Ngày 25-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:53 25/11/2019

91. Sở dĩ Con Một duy nhất của Thiên Chúa mặc lấy xác phàm yếu đuối như chúng ta. Ngài vô hình không thể thấy, nhưng Ngài không chỉ trở thành người hữu hình mà còn trở thành người bé nhỏ, cho nên chịu khinh mạn và hổ thẹn, đón nhận đau khổ và cực hình, chính là vì Ngài dùng sự khiêm tốn để dạy chúng ta làm thế nào để không coi trời bằng vung.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:59 25/11/2019
71. GẬY TRÚC CẦM TAY

Trong chùa Cam Lộ ở châu Nhuần có một nhà sư đạo hạnh rất cao.

Thừa tướng Lý Đức Dụ đi điều tra châu Nhuần, gặp cao tăng bèn tặng cho ông ta một cái gậy trúc cầm tay. Cây gậy này được sản xuất ở nước Đại Uyển thuộc Tây Vực, cứng và vuông, là một sản phẩm hiếm có. Cách nhiều năm sau, Lý Đức Dụ lại tái ngộ với vị cao tăng ấy lần nữa, thì hỏi:

- “Trúc huynh có nhà không ?”

Cao tăng đáp:

- “Cho đến hôm nay vẫn trân trọng giữ gìn”.

Nói xong lấy ra cái gậy đã được bào tròn và sơn phết, Lý Đức Dụ liên tục nói tiếc thật tiếc thật.

Lúc đó có người không hiểu được cây gậy ấy có chỗ nào là quý báu bèn cười nhạo nói:

- “Gọt tròn như cây gậy trúc, sơn thì giống như cây đàn vân bị gảy”.

((Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 71:

Cũng là cây gậy trúc nhưng người có con mắt mỹ thuật thì nhìn nó có dáng nghệ thuật, người có học quyền cước thì coi nó như cây gậy côn làm vũ khí rất tiện, tóm lại cây gậy trúc nó sẽ là như thế nào thì tùy thuộc người sử dụng nó.

Cây gậy trúc của nước Đại Uyển cứng và vuông là sản phẩm hiếm có, nhưng đã trở nên tầm thường trong tay nhà sư.

Con người là cây gậy trúc trong tay của Thiên Chúa, và với nhãn quang của Thiên Chúa thì con người là tạo vật rất tốt lành của Ngài, cho nên Ngài rất trân trọng từng người một; nhưng nếu con người ở trong tay ma quỷ thì sẽ trở thành công cụ làm những điều gian ác thất đức cho tha nhân và anh chị em mình, bởi vì dưới cái nhìn của ma quỷ, con người là tạo vật được Thiên Chúa yêu thương nên cần phải làm cho nó trở nên xấu xí mất ơn nghĩa và xa lìa Thiên Chúa…

Cây gậy, dù nó quý hiếm hay không thì cũng là cây gậy rất có ích cho người già cũng như người mù. Cũng vậy, người anh em chị em chúng ta, dù họ tốt hay xấu thì cũng vẫn là con cái Thiên Chúa, nhưng trong cuộc sống đời thường cũng có những người Ki-tô hữu tự hào mình có ơn Chúa Thánh Thần, nhưng vẫn cứ nhìn họ như những con quỷ dữ phá hoại âm mưu đen tối của mình…

Gậy vuông gậy tròn không quan trọng, chỉ sợ chúng ta nhìn tâm hồn của tha nhân vuông ra tròn và tròn ra vuông mà thôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại Tokyo Dome
J.B. Đặng Minh An dịch
05:43 25/11/2019
Lúc 10g sáng 25/11, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nạn nhân của ba tai ương động đất, sóng thần và tai nạn nguyên tử năm 2011. Sau đó, Đức Thánh Cha có cuộc gặp riêng với Nhật Hoàng.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ tại sân vận động Tokyo Dome vào lúc 16g.

Thánh lễ này có thể coi là một dấu chỉ tỏ tường cho thấy sự lớn mạnh của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật Bản. Người Công Giáo Việt Nam hiện diện rất đông trong thánh lễ. Một trong những ý nguyện được đọc bằng tiếng Việt và trong phần hiệp lễ một bài thánh ca Việt Nam đã được hát lên.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Phúc Âm chúng ta vừa nghe là một phần trong bài giảng quan trọng đầu tiên của Chúa Giêsu. Chúng ta thường gọi đó là Bài giảng trên Núi, và bài giảng ấy mô tả cho chúng ta vẻ đẹp của con đường chúng ta được mời gọi dõi theo. Trong Kinh thánh, ngọn núi thường là nơi Thiên Chúa hiện ra và mạc khải về Ngài. “Hãy đến đây với Ta”, Chúa nói với ông Môisê (x. Xh 24: 1). Đó là một ngọn núi mà ta không thể đạt đến đỉnh bằng sức mạnh ý chí hay bậc thang công danh trong xã hội, nhưng phải bằng cách chăm chú, kiên nhẫn và nhạy cảm lắng nghe Thầy ở mỗi ngã rẽ của cuộc đời. Đỉnh núi trình bày với tất cả chúng ta một viễn cảnh mới mẻ hơn bao giờ với trọng tâm là lòng thương xót của Chúa Cha. Trong Chúa Giêsu, chúng ta bắt gặp đỉnh cao của ý nghĩa con người; Ngài chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự viên mãn vượt quá mọi hy vọng và kỳ vọng của chúng ta. Nơi Ngài, chúng ta gặp gỡ một cuộc sống mới, trong đó chúng ta nhận ra rằng chúng ta là con cái yêu dấu của Chúa.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng trên đường đi, tự do trở thành con cái của Chúa có thể bị đè nén và suy yếu nếu chúng ta bị bao vây trong một vòng luẩn quẩn những lo lắng và cạnh tranh. Hoặc nếu chúng ta tập trung tất cả sự chú ý và năng lượng của mình vào việc điên cuồng theo đuổi năng suất và chủ nghĩa tiêu dùng như là tiêu chí duy nhất để đo lường và xác nhận những lựa chọn của chúng ta, hoặc định nghĩa chúng ta là ai hoặc chúng ta có giá trị gì. Cách đo lường mọi thứ như thế từ từ làm cho chúng ta trở nên cứng nhắc và thiếu nhạy cảm trước những điều thực sự quan trọng, thay vào đó nó khiến chúng ta hổn hển chạy theo những thứ thừa thãi hoặc phù du. Háo hức để tin rằng tất cả mọi thứ đều có thể được sản xuất, đều có thể có được, hoặc kiểm soát được bóp nghẹt và xiềng xích linh hồn chúng ta biết chừng nào!

Ở Nhật Bản này, trong một xã hội có nền kinh tế phát triển cao, những người trẻ tôi gặp sáng nay đã nói chuyện với tôi về tình trạng nhiều người bị cô lập về mặt xã hội. Họ vẫn mãi đứng bên lề xã hội, không thể nắm bắt được ý nghĩa của cuộc sống và sự tồn tại của chính mình. Càng ngày, gia đình, trường học và cộng đồng, vốn là những nơi chúng ta hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, càng bị xói mòn bởi sự cạnh tranh quá mức trong việc theo đuổi lợi nhuận và hiệu quả. Nhiều người cảm thấy bối rối và lo lắng; họ bị choáng ngợp bởi quá nhiều yêu cầu và những lo lắng cướp đi sự bình yên và ổn định của họ.

Những lời của Chúa tác động lên chúng ta như một thứ dầu thơm làm tỉnh táo, khi Ngài bảo chúng ta đừng bối rối nhưng hãy tin tưởng. Ba lần Ngài khẳng định với chúng ta: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.” (x Mt 6: 25.31.34). Đây không phải là một sự khuyến khích bỏ mặc những gì xảy ra xung quanh chúng ta hoặc vô trách nhiệm về nhiệm vụ và trách nhiệm hàng ngày của mình. Ngược lại, đó là một lời mời gọi thiết lập lại các ưu tiên của chúng ta trên một chân trời rộng lớn hơn về ý nghĩa và do đó tìm được tự do để nhìn mọi sự theo cách của mình: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33).

Chúa không nói với chúng ta rằng những nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và quần áo là không quan trọng. Thay vào đó, Ngài mời gọi chúng ta đánh giá lại các quyết định hàng ngày của mình và không bị kẹt hoặc cô lập trong việc theo đuổi thành công bằng bất cứ giá nào, bao gồm cả cái giá phải trả là chính cuộc sống của chúng ta. Não trạng thế gian chỉ đánh giá cao lợi nhuận hoặc những gì một người giành được trong thế giới này, với một thái độ ích kỷ chỉ theo đuổi hạnh phúc cá nhân, mà trong thực tế khiến chúng ta vô cùng bất hạnh và trở thành nô lệ, cũng như cản trở sự phát triển đích thực của một xã hội thực sự hài hòa và nhân bản.

Trái ngược với cái “Tôi” cô lập, khép kín và thậm chí là ngột ngạt chỉ có thể là tiếng “chúng ta” được chia sẻ, cử mừng và thông truyền (x. Buổi Tiếp Kiến Chung, ngày 13 tháng 2 năm 2019). Tiếng gọi của Chúa nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta cần phải thừa nhận một cách hân hoan rằng cuộc sống của chúng ta về cơ bản là một ân sủng, và tự do của chúng ta là một hồng ân. Ngày nay, đó không phải là điều dễ dàng, trong một thế giới nghĩ rằng nó có thể tự mình tạo ra những điều nhất định như là hoa trái của óc sáng tạo hoặc sự tự do” (Tông huấn Mừng rỡ Hân hoan - Gaudete et Exsultate, 55). Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Kinh Thánh cho chúng ta biết thế giới của chúng ta, đầy ắp cuộc sống và vẻ đẹp, trước hết là một ân sủng quý giá của Đấng Tạo Hóa: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1: 31). Thiên Chúa ban cho chúng ta vẻ đẹp và sự tốt lành này để chúng ta có thể chia sẻ nó và trao ban nó cho những người khác, không phải với tư cách là chủ nhân ông, nhưng là những người chia sẻ trong cùng một giấc mơ sáng tạo của Chúa. “Sự chăm sóc đích thực cho chính cuộc sống của chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên là không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, công lý và lòng trung tín đối với người khác” (Laudato Si', 70).

Trước thực tại này, chúng ta được mời gọi, trong tư cách là một cộng đồng Kitô giáo, hãy bảo vệ tất cả sự sống và làm chứng với sự khôn ngoan và can đảm cho một lối sống được ghi dấu bởi lòng biết ơn và lòng trắc ẩn, sự rộng lượng và lắng nghe đơn sơ. Một khả năng nắm bắt và chấp nhận cuộc sống như nó là, “với tất cả sự mong manh của nó, đơn sơ của nó, và quá thường, là những mâu thuẫn và phiền toái của nó “ (Diễn từ tại Đêm Canh hức Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Panama, 26 tháng 1 năm 2019). Chúng ta được kêu gọi để trở thành một cộng đồng có thể học tập và giảng dạy về tầm quan trọng của việc chấp nhận “những điều không hoàn hảo, không tinh khiết hoặc không 'vô trùng', nhưng không kém phần xứng đáng với tình yêu. Là một người tàn tật hoặc yếu đuối thì không xứng đáng với tình yêu sao? Một người là người nước ngoài, một người phạm lỗi, một người đau ốm hay tù đầy: người đó không xứng đáng với tình yêu sao? Chúng ta biết những gì Chúa Giêsu đã làm: Ngài ôm lấy người phong hủi, người mù, người bại liệt, người Pharisêu và những người tội lỗi. Ngài chấp nhận người trộm lành trên thập tự giá và thậm chí chấp nhận và tha thứ cho những người đóng đinh Ngài” (ibid.).

Việc loan báo Tin Mừng Sự Sống khẩn thiết đòi hỏi chúng ta, như một cộng đồng, phải trở thành một bệnh viện dã chiến, sẵn sàng chữa lành những vết thương và luôn luôn đưa ra một con đường hòa giải và tha thứ. Đối với người Kitô hữu, tiêu chí khả thi duy nhất mà qua đó chúng ta có thể đánh giá mỗi người và mỗi hoàn cảnh là tiêu chí của lòng thương xót Chúa Cha dành cho tất cả con cái Người.

Hợp nhất với Chúa, trong sự hợp tác và đối thoại không ngừng với những người nam nữ có thiện chí, kể cả những người có niềm tin tôn giáo khác, chúng ta có thể trở thành men có tính tiên tri cho một xã hội ngày càng bảo vệ và quan tâm đến mọi sự sống.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Nguyên văn bài Diễn văn của Đức Phanxicô với các nhà cầm quyền Nhật và Ngoại giao đoàn
Vũ Văn An
16:52 25/11/2019


Hôm 25 tháng 11, sau khi cử hành Thánh Lễ đại trào tại Tokyo Dome, Đức Phanxicô đã tới viếng thăm tư Thủ Tướng Nhật và sau đó gặp gỡ các nhà cầm quyền, xã hội dân sự Nhật và ngoại giao đoàn cạnh chính phủ Nhật. Tại đây, ngài đã nói chuyện với họ, thúc giục họ trân qúy di sản văn hóa quí giá của họ và duy trì tình liên đới với mọi thành viên trong gia đình nhân loại, với câu trích dẫn bất hủ của nhà truyền giáo Dòng Tên Alessandro Valignano, người năm 1579 từng viết: “Bất cứ ai muốn thấy Chúa chúng ta đã ban tặng những gì cho con người chỉ cần họ đến Nhật Bản để thấy”. Ngài cũng không quên nhắc đến Thế Vận Hội tại Tokyo vào năm tới, sẽ “đóng góp hòa hợp, công lý, liên đới và hoà giải vốn là chất vữa xây dựng tòa nhà hoà bình”. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài:

Thưa Thủ tướng

Qúy Thành viên Chính phủ,

Qúy Thành viên Ngoại giao đoàn,

Thưa quý bà qúy Ông,

Tôi cảm ơn Thủ tướng vì những lời giới thiệu tốt đẹp của ông và tôi gửi lời chào trân trọng tới qúy vị, qúy nhà cầm quyền và các thành viên của ngoại giao đoàn. Mỗi qúy vị, theo cách riêng của mình, đang tận tụy làm việc cho hòa bình và thịnh vượng của nhân dân quốc gia cao quý này và của các quốc gia mà qúy vị đại diện. Tôi biết ơn một cách đặc biệt đối với Hoàng đế Naruhito vì đã tiếp tôi sáng nay. Tôi ngỏ với ngài những lời chúc tốt đẹp của tôi và tôi cầu xin Chúa ban phước lành cho Hoàng gia và cho tất cả nhân dân Nhật Bản vào đầu kỷ nguyên mới được khai mở với triều đại của ngài.

Các mối liên hệ hữu nghị hiện có giữa Tòa thánh và Nhật Bản đã có từ lâu và bắt nguồn từ việc đánh giá cao và ngưỡng mộ được các nhà truyền giáo đầu tiên cảm nhận đối với lãnh thổ này. Chúng ta chỉ cần nhắc lại những lời của vị tu sĩ Dòng Tên Alessandro Valignano, người vào năm 1579 đã viết: “Bất cứ ai muốn thấy Chúa chúng ta ban tặng những gì cho con người chỉ cần họ đến Nhật Bản để thấy”. Về phương diện lịch sử, nhiều tiếp xúc và các sứ bộ văn hóa và ngoại giao đã phát huy mối liên hệ này và giúp vượt qua căng thẳng và rắc rối. Những tiếp xúc này đã dần dần mang hình thức định chế, vì lợi ích của cả hai bên.

Tôi đến để củng cố người Công Giáo Nhật Bản trong đức tin của họ, trong việc họ nối vòng tay lớn bác ái với những người có nhu cầu và việc họ phục vụ đất nước mà họ là các công dân đầy tự hào. Là một quốc gia, Nhật Bản đặc biệt nhạy cảm đối với sự đau khổ của những người kém may mắn, những người tàn tật và khuyết tật. Chủ đề chuyến viếng thăm của tôi là “Hãy bảo vệ mọi sự sống”, qua việc nhìn nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của nó và tầm quan trọng của việc bày tỏ tình liên đới và sự hỗ trợ cho anh chị em của chúng ta trong bất cứ loại nhu cầu nào. Tôi đã có một trải nghiệm mạnh mẽ về điều này khi lắng nghe những câu chuyện của những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa ba mặt, và cảm động trước những gian khổ họ đã chịu đựng.

Theo bước chân của những người đi trước, tôi cũng đến để cầu khẩn Thiên Chúa và mời gọi tất cả những người có thiện chí khuyến khích và cổ vũ mọi biện pháp can gián cần thiết để việc hủy diệt do bom nguyên tử tạo ra ở Hiroshima và Nagasaki sẽ không bao giờ xảy ra nữa trong lịch sử con người. Lịch sử dạy chúng ta rằng các xung đột và hiểu lầm giữa các dân tộc và quốc gia chỉ có thể tìm ra các giải pháp hợp pháp thông qua đối thoại, vốn là vũ khí duy nhất xứng đáng với con người và có khả năng bảo đảm nền hòa bình lâu dài. Tôi xác tín việc cần phải xử lý vấn đề hạch nhân trên bình diện đa phương, cổ vũ một diễn trình chính trị và định chế có khả năng tạo ra sự đồng thuận và hành động quốc tế rộng lớn hơn.

Một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại, được đánh dấu bằng túi khôn, sự sáng suốt và viễn kiến xa rộng, là điều chủ yếu để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Nhật Bản đã nhìn nhận tầm quan trọng của việc cổ vũ các tiếp xúc bản thân trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, vì biết rằng những điều này có thể đóng góp không ít vào sự hài hòa, công lý, liên đới và hòa giải, vốn là chất vữa xây dựng toà nhà hòa bình. Chúng ta thấy một ví dụ nổi bật của điều này trong tinh thần Thế Vận Hội, một tinh thần kết hợp các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới trong một cuộc thi không nhất thiết dựa trên sự cạnh tranh mà đúng hơn dựa trên việc theo đuổi sự xuất sắc. Tôi tin tưởng rằng Thế vận hội và Thế Vận Hội Song Hành, được tổ chức tại Nhật Bản trong năm tới, có thể đóng vai trò thúc đẩy tinh thần liên đới vượt qua mọi biên giới quốc gia và khu vực và mưu cầu thiện ích của cả gia đình nhân loại chúng ta.

Trong những ngày này, tôi đã trải nghiệm và tiến tới chỗ quý trọng một lần nữa di sản văn hóa quý giá mà Nhật Bản suốt trong nhiều thế kỷ lịch sử của nó đã có thể khai triển và bảo tồn, và các giá trị tôn giáo và đạo đức sâu sắc vốn lên đặc điểm cho nền văn hóa cổ đại này. Các mối liên hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo khác nhau không chỉ có tính chủ yếu đối với tương lai hòa bình, mà còn đào tạo các thế hệ hiện tại và tương lai biết trân trọng các nguyên tắc đạo đức làm nền tảng cho một xã hội thực sự công bằng và nhân ái. Như lời của Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân bản mà tôi đã ký với Đại Giáo Sĩ của Al-Azhar vào tháng 2 vừa qua, mối quan tâm chung của chúng ta đối với tương lai của gia đình nhân loại thúc đẩy chúng ta “chấp nhận nền văn hóa đối thoại làm đường đi; hợp tác lẫn nhau làm quy tắc ứng xử; hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn”.

Không du khách nào đến Nhật Bản mà không xúc động trước vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời của đất nước này, vốn được các nhà thơ và nghệ sĩ của nó ca tụng từ lâu và được biểu tượng trên hết bằng hình ảnh hoa anh đào nở. Tuy nhiên, sự mảnh mai của cảnh hoa anh đào nở nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của ngôi nhà chung của chúng ta, phải chịu các thảm họa không những do tự nhiên mà còn do lòng tham, bóc lột và tàn phá trong bàn tay của con người nữa. Cùng với việc cộng đồng quốc tế đấu tranh để tôn vinh các cam kết của mình trong việc bảo vệ sáng thế, chính các người trẻ đang càng ngày càng lên tiếng và đòi hỏi các quyết định can đảm. Họ thách thức chúng ta thấy rằng thế giới không phải là một sở hữu để bị lãng phí, mà là một di sản quý giá cần được lưu truyền. Về phần chúng ta, “chúng ta nợ họ nhiều câu trả lời có thực chất chứ không phải những hạn từ trống rỗng; hành động chứ không ảo tưởng” (Thông điệp nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện năm 2019 Cho sự Chăm sóc Sáng thế).

Về phương diện này, một phương thức toàn diện để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta cũng phải xem xét hệ sinh thái nhân bản của nó. Cam kết bảo vệ có nghĩa là phải đối đầu với hố phân cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo trong một hệ thống kinh tế hoàn cầu, vốn để cho một số ít người được sống trong dư thừa trong khi phần lớn dân số thế giới sống trong nghèo đói. Tôi nhận thức được mối quan tâm của chính phủ Nhật Bản trong việc cổ vũ các chương trình khác nhau về phương diện này và tôi khuyến khích họ kiên trì trong việc tạo ý thức ngày một tăng về tính đồng trách nhiệm giữa các quốc gia trên thế giới.

Nhân phẩm cần phải là trung tâm của mọi hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị; tình liên đới liên thế hệ phải được phát huy, và ở mọi bình diện của đời sống cộng đồng, phải chứng tỏ có sự quan tâm tới những người bị lãng quên và bị loại trừ. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người trẻ, những người thường xuyên cảm thấy choáng ngợp khi đối diện với những thách thức của việc lớn lên, những người già và người cô đơn đang phải chịu cảnh cô lập. Chúng ta biết rằng, cuối cùng, sự lịch lãm của mọi quốc gia hay mọi dân tộc được đo lường không phải bằng sức mạnh kinh tế của nó, mà bằng sự chú ý nó dành cho những người có nhu cầu và khả năng sinh hoa trái và cổ vũ sự sống của nó.

Nay, khi chuyến viếng thăm Nhật Bản của tôi sắp kết thúc, một lần nữa tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với lời mời tôi đã nhận được, lòng hiếu khách lịch thiệp trong đó tôi đã được đón tiếp và lòng quảng đại của tất cả những người đã đóng góp vào thành quả hạnh phúc của chuyến viếng thăm. Khi trình bày những suy nghĩ này để qúy vị xem xét, tôi muốn khuyến khích qúy vị trong nỗ lực của qúy vị để hình thành một trật tự xã hội mỗi ngày một bảo vệ nhiều hơn cho sự sống, tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của mỗi thành viên trong gia đình nhân loại của chúng ta. Trên qúy vị và gia đình qúy vị, và tất cả những người qúy vị phục vụ, tôi cầu xin rất nhiều phước lành của Thiên Chúa. Cảm ơn qúy vị rất nhiều.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Nhà thờ chính toà Đức Maria.
J.B. Đặng Minh An dịch
19:07 25/11/2019
Lúc 10g sáng 25/11, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nạn nhân của ba tai ương động đất, sóng thần và tai nạn nguyên tử năm 2011. Sau đó, Đức Thánh Cha có cuộc gặp riêng với Nhật Hoàng.

Nhật Bản là một nước theo hệ thống quân chủ lập hiến, quyền lực của Nhật hoàng vì vậy rất hạn chế. Đương kim Nhật hoàng, là người tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô là Naruhito. Theo hiến pháp, Nhật hoàng được quy định là một “biểu tượng của Quốc gia và của sự hòa hợp dân tộc” mang tính hình thức lễ nghi. Quyền điều hành đất nước chủ yếu được trao cho Thủ tướng và những nghị sĩ do dân bầu ra. Thủ tướng hiện nay của Nhật là Ông Shinzō Abe. Ông đã đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2012 đến nay.

Sau cuộc gặp gỡ với Nhật Hoàng Naruhito, Đức Thánh Cha đã kết thúc buổi sáng với cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Nhà thờ chính toà Đức Maria.

Trong diễn từ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:


Các bạn trẻ thân mến,

Cảm ơn các bạn đã đến và có mặt ở đây. Chứng kiến và nghe thấy sự hào hứng và nhiệt tình của các bạn đem đến cho tôi niềm vui và hy vọng. Tôi rất biết ơn vì điều này. Tôi cũng biết ơn Leonardo, Miki và Masako vì những chứng tá của họ. Cần có can đảm rất lớn để mở rộng trái tim và chia sẻ như các bạn đã làm. Tôi chắc chắn rằng tiếng nói của các bạn vang vọng những người các bạn cùng lớp có mặt ở đây. Cảm ơn các bạn! Tôi biết rằng có những người trẻ tuổi từ các quốc tịch khác trong số các bạn, một số là những người tị nạn. Chúng ta hãy học cách xây dựng xã hội mà chúng ta mong muốn cho tương lai.

Khi nhìn các bạn, tôi có thể nhận ra sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo của những người trẻ sống ở Nhật Bản ngày nay, và một vẻ đẹp nào đó mà thế hệ của các bạn gìn giữ cho tương lai. Tình bạn của các bạn với nhau và sự hiện diện của các bạn ở đây nhắc nhở mọi người rằng tương lai không đơn điệu; nếu chúng ta can đảm, chúng ta có thể chiêm ngưỡng nó trong tất cả sự khác biệt và đa dạng của những gì mỗi cá nhân mang đến. Gia đình nhân loại của chúng ta cần học cách sống hòa thuận và hòa bình với nhau, không cần tất cả chúng ta phải giống nhau! Chúng ta cần tăng trưởng biết bao trong tình huynh đệ, trong sự quan tâm đến người khác và trong niềm tôn trọng những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau! Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay rất vui vì chúng ta đang nói rằng văn hóa gặp gỡ là có thể. Đó không phải là một điều không tưởng, và những người trẻ tuổi của các bạn có sự nhạy cảm đặc biệt cần thiết để đưa nó về phía trước.

Tôi có ấn tượng sâu sắc trước những câu hỏi các bạn đặt ra vì chúng phản ánh những trải nghiệm cụ thể của các bạn, nhưng cũng là hy vọng và ước mơ của các bạn cho tương lai.

Cảm ơn Leonardo, đã chia sẻ kinh nghiệm bị bắt nạt và phân biệt đối xử. Ngày càng có nhiều người trẻ tìm thấy can đảm để nói lên những kinh nghiệm như kinh nghiệm của bạn. Điều tàn bạo nhất trong trò bắt nạt là nó tấn công sự tự tin của chúng ta vào thời điểm mà chúng ta cần nhất là khả năng chấp nhận bản thân và đương đầu với những thử thách mới trong cuộc sống. Đôi khi, nạn nhân của bắt nạt thậm chí đổ lỗi cho chính bản thân mình vì đã trở thành mục tiêu “dễ dàng”. Họ có thể cảm thấy mình thất bại, yếu đuối và vô giá trị, và cuối cùng rơi vào tình huống rất bi thảm: “Phải chi tôi có thể khác đi...” Tuy nhiên, nghịch lý thay, kẻ bắt nạt là những người thực sự yếu, vì họ nghĩ rằng họ có thể khẳng định bản sắc riêng của mình bằng cách làm tổn thương người khác. Đôi khi, họ tấn công bất cứ ai mà họ cho là khác biệt, xem người ấy tiêu biểu cho điều gì đó mà họ thấy bị đe dọa. Trong sâu thẳm, những kẻ bắt nạt sợ hãi, và họ che đậy nỗi sợ hãi của mình bằng một màn thể hiện sức mạnh. Tất cả chúng ta phải đoàn kết chống lại nền văn hóa bắt nạt này và học cách nói “ Đủ rồi!” Đây là một dịch bệnh, và cùng nhau các bạn có thể tìm thấy những phương dược tốt nhất để chữa trị nó. Dù các tổ chức giáo dục và người lớn có sử dụng hết tất cả các tài nguyên có trong tay để ngăn chặn thảm kịch này thì vẫn chưa đủ đâu; điều cần thiết là trong số chính các bạn, trong số các bạn bè và đồng nghiệp, các bạn hãy cùng tham gia khi nói: “Không!”, khi nói: “Làm thế là sai” . Không có vũ khí nào mạnh hơn để chống lại những hành động này cho bằng đứng lên ở giữa các bạn cùng lớp và các bạn bè của chúng ta và nói rằng: “Những gì các bạn đang làm là sai trái”.

Sợ hãi luôn là kẻ thù của lòng tốt vì nó là kẻ thù của tình yêu và hòa bình. Các tôn giáo lớn dạy lòng khoan dung, hòa hợp và lòng thương xót, không sợ hãi, chia rẽ và xung đột. Chúa Giêsu liên tục nói với những người theo Ngài đừng sợ hãi. Tại sao? Bởi vì nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa và anh chị em của mình, thì tình yêu này đã dập tắt đi sự sợ hãi (x. 1 Ga 4:18). Đối với nhiều người trong chúng ta, như Leonardo nhắc nhở chúng ta, nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta niềm an ủi, vì chính Chúa Giêsu đã biết những gì là bị coi thường và bị từ chối - thậm chí đến mức bị đóng đinh. Ngài biết quá rõ những gì xảy ra khi trở thành một người xa lạ, một người nhập cư, một người nào đó “khác” với người xung quanh. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Giêsu là một “người ngoài cuộc” đến tột độ, một người ngoài tràn đầy sức sống để trao ban. Leonardo, chúng ta luôn có thể nhìn vào tất cả những thứ chúng ta không có, nhưng chúng ta cũng có thể đến để xem tất cả cuộc sống mà chúng ta có thể cho đi và chia sẻ với những người khác. Thế giới cần các bạn. Đừng bao giờ quên điều đó! Chúa cần các bạn để các bạn có thể khuyến khích tất cả những người xung quanh đang tìm kiếm một bàn tay giúp đỡ để nâng họ dậy.

Điều này liên quan đến việc phát triển một phẩm chất rất quan trọng nhưng bị đánh giá thấp: đó là khả năng học cách dành thời gian cho người khác, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, để hiểu họ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra những trải nghiệm và những vấn đề của chúng ta cho một tình yêu có thể thay đổi chúng ta và bắt đầu thay đổi thế giới xung quanh chúng ta. Trừ khi chúng ta quảng đại dành thời gian cho người khác, chúng ta sẽ lãng phí thời gian vào nhiều thứ mà chung cuộc chỉ khiến chúng ta trống rỗng và bối rối; “cứng đơ” như người ta thường nói ở nước tôi. Vì vậy, hãy dành thời gian cho gia đình và các bạn bè của các bạn, nhưng cũng dành thời gian cho Chúa qua suy tư và cầu nguyện. Và nếu các bạn thấy khó cầu nguyện, đừng bỏ cuộc. Một nhà hướng dẫn tâm linh khôn ngoan đã từng nói: cầu nguyện chủ yếu là vấn đề hiện diện ở đó. Hãy tĩnh lặng; tạo không gian cho Chúa; hãy để Người nhìn các bạn và Người sẽ lấp đầy các bạn bằng sự bình an của Người.

Đó chính xác là những gì Miki đã nói. Miki hỏi làm thế nào những người trẻ tuổi có thể tạo không gian cho Chúa trong một xã hội quay cuồng và tập trung vào việc cạnh tranh và năng suất lao động. Càng ngày chúng ta càng thấy rằng một người, một cộng đồng hay thậm chí là toàn xã hội có thể phát triển cao ở bên ngoài, nhưng có một cuộc sống nội tâm nghèo nàn và kém phát triển, thiếu sức sống và sinh khí. Mọi thứ làm họ chán ngấy; họ không còn mơ, cười hay chơi đùa. Họ không có cảm giác trầm trồ hay ngạc nhiên. Họ giống như thây ma; trái tim của họ đã ngừng đập vì không thể cử mừng cuộc sống với người khác. Có bao nhiêu người trên khắp thế giới của chúng ta giàu có về vật chất, nhưng sống như những nô lệ cho sự cô đơn vô song! Tôi nghĩ về sự cô đơn của rất nhiều người, già trẻ, trong các xã hội thịnh vượng nhưng thường vô danh của chúng ta. Mẹ Teresa, người đã làm việc giữa những người nghèo nhất trong số những người nghèo, đã từng nói một câu rất tiên tri: “Cô đơn và cảm giác không được yêu thương là hình thức khủng khiếp nhất của nghèo đói”.

Chống lại sự nghèo nàn về tinh thần này là một nhiệm vụ mà tất cả chúng ta được mời gọi, và trong đó các bạn có vai trò đặc biệt vì nó đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong các ưu tiên và lựa chọn. Nó có nghĩa là nhận ra rằng điều quan trọng nhất không phải là những gì tôi có hoặc có thể giành được, nhưng là tôi có thể chia sẻ với ai. Tôi sống cho những gì không phải là điều quá quan trọng mà chúng ta phải tập trung vào, nhưng vấn đề là tôi sống cho ai. Tôi sống cho những gì là quan trọng, nhưng tôi sống cho ai mới là điều thiết yếu. Không có họ, chúng ta trở nên phi nhân cách, chúng ta mất đi khuôn mặt và tên tuổi mình, và chúng ta trở thành một đối tượng khác, có lẽ là khá hơn những người khác đấy, nhưng cuối cùng không có gì hơn một vật thể. Sách Huấn Ca nói: “Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng” (6:14). Đó là lý do tại sao luôn luôn cần thiết là chúng ta phải đặt câu hỏi: “Tôi sống vì ai đây? Tất nhiên, các bạn là dành cho Chúa. Tuy nhiên, Ngài đã quyết định rằng các bạn cũng phải dành cho người khác, và Ngài đã ban cho các bạn nhiều phẩm chất, khuynh hướng, quà tặng, và đặc sủng không phải là cho riêng các bạn, nhưng để chia sẻ với những người xung quanh các bạn” (Christus Vivit, 286).

Đây là một cái gì đó rất đẹp mà các bạn có thể trao ban cho thế giới chúng ta. Hãy làm chứng rằng một “tình bạn xã hội” là có thể! Hãy đặt hy vọng của các bạn vào một tương lai dựa trên văn hóa gặp gỡ, chấp nhận, tình huynh đệ và tôn trọng phẩm giá của mỗi người, đặc biệt là những người cần tình yêu và sự cảm thông nhất. Đó là tương lai trong đó chúng ta không cảm thấy cần phải tấn công hoặc coi thường người khác, nhưng thay vào đó học cách nhận ra đặc sủng của họ.

Để có thể sống về thể lý, chúng ta phải giữ nhịp thở; đó là một cái gì đó chúng ta làm một cách tự động mà không nhận ra điều đó. Để sống theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này, chúng ta cũng cần học cách thở tâm linh, thông qua cầu nguyện và chiêm niệm, trong một chuyển động hướng nội qua đó chúng ta có thể nghe tiếng Chúa nói với chúng ta trong sâu thẳm trái tim. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần một chuyển động hướng ngoại, qua đó chúng ta tiếp cận với những người khác trong các hành vi yêu thương và phục vụ. Sự chuyển động kép này là những gì cho phép chúng ta phát triển và khám phá ra rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, bên cạnh đó, Ngài còn kêu gọi mỗi người chúng ta đến với một sứ mệnh và ơn gọi cá vị. Chúng ta khám phá điều này đến mức chúng ta sẵn sàng trao ban chính mình cho tha nhân, cho những con người cụ thể.

Masako đã nói về tất cả những điều này từ kinh nghiệm của bản thân mình khi còn là một sinh viên, và sau đó là một giáo viên. Cô hỏi làm thế nào những người trẻ tuổi có thể được giúp đỡ để khám phá thiện căn và giá trị bẩm sinh của họ. Ở đây một lần nữa, tôi sẽ nói rằng để phát triển, để khám phá bản sắc, lòng tốt và vẻ đẹp bên trong của chính chúng ta, chúng ta không thể nhìn vào chính mình trong gương. Chúng ta đã phát minh ra tất cả các loại vật dụng tiện nghi, nhưng chúng ta vẫn không thể chụp ảnh chính tâm hồn mình. Cảm ơn Chúa! Bởi vì để có hạnh phúc, chúng ta cần nhờ người khác giúp đỡ, cần người khác chụp ảnh chúng ta. Chúng ta cần phải ra khỏi chính mình hướng về những người khác, đặc biệt là những người quẫn bách nhất (x. Christus Vivit, 171). Cách riêng, tôi xin các bạn mở rộng tình bạn cho những người đến đây, thường là sau những đau khổ lớn, đang tìm kiếm một chốn nương thân trên đất nước của các bạn. Thật vậy, một nhóm nhỏ những người tị nạn có mặt với chúng ta ở đây, và lòng tốt của các bạn đối với họ sẽ cho thấy họ không phải là người lạ. Ít nhất, vì các bạn coi họ như anh chị em.

Một thầy dạy khôn ngoan đã từng nói rằng chìa khóa để phát triển trí tuệ không hệ tại quá nhiều nơi việc tìm ra những câu trả lời đúng mà là khám phá ra những câu hỏi đúng. Không phải tất cả các bạn sẽ trở thành giáo viên như Masako, nhưng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ tiếp tục hỏi và giúp đỡ những người khác hỏi, những câu hỏi đúng về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta và về cách chúng ta có thể định hướng một tương lai tốt hơn cho những người đến sau chúng ta .

Các bạn trẻ thân mến, tôi cảm ơn các bạn vì sự chú ý lắng nghe thân thiện của các bạn trong dịp này, và cảm ơn các bạn đã chia sẻ với tôi về cuộc sống của các bạn. Đừng bao giờ tuyệt vọng hay đặt những giấc mơ của mình sang một bên. Hãy dành nhiều chỗ trong tâm hồn mình cho Chúa, hãy dám vươn tầm nhìn đến những chân trời rộng lớn và xem những gì đang chờ các bạn nếu các bạn khao khát đạt được những điều ấy cùng nhau. Nhật Bản cần các bạn, và thế giới cần các bạn, hãy quảng đại, vui vẻ và nhiệt tình, hãy có khả năng tạo ra một mái nhà cho mọi người. Tôi cầu nguyện rằng các bạn sẽ phát triển trí tuệ tâm linh và khám phá con đường dẫn đến hạnh phúc thực sự trong cuộc sống này. Tôi sẽ nhớ đến các bạn trong những lời cầu nguyện của tôi, và tôi xin các bạn, xin vui lòng, cầu nguyện cho tôi nhé.

Tôi gởi đến tất cả các bạn, cùng với gia đình và các bạn bè của các bạn, lời chúc tốt đẹp nhất và phước lành của tôi.

Cảm ơn nhiều.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Đức Hồng Y John Tong Hon, TGM Hồng Kông kêu gọi hòa bình cho Hồng Kông
Thanh Quảng sdb
19:17 25/11/2019
Đức Hồng Y John Tong Hon, TGM Hồng Kông kêu gọi hòa bình cho Hồng Kông

Trước những chiến thắng vang lừng cho các ứng cử viên dân chủ sau nhiều tháng đấu tranh của giới trẻ cho tự do dân chủ tại bán đảo Hồng Kông, nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn làm nghơ coi như không đếm xỉa gì trước lòng dân mong muốn tự do dân chủ cho hòn đảo Hồng Kông, Bắc Kinh nhắc lại một lời tuyên bố “thành phố này sẽ mãi mãi thuộc về Trung Quốc!”
Trước cao trào tranh đấu cho dân chủ của tuổi trẻ Hồng Kông đã loan tỏa khắp hòn đảo kinh tế này, Đức Hồng Y John Tong Hon, Quản trị Tông tòa của Hồng Kông, mời gọi tất cả các bên hãy đối thoại và cùng nhau làm việc cho hòa bình thịnh vượng của Hồng Kông.

Theo giáo huấn xã hội học của Giáo hội thì hòa bình đích thực phát xuất từ Thiên Chúa, và hòa bình trước tiên được xây dựng trong nội bộ gia đình đoàn thể. Chúng ta hãy cố gắng trở nên khí cụ của hòa bình qua việc cầu nguyện và nỗ lực kiến tạo hòa bình. Hãy ngồi lại đối thoại hầu giải quyết những xung đột như Chúa hằng yêu cầu chúng ta thực hiện là “Hãy yêu thương tha thứ cho nhau”... Và đó là kết quả của hòa bình.
 
Nguyên văn bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các nạn nhân sống sót của Động Đất, Sóng thần, Phóng sạ Nguyên tử tại Fukushima
Vũ Văn An
20:43 25/11/2019
Như đã loan tin, hôm qua, 25 tháng 11, Đức Phanxicô đã gặp gỡ các nạn nhân của ba thảm họa cùng một lúc là động đất, sóng thần và tai nạn hạch nhân năm 2011. Ngài đã nghe chứng từ của 3 nạn nhân sống sót: Giáo viên mẫu giáo Toshito Kato, tu sĩ Phật Giáo Tokuun Tanaka, và cô Matsuki Kamoshita, 8 tuổi khi cùng gia đình di tản vào Tokyo sau tai nạn hạch nhân ở Fukushima.

Sau các chứng từ của 3 nạn nhân sống sót, Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với cử tọa và sau đây là nguyên văn lời ngài:




Các Bạn thân mến,

Cuộc gặp gỡ với các bạn hôm nay là một phần quan trọng trong chuyến viếng thăm Nhật Bản của tôi. Tôi cảm ơn tất cả các bạn đã chào đón tôi với âm nhạc từ Argentina. Tôi đặc biệt cảm ơn Toshiko, Tokuun và Matsuki, những người đã chia sẻ câu chuyện của họ với chúng ta. Họ và tất cả các bạn, đại diện cho tất cả những người phải chịu hậu quả nặng nề của thảm họa ba mặt- động đất, sóng thần và tai nạn hạch nhân - đã ảnh hưởng không những các quận của Iwate, Miyagi và Fukushima mà cả Nhật Bản và cư dân Nhật Bản. Cảm ơn các bạn đã bày tỏ bằng lời nói và sự hiện diện của các bạn nỗi buồn đau, nhưng cũng hy vọng về một tương lai tốt hơn, được rất nhiều người trải nghiệm. Ở phần kết thúc chứng từ của mình, Matsuki mời tôi cùng bạn tham gia việc cầu nguyện. Chúng ta hãy dành một phút im lặng, để lời đầu tiên của chúng ta sẽ là lời cầu nguyện cho hơn mười tám ngàn người đã mất mạng sống, cho gia đình họ và những người vẫn còn mất tích. Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta được hợp nhất và được ban cho sự can đảm để nhìn về phía trước với lòng hy vọng.

Chúng ta cũng xin cảm ơn những nỗ lực của các chính quyền địa phương, các tổ chức và cá nhân đang làm việc để tái thiết các khu vực xảy ra thảm họa và cứu trợ hơn năm mươi ngàn người đã phải sơ tán và đang sống trong những nhà ở tạm thời, vẫn chưa thể trở về nhà của họ.

Tôi đặc biệt đánh giá cao, như Toshiko đã nhấn mạnh, tốc độ mà nhiều người, không chỉ từ Nhật Bản, mà từ khắp nơi trên thế giới, đã huy động ngay sau các thảm họa để hỗ trợ các nạn nhân bằng rất nhiều lời cầu nguyện và hỗ trợ vật chất và tài chính. Chúng ta không nên để hành động này bị mất theo thời gian hoặc biến mất sau cú sốc ban đầu; đúng hơn, chúng ta nên tiếp tục và duy trì nó. Như Matsuki đã nói với chúng ta, một số người sống ở các khu vực bị ảnh hưởng hiện đang cảm thấy bị người khác lãng quên và nhiều người phải đối diện với các vấn đề đang tiếp diễn: đất và rừng bị ô nhiễm và hậu quả lâu dài của phóng xạ.

Mong sao cuộc gặp gỡ này giúp chúng ta kêu gọi tất cả những người có thiện chí, để các nạn nhân của những thảm kịch này sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ rất cần thiết.

Không có các tài nguyên căn bản như thực phẩm, quần áo và nơi ở, không thể sống một cuộc sống xứng đáng và có mức tối thiểu cần thiết để thành công trong việc tái thiết. Điều này, ngược lại, đòi phải có việc cảm nghiệm được tình liên đới và sự hỗ trợ của một cộng đồng. Không ai “tự tái thiết một mình; không ai có thể bắt đầu lại một mình được. Chúng ta phải tìm cho được một bàn tay thân hữu và huynh đệ, có khả năng giúp xây nên không những một thành phố, mà cả một chân trời và một niềm hy vọng cho chúng ta. Toshiko nói với chúng ta rằng mặc dù mất hết nhà trong cơn sóng thần, bà vẫn biết ơn vì có thể đánh giá cao ơn phúc sự sống và vì cảm nghiệm hy vọng phát xuất từ việc nhìn thấy mọi người đến với nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Tám năm sau thảm họa ba mặt, Nhật Bản đã cho thấy một dân tộc có thể đoàn kết như thế nào trong liên đới, kiên nhẫn, kiên trì và kiên cường. Con đường để phục hồi hoàn toàn có thể vẫn còn dài, nhưng nó luôn có thể được thực hiện nếu biết dựa vào tinh thần của những người có khả năng huy động để giúp đỡ lẫn nhau. Như Toshiko đã nói, nếu chúng ta không làm gì, kết quả sẽ bằng không. Nhưng bất cứ khi nào tiến một bước, các bạn đều sẽ tiến lên một bước. Bởi thế, tôi mời các bạn, tiến bước mỗi ngày, từng bước một, để xây dựng một tương lai dựa trên tình liên đới và cam kết lẫn nhau, cho chính các bạn, cho con cháu các bạn và cho các thế hệ mai sau.

Tokuun hỏi làm thế nào chúng ta có thể giải đáp các vấn đề lớn khác mà chúng ta đang phải đối diện: chiến tranh, người tị nạn, thực phẩm, chênh lệch kinh tế và thách thức môi trường. Như các bạn biết, những điều này không thể được hiểu hoặc xử lý riêng rẽ. Một sai lầm nghiêm trọng là nghĩ rằng ngày nay những vấn đề này có thể được xử lý một cách cô lập, mà không coi chúng như một phần của một mạng lưới lớn hơn nhiều. Ông đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng chúng ta là một phần của trái đất này, một phần của môi trường, vì tất cả mọi vật, cuối cùng, được nối kết qua lại với nhau. Các quyết định quan trọng sẽ phải được đưa ra về việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên và các nguồn năng lượng trong tương lai nói riêng. Nhưng tôi tin điều quan trọng nhất là tiến bộ trong việc xây dựng một nền văn hóa có khả năng chống lại sự thờ ơ. Một trong những căn bệnh lớn nhất của chúng ta có liên quan đến nền văn hóa thờ ơ. Chúng ta cần làm việc với nhau để phát huy ý thức này là nếu một thành viên trong gia đình chúng ta đau khổ, tất cả chúng ta đều đau khổ. Sự nối kết thực sự sẽ không xảy ra trừ khi chúng ta trau dồi đức khôn ngoan của việc sống với nhau, vốn là đức khôn ngoan duy nhất có khả năng đối diện với các vấn đề (và giải pháp) theo phương thức hoàn cầu. Chúng ta là thành phần của nhau.

Ở đây, tôi muốn đề cập, một cách đặc biệt, vụ tai nạn tại Nhà máy điện hạch nhân Daiichi ở Fukushima và hậu quả của nó. Ngoài các mối lo âu về khoa học hoặc y tế, còn có những thách thức to lớn của việc khôi phục kết cấu của xã hội. Cho đến khi các mối dây xã hội trong cộng đồng địa phương được thiết lập lại, và mọi người một lần nữa có thể hưởng được một cuộc sống an toàn và ổn định, vụ tai nạn Fukushima sẽ không được giải quyết hoàn toàn. Đổi lại, như các giám mục anh em của tôi tại Nhật Bản đã nhấn mạnh, điều này liên quan đến mối quan tâm về việc tiếp tục sử dụng năng lực hạch nhân; vì lý do này, các ngài đã kêu gọi bãi bỏ các nhà máy điện hạch nhân.

Thời đại chúng ta bị cám dỗ muốn biến tiến bộ kỹ thuật thành thước đo tiến bộ nhân bản. “Mô hình kỹ trị” về tiến bộ và phát triển này đang lên khuôn cuộc sống của các cá nhân và hoạt động của xã hội, và thường dẫn đến chủ nghĩa giản lược ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống con người và xã hội (x. Laudato Si’, 101-114). Vì vậy, điều quan trọng là vào những lúc như thế này, hãy dừng lại và suy nghĩ về việc chúng ta là ai và, có lẽ quan trọng hơn, chúng ta muốn trở thành ai. Loại thế giới nào, loại di sản nào, chúng ta sẽ để lại cho những người sẽ đến sau chúng ta? Đức khôn ngoan và kinh nghiệm của những người lớn tuổi, kết hợp với lòng nhiệt thành và nhiệt huyết của những người trẻ tuổi, có thể giúp tạo ra một viễn kiến khác, một viễn kiến biết cổ vũ lòng kính trọng đối với quà phúc sự sống và tình liên đới với anh chị em của chúng ta trong một gia đình nhân loại đa sắc tộc và đa văn hóa.

Khi nghĩ về tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta, chúng ta cần nhận ra rằng chúng ta không thể đưa ra các quyết định hoàn toàn ích kỷ và chúng ta có trách nhiệm lớn đối với các thế hệ tương lai.

Do đó, chúng ta phải chọn một lối sống khiêm tốn và đạm bạc hơn để nhận ra các thực tại cấp bách mà chúng ta được mời gọi đối diện. Toshiko, Tokuun và Matsuki từng nhắc nhở chúng ta sự cần thiết phải tìm một con đường mới cho tương lai, một con đường bắt nguồn từ lòng tôn trọng mỗi người và tôn trọng thế giới tự nhiên. Dọc con đường này, “tất cả chúng ta có thể hợp tác như các khí cụ của Thiên Chúa để chăm sóc sáng thế, mỗi người tùy theo văn hóa, kinh nghiệm, sự liên lụy và tài năng của riêng mình” (sđd., 14).

Các bạn thân mến, trong công việc phục hồi và tái thiết liên tục sau thảm họa ba mặt, nhiều bàn tay phải nắm lấy nhau và nhiều trái tim đoàn kết như một. Nhờ cách này, những người đang đau khổ sẽ được hỗ trợ và biết rằng họ không bị lãng quên. Họ sẽ nhận ra rằng nhiều người tích cực và hữu hiệu chia sẻ nỗi buồn của họ và tiếp tục mở rộng bàn tay huynh đệ giúp đỡ. Một lần nữa, tôi cảm ơn tất cả những người, cách lớn và cách nhỏ, đã cố gắng giảm bớt gánh nặng của các nạn nhân. Mong sao lòng cảm thương trở thành con đường giúp mọi người tìm thấy hy vọng, sự ổn định và an toàn cho tương lai.

Cảm ơn các bạn một lần nữa vì đã hiện diện ở đây. Hãy cầu nguyện cho tôi. Và xin Thiên Chúa ban cho tất cả các bạn, và cho những người thân yêu của các bạn, các ơn phúc khôn ngoan, sức mạnh và hòa bình của Người. Cảm ơn các bạn.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với người trẻ Nhật tại Nhà Thờ Chính Tòa Tokyo: Nhật Bản cần các bạn, thế giới cần các bạn!
Vũ Văn An
22:11 25/11/2019
Theo Vatican News, một điểm hẹn mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô không bao giờ bỏ lỡ trong một chuyến tông du ở nước ngoài là gặp gỡ những người trẻ tuổi, “những người xây dựng nên ngày mai của xã hội”. Cuộc gặp gỡ đó diễn ra vào ngày áp chót của chuyến thăm Nhật Bản, khi ngài dành thời gian để gặp gỡ giới trẻ Tokyo.

Theo một công thức được luyện tập kỹ lưỡng, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và những người trẻ tuổi ở Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Tokyo bắt đầu bằng một số chứng từ trực tiếp. Đại diện cho sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo của những người trẻ đang sống ở Nhật Bản ngày nay, một người trẻ Công Giáo, một Phật tử trẻ và một di dân trẻ tuổi đã có thể nói lên các nỗi sợ hãi và khát vọng sâu sắc nhất của họ và hỏi Đức Giáo Hoàng một số câu hỏi quan trọng.

Miki nhấn mạnh một thực tại trong đó việc thiếu thì giờ và sức cạnh tranh thường xuyên khiến những người trẻ tuổi “không thấy muôn vàn vì sao và mất cơ hội tràn đầy niềm vui trải nghiệm sự vĩ đại của Thiên Chúa và sự yếu đuối của chính họ và nhận ra rằng Thiên Chúa ở cùng họ”.



Masako đã rọi sáng vào tai họa bắt nạt và tự tử, nhất là giữa các học giả và sinh viên ở Nhật Bản, và vào thực tại này là việc sử dụng sai lầm kỹ thuật khiến nhiều người trẻ cảm thấy cô đơn, cô lập và thiếu bạn bè thực sự.

Những lo lắng của cô đã được lặp lại bởi Leonardo, con trai một người nhập cư Phi Luật Tân, người đã nói với Đức Giáo Hoàng: “Thưa Đức Thánh Cha, xin Đức Thánh Cha làm ơn nói cho con hay, chúng con nên đối đầu ra sao với những vấn đề kỳ thị và bắt nạt đang lan rộng khắp thế giới?”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói “Cảm ơn con, Leonardo, vì con đã chia sẻ kinh nghiệm bắt nạt và kỳ thị”, và ngài nhận định rằng ngày càng có nhiều người trẻ tìm được can đảm nói lên những trải nghiệm như thế.

Bắt nạt

Ngài nói, bắt nạt “tấn công lòng tự tin của chúng ta vào chính thời điểm mà chúng ta cần nhất khả năng chấp nhận bản thân và đương đầu với các thách đố mới trong cuộc sống”.

Đức Giáo Hoàng đã mô tả hiện tượng này như một dịch bệnh và cho biết cách tốt nhất để điều trị nó là đoàn kết và học cách nói “Đủ rồi!” Và ngài kêu gọi tất cả các bạn trẻ đừng bao giờ sợ hãi “đứng lên giữa các bạn cùng lớp và bạn bè và nói: ‘Những gì bạn đang làm là sai lầm’”.

Sợ hãi

Đức Giáo Hoàng giải thích, sợ hãi luôn là kẻ thù của lòng tốt, bởi vì nó là kẻ thù của tình yêu và hòa bình.

Ngài nói rằng mọi tôn giáo lớn đều dạy sự khoan dung, hòa hợp và từ bi, không sợ hãi, chia rẽ và xung đột. Ngài nhắc nhở những người có mặt rằng Chúa Giêsu liên tục nói với những người theo Người đừng sợ hãi. Đức Giáo Hoàng nói, tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em của chúng ta gạt bỏ nỗi sợ hãi. Ngài nói “chính Chúa Giêsu biết bị coi thường và bị bác bỏ có nghĩa gì - thậm chí đến mức bị đóng đinh”.

“Người cũng biết làm một người xa lạ, một di dân, một người 'khác biệt' có nghĩa là gì. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Giêsu là 'người ngoài cuộc' tối hậu, theo ngài, là một người ngoài cuộc, nhưng đầy sức sống để cho đi”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với tất cả các 'Leonardo của thế giới' rằng: “Thế giới cần các con, các con đừng bao giờ quên điều đó!”: chúng ta luôn nhìn lên tất cả những thứ chúng ta không có, nhưng chúng ta phải nhìn mọi sự sống mà chúng ta có thể cho đi và chia sẻ với những người khác: “Chúa cần các con, để các con có thể khuyến khích mọi người xung quanh chúng ta đang tìm kiếm một bàn tay giúp đỡ để nâng họ lên”.

Ngài nói, điều này liên quan đến việc “phát triển một phẩm tính rất quan trọng nhưng bị đánh giá thấp: đó là khả năng học cách dành thì giờ cho người khác, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, hiểu họ”.

Tình yêu thay đổi thế giới

Chỉ lúc đó, Đức Giáo Hoàng giải thích, chúng ta mới có thể mở các trải nghiệm và những vấn đề của chúng ta cho một tình yêu có thể thay đổi chúng ta và bắt đầu thay đổi thế giới xung quanh chúng ta.

Đức Giáo Hoàng nói tiếp, điều đó chính là điều Miki đã nói tới trong phần thuyết trình của cô khi cô hỏi làm thế nào những người trẻ tuổi có thể tạo không gian cho Thiên Chúa trong một xã hội điên cuồng và tập chú vào việc cạnh tranh và có hiệu năng.

Ngài nói, càng ngày chúng ta càng thấy rằng “một người, một cộng đồng hoặc thậm chí cả một xã hội có thể phát triển cao ở bên ngoài, nhưng có một cuộc sống nội tâm nghèo nàn và kém phát triển, thiếu sự sống và sức sống thực sự”.

Ngài nói, “Mọi thứ đều làm họ chán nản; họ không còn mơ mộng, cười đùa hay vui chơi. Họ không có cảm thức thán phục hay ngạc nhiên. Họ giống như thây ma; trái tim họ đã ngừng đập vì họ không còn khả năng ăn mừng sự sống với người khác”.

Nghèo khó về tinh thần

Nhận xét một lần nữa việc có biết bao người trên khắp thế giới của chúng ta giàu có về vật chất, nhưng sống như những nô lệ cho sự cô đơn vô song, Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn Mẹ Theresa Calcutta, người làm việc giữa những người nghèo nhất và nói: "Cô đơn và cảm giác không được yêu thương là hình thức nghèo nàn khủng khiếp nhất”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, tất cả chúng ta đều được kêu gọi chiến đấu chống lại cảnh nghèo đói về tinh thần, nhưng những người trẻ tuổi có vai trò đặc biệt để đóng “vì nó đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong các ưu tiên và các lựa chọn".

Ngài nói “điều đó có nghĩa nhận ra rằng điều quan trọng nhất không phải là tôi có hoặc có thể có được gì, mà là tôi có thể chia sẻ với ai. Không quá quan trọng tập chú vào việc những gì tôi sống, nhưng tôi sống cho ai. Sự vật quan trọng, nhưng con người mới chủ yếu”.

Đức Giáo Hoàng nói tiếp, không có con người, chúng ta trở nên phi nhân, chúng ta mất đi các khuôn mặt và tên tuổi, và chúng ta trở thành một đồ vật khác.

Tình bạn

Đức Giáo Hoàng nói, tình bạn là một điều gì đó đẹp đẽ mà bạn có thể cống hiến cho thế giới của chúng ta, và ngài mời những người trẻ đặt hy vọng của họ vào một tương lai “dựa trên nền văn hóa gặp gỡ, chấp nhận, tình huynh đệ và tôn trọng phẩm giá của mỗi người, nhất là những người cần tình yêu và sự hiểu biết nhất”.

Ngài nói, “để duy trì sự sống về thể lý, chúng ta phải giữ nhịp thở; đó là điều chúng ta vẫn làm mà không nhận ra nó, hoàn toàn tự động. Để sống theo nghĩa đầy đủ nhất của hạn từ này, chúng ta cũng cần học cách thở một cách thiêng liêng, qua cầu nguyện và suy niệm”.

Ngài thúc giục những người có mặt làm điều đó và học cách nghe Thiên Chúa nói với họ trong sâu thẳm cõi lòng họ, và đồng thời vươn tay ra với những người khác trong các hành vi yêu thương và phục vụ.

Đừng bao giờ gác lại các giấc mơ của các bạn

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến trải nghiệm của Masako, như một học sinh và một thầy giáo; ngài nhận định rằng chìa khóa để lớn lên trong khôn ngoan không hẳn là tìm các câu trả lời đúng cho bằng khám phá ra những câu hỏi đúng để hỏi.

Ngài nói, “Hãy tiếp tục hỏi và giúp người khác hỏi, những câu hỏi đúng về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta và về cách chúng ta có thể định hình một tương lai tốt hơn như thế nào cho những người đến sau chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng kết luận, các bạn trẻ thân mến, “đừng bao giờ ngã lòng hay gác lại giấc mơ của các bạn. Hãy dành cho chúng nhiều không gian, hãy dám thoáng nhìn những chân trời rộng lớn và xem điều gì đang chờ đợi các bạn nếu các bạn khao khát đạt được chúng với nhau”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đoàn Liên Minh Thánh Tâm Seattle mừng lễ Chúa Kitô Vua 2019 Bổn Mạng của Đoàn
Nguyễn An Quý
17:55 25/11/2019
Tukwila. Giáo Hội kết thúc năm phụng vụ với Chúa Nhật 34 thường niên mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Cùng với Giáo xứ Đoàn Liên Minh Thánh Tâm mừng kính trọng thể lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Bổn Mạng của Đoàn vào lúc 9: 30 am.

Nhà thờ hôm nay với khung cảnh đặc biệt, một bàn thờ có Tượng Chúa Giêsu Kitô Vua được đặt vào một vị trí trang trọng nơi cung thánh có bản ghi dưới chân tượng: TÔN VINH CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Xem Hình

Gần đến giờ Thánh Lễ, toàn thể anh em Đoàn Viên Liên Minh ThánhTâm chỉnh tề đứng vào vị trí dưới ngọn cờ Đoàn để sẵn sàng tham gia vào nghi đoàn. Đúng 9 giờ 30, một ca viên trong Ca Đoàn Tin Yêu đọc lời dẫn lễ có đoạn: "Chúng ta có một vị Vua hòa bình, vị Vua đem lại cho ta niềm hạnh phúc và bình an, vị Vua nhân hậu dẫn dắt đoàn chiên trên đồng cỏ xanh tươi, và thần dân của Ngài là những ai sống trong sự thật, bác ái và công chính ". Lời dẫn lễ vừa dứt, Ca Đoàn hát bài ca nhập lễ: " Nào ta đến để tung hô Chúa là Vua, - Chúa thực sự là Vua- Chúa là Vua các Vua...Đoàn Liên Minh Thánh Tâm cùng với nghi đoàn và quý linh mục cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung thánh theo tiếng hát của Ca Đoàn. Hôm nay Ca Đoàn Tin Yêu phụ trách hát lễ.

Thánh lễ được cử hành đồng tế do cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, cùng đồng tế có linh mục Nguyễn Sơn Miên và linh mục Trần Hữu Lân.

Mở đầu thánh lễ cha chủ tế ngỏ lời chào mừng cộng đoàn dâng lễ, ngài nói: Hôm nay Giáo Hội kết thúc năm phụng vụ với Chúa Nhật mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, đặc biệt Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, mừng lễ Quan Thầy Chúa Kitô Vua Bổn Mạng của Đoàn, xin chào mừng quý ông, quý anh trong Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, dâng lễ hôm nay có cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân, xin chào đón quý xơ và quý ông bà anh chị em hiện diện trong thánh lễ, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Tin Mừng hôm nay Thánh Luca giới thiệu khung cảnh của giây phút mà Chúa Giêsu được mặc nhiên công nhận là Vua với câu chuyện như sau: "Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "Người Này Là Vua Dân Do Thái".

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

Cha chủ tế phu trách giảng lễ. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về tình yêu vô bờ bến của Chúa Giêsu đối với con người, đối với chúng ta, ngài nói: "Đứng trước sự nhạo báng của những con người qua những lời lẻ phỉ báng Chúa, chế nhạo Chúa, nhưng Chúa vẫn im lặng, điều này cho chúng ta một suy nghĩ rõ ràng là chỉ có Vua Tình Yêu trong Vương Quốc Tình Yêu mới có thể nhẫn nại, yêu thương trước những ngỗ nghịch như thế. Tình yêu được tràn lan đến hết mọi người, không phân biệt người tốt, kẻ xấu. Chính vì thế một người trộm tội lỗi đã được mạc khải một huyền nhiệm cao siêu về Nước Trời vơí câu nói chân thật đầy lòng tin: Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi và quả thật Chúa đã đoái thương đáp trả ngay: "Ta bảo thật ngươi ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với ta ". Cùng với tâm tình của anh trộm lành, chúng ta hãy cùng nhau thưa lên với Chúa: Chúng con kính tôn Chúa là Vua của chúng con, xin đón nhận chúng con vào vương quốc vĩnh cửu của Chúa" Khi đề cập đến ngày Bổn Mạng của Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, ngài nói: cùng với Đoàn Liên Minh Thánh Tâm chúng ta cùng tung hô Chúa Kitô Vua Vũ Trụ và tôn Vinh Ngài làm Vua nơi mọi tâm hồn, mọi gia đình và gia đình giáo xứ..."

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Trước khi kết thúc thánh lễ, cha chủ tế hướng về anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm và ngỏ lời: Hôm nay giáo xứ cùng chung vui với Đoàn Liên Minh Thánh Tâm trong ngày mừng Bổn mạng. Đoàn Liên Minh Thánh Tâm đã đảm nhận nhiều công tác giúp cho giáo xứ nhiều công việc khá tích cực. Đoàn hoạt động nhằm cổ vũ lòng Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa, mẫu gương sống đạo trong từng gia đình với nhiệm vụ gia trưởng, xin các bạn trẻ gia nhập Đoàn Liên Minh Thánh Tâm để cùng trao dồi và học hỏi diệu thuyết Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa, xin Chúa chúc lành cho tất cả quý ông, quý anh trong Đoàn. Quý Cha đã cùng chúc lành cho toàn thể Đoàn Viên Liên Minh Thánh Tâm trong tiếng hát với tiếng vỗ tay nhịp nhàng: Happy Feast Day to you.. Trước khi ban phép lành cuối lễ, cha chủ tế nói: sau thánh lễ Đoàn Liên Minh Thánh Tâm có buổi họp mặt gia đình Liên Minh Thánh Tâm xin mời quý gia đình Đoàn Liên Minh Thánh Tâm tham dự. Thánh lễ kết thúc lúc 12 giờ 40.

Sau Thánh Lễ là buổi họp mặt thân hữu của Gia đình Liên Minh Thánh Tâm. Đoàn có truyền thống trong những ngày Bổn mạng của Đoàn là những ngày họp mặt gia đình Đoàn Liên Minh Thánh Tâm trong tình huynh đệ của Thánh Tâm Chúa để nối kết tình thân hữu giữa các Đoàn viên và Gia Đình trong tình yêu của Thánh Tâm Chúa. Đúng 11 giờ, cha chánh xứ cùng với cha Trần Hữu Lân khai mạc buổi tiệc mừng họp mặt thân hữu Gia Đình Liên Minh Thánh Tâm trong phút cầu nguyện và chúc lành cho bữa tiệc. Ông Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ cũng có lời chúc mừng Đoàn trong ngày lễ Bổn Mạng. Hiện diện trong buổi tiệc vui này có một số anh chị ca viên trong Ca Đoàn Tin Yêu. Ca Đoàn Tin Yêu luôn kết thân với Đoàn Liên Liên Minh Thánh Tâm thật thân tình. Những giờ hát lễ của ca Đoàn Tin Yêu vào lúc 9 giờ 30 mỗi Chúa Nhật lại trùng vào giờ lễ mà Đoàn Liên Minh Thánh Tâm phụ trách phụng vụ nên tự nhiên đã trở thành thân thiện. Sự hiện diện của các ca viên trong Ca Đoàn Tin Yêu đã giúp cho bữa tiệc có được chương trình văn nghệ khá phong phú. Buổi tiệc kết thúc lúc 1 giờ 30, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
VietCatholic TV
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại nơi Chúa cũng ngậm ngùi – Hiroshima
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:12 25/11/2019


Như chúng tôi đã đưa tin: sáng Chúa Nhật 24/11, từ Tokyo, Đức Thánh Cha đã đáp máy bay đến Nagasaki nơi người Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống đây vào ngày 9 tháng 8, 1945. Ban chiều Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại sân vân động bóng chày của thành phố Nagasaki.

Sau đó, lúc 16:35, Đức Thánh Cha đã bay đến Hiroshima để có cuộc gặp gỡ về hoà bình. Hiroshima là nơi đã bị Hoa Kỳ ném bom nguyên tử vào ngày 6 tháng 8, 1945 giết chết 126,000 thường dân.

Nhân đây, chúng tôi xin được giới thiệu vài nét về lịch sử cận đại của Nhật Bản.

Giữa thế kỷ XIX, với cuộc Minh Trị Duy Tân do Nhật hoàng Minh Trị đề xướng, Nhật mở cửa triệt để với phương Tây. Trong thời kỳ này, công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, đất nước phát triển, vào đầu thế kỷ 20 thì Nhật Bản đã trở thành quốc gia có trình độ hiện đại hóa cao nhất châu Á. Với sức mạnh này, Nhật Bản xâm chiếm Đài Loan, Lưu Cầu, xâm lược Triều Tiên, đánh bại nhà Thanh, đế quốc Nga trong Chiến tranh Thanh-Nhật và Chiến tranh Nga-Nhật, trở thành nước đế quốc có thế lực ngang hàng với các cường quốc ở châu Âu.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Nhật đứng về phe Đồng Minh. Do ở bên chiến thắng, Nhật Bản chiếm thêm được một số thuộc địa của Đức ở Thái Bình Dương.

Sang Chiến tranh thế giới thứ hai, quân phiệt Nhật đứng về phe Trục với Ý và Đức Quốc xã. Dựa vào lực lượng quân đội có trình độ hiện đại, trong giai đoạn đầu chiến tranh, Nhật Bản liên tiếp đánh bại quân Anh-Mỹ. Tuy nhiên, vào giai đoạn sau, Nhật Bản dần thất thế. Lần đầu tiên trong lịch sử, vào năm 1945, Nhật thất bại và phải chịu sự chiếm đóng của nước ngoài.

Khu vực quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là Đài tưởng niệm hòa bình Hiroshima, thường được người Nhật gọi là Mái vòm Genbaku. Genbaku nghĩa là bom nguyên tử, đây là một phần trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima, và để được chỉ định là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1996.

Vào năm 1905, kiến trúc sư Jan Letzel, người Tiệp khắc đã thiết kế nên một Tòa nhà dùng làm nơi Triển lãm các Sản phẩm. Ở chỗ cao nhất của tòa nhà đó, ông cho xây một mái vòm, chúng ta vẫn còn thấy ngày này.

Vào lúc 8:15 sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh đã được Không quân Mỹ ném xuống từ chiếc máy bay ném bom Enola Gay, đó là một chiếc máy bay ném bom B-29. Sức tàn phá của quả bom nguyên tử đã xóa sổ hoàn toàn thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Tòa nhà Triển lãm các Sản phẩm là cấu trúc duy nhất còn sót lại gần tâm chấn của quả bom nguyên tử. Chẳng bao lâu sau, người Nhật bắt đầu gọi Mái vòm này là mái vòm Genbaku. Cấu trúc này ban đầu đã được lên kế hoạch phá hủy đi cùng với phần còn lại của tàn tích, nhưng vì phần lớn tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn, nên kế hoạch phá dỡ bị trì hoãn. Mái vòm này nhanh chóng trở thành một chủ đề gây tranh cãi. Một số người dân địa phương muốn nó bị phá hủy để họ có thể quên đi câu chuyện tang thương này, trong khi những người khác muốn bảo tồn nó như một đài tưởng niệm vụ đánh bom và là biểu tượng của hòa bình. Cuối cùng, khi việc tái thiết thành phố Hiroshima bắt đầu, thành phố quyết định bảo tồn mái vòm này.

Từ năm 1950 đến 1964, Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima được thành lập xung quanh Mái vòm. Hội đồng thành phố Hiroshima đã thông qua một nghị quyết vào năm 1966 là sẽ bảo tồn vĩnh viễn Mái vòm Genbaku, và đặt tên chính thức cho nó là Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima.

Thời tiết và sự xuống cấp của Mái vòm Genbaku tiếp tục diễn ra trong giai đoạn hậu chiến. Nhưng hội đồng thành phố Hiroshima quyết liệt muốn bảo tồn cấu trúc này vô thời hạn.

Mái vòm Genbaku như chúng ta thấy ngày nay gần như chính xác như sau vụ đánh bom vào ngày 6 tháng 8 năm 1945. Các thay đổi chỉ nhằm bảo đảm sự ổn định của cấu trúc, và nói chung là rất nhỏ.

Vào tháng 12 năm 1996, Mái vòm Genbaku đã được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO dựa trên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Tự nhiên Thế giới.

Trong diễn từ tại Hiroshima, Đức Thánh Cha nói:

“Vì tình yêu anh chị em và bạn bè của tôi, tôi nói: Bình an cho anh chị em!” (Tv 122: 8).

Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót và Chúa của lịch sử, chúng con ngước mắt lên Chúa, từ nơi này, nơi sự chết và sự sống, mất mát và tái sinh, đau khổ và cảm thương gặp nhau.

Tại đây, trong một bùng nổ chói lọi đầy sét và lửa, rất nhiều người đàn ông và đàn bà, rất nhiều giấc mơ và hy vọng, đã biến mất, chỉ còn lại bóng tối và im lặng. Ngay lập tức, mọi thứ bị nuốt chửng bởi một lỗ hổng đen ngòm của hủy diệt và chết chóc. Từ vực thẳm im lặng này, cả hôm nay nữa, chúng ta vẫn tiếp tục nghe thấy những tiếng than khóc của những người không còn nữa. Họ đến từ những nơi khác nhau, có tên khác nhau và một số người nói các ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đã được hợp nhất trong cùng một số phận, trong một giờ phút kinh hoàng để lại dấu ấn muôn thuở không chỉ trong lịch sử của đất nước này, mà còn trên khuôn mặt của cả nhân loại.

Ở đây, tôi xin bày tỏ lòng tôn kính với tất cả các nạn nhân, và tôi cúi đầu trước sức mạnh và phẩm giá của những người sống sót những giây phút ban đầu ấy, trong nhiều năm về sau còn mang trong da thịt mình những nỗi đau khôn cùng, và trong tinh thần mình hạt giống chết chóc từng rút hết năng lực sống của họ.

Tôi cảm thấy có bổn phận phải đến đây như một khách hành hương hòa bình, đứng im trong lời cầu nguyện thầm lặng, nhớ lại những nạn nhân vô tội của một bạo lực như thế và mang trong trái tim mình những lời cầu nguyện và khát mong của những người đàn ông và đàn bà thời ta, nhất là giới trẻ, những người khát mong hòa bình, làm việc cho hòa bình và tự hy sinh cho hòa bình. Tôi đã đến nơi đầy ký ức và hy vọng cho tương lai này, mang theo với tôi tiếng kêu của người nghèo, những người luôn là nạn nhân bất lực nhất của thù hận và xung đột.

Mong muốn khiêm tốn của tôi là trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói, những người quan tâm và lo lắng chứng kiến các căng thẳng đang gia tăng trong thời đại chúng ta: các bất bình đẳng và bất công không thể chấp nhận đang đe dọa sự chung sống của con người, sự bất lực trầm trọng không thể chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, và việc liên tục bùng nổ xung đột vũ trang, như thể những điều này có thể bảo đảm một tương lai hòa bình.

Với niềm xác tín sâu sắc, tôi muốn một lần nữa được tuyên bố rằng việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục đích chiến tranh ngày nay, hơn bao giờ hết, là một tội ác không chỉ chống lại phẩm giá con người mà còn chống lại bất cứ tương lai khả hữu nào cho ngôi nhà chung của chúng ta. Việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là vô luân, giống như việc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng là vô luân, như tôi đã nói hai năm trước đây. Chúng ta sẽ bị phán xét về điều này. Các thế hệ tương lai sẽ đứng dậy lên án sự thiếu sót của chúng ta nếu chúng ta nói đến hòa bình nhưng không hành động để đem nó vào giữa lòng các dân tộc trên trái đất. Làm thế nào chúng ta có thể nói đến hòa bình trong khi chúng ta chế tạo vũ khí chiến tranh mới đáng sợ? Làm thế nào chúng ta có thể nói về hòa bình khi chúng ta biện minh cho các hành động phi pháp bằng những bài phát biểu đầy kỳ thị và hận thù?

Tôi tin rằng hòa bình chỉ là một hạn từ trống rỗng, trừ khi nó được thiết lập trên sự thật, được xây dựng trong công lý, được đức ái sinh động hóa và hoàn thiện, và đạt được trong tự do (x. Thánh Gioan XXIII, Pacem in Terris, 37).

Xây dựng hòa bình trong sự thật và công lý đòi hỏi phải thừa nhận rằng “người ta thường khác nhau về kiến thức, đức hạnh, trí thông minh và sự giàu có” (ibid., 87), và điều này không bao giờ có thể biện minh cho mưu toan muốn áp đặt các lợi ích đặc thù của chúng ta lên người khác. Thật vậy, những khác biệt đó đòi hỏi một trách nhiệm và một lòng tôn trọng lớn hơn. Các cộng đồng chính trị có thể khác biệt một cách hợp lẽ về mặt văn hóa hoặc phát triển kinh tế, nhưng tất cả đều được kêu gọi dấn thân làm việc “cho chính nghĩa chung”, vì lợi ích của mọi người (sđd., 88).

Thật vậy, nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một xã hội công bằng và an toàn hơn, chúng ta phải buông vũ khí. “Không ai có thể yêu trong khi tay cầm vũ khí tấn công” (Thánh Phaolô VI, Diễn văn trước Liên Hợp Quốc, ngày 4 tháng 10 năm 1965, 10). Khi chúng ta nhượng bộ luận lý học vũ khí và tránh xa việc thực hành đối thoại, chúng ta quên đến có hại cho mình rằng, trước khi tạo ra các nạn nhân và sự hủy hoại, vũ khí có thể tạo ra những cơn ác mộng; “Chúng đòi các khoản chi phí khổng lồ, làm gián đoạn các dự án liên đới và lao động có ích, và làm méo mó quan điểm của các quốc gia” (ibid.). Làm thế nào chúng ta có thể đề xuất hòa bình nếu chúng ta liên tục viện dẫn mối đe dọa chiến tranh hạch nhân như một cách chính đáng để giải quyết các cuộc xung đột? Mong sao vực thẳm đau đớn đã chịu đựng ở đây nhắc nhở chúng ta có những ranh giới không bao giờ được vượt qua. Một nền hòa bình thực sự chỉ có thể là một nền hòa bình không vũ trang. Vì “hòa bình, không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của chiến tranh.. . mà phải được xây dựng không ngừng” (Gaudium et Spes, 78). Đó là thành quả của công lý, phát triển, liên đới, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và cổ vũ lợi ích chung, như chúng ta đã học được từ những bài học lịch sử.

Tưởng nhớ, cùng bước đi với nhau, bảo vệ. Đó là ba mệnh lệnh luân lý mà ở đây tại Hiroshima này mang một ý nghĩa mạnh mẽ và thậm chí phổ quát hơn, và có thể mở ra nẻo đường dẫn đến hòa bình. Vì lý do này, chúng ta không thể để các thế hệ hiện tại và tương lai mất ký ức về những gì đã xảy ra ở đây. Đó là một ký ức bảo đảm và khuyến khích việc xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn; một ký ức mở rộng, có khả năng đánh thức lương tâm của mọi người nam nữ, nhất là những người ngày nay đang đóng một vai trò quan trọng trong vận mệnh của các quốc gia; một ký ức sống động giúp chúng ta nói trong mọi thế hệ: Đừng bao giờ xẩy ra nữa!

Đó là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi đồng hành với nhau bằng một ánh mắt thấu hiểu và tha thứ, mở chân trời cho hy vọng và mang đến một tia sáng giữa nhiều đám mây hiện đang làm tối đen bầu trời. Chúng ta hãy mở rộng cõi lòng ta cho hy vọng, và trở thành công cụ hòa giải và hòa bình. Điều này sẽ luôn luôn khả hữu nếu chúng ta có thể bảo vệ lẫn nhau và nhìn nhận rằng chúng ta được nối kết với nhau bởi một số phận chung. Thế giới của chúng ta, liên kết qua lại với nhau không những bởi việc hoàn cầu hóa mà còn bởi chính trái đất mà chúng ta luôn chia sẻ, đòi hỏi, hiện nay hơn bao giờ hết, phải bác bỏ các lợi ích dành riêng cho một số nhóm hoặc lĩnh vực nhất định, để đạt được sự vĩ đại của những người đấu tranh một cách đồng trách nhiệm để bảo đảm một tương lai chung.

Trong một lời khẩn khoản với Thiên Chúa và tất cả những người nam nữ có thiện chí, nhân danh mọi nạn nhân của các vụ đánh bom và thí nghiệm nguyên tử, và của mọi cuộc xung đột, chúng ta hãy cùng nhau kêu lớn từ trái tim chúng ta: Đừng bao giờ có chiến tranh nữa, đừng bao giờ xảy ra đụng độ vũ trang nữa, đừng bao giờ lại gây đau khổ đến thế nữa! Ước mong hòa bình đến trong thời ta và thế giới ta. Lạy Thiên Chúa, Chúa đã hứa với chúng con rằng “lòng thương xót và lòng trung thành đã gặp nhau, công lý và hòa bình đã ôm nhau; lòng trung thành sẽ trổ sinh từ trái đất và công lý từ thiên đàng nhìn xuống” (Tv 84: 11-12).

Lạy Chúa, xin Chúa hãy đến vì trời đã xế chiều, và nơi sự hủy diệt đầy rẫy, xin cho hy vọng cũng có dư đầy ngày hôm nay để chúng con có thể viết và đạt được một tương lai khác. Lạy Chúa, xin Chúa hãy đến, lạy Hoàng tử hòa bình! Xin Chúa làm cho chúng con thành khí cụ và phản ánh hòa bình của Chúa!

“Vì tình yêu anh chị em và bạn bè của tôi, tôi nói: Bình an cho anh chị em!” (Tv 122: 8).

Kết thúc cuộc gặp gỡ, lúc 20:25 Đức Thánh Cha lên máy bay trở về Tokyo.
 
Bài giảng của ĐTC tại Tokyo Dome – Vẻ vang dân ta, Thánh Ca Việt được hát trong thánh lễ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:56 25/11/2019
Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ tại sân vận động Tokyo Dome vào lúc 16g chiều thứ Hai 25 tháng 11 tại Tokyo Dome.

Sân vận động Tokyo Dome được xây dựng tại quận Bunkyo của Tokyo. Việc xây dựng sân vận động bắt đầu vào ngày 16 tháng 5 năm 1985 và được khánh thành vào ngày 17 tháng 3 năm 1988. Sân vận động này có sức chứa tối đa là 57,000 người, với 42,000 chỗ ngồi.

Tokyo Dome có biệt danh là “The Big Egg” vì nhìn xa nó giống một quả trứng khổng lồ.

Như chúng tôi đã có lần thưa với quý vị và anh chị em, Giáo Hội Nhật có 3 tổng giáo phận và 13 giáo phận. Tổng giáo phận Tokyo được kể là lớn nhất với 96,811 người Công Giáo trong tổng số 37 triệu dân. Tức là chiếm 0.25% dân số. Tổng giáo phận có 334 linh mục, 340 nam tu sĩ không có chức linh mục và 1,320 nữ tu. Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 75 giáo xứ. Hiện nay, tổng giáo phận được lãnh đạo bởi Đức Tổng Giám Mục Tarcisius Isao Kikuchi, 61 tuổi.

Trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Tarcisius Isao Kikuchi đưa ra một nhận xét khá bi quan rằng việc truyền giáo tại Nhật khó lòng có thể có những kết quả tỏ tường. Trước đây, việc dạy tiếng Anh là một trong những thế mạnh của các nhà truyền giáo và có khả năng tạo ra các điều kiện truyền giáo thuận lợi. Ngày nay, lợi thế đó không còn nữa vì tiếng Anh được dạy rộng rãi trong các trường học, ngay từ bậc tiểu học.

Thánh lễ này có thể coi là một dấu chỉ tỏ tường cho thấy sự lớn mạnh của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật Bản. Người Công Giáo Việt Nam hiện diện rất đông trong thánh lễ. Một trong những ý nguyện được đọc bằng tiếng Việt và trong phần hiệp lễ một bài thánh ca Việt Nam đã được hát lên.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Phúc Âm chúng ta vừa nghe là một phần trong bài giảng quan trọng đầu tiên của Chúa Giêsu. Chúng ta thường gọi đó là Bài giảng trên Núi, và bài giảng ấy mô tả cho chúng ta vẻ đẹp của con đường chúng ta được mời gọi dõi theo. Trong Kinh thánh, ngọn núi thường là nơi Thiên Chúa hiện ra và mạc khải về Ngài. “Hãy đến đây với Ta”, Chúa nói với ông Môisê (x. Xh 24: 1). Đó là một ngọn núi mà ta không thể đạt đến đỉnh bằng sức mạnh ý chí hay bậc thang công danh trong xã hội, nhưng phải bằng cách chăm chú, kiên nhẫn và nhạy cảm lắng nghe Thầy ở mỗi ngã rẽ của cuộc đời. Đỉnh núi trình bày với tất cả chúng ta một viễn cảnh mới mẻ hơn bao giờ với trọng tâm là lòng thương xót của Chúa Cha. Trong Chúa Giêsu, chúng ta bắt gặp đỉnh cao của ý nghĩa con người; Ngài chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự viên mãn vượt quá mọi hy vọng và kỳ vọng của chúng ta. Nơi Ngài, chúng ta gặp gỡ một cuộc sống mới, trong đó chúng ta nhận ra rằng chúng ta là con cái yêu dấu của Chúa.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng trên đường đi, tự do trở thành con cái của Chúa có thể bị đè nén và suy yếu nếu chúng ta bị bao vây trong một vòng luẩn quẩn những lo lắng và cạnh tranh. Hoặc nếu chúng ta tập trung tất cả sự chú ý và năng lượng của mình vào việc điên cuồng theo đuổi năng suất và chủ nghĩa tiêu dùng như là tiêu chí duy nhất để đo lường và xác nhận những lựa chọn của chúng ta, hoặc định nghĩa chúng ta là ai hoặc chúng ta có giá trị gì. Cách đo lường mọi thứ như thế từ từ làm cho chúng ta trở nên cứng nhắc và thiếu nhạy cảm trước những điều thực sự quan trọng, thay vào đó nó khiến chúng ta hổn hển chạy theo những thứ thừa thãi hoặc phù du. Háo hức để tin rằng tất cả mọi thứ đều có thể được sản xuất, đều có thể có được, hoặc kiểm soát được bóp nghẹt và xiềng xích linh hồn chúng ta biết chừng nào!

Ở Nhật Bản này, trong một xã hội có nền kinh tế phát triển cao, những người trẻ tôi gặp sáng nay đã nói chuyện với tôi về tình trạng nhiều người bị cô lập về mặt xã hội. Họ vẫn mãi đứng bên lề xã hội, không thể nắm bắt được ý nghĩa của cuộc sống và sự tồn tại của chính mình. Càng ngày, gia đình, trường học và cộng đồng, vốn là những nơi chúng ta hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, càng bị xói mòn bởi sự cạnh tranh quá mức trong việc theo đuổi lợi nhuận và hiệu quả. Nhiều người cảm thấy bối rối và lo lắng; họ bị choáng ngợp bởi quá nhiều yêu cầu và những lo lắng cướp đi sự bình yên và ổn định của họ.

Những lời của Chúa tác động lên chúng ta như một thứ dầu thơm làm tỉnh táo, khi Ngài bảo chúng ta đừng bối rối nhưng hãy tin tưởng. Ba lần Ngài khẳng định với chúng ta: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.” (x Mt 6: 25.31.34). Đây không phải là một sự khuyến khích bỏ mặc những gì xảy ra xung quanh chúng ta hoặc vô trách nhiệm về nhiệm vụ và trách nhiệm hàng ngày của mình. Ngược lại, đó là một lời mời gọi thiết lập lại các ưu tiên của chúng ta trên một chân trời rộng lớn hơn về ý nghĩa và do đó tìm được tự do để nhìn mọi sự theo cách của mình: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33).

Chúa không nói với chúng ta rằng những nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và quần áo là không quan trọng. Thay vào đó, Ngài mời gọi chúng ta đánh giá lại các quyết định hàng ngày của mình và không bị kẹt hoặc cô lập trong việc theo đuổi thành công bằng bất cứ giá nào, bao gồm cả cái giá phải trả là chính cuộc sống của chúng ta. Não trạng thế gian chỉ đánh giá cao lợi nhuận hoặc những gì một người giành được trong thế giới này, với một thái độ ích kỷ chỉ theo đuổi hạnh phúc cá nhân, mà trong thực tế khiến chúng ta vô cùng bất hạnh và trở thành nô lệ, cũng như cản trở sự phát triển đích thực của một xã hội thực sự hài hòa và nhân bản.

Trái ngược với cái “Tôi” cô lập, khép kín và thậm chí là ngột ngạt chỉ có thể là tiếng “chúng ta” được chia sẻ, cử mừng và thông truyền (x. Buổi Tiếp Kiến Chung, ngày 13 tháng 2 năm 2019). Tiếng gọi của Chúa nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta cần phải thừa nhận một cách hân hoan rằng cuộc sống của chúng ta về cơ bản là một ân sủng, và tự do của chúng ta là một hồng ân. Ngày nay, đó không phải là điều dễ dàng, trong một thế giới nghĩ rằng nó có thể tự mình tạo ra những điều nhất định như là hoa trái của óc sáng tạo hoặc sự tự do” (Tông huấn Mừng rỡ Hân hoan - Gaudete et Exsultate, 55). Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Kinh Thánh cho chúng ta biết thế giới của chúng ta, đầy ắp cuộc sống và vẻ đẹp, trước hết là một ân sủng quý giá của Đấng Tạo Hóa: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1: 31). Thiên Chúa ban cho chúng ta vẻ đẹp và sự tốt lành này để chúng ta có thể chia sẻ nó và trao ban nó cho những người khác, không phải với tư cách là chủ nhân ông, nhưng là những người chia sẻ trong cùng một giấc mơ sáng tạo của Chúa. “Sự chăm sóc đích thực cho chính cuộc sống của chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên là không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, công lý và lòng trung tín đối với người khác” (Laudato Si', 70).

Trước thực tại này, chúng ta được mời gọi, trong tư cách là một cộng đồng Kitô giáo, hãy bảo vệ tất cả sự sống và làm chứng với sự khôn ngoan và can đảm cho một lối sống được ghi dấu bởi lòng biết ơn và lòng trắc ẩn, sự rộng lượng và lắng nghe đơn sơ. Một khả năng nắm bắt và chấp nhận cuộc sống như nó là, “với tất cả sự mong manh của nó, đơn sơ của nó, và quá thường, là những mâu thuẫn và phiền toái của nó “ (Diễn từ tại Đêm Canh hức Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Panama, 26 tháng 1 năm 2019). Chúng ta được kêu gọi để trở thành một cộng đồng có thể học tập và giảng dạy về tầm quan trọng của việc chấp nhận “những điều không hoàn hảo, không tinh khiết hoặc không 'vô trùng', nhưng không kém phần xứng đáng với tình yêu. Là một người tàn tật hoặc yếu đuối thì không xứng đáng với tình yêu sao? Một người là người nước ngoài, một người phạm lỗi, một người đau ốm hay tù đầy: người đó không xứng đáng với tình yêu sao? Chúng ta biết những gì Chúa Giêsu đã làm: Ngài ôm lấy người phong hủi, người mù, người bại liệt, người Pharisêu và những người tội lỗi. Ngài chấp nhận người trộm lành trên thập tự giá và thậm chí chấp nhận và tha thứ cho những người đóng đinh Ngài” (ibid.).

Việc loan báo Tin Mừng Sự Sống khẩn thiết đòi hỏi chúng ta, như một cộng đồng, phải trở thành một bệnh viện dã chiến, sẵn sàng chữa lành những vết thương và luôn luôn đưa ra một con đường hòa giải và tha thứ. Đối với người Kitô hữu, tiêu chí khả thi duy nhất mà qua đó chúng ta có thể đánh giá mỗi người và mỗi hoàn cảnh là tiêu chí của lòng thương xót Chúa Cha dành cho tất cả con cái Người.

Hợp nhất với Chúa, trong sự hợp tác và đối thoại không ngừng với những người nam nữ có thiện chí, kể cả những người có niềm tin tôn giáo khác, chúng ta có thể trở thành men có tính tiên tri cho một xã hội ngày càng bảo vệ và quan tâm đến mọi sự sống.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
LIVE: Đức Thánh Cha gặp gỡ các sinh viên và giới trí thức Nhật Bản tại Đại Học Sophia, Tokyo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:37 25/11/2019
 
Những lời khuyên quý giá của Đức Thánh Cha cho giới trẻ Nhật Bản tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Tokyo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:06 25/11/2019
Lúc 10g sáng 25/11, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nạn nhân của ba tai ương động đất, sóng thần và tai nạn nguyên tử năm 2011. Sau đó, Đức Thánh Cha có cuộc gặp riêng với Nhật Hoàng.

Nhật Bản là một nước theo hệ thống quân chủ lập hiến, quyền lực của Nhật hoàng vì vậy rất hạn chế. Đương kim Nhật hoàng, là người tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô là Naruhito. Theo hiến pháp, Nhật hoàng được quy định là một “biểu tượng của Quốc gia và của sự hòa hợp dân tộc” mang tính hình thức lễ nghi. Quyền điều hành đất nước chủ yếu được trao cho Thủ tướng và những nghị sĩ do dân bầu ra. Thủ tướng hiện nay của Nhật là Ông Shinzō Abe. Ông đã đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2012 đến nay.

Sau cuộc gặp gỡ với Nhật Hoàng Naruhito, Đức Thánh Cha đã kết thúc buổi sáng với cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Nhà thờ chính toà Đức Maria.

Trong diễn từ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:


Các bạn trẻ thân mến,

Cảm ơn các bạn đã đến và có mặt ở đây. Chứng kiến và nghe thấy sự hào hứng và nhiệt tình của các bạn đem đến cho tôi niềm vui và hy vọng. Tôi rất biết ơn vì điều này. Tôi cũng biết ơn Leonardo, Miki và Masako vì những chứng tá của họ. Cần có can đảm rất lớn để mở rộng trái tim và chia sẻ như các bạn đã làm. Tôi chắc chắn rằng tiếng nói của các bạn vang vọng những người các bạn cùng lớp có mặt ở đây. Cảm ơn các bạn! Tôi biết rằng có những người trẻ tuổi từ các quốc tịch khác trong số các bạn, một số là những người tị nạn. Chúng ta hãy học cách xây dựng xã hội mà chúng ta mong muốn cho tương lai.

Khi nhìn các bạn, tôi có thể nhận ra sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo của những người trẻ sống ở Nhật Bản ngày nay, và một vẻ đẹp nào đó mà thế hệ của các bạn gìn giữ cho tương lai. Tình bạn của các bạn với nhau và sự hiện diện của các bạn ở đây nhắc nhở mọi người rằng tương lai không đơn điệu; nếu chúng ta can đảm, chúng ta có thể chiêm ngưỡng nó trong tất cả sự khác biệt và đa dạng của những gì mỗi cá nhân mang đến. Gia đình nhân loại của chúng ta cần học cách sống hòa thuận và hòa bình với nhau, không cần tất cả chúng ta phải giống nhau! Chúng ta cần tăng trưởng biết bao trong tình huynh đệ, trong sự quan tâm đến người khác và trong niềm tôn trọng những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau! Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay rất vui vì chúng ta đang nói rằng văn hóa gặp gỡ là có thể. Đó không phải là một điều không tưởng, và những người trẻ tuổi của các bạn có sự nhạy cảm đặc biệt cần thiết để đưa nó về phía trước.

Tôi có ấn tượng sâu sắc trước những câu hỏi các bạn đặt ra vì chúng phản ánh những trải nghiệm cụ thể của các bạn, nhưng cũng là hy vọng và ước mơ của các bạn cho tương lai.

Cảm ơn Leonardo, đã chia sẻ kinh nghiệm bị bắt nạt và phân biệt đối xử. Ngày càng có nhiều người trẻ tìm thấy can đảm để nói lên những kinh nghiệm như kinh nghiệm của bạn. Điều tàn bạo nhất trong trò bắt nạt là nó tấn công sự tự tin của chúng ta vào thời điểm mà chúng ta cần nhất là khả năng chấp nhận bản thân và đương đầu với những thử thách mới trong cuộc sống. Đôi khi, nạn nhân của bắt nạt thậm chí đổ lỗi cho chính bản thân mình vì đã trở thành mục tiêu “dễ dàng”. Họ có thể cảm thấy mình thất bại, yếu đuối và vô giá trị, và cuối cùng rơi vào tình huống rất bi thảm: “Phải chi tôi có thể khác đi...” Tuy nhiên, nghịch lý thay, kẻ bắt nạt là những người thực sự yếu, vì họ nghĩ rằng họ có thể khẳng định bản sắc riêng của mình bằng cách làm tổn thương người khác. Đôi khi, họ tấn công bất cứ ai mà họ cho là khác biệt, xem người ấy tiêu biểu cho điều gì đó mà họ thấy bị đe dọa. Trong sâu thẳm, những kẻ bắt nạt sợ hãi, và họ che đậy nỗi sợ hãi của mình bằng một màn thể hiện sức mạnh. Tất cả chúng ta phải đoàn kết chống lại nền văn hóa bắt nạt này và học cách nói “ Đủ rồi!” Đây là một dịch bệnh, và cùng nhau các bạn có thể tìm thấy những phương dược tốt nhất để chữa trị nó. Dù các tổ chức giáo dục và người lớn có sử dụng hết tất cả các tài nguyên có trong tay để ngăn chặn thảm kịch này thì vẫn chưa đủ đâu; điều cần thiết là trong số chính các bạn, trong số các bạn bè và đồng nghiệp, các bạn hãy cùng tham gia khi nói: “Không!”, khi nói: “Làm thế là sai” . Không có vũ khí nào mạnh hơn để chống lại những hành động này cho bằng đứng lên ở giữa các bạn cùng lớp và các bạn bè của chúng ta và nói rằng: “Những gì các bạn đang làm là sai trái”.

Sợ hãi luôn là kẻ thù của lòng tốt vì nó là kẻ thù của tình yêu và hòa bình. Các tôn giáo lớn dạy lòng khoan dung, hòa hợp và lòng thương xót, không sợ hãi, chia rẽ và xung đột. Chúa Giêsu liên tục nói với những người theo Ngài đừng sợ hãi. Tại sao? Bởi vì nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa và anh chị em của mình, thì tình yêu này đã dập tắt đi sự sợ hãi (x. 1 Ga 4:18). Đối với nhiều người trong chúng ta, như Leonardo nhắc nhở chúng ta, nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta niềm an ủi, vì chính Chúa Giêsu đã biết những gì là bị coi thường và bị từ chối - thậm chí đến mức bị đóng đinh. Ngài biết quá rõ những gì xảy ra khi trở thành một người xa lạ, một người nhập cư, một người nào đó “khác” với người xung quanh. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Giêsu là một “người ngoài cuộc” đến tột độ, một người ngoài tràn đầy sức sống để trao ban. Leonardo, chúng ta luôn có thể nhìn vào tất cả những thứ chúng ta không có, nhưng chúng ta cũng có thể đến để xem tất cả cuộc sống mà chúng ta có thể cho đi và chia sẻ với những người khác. Thế giới cần các bạn. Đừng bao giờ quên điều đó! Chúa cần các bạn để các bạn có thể khuyến khích tất cả những người xung quanh đang tìm kiếm một bàn tay giúp đỡ để nâng họ dậy.

Điều này liên quan đến việc phát triển một phẩm chất rất quan trọng nhưng bị đánh giá thấp: đó là khả năng học cách dành thời gian cho người khác, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, để hiểu họ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra những trải nghiệm và những vấn đề của chúng ta cho một tình yêu có thể thay đổi chúng ta và bắt đầu thay đổi thế giới xung quanh chúng ta. Trừ khi chúng ta quảng đại dành thời gian cho người khác, chúng ta sẽ lãng phí thời gian vào nhiều thứ mà chung cuộc chỉ khiến chúng ta trống rỗng và bối rối; “cứng đơ” như người ta thường nói ở nước tôi. Vì vậy, hãy dành thời gian cho gia đình và các bạn bè của các bạn, nhưng cũng dành thời gian cho Chúa qua suy tư và cầu nguyện. Và nếu các bạn thấy khó cầu nguyện, đừng bỏ cuộc. Một nhà hướng dẫn tâm linh khôn ngoan đã từng nói: cầu nguyện chủ yếu là vấn đề hiện diện ở đó. Hãy tĩnh lặng; tạo không gian cho Chúa; hãy để Người nhìn các bạn và Người sẽ lấp đầy các bạn bằng sự bình an của Người.

Đó chính xác là những gì Miki đã nói. Miki hỏi làm thế nào những người trẻ tuổi có thể tạo không gian cho Chúa trong một xã hội quay cuồng và tập trung vào việc cạnh tranh và năng suất lao động. Càng ngày chúng ta càng thấy rằng một người, một cộng đồng hay thậm chí là toàn xã hội có thể phát triển cao ở bên ngoài, nhưng có một cuộc sống nội tâm nghèo nàn và kém phát triển, thiếu sức sống và sinh khí. Mọi thứ làm họ chán ngấy; họ không còn mơ, cười hay chơi đùa. Họ không có cảm giác trầm trồ hay ngạc nhiên. Họ giống như thây ma; trái tim của họ đã ngừng đập vì không thể cử mừng cuộc sống với người khác. Có bao nhiêu người trên khắp thế giới của chúng ta giàu có về vật chất, nhưng sống như những nô lệ cho sự cô đơn vô song! Tôi nghĩ về sự cô đơn của rất nhiều người, già trẻ, trong các xã hội thịnh vượng nhưng thường vô danh của chúng ta. Mẹ Teresa, người đã làm việc giữa những người nghèo nhất trong số những người nghèo, đã từng nói một câu rất tiên tri: “Cô đơn và cảm giác không được yêu thương là hình thức khủng khiếp nhất của nghèo đói”.

Chống lại sự nghèo nàn về tinh thần này là một nhiệm vụ mà tất cả chúng ta được mời gọi, và trong đó các bạn có vai trò đặc biệt vì nó đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong các ưu tiên và lựa chọn. Nó có nghĩa là nhận ra rằng điều quan trọng nhất không phải là những gì tôi có hoặc có thể giành được, nhưng là tôi có thể chia sẻ với ai. Tôi sống cho những gì không phải là điều quá quan trọng mà chúng ta phải tập trung vào, nhưng vấn đề là tôi sống cho ai. Tôi sống cho những gì là quan trọng, nhưng tôi sống cho ai mới là điều thiết yếu. Không có họ, chúng ta trở nên phi nhân cách, chúng ta mất đi khuôn mặt và tên tuổi mình, và chúng ta trở thành một đối tượng khác, có lẽ là khá hơn những người khác đấy, nhưng cuối cùng không có gì hơn một vật thể. Sách Huấn Ca nói: “Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng” (6:14). Đó là lý do tại sao luôn luôn cần thiết là chúng ta phải đặt câu hỏi: “Tôi sống vì ai đây? Tất nhiên, các bạn là dành cho Chúa. Tuy nhiên, Ngài đã quyết định rằng các bạn cũng phải dành cho người khác, và Ngài đã ban cho các bạn nhiều phẩm chất, khuynh hướng, quà tặng, và đặc sủng không phải là cho riêng các bạn, nhưng để chia sẻ với những người xung quanh các bạn” (Christus Vivit, 286).

Đây là một cái gì đó rất đẹp mà các bạn có thể trao ban cho thế giới chúng ta. Hãy làm chứng rằng một “tình bạn xã hội” là có thể! Hãy đặt hy vọng của các bạn vào một tương lai dựa trên văn hóa gặp gỡ, chấp nhận, tình huynh đệ và tôn trọng phẩm giá của mỗi người, đặc biệt là những người cần tình yêu và sự cảm thông nhất. Đó là tương lai trong đó chúng ta không cảm thấy cần phải tấn công hoặc coi thường người khác, nhưng thay vào đó học cách nhận ra đặc sủng của họ.

Để có thể sống về thể lý, chúng ta phải giữ nhịp thở; đó là một cái gì đó chúng ta làm một cách tự động mà không nhận ra điều đó. Để sống theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này, chúng ta cũng cần học cách thở tâm linh, thông qua cầu nguyện và chiêm niệm, trong một chuyển động hướng nội qua đó chúng ta có thể nghe tiếng Chúa nói với chúng ta trong sâu thẳm trái tim. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần một chuyển động hướng ngoại, qua đó chúng ta tiếp cận với những người khác trong các hành vi yêu thương và phục vụ. Sự chuyển động kép này là những gì cho phép chúng ta phát triển và khám phá ra rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, bên cạnh đó, Ngài còn kêu gọi mỗi người chúng ta đến với một sứ mệnh và ơn gọi cá vị. Chúng ta khám phá điều này đến mức chúng ta sẵn sàng trao ban chính mình cho tha nhân, cho những con người cụ thể.

Masako đã nói về tất cả những điều này từ kinh nghiệm của bản thân mình khi còn là một sinh viên, và sau đó là một giáo viên. Cô hỏi làm thế nào những người trẻ tuổi có thể được giúp đỡ để khám phá thiện căn và giá trị bẩm sinh của họ. Ở đây một lần nữa, tôi sẽ nói rằng để phát triển, để khám phá bản sắc, lòng tốt và vẻ đẹp bên trong của chính chúng ta, chúng ta không thể nhìn vào chính mình trong gương. Chúng ta đã phát minh ra tất cả các loại vật dụng tiện nghi, nhưng chúng ta vẫn không thể chụp ảnh chính tâm hồn mình. Cảm ơn Chúa! Bởi vì để có hạnh phúc, chúng ta cần nhờ người khác giúp đỡ, cần người khác chụp ảnh chúng ta. Chúng ta cần phải ra khỏi chính mình hướng về những người khác, đặc biệt là những người quẫn bách nhất (x. Christus Vivit, 171). Cách riêng, tôi xin các bạn mở rộng tình bạn cho những người đến đây, thường là sau những đau khổ lớn, đang tìm kiếm một chốn nương thân trên đất nước của các bạn. Thật vậy, một nhóm nhỏ những người tị nạn có mặt với chúng ta ở đây, và lòng tốt của các bạn đối với họ sẽ cho thấy họ không phải là người lạ. Ít nhất, vì các bạn coi họ như anh chị em.

Một thầy dạy khôn ngoan đã từng nói rằng chìa khóa để phát triển trí tuệ không hệ tại quá nhiều nơi việc tìm ra những câu trả lời đúng mà là khám phá ra những câu hỏi đúng. Không phải tất cả các bạn sẽ trở thành giáo viên như Masako, nhưng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ tiếp tục hỏi và giúp đỡ những người khác hỏi, những câu hỏi đúng về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta và về cách chúng ta có thể định hướng một tương lai tốt hơn cho những người đến sau chúng ta .

Các bạn trẻ thân mến, tôi cảm ơn các bạn vì sự chú ý lắng nghe thân thiện của các bạn trong dịp này, và cảm ơn các bạn đã chia sẻ với tôi về cuộc sống của các bạn. Đừng bao giờ tuyệt vọng hay đặt những giấc mơ của mình sang một bên. Hãy dành nhiều chỗ trong tâm hồn mình cho Chúa, hãy dám vươn tầm nhìn đến những chân trời rộng lớn và xem những gì đang chờ các bạn nếu các bạn khao khát đạt được những điều ấy cùng nhau. Nhật Bản cần các bạn, và thế giới cần các bạn, hãy quảng đại, vui vẻ và nhiệt tình, hãy có khả năng tạo ra một mái nhà cho mọi người. Tôi cầu nguyện rằng các bạn sẽ phát triển trí tuệ tâm linh và khám phá con đường dẫn đến hạnh phúc thực sự trong cuộc sống này. Tôi sẽ nhớ đến các bạn trong những lời cầu nguyện của tôi, và tôi xin các bạn, xin vui lòng, cầu nguyện cho tôi nhé.

Tôi gởi đến tất cả các bạn, cùng với gia đình và các bạn bè của các bạn, lời chúc tốt đẹp nhất và phước lành của tôi.

Cảm ơn nhiều.


Source:Libreria Editrice Vaticana