Ngày 08-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Niềm vui đợi chờ
Phanxicô Xaviê
10:51 08/12/2010
Chúng ta đang ở giữa Mùa Vọng. Phụng vụ hôm nay muốn chúng ta hòa lòng vào niềm vui, niềm vui không phải thế gian cho, mà là niềm vui đích thực do Chúa mang lại. Đoạn Tin Mừng Mt 11, 2-11 khẳng định niềm vui đó, vì Đấng Thiên Sai đã đến làm cho người mù được thấy, người què đi được, người phong được sạch, người chết sống lại và người nghèo được rao giảng Tin Mừng. Và đó cũng là tất cả những gì Isaia đã tuyên sấm từ 500 năm về trước.

Bằng giọng văn khải huyền, tiên tri Isaia loan báo cho mọi người biết, chính Thiên Chúa sẽ đến cứu dân Người. Khi ấy, mắt người mù mở ra, người điếc nghe được, người què sẽ nhảy nhót như nai và người câm sẽ lên tiếng reo hò. Thiên hạ sẽ nhìn thấy vẻ huy hoàng rực rỡ của Thiên Chúa. Đồng thời tiên tri còn nhiệt tình khuyến khích chúngta hãy can đảm lên, đừng sợ hãi, đừng nghi nan, vì Thiên Chúa sẽ đến cứu độ chúng ta.

Ngay những lời đầu tiên trong bài sách Isaia đã đầy những từ ngữ: mừng rỡ, hân hoan, trổ bông, nở hoa, reo hò… Diễn tả được phần nào niềm vui rất to lớn trong lòng ông. Nhưng đó chỉ là niềm vui trong tương lai mà khi trình bày tác giả cũng chưa được nếm trải. Ông nói về niềm vui sau lưu đày khi dân Chúa được hồi hương. Và đất nước tuy tan hoang nhưng hứa hẹn sẽ nở hoa. Isaia muốn diễn tả niềm vui đó, niềm vui được nhìn thấy quê hương sau những năm đô hộ, nô lệ và lưu đày. Giáo Hội mượn lại lời ông để nói đến niềm vui lớn hơn khi Chúa đến. Tất cả khổ đau, buồn phiền, bệnh tật, sự chết lúc bấy giờ mới chấm dứt. Mọi sự sẽ xảy ra trong ngày ấy đều đã khởi sự từ ngày Chúa Giáng Sinh. Và những điều mắt thấy tai nghe mà Chúa Giêsu bảo người ta về thuật lại cho ông Gioan: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại. Đã được Chúa làm ngay từ ngày Ngài xuất hiện. Đó là dấu chỉ thời Thiên Sai đã tới. Nhưng chưa phải là ngày Chúa đến lần sau hết, nên niềm vui hiện nay vẫn là niềm vui chờ đợi.

Chờ đợi Chúa quang lâm là động cơ cuối cùng của sự kiên nhẫn. Chính vì vậy, thánh Giacôbê đã khuyên nhủ các chi tộc Israel đang sống tản mác khắp nơi, anh em hãy bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.

Tuy nhiên, có lẽ vì các môn đệ của ông Gioan chán nản, hoặc vì chính ông đang đợi Chúa tỏ mình là Đấng Messia, nên từ trong ngục, ông sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: Ngài có phải là Đấng Messia mà dân đang chờ đợi không? Khi trả lời câu hỏi của các môn đệ ông Gioan, Chúa Giêsu không khẳng định cách trực tiếp Người là Đấng Messia, nhưng kêu gọi hãy nhìn vào những công việc Người làm. Đối chiếu đoạn sách Isaia 35,8-10, thì những việc Chúa Giêsu làm minh chứng Người quả thật là Đấng Messia mà các tiên tri loan báo. Qua đó chúng ta còn được biết thêm, Nước Thiên Chúa mở đầu với lòng xót thương cứu độ hơn là với quyền năng hiển hách.

Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy mối tương quan giữa sứ vụ của Gioan Tẩy Giả với Chúa Giêsu. Ông được chính Chúa Giêsu nhìn nhận là người cao trọng nhất trong số loài người. Ông là người được Thiên Chúa sai đi để dọn đường cho Đấng Messia.

Phải đến ba lần Chúa Giêsu hỏi dân chúng: “Anh em đi xem gì ?”. Chúa muốn nhấn mạnh đến sự cao trọng của Gioan, nhưng đồng thời cũng muốn lôi kéo mọi người chú ý đến việc nhìn nhận Người là ai. Chúa Giêsu khẳng định Gioan cao trọng hơn các tiên tri, nhưng người nhỏ nhất Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Như vậy, Chúa muốn nhắc nhở dân chúng cũng như chúng ta ngày nay phải đi tìm và vào cho bằng được Nước Trời. Vì đó là một thực tại các tiên tri loan báo, mà Gioan giúp chuẩn bị lòng người đón nhận, chính Chúa Giêsu là Đấng đến thiết lập và ban cho nhân loại Nước ấy.

Chắc chắn Gioan đã sung sướng khi nhận được câu trả lời của Chúa và biết rằng Chúa thấu hiểu tâm can của mình. Ông tin ở Chúa và đã phó thác hoàn toàn. Hoàn cảnh của ông giúp ta hiểu thân phận con người của mình sống ở trần gian trong thời kỳ trông đợi ngày Chúa đến. Chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ. Không phải vì tất cả đã sáng sủa. Nhưng ngay bây giờ, Chúa cũng đã đến. Giáo lý của Ngài bắt đầu phân xử lương tâm mọi người. Chúa phân xử ngay trong lòng ta. Còn bên ngoài, chưa phải là lúc Chúa đến trong uy quyền thật sự, lành dữ chưa hoàn toàn phân minh. Tuy nhiên, ai tin vào đường lối của Chúa sẽ được bình an và hân hoan trong tâm hồn. Thế nên, niềm vui mà Lời Chúa hứa chưa đến trọn vẹn, còn phải đợi chờ. Thánh Giacôbê trong đoạn thư hôm nay khuyên chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi, giống như bác nông phu sau khi vất vả gieo cấy, rồi bình tĩnh chờ đợi mùa gặt. Phụng vụ hôm nay chỉ thêm cho ta một phương thức để tạo bầu khí thuận hòa. Đó là theo gương Gioan nhẫn nhục tin tưởng vào đường lối của Chúa và không vấp ngã vì Ngài.

Ngày nay Giáo Hội đang tiếp tục làm chứng cho Chúa, trong đó mỗi Kitô hữu là những sứ giả mang Tin Mừng cho con người và xã hội của mình đang sống. Tất cả đều có trách nhiệm nói cho người khác, cho thời đại biết những gì mắt đã thấy, tai đã nghe qua giáo lý, qua giáo huấn của Giáo Hội và nhất là qua việc thực thi bác ái.
 
Hãy để việc làm minh chứng về ta
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà .
11:03 08/12/2010
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Vọng, Năm A - Mat-thêu (Mt 11, 2 -11)

Qua lời rao giảng của mình, Ông Gioan đã từng loan báo về Đấng Cứu Thế sẽ đến như là vị thẩm phán uy nghi đáng sợ, đến để xét xử và trừng trị nghiêm khắc những lỗi phạm của con người; Ông gióng lên những lời răn đe nẩy lửa: “Chiếc rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa… Người cầm nia trong tay mà sẩy sân lúa của Người, lúa tốt thì cho vào kho, còn lúa lép thì đốt đi trong lửa không hề tắt.” (Mt 3, 10. 12)

Vậy mà cho đến hôm nay, Ông chưa từng thấy Chúa Giê-su trừng phạt bất cứ tội nhân nào, chưa thấy Người loại trừ những phường gian ác như những thứ “lúa lép” và “thiêu đốt họ trong lửa không hề tắt”...

Ngoài ra, theo như mong đợi của dân Do-thái, khi Đấng Cứu Thế đến, Người sẽ tiêu diệt quân thù, giải thoát những ai bị giam cầm tù tội… Vậy mà Chúa Giê-su đâu có đánh đuổi quân xâm lược Rô-ma, chưa thấy Người giải thoát kẻ bị xiềng xích tù đày. Ngay chính bản thân Gioan đang chịu cảnh tù đày cũng không được Người giải cứu…

Thế là trong tâm tư của thánh Gioan phát sinh một nghi vấn…

Vì vậy, Ông đã phái các môn đệ đến gặp và hỏi thẳng Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Trước câu hỏi của Gioan, Chúa Giê-su không dùng lời nói nhưng dùng chính việc làm để minh chứng về mình, như có lần Người đã nói: “công việc tôi làm nhân danh Cha tôi làm chứng về tôi (Gioan 5, 36).

Vì thế, Chúa Giê-su chỉ cho các môn đệ của Gioan thấy những việc Người đang làm và bảo họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng...”

Chỉ thế thôi là đủ để Ông Gioan biết Chúa Giê-su là ai.

Từ ngàn xưa, Ngôn Sứ I-sa-i-a đã tiên báo rằng khi Đấng Thiên Sai đến, Người sẽ cho “người mù được thấy, người điếc được nghe, người què sẽ nhảy như nai…” (Is 35,10…)

Là người am hiểu lời các lời ngôn sứ tiên báo về Đấng Thiên Sai và thấy rằng Chúa Giê-su đã thực hiện đúng như lời ngôn sứ I-sa-i-a tiên báo, tất nhiên Gioan biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai mà ngôn sứ I-sa-i-a đã loan báo.

Như vậy, chính việc làm của Chúa Giê-su minh chứng cho biết Người là Đấng cứu thế.

Người khôn ngoan và thận trọng không đánh giá người khác dựa theo lời nói nhưng dựa theo việc làm. Chính việc làm của từng người sẽ chứng tỏ cho người khác biết thực chất của người đó.

Thế nên Đức giáo hoàng Phao-lô VI nhận định: “Con người ngày nay không tin vào những thầy dạy mà chỉ tin vào các chứng nhân.” Người ta chỉ được thuyết phục bằng việc làm, chứ không phải bởi lời nói.

Cũng chính vì thế mà Chúa Giê-su dạy: “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.” Qua lời nầy, Chúa Giê-su khẳng định rằng chính đời sống yêu thương huynh đệ giữa những người con cái Chúa là dấu hiệu cho biết họ thật sự là môn đệ Người chứ không phải do những lời nói đầu môi.

* * *

Dùng lời nói để tự ca ngợi những thành tích hay công đức của mình là một cám dỗ lớn người đời thường mắc phải và cũng rất khó vượt qua.

Noi gương Chúa Giê-su, chúng ta hãy hành động thế nào để cho việc làm của chúng ta không tố cáo chúng ta là người môn đệ xấu, nhưng luôn minh chứng cách thuyết phục rằng chúng ta đích thực là môn đệ chân chính của Chúa Giê-su.
 
Đi theo tiếng gọi không ngừng
Đức GM. Giuse Vũ Duy Thống
11:15 08/12/2010
(Bài giảng của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống lễ Mừng Bổn Mạng Gia đình Tác Viên Tin Mừng PhanThiết 3.12.2010)

15 năm trước đây, trong dịp đến vùng Navarre quê hương của Thánh Phanxicô Xavie (FX), được quanh quẩn một buổi trong lâu đài và pháo đài của đại gia đình Xavie, nhất là được tận tay sờ vào những kỉ vật của thánh nhân năm xưa và quan sát những bức tường thành cao 30m bao quanh lãnh địa, chúng tôi mới hiểu được phần nào cuộc sống của thánh nhân tại đây. Khi hướng dẫn viên đề nghị thử nói một câu ở phía bên này lâu đài, thì lại nghe rất rõ tiếng vọng ở phía bên kia của lâu đài ấy. Điều này khiến chúng tôi suy nghĩ: cuộc đời Thánh Phanxicô là cuộc đời được xây dựng bằng những tiếng gọi không ngừng.

Tiếng gọi đến từ Lời Chúa.

Thời FX sống là thời chinh chiến, tất cả thanh niên đều bước vào đường binh nghiệp. Gươm đao, cung kích chính là vật liền thân và những chống chọi với môi trường bên ngoài phải coi như cơm ăn ban ngày và giấc mơ ban đêm. Làm sao cho lâu đài, lãnh địa của mình được an ninh; làm sao cho khi bước ra chiến đấu thì luôn giành chiến thắng và cứ như thế làm nên tuổi trẻ của FX. Nhưng không bằng lòng với một cuộc sống như vậy, ngài nghĩ: cuộc sống con người đâu phải chỉ là đối đầu và chiến đấu. Vẫn biết chiến đấu là để sống còn và đối đầu là để vươn lên. Luôn có một khát vọng thẩm thấu trong tâm hồn FX và ngài cứ để cho khát vọng ấy lớn dần lên đến một ngày đậu lại trên câu Phúc Âm “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?” (Mt 16,26). Thánh nhân suy đi nghĩ lại: Gia đình mình danh giá, bản thân mình tham gia chiến đấu luôn giành chiến thắng; thế nhưng ở bên kia bức tường và xa hơn nữa là gì? Tại sao mình cứ sống trong vòng khép kín cho dẫu đủ đầy về vật chất? Những điều đó kích thích trí tò mò của FX. Và cũng từ đó, để cho Lời Chúa tác động lên cuộc đời mình. Thánh nhân có một khát vọng cao hơn, muốn hiến dâng chính bản thân mình để phục vụ Nước Chúa. “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?”. Dẫu không phải là nhà kinh tế để cân đong đo đếm một cách chi li, thánh nhân đã chọn phần lớn hơn, chính là đặt sức nặng nơi tâm hồn. Rồi sẵn sàng từ bỏ những lợi lộc vinh quang hiện tại gia đình dành cho để dấn bước vào con đường mới, dành mọi lợi ích cho tâm hồn. Đây chính là thái độ của FX đối với Lời Chúa. Dĩ nhiên môi trường bên ngoài cũng là một dịp thuận lợi, nhưng chính câu Phúc Âm tác động khiến ngài dấn bước ra đi.

Lời Chúa là Lời đặc biệt Thiên Chúa dành cho Hội Thánh, mà mỗi người chúng ta là một thành viên trong Hội Thánh, cũng phải hiểu Lời Chúa trong ánh sáng Hội Thánh đề nghị. Chính vì vậy, bước đầu của anh chị em Tác Viên Tin Mừng là làm sao tiếp cận với Lời Chúa, được chia sẻ và lắng nghe nhau để hiểu Lời Chúa trong ánh sáng của Giáo Hội. Làm như thế là lặp lại bước đường mà Thánh Phanxicô năm xưa đã thực hiện trong cuộc đời. Lời Chúa tác động ngài, Lời Chúa thúc đẩy ngài và Lời Chúa mở ra cho ngài con đường mới để đi theo. Ngày hôm nay, Lời Chúa cũng tác động trên mỗi Tác Viên Tin Mừng, việc của chúng ta là mở lòng ra đón nhận Lời và đón lấy ánh sáng của Lời, và một khi nhận được ánh sáng rồi, chúng ta không ngần ngại chia sẻ ánh sáng đó cho người khác.

Tiếng gọi đến từ môi trường bè bạn.

Những năm tháng sau khi được ánh sáng Lời Chúa chiếu tỏa, FX đã rời bỏ quê hương dấn bước đến Paris, dấn sâu hơn nữa vào việc học hành. Thánh nhân bỏ nghiệp binh để chọn nghề văn, đã tốt nghiệp và trở thành Giáo sư triết học tại một Đại học ở Paris. Như cá gặp nước, ngài tự do bơi lội trong khoảng trời tư tưởng. Trong chính tự do ấy, ngài đã gặp một nhóm bạn cũng đầy nhiệt huyết như ngài, rồi đậu lại trên một người bạn lớn là Thánh Inhaxiô, ông tổ Dòng Tên. Chia sẻ khát vọng, cuối cùng trở thành linh mục Dòng Tên. Ngài đến với đời chứng nhân là do câu nói của ông bạn Inhaxiô. Thấy Phanxicô là một người đầy khát vọng và đầy tham vọng, ông bạn đã nói thẳng với Phanxicô rằng: “Cao vọng như anh thì chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới thỏa mãn được”. Có thể chỉ là một câu nói có vẻ châm chọc, thế nhưng lại mở ra cho Phanxicô những hướng suy nghĩ tích cực và cuối cùng ngài đã để những khát vọng của mình được thỏa đáp bởi vinh quang lớn hơn chính là Vinh Quang Thiên Chúa. Chúng ta biết, Dòng Tên có khẩu hiệu là “Tất cả cho vinh danh Chúa hơn” và Phanxicô đã sống khẩu hiểu đó cách sát sườn bằng những từ bỏ và những lựa chọn cụ thể trong đời sống. Tiếng gọi từ môi trường bè bạn đã kiến tạo và nhào nặn nên một Phanxicô đầy sáng tạo, đầy nhiệt huyết.

Cuộc sống của Tác Viên Tin Mừng cũng thế, lăn lội trong môi trường cụ thể của từng khu xóm, từng gia đình bằng việc chia sẻ, lắng nghe Lời Chúa, rồi đúc kết lại thành những hành động. Đây chính là những ngọn lửa, nhưng ngọn lửa chỉ cháy lớn khi những ngọn lửa đơn lẻ cùng hợp nhau lại làm thành một gia đình liên đới như gia đình của Tác Viên Tin Mừng. Chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ để lại những hoa trái tích cực, giống như FX, cá nhân ngài khi tiếp cận với Lời Chúa đã có hướng đi tốt, nhưng khi gặp được những người bạn cùng chí hướng, đã để cho Lời Chúa bung vỡ lên cách mạnh mẽ khiến cho từng người trong nhóm trở thành Tác Viên Tin Mừng tích cực. Họ đã làm nên, đã để lại thành quả trong kho tàng của Giáo Hội hôm qua cũng như hôm nay. Tác Viên Tin Mừng cũng thế, có thể lúc đầu chỉ là nhóm nhỏ, gia đình nhỏ, nhưng ngày hôm nay, chỉ nhìn riêng GP Phan Thiết thôi, hạt Hàm Tân và hạt Đuc Tánh cùng liên kết với nhau trong một buổi lễ đẹp như hôm nay, chúng ta cũng hy vọng và chẩn đoán trong tương lai gia đình Tác Viên Tin Mừng sẽ lớn mạnh. Lúc nãy trong bài báo cáo của cha đại diện, chúng tôi thấy có những người được ơn trở lại từ việc gặp gỡ Tác Viên Tin Mừng, và những người đó đã trở thành những tông đồ mới, làm tăng nhanh những thành viên mới. Đó là một vết dầu loang của Tin Mừng, xin được cảm ơn và chúc mừng cho đại gia đình Tác Viên Tin Mừng.

Tiếng gọi đến từ nhu cầu truyền giáo.

Cuộc sống của thánh Phanxicô không dừng lại ở việc cùng với thánh Inhaxiô lập nên Dòng Tên, nhưng còn đi xa hơn nữa và đây chính là bước đi truyền giáo của ngài. Tiểu sử của ngài kể lại, trong một giấc mơ, thánh nhân giật mình ngồi dậy nghe vang vọng bên tai tiếng nói “Còn nữa, còn nữa, còn nữa”. Không biết còn gì nữa, nhưng điều đó thúc đẩy ngài không bằng lòng với môi trường trí thức và chữ nghĩa, mà còn phải nghĩ đến một môi trường rộng lớn mênh mông hơn nơi những người đơn sơ nghèo khó. Tấm lòng của họ sẵn nhận Tin Mừng nhưng không có điều kiện bởi không có người dấn thân lên đường rao giảng. Chính vì vậy khi được phép của Giáo quyền và Chính quyền (chính quyền bảo hộ hồi đó khó lắm!), ngài đã lên đường truyền giáo, không dừng lại ở Châu Âu mà trực chỉ Châu Á. Ngài đã đến Nhật, Ấn Độ, Goa; và như chúng ta biết, ngài đã bỏ mình ở cửa ngõ tiến vào Trung Quốc. Một con người nhỏ bé như thế, mà lại nuôi sống mình bằng một ước vọng lớn lao! Một con người ở trong pháo đài Xaviê kín cổng cao tường, quen nghề chiến đấu như thế, mà lại sẵn sàng lên đường đến với những miền xa xôi! Nơi đó tiếng nói ngài cũng chẳng biết, văn hóa ngài cũng chẳng tường chứ chưa nói đến dịch bệnh; nhưng thánh nhân hiểu rằng “còn nữa, còn nữa”, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, ngài đã lên đường. Ở đó, với đám dân chưa biết phân biệt tay phải với tay trái làm sao có thể dạy đạo cho họ. FX đã kể với bề trên cả rằng: Hầu như ban ngày ngài chẳng còn giờ đọc sách nguyện, không còn giờ ăn cho ra hồn nữa. Bữa chẳng ra bữa, món chẳng ra món, nhưng ngài thấy vui lắm bởi vì đám trẻ, đám dân dành cho ngài những tình cảm đặc biệt và nhất là sẵn lòng đón nhận Tin Mừng Cứu Độ. Rất tiếc là ngài đã ra đi sớm, để lại tiếc nhớ cho Giáo hội, cách riêng cho những đất nước Châu Á.

Thánh lễ Bổn Mạng hôm nay ghi nhớ lại những bước chân truyền giáo của ngài. Qua bài hát mở đầu “Đẹp thay những bước chân rao giảng Tin Mừng”, một cách nào đó, ta cảm nhận được nét đẹp của Tác Viên Tin Mừng hôm nay, bằng đời sống âm thầm, cũng lăn lộn vất vả như những anh chị em khác, nhưng trong lòng đã nhen nhúm một niềm vui, bởi vì có “Tin Mừng”. Đó là “Tin” cho ta “Niềm Vui” và ta không thể giữ niềm vui đó cho riêng mình, nhưng sẵn sàng chia sẻ với những người ta gặp gỡ để góp lại trở thành niềm vui lớn thánh hóa cuộc sống hiện tại.

Chia sẻ về cuộc sống Phanxicô Xaviê như những tiếng gọi: tiếng gọi từ Lời Chúa, tiếng gọi của môi trường bè bạn và xa hơn nữa là tiếng gọi của cánh đồng truyền giáo bát ngát, đã kết lại thành một đời sống thánh đức, sẵn sàng chia sẻ. Vì thế ngài không chỉ là Bổn Mạng của các xứ truyền giáo mà còn là Bổn Mạng của các Tác Viên Tin Mừng. Cám ơn cha Xuân Thảo, Trưởng ban Loan báo Tin Mừng GP Xuân Lộc, người khai sáng Tác Viên Tin Mừng. Chúng tôi vẫn gọi ngài là “Ông Tổ”. Chắc anh chị em biết ngài rất rõ, nhất là những ai đã tham dự các khóa học tại giáo xứ của ngài. Với nhiệt huyết, ngài không giữ lại Niềm Vui cho mình mà sẵn sàng chia sẻ và thao thức làm sao cho những người gắn bó với Tin Mừng cũng trở thành những tông đồ mới để chia sẻ lại với những anh chị em trên mọi nẻo đường đời. Chúc mừng Bổn Mạng và cầu chúc cho tất cả mọi thành viên Tác Viên Tin Mừng tay bắt mặt mừng nơi đây, cũng trở nên những con người mới hạnh phúc cho mình vì có Lời Chúa, và cũng trở nên những tông đồ hạnh phúc cho tất cả enh chị em chúng ta gặp gỡ trên mọi nẻo đường.
 
Thả dốc
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
11:23 08/12/2010
.Đã bao lần Chúa thương giải cứu, nhưng họ vẫn cố tình phản nghịch, đắm chìm trong tội ác của mình (Tv. 106, 43).

1. Xuôi Dòng

Bên cạnh nhà thờ thánh Nicholas of Tolentine, Bronx, Nữu ước, có một công viên nhỏ tên là Devoe Park. Công viên có nhiều lối đi, có sân banh, có khu giải trí cho trẻ em và có vòi nước phun. Có nhiều tàng cây lớn phủ khắp. Cứ mỗi độ Đông về, khi bão tuyết phủ lấp các sườn dốc trong công viên, tôi lại thấy một số em nhỏ trườn tuyết thả xuống dốc. Tuy sườn dốc không cao và không dài lắm nhưng các em rất thích thú. Mỗi em chuẩn bị cho mình một cái thau nhựa, thùng nhựa hay một vật gì bằng phẳng, các em cố gắng leo lên dốc, rồi ngồi trên miếng nhựa trườn xuống thấp. Các em vui đùa trong tuyết trắng thật phấn khởi.

Thả dốc, đổ dốc, xuôi dòng hay buông trôi theo dòng thì thật dễ dàng và thoải mái. Chúng ta không cần phải cố gắng nhiều, không phải tiêu hao nội lực và không phải gắng công liên tục. Nếu chúng ta quan sát người chèo thuyền ngược dòng, hai tay cứ phải liên tục chèo lái, nếu họ buông chèo, thuyền sẽ bị trôi theo dòng nước. Ai có cơ hội chạy xe đạp thể thao, khi leo dốc phải ráng đạp hết sức nhưng khi thả dốc, thật là sung sướng. Đổ dốc mà không có bàn thắng thì thật là nguy hiểm. Người ta thường nói: Năm chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh. Cuộc đời của chúng ta cũng phải lên xuống không ngừng. Cố gắng leo lên tới đỉnh rồi lại từ từ đi xuống. Chúng ta phải cố gắng ra sức lao động cầy bừa mới có của ăn áo mặc. Phải vun xới và xây đắp, chúng ta mới có gia sản riêng tư.

2. Phấn Đấu

Cuộc sống đời thường, ai mà không muốn sống dễ dãi và thoải mái. Ai mà không thích hưởng thụ và sống an nhàn. Cuộc sống hưởng thụ thì chẳng biết bao nhiêu mới đủ. Đường thênh thang dễ bước sẽ đưa dẫn chúng ta đi xuống. Đi xuống là thả dốc và xuôi dòng thì thật dễ dàng. Một cuộc sống chỉ lo tìm cách thỏa mãn mọi ước muốn dục vọng sẽ đưa đến phá sản. Hoang phí nghị lực, sức khỏe, thời giờ và tiền bạc sẽ đưa đến băng hoại đời sống. Cuộc sống buông xuôi sẽ dẫn đến thất vọng và chán nản.

Trong bất cứ một lãnh vực nào, nếu chúng ta muốn tiến thân, chúng ta phải cố gắng, phấn đấu và kiên trì làm việc. Cuộc sống của chúng ta cần có lý tưởng để đạt, cần có hy vọng để vươn tới, cần có mơ ước để hoàn thành và cần có đích hướng để nhắm tới. Chúng ta không thể nằm đó chờ sung rụng, thánh Phaolô nói rằng: Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!(2Tx. 3.10). Cứ quan sát mọi sự chung quanh từ loài vật đến con người, muốn thành công trong bất cứ lãnh vực nào, chúng ta phải nỗ lực và tiến tới không ngừng. Muốn thành thân, thành nhân và thành thánh, con người phải được dậy dỗ, rèn luyện và khắc phục mọi tính hư tật xấu để kiện toàn.

Chúng ta biết rằng muốn có được tấm bằng đại học, các học sinh đã phải mất ít nhất là 16 hay 17 năm miệt mài với trường lớp. Từng ngày, từng tháng và từng năm, cứ mỗi một bước tiến là một nấc thang bước tới. Các em đã phải kiên trì học tập và chịu mọi gian nan thử thách để đạt thành công. Trong các lãnh vực khác cũng thế, ai ai cũng phải làm việc cả về tinh thần lẫn thể xác. Thân xác cần luyện tập, gìn giữ và bảo vệ sức khỏe. Về lãnh vực tinh thần có nhiều khía cạnh cần trau dồi. Mọi người cần trau dồi ý chí, trí dục, đức dục và nhân bản. Chúng ta cứ phải học hoài, học mãi. Học cho tới khi nằm xuống cũng chẳng ai thông hiểu hết.

3. Sám Hối

Cuộc sống tinh thần con người rất phức tạp. Sự yếu đuối của bản năng thân xác và ước muốn cứ kéo lôi chúng ta vào đường thênh thang nhẹ bước. Các dịp tội xảy ra hằng ngày như cơm bữa, chúng ta thường hay sa ngã và phạm tội. Chúa Giêsu đã dậy chúng ta cầu nguyện qua Kinh lạy Cha: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Nếu một ngày mà chúng ta không phạm tội, chúng ta đã đang bước gần đến con đường trọn lành. Hằng năm, Giáo Hội tạo nhiều điều kiện cho chúng ta có cơ hội sám hối, giải hòa và trở về. Có người nói rằng năm nào cũng thế, cứ vào mùa Vọng hay mùa Chay, nhiều người nối đuôi nhau đến tòa cáo giải xưng thú tội lỗi và ăn năn chừa cải. Ít ngày sau, cuộc sống đạo đâu lại vào đấy và chứng nào vẫn tật ấy. Chúng ta đừng chán nản hay thất vọng, cuộc sống là bước tới trong hy vọng. Chúng ta cố gắng từng bước và sống tốt trong giây phút này là tốt lắm rồi.

Đâu mấy ai có thể nói xin vâng một lần mà trở nên hoàn thiện ngay được. Chúng ta phải trở về và sám hối mỗi giây phút trong đời. Vì chúng ta vẫn còn đang lữ hành trần thế, làm sao chúng ta có thể dứt được mọi ước muốn thế trần. Phạm tội rồi được tha, tha rồi lại phạm nữa, nhưng chúng ta phải luôn cố gắng nên hoàn thiện không ngừng. Có khác gì chúng ta tắm rồi lại dơ, dơ rồi lại tắm. Khát đòi uống, uống rồi lại khát. Đó là nhịp sống. Chúng ta hãy tha thứ để được thứ tha. Chính Chúa Giêsu cũng khuyến khích chúng ta rằng nếu anh em xúc phạm đến ngươi hãy tha cho nó: Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." (Mt. 18, 21-22). Đừng bao giờ chúng ta nên diễu cợt vì sự trở lại, sám hối và sự tha thứ của anh chị em mình. Chính Chúa đã phải trả ơn cứu độ bằng giá máu của Ngài.

4. Sửa Đổi

Viết đến đây tự nhiên tôi cảm thấy buồn buồn vì đọc tin ông Dân Biểu C. R., Harlem, Nữu Ước đã có hơn 40 năm thâm niên công vụ bị đưa ra tòa xét xử vì tội gian tham bất hợp pháp. Nhìn hình ảnh người chánh án nhỏ tuổi hạch hỏi ông cụ già 80 tuổi, tôi càng cảm thấy ái ngại. Tôi nhớ lại câu truyện của bà Susanna bị cáo gian trong sách Daniel chương 13, lại cảm thấy ngại ngùng hơn nữa. Một cậu bé Đanien được linh ứng soi sáng giải cứu cho người phụ nữ bị hàm oan vì hai ông già dê cáo tội. Đanien nói: "Hãy tách riêng họ ra, rồi tôi sẽ xét hỏi."(Dn 13.51). Tuổi già đáng kính trọng. Đừng khi nào nghĩ rằng chúng ta già rồi không còn bị rơi vào các cơn cám dỗ nữa. Tuổi nào cũng cần ăn năn hối cải và sửa mình. Các cám dỗ chẳng trừ một ai, cách tốt nhất là chúng ta phải ăn chay, cầu nguyện và luôn tỉnh thức để phấn đấu.

Ăn năn sám hối luôn luôn là một nghĩa cử đẹp và tốt lành. Không phải tự sức riêng mình có thể dễ dàng trở về bên lòng Chúa. Phải có sự thúc đẩy trong tâm hồn muốn rửa sạch vết nhơ bụi trần. Nhất là có lòng ước ao được tẩy sạch. Giống như bãi tắm biển về chiều, tồn lại biết bao vết chân và rác rưởi nhưng chỉ cần một cơn sóng dạt bờ và kéo theo tất cả. Bãi biển được rửa sạch và làn cát êm dịu phẳng lịm. Chúng ta tin vào tình yêu và sự tha thứ của Chúa trong bí Tích Hòa Giải sẽ rửa sạch tội nhơ và chúng ta lại được giao hòa cùng Chúa là nguồn mọi sự bình an.

5. Thăng Tiến

Con đường lên thiên đàng là thiên đàng. Chúng ta cần nên thánh mỗi ngày. Sống môt giây phút tốt, chúng ta sẽ tốt. Một lần trở về là một lần chúng ta lại được ngụp lặn trong tình yêu ơn nghĩa của Chúa. Chúng ta đừng sợ, đừng ngại, đừng chán nản và đừng thất vọng. Mỗi con người là một mầu nhiệm sự sống. Chúa hy sinh chịu chết là để cứu độ từng cá nhân con người. Chúng ta hãy trân trọng những giây phút được giao hòa và đón nhận Chúa vào lòng. Cứ phải cố vươn lên, bước tới và đi ngược dòng về nguồn suối Chân, Thiện, Mỹ.

Khi xưa chính Chúa Giêsu đã vác thánh giá lên núi Sọ. Từng bước từng bước, thánh giá đè nặng trên thân xác bầm dập vì đòn đánh, Chúa đã lên tới đỉnh núi Sọ. Chúa đã hiến dâng của lễ hiến tế giao hòa lên Chúa Cha. Chúng ta hãy vác thập giá bước theo Chúa mỗi ngày cho đến cùng. Điều quan trọng là chúng ta đã đi vào cuộc đua tìm ơn cứu độ, chúng ta phải chạy cho đến cùng đường. Thánh Phaolô đã nêu gương phấn đấu: Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin (2Tm. 4,7).

Maranatha, lạy Chúa, xin hãy đến. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn đón Chúa.
 
Nhạc Phẩm Đêm Thánh Vô Cùng
Nguyễn Hải Minh
15:44 08/12/2010
Nhân Mùa Vọng, kính gửi quý vị lịch sử của nhạc phẩm Đêm Thánh Vô Cùng với Lời Thơ của Linh Mục Giuse Mohr và nhạc của Frank Gruber.

Xin bấm vào đây để xem và nghe slideshow của Nguyễn Hải Minh. Xin bấm slideshow rồi From Beginning. (B.H. Thư)

Nhạc Bản Đêm Thánh Vô Cùng
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:39 08/12/2010
MÌ DƯƠNG XUÂN

N2T


Dương Xuân nguyên là chỉ mùa xuân ấm áp, mà tháng mười âm lịch thì khí trời ấm áp giống như mùa xuân vậy, cho nên, tháng mười cũng gọi là “Tiểu Dương Xuân”, người ta cũng do đó mà lưu hành lấy Dương Xuân thay thế cho số 10, giống như mì của Dương Xuân trước đây giá 10 xu rất nổi tiếng, ý nghĩa là mỗi tô giá 10 xu.

Nhưng, cũng có người cho rằng Dương Xuân là bài hát “Bạch tuyết Dương Xuân” thời cổ đại của Trung Quốc, bài hát này rất cao thâm khó hiểu, thời ấy có thể hiểu và hát được thì chỉ có một số người mà thôi, cho nên có cách nói “điệu cao, ít người họa được”; do thông thường phải thêm gia vị nên tục gọi là “họa theo”, mà loại mì này thì giống như bài hát “Bạch tuyết Dương Xuân” điệu cao ít người họa được, không thêm vào bất cứ gia vị nào, cho nên gọi là mì Dương Xuân.

(Cổ nhạc phủ trường ca hành)

Suy tư:

Mỗi cửa hàng cửa hiệu đều có nét đặc biệt của nó để vui lòng khách đến vừa lòng khách đi; mỗi con người đều có cá tính riêng khác nhau để có thể tìm thấy những trợ cho nhau; mỗi con người đều có những tài năng khác nhau để xây dựng một xã hội tiến bộ hòa bình và yêu thương.

Mì Dương Xuân nổi tiếng vì bán mỗi tô chỉ có mười xu, nhưng cái làm cho nó nổi tiếng hơn cả là không ai có thể bắt chước thêm gia vị như nó được.

Người Ki-tô hữu thì cũng giống như những con người khác, cũng có tài năng, có cá tính, có học vị, có tri thức, có yêu thương, có giận hờn.v.v...nhưng cái làm cho họ trở nên đặc biệt chính là họ biết phục vụ tha nhân, biết khoan thứ bao dung với người thù ghét họ, biết chia sẻ và cảm thông với tha nhân, biết nhìn thấy Chúa Giê-su Ki-tô nơi tất cả mọi người mà không phân biệt lương hay giáo.

Ở Dương Xuân có loại mì đặc biệt ngon và rẽ, trên thế giới có những người Ki-tô hữu biết kiến tạo hòa bình và yêu thương, biết chia sẻ và cảm thông, đó không phải là nét đặc sắc của đạo Công Giáo hay sao ?

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:40 08/12/2010
N2T


15. Người lấy cớ là vì tự do nên ở đâu cũng làm ra vẻ ta đây, thì không thể không gặp sự khiển trách.

(Thánh Bernard)
 
Tầm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần Thứ 3 Mùa Vọng A
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
20:05 08/12/2010
Thứ hai sau Chúa nhật 3 Mùa vọng

Mt 21,23-27

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tin thờ Chúa là Thiên Chúa của chúng con. Uy quyền của Chúa vẫn trường tồn và bất biến qua mọi thời gian. Uy quyền của Chúa vẫn biểu lộ trên cuộc đời chúng con qua biết bao ơn lành hồn xác và qua những biến cố quan trọng trong cuộc đời chúng con. Chúng con xin tri ân cảm tạ Chúa. Xin giúp chúng con biết nhìn nhận uy quyền của Chúa và sống tin yêu vào Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ở đời chúng con thích khám phá sự thật. Chúng con cũng ưa thích con người chân thật. Chúng con ghét sự giả dối. Chúng con thích tấm lòng hơn là những hình thức bên ngoài. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại khó sống chân thật với bản thân của mình. Chúng con thích đóng bộ áo giả dối vào con người của mình. Chúng con tìm cách che đậy sự thật. Chắc Chúa cũng buồn với chúng con như Chúa đã từng đau đớn về thái độ sống giả dối của các biệt phái năm xưa. Chắc Chúa cũng không vui vì những lệch lạc về những giá trị của chân thiện mỹ khiến chúng con đang đánh mất dần tính bổn thiện trong con người chúng con. Xin tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con canh tân sửa đổi cho phù hợp với giáo huấn của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con một tấm lòng sám hối chân thành để chúng con biết quay trở về với đường ngay nẻo chính. Xin Chúa luôn hướng dẫn bước đường chúng con đi trong chân lý vẹn tuyền. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 3 mùa vọng

Mt 21,28-32

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã từ trời xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha. Cả cuộc đời của Chúa luôn làm vinh danh Chúa Cha. Chúa đã thi hành ý Chúa Cha trong lời xin vâng trọn vẹn qua cái chết cứu độ trần gian. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể nâng đỡ và giúp chúng con biết làm cho Nước Chúa Cha mau trị đến qua đời sống lắng nghe và thực thi lời Chúa của chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ở đời nói thì dễ mà làm lại khó. Thưa vâng với Chúa thì dễ nhưng làm theo ý Chúa là một chặng dài đầy gian nan. Có bao lần chúng con đã hứa với Chúa nhưng rồi lại thất trung, thất tín với Chúa. Có bao lần chúng con muốn cho danh Chúa cả sáng nhưng đời sống chúng con lại trì trệ, tội lỗi và bê tha. Xin tha thứ cho những yếu đuối của chúng con. Xin nâng đỡ đức tin còn yếu kém của chúng con. Xin cho chúng con nghị lực kiên cường để chu toàn bổn phận với Chúa. Xin đừng để tính lường biếng, thói hưởng thụ làm tê liệt những ý chí vươn lên của chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhanh nhẹn thực thi Lời Chúa. Xin giúp chúng con yêu Chúa trên hết mọi sự và chỉ mong tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong suốt cuộc đời chúng con. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 3 mùa vọng

Lc 7,19-23

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể

Thánh Thể Chúa là sức sống, là thần lương nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin Thánh Thể Chúa chữa lành hồn xác chúng con khỏi vương vấn tội lỗi, khỏi khổ đau của tật nguyền. Xin Thánh Thể Chúa nên phương dược chữa lành hồn xác chúng con. Xin cho chúng con biết tìm đến và nương nhờ vào lòng Chúa xót thương.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã yêu thương chúng con vô ngần. Chúa yêu thương hết mọi người. Chúa luôn chăm sóc mọi người chúng con. Chúa đã thực thi sứ mệnh của Đấng Messia khi giải thoát cho kẻ què, người mù. Chúa đã mang tin vui bình an đến cho mọi cảnh đời đang chìm đắm trong thất vọng buồn đau. Xin giúp chúng con biết mang tin vui Chúa đến cho anh em qua đời sống bác ái yêu thương, qua sự dấn thân quảng đại phục vụ mọi người.

Lạy Chúa, mùa vọng là thời gian mong chờ Chúa đến, xin cho đời sống chúng con luôn là dấu chỉ cho Nước Chúa trị đến qua hành vi bác ái của chúng con. Amen

Thứ năm sau Chúa nhật 3 mùa vọng

Lc 7,24-30

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã đến trần gian lần thứ nhất trong thân phận hài nhi bé nhỏ. Chúa vẫn tiếp tục đến với chúng con qua bí tích Thánh Thể và qua tha nhân là hình ảnh của Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương thánh Gioan để giới thiệu Chúa cho anh em.

Nhưng Chúa ơi, Gioan thì khiêm tốn còn chúng con thì tự cao tự đại. Gioan thì không chịu khuất phục trước tội lỗi của kẻ quyền quý còn chúng con lại tìm thoả hiệp để được yên thân. Gioan đã sống một đời khắc khổ còn chúng con lại mải mê tìm thoả mãn cái bụng của mình. Thế nên, chúng con đã không thể làm chứng cho Chúa. Chúng con còn gây gương mù gương xấu cho tha nhân. Xin tha thứ cho lối sống lệch lạc của chúng con. Xin giúp chúng con can đảm làm chứng cho Chúa bằng đời sống thánh thiện, bác ái yêu thương của chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được nên cao trọng trong Nước Chúa khi chúng con trở nên ngôn sứ cho Chúa trong cuộc đời hôm nay. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 3 mùa vọng

Ga 5,33-36

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Đấng phải đến trong thế gian. Chúa đến để thi hành thánh ý Chúa Cha. Chúa đến để giao hoà trời với đất. Nhờ Chúa mà chúng con được trở nên con cái Thiên Chúa. Xin giúp chúng con cũng trở nên chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa cuộc sống hôm nay.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, có ai đó nói rằng: “một ngàn lời nói hay không bằng một cử chỉ đẹp”. Xin giúp chúng con đừng sống với nhau bằng đầu môi chóp lưỡi mà xa rời tình nghĩa anh em. Cho dù cuộc đời hôm nay có quá nhiều giả dối: giả dối trong học đường; giả dối nơi thương trường; và giả dối ngay trong gia đình với nhau. Xin cho lời nói và việc làm của chúng con luôn song hành với nhau. Xin giúp chúng con đừng sống hai lòng nhưng luôn quý trọng sự chân thật, chân thành với nhau.

Lạy Chúa, chính Chúa đã sống cả một đời yêu thương để nêu gương cho chúng con. Chúa đã dâng hiến trọn cuộc đời để tôn vinh Chúa Cha và cứu độ trần gian.Xin giúp chúng con biết học vùng Chúa để sống hết mình vì anh em.

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội nghị Công giáo Yêu nước Trung hoa ngầm lập giáo hội tự trị
Phụng Nghi
07:59 08/12/2010
Bắc kinh (AsiaNews)- Hội nghị các Đại biểu Công giáo Toàn quốc Trung hoa lần thứ 8 đã khai mạc tại Bắc kinh chiều ngày thứ Ba ở Khách sạn Hữu nghị thuộc quận Haidian. Mục tiêu nghe rất kêu là “để yểm trợ tinh thần yêu nước và các nguyên tắc của Giáo hội độc lập, chống lại các thế lực bên ngoài và đoàn kết mọi giáo sĩ và giáo dân Công giáo đi trên con đường xã hội chủ nghĩa.”

Theo từ ngữ của Cộng sản Trung quốc, “độc lập” có nghĩa là tự trị và tách rời khỏi Tòa thánh Roma. “Các thế lực bên ngoài” ám chỉ Vatican và Tòa thánh, qua việc thực thi sứ vụ của mình, có tội “ảnh hưởng thực dân quá đáng” lên Giáo hội Trung quốc, theo như khẳng định của Hội Công giáo Yêu nước (HCGYN).

Phó chủ tịch HCGYN Lưu Bái niên chủ tọa phiên họp khai mạc hội nghị. Fang Xinyao, giám mục giáo phận Linyi (Shandong), đọc diễn văn khai mạc; Ma Yinglin, giám mục giáo phận Kunming (Yunnan), đọc báo cáo về các hạt động của hội; Zhan Silu, giám mục giáo phận Mindong (Fujian), giải thích các điều khoản thay đổi trong hiến chương của HCGYN và Hội đồng Giám mục. Cả hai giám mục Ma va Zhan là những người được truyền chức trái phép năm 2006 và năm 2000.

Trong Thư gửi người Công giáo Trung hoa, Đức giáo hoàng Benedict XVI nói rằng HCGYN và Hội đồng Giám mục cũng như Hội nghị các Đại biểu Công giáo là những tổ chức có mục tiêu “không phù hợp” với đức tin Công giáo. Vì lý do đó, Tòa thánh Vatican ngay từ hồi tháng 3 vừa qua đã yêu cầu các giám mục đừng đến tham dự hội nghị.

Suốt 4 năm qua, hội nghị đã bị trì hoãn không họp được vì các giám mục hợp pháp đã từ chối không chịu tham dự, theo đúng chỉ thị của Tòa thánh.

Cơ quan Tôn giáo vụ của nhà nước Trung quốc cho biết có 341 người thuộc 31 tỉnh, vùng tự trị và các đô thị là “những đại biểu được đề cử và được mời” tham gia hội nghị. Trong số này có 64 giám mục, 162 linh mục, 24 nữ tu và 91 giáo dân. Không rõ con số 64 giám mục này là số được mời hay số thực sự hiện diện.

Như Thống tấn xã AsiaNews đã loan tin, một số giám mục đã trốn tránh hoặc cáo bệnh để tránh bị lôi kéo về Bắc kinh. Một số khác bị các viên chức chính quyền ép buộc phải đến. Một số, biết rằng không thể từ chối, đã tự đến nhưng từ chối không đồng tế Thánh lễ vì sự có mặt của các giám mục đã bị rút phép thông công với Tòa thánh.

Hiện diện trong lễ khai mạc còn có Zhu Weiqun thuộc Phân bộ Lao động của Mặt trận Liên hiệp; Wang Zuo’an, chủ tịch cơ quan Tôn giáo vụ; và Jiang Yongjian, phó chủ tịch. Trong bài diễn từ, Wang ca ngợi đảng Cộng sản và chính quyền vì đã tỏ ra tôn trọng đạo Công giáo và lợi ích của người Công giáo Trung hoa. Lãnh đạo các tổ chức Tin lành, Phật giáo, Lão giáo và Hồi giáo cũng có mặt.

Tại Hong Kong, các thành viên Ủy ban Hòa bình và Công lý Công giáo đã tổ chức cuộc biểu tình phản đối bên ngoài Văn phòng Liên lạc của Trung quốc. Người biểu tình nhấn mạnh rằng hội nghị ba ngày này vi phạm Giáo luật và phá hoại tự do cũng như hoạt động bình thường của Giáo hội Công giáo.

Họ cũng nêu lên sự việc giới chức thẩm quyền Trung quốc đã dùng bạo lực và áp lực bắt ép các giám mục và giáo dân đến hội nghị, biệt lập một số hoặc giam cầm họ, vi phạm tự do tôn giáo của người Công giáo Trung quốc.

Ủy ban kêu gọi phóng thích các giáo sĩ bị giam giữ, trong số đó có Giám mục giáo phận Baoding là Su Zhimin, các linh mục Lu Genjun, Ma Wuyong và Liu Honggeng, cũng như Giám mục Shi Enxiang thuộc giáo phận Yixian.
 
Lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa quyền năng hơn sự dữ
Linh Tiến Khải
11:07 08/12/2010
Mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội là suối nguồn của ánh sáng nội tâm, của niềm hy vọng và ủi an. Giữa các thử thách của cuộc sống, và đặc biệt giữa các mâu thuẫn mà con người kinh nghiệm trong chính mình và chung quanh mình, Đức Maria Mẹ của Chúa Kitô, nói với chúng ta rằng Ơn Thánh lớn lao hơn tội lỗi, lòng xót thương của Thiên Chúa quyền năng hơn sự dữ và biết biến đổi sự dữ thành sự thiện.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô trưa thứ tư 8-12-2010.

Thứ tư 8-12-2010 lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ngày lễ nghỉ Đức Thánh Cha đã không có buổi tiếp kiến chung như thường lệ. Nhưng lúc 12 giờ trưa ngài đã ra cửa sổ phòng làm việc để đọc kinh Truyền Tin chung với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong chương trình cứu chuộc cũng như nguồn gốc sự dữ trong cuộc sống con người và sự hiện diện của nó giữa lòng thế giới.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hôm nay, buổi hẹn đọc kinh Truyền Tin của chúng ta có được một ánh sáng đặc biệt, trong bối cảnh lễ trọng kính biến cố Thụ Thai Vô Nhiễm của Đức Maria. Trong phụng vụ của lễ này, Tin Mừng Truyền Tin được công bố (Lc 1,26-38) và nó bao gồm cuộc đối thoại giữa thiên thần Gabriel và Đức Trinh Nữ. Sứ thần của Thiên Chúa nói: ”Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng: Thiên Chúa ở cùng tôn nương” và qua đó vén mở cho thấy căn tính sâu thẳm nhất của Đức Maria, để nói rằng ”tên gọi” qua đó chính Thiên Chúa biết Mẹ: ”người đầy ân sủng”. Kiểu nói này, quen thuộc với chúng ta ngay từ khi còn bé, bởi vì chúng ta nói lên, mỗi lần đọc kinh ”Kính Mừng Maria”. Nó cống hiến cho chúng ta lới giải thích mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay. Đức Thánh Cha giải thích mầu nhiệm Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội như sau:

Thật thế, ngay từ khi được cha mẹ thụ thai, Đức Maria đã là đối tượng của một sự tuyển chọn đặc biệt từ phía Thiên Chúa, là Đấng trong chương trình vĩnh cửu, đã chọn Người làm mẹ của Con nhập thể của mình, và vì thế đã giữ gìn Người khỏi tội tổ tông. Vì thế, Sứ Thần mới ngỏ lời với Người bằng tên gọi này, mà theo chữ có nghĩa là ”đã luôn luôn tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa”, tràn đầy thánh sủng. Đức Thánh Cha giải thích thêm mầu nhiệm việc Thụ Thai Vô Nhiễm của Đức Maria như sau:

Mầu nhiệm Thụ Thai Vô Nhiễm là suối nguồn của ánh sáng nội tâm, của niềm hy vọng và ủi an. Giữa các thử tách của cuộc sống, và đặc biệt giữa các mâu thuẫn mà con người kinh nghiệm trong chính mình và chung quanh mình, Đức Maria, Mẹ của Chúa Kitô, nói với chúng ta rằng: Ơn Thánh lớn lao hơn tội lỗi, lòng xót thương của Thiên Chúa quyền năng hơn sự dữ, và biết biến đổi sự dữ thành sự lành. Rất tiếc là mỗi ngày chúng ta đều sống kinh nghiệm sự dữ, được biểu lộ ra trong nhiều cách thế trong các tương quan và trong các biến cố, nhưng nó có gốc rễ nơi trái tim con người, một trái tim bị thương tích, bệnh tật, và không có khả năng tự chữa lành một mình. Kinh Thánh vén mở cho chúng ta thấy rằng nơi nugồn gốc của mỗi một sự dữ có việc bất tuân phục ý muốn của Thiên Chúa, và cái chết đã thống trị bởi vì sự tự do của con người đã nhượng bộ cám dỗ của Kẻ Dữ. Nhưng Thiên Chúa đã không giảm thiểu chương trình tình yêu và sự sống của Ngài: qua một lộ trình dài và kiên nhẫn của sự hòa giải, Ngài đã chuẩn bị giao ước mới và vĩnh cửu, được đóng ấn trong máu của Con Ngài, là Đấng, để tự hiến chình mình làm của lễ đền tội, ”đã được sinh ra từ một người đàn bà” (Gl 4,4). Người đàn bà đó là Đức Trinh Nữ Maria, đã lãnh nhận được trước hiệu qủa cái chết cứu chuộc của Con mình, và từ lúc thụ thai đã được giữ gìn khỏi bị lây tội. Vì thế, với con tim vô nhiễm, Mẹ nói với chúng ta: Các con hãy tín thác nơi Chúa Giêsu, Ngài sẽ cứu các con.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, chiều hôm nay tôi sẽ lập lại cử chỉ tôn kính Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, gần đài kỷ niệm dâng kính Mẹ tại quảng trường Tây Ban Nha. Với cử chỉ tôn sùng này, tôi diễn tả tình yêu của tín hữu thành phố Roma và của toàn thế giới đối với Mẹ, mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta. Tôi phó thác cho sự bầu cử của Mẹ các nhu cầu cấp bách nhất của Giáo Hội và của thế giới. Nhất là xin Mẹ giúp chúng ta tin nơi Thiên Chúa, tin vào Lời của Ngài và luôn luôn khước từ sự dữ và lựa chọn sự thiện.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho moi người. Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người có ngày lễ tươi vui sốt sắng. Đức Thánh Cha đã chào đặc biệt các thành viên Học Viện Giáo Hoàng Vô Nhiễm. Ngài cám ơn công việc của họ và phó thác các sinh hoạt của họ cho sự bầu cử của Mẹ Vô Nhiễm. Ngài cũng chào phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia trong nhiều giáo xứ ngày hôm qua tái canh tân dấn thân của họ trong việc phục vụ Giáo Hội. Nhắc lại lễ hội với các thành viên phong trào hồi cuối tháng 10 vừa qua tại quảng trường thánh Phêrô ở Roma, Đức Thánh Cha khích lệ họ can đảm tiến bước trên con đường nên thánh, và đem ánh sáng Tin Mừng vào mọi môi trường cuộc sống thường ngày.

Vào ban chiều Đức Thánh Cha đã đến quảng trường Tây Ban Nha để cử hành nghi thức dâng hoa và tôn kính Đức Mẹ. Tại quảng trường này có tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm, do Đức Giáo Hoàng Pio IX làm phép khành thành ngày mùng 8 tháng 12 năm 1857, tức 3 năm sau khi người long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày mùng 8 tháng 12 năm 1954. Đài kỷ niệm do kỹ sư Luigi Poletti thực hiện. Tượng Đức Mẹ bằng đồng do ông Giuseppe Obici tạc, được đặt trên một cây cột bằng cẩm thạch cipollino cao 11,81 mét, có đế với 4 tượng ông Môshê, vua Đavít, ngôn sứ Isaia, và ngôn sứ Edekiel. Quảng trường mang tên tòa đại sứ Tây Ban Nha bên cạnh và phía sau tượng đài là dinh thự trụ sở của Bộ Truyền Giáo. Năm 1857 kỹ sư Poletti đã hướng dẫn việc dựng cây cột và tượng Đức Mẹ với sự cộng tác của 222 nhân viên chữa lửa của thành phố Roma. Từ năm 1923 hàng năm nhân viên cứu hỏa Roma vẫn trung thành hiện diện tại đây trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Đức Giáo Hoàng Pio XII bắt đầu thói quen gửi hoa tới tượng đài Đức Mẹ trong ngày lễ Vô Nhiễm. Năm 1958 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đích thân đến dâng một giỏ hoa hồng cho Đức Mẹ trước tượng đài. Tiếp đến ngài viếng thăm vương cung thánh đường Đức Bà Cả.

Thói quen đến dâng hoa hồng cho Đức Mẹ ban chiều ngày lễ Vô Nhiễm mùng 8 tháng 12 hàng năm đã được hai Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II trung thành tiếp tục hàng năm.

Hàng ngàn tín hữu đã tụ tập tại quảng trường Tây Ban Nha để tham dự lễ nghi này. Khi Đức Thánh Cha đến quảng trường ca đoàn hát bài Tu es Petrus Này con là đá.

Lễ nghi dâng hoa hồng cho Đức Mẹ Vô Nhiễm đã diễn ra dưới hình thức một buổi cử hành lời Chúa. Đức Thánh Cha đã làm dấu thánh Giá, rồi chúc bình an cho cộng đoàn và nói:

”Anh chị em thân mến, trong ngày thân thương này đối với lòng sùng kính Mẹ Maria, chúng ta dừng lại đây với niềm vui trong con tim của thành phố Roma yêu qúy này để tôn kính Mẹ Vô Nhiễm với tình con thảo và lòng biết ơn. Chúng ta xin Mẹ là Đấng Toàn Thánh dậy đỗ chúng ta tin, yêu và trông cậy; chỉ cho chúng ta con đương dẫn đưa tới hòa bình, con đường dẫn đưa tới Nước Thiên Chúa; trợ giúp chúng ta trong các biến cố vui buồn của cuộc lữ hành trần thế và nâng đỡ con đường nên thánh của chúng ta”. Tiếp đến là bài đọc trích từ thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galát.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha gửi lời chào tới mọi tín hữu hiện diện cũng như theo dõi lễ nghi trên đài phát thanh và truyền hình và nói: ”Chúng ta tụ tập nhau nơi đây chung quanh tượng đài lịch sử này, hôm nay được tranh hoàng đầy hoa, như dấu chì tình yêu thương và lòng sùng mộ của dân Roma đối với Mẹ Chúa Giêsu. Và món qùa đẹp nhất được Mẹ ưa thích nhất là chúng ta dâng lên Mẹ lời cầu nguyện ấp ủ trong tim và phó thác cho sự bầu cử của Mẹ. Đó là các lời tạ ơn và khẩn nài: cám ơn vì món qùa đức tin và tất cả sự lành mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa mỗi ngày, và khẩn nài cho các nhu cầu khác nhau, cho gia đình, sức khỏe, công việc lám, cho mọi khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Nhưng khi chúng ta tới đây trong ngày mùng 8 tháng 12, điều chúng ta nhận được từ Mẹ thì quan trong hơn điều chúng ta dâng cho Mẹ. Thật thế, Mẹ ban cho mỗi người trong chúng ta, cho thành phố Roma và cho toàn thế giới một sứ điệp. Là Giám Mục của thành phố này tôi cũng đến đây để lắng nghe sứ điệp của Mẹ, không chỉ cho chính mình mà cho tất cả mọi người nữa. Mẹ nói với chúng ta với Lời của thiên Chúa, nhập thể làm người trong cung lòng Mẹ. Sứ điệp của Mẹ không gì khác hơn là Chúa Giêsu, Đấng là tất cả cuộc đời Mẹ. Nhờ Ngài và cho Ngài mà Mẹ là Đấng Vô Nhiễm. Cũng như Con Thiên Chúa đã làm người vì chúng ta, Mẹ cũng đã được giữ gìn khỏi tội vì tất cả chúng ta, như thừa hưởng trước ơn cứu độ Thiên Chúa dành cho mỗi một người. Như thế Mẹ nói với chúng ta rằng: chúng ta tất cả đều được mời gọi rộng mở cho Chúa Thánh Thần, trong số phận cuối cùng của chúng ta, để có thể đạt tới chỗ được vô nhiễm, tự do khỏi sự dữ một cách tràn đầy và vinh viễn. Mẹ nói với chúng ta với chính sự thánh thiện của Mẹ, với cái nhìn đầy hy vọng và cảm thương gợi lên các lời này: ”Hỡi con, đừng sợ, Thiên Chúa yêu thương con; Ngài yêu thương con cách riêng, Ngài đã nghĩ tới con trước khi con bước vào lòng thế giới, và Ngài đã gọi con vào đời để ban cho con tràn đầy tình yêu và sự sống; và vì thế Ngài đến gặp gỡ con, làm người vì con mà không có tội; Ngài đã ban chính Ngài cho con, cho tới chết trên thập giá và như thế đã ban cho con một cuộc sống mới tự do, thánh thiện và vô nhiễm” (x. Ep 1,3-5).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: ”Mỗi khi tôi đến đây trong ngày Lễ này, sứ điệp ấy đánh động tôi và tôi cảm thấy nó được nói với mọi người dân toàn thành phố Roma, kể cả những người không nghĩ tới nó, không nhớ rằng hôm nay là lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, và cả những người cảm thấy mình bị bỏ rơi. Cái nhìn của Mẹ Maria là cái nhìn của Thiên Chúa trên từng người. Mẹ nhìn chúng ta với tình yêu của chính Thiên Chúa Cha. Mẹ hành xử như ”trạng sư” của chúng ta. Cả khi tất cả mọi người nói xấu chúng ta, thì Mẹ là Mẹ cũng nói tốt cho chúng ta, bởi vì con tim vô nhiễm của Mẹ hòa nhịp với lòng xót thương của Thiên Chúa. Như thế, Mẹ trông thấy thành phố không phải như là một đô thị vô danh, nhưng như là một đám sao, nơi Thiên Chúa biết tên của tất cả mọi người, gọi tên từng người một, và mời gọi chúng ta phản chiếu ánh sáng của Ngài. Và những người trước hết trước mắt thế giới là những người rốt hết; những người bé nhỏ nhất đối với Thiên Chúa lại là những người lớn lao nhất. Mẹ nhìn chúng ta như Thiên Chúa đã nhìn mẹ, một bé gái khiêm hạ của làng quê Nagiarét, vô nghĩa trước mắt thế gian, nhưng được tuyển chọn và qúy báu đối với Thiên Chúa. Nhận biết nơi từng người hình ảnh giống Con Giêusu của Mẹ, cả khi chúng ta có khác nhau như thế. Nhưng ai là người nhận biết quyền năng của Ơn Thánh Chúa hơn Mẹ? Ai hơn Mẹ biết rằng không có gì là không thể làm được đối với Thiên Chúa, là Đấng có khả năng biến sự dữ thành sự lành?

Anh chị em thân mến đó là sứ điệp chúng ta nhận được dưới chân Mẹ Vô Nhiễm. Một sứ điệp tin tưởng đối với từng người trong thành phố này và trên toàn thế giới. Một sứ điệp hy vọng không phải bằng lời nói, mà bằng chính lịch sử của nó: Mẹ là người phụ nữ của loài người chúng ta, Đấng đã cho Con Thiên Chúa chào đời và đã chia sẻ toàn cuộc sống với Người! Hôm nay Mẹ nói với chúng ta: đó cũng là số phận của con, của các con, số phận của tất cả mọi người, nên thánh như Thiên Chúa Cha, vô nhiễm như Anh Giêsu Kitô của chúng ta, là các người con được yêu thương, tất cả được làm nghĩa tử để làm thành một đại gia đình, không biên giới quốc gia, mầu da, tiếng nói, bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, là Cha của mọi người”.

Rồi Đức Thánh Cha kết thúc suy tư như sau: “Lậy Mẹ Vô Nhiễm, chúng con cám ơn Mẹ đã luôn ở với chúng con! Xin Mẹ canh thức trên thành phố của chúng con: xin Mẹ an ủi người đau yếu, khích lệ giới trẻ, nâng đỡ các gia đình. Xin Mẹ ban cho chúng con sức mạnh để khước từ sự dữ trong mọi hình thái của nó, để lựa chọn sự thiện, cả khi nó mắc mỏ và bao gồm việc đi ngược dòng đời đi nữa. Xin ban cho chúng con niềm vui cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương, chúc lành và được làm con của Ngài. Lậy Trinh Nữ Vô Nhiễm, Mẹ rất dịu hiền của chúng con, xni cầu cho chúng con!”

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã dâng hoa cho Đức Mẹ, rồi xông hương tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm, trong khi ca đoàn và mọi người hát kinh cầu Đức Bà. Sau lời nguyện kết thúc, Đức Thánh Cha đã ban phép lành tòa thánh cho mọi người hiện diện và lễ nghi dâng hoa hồng cho Đức Mẹ Vộ Nhiễm kết thúc với bài thánh ca ”Mẹ hoàn toàn xinh đẹp - Tota pulchra es”.
 
Trung Quốc đang xây dựng một giáo hội độc lập với Vatican.
Tiền Hô
11:18 08/12/2010
Bắc Kinh (AsiaNews) - Đại hội Đại biểu Công giáo lần thứ 8 của Trung Quốc đã khai mạc vào chiều ngày Thứ Ba tại khách sạn Hữu Nghị, quận Hải Điến, thành phố Bắc Kinh. Mục tiêu chính của nó là "để nâng cao tinh thần yêu nước và các nguyên tắc Giáo Hội độc lập, chống lại các lực lượng ngoại bang và đoàn kết tất cả các giáo sĩ và giáo dân đi theo con đường của xã hội xã hội chủ nghĩa" (!?)

Theo người Cộng sản Trung Quốc, thuật ngữ "độc lập" có nghĩa là quyền tự trị và tách ra khỏi Rôma. "Lực lượng ngoại bang" mà họ ám chỉ là Vatican và Tòa Thánh, họ áp đặt lên toàn bộ giáo hội một tội danh là "gây ảnh hưởng thực dân thái quá" cho Giáo Hội Trung Quốc, theo Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA).

Ông Lưu Bái Niên - phó chủ tịch của CCPA chủ trì phiên khai mạc đại hội. Giám mục Fang Xinyao của Lâm Nghi (Sơn Đông) gửi bài phát biểu công khai, Giám mục Ma Yinglin của Côn Minh (Vân Nam) đọc một báo cáo về kết hoạt động của hội này; Giám mục Zhan Silu của Mân Đông (Phúc Kiến) giải thích các tu chỉnh hiến chương của CCPA và của cá Hội đồng Giám mục. Zhan và Ma là hai giám mục được tấn phong bất hợp thức vào năm 2000 và 2006.

Trong lá thư gửi người Công giáo Trung Quốc, Đức Thánh Cha Benedict XVI nói rằng, CCPA và Hội đồng Giám mục, cũng như đại hội đại biểu Công giáo là các tổ chức có mục đích "không hoà hợp" với đức tin Công giáo. Vì lý do này, Vatican đã lặp lại vào Tháng Ba lời khuyên các giám mục Trung Quốc không tham dự sự kiện.

Trong bốn năm qua, đại hội này được hoãn lại bởi vì các giám mục hợp thức đã từ chối tham gia, vì tuân theo chỉ thị của Tòa Thánh.

Theo Ban Quản lý Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc (SARA), 341 người từ 31 tỉnh, khu tự trị và đô thị được "đề cử hoặc mời làm thành viên" tại đại hội, gồm 64 giám mục, 162 linh mục, 24 nữ tu và 91 giáo dân. Không rõ con số 64 giám mục là lời mời hay là đã tham dự.

Như AsiaNews đã báo cáo, một số giám mục đã lánh mặt hoặc nói là bệnh để tránh bị kéo về Bắc Kinh. Những vị khác đã bị các quan chức chính phủ ép buộc tham dự. Một số vị nói là họ không thể từ chối lần này, nhưng họ đã từ chối tham dự Thánh Lễ có sự hiện diện của các giám mục bị vạ tuyệt thông.

Zhu Weiqun của Mặt trận Thống nhất, Wang Zuo'an chủ tịch SARA, và Jiang Yongjian phó chủ tịch SARA đã có mặt tại lễ khai mạc. Trong bài phát biểu của mình, Wang ca ngợi Đảng cộng sản và chính phủ vì đã tôn trọng Công giáo và các quyền lợi của người Công giáo Trung Quốc. Lãnh đạo các tổ chức của Tin lành, Phật giáo, Đạo giáo và Hồi giáo cũng có mặt.

Tại Hong Kong, các thành viên Ủy Ban Công lý và Hòa bình của Công giáo đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Văn phòng Liên lạc với Trung Quốc. Biểu tình nhấn mạnh rằng, ba ngày đại hội này vi phạm Giáo Luật Công giáo và làm ảnh hưởng đến hoạt động tự do và bình ổn của Giáo Hội Công Giáo.

Họ cũng lưu ý rằng, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng bạo lực và áp lực để ép buộc các giám mục và giáo dân vào tham dự, bắt giữ và cô lập một vài cá nhân hoặc đưa họ vào quản chế, như vậy là vi phạm quyền tự do tôn giáo và quyền của người Công giáo Trung Quốc.

Ủy ban này kêu gọi thả tự do cho các giáo sĩ bị giam giữ, bao gồm Đức Giám mục Su Zhimin của Giáo phận Bảo Bình, Cha Lu Genjun, Cha Ma Wuyong và Cha Liu Honggeng, cũng như Đức Giám mục Shi Enxiang của Yixian.
 
Đất Thánh: Hỏa hoạn tại Núi Camêlô, sự tương trợ của các giáo hội
Bùi Hữu Thư
20:12 08/12/2010
Một thảm trạng nhân sự và môi sinh

ROME, ngày thứ ba 7 tháng 12, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Giáo phụ La Tinh tại Giêrusalem cho hay: Một phái đoàn gồm những vị lãnh đạo Kitô giáo có trách nhiệm đã đến Haïfa ngày thứ sáu, 4 tháng 12 vừa qua để biểu lộ lòng tương trợ đối với những người dân bị thiệt hại vì một trận hỏa hoạn lớn lao.

Trận hỏa hoạn đã làm cho 42 người chết và hàng chục người bị thương, nhiều làng mạc đã phải di tản, và 4 triệu cây cối đã bị cháy rụi.

Rất nhiều phương tiện đã được gửi đến từ Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp Pháp, Ý và Hoa Kỳ để giúp cho việc dập tắt hỏa hoạn.

Phái đoàn gồm có Đức Giám Mục Melkite Elias Shacour, Đức Giám Mục Giacinto-Boulos Marcuzzo, Phụ tá giáo hội La Tinh, và Giám Mục Anh Giáo Riah Abu al-Assal. Phái đoàn đã được tiếp đón tại tổng hành dinh của chiến dịch trợ cấp.

Đức Giám Mục Marcuzzo đã trình bầy lòng thương cảm của Đức Thánh Cha Benedict XVI và tình tương thân tương của Giáo Phụ La Tinh Fouad Twal.

Các giám mục đã bầy tỏ “lòng thương cảm chung của các Kitô hữu,” và lời phân ưu đối với gia đình những người quá cố, và đề xướng sự tham gia vào việc tái thiết, nhất là việc trồng lại cây cối mới, nhờ vào các giới trẻ và các học đường.

Phái đoàn sau đó đã đến Isfya, một trong các làng mạc bị hỏa hoạn tàn phá, nơi đây có những cộng đồng Kitô đang sinh sống.
 
Top Stories
Corée du Sud: la première prison privée du pays a pour ambition de faire chuter drastiquement le taux de récidive des détenus
Eglises d'Asie
09:31 08/12/2010
Ouverte par une fondation protestante, la première prison privée du pays a pour ambition de faire chuter drastiquement le taux de récidive des détenus

Le 1er décembre dernier, à Yeoju, dans la province de Gyeonggi, à un peu moins de cent kilomètres à l’est de Séoul, la première prison privée du pays est entrée en fonctionnement, accueillant dans ses murs trente prisonniers. Outre le fait que l’établissement, nommé Prison Somang (‘Espoir’), est le premier établissement pénitentiaire géré par des intérêts privés, sa particularité principale est d’être animée par une fondation protestante,. ..

... la Fondation Agape, dont l’objectif affiché est, par un programme directement inspiré de valeurs chrétiennes, de faire chuter drastiquement le taux de récidive des condamnés.

En Corée du Sud, pays de 48 millions d’habitants – dont un tiers sont chrétiens (1) –, le ministère de la Justice gère un réseau de 53 prisons qui abritent quelque 76 000 détenus. Face à une surpopulation carcérale devenue chronique, le gouvernement a lancé des pistes de réforme visant à améliorer les conditions de détention et c’est à ce titre qu’en 2003, le ministère, sous l’impulsion de l’un de ses hauts responsables, Kim Seung-gyu, un chrétien, a passé un accord avec la Fondation Agape pour la construction d’une prison privée (2).

Lors d’un récent débat télévisé, le président de la fondation protestante, le Rév. Kim Sam-hwan, a exposé les raisons de l’engagement de son groupe dans l’initiative publique. « Près de la moitié des condamnés qui ont purgé leur peine dans les prisons du gouvernement et qui sont remis en liberté récidivent. Nous avons testé durant six années notre programme chrétien de réforme et chez les prisonniers qui l’ont suivi le taux de récidive n’excède pas 6 % », a-t-il expliqué, réfutant les critiques qui dénoncent à la fois l’engagement d’argent public au bénéfice d’une entreprise privée et le risque de prosélytisme auquel les prisonniers seront exposés.

Sur le plan financier, le ministère de la Justice tout comme la Fondation Agape ont fait valoir que les vastes bâtiments surgis de terre, sur un terrain d’un peu plus de vingt hectares, pour accueillir à terme 360 prisonniers ont été entièrement financés par la fondation protestante. La prison, construite selon des normes de confort et de sécurité supérieures à celles des établissements publics existants, a coûté 28,8 milliards de wons (19 millions d’euros), a précisé Kim Sam-hwan. Il a aussi ajouté que les coûts de fonctionnement seront couverts, à hauteur de 90 %, par le gouvernement, sans que celui-ci n’ait autorité sur la manière dont sera gérée et dirigée la Prison Somang. Quatre fonctionnaires du ministère de la Justice seront toutefois détachés auprès de la nouvelle prison.

Sur le plan des principes, des opposants au projet ont fait valoir que l’initiative violait le droit des prisonniers à être traités sur un pied d’égalité. En effet, expliquent-ils, seule une minorité de détenus pourra être sélectionnée pour purger sa peine dans cet établissement, laissant la majorité des autres dans une situation moins enviable. A cela, un responsable du ministère a répondu en déclarant: « Nous pensons que la participation de notre partenaire civil contribuera grandement à améliorer l’efficacité du système carcéral dans son ensemble et participera à l’amélioration des conditions de détention. »

Quant à l’accusation selon laquelle le gouvernement, en choisissant une organisation protestante, a fait preuve de favoritisme au profit d’un groupe religieux spécifique, elle est rejetée par le ministère de la Justice, qui assure qu’aucune considération religieuse n’a été prise en compte dans le processus de sélection du partenaire privé.

Pour le Rév. Kim Sam-hwan, l’une des clefs du succès de la Prison Somang est de fournir des programmes adaptés au profil de chaque détenu afin de favoriser sa réinsertion future. Forte d’une équipe de 600 intervenants extérieurs bénévoles, la prison proposera à ses détenus des ateliers personnalisés, des sessions de guérison fondées sur l’étude de la Bible, un programme de réconciliation entre condamnés et victimes, ainsi que des thérapies par l’expression musicale et artistique. Selon le pasteur protestant, il est clair, dès l’origine, que la prison n’est pas une entreprise menée « simplement pour accroître le nombre des protestants ». Réfutant le soupçon de prosélytisme, il souligne que les programmes proposés à Somang « ne présentent pas de difficulté en termes de liberté de conscience ou de liberté religieuse » car l’établissement n’acceptera que des détenus qui auront accepté de prendre part à ses programmes dans une perspective assumée de réinsertion.

Il est prévu que la prison n’accueille que des prisonniers masculins, âgés de 20 à 60 ans, dont c’est la première condamnation à une peine de prison ferme, laquelle ne devra pas excéder sept ans. A leur entrée dans l’établissement, les condamnés devront à avoir un minimum de douze mois de détention restant à effectuer. Les personnes condamnées pour trafic de drogue, atteinte à la sécurité publique ou participation au crime organisé ne sont pas éligibles au programme.

(1) L’Eglise catholique de Corée du Sud rassemble 10 % des Sud-Coréens, les différentes dénominations protestantes réunissant pour leur part près de 20 % des habitants.

(2) Prenant modèle sur ce qui se fait aux Etats-Unis et au Brésil, des groupes protestants sud-coréens demandaient depuis 1995 au gouvernement l’autorisation d’ouvrir des prisons gérées par des intérêts privés. L’Assemblée nationale a finalement voté un texte en ce sens en 1999.

(Sourcer: Eglises d'Asie, 8 décembre 2010)
 
Inde: Madhya Pradesh: un établissement secondaire chrétien attaqué par des militants hindouistes
Eglises d'Asie
09:41 08/12/2010
Mardi 7 décembre, un groupe d’hindouistes a attaqué un collège dirigé par l’Eglise syro-malankare (orthodoxe), en représailles aux sanctions disciplinaires décrétées par l’établissement à l’encontre de trois de ses élèves.

Selon une information diffusée par l’agence Ucanews (1), le groupe a pénétré de force dans l’établissement secondaire St-Mary à Jabalpur, dans l’Etat du Madhya Pradesh,. ..

... scandant des slogans antichrétiens, et a détruit une représentation de la Vierge Marie, avant d’être arrêté par la direction de l’établissement. Un autre groupe d’une cinquantaine de jeunes s’est alors joint à celui déjà présent dans l’école, afin de menacer et d’intimider l’administration du collège.

Selon les premiers éléments de l’enquête de police et les témoins, les assaillants appartiendraient à la branche jeunesse du BJP (Bharatiya Janata Party, Parti du peuple indien), souvent mandatée par le parti pour les opérations de force.

Le P. K. J. Louis, principal de St-Mary, a expliqué que les militants hindouistes avaient justifié leur action par la punition qui avait été infligée à trois élèves pour indiscipline. Pourtant, précise-t-il, ces sanctions avaient été prises après avoir demandé et obtenu le consentement des parents. Les trois élèves en question avaient été suspendus dix jours en novembre dernier, après avoir été surpris en train d’allumer des pétards dans l’enceinte de l’établissement.

Mgr Almeida, évêque catholique de Jabalpur, a condamné l’incident qui, selon lui, est à replacer dans le cadre d’une plus vaste campagne de haine antichrétienne qui sévit dans l’Etat depuis l’arrivée au pouvoir il y a sept ans, du BJP, vitrine politique de l’extrémisme hindou. Au Madhya Pradesh, les chrétiens représentent moins de 1 % d’une population hindoue à plus de 90 % et fortement influencée par les concepts théocratiques du BJP. Lors des violences antichrétiennes de 2008, l’Etat du Madhya Pradesh avait été le théâtre de nombreuses attaques et destructions de lieux de culte chrétiens, toutes confessions confondues, par des hindouistes.

Outre les incidents liés à l’utilisation abusive de la loi anti-blasphème appliquée dans l’Etat, les écoles appartenant à des minorités religieuses sont particulièrement ciblées par les extrémistes hindous. Des tentatives répétées du gouvernement pour imposer l’hindouisme, au sein même des établissements privés, ont dû également être contrecarrées ces dernières années par les Eglises et les autres minorités.

En 2007, chrétiens et musulmans se sont ainsi unis pour empêcher la promulgation d’une loi qui rendrait obligatoire le culte du soleil dans toutes les écoles. Chaque directeur d’établissement privé avait reçu un courrier du ministère de l’Education, menaçant de lui retirer son agrément officiel s’il n’incluait pas dans son programme scolaire « la salutation au soleil » (surya namaskar) quotidienne. La Haute Cour de l’Etat avait finalement statué sur le caractère non obligatoire de cette directive ministérielle, qui émanait du BJP et devait entrer en vigueur en janvier 2007.

Quelques mois auparavant, c’était cette fois un « hymne national » que les autorités de l’Etat avaient tenté d’imposer dans toutes les institutions d’enseignement. Le Vande Mataram (‘L’obéissance à la Mère Patrie’) était en réalité un chant du Rashtriya Swayamsevak Sangh (Corps national des volontaires, RSS), fer du lance du Sangh Parivar, la mouvance réunissant les partis hindous extrémistes.

Après les événements du 7 décembre, la police a été chargée d’assurer la protection du collège St-Mary à Jabalpur afin d’éviter toute nouvelle agression. Très réputé dans l’Etat pour son enseignement, l’établissement de l’Eglise syro-malankare accueille aujourd’hui quelque 2 500 élèves.

(1) Ucanews, 8 décembre 2010.

(2) Voir EDA 456

(Source: Eglises d'Asie, 8 décembre 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thật và Ảo: Cai nghiện Game Online
Hạt Cát
11:38 08/12/2010
Nhân loại đang sống trong sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin. Chưa bao giờ người ta lại dễ dàng nối kết với một ai đó, ở bất cứ nơi đâu xa xôi trên trái đất này, nhưng lại luôn cảm thấy khó khăn trong tương giao với người bên cạnh. Chưa bao giờ trẻ con lại mất đi niềm vui thú với quả cầu, viên bi,… hay các trò chơi dân gian, vì thay vào đó, chúng chỉ có màn hình, bàn phím và con chuột.

Xem hình ảnh

Game online ngày nay đã không còn nằm trong khuôn khổ của một trò chơi giải trí thông thường. Nó đã trở thành một thứ thuốc phiện đang tạo ra thế giới ảo, với những giá trị phù phiếm. Nó đã trở thành một thứ ma tuý đang đầu độc, và phá huỷ nhân cách con người, đặc biệt là người trẻ.

Chiều thứ 7 ngày 04/12/2010, Chương Trình Chuyên Đề đã mời linh mục Fx. Nguyễn Minh Thiệu, Dòng Donbosco trình bày đề tài: “CAI NGHIỆN GAME ONLINE”.

Đây là một đề tài nóng mà lâu nay người ta đã tốn không ít giấy mực để đề cập đến, cũng như tìm kiếm những biện pháp phòng chống. Cha Nguyễn Minh Thiệu đã trình bày xuất sắc đề tài mang tính thời cuộc này, bằng kinh nghiệm của nhiều năm nghiên cứu và đồng hành với giới trẻ, qua nội dung hết sức phong phú trong hai đề mục chính: Truy tìm căn nguyên và giải pháp mang tính toàn diện. Trong tư cách tham dự viên, tôi ao ước người nghe không chỉ là các bậc cha mẹ có con em đang bị cuốn vào con lốc của thời đại @ qua cổng mạng, mà còn là tất cả những ai đang có dấu hiệu nghiện các thiết bị công nghệ, cũng như những người đang ở giai đoạn tiền hôn nhân và các nhà giáo dục, để chúng ta nhận thức đúng bản chất của vấn đề, từ đó thông cảm và biết cách giúp chính mình, con em hay người khác thoát khỏi những hấp lực của chiếc máy vi tính nối mạng, thay vì chỉ biết chì chiết, bất mãn và coi thường những “con nghiện”.

Không ai phủ nhận những tiện ích do internet mang lại về phương tiện truyền thông, giao tiếp, giải trí, cũng như sự đóng góp về mặt kinh tế, giáo dục và phát triển xã hội. Tuy nhiên, thực tế ngày nay cho thấy không ít người lớn cũng chưa đủ tự chủ trong việc cưỡng lại những hấp lực của Internet, và các bậc phụ huynh đang mất dần khả năng kiểm soát con em mình, khi chúng online hay lướt web.

Với việc các công ty viễn thông ồ ạt đưa ra những chương trình giảm giá Internet, Wi-Fi phủ kín thành phố và có đủ mọi thiết bị để kết nối với mạng toàn cầu, thì tình trạng “ăn Internet - ngủ Internet - trò chuyện Internet” đang ngày càng phổ biến tại các thành phố lớn. Một khảo sát về tần suất sử dụng Internet của một nhà đầu tư mạng xã hội tại VN đưa ra kết quả: Hơn 70% thanh niên ở bốn thành phố lớn của VN online nhiều hơn bảy giờ mỗi ngày. (http://nhipsongso.tuoitre.vn/nhip-song-so/309157/Ru-nhau-cai-nghien-Internet.html)

Về mặt sinh học, người nghiện Internet/game online cũng trải qua những triệu chứng vật vã, mỏi mệt, cảm giác trống rỗng, vô nghĩa,… tương tự cơn nghiện ma túy hay bia rượu.

Ban đầu đối với trẻ, Internet chỉ là một thế giới ảo nhiều màu sắc mà trong đó trẻ có thể tìm kiếm các kiến thức mới lạ, làm quen với nhiều bạn hữu, viết nhật ký điện tử (blog) hay tham gia các trò chơi trực tuyến. Nhưng nếu thiếu sự quan tâm và kiểm soát của cha mẹ, dần dần việc không lên mạng khiến trẻ có cảm giác như điều gì đó thiết yếu đang mất đi, và mỗi lần được online là trẻ bắt đầu “cắm rễ” cho đến khi bị buộc phải rời khỏi máy. Tiến trình này không được cắt đứt kịp thời, trẻ sẽ mất tự chủ và bước vào giai đoạn “nghiện Internet”.

Nếu trong cuộc sống thực tại, việc khẳng định mình là điều cần nhiều nỗ lực và tốn thời gian, thì game online, chỉ bằng những thao tác trên bàn phím và con chuột, lại cho người chơi sự dễ dàng và nhanh chóng trở thành một nhân vật có đẳng cấp, có quyền lực và tài lực. Sự phấn đấu để “nâng cấp” hay trang bị cho mình những “bửu bối” trong thế giới ảo, khiến người chơi tiêu tốn không những tiền bạc, thời gian, sức khoẻ, mà còn làm cho họ trở nên vô cảm với những con người bằng xương bằng thịt xung quanh, và mất dần mục đích sống trong hành trình làm người.

Internet có đủ hấp dẫn trói buộc người chơi ngồi yên một chỗ, dán mắt vào màn hình vi tính, cột chặt bàn tay vào bàn phím và con chuột đến độ bỏ ăn, bỏ ngủ. Khi người ta không màng chăm lo đến những nhu cầu thiết yếu để có một đời sống thể chất khoẻ mạnh, thì chuyện lý tưởng cuộc đời, chuyện phục vụ tha nhân chỉ là những cụm từ xa lạ và vô nghĩa.

Thế giới mạng đem lại cho người chơi cảm giác được làm chính mình, được tôn trọng và giải toả những căng thẳng xuất phát từ những nhu cầu cá nhân không được đáp ứng, từ những xung đột trong các mối quan hệ gia đình, học đường… Đây thực chất là một cuộc trốn chạy khỏi cuộc đời thật và những vấn đề của nó, để đắm chìm trong một thế giới ảo với những nan đề còn trầm kha và phức tạp hơn nhiều.

Tính hung hăng và thái độ gây hấn được nuôi dưỡng qua những cuộc chém giết, tranh giành online, không sớm thì muộn cũng được thể hiện trong tương quan với người khác, và để lại những hậu quả đáng tiếc cũng như đau lòng. Những “ân oán giang hồ” trong thế giới ảo, được giải quyết bằng sức mạnh cơ bắp thật. Bạo lực học đường, bạo lực gia đình, được coi là những vấn nạn xã hội xuất phát từ tính bạo lực do các phương tiện truyền thông chuyển tải, đặc biệt là game online.

Ghì mài trong thế giới ảo để kiếm chát chiến lợi phẩm từ những đấu trường đẫm máu, dần dà lôi kéo người chơi vào thế giới đề cao vật chất, ích kỷ, chỉ biết tích góp cho bản thân.

Rất nhiều người trẻ ngày nay xuất phát từ tâm lý đua đòi theo công thức: “Người ta có, mình cũng có”, đã đòi buộc cha mẹ đáp ứng những nhu cầu đa dạng và có tính leo thang. Nhiều cha mẹ sai lầm khi dễ dàng thoả mãn những đòi hỏi của con em mình như một hình thức của tình yêu thương, hay làm cho xong để không bị quấy rầy.

Các bậc phụ huynh ngày càng ít thời gian dành cho con cái hơn, trong khi đó thế giới online luôn dang tay chào đón chúng; Khoảng cách tuổi tác là một bức tường cực kỳ kiên cố ngăn cách giữa hai thế hệ; Xung đột giữa cha mẹ và con cái thường nảy sinh do thiếu cảm thông, khiến chúng rất dễ đi tìm một chỗ dựa tinh thần khác, bằng những cái click chuột, mà không lượng định được tốt hay xấu.

Nhiều trang web giáo dục, hỗ trợ học tập đã “chết non” vì không lôi cuốn được giới trẻ, trong khi đó game online, các website và mạng xã hội đánh rất đúng tâm lý giới trẻ, chúng luôn luôn đổi mới và có những hoạt động thú vị nhằm thu hút các độc giả truy cập thường xuyên.

Những thay đổi về tâm sinh lý làm cho người trẻ muốn chứng minh mình là một người lớn thực sự, về phương diện ngoại hình, kiến thức, ứng xử, cũng như có nhu cầu độc lập với quan hệ và sự chăm sóc của cha mẹ. Nếu không được hướng dẫn đúng, người trẻ dễ tò mò, tìm kiếm những thông tin sai lệch về giới tính, đi vào những trang web đen, khiến họ khó lòng cưỡng lại sự thèm khát của đôi mắt, và thoả mãn những nhu cầu xác thịt.

Cô đơn trong thế giới thực, lạc lõng trong chính gia đình mình, khiến người ta tìm đến Internet như một nơi để chia sẻ và kiếm tìm đối tượng yêu đương. Từ đó, xuất hiện những cuộc tình trong thế giới ảo tưởng chừng vô hại, nhưng lại có thể giết chết hạnh phúc gia đình, đẩy người ta đến những bến bờ bất định.

Tình trạng yêu sớm, yêu hết mình, làm sai lệch ý nghĩa của từ “dâng hiến”, làm trẻ hoá khoảng cách giữa hai thế hệ hoặc tước đoạt quyền sống của các thai nhi, để lại những hậu quả về thể lý và tâm lý, ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân về lâu dài. Những giá trị về nhân bản, về lòng trung thành, về sự chung thuỷ, đợi chờ,… bị hạ giá những bởi sự thiếu hiểu biết, thiếu kiềm chế và thỏa mãn bản năng.

Trong không gian ảo, mọi sự đều mang tính tương đối, kể cả Lời Chúa hay Thiên Chúa... Người ta tuyệt đối hóa chính mình, và thần tượng hóa những nhân vật mà mình tạo ra, biến “cuộc chơi thành cuộc sống”. Thế giới ảo đã cào bằng, đánh đồng mọi cấp, mọi giới, không phân biệt tuổi tác, không gian, thời gian,... Những thái độ online này dần dần xâm nhập vào cung cách ứng xử của người chơi, và thể hiện trong các mối tương quan thật.

Con người của thời đại @ dễ trở nên mất kiên nhẫn với bản thân và người khác, bởi họ đã quen thuộc với ý nghĩ mọi thứ phải có liền, phải nhanh chóng và tiện lợi, như các chương trình truyền thông quảng cáo thường cổ súy cho chủ nghĩa tiêu dùng và hưởng thụ.

Chuyện “cứu net”, chuyện “khoe hàng”, chuyện đăng tải các đoạn phim mang nặng tính bạo lực học đường và làm mất nhân phẩm người khác,... không còn là chuyện hiếm hoi, làm sững sờ và đau lòng các bậc phụ huynh cũng như những ai quan tâm và đề cao các giá trị con người, làm tổn thương nét đẹp của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam…. Ngày nay, với sự hỗ trợ của những thiết bị công nghệ hiện đại, cái xấu dễ lan tràn và người ta cũng dễ dàng hành động theo tính bầy đàn, đánh mất cá tính và nhân phẩm của mình.

Internet là thế giới của màu sắc và âm thanh. Làm sao người ta có thể lắng nghe được tiếng nói lương tâm mình, hay có những khoảng yên lặng cần thiết trong đời sống, khi mà họ luôn ham thích những âm thanh lách tách từ bàn phím, hay tiếng ồn ào luôn phát ra từ chiếc loa vi tính?

Nghiện game và Internet xuất phát từ trong gia đình và có tác hại thật khôn lường. Nó tạo ra sự lệch lạc trong nhân cách, suy đồi trong đạo đức. Nó mang lại những xáo trộn sâu xa trong bản chất con người. Nó có thể huỷ hoại sức sống và sự tăng trưởng của một bộ phận giới trẻ. Nó có khả năng khiến người ta lẫn lộn những giá trị thật, ảo về chính mình và về thế giới xung quanh. Người nghiện game online có khả năng bỏ học, không quan tâm đến công việc, gia đình, tương lai,.. và có thể liên quan đến việc phạm pháp. Không có viên thuốc thần kỳ nào hay một lớp cai nghiện nào, khiến các “con nghiện” nhanh chóng lành bệnh hay đảm bảo không bị “tái nghiện”. Cai nghiện game online không chỉ đơn thuần là việc cắt cơn, mà phải là một tiến trình tiệm tiến thay đổi nhận thức từ bên trong.
 
Kỷ niệm 50 năm cung hiến nhà thờ Thánh Mẫu Saigòn
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
11:51 08/12/2010
SAIGÒN - trong niềm hân hoan mừng kính Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, vào lúc 16h30 thứ hai ngày 06 tháng 12 năm 2010, tại nhà thờ Thánh Mẫu – Giáo xứ Sao Mai hạt Chí Hòa (Số 3-5 Chữ Đồng Tử, Phường 7, Quận Tân Bình) hân hoan chào đón Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đến chủ tế Thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 50 năm cung hiến nhà thờ Thánh Mẫu 1960-2010, và ra mắt ban chấp hành Hiệp Hội Thánh Mẫu Giáo Phận Sài Gòn nhiệm kỳ 2010-2015. Cùng đồng tế thánh lễ có sự hiện diện Cha quản nhiệm nhà thờ Đaminh Đinh Văn Vãng, Cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh Hạt Trưởng hạt Chí Hòa, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý khách và toàn thể cộng đoàn dân Chúa nhà thờ Thánh Mẫu.

Xem hình ảnh

SƠ LƯỢC HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ THỜ THÁNH MẪU 50 NĂM.

Năm 1955 Đức Cha Phạm Ngọc Chi đặc trách giáo dân di cư đã bổ nhiệm Cha Cố Giacôbê Đỗ Minh Lý làm Giám đốc Hiệp Hội Thánh Mẫu, phụ trách Hiệp Hội Thánh Mẫu tại các Giáo xứ di cư miền Nam.

Ngày 20.07.1955 giáo quyền cho phép xây dựng một nhà nguyện tại Chí Hòa để hội viên Hiệp Hội Thánh Mẫu tiện việc Kinh Lễ nhất là dự các buổi tĩnh tâm và sinh hoạt theo tôn chỉ của Hội.

Ngày 15.08.1960 nhà nguyện Thánh Mẫu đã đón Đức Khâm sứ Tòa Thánh Mariô-Brini đến làm phép và dâng hiến cho Thiên Chúa, và mang tên nguyện đường Thánh Mẫu, tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Năm 1977 Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ký giấy quyết định biến nhà nguyện Thánh Mẫu thành nhà thờ Thánh Mẫu (Văn thư số 038/VP 77 ngày 22.05.1977).

Năm 1994 Đức Cha Phụ tá Louis Phạm Văn Nẫm ký văn thư 090/ VP 94 ngày 24.09.1994 trao quyền quản nhiệm nhà thờ Thánh Mẫu cho Cha Đaminh Đinh Văn Vãng chánh xứ Sao Mai, liên Giám đốc Hiệp Hội Thánh Mẫu. Từ đây nhà thờ Thánh Mẫu thuộc Giáo xứ Sao Mai.

Trong năm 2000-2004 Cha quản nhiệm và ban phục vụ nhà thờ Thánh Mẫu đã xây dựng thêm phần mái cuối nhà thờ, nhà ở của các Thầy, nhà sinh hoạt của Hiệp Hội Thánh Mẫu sát với gian cung thánh.

Năm 2009 nhà thờ xuống cấp trầm trọng, Cha quản nhiệm đã kêu gọi cộng đoàn đóng góp đại tu toàn bộ nhà thờ, để chuẩn bị mừng kỷ niệm 50 năm ngày dâng hiến nhà thờ.
 
Văn Hóa
Giáng Sinh bảo vệ sự sống: Quà tặng Giáng Sinh giúp ý thức yêu qúy đức khiết tịnh
Lm Trăng Thập Tự
09:20 08/12/2010
GIÁNG SINH BẢO VỆ SỰ SỐNG

Bài 1: MỘT QUÀ TẶNG GIÁNG SINH GIÚP Ý THỨC YÊU QUÝ ĐỨC KHIẾT TỊNH

Ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm hôm nay là tròn một năm phát động cuộc thi xướng họa Sen Giữa Lầy, nhằm tôn vinh Mẹ Maria và cổ võ phong trào Đoan Hứa Khiết Tịnh. Cả phong trào Đoan Hứa và cuộc thi Xướng Họa đều là tiếng nói cộng hưởng với phong trào Bảo Vệ Sự Sống, và mong đóng góp một liều thuốc chữa tận gốc cho tệ nạn phá thai: Cứ một thai nhi chào đời thì một thai nhi khác bị giết chết từ trong lòng mẹ. Cứ mỗi 6 giây đồng hồ lại một thai nhi bị diệt trừ! Liều thuốc chữa tận gốc cho tệ nạn này là gây ý thức yêu quý đức khiết tịnh cho mọi người và cho các bạn trẻ nói riêng.

Cuộc thi đã được hưởng ứng nồng nhiệt với trên 541 tác phẩm: 502 bài họa thơ (cả những bài không đánh số), 19 bài văn xuôi (8 bài bình thơ, 8 bài chia sẻ, 1 truyện ngắn, 2 bài khảo cứu), 3 bài nhạc, 15 họa phẩm, 1 pps.

Để làm lan rộng và kéo dài ý thức yêu quý đức khiết tịnh, Ban Tổ Chức đã đúc kết thành quả cuộc thi vào một tuyển tập 340 trang với 13 bài văn xuôi, 10 họa phẩm, 2 bản nhạc và gần 200 bài thơ đường luật của 85 tác giả, có cả Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, Chủng Sinh và Giáo Dân. Quý vị có thể xem hình thức và nội dung quyển sách trên mạng Dũng Lạc, tại địa chỉ http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=575.

Để minh họa tác dụng gây ý thức yêu quý đức khiết tịnh của quyển sách, xin kính chuyển lá thư của một giáo viên người lương từ Hà Nội:

Linh mục Trăng Thập Tự kính mến,

Thưa Cha, tôi là Lưu Thủy, là độc giả của cuốn sách Sen giữa lầy, người có vinh dự được nhận cuốn sách do chính tay Cha kí tặng thay cho tác giả Đình Chẩn.

Thưa Cha, trong xã hội nhiễu nhương hiện nay, đã có biết bao gia đình ly tán, biết bao đứa trẻ chịu cảnh không mẹ, vắng cha vì sự thiếu chung thủy trong gia đình. Có biết bao trai thanh gái lịch vì không vượt qua được những cám dỗ trong phút chốc dẫn tới hỏng cả cuộc đời vì lao vào vòng thác loạn. Những giá trị đạo đức được xây dựng qua bao đời - những giá trị vốn giúp có được sự cân bằng trong xã hội đang có nguy cơ sụp đổ. Hậu quả đó thật không thể kể hết.

Mạng Internet, vốn có công rất lớn mang lại thông tin và sự kết nối tuyệt vời mà trước đây người Việt Nam chưa bao giờ được biết tới, cũng đã tạo một điều kiện vô cùng thuận lợi cho mầm ác lan rộng.

Tuy nhiên, Internet, hay bất cứ nguồn thông tin nào cũng không hề có lỗi, lỗi ở đây lại do chính tâm hồn con người khi tiếp nhận, lựa chọn và xử lý thông tin ra sao.

Cuốn sách Sen giữa lầy cũng như cuộc vận động Đoan hứa khiết tịnh đã tác động vào chính tâm hồn của mỗi tác giả cũng như độc giả và cả một số lượng lớn người thân của họ. Điều đó đã thắp lên ngọn lửa đẩy lùi bóng tối của mầm ác đang cố sức bành trướng trong xã hội chúng ta.

Xin được chân thành cảm ơn Cha vì đã dành sự quan tâm tới tôi cũng như gia đình. Tôi cũng rất cảm phục nhiệt huyết của Cha và những việc Cha đã làm vì lớp trẻ.

Tôi cũng nhận thấy rằng bên cạnh các thông tin qua mạng thì sách cũng góp phần rất lớn để truyền tải thông tin. Nhiều người không có máy tính để đọc, nhiều người ngại đọc trên màn hình, nhiều người tiết kiệm được những thời gian nhỏ lẻ như khi chờ xe buýt, nấu cơm... Nhờ có cuốn sách mà những bài thơ, mẩu chuyện nho nhỏ như những lời tâm tình càng dễ đi vào tâm hồn mỗi người.

Mỗi người một chút cố gắng có thể làm cho sự lan tỏa của của cuộc vận động mạnh hơn. Với mong muốn góp một chút sức mình, tôi muốn xin Cha cho số tài khoản để được ủng hộ vào việc làm đầy ý nghĩa này.

Xin chân thành cảm ơn Cha. Chúc Cha có sức khỏe dồi dào. Cầu chúc cho mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ có sức mạnh vượt qua cám dỗ để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Kính thư,

Lưu Thủy


Chúng tôi ước mong thông điệp của quyển sách đến được với tất cả các bạn trẻ Việt Nam, cả Công giáo lẫn ngoài Công giáo. Chúng tôi tha thiết xin Quý Vị giúp giới thiệu rộng rãi cho mọi nhóm bạn trẻ. Mong rằng Quý Vị không chỉ giới thiệu bằng lời nhưng còn mua sách tặng các nhóm trẻ mà Quý Vị yêu thương, nhân dịp Giáng Sinh và đầu Năm Mới. Đây sẽ là món quà thật ý nghĩa hứa hẹn nhiều ơn ích tinh thần cho các bạn trẻ. Quý vị cần mua, xin liên lạc về: nguoi_phucvu@yahoo.com.vn. Giá bìa: 39.000 VNĐ/quyển, nếu mua từ 5 quyển trở lên sẽ được tính giá phát hành: 25.000 VNĐ/quyển. Bạn đọc ở nước ngoài có thể đặt mua sách trên mạng tại www.FatimaCompany.com.

Chân thành cám ơn.

Linh mục Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh