Ngày 30-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 01/12: Khi Thiên Chúa nói lời hai phải – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
03:08 30/11/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.

“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:09 30/11/2022

11. Ngài thường được yêu, nhưng không thường bị chiếm hữu.

(Thánh Lawrence of Brindisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:10 30/11/2022
3. YẾN TỬ KỂ TỘI

Tề Cảnh công thích chơi chim, liền sai Chúc Châu là chuyên gia nuôi chim chăm sóc, nhưng Chúc Châu không cẩn thận để chim bay mất. Tề Cảnh công bèn nổi cáu, hạ lệnh giết ông ta.

Yến Tử nói:

- “Chúc Châu có ba tội, để tôi lần lượt kể tội nó, sau đó thì giết, để nó chết cách rõ ràng.”

Cảnh công vô cùng phấn khởi nói: “Được.”

Thế là gọi dẫn Chúc Châu vào, Yến Tử liền cầm cuốn Thập Tam kinh nói với Chúc Châu:

- “Chúc Châu, mày biết tội mày rồi chứ? Mày chăm sóc chim cho nhà vua mà lại để nó bay mất, đó là tội thứ nhấ t; làm cho nhà vua vì mất chim mà giết người, đó là tội thứ hai; chuyện này mà truyền ra bên ngoài để cho người trong thiên hạ cho rằng, nhà vua nước ta trọng con chim nhỏ mà khinh người trí thức, làm tiêu tan danh dự của nhà vua chúng ta, đó là tội thứ ba. Mày thật đáng chết vạn lần!” Nói xong, lập tức thỉnh cầu Cảnh công hạ lệnh chém đầu.

Nhưng Cảnh công lại nói:

- “Không nên giết nó, ta đã nghe lời chỉ giáo của ngươi rồi”

(Yến Tử xuân thu)

Suy tư 3:

Người khôn ngoan thì trong hoàn cảnh nào cũng biết bình tĩnh để đối phó với hoàn cảnh.

Lời nói của người khôn ngoan không chanh chua như giấm, nhưng làm người ta tỉnh giấc trong giấc ngủ của sự thỏa mãn; người khôn ngoan biết cách khuyên bảo người quyền cao chức trọng mà không làm cho họ tự ái...

Khôn ngoan thì luôn có đạo đức đi kèm, nếu không thì sẽ trở thành kẻ khôn gian, người khôn gian là người lừa lọc kẻ khác, là người hay dùng âm mưu để hại người lợi mình, thường được nhân gian gọi là kẻ gian xảo.

Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: phải khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim bồ câu. Con rắn tượng trưng cho trí óc nhanh nhẹn, phán đoán thông minh; chim bồ câu tượng trưng cho sự đạo đức, yêu thương, bác ái...Một trí óc minh mẫn, nhạy bén trong một hành vi đạo đức thì đúng là một con người khôn ngoan của Thiên Chúa.

Trong cuộc sống có quá nhiêu âm mưu để hại nhau, để “gác cơ” nhau, tôi đã trở thành một người khôn ngoan biết ứng xử theo luật yêu thương của Thiên Chúa chưa?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hãy sám hối
Lm. Thái Nguyên
05:21 30/11/2022


HÃY SÁM HỐI

Chúa Nhật 2 Mùa Vọng năm A : Mt 3, 1-12

Suy niệm

Bài đọc Cựu Ước cho chúng ta biết vào thế kỷ VIII trước công nguyên, dân Do Thái thời đó đang thất vọng chán chường về những ông vua chỉ lo cho bản thân và gia đình mình chứ không lo cho dân; xã hội đầy dẫy bất công, luân lý suy đồi, tín ngưỡng suy thoái. Đang khi họ mang tâm trạng đó thì ngôn sứ Isaia xuất hiện và loan báo: sẽ có ngày Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến để thiết lập Nước Thiên Chúa. Ngài xét đoán công minh, bênh vực người hiền lành, trừng trị những kẻ áp bức, và dân chúng sẽ sống trong cảnh thái bình thịnh trị (x.Is 11,1-10).

Đến thời Tân Ước, người Do Thái cũng buồn bã vì đã bốn trăm năm mà không có ngôn sứ nào, tiếng nói của các ngài đã im bặt. Bỗng nhiên Gioan Tẩy giả xuất hiện và lời rao giảng lại vang lên: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Dân chúng nhìn nhận Gioan là một ngôn sứ, vì thấy ông là ánh sáng phơi bày sự dữ, là tiếng nói hiệu triệu con người đến với sự công chính, là bảng chỉ đường để con người đến cùng Thiên Chúa. Nơi ông có một dáng dấp uy quyền và tính cách linh thiêng, là những điều chỉ có được khi đã ở lâu dài với Thiên Chúa.

Sứ điệp nòng cốt và khẩn thiết mà Gioan kêu gọi dân chúng là phải sám hối để đón nhận Nước Trời. Ông là người dám nói dám làm; dám đối đầu với sự ác. Thế nên ông đã mạnh dạn tố cáo tình trạng tội lỗi dưới mọi hình thức: dám đả kích cuộc hôn nhân bất chính của vua Hêrôđê; dám nói thẳng với nhóm Pharisêu và phái Xađốc là “nòi rắn độc”. Họ là hàng thủ lãnh tôn giáo chính thống, đã không góp phần chấn hưng đời sống dân Chúa, mà còn sống giả hình, kiêu căng, vụ hình thức trong các nghi lễ, áp dụng luật lệ cách khắt khe:“chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi…”. (Lc 11, 46).

Gioan Tẩy giả tố cáo những điều tiêu cực nhưng cũng nêu lên những điều tích cực; lên án quá khứ nhưng mở ra một tương lai; loại trừ sự ác để hướng con người tới sự thiện. Tất cả đều khởi đầu từ việc sám hối. Trong tiếng Hy Lạp, từ “Sám hối - Metanoia” được dùng 24 lần trong Tân Ước, chỉ sự thay đổi (meta) tư tưởng và tâm hồn (nous). Sám hối bao hàm sự hoán cải chứ không chỉ hối tiếc buồn rầu vì những lỗi lầm đã qua. Sám hối đòi ta phải cải đổi tinh thần, bằng một lối sống mới phù hợp với đường nẻo của Thiên Chúa. Chính trong ý nghĩa này mà các Rabbi cho rằng, hoán cải là điều vĩ đại, vì nó đem đến sự chữa lành cho thế gian, và đạt đến ngai vinh hiển của Thiên Chúa.

Từ “hoán cải” trong tiếng Do Thái là “Tesubah”. Đó là danh từ của động từ “Shub”, có nghĩa là “quay lại”: quay lại với điều lành, quay lại với cách ăn nết ở sao cho đúng với đời sống luân lý và tôn giáo của mình. Một cách sâu xa là quay về với chính Thiên Chúa. Thiên Chúa mới chính là nền tảng và mục đích của việc sám hối. Chúng ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót, mà cơ bản là sự hiệp thông với Thiên Chúa để sống trong tình yêu mến với mọi người, biết nhận ra thân phận thụ tạo của mình và qui hướng tuyệt đối về Ngài.

Gioan còn tố giác nhóm Kinh sư: “Ðừng tưởng rằng mình đã có tổ phụ Abraham”. Lời đó cũng cảnh giác chúng ta đừng rơi vào ảo tưởng của sự tự mãn. Là Kitô hữu, chúng ta dễ tưởng rằng mình đã nắm chắc phần rỗi. Nhưng rồi vấn đề không phải là Kitô hữu, mà là sống tinh thần Kitô hữu. Điều quan trọng là“hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”. Hoa quả đó chính là tình yêu trong hành động, để đem lại bình an và hạnh phúc cho tha nhân.“Thà bàn tay hơi dơ nhưng đầy quà tặng dâng lên Chúa, hơn là ban tay tinh sạch mà lại trống rỗng” (Raoul Follereau). Không có sám hối thì cũng không có tình yêu, không có đổi mới. “Chính tinh thần sám hối mới giúp canh tân Giáo Hội chứ không phải việc thay đổi các cơ cấu”. (Bênêđictô XVI).

Mùa Vọng, mùa sám hối để đón Chúa đến. Chúa đã đến, Ngài đang đến và lại đến trong vinh quang. Sám hối cụ thể là “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Ngài đi”. “Đường” và “lối” ở đây là những quan niệm, chủ trương, lập trường, cách ứng xử… Có những đường lối còn đầy tăm tối, quanh co, gai góc, hiểm trở… không xứng hợp với Chúa. Mỗi người là một con đường, cần dọn cho sạch đẹp, cần làm cho bằng phẳng, cần được nâng cấp mỗi ngày hoàn mỹ hơn, để Chúa đến với nhân loại và để nhân loại đến với Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!

Tình Chúa thương vẫn từng ngày mở lối,

nhưng cho ai biết sám hối mà thôi,

không sám hối đời con vẫn tăm tối,

vẫn vô minh trôi nổi theo tháng ngày.

Đón nhận Chúa con càng phải sám hối,

vì đời con bao tội lỗi phủ che,

nên không nghe bước chân Ngài đang tới,

cũng không thấy bóng dáng Chúa trong đời.

Con sám hối không phải vì sợ hãi,

hay quá lo phần thưởng ở ngày mai,

nhưng chính vì con được Chúa yêu thương,

nên quyết tâm buông bỏ những tầm thường,

và dẹp bỏ những gì là gai chướng,

để con dọn cho Chúa một con đường.

Con đường được xây sửa bằng tình yêu,

nên ngay thẳng và sáng trong không thiếu,

con đường đẹp chẳng đáng giá bao nhiêu,

con vẫn muốn dâng tặng Chúa thật nhiều.

Nhưng bản thân con phận hèn sức yếu,

chỉ làm được những điều bé nhỏ thôi,

con cầu mong ơn thánh Chúa tài bồi,

để sống hơn những gì con đang sống.

Xin cho con đừng bao giờ tự mãn,

đừng nghĩ mình xứng đáng với ân ban,

nhưng thấy mình còn lầm lỗi muôn vàn,

để con luôn biết chấn chỉnh sửa sang,

biết tân trang cho tâm hồn trong sáng,

không để cuộc đời mình phải ngổn ngang,

nhưng bình an trong tâm thế sẵn sàng,

chờ Chúa đến rạng ngời trong ánh quang. Amen.
 
Sám hối để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến
Lm. Đan Vinh
05:32 30/11/2022

CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG A
Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Mt 3,1-12
SÁM HỐI ĐỂ CHUẨN BỊ TÂM HỒN ĐÓN CHÚA ĐẾN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Mt 3,1-12
(1) Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng : (2) “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. (3) Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới : “Có tiếng người hô trong hoang địa : hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. (4) Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. (5) Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. (6) Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. (7) Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng : “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? (8) Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. (9) Và đừng tưởng có thể nghĩ bụng rằng : “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham”. Vì tôi nói cho các anh hay: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. (10) Cái rìu đã đặt sát gốc cây : Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. (11) Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. (12) Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân. Thóc mẩy thì cho vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

2. Ý CHÍNH :
Tin Mừng hôm nay tường thuật sứ vụ tiền sứ của Gio-an Tẩy Giả. Ông chính là “Tiếng hô trong hoang địa kêu gọi người ta dọn đường đón Đấng Thiên Sai”. Ông đã thi hành sứ vụ bằng một lối sống khổ hạnh, nên được dân chúng tín nhiệm và lũ lượt kéo đến nghe giảng, thú tội và chịu phép rửa tại sông Gio-đan. Ông cũng nặng lời quở trách những kẻ đạo đức giả và loan báo Tin mừng về Đấng Thiên Sai sắp đến.

3. CHÚ THÍCH :
- C 1-3 : + Ông Gio-an Tẩy Giả : Là con trai của tư tế Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Gio-an là tên mà sứ thần đã đặt cho khi hiện ra với cha của ông trong Đền Thờ (x. Lc 1,13). Gio-an là anh họ và lớn hơn Đức Giê-su sáu tháng tuổi (x. Lc 1,36). Ông được đặc ân khỏi tội tổ tông truyền qua việc nhảy mừng khi nghe lời chào của Đức Ma-ri-a đang cưu mang thai nhi Giê-su đến viếng thăm (x. Lc 1,44). Ngay từ nhỏ Gio-an đã sống ẩn mình trong hoang địa. Trước khi Đức Giê-su ra giảng đạo, ông đã đến rao giảng tại vùng sông Gio-đan và làm phép rửa cho những ai thành tâm sám hối dọn lòng đón Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Lc 3,3-6). Cuối cùng ông đã bị vua Hê-rô-đê giết vì đã dám lên tiếng can ngăn nhà vua lấy bà chị dâu làm vợ (x. Mt 14,3-12). + Đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê : Đây là vùng đồi núi khô cằn phía Nam thành Giê-ri-khô, cách Biển Chết 6 cây số. + Anh em hãy sám hối : Sám hối (Mê-ta-noi-a) nghĩa là: nghĩ lại, thay đổi ý kiến, hoán cải, thay đổi hoàn toàn con người, từ nội tâm đến cách sống để trở về với Thiên Chúa. + Vì Nước Trời đã đến gần : Nước Trời hay Nước Thiên Chúa (trong các Tin Mừng khác). Đây là kiểu nói tránh nêu thánh danh Thiên Chúa. Người Do thái thời Đức Giê-su đang mong Đấng Mê-si-a đến thiết lập một Nước mang tính thế tục. Ở đây Gio-an kêu gọi dân chúng sám hối để chuẩn bị đón nhận Nước Trời do Đấng Mê-si-a thiết lập. + Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới… : Ngôn sứ I-sai-a sống vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên. Ngôn sứ này đã tuyên sấm về thân thế, nơi sinh và triều đại của Đấng Thiên Sai. Lời tuyên sấm của I-sai-a (40,3-5), gợi lại cuộc giải phóng và hồi hương của dân Do thái từ Ba-by-lon. Lời này được một Ngôn sứ vô danh loan báo sắp xảy ra như một cuộc Xuất Hành thứ hai của dân Do thái. Lời tuyên sấm ấy ứng nghiệm nơi Gio-an Tẩy Giả và Đức Giê-su.
- C 4-6 : + Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà : Cách ăn mặc của Gio-an giống như ngôn sứ Ê-li-a (x. 2V 1,8). Ông có sứ mệnh tiên báo về “Ngày của Thiên Chúa” sắp đến (x. Mt 3,1-23). + Ông làm phép rửa cho họ : Thời bấy giờ, người Do thái đã quen với các nghi thức tự mình thanh tẩy theo tục lệ và Lề luật. Ở đây Gio-an cử hành nghi thức thanh tẩy bằng nước cho những ai đến nghe giảng để bày tỏ lòng sám hối và chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Mê-si-a sắp đến. Phép rửa của Gio-an chỉ là một nghi lễ biểu lộ lòng sám hối, chứ không tha tội như bí tích Rửa tội do Đức Giê-su thiết lập sau này.
- C 7-9 : + Phái Pha-ri-sêu : Pha-ri-sêu hay Biệt phái là một nhóm người có khuynh hướng duy linh, ái quốc quá khích, nhiệt tình với Luật Mô-sê và tuân giữ nhiều luật truyền khẩu. Về đời sống luân lý và đạo đức, họ thường chú trọng hình thức bên ngoài. Về mặt chính trị, họ là những kẻ thù của đế quốc Rô-ma, nên được dân chúng dành nhiều thiện cảm. + Phái Xa-đốc : Xa-đốc hay Văn nhân là nhóm người xu thời và phóng khoáng, không nhìn nhận truyền thống mà chỉ tuân giữ Lề luật. Họ theo khuynh hướng duy vật, thích văn hóa Hy-lạp. Họ giữ địa vị cao trong hàng hàng giáo phẩm và thường là người giàu có, nên dù chỉ là thiểu số nhưng lại có thế lực. Họ ủng hộ chính quyền Rô-ma, nên bị dân chúng không ưa. + Nòi rắn độc kia : Trong Kinh Thánh, con rắn đồng hóa với sự xảo trá lọc lừa (x St 3,1). + Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống : Theo các Ngôn sứ, cuộc chung thẩm và báo oán sẽ xảy ra khi thời đại của Đấng Mê-si-a bắt đầu. Lúc đó, mọi kẻ tội lỗi đều bị loại khỏi Nước của Đấng Mê-si-a (x. Is 30,27-33). Ông Gio-an tiên báo vị thẩm phán thời cánh chung sẽ đến trong uy quyền, đang khi Đức Giê-su lại đến như người tôi trung hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 12,18-21). + Sinh hoa quả xứng với lòng sám hối : Việc ăn năn sám hối trong lòng phải được chứng minh bằng những việc bác ái cụ thể. + Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham : Áp-ra-ham sống vào thế kỷ 20 trước Công Nguyên. Ông là tổ tiên của người Do thái và tên ông nghĩa là “Cha của những kẻ tin vào Đức Chúa”. Người Do thái cho rằng chỉ cần là con cháu của Áp-ra-ham thì sẽ đương nhiên được cứu độ như lời Đức Chúa đã hứa (x. Lc 1,55). Nhưng họ đã lầm, vì để được cứu độ người ta còn phải tuân phục thánh Ý Thiên Chúa nữa (x. Mt 8,11). + Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham : Thiên Chúa chỉ ban ơn cứu độ cho những người có lòng ăn năn sám hối.
- C 10-12 : + Cái rìu đã đặt sát gốc cây : Trong Cựu Ước, cây là hình ảnh ám chỉ các dân tộc (x. Is 6,13). Cái rìu để sẵn gốc cây nhằm diễn tả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa dành cho dân Do thái sắp xảy đến. + Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước… : Gio-an đã so sánh sự khác biệt giữa mình với Đấng Thiên Sai như sau : Một là ông chỉ làm phép rửa bằng nước sông để khơi dậy nơi người chịu phép rửa tâm tình sám hối, còn Đấng Thiên Sai sẽ thanh tẩy người ta nhờ ơn Chúa Thánh Thần và lửa tin yêu. Hai là ông chỉ là người mang thân phận thấp kém đang khi Đấng Thiên Sai lại có thân phận cao quý. Ba là ông chẳng có quyền hành gì, đang khi Đấng Thiên Sai lại có quyền xét xử để thưởng người lành và phạt kẻ dữ. + Tay Người cầm nia… : Các Ngôn sứ Cựu Ước thường diễn tả ngày tận thế bằng hình ảnh của một người đang sàng sảy sân lúa của mình (x. Is 9,2). Ở đây vai trò của Đấng Thiên Sai được diễn tả giống như ông chủ của thửa ruộng trong dụ ngôn cỏ lùng (x. Mt 13,30).

4. CÂU HỎI :
1) Gio-an Tẩy Giả là ai?
2) Sứ mạng của ông là gì?
3) Phái Pha-ri-sêu khác với phái Xa-đốc ở những điểm nào?
4) Áp-ra-ham là ai? Điều kiện để được ơn cứu độ là gi?
5) Gio-an so sánh sự khác biệt giữa ông với Đấng Thiên Sai về phép rửa, thân thế và quyền năng thế nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2).

2. CÂU CHUYỆN :

1) GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT SÁM HỐI THỰC SỰ :
Ông KHẤU CHUẨN thuở nhỏ tính tình du đãng, không biết giữ lề thói phép tắc, lại còn lười biếng, tối ngày chỉ biết chơi chim chơi chó chứ không lo học hành. Bà mẹ vốn nghiêm khắc thấy con như thế thì thường la mắng quở phạt, nhưng cậu bé vẫn chứng nào tật đó không chịu chừa cải. Một hôm, cậu trốn học đi chơi và bị thầy giáo mời bà mẹ đến trường làm việc. Khi về nhà bà rất giận dữ, nên khi cậu vừa về đến nhà đã bị bà cầm quả cân trên tay ném trúng chân làm cậu bị thương, máu chảy đầm đìa. Từ bấy giờ cậu mới biết sợ không dám tiếp tục chơi bời lêu lổng, mà chuyên lo việc đèn sách.
Về sau Khấu Chuẩn thi đỗ làm quan và thăng tiến nhanh lên đến chức tể tướng triều đình. Khi ông đạt được vinh hoa thì bà mẹ ông lại qua đời. Mỗi khi nhìn thấy vết thương ở chân do quả cân gây ra, thì ông lại nức nở khóc mà nói với mọi người rằng : “Ta phải cám ơn mẹ ta, vì thương ta mà ra tay đánh phạt ta, gây ra vết thương này. Nhưng cũng chính nhờ nó mà ta được nên người thành đạt như ngày hôm nay”.

2) SỰ THÀNH TÂM SÁM HỐI CÓ SỨC HÓA GIẢI HẬN THÙ :
GIĂNG-KAI (Zenkai) là một thanh niên Nhật bản khỏe mạnh, là con trai của một gia đình Công giáo. Anh đến thành phố Ê-đô lập nghiệp. Anh được nhận làm cận vệ cho một quan chức cao cấp của thành phố này. Giăng-kai đem lòng yêu cô vợ trẻ của ông chủ. Rồi “cây kim lâu ngày cũng lộ ra”, một hôm ông chủ đã bắt gặp hai người phạm tội thông dâm với nhau. Đang lúc nóng giận, ông đã thách đấu kiếm với Giăng-kai. Trong cuộc đọ sức, Giăng-kai khỏe và tài giỏi hơn nên đã đâm ông chủ một nhát trúng ngực và ít ngày sau thì ông qua đời, để lại đứa con trai mới 7 tuổi. Giăng-kai đem bà vợ ông chủ đi chạy trốn. Hai người đến một vùng đồi núi hẻo lánh và phải sống những ngày nghèo khổ đói khát, nhiều khi phải đi ăn trộm lương thực của dân địa phương để ăn cho đỡ đói. Nhưng khi sống gần nhau, Giăng-kai mới phát hiện ra người phụ nữ trẻ đẹp kia chỉ là một mụ đàn bà lăng loàn trắc nết. Nhiều lần chị ta đã nặng lời mắng chửi Giăng-kai và sau cùng đã bỏ rơi anh để theo làm hầu thiếp cho một người giàu có và thế lực trong vùng. Anh cảm thấy buồn bã không thiết đến ăn uống. Càng suy nghĩ anh lại càng thấm thía cho tình đời đen bạc. Rồi anh quyết tâm sám hối bằng việc dành trọn quãng đời còn lại để làm một công việc gì hữu ích hầu chuộc lại phần nào tội của mình.
Một hôm thấy trên sườn núi gần đó có một con đường đèo lởm chởm và trơn trượt rất nguy hiểm cho những người qua lại. Nhiều người đã bị té xuống vực sâu chết thảm khi phải đi qua đoạn đường nguy hiểm này.
Anh quyết định sẽ đào một đường hầm xuyên qua núi để giúp người ta tránh khỏi các tai nạn rủi ro tương tự. Ban ngày anh vào làng làm thuê kiếm sống. Đêm đến anh đốt đèn và miệt mài đào hầm xuyên qua vách núi. Mười ba năm sau, khi Giăng-kai được 40 tuổi, thì con đường hầm đã gần hoàn tất. Ước tính chỉ hai năm nữa là anh sẽ hòan thành con đường hầm. Ngày nọ, đứa con trai của ông chủ cũ giờ đã thành một trang thanh niên 20 tuổi khỏe mạnh tìm đến gặp Giăng-kai và đòi thách đấu để trả thù cho cha. Giăng-kai đồng ý nhưng yêu cầu hoãn lại 2 năm để có thời giờ hoàn thành tâm nguyện và được anh kia đồng ý.
Rồi khi thấy Giăng-kai hằng ngày phải làm việc quá vất vả, anh ta đã tình nguyện giúp một tay cho công việc chóng xong hầu sớm trả thù cho cha. Nhưng trong thời gian làm việc chung, chàng thanh niên khâm phục trước dũng khí và sự chuyên cần của kẻ thù. Cuối cùng thì công việc đào hầm cũng xong và dân chúng hai bên đã có thể đi qua đi lại dễ dàng. Bấy giờ Giăng-kai nói với chàng thanh niên : “Tâm nguyện của ta đã hoàn tất. Vậy anh hãy lấy đầu của ta để báo thù cho cha anh”. Nhưng chàng thanh niên kia đã nghẹn ngào xúc động nói : “Bây giờ làm sao con có thể giết chết thầy được, khi mà thầy đã thật lòng sám hối và đã làm được một việc lớn lao thế kia để đền tội?”.
Chính tinh thần sám hối và sự quyết tâm làm việc thiện của Giăng-kai đã có sức cảm hóa và biến đổi một kẻ vốn là kẻ thù trở thành bạn hữu của mình. Một con người đang mang tâm trạng thù hận mà còn phải mủi lòng trước sự thành tâm sám hối như vậy, phương chi Thiên Chúa lại chẳng đoái thương tha thứ và ban ơn cứu độ cho những tội nhân thật lòng sám hối hay sao?

3) HAI VỊ ẨN TU BẤT ĐẮC DĨ :
Ngày xưa, có hai thầy dòng quyết tâm nên thánh bằng cách ẩn tu. Để thực hiện việc nầy, cả hai thầy lên núi, tìm hai hang động cách xa nhau làm chỗ dung thân để sống trong thinh lặng và kết hợp với Chúa. Để cuôc sống ẩn tu đạt kết quả và khỏi bận tâm về những "sự thế gian", cả hai quyết định sống cô độc: hang ai nấy ở, mỗi người môt không gian riêng…
Rồi năm tháng qua đi. Cả hai chết lúc nào không ai biết. Hai hang động trở thành hoang phế, như hai chiếc mồ hoang lạnh giữa rừng sâu.
Một thời gian sau, có hai tên cướp bị săn đuổi, đã thay tên đổi họ, lần mò trốn lên quả núi nầy để ẩn danh tìm chút bình an cho cuộc sống thừa. Gặp được hai cái hang hoang lạnh của người xưa, cả hai đã chọn nơi đây làm chốn dừng chân để làm lại cuộc đời. Thế là hai tên cướp đã dọn sạch hai cái hang cũ để bắt đầu cuộc sống "ẩn tu bất đắc dĩ." Chỉ khác với hai thầy dòng trước đó điều này là cả hai tên cướp quyết định làm một con đường nối liền hai cái hang để có thể thường xuyên qua lại, thăm
viếng, giúp đỡ, ủi an nhau …Dần dà, dọc theo con đường nối hai hang đã được trồng đầy hoa, làm cho khu vực hang động đầy sức sống và đẹp đẽ. Hai tên cướp năm nào giờ đây đã trở thành hai vị ẩn tu hiền lành, thánh thiện, đến nổi hương thơm thánh đức lan toả khắp vùng, khiến nhiều người rủ nhau lên núi để xin "Hai Thầy" cầu nguyện và hưóng dẫn về đạo đức. Từ đó, xuất hiện nhiều con đường từ khu dân cư dẫn đến hang trên núi, hai bên đường đi cũng có nhiều cỏ hoa tươi thắm… Rồi khi hai "thầy cướp ẩn tu" qua đời, nhờ hương thơm nhân đức kèm theo các phép lạ do nhiều người đã nhận được mà dân trong vùng đã phong cho hai "thầy cướp ẩn tu" nầy làm thánh…

4) SÁM HỐI LÀ PHƯƠNG THẾ ĐỂ TÂM HỒN ĐƯỢC BÌNH AN :
Trong khi thực hiện bức hoạ nổi tiếng “Bữa tiệc ly”, LEONARD DE VINCI đã cãi lộn với một người bạn. Trong lúc nóng giận ông đã nhiếc mắng bạn bằng những lời gay gắt kèm theo cử chỉ doạ nạt. Khi cuộc cãi vã qua đi, LEONARD tiếp tục vẽ khuôn mặt từ bi của Chúa Giê-su. Nhưng dù cố gắng hết sức ông vẫn không thể vẽ thêm được nét cọ nào. Cuối cùng khi khám phá ra nguyên nhân khiến công việc ngưng trệ là do trong lòng bất an, họa sĩ liền bỏ giá vẽ, đi tìm người bạn mới bị ông xúc phạm để xin tha thứ. Sau đó ông đã bình tĩnh trở lại và đã hoàn tất được bức họa “Bữa Tiệc Ly” nổi tiếng.

5) SÁM HỐI RẤT CẦN ĐỂ NHẬN ĐƯỢC TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA :
Một ngày nọ, mẹ Têrêsa kể, « Có một anh nhà báo đã hỏi tôi một cầu hỏi kỳ lạ. Anh ta hỏi rằng :
- Ngay cả mẹ Tê-rê-sa mà cũng phải xưng tội hay sao?
Tôi trả lời :
- Vâng, đúng vậy, tôi đi xưng tội hằng tuần.
Tỏ ra ngạc nhiên, anh ta nói :
- Chắc phải khắt khe lắm nên một người tốt lành như mẹ mà cũng phải xưng tội.
Tôi hỏi lại :
- Đứa con bé bỏng hiền ngoan như thiên thần của anh đôi khi cũng làm điều sai. Vậy anh nghĩ gì nếu một ngày nào đó, con anh đến gặp anh và nói : "Ba ơi, con xin lỗi? Anh sẽ làm gì? Anh sẽ vòng tay ôm lấy đứa nhỏ và hôn nó. Tại sao vậy? Vì đó là cách anh nói với con rằng anh yêu nó. Chúa cũng làm như vậy. Tình yêu của ngài dành cho tôi thật dịu dàng”. Do đó khi chúng ta sai phạm điều gì, chúng ta càng cần phải đến gần Thiên Chúa hơn. Chúng ta hãy thưa với Ngài : “Con biết chính tội lỗi đã làm con lìa xa Cha. Con không xứng đáng làm con Cha nữa, nhưng con nài xin Cha hãy tha thứ tội lỗi cho con”.
Chúa là một Người Cha khoan dung. Lòng nhân từ của Chúa còn lớn hơn gấp bội những tội lỗi của chúng ta. Chắc chắn Ngài sẽ tha hết mọi tội cho ta. Như vậy, sám hối rất cần để chúng ta được nên tốt hơn. Không có sức mạnh nào giúp chúng ta kiềm chế các đam mê dục vọng và hướng lòng về Chúa bằng sự thành tâm sám hối các tội đã phạm.

6) LÝ DO MA QUỶ KHÔNG NHẬN ĐƯỢC ƠN THA TỘI :
Satan phàn nàn với Chúa :
- Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân người phàm đã nhiều lần làm điều sai trái nhưng Ngài lại luôn đón nhận và tha thứ cho họ. Còn loài quỷ chúng tôi chỉ phạm tội có một lần mà Ngài lại phạt chúng tôi phải ở trong hoả ngục muôn đời !
Chúa nói :
- Loài người tuy nhiều lần phạm tội, nhưng chúng đều sám hối xin Ta tha thứ. Còn loài quỷ các ngươi có bao giờ thành tâm sám hối và nài xin Ta tha thứ hay chưa?

7) ÍCH LỢI CỦA SỰ HỒI TÂM SÁM HỐI?
Một ngày nọ, một nhà báo đã hỏi mẹ thánh Têrêsa một câu hỏi kỳ lạ. Anh ta hỏi rằng :
- Ngay cả Mẹ cũng xưng tội sao?
Tôi trả lời :
- Vâng, đúng vậy, tôi đi xưng tội mỗi tuần
Tỏ ra ngạc nhiên, anh ta nói :
- Chúa hẳn phải khắt khe lắm bởi đến Mẹ mà cũng phải xưng tội.
Tôi hỏi lại :
- Đứa con bé bỏng hiền ngoan như thiên thần của anh đôi khi cũng đã làm điều sai lỗi. Vậy anh nghĩ gì nếu sau đó, con anh đến nói với anh : “Cha ơi, cho con xin lỗi, thì anh sẽ làm gì? Chắc anh sẽ ôm lấy con và hôn nó. Tại sao vậy? vì đó là cách anh nói với con rằng anh yêu nó. Chúa cũng làm như vậy đó : Ngài yêu tôi thật dịu dàng”. Do đó, mỗi cả khi phạm phải điều lầm lỗi, chúng ta hãy cho phép mình đến gần hơn với Chúa. Chúng ta hãy nói với Ngài : “Con biết lỗi lầm làm con xa Cha, con không xứng đáng làm con Cha nữa, nhưng con vẫn cầu xin được tha thứ”.
Nếu chúng ta mắc phải lỗi lầm hãy tìm đến Chúa và nói : “Con xin lỗi, con thực sự hối tiếc”. Chúa là một Người Cha khoan dung. Lòng nhân từ của Ngài còn lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Ngài sẽ tha thứ cho ta.
Thiên Chúa không mong chờ nơi con người điều gì khác hơn là tấm lòng sám hối : “Chúa ở bên những người sám hối, và cứu chữa những ai sầu khổ” (Tv 33,19). Chính lòng sám hối chân thành đã đem lại niềm vui cho cả Thiên đàng : “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7).

8) SÁM HỐI LÀ PHƯƠNG THẾ MANG LẠI Ý NGHĨA CHO CUỘC ĐỜI MÌNH :
Làm cảnh sát hơn 20 năm, từng chạm trán với vô số tội phạm nhưng ký ức về một lần truy đuổi khiến tôi suốt đời không quên.
Hôm ấy, tôi mặc thường phục đi tuần trên phố. Tôi nhìn thấy một gã thanh niên tóc dài đang bám theo sau một phụ nữ trung niên. Dựa trên trực giác của người cảnh sát, tôi đoán gã kia là một tên trộm. Quả nhiên đúng như sự dự đoán của tôi, ở chỗ rẽ gần siêu thị, hắn ta thò tay vào túi của người phụ nữ. Tôi nhanh chóng xông đến nắm chặt cái tay đang chuẩn bị rụt lại của hắn. Khi tôi rút chiếc còng từ phía sau lưng, thì hắn lùi lại một bước, bất ngờ dùng tay kia đấm thẳng vào mặt tôi, rồi co chân bỏ chạy.
Tôi vừa đuổi vừa kêu : “Bắt trộm, bắt trộm”. Lúc bấy giờ, trên đường phố có rất đông người, nhưng ai nấy đều hốt hoảng tránh ra hai bên, sau đó bàng quan đứng nhìn. Tên trộm chạy mỗi lúc một xa, nhưng chẳng có ai chịu giúp tôi một tay. Đúng lúc tôi bắt đầu nản chí, thì trước mặt tôi xuất hiện một cảnh tượng kịch tính. Từ trong đám đông, một người ăn mày chạy ra, giơ ngang chiếc gậy cản đường tên trộm. Bị tấn công bất ngờ, tên trộm ngã sõng xoài xuống đường. Người ăn mày lại xông đến, ôm chặt lấy chân tên trộm. Tên trộm thấy vậy liền bò dậy, rút dao đâm người ăn mày. Đúng lúc đó, tôi chạy đến, đấm thẳng vào mặt tên trộm.
Người ăn mày được đưa vào bệnh viện. Một lúc sau, bác sỹ từ trong phòng cấp cứu
bước ra nhìn tôi, lắc đầu thất vọng. Người ăn mày đã được đưa ra khỏi phòng cấp cứu, hơi thở anh ra rất yếu ớt. Tôi nắm chặt lấy tay anh ta, nghẹn ngào nói :
- Tôi xin lỗi xin anh.
Người ăn mày mở to mắt, dùng chút sức lực cuối cùng, thều thào nói với tôi :
- Tôi phải cảm ơn anh. Trước đây tôi cứ nghĩ mình sẽ lặng lẽ chết đi giống như một con chó. Chính anh đã giúp tôi có cơ hội để trở thành một người đàn ông thực sự. Tôi cảm thấy mình đã không sống uổng phí.
Mọi người có mặt ở đó đều rơi nước mắt.
Người ăn mày đã ra đi. Ra đi một cách oanh liệt, ra đi một cách đáng được trân trọng. Trong giây phút cuối cùng, anh đã tìm lại giá trị cho cuộc sống người ăn mày vốn dĩ bị coi là thấp hèn. Anh dùng cái chết để đổi lấy sự thừa nhận của xã hội đối với anh, cùng với sự tôn nghiêm của người đàn ông.
Người ăn mày này đã làm được một việc mà nhiều người khác trong xã hội không làm được đó là đã làm cho cuộc đời của mình trở thành ý nghĩa.

3. SUY NIỆM :

1) HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI :
Lời Chúa trong lễ Chúa nhật II mùa vọng hôm nay, kêu gọi mọi người hãy ăn năn trở về với Thiên Chúa để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến.
Trong tiếng Hy Lạp chữ mê-ta-noi-a (sám hối) vừa diễn tả sự hối tiếc về những lỗi lầm đã phạm đến Thiên Chúa để cầu xin ơn tha thứ, vừa đòi hỏi sự thay đổi sâu xa trong tâm trí và trong cuộc sống: thay đổi từ cách suy nghĩ, nói năng, đến thái độ ứng xử và hành động. Hôm nay, Hội Thánh giới thiệu cho các tín hữu chúng ta Gio-anTẩy Giả, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước và là tiền hô của Đấng Thiên Sai. Gio-an được sinh ra cách lạ lùng, lớn lên trong sa mạc với lối sống khổ hạnh giống như ngôn sứ Ê-li-a khi xưa : Ông mặc áo bằng da thú vật, ăn châu chấu với mật ong rừng, uống nước lã… Ông sống khổ hạnh để chờ ngày ra giảng đạo, thi hành sứ vụ đi trước mở đường giúp mọi người đón nhận Đấng Thiên Sai...
Bấy giờ Gio-an đã đến vùng sông Gio-đan rao giảng sự ăn năn sám hối. Ông nói : “Hãy sám hối vì Nước trời đã gần đến”. « Hãy sống công chính để đón chờ Đấng Cứu Thế sắp đến ». Dân chúng lũ lượt kéo đến nghe ông giảng đạo, ăn năn thú tội và xin ông làm phép rửa bằng nước trong dòng sông Gio-đan.

2) NƯỚC TRỜI ĐÃ GẦN ĐẾN :
Đây là nội dung Tin Mừng mà Gio-an Tẩy Giả đã loan báo tại khu vực bờ sông Gio-đan.
- Đấng Thiên Sai cũng là Thẩm Phán công minh sẽ đến tách biệt người lành ra khỏi kẻ dữ, giống như người nông dân phân biệt thóc mẩy với thóc lép : “Thóc mẩy thì thu vào kho, thóc lép thì bỏ vào lửa mà đốt đi” (Mt 3,12).
- Ngày Đấng Thiên Sai đến sẽ là ngày thịnh nộ : “Cái rìu đã đặt sát gốc cây. Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10). Người sẽ thanh tẩy người ta nhờ quyền năng Thánh Thần và lửa tin yêu như trong lễ Ngũ Tuần sau này. Nếu muốn được ơn cứu độ của Đấng Thiên Sai thì phải sám hối tội lỗi ngay từ bây giờ.

3) SÁM HỐI CỤ THỂ LÀ GÌ? :
- Sám hối là tự vấn lương tâm về lời nói việc làm đã gây ra thù ghét lẫn nhau, về những cách ứng xử thiếu khoan dung. Sám hối là nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trước bao cái xấu cái ác đã và đang xảy ra trên thế giới hôm nay. Nên nhớ rằng một khi can đảm lên tiếng sám hối công khai, Hội Thánh đã chứng tỏ thái độ quyết tâm hướng tới sự hoàn thiện.
- Chúng ta cần nghe lại giáo huấn của Gio-an Tẩy Giả trong Tin Mừng hôm nay, lôi kéo chúng ta khỏi thái độ tự mãn như người Pha-ri-sêu xưa : “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham” (Mt 3,8). Cũng vậy, đừng tưởng rằng hễ là người tín hữu thì đương nhiên chúng ta sẽ được vào Nước Trời. Hôm nay Gio-an mời gọi chúng ta thú nhận tội lỗi để được giao hòa với Thiên Chúa nhờ sự quyết tâm sám hối. biểu lộ các hành động khiêm tốn phục vụ Chúa đang hiện thân nơi tha nhân nghèo đói bệnh tật.

4) CẦN LÀM GÌ ĐỂ CHỨNG TỎ QUYẾT TÂM SÁM HỐI THỰC SỰ?
- Cách đây ít lâu có một bài báo viết về việc tẩy xóa những vết xăm trên thân mình của giới trẻ. Một điều lạ là sau khi bài báo xuất hiện, đã có trên 1000 lá thư từ các bạn trẻ khắp nơi gửi về tòa soạn để hỏi thêm chi tiết về cách tẩy xóa đi các vết xăm này. Từ đó, một cuốn phim tên là “Untatoo You” – “Hãy tẩy xóa vết xăm cho bạn” ra đời. Nội dung về những nguy hiểm của việc xăm mình và trình bày sự khó khăn của việc tẩy đi những dấu xăm nhỏ trên cánh tay, khuôn mặt, và những vết xăm lớn hơn trên ngực và phía sau lưng... Các tài tử đóng phim này chính là những bạn trẻ đã từng xăm mình. Họ đã chia sẻ cách thành thật về lý do tại sao lúc đầu họ đã xăm mình, và bây giờ tại sao họ lại muốn tẩy xóa các vết xăm đó đi.
- Hôm nay, cũng như các bạn trẻ sau khi đã khám phá ra cách tẩy xóa các dấu xăm trên người, đã cố gắng tẩy xóa nó đi, thì một khi ý thức mình đang có các vết nhơ tội lỗi trong tâm hồn, mỗi người chúng ta cũng cần xin Chúa giúp ăn năn sám hối các lỗi lầm đã phạm để nhận được ơn giao hòa với Chúa. Chúa sẽ tha thứ và tẩy xoá các vết nhơ tội lỗi, hầu chúng ta xứng đáng đón mừng đại lễ Giáng Sinh sắp đến.
Mỗi người quyết tâm sẽ tu sửa thói hư nào cụ thể trong những ngày Mùa Vọng này?

4. THẢO LUẬN :
Trong những ngày này, bạn thấy Giáo xứ, Hội đoàn, Gia đình và bản thân bạn có những điều nào cần cấp thời sám hối để chuẩn bị đón Chúa đến?

5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Sám hối không phải là điều dễ làm, vì chúng con thường không đủ khiêm tốn để nhìn nhận khuyết điểm lỗi lầm của mình. Xin cho chúng con biết dũng cảm điều chỉnh những sai lỗi, luôn biết tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng về sự thánh thiện của mình và tránh thói đạo đức giả hình của người Pha-ri-sêu xưa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Vươn ra đại dương
Lm. Minh Anh
05:38 30/11/2022

VƯƠN RA ĐẠI DƯƠNG
“Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá!”.

Một nhà tu đức nói, “Những người tự mãn thường đạt điểm thấp nhất trong bất kỳ bài kiểm tra đo lường hạnh phúc nào. Hãy tìm một điều gì đó cao cả hơn để đạt tới; ‘một Ai đó’ vĩ đại hơn để tin tưởng! Đừng chỉ hài lòng với những con cá quèn của ao đầm! Hãy ‘vươn ra đại dương’ bao la cho những gì vô biên hơn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đừng chỉ hài lòng với những con cá quèn của ao đầm! Hãy ‘vươn ra đại dương’ bao la cho những gì vô biên hơn!”. Thật thú vị, ý tưởng của nhà tu đức được gặp lại qua Lời Chúa ngày kính thánh Anrê tông đồ. Trong cái nhìn của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta luôn được nhắm cho một điều gì đó cao cả hơn, vĩ đại hơn, và cũng vĩnh cửu hơn. Không chỉ là biển hồ Galilê, Chúa Giêsu muốn Anrê, các bạn chài của ông, và mỗi chúng ta ‘vươn ra đại dương’ bao la để “lưới người như lưới cá!”.

So với biển hồ Galilê, một trùng khơi bát ngát, mênh mông hơn có tên là “Thế Giới” đang vẫy gọi Anrê cũng như bạn và tôi. Bởi lẽ, thế giới chúng ta đang sống vẫn là một thế giới mà Thiên Chúa vẫn là một khái niệm xa lạ, một thế giới đang cố loại trừ Ngài; ở đó, bao người chưa biết Chúa, hoặc chưa có cơ hội nghe nói về Ngài. Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô viết, “Làm sao kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?”. Như Anrê, từ ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được sai đi; để rồi, cùng Anrê và bao chứng nhân, chúng ta ra ‘vươn ra đại dương’ thế giới đánh bắt các linh hồn. Thánh Vịnh đáp ca xác nhận sứ vụ lớn lao này, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.

Và dẫu sứ vụ lớn lao đến thế, nhưng trình thuật Tin Mừng cho biết, ơn gọi đến với Anrê và các bạn chài của ông vẫn không có gì ấn tượng, nhưng ngay giữa công việc thường ngày của họ. Cũng thế, Chúa Giêsu không tỏ mình cho chúng ta cách phi thường hay đặc biệt nào, nhưng ngay trong hoàn cảnh của mỗi người. Ở đó, chúng ta phải khám phá Ngài; ở đó, Ngài tỏ mình và làm cho tình yêu Ngài được cảm nhận trong chính trái tim mỗi người; và cũng ở đó - qua những cuộc đối thoại với Ngài, trong hoàn cảnh đời thường - Ngài thay đổi trái tim chúng ta.

Chúa Giêsu không nhìn các môn đệ về mặt thể chất nhưng về mặt tâm linh, không về ngoại hình mà về tấm lòng. Ngài chọn họ trước tiên không phải vì họ là tông đồ nhưng vì họ có thể trở thành tông đồ. Như một nghệ sĩ nhìn thấy viên đá quý dưới hình thù xô xảm chứ không phải một viên đá đẽo xinh đẹp - không vì con người thật của họ mà vì con người mà họ có thể trở thành. Như người nghệ sĩ nhạy cảm không từ chối những điều tốt đẹp chưa định hình - cũng thế, khi nhìn họ, Thiên Chúa không chọn những gì họ có, những gì họ là; Ngài chọn trái tim họ.

Anh Chị em,

“Hãy theo tôi!”. Câu chuyện ơn gọi của Anrê khá thích hợp cho những ngày đầu Mùa Vọng; bởi lẽ, Mùa Vọng, mùa chúng ta được gọi một lần nữa. Với bạn và tôi, Mùa Vọng phải là mùa khát khao các linh hồn! Bao người chưa biết Chúa trên khắp thế giới; một số sẽ đến với chúng ta trong lễ Giáng Sinh này. Tuy nhiên, không chỉ là những con cá quèn mà chúng ta hài lòng bấy lâu, bạn và tôi còn được mời gọi cho một điều gì đó vĩ đại hơn, cho ‘một Ai đó’ cao cả hơn, một trùng khơi bát ngát hơn mà chúng ta phải ‘vươn ra đại dương’. Hãy cầu nguyện và hy sinh; đồng thời, lập cho mình một kế hoạch trong những ngày này để có thể thư từ, gặp gỡ, tặng quà… hầu những anh chị em khắp cùng thế giới ít nhiều biết Chúa trong dịp Giáng Sinh này.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con hài lòng với những gì quen thuộc; cho con nhanh nhạy như Anrê, sẵn sàng ‘vươn ra đại dương’, hầu có thể đánh bắt những mẻ linh hồn về cho Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Nhà Một Cửa
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:41 30/11/2022
Nhà Một Cửa

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Lc 10,21)

Hỏi các em thiếu nhi:

-Khi dâng Thánh Lễ cha xứ có muốn mọi người vào hết trong nhà thờ không?

-Dạ có. Các em đồng thanh thưa rất to.

-Vậy cha xứ mở một cửa hay nhiều cửa?

-Dạ nhiều cửa.

Thiên Chúa là Cha Toàn Năng chí ái. Người muốn tất cả mọi người được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu và Người tạo mọi cách thế cho từng người theo hoàn cảnh và khả năng của họ để họ được vào Nước Trời.

Nhiều người xem ra “khôn ngoan và thông thái” thời Chúa Giêsu cho rằng để được vào Nước Trời thì phải “chịu phép cắt bì”, phải tuân giữ luật lệ theo cái nhìn của họ. Với những người này thì vào thiên đàng chỉ có một cửa đó thôi.

Nhà một cửa thì có thể là một loại phòng trọ nào đó và rất có thể chỉ là “nhà tù”.

Độc quyền chân lý là một kiểu xây thiên đàng một cửa vậy.

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Không Phải Cò
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:42 30/11/2022
Không Phải Cò

(Lễ Thánh Anrê Tông đồ - 30-11)

Dữ liệu Tin mừng cho chúng ta một cái nhìn về chân dung thánh Tông đồ Anrê, em của ngài Simon Phêrô. Ngoài cái nghề kiếm kế sinh nhai là đánh cá thì anh ngư phủ này xem ra rất lành nghề làm người trung gian.

Con số ba trong nhiều nên văn hóa là biểu tượng cho sự hoàn hảo, đầy đủ. Tin mừng thứ tư tường thuật ba lần ngài Anrê hành nghề trung gian tuyệt vời với kết quả thật như ý.

Lần thứ nhất: Làm trung gian giữa Chúa Giêsu và anh mình, Simon Phêrô. Sau khi nghe thầy Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Anrê cùng với một bạn đồng môn đã đi theo Chúa Giêsu và đến ở với Người một ngày. Ngay sau đó Anrê lập tức về dẫn anh mình đến với Chúa Giêsu. Kết quả của sự trung gian này đó là Chúa Giêsu đã chọn được người để làm đá tảng xây dựng tòa nhà Giáo hội sau này. (x.Ga 1,35-42).

Lần thứ hai: Làm trung giữa Chúa Giêsu và một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá trong lần Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi đủ khoảng năm ngàn người đàn ông chưa kể phụ nữ và trẻ em. (x.Ga 6,1-15). Kết quả của sự trung gian này đó là dân chúng không chỉ no nê về phần xác mà họ được mạc khải về lương thực đem lại sự sống trường sinh.

Lần thứ ba: Làm trung gian giữa Chúa Giêsu và một số người Hy Lạp gốc Do Thái giáo lên Giêrusalem dự lễ. Kết quả đó là Chúa Giêsu nhận biết giờ Người được tôn vinh đó là khi Người hiến thân mình chịu chết vì nhân loại như hạt giống gieo vào lòng đất chịu mục nát đi để nẩy mầm, thành cây, trổ sinh hoa trái dồi dào. (x.Ga 12,20-26).

Đã là trung gian đích thực thì không chỉ cần biết rõ đối tác mà mình làm chiếc cầu gặp gỡ mà còn phải có tấm lòng cách nào đó với đối tác mình nối kết. Đã là trung gian đích thực thì sẵn sàng ẩn mình đi và nhất là không hề có mục đích vụ lợi là ăn hoa hồng phần trăm theo kiểu “làm cò hay dắt mối”, nhưng là vì lợi ích những người mình làm trung gian.

Kỷ niệm 27 năm ngày thụ phong linh mục (30-11-1995 – 30-11-2022)

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Khiêm Nhường
Lm Vũđình Tường
19:59 30/11/2022
Nhờ khiêm nhường mà ta nhận ra khả năng thật của mình. Hay ở mặt nào? dở ở phương diện nào? để từ đó phát triển khả năng Chúa ban. Thiên Chúa ban cho mỗi người ơn khác nhau. Nhờ vào tài năng để nuôi bản thân mình, đồng thời giúp đỡ anh em khác, cùng nhau kiến tạo thế giới tốt đẹp. Lo lắng, chăm sóc, thông cảm giúp nhau phát triển tài năng đến mức trưởng thành, đồng thời hoàn thành sứ vụ Kitô hữu của mỗi cá nhân. Kitô hữu đòi buộc ta chấp nhận khác biệt của anh chị em khác, học hỏi lẫn nhau và chung tay làm cho cuộc sống thoải mái hơn. Khiêm nhường giúp ta nhận biết tất cả mọi sự ta có đều do Chúa ban để dâng lời cảm tạ. Đây chính là cốt lõi lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả. Thánh nhân tự chọn lối sống khiêm nhường đến mức tuyệt đỉnh. Ngài cũng cho biết sống đơn giản là điều có thể thực hiện được.

Thánh Gioan sống trong hoang địa. Thánh Thần Chúa ngự trong ông. Thánh nhân nhận biết nơi đâu thiếu tình yêu Chúa, nơi đó gian ác, thống trị. Trong hoang địa, cuộc sống đơn giản đến mức tối đa. Thực phẩm và tranh sống là điều căn bản nhất. Ở đây tàn bạo lãnh đạo. Mọi thứ khác đều là phụ thuộc. Khi cuộc sống coi miếng ăn là trọng, cuộc sống đó trở thành đấu trường tranh giành, chém, giết, hà hiếp nhau, tranh ăn, vì miếng ăn.

Bản chất của hoang địa là khắc nghiệt. Khắc nghiệt cả về thời tiết, lẫn cuộc sống. Mọi thứ từ cây cỏ đến sinh vật đều tranh sống. Mức nóng ban ngày, cái lạnh ban đêm thay đổi vừa nhanh vừa chênh lệch nghe đến phải giật mình. Chứng kiến cảnh súc vật cấu xé nhau, thánh nhân nhận ra cái hư danh trong cuộc sống. Trong hoang địa cuộc sống từ cây cỏ đến sinh vật; tất cả dật dờ như lá cỏ dưới nắng hanh, như chiếc lá gió vật lìa cành, giờ còn, chút nữa cuốn theo chiều gió. Cuộc sống không tình yêu Chúa, đời sống trở thành vô nghĩa. Thánh Gioan tự tách mình ra khỏi vui thú, ham muốn, khát khao trần gian. Ngài chọn hoang địa, bởi nơi đó không có khen, chê, không có phê bình, chỉ trích, không có tranh giành thế lực, không có tích trữ của cải, vật chất. Trong hoang địa, những thứ đó đều vô nghĩa.

Cuộc đời rao giảng công khai của Thánh nhân cũng đơn giản. Khiêm nhường không có nghĩa nhút nhát, e lệ hay mắc cở, mà chính là ơn khôn ngoan, thông hiểu, nhận biết sự thật. Kitô hữu đáng được hãnh diện được trở thành con Chúa. Kitô hữu đáng được hãnh diện khi làm việc lành, bác ái, phúc đức bởi chính việc đó làm sáng danh Chúa. Hãnh diện trở nên tồi tệ khi ta tự tin í của ta tốt hơn, cao hơn í mọi người. Hãnh diện trở thành kiêu ngạo khi ta đặt í ta trên í Chúa. Hãnh diện trở thành kiêu căng, tự cao, tự phụ khi ta muốn trở thành thầy của người khác và bắt họ phải phục ta.

Thánh Gioan nhận biết Đức Kitô là Thiên Chúa của ông và ông hết mực tôn kính, tôn thờ. Ông rất hãnh diện về Đức Kitô. Ông nói với môn đệ mình:

'Đấng đến sau tôi, quyền thế hơn tôi và tôi không xứng đáng cởi giây dầy cho Ngài' Mat 3,11.

Lần khác, Đức Kitô đến nhận phép rửa từ Gioan, ông thưa Ngài:

'Chính tôi cần Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi'. Mat 3,14

Với những ai từ chối ăn năn, thống hối, Gioan rất cứng rắn cả trong hành động lẫn ngôn từ. Ông gọi họ là 'Loài rắn độc'. Ông cảnh cáo họ, trừ khi họ thống hối, nếu không thì sẽ bị lửa thiêu đốt muôn đời. Ông cảnh cáo những ai mang hoa trái xấu, hoa trái sự dữ như sau:

'Cái rìu đã đặt sát gốc cây, cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt và quăng vào lửa... thóc tốt thì cất vào kho, còn thóc nép thì bỏ vào lửa không bao giờ tắt' Mat 3,10- 12

Gioan nhắc đến 'Loài rắn độc' là nhắc lại chuyện tổ phụ Adong-Eva nghe lời ma quỉ xúi dục trái lệnh Chúa. Chúng ẩn mình dưới dạng con rắn phủ dụ. Ông bà ngã lòng, nghe lời chúng, mở đường cho tội lỗi và sự chết thống trị tâm hồn họ. 'Loài rắn độc' trong trường hợp này đi chung với kiêu ngạo và sự chết.

Khiêm nhường chính là khả năng học lắng nghe, nhận biết tiếng Thiên mời gọi và học từ tha nhân.

Thống hối là con đường dẫn đến hoà giải là điều chúng ta cầu xin hàng ngày.

TiengChuong.org

Humility

Humility is a special gift that helps us to discover our own talents. We ask for the grace to appreciate the gifts given, and also to accept our own imperfections and limitations. God gives each of us gifts and talents and we are called to invest our gifts for the living and for the better of the world. By caring and having compassion for others, we somehow make our gifts grow to their potential, and also make our Christian vocation relevant to the lives of others. Christian living requires us to accept differences, and learn from others, and thus helps to improve the quality of life. Humility helps us to recognize everything we have that comes from God, and we need to always give thanks to God. It is the essence of John's message. He himself chose to live the virtue of humility to the extreme, and that simplicity of life is enjoyable.

John disciplined himself in the wilderness. God's Spirit was with him. John recognized that where God's love is absent, cruelty and brutality reign. In the wilderness, life is stripped bare to simply just food and drink. The rule of survival dominates. There is no mercy between the strong and the weak. When life is simply about food and drink; life becomes a battleground.

By nature, wilderness is a hostile place both in terms of extremely fluctuations in climate between day and night, and also the harsh living conditions. By witnessing wild animals who prey on each other for food, John witnessed the vanity of life. For John, without God's love, we live in vain, because life would disappear overnight without any trace. John detached himself from all that a human being desires to have. John chose to live in the wilderness because there is an absence of praise and criticism. In the wilderness, human power, prestige, and wealth are meaningless.

In his public ministry, John was humble both in words and deeds. For John, humility was not a sign of weakness. He recognized that Jesus is his Lord and God, and he is very proud of Jesus. We are all proud of being God's children. We are proud of doing something good and loveable. Pride becomes bad when we believe that our voice is better than God's. Proud becomes evil when we want to lord over others. John was very proud of Jesus. He spoke highly of him with utmost respect and reverence. John said

'The one who follows me is more powerful than I am, and I am unfit to carry his sandals'. Mat 3,11.

When Jesus asked John to baptise him, John replied,

'It is I who need baptism from you' Mat, 3,14.

For those who refuse to practise humility, John was very strong in his language, calling them 'Brood of vipers'. He warned them that, unless they repent, they would certainly be burnt in eternity. He warns those who bear 'rotten fruit' will surely not escape punishment,

'Any tree which fails to produce good fruits will be cut down and thrown on the fire'. And again, he will 'gather his wheat into the barn; but the chaff he will burn in a fire that will never go out' Mat 3,12.

Calling them the 'Brood of vipers', John reminded them of the story of The Fall when the evil spirit was disguised, in the shape of a serpent, who tempted Adam and Eve to bear not the good fruit as God has created them. Listening to the serpent they arrogantly disobeyed God, and that opened the gate for sin and death to enter the world. The 'Brood of vipers' in this context was associated with an arrogant attitude and damnation.

Humility is the ability and the willingness to learn from God and from others. Repentance leads to reconciliation, and that is what we daily need to pray for.
 
Nền móng ẩn tàng
Lm Minh Anh
23:21 30/11/2022

NỀN MÓNG ẨN TÀNG
“Chúa là Núi Đá ngàn năm bền vững!”.

Trong tập thơ “When We are Neediest”, tạm dịch, “Khi Chúng Ta Thiếu Thốn Nhất”, tác giả viết, “Khi bạn thiếu thốn nhất, Thiên Chúa là đủ nhất. Khi bạn bất lực nhất, Ngài quả hữu ích nhất. Khi bạn cảm thấy phụ thuộc nhất, Ngài đáng tin cậy nhất. Khi bạn yếu đuối nhất, Ngài là người có khả năng nhất. Khi bạn cô đơn nhất, Ngài hiện diện thân mật nhất. Khi bạn cảm thấy vô dụng nhất, Ngài chuẩn bị bạn nhiều nhất. Khi bạn tăm tối nhất, Ngài là ánh sáng duy nhất. Khi bạn kém an toàn nhất, Ngài là Núi Đá và Pháo Đài, một ‘nền móng ẩn tàng’, kiên cố vững bền nhất!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài là Núi Đá và Pháo Đài, một ‘nền móng ẩn tàng’, kiên cố vững bền nhất!”. Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay xác thực niềm tin của nhà thơ trên. Cả hai bài đọc đều nói đến Thiên Chúa, một ‘nền móng ẩn tàng’ cho mọi sinh linh. Isaia xác tín, “Chúa là Núi Đá ngàn năm bền vững!”; Chúa Giêsu nói, “Người khôn xây nhà trên đá!”. 

Trong thế giới cổ đại, một thành phố vững chắc, một pháo đài bất khả xâm phạm hay một ngôi nhà an toàn được xây trên nền đá kiên cố, một ‘nền móng ẩn tàng’ vì chúng có thể chống lại thế lực của thiên nhiên cũng như của kẻ thù. Isaia tuyên tín, “Chúa là Núi Đá ngàn năm bền vững!”. Thánh Kinh cũng nhiều lần lên tiếng, “Khốn thay kẻ tin tưởng người đời!”; nhưng “Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay nói đến những người có phúc tiến lên nhân danh Chúa, “Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian”.

Mở đầu Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh báo, “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời!”. Chúng ta có thể lừa dối người khác bằng lời nói, nhưng với Thiên Chúa thì không; bởi lẽ, Ngài nhìn thấy tấm lòng với động cơ, ý định, mong muốn và sự lựa chọn của nó. Chúa Giêsu nói, “Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy”. Thật dễ dàng để tuyên xưng Chúa Giêsu là “Chúa”. Xét cho cùng, nhờ đức tin, chúng ta biết Ngài; các phép lạ Ngài làm; sự bền bỉ của Giáo Hội chứng thực bản chất thiêng liêng của Ngài. Tuy nhiên, công nhận về thần tính của Chúa Giêsu là chưa đủ; thừa nhận Ngài là “Vị Cứu Tinh” không bảo đảm cho chúng ta một chỗ trên thiên đàng. Đức tin vào Ngài không chỉ ở trên môi miệng; nó phải thâm nhập vào trái tim và khối óc; bao hàm việc làm theo ý muốn Chúa Cha, một ‘nền móng ẩn tàng’ - trong ý nghĩ, lời nói và việc làm.

Chúa Giêsu khuyên các môn đệ xây dựng đức tin trên đá tảng, chứ không phải trên tình cảm. Để đào được một nền tảng đức tin, phải làm việc chăm chỉ. Nó đòi hỏi sự kiên trì trong cầu nguyện, bác ái và quảng đại. Nó cũng đòi hỏi sự khiêm tốn và ý định trong sáng, vì công việc chuẩn bị nền tảng không hề hào nhoáng. Không có gì đặc biệt về một cái hố hoang hoác tại một công trường. Cũng vậy, trong đời sống thiêng liêng; việc đào móng buộc phải cày sâu, để loại bỏ những lỗi lầm tồi tệ nhất của mình. Quá trình này không đẹp chút nào. Nó buộc chúng ta phải đối mặt với những tật xấu cố hữu một cách trung thực. Không có bước này, chúng ta có nguy cơ xây dựng cuộc sống của mình trên cát.

Anh Chị em,

“Chúa là Núi Đá ngàn năm bền vững!”. Mùa Vọng, mùa tự hỏi, “Tôi xây dựng đời mình trên nền đá, chính Chúa Kitô, hay trên nền cát của thế gian và hư danh?”. Chúng ta thường dễ lầm tưởng nền tảng có vẻ vững chắc khi tất cả đều bình lặng; vậy mà, thời tiết yên ả không chứng tỏ sự kiên cố của một toà nhà. Bài kiểm tra thực sự đến khi trời trở gió. Điều tương tự cũng xảy ra trong đời sống thiêng liêng. Khi sự thanh thản ngự trị, hoà bình dễ dàng nở hoa; nhưng một khi khủng hoảng xảy đến - một sự từ chối, một căn bệnh, một chút chống đối về một vấn đề đạo đức - đó là lúc chúng ta kiểm chứng sự vững chắc của đức tin mình. Chính những ngày giông bão sẽ cho chúng ta biết mình đang xây dựng cuộc đời trên chính Chúa Kitô, một ‘nền móng ẩn tàng’ ngàn năm bền vững hay trên một nền cát huyễn hoặc của thế gian!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, người ta cậy của, cậy người; riêng con chỉ biết cậy Ngài mà thôi. Chúa là Núi Đá, là Thành Trì, ‘nền móng ẩn tàng’ ngàn năm bền vững!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phản ứng của Nga đối với cuộc phỏng vấn mới minh họa cho luận lý về sự im lặng của các vị giáo hoàng
J.B. Đặng Minh An dịch
05:05 30/11/2022

John Allen, phóng viên kỳ cựu của Vatican có bài viết nhan đề “Russian reaction to new interview illustrates logic for papal ‘silence’” nghĩa là “Phản ứng của Nga đối với cuộc phỏng vấn mới minh họa cho luận lý về sự 'im lặng' của các vị giáo hoàng.” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong một cuộc phỏng vấn mới với tạp chí America do Dòng Tên tài trợ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tự bảo vệ mình trước những cáo buộc đã quá im lặng đối với cả Nga và Trung Quốc – Nga trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine và Trung Quốc đối mặt với hồ sơ của họ về nhân quyền và đặc biệt là tự do tôn giáo.

Các nhà phê bình cho rằng giống như Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đôi khi bị chỉ trích vì bị cho là “im lặng” trong thời kỳ xảy ra biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã, thì một ngày nào đó, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể phải đối mặt với phán quyết lịch sử rất tiêu cực vì quyết định của ngài đối với cả Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh.

Thật đúng lúc, các sự kiện ngày hôm qua tiếp tục minh họa lý do tại sao Đức Phanxicô, hoặc bất kỳ giáo hoàng nào khác, cũng đều phải suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa ra các loại kết án cụ thể mà Đức Giáo Hoàng đã đề cập.

Cũng trong cuộc phỏng vấn đó với tờ America, Đức Phanxicô đã đề cập ngắn gọn về cái giá phải trả của con người trong cuộc xung đột ở Ukraine, và nói rằng ngài đã nhận được “nhiều thông tin về sự tàn ác của quân đội.” Ngài đưa ra một quan sát về nguồn gốc của những lạm dụng lớn nhất.

“Như thường lệ, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người đến từ Nga, nhưng không tuân theo truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryats, vân vân,” Đức Thánh Cha nói như trên khi đề cập đến hai sắc dân thiểu số thường bị quân Nga đẩy ra tiền tuyến trong các cuộc xung đột của Nga.

Chechens, từ phía tây nam của Nga, chủ yếu là người Hồi giáo. Trong khi đó, Buryats là một nhóm dân tộc Mông Cổ bản địa ở miền đông Siberia, theo truyền thống theo tín ngưỡng Phật giáo và pháp sư.

Rất có thể, Đức Phanxicô dự định bình luận như một lời bào chữa gián tiếp cho Mạc Tư Khoa, bằng cách nói rằng bản thân người Nga có thể không khát máu như được mô tả. Dựa trên những phản ứng từ Mạc Tư Khoa, đó không hoàn toàn là cách những lời của Đức Giáo Hoàng được đón nhận.

Hôm qua, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, đã đả kích cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha.

Zakharova nói với hãng thông tấn Nga TASS: “Đây không chỉ là còn là tâm tình bài Nga nữa, nó là sự bóp méo sự thật ở mức độ mà tôi thậm chí không thể gọi tên”.

Sau đó, Zakharova đã gửi một Tweet cáo buộc giáo hoàng đang cố gắng chia rẽ các lực lượng Nga: “Chúng tôi là một gia đình với người Buryats, người Chechnya và các đại diện khác của đất nước đa sắc tộc và đa tôn giáo của chúng tôi,” cô ta viết.

Alexey Tsydenov, thống đốc Cộng hòa Buryatia, cũng gay gắt không kém trong phản ứng của mình.

Tsydenov nói: “Nghe người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo nói về sự tàn ác của các dân tộc cụ thể, nghĩa là người Buryats và người Chechnya, ít nhất có thể nói là điều kỳ lạ. Những người lính của chúng tôi thực hiện nghĩa vụ của họ với danh dự,” và nói thêm rằng với lịch sử khó khăn của các cuộc Thập tự chinh, có lẽ các nhà lãnh đạo Công Giáo không nên đưa ra bài học cho người khác về đạo đức trong xung đột vũ trang.

Ngay cả người đứng đầu truyền thống Phật giáo mà hầu hết người Buryats theo sau, Damba Ayusheev, cũng tham gia vào dàn hợp xướng chỉ trích, gọi những lời lẽ của Đức Giáo Hoàng là “bất ngờ và không tử tế”.

Ayusheev nói: “Tôi nghĩ người Âu Châu Latinh không hiểu rằng việc sống ở vùng Siberia và Viễn Đông lạnh giá khiến con người trở nên kiên trì, nhẫn nại và kiên cường hơn trước những khó khăn khác nhau. Vì vậy, người dân của chúng tôi không độc ác, họ chỉ đơn giản là phải một lần nữa bảo vệ Tổ quốc của mình khỏi chủ nghĩa Quốc xã, giống như ông và cha của chúng tôi đã làm.”

Người ta có thể bị cám dỗ để coi những hành động ăn miếng trả miếng này chẳng qua cũng chỉ là một cơn bão trong ấm trà, hãy chờ đợi một sự thật bất tiện khác.

Cũng trong ngày hôm qua, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã báo cáo việc bắt giữ hai linh mục Công Giáo tại thành phố cảng Berdiansk do Nga chiếm đóng ở đông nam Ukraine. Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Heleta, đã chăm sóc mục vụ cho cả tín hữu Công Giáo Hy Lạp và nghi lễ Latinh, và là một trong số ít giáo sĩ ở lại sau khi Nga chiếm đóng.

Theo báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, hai linh mục bị buộc tội chuẩn bị một cuộc tấn công khủng bố và đang bị giam giữ trong một trung tâm giam giữ trước khi xét xử. Nếu bị kết án, tội danh mà các linh mục bị buộc tội về mặt lý thuyết có thể dẫn đến án tử hình. Giám mục địa phương, Đức Cha Stepan Meniok, đã gọi các vụ bắt giữ là “vô căn cứ và bất hợp pháp”.

Không rõ liệu các vụ bắt giữ là một phản ứng đối với cuộc phỏng vấn mới của giáo hoàng hay là trước đó, mặc dù một tờ báo Ý đã gợi ý rằng đó là một hình thức “tống tiền để buộc Đức Phanxicô phải im lặng”.

Trong mọi trường hợp, không chắc rằng những người đương thời sẽ giúp ích cho hoàn cảnh của các linh mục. Nó có khả năng cũng sẽ cản trở những nỗ lực của Vatican trong việc định vị mình như một nhà hòa giải tiềm năng trong cuộc xung đột với Ukraine.

Nhìn lại, hoàn toàn có thể là Đức Thánh Cha Phanxicô và các cố vấn của ngài ngày hôm nay đang ước gì họ có thể rút lại ngay cả sự cởi mở hạn chế mà Đức Giáo Hoàng đã thể hiện trong cuộc phỏng vấn của ngài với tờ America.

Nói cách khác, nếu bạn từng thắc mắc tại sao các giáo hoàng không thẳng thắn hơn trong những tình huống xung đột như vậy, chỉ cần nhớ rằng các giáo hoàng nhận thức rõ rằng họ không phải sống riêng với hậu quả của những tuyên bố như vậy - than ôi, đó là số phận của những nhân vật như Levitskyi và Heleta, và không có giáo hoàng nào muốn đẩy thêm người dân của mình vào con đường nguy hiểm.
Source:Crux
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân: Niềm an ủi đích thực
Vu Van An
14:01 30/11/2022


Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 30 tháng 11, 2022, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục nói về biện phân, nhấn mạnh đến sự an ủi đích thực. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Ý do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tiếp tục suy tư về sự biện phân, và đặc biệt về kinh nghiệm thiêng liêng được gọi là “sự an ủi”, mà chúng ta đã nói vào Thứ Tư tuần trước, chúng ta tự hỏi: làm thế nào nhận ra sự an ủi đích thực? Đây là một câu hỏi rất quan trọng để có sự biện phân tốt, để không bị nhầm lẫn trong việc tìm kiếm điều thiện đích thực của chúng ta.

Chúng ta có thể tìm thấy một số tiêu chuẩn trong một đoạn của Linh Thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola. Thánh Inhaxiô nói, "Nếu trong các suy nghĩ, mọi sự đều tốt từ phần đầu, phần giữa và phần cuối, và nếu mọi sự đều hướng về điều thiện, thì đó là dấu hiệu của thiên thần tốt lành. Mặt khác, có thể trong dòng suy nghĩ, một điều gì đó xấu xa hoặc làm ta chia trí hoặc ít tốt hơn những gì linh hồn đã định làm trước đó, hoặc điều gì đó làm suy yếu linh hồn, khiến nó bồn chồn, đặt nó vào thế bồn chồn và lấy đi sự bình yên, lấy đi của nó sự thanh tĩnh và yên tĩnh nó vốn có trước đó: thì đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các suy nghĩ này phát xuất từ một tinh thần xấu xa" (n. 333). Vì đó đúng là sự thật: có những niềm an ủi chân thật, nhưng cũng có những niềm an ủi không chân thật. Và vì thế, chúng ta phải hiểu rõ con đường an ủi: nó đi như thế nào và nó dẫn tôi đến đâu? Nếu nó đưa tôi đến một điều gì đó không ổn, không tốt, thì niềm an ủi này không có thật, là "giả mạo" chúng ta hãy nói vậy.

Và đây là những chỉ dẫn có giá trị, đáng được nhận định ngắn gọn. Điều đó có nghĩa gì khi nguyên tắc hướng tới điều tốt, như Thánh Inhaxiô nói về một niềm an ủi tốt? Chẳng hạn, tôi nghĩ đến việc cầu nguyện, và tôi thấy rằng nó đi kèm với tình cảm đối với Chúa và người lân cận, nó mời gọi chúng ta thực hiện những cử chỉ quảng đại, bác ái: đó là một nguyên tắc tốt. Thay vào đó, có thể nảy sinh ý nghĩ trốn tránh một công việc hoặc một nhiệm vụ đã được giao phó cho tôi: mỗi khi tôi phải rửa bát đĩa hoặc dọn dẹp nhà cửa, tôi rất muốn bắt đầu cầu nguyện! Điều này xảy ra trong tu viện. Nhưng cầu nguyện không phải là trốn tránh bổn phận của mình, trái lại, cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra điều tốt lành mà chúng ta được mời gọi thực hiện, ở đây và bây giờ. Đó là về nguyên tắc.

Sau đó là các phương tiện: Thánh Inhaxiô nói rằng phần đầu, phần giữa và phần cuối phải tốt. Nguyên tắc như sau: tôi muốn cầu nguyện để khỏi phải rửa bát: hãy đi rửa bát đi đã rồi hãy cầu nguyện. Sau đó là phần giữa, tức là điều đến sau, điều theo sau ý nghĩ này. Tiếp tục với thí dụ trước, nếu tôi bắt đầu cầu nguyện và, như người Biệt phái cầu nguyện trong dụ ngôn (x. Lc 18:9-14), tôi có xu hướng tự mãn và coi thường người khác, có thể với một trái tim hiềm thù và chua chát, thì đây chính là những dấu hiệu cho thấy tinh thần ma quái đã sử dụng suy nghĩ này như một chìa khóa để thâm nhập vào trái tim tôi và truyền cảm xúc của nó cho tôi. Nếu tôi đi cầu nguyện và những lời của người Biệt phái khét tiếng hiện ra trong tâm trí tôi - "Lạy Chúa, tôi tạ ơn Chúa vì tôi cầu nguyện, tôi không giống như những người khác không tìm kiếm Chúa, không cầu nguyện" - ở đây, lời cầu nguyện này quả kết thúc một cách tồi tệ. Sự an ủi của lời cầu nguyện này là cảm thấy mình giống như một con công dương dương tự đắc trước mặt Thiên Chúa, và đó là một phương tiện không đi đến đâu.

Và sau đó là phần cuối: phần đầu, phần giữa và phần cuối. Kết thúc là một khía cạnh mà chúng ta đã gặp, đó là: một ý nghĩ dẫn tôi đến đâu? Thí dụ, ý tưởng cầu nguyện đưa tôi đến đâu. Thí dụ, ở đây có thể xảy ra việc tôi làm việc chăm chỉ vì một công việc cao đẹp và xứng đáng, nhưng nó thúc đẩy tôi không cầu nguyện nữa, vì tôi bận nhiều việc quá, tôi thấy mình ngày càng gây hấn và nhiều thói hư hơn, tôi tin rằng mọi sự đều phụ thuộc vào tôi, đến mức mất niềm tin vào Thiên Chúa, đây rõ ràng là hành động của tinh thần xấu xa. Tôi bắt đầu cầu nguyện, sau đó trong lời cầu nguyện, tôi cảm thấy toàn năng, mọi sự phải nằm trong tay tôi vì tôi là người duy nhất biết cách tiến hành công việc: rõ ràng là không có tinh thần tốt lành ở đó. Chúng ta phải xem xét cẩn thận con đường cảm xúc của chúng ta, con đường cảm xúc tốt, con đường an ủi, khi chúng ta muốn làm điều gì đó. Thế nào là phần đầu, thế nào là phần giữa và thế nào là phần cuối.

Phong cách của kẻ thù – khi chúng ta nói đến kẻ thù, chúng ta nói đến ma quỷ, bởi vì ma quỷ tồn tại, hắn tồn tại! – phong cách của hắn, như chúng ta biết, là trình bầy bản thân một cách tinh vi, trá hình: hắn bắt đầu từ những gì thân thiết nhất đối với chúng ta rồi lôi kéo chúng ta đến với hắn, từng chút một: cái ác thâm nhập một cách giấu diếm mà chúng ta không hề hay biết. Và với thời gian, sự mềm mại trở thành sự cứng rắn: suy nghĩ này tự bộc lộ như nó là trên thực tế.

Do đó, điều quan trọng là phải xem xét một cách kiên nhẫn nhưng không thể thiếu nguồn gốc và sự thật của các suy nghĩ của mình; đây là lời mời gọi học hỏi từ các kinh nghiệm, từ những gì xảy ra với chúng ta, để không lặp lại những sai lầm tương tự. Càng tự biết mình, chúng ta càng hiểu rõ nơi ma quỷ xâm nhập, “mật khẩu” của nó, cửa vào trái tim chúng ta, đó là những điểm mà ở đó chúng ta nhạy cảm nhất, để chú ý đến chúng cho tương lai. Mỗi người chúng ta đều có những điểm nhạy cảm nhất, những điểm yếu nhất trong nhân cách của chính mình: và từ đó tinh thần xấu xa len lỏi vào dẫn dắt chúng ta đi vào con đường lầm lạc, hoặc đưa chúng ta xa rời con đường chân thiện. Tôi đi cầu nguyện nhưng điều đó làm tôi xa rời việc cầu nguyện.

Các thí dụ có thể được nhân thừa theo ý muốn, phản ảnh thời đại của chúng ta. Đây là lý do tại sao việc kiểm điểm lương tâm hàng ngày là điều rất quan trọng: trước khi kết thúc một ngày, anh chị em hãy dừng lại đôi chút. Chuyện gì đã xảy ra? Không phải trên báo, không phải trong cuộc sống: điều gì đã xảy ra trong trái tim tôi? Trái tim tôi có lưu ý không? Nó có lớn ra không? Có phải đó là con đường đã đi qua mọi sự mà tôi không hề hay biết? Điều gì đã xảy ra trong trái tim tôi? Và sự kiểm điểm này rất quan trọng, nó là nỗ lực quý giá để đọc lại trải nghiệm từ một quan điểm đặc thù. Nhận ra những gì đang xảy ra là điều quan trọng, đó là dấu hiệu cho thấy ơn Chúa đang hoạt động trong chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong tự do và ý thức. Chúng ta không đơn độc: chính Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta. Chúng ta hãy xem sự việc diễn ra như thế nào.

Niềm an ủi đích thực là một kiểu xác nhận rằng chúng ta đang làm điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, rằng chúng ta đang đi trên con đường của Người, nghĩa là trên con đường của sự sống, của niềm vui, của bình an. Trên thực tế, sự biện phân không chỉ tập trung vào điều tốt hay điều tốt nhất có thể, mà còn vào điều tốt cho tôi ở đây và bây giờ: Tôi được kêu gọi lớn lên ở đấy, bằng cách đặt giới hạn cho những đề xuất quyến rũ nhưng không thực tế, để không bị lừa dối trong việc tìm kiếm những điều tốt đẹp thực sự.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải hiểu, tiến lên trong việc thấu hiểu những gì đang xảy ra trong trái tim chúng ta. Và để làm được điều đó, chúng ta cần kiểm điểm lương tâm, để xem điều gì đã xảy ra hôm nay. “Hôm nay tôi tức giận, tôi không làm việc này việc nọ…”: nhưng tại sao? Vượt trên lý do tại sao là tìm kiếm gốc rễ của những sai lầm này. “Nhưng, hôm nay tôi hài lòng nhưng tôi thấy nhàm chán vì phải giúp đỡ những người này, nhưng cuối cùng tôi cảm thấy hài lòng, hài lòng với việc giúp đỡ này”: và có Chúa Thánh Thần. Anh chị em hãy học cách đọc trong cuốn sách trái tim chúng ta những gì đã xảy ra trong ngày. Anh chị em làm điều đó đi, chỉ hai phút thôi, nhưng nó sẽ rất tốt cho anh chị em, tôi bảo đảm với anh chị em.
 
ĐGH Phanxicô chia sẻ với Đức Thượng phụ Bartholomew: Chỉ có đối thoại và gặp gỡ mới có thể vượt qua những xung khắc
Thanh Quảng sdb
17:53 30/11/2022
ĐGH Phanxicô chia sẻ với Đức Thượng phụ Bartholomew: Chỉ có đối thoại và gặp gỡ mới có thể vượt qua những xung khắc

Phái đoàn Tòa thánh Vatican do Đức Hồng Y Sandri dẫn đầu đến thăm Istanbul nhân dịp Lễ Thánh Anrê Tông đồ và chuyển “Tâm tình huynh đệ” của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Đức Thượng phụ Bartholomew. Trong thông điệp, Đức Thánh Cha chia sẻ một trong những lĩnh vực hợp tác hiệu quả nhất giữa Tòa Thượng phụ và Giáo Hội Công Giáo là đối thoại liên tôn để cổ súy hòa bình.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

Theo truyền thống lâu đời, cứ dịp lễ Thánh Anrê Tông đồ, bổn mạng thành Constantinople, Đức Thánh Cha Phanxicô cử một phái đoàn đến Istanbul để chuyển lời chào thăm “huynh đệ” của ngài tới Đức Thượng phụ Bartholomew.

Trao đổi đoàn hàng năm

Chuyến thăm là một phần của hoạt động trao đổi Phái đoàn hàng năm giữa Tòa Thánh và Tòa Thượng phụ nhân dịp lễ bổn mạng của mỗi bên, vào ngày 29 tháng 6 tại Rôma, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, và ngày 30 tháng 11 lễ thánh Anrê tại Istanbul.

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng những chuyến viếng thăm này là “một biểu hiện về chiều sâu của các mối liên kết” hợp nhất Giáo Hội Công Giáo và Chính thống giáo Constantinople và là “dấu hiệu hữu hình” về “niềm hy vọng ấp ủ về sự hiệp thông ngày càng sâu sắc hơn”, mà ngài nói nó cũng là “một cam kết không thể hủy bỏ đối với mọi Kitô hữu” cũng như “một ưu tiên cấp bách cho thế giới ngày nay”.

“Thế giới ngày nay đang cần sự hòa giải, tình huynh đệ và sự hiệp nhất.”

Sự chia rẽ là kết quả của hành động tội lỗi

Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm sự cần thiết phải tiếp tục đào sâu các lý do lịch sử và thần học về nguồn gốc của sự chia rẽ giữa hai Giáo hội “trong tinh thần không tranh cãi cũng không biện hộ mà thay vào đó phải được đánh dấu bằng đối thoại đích thực và cởi mở với nhau”.

Tương tự như vậy, ngài nói tiếp, phải “thừa nhận rằng sự chia rẽ là kết quả của những hành động và thái độ cản trở tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn các tín hữu hiệp nhất trong sự đa dạng chính đáng”.

Do đó, chúng ta được kêu gọi “làm việc để phục hồi sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu không chỉ thông qua các thỏa thuận đã ký kết mà còn thông qua sự trung thành với ý muốn của Chúa Cha và sự phân định soi dẫn của Chúa Thánh Thần”.

“Chúng ta có thể tạ ơn Chúa vì hai Giáo hội của chúng ta không bám vúi vào những kinh nghiệm chia rẽ trong quá khứ và hiện tại, nhưng qua cầu nguyện và tình bác ái huynh đệ đang tìm cách đạt được sự hiệp thông trọn vẹn, giúp chúng ta một ngày nào đó, vào thời điểm của Chúa, sẽ cùng nhau quy tụ trong cùng một bàn tiệc Thánh Thể”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng khi cùng nhau hành trình hướng tới mục tiêu hiệp nhất, Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thượng phụ Đại kết đã cùng làm việc vì lợi ích chung của gia đình nhân loại trong nhiều lĩnh vực: bảo vệ tạo vật, bảo vệ phẩm giá con người, chống lại các hình thức đương đại như chế độ nô lệ, và cổ súy hòa bình.

Đối thoại và gặp gỡ là con đường khả thi duy nhất để vượt qua những xung khắc

Thông điệp cho hay một trong những lĩnh vực hiệu quả nhất của sự hợp tác như vậy là đối thoại liên tôn.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc lại chuyến tông du gần đây của ngài đến Bahrain nhân Đại hội Diễn đàn Đối thoại: Đông và Tây vì sự tồn vinh của con người”, một lần nữa xác tín rằng “Đối thoại và gặp gỡ là con đường khả thi duy nhất để vượt qua những xung đột và mọi hình thức bạo lực”.

Cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công gần đây ở Istanbul

Kết thúc thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố gần đây ở Istanbul vào ngày 12 tháng 11, Ngài phó thác họ vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời cầu nguyện cho sự hoán cải tâm hồn của những kẻ chủ mưu hoặc ủng hộ những hành động bạo lực như vậy.

Chào mừng Đức Thượng Phụ Bartholomew trong Buổi Tiếp Kiến Chung Thứ Tư

Đức Thánh Cha đã chào mừng “người anh em thân mến” của ngài là Đức Thượng Phụ Bartholomew trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư. Sau bài Giáo lý của mình, ngài đã cầu xin hai Thánh Tông đồ Phêrô và Anrê chuyển cầu cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu và hòa bình trên thế giới, đặc biệt là ở “Ukraine đang bị hủy phá!”

“Lời cầu xin của hai thánh Tông đồ Phêrô và Anrê cho Giáo hội được hiệp nhất và cho hòa bình ngự trị trên toàn thế giới, đặc biệt cho đất nước Ukraine thân yêu đang bị khổ đau và tàn phá bởi chiến tranh!”

Xin Thánh Anrê “dạy chúng ta biết tìm kiếm Đấng Thiên Sai trong mọi thời điểm của cuộc đời chúng ta và hân hoan loan báo về Người cho tất cả những người lân cận”, sau đó ngài nói tiếng Tây Ban Nha để chào thăm các khách hành hương.

Phái đoàn Vatican

Theo Văn phòng báo chí của Tòa thánh, thông điệp của Đức Thánh Cha gửi cho Đức Thương Phụ Batholomew được Đức Hồng Y Leonardo Sandri trao và được đọc vào lúc kết thúc Phụng Vụ do Đức Thượng Phụ Bartholomew chủ trì, trong Đại Giáo Đường Thánh George tại Fanar.

Đức Hồng Y Sandri, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo hội Đông phương được Đức Cha sai đi cùng với Đức Cha Andrea Palmieri, Thứ trưởng Thánh Bộ Hiệp nhất Kitô giáo. Sau phần Phụng vụ do Đức Thượng phụ Đại kết chủ sự, Phái đoàn Vatican, với sự tham gia của Sứ thần Tòa Thánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Marek Solczyński, cùng tiếp kiến Đức Thượng phụ và hội đàm với Ủy ban Thượng Hội đồng phụ trách những tương quan giữa hai Giáo hội.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Kìa Bước Ai Về Nghe Rất Lạ
Sơn Ca Linh
12:45 30/11/2022
Kìa Bước Ai Về Nghe Rất Lạ

Mến tặng các bà mẹ ở Ukraina

Đường vắng buồn hiu thời chinh chiến,
“Giậu đổ bìm leo” ngập phố hoang.
Đại bác bên sông còn vọng tiếng,
Chiều nay ai đỗ bến thiên đàng?

Mẹ tiễn con đi mùa xuân ấy,
Bây giờ tuyết đã gọi vào đông.
Bà mẹ Kher-son chiều ra ngõ,
Mang theo nỗi nhớ ngập trong lòng !

Không lẽ cánh chim xa biền biệt,
Đường xưa lối cũ đã vội quên?
Hay biết không còn ai đón đợi,
Nên đành lỡ hẹn chút ân tình !

Nắng tắt hoàng hôn qua kẽ lá,
Mắt mẹ buồn trông đã vội nhoà.
Kìa bước ai về nghe rất lạ !
Mà sao trong lòng mẹ trổ hoa !

Bên kia tiếng súng đà im bặt,
Phố hoang giờ vẳng tiếng ai cười.
Mặc gió đông về mang tuyết lạnh,
Con về tim mẹ ấm niềm vui !

Sơn Ca Linh (Đầu Mùa Vọng 2022)
 
VietCatholic TV
Bất ngờ mới: Ukraine đã mở cuộc phản công ở Zaporizhzhia. Ngày đầu, bất hạnh cho đoàn xe Nga bỏ chạy
VietCatholic Media
03:07 30/11/2022


1. Quân Ukraine tấn công mạnh ở Zaporizhzhia và Luhansk. Đoàn xe Nga bỏ chạy lâm cảnh bất hạnh

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 30 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, lực lượng phòng không Ukraine đã tiến hành 9 cuộc tấn công vào quân địch, các cụm vũ khí và thiết bị quân sự và các vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không.

Quân Nga tiếp tục bố trí lại nhân lực, quân trang để bổ sung cho các đơn vị bị tổn thất và thành lập các đơn vị mới.

Trong ngày, quân Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào các đối tượng dân sự ở khu định cư Kivsharivka, vùng Kharkiv, 26 cuộc không kích và 10 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của quân đội Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, xác nhận từ ngày Chúa Nhật 27 tháng 11 đến nay, quân Ukraine đã mở các cuộc tấn công nhằm vào các đơn vị của Nga tại các thị trấn Polohy, Tokmak và Basan ở vùng Zaporizhzhia. Quân Nga được tường trình là bỏ chạy khỏi Tomak trong một đoàn xe gồm 7 chiếc Kamaz do 3 xe tăng và 5 chiếc thiết giáp hộ tống. Không quân Ukraine đã tấn công vào đoàn xe. Các phương tiện cơ giới đều bị phá hủy nhưng một số binh sĩ Nga may mắn sống sót tiếp tục chạy bộ về thành phố Enerhodar.

Ông từ chối cho biết thêm chi tiết để bảo mật kế hoạch hành quân, nhưng rõ ràng là quân Ukraine đang cố tái chiếm lại thành phố Enerhodar. Điều này phù hợp với tin tức của các phương tiện truyền thông Nga cho rằng quân Nga có thể sẽ rút lui khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và trao lại quyền quản trị nhà máy này cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA.

Enerhodar là thành phố nơi có Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, tạo ra gần một nửa lượng điện của đất nước có nguồn gốc từ năng lượng hạt nhân và hơn 20% tổng lượng điện nói chung của Ukraine. Enerhodar cũng có một nhà máy nhiệt điện gần đó.

Vào ngày 28 tháng 2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng họ đã chiếm được thành phố Enerhodar và Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Tuy nhiên, thị trưởng của Enerhodar, Dmytro Orlov, bác bỏ thông tin cho rằng thành phố và nhà máy điện đã bị chiếm. Người dân địa phương sau đó đã chặn đường đến nhà máy và lối vào thành phố, buộc lực lượng Nga phải quay trở lại.

Vào ngày 1 tháng 3, các quan chức Ukraine tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã bao vây thành phố, với một đoàn xe Nga tiến vào Enerhodar vào khoảng 2 giờ chiều. Theo Orlov, thành phố gặp khó khăn trong việc kiếm thức ăn. Vào buổi tối, một cuộc biểu tình của cư dân địa phương đã chặn lực lượng Nga tiến vào thành phố.

Vào sáng ngày 2 tháng 3, Orlov tuyên bố rằng quân đội Nga lại tiếp cận thành phố. Người biểu tình lại chặn đường; những người biểu tình mang cờ Ukraine và sử dụng xe chở rác để ngăn cản lính Nga. Orlov nói với Ukrinform rằng hai người đã bị thương khi binh lính Nga bị cáo buộc ném lựu đạn vào đám đông dân thường. Đến 6 giờ chiều, cuộc biểu tình bao gồm hai trăm cư dân, cũng như công nhân nhà máy điện. Rafael Grossi, Tổng Giám đốc IEAE tuyên bố rằng IAEA đã được chính quyền Nga thông báo rằng các lực lượng Nga đang kiểm soát lãnh thổ xung quanh nhà máy điện hạt nhân.

Sáng 4 tháng 3, một đoàn gồm 10 xe bọc thép và hai xe tăng của Nga tiến vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Địa phương quân Ukraine phóng hỏa tiễn chống tăng, phá hủy chiếc xe tăng dẫn đầu, quân Nga đáp trả bằng nhiều loại vũ khí, vào trung tâm huấn luyện và tòa nhà hành chính chính. Các lực lượng Nga cũng nhiều lần bắn vũ khí hạng nặng về hướng các tòa nhà chứa các lò phản ứng. Trong khoảng hai giờ chiến đấu ác liệt, một đám cháy đã bùng phát, quân Ukraine đành phải rút lui vì sợ rò rỉ chất phóng xạ.

Cùng ngày, các lực lượng Nga cũng tiến vào Enerhodar và nắm quyền kiểm soát thành phố kẻ từ đó. Chính quyền quân sự Ukraine đã xác nhận vào ngày 7 tháng 3 rằng Enerhodar nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong cuộc phản công trong vùng Zaporizhzhia 480 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 3 xe tăng và 5 xe thiết giáp.

Ông lưu ý rằng, đó là chưa kể tổn thất của quân Nga tại Lutuhyne trong vùng Luhansk, và cũng chưa kể đến số binh sĩ Nga chết vì lạnh cóng sâu trong các giới tuyến do Nga kiểm soát. Ông nói mỉa mai rằng Putin đang nếm trải những cay đắng của Napoleon khi tấn công vào mùa Đông.

Tính chung, lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 88,380 binh sĩ Nga tại Ukraine từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 29 tháng 11.

Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược cũng bao gồm 2,911 xe tăng, 5,866 xe thiết giáp, 1,901 hệ thống pháo, 395 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 209 hệ thống phòng không, 280 máy bay chiến đấu, 261 máy bay trực thăng, 1,555 máy bay không người lái tác chiến và chiến thuật, 531 hỏa tiễn hành trình, 4,423 xe chở quân và chở dầu, 16 tàu chiến và 163 thiết bị đặc biệt.

2. Ngoại trưởng Lithuania nhìn thấy mùa Đông là cơ hội tốt để giải quyết cuộc chiến và hối thúc NATO đưa thêm cho Ukraine các khí tài chiến tranh

Phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp của các ngoại trưởng NATO tại Bucharest, Romania, hôm thứ Ba, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết Ukraine cần “phòng không, phòng thủ hỏa tiễn” và NATO “không cạn kiệt” xe tăng hay bất cứ thứ gì.

Ông nói: “Mọi thứ chúng ta có cần phải được vận chuyển ngay lập tức. NATO không thiếu xe tăng hay đạn dược.”

Thừa nhận rằng có thể có “những khó khăn” với việc cung cấp các loại đạn dược khác, Landsbergis nói rằng các nước NATO “về cơ bản có số lượng đạn dược gần như không giới hạn cho xe tăng chiến đấu chủ lực.”

3. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cân nhắc chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine

Các đồng minh NATO tái khẳng định sẵn sàng cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt là các hệ thống phòng không hiện đại, bao gồm cả hệ thống Patriot, nhưng trong khi các cuộc thảo luận về các hệ thống này đang diễn ra, NATO đang tập trung vào việc cung cấp đạn dược và phụ tùng thay thế cho các hệ thống phòng không tiên tiến mà Ukraine đã nhận được.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết điều này tại một cuộc họp báo trong ngày làm việc đầu tiên của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương ở Bucharest hôm thứ Ba

“Cuộc thảo luận với Ukraine một phần là về việc cung cấp các hệ thống mới, chẳng hạn như Patriots, và hiện đang có một cuộc thảo luận về vấn đề đó. Nhưng nó cũng liên quan rất nhiều đến việc bảo đảm rằng các hệ thống mà chúng tôi đã cung cấp đang hoạt động và hiệu quả. Và để làm như vậy, chúng tôi cần bảo đảm rằng chúng tôi cung cấp phụ tùng thay thế, cho phép người Ukraine bảo trì các hệ thống và cả đạn dược. Đây là một thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt hiện nay,” ông Stoltenberg nói.

Ông nhắc lại rằng các đồng minh NATO đã cung cấp cho Ukraine những hệ thống tiên tiến nhất, chẳng hạn như NASAMS của Na Uy hay IRIS-T của Đức. Các hệ thống này cho thấy kết quả cao, bằng chứng là hiệu quả phòng thủ của Ukraine trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga. Hiện tại, điều rất quan trọng là cung cấp cho các hệ thống này đạn dược, cũng như phụ tùng thay thế để bảo trì và sửa chữa chúng.

4. Mỹ đang xem xét gửi hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine

Mỹ đang xem xét gửi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tới Ukraine để hỗ trợ khả năng phòng không của họ trước các cuộc tấn công sắp tới của Nga, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên hôm thứ Ba.

“Tất cả các khả năng đang được cân nhắc”, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn Tướng Pat Ryder, cho biết như trên khi được hỏi liệu Mỹ có đang cân nhắc gửi các tổ hợp Patriot đặc biệt tới Ukraine hay không. “Patriot là một trong những khả năng phòng không đang được xem xét”, ông nói thêm.

Hệ thống hỏa tiễn phòng không Patriot - Patriot là viết tắt của cụm từ “Phased Array Tracking Radar to Intercept of Target” nghĩa là “Phân Giải Chuỗi Tín Hiệu Radar Để Đánh Chặn Mục Tiêu” được thiết kế để chống lại và tiêu diệt các hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn, máy bay tiên tiến và hỏa tiễn hành trình.

Tướng Pat Ryder nói thêm rằng phòng không Ukraine là “ưu tiên hàng đầu” của Mỹ.

“Chúng tôi đang xem xét tất cả các khả năng có thể giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công của Nga, vì vậy tất cả các khả năng đều được thảo luận và chúng tôi đang xem xét những gì Hoa Kỳ có thể làm, chúng tôi đang xem xét những gì các đồng minh và đối tác của chúng tôi. có thể làm và sự kết hợp của các khả năng sẽ rất hữu ích”.

“Chúng tôi thảo luận về nhiều khả năng và sự hỗ trợ với Ukraine, chúng tôi thường xuyên tham vấn với Ukraine, chúng tôi thường xuyên tham vấn với các đồng minh và đối tác của mình về nhu cầu phòng thủ của họ,” Ryder nói. “Ngay bây giờ, chúng tôi chưa có kế hoạch cung cấp các khẩu đội Patriot cho Ukraine, nhưng một lần nữa chúng tôi sẽ tiếp tục có những cuộc thảo luận đó, và khi nào và nếu có điều gì cần thông báo về vấn đề đó, chúng tôi sẽ thông báo.”

Ryder cho biết, một phần của thách thức khi gửi các khẩu đội Patriot hoặc vũ khí tiên tiến khác tới Ukraine là những hệ thống đó yêu cầu phải được “bảo trì và các binh sĩ phải được huấn luyện về những thứ đó”.

“Không có hệ thống nào trong số này là plug and play hay gắn vào là xài được ngay, bạn không thể đưa ra trên chiến trường và bắt đầu sử dụng chúng, vì vậy đó là những thứ được tính đến khi nói đến các hệ thống tiên tiến hơn,” Ryder nói.

Ông Ryder cho biết thêm, phòng không Ukraine vẫn là “ưu tiên hàng đầu” của Mỹ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét làm việc với các đồng minh và đối tác về những gì chúng tôi có thể cung cấp cho Ukraine càng nhanh càng tốt để họ có thể bắt đầu sử dụng những khả năng đó ngay lập tức,” Ryder nói.

5. Mỹ có thể coi lính đánh thuê Tập đoàn Wagner của Nga là tổ chức khủng bố

Tòa Bạch Ốc đang cân nhắc xem có nên coi Tập đoàn Wagner của Nga là một tổ chức khủng bố nước ngoài hay không.

Hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết chính quyền Biden chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Việc dán nhãn cho Wagner là một tổ chức khủng bố nước ngoài sẽ cho phép Hoa Kỳ truy tố hình sự đối với nhóm này và các thành viên của nhóm, cũng như theo dõi tài sản của nhóm này trên toàn cầu. Theo báo cáo, Tập đoàn Wagner đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động thù địch của Nga chống lại Ukraine và đang tăng cường sự hiện diện ở Phi Châu.

Tập đoàn Wagner, còn được gọi là PMC Wagner, là một tổ chức bán quân sự của Nga. Nó được mô tả như một công ty quân sự tư nhân, hay một mạng lưới lính đánh thuê hay quân đội riêng của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thanh toán các thành phần và các hoạt động mờ ám khác nhằm khống chế xã hội Nga. Nhóm này hoạt động ngoài vòng pháp luật vì các nhà thầu quân sự tư nhân chính thức bị cấm ở Nga. Mặc dù bản thân Tập đoàn Wagner không bị chi phối bởi ý thức hệ, nhưng các yếu tố khác nhau của Wagner có liên quan đến chủ nghĩa phát xít mới và những kẻ cực đoan cực hữu.

Nhóm này trở nên nổi tiếng toàn cầu trong cuộc chiến ở Donbas ở Ukraine, nơi nhóm này hỗ trợ các lực lượng ly khai của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự tuyên bố từ năm 2014 đến năm 2015. Các nhà thầu của nhóm được cho là đã tham gia vào nhiều cuộc xung đột khác nhau trên khắp thế giới — bao gồm cả các cuộc xung đột dân sự, các cuộc chiến ở Syria, Libya, Cộng hòa Trung Phi và Mali, thường chiến đấu theo phe của các lực lượng liên kết với chính phủ Nga. Các đặc vụ của Wagner đã phạm tội ác chiến tranh ở những khu vực mà họ được triển khai. Các cáo buộc bao gồm cưỡng hiếp và cướp bóc của thường dân, và tra tấn những người đào ngũ bị buộc tội.

Bởi vì nó hoạt động để hỗ trợ các lợi ích của Nga, nhận thiết bị quân sự từ Bộ Quốc phòng Nga và sử dụng các căn cứ của quân đội Nga để đào tạo, Tập đoàn Wagner thường được coi là một đơn vị nối dài của Bộ Quốc Phòng Nga hoặc cơ quan tình báo quân sự của Nga, gọi tắt là GRU. Yevgeny Prigozhin, một doanh nhân có quan hệ thân thiết với Putin là chủ của Wagner. Sau nhiều năm phủ nhận mối liên hệ với nhóm Wagner, vào tháng 9 năm 2022, Prigozhin thừa nhận rằng ông đã 'thành lập' nhóm bán quân sự này. Tập đoàn Wagner được chính phủ Nga sử dụng để phủ nhận sự dính líu của Nga trong một số cuộc xung đột nhất định, đồng thời che giấu số lượng thương vong và chi phí tài chính cho các can thiệp nước ngoài của Nga với công chúng; gần đây nhất nó gắn liền với cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, nơi nó được tường trình là đã được triển khai để ám sát các nhà lãnh đạo Ukraine.

Những người gia nhập Wagner thường là các binh lính và sĩ quan Nga đã giải ngũ. Trong cuộc chiến tại Ukraine, Wagner cũng tuyển mộ các tù nhân và người bị kết án để đưa ra ra tiền tuyến.

6. Kostin tại cuộc họp G7 ở Berlin: 18 quốc gia đã điều tra tội ác chiến tranh của Nga

Mười tám quốc gia đã mở cuộc điều tra quốc gia về tội ác chiến tranh của Nga, đây là nền tảng vững chắc để xây dựng quan hệ đối tác thực sự.

Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin cho biết điều này tại cuộc họp của các bộ trưởng tư pháp các nước G7.

Kostin đã tham gia cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng tư pháp của các nước G7.

Tại một cuộc họp ở Berlin hôm thứ Ba, các bộ trưởng đã thảo luận về việc phối hợp các nỗ lực trong cuộc điều tra tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann lưu ý rằng thế giới đã đoàn kết khi đối mặt với một mối đe dọa chung.

Theo ông Kostin, 18 quốc gia đã mở cuộc điều tra quốc gia về tội ác chiến tranh của Nga, đây là cơ sở vững chắc để xây dựng quan hệ đối tác thực sự.

“Berlin ngày nay là một 'Ramstein hợp pháp'. Đã đến lúc cần có sự phản kháng chung và quyết đoán đối với kẻ xâm lược”, ông nói.

Ngoài ra, Kostin kêu gọi các nước G7 đóng góp vào việc thành lập Tòa án Đặc biệt về Tội xâm lược.

“Chúng ta phải hành động ngay bây giờ, khi chúng ta có những diễn biến tích cực. Thế giới sẽ không an toàn cho đến khi kẻ xâm lược bị ngăn chặn, cô lập và trừng phạt”.

Kostin cũng kêu gọi các đối tác hỗ trợ các nhân viên thực thi pháp luật Ukraine. Số lượng tội phạm chiến tranh đang tăng lên mỗi ngày và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn tiếp tục.

Ông nói thêm: “Các công tố viên thực hiện nhiệm vụ của họ ngay cả dưới làn đạn của kẻ thù, nhưng chúng tôi cần sự giúp đỡ để tiếp tục công việc này.

7. Thêm ba tàu ngũ cốc rời cảng Ukraine đến Á Châu và Âu Châu

Ba tàu nữa chở 61,000 tấn nông sản cho các nước Á Châu và Âu Châu đã rời các cảng Hắc Hải của Ukraine.

Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết 23 tàu nữa đang được chất lên 856,000 tấn nông sản Ukraine.

Tổng cộng, kể từ ngày 1 tháng 8, 504 tàu đã vận chuyển 12.27 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm từ các cảng của Ukraine đến các nước ở Á Châu, Âu Châu và Phi Châu.

Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã ký Sáng kiến về vận chuyển ngũ cốc và thực phẩm an toàn từ các cảng Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi ở Istanbul vào ngày 22 tháng 7. Con tàu chở ngũ cốc đầu tiên của Ukraine đã rời cảng Odesa vào ngày 1 tháng 8.

Ukraine, Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tại Istanbul vào ngày 17 tháng 11 để gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải thêm 120 ngày.

8. Các bộ trưởng tư pháp G7 thông qua Tuyên bố Berlin: Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác ở Ukraine

Sau cuộc họp của Bộ trưởng Tư pháp các nước G7 với sự tham gia của Ukraine, Tuyên bố Berlin đã được thông qua và đạt được thỏa thuận phối hợp chặt chẽ điều tra các tội ác chiến tranh ở Ukraine và đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý.

“Không thể miễn trừ tội ác chiến tranh và các hành động tàn ác khác. Truy tố hình sự các tội phạm quốc tế cốt lõi là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi… Mục tiêu chung của chúng tôi là thiết lập trách nhiệm của những kẻ phạm tội trong các thủ tục tố tụng được tiến hành tuân thủ quy định của pháp luật và thủ tục tố tụng để đạt được trách nhiệm giải trình tối đa và mang lại công lý cho nạn nhân và những người sống sót “.

Cuộc điều tra về các tội ác theo luật pháp quốc tế được thực hiện ở Ukraine đã trở thành chủ đề chính của cuộc họp bao gồm các Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, cùng với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ukraine, Ủy viên Tư pháp Liên Hiệp Âu Châu, Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, Tổng công tố Ukraine và Tổng công tố liên bang Đức.

Cuộc họp ở Berlin là cuộc họp đầu tiên. Các bộ trưởng tư pháp G7 dự kiến sẽ gặp lại nhau vào năm tới.

“Chúng ta gặp nhau lần đầu tiên. Cuộc chiến tranh tội phạm xâm lược Ukraine của Putin đã đưa chúng ta vào một kỷ nguyên mới. Chúng ta phản đối sự bất công lịch sử bằng sự đoàn kết và quyết tâm”, người chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức Marco Buschmann tuyên bố.

Ông lưu ý đã thống nhất phối hợp hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát để tránh trùng lặp. Các Bộ trưởng Tư pháp cũng quyết định thành lập một đầu mối liên lạc quốc gia để truy tố tội phạm quốc tế ở mỗi quốc gia.

Ngoài những điểm thuần túy kỹ thuật, theo Buschmann, Berlin hôm nay gửi đi một tín hiệu chính trị: “Chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng các nước G7 không chỉ mạnh về kinh tế, chúng tôi là một cộng đồng của các giá trị, chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của mình đối với các nguyên tắc dân chủ tự do – chủ nghĩa nhân văn, nhân quyền, tôn trọng pháp luật. Một tín hiệu rõ ràng: không thể miễn trừ tội ác chiến tranh.”

Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức thừa nhận rằng việc xét xử tội phạm ở Ukraine sẽ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí có thể là nhiều thập kỷ, nhưng những người bạn của Ukraine sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng và kiên nhẫn. Ngoài Ukraine, Văn phòng Công tố Liên bang Đức, Tòa án Hình sự Quốc tế và chính quyền các nước khác cũng tiến hành điều tra. Chỉ riêng ở Ukraine, theo Buschmann, 45,000 tội ác đã được ghi nhận và 2,000 nghi phạm đã được xác định. Điều này cho thấy quy mô của nhiệm vụ này.

Buschmann nhấn mạnh tội phạm chiến tranh không có thể tránh được sự trừng phạt và sẽ không cảm thấy an toàn dù chúng ở đâu. Ông bày tỏ tin tưởng rằng cuối cùng lãnh đạo cao nhất của Liên bang Nga, Valdimir Putin, cũng sẽ phải ra hầu tòa chứ không chỉ những thủ phạm trực tiếp.

Bình luận về ý tưởng thành lập tòa án đặc biệt để truy tố tội xâm lược của Ukraine, ông Buschmann cho rằng điều quan trọng là nó củng cố Tòa án Hình sự Quốc tế. “Có nhiều lựa chọn khác nhau, chúng tôi đang tham khảo ý kiến về vấn đề này... Tòa án đặc biệt là một trong những lựa chọn”.
 
Bí ẩn quanh sự biến mất của cựu chỉ huy Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ. Quân Nga uy hiếp các linh mục cướp mộ
VietCatholic Media
05:14 30/11/2022
Bí ẩn quanh sự biến mất của cựu chỉ huy Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ. Quân Nga uy hiếp các linh mục cướp mộ



1. Bí ẩn vừa chớm nở xung quanh sự biến mất của cựu chỉ huy Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ

Một cựu chỉ huy của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, gồm 135 người ở Vatican chịu trách nhiệm bảo vệ Đức Giáo Hoàng, đã được báo cáo là mất tích khỏi công việc và nơi cư trú của ông ở Thụy Sĩ, và nơi ở của ông. Chuyện này đang trở thành một bí ẩn của Âu Châu.

Daniel Anrig, 50 tuổi, cựu thành viên của Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ và là cựu đại úy cảnh sát ở Thụy Sĩ, đã được bổ nhiệm làm chỉ huy đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ vào năm 2008 bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Khi nhiệm kỳ của ông hết hạn vào tháng Giêng năm 2015, nhiệm kỳ đó đã không được Đức Thánh Cha Phanxicô gia hạn, được cho là do lo ngại rằng Anrig đã áp dụng phong cách lãnh đạo quá khắc nghiệt và “quân phiệt”.

Vào thời điểm đó, một tuyên bố của Vatican đã cố gắng giảm thiểu những nhận thức đó.

“Không có sai lầm hay tội lỗi nào từ phía người chỉ huy. Đó chỉ là vấn đề về nhiệm vụ của anh ấy hết hạn. Quyết định được đưa ra theo thỏa thuận chung.”

Trong một cuộc phỏng vấn sau khi sự ra đi của anh ấy được thông báo, Anrig đã bảo vệ các phương pháp của mình, nói rằng quân đoàn “đòi hỏi một phong cách lãnh đạo nghiêm khắc và những người lính canh hiểu điều này.”

Tuy nhiên, nhiều thành viên của lực lượng bảo vệ đã cáo buộc Anrig lãnh đạo “độc tài”, và cũng có những lời phàn nàn về chi phí tu sửa căn hộ riêng của anh ta với tư cách là chỉ huy quân đoàn.

Trước khi được Vatican bổ nhiệm, Anrig đã từng là thanh tra trưởng của lực lượng cảnh sát hình sự ở bang Glarus của Thụy Sĩ.

Năm 2003, anh ta chịu trách nhiệm về một cuộc đột kích gây tranh cãi vào một ngôi nhà dành cho những người xin tị nạn, được cho là có liên quan đến những lo ngại về buôn bán ma túy và buôn người. Anrig ra lệnh cởi quần áo và trói những người xin tị nạn trong quá trình khám xét, điều này cuối cùng dẫn đến một thủ tục tòa án vì sử dụng vũ lực quá mức. Anrig được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng được yêu cầu hoàn trả án phí.

Sau khi rời Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ, Anrig đảm nhận một vị trí trong cảnh sát sân bay ở Zurich từ năm 2015 đến năm 2020. Trong hai năm qua, Anrig đã giữ chức vụ thư ký thành phố, về cơ bản là một vị trí công vụ, tại làng Zermatt của Thụy Sĩ, một khu nghỉ mát leo núi và trượt tuyết nổi tiếng ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ.

Theo thị trưởng của Zermatt, Romy Biner-Hauser, hợp đồng của anh ấy ở vị trí đó chưa được gia hạn và anh ấy đang tìm một công việc khác, nhưng dự kiến sẽ ở lại vị trí của mình cho đến ngày 31 tháng 12.

Tuy nhiên, theo các báo cáo địa phương, Anrig đã không được nhìn thấy hoặc nghe tin tức gì trong vài ngày qua. Các cuộc điện thoại đến số di động của anh ấy đều không được trả lời, email và nỗ lực liên lạc với anh ấy thông qua tin nhắn và nền tảng nhắn tin cũng vô hiệu. Cảnh sát từ bang Valais, nơi Zermatt tọa lạc, đã tiến hành khám xét nhà của Anrig, nhưng không có dấu hiệu nào của anh ta.

Một số phương tiện truyền thông ở Thụy Sĩ đã gợi ý rằng có lẽ Anrig chỉ đơn giản là nghỉ việc trước khi hết hạn hợp đồng vì anh ấy buồn vì công việc của mình không được gia hạn. Tuy nhiên, những người khác đang suy đoán rằng Anrig có thể đã phải đối mặt với cáo buộc hình sự hoặc dân sự bên ngoài bang Valais, mặc dù không có xác nhận nào về giả thuyết đó.

Vatican không có bình luận nào về sự biến mất của Anrig, mặc dù các thành viên của Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ đã nói với các phương tiện truyền thông Ý rằng họ “ngạc nhiên” trước các báo cáo. Anrig đã kết hôn và có bốn người con.
Source:Crux

2. Giám mục Ý phê bình phương pháp của các giám mục Pháp về các vụ lạm dụng tính dục

Một giám mục Ý mạnh mẽ phê bình phương pháp của các giám mục Pháp trong việc điều tra về những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Trong cuộc hội thảo hôm 19 tháng Mười Một vừa qua, tại Đại học Giáo hoàng Laterano ở Roma, Đức Cha Lorenzo Ghizzoni, Tổng giám mục Giáo phận Ravenna, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Ý đặc trách bảo vệ trẻ vị thành niên, đã tuyên bố rằng: “Chúng tôi sẽ không đưa ra những phóng dội các dữ kiện hoặc mẫu điều tra lạm dụng, như vài tổ chức Giáo hội ở nơi khác đã làm với những con số chỉ thu hút những người muốn gieo rắc cỏ dại. Chúng tôi sẽ không thiết lập một ủy ban quốc gia điều tra, chỉ gồm những thành viên không hiểu biết gì về đời sống Giáo hội. Họ không có khả năng khách quan vì họ không phải là giám mục, linh mục và cũng chẳng phải là tín hữu”.

Đức Tổng Giám Mục Ghizzoni ám chỉ đến Ủy ban gọi là Ciase mà Hội đồng Giám mục Pháp đã thành lập. Hồi tháng Mười năm ngoái, Ủy ban này đã công bố kết quả điều tra: theo đó trong 70 năm qua, từ 1950 đến 2021, số người trẻ bị giáo sĩ Công Giáo Pháp lạm dụng tính dục lên tới 330.000 người. Con số này dựa trên các cuộc phỏng vấn và điều tra 171 người.

Đức Tổng Giám Mục Ghizzoni nói rằng Ủy ban như thế đã tạo nên những thiệt hại và không nên làm theo. “Điều chúng tôi quan tâm không phải là đóng đinh các linh mục vào cột hành hình nhưng là phòng ngừa những vụ lạm dụng”.

Hôm 17 tháng Mười Một vừa qua, Hội đồng Giám mục Ý đã cho công bố phúc trình về những vụ lạm dụng tính dục trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2021, theo đó có 89 nạn nhân, trong số này có 61 người ở lứa tuổi từ 10 đến 18 tuổi, và có 68 người bị coi là thủ phạm. Gần 40% tố giác những lối cư xử hoặc những lời nói không thích hợp, 25% tố những vụ sờ mó, 15% tố những vụ xách nhiễu tình dục, 10% tố những quan hệ tình dục, 5% tố sự khiêu dâm. Về các tác giả những hành động như thế, hơn một nửa ở lứa tuổi từ 40 đến 60, 44% là giáo sĩ, 33,8% là giáo dân, 22.1% là tu sĩ.

3. Các linh mục Ukraine tố cáo quân Nga cướp mộ của một vị Hoàng Tử

Ký giả Jerome Starkey của tờ The Sun có trụ sở ở London, đang làm việc tại Ukraine đã đi thăm Kherson. Ông có bài tường trình cho rằng lính Nga bệnh hoạn đã dí súng vào các linh mục để đánh cắp hài cốt của một vị Hoàng Tử được Chính Thống Giáo Ukraine cất giữ.

Họ đã lấy xương của Hoàng tử Grigory Potemkin vài ngày trước khi chạy trốn khỏi thành phố Kherson. Các đặc vụ Nga có vũ trang xông vào Nhà thờ Thánh Catherine và ra lệnh cho các linh mục trao ra quan tài chứa hài cốt cho họ.

Hoàng tử Potemkin là người Nga đã giúp chinh phục Crimea và một vùng rộng lớn của Ukraine vào cuối những năm 1700.

Tổng thống Vladimir Putin đã viện dẫn Hoàng tử Potemkin để biện minh cho cuộc chiến của mình như một nỗ lực để giành lại quá khứ huy hoàng của đất nước mình.

Linh mục Illia, 39 tuổi, nói với The Sun: “Chúng tôi không thể làm gì được.”

Ký giả Jerome được phép vào khu hầm mộ qua một cửa sập được bao quanh bởi những ngọn nến.

Các bậc thang dẫn xuống một căn phòng ấm áp, có mái vòm, nơi xương của Potemkin được giữ trong một chiếc túi nhỏ màu đen bên trong quan tài đặt trên bệ đá.

Cha Illia cáo buộc những kẻ trộm mộ “đánh cắp lịch sử”, đồng thời nói thêm: “Những người này muốn hồi sinh quá khứ”.
 
Cõng rắn vào Belarus: Putin hạ lệnh đầu độc Ngoại Trưởng Makei? Lukashenko đổi lính canh, đầu bếp
VietCatholic Media
16:49 30/11/2022


1. Không quân Ukraine tuyên bố: “Nếu có nhiều hỏa tiễn bay tới, phản ứng của chúng tôi sẽ còn lớn hơn nữa”

Quân đội Nga có thể cố gắng tăng số lượng hỏa tiễn trong đợt tấn công tiếp theo mà họ có thể phóng vào Ukraine, nhưng điều này có nghĩa là Lực lượng Phòng vệ sẽ đưa ra phản ứng cứng rắn hơn.

Điều này đã được phát biểu bởi phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân, Yuriy Ihnat, trên sóng truyền hình toàn quốc, trong khi trả lời câu hỏi liệu kẻ thù có thể cố gắng triển khai một số lượng hỏa tiễn thậm chí còn lớn hơn so với các cuộc tấn công trước đó hay không.

“Kẻ thù đang cố gắng tăng số lượng hỏa tiễn, tất nhiên, nhưng chúng tôi đã thấy có bao nhiêu hỏa tiễn trong số đó và hỏa tiễn nào có khả năng tấn công Ukraine. Đó là hỏa tiễn Kalibr, Kh-101 và Kh-555, là những hỏa tiễn mà Nga không có quá nhiều. Có bao nhiêu máy bay đã được triển khai bổ sung? Nếu chúng ta đang nói về 20 chiếc vào lúc này, thì mỗi chiếc máy bay có thể mang ít nhất 8 hỏa tiễn. Do đó, nếu bạn nhân lên, thì sẽ thấy rằng Nga vẫn có thể cố tạo ra một số cuộc tấn công như vừa rồi. Chúng tôi sẽ xem xét diễn biến: nếu nhiều hỏa tiễn bay tới, phản ứng của chúng tôi sẽ còn lớn hơn”.

2. Cõng rắn vào nhà, nhà độc tài ALEXANDER Lukashenko đang run rẩy

Hai ký giả Imogen BraddickWill Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Dictator Lukashenko ‘fears he’ll be next in Putin plot to absorb Belarus into Russia’ after colleague’s ‘poison’ death”, nghĩa là “Nhà độc tài Lukashenko 'lo sợ mình sẽ là người tiếp theo trong âm mưu của Putin để sáp nhập Belarus vào Nga' sau cái chết 'bằng thuốc độc' của đồng nghiệp”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Alexander Lukashenko được tường trình đang lo sợ rằng mình có thể bị đầu độc trong một âm mưu của Nga nhằm chiếm Belarus sau cái chết bí ẩn của đồng nghiệp.

Bộ trưởng Ngoại giao Vladimir Makei, 64 tuổi, đột ngột qua đời chỉ vài ngày trước cuộc gặp quan trọng với Ngoại trưởng Nga sau khi trước đó thề rằng quốc gia của ông sẽ không cho phép quân đội của Putin sử dụng nước này làm bàn đạp tấn công Ukraine.

Mạc Tư Khoa được cho là đã rất tức giận khi Lukashenko và Makei ngăn cản quân đội Belarus tham chiến tích cực ở Ukraine.

Và Makei đã được xác nhận đã chết vào tuần trước vài ngày trước khi ông gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Các báo cáo cho rằng ông chết vì đau tim - nhưng kẻ thù của Putin và doanh nhân lưu vong Leonid Nevzlin cáo buộc Makei “chết do bị đầu độc bằng độc dược được bào chế trong phòng thí nghiệm đặc biệt của cơ quan an ninh Nga, gọi tắt là FSB”.

Ông trích dẫn các nguồn “thân cận với các dịch vụ đặc biệt của Nga”.

Nevzlin cho biết giả thuyết về đầu độc được hỗ trợ bởi thực tế Makei không có vấn đề gì về sức khỏe, lối sống năng động và anh ấy đang có nhiều kế hoạch.

Nhưng Nevzlin cho biết cái chết của ngoại trưởng đã làm “rúng động” con rối của Putin là Lukashenko - người hiện đang lo sợ cho sự an toàn của chính mình.

Bạo chúa Lukashenko đã thay thế đầu bếp và người phục vụ của mình vì lo sợ âm mưu đầu độc từ Mạc Tư Khoa.

Nevzlin cho biết: “Cái chết của Makei, về cơ bản là người đàn ông quan trọng thứ hai của Belarus, đã gây ra sự hoảng loạn trong hàng lãnh đạo nước này.

“Nhưng nhà độc tài Lukashenko là người run sợ nhất. Anh ta đã ra lệnh thay thế đầu bếp, người phục vụ và lính canh của mình”.

“Các con của Lukashenko đã được tăng cường an ninh. Nhà độc tài không tin bất cứ ai.”

Anh ta sợ rằng đồng minh Putin của anh ta đang sắp xếp “một đám tang hoành tráng” cho anh ta.

Kênh Telegram General SVR cũng tuyên bố Makei bị ám sát.

Một bài đăng cho biết nó được “lên kế hoạch, chuẩn bị và thực hiện theo sáng kiến cá nhân của Tổng thống Nga, Vladimir Putin”.

Theo kênh này, nhân vật phụ trách an ninh của Putin là Nikolai Patrushev đã đóng vai trò là “người phụ trách” vụ giết người.

“Không ai thực sự che giấu sự thật rằng đây là vụ sát hại nhằm dằn mặt Lukashenko”

“Hành động này mang tính hăm doạ và nhằm phá vỡ các cuộc đàm phán riêng của Lukashenko với phương Tây và Trung Quốc.”

Pavel Latushka, 49 tuổi, cựu đại sứ Belarus tại Ba Lan, Tây Ban Nha và Pháp, cho biết Makei “biết chi tiết về cuộc đời của Lukashenko hơn bất kỳ ai khác ở đất nước chúng tôi”.

Bây giờ là một nhân vật đối lập lưu vong, Latushka nghi ngờ sự tham gia của KGB dưới áp lực từ Mạc Tư Khoa.

Ông nói: “Đây là trường hợp thứ tư trong lịch sử của Bộ Ngoại giao Belarus xảy ra những sự kiện tương tự.

“Makei đã lên kế hoạch đến Ba Lan để tham gia hội nghị thượng đỉnh của các bộ trưởng ngoại giao. Anh ấy đã không sống đến ngày đó chỉ diễn ra trong ba ngày tới - hoàn cảnh thật kỳ lạ.

Makei - người đã đảm nhiệm chức vụ của mình trong 10 năm - đã tham dự một hội nghị của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể - một liên minh quân sự của một số quốc gia hậu Xô Viết - vào tuần trước tại Yerevan.

Ông dự kiến gặp ông Lavrov vào thứ Hai.

Bộ trưởng ngoại giao đã đi đầu trong nỗ lực hâm nóng quan hệ với phương Tây trước khi xảy ra các cuộc biểu tình lớn vào năm 2020.

Lukashenko đã dập tắt một cuộc nổi dậy sau khi ông được cho là đã thua trong vòng bỏ phiếu đầu tiên - để sau đó tuyên bố chiến thắng với 81% phiếu bầu.

Đó là một động thái giúp ông giành được toàn bộ quyền lực trong các cuộc bầu cử bị nhiều người lên án là bị tàn phá bởi nạn tham nhũng.

Makei đột ngột thay đổi lập trường và nhanh chóng đưa ra một đường lối cứng rắn mới đối với phương Tây.

Và trước cuộc xâm lược của Putin, trong khi ông đổ lỗi cho phương Tây đã gây căng thẳng - ông thề sẽ không có cuộc tấn công nào vào Ukraine từ Belarus.

Chỉ vài ngày sau, quân đội của Putin tràn qua đất nước của ông và xâm chiếm miền bắc Ukraine.

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Ngày 1 tháng 12, 'Luật Gián điệp Nước ngoài' do Putin tung ra để bóp nghẹt các thành phần đối lập. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh có bài nhận định sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn các sửa đổi đối với 'Luật Gian điệp Nước ngoài' năm 2012, vốn được sử dụng rộng rãi để đàn áp những người chống đối chế độ. Các biện pháp mới dự kiến có hiệu lực vào ngày 01 tháng 12.

Luật 2012 định nghĩa “gián điệp nước ngoài” là cá nhân hoặc tổ chức nhận hỗ trợ tài chính từ nước ngoài. Các sửa đổi sẽ mở rộng định nghĩa để áp dụng cho những ai chỉ đơn thuần nằm dưới ‘ảnh hưởng hoặc áp lực’ nào đó của các tác nhân nước ngoài.

Bộ Tư pháp cũng sẽ có quyền công bố thông tin chi tiết cá nhân và địa chỉ của các 'gián điệp nước ngoài' bị cáo buộc, gần như chắc chắn khiến họ có nguy cơ bị quấy rối.

Các luật mới sẽ tiếp tục mở rộng các quyền lực đàn áp có sẵn cho nhà nước Nga. Xu hướng này tiếp tục diễn ra kể từ khi Putin trở lại làm tổng thống vào năm 2012, nhưng xu hướng này đã tăng tốc đáng kể kể từ cuộc xâm lược Ukraine.

Điện Cẩm Linh có khả năng hành động một cac1h phủ đầu để ngăn chặn sự bất đồng lớn hơn trong nước khi cuộc xung đột vẫn chưa được giải quyết và ngày càng tác động đến cuộc sống hàng ngày của người Nga.

4. Thủ tướng Đức cam kết cung cấp thêm xe tăng phòng không cho Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tham dự một cuộc họp báo sau cuộc họp của đại diện các tổ chức tài chính và kinh tế quốc tế tại Berlin hôm Thứ Ba, 29 tháng 11. Ông cam kết chuyển giao thêm xe tăng phòng không Gepard cho Ukraine.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để cung cấp hệ thống rất hiệu quả đó,” Scholz cho biết trong một cuộc họp báo chung với các tổ chức kinh tế và tài chính thế giới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói với Scholz trong một cuộc điện đàm hôm thứ Ba về các cuộc không kích của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự, nguồn cung cấp nước và điện. Thủ tướng Đức đã lên án vụ pháo kích đang diễn ra và bảo đảm với Ukraine sẽ nhanh chóng hỗ trợ thêm.

“Tổng thống Ukraine đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ rất toàn diện của Đức về tiền bạc cũng như về việc cung cấp vũ khí, bởi vì hệ thống pháo binh và phòng không mà chúng tôi cung cấp có tác động rất lớn đến khả năng bảo đảm toàn vẹn và chủ quyền của Ukraine,” Scholz nói với các nhà báo.

Cho đến nay, chính phủ Đức đã cung cấp hỗ trợ tài chính ngắn hạn để sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng với số tiền khoảng 58 triệu Mỹ Kim. Đức cũng đang cung cấp hơn 350 máy phát điện khi Ukraine bị mất điện do pháo kích của Nga.

Thủ tướng nhắc lại sự hỗ trợ liên tục của Đức đối với Ukraine, bao gồm cả phòng không và tái thiết lâu dài.

Scholz nói rằng việc Đức cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ba Lan là điều cần phải thể bàn cãi, sau khi các hỏa tiễn đi lạc tấn công nước này vào ngày 15 tháng 11.

5. Người đứng đầu NATO: Putin đang “thất bại” ở Ukraine khi cố gắng “dùng mùa đông làm vũ khí chiến tranh”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg có bài phát biểu khi ông đến dự ngày đầu tiên của cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại Bucharest, Rumania, vào ngày 29 tháng 11.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “thất bại ở Ukraine” giữa những thành công của Kyiv trên chiến trường.

Stoltenberg cho biết Putin đang “cố gắng sử dụng mùa đông như một vũ khí chiến tranh,” khi tung ra hàng loạt cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine đã khiến hàng triệu dân thường không có điện, nước và hệ thống sưởi trung tâm.

Trước cuộc họp của các ngoại trưởng NATO tại Bucharest, Romania, ông Stoltenberg cho biết các đồng minh NATO đã cung cấp máy phát điện để giúp Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng bị sụp đổ.

Ông nói thêm rằng ông mong đợi thông điệp từ các ngoại trưởng là các đồng minh “cần phải làm nhiều hơn nữa”, bao gồm cả việc cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống phòng không và đạn dược hơn.

Khi được hỏi liệu có thể có các cuộc tấn công tiếp theo từ Nga hay không, ông Stoltenberg cho biết có thể sẽ có nhiều cuộc tấn công hơn nữa vào thường dân và các cơ sở hạ tần dân sự bởi vì: “Nga đang thất bại trên chiến trường”.

Ông nói thêm, thành công của Ukraine trong việc đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ xung quanh Kyiv và Kharkiv, cũng như giải phóng thành phố Kherson, là “một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của người Nga”.

Ông Stoltenberg cho biết Nga đang cạn kiệt đạn dược, bằng chứng là nước này đã tiếp cận với Iran để có thêm vũ khí.

Ông cảnh báo: “Iran cũng như các quốc gia khác không được cung cấp hỏa tiễn, máy bay không người lái hay bất cứ thứ gì khác cho Nga.”

Khi được hỏi về khả năng Ukraine gia nhập NATO, ông Stoltenberg cho biết ông dự đoán cuộc họp của các ngoại trưởng sẽ “nhắc lại rằng cánh cửa của NATO đang rộng mở”.

6. Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết Nga và Mỹ không đối thoại về Ukraine

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga và Mỹ không tổ chức đối thoại về Ukraine vì điều mà ông gọi là “các đường lối khác nhau”, theo hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti.

“Tôi không biết có bất kỳ kênh giảm leo thang nào liên quan đến những gì đang xảy ra ở Ukraine. Tôi hoàn toàn không biết. Chúng tôi không có đối thoại với Hoa Kỳ về chủ đề Ukraine, bởi vì đường lối của chúng tôi hoàn toàn khác nhau”, ông Ryabkov nói theo thông tấn xã TASS.

“Chúng tôi có trao đổi tín hiệu định kỳ về cách Washington và Mạc Tư Khoa nhìn nhận một số hành động nhất định của Washington, nhưng các bạn hiểu rằng sự khác biệt trong đường lối và sự không thống nhất trong lập luận không dẫn đến sự phát triển của cuộc đối thoại này. Chúng tôi gửi tín hiệu tới người Mỹ, rằng xu hướng leo thang và tham gia ngày càng sâu hơn của họ vào cuộc xung đột này sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc, những rủi ro đang gia tăng”, ông nói thêm.

Ryabkov cũng nói rằng có “cơ hội” để nối lại đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ, nhưng chỉ khi Washington nhận ra rằng “không nên áp đặt một số quan điểm nhất định từ một phía”.

Theo ông Ryabkov, tình hình ở Ukraine không ảnh hưởng đến đường lối của Nga về răn đe hạt nhân, bất chấp “những đồn đoán liên tục” từ Mỹ “về” lời lẽ hạt nhân vô trách nhiệm của Nga.”

7. Pháp gửi 100 máy phát điện tới Ukraine sau các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng

Pháp đã gửi 100 máy phát điện tới Rumani để vận chuyển tiếp tới Ukraine, Bà Catherine Colonna, Bộ Trưởng Ngoại Giao và Âu Châu sự vụ cho biết như trên.

100 chiếc sẽ được bàn giao cho Ukraine “rất sớm”. Liên minh Âu Châu đã gửi 500 máy phát điện đến Ukraine, từ 17 quốc gia Liên Hiệp Âu Châu, Cơ quan Bảo vệ Dân sự & Viện trợ Nhân đạo của Liên Hiệp Âu Châu — chi nhánh nhân đạo của khối cho biết như trên. Có các máy phát điện nhỏ phù hợp để vận hành các hộ gia đình và có cả những chiếc mạnh hơn nhiều với công suất cao hơn để dùng cho các bệnh viện.

Lô hàng của Pháp là một phần của 500 đơn vị này, Bộ Ngoại Giao Pháp đã xác nhận với CNN và cho biết 85 máy phát điện tương tự cũng đã được Pháp gửi tới Ukraine và Moldova.

“Do nhu cầu năng lượng to lớn ở Ukraine, họ cần nhiều thiết bị hơn nữa,”Bà Catherine Colonna nói.

Hàng triệu người Ukraine đã bị giảm khả năng tiếp cận với nhiệt và điện trong mùa đông này, sau một loạt các cuộc tấn công gần đây của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng.

8. Địa Phương Quân Ukraine đang làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Nga ở Zaporizhzhia. Phải chăng họ đang chuẩn bị cho một cuộc phản công?

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Territorials Are Wearing Down Russian Defenses In Zaporizhzhia. Are They Preparing For A Counteroffensive?”, nghĩa là “Địa Phương Quân Ukraine đang làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Nga ở Zaporizhzhia. Phải chăng họ đang chuẩn bị cho một cuộc phản công?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một số video lan truyền trực tuyến mô tả những gì đang diễn ra trong một lữ đoàn Địa Phương Quân của quân đội Ukraine không phải là bằng chứng rõ ràng về một cuộc tấn công sắp tới của Ukraine ở miền trung nam Ukraine. Một cuộc phản công có thể cắt đôi lực lượng Nga ở Ukraine trước khi rẽ phải để cuốn phăng hàng nghìn quân Nga bất hạnh đang bám vào tả ngạn sông Dnipro ở phía nam thành phố Kherson mới được giải phóng.

Hơn nữa, những video đó cũng không phải là dấu hiệu của một cuộc phản công có thể xảy ra. Lữ đoàn Địa Phương Quân 110 dường như hoạt động tích cực và mạnh mẽ bất thường dọc theo khu vực trách nhiệm Zaporizhzhia của mình. Họ thả những quả bom nhỏ từ máy bay không người lái kiểu bốn cánh quạt, báo cáo các vị trí của Nga cho các đơn vị súng cối và pháo binh, theo dõi và tấn công quân Nga, khi có cơ hội.

Lữ đoàn Địa Phương Quân 110 là một trong ít nhất 31 lữ đoàn Địa Phương Quân, cùng với một số tiểu đoàn Địa Phương Quân độc lập, bao gồm lực lượng vệ binh quốc gia của Ukraine.

Khoảng 30 lữ đoàn cơ động của lục quân và hải quân—các đội hình tấn công xe tăng, cơ giới, hải quân và không quân—dẫn đầu các cuộc tấn công lớn và đáp trả các cuộc đột phá của Nga. Họ có hỏa lực mạnh nhất, cơ động nhất, nhiều lực lượng hỗ trợ nhất như trinh sát, công binh, pháo binh và phòng không.

Ngược lại, các lực lượng Địa Phương Quân được trang bị đơn giản hơn và thường được huấn luyện kém hơn. Họ hỗ trợ cho các lữ đoàn cơ động, đồn trú các thị trấn mà lực lượng cơ động đã giải phóng và cũng giữ các vị trí phòng thủ dọc theo các đoạn yên tĩnh hơn của mặt trận. Có rất nhiều, rất nhiều trường hợp ngoại lệ đối với quy tắc này, nhưng nói chung, các lữ đoàn Địa Phương Quân không thực hiện nhiều cuộc chiến cam go nhất.

Khi họ tấn công, thường là vì họ đang chạy đua về phía trước để thiết lập lại quyền kiểm soát của Ukraine ở những khu vực mà người Nga đang rút lui. Các vùng lãnh thổ xung quanh thành phố tự do Kharkiv ở đông bắc Ukraine đã có một cuộc tấn công cường độ cao vào tháng 9 khi một nhóm các lữ đoàn cơ giới Ukraine xâm nhập vào phòng tuyến của Nga ở khu vực xung quanh và gây ra sự sụp đổ của Nga trên toàn khu vực. Ngay sau đó lực lượng Địa Phương Quân Ukraine đã tiến hàng dặm mỗi ngày phía sau những người Nga đang chạy trốn.

Nhưng có một lý do khác khiến một lữ đoàn Địa Phương Quân với khoảng vài nghìn binh sĩ có thể ghi nhận một bước tiến lớn trong hoạt động. Nếu quân đội Ukraine đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn dọc theo một khu vực nhất định, họ có thể giao nhiệm vụ cho các Địa Phương Quân ở địa phương chuẩn bị chiến trường.

Các nhà phân tích dự đoán một cuộc phản công có thể xảy ra của Ukraine ở Zaporizhzhia. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Lữ đoàn Địa Phương Quân 110 đang tấn công các tiểu đoàn Nga trong khu vực. Có sự gia tăng đáng chú ý về số lượng ảnh và video từ Lữ Đoàn 110 bắt đầu từ tháng 8, cùng thời điểm các cuộc phản công kép của Ukraine xung quanh Kharkiv và Kherson chuẩn bị bắt đầu.

Các quân nhân Địa Phương Quân đã bay các máy bay không người lái bốn cánh quạt của họ dọc theo mặt trận, phát hiện ra các phương tiện bọc thép của Nga và báo cho các lực lượng hỏa lực súng cối và pháo binh. Họ cũng chiếm được một số phương tiện còn nguyên vẹn ở những vị trí mà quân Nga đã bỏ lại. Các đội phản công từ Lữ Đoàn 110 đã hạ gục ít nhất một vài máy bay không người lái Orlan của Nga, có thể bằng cách gây nhiễu tín hiệu điều khiển của chúng.

Vào tháng 9, ít nhất một tiểu đoàn của Lữ Đoàn 110 rõ ràng đã tham gia lực lượng cơ động phản công về phía Kherson, và được cho là đã mất một số xe bọc thép: một chiếc YPR-765 cũ của Hà Lan, một chiếc Husky cũ của Anh và một chiếc M-80 cũ của Slovenia.

Đến tháng 10, Lữ Đoàn 110 lại hoạt động ở mặt trận Zaporizhzhia. Lực lượng phòng không của Lữ đoàn được cho là đã bắn hạ một trực thăng tấn công Ka-52 của Nga. Pháo binh của lữ đoàn 110 bắn dồn dập vào khu vực tập kết của quân Nga xung quanh một nhà kho. Và trong tháng này, các máy bay không người lái bốn cánh quạt của lữ đoàn đã thả bom để hạ gục một xe tăng T-80 của Nga và một số xe chiến đấu BTR.

Chiến thắng lớn nhất của lữ đoàn diễn ra vào ngày thứ Ba vừa qua, khi các xạ thủ của lữ đoán được máy bay không người lái bốn cánh quạt dẫn đường đã phá hủy hai khẩu trọng pháo 2S4 của Nga. 2S4 240 ly là một trong những loại pháo mạnh nhất trong kho vũ khí của Nga.

Điều đáng chú ý là tiêu diệt các hệ thống pháo hạng nặng của đối phương là điều kiện tiên quyết để một cuộc tấn công thành công.
 
Gay go: Nga đưa công hàm phản đối nhận xét của ĐTC, bắt giữ hai linh mục để gây sức ép với Tòa Thánh
VietCatholic Media
16:55 30/11/2022


1. Hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế bị quân Nga bắt

Hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế tại miền Donetsk, mạn đông Ukraine đã bị quân Nga bắt giam và cáo buộc về tội có những hành động khuynh đảo chống lại các lực lượng Nga chiếm đóng miền này.

Đó là cha Ivan Levystky và Bohdan Geleta, cha sở và cha phó giáo xứ Sinh Nhật Đức Mẹ ở Mariupol, bên bờ biển Azov. Quân Nga bắt hai linh mục và nói rằng hai cha có võ khí đạn dược và những sách về lịch sử Ukraine.

Tòa giám mục giáo phận Donetsk thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương mau lẹ phủ nhận những lời buộc tội này. Trong thông cáo, Đức Cha Maksim Ryabukha, Giám Mục Phụ Tá giáo phận sở tại, kêu gọi trả tự do ngay cho hai linh mục và gọi hành động bắt giam hai vị là một sự phủ nhận hoàn toàn các nhân quyền căn bản của con người; hai linh mục thi hành sứ vụ hoàn toàn hợp pháp từ ba năm nay. “Hai vị bị bắt, rồi nhà dòng và nhà thờ của các vị bị khám xét, sau đó để biện minh, quân Nga bịa ra chuyện các sách lịch sử và các võ khí giấu ở dưới hầm”.

Đức Cha Maksim cũng nói rằng: “Trong chiến tranh kinh khủng hiện nay, hai linh mục vẫn luôn giúp đỡ dân chúng, bày tỏ mối quan tâm hiền phụ và từ mẫu của Giáo hội đối với mọi tín hữu ở trong tình trạng bị chiếm đóng thê thảm này do quân Nga trên lãnh thổ Ukraine”.

Giáo xứ Sinh Nhật Đức Mẹ từ nay bị đóng cửa đối với các tín hữu, vì thế việc tụ họpcác tín hữu trở nên khó khăn tại Berdyansk. Đức Cha Maksim kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho hai linh mục.

Ngoài ra, trong những ngày qua, một linh mục khác đã bị quân Nga bắt tới Melitopol và trả tự do vài giờ sau đó ở Zaporizhzhia.

2. Đức Thánh Cha giải thích tại sao không truyền chức thánh cho phụ nữ

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ban biên tập Tạp chí “America” của dòng Tên ở Mỹ, phổ biến hôm 28 tháng Mười Một vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích tại sao không truyền chức thánh cho phụ nữ.

Trả lời câu hỏi của ký giả: “Ngài nói gì với một phụ nữ đang phục vụ trong đời sống Giáo hội, nhưng họ cảm thấy được kêu gọi trở thành linh mục?”, Đức Thánh Cha đáp:

“Đây là một vấn đề có bản chất thần học. Tôi nghĩ rằng chúng ta cắt xén yếu tính của Giáo hội, nếu chúng ta chỉ xét con đường chiều kích thừa tác vụ trong đời sống Giáo hội. Con đường không phải chỉ có chiều kích thừa tác vụ thánh chức. Giáo hội là phụ nữ. Giáo hội là một hiền thê. Chúng ta đã không khai triển một nền thần học phụ nữ suy tư về điều đó. Chúng ta có thể nói chiều kích thừa tác vụ là chiều kích của Giáo hội Phêrô. Nguyên lý Phêrô là nguyên lý thừa tác vụ. Nhưng có một nguyên lý khác còn quan trọng hơn nữa mà chúng ta không nói, và đó là nguyên lý Maria là nguyên lý nữ trong Giáo hội, phụ nữ trong Giáo hội, trong đó Giáo hội thấy mình được phản ảnh vì là phụ nữ và là hiền thê. Một Giáo hội chỉ có nguyên lý Phêrô sẽ là một Giáo hội mà người ta thu hẹp vào chiều kích thừa tác vụ, và không có gì hơn nữa. Trái lại, Giáo hội rộng lớn hơn là một thừa tác vụ. Giáo hội là hiền thê, vì thế phẩm giá phụ nữ được phản ánh trong con đường này. Và có một con đường thứ ba là con đường hành chánh, con đường Giáo hội. Chúng ta có thể nói là có đặc tính Maria, không phải là con đường thần học, nhưng là một hành chánh bình thường. Trong lãnh vực này, tôi nghĩ chúng ta phải dành chỗ nhiều hơn cho phụ nữ”.

Chính với xác tín trên đây, Đức Thánh Cha đang bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào các vị trí quản trị hành chánh của Giáo hội, như trong Hội đồng Kinh tế của Tòa Thánh...

3. Nga phản đối bình luận của Đức Giáo Hoàng khi Vatican tìm cách hòa giải

Nga đã chính thức gửi công hàm phản đối tới Vatican về những lời lên án mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các hành động tàn bạo ở Ukraine, trong đó Đức Giáo Hoàng đổ lỗi phần lớn sự tàn ác cho người Chechnya và các nhóm thiểu số khác trong một nỗ lực rõ ràng là để giải thoát cho quân đội sắc tộc Nga khỏi bị chỉ trích.

Đại sứ của Điện Cẩm Linh tại Tòa thánh, Alexander Avdeev, nói với cơ quan RIA Novosti rằng ông đã gặp một quan chức Vatican hôm thứ Hai để bày tỏ “sự phẫn nộ” của mình về những bình luận của Đức Phanxicô, được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Dòng Tên America được xuất bản hôm thứ Hai.

Trong các bình luận của mình, Đức Phanxicô bảo vệ sự miễn cưỡng thường thấy của ngài không muốn gọi đích danh Tổng thống Vladimir Putin, nhưng nói rằng rõ ràng Ukraine là nạn nhân “tử vì đạo” trong cuộc chiến. Ngài cũng nói rằng, trong khi chính nhà nước Nga xâm lược Ukraine, “Nói chung, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người thuộc Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryats, v.v.”.

Sự phân biệt rõ ràng của Đức Giáo Hoàng giữa một bên là người Chechnya phần lớn theo đạo Hồi và người Buryat theo đạo Phật, và bên kia là những chiến binh sắc tộc Nga, đã khiến Mạc Tư Khoa khó chịu, là một điều khá bất ngờ đối với các quan sát viên.

“Tôi bày tỏ sự phẫn nộ trước những lời bóng gió như vậy và lưu ý rằng không gì có thể lay chuyển được sự gắn kết và thống nhất của người dân Nga đa quốc gia,” Avdeev nói theo báo cáo của RIA Novosti.

Trong suốt cuộc chiến kéo dài 9 tháng, Đức Phanxicô đã cố gắng tránh chỉ trích trực tiếp Mạc Tư Khoa vì sợ gây phản cảm với Giáo hội Chính thống Nga, vốn đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược của Putin trên cơ sở tôn giáo. Đức Phanxicô trước đây đã đổ lỗi cho “lính đánh thuê” vì những hành động tàn bạo đã xảy ra ở Ukraine, khiến chính phủ Kyiv chỉ trích.

Trong các bình luận mới, Đức Phanxicô rõ ràng đang cố vạch ra một ranh giới giữa những người theo “truyền thống Nga” và những người Chechnya và Buryat bị cho là tàn bạo hơn, trong khi thực tế quân đội Nga đã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh bất kể sắc tộc của họ. Khó khăn trong quan điểm của Đức Thánh Cha là không có số liệu thống kê nào ủng hộ luận điểm cho rằng người Chechnya và người Buryats tàn bạo hơn người Nga. Nói chung, trong bất cứ sắc dân nào cũng đều có người tốt kẻ xấu. Quy chụp tính chất tàn bạo cho cả một sắc dân là điều khó thuyết phục. Trong thực tế, nhiều người Hồi Giáo Chechnya, và nhiều Phật tử Buryat bị bắt lính trái với ý muốn của họ. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa trong trường hợp người Chechnya. Dân tộc này đã từng chiến đấu chống lại Nga trong 2 cuộc chiến. Ramzan Kadyrov được sự ủng hộ của Putin, được người Chechnya coi là tên phản bội quê hương. Người Chechnya hiện nay có mặt trên chiến trường Ukraine ở cả hai phía.

Mặc dù không hoàn toàn rõ ràng ý nghĩa của Đức Phanxicô đối với những người theo “truyền thống Nga”, nhưng nó có thể ám chỉ nguồn gốc Kitô giáo Chính thống của người Nga chiếm khoảng 68% dân số.

Báo cáo của RIA cũng trích dẫn lãnh đạo khu vực Buryatia, Alexey Tsydenov, mô tả nhận xét của Đức Thánh Cha “ít nhất là kỳ lạ”. Buryatia, một nước cộng hòa ở Siberia tạo thành một phần của Nga, là quê hương của người Mông Cổ Buryat bản địa, những người được báo cáo là mục tiêu không cân xứng trong các nỗ lực động viên của Mạc Tư Khoa cùng với các nhóm thiểu số khác.

Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo được Cẩm Linh hậu thuẫn của Chechnya chủ yếu theo đạo Hồi, là một trong những người ủng hộ thẳng thắn nhất cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa, mặc dù các chiến binh từ nước cộng hòa miền nam Nga đã tham gia cả hai bên trong cuộc chiến. Ví dụ, các tình nguyện viên ủng hộ Kyiv đã đặt tên cho nhóm của họ theo tên của một nhà lãnh đạo quá cố, người đã lãnh đạo Chechnya giành độc lập khỏi Mạc Tư Khoa.

Vụ ồn áo mới nhất về những bình luận của Đức Phanxicô diễn ra khi Tòa thánh cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột. Đức Phanxicô và bộ ngoại giao Vatican đã nhiều lần đưa ra đề nghị cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng không có kết quả.

Khi được hỏi hôm thứ Hai về đề nghị mới nhất, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Mạc Tư Khoa đánh giá cao cử chỉ này nhưng ông lưu ý rằng Ukraine đã từ chối tổ chức đàm phán.

Vatican có truyền thống không đứng về bên nào trong các cuộc xung đột, tin rằng họ có thể là một nhà hòa giải hiệu quả hơn bằng chính sách ngoại giao hậu trường. Và Đức Phanxicô đã cố gắng cân bằng các phát biểu của mình, bày tỏ tình đoàn kết với những người dân Ukraine “tử vì đạo” trong khi dường như cũng thừa nhận những lời phàn nàn của Điện Cẩm Linh về việc NATO “sủa trước cổng” bằng cách mở rộng về phía đông.

Một ngày sau cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Nga, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một cử chỉ rất công khai bằng cách đến đại sứ quán Nga tại Tòa thánh để đích thân kêu gọi hòa bình.
Source:AP
 
Công an TQ tấn công các nhà báo phương Tây tường thuật cuộc biểu tình đòi lật đổ Tập Cận Bình
VietCatholic Media
22:02 30/11/2022


1. Các nhà báo phương Tây đưa tin về các cuộc biểu tình ở Trung Quốc 'bị đánh đập' và 'đe dọa'

Một loạt các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa do COVID-19 đã bắt đầu ở Trung Quốc đại lục vào tháng 11 vừa qua. Các cuộc biểu tình bộc phát nhằm đáp trả các biện pháp mà bọn cầm quyền Trung Quốc thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại quốc gia này, bao gồm cả việc thực hiện chính sách Zero-COVID. Chính sách Zero-COVID có nghĩa là tận diệt hoàn toàn mọi trường hợp lây nhiễm coronavirus. Nghe có vẻ hay, nhưng để thực hiện chính sách này, bọn cầm quyền phong tỏa cả một khu vực rộng lớn, gây trở ngại công ăn việc làm, các hoạt động bình thường của công dân trong một thời gian rất dài. Tại Tân Cương chẳng hạn, nhiều khu vực bị phong tỏa hàng ba tháng trời. Sự bất mãn đối với chính sách này càng ngày càng gia tăng khi nhiều người phải ở nhà không có việc làm và một số người thậm chí không thể mua hoặc nhận các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Các cuộc biểu tình quy mô nhỏ bắt đầu vào đầu tháng 11, đã dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự lan rộng sau vụ hỏa hoạn chết người ở Ô Lỗ Mộc Tề hôm 24 tháng 11 khiến 10 người thiệt mạng. Những người biểu tình cho rằng đó là hậu quả của 3 tháng phong tỏa ở Tân Cương. Họ yêu cầu bọn cầm quyền chấm dứt chính sách Zero-COVID với các lệnh phong tỏa kéo dài, và một số người đã mở rộng cuộc biểu tình của họ khi kêu gọi Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc phải từ chức.

Trong cố gắng che đậy việc đưa tin về biến cố rất hiếm khi xảy ra này, công an Trung Quốc đã đánh đập các phóng viên báo chí nước ngoài đang làm công việc của họ. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Western Journalists Covering China Protests 'Beaten' and 'Intimidated'“, nghĩa là “Các nhà báo phương Tây đưa tin về các cuộc biểu tình ở Trung Quốc 'bị đánh đập' và ‘đe dọa’”

Cảnh sát Trung Quốc đã bị cáo buộc hành hung và đe dọa các nhà báo phương Tây đưa tin về các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng ở đất nước này khi các cuộc biểu tình tiếp diễn.

BBC cho biết họ “cực kỳ quan ngại” về cách đối xử của công an Trung Quốc đối với nhà quay phim Ed Lawrence, người đã “bị bắt và còng tay” trong khi đưa tin về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải, nổ ra nhằm phản đối các biện pháp kiểm soát đại dịch gắt gao của Trung Quốc.

“Anh ấy bị giữ vài giờ trước khi được thả. Trong khi bị bắt, anh ta đã bị cảnh sát đánh và đá. Điều này xảy ra khi anh ấy đang làm việc với tư cách là một nhà báo được công nhận,” đài truyền hình quốc gia của Vương Quốc Anh cho biết. “Thật đáng lo ngại khi một trong những nhà báo của chúng tôi bị tấn công theo cách này khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình.”

“Chúng tôi không nhận được lời giải thích hay lời xin lỗi chính thức nào từ nhà cầm quyền Trung Quốc, ngoài tuyên bố của các quan chức sau đó đã thả anh ấy rằng họ đã bắt giữ anh ấy vì lợi ích của chính anh ấy vì lo ngại anh ấy nhiễm COVID từ đám đông,” tuyên bố cho biết. “Chúng tôi không coi đây là một lời giải thích đáng tin cậy.”

Lawrence, người làm việc cho văn phòng Trung Quốc của BBC, cho biết trong một tweet rằng anh ấy đã bị giam giữ “khi đang làm công việc của mình.” Anh cho biết ít nhất một công dân Trung Quốc đã bị bắt khi cố gắng ngăn chặn vụ bắt giữ.

Cảnh sát Thượng Hải không thể đưa ra bình luận, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Lawrence đã bị bắt vì không xác định mình là thành viên báo chí. Đoạn phim về vụ việc cho thấy Lawrence nói với một đồng nghiệp: “Gọi cho lãnh sự quán ngay bây giờ.”

Lawrence là một trong ít nhất hai nhà báo phương Tây được báo cáo đã bị cảnh sát Trung Quốc cản trở. Michael Peuker của đài truyền hình Thụy Sĩ RTS đã tweet trước đó vào hôm Chúa Nhật rằng các viên chức ở Thượng Hải đã làm gián đoạn anh ấy và các đồng nghiệp của anh ấy trong một cuộc giao lưu trực tiếp tới trường quay.

Ông nói: “Cản trở, đe dọa, và quấy rối” hiện là những trải nghiệm phổ biến của báo chí quốc tế ở Trung Quốc.

Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Trung Quốc, gọi tắt là FCCC, cho biết họ “vô cùng băn khoăn trước cách đối xử đối với các nhà báo đưa tin về các cuộc biểu tình gần đây ở Thượng Hải và Bắc Kinh.”

“Các nhà báo từ nhiều cơ quan đã bị cảnh sát tấn công thể lý trong khi đưa tin về tình trạng bất ổn, và ít nhất hai nhà báo đã bị giam giữ. Trong một sự việc đặc biệt đáng báo động, một nhà báo người Anh được nhìn thấy bị nhiều viên chức cộng sản vật ngã xuống đất trước khi bị dẫn đi”

“Theo luật pháp Trung Quốc, các nhà báo nước ngoài có quyền tự do tiếp cận để đưa tin tại Trung Quốc. Trong những trường hợp như thế, họ đã tường trình từ các đường phố của chính thành phố mà họ là cư dân,” câu lạc bộ cho biết. “FCCC rất thất vọng và bất mãn trước những rào cản ngày càng tăng đối với các nhà báo nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc và sự gây hấn của cảnh sát đối với họ.”

Các cuộc biểu tình ôn hòa đã nổ ra trên khắp các thành phố lớn của Trung Quốc từ thứ Sáu sau vụ cháy chung cư ở Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ của khu vực Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, khiến 10 cư dân thiệt mạng. Các hạn chế COVID quá mức bao gồm cả cửa bị khóa và công an đóng những cây cọc không cho dân chúng ra khỏi chung cư được cho là đã góp phần gây ra thảm kịch.

Công chúng thất vọng trước các chính sách quá đáng của bọn cầm quyền đã sử dụng các cuộc biểu tình để đòi hỏi nhiều quyền tự do dân sự hơn, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận. Những người khác kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức. Ông ta là người đã giám sát một cuộc đàn áp kéo dài hàng thập kỷ đối với những người bất đồng chính kiến.

Các cuộc biểu tình cũng lan ra bên ngoài Trung Quốc vào cuối tuần qua. Ví dụ, tại London, cộng đồng người Hoa hải ngoại đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc để đưa ra những yêu cầu tương tự vào cuối ngày Chúa Nhật.

Tại Trung Quốc, những cư dân dẫn đầu cuộc biểu tình mang theo áp phích và điện thoại chụp ảnh của họ đã giải tán, nhưng nhiều người có thể quay lại nếu yêu cầu của họ về chính sách Zero-COVID của nhà cầm quyền không được giải quyết.

Hôm thứ Hai vừa qua, khi quay trở lại đường Ô Lỗ Mộc Tề của Thượng Hải, con đường được đặt tên theo tên thủ phủ của Tân Cương, nơi những người biểu tình đã tập trung vào ngày hôm trước, phóng viên Lawrence của BBC nhận thấy các chướng ngại vật được dựng lên trên vỉa hè để ngăn chặn các cuộc biểu tình tiếp theo. Những người phản đối đã bị nhanh chóng bắt đi.

Một sự hiện diện dày đặc của cảnh sát đã giáng xuống thành phố 25 triệu dân này, Lawrence viết trên Twitter rằng những người chụp ảnh địa điểm này buộc phải xóa chúng dưới sự giám sát của cảnh sát.

2. Trung Quốc chống lại 'Tự do' ở Hoa Kỳ khi cuộc đàn áp các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China Rails Against U.S. 'Freedom' as Protest Crackdown Continues”, nghĩa là “Trung Quốc chống lại 'Tự do' ở Hoa Kỳ khi cuộc đàn áp các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra.”

Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Ba đã đưa ra một thông điệp tấn công “tự do” ở Hoa Kỳ trong bối cảnh thế giới đang theo sát diễn biến các cuộc biểu tình của người dân ở Trung Quốc.

Trong tuần qua, Trung Quốc đã chứng kiến một làn sóng phản đối dữ dội từ người dân, một điều hiếm thấy ở một nhà nước độc tài nổi tiếng với việc kiểm soát chặt chẽ tự do ngôn luận. Các cuộc biểu tình được thúc đẩy bởi sự phản đối các chính sách nghiêm ngặt được gọi là Zero-COVID của nhà cầm quyền, vốn hạn chế rất nhiều việc di chuyển của công dân ở những khu vực có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút và được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của 10 người trong một vụ cháy chung cư do các dịch vụ khẩn cấp không thể thực hiện được nhiệm vụ của họ trong một thời gian quá dài khiến họ thể cứu được các nạn nhân.

Mặc dù các cuộc biểu tình bắt đầu với việc phản đối các giao thức COVID, nhưng kể từ đó, các cuộc biểu tình đã phát triển hơn nữa và bao gồm cả những bất bình rộng lớn hơn nhiều đối với bọn cầm quyền. Những người biểu tình ở một số khu vực kêu gọi những quyền căn bản như tự do ngôn luận và báo chí.

Người biểu tình ở Hương Cảng thể hiện tình đoàn kết với người biểu tình ở đại lục, giơ cao những tờ giấy trắng thể hiện lời kêu gọi tự do ngôn luận và tự do báo chí. Trong bối cảnh đó, phát ngôn nhân của bọn cầm quyền Trung Quốc hôm thứ Ba đã công kích Mỹ sau khi Tòa Bạch Ốc lên tiếng ủng hộ những người biểu tình.

Những người khác đã đi xa đến mức kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc hiện tại từ chức ngay lập tức. Trước phong trào ngày càng tăng, Tòa Bạch Ốc cho biết họ ủng hộ quyền hội họp và biểu tình của công dân Trung Quốc, mặc dù không bình luận về lời kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải từ chức.

Dường như để đáp lại sự ủng hộ của Tòa Bạch Ốc đối với những người biểu tình, Hoa Xuân Oánh, trợ lý bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và là phát ngôn nhân chính thức của nhà cầm quyền Trung Quốc, đã đăng một dòng tweet vào thứ Ba chỉ trích Hoa Kỳ và tuyên bố rằng các chính sách của Bắc Kinh chỉ đơn giản là cố gắng giữ an toàn cho người dân. Trong quá khứ, Trung Quốc thường nhấn mạnh các vấn đề của Mỹ để đáp lại những lời chỉ trích về những thất bại được cho là của nước này.

“Cái giá của 'tự do' ở Mỹ là 1 triệu người chết vì Covid cộng với 40,000 người chết vì súng mỗi năm cộng với 107,622 người chết vì Fentanyl chỉ riêng trong năm 2021,” Bà Hoa Xuân Oánh viết trên Twitter. Anh Chi xin mở ngoặc để giải thích thêm Fentanyl là thuốc giảm đau dùng sau khi phẫu thuật. Con số 107,622 người chết vì Fentanyl ở Mỹ trong năm 2021 không có thống kê nào được dẫn chứng.

“Người dân Mỹ xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn thế. Điều chúng tôi muốn là bảo vệ cuộc sống của người dân và bảo đảm cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Hôm Chúa Nhật, Vương Đan, một người ủng hộ dân chủ Trung Quốc và là cựu lãnh đạo của các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, đã viết trong một bài đăng trên Facebook rằng một phản ứng bạo lực đối với làn sóng phản đối này có thể dẫn đến sự kết thúc của cả Đảng Cộng sản Trung Quốc lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình. Bị trục xuất khỏi Trung Quốc vì hoạt động tích cực cho dân chủ, anh Vương Đan đang sống ở Mỹ

“Tôi đã nói sớm rằng 'ngày 4 tháng 6' chỉ xảy ra một lần,” Vương Đan viết. “Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc dám huy động quân đội để nổ súng một lần nữa, Đảng Cộng sản Trung Quốc chắc chắn sẽ bị lật đổ… Nếu 33 năm sau Đảng Cộng sản Trung Quốc lặp lại thảm kịch Thiên An Môn với nhiều máu đổ hơn, nó có thể dẫn đến phản tác dụng lớn hơn trước.”

Vương Đan trước đây đã nói với Newsweek rằng tình trạng hỗn loạn kinh tế hiện tại của Trung Quốc là sự khác biệt giữa hiện tại và năm 1989, khi bọn cầm quyền sử dụng bạo lực để đàn áp các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn. Anh giải thích rằng hồi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã bùng nổ sau các cuộc biểu tình, giúp nhà cầm quyền biện minh cho hành động đó.