Ngày 26-11-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hoạt cảnh: Vọng Giáng sinh 2011
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:18 26/11/2011
VỌNG GIÁNG SINH 2011

Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta
“ ( Ga 1, 14 )


*Nhạc dạo du dương, huyền diệu

NOEL KHÔNG TUYẾT

Chúa sinh ra nơi hang đá máng lừa
Năm xưa lạnh, gió tạt vào máng cỏ
Tuyết rơi nhẹ, cánh đồng đầy sương tuyết
Mẹ Maria, im lặnh bái chầu

Thánh Giuse, người công chính đoái nhìn
Con Thiên Chúa xuống gian trần cứu thế
Bò lừa thở hơi, Giêsu nằm ấm
Chúa Thiên Đình đã ngự xuống trần gian

Nay, Chúa sinh nơi hang đá khó nghèo
Nơi quê hương Việt Nam không có tuyết
Chúa chấp nhận quê hương con không tuyết
Nhưng tấm lòng con cái Chúa thật vui

Bên Âu Châu một câu nói tuyệt vời
Noel không tuyết, không phải Noel
Câu nói ấy, hợp với người xứ lạ
Noel Việt Nam vẫn không có tuyết rơi…


Kính thưa cộng đoàn,
Mầu nhiệm Giáng Sinh đã xẩy ra cách đây 2011 năm. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống thế. Bởi vì, cả một lịch sử lâu dài từ khi hai Ông Bà nguyên tổ Ađam và Evà phạm tội. Thiên Chúa vẫn chỉ ấp ủ một mối tình trung tín. Ngài không bỏ rơi loài người, không bỏ rơi con người, nhưng với biết bao sa ngã của con người, Thiên Chúa vẫn sai nhiều ngôn sứ dọn đường cho Con Một của Ngài xuống thế. Các ngôn sứ luôn kêu gọi dân Israen ăn năn sám hối…Và rồi tới lúc đã định Thiên Chúa sai con của Ngài đến trong cung lòng của một người nữ tên là Maria…

-Múa ăn năn sám hối ( Trời cao hãy đổ sương xuống ).

I. HOẠT CẢNH: Thiên Chúa chọn Mẹ Maria

*Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói :” Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rát bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
-Sứ thần liền nói :” Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu “.
-Bà Maria thưa với sứ thần :” Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng “.
-Sứ thần đáp :” Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa “.
-Bấy giờ bà Maria nói :” Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói “.
*Các Thiên Thần múa ( Tiếng Hát Thiên Thần. Bong bóng muôn mầu với ánh sáng nhiều mầu ).

II.CHÚA LUÔN VIẾNG THĂM DÂN NGƯỜI

Con Thiên Chúa đã làm người đã cư ngự giữa con người, nhưng con người đã không đón tiếp người ( Ga 1, 11 ). Đã bao lần Con Thiên Chúa đả đi gõ cửa từng nhà, nhưng có biết bao nhiêu người đã mở cửa tâm hồn để đón rước Ngài. Thế giới hôm nay đã hơn 07 ( bảy ) tỉ người, nhưng đã có mấy người tiếp nhận Con Thiên Chúa : Đức Giêsu đến viếng thăm ?
Tuy con người nhiều khi ơ hờ, lãnh đạm, vô tâm không đón nhận Chúa nhưng Chúa luôn yêu thương viếng thăm con người…

*Múa : Noel về ( tưng bừng, vui nhộn ).

III.MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

“ Ngôi Lời đã nhập thể, và cư ngụ giữa chúng ta “ ( Ga 1, 14 ). Chúa Giêsu một món quà vô giá Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại, cho con người chúng ta :” Đức Giêsu là quà tặng quí giá nhất Thiên Chúa tặng ban cho con người “ ( Ga 3, 16 ).
Đêm nay, đêm huyền diệu, đêm trời và đất nối kết nhau, đêm tràn ngập ánh sáng, đêm Thiên Chúa viếng thăm con người đúng như sứ điệp dạt dào yêu thương của ngôn sứ Isaia :” Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta và một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta “ ( Is 9,5 ). Chúng ta hãy sẵn sàng, mau mắn mở rộng tâm hồn để Chúa ngự trị trong Hang Đá trái tim của chúng ta.

*Đoàn rước từ cuối Nhà Thờ với các thiên thần và cung nghinh Chúa Giêsu đặt trong Hang đá.
*Xông hương Chúa Hài Đồng.

*Nhạc : Nhẹ du dương ( chơi đờn orgue )

DÃ QUỲ DÂNG CHÚA HÀI NHI

Vạt Dã Quỳ
Nở hoa vàng óng
Gió rì rào
Những chiếc lá
Mùa thu
Bên Dòng Đa Dâng
Những bông Dà quỳ vàng
Thì thào nói chuyện
Nước xô vào
Những tảng đá
Chúa năm xưa đã
Giáng sinh
Vào mùa đông giá
Khi mùa thu vừa đi qua
Cao nguyên bây giờ
Cơn rét lạnh người
Chúa vẫn sinh ra
Giữa những người
Nghèo khó
Những em bé Kơho
Hái những bông Dã
Quỳ vàng
Dâng kính Hài Nhi
Cung bái Giêsu
Dòng Đa Dâng
Hai bờ mương
Nở rộ Dã Quỳ vàng
Những em bé vùng cao
Và Giêsu cười nhân hậu…

*Hát : Đêm Đông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Đời.

*Thánh lễ Giáng Sinh 2011

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:38 26/11/2011
CHA CON BỦN XỈN
N2T

Hai cha con keo kiết đi du lịch, mỗi ngày mỗi người đều mua một hào rượu.
Bởi vì không đành lòng uống hết một lần, cho nên hai cha con dùng đũa chấm vào trong chén rượu, mỗi lần mút một chút, nhưng đứa con tự nhiên lại chấm mút liên tiếp hai lần, ông bố nhìn thấy thì rất là giận dữ, nói:
- “Này con, sao con lại lãng phí như thế hử ?”

Suy tư:
Có những cha mẹ tính toán chi li những như cầu không cần thiết của con cái mình, nhưng lại rất lãng phí những ân sủng của Chúa ban cho mình và cho con cái:
- Họ sẵn sàng tốn tiền tốn của để con cái được như bạn bè của chúng, nhưng lại sợ tốn lời khi nhắc nhở con cái đọc kinh cầu nguyện.
- Họ sẵn sàng dẫn con đi đông đi tây du lịch, nhưng lại không muốn dẫn con cái đến nhà thờ.
- Họ vì thương con mà đứng dưới trời mưa nắng để đưa đón con đi học, nhưng lại sợ mất giờ khi đưa con đến nhà thờ học giáo lý.
- Họ không sợ ai cả, nhưng lại sợ con cái khóc khi chúng nó không muốn đến nhà thờ.
Ơn gọi làm cha mẹ là một ơn gọi cao quý, vì họ thay mặt Chúa để sinh thành dưỡng dục con cái, họ đã lãnh nhận những ơn lành và sự chúc phúc của Chúa trong ngày thành hôn để làm cho gia đình của họ trở thành gia đình Na da rét.
Những bậc phụ huynh không nên keo kiết với ân sủng của Chúa, không nên để những ơn lành của Chúa trở thành án phạt cho mình, khi mình bủn xỉn so đo với Chúa như những người không biết Thiên Chúa là ai.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 1 MV B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:39 26/11/2011
CHỦ NHẬT 1 MÙA VỌNG

Tin Mừng: Mc 13, 33-37

"Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em

không biết khi nào thời ấy đến".


Anh chị em thân mến,

Trong cuộc sống của con người, có nhiều cái để tỉnh thức: tỉnh thức để rình ăn trộm, tỉnh thức để đánh bài đánh bạc, tỉnh thức để học bài thi, tỉnh thức để làm thơ tình, để đợi người yêu, để đợi nghe điện thoại của người thân từ nước ngồi gọi về...

Tỉnh thức để nghe điện thoại của người thân vì có hẹn trước, tỉnh thức để học bài thi là vì sợ trượt vỏ chuối, hoặc là để đợi người yêu thì cũng đều có giao hẹn trước…

Mùa vọng là mùa sống trong hi vọng, trong chờ đợi, do đó mà cần phải tỉnh thức, người Ki-tô hữu tỉnh thức là để chờ đón Chúa đến, Ngài đã báo trước cho chúng ta là Ngài sẽ đến lại, báo là sẽ đến chứ không báo ngày nào giờ nào Ngài đến, do đó, cần phải tỉnh thức để đợi Ngài.

có nhiều người đợi hoài đợi mãi mà không thấy Chúa đến nên lơ là ngủ say trong tội lỗi; có người vẫn thức để đợi Chúa, thức mà không tỉnh, cho nên cuộc sống của họ dở dở ươn ươn, giữ đạo theo thói quen đi lễ chủ nhật, mà cuộc sống thì như là người ngoại không biết Chúa; lại có người tỉnh thức chờ Chúa đến bằng cách sống thật đúng Tin Mừng Chúa dạy: yêu thương người thân cận như chính mình. đó là cách hay nhất để tỉnh thức chờ đón Chúa đến.

Nhân loại cần phải tỉnh thức và chờ đợi ngày Thiên Chúa đến, ngày mà chúng ta gọi là hồng phúc, là bình an.

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa cũng vậy, tuy Ngài không cần tỉnh thức, nhưng Ngài chờ đợi, chờ đợi là thái độ của bao dung và của tình yêu. Ngài vì yêu thương chúng ta nên sẵn sàng chờ đợi chúng ta trở về với Ngài, Ngài chờ đợi nơi chúng ta sự sám hối để bày tỏ lòng bao dung của Ngài đối với chúng ta.

Mùa vọng, cũng là mùa tha thứ cho nhau những lỗi lầm, bởi vì không ai chờ đợi Chúa đến mà trong lòng lại còn chất chứa hận thù với người anh em, bởi vì không ai chờ đợi tình yêu của Chúa mà lại đem lòng ghen ghét người thân cận của mình.

Tha thứ cho nhau những lỗi lầm chính là món quà đẹp nhất mà chúng ta trao tặng cho Chúa khi Ngài đến với chúng ta. Mùa vọng của người Ki-tô hữu chính là yêu thương, chờ đợi và thứ tha.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:42 26/11/2011
N2T

19. Trên thiên đàng lý trí không bị sai, ý chí không bi quan thống khổ, trí nhớ không có sợ hãi. Nhưng có sự quang đãng kỳ lạ, có sự viên mãn dịu dàng đẹp đẽ, có sự an toàn vĩnh viễn và mọi sự đều thiện hảo mà không có sự chán chường.

(Thánh Bernard)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:44 26/11/2011
PHỤ NỮ VÙNG LÊN
Trong giáo xứ lớn của ngài có cha phó, cha phụ tá và cả cha khách, có nhiều nam nữ tu sĩ, có nhiều nam giáo dân đạo đức, nhưng ngài không mời cộng tác trong việc mời những vị ấy giúp cho giáo dân rước lễ…
Ngày chúa nhật, người ta thấy những thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ ấy toàn là phụ nữ.
Có nhiều tiếng xì xầm bên dưới nhà thờ: “Ông cha thích người có tiền, dễ sai bảo và cấp tiến”.
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Ngọn nến mùa Vọng
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
09:23 26/11/2011
Ngọn nến mùa Vọng

Không khí sửa soạn đón mừng lễ Chúa Giáng sinh bắt đầu với bốn tuần lễ mùa Vọng. Trong những tuần lễ này có nhiều thói quen tập tục vừa mang tính cách văn hóa, vừa mang tính chất đạo đức truyền thống được đem ra thực hiện, như trưng bày trang trí thắp những cây nến chung quanh một chiếc vòng tròn bện bằng lá thông màu xanh. Tập tục này không bắt nguồn từ Kinh Thánh. Nhưng nếp sống lề lối văn hóa này thấm đượm mầu sắc đạo giáo, giúp cho không khí sửa soạn đón mừng ngày đại lễ Chúa giáng sinh làm người thêm ý nghĩa sâu xa hơn.

Vậy đâu là nguồn gốc mùa Vọng cùng những tập tục mùa Vọng?

1. Mùa Vọng trong nếp sống đạo Công Giáo

Mùa Vọng, theo nguyên ngữ tiếng Latinh “Adventus” có ý nghĩa „đến“, nói đến mùa sửa soạn tâm hồn của người tín hữu Công giáo mừng đại lễ Chúa Giêsu thành Nazareth, là Con Thiên Chúa, từ trời cao sinh xuống làm người trên trần gian.

Mùa Vọng đồng thời cũng nhắc nhớ cho người tín hữu Chúa Kitô, sự trông mong chờ đợi đến lần đến thứ hai của Chúa Giêsu Kitô trong ngày phán xét.

Tập tục mùa Vọng theo ý nghĩa nguyên thủy là mùa ăn chay, như trong Giáo Hội thời xưa đã đặt ra kéo dài từ ngày 11. 11.đến ngày 06.01 năm sau là ngày lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là lễ Ba Vua. Trong mùa Vọng này không được ca vũ múa ăn mừng mang mầu sắc lễ hội tưng bừng. Nhưng từ năm 1917 luật Giáo Hội không còn đòi buộc như thế nữa. Dẫu vậy, tập tục ăn chay sống kham khổ trong mùa Vọng vẫn còn thịnh hành nơi các nhà Dòng ngày hôm nay.

Mùa Vọng được mừng như ngày hôm nay có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 7. Bên Giáo Hội tây phương ( Roma) thuở ban đầu có 04 hay 06 Chúa nhật trong mùa Vọng. Đến thời Đức Thánh cha Gregor cả đã ấn định còn bốn ngày Chúa nhật mùa Vọng thôi. 04 tuần lễ mùa Vọng nói lên ý nghĩa hình ảnh 4000 năm nhân loại trông mong chờ đợi Đấng Cứu Thế đến giải thoát nhân lại khỏi hình phạt do Ông Bà nguyên tổ Adong Evà lỗi luật Thiên Chúa bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Mùa Vọng bắt đầu từ Kinh Chiều ngày Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng và chấm dứt với Kinh Chiều ngày 24.12. Bên Giáo Hội tây phương ( Roma) mùa Vọng kéo dài 04 tuần lễ trong khoảng từ 22 đến 28 ngày.

Theo ý nghĩa phụng vụ, 04 tuần lễ mùa Vọng là bốn chặng đường trông chờ Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế đến: Chúa nhật thứ nhất nói về Chúa Giêsu Kitô trở lại trong ngày phán xét; Chúa nhật thứ hai nói về sự chuẩn bị dọn tâm hồn cho Đấng Cứu Thế đến; chúa nhật thứ ba nói về Ông Thánh Gioan tiền hô, người rao giảng dọn đường cho Chúa Giêsu đến, và chúa nhật thứ bốn diễn tả niềm vui ngày Chúa đến gần kề, Đức Mẹ Maria là nhân vật trong trung tâm của ngày Chúa nhật này.

Mầu sắc phụng vụ trong mùa Vọng là mầu tím. Riêng ngày Chúa nhật thứ ba mùa Vọng _ Chúa nhật Gaudete- , vị chủ tế có thể mặc phẩm phục phụng vụ mầu hồng ( rosa). Kinh Vinh danh ( Gloria) chỉ được hát vào ngày lễ trọng trong mùa này thôi.

Bên Giáo Hội Chính Thống ( Orthodoxe) -tự tách ra khỏi Giáo Hội Công giáo Roma từ năm 1054 - , mùa Vọng kéo dài 06 tuần lễ và là mùa ăn chay, bắt đầu từ ngày 15. 09. đến ngày 24.12. Và mùa Vọng không phổ biến như bên Gíao Hội Roma. Lịch phụng vụ của Giáo Hội Chính Thống không bắt đầu với mùa Vọng, mà bắt đầu từ ngày 01.09. hằng năm.

Trong mùa Vọng bên Giáo Hội các nước Âu châu, như Đức , Áo, Ái nhĩ lan, Na-uy... theo dòng thời gian càng ngày càng phổ biến rộng rãi, cùng cộng thêm nếp sống văn hóa, nên mùa này có nhiều cung cách trang hòang mừng lễ sinh động khác thường. Một trong những tập tục đó là vòng mùa Vọng với những ngọn nến thắp chung quanh trên đó.

2. Tập tục vòng tròn mùa Vọng

Năm 1839 nhà thần học Tin lành, đồng thời cũng là một thầy giáo, Mục sư Johann Hinrich Wichern ( 1808-1881) ở thành phố Hamburg nước Đức, là người đầu tiên làm vòng tròn mùa Vọng như hình chiếc bánh xe tròn bằng gỗ, mà Ông tìm thấy trong một kho của một nông dân, với 19 cây nến nhỏ mầu đỏ và 04 cây nến lớn mầu trắng cắm trên đó. Mỗi ngày trong mùa Vọng lần lượt một cây nến được đốt thắp lên, ngày Chúa nhật tới cây nến lớn. Làm như thế các trẻ em lúc đó đang sống dưới sự chăm sóc giáo dục của Ông trong nhà, có thể từng ngày đếm biết được còn bao nhiêu ngày nữa tới lễ Chúa Giáng sinh.

Vị mục sư Tin lành làm vòng tròn mùa Vọng với những cây nến ở thành phố Hamburg, nơi Ông có ngôi nhà trường nội trú nuôi dậy những trẻ em nghèo với mục đích giáo dục mang chút niềm vui mong chờ cho các em. Nhưng dần theo dòng thời gian sáng kiến phát minh của Ông đã trở thành tập tục trong dân gian và cả trong đạo giáo Công giáo cũng như Tin Lành. Tập tục này dần được phát triển thêm có 24 cây nến nhỏ và bốn cây nến lớn.

Năm 1925 lần đầu tiên vòng tròn mùa Vọng với 4 cây nến được dựng trong một thánh đường Công giáo ở Köln. Và từ năm 1935 vòng tròn mùa Vọng được Giáo Hội làm phép thánh hóa theo nghi thức Á bí tích.

Vòng tròn mùa Vọng với bốn cây nến cắm thắp trên đó trở thành tập tục mang mầu sắc đạo gíao được dựng đặt trong các thánh đường Tin Lành cũng như Công giáo, ở nơi công cộng và ở cả phòng khách nơi các nhà tư nữa trong suốt bốn tuần lễ mùa Vọng.

3. Ý nghĩa thần học đạo giáo

Vòng tròn trong thế giới thời cổ là hình ảnh tượng trưng cho sự chiến thắng. Vòng tròn mùa Vọng do Mục sư Vichern phát minh làm ra - có thể Ông đã nghĩ như vậy- diễn tả sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên tội lỗi và sự chết.

Vòng tròn, một hình thể theo dạng hình học, không có điểm mối khởi đầu và không có điểm mối tận cùng, là hình ảnh nói lên sự vĩnh cửu, sự to lớn bao la của nước Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu Kitô sẽ làm cho tròn đầy viên mãn trong ngày Ngài đến trở lại.

Vòng tròn mùa Vọng nguyên thủy bằng gỗ do Mục sư Vichern làm ra. Nhưng dần dần tập tục đó được sáng chế bện làm bằng những lá cây thông mầu xanh. Vì trong mùa Đông hầu như mọi cây đều rụng hết lá, duy chỉ có cây thông cây tùng còn lá xanh trên cây. Mầu xanh lá cây như vậy nói lên hình ảnh sự sống, hình ảnh niềm hy vọng. Va vì thế vòng mùa Vọng, tập tục hình ảnh nói lên sự trông chờ Chúa Giêsu đến mang sự sống niềm hy vọng cho nhân loại, cũng được bện bằng những lá cây thông mầu xanh.

Ánh sáng chiếu tỏa ra từ những cây nến nói lên niềm hy vọng và cùng là biểu tượng phản kháng chống lại sự dữ cùng bóng tối.

Những cây nến cháy sáng cắm trên vòng chỉ hướng về ngày lễ giáng sinh, Chúa Giêsu xuống thế làm người mang ánh sáng cho trần gian, như chính Ngài đã nói về mình: Thầy là ánh sáng trần gian ( Ga. 8,12).

Về mầu sắc của các cây nến trên vòng tròn mùa Vọng cũng khác nhau tùy theo tập tục văn hóa mỗi nơi. Có những nơi chỉ dùng nến mầu trắng; có nơi dùng mầu đỏ, có nơi dùng mầu tím, hay có nơi pha lẫn một cây mầu hồng vào.

Một phần bên Giáo Hội Công giáo nước Ái nhĩ lan có tập tục làm vòng tròn mùa Vọng với 05 cây nến cắm trên đó: ba cây mầu tím, một cây mầu hồng và một cây mầu trắng. Vào ngày Chúa nhật thứ nhất và thứ hai mùa Vọng hai cây nến mầu tím được đốt thắp lên nói lên ý nghĩa sự ăn năn thống hối đền tội. Ngày Chúa nhật thứ ba mùa vọng cây nến mầu hồng được đốt lên diễn tả niềm vui mừng sắp đến. Ngày Chúa nhật thứ tư cây nến mầu tím nữa được đốt thắp lên. Và cây nến mầu trắng cắm ở chính giữa vòng tròn được đốt thắp lên vào buổi chiều ngày lễ giáng sinh ( 24.12.).

*****************

Mùa Vọng đức tin đạo giáo mang ý nghĩa là mùa trông mong chờ đợi Chúa đến. Và trong đời sống con người cũng luôn có mùa vọng. Vì ai cũng sống với những chuỗi chờ đợi luôn hằng có. Mùa vọng trong đời sống tôn giáo đạo đức. Mùa vọng trong đời sống làm người trên trần gian.

Trong ý nghĩa đó, đức thánh cha Benedictô 16. đã có suy tư về ý nghĩa mùa Vọng:

„ Trông mong chờ đợi là một bình diện xuyên suốt đời sống cá nhân, gia đình cũng như xã hội. Trông mong chờ đợi có muôn ngàn trạng huống khác nhau, từ điều nhỏ nhất và tầm thường nhất cho tới sự quan trọng nhất, mà chúng hằng luôn bao phủ cùng đi sâu vào đời sống chúng ta. Chúng ta nghĩ đến niềm trông mong chờ đợi ngày chào đời của đứa con nơi đôi vợ chồng trẻ, hay niềm mong đợi có con nơi một đôi vợ chồng nào đó. Chúng ta nghĩ đến ai đó hằng trông mong chờ đợi bạn bè, người quen thân nhân đến thăm hỏi. Chúng ta nghĩ đến bạn trẻ trông mong chờ đợi kết qủa của kỳ thi hay kết qủa cuộc nói chuyện ra mắt hãng xưởng nhận cho làm việc; đến sự trông mong chờ đợi hiệu qủa tốt trong mối tương quan giao tế với người thân thích, sự trông mong chờ đợi thư trả lời đến, hay được chấp nhận cho tha thứ làm hòa…

Có thể nói được rằng, con người sống, bao lâu còn trông mong chờ đợi, bao lâu niềm hy vọng vẫn còn sống động trong trái tim tâm hồn họ. Và qua đó người ta nhận ra: Tình trạng đời sống luân lý cùng tinh thần có thể theo đó mà đo lường được, điều gì chúng ta trông mong chờ đợi, niềm trông mong chờ đợi chúng ta đặt nơi đích điểm nào, nơi người nào.“ ( Kinh truyền tin Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, ngày 28.11.2010).

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
“Dệt cho xong tấm khăn cuộc đời”.
LM. Giuse Trương Đình Hiền
19:21 26/11/2011
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM B (2011)

“Dệt cho xong tấm khăn cuộc đời”.

Trong sử thi “Cuộc chiến thành Troa” có câu chuyện nàng Penelope chờ đợi chồng là tráng sĩ Ullisse chiến đấu phương xa không nản lòng, không mệt mõi và khước từ mọi cám dỗ bằng cách “dệt cho xong tấm khăn”. Ban ngày dệt, ban đêm tháo. Mãi 20 năm sau mới gặp lại chồng…

Ý nghĩa “đợi chờ Chúa đến” của Mùa Vọng, một cách nào đó, cũng là một cuộc “dệt cho xong tấm khăn của cuộc đời mình” để gặp gỡ Thiên Chúa. Điều đó phải chăng muốn nói lên rằng :

Tỉnh thức của Mùa Vọng trước hết, không chỉ là một “giải pháp tình thế”, một thái độ mang tính “đối phó” đột xuất chỉ cần phải có khi đối diện với hiểm nguy, khi cận kề sự chết.

Không. Tỉnh thức của Mùa vọng là chuyện của cả con người, của cả cuộc đời. Tỉnh thức không phải chỉ để một hai lần trong năm dọn mình xưng tội để mừng lễ trọng, hay để khi tới cơn hấp hối “dọn mình chết lành”. Tỉnh thức của Mùa Vọng hôm nay đó chính là “để sống cho ra sống”.

Sống một cách “tỉnh thức’ đó là không ngừng trang bị cho mình một đôi tai thính để biết lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe lẽ phải, lắng nghe lương tâm, lắng nghe Hội Thánh…

Sống tỉnh thức đó chính là luôn có đôi mắt sáng để nhận ra Chúa nơi anh chị em và thấy Chúa hiện diện trong mọi biến cố của đời thường.

Sống tỉnh thức là luôn trang bị cho mình một trí khôn minh mẩn để nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa, đâu là dấu chỉ của Ngài để thực thi các trung thành và can đảm.

Sống tỉnh thức là luôn có đôi tay mở rộng để phục vụ, đôi chân nhiệt thành loan báo tin Mừng, và trái tim nhạy cảm để yêu thương và biết nghiêng mình trên những thân phận khổ đau bất hạnh của đồng loại.

Trong trích đoạn Tin mừng hôm nay, Thánh Mát-cô đã thuật lại một bài giáo lý của Đức Kitô mà nội dung cốt lỏi cũng chính là thể hiện niềm tin bằng lối sống luôn là “sắp sẳn, tỉnh táo như người đầy tớ đang đón đợi chủ về”. Đây không phải là chuyện dễ ợt, mà là một cuộc phấn đấu nhọc mệt, là cả một cuộc hành trình cam go và mạo hiểm, một cuộc sống khôn ngoan biết tiên liệu và tỉnh táo sắp sẳn cho dù “chủ trở về lúc chặp tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”. (TM)

Và nếu tích cực hơn nữa, theo đúng tinh thần của sứ điệp Tin Mừng, sự đợi chờ, tỉnh thức của Mùa Vọng chính là sự khao khát “cần Chúa” đến viếng thăm, khao khát được gặp gỡ Đức Kitô để đổi mới cuộc đời.

Tôi cần Ngài như dân ít-ra-en xưa, giữa một hoàn cảnh éo le và đầy tăm tối thất vọng của kiếp sống nô lệ, hậu quả của tội lỗi, bất trung và lệch xa Giao ước, đã khát khao sự can thiệp của Gia-vê Thiên Chúa bằng những lời cầu xin tha thiết : “Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan…Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con ; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài” (BĐ 1)”.

Tôi cần Ngài như Giakê sẵn sàng leo lên cây sung đón đợi để nhìn cho được gương mặt chí thánh của thầy Giêsu để xin Ngài thương tình mà ngó ngàng đến thân phận tội lỗi xấu xa của một đời bon chen với bất công và tham lam dối trá.

Tôi cần Ngài như những người phung cùi bị xã hội ném ra ngoài hoang mạc chỉ còn kéo lê cuộc đời trong đau thương thất vọng, những người mù lê lết ăn xin bên vệ đường, những tên bị quỷ ám sống cù bơ cù bất nơi những nghĩa trang hoang lạnh, những người đàn bà mất con như bà góa thành Naim, những người chị mất em như Matta Bêtania, những bệnh nhân tiền mất tật mang như người phụ nữ loạn huyết Canan, hay như maria Mađalêna, cả một đời buông trôi trong kiếp “gái giang hồ’…. Và Ngài đã đến cho kẻ què được đi, người mù được thấy, kẻ phung cùi được sạch, người chết sống lại và ai mang thân phận tội lỗi hoang đàng được hồi tâm trở về làm lại cuộc đời trong tin yêu ân sủng.

Tôi cần Ngài như người thu thuế đang thiết tha mong chờ “Chúa đến” bằng thái độ khiêm hạ đấm ngực ăn năn với lời nguyện cầu tha thiết “Lạy Chúa xin thương xót con vì con là người tội lỗi”.

Tôi cần Ngài khi tôi chẳng khác nào như những anh chàng ngư phủ xứ Galilê suốt cuộc đời chỉ biết con thuyền tấm lưới và kéo lê cuộc sống trong sự tầm thường, ích kỷ, nhỏ nhen thì Ngài đã đến gọi tôi để dẫn tôi dấn thân trên những nẽo đường lý tưởng, phục vụ tha nhân, loan báo Tin mừng.

Người ta sẽ không cần “Chúa đến”, không cần Chúa viếng thăm, Chúa thương xót khi tự hào mình đang có những “võ bọc an toàn”, những “tháp canh kiên cố”, những”kho lẫm” vững chắc đầy những công trạng, đạo đức, như kiểu người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện, không phải để trông chờ Chúa đến mà là để “dâng công bộ” vì bao công đức của mình, hay như người thanh niên giàu có đã xụ mặt quay đi bởi vì “anh ta có nhiều của cải”.

Và như thế, sống đức tin phải chăng là “dệt cho xong tấm khăn cuộc đời”, là sống một Mùa Vọng triền miên, một mùa của ắp đầy khát khao tin yêu và hy vọng ; bởi vì có khi nào mà chúng ta lại không cần Chúa Đến ! Mà thật sự Chúa “đang trở về” hôm nay, ở đây trong thánh lễ nầy, ở giữa cộng đoàn nầy. Chính vì thế, không phải chúng ta hát mà là thực sự sống chính cái ý nghĩa của lời ca Nhập Lễ vừa vang lên lúc khởi đầu : “Con vươn linh hồn lên tới Chúa”. Amen.
 
Mùa Vọng Của Ơn Cứu Độ
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
21:30 26/11/2011
MÙA VỌNG CỦA ƠN CỨU ĐỘ

Mùa Vọng đã về. Mùa hướng lòng chúng ta về lễ Giáng Sinh và một mùa Giáng Sinh ơn phúc. Mùa Vọng đã về, nhưng vẫn khoác một màu áo tím. Vẫn dạy chúng ta phải sám hối ăn năn. Vẫn đưa ra cho chúng ta mệnh lệnh ngắn gọn và cấp thiết, đó là: Hãy Tỉnh Thức.

Vì sao phải tỉnh thức? Bởi lẽ, khi Chúa đến thì nhân loại vẫn đang trong những giấc ngủ mê. Điều này đã được chứng minh trong lịch sử. Ngay trong đêm đông Chúa Giáng Sinh, nhân loại ngủ trong những quán trọ đầy ắp người. Chỉ có một mình Thiên Chúa giáng trần, là “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa” theo lời bài hát Đêm Bethlem của nhạc sĩ Hải Linh. Điều đó phản ảnh cho chúng ta thấy, khi Chúa đến lần thứ nhất, nhân loại đang ngủ mê và cả đến lần thứ hai trong vinh quang thì nhân loại cũng ở trong tình trạng say sưa ngủ. Không phải chúng ta quá lo xa hay là nhìn bi quan nhưng là chính lời Đức Giê su đã khẳng định điều đó: “Liệu khi con người trở lại, có còn gặp niềm tin trên trái đất nữa hay không”(Lc 18,8). Chính vì vậy, mỗi lần mùa Vọng đến là Giáo Hội chúng ta nhắc: Hãy tỉnh thức (Mc 13, 37). Tỉnh thức để không ngủ mê, đến mức không nhận ra Thiên Chúa giáng trần; Tỉnh thức để khỏi phải ở trong tình trạng Chúa đến mà không đón nhận.

Có người nghĩ rằng, Chúa đến lần thứ hai còn rất xa rất xa, không ở trong thời đại của tôi. Họ không ý thức được rằng. Lần thứ hai Chúa đến trong vinh quang và lần ấy chỉ là đưa ra ánh sáng những gì mà Chúa đã đến riêng với mỗi người. Vì vậy, bất kỳ ai cũng sẽ được gặp Chúa. như “Kẻ trộm đến bất thần ban đêm” (Lc,12,39). Nếu không có mùa Vọng để sám hối, con người sẽ ngủ mê và lần bước trong miền thâm u của sự chết. Như vậy, việc chúng ta sám hối, việc chúng ta canh tân, việc chúng ta tỉnh thức như là đi từ đêm đen qua ánh bình minh để tiếp cận một ngày mới. Và mùa Vọng chính là ánh bình minh. Chúng ta đi từ bóng đêm đi ra ánh sáng. Phải giũ bỏ bóng đêm để đón nhận ánh sáng. Nếu như có ai đi ngược lại thì đó là hoàng hôn, không phải bình minh. Họ đi từ ánh sáng đi vào đêm tối. Chỉ có người ý thức mình ở trong ánh bình minh thì mới đi từ bóng đêm đi ra ánh sáng. Họ phải giũ bỏ bóng đêm để đón nhận ánh sáng đang chan hòa phía trước mặt. Những người ưa bóng tối là những người giũ bỏ ban ngày để đón nhận hoàng hôn cuộc đời, một hoàng hôn bao hàm cả đêm đen sự chết. Mùa Vọng là bình minh của ngày mới; mùa Vọng đánh thức những tâm hồn còn ngủ mê; mùa Vọng bừng lên cho chúng ta một sức sống mới nhưng còn đang tiềm ẩn. Nếu không ý thức được ơn Cứu độ của Đức Giê su Ki tô đến trong trần gian, nếu không ý thức được việc Chúa đến lần thứ nhất và việc Chúa đến lần thứ hai thì mùa Vọng không có ý nghĩa gì. Mùa Vọng không phải chỉ là một sự sửa soạn, một sự chuẩn bị, một lễ nghi. Nhưng mùa Vọng chính là một giai đoạn để cho chúng ta ý thức đủ tầm quan trọng của ơn cứu độ. Và những gì mà Chúa đến đem cho trái đất này ơn cứu độ là ơn quan trọng nhất thì người Ki tô hữu mới có được những tấm lòng rộng mở để đón nhận. Nếu như không nhận thức đủ thì tấm lòng của họ vẫn khép kín, rồi Chúa đến, Chúa lại đi qua!

Mùa Vọng chính là để cho chúng ta chuẩn bị về ý thức, về tinh thần, về tâm hồn mở rộng lòng để đón Chúa. Cũng như hôm nay, giáo dân giáo phận Phát Diệm chúng ta đang chuẩn bị để đón Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, sẽ viếng thăm Phát Diệm vào ngày 28 đến ngày 30 tháng Mười Một năm 2011, ngày kỷ niệm 110 năm thành lập giáo phận. Chúng ta đang chuẩn bị và những ngày chuẩn bị này cũng nằm trong sự đón tiếp. Mặc dù Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli chưa tới, nhưng lễ đài dựng, khẩu hiệu đã được treo lên và chúng ta đã được thông báo đầy đủ để ngày đó đến là chúng ta đi đón. Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đến với giáo phận chúng ta đúng vào dịp kỷ niệm 110 năm thành lập giáo phận Phát Diệm để chúng ta cùng chung lời tạ ơn Thiên Chúa, hiệp thông với Đức Thánh Cha. Như vậy, những việc chúng ta đang làm đây trong ngày lễ kỷ niệm 110 năm thành lập giáo phận Phát Diệm nhằm cho chúng ta một ý thức đầy đủ sự đón tiếp vị đại diện Tòa Thánh. Chúng ta sẽ cần làm những gì? Nếu kế hoạch hôm nay không đặt ra thì khi sự kiện đến chúng ta có gì đâu. Vậy thì tất cả những gì chúng ta chuẩn bị của ngày hôm nay, từ khối óc, tinh thần đến tâm hồn, cũng như tất cả những gì chúng ta hội bàn lên kế hoạch đón tiếp vị đại diện Tòa Thánh đều đã là nội dung của sự kiện. Từ ví dụ cụ thể này, chúng ta hiểu rằng, mùa Vọng cũng với những nội dung là bắt đầu thực hiện để chúng ta đón Chúa đến. Ngày giờ Chúa đến lần thứ nhất đã được ấn định, nhưng ngày giờ Chúa đến lần thứ hai thì chỉ Thiên Chúa và những người đó biết. Chính vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị ngay từ hôm nay và đi vào trong nội dung của việc đón tiếp Chúa. Trước tiên là sống trong tâm tình của mùa Vọng là đón chờ Chúa đến lần thứ nhất, trong khi chuẩn bị đón Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Và các thánh gọi lần thứ ba Chúa đến là ở giữa lần thứ nhất và lần thứ hai, tức là đến riêng với mỗi người. Mùa Vọng cũng cần phải được chúng ta lên kế hoạch. Phải có một quyết tâm. Quyết tâm hòa giải với Chúa và anh chị em mình trong bí tích Hòa Giải; quyết tâm hiệp thông với Chúa với anh em trong bí tích Thánh Thể; quyết tâm đón và gặp được Chúa chứ không như năm cô trinh nữ khờ dại đi đón chàng rể mà cuối cùng lại bị ở ngoài. Phải có những quyết tâm như vậy, và sự quyết tâm đó làm nên mùa Vọng. Cho nên người nào sống tinh thần mùa Vọng thật tốt thì người đó mới bước vào mùa Giáng Sinh và được ơn cứu độ tràn đầy. Còn người nào không ý thức và mở rộng tâm hồn ngay từ hôm nay thì Chúa đến rồi Chúa lại đi. Đó là một nghi lễ, đó là một mốc điểm thời gian mà thôi, nó không có ý nghĩa gì với họ.

Đến đây, chúng ta đã thấy tầm quan trọng của mùa Vọng. Không phải quan trọng trong lễ nghi của Giáo Hội mà là quan trọng trong mỗi cá nhân tôi. Tôi cần phải đón nhận mùa Vọng như thế nào đây? Tôi phải sống mùa Vọng như thế nào đây? Xin cảm tạ ơn Chúa đã đến trong trần gian để cho chúng con được đón Chúa.

Lạy Mẹ Maria,

Xin Mẹ Maria là mùa xuân ánh sáng.

Mẹ chính là mùa Vọng của Giáo Hội.

Mẹ đã chuẩn bị tâm hồn trong hai tiếng Xin Vâng như Mẹ.

Xin cho chúng con cũng biết thưa hai tiếng Xin Vâng như Mẹ,

để Chúa nhập thể trong cung lòng của Mẹ,

Chúa cũng sẽ tái nhập thể trong cung lòng mỗi người chúng con.

Mùa Vọng đã về yêu thương và hạnh phúc.

Mùa Vọng đã về, nao nức tâm hồn.

Xin Mẹ Maria chuyển lời cầu của chúng con lên tới Chúa

để mùa Vọng thực sự trao lại cho chúng con sức sống mới. Amen.


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói chuyến tông du Benin nêu cao niềm vui và đức tin của Phi Châu
Bùi Hữu Thư
03:40 26/11/2011
Đức Thánh Cha rời Benin
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói chuyến viếng thăm Phi Châu lần thứ hai làm cho ngài tin tưởng rằng niềm vui và đức tin của người dân – nhất là của người trẻ -- là biểu hiệu của niềm hy vọng cho tất cả nhân loại.

Đức Thánh Cha nhận xét như vậy trong buổi triều kiến chung ngày 23 tháng 11, ba ngày sau chuyến viếng thăm cuối tuần tại Benin miền Tây Phi Châu, nơi ngài đã trình bầy một tài liệu quan trọng về tương lai của giáo hội tại đại lục này.

Đức Thánh Cha nói cuộc viếng thăm, nhất là Thánh Lễ khó quên ngài cử hành cho 50.000 người tại một sân vận động tại Cotonou, cho thấy đức tin nơi Chúa Kitô đã có thể kết hiệp nhiều thế hệ và đáp ứng những ước vọng của họ.

Ngài nói: "Qua niềm vui và sự nồng nhiệt của toàn thể dân chúng, nhất là những người trẻ biểu hiệu cho tương lai, chúng ta có thể thấy sự tươi mát của ‘lời xin vâng’ cho đời sống và cảm nghĩ về một thực tại được nối kết với Thiên Chúa.”

Ngài nói cuộc tiếp xúc của ngài với các học sinh tại Ouidah là một cao điểm của chuyến viếng thăm, chứng tỏ rằng Phi Châu là một nguồn dự trữ năng lực” sẽ giúp đỡ người Công Giáo trong trách vụ phúc âm hóa. Ngài nói, tài liệu của ngài được hoạch định để giúp người Công GIáo sống đức tin trọn vẹn và trở nên những người xây dựng sự hiệp thông, hòa bình và công lý trong xã hội của họ.

Đức Thánh Cha nói với khoảng 7.000 trong sảnh đường Phaolô VI, ngài duyệt loại chi tiết chuyến đi và chào hỏi các khách hành hương bằng 10 thứ tiếng. Lời ngài nói với một nhóm người du mục từ Hung Gia Lợi làm cho họ hoan hô vang dậy.
 
Tháng 12: Kính Chúa Hài Đồng
Trầm Thiên Thu
09:00 26/11/2011
Ý chung: Cầu cho các nước trên thế giới tăng trưởng trong sự hòa hợp và bình an nhờ hiểu biết và tôn trọng nhau.

Ý truyền giáo: Cầu cho trẻ em và giới trẻ trở nên những Sứ giả Phúc âm và cầu cho phẩm giá của họ được tôn trọng, ngăn chặn bạo lực và bóc lột.

Tháng 12 được dành để kính Chúa Hài Đồng. Ngài là Đấng Thiên Sai, là Thiên Chúa Ngôi Hai, là Đấng cứu độ nhân loại: Sứ thần nói với các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:10-12). Và sau đó: “Ba đạo sĩ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2:11).

Tháng 12 còn có lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm vào ngày 8-12, nhắc nhớ chúng ta về các nhân đức của Đức Mẹ và việc cố gắng sống thánh thiện. Suốt từ ngày 1 tới 24, phụng vụ còn là Mùa Vọng và được biểu thị bằng màu tím. Đây là “sắc tím chờ đợi”, mong chờ ngày Con Chúa giáng trần. Màu phụng vụ sẽ chuyển sang màu trắng hoặc vàng – biểu tượng của niềm vui, tinh tuyền và thánh khiết.

Phụng vụ Mùa Vọng tập trung kính nhớ việc Chúa Kitô đến lần thứ nhất tại Belem, đồng thời nhắc nhớ chúng ta hướng tới việc Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Các bài đọc tập trung vào những con người trong Cựu ước đêm ngày mong chờ Đấng Mêsia. Gioan Tẩy giả đến dọn đường cho Đức Kitô, và Đức Trinh Nữ Maria chuẩn bị thiên chức làm mẹ.

Tháng 12 tràn đầy niềm hy vọng. Mùa Vọng chuẩn bị tâm hồn cho mọi người sẵn sàng hân hoan đón Chúa giáng trần. Bề ngoài cũng thể hiện rất rõ: Mua sắm, trang trí nhà cửa, làm hang đá, làm bánh,… Tuy nhiên, chúng ta quá bận rộn với sự chuẩn bị vật chất mà có thể làm giảm ý nghĩa thật của đại lễ Giáng sinh: Đón nhận Ơn giao hòa, Ơn bình an, Ơn cứu độ. Để được vậy, chúng ta phải nghe lời kêu gọi của thánh Gioan Tẩy giả: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3:2).

Giêsu Hài đồng nằm trong máng cỏ. Đó là Ngôi Lời hóa thành Nhục thể (Ga 1:14), được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria, chứ không được tạo thành. Hình ảnh đó có thể quá quen thuộc, hang đá là vật trang trí và có thể không còn nhiều ý nghĩa sâu xa thánh thiện. Giữa giá rét, một hài nhi nằm trong máng cỏ nơi hang chiên giữa đồng không mông quạnh. Một Thiên Chúa mà hạ mình đến mức nghèo nhất thế gian. Ngài dạy chúng ta bài học “sống khó nghèo”, nhưng thường thì chúng ta lại “sống KHÓ mà NGHÈO”.

Vương Nhi Giêsu không chỉ dạy chúng ta “sống nghèo” mà còn phải thương những người nghèo, thương những người sa cơ thất thế, thương những người bé mọn, thương những người bị khinh miệt, thương những người vô danh tiểu tốt, thấp cổ bé miệng, kêu không thấu trời,… Nhưng thực tế, đôi khi chỉ là lý thuyết. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ và chấn chỉnh: Tôn trọng nhân phẩm và nhân vị của mỗi con người. Có vậy thì mới khả dĩ tôn trọng nhân quyền của người khác.

Lạy Thiên Chúa Ngôi Hai, xin giúp chúng con can đảm “sống ngược đời” và trọn lòng yêu thương như Ngài. Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết “xin vâng” và nhân hậu như Mẹ trong mọi hoàn cảnh. Amen.
 
Các đây 50 năm: Một điện tín ''bất ngờ'' từ Mátxcơva gửi Rome
Nguyễn Trọng Đa
09:34 26/11/2011
Một bức điện tín "không như các điện tín khác” cách đây 50 năm

ĐTC Gioan XXIII và Tổng Bí thư Khrushchev hướng đến sự "tan băng"

ROMA – Cách đây đúng 50 năm, cũng ngày 25-11, một điện tín đi vào lịch sử của Toà thánh. Một điện tín "bất ngờ" từ Mátxcơva gửi Rome, đánh dấu "một bước ngoặt trong chiến lược của Tòa Thánh", - hãng tin SIR của Hội Đồng Giám Mục Ý nói như thế.

"Theo các chỉ thị mà tôi nhận được từ Ngài Nikita Khrushchev, tôi vội vàng gửi đến ĐTC Gioan XXIII những lời chúc mừng nồng nhiệt của tôi, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Ngài, và những lời chúc chân thành nhất của tôi cho sức khỏe và sự thành công của Ngài, nhằm cổ vũ và củng cố hòa bình trên thế giới, tìm ra một giải pháp cho các vấn đề quốc tế, thông qua các cuộc đàm phán thẳng thắn": đó là các lời của bức điện tín, gửi cho ĐTC Gioan XXIII, ngày 25-11-1961, nhân danh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao của Liên Xô, Ngài Nikita Sergeyevich Khrushchev.

Hãng tin SIR nhấn mạnh rằng "một cách gián tiếp" bức điện tín này được đề cập trong cuốn sách sau khi tác giả qua đời, là Đức Hồng y Agostino Casaroli Quốc vụ khanh thời ấy của Toà thánh, với nhan đề «Il martirio della pazienza- la Santa Sede e i paesi communisti (1963-1989)» (Người tử vì đạo của sự kiên nhẫn - Tòa Thánh và các nước cộng sản (1963-1989), xuất bản năm 2000, cho phép vài năm sau đó, và sau nhiều dấu hiệu mỏng manh và do dự của sự giảm căng thẳng, một loạt các bước nhỏ hướng tới sự nối lại đối thoại với các nước khối Đông Âu, vào thời Bức Màn Sắt.

Hãng tin nhắc lại, các bước nhỏ, mà "Tổng trưởng ngoại giao của ĐTC”, như người ta thường gọi Đức Hồng y Casaroli, là "diễn viên chính", trở thành kiến trúc sư của chính sách phương Đông (Ostpolitik), sớm được thực hiện bởi Tòa Thánh.

Nhưng nếu bức điện tín này, được mô tả là "lịch sử", đã được mọi nhân viên Toà thánh biết tới và bàn bạc, “vị ít ngạc nhiên nhất có lẽ là ĐTC, vì hơn ai hết, Ngài có thể đánh giá cao ý nghĩa của một cử chỉ lịch sự như vậy "- Đức Hồng Y Casaroli nói.

Và câu trả lời mà ĐTC Gioan XXIII đã ngay lập tức được gửi tới Tổng bí thư Khrushchev, theo Hồng y, "phản ánh tâm hồn tốt và tinh thần tôn giáo, vốn linh hoạt mọi hành động của Ngài".

Chống lại xu hướng của một số người muốn tìm "lý do tiềm ẩn", vốn thúc đẩy người đứng đầu điện Kremlin có cử chỉ như thế, hãng tin SIR ưa thích một lời giải thích đơn giản hơn nhiều của Đức Hồng Y, có liên quan đến “sự cảm thông đặc biệt mà ĐTC Gioan XXIII đã gợi lên sau ngày Ngài được bầu làm Giáo hoàng, khai trương "một phương pháp mới để làm Giáo hoàng”, và "mở một trang mới trong chiến lược của Tòa Thánh".

Hãng tin Sir nói thêm khi trích dẫn các lời trong cuốn sách trên của Đức Hồng Y Casaroli: "Một sự cảm thông tràn vào các môi trường truyền thống thù địch với Giáo Hội, và bị thúc đẩy bởi nhiều động cơ sâu sắc hơn".

Hãng tin mô tả: “Nó giống như một sức nóng mới thoát ra khỏi các bức tường dày của Vatican và, khi từ từ lan rộng ra bên ngoài, nó làm tan chảy các tảng băng dày cả trăm mét".

Hãng tin SIR kể lại, cử chỉ của ông Khrushchev sẽ được lặp lại năm sau, vào tháng

12-1962, với một điện tín chúc mừng ĐTC nhân dịp lễ Giáng sinh gần đến. Sự kiện tồi tệ nhất (cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, được đánh dấu bởi các lời đe dọa chiến tranh giữa Liên Xô và Mỹ, cũng được giải quyết với sự can thiệp của ĐTC Gioan XXIII), đã qua đi, và việc khai mạc Công đồng chung Vatican II mang lại "một hơi thở lớn của niềm hy vọng" cho mọi người. (ZENIT.org 25-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tây Tạng: Đức Ban Thiền Lạt Ma có lẽ qua đời vì đầu độc
Phạm kim An
09:37 26/11/2011
Tây Tạng: Đức Ban Thiền Lạt Ma có lẽ qua đời vì đầu độc

Lhasa – Ngài Chadrel Jampa Trinley Rinpoche, vị hoà thượng lo việc tìm kiếm Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, có thể đã qua đời, do bị các quan chức Trung Quốc đầu độc.

Từ năm 1995, Ngài đã bị Trung Quốc giam giữ. Ngài được Đức Đạt Lai Lạt Ma sai đến Tây Tạng và đã công nhận một cậu bé, tên là Gedhun Choekyi Nyima, là vị hóa thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma, giám chức cao cấp hàng thứ nhì trong Phật giáo Tây Tạng. Sau khi bị bắt, Ngài bị kết án sáu năm lao động cưỡng bức và ba năm tù giam. Sau khi ra tù, Ngài đã bị quản thúc tại gia trên thực tế.

Nguồn tin nói với hãng tin AsiaNews: "Chúng tôi nghĩ là Ngài có thể qua đời rồi. Một số người nói rằng Ngài đã bị đầu độc tại nhà ở Shigatse, nơi Ngài bị giam cầm trong nhiều năm".

Chính phủ Tây Tạng lưu vong cũng đưa tin về cái chết của Ngài. Một tin nhắn âm thanh được gửi đến cho một trong các nguồn tin ở Lhasa, xác nhận Ngài bị chết do đầu độc.

Ngày 17-5-1995, Ngài Chadrel Jampa Trinley Rinpoche và Ngài Jangpa Chung-la đã bị bắt tại sân bay Thành Đô. Hai vị là Chủ tịch và Thư ký của Ủy ban tìm kiếm vị hóa thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma, vị lãnh đạo cao cấp hàng thứ nhì trong Phật giáo Tây Tạng.

Họ đã buộc tội Ngài "gây nguy hiểm cho an ninh Nhà nước" và "làm rò rỉ bí mật quốc gia". Sau hai năm lao động cưỡng bức, họ kết án Ngài sáu năm tù, rồi đến bốn năm tù khác.

Ngài Chung-la qua đời hồi tháng 11-2010. Ngài đã bị bệnh một thời gian, và đã bị từ chối sự chăm sóc y tế cần thiết khi bị quản thúc tại gia.

Khi một Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời, Đức Ban Thiền Lạt Ma có nhiệm vụ tìm kiếm vị luân hồi của Ngài. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay, là Tenzin Gyatso, đã công nhận Gedhun Choekyi Nyima là Đức Ban Thiền Lạt Ma ngày 14-5-1995 nhờ hai Ngài Chadrel Jampa Trinley Rinpoche và Đức Jangpa Chung-la, mà Ngài đã giao nhiệm vụ. Vài ngày sau đó, cảnh sát Trung Quốc bắt cóc cậu bé sáu tuổi và gia đình của cậu. Nơi ở của họ vẫn chưa được biết.

Hồi tháng 11-1995, chính Trung Quốc "đã chọn" Gyaltsen Norbu làm Đức Ban Thiền Lạt Ma ‘thật sự’, tuyên bố họ đã áp dụng nghi lễ tôn giáo đích thực hơn so với những vị được sai đi bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma, như một phần của chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn của Trung Quốc về các thực hành tôn giáo của Tây Tạng.

Năm ngoái, Norbu đi vào chính trị của Trung Quốc, bằng cách tham gia các hoạt động của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc, vốn làm tư vấn cho Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức Quốc hội Trung Quốc. (AsiaNews 25-11-2011)

Phạm Kim An
 
Đức Thánh Cha nói với các giám mục Hoa Kỳ: bảo vệ nỗ lực của Giáo Hội về vi phạm tính dục
Bùi Hữu Thư
20:07 26/11/2011
Các giám mục tiểu bang Nữu Ước tại Rôma
VATICAN (CNS) -- Trong một diễn từ trước các giám mục Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha Benedict XVI bảo vệ "những nỗ lực thành thật" của giáo hội để "đương đầu với nạn vi phạm tính dục bởi các linh mục một cách minh bạch," và nói hoạt động của giáo hội sẽ giúp đỡ tất cả xã hội đáp ứng với vấn đề này.

Đức Thánh Cha nói ngày 26 tháng 11: Trong khi giáo hội phải duy trì những tiêu chuẩn cao, tất cả mọi cơ quan khác cũng phải tuân theo cùng một tiêu chuẩn khi duyệt xét các nguyên nhân, tầm quan trọng và hậu quả của việc vi phạm tính dục, đã trở nên một "thảm trạng" tại mọi tầng lớp xã hội.

Ngài nói: Về các vấn đề rộng lớn hơn, kể cả vấn đề hôn nhân, Đức Thánh Cha khuyến khích các giám mục lên tiếng "một cách khiêm tốn nhưng cương quyết trong việc bảo vệ sự thật về luân lý." Để đáp ứng những thách đố của một nền văn hóa thế tục cần phải có sự "tái phúc âm hóa" các thành viên của chính giáo hội.

Đức Thánh Cha đã nhận xét như vậy trong một diễn từ gửi các giám mục đến từ tiểu bang Nữu Ước, đang có mặt tại Rôma trong chuyến viếng thăm "ad limina". Nhóm giám mục này được hướng dẫn bởi Tổng Giám Mục Timothy M. Dolan từ New York, là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và là người đã nói đến nhu cầu phải phục hồi niềm tin vào giáo hội và khả năng truyền giáo của giáo hội.

Đức Thánh Cha bắt đầu bằng nhắc lại chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 2008, ngài nói có mục đích khuyến khích người Công Giáo sau cuộc khủng hoảng của nạn vi phạm tính dục. Ngài cũng muốn ghi nhận những nỗi đau khổ các nạn nhân phải chịu đựng cũng như các nỗ lực để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em và đối phó "thích nghi và minh bạch với các vụ lên án".

Đức Thánh Cha nói: "Niềm hy vọng của tôi là những nỗ lực thành tâm của giáo hội để đương đầu với thực tại này sẽ giúp cho cộng đồng lớn hơn nhìn nhận những nguyên nhân, tầm quan trọng thật sự và những hậu quả khủng khiếp của việc vi phạm tính dục, và để đáp ứng hữu hiệu đối với thảm trạng này đang tác hại trên mọi tầng lớp xã hội."

Ngài nói: "Cũng vậy, cũng như khi giáo hội bị buộc phải duy trì các tiêu chuẩn cao về phương diện này, tất cả mọi cơ quan khác, không có ngoại trừ, cũng phải tuân theo cùng những tiêu chuẩn này."

Diễn từ của Đức Thánh Cha Benedict là một bài trong một loạt năm bài ngài sẽ nói trong các tháng sắp tới, trong khi 16 nhóm giám mục Hoa Kỳ sẽ tới viếng thăm Rôma. Ngài dự định sẽ chú trọng nhiều nhất vào trách vụ cấp bách của việc "tân phúc âm hóa."

Đức Thánh Cha nói: nhiều giám mục Hoa Kỳ đã chia sẻ với ngài ưu tư của họ về "thách đố nặng nề' của một xã hội ngày càng thêm thế tục hóa tại Hoa Kỳ. Ngài ghi nhận một nỗi lo lắng lan tràn về tương lai của một xã hội dân chủ nói chung, nơi những người đang thấy "một sự suy đồi đáng lo ngại về những nền tảng trí tuệ, văn hóa và luân lý của đời sống xã hội" và sự thiếu tin tưởng vào tương lai ngày càng gia tăng.

Ngài đề nghi rằng giáo hội có thể và phải đóng một vai trò chính yếu trong việc đáp ứng với những thay đổi sâu xa trong xã hội.

Ngài nói: "Mặc dầu đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn tiếng nói của giáo hội trước quần chúng, nhiều người có thiện chí sẽ tiếp tục tìm nơi giáo hội sự khôn ngoan, những nhận định và hướng dẫn vững chắc trong việc đáp ứng cuộc khủng hoảng lan tràn này."

Về phương diện này, ngài tiếp, thời điểm hiện tại là "một lúc kêu gọi phải thi hành chiều kích tiên tri của mục vụ giám mục của chúng ta bằng cách nói lên một cách khiêm tốn, nhưng cương quyết, để bảo vệ sự thật về luân lý, và nói những lời hy vọng, có thể cởi mở những trái tim và trí óc cho chân lý sẽ giải phóng chúng ta."

Ngài nói: Đồng thời, sự trầm trọng của những thách đố giáo hội Hoa Kỳ phải đối phó không thể được coi thường. Ngài nói, một vấn đề to lớn là tình trạng thế tục hóa ảnh hưởng đến đời sống của người Công Giáo, dẫn đưa đến "một sự suy giảm" về con số các thành viên của giáo hội.

Ngài nói: "Bị chìm ngập trong nền văn hóa này, các tín hữu hàng ngày bị những sự chống đối, những vấn đề khó khăn và sự yếm thế của một xã hội dường như đã mất gốc, bởi một thế giới trong đó tình yêu Thiên Chúa đã nguội lạnh trong biết bao tâm hồn."

Ngài nói: vì lý do này, tân phúc âm hóa không chỉ nhắm riêng đến những người bên ngoài giáo hội.

Ngài nói: "Chính chúng ta là những người đầu tiên cần được tái phúc âm hóa." Việc này phải bao gồm việc nhận định và xét mình liên tục và hoán cải, và canh tân nội tâm trong ánh sáng Phúc Âm.

Đức Thánh Cha khen ngợi các giám mục Hoa Kỳ về sự đáp ứng của họ đối với các vấn đề do việc thế tục hóa ngày càng gia tăng đã gây nên, và nỗ lực của họ trong việc phác họa một viễn tượng chung về mục vụ. Ngài nhắc đến các tài liệu mới đây của các giám mục về trách nhiệm chính trị và về cấu trúc của hôn nhân.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: sự hữu hiệu của giáo hội là chứng nhân cho Phúc Âm tại Hoa Kỳ được nối kết với "sự phục hồi một viễn ảnh cùng chia sẻ và một nhận thức về sứ mệnh của toàn thể cộng đồng Công Giáo."

Ngài nói các đại học Công Giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc cổ võ cho việc canh tân này và đảm bảo cho sự thành công của "tân phúc âm hóa," nhất là giữa các thế hệ trẻ.

Ngài nói: "Người trẻ có quyền được lắng nghe rõ ràng giáo huấn của giáo hội và, quan trọng nhất, là được linh ứng bởi sự mạch lạc và huy hoàng của sứ điệp Kitô, để cho họ lại có thể chuyển giao cho những bạn hữu một tình yêu Chúa Kitô và giáo hội của Người thật sâu đậm."

Đức Thánh Cha cũng nói về việc ban hành bản dịch đã tu chính của Sách Lễ Rôma, đang được sử dụng tại Hoa Kỳ trong Mùa Vọng. Ngài cám ơn các giám mục vì đã giúp cho việc này trở thành một thời điểm giáo lý về phụng vụ. Ngài nói một sự suy giảm về ý nghĩa của phụng tự Kitô giáo sẽ chắc chắn đưa dẫn đến một sự suy yếu về nhân chứng đức tin.

Ngài nói: Củng cố "truyền thống hào hùng của Nước Mỹ về việc tôn kính ngày Sa Bát" sẽ giúp cải tiến xã hội Hoa Kỳ theo "chân lý bất biến" của Thiên Chúa.
 
Vatican kỷ niệm Tông Huấn ''Familiaris Consortio'' của Chân Phước Gioan Phaolô II
Bùi Hữu Thư
22:02 26/11/2011
Đức Hồng Y Antonelli, chủ tịch hội đồng Giáo Hoàng về gia đình
Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình tổ chức đại hội khoáng đại trong tuần tới

VATICAN, ngày 25 tháng 11, 2011 (Zenit.org).- Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình sẽ dánh dấu việc kỷ niệm ngày thành lập bằng một đại hội khoáng đại tuần tới, trùng hợp với ngày kỷ niệm năm thứ 30 của tông huấn "Familiaris Consortio."

Trong một buổi họp báo hôm nay, đại hội từ ngày thứ ba đến thứ năm được các giới chức của cơ quan này thuộc Vatican tổ chức.

Đức Hồng Y Ennio Antonelli, chủ tịch hội đồng đề cao các chủ đề của "Familiaris Consortio," như vai trò chính yếu của gia đình trong việc tân phúc âm hóa và trong việc mục vụ tại các giáo xứ và giáo phận. Ngài cũng đề cao ơn gọi truyền giáo của gia đình là "sống, chiếu dõi và trình bầy cho thế giới tình yêu và sự hiện diện của Chúa Kitô; ... để trở nên một dấu chỉ quan trọng của sự đáng tin cậy của Phúc Âm qua các dịch vụ hỗ tương, sinh sản dồi dào và có trách nhiệm, săn sóc trẻ em, cam kết làm việc, lo lắng cho người nghèo và thiếu thốn, cầu nguyện trong gia đình, tham dự Thánh lễ và các sinh hoạt của Giáo Hội, và tham gia vào xã hội dân sự."

Đức Giám Mục Jean Laffitte, thư ký của hội đồng Giáo Hoàng, ghi nhận những khuynh hướng về luật pháp có tính cách làm suy đồi nền tảng của gia đình, mà Chân Phước Gioan Phaolô II nói không thể nào coi được "nếu không có tình yêu vợ chồng."

Ngài nói: "Điều này có vẽ dĩ nhiên, nhưng thực ra, các đạo luật gần đây đã hợp pháp hóa các kiểu mẫu khác của gia đình tách biệt khỏi nguồn gốc sâu xa của nó: đó là tình yêu của một người nam và một người nữ được liên kết bằng một sự ràng buộc không thể phân ly."

Ngài cũng đề cập đến "những khó khăn mới," như "việc làm phép hôn phối tại nhà thờ thường không còn được coi là một phần của đời sống đức tin năng dộng; và điều này có nghĩa là ý thức về sự thánh thiêng của hôn nhân đã bị mất đi. Do đó chúng ta có thể thấy mục vụ săn sóc hôn nhân và gia đình ngày nay đòi hỏi những sự xem xét cẩn thận và sâu xa. "

Báo Tam Cá Nguyệt "Familia et vita" cuả hội đồng Giáo Hoàng sẽ dành một ấn bản đặc biệt cho dịp kỷ niệm năm thứ 30 của tông huấn "Familiaris consortio." 29 bài của số báo này đã được các chuyên gia và học giả viết về các chủ đề chính chứa đựng trong tông huấn, trong số này có năm hồng y, 10 tổng giám mục và giám mục, sáu giáo dân gồm cả bốn phụ nữ.
 
Top Stories
Pope to U.S. Bishops: After the sex scandals, urgent need for new evangelization
AsiaNews
09:07 26/11/2011
Benedict XVI recalled "the sufferings of the victims" and "conscientious efforts of the Church" to address the problem of sexual abuse. But he also remembers the urgency of the prophetic mission of the Church against a secularism that is destroying the "basics intellectual, cultural and moral values of society." The Catholic universities and attention to young people.

Vatican City (AsiaNews) - Meeting some U.S. bishops today, Benedict XVI urged them to face the scandal of sexual abuse, but also noted that "equally important" issue of new evangelization to counter a prevailing secularism.

At 11 am this morning the Pope met with the bishops of the Episcopal Conference Regions 1,2,3, on ad limina visit. This was the first time that Benedict met the American bishops after his U.S. visit in 2008, which took place in the midst of accusations and scandals concerning pedophile priests and bishops responsibility in covering the facts.

The pontiff recalled the days of his visit, in which he wished to "acknowledge personally the suffering inflicted on the victims and the honest efforts made both to ensure the safety of our children and to deal appropriately and transparently with allegations as they arise " .

The Pope hopes that "the Church’s conscientious efforts to confront this reality will help the broader community to recognize the causes, true extent and devastating consequences of sexual abuse, and to respond effectively to this scourge which affects every level of society. By the same token, just as the Church is rightly held to exacting standards in this regard, all other institutions, without exception, should be held to the same standards."

In fact, since the pedophile scandals in America there has been an increasingly strong campaign against Catholic priests, without any light being shed on the violence and the need to correct the problem in other communities and social situations.

Benedict XVI recalled that his U.S. visit he had an “equally important purpose”, that of summoning the Catholic community to the urgency and demands of a new evangelization. In the coming months, the pope should publish an Apostolic Letter on the subject, to address the disaffection of the Christian world towards the Church and the increasing secularization of world society, which creates concerns both for Christian witness, and "the future of our democratic societies ".

The Pope says that "many men and women, whatever their political or religious view," " a troubling breakdown in the intellectual, cultural and moral foundations of social life, and a growing sense of dislocation and insecurity, especially among the young."

" Despite attempts to still the Church’s voice in the public square, many people of good will continue to look to her for wisdom, insight and sound guidance in meeting this far-reaching crisis."

The pope, therefore, exhorts the bishops to exercise their "prophetic dimension ... by speaking out,… in defense of moral truth, and offering a word of hope, capable of opening hearts and minds to the truth that sets us free."

Secularization, he continued, is also a problem within the Church. " Immersed in this culture, believers are daily beset by the objections, the troubling questions and the cynicism of a society which seems to have lost its roots, by a world in which the love of God has grown cold in so many hearts. Evangelization thus appears not simply a task to be undertaken ad extra; we ourselves are the first to need re-evangelization.. "

The tools suggested by the pope for a revival of faith, include attention to the liturgy (and the new English translation of the Roman Missal), but above all a revival of the missionary spirit of all the faithful.

Benedict XVI remembered the missionary efforts of the Catholic universities in the world, a privileged place for the new evangelization. "Young people - he concluded - have a right to hear clearly the Church’s teaching and, most importantly, to be inspired by the coherence and beauty of the Christian message, so that they in turn can instill in their peers a deep love of Christ and his Church."
 
Pope insists all institutions, not just church, be held to standards against child sex abuse
Vatican Press
09:15 26/11/2011
VATICAN CITY - Pope Benedict XVI insisted on Saturday that all of society's institutions and not just the Catholic church must be held to "exacting" standards in their response to sex abuse of children, and defended the church's efforts to confront the problem.

Benedict acknowledged in remarks to visiting U.S. bishops during an audience at the Vatican that pedophilia was a "scourge" for society, and that decades of scandals over clergy abusing children had left Catholics in the United States bewildered.

"It is my hope that the Church's conscientious efforts to confront this reality will help the broader community to recognize the causes, true extent and devastating consequences of sexual abuse, and to respond effectively to this scourge which affects every level of society," he said.

"By the same token, just as the church is rightly held to exacting standards in this regard, all other institutions, without exception, should be held to the same standards," the pope said.

The pedophile scandal has exploded in recent decades in the United States, but similar clergy sex abuse revelations have tainted the church in many other countries, including Mexico, Ireland, and several other European nations, including Italy.

But the most high-profile sex abuse case in the United States at the moment doesn't involve the church. Penn State university's former defensive football co-ordinator Jerry Sandusky has been charged with sexually abusing eight boys, and the fallout has led to the firing of longtime coach Joe Paterno and the departure of university president Graham Spanier.

College football in the U.S. is highly popular. The scandal has shaken the reputation of a college program that long had prided itself on integrity.

Benedict didn't address accusations by many victims and their advocates that church leaders, including at the office in the Vatican that Benedict headed before becoming pontiff, systematically tried to cover up the scandals, and that they have rarely been held accountable for that.

Investigations, often by civil authorities, revealed that church hierarchy frequently transferred pedophile priests from one parish to another.

Benedict told the bishops that his papal pilgrimage to the United States in 2008 "was intended to encourage the Catholics of America in the wake of the scandal and disorientation caused by the sexual abuse crisis of recent decades."

Echoing sentiment he has expressed in occasional meetings with victims of the abuse on trips abroad, Benedict added: "I wish to acknowledge personally the suffering inflicted on the victims and the honest efforts made to ensure both the safety of our children and to deal appropriately and transparently with allegations as they arise."

Benedict seemed to be reflecting some churchmen's contentions that the church has wrongly been singled out as villains for the abuse.

The bishops were making periodic consultations with the Vatican, scheduled for every five years.
 
Dropping Out: Why Young People Leave the Church
Father John Flynn, LC
09:11 26/11/2011
20-Somethings Cite Many Reasons for Disconnect

ROME, NOV. 25, 2011 (Zenit.org).- It's well-known that many young people stop being active Church-goers. A recent book examined extensive research carried out by the Barna Group to find out why so many drop out as they move into adulthood.

In "You Lost Me: Why Young Christians are Leaving the Church ... and Rethinking Faith," (Baker Books), David Kinnaman, along with Aly Hawkins, analyzed a wide range of statistical data.

As a preliminary, the book outlined three realities to keep in mind when looking at the situation of young people.

1. Churches do have an active engagement with teens, but many of the young people do not grow up to be faithful adult followers of Christ.
2. There are a variety of reasons people drop out, so it is important not to generalize about an entire generation.
3. Churches are not adequately preparing the next generation to follow Christ in the context of a rapidly changing culture.

The problem, Kinnaman explained, is not that teens are any less active in church than in previous times. In fact, around four out of five teens in America will spend a part of their childhood or teen years going to a Christian congregation or parish. What happens is that this activity fades away during their 20s.

For both Catholics and Protestants the age group of those in their 20s is the least likely to say that they are committed to Christ, in spite of their previous religious experience.

An even greater problem is the disconnect with the church. Even more than a struggle with their faith in Christ, young people cease their institutional participation.

Different

An important factor influencing young people today is the cultural context in which they live. No other generation of Christians, he affirmed, has lived through so many profound and rapid cultural changes, Kinnaman argued.

During the last few decades there have been massive changes in the media, technology, sexuality and the economy. This has led to a much greater degree of complexity, fluidity and uncertainty in society.

Summing up these changes, Kinnaman used three concepts to describe them: access, alienation and authority.

Regarding access he pointed out that the emergence of the digital world has revolutionized the way in which young adults communicate with each other and obtain information. This has led to significant changes in the way in which the current generation relates, works and thinks.

This has a positive side, in that the Internet and digital tools have opened up immense opportunities to spread the Christian message. However, it also means there is more access to other cultural views and values and it invites people to question more their beliefs. There is also less emphasis on linear and logical thought.

Alienation, Kinnaman observed, means that many teens and young adults feel isolated from their families, communities and institutions. High levels of divorce and childbirth outside marriage mean many have grown up in non-traditional family structures.

Moreover, the transition to adulthood has stretched out, with marriage and parenthood being put off to a later age. Many churches do not have the pastoral solutions in place to effectively help those who are not following the traditional path to adulthood, according to Kinnaman.

In addition, many young adults today are skeptical about the institutions that in the past have shaped society. Grassroots networks and collaborative efforts are prized over hierarchical institutions.

This skepticism becomes then a distrust of authority, the third concept used by Kinnaman. A tendency to pluralism, and even holding conflicting ideas, takes precedence over acceptance of Scripture and moral norms.

A culture of questions can lead people to the truth, and tension between faith and culture can also have a positive outcome, but, Kinnaman noted, it requires new approaches by churches.

Disconnection

Kinnaman admitted that he expected to find one or two big reasons why young adults disconnect from their church. Instead, it turned out that there is a wide variety of frustrations that leads to people dropping out.

Some consider their church to be an obstacle to creativity and self-expression. Others become bored with superficial teachings and platitudes. A perceived incompatibility between faith and science leads others to drop out.

What some consider to be repressive rules, particularly regarding sexual morality, is another reason young people leave their church. The current cultural trends that emphasize tolerance and acceptance of other values and opinions clash with Christianity's claim to possess universal truths and is an obstacle to some.

Other young Christians say that their church does not allow them to express doubts and say that the church's response to the expression of doubts is not adequate.

Kinnaman also found that in many cases churches fail to instruct young people in a sufficiently profound manner. A shallow faith in teens and young adults leaves them with a list of vague beliefs and a disconnect between their faith and their daily lives. Consequently many young people consider Christianity as boring and irrelevant.

At the end of the book Kinnaman has some recommendations on how to stem the loss of so many young people. There needs to be a change in the way the older generations in churches relate to younger generations.

He also urged the rediscovery of the theological concept of vocation in order to encourage a deeper consideration by young people of what God is asking them to do with their lives.

Finally, we need to give wisdom priority over information. Wisdom, he explained, means the ability to relate rightly with God, to others, and to culture. Whatever the solutions might be, there is no doubting the urgency of dealing with this vital issue.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Hiếu Đạo, Kontum mừng lễ Bổn mạng
BTT Kontum
06:04 26/11/2011
KONTUM - Lễ Mừng Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, 20/11/2011, Đức Giám mục Giáo phận đã đến nhà thờ Thăng Thiên, Giáo hạt Pleiku, dâng lễ bổn mạng cho Giáo xứ Hiếu Đạo (không còn nhà thờ).

Thánh lễ bắt đầu lúc 6 giờ 00, Chúa Nhật 20/11/2011, chủ tế là Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận, cùng đồng tế có Cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Vân Đông, chánh xứ Thăng Thiên, Cha Tôma Nguyễn Văn Thượng, chánh xứ Đức An và Cha Bartôlômêô Nguyễn Đình Phước, Thư ký TGM, chánh xứ Giáo xứ Hoà Phú.

Khởi đầu thánh lễ, sau khi Đức Cha Micae làm dấu thánh giá, một Vị đại Diện Ban chức việc Giáo xứ Hiếu Đạo đã lược lại quá trình hình thành Giáo xứ Hiếu Đạo, từ năm 1960, năm nay đã là 51 năm thành lập. Được biết từ năm 1976 đến nay, giáo xứ Hiếu Đạo không có Cha xứ, không còn nhà thờ, giáo dân trong Giáo xứ đã như tan tác, chia đôi - từ khi Chính Quyền lấy Nhà thờ làm “Nhà Văn Hoá-Cung Thiếu Nhi Tỉnh Gia Lai” - số giáo dân hiện nay hơn 1600 người nhưng phải sống cảnh “lưu vong”, một nửa sống nhờ và đi lễ tại Giáo xứ Thăng Thiên, nửa còn lại đi nhờ lễ ở Giáo xứ Đức An. Thánh lễ mừng Bổn mạng Giáo xứ hằng năm cũng như năm 2011 này Giáo dân phải mượn Giáo xứ Thăng Thiên để mừng lễ của mình.

Tiếp đến, Cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn vân Đông đã đọc thư mừng bổn mạng của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh gửi cho Giáo xứ Hiếu Đạo. Văn thư Số 101/VT/’11/TgmKt, ngày 20 tháng 11 năm 2011 như sau:

Kính gửi: Cộng Đoàn Hiếu Đạo,
Giáo hạt Pleiku, Giáo phận Kon Tum.

Mến thăm anh chị em,
Xin chúc mừng lễ Bổn Mạng “Chúa Kitô Vua” của Giáo xứ Hiếu Đạo.

Giáo xứ Hiếu Đạo là một trong những giáo xứ năng động nhất của Giáo phận KonTum, được tách từ xứ Mẹ Thăng Thiên năm 1960. Người có công đầu phải kể tới Cha Cố Phaolô Võ Quốc Ngữ và Cha Cố Gioan Nguyễn Trí Thức. Sau Cha sở đầu tiên Phaolô lần lượt tới các cha xứ mới: Cha Anrê Phan Thanh Văn, Cha Tôma Lê Thành Ánh, Cha Phêrô Phaolô Hoàng văn Quy và Cha Giuse Trần Sơn Nam.

Nhà thờ lúc đầu nằm trên khu đất Trường Chu Văn An hiện nay. Tôi đã có vinh dự về giúp xứ năm 1964-1965. Đúng 12 tháng 12 ngày 12 giờ (từ 17g00 ngày 01.07.1964 đến 17g00 ngày 12.07.1965). Tôi hiểu rõ tâm tình và ước nguyện của anh chị em.

Vâng, cuộc sống của Giáo xứ Hiếu Đạo đã "bị xáo trộn" kề sau biến cố 1975. Đặc biệt từ ngày 24.12.1975 và ngày 07.06.1976. Tôi là một trong 3 linh mục đang sống tại đây và chứng kiến những chuyện xảy ra trong 2 ngày này.

Ngày 24.12.1975, Chính quyền Thị xã Pleiku và Tỉnh Gialai-Kontum báo tin Nhà thờ Hiếu Đạo không được tổ chức lễ Giáng Sinh 1975. Đêm đó cả 3 nhà thờ Thăng Thiên, Đức An và Thánh Tâm đều quyết định không cử hành lễ đêm để “hiệp thông” với anh chị em Hiếu Đạo. Đến ngày 07.06.1976, Chính quyền đã bắt Cha xứ Giuse Trần Sơn Nam đi cải tạo, còn hai chúng tôi - Lm Phêrô Phaolô Hoàng Văn Quy và bản thân tôi – “được trục xuất” về Nhà thờ Thăng Thiên và Nhà thờ Thánh Tâm. Từ đó đến nay, Giáo xứ Hiếu Đạo chịu cảnh “tán tác”: Xóm 2 tạm sinh hoạt ké Gx Đức An, các xóm đạo khác ké bên Thăng Thiên. Cảnh “sống nhờ” như thế làm cho anh chị em rất đau khổ. Vết thương lòng anh chị em tới giờ này vẫn chưa khép nổi. Nên vì quyền lợi thiêng liêng và theo nguyện vọng chính đáng của anh chị em, nay tôi chấp thuận quy tụ anh chị em 4 xóm đạo về lại một mối và tạm đặt trực tiếp dứơi sự chăm sóc của Cha Xứ Thăng Thiên, trong khi chờ đợi Chính Quyền xem xét trao lại Nhà thờ Hiếu Đạo cho anh chị em được sinh hoạt độc lập như trước năm 1975.

Xin cám ơn các Cha xứ Đức An cũng như các Cha xứ Thăng Thiên suốt bao năm qua đã quảng đại đón tiếp và phục vụ anh chị em Hiếu Đạo. Xin các cha tiếp tục giúp đỡ theo khả năng cho phép, trong khi chờ tôi có thể bổ nhiệm một linh mục riêng cho Giáo xứ Hiếu Đạo.

Nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành và thực hiện tất cả những điều tốt đẹp nhất cho anh chị em. Nguyện xin Chúa soi sáng cho Nhà cầm quyền sớm cho chúng ta nhận lại ngôi thánh đường này.

Hiệp thông trong tâm tình tôn vinh và tạ ơn Chúa.

+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám Mục Giáo Phận Kon Tum.


Nghe xong thư, nhiều người đã sụt sùi khóc, vì nhớ lại cảnh “nhà thờ mất, giáo xứ tan”; đang sống trên quê hương mình mà như đang sống lưu vong tại đâu đó.

Đức Cha Micae tiếp bằng vài lời an ủi Giáo dân Giáo xứ Hiếu Đạo, ngài cám ơn các Cha sở 2 Giáo xứ Thăng Thiên và Giáo xứ Đức An đã cưu mang Giáo xứ Hiếu Đạo gần 35 năm qua, Ngài cũng hứa sẽ sớm bổ nhiệm cho giáo xứ Hiếu Đạo một Cha xứ và kêu gọi mọi người tha thiết cầu nguyện cho Chính Quyền tỉnh Gia Lai sớm trao trả lại Nhà thờ cho Giáo xứ Hiếu Đạo.

Như chúng ta biết, cứ theo luật Quốc Tế hay một Chính Thể nào thì cơ sở tôn giáo phải luôn phải được tôn trọng và bảo vệ, cho dù chế độ trước mất, chế độ đến sau cũng phải tôn trọng, không được chiếm đoạt hay lấy sử dụng vì một lý do nào. Giáo xứ Hiếu Đạo đã mất Nhà thờ Giáo xứ, phải sống lưu vong, quả là một trường hợp hiếm có mà Chính Quyền tỉnh Gia Lai đã "hiểu nhầm" chiếm dụng ngôi Nhà thờ này, làm cho Giáo dân phải tan tác và tản mác.

Tiếp tục thánh lễ, Đức cha Micae đã chia sẻ Tin Mừng và mời gọi giáo dân Hiếu Đạo hãy sống Tin Mừng cách hữu hiệu nhất là loan tryền Tin Mừng cho mọi người bằng cách sống của mình, dù chưa được trả lại nhà thờ, nhưng phải chú tâm đọc lời Chúa mỗi ngày, nhất là biết chia sẻ tình thương mến thương cho những người sống chung quanh mình, để họ cũng được hưởng cái hạnh phúc làm con Chúa.

Cuối thánh lễ là các phiên chầu lượt theo Giáo họ của Giáo xứ Hiếu Đạo nhân ngày mừng Bổn mạng Kitô Vua của mình.

 
Khóa tập huấn diễn nguyện Giáng sinh
Hà Như Nguyệt
14:54 26/11/2011
Bắc Ninh: Để tạo điều kiện cho xứ họ trong Giáo phận chuẩn bị cho đêm diễn nguyện Giáng sinh 2011được sốt sáng và ý nghĩa hơn, Trung tâm mục vụ Bắc ninh đã mở lớp tập huấn diễn nguyện Giáng sinh từ ngày 21-26/11/2011.

Xem hình ảnh

Lớp tập huấn diễn nguyện Giáng sinh do các sơ dòng Mên Thánh Giá Thủ Đức giảng huấn và đã quy tụ 70 học viên từ một số xứ họ trong Giáo phận.

Để khích lệ và động viên các học viên trong khóa tập huấn, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt S.J, người cha chung của Giáo phận đã đến chủ sự Thánh lễ bế mạc và tham dự chương trình diễn nguyện tổng kết khóa học.

Ngỏ lời với các học viên trong khóa tập huấn, Đức cha cho thấy ý nghĩa của Con Thiên Chúa xuống thế làm người, và lễ Gáng sinh là một cơ hội rất tốt để chúng ta giới thiệu Chúa cho người khác, đặc biệt là những người chưa biết Chúa, vì trong đêm lễ Giáng sinh có hàng nghìn người chưa biết Chúa đến các nhà thờ để xem diễn nguyện và nghe hát Thánh ca.

Sau Thánh lễ bế mạc, các học viên đã tổ chức buổi diễn nguyện Giáng sinh cho Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và khán giả xem và góp ý. Buổi diễn nguyện Giáng sinh cuối khóa này cũng như là kết quả của bài thi cuối khóa mà trong suốt một tuần các học viên mệt mài học tập.

Được biết, chủ đề Giáng sinh năm nay: “Ở lại với Chúa”. Với chủ đề này, Giáo phận Bắc ninh hòa chung với toàn thể Giáo hội Việt Nam khai triển và sống: “Giáo hội mầu nhiệm” theo như Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sau Năm Thánh 2010 mang tựa đề “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, và được triển khai trong 3 năm với 3 phần: Giáo hội mầu nhiệm, Giáo hội hiệp thông và Giáo hội sứ vụ. Năm 2012 toàn thể Giáo hội Việt nam sẽ tập trung vào đề tài Giáo Hội mầu nhiệm.

Sau khóa tập huấn diễn nguyện Giáng sinh, các học viên trở về xứ họ của mình và bắt đầu ngay các công việc chuẩn bị và tập luyện diễn nguyện tại các xứ họ trong Giáo phận. Ước mong sao, với những kiến thức khiêm tốn mà các học viện thâu nhận được từ khóa tập huấn sẽ giúp đêm diễn nguyện và hoan ca Giáng sinh tại các xứ họ ý nghĩa hơn. Qua đó, tất cả mọi người sẽ nhận được nhiều “ơn lành’ của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.
 
Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Trung Tâm Công Giáo San Jose
Nguyễn thanh Trúc
21:44 26/11/2011
Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Trung Tâm Công Giáo San Jose

Năm nay cộng đoàn Công Giáo Việt Nam San Jose long trọng mừnglễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Trung tâm Công Giáo San Jose lúc 10 giờ sáng thứ bảy ngày 26 tháng 11 năm 2011.

Mới 9 giờ 30 phút mà bãi đậu xe và nguyện đường đã không còn chổ. Ước tính khoảng một ngàn (1000) giáo dân tham dự thánh lễ này.

Thánh lễ được bắt đầu bằng cuộc rước kiệu các Thánh Tử ĐạoViệt Nam trong khi ca đoàn AVE MARIA hát bài Tiếng Nhạc Oai Hùng của cố nhạc sĩ Hải Linh. Dẫn đầu là Thánh Giá nến cao, đến các hội đoàn, các thầy phó tế, cáclinh mục và sau cùng là Đức Cha Thomas Daily Giám Mục phụ tá giáo phận SanJose. Có 6 thầy phó tế và 18 linh mục Việt Nam và 2 linh mục Mỹ. Chủ tế là linhmục Anrê Nguyễn Chí Thông, Ngài mới chịu chức linh mục chưa đầy một năm. Sau bàiTiếng Nhạc Oai Hùng là bài Đây Bài Ca Ngàn Trùng của linh mục Kim Long. “Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chếtvì yêu. Nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao, từng đoàn người anh dũng tiến ra pháptrường”. Lời ca làm cộng đoàn xúc động nhứt là khi thấy kiệu các thánh tử đạo cóhình một thanh đao đẫm máu. Có những người thổn thức khi kiệu các thánh tử đạo đi qua.

Xem hình

Cha Giuse Nguyễn Văn Thư, giám đốc trung tâm công giáo chào mừng Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý phó tế, và quý cộng đoàn. Theo Ngài ngày lễ các ThánhTử Đạo Việt Nam là ngày giỗ tổ của cộng đoàn công giáo Việt Nam.

Đặc biệt là bài giảng của cha Giuse Đinh Đức Hảo, đại diệnGiám Mục đặc trách cộng đoàn Việt Nam.

Ngài nói lúc trước, khi nói đến Việt Nam thì người Mỹ chỉ nghĩ đến chiến tranh Việt Nam và nói đến Sài Gòn là nghĩ đến đấm đá lẫn nhau.Nhưng người Việt ở khắp nơi nói chung và ở Mỹ nói riêng đã thay đổi cái nhìn củangười Mỹ. Người Việt hiếu hòa, quý chuộng sự học hành với nề nếp gia đình và cónhiều món ăn ngon đã đóng góp nhiều cho nơi mình đang sinh sống. Ngài nói chỉ mớicác đây hai tháng “BÁNH MÌ” đã được ghi vô tự điển Oxford của Anh Quốc. Ở Hoa Kỳ,người công giáo chỉ chiếm một phần trăm (1%) nhưng hàng năm người Việt chiếm mười một phần trăm (11%) sốlinh mục chịu chức tại Hoa Kỳ.

Ngài cho biết là trong 117 vị thánh không phải là người Việt hết nhưng có 30 vị đến từ Âu Châu và trong đó có 8 giám mục. Các Ngài đã bỏ quêhương để đi truyền giáo ở một đất nước xa lạ. Các Ngài phải học tiếng Việt, họcvăn hóa Việt, phải tập ăn thức ăn Việt và cuối cùng các Ngài đã chết làm nhânchứng đức tin trên đất Việt. Giáo Hội Việt Nam xem các Ngài như là người Việt vàgọi các Ngài là các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Bây giờ các linh mục Việt trên xứHoa Kỳ cũng làm việc truyền giáo trên đất nước không phải là nơi mình sinh ra vàđược người Hoa Kỳ đón nhận một cách ưu ái.

Cha Hảo cũng cho biết là thời gian bách hiạ đạo ở Roma kéo dài250 năm và thời gian cấm đạo ở Việt Nam kéo dài 260 năm. Ở Roma có một trăm ngàn các Thánh Tử Đạo thì quê hương Việt Nam cũng vậy, có đến trên một trăm ba chụcngàn người (130000) đã hy sinh mạng sống vì đức tin vào Đức Kitô.

Ngài cho biết là trong 117 vị Thánh Tử Đạo chỉ có một vị làphụ nữ là Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành và không có nữ tu nào trong 117 vị. NhưngNgài cũng nói thêm để an ủi các sơ ngồi phía dưới là công lao của các sơ rất lớnvì lúc đó các cha và thầy giảng đã bị tù hết rồi cho nên chỉ còn các sơ lo chobổn đạo mà thôi.

Cha Hảo nhấn mạnh lòng mến của các Thánh đã đưa các Ngài đếnviệc đổ máu đào vì Chúa và vì bổn đạo. Người Roma ngày xưa nói “Xem kìa, ngườicông giáo họ thương nhau biết chừng nào” thì ở Việt Nam trong thời bách hại đạocác lương dân cũng nói như vậy.

Cha còn cho biết lúc còn là chủng sinh ở trong nước vào năm1982 cha đã khẳng định các vị tử vì đạo là các Thánh và đúng như vậy. Sáu nămsau đó vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô Đệ Nhị đã phongThánh cho 117 vị. Lúc đó Cha viết ra kinh cầu các Thánh Tử Đạo như sau và khuyêncác gia đình trong xứ đạo đọc kinh này mỗi tối thứ ba. Kinh cầu như sau:

“Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những vị chứng nhân trungthành, xưa đã quyết một lòng hy sinh vì niềm tin sắt son vào Chúa với tình yêukhông thể phai nhòa. Xin phù trợ Hội Thánh Việt Nam, giúp đoàn con trọn niềmtin cậy tin và nên những chứng nhân tình yêu cho muôn người đón nhận Tin Mừng.Amen.

Và mới đây Đức Cha Patrick J. McGrath Giám Mục San Jose vàongày 14 tháng 10 năm 2011 đã chuẩn y (Imprimatur) kinh này để có thể dùng trongNhà Thờ.

Thánh lễ mừng các Thánh Tử Đạo đã diễn ra thật là long trọng,với trống chiên và rước kiệu, với sự hiện diện của Đức Giám Mục phụ tá SanJose, với sự hiện diện đông đảo của linh mục đoàn Việt Nam, với tiếng hát sốt sắngcủa ca đoàn Ave Maria và với gần ngàn giáo dân muôn lòng như một kính nhớ cácThánh Tử Đạo Việt Nam, biết ơn các Ngài đã đổ máu đào để cho chúng ta là con cháucác Ngài được đứng vững trong đức tin.

Nguyễn thanh Trúc
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tìm hiểu chức thánh Phó Tế
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
09:19 26/11/2011
Chức thánh Phó tế

Xưa nay người Công giáo Việt Nam thường gọi người có chức Phó tế là „Thầy Sáu hay Cụ Sáu!“. Vì thời trước Công Đồng Vatican 2. (1965) ai chịu chức Linh mục phải lần lượt nhận bảy chức: 1. Giật chuông mở đóng cửa nhà thờ, 2. Đọc sách, 3. Trừ qủy, 4. Giúp lễ, 5. Trợ Phó tế, 6. Phó tế và 7. Linh mục.

Theo thứ tự đó nên quen gọi người có chức Phó tế là „ Thầy sáu hay Cụ sáu!“

Nhưng từ sau Công đồng Vatican thứ hai chỉ còn ba chức Thánh: Gíam Mục, Linh mục và Phó tế thôi. Và cũng từ ngày đó chức Phó tế được mở rộng trở về nguồn thời Giáo Hội sơ khai lúc ban đầu cách đây hơn hai ngàn năm cho cả người đã lập gia đình có vợ con. Vì thế có tên gọi Phó tế vĩnh viễn. Người là Phó tế vĩnh viễn không được lãnh nhận chức Linh mục bao lâu người vợ bạn đường còn sinh sống.

Phó tế vĩnh viễn là ai? Các vị này thi hành nhiệm vụ gì trong đời sống đức tin của Gíao Hội?

1. Chức Phó tế thời Giáo Hội sơ khai

Thuở lúc ban đầu trong Giáo Hội sau khi Chúa Giêsu về trời cũng đã có những Thầy Phó tế. Kinh Thánh kể đến tên bảy vị: Stephanus, Philippus, Prochorus, Nikanor, Timon, Parmenas, Nikolaus ( Sách Tông vụ Tông đồ 6,5) đã được tuyển chọn để phụ giúp các Tông đồ chăm lo việc bác ái xã hội trong cộng đoàn các tín hữu.

Thánh Phaolô nói đến đời sống phẩm hạnh của vị Phó tế như sau:

„Các vị Phó tế cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; (9) họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch. (10) Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức Phó tế, nếu không bị ai khiếu nại. (11) Các bà cũng vậy, phải là người đàng hoàng, không nói xấu, nhưng tiết độ, đáng tin cậy mọi bề. (12) Các vị Phó tế phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt. (13) những ai thi hành chức vụ Phó tế cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Ðức Kitô Giêsu.“ (Thư gửi 1. Timotheo 3, 8-13).

Phó tế theo nguyên ngữ tiếng Hylạp là Diakonos trong ý nghĩa người phụ giúp, người phục vụ. Các Phó tế là những người có chức vị trong Giáo Hội. Nhiệm vụ của họ không chỉ giới hạn vào việc bác ái xã hội ( diakonia), nhưng còn cả trong lãnh vực làm chứng rao giảng Lời Chúa ( martyria) và lễ nghi Phụng vụ (leiturgia) nữa.

Thuở Giáo Hội sơ khai các vị Phó tế là những người phụ giúp các Tông đồ trong nhiệm vụ quản trị tài sản của Giáo Hội, của Cộng đoàn, đứng đầu việc bác ái phân phát lương thực thức ăn. Nhưng dẫu vậy các vị Phó tế cũng là những người thuộc hàng ngũ giáo sỹ theo phẩm trật của Gíáo Hội và có liên quan mật thiết với phần vụ dâng Thánh lễ tế tạ ơn (eucharistica).

2. Phó tế trong phẩm trật Giáo Hội

Vị Phó tế là giáo sỹ trong Giáo Hội. Những ai theo con đường độc thân làm linh mục cũng phải được truyền chức thánh Phó tế trước khi tiếp tục nhận chức thánh Linh mục.

Những người đã có gia đình được truyền chức thánh Phó tế, và chỉ dừng lại ở đó. Họ là những vị Phó tế vĩnh viễn suốt đời.

Chỉ Đức Giám Mục giáo phận là người có quyền tuyển chọn trao ban chức thánh Phó tế qua nghi thức đặt tay trên đỉnh đầu và cầu nguyện theo nghi lễ truyền chức thánh trong Giáo Hội từ thời các Thánh Tông đồ truyền lại.

Tất cả các vị Phó tế theo phẩm trật trong Giáo Hội tùng phục quyền của Đức Giám Mục giáo phận, và làm việc phụ giúp các Linh mục trong lãnh vực đạo giáo thiêng liêng ở các giáo xứ nơi họ được gửi sai tới.

Một thời gian dài hàng nhiều thế kỷ trong Giáo Hội không có các vị Phó tế vĩnh viễn nữa. Và ngày ngay vì nhu cầu về mục vụ cũng như xã hội càng tăng, nên Công đồng Vatican thứ hai (1962-1965) đã tái thiết lập lại chức Phó tế vĩnh viễn trong Giáo Hội lo phụ trách nhiệm vụ này bên cạnh các Linh mục ở các xứ đạo.

Các Phó tế khi cử hành lễ nghi Phụng vụ nơi bàn thờ với Linh mục, ngày xưa có áo lễ -Dalmatik- riêng cho Phó tế. Nhưng ngày nay thường họ chỉ mặc áo trắng Alba và đeo dây Stola – dây các Phép không thẳng từ trên hai vai xuống đàng trước ngực, mà chéo ngang từ bờ vai bên trái đàng trước ngực và đàng sau lưng sang bờ phía bên phải.

Người Công giáo xưa nay thường quen thấy các Linh mục mặc phẩm phục hàng giáo sỹ đi đâu cũng một mình, cùng không có nhẫn đeo nơi tay. Vì các Linh mục sống độc thân.

Và nay họ lại thấy những vị cũng mặc phẩm phục như Linh mục mà lại có nhẫn cưới đeo nơi tay, có thêm người vợ và các người con đi theo bên cạnh, rồi lại thấy vị đó trong nhà thờ mặc áo lễ thầy Phó tế ở trên bàn thờ, họ bỡ ngỡ ngạc nhiên thắc mắc…Nhiều người nói theo kiểu cách vui đùa: Các vị đó được cả đời này lẫn đời sau..! Đây chỉ là suy nghĩ nói theo kiểu dân gian vui đùa thôi, chứ nào ai biết được thế nào là được đời này lẫn cả đời sau!

Các vị Phó tế vĩnh viễn là những người phải có đời sống phẩm hạnh tốt, đời sống đạo đức với lòng tin cậy mến nơi Thiên Chúa, nếp sống gia đình thuận hòa, đức tính nhân bản tốt xứng đáng nêu gương sáng giữa con người; đã trải qua nền đào tạo giáo dục văn hóa căn bản, và nhất là được đào tạo trong ngành thần học, kinh thánh cũng như mục vụ sư phạm trước khi nhận lãnh chức Phó tế, và phải có một nghề nghiệp vững chắc làm ăn sinh sống trong xã hội.

Những vị Phó tế vĩnh viễn trong Gíao Hội là những người dấn thân nghe theo tiếng kêu gọi của Chúa vào làm việc trong cánh đồng truyền gíao của Giáo Hội với những nhiệm vụ liên quan mật thiết đến rao giảng làm chứng cho nước tình yêu Thiên Chúa giữa con người.

3. Nhiệm vụ thầy Phó tế

Nhiệm vụ của thầy Phó tế trong Giáo Hội quy hướng vào ba trọng điểm:

Diakonia – Bác ái phục vụ giúp đỡ con người, nhất là những người gặp hoàn cảnh bất hạnh xấu số, bệnh tật nghèo khổ, những người gìa yếu tàn tật, những người bơ vơ cô đơn, tù tội, tỵ nạn, sinh hoạt hội đoàn đạo đức và thanh thiếu niên.

Martyria – làm chứng rao giảng Lời Chúa - Thầy Phó tế trên bàn thờ phụ giúp Linh mục dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa. Thầy có nhiệm vụ công bố đọc phúc âm Lời Chúa và được rao gỉang diễn giải Lời Chúa, hướng dẫn suy niệm Lời Chúa

Leiturgia - lễ nghi Phụng vụ- Thầy Phó tế phụ giúp trên bàn thờ trong các Thánh lễ, nhưng Thầy không được cử hành dâng thánh lễ như các Linh mục. Thầy Phó tế được chứng hôn Bí tích hôn phối, được cử hành Bí tích Rửa tội, được ban chúc lành, cử hành lễ nghi an táng người qua đời. Nhưng Thầy không được cử hành Thánh lễ, Bí tích Giải tội và Bí tích xức dầu bệnh nhân. Ba Bí tích này chỉ người có chức thánh Linh mục mới được cử hành thôi.

Người đàn ông nào chưa lập gia đình, chưa chịu Bí tích hôn phối, mà muốn lãnh nhận lãnh chức Thánh Phó tế, phải cam kết sống giữ luật độc thân không lập gia đình theo Giáo luật buộc khi nhận chức Phó tế, và phải ít nhất có 23 tuổi đời.

Những ai đã có gia đình trước đó, phải có ít nhất 35 tuổi đời, được giữ gia đình mình đang có, nhưng vị đó không được tái lập gia đình khi người vợ qua đời.

Những ứng sinh chịu chức Phó tế mà đã có gia đình, trước khi lãnh nhận chức Thánh Phó tế, người vợ bạn đường phải bằng lòng cho chồng mình chịu chức Phó tế sống đời giáo sỹ phục vụ trong Giáo Hội trong tư cách là Phó tế vĩnh viễn.

**************

Từ khi sang định cư sinh sống bên xã hội các nước Âu Mỹ, từ sau năm 1975, chúng ta thấy có nhiều người đàn ông đã có gia đình được đào tạo trở thành Phó tế ở các xứ đạo địa phương. Trong dòng thời gian từ hơn ba mươi năm qua, ngày nay bên Giáo Hội Công giáo Anh, Pháp, Thụy sĩ, Hoa kỳ ….đã có nhiều người Việt Nam được tuyển chọn cùng đào luyện trở thành Phó tế vĩnh viễn.

Ngày 20.11.2011 Anh Vinh Sơn Nguyễn công Trứ sau những năm tháng được đào tạo tập luyện trong ngành Thần học và mục vụ trở thành ứng sinh giáo sỹ trong Giáo phận Công giáo Münster, được truyền chức Phó tế. Như thế anh Vinh Sơn Nguyễn công Trứ là người Công Gíao Việt Nam đầu tiên ở nước Đức trở thành Phó tế vĩnh viễn.

Cầu chúc các Thầy Phó tế vĩnh viễn người Việt Nam lòng hăng say nhiệt thành là người thợ làm việc trong cánh đồng đức tin của Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Xin chúc mừng Thầy tân Phó tế Vinh Sơn Nguyễn Công Trứ ở Giáo Hội Công giáo nước Đức!

Lm. Đaminh nguyễn ngọc Long

 
Văn Hóa
Chuyện Phiếm Đạo Đời: Suy tư qua Lời Chúa
Trần Ngọc Mười Hai
06:06 26/11/2011
Chuyện Phiếm Đạo Đời: Suy tư qua Lời Chúa

“Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng”
Tưng đàn chim bay trong ánh hoàng hôn.

Chơi vơi hồn ai tới chốn xa xôi !
Khuất bóng Kim-Ô chiều tàn lâm ly, mây trời bao la.”
(Lâm Tuyền – Khúc Nhạc Ly Hương)



(Mt 25: 1-13)

“Ngùi trông xa khơi mờ sóng” những buổi chiều, vẫn là động thái của ai đó giống bần đạo, từ nơi xa xôi có buổi mờ sóng những ngóng nhìn “đàn chim bay trong ánh hoàng hôn”. Nhìn, rồi lại nhớ quê hương làng mạc, buồn khôn dứt.

Bởi có buồn, nên bần đạo mới thả hồn theo “Khúc nhạc Ly Hương” vẫn hát tiếp:



“Lòng buồn sầu ước,

như lũ chim quyết tung trời mây?
Bao nhiêu giông tố hề chi,
Bao nhiêu mưa gió biệt ly,
Thề quyết ra đi từ đây.”

(Lâm Tuyền – bđd)



Tuy, hát thì hát thế, nhưng bần đạo đây chỉ thấy chút ngậm ngùi hơi bi đát, bi ai hoặc bi hài một cuộc đời, như nhiều người. Bởi, bần đạo nay gặp thấy nhiều bài viết về tình huống những “ly hương” khá “thê lương” của nhiều vị trong thánh hội rất “Văng-ti-ca” (ấy quên, rất Vaticăng), là thế!

Vaticăng hôm rày chợt thấy những ngày không sáng mấy, khi dân con nhà đạo cứ lào xào, động não để rồi “xuất thủ” bằng những tư tưởng rất khác lạ về một nền thần học khá phải quấy.

Vâng! Bởi, cứ mải lo chuyện phải quấy cho Thánh hội, nên bần đạo nay mới “động não” để khi động rồi, lại sẽ “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” và tạt vào vườn hoa văn nghệ có giòng chảy nhạc tình, có lời hát:



“Mặc đời giông tố muốn phũ phàng,
đàn chim Âu cứ tiến mơ màng, dưới chớp xanh.
Biển gầm mênh mông, không nơi ngừng cánh tránh gió táp
Gióng cười the thé, với sóng gào!
Đời ta như cánh gió theo tàu, đi bốn phương…”

(Lâm Tuyền – bđd)



Vâng! Hễ tà tà tản mạn chuyện trong đạo/ngoài đời, là y như rằng bần đạo bắt gặp được nhiều truyện kể không mấy “dễ nể”, nhưng đáng làm chất liệu để bạn và tôi, ta “phiếm” tới. Truyện kể, là truyện khá bình thường ở huyện, rất như sau:



“Thả một hòn sỏi vào trong nước: một tiếng bắn bỗng tung toé lên, rồi chìm nghỉm. Nhưng để lại vô số gợn sóng lăn tăn rất xoay tròn. Lan rộng từ trọng tâm, ra biển cả.



Thả một hòn sỏi vào trong nước: phút chốc bạn sẽ lãng quên. Nhưng trong đó, có những gợn sóng nhỏ xoay tròn, hoà vào con sóng lớn, rồi xáo động cả đại dương hùng vĩ, chỉ bằng hòn sỏi nhỏ.



Thả một lời nói không tốt, ít cẩn trọng: phút chốc nó sẽ bay đi, rồi để lại thấy vô vàn gợn sóng lăn tăn xoay tròn, và cứ thế lan toả. Lan đến, để không cách nào lấy lại được, khi đã nói.



Thả lời nói không tốt, trong phút chốc, bạn cũng sẽ lãng quên đi, nhưng những gợn sóng nhỏ ấy cứ xoay tròn, và xoay mãi. Có thể bạn đã làm tràn ứa giòng nước mắt trên tim buồn. Náo động cả cuộc đời rất phúc hạnh của ai đó chỉ vì lời nói ấy.



Thả một lời nói rất vui và tốt lành, thì chỉ trong giây lát, chúng sẽ bay đi nhưng rồi sẽ để lại vô vàn gợn sóng nhỏ lăn tăn, rất xoay tròn. Chúng đem lại hy vọng và niềm vui, rất an ủi trong con sóng vỗ bờ. Bạn sẽ không ngờ sức mạnh của lời nói tốt lành bạn cho đi.



Thả một lời nói vui tươi/tốt lành thì chỉ trong giây lát bạn sẽ lãng quên ngay. Nhưng niềm vui dâng tràn và những gợn sóng cứ reo vui xoay tròn mãi. Làm như thế, bạn đã khiến con sóng cứ thế vỗ về theo những điệu nhạc êm êm, thêm thân ái. Điệu nhạc ấy, nghe được trên từng hải lý chỉ do mỗi việc thả nó trôi đi những lời nói tốt lành mà thôi!” (Truyện “Hòn Sỏi và Lời Nói” trích từ điện thư nhận vào ngày rằm tháng ấy năm nào)



Là giáo dân hạng thứ, bần đạo cứ để đầu óc mình lẩn quẩn với những bản văn “lăn tăn” một “Hòn sỏi và Lời Nói” nhặt ở đây đó để bạn bè/người thân biết mà “phiếm” tới, cho vui.

Trước hết, là đoạn chia sẻ Lời Chúa từ một đấng bậc có tên Francis X. Clooney sj hôm Chủ nhật thứ 33 rất thường niên năm A, ở Cambridge, nước Anh. Bài chia sẻ, tóm lược như sau:



“Khi viết bài này, tôi có bày tỏ với cộng đoàn dân Chúa tụ họp ở nhà thờ. Hôm ấy, tôi nhận ra rằng cũng là việc cần thiết để đồng đạo của tôi hiểu rõ vì lý do gì mà các trinh nữ nói ở dụ ngôn lại bị chụp cho cái mũ “dại khờ” đến là thế? Chẳng vì các cô khờ khạo cùng với các cô khôn ngoan đều không biết rõ khi nào thì “chàng rể” đến. Sự khác biệt giữa các cô khờ và khôn, là ở chỗ: người khôn thường chuẩn bị có thêm dầu dự trữ. Nhưng sự thường, chuyện ấy đâu nào cần. Có mang gì thêm cũng chỉ phí phạm thôi. Bởi, nếu chàng rể đến vào đúng thời điểm đã hẹn, thì cũng chẳng ai cần đem thêm thứ gì cho mệt. Và, các cô kia cũng chẳng bị mang tiếng là khờ dại, nhiều tai tiếng.



Để dụ ngôn được dễ hiểu hơn, hôm ấy tôi có đề nghị cộng đoàn dự lễ hãy suy tư thêm về truyện các cô trinh nữ khờ ở truyện kể, để áp dụng vào đời sống rất Công giáo của ta. Chuyện này, có hai cách để ta suy tư sống đời Công Giáo. Cách thứ nhất, là đem tất cả đặt vào cuộc sống có giá trị để chứng tỏ rằng Thiên Chúa cũng hành động như ta hằng trông ngóng. Nghĩa là: ân huệ Ngài ban, sẽ đến vào đúng thời đúng buổi. Lời cầu của ta, sẽ được chuẩn nhận vào mọi lúc. Các nhà lãnh đạo tôn giáo, sẽ sinh động và cảnh giác hơn, mỗi khi cần. Và người người sẽ tỉnh thức mà cảnh giác, dính dự. Và khi đó, đèn dầu của ta, tức nguồn mạch niềm tin ta có, hoặc những gì ta nói, cũng như hành động và suy nghĩ, đều sẽ tốt đẹp.



Cách thứ hai, là sống trước những tháng ngày kham khổ dù Chúa có làm chậm lại những tháng ngày Ngài quang lâm, một cách bí nhiệm. Dù, các nhà lãnh đạo tôn giáo của ta chẳng lo chăn dắt, với quản cai. Dù, khung trời sự sống của ta ra tồi tệ. Dù, mọi người chúng ta đều “thiếp đi rồi ngủ cả”, chẳng để ý gì hoặc quan tâm đến nỗi niềm gì. Chỉ mỗi chuyện giữ cho niềm tin mình tồn tại thôi, cũng làm cho mọi người thêm hoảng. Áp dụng vào cuộc sống hôm nay, ta là các trinh nữ khờ và vụng dại nếu chỉ bám vào cung cách hành xử theo phương án đầu, chẳng biết chọn đường lối thứ hai.



Hôm ấy, tôi có mời gọi mọi người hãy tỏ ra khôn ngoan khi sự việc xem ra có chiều hướng đi xuống, khá tồi tệ. Ở vào cảnh huống ấy, ta cần sự hỗ trợ. Cần có các hoạt động thiêng liêng đạo đức, như học hỏi thêm về niềm tin. Như, làm lành/lánh dữ. Thăm viếng người bệnh tật, các tù nhân, đấng bậc cao niên hoặc kẻ nghèo hèn sống ở đầu ngõ, nơi phố chợ. Có lẽ ta cũng nên thêm lời nguyện cầu, suy tư hoặc lần chuỗi hạt Mân Côi. Có thể có người cho đây là chuyện ù ơ, vô bổ không cần thiết cho đời sống của tín hữu dù vào lúc có sự cố xảy đến, như chuyện đèn mình hết dầu để đốt. Như, phải trải qua thời buổi khốn khó, không lường trước.



Hôm nay, suy về điều này, tôi xin thêm đôi điểm gửi đến bạn đọc trên trang blog này, mà nghĩ thêm cho rộng. Vấn đề là: sao ta cứ bận tâm về những suy tư thần học khá mới mẻ? Sao vẫn có kẻ chịu khó chịu cực để đưa ra những luồng tư tưởng mới về thần học, đến là thế?



Các vị như: nữ tu Elizabeth Johnson, giáo sư thần học đã từng suy nghĩ rất lung nên mới viết lên cuốn “Kiếm Tìm Một Thiên Chúa Sống Động?” Ai cũng biết, cuốn này đã dấy lên một tranh luận nổ dòn khiến nhiều vị đã phải đặt bút tham gia cuộc thảo luận. Ở đây, tôi chỉ muốn thêm vào bài chia sẻ Lời Chúa hôm chủ nhật vừa qua bằng một vài ý tưởng rất cỏn con, thôi.



Chọn phương án thứ nhất như ở trên, thì Hội thánh ta đang sống, là thánh hội tốt lành, đầy đặn. Giới lãnh đạo vẫn lành thánh và nền thần học ta có xưa nay, vẫn tốt đẹp mọi bề. Vậy, có cần tư tưởng mới để được kiểm chứng xem ta có thể và có nên đo lường và so sánh công thức thần học cứng ngắc thời xưa trước hay không? Xét, là xét thử tư tưởng mới này có phù hợp với nền thần học, mà lẽ đáng ra, ta đã phải có vào thời trước cũng rất lâu? Có khác chăng, phải chăng khác ở chỗ nó mới mẻ, nhưng không làm chệch hướng kiếm tìm một đổi thay khá cần thiết. Hoặc, thần học gia này xem ra cũng khờ như 5 cô trinh nữ dại ở dụ ngôn vừa kể, tức chỉ cốt phô trương những gì thêm thắt vào ý tưởng chủ lực bằng nhận định tưởng như là mới mẻ, chăng? Chọn phương án thứ nhất, là nhận rằng Hội thánh tốt lành đủ rồi, cứ để các đấng bậc ở trên yên thân, chẳng cần đi trước những bước đi mới mẻ ấy. Chắc chắn là, “chàng rể” sẽ đến vào giờ đã định. Chẳng cần gì phải “Kiếm Tìm Một Thiên Chúa Sống Động”. Chẳng làm ai giao động, xáo trộn hết.



Chọn phương án thứ hai, là chọn xác định lại những gì mình tưởng là vẫn tốt đẹp từ thời đó, đã trôi qua. Bởi, có thần học gia nào lại muốn viết lên điều gì mới mẻ để chối bỏ mọi chuyện về Hội thánh như diện mạo của thánh hội nay đang tỏ hiện. Chọn phương án này, là như người tổ chức “tiệc cưới” từng thực hiện trong quá khứ. Nghĩa là, giống các cô trinh nữ ở dụ ngôn biết xếp hàng chờ đón “chàng rể” đến, theo cung cách thông thường, rất thức tỉnh. Như, nhà thần học khôn ngoan biết suy tư theo cung cách tươi mới biết rằng “chàng rể” nhà mình sẽ đến trễ, tức không theo thời biểu như trước. Chàng rể có thể xuất hiện như mọi người vẫn đợi trông. Có thể là, người người vì trông đợi chàng rể đến đã quá lâu giờ nên thấm mệt và ngủ thiếp, chẳng còn nuốn đón tiếp “chàng rể” nữa. Hôm nay, đèn dầu của mọi người, là thần học tốt lành, tuyệt hảo từng hoạt động khá tốt vào thời xưa trước, nhưng nay đang lịm tắt, vì lỗi thời.



Thế nên, thần học gia khôn ngoan/có cảnh giác, là giống như các cô trinh nữ biết kiếm tìm tư tưởng mới, khá thức thời. Thần học gia khôn và ngoan, là người biết ra khỏi khuôn phép cứng ngắc, để suy tư rồi đặt thành vấn đề. Biết đề xuất những giải pháp khả dĩ giải quyết được các vấn đề bức bách/tồn đọng, mà đa số giáo dân cũng như lãnh đạo tôn giáo, không nghĩ rằng mình có thể tìm ra giải pháp tốt cho vấn đề như thế. Sẽ là trinh nữ khờ, nếu cho rằng nền thần học mà mọi người vẫn có xưa nay, vẫn tốt lành đủ để ta có thể sử dụng cho hôm nay và mai ngày. Quả là, hôm nay, các trinh nữ “khờ” vẫn cần lượng dầu dự trữ, để đốt lên đèn niềm tin cho rực sáng. Trinh nữ khờ, là người như ta hôm nay cũng cần “Kiếm Tìm Một Thiên Chúa Sống Động” cả đấy chứ!



Rõ ràng là, chẳng thần học gia nào có thể và có lẽ sẽ thênh thang tiến bước về phía trước, vì sẽ được trên hoan hỷ chuẩn thuận. Hiểu điều ấy, có lẽ sẽ bị tiếng là “khờ khạo” như 5 cô trinh nữ “không khôn” ở dụ ngôn hôm trước. Và, một số thần học gia của ta hôm nay, cũng đã “khờ khạo” như trinh nữ “dại khờ” của hôm trước khiến mọi người cứ nghĩ rằng họ có thể làm nên tiệc cưới nếu chỉ dựa lên mỗi nền tảng bảo rằng “khi xưa mình cũng từng làm thế”. Hãy biết cảm tạ, khi thấy thánh hội của mình nay có được thần học gia mới mẻ nhưng không “khờ” như sơ/thày Elizabeth Johnson, người dám nghiêm chỉnh nhận lãnh mọi trách nhiệm để viết lên giòng suy tư không chỉ cho Hội thánh đã định sẵn, cứng ngắc; mà còn cho thánh hội của tương lai, mai ngày nữa. Thật đáng chúc lành cho thần học gia khôn ngoan như 5 cô trinh nữ khôn, trong truyện dụ ngôn thánh sử kể hôm trước.” (xem Lm Francis X. Clooney sj, America the National Catholic Weekly 06/11/2011)



Bắt chước đấng bậc sáng suốt trên, nói nhiều về “sự thật”, rất nghiêm chỉnh, bần đạo đây chỉ dám hát theo chứ chẳng dám nói. Chí ít là “nói leo” và “nói trèo” khi thấy “chất giọng” của mình còn bé tẻo teo, chẳng có gì mới và lạ. Vậy thì, mời bạn và mời tôi, ta lại sẽ hát lời ca tươi mát, có nét thanh tao nhè nhẹ, rằng:



“Rồi một hoàng hôn ta sẽ hồi hương
Trở về quê xưa thêm bao tình thương
Bao con buồm xưa đến đón cố nhân
Với bóng thân yêu ngàn đời chờ mong
Mây trời bao la.”

(Lâm Tuyền – bđd)



“Mây trời bao la”, với “bóng thân yêu ngàn đời chờ mong” được như thế, ta mới suy và sẽ nghĩ. Nghĩ cho cùng, sẽ thấy chung quanh mình toàn những bầu bạn mang trong lòng những ưu tư/trăn trở, đến khó thở. Khó, chẳng vì người khác bịt đường hô hấp cho chết ngộp, không ngóc đầu lên được để đón luồng gió mới. Tư tưởng mới. Nhưng khó, vì thấy rằng ở thời buổi này mà vẫn còn có những cảnh huống kỳ dị. O ép. Bít bưng.

Để không bị mang tiếng là bưng là bít, tưởng cũng nên tìm thêm những tư tưởng mà nói lên như đức thầy Dòng Tên ở trên, tức: chọn chiều hướng thứ hai, để rồi hỏi: vườn nhà mình, có trăm hoa đua nở không thế? Đua, là đua nhau mà nở rộ giòng tâm sự/nhận định về thần học thông thoáng, mới mẻ.

Để trả lời, trước nhất là tóm kết của Dennis O’Brien về lập trường của sơ/thày giảng sư đại học Công giáo Elizabeth Johnson, ở bên dưới :



“Trong cuốn “Kiếm Tìm Một Thiên Chúa Sống Động”, tác giả là sơ/thày Elizabeth Johnson đã đưa ra trường hợp về phong trào tự phát các tư tưởng hiện đại ở Hội thánh. Tác giả khởi đầu bằng cách duyệt xét công trình biên khảo của thần học gia Karl Rahner từng truy tầm ảnh hưởng của giòng suy tư đương đại có từ thập niên ’30, trước khi tiến vào thần học khác biệt của Đạo Chúa thời cận đại. Và, cuối cùng tác giả làm cây cầu bắc ngang liên kết người Đạo Chúa và tôn giáo khác.



Tác giả tóm tắt lập trường của thần học gia Rahner khi vị này bảo: dân đi Đạo nghe Hội thánh giảng dạy thì vẫn thấy như là Hội thánh muốn lôi ghì người nhà Đạo nằm ì một chỗ để ở mãi với nền thần học có từ thời ban sơ chỉ nói về Đức Chúa không xứng hợp với niềm tin ta có”. Thần học gia Karl Rahner cho biết: nhiều thuyết giảng do các nhà thần học xưa nay những dạy và bảo chẳng khác nào “đàn chim non chết cứng vì trời buốt giá của mùa Đông băng lạnh”. Tác giả, thay vì đặt nặng vào ngôn ngữ chết lịm và thứ thần học luôn tìm cách tách rời khỏi đời sống, thì nay dám đề xuất một thần học về Đức Chúa luôn sống động, rất linh hoạt với cuộc sống ở đây, bây giờ. Nếu có ai hỏi: đâu là đặc điểm của Thiên Chúa sống động? thì tác giả trả lời ngay bằng một cảnh báo về Thiên Chúa là Đấng mà không ai có thể “diễn tả và định nghĩa được. Ngài là Thiên Chúa, Đấng ta không thể đo lường và rất khó hiểu.” Đây là tiền đề rất chuẩn cho mọi thứ thần học. Tính “không diễn tả được” của Thiên Chúa phải chăng là đặc trưng/đặc thù của Đức Chúa sống động? Câu trả lời đơn giản, vẫn là: cuộc sống tự nó không thể diễn tả được. Và, ai cũng thấy được sự dồi dào sung mãn, rất đổi thay vẫn tiến tới. Thiên Chúa, tựa như sự sống do Ngài sáng tạo và bảo tồn, là Đấng ta phải bắt chụp trong lúc Ngài đang bay bổng. Như Môsê khi xưa chỉ đạt đến Yavê Thiên Chúa Ngài bằng việc thấy Ngài từ đằng sau khi Ngài chợt ngang qua, thôi.



Thiên Chúa sống động đến với ta trong cuộc sống cụ thể, riêng biệt của mỗi người. Đạo Chúa là Đạo Giáo không sở hữu chỉ mỗi linh hồn, nhưng gồm cả linh hồn nằm trong thân xác. Và, thân xác là những gì đặc biệt, riêng tư như đàn ông đàn bà, rất tư riêng trong cuộc sống. Thần học nào không mang tính lịch sử, chỉ đề cập đến siêu hình học thôi, thường dể lạc mất điểm quan trọng này. Và thuyết trừu tượng của Rahner về Chúa Ba Ngôi tạo bệ phóng cho hầu hết những gì theo sau sách của tác giả Johnson. Tác giả nói: Thần học gia Rahner từng viết: Ba Ngôi mang tính kinh tế là Ba Ngôi tự tại, và ngược lại. Sự thật hiển nhiên cho thấy: đây là tốc ký ghi nhanh về một hiện thực bảo cho ta biết Thiên Chúa do cung cách Ngài hành xử trong lịch sử, ngang qua Ngôi Lời Nhập Thể và Chúa Thánh luôn canh tân, đổi mới hết mọi sự.”



Cũng cùng chiều hướng với thần học gia Karl Rahner trong việc định vị Thiên Chúa tự tại trong giòng lịch sử, tác giả Johnson còn để nguyên một chương để trích dẫn tư tưởng của 3 thần học gia người Đức, hai Thệ Phản, một Công giáo đã làm nên lịch sử bằng các đưa ra bối cảnh công việc mình làm. Thần học của 3 vị, đều trổi bật từ suy tư sâu sắc về cuộc sống dưới chế độ Quốc Xã trong thế chiến thứ hai và thời gian sau đó. Người thì nhấn mạnh về thần học Khổ giá. Có vị, lại nói rõ về khổ đau/sự chết rất chiến tranh. Và tác giả Johnson đề cập đến nỗi khổ đau/sầu buồn vẫn tiếp tục ngang qua tiếng khóc của lịch sử.



Khổ đau/sầu buồn là chủ đề lớn ở thần học khác mà tác giả nhấn mạnh qua cung cách viết lách rất sâu sắc và sáng sủa. Ở chương nói về “Giải phóng Thiên Chúa của Sự Sống” tác giả cũng điều nghiên về nền thần học giải phóng theo kiểu Nam Mỹ từng ăn sâu cắm rễ nơi kinh nghiệm về đói nghèo đang tràn lan ở khắp nơi. Ở một chương khác, tác giả trình bày về những nối kết và so sánh giữa thần học của bậc nữ lưu trổi bật, nói lên tình trạng thứ yếu vẫn được gán cho nữ giới ở các nơi có nền văn hoá và cơ chế quyền hành của thánh hội Công giáo.



Tác giả cũng đã viết riêng một chương để xét về triển vọng của thần học về nô lệ da màu và kỳ thị chủng tộc. Bằng tiêu đề “Theo chân Đức Chúa của Lễ Hội”, tác giả nhấn mạnh đến điều gọi là “la lucha” tức: sự chiến đấu trường kỳ của những người thuộc vùng biển Caribê và di dân Nam Mỹ định cư ở Hoa Kỳ. Đặc biệt chương này có phần diễn tả về việc cử hành mừng lễ mà tác giả gọi là “flor y canto” cả khi ta giáp mặt với khổ đau, phiền sầu và bất công.



Sau khi bàn luận về cố gắng triển khai đề tài thần học thích hợp với lịch sử nhân loại, tác giả quay sang tương quan giữa Đạo Chúa Kitô giáo và các tôn giáo trên thế giới, bằng một chương mang tựa đề: “Thiên Chúa Độ Lượng của Đạo Giáo”. Ở chương này, tác giả mô tả việc tham dự Tiệc Thánh của Công giáo đưa vào sử dụng một số tập tục của Ấn giáo. Phụng vụ chứa đựng các bài ca vịnh, nén hương trầm và hoa vạn thọ có từ các lễ hội độc đáo của Ấn giáo. Nghi thức này được toà thánh La Mã chuẩn thuận. Sau Kinh Thương Xót, người tham dự Tiệc thánh lãnh nhận “chấm tròn mầu đỏ” (gọi là “bindi”) đặt trên trán giữa đôi lồng mày, như biểu tượng con mắt thứ ba luôn kiếm tìm sự khôn ngoan nội tại. Cung cách nguyện cầu của Ấn giáo nhắc dân con nhà Đạo mình về ăn năn sám hối bày tỏ sự khôn ngoan nội tại về cung cách ta đến với Chúa.



Ở chương cuối, với tiêu đề: “Ba Ngôi: Đức Chúa Sống Động của Tình Yêu”, là chương đặc biệt tác giả nhìn vào ngôn ngữ truyền thống nói đến “Ba Ngôi tự tại”, đặc biệt liên quan đến Chúa Thánh Linh. Ở chương này, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến Chúa Thánh Linh trong công cuộc dựng xây Ba Ngôi Đức Chúa như thành phần chủ yếu của toàn bộ công trình suy tư thần học của tác giả. Chúa Thánh Linh là Đấng luôn đồng hành ở với ta, trong mọi đổi thay của lịch sử. Đức Giêsu là Dấu Chỉ biểu lộ sự hiện hữu của Thiên Chúa trong lịch sử và với lịch sử. Nhưng, Chúa Thánh Linh là Đấng luôn ở với ta suốt mọi chặng đường lịch sử.



Công Đồng Vatican 2 là thời khắc qua đó Thiên Chúa Sống Động đến để nhắc nhở mọi người, ngang qua các vị chủ chăn, rằng: mọi người nên chấn chỉnh niềm tin của mình sau biến cố đau buồn của thế chiến.



Cuối cùng, từ ngày Công Đồng Vatican 2 diễn ra, có được bao nhiêu thần học gia, chí ít là nhà thần học giáo dân, từng thao thức “Kiếm Tìm Một Thiên Chúa Sống Động” đã và đang được mời làm tư vấn thần học cho Công Đồng khác sẽ diễn ra trong mai ngày, tức Công Đồng Vatican 3? Vào thời điểm diễn biến Công Đồng Vatican 2, một thần học gia thông thoáng là Michael Novak cũng từng lên tiếng về điểm yếu của thánh hội mình là quá cam kết dính liền với nét chính thống, nhưng lại không mang tính lịch sử. Chính vì quá chính thống đến độ phản lịch sử, và lại không tháp nhập vào với con người nên ta không đạt được Thiên Chúa sống động mà các thần học gia lâu nay vẫn đậy che, giấu kín. Xem thế thì, bài phân tích thần học của tác giả Elizabeth Johnson nhắc mọi người nhớ là mình đã để luột mất cơ hội tốt đẹp khi những “con chim non chết cứng” từ bục giảng và dạy, rày thấy rõ.” (xem Dennis O’Brien, Beyond Utterance, trên trang blog riêng của tác giả).



Dài giòng trích dẫn những lý luận thần học ở trên, không phải để khoe chữ hay biện luận lê thê về đề tài cô đọng/khô cứng, được tranh luận ở nhà Đạo. Nhưng trích và dẫn ở đây, là để truyền bá thông tin về những gì đã và đang xảy ra ở thánh hội, rất cấp trên. Trích và dẫn, còn để “trích ngang” một dẫn dụ, cho đỡ nhớ.

Trích dẫn rồi, nay ta về với thơ và nhạc, để hát lên đôi lời mà nghệ sĩ ở đời, vẫn cứ hát:



“Lòng càng thổn thức
Quên hêt bao mối hận mà đi
yêu đương say đắm mà chi
Xa xôi đem thú biệt ly
Sầu nhớ đau thương làm chi.”

(Lâm Tuyền –bđd)



Hát ở đây, không là nguyện cầu những hai lần. Mà, còn là trích và dịch về những chuyện mà bạn và tôi, ta ít nghe quen, nhưng cần cứu xét, để suy nghĩ. Suy lúc này. Ở đây. Với thánh hội.



Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn nhắn mình và nhủ người

về những điều cần suy nghĩ

và nguyện cầu.

Cho nhau.



Suy niệm Chúa Nhật thứ Nhất mùa Vọng năm B 27.11.2011



“Lại về với thuở yêu đầu,”

quên đi anh nhé dãi dầu đã qua.”

(dẫn từ thơ Bùi Kim Anh)

Mc 13: 33-37

“Về với thuở yêu (dấu thời ban) đầu, là về với thánh hội vào mọi buổi, như thánh sử Máccô vẫn ghi lại ở trình thuật.

Trình thuật, nay thánh Máccô ghi, là ghi về việc Đức Kitô sẽ đến lại, hôm nay và mai ngày với lễ hội rất Giáng Sinh. Chờ Chúa đến, vẫn là động thái của dân con người Do thái và của thánh hội thời ban sơ. Dù, việc ngóng và chờ có kéo theo sau nhiều diễn biến sầu buồn xảy đến với dân gian.

Dân gian, nay chứng kiến nhiều diễn biến khá buồn sầu/tiêu cực, khiến người người cứ cho rằng: đó là dấu chỉ cho thấy Đức Mêsia Đấng Cứu Độ đang hỗ trợ cho con người được vững mạnh trước những khó khăn, sầu buồn của thời đại.

Về sầu buồn/tiêu cực ở đời người, hôm trước có tác giả viết nguyên cuốn sách mang tựa đề “Xã hội của ta định đoạt ra sao việc biến chất, rất tồn tại?” Thật ra, nội dung sách này đề cập nhiều đến chuyện gãy đổ về kinh tế, môi sinh. Về thay đổi khí hậu, giảm suy năng lượng và dân số thế giới hoặc về văn hoá đổi thay. Thêm vào đó, còn có khó khăn về giá xăng dầu, và phản ứng của người tiêu dùng chung quanh khó khăn đó. Tóm lại, bằng cách này hay cách khác, người người hôm nay đang tạo ra trạng huống tự mình kết liễu cuộc đời mình và đang đi vào với văn hoá của sự chết, nhiều chứng cớ.

Từ đó, có người lại sẽ hỏi: phải chăng thế giới nay đi vào một kết cuộc? Điều đó còn tuỳ. Tuỳ người hỏi đang đứng ở vị trí nào. Tuỳ người trả lời đang ở đâu? Xã hội nào? Và, các xã hội giàu có, nhiều chúc phúc nay cũng chẳng mong chờ gì, vì có đủ. Nhiều vị đã biết san sẻ với người khác, rất độ lượng. Nhưng, cả người sẻ san lẫn kẻ nhận lãnh đều không hiểu hết ý nghĩa của hai chữ “hy vọng”. Và, chẳng có “hơi” đâu mà đợi chờ. Chí ít, là chờ và đợi ngày Chúa đến.

Lễ Giáng Sinh với nhiều người, chỉ là cơ hội thuận lợi để tự đánh bóng chính mình, trước công chúng. Nhiều nơi, nhiều nước chưa được hân hạnh nhận nhiều chúc phúc nên những muốn phá bỏ điều buồn chán không ngày vui. Họ là những người không tin vào quà cáp Giáng Sinh, bởi quà gì đi nữa cũng chẳng bao giờ đến được tới lượt họ. Tuy nhiên, họ vẫn mong đợi quà, tựa hồ như đợi và mong mùa mưa tới trong mùa khô cạn. Nói chung, tận phần sâu thẳm của chính mình, người người cũng đều chờ mong Đấng Mêsia tới để còn vui hưởng ơn cứu độ, như cụm từ “cánh chung” hằng diễn tả.

Cánh chung hay khải huyền, là tâm tình của chúng dân luôn mong chờ chỉ xuất hiện chừng một, hai trăm năm trước ngày Chúa Giáng hạ, mà thôi. Cụm từ này xuất xứ từ tiếng Hy Lạp “apokalypsis” nhằm chỉ về những gì sắp xảy đến, như: ngày thế tận ngõ hầu trông đợi một thế giới mới, rất trật tự. Cụm từ này liên quan đến môn học về cánh-chung, tức học hỏi về sự kết tận của thế giiới, rất ưu tiên. Khải huyền, là sách diễn tả điều mọi người trông chờ xem khi nào và làm sao sự việc ấy sẽ xảy đến.

Khải huyền, là sách chứa đựng mặc khải về Đấng Thiên Sai Ngài sẽ đến mang theo sứ điệp diễn bày bằng biểu tuợng cao siêu, nhiều mật mã, rất kỳ lạ. Khải huyền, cũng là sách kể về các loài thú. Những quái vật. Về đất nước có vấn đề văn hoá đa dạng, ở tầng dưới. Sứ điệp của Khải huyền thường xảy đến theo sau thị kiến hoặc giấc mơ, có đấng thần thiêng, thiên sứ với thần. Sứ điệp của sách Khải huyền, thường có khuynh hướng trình bày sự việc từng xảy đến trong quá khứ, cả thời hiện tại lẫn các sự kiễn xảy đến trong mai ngày. Sứ điệp của Khải Huyền, còn đem đến nhiều tiên đoán về các tai ương chia cắt người phàm làm hai nhóm, bên thiện/bên ác rất rõ rệt.

Trình bày hình ảnh của sách Khải Huyền, Cha già Hồng Y Carlo Maria Martini từng quảng diễn: “Khải huyền, là cảnh thế giới rơi vào tình trạng không thoải mái, rất bất mãn về hiện trạng mình đang gặp nhưng vẫn hy vọng rằng sự thể sẽ đổi thay theo cách khá hơn nhờ biến cố nào đó có sự can thiệp từ một sức mạnh ở trên cao. Tác giả Khải Huyền là người thấy suy tư về sự thể rất mới sẽ đến với lịch sử con người, dù mọi người chẳng ai biết chắc khi nào thực sự có đổi thay. Và, thay đổi ra sao. Khải huyền, là mặc khải về tương lai mai ngày được các ngôn sứ cho biết trước, bằng thứ ngôn ngữ cũng rất tối mà chỉ một số ít mới có thể hiểu. Chủ thuyết cánh chung được mặc khải phải đi đôi với hãi sợ và hy vọng. Hy vọng cho tương lại. Hãi sợ cho ngày tàn của lịch sử. Mặc khải về cánh chung bao giờ cũng đính kết với hy vọng một kỷ nguyên mới.” (x. Carlo Mario Martini, Cộng đồng Kitô giáo: Tiến Vào Thiên Niên Kỷ Thứ 3, America ngày 2/5/1998)

Sách Khải Huyền chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng của những người ở xứ Ba Tư từng kết nạp những ảnh hình huyền thoại như cuộc tử chiến giữa Thiên Chúa và tình trạng hỗn độn thời khởi nguyên, tức các nền văn hoá khác biệt. Mặc khải cánh chung, tin vào phán xét cá nhân mỗi người vào lúc chết. Mặc khải cánh chung cho biết mỗi người và mọi người sẽ an hưởng cuộc sống yên hàn hoặc bị trừng phạt suốt thiên thu. Các văn bản khải huyền được viết vào cùng một thời, nhưng không phải tất cả đều được đưa vào Kinh thánh. Bởi, kinh thánh chỉ gồm đôi ba mảnh suy tư rải rác bên lề sách Đanien, thôi.

Khải Huyền, là sách gây nhiều ảnh hưởng trên Qumran, vốn đặt nặng lên chủ đề liên quan đến trường sinh bất tử và sống lại từ cõi chết. Cũng từ đó, lập trường của Khải Huyền luôn coi thế giới gian trần như là nơi không thể có được bình an và công lý. Xem thế thì, Khải Huyền là loại hình văn chương của hy vọng và tuyệt vọng. Của niềm xác tín cho rằng ngày nào đó, Chúa sẽ đến can thiệp cho con nguời. Sách Khải Huyền, chuyên dùng ví dụ như người ngồi đọc truyện trên chiếc ghế bành vào lúc có khó khăn, chuyển biến.

Một số tác giả viết sách Khải Huyền tin vào tương lại mai ngày rất sáng lạn, sẽ đưa người người ra khỏi mọi rối loạn thời hiện tại. Sách này sử dụng lối tính toán hơi lạ đối với người thời đại. Lạ, là các tác giả đếm năm tháng ngày giờ xảy đến chuyện đền thờ bị phá huỷ vào năm 587 trước công nguyên. Và còn tiên đoán rằng việc tái dựng đền thờ sẽ được thực hiện vào thời gian không lâu, sau đó. Sách tiên tri Giêrêmia chương 25 có nói đến số 70 năm. Trong khi ở sách Đanien, chương 8 và 9, thiên sứ lại cho ngôn sứ Đanien biết trước thời gian tái dựng đền thờ sẽ xảy đến chừng 490 năm sau đó.

Theo Tin Mừng thánh Luca viết, thì: giả như ta đếm ngày tháng từ lúc thần sứ Gabriel báo tin vui cho ông Zacariah biết ngày Chúa Giáng Hạ, đến ngày Chúa trình diện ở đền thờ, cũng phải mất những 490 ngày. Các tác giả trên đều rất thích số “7” và các diễn biến xuất phát từ số “7” ấy. Tất cả chỉ để nói lên một điều, là: ta đang phải đương đầu với thời cùng tận và ngày giờ tận cùng ấy là tháng ngày chót hết của lịch sử. Ngày ấy, thời ấy sẽ không xa hôm nay. Lúc này. Và, khi Chúa đến, ta sẽ thấy được lịch sử từng ra sao, làm gì; và đâu là tâm điểm của sự thể, như thế. Vì có Chúa, nên sẽ không còn gì để lo âu, hãi sợ. Đó là thời để ta thêm lòng can đảm, có được hy vọng và mừng vui. Hễ tin vào Chúa, thì mọi sự cũng sẽ chuyển thành ngày cánh chung theo cách tích cực, rất tốt đẹp.

Nhìn vào Tân Ước, người người sẽ thấy các tác giả gồm tóm trong đó lối suy tư theo cung cách Khải huyền, rất cánh chung. Tin Mừng thánh Máccô đoạn 13 câu 8 nói nhiều hơn chỉ ‘một khởi đầu của khủng hoảng’, hoặc ‘xao xuyến, hỗn độn rày xảy đến’. Nói như thế, tức bảo rằng ngôn từ mà các thánh sử dụng là để vẽ lên hình ảnh về khổ đau/khốn khó trước khi sinh. Trước khi trẻ bé chào đời. Nói như thế, tức bảo rằng: thế giới này không chết đi, mà chỉ là đang sinh hạ trẻ bé. Nói như thế, là như nói ở thời đại hiện tại mà bảo rằng: Hãy đợi đấy. Một thế giới đang được sinh hạ, và đổi mới.

Thánh Mátthêu cũng sao chép hình ảnh đau quặn của người mẹ trước khi sinh. Trong khi đó, thì thánh Luca lại nói: “Thiên Chúa đã gỡ Đức Giêsu khỏi nỗi khổ đau của sự chết mà cho Ngài sống lại” (Cv 2: 24) Thánh Gioan lại nói: “Đàn bà sanh con thì ưu phiền vì giờ của bà đã đến, nhưng sinh rồi thì không còn nhớ cơn khốn quẫn, vì niềm vui đã có một người sinh ra trên thế gian.” (Ga 16: 21)

Thánh Phaolô nói rõ hơn khi ngài bảo: “Những kẻ quặn đau mà sinh ra mãi cho đến khi nào Đức Kitô được thành hình trong anh em.” (Ga 4: 19). Ở đoạn khác trong thư gửi giáo đoàn Thessalônikê, thánh nhân lại viết: “Tai hoạ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được…” (1 Th 5: 3)

Nói tóm lại, hình ảnh cánh chung của Khải Huyền mà phụng vụ mùa Vọng sử dụng là để nói cho ta biết đừng quá lo âu, sầu buồn. Bởi, những lo âu/sầu buồn ấy, chỉ như cơn đau quặn của người mẹ đang sanh hạ Lễ Giáng Sinh đích thực cho thế gian. Ngày ấy sẽ đến rất mau. Đến, để người người nhờ có Đức Giêsu mà trở thành người mới. Thế giới mới. Thế giới sinh ra cho con người. Phải chăng, đó mới là ý nghĩa đích thực của ngày Chúa Giáng hạ, làm người, rất Emmanuel?

Cảm nhận sự thể sẽ tốt đẹp, tưởng cũng nên hướng về lời thơ đầy ý nghĩa, mà ngâm nga:

“Lại về với những vần thơ

Nối dang dở để bây giờ trọn câu.”

(Bùi Kim Anh – Tìm Trong Phố Cũ)

Về với vần thơ, không để tìm trong phố cũ nhiều sương phủ. Mà là, về với tương lai đã mặc khải nhiều điều tốt đẹp, rất như thơ. Bởi, cánh chung Khải Huyền cũng rất thơ. Không chỉ là cho bây giờ. Mà, mãi mãi trong tương lai. Rất mai ngày. Nhiều sáng giá.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.

Mai Tá lược dịch.

 
Không có xe tải
Jos. Tú Nạc, NMS
09:03 26/11/2011
Tôi nhớ mãi một ngày lễ Tạ Ơn xưa khi mà gia đình tôi không có tiền và không có đồ ăn, và có một người nào đó đã đến gõ cửa nhà tôi. Một người đàn ông đứng đó với một thùng thực phẩm rất lớn, một con gà tây to tướng và ngay cả một vài cái chảo để nấu nó nữa. Tôi không thể nào tin điều đó lại có thể xảy ra. Bố tôi hòi: “Ông là ai? Ông từ đâu đến ạ?”

Người đàn ông xa lạ này cho biết: “Tôi đến đây vì một người bạn của ông biết ông đang túng thiếu và ông ấy biết rằng ông không nhận sự giúp đỡ trực tiếp, nên tôi mang cái này đến cho ông. Xin chúc ông một ngày lễ Tạ Ơn tuyệt diệu.”

Bố tôi nói: “Không, không thưa ông, chúng tôi không thể nhận vật này được.” Người đàn ông lạ mặt trả lời: “Ông không có sự lựa chọn nào khác,” rồi ông ta đóng cửa và bỏ đi.

Hiển nhiên kinh nghiệm này đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời tôi. Tôi hứa với bản thân mình một ngày nào đó làm ăn khấm khá tôi có tiền để cũng sẽ làm việc đó cho người khác. Khi tôi 18 tuổi, tôi đã bày đặt an mừng lễ Tạ Ơn theo nghi thức riewng6 của tôi. Tôi thích làm gì đó theo cảm tính. Vì thế tôi đi chợ và mua đủ đồ ăn cho mật hoặc hai gia đình. Đoạn tôi mặc đồ như một cậu bé đi giao hàng, đi tới một xóm nào nghèo nhất và gõ cửa một nhà nào đó. Làm việc đó, tôi luôn gửi kèm vài dòng ngắn ngủi giải thích trải nghiệm của tôi về ngày lễ Tạ Ơn khi tôi còn tấm bé. Vài dòng này kết luận: “Tất cả những điều tôi yêu cầu đáp lại là quí vị hãy tự lo cho bản thân mình được tốt để một ngày nào đó quí vị cũng có thể làm được công việc này cho người khác.” Tôi đã nhận được nhiều thứ từ cái lệ hàng năm này nhiều hơn so với những thứ mà tôi mua từ bất cứ số tiền nào mà tôi từng kiếm được.

Cách đây vài năm, tôi sống ở Thành phố New York vơi người vợ mới cưới của tôi trong dịp lễ Tạ Ơn. Cô ấy buồn vì chúng tôi không được sống chung với gia đình mình. Thường cô ấy ở nhà để trang hoàng nhà cửa cho ngày lễ Giáng Sinh, nhưng chúng tôi giờ đây lại mắc kẹt trong căn phòng khách sạn này.

Tôi nói: “Cưng này, tại sao chúng ta lại không trang hoàng vài cuộc đời trong ngày hôm nay thay vì trang hoàng mấy cây cũ kỹ ấy hả em?” Khi cô nghe tôi kể nhưng việc mà tôi thương làm vào dịp lễ Tạ Ơn, cô liền trở nên phấn khởi. Tôi nói: “Chúng ta hãy đến một nơi nào đó mà chúng ta có thể thực sự hiểu được chúng ta là ai, chúng ta có khả năng làm được gì và chúng ta có thể thực sự cho được gì. Chúng ta hãy đến Harlem em nhé!” Cô ấy và vài người cộng sự của tôi, thực sự không mấy gì thiết tha với ý kiến đó. Tôi hối họ: “Nào, chúng ta hãy đi tới Harlem và cho một vài người nào đó đang thiếu ăn. Chúng ta không phải là những người bố thí vì nấu làm điều đó là chúng ta xúc phạm đến họ. Chúng ta chỉ là những người giao hàng. Chúng ta sẽ mua đủ thực phẩm cho sáu hay bẩy gia đình ăn trong 30 ngày. Chúng ta đã có đủ những thứ đó rồi. Chúng ta hãy thực hiện điều đó đi! Đó là điều mà ngày lễ Tạ Ơn thực sự là: cho đi những lời tạ ơn tốt đẹp, không ăn gà tây. Nào, chúng ta hãy đi thực hiện điềuđó đi!”

Vì tôi còn phải làm một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh trước, nên tôi yêu cầu những người cộng sự của tôi giúp chúng tôi bắt đầu công việc của mình bằng cách tìm một chiếc xe tải. Khi tôi từ buổi phỏng vấn về, họ nói: “chúng tôi không tìm được. Khắp cả Thành phố New York không có xe tải. Những nơi cho thuê xe đều hết xe tải rồi. Hiện giờ họ không có xe tải.”

Tôi nói1à: “Này, điều chủ yếu là nếu chúng ta muốn được điều gì, chúng ta có thể làm cho điều đó xảy ra!” Tất cả những gì chúng ta phải làm là hành động. Có nhiều xe tải ở đây, trong thành phố này. Chỉ chúng ta là không có xe tải thôi. Chúng ta hãy đi tìm một cái.”

Họ nhấn mạnh: “Chúng tội đã gọi điện thoại đi khắp nơi, không chỗ nào có xe tải cả.”

Tôi nói: “Hãy nhìn xuống đường phố. Hãy nhìn xuống dưới kia kìa. Các bạn có nhìn thấy tất cả những xe tải đó không?” Họ nói: “Có, chúng tôi thấy chúng.”

Tôi nói: “Hãy đi lấy một chiếc.” Trước hết tôi thử đi đến trước đầu những chiếc xe tải khi chúng đang chạy trên đường phố. Tôi đã học được một điều gì đó về những tài xế ở Thành phố New York vào ngày hôm đó: họ không dừng xe và còn tăng tốc độ.

Sau đó chúng tôi thử chờ ở điểm đèn báo giao thông. Chúng tôi đi tới xe và gõ vào của sổ xe, và người tài xế sẽ quay cửa kính xe xuống, nhìn chúng tôi vẻ nghi ngờ, và tôi nói: “Xin chào. Vì hôm nay là ngày lễ Tạ Ơn, chúng tôi muốn biết ông có vui lòng chở chúng tôi đến khu harlem để chúng tôi có thể cho một vài người ăn không?” Cứ mỗi lần như thế, người tài xế quay phắt mặt đi, sửng cồ quay cửa sổ xe lên và lái xe đi mà không nói một lời.

Cuối cùng, chúng tôi tỏ ra khá hơn trong cung cách hỏi của mình, họ quay kính xe xuống và chúng tôi nói: “Hôm nay là ngày lễ Tạ Ơn, chúng tôi muốn giúp đỡ vài người thiệt thòi về quyền lợi, và chúng tôi muốn biết ông có vui lòng chở chúng tôi đến một khu vực của những người này mà chúng tôi có tên trong đầu chúng tôi ở Thành phố New York này. Được không, thưa ông?” Cách này có vẻ hơi có hiệu quả nhưng không có kết quả. Sau đó chúng tôi bắt đầu hứa chi một trăm Mỹ kim để họ chở chúng tôi đi. Cách này đưa chúng tôi đến gần kết quả hơn, nhưng khi chúng tôi bảo họ chở tới Harlem, họ trả lời không và lái xe đi.

Chúng tôi đã nói với khoảng hơn hai mươi người nhờ họ chở chúng tôi, họ đều trả lời không cả. Các cộng sư của tôi sẵn sàng bỏ cuộc, nhưng tôi nói: “Đó là qui luật bình quân: có người nào đó sẽ trả lời là họ đồng ý cho mà xem.” Không còn nghi ngờ gì nữa, chiec61xe tải lý tưởng chạy tới. Nó lý tưởng bởi vì nó hơi lớn hơn một chút và đủ chỗ ngồi cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi đi tới, gõ vào cửa sổ xe và chúng tôi hỏi người tài xế: “Ông có thể chở chúng tôi đến một khu vực của những người bị thiệt thòi về quyền lợi không? Chúng tôi sẽ trả ông 100 Mỹ kim.”

Người tài xế nói: “Các bạn không phải trả tiền cho tôi, tôi lấy làm hân hạnh để chở các bạn đi. Quả thật, tôi có thể chở các bạn đến vài địa điểm gặp khó khăn nhất trong cả cái thành phố này.” Rồi ông ta với tay về phía ghế ngồi, và chộp lấy cái mũ của ông. Khi ông ta đội mũ lên, tôi để ý thấy trên mũ có đề “Đội quân cứu tế.” Tên của người đàn ông này là Đại úy John Rondon và ông ta là người đứng đầu đội quân cứu tế ở Nam Bronx.

Chúng tôi lên xe trong tâm trạng vô cùng sung sướng. Ông ta nói: “Tôi sẽ đưa các bạn tới những nơi mà thậm chí các bạn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đến đó. Nhưng hãy cho tôi biết một điều gì đó đi. Tại sao các bạn lại muốn làm công việc này?” Tôi kể cho ông nghe câu chuyện của tôi và tôi muốn tỏ lòng biết ơn về tất cả những gì tôi có được bàng cách cho lại những gì đó.

Đại úy Rondon chở chúng tôi vào những phần của khu Nam Bronx, nhưng nơi này làm cho Harlem trông giống như Beverly Hills. Khi chúng tôi đến nơi, chúng tôi vào cửa hàng mua nhiều đồ ăn và vài cái giỏ. Chúng tôi gói đồ ăn đủ cho 7 gia đình ân trong 30 ngày. Rồi chúng tôi đi ra bắt đầu công việc nuôi ăn. Chúng tôi đến những tòa nhà nơi mà có hàng nửa tá người sống chung trong một căn phòng: “Những người cư trú bất hợp pháp,” họ không có điện và không có lò sưởi giữa mùa đông, họ bị chuột, gián và mùi nước tiểu vây quanh. Vừa kinh ngạc khi nhận thức rằng có nhiều người sống như thế này và cũng vừa là một kinh nghiệm thực tế để thỏa mãn cho chúng tôi khi đóng góp để tạo ra một sự khác biệt cho dù nhỏ nhoi thế nào đi chăng nữa đối với hoàn cảnh này.

Bạn thấy đấy, chúng ta có thể làm cho bất kỳ điều gì xảy ra nếu chúng ta dốc toàn lực vào công việc đó và hành động. Những điều kỳ diệu như thế này sẽ xảy ra hàng ngày – ngay cả một thành phố “không có xe tải.”

(“There are no vans” – Anthony Robbins)