Ngày 28-11-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 29/11: Lửa thử Vàng – Gian nan thử Sức – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:26 28/11/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.

"Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con".

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:52 28/11/2023

2. Khiêm tốn là cấp thứ nhất, là không hồ nghi việc phục tùng.

(Thánh Benedictus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:56 28/11/2023
13. MONG MUỐN KỲ LẠ TRƯỚC KHI CHẾT

Trịnh Tuyền trước khi chết thì nói với bạn bè:

“Sau khi tôi chết thì chôn tôi bên cạnh lò nấu gốm để làm người đầy tớ, đợi một trăm năm sau, có lẽ tôi có may mắn hóa thành đất sét dùng để làm bình rượu, đó thực là điều khiến tôi vừa lòng vừa ý vậy !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 13:

Có người trước khi chết thì ước mơ được...ăn miếng thịt chó rồi chết cũng đành; có người ước vọng trước khi chết thì được gặp mặt cha mẹ anh chị em lần cuối; có người ước mơ trước khi chết thì được thấy con mình dâng một thánh lễ mở tay rồi chết cũng mãn nguyện... tất cả những ước mơ ấy đều tốt, nhưng ít người ước mơ sau khi chết được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng.

Ước mơ duy nhất trước khi chết của người Ki-tô hữu là: xin được chết an bình trong tình yêu của Thiên Chúa, đó là ước mơ rất chính đáng và đẹp lòng Thiên Chúa, ước mơ này bày tỏ một tâm hồn thánh thiện đạo đức, nhưng để đạt ước mơ đó người Ki-tô hữu cần phải thực hành lời của Đức Chúa Giê-su dạy, đó là biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình...

Ước mơ được chôn bên lò gạch để trở thành đất sét thì là một ước mơ tuy kỳ quặc nhưng rất hợp với người thích uống rượu, bởi vì suốt đời họ là con sâu rượu, là đệ tử của lưu linh.

Ước mơ được chết an bình trong tình yêu Thiên Chúa là ước mơ rất đáng ước mơ, vì nó bày tỏ một tâm hồn luôn biết phó thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa đối với họ trong cuộc sống đời này...

Con người ta có rất nhiều ước mơ trước khi chết, nhưng ít có ai ước mơ được chết lành trong bình an của Thiên Chúa.

Còn anh, chị và tôi thì sao, có ước mơ nào trước khi chết?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Kiên trì
Lm. Minh Anh
14:15 28/11/2023

KIÊN TRÌ
“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”.

Eliza, 16 tuổi, kết hôn với một thợ may 20 tuổi; anh chưa từng đến trường! Với nhiều người, học vấn của anh là một thất bại; với Eliza thì không! Cô dạy anh đọc, viết và đánh vần. Những ngày đó thật khó khăn nhưng chồng cô tỏ ra là người học nhanh, học giỏi, đến nỗi nhiều năm sau, đắc cử tổng thống! Câu chuyện về tổng thống thứ 17 của Hoa Kỳ - Andrew Johnson và đệ nhất phu nhân Eliza - minh hoạ cho sức mạnh của sự kiên trì! “Bằng sự kiên trì, con ốc sên đã vào được tàu!” - C. H. Spurgeon.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị! ‘Câu chuyện dài’ “Con ốc sên vào được tàu” gợi hứng cho chúng ta dừng lại với ‘câu nói ngắn’ nhưng khá sâu sắc của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”.

Tại sao sự kiên trì lại quan trọng đến thế? Tại sao sự cứu rỗi của mỗi người lại tuỳ thuộc vào việc thực hành nhân đức này? Môn đệ không trọng hơn Thầy, và nếu Chúa Giêsu là dấu chỉ của sự mâu thuẫn, thì các môn đệ của Ngài, nhất thiết cũng phải như vậy. Đó là những người hăng hái trong cuộc chiến chống lại kẻ thù tâm hồn - như thánh Josemaria Escriva nói - “Một cuộc chiến đẹp đẽ nhất vì bình an và tình yêu”. Vòng nguyệt quế nào cũng có giá của nó, con đường dẫn tới thiên đàng không hề dễ. Đó là lý do tại sao nếu không có ‘kiên trì’, nhân đức dũng cảm căn bản, thì những ý định tốt đẹp của chúng ta sẽ không có kết quả. ‘Kiên trì’ là một phần của dũng cảm!

Sự ‘kiên trì’, ở mức độ tối đa, được thực hiện tại thập giá. Đây là lý do tại sao nó mang lại tự do bằng cách cho phép bạn và tôi làm chủ bản thân thông qua tình yêu. Lời hứa của Chúa Giêsu thật rõ ràng, “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”. Vì lẽ, điều cứu chúng ta chính là tình yêu. Chính sức mạnh của tình yêu mang lại cho mỗi người sự ‘kiên trì’ và vui vẻ chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa. Sức mạnh tình yêu này, ngay từ giây phút đầu tiên đã làm đảo lộn - như xảy ra trên thập giá - ý chí tội nghiệp của con người!

Anh Chị em,
“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”. Thánh Grêgôriô Cả nói, “Kiên trì là gốc rễ và là nhân đức bảo vệ mọi đức tính. Nó cốt ở việc thanh thản chịu đựng những điều xấu xa đến từ người khác và chịu đựng mà không oán giận kẻ gây ra chúng!”. Đức Phanxicô thì nói, “Kiên trì là ân sủng mà chúng ta phải cầu xin. Chủ nghĩa chiến thắng, ‘thắng nhanh’, không phải là Kitô giáo. Hành trình mỗi ngày trước sự hiện diện của Cha là con đường của Chúa Kitô. Chúng ta cũng hãy ‘kiên trì’ từng ngày đi trên con đường mang tên Ngài!”. Như vậy, kiên trì không phải là cam chịu; nhưng vượt xa cam chịu. Thậm chí nhiều hơn thế! Nó không liên quan gì đến thái độ khắc kỷ. ‘Kiên trì’ giúp hiểu rằng, thập giá - trước nỗi đau - thực chất là tình yêu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con thường thích ‘đánh nhanh, thắng nhanh’. Giúp con bền bỉ khiêm tốn như con ốc sên, để một ngày nào đó, con lần tới được con tàu “Thánh Thiện!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Gia hạn lệnh ngừng bắn ở Gaza nhưng đừng dừng lại ở đó
Vũ Văn An
13:17 28/11/2023

Ngoại giao khu vực và việc sửa đổi chính sách của Hoa Kỳ có thể tạo ra hòa bình lâu dài

Bài viết của Matthew Duss và Nancy Okail trên tạp chí Foreign Affairs, ngày 27 tháng 11 năm 2023 (https://www.foreignaffairs.com/middle-east/israel-hamas-ceasefire-united-states-peace-deal-gaza?):



Những ngày gần đây đã chứng kiến những tin tức tốt lành đầu tiên từ Gaza sau một thời gian dài. Là một phần của lệnh ngừng bắn do Hoa Kỳ làm trung gian bắt đầu vào thứ Sáu tuần trước và sẽ hết hạn vào ngày mai, Hamas đã thả hàng chục trong số hơn 200 người mà nhóm này bắt làm con tin trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7 tháng 10; những người được thả bao gồm nhiều trẻ em bị nhóm bắt giữ. Về phần mình, Israel đã thả 150 tù nhân Palestine, tạm dừng bắn phá Gaza và cho phép thêm hàng hóa nhân đạo vào lãnh thổ, mang lại thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi cho hàng triệu thường dân ở đó đã phải chịu đựng vô cùng đau khổ trong nhiều tuần.

Thỏa thuận mở ra triển vọng các bên có thể gia hạn thời gian đó và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cho biết chính quyền của ông đang nỗ lực đạt được mục tiêu đó. Đó là nỗ lực đúng đắn. Giờ đây, chính quyền Biden phải làm rõ lý do tại sao việc gia hạn như vậy lại có lợi cho cả người Israel lẫn người Palestine, cũng như cho lợi ích của Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế của nước này. Một lệnh ngừng bắn kéo dài có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao trả nhiều con tin Israel hơn và giảm nguy cơ làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo đối với dân thường ở Gaza. Nó cũng có thể giúp làm dịu căng thẳng ở West Bank và giảm nguy cơ chiến tranh có thể leo thang bằng cách thu hút các tác nhân bên ngoài, chẳng hạn như nhóm chiến binh Hezbollah của Lebanon và người bảo trợ của nó, Iran.

Tuy nhiên, việc gia hạn lệnh ngừng bắn chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình lớn hơn đòi hỏi chính sách ngoại giao khu vực mạnh mẽ được Mỹ hậu thuẫn và một cuộc cải tổ chính sách của Mỹ. Khi Biden nhậm chức vào năm 2021, ông quyết tâm không lãng phí thời gian và sức lực của mình vào những nỗ lực vô ích nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestine. Nhưng cuộc chiến ở Gaza đã cho thấy vấn đề này không thể bỏ qua. Để thực hiện tốt tuyên bố ngày 8 tháng 11 của Ngoại trưởng Antony Blinken rằng không thể quay trở lại nguyên trạng rõ ràng là không bền vững trước đây, Hoa Kỳ phải thay đổi cách tiếp cận tổng thể và cam kết thực hiện một tiến trình ngoại giao trên diện rộng để cuối cùng có thể giải quyết xung đột và ưu tiên quyền lợi và nhân phẩm cho người dân trong khu vực.

Danh tiếng và uy tín hoàn cầu của Hoa Kỳ đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi sự ủng hộ dường như vô điều kiện của nước này đối với chiến dịch quân sự tàn khốc của Israel ở Gaza. Nhưng Hoa Kỳ vẫn là quốc gia duy nhất có các mối quan hệ và ảnh hưởng cần thiết để bảo đảm việc gia hạn lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện thuận lợi cho một quá trình mà cuối cùng có thể dẫn đến một thỏa thuận chấm dứt xung đột.

Nói Xuông

Nếu lệnh ngừng bắn kéo dài được duy trì, nó có thể mở đường cho một giải pháp cho cuộc chiến hiện tại. Bất cứ thỏa thuận nào cũng phải chấm dứt việc Israel phong tỏa và giam giữ thường dân Palestine ở Gaza. Nó cũng phải bác bỏ khả năng Hamas tiến hành các cuộc tấn công vào Israel. Mục tiêu mà chính phủ Israel nêu ra là “chấm dứt Hamas” có thể hiểu được dựa trên những hành động tàn bạo của nhóm này vào ngày 7 tháng 10, nhưng nó không thực tế. Hamas sẽ tồn tại như một phong trào chính trị chừng nào việc phủ nhận các quyền của người Palestine còn kéo dài. Không thể “kết thúc” Hamas, nhưng có thể khiến Hamas trở nên vô nghĩa bằng cách giải quyết sự tức giận và vô vọng mà nó nuôi dưỡng. Cuối cùng, bất cứ giải pháp công bằng nào cũng sẽ đòi hỏi phải tính đến thương vong hàng loạt của dân thường ở mỗi bên. Hoa Kỳ đã ủng hộ cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế về tội ác tàn bạo của Nga ở Ukraine. Washington phải làm điều tương tự ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine.

Một lệnh ngừng bắn kéo dài cũng sẽ tạo cơ hội cho Washington nghiêm túc sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine rộng lớn hơn một cách công bằng. Tuy nhiên, để làm như vậy, chính quyền Biden phải dứt khoát từ bỏ tầm nhìn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về các thỏa thuận bình thường hóa song phương từng phần – điều gọi là Hiệp định Abraham – giữa Israel và các chế độ chuyên chế có đa số người Ả Rập và Hồi giáo. Khác xa với việc tạo ra hòa bình, cách tiếp cận đó — mà Biden đã áp dụng ngay sau khi nhậm chức — chỉ che đậy cho sự kiểm soát vĩnh viễn của Israel đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine và phủ nhận các quyền dân tộc, chính trị và nhân quyền căn bản của người Palestine, vi phạm luật pháp quốc tế. Mô hình của Trump và Netanyahu liên quan đến việc Washington, trong yếu tính, hối lộ các chế độ chuyên quyền để công nhận Israel bằng những lời hứa về vũ khí và đảm bảo an ninh của Mỹ. Nhưng "vũ khí vì hòa bình" vốn là một thất bại: nó dẫn đến việc gia tăng quân sự hóa khu vực nhưng không làm tăng sự ổn định - như cuộc chiến ở Gaza đã cho thấy.

Nói rộng hơn, Hoa Kỳ cũng nên từ bỏ chính sách thất bại của mình trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán song phương, trực tiếp giữa các bên có sự mất cân bằng lớn về sức mạnh quân sự và ngoại giao. Thay vào đó, nếu lệnh ngừng bắn kéo dài được duy trì, Wash-ington nên triệu tập ngay các bên đã gặp nhau vào tháng 2 để thảo luận về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine và công bố điều gọi là Thông cáo Aqaba: Ai Cập, Israel, Jordan, Hoa Kỳ và đại diện của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Tuy nhiên, lần này Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, vốn là các đối tác an ninh của Hoa Kỳ duy trì các kênh mở với Iran và Hamas, cũng nên được mời.

Mục tiêu là bảo đảm một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều này sẽ bao gồm việc bình thường hóa hoàn cầu và công nhận các quyền dân tộc của cả người Israel lẫn người Palestine trong khi vẫn bảo đảm an ninh và phúc lợi của họ. Những người tham gia có thể đề xuất các mô hình khác nhau làm điều khoản tham khảo. Một mô hình tiềm năng là Sáng kiến Hòa bình Ả Rập, đề xuất sự công nhận hoàn toàn của người Ả Rập đối với Israel để đổi lấy việc chấm dứt sự chiếm đóng bắt đầu từ năm 1967, một giải pháp công bằng cho vấn đề người tị nạn Palestine và thành lập một nhà nước Pales-tine. Một mô hình tiềm năng khác là một thỏa thuận liên minh giữa Israel và Palestine, giống như mô hình được nhóm A Land for All [một lãnh thổ cho mọi người] của Israel đề xuất gần đây, một thỏa thuận tìm cách giải quyết những nghi ngờ chính đáng về tính đáng mong muốn và tính khả thi của việc phân chia và chia tách hoàn toàn. Dù công thức nào được đưa ra, nó đều phải đối diện với thực tại căn bản này là việc Israel chiếm đóng vô thời hạn và sáp nhập lãnh thổ Palestine trên thực tế là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Việc không thể chống lại những nỗ lực của Israel nhằm thiết lập sự kiểm soát phi dân chủ, lâu dài ở những vùng lãnh thổ này sẽ làm tiêu tan mọi nỗ lực giải quyết xung đột ngoại giao và gây thêm bạo lực. Một nghị quyết công bằng cũng phải đảm bảo quyền của người Palestine trên tất cả các vùng lãnh thổ: Gaza, West Bank và Đông Giêrusalem. Bất cứ phương thức nào nhằm tách Gaza đều sẽ thất bại vì đây là một phần không thể thiếu của quốc gia Palestine.

Chứng minh lời nói bằng việc làm

Ngoài việc lãnh đạo ngoại giao khu vực, Washington phải định hướng lại chính sách của mình, chấm dứt thói quen chỉ trích sự chiếm đóng ngày càng sâu rộng của Israel và thay vào đó thực hiện các bước cụ thể để chấm dứt nó. Việc không có bất cứ hậu quả có ý nghĩa nào đối với việc mở rộng khu định cư liên tục và mạnh mẽ của Israel đã thúc đẩy cánh hữu cực đoan ủng hộ việc định cư ở nước này. Washington phải khôi phục hướng dẫn pháp lý cho rằng các khu định cư không phù hợp với luật pháp quốc tế. Làm như vậy sẽ tái khẳng định một trật tự quốc tế thực sự dựa trên luật lệ bằng cách đưa Hoa Kỳ phù hợp với sự đồng thuận pháp lý quốc tế áp đảo được thể hiện trong các Công ước Geneva, trong đó nêu rõ rằng các cường quốc chiếm đóng không được chuyển dân cư của mình sang các vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng về mặt quân sự. Thông báo gần đây của chính quyền Biden rằng họ đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người định cư Israel liên quan đến các cuộc tấn công chống lại người Palestine ở West Bank bị chiếm đóng là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy Washington cuối cùng đã bắt đầu xem xét vấn đề lâu dài này một cách nghiêm túc.

Hoa Kỳ cũng nên ngừng sử dụng quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bảo vệ Israel khỏi những lời chỉ trích chính xác và phù hợp đối với các hoạt động liên quan đến việc sáp nhập và định cư của nước này. Washington không còn được phép cho phép Is-rael hoặc bất cứ quốc gia nào khác sử dụng vũ khí mua từ Hoa Kỳ hoặc được tài trợ bởi viện trợ của Hoa Kỳ để vi phạm luật nhân đạo quốc tế—như Israel có thể đã làm trong cuộc chiến tranh Gaza—hoặc cho bất cứ mục đích nào bị luật pháp Hoa Kỳ cấm. Bằng cách thực thi một cách có ý nghĩa các luật hiện hành của Hoa Kỳ, bao gồm cả những luật cấm viện trợ cho các lực lượng quân sự có hồ sơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, chính quyền Biden có thể khuyến khích hành vi tốt hơn của Israel và thực hiện tốt cam kết của Biden là đặt nhân quyền làm trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Washington cũng nên ủng hộ một tiến trình dân chủ nhằm tạo ra một ban lãnh đạo hợp pháp của người Palestine, một ban lãnh đạo có thể đưa ra những cam kết đáng tin cậy thay mặt cho người dân Palestine. Nói rõ hơn, Hoa Kỳ không có quyền cũng như khả năng quyết định ai sẽ lãnh đạo người Palestine. Thật vậy, giả định của chính quyền George W. Bush rằng họ có quyền đó đã trực tiếp dẫn đến việc Hamas nắm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thể hỗ trợ các nhà lãnh đạo Palestine mong muốn hòa bình với Israel bằng cách cho thấy rằng bất bạo động và ngoại giao mang lại con đường giải phóng cho người dân Palestine tốt hơn là bạo lực khủng bố. Hoa Kỳ có thể tăng cường tính hợp pháp của các nhà lãnh đạo như vậy bằng cách nâng cấp mối quan hệ song phương của chính Washington với PLO (tổ chức đã công nhận Israel vào năm 1993), thực thi quyền hành pháp hiện có để chấm dứt chỉ danh lập pháp kéo dài hàng thập niên coi PLO như một tổ chức khủng bố và mở lại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Giêrusalem để phục vụ người Palestine. Đồng thời, Washington nên hợp tác với các đối tác khu vực và quốc tế để xây dựng một chương trình hỗ trợ kinh tế lớn mang lại lợi ích cho người dân Palestine.

“Vũ khí vì hòa bình” đã thất bại.

Hoa Kỳ cũng phải ngừng việc ngăn chặn các tổ chức quốc tế và việc làm nản lòng các nước khác công nhận nhà nước Palestine. Mặc dù chỉ có người Israel và người Palestine mới có thể đạt được một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột, người Palestine có quyền tìm kiếm sự công nhận nhà nước của họ từ các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài. Tự ràng buộc mình với các nghĩa vụ của tư cách một quốc gia và tham gia các hiệp ước đòi tác phong có trách nhiệm là một cách hành động bất bạo động—một cách phù hợp với luật pháp quốc tế và cần được hoan nghênh, không nên bị làm cho nản lòng hay bị trừng phạt. Do đó, Hoa Kỳ nên chấm dứt việc phi hợpp pháp hóa những nỗ lực đó và thay vào đó hoan nghênh chúng vì chúng có lợi cho triển vọng đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Biden là người ủng hộ mạnh mẽ Israel trong toàn bộ sự nghiệp chính trị của mình. Ông đã tạo dựng được uy tín to lớn đối với người dân Israel bằng tình cảm nồng nhiệt đối với đất nước của họ kể từ ngày 7 tháng 10. Bây giờ là lúc để Biden sử dụng uy tín đó để thúc đẩy chính phủ Israel đi đúng hướng. Ông có thể dễ dàng chứng minh rằng những bước đi như vậy không gây căng thẳng với sự hỗ trợ đã hứa của ông đối với an ninh lâu dài của Israel; trên thực tế, chúng sẽ là sự thực hiện lời hứa đó.

Gaza đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh kể từ năm 2007 và mô hình luôn giống nhau: một vài tuần trong đó mọi người đồng ý rằng cuộc khủng hoảng căn bản phải được giải quyết, và sau đó mọi người đều quên mất. Thảm họa hiện đang diễn ra là kết quả của mô hình đó. Nó không được lặp lại. Thật khó để tưởng tượng rằng điều gì tốt đẹp có thể xảy ra trong hai tháng đầy kinh hoàng và đổ máu vừa qua. Nhưng cam kết của Mỹ đối với một tiến trình ngoại giao bền vững dựa trên luật pháp quốc tế sẽ là một bước nhảy vọt hướng tới một tương lai an toàn và hòa bình cho cả hai dân tộc.
 
Theo lời khuyên của các Bác sĩ, Đức Thánh Cha hủy bỏ chuyến tông du tới Dubai để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu .
Thanh Quảng sdb
16:31 28/11/2023
Theo lời khuyên của các Bác sĩ, Đức Thánh Cha hủy bỏ chuyến tông du tới Dubai để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu (COP28).

Theo Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết thì các bác sĩ của Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu ngài không nên thực hiện chuyến hành trình theo lịch trình tới Dubai để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu (COP28), và ĐTC đã chấp nhận lời khuyên đó “với sự hối tiếc”.

(Tin Vatican)

Theo tuyên bố của ông Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đưa ra vào tối thứ Ba (28/11/2023) thì: “Mặc dù tình trạng sức khỏe chung chung của Đức Thánh Cha đã được cải thiện liên quan đến bệnh cúm và viêm đường hô hấp mà ngài đang mắc phải, nhưng các bác sĩ của ngài đã khuyến cáo Đức Thánh Cha đừng thực hiện chuyến tông du dự kiến tới Dubai trong những ngày tới, nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu (COP28) thứ 28 của các nước tham gia Công ước của Liên hợp quốc về sự biến đổi khí hậu.”

Chuyến tông du này đã hoạch định từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 12, và vào thứ Bảy, ĐTC sẽ phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu (COP28), và vào Chủ nhật, Ngài sẽ tham gia lễ khánh thành Nhà thờ Đức tin với Hội nghị Thượng đỉnh.

Ông Bruni nói thêm rằng “theo thỏa thuận ước mong của ĐTC và Tòa thánh là tham gia một phần của các cuộc thảo luận diễn ra trong những ngày tới, bàn về các phương thức để cứu vãn tình hình của khí hậu toàn cầu”.

Những thay đổi lịch trình của Đức Thánh Cha

Để tạo điều kiện cho việc phục hồi sức khỏe của ĐTC, một số công việc quan trọng dự kiến trong những ngày này sẽ bị hoãn lại; nhưng những sinh hoạt bình thường vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, ĐTC đã cho thấy sự tình trạng sức khỏe của ngài vào hôm thứ Hai, ĐTC không bị sốt hay có vấn đề gì đặc biệt về hô hấp.

Ông Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho biết: “Tình trạng sức khỏe của ĐTC tốt và ổn định”, nhưng các bác sĩ của ngài khuyên tốt nhất là ĐTC nên nghỉ ngơi và không nên bận rộn với những công chuyện gây căng thẳng hay phải suy nghĩ nhiều!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh lễ kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo VN tại GX ĐMHCG-Garland TX
Phạm Thái Hùng
00:40 28/11/2023
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh tiếng Sư Tử gầm thét
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
05:09 28/11/2023

Hình ảnh tiếng Sư Tử gầm thét

Sư tử là loài thú vật hoang dã, có sức mạnh dũng mãnh cùng uy phong to lớn lực lưỡng, nên được phong gọi là „ chúa sơn lâm“.

Loài thú vật bốn chân này phóng chạy rất nhanh như vũ bão, săn vồ những thú vật khác làm mồi ăn thịt sống, răng và móng chân nanh vuốt nhọn, nên rất nguy hiểm cho các thú vật khác.

Loài thú vật này là hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh uy dũng thống trị, tiếng gầm thét vang vọng gây kinh hãi. Giống như loài mèo, nó có khả năng không chỉ nhìn tinh tường ban ngày mà cả ban đêm tối trời nữa.

Theo văn hóa thời bên Ai Cập cổ xưa, loài thú này là hình ảnh vị gìn giữ Nước, và đồng thời cũng được tôn kính là vị thần Mặt Trời. Vì thế, nơi ghế ngai của các vị Vua Pharao thời đại đó đều khắc hình Sư Tử để nói lên sức mạnh quyền uy.

Ở vùng văn hóa viễn Đông bên Trung Hoa, bên Ấn Độ, Sư Tử như con Rồng, được cho là người bảo vệ đền thờ chống lại ma qủy sự dữ.

Trong văn hóa tôn giáo Do Thái và Kitô giáo hình ảnh Sư Tử được nói đến nhiều cả hai khía cạnh tiêu cực lẫn tích cực.

Sư tử bị cho là ma quỷ thần dữ và nguy hiểm cho người cùng các loài thú vật khác.

Xin cứu con khỏi nanh sư tữ hãi hùng“ ( Tv 22,22)

Tôi phải nằm giữa bầy sư tử, loài thú ăn thịt người, nanh vuốt chúng là đầu tên mũi giáo, lưỡi thì sắc bén tựa gươm đao.“ ( Tv 57,5)

Tuy nhiên hình ảnh sư tử trong Kinh Thánh cũng có khía cạnh tích cực: Juda con Ông Giacóp được ví như một con sư tử non trẻ ( St, 49,9).

Và Chúa Giêsu Kitô được trình bày là hình ảnh một con sư tử dòng dõi chi tộc Juda: „ Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Juda, Chồi non của David đã chiến thắng, Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong. „( Kh 5,5)

Trong nghệ thuật văn hóa Kitô giáo Sư Tử là hình ảnh kẻ canh gác, mang ý nghĩa nói về sức mạnh.Có thể vì thế nơi hai đầu của phần bia mộ các người qúa cố vị vọng thời xưa trong thánh đường, như thấy ở bên trong nhà thờ chính tòa Tổng giáo phận Bamberg nước Đức nơi phần mộ xây nổi trên nền nhà thờ của vợ chồng hoàng đế Heinrich II. và Kunigunde, họ đã được tôn phong lên hàng Hiển Thánh.

Theo Ngôn sứ Isaia hình ảnh con Sư Tử là hình ảnh hòa bình đang đến: Chiên con và Sư Tử an bình nằm cạnh nhau,“ Một cậu bé chăn dắt chúng, Sư Tử cùng ăn rơm như bò.“ ( Isaia 11,6-7).

Và sau cùng Con Sư Tử được dùng là hình ảnh biểu tượng Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Marcô, mà trong suốt Năm Phụng vụ B ( từ 03.12. 2023 đến 01.12. 2024) được đọc trong các thánh lễ Misa.

Nguồn gốc hình ảnh biểu tượng của bốn Phúc âm Chúa Giêsu có nguồn gốc trong thần thoại thời Babylon. Bốn vị Thần: Nergal = Cánh sư tử, Marduk = Cánh thú vật, Nabu = hình người và Mimurta = Chim đại bàng diễn tả sức mạnh thần thánh.

Ngôn sứ Ezechiel trong thị kiến đã nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa nơi bốn sinh vật ( Ez 1,1-14), giống như Thánh Gioan thuật lại trong sách Khải Huyền thuật lại ( Kh 4,6-8)

Các Giáo phụ Irenaeus và Hippolytus đã đem bốn sinh vật trong thị kiến của Ngôn sứ Ezechiel và nơi sách Khải Huyền làm hình ảnh biểu tượng cho bốn vị Thánh sử viết Phúc âm Chúa Giêsu.

Thánh giáo phụ Hieronymus đã căn cứ theo nội dung của Phúc âm sắp xếp Con Sư tử là hình ảnh biểu tượng cho Phúc âm theo Thánh Marco. Vì Phúc âm này khởi đầu với Thánh Gioan tiền hô rao giảng là tiếng hô trong sa mạc, Ông sống giữa thiên nhiên trong rừng hoang dã thú vật. Lời rao giảng đang thép của Gioan nơi hoang địa về ăn năn sám hối giống như tiếng sư tử gầm thét trong rừng hoang đã

Thánh sử Marco được đặt cho hình ảnh biểu tượng con sư tử, vì khởi đầu thuật lại Chúa Giêsu ra đi rao gỉang nước Thiên Chúa loan báo thời thái bình, bò con và sư tử bên nằm cạnh nhau, cùng được chăn nuôi ăn trên đồng cỏ, và sư tử cũng ăn cỏ như chiên bò.

Ở thành phố Venezia bên nước Ý có vương cung thánh đường kính Thánh Marco thánh sử. Ngoài công trường ở mặt tiền thánh đường có cây cột trụ cao, trên đó có tượng con sư tử mầu vàng với đôi cánh là hình ảnh biểu tượng cho Thánh Marco thánh sử viết Phúc âm Chúa Giêsu.

Ở bên trong đền thờ Thánh Phêro bên Vatican, nơi vị trí bàn thờ đức tin hay gian cung thánh, ở bốn góc có vẽ khắc bốn hình biểu tượng 4 Thánh sử viết Phúc âm Chúa Giêsu. Thánh sử Marco được khắc vẽ với hình con sư tử có đôi cánh và cuốn sách Phúc âm.

Tác gỉa viết Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Marco ngay từ thời Giáo hội sơ khai có tên là Gioan Marco.

Theo truyền thống từ thời Gịáo hội lúc ban đầu, Marco và Thánh Tông đồ Phêro có liên hệ mật thiết với nhau. Giám mục Papias thành Hieropolis vào thời năm 120, sau Chúa giáng sinh, cho rằng Marco là học trò, người thông ngôn những bài giảng của Thánh Phêro từ tiếng Do Thái sang tiếng Hylạp, tiếng Latinh cho những người lương dân thời đó, mà họ không thuộc về vùng nền văn hóa Do Thái giáo. Marco viết lại những gì Thánh Phêro đã nghe Chúa Giêsu rao giảng khi xưa, lúc sống đã theo chân đồng hành với Chúa Giêsu ba năm.

Dựa theo mạch văn cùng ngôn ngữ Hylạp và những thành ngữ tiếng latinh trong Phúc âm, người ta phỏng đoán Marco đã viết Phúc âm ở Roma hay trong vùng của đế quốc Roma.

Thời điểm Marco viết Phúc âm được cho là vào năm 65. sau Chúa Giáng sinh, trước khi thành Gierusalem bị quân đội Roma xâm chiếm tàn phá năm 70, sau Chúa Giáng sinh. Nhưng Giáo sư Kinh thánh Gioakim Gnilka lại cho rằng sau khi thành Giêrusalem năm 70, bị tàn phá, Phúc âm theo Marco mới được viết ra.

Dẫu vậy, niên đại khi nào Phúc âm theo Marco được viết ra không là vấn đề quan trọng bằng sứ điệp Chúa Giêsu mà Marco viết trong Phúc âm.

Phúc âm Chúa Giêsu theo thánh Marco là cuốn sách Phúc âm cổ nhất, được viết đầu tiên trước những 3 sách Phúc âm khác và cũng là Phúc âm ngắn nhất có 16 chương.

Thánh sử Marco viết Phúc âm Chúa Giêsu, như cuốn sách giáo lý. Và cuốn sách giáo lý đó không chỉ là sách lịch sử, nhưng còn chứa đựng ý nghĩa thần học đạo đức nữa.

Xưa nay nhiều nhà chú giải kinh thánh, nhà thần học đã có những suy tư khảo cứu về khía cạnh ý nghĩa thần học khác nhau chứa đựng trong Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh sử Marcô.

Ngoài những khía cạnh, mà các nhà chú giải, các nhà thần học suy tư khảo cứu, khi đọc Tin mừng Chúa Giêsu của Thánh sử Marcô còn nhận ra khía cạnh giáo lý phổ thông như trung tâm sứ điệp Phúc âm: cho những con người sẵn sàng dấn thân bước theo chân Chúa Giêsu.

Người môn đệ tin theo Chúa Giêsu Kitô không loại bỏ con đường đau khổ vác thập giá. Vì họ tin rằng Chúa Giêsu Kitô chết trên cây thập giá đã chiến thắng sức mạnh của ma qủi thần dữ tội lỗi, và đã mở ra lối cho con người đi vào con đường sống trong tự do bình an.

Đời sống con người ai cũng muốn có thành công, nhưng thất bại lại luôn xảy ra trên con đường đời sống, và sau cùng chấm dứt với sự chết, mà không ai có thể tránh thoát được. Chả thế mà dân gian có suy tư về đời sống con người qua những giai đọan: sinh - lão - bệnh- tử!

Chúa Giêsu Kitô khi xưa đã khởi đầu con đường sứ vụ rao giảng ở miền Galileo và đã đạt nhiều thành công. Nhưng con đường đời sống của Ngài trên trần gian lại chấm dứt với sự đau khổ, bị từ chối và sau cùng cái chết bị treo trên thập giá ở Jerusalem.

Nhưng Tin mừng theo Thánh sử Marcô viết để lại cho Giáo hội, cho con người: Chúng ta không mãi mãi ở trong nấm mồ sự chết, như Chúa Kitô đã chết và đã sống lại ra khỏi mồ. Thiên Thần Chúa mặc áo trắng đã loan tin cho chị phụ nữ Magdalena: Chúa Giêsu Kitô đã sống lại không còn nằm trong nấm mồ nữa.

Cũng vậy trên nấm mồ của chúng ta, Thiên Thần Chúa mặc áo trắng loan tin: Chúng ta cũng được sống lại với Chúa Giêsu Kitô.



 
Church Documents
Lan Vy - News 29 Nov 2023
J.B. Đặng Minh An dịch
22:42 28/11/2023
1. Một thừa sai người Đức tại Mali được trả tự do sau một năm bị bắt cóc

Một thừa sai người Đức, cha Hans Joachim Lohre, đã được trả tự do, hôm 26 tháng Mười Một vừa qua, sau một năm bị nhóm phiến quân Hồi giáo bắt cóc, tại thủ đô Bamako của Mali bên Phi châu.

Cha Lohre năm nay 66 tuổi, thuộc Hội thừa sai Phi châu, quen gọi là các cha Dòng Trắng, hoạt động từ hơn 30 năm nay tại Mali. Cha làm việc tại Học viện Kitô-Hồi giáo và phụ trách Trung tâm Đức tin và Gặp gỡ ở Hamdallah. Cha bị mất tích từ Chúa nhật, ngày 22 tháng Mười Một năm ngoái. Tờ thông tin nội bộ của các cha Dòng Trắng nói rằng: “Lẽ ra, cha phải đến cộng đoàn Kalaban Coura để dâng thánh lễ Chúa nhật, nhưng từ đó người ta không có tin gì về cha”. Xe của cha Lohre được tìm thấy gần Học viện ở thủ đô Bamako và các nhân viên điều tra sau đó đã tìm được dây đeo cổ với cây thánh giá nhỏ của cha cạnh chiếc xe. Cửa xe mở và có những vết chân.

Việc trả tự do cho cha Lohre dường như đã được chính phủ Đức thương thuyết trực tiếp. Sau khi được trả tự do, các giới chức của chính quyền Đức đã đưa cha trở về Đức, trong đêm 26 rạng ngày 27 tháng Mười Một bằng một chuyến bay đặc biệt.

Đức vẫn còn một số quân nhân ở Mali trong khuôn khổ sứ vụ bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, gọi là lực lượng Minusma, lực lượng này sẽ chấm dứt nhiệm vụ vào cuối năm nay, theo lời yêu cầu của giới lãnh đạo quân đội của Mali, đã nắm quyền từ sau cuộc đảo chánh hồi năm 2020.

Tại Mali, hiện có một số nhóm thánh chiến Hồi giáo có liên hệ tới các lực lượng khủng bố Al Qaeda và ISIS, trong quá khứ đã thực hiện nhiều vụ bắt cóc người nước ngoài, như nữ tu Gloria Cecilia Narváez, thừa sai người Colombia bị bắt cóc ngày 07 tháng Hai năm 2017, gần Koutiala ở Malik, và được trả tự do hồi tháng Mười năm ngoái.

2. Nhà thờ chính tòa Công Giáo ở Kyiv bị hư hại

Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Phục Sinh của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở thủ đô Kyiv của Ukraine bị hư hại vì cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga, tấn công trong đêm 25 tháng Mười Một vừa qua.

Cả Tòa giám mục của Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk cũng bị hư hại.

Đêm hôm đó, Nga đã phóng 75 máy bay không người lái, trong đó có 74 máy bay bị phòng không Ukraine bắn hạ, trong đó có 60 máy bay trên vùng trời thủ đô Kyiv. Còi báo động ở thủ đô Kyiv đã réo trong sáu tiếng đồng hồ, từ lúc 2 giờ 37 phút đêm. Không có người nào chết nhưng có năm người bị thương, trong đó có một em bé 11 tuổi.

Một máy bay không người lái của Nga đã bị bắn hạ ở quận Dnipro thuộc Kyiv, gần nhà thờ chính tòa của Đức Thượng phụ. Tiếng nổ đã làm vỡ các kiếng của nhà thờ chính tòa, một cao ốc gần nhà thờ bị hư hại nhiều. Sáu cửa sổ ở tầng hầm nhà thờ chính tòa cũng bị hư hại. Ba cửa Tòa giám mục của Đức Tổng Giám Mục Trưởng bị thiệt hại.

3. Cha Piotr Rosochecki: Dân chúng Ukraine tiếp tục cần được giúp đỡ

Nếu không được hỗ trợ, dân chúng tại vùng Odessa của Ukraine sẽ không sống sót qua mùa đông này.

Cha Piotr Rosochacki, người Ba Lan, phụ trách các hoạt động của tổ chức bác ái Caritas Hy Vọng (Caritas Spes) của Ukraine ở vùng thành phố cảng Odessa, mạn nam Ukraine, cho biết như trên giữa lúc chiến tranh tại Trung Đông đang đẩy lùi Ukraine ra khỏi các hoạt động trợ giúp của các nước. Vì thế, thách đố lớn nhất hiện nay của cơ quan bác ái này vẫn là chuẩn bị cho mùa đông tới đây của thời chiến, nhất là trước viễn tượng Nga có thể tấn công ồ ạt vào các trung tâm điện lực và hệ thống sưởi của Ukraine, như đã xảy ra hồi năm ngoái.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ban tiếng Ba Lan của Đài Vatican, cha Rosochacki nói rằng mỗi tháng mang lại những thách đố mới. Hiện nay vẫn còn phải chiến đấu để giải quyết hậu quả của vụ lụt sau khi đập nước ở Nova Kakhovka bị Nga phá sập, nhưng đồng thời vẫn phải tìm cách đáp ứng các nhu cầu cơ bản: “Trước khi mùa đông tới, chúng tôi đều phải nghĩ đến việc cung cấp hệ thống sưởi và áo ấm cho dân nghèo. Thời tiết ngày càng lạnh hơn. Chúng tôi tìm cách giúp đỡ củi và lò sưởi, áo ấm, giày mùa đông, và những nhu cầu khác trong mùa đông. Ngoài ra, có nhu cầu giúp đỡ những người Ukraine, tuy gia cư của họ đã bị phá hủy vì chiến tranh hoặc vì lụt, nhưng nay họ dần dần hồi hương. Họ biết rằng nếu họ càng vắng mặt lâu thì sự tàn phá càng lớn hơn. Mỗi người đều muốn trở lại nơi cũ của họ. Vì vậy, đối với chúng tôi, đây là lúc nỗ lực đáp ứng các nhu cầu của họ trong bối cảnh mùa đông đang đến gần”.

Theo cha Rosochacki, sự chú ý của dư luận đối với Ukraine đang dần dần suy giảm, và điều này có nghĩa là viện trợ nhân đạo cho Ukraine bị giảm bớt, trong khi nhu cầu tại đây vẫn ở mức độ cao. Nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, “Ukraine không thể sống sót trong những tuần lễ tới đây, cả về mặt nhân đạo cũng như quân sự. Hiện thời, Ukraine lệ thuộc 100% vào Âu châu.

4. Theo lời khuyên của các Bác sĩ, Đức Thánh Cha hủy bỏ việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu ở Dubai.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết các bác sĩ của Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu ngài không nên thực hiện chuyến hành trình theo lịch trình tới Dubai để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu, gọi tắt là COP28, và Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời khuyên đó “với sự hối tiếc”.

Theo tuyên bố của ông Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đưa ra vào tối thứ Ba: “Mặc dù tình trạng sức khỏe chung chung của Đức Thánh Cha đã được cải thiện liên quan đến bệnh cúm và viêm đường hô hấp mà ngài đang mắc phải, nhưng các bác sĩ của ngài đã khuyến cáo Đức Thánh Cha đừng thực hiện chuyến tông du dự kiến tới Dubai trong những ngày tới, nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu thứ 28 của các nước tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về sự biến đổi khí hậu.”

Chuyến tông du này đã hoạch định từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 12, và theo chương trình, Đức Thánh Cha sẽ phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu; sau đó khánh thành Nhà thờ Đức tin.

Ông Bruni nói thêm rằng “theo thỏa thuận ước mong của Đức Thánh Cha, Tòa thánh là một bên tham gia của các cuộc thảo luận diễn ra trong những ngày tới, bàn về các phương thức để cứu vãn tình hình của khí hậu toàn cầu”.

Để tạo điều kiện cho việc phục hồi sức khỏe của Đức Thánh Cha, một số công việc quan trọng dự kiến trong những ngày này sẽ bị hoãn lại; nhưng những sinh hoạt bình thường vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã cho thấy tình trạng sức khỏe của ngài có tiến triển vào hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha không bị sốt hay có vấn đề gì đặc biệt về hô hấp.

Ông Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho biết: “Tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha tốt và ổn định”, nhưng các bác sĩ của ngài khuyên tốt nhất là Đức Thánh Cha nên nghỉ ngơi và không nên bận rộn với những công chuyện gây căng thẳng hay phải suy nghĩ nhiều!

5. Máy bay phản lực Nga bắn phá từ xa vào thị trấn Avdiivka

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine cho biết máy bay phản lực Nga giữ 'khoảng cách' với Avdiivka”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Quân đội Ukraine cho biết máy bay chiến lược của Nga đang giữ khoảng cách với thị trấn Avdiivka ở miền đông Ukraine trong khi Nga cố gắng bao vây khu định cư kiên cố này.

Theo Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của lực lượng Tavria của Ukraine, trong vài ngày qua, lực lượng Nga đã sử dụng máy bay Su-35 để thả bom dẫn đường xung quanh Avdiivka.

Shtupun nói với Newsweek hôm thứ Ba: “Những máy bay này hoạt động từ xa,” đi vòng quanh lực lượng phòng không Ukraine. Ông nói thêm: “Trong hai ngày qua, hơn 20 cuộc không kích như vậy đã được ghi nhận”. Shtupun cho biết ban đầu Nga sử dụng cả máy bay phản lực và trực thăng tấn công để tiến hành các cuộc tấn công vào Avdiivka trong những ngày đầu của cuộc tấn công dữ dội.

Lực lượng Mạc Tư Khoa bắt đầu tấn công phối hợp quanh thị trấn vào ngày 10 tháng 10, và các cuộc tấn công vào Avdiivka đã giảm dần nhưng lại tăng cường trong một tuần gần đây. Khu định cư đã trở thành một điểm nóng của giao tranh dọc theo chiến tuyến phần lớn là tĩnh lặng. Đây sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến lược quan trọng đối với Nga nếu Điện Cẩm Linh chiếm được.

Avdiivka đã trở thành cái gai đối với Nga kể từ khi lực lượng ủy nhiệm của nước này nổi lên ở Donetsk vào năm 2014 và Mạc Tư Khoa sáp nhập bán đảo Crimea vào phía nam lục địa Ukraine. Trong 9 năm, Ukraine đã có thời gian xây dựng hệ thống phòng thủ của mình một cách kiên cố.

Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, Vương quốc Anh, nói với Newsweek rằng Nga “rất khó chiếm được thị trấn này” khi các cuộc tấn công gia tăng vào tháng 10.

Ông Shtupun cho biết, từ ngày 10/10, khi Nga mở cuộc tấn công vào Avdiivka, lực lượng của nước này đã tích cực sử dụng máy bay Su-25, trực thăng Ka-52 và Mi-24. “Tuy nhiên, sau khi mất 8 máy bay tấn công Su-25 gần Avdiivka, việc sử dụng máy bay trên tiền tuyến và trực thăng tấn công đã giảm đáng kể”.

Shtupun đã nói với truyền thông Ukraine hồi đầu tháng này rằng 8 chiếc Su-25 của Nga đã bị bắn hạ quanh Avdiivka kể từ khi Mạc Tư Khoa tấn công thị trấn.

Tổn thất thiết bị và thương vong được cho là ở mức cao đối với Nga xung quanh Avdiivka; Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Hai cho biết, tháng rưỡi vừa qua “có thể đã chứng kiến một số tỷ lệ thương vong cao nhất của Nga trong cuộc chiến cho đến nay”, đồng thời cho biết thêm rằng điều này là do chiến thuật của Nga ở Avdiivka.

“Mạc Tư Khoa đang cố gắng tấn công thành phố từ mọi hướng”, Vitaliy Barabash, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự của Avdiivka, cho biết hôm thứ Ba, theo các phương tiện truyền thông.

6. Trung Quốc cung cấp đạn súng cối cho Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine tìm thấy vỏ súng cối do Trung Quốc sản xuất trong số các thiết bị của Nga ở Melitopol”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Trong một trường hợp khác về vũ khí do Bắc Kinh sản xuất có mặt trong cuộc xung đột đang diễn ra, Lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố đã phát hiện một quả đạn súng cối do Trung Quốc sản xuất thuộc sở hữu của quân đội Nga đang chiến đấu ở khu vực Melitopol bị tạm chiếm.

Yurii Poita, nhà lãnh đạo bộ phận Á Châu-Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu Quân đội, Chuyển đổi và Giải trừ Quân bị ở Ukraine, đã trình bày chi tiết những phát hiện, trong đó ông chia sẻ một bức ảnh về đạn súng cối có vỏ mang ký tự Trung Quốc.

Quả đạn mà Poita cho biết đã được tìm thấy tại các vị trí chiến đấu của Nga ở miền đông Ukraine, là một quả đạn pháo M-83A 60 ly, còn được gọi là Loại 83, có thể nhận dạng được bằng năm dải kiểm tra khí và mười vây đuôi ổn định.

Phát hiện này đã làm dấy lên các cuộc thảo luận trực tuyến về cáo buộc chuyển giao vũ khí quốc tế bí mật cho Nga kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, cũng như mối quan hệ chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa có ý nghĩa gì đối với Kyiv.

Đối với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine, người thận trọng khi chỉ trích chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, diễn biến này đặt ra nhiều câu hỏi hơn về mức độ tham gia của Trung Quốc trong việc hỗ trợ quân sự trực tiếp hoặc gián tiếp cho Nga và Vladimir Putin.

Hình ảnh được Poita chia sẻ cho thấy quả đạn có sức công phá rất mạnh mang dòng chữ Trung Quốc ám chỉ việc sử dụng nó làm vũ khí sát thương. Theo thông tin, quả đạn này được sản xuất vào năm 1975 tại Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc.

Theo Poita, lực lượng Nga ở Ukraine sử dụng ít nhất hai loại đạn súng cối khác do Trung Quốc sản xuất cũng như “rất nhiều loại đạn do Trung Quốc sản xuất” cho súng trường và bệ phóng hỏa tiễn của họ.

Tuy nhiên, trong hơn một năm, các nhà phân tích đã không thể xác định chính xác nguồn gốc của vũ khí, với suy đoán rằng việc chuyển giao cho Nga được vận chuyển thông qua Bắc Hàn - nước láng giềng và đồng minh hiệp ước duy nhất của Trung Quốc.

Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đều phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga và Mạc Tư Khoa cũng phủ nhận việc nhận bất kỳ hỗ trợ quân sự nào từ họ.

Poita nói với Newsweek: “Điều quan trọng nằm ở chỗ quân đội Ukraine đã tìm thấy nhiều loại đạn dược do Trung Quốc sản xuất tại các vị trí của Nga, điều này xác nhận việc cung cấp chúng từ Trung Quốc sang Nga trực tiếp hoặc thông qua các nước thứ ba”.

Các quốc gia sản xuất vật phẩm quốc phòng thường có quyền phủ quyết đối với bất kỳ quyết định nào của chính phủ mua hàng về việc chuyển giao vũ khí cho bên thứ ba. Việc xác định một loại vũ khí khác do Trung Quốc sản xuất đặt ra câu hỏi liên tục về quy mô và nguồn gốc của việc chuyển giao.

Phát hiện mới nhất cũng không phải là một sự việc cá biệt. Tháng 9 năm ngoái, một quả đạn súng cối 60 ly nhặt được ở tiền tuyến ở Ukraine cũng bị phát hiện có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Vào thời điểm đó, một báo cáo của truyền thông Ukraine và công ty tư vấn Defense Express cho biết Quân đội Nga không sở hữu loại súng cối cỡ nòng đó trong kho vũ khí của mình, cho thấy có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Bắc Hàn hoặc có thể là một quốc gia Phi Châu chưa được xác định bị nghi ngờ là nguồn cung cấp vũ khí.
 
VietCatholic TV
Putin tê tái: Nhà máy xe tăng lớn nhất Nga nổ cả ngày. Ba tiểu đoàn xe tăng Nga ra đi trong một tuần
VietCatholic Media
03:24 28/11/2023


1. Nhà máy sản xuất và sửa chữa xe tăng lớn nhất của Nga cháy nổ tan tành

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video cho thấy những vụ nổ lớn tại nhà máy máy kéo Nga được dùng để sửa chữa xe tăng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đoạn phim cho thấy một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại Nhà máy sản xuất máy kéo Chelyabinsk ở miền trung nước Nga, một cơ sở đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ vì vai trò chế tạo, sửa chữa và nâng cấp xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bọc thép và hệ thống pháo tự hành của Nga.

Video từ nhà máy, phía đông dãy núi Ural ở miền trung nước Nga và gần biên giới với Kazakhstan, được tường trình quay vào tối Chúa Nhật, cho thấy một quả cầu lửa lớn phun ra trên cơ sở này.

Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại đối với cơ sở chiến lược cũng như nguyên nhân vụ cháy.

Các khu công nghiệp-quân sự của Nga thường xuyên nằm trong số những nơi bị hư hại do cháy nổ kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Một số vụ việc được cho là do các hoạt động của lực lượng đặc biệt Ukraine và những vụ khác là do những người bất đồng chính kiến trong nước, trong khi hầu hết vẫn còn chưa giải thích được.

Tờ Moscow Times dẫn kênh truyền hình 112 của Nga đưa tin vụ cháy là do chập điện. Tờ Moscow Times cho biết, 6 xe cứu hỏa và 2 xe cứu thương đã được điều động tới hiện trường và không có thông tin về thương vong.

Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga cho biết đám cháy đến trưa thứ Hai mới kiểm soát được, trong khi người dân gần đó báo cáo rằng nguồn cung cấp nước và điện tại địa phương bị gián đoạn.

Nhà máy máy kéo Chelyabinsk là một địa điểm nhạy cảm. Cơ sở này thuộc sở hữu của tập đoàn công nghiệp quân sự Uralvagonzavod, được coi là nhà sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực lớn nhất thế giới và sử dụng khoảng 30.000 người.

Xe tăng T-72 và T-90 của Nga –là hệ thống xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất của Mạc Tư Khoa, đã tạo thành xương sống cho nỗ lực thiết giáp của nước này ở Ukraine – đều được sản xuất tại nhà máy này. Động cơ của xe chiến đấu bộ binh BMPT Terminator và pháo tự hành MSTA-S cũng vậy.

Cơ sở Chelyabinsk nằm trong số những cơ sở bị áp đặt lệnh trừng phạt quốc tế sau cuộc xâm lược toàn diện của Điện Cẩm Linh vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Vào tháng 5 năm 2022, Tòa Bạch Ốc báo cáo rằng “Hai nhà máy xe tăng lớn của Nga—Tập đoàn Uralvagonzavod và Nhà máy sản xuất máy kéo Chelyabinsk—đã tạm dừng một số công việc do thiếu thành phần nước ngoài.”

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với cơ sở này trong năm nay, trong đó Bộ Ngoại giao lưu ý rằng cơ sở này “sản xuất động cơ và vũ khí cho xe thiết giáp hạng nặng”. Chelyabinsk cũng bị Ukraine áp đặt các biện pháp trừng phạt vì vai trò của họ “trong việc thực hiện các nhiệm vụ vì lợi ích của tổ hợp công nghiệp quân sự của Liên bang Nga”.

2. Chồng chất lên những chiếc xe tăng T-62 cũ hàng tấn áo giáp bổ sung, người Nga đang làm những chiếc xe tăng này khó xoay sở hơn

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Nga đang chồng chất lên những chiếc xe tăng T-62 cũ hàng tấn áo giáp bổ sung”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Mong muốn thay thế số lượng xe tăng bị mất hàng tháng trong cuộc chiến rộng lớn ở Ukraine, và cũng mong muốn mang lại cho những chiếc xe tăng thay thế cơ hội chiến đấu sống sót trong cuộc chạm trán đầu tiên với lực lượng Ukraine, Nga đang rút xe tăng T-62 đã 60 tuổi từ các kho dự trữ dài hạn—và phải chất thêm áo giáp lên thân tàu và tháp pháo được làm bằng thép của chúng.

Vấn đề đối với tổ lái bốn người của những chiếc xe tăng cũ kỹ này là Điện Cẩm Linh dường như không nâng cấp động cơ 620 mã lực của T-62. Một bộ áo giáp phản ứng nổ bổ sung nặng tới ba tấn. Tất cả trọng lượng tăng thêm đó khiến một chiếc T-62 vốn đã ì ạch thậm chí còn chậm chạp hơn.

Một bức ảnh được lan truyền trực tuyến hôm Chúa Nhật mô tả một chiếc T-62MV đã được sửa đổi nhiều - một bản nâng cấp những năm 1980 của xe tăng những năm 1960 và gần như biến mất khỏi các lực lượng Nga sau năm 2008 – đã mặc cùng loại áo giáp phản ứng nổ bảo vệ chiếc T-90 hiện đại hơn. Điện Cẩm Linh bắt đầu kích hoạt lại những chiếc T-62 cũ vào năm ngoái khi tổn thất xe tăng hiện đại của họ vượt quá 1.000 xe.

Với ERA cộng với ống ngắm 1PN96MT-02 hiện đại dành cho pháo thủ chính 115 ly, chiếc T-62 này có thể là chiếc T-62 được nâng cấp mạnh mẽ nhất. Hãy gọi nó là T-62MV đời 2023.

Tất nhiên, vấn đề là động cơ diesel của T-62MV chỉ tạo ra công suất 620 mã lực. Xét rằng một chiếc T-62MV với ba tấn ERA có thể nặng từ 45 tấn trở lên, tỷ lệ công suất trên trọng lượng của nó là dưới 14 mã lực/tấn. Một chiếc T-90M có công suất 26 mã lực/tấn; một trong những chiếc M-1A1 do Mỹ sản xuất của Ukraine tạo ra công suất 22 mã lực mỗi tấn.

Một lớp áo giáp phản ứng nổ được trang bị tốt, phát nổ ra bên ngoài khi bị tấn công nhằm làm chệch hướng vụ nổ đang bắn tới, về bản chất sẽ tăng gấp đôi khả năng bảo vệ của xe tăng khỏi một số loại đạn nổ có sức công phá mạnh.

Nhưng trong trường hợp T-62MV đời 2023, sự bảo vệ bổ sung đó phải trả giá bằng khả năng di chuyển. T-62 chưa bao giờ là một chiếc xe tăng hoạt bát. Bây giờ nó thậm chí còn kém nhanh nhẹn hơn.

Điều này quan trọng. Cả lực lượng vũ trang Nga và Ukraine đều thường xuyên triển khai xe tăng cho các cuộc đột kích tấn công quy mô nhỏ rồi bỏ chạy. Có rất nhiều ví dụ về các đội xe tăng nhỏ của cả hai bên tăng tốc tới vị trí của đối phương, bắn vài phát rồi tăng tốc bỏ chạy khi hỏa tiễn và pháo binh của đối phương lao tới.

Các xe tăng do phương Tây sản xuất như M-1 của Ukraine và Leopard 2 cũ của Đức có lợi thế trong các cuộc đột kích nhanh này vì chúng có hệ truyền động mạnh mẽ với tốc độ lùi nhanh; họ không phải mất hàng chục giây quay đầu lại để thoát khỏi vùng tiêu diệt ở tốc độ cao.

Ngược lại, hầu hết xe tăng kiểu Liên Xô đều có số lùi cực kỳ chậm—và điều này có thể khiến tổ lái của những chiếc xe tăng này thiệt mạng trong một cuộc đột kích mà mỗi giây đều quan trọng. Một chiếc T-62 không có ba tấn ERA có thể lùi với tốc độ 5 dặm một giờ, so với tốc độ tối đa 25 dặm một giờ của chiếc M-1 khi chạy ngược lại.

Với thêm ERA, một chiếc T-62MV đời 2023 sẽ còn chậm hơn nữa.

3. Tổng thư ký NATO nói rằng một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong cuộc chiến đã diễn ra trong những tuần gần đây ở miền đông Ukraine.

Đó là một tình hình cực kỳ khó khăn dọc theo tiền tuyến, đặc biệt là ở phía đông. Chúng tôi thấy con số thương vong cao và một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất mà chúng tôi chưa từng thấy trong suốt cuộc chiến đã thực sự diễn ra trong những tuần và vài tháng qua.

Đồng thời, tiền tuyến không có sự thay đổi đáng kể nào, vì vậy tôi nghĩ chúng ta cần phân biệt giữa thực tế là tiền tuyến không di chuyển quá nhiều và thực tế là đang có giao tranh rất khốc liệt.

Một lần nữa, chúng tôi có ấn tượng sâu sắc trước sự dũng cảm, năng lực của lực lượng Ukraine cũng như khả năng tấn công thực sự vào phía sau phòng tuyến của Nga, sâu vào lãnh thổ do Nga kiểm soát. Và tất nhiên, thành tích quân sự một phần có thể được đo bằng mét vuông nhưng cũng có thể đo bằng những tổn thất mà bạn có thể gây ra cho đối thủ của mình.

4. Một tòa án ở Nga đã cáo buộc phát ngôn nhân của Meta Platforms, Andy Stone, “thúc đẩy khủng bố” và ra lệnh bắt giữ ông ta.

Động thái này diễn ra sau một cuộc đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Nga sau khi nước này phát động cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, bao gồm cả việc chống lại các nền tảng xã hội như Meta vì từ chối xóa nội dung bị Nga đánh giá là bất hợp pháp. Vào tháng 10 năm 2022, Nga đã liệt Meta vào danh sách tổ chức “khủng bố và cực đoan”, có thể mở các cuộc điều tra hình sự và phạt tiền đối với người dùng trong nước.

Theo hãng tin Tass, phát ngôn viên của tòa án Olga Nazarova cho biết: “Andy Mark Stone đã bị bắt vắng mặt trong một vụ án hỗ trợ khủng bố”. Stone, hiện không ở Nga, đã bị Bộ Nội vụ đưa vào danh sách truy nã ngày hôm qua. Các báo cáo không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào liên quan đến vụ việc.

Facebook và Instagram đã bị chặn ở Nga ngay sau khi bắt đầu cuộc tấn công Ukraine và chỉ có thể truy cập được qua VPN. Twitter cũng bị cấm, cũng như các phương tiện truyền thông độc lập của Nga chỉ trích Điện Cẩm Linh.

Trước lệnh cấm, hàng triệu người Nga đã sử dụng các ứng dụng của Meta, đặc biệt là Instagram, ứng dụng vẫn cực kỳ phổ biến với giới trẻ Nga, AFP đưa tin.

Vào tháng 4 năm 2022, Nga đã đưa nhà lãnh đạo Meta Mark Zuckerberg vào danh sách đen những người bị cấm nhập cảnh vào nước này.

5. Ba tiểu đoàn xe tăng Nga bị tiêu diệt chỉ trong một tuần

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kyiv cho biết Ukraine tiêu diệt ba tiểu đoàn xe tăng Nga chỉ trong một tuần”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo quân đội Ukraine, các lực lượng Ukraine đã tiêu diệt ba tiểu đoàn xe tăng Nga ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Bất kể tổn thất về phương tiện của Nga ngày càng gia tăng, ít có dấu hiệu cuộc chiến chậm lại trong điều kiện khắc nghiệt của mùa thu và mùa đông.

Theo bản cập nhật từ nền tảng liên lạc quân sự của Ukraine hôm thứ Hai, từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 11, quân đội Ukraine đã phá hủy 81 xe tăng, chiếm khoảng 3 tiểu đoàn xe tăng của Nga. Theo Kyiv, khoảng 5.760 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến trong cùng khoảng thời gian, cũng như 108 xe thiết giáp.

Hôm thứ Hai, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết Nga đã mất 7 xe tăng trong 24 giờ trước đó, nâng tổng số xe tăng Nga thiệt hại ở Kyiv lên 5.520 chiếc kể từ tháng 2 năm 2022, khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện. Tuần trước, Kyiv cho biết Nga đã mất 30 xe tăng chỉ trong một ngày khi Mạc Tư Khoa tiếp tục tấn công xung quanh thị trấn Avdiivka đang bị bao vây ở Donetsk.

Cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề về thiết bị trong 21 tháng chiến tranh tổng lực, đặc biệt là về số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực.

Mặc dù khó có được một bức tranh rõ ràng về quy mô tổn thất thiết bị của cả hai bên, nhưng các chuyên gia phương Tây phần lớn cho rằng con số của quân đội Ukraine có thể thấp hơn nhiều.

Hạm đội xe tăng chiến đấu chủ lực thời Liên Xô của Ukraine đã được bổ sung thêm các tiểu đoàn xe tăng do phương Tây sản xuất, bao gồm Leopards của Berlin, Challenger 2 của Anh và M1 Abrams của Quân đội Mỹ.

Điện Cẩm Linh hôm Chúa Nhật cho biết lực lượng của họ đã tiêu diệt một xe tăng Ukraine ở một khu vực không xác định ở phía đông Donetsk, cũng như một xe tăng khác ở khu vực phía nam Zaporizhzhia sáp nhập của Ukraine. Nga cho biết thêm, Ukraine đã mất tổng cộng 13.629 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác trong 21 tháng chiến tranh, nhưng các con số này bị tranh cãi vì Ukraine không có nhiều xe tăng và xe thiết giáp đến mức đó.

Khi Ukraine báo cáo rằng tổn thất xe tăng của Nga sẽ vượt quá 4.000 chiếc vào giữa tháng 6, các chuyên gia nói với Newsweek rằng Mạc Tư Khoa đã gặp khó khăn do những thất bại trong tổ chức và lập kế hoạch của các đội xe tăng, chế độ huấn luyện kém và quân đội thiếu động lực đang phải vật lộn sau khi những đội quân giỏi nhất bị tiêu diệt trong trận chiến đầu tiên.

Trong những tháng gần đây, tổn thất xe tăng của Nga được cho là đáng kể xung quanh Avdiivka, nơi đã trải qua gần một thập kỷ ở tiền tuyến.

Các chỉ huy Ukraine đã báo cáo về một cuộc tấn công mới xung quanh Avdiivka từ quân đội Nga vào tuần trước, mặc dù những nỗ lực này có thể đến từ “khả năng cơ giới hóa yếu hơn so với các đợt tấn công trước đó xảy ra vào tháng 10”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ cho biết vào hôm thứ Sáu.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Hai rằng sáu tuần qua “có thể đã chứng kiến một số tỷ lệ thương vong cao nhất của Nga trong cuộc chiến cho đến nay”, đồng thời cho biết thêm rằng điều này là do chiến thuật coi thường sinh mạng binh sĩ của Nga ở Avdiivka.

6. Nhu cầu của Ukraine khi hàng trăm xe tăng và phương tiện chiến đấu do Đức và Ba Lan đang lũ lượt tiến về Kyiv

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Với hàng trăm xe tăng và phương tiện chiến đấu do Đức và Ba Lan sản xuất sắp đến, Ukraine hiện cần đạn dược, công binh và nhân viên.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Xe tăng Leopard 1A5 do Đức sản xuất đã bắt đầu được chuyển đến Ukraine với số lượng lớn. Một tuần sau khi những bức ảnh đầu tiên xuất hiện trên mạng mô tả một trong những chiếc xe tăng nặng 40 tấn, dành cho bốn người dường như đang ở gần tiền tuyến, giờ đây chúng ta có thể xác nhận danh tính của lữ đoàn đầu tiên vận hành những chiếc xe tăng hạng nhẹ này.

Đó là Lữ đoàn cơ giới số 44 của quân đội Ukraine. Một đơn vị kiểu mẫu khả thi cho việc xây dựng lực lượng đang diễn ra của quân đội Ukraine khi cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga với Ukraine bước sang năm thứ ba và tình trạng bế tắc thường thấy vào đầu mùa đông đầy bùn lầy bắt đầu.

Trang bị chính của Lữ đoàn 44 mới thành lập là xe tăng Leopard 1A5 và xe chiến đấu Wolverine do Ba Lan sản xuất—sẽ có sẵn với số lượng lớn trong năm tới. Cho đến nay, một tập đoàn Đức-Hà Lan-Đan Mạch đã xác định được gần 200 chiếc Leopard 1A5 cổ điển của những năm 1980 có thể trả tiền cho ngành công nghiệp để tân trang lại trước khi chuyển chúng sang Ba Lan để huấn luyện và sau đó đến Ukraine để sử dụng ở tiền tuyến.

Trong khi đó, Ba Lan đã cam kết cung cấp cho Ukraine 200 chiếc Wolverines tám bánh, nặng 25 tấn và có thể cam kết nhiều hơn khi việc sản xuất phương tiện chiến đấu linh hoạt này tăng lên. Ukraine sẽ sớm có đủ Leopard 1A5 và Wolverine để trang bị cho một số lữ đoàn.

Các lữ đoàn này sẽ được trang bị vũ khí không đồng đều. Đúng vậy, Leopards có khả năng điều khiển hỏa lực nhanh và chính xác cho pháo chính 105 ly của chúng. Nhưng lớp giáp thép dày nhất của chúng chỉ dày 70 ly, khiến chúng có lẽ là chiếc xe tăng được bảo vệ kém nhất trong cuộc chiến kéo dài 22 tháng của Nga với Ukraine.

Wolverines cũng có pháo tự động 30 ly hiệu quả, nhưng các nhà thiết kế người Ba Lan của họ muốn phương tiện này có khả năng bơi. Điều đó có nghĩa là giảm khả năng bảo vệ áo giáp để giảm trọng lượng của Wolverines.

Sự nhẹ nhàng tương đối của Lữ đoàn 44 so với hàng chục lữ đoàn của quân đội Ukraine đang sử dụng xe tăng cổ điển của Liên Xô - hoặc với khoảng 10 lữ đoàn sử dụng các xe tăng mà các đồng minh NATO của Ukraine trang bị cho cuộc phản công ở miền Nam vào mùa hè năm ngoái - có thể ảnh hưởng đến tiềm năng thực hiện hành động tấn công lớn của họ.

Tuy nhiên, số lượng áo giáp bảo vệ chính xác trên vài trăm phương tiện sẽ không quyết định liệu Ukraine có thể tiếp tục hành động tấn công hay không khi lớp bùn đầu mùa đông khô đi vào Tháng Giêng hoặc tháng 2.

Không, vấn đề chính của Ukraine gồm ba vấn đề: đạn pháo, trinh sát mìn và lãnh đạo chiến trường. Jack Watling và Nick Reynolds viết trong một nghiên cứu của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở Luân Đôn: “Điều kiện tiên quyết cho bất kỳ hành động tấn công nào là sự thống trị của hỏa lực”.

Mặc dù thường xuyên bị thiếu đạn, các khẩu đội pháo của Ukraine gần đây đã đạt được ưu thế về hỏa lực cục bộ so với các khẩu đội của Nga. Watling và Reynolds viết: “Điều này đạt được thông qua việc làm mù khả năng phản pháo của súng Nga cũng như sự sẵn có của các hệ thống pháo binh tầm xa và chính xác”.

Các nhà phân tích cho biết thêm: “Việc bảo đảm tính bền vững của lợi thế này bằng cách cung cấp nguồn cung ứng hợp lý cho việc sản xuất đạn dược và phụ tùng cho một cơ sở pháo binh hợp nhất là rất quan trọng”.

Nhưng điều đó có nghĩa là phải có sự hỗ trợ bền vững từ các thực thể cung cấp phần lớn đạn pháo cho Ukraine: là Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu. Các Dân biểu và Thượng nghị sĩ thân Nga tại Quốc hội Hoa Kỳ và các quốc gia thân Nga trong Liên Hiệp Âu Châu như Hung Gia Lợi có thể làm phức tạp thêm việc quyên góp đạn dược trong tương lai.

Ngoài nguồn cung cấp đạn pháo ổn định, người Ukraine cần công nghệ và chiến thuật để phát hiện và đánh bại hoặc tránh trở ngại lớn nhất trên chiến trường đối với các cuộc tấn công bằng xe thiết giáp. Watling và Reynolds giải thích: “Mìn hạn chế khả năng cơ động của các phương tiện Ukraine.”

Các nhà phân tích cho biết thêm: “Cần phải tiến hành mìn kỹ lưỡng trước bất kỳ nỗ lực lớn nào, kẻo việc mất mát thiết bị trở nên không thể chấp nhận được”. “Việc này không thể thực hiện chuyên sâu và thường phải dựa vào các kỹ sư công binh. Do đó, rất khó để lên kế hoạch cho các hoạt động vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ ngay trước các vị trí của Ukraine, có nghĩa là rất khó để khai thác các lỗ hổng ở phía trước.”

“Do đó, sự hỗ trợ nên tập trung vào thiết bị và kỹ thuật dò tìm bom mìn.” Điều đó có thể bao gồm máy bay không người lái có thể phát hiện mìn, cũng như thiết bị kỹ thuật hạng nặng và việc đào tạo công binh chiến đấu cho Ukraine.

Nhưng tất cả đạn pháo và thiết bị rà phá bom mìn trên thế giới sẽ không thành vấn đề nếu các lữ đoàn Ukraine không thể sử dụng chúng vào đúng thời điểm và địa điểm phối hợp với các lực lượng khác để theo đuổi một kế hoạch dẫn đến kết quả mà ai đó có thể gọi là “chiến thắng”.

Nói cách khác, họ không quan trọng nếu không có sự lãnh đạo. Watling và Reynolds viết: “Việc lập kế hoạch vẫn là một thách thức đáng kể đối với các đơn vị Ukraine vì số lượng sĩ quan tham mưu được đào tạo còn hạn chế. “Việc mở rộng nhanh chóng lực lượng vũ trang Ukraine cùng với việc huy động dân thường có nghĩa là có nhiều đơn vị hơn số lượng sĩ quan tham mưu.”

Các sĩ quan tham mưu có năng lực không xuất hiện trong danh sách cam kết viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ Mỹ Kim. Nhưng các sĩ quan tham mưu cũng quan trọng như đạn dược và khả năng rà phá bom mìn. Vì vậy, thật thú vị đối với các đồng minh của Ukraine khi các lữ đoàn Ukraine lần lượt nhận được rất nhiều xe tăng và phương tiện chiến đấu mới từ Đức và Ba Lan. Sẽ thú vị hơn khi thấy một triệu quả đạn pháo từ Âu Châu đến Ukraine, một nghìn công binh mới được đào tạo tốt nghiệp từ một trường kỹ thuật của NATO hoặc vài chục chuyên ngành và các sĩ quan cấp tá thông minh đang chăm chú nhìn vào bản đồ trong hầm trú ẩn ở đâu đó.

7. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO sau chiến tranh theo sau các cải cách

Tổng thư ký liên minh quân sự Jens Stoltenberg cho biết Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO và phải trải qua những cải cách sau chiến tranh.

Các đồng minh đồng ý rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO. Tại cuộc họp NATO-Ukraine, chúng tôi sẽ đồng thanh về các khuyến nghị cải cách đối với người Ukraine, khi chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Kyiv trên con đường trở thành thành viên NATO.

Tuy nhiên, tất cả các đồng minh vẫn đồng ý rằng việc trở thành thành viên đầy đủ vẫn là điều không thể trong bối cảnh chiến tranh, ngay cả khi các cách để đưa Ukraine và NATO xích lại gần nhau hơn vẫn tiếp tục, ông nói thêm.

Ông nói thêm trong tháng này Đức và Hà Lan đã cam kết 10 tỷ euro cho Ukraine. Rumani bổ sung trung tâm đào tạo F16 cho phi công Ukraine. Các đồng minh bao gồm Mỹ và Phần Lan đang gửi thêm lực lượng phòng không và đạn dược để bảo vệ các thành phố của Ukraine khỏi các cuộc tấn công của Nga.

Stoltenberg cũng nói rằng tư cách thành viên NATO đang chờ giải quyết của Thụy Điển “sẽ giúp tất cả chúng ta an toàn hơn” và ông kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi hoàn tất việc phê chuẩn.

8. Cố vấn an ninh quốc gia Ukraine tuyên bố rằng Nga đã chỉ đạo một mạng lưới điệp viên của nước này ở Ukraine nhằm gây bất ổn xã hội.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Times: “Họ nhận ra rằng họ không thể giành chiến thắng về mặt quân sự nên nỗ lực gây bất ổn nội bộ đã trở thành ưu tiên hàng đầu”.

Chúng tôi đã mắc một sai lầm lớn vào năm 1991 khi không đóng cửa KGB mà chỉ đổi tên thành SBU và di căn của KGB vẫn còn.

Ở đây chúng tôi đều là người lớn. Thật không may, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi chưa thể dọn sạch tất cả các hệ thống bảo mật. Vì vậy tất nhiên có những kẻ phản bội tồn tại ở đó. Việc có một phiên tòa đang diễn ra đối với Oleh Kulinich cựu lãnh đạo SBU ở Crimea với tội danh phản quốc là bằng chứng chắc chắn cho điều đó.

Danilov cho biết: “Tình huống hoàn hảo cho Nga và Putin là Ukraine quay trở lại tình trạng không thể quản lý và hoàn toàn vô chính phủ mà nước này đã trải qua trong những năm từ 1917 đến 1921, khi cuộc chiến diễn ra từ bên trong và bên ngoài.

“Những biện pháp này theo đuổi mục tiêu tạo ra một bối cảnh công chúng cực kỳ tiêu cực, gieo rắc sự chán nản và trầm cảm, tăng số lượng những người sẵn sàng thỏa hiệp và giảm bớt những người tự tin vào chiến thắng - cuối cùng dẫn đến một cuộc đảo chính.”

9. Video Crimea cho thấy những con sóng cao 30 feet đập vào bán đảo bị Nga tạm chiếm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video từ Crimea cho thấy những con sóng cao 30 feet hay hơn 9 mét đập vào bán đảo bị Nga tạm chiếm”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các cơn gió mạnh như bão và sóng cao 9 mét đã tràn vào Crimea trong một cơn bão lớn ở Hắc Hải vào hôm Chúa Nhật khiến một người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương và nửa triệu người không có điện.

Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, nói rằng nạn nhân đã mạo hiểm từ nhà của mình ở làng Morskoye để “nhìn sóng”. Thời tiết giông bão dự kiến sẽ tiếp tục vào thứ Hai.

Crimea đã bị Putin sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014, một động thái chưa được quốc tế công nhận. Ukraine tuyên bố sẽ chiếm lại bán đảo và tăng cường tấn công vào các mục tiêu quân sự ở đó, đặc biệt là cây cầu qua eo biển Kerch nối Crimea với đất liền Nga, cũng như Hạm đội Hắc Hải được đánh giá cao của Putin.

Các video lan truyền trên Telegram cho thấy những con sóng lớn đập vào bờ biển, gây ra sự tàn phá trên đường đi của chúng. Các cảnh quay khác về cơn bão cho thấy cây cối bị gió quật ngã. Kênh Telegram ASTRA đưa tin rằng thời tiết xấu dự kiến cũng sẽ tấn công các khu vực khác ở Nga và tại Lãnh thổ Krasnodar, “gió đã xé toạc mái nhà”.

Nhiều thị trấn ở bán đảo Hắc Hải bị sáp nhập hiện không có điện, nhiều cây cối bị đổ, mái nhà bị tốc mái và đường ống dẫn khí đốt bị hư hỏng, và thứ Hai được tuyên bố là ngày không làm việc do thời tiết, các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đưa tin hôm thứ Hai.

Thông tin một người thiệt mạng trong cơn bão nối tiếp tin tức về một người mất tích ở Crimea. Bảy người bị thương và ba người trong số họ phải vào bệnh viện ở Sevastopol.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Chornomorsk, Saky, Bilohirsk, Simferopol, Zhovtneve, Bakhchysarai và Lenine.

Các quan chức Ukraine cho biết các tuyến phòng thủ ven biển của Nga đã bị phá hủy trong cơn bão.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết: “Một cơn bão đã cuốn trôi các chiến hào ở Crimea bị tạm chiếm mà quân đội Nga đã đào trên bãi biển cả năm trời”. “Theo thông tin từ truyền thông Crimea, tại Yevpatoria, nước đã cuốn trôi toàn bộ tuyến phòng thủ trên bờ biển, các tòa nhà kỹ thuật và các vị trí tác xạ”.

Tác giả và nhà phân tích quốc phòng HI Sutton đã chia sẻ hình ảnh từ một trong những clip do Gerashchenko đăng tải, trong đó một tuyến phòng thủ ven biển của Nga được nhìn thấy bị sóng đánh vào, cùng với hình ảnh một trong những tuyến này đang được xây dựng để so sánh

“ Làm thế nào nó bắt đầu. Mọi chuyện thế nào rồi,” Sutton viết. “Hệ thống phòng thủ bãi biển của Nga ở Crimea bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão, có thể bị cuốn phăng đi rồi.”

Mức độ đe dọa khủng bố màu vàng đã được áp dụng ở nhiều nơi trên bán đảo kể từ ngày 11 tháng 4 năm 2022, vài tuần sau khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin bắt đầu. Lực lượng Nga bắt đầu củng cố khu vực này trong bối cảnh lo ngại về một cuộc tấn công của Ukraine vào đầu năm nay.

Tháng 11 năm ngoái Washington Post đã công bố hình ảnh vệ tinh từ Maxar, một công ty giải pháp không gian, cho thấy các lực lượng Nga đang xây dựng một mạng lưới công sự phòng thủ rộng khắp trên bán đảo Hắc Hải và dọc theo các tuyến tiếp cận từ miền nam Ukraine bị tạm chiếm. Al Jazeera cũng công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng phòng thủ được tăng cường xung quanh căn cứ hải quân Sevastopol. Tất cả các công sự phòng thủ này đã tan tành.

10. Một chỉ huy quân đội Ramzan Kadyrov nổ tung ở thành phố Melitopol

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Thị trưởng lưu vong cho biết kháng chiến đã làm nổ tung xe chở chiến binh thân Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo thị trưởng lưu vong của thành phố, một chiếc xe hơi chở binh sĩ Chechnya chiến đấu bên cạnh quân Nga đã bị quân du kích Ukraine cho nổ tung ở quận Melitopol của tỉnh Zaporizhzhia.

Ivan Fedorov, thị trưởng Melitopol trước khi thành phố này nằm dưới sự kiểm soát của Nga vào tháng 3 năm 2022, cho biết vụ tấn công xảy ra vào cuối tuần trong một tin nhắn mà ông đăng hôm thứ Hai trên Telegram.

Các nhóm du kích quân Ukraine được tường trình đã thực hiện các cuộc tấn công quan trọng trong suốt cuộc chiến mà Putin phát động vào tháng 2 năm 2022. Vào tháng 8 năm 2022, tờ Washington Post đưa tin các nhóm du kích quân có khả năng đứng sau một cuộc tấn công vào căn cứ không quân Saki của Nga ở Crimea, gây ra ít nhất 12 vụ nổ tại bán đảo này.

Gần đây hơn, Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine hồi tháng trước cho biết quân du kích Ukraine chịu trách nhiệm về vụ nổ trên một đoàn tàu ở Melitopol, làm gián đoạn việc vận chuyển đạn dược và nhiên liệu cho quân đội Mạc Tư Khoa đang chiến đấu ở khu vực Zaporizhzhia.

Trong tuyên bố của mình, Fedorov gọi những người ngồi trong xe hơi là “Kadyrovites”, một thuật ngữ thường được áp dụng cho các chiến binh dưới quyền lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, một đồng minh mạnh mẽ của Putin.

Fedorov viết: “Lực lượng kháng chiến đã cho nổ tung một chiếc xe hơi Kadyrovite ở quận Melitopol.

Người dân địa phương cho biết đã nghe thấy tiếng súng gần làng Zaporizhzhia của Myrne, cách Melitopol khoảng 7 dặm.

Fedorov cho biết cuộc đụng độ sau đó được tiết lộ có sự tham gia của các nhóm du kích quân Ukraine chống lại quân đội Chechnya đang chiến đấu cho Nga.

“Sau đó, người Kadyrovite đang chờ đợi viện binh thì chiếc Niva của họ 'bất ngờ' phát nổ”

Cuối cùng, Fedorov cho biết chiếc xe đã bị đốt cháy sau vụ nổ và nói thêm rằng số người thương vong vẫn chưa được xác định.

Hôm 20 Tháng Mười, Fedorov cho biết quân du kích Ukraine đã cho nổ tung một chiếc xe hơi chở “quân xâm lược Nga” khi họ đang ăn cướp một căn nhà ở Melitopol.

“Họ thường xuyên tập kích và cướp bóc những căn nhà trống trong thành phố. Lần này, lực lượng kháng chiến của chúng tôi đang theo dõi họ”, Fedorov nói. “Vụ nổ xảy ra trong một trong những cuộc ‘đi săn’ của họ ở quận Aviamistechko của Melitopol khi họ đang chất hàng cướp được lên xe.”

11. Hãng thông tấn Nga đưa tin một người thiệt mạng và gần nửa triệu người mất điện sau cơn bão ở khu vực Hắc Hải

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass cho biết gần nửa triệu người đã bị mất điện và một người thiệt mạng sau khi một cơn bão ở khu vực Hắc Hải làm ngập đường, đốn ngã cây cối và làm đứt đường dây điện ở Crimea.

Hãng thông tấn nhà nước cho biết cơn bão cũng đổ bộ vào miền nam nước Nga, gây sóng lũ tràn vào khu nghỉ mát bãi biển Sochi, thổi bay mái của một tòa nhà 5 tầng ở Anapa, đồng thời làm hư hại nhà cửa và trường học ở Kuban.

Đó là một phần của hiện tượng thời tiết khiến một người thiệt mạng và hàng trăm nơi không có điện trong bối cảnh tuyết rơi dày đặc và bão tuyết mạnh ở Rumani và Moldova ngày hôm qua.

Tatyana Lyubetskaya, một quan chức do Nga bổ nhiệm tại cơ quan giám sát môi trường Crimea, nói với Tass rằng cơn bão đã khiến một số khu vực ở Crimea phải ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi nó trở thành cơn bão mạnh nhất được ghi nhận trong 16 năm qua với tốc độ gió lên tới 144 km một giờ.

Chính phủ Crimea, nơi bị Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014, đã yêu cầu người dân ở nhà hôm nay và đóng cửa các văn phòng chính phủ bao gồm trường học và bệnh viện vì dự báo vẫn có gió mạnh.

Người dân ở khu vực Chernomorske phía tây Crimea đã mất nguồn cung cấp nước cũng như hệ thống sưởi trung tâm vì các trạm bơm bị mất điện. Cũng có báo cáo về sự việc với đường ống dẫn khí đốt ở Saky, phía tây Crimea.

12. Nga đề nghị chấm dứt chiến tranh nếu Ukraine từ bỏ nỗ lực của NATO: quan chức Kyiv

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Quan chức Kyiv cho biết Nga đề nghị chấm dứt chiến tranh nếu Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga đề nghị chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa vào mùa xuân năm 2022 nếu Ukraine đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, theo nhà lãnh đạo đảng chính trị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người có mặt tại các cuộc đàm phán hòa bình.

David Arakhamia, lãnh đạo đảng chính trị Ukraine Người phục vụ Nhân dân, đã tiết lộ một phần của thỏa thuận trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Ukraine Natalia Moseychuk hôm thứ Sáu. Quan chức Kyiv trước đó đã dẫn đầu phái đoàn Ukraine tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với các quan chức cao cấp của Nga trong những tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.

Cả hai bên tham chiến đều đặt ra điều kiện ngừng bắn trong cuộc xung đột trong những tháng gần đây, nhưng nhiều nhà phân tích chiến tranh cho rằng cả Zelenskiy và Putin hiện không có mong muốn chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 21 tháng.

Theo Arakhamia, đã có một thỏa thuận hòa bình được soạn thảo giữa các nhà đàm phán Ukraine và Nga ngay từ đầu cuộc chiến. Arakhamia nói rằng Mạc Tư Khoa cam kết chấm dứt giao tranh nếu Ukraine đồng ý giữ thái độ trung lập và từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

“Họ thực sự hy vọng đến cùng rằng họ sẽ ép chúng tôi ký một thỏa thuận như vậy để chúng tôi giữ thái độ trung lập,” Arakhamia nói với Moseychuck. “Đó là điều lớn nhất đối với họ.”

“Họ sẵn sàng kết thúc chiến tranh nếu chúng tôi giữ... thái độ trung lập và đưa ra những cam kết rằng chúng tôi sẽ không gia nhập NATO. Đây là điểm mấu chốt”, quan chức Ukraine nói thêm.

Ukraine đã đặt mục tiêu trở thành thành viên của NATO trong nhiều thập kỷ và vào tháng 9 năm 2022, Kyiv tuyên bố nỗ lực nhanh chóng trở thành thành viên của liên minh quân sự này. Các quan chức Nga đã cảnh báo rằng giao tranh sẽ chỉ leo thang nếu Ukraine được kết nạp vào NATO, điều này sẽ củng cố liên minh của Kyiv với các nước phương Tây như Mỹ và Anh.

Arakhamia cho biết việc thay đổi ý định gia nhập NATO của Ukraine sẽ đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp nước này vì quốc hội Kyiv đã bỏ phiếu thông qua một sửa đổi vào tháng 2 năm 2019 trong đó nêu rõ mục tiêu của Ukraine là trở thành thành viên của cả NATO và Liên minh Âu Châu.

Arakhamia cũng nói rằng các quan chức Ukraine không tin tưởng Nga sẽ tuân thủ thỏa thuận của họ.

“Không có và không có sự tin tưởng nào vào người Nga rằng họ sẽ làm điều đó. Điều đó chỉ có thể được thực hiện nếu có sự bảo đảm về an ninh,” ông nói với Moseychuck.

Ở những nơi khác trong cuộc phỏng vấn, Arakhamia đề cập đến chuyến thăm bất ngờ của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson tới Kyiv vào tháng 4 năm 2022. Ông nói rằng Johnson khuyến khích Ukraine đừng “ký bất cứ điều gì” với Nga nhưng “hãy tiếp tục chiến đấu”.

Đại sứ quán Nga tại Anh đã phản ứng với cuộc phỏng vấn của Arakhamia trong một bài đăng trên X, trước đây là Twitter, vào Chúa Nhật. Người Nga đổ lỗi cho Johnson vì đã làm gián đoạn cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga.

Tuyên bố của Đại sứ quán Nga viết: “Vào mùa xuân năm 2022, các phái đoàn Nga và Ukraine đang chuẩn bị đàm phán để chấm dứt xung đột, bảo đảm quân đội Ukraine không liên kết và bảo vệ quyền của những người nói tiếng Nga”. “Một văn bản đã được đặt trên bàn ở Istanbul, gần như đã sẵn sàng để được ký kết.”

Đại sứ quán Nga nói tiếp rằng “Tuy nhiên, theo Arakhamia, trong chuyến thăm Kyiv Thủ tướng Boris Johnson đã gây áp lực với phía Ukraine 'không ký bất cứ điều gì' và 'cứ tiếp tục chiến đấu'. Do đó, rõ ràng là với sự can thiệp đáng kể của Vương Quốc Anh, một bước đi cho một giải pháp thương lượng đã bị bỏ lỡ — với những hậu quả bi thảm đối với nhà nước, nền kinh tế và dân số Ukraine.”

Sau tuyên bố của Đại sứ quán Nga ở Luân Đôn, Arakhamia nói với tờ Kyiv Post là có hay không có sự can thiệp của Thủ tướng Boris Johnson, Ukraine vẫn chiến đấu vì điều quan trọng là người Ukraine đã trải qua quá nhiều những kinh nghiệm bi thảm về sự bội ước của người Nga.

Reuters đưa tin vào tháng 9 năm 2022 rằng những người thân cận với lãnh đạo Điện Cẩm Linh xác nhận rằng các nhà đàm phán Nga đã đạt được một thỏa thuận tạm thời với Kyiv nhằm loại Ukraine ra khỏi NATO, nhưng chính Putin đã bác bỏ thỏa thuận này và tiếp tục cuộc xâm lược của mình. Các nguồn tin nói chuyện với Reuters cho biết nhà độc tài Nga đã nói với các nhà đàm phán của mình rằng thỏa thuận này “chưa đi đủ xa và ông đã mở rộng sự phản đối của mình để bao gồm cả việc sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine”.

Nga hiện đang xâm lược phần lớn miền nam và miền đông Ukraine, và Kyiv đã tuyên bố rằng chiến tranh sẽ không kết thúc trừ khi các lãnh thổ bị sáp nhập được trả lại cho Ukraine.

Zelenskiy hồi đầu tháng cho biết rằng việc chấm dứt chiến tranh sẽ đòi hỏi “khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và tự do của công dân. Một giai đoạn khác của cuộc chiến là khôi phục lại công lý.”

Tổng thống Ukraine nói thêm: “Việc khôi phục chủ quyền là nguyên tắc chính để chấm dứt giai đoạn nóng bỏng của cuộc chiến”. “Mọi chuyện sẽ kết thúc trong hòa bình.”
 
ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thay ĐTC cử hành tưởng niệm cuộc diệt chủng người Ukraine của Nga
VietCatholic Media
04:51 28/11/2023


1. Ukraine tưởng niệm nạn nhân Holodomor

Hôm thứ Bẩy 25 tháng 11, Ukraine đã tưởng niệm các nạn nhân Holodomor. Ukraine là một dân tộc hiền lành và ngoan đạo. Trước khi làm các công việc, đặc biệt là công việc đồng áng, họ quay mặt về hướng Đông làm dấu Thánh Giá, chúc tụng và ngợi khen Chúa ban cho mùa màng bội thu. Dân tộc hiền lành ấy đã nhiều lần bị người Nga cố tình diệt chủng.

Ngày tưởng niệm Holodomor được đánh dấu hàng năm vào ngày thứ Bảy thứ tư của tháng 11 theo các sắc lệnh của tổng thống đưa ra năm 1998 và 2007.

Trong thế kỷ 20, người Ukraine đã ba lần phải hứng chịu nạn đói hàng loạt: vào các năm 1921-1923, 1932-1933 và 1946-1947. Tuy nhiên, Holodomor trong 2 năm 1932-1933 là tàn khốc nhất - nó đã được công nhận là tội ác diệt chủng người dân Ukraine dưới chế độ của Stalin.

Nạn đói khủng bố kéo dài 22 tháng ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của 7 triệu người.

Trong nhiều thập kỷ, chủ đề về Holodomor đã bị cấm đoán. Chừng nào chế độ cộng sản còn tồn tại, thậm chí thảo luận về vấn đề nạn đói của những năm đó cũng bị nghiêm cấm. Nghiên cứu về bi kịch này chỉ bắt đầu vào cuối những năm 1980.

Theo luật được thông qua vào ngày 28 tháng 11 năm 2006, “Về Holodomor trong hai năm 1932-1933 tại Ukraine,” nạn đói năm 1932-1933 được coi là một hành động diệt chủng người dân Ukraine. Luật này cũng coi hành động phủ nhận công khai biến cố này là một sự xúc phạm đối với hàng triệu nạn nhân của Holodomor, là một sự sỉ nhục nhân phẩm của người dân Ukraine, và bị coi là bất hợp pháp.”

Vào ngày 7 tháng 12 năm 2016, các nhà lập pháp Ukraine kêu gọi các quốc gia khác công nhận Holodomor là tội ác diệt chủng người dân Ukraine. Đến nay đã có 22 quốc gia chính thức công nhận Holodomor ở Ukraine năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng người dân Ukraine.

Theo truyền thống, vào ngày này, người Ukraine thắp nến tưởng niệm trong nhà của họ để vinh danh các nạn nhân của nạn đói nhân tạo.

2. Cử hành kỷ niệm nạn đói diệt chủng Holodomor tại Vatican

Năm ngoái, bất chấp các chỉ trích dữ đội của các phương tiện truyền thông Nga, Đức Thánh Cha và hai vị Hồng Y đã cử hành lễ kỷ niệm nạn đói diệt chủng do Stalin gây ra ở Ukraine từ năm 1932 đến năm 1933, khiến 7 triệu người Ukraine thiệt mạng.

Buổi lễ đã diễn ra tại Vương cung thánh đường Thánh Sofia ở Rôma vào lúc 5g chiều thứ Bẩy 26 tháng 11, 2022 theo giờ địa phương. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha Phanxicô có Đức Hồng Y Leonardo Sandri, là Tổng trưởng Bộ Giáo Hội Đông phương và Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng Trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện và Cha Marco Jaroslav Semehen, Giám đốc Hagia Sophia ở Rôma và Giám đốc Di cư của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Ý. Sau thánh lễ cũng có các cuộc trình diễn âm nhạc và cuộc triển lãm tranh vẽ, ảnh và tác phẩm điêu khắc của Armandì “Nỗi đau bị lãng quên - Holodomor” và buổi thắp nến tưởng nhớ.

Năm nay, do Đức Thánh Cha bị cảm vào giờ chót và phải vào nhà thương, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã cử hành thay cho ngài vào hôm Thứ Bẩy, 25 Tháng Mười Một.

Trong thánh lễ năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa hướng suy nghĩ của mình đến đất nước Ukraine đau khổ từ lâu, nhắc đến các nạn nhân của Holodomor và gọi đó là nạn diệt chủng.

“Chúng ta hãy tưởng nhớ Ukraine đã chịu đựng lâu dài. Thứ bảy này đánh dấu kỷ niệm cuộc diệt chủng khủng khiếp Holodomor trong hai năm 1932-1933 do Stalin gây ra một cách giả tạo. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn diệt chủng này và cầu nguyện cho tất cả người Ukraine, trẻ em, phụ nữ và người già, trẻ sơ sinh, những người ngày nay đang phải chịu sự tử vì đạo của quân xâm lược,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói như trên khi kết thúc Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 23 tháng 11, 2022.

3. Ukraine: các giám mục kết thúc “Năm Lòng Thương Xót”, để chữa lành “những vết thương và sự tàn phá do chiến tranh gây ra” và “xây dựng lại những gì đã bị phá hủy”

Một “Năm Lòng Thương Xót”, bởi vì “những vết thương và sự tàn phá do chiến tranh gây ra quá lớn đến nỗi sẽ phải mất nhiều năm và nhiều nỗ lực để hàn gắn chúng và xây dựng lại những gì đã bị phá hủy”. Các Giám Mục Ukraine đã tuyên bố như trên trong một thông điệp được công bố hôm thứ Bẩy 26 tháng 11, 2022 khi các giám mục của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Ukraine - đã tập trung tại Bryukhovychy gần Lviv cho phiên họp khoáng đại lần thứ 57 của Hội đồng Giám mục.

Năm Lòng Thương Xót, đã bắt đầu vào ngày 27 tháng 11, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, và tiếp tục cho đến lễ trọng Chúa Kitô Vua vào năm 2023, tức là ngày 26 Tháng Mười Một, năm nay.

Lòng thương xót là con đường được hàng giám mục Công Giáo chỉ ra cho một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề. “Chúng ta cần sức mạnh – các giám mục viết – để sống, yêu thương, bảo vệ đất nước của chúng ta và phục vụ những người khác bằng công việc của chúng ta. Chúng ta cần sự bình an sâu xa trong lòng và niềm hy vọng vững chắc. Chúng ta cần đức tin mạnh mẽ để định hình các quyết định và hành động của mình. Ngày nay chúng ta đang trải qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh” và “chúng ta đang trải qua hậu quả của những hành động gây ra bởi những người không biết đến lòng thương xót của Chúa, họ đã đến vùng đất của chúng ta để giết chóc và hủy diệt. Bao nhiêu điều ác, bạo lực, dối trá, nhỏ nhen và hoài nghi do quân xâm lược mang lại. Tất cả những điều này là dấu hiệu của sự lạnh lùng của một tâm hồn trống rỗng đã chối bỏ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng có nguy cơ nguội lạnh tâm hồn” và để mình rơi vào “sự tuyệt vọng, mệt mỏi, hận thù hay ngã lòng”.

Do đó, lời mời gọi hãy kín múc sức mạnh từ “Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta: 'Hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề...' (Mt 11:28)”. “Thế giới cần lòng thương xót, lòng thương xót của Chúa. Chúng ta chỉ có thể thông truyền lòng thương xót của Thiên Chúa khi chính chúng ta kín múc từ đó. Chúng ta ý thức rằng chỉ nơi Chúa mới là sức mạnh và quyền năng của chúng ta”.

Trong thông điệp, các giám mục cũng vạch ra những hành động cụ thể phát xuất từ thái độ thương xót. Các ngài bày tỏ một suy nghĩ đặc biệt đến “quân đội, những người bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta bằng cái giá là mạng sống và sức khỏe của họ. Chúng ta hãy bao bọc họ trong những lời cầu nguyện của chúng ta “.

“Chúng ta hãy an ủi những người có người thân, bạn bè và người quen đã bị chiến tranh bắt đi. Chúng ta hãy mở cửa nhà cho trẻ mồ côi. Chúng ta đừng quên những người già đã bị chiến tranh đuổi ra khỏi thành phố hoặc làng mạc của họ, phá hủy nhà cửa của họ. Chúng ta gần gũi với những người bắt buộc phải di cư, để họ cảm nhận được lòng tốt của chúng tôi, để một nơi cư trú khác và một môi trường xa lạ không khắc nghiệt và không thể chịu đựng được đối với họ “.

Lời kêu gọi cuối cùng của các Giám Mục Ukraine là tìm kiếm “trong thời kỳ chiến tranh này”, “sự khôn ngoan, can đảm và sức mạnh để làm chứng cho lòng thương xót của Chúa”.
 
Đồng minh Putin gây sửng sốt: California thuộc về Nga. Kyiv tiết lộ vụ đề nghị ngưng bắn của Moscow
VietCatholic Media
16:33 28/11/2023


1. Truyền hình Nga coi California là một phần lãnh thổ của Nga cần phải được đòi lại bằng mọi giá.

Đầu năm nay, một pháp sư người Siberia đã dự đoán rằng Alaska và California sẽ trở thành một phần của Nga trong năm 2023 này. Bây giờ đã là tháng 11, lời tiên tri của đại pháp sư Artur Tsybikov vẫn chưa thành hiện thực. Tuy nhiên, người đích thân phỏng vấn pháp sư Artur Tsybikov, là bà Margarita Simonyan, tổng biên tập của cơ quan truyền thông nhà nước RT, vẫn chưa bỏ cuộc.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Truyền hình Nga coi các tiểu bang Hoa Kỳ là những mục tiêu xâm lược tiếp theo”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Các nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh coi ba tiểu bang của Mỹ là mục tiêu cho một cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga trong các chương trình phát sóng trên truyền hình nhà nước hôm thứ Hai, 27 Tháng Mười Một.

Vladimir Solovyov, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong giới truyền thông được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, và Margarita Simonyan, tổng biên tập của cơ quan truyền thông nhà nước RT, đã đưa ra nhận xét trên các chương trình phát sóng trên kênh Russia-1. Một đoạn trích được đăng trên X, bởi Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine.

Các nhà tuyên truyền trên truyền hình nhà nước thường xuyên đưa ra ý tưởng tấn công hoặc chiếm giữ lãnh thổ của các thành viên NATO. Đặc biệt, hai người này cho rằng Nga có thể tấn công các bang Alaska, California hoặc Hawaii của Mỹ.

Alaska từng là một phần của Nga. Năm 1867, nó được bán cho Mỹ với giá 7,2 triệu Mỹ Kim sau khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Andrew Johnson ký Hiệp ước Alaska. Nó được Nga chính thức chuyển giao cho Mỹ vào ngày 18 tháng 10 năm 1867 và trở thành một tiểu bang vào ngày 3 Tháng Giêng năm 1959.

Trong cuộc thảo luận về lý do tại sao Nga muốn chiếm Bồ Đào Nha, Solovyov đã châm biếm rằng Lisbon chưa bao giờ là của Nga, nên Nga muốn nó là của Nga. Còn Simonyan thì cho rằng Alaska đã có lúc thuộc về Nga, nên muốn nó trở lại là của Nga.

“Tôi không phải là một quân nhân, nhưng tôi lý luận theo cách tôi được các chỉ huy quân sự xuất sắc của Liên Xô dạy: bạn phải vượt qua những trở ngại tự nhiên. Đúng không nào?” Solovyov nói. “Đó là lý do tại sao chúng ta phải tiến ra biển!”

Ngoài Alaska, Simonyan cũng cho rằng California cũng là một phần của Nga. Bất chấp khẳng định này, California chưa bao giờ là một phần của Nga, mặc dù vào đầu thế kỷ 19, Nga đã thành lập tiền đồn Fort Ross ở khu vực ngày nay là Quận Sonoma, California, với những người thực dân Nga sống ở đó từ năm 1812 đến năm 1841.

Simonyan nói: “Tôi rất thích California. Tôi thậm chí còn thích Hawaii hơn là California. Tôi chưa từng ở đó.”

Nga đã thành lập ba pháo đài tồn tại trong thời gian ngắn trên đảo Kauai của Hawaii vào năm 1817. Hawaii là một vương quốc cho đến năm 1893 và trở thành một nước cộng hòa vào năm 1894, trước khi nhượng lại cho Hoa Kỳ vào năm 1898 và trở thành một tiểu bang vào năm 1959.

Vào Tháng Giêng, một pháp sư người Siberia đã dự đoán rằng Alaska và California sẽ trở thành một phần của Nga vào năm 2023.

Phó pháp sư Artur Tsybikov của Nga nói trong một video được chia sẻ bởi Gerashchenko: “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và người dân của họ, tất nhiên, thật đáng tiếc”.

“Nước Mỹ có thể sớm bị chia cắt thành nhiều phần và một số tiểu bang sẽ tuyên bố chủ quyền. Alaska và California sẽ trở lại Liên bang Nga”, ông ta nói.

“Một pháp sư Nga dự đoán rằng nước Mỹ sẽ bị chia cắt vào năm 2023, với Alaska và California có thể sẽ trở thành một phần của Nga. Theo ông ấy, Nga rõ ràng sẽ thịnh vượng nhờ có Alaska và California, tôi đoán vậy”, Gerashchenko viết hôm thứ Năm.

2. Nga đề nghị chấm dứt chiến tranh nếu Ukraine từ bỏ nỗ lực của NATO: quan chức Kyiv

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Quan chức Kyiv cho biết Nga đề nghị chấm dứt chiến tranh nếu Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga đề nghị chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa vào mùa xuân năm 2022 nếu Ukraine đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, theo nhà lãnh đạo đảng chính trị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người có mặt tại các cuộc đàm phán hòa bình.

David Arakhamia, lãnh đạo đảng chính trị Ukraine Người phục vụ Nhân dân, đã tiết lộ một phần của thỏa thuận trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Ukraine Natalia Moseychuk hôm thứ Sáu. Quan chức Kyiv trước đó đã dẫn đầu phái đoàn Ukraine tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với các quan chức cao cấp của Nga trong những tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.

Cả hai bên tham chiến đều đặt ra điều kiện ngừng bắn trong cuộc xung đột trong những tháng gần đây, nhưng nhiều nhà phân tích chiến tranh cho rằng cả Zelenskiy và Putin hiện không có mong muốn chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 21 tháng.

Theo Arakhamia, đã có một thỏa thuận hòa bình được soạn thảo giữa các nhà đàm phán Ukraine và Nga ngay từ đầu cuộc chiến. Arakhamia nói rằng Mạc Tư Khoa cam kết chấm dứt giao tranh nếu Ukraine đồng ý giữ thái độ trung lập và từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

“Họ thực sự hy vọng đến cùng rằng họ sẽ ép chúng tôi ký một thỏa thuận như vậy để chúng tôi giữ thái độ trung lập,” Arakhamia nói với Moseychuck. “Đó là điều lớn nhất đối với họ.”

“Họ sẵn sàng kết thúc chiến tranh nếu chúng tôi giữ... thái độ trung lập và đưa ra những cam kết rằng chúng tôi sẽ không gia nhập NATO. Đây là điểm mấu chốt”, quan chức Ukraine nói thêm.

Ukraine đã đặt mục tiêu trở thành thành viên của NATO trong nhiều thập kỷ và vào tháng 9 năm 2022, Kyiv tuyên bố nỗ lực nhanh chóng trở thành thành viên của liên minh quân sự này. Các quan chức Nga đã cảnh báo rằng giao tranh sẽ chỉ leo thang nếu Ukraine được kết nạp vào NATO, điều này sẽ củng cố liên minh của Kyiv với các nước phương Tây như Mỹ và Anh.

Arakhamia cho biết việc thay đổi ý định gia nhập NATO của Ukraine sẽ đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp nước này vì quốc hội Kyiv đã bỏ phiếu thông qua một sửa đổi vào tháng 2 năm 2019 trong đó nêu rõ mục tiêu của Ukraine là trở thành thành viên của cả NATO và Liên minh Âu Châu.

Arakhamia cũng nói rằng các quan chức Ukraine không tin tưởng Nga sẽ tuân thủ thỏa thuận của họ.

“Không có và không có sự tin tưởng nào vào người Nga rằng họ sẽ làm điều đó. Điều đó chỉ có thể được thực hiện nếu có sự bảo đảm về an ninh,” ông nói với Moseychuck.

Ở những nơi khác trong cuộc phỏng vấn, Arakhamia đề cập đến chuyến thăm bất ngờ của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson tới Kyiv vào tháng 4 năm 2022. Ông nói rằng Johnson khuyến khích Ukraine đừng “ký bất cứ điều gì” với Nga nhưng “hãy tiếp tục chiến đấu”.

Đại sứ quán Nga tại Anh đã phản ứng với cuộc phỏng vấn của Arakhamia trong một bài đăng trên X, trước đây là Twitter, vào Chúa Nhật. Người Nga đổ lỗi cho Johnson vì đã làm gián đoạn cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga.

Tuyên bố của Đại sứ quán Nga viết: “Vào mùa xuân năm 2022, các phái đoàn Nga và Ukraine đang chuẩn bị đàm phán để chấm dứt xung đột, bảo đảm quân đội Ukraine không liên kết và bảo vệ quyền của những người nói tiếng Nga”. “Một văn bản đã được đặt trên bàn ở Istanbul, gần như đã sẵn sàng để được ký kết.”

Đại sứ quán Nga nói tiếp rằng “Tuy nhiên, theo Arakhamia, trong chuyến thăm Kyiv Thủ tướng Boris Johnson đã gây áp lực với phía Ukraine 'không ký bất cứ điều gì' và 'cứ tiếp tục chiến đấu'. Do đó, rõ ràng là với sự can thiệp đáng kể của Vương Quốc Anh, một bước đi cho một giải pháp thương lượng đã bị bỏ lỡ — với những hậu quả bi thảm đối với nhà nước, nền kinh tế và dân số Ukraine.”

Sau tuyên bố của Đại sứ quán Nga ở Luân Đôn, Arakhamia nói với tờ Kyiv Post là có hay không có sự can thiệp của Thủ tướng Boris Johnson, Ukraine vẫn chiến đấu vì điều quan trọng là người Ukraine đã trải qua quá nhiều những kinh nghiệm bi thảm về sự bội ước của người Nga.

Reuters đưa tin vào tháng 9 năm 2022 rằng những người thân cận với lãnh đạo Điện Cẩm Linh xác nhận rằng các nhà đàm phán Nga đã đạt được một thỏa thuận tạm thời với Kyiv nhằm loại Ukraine ra khỏi NATO, nhưng chính Putin đã bác bỏ thỏa thuận này và tiếp tục cuộc xâm lược của mình. Các nguồn tin nói chuyện với Reuters cho biết nhà độc tài Nga đã nói với các nhà đàm phán của mình rằng thỏa thuận này “chưa đi đủ xa và ông đã mở rộng sự phản đối của mình để bao gồm cả việc sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine”.

Nga hiện đang xâm lược phần lớn miền nam và miền đông Ukraine, và Kyiv đã tuyên bố rằng chiến tranh sẽ không kết thúc trừ khi các lãnh thổ bị sáp nhập được trả lại cho Ukraine.

Zelenskiy hồi đầu tháng cho biết rằng việc chấm dứt chiến tranh sẽ đòi hỏi “khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và tự do của công dân. Một giai đoạn khác của cuộc chiến là khôi phục lại công lý.”

Tổng thống Ukraine nói thêm: “Việc khôi phục chủ quyền là nguyên tắc chính để chấm dứt giai đoạn nóng bỏng của cuộc chiến”. “Mọi chuyện sẽ kết thúc trong hòa bình.”

3. Ngoại trưởng Hung Gia Lợi đã đề nghị Liên Hiệp Âu Châu nên nghiên cứu hậu quả của các chính sách trừng phạt đối với Nga trước khi thực hiện gói mới nhất.

Peter Szijjarto cho biết: “Trong khi sự hợp tác Đông-Tây, từ lâu đã là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Âu Châu, đang tiếp tục tan vỡ, chúng tôi đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 12 mà không có bất kỳ phân tích trung thực nào về tác động của 11 gói đã được thông qua.”

Sky News đưa tin ông nói thêm rằng “các quyết định thất bại ở Brussels” đã khiến khả năng cạnh tranh của Âu Châu đạt “mức thấp”.

Các đề xuất về một đợt trừng phạt mới đối với 120 cá nhân và tổ chức Nga đã được trình lên các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu để xem xét.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban mới đây đe dọa sẽ cắt viện trợ cho Kyiv nếu lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu không xem xét lại chiến lược hỗ trợ Kyiv, theo Politico.

4. Đồng minh của Putin muốn biến Bồ Đào Nha thành một phần của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Đồng minh của Putin muốn biến thành viên NATO thành một phần của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một đồng minh của Putin gần đây đã đưa ra ý tưởng biến một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, trở thành một phần của Nga trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Trong buổi phát sóng gần đây của Russia 1, một chương trình truyền hình nhà nước ở Mạc Tư Khoa, người dẫn chương trình Vladimir Solovyov đã nói về Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha và nói “có lý do” tại sao đất nước này nên trở thành một phần của Nga. Những bình luận đã được dịch của Solovyov đã được Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, đăng lên X, vào sáng thứ Hai.

Bồ Đào Nha là một trong những thành viên sáng lập của NATO. Diễn biến này xảy ra khi nhiều nước phương Tây tiếp tục cảnh báo Mạc Tư Khoa không được đụng tới các đồng minh của khối quân sự này trong bối cảnh nước này xung đột với Ukraine khi Putin xâm chiếm quốc gia Đông Âu này vào tháng 2 năm 2022.

“Bạn không cần nó nhưng tôi rất thích nó,” Solovyov nói khi được những người đồng chủ nhà và khách mời hỏi về lý do tại sao Nga lại muốn Bồ Đào Nha. “Bạn phải bắt đầu từ đâu đó, thậm chí tôi sẽ chọn Hawaii. Tôi không phải là một quân nhân, nhưng tôi lý luận theo cách tôi được các chỉ huy quân sự xuất sắc của Liên Xô dạy, bạn phải vượt qua những trở ngại tự nhiên.”

Solovyov nói thêm rằng “người Bồ Đào Nha sẽ sống tốt khi là một phần của đế quốc Nga”.

Trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang diễn ra, một số quan chức Mạc Tư Khoa và đồng minh khác của Putin cũng đưa ra nhận xét tương tự về các thành viên NATO.

Đầu tháng này, Reuters đưa tin cựu tổng thống Nga và phó chủ tịch Hội đồng An ninh Mạc Tư Khoa Dmitry Medvedev đã đưa ra bình luận trong một bài báo về Ba Lan khi ông nói: “Chúng tôi sẽ coi nước này chính xác như một đối phương lịch sử”.

Ông nói thêm: “Lịch sử đã hơn một lần đưa ra một bản án tàn nhẫn đối với những người Ba Lan kiêu ngạo: cho dù các kế hoạch phục thù có tham vọng đến đâu, thì sự sụp đổ của chúng có thể dẫn đến cái chết toàn bộ của nhà nước Ba Lan.”

Vào tháng 2, Yevgeny Satanovsky, chủ tịch Viện Trung Đông của Nga, đã xuất hiện trên kênh tin tức nhà nước Russia-1 và nói rằng Mạc Tư Khoa nên lấy lại Alaska từ Hoa Kỳ, đồng thời nói rằng “Alaska phải trở lại là một phần của chúng ta”.

Thống đốc Alaska Mike Dunleavy trước đó đã trả lời những nhận xét về việc Nga chiếm lại Alaska và nói: “Gửi tới các chính trị gia Nga tin rằng họ có thể lấy lại Alaska: Chúc may mắn nhé”.

Theo Thư viện Quốc hội, năm 1867, Mỹ mua Alaska từ Nga với giá 7,2 triệu Mỹ Kim.

5. Tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh tuyên bố muốn chiếm Bồ Đào Nha, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga chỉ muốn dừng lại ở Ukraine

Mạc Tư Khoa không có kế hoạch mở rộng lãnh thổ xa hơn ở Âu Châu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định trước nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuần trước rằng Putin sẽ không dừng lại ở Ukraine nếu giành chiến thắng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, cho biết vào tuần trước: “Putin sẽ không dừng lại nếu ông ấy chiếm được Ukraine. Điều tiếp theo là hắn ta sẽ băng qua vùng Baltic… và điều tiếp theo bạn biết đấy, bạn và các đồng đội của mình sẽ ở tiền tuyến chiến đấu chống lại một Putin mà lẽ ra chúng ta phải ngăn chặn ở Ukraine.”

Trong các bình luận được hãng thông tấn Nga Tass đưa tin, ông Lavrov nói:

Điều này đến từ một người giữ chức vụ cao cấp và không thể không tiếp nhận quan điểm của các chuyên gia, trong đó có các chuyên gia của Ngũ Giác Đài chuyên phân tích mối quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Washington và không thể không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Ukraine mà Nga chưa bao giờ có và không bao giờ có thể có bất kỳ kế hoạch xâm lược hoặc bành trướng nào.

Ông nói rằng Nga tấn công Ukraine vì Kyiv đang “tiêu diệt mọi thứ tiếng Nga” sau khi việc sử dụng tiếng Nga trong trường học và các không gian chính thức khác chấm dứt.

Tuy nhiên, lập luận của Sergei Lavrov là nguy hiểm. Không chỉ ở Ukraine, ở Ba Lan và các nước vùng Baltic việc sử dụng tiếng Nga trong trường học và các không gian chính thức khác cũng đã chấm dứt sau khi các quốc gia này giành được độc lập.

6. Tư lệnh Ukraine cảnh báo Nga tiếp tục mở rộng chiến tranh

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Tư lệnh Ukraine cảnh báo Nga tiếp tục mở rộng chiến tranh”, Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một chỉ huy quân đội Ukraine, các mặt trận mới trong cuộc chiến Nga-Ukraine có thể sớm mở ra do liên minh của Nga với cái gọi là “Trục ma quỷ”.

Trung tướng Serhii Nayev, chỉ huy Lực lượng chung của Lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ABC News rằng liên minh của Nga với các nước như Iran và Bắc Hàn đang củng cố kho vũ khí của họ và đe dọa mở rộng cuộc chiến, hiện đang ở giai đoạn cuối của tháng thứ 22. Cả hai quốc gia đều đã cung cấp cho Nga vũ khí và thiết bị quân sự để hỗ trợ cho cuộc tấn công liên tục vào Ukraine.

Nayev, người chịu trách nhiệm phòng thủ biên giới phía bắc của quân đội Ukraine, nói rằng Kyiv đang “chuẩn bị” cho cuộc chiến với Nga với viễn tượng Nga có thể mở rộng ra ngoài mặt trận phía đông và phía nam do lực lượng của Putin giành được chỗ đứng trong “cuộc chiến tranh tài nguyên” với sự trợ giúp từ các đồng minh của Nga. Ông nói rằng Ukraine đang chuẩn bị bằng cách “xây dựng hệ thống phòng thủ, đặt mìn và huấn luyện lực lượng của chúng tôi”.

Ông nhấn mạnh rằng “Chúng tôi hiểu rằng hiện đang có một cuộc chiến tranh tài nguyên,” Naev nói. “Liên bang Nga có được nguồn lực của mình với sự trợ giúp của Trục Ác ma - đó là Bắc Hàn, đó là Iran. Và chúng tôi, với sự giúp đỡ của các đối tác, nhận thiết bị phòng không từ họ, đang chống lại Liên bang Nga bằng nguồn lực nhận được”.

Nayev nhấn mạnh rằng Ukraine nhận được viện trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây là “rất, rất quan trọng đối với chúng tôi”. Ông than thở rằng “việc cắt giảm viện trợ gần đây sẽ thực sự ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của chúng tôi”, trước khi nói thêm “chúng tôi sẽ chiến đấu với những gì chúng tôi có”.

Nga được cho là đã phóng số lượng máy bay không người lái cảm tử “Shahed” “kỷ lục” của Iran trong một cuộc tấn công trên không vào Ukraine vào cuối tuần qua. Trong khi các phiên bản máy bay không người lái do Tehran cung cấp thường được Nga sử dụng trong chiến tranh, các máy bay không người lái hiện cũng được sản xuất trong nước, đôi khi sử dụng các bộ phận của Iran.

Ukraine tuyên bố Nga đã chịu tổn thất nặng nề trong các trận đấu pháo binh dù bước vào cuộc chiến với hỏa lực vượt trội. Tuy nhiên, nguồn cung từ Iran và Bắc Hàn đang giúp Mạc Tư Khoa tiếp tục chiến đấu.

Ivan Stupak, cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine và hiện là cố vấn cho ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia của quốc hội Ukraine, nói với Newsweek vào tuần trước rằng Nga đã nhận được “một triệu quả đạn pháo” từ các đồng minh của mình.

Bất chấp sự viện trợ từ “Trục ma quỷ” và một số thành công trong cuộc phản công năm nay của Ukraine, một số sĩ quan quân đội Nga đã công khai bày tỏ sự bi quan về triển vọng lâu dài của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông RTVI của Nga vào tuần trước, sĩ quan Nga Alexey Zhivov đã chỉ trích giới lãnh đạo quân sự hàng đầu của Mạc Tư Khoa, chỉ trích chỉ huy lực lượng đặc biệt Apti Alaudinov vì đã dự đoán rằng Nga sẽ đạt được “kết quả rất nghiêm trọng” ở Ukraine vào mùa xuân.

“Chúng ta thậm chí còn chưa đưa ra bất kỳ mục tiêu chiến tranh trung hạn nào,” Zhivov nói. “Dựa trên thực tế là chúng tôi không hiểu bộ chỉ huy quân sự của chúng ta có kế hoạch gì, chúng tôi không thể nói chúng tôi sẽ đột phá ở đâu vào mùa xuân.”

Một cuộc thăm dò được công bố hồi đầu tháng này cho thấy 48% người Nga muốn nước họ đàm phán hòa bình với Ukraine, chỉ có 39% ủng hộ Mạc Tư Khoa tiếp tục xung đột.

7. AP đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang chuyển sự chú ý sang Ukraine, NATO và Tây Balkan sau nhiều tuần tập trung cao độ vào cuộc chiến của Israel chống lại Hamas ở Gaza.

Blinken đã dành phần lớn thời gian trong tháng rưỡi qua để tham gia sâu vào cuộc khủng hoảng Gaza, thực hiện hai chuyến đi đến Trung Đông. Giờ đây, giữa những dấu hiệu cho thấy thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có thể được gia hạn, Blinken đang khởi hành đến Brussels để tham dự cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao NATO.

Tại Brussels, liên minh sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với việc bảo vệ Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga, tìm cách giảm bớt căng thẳng giữa Kosovo và Serbia và xem xét việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO vào năm tới.

Phiên họp kéo dài hai ngày vào thứ Ba và thứ Tư sẽ bao gồm cuộc họp cấp ngoại trưởng đầu tiên của Hội đồng NATO-Ukraine, một cơ quan được các nhà lãnh đạo liên minh thành lập tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của họ nhằm cải thiện hợp tác và phối hợp cũng như giúp chuẩn bị cho Kyiv cuối cùng trở thành thành viên.

Jim O'Brien, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Âu Châu cho biết: “Các đồng minh sẽ tiếp tục hỗ trợ khả năng tự vệ của Ukraine cho đến khi Nga ngừng chiến tranh xâm lược”.

8. Ukraine mang đến cho Nga hương vị của mùa đông lạnh lẽo

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine mang đến cho Nga hương vị đánh trả mùa đông sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga và Ukraine đã trao đổi vòng đầu tiên của chiến dịch sử dụng máy bay không người lái một chiều vào mùa đông dự kiến. Kyiv đã tiến hành một loạt cuộc tấn công nhằm vào một số khu vực, bao gồm cả Mạc Tư Khoa, một ngày sau khi một loạt máy bay không người lái phá kỷ lục đánh vào Kyiv.

Bộ Quốc phòng Nga hôm Chúa Nhật cho biết, 24 máy bay không người lái đã bị bắn hạ trên bầu trời nước này trong 24 giờ trước đó, cũng như hơn 50 máy bay không người lái trên các khu vực Luhansk, Donetsk, Kherson và Kharkiv bị Nga tạm chiếm ở miền đông Ukraine. Bộ này cũng cho biết họ đã đánh chặn hai hỏa tiễn phòng không S-200 mà cả hai bên đều sử dụng để bắn vào các mục tiêu trên mặt đất trên Biển Azov.

Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergey Sobyanin cho biết không có thương tích hay thiệt hại nào ở thủ đô. Alexey Dyumin, thống đốc vùng Tula ở phía nam Mạc Tư Khoa, cho biết một máy bay không người lái đã đâm vào một tòa nhà chung cư, gây hư hại nhẹ và một người bị thương nhẹ. Denis Pushilin, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý xâm lược bù nhìn của Nga ở Donetsk, cho biết một máy bay không người lái đã làm hư hại một nhà máy điện trong khu vực và gây mất điện cục bộ.

Những vụ nổ đã được nhìn thấy ở Kyiv, Ukraine, vào hôm thứ Bảy. Nga đã bắt đầu oanh tạc thủ đô và các thành phố lớn khác vào mùa đông.

“Tình hình rất khó khăn,” Pushilin cho biết vào Chúa Nhật. “Công việc đang diễn ra, mọi thứ đang được thực hiện để trả lại hơi ấm và ánh sáng cho người dân của chúng tôi càng sớm càng tốt.”

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái diễn ra cùng thời điểm một cơn bão lớn đổ bộ vào khu vực miền nam Ukraine, khiến toàn bộ Crimea và Donetsk bị mất điện trong bối cảnh nhiệt độ đóng băng. Tuyết mùa đông và nhiệt độ đóng băng hiện đang bao phủ phần lớn Ukraine và miền Tây nước Nga, báo hiệu sự kết thúc của mùa chiến đấu năm 2023. Nga dự kiến sẽ lặp lại chiến dịch hỏa tiễn và máy bay không người lái mùa đông năm 2022 trong nỗ lực buộc Kyiv phải đầu hàng.

Kyiv đã tiến hành cuộc oanh tạc bằng máy bay không người lái vào hôm Chúa Nhật một ngày sau khi Nga phát động làn sóng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào các mục tiêu của Ukraine, sử dụng 75 máy bay không người lái kamikaze Shahed do Iran sản xuất. Các đội phòng không Ukraine cho biết họ đã bắn hạ tất cả trừ một chiếc máy bay không người lái trong cuộc tấn công kéo dài hơn sáu giờ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi đầu tháng nói rằng đồng bào của ông “phải chuẩn bị cho thực tế là đối phương có thể tăng số lượng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hoặc hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng của chúng ta”.

Ông nói: “Mọi sự chú ý nên tập trung vào phòng thủ, vào việc ứng phó với những kẻ khủng bố bằng mọi cách Ukraine có thể làm để vượt qua mùa đông và cải thiện khả năng của binh lính chúng ta”.

Tổng thống cũng ám chỉ rằng Ukraine đã chuẩn bị sẵn sàng hơn để trả đũa các cuộc tấn công của Nga so với mùa đông năm ngoái. “Chúng tôi đang chuẩn bị cho những kẻ khủng bố tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng”, Zelenskiy cho biết vào tháng 10. “Năm nay chúng tôi sẽ không chỉ tự vệ mà còn đáp trả”.

Ông nói tiếp: “Đối phương hiểu rõ điều này. Để bắt đầu, họ đã rút hạm đội của mình khỏi Crimea. Giờ đây, họ đang di dời không quân của mình ra xa biên giới của chúng ta hơn”.

Việc gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong phạm vi biên giới của Nga - và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên biển và trên không liên tục tại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, bao gồm cả Crimea - dường như là công cụ trả đũa được Kyiv lựa chọn. Ukraine đang nghiên cứu một loạt máy bay không người lái mới nhằm mục đích đưa chiến tranh trở lại Nga.

Một số loại, như máy bay không người lái tầm xa “Beaver”, được cho là đã được sử dụng trong các cuộc tấn công vào Mạc Tư Khoa. Đầu tháng này, tập đoàn quốc phòng nhà nước Ukraine Ukroboronprom xác nhận họ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt một loại máy bay không người lái tầm xa mới với tầm hoạt động lên tới khoảng 620 dặm. Điều này sẽ đặt toàn bộ miền Tây nước Nga, bao gồm Mạc Tư Khoa, Rostov-on-Don và St. Petersburg, trong tầm tấn công.

Ukroboronprom cho biết Kyiv đang làm việc với các đối tác nước ngoài để hoàn thiện hệ thống.

“ Ukraine đang trên đường trở thành nước dẫn đầu thế giới về sản xuất máy bay không người lái”, “ông trùm máy bay không người lái” Mykhailo Fedorov của Ukraine nói với Newsweek hồi đầu năm nay. “Trải nghiệm mà chúng tôi đang có hiện nay là duy nhất, xét về cách sử dụng, cải tiến liên tục về công nghệ, quá trình nghiên cứu và phát triển cũng như mở rộng quy mô sản xuất.

Phó thủ tướng nói thêm: “Sau khi chiến tranh kết thúc, Ukraine sẽ có trải nghiệm độc đáo và mọi cơ hội để trở thành nước xuất khẩu máy bay không người lái lớn trên thế giới”.

“Xét cho cùng, mỗi chiếc máy bay không người lái này không chỉ được thử nghiệm tại một bãi tập ở đâu đó mà còn được thử nghiệm trong một cuộc chiến thực sự. Tôi chắc chắn rằng kinh nghiệm sử dụng máy bay không người lái của Ukraine trong cuộc chiến này sẽ được các nước khác nghiên cứu trong tương lai”, ông nói.

9. Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cho biết Phần Lan coi dòng người xin tị nạn từ Nga là một vấn đề an ninh quốc gia.

Orpo cho biết đất nước của ông dự đoán sẽ có nhiều người xin tị nạn đến biên giới qua Nga và có kế hoạch thực hiện các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn dòng người sau khi đóng cửa tất cả trừ một điểm nhập cảnh trong những tuần gần đây.

Ông nói trong một cuộc họp báo: “Thông tin tình báo từ nhiều nguồn khác nhau cho chúng tôi biết rằng vẫn còn những người đang di chuyển… Nếu tình trạng này tiếp diễn, nhiều biện pháp khác sẽ được công bố trong tương lai gần”.

Theo Lực lượng Biên phòng Phần Lan, khoảng 900 người xin tị nạn từ các quốc gia bao gồm Afghanistan, Kenya, Maroc, Pakistan, Somalia, Syria và Yemen đã vào Phần Lan từ Nga trong tháng 11, tăng so với mức dưới một người mỗi ngày trước đó.

Phần Lan gọi đây là một cuộc tấn công hỗn hợp. Mạc Tư Khoa đã bác bỏ cáo buộc.

10. Theo cơ quan Ukrinform, hiện có gần 300.000 trẻ em Ukraine ghi danh vào các cơ sở giáo dục Ba Lan, trong đó có khoảng 2/3 là những em chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga cùng gia đình.

BBC Nga dẫn lời Ukrinform cho biết, tính đến tháng này, từ dữ liệu của Bộ giáo dục Ba Lan, có hơn 286.000 trẻ em Ukraine đang học tập tại Ba Lan. Theo dữ liệu, 2/3 số trẻ em này đã trốn khỏi Ukraine từ tháng 2 năm ngoái.

Tuy nhiên, theo Ukrinform, 200.000 trẻ em Ukraine khác có thể đang sống ở Ba Lan nhưng không theo học tại các cơ sở giáo dục của Ba Lan. Hơn 3 triệu người Ukraine hiện đang sống ở Ba Lan, trong đó khoảng một nửa đến kể từ khi Nga xâm lược.
 
Viêm phổi bùng phát khắp TQ. ĐTGM Sydney nhận định về Thượng Hội Đồng. Lịch sử biến cố Holodomor
VietCatholic Media
17:28 28/11/2023


1. Bệnh viêm phổi bùng phát trên khắp Trung Quốc

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Bản đồ cho thấy sự lây lan của đợt bùng phát bệnh viêm phổi trên khắp Trung Quốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Các khu vực phía bắc Trung Quốc đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em.

Chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc không công bố số ca nhiễm hoặc dữ liệu khác về các đợt bùng phát.

Tin tức CCTV của nhà nước đưa tin rằng tại thủ đô Bắc Kinh, các bệnh viện đã hoạt động hết công suất trong hơn một tháng để đối phó với tình trạng nhiễm trùng tăng đột biến. Bệnh viện Nhi Bắc Kinh tiết lộ khoa nội của họ đang tiếp nhận hơn 7.000 ca mỗi ngày. Bệnh viện Nhi Kinh Đô của Bắc Kinh nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm trùng viêm phổi do mycoplasma, gây áp lực to lớn lên nguồn lực y tế, với 90% trong số 300 giường của bệnh viện đã được lấp đầy và hàng dài người xếp hàng bên ngoài.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong bối cảnh bùng phát Mycoplasma bao gồm Bắc Kinh, vùng lân cận Thiên Tân và tỉnh phía đông bắc Liêu Ninh. Ba nơi này hiện là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng bệnh hô hấp đang hoành hành ở Trung Quốc. Nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn kín tiếng về số ca nhiễm bệnh.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Thiên Tân, một thành phố ven biển phía đông Bắc Kinh. Theo một tờ báo địa phương, Bệnh viện Nhi Thiên Tân đã lập kỷ lục vào ngày 18/11, với 13.171 bệnh nhân trẻ tuổi đến khám ngoại trú và cấp cứu chỉ trong một ngày.

Cuộc khủng hoảng vượt ra ngoài những thành phố này. Tỉnh Liêu Ninh, nằm cách thủ đô khoảng 400 dặm về phía đông bắc, cũng đang phải vật lộn với số ca nhiễm cao. Đài FTV News của Đài Loan dẫn lời một nhân viên tại Bệnh viện Nhi đồng Đại Liên cho biết chỉ có khoa cấp cứu còn hoạt động, còn các phòng khám ngoại trú không còn hoạt động.

Theo tập đoàn truyền thông Tài Tân của Trung Quốc, Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, cùng với thành phố trung tâm Vũ Hán, nơi ban đầu xác định được SARS-CoV-2 và thành phố Quảng Châu phía nam, đều chứng kiến số ca nhiễm mycoplasma gia tăng trong những tháng gần đây.

NOWnews có trụ sở tại Đài Loan trích dẫn các báo cáo địa phương cho biết khu tự trị phía nam Quảng Tây cũng đang chứng kiến các bệnh viện quá tải.

Những điểm yếu của Trung Quốc khi phải đối mặt với tổng công suất bệnh viện đã được ghi nhận trong cuộc chiến của nước này với tình trạng lây nhiễm Covid-19 lan rộng trong năm nay. Sau khi Bắc Kinh đột ngột bãi bỏ mọi biện pháp kiểm soát chống vi-rút vào tháng 12, những vấn đề đã quay trở lại.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, vào ngày 13 tháng 11, cho rằng sự gia tăng các trường hợp viêm phổi là do việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19 vào đầu năm, điều này có thể tạo điều kiện cho sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác nhau sau một thời gian dài giảm tiếp xúc với hệ miễn dịch của người dân.

Tổ chức Y tế Thế giới hôm qua cho biết, cơ quan y tế Trung Quốc đã cho biết số lượt đến bệnh viện tăng đột biến ở các khu vực phía bắc không phải do một loại vi rút mới mà do các bệnh theo mùa thông thường, bao gồm bệnh viêm phổi do mycoplasma nhẹ thường gặp hoặc viêm phổi đi bộ, vi rút hợp bào hô hấp, adenovirus và cúm.

Sự miễn cưỡng rõ ràng của Bắc Kinh trong việc công khai thông tin đã dẫn đến sự so sánh giữa sự gia tăng bệnh hô hấp hiện nay và giai đoạn đầu của đợt bùng phát COVID.

WHO đã yêu cầu dữ liệu chi tiết từ Trung Quốc về các cụm lây nhiễm này, bao gồm thông tin dịch tễ học, lâm sàng và kết quả xét nghiệm. Cơ quan toàn cầu cho biết họ không khuyến nghị bất kỳ biện pháp cụ thể nào đối với bất kỳ ai đi du lịch đến Trung Quốc vào thời điểm này. WHO cũng lưu ý rằng nó khuyên không nên hạn chế đi lại hoặc thương mại dựa trên thông tin hiện tại.

2. Đức Tổng Giám Mục Fisher mong cải tiến phương pháp Thượng Hội đồng Giám mục

Đức Cha Anthony Fisher, Tổng giám mục Giáo phận Sydney, là giáo phận lớn nhất ở Úc châu, cầu mong trong khóa họp tháng Mười năm tới, Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới sẽ cải tiến phương pháp thảo luận.

Trong thư mục vụ gửi các tín hữu trong Tổng giáo phận để thuật lại khóa họp hồi tháng Mười năm nay, Đức Tổng Giám Mục Fisher cho biết trong số các Thượng Hội đồng Giám mục mà ngài đã tham dự, khóa vừa qua của Thượng Hội đồng Giám mục XVI, ở Roma là khóa tốt đẹp nhất xét về mặt nhân bản, nhưng đó là khóa họp yếu nhất về thần học. Theo ý Đức Tổng Giám Mục, những thành quả yếu kém về thần học của Thượng Hội đồng Giám mục này đến từ phương pháp thảo luận được áp dụng, phương pháp gọi là “chuyện trò trong Thánh Linh”, trong đó không có chỗ cho một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh. Chỉ có hai phần ba tham dự viên có cơ hội nói. Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Fisher đề nghị một phương pháp để thảo luận trong khóa họp năm tới.

Đức Tổng Giám Mục Fisher cũng nhắc lại rằng phương pháp gọi là “chuyện trò trong Thánh Linh” đã được các cha Dòng Tên Canada đề ra cách đây mấy chục năm. Phương pháp này nhấn mạnh sự lắng nghe và hiểu nhau trước khi giải quyết một vấn đề nào. Nó giúp hạ nhiệt độ cuộc thảo luận về các vấn đề gây tranh luận, nhưng nó không mang lại sự sáng sủa và rõ ràng về thần học. Trong khi đó, một nền thần học vững chắc luôn luôn phải đặt câu hỏi: điều này có vẻ là tốt, nhưng nó có đúng sự thật không?

Đức Tổng Giám Mục Fisher trích dẫn ý kiến của cha Anthony Lusvardi, Dòng Tên, thuộc Đại học Grêgôriô ở Roma. Cha cũng nhắc lại những hướng dẫn rõ ràng của thánh Y Nhã, người đã nói rằng không phải mọi sự đều có thể là đề tài của sự phân định. Nếu một điều là tội, thì bạn không phân định xem có phải là tội hay không. Nếu bạn cam kết về điều gì, bạn không phân định xem có phải trung thành với nó hay không. Bất kỳ điều gì xảy đến cho bạn trái ngược với điều đã được Chúa Giêsu Kitô mạc khải, thì đó không phải là việc làm của Chúa Thánh Linh.”

Một trong những đề tài cơ bản của Thượng Hội đồng Giám mục là tương quan giữa tình yêu và sự thật. Giáo hội phải cởi mở đối với mọi người, nhưng Giáo hội cũng kêu gọi hoán cải: “hãy đi và đừng phạm tội nữa!” Chúng ta phải nhìn nhận thực tại tội lỗi và hậu quả tàn hại của nó, ý thức về sự cần phải tìm kiếm lòng thương xót vô biên và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Tiêu chuẩn căn bản cho mọi đề nghị của Thượng Hội đồng Giám mục là sự thánh thiện. Nhờ ơn Chúa sẽ tạo nên nhiều tông đồ và mục tử, những người loan báo Tin mừng, các thừa sai, đan sĩ và thầy dạy, các vị tử đạo và thần bí gia, những người nam nữ thánh thiện mà Giáo Hội ta và thế giới rất cần.

3. Holodomor là gì?

Hôm thứ Bẩy 25 tháng 11, Ukraine đã tưởng niệm các nạn nhân Holodomor. Ngày tưởng niệm Holodomor được đánh dấu hàng năm vào ngày thứ Bảy thứ tư của tháng 11 theo các sắc lệnh của tổng thống đưa ra năm 1998 và 2007.

Năm ngoái, bất chấp các chỉ trích dữ đội của các phương tiện truyền thông Nga, Đức Thánh Cha và hai vị Hồng Y đã cử hành lễ kỷ niệm nạn đói diệt chủng do Stalin gây ra ở Ukraine từ năm 1932 đến năm 1933, khiến 7 triệu người Ukraine thiệt mạng. Năm nay, ngài cũng có ý định làm như thế nhưng giờ chót ngài bị cảm lạnh đến mức phải vào nhà thương nên, Đức Hồng Y Michael Czerny đã cử hành thay cho ngài vào hôm Thứ Bẩy, 25 Tháng Mười Một.

Trong diễn từ vào dịp này năm ngoái, Đức Thánh Cha nói:

“Chúng ta hãy tưởng nhớ Ukraine đã chịu đựng lâu dài. Thứ bảy này đánh dấu kỷ niệm cuộc diệt chủng khủng khiếp Holodomor trong hai năm 1932-1933 do Stalin gây ra một cách giả tạo. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn diệt chủng này và cầu nguyện cho tất cả người Ukraine, trẻ em, phụ nữ và người già, trẻ sơ sinh, những người ngày nay đang phải chịu sự tử vì đạo của quân xâm lược”

Để làm rõ lý do tại sao Đức Thánh Cha dùng đến từ “diệt chủng” là từ ngữ rất nặng khi đề cập đến Holodomor, Túy Vân xin tóm tắt một vài ý chính từ cuốn sách “Abridged History Of Ukraine”, nghĩa là “Lịch Sử Ukraine Ngắn Gọn” của Andrew Gregovich, giáo sư sử học Ukraine.

Trong con mắt người Nga, người Ukraine là những người ngây thơ dễ bị lừa. Lênin thường phong tặng cho các cá nhân trong đảng cộng sản Ukraine, gọi tắt là CPU, những danh hiệu “anh hùng” và đặt vào tay họ nhiều chính sách mà cộng sản Nga muốn thăm dò thực nghiệm trên đất Ukraine trước khi áp dụng đại trà ở Nga.

Thí nghiệm thứ nhất xảy ra cuối năm 1920: Trong một sớm, một chiều tất cả xí nghiệp tại Ukraine bị quốc hữu hóa và tất cả sản phẩm nông nghiệp đều bị thu mua với giá ăn cướp của dân. Chỉ với hai chính sách này thôi đã gây ra nạn đói kéo dài trong hai năm 1921 và 1922 cướp đi hơn một triệu sinh mạng dân Ukraine. Nga lại lật đật sửa sai bằng cách trả lại cho tư nhân các xí nghiệp và cho nông dân buôn bán sản phẩm do họ làm ra.

Ngày 30/12/1922, Liên Bang Sô Viết ra đời bao gồm Nga, Ukraine, Belarus, Georgia, Armenia, Azerbaidzhan. Các nước khác dần dần được sáp nhập vào sau đó. Trong thời kỳ đầu của Liên Bang Sô Viết, để người dân không bị “sốc” và để đánh lừa những người theo chủ nghĩa quốc gia, Nga đã để cho các nước tương đối dễ thở về vấn đề văn hóa. Trong giai đoạn này, đâu đâu cũng nghe nói “Ukraine hóa” như Ukraine hóa giáo dục, Ukraine hóa kiến trúc, văn hóa... và cả Ukraine hóa Chính Thống Giáo.

Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng đầy gang”, năm 1925, Nga cử Lazar Kaganovich làm bí thư CPU để uốn dân Ukraine quay trở lại con đường đồng hóa với Nga. Bộ trưởng giáo dục Oleksander Shumskyi, bị kết án là “tên theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi – mất lập trường quốc tế vô sản” bị cho đi học tập cải tạo mút mùa ở Siberia. Khwylovyi, nhân vật số 2 trong guồng máy lãnh đạo đảng, văn hào, tác giả cuốn “Away from Mạc Tư Khoa – Thoát khỏi Mạc Tư Khoa” bị “nghiêm khắc cảnh cáo”.

Năm 1928, Stalin lên nắm quyền. Kaganovich bị gọi về Mạc Tư Khoa và Stanislav Kosior được cử làm tổng bí thư CPU. Stalin lại thí nghiệm chính sách kinh tế ngũ niên tại Ukraine bắt đầu bằng việc đấu tố “kuklaks” nghĩa là địa chủ, trí thức và các nhà tu hành, đặc biệt những giáo sĩ tham gia Ukraine hóa Chính Thống Giáo. Hàng triệu gia đình bị giết hoặc đày đi Siberia. Văn hào cộng sản Khwylovyi từng một thời ca tụng chế độ, sáng mắt ra, uống thuốc độc tự tử chết. Nông thôn trở thành nơi tang tóc với hàng loạt những vụ xử tử những kuklaks. Trong bối cảnh đó, lòng dân không yên tâm sản xuất cộng với hàng loạt những chỉ thị ngu xuẩn và vô lý đã dẫn đến mất mùa ở một số nơi. Tuy nhiên, Ukraine là vựa bánh mì của Âu Châu, nên việc mất mùa ở một số nơi chắc chắn không phải là nguyên nhân dẫn đến nạn đói. Thực vậy, nạn đói 1932-1933 cướp đi sinh mạng 7 triệu người Ukraine không phải do thiếu lương thực nhưng chính vì cộng sản đã thu gom tất cả nông sản và chứa vào những kho lớn do quân đội canh gác. Dân chúng bị bỏ cho chết đói như một phần của cuộc thanh trừng và diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Sau nạn đói, Stalin lập tức lùa dân Nga sang để tái phối trí lại dân số trên các ruộng vườn hoang tàn của Ukraine. Ðây cũng là một phần trong kế sách thống trị Ukraine về lâu về dài. Năm 1933, Mykola Skrypnyk, lãnh tụ tiền phong của cộng sản Ukraine, sáng mắt ra, tự tử chết.

Sau cái chết của Mykola Skrypnyk, nhiều đảng viên cộng sản Ukraine bắt đầu bừng tỉnh và tỏ ý chống lại việc thí nghiệm các chính sách cộng sản trên đất Ukraine. Tuy nhiên, Stalin không để họ có thời cơ. Theo Vasyl Hryshko, trong cuộc thanh trừng từ 1936 đến 1938, 99 trong số 102 thành viên ủy ban trung ương đảng cộng sản Ukraine lần lượt bị hành quyết. Năm 1938, Nikita Krushchev với đa số đảng viên người Nga chính cống lên nắm quyền lãnh đạo CPU, tiếp tục các thí nghiệm điên rồ nhất của Nga trên đất Ukraine.

Trông người mà ngẫm đến ta. Chính đất nước Việt Nam của chúng ta cũng đã là nơi cho người Nga tiến hành các thí nghiệm về chính sách và vũ khí dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn suốt 21 năm với các hậu quả kéo dài cho đến tận ngày hôm nay.