Ngày 28-11-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:46 28/11/2017
24. CHỮ GỪNG GIỐNG CÁI THÁP
Thái uý Đảng muốn viết chữ “gừng” ( 薑 ) , bèn hỏi quan chép sử là phải viết như thế nào ?
Quan thái sử nói cho ông ta viết ra nét (chữ Hán), thái uý Đảng viết lui viết tới chữ “nhất” ( 壹 ) thành ba chữ chồng lên nhau, sau khi tỉ mỉ ngắm “tác phẩm” của mình thì cảm thấy không giống chữ gừng, bèn chửi quan chép sử:
- “Tại sao mày lại dối tao, đây mà chữ “gừng” sao, nhất định đây là một cái tháp.”
(Giản Uẩn thiên)

Suy tư 24:
Thời xưa cũng như thời nay có những cấp trên...không biết chữ, không biết chữ mà làm quan thì có hai lý do sau đây: một là dùng tiền lo lót gọi là hối lộ, hai là có công với nhà nước hoặc với tổ chức nên được cất nhắc lên làm quan, những vị quan này không trước thì sau cũng sẽ làm hại đất nước, hách dịch với thuộc hạ khúm núm nịnh nọt cấp trên, những vị quan này dứt khoát là làm ăn thua lỗ, đánh đâu thua đó, và dứt khoát bị sa thải vì không làm việc được và vì không biết...viết chữ.
Ở đời mà đã như thế thì huống chi trong đạo, linh mục nào cũng tốt nghiệp thần học và triết học, nhưng hơn nhau ở chỗ biết lợi dụng hoàn cảnh để học hỏi thêm và trau dồi đức tính thêm.
Linh mục nào cũng có thể làm cha sở, nhưng cha sở này thì tiếng lành đồn xa, còn cha sở kia thì tiếng xấu đồn...cũng xa, tại sao vậy ? Thưa là vì một người thì biết học, và người kia thì chỉ biết khảo hạch người khác mà không học, mà đã không học thì làm sao mà khảo hạch người khác được, thế là quỷ kiêu ngạo xâm nhập vào tâm hồn họ.
Linh mục nào thích khảo hạch người khác là luôn bắt giáo dân làm theo ý mình, luôn chê bai giáo dân là không biết gì, là luôn độc tôn ỷ lại chức thánh của mình, cho nên trăm sự dữ phát sinh và thế là tiếng vào tiếng ra làm cho giáo xứ mất đoàn kết.
Linh mục nào biết học là người khiêm tốn hỏi giáo dân những điều mình chưa biết chưa quen, chưa biết, là vui vẻ nhờ giáo dân chỉ giáo cho mình những quan lệ của địa phương, do đó mà tiếng lành đồn xa: cha sở của chúng tôi rất khiêm tốn, mà khiêm tốn cũng đồng nghĩa với dễ thương vậy.
Tạ ơn Chúa và hạnh phúc thay khi giáo xứ có một cha sở như vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Th ánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:47 28/11/2017

14. Đức hạnh có được là do cầu nguyện mà thành.

(Thánh Ephraem)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần Sống một câu Lời Chúa (Lễ Chúa Ki-tô Vua)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:49 28/11/2017
LỄ ĐỨC CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
(Chúa Nhật 34 THƯỜNG NIÊN)


Tin mừng : Mt 25, 31-46.
“Con người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Ngài, và Ngài sẽ tách biệt họ với nhau”.


Bạn thân mến,
Năm Phụng Vụ của Giáo Hội được kết thúc bằng việc cử hành trọng thể lễ “Đức Chúa Ki-tô vua vũ trụ”, để cho chúng ta thấy rằng: chính Ngài là khởi đầu và là chung kết, nên Ngài là vua vũ trụ và là Đấng xét xử loài người; là Đấng hôm qua, hôm nay và ngày mai, nên Ngài là Đấng ngự trị trường tồn, bất diệt.
Đức Chúa Giê-su xét xử như thế nào ?
Ngày phán xét chung, ngày tội lỗi và sự thánh thiện của mỗi người sẽ được bày ra ánh sáng và tất cả mọi người từ nguyên tổ A-dong và E-và cho đến người sau cùng trên thế giới sẽ thấy; ngày mà những việc lành chúng ta thực hiện trong âm thầm thì nay sẽ được mọi người biết; ngày mà những tội ác chúng ta thực hành trong bóng đêm thì nay sẽ được bày tỏ giữa ban ngày cho mọi người biết...
Ngày phán xét, Đức Chúa Giê-su không hỏi chúng ta:
-Khi còn ở thế gian con tậu được mấy căn nhà ?
-Khi còn ở thế gian con học hành đến đâu và có bao nhiêu văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ...?
-Khi còn ở thế gian con gởi nhà băng (bank) được bao nhiêu triệu đồng ?...
-Khi còn ở thế gian con có địa vị to lớn nào trong xã hội, trong Giáo Hội ?
Nhưng Đức Chúa Giê-su sẽ hỏi chúng ta:
-Con có giúp đỡ tha nhân không ?
-Con có hy sinh cho người khác không ?
-Con có yêu người như mình vậy không ?
-Con có làm tròn bổn phận của con không ?...
Và thật vô phúc cho chúng ta, khi chúng ta không có một liên hệ bác ái nào với tha nhân, và như thế cũng có nghĩa là chúng ta bị tách khỏi những người lành thánh, phải đứng bên tay tả của Đức Chúa Giê-su với những người được gọi là bè lũ của ma quỷ...

Bạn thân mến,
Có nhiều lúc chúng ta tuyên xưng Đức Chúa Giê-su là Vua vũ trụ, nhưng chúng ta chưa tuyên bố và chưa tuyên xưng Ngài là Vua trong gia đình, và là Vua đang ngự trong tâm hồn của chúng ta, cho nên danh hiệu “gia đình Ki-tô hữu” chưa hấp dẫn được người khác, và danh hiệu “người Ki-tô hữu” của mình chưa thực sự tỏa sáng cho người khác thấy trong cuộc sống của chúng ta, cho nên vẫn có rất nhiều người thờ ơ với Chúa chúng ta.
Lạy Đức Chúa Giê-su,
Chúng con tuyên xưng Chúa là vua và là Chúa của chúng con bằng những thánh lễ trọng thể và bằng những cuộc rước kiệu thật náo nhiệt, để biểu dương sức mạnh đức tin của mình và của Giáo Hội. Nhưng khi thánh lễ kết thúc và cuộc rước kiệu đã xong, nhà thờ là nơi ngai vàng hữu hình của Chúa ngự giữa giáo xứ lại trống vắng, lạnh lùng, Chúa là vua ngự trong nhà tạm lại càng cô đơn hơn chẳng một ai đến thờ lạy, kể cả chúng con là những linh mục –công thần của Chúa- đang coi sóc giáo xứ ở sát ngay bên cạnh nhà Chúa.
Chúng con tôn thờ Chúa là vua đang ngự giữa chúng con trong nhà tạm, nhưng hàng ngày chúng con chỉ thích đến viếng các nhà hàng nhậu nhẹt, ôm ấp các kỹ nữ hơn là đến nhà thờ để thờ lạy Chúa; chúng con tuyên nhận Chúa là vua vũ trụ đang ngự trong nhà tạm, nhưng chúng con cảm thấy mất thời giờ khi đến thờ lạy và ca tụng Chúa nơi nhà thờ...
Xin Chúa thương xót chúng con là những người tội lỗi, thường bất trung với Chúa và bất nhẫn với tha nhân trong cuộc sống của mình hôm nay. Amen

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm: Chúa nhật 1 Mùa Vọng
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:48 28/11/2017
Chúa Nhật 1 MÙA VỌNG. B
(Mk 13,33-37)
TỈNH THỨC


Tâm hồn vọng ngóng mong chờ,
Nguyện cầu tỉnh thức, tôn thờ Chúa Cha.
Một niềm hy vọng mưa sa,
Ban ơn Cứu Độ, thứ tha tội tình.
Chúa Con xuống thế liều mình,
Làm người giáng thế, hết tình vì yêu.
Ngôi Lời nhập thể huyền siêu
Xả thân chuốc lấy bao nhiêu khổ hình.
Tình yêu mời gọi đáp tình,
Vọng canh thức tỉnh, xét mình trước tiên.
Tránh xa lầm lạc tội khiên,
Dọn đường đón Chúa, vọng thiên cứu đời.
Ân thiêng phúc lộc cao vời,
Cung lòng sưởi ấm, Ngôi Lời giáng sinh.

Cử hành Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta bước vào năm Phụng Vụ mới của Giáo Hội. Năm nay chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, năm B. Khởi đầu Mùa Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

Đôi khi chúng ta thức mà không tỉnh. Cuộc sống của chúng ta trở thành thói quen và ngày này qua ngày khác sinh hoạt giống nhau. Một ngày giống như mọi ngày. Sáng sớm chúng ta thức dậy lo mọi việc như đi lễ, đi làm, đi học,.. xong mọi công việc về gia đình chia sẻ bữa cơm và ngủ nghỉ. Thế là hết một ngày. Thời gian thấm thoát qua mau chẳng đợi chờ ai.

Nhìn trời Thu lá rụng, chúng ta thấy giật mình. Thời tiết chuyển đổi và khí trời xe lạnh. Mới ngày nào, hoa lá còn xanh mơn mởn và cây cành xum xuê mà nay đã đổi mầu và lá rụng xuống. Cả lá già lẫn lá non đều rơi rụng. Lá rụng về cội. Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng đang đổi thay như thế. Mỗi ngày sống là chúng ta đi gần về cội nguồn.

Mùa Vọng về mang lại cho chúng ta một niềm Hy Vọng. Hy vọng trong đợi chờ. Trông chờ Chúa ghé thăm tâm hồn. Thực ra, Chúa Giêsu đã giáng sinh hơn 2000 năm trước rồi. Vậy chúng ta trông chờ chi nữa? Chúng ta trông chờ Chúa ghé thăm tâm hồn mỗi người và Chúa cũng sẽ đến lần thứ hai để đón nhận chúng ta. Lần Chúa viếng thăm này đòi chúng ta phải tỉnh thức. Tỉnh thức như người lính gác trông chờ rạng đông.

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn quyến rũ trong cuộc đời. Phải tỉnh thức như khi chúng ta đang lái xe, luôn nhìn trước ngó sau, chân ga chân thắng sẵn sàng và tay lái vững vàng dẫn đường ta đi. Cầu nguyện trong tỉnh thức cũng thế, phải luôn sắn sàng vì chúng ta không biết ngày giờ Chúa viếng thăm.

Lạy Chúa, mỗi ngày là một ngày mới. Xin Chúa giúp chúng con biết sống và tỉnh thức cầu nguyện luôn, để chuẩn bị tâm hồn mong chờ Chúa đến.

THỨ HAI, TUẦN 1 VỌNG
(Is 2, 1-5. Mt 8, 5-11).
LÒNG TIN


Hạ mình đội trưởng van xin,
Thương tình cứu chữa, con tin vào Ngài.
Giê-su quyền phép thiên tài,
Độ thân giáng thế, đóng vai người trần.
Xót thương cứu chữa bệnh nhân,
Nhìn sâu hiểu thấu, tinh thần nội thân.
Chúa rằng tiến bước cận lân,
Lùi xa xin Chúa, đừng gần nhà con.
Một lời Chúa phán sắt son,
Cứu nguy thoát khỏi, sống còn sợ chi.
Đức tin manh mẽ sao bì,
Chúa ban ơn phúc, lo gì ngay mai.
Một lời Chúa phán chẳng sai,
Thân lành hồn tỉnh, thiên thai rạng ngời.

THỨ BA, TUẦN 1 VỌNG
(Is 11, 1-10; Lc 10, 21-24).
NƯỚC TRỜI


Nước Trời ẩn dấu nhiệm mầu,
Suy tư nghiên cứu, biết đâu mà tìm.
Chúa thương mạc khải trong tim,
Tâm hồn khiêm hạ, sẽ tìm được ngay.
Khôn ngoan thông thái đời này,
Khoe khoang trí thức, tưởng hay với đời.
Giê-su Chúa Tể cao vời,
Hạ thân giáng thế, rạng ngời phúc vinh.
Chúa Con soi tỏ chân tình,
Chúa Cha dọi sáng, Thánh Linh dãi bày.
Tông đồ hạnh phúc ngất ngây,
Tai nghe mắt thấy, Thầy đây bởi Trời.
Chứng nhân sự thật tuyệt vời,
Thành tâm tin kính, trọn đời hỉ hoan.

THỨ TƯ, TUẦN 1 VỌNG
(Is 25, 6-10a; Mt 15, 29-37).
CHỮA LÀNH


Chúa thương cứu chữa xác hồn,
Què câm mù điếc, bồn chồn tấm thân.
Quỷ ma mê ám bệnh nhân,
Chữa lành tẩy sạch, canh tân cuộc đời.
Ân thiêng đổi mới con người,
Tin yêu dõi bước, nghe lời Phúc âm.
Miệt mài theo Chúa âm thầm,
Ba ngày vất vả, thân tâm rã rời.
Đói lòng khao khát Ngôi Lời,
Cảm thương dân chúng, Chúa mời họ ăn.
Cánh đồng mông quạnh vắng tanh,
Vài con cá nhỏ, bảy thanh bánh vàng,
Chúa ban phúc lộc tuôn tràn,
Bốn ngàn trai tráng, thêm ngàn người thân.
Thỏa thuê ăn uống đoàn dân,
Lượm thu bảy thúng, muôn phần Chúa ban.

THỨ NĂM, TUẦN 1 VỌNG
(Is 26, 1-6; Mt 7, 24-27).
NỀN TẢNG


Nước Trời mở cửa đón chào,
Ý Cha thực hiện, bước vào chốn đây.
Lắng nghe lời Chúa nói nầy,
Khôn ngoan thực hiện, dựng xây móng nhà.
Dù cho báo tố mưa sa,
Ngôi nhà chắc chắn, nền đà vững chân.
Xây nhà trên cát ngu đần,
Mưa to gió thổi, trôi dần hổng hang.
Xập nhà tai họa hoang tàn,
Vâng lời Chúa dạy, vững vàng tin yêu.
Thực hành lời Chúa cao siêu,
Kiên trì phấn đấu, dù nhiều khó nguy.
Cầu xin ơn Chúa độ trì,
Thành tâm vững bước, lo gì gian truân.

THỨ SÁU, TUẦN 1 VỌNG
(Is 29, 17-24; Mt 9, 27-31).
ÁNH SÁNG


Khẩn cầu lòng Chúa xót thương,
Hai người theo Chúa, tìm đường van xin.
Mắt mù chẳng thấy nhưng tin,
Quyền năng Chúa giúp, con nhìn thấy ngay.
Lạy Thầy thương giúp cầu may,
Chữa con sáng mắt, ơn này khắc ghi.
Đức tin son sắt sao bì,
Hoàn toàn tín thác, từ bi chữa lành.
Chúa truyền kín đáo thanh danh,
Chu toàn sứ mệnh, cứu sanh giúp đời.
Mừng vui mắt sáng rạng ngời,
Truyền rao khắp chốn, ơn trời phú ban.
Lữ hành cuộc sống gian nan,
Niềm tin cứu độ, chứa chan phúc lành.

THỨ BẢY, TUẦN 1 VỌNG
(Is 30, 18-21. 23-26; Mt 9, 35-10, 1.6-8).
TIN MỪNG


Tin vui Cứu Độ vọng ngân,
Gần xa loan báo, toàn dân đón mừng.
Xót thương dân chúng vô chừng,
Bơ vơ tất tưởi, dửng dưng giữa dòng.
Xin thêm thợ gặt thật lòng,
Đầy đồng lúa chín, chờ mong đáp lời.
Tông đồ môn đệ ra khơi,
Tung chài thả lưới, gọi mời dấn thân.
Ra đi rao giảng nhân trần,
Chúa trao quyền lực, xả thân cứu đời.
Chữa lành bệnh hoạn khắp nơi,
Cao rao danh Chúa, ơn trời phú ban.
Nước Trời giáng phúc bình an,
Mở lòng đón nhận, chứa chan ơn lành.
 
Tỉnh thức
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
19:43 28/11/2017
Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng B

Mùa Vọng lại về. Điệp khúc, cũng chính là sứ điệp mùa Vọng lại vang lên: “Hãy tỉnh thức”. Gọi là điệp khúc vì nó quen thuộc. Quen thuộc như hơi thở của bản thân.

Hôm nay, Chúa Nhật thứ I mùa Vọng, lại một lần nữa, chúng ta lắng nghe lời Chúa dạy: “Các con phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì các con không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13, 33).

Như hơi thở cần cho sự sống thế nào, điệp khúc và sứ điệp mùa Vọng: “Hãy tỉnh thức” cần thiết đến vô cùng như thế, để đưa ta vào nếm hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Bởi sống trong đời, biết mình là Kitô hữu nhưng không tỉnh thức, không cầu nguyện, đồng nghĩa với việc ta chỉ mang danh Kitô hữu mà không thực là Kitô hữu.

Tỉnh thức giúp ta cảnh giác thói hư tật xấu, cảnh giác tội lỗi, không để những cái xấu thế trần ảnh hưởng, hoặc làm mất đi sự thánh thiện trong tâm hồn. Nói cách khác, tỉnh thức là biết ăn năn thống hối, biết dọn tâm hồn bằng một đời sống nhân đức để Chúa có thể chiếm ngự tâm hồn, và tâm hồn thuộc về Chúa.

Tôi muốn giới thiệu một khuôn mặt thánh nhân, tuy không mừng kính vào mùa Vọng, nhưng với tôi, đó là khuôn mặt đáng yêu giúp ta noi gương bắt chước sống tinh thần mùa Vọng suốt đời mình. Đó chính là thánh Phanxicô Assisi.

Bằng con đường riêng, thánh nhân sống lời mời gọi của Tin Mừng theo sát mặt chữ: Từ một thanh niên giàu sang, phung phí, thánh nhân trút bỏ mọi sự để nên nghèo khó. Nghèo đến nỗi hoàn toàn trần trụi, không còn gì.

Kể từ khi quyết trút bỏ, đời của chàng trai Phanxicô là cuộc hành trình dài (chứ không phải chỉ một vài năm tháng) đi đến tận cùng của sự nghèo khó, để tiến về đích điểm cao trọng không ai bằng, đó là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

Từ khi Phanxicô bắt gặp chân lý đức tin, người ta phải ngỡ ngàng trước thái độ đổi đời quá ngoạn mục của một chàng trai giàu có, phóng túng.

Bắt gặp chân lý đức tin rồi, chàng trai - vị thánh ấy đã ôm chặt bên mình chân lý ấy, say trong chân lý ấy.

Đúng hơn, từ khi bắt gặp chân lý đức tin, Phanxicô luôn tỉnh thức, luôn hiến thân hoàn toàn để được gắn chặt đời mình vào cuộc đời và Lời Chúa Kitô. Gắn chặt đến nỗi, suốt một đời tỉnh thức, vị thánh chìm đắm trong chiêm niệm, tắm mình hoàn toàn trong ơn Chúa, kết hiệp hoàn toàn với thập giá Chúa Kitô.

Phanxicô đã trút bỏ hết sức, đã bước ra, để từ một chàng trai giàu có thành người nghèo khó; Từ một thanh niên phung phí, lêu lỏng trở nên khí cụ bình an đem nguồn bình an cho tâm linh con người; Từ một kẻ sống gần sự tội, trở thành chứng nhân và thành thánh nhân của Thiên Chúa; Từ một người chỉ biết hoạt động và ngụp lặn trong đời, trở thành nhà cầu nguyện tài ba. Nhờ đó, con người yếu kém của Phaxicô đã đổi đời, trở nên khuôn mặt khả ái phản chiếu lớn lao tình yêu của thiên Chúa…

Đặc biệt thời gian cuối đời, thánh nhân ẩn lên núi Alverne để nên một với Đấng-Chịu-Đóng-Đinh, đến độ năm dấu thánh thể hiện trên chi thể của thánh nhân, như một bằng chứng không thể tả cho cả một đời trút bỏ mà thánh nhân đã sống.

Thế nhưng trong hình hài đớn đau của nỗi đau thập giá Chúa Kitô khắc vào thân thể mình, và hầu như mù lòa, Phanxicô vẫn ca ngợi Thiên Chúa bằng tâm tình tạ ơn, đặc biệt qua Bài Ca Vạn Vật, một tuyệt tác của con người thần bí, nhìn thấy dấu vết của Thiên Chúa trong mọi tình huống của cuộc đời…

Chính tâm hồn thánh thiện, phản chiếu sâu đậm tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi thánh Phanxicô Assisi, chiếu rọi vào cuộc đời mỗi Kitô hữu, giúp họ trưởng thành trong sự tỉnh thức.

Cũng vậy, một khi thực sự sống sứ điệp và điệp khúc của mùa Vọng: “Hãy tỉnh thức”, chúng ta cũng sẽ trở nên đồng hình đồng dạng hoàn toàn với Chúa Kitô, Chúa chúng ta.

Tỉnh thức luôn luôn, tỉnh thức suốt đời mình, ta sẽ không còn dễ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế. Sẽ không còn tình trạng trì trệ, nặng nề, say sưa, thói nuông chiều thân xác… lôi kéo ta xa rời tình yêu của Chúa.

Như chính Lời Chúa mời gọi, như Hội Thánh hằng nhắc lại để dạy ta, như thánh Phanxicô và nhiều anh chị em khác trong Hội Thánh đã sống, ta quyết một lòng sống một đời trong sự “tỉnh thức”.


 
Những cây trường xuân
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:51 28/11/2017
CN I MÙA VỌNG B

Trong quyển "The legend of the Bells", John Shea kể rằng:

Sau khi tạo dựng các giống cây, Thiên Chúa muốn ban một món quà cho mỗi giống. Nhưng trước đó Ngài muốn làm một cuộc thử nghiệm để xem cây nào xứng đáng nhận món quà nào. Ngài bảo "Ta muốn các ngươi luôn tỉnh thức suốt 7 đêm".

Những cây trẻ rất nôn nao nhận quà nên thức suốt đêm chẳng có gì khó khăn. Tuy nhiên sang đêm thứ hai thì điều ấy không còn dễ nữa. Hoàng hôn vừa buông xuống là một số cây đã ngủ thiếp đi. Đêm thứ ba, số cây ngủ tăng thêm. Và cứ thế. Qua khỏi đêm thứ bảy thì chỉ còn một số cây còn thức, đó là cây tuyết tùng, cây thông, cây vân sam, cây linh sam, cây nhựa ruồi và cây nguyệt quế.

Thiên Chúa rất vui lòng với những cây này. Ngài phán : "Các ngươi đã kiên trì một cách rất đáng khen. Ta ban cho các ngươi món quà đặc biệt là được xanh tươi mãi mãi. Các ngươi sẽ là những cây bảo vệ cho cả khu rừng. Ngay cả khi giá lạnh mùa đông làm cho những cây khác phải chết thì các ngươi và con cháu các ngươi vẫn sống và mãi mãi xanh tươi".

Từ đó trở đi, người ta gọi những cây ấy là những cây trường xuân.

Kitô hữu phải là những cây trường xuân giữa khu rừng nhân loại. Thế giới chung quanh có thể ngủ vùi hoặc dần dà khô héo, nhưng kitô hữu vẫn tỉnh táo, vẫn thức, vẫn mọc lên những chồi xanh tốt bằng cuộc sống chứng nhân của mình. Nói cách khác, kitô hữu vẫn yêu thương giữa một thế giới hận thù, vẫn sống hòa thuận giữa một thế giới đấu tranh, vẫn giữ vững tâm hồn chính trực giữa một thế giới dối gian, vẫn hy vọng giữa một thế giới tuyệt vọng, vẫn tỏa ánh sáng rạng ngời giữa một thế giới tối tăm.Nói một cách khác nữa, họ là những người thợ, những giáo viên, những y sĩ, những cha mẹ, những con cái ... lúc nào cũng tận tuỵ chu toàn trách nhiệm của mình. Họ chính là những cây trường xuân.(FM)

Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng dặn dò mỗi người Kitô hữu là “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ với Chúa Kitô. Tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức mình, mỗi người sẽ khó mà tỉnh thức. Cho nên phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Cuộc tái ngộ có thể xảy đến bất ngờ đối với từng người và đối với cả nhân loại nên phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện.

1. Tỉnh thức

Thánh Kinh kể chuyện: Samson là vị thủ lãnh của dân Do thái. Anh có sức mạnh phi thường, quân Philitinh khiếp sợ.

Ngày kia, một con sư tử gấm bất thần tấn công, Samson xé xác nó với hai bàn tay dũng mãnh. Có lần bị quân Philitinh vây chặt tư bề, Samson chộp lấy một chiếc xương hàm của con lừa gần đó và quật chết rất nhiều đối thủ. Sức mạnh vô song của Samson làm cho quân Philitinh phải khiếp đảm.

Không thắng được Samson bằng sức mạnh, người Philitinh tìm cách tiêu diệt anh bằng mỹ nhân kế. Nàng Đaliđa, một thiếu nữ Philitinh có nhan sắc tuyệt đẹp. Nàng đến với Samson và đã chiếm lấy trái tim vị anh hùng. Đaliđa gạn hỏi: do đâu anh có được sức mạnh phi thường? Samson tiết lộ bí mật, sức mạnh liên hệ đến mái tóc, khi nào tóc bị cắt, sức lực sẽ không còn. Samson ngủ, Đaliđa lén cắt tóc rồi báo tin. Quân Philitinh xông đến tóm lấy anh, xiềng lại bằng những sợi xích đồng. Chúng tàn nhẫn khoét đôi mắt và bắt anh ngày ngày kéo cối xay như một con trâu ngoan.

Một Samson vạm vỡ với sức mạnh kinh hồn bạt vía, tay không quật ngã và xé xác con sư tử gấm to lớn, một thủ lãnh bách chiến bách thắng từng làm cho quân Philitinh phải kinh khiếp. Giờ đây, anh chỉ là một tù nhân mù loà, tay chân mang xiềng xích, một tên nô lệ, ngày ngày cúi đầu làm thân trâu ngựa nhẫn nhục thay trâu bò kéo cối xay! Than ôi! Một thời oanh liệt nay còn đâu!

Chỉ vì không tỉnh táo trước kế mỹ nhân. Samson đã sa cạm bẫy và chịu hậu quả đau thương.

Thảm kịch Samson luôn mang tính thời sự. Nó vẫn tiếp diễn trong cuộc đời con người dưới nhiều dạng thức khác nhau. Hằng ngày báo chí và truyền hình kể lại vô số cảnh đời gục ngã dưới nhiều hình thức: suy sụp vì ma tuý, sa đoạ vì gian dâm, sa ngã vì tham lam và vô vàn hình thức sa bẫy khác.

Mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ngay cả một số những cây cao bóng cả trong xã hội cũng như trong các tôn giáo vì thiếu tỉnh thức nên cũng bị gục ngã, bị lún sâu xuống bùn lầy.

Dân gian nói: "khôn ba năm, dại một giờ". Nhưng có khi khôn đến năm mươi năm, bảy mươi năm rồi cũng hoá dại trong một giờ!

Trong Thư Mục vụ Mùa Vọng năm nay, ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc nói đến tỉnh thức qua ơn phân định: “Giới trẻ nói chung hôm nay đang sống trong một thế giới liên tục thay đổi với một tốc độ đến chóng mặt, và đang tiến tới một thế hệ gắn liền với các kỹ thuật truyền thông tân tiến. Người trẻ đang lao đi trên những con đường cao tốc của thời đại, xen lẫn với những ‘xa lộ thông tin mênh mông’ của thế giới kỹ thuật số. Giới trẻ sống giữa một xã hội thực tế phức tạp, đồng thời cũng bị cuốn vào ‘thế giới ảo’ của mạng internet. Trong bối cảnh đó, Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới mời gọi người trẻ suy tư về đức tin với sự phân định đúng đắn. Ơn phân định giúp họ nhận diện, giải thích và chọn lựa ơn gọi, chọn lựa bậc sống và cách sống đức tin một cách tích cực”.

Trong bầu khí mùa Vọng, việc cầu nguyện đi đôi với “sự tỉnh thức”. Như “năm trinh nữ khôn ngoan đón chàng rể” trong Phúc âm, tỉnh thức chính là chu toàn bổn phận với một sự chuẩn bị chu đáo “vừa mang đèn vừa mang dầu theo” (Mt 25,4). Trong thế giới đầy biến chuyển hôm nay, người trẻ cần được chuẩn bị chu đáo cả kỹ năng lẫn kiến thức, nhất là về giáo lý, để có thể ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, hầu giữ vững đức tin của mình” (x. Thư Mục vụ Mùa Vọng & Mùa Giáng Sinh 2017; tgpsaigon.net).

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết tỉnh thức như người canh cửa, cần sẵn sàng đón tiếp khi Chúa đến thăm.

Tỉnh thức không “chè chén say sưa”, là đừng quá đam mê những hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, là không quá mê say danh, lợi, thú. Luôn tỉnh thức như khi đang lái xe, luôn nhìn trước ngó sau, tay ga vững vàng, chân thắng sẵn sàng, đi đường an toàn.Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Tỉnh thức để không đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình.

Thánh Phaolô nhắc nhớ: "Anh em hãy tỉnh thức và hãy cầu nguyện luôn!. .. hãy đề phòng, đừng để cho lòng trí mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em". Ngài còn khuyên: "những ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã" (1 Cor 10,12).

2. Cầu nguyện

Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện để biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh.

Cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.

Trong Thư Mục vụ Mùa Vọng, ĐTGM Phaolô “tập trung vào một điểm quan trọng, đó là đời sống cầu nguyện của giới trẻ! Các bạn trẻ cần phải chú ý đến đời sống nội tâm, đời sống cầu nguyện nhiều hơn nữa! Các linh mục, đặc biệt là các linh mục trẻ, hãy quan tâm đồng hành và có nhiều sáng kiến mục vụ cho giới trẻ. Hãy dạy cho họ biết cầu nguyện, dạy cho họ biết chăm sóc đời sống nội tâm nhiều hơn nữa! Hy vọng nhờ đó mà các bạn trẻ trở nên trưởng thành hơn trong đời sống đạo: sống đức tin, đức cậy và đức ái” (x. Thư Mục vụ Mùa Vọng & Mùa Giáng Sinh 2017; tgpsaigon.net).

3. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.

Có tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời. Cầu nguyện trong tỉnh thức để luôn sẵn sàng vì không biết ngày giờ Chúa viếng thăm.

Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới “đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người”.

Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao khát Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa.

Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. Tỉnh thức cầu nguyện, chắc chắn ta sẽ được gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi.

Tỉnh thức và cầu nguyện là thái độ sống của người tín hữu suốt năm phụng vụ.

Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu trong nhà thờ, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Năm tiêu điểm mà ĐTC Phanxicô nhắm tới trong chuyến viếng thăm đất nước Burma và Bangladesh
Thanh Quảng sdb
01:03 28/11/2017
Năm tiêu điểm mà ĐTC Phanxicô nhắm tới trong chuyến viếng thăm đất nước Burma và Bangladesh
Tiêu điểm Chính trị Ha2iho2a và Hòa Bình

Thứ Hai ngày 27/11/2017 Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp máy bay tới Thủ đô Yangon trong chuyến tông du sáu ngày tại Miến Điện và Bangladesh với một hoài bão nối kết chính trị và tôn giáo cho hai nước đang đối kháng nhau đã gây nên một cuộc khủng hoảng tị nạn thật bi thảm!
Đức Thánh Cha Phanxicô đang thăm viếng Miến Điện và Bangladesh trong những ngày 27/11 này cho tới 2/12 trong chuyến Tông du thứ ba của mình tại châu Á kể từ khi Ngài đăng quang Giáo hoàng vào năm 2013. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngài đến Miến Điện, Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với đất nước này hồi đầu năm nay.
Tuy nhiên chuyến thăm viếng Bangladesh là lần thứ hai của Đức Giáo Hoàng viếng thăm, lần đầu tiên Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm viếng vào năm 1986; còn Đấng Đáng kính, Á thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã dừng chân tại đất nước này vào năm 1970, lúc đó còn được gọi là Đông Pakistan.
Trong suốt chuyến viếng thăm sáu ngày của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đọc tổng cộng 11 bài phát biểu: năm bài tại Miến Điện, gồm ba bài phát biểu và hai bài giảng, và sáu bài diễn văn ở Bangladesh gồm 5 bài phát biểu và một bài giảng.
Trên máy bay đi Miến Điện hôm qua Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các ký giả rằng Ngài hy vọng đây là một chuyến đi mang nhiều kỳ vọng. Sau đây là một số tiêu điểm quan trọng trong chuyến tông du này.
Các cuộc họp của Đức Thánh Cha với các quan chức dân sự và quân đội Miến Điện
Chuyến đi này là một trong những chuyến tông du quốc tế phức tạp nhất về ngoại giao mà Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện, đến mức người phát ngôn Vatican là Đức ông Greg Burke đã mô tả là chuyến đi đầy mạo hiểm "ngoại giao thú vị" trong cuộc họp báo tuần trước.
Ngoài số dân Công Giáo rất ít tại mỗi quốc gia, tình hình chính trị ở Miến Điện thật bấp bênh trong nhiều năm, vì họ đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp từ chánh phủ quân sự sang dân sự.
Nước này còn được gọi là Myanmar, và Vatican thường sử dụng danh từ này trong các văn thư ngoại giao chính thức của Tòa Thánh, "Myanmar" được chính phủ Hoa Kỳ và nhiều nhà hoạt động dân chủ cho là cái tên đã bị áp đặt bất hợp pháp cho đất nước này do chế độ độc tài quân phiệt!
Miến Điện đã trải qua một chế độ độc tài quân phiệt trong suốt hơn 50 năm qua, cho đến khi các cuộc cải cách dân chủ bắt đầu vào năm 2011. Tháng 11/2015, bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà là Liên đoàn Dân chủ Toàn quốc, thắng cử bởi đa số phiếu, chấm dứt chế độ độc tài quân phiệt sau nhiều năm cầm quyền.
Bà Aung San Suu Kyi chào đón ĐTC

Bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà cũng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 1990, nhưng kết quả không được chính phủ quân phiệt công nhận và bắt bà tù lỏng “quản thúc tại gia”. Dù bà đắc cử thành công vào năm 2015, bà vẫn bị cấm không được chính thức trở thành Tổng thống, và bà chỉ được giữ chức "Cố vấn Quốc Gia" và chức Bộ trưởng Ngoại giao, cộng tác chặt chẽ với Tổng thống.
Như chúng ta đã nói mặc dù có nhiều dấu hiệu nổi bật trong việc cải cách dân chủ ở Miến Điện, nhưng quân đội vẫn nắm giữ quyền lực chính trị chính, bao gồm việc bổ nhiệm các bộ trưởng và một phần tư cơ quan lập pháp của quốc gia.
Một phần quan trọng của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô lần này là thảo luận những thỏa thuận trong các cuộc gặp chính thức giữa ĐTC với bà Aung San Suu Kyi và ông Min Aung Hlaing, chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang của Miến Điện vào ngày 28/11 hôm nay.
Buổi gặp gỡ với ông Min Aung Hlaing không có trong lịch trình nguyên thủy của ĐTC; vì trong một chuyến viếng thăm gần đây của Đức Hồng Y Charles Maung Bo tại Roma, Ngài đã đề nghị nên có cuộc họp với vị thủ lãnh quân đội.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghe lời khuyên của Đức Hồng Y và lên kế hoạch cho cuộc họp này vào ngày 30/11 tại Tòa Tổng giám mục ở Yangon, khi Ngài đang ở Miến Điện. Nhưng cuộc gặp gỡ đã được cấp bách nhóm họp, và đã diễn ra vào ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô ngay sau khi máy bay hạ cánh.
Theo Đức ông Burke nhà phát ngôn viên chính thức của Vatican thì cả hai đã bàn về "trọng trách lớn lao của các nhà chức trách trong thời điểm chuyển tiếp này."
Ông Min Aung Hlaing nói trên Twitter của ông rằng Đức Thánh Cha Phanxicô "không có sự phân biệt tôn giáo."
Danh xưng 'Rohingya'
ĐTC được chào đón và tình thương của ĐTC dành cho nhân dân Myanmar

Với bối cảnh chính trị, một điều khác cần lưu ý là liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có sử dụng danh xưng Rohingya để mô tả nhóm sắc dân Hồi giáo chủ yếu sống ở bang Rakhine của Burma hay không?
Chuyến viếng thăm của Ngài diễn ra trong bối cảnh bạo lực chống lại người Rohingya, mà trong những tháng gần đây đã đạt cao điểm khiến Liên Hợp Quốc phải tuyên bố đây là một cuộc "diệt chủng!"
Với sự gia tăng đàn áp ngay trên chính quê hương của họ, nhiều người Rohingya đã phải chạy sang Bangladesh, hàng triệu người cắm trại dọc theo biên giới như những người tị nạn bần cùng! Hơn một trăm ngàn người Rohingya đã bỏ chạy khỏi Miến Điện qua Bangladesh trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, bất chấp việc sử dụng rộng rãi danh xưng Rohingya trong cộng đồng quốc tế, danh xưng này đang gây nhiều tranh cãi tại Miến Điện.
Chính phủ Miến Điện từ chối sử dụng danh xưng này và coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Họ đã bị từ chối quốc tịch kể từ khi Miến Điện giành độc lập vào năm 1948.
Vì tính chất gây bất đồng của danh xưng, Đức Hồng Y Bo cũng đã đề nghị với Đức Thánh Cha Phanxicô không nên sử dụng từ ngữ này vì những lập luận của các phần tử cực đoan trong khu vực đang cố kích động dân chúng bằng cách sử dụng danh xưng để gây chia rẽ và tạo nên những nguy cơ xung đột tôn giáo bạo loạn như bao giờ có, trong đó bao gồm cả các Kitô hữu...
Theo ĐHY, thuật ngữ chính xác cần xử dụng là "Hồi giáo của Nhà nước Rakhine." Ngài cũng nhấn mạnh rằng các dân tộc thiểu số khác ở lãnh thổ Miến Điện đang phải đối mặt với khủng bố và xua đuổi bao gồm những thiểu số người Kachin, Kahn và Shahn, nhưng những hoàn cảnh này không được báo cáo.
Đức ông Burke nói tình hình tồi tệ của nhân dân tại Miến Điện ngày càng trở nên trầm trọng là một tiêu điểm trọng yếu cho chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đến "vào thời điểm then chốt" theo ý nghĩa này.
Tuy nhiên, trong khi tình hình những người Rohingya leo thang trong những tháng qua, Đức ông Burke cho rằng đó không phải là lý do chính cho chuyến thăm Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chính Đức ông phát ngôn viên Tòa Thánh đã sử dụng danh xưng "Rohingya" để miêu tả người thiểu số Hồi giáo đang bị bức hại, khi ngài nói "danh xưng này không phải là một từ ngữ cấm" ở Vatican, và chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng nó trước đây. Nhưng Đức Hồng Y Bo đã đưa ra một gợi ý với Đức Thánh Cha Phanxicô là sẽ "bàn thảo việc các ngài xem xét có nên sử dụng danh xưng này hay không trong chuyến thăm này”.
Cuộc gặp gỡ liên tôn
Trong suốt chuyến thăm Đức Thánh Cha Phanxicô Ngài sẽ tham dự nhiều buổi họp mặt liên tôn, vì thực tế Miến Điện là một quốc gia Phật giáo chiếm đa số, còn Hồi giáo chiếm đa số tại Bangladesh, nên những cuộc hội họp liên tôn sẽ được đặc biệt quan tâm tới.
Cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo liên tôn đầu tiên được diễn ra vào ngày 28/11 tại Tòa Tổng Giám Mục ở Yangon, cuộc họp này không có trong chương trình nguyên thủy của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng được thêm vào theo đề nghị của Đức Hồng Y Bo.
Mặc dù danh sách những người tham dự cuộc gặp mặt này không được công bố, nhưng ĐHY Bo cho hay có khoảng 15 nhà lãnh đạo các tôn giáo bao gồm Công Giáo, Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo, và một thành viên của cộng đồng người Rohingya tham dự.
Trong cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp các thành viên của "Tăng đoàn", Hội đồng Tối cao của Giáo hội Phật giáo trong nước. Người Công Giáo ở Miến Điện là một thiểu số nhỏ, chỉ chiếm 1,3% trong tổng dân số 52 triệu.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ những người Hồi giáo Rohingya trong cuộc gặp gỡ liên tôn ở Bangladesh vào ngày 1/12, nơi dự kiến sẽ có những tuyên cáo của các cộng đồng Người Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo và Kitô hữu trong cuộc họp này.
Tại Bangladesh, 86 phần trăm dân chúng theo đạo Hồi. 375,000 người Công Giáo đại diện cho khoảng 0.2 trên tổng dân số.
Lời hiệu triệu dành cho Cộng đồng Công Giáo
Chúng ta được biết Đức Thánh Cha Phanxicô có một mối quan hệ đặc biệt với Giáo hội địa phương của hai quốc gia này. Cả Miến Điện và Băng-la-đét đều là những Giáo hội nghèo về kinh tế. Bangladesh là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, với gần 30% dân số sống dưới mức bần cùng.
Các Đức Thánh Cha đã hỗ trợ các Giáo hội tại các quốc gia này bằng cách nâng một vị lên hàng Hồng Y vào năm 1980 và nâng Đức TGM Patrick D'Rozario của Dhaka lên Hồng Y vào năm 2016.
Các Kitô hữu là một thiểu số nhỏ ở Miến Điện và Bangladesh, nên các cuộc thăm viếng mục vụ của ĐTC được coi là một động lực cho Giáo hội địa phương nhỏ bé tại các quốc gia này và ĐTC qua các chuyến thăm viếng này muốn nói lên một nghĩa cử gần gũi và đầy yêu thương chăm sóc của Ngài cho họ.
 
Đức Thánh Cha qui định thủ tục cứu xét vắn tắt giải hôn phối
LM. Trần Đức Anh OP
10:27 28/11/2017
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25-11-2017 dành cho các tham dự viên khóa học do Tòa Thượng Thẩm Rota tổ chức, ĐTC qui định thủ tục vắn tắt ”giải” hôn phối do Giám mục Giáo phận thi hành.

Trong tự sắc công bố ngày 8-9-2015 với tựa đề ”Chúa Giêsu là thẩm phán hiền từ” (Mitis Iudex Dominus Iesus) đơn giản hóa thủ tục cứu xét tuyên bố hôn nhân vô hiệu, ĐTC đã qui định một thủ tục cứu xét vắn tắt (processo breviore) trong trường hợp sự vô hiệu của hôn phối được chứng tỏ bằng những lý lẽ thật là tỏ tường. Trong trường hợp này, ĐGM ban sắc lệnh tuyên bố hôn nhân đó là vô hiệu. ĐTC viết:

”Tôi cũng biết một phán quyết thu vắn có thể gặp nguy cơ làm thương tổn tính chất bất khả phân ly của hôn phối; chính vì thế tôi đã muốn việc xét xử, cứu xét như thế do chính GM làm thẩm phán. Do chức vụ mục tử hiệp thông, ngài cùng với Phêrô là người bảo đảm lớn nhất sự hiệp nhất của Công Giáo trong đức tin và kỷ luật.”

Trong buổi tiếp kiến, sau khi nhắc nhở các tham dự viên khóa học về đặc tính ”công nghị” của các thủ tục mới do ngài ban hành, như kết quả của Thượng HĐGM thế giới về gia đình, nhắm củng cố gia đình, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ lòng thương xót đối với những người đau khổ vì hôn nhân thất bại, mang lại cho họ sự an ủi mục vụ, ĐTC, trong tư cách là GM Roma và là người kế vị Thánh Phêrô, đặc biệt xác định một số khía cạnh cơ bản liên quan đến vai trò của Giám Mục giáo phận, với tư cách là thẩm phán, trong thủ tục ngắn giải hôn phối. Ngài liệt kê 9 điểm:

1. Giám mục giáo phận, do chức vụ chủ chăn, là thẩm phán đích thân và duy nhất trong thủ tục cứu xét vắn tắt.

2. Vì thế vai trò của Giám mục-giáo phận-phẩm phán là điều chủ yếu, là nguyên lý cấu thành và là yếu tố nổi bật của toàn thể thủ tục vắn tắt được Tự Sắc ấn định.

3. Trong thủ tục vắn tắt, cần có hai điều kiện không thể tách rời nhau để có hiệu lực (ad validitatem): chức giám mục và là thủ lãnh một cộng đoàn giáo phận của các tín hữu (Xc GL 381,2). Nếu thiếu một trong hai điều kiện ấy thì không thể có thủ tục cứu xét vắn tắt. Nếu thiếu như thế, thì đơn xin phải được cứu xét theo thủ tục bình thường.

4. Thẩm quyền riêng và đích thân của Giám mục giáo phận, trong các tiêu chuẩn cơ bản của thủ tục vắn tắt, là điều thăm chiếu trực tiếp Giáo Hội học của Công đồng chung Vatican 2, nhắc cho chúng ta rằng chỉ Giám Mục, do việc chịu chức, có trọn vẹn quyền bính, và sự trọn vẹn này trở thành hiện thực qua giáo vụ (missio canonica) được trao phó.

5. Thủ tục vắn tắt không phải là một chọn lựa mà Giám mục giáo phận có thể tùy tiện chọn, nhưng là một nghĩa vụ bắt buộc của ngài do việc chịu chức và do giáo vụ đã nhận lãnh. Chỉ có ngài mới có thẩm quyền trong 3 giai đoạn của thủ tục vắn tắt:

- Đơn xin luôn luôn phải đệ lên Giám mục giáo phận

- Việc điều tra: (..) Giám mục thực hiện cuộc điều tra ”luôn luôn có sự trợ giúp của vị Đại diện tư pháp hoặc của một người điều tra khác, kể cả giáo dân, của người trợ giúp, và luôn luôn có sự hiện diện của vị bảo hệ (difensore del vincolo). Nếu Giám Mục không có giáo sĩ hoặc giáo dân chuyên về giáo luật trợ giúp, thì đức bác ái, vốn là điều nổi bật trong chức vụ Giám Mục, của một GM lân cận có thể giúp ngài trong thời gian cần thiết. Ngoài ra, tôi nhắc lại rằng thủ tục vắn tắt thường phải được kết thúc trong một phiên cứu xét mà thôi, trong đó phải có điều kiện không thể thiếu được, đó là sự hiển nhiên của các sự kiện chứng tỏ hôn phối vô hiệu, và kiểm điểm sự đồng ý kết hôn của họ.

- Quyết định: luôn luôn và chỉ Giám mục giáo phận mới có thể tuyên bố phán quyết trước mặt Chúa.

6. Việc ủy thác toàn bộ thủ tục vắn tắt cho tòa án liên giáo phận (là tòa án lân cận, hoặc tòa án của nhiều giáo phận) có thể làm biến thái và biến Giám Mục là người cha, thủ lãnh và thẩm phán của các tín hữu thuộc quyền, thành một người chỉ ký phán quyết mà thôi.

7. Lòng thương xót, một trong những tiêu chuẩn cơ bản đảm bảo phần rỗi, đòi Giám mục giáo phận phải thực hiện sớm bao nhiêu có thể thủ tục vắn tắt; trong trường hợp ngài thấy chưa sẵn sàng trong lúc này để thực hiện, thì phải đưa vụ này ra cứu xét theo thủ tục bình thường, thủ tục này cần phải được tiến hành với sự ân cần cần thiết.

8. Sự gần gũi và miễn phí, như tôi đã nhiều lần lập lại, là hai hạt ngọc trai mà những người nghèo đang cần, những người nghèo mà Giáo Hội yêu thương trên mọi sự.

9. Về thẩm quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh hoặc của GGM được chỉ định trong khoản giáo luật mới 1687, trong trường hợp khiếu nại chống lại phán quyết thuận trong thủ tục vắn tắt, điều được xác định là: luật mới ban cho vị Niên Trưởng tòa Thượng Thẩm Rota quyền quyết định mới và vì thế đó là quyền cốt yếu về việc bác bỏ hoặc chấp nhận việc khiếu nại.

“Để kết luận, tôi muốn tái khẳng định rõ ràng rằng điều đó xảy ra mà không cần xin phép của một thẩm quyền cấp cao hơn, tức là Tối Cao Pháp Viện của Tòa Thánh” (Rei 25-11-2017)
 
Tông du Miến Điện, Đức Phanxicô gặp Tổng Thống Kyaw, Cố Vấn Tối Cao Suu Kyi và giới cầm quyền
Vũ Văn An
15:45 28/11/2017
Ngày 28 tháng 11, 2017, ngày thứ hai trong chuyến tông du Miến Điện, Đức Phanxicô đã có một nghị trình hết sức sít sao. Vào buổi sáng, ngài đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo của Miến Điện tại Tòa Tổng Giám Mục Yangon, rồi cử hành thánh lễ tiêng cũng tại đây.

Tổng Thống Kyaw tiếp đón

Sau khi ăn trưa, ngài dùng xe hơi tới Phi Trường Yangon để đáp máy bay lúc 2 giờ chiều tới tân thủ đô là Nay Pyi Taw. Tới đó khoảng một giờ sau, ngài được 1 vị bộ trưởng đại diện Tổng Thống tiếp đón tại Phi Trường Quốc Tế Nay Pyi Taw.

Sau đó, ngài dùng xe tới Dinh Tổng Thống. Buổi lễ nghinh đón ngài chính thức được tổ chức trước Dinh Tổng Thống vào lúc 3 giờ 50 chiều với đủ thánh ca, dàn danh dự quân đội và giới thiệu các phái đoàn. Sau đó, Đức Giáo Hoàng gặp riêng Tổng Thống Htin Kyaw tại “Phòng Quốc Thư” của Dinh Tổng Thống. Tại đây, ngài đã viết bằng tiếng Anh vào Sổ Lưu Niệm: “Tôi cầu xin Thượng Đế ban các phúc lành công lý, hòa bình và hợp nhất cho toàn thể nhân dân Miến Điện”.

Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Phanxicô đã tặng Tổng Thống một bản chép tay của Thư Viện Tông Tòa Vatican chứa câu truyện của Malalankaravatthu về đời sống Đức Phật trong 7 tình tiết, có hình ảnh và viết bằng tiếng Miến Điện.

Gặp Cố Vấn Tối Cao Suu Kyi

Sau cuộc gặp gỡ Tổng Thống Kyaw, Đức Thánh Cha đã tới gặp Cố Vấn Tối Cao là bà Aung San Suu Kyi tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế ở Nay Pyi Taw, nơi ngài cũng gặp các nhà cầm quyền, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự cũng như ngoại giao đoàn.

Nhân dịp này, Bà Suu Kyi đã thưa với Đức Giáo Hoàng rằng “Kính thưa Đức Thánh Cha, ngài mang đến cho chúng tôi sức mạnh và hy vọng khi ngài hiểu các nhu cầu của chúng tôi, các hoài mong của chúng tôi, đối với hoà bình, hòa giải quốc gia, và hoà hợp xã hội”. Bà trích dẫn các lời trong bản quốc ca Miến: “Không bao giờ chệch hướng khỏi tự do công chính” và nhấn mạnh rằng “các thách đố mà Miến Điện đang đối phó thì khá nhiều, và mỗi thách đố đều kêu gọi phải mạnh mẽ, kiên trì và can đảm”.

Cố Vấn Tối Cao ghi nhận rằng Miến Điện là một quốc gia với “bức thảm phong phú gồm nhiều dân tộc, ngôn ngữ, và tôn giáo khác nhau, đan kết với nhau trên một bức phông gồm nhiều tiềm năng thiên nhiên rộng lớn”. Bà cho hay chính phủ nhằm “khai thác vẻ đẹp của tính đa dạng và biến nó thành sức mạnh của chúng tôi, bằng cách bảo vệ quyền lợi, cổ vũ khoan dung, bảo đảm an ninh cho mọi người”.

Bà trưng dẫn sự quan trọng phải tiếp tục diễn trình hòa bình dựa trên Thỏa Hiệp Ngưng Bắn Toàn Quốc đã do Chính Phủ tiền nhiệm khởi xướng.

Bà nhìn nhận “Con đường hòa bình không luôn phẳng phiu, nhưng nó là con đường duy nhất sẽ dẫn nhân dân chúng tôi tới giấc mơ của họ về một quê hương công chính và thịnh vượng, một quê hương sẽ là nơi nương náu, niềm hãnh diện và là niềm vui của họ”.

Đáp lời, Đức Phanxicô nói rằng: “Miến Điện được chúc phúc bằng vẻ đẹp và tài nguyên thiên nhiên vĩ đại, ấy thế nhưng, kho tàng vĩ đại nhất của nó chính là nhân dân của nó, những người từng chịu đau khổ rất nhiều, và còn tiếp tục chịu đau khổ, do tranh chấp và thù nghịch dân sự vốn kéo quá dài và tạo nên nhiều chia rẽ sâu đậm”.

Ngài nói tiếp: “Nay, khi quốc gia đang cố gắng vãn hồi hòa bình, việc hàn gắn các vế thương hẳn phải là ưu tiên chính trị và tâm linh tột bực. Tôi chỉ có thể nói lên sự đánh giá cao đối với các cố gắng của Chính Phủ đã dám lãnh nhận thách đố này, nhất là qua Hội Nghị Hòa Bình Panglong, một hội nghị đã đem lại với nhau các đại diện của nhiều nhóm khác nhau trong một cố gắng chấm dứt bạo lực, xây dựng niềm tin để bảo đảm việc tôn trọng quyền của tất cả những ai gọi mảnh đất này là quê hương”.

Đức Giáo Hoàng ghi nhận rằng xây dựng hòa bình là một “diễn trình gian khổ” và việc hoà giải quốc gia “chỉ có thể tiến triển qua một dấn thân cho công lý và tôn trọng nhân quyền”. Ngài nhấn mạnh rằng trong cố gắng này “các cộng đồng tôn giáo của Miến Điện có một vai trò ưu tuyển để đóng”.
 
Thành quả đầu tiên của chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô: “Chính phủ Myanmar công bố triệu tập một Đại hội các Dân tộc Thiểu số”
Thanh Quảng sdb
15:54 28/11/2017
Thành quả đầu tiên của chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô: “Chính phủ Myanmar công bố triệu tập một Đại hội các Dân tộc Thiểu số”
Huy hiệu "Tình Thương và Hòa Bình" cũng như "Hài Hòa và Hòa Bình" của ĐTC trong chuyến viếng thăm hai Quốc gia Burma và Bangladesh

Naypyidaw (Agenzia Fides) - Chính phủ Miến Điện đã công bố triệu tập một Đại hội trong đó nghị trình thứ ba của Đại hội bàn về việc cuộc sống hài hòa giữa các dân tộc thiểu số, được gọi là "Hội nghị Panglong", sẽ được nhóm họp vào tuần cuối cùng của tháng Giêng năm tới: sáng kiến trên nhằm tiếp nối những cuộc hòa đàm mà chính phủ đã có với các nhóm dân tộc vũ trang mà quân đội Miến Điện đã cố gắng tiêu trừ trong suốt hơn 60 năm qua.
Sau khi đến Miến Điện, Đức Thánh Cha Phanxicô Phanxicô đã gặp vị chỉ huy trưởng của quân đội Myanma, Đại tướng Min Aung Hlaing tại Tòa Tổng giám mục ở Yangon. Nhà lãnh đạo quân đội nói với ĐTC rằng "sẽ không có sự phân biệt tôn giáo và sắc tộc trong đất nước này".
Chính phủ Miến Điện đã ký hiệp định ngưng bắn với tám tổ chức vũ trang, đại diện các nhóm sắc tộc, nhờ sự cam kết của bà Aung San Suu Kyi, người đã khởi xướng Hội nghị Hòa bình với các dân tộc thiểu số.
Một sắc dân tại Miến Điện
Một sắc dân tại Miến Điện
Các chủ đề sẽ được thảo luận trong cuộc họp tháng Một năm tới bao gồm: khía cạnh và bước tiến của cuộc đối thoại chính trị trên bình diện quốc gia với các nhóm thiểu số, bao gồm các nhóm Shan, và các nhóm Hồi giáo ở bang Rakhine. Đảng Giải phóng Arakan cũng ngỏ ý muốn đối thoại với chính phủ để có một đại diện của người Rohingya trong cuộc hòa đàm. Trong vài tuần qua, LHQ đã cáo buộc quân đội "muốn tiêu diệt các sắc tộc" qua chiến dịch chống lại người Rohingya. Mục đích của Hội nghị là tìm ra một thỏa hiệp chung cho tất cả các dân tộc có vũ trang hầu có thể tạo lập được một nền hòa bình ổn định cho đất nước.
Tin về Hội nghị được chào đón nồng nhiệt trong dân chúng và trong cộng đoàn Công Giáo thiểu số tại Miến Điện. Tổ chức “Huynh Đệ Kitô Hữu Quốc Tế Thế Giới” (Christian Solidarity Worldwide) tuyên bố trong một thông cáo gửi cho Thông tấn xã Fides: "Chúng tôi xin chính phủ Myanmar cho phép các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế được cứu trợ dân chúng tại Rakhine và hãy chấm dứt các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở các bang Kachin và Shan; Chúng tôi cực lực phản đối trào lưu chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, không dung nhương nhưng gây hận thù đang được thành hình khắp nơi trong đất nước ". (JHZ-PA) (Agenzia Fides, 28/11/2017)
 
ĐTC Phanxicô nhắc nhở các nhà chính trị Miến Điện “nghĩa vụ tiên quyết hiện nay là hàn gắn các vết thương giữa các dân tộc thiểu số”
Thanh Quảng sdb
16:55 28/11/2017
ĐTC Phanxicô nhắc nhở các nhà chính trị Miến Điện “nghĩa vụ tiên quyết hiện nay là hàn gắn các vết thương giữa các dân tộc thiểu số”
ĐTC nói chuyện với các Chính khách Myanmar
Trong cuộc nói chuyện của ĐTC với các Chính khách Myanmar

Theo tin từ Thủ đô Nay Pyi Daw (Agenzia Fides) - Người dân Myanmar "đã và đang phải chịu đựng nhiều thương đau do các cuộc xung đột chủng tộc và các hành động hận thù truyền kiếp tạo nên những chia rẽ sâu sắc". "Việc chữa lành những vết thương này phải là ưu tiên chính trị số một và tối thượng" trong giai đoạn lịch sử hiện nay. Trong «quá trình xây dựng hòa bình và hòa giải dân tộc” này chỉ có thể tiến triển và đạt được thành quả qua những cam kết công bằng và tôn trọng nhân quyền». Đây là hy vọng xây dựng, sẻ chia, cam kết vì công ích mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh và nhắn gửi đến các tổ chức và toàn thể dân chúng Myanmar trong cuộc nói chuyện công khai đầu tiên của chuyến công du của Ngài tại Miến Điện, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, ở thủ đô mới Nay Pyi Taw, trước các cơ quan chính phủ, các đại diện xã hội dân sự và các thành viên ngoại giao đoàn.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lòng biết ơn trước «những cố gắng của chính phủ» trước những thách đố của hòa bình và hòa giải. Tuy không nhắc đến những dữ kiện đau buồn của người thiểu số Hồi giáo Rohingya, nhưng Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng quá trình bình định quốc gia «chỉ có thể đạt được qua những cam kết công bằng và tôn trọng nhân quyền», qua việc hội nhập chân chính «dựa trên sự tôn trọng đối với nhân phẩm và quyền hành của mỗi người dân trong xã hội, tôn trọng từng chủng tộc và bản sắc của họ.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại mục đích đầu tiên của chuyến công du Myanmar của Ngài là "cùng cầu nguyện với một cộng đoàn Công Giáo rất nhỏ bé nhưng đầy nhiệt huyết, khích lệ họ nỗ lực đóng góp vào lợi ích chung của dân tộc". Đối với các mục tử và tín hữu của trong Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị hãy kiên trì "tin tưởng vào niềm tin và tiếp tục diễn đạt sứ điệp hòa giải và huynh đệ của mình qua các việc bác ái, nhân đạo hầu mang lại lợi ích cho toàn xã hội".
Người Kế vị Thánh Phêrô cũng nêu ra việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức gần đây giữa Chính phủ Miến Điện và Tòa Thánh. "Tôi mong muốn sự kiện này như là một dấu hiệu cho thấy sự cam kết của quốc gia này trong việc theo đuổi đối thoại và hợp tác xây dựng trong cộng đồng quốc tế lớn rộng hơn, trong lúc đang nỗ lực đổi mới cơ cấu xã hội dân sự của chính mình".
Với chính quyền Miến Điện, ĐTC nói về Tổ chức Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Thế giới về Nhân Quyền con người như là "cơ sở cho mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy công lý, hòa bình và phát triển con người trên thế giới hầu giải quyết những xung đột thông qua việc đối thoại, chứ không xử dụng vũ lực».
Cuộc nói chuyện với các chính khách tại Thủ đô mới của Myanmar

Trong tiến trình hòa giải tại quê hương này, ĐTC nhấn mạnh rằng các tôn giáo "có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành những thương qua những yêu thương tinh thần và vật chất dành cho những người đã chịu đựng quá nhiều hệ lụy của những năm tháng xung đột vừa qua”. Các cộng đoàn tôn giáo khác nhau có thể giúp hóa giải những xung đột, kiến tạo các nhịp cầu đối thoại, tìm kiếm công lý và giống lên tiếng kêu oan cho tất cả những ai đang hứng chịu các hậu quả của hận thù chia rẽ này! Đó là lý do tại sao - Đức Giáo Hoàng thừa nhận - "đây là một dấu hiệu hy vọng vì các nhà lãnh đạo, các truyền thống tôn giáo khác nhau ở đất nước này đang nỗ lực làm việc cùng nhau, trong tinh thần hòa giải hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình, giúp đỡ người nghèo, cổ súy các giá trị tôn giáo và con người đích thực».
Nhìn vào tương lai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng hy vọng của đất nước nên được chuyển giao cho những người trẻ tuổi, họ «là một món quà phải được trân quí và khích lệ, đầu tư hầu phục hưng lại những giá trị phong phú, nắm bắt những cơ hội kiến tạo công ăn việc làm và tạo lập một nền giáo dục phong phú. Đây là một yêu sách cấp bách công bằng của các thế hệ tương lai. (GV) Agenzia Fides, 28/11/2017)
 
Tông du Miến Điện: Diễn văn của Bà Suu Kyi
Vũ Văn An
17:44 28/11/2017
Ngày 28 tháng 11, tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc tế ở Nay Pyi Taw, khi tiếp đón Đức Phanxicô và giới thiệu ngài với các nhà cầm quyền, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, Bà Suu Kyi, Cố Vấn Tối Cao của Miến Điện, đã đọc bài diễn văn cảm kích sau đây:

Kính thưa Đức Thánh Cha Phanxicô,
Kính thưa qúy vị quan khách

Thật là một niềm hân hoan và vinh dự lớn cho tôi được nghinh đón ngài tới buổi gặp gỡ nhằm tái xác quyết niềm tin của chúng tôi vào sức mạnh và khả thể hòa bình cũng như lòng nhân từ yêu thương. Xin cho phép tôi được bắt đầu bằng cách cám ơn Đức Thánh Cha đã hiện diện ở đây với chúng tôi. Grazie per essere arrivato qui da noi.

Kính thứ Đức Thánh Cha, ngài đem đến cho chúng tôi sức mạnh và hy vọng khi ngài hiểu nhu cầu của chúng tôi, hoài mong của chúng tôi đối với hòa bình, hoà giải quốc quốc gia, và hòa hợp xã hội. Bài quốc ca của chúng tôi, được chấp nhận lúc chúng tôi giành được độc lập, bắt đầu bằng các lời lẽ sau đây: “Đừng bao giờ chệch hướng khỏi tự do công chính” quả đã phản ảnh niềm xác tín rất mạnh mẽ của các quốc phụ từng sáng lập ra quốc gia của chúng tôi rằng tự do đích thực không thể sinh tồn nếu không có công lý. Những lời lẽ này vang vọng nơi chúng tôi hôm nay, y hệt như chúng đã vang vọng nơi những vị đã chiến đấu cho nền độc lập để nhân dân chúng tôi có thể thể hiện trọn vẹn các tiềm năng của họ. Phận sự của chúng tôi là tiếp nối trách vụ xây dựng một quốc gia đặt nền tảng trên luật lệ và các định chế nhằm bảo đảm cho mỗi người và cho mọi người trên lãnh thổ này nền công lý, tự do và an ninh. Thành thử, lời lẽ của Đức Thánh Cha nói về việc các ngôn sứ ngày xưa coi công lý như là căn bản của mọi nền hòa bình chân thực và lâu dài quả vang vọng nơi chúng tôi và được dùng để nhắc nhở chúng tôi rằng trong mưu cầu hòa bình của mình, chúng tôi phải được hướng dẫn bởi đức khôn ngoan và các khát vọng của cha ông chúng tôi.

Kính thưa Đức Thánh Cha, các thách đố mà Miến Điện đang đối phó thì khá nhiều, và mỗi thách đố đều đòi phải mạnh mẽ, kiên trì và can đảm. Quốc gia chúng tôi là một tấm thảm phong phú gồm nhiều dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau, đan kết trên một tấm phông tiềm năng thiên nhiên rộng lớn. Mục đích của Chính Phủ chúng tôi là khai thác vẻ đẹp của tính đa dạng này và biến nó thành sức mạnh của chúng tôi, bằng cách bảo vệ các quyền, cổ vũ lòng khoan dung, bảo đảm an ninh cho mọi người. Cố gắng qúy báu nhất của chúng tôi là đẩy mạnh diễn trình hòa bình dựa trên Thỏa Hiệp Ngưng Bắn Tòan Quốc vốn do chính phủ tiền nhiệm khởi xướng. Con đường hòa bình không luôn phẳng phiu nhưng nó là con đường duy nhất sẽ dẫn nhân dân chúng tôi tới giấc mơ của họ về một quê hương công chính và thịnh vượng, một quê hương sẽ là nơi nương náu, niềm hãnh diện và niềm hân hoan của họ. Việc tìm kiếm hòa bình phải được tăng cường nhờ việc đạt được một sự phát triển lâu dài để tương lai của các thế hệ đang tới được bảo đảm.

Trong các thách đố mà chính phủ chúng tôi đã và đang đối phó, tình hình ở Rakhine vốn lôi kéo được sự chú ý mạnh mẽ nhất của thế giới. Khi chúng tôi giải quyết các vấn đề lâu đời thuộc phạm vi xã hội, kinh tế và chính trị, những vấn đề đã và đang xói mòn lòng tin và sự hiểu biết, sự hòa hợp và cộng tác, giữa các cộng đồng khác nhau tại Rakhine, thì việc ủng hộ của nhân dân chúng tôi và của các bằng hữu chỉ những mong chúng tôi thành công trong các cố gắng của mình quả là vô giá. Kính thưa Đức Thánh Cha, các ơn phúc cảm thương và khích lệ mà ngài mang tới cho chúng tôi sẽ được trân qúi và chúng tôi học thuộc lòng các lời lẽ trong thông điệp cử hành Ngày Thế Giới Hoà Bình lần thứ 51, 1 tháng Giêng năm 2017:

“Chính Chúa Giêsu đã cho ta một ‘thủ bản’ về chiến thuật xây dựng hòa bình này trong Bài Giảng Trên Núi. Tám mối phúc thật (xem Mt 5:3-10) cung cấp một bức chân dung về những người ta có thể mô tả là hạnh phúc, tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu dạy chúng ta, hạnh phúc thay người hiền lành, người có lòng thương xót và những người xây dựng hòa bình, những ai trong sạch trong tâm hồn, và những ai đói khát công lý.

“Đó cũng là một chương trình và thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các người cầm đầu các định chế quốc tế, và các nhà chấp hành doanh nghiệp và truyền thông: áp dụng các mối phúc vào việc thi hành các trách nhiệm tương ứng của họ. Đó là một thách đố để xây dựng xã hội, các cộng đồng và doanh nghiệp bằng cách hành động như những người xây dựng hòa bình. Đó là việc tỏ bầy lòng thương xót bằng cách không chịu liệng bỏ người ta, gây hại tới môi trường, hay tìm cách thắng thế bằng bất cứ giá nào”.

Kính thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi tự hào và sung sướng được ngài tới đất nước chúng tôi chỉ đúng sáu tháng sau ngày thiết lập các liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Miến Điện. Đây không những chỉ là việc mở ra một thời đại mới cho các mối liên hệ gần gũi, mà nó còn phục hồi các mối dây liên kết cũ mà tôi, và nhiều người khác thuộc thế hệ tôi, vẫn còn nhớ một cách âu yếm và đánh giá cao. Tôi bắt đầu được giáo dục tại Tu Viện Thánh Phanxicô ở Rangoon, điều này khiến tôi có cái mơ mộng là mình có quyền được Đức Thánh Cha ban phép lành đặc biệt. Nhưng mọi phúc lành được ngài ban sẽ được chia sẻ giữa mọi người chúng tôi để chúng tôi có thể loan truyền thiện chí và niềm vui khắp lãnh thổ của chúng tôi.

Kính thưa Đức Thánh Cha, mỗi thời đại trong đời sống một quốc gia đều mang theo các trách nhiệm riêng của nó y hệ như nó phải mang theo di sản quá khứ. Hôm nay, chúng tôi được trao cho cơ hội thực hiện các thay đổi nhằm mở ra một viễn cảnh tiến bộ mới mẻ để quốc gia chúng tôi cố gắng chu toàn các bổn phận của mình một cách chính trực và khiêm cung. Chúng tôi mong để lại cho tương lai một lãnh thổ được nuôi dưỡng một cách đầy quan tâm và tôn kính, một lãnh thổ lành mạnh, một lãnh thổ xinh đẹp. Chúng tôi mong để lại cho tương lai một dân tộc đoàn kết, sống hòa bình, an toàn trong khả năng phát triển và thịnh vượng giữa lòng một thế giới đang đổi thay; một dân tộc biết cảm thương và đại lượng, luôn sẵn sàng chìa bàn tay giúp đỡ cho những người thiếu thốn; một dân tộc mạnh về kỹ năng và toàn vẹn trong tinh thần.

Kính Thưa Đức Thánh Cha, con cái của Giáo Hội ở đất nước này cũng là con cái của Miến Điện, được yêu thương và trân quí. Chúng tôi cám ơn họ, như chúng tôi đang cám ơn ngài, đã cầu nguyện cho quốc gia chúng tôi và mọi dân tộc trên thế giới. Con đường trước mắt còn dài nhưng chúng tôi sẽ bước đi đầy lòng tin, tín thác vào sức mạnh của hòa bình, của tình yêu, và niềm vui.

Kính thưa Đức Thánh Cha, continuiamo a camminare insieme con fiducia.

Tôi xin cám ơn tất cả quí vị.
 
Tông du Miến Điện: Diễn Văn của Đức Phanxicô với các nhà cầm quyền và ngoại giao đoàn
Vũ Văn An
20:51 28/11/2017
Ngày 28 tháng 11, tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Mayanmar ở Nay Pyi Taw, nơi ngài gặp Bà Suu Kyi, Cố Vấn Chính Phủ, các nhà cầm quyền, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, Đức Phanxicô đã đọc bài diễn văn sau đây:

Thưa Bà Cố Vấn Quốc Gia,
Các Nhà Cầm Quyền Chính Phủ Đáng Kính và Các nhà Cầm Quyền khác,
Thưa Đức Hồng Y, các Hiền Huynh Giám Mục,
Qúy Thành Viên Ngoại Giao Đoàn,
Thưa qúy bà và qúy ông.

Tôi biết ơn vì lời mời nhân ái viếng thăm Miến Điện và, thưa Bà Cố Vấn Quốc Gia, tôi cám ơn bà vì những lời nhân ái của bà. Tôi biết ơn tất cả những ai đã làm việc vất vả để chuyến viếng thăm này khả hữu. Tôi tới đây, trước hết, để cầu nguyện với cộng đồng Công Giáo nhỏ bé nhưng sốt sắng của quốc gia, để củng cố họ trong đức tin, và để khuyến khích họ trong các cố gắng đóng góp cho thiện ích của quốc gia. Tôi biết ơn nhất là chuyến viếng thăm của tôi diễn ra không lâu sau việc thiết lập các liên hệ ngoại giao chính thức giữa Miến Điện và Tòa Thánh. Tôi muốn coi quyết định này như dấu hiệu cam kết của quốc gia trong việc theo đuổi đối thoại và hợp tác xây dựng giữa cộng đồng quốc tế bao quát hơn, dù vẫn còn đang phải cố gắng đổi mới cơ cấu xã hội dân sự của mình.

Tôi cũng muốn chuyến viếng thăm của tôi được ôm hôn toàn thể dân chúng Miến Điện và ngỏ lời khích lệ tất cả những ai đang cố gắng xây dựng một trật tự xã hội công bình, hòa giải và bao gồm mọi người. Miến Điện vốn được chúc phúc bằng vẻ đẹp và các tài nguyên thiên nhiên lớn lao, thế nhưng, kho tang vĩ đại nhất của nó chính là nhân dân của nó, những người vốn chịu đau khổ rất nhiều, và vẫn còn đang tiếp tục chịu đau khổ, do tranh chấp và thù nghịch dân sự từng kéo dài đã quá lâu và tạo nên nhiều chia rẽ sâu đậm. Nay, khi quốc gia cố gắng vãn hồi hòa bình, việc hàn gắn các vết thương này phải là ưu tiên chính trị và tâm linh tột bực. Tôi chỉ có thể nói lên sự đánh giá cao đối với các cố gắng của Chính Phủ đã lãnh nhận thách đố này, nhất là qua Hội Nghị Hòa Bình Panglong, một hội nghị đem lại với nhau đại diện các nhóm khác nhau trong cố gắng chấm dứt bạo lực, xây dựng lòng tin và bảo đảm việc tôn trọng các quyền của mọi người gọi lãnh thổ này là quê hương.

Quả thực, diễn trình gian khổ xây dựng hòa bình và hòa giải quốc gia chỉ có thể tiến triển qua việc dấn thân cho công lý và tôn trọng nhân quyền. Sự khôn ngoan của người xưa định nghĩa công lý như là một ý chí cương quyết dành cho mỗi người điều thuộc về họ, còn các ngôn sứ thời xưa thì coi công lý như nền tảng cho mọi nền hòa bình đích thực và lâu dài. Các tầm nhìn thông sáng này, được củng cố nhờ kinh nghiệm bi thảm của hai cuộc thế chiến, đã dẫn tới việc thành lập ra Liên Hiệp Quốc và tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền làm căn bản cho các cố gắng của cộng đồng quốc tế trong việc cổ vũ công lý, hòa bình và phát triển nhân bản khắp thế giới, và giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại, chứ không phải bằng việc dùng đến sức mạnh. Theo chiều hướng này, sự hiện diện của ngoại giao đoàn ở giữa chúng ta chứng thực không những cho thế đứng của Miến Điện trong sự hòa hợp của các quốc gia mà cả cam kết của nó nữa trong việc đề cao và theo đuổi các nguyên tắc nền tảng này. Tương lai của Miến Điện hẳn phải là hòa bình, một nền hòa bình dựa vào việc tôn trọng phẩm giá và quyền lợi mỗi thành vên của xã hội, và tôn trọng trật tự dân chủ nhằm giúp mỗi cá nhân và mỗi nhóm, không trừ ai, đều có thể đóng góp hợp pháp vào ích chung.

Trong công trình hòa giải và hội nhập quốc gia vĩ đại, các cộng đồng tôn giáo của Miến Điện có một vai trò ưu tuyển để đóng. Các dị biệt tôn giáo không cần phải là nguồn gây chia rẽ và bất tín lẫn nhau, nhưng đúng hơn là một sức mạnh của đoàn kết, tha thứ, khoan dung và khôn ngoan xây dựng quốc gia. Các tôn giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hàn gắn các vết thương xúc cảm, tâm linh và tâm lý của những người từng chịu đau khổ trong các năm tranh chấp. Dựa vào các giá trị được tuân giữ sâu xa, họ có thể giúp bứng rễ các nguyên nhân gây tranh chấp, xây dựng các cây cầu đối thoại, mưu tìm công lý và trở thành tếng nói ngôn sứ cho mọi người đau khổ. Quả là một dấu hiệu hy vọng lớn lao khi các nhà lãnh đạo của một số truyền thống tôn giáo khác nhau tại đất nước này đang thực hiện nhiều cố gắng cùng làm việc với nhau, trong tinh thần hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, cho hòa bình, cho việc giúp đỡ người nghèo và việc giáo dục các giá trị tôn giáo và nhân bản chân chính. Khi tìm cách xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ và liên đới, họ góp phần vào ích chung và đặt nền tảng tinh thần tối thiết cho một tương lai đầy hy vọng và thịnh vượng của các thế hệ đang tới.

Tương lai ấy, ngay bây giờ, đang nằm trong tay giới trẻ của quốc gia. Người trẻ là quà phúc cần phải trân quí và khích lệ, một vốn đầu tư sẽ sinh nhiều thu lợi phong phú nếu họ được dành cho các cơ hội thực sự có việc làm và được giáo dục tốt. Đó là một đòi hỏi cấp bách về công bằng giữa các thế hệ. Tương lai của Miến Điện trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và nối kết qua lại sẽ tùy thuộc việc huấn luyện người trẻ của mình, không chỉ trong lãnh vực kỹ thuật mà thôi mà trước hết trong các giá trị đạo đức như trung thực, liêm khiết và liên đới nhân bản vốn có khả năng bảo đảm việc củng cố dân chủ và phát triển đoàn kết và hòa bình ở mọi bình diện của xã hội. Công lý giữa các thế hệ với nhau cũng đòi các thế hệ tương lai phải được để lại một môi trường tự nhiên không bị hư hỏng bởi lòng tham và cướp bóc của con người. Điều chủ yếu là người trẻ của chúng ta không bị cướp đi niềm hy vọng và dịp may được sử dụng tính lý tưởng và tài năng của họ vào việc lên khuôn cho tương lai xứ sở họ và, quả thực, cho tương lai của toàn thể gia đình nhân loại.

Thưa Bà Cố Vấn Quốc Gia, thưa các bạn:

Trong những ngày này, tôi muốn khuyến khích các anh chị em Công Giáo của tôi kiên trì trong đức tin và tiếp tục nói lên sứ điệp hoà giải và huynh đệ của mình qua các việc bác ái và nhân đạo nhằm mang lại lợi ích cho xã hội như một toàn thể. Tôi hy vọng rằng, với sự hợp tác một cách tôn trọng với các tín hữu của các tín ngưỡng khác, và với mọi người thiện chí nam nữ, họ sẽ giúp mở ra một thời đại hoà hợp và tiến bộ mới cho nhân dân của quốc gia quí yêu này. “Vạn tuế Miến Điện!”. Tôi xin cám ơn qúi vị vì sự chú ý của qúi vị, và với các ước nguyện tốt đẹp đối với việc qúi vị phục vụ ích chung, tôi xin Thượng Đế ban các phước lành khôn ngoan, sức mạnh, và hòa bình cho quí vị. Cám ơn qúi vị.
 
Tường thuật ngày thứ hai chuyến ĐTC viếng thăm Myanmar
Trần Đức Anh Linh Tiến Khải
20:55 28/11/2017
Thứ ba 28 tháng 11 là ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Myanmar. Trước tiên vào lúc 10 giờ ngài gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo của nước này tại Toà tổng giám mục Yangon. Sau đó ĐTC cử hành thánh lễ riêng, trước khi ra phi trường Yangon đáp máy bay lên thủ đô Nay Pyi Taw (No Pi To). Tiếp đến là cuộc tiếp đón chính thức tại dinh tổng thống cũng như thăm xã giao tổng thống và gặp gỡ bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi. Liền đó ngài gặp gỡ các giới chức chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn cũng tại thủ đô vào lúc 3 giờ rưỡi chiều giờ địa phương.

Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.

Trước tiên tại Toà tổng giám mục Yangon ĐTC đã gặp gỡ các vị lãnh đạo các tôn giáo ở Myanmar. Cuộc gặp gỡ này không có trong chương trình ban đầu. Mười bẩy vị lãnh đạo Phật giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, Ấn giáo, Tin lành Baptist, Anh giáo và đại diện Công Giáo địa phương đã gặp gỡ ĐTC trong vòng 40 phút.

Sau lời giới thiệu vắn tắt của Đức Cha John Hsane Hgyi, GM Công Giáo của giáo phận Pathein, mọi người đã trao đổi vắn tắt với nhau, rồi ĐTC lên tiếng bằng tiếng Tây Ban Nha có một Đức Ông thuộc bộ ngoại giao Toà Thánh người Anh gốc Gibraltar là lãnh thổ cạnh Tay Ban Nha, thông dịch lại bằng tiếng Anh cho mọi người.

Đại ý ĐTC nói: trước tiên tôi chân thành cám ơn quý vị đã đến đây. Tôi muốn thăm từng người trong quý vị, nhưng quý vị đã quảng đại đến đây, làm cho công việc của tôi được dễ dàng hơn. Xin cám ơn. Tôi nghĩ đến một lời kinh thánh vịnh, theo đó tất cả chúng ta là anh chị em với nhau, sự hiệp nhất nhưng không phải là sự đồng nhất. Mỗi người chúng ta có giá trị riêng, những phong phú và cả những thiếu sót của mình. Mỗi tôn giáo có những phonog phú, các truyền thống, những điều phong phú để trao tặng. Nhưng điều này chỉ có thể, nếu chúng ta sống an bình với nhau. Và hoà bình được xây dựng trong sự khác biệt, sự hiệp nhất luôn bao hàm sự khác biệt. Một người trong quý vị đã dùng từ “hoà hợp”, đó thực là hòa bình. Chúng ta đang cảm thấy có một xu hướng tiến đến sự đồng nhất, và điều này đang đè nặng trên nhân loại. Đó thực là một thứ thực dân văn hoá. Chúng ta phải trải rộng, phổ biến sự phong phú của chúng ta về những khác biệt bộ tộc, tôn giáo, bình dân, từ những khác biệt đó chúng ta có sự đối thoại. Mỗi người coi nhau như anh chị em giứp đỡ nhau xây dựng đất nước này, là một quốc gia xét về địa lý có biết bao phong phú. Chúng ta có một vị cha chung, chúng ta là anh chị em với nhau, chúng ta thảo luận, tranh luận với nhau như anh em, nhưng rồi chúng ta hoà giải với nhau, luôn luôn muốn là anh chị em với nhau, tôi nghĩ đó là hoà bình.

Một lần nữa xin cám ơn quý vị đã viếng thăm tôi, tôi là người viếng thăm quý vị, cùng nhau chúng ta xây dựng hoà bình, không phải bằng sự thực dân hoá. Chúng ta thực hiện nó qua những khác biệt. Và xin quý vị cho phép tôi đọc lên một kinh nguyện: Lậy Chúa, xin chúc lành và bảo vệ chúng con. Xin để cho ân phúc của Chúa chiếu sáng trên chúng con và ban cho chúng con sự bình an”.

Sau cuộc gặp gỡ chung 17 vị lãnh đạo tôn giáo ĐTC còn gặp riêng vị thủ lãnh phật giáo Sitagu Sayadaw, để đặc biệt khích lệ hoà bình và việc sống chung trong an bình, “như con đường hoà bình duy nhất”.

Sau cuộc gặp gỡ trên đây lúc 11 giờ 15 phút ĐTC đã cử hành Thánh Lễ riêng tại Toà tổng giám mục Yangon, sau đó ngài dùng bữa trưa, rồi đi xe ra phi trường Yangon cách đó 18 cây số rưỡi để đáp máy may đi tới thủ đô Nay Pyi Taw, cách đó 341 cây số.

Máy bay chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã tới phi trường quốc tế Nay Pyi Taw sau hơn một giờ bay.

Thủ đô No Pi To có nghĩa là “trụ sở của các vua” nằm bên bờ hồ Shan, cách thủ đô cũ Yangon 320 cây số vế hướng bắc, và là tân thủ đô của Mayanmar từ năm 2005. Thủ đô được xây giữa các ruộng lúa và đồn diền trồng mía có hơn 1 triệu 30 ngàn dân cư . Dinh tổng thống và Quốc hội nằm cách xa nhau và có hào sâu bao quanh, vì lý do phòng vệ an ninh. Tân thủ đô gồm 8 quận trải dải trên một diện tích rộng hơn 7.000 cây số vuông với các dinh thự thuộc các bộ của chính quyền, các trung tâm thương mại và khách sạn. Hệ thống đường lưu thông có tới 20 lằn cho xe chạy và trải dài mút mắt. Trong số các dinh thự quan trọng nhất có chùa Uppatasanti, xây theo mẫu của chùa Shwedagon ở Yangon hồi năm 2009. Trong chùa có giữ một chiếc răng của Đức Phật. Tiếp đến là Quốc hội Myanmar gồm 31 dinh thự, Dinh tổng thống và Toà thị sảnh. Thành phố cũng có một công viên Safari, một vườn bách thú và bốn sân Golf.

Tổng giáo phận Mandalay rộng hơn 212 cây số vuông có 9,7 triệu dân, trong đó có 21.500 giáo dân, gồm 35 giáo xứ do 45 linh mục trông coi. Bên cạnh đó có 26 nữ tu, 28 chủng sinh, 60 tu huynh, 98 thánh viên các dòng nữ. Giáo Hội điều hành 8 cơ sở giáo dục và 22 trung tâm bác ái. ĐTGM Mandalay là ĐC Nicholas Mang Thang.

** Tiếp đón ĐTC tại phi trường No Pi To có bộ trưởng dặc phái của tổng thống. ĐTC đã cùng ông bộ trưởng duyệt qua hàng chào danh dự. Tiếp đến ngài lên xe đến dinh tổng thống cách đó 35 cây số rưỡi.

Dinh tổng thống được xây cất năm 2005 khi chính quyền quyết định rời thủ đô về No Pi To. Dinh nằm trong số 31 dinh thự rất giống nhau dành cho các bộ gọi là Pyidaungsu Hluttaw. Các dinh thự của chính quyền tách biệt hẳn khu dân cư thủ đô, và chung quanh có hào sâu với nhiều cây cầu bắc ngang dẫn vào bên trong. Các cầu rất xa nhau, mục đích là để bảo đảm an ninh cho khu vực của chính quyền khỏi bị tấn công. Bên trong dinh tổng thống có các văn phòng của Uỷ ban hành pháp và nhà ở của tổng thống và các giới chức chính quyền. Chung quanh dinh tổng thống có nhiều vườn rộng rất đẹp. Dinh được xây theo kiểu tân cổ điển, có một cầu thang mầu đỏ rộng. Mặt tiền có nhiều cột mầu trắng với các đầu cột được trang hoàng mạ vàng. Bên trong dinh tổng thống có 100 phòng.

Lễ nghi tiếp đón chính thức diễn ra tại quảng trường trước dinh tổng thống, có hàng chào danh dự. Sau khi ban nhạc cử quốc thiều Vaticăng và Myanmar ĐTC và tổng thống đuyệt qua hàng chào danh dự, và hai bên giới thiệu phái đoàn cho nhau. Tổng thống Myanmar ông Htin Kyaw sinh năm 1946, là con của nhà văn và thi sĩ Min Thu Wun. Ông đã từng theo học tại đại học Yangon, tại Đại học trung ương vi tính, bên Luân Đôn và Trường Liên hiệp vi tính Á châu Nhật Bản. Năm 1975 ông là phó giám đốc Bộ Kỹ nghệ và phân bộ liên lạc kinh tế hải ngoại, và đã là cộng sự viên thân tín của bà Aung San Suu Kyi, và năm 2000 cũng đã bị chính quyền quân phiệt bỏ tù 6 tháng, vì tội đã tháp tùng bà ra khỏi thủ đô Yangon. Sau khi đảng Liên minh quốc gia dân chủ thắng cử năm 2016, ông đã được bầu làm tổng thống Maynmar. Ông có vợ là bà Su Su Lwin, nhưng không có con.

Sau lễ nghi chào đón chính thức ĐTC và tổng thống đã bước vào trong dinh theo sau là phái đoàn của hai bên. ĐTC đã ký tên vào sổ vàng và chụp hình lưu niệm với tổng thống. Sau đó hai vị hội kiến riêng với nhau. Tiếp đến tổng thống giới thiệu phu nhân, và tặng quà lưu niệm. ĐTC đã tặng tổng thống một bức tranh tả lại 7 cảnh trong cuộc đời của Đức Phật. Đây là một thủ bản vẽ trên giấy được cất giữ trong Thư Viện Vaticăng.

Tiếp đến tổng thống tháp tùng ĐTC sang phòng Ngoại giao đoàn, nơi bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi chờ tiếp đón ngài. Bà Aung San Suu Kyi sinh năm 1945 tại thủ đô Yangon và là con của tướng Aung San, thư ký đảng cộng sản Birmania bị các đối thủ chính trị ám sát năm 1947, và bà Khin Kyi đại sứ Birmania bên Ấn Độ hồi thập niên 1960. Bà có tiến sĩ kinh tế, Khoa học chính trị và Triết học tại đại học Oxford năm 1967. Bà học và làm việc tại Liên Hiệp Quốc năm 1969 và thành lập đảng Liên minh quốc gia dân chủ, theo tinh thần bất bạo động của Mahatma Gandhi, và cũng chính vì thế bà bị kết án và quản thúc tại gia từ năm 1989 tới 2010. Năm 1991 bà được giải Nobel Hoà Bình và được trả tự do năm 2010. Năm 2012 đảng của bà chiếm được 1 ghế trong Quốc hội và năm 2015 đảng của bà đã thắng cử. Bà đã từng giư các chức vụ Bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng Điện năng và Năng lượng, Bộ trưởng giáo dục, Bộ trưởng văn phòng tổng thống và ngoại trưởng năm 2016. Năm 2008 bà đã nhận được huy chương danh dự bảo vệ các quyền con người cuả Quốc hội Hoa Kỳ và đã đi lãnh giải Nobel hoà bình tại Oslo năm 2012. Bà goá chồng và có hai con.

** Sau khi hội kiến với bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi ĐTC đi xe đến Trung tâm hội nghị quốc tế cách đó 11 cây số để gặp gỡ các giới chức lãnh đạo chính quyền, xã hội và ngoại giao đoàn.

Trung tâm này tọa lại tại khu vực Zabuthin rộng 16 mẫu, và có diện tích 95 ngàn mét vuông. Thính phòng bên trong có chỗ cho 1.900 người. Trung tâm do Cộng hoà dân chủ Trung hoa xây cất và hoàn thành năm 2010, có các phòng họp, phòng tiếp tân, phòng diễn thuyết, khu vực giải trí.

Mặt tiền trang hoàng các cột phía sau đó là một bức tường bằng kính trong suốt. Bên ngoài trung tâm hội nghị quốc tế được trang hoàng bằng các vườn hoa và một phông ten nước rất lớn treo cờ nhiều mầu.

Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc 5 giờ 15 phút chiều giờ Myanmar. ĐTC được bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi tiếp đón cùng với vài trẻ em mặc y phục truyền thống thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Các em đã tháp tùng ĐTC cho tới khán đài. Lên tới khán đài các em đã chụp hình lưu niệm với ĐTC.

Bà ngoại trưởng Aung San Suu Kyi đã đọc diễn văn chào mừng ĐTC.

Ngỏ lời với hàng lãnh đạo chính trị dân sự và ngoại giao đoàn, ĐTC cám ơn lời mời của chính quyền và HĐGM Myanamar, và bầy tỏ lòng biết ơn tất cả những ai đã liên tục làm việc vất vả để tổ chức chuyến viếng thăm này. ĐTC xác định mục đích chuyến viếng thăm của ngài như sau:

Nhất là tôi đến để cầu nguyện với cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ nhưng sốt mến của quốc gia để củng cố nó trong đức tin và khích lệ nó trong sự góp phần mệt nhọc cho thiện ích của đất nước. Tôi rất vui mừng vì chuyến viếng thăm của tôi được thực hiện sau việc thiết lập các liên lạc ngoại giao giữa Myanmar và Toà Thánh. Tôi muốn coi quyết định này như dấu chỉ dấn thân của quốc gia theo đuổi sự đối thoại và cộng tác xây dựng bên trong cộng đoàn quốc tế to lớn hơn, cũng như của sự canh tân tế bào xã hội dân sự.

** Tôi cũng muốn rằng chuyến viếng thăm của tôi có thể ôm trong vòng tay toàn dân Myanmar và cống hiến một lời khích lệ cho tất cả mọi người đang làm việc để xây dựng một trật tự xã hội công bằng, hoà giải và bao gồm mọi người. Myanmar đã được chúc phúc với một vẻ đẹp ngoại thường và nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng kho tàng lớn lao nhất của nó chắc chắn là dân tộc của nó, đã đau khổ và còn đang đau khổ vì các xung đột nội bộ và thù nghịch đã kéo dài quá lâu và đã tạo ra các chia rẽ sâu xa. Bởi vì giờ đây quốc gia dấn thân tái lập hoà bình, chữa lành các vết thương đó, nên nó cần được coi như một ưu tiên chính trị và tinh thần nền tảng. Tôi chỉ có thể bầy tỏ sự trân trọng của tôi đối với các cố gắng của chính quyền trong việc đương đầu với thách đố này, cách đặt biệt qua Hội nghị hoà bình Panglong, quy tụ đại diện của nhiều nhóm trong nỗ lực chấm dứt bạo lực, xây dựng sự tin tưởng và bảo đảm việc tôn trọng các quyền của tất cả những người coi vùng đất này là nhà của mình.

Thật thế, tiến trình xây dựng hoà bình và hoà giải quốc gia cam go chỉ có thể tiến tới qua dấn thân cho công bằng và tôn trọng các quyền con người. Sự khôn ngoan của các hiền nhân đã định nghĩa công bằng như ý chí thừa nhận cho từng người điều phải có cho họ, trong khi các ngôn sứ xưa kia đã coi nó như nền tảng của hoà bình đích thật và lâu bền. Các trực giác được xác nhận bởi kinh nghiệm thê thảm của hai thế chiến, đã đưa tới việc thành lập Liên Hiệp Quốc và Bản tuyên ngôn đại đồng về các quyền con người như nền tảng cho các cố gắng của cộng đồng quốc tế thăng tiến công lý, hoà bình và phát triển nhân bản trên khắp thế giới, và để giải quyết các xung đột qua đối thoại chứ không phải với việc sử dụng sức mạnh. Trong nghĩa này, sự hiện diện của Ngoại giao đoàn giữa chúng ta không chỉ làm chứng cho thế đứng mà Myanmar có giữa các quốc gia, nhưng cũng làm chứng cho dấn thân của quốc gia trong việc duy trì và tuân giữ các nguyên tắc nền tảng này.

Tiếp tục diễn văn ĐTC khẳng định tuơng lai của Myanmar như sau:

Tương lại của Myanmar phải là hoà bình, một nền hoà bình xây dựng trên việc tôn trọng phẩm giá và các quyền lợi của mỗi một thành phần xã hội, trên việc tôn trọng mỗi nhóm chủng tộc và căn tính của nó, trên việc tôn trọng nhà nước pháp quyền và một trật tự dân chủ cho phép mỗi cá nhân và mỗi nhóm – không loại trừ ai – cống hiến phần đóng góp hợp pháp của mình cho công ích.

** Trong việc hoà giải và hoà hợp quốc gia các cộng đoàn tôn giáo của Myanmar có một vai trò đặc ân cần chu toàn. Các khác biệt tôn giáo không được là nguồn gốc cho chia rẽ và không tin tưởng, nhưng phải là một sức mạnh cho sự hiệp nhất, cho sự tha thứ, cho lòng khoan nhượng và việc khôn ngoan xây dựng Quốc gia. Các tôn giáo có thể nắm giữ một vai trò ý nghĩa trong việc chữa lành các vết thương cảm xúc, tinh thần và tâm lý của những người đã khổ đau trong các năm xung khắc. Khi kín múc nơi các giá trị đâm rễ sâu, chúng có thể giúp nhổ tận gốc rễ các lý do của xung đột, xây các cây cầu đối thoại, tìm kiếm công lý và là tiếng nói ngôn sứ cho những kẻ khổ đau. Thật là một dấu chỉ hy vọng lớn lao, khi giới lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo khác nhau của quốc gia này đang dấn thân cùng nhau làm việc cho hoà bình, để cứu giúp dân nghèo và giáo dục sống các gia trị tôn giáo và nhân bản đích thật với tinh thần hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau. Trong việc tìm kiếm xây dựng một nền văn minh của sự gặp gỡ và liên đới, chúng góp phần vào thiện ích chung, và đặt các nền tảng luân lý cần thiết cho một tuơng lai hy vọng và thịnh vượng cho các thế hệ sẽ đến.

Tương lai đó ngày nay còn ở trong tay của giới trẻ của quốc gia. Các người trẻ là món quà cần yêu thương và khích lệ, một đầu tư sẽ chỉ sinh lời trước các cơ may có việc làm thực sự và một nền giáo dục tốt. Đây là một đòi hỏi cấp thiết của công bằng giữa các thế hệ. Tương lai của Myanmar trong một thế giới tiến triển mau lẹ và liên hệ với nhau, sẽ tuỳ thuộc nơi việc đào tạo người trẻ của mình, không chỉ trong các lãnh vực kỹ thuật, mà nhất là trong các giá trị luân lý đạo đức của sự liêm chính, toàn vẹn, và tình liên đới nhân bản, có thể bảo đảm cho việc củng cố nền dân chủ và lớn lên của sự hiệp nhất và nền hoà bình trên mọi bình diện xã hội. Ngoài ra, sự công bằng giữa các thế hệ cũng đòi buộc rằng các thế hệ tương lai có thể thừa hưởng một môi sinh không bị ô nhiễm bởi lòng tham và cướp bóc của con người. Thật cần thiết rằng các người trẻ của chúng ta không bị đánh cắp niềm hy vọng và khả thể dấn thân lý tưởng và các tài năng của họ trong việc dự phóng tương lai của đất nước họ, còn hơn thế nữa của toàn gia đình nhân loại.

** Thưa bà ngoại trưởng, các bạn thân mến, trong các ngày này tôi ước mong khích lệ các anh chị em Công Giáo của tôi kiên trì trong đức tin, và tiếp tục diễn tả sứ điệp hoà giải và tình huynh đệ qua các công tác giáo dục và nhân đạo, mà toàn xã hội được hưởng. Và niềm hy vọng của tôi đó là trong việc cộng tác trân trọng tín hữu các tôn giáo khác và với mọi người thiện chí, họ góp phần mở ra một kỷ nguyên mới của hoà hợp và tiến bộ cho các dân tộc của quốc gia yêu quý này. Myanmar muôn năm! Tôi xin cám ơn quý vị vì sự chú ý và với các lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho việc phục vụ của quý vị cho công ích, tôi khẩn nài trên tất cả quý vị các phúc lành của Thiên Chúa, sự khôn ngoan, sức mạnh và hoà bình.

Sau buổi gặp gỡ bà ngoại trưởng đã tháp tùng ĐTC ra xe đi phi trường No Pi To cách đó 20 cây số. Máy bay chở ĐTC đã rời phi trường lúc 6 giờ 20 phút và về đến phi trường Yangon sau hơn một giờ bay. Từ phi trường ĐTC đã đi xe về Toà Tổng Giám Mục dùng bữa tối và nghỉ qua đêm .

Thư tư 29 tháng 11 hôm nay ĐTC có ba sinh hoạt chính. Lúc 8 giờ rưỡi sáng ngài chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu tại trung tâm thể thao thể dục Kyaikhasan. Đây là vùng đất rộng 60 mẫu nơi có bộ thể thao và bao gồm nhiều bộ môn thể thao thể dục khác nhau, gồm cả trường đua ngựa. Từ thập niên 1960 cho tới nay đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội như Ngày hiệp nhất, Ngày của giới nông dân, Ngày lao động vv… Năm 1992 trường đua ngựa cũ được biến thành Học viện thể thao thể dục. Vùng đất này có thể chứa được 250.000 người.

Vào ban chiều ĐTC đến trung tâm Kaba Aye để gặp gỡ Hội đồng tối cao Sangha của các nhà sư Phật giáo. Sau cùng là buổi gặp gỡ các Giám Mục Myanmar tại toà tổng giám mục Yangon.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Được đặt tượng thánh bổn mạng giáo xứ lên tường phía trên nhà tạm không?
Nguyễn Trọng Đa
10:08 28/11/2017

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Được đặt tượng thánh bổn mạng giáo xứ lên tường phía trên nhà tạm không? - P. S., Montreal, Canada.


Đáp: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải thừa nhận rằng các văn kiện của Hội Thánh, ít nhất là ở cấp độ tổng quát, thường đưa ra các nguyên tắc, nhưng không phải các quy chế chi tiết, liên quan đến các vấn đề như vậy.

Do đó, Công đồng đầu tiên giải quyết cách minh nhiên chủ đề này, là Công đồng Nicaea II, vào năm 787, đã bảo vệ việc sử dụng theo truyền thống các ảnh tượng trong các nhà thờ, vì một số người đã công kích việc này trong khi thiết lập nền tảng cho việc họ sử dụng ảnh tượng trong tương lai. Các Nghị phụ của Công đồng Nicaea xem thấy nền tảng cho việc sử dụng các ảnh tượng trong mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô, "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Côlôxê 1:15): "Sự nhập thể của Con Thiên Chúa đã khởi xướng một ‘nhiệm cục’ mới của ảnh tượng”:

"Chúng tôi ra lệnh với sự nghiêm khắc và chính xác rằng, giống như các ảnh tượng của Thánh giá quý giá và sống động của việc cứu chuộc chúng ta, các ảnh tượng thánh được sử dụng để tôn kính, phải được miêu tả trong tranh khảm hoặc bất kỳ vật liệu nào phù hợp, và được trưng trong các nhà thờ của Thiên Chúa, trên các trang trí, lễ phục, trên tường nhà thờ, cũng như trong nhà của các tín hữu và trên các đường phố, phải là ảnh tượng của Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta, hay của Đức Maria Vô Nhiễm, Thân mẫu của Chúa, hay của các thiên thần, các thánh và người công chính.

"Các ảnh tượng càng được nhìn thấy trong nghệ thuật trình bày, càng thu hút nhiều người đến để tưởng niệm và kính nhớ các vị đã phục vụ như là các khuôn mẫu, và dâng cho các ảnh tượng này sự tôn vinh bằng lời chào kính và sự tôn trọng phải lẽ. Chắc chắn, đây không phải là sự tôn thờ trọn vẹn (latria) theo đức tin của chúng ta, vốn chỉ dành cho Thiên Chúa, nhưng nó giống với sự kính trọng vốn dành cho Thánh giá được tôn vinh và ban sự sống, cũng như đối với các sách Tin Mừng và các vật dụng phượng tự khác. Hơn nữa, người ta được lôi kéo đến để tôn vinh các ảnh tượng này bằng việc dâng hương và thắp nến, như đã được thiết lập một cách khôn ngoan bởi phong tục cổ xưa. Thật vậy, sự tôn vinh được dành cho ảnh tượng đi xuyên qua nó, đến với mẫu gương, và những ai tôn kính ảnh tượng là tôn kính đấng được trình bày trong ảnh tượng ấy.

"Vì vậy, giáo huấn của các nghị phụ của chúng tôi được củng cố, đó là truyền thống của Hội Thánh Công Giáo vốn đã tiếp nhận Tin Mừng từ đầu này đến đầu kia của Trái đất. Do đó, chúng tôi thực sự đi theo Thánh Phaolô, Đấng đã nói trong Chúa Kitô, và toàn thể nhóm tông đồ của Chúa và sự thánh thiện của các nghị phụ, bám lấy nhanh vào truyền thống mà chúng tôi nhận được. Vì vậy, chúng tôi ca vang với các ngôn sứ các bài thánh thi chiến thắng của Hội thánh: ‘Hỡi thiếu nữ Sion, hãy vui sướng reo hò, hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi, và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa’ (Xp 3: 14-15).

"Vì vậy, tất cả những ai dám nghĩ hoặc dạy một điều gì khác, hoặc đi theo các người dị giáo bị nguyền rủa trong việc khước từ các truyền thống của Hội Thánh, hoặc những ai sáng tạo điều mới hoặc những người làm bất cứ sự gì đã được ủy thác cho nhà thờ (cho dù đó là Tin Mừng, hay tượng Thánh giá hay bất kỳ mẫu gương nào của nghệ thuật trưng bày, hay bất kỳ di tích thánh nào của thánh tử đạo), hoặc những ai chế tác các định kiến lầm lạc và ác độc để chống lại sự yêu mến bất kỳ truyền thống hợp pháp nào của Hội Thánh Công Giáo, hoặc những ai thế tục hóa các đồ thánh và các tu viện thánh thiện, chúng tôi ra lệnh rằng họ phải bị huyền chức, nếu họ là giám mục hoặc giáo sĩ, và bị vạ tuyệt thông nếu họ là tu sĩ hay giáo dân".

Công đồng Trentô, khi muốn trả lời cho đạo Tin Lành, đã nói như sau về các nguyên tắc chung:

"Thánh Công đồng truyền lệnh rằng các ảnh tượng của Đức Kitô, Mẹ Đồng trinh của Thiên Chúa, và các thánh khác phải được lưu giữ đặc biệt trong các nhà thờ, xứng với sự tôn vinh và tôn kính phải lẽ (debitum honorem et venerationem) được dành cho, không vì tính thần linh hoặc uy lực được nghĩ là có trong các ảnh tượng ấy, mà nhờ đó được sùng kính, hoặc vì bất cứ điều gì có thể được xin, hoặc vì bất cứ niềm tin nào có thể được đặt trong ảnh tượng, như đã được thực hiện bởi dân ngoại khi họ đặt tin tưởng vào các ngẫu tượng của họ [Tv 134: 15 tt], nhưng vì sự tôn vinh được dành cho ảnh tượng được quy chiếu đến các nguyên mẫu mà ảnh tượng đại diện, để qua việc hôn kính, khám phá, quỳ gối trước ảnh tượng, chúng ta thật sự thờ lạy Chúa Kitô và tôn vinh các thánh, mà ảnh tượtng mang hình dáng của các ngài (Denzinger, số 986)".

Đi xa hơn, Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong Thông điệp Mediator Dei (Đấng Trung gian của Thiên Chúa), giải thích ngắn gọn vấn đề ảnh tượng thánh như sau:

"189. Chúng tôi muốn khen ngợi và thúc giục việc trang trí các nhà thờ và bàn thờ. Mỗi người hãy để cho mình cảm thấy thúc bách bởi lời linh hứng, "vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” [Tv 68,10; Ga 2,17], và phấn đấu đưa lời này vào trong mọi sự của nhà thờ, bao gồm các lễ phục và đồ dùng phụng vụ, mặc dù chúng không sang trọng và không lộng lẫy, nhưng hoàn toàn sạch sẽ và xứng hợp, vì tất cả đều được dâng lên Thiên Chúa uy nghi. Nếu trước đây chúng tôi đã không chấp nhận lỗi của những người muốn loại trừ các ảnh tượng ra khỏi nhà thờ, theo lời cầu xin khôi phục lại một truyền thống cổ xưa, giờ đây chúng tôi cho rằng Nhiệm vụ của chúng tôi là phê bình sự nhiệt tình không khôn ngoan của những người đề nghị tôn kính trong các nhà thờ và trên bàn thờ, mà không có lý do chính đáng, vô số các ảnh tượng, cũng như những người trưng bày các thánh tích không được phép, những người nhấn mạnh các tập tục đặc biệt và không ý nghĩa, bỏ qua các tục cần thiết và thiết yếu. Do đó họ đưa tôn giáo ra chế giễu và làm giảm đi phẩm giá của sự thờ phượng".

Gần đây hơn, Quy chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma (GIRM) đưa ra các nguyên tắc như sau:

"291. Ðể xây dựng, sửa chữa, sắp xếp cho đúng các thánh đường, mọi người có liên quan cần tham khảo ý kiến của Ủy Ban giáo phận về Phụng Vụ và Nghệ Thuật thánh. Giám Mục giáo phận dựa trên ý kiến và sự trợ giúp của Ủy Ban này khi đưa ra các quy tắc về thiết kế thánh đường, hoặc khi chấp thuận hoạ đồ thánh đường mới, hoặc khi phải giải quyết một vài vấn đề khá quan trọng [...]

"318. Trong Phụng vụ trần gian, Hội Thánh tham dự, nếm trước Phụng vụ trên trời, được cử hành trong thánh đô Giê-ru-sa-lem, nơi Hội Thánh là lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và khi kính nhớ các Thánh, Hội Thánh hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các ngài.

“Do đó, theo truyền thống rất cổ kính trong Hội Thánh, được phép đặt các ảnh tượng Chúa, Ðức Trinh Nữ Maria, và các Thánh trong các thánh đường để tín hữu tôn kính. Các ảnh tượng ấy phải được bố trí trong thánh đường sao cho các tín hữu được dẫn dắt đến các mầu nhiệm đức tin được cử hành ở đấy. Nhưng phải liệu sao cho các ảnh tượng đó đừng nhiều quá và được bố trí thế nào để tín hữu khỏi chia trí khi tham dự những lễ nghi. Mỗi vị thánh chỉ nên có cùng một ảnh tượng. Cách chung, trong việc trang trí và sắp xếp thánh đường, việc đặt các ảnh tượng phải lưu tâm đến lòng đạo đức của toàn thể cộng đoàn và vẻ đẹ? cùng giá trị của các ảnh tượng” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Hướng dẫn năm 2002 về “Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ” cũng nhấn mạnh đến chủ đề ảnh tượng thánh:

"239. Sự tôn kính các ảnh tượng, dù là tranh vẽ, tượng, hình nổi hay các kiểu trưng bày khác, ngoài một hiện tượng phụng vụ, là một khía cạnh quan trọng của lòng đạo đức bình dân: các tín hữu cầu nguyện trước các ảnh tượng thánh, cả trong nhà thờ lẫn nhà của họ. Họ trang trí ảnh tượng với hoa, đèn và đồ trang sức; họ tôn kính ảnh tượng bằng nhiều cách khác nhau, như đi rước kiệu, treo các bảng tạ ơn gần đó để tỏ lòng biết ơn; họ đặt tượng trong đền thờ trên đồng ruộng và dọc đường đi.

"Sự tôn kính các ảnh tượng đòi hỏi sự hướng dẫn thần học, nếu nó cần tránh được các lạm dụng nào đó. Do vậy, các tín hữu cần phải trung thành với giáo huấn của Giáo hội về sự tôn kính các ảnh tượng, được nói rõ trong các Công đồng chung, và trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.

“240. Theo giáo huấn của Hội thánh, các ảnh tượng thánh là:

"- các bản sao chép hình tượng của sứ điệp Tin Mừng, mà trong đó hình ảnh và lời mặc khải cùng được làm sáng tỏ; truyền thống Hội Thánh đòi hỏi rằng các ảnh tượng phải phù hợp với 'chữ của sứ điệp Tin Mừng';

"- các dấu chỉ thánh, cùng với mọi dấu chỉ phụng vụ, phải qui cuối cùng đến Chúa Kitô; hình ảnh các thánh "biểu thị Đức Kitô Đấng được tôn vinh trong họ';

"- việc tưởng nhớ các anh em của chúng ta, các ngài là Thánh, và các ngài "tiếp tục tham gia vào sự cứu rỗi thế giới, và chúng ta hiệp nhất với các ngài, nhất là trong mọi cử hành bí tích";

"- sự trợ giúp trong cầu nguyện: sự chiêm ngắm các ảnh tượng tạo điều kiện cho sự cầu khẩn, và nhắc nhở chúng ta tôn vinh Thiên Chúa về các điều kỳ diệu, được thực hiện bởi ân sủng của Ngài đang hoạt động nơi các Thánh;

“- một kích thích để bắt chước các ngài, bởi vì 'mắt càng nhìn ngắm ảnh tượng, sự hồi tưởng về các đấng mà ảnh tượng mô tả càng phát triển mạnh mẽ nơi người chiêm ngắm'; các tín hữu có khuynh hướng ghi dấu trong lòng họ những gì mà họ đã chiêm ngắm bằng mắt: "một hình ảnh thực sự của con người mới" được biến đổi trong Chúa Kitô, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, và trung thành với ơn gọi riêng của con người ấy;

"- Và là một hình thức dạy giáo lý, bởi vì "qua lịch sử của các mầu nhiệm của sự cứu chuộc chúng ta, được bày tỏ trong các hình ảnh và các phương tiện truyền thông khác, các tín hữu được giáo dục và xác tín trong đức tin, vì họ được dành cho các phương tiện suy niệm liên tục về các tín điều của đức tin”.

"241. Người tín hữu cần phải hiểu bản chất tương đối của việc thờ tượng ảnh. Tượng ảnh không được tôn kính tự nó. Đúng hơn, những gì nó thể hiện mới được tôn kính. Do đó, ảnh tượng thánh "được tôn trọng và tôn kính cách phải lẽ, không phải vì tượng ảnh được người ta tìn là có chứa tính thần tính nào đó, hoặc có quyền lực biện minh cho sự sùng kính đó, cũng không phải vì một cái gì đó phải được yêu cầu từ ảnh tượng, cũng không phải bởi vì sự tin tưởng được giữ trong đó, như người ngoại giáo thường làm với ngẫu tượng của họ, nhưng bởi vì sự tôn vinh dành cho ảnh tượng là dành cho các nguyên mẫu, mà ảnh tượng đại diện.

"242. Dưới ánh sáng của những điều đã nói ở trên, các tín hữu nên cẩn thận đừng rơi vào sai lầm của việc nâng ảnh tượng lên cấp độ của những người hoàn hảo. Sự việc rằng một số ảnh tượng là đối tượng của lòng sùng mộ như vậy, đến nỗi các ảnh tượng ấy đã trở thành biểu hiện của văn hoá tôn giáo của các quốc gia, hoặc các thành phố, hoặc các nhóm đặc biệt, nên được giải thích dưới ánh sáng của ân sủng, vốn là nền tảng của sự tôn sùng được gán cho ảnh tượng, và của các hoàn cảnh lịch sử và xã hội của lịch sử xung quanh họ. Thật là tốt khi một dân tộc nên nhớ lại các sự kiện như vậy, để củng cố đức tin của mình, tôn vinh Thiên Chúa, bảo tồn bản sắc văn hóa của mình, và cầu nguyện không ngừng với niềm tin vào Chúa, Đấng mà theo lời Ngài (xem Mt 7, 7; Lc 11, 9, Mc 11,24) luôn sẵn sàng để nghe họ; nhờ vậy, làm tăng thêm lòng bác ái và cậy trông, và sự tăng trưởng của đời sống thiêng liêng của Kitô hữu.

"243. Theo bản chất riêng, ảnh tượng thuộc về lĩnh vực các dấu hiệu thiêng liêng và lĩnh vực nghệ thuật. Đây ‘thường là các tác phẩm nghệ thuật được truyền cảm tính tôn giáo bẩm sinh, và gần như phản ánh vẻ đẹp đến từ Thiên Chúa và dẫn đến Thiên Chúa’. Tuy nhiên, chức năng chính của ảnh tượng không phải là để chứng tỏ sự hoan hỉ thẩm mỹ, mà là để hướng đến Huyền nhiệm. Đôi khi, các khía cạnh nghệ thuật của một ảnh tượng có thể mang một tầm quan trọng không cân xứng, xem ảnh tượng như một chủ đề "nghệ thuật", thay vì đưa ra một thông điệp tinh thần.

"Việc sản xuất các ảnh tượng ở phương Tây không bị chi phối bởi các quy tắc khắt khe, vốn đã được áp dụng từ nhiều thế kỷ, như trường hợp của Giáo hội Đông phương. Điều này không có nghĩa rằng Giáo Hội Latinh đã bỏ qua hoặc lơ là việc giám sát các ảnh tượng: các triển lãm ảnh tượng trái với đức tin, hoặc hình ảnh khiếm nhã, hoặc hình ảnh có khả năng dẫn các tín hữu đến lầm lạc, hoặc hình ảnh bắt nguồn từ một sự trừu tượng lìa khỏi xác, hoặc làm mất nhân tính hình ảnh, đã bị cấm trong nhiều dịp. Một số hình ảnh là thí dụ về chủ nghĩa nhân bản quy nhân luận, hơn là phản ánh về một linh đạo đặc biệt. Xu hướng loại bỏ các ảnh tượng khỏi các nơi thánh cần phải được lên án nghiêm túc, vì điều này gây nguy hại cho lòng đạo đức của Kitô hữu.

"Lòng đạo đức bình dân khuyến khích các ảnh tượng, vốn phản ánh đặc điểm của các nền văn hoá đặc thù; các biểu hiện thực tế mà trong đó các thánh được nhận dạng rõ ràng, hoặc chúng rõ ràng mô tả các mối liên hệ cụ thể trong đời sống con người: sinh, bệnh, cưới, làm, tử. Tuy nhiên, cần có các nỗ lực để đảm bảo rằng nghệ thuật tôn giáo bình dân không bị suy thoái thành thuật in tranh dầu (oleography): trong phụng vụ, có một mối tương quan giữa hình tượng và nghệ thuật, và nghệ thuật Kitô giáo của các thời đại văn hoá cụ thể.

"244. Hội Thánh chúc lành cho các ảnh tượng do ý nghĩa văn hoá của ảnh tượng. Điều này là đặc biệt đúng với ảnh tượng của các Thánh, vốn được nhằm cho sự tôn kính công khai, khi Hội Thánh cầu nguyện rằng, được hướng dẫn bởi một vị Thánh đặc biệt, ‘chúng ta có thể tiến đi theo dấu chân của Chúa Kitô, để cho con người hoàn hảo có thể được hình thành trong chúng ta theo thước đo đầy đủ của Chúa Kitô’. Hội Thánh đã công bố các quy định cho việc trưng bày các ảnh tượng trong nhà thờ và các nơi thánh, vốn phải được tuân giữ cẩn thận. Không ảnh tượng nào được trưng bày trên bàn thờ. Không thánh tích của các Thánh được trưng bày trên bàn thờ. Ðấng Bản quyền địa phương cần đảm bảo rằng các ảnh tượng không phù hợp hoặc các ảnh tượng dẫn đến lầm lạc hoặc mê tín dị đoan, không được trưng bày cho tín hữu tôn kính”.

Cuối cùng, mặc dù chỉ đề cập cho Hoa Kỳ, tài liệu hướng dẫn do Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ công bố "Dựng xây từ những viên đá sống động, Built of Living Stones" đưa ra một số gợi ý hữu ích về tượng ảnh thánh:

"Phản ánh nhận thức về sự hiệp thông của các Thánh, tập tục đưa biểu tượng của Chúa Ba Ngôi, ảnh tượng Đức Kitô, Mẹ Thiên Chúa, các thiên thần, và các thánh vào trong việc thiết kế một nhà thờ, sẽ tạo ra nguồn sùng mộ và cầu nguyện cho một cộng đoàn giáo xứ, và phải là một phần của thiết kế nhà thờ. Các ảnh tượng có thể được tìm thấy trong các cửa sổ kính màu, bích họa và bức tranh tường, và tượng và tượng thánh. Thường các ảnh tượng này miêu tả các cảnh trong Kinh thánh hoặc từ hạnh các thánh, và có thể là một nguồn giáo lý, huấn giáo cũng như lòng đạo đức. Bởi vì Bí Tích Thánh Thể kết hiệp Thân Thể Chúa Kitô, bao gồm cả những người không có mặt thực sự tại chỗ, việc sử dụng ảnh tượng trong nhà thờ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta liên kết với tất cả những ai đã đi trước chúng ta, cũng như những người hiện đang ở chung quanh chúng ta.

"Trong việc lựa chọn ảnh tượng và nghệ thuật cho lòng sùng kính, các giáo xứ nên tôn trọng hình tượng truyền thống, khi nói đến cách thức các ảnh tượng được nhìn nhận và tôn kính bởi tín hữu. Tuy nhiên, họ cũng nên lưu ý rằng truyền thống không giới hạn ở các ảnh tượng theo nghĩa đen. Trong khi Đức Maria là Thân mẫu của Chúa Giêsu, Ngài cũng là một biểu tượng của Giáo Hội, một môn đệ của Chúa, một người phụ nữ được giải phóng và giải phóng. Ngài là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, thánh Bổn mạng của Hoa Kỳ, và Đức Bà Guadalupe, là thánh Bổn mạng của toàn Châu Mỹ. Các biểu tượng khác như thánh giá, tượng thánh, hoặc ảnh tượng của các thánh bổn mạng được miêu tả bằng nhiều cách khác nhau, cũng có thể đưa chúng ta vào các thực tại sâu sắc hơn của đức tin và đức cậy, khi ảnh tượng nối chúng ta với các câu chuyện đằng sau ảnh tượng”.

"Việc đặt các ảnh tượng có thể là một thách thức, đặc biệt khi một số truyền thống văn hóa là một phần của một cộng đồng giáo xứ, và mỗi truyền thống có cuộc sống đạo riêng và các sự thực hành riêng. Việc hạn chế về số lượng và sự nổi bật của các ảnh tượng là được khuyến khích, để giúp mọi người tập trung vào hành động phụng vụ được cử hành trong nhà thờ. Các hốc tường riêng cho các di tích và ảnh tượng có thể trưng bày nhiều kiểu ảnh tượng quanh năm. Một số giáo xứ dành một khu vực, như đền thờ cho một ảnh tượng được tôn kính vào một ngày nhất định hoặc cho một khoảng thời gian, chẳng hạn ảnh tượng của một vị thánh vào ngày lễ của Ngài.

"Điều quan trọng là các ảnh tượng trong nhà thờ mô tả các thánh mà sự sùng mộ đang hiện hữu trong giáo xứ. Thật đặc biệt mong muốn rằng một ảnh tượng lớn của vị bổn mạng nhà thờ được trưng bày một cách thích hợp, cũng như ảnh tượng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, như là một sự sùng kính thích hợp cho vai trò duy nhất của Mẹ trong chương trình cứu độ. Khi thời gian trôi qua và kết quả thống kê thay đổi, các vị thánh từng là đối tượng của sự sùng kính bởi nhiều giáo hữu, có thể ở một thời điểm khác được tôn kính bởi chỉ một ít giáo hữu mà thôi. Khi điều này xảy ra, các ảnh tượng này có thể được cất đi, miễn là độ nhạy cảm được thể hiện đối với lòng đạo đức của các tín hữu và sự tác động vào nhà thờ”.

Sau khi đọc tất cả các điều trên, chúng ta có thể trả lời câu hỏi của độc giả: "Được đặt tượng thánh bổn mạng giáo xứ lên tường phía trên nhà tạm không?”

Ý kiến của tôi là rằng đây thường không phải là sự lựa chọn tốt nhất, với ngoại lệ có thể cho một nhà thờ cung hiến cho một thánh hiệu của Chúa, chẳng hạn như Thánh Tâm Chúa hay Chúa Kitô Phục Sinh.

Điều này không phải bởi vì có luật đặc biệt nào, nhưng bởi vì nhà thờ hiện hữu trước tiên cho việc cử hành Thánh lễ, và việc đặt các ảnh tượng trong nhà thờ giúp cho nhà thờ trở nên hình ảnh chân thật về chính Chúa Giêsu, hiện diện và hoạt động trong thế giới với Thân Thể của Ngài là Hội Thánh; muôn loài, “được qui tụ" trong Ðức Ki-tô, đều tham dự vào việc ca tụng Thiên Chúa và chu toàn Thánh Ý Người (xem sách Giáo lý số 1136-1139).

Việc đặt tượng thánh bổn mạng ở vị trí trung tâm phía trên nhà tạm không có vẻ gì củng cố khái niệm tòa nhà thờ cả.

Thứ hai, việc đặt tượng thánh phía trên nhà tạm hình như không là cách thức tốt nhất để đẩy mạnh lòng sùng mộ vị thánh, vì vị trí ấy nhất thiết sẽ tạo ra khoảng cách giữa tượng thánh và tín hữu.

Sau khi nói như thế, ở đây tôi đề cập đến tượng của một vị thánh mà thôi. Có thể quan niệm được rằng trong hậu cung nhà thờ có thể là một bức tranh bằng tranh vẽ hoặc tranh khảm, mà trên đó thánh bổn mạng có thể được vẽ nổi bật giữa các hình tượng khác và biểu tượng khác.

Tuy nhiên, tôi không biết tòa nhà như vậy, nên ý của tôi cũng chỉ là một ý kiến và, như đã đề cập ở trên trong Quy chế Tổng Quát Lễ Rôma (GIRM) số 291, tốt nhất là chúng ta cần tham khảo ý kiến với Ủy Ban giáo phận về Phụng Vụ và Nghệ Thuật thánh. (Zenit.org 28-11-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha Phanxicô đến Yangon
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:25 28/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

 
Ngày thứ hai trong chuyến tông du Miến Điện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
10:02 28/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

 
TV Thời sự Giáo Hội: Cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tới Miến Điện: những thách thức và niềm hy vọng
VietCatholic Network
13:47 28/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Laudetur Jesus Christus. Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình đặc biệt của chúng tôi hôm nay tường trình về chuyến tông du của ĐTC bắt đầu viếng thăm Miến Điện.

Lúc 9 giờ rưỡi tối Chúa Nhật 26-11, ĐTC đã ra phi trường Fiumicino, đáp máy bay Airbus 330 của hãng Alitalia lên đường đi Miến Điện. Cùng đi với ngài có đoàn tùy tùng gồm 30 người, đứng đầu là ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo và khoảng 50 ký giả Italia và quốc tế.

ĐHY Oswald Gracias, TGM Mumbai Ấn độ, Chủ tịch Liên HĐGM Á châu và là thành viên Hội đồng 9 HY cố vấn của ĐTC, đã đến thẳng thủ đô Yangoon và sẽ cùng tháp tùng ĐTC trong chuyến viếng thăm tại Miến Điện và Bangladesh.

Máy bay cất cánh lúc 22 giờ 10 phút giờ Roma và trực chỉ phi trường Yangoon cách đó gần 8.600 cây số.

Trên máy bay, ĐTC chào thăm các ký giả cùng đi và nói: ”Cám ơn anh chị em thật nhiều vì sự đồng hành và vì công việc của anh chị em gieo vãi bao nhiêu điều tốt lành.. Chúc anh chị em làm việc tốt và ngủ ngon. Họ nói rằng công việc rất nóng bỏng, nhưng ít là nó có thành quả!”.

Lúc 13 giờ 30 trưa ngày 27-11, giờ địa phương Miến Điện, ĐTC Phanxicô đã đến phi trường thành phố Yangoon, sau gần 10 tiếng rưỡi đồng hồ bay suốt đêm từ Roma, để bắt đầu chuyến viếng thăm 6 ngày tại hai nước Miến Điện và Bangladesh.

Đây cũng là chuyến viếng thăm thứ 21 của ngài tại nước ngoài và là lần thứ 3 ngài đến Á châu.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được Bộ Trưởng đặc ủy của Tổng thống Cộng hòa Miến Điện, Đức Sứ Thần Tòa Thánh và hàng chục GM địa phương, cùng với 100 trẻ em, một toán nữ tu thuộc nhiều dòng, vui mừng đón tiếp, đơn sơ nhưng rất nồng nhiệt. Đây không phải là nghi thức đón tiếp chính thức, nên ĐTC chỉ tiến qua hàng quân danh dự, chào thăm mọi người hiện diện và lên xe về tòa TGM Yangoon cách đó 18 cây số rưỡi.

Gần tòa TGM có hàng ngàn tín hữu Công Giáo chờ đón 2 bên đường để chào mừng ĐTC.

Lúc 6 giờ chiều giờ địa phương ngày 27-11-2017, ĐTC đã gặp Tướng Min Aubg Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện và được coi là trong những người có thế lực nhất tại nước này.
Đến tòa TGM Yangoon vào lúc 9 giờ, ĐTC dâng thánh lễ riêng và nghỉ ngơi sau 1 đêm dài trên máy bay.

Tuy Miến Điện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh từ tháng 5 năm nay, nhưng tại Miến Điện chưa có Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Đức TGM Phaolô Trương Nhân Nam (Tshang In Nam) Sứ thần Tòa Thánh tại Bangkok Thái Lan, được cử kiêm nhiệm chức vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Miến Điện. Vì thế, tòa TGM Yangoon được biến thành nơi ĐTC cư ngụ trong thời gian ngài viếng thăm nước này.

Miến Điện đang phải đối mặt với hàng chục cuộc xung đột sắc tộc, và chiến tranh vẫn đang diễn ra ở Kachin giữa dân địa phương và quân đội.

Nhưng bất chấp hàng chục năm tranh đấu nội bộ, cuộc di dân gần đây của hơn 620.000 người Rohingya Hồi giáo ở miền bắc bang Rakhine đã thúc đẩy Đức Giáo Hoàng Phanxicô vài tháng trước đây quyết định công khai nói về họ đã thu hút sự chú ý của thế giới.

Ngay trong chiều ngày đầu tiên đến Miến Điện, ĐGH Phanxicô đã gặp gỡ với Tư lệnh quân đội Min Aun Hlaing. Tòa thánh Vatican đã không cung cấp chi tiết về nội dung cuộc viếng thăm lịch sử trong 15 phút ĐGH Phanxicô gặp với tướng Min Aung Hlaing và ba quan chức từ văn phòng điều hành đặc biệt. Cuộc gặp mặt diễn ra trong Tòa Tổng giám mục ở Yangon. Tuần trước, Hồng Y Charles Bo, người chống lại việc lên án quốc tế "làm sạch sắc tộc" qua hoạt động của quân đội đối với người Rohingya.

Văn phòng của tướng Min Aung Hlaing nói trong một tuyên bố trên Facebook rằng ông sẵn sàng có "hòa bình, đoàn kết và công lý". Ông nói thêm rằng không có cuộc đàn áp hay phân biệt tôn giáo hoặc sắc tộc ở Miến Điện, chính phủ cho phép các nhóm tín ngưỡng khác nhau được quyền tự do tín ngưỡng.

Nói về chuyến viếng thăm của ĐGH Phanxicô, Cha Maria Mariano Soe Naing, người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Miến Điện nói rằng: "Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi bây giờ là an ninh của Đức Thánh Cha.”

Moses U Kyar, thuộc bộ tộc Kayah ở giáo phận Taunggyi, cho biết chuyến viếng thăm đầu tiên của Đức Giáo Hoàng đến một nước nghèo như Miến Điện là một phước lành đặc biệt và sẽ mang lại sức mạnh cho người Công Giáo thiểu số.

U Kyar, một giáo viên của chính phủ nói rằng "Phương châm của Ngài là tình yêu và hòa bình, vì vậy ngài chắc chắn sẽ nói về hòa bình.

Chị Bambina, một nữ tu Dòng Thánh Giuse tại Yangon, nói chị rất vui mừng trước chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng mà không thể diễn tả niềm vui của mình. Chị nói thêm rằng: "Chuyến thăm sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho đất nước và nó sẽ làm sâu sắc thêm niềm tin của chúng tôi”.

Kính thưa qúi vị, Trước khi lên đường đến Miến Điện, theo thói quen, chiều thứ bẩy, 25-11, ngài đã đến Đền thờ Đức Bà Cả và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, để xin ơn phù trợ của Mẹ Thiên Chúa và phó thác cho Đức Mẹ cuộc viếng thăm của ngài tại Miến Điện và Bangladesh.

Tiếp đến, vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26-11, ĐTC nói với các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô rằng:

“Tối hôm nay, tôi sẽ bắt đầu chuyến tông du tại Miến Điện và Bangladesh. Tôi xin anh chị em tháp tùng tôi bằng lời cầu nguyện, để sự hiện diện của tôi nơi các dân tộc ấy là dấu chỉ sự gần gũi và hy vọng.”

Tín hữu Công Giáo Miến Điện tị nạn tặng ĐTC Phanxicô cây gậy mục tử bằng gỗ

Trong chuyến tông du Miến Điện những ngày này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dùng cây gậy mục tử bằng gỗ, được làm bằng tay, do các tín hữu Công Giáo tị nạn thuộc dân tộc thiểu số Kachin tặng.
Anh Joseph Myat Soe, một giáo dân trong vùng Kachin giải thích với hãng tin Fides rằng các tín hữu Kachin đang ở trong trại tị nạn ở Winemaw vì cuộc chiến giữa quân đội Miến Điện và nhóm võ trang Kachin, một trong những xung đột xuất phát từ sắc tộc.

Các người tị nạn Kachin tặng Đức Thánh Cha cây gậy mục tử như một mong muốn mang lại hòa bình cho bang Kachin, xét vì họ không thể tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ tế ở Yangon.

Đức cha phụ tá của giáo phận Yangon John Saw Han, xác nhận với hãng tin Fides là dù cho cuộc nội chiến đang xảy ra, dù cho các vấn đề kinh tế, sẽ có khoảng 5 ngàn tín hữu Công Giáo Kachin đến Yangon để gặp gỡ với Đức Thánh Cha và cầu nguyện cho hòa bình trong vùng của họ. Đặc biệt, các người trẻ Kachin cố gắng mọi cách để có thể đến Yangon dịp này vì họ hiểu đây là cơ hội không thể lập lại để nhìn thấy Đức Thánh Cha và cầu nguyện với ngài.

Cuộc chiến giữa quân đội độc lập Kachin và quân chính phủ khiến cho hàng trăm ngàn người Kachin chạy trôn và trú ẩn trong các trại tị nạn. Giáo Hội Công Giáo địa phương đang trợ giúp cho họ: tại giáo phận Myitkyina có 8 ngàn người di cư không thể trở về quê quán, Caritas trợ giúp họ, tìm cơ hội cho họ có đất đai canh tác để có thể tự mưu sinh. Các giám mục đã lên án cuộc chiến đã gây nên những mất mát thương đau, trẻ em bị bỏ rơi trong trại tị nạn, nạn buôn người gia tăng, nạn ma túy gây nên cái chết cho ngừoi trẻ Kachin, tài nguyên bị cướp phá.