? Và giả thiết này đã được thử nghiệm nhưng tình hình vẫn không có sự chuyển biến. Cuối cùng, một kết luận được đưa ra rằng nguyên nhân sâu xa của tình trạng này không phải vì con người không có thời gian, nhưng vì thiếu sự liên đới giữa con người với Thiên Chúa. “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”(Lc 21, 36). Với những ai chân thành trong Đức Tin của mình thì việc Chúa Giêsu đòi hỏi không có gì vượt quá khả năng của con người cả, chỉ cần một chút cố gắng trong tình mến thì mỗi người chúng ta có thể thực hiện được.

Vậy mục đích của việc cầu nguyện là gì?

Trước hết hãy nhìn vào tấm gương cầu nguyện của Thầy Giêsu để học cách Người cầu nguyện. Người không chỉ rao giảng Tin Mừng bằng lời nói mà còn bằng chính đời sống cầu nguyện liên lỉ. Quả vậy, Người đã cầu nguyện rất nhiều trong cuộc đời sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ. Cầu nguyện với một tâm tình phó thác và vâng phục. Cầu nguyện mỗi ngày, cầu nguyện trong từng biến cố vui buồn của cuộc sống, cầu nguyện trước từng quyết định khó khăn của bước ngoặt cuộc đời.

Ước gì chúng con nhìn thấy Chúa vẫn luôn hiện hữu âm thầm trong cuộc đời chúng con và ở khắp mọi nơi.

Hồi tâm để trở về với Chúa. Thông thường những lúc vui, hạnh phúc ít khi nào chúng ta tìm đến Chúa chỉ để nói lời cảm ơn cho đàng hoàng, nhưng ngược lại những khi bất như ý, buồn phiền, thất vọng chúng ta lại tìm đến Chúa để phàn nàn, kêu trách. Cho dù con người có bất toàn, Chúa vẫn luôn yêu thương và không bao giờ thất vọng nhưng luôn chờ đợi và dang rộng vòng tay đối với những ai thành tâm thiện chí mở cửa đón nhận Ngài. “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20). Phút hồi tâm giúp chúng ta xây dựng mối tương quan mật thiết hai chiều với Chúa: nói chuyện với Chúa và lắng nghe lời Người. Chúa nói, mời gọi và đánh động mỗi người chúng ta trong thinh lặng. Một sự hồi âm thiêng liêng Ngài dành cho những ai biết thinh lặng thật sự.

Giữa muôn vàn âm thanh hỗn độn của cuộc sống, ước gì chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa đang thì thầm với chúng con và nhận ra ý Chúa tỏ hiện trong mỗi ngày sống.

Tâm nguyện được xem là nhu cầu tất yếu của những ai có cùng niềm tin vào Đức Kitô. Lời cầu nguyện là sức sống của linh hồn. Cầu nguyện còn giúp chúng ta kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Lời cầu nguyện là động lực giúp mỗi người chúng ta vững bước trên con đường tình yêu để mang Chúa đến với mọi người. Chỉ có những ai cảm nghiệm được Tình Yêu của Chúa qua việc cầu nguyện thì người đó mới có thể đem Tình Yêu đến cho những người xung quanh. Tình Yêu đó là gì? Đó là sự sống, là hơi thở, là ơn gọi làm người, là mọi sự Chúa ban nhưng không.

Ước gì chúng con cảm nhận tình thương của Người, để từ đó chúng con biết can đảm đáp lại và làm sáng danh Chúa trong mọi sự!

Thực ra, cầu nguyện là một cuộc đối thoại, trao đổi bằng cả con người. Hơn thế nữa điều đó còn giúp chúng ta xây dựng tình bạn với Chúa và với nhau. Còn gì hạnh phúc hơn khi con người chúng ta được Chúa nâng từ hàng tôi tớ trở thành bạn hữu: “Anh em là bạn hữu của Thầy… Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm…tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Ga 15,14-15)”. Mỗi khi mang tâm trạng bi quan, chúng ta thường có xu hướng loanh quanh đâu đó tìm đến một người nào đó để lắp đầy khoảng trống nhưng lại trở nên xa cách với người bạn Giêsu - một Đấng vô hình nhưng lại rất hữu hình vẫn luôn ở bên cạnh, yêu thương và không bao giờ quên ban ơn cho những ai biết tìm đến với Người. Cầu nguyện để xác tín rằng ta không cô đơn trong đời sống đức tin.

Chúa đã, đang và sẽ chờ đợi con. Xin chạm đến con để con không bao giờ lỗi hẹn với Chúa.

Cầu nguyện không phải để trốn chạy cuộc đời nhưng là để vào đời. Phút hồi tâm cũng là một cách “sống chậm” trong nhịp sống hối hả ngày nay. “Sống chậm” để cảm nhận những điều bình dị xung quanh, để cảm nhận những điều nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá, để thưởng thức cuộc sống nhiều hơn và để biết rằng cuộc sống này vẫn còn nhiều điều ý nghĩa. Hồi tâm, thinh lặng để dành một khoảng lặng cho Chúa đồng thời dừng lại với khoảng lặng của mình. Giữa thác đời cuồn cuộn, con người dễ rơi vào trạng thái bất an và cảm thấy ngột ngạt. Phút hồi tâm là một giải pháp giúp mỗi người trở về khám phá những điều rất riêng, rất thật lẩn khuất trong chính tâm hồn mình. Hồi tâm là cơ hội để mỗi người nhìn lại chính cuộc sống của bản thân mình hàng ngày, cơ hội nghiệm lại những chuyển biến nội tâm và phản ứng trước những sự việc xảy đến hàng ngày.

Dẫu biết rằng đặt dấu lặng trong một thế giới “chạy” là một thách thức, nhưng con xin được đi ngược dòng trong bình an.
 
Hãy sống trong con
Nhật Lam
08:05 25/11/2011
Bài viết suy tư từ buổi nói chuyện: “Phút Hồi Tâm” của Cha G.B. Giang Trung Kiên, SJ. tại Chương Trình Chuyên Đề, Trung tâm Mục vụ TGP. Tp. HCM, ngày 19.11.2011)

Lại thêm một lần nữa con lỗi hẹn…

Ngày nào con cũng quyết tâm dành cho Giêsu ít nhất 15 phút, nhưng lúc nào cũng kỳ kèo mãi.

Ngủ dậy, đọc qua loa những lời nguyện vốn xuất phát từ tận đáy lòng nhưng giờ đã trở thành một lời kinh sáo rỗng, vì con đã thuộc lòng như cháo và đọc như một cái máy. Trễ học, Chúa à, con không thể trò chuyện với Chúa lâu. Trưa, đạp xe về mồ hôi nhễ nhãi trong sự khó chịu vì bất đồng ý kiến khi làm việc nhóm, bực mình vì kẹt xe cứng ngắc giữa trời nắng nóng, ăn vội miếng cơm rồi ngồi thừ người trong góc phòng suy nghĩ miên man về đủ thứ chuyện... Con đang bực mình lắm, Chúa để cho con yên! Rồi bài vở, việc làm thêm cuốn con đi... Đợi tí nữa đi Chúa! Học xong, con nhất định sẽ nói chuyện với Chúa mà!

Và dù cho con có cố gắng cỡ nào đi nữa thì bài vở mãi vẫn chẳng bao giờ xong. Khi con gấp sách lại thì đã 12 giờ đêm rồi. Ôi Chúa ơi! Con mệt quá rồi! Ngày mai mình nói chuyện nha!...

Cứ thế, bao nhiêu “ngày mai” rồi Giêsu của con?

Con đã từng nghe người ta ví von cầu nguyện là hẹn hò. Hẳn là con đã yêu chưa đủ nhiều nên mới bắt Giêsu phải “leo cây” như vậy.

Thế rồi con đi dự chuyên đề “Phút hồi tâm – một cách cầu nguyện trong thời hiện đại”, do Cha G.B. Giang Trung Kiên, Dòng Tên, thuyết giảng với hy vọng sẽ tìm ra giải pháp cho việc sắp xếp giờ cầu nguyện trong một thế giới quá bận rộn này. Một chút bất ngờ và xúc động khi Cha nhấn mạnh câu nói của Chúa: “Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15, 15b).Chợt thấy Chúa gần gũi làm sao! Việc cầu nguyện trở nên một cuộc trò chuyện thân tình, một lần hẹn hò ấm áp.

Lời ca và giai điệu bài: “Một chút gì rất Chúa” mà cha Kiên sử dụng trong buổi thuyết trình, đem đến cho con một hình ảnh rất khác của Giêsu. Giêsu không còn là Thiên Chúa quyền uy cao cả nữa mà là một người bạn, người anh, người cha, thậm chí là người yêu nữa. Giêsu sống trong nhịp đập trái tim con, trong từng hơi thở khi vui tươi, lúc nặng nề của con. Giêsu hiện diện trong tất cả những điều bình dị mà con cho là hiển nhiên của cuộc sống. Giêsu ở bên con qua nụ cười của bạn bè, qua cái siết tay khích lệ của người thân yêu, qua tiếng cám ơn chân thành con nói với bác vá xe đạp hay tiếng sụt sùi xúc động vì một mẫu tin trên báo của cô bạn bên cạnh…

Vậy, nếu là bạn bè thì gần gũi và thoải mái quá rồi, phải không Giêsu?

…Chúa hãy đạp xe cùng con chặng đường dài từ nhà đến trường! Đạp đôi thì đỡ mệt hơn Chúa à!

… Khi con tỏ thái độ khó chịu với tiếp viên xe bus vì họ thiếu lịch sự với con, Chúa nhớ khều nhẹ con để nhắc con nhớ là con cũng muốn được thông cảm nếu áp lực công việc quá nhiều, Chúa nhé!

…Mỗi buổi tan học, khi con thấy quá mệt mỏi và chán nản với việc học của mình, Chúa hãy lên dây cót tinh thần cho con, khi con nói: “Ráng lên Chúa ơi! Hai đứa mình cùng ráng!” mà mặt mày ỉu xìu…, Chúa nhé!

…Những lúc con buồn vì nhớ nhà, Chúa hãy đến ngồi bên con, dù ngoài miệng con nói là muốn ở một mình. Chúa biết đó, Chúa “sướng” hơn con nhiều vì tới 30 tuổi Chúa mới xa nhà lận!

…Hãy là một Giêsu thân thiết cùng con nhảy tưng tưng, quên cả nét chững chạc thường ngày khi được thông báo nghỉ học đột xuất và bắt xe về quê!

…Những khi múa cộng đoàn cùng các em thiếu nhi ở giáo xứ thì đừng ngượng nghịu mà múa không hết mình nha Chúa! Chúa đừng ngại vì Chúa múa cùng con!

Xin hãy sống trong con trong từng phút giây của cuộc đời, để đời con luôn an vui và trổ sinh hoa trái!
 
Sự sống
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:14 25/11/2011
Sự sống là một mầu nhiệm. Chỉ khi đang sống chúng ta mới cảm nghiệm được sự sống. Sống không chỉ thở hít khí vào rồi thở khí ra hay là tim đập đúng nhịp để đổi dòng máu lưu chuyển. Sự sống là sự sinh động liên tục hỗ tương giữa tất cả các thành phần trong cơ thể. Sự sống không thể tách rời ra khỏi toàn diện thân xác và môi trường. Các cơ phận không thể sống độc lập mà có một sự liên đới chặt chẽ. Sự lưu chuyển máu huyết trong thân xác làm cho mọi tế bào luôn tươi mới. Mọi tạo vật đều có sự huyền nhiệm mà Đấng Tạo Hóa đã đặt để. Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân (Jer. 1:5). Cho dù một sự sống đơn sơ nhất, con người cũng chỉ có thể lặng thinh mà chiêm ngắm. Trí khôn của con người có giới hạn trong tất cả mọi tiến trình của sự sống. Con người không tạo dựng sự sống. Trong khi đó có nhiều người luôn tìm cách tiêu diệt và phá hủy sự sống. Để bảo tồn sự sống, con người cần phải tôn trọng và quý hóa sự sống của mọi loài.

Ai đã là người mà không bắt đầu đến từ cung lòng người mẹ. Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. (Tv 139:13). Lòng mẹ là nơi an toàn và êm ấm nhất. Ai làm người mà đã không từng trải qua mọi tiến trình phát triển từ phôi thai đến thai nhi . Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự. (Tv 139:16). Chúa tác tạo nên con người trong diễn tiến của thời gian liên tục. Sự sống đi từ quá khứ, trong hiện tại và đạt tới tương lai. Từ khi tượng thai trong lòng mẹ cho đến lúc già nua vẫn chỉ là một hình hài. Con người được Thiên Chúa tạo dựng khác các loài vật. Con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và hành động trực tiếp từ Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (Stk. 1: 27).

Có sự khác biệt giữa tuổi thơ ấu và tuổi trưởng thành, nhưng khi trở thành người lớn họ cũng vẫn là người như trẻ thơ. Những phần chi thể bé xíu của các trẻ sơ sinh và người trưởng thành đều giống nhau. Người lớn có cùng số chi thể như trẻ em. Bất cứ cái gì phát triển nơi người lớn, nó đã hiện diện trong trứng nước nơi trẻ thơ. Con người bắt đầu phát triển qua từng giai đọan từ lúc thụ thai. Sự sống con người phát triển liên tục từ lúc thụ thai cho đến khi chết. Không có gì mới trong tuổi già mà đã không có tiềm ẩn trong tuổi thơ. Êm dịu thay ánh sáng, hạnh phúc thay cặp mắt được thấy ánh sáng mặt trời (Gv 11,7).

Sự sống là qùa tặng cao qúy nhất mà Thiên Chúa ban cho con người. Con người được cộng tác với Tạo Hóa để truyền sinh. Từ những tế bào đầu tiên kết hợp, Tạo Hóa đã đặt để trong đó tất cả linh hồn, hình hài và thân xác. Sự lưu truyền sự sống phát triển từng giây phút liên tục không ngừng nghỉ. Cho dù chúng ta ngủ nghỉ, việc tạo thành vẫn linh hoạt trong mọi hơi thở: Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài (TV. 139:15-16). Ông Job đã nhận ra mầu nhiệm của sự sống khi ông rơi vào sự cùng khổ cả tinh thần lẫn thể xác. Ông đã tự xác tín: Đấng đã tạo ra tôi trong dạ mẹ không phải là Đấng tạo ra nó hay sao? Cũng một Thiên Chúa đã tạo ra chúng tôi hết thảy. (Job 31:15).

Ngay từ thời Cựu Ước, khi khoa học chưa phát triển, con người đã có những ý niệm về nguồn gốc của sự sống. Sự sống của mọi loài không do con người khám phá ra mà là ân huệ được nhận lãnh. Sự sống được truyền gieo từ đời này sang đời kia. Chỉ có sự sống trao ban sự sống. Con người sống trong xã hội khoa học văn minh có nhiều điều kiện giúp bảo tồn và phát triển sự sống lành mạnh hơn. Con người không thể thay quyền Tạo Hóa để tác tạo nên sự sống. Khoa học chỉ có thể học hỏi các nguyên lý của sự sống và áp dụng vào môi trường phát triển theo tự nhiên. Ông Job đã thốt lên rằng: Chính tay Ngài đã tạo tác nên con, chẳng lẽ Ngài đổi ý mà huỷ diệt? Xin Ngài nhớ cho: Ngài đã tạo ra con bằng đất sét, rồi lại đưa con trở về cát bụi. Há chẳng phải Ngài đã tạo nên con như sữa lỏng, rồi làm con đặc lại như bơ? (Job 10:8). Mỗi một mạng sống con người có thể sẽ là một thiên tài, một vĩ nhân, một khoa hoc gia, một bác sĩ hay một vị thánh trong cộng đồng nhân loại. Mầu nhiệm sự sống là một ân huệ, chúng ta chỉ biết nhân lãnh, không thể làm nên được. Chúng ta có bổn phận gìn giữ, bảo vệ và tôn trọng..

Con người được mang hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành. Bình gốm không thể quay lại nói với người thợ gốm, chúng tôi không cần các ông. Người thợ gốm có thể sắp đặt mọi hình hài và kiểu mẫu theo ý muốn. Bình gốm hiện diện là một công trình diễn đạt khả năng của con người. Chính con người là loài thụ tạo được trao ban các khả năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh sống: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. (Stk 1: 27). Tạo Hóa ban cho các khả năng hiểu biết để con người nhận ra thân phận của mình. Con người chỉ là thụ tạo, chứ không phải là tạo hóa. Nhiều người tưởng mình thông minh tài giỏi chối từ quyền Chủ Tể của Tạo Hóa Chí Công.

Con người hay khoa học có công nhận hay không, sự sống luôn hiện hữu từ lúc bắt đầu và sống liên tục cho tới khi chết. Bất cứ một sự can thiệp làm thương tổn trong tiến trình phát triển của sự sống đều là tội phạm đến con người. Không ai có quyền xác định bao lâu thời gian thai nhi mới có quyền là người. Ngay từ giây phút đầu thụ thai, bào thai đã hàm chứa tất cả sự hiện hữu và chỉ chờ thời gian phát triển. Câu truyện Kinh Thánh, khi bà Isave mới thụ thai được ba tháng, Đức Maria đã đến viếng thăm bà Isave, hài nhi trong lòng bà liền nhảy mừng: “Bà Isave vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.”(Lk. 1: 42).

Mọi sự đều có khởi đầu và kết thúc. Không có thụ tạo nào hiện hữu nửa vời đột nhiên mà có. Trong tất cả các loài thụ tạo đều đi theo một tiến trình phát triển theo thời gian và không gian. Tạo hóa đã sắp đặt sự hiện hữu riêng cho từng loại. Cây cối thảo mộc sinh sôi nẩy nở bằng cách gieo hạt, cấy củ, cấy giây, cấy lá, đẻ cây… Mỗi loài động vật một khác, có loài đẻ trứng, có loài sinh con và có loài tự phân. Thời gian mang thai sinh sản cũng khác biệt tùy theo mỗi loại. Ngày tháng bào thai được ẩn cư trong lòng mẹ bao lâu thời gian dài hay ngắn đã được Tạo Hóa đặt để tùy theo mỗi loại. Sự sống nào cũng là một mầu nhiệm. Ngay những trang đầu của sách Sáng Thế Ký đã mặc khải cho chúng ta về mầu nhiệm sáng tạo. Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình” (St 1:26-27).

Để tác tạo nên con người, Tạo Hóa đã đặt để hai giống âm dương, đực cái, trống mái va trai gái để kết hợp, giao hợp hỗ tương và bù đắp để trổ sinh hoa trái. Đây là sự kết hợp trọn hảo nhất. Kết hợp trong tình yêu trao ban và nhận lãnh. Hoa qủa của yêu thương sinh mầm sự sống. Cha mẹ truyền sinh con cái. Cha mẹ được cộng tác vào trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Trách nhiệm lớn lao của cha mẹ là yêu thương và dưỡng dục con cái. Con cái có bổn phận đáp trả tình yêu qua lòng hiếu thảo kính tôn: Cha con, con hãy hết lòng tôn kính và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luon nhớ công dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng (Hc 7, 27-28). Công ơn cha mẹ như trời biển. Cha mẹ dù sống trong bậc nào đi nữa, dù giầu dù nghèo, học thức hay thất học, phận làm con phải tôn kính và tỏ lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục.

Càng suy chúng ta càng thấy sự sống là một huyền nhiệm. Tạo Hóa đã chia sẻ sự sống với mọi loài. Từ những loài nhỏ bé li ti đến những loài vật khổng lồ và từ những loài sống theo bản năng tự nhiên đến những con người có xác hồn. Tất cả thật là diệu kỳ. Con người là tạo vật cao quý được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Đây là một ân huệ tuyệt vời. Chúng ta hãy cúi đầu phủ phục tôn vinh: Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới! Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. (Tv. 139: 6-8).

Lạy Chúa, Chúa là chủ của mọi sự sống. Chúa rút hơi thở là mọi loài sẽ đi vào cõi hư vô. Chúa đã ban cho chúng con dư tràn ân lộc để chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho chúng con biết quý trọng sự sống. Cũng xin cho chúng con biết quý trọng từng giây phút mà chúng con được sống và sống xứng đáng. Chúng con dâng lời ngợi khen, cảm tạ và tung hô danh Chúa đến muôn ngàn đời.
 
Cảm nhận nhân ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng giới trẻ giáo xứ Tuy Hòa
M. Hằng
22:18 25/11/2011
Mang Trong Mình Tâm Tình Của Đức Kitô: Cảm nhận nhân ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Bổn mạng giới trẻ giáo xứ Tuy Hòa

Đọc qua tiểu sử của 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta thật khâm phục sự trung thành vào Đức Kitô của các ngài ; sự trung thành được các ngài tuyên xưng vững vàng qua niềm tin của mình, thà chết chứ không thể chối Chúa dù trong giây lát.

Niềm tin son sắt đó đã được "làm chứng" qua muôn vàn cách thế :

- Nhịn đói, nhịn khát, bị đau nhứt vì những vết thương lỡ loét do tra tấn, bị thích vào hai bên má bằng thanh sắt nung đỏ ;

- bị tra tấn bởi kìm nung đỏ kẹp vào đùi làm thịt cháy khét, bị kìm nguội kẹp cho đứt từng miếng thịt trên thân thể dẫn đến ngất xỉu nhiều lần hoặc bị phơi dưới cái nắng nóng của mặt trời vào ban ngày và hứng hơi lạnh cóng của sương vào những đêm giá rét trong 43 ngày của vị giám mục Ignatio Y ;

- bị thả rắn độc vào tay áo của bà Anê Lê Thị Thành để cắn chết, bị nhận án phạt lưu đầy bằng đường bộ từ Bình Định vào Mỹ Tho với cổ mang gông, tay đeo xiềng nặng rồi leo đèo vượt suối băng rừng của trùm Anrê Kim Thông ;

- bị xử chết bằng cách chặt hai chân, chặt hai tay rồi chặt đầu, mổ bụng mọi ruột gan ra của vị giám mục Sampedro Xuyên ;

- bị đánh đập bằng roi bện từ nhiều sợi giây, đầu mỗi sợi có gắn một miếng chì khiến thân thể bị rách da xé thịt, máu tuôn thắm cả y phục của cha Cornay Tân...

- Tàn nhẫn hơn nữa là cảnh năm người lính cầm kìm nung đỏ, mỗi người được kẹp ba lần nên toàn thân cha Giuse Marchand Du bị 15 vết bỏng. Đã vậy, ngài còn nhận án tử Bá đao, bắt đầu cắt lớp da trên trán xuống đến ngực bụng tay chân, miệng bị nhét đầy đá. Cha Marchand Du đau đớn, giãy giụa quằn quại cho đến khi tắt thở…

Thế đấy ! Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã chấp nhận hy sinh mạng sống trong niềm xác tín rằng : Chết vì Đức Kitô, vì Tin mừng, vì cuộc sống muôn đời, cái chết đó không bao giờ là một thua lổ, một mất đi, nhưng là con đường ngắn nhất để chiếm được hạnh phúc bất diệt.

Thời nay không còn cảnh bắt bớ vì đạo Chúa, không còn những hình thức tra tấn dã man ; nhưng thay vào đó là những cám dỗ, tiền tài, danh vọng, quyền lực… có thể làm cho niềm tin vào Thiên Chúa bị lung lay.

Chúng ta, nhất là những người trẻ, chúng ta có mang trong mình TÂM TÌNH CỦA ĐỨC KITÔ không? Đó chính là chủ đề mà các bạn trẻ muốn chia sẻ cùng nhau trong ngày mừng kính các Thánh tử đạo Việt Nam – bổn mạng giới trẻ Tuy Hòa.

1. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống và với mọi hoàn cảnh, người trẻ hôm nay thường có nơi mình những tâm tình và cách ứng xử nào? Những lúc gặp khó khăn vất vả trong việc học hành dễ dàng chán nản niềm tin yếu đuối dễ bị gục ngã. Muốn đạt được những mơ ước trong cuộc sống đôi khi phải đánh mất nhân cách cao quí của mình, dùng đủ thủ đoạn để tiến thân, không có lòng tin vào cuộc sống, cảm thấy tuyệt vọng trước sự nghèo khổ của bản thân… Để thoát khỏi mối đe dọa này, hãy tin tưởng vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, luôn biết phó thác và cậy trông vào Ngài.

2. Cách sống đúng đắn theo Tin Mừng của một người trẻ Công Giáo trong xã hội hôm nay có khả thi và thích hợp không?

Xã hội ngày nay đang chạy đua theo vật chất bạc tiền, con người cố gắng vươn tới điều chỉ có lợi cho mình mà dẫm đạp trên người khác để đạt được mục đích. Một số ít còn phải dằn vặt trong tư tưởng đối với những tờ lý lịch trích ngang rằng được lợi lộc cả thế gian hay gia nghiệp nước trời mai sau.

Mỗi bạn trẻ đang có mặt hôm nay cũng đã chứng minh mình là một Kitô hữu rồi. Có thể người khác không nhận ra bạn nhưng chính dấu chỉ Thánh giá đeo trên ngực, chuỗi hạt mân côi trên tay hoặc một cử chỉ bác ái cũng nói lên được tôi là người trẻ Công giáo. Hãy luôn nghĩ rằng bạn đã thấy Chúa thiếu thốn và giúp đỡ cho Chúa qua người anh em của bạn như vậy những người không biết về đạo cũng sẽ biết đến Đức Kitô qua cách sống của bạn. Thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

3. Đâu là những con đường giúp người trẻ Công Giáo chúng ta khám phá được tâm tình của Đức Kitô? Bằng sự cầu nguyện và thánh lễ hằng ngày. Chính trong thánh lễ ta được Chúa dạy qua lời Ngài, nuôi dưỡng bằng Máu Thịt Ngài: “Ai kết hợp với Thầy thì Thầy sẽ kết hợp với người ấy”.

4. Điều gì khiến các bạn trẻ Công Giáo không khám phá được hay không thể mang nổi những tâm tình của Chúa Kitô trong cuộc sống đời thường?

Cuộc sống trần thế đã cuốn hút bạn trẻ theo sự phát triển của xã hội. Họ không còn thời gian dành cho Chúa, đức tin bị tàn lụi, dần dà xa rời Ngài. Để mang trong mình tâm tình của Chúa Kitô, một khi bạn biết xây dựng một thế giới huynh đệ không có hận thù và ghen ghét, không có chiến tranh và chết chóc, không có giàu sang và nghèo hèn…

Tạ ơn Chúa vì các bạn có được những giờ phút ngồi bên nhau cùng, cùng hát, cùng chơi, cùng học, cùng chia sẻ những thao thức, trăn trở, những cảm nghiệm của mình làm thế nào để đức tin được bền đỗ đến cùng.

Ước mong giới trẻ giáo xứ Tuy Hòa luôn mang trong mình tâm tình của Đức Kitô trên mọi nẻo đường cuộc sống, khi biết không ngừng :

- Hoán cải để trở nên con người mới.
- Kết hợp mật thiết với Thánh Thể và thân mình Ngài là Giáo Hội
- Siêng năng cầu nguyện và gặp gỡ, đối thoại với Ngài
- Can đảm đón nhận hy sinh và thập giá trong cuộc sống
- Hân hoan diển tả cuộc đời Kitô hữu với niềm vui phục sinh
- và hăng say dấn thân ra đi loan báo Tin Mừng.

M. Hằng
 
Lễ Mẹ Vô Nhiễm
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
22:34 25/11/2011
LỄ MẸ VÔ NHIỄM, ngày 8/12
Lc 1, 26-38

Lễ Mẹ Vô Nhiễm nhằm giúp con người khám phá ra vẻ đẹp vô song của Thiên Chúa, tìm ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, đồng thời mời gọi con người, mời gọi chúng ta ăn năn sám hối, canh tân đời sống để làm mới con tim không ngừng. Mẹ Maria với những đặc ân cao quí Thiên Chúa tặng ban đã xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa, làm Mẹ Giáo Hội và làm Mẹ mỗi người chúng ta. Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được Đức Thánh Cha Piô IX long trọng tuyên bố vào ngày 08/12/1854 trước toàn thể thế giới. Tín điều này đã được Đức Mẹ xác nhận vào năm 858 khi Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức với Thánh Nữ Bernadette.

Vâng, cứ mỗi năm vào đầu tháng 12, khi mọi người và toàn thể Giáo Hội hoàn vũ đang nô nức chuẩn bị đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh, khi mọi Kitô hữu đang được Chúa và Giáo Hội nhắc nhớ, khuyên nhủ hãy tỉnh thức,cầu nguyện và sẵn sàng đón Chúa đến. Tâm tình Mùa vọng như thúc giục nhân loại hãy mau mắn sẵn sàng và tỉnh thức để đón Chúa đến. Tâm tình Mùa Vọng đan xen sự chờ đợi, nôn nao nhưng cũng không tránh khỏi lo âu sợ sệt…Tin Mừng của Thánh Luca qua câu truyện truyền tin cho Đức Mẹ lại vang lên lời của sứ thần :” Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng “
(Lc 1, 28 ). Lời của sứ thần Gabrien là một lời trấn an Mẹ Maria, một lời đầy quyền năng. Mừng vui lên có nghĩa không có gì phải lo âu, buồn bã, không có gì phải lo sơ vì “ Mẹ đã đẹp lòng Thiên Chúa “ ( Lc 1, 30 ). Sứ thần đem sự bình an của Thiên Chúa đến cho Mẹ và như lời sứ thần nói với mẹ :” Thưa bà, xin đừng sợ “. Nếu không có lời trấn an của sứ thần chắc chắn Mẹ đã run sợ và không hiểu sự việc gì sẽ xẩy ra. Tuy nhiên, khi được sứ thần giải thích về chương trình của Thiên Chúa dù Mẹ chưa hiểu rõ nhưng Mẹ đã thưa :” Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói “ ( Lc 1, 38 ).

Thiên Chúa đã hoạch định chương trình cứu rỗi của Ngài cho nhân loại. Và rồi trong ơn cứu rỗi, nhân loại nhận ra sức mạnh của Thiên Chúa, sức mạnh của tình yêu đến nỗi phá tan hết lo âu, sợ sệt :” Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài “. Đức Giêsu quả là món quà vĩ đại, tuyệt vời Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại, trao ban cho mỗi người. Chúa Giêsu là ánh sáng chiếu dọi soi sáng cho nhân loại để nhân loại bước đi trong bình an. Ngài là ơn cứu rỗi. Bởi vì, ơn cứu rỗi như một sợi giây chỉ đỏ, chạy xuyên suốt cả lịch sử nhân loại và chuẩn bị cho thời cánh chung của toàn thể nhân loại.

Đức Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết, Ngài mở đường cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Ngài đã chiến thắng nhờ quyền lực, sức mạnh của Thập Giá và nhờ sự phục sinh khải hoàn của Ngài.

Mẹ Maria đã được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn, nên Mẹ thụ thai mà vẫn trọn đời đồng trinh vì cái thai Mẹ sẽ cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, nên Mẹ đã thưa xin vâng và Ngôi Lời đã xuống thế làm người trong cung lòng của Mẹ. Mẹ luôn trinh trong và vô nhiễm nguyên tội. Mẹ Maria cưu mang Chúa Giêsu không hề mang tì vết tội nguyên tổ. Thiên Chúa đã chứng tỏ quyền năng vô biên của Người bởi vì đối với Thiên Chúa không có việc gì là không có thể…

Thiên Chúa đã ban cho Mẹ những đặc ân tuyệt vời để nhân loại luôn vững tin, chiêm ngưỡng Mẹ và nhìn lên Mẹ để noi gương bắt chước Mẹ. Mẹ không hề lây nhiễm tội truyền và tâm hồn Mẹ luôn trong sạch, vẹn tuyền. Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội để nhân loại nhìn lên Mẹ tin tưởng, yêu thương và cậy trông Mẹ. Chính vì Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ chết là để cả hồn lẫn xác được đưa về trời. Mẹ là niềm cậy trông, phó thác và là niềm hy vọng cho mọi Kitô hữu, cho mỗi người chúng ta.

Ca nhập lễ ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm hôm nay viết :” Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa,
Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao !
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
Choàng cho tôi đức chính trực công minh,
Tựa cô dâu phục sức huy hoàng “ ( Is 61, 10 ).

Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này. Vì nhờ lời Đức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng con được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước con Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời ( Lời Nguyện Nhập Lễ Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Caritas Italia, dấu chỉ về lòng bác ái của Đức Kitô
Jos. Tú Nạc, NMS
07:56 25/11/2011
VATICAN CITY – Sáng ngày 24/ 11 tại Vatican, ĐTC Benedich XVI đã tiếp đón những đại biểu tham dự trong một cuộc họp do Caritas Ý Đại Lợi tổ chức cử hành nghi lễ kỷ niệm lần thứ bốn mươi. Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha lưu ý Caritas làm thế nào “để đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng giáo dục, gia đình và xã hội dân sự, nơi mà Giáo Hội được gọi mời để tỏa lan ánh sáng của mình. Điều này bao hàm tận dụng trách nhiệm về việc giáo dục con người với đời sống tốt lành của Tin Mừng, và đời sống nhân lành chỉ khi nó bao gồm chứng tá của lòng bác ái.”

“Không bao giờ được từ bỏ vai trò giáo dục, ngay cả khi cuộc hành trình gặp khó khăn và những kết quả dường như không sinh hoa trái. Hãy thực hiện nhiêm vụ của các bạn trong lúc vẫn một lòng kiên trung đối với Giáo Hội và sự tôn trọng tính đồng nhất về những đóng góp của các bạn, sử dụng những khí cụ mà lịch sử đã giao cho các bạn và những khí cụ đó là ‘sức sáng tạo của lòng bác ái.’ Như Chân Phước John Paul II đã nói, “sẽ gợi ý cho các bạn trong tương lai.”

“Việc làm của lòng bác ái nói về Thiên Chúa, nó toát ra hy vọng và đem lại cho chúng ta để nêu những câu hỏi.” Những công việc như thế “được sinh ra bởi đức tin, chúng là những công sức của Giáo Hội, những biểu lộ về sự quan tâm của Giáo Hội dành cho những ai đau khổ nhất. Chúng là những hành động của giáo dục bởi chúng giúp đỡ người nghèo phát triển phẩm cách, những cộng đồng Ki-tô giáo theo đức Ki-tô và xã hội dân sự gánh vác nghĩa vụ của nó. Hãy để chúng ta hồi tưởng lời giáo huấn của Công Đồng Vaticano II: ‘Đòi hỏi công bằng (phải) làm thỏa mãn tối thiểu việc cho đi những gì là xứng đáng được thể hiện như sự dâng hiến một món quà độ lượng.’ Sự khiêm nhường và phục vụ xác thực của Giáo Hội không tìm kiếm để thay thế, thậm chí đôi chút để thỏa mãn, lương tâm thế tục phổ quát, mà đi kèm theo chúng là sự cộng tác chân thành, cùng với sự quan tâm chính đáng cho sự tự do cá nhân và những nguyên tắc xã hội.”

“Lòng bác ái đòi hỏi một tình thần cởi mở,” Đức Thánh Cha tiếp tục, “Đáp ứng với những phương tiện cần thiết không chỉ là lương thực cho kẻ đói ăn, mà cũng còn đòi hỏi tự chúng ta vì lý do tại sao họ đói, dùng cía nhìn của Chúa Giê-su Người mà có thể nhìn chân lý uyên thâm của những người xung quanh. Trong viễn cảnh này, thời đại tân tiến của chúng ta đang kêu gọi các bạn để các bạn tự vấn về phương thức mà các bạn thực thi lòng bác ái. Những suy nghĩ của chúng ta không thể đi tới một thế giới mênh mông của sự di trú. Những tai họa tự nhiên và chiến tranh tạo ra những tình trạng khẩn cấp. Sự khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu là một dấu hiệu khác của thời đại, kêu gọi sự dung cảm của tình bác ái, huynh đệ. Khoảng cach giữa phương bắc và phương nam của thế giới, và nhân phẩm bị tổn thương đối với biết bao người. Kêu gọi lòng bác ái có thể triển khai bằng những đường tròn đồng tâm từ những hệ thống kinh tế vi mô đến vĩ mô. Tang dần nghèo nàn, sự suy vi của những gia đình, và sự bất ổn đối diện bởi giới trẻ tất cả chỉ ra nguy cơ của sự hy vọng bị giảm sút. “Nhân loại không chỉ cần những ân nhân,” Đức Thánh Cha nói thêm, “mà còn ở nhưng con người thực thi khiêm hạ, như Chúa Giê-su, đứng sát cạnh anh chị em của mình, và chia sẻ công lao của mình. Tóm lại, nhân loại đang tìm kiếm những dấu chỉ của hy vọng. Nguồn mạch hy vọng của chúng ta ở trong Chúa. Đây là lý do tại sao chúng ta cần Caritas; không ủy quyền cho nó với trách nhiệm phục vụ từ thiện, mà còn là dấu chỉ về lòng bác ái của Đức Ki-tô, một dấu chỉ mang lại niềm hy vọng.
 
Trung Quốc sắp tấn phong thêm giám mục
Tiền Hô
08:49 25/11/2011
Tin Hồng Kông, 24 Tháng Mười Một 2011 (UCANEWS) - Giáo hội "công khai" ở Trung Quốc đang có kế hoạch tấn phong thêm một giám mục mới ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 30 tháng 11 sắp tới đây - tức ngày lễ Thánh Anrê tông đồ.

Linh mục Phêrô Lã Tuệ Cương (Luo Xuegang) sẽ được tấn phong làm giám mục phó của giáo phận Nghi Tân, nhân kỷ niệm 20 năm linh mục. Vatican cũng đã phê chuẩn trường hợp của linh mục này. Một nguồn tin địa phương cho hay, Vatican cũng chấp thuận cho Đức Giám Mục Gioan Trần Sư Trung (Chen Shizhong), 95 tuổi, chủ phong giám mục cho cha Lã tại nhà thờ chánh tòa Thánh Thể ở thành phố Nghi Tân.

Tuy nhiên, nguồn tin này cũng cho biết, họ lo ngại rằng giám mục Phaolô Lôi Thế Ngân (Lei Shiyin) - giám mục được tấn phong bất hợp thức ở Lạc Sơn hôm 29 Tháng Sáu, đã bị vạ tuyệt thông - cũng sẽ tham gia trong nghi thức tấn phong sắp tới.

Lễ tấn phong này dự kiến diễn ra vào tuần sau, đây cũng là lễ tấn phong đầu tiên kể từ khi Tòa Thánh phạt vạ tuyệt thông linh mục Lôi và một linh mục khác ở Trung Quốc đại lục, vì họ đã được tấn phong giám mục mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng hồi Tháng Sáu và Tháng Bảy vừa qua.

Vì linh mục Lôi đang là người lãnh đạo Hội Công Giáo Yêu Nước và Ủy Ban Giáo Hội tỉnh Tứ Xuyên, cho nên "rất có khả năng sẽ tham gia vào lễ tấn phong sắp tới vì nhận được sự công nhận của chính phủ", một nhà quan sát bình luận.

Cha Lã năm nay 47 tuổi, là cháu trai của Đức Cha Mátthêu Lã Đốc Hy (Luo Duxi) - Giám mục Lạc Sơn, ngài đã qua đời hồi năm 2009. Cha Lã được thụ phong linh mục thuộc giáo phận Lạc Sơn vào ngày 30 Tháng Mười Một, năm 1991, và đã được sai đến phục vụ giáo phận Nghi Tân hồi Tháng Năm, năm 2009. Cha được đề cử làm giám mục phó giáo phận này 14/17 phiếu thuận hôm 9 Tháng Giêng, năm 2010.

Cha Lã hiện là chủ tịch của Hội Công Giáo Yêu Nước ở thành phố Nghi Tân và phó chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hội tỉnh Tứ Xuyên.
 
Myanmar: TGM Yangon: ''Giờ đây mọi tôn giáo có các quyền đầy đủ''
Nguyễn Trọng Đa
09:12 25/11/2011
Myanmar: TGM Yangon: "Giờ đây mọi tôn giáo có các quyền đầy đủ"

Yangon - "Chúng tôi nhìn xem và ủng hộ giai đoạn cải cách hiện tại. Giờ đây, chính phủ mời các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng nhau làm việc cho sự phát triển của đất nước, và trao các sự bảo vệ tương tự, quyền lợi và cơ hội cho tất cả các tôn giáo", - Đức Tổng Giám Mục Charles Maung Bo, Dòng Don Bosco (SDB), Tổng Giáo phận thủ đô Yangon, và là Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Myanmar, nói như thế với hãng tin Fides.

Đức Tổng Giám Mục ghi nhận các cải tiến ở cấp độ quốc nội: "Tiếng nói của người dân là tích cực, có một sự thức tỉnh và tự do ngôn luận lớn hơn. Một sự đối thoại được mở ra giữa chính phủ và lãnh đạo đảng đối lập Aung San Suu Kyi, người sẽ tham gia, cùng với đảng của bà, trong cuộc bầu cử sắp tới". Sự cải tiến nhấn mạnh sự tiến bộ ở cấp độ quốc tế: "Myanmar sẽ tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN tiếp theo vào năm 2014, và sẽ làm chủ tịch tổ chức này", Ngài nêu ra rằng có nhiều sự chú ý hơn từ cộng đồng quốc tế và Mỹ đối với đất nước, trong khi "Trung Quốc dường như im lặng".

Ở giai đoạn này của sự thay đổi tổng quát, Đức TGM Bo yêu cầu chính phủ mời các nhà lãnh đạo tôn giáo "hãy có sự đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của đất nước", cuối cùng loại bỏ "tâm trí hẹp hòi, sự phân biệt đối xử và các hạn chế chống tôn giáo", vốn là "sự bất công nghiêm trọng". Đức Tổng Giám Mục nhận xét: "Chúng ta phải học hỏi từ quá khứ và đầu tư vào tương lai: nhà nước hôm nay phải cung cấp các sự bảo vệ tương tự, quyền lợi và cơ hội cho tất cả các tôn giáo. Chúng tôi đã phải chịu đựng quá lâu. Nhiều người đã chết, và bây giờ chúng tôi có mong muốn đưa ra chứng tá Kitô giáo của chúng tôi”.

Đức TGM Bo nói tiếp: "Chúng tôi đánh giá cao các biện pháp của chính phủ trong thời gian gần đây: trả tự do cho một số tù nhân chính trị, có lòng can đảm trong sự đình chỉ dự án đập Myitsone, tạo không gian cho đảng đối lập. Chúng tôi đại diện cho một quan hệ đối tác có tính xây dựng. Là một quốc gia thống nhất, tất cả chúng tôi đều có thể có lợi ích ở tất cả các cấp".

Đức TGM kết luận: “Mặc dù ngày nay chúng tôi duy trì một thái độ thận trọng sau nhiều năm của chế độ áp bức, các Kitô hữu ở Myanmar đang có kế hoạch đóng góp nhiều hơn để xây dựng tương lai của Myanmar, đưa vào phục vụ đất nước tất cả các tài năng và nguồn lực của họ”. (Agenzia Fides 24-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Pakistan: Thánh danh Chúa Giêsu Kitô không còn bị cấm trong tin nhắn
Nguyễn Trọng Đa
09:13 25/11/2011
Pakistan: Thánh danh Chúa Giêsu Kitô không còn bị cấm trong tin nhắn

Islamabad - Cam kết của ông Paul Bhatti, Cố vấn đặc biệt về các nhóm thiểu số tôn giáo, cùng với cuộc biểu tình của các nghị sĩ và các nhà hoạt động của Liên minh thiểu số Toàn Pakistan (APMA) đã thành công: chính phủ Pakistan đã quyết định rút thánh danh của Chúa Giêsu Kitô từ danh sách các từ ngữ bị kiểm duyệt - một "danh sách đen" của 1.600 từ ngữ về qui chiếu khiêu dâm, ảnh khiêu dâm hoặc tôn giáo – vốn đã không thể được sử dụng trong các tin nhắn điện thoại.

Trong số các nghị sĩ được cho là "cực đoan", nhưng luôn luôn hòa bình và phù hợp với quy định của pháp luật, là một quan chức được bầu của tỉnh Sindh Ampa: ông Saleem Khokhar, người ngồi trên sàn nhà trong cuộc họp Quốc hội, còn chiếc ghế trống, theo lời ông, sẽ chỉ được ngồi lại sau khi xóa thánh danh Chúa Kitô khỏi danh sách các từ ngữ bị cấm. Ông Paul Bhatti cũng phủ nhận tin trên một số tờ báo ngày 23-11 rằng việc xóa bỏ tên này là có sự can thiệp của Akram Gill, Thứ trưởng Bộ Hoà hợp.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin AsiaNews, ông Paul Bhatti, em trai ông Shahbaz Bhatti, Bộ trưởng Công giáo đặc trách các nhóm thiểu số tôn giáo bị ám sát ngày 2-3, khẳng định cam kết "phục hồi" thánh danh "Chúa Giêsu Kitô", vốn bị cấm tuần trước cùng với một ngàn từ ngữ bị xem là "khiêu dâm trong bản chất” hoặc có tính chất giáo phái. Trong lá thư gửi ngày 14-11 cho các nhà hoạt động điện thoại, công ty Garan ra lệnh cài đặt của phần mềm truyền thông để ngăn chặn các từ ngữ bị cấm – bằng tiếng Urdu và tiếng Anh – trong đó cáo các chữ "khỏa thân, đồng tính và ... Chúa Giêsu Kitô".

Vị cố vấn đặc biệt về các nhóm thiểu số tôn giáo cho Thủ tướng, với qui chế của Bộ trưởng liên bang Bộ Hoà hợp quốc gia, đã nhiều lần nêu lên vấn đề trên các phương tiện truyền thông của Pakistan, “với sự ủng hộ đầy đủ" của tất cả các nghị sĩ và các nhà hoạt động Liên minh thiểu số Toàn Pakistan (APMA), những người đã đưa ra một chiến dịch phản đối. Ông Paul Bhatti sau đó nói chuyện trực tiếp với Thủ tướng Gilani và Tổng thống về việc chống độc quyền đối với Mohammed Yaseen Viễn thông. Ông nói: “Chúng tôi vừa nói chuyện xong thì tin tức về việc hủy bỏ thánh danh Chúa Giêsu Kitô khỏi danh sách đến với chúng tôi".

Ông Paul Bhatti không giấu sự hài lòng với công việc được thực hiện bởi Bộ của mình và Liên minh thiểu số Toàn Pakistan (APMA), được đồng sáng lập và chủ trì bởi Shahbaz Bhatti trong một thời gian dài, và ông cảm ơn “chính phủ Pakistan về tin tức tốt", trong khi xác nhận "sự cam kết lẫn nhau với người thiểu số”, và chương trình "thúc đẩy đối thoại liên tôn và chung sống hòa bình của các linh hồn khác nhau làm thành đất nước”.

Trong những ngày gần đây, câu chuyện trên đã chiếm được sự chú ý của các phương tiện truyền thông quốc tế. Cuối cùng Chính phủ Pakistan đã kết thúc cuộc tranh cãi, khôi phục lại tính hợp pháp các quyền của Kitô hữu. Tuy nhiên, có những người - ở Pakistan - đã được tin tưởng sai lầm về việc làm huỷ bỏ thánh danh "Chúa Giêsu" khỏi danh sách. Một số trang web Công Giáo đã nhấn mạnh vai trò của ông Akram Gill, Thứ trưởng Bộ hoà hợp, vì đã “nêu lên vấn đề trong Hội đồng các Bộ trưởng".

Thật ra, các ông Paul Bhatti, và Akram Gill (Công Giáo) đã không bao giờ tham gia bất kỳ cuộc họp của các Bộ trưởng, và chưa bao giờ được “phỏng vấn cá nhân ". Theo ông Bhatti, việc chúng tôi hợp tác với chính phủ "là rất quan trọng", công việc của Liên minh thiểu số Toàn Pakistan (APMA) và Khoá họp Quốc hội Sindh, với cuộc phản đối "giật gân" kết hợp với "sự nhạy cảm" được thể hiện bởi các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo Pakistan.

"Có quá nhiều điều không chính xác và thông tin sai lệch ở Pakistan - Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ kết luận, - đặc biệt là khi nó đến với các Kitô hữu, các nhóm thiểu số và các vấn đề phe phái. Nên thật là đúng và thích hợp để cổ vũ thông tin chính xác". (AsiaNews 24-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tin thêm về lễ tấn phong Giám mục sẽ được tổ chức tại Tứ Xuyên ngày 30-11
Phạm Kim An
09:14 25/11/2011
Tin thêm về lễ tấn phong Giám mục sẽ được tổ chức tại Tứ Xuyên ngày 30-11

Ngày 30-11, lễ Thánh Anrê, tông đồ và tử đạo, Giáo phận Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, sẽ tổ chức lễ tấn phong Giám mục mới cho cha Phêrô Luo Xuegang, 47 tuổi. Lễ tấn phong Ngài làm Giám mục phó sẽ diễn ra tại nhà thờ chính tòa Thánh Thể ở Nghi Tân, do Đức Giám mục Gioan Chen Shizhong, 95 tuổi, Bản quyền giáo phận, chủ phong.

Đối với lễ tấn phong Giám mục này trong Giáo Hội "chính thức" của Trung Quốc, Tòa Thánh đã phê duyệt tư cách ứng viên của Cha Luo Xuegang, và Đức Giám mục Chen Shizhong, được tấn phong Giám mục năm 1985, đang sống hiệp thông với Rôma. Tuy nhiên, một vài ngày trước lễ tấn phong, vẫn còn không chắc chắn về danh tính của hai Giám mục phụ phong khác đứng bên cạnh Đức Giám Mục Chen để tấn phong cho cha Phêrô Luo Xuegang. Báo cáo từ Trung Quốc cho thấy có thể có sự tham gia của Đức Giám Mục Phaolô Lei Shiyin, của Giáo phận Lạc Sơn giáp giới với Nghi Tân. Kể từ lễ truyền chức Giám mục “chính thức” cho giáo phận Lạc Sơn, mà không có lệnh của Toà thánh ngày 29-6, Giám mục Phaolô Lei Shiyin đang bị phạt vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae).

Lễ tấn phong Giám mục ngày 30-11 sắp tối, nếu diễn ra, thì đây là lễ tấn phong hợp pháp đầu tiên tại Trung Quốc, kể từ khi hai cuộc tấn phong bất hợp pháp ngày 29-6 tại Lạc Sơn và ngày 14-7 tại Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông. Cả hai lễ tấn phong này đã bị Tòa Thánh ra vạ tuyệt thông, khi Toà thánh nói rằng khi được tấn phong không có lệnh của Toà thánh, hai tân Giám mục không được hiệp thông với Giáo hội, và do đó đã bị phạt vạ tuyệt thông, và hình phạt này chưa dỡ bỏ cho đến nay.

Sự tham gia của Đức Giám Mục Phaolô Lei Shiyin vào lễ tấn phong ngày 30-11có vẻ gần như chắc chắn. Thật vậy, là người đứng đầu Hiệp hội người Công giáo Trung Quốc Yêu nước của tỉnh Tứ Xuyên và Chủ tịch Uỷ ban Tứ Xuyên về các vấn đề của Giáo Hội (Công Giáo), Đức Cha Phaolô Lei Shiyin rất thân cận với chính quyền tỉnh, và người ta có thể chờ đợi rằng chính quyền muốn có tính chất "yêu nước" của việc tấn phong, bằng cách áp đặt sự hiện diện của Giám mục giáo phận Lạc Sơn. Một số Giám mục của các giáo phận lân cận ngần ngại đến tham dự lễ tấn phong này.

Hai nhân vật trong vấn đề trên, cha Luo Xuegang và Đức Giám mục Lei Shiyin, quen biết nhau nhiều. Là cháu trai của Đức Giám Mục Matthew Luo Duxi, Giám mục giáo phận Lạc Sơn cho đến khi Ngài qua đời năm 2009, Cha Luo đã được truyền chức linh mục cách đây 20 năm, ngày 30-11-1991, cùng ngày với cha Lei Shiyin. Cả hai bắt đầu sứ vụ mục vụ trong giáo phận Lạc Sơn, và đến tháng 5-2009, cha Luo Xuegang được chuyển đến Giáo phận Nghi Tân (trong mục đích không được chính quyền thừa nhận là để nhường cho cha Lei Shiying giáo phận Lạc Sơn). Và ngày 9-1-2010, cha Luo đã được lựa chọn bởi Hội đồng linh mục Nghi Tân, với 14 phiếu thuận trong tổng số 17 phiếu, để trở thành Giám mục Phó của Đức cha Chen Shizhong. Là Chủ tịch Hiệp hội Yêu nước của Nghi Tân, cha Luo Xuegang cũng là phó chủ tịch của Uỷ ban tỉnh về các vấn đề của Giáo Hội. (Eglises d'Asie, 24-11-2011)

Phạm Kim An
 
Tình trạng mùa Giáng Sinh năm nay: Nạn đói trở nên tồi tệ hơn ở Hoa Kỳ
Trần Mạnh Trác
09:18 25/11/2011
Tình trạng mùa Giáng Sinh năm nay: Nạn đói trở nên tồi tệ hơn ở Hoa Kỳ

(Theo CNS) Với mùa giáng Sinh đến, các cửa hàng bắt đầu trưng bầy đầy dẫy các kiện hàng bánh kẹo màu sắc, nhưng năm nay, đã có hàng triệu người Mỹ không biết họ sẽ ăn gì vào ngày mai.

Thực trạng còn tồi tệ hơn nữa vì những gì mà họ tìm được thì không đủ phẩm chất dinh dưỡng. Những cư dân nghèo sống trong các khu ổ chuột của thành phố hầu như không có mấy lựa chọn ngoài các quán ăn nhanh và tiện, nhưng phẩm chất thì không tươi.

Ngay cả khi chính phủ giúp đỡ để có nhiều lựa chọn hơn, như chương trình SNAP (hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung của liên bang - tên mới của Food Stamp -) thì sự giúp đỡ cũng không đi xa đủ để cho mọi thành viên trong một gia đình có đủ ba bữa ăn lành mạnh mỗi ngày. Đầu năm nay, chương trình SNAP lại bị cắt để dồn ngân khoản cho các chương trình ăn trưa ở trường học.

Tệ hơn nữa, Đói là không phải là vấn đề duy nhất.

Ngày 22 tháng 11 vừa qua, theo phúc trình tam cá nguyệt thứ 3 từ các văn phòng địa phương gởi về, tổ chức từ thiện Công Giáo Hoa Kỳ 'Catholic Charities USA' cho biết rằng 88% văn phòng của họ phải từ chối người tới xin giúp, hoặc phải lập danh sách chờ đợi cho ít nhất là một trong những dịch vụ của văn phòng, 64% không thể đáp ứng nhu cầu xin giúp đỡ khẩn cấp về tài chính, và 56% không thể đáp ứng yêu cầu giúp trả tiền điên nước - trong đó 67% là ở các tiểu bang miền Nam vừa chịu một cơn nóng và hạn hán kéo dài.

Thêm vào đó, so với 3 tháng trước, yêu cầu xin giúp đỡ của lớp lao động nghèo đã tăng thêm 80%, yêu cầu từ các gia đình tăng 66%, yêu cầu từ những người vô gia cư tăng 60%, và yêu cầu từ lớp trung lưu tăng 59%.

Vậy mà, "Trong ngân sách dự chi về nông nghiệp năm 2012, Quốc Hội đã bỏ phiếu loại bỏ hổ trợ dinh dưỡng cho 600.000 bà mẹ đang tham gia các chương trình WIC (Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em) và loại bỏ viện trợ lương thực cho 14 triệu người đang sống trong tuyệt vọng trên thế giới ", theo lời mục sư David Beckmann.

Là một mục sư Lutheran và là chủ tịch của hội 'Bread for the World' (Cơm ăn cho thế giới,) là một cơ quan của các người Kitô hữu vận động hành lang chống nạn đói, ông đã đưa ra lời phát biểu ấy trong phần mở đầu của báo cáo hàng năm lần thứ 22 của tổ chức, bản báo cáo năm nay có tựa đề "Rebalancing Act: Updating U.S. Food and Farm Policies" ("Cần cân bằng lại luật lệ: Cập nhật về Thực phẩm và Chính sách nông trại")

Bản báo cáo đưa ra nhiều cáo trạng trên chính sách hiện nay về lương thực của chính phủ Mỹ, như là: "Chính sách hiện nay chỉ có lợi cho việc sản xuất năng lượng, chứ không có lợi cho việc dinh dưỡng". "Thậm chí ngày hôm nay, Hoa Kỳ không sản xuất đủ trái cây và rau quả để đáp ứng nhu cầu hàng ngày về vitamin và khoáng chất cho dân Mỹ."

Ở những đoạn khác, bản báo cáo lưu ý: "Việc nghiên cứu nông nghiệp đã bị đại chúng bỏ rơi. Nguồn thực phẩm đang bị thu hẹp dần vì ngưới ta sử dụng nông phẩm để chế biến nhiên liệu, chẳng hạn như dùng ngô bắp để sản xuất xăng ethanol, việc đó làm thực phẩm tăng giá, vượt quá khả năng của môt người nghèo ." Một phụ nữ đã cho biết rằng trong những ngày thiếu hụt, cô đã phải uống hai lít soda dằn bụng để nhường cơm cho bọn trẻ được no.

"Chúng ta không cần các chính sách nông nghiệp khuyến khích việc sản xuất nhiều chất béo và chất ngọt để nuôi các trẻ em đói", bản báo cáo lên tiếng.

Tại cuộc họp báo ngày 21 Tháng Mười Một , Muc sư Beckmann kêu gọi loại bỏ việc trợ cấp nông nghiệp chỉ vì mục đích bảo đảm doanh thu cho nông dân, để có thể giải phóng nguồn vốn mà thúc đẩy dinh dưỡng trong một đất nước mà số liệu thống kê cho biết rằng gần 46 triệu người đang sống trong nghèo đói.

"Người nông dân chỉ cần một chút quản lý rủi ro mà thôi," mục sư Beckmann nói.

Bà Tianna Gaines-Turner, đang nuôi ba đứa con ruột và ba đứa con ghẻ, là một thành viên của nhóm Witnesses to Hunger (chứng nhân của nạn đói,) được thành lập tại Philadelphia bởi một giáo sư Đại học Drexel, với mục đích là để cho những người có kinh nghiệm về đói có thể ghi lại những thực tế trong cuộc sống ' hand to mouth' (tay làm hàm nhai)của họ. Sau hai năm tình nguyện, bà vừa được nhận vào làm cho Witnesses to Hunger và đang giúp thiết lập những chương trình mới ở Boston, Baltimore, Omaha, Nebraska, và Vineyard Martha, Mass...công việc liên hệ với sự nghèo đói thì rõ ràng không phải là một công việc lý tưởng.

Bà Gaines-Turner cho biết kế hoạch chi tiêu của bà cho Lễ Tạ Ơn này là "để biết ơn rằng tôi có một bữa ăn no đủ" và có một chỗ sống an toàn cho gia đình.

Một số người khác có ít may mắn hơn. Trung tâm Central Kitchen ở thủ đô DC dọn 426 bữa sáng và tối mỗi ngày ở địa chỉ 801 đường East, đây là một nơi tạm trú cho đàn ông ở Washington DC và được Catholic Charities của Tổng Giáo Phận Washington điều hành. Với nhiều người, đây là những bữa ăn duy nhất. Những người này phải ra khỏi trung tâm lúc 7 giờ sáng, và không thể trở lại trước 7 giờ đêm.

Số người vô gia cư đã tăng cùng nhịp với đà suy thoái từ năm 2008, theo lời ông Paul Amara, người đang giúp việc quản lý trung tâm tạm trú. Thời suy thoái này, ông nói, 'lần đầu tiên tôi nhìn thấy những thanh niên chưa đến tuổi trung niên mà đã phải tìm chỗ nương thân ở một trung tâm tạm trú."

Ông Amara cho biết là địa chỉ 801 East cố gắng cung cấp thêm cho những người đàn ông một chút gì đó vào dịp Lễ Tạ Ơn và Giáng sinh; Hy vọng một số người sẽ được thân nhân đón về trong dịp lễ. Tuy nhiên, tình trạng vô gia cư thì rất phức tạp và thay đổi mau chóng, ông nói.

"Một số sẽ di chuyển lên các chương trình chuyển tiếp khác. Cũng có người tới đây được vài tháng rồi tìm được một việc làm hoặc một cái gì đó...Chúng tôi cũng có một số người ở lại mãi mãi và cũng có những người đi rồi trở lại.. Trong những tháng lạnh từ tháng Mười Một cho đến tháng Ba, những người vô gia cư kinh niên tìm tới đây đễ tránh phải ngủ ngoài đường.

"Sau những tháng đó, họ biến mất ngay trước mắt bạn."
 
Giáo dân Nam Phi phát hiện một linh mục bị giết
Jos. Tú Nạc, NMS
10:47 25/11/2011
CAPE TOWN (CNA) – Một linh mục 35 tuổi đã bị giết một cách tàn bạo ở giáo phận Eshowe, Nam Phi.

Thi thể của Cha Senzo Mbokazi, linh mục chính xứ của Thánh đường St. Pius thuộc làng Melmoth, đã được tìm thấy vào ngày 20 tháng Mười Một bởi các giáo dân đợi ngài tới cử hành Thánh Lễ.

Cha Mbokazi đã bị bóp cổ và trói hai tay ra sau lưng cùng với nhưng vết đâm trên mặt và cổ của ngài. Giám mục Xolelo Kumalo giáo phận Eshowe đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 23 tháng Mười Một.

Cha Mbozaky là linh mục của giáo phận được 6 năm.

“Thật là khủng khiếp đối với giáo dân, những người đã đợi ngài đến để dâng Thánh Lễ,” ngài cho biết giáo dân đã nhìn thấy xe của linh mục ở bên ngoài nhà của ngài, nên họ đoán ngài ở trong nhà.

Ngôi nhà bị lục soát và tiền bạc bị mất, những vật dụng giá trị khác không bị đánh cắp.

Ngôi nhà không có dấu hiệu gì là bị đập phá, điều đó chứng tỏ rằng Cha Mbokazy biết nhưng kẻ tấn công ngài, Giám mục Kumalo nói.

Động cơ giết người ngày không được biết, và cảnh sát đang mở cuộc diều tra.

Lưu ý rằng một số linh mục đã bị giết qua Nam Phi trong vài năm vừa qua. Giám mục Kumalo nói thực tế là vì biết các linh mục không mang súng nên tạo cho họ dễ bị tấn công.

Ngài cũng cho biết, “Bản chất của công việc – phục vụ con người, cụ thể là người nghèo – làm cho chúng tôi dễ bị tấn công. Chúng tôi không biết Judas là ai.”

Trong khi những người Nam Phi phải nhìn vào “tại sao chúng ta là một xã hội bạo lực như vậy,” Giáo Hội không cần phải sử dụng những đề phòng đặc biệt để giữ các linh mục được an toàn, “thứ mà chúng tôi mang theo là thứ như chúng tôi dễ bị tấn công,” ngài nói.
 
Top Stories
A Hongkong, avec le iBreviarum, l’Eglise lance l’évangélisation sur téléphone portable
Eglises d'Asie
10:45 25/11/2011
A la pointe de la modernité, l’Eglise catholique de Hongkong vient de démontrer à nouveau qu’elle sait adapter les nouvelles technologies à l’évangélisation. Le P. Paul Leung Kai-kwong a eu l’idée de développer une nouvelle application sur iPhone afin de promouvoir la prière quotidienne chez les catholiques chinois. Intitulée iBreviarium, ...

... l’application fournit gratuitement à ses utilisateurs les textes des prières et de l’évangile du jour, des informations liturgiques, des vies de saints avec des intentions de prière ainsi que des pistes de méditation.

Depuis que le logiciel, en langue chinoise, a été lancé pour iPhone en août dernier, environ 2 000 fidèles l’ont adopté. Les utilisateurs n’ont qu’à télécharger l’application depuis iTunes, le P. Leung ayant ajouté un code QR (1) qui facilite le téléchargement. Une version pour le tout nouveau système d’exploitation Android (2) est même disponible gratuitement depuis le 16 novembre dernier (2).

Le P. Leung, qui a passé vingt années de son sacerdoce à Rome, a décidé de créer un bréviaire numérique en chinois après avoir découvert en 2005 un site en italien qui proposait ce service en ligne. Il crée alors un site de prière et de liturgie quotidiennes en chinois et pense à le décliner dans une version sur smartphone dès le début de l’année 2011.

Le 19 novembre dernier, lors d’une journée de formation, le prêtre a présenté sa nouvelle application à plus de 200 personnes, faisant en direct une démonstration de son téléchargement et de son utilisation. « Un prêtre m’a écrit qu’il n’arrivait pas à lire son bréviaire tous les jours parce qu’il était trop occupé. Maintenant, il me dit qu’il est tout heureux de pouvoir, grâce à cette application, prier à chaque fois qu’il peut profiter d’un un petit moment de calme », a rapporté le P. Leung aux participants.

Le fait que le prêtre soit fermement persuadé que les jeunes passent bien trop de temps sur leurs smartphones, ne l’empêche cependant pas de penser que l’Eglise devrait s’occuper davantage de leurs besoins spirituels en étant plus présente sur la Toile. Il espère que de plus en plus de laïcs utiliseront ce bréviaire virtuel, dont la lecture, explique-t-il, n’est pas réservée aux seuls prêtres et religieux.

Deux spécialistes de la liturgie, Anna Chan Kai-yung, un autre prêtre salésien, le P. Domingos Leong, qui intervenaient à la même session de formation que le P Leung, ont expliqué aux participants le rôle et la nécessité de la lecture du bréviaire pour chaque chrétien. « Le pape encourage les croyants à évangéliser en se servant des nouvelles technologies. Si nous voulons lire le bréviaire, il est donc souhaitable [que nous apprenions à] utiliser tous les moyens qui sont à notre disposition », a expliqué Anna Chan, concluant avec humour : « Il n’y a qu’une seule chose à ne pas oublier : c’est que la batterie de votre portable doit être rechargée de temps en temps » (3).

(1) Le QR code (QR pour Quick Response) est un type de code-barres en deux dimensions qui est aujourd’hui le plus largement répandu, notamment pour les applications en téléphonie mobile.
(2) Le système d’exploitation libre Android développé par Google, a été porté sur iPhone en 2010 (iDroid).
(3) Ucanews, 23 novembre 2011.

(Source: Eglises d'Asie, 25 novembre 2011)
 
Hanoi: attacks continue against Thai Ha parish
Asia-News
19:15 25/11/2011
Local authorities, hooligans and police intensify attacks, threats and acts of violence against Catholic religious and laity trying to defend their parish from unlawful dispossession. Dozens of people have been arrested. Prayers are being said around the world for Thai Ha.

Hanoi (AsiaNews) – In the past two weeks, Vietnamese Catholics both at home and abroad have prayed non-stop for Thai Ha parish, northern Vietnam. Incredibly, 600 police and local government officials have surrounded the Redemptorist parish church, seizing its land. Redemptorist priests and religious were mistreated and threatened, but parishioners, including young people, are still gathering at Thai Ha to pray to God and Our Mother of Perpetual Help.

Communist Party officials broke the cross in Dong Chiem. They poured dirty oil on the statue of Our Mother of Perpetual Help in Thai Ha parish, broke into a church courtyard and desecrated the Eucharist in Hanoi Cathedral. In Thai Ha church, more than a hundred hooligans attacked the Redemptorists and threatened to kill them.

Local authorities, which are supposed to protect religious freedom, instead violated it. Wherever Communism and atheistic materialism rule in Vietnam, religion is oppressed.

“Many people have endured the injustice of prison without trial,” Paul Hung, of Thai Ha parish, told AsiaNews. “In the city of Hanoi, local authorities are using thugs and police agents to crack down and arrest the faithful, patriots like Fr Nguyen Van Ly, but also some 20 bloggers and 15 young Catholics.”

For many members of Thai Ha parish, the authorities “are engaged in dialogue with Redemptorist priests in Thai Ha, whilst using hooligans to devastate and destroy the parish. They use plainclothes police to break the law. They rely on hooligans to attack the faithful and the clergy so as to avoid criticism from Human Rights Watch and other human rights groups.”

Speaking to AsiaNews on ‘Teachers’ Day’ (20 November), Fr Nguyen said, “Once the educational system is built on atheistic materialism, the regime becomes egocentric and deceitful towards the people.”

“We need prayers for ourselves and for the young generation to protect us from atheistic materialism,” said Bishop Hoang Duc Oanh.

In reference to education today, he said, “Let us pray for a just educational system, one that can prepare people to be good in society. Let us pray for a harmonious development based on justice and love as Jesus taught us.”

Recently, some 500 Vietnamese-Australians organised a prayer vigil in Melbourne for Thai Ha parish and their homeland. “We have a duty to speak for those who have no voice,” said Bishop Vincent Nguyen Van Long.

Urging the gathering to pray for those treated unjustly, he said, “Our concern is for our brothers and sisters, who are victims of deceit. Let us raise our voice to demand the protection of justice and the public interest of the Vietnamese people.”

Sadly, such solidarity towards the Vietnamese Church is hard to come by in other parts of the world.
 
Hanoi, continuano gli attacchi alla parrocchia di Thai Ha
Asia-News
19:16 25/11/2011
Autorità locali, teppisti e polizia moltiplicano aggressioni, minacce e violenze contro religiosi e laici cattolici che cercando di difendere la parrocchia da una spoliazione illegale. Arrestate decine di persone. Preghiere da tutto il mondo per Thai Hà.

Hanoi (AsiaNews) – Nelle ultime due settimane i cattolici vietnamiti in patria e all’estero hanno pregato continuamente per la parrocchia di Thai Ha, nel Vietnam del nord. E’ incredibile che ben 600 poliziotti e funzionari del governo locale abbiano circondato la parrocchia dei Redentoristi, e si siano impadroniti dei terreni della parrocchia. Sacerdoti e religiosi redentoristi sono stati maltrattati e minacciati, ma i giovani e i parrocchiani continuano a recarsi a Thai Hà per pregare Dio e la Madonna del perpetuo Soccorso.

Funzionari del partito comunista locale hanno spezzato il crocefisso di Đồng Chiêm, versato sporcizie sulla statua della Vergine nella parrocchia, fatto irruzione all’improvviso nel cortile della Chiesa e profanato l’eucarestia, portata dalla cattedrale di Hanoi. Più di cento teppisti hanno attaccato la chiesa e minacciato di morte i Redentoristi. Hanno violato, loro che sono autorità locali, la libertà religiosa. Laddove c’è comunismo e materialismo ateo in Vietnam, la religione è oppressa.

Paul Hung, della parrocchia di Thái Hà ha dichiarato ad AsiaNews: “Molte persone hanno sofferto l’ingiustizia della prigione senza processo, Nel contesto della città di Hanội, ora, le autorità locali hanno usato malviventi, forze di polizia per reprimere e arrestare i fedeli: patrioti come p. Nguyen Van Ly, 20 bloggers e 15 giovani cattolici.

Molti parrocchiani a Thái Hà pensano che “il governo di Hanoi sta dialogando con i preti Redentoristi, e invece usa teppisti per devastare e distruggere la parrocchia. Hanno dato ordine alle forze locali di polizia in borghese di occuparsi delle violazioni della legge. Usano teppisti per attaccare i fedeli e i religiosi, evitando così le critiche di Human Rights Watch o di altre organizzazioni per i diritti umani”.

Il 20 novembre, festeggiato in Vietnam come il “Giorno dell’insegnante” p. Nguyen ha dichiarato ad AsiaNews: “Una volta che il sistema di istruzione della società è basato sul materialismo ateo, il regime diventa egocentrico e falso verso il popolo”.

Il vescovo Hoàng Đức Oanh ha parlato della situazione dell’istruzione oggi: “Abbiamo bisogno di preghiere per noi stessi e per la giovane generazione, per sfuggire al materialismo ateo. Pregiamo per un sistema di istruzione giusto, per preparare buone persone per la società, preghiamo per uno sviluppo armonioso basato sulla giustizia e l’amore come Gesù ci ha insegnato”.

Nei giorni scorsi a Melbourne oltre 500 vietnamiti residenti in Australia hanno organizzato preghiere per la parrocchia di Thái Hà e la patria. Il vescovo Vincent Nguyễn Văn Long ha dichiarato: “Abbiamo il dovere di dare voce a quelli che non hanno voce, Preghiamo per i vietnamiti trattati ingiustamente. La nostra preoccupazione va ai fratelli e alle sorelle vittima dell’inganno, alziamo la voce per proteggere la giustizia e il pubblico interesse per il popolo vietnamita”.

Ma la solidarietà verso la Chiesa vietnamita tarda a farsi sentire in altre parti del mondo.
 
Thông Báo
Thông báo của Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Sydney
Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Sysney
06:41 25/11/2011
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thu Một Mình
Dominic Đức Nguyễn
22:21 25/11/2011
THU MỘT MÌNH
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Vạt nắng thu vàng gợi nhớ thương
Yêu ai hồn mộng tim vấn vương
Tao phùng xa lắc, chờ chờ mãi
Biết đến bao giờ vai tựa nương !!
(Trích thơ của Việt Dương Nhân)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền