Ngày 03-12-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xin Vâng
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:36 03/12/2011
CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG, năm B
Lc 1, 26-38

Chúa nhật IV Mùa Vọng luôn được coi như Chúa nhật của Đức Mẹ. Quả thực, Mẹ Maria giữ một vai trò rất lớn lao, rất quan trọng trong lịch sử cứu rỗi, đến nỗi, nếu giả thiết không có Đức Mẹ, chắc chắn nhân loại đã khác. Do đó, Mẹ Maria được phụng vụ giới thiệu là nguồn ơn thiêng vô tận của Thiên Chúa. Mẹ là mạch suối không bao giờ cạn của Thiên Chúa.

Mùa Vọng đặc biệt trong tuần cuối cùng trước khi mừng đại lễ Giáng Sinh. Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm Mẹ và học hỏi nơi Mẹ lời xin vâng tuyệt đối luôn làm theo ý Thiên Chúa. Mầu nhiệm Nhập Thể giúp nhân loại, giúp mỗi người chúng ta chìm sâu trong lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa. Bởi vì, Thiên Chúa không muốn cho Con của Ngài đến trần gian này một cách khác lạ, một cách phi thường, nhưng Ngài đã chọn cho con của Ngài cách thế thông thường để sinh ra. Chúa Giêsu cũng có một người Mẹ như mọi người. Vâng, sau tiếng xin vâng, Ngôi Lời đã ngự trong cung lòng đức trinh nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần.Sự huyền nhiệm nhất đó là Ngôi Lời đã làm người. Đức Giêsu đã được sinh ra nơi hang đá Bêlem do cung lòng trinh khiết của Mẹ Maria. Ngài là người, mãi mãi là người, cư ngụ giữa loài người, Ngài đã sống kiếp sống loài người như mỗi người chúng ta chỉ trừ tội lỗi.

Con Thiên Chúa làm người để cho nhân loại hiểu được giá trị của vũ trụ, của trái đất chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên, nhưng cũng vì trái đất mà Con của Ngài đã tới để cư ngụ. Đức Giêsu đã làm người để dạy con người biết yêu trái đất, biết yêu vũ trụ, biết quí trọng tất cả những gì Ngài đã dựng nên. Chúa làm người để dạy chúng ta, dạy con người, dạy mỗi người biết yêu cuộc sống, yêu cuộc đời của mình.Với lời xin vâng của Mẹ, Con Thiên Chúa đã làm người để Ngài dạy con người biết sống yêu thương, hiệp nhất với nhau, biết yêu như Chúa đã yêu chúng ta, yêu mỗi người chúng ta. Mẹ đã tin yêu sống trọn lời xin vâng cho đến khi đứng dưới chân thập giá. Đó là lời xin vâng tuyệt đối, lời xin trọn cả kiếp người.

Mùa Vọng khơi lên trong chúng ta niềm tin yêu, phó thác. Mùa Vọng đốt lên trong lòng chúng ta niềm hy vọng. Bởi vì qua cung lòng của Đức Mẹ, Thiên Chúa đã làm một việc kỳ diệu là cho Con Ngài sinh hạ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Mẹ thật xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ toàn thể nhân loại.

Mùa Vọng chiêm ngưỡng Mẹ để nhận ra chúng ta còn khiếm khuyết nhiều lắm nếu không có ơn Chúa, con người sẽ không đứng vững, con người sẽ không bền chặt tin yêu. Mùa Vọng hướng chúng ta tới Mẹ và qua Mẹ chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã chọn Mẹ giữa muôn vàn người nữ để làm Mẹ Chúa Giêsu và làm Mẹ nhân loại. Hướng về Mẹ, chúng ta cũng cảm tạ Thiên Chúa, bởi Ngài đã chọn thánh cả Giuse làm bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, nhờ thánh Giuse, Mẹ Maria được bảo vệ trước mặt luật pháp và Chúa Giêsu được dưỡng nuôi, giữ gìn.

Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng là Chúa nhật đặc biệt của Đức Mẹ, chúng ta hãy chạy đến với Đức Mẹ, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta được sống an bình. Mẹ đang cưu mang Chúa và ngày đại lễ Giáng Sinh, chúng ta được cung chiêm, thờ lạy Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, được Mẹ sinh ra, đặt nơi máng cỏ…Sự an bình là Đức Kitô. Các thiên thần sẽ hát vang trong đêm Giáng Sinh :” Vinh danh Thiên Chúa trên trời.Bình an dưới thế cho người thiện tâm “.

Xin hãy cùng Mẹ Maria ca ngợi Thiên Chúa :” Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa,
Lòng trí tôi mừng rỡ trong Thiên Chúa Đấng cứu chuộc tôi…Người đã giữ lời hứa với tổ phụ chúng ta…Ngài đã nhớ tỏ lòng từ bi với Abraham và với tất cả dòng dõi của Ông tới muôn đời
“ ( Lc 1, 46-47.54.55 ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng thường đề cập đến người nào ?
2.Maria là ai ?
3.Lời xin vâng của Đức Mẹ có nghĩa gì ?
4.Tại sao Thiên Chúa lại không chọn một con đường nào khác để sinh ra ?
5.Vai trò của thánh Giuse trong lịch sử cứu rỗi ?
 
Con đường nào ta đi ?
Lm Giuse Trương Đình Hiền
22:38 03/12/2011
Con đường nào ta đi ?

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG (Năm B, 2011)

Nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy đã mở đầu ca khúc “Con đường tình ta đi” bằng những lời thật đẹp :

Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ...


Trong khi đó, nữ thi sĩ Phan thị Thanh Nhàn, đã có một bài thơ lục bát mang tên “Con Đường”, rất được các bạn trẻ ưa thích :

Khi anh đi với người yêu
Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi
Con đường ta đã dạo chơi
Xin đừng đi với một người khác em
Hàng cây nào đã lớn lên
Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau
Hai ta ai biết vì đâu
Hai con đường rẽ xa nhau xa hoài?
Nếu cùng người mới dạo chơi
Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu


Quả thật, trong nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, trong nghiên cứu địa lý lịch sử hay trong xã hội đời thường, hình ảnh “con đường” rất được nhắc đến, minh họa, diển tả. Từ “con đương tình ta đi” của Phạm Duy, đến “con đường ta đã dạo chơi” của Phan thị Thanh Nhàn, còn có bao nhiêu con đường hiện thực khác dọc ngang trong lịch sử nhân loại và trong thân phận của kiếp người.

Chúng ta làm sao quên quên được con đường mang tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” ở Quảng Trị trong “Mùa Hè đỏ lửa 1972”, hay “con đường chết” của tỉnh lộ 7 trong cuộc rút quân của quân dân Vùng 2 vào tháng 3 năm 1975…

Cho dù trên thế giới hôm nay, quê hương nào, đất nước nào, cũng muốn xây dựng những đại lộ tối tân, hiện đại, những con đường thẳng thóm, đẹp đẽ để nối liền biến giới, để thu ngắn không gian, để người ta có thể giao thoa gặp gỡ…

Tuy nhiên, vẫn còn những con đường ngập tràn máu và nước mắt của chiến tranh, khủng bố, đàn áp và bạo lực, những con đường bùn lầy nhớp nhơ của đói khổ bần hàn, những con đường tăm tối giăng đầy, tội ác rình rập, hiểm nguy chực chờ…

Trong khi đó, hôm nay, giờ nầy, ở giữa khung trời Mùa Vọng, hình ảnh “con đường”, “dọn đường”… luôn thấp thoáng âm vang trong ca kinh lời nguyện của mọi tín hữu : “Có tiếng kêu từ nơi hoang vắng mau dọn đường cho Chúa…”, “dọn đường cho Chúa đi, dọn đường cho Chúa đi”…

Vâng, chúng ta được mời gọi sống “mầu nhiệm con đường”, sống thời gian Phụng Vụ Mùa Vọng nầy bằng một thái độ đức tin đầy năng động tích cực : chuẩn bị một con đường tâm linh xứng hợp để đón gặp Chúa đến. Nói cách khác, để đến với Thiên Chúa và gặp gỡ anh chị em, chúng ta phải đi con đường nào ?

Chúng ta thử tìm vào những chỉ dẫn của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay để tìm đáp án.

1. Từ tin vui về một con đường trong hoang mạc thời cựu ước

Ở giữa bối cảnh một Giêrusalem hoang tàn đang bị ngoại bang Babylon giày xéo, giữa một đoàn dân cúi đầu trước kiếp khổ nhục lưu đày, lời của Sứ ngôn Isaia vang lên như một Tin Mừng vĩ đại : “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giêrusalem, hãy cất tiêng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên đừng sợ, hãy bảo các thành Giuđa rằng : “Kìa Thiên Chúa các ngươi”…” (BĐ 1).

Sau những lời sấm ngôn đó, lịch sử của dân tộc Ít-ra-en đã ghi rằng : Khoảng năm 539 trước công nguyên, Vua Kyrô của Ba-Tư chiếm Ba-by-lon và đã ra sắc chỉ cho phép đoàn dân Do Thái lưu đày được hồi hương, Giê-ru-sa-lem được tái thiết. Hồi đó, một nỗi vui tràn trào dâng ngập lòng dân Ít-ra-en. Họ đã cảm nhận tình thương cứu độ của Thiên Chúa dành cho họ quá thực, quá rõ như có thể mắt thấy tai nghe mà trích đoạn sách Isaia trong BĐ 1 hôm nay đã minh họa :

“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
Tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
Bầy chiên mẹ cũng tận tình dẫn dắt.”


2. Tới con đường phúc thật của Đức Kitô.

Đó là câu chuyện của thế kỷ VI trước công nguyên.

Trong khi đó, cũng tại vùng đất Palestina khô cằn sõi đá, vào những năm đầu Công Nguyên, Philatô, một tổng trấn Rôma đang cai trị Ít-ra-en bằng độc tài khát máu, thì Gioan với biệt danh “Tẩy Giả”, trong vóc dáng của một “đạo sĩ rừng xanh”, một tiên tri lập dị đã lặp lại lời rao giảng của I-sa-ia hơn 600 năm trước : “Có tiếng người hô trong hoang mạc : hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…” (TM).

Và sau những lời rao giảng đó, các tác phẩm Tin Mừng đã đồng thanh thuật lại rằng :Vào những “năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô” sau những lời Gioan Tẩy giả loan báo bên bờ sông Gio-đan, đã có một “Giê-su người Na-gia-rét” xuất hiện với “quyền năng trong lời nói cũng như việc làm” ; và rồi người ta đã kháo láo với nhau :

- ở làng bên có kẻ mù thấy, kẻ què đi ;
- bên thành phố nọ có mấy người phung cùi lành sạch, có kẻ bất toại đứng thẳng lên ;
- và ở đâu đó, tại làng Bêtania thì phải, có chàng Lagiarô chết 4 ngày xác thịt đang thối rửa sống lại ;
- cũng thế, ngay trên con đường thị trấn Naim, một thanh niên đang nằm trong quan tài để được an táng đã được phục sinh ;
- và kìa, ngay giữa hoang mạc cả hàng ngàn người đói mệt được no nê chỉ với dăm chiếc bánh và vài con cá…

Rồi người ta lại còn nghe : ông trưởng tuy thuế vụ Giakê mang tiếng tham nhũng, xảo quyệt tham lam đã cải tà qui chánh, cô gái làng chơi Mai-đệ-Liên đã trở lại hoàn lương, anh chàng Lê-vi hay ngồi ở bàn thu thuế đã bỏ nghề đi làm sứ đồ, và người đàn bà nhà quê tội nghiệp lỡ phạm tôi ngoại tình được cứu thoát khỏi bị ném đá…

Và cứ như thế, toàn dân đâu đâu cũng đuợc nghe một “TIN MỪNG”, “Tin mừng Nước Thiên Chúa” đã đến, “Tin mừng Thiên Chúa là Cha yêu thương như mục tử đi tìm con chiên lạc”, “Tin mừng về một Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta, cùng chung chia thân phận bần hàn tội lỗi”, “Tin mừng về một cuộc tái sinh vào đời sống mới qua nước và Thánh Thần”, Tin mừng về một cuộc sống phục sinh nhờ cùng ăn Tấm Bánh Thần Linh từ trời ban tặng”, “Tin mừng về một thế giới được qui tụ thành một gia đình con cái Thiên Chúa, mà luật phấp cốt yếu lại là 8 con đường mang tên Tám Mối Phúc Thật”, phát xuất và được định hướng bới một Vị Thầy đã tự xưng rằng “Ta là Con Đường, Là Sự Thật và là Sự Sống”…

3. Con đường nào ta đi hôm nay ?

Hôm nay, sau 2000 năm, chúng ta lại được nghe lại những lời của ngôn sứ : “Hãy dọn đường cho Chúa đi, hãy mở đường cho Chúa đi !”. Và hy vọng điều gì sẽ xảy ra đây ? Những phép lạ, những cuộc đổi đời, những số phận bi đát tối tăm được nhìn thấy ánh sáng và hy vọng, những trái tim đổ nát hoang tàn được chữa lành băng bó ?

Vâng, thế giới hôm nay cũng mang trọn những dấu vết bất toàn của thế giới cách đây 2000 năm trước : một thế giới đang hằn sâu những dấu vết của nô lệ, của lưu đày, của què quặt, của đui mù, của cùi phung, của đói khát… ; một thế giới như một “Giê-ru-sa-lem hoang tàn vắng bóng Thiên Chúa”, vắng bóng những giá trị nhân bản và Tin Mừng đích thực để thay vào đó là hưởng thụ, dục lạc ; một thế giới như một Ít-ra-en lưu đày nô lệ khi :

- thay vì hòa bình an vui lại tràn lan bạo lực, khủng bố, chiến tranh,
- thay vì nhân ái, sẻ chia, huynh đệ, hiệp nhất, lại là ích kỷ, hận thù, ghét ghen,
- thay vì chân thật, trách nhiệm, công lý lại là dối trá, bất công, bạo lực, đàn áp.
- thay vì được xây dựng trên nền tảng là các gia đình hòa thuận, chung thủy, thánh thiêng, lại là các cuộc ly dị, ly thân, phá thai, suy đồi luân lý…

Trong một thế giới như thế, quả thực chúng ta cần có “phép lạ xảy ra”, cần có “Tin Mừng chợt đến”.

Nói cách khác, thế giới hôm nay, chúng ta hôm nay đang cần Chúa Giêsu và Tin Mừng cứu độ của Ngài. Và như thế, không còn con đường nào khác để chúng ta đi, để chúng ta chọn lựa, ngoài việc chúng ta phải mạnh dạn “đón mời Đức Kitô đến” và dấn bước trên chính lối do Ngài đề nghị ; chúng ta phải mở rộng cõi lòng để cho những hạt giống Tin Mừng của Ngài được gieo vãi, hạt giống khó nghèo, yêu thương, xây dựng hòa bình, hiền lành, trong sạch…hạt giống khiêm hạ và phục vụ yêu thương, hạt giống khoan dung và tha thứ.

Tuy nhiên, nếu ngày xưa, cuộc hành trình “vật lý” của dân Ít-ra-en, từ viễn xứ lưu đầy về lại cố hương Giê-ru-sa-lem là cả một cuộc xuất hành nhiêu khê, đòi hỏi nhiều gian nan, từ bỏ, khó nhọc, phấn đấu…thì hôm nay, trong cuộc hành trình tâm linh, cuộc hành trình đón nhận Đức Kitô và sứ điệp của Ngài, luôn phải là một “cuộc xuất hành mới” cam go hơn, thử thách hơn, vất vả hơn mà Lời Chúa diễn tả bằng các hạn từ “bạt xuống nhưng đồi núi”, “lấp đi những hố sâu”, “uống thẳng chỗ quanh co gập ghềnh…” ; đó là sứ điệp “đổi đời” (metanoia), thống hối mà Gioan Tảy Giả kêu gọi ; đó là “tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” như niềm mong ước của Thánh Cả Phêrô trong BĐ 2 vừa được công bố…

Đó là cuộc hành trình Mùa Vọng, là “con đường chúng ta đi” hôm nay và mãi mãi. Amen.

LM Giuse Trương Đình Hiền
 
Ngàn Năm Cũng Như Một Ngày
LM Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
22:41 03/12/2011
Ngàn Năm Cũng Như Một Ngày

Thánh Phê rô đã từng khẳng định: “Đối với Chúa, một ngày như thể ngàn năm và ngàn năm cũng như một ngày” (2Pr 3,8). Xét về phương diện loài người, thì chúng ta cũng cảm thấy được một ngày như thể ngàn năm, đó là khi người ta nói “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Có nghĩa là một ngày trong nhà tù thì bằng ngàn năm ở ngoài. Nhưng ngàn năm như thể một ngày thì chỉ có mình Thiên Chúa thấy. Vì người sống một trăm năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà người đó cũng có thể nói là cảm thấy trăm năm tựa như một ngày đã qua, nghĩa là cuộc đời chóng qua chóng hết. Nhưng ngàn năm như một ngày thì ai sống được. Các vua chúa ngày xưa được người ta tung hô “vạn tuế” “thiên tuế”, nhưng đó chỉ là những lời sáo ngữ mà thôi.

Ai sống được ngàn năm để thấy thời gian như một ngày đã qua? Chỉ có Thiên Chúa! Đối với Ngài, ngàn năm cũng tựa một ngày, để chúng ta thấy Ngài làm chủ thời gian . Thư Do thái khẳng định: “Đức Kitô hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi”(Dt 13,8). Loài người chúng ta chỉ biết một ngày như thể ngàn năm, khi mà chúng ta chịu những đau khổ cực hình trong ngục tù để thấy giá trị của cuộc đời, và vì thế, con người không thể kiên nhẫn khi thấy cuộc đời trăm năm của mình đã trôi về cuối đời. Như người ta nhắc nhau: “Chơi xuân kẻo phí xuân đi, cái già xồng xộc nó thì theo sau”. Con người thấy thời gian của mình quá ngắn, nên họ nôn nóng, họ hưởng thụ, họ sống gấp. Còn với Thiên Chúa, Ngài có cả ngàn ngàn năm, Ngài có cả vĩnh cửu, do đó Ngài kiên nhẫn. Từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Ngài chờ đợi những tội nhân, Ngài chờ đợi con người biết quay đầu trở lại. Mùa Vọng là như thế, mùa Vọng không chỉ có từ phía chúng ta hướng về Chúa. Mùa Vọng trước hết là Chúa đến với chúng ta. Đừng tưởng rằng chỉ những người Do Thái, các tiên tri mới mong đợi: “Trời cao hãy đổ xương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu độ”. Những lời kêu gào cùng trời đất diễn tả một tâm trạng khát khao mong mỏi của các tiên tri, của dân riêng của Chúa nhưng chưa nói đến lòng khao khát yêu thương của Chúa đến với con người. Bởi vì khi con người chưa biết kêu lên những lời não nùng thảm thiết thì Chúa đã hứa ban ơn cứu độ rồi. Và ngay giây phút con người sa ngã và bị luận phạt thì lời hứa trao ban Đấng Cứu Thế đã được hứa rồi. Cho nên Thiên Chúa đã mong mỏi đến với nhân loại từ ngàn xưa, từ giây phút mà nhân loại phạm tội. Thiên Chúa muốn cho dòng dõi người phụ nữ đạp dập đầu con rắn để quyền lực của Satan không thể làm gì trên con cái của ngài được. Có cha mẹ nào nhìn thấy con cái quằn quại trong ốm đau bệnh tật, hay trong những vết thương mà người cha người mẹ đó có thể bình thản ăn no ngủ kỹ được không? Và vì thế, Thiên Chúa bao lâu còn nhìn thấy nhân loại bước đi trong u tối, đau đớn vì án phạt, Thiên Chúa đâu có ngủ yên, Thiên Chúa đâu có thờ ơ. Thiên Chúa muốn nhập thể làm người để cứu độ, và vì ngàn năm cũng như một ngày, nên ngày đó ở trong quyền năng của Thiên Chúa. Ngài không vội vàng, nhưng Ngài cũng không để thời gian quá muộn. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật”( Gl 4,4).

Như vậy, ngày giờ Chúa đến đã định từ ngàn xưa và Thiên Chúa cũng mong đợi giờ phút đó để giải thoát cho Dân riêng của Ngài khỏi những nỗi đau.

Mùa Vọng là mùa gặp gỡ giữa tình thương của người Cha với lòng khao khát của người con. Mùa Vọng là mùa mà đức công chính từ trời cao nhìn xuống và tín thành từ dưới đất mọc lên. Mùa Vọng là điểm giao thoa của ơn phúc và tình thương. Vậy nếu hôm nay chúng ta sống thản nhiên như những người ngoài cuộc, nếu hôm nay chúng ta không có một chương trình gì để biến đổi, để khởi sự, thì mùa Vọng, có thể nói như từ ngữ hiện đại ngày nay là “Số điện thoại bạn gọi hiện đang ở ngoài vùng phủ sóng”!. Chúng ta phải liên lạc được với Chúa. Chúng ta phải lắng nghe được tiếng Chúa. Còn khi điện thoại báo lại “ở ngoài vùng phủ sóng” thì làm sao chúng ta liên lạc được. Hoặc là, với điện thoại bàn thì, “Bạn đã quay số quá chậm”. Qua mùa Vọng, qua Giáng Sinh rồi mà bạn chưa sám hối, chưa canh tân vì quay số quá chậm. Hoặc là bạn đã bấm sai số: “Số bạn gọi không có trong danh mục điện thoại”!!!?. Chắc bạn đã gọi cho những văn minh vật chất, trào lưu thế tục, sống gấp hưởng thụ, phá thai, ma tuý, bệnh xã hội thời đại và các loại vấn đề... Những số ấy thì làm sao mà liên lạc được với Thiên Chúa. Cho nên đây là thời điểm để chúng ta phải bắt đầu lại. Tại sao tôi không nghe được tiếng Chúa? Tại sao tôi không giữ được liên lạc với Chúa? Tôi phải tự xét mình tôi.

Gioan Tẩy Giả hôm nay xuất hiện. Đừng nghĩ rằng uống mật ong rừng là tẩm bổ và như thế là vương đế. Mật ong rừng là một thứ nhựa cây ngọt ngọt nên dân gọi là mật ong rừng. Ngài ăn châu chấu, ngài uống nhựa cây. Một cuộc sống khắc khổ như vậy. Mặc áo lông lạc đà. Người Việt Nam chúng ta nghĩ là mặc áo lông thì ấm, hôm nào chúng ta làm áo lông trâu xem, để chúng ta thấy cảm giác của lông trâu đâm vào da thịt nó êm dịu như thế nào, để hiểu ra lông lạc đà còn cứng gấp mười lần lông trâu mà Gioan Tẩy Giả đã mặc. Một cuộc sống khắc khổ như thế mà ngài chỉ có trở lại để nói với mọi người rằng: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa, hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói”( Ga 1,23). Bởi đó là một tiếng kêu gọi khẩn cấp. Nếu không dọn đường, nếu không tự chỉnh thì làm sao thấy được Thiên Chúa. Và nếu không liên lạc được với Thiên Chúa vì, như với tivi gọi là “nhiễu” và radio thì gọi là bị loạn sóng. Một người sống trong tình trạng loạn sóng và nhiễu sóng thì thời đại của chúng ta bệnh Stress là đương nhiên. Trong thế giới ngày nay, nếu chúng ta không nghe được tiếng Chúa thì con người mất bình an, mất đi niềm hy vọng. Mùa Vọng chính là cho chúng ta một niềm hy vọng, cho chúng ta một sự bình an. Và Chúa đang chờ đợi sự đáp trả từ phía con người. Người ta chỉ nói về phía con người mà không nói về phía Thiên Chúa. Ngài mong đợi chúng ta đáp trả lại tiếng mời gọi của Ngài. Chính Ngài đã đi bước trước: “Ngay khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta”( Rm 5,6). Ngài đến với chúng ta trong thân phận của một người tôi tớ đau khổ theo cách diễn tả của tiên tri Isaia: “Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng”( Is 53,7). Và vì thế, nhiều người đã cố tình làm ngơ. Coi đó như là không phải liên quan đến thân phận của mình.

Mùa Vọng hôm nay nhắc chúng ta đừng làm ngơ với Chúa, với anh em. Nếu chúng ta muốn gặp Chúa. Nếu chúng ta muốn thực sự nhận ra Chúa đã đến trần gian và ở giữa chúng ta, thì ngay từ hôm nay, chúng ta hãy nối lại liên lạc với Chúa. Nếu vì nghe nhầm tiếng Chúa, vì không liên lạc được với Chúa hay vì tâm hồn của chúng ta có quá nhiều những bụi gai um tùm bóp nghẹt thì mùa Vọng là để chúng ta điều chỉnh lại. Và bây giờ chúng ta đã thấy mùa Vọng quan trọng như thế nào. Chúng ta đã thấy sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả quan trọng như thế nào. Để cảnh tỉnh chúng ta, để đưa những người con cháu trở về với cha ông, đưa những kẻ ngỗ nghịch trở về với lương tâm. Mùa Vọng quan trọng như thế, nên cùng với Gioan Tẩy Giả, cùng với Giáo Hội là mẹ của chúng ta, chúng ta hãy bước vào Mùa Vọng với một lời cầu xin thấm đượm tâm tình của tiên tri và thao thức như các tông đồ, ân hận như Maria Madalena và thầm lặng nhưng hiệu quả như Nicodemo gặp Chúa ban đêm.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Xin cho chúng con được biết Chúa.
Xin cho chúng con được gặp Chúa
vì Chúa đã đến giữa trần gian.
Nhưng hai mươi mốt (21) thế kỷ trôi qua
mà con vẫn chưa được gặp Chúa.
Mùa Vọng là cơ hội mở ra cho chúng con ân huệ và tình thương.
Xin cho chúng con đáp tiếng mời gọi của Chúa
để chúng con cất bước lên đường.
Gặp Chúa, biến đổi cuộc đời.
Gặp Chúa, yêu thương và hạnh phúc.
Gặp Chúa để được trời mới đất mới. Amen.


LM Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Văn hóa Cain: phò phá thai
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:08 03/12/2011
Trong xã hội có hai phong trào với khuynh hướng đối nghịch là Phò Sự Sống (Pro-life) và Phò Chọn Lựa (Pro-choice). Dùng từ ngữ “phò chọn lựa” cho nhẹ nhàng dễ nghe và dễ thuyết phục nhưng đúng nghĩa ẩn dấu là phò phá thai. Phong trào Phò Chọn Lựa được bảo lãnh và ủng hộ bởi nhiều tổ chức xã hội. Nó cũng trở thành đề tài sôi bỏng trong các buổi thuyết trình tranh cử của các ứng viên thuộc các đảng phái chính trị. Mạng sống của các thai nhi trong bụng mẹ đang bị các đảng phái chính trị tranh dành và tìm chỗ dựa để tiến thân. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác can thiệp vào số mệnh của các thai nhi như vấn đề kinh tế, thương mại, dược phẩm, thực phẩm và dân số.

Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã mở cửa cho các dịch vụ phá thai. Những phong trào ủng hộ Phò Phá Thai hay Phò Chọn Lựa (Pro-choice) lý luận rằng: Phá thai là để bảo vệ quyền của người phụ nữ. Phá thai là để ngăn ngừa bệnh di truyền. Phá thai vì trẻ thơ dị tật. Phá thai là để bảo vệ quyền sống của người mẹ. Phá thai vì bị lỡ lầm. Phá thai vì bị hiếp đáp ngoài ý muốn. Phá thai để giảm bớt khó khăn kinh tế. Phá thai trở thành một dịch vụ kiếm tiền cho các Bệnh Xá. Phá thai để giải quyết vấn đề nhân mãn. Phá thai để tìm chọn đứa con ưa thích. Phá thai là để chọn lựa phái tính. Phá thai để cha mẹ tự do sống hưởng thụ. Phá thai vì người cha hèn nhát không nhận trách nhiệm. Phá thai là để giới hạn con số mà nhà nước chủ trương. Có muôn vàn cách biện minh cho hành động giết trẻ thơ một cách hợp pháp. Nhiều cha mẹ coi các thai nhi như là gánh nặng cuộc đời. Họ muốn trút bỏ nó đi cho rảnh nợ. Phá thai thật sự là giết người đó. Đây là tội ác của nhân loại.

Phá thai là một tội ác thật nghiêm trọng (Thông điệp Tin Mừng Về Sự Sống của ĐGH JP II. Số 61). Phá thai là gì? Phá thai là giết chính con thơ của mình. Bóng tối đang bao trùm vạn vật qua sự ghen tương nghi kỵ: Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết (Kn. 2:24). Con người nại vào nhiều lý do để giết chết con thơ một cách tàn nhẫn. Có khi thai nhi bị giết vì họ muốn giữ danh giá của gia đình dòng tộc. Có khi phá thai vì cha mẹ đang phải theo đuổi danh vọng và sự nghiệp. Có khi giết con vì con cản trở bước đường học vấn hay tiến thân. Nhiều người coi thai nhi chưa là con người và không có quyền được đối xử như một con người. Họ đã đang rao truyền văn hóa sự chết. Văn hóa của sự tiêu diệt. Văn Hóa Cain là văn hóa sự chết. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa. (Stk 9: 6).

Câu truyện phá thai là giết người. Một thiếu phụ tay ẵm một thiếu nhi bước vào phòng mạch bác sĩ gia đình. Thưa bác sĩ, xin bác sĩ vui lòng giải quyết khó khăn nầy: đứa nhỏ đây mới chưa đầy một tuổi, và tôi lại mang thai nữa rồi. Chắc bác sĩ cũng biết là tôi không muốn có con liên tục như vậy. Tôi không đủ sức chịu đựng được. Thế thì bà muốn tôi giúp gì đây? Bất cứ điều gì có thể cất được các của nợ này. Sau một hồi suy nghĩ, bác sĩ trả lời: Tôi có một cách giải quyết tốt hơn để giúp bà. Nếu bà không có hai đứa con sinh gần nhau như vậy, tốt nhất là giết đứa con bà đang ẵm trong tay, vì đối với tôi, giết đứa trong bụng bà hay giết đứa trong tay bà thì cũng như nhau. Vả lại, nếu giết đứa trong bụng thì lại còn nguy hiểm cho bà nữa. Vừa nói xong, vị bác sĩ vươn tay lấy con dao nhỏ và bảo người thiếu phụ đặt đứa nhỏ lên đùi bà, đưa đầu em nhỏ ra phía ông ta. Lúc đó người thiếu phụ tái xanh mặt và thét lên: Đồ sát nhân. Chỉ vài lời nói, vị bác sĩ đã thuyết phục được người thiếu phụ trẻ hiểu ra rằng việc ông ta đề nghị giết đứa con một tuổi của bà thì cũng chẳng tệ hại hơn lời thỉnh cầu giết đứa bé chưa sinh trong bụng bà. Đàng nào cũng là giết người. Chỉ có một điều khác biệt là tuổi của hai đứa trẻ hơn kém mà thôi.

Bào thai chính là con người. Hãy quan sát thai nhi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người trưởng thành và người già chỉ khác nhau về thời gian phát triển. Thai nhi là con người nhỏ bé cô thân, cô thế nhất và không có khả năng tự vệ. Người thân cận gần gũi nhất là mẹ và cha. Mẹ cha lại không thương yêu bảo vệ nhưng đồng lõa với các bác sĩ và ý tá để tẩy trừ, làm hại và giết chết. Muốn giết chết một thai nhi, người ta phải dùng bạo hình. Những hình thức giết thai nhi còn ghê rợn hơn tất cả những hình thức mà con người đã dùng để tra trấn và phanh thây kẻ thù. Không còn thiếu hình thức nào bạo tàn hơn mà con người không dùng. Họ dùng kẹp bóp cho nát sọ, dùng máy hút làm tan nát tấm thân bé bỏng, cắt chân tay khi trẻ thơ còn đang sống và cắt vặn cổ cho chết. Có khi bơm nước muối mặn làm cháy da non và phỏng người rồi ngộp chết. Trẻ sơ sinh trong bụng mẹ đã làm gì hại đến các bác sĩ, ý tá hay cha mẹ mà xử qúa tàn nhẫn đến như vậy. Các trẻ thơ đau đớn, gào thét, giẫy dụa và chết lịm mà không hề được nương tay.

Có nhiều cách giết thai nhi mà các bác sĩ và y tá xử dụng hằng ngày. Nhà thương không còn là nơi để tỏ lòng yêu thương chữa lành nữa. Bệnh xá hay trạm xá cũng không còn là nơi ân xá nữa rồi. Khi thai nhi còn rất nhỏ đang sống yên hàn trong cung lòng mẹ, thì người ta dùng các chất hóa học như thuốc phá thai và nước hóa chất để trục xuất thai nhi khỏi bào thai. Khi thai nhi đã phát triển, người ta đã dùng những dụng cụ kinh hồn để tiêu diệt. Đầy đủ các thứ vũ khí giết người như búa, kìm, kéo, dao, xiên, dùi, móc và kẹp. Cung lòng của người mẹ trở thành pháp trường để hành hình các trẻ thơ vô tội. Thai nhi vô phương tự vệ. Thật tội nghiệp cho kiếp thai nhi bé bỏng. Chẳng ai thèm nghe tiếng kêu gào oan ức của các thơ nhi. Thật xót xa! Con người còn xử ác độc nhiều hơn nữa qua các phương thế diệt trừ các thai nhi non nớt. Họ dùng các phương tiện hợp pháp dưới đây để giết chết:

1. Máy hút: xé nát bào thai khỏi tử cung và hút ra.
2. Nông và nạo
3. Nông và kéo
4. Bơm nước muối
5. Bơm chất prostaglandia
6. Cắt dạ con.

Nông và kéo: Người ta dùng một cái kẹp có răng, thường bào thai trên 18 tuần, vĩ xương đã cứng, người ta phải vặn và cắt. Đầu phải bị đập nát bằng cách đục một lỗ hổng ở sọ và dùng máy hút để hút não bộ ra ngoài cho sọ nảo xẹp lép mới kéo thân xác nát tan của thai nhi ra khỏi cung lòng mẹ được.

Cắt dạ con: Người ta cắt một đường trên bụng của Người mẹ để lôi thai nhi ra. Thường thai nhi sinh ra còn sống, người ta phải giết thai nhi bằng cách vặn cổ, bóp mũi, miệng, hoặc nhận chìm trong nước.

Phá thai là một điều tuyệt đối sai, bởi vì nó xâm phạm quyền căn bản của con người là quyền được sống. Ta sẽ đòi mỗi con vật phải đền nợ máu các ngươi, tức là mạng sống của các ngươi; Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Về phần các ngươi, hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, hãy lan tràn và nảy nở thật nhiều trên mặt đất."(Stk 9:3-7). Xưa hai anh em Cain và Abel con cùng cha mẹ, vì ghen tương mà đã giết nhau: Cain không muốn nghĩ về em mình và từ chối nhận trách nhiệm mà mỗi người phải có đối với người khác (Tmvss. 8).

Bộ Giáo Luật hiện hành quyết định: Người nào thực sự cung cấp việc phá thai tự động chịu vạ tuyệt thông (Số 1396). Trong sách Xuất Hành, nêu ra những khoản luật rất tỉ mỉ để bảo vệ người mẹ cũng như thai nhi. Không ai có quyền làm hư hại hay tổn thương: Nếu đàn ông đánh nhau mà xô phải một người đàn bà có thai, làm sẩy thai.. thì phải bồi thường theo đòi hỏi của người chồng…Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, (Xh 21:22-23). Những bàn tay vấy máu trẻ thơ vô tội sẽ phải đền trả nợ máu. Chúng ta cũng không thể hiểu được tại sao có nhiều người phò phá thai đến thế. Phò chọn lựa hay phò phá thai là phò sự chết, trong khi chính họ muốn sống và hưởng thụ. Họ đòi quyền được phá thai. Nhà cầm quyền là những người đại diện dân là lo bảo vệ an sinh cuộc sống xã hội cho mọi người. Thế mà, có những nhà Lập Pháp lại ủng hộ quyền được giết chết trẻ thơ trong bụng mẹ. Thật là vô lý và trớ trêu.

Mục tiêu của đời sống văn minh nhân loại là cần nâng cao và bảo vệ sự sống. Trái lại, nhiều người tìm đủ mọi cách thế để hạn chế sự sống. Nhiều người còn hãnh diện và dương oai về chủ trương giết chết biết bao thai nhi. Họ ích kỷ không muốn chia sẻ hoa trái của sự sống. Muốn hưởng thụ trọn vẹn nguồn phú túc mà Thượng Đế đã trao ban. Có biết bao nhiêu nhân tài tiềm ẩn trong các thai nhi bị giết. Trong số các trẻ bị hại có những thiên tài và thánh nhân của thế kỷ. Con người xã hội đang tự tiêu diệt chính tương lai của nhân loại. Phá thai càng ngày càng nhiều vì có luật pháp hỗ trợ, vì chính sách chủ trương của nhà nước và vì đời sống luân lý đạo đức đang xuống dốc trầm trọng. Nhiều người không còn nhận ra sự cao quý của sự sống con người và chối bỏ trách nhiệm của chính mình.

Lạy Chúa, Chúa là nguồn ban sự sống. Chúa tạo dựng con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh đã bị con người lạm dụng cho những sở thích riêng. Xin cho chúng con biết trân quý, tôn trọng, bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống của từng cá nhân. Sự sống khởi sự ngay từ giây phút đầu tiên khi tựu thai trong lòng mẹ và phát triển cho tới lúc trưởng thành. Ai cũng có quyền được sống, được hít thở không khí, được tắm nắng mặt trời và hưởng dùng mọi nguồn phú túc tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt để trong vũ trụ. Xin cho chúng con sống trọn vẹn đời sống trong tình yêu của Chúa. Chúng con biết rằng sự sống hay sự chết đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
 
Nhiều linh mục từ chối làm Giám mục
Phạm Kim An
09:48 03/12/2011
Nhiều linh mục từ chối làm Giám mục, Hồng y Tổng Trưởng tiết lộ

Đức Hồng y Marc Ouellet, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục của Toà thánh, đã tiết lộ rằng nhiều linh mục - “nhiều hơn tôi dự đoán” - đã từ chối cơ hội để được tấn phong Giám mục.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhật báo Ý Avvenire, Đức Hồng Y Marc Ouellet nói rằng các linh mục từ chối sự bổ nhiệm Giám mục thường quan tâm đến sự khó khăn của vai trò Giám mục, nhất là vào một thời điểm mà Giáo hội thường xuyên bị tấn công. Đức Hồng Y người Canada thừa nhận rằng nhiệm vụ là khó, vì một Giám mục phải là một nhà truyền giáo có hiệu quả, và một người bênh vực đức tin, chứ không chỉ đơn thuần là một nhà quản trị có khả năng.

Và Ngài kết luận cuộc trả lời phỏng vấn bằng cách phác thảo chân dung của vị Giám mục mà Giáo hội cần nhất ngày nay. Một Giám mục phải vừa là một nhà thần học. một nhà hộ giáo, một người bênh vực đức tin:

"Ngày nay, đặc biệt là trong bối cảnh của các xã hội tục hóa của chúng ta, chúng ta cần các Giám mục là nhà truyền giáo trước tiên, chứ không chỉ là nhà quản trị giáo phận thuần tuý. Là người có khả năng rao giảng Tin mừng. Là người không chỉ trung thành về thần học với huấn quyền Giáo hội và ĐTC, nhưng còn có khả năng dẫn giải, và nếu cần, bảo vệ đức tin công khai”.

Trong bài bình luận về lời nói của Đức Hồng Y Ouellet, nhật báo L'Espresso liệt kê một số bổ nhiệm Giám mục đáng chú ý trong những tháng gần đây, và cho thấy rằng các sự bổ nhiệm mới này phù hợp với các tiêu chuẩn mà Đức Hồng Y nêu ra.

(Catholic Culture 2-12-2011)

Phạm Kim An
 
ĐTC đề cao tầm quan trọng của gia đình trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng
LM Trần Đức Anh OP
09:49 03/12/2011
VATICAN - Trong buổi tiến kiến Hội đồng Tòa Thánh về gia đình sáng ngày 1-12-2011, ĐTC Biển Đức 16 đặc biệt đề cao tầm quan trọng của gia đình trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng.

Hội đồng Tòa Thánh về gia đình đã kết thúc khóa họp toàn thể hôm 1-12-2011 sau 3 ngày tiến hành tại Roma, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Ennio Antonelli và với sự tham dự của hơn 100 người, trong đó có đoàn chủ tịch gồm 21 HY và 8 GM, 20 đôi vợ chồng thành viên do ĐTC bổ nhiệm và được chọn từ các nước, tiếp đến là gần 40 vị cố vấn, đa số là giáo dân, nhưng cũng có các GM, LM và tu sĩ. Ngoài ra có gần 10 viên chức của Hội đồng.
Khóa họp này trùng vào dịp kỷ niệm 30 năm công bố Tông Huấn Familiaris consortio về đời sống gia đình và thành lập Hội đồng Tòa Thánh về gia đình.

Trưa ngày 1-12-2011, toàn thể các tham dự viên khóa họp của Hội đồng Tòa Thánh về gia đình đã được ĐTC tiếp kiến tại Vatican. Lên tiếng trong dịp này, ngài nói:

”Công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng phần lớn tùy thuộc Giáo Hội tại gia. Thời nay, giống như trong các thời đại quá khứ, sự lu mờ ý thức về Thiên chúa, sự phổ biến các ý thức hệ trái ngược với gia đình và sự suy thoái luân lý đạo đức về tính dục là những điều có liên hệ với nhau. Cũng như sự suy yếu cảm thức về Thiên Chúa và cuộc khủng hoảng gia đình có liên hệ với nhau như thế nào thì công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cũng là điều không thể tách rời khỏi gia đình Kitô. Thực vậy, gia đình là con đường của Giáo Hội vì gia đình là ”nơi con người gặp gỡ Chúa Kitô. Đôi vợ chồng ”không những nhận được tình yêu của Chúa Kitô, trở thành cộng đoàn được cứu độ, nhưng họ còn được kêu gọi thông truyền cho các anh chị em mình cùng tình yêu của Chúa Kitô, trở thành một cộng đoàn cứu độ.
ĐTC nói thêm rằng: ”Theo đường lối các vị tiền nhiệm, tôi cũng đã nhiều lần nhắn nhủ các đôi vợ chồng Công Giáo hãy truyền giảng Tin Mừng, qua cuộc sống chứng tá, cũng như qua việc tham gia các hoạt mới công bố. (SD 1-12-2011)
 
Toà thánh khen thưởng một Viện Kinh thánh và một nhà khảo cổ học
Nguyễn Trọng Đa
09:50 03/12/2011
Toà thánh khen thưởng một Viện Kinh thánh và một nhà khảo cổ học

Cuộc họp hàng năm của các Viện Hàn lâm Toà thánh

ROMA – Giải thưởng năm 2011 của bảy Viện Hàn lâm Toà thánh được trao cho Viện Kinh Thánh dòng Phanxicô, và một phụ nữ khảo cổ học ở Roma.

Ngày 30-11, giải thưởng này đã được trao tại Hội nghị thường niên lần thứ 16 của các Viện, trước sự hiện diện của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà thánh về Văn hóa, người chịu trách nhiệm phối hợp các Viện này.

Khoá họp có chủ đề "Bằng chứng và chứng tá. Sự tử đạo và các nhà vô địch đức tin”. Một sứ điệp của ĐTC Biển Đức XVI được Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, đọc tại khoá họp.

Giải thưởng các Viện Hàn lâm Toà thánh đã được trao cho "Studium Biblicum Franciscanum" (Viện Kinh thánh Phan sinh, SBF), một Viện nghiên cứu và dạy các môn Kinh thánh và Khảo cổ học thuộc dòng Phanxicô, ở Jerusalem.

Viện Kinh thánh Phan sinh (SBF) đã thực hành nhiều cuộc khai quật khảo cổ, nhất là trong thời gian gần đây ở Núi Nebo, Jordan.

Người thứ hai được trao giải thưởng này trong năm 2011 là một phụ nữ khảo cổ học ở Roma, Cecilia Proverbio, cho nghiên cứu của bà về sự mô tả bằng hình tượng của các vương cung thánh đường thời Kitô giáo sơ khai ở Roma.

"Giải thưởng các Viện Hàn lâm Toà thánh" được ĐTC trao cho các nhà nghiên cứu trẻ hoặc các cơ quan xứng đáng.

Bảy Viện Hàn lâm là Viện Hàn lâm Toà thánh Thánh Tôma Aquinas, Viện Hàn lâm thần học, Viện Hàn lâm Đức Mẹ Vô Nhiễm, Viện Hàn lâm Thánh mẫu quốc tế, Viện Hàn lâm Mỹ thuật và Văn chương, Viện Hàn lâm Khảo cổ học Roma và Viện Hàn lâm tôn kính các thánh tử đạo. (ZENIT.org 2-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
CHDCND Triều Tiên: sách Kinh thánh được chuyển đến bằng bong bóng
Nguyễn Trọng Đa
09:51 03/12/2011
CHDCND Triều Tiên: sách Kinh thánh được chuyển đến bằng bong bóng

Hơn 10.000 quyển Kinh Thánh đã đến Bắc Triều Tiên

ROMA - Hơn 10.000 quyển Kinh Thánh dành cho CHDCND Triều Tiên đã vượt qua bức màn tre bằng các bong bóng lớn: một sự táo bạo được hãng tin Fides hoan nghênh.

Hơn 10.000 cuốn Kinh Thánh đã được trao gửi đến các Kitô hữu sống ở Bắc Triều Tiên - một trong những nước mà tự do tôn giáo là hoàn toàn bằng không - nhờ vào sáng kiến độc đáo của tổ chức đại kết "Quan tâm Kitô hữu quốc tế" (ICC) có trụ sở ở Mỹ.

Tổ chức này đã tiến hành một hành động lớn để tạo sự nhạy bén, giám sát và hỗ trợ cho các cộng đồng Kitô hữu đang bị bách hại trên thế giới. Một báo cáo gần đây của tổ chức "Quan tâm Kitô hữu quốc tế" (ICC) minh họa các sáng kiến hỗ trợ các cộng đồng tín hữu đang đau khổ ở nhiều nước. Tổ chức cho biết đã sử dụng bong bóng bay để vượt qua một trong các đường biên giới được bảo vệ chặt chẽ nhất thế giới, và gửi sách Kinh Thánh cho các cộng đồng bí mật ở Bắc Triều Tiên.

Báo cáo nói: “Đây là một trong những quốc gia khép kín nhất, nơi mà sự bách hại tôn giáo là đáng sợ. Giáo Hội đấu tranh để chia sẻ Tin Mừng. Các hành vi thờ phượng hay sở hữu một cuốn Thánh Kinh có thể bị trừng phạt bằng cách phạt tù trong các trại tập trung”.

Các sách Kinh Thánh đã được đóng gói thành từng gói một ngàn cuốn, gắn vào bong bóng bay và bong bóng sẽ nổ sau một khoảng thời gian bay nhất định.

Tổ chức "Quan tâm Kitô hữu quốc tế" (ICC) giải thích, một số sách Kinh Thánh bị tịch thu bởi quân đội và đem bán ở chợ đen ở Bắc Triều Tiên, thị trường này cũng được điều hành bởi quân đội: do số lượng ít sách đem bán ở chợ đen, sách Kinh Thánh cũng có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, kênh này là "một hình thức truyền bá Lời Chúa", tổ chức "Quan tâm Kitô hữu quốc tế" (ICC) hân hoan nói.

Theo ước tính hiện nay, tại CHDCND Triều Tiên, hiện có 400.000 Kitô hữu. Tổ chức "Quan tâm Kitô hữu quốc tế" (ICC) cũng đã phân phối hơn 100.000 quyển Kinh Thánh ở Trung Quốc đại lục. (ZENIT.org 2-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
ĐTC Bênêđictô XVI: Suy Niệm về Cách Cầu Nguyện của Chúa Giêsu
Phaolô Phạm Xuân Khôi
18:57 03/12/2011
“Lắng nghe, suy niệm, giữ im lặng trước mặt Chúa là Đấng đang nói là một nghệ thuật mà chúng ta phải học bằng cách thực hành thường xuyên”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI được ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 30 tháng 11, năm 2011 tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Cầu Nguyện bằng cách suy niệm về cách cầu nguyện của Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến,

Trong những bài giáo lý gần đây chúng ta đã suy niệm về một số thí dụ về cầu nguyện trong Cựu Ước, và hôm nay tôi sẽ bắt đầu nhìn đến Chúa Giêsu và việc cầu nguyện của Người, là điều luân chuyển trong toàn thể cuộc đời của Người như một kênh bí mật tưới gội cuộc đời, mối liên hệ và những việc làm của Người, cùng hướng dẫn Người tiến bước cách chắc chắn đến việc tự hiến hoàn toàn theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu cũng là bậc thầy dạy chúng ta về cầu nguyện. Người chính là Đấng hỗ trợ chúng ta cách rất tích cực và huynh đệ mỗi lần chúng ta đến cùng Chúa Cha. Người thật sự là thế, như tựa đề của Sách Tổng Lược Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo tóm lược rằng "kinh nguyện được mặc khải đầy đủ và được thể hiện nơi Chúa Giêsu" (541-547). Chúng ta muốn hướng mắt về chính Người trong những bài giáo lý sắp đến.

Một thời điểm đặc biệt quan trọng trong con đường của Chúa Giêsu là việc cầu nguyện ngay sau phép rửa mà Người chịu ở sông sông Giođăng. Thánh Luca nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu, sau khi lãnh nhận phép rửa từ tay Thánh Gioan Tẩy Giả cùng với tất cả mọi người, đã cầu nguyện rất riêng tư và lâu giờ: "Sau khi tất cả mọi người đã chịu phép rửa, thì Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người" (Lc 3:21-22). Chính việc "cầu nguyện" này trong khi đàm đạo với Chúa Cha đã soi sáng các công việc mà Người đã thực hiện cùng với nhiều người trong dân Người, là những kẻ đã đến bờ sông sông Giođăng. Qua việc cầu nguyện, Người làm cho phép rửa của Mình có một đặc tính độc đáo và cá nhân.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã mạnh mẽ kêu gọi người ta sống thật sự như "con cái ông Abraham", bằng cách trở lại đường lành và sinh hoa quả tương xứng với lòng ăn năn thống hối của họ. (Lc 3:7-9). Và một số lớn dân Israel đã được cảm hóa, như Thánh Sử Marcô ghi nhận khi ngài viết: "Mọi người từ khắp miền Giuđêa và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan." (Mc 1:5). Thánh Gioan Tẩy Giả mang đến một điều thực sự mới mẻ: việc chịu phép rửa phải đánh dấu một khúc quanh quyết định, là từ bỏ những hành vi liên hê với tội lỗi và bắt đầu một cuộc sống mới. Chúa Giêsu cũng hoan nghênh lời mời này, Người nhập hàng với vô số những người tội lỗi u sầu chờ đợi bên bờ sông sông Giođăng. Tuy nhiên, như các Kitô hữu tiên khởi, chúng ta cũng tự hỏi: tại sao Chúa Giêsu tự nguyện chịu phép rửa sám hối và hoán cải? Người không có tội gì để thú nhận, Người không có tội, vì vậy Người không cần phải hoán cải. Vậy thì tại sao Người lại làm như thế? Thánh Sử Matthêu ghi lại sự ngạc nhiên của Thánh Gioan Tẩy Giả khi ông nói: "Tôi mới là người cần được Ngài làm phép rửa, và chính Ngài lại đến với tôi" (Mt 3:14) và Chúa Giêsu trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính" (câu 15). Ý nghĩa của từ "công chính" trong thế giới Thánh Kinh có nghĩa là hoàn toàn chấp nhận Thánh Ý Chúa. Chúa Giêsu cho thấy sự gần gũi của Người với thành phần này của dân Người, là những kẻ theo Thánh Gioan Tẩy Giả, công nhận sự thiếu xót của việc đơn thuần tự coi mình là con cái ông Abraham, nhưng cũng muốn làm theo Thánh Ý Thiên Chúa, muốn hết lòng biến cách cư xử của họ thành một sự đáp trả chân thành với giao ước mà Thiên Chúa đã ban cho ông Abraham.

Cho nên khi xuống sông Giođăng, Chúa Giêsu, là Đấng không có tội, đã bày tỏ sự đoàn kết của Người với những kẻ nhìn nhận tội lỗi của mình, những kẻ chọn việc ăn năn hoán cải và thay đổi cuộc sống của mình. Người làm cho chúng ta hiểu rằng là phần tử của dân Chúa có nghĩa là bước vào một viễn cảnh mới của cuộc sống, là sống theo Thiên Chúa.

Trong hành động này, Chúa Giêsu nhìn thấy trước Thập Giá. Người bắt đầu các hoạt động của Người bằng cách nhận lấy thân phận của các tội nhân; bằng cách gánh trên vai sức nặng của tất cả tội lỗi nhân loại; bằng cách thực thi Thánh Ý Chúa Cha. Qua việc suy niệm trong cầu nguyện, Chúa Giêsu cho thấy sự kết hợp mật thiết của Người với Cha Trên Trời; Người cảm nghiệm được tình phụ tử. Người đón nhận vẻ đẹp đặc biệt của tình yêu Chúa Cha, và trong cuộc đàm đạo với Ngài, Người nhận được lời xác nhận về sứ mệnh của Mình. Trong tiếng phát ra từ Trời (Lc 3:22), có nhắc trước đến Mầu Nhiệm Vượt Qua, đến Thập Giá và Phục Sinh. Tiếng Thiên Chúa gọi Người "Con Ta, Con Yêu Dấu của Ta", nhắc lại ông Isaac, người con yêu rất yêu dấu mà cha ông là Abraham sẵn sàng hiến tế theo mệnh lệnh của Thiên Chúa (x. St 22:1-4). Chúa Giêsu không những chỉ là Con Vua David, hậu duệ hoàng tộc thiên sai, hoặc Người Tôi Tớ mà Thiên Chúa hài lòng, nhưng Người cũng là Con Một, Con Yêu Dấu, như ông Isaac, là Đấng mà Thiên Chúa Cha ban tặng để cứu độ trần gian. Trong giờ phút mà qua lời cầu nguyện, Chúa Giêsu sống chính Tình Con Thảo của Mình và kinh nghiệm Tình Phụ Tử của Thiên Chúa một cách sâu xa (x. Lc 3:22b), thì Chúa Thánh Thần ngự xuống (x. Lc 3:22a). Ngài là Đầng hướng dẫn Người trong sứ vụ của Người và Ngài sẽ tỏ lộ sau khi Người được nâng lên trên Thập Giá (x. Ga 1:32-34, 7:37-39), để Ngài có thể chiếu sáng công việc của Hội Thánh. Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu sống một cuộc tiếp xúc không ngừng với Chúa Cha để thi hành cho đến cùng kế hoạch yêu thương nhân loại của Ngài.

Toàn thể cuộc đời Chúa Giêsu, sống trong một gia đình liên kết một cách sâu xa với truyền thống tôn giáo của dân Israel, được đặt trước bối cảnh cầu nguyện phi thường này. Điều này được chứng tỏ qua những điều mà các Sách Tin Mừng nói đến như: Lễ Cắt Bì của Người (x. Lc 2:21) và việc Dâng Người trong Đền Thờ (x. Lc 2:22-24), cũng như nền giáo dục và đào luyện mà Người nhận được tại thánh gia thất ở Nazareth (x. Lc 2:39-40 và 2:51-52). Tất cả trong "khoảng ba mươi năm" (Lc 3:23), một thời gian dài sống ẩn dật và lao động, dù được đánh dấu bằng kinh nghiệm tham gia vào những giây phút biểu hiện tôn giáo cộng đồng, như cuộc hành hương Giêrusalem (x. Lc 2:41). Khi kể lại cho chúng ta câu chuyện về Chúa Giêsu lúc 12 tuổi ngồi giữa các vị thầy trong Đền Thờ (x. Lc 2:42-52), Thánh Luca cho thấy rằng Chúa Giêsu, Đấng cầu nguyện sau khi chịu phép rửa ở sông Giođăng, từ lâu đã có thói quen cầu nguyện một cách mật thiết với Thiên Chúa Cha, một việc cầu nguyện bắt nguồn từ truyền thống và cách thức của gia đình, và trong những kinh nghiệm sống có tính quyết định trong đó. Câu trả lời của cậu bé 12 tuổi với Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse ám chỉ Việc Làm Con Thiên Chúa, mà tiếng từ Trời đã biểu lộ sau phép rửa: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2:49). Không phải đến khi lên khỏi sông Sông Giođăng Chúa Giêsu mới bắt đầu việc cầu nguyện của Người, nhưng Người không ngừng có thói quen liên hệ với Chúa Cha. Chính trong sự kết hợp mật thiết này mà Người hoàn tất việc chuyển tiếp từ cuộc đời ẩn dật ở Nazareth sang sứ vụ công khai của Người.

Chắc chắn là giáo huấn về cầu nguyện của Chúa Giêsu đến từ cách Người đã học cầu nguyện trong gia đình Người, nhưng nó có căn nguyên sâu xa và thiết yếu trong tình trạng của Người là Con Thiên Chúa, trong liên hệ độc đáo của Người với Thiên Chúa Cha. Sách Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo trả lời câu hỏi: Chúa Giêsu đã học cầu nguyện với ai? như sau: "Với tâm hồn con người, Chúa Giêsu đã học cầu nguyện từ Mẹ Người và từ truyền thống Do Thái. Nhưng lời cầu nguyện của Người còn phát xuất từ một nguồn mạch sâu thẳm hơn nữa, vì Người là Con Vĩnh Cửu của Thiên Chúa. Trong nhân tính thánh thiện, Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha của Người lời kinh tuyệt vời trong tình con thảo" (541).

Trong tường thuật Tin Mừng, bối cảnh của việc cầu nguyện của Chúa Giêsu luôn được tìm thấy ở giao điểm giữa việc hội nhập vào truyền thống của dân Người và sự mới lạ của một mối liên hệ cá nhân độc đáo với Thiên Chúa. "Nơi thanh vắng" (x. Mc 1:35, Lc 5:16), ở đó Người thường nghỉ ngơi, là "núi" mà Người đi lên để cầu nguyện (Lc 6:12, 9:28), là "đêm" mà Người có thể sống trong cô tịnh (x. Mc 1:35, 6:46-47, Lc 6:12) tất cả gợi lại những giây phút dọc theo con đường mặc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước, và ám chỉ sự liên tục của kế hoạch cứu độ của Ngài. Nhưng đồng thời, chúng cũng đánh dấu những giây phút đặc biệt quan trọng đối với Chúa Giêsu, là Đấng đi vào kế hoạch này một cách ý thức trong sự hoàn toàn trung thành với Thánh Ý Chúa Cha.

Trong việc cầu nguyện của chúng ta, chúng ta cũng phải học càng ngày càng đi vào lịch sử cứu độ mà tột đỉnh là Chúa Giêsu. Chúng ta phải học canh tân quyết định cá nhân của mình trước mặt Thiên Chúa để mở lòng đón nhận Thánh Ý Ngài, và xin Ngài ban sức mạnh để thích nghi ý muốn của mình với Thánh Ý của Ngài, trong mọi khía cạnh của cuộc đời mình, trong sự vâng phục hoạch yêu thương của Chúa dành cho chúng ta.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn sứ vụ của Người và mọi ngày của Người. Những khó khăn không phải là trở ngại. Các sách Tin Mừng cho thấy rằng Chúa Giêsu có thói quen cầu nguyện ở một phần của ban đêm. Thánh Sử Marcô kể lại một trong những đêm ấy, sau một ngày vất vả hóa bánh ra nhiều, ông viết: "Và lập tức Người bắt các môn đệ xuống thuyền, và qua bờ bên kia về Bethsaiđa trước, trong khi Người giải tán dân chúng. Sau khi lìa bỏ họ, Người lên núi cầu nguyện. Và khi chiều đến, chiếc thuyền đang giữa biển, và Người ở một mình trên đất liền." (Mc 6:45-47). Khi có những quyết định cấp bách và phức tạp, việc cầu nguyện của Người kéo dài và sốt sắng hơn. Thí dụ, trước việc chọn lựa Mười Hai Tông Đồ sắp xảy ra, Thánh Luca nhấn mạnh rằng việc cầu nguyện của Chúa Giêsu để chuẩn bị cho giây phút ấy kéo dài cà đêm: "Trong những ngày ấy, Người đi vào trong núi để cầu nguyện, và Người đã cầu nguyện liên tục suốt đêm cùng Thiên Chúa. Khi trời sáng, Người gọi các môn đệ lại, và chọn trong họ mười hai ông mà Người gọi là Tông Ðồ" (Lc 6:12-13).

Trong việc nghiên cứu các lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, một câu hỏi nảy ra trong long chúng ta là: tôi phải cầu nguyện cách nào? Chúng ta phải cầu nguyện thế nào? Tôi phải dành bao nhiêu thời gian cho mối liên hệ của tôi với Thiên Chúa? Hiện nay việc giáo dục và đào luyện về cầu nguyện có đầy đủ không? Và ai có thể dạy về cầu nguyện? Trong Tông Huấn Verbum Domini, tôi đã nói về tầm quan trọng của việc cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Bằng cách thu thập những tài liệucủa Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi đã đặc biệt nhấn đến hình thức cụ thể của lectio divina. Lắng nghe, suy niệm, giữ im lặng trước mặt Chúa là Đấng đang nói, là một nghệ thuật mà chúng ta học bằng cách thực hành thường xuyên. Cầu nguyện chắc chắn là một hồng ân mà trước hết và trên hết đòi hỏi phải được đón nhận, là công trình của Thiên Chúa, nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải cam kết và liên tục. Trên hết, liên tục và kiên trì là điều quan trọng. Mẫu gương về kinh nghiệm của Chúa Giêsu cho thấy rằng lời cầu nguyện của Người được sinh động bời tình phụ tử của Thiên Chúa và sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, được đào sâu qua việc thực hành lâu dài và trung thành cho đến Vườn Cây Dầu và Thánh Giá. Ngày nay, các Kitô hữu được mời gọi trở thành nhân chứng cho cầu nguyện bởi vì thế giới của chúng ta thường không mở ra cho chân trời của Thiên Chúa và cho niềm hy vọng dẫn đến một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Trong tình bằng hữu sâu xa với Chúa Giêsu và bằng cách sống trong một mối liên hệ con thảo với Chúa Cha trong Chúa Giêsu và với Người, qua lời cầu nguyện trung thành và không ngừng của chúng ta, chúng ta có thể mở ra những cửa sổ hướng về Thiên Chúa trên Trời. Thực ra, khi đi theo con đường cầu nguyện, mà không có những tính toán của loài người, chúng ta có thể giúp đỡ những người khác đi cùng một con đường: vì thật sự việc cầu nguyện của các Kitô hữu trong khi hành trình dọc con đường của nó, cũng được mở ra những con đường khác.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự đào luyện mình trong một mối liên hệ nồng nàn với Thiên Chúa, trong việc cầu nguyện không phải là bất thường nhưng thường xuyên, đầy tin tưởng, có khả năng chiếu sáng cuộc đời chúng ta, như Chúa Giêsu dạy chúng ta. Và hãy xin Người cho chúng ta có khả năng truyền đạt cho những người gần chúng ta và những người chúng ta gặp trên những con đường của mình, niềm vui của cuộc gặp gỡ Chúa, Đấng là ánh sáng cho cuộc đời của chúng ta. Cám ơn.
 
Dân chúng mong đợi gì trong chuyến viếng thăm của ĐGH đến Cuba
Nguyễn Long Thao
20:09 03/12/2011
Dân chúng Cuba mong đợi gì trong chuyến viếng thăm sắp đến của ĐGH.

Miami 2/12/2011.-Tiểu bang Florida là nơi có nhiều người Cuba tị nạn. Tại đây tờ nhật báo Miami Herald đăng bài bình luận có tựa đề " Cuộc Viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Bênêđictô XVI đến Cuba"". Tác giả là Andy S. Gomez, người Mỹ gốc Cuba là trợ lý viện trưởng và là thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Cuba và người Mỹ gốc Cuba tại Đại học Miami. Nội dung bài viết trình bày những ước vọng của người dân Cuba muốn ĐGH thực hiện khi đến đất nướcc này

Trong khi người Cuba đang kiên nhẫn chờ đợi các cuộc cải cách của Raúl Castro để cải thiện cuộc sống thì có nguồn tin tại Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ đến Cuba vào năm tới để kỷ niệm 400 năm ngày kỉ niệm Đức Mẹ Bác Ái, là bổn mạng của Công giáo Cuba.

Hầu hết người dân trên đất nước Cuba chưa biết tin tức này, vì tất cả hệ thông thông tin đều do chính phủ kiểm soát. Ở Cuba ngày nay, dù dân chúng có thêm các phương tiên truyền thông xã hội nhưng chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ dân chúng có quyền truy cập vào mạng lưới toàn cầu (internet) hoặc điện thoại di động.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm Cuba lần cuối vào năm 1998, khi đó cả Fidel Castro lẫn hàng trăm ngàn người ra phi trường Havana cầm cờ Tòa Thánh và cờ Cuba vẫy chào ĐGH..

Đến đâu Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng nói lên niềm hy vọng và khích lệ tinh thần. Do vậy người ta cho rằng chính ĐGH người Ba Lan đã có công trong việc hạ bức màn sắt.

Nhưng chuyến viếng thăm của ĐGH Gioan Phaolô II vừa kết thúc thì bao nhiêu tinh thần phấn khởi trong lòng người Cuba cũng tắt lịm vì chính quyền vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền, cấm cách nhiều tự do cá nhân.Cuộc sống vẫn khó khăn , không có gì thay đổi trong nhà nước độc tài toàn trị.

Vậy chúng ta có thể mong đợi gì trong chuyến viếng thăm sắp tới của ĐGH Benedict XVI?

Kể từ khi Raúl Castro, người em của Fidel Castro lên nắm quyền, thì tình hình xã hội và kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo đã lên tiếng nhiều hơn và dường như Giáo Hội đã làm được một số việc mà chính quyền không đủ khả năng làm như trợ giúp thực phẩm, thuốc men nơi cư trú cho người nghèo.

Trong hai năm qua, Đức Hồng Y Jaime Ortega thường bị chỉ trích là không có lập trường cứng rắn đối với chính phủ Cuba, nhưng Ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đàm phán để thả các tù nhân chính trị và tạo ra một đường dây liên lac trực tiếp với TT Raúl Castro.

Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI có thể được coi là quan trọng hơn hơn so với chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô. Tại sao? Bởi vì Fidel không còn cai trị Cuba nữa , và Giáo Hội Công Giáo đã bắt đầu có một vai trò quan trọng .

Dân Cuba muốn thay đổi không những về kinh tế mà còn muốn được hưởng tự do và hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Lời nói và hành động của Đức giáo hoàng tại Cuba sẽ vô cùng quan trọng. Họ hy vọng ĐGH sẽ kêu gọi chấm dứt vi phạm nhân quyền, mở cửa hệ thống chính trị, và và cũng hy vọng ĐGH sẽ gặp các người bất đồng chính kiến và các nhà lãnh đạo đối lập. ĐGH cũng nên gặp gỡ cộng đồng người Cuba gốc Phi Châu, mà ngày nay chiếm phần lớn dân số trên đảo.

Nói chung, dân chúng Cuba muốn ĐGH có vị thế mạnh mẽ hơn so với Đức Giáo Hoàng John Paul II.

Chính quyền của Tổng thống Obama đã đối thoại với Cuba và đạt được thành công nhỏ. Giáo Hội Công Giáo Cuba chủ trương Hoa Kỳ nên bỏ các lệnh cấm vận kinh tế, vì sẽ giúp cải thiện mối liên lạc giữa Washington và Havana. Tuy nhiên, giới am tường chính trị Cuba cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận mà không có hành động đáp ứng tích cực của anh em Castro thì đó không phải là chính sách ngoại giao tốt . Thay vào đó, chính quyền Hoa Kỳ nên tiếp tục khuyến khích xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ hơn với nhân dân Cuba.

Từ lâu người Cuba vẫn hy vọng rằng Giáo hội Công giáo sẽ là chất xúc tác cho một Cuba thay đổi

Lần này, khi Đức Thánh Cha rời khỏi Cuba, họ hy vọng rằng Ngài sẽ để lại một thông điệp đủ mạnh khuyến khích mọi người, cả bên trong lẫn bên ngoài chính phủ bắt đầu một tiến trình thật sự hòa giải và cải cách.

Nguyễn Long Thao

 
Top Stories
Press Release: Hanoi Police must stop repressing religion in the name of public order
Vietnamese Redemptorist News
21:17 03/12/2011
PRESS RELEASE No. 04/2011

Police of Hanoi must stop repressing religion in the name of public order

Saigon Dec 3, 2011

VRNs (12-3-2011) Saigon- A large number of parishioners, religious novices and three Redemptorists of Thai Ha Parish, Vietnam were beaten and arrested on Friday morning (Dec 2, 2011)

Throughout the last month, Hanoi’s authorities have launched direct attacks at Thai Ha Parish by having thugs cause chaos at places of worship, and even having militiamen burst into church's sanctuary to threaten our priests in front of the children while Mass is in progress. On Friday Dec. 2, 2011, police arrested 2 priests, a deacon, 4 novices, and about 30 parishioners who were peacefully walking on the sidewalks and subsequently detained them at the city’s rehabilitation centre for prostitutes. In additions, Hanoi regime has also utilized its monopolistic media outlets and diplomatic channels to falsely accuse Thai Ha parish of being aggressive, obstinate and unwilling to participate in dialogues.

But, in reality, within the last two months, Thai Ha Parish had sent 4 letters presenting its position to the government at various levels and attended a face-to-face meeting with the city’s Health Department and Dong Da Hospital Administration at the office of AIC law firm. Hanoi’s authorities, however, has opted for violence. They have arrested, beaten up our parishioners and priests, instigated and recruited gangs of thugs among ordinary citizens. Worst yet, they also sent state workers to places of worship to severely desecrate the faith of our brothers and sisters.

The regime’s dishonesty has been condemned by religious leaders in Vietnam and around the world who have been demonstrating their communion to Thai Ha in this unjust treatment.

His Excellency Msgr. Michael Hoang Duc Oanh (of Kontum Diocese, Vietnam) stated "In any cases, the lack of respect for the truth and justice is always unrighteous. It’s, therefore, unacceptable for us. I think we always have to be honest and respectful to one another. The government, in particular, has to respect its citizens" (Dec 2, 2011)

His Excellency Msgr. Vincent Nguyen Van Long (of Melbourne Archdiocese, Australia) stated "I was deeply touched by the events repeatedly happening to our brother and sister parishioners at Thai Ha Parish, especially by the latest attack of Hanoi police in which they arrested and brutally assaulted those brother and sister parishioners while they were peacefully demonstrating against the injustices perpetrated by the very Hanoi government. I would like to express my profound communion to all victims and those who are courageously fighting against the tyranny."

The Very Reverend Michael Brehl, General Superior (of the International Congregation of the Most Holy Redeemer) wrote “We admire the commitment of the Province of Vietnam, and your own personal commitment, to support all efforts for justice and peace, especially for those in Vietnam who suffer from violence, from injustice, and from the efforts of those in the communist regime who do abuse or ignore human rights” (Nov 16, 2011)

The Reverend Alfonse Pham Hung (Archdiocesan Chancellor of Hanoi) wrote "The Archdiocese of Hanoi always asserts and respects the ownership rights of the Redemptorist Order on the 61,455 square meter piece of land located at 189 Nguyen Luong Bang, Dong Da, Hanoi, including the facility and the land lots being used by the state agencies in this area [and] The Archdiocese of Hanoi decries the uncultured and unlawful actions of those who intruded into the courtyard of the Thai Ha church and monastery with words of such offensive provocative and violent nature (Nov 4, 2011)

From this reality, the Vietnamese Redemptorist News hereby demands that:

1. The Vietnamese authorities must stop arresting our faithful, priests and religious arbitrarily and unlawfully.

2. They must cease the illegal construction on Redemptorist monastery's land immediately; and publicly recognize the truth that the facilities being used by Dong Da Hospital are legally owned by the Redemptorist Order, and that they are among those which had never been nationalized.

3. The authorities must behave in conformity with its own law, and carry out a roadmap leading to the gradual requisitions of the facilities borrowed from the Redemptorist Order so that they can be used for religious purposes. These requisitions will help to avoid losing of faith in the authorities among the Christian communities which may cause further regretful consequences.

Provincial Chargé d'affaires
Rev. Anthony Le Ngoc Thanh, C.Ss.R (signed)

Provincial Chief of the Secretariat
Rev. Joseph Dinh Huu Thoai (signed)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ phong chức cho một linh mục du sinh Việt Nam tại giáo phận Geralton
Minh Du
01:45 03/12/2011
Cách đây ba năm tôi đến với giáo phận Geralton thuộc tiểu bang Tây Úc, Úc Châu trong dịp rước thánh giá và ảnh Đức Mẹ của Đại Hội Giới trẻ từ Perth. Hôm nay tôi lại có dịp đến với giáo phận rộng lớn nhất thế giới về địa dư này để dự thánh lễ truyền chức linh mục cho thầy Giuse Trịnh Việt Anh Tài, sau gần tám năm tu học.

Cũng nên biết rằng, giáo phận Geralton đã 18 năm chưa có một tân linh mục nào. Tổng số linh mục tại đây là 17 người. Khi chúng tôi đến cũng là lúc hai cha Steve Casey và Thomas Kessy mới lái xe về tòa giám mục, giáo xứ của hai cha cách đó khoảng một ngàn cây số. Lễ xong, ngày mai là lên đường lái xe về với con chiên ngay.

Đức cha Justin Bianchini niềm nở đón tiếp mọi người. Ngài rất vui mừng khi bà cố dù sức khỏe không được tốt cũng ráng bay từ Việt Nam sang tham dự thánh lễ chịu chức của con trai. Ngài cũng khích lệ Sr. Trang, chị gái của tân chức thuộc Dòng Mẹ Têrêsa Calcutta đang phục vụ tại Hồng Kông cũng được nhà Dòng đặc cách cho sang tham dự thánh lễ truyền chức.

5 giờ chiều, trời vẫn còn nắng và nóng, nhưng nhà thờ chánh tòa đã đầy ắp người. Mọi người lái xe từ Perth lên dự lễ của tân chức. Trong số các 19 linh mục Việt Nam đang phục vụ tại tiểu bang Tây Úc thì đã có đến chín cha và đông đảo anh chị em tu sĩ lái xe 500 cây số lên dự lễ của thầy Tài. Trong số 35 cha đồng tế hôm nay thì đã có 10 vị là Việt Nam. Đây quả là sự khích lệ lớn lao cho tân linh mục phục vụ ở một giáo phận hẻo lánh này.

Đức cha Justin mở đầu bằng câu chào Chúa ở cùng anh chị. Cả nhà thờ ngỡ ngàng, người Úc thì không hiểu đức cha nói gì, người Việt thì ngỡ ngàng vì câu chào bằng tiếng Việt, nhưng chỉ đôi chút thôi thì tiếng thưa và ở cùng cha đã vang dội cả nhà thờ. Lời mở đầu đã làm cho mọi người tham dự xích lại gần nhau hơn, nhà thờ ấm cũng hơn khi đức cha giải thích Ngài đã học cả một buổi trưa cho một lời chào ấy mà thôi.

Trong bài giảng, đức cha cảm ơn gia đình thầy Tài đã quảng đại dâng người con trai duy nhất cho giáo hội, đặc biệt là cho giáo phận Geralton này. Ngài cũng tỏ rõ niềm vui khi có thêm một linh mục trong giáo phận. Ngài cũng bày tỏ lời cảm ơn của Ngài khi thầy Tài “ đầu quân” cho Geralton như Samuel trong bài đọc một đã thưa Lạy Chúa, này con đây. Và Ngài chia sẻ rằng chúng ta sẽ không mất gì khi đi theo Chúa, mà được nhiều hơn nữa như lời Chúa nói với ông Phêrô rằng: con sẽ được gấp trăm lần hơn thế nữa... Đây cũng như là lời khích lệ cho anh chị em linh mục tu sĩ và cho tất cả những ai đã âm thầm hy sinh cho Chúa trong cuộc sống thường nhật hàng ngày.

Sau khi rước lễ, quý anh chị em tu sĩ đã cống hiến cho cả nhà thờ bài hát khúc cảm tạ của nhạc sĩ Mai Nguyên Vũ. Sau thánh lễ, mọi người tấm tắc cảm ơn đã chia sẻ bài thánh ca này, dù họ không hiểu nhưng âm điệu của bài hát đã làm cho tâm hồn cảm thấy một sự tha thiết dâng hiến và tạ ơn sâu thẳm.

Trong bài cảm ơn tân linh mục Giuse Trịnh Việt Anh Tài đã tận tình cảm ơn từ đức giám mục, linh mục nghĩa phụ Giuse Đồng Văn Vinh, quý cha, anh chị em tu sĩ và mọi người đã hết lòng ủng hộ cho cha bằng lời cầu nguyện, lời khích lệ và sự hiện diện. Cha Tài còn nói thêm rằng: Con không dám tự hào mình là linh mục trẻ nhất, nhưng con dám chắc một điều con là linh mục nhỏ nhất thế giới. Cả nhà thờ òa tiếng vỗ tay tán đồng và thánh lễ kết thúc trong niềm vui đầy tràn.

Sau thánh lễ, tân chức và mọi người cũng vào tòa giám mục để chia sẻ bữa tối. Anh chị em giáo dân người Việt trên Geralton chỉ có vài gia đình, nhưng chả giò, cơm chiên và một số món Việt Nam thì rất nhiều.

Trong bữa tiệc, nhiều bà con giáo dân đã thốt lên niềm vui mừng vì giáo phận có một linh mục trẻ, dù không lớn con nhưng lại có một trái tim rộng mở với Thiên Chúa và tấm lòng thương cảm với anh chị em... và có lẽ đó là điều cần nhất cho một vị mục tử tốt lành của Chúa mà thôi.

Đức cha Justin cùng chia sẻ niềm vui với gia đình tân chức cho đến người khách cuối cùng.

Tạ ơn Chúa với cha mới Tài. Xin cho sự khích lệ và lời cầu nguyện của mọi người ở với cha mãi mãi và chắc chắn Thiên Chúa sẽ luôn đổ tràn ơn xuống trên cha, để cha bắt đầu một sứ vụ mới trên giáo phận rộng lớn này. Ước chi lời Chúa mà cha chọn làm chỉ nam cho ngày lãnh nhận tác vụ linh mục ở cùng cha luôn mãi. “ thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn”. ( Mikha 6,8)

 
Nam Úc: Lễ Bế Giảng & Phát Thưởng Trường Việt Ngữ Đắc Lộ - Niên Học 2011
Jos. Vĩnh SA & Nhân Hoà
06:49 03/12/2011
Trong không khí tưng bừng để chào đón một mùa Giáng Sinh sắp về trên đất Úc, trường Việt Ngữ Đắc-Lộ, thuộc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc, đã hân hoan đón chào Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm, Quản Nhiệm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc, quý thành viên Ban Mục Vụ và Hội Đồng Mục Vụ cùng quý phụ huynh đến tham dự Lễ Bế Giảng & Phát Thưởng năm học 2011 được tổ chức vào ngày thứ bảy 03-12-2011 tại Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân vùng Pooraka - Nam Úc.

Trong phần diễn từ, Đức Ông Quản Nhiệm đã nhắn nhủ các em học sinh cố gắng trau dồi tiếng Việt và học hỏi những điều hay đẹp của văn hóa Việt Nam. Đức Ông cũng nhấn mạnh đến trọng tâm của trường Việt Ngữ Đắc-Lộ là giáo dục các em để trở thành những con người toàn diện. Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm đã ca ngợi những nỗ lực và đóng góp lớn lao, nhiều ý nghĩa của các thầy cô trường Việt Ngữ Đắc-Lộ trong sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam tại tiểu bang Nam Úc. Đức Ông cũng đề cập đến mối liên đới chặt chẽ trong gia đình sẽ có ảnh hưởng rất lớn lao đối với việc giáo dục con cái và sự hỗ trợ, khuyến khích của cha mẹ rất là cần thiết, giúp cho các em nỗ lực hơn và có nhiều tiến bộ hơn trong việc trau dồi tiếng Việt.

Xem Hình Click Nơi Đây

Sau phần tường trình sinh hoạt của thầy Nguyễn Quốc Hiệp, Hiệu Trưởng trường Việt Ngữ Đắc-Lộ, đã có 167 em học sinh từ lớp Vỡ Lòng đến lớp 12 nhận phần thưởng. Riêng lớp 12, ngoài năm em được trao phần thưởng về thành tích học tập xuất sắc, tất cả 19 em học sinh đều được nhận một chứng chỉ tốt nghiệp của trường và một “trophy’’ lưu niệm. Ngoài ra, nhà trường cũng phát giải thưởng về báo chí cho các em học sinh đã có những đóng góp xuất sắc qua các bài viết và hình vẽ cho Kỷ Yếu 2011, quyển đặc san mà theo truyền thống, hàng năm trường Việt Ngữ Đắc Lộ ấn hành vào dịp cuối năm học để tặng cho mọi gia đình có con em theo học tại trường.

Xen vào chương trình Lễ Bế Giảng, các em học sinh cấp sơ học và tiểu học ở cả ba chi nhánh Pooraka, Salisbury và Woodville đã trình diễn những màn múa trống cơm, múa quạt cùng hoạt cảnh “Cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Việt Nam’’ thật đặc sắc.

Sau hết là lời phát biểu cảm tưởng của một em học sinh lớp 12, đại diện cho học sinh toàn trường, bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các Thầy Cô, Ban Giám Hiệu, Ban Điều Hành nhà trường cũng như Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc đã tạo một môi trường học tập thật tốt đẹp để các em không chỉ được học tiếng Việt mà còn được học về luân lý, đạo đức và nhiều điều hay đẹp của văn hóa Việt Nam. Em học sinh đại diện cũng không quên cảm ơn tất cả các bậc cha mẹ đã hỗ trợ và luôn khuyến khích các em trau dồi tiếng Việt cũng như không ngại cực nhọc để đưa đón các em đến trường vào ngày thứ bảy hàng tuần.

Chương trình Lễ Bế Giảng năm học 2011 của trường Việt Ngữ Đắc-Lộ đã kết thúc trong niềm hân hoan, đầy tin yêu và hy vọng vào tương lai thế hệ trẻ Việt Nam nơi hải ngoại.

 
Lễ cung hiến nhà thờ Xuân Hồi, giáo phận Phát Diệm
Thùy Chi
09:05 03/12/2011
PHÁT DIỆM – Vào lúc 9h30 ngày mồng 3 tháng Mười Hai năm 2011, ngày lễ thánh Phanxico Xavie, thánh bổn mạng của Nhà thờ Giáo xứ Xuân Hồi, Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm đã dâng thánh lễ tạ ơn cung hiến nhà thờ Xuân Hồi (xã Chính Tâm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) thuộc giáo hạt Cách Tâm và mừng 102 năm xây dựng nhà thờ. Cùng dâng thánh lễ đồng tế có quí cha trong và ngoài giáo hạt Cách Tâm. Khoảng hơn 500 giáo dân trong giáo xứ, khách mời và quí ân nhân đến tham dự cùng chung niềm vui của Giáo xứ Xuân Hồi.

Xem hình ảnh

Theo sử liệu Lịch Sử Địa Phận Phát Diệm ghi, giáo xứ Cách Tâm được thành lập từ năm 1865 gồm 14 họ, có 6 họ toàn tòng (Thành Đức, Huệ Dịch, Xuân Hồi, Mông Hưu, Quân Triêm, Lưu Thanh) và 8 họ gián tòng (Cách Tâm, Hàm Phu, Quyết Bình, Chất Thành, Cộng Nhuận, Chí Thanh, Chôm và Cống Thủy).

Vào cuối thế kỷ XIX, Giáo Hội Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thử thách và gian truân. Giáo dân khắp nơi sống trong lo âu và thầm lặng cầu nguyện, nhiều nhà thờ buộc phải dỡ hạ và cất giấu, nhà thờ Xuân An của xứ Cách Tâm cũng trong tình cảnh chung như vậy.

Đến năm 1905, ngôi nhà thờ mới bắt đầu được khởi công xây dựng tại họ Xuân Hồi trên diện tích hơn 4 mẫu tức là 4 hecta và tương đương khoảng 40.000 mét vuông. Trong tổng số diện tích xây nhà thờ đó có một phần đất do ông bà cố Đỗ văn Yên dâng cúng. Bốn năm sau, nhà thờ Xuân Hồi đã được hoàn thành vào ngày mồng 3 tháng 12 năm 1909. Nhà thờ gồm bảy gian chính với hai gian Cung thánh và năm gian dành cho giáo dân. Sau bàn thờ là một gian nhà áo. Kiến trúc nhà thờ mang vẻ đẹp Á đông, những hàng cột được dựng bằng gỗ lim quí, to, đều, thẳng và không một vết nối hay chắp vá nào. Phần mái nhà thờ lợp bằng ngói nam và hơi cong cong phù hợp với kiến trúc nhà thờ.

Năm 1925, tháp nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gothic. Và đến năm 1945, một sự kiện đặc biệt trong giáo họ Xuân Hồi, đó là Đức cha Anselmo Tadeo Lê Hữu Từ (1896 – 1967) quyết định tách giáo họ Xuân Hồi ra khỏi xứ Cách Tâm và nâng lên thành giáo xứ gồm một họ trị sở duy nhất.

Đến năm 1980, Đức cha Phaolo Bùi Chu Tạo ký quyết định phân thêm cho Giáo xứ Xuân Hồi hai họ Huệ Địch và họ Cộng Tập.

Trong năm 2006, cha xứ Giuse Mai văn Thiện đã chỉ đạo trị móng khởi công xây dựng Trung Tâm Mục Vụ của giáo xứ với diện tích mặt bằng dài 18m và rộng 8m.

Sang năm 2008, cha xứ mới Phêrô Vũ Đại Đồng tiếp tục lo liệu chỉ đạo xây dựng và hoàn thành nhà trung tâm. Công trình hoàn thành vào trước mùa Giáng Sinh năm 2010.

Từ đầu năm 2011, cha xứ Phê rô Vũ Đại Đồng cùng ban hành giáo trong sự giúp đỡ quảng đại của quí vị ân nhân đã cho làm mới lại ngôi nhà thờ Xuân Hồi để đến hôm nay, ngày lễ thánh Phanxico Xavie, bổn mạng của giáo xứ, Đức cha Giuse Nguyễn Năng đã về Cung hiến nhà thờ Xuân Hồi.

Việc Cung hiến nhà thờ là một biến cố quan trọng và chính thức đưa nhà thờ vào sử dụng theo điều kiện Giáo luật. Đây là một trang sử đặc biệt không những đối với cộng đoàn hiện diện trong nhà thờ hôm nay, nhưng còn là một kỷ niệm cần phải lưu giữ cho các thế hệ mai sau. Từ nay, ngày lễ thánh Phanxico Xavie mồng 3 tháng 12 hàng năm là ngày kỷ niệm xây dựng nhà thờ.
 
Thánh lễ Truyền chức Phó tế tại Giáo phận Hưng Hóa
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
11:16 03/12/2011
Hưng Hóa - ngày 03.12.2011, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, chủ tế Thánh lễ truyền chức phó tế cho 7 Thầy K2004 tại nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc, xã Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Cùng đồng tế với ngài có Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa. Tham dự Thánh lễ có quí Dì dòng Mến Thánh Giá Sơn Tây, quí Thầy, quí thân nhân, ân nhân và đông đảo giáo dân.

Các Thầy chịu chức phó tế gồm:

1. Giuse Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1977
2. Phêrô Trần Đức Lâm, sinh năm 1975
3. Giuse Lê Đoài Túc, sinh năm 1979
4. Giuse Phạm Văn Luật, sinh năm 1977
5. Giuse Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1976
6. Giuse Đỗ Tiến Quyền, sinh năm 1977
7. Giuse Đặng Đức Suý, sinh năm 1974

Quí Thầy chịu chức phó tế hôm nay là những người đầu tiên được Đức cha Antôn Vũ Huy Chương chọn vào Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội năm 2004 trong cương vị mục tử. Quí Thầy đã được đào tạo 7 năm tại đó. Có thể nói đây là hoa quả đầu tay của ngài. Vì thế, Đức cha Gioan, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa mời ngài truyền chức cho các Thầy.

Cũng nên nhắc lại, ngày 01.10.2003, Đức cha Antôn làm Giám mục Giáo phận Hưng Hóa. Và ngài đã vâng lời Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhận Giáo phận Đà Lạt đến nay được 8 tháng.

Nhân dịp ra Bắc lần này, ngài đi Thái Bình mừng lễ 75 năm thành lập Giáo phận và mừng 80 tuổi Đức cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang. Và ngài tới Hà Nội để mừng 20 năm Giám mục của Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. cuối cùng, Đức cha đã đến thăm Giáo phận Hưng Hóa mà ngài đã từng gắn bó và yêu thương.

Trước Thánh lễ, Đức cha Gioan Maria thay mặt các linh mục đoàn và mọi thành phần dân Chúa chúc mừng Đức cha Antôn 40 năm linh mục (18.12.1971 – 18.12.2011). Đức cha nói: “Trong suốt 40 năm làm linh mục và Giám mục, Đức cha phục vụ 3 Giáo phận: Cần Thơ, Hưng Hóa và nay là Đà Lạt. Với hơn 7 năm trong chức vụ mục tử tại Hưng Hóa, Đức cha đã làm được rất nhiều việc, nhất là việc đào tạo linh mục, tu sĩ mà 7 Thầy chịu chức phó tế hôm nay là bằng chứng cụ thể. Giáo phận Hưng Hóa chúng con rất biết ơn Đức cha”.

Bước vào Thánh lễ, Đức cha Antôn ngẹn ngào ngỏ lời: “…Sau gần 8 năm làm Giám mục Giáo phận Hưng Hóa, tôi nhận chức Giám mục Đà Lạt. Đến nay đã được 8 tháng. Trong thời gian qua, không một ngày nào tôi không nhớ tới Giáo phận Hưng Hóa, nhất là khi nhắc tới cầu nguyện cho Đức cha Antôn trong Thánh lễ tôi lại nhớ tới Đức cha Gioan…”.

Sau Thánh lễ, một tân phó tế đã có lời cám ơn 2 Đức cha, quí cha và cộng đoàn. Trong bài cám ơn có đoạn: “… Trong niềm vui hoà với niềm cảm mến tri ân, trước hết, chúng con dân lên Đức cha Gioan Maria kính yêu lời cảm tạ. Đức cha đã lo liệu để hôm nay, qua Đức cha Antôn chúng con được truyền chức phó tế để phục vụ cộng đoàn. Công ơn và tình thương của Đức cha, chúng con xin mãi mãi khắc ghi…”

Thánh lễ truyền chức phó tế diễn ra trong bầu khí vui mừng và hi vọng. Vui mừng vì có thêm thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo Hưng Hóa. Hi vọng vì gương thánh Phanxicô là gương mẫu về truyền giáo mà cả Giáo Hội mừng kính hôm nay. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tân phó tế để các Thầy chu toàn sứ vụ mới lãnh nhận và chuẩn bị tốt nhất để lãnh nhận chức linh mục của Chúa Kitô trong tương lai gần.
 
Giáo khu Phanxicô Savier CGVN ở Melbourne mừng lễ bổn mạng
Trần Văn Minh
18:11 03/12/2011
Melbourne - Vào lúc 3 giờ 30, ngày 3 tháng 12 năm 2011. Lễ kính Thánh Phanxicô Savier bổn mạng cuả Giáo khu Phanxicô Savier thuộc Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Giáo khu đã tổ chức thánh lễ mừng bổn mạng và tạ ơn Thiên Chuá tại Thánh đường St. Martin de Porres tại vùng Avondale Heights, Melbourne.

Xem hình ảnh

Thánh lễ được linh mục Raphael Võ Đức Thiện quản nhiệm cộng đoàn chủ tế cùng linh mục Lê Trọng Bình đồng tế, cùng với đại diện ban mục vụ và các ban ngành trong Cộng đoàn công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm và đông đảo giáo dân trong giáo khu đã đến đồng hiệp dâng thánh lễ, tạ ơn và mừng bổn mạng.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, chị Phạm Thị Thanh, thay mặt ban chấp hành giáo khu lên đọc tiểu sử Thánh Phanxicô Xavier, Ngài là vị thánh đã hy sinh vượt đại dương xa xôi đến những vùng đất xa lạ, đi rao giảng tin mừng cho muôn dân được biết đến đạo Chuá mà theo. Giáo khu hôm nay mọi người thật vui mừng vì đã chọn Thánh nhân là bổn mạng. Chúng ta được thưà hưởng di sản lớn lao là ân sủng cuả Thiên Chuá qua công lao và lời cầu thay nguyện giúp qua Thánh Phanxicô Xavier bổn mạng cuả giáo khu.

Qua phần chia sẻ lời Chuá. Linh mục Raphael Võ Đức Thiện cũng nhắc lại gương Thánh Phanxicô đã đến với vùng đất mà thời đó diễn tả qua lời kinh Thánh Phanxicô Xavier mỗi khi chúng ta đọc lên là: “Lạy ơn ông Thánh Phanxicô Xavier trẩy qua phương Đông này, giảng dạy… Cho chúng con biết được đạo Chuá mà thờ phượng.” Để hôm nay, mỗi đầu tháng 12, mọi người lại kính nhớ đến công lao cuả người.

Linh mục chủ tế cũng nhắc nhở mọi người về muà vọng, Thiên Chuá mà Thánh Phanxicô Xavier đã đi rao giảng đang đến trong chúng ta trong muà cực trọng là Lễ Giáng Sinh.

Thánh lễ được Ca đoàn Babilon, một ca đoàn lớn và lâu đời trong cộng đoàn đến để dùng lời ca tiếng hát thật điêu luyện, du dương, thay cho giáo khu, dâng lời cảm tạ lên Thiên Chuá qua thánh bổn mạng, về những ân lành mà Chuá đã giữ gìn và nâng đỡ mọi người trong một năm qua.

Sau thánh lễ. Ông Nguyễn Văn Lương, trưởng giáo khu Thánh Phanxicô Xavier, đã lên cảm ơn quý cha đồng tế, quý vị trong ban mục, quý ban ngành đoàn thể và mọi người trong cộng đoàn và cách riêng đến toàn thể mọi người trong giáo khu đã về dự Thánh lễ mừng kính bổn mạng.

Cuối cùng, như thông lệ, để tạo cơ hội cho mọi người có cơ hội gặp mặt để chào hỏi, hàn huyên, tâm sự. Vì dù là người trong một giáo khu, trong trong một vùng điạ lý rộng lớn, ít khi có dịp gặp mặt và biết nhau, thì đây là dịp tốt nhất trong năm mọi người được gặp mặt. Ban chấp hành có tổ chức bưã tiệc mừng bên hội trường nhà thờ để mọi người chung vui.

Bưã tiệc thật vui vẻ cho mọi người ngồi lại bên nhau, trong niềm vui hân hoan, cuả ngày mừng kính bổn mạng
 
Đại Chủng viện Vinh Thanh mừng lễ Bổn mạng: Trách vụ loan báo Tin Mừng
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
22:46 03/12/2011
Đại Chủng viện Vinh Thanh mừng lễ Bổn mạng: Trách vụ loan báo Tin Mừng

Sáng ngày 03 – 12 – 2011, Đại Chủng viện (ĐCV) Vinh Thanh đã long trọng mừng lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng của Đại Chủng viện. Thánh lễ đã diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng và đầy tinh thần hiệp thông với sự hiện diện của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Cha Tổng đại diện Pet. Nguyễn Văn Viên, Cha Giám đốc Đại Chủng viện J.B. Nguyễn Khắc Bá, quý Cha trong Ban giảng huấn, quý Cha đến từ các giáo xứ, cùng đông đảo nữ tu các Hội dòng và bà con thân nhân, ân nhân xa gần.

Xem hình bấm vào đây

Dịp mừng lễ Bổn mạng của ĐCV Vinh Thanh lần này đúng vào thời điểm Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh đến thăm mục vụ tại Giáo Phận Vinh. Đây là tin vui đối với Giáo phận Vinh, đặc biệt với ĐCV Vinh Thanh, khơi dậy nơi anh em chủng sinh Vinh Thanh ý thức trách vụ về chiều kích hoàn vũ của công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay.

Trách vụ loan báo Tin Mừng là trọng tâm của tiến trình đào tạo và tự đào tạo tại Đại Chủng viện Vinh Thanh. Nó được khởi đi từ lời mời gọi của Đức Kitô: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần" (Mt 28,19). Đây là ý tưởng chủ đạo mà Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chia sẻ cùng Gia đình ĐCV Vinh Thanh trong thánh lễ mừng Bổn mạng.

Mở đầu bài giảng, Đức Cha Phaolô đã khơi gợi hình ảnh đẹp đẽ, cao cả của những “bước chân loan báo Tin Mừng”. Tuy nhiên, cái ĐẸP ấy không hệ tại ở vẻ đẹp thơ mộng tầm thường mà nó được kết tinh từ sự dấn thân không biết mỏi mệt, tận hiến ngay cả mạng sống vì một mục tiêu duy nhất là làm cho ánh sáng Tin Mừng được lan rộng. Giá trị này được biểu hiện cụ thể và sinh động qua tấm gương ngời sáng của những “chiến sỹ Nước Trời” là các thừa sai, các tình nguyện viên nơi những vùng miền xa xôi, nguy hiểm, trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng của ĐCV Vinh Thanh. Chứng nhân loan báo Tin Mừng thể hiện nơi Thánh Phanxicô đạt tới chiều kích cao sâu hơn, khi ngài dám đối diện với khó khăn, nghịch cảnh trên bước đường truyền giáo trong niềm tín thác tuyệt đối vào tình thương Thiên Chúa. Khi được chỉ định sang Ấn Độ truyền giáo, Thánh nhân đã rất vui mừng mừng. Nghiệm trước những khó khăn, Ngài đã bộc bạch với một người bạn: “ Tôi đã thấy rằng: phải chịu khổ nạn cho vinh danh Chúa Giêsu Kitô. Trước mặt tôi là những hoang đảo, những miền đất báo cho tôi biết trước cơn đói, cơn khát và cả đến cái chết dưới hàng ngàn hình thức. Tôi ao ước được chịu khổ hình hơn nữa". Ước muốn được dâng hiến trọn vẹn vì tình yêu Thập giá, Ngài đã cam chịu cách vui vẻ trước những khác biệt, hiểm nguy, cay đắng nơi vùng đất lạ. Ngài không sợ bị đe doạ đến tính mạng để cứu được nhiều linh hồn.

Tinh thần phục vụ Tin Mừng của Thánh Bổn mạng như một “sứ điệp” nền tảng cho cho các ứng sinh linh mục Vinh Thanh hôm nay trên bước đường dấn thân theo Chúa và phục vụ tha nhân. Để sống chủ đề “Dấn Thân – Phục Vụ” mà ĐCV Vinh Thanh đã đề ra cho năm học 2011 – 2012, chủng sinh Vinh Thanh được Lời Chúa mời gọi bước theo Thánh Phanxicô với tâm nguyện luôn trăn trở, thao thức để Tin Mừng được loan báo, thi hành sứ vụ hết sức mình, cống hiến hết thời giờ dành cho loan báo Tin Mừng, và biết chấp nhận như Thánh Phaolô: “Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Ðức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời” (2Tm 2, 9-10). Nhờ đó, Đại Chủng viện Vinh Thanh có thể đạt được điều mà Đức Cha Phaolô đã kêu mời và ước mong trong Thánh lễ: “…Xin cầu nguyện đặc biệt cho ĐCV Vinh Thanh để tất cả những người xuất thân từ Đại Chủng viện này đều có được một nét gì riêng biệt của Thánh Quan thầy, đều mang trong mình những ưu tư và trăn trở mà Thánh Quan thầy đã từng ấp ủ, đã từng ưu tư, dằn vặt suốt cuộc đời, đó là làm sao cho Tin Mừng của Chúa được loan báo cho mọi người…”

J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Brisbane: Nghi thức cầu nguyện cho Thái Hà, Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam
Vinh Sơn Nguyễn Kim Thanh
14:28 03/12/2011
Ký thỉnh nguyện thư gởi HĐGM và Thủ Tướng Úc
Thánh lễ tối thứ Bẩy 3 tháng 12 năm 2011, Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng, tại nhà thờ St. Mark Innala, Brisbane đã diễn ra trong không khí rất cảm động. Gần 700 người con xa xứ đang sống trên miền đất Queensland thơ mộng và trù phú giờ phút này đây hướng về tổ quốc bùi ngùi chia sẻ những lo lắng trước những tin tức bi quan về làn sóng bạo lực mà nhà cầm quyền Việt Nam đang liên tục gây ra cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và anh chị em giáo dân giáo xứ Thái Hà.

Lúc 7:30 Cha Anthony Trần Bạch Hổ thuộc dòng Ngôi Lời đã hướng dẫn đông đảo anh chị em giáo dân trong cuộc rước chung quanh nhà thờ. Đoàn người cầm đèn cầy tiến bước sau thánh giá nến cao và đèn chầu trong khi ca đoàn hát bài Kinh Hòa Bình.

Khi đoàn rước đã tiến vào bên trong nhà thờ, anh chị em giáo dân đặt những cây đèn cầy chung quanh những chiếc bàn đã được dọn sẵn.

Những nghi thức đặc biệt diễn ra trong một khung cảnh trang nghiêm và trầm buồn đã khiến nhiều trẻ em ngạc nhiên. Một em xoay qua hỏi bạn: “What’ve happened?” - Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Thắc mắc của em đã nhanh chóng được cha chủ tế giải đáp thỏa đáng khi ngài nêu lên ý nghĩa của các nghi thức cầu nguyện đặc biệt vừa qua là để hiệp thông cầu nguyện với các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và anh chị em giáo dân giáo xứ Thái Hà, và xa hơn là cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam thân yêu để công lý, hòa bình và sự thật sớm được hiển trị trên đất Mẹ Việt Nam.

Cha chủ tế đã mời cộng đoàn cùng ngồi xuống và theo dõi những đoạn video mới nhất từ VietCatholic về những tin tức bi quan liên quan đến Thái Hà, những hình ảnh công an và du đãng tấn công vào nhà thờ và bắt bớ anh chị em giáo dân ngay trên đường phố Hà Nội giữa thanh thiên bạch nhật.

Cộng đoàn cũng đã chăm chú theo dõi diễn từ của Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long trong buổi thắp nến trước tòa nhà Quốc Hội Victoria hôm 19 tháng 11 vừa qua trên video clip của VietCatholic Network.

Trong phần hiệp lễ, cha Anthony Trần Bạch Hổ đã đọc lá thư của Tuyên Úy Đoàn Australia mời gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho Thái Hà, Giáo Hội và Quê Hương cũng như ký vào thỉnh nguyện thư gởi Hội Đồng Giám Mục và Thủ Tướng Australia. Ngài kêu gọi anh chị em giáo dân hăng hái đáp lời kêu gọi của Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm, Cha Phêrô Bùi Xuân Mỹ, Cha Raphael Võ Đức Thiện, và Linh Mục Nhạc Sĩ Văn Chi là những vị trong ban đại diện Tuyên Uý Đoàn Australia.

Dù thánh lễ dài hơn thường lệ, nhưng cuối thánh lễ anh chị em đã nán lại chung quanh những chiếc bàn do ban tổ chức dọn sẵn để ký các thỉnh nguyện thư và trao đổi với nhau về những thông tin liên quan đến Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam.

Trong tinh thần Mùa Vọng mong chờ Chúa đến, nhiều vị đã bày tỏ hy vọng sớm thấy “một trời mới, đất mới” cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam.

* Ảnh Trần Văn Thanh
 
ĐCV Vinh Thanh thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà, Mỹ Lộc và Giáo Điểm Con Cuông
BTT Vinh Thanh
09:20 03/12/2011
VINH - “Ơn Gọi Phục Vụ Tin Mừng”, đó là chủ đề của giờ thắp nến cầu nguyện diễn ra vào tối ngày 02 – 12 – 2011 tại Đại Chủng viện Vinh Thanh. Gia đình Đại Chủng viện Vinh Thanh đã nghiệm suy về “Ơn gọi phục vụ Tin Mừng” của người mục tử hôm nay theo gương Thánh Phanxicô Xaviê là bổn mạng của Đại Chủng viện, trong sứ vụ tận hiến cho những người đau khổ. Với ý nghĩa đó, Đại Chủng viện Vinh Thanh đã cùng thắp lên ngọn lửa hiệp thông cầu nguyện cho các mục tử và anh chị em giáo dân đang phải chịu bách hại vì sống Tin Mừng ở nhiều nơi, đặc biệt là tại Giáo xứ Thái Hà, Giáo xứ Mỹ Lộc và Giáo điểm Con Cuông.

Xem hình ảnh

Hiệp thông trong giờ cầu nguyện, có Cha Tổng đại diện Pet. Nguyễn Văn Viên, Cha Giám đốc Đại Chủng viện J.B. Nguyễn Khắc Bá, quý Cha trong Ban giảng huấn, anh em chủng sinh và tiền chủng sinh, đông đảo quý nữ tu các Hội dòng tại Giáo phận Vinh và bà con giáo dân cùng về tham dự.

“Ơn gọi phục vụ Tin Mừng” là một hồng ân lớn lao mà những ứng sinh linh mục hôm nay được nhận lãnh từ Đức Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành. Thắp lên ngọn lửa dấn thân - phục vụ, Gia đình ĐCV Vinh Thanh ý thức hơn vai trò và trách vụ cao cả của người tông đồ khi liên đới với biết bao anh chị em đang từng ngày, từng giờ phải đau khổ bởi những bóng đêm của tà quyền và các thế lực đang muốn dùng mọi cách nhằm chống phá Giáo hội. Những thông tin và hình ảnh về hiện trạng bách hại niềm tin tôn giáo từ Thái Hà, Mỹ Lộc, Con Cuông… đã làm cho mỗi thành viên trong gia đình Đại Chủng viện Vinh Thanh vô cùng thổn thức và cảm nghiệm sâu xa nỗi đau của cuộc lữ hành Thập giá. Thắp lên ngọn lửa hiệp thông, Đại Chủng viện Vinh Thanh muốn được cùng sẻ chia nỗi đau ấy và liên đới trong hy vọng về Mùa Đức Tin đang nảy mầm giữa lòng Giáo hội Việt Nam hôm nay.

Trước Thánh Thể Chúa và trong ánh nến nguyện cầu, Đại Chủng viện Vinh Thanh đã trao dâng cho Đức Kitô Khổ Nạn – Phục Sinh những đau khổ của các mục tử và anh chị em giáo dân đang chịu cảnh bách hại, “ nguyện xin cho những anh chị em vì Tin Mừng mà bị bách hại , cách riêng là quý Cha và anh chị em ở Thái Hà, Mỹ Lộc và Con Cuông được luôn tin yêu và kiên vững sống Đức tin, và cho những kẻ bách hại được ánh sáng Tin Mừng soi dẫn để sớm tìm về nẻo chính đường ngay. Vì, “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 11-12) (trích lời nguyện).

Giờ thắp nến cầu nguyện của Đại Chủng viện Vinh Thanh kết thúc với “Bài Ca Hiệp Nhất”, trong tâm tình ước nguyện cho mọi thành phần dân Chúa được hiệp nhất khi sống “Ơn gọi phục vụ Tin Mừng”. Đặc biệt, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Bổn mạng Phanxicô Xaviê, Đại Chủng viện Vinh nguyện xin Chúa thánh hóa ngọn lửa hiệp thông trong Đức tin đang rực cháy khắp muôn nơi, được thắp sáng và lan tỏa tại những vùng miền đang bị vây hãm bởi bóng đêm đen vô thần.
 
Thông cáo Báo chí của Truyền thông Chúa Cứu Thế về việc chính quyền Hà Nội cho công an đánh, bắt người trái pháp luật ngày 2/12/2011
Dòng Chúa Cứu Thế
14:15 03/12/2011
 
Perth: Hình ảnh cầu nguyện và ký thỉnh nguyện thư
Đồng Văn Vượng
23:38 03/12/2011
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hành Hương Bước Theo Thầy 17.10.2011-8.11.2011
Lm Văn Chi
05:12 03/12/2011
HÀNH HƯƠNG BƯỚC THEO THẦY 17.10.2011-8.11.2011.

PILGRIMAGE FOLLOWING JESUS – BƯỚC THEO THẦY


PHẦN NHẤT - BƯỚC THEO THẦY.

Chiều thứ 2 ngày 17 tháng 10 năm 2011, đoàn Hành Hương Bước Theo Thầy lên đường Hành Hương theo bước Chân của Chúa Giêsu Kitô và bước chân của các Thánh Tông Đồ, đặc biệt 2 Thánh Tông Đồ Cả là Phêrô và Phaolô.

Đoàn hành hương chúng tôi trên chuyến bay Boeing 777 của hãng hàng không Emirate lên đường tới Bangkok, sau đó, chuyến bay Boeing 777 lại đưa chúng tôi tới Dubai và tiếp tục hành trình bay tới Amman nước Jordan. Xe bus đón Đoàn Hành Hương Bước Theo Thầy theo dấu chân của Moi Sen và Gioxuê qua khu vực dân Moab, nơi Moisen cầu nguyện khi giang tay thì thắng trận, khi mỏi tay buông xuống thì dân Do Thái thua trận...Đi qua dẫy núi Nebo nơi Moisen qua đời nhìn về Thánh Địa và Môi Sen qua đời tại đây và không được vào Hứa Địa Israel. Qua dẫy núi Moab và hướng về Jericho theo con đường Gioxuê dẫn dân Do Thái về Hứa Địa. Xe bus dẫn đoàn qua thung lũng sông Jordan nhìn về Biển Chết và vùng Jericho. Qua biên giới Jordan và Israel, binh lính Israel kiểm soát rất khắt khe....Đoàn khá mệt mỏi vì phải đi bộ từng người qua trạm, vả lại ai cũng sợ mất passport...Phái đoàn Hành Hương tiến vào hoang địa Judea và hướng về Jerusalem. Phái Đoàn vào Jerusalem đúng và dịp Lễ Lều Sukot, những lều tạm người Do Thái dựng lên để nhớ về những ngày gian khổ xa xưa trong hoang địa 40 năm trên đường về Hứa Địa Israel.

Hành trình Núi Moab Jordan về Hứa Địa Israel


Hành Hưong Bước Theo Thầy nhập cuộc theo Hành Trình của Chúa Giêsu Kitô cách đây hơn 2000 năm theo chủ đề: "Bước Theo Thầy.".

KHÁI NIỆM VỀ NƯỚC DO THÁI

a) Địa dư: Diện tích nước Do thái là 20.850 km2. Dài 416 km, rộng từ 15km đến 66km. 50% đất đai là những cánh đồng hoang vu. Ranh giới Do thái nằm sát với Libăng, Syria, Jordan và Ai Cập, phía tây giáp với Địa trung Hải.

b) Khí hậu: có 2 mùa rõ rệt, mùa hè khô ráo và mùa đông ôn hòa nhưng hay mưa.

c) Dân số: Dân số ngày nay tại Do Thái là 7,700,000 người, gồm 5,802,000 người Do Thái, và 1,573,000 người Ả Rập, và khoảng 160,000 người du mục Bedouins. Về Tôn Giáo, Do Thái có 5,802.000 theo Đạo Do Thái, 633.000 Hồi giáo Ả Rập, 105.000 Công Giáo, và cón lại là những người theo các Tôn Giáo khác.

d) Ngôn ngữ: Tiếng Do Thái được đổi mới, toàn dân đều học và nói tiếng Do Thái. Báo chí bằng tiếng Do Thái mỗi ngày một gia tăng.

e) Tôn giáo: Do thái có những tôn giáo chính: Do Thái giáo, Hồi giáo, Kitô giáo theo nghi lễ Đông phương và La Tinh, Tin Lành...

Sáng ngày 18 tháng 10, đúng ngày Lễ Sukot, Lễ Lều của người Do Thái với 8 ngày nghỉ. Đoàn hành hương hưóng về Belem. Nghỉ đêm tại Belem nơi Hotel Golden Park. Ngày 19.10, đoàn đã cùng nhau lên đường kính viếng Ein Kerem Thánh Đường Gioan Tẩy Giả, Thánh Đường Mẹ Thăm Viếng, Giếng Đức Mẹ.

Hành Hương đến thăm Ein Karem, nơi Thánh Gioan Tẩy Giả Sinh Hạ tại đây, đồng thời hành hương Thánh Đường Đức Mẹ thăm viếng Bà Thánh Elisabeth xảy ra xưa kia. Ngôi làng xinh xắn Ein Karem không xa Jerusalem bao nhiêu. Ein Karem theo nguyên ngữ Do Thái là “Spring of the Vineyard-Suối của vườn nho”, Làng được bao bọc bằng những ngọn đồi với nhiều vườn cây olive và nho. Làng này được tin tưởng là nơi Thánh Gioan Tẩy Giả sinh hạ. Nơi đây, Mẹ Maria từ Nazareth đến thăm viếng người chị họ tên là Isave (Elizabeth), mẹ của Thánh Gioan Tẩy Giả, theo Phúc Âm Luca (Luke 1: 39-46). Phúc Âm không chỉ định rõ nơi Mẹ Maria gặp Thánh Isave hay chỉ rõ nơi Thánh Gioan Tẩy Giả sinh hạ. Phúc Âm chỉ trình thuật: “Mẹ Maria vội vã tiến về vùng núi của Judah.”

Nơi này phải là nơi gần Jerusalem để Zacharias là cha của Thánh Gioan Tẩy Giả phục vụ trong Đền Thờ. Theo truyền thống và qua các nhà khảo cổ cùng với những tài liệu quý giá, Ein Karem được nhận là nơi Mẹ Maria thăm viếng và là nơi hạ sinh Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngôi làng xinh xắn này với nhiều suối nước phù hợp với tường thuật của Thánh Sử Luca, là nơi quy tụ nhiều người từ thuở xa xưa. Ngôi Nhà Thờ mang tên Thánh Gioan Tẩy Giả được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 ngay trên ngôi nhà của ông Zacharias và là nơi sinh hạ của Thánh Gioan Tẩy Giả. Nhà Thờ bị phá huỷ rồi được xây dựng lại thời Đạo Binh Thánh Giá. Ngôi Nhà Thờ hiện nay được quý Cha Phanxicô xây dựng vào năm 1885. Nhà Thờ Thăm Viếng với 2 tầng được xây dựng trên khu vực Thánh Isave mang thai Gioan Tẩy Giả và Mẹ Maria đến thăm viếng Bà. Từ những ngày đầu tiên, Nhà Thờ này được xây dựng vào thế kỷ thứ 5. Sau đó, nhiều lần được sửa chữa lại và đến năm 1938, quý cha Phanxicô mới xây dựng Nhà Thờ phía trên. Trên bức tường hướng về Nhà Thờ, bản kinh Magnificat (Linh Hồn tôi ngợi khen Chúa) của Mẹ Maria được viết bằng 41 ngôn ngữ khác nhau. Đoàn chúng tôi xuống lầu dưới Nhà Thờ Thăm Viếng để cùng cầu nguyện trước Giếng Đức Mẹ. Giếng này còn khá nguyên thủy được rào vây rất cẩn thận. Nơi đây, Mẹ Maria đã từng múc nước giúp đỡ Bà Elisabeth trong lúc mang thai Gioan Tẩy Giả. Trên hành trình xuống núi, rừng xanh, vườn nho, cây cối tươi tốt chung quanh, tạo cho con người một tâm hồn thanh thoát. Đoàn Hành Hương dừng chân nơi một giếng Đức Mẹ khác nữa dưới chân núi, người ta để tấm bảng "Mary's Well - Giếng Đức Mẹ."

Sau đó, trên đường thăm viếng mô hình Kinh Thành và Đền Thánh Jerusalem. Mô hình Kinh Thành và Đền Thánh Jerusalem được xây dựng rất vĩ đại và công phu phản ảnh trọn vẹn Kinh Thành Jerusalem đời Chúa Giêsu. Hình ảnh Đền Thánh Jerusalem hùng vĩ oai nghiêm do Vua Herode xây dựng vào năm 20 BC. Đây là Kinh Thành David. Xa xa phía góc kia là Đồn Lũy Antonia Fortress. Cả mô hình Kinh Thành Jerusalem. Mô hình Đền Thờ thứ 2 của Kinh Thành Jerusalem thời vua Herode được phỏng dựng lại cho khách du lịch và hành hương tham quan. Công trình này kéo dài 7 năm sau khi nghiên cứu, thực hiện, và xây dựng một cách công phu. Công trình này chiếm khoảng ¼ acre. Những nhà thiết kế đã thực hiện lại theo mẫu hình Kinh Thành Jerusalem dưới thời Đức Giêsu một cách chính xác nhất.

Chúng tôi may mắn được vào xem thư viện truyền thống của Israel. Thư viện nhỏ với hình củ hành giống như những chiếc bình đựng những Cuốn Thánh Kinh từ Qumran vùng Biển Chết. Cộng Đồng người Essenes tự nhận mình là con Thần Ánh Sáng và những dân tộc khác là con của tối tăm. Quan niệm này được diễn tả bằng sự tương phản giữa mầu trắng của Đền và mầu đen của bức tường gần cửa chính. Bức tường cẩm thạch mầu đen tượng trưng cho sự đau khổ của người Do Thái xuyên suốt 2000 năm. Đền này với biểu tượng như một cái hang nằm sâu dưới lòng đất. Đền này chứa đựng Những Cuốn Thánh Kinh quý giá vùng Biển Chết, với những thư từ tài liệu của Bar Kokhba và những di tích giá trị khác...Pho Sách Thánh Kinh cổ kính và hiếm quý viết trên giấy papyrus và da, được gọi là Dead Sea Scroll.

Sau đó, Đoàn Hành Hương viếng thăm Đại Giáo Đường Giáng Sinh. May mắn quá, Đại Giáo Đường Giáng Sinh hôm nay khá vắng người...Đoàn chúng tôi được Wasim Saba, người hướng dẫn đưa chúng tôi vào Đại Giáo Đường Giáng Sinh.

Nhà Thờ Giáng Sinh Belem.
Đại Giáo Đường Giáng Sinh với hình Thánh Giá dài 170 feet và rộng 80 feet. Đại Giáo Đường Giáng Sinh được chia làm 5 cánh với 4 hàng cột lớn bằng đá đỏ của Đất Thánh. Những miếng trang trí bằng đá mosaics từ thế kỷ thứ 4 được khám phá ra năm 1936. Phần trên của Đại Giáo Đường và các tường, những miếng trang trí mosaics hiện rõ và do Đạo Binh Thánh Giá trang trí lại. Ca Đoàn Chính Thống Hy Lạp thường đứng hát Thánh Ca trên Hang Đá Giáng Sinh được trạm trổ bằng tay trên gỗ bá hương từ Lebanon. 2 cửa chính vào Đại Giáo Đường dẫn tới Hang Đá Giáng Sinh hình vuông với 35 feet dài và 10 feet rộng. Hang Đá Giáng Sinh được trang trí bằng 48 ngọn đèn. Một Ngôi Sao bằng bạc đặt ngay nơi Đức Giêsu Giáng Sinh có ghi bằng tiếng La Tinh: “Hic de Maria Virgine Jesus Christus Natus Est.” (Nơi đây Đức Giêsu Kitô đã Giáng Sinh bởi Mẹ Maria Đồng Trinh). Máng Cỏ được đặt bên phải. Những tảng đá nguyên thuỷ đen sạm vì nến và khói nằm phía trên Máng Cỏ. Mái nguyên thuỷ của Hang Đá được làm từ thế kỷ thứ 4. Những bức tường của hang được bảo quản bằng vật liệu chống lửa cháy do Tổng Thống Pháp Mac Mahon tặng năm 1874.

Sau khi hôn kính Ngôi Sao Giáng Sinh và chụp hình bên Máng Cỏ Chúa Giêsu, đoàn chúng tôi dâng Thánh Lễ tại hang Mục Đồng trên Cánh Đồng Mục Tử.. Đoàn thăm viếng Cánh Đồng Mục Tử. Những mục đồng canh giữ đoàn chiên ngoài đồng ban đêm, họ thấy các thiên thần của Thiên Chúa đứng hát chung quanh họ và loan tin: “Đừng sợ, ta báo cho các ngươi một tin mừng trọng đại, hôm nay, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta. Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa.” (Luke 2). Mặc dù các Phúc Âm không nói rõ vị trí chính xác của các mục đồng, nhưng theo truyền thống xa xưa, nơi này là cánh đồng nằm vào khoảng 2 dặm về phía đông của Belem. Đoàn chúng tôi dâng Thánh Lễ tại đây, vang hát những bài ca Giáng Sinh của các Thiên Thần loan báo cùng với các Mục Đồng năm xưa: “Gloria in Excelsus Deo – Vinh Danh Thiên Chúa trên các Tầng Trời.”

Ngày 20 tháng 10, đoàn hành hương tiến về Nazareth nơi Chúa Giêsu sống ẩn dật 30 năm. Nazareth là một trong những thành phố chính của Đất Thánh với độ cao 1,230 feet trên mặt nước biển. Thành phố này nằm giữa những ngọn đồi và được chọn là nơi Truyền Tin cho sự kiện sinh hạ Đấng Cứu Thế. Nơi đây, “Ngôi Lời đã biến thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta.” (John 1:14). Đức Kitô đã sống thời kỳ ẩn dật tại đây giống như các trẻ em Nazareth khác. Ngài đã làm thợ mộc với Thánh Cả Giuse và Thánh Sử Luca đã gọi Ngài là người thợ mộc. Nazareth là một thành phố nhỏ không có tiếng tăm, bên cạnh làng Cana. Tại đây, Nathanael đã nghe nói về Đức Kitô. Ngài cũng không được đón tiếp tại quê hương Nazareth khi Ngài khẳng định: “Quả thật ta nói cho chúng con hay, không một tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình.” (Luke 4:24). Chúng tôi vào thăm Hội Đường Do Thái, nơi dân Nazareth đã không tiếp nhận Ngài. Chúa Giêsu đã rời bỏ Nazareth để xuống Capharnaum để rao giảng. Tại Nazareth có một giòng suối nhỏ vẫn tiếp nước cho giếng nước của Mẹ Maria (Mary’s well). Năm 66 A.D. Thành phố này bị tàn phá do Vespasian. Vào năm 629, người Do Thái bị trục xuất khỏi Nazareth do lệnh của Heraclius. Trong thời kỳ Đạo Binh Thánh Giá, thành phố sống lại và phồn thịnh hơn. Ông Tancred, Hoàng Tử của Galilê xây dựng lại nhiều Nhà Thờ và tu viện. Năm 1187, thành phố bị Saladin xâm chiếm. Năm 1263 thành phố bị tàn phá do Beybars, sau đó rơi vào tay người Hồi Giáo kéo dài 400 năm. Năm 1620, nhiều gia đình Công Giáo về lập nghiệp nơi đây. Ngày nay, Nazareth phát triển lên và khoảng 35,000 dân gồm người Ả Rập và phần đông là người Công Giáo.

Nazareth là nơi cư trú của người Do Thái xưa kia. Người Công Giáo khởi công xây dựng vào thế kỷ thứ 4. Khoảng thế kỷ thứ 5, Nhà Thờ Truyền Tin được xây dựng tại hang đá Truyền Tin. Năm 614, Nhà Thờ bị phá huỷ do người Ba Tư. Tancred xây dựng lại tu viện và Nhà Thờ theo kiểu Roman. Năm 1263, Nhà Thờ Đạo Binh Thánh Giá bị phá huỷ do Beybars. Năm 1730, Tu Sĩ Phanxicô được phép xây một Nhà Thờ nhỏ và được làm lớn hơn vào năm 1877. Tu Sĩ Phanxicô luôn luôn muốn xây dựng một ngôi Nhà Thờ lớn xứng đáng với Mầu Nhiệm Truyền Tin. Ước mơ của họ được thực hiện vào năm 1960-1968. Một Nhà Thờ nguy nga được xây dựng tại đây. Nhà Thờ này trở thành lớn nhất trong vùng Trung Đông. Trước khi xây dựng, họ khai quật toàn bộ khu vực. Nhiều di tích đời xưa được khám phá.

Sau khi kính viếng Thánh Đường Truyền Tin và hôn kính nơi Sứ Thần Truyền Tin cho Mẹ Maria. Đoàn kính viếng xưởng thợ Thánh Giuse và Gia Đình Thánh Gia, hành hương nơi Giếng Đức Mẹ đã thường xuyên múc nước hằng ngày cho sinh hoạt Gia Đình Thánh Gia. Hành Hương Bước Theo Thầy cũng còn đến thăm viếng làng Naim, nơi Chúa Giêsu cho chàng thanh niên con một bà goá sống lại. Đêm nay,đoàn chúng tôi nghỉ đêm tại làng Nazareth.

Tiếp theo, Hành Trình Bước Theo Thầy viếng thăm Cana, nơi Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên tại đây. Đoàn dâng lễ Hôn Nhân đặc biệt cho 5 cặp Hôn Nhân tham dự nghi thức Lễ Nghi Hôn Nhân Truyền Thống tại Cana, và được cấp chứng chỉ Hôn Nhân tại Cana, để nhớ lại Bí Tích Hôn Nhân. Cana nằm vào khoảng 4 miles trên đường từ Nazareth tới Tiberias. Cana là nơi Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên hoá nước thành rượu trong một tiệc cưới. (John 2:1-11). Đoàn được tận mắt nhìn thấy 1 trong 6 chum nước rửa tay mà Chúa Giêsu đã truyền cho gia nhân đổ nước để Ngài làm phép lạ hoá nước thành rượu tại Cana. Chúng tôi đi chung quanh khu vực của gia đình đã mới Chúa Giêsu và Mẹ Maria tham dự tiệc cưới. 2 Nhà Thờ được xây dựng tại đây để kính nhớ phép lạ đầu tiên này. Sau đó, Đoàn Hành Hương tiến về Cesarêa thăm viếng những di tích xa xưa với những dinh thự, đền đài từ thế kỷ thứ nhất thời Roma. Đoàn lên núi Carmel, nơi tiên tri Elia thách đố niềm tin với 450 phù thuỷ của Thần Baal. Elia đã xin lửa bởi trời nhận lễ vật để minh chứng Thiên Chúa là Thiên Chúa thật, trước sự thất bại của nhóm phù thuỷ Thần Baal. Tiên Tri Elia đã ra lệnh truy diệt tất cả nhóm phù thuỷ Thần Baal này. Sau đó, Đoàn Hành Huơng tiến về hải cảng nổi tiếng Haifa và ăn trưa mừng 5 cặp hôn nhân tại đây. Khung cảnh đại dương xanh điệp trùng rất nên thơ. Haifa là một thành phố nhỏ với 10,000 dân cư vào đầu thế kỷ 20. Hiện nay, dân số tăng lên tới 225,000 người và là thành phố lớn thứ 3 của Do Thái. Haifa là hải cảng chính và là nơi có nhiều kỹ nghệ quan trọng. Thành phố nằm trong bờ biển Địa Trung Hải và dọc theo núi Carmel. Haifa có tên gọi vào thế kỷ thứ 3 A.D. Thành phố nhỏ này bị chiếm đóng nhiều lần do Đạo Binh Thánh Giá, người Ả Rập, người Thổ Nhĩ Kỳ, và người Anh. Năm 1898, Theodor Herzl, sáng lập viên của Zionism, thăm viếng Haifa và thấy được tương lai của thành phố. Ngày nay, nhiều cư dân đã định cư tại đây và biến thành phố trở thành một nơi quan trọng. Haifa còn có trung tâm của Tôn Giáo Bahai trên toàn thế giới với khoảng 2,000,000 tín đồ. Đạo Bahai có nguồn gốc từ Ba Tư năm 1844. Những người lãnh đạo của Tôn Giáo này bị đầy sang Acre. Họ tin tưởng sẽ quy tụ được mọi Tôn Giáo, mọi sắc dân, và xử dụng chung một ngôn ngữ trên toàn thế giới. Theo họ, tất cả các tiên tri được Thiên Chúa sai đến mang cùng một sứ điệp. Tiên Tri sau cùng là Baha Ullan, vị sáng lập Tôn Giáo Bahai. Họ thiết lập thành phố Thánh Địa tại Haifa.

Sau đó, Đoàn Hành Hương đến viếng Đức Ba Núi Carmêlô, tước hiệu Mẹ của Đại Dương. Một Thánh Đường nguy nga dâng kính Đức Bà Núi Carmêlô. Nơi đây, ảnh Đức Bà Núi Carmelô hay làm phép lạ được phổ biến trên toàn thế giới. Hành Hương chúng tôi cầu nguyện tha thiết với Đức Bà Carmêlô.

Buổi chiều, đoàn hành hương tiến lên Núi Tabor, nơi Chúa Biến Hình với 3 môn đệ: Phêrô, Giacôbê, và Gioan. Núi Tabor sừng sững vươn cao giữa các đồng bằng trên 1,900 feet cao hơn mực nước biển. Đây là một khung cảnh tuyệt đẹp trong vùng núi miền Galilê. Trong Thánh Vịnh 89, David hát lên: “Núi Tabor và Hermon sẽ mừng vui trong danh Thiên Chúa.” Trong thời xa xưa, nơi đây là biên giới giữa bộ lạc miền bắc và miền nam. Núi Tabor được nhận là Núi Thánh của Do Thái, vì nơi đây, vinh quang Thiên Chúa được thể hiện qua chiến thắng của Barak, với lời tiên tri Deborah, đánh bại quân đội Canaan dưới quyền Sisera (Judges 4:6). Làng Ả Rập dưới chân núi có tên gọi là “Daburieh” để vinh danh Nữ Tiên Tri Deborah. Đối với người Thiên Chúa Giáo, núi Tabor là Núi Thánh vì nơi đây Chúa Giêsu đã biến hình trước 3 môn đệ của Ngài (Luke 9:28 – 36). Đỉnh Núi Tabor dài 1,300 yards và rộng 450 yards, vây quanh với những di tích của thành luỹ cũ xây dựng vào thế kỷ 13 do người Hồi Giáo. Năm 1924, quý cha Phanxicô đã xây Nhà Thờ Chúa Biến Hình tại đây với những di tích của các Nhà Thờ trước kia. Bên cạnh những di tích của Nhà Thờ Byzantine thế kỷ thứ 6 và 12, người ta còn thấy được những di tích của những thành luỹ và tu viện xa xưa. Từ đỉnh cao của Núi Tabor, du khách có thể xem thấy khung cảnh huy hoàng và tuyệt mỹ của cả vùng chung quanh.

Ngày 22 tháng 10, Hành Trình Bước Theo Thầy theo bước chân của Chúa Giêsu viếng thăm Biển Hồ Galilea. Thăm viếng Nof Ginosaur Kibbutz, nơi con thuyền nguyên thuỷ từ thế kỷ thứ nhất trong thời Chúa Giêsu hoat động Truyền Giáo tại đây. Đoàn hành hương cùng Chúa Giêsu lênh đênh trên Biển Hồ Galilea sóng nước chập chùng. Tới giữa Biển Hồ, tầu dừng lại, và chúng tôi cùng suy niệm đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu làm phép lạ khiến cho sóng và gió biển im lặng. Buổi trưa đoàn thưởng thức món Cá Thánh Phêrô truyền thống.

Biển Hồ Galilê dài 13 miles rộng 7 miles và sâu từ 130 đến 157 feet. Biển Hồ thấp hơn mặt nước biển là 686 feet. Biển Hồ có nhiều tên gọi khác nhau như Biển Hồ Galilê, Biển Hồ Tiberias, hay Biển Hồ Kinneret. Biển Hồ có hình giống như cây đàn harp và có nhiều cá như cá chép, cá mullet, cá trê, cá mòi...Giống như thời gian xa xưa, hiện nay, người ta vẫn còn bắt cá bằng lưới. Nước Biển Hồ trong và yên tĩnh. Thời Chúa Giêsu, Biển Hồ là trung tâm dẫn đến các phương hướng khác nhau. Nơi đây, với sự thông thương thuận lợi, thung lũng phì nhiêu, sự tươi đẹp của vùng, và suối nước nóng của Tiberias, đã lôi cuốn số đông dân cư về sinh sống. Biển Hồ Galilê bao quanh bởi 9 thành phố. Với nước ngọt, nhiều cá và mặt hồ xanh thắm, Biển Hồ Galilê đã trở thành lý tưởng cho cuộc sống. Trong thung lũng đầy tràn sinh động, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng về Nước Thiên Chúa. Nơi đây, Ngài đã trải qua cuộc đời công khai khá lâu cũng như giảng dạy và làm nhiều phép lạ. Trên bờ Biển Hồ, Chúa Giêsu đã chọn Thánh Phêrô, Andrê, Giacôbê, và các Tông Đồ khác (Mathew 4:18- 20, Luke 5:1- 11). Ngài chữa lành người cùi (Mathew 8: 1-4). Ngài truyền cho sóng biển im lặng (Matthew 14: 22- 23) và chữa lành nhiều bệnh nhân khác (Matthew 15: 19- 21). 12 Tông Đồ được Ngài truyền lệnh lên nơi thanh vắng và cầu nguyện tại nơi gần Biển Hồ (Mark 3:13- 19). Đêm nay, đoàn chúng tôi được nghỉ đêm tại ngay Biển Hồ Galilê.

Ngày chiều, Hành Trình Bước Theo Thầy viếng thăm Capharnaum – Capernaum, Trung Tâm hoạt động Truyền Giáo của Chúa Giêsu. Kính viếng ngôi nhà của Nhạc Phụ Thánh Phêrô và Hội Đường Do Thái nguyên thuỷ tại đây. Buổi tối sẽ có dịp tắm nước Biển Hồ Galilea. Capharnaum nằm khoảng 2 dặm rưỡi từ nơi sông Jordanô chảy vào Biển Hồ Galilê. Nơi đây có trạm canh thuế vụ trên đường tới Damascus và là nơi đông đảo những quan quyền Roma. Đây là thành phố bận bịu khá nhiều do các thương gia vận chuyển lụa là và gia vị từ Damascus, rồi mang về cá khô, cây trái, từ vùng Gennessaret. Sau khi rời bỏ Nazareth, Ngài đến Capharnaum và biến nơi này thành nơi cư trú và giảng đạo. Thành phố này biến thành trung tâm hoạt động của Ngài. Tại đây, Ngài giảng dạy rất nhiều, đồng thời, Ngài thực thi nhiều phép lạ. Capharnaum là quê hương của Thánh Phêrô. Đức Giêsu rao giảng trong Hội Đường (Mark 1:21, Like 4:31 – 33). Ngài chữa lành một người quỷ ám và chữa lành mẹ vợ của Thánh Phêrô (Matthew 8:17 – 17, Mark 1:21 – 34, Luke 4:31 – 41). Ngài chữa lành người đầy tớ của viên bách quan đội trưởng (Matthew 9:1 – 8, Mark 2:1 – 12, Luke 5:17 – 20). Ngài cho con gái ông Jarô sống lại (Matthew 9:18 – 26, Mark 5:22 – 43, Luke 8:41 – 56). Ngài chữa lành người đàn bà hoại huyết (Matthew 9:20 – 22, Mark 5:25 – 35, Luke 8:43 – 48). Ngài chữa lành 2 người mù (Matthew 9:27 – 35). Làm phép lạ cho con trai người giầu có (John 4:46 – 54). Chữa lành kẻ bại tay (Matthew 12:10 – 14, Mark 3:1 – 6, Luke 6:6 – 11) và chữa lành nhiều người được mang đến cầu khấn Ngài (Matthew 8:16 – 17; 9:36 – 38). Ngài lên án Capharnaum (Matthew 11:23 – 24). Lời tiên tri của Đức Giêsu về Capharnaum đã xảy ra. Ngày nay, Capharnaum đổ nát bên bờ hồ. Năm 1905, 2 nhà khảo cổ người Đức bắt đầu khai quật tại đây và được quý Cha Phanxicô hoàn thành vào năm 1926. Họ đã khám phá ra Hội đường nổi tiếng tại đây. Hội đường này được xây lại vào thế kỷ thứ 3 trên những di tích của Hội Đường mà Đức Giêsu đã chữa lành người đầy tớ của viên bách quan đội trưởng (Luke 7). Những biểu tượng của người Do Thái và Roma được trạm trổ trên các tảng đá. Những di tích của người Do Thái bao gồm Ngôi sao Vua David, Menorah-Chân Đèn 7 ngọn, Hòm Bia Giao Ước, và lá dừa...Người Công Giáo tôn kính Hội Đường Capharnaum vì là nơi Chúa Giêsu tôn thờ Chúa Cha, giảng dạy, và làm phép lạ. Quý Cha Phanxicô còn khai quật thấy nhà của Thánh Phêrô với những di tích của Nhà Thờ cổ từ thế kỷ thứ 5.

Đoàn Hành Hương Bước Theo Thầy theo dấu chân của Chúa Giêsu đến làng Korazin và hành hương viếng thăm Thánh Đường Thánh Phêrô tuyên tín và được Chúa Giêsu đặt làm Giáo Hoàng đầu tiên. Đoàn chúng tôi đặt tay trên tảng đá Thánh Phêrô tuyên tín để cầu nguyện cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam. Nhà Thờ Primacy of St Peter-Quyền Giáo Hoàng của Phêrô được xây năm 1934 trên một tảng đá lớn gọi là “Mensa Christi -Bàn của Đức Kitô.” Theo truyền thống, đây là nơi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ sau khi sống lại. Ngài chuẩn bị bữa ăn cho các ông và trao quyền Giáo Hoàng cho Thánh Phêrô khi Ngài tuyên bố: “Hãy chăn các chiên ta.” (John 21: 9).

Đoàn thăm viếng Tabgha, nơi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều nuôi sống 4000 người. (Mt. 14:20). Tên Tabgha này do từ tiếng Hy Lạp Heptapegon với nghĩa 7 giòng suối. Nơi đây có nhiều nguồn nước. Theo truyền thống, nơi đây Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều với 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi sống 5000 người (Mark 6:36- 44, Matthew 14:13- 21, John 16:1- 6). 2. Nhà Thờ kiểu Byzantine được xây dựng tại đây vào thế kỷ thứ 4 và thứ 5. Năm 1942, những di tích của Nhà Thờ này được khám phá ra với nghệ thuật mosaic còn rất đẹp. Trên tảng đá làm bàn thờ, còn bức tranh mosaic vẽ lại hình của giỏ bánh và 2 con cá. Dưới Bàn Thờ là tảng đá mầu đen, theo tương truyền Chúa Giêsu đã ngồi trên tảng đá này để rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Sàn Nhà Thờ trang trí bằng mỹ thuật mosaic với hình chim, cá, thú vật, và hoa cỏ trong vùng. Năm 1934, một Nhà Thờ mới được xây dựng trên nền Nhà Thờ kiểu Byzantine cũ.Chúa Nhật ngày 23 tháng 10, đoàn Hành Hương kính viếng Thánh Đường 8 Mối Phúc Thật – Hiến Chương Nước Trời. Núi Tám Mối Phúc Thật theo tương truyền là nơi Chúa Giêsu giảng về hiến chương Nước Trời gồm Tám Mối Phúc Thật và những nguyên tắc của đời sống vĩnh cửu. “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Matthew 5). Năm 1937, quý cha Phanxicô đã xây dựng trên núi này và hướng về mặt hồ. Nhà Thờ này được gọi là Nhà Thờ Tám Mối Phúc Thật. Hành trình Bước Theo Thầy Dâng Thánh lễ Tạ Ơn tại đây. chúng tôi ngồi xuống đất với nhau, giống như xưa Thầy Chí Thánh Giảng Tám Mối Phúc Thật cho dân chúng ngồi nghe. Lao xao tiếng gió sáng mùa thu qua các kẽ lá. Chúng tôi xúc động vì được Bước Theo Thầy, lắng nghe tiếng Thầy giảng về Tám Mối Phúc Thật.

Nhà Thờ Tám Mối Phúc Thật.


Sau đó, Hành Trình Bước Theo Thầy lên đường về Jericho, nơi Chúa Giêsu gặp gỡ Gia-Kêu và chữa lành người mù tại đây. Jericho nằm trong thung lũng Jordan nối dài theo núi Hermon về phía bắc và về phía nam vịnh Aqaba với khoảng cách là 280 dặm. Phần thấp nhất là vùng Biển Chết với 1,300 feet dưới mực nước biển. Đây là phần đất thấp nhất thế giới. Jericho có nhiều vườn tược xanh tốt như một thảm xanh trong thung lũng Jordan. Từ lâu, Jericho được biết đến như một miền đất phì nhiêu với những vườn cam, táo, và chà là. Thời xa xưa, Jericho được gọi là “The City of Palms.” Về mùa hè, Jericho rất nóng nực và ngột ngạt. Mùa đông và mùa xuân, khí hậu Jericho rất tốt với mùi thơm của các loại hoa khác nhau. Jericho có nền văn minh lâu đời khoảng từ 7,000 – 10,000 B.C. Nó được coi là thành phố cổ nhất thế giới hiện nay. Khi cô Kathleen Kenyon khai quật thành phố vào năm 1952 – 1956, những di tích đổ nát của nhiều thành phố nối tiếp nhau dầy khoảng 80 feet và bao phủ 10 acres. Tiến sĩ Sellin, người Australia, khi khai quật Jericho đã khám phá ra Tell-el-Sultan vào năm 1908. Năm 1936, Garstang của trường khảo cổ nước Anh tiếp tục công trình khai quật trước, và cô Kathleen Kenyon tiếp tục khám phá trong những năm 1952 – 1956. Kết quả cho thấy những khám phá về thành phố cổ nhất thế giới tại đây. Những vật dụng khám phá qua xét nghiệm carbon 14 đã xác định tuổi của những di tích vào những năm 7,000 B.C. Jericho có lịch sử từ thế kỷ 13 B.C. với sự kiện tiến về Hứa Địa của người Do Thái. Đây là thành phố đầu tiên người Do Thái chiếm được khi qua sông Jordan (Joshua 6). Sau khi phá huỷ và đốt cháy Jericho, Thánh Kinh kể lại sự kiện như sau: “Gioxuê thề rằng, trước nhan Thiên Chúa, khốn cho kẻ đứng lên tái thiết thành này. Kẻ nào đào móng dựng nên thì con đầu lòng của nó phải chết. Kẻ nào dựng cổng xây tường thì con út nó phải mạng vong.” (Joshua 6:26).

Tiên tri Êlisê đã dùng một nắm muối đổ xuống suối nước làm cho nước hóa ra tốt lành (II Kings 2:19). Suối này là nguồn sống của người dân Jericho. Đức Giêsu đã nhiều lần dừng lại tại Jericho khi Ngài đến Jerusalem dự lễ Vượt Qua. Tại Jericho, Đức Giêsu đã nói với các Tông Đồ: “Nào chúng ta lên Jerusalem và Con Người sẽ bị nộp vào tay các thượng tế và luật sĩ. Họ sẽ kết án tử cho Ngài và trao Ngài cho lương dân để xỉ nhục Ngài, đóng đinh Ngài, và ngày thứ 3, Ngài sẽ sống lại.” (Matthew 20:17 – 19). Tại Jericho, Đức Kitô chữa lành người mù (Luke 18:35 – 42). Tại đây, Ngài gặp gỡ người nhỏ bé là Giakêu trèo lên cây vả để thấy Ngài. Ngài nói với Giakêu: “Giakêu, hãy xuống mau, hôm nay ta đến trong nhà người.” (Luke 19).

Rời bỏ Jericho, Hành trình Bước Theo Thầy tiến về hoang địa, cùng Thầy lên Núi Bốn Mươi Mt of Temptation để ăn chay 40 đêm ngày và chịu cám dỗ trước khi lên đường hoạt động truyền giáo. Đức Giêsu chịu cám dỗ ngay sau những ngày Ngài chịu phép rửa tại sông Jordanô. “Và Đức Giêsu đầy ơn Chúa Thánh Thần rời khỏi sông Jordanô và được hướng dẫn bởi thần khí, Ngài vào sa mạc.” (Luke 4:1-13, Mark 1:12-13). Không có Phúc Âm hay tài liệu nào cho thấy chính xác nơi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày và chịu cám dỗ. Sau này, theo truyền thuyết, nơi Đức Giêsu chịu cám dỗ là núi Bốn Mươi - “Mount of Qarantel.” Núi này nằm phía sau thành Jericho cổ. Đỉnh núi là nơi Ngài chịu cám dỗ lần sau cùng khi ma quỷ chỉ cho Ngài tất cả vương quốc trần gian. Sườn núi phía đông, một Nhà Thờ được xây dựng vào thế kỷ 16 ngay trên hang đá Chúa chịu cám dỗ. Nhà Thờ này bị bỏ hoang vào thế kỷ 13 và năm 1874, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp đã thiết lập một tu viện tại đây.

Đoàn dừng chân ăn trưa tại Qumran, nơi khám phá ra những mảnh Thánh Kinh rất cổ kính và hiếm quý. Năm 1947, Mohammed Edib, một người Ả Rập du mục đi tìm chiên lạc tại vùng phía tây Biển Chết, anh đã tìm thấy những Cuốn Thánh Kinh Cổ nổi tiếng vùng Biển Chết (Dead Sea Scrolls). Mohammed Edib, khi đi tìm chiên, anh ném một viên đá vào một cái hang, anh nghe có tiếng đổ vỡ. Anh sợ hãi quá và chạy đi vì nghĩ rằng có ma quỷ trong hang. Tuy nhiên, hôm sau, anh gọi người bà con và khi 2 người vào hang, họ thấy 8 cái hũ với nắp vẫn còn đậy kín. Họ mang những hũ ra ngoài và hy vọng tìm thấy vàng trong đó. Nhưng họ thất vọng khi chỉ thấy những cuộn da viết bằng những chữ lạ họ không đọc được. Tất cả 7 cuốn được tìm thấy trong các hũ. Một ngày nọ, người du mục mang những cuốn này cho một người Syria Thiên Chúa Giáo là Khali Kando và bán cho ông. Khali Kando mua 4 cuốn và đem cho một cư dân đang cư trú tại Jerusalem. Họ nhận ra đây là 4 cuốn Thánh Kinh cổ viết bằng tiếng Do Thái. Họ mua 4 cuốn này ngay. Năm 1949, sau khi biết giá trị lớn lao của những cuôn Thánh Kinh này, họ mang sang Hoa Kỳ và bán cho giáo sư Yigael Yadin với giá $250,000 dollars. Sau đó, những cuốn này được đưa trở về Do Thái. Giáo sư Eleazar Sukenik, là người cha của giáo sư Yigael Yadin mua luôn 3 cuốn còn lại tại Belem. Hiện nay, những cuốn Kinh Thánh này được trưng bày tại Điện Chứa Đựng Sách Thánh Kinh (Shrine of the Book) trong bảo tàng viện Do Thái tại Jerusalem. Cuốn Thánh Kinh nổi tiếng nhất trong số sách này là cuốn sách của Tiên Tri Isaia với chiều rộng 1foot và chiều dài 24 feet. Năm 1949, giáo sư Harding, giám đốc của những đồ cổ tại Jordan, và Peer de Vaux, giám đốc Học Viện Thánh Kinh (Ecole Biblique), và những người du mục thấy được giá trị của nhưng cuốn Kinh Thánh này, họ bắt đầu tìm kiếm thêm những tài liệu khác trong vùng phía tây Biển Chết. Hơn 900 mảnh tài liệu khác của những cuộn sách giá trị được tìm thấy trong hơn 30 hang tại vùng. Một số lớn các bản thảo giá trị được tìm thấy từ hang số IV do người du mục Ả Rập tìm thấy vào năm 1952. Hang này cách khu vực di tích đổ nát của Qumran khoảng 400 yards. Những cuốn sách Thánh Kinh này được viết trên da và giấy papyrus. Một số khác được viết trên miếng đồng.

Sau khi ăn trưa tại Qumran, Hành Hương Bước Theo Thầy tiến về Biển Chết Dead Sea. Chúng tôi cùng nhau tắm trên Biển Chết nổi lềnh bềnh, dù không biết bơi. Nhưng đôi chân nổi trước và rất khó giữ thăng bằng. Rất đông du khách tới viếng thăm và tắm tại đây. Chúng tôi lấy bùn trét lên nhau. Đặc biệt, nước Biển Chết rất mặn. Nếu vào mắt phải lấy nước ngọt rửa ngay, nếu không sẽ bị cay xè và rất khó chịu. Biển Chết dài 47 dặm và rộng 10 dặm. Diện tích mặt biển là 360 dặm vuông với chiều sâu của nước là 1,278 feet. Biển Chết nằm dưới mực nước biển. Nơi đây là điểm thấp nhất của trái đất. Gọi là Biển Chết bởi vì không có một sinh vật nào sống trong đó. Nước Biển Chết có nồng độ mặn nhất thế giới với 26% muối. Nước Biển Chết mặn gấp 5 tới 7 lần so với nước biển khác, đồng thời, lượng đậm đặc của hoá chất tại đây rất cao vì Biển Chết không có lối thoát. Sông Jordanô và các nguồn suối khác đổ vào Biển Chết cả ngàn tấn nước hoà lẫn với lưu huỳnh và nitrat. Nước này không thoát ra được và chịu sức nóng kinh hoàng của thung lũng Jordanô. Nước lại bốc hơi và sức đậm đặc của hoá chất gia tăng lên. Biển Chết có nhiều khoáng chất. Những nhà nghiên cứu nhận thấy cả ngàn mét khối calcium, chloride, magnesium, sodium, và potassium trong đó. Đặc biệt, nước Biển Chết có trọng lực nặng tới mức độ 1.166. Do đó, thân thể không bị chìm và người ta có thể nổi trên mặt nước mà không cần biết bơi lội.

Lênh đênh trên Biển Chết.


Từ Biển Chết trở về, Hành Trình Bước Theo Thầy về Jerusalem để cùng chịu khổ nạn và chết với Thầy. Kinh Thành Jerusalem trên cao và giữa những ngọn đồi trong vùng đồi núi Judea. Nơi đây được Thiên Chúa chúc phúc và chọn làm nơi thờ phượng Ngài. Từ nơi đây, các triết gia, tiên tri, và Đức Kitô đã tuyên ngôn về luật luân lý vĩnh cửu và tình yêu thương đồng loại. Cũng tại nơi đây, ngọn lửa đức tin thiết lập những luật lệ về tôn giáo, nền công chính, và niềm tin cho nhân loại. Đây là thủ đô tôn giáo của một nửa nhân loại. Đối với người Do Thái, Jerusalem là biểu tượng của vinh quang quá khứ và kỳ vọng trong tương lai. Đối với người Kitô hữu, đây là kinh thành nơi Đức Giêsu hoạt động, đồng thời là nơi Ngài chịu chết và sống lại. Đối với người Hồi Giáo, đây là nơi họ tin tưởng tiên tri Mahomed về trời. Jerusalem, nguồn gốc của niềm tin và hoà bình, thành thánh của thế giới, cũng là thành phố của sự sợ hãi, chiến tranh, và máu đổ. Đã có nhiều cuộc chiến tranh trong kinh thành. Bước đi trong kinh thành Jerusalem là bước đi trên máu đào của nhân loại qua những cuộc chiến tranh trải dài trong lịch sử. Jerusalem bị bao vây tới 50 lần, bị chiếm đóng 36 lần, và bị phá huỷ 10 lần. Những nguyên thuỷ của Jerusalem bị mất mát. Kinh thành được nhắc tới trong Thánh Kinh thời Abraham với tên gọi là Salem có nghĩa là hoà bình: “Và Melkisêđê, Vua Salem dâng bánh rượu lên Thiên Chúa, Ngài là linh mục của Thiên Chúa Tối Cao.” (Gen. 13:18). Vào thế kỷ 10 trước Chúa Giáng Sinh, Vua David chiếm lại kinh thành từ tay người Jebusites. Sau đó, kinh thành biến thành thủ đô, và là nơi đặt để Hòm Bia Giao Ước.

Về Jerusalem, chúng tôi đến viếng thăm Nhà Nguyện Lên Trời trên Núi Cây Dầu- Núi Olivêtê. Núi Cây Dầu nằm về phía đông Jerusalem qua thung lũng Kidron. Đỉnh núi cao hơn Jerusalem 300 feet và từ đó, nhìn về phía cổ thành Jerusalem rất đẹp và huy hoàng. Cũng từ đỉnh núi này, du khách có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh của những ngọn đồi Judea cho tới Biển Chết với ngọn núi Moab phía đông tuyệt đẹp. Núi Cây Dầu được người Thiên Chúa Giáo và Do Thái tôn kính. Đối với họ, Núi Cây Dầu là nơi các Tiên Tri Haggai, Zechariah, và hầu hết các biến cố của cuộc đời Chúa Cứu Thế xảy ra tại đây. Trên Núi Cây Dầu, Đức Kitô lên trời, Ngài cũng báo trước sự tàn phá Jerusalem tại đây, và nơi đây, Ngài dạy các Tông Đồ Kinh Lạy Cha. Đức Kitô thường đến đây cầu nguyện và suy niệm. Đôi khi, Ngài cũng đến đây qua đêm để thoát khỏi Jerusalem trong những dịp đặc biệt dưới những lùm cây hay trong những hang kín.

Hành Trình Bước Theo Thầy viếng thăm toàn bộ khu vực Đền Thánh Jerusalem, được gọi là Núi Moriah. Núi Thánh Đền Thờ được tôn kính do 3 Tôn Giáo lớn: Kitô Giáo, Do Thái Giáo, và Hồi Giáo. Đối với người Do Thái, núi này là nơi Đền Thánh được xây dựng khi xưa. Đối với người Kitô Giáo, nơi đây, Đức Kitô đã sống và hoạt động qua nhiều biến cố trong Đền Thánh. Đối với người Hồi Giáo, núi này là nơi Thánh thứ 3 sau Mecca và Medina. Lịch sử núi Moriah hay Núi Thánh Đền Thờ có nguồn gốc từ thời Abraham. Theo truyền thống và Thánh Kinh, trên núi này, Abraham đã chuẩn bị sát tế Isaac dâng lên Thiên Chúa. (Genesis 22:1 – 22). Những thời gian sau cùng của triều đại, David đã mua núi này để Araunah người Jebusite làm sân đập lúa (Samuel 24:18 – 25). Vua cho xây Bàn Thờ kính Thiên Chúa. Vua David hứa xây Đền Thánh dâng kính Thiên Chúa, nhưng vinh dự này dành cho người con là Solomon. Solomon đã xây Đền Thánh lộng lẫy nguy nga với những gỗ quý, đồng, và vàng từ phương xa chuyên chở về. Đền Thánh huy hoàng tráng lệ này đã bị Nebuchadnezzar phá huỷ vào năm 587 B.C. Người Do Thái đã bị lưu đầy bên Babylon. 50 năm sau, với những ngày hồi hương hân hoan, Đền Thánh với diện tích nhỏ hơn được Zerubabel xây dựng lại tại đây. Vua Herod Cả ước mơ xây dựng lại Đền Thánh lớn hơn. Trên 10,000 công nhân được xử dụng vào công việc vĩ đại này. Đền Thánh được thực hiện lớn hơn và vẫn giữ nét đẹp và vẻ huy hoàng của Đền Thánh cũ. Công trình khởi sự vào năm 20 B.C và hoàn thành vào năm 64 A.D. Nhưng 6 năm sau, Đền Thánh lại bị phá huỷ. Đền Thánh do Herod xây là nơi Đức Giêsu hoạt động. Năm 70 A.D. Đền Thánh này bị quân đội của Titus đốt cháy. Titus đã cố gắng giữ lại Đền Thánh, nhưng binh sĩ của ông đã ném đuốc cháy vào cửa sổ và Đền Thánh bị thiêu huỷ. Chân Đèn 7 Ngọn (The Menorah) còn sót lại và Titus đã mang về Roma. Năm 135 A.D. sau khi dẹp tan cuộc nổi dậy thứ 2 của Do Thái, Hadrian đã biến khu vực Đền Thánh thành đền thờ thần Jupiter. Những người Kitô hữu đầu tiên nhìn núi Moriah như là nơi bị Thiên Chúa nguyền rủa và biến thành nơi hoang tàn đổ nát. Năm 636 A.D. người Hồi Giáo chiếm được Jerusalem, và Khalif Omar đã xây một đền thờ Hồi Giáo tại đây và họ xác định đây là nơi tiên tri Mahomed về trời. Năm 691, Adbed El Malik Ben Marwan, dòng dõi Omayad Khalif, đã thực hiện một đền thờ Hồi Giáo lớn hơn như hiện nay.

Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock) được xếp vào loại nơi Thánh thứ 3 của Hồi Giáo sau Kaaba tại Mecca và phần mộ của Tiên Tri Mahomed tại Medina. Đây là một trong những Đền Thờ Hồi Giáo đẹp nhất của thế giới Hồi Giáo. Trải qua 13 thế kỷ, Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock) được tu sửa lại nhiều lần. Nhưng Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock) hiện nay còn giữ được nguyên hình dáng của năm 691. Khi Đạo Binh Thánh Giá chiếm lại được Jerusalem vào năm 1099, Đền Thờ này được biền đổi sang Nhà Thờ Công Giáo với tên gọi là Đền Thờ Thiên Chúa (Templum Domini). Sau khi Đạo Binh Thánh Giá bị đánh bại tại Horns of Hittin năm 1187, Cây Thập Tự chiếu sáng 88 năm trên đỉnh Vòm Đền Thờ bị mang xuống và thay thế bằng huy hiệu Hồi Giáo. Từ thời gian đó, Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock) của Hồi Giáo trở thành một di tích kỷ niệm đặc biệt tại Jerusalem. Mô hình được xây theo kiểu Byzantine và được thực hiện bởi các nghệ nhân Byzantine, nhưng trang trí theo kiểu đông phương. Bên ngoài có những cửa 8 cạnh khoảng 63 feet với đường kính là 180 feet. Mái Vòm cao khoảng 108 feet với đường kính là 78 feet. Cấu trúc với hình 8 cạnh lồng trong những miếng cẩm thạch cao tới 18 feet, và trên cùng, với những bức tường trang trí bằng ngói Thổ Nhĩ Kỳ sáng chói. Mái vòm làm bằng những đĩa nhôm mạ vàng lóng lánh dưới ánh sáng mặt trời.

Một Đền Thờ Hồi Giáo El Aksa phía nam được xây dựng vào khoảng năm 709 – 715 do Khalif Waleed, con của Abed El Malik, người đã xây dựng Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock). Cấu trúc hiện nay còn rất ít những di tích nguyên thuỷ, vì Đền Thờ Hồi Giáo này bị phá huỷ nhiều lần. Đền Thờ này nằm trên nơi dinh thự của vua Solomon và trên nền của Nhà Thờ Byzantine cổ. Trong thời kỳ Đạo Binh Thánh Giá chiếm đóng Jerusalem, Đền Thờ Hồi Giáo này được dùng làm dinh thự cho các vua Roma và sau này biến thành tổng hành dinh của hội hiệp sĩ các Đền Thờ. Đền Thờ Hồi Giáo El Aksa được dùng cho việc cầu nguyện chung trong khi Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock) được dùng cho cá nhân thờ phượng.

Đoàn thăm viêng Nhà Nguyện Lên Trời tại đây. Sách Tông Đồ Công Vụ (1:9 – 12) diễn tả sự kiện Đức Giêsu đưa các Tông Đồ lên Núi Olivetê – Núi Cây Dầu. Sau khi chúc lành cho họ, Ngài lên trời. Trên đỉnh Núi Cây Dầu được nhìn nhận là nơi Chúa lên trời. Tông Đồ Công Vụ thuật lại sự kiện các Tông Đồ rời bỏ Núi Cây Dầu, khoảng cách với Jerusalem ước chừng một ngày đi đường trong ngày Sabbath, khoảng 1000 yards. Một Nhà Thờ kiểu Byzantine được xây tại đây vào thế kỷ thứ 4, sau đó, bị phá huỷ năm 614 do người Ba Tư. Đạo Binh Thánh Giá đã xây dựng Nhà Thờ khác vào thế kỷ 12. Nhà Nguyện nhỏ hiện nay được Đạo Binh Thánh Giá xây ngay nơi tảng đá có dấu chân Đức Kitô lên trời. Những người Hồi Giáo vẫn còn cai quản khu vực này và họ thực hiện xây tường cũng như xây thêm một mái vòm như hiện nay.

Sau đó, Hành Trình Bước Theo Thầy thăm viếng Bức Tường Than Khóc hay Bức Tường Phía Tây (Western Wall or Wailing Wall). Nhin đoàn người lũ lượt gục đầu vào Bức Tường Than Khóc để cầu nguyện. Nơi đây, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Benedictô cũng đã đến cầu nguyện khi thăm viếng Israel. Chúng tôi cũng nhập cuộc để vào chạm Bức Tường và cầu nguyện. Nữ một phía, nam một phía. Khi vào nơi đây, họ khám từng người rất kỹ lưỡng như khi lên phi cơ. 7 anh em nam giới chúng tôi phải đội nón kipa, nón thánh của người Do Thái khi đi cầu nguyện. Kipa là một mũ chỏm mầu trắng. Chúng tôi đội kipa xong, vào Bức Tường và gục đầu cầu nguyện. Sau đó, tò mò hơn, chúng tôi lần vào nơi Cực Thánh của người Do Thái. Từng đoàn người cũng đang cầu nguyện và đọc sách Tora. Chúng tôi vào tới chỗ người Do Thái làm phép cắt bì cho trẻ nam khoảng 12 tuổi. Nhìn thấy những nhà Tạm theo khuôn mẫu xa xưa để chứa Hòm Bia Thánh. Những Cuộn Thánh Kinh, Sách Luật Tora...để đầy theo Bức Tường Cổ Xưa trên 2000 năm tuổi. Lòng chúng tôi chùng xuống theo với thời gian trong Cựu Ước.

Bức Tường Phía Tây hay Bức Tường Than Khóc (Western Wall or Wailing Wall) là Thánh Địa quan trọng nhất của người Do Thái. Đó là di tích duy nhất còn lại của Đền Thờ Jerusalem. Bức Tường Phiá Tây là một phần của bức tường Đền Thờ thứ 2 do Vua Herod xây dựng vào năm 20 B.C. Titus vào năm 70 A.D. đã dùng khu vực này biểu dương sự vĩ đại của quân lính Roma. Họ đã phá huỷ tất cả Đền Thờ. Trong thời đế Quốc Roma, người Do Thái không được đến Jerusalem. Tuy nhiên, vào thời Byzantine, người Do Thái được phép đến mỗi năm 1 lần vào ngày kỷ niệm Đền Thờ bị phá huỷ, để họ tưởng nhớ, khóc than, và đau thương trên những di tích của Đền Thờ. Do đó, phần này còn được gọi là Bức Tường Than Khóc (Wailing Wall). Phong tục người Do Thái cầu nguyện và than khóc tại Bức Tường Phía tây kéo dài nhiều thế kỷ. Từ năm 1948 – 1967, người Do Thái không được phép thăm viếng Bức Tường vì nó thuộc về lãnh thổ của người Jordan. Sau cuộc chiến 6 ngày, Bức Tường Than Khóc trở thành nơi thăm viếng và thờ phượng. Khung cảnh này có thể chứa tới cả ngàn người đến đây hành hương.

Sau đó, chúng tôi đi thăm Tường Thành Jerusalem, Bức Tường thành nhiều lần chúng tôi đi qua. Được xây bằng những phiến đá rất lớn. Tường thành Jerusalem hiện nay được kiến trúc và xây dựng qua nhiều niên đại khác nhau. Tường Thành hiện nay được xây dựng từ thời người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng dưới thời Suleiman the Magnificent vào năm 1542 A.D. Tường thành cao 40 feet và dầy 2 feet 5, có tất cả 34 tháp canh và 8 cửa: New Gate, Damascus Gate, Herod Gate, St. Stephen Gate, Golden Gate, Dung Gate, Zion Gate, và Jaffa Gate.

Trở về Hotel ăn tối xong, chúng tôi tiếp tục Hành Trình Bước Theo Thầy vào Vườn Cây Dầu, Vườn Giệtxêmani để cầu nguyện và canh thức với Thầy. Đi theo chúng tôi, Sơ Quy và Sơ Thanh Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu cùng cầu nguyện. Khu Vườn Giệtxêmani tối thui giống như thời xa xưa Chúa Giêsu cùng các Tông Đồ nhiều lần vào đây cầu nguyện. Những cây Dầu ngàn năm lặng lẽ. Tiếng gió xào xạc Mùa Thu qua kẽ lá. Chúng tôi xếp vòng tròn, ngồi bệt xuống đất như Thầy Trò xưa kia cùng cầu nguyện. tâm tình cảm xúc trào dâng. Những tâm hồn thao thức với những âu lo, trăn trở nặng trĩu của đời người. Nhiều người tấm tức khóc với Thầy và tha thiết cầu nguyện. Không gian như chùng xuống. Những tâm hồn trải qua những thách đố, giờ đây được sưởi ấm của tình yêu Thầy. chúng tôi khóc như chưa bao giờ được khóc với Thầy. Bầu khí cầu nguyện rất cảm động. Tôi lắng nghe những tiếng thổn thức của từng người. Tôi dâng lên Thầy Phong Trào Cursillo, những người thân yêu nhờ tôi cầu nguyện. Tôi khám phá ra mình quá nhỏ nhoi trong Vườn Giệtxêmani. Mãi tới 9.30 tối, khi Cổng Vườn phải đóng cửa, chúng tôi mới bịn rịn từ giã Thầy lên đường về Hotel. Những giọt nước mắt của yêu thương, của chia sẻ, của xúc động còn ngấn dài trên đôi mắt mọi người trong giấc ngủ bình an với Thầy. Hẹn với Thầy sáng hôm sau sẽ Dâng Thánh Lễ với Thầy trong Vườn Giệtxemani bên tảng đá hấp hối của Thầy.

Vườn Giệtsêmani với Cây Dầu ngàn năm.
Sáng ngày 24 tháng 10, mặt trời thức dậy sớm, nhưng chúng tôi còn thức sớm hơn. Dùng breakfast xong, chúng tôi lên xe bus trực chỉ vườn Giexemani. Vào trong Nhà Thờ Hấp Hối còn ít người, chúng tôi quỳ ngay xuống chung quanh Tảng Đá Chúa Hấp Hối năm xưa trong Vương Cung Thánh Đường Hấp Hối. Ánh sáng mờ ảo do kiến trúc bằng kiếng mầu. Chúng tôi sốt sắng đồng hành với Thầy trong cơn Hấp Hối xưa kia của Thầy. Thành Lễ tại Vườn Cây Dầu bắt đầu với Bài Hát Giờ Tử Nạn đau thương. Thánh Lễ trang nghiêm, sốt sắng và cảm động. Ai cũng đặt những vật kỷ niệm lên tảng đá Hấp Hối mà Thầy xưa kia đã quỳ gối cầu nguyện. Chúng tôi dâng gia đình Hành Hương, dâng gia đình cá nhân, con cái, bạn bè, những người thân yêu, những người nhờ chúng tôi cầu nguyện, dâng tất cả cho Thầy với tâm tình yêu mến. Sau Thánh Lễ cảm động và sốt sắng, chúng tôi được đặc ân do Cha Phụ Trách Vườn Cây Dầu mở cổng riêng cho chúng tôi vào khu vực 8 cây dầu ngàn năm, đã từng chứng kiến sự kiện Thầy Chí Thánh Hấp hối. Cả đoàn đều vui mừng đến từng Cây Dầu 3000 tuổi để hôn, để chụp hình lưu niệm, trước những sự thèm khát của các đoàn hành hương khác không được vào trong. Chúng tôi cầu nguyện rất nhiều cho Quê hương và Giáo Hội Việt Nam tại nơi đây.

Qua lịch sử, khu vườn Giệtxemani là một trong những điạ điểm lôi cuốn nhất của Đất Thánh, nằm dưới chân Núi Cây Dầu. Vườn này vẫn còn nguyên vẹn từ 2000 năm nay. Đối diện với kinh thành ngăn cách do thung lũng Kidron, Vườn Giệtxemani vẫn còn nguyên vẹn như thời Đức Giêsu, kể cả một số cây dầu cổ xưa còn lại. Thánh Gioan kể lại: “Đây là nơi Đức Giêsu thường đến để hồi tâm và cầu nguyện.” (Luke 22:39). Tại đây, Đức Giêsu đã trải qua đêm buồn thương sau cùng của cơn hấp hối. Ngài chấp nhận đau khổ và cái chết trên Thập Giá để cứu độ nhân loại: “Lạy Cha, nếu được, xin cất chén này khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha trọn vẹn.” (Luke 24:42). Juda đã đến cùng với những quan quân của Thầy Cả Thượng Tế và Juda trao nộp Ngài cho họ. (Matthew 26:47, Mark 14:44, Luke 22:47, John 18:23). Tất cả Tông Đồ đều chạy trốn để lại mình Ngài ứng nghiệm với lời tiên tri: “Ta sẽ đánh chủ chiên và đoàn chiên tan tác.” Đức Giêsu bị bắt tại đây và bị điệu tới dinh Caipha. Sau đó, bị kết án tử hình chết trên Thập Giá. Trong khu vườn Giệtxemani còn 8 cây dầu với khoảng 3000 năm tuổi. Josephus nói tới sự kiện Titus đã chặt bỏ hết cây cối quanh vùng Jerusalem vào năm 70 A.D. Những cây dầu này có lẽ đã chứng kiến sự kiện Đức Giêsu đã cầu nguyện và hấp hối tại đây như Pliny đã viết: “Những cây dầu này đã không chết.” Và nó vẫn còn mang hoa trái. Được biết, Vương Cung Thánh Đường Giệtxemani từ năm 379, người Byzantines xây Đại Giáo Đường thứ 1 trên nơi Đức Giêsu cầu nguyện và hấp hối. Đại Giáo Đường này bị phá huỷ năm 614 do người Ba Tư. Vào thế kỷ 12, Đạo Binh Thánh Giá xây lại Nhà Thờ mới, nhưng lại bị phá huỷ. Nhà Thờ hiện tại rất đẹp tại Jerusalem và được xây lại vào năm 1919 – 1924. Khi 16 quốc gia gửi tiền xây dựng Nhà Thờ này, Nhà Thờ mang tên “Church of all Nations – Nhà Thờ của các Dân Tộc.” Mỗi dân tộc gửi tặng đều có một mái vòm kỷ niệm và tất cả các mái vòm đều trang trí bằng mỹ thuật mosaics với những cửa sổ đẹp tuyệt vời. Ánh sáng mờ mờ xuyên qua cửa kính mầu thẫm tạo thành nét huyền nhiệm và thích hợp cho bầu khí cầu nguyện và suy niệm. Một tảng đá cổ truyền lớn ghi nhớ cuộc hấp hối của Đức Kitô được đặt trước bàn thờ chính. Một phần nền Nhà Thờ kiểu Byzantine được khám phá và được hình thành lại bởi nghệ thuật mosaics tuyệt hảo theo như nguyên bản xưa kia. Mặt tiền Nhà Thờ với tượng của 4 Thánh Sử đang cầm cuốn sách tuyệt đẹp. Một hình mosaic diễn tả Đức Kitô dâng hiến đau khổ cho Thiên Chúa Cha và cả nhân loại được thực hiện rất xuất sắc.

Sau đó, Hành Trình Bước Theo Thầy lại lên Núi Cây Dầu Hành hương Thánh Đường Kinh Lạy Cha - Pater Noster. Chúng tôi xuống hang sâu dưới đất, nơi Thầy Chí Thánh dạy các Tông Đồ Kinh Lạy Cha. Chúng tôi sốt sắng nắm tay nhau cùng đọc Kinh Lạy Cha chính nơi Thầy đã dạy cho các Môn Đệ xưa kia. Từng đoàn người hành hương lũ lượt xếp hàng vào thăm viếng Thánh Đường Kinh Lạy Cha. Theo sử liệu, Nhà Thờ Kinh Lạy Cha được xây dựng trên nơi truyền thống Đức Giêsu dạy Tông Đồ của Ngài Kinh Lạy Cha. Ngài cũng tiên báo sự kiện Jerusalem bị phá huỷ và mạc khải ngày Ngài lại đến trong Ngày Tận Thế (Matthew 24:1 – 3, Luke 21:5 – 7). Vua Constantine đã đặc biệt vinh danh nơi Giáng Sinh của Đức Kitô tại Belem cũng như Nấm Mồ Đức Kitô tại Jerusalem trong việc xây dựng những Nhà Thờ nguy nga. Chính vua lại xây dựng một Nhà Thờ trên đỉnh Núi Cây Dầu để nhớ những lời tiên báo của Ngài về sự tàn phá Jerusalem và sự kiện Ngài lại đến trong vinh quang. Nhà Thờ này bị phá huỷ vào năm 614 do người Ba Tư và được Đạo Binh Thánh Giá xây lại vào thế kỷ 12. Sau thất bại của Đạo Binh Thánh Giá, Nhà Thờ này bị phá huỷ và rơi vào tay người Hồi Giáo. Năm 1868, công chúa Aurelia de Bossi của Auvergne mua khu vực này và trao tặng cho nước Pháp. Năm 1875, cô xây một tu viện của Dòng Nữ Carmelite. Bên trong Nhà Thờ và trên các tường luỹ cấm của tu viện, Kinh Lạy Cha được viết bằng 62 ngôn ngữ khác nhau. Sau này, công chúa Aurelia de Bossi qua đời và được an táng trong khu vực luỹ cấm. Cuộc khai quật năm 1910 – 1911 cho thấy những di tích đổ nát của các Nhà Thờ cũ. Năm 1918 nước Pháp cố gắng tổ chức để xây một Đại Giáo Đường kính Thánh Tâm tại đây, nhưng họ không thực hiện được.

Hành Trình Bước Theo Thầy đi bọc sang phía Núi Cây Dầu gần Betphagê, nơi Chúa Giêsu vào Thành Jerusalem trọng thể Ngày Lễ Lá, trước cuộc Tử Nạn của Ngài. Đoàn chúng tôi vừa đi vừa hát Con Đường Chúa Đã Đi Qua: "Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua..." rất sốt sắng. Một số người cầm lá giống như thuở xa xưa Dân Do Thái cầm nhành Ô liu đi đón Chúa vào Thành Jerusalem. Chúng tôi dừng chân nơi Nhà Nguyện Dominus Flevit - Chúa Khóc, nơi Chúa khóc thương thành Jerusalem. Nơi đây nhìn về Thành Thánh Jerusalem rất rõ. Có những cây gai mọc lên và quân lính đã lấy những loại gai này làm Mão Gai hành hạ Chúa.

Nhà Nguyện “Chúa Khóc-Dominus Flevit.” Trong sự kiện Ngài vào thành Jerusalem vinh quang ngày Lễ Lá, Đức Giêsu khi nhìn thấy Thánh Đô, Ngài dừng lại và khóc thương (Luke 19:37-42). Nơi Ngài khóc thương Jerusalem được ghi khắc vào thế kỷ thứ 12 do Đạo Binh Thánh Giá. Nơi đây, họ xây một Nhà Thờ. Sau đó, Đạo Binh Thánh Giá rút quân và nơi đó biến thành hoang tàn. Ngôi Nhà Thờ hiện nay đuợc xây vào năm 1891 với hình thù giống như giọt nước mắt. Bàn thờ được lồng khung bằng cửa sổ kiếng có thể nhìn toàn diện về phía Jerusalem.

Chúng tôi đi dọc trên sườn Núi Cây Dầu, một Nghĩa Trang rất rộng và rất cổ của người Do Thái toạ lạc nơi đây. Nhiều người Do Thái trên toàn thế giới đều muốn chết và được an táng gần thung lũng Jehoshaphat, vì họ tin rằng nơi đây là nơi con người sẽ được sống lại và phán xét chung (Joel 4:1 – 2). Người Thiên Chúa Giáo cũng như Hồi Giáo cũng đều tin như thế, và họ cũng mua nhiều phần mộ tại phía tây của thung lũng Jehoshaphat.

Lạy Chúa Con đường nào Chúa Đã Đi Qua.

Chặng Đàng Thánh Giá Jerusalem.
Đoàn Hành Hương về tới Chặng Đàng Thánh Giá Thứ Nhất, người hướng dẫn chuẩn bị Cây Thánh Giá cho đoàn chúng tôi hành hương Thập Tự Theo Bước Chân Khổ Nạn của Thầy. Hành trình Bước Theo Thầy hân hoan cùng vác Cây Thập Tự từ Chặng Thứ Nhất, Quan Philtô luận Giết Đức Chúa Giêsu. Chúng tôi kính viếng Lithostrotos, nơi Philatô kết án Chúa. Rồi đi vòng qua Cổng Ecce Homo-Này Là Người, khi Philatô cho đánh đòn xong, trình diện Chúa Giêsu cho dân chúng thấy mà thương xót. Nhưng dân chúng càng la to: "Đóng đinh nó vào Thập Giá." Con đường Thập Tự loang lổ máu đào của Chúa Giêsu. Chúng tôi thay nhau vác Cây Thập Tự rất cảm động. Những người đi đường, người Arab, người Do Thái, khách hành hương, đều chăm chú nhìn chúng tôi vừa đi vừa hát: "Lạy Chúa con đường nào Chúa Đã đi qua..." Đi qua những nơi đông người mua bán tại khu chợ, dân chúng nhường chỗ cho chúng tôi cầu nguyện hết sức lịch sự. Đường Thánh Giá - Via Dolorosa - Ways of Sorrows -Stations of the Cross, là con đường truyền thống Đức Giêsu đã đi và vác cây Thập Tự lên núi Can-Vê để chịu đóng đinh và chịu chết cứu độ con người trên đó dưới thời Phongxiô Philatô. Những biến cố này được ghi lại bởi 14 chặng đàng Thánh Giá. 9 chặng được dựa trên Thánh Kinh và 5 chặng khác được thực hiện theo truyền thống. 2 chặng đầu tiên nằm trong khu vực thành luỹ Antonia, 7 chặng sau nằm trên đường phố, và 5 chặng sau cùng toạ lạc trong khu vực Nhà Thờ Mồ Thánh. Mỗi ngày thứ 6 hàng tuần, vào lúc 3 giờ chiều, quý Cha Phanxicô luôn luôn tổ chức nghi thức chặng đàng Thánh Giá dọc theo những di tích này.

Những nơi Thánh Tích Thầy Chí Thánh bị hành hạ trong Tu viện quý Sơ Sion, được thành lập do một người Pháp, cha Alphonse Ratisbone từ Strasbourg. Ngài đến Jerusalem năm 1855 và mua miếng đất này bên cạnh vòm “Ecce Homo – Này Là Người.” Những đổ nát được di chuyển đi vào năm 1859 – 1864 và ngài xây tu viện quý Sơ Sion tại đây. Năm 1931 – 1937 Bà Mẹ Bề Trên Godeleine và cha Vincent của Đại Học Kinh Thánh Jerusalem đã khai quật khu vực này. Khu vực Nền Đá Thánh Sử Gioan ghi lại trong Phúc Âm được khám phá: “Philatô đặt Ngài ngồi trên toà xét xử gọi là Nền Đá (John 19:13). Khu vực Nền Đá này được gọi là “Lithostrotos” là nơi Đức Giêsu bị kết án. Tại đây, Philatô di chuyển toà án đến gần đám đông hung hãn đang chờ đợi ngoài cửa Đồn Luỹ Antonia. Philatô đã dẫn Đức Giêsu máu me đầy người cho dân chúng và tuyên bố: “Ecce Homo – Này Là Người.” Sau đó, ông rửa tay và kết án tử hình Đức Giêsu chết trên Thập Giá. Nền Đá này đời xưa thời Đức Giêsu là mặt đất bằng của thành đô. Nơi Đồn Luỹ Antonia Đức Giêsu bị kết án tử hình và bắt đầu Chặng Đàng Thánh Giá từ đây. Những viên đá tại đây đã ghi dấu những dấu chân của Đức Kitô. Những viên đá này khá lớn và được đục đẽo những đường nhỏ trên đá để tránh cho ngựa chiến không bị trượt chân. Nhiều ống dẫn nước bằng đá dẫn nước mưa vào một hồ nước dự trữ phía dưới có thể chứa cả triệu gallons nước mưa.

Đoàn Hành Hương lên Núi Can Vê Đồi Golgotha, đến Chặng Thứ 10, dừng chân và cầu nguyện ở Chặng Thứ 11. Núi Can-Vê là một phiến đá lớn trồi lên phía ngoài khoảng 45 feet. Tên gọi Can-Vê là Núi Sọ hay Golgotha, vì có hình giống như cái sọ. Trên đỉnh núi Sọ có 2 Nhà Nguyện. Nhà Nguyện thứ nhất thuộc Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp nằm trên nơi Đức Giêsu bị treo lên Thập Giá. Nhà Nguyện thứ 2 thuộc Giáo Hội Công Giáo là nơi Ngài bị lột áo và đóng đinh. Trên phiến đá này còn có bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Sầu Bi và có một Nhà Nguyện kính Adam phía dưới hầm. Mỗi người chúng tôi hạnh phúc sung sướng được hôn lỗ chôn Thánh Giá của Chúa ở Chặng Thứ 12. Sau đó, chúng tôi xuống thang và hôn Tấm Đá Tẩm Liệm Chúa. Chúng tôi đặt tay và tất cả đồ vật mang theo lên Tấm Đá này để cầu nguyện. Nước mắt lưng tròng, chúng tôi tha thiết dâng lên Thầy những lời cầu xin đầy xác tín và yêu thương cho gia đình, cho bạn bè, cho Phong Trào Cursillo. Xếp hàng rất dài để được vào viếng Mồ Thánh của Chúa trong hang đá Mồ Thánh. Chúng tôi xúc động khi áp mặt xuống phiến đá táng xác Thầy Chí Thánh và cầu nguyện với Thầy.

Tìm hiểu lịch sử trong Thánh Kinh: “Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong khu vườn đó có một ngôi mộ còn mới chưa chôn cất ai. Vì hôm đó là ngày chuẩn bị mừng Lễ Vượt Qua, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.” (John 19:42). Nơi này ngay dưới chân đồi Can-Vê. Ngôi mộ này đặt trong một phiến đá và do gia đình Joseph Arimathea làm ra. Joseph Arimathea “thành viên của Sanhedrin” và là môn đệ Đức Giêsu, nhưng trong kín đáo, vì sợ người Do Thái.” (John 19:38). Ngôi mộ này làm giống theo phần mộ của những người Do Thái giầu có. Ngôi mộ gồm 2 phần, phía ngoài để tụ họp những người thân than khóc, phía trong để xác được đặt trên một phiến đá. Ngôi mộ thật sự của Đức Giêsu đã bị phá huỷ năm 1009 do Khalif Hakem. Phần mộ tưởng niệm ngày nay có một vòm mái Moscovite, được xây lại vào năm 1810 do những người Chính Thống Hy Lạp và Nga Sô. Bên trong ngôi mộ, một phiến đá cẩm thạch ghi dấu nơi xác Đức Giêsu an táng. Theo truyền thống, mọi người tin rằng phiến đá nguyên thuỷ an táng Ngài nằm ngay phía dưới phiến đá cẩm thạch này. “Vậy họ điệu Đức Giêsu đi. Chính Ngài vác lấy Thập Giá đến nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Do Thái là Golgotha.” (John 19:17). Nhà Thờ Mồ Thánh là nơi Cực Thánh của người Thiên Chúa Giáo vì nơi đây là nơi đóng đinh Ngài cùng với Ngôi Mộ của Ngài. Sự kiện đóng đinh Đức Giêsu xảy ra ngoài tường thành và là một địa điểm gần thành.” (John 19:20). Năm 324, Nhà Thờ Mồ Thánh đầu tiên được xây dựng tại trung tâm thành phố trong nội thành. 11 năm sau cuộc đóng đinh, Golgotha bao gồm đường kính mới, được xây dựng vào năm 44 A.D. với tường thành mới do Herod Agrippa. Giữa thế kỷ vừa qua, di tích bức tường cổ của thành phố được tìm thấy bên phía đông bắc của Nhà Thờ bên cạnh bệnh viện Nga Sô. Những nấm mồ của người Do Thái bên trong Nhà Thờ chứng tỏ đây là khu vực ngoại thành thời Đức Giêsu, vì theo luật Do Thái, không ai được quyền an táng trong khu vực thành đô Jerusalem. Khu vực đóng đinh Đức Giêsu được sùng kính đặc biệt do những người Thiên Chúa Giáo đầu tiên. Năm 135 A.D. Hadrian muốn phá bỏ tận gốc những di tích của Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo, nên ông đã xây một đền thờ Roma kính thần Jupiter nằm trên núi Can-Vê và phần mộ Đức Giêsu. Ông cũng đã làm như thế tại Belem trên nơi Giáng Sinh của Đức Kitô. Sự thù ghét này đã mang kết quả ngược lại, chính vì ông đã cho ghi lại nơi những di tích quý giá này nên vua Constantine 2 năm sau khi chiến thắng, đã cho xây dựng lại trên những di tích đó. Năm 326, đền thờ do Hadrian xây dựng bị phá huỷ do Thánh Hoàng Hậu Helena. Núi Can-Vê và phần mộ Đức Kitô được tìm thấy nguyên vẹn như trong tường thuật của Phúc Âm. Vua Constantine ra lệnh với sự kiểm soát của Thánh Hoàng Hậu Helena mẹ vua đã xây một Đại Giáo Đường ngay trên Núi Can-Vê và phần mộ Đức Kitô. Công trình vĩ đại này của vua Constantine bị phá huỷ vào năm 614 do người Ba Tư. Công trình được xây dựng lại nhưng với kích thước nhỏ hơn do Abbot Modestos thực hiện, nhưng lại bị phá huỷ do Khalif Hakem vào năm 1009. Sự phá huỷ này đã là nguyên nhân chính dẫn tới việc tổ chức Đạo Binh Thánh Giá. Nhà Thờ được sửa chữa lại vào năm 1048 do Constantine Monomochus. Năm 1149 Đạo Binh Thánh Giá sau khi chinh phục được Jerusalem, đã dựng lên Nhà Thờ Mồ Thánh như hiện nay. Mặc dù có nhiều những sửa chữa và thêm bớt vào trong công trình xây dựng, nhưng Nhà Thờ Mồ Thánh như hiện nay vẫn giữ được những nét nguyên thuỷ ban đầu. Nhà Thờ Mồ Thánh được chia thành 6 phần do 6 cộng đoàn quản nhiệm được ký kết dưới sắc lệnh Status Quo trong thời kỳ người Thổ Nhĩ Kỳ cai quản vào năm 1852. Buổi chiều cùng ngày, Hành trình Bước Theo Thầy chúng tôi đi về Núi Sion. Nơi đây, chúng tôi thăm viếng Đại Giáo Đường Dormition, nơi Đức Mẹ Maria an nghỉ. Một tượng Đức Mẹ rất lớn đang nằm nghỉ yên rất bình an. Đại Giáo Đường Dormition - Đức Mẹ An Nghỉ, là một kiến trúc đặc biệt trên núi Sion. Nơi đây, Đức Nữ Trinh Maria qua đời. Năm 1100, Đạo Binh Thánh Giá xây một Nhà Thờ lớn và đặt tên là Nhà Thờ Đức Mẹ Maria trên núi Sion. Nhà Thờ bị phá huỷ năm 1219 do người Hồi Giáo chiếm khu vực này. Năm 1898, người Thổ Nhĩ Kỳ trao khu vực này cho hoàng đế Đức Wilhelm II. Hoàng đế trao lại cho quý cha Benedictine. Các Ngài đã xây dựng Nhà Thờ như hiện nay vào năm 1910. Hậu cung Nhà Thờ được trang trí bằng hình Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu với mỹ thuật mosaics tuyệt vời. Sàn nhà có biểu tượng của Chúa Ba Ngôi với sự hiện diện của các Tông Đồ bằng mỹ thuật mosaics do Zodiac thực hiện. Dưới hầm Nhà Thờ, tượng Đức Mẹ Maria đang an nghỉ trên giường được điêu khắc bằng đá để diễn tả sự kiện Đức Mẹ qua đời.

Sau đó, Hành trình Bước Theo Thầy hướng về Nhà Tiệc Ly-The Room of the Last Supper. Phòng Tiệc Ly là nơi Đức Giêsu ăn bữa tối Tiệc Ly sau cùng với các Tông Đồ. Ngài thiết lập Thánh Lễ đầu tiên cho nhân loại (Mark 14:12 – 16, Luke 22:7 – 13). Cũng tại Phòng Tiệc Ly này, Đức Giêsu đã hiện ra 2 lần với các Tông Đồ sau khi Ngài sống lại (John 20:19 – 23, 22, 24, 29). Tại đây, Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các Tông Đồ (Acts 2:1 – 4). Những người Công Giáo tiên khởi đã chọn Núi Sion là trung tâm điểm của các sinh hoạt. Vào thế kỷ thứ 1, một Nhà Thờ đã được xây dựng tại đây. Nhà Thờ này không bị tàn phá vào năm 70 A.D. cũng như trong cuộc binh biến năm 135 A.D. Giáo Hội Byzantines đã gọi nơi đây là Núi Thánh Sion và được TiênTri Isaia nhắc đến trong Thánh Kinh. Năm 614, quân Ba Tư phá huỷ Nhà Thờ này và Đạo Binh Thánh Giá xây dựng lại và thế kỷ 12 với hình dáng như ngày nay. Năm 1176, Phần Mộ Vua David được toạ lạc trong nhà nguyện dưới. Năm 1552, những người Công Giáo bị trục xuất ra khỏi nhà nguyện trên và người Thổ Nhĩ Kỳ đã biến nhà nguyện trên thành nguyện đường Hồi Giáo với mái và vòm cầu nguyện theo kiểu Hồi Giáo. Chúng tôi đứng thành vòng tròn trong Nhà Tiệc Ly để hát và cầu nguyện. hạnh phúc dâng lên Thầy những tâm tư và nguyện vọng của mỗi người.

Sau đó, chúng tôi thăm viếng Phần Mộ của Vua David. Nam thăm một bên. Nữ thăm bên khác. 7 chàng ngự lâm pháo thủ chúng tôi lại được dịp đội mũ kipa truyền thống của người Do Thái khi cầu nguyện. Phần Mộ Vua David là nơi Cực Thánh của người Do Thái sau Bức Tường Phía Tây (Western Wall). Phần Mộ Vua David được khám phá do Rabbi Benjamin quê Tudela khi ông thăm viếng Jerusalem năm 1172. Phần mộ này được xây bằng đá được phủ vải thêu với triều thiên bằng bạc của Torah.

Hành Trình Bước Theo Thầy rất nhiều lần đi ngang qua Thung Lũng Kidron nổi tiếng trong Tân Ước. Thung lũng Kidron nằm giữa và ngăn cách Núi Cây Dầu với Kinh Thành Jerusalem. Đức Giêsu nhiều lần đã đi qua thung lũng này để vào Đền Thánh qua cửa Golden Gate hay từ Đền Thánh lên Núi Cây Dầu để cầu nguyện tại vườn Giệtxemani (Gethsemane), hay đến nhà Lazarô tại Bêtania. Ngày Thứ 5 Tuần Thánh, Ngài đã qua thung lũng này từ Phòng Tiệc Ly và gặp các Tông Đồ tại vườn Giệtxemani (Gethsemane). Sau đó, Ngài bị bội phản và bị điệu đến nhà Thầy Cả Thượng Tế Caipha. Tại thung lũng Kidron, có 4 ngôi mộ đặc biệt: Mộ của Absalom, Jehoshaphat, Thánh Giacôbê, và Thánh Zacharias. Hình thù của những ngôi mộ này có hình dáng của thời kỳ Hellenistic nguyên thuỷ. Theo tương truyền, thung lũng Kidron sẽ là nơi Phán Xét Chung ngày Tận Thế. Do đó, thung lũng này đã trở thành nghĩa trang lớn và những người Do Thái, Hồi Giáo, và Công Giáo thích chọn phần mộ của mình nơi đây.

Để cùng Thầy hành trình trong cuộc sống, chúng tôi đến thăm viếng Nhà Thờ Thánh Phêrô Gà Gáy - St Peter in Gallicantu, nơi Thánh Phêrô chối Chúa 3 lần, khi Thầy Chí Thánh bị hành hạ và nhục mạ tại nhà Thầy Thượng Tế Caipha. Chúng tôi thăm viếng những di tích và phòng giam Thầy Chí Thánh bị hành hạ tại đây. Tận mắt nhìn thấy Con đường Chúa Đã Đi Qua còn giữ nguyên vẹn 2000 năm nay. Ngài thường đi lên Đền Thánh bằng con đường này, và nhất là sau khi bị hành hạ tại Nhà Thầy Thượng Tế Caipha, quân lính cũng dẫn Ngài đi trên con đường này lần sau cùng trong cuộc đời của Ngài. Theo lịch sử, Nhà Thờ Thánh Phêrô Gà Gáy được xây dựng vào năm 1931 bên thung lũng Kidron do quý cha Assumptionist, bên cạnh ngôi nhà của Thầy Cả Thượng Tế Caipha. Đức Giêsu bị bội phản và bị bắt tại Vườn Giệtxêmani và bị điệu đến nhà này. Nơi đây, Ngài trải qua đêm kinh hoàng của sự kết án đầu tiên (Matthew 26:57 – 63, Mark 14:53 – 65, Luke 22:63 – 71, John 18: 12 – 14). Tại đây, Thánh Phêrô đã khóc lóc thảm thiết lúc gà gáy khi những lời tiên báo về sự chối Chúa của Phêrô ứng nghiệm: “Này Phêrô, Thầy nói cho con biết, hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì 3 lần con đã chối là không biết Thầy.” Quả thật, Phêrô đã chối Ngài 3 lần khi gà gáy lần thứ 2 (Matthew 26:34, Mark 14:66 – 72, Luke 22:54 – 62, John 18:15 – 18). Do kết quả của những lần khai quật, quý cha Assumptionist xác định Nhà Thờ Thánh Phêrô Gà Gáy nằm trên khu vực dinh Thầy Cả Thượng Tế Caipha. Tại đây, toàn bộ những di tích cũ được tìm thấy như cối xay bằng đá, hầm nhốt tù nhân, sân xét xử, nơi ở của gia nhân...Di tích của một Nhà Thờ đời xưa kiểu Byzantine đuợc tìm thấy. Những sỏi đá và đường đi bên cạnh sườn đồi còn giữ nguyên vẹn giống như thời Đức Kitô chịu hành hình. Vì đây là con đường ngắn nhất từ vườn Giệtxêmani lên Đền Thánh. Có thể những bước chân của Đức Kitô đã đi trên những viên đá này. Trong thời Đức Giêsu, nơi này nằm trong khu vực nội thành Jerusalem.
 
Văn Hóa
Lễ kính thánh Phanxicô Xaviê
Thanh Sơn
11:22 03/12/2011
Ngày kính thánh Phanxicô Xaviê.

Thánh Phanxicô qua đời ngày 3.12.1552, được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh Inhaxio vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê trong một gia đình quyền quý của Vương quốc Navarre nhỏ bé miền Bắc nước Tây ban Nha ngày nay. Khi Ngài 5 tuổi, nước Tây ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre khiến gia đình Ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi Ngài đến Paris học (1525-1536).

Tại Paris Ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Favre, và sau đó với Thánh I Nhã. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xaviê được thánh Inhã thu phục. Năm 28 tuổi, ngài cùng với nhóm bạn của Thánh I Nhã khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi ngài chịu chức Linh mục tại Venezia miền Bắc nước Ý năm 1537. Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.

Tháng 4 năm 1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn Độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở vùng Mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó đến Inđônêxia. Là vị Giám mục của Tỉnh Dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, và anh em trong Dòng. Kính trọng và tuân phục Thánh I Nhã, nhiệt thành lạ lùng với việc tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội Thánh.

Trong vòng 2 năm (1549-1551) ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trên khi ra đi, ngài trao lại cho một Linh mục Bồ đào Nha; 20 năm sau, cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn n. Cuối cùng vì muốn vào Trung Hoa truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quảng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời trong một chòi tranh chỉ có anh thanh niên trẻ thông dịch viên bên cạnh. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.

THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

Ngày bảy tháng bốn chào đời (7.4 1506)
Một chàng trai nhỏ mắt ngời thông minh
Thuộc dòng qúy tộc gia đình
Trong lâu đài lớn quang vinh hơn người

Phanxicô bước vào đời
Xaviê cả vùng trời bao la
Vây quanh bảo tháp ngọc ngà
Bao nhiêu mơ mộng chói lòa đời trai

Lớn lên chàng rất đa tài
Bao nhiêu thiếu nữ trong ngoài mến thương
Năm mười chín tuổn lên đường
Thủ Đô Paris ngôi trường công danh

Sáng người đôi mắt long lanh
Văn chương, triết học trong anh trưởng thành
Giảng giải đâu đấy ngọn nghành
Sự nghiệp đang lúc công thành vươn lên

Bỗng nhiên người bạn ngay bên
Tên là Ynhã nói lên một lời
"Nếu được mọi thứ trên đời" (Mt.16. 26)
"Linh hồn bỏ mất thì lời ích chi"

Từ đó chàng đổi hướng đi
Theo Thầy Ynhã thực thi lên đường
Rao truyền chân lý tình thương
Giêsu cứu thế ngát hương cho đời

Trở thành Linh Mục tuyệt vời
Hợp cùng Ynhã giúp đời Linh Thao
Bao người nhận lãnh ngọt ngào
Tình yêu Thiên Chúa đi vào trong tâm

Hồn dâng như cuộn sóng ngầm
Tình yêu Thiên Chúa vang ầm khắp nơi
Truyền đi góc biển chân trời
Ngài mang đi đến cho đời nhân gian

Trái tim yêu Chúa nồng nàn
Càng yêu nhân loại nên chàng xông pha
Vượt trùng dương tít mù xa
Qua tới Ấn Độ bên Goa rao truyền

Tình yêu tỏa sáng khắp miền
Ngài ban phép rửa triền miên khắp vùng
Sáu năm rao giảng khắp cùng
Hang cùng ngõ hẻm chập chùng dấu chân

Cả trăm ngàn đã ân cần
Được ngài "thanh tẩy" hồng ân Chúa Trời
Căng buồm sang Nhật đến nơi
Hai năm ngài đã hiến đời nơi đây

Cộng đoàn tiên khởi dựng xây
Bao nhiêu công sức đong đầy mến yêu
Hy sinh giao lại muôn điều
Căng buồm Ngài lại xuôi chiều Thượng Xuyên

Mong vào Trung Quốc đất liền
Đưa Tin Yêu Chúa vào miền Quảng Châu
Duyên chưa kịp bắc nhịp cầu
Mang theo hạt giống "nhiệm mầu" chưa gieo

Rung lên cơn sốt hiểm ngèo
Mê man Ngài vẫn muốn gieo ơn lành
Tiếc rằng đồng lúa chưa xanh
Ngài đi để lại bức tranh tuyệt vời

Quan thầy truyền giáo trên đời
Tấm gương kim cổ sáng ngời cao sang
Ngài là khuôn ngọc thước vàng
Soi cho hậu thế theo đàng bước đi.