Ngày 27-11-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngẩng Đầu Lên
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:53 27/11/2018
Chúa Nhật I Vọng C

Phụng vụ Giáo hội đã bước vào năm mới với khởi đầu là Mùa Vọng.

Từ Chúa Nhật I mùa vọng đến ngày 16.12, Phụng vụ nói lên niềm mong đợi ngày Chúa đến khi kết thúc thời gian. Tám ngày cuối cùng, trực tiếp nói đến ngày Giáng Sinh.

Có người nghĩ rằng, trong Mùa Vọng phụng vụ phải đọc những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Thế nhưng, những bài sách Thánh và đặc biệt bài Tin Mừng Chúa Nhật I lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Giáo Hội muốn cho chúng ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến. Hàng năm vào Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi con cái chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra, Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang đá Bêlem cách nay hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên chúng ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Giáo Hội mời chúng ta hãy hướng nhìn về ngày Ðức Giêsu Kitô sẽ đến trong vinh quang để vĩnh viễn thiết lập Trời Mới Ðất Mới cho loài người. Tin Mừng hôm nay gợi lại trước mắt chúng ta quang cảnh tươi sáng về ngày Chúa quang lâm, Giáo Hội đưa chúng ta về với cuộc sống và trách nhiệm hiện tại của mình và nhắc lại lời căn dặn của Chúa Giêsu: Hãy Tỉnh Thức!

Vì thế, Mùa Vọng âm vang những lời loan báo.

1. Mùa Vọng - Mùa loan báo.

Mùa vọng là mùa của những lời loan báo. Loan báo Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Kitô. Những lời loan báo này được công bố rõ ràng trong các bài đọc Sách Thánh ngày Chúa Nhật.

Bài đọc 1, trích trong sách Isaia, đó là những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế mà đỉnh cao là Chúa Nhật IV, loan báo một trinh nữ sẽ sinh hạ tại Bêlem một Hài Nhi thuộc chi tộc Đavit và Ngài sẽ được gọi là Emmanuel.

Bài Phúc Âm: Chúa Nhật I mùa vọng nói lên niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại với lời nhắn nhủ: Hãy tỉnh thức; Chúa Nhật II, III dành cho Gioan tiền Hô với lời mời gọi: Dọn đường cho Chúa; Chúa Nhật IV là Chúa Nhật Truyền tin cho Đức Mẹ và Thánh Giuse.

Các bài đọc 2 là các bài Thánh thư Phaolô, Giacôbê, Phêrô, đặc biệt làm cho Mùa Vọng trở thành một mùa loan báo việc Chúa Kitô trở lại lần thứ hai.

2. Mùa Vọng - Mùa chờ đợi

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Từ ngữ “Chúa đến” thường được hiểu bằng bốn cách:

- Chúa đến trong lịch sử nhân loại.
- Chúa đến trong ngày phán xét chung.
- Chúa đến trong giờ chết của mỗi người.
- Chúa đến trong ơn thánh hằng ngày.

Chúa đến lần thứ nhất: Chúa đã làm người trong nghèo hèn và đau khổ. Chúa được sinh hạ tại hang đá Belem. Chúa đến thế gian để trao ban Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Ngày nay nhân loại đợi chờ và hân hoan kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh.

Chúa đến lần thứ hai: Chúa Giêsu sẽ đến thế gian lần thứ hai để hoàn tất công cuộc cứu độ, gọi là Tận Thế hoặc Cánh Chung. Lần này Chúa đến trong vinh quang với tư thế là Vua Thẩm phán để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Không ai biết được ngày đó sẽ xẩy ra khi nào. Chỉ biết chờ đợi trong hy vọng.

Chúa đến giữa hai lần: Chúa đến với từng người. Đó là giờ chết. Không ai biết được Chúa gọi mình lúc nào và ở đâu. Không ai có thể chọn cho mình ngày giờ ra đi. Lần giữa này là lần thật quan trọng với từng người.

Chúa đến trong ơn thánh: Hàng ngày Chúa đến với ta trong ơn thánh qua các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể.

Mùa Vọng chính là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi Chúa đến.

3. Mùa Vọng - Mùa tỉnh thức

Chúa Giêsu nói đến tư thế của người tỉnh thức là luôn: “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Chúa cũng nói đến thái độ sống của người tỉnh thức là không để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ, không quá mê say danh lợi thú.

- Đứng thẳng: đây là động thái hiên ngang dũng cảm vượt trên mọi đam mê tội lỗi. Đứng thẳng mới khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời.
- Ngẩng đầu lên: đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả.

Chúng ta sống cuộc đời hiện tại trong tinh thần tỉnh thức. Tại các ngã ba ngã tư của đường phố đều có đèn đỏ đèn xanh rõ ràng, nhắc hướng cần đi vào và cấm vượt ranh giới. Trong lương tâm, chúng ta không thấy rõ hệ thống đèn đỏ đèn xanh. Mình phải tự phán đoán, chọn lựa. Không tỉnh thức là đôi khi mình tự cho phép mình vượt đèn đỏ vô hình, và cũng không đi theo hướng đèn xanh chỉ dẫn. Vài lần thấy quen. Rồi thấy xung quanh vô số người cũng làm như vậy. Thế là thành thói quen phạm lỗi trên hành trình cuộc đời.

Không bao giờ được quên ngày Chúa đến trong thời gian kết thúc của thế giới và đến trong ngày cuối cùng của đời ta. Tích cực dùng thời gian hiện tại để chuẩn bị cho tương lai vĩnh cữu của mình.

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Chúa đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa, chúng ta phải tỉnh thức.

Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn minh hoạ bài học tỉnh thức.

a. Dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về:

Tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Như thế, tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhẹn. Tỉnh thức để “đợi chủ về”. Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế, người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời một cách hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ.

b. Dụ ngôn người quản gia trung thành.

Quản gia chỉ là quản lý mà “ ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Mỗi người chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa. Cần phải trung thành trong nhiệm vụ được giao. Sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp…tất cả đều là do Chúa ban tặng. Những gì mà ta có đều là của Chúa. Người quản lý khôn ngoan phải biết nhìn xa, làm sao cho sự sống, trí tuệ, tài năng… giúp ta hướng tới những giá trị vĩnh cửu.

Người ta kể chuyện rằng ngày kia Thánh Luy Gonzaga còn chơi với bạn bè, thình lình cha bề trên đến tập họp tất cả lại và hỏi thử: "Giả sử như chúng con đang chơi mà Chúa đến báo cho chúng con biết chúng con chỉ còn sống 5-10 phút nữa thôi, thì chúng con sẽ làm gì?". Bấy giờ mọi người bổng trở nên căng thẳng. Người thứ nhất trả lời: " Con sẽ đi gặp cha linh hướng" Người thứ hai nói:"Con sẽ vào nhà thờ cầu nguyện trước Nhà Tạm". Riêng Luy vẫn bình thản trả lời:" Thưa cha, con sẽ tiếp tục chơi".

Ðó là câu trả lời của một đấng thánh và đáng lý mỗi người kitô hữu đều phải có thể trả lời như thế. Chơi đùa, giải trí cũng làm đẹp lòng Chúa nếu đó là việc phải làm theo nhu cầu đúng đắn hoặc theo bổn phận. Vậy không phải chỉ bằng đọc kinh, cầu nguyện, mà bằng cả yêu thương, đau khổ, lao động, nghỉ ngơi, giải trí, nghĩa là bằng cả cuộc đời mà chúng ta đón chờ Chúa và chuẩn bị cho hạnh phúc đời đời của chúng ta.

Tỉnh thức là tâm trạng của một con người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp người Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành.

Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và nhiệt thành, biết thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng.

Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu.

Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của mỗi người. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước ánh sáng của công lý, không ai có thể che dấu một chi tiết nào.

Ngày Chúa đến trong vinh quang để xét xử muôn dân sẽ là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, nhưng sẽ là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi.

Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu bên Nhà Tạm, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Xin dạy chúng con biết luôn “đứng thẳng” trong một nếp sống chân thành, tốt lành và thánh thiện. Xin hướng chúng con biết luôn “ngẩng đầu lên” để hướng về Quê Hương Thiên Quốc, nơi chúng con hy vọng sẽ được chung hưởng hạnh phúc muôn đời bên Chúa. Amen.


 
Chúa Nhật I Mùa Vọng - C : Mở Cửa Tâm Hồn Đón Chúa Đến
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:50 27/11/2018
Chúa Nhật I Mùa Vọng - C : Mở Cửa Tâm Hồn Đón Chúa Đến

(Lc 21, 34-36)

Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin làAdventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.

Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?

Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Maria Đồng TrInh ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do các từ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : « Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi », và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van : « Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống ».

Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mặc tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.

Mùa Vọng trong Kinh Thánh

Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ lại sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo : “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non...” (x.Is 11, 1-10).

Lời thiên thần Gabriel cho biết Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế :“Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu…” (x.Lc 1, 26-38)

Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng : “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28)

Như thế, những việc cử hành thánh trong Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hoán cải nội tâm, canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.

Mùa Vọng

Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi tuần có tên gọi truyền thống đặc thù của nó, gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu :

- Chúa Nhật I Mùa Vọng: Ad Te levavi...(= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )

- Chúa Nhật II Mùa Vọng :Populus Sion ...(Này hỡi Dân Sion…)

- Chúa Nhật III Mùa Vọng : Gaudete ...(= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)

- Chúa Nhật IV Mùa Vọng : Rorate ... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng CôngChính...)

Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng

Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa tái lâm là chiều kích thứ hai : “Vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần” (x. Lc 21, 25-28, 34-36).

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biểngầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28). Đó là những dấu hiệu báo trước ngày Chúa tái lâm.

Hơn bao giờ hết, con người thời nay hết sức đau buồn vì nạn khủng bố gây rq. Các kitô hữu ở nhiều nơi kêu la thảm thiết. Biển gầm lên, đất rung chuyển tại Nhật Bản, Inđônêsia, Trung Quốc và nhiều nơi khác thiêu hủy biết bao sinh mạng con người. Phải chăng giờ cữu rỗi đã gần đến?

Lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta vẫn còn cấp bách : “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21, 34-36).

Sống Mùa Vọng

Thế giới dường như đang cạn kiệt tình thương, nên loài người giết hại nhau, hủy hoại môi sinh, khiến thiên nhiên nổi nóng chống lại con người. Sách Khải Huyền viết : “Ta đứng ngoài cửa và gõ”. Chúa gõ cửa lòng chúng ta : “Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Chúa đang chờ đợi chúng ta mở cửa để bước vào đem theo phúc lành cũng như tình bạn của Chúa đến cho chúng ta.

Chúa Giêsu là Hoàng Tử Hòa Bình, vì Người sinh ra hòa bình trong trái tim chúng ta. Người đến thế gian bằng tình yêu và lòng mến, với sự cảm thông dịu hiền của một Vì Thiên Chúa là Cha. Lợi dụng cơ hội này, chúng ta phải ý thức mình là người mang tình yêu, hòa giải và an bình, sẵn sàng trao ban và tha thứ cho nhau, liên đới trong tình huynh đệ, giúp đỡ lẫn nhau, đồng tâm chia sẻ vui buồn, khổ đau với đồng loại.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, xin dẫn chúng con bước vào Mùa Vọng và hăm hở đón mừng Chúa Giêsu Con Mẹ ngự đến. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lá thư của Đức Giáo Hoàng gởi cho một phụ nữ bị tạt axít
Đặng Tự Do
00:28 27/11/2018


Để đánh dấu ngày Thế giới Chống Nạn Bạo Hành Phụ Nữ và Trẻ Em Gái của Liên Hợp Quốc được cử hành vào ngày Chúa Nhật 25 tháng 11 vừa qua, một lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được công bố bởi một phụ nữ Ý nổi tiếng có khuôn mặt bị biến dạng vĩnh viễn vào năm 2012 sau khi người chồng tạt axít vào mặt cô.

Phát biểu trên chương trình truyền hình A Sua Immagine (“Theo Hình ảnh Ngài”) trên đài truyền hình Rai Uno, cô Filomena Lamberti đã đọc to một lá thư do Đức Giáo Hoàng gởi cho cô, trong đó ngài viết: “Tôi cầu xin sự tha thứ của cô, và tôi cầu nguyện cho cô để sự can đảm mà cô thể hiện với vẻ đẹp ngoại thường sẽ trở thành một cú đấm chống lại sự thờ ơ.”

Bức thư được gửi tới Lamberti vào ngày 11 tháng 6, nhưng đây là lần đầu tiên cô tiết lộ lá thư này trong một bối cảnh công cộng.

Năm 2009, Liên Hợp Quốc đã thiết lập ngày Thế giới Chống Nạn Bạo Hành Phụ Nữ và Trẻ Em Gái được cử hành vào ngày 25 tháng 11 hàng năm để nêu bật thực tế dai dẳng của nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới. Đó là một phần trong một chương trình kéo dài 16 ngày nhằm chuẩn bị cho ngày 10 tháng 12, là Ngày Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Theo Liên Hợp Quốc, 1 trong 3 phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới đã phải trải qua bạo lực thể xác hoặc lạm dụng tính dục trong cuộc đời của họ, thường xuyên nhất là bởi chính những người thân trong gia đình. Kinh hoàng hơn nữa, theo thống kê vào năm 2012, cứ 2 người phụ nữ bị giết trên toàn thế giới thì có một người đã bị giết bởi người phối ngẫu, người bạn trai hoặc một người nào đó trong gia đình của họ. Trong khi chỉ có 1 trong số 20 người nam bị giết trong những hoàn cảnh tương tự.

Bạo lực, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, là nguyên nhân nghiêm trọng gây tử vong và mất năng lực làm việc ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thật thế, số phụ nữ tử vong vì các nguyên nhân như ung thư, và các loại bệnh nan y khác, tai nạn giao thông và sốt rét cộng chung lại với nhau mới bằng được con số phụ nữ chết vì bị bạo hành.

Đức Thánh Cha viết tiếp trong lá thư gởi cho cô Lamberti:

“Thật đáng sợ khi tôi nghĩ đến sự tàn ác đã làm biến dạng khuôn mặt của cô, cũng như sự xúc phạm đến nhân phẩm của cô trong tư cách là một người phụ nữ và là một người mẹ. Vì lý do này, tôi cầu xin sự tha thứ của cô, khi tôi tự mình gánh lấy gánh nặng của một nhân loại không biết cách cầu xin sự tha thứ của những ai, dưới sự thống trị của căn bệnh thờ ơ, đang phải sống ngày qua ngày trong tình cảnh bị xúc phạm, bị chà đạp và bị gạt ra ngoài lề xã hội.”

“Xin cô đừng cảm thấy cô đơn trong hành trình này, ngay cả khi sự trợ giúp của Chúa thường đến với chúng ta theo những cách khác xa với mong đợi của chúng ta, bởi vì cách thức và suy nghĩ của Ngài khác với luận lý của chúng ta”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Quyền năng chữa lành của Thiên Chúa, không có giới hạn thể hiện chủ yếu qua tình yêu chứ không phải bằng sức mạnh”.

Lamberti, năm nay 58 tuổi, là cư dân của thành phố cảng Salerno, nằm về phía đông nam của Naples, và đó là thủ phủ của vùng phía nam Campania.

Trước khi biến cố đau thương xảy ra cho Lamberti vào năm 2012, cô sống với chồng và 3 đứa con, và làm chủ một cửa hàng cá ở thị trấn Eboli gần đó. Cuộc hôn nhân của họ gặp nhiều vấn đề.

Lamberti gặp chồng tại một câu lạc bộ khiêu vũ ở Salerno khi cô mới 16 tuổi, và cô đã phải chịu đựng 35 năm trong một cuộc hôn nhân rắc rối và khó khăn, bao gồm cả những trận đòn chí tử của người chồng vũ phu. Cả Lamberti và ba đứa trẻ đều phải sống trong tình trạng bạo hành gia đình.

Tháng 4 năm 2012, đứa con trai lớn nhất của cô đã đánh người hôn thê chưa cưới của nó khiến cô lo lắng rằng hành vi của người chồng đã ảnh hưởng mạnh đến các con cô. Vì thế, trong một cố gắng để chặn đứng nạn bạo hành trong gia đình, cô nói với người chồng rằng cô muốn ly hôn. Người chồng ban đầu có vẻ chấp nhận yêu cầu này, nhưng vào đêm 28 tháng 4, trong khi Lamberti đang ngủ, anh bước vào phòng và tạt một chai axít vào mặt cô.

Các vết thương rất nghiêm trọng đến mức cô suýt mất mạng. Sau đó cô đã phải trải qua 25 thủ thuật phẫu thuật khác nhau. Ngày nay, gương mặt của Lamberti bị sẹo chằng chịt và cô thường phải đeo kính râm tối để bảo vệ đôi mắt mỏng manh của mình khỏi bị chói.

Khi bị bắt, người chồng nói với các nhà điều tra rằng thực ra Lamberti đã nắm lấy chai axít, và trong lúc tranh giành, vô tình axít đã đổ vào khuôn mặt cô. Cuối cùng anh ta bị kết án 18 tháng tù nhưng chỉ phải ngồi tù 15 tháng, và hôm nay anh ta là một người tự do.

“Tôi đã không nhận được công lý,” Lamberti chua chát nói.


Source: Crux Pope apologizes to woman with acid-scarred face, says ‘don’t feel alone’
 
Các Giám Mục Úc chống đối mưu toan loại bỏ tự do tôn giáo
Vũ Văn An
22:16 27/11/2018
Theo tin VaticanNews, các vị giám mục Úc đã trả lời Bộ Trưởng Tư Pháp Trong Bóng Tối (Shadow Attorney Generals, ý nói của Đảng Lao Đông, hiện vẫn chỉ là Phe Đối Lập với chính phủ Tự Do) về việc ông ta tuyên bố sẽ đệ nạp dự luật thu hồi các miễn trừ cho các trường Công Giáo được trình bầy một cách chân chính nền đạo đức học luân lý tính dục Công Giáo.



Vào hôm Thứ Ba vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Peter Comensoli của Melbourne, hiện là phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Úc về tự do tôn giáo, đã đáp lại lời tuyên bố của Bộ Trưởng Tư Pháp Trong Bóng Tối về việc đệ nạp một dự luật của Phe Đối Lập. Dự luật này nhằm rút lại các miễn trừ hiện có trong Đạo Luật Kỳ Thị Tính Dục.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng việc miễn trừ trên không được các trường Công Giáo sử dụng để kỳ thị các hoc sinh hay loại trừ họ dựa trên “xu hướng tính dục và bản sắc phái tính”. Đúng hơn, “các miễn trừ này quan trọng đối với chúng tôi vì các trường muốn duy trì khả năng giảng dậy cái hiểu Kitô Giáo về nền đạo đức học tính dục và hôn nhân theo truyền thống đức tin của chúng tôi. Quyền của chúng tôi được tiếp tục giảng dậy các niềm tin Công Giáo bị đe dọa bởi các đề nghị thu hồi các miễn trừ hiện có dựa trên đức tin dành cho các trường và định chế tôn giáo”.

Ngoài ra, việc hiện có miễn trừ bảo vệ Giáo Hội chống lại các chủ trương cho rằng các niềm tin của Giáo Hội là kỳ thị. Đức Tổng Giám Mục Comensoli nói rằng “Chúng tôi cần có bảo đảm để có thể theo đuổi sứ mệnh tôn giáo của chúng tôi mà không có nguy cơ luật định”.

Đức Tổng Giám Mục Comensoli còn đề nghị thêm rằng “luật pháp nên nhìn nhận tự do tôn giáo một cách tích cực”. Ngài cho hay: điều này cho phép các trường Công Giáo tiếp tục giáo dục dựa trên các nguyên tắc tôn giáo trong khi để nguyên các miễn trừ hiện hữu vì “chúng có cái lợi của việc chấp nhận và ý nghĩa đã có trong luật pháp”.

Sau cùng, Đức Tổng Giám Mục nói rằng các mưu toan nhằm thu hồi các bảo vệ này nên bị Quốc Hội bác bỏ, “một cách đặc biệt không cần thiết lập các bảo vệ tích cực khác để cho phép các trường tôn giáo tiếp tục hoạt động theo đức tin của họ”.
 
Người di dân Trung Mỹ vi phạm biên giới Hoa Kỳ / Mexico và đang bị trục xuất
Thanh Quảng sdb
22:59 27/11/2018
Người di dân Trung Mỹ vi phạm biên giới Hoa Kỳ / Mexico và đang bị trục xuất

Chín mươi tám người di cư Trung Mỹ từ các đoàn di dân, những người cố gắng buộc họ lơ lưởng giữa hai biên giới Mexico / Mỹ đang bị trục xuất trả về lại Mexico.
Văn phòng di cư nước Mexico xác nhận rằng 98 người di cư cố gắng vượt qua biên giới đang trong quá trình bị trục xuất. Tuần tra biên giới Hoa Kỳ đã bắn khí cay vào nhóm di dân đang ở biên giới Mexico để ngăn chặn họ không phá vỡ các rào cảng để chạy qua Hoa Kỳ. Bên Mexico thì ước tính có 500 người đang ở biên giới; trong khi đó phía Hoa kỳ thì cho con số đó lớn gấp đôi.
Bộ trưởng Tài chánh Mexico, ông Ildefonso Guajardo cho hay rằng luật nhập cư Mexico rất nhân đạo và những người di dân nên tôn trọng luật pháp này! Còn Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Mexico tuyên bố: "Các thành viên của nhóm di dân vượt qua đất nước chúng tôi phải tôn trọng luật lệ và không nên có các hành động làm ảnh hưởng đến an ninh công cộng mà họ đi qua."
Ông Francisco Vega, Thống đốc thành phố Baja thuộc tiểu bang California cho biết hiện có chín ngàn người di dân Trung Mỹ đang ngấp nghé vượt qua biên giới Mexico - Hoa Kỳ, nên ông kêu gọi Chính phủ Liên bang hãy lãnh trách nhiệm cung cấp đồ ăn thức uống và chỗ cư trú tạm thời cho họ!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Dòng Ảnh Phép Lạ Kon Tum Mừng Lễ Bổn Mạng Và Hồng Ân Vĩnh Khấn
Trương Trí
10:00 27/11/2018
Hội Dòng Ảnh Phép Lạ Kon Tum Mừng Lễ Bổn Mạng Và Hồng Ân Vĩnh Khấn

Hội Dòng Ảnh Phép lạ do Đức Cha Léon Seitz Kim, Giám mục Giáo phận Kon Tum thành lập vào ngày 03 tháng 02 năm 1947 theo linh đạo “Truyền giáo trong Đức Ái”. Ngài ưu tiên việc giáo dục những thiếu nữ người dân tộc thiểu số vùng Gia Lai-Kon Tum. Trải qua hơn 71 năm, đến nay Hội Dòng cũng chỉ vỏn vẹn có hơn 100 Yă (tiếng dân tộc Ba na dùng để chỉ các sơ) đã được tuyên khấn. Theo quy chế của Hội Dòng trước đây thì các Yă sau một thời gian tu học và quyết chí dâng mình cho Chúa để phục vụ Giáo hội thì sẽ được tuyển chọn tuyên khấn hằng năm vào dịp lễ Bổn mạng của Nhà Dòng vào ngày 27 tháng 11, trong dịp này các Yă đã tuyên khấn cũng sẽ lặp lại lời tuyên khấn.

Xem Hình

Năm nay là lần đầu tiên theo Hiến chương mới của Hội Dòng đã được Đức Giám Mục Giáo phận Aloisio Nguyễn Hùng Vị phê duyệt. Các khấn sinh sẽ được tuyên khấn lần đầu, sau một thời gian thử thách thì sẽ được tuyên khấn trọn đời.

Chính vì vậy, trong Thánh lễ tạ ơn và mừng Bổn mạng Hội Dòng cũng là lần đầu tiên diễn ra sự kiện khấn trọn đời của 81 Yă, trong đó có những Yă đã tuyên khấn lần đầu được 60 năm, 50 năm, 40 năm.v.v...

Đoàn rước đoàn đồng tế tiến vào ngôi Nhà thờ Gỗ, là ngôi Nhà thờ Chính tòa cổ kính có tuổi đời trên 100 năm, dẫn đầu là các thanh thiếu nữ dân tôc trong điệu múa Cồng Chiêng truyền thống do các nghệ nhân đồng diễn. Cùng đồng tế với Đức Giám Mục Giáo phận có chừng trên 100 linh mục trong và ngoài Giáo phận, đồng bào các sắc tộc cùng với thân nhân các Yă từ khắp các bản làng cũng về hiệp dâng thánh lễ với một niềm tự hào đối với các chị em của mình. Dưới những bóng cây chung quanh sân nhà thờ đều kín chỗ.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Giám Mục Giáo phận Aloisio Nguyễn Hùng Vị thay mặt Giáo phận chúc mừng Hội Dòng Ảnh Phép lạ nhân ngày Bổn mạng, cách riêng ngài chúc mừng 81 Yă lần đầu tiên tuyên khấn trọn đời theo Hiến chương mới của Hội Dòng.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Đức Giám Mục nhắc nhỡ các Yă về ba lời khuyên Phúc âm: Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục. Những lời khấn khi mới nghe qua tưởng đâu dễ dàng, nhưng trong thời đại ngày nay với một xã hội hiện đại, công nghệ thông tin khắp nơi đều có, biết bao cạm bẫy và cám dỗ vây quanh. Việc thực hiện các lời tuyên khấn cực kỳ khó khăn đầy thử thách. Trong lúc người ta đi tìm khoái lạc thì đời sống khiết tịnh thật một thách đố. Sự tham lam của cải tiền bạc đã bén rễ sâu trong trái tim con người, hơn nữa chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi người tôn thờ chủ nghĩa duy vật, chính vì vậy lời khấn khó nghèo đòi hỏi các Yă phải cầu nguyện để được Thiên Chúa nâng đỡ. Ngày người ta đề cao sự tự do, vì tự do là một giá trị chân chính gắn liền với con người. Nhưng nhân danh sự tự do để làm theo những ý riêng không chính đáng của mình sẽ rất dễ đưa đến lệch lạc. Do đó lời khấn vâng phục đòi hỏi các Yă dâng lên Thiên Chúa như Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha để mang thân mình làm của lễ hy tế hầu cứu chuộc nhân loại, nhờ đó các Yă thông phần vào công cuộc cứu độ của Đức Giêsu. Hôm nay chúng ta dâng thánh lễ cầu nguyện cho các Yă trung thành với ba lời khấn để trọn đời theo Chúa, phục vụ mọi người.

Nghi thức tuyên khấn mở đầu với việc xướng tên các khấn sinh, trình diện trước Đức Giám Mục Giáo phận là vị chủ chăn, Cha Giám đốc Phêrô Trần Đình Lộc và Cha Tổng Đại diện Phê rô Nguyễn Vân Đông. Các Yă long trọng tuyên khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm. Đức Giám Mục long trọng dâng lời nguyện xin Thiên Chúa đoái thượng đón nhận những nữ tỳ của Chúa là những người hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa. Đức Giám Mục làm phép “nhẫn đính ước” và trao cho các Yă.

Sau Thánh lễ, Yă Mẹ Bề trên Hội Dòng Iminda Y Bút thay mặt Hội Dòng cảm ơn Đức Giám Mục, quý Cha đồng tế và cộng đoàn aã tham dự Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho Hội Dòng. Cách riêng cảm ơn các thân nhân đã vui lòng dâng hiến người thân của mình cho Chúa qua Hội Dòng.

Cũng trong dịp mừng Bổn mạng và Khấn Dòng hôm nay, ông Dương Quốc Long ở giáo xứ Thánh Giuse thuộc Giáo phận Louisiana qua bà Nguyễn thị Hồng, đã chuyển số tiền 2.500 USD của Cha Giuse Trần Đình Thắng Quản xứ và Hội Huynh trưởng Thiếu nhi Thánh thể Việt Nam để giúp cho các cháu cô nhi thuộc các Nhà Vinh Sơn của Hội Dòng.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh dù bận công việc và sức khỏe yếu kém không tham dự, nhưng cũng đã gửi tặng Hội Dòng 150 tràng hạt Mân Côi do Đức Thánh Cha làm phép được mang về từ Rôma để chia sẻ niềm vui với các Yă.

Dịp này, đại diện chính quyền các cấp tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất thuộc thành phố Kon tum với tình liên đới hiệp thông, cũng đã đến tặng hoa và quà để chúc mừng Hội Dòng.

Trương Trí
 
Giáo Xứ CTTĐVN Seattle kết thúc Năm Thánh mừng 30 năm phong hiển thánh Các Thánh Tử Đạo VN.
Nguyễn An Qúy
19:35 27/11/2018
Tukwila. Trong niềm vui tạ ơn, giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam kết thúc Năm Thánh mừng kỷ niệm 30 năm phong hiển thánh các Thánh Tử Đạo Việt Nam với 2 ngày tĩnh tâm do linh mục Đinh Văn Nghị thuộc Dòng Daminh thuyết giảng. Đông đảo giáo dân đã tham dự thánh lễ khai mạc tĩnh tâm vào tối thứ sáu và suốt ngày thứ bảy một cách sốt sắng. Linh mục Đinh Văn Nghị đã đưa cộng đoàn giáo xứ sống với tâm tình tạ ơn qua những bài thuyết giảng sinh động gợi lại gương sống đạo và đức tin vững vàng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhất là đời sống gia đình trong cuộc sống hiện tại của thời đại văn minh.

Xem Hình

Chiều thứ bảy, giáo xứ long trọng bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 30 phong hiển thánh cho 117 vị Tử Đạo Việt Nam với thánh lễ đồng tế. Trước thánh lễ là phần diễn nguyện lúc 5:30 . Ban diễn nguyện đã trình bày hoạt cảnh Thánh Martinô Thọ là một giáo dân bị tử đạo. Thánh Martinô Thọ, Sinh năm 1787 tại Kẻ Bàng, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng. Hoạt cảnh mô tả cảnh sống đạo đức của gia đình Thánh Thọ khá cảm động. Gần nửa giờ, các anh chị diễn viên đã trình bày cuộc sống đạo đức , nhất là lòng nhân ái và đức tin vững vàng của Thánh Martinô Thọ khá sinh động. Hoạt cảnh kết thúc với tràng pháo tay dài.

Đúng 6 giờ Thánh lễ tạ ơn kết thúc Năm Thánh được bắt đầu. Sau lời dẫn lễ, ba hồi chiêng trống ngân vang kéo dài khá lâu làm tăng thêm sự thiêng liêng theo truyền thống hồn Việt. Tiếng chiêng trống vừa dứt, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với linh mục đồng tế cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh. Cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế thánh lễ, cùng đồng tế có cha Đinh Văn Nghị giảng tĩnh tâm, cha Trần Hữu Lân và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ.Trước khi dâng thánh lễ quý cha đã dâng hương trước bàn thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam một cách long trọng.

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế nói: Hôm nay cùng với giáo hội mừng lễ Chúa Kitô Vua và bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 30 phong hiển thánh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cám ơn cha Nghị đã đến với giáo xứ trong 2 ngày tĩnh tâm, ngài đã có những bài thuyết giảng sống động rất hay, giáo xứ cám ơn cha, cám ơn cha Lân, thầy sáu và chào toàn thể cộng đoàn giáo xứ hiện diện trong thánh lễ tạ ơn hôm nay, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau.(tiếng vỗ tay vang dội khá dài)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ lời Chúa theo Chúa Nhật 34 kết thúc năm phụng vụ với lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ.

Tin Mừng Thánh Gioan giới thiệu câu chuyện đối đáp giữa quan Philato và Chúa Giêsu thật thú vị: "Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"

Philatô đáp: "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này".

Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua ư?"

Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi".

Cha Đinh Văn Nghị phụ trách giảng lễ. Bài giảng khá súc tích với lối trình bày dí dỏm của ngài nên đã tạo cho cộng đoàn dân Chúa vui thích khi nghe ngài giảng. Ngài nhấn mạnh: chúng ta luôn vui sống vì chúng ta sống luôn có sự hướng dẫn của một vị Vua, đó là Đức Kitô Vua Vũ Trụ, Vua Tình Yêu. Mừng lễ Chúa Kitô Vua chúng ta cùng kết thúc năm thánh kỷ niệm 30 phong hiển thánh cho 117 vị Tử Đạo Việt Nam, niềm vui của chúng ta là niềm vui của giáo xứ mang tên Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng ta cùng noi gương sống đạo của các ngài..."

Trước khi kết thúc thánh lễ, một lần nữa cha chánh xứ cám ơn cha Nghị, ngài nói: chúng con cám ơn Cha Nghị đã đến với giáo xứ chúng con trong 2 ngày tĩnh tâm, những đề tài thuyết giảng của cha đã hướng cộng đoàn giáo xứ chúng con đi vào đời sống tâm linh hữu ích cho sự sống đạo tại điạ phương này, hy vọng cha sẽ trở lại với giáo xứ chúng con vào một dịp khác, xin cám ơn cha.

Đặc biệt trong thánh lễ kết thúc năm thánh này, mọi ngươì hiện diện sẽ được đón nhận ơn Toàn Xá theo thông lệ cho những ai đã xưng tội và rước lễ. Cộng Đoàn đã cùng nhau đọc kinh lạy cha và kinh tin kính đoạn quý cha ban phép lành ơn Toàn Xá kết thúc thánh lễ.

Nguyễn An Quý
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Có Thánh Lễ Chữa Lành không?
Nguyễn Trọng Đa
09:47 27/11/2018
Giải đáp phụng vụ: Có Thánh Lễ Chữa Lành không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con đã quan sát một số giáo xứ thực hiện Thánh lễ chữa lành. Hình như có nhiều cách khác nhau để thực hiện Thánh lễ này. Xin cha cho biết phải cử hành Thánh lễ này như thế nào? Có nghi thức tiêng cho lễ này không? Cảm ơn cha nhiều. - A. E. P., Leyte, Philippines.

Đáp: Chúng tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự trong năm 2009, và sẽ sử dụng lại một phần câu trả lời này, mặc dù sẽ thêm một số dữ liệu mới.

Tài liệu gần nhất cho các quy định phổ quát về "Thánh lễ chữa lành" là huần thị năm 2000 về "Cầu nguyện xin chữa lành bệnh, Prayers for Healing", do Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành. Trong huấn thị ngắn gọn nhưng đầy đủ này, trước tiên Thánh bộ giải thích các lý do cho tài liệu:

“Do đó, cầu nguyện cho việc phục hồi sức khỏe là một phần của kinh nghiệm của Hội Thánh ở mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta. Trong cách nào đó, điều mới là sự gia tăng các cuộc họp cầu nguyện, đôi khi được kết hợp với các cử hành phụng vụ, với mục đích là được Chúa chữa lành. Trong nhiều trường hợp, sự xuất hiện của chữa lành đã được công bố, làm nảy sinh sự hy vọng của hiện tượng tương tự trong các cuộc tụ họp như vậy. Trong cùng một bối cảnh, thỉnh thoảng người ta cho đó là nhờ đoàn sủng chữa lành.

“Các cuộc tụ họp cầu nguyện này để có sự chữa lành đưa ra câu hỏi về sự phân định đúng đắn của chúng từ một quan điểm phụng vụ; đây là trách nhiệm riêng của Thẩm quyền Hội Thánh, tức là những người phải theo dõi và đưa ra các quy định thích hợp cho việc thực hiện đúng các cử hành phụng vụ.

“Do đó, dường như là thích hợp để công bố một Huấn thị, phù hợp với Điều 34 của Bộ Giáo luật, trước hết như một trợ giúp cho các Đấng Bản quyền địa phương, để cho các tín hữu có thể được hướng dẫn tốt hơn trong lĩnh vực này, qua việc cổ vũ những gì là tốt lành và sửa chữa những gì cần phải tránh”.

Để cho các quy định có nền tảng thần học tốt, trước tiên tài liệu trình bày tổng quan giáo lý về việc cầu nguyện chữa lành theo truyền thống Công Giáo.

Tài liệu làm như vậy trong năm phần, như sau: 1) Bệnh tật và chữa lành: ý nghĩa và giá trị của chúng trong chương trình cứu độ; 2) Mong được chữa lành và cầu xin để được ơn ấy; 3) Đoàn sủng chữa lành bệnh trong Tân Ước; 4) Các kinh nguyện để xin Chúa chữa lành bệnh tật; 5) ‘Đoàn sủng chữa lành bệnh’ trong bối cảnh ngày nay.

Chỉ một khi nền tảng đã được đặt ra thì huấn thị cố gắng đưa ra các quy định chính xác. Các quy định này bao trùm mọi hình thức cầu nguyện chữa lành. Các quy định này là:

“Điều 1– Mọi tín hữu được tự do cầu xin Chúa để được chữa lành. Khi những việc cầu xin như thế thực hiện tại nhà thờ hoặc ở một nơi thánh khác, thì nên được một thừa tác viên có chức thánh hướng dẫn.

“Điều 2– Những kinh cầu xin chữa lành được xem như có tính cách phụng vụ, nếu nằm trong các sách phụng vụ được Thẩm quyền Hội Thánh chấp nhận; nếu không thì không có tính cách phụng vụ.

“Điều 3- §1. Những kinh nguyện phụng vụ chữa lành bệnh được cử hành theo nghi lễ quy định và với những phẩm phục thánh theo hướng dẫn của Ordo benedictionis infirmorum trong Nghi Lễ Rôma.

“§2. Dựa vào những gì đã được thiết lập trong các Praenotanda, V., De aptationibus quae Conferentiae Episcoporum competunt trong cuốn Nghi Lễ Rôma này, về nghi thức ban phép lành bệnh nhân, các Hội đồng Giám mục có thể làm những kinh nguyện thích ứng với địa phương, hoặc có thể vì nhu cầu mục vụ đòi hỏi, với điều kiện trước đó phải cho Tòa Thánh xem lại.

“Điều 4- §1. Giám mục địa phận có quyền đưa ra những phép tắc cho Giáo hội riêng của mình về những việc cử hành phụng vụ xin chữa lành bệnh, theo giáo luật 838 §4.

“§2. Những ai chuẩn bị các cuộc cử hành phụng vụ loại này phải tuân hành những phép tắc ấy trước cuộc lễ.

“§3. Việc cho phép phải minh nhiên, dẫu các cuộc cử hành được các Giám mục hoặc Hồng Y của Toà Thánh Công Giáo tổ chức hoặc tham dự. Giám mục địa phận có quyền từ chối việc này đối với một Giám mục khác, nếu có lý do chính đáng và cân xứng.

“Điều 5- §1. Các kinh nguyện chữa lành không có tính cách phụng vụ phải được thực hiện theo những phương cách khác với các cuộc cử hành có tính cách phụng vụ, chẳng hạn các cuộc gặp gỡ cầu nguyện hoặc đọc Lời Chúa. Thẩm quyển sở tại cần lưu tâm, theo đúng nội dung Giáo luật 839 § 2.

“§2. Cần tránh lẫn lộn các lối cầu nguyện tự do không có tính cách phụng vụ này với những cử hành thực sự có tính cách phụng vụ.

“§3. Ngoài ra trong lúc tiến hành việc cầu xin, đừng sử dụng những lối như điên loạn, giả tạo, làm kịch làm trò hoặc gây kích động, nhất là về phía người điều hành.

“Điều 6- Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là truyền hình, khi có tổ chức cử hành các cuộc cầu nguyện chữa lành bệnh có tính cách phụng vụ và không có tính cách phụng vụ, phải được Giám mục địa phận xem xét, theo giáo luật 823, và các phép tắc được Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin qui định trong Huấn thị ngày 30-3-1992.

“Điều 7- §1. Ngoài những gì đã qui định ở điều 3 nói trên và những việc cử hành cho người bệnh được sách phụng vụ qui định, các việc cầu nguyện xin chữa lành bệnh có tính cách phụng vụ cũng như không có tính cách phụng vụ không được đưa vào, hoặc ghép vào việc cử hành Thánh Thể, các Bí tích hoặc Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

“§2. Trong các cuộc cử hành ở §1 trên đây, có thể xen vào các ý chỉ cầu nguyện riêng để xin chữa lành các bệnh nhân trong lời nguyện chung hoặc lời nguyện ‘của các tín hữu’, vào lúc mà lời nguyện chung này đã tiên liệu.

“Điều 8- §1. Thừa tác trừ quỉ phải được thực thi do lệnh của Giám mục điạ phận, và tuân theo giáo luật 1172, thư của Thánh bộ Giáo Lý Đức tin ngày 29-9-1985, và Nghi lễ Rôma.

“§2. Những kinh trừ quỉ trong Nghi lễ Rôma phải tách biệt với những cuộc cử hành xin chữa lành bệnh có tính cách phụng vụ, cũng như không có tính cách phụng vụ.

“§3. Tuyệt đối cấm xen những lối cầu nguyện này vào trong việc cử hành Thánh Lễ, các Bí tích và Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

“Điều 9- Những người điều hành các việc cử hành xin chữa lành bệnh, có tính cách phụng vụ hay không có tính cách phụng vụ, phải giữ cho cộng đoàn tham dự một bầu khí đạo đức thanh thản, và phải thận trọng cần thiết nếu có những người tham dự được chữa lành; vào cuối phần cử hành cầu nguyện, họ có thể ghi nhận một cách kỹ lưỡng và đơn sơ những chứng nhân khả dĩ và trình sự việc lên giáo quyền có năng cách.

“Điều 10- Giám mục địa phận cần phải lấy quyền mình mà can thiệp khi có những lạm dụng trong các việc cử hành xin chữa lành bệnh, có tính cách phụng vụ hay không có tính cách phụng vụ, khi có trường hợp gây tai tiếng rõ ràng cho cộng đoàn tín hữu, hoặc khi có những thiếu sót gia trọng về phép tắc phụng vụ và kỷ luật” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Điều 7 cấm đưa việc cầu nguyện xin chữa lành bệnh vào trong Thánh Lễ rõ ràng; không loại trừ việc cử hành Thánh lễ cho Bệnh nhân, vốn được tìm thấy trong Sách Lễ Rôma, hoặc các Thánh lễ ngoại lịch tương tự khác. Điều này có nghĩa rằng Thánh Lễ không được sử dụng như một phương tiện cho các mục đích khác, cho dù là mục đích đáng khen ngợi.

Một thí dụ gần đây về các quy định do các Giám mục ban hành là các quy định được ban hành bởi Hội đồng Giám mục khu vực miền Bắc nước Ý vào tháng 10-2018: "Các quy định kỷ luật liên quan đến cái gọi là “Thánh lễ chữa lành” (Messe di Guarigione)".

Mặc dù các quy định của Giám mục này lặp lại phần lớn các điều đã được nói trên đây, chúng cũng bày tỏ kinh nghiệm và suy tư của các Giám mục về các thực hành ấy trong gần 20 năm, và giải quyết một số hành vi lạm dụng vốn có thể đã lấn át. Bằng cách này, việc biết các quy định ấy sẽ giúp các Giám mục khác, tức là các vị mong muốn xây dựng các quy định riêng cho mình, và cũng hướng dẫn các linh mục và các thừa tác viên mục vụ khác để có các thực hành tốt nhất.

Cha McNamara nêu ra các yếu tố chính của các quy định này như sau:

“1. Bất cứ ai mong muốn lập chương trình các cử hành phụng vụ với mục đích xin sự chữa lành từ Thiên Chúa (đặc biệt cái gọi là 'Thánh lễ chữa lành') phải xin và có sự cho phép viết tay rõ ràng từ Giám mục giáo phận, ngay cả khi nó được đề xuất bởi hoặc có sự tham gia của các bề trên Dòng tu, Giám mục hoặc Hồng Y. Các lời xin như thế, vốn sẽ được gia hạn hàng năm, phải bao gồm thời gian và địa điểm của việc cử hành.

“2. Sự cử hành hàng tháng được loại trừ; sự cử hành như vậy không được phép vào các ngày Chúa Nhật và các Lễ Trọng.

“3. Các linh mục không được phép chủ trì hoặc đồng tế ngoài giáo xứ hoặc giáo phận của họ.

"4. Trong cử hành Thánh lễ, các bí tích, hoặc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, việc đưa các lời nguyện chữa lành, cho dù là phụng vụ hoặc không phụng vụ, là không được phép. Tuy nhiên, trong các cử hành trên, có thể đưa ý cầu nguyện đặc biệt cho việc chữa lành người bệnh trong Lởi nguyện tín hữu, khi tiên liệu có Lời nguyện tín hữu.

“5. Trong trường hợp cho phép Cử hành Thánh lễ, phải tuân giữ các điều sau:

“a) Về kinh nguyện: liên quan đến các quy định về việc sử dụng “Thánh lễ ngoại lịch” hoặc “Thánh lễ cho các nhu cầu khác nhau”, chỉ có thể sử dụng các công thức có sẵn trong Sách Lễ Rôma;

“b) Về Nghi thức Thánh lễ, chỉ được dùng Sách Lễ Rôma, tránh tất cả sự lạm dụng hoặc tính sáng tạo không cần có;

“c) Sau khi Thánh Lễ kết thúc, có thể Chầu Thánh Thể và kết thúc bằng Phép lành Thánh Thể, với Mình Thánh được lấy từ nhà tạm. Tuy nhiên cần nhớ rằng việc đặt Mình Thành chỉ để ban Phép lành là bị cấm (Giới thiệu Nghi thức Rước Lễ và chầu Mình Thánh ngoài Thánh Lễ, số 97);

“d) Về việc có thể đặt tay kèm theo lời nguyện chúc lành, những gì được tiên liệu trong Sách Các Phép phải được tuân giữ, bằng cách sử dụng chương về chúc lành bệnh nhân và cầu nguyện với việc đặt tay. [Văn bản tiếng Ý là Chương VI, lời nguyện 244. Các số là khác nhau tùy theo bản dịch. Trong 'Sách các Phép, Shorter Book of Blessings' của Hội Đồng Giám mục Anh và xứ Wales, đó là kinh nguyện số 358. Trong 'Sách các Phép, Book of Blessings' của Hoa Kỳ, đó là kinh nguyện số 392].

“Các lời nguyện trừ quỷ trong ''Nghi thức trừ quỷ và lời Kinh cho các hoàn cảnh đặc biệt' phải là khác biệt với các kinh được sử dụng trong các cử hành chữa lành, dù là thuộc phụng vụ hay không phụng vụ.

“Tuyệt đối cấm đưa các kinh này vào Cử hành Thánh Lễ, các bí tích, hoặc Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

“Ngoài các điều trên, cũng phải nhớ rằng:

“Việc trừ quỷ phải được thực hiện một cách tùy thuộc chặt chẽ vào Giám mục Giáo phận, và phù hợp với điều 1172 của Bộ Giáo luật, Thư của Thánh bộ Giáo lý Đức tin ngày 29-9-1985, và 'Nghi thức trừ quỷ và lời Kinh cho các hoàn cảnh đặc biệt', có hiệu lực kể từ ngày 31-3-2002.

"Cuối cùng phải nhớ rằng "Giám mục địa phận cần phải lấy quyền mình mà can thiệp khi có những lạm dụng trong các việc cử hành xin chữa lành bệnh, có tính cách phụng vụ hay không có tính cách phụng vụ, khi có trường hợp gây tai tiếng rõ ràng cho cộng đoàn tín hữu, hoặc khi có những thiếu sót gia trọng về phép tắc phụng vụ và kỷ luật” (Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị, Bản dịch Việt ngữ, như trên).

“Các quy định trên được nhất trí chấp thuận bởi các Giám mục Vùng Piedmont và Val d'Aosta, trong hội nghị tại Susa vào ngày 18-9-2018, và có hiệu lực từ ngày 1-10-2018”.

Các quy định giáo phận ở các quốc gia khác là tương tự về căn bản với các quy định nói trên, nhưng đôi khi cũng giải quyết các khó khăn có nguồn gốc địa phương.

Thí dụ, một số giáo phận ở Nam Mỹ nêu ra rằng họ được phép kiệu mặt nhật Mình Thánh trong nhà thờ khi chầu Phép lành, nhưng duy trì một ý nghĩa tôn kính.

Một quy định khác nhắc nhở các linh mục rằng chỉ được chạm vào cái đầu người khác khi chúc lành, và rằng các tín hữu không được thực hành việc đặt tay để chúc lành bệnh nhân. Các quy định khác nhắc nhở linh mục rằng các loại dầu thánh chỉ được dùng để xức dầu người bệnh, và không bao giờ được dùng cho việc chữa lành.

Một số quy định cấm sự kiếm tiền trong các cử hành chữa lành, và cấm các linh mục và giáo dân không đòi thù lao cho công việc của họ. Thật vậy, một Giám mục Colombia đã nói đến vấn đề này bằng từ ngữ nghiêm khắc, vốn bao gồm cả việc sử dụng từ ngữ “Thánh lễ chữa lành”, như sau đây:

“Nhân danh Chúa Kitô và nhân danh Hội Thánh, tôi tuyệt đối cấm gọi Thánh Lễ là “Thánh Lễ Chữa Lành”. Một cách gọi như vậy là một sự lạm dụng, vốn hòa nhập vào ly giáo và dị giáo. Sự mô tả này có ý hướng và ngụ ý lợi ích tiền bạc.

“Trong tất cả các giáo xứ, buộc phải công khai các tiền lễ giáo phận…. Không linh mục nào có thể vượt quá số tiền lễ này”.

Trong khi một số Giám mục khác cũng chỉ trích thuật ngữ "Thánh lễ chữa lành", trong thực tế tất cả đều xem đó là một cụm từ ngữ không thích hợp. Thật vậy, một số quy định giáo phận nhấn mạnh rằng chỉ có một Thánh Lễ duy nhất, và đều khuyên loại bỏ cụm từ ngữ không thích hợp ấy. (Zenit.org 27-11-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Mùa Vọng Tuổi Thơ Tôi
Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng
19:28 27/11/2018
Mùa Vọng Tuổi Thơ Tôi

Tuổi thơ tôi gắn liền với tiếng chuông nhà thờ, là những giờ rong chơi sân nhà xứ. Mỗi sáng sớm chiều hôm đều có mặt trong tiếng hát lời kinh. Chẳng thể nào quên những khi bị dì phước bắt đứng lên vì ngủ gục, nhớ mãi những lần được cha xứ gọi đến xoa đầu cho một trái mãng cầu dai, hay một hai trái cây nho nhỏ. Tôi lớn lên suốt hành trình muôn ngả được bao quanh trong âm điệu thánh du dương, được chở che bởi bàn tay chai sạn của cha mẹ yêu thương. Là trẻ thơ không hề quan tâm tới thời gian dương trần lá rụng và cũng chẳng biết năm phụng vụ là gì, thế nhưng mỗi khi nghe tiếng chuông ngân vọng, tiếng ca đoàn reo vang “Trời Cao hãy đổ sương xuống” thì đám trẻ chúng tôi biết ngay mùa vọng đã đến, để rồi tíu tít loan tin: “Sắp Giáng Sinh rồi đó”.


Mùa Vọng tuổi thơ tôi là tiếng hát kinh cầu
Khi thánh đường vang lên: “Trời cao đổ sương xuống”
Khi cộng đoàn đồng thanh niềm đợi trông Đấng Cứu Chuộc
Nhạc thánh rộn ràng niềm mong đợi Đấng Thiên Sai.
Mùa Vọng của tôi là làn sương lạnh mỗi sớm mai
Những đứa trẻ đồng trang đang vùi mình trong chăn êm nệm ấm
Lũ chúng tôi rùng mình lần mò trong gió bấc
Sáng trinh nguyên lời hát đầu tiên kính Chúa Trời.
Mùa Vọng tuổi thơ tôi những kỷ niệm suốt đời
Khi hoa lau nhuộm con đường làng trắng xõa
Cánh chuồn bay ngẩn ngơ vì cơn gió lạ
Tương lai xa trở mình buốt cả ước mơ non.
Chúng tôi lớn lên sau thời chinh chiến mịt mờ
Giữa lúc cha mẹ bơ phờ lấm lem đói khổ
Vẫn cứ hồn nhiên nguyên sơ hoang dại
Lúc ngu ngơ thoải mái với ngọn cỏ ánh trăng
Khi rộn rã tung tăng trên bờ đê chiều tối
Thấy ngọn hoa lau ẩn mình trong làn sương mù lối
Thấy gió đông về nâng nhẹ lời thánh ca bay
Cho Chúa Hài Đồng êm giấc ngủ nồng say.

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Mùa Vọng 2018



Rev. Peter Duc Thang Nguyen
EAST ASIAN PASTORAL INSTITUTE
Ateneo de Manila Univ. Campus
Katipunan Ave., Loyola Heights
1108 Quezon City
PHILIPPINES
Phone: +63.9156926971
"Hay Ky Thac Duong Doi Cho Chua va De Nguoi Hanh Dong". TV 37,5