Ngày 03-12-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ kính thánh Phanxicô Xaviê : Những năng động truyền giáo
Lm. Petrus Nguyễn Văn Hương
09:26 03/12/2016
NHỮNG NĂNG ĐỘNG TRUYỀN GIÁO

Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, quan thầy các xứ truyền giáo và Đại Chủng Viện Vinh Thanh.

Toàn bộ sự cử hành này hướng chúng ta tới chủ đề trung tâm, đó là truyền giáo. Trong bối cảnh hiện nay, tôi xin gợi ý với chúng ta ba năng động truyền giáo được gợi hứng từ Lời Chúa hôm nay: đó là 1) Ra đi và lưu lại; 2) Nói và làm; 3) Dấn thân và ơn Chúa.

1- Năng động “ra đi và lưu lại”

Trước hết là năng động “ra đi và lưu lại.” Thánh Maccô tường thuật lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Trong La ngữ, truyền giáo được diễn tả bằng từ missio, có nghĩa là sứ mạng, là sai đi tới một nơi nào đó. Truyền giáo có nguồn gốc từ sứ mạng của Ba Ngôi: Chúa Cha đã sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần xuống để cứu độ và thánh hóa con người. Kinh Thánh luôn giữ ý tưởng đó. Thiên Chúa gọi ai thì sai người đó ra đi: Trong Cựu Ước, Chúa gọi và sai Môisê, Abraham, các tiên tri ra đi. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu chọn và sai các môn đệ đi: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,19). Vì thế, các môn đệ của Chúa được gọi là Apostolos –Tông Đồ, nghĩa là người được sai đi.

Để trở thành nhà truyền giáo, trước hết là người được sai đi và phải ra đi. Ra đi, từ bỏ quê hương, gia đình, bạn bè và nghề nghiệp để đến một nơi khác, sống với những con người khác. Như Phaolô “trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người... trở nên tất cả cho mọi người... vì Tin Mừng” (1 Cr 9,19-23).

Đây là lý do mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn một Giáo Hội luôn “ra đi,” đi ra ngoài để truyền giáo, dù phải bị thương tích và dơ bẩn, hơn là chấp nhận một Giáo Hội “bệnh tật vì đóng kín và an toàn bám víu vào những thứ bảo đảm cho mình” (NVTM 49); một Giáo Hội luôn ở trong năng động “lên đường truyền giáo.”

Tuy nhiên, nếu một Giáo Hội chỉ có biết “ra đi” mà thôi, thì có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa duy hoạt động. Cần phải duy trì sự “lưu lại với Chúa.” Thánh Maccô ghi lại chi tiết đáng quan tâm: “Các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông.”

Về điểm này, thánh Luca có những lời xem ra mâu thuẫn nhưng rất ý nghĩa: “Còn anh em, hãy ở lại trong thành cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49). Điều này muốn nói rằng “hãy đi khắp thế gian nhưng đừng đi khi chưa đón nhận Chúa Thánh Thần và ơn trên.” Bởi thế, trước khi đi ra, các Tông Đồ đã lưu lại với Đấng Phục Sinh trong nhà Tiệc Ly cùng với Đức Maria. Nhờ đó, Chúa Thánh Thần xuống trên các ông trong ngày lễ Hiện Xuống, và họ hăng hái đi loan báo Tin Mừng (x. Cv 1,14).

Cũng thế, với chúng ta hôm nay, để có khả năng truyền giáo, phải có khả năng cầu nguyện. Để có khả năng ra đi, phải biết lưu lại với Chúa. Càng gia tăng hoạt động thì càng phải gia tăng cầu nguyện. Nếu thiếu cầu nguyện mà chỉ lo hoạt động, thì giống như những người lính cứu hỏa, xông lên chỗ đang cháy, nhưng tới nơi mới biết là trong thùng không có giọt nước nào.

Đó là lý do tại sao Mẹ Têrêsa Calcuta chủ trương cho các nữ tu của mình phải chầu thánh thể hàng giờ mỗi sáng trước khi lên đường thăm viếng và phục vụ người nghèo.

2- Năng động “nói và làm”

Chúng ta chuyển sang năng động thứ hai, đó là “giữa nói và làm.”

Sống trong một đất nước của các khẩu hiệu, đâu đâu cũng thấy các biểu ngữ lan tràn, chen chúc nhau, nhưng nhiều câu rất vô bổ, vô nghĩa và thậm chí là rất phản cảm nữa. Ví dụ: “Tất cả là của dân, do dân và vì dân.” “Cán bộ là đầy tớ của nhân nhân.” “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho những người ít học” v.v...

Người ta đã chán ngấy với những kiểu tuyên truyền như thế. Bởi lẽ, khoảng cách giữa môi miệng và bàn tay là biển cả! Xã Hội và cả Giáo Hội chúng ta hiện nay đang thừa những người nói nhiều làm ít, nhưng lại thiếu những người nói ít làm nhiều.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống năng động “nói và làm.” Nói gắn liền với làm. Rao giảng đi kèm với đời sống.

Thật vậy, sứ vụ truyền giáo bao gồm việc loan báo, nghĩa là nói, giảng dạy, rao giảng Lời Chúa. Bởi lẽ, “làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,14). Tuy nhiên, nhà truyền giáo không phải là một người nói thao thao bất tuyệt, cũng không phải là những loa phóng thanh tuyên truyền. Bởi vì, truyền giáo không phải là tuyên truyền.

Chúa Giêsu rao giảng bằng lời nói, bằng hành động và nhất là bằng đời sống. Thánh Grêgôriô Cả nói rằng: “Chúa chúng ta dạy dỗ chúng ta vừa bằng Lời Người vừa bằng công trình Người.” Tôi có thể nói: Nơi Đức Giêsu, không có khoảng cách giữa nói và làm. Phương tiện là sứ điệp. Sứ giả và sứ điệp hoàn toàn đồng nhất.

Theo gương Thầy Chí Thánh, các Tông Đồng trừ được quỷ, làm những “dấu lạ,” đặt tay trên những người bệnh để xác nhận lời các ông nói.

Có một câu nói trong tiếng Anh rất ý nghĩa áp dụng cho việc Phúc Âm Hóa: “Actions speak louder than words – những hành động có âm vang hơn những lời nói. Điều này được Đức Phaolô VI quả quyết trong Evangelii Nuntiandi: “Con người ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn là thầy dạy và nếu con người lắng nghe các thầy dạy, bởi vì họ là những chứng nhân” (s. 41).

Như thế, điều kiện thứ hai mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta không chỉ truyền giáo bằng lời nói, nhưng bằng những việc làm và bằng chứng tá cuộc sống.

3- Năng động “dấn thân và ơn Chúa”

Cuối cùng, năng động “dấn thân kết hợp với ơn Chúa.” Sự cố gắng dấn thân để canh tân truyền giáo hiện nay cho thấy hai nguy hiểm: Một là sự ù lì, lười biếng, không làm gì và khoán cho người khác hay cho Thiên Chúa làm mọi sự. Hoặc chỉ dấn thân nữa vời 50%. Hai là nguy cơ coi công cuộc truyền giáo chỉ là những hoạt động thuần túy của con người mà lãng quên yếu tố ân sủng. Theo đó, các nhà truyền giáo tự biến mình thành những chuyên viên chỉ lo công tác bác ái xã hội. Hậu quả dần dần đánh mất nguồn mạch dồi dào của Lời Chúa cũng như những hiệu năng của ân sủng và việc cử hành phụng vụ.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy tích cực làm việc, nổ lực hết mình, dấn thân 100% cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thao thức truyền giáo, lòng nhiệt tâm tông đồ phải trở thành nhu cầu thiết yếu luôn canh cánh bên lòng như Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Nhưng đồng thời phải biết mở ra với chương trình của Thiên Chúa, biết trông cậy vào ơn Chúa giúp, và nhạy bén với tác động của Chúa Thánh Thần. Bởi lẽ, xét cho cùng, Chúa Thánh Thần là linh hồn của mọi công cuộc loan báo Tin Mừng. Người là tác nhân chính của việc Phúc Âm hóa. Vì vậy, để thi hành sứ vụ truyền giáo, chúng ta được mời gọi phải dấn thân 100% và phải biết cậy dựa vào ơn Chúa 100%.

Kết luận

Khi chọn thánh Phanxicô Xaviê làm quan thầy cho Đại Chủng Viện, một nhà truyền giáo vĩ đại, một người đã ra đi và luôn lưu lại với Chúa, một người biết kết hợp hài hòa giữa nói và làm, giữa cố gắng và ân sủng vì phần rỗi người khác, có lẽ Đức Cha Trị (1886) đã có dụng ý lấy thánh Phanxicô Xaviê làm mẫu gương về truyền giáo cho các ứng sinh linh mục. Dưới bóng ngài, mọi công cuộc đào tạo linh mục ở Chủng Viện phải hướng tới sứ vụ truyền giáo. Các chủng sinh phải được đào tạo không phải trở thành những nhà quản trị, những công chức, nhưng là những nhà truyền giáo, những Phanxicô Xaviê mới cho con người hôm nay.

Đẹp thay những bước chân đi rao giảng Tin Mừng cứu độ!

Nguyện xin thánh Quan Thầy bảo trợ và cầu bầu cho mỗi người chúng ta. Amen.
 
Từ trong trái tim tâm hồn
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:32 03/12/2016
Từ trong trái tim tâm hồn

Lời kêu gọi „ Anh em hãy sám hối!“ là trung tâm sứ điệp mùa Vọng chuẩn bị đón mừng lễ Chúa giáng sinh, như lời Ông Thánh Gioan tiền hô rao giảng.

Và lời kêu gọi „ sám hối“ cũng luôn là trung tâm sứ điệp trong đời sống tinh thần đạo giáo trong chiều tương quan hướng thượng với Thiên Chúa, cùng chiều ngang đường chân trời với môi trường thiên nhiên và con người cùng chung sống trong xã hội.

Đâu là nội dung lời kêu gọi „ sám hối.“?

Nói đến sám hối ngày nay không hấp dẫn, không phải là điều mới mẻ tân tiến. Vì nhiều người không muốn nhìn nhận trách nhiệm điều sai phạm lỗi trái của mình nữa. Họ muốn đẩy những điều đó sang phía người khác, hay cho điều kiện môi trường phải chịu trách nhiệm đã trực tiếp hay gián tiếp gây ảnh hưởng đưa đến hậu qủa sự sai trái lỗi lầm!

Tôi không chịu trách nhiệm, vì tôi không còn làm chủ được mình nữa! Nơi tôi thiếu sự tôn trọng nền tảng về nhân phẩm con người của tôi…

Đang khi, sự sám hối phải biểu hiện: tự chính mình nhận trách nhiệm, và như thế được tự do trong những quyết định thi hành của mình.

Với Chúa Giêsu ăn năn sám hối là nội dung cốt lõi sứ điệp rao giảng của Ngài.

Các Ngôn sứ thời cựu ước đã luôn cắt nghĩa sám hối là công việc từ trong trái tim tâm hồn, một sự ăn năm trở về từ trong nội tâm. Đó là sự quay lưng lại với sự dữ, và trở về với Chúa, Đấng là cội nguồn sự tốt lành thánh đức, và trở về với con người cùng thiên nhiên. Vì tội lỗi sự dữ , sự sai trái cách nào đó làm xa Chúa và con người với nhau, cùng xa thiên nhiên.

Sám hối còn mang khía cạnh là một món qùa tặng cho tâm hồn. Ăn năn sám hối không phải là thành tích của con người chúng ta. Nhưng là ân đức của Chúa trao tặng qua sự hy sinh chết trên thập gía của Ngài mang lại ơn cứu chuộc, sinh ơn ích giúp ta làm mới lại đời sống tâm hồn. Vì thế, cùng tham dự dâng thánh lễ là cung cách nếp sống cần thiết của việc ăn năn sám hối.

Bí tích Rửa tội và giải tội là những bí tích căn bản mang lại ơn tha thứ, làm mới lại đời sống tâm hồn cùng củng cố giúp ăn năn sám hối.

Giáo Hội kêu gọi sám hối để bảo vệ gìn giữ công trình sáng tạo môi trường thiên nhiên, mà Thiên Chúa tạo dựng ban cho đời sống con người. Vì môi trường thiên nhiên càng ngày càng bị chính con người làm hư hại phá hủy. Đó là trọng tội, nên cần phải ăn năn sám hối trở về với Chúa nguồn thiên nhiên:

„ Nếu thực sự “các sa mạc bên ngoài gia tăng, chỉ vì sa mạc nội tâm cũng lớn dần” [152], cơn khủng hoảng môi trường là một lời kêu gọi sự sám hối nội tâm sâu thẳm. Chúng ta phải công nhận rằng, có một số Kitô hữu dấn thân và cầu nguyện, thường cười cợt các cảnh cáo về môi trường với lời xin lỗi của chủ nghĩa thực tế và chủ nghĩa thực dụng.

Một số khác thụ động, quyết tâm không thay đổi các thói quen và trở thành rời rạc. Họ thiếu một sự sám hối thuộc sinh thái, giúp thấy những gì họ gặp gỡ với thế giới chung quanh; điều xuất phát từ sự gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô, sẽ giúp cho tất cả nở hoa.

Sống ơn gọi là một người bảo vệ cho công trình của Thiên Chúa là một phần tất yếu của một hiện sinh đạo đức; đó không phải là điều gì của định kiến, cũng không phải là một phương diện thứ yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo.“ ( Đức Giáo Hoàng Phanxico, Laudato Si số 217)

Mùa Vọng là thời gian tĩnh tâm ăn năn sám hối.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Con đường đây hoa từ hang trộm cướp
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:35 03/12/2016
CON ĐƯỜNG ĐẦY HOA TỪ HANG TRỘM CƯỚP

(CN 2 MV A 2016)

Đã 2000 năm rồi, chuyện “dọn đường, sửa đường của Mùa Vọng Kitô giáo” chưa bao giờ hết tính thời sự !

Câu chuyện “con đường đầy hoa từ hang trộm cướp” sau đây có thể là một minh họa rõ nét cho câu chuyện “dọn đường, sửa đường đón Chúa” mà chúng ta chia sẻ với nhau trong Chúa Nhật II MV nầy :

Tại một vùng núi nọ, người ta truyền tụng cho nhau câu chuyện nầy : Ngày xưa, có hai thầy dòng quyết tâm nên thánh bằng cách chọn con đường ẩn tu. Để thực hiện việc nầy, cả hai thầy lên núi, tìm hai hang động cách xa nhau làm chỗ dung thân để qua hết cuôc đời trong thinh lặng và kết hợp với Chúa. Để cuôc sống ẩn tu đạt kết quả cao, và để khỏi bận tâm, chia trí về những "sự thế gian", cả hai quyết định, hang ai nấy ở, mỗi người môt không gian riêng, một thế giới riêng, không liên hệ, không giao tiếp với nhau và với mọi người… Rồi năm tháng qua đi. Cả hai chết lúc nào không ai biết. Hai hang động trở thành hoang phế, như nhai chiếc mồ hoang lạnh giữa rừng sâu. Thời gian sau đó, có hai tên cướp bị săn đuổi, đã thay tên, đổi họ, lần mò trốn lên núi nầy để ẩn danh tìm chút bình an cho cuộc sống thừa. Gặp được hai cái hang hoang lạnh của người xưa, cả hai nẩy sinh sáng kiến : chọn nơi đây làm chốn dừng chân để sám hối và làm lại cuộc đời. Thế là cả hai dọn sạch hang cũ và bắt đầu cuộc sống mới của những người "ẩn tu bất đắc dĩ." Chỉ khác với hai thầy dòng trước một điều là cả hai quyết định làm một con đường nối liền hai hang để thường xuyên qua lại, thăm viếng, giúp đỡ, ủi an …Dần dà, dọc theo con đường nối hai hang đã mọc đầy hoa, xung quanh hang động cảnh trí phô đầy sức sống và vẻ đẹp. Hai tên cướp năm nào giờ đây đã trở thành hai vị ẩn tu hiền lành, thánh thiện, đến nổi hương thơm thánh đức lan toả khắp vùng khiến nhiều người cất công lên núi để xin "Hai Thầy" cầu nguyện và hưóng dẫn đạo đức. Từ đó, phát xuất phát từ hai cái hang đó, đã có nhiều lối đi, nhiều con đường dẫn đến các khu dân cư, và trên các lối đi đó cùng mọc đầy hoa tươi thắm…Và rồi, hai "thầy tướng cướp ẩn tu" đó qua đời. Vì đời sống thánh thiện và vì có những phép lạ xảy ra cho một số người lên núi cầu xin, nên dân chúng vùng đó "tự động" phong thánh cho hai "thầy cướp ẩn tu" nầy…

Con đường đến với Thiên Chúa và đến với anh em của mỗi người chúng ta trong Mùa Vọng nầy cũng phải được phát quang và trồng đầy hoa như thế. Và chỉ có những con đường “hiệp thông, chia sẻ, bác ái, khoan dung, quảng đại, tha thứ…như thế mới có thể biến những “hang đá tâm hồn” lạnh lẽo hiu quạnh của những tên cướp trở thành thánh nhân, mới biến chúng ta trở nên những Kitô hữu đích thực, mới biến thế giới quanh ta trở thành an vui hòa bình, và đặc biệt, biến Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh năm nay trở thành một “Tin Vui đích thực” cho chính chúng ta và cho mọi người quanh ta. Quả thật trong thế giới nầy, trong cuộc đời nầy, cần thiết biết bao những con đường đầy hoa như thế. Amen.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền
 
Sám hối - Sửa đường
Lm. Vinh Sơn scj
20:52 03/12/2016
Chúa Nhật II Mùa Vọng A SÁM HỐI – SỬA ĐƯỜNG

Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12

George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, đã có công đưa nước Mỹ đến độc lập, tự do và phồn thịnh. Nổi tiếng là người nóng nảy, nhưng George luôn biết phục thiện và yêu sự thanh liêm. Ngay từ lúc thiếu thời, ông đã tỏ ra là người đơn thành và sẵn sàng nhận lỗi của mình...

Ngày kia, cậu bé George được trao cho một con dao để ra vườn làm cỏ. Trong vườn có một cây anh đào nhỏ mà cha mẹ cậu rất quý. Chưa phân biệt được thế nào là cỏ dại thế nào là cây trái, George đã chặt đứt cây anh đào vô cùng qúy giá của cha mẹ mình.

Cha của George đau lòng nhìn thấy cây anh đào đổ xuống mặt đất. Ông đã thoáng nghi George là thủ phạm, nên mới hỏi cậu: "Con có biết ai là người đốn hạ cây anh đào không? Cha không muốn thấy điều đó lập lại một lần nữa...". George suy nghĩ một lúc và trả lời: "Chính con là người đã đốn cây anh đào. Cha cứ phạt con đi".

Và George ngạc nhiên vô cùng khi nghe cha cậu trả lời: "Ðiều con vừa làm là một điều sai trái. Nhưng con đã chữa được điều sai trái đó khi dám nói lên sự thật. Cha đánh giá lòng can đảm và sự thành thật của con cao hơn là trăm nghìn những cây đẹp như thế..." (theo Lẽ sống)

Nhìn nhận lỗi lầm và sám hối, là tấm lòng tan nát nhưng luôn cao đẹp hơn muôn vàn của lễ đẹp được Thiên Chúa chấp nhận hơn muôn vàn hy lễ.

“Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,

con có thượng tiến lễ toàn thiêu,

Ngài cũng không chấp nhận.

Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,

một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê”

(Tv 51, 18-19)

Khi rao giảng về việc dọn đường đón Đấng Cứu Thế – Đấng mang nước Trời xuống cho nhân gian, thánh Gioan tẩy giả đã kêu gọi: “Hãy ăn năn thống hối, vì Nước Trời đã gần đến”(Mt 3,2).

Theo truyền thống Kinh Thánh: “sám hối” nguyên ngữ trong Thánh Kinh tiếng Hy Lạp là “metanoia”,: “meta” là thay đổi và “noia” tu là não trạng, vì thế “metanoia” – có nghĩa thay đổi não trạng, là quay trở lại hoàn toàn để đi theo chiều hướng ngược. Cho nên tiếng La tinh dịch ra “conversio”, từ đó mới có tiếng “conversion”: nghĩa là thay đổi tâm tư, cuộc sống. Gioan rao giảng sự sám hối là “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3), sửa đường vào tâm hồn mỗi tâm hồn thiện chí của Đức Chúa.

Khắp nơi, người ta tuôn đến sông Giođan thú tội, và Gioan làm phép rửa cho họ trong sông Giođan: phép rửa tỏ lòng sám hối (x. Mt 3,5).

Trong số đó có những người Pharisêu và người Sađốc. Người Pharisêu chỉ “những người tách biệt”, “những người tinh sạch” cho nên có gọi là Biệt Phái, họ lo lắng đến sự tinh sạch và tuân theo lề luật cách máy móc nên chú trọng bề ngoài và hình thức mà quên di tinh thần và ý nghĩa lề luật. Còn người Sađốc là những tư tế thực hành việc tế tự trong đền thờ, rất bảo thủ trong vấn đề tôn giáo đặc biệt là trong vấn đề kẻ chết sống lại (trái ngược với Biệt phái). Cả hai thành phần là những người vị vọng, có chức có quyền trong đạo Do Thái. Tuy nhiên chức quyền không phải để phục vụ , trái lại hà hiếp và bóc lột người nghèo, người bị bỏ rơi, những người đáng lẽ được bảo vệ, như Chúa Giêsu đã vạch ra sau này: “họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mt 23,14). Như thế bề ngoài là đạo đức thánh thiện mà trong lòng thì đầy hiểm ác, nói như cách nói bình dân: “khẩu Phật tâm xà”, như Chúa Giêsu đã nói: “bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong thì toàn là giả hình và gian ác” (Mt 23,28), “rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ” (Mt 23,25). Chính vì đối nghịch với tinh thần của Tin Mừng, sau này họ cùng liên kết với nhau để chống Đức Giêsu. Do tấm lòng hiểm ác, thiếu sự sám hối thật sự mà Gioan đã vạch trần họ: “loài rắn độc”, những con người chỉ trên môi miệng, bề ngoài đạo đức nhưng tâm hồn độc địa, tình trạng hai mặt trong cuộc sống không phải là sám hối mà là giả hình, sám hối phải thay đổi tận canh từ tâm đến cuộc sống. Thay đổi phải : “sinh hoa kết quả”, hoa trái biểu lộ sự trở về và kết hợp cùng Thiên Chúa sống trong công bình bác ái. Nếu chỉ dựa vào cái danh Biệt Phái, dân Sađốc, hay dân chúng khi nhận là con cái của Abraham, không đủ để được tha thứ, nhưng phải biểu lộ “Con cái đích thực của Abraham” là trở nên như Tổ Phụ luôn lắng nghe và làm theo Lời của Giavê. Thực tế họ chỉ có hình thức bề ngoài và Gioan tố cáo sự giả hình và thái độ tự mãn của người Do thái cụ thể là Biệt Phái và Sađốc vì hãnh diện là con cháu Abraham.

Sám hối là bước khởi đầu và là nền tảng của đời sống đức tin: khi nhận ra sự nhỏ bé yếu đuối, thiếu thốn của mình, con người lớn lên trong ân sủng và tình thương bao trùm của Đức Chúa. Và dưới cái nhìn nhân bản, khi nhận ra thân phận tội lỗi của mình, con người càng dễ cảm thông trước vấp ngã của anh em.

Thánh Vịnh có nói: “Chúa ở bên những người sám hối, và cứu chữa những ai sầu khổ” (Tv 33,19). Chính tấm lòng sám hối chân thành đã đem lại niềm vui cho cả nước Trời như Chúa Giêsu đã khẳng định : “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 17,7). Chúng ta thấy trong Tin Mừng, Đức Giêsu luôn nhân hậu bao dung với người tội lỗi biết sám hối. Đức Phật ca ngợi "Ở đời có hai hạng người đáng khen: hạng người thứ nhất là người không có lỗi, hạng thứ hai là người có lỗi mà biết ăn năn sám hối"

Cho nên, sách Cách Ngôn nói: “Người nào giấu tội lỗi của mình sẽ không được may mắn, nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót” (Cn 28,13). Xưng thú, sám hối luôn được tha thứ: “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu điều gian ác của tôi. Tôi nói: Tôi sẽ xưng các lỗi phạm của tôi cùng Chúa, còn Chúa tha tội ác tôi” (Tv 32,5). Ai kiêu ngạo không xưng thú thì bị lên án: “Người nào nói mình vô tội và chối không nhận mình đã phạm tội thì bị lên án” (Gr 2,35).

Thật thế, trong cuộc sống do bản tính yếu đuối của con người, cộng thêm gương xấu của thế gian và muôn vàn cám dỗ của các thế lực bóng tối như thánh Phêrô có đề cập bằng hình ảnh: “sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5, 8). Thánh Gioan nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình,và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Cho nên sám hối để nhìn nhận lỗi lầm, sửa chữa trong thay đổi, sám hối như Ngôn sứ Giôen kêu gọi: “Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng” (Ge 2,13).

Sám hối, nhìn nhận và sửa chữa như Gioan rao giảng bằng hình ảnh sửa đường: Sửa lời nói thiếu trung thực, sửa lỗi ăn gian nói dối, thành lời theo tinh thần lời xây dựng của Phaolô: “đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Sửa những việc làm thiếu trong sáng, lươn lẹo thành hành động luôn ngay thẳng, chu toàn bổn phận, trách nhiệm và luôn “làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3,23)

Người Phi Châu kể lại rằng: một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế, anh ta giải thích như sau: "Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi".

Vâng, tiếng Gioan giữa sa mạc kêu chúng ta sống tinh thần biết sửa chữa đường vào tâm hồn, để có những con đường thẳng tấp đầy hoa lá bằng tinh thần sám hối. Tiếng gọi mỗi tấm hồn hoang vắng như sa mạc khô khan thành ngôi nhà xinh tươi sức sống. Phải có nước hồng ân cộng với sự chăm sóc của con người, sa mạc mới thành đất màu mỡ với ngôi nhà tâm hồn màu xanh, được công sức cày xới và vun trồng mỗi ngày của con người bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh và tình yêu.

Trong đại sa mạc cuộc đời, góc sa mạc tâm hồn, tiếng của Gioan luôn vang vọng:

"Hãy dọn đường, hãy sửa đường …"

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 03/12/2016

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vị Thượng Phụ đứng đầu Chính Thống Giáo ca ngợi ‘Amoris Laetitia' nói lên được lòng Thương Xót cuả Thiên Chuá.
Trần Mạnh Trác
13:36 03/12/2016


VATICAN (02-12-2016) - Bình luận về các tranh luận chung quanh Tông Huấn về gia đình ‘Amoris Laetitia' cuả ĐGH, Thượng Phụ Chính Thống Giáo Bartholomew của Constantinople cho biết bản tài liệu này, "đầu tiên và trước hết gợi lên lòng thương xót và lòng từ bi của Thiên Chúa, chứ không chỉ là những tiêu chuẩn đạo đức hoặc những quy tắc kinh điển mà thôi."

"Trong vài tháng qua, nhiều ý kiến ​​và đánh giá về tài liệu quan trọng này đã được thực hiện", vị Thượng Phụ viết trên tờ L'Osservatore Romano, tờ báo của Vatican, ngày 2 - 12 như trên.

"Người ta đã hỏi rằng có một lý thuyết cụ thể nào được khai triển hoặc được bảo vệ hoặc có những giải pháp mục vụ nào đã được sửa đổi hoặc được giải quyết và có chỉ tiêu cụ thể nào đã được tăng cường hoặc giảm nhẹ đi không," ngài nói.

"Cho dù tài liệu đã bàn đến nhiều thách thức của hôn nhân và ly hôn hay tình dục hoặc việc nuôi con," ngài nói, những vấn đề đã được đề cập đén, "là tất cả những khiá cạnh tinh tế và quý báu của một mầu nhiệm thiêng liêng mà chúng ta gọi là sự sống."

Từ lâu, ngài nói, người ta đã "bị bóp ngộp và bị ngăn chặn" không cho vươn lên tới Thiên Chúa đế được tha thứ và được ban thêm sức mạnh, bởi vì có một khái niệm (sai lầm) về một vị "Cha trên trời, mà một cách nào đó, (vị đó độc đoán) quyết định tư cách ứng xứ của con người."

"Do đó những nhà lãnh đạo tôn giáo luôn được mời gọi để nhắc nhở cho bản thân mình và sau đó nhắc nhở cho những người khác rằng, Thiên Chúa là sự sống và là tình yêu và là sự sáng", ngài viết. "Trong thực tế, đây chính là những lời được nhấn mạnh bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tài liệu của ngài, là một tài liệu đã̃ phân biện được những kinh nghiệm và những thách thức của xã hội đương đại, và mô tả ra một linh đạo của hôn nhân và gia đình cho thế giới ngày nay."

Vị Thượng Phụ nói rằng không phải là ngẫu nhiên mà Tông Huấn của Đức Thánh Cha, "Amoris Laetitia" ( "The Joy of Love"), được phát hành vào tháng tư, là khoảng thời gian ngài và Đức Giáo Hoàng đã đi đến hòn đảo Lesbos của Hy Lạp để viếng thăm những người tị nạn.

"Trong thực tế, ngay lập tức, đã xảy ra thật là rõ ràng cho cả hai chúng tôi trong lúc chúng tôi nhìn thấy những khuôn mặt u buồn của các nạn nhân chiến tranh, đó là, tất cả những người này đều là thành viên của một gia đình, một gia đình bị phân chia và bị xé nát bởi chiến tranh và bạo lực", vị Thượng Phụ viết.

Tài liệu của Đức Thánh Cha, ngài nói, chạm vào kinh nghiệm của những gia đình đó và của tất cả các gia đình, bởi vì nó nói về Thiên Chúa và "khi chúng ta nói về Thiên Chúa, ngôn ngữ mô tả mà chúng ta sử dụng chỉ có thể là ngôn ngữ của tình yêu."

Đức Thượng phụ Bartholomew cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô, giống như những giáo phụ cuả giáo hội, không né tránh các câu hỏi nhạy cảm, nhưng "điểm khởi hành của họ luôn là ân sủng yêu thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa, tỏa sáng trên mọi người không phân biệt đối xử và không khinh chê một ai cả."
 
Chết cũng không tha: Nghĩa trang Kitô giáo ở Kfar Yassif thuộc Giêrusalem bị phá hoại
Nguyễn Long Thao
10:45 03/12/2016
Chết cũng không tha: Nghĩa trang Kitô giáo ở Kfar Yassif thuộc Giêrusalem bị phá hoại

Nazareth (Agenzia Fides) - Tòa Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem, cùng với tất cả các Giáo Hội tại vùng này đã nghiêm khắc lên án hành động phá hoại nghĩa trang Kitô giáo ở vùng Kfar Yassif, thuộc thị trấn ở Galilê nằm 11 km về phía đông bắc Acre.

Vào ngày thứ 5 mồng 1 Tháng 12 vừa qua, trên tường và trên bia mộ trong nghiã trang kẻ phá hoại đã vẽ những hình ảnh bậy bạ và viết những chữ Arâp có ý nghiã xúc phạm tôn giáo.

Trong một tuyên cáo báo chí, Tòa Thượng Phụ Latinh bày tỏ sự đoàn kết với các gia đình có thân nhân được chôn cất ở nghĩa trang bị bọn phá hoại làm ô uế, và kêu gọi cảnh sát phải sớm điều tra để xác định ai đã có những hành vi phá hoại này.

Nguyễn Long Thao
 
Tin Á Châu: - Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu: cần giúp các gia đình khám phá ra Đức Kitô
Têrêsa Thu Lan
12:17 03/12/2016
Đức hồng Y Alencherry: cần giúp các gia đình gặp gỡ Chuá Kitô


Colombo (03/12/2016) - Giáo Hội Châu Á có nhiệm vụ phải giúp các gia đình khám phá ra Đức Kitô: là ý kiến của Đức Hồng Y George Alencherry, trong phiên họp khoáng đại của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), được tổ chức tại Colombo, Tích Lan, từ ngày 28 Tháng Mười Một cho đến ngày 4 Tháng Mười Hai. Ngài là Tổng Giám mục giaó phận Ernakulam-Angamaly, ở Kerala, và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Syro-Malabar.

"Tất cả chúng ta cần phải tìm ra Chúa Kitô cho mình, để có thê ̉giúp đỡ người khác khám phá ra Ngài trong cuộc sống gia đình cuả chúng ta và của dân tộc chúng ta: đây mới chính là phúc âm hóa", Đức Hồng Y đã nhấn mạnh như vậy trước một hội nghị 140 vị, gồm nhiều Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục từ 40 quốc gia châu Á, cũng như một số đại diện bao gồm nhiều nhà thần học và giáo dân đang hoạt động tại các Giáo Hội ở châu Á.

Hội nghị, được tổ chức mỗi bốn năm, tập trung vào chủ đề "Gia đình Công Giáo châu Á: Giáo Hội của người nghèo trong sứ mệnh của lòng thương xót".

Các Giáo Hội địa phương cuả châu Á đang tự hỏi phải làm thế nào để cho các gia đình Công Giáo trở nên một công cụ rao giảng Tin Mừng về lòng thương xót.

Theo ĐHY thì trong tâm tình của một Năm Thánh Thương Xót vừa kết thúc, "chúng ta đang khám phá ra những gì có thể là những nhiệm vụ thương xót của các gia đình Công Giáo ở châu Á. Đối với tôi thì con đường của chúng ta cũng giống như con đường của các thánh Tông Đồ ngày xưa: là giúp cho mọi người tìm gặp Chúa Kitô trong cuộc sống và giúp đỡ các gia đình khám phá ra sự hiện diện của Chúa Kitô trong phạm vi gia đình và ở ngoài xã hội ". "Đây là nhiệm vụ chung của Giáo Hội, đây là nhiệm vụ của hàng giám mục, linh mục, tu sĩ, và cuả các gia đình".

Đức Hồng Y giải thích:. "Các gia đình ở châu Á, sống trong một bối cảnh đa tôn giáo, đều bị ảnh hưởng bởi các mô hình gia đình của các tôn giáo khác. Những người theo tôn giáo ở châu Á đều có chung mục đích là tìm kiếm Thiên Chúa. Đối với người Kitô hữu chúng ta thì Chúa Kitô là trung tâm của đức tin. Chính ở cái độc đáo này, Chúa Kitô, là món quà mang đến cho thế giới ơn cứu đô,̣ là dấu chỉ cuả cuộc sống chúng ta. Thiên Chúa là lòng thương xót và Chúa Kitô tỏ hiện khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa".

Trong quá khứ, ĐHY nói, các mục tử dường như đã bỏ quên Ngài (Chúa Kitô), chỉ nhấn mạnh đến việc chấp hành lề luật, mà quên đi lòng thương xót của Thiên Chúa.

"Kitô hữu được kêu gọi để nắm bắt sự hiện diện và hành động của Chúa Kitô trong mỗi người và trong tất cả các tạo vật, giống như thánh Phanxicô Assisi đã làm vậy", ĐHY nhắc nhở lại.

"Được nhìn thấy, nghe thấy và chạm vào Chúa Kitô, chúng ta không được phép bỏ mất các phước lành đến từ việc theo chân Chúa Kitô. Gia đình chúng ta đã gặp Chúa Giêsu trong cuộc sống và nhận được nhiều ơn phước cho mình. Vậy hãy biến các phúc lộc này trở thành những điều tốt đẹp cho Giáo Hội và cho xã hội châu Á", ĐHY kết luận.
 
Đài phát thanh Salêdiêng 90,8 FM, “Tiếng Vọng Đồi Cao”
Thanh Quảng sdb
15:11 03/12/2016
Đài phát thanh Salêdiêng 90,8 FM, “Tiếng Vọng Đồi Cao”

Theo Radio Vatican ngày 3/12/2016 cho biết các tu sĩ Salêdiêng Don Bosco là một Hội dòng quốc tế do Thánh Gioan Bosco, một linh mục người Ý sống ở thế kỷ thứ 19 thành lập nhằm phục vụ giới trẻ, đặc biệt những thanh thiếu nghèo và bị bỏ rơi!
Các tu sĩ Salêdiêng đã hiện diện tại Ấn Độ trên 110 năm qua, gần đây đã mạo hiểm dấn thân vào một lãnh vực thám hiểm nhằm phục vụ tốt hơn và gần gũi hơn với giới trẻ địa phương qua chương trình phát thanh; vì thế mà đài "Radio Salêdiêng 90,8 FM - Tiếng nói Đồi Cao" được thiết lập gần thị trấn Gorabari Sonada, dưới chân núi Himalaya nằm trong quận Darjeeling thuộc tiểu bang Tây Bengal của Ấn Độ.
Các giờ phát thanh trên các trang mạng cho công chúng, cho các trường bằng ngôn ngữ tiếng Nepal, người ta có thể nghe trực tuyến tại trang mạng www.salesiancollege.in, được khánh thành vào ngày 28, và đài phát thanh FM sẽ được chính thức khánh thành vào ngày 08 tháng 12 tới đây. cha CM Paul, người có nhiều năng khiếu lại đam mê trong lãnh vực truyền thông là linh hồn của đài và là giám đốc của Đài phát thanh Salêdiêng.
Để biết thêm về dự án này, chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng được ngài cho hay:

Đài Salêdiêng là đài phát thanh cộng đồng, cho các trường học kể cả đại học ở Tây Bengal và toàn bộ phía đông bắc Ấn Độ. Đây cũng là đài phát thanh đầu tiên và duy nhất của Dòng Salêdiêng trong toàn bộ khu vực Nam Á.
Ý tưởng thực hiện một đài phát thanh cộng đồng đầu tiên đã được thảo luận vào năm 2000 trong kế hoạch và chương trình của tỉnh dòng Salesian tại Kolkata. Năm 2012, trường Cao đẳng Salesian tại Sonada chính thức được cấp giấy phép cho phát sóng, trong đó nhiều yêu cầu và nhiều thủ tục, giấy phép của cả một tiến trình phức tạp từ các Bộ và các cơ quan của chính phủ Ấn sao cho việc phát sóng không làm ảnh hưởng tới sân bay Bagdogra và vùng quân sự biên giới Nepal không xa trường Cao đẳng Salêdiêng ở Sonada là bao!

Cha Paul giải thích rằng Đài Salêdiêng là một đài phát thanh cộng đồng thực sự, là tiếng nói của người dân – cho người dân, do dân và vì dân. Hầu hết các chương trình được thực hiện do những người dân Nê-pan nói tiếng địa phương ở các vườn chè rộng lớn mênh mông của vùng Darjeeling. Đài phát thanh Salesian do đó mời gọi các sinh viên, các nhóm cộng đồng, các nhóm hỗ trợ và làm việc cho thanh thiêu niên, cho người già, lao động, phụ nữ, các nhóm doanh nhân, và nhiều nhóm khác nữa cộng tác…

Là một đài phát thanh cộng đồng, Radio Salêdiêng phải tuân theo một số chỉ tiêu và quy định của chính phủ. Đài không tham gia vào chính trị và tôn giáo, đài không thể phát sóng tin tức cá nhân hoặc duy một đảng phái mà phải chuyển tải các tin tức cộng đồng, thúc đẩy hòa bình và hòa hợp cộng đồng.
Đài thực hiện điều này bằng cách phát tất cả các tin, các biến cố của mọi tôn giáo dươi mọi hình thức từ thánh ca tới các sinh hoạt đạo đức. Đài phát thanh Salêdiêng cũng có một chương ngắn bằng tiếng Hin-di và tiếng Anh.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Ngoại trưởng Mỹ, Ông John Kerry
Thanh Quảng sdb
15:40 03/12/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Ngoại trưởng Mỹ, Ông John Kerry

Theo tin Radio Vatican phát đi ngày 3/12/2016 thì Đức Thánh Cha Phanxicô sáng thứ Sáu 3/12/2016 đã tiếp ngài Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Ông John Kerry. Ông đến Rome để tham dự Hội nghị đàm phán về Địa Trung Hải.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô, Ông ngoại trưởng Kerry nhận xét về cuộc gặp gỡ này trên Twitter rằng ông "Hân hạnh được nói chuyện với Đức Thánh Cha về thế giới chúng ta đang xây dựng cho thế hệ mai sau."

Ngài ngoại trưởng Kerry cũng nói thêm ông "lấy cảm hứng từ lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô về khí hậu, thay đổi, những người tị nạn."
 
Tội ác ISIS: Những thị trấn Kitô giáo cuả Iraq chỉ còn là những phố ma
Trần Mạnh Trác
22:28 03/12/2016

Beirut (CNS) - Trình bày cảm tưởng lúc trở về thăm 'những nơi cũ' ở miền bắc Iraq, vị Thượng Phụ Công Giáo hệ phái Syriac cho biết ngài cảm thấy 'kinh hoàng' khi chứng kiến những tàn phá toàn diện như vậy.

Mô tả những gì vừa nhìn thấy là "những thị trấn ma", Thượng Phụ Ignace Joseph III Younan gửi email cho Catholic News Service rằng chả còn gì mấy trong những cộng đồng mà ngài viếng thăm 3 ngày, từ̀ 27 tới 29 tháng 11, và rằng "các đường phố hoàn toàn trống rỗng, ngoại trừ vài bóng dáng cuả binh lính... sự tàn phá và thiêu hủy các nhà thờ và nhà ở là đáng gây sốc."

Đã có khoảng 100.000 Kitô hữu - trong đó hơn 60.000 người là Công Giáo - đã bị nhóm ISIS trục xuất ra khỏi bình nguyên ​​Ninevah sau khi chúng lan tràn vào Iraq trong mùa hè 2014.

Thượng phụ Younan cũng lên tiếng nhắc nhở tới chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump về hoàn cảnh và thử thách của tất cả các dân tộc thiểu số, bao gồm các Kitô hữu, bị ảnh hưởng vì bạo lực trong khu vực.


Vị Thượng phụ cho biết rằng "khi đi qua các thị trấn Kitô giáo là Qaraqosh, Bartella và Karamles," ngài đã "chứng kiến một ​​mức độ tàn phá như thể chúng ta bước vào một thị trấn ma quái!"

Nhỡmg graffiti (sơn phấn vẽ nghệch ngoạc) và những biêủ ngữ "bày tỏ sự thù hận đối với những biểu tượng và giáo huấn Kitô giáo được tìm thấy ở khắp mọi nơi", trên tường, đường phố, bên ngoài, bên trong nhà và nhà thờ.

"Ngoài việc cướp bóc, phá hủy và gây thiệt hại cho các tòa nhà, chúng tôi phát hiện ra rằng những kẻ khủng bố, do sự căm hận với đức tin Kitô giáo, đã phóng hỏa hầu hết các cơ sở, bao gồm các nhà thờ, trường học, nhà trẻ và bệnh viện," đức thượng phụ lưu ý rằng chỉ có các cơ sở cuả người Kitô hữu là trở thành mục tiêu cho các hành động khủng bố ấy.

Ở Qaraqosh - trước đây là khu vực sinh sống của hơn 50.000 Kitô hữu - đức thượng phụ đã cử hành một Thánh Lễ ngày 28 tháng 11 "trên một bàn thờ nhỏ tạm bợ" trong đống tro tàn cuả một cung thánh đã bị đốt cháy trong ngôi nhà thờ đổ nát Immaculate Conception. Ngôi nhà thờ ấy, xây dựng bởi các giáo dân trong những năm 1930, đã từng có 2.200 chỗ ngồi trước khi bị quân ISIS xâm phạm.

Chỉ có một số người ít ỏi đến tham dự thánh lễ, trong đó là một vài giáo sĩ và một số thanh niên vũ trang và đại diện cho các phương tiện truyền thông, đức thượng phụ nói.

"Trong bài giảng ngắn của tôi, tôi mong muốn củng cố đức tin của họ khi đứng trước bàn thờ và bức tượng thánh giá, mặc dù cả hai đã bị phá nát. Tôi nhắc nhở họ rằng các Kitô hữu chúng ta là con cháu của các vị tử đạo, với một lịch sử lâu dài kể từ thời các thánh tông đồ, " ngài viết.

"Cách đây 5 năm trước, tôi đã từng có ý định sau khi ngôi nhà thờ được sửa chữa xong, và bây giờ thì vẫn còn giữ ý định ấy, là xin Đức Thánh Cha, Đức Giáo Hoàng, nâng ngôi nhà thờ này lên cấp Tiểu Vương Cung Thánh Đường," đức thượng phụ nói thêm.

Ngoài nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Qaraqosh, tất cả các nhà thờ khác mà phái đoàn của đức thượng phụ đã đến thăm, trong đó có là nhà thờ thánh Behnam và Tu viện thánh Sarah được xây dựng từ thế kỷ thứ tư, cũng bị thiệt hại đáng kể hoặc bị phá hủy.

Trước đó vào ngày 27 tháng 11, khi khai mạc chuyến đi từ thành phố Irbil, thủ đô cuả dân Kurd, là nơi mà các người tị nạn đang nương náu sau khi trốn thoát đám ISIS, thượng phụ Younan đã cử hành một thánh lễ cho hơn 800 người tại nhà thờ Đức Mẹ Hòa bình, một nhà thờ mới dựng lên gần đây để phục vụ cho người tị nạn.

Đồng tế trong thánh lễ có TGM Yohanna Moshe cuả Mosul và TGM Ephrem Mansoor Abba cuả Baghdad và 20 linh mục. Thượng phụ Younan cho biết ngài có một "cảm xúc lẫn lộn" giống như phâǹ đông những người tham dự, là cảm thây vui mừng vì đám ISIS đã bị đánh bật ra khỏi bình nguyên Ninevah, nhưng cũng rất buồn vì "tình trạng khủng khiếp" mà đám chiến binh Hồi Giáo đã gây ra cho cộng đồng của họ.

Đức thượng phụ cho biết ngài đã gặp gỡ với những cộng đồng đức tin, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ để thảo luận về một tương lai cho Kitô giáo ở miền bắc Iraq.

Dựa vào "những gì đã xảy ra trong thời gian gần đây," vị thượng phụ lưu ý, "ý kiến ​​chung là chưa có ai dám trở về, xây dựng lại và ở lại quê hương, trừ khi có một khu vực an toàn được đảm bảo cho các cộng đồng Kitô hữu ở bình nguyên Ninevah ."

Ngài kêu gọi cầ̀n phải có một "chính phủ ổn định, tuân thủ pháp luật và mạnh mẽ" để hỗ trợ việc thành lập một đơn vị hành chính tự trị trực thuộc chính quyền trung ương của Iraq.

"Vì vậy, tôi nhắc lại những gì tôi đã nói trong nhiều năm qua. Chúng tôi, các Kitô hữu tại Iraq và Syria, cảm thấy bị bỏ rơi, thậm chí bị phản bội, bởi các chính trị gia phương Tây trong thời gian gần đây," thượng phụ Younan cho biết.

"Chúng tôi đã bị bán đứng cho quyền lợi dầu hoả và bị lãng quên vì số người cuả chúng tôi nhỏ bé quá, trong một vùng đất 'Hồi giáo'(Ummah) trong đó chúng tôi đã sống qua nhiều thế kỷ."

Đức thượng phụ kêu gọi "cái gọi là" thế giới văn minh "phải duy trì những nguyên tắc của nền văn minh và bảo vệ một cách nghiêm túc bản Tuyên ngôn Nhân quyền," mà ngài mô tả là "rất quan trọng cho sự sống còn của chúng tôi. "

"Đây là thời gian để đứng dậy và lên án những chế độ phân biệt đối xử chống lại những cộng đồng ngoài Hồi giáo. Những chệ độ đó thường viện ra nhừng lý lẽ như... 'đây là pháp luật của chúng tôi, đây là 'đặc thù văn hóa, lịch sử và tôn giáo' để mà xác định cách độc đoán nền giáo dục và hệ thống quản lý xã hội", đức thượng phụ nói tiếp.

Thượng phụ Younan bày tỏ "hy vọng mạnh mẽ" rằng chính quyền của ông Trump "sẽ am hiểu hoàn cảnh và những thử thách của tất cả các dân tộc thiểu số, bao gồm các Kitô hữu."

"Đây là thời điểm mà Hoa Kỳ phải được tôn trọng trên toàn thế giới như thế này...", đặc biệt là ở Trung Đông, đó là "Hoa Kỳ là một quốc gia của hy vọng và tự do, chứ không phải là một vùng đất chỉ nhắm vào cơ hội mà thôi."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội nghị thường niên Liên hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam năm 2016
Lm Giuse Phan Trọng Quang
21:04 03/12/2016
HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VIỆT NAM NĂM 2016

Hội nghị thường niên năm 2016 của Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam được tổ chức tại Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc từ ngày 29/11 đến ngày 02 tháng 12 năm 2016, với chủ đề: “ Ơn gọi thánh hiến: sống ý thức thuộc về”.

Xem Hình

1. Có 155 đại biểu tham dự là các Bề trên và đại diện Bề trên thuộc các đơn vị Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn Tông đồ trong toàn quốc.

2. Hội nghị thường niên Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam năm 2016 vui mừng chào đón:

- Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

- Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam đã đến chủ sự Thánh lễ khai mạc Hội nghị và chia sẻ với Hội nghị về thực trạng của đời sống thánh hiến trên thế giới, đặc biệt là tại Á châu.

- Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ / HĐGMVN đã đến chủ sự Thánh lễ bế mạc Hội nghị và chia sẻ với Hội nghị đề tài: Ơn gọi thánh hiến và truyền giáo

- Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt Giám mục Giáo phận Bắc Ninh đã hiện diện và chia sẻ đề tài: Ơn gọi Thánh hiến: Sống ý thức thuộc về Giáo Hội

- Cha Barnaba Lê An Phong, SDB Giám đốc Học viện Thần học Don Bosco Việt Nam đã chia sẻ đề tài: Ơn gọi Thánh hiến: Sống ý thức thuộc về người mình phục vụ

- Thầy Phêrô Trần Ngọc Phú, OFM đã chia sẻ đề tài: Ơn gọi Thánh hiến: Sống ý thức thuộc về Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn

3. Hội nghị đã đón tiếp sự hiện diện của Ban Tôn giáo chính phủ đến chúc mừng Hội nghị và hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc đăng ký hoạt động của các Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn.

4. Hội nghị cũng đã lắng nghe Cha Giuse Phan Trọng Quang, đại diện Ban Điều Hành Liên Hiệp báo cáo Tổng kết hoạt động và về Quỹ tài chánh của Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam năm 2016

5. Hội nghị thường niên năm 2016 của Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam đã biểu quyết thông qua việc sửa đổi quy chế của Liên hiệp và sẽ trình Tòa Thánh xin phê chuẩn bản quy chế đã được sửa đổi.

6. Hội nghị đã bày tỏ tâm tình quý mến và tri ân đối với Cha Giuse Phạm Thanh Liêm,SJ sẽ kết thúc vai trò Chủ tịch LHBTTCVN vào ngày 08-12-2016, và theo quy định của quy chế Liên Hiệp, Cha Giuse Nguyễn Văn Quang, SDB, hiện là phó chủ tịch Liên Hiệp sẽ đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch LHBTTCVN cho đến Đại Hội vào năm 2018.

7. Hội nghị thường niên đã dành nhiều thời gian cho việc thảo luận và đào sâu các đề tài chia sẻ của các thuyết trình viên tại các nhóm và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu về việc tham gia Liên Hiệp của các Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn mới; việc đăng ký hoạt động cho các Dòng tu mới; về những hoạt động của Liên Hiệp trong thời gian tới; việc tiếp tục tổ chức các khóa huấn luyện về đời sống thánh hiến cho các Tu sĩ tại các giáo tỉnh; những vấn đề liên quan đến việc đào tạo Tu sĩ, đặc biệt là đối với các Tu sĩ trẻ…

8. Hội nghị thường niên Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam năm 2016 đã khép lại trong bầu khí hiệp thông huynh đệ đầy tình thân ái của các thành viên tham dự. Hội nghị cũng ước mong các nỗ lực của Liên Hiệp sẽ góp phần thúc đẩy những người sống ơn gọi đời thánh hiến tại Việt Nam, trở thành những chứng nhân sống động về sự hiệp thông, khi sống ơn gọi đời thánh hiến cách triệt để, với ý thức thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Giáo Hội, thuộc về Hội dòng, Tu hội, Tu đoàn và thuộc về những người mình phục vụ.

Lm Giuse Phan Trọng Quang

Tổng thư ký LHBTTCVN
 
Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên
Diệp Hải Dung
21:28 03/12/2016
Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên

Sáng Thứ Bảy 03/12/2016 các anh chị em Legio Mariae các Giáo Đoàn đã đến hội trường của trường học St. Luke Revesby tham dự ngày Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên của Curia Nữ Vương Mân Côi với chủ đề “ Legio Mariae Thánh Hóa Bản Thân”

Xem Hình

Mọi người tập trung trong sân trường và sau đó kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ rước vào hội trường và Cha Paul Văn Chi Linh Giám Legio Mariae Curia Nữ Vương Mân Côi chào mừng tất cả mọi người đồng thời Cha giới thiệu buổi Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên hôm nay của Curia Sydney có sự hiện diện của Cha Cựu Linh Giám Giuse Mai Văn Thịnh và Cha Mai Văn Thịnh thuyết giảng với đề tài “ Thánh Hóa Bản Thân Thế Nào ? ” giúp mọi người hiểu biết tín thác cậy trông vào Chúa để Ngài hướng dẫn chúng ta..và Cha cũng để cho mọi người nêu những câu hỏi để cùng thảo luận và chia sẻ.

Kế tiếp Cha Paul Văn Chi thuyết giảng với đề tài “Legio Mariae Thánh Hòa Bản Thân Khi Làm Công Tác Tông Đồ” Cha Văn Chi đã nói về Mẹ Maria chính là gương mẫu để chúng ta bắt chước học hỏi nơi Mẹ để thánh hóa bản thân khi làm công tác tông đồ và Cha cũng để mọi người cùng đóng góp chia sẻ và nêu những thắc mắc. Đặc biệt Cha Tuyên Úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm cũng đến thăm hỏi các anh chị em Legio Mariae tham dự Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên.

Sau khỉ dùng cơm trưa, mọi người cùng tham dự Thánh lễ tạ ơn do Cha Linh Giám Paul Văn chi và Cha Cựu Linh Giám FX. Nguyễn Văn Tuyết cùng hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Hà Pi Liến Trưởng Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha và tất cả mọi người đã tham dự ngày Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên của Curia và Thánh Lễ. Đặc biệt cám ơn Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Revesby và quý ân nhân đã trợ giúp cho ngày tĩnh tâm hôm nay được tốt đẹp. Thánh lễ kết thúc, Cha Paul Văn Chi cũng ngỏ lời cám ơn quý Cha và tất cả mọi người.

Diệp Hải Dung
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tiếng thét tang thương.
Bảo Giang
21:17 03/12/2016
Tiếng thét tang thương.

“Hôm nay, thế giới đánh dấu sự qua đời của một tên độc tài, tàn bạo, đã đàn áp chính người dân của mình trong gần 6o năm. Di sản của Fidel Castro là những đội hành quyết, là trộm cắp, gây ra nghèo đói, khổ đau khôn lường,và tệ hại là sự chối bỏ nhân quyền của con người. Tođay, the world marks the passing of the Brutal dictator who oppressed his own people for nearlysix decades. Fidel Castro’s legacy is one of firing squads, theft, unimaginable suffering, poverty and the denial of fundamental human rights” Donal Trump.

Khi trích thuật lại lời phát biểu này. Tôi cứ tiếc là tại sao có cái tên Fidel Castro ở đây, mà ông ấy lại quên không kèm cái tên Hồ chí Minh vào cho tròn nghĩa, đủ bộ. Bạn hỏi tại sao ư?

Trong nhiều ngày qua, Việt Nam như chìm vào trong Tiếng Thét Tang Thương. Đi đâu, ở đâu, giữa phố hay ven làng người ta đều nói đến câu chuyện người thân chết ở bệnh viện, người nhà thuê xe ôm, bó chiếu đem về. Khởi đầu, câu chuyện xem ra đơn giản. Đến khi lên màn hình, nó bỗng trở thành cuộc sống của thảm họa, thành tiếng thét đau thương cho toàn xã hội. Từ đó, trong bất cứ cuộc gặp gỡ nào, người ta đều nói đến chuyện người bó chiếu dưới thời cộng sản. Không phải chỉ nói đến hình ảnh, nhưng là tiêu chuẩn Cộng sản dành cho con người!

Tuần này lại là một câu chuyện bàng hoàng khác. Nguyễn phú Trọng, TBT đảng cộng sản VN, đầu chít khăn tang phát lệnh: Cả nước treo cờ Việt cộng một ngày để để tang cho Fidel Castro, rồi sai Nguyễn thị Kim Ngân dẫn đoàn đi điếu tang! Fidel Castro là ai ư? Y là cựu chủ tịch nhà nước Cuba, người đã từng sang thăm và bán máu của tù nhân chính trị ở Cuba cho Việt cộng trong thời chiến với gỉa 50 Dollars một túi chứa 0.470 lít máu. Dưới đây là “chút” thành tích của Y được ghi chép trong sử sách được Việt cộng tuyên công, và Nguyễn phú Trọng lệnh cho đảng CSVN để tang.

Theo giáo sư R.J. Rummel, thuộc viện Đại Học Hawaìi thì “có đến 141.000 người dân Cuba đã bị sát hại bởi chế độ Castro. Và đó chỉ là số liệu tính đến năm 1987 mà thôi. Dĩ nhiên, còn hàng ngàn ngưòi khác đã bị Y thủ tiêu sau thời điểm này”(). Phần Tổ Chức Chống Tội Diệt Chủng (Genocide Watch) cũng chỉ ra rằng: "chế độ Castro phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng ngàn người, bao gồm bị xử bắn và chết từ việc chạy trốn khỏi chế độ." () http://www.cubaverdad.net/genocide.htm

Trong khi đó, theo báo cáo của Uỷ Ban Nhân Quyền, một trong những tội ác ghê tởm nhất của Castro là vụ:” thảm sát 41 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em là những người định trốn khỏi Cuba trên một chiếc tàu kéo vào ngày 13/7/1994. Khi chiếc tàu vượt biển bị phát giác, nó đã bị quan chức Cuba phun nước và đâm nó chìm xuống lòng biển!”. Câu chuyện này đã làm cho thế giới bàng hoàng và ghê tởm. Nhưng thật ra, nếu đem so sánh nó với những cảnh tàu vượt biển của người Việt Nam bị Việt cộng đâm chìm và bắn hạ trong những năm 1977- 83 thì nó chỉ là cái vẫy tay, không đáng nhắc đến!

Trở lại chuyện Cu ba: Theo Tổng Giám Đốc của cục Lưu Trữ Cuba ước tính rằng, có khoảng 78.000 người vô tội đã chết trong khi chạy trốn chế độ của Castro. Hơn 5.300 nông dân và con cái của họ ở vùng núi Escambray và tại Vịnh Con Heo đã thiệt mạng trong lúc đấu tranh với chế độ cộng sản; Hơn 14.000 người Cuba bị giết trong cuộc cách mạng của Castro; Khoảng 5.600 người bất đồng chính kiến bị xử bắn; Và có trên 1.200 người bị giết vị tình nghi trong những vụ ám sát Castro! Xem ra con số này còn qúa khiêm tốn khi đem so sánh nó với thành tích của Hồ chí Minh.

- Đặc biệt hơn, theo sự ghi nhận của Ủy ban Nhân quyền Inter-American vào ngày 7/4/1967 là: "Ngày 27/5/1966, có 166 người Cuba, bao gồm thường dân và các thành viên của quân đội, đã bị tử hình và được cơ quan y tế Cuba lấy ra trung bình là 7 pints, 3.3 lít máu/ một người. Máu này được bán cho Cộng sản Việt Nam với giá là 50 US cho mỗi 0.47 lít với hai mục đích thu ngoại tệ và góp phần vào sự xâm lược của Việt Cộng vào miền nam Việt Nam”. Hỏi xem, việc mua, bán máu người này là đúng hay sai? Nó đáng kinh tởm hay đáng ca tụng?

Câu trả lời: Đó là những tội đại ác, đáng kinh tởm. Nhưng xem ra nó còn thua kém xa cái độc ác, bất nhân của Hồ chí Minh và tập đoàn cộng sản bắc việt đối với dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, cái bất lương của Castro đối với dân Cuba chỉ là con đom đóm lập loè trước cái đèn lồng tàn bạo của Hồ chí Minh mà thôi. Bởi lẽ, nếu Việt cộng không mua máu, có thể Cuba vẫn giết người, nhưng không phạm tội giết người bán máu!

Kế đến, không cần nhắc đến những cái chết trong cuộc chiến và hậu qủa của nó do Y gây ra cho hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Chỉ nhắc tới hơn ba năm trong khoảng 1953-1956, Hồ chí Minh và tập đoàn CS này đã đấu tố và giết chết hơn 172,000 ngàn trưởng gia đình tại miền bắc Việt Nam. Và hàng trăm ngàn người khác bị chúng đẩy lên vùng Cao Bắc Lạng không có ngày về để cướp toàn bộ tài sản của họ là qúa dư dể làm cuộc so sánh. Từ đó cho thấy, việc Nguyễn phú Trọng và tập đoàn Việt cộng kêu gọi đồng bọn đội khăn, treo cờ rũ để tang cho Castro cũng là phải. Nhưng khi chúng buộc đồng bào Việt Nam cùng hành động phi nhân như chúng thì tôi phải lên tiếng. Trước hết là bảo vệ Liêm Sỹ, Cốt Cách Việt Nam. Kế đến, lên án những hành vi đồng loã với tội ác của chúng.

1. Từ những chứng cứ.

Hẳn nhiên, câu chuyện người dân Việt Nam qúa nghèo khổ khi đến bệnh viện đã không có chỗ nằm. Đến chết thì tự thuê lấy chiếc xe gắn máy, rồi bó chiếu mang thân nhân về nhà, lo lấy hậu sự là chuyện đau lòng, khó quên. Tuy thế, nếu đem so với những cái chết của anh em bộ đội trong chiến tranh nơi rừng hoang, ở Hoàng Sa, Trường Sa và nhất là trong cuộc chiến biên giới với Trung cộng từ 1979 đến 1989 càng thấy ngậm hờn hơn. Ở đây, những người chiến binh Việt Nam đã tan xác vì bảo vệ đất nước, nhưng khi … về, họ có khi không được bó chiếu, không có được một cái áo quan, một nấm mồ yên nghỉ, nhưng bị vùi dập vào đâu đó ở góc rừng. Ngay đến ngày kỷ niệm chung của họ, tập đoàn CS hôm nay cũng không dám nhắc đến. Trái lại, những kẻ làm cho họ phải máu xương rơi, những kẻ xâm lược đến từ phương bắc lại được nhà nước CSVN xây đài, đắp tượng, xây mộ như lầu cao ngay trên phần đất mà người lính bảo vệ quê hương Việt Nam vừa nằm xuống. Đây mới là điều đáng tủi nhục, không phải cho người đã chết, nhưng là cho người còn sống!

Tại sao lại có chuyện tang thương, bội bạc ấy? Câu trả lời xem ra là rất đơn giản, không một người nào không biết. Bởi vì Nó là Cộng Sản. Một câu trả lời rất đơn giản, không phải là mới có, nhưng đã được ghi nhận từ hơn 70 năm qua và còn tồn tại đến hôm nay. Ở đó, không chỉ là một ghi nhớ đơn lẻ. Trái lại, như một cuốn kinh thư để ngày đêm CS tuyên truyền, lừa đảo dân chúng rằng: “Ta chiến dấu vì lý tưởng cộng sản. Đây là lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội. Ta coi đế quốc Mỹ luôn luôn là kẻ thù của giai cấp. Kẻ thù của nền hòa bình Thế Giới. Ta đánh cho nó nhào, đánh cho nó cút. Như thế chẳng bao lâu nữa, chính nó sẽ qùy gối xuống trước mặt ta để mà cầu xin ân huệ, ban cho chúng đường sống”( ban tuyên giáo). Kết qủa: Lời tuyên truyền của tập đoàn cộng sản Hồ chí Minh ra sao?

Ai cũng biết, sau hơn 20 năm VC gây ra chiến tranh. Việt Nam mất hơn 4 triệu người trên cả hai miền. Hết chiến tranh, ai cũng tưởng là có thanh bình ấm no. Kết qủa, nó trở thành một chuyện khả ố và rẻ tiền. Bởi lẽ, chủ nghĩa cộng sản do Hồ chí Minh tức Hồ Quang mang vào VN và được những Trường Chinh, Phạm văn Đồng, Lê Duẫn, Võ nguyên Gíap…. phò tá, đã chẳng đem lại ấm no hạnh phúc như lời tuyên truyền của CS. Trái lại, Việt Nam có thể bị vùi dập vào vòng nô lệ của Tàu. Khởi đầu là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã bị chúng ký giao cho TC như để trả trước một phần tiền chiến phí. Kế đến, toàn diện bản đồ Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu thì nằm phủ bóng chờ ngày “ kết nạp” theo hiệp ước Thành Đô với điều kiện bảo vệ cho chúng tồn tại?

Diện đất đai, biên giới là thế. Về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc lại là một thảm họa khác. Từ những năm 1951 Trường Chinh, kẻ viết sách lược đấu tố dân ta theo lệnh của Hồ chí Minh, đã kêu gọi dân ta bỏ chữ Quốc Ngữ mà học lấy chữ Tàu, dùng thuốc tễ. Nay đến Phạm vũ Luận, Bộ trưởng giáo dục của nhà nước CSBV theo gương. Đem chữ Tàu vào chương trình sơ cấp của học đường VN để trẻ vừa mở mắt ra đã phải học tiếng Tàu, và lịch sử Tàu. Hỏi xem, cùng với trào lưu tư bản Tàu, du lịch tàu, chủ nhân, công nhân Tàu tràn sang, việc học tập này sẽ đưa Việt Nam về đâu? Liệu có thành một nước mới trong qũy đạo nói tiếng Tàu không? Hỏi xem, Việt Nam là ai khi không còn tiếng nói và dòng sử chính của dân tộc mình?

Thật sự, tôi không muốn nhắc lại những việc làm tệ hại, nếu không muốn nói là tồi bại này của tập đoàn cộng sản VN. Nhưng lại không thể không nhắc đến vì những tai ương do chúng đã, đang và sẽ còn gây ra cho dân tộc này. Bởi lẽ, hãy nhìn lại. Hãy hỏi xem, người Việt Nam được gì sau khi đã phải hy sinh vì sự ngu xuẩn tột cùng của tập đoàn CS Hồ chí Minh trong chiến tranh gọi là chống Mỹ cứu nước, cũng như trong việc thờ CS Tàu hôm nay?

Tự Do ư? Độc Lập ư? Hạnh phúc ư? Công Bằng hay Công Lý ư? Không! Tất cả là không. Không có gì ngoài khổ đau, nghèo đói, thù hận và dối trá cho người dân, phận nô lệ. Riêng phần tài sản, sinh lực của đất nước thì nằm gọn trong tay bọn đầu gấu Cộng sản và con cháu của chúng chia nhau. Chia nhau với khát vọng là xin được nhập cư vào Mỹ, nơi mà chúng đã một đời dối gạt người dân là: “Ta đánh cho nó nhào, đánh cho nó cút. Như thế chẳng bao lâu nữa, chính nó sẽ qùy gối xuống trước mặt ta để mà cầu xin ân huệ, ban cho chúng đường sống”. Có nhìn rõ được điều này, người ta mới khả dĩ hiểu được cộng sản là cái gì?

Như thế, cần gì phải úp mở, hãy nói toạc ra là: Gía trị của cộng sản chỉ là những gian trá và tội ác. Và để giữ được gía trị này, từ Hồ chí Minh, Phạm văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn cho đến những i tờ Đỗ Mười, Lê khả Phiêu, Nông đức Mạnh hay Nguyễn phú Trọng, Nguyễn tán Dũng, Trương tấn Sang, Trần Đại Quang, Nguyễn xuân Phúc, Nguyễn thị Kim Ngân… chỉ có một nghề duy nhất là xử dụng bạo lực cộng sản. Nghĩa là, từ mã tấu, búa tạ, nhà tù, chúng thay nhau tạo ra sự sợ hãi trong dân để tiếp tục vẽ họa kịch bản lừa dân bán nước.

Chuyện này không phải người dân không biết đến. Tiếc rằng, chuyện “gà phải cáo” chẳng ai quên, nên người dân không thể quên được sự sợ hãi di truyền từ mùa đấu tố. Kết qủa, cái búa lệnh bạo lực của chúng mỗi ngày mỗi đè nặng xuống trên đôi vai của họ. Từ đó, Nó trở thành kim chỉ nam cho người dân. Quyền được sống, Quyền làm người bỗng nhẹ tênh, bay đi. Riêng phận nô lệ được ở lại!

a. Có phải ta đã chống Mỹ, cứu nước cho dân ta hay không?

Có thể ta đã chống thật và người dân cũng bị CS lừa thật. Bởi vì, chuyện tuyên truyền là thế và xem ra người Việt Nam đã mắc nạn trong một cuộc lừa phỉnh lớn nhất thế kỷ này. Để từ đó, ta triệt ta, Việt giết Việt trong cuộc chiến và bị ru ngủ thờ Hồ, thờ Tàu trong thời chiến cũng như ngày hòa bình! Kết qủa là ta mất nước! Bởi những gan anh hùng dám chống Mỹ kia lại sợ hãi cộng sản!

Rồi ai cũng bảo sự u mê của con người thường là có và có giới hạn. Theo nguyên tắc, sự giới hạn này sẽ ngày một ít đi sau khi được học hỏi và va chạm. Kết qủa, gặp cộng sản xem ra cái u mê ngày càng dày thêm dù có qúa nhiều kinh nghiệm về chúng. Chuyện xưa kể rằng trong cuộc chiến CS bảo ta. “Phải bám lấy thắt lưng, gấu quần của đàn bà, trẻ con mà sống”. Đó là lý do chẳng có một nơi nào VC lập đồn lũy riêng biệt để công khai với địch. Đã thế, CS còn chủ trương, ai để cho chúng bám vào đó mà lợi dụng là dân, thì sống. Kẻ nào không cho chúng bám vào, nó là thằng địch, phải giết. Chủ trương này, đến nay vẫn không hề thay đổi. Người đã hy sinh trong chiến tranh, nay nhà cửa bị chúng cướp giật, lấy đất bán cho Tàu, cho lái buôn để lấy Dollars Mỹ. Người dân, cựu binh, kể cả đoàn đảng viên đã mất chân, cụt tay trong chiến tranh, nay chống gậy, bồng con cháu bảo vệ lấy chỗ tựa cuối cùng, bỗng nhiên thành những thằng địch phản động! Giết, triệt. Đoạn kết, Chúng được hưởng tất cả. Được tiền, được ăn, được nói. Phần dân ta, bộ đội ta ăn đạn, lãnh bom và nay hoà bình rồi được thêm nhiệm vụ lãnh nợ cho nhà nước!

Nhìn lại, xem ra ta đã đánh Mỹ để cứu nước Tàu theo đúng sách lược của Hồ Quang vẽ ra. Nghĩa là, Ta đã đánh Ta và để Hồ chí Minh giao Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biên giới của Ta cho Tàu. Riêng tấm bản đồ Việt Nam hôm nay có bị Việt cộng Nguyễn văn Linh trao gọn vào tay TC hay không, câu trả lời chỉ còn là thời gian. Năm 2020 cách ta chẳng là bao xa. Hỡi những anh hùng vỗ ngực “đánh Mỹ cứu nước” nay ở đâu? Chẳng lẽ qúy vị chống Mỹ để ngửa mặt thờ phương bắc ư?

2. Quy về một kết luận.

Hôm rồi, người bạn bảo tôi: “Tôi đã nuôi nó mấy chục năm rồi, nhưng con khỉ vẫn là con khỉ ông ạ. Nó chẳng bao giờ có thể khôn được. Nên kẻ theo nó “ khèn khẹt” làm sao có thể khá hơn”. Điều đó cho thấy, dù nó có ở phố vẫn như không! Bởi lẽ, phố thị là của con người. Phận Nó, không thuộc về phố thị và nhân bản.

Rồi ai cũng bào tiền là vật ngoại thân. Vào những năm trước 1975, vật ngoại thân của Người có giá (khoảng 400 đồng =1dollar) đứng cao trong bảng sắp hạng của thế giới. Cộng đảng đổi kiếp cho nó, 500 đồng của Người ăn một đồng giải phóng! Sau đó, lại đổi đời cho nó bằng $0.80 tiền Hồ. Chỉ cần 30 năm sau, tiền Hồ nổi danh. Đứng hàng thứ hai trên trường quốc tế nếu đếm ngược từ dưới lên. Thua xa cả Lào, Campuchia! (Tỷ lệ hối đoái vào 9-2015)

1 USD = 4.005 riel Campuchia

1USA = 8.220 Kip Lào

1 USA = 22,481 đồng Việt Nam (áp chót).

1 USA = 30,165 rial Iran (cuối bảng)

Đó là tài kinh bang của Việt cộng! Họ tự hào, họ tuyên bố : “đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng lại bằng mười lần năm xưa”! Đến nay, đã 4 lần cái 10 năm qua rồi, Việt Nam của chúng ta trở thành một trong những nước nghèo đói có hạng trên thế giới (125/185). Trong khi đó về dân số Việt nam đứng hàng 14/225 quốc gia (tính cả các đảo nhỏ và Vatican). Đó là lý do, tới nay Việt cộng vẫn không ngừng ngửa tay xin viện trợ từ nhiều nước, kể cả cái nước đang dãy chết mang tên Hoa Kỳ! Tại sao ư? Vì tập đoàn Việt cộng đã hoàn toàn không có khả năng điều hành, lãnh đạo đất nước. Nhưng lại rất giòi tay nghề trong việc dốc toàn lực vào công tác đào ngạch khoét vách và trộm cướp tài sản của nhà Việt Nam cho vào túi riêng! Chẳng có một tên lãnh đạo nào trong bộ chính trị, trong trung ương của đảng Cộng mà không có hàng tỷ, hàng trăm triệu Mỹ kim trong tài khoản gởi ở nước ngoại! Phận cán cộng ăn trên ngồi trốc. Trong khi đó, vạn dân đói rách điêu linh, phần tiền nợ từ nước ngoài của nhà nước vượt lên như núi. Đảng nào lo? Một đứa trẻ vừa mở mắt chưa kịp chào đời, chưa có tên, đảng và nhà nước Việt cộng với hàm răng mã tấu đã trao tay cho nó một cái giấy nợ hàng ngàn Dollars Mỹ.

Phũ phàng thế, nhưng đó chưa phải là Tiếng Thét Tang Thương cuối cùng. Bởi lẽ, chỉ vài ba năm nữa, sau 2020 mà ở nơi đó còn Cộng Sản thống trị. Sài Gòn còn bị mang cái tên thối Hồ chí Minh thì người Việt Nam sẽ còn phải ngậm ngùi nhìn những thảm cảnh “ Đất Việt, hình Tàu”. Ở đó, người dân Việt không phải chỉ để tang, sùng bái những Castro, Hồ, Mao. Mac, Lê… nhưng còn là nơi mà người dân Việt phải thờ cúng những cái tên mới lạ từ phương bắc tràn xuống nữa!

Như thế “ nghĩ cho cùng việc Nguyễn Phú Trọng và giới cầm quyền CSVN khóc cho Fidel Castro, lãnh tụ CS cuối cùng của thế kỷ 20 còn sót lại, cũng phải. Họ khóc cho Castro và cũng khóc cho chính họ. Castro có may mắn chết già, nhưng liệu giới cầm quyền CSVN có được may mắn như thế hay không? (Trần trung Đạo). Thật khó trả lời. Bởi lẽ, sẽ chẳng có điều kiện cho kẻ Nô Lệ!

Như thế, xem ra người Việt Nam hôm nay chỉ còn một con đường duy nhất để đi. Hãy đứng dậy mà đi! Đứng dậy mà đi để con cháu Việt Nam được làm người Nhân Bản, có Tổ Quốc.

Bảo Giang

3-12-16
 
Văn Hóa
Giới thiệu sách Văn Hóa và Gia Đình
Trần Văn Cảnh
09:30 03/12/2016
GIỚI THIỆU SÁCH « VĂN HÓA GIA ĐÌNH »

VĂN HÓA GIA ĐÌNH
Của Ban Mục Vụ Gia Đình
Do Giáo Xứ Việt Nam xuất bản
Paris, 2006 ; 552 trang, 20 euros

Là một công trình đầu tiên về văn hoá gia đình việt nam Công Giáo, cuốn VĂN HOÁ GIA ĐÌNH là tác phẩm thứ 19 đã được Ban Tu Thư biên soạn và Giáo Xứ Việt Nam Paris xuất bản và phát hành [1]. Cuốn sách đã gặt hái được nhiều thành công. Thành công thứ nhất là sự đón tiếp nồng hậu của độc giả. Được phát hành vào giữa tháng sáu, đến giữa tháng chín 2006, 300 cuốn sách đã được bán đi.
Thành công thứ hai là vì các tác giả biên tập cuốn VĂN HOÁ GIA ĐÌNH đã khéo léo trình bày được một tổng hợp súc tích các chiều hướng và tiếp cận khác nhau của gia đình Công Giáo việt nam. Chiều hướng có thể là nghiên cứu, kinh nghiệm hành động mục vụ, hay dự phóng tương lai. Tiếp cận có thể là văn học, quản lý tổ chức, xả hội, giáo dục, triết lý hay luân lý.

Đọc VĂN HOÁ GIA ĐÌNH, độc giả sẽ nhớ lại rằng « Huyền sử lập quốc Việt Nam đặt trên nền tảng gia đình : gia đình Âu Lạc. Cuộc sống thường ngày của người Việt Nam được hướng dẫn và giải quyết với một tiếp cận căn bản là tiếp cận gia đình, với những dụng cụ phong tục gia đình đa dạng và phong phú ; từ gia tài, gia sản, gia bản,gia tư… qua gia thất, gia trang, gia đường… đến gia tiên, gia tộc, gia phả, gia huấn, gia lễ, gia truyền, gia đạo, gia pháp, gia phong… Như vậy cái văn hoá gia đình Việt Nam này, khởi thủy phát xuất từ gia đình việt Nam. Ca dao, tục ngữ, cổ tích và các tác phẩm văn học khác… là những dụng cụ tích trữ, chuyên chở và phổ biến cái văn hoá gia đình Việt Nam này “.

Họ cũng sẽ khám phá ra rằng «Từ thế kỷ XV, văn hoá gia đình Ki Tô giáo đã dần dà góp phần làm tươi mát, phong phú và khởi sắc cho văn hoá gia đình việt Nam. Đây là lý do thứ hai thúc đẩy chúng tôi mạo muội nêu lên sự bổ túc liên đới và hỗ tương của văn hoá Việt Nam và văn hoá Ki Tô trong văn hóa gia đình Việt Nam. Họ cũng sẽ còn được thông tin về những « biến chuyển của văn hoá gia đình trong dòng thời gian, nhất là từ mấy thập niên qua... Chủ ý của các tác giả thật rõ ràng : “Quả thật, Văn Hóa Gia Đình rất cơ bản và phong phú, vượt ngoài khả năng khai thác và quảng diễn của mọi người. Chính vì thế, với tầm sức hạn hẹp, chúng tôi chỉ dám ‘lần mò’ đề cập đến một số khía cạnh văn hóa Việt Nam trong Gia Đình Việt Nam nói chung, và đồng thời nêu bật mộât số khía cạnh văn hoá Kitô giáo trong Gia đình Việt Nam nói riêng. Đây cũng làø những nét hội nhập văn hóa của Kitô giáo ngay trong sinh hoạt của Gia Đình Việt Nam. Thêm vào đó, chúng tôi không chỉ nhắc lại những điểm nét văn hóa cổ truyền, mà còn quan tâm đến những biến chuyển của văn hoá gia đình trong dòng thời gian, nhất là từ mấy thập niên qua. Vì văn hóa gia đình không ứ đọng, chết mòn, nhưng là một phần bộ văn hóa sống động, thích ứng, hôïi nhập, tiên tiến… trong toàn bộ văn hóa của nhân loại. Do đó, văn hóa gia đình càng ngày càng trở nên quan trọng trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội, trong sự sinh tồn và phát triển của các Cộng Đoàn Việt Nam hải ngoại, và dĩ nhiên, cho cả xã hội nhân loại. Vậy, khi chọn viết cuốn ‘Văn Hoá Gia Đình’, chúng tôi muốn góp phần nhỏ vào những bận tâm mục vụ của Giáo Hội và của các Bậc chủ chăn.

Nhờ những chiều hướng đa phương và những tiếp cận đa diện, ba nhóm độc giả đã đọc VĂN HOÁ GIA ĐÌNH. Trước nhất là những việt kiều hải ngoại gắn bó và tha thiết với văn hoá việt nam, đặc biệt là những thanh niên nam nữ đang hay mới bước vào hôn nhân. Thứ đến là nhũng người mà công việc làm ăn có dính líu đến gia đình, như công việc mục vụ của các linh mục và tu sĩ, công việc xã hội của các cán sự xã hội,..Và sau cùng là những người muốn tìm hiểu về văn hoá gia đình việt nam, ở quốc nội cũng như ở hải ngoại. Vì “cuốn ‘Văn Hóa Gia Đình’ là kết quả tụ họp của 10 năm sinh hoạt với các gia đình : sinh hoạt chuẩn bị hôn nhân cho các thanh niên nam nữ, sinh hoạt đồng hành với các gia đình trẻ, sinh hoạt mừng khánh nhật hôn nhân với các gia đình kỳ cựu, sinh hoạt chúc mừng thượng thọ với các bậc lão niên. Qua các sinh hoạt phong phú và đa dạng ấy với người Việt Nam ở Paris thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ trung 18-30 tuổi, qua quan viên 30-60 tuổi, đến lão niên 60-100 tuổi, một sự kiện văn hóa nổi bật rất mạnh đã đánh động mọi người, hướng dẫn viên cũng như tham dự viên, đó là sự kiện văn hoá gia đình trong tâm tư và cách sống của người Việt Nam.”

Qua những tác giả quen thuộc từ nhiều năm qua ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, độc giả sẽ đọc được 12 đề tài khác nhau trong cuốn « VĂN HÓA GIA ĐÌNH ». Đó là những đề tài sau đây :
1. Dẫn nhập vào Văn hóa Gia đình Việt Nam (Gs Trần Văn Cảnh).
2. Lập Gia Đình (ÔB Long Hằng).
3. Văn hóa Gia đình trong đời sống tại Pháp (Gs Tạ Thanh Minh Khánh).
4. Những trao truyền giữa các thế hệ (Pt Phạm Bá Nha).
5. Giáo dục con cái (Gs Trần Văn Cảnh).
6. Dòng dõi, Thảo hiếu, Tổ tiên (ÔB. Bình Huyên).
7. Gia đình trong Cộng Đoàn và Giáo Hội (Bs Nguyễn Ngọc Đĩnh, Lm Mai Đức Vinh).
8. Học thuyết Công Giáo về Gia đình trong thế kỷ XXI (Ls Lê Đình Thông).
9. Góp ý về dinh dưỡng (Bs Tạ Thanh Minh).
10. Hôn nhân dị chủng (Lm Mai Đức Vinh).
11. Thiết lập gia đình trong luật pháp (Ls Nguyễn Thị Hảo).
12. Linh đạo gia đình (Lm Mai Đức Vinh).


Vậy xin giới thiệu cuốn VĂN HOÁ GIA ĐÌNH cùng quý Độc giả, quý Gia đình, nhất là các Gia đình trẻ. Cũng xin giới thiệu cuốn VĂN HOÁ GIA ĐÌNH với hết thảy những ai quan tâm đến văn hoá việt nam, và đặc biệt là văn hoá gia đình việt nam Công Giáo.



Paris, ngày 18 tháng 11 năm 2016
Trần Văn Cảnh

Chú thích :
[1]. Cho đến tháng 11 năm 2016 này, 56 cuốn sách đã được Ban Tu thư biên soạn và Giáo Xứ Việt Nam xuất bản, phát hành. Ðó là những cuốn sau đây :

1. Kỷ Yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, 1947-1997 ; A4 ; 110 trang ; 1998
2. Giáo lý cho người trưởng thành ; 1998
3. Têrêxa vị thánh lớn của thời đại mới. 1998
4. Hành trang sống thế kỷ XXI; 1998
5. Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII, 2000 ; 540 tr ;
6. Fatima, hoà bình – tình thương, 2000
7. Đường vào tình yêu (chuẩn bị hôn nhân, đời sống gia đình Công Giáo), 2000 ; 336 tr.
8. Tâm tình tuổi xuân (Hỏi để biết sống), 2001 ; 456 tr.
9. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn I : Từ nguồn gốc cho đến thánh Grégoire Cả, 606, 2 tập, 2002 ; 852 tr.
10. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn II : Thời trung cổ, 600-1500, 2 tập, 2003 ; 850 tr.
11. Niên giám Liên Đới Nghề Nghiệp ; 2003 ; 78 tr.
12. Hội ngộ Niềm Tin ; 2003
13. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn III : Cải cách và chống cải cách, 2 tập, 2004 ; 918 tr. ;
14. Văn hoá và Đức tin, 2004 ; 640 tr.
15. Kỷ niệm 20 năm tái bản báo Giáo Xứ Việt Nam 1984-2004, Báo Giáo xứ Việt Nam, N° 200, số đặc biệt,; 01.02.2004 ; 128 tr.
16. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn IV : Kỷ nguyên ánh sáng, các cuộc cách mạng và canh tân, 2 tập, 2005 ; 840 tr.
17. Kỷ yếu Curia Maria Nữ Vương nước Việt Nam, 40 năm thành lập 1965-2005 tại GXVN Paris, 2006 ; 138 tr. ;
18. Tặng cho nhau (Kỷ niệm 60 năm Hội LTS/VN/P), 2006 ; 270 tr. ,
19. Văn hoá gia đình ; 2006 ; 552 tr.
20. Suy niệm Tin Mừng, Bộ I (A,B,C) ; 2006
21. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn V,Giáo Hội trong thế giới hiện đại, 1848 đến ngày nay, 2 tập, 2007, 1202 tr.
22. Trần Văn Cảnh và các vị khác ; Đức Hồng Y Jean–Marie Lustiger với Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, 2007 ; 106 tr.
23. Tọa Đàm : Kỷ niệm thành lập : 25 năm Hội Đồng Mục Vụ, 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, Báo GXVN, số đặc biệt, n°239 ; 2008 ; 96 tr.
24. Hội Đồng Quý Chức, 2008 ; 444 tr.
25. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn VI : Đời sống các Đức Giáo Hoàng qua 2000 năm lịch sử, 2009 ; 308 tr.
26. Suy niệm Tin Mừng, Bộ II (A,B,C), 2009.
27. 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1947-2007, 2 tập, 2010 ; 1190 tr.
28. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn VII, Lịch sử các Công Đồng, 2010 ;
29. Thơ Vân Uyên, 2011
30. Điểm nóng gia đình, 2011 ; 464 tr. ,
31. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 1 : 60 năm xây dựng nền mục vụ, 1947-2007 ; Paris : 2011 ; A4 ; 336 tr. ;
32. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 2 : Những sinh hoạt mục vụ cụ thể ; Paris : 2011 ; A4 ; 322 tr.
33. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 3 : Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam ; Paris : 2011 ; A4 ; 176 tr.
34. Công Giáo Việt Nam tại Pháp 226 năm hành trình Đức Tin, 1784-2010 », 2011 ; A4, 363 tr.
35. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ; 2012
36. Lưu niệm Đại Hội Lộ Đức 2013 của Các Cộng Đoàn Công Giáo VN tại Pháp ; 2013 ; A4 ; 133 tr.
37. Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam, 2013
38. Thánh Gioan Maria Viannê, 2013
39. Lịch sử biên niên Giáo xứ Việt Nam Paris 1787-2013, 2014
40. Linh đạo hôn phối theo thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II, 2014
41. Tuyển thơ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 2014
42. Triết học nhân bản theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 2014
43. Kính trọng tuổi già 1 : Giáo Hội quan tâm đến tuổi già, 2014 ; 82 tr.
44. Kính trọng tuổi già 2 : Suy niệm và cầu nguyện của người cao niên, 2014 ; 136 tr.
45. Kính trọng tuổi già 3 : Lời hay ý đẹp về người trọng tuổi, 2014 ; 38 tr
46. Kính trọng tuổi già 4 : Những bài viết về tuổi thọ, 2014 ; 174 tr.
47. Kính trọng tuổi già 5 : Tuyển thơ bô lão, 2014 ; 136 tr.
48. Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI, 2015.
49. Tuyển tập Hoàng Anh Tài, 2015, 530 trang.
50. Chứng nhân của Thầy, Kim Khánh Linh mục của Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, 1965-2015, 2015 ; 302 trang.
51. Phó tế vĩnh viễn, thầy là ai ? 2015 ; 558 tr.
52. Cây văn hóa Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris, 2016 ; 302 tr.
53. Gia đình sống đạo; 2016; 146 tr.
54. Người trẻ sống đức tin ; 2016 ; 152 tr.
55. Con cái là hồng ân của Thiên Chúa ; 2016 ; 122 tr.
56. Giáo dục con cái ; 2016 ; 188 tr.