Ngày 10-12-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật Tuần 3A Mùa Vọng
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:51 10/12/2019
Chúa Nhật 3 MÙA VỌNG
(Mt. 11 :2-11)


Hôm nay là Chúa Nhật của sự vui mừng và niềm hy vọng. Niềm vui của Giáo Hội đã trải dài qua lịch sử ơn cứu độ. Giáo hội không ngừng mời gọi con cái mình hãy vui lên, vì ơn cứu độ đã gần kề. Lịch sử cứu độ nối tiếp lịch sử của dân tộc Do-Thái. Họ đã sống qua ngàn năm đợi chờ. Nay Đấng Cứu Thế xuất hiện giải thoát dân khỏi vòng tăm tối và nô lệ của tội lỗi. Tiên tri Isaia đã loan báo rằng hoang địa khô cằn sẽ vui mừng và cõi tịch liêu sẽ hân hoan.

Thánh Gioan Tẩy Giả được vinh dự làm kẻ tiền hô. Ông đã đi trước dọn đường cho Chúa. Mời gọi mọi người hãy ăn năn sám hối. Ông là nhân chứng cho sự thật. Cũng chính vì nói lên sự thật, ông đã bị tống giam trong ngục. Trong ngục tù, ông đã có linh cảm giờ chết sắp đến. Gioan ghi nhận còn có nhiều người, ngay cả các môn đệ dấu yêu, chưa tin vào Chúa Giêsu. Nhiều người còn đang hoang mang nghi ngờ. Chính Gioan đang trong tù ngục đã muốn xác minh con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu cho các môn đệ của mình.

Chúng ta cũng như thánh Gioan, trong hành trình đức tin, cũng có lúc chúng ta nghi ngờ, đôi khi cảm thấy sợ hãi, thất vọng vì hoàn cảnh trái ngang xảy đến trong cuộc đời. Thánh Gioan không ngại sai các môn đồ đi hỏi Chúa. Chúa Giêsu rất hài lòng về sự chân thành và khiêm nhường của Gioan. Chúa đã khen Gioan là vị tiền hô khiêm tốn, liêm chính và anh dũng.
Thánh Gioan biết sự thật về Đấng Cứu Thế qua các việc Ngài đã thực hiện. Ông đã vui mừng vì đã chu toàn sứ mệnh được trao phó. Mỗi người chúng ta được trao ban sứ mệnh làm chứng cho Chúa qua cuộc sống mình. Qua từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ thái độ và từng cách sống, chúng ta đang làm chứng cho Chúa. Nếu chúng ta muốn vui tươi phấn khởi trong cuộc sống, chúng ta phải vui với chính mình trước, như khi chúng ta soi gương, nếu chúng ta cười, nó sẽ cười lại.

Chúa đến với nhân loại, đó không chỉ là niềm vui riêng cho dân tộc Do-Thái mà cho mọi người. Mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn đón Chúa và hãy vui mừng vì ơn cứu độ đã gần đến.

TUẦN 3 MÙA VỌNG
THỨ HAI Mt. 21: 23-27


Chúa Giêsu vào đền thờ giảng dạy, các kỳ mục trong dân đến hỏi rằng: Ông lấy quyền nào mà làm những điều ấy. Các thủ lãnh trong dân đã thách thức Chúa về quyền năng giảng dạy và làm các phép lạ.

Theo thói thường, một người muốn ra công khai giảng dạy hay thi hành việc công cộng, họ thường phải có bằng cấp hay giấy chứng nhận từ cấp trên hoặc sự ủy thác của công quyền. Chúa Giêsu không theo trường phái nào, không tốt nghiệp từ trường Kinh Thánh hay trường Luật nào. Chúa cũng không được cơ quan nào cấp giấy hành nghề. Chúa ra rao giảng là thi hành sứ mệnh từ Cha của Ngài.

Chúa Giêsu chờ đợi 30 năm sống và trưởng thành nơi quê nghèo Nazarét. Khi thời điểm chín mùi, Ngài đã ra rao giảng tin mừng. Có Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô chuẩn bị đường. Gioan đã giới thiệu với mọi người: Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Và Chúa Cha xác nhận: Đây là Con Ta rất yêu qúi, các ngươi hãy nghe lời Ngài. Lý chứng của Chúa Cha, của Gioan và của Kinh Thánh đã đủ để chúng ta tin nhận Chúa Kitô là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đặt niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô.

NGÀY 17 THÁNG 12 Mt. 1: 1-17

Thánh Matthêu ghi sơ lược về gia phả của Chúa Kitô. Chương trình cứu độ có một lịch sử dài qua sự cộng tác của con người. Đọc gia phả, chúng ta thấy Thiên Chúa đã nhúng tay vào các diễn tiến của một dòng dõi loài người. Qua các thăng trầm của cuộc sống, các cha ông tổ phụ không phải lúc nào cũng sống thánh thiện và trung thành với Chúa. Họ cũng đã có lúc sa ngã, yếu đuối và phạm tội nhưng Thiên Chúa yêu thương tha thứ và dẫn dắt họ đứng dậy.

Gia phả của Chúa nói lên một dòng dõi đặc biệt được Thiên Chúa tuyển chọn để chuẩn bị cho Con của Ngài giáng trần. Tuy rằng Chúa Giêsu hạ sinh làm người không theo máu huyết của con người nhưng Ngài đã nhập thể trong một dòng dõi đã được tuyển chọn. Con số 14 đời từ Abraham tới Vua Đavít, 14 đời Đavít đến cuộc lưu đầy Babylon và 14 đời từ cuộc lưu đầy đến Đức Kitô, đây là con số tượng trưng. Tất cả cả các tổ phụ quan trọng đều có tên trong danh sách gia phả.

Chúng ta bước gần đến ngày mừng Sinh Nhật Chúa Giêsu, chúng ta vui mừng vì Chúa đã đến qua dòng dõi con cái loài người. Mỗi người chúng ta cũng có tổ tiên ông bà. Chúng ta cũng không biết rõ ràng nguồn gốc từ đâu nhưng chúng ta có tổ tiên của niềm tin, đó là Abraham. Chúng ta cũng thừa hưởng những ân huệ đức tin và ơn cứu độ qua dòng dõi của Chúa Giêsu.

NGÀY 18 THÁNG 12 Mt. 1: 18-24

Chương trình cứu độ đã đến thời kỳ viên mãn, Thiên Chúa đã can thiệp vào biến cố giáng trần của Con Chúa. Ngài đã tuyển chọn cho Chúa Con một người mẹ. Qua sự quan phòng, Chúa đã tìm cho Con của Ngài một người cha trong dòng dõi Đavít. Thánh Giuse lãnh nhận vai trò làm cha nuôi của Chúa Giêsu. Sự cộng tác của Đức Maria và thánh Giuse là một ân huệ cao cả cho cả dòng dõi loài người.

Thánh Giuse âm thầm vâng theo thánh ý Chúa với một tâm tình tôn trọng và yêu mến. Giuse đã đính hôn với Maria. Trước khi về chung sống, Maria đã thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Giuse chấp nhận cưới Maria về nhà làm vợ. Sau khi sinh hạ hài nhi, chính Giuse đã đặt tên cho con trẻ là Giêsu. Vậy thánh Giuse đã hợp pháp hóa Chúa Giêsu là con cháu dòng Vua Đavít. Chúng ta không lạ gì khi người mù chạy đến xin Chúa chữa đã kêu lên rằng: Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót tôi.

Thánh Giuse đã làm trọn bổn phận bao bọc Đức Maria và Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh. Thánh Giuse là đấng công chính, cả cuộc đời sống trong sự phó thác và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài xứng đáng là cha nuôi của Chúa Cứu Thế và là người cha gương mẫu của các gia đình.

Xin Đức Maria và thánh Cả Giuse cầu bầu cho chúng con.

NGÀY 19 THÁNG 12 Luca 1: 5-25

Giacaria và Êlizabét là thân phụ mẫu của thánh Gioan Tẩy Giả. Các ngài là những người tốt lành thánh thiện. Giacaria là dòng dõi tư tế, thuộc phiên Abia. Êlizabét thuộc hàng nữ tử của Aaron. Hai ông bà tuổi già hiếm muộn không có con.

Khi tư tế Giacaria dâng hương trong đền thờ, ông đã được thiên thần báo tin vui, vợ ông sẽ sinh cho ông một người con trai và ông sẽ đặt tên trẻ là Gioan. Ông Giacaria bối rối và kinh hoàng. Thiên thần đã trấn an ông: Đừng sợ. Lời cầu của ông đã được Chúa nhận lời.

Hai ông bà Giacaria và Êlizabét đã thụ thai cách bình thường nhưng đây là ơn ban đặc biệt. Trẻ Gioan sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa và được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ. Gioan chính là vị tiền hô đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Gioan lớn lên và sống cuộc đời ẩn dật và khắc khổ. Ông không uống rượu và các thức có men. Sống rất nghiêm túc trong các cách hành xử.

Lớn lên trong gia đình đạo hạnh và nhiệt thành, Gioan đã hiểu được sự mong chờ Đấng Cứu Độ của toàn dân. Gioan đã sớm nhận ra sứ mệnh tiền hô của mình. Ngài đã tu thân tích đức và thanh luyện chính mình nơi sa mạc hoang vắng không vướng bụi trần, để ra đi làm nhân chứng cho Chúa.


NGÀY 20 THÁNG 12 Luca 1: 26-38

Trong thời Cựu Ước Thiên Chúa đã chọn Abraham làm cha của một dân tộc. Abraham đã có lòng tin chân thành, Ngài được mệnh danh là cha của các người tin Chúa. Thời gian chuẩn bị đã hoàn tất, Thiên Chúa đã tuyển chọn cho dân mới một người mẹ tuyệt hảo. Người được Thiên Chúa sủng ái đó chính là Đức Trinh Nữ Maria.

Chương trình cứu độ kéo dài mấy ngàn năm, nay đã thành hiện thực nơi Đức Maria. Qua lời Xin Vâng của Đức Maria, nhân loại đã đón nhận được ơn Cứu Độ. Đức Maria đã cộng tác một cách tích cực khi Maria thưa với thiên thần truyền tin: Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi như lời thiên thần truyền.

Thật tuyệt vời, Đức Maria đã mở rộng tâm hồn và thân xác đón nhận Đấng Cứu Thế. Maria hoàn toàn phó thác theo thánh ý của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ưu ái tuyển chọn người mẹ cho Con của Ngài. Đức Maria một thiếu nữ trẻ trung, đạo hạnh và hiểu biết Kinh Thánh. Maria được diễm phúc thay mặt loài người đón nhận Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa. Đức Maria ghi nhận thân phận là nữ tỳ của Chúa. Maria đã được đầy ơn phúc trên tất cả các phụ nữ. Đức Maria đã luôn dâng lời tạ ơn Chúa. Chúng ta cùng chung lời với Đức Maria cảm tạ Thiên Chúa.

NGÀY 21 THÁNG 12 Luca 1: 39-45

Sau khi được sứ thần truyền tin và biết được chị họ là Isave đã có thai, Maria liền vội vã lên đường đi thăm viếng chị. Niềm vui của hai người phụ nữ đều là hồng ân Chúa ban. Isave đã cao niên, nay được diễm phúc mang thai người con đầu lòng. Người con đó chính là Gioan, vị tiền hô của Con Chúa. Maria, một thiếu nữ trẻ được Thiên Chúa đoái thương chọn cung lòng làm nơi nương náu cho Chúa Con.

Mừng vui vì được gặp nhau trong niềm tin phó thác vào Thiên Chúa, cả hai phụ nữ đã dâng lời tán dương và chúc tụng danh Chúa vì Ngài đã đoái thương đến dân của Ngài. Isave quá đỗi vui mừng đã thốt lên: Em được chúc phúc hơn các người phụ nữ. Bởi đâu tôi được Mẹ của Chúa tôi đến viếng thăm tôi. Maria chưa kịp mở miệng thì chị Isave là người đầu tiên ca ngợi Đức Maria. Lời ca ngợi đó đã được mọi người xưng tụng từ đời nọ sang đời kia. Đức Maria thật là diễm phúc vì có Thiên Chúa ờ cùng.

Đức Maria không quản ngại đường xa vất vả đi thăm chị. Maria chỉ muốn được chia vui cùng chị trong ân huệ mà cả hai chị em đã lãnh nhận. Chúng ta học nơi Đức Mẹ, nên chia xẻ niềm vui với những người chung quanh. Ngay từ khi thụ thai, Mẹ đã mang Chúa đến cho người khác. Chúng ta cũng hãy mang Chúa đến với mọi người và đem tin mừng cứu độ truyền rao khắp nơi nơi.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:08 10/12/2019

7. Con người ta nếu biết trong khi bệnh có ẩn tàng châu báu, thì tất nhiên vui vẻ, coi bệnh là một ân huệ, nên không đem sự nhẫn nại đau khổ của bệnh biến thành đau khổ.

(Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:15 10/12/2019
85. THƯỢNG THƯ BẢY TUỔI

Công nguyên năm 501, Tiêu Diễn công phá Kiến Đường là thủ đô nước Tề, tự lập làm Lương Võ đế.

Một hôm, cho triệu nguyên thái thú Ngô Hưng nước Tề là Viên An đến yết kiến. Viên An lúc thành bị phá thì không chịu đầu hàng, rất có chút hào khí làm cho Tiêu Diễn rất thú vị.

Lương Võ đế nói với Viên An:

- “Lúc tóc ông chưa đen thì Tề Minh đế đã bái ông làm thượng thư, đến hôm nay tôi mới dùng ông, tự mình cảm thấy rất xấu hổ”.

Viên An thấy mục đích đã đạt được không như lần trước bèn nói:

- “Năm nay bệ hạ bốn mươi tuổi, tôi bốn mươi bảy tuổi, nếu trở lui bốn mươi năm thì bệ hạ mới sinh ra, như vậy không phải tôi mới bảy tuổi đã làm thượng thư sao ? Vậy thì còn tính chậm thế nào được chứ ?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 85:

Cái hay của Lương Võ đế chính là nhận biết mình có khuyết điểm khi chậm dùng người tài, cái hay của Viên An là biết nói lời an ủi cách sảng khoái mà không làm cho nhà vua cảm thấy mất mặt…

Có một vài cha sở vì sĩ diện mà không thích “dùng” giáo dân có tài để phụ giúp cho mình trong việc quản lý nhà xứ, bởi vì các ngài cho rằng mình là linh mục tài năng đầy mình nên không cần đến họ, nhưng khi nhân tài giáo dân bỏ đi qua nơi khác phục vụ thì các ngài lại bắn tiếng không hài lòng, thế là cha con kình cự nhau mất hoà khí…

Có một vài giáo dân thấy mình tài giỏi mà cha sở kkhông “để ý” tới thì buồn và bực bội, nhưng khi cha sở hiểu được cái tài năng đến mời mình thì mình lại không có tính sảng khoái như Viên An vui vẻ giúp ngài…

Cha sở cứ dùng người tài giỏi dù dùng muộn thì nhân đức của ngài đã toả sáng, giáo dân cứ vui vẻ giúp cha sở làm việc dù cha sở mời muộn màng, thì nhân đức của họ sẽ như lửa đốt cháy tâm hồn người nguội lạnh với nhà xứ…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha bất ngờ viếng thăm cuộc triển lãm 100 máng cỏ Giáng Sinh
Đặng Tự Do
15:19 10/12/2019
Người hành hương và khách du lịch đã có một bất ngờ lớn vào chiều thứ Hai khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm cuộc triển lãm 100 Máng Cỏ Giáng Sinh tại Vatican được mở cửa từ hôm Thứ Bảy vừa qua tại Vatican.

Nói là cuộc triển lãm 100 Máng Cỏ Giáng Sinh nhưng thực ra có gần 200 cảnh Giáng Sinh được trưng bày trong cuộc triển lãm.

Đức Thánh Cha đã chăm chú quan sát hơn 150 Máng Cỏ Giáng Sinhđến từ Ý và hơn 40 cảnh Giáng Sinh từ các quốc gia khác, Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện và ban phép lành cho những người có mặt.

Cuộc triển lãm các Máng Cỏ Giáng Sinhtại Vatican là một truyền thống đã có từ 44 năm nay và hiện do Hội Đồng Tòa Thánh Tân Phúc Âm Hóa phụ trách. Tuy nhiên, năm nay cuộc triển lãm này được chú ý đến nhiều hơn sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Tông thư dưới dạng tự sắc Admirabile Signum nghiã là Dấu Chỉ Tuyệt Vời về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cảnh Giáng Sinh.

Trong tông thư, Đức Thánh Cha viết:

Với Thư này, tôi muốn khuyến khích không chỉ truyền thống tốt đẹp của các gia đình chuẩn bị cảnh Giáng Sinh vào những ngày trước dịp lễ, mà cả phong tục bày trí cảnh Giáng Sinh ở nơi làm việc, trong trường học, bệnh viện, nhà tù và các quảng trường thị trấn. Trí tưởng tượng tuyệt vời và sự sáng tạo luôn được thể hiện trong việc sử dụng các vật liệu đa dạng nhất để tạo ra những kiệt tác nhỏ của thẩm mỹ. Khi còn nhỏ, chúng ta học hỏi từ cha mẹ và ông bà của mình để tiếp tục truyền thống hân hoan này, trong đó gói gọn rất nhiều lòng đạo đức bình dân. Tôi hy vọng rằng phong tục này sẽ không bao giờ bị mất và bất cứ nơi nào nó rơi vào tình trạng không được dùng đến, nó có thể được tái khám phá lại và hồi sinh.

Anh chị em thân mến, máng cỏ Giáng Sinh là một phần của quá trình quý giá nhưng đầy thách đố trong việc truyền lại đức tin. Bắt đầu từ thời thơ ấu, và ở mỗi giai đoạn của cuộc đời chúng ta, máng cỏ dạy chúng ta biết chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, biết trải nghiệm tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, biết cảm nhận và tin rằng Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta ở cùng Người, cùng với con cái Người, là anh chị em với nhau, nhờ Hài Nhi là Con Thiên Chúa và Con của Đức Trinh Nữ Maria. Và để nhận ra rằng trong hiểu biết đó, chúng ta tìm thấy hạnh phúc thực sự. Như Thánh Phanxicô, chúng ta có thể mở lòng mình ra với ân sủng đơn sơ này, để từ sự ngạc nhiên của chúng ta, một lời cầu nguyện khiêm nhường có thể được nảy sinh: đó là một lời cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa, Đấng muốn chia sẻ với chúng ta tất cả, và vì thế không bao giờ để chúng ta cô đơn.

Cuộc triển lãm Máng Cỏ Giáng Sinh sẽ kéo dài cho đến ngày 12 tháng Giêng tại Hội trường Pius X ở Via del Ospedale gần Đền Thờ Thánh Phêrô
 
Nhận định của cảnh sát về vụ tấn công ở Đền Thánh Quốc Gia Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
16:16 10/12/2019
Cảnh sát đã kết thúc một cuộc giằng co với nghi phạm vụ tấn công tại Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Hoa Kỳ khiến hai người bị thương.

Hai nhân viên bảo vệ tại đền thờ được tường thuật là là “đã tỉnh và có thể thở được” sau khi một người bị đâm và một người khác bị xe tông vào khoảng 9 giờ sáng thứ Ba ngày 10 tháng 12.

Theo Sở Cảnh sát thủ đô, một cú gọi 911 đã nhận được vào lúc 9:14 sáng sau khi một nữ nhân viên bảo vệ bị một chiếc ô tô đâm vào tại bãi đậu xe ở phía đông của Đền Thánh Quốc Gia Hoa Kỳ. Chiếc SUV của nghi can còn tông vào một loạt xe khác đang đậu trong bãi xe. Nghi phạm sau đó đuổi theo một nhân viên bảo vệ nam trước khi đâm anh ta ở bên trong Đền Thánh.

Nghi phạm sau đó đã trốn khỏi hiện trường trong một chiếc Lincoln Navigator, Chiếc xe sau đó được tìm thấy ở Tây Bắc Washington DC. Cảnh sát thủ đô cho biết, nghi phạm sau đó tử thủ trong nhà mình trước khi tự bước ra đầu hàng và bị cảnh sát giam giữ. Anh ta đã được đưa đến một bệnh viện để điều trị những vết thương nhẹ. Cảnh sát xác nhận đang làm hồ sơ truy tố.

Một tuyên bố từ Trợ lý Cảnh sát trưởng Jeffery Carroll tuyên bố rằng cảnh sát có thể liên lạc với nghi phạm trong thời gian y tử thủ, dẫn đến quyết định đầu hàng của y. Carroll nói rằng cảnh sát tin rằng nghi phạm có mối quan hệ gia đình với nữ nhân viên bảo vệ.

“Vụ tấn công dường như không phải do thù hận đức tin, nhưng do những mối quan hệ với những cá nhân làm việc tại đó,” Carroll nói. “Động lực mà chúng tôi có, sơ bộ mà nói, có vẻ như là vấn đề gia đình”.

Carroll cũng cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ tấn công. Carroll nói rằng nữ nhân viên bảo vệ đã bị nghi phạm dùng xe tông vào ít nhất là hai lần, và còn bị kẹp chặt giữa xe của anh ta và một chiếc xe khác trong một khoảng thời gian. Nhân viên bảo vệ nam đã bị đâm nhiều nhát bên trong Đền Thánh Quốc Gia sau khi nữ bảo vệ bị xe đâm.

“Cả hai nạn nhân đều ổn định tại một bệnh viện địa phương, thật là lạ lùng,” Carroll nói.

Không có thêm thông tin nào về nghi phạm đã được công bố. Không rõ liệu anh ta có tiền sử tội phạm hay anh ta đã từng làm việc tại Đền Thánh Quốc Gia hay không.

Jacquelyn Hayes, giám đốc truyền thông của Đền Thánh Quốc Gia, nói với CNA rằng nghi phạm đã quen biết cả hai nhân viên bảo vệ và không có thông tin nào khác được đưa ra vào thời điểm này.

Không có du khách hoặc khách hành hương đến đền thờ nào bị thương.


Source:Catholic Herald
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giới trẻ hội Ái Hữu Hà Tĩnh – Vinh Bắc Cali mở tiệc Noel gây tình liên đới
Trần Hiếu
09:36 10/12/2019
Hằng năm, mỗi độ những chiếc lá vàng rơi trên đường phố Bắc Cali, báo hiệu Noel đang đến gần, các bạn trẻ và bà con Hội Ái Hữu Hà Tĩnh - Vinh lại sửa soạn tổ chứcbuổi tiệcgây quỹ cho các chương trình bác ái của hội. Vào ngày 8/12/19 vừa qua, 500 quan khách đã đến tham dự dạ tiệc “Hạt Cơm Ân Tình” trong khung cảnh tưng bừng ấm cúng của nhà hàng Dynasty, khu Little Sài Gòn, thành phố San Jose.

Xem Hình

Ngoài các bà con thường xuyên sinh hoạt trong hội, buổi dạ tiệc còn được sự ủng hộ nhiệt thành của cáclinh mục gần xa và cácthân hữu, đặc biệt một số vị trưởng thượng tại địa phương và từ Nam Cali lần đầu tham dự.Linh mục Nguyễn Khắc Hy, giám đốc đại chủng viện San Antonio, Texas, cũng lần đầu đến với buổi tiệc, nói, “Được gặp gỡ bà con đồng hương, thật là vui quá!”

Chương trình buổi tiệc, được sự phối hợp nhịp nhàng của hai MC trẻ, Mai Anh và Phan An, bao gồm các bài ca quen thuộc thường được cất lên dịp Noel, do các ca sĩ hội viên và Ban Nhạc Dư Âm trình bày. Quan khách còn được thưởng lãm các tiết mục văn nghệ ngắn đặc sắc do các tài năng trong hội trình diễn. Trong khi vũ khúc múa Noel do các nữ lưu trên dưới lứa tuổi 40 trình bày, mục trình diễn thời trang, qui tụ 4 thế hệ, trẻnhất là 6 tuổi đến già nhất 86 tuổi. Các tiết mục nầy đã dấy lên sự phấn khích cho quan khách và lôi cuốn hàng chục máy quay và chụp ảnh.

Cô Lưu Lệ Chi, trưởng ban tổ chức, trong bài diễn văn khai mạc, biểu lộ niềm cảm kích trước sự hiện diện của quan khách, đã nói, “Chúng con thật cảm động với sự hiện diện đông đủ của quý vị, nhắc nhớ tình yêu thương mà quý vị luôn dành cho Hội Ái Hữu Hà Tĩnh – Vinh Bắc Cali, và đặc biệt, đó cũng là tình yêu thương mà quý vị dành cho các em và các mảnh đời đáng thương cảm đang sống ở quê nhà”…

Khi phát biểu, cô đã hướng đến các bậc trưởng thượng, mà có vị lần đầu tham dự dạ tiệc Noel của hội, như cụ cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, người vừa lãnh nhận bí tích rửa tội năm vừa qua, cựu Tổng Trưởng Nguyễn Đức Cường, và các thân hữu lâu năm của hội như cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, Đại Tá Trần Thanh Điền và các thân hào nhân sĩ thân hữu trong cộng đồng.

Với giọng thuần túy Hà Nội, cô Lưu Lệ Chi đã tạo sự chú ý của mọi người, nói tiếp, “Nhắc đến địa phận Hà Tĩnh – Vinh là nhắc đến vùng đất mà hằng năm phải chống chọi với các đợt thiên tai và nhân tai. Những đợt lũ lụt hằng năm đã tàn phá cuộc sống yên bình của người dân. Gần đây, chúng ta không thể nào không nói đến thảm họa Formosa, cái tên đồng nghĩa với sự bất lực của người dân mà chính nó đã đưa đẩy cuộc sống của người dân nghèo xứ Vinh và các vùng lân cận, vốn đã luôn gặp khó khăn, vào sự cơ hàn đến cùng cực, trong đó chúng ta không thể quên được thảm họa 39 nạn nhân xảy ra tại Anh Quốc gần đây.”

Là người được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng ông nội là nhà thơ Lưu Trọng Lư, tác giả bài thơ “Tiếng Thu”, và người bố được sinh ra tại Bố Trạch, Quảng Bình, Lưu Lệ Chi được làm con Chúa khi đã trưởng thành, là hội viên sinh hoạt tích cực trong Hội Ái Hữu Hà Tĩnh – Vinh Bắc Cali.

Cô nói, “Con chưa một lần được tận mắt chứng kiến cuộc sống đầy khó khăn của người dân tại đây, nhưng qua các mẩu chuyện của các bác, các anh chị trong hội, và qua các lá thư của các bạn trẻ viết từ quê hương, biểu lộ tâm tư tình cảm của mình khi nhận được các món quà gửi từ vùng đất xa xôi, cũng đủ làm trái tim con rung động.Các món quà thật là giản dị theo cách nhìn của chúng ta tại đây, nhưng đối với người dân xứ Nghệ Tĩnh Bình nó mang ý nghĩa vô cùng to lớn, từ vật chất cho đến tinh thần. Các món quà ấy được gói ghém do các tấm lòng quảng đại, tình yêu thương của quý vị ân nhân gần xa, ngay cả những người không hiện diện tại đây, quả thật an ủivà khích lệ làm vơi đi ít nhiều buồn lo của các gia đình đang gặp khó khăn tại quê nhà.”

Hằng năm, Hội Ái Hữu Hà Tĩnh – Vinh Bắc Cali bảo trợ phát quà Noel cho trẻ em các xứ đạo tại hai giáo phận Vinh và Hà Tĩnh, Việt Nam, và trợ giúp các chương trình bác ái của hội. Sáng kiến tổ chức tiệc gây quỹ được thực hiện từ năm 1997 với số quan khách tham dự từ non vài trăm của những năm đầu, và trên một thập niên nay số quan khách lúc nào cũng không dưới 500 người.

Ông Phan Ngọc Hòa, hội trưởng, cho biết ngân sách năm nay đã được chuẩn chi để gửi về giúp hai giáo phận với ngân khoản 74.200 Mỹ kim. Trong các tiết mục, việc cung cấp cho học bổng và khuyến học chiếm 26.000 Mỹ kim, hỗ trợ tân Giáo Phận Hà Tĩnh 20.000Mk, mục quà Noel gần 7.000Mk, và số còn lại giúp yểm trợBan Công Lý Hòa Bình, Đại Chủng Viện Phanxicô Xavie, Tiền Đại Chủng Viện Hà Tĩnh và các tiết mục khác.

Trong bài phát biểu, ông Hòa cũng cho hay, theo lịch trình, Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Hà Tĩnh, dự trù tham dự buổi tiệc nhưng vì “Giáo Hội có một số sự kiện bất ngờ” cần sự hiện diện của ngài, nên ngài rất tiếc không thể đến được. Đức Cha Nguyễn Hữu Long, Giám Mục Vinh, cũng gửi thư chào thăm và cầu chúc buổi dạ tiệc “đầy tràn niềm vui và tình thân ái.” Các ngài đều bày tỏ lòng cảm kích sự chung tay góp sức của hội trong việc yểm trợ các chương trình của hai giáo phận.

Trong gần 40 năm hiện diện tại Bắc Cali, trước đây hội có tên gọi “Hội Ái Hữu Giáo Phận Vinh Bắc Cali”, và gần đây được điều chỉnh thành, “Hôi Ái Hữu Liên Giáo Phận Hà Tĩnh – Vinh Bắc Cali” khi giáo phận tân lập Hà Tĩnh được chia ra từ giáo phận Vinh.Trong chiều dài hoạt động đó, hội đã kiên trì theo đuổi các sinh hoạt tương thân tương ái và liên kết với giáo phận nhà qua các chương trình bác ái và các lãnh vực khác. Hội thường có các buổi đọc kinh khi các hội viên có chuyện vui buồn, thăm viếng qua lại, và tổ chức các cuộc hội ngộ thường xuyên vào các dịp lễ quan thầy,mừng Tết Nguyên Đán, hoặc mỗi khi có các vị mục tử viếng thăm.

Buổi tiệc kết thúc với phần tổng kết sơ khởi số tiền ủng hộ thu được trên 60.000 Mỹ kim của kết quả gây quỹ.-
 
Phóng Sự Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông Hoa Kỳ Lần II, Ngày 8 tháng 12 năm 2019,
Vọng Sinh
17:24 10/12/2019
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Nếu Các Ngươi không ca ngợi Thiên Chúa, thì đá sỏi kia sẽ cất tiếng lên. (Lc.19,40)

Hát và được hát ca ngợi Thiên Chúa, đó là hạnh phúc vô cùng lớn lao cho mỗi người Ca viên trong Ca đoàn.

Chính vì thế, Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng vừa qua, ngày mồng 8 tháng 12 năm 2019, 400 anh chị em Ca viên từ các Giáo Xứ Miền Đông, thuộc 6 tiểu bang Hoa Kỳ đã tưng bừng quy tụ nhau lại trong Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông Đông Lần II, thuộc Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, được tổ chức tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington VA.

Ý tưởng thực hiện Đại Hội Thánh Ca Miền Đông này đã được khởi xướng do Cha Phêrô Trịnh Minh Quân khi Ngài nhận chức Chủ Tịch Miền Đông hơn 3 năm trước. Với tâm hồn rất trẻ trung, say mê yêu mến Thánh Ca, Ngài đã bắt đầu quy tụ các Ca đoàn trong Miền lại hát chung với nhau trong những dịp Hành Hương hàng năm của Miền tại Núi Đức Mẹ Lộ Đức, Emmitsburg MD, mà trước đó chỉ do một ca đoàn phụ trách. Nhiều anh chị em phải lái xe hơn 4 tiếng để tới nơi Hành Hương hát chung với nhau, ca tụng Thiên Chúa, hát khen Mẹ Thánh Maria. Những năm vừa qua, số ca viên về hát Hành Hương đã lên tới 150 người.

Từ đó, Cha Chủ Tịch Miền đã xin ý kiến, và đã được Qúy Cha trong Miền ủng hộ, chấp thuận trong Cuộc Họp hàng năm của Miền, mỗi năm sẽ tổ chức Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh cho các Ca đoàn trong Miền vào Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng, luân phiên xoay vòng các giáo xứ. Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông Lần I đã được tổ chức tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington VA ngày mồng 9 tháng 12 năm 2018.

Chúa Nhật vừa qua, mồng 8 tháng 12 năm 2019, một ngày rất đẹp trời. Mặc dù đã là mùa đông, nhưng hôm nay trời bỗng ấm lại. Đất trời như cũng muốn dâng chút ấm áp sưởi ấm cho Con Chúa giữa gía lạnh đêm đông.

Khoảng 1:30 trưa, các ca đoàn đã có mặt tập trung. Nhiều chuyến xe bus đã tới đưa các ca đoàn từ các tiểu bang xa về. Mỗi ca đoàn có một tiếp viên tiếp đón, hướng dẫn về phòng dành riêng để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho phần trình diễn.

khoảng 2:30 Các Ca đoàn tập trung lên Nhà Thờ. Những tà áo dài tha thướt, Xanh đỏ rực rỡ như rừng thông được trang trí với những ornaments đỏ chói, cho người tham dự cảm giác thật tưng bừng của ngày đại lễ Mừng Chúa Giáng Trần.

Đúng 3:00 Chương trình được bắt đầu. Sau phần Giới thiệu Quý Cha, Quý Sơ, Quý Ca đoàn, Cha Chánh Xứ Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chủ nhà, Cha Giuse Đặng Quốc An đã chào mừng Quý Cha, Quý Sơ, Quý Ca đoàn, Quý khách. Tiếp theo Cha Chủ Tịch Miền Phêrô Trịnh Minh Quân phát biểu, khen ngợi tinh thần yêu mến thánh ca của Quý anh chị em đã có mặt trong Đại Hội Thánh Ca. Ngài đã ứng khẩu hát một đoạn: …Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát, để tiếng vui cười rộn rã bay… để niềm vui Chúa Giáng Sinh tràn ngập lòng người muôn nơi.

Với Chủ đề: “Con Chúa Làm Người Cho Người Làm Con Chúa”, Chương trình được mở rộng tới các bài thánh ca ca tụng Mẹ Thánh Maria, qua Mẹ đến Ơn Cứu Độ. Thánh Nữ Đồng Trinh Maria đã là nguồn cảm hứng bất tận cho bao nghệ sỹ khắp nơi những tác phẩm thánh thiêng để đời. Thi sỹ Hàn Mạc Tử với bài thơ Ave Maria tuyệt tác, được chắp cánh với hồn nhạc bất tận của Hải Linh, cho nhạc thơ “…bay suốt một đời chưa thấu, còn bay mãi đến bao giờ mới đậu…”, rung cảm thánh thiêng về lời chào của Sứ Thần: “Kính mừng Maria…” mà Giulio Caccini đã cảm nhận qua tác phẩm Ave Maria đầu thế kỷ 17, cho người nghe một cảm xúc thánh thiêng, ấm áp, đầy tràn như Mẹ đầy dư ân phúc. Phần 2 của chương trình: Hát mừng Chúa Sinh ra đời. Những tác phẩm của Thi Sỹ Xuân Li-Băng, Lm Nhạc Sỹ Kim Long, Phùng Minh Mẫn, Ý Vũ, Vọng Sinh … Nhạc cảnh Oh! Holy Night của Ca đoàn Theresa PA đã để lại nhiều cảm xúc… Phần 3: Mang Tình yêu Chúa Giáng Sinh tới muôn người với ca khúc vui tươi: Đường Tin Yêu.

Tất cả đã được 12 Ca đoàn tấu vang lên trong 3 tiếng đồng hồ, cho người tham dự những giây phút trầm lắng ngất ngây, xen lẫn tưng bừng xôn xao, mang Tin Vui tới muôn muôn người.

Coi Video: Phần I Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông

Xem Video phần I

Coi Video: Phần II Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông

Xem video phần II

Chương trình được kết thúc với Hợp ca 400 Ca viên trên Cung Thánh hát vang lời ca: Thắp sáng lên trong con Tình yêu Chúa…để con mang tình yêu Chúa Giáng Sinh tới muôn người. Cuối cùng là bài thánh ca bất hủ: Hát khen mừng Chúa Giáng Sinh ra đời trong tiếng vỗ tay nhịp nhàng mà lòng rộn lên một niềm vui khôn tả.

Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông Lần II, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã kết thúc 6:00 chiều cùng ngày, cùng với bữa ăn tối nhẹ dưới Hội trường Trần Duy Nhất và phút tâm tình chia sẻ. Mọi người nói lên niềm vui gặp gỡ hôm nay, dù rằng rất mệt, nhưng niềm vui còn lớn hơn rất nhiều. Mọi người ra về lòng còn nao nao một niềm vui an bình tràn ngập, hẹn gặp nhau lại trong Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông lần III, ngày mồng 6 tháng 12 năm 2020 tại Giáo Xứ St Helena, Philadelphia PA.

Vọng Sinh.

Arlington VA Dec. 8. 2019
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trách Nhiệm Chính Trị của người tín hữu Công Giáo
Trần Xuân Thời
13:03 10/12/2019
I- Nhập đề

1. Trên bình diện quốc gia, chúng ta cảm nghiệm được hưởng nhiều ơn phúc và sức mạnh, bao gồm cả truyền thống tự do tôn giáo và tự do tham gia chính trị. Tuy nhiên, với tư cách của một công dân, chúng ta cũng đương đầu với các thử thách quan trọng về chính trị và luân lý.

2. Chúng ta, USA, là một quốc gia được hình thành dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền “tự do sinh sống, tự do hành động và tự do tìm kiếm hạnh phúc”, nhưng chính quyền sống cũng không được bảo vệ, đặc biệt cho trẻ em đang được mang thai, là những thành viên dễ bị hại nhất trong đời sống gia đình tại Hoa Kỳ.

Chúng ta được mời gọi để duy trì hoa bình cho các quốc gia lâm chiến. Chúng ta là một quốc gia quyết tâm theo đuổi “Tự do và công lý cho tất cả mọi người”, nhưng cũng thường chia rẻ về chủng tộc, sắc dân và sự bất quân bình về đời sống kinh tế.

Chúng ta là một quốc gia di dân, nhưng cũng đang nổ lực đối phó với nhiều thử thách với nhiều người di dân cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng ta là một xã hội được xây dựng trên sức mạnh của gia đình, được mời gọi để baỏ vệ hôn nhân và hổ trợ về đời sống luân lý và kinh tế cho đời sống gia đình. Chúng ta là một quốc gia hùng mạnh trong một thế giới bạo động, đương đầu với khủng bố, đang cố gắng xây dựng một thế giới an toàn, công chính và thanh bình hơn.

Chúng ta là một quốc gia giàu có nhưng vẫn có nhiều người sống trong nghèo khổ, thiếu săn sóc về y tế và các tiện nghi khác của đời sống.

Chúng ta là một thành phần của cộng đồng thế giới đang đương đầu với các thử thách khẩn thiết về môi trường nơi chúng ta đang sinh sống. Những thử thách nầy xảy ra ngay trong cuộc sống công cộng và giữa lúc chúng ta đang đi tìm kiếm hạnh phúc.

3. Trong nhiều năm qua, các Giám mục tại Hoa Kỳ đã tìm cách chia sẻ giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về đời sống chính trị bằng cách xuất bản một số văn bản cứ bốn năm một kỳ chú ý đến “Trách nhiệm chính trị “hay “Bổn phận công dân của người Tín hữu”. Trong số này, các vị giám mục tiếp tục duy trì sự liên tục với những gì mà họ đã đề cập đến trong quá khứ trước những thách thức mới đối với quốc gia của chúng ta và của thế giới.

Đây không phải là những giáo huấn mới mà là sự xác nhận những gì Hội Đồng Giám Mục và Giáo Hội đã hướng dẫn. Người Công Giáo là nhân tố của một cộng đồng với gia bảo phong phú đã hổ trợ chúng ta lưu tâm đến các thách đố trong đời sống công cộng và đóng góp vào công tác xây đựng công lý và sự an cư lạc nghiệp cho mọi người.

4. Một phần của truyền thống phong phú đó là Giáo Huấn của Công Đồng Vatican II qua bản Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo. (Dignitatis Humanae).” Xã hội có thể hưởng lợi về công bình và an lạc phát xuất từ sự trung thành với Thiên Chúa và ý chí của Ngài” (no.6).

Sự duy trì công lý đòi hỏi người tín hữu phải được giáo dục về tình và lý để am hiểu và thực hành đức tin Công Giáo toàn vẹn.

5. Văn bản nầy chú tâm đến vai trò của Giáo Hội trong sự hình thành tâm tính và trách nhiệm luân lý thích ứng của người Kitô hữu để lắng nghe, thu nhận và thực thi theo giáo huấn của Giáo Hội trong vần đề đào luyện lương tâm suốt đời của mình. Với căn bản nầy, người Kitô hữu có thể lượng giá lập trường của các chính sách, chủ trương của chính đảng, sự hứa hẹn và hoat động của các ứng cử viên theo tinh thần Phúc Âm và theo giáo huấn của Giáo hội về luân lý và xã hội để hình thành một thế giới hoàn thiện hơn.

6. Chúng ta tìm cách thực hiện quan điểm nầy qua bốn vấn nạn:

(1) Tai sao Giáo hội giáo huấn về các đề tài liên quan đến chính sách chung.

(2) Những ai trong Giáo hội nên tham gia vào đời sống chính trị.

(3) Làm thế nào Giáo hội giúp Kitô hữu phát biểu về các vấn đề chính trị và xã hội.

(4) Quan niệm của Giáo hội như thế nào về vấn đề giáo huấn xã hội cho công chúng.

7. Trong văn bản nầy, các Giám mục không có ý nhắn nhủ người Kitô hữu bấu phiếu cho ai hoặc không bầu phiếu cho ai. Mục đích là giúp Kitô Hữu hình thành lương tâm theo chân lý của Thiên Chúa. Trách nhiệm lựa chọn trong đời sống chính trị tùy thuộc vào mỗi Kitô hữu xét theo lương tâm được hình thành một cách chính trực của mình và sự tham gia đó vượt quá hành vi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử.

8. Trong những năm bầu cử, có nhiều tài liệu hướng dẫn cử tri được xuất bản và quảng bá, khuyến khích Kitô hữu tìm những nguồn tài liệu do các Giám mục sở tại, các Nghị Hội Công Giáo tại tiểu bang và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho phép. Văn bản nầy được công bố nhằm phản ảnh và bổ túc nhưng không thay thế giáo huấn thường trực của các Giám Mục trong giáo phận và tiểu bang riêng của mỗi người. Qua nội dung của các suy gẫm nầy và của các vị Giám Mục điạ phương, khuyến khích Kitô hữu trên toàn quốc Hoa Kỳ tích cực tham gia tiến trình chính trị, đặc biệt trong những gịai đoạn có nhiều thách đố nầy.

II- Tại sao Giáo hội giáo huấn về các vần đế ảnh hưởng đến chính sách chung.

9. Giáo Hội có nhiệm vụ tham gia vào sự hình thành nền luân lý của xã hội phát xuất từ sự đòi hỏi của đức tin. Đó là phần căn bản của sứ mệnh mà chúng ta được Chúa Kitô giao phó, Người đã ban cho chúng ta một viễn kiến về đời sống được mặc khải cho chúng ta qua Kinh Thánh và Thánh Truyền.

Qua giáo huấn của Công Đồng Vatican II, Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, chứng tỏ cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa, cũng như ý nghĩa chân chính của loài người (qua Thông Điệp Vui Mừng và Hy Vọng- Gaudium et Spes, no.22). Tình yêu của Chúa Kitô cho chúng ta thấy nhân phẩm của con người một cách toàn vẹn và buộc chúng ta yêu tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta. Chúa Kitô, bậc Thầy, hướng dẫn cho chúng ta biết thế nào là chân chính và thánh thiện, nghĩa là thế nào là phù hợp với bản chất của con người tự do và thông minh, được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa và được Thiên Chúa ban cho nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm.

10. Đức tin dạy chúng ta về nhân phẩm làm người và về sự thiêng liêng của đời người giúp chúng ta thấy rõ thêm về chân lý điều chúng ta cảm nhận được qua khả năng lý trí mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Sự tôn trọng nhân phẩm của mỗi người là điểm chính của các chân lý nầy. Đó là chủ đích của Giáo Huấn Công Giáo về luân lý và xã hội. Vì chúng ta là người của cả đức tin lẫn lý trí, chúng ta cần phải quảng bá chân lý thiết yếu nầy về đời sống và nhân phẩm của nhân thế trước công chúng. Chúng ta được mời gọi để thực thi giới răn của Chúa “Chúng con phải thương yêu lẫn nhau” (Jn 13:34). Chúng ta cũng được mời gọi để thăng tiến an sinh cho nhau, chia sẻ ân sủng, với những người có nhu cầu bảo vệ hôn nhân, để bảo vệ đời sống và nhân phẩm cho mọi người, đặc biệt cho những người yếu đuối, những người dễ bị xâm phạm, những người không có khả năng nói lên nguyện vọng của mình. Trong Tông Thư đầu tiên “Deus Caritas”, ĐGH Benedictô XVI đã giải thích” Bác ái phải khởi động toàn cuộc sống của người tín hữu và do đó cũng tham gia vào các sinh hoạt chính trị trong tinh thần bác ái xã hội”

11. Cũng có người hỏi Giáo hội có nên đóng một vai trò trong đời sống chính trị. Vâng, không trực tiếp, nhưng qua giáo hữu, Giáo Hội có bổn phận giáo huấn về những giá trị luân lý để định ình cho đời sống, kể cả đời sống công cộng của chúng ta. Đó là sứ mênh chính do Chúa Kitô ban cho Giáo hội. Ngoài ra, Hiến Pháp của Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do cho tín hữu cá nhân và các cơ sở tôn giáo được quyền tham gia và phát biểu tư tưởng mà chính quyền không được can thiệp, tỏ thái độ thiên vị hay kỳ thị. Dân luật phải công nhận và bảo vệ quyền hạn, bổn phận và cơ hội tham gia vào xã hội không được thúc dục phế bỏ hay làm ngơ những sự tin tưởng chính yếu của Giáo hội. Truyền thống tôn trọng đa nguyên của chúng ta được khuyến khích hơn là bị đe doạ, khi các đoàn thể tôn giáo và tín hữu mang sự tin tưởng và quan tâm vào đời sống công cộng. Dĩ nhiên, Giáo huấn của Giáo hội phù hợp với những giá trị căn bản đã định hình lịch sử của quốc gia chúng ta.” Tôn trọng sự sống, tự do hành động và theo đuổi hạnh phúc ”, như đã được công bố trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ năm 1776.

12. Cộng đồng Công Giáo mang lại những tích sản quan trọng cho cuộc đối thoại chính trị về tương lai của quốc gia chúng ta. Chúng ta mang lại một khung cảnh luân lý kiên cố - phát xuất từ những suy lý nhân bản được soi sáng qua Kinh Thánh và Giáo huấn của Gíáo Hội - để lượng định các chủ đề, lập trường chính trị và các cuộc vận động. Chúng ta cũng mang lại kinh nghiệm rộng rải trong sự phục vụ những người thiếu thốn, - giáo dục giới trẻ, chăm sóc người bệnh, cung cấp thực phẩm cho người đói khát, tiếp đón những người di dân và tỵ nạn, tham gia vào công tác đoàn kết trong hoàn vũ và theo đuổi hạnh phúc.

III-Những ai trong Giáo hội phải tham gia vào Đời Sống Chính Trị

13. Theo Truyền thống của Giáo hội, trách nhiệm công dân là một đức tính và sự tham gia vào đời sống chính trị là một bổn phận luân lý. Bổn phận nầy bắt nguồn tử sự cam kết khi chịu Phép Rửa Tội để theo Chúa Kitô và mang chứng nhân Kitô hữu vào trong mọi hoạt động của chúng ta. Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC) lưu ý chúng ta “Mỗi tín hữu theo vị thế và vai trò của mình, phải tham gia vào sư thăng tiến phúc lợi chung”. Bổn phận nầy có tính cách cố hữu trong nhân phẩm làm người. Tùy theo khả năng, các ông dân phải tham gia tích cực vào đời sống công cộng“ (CCC. 1913-1915).

14. Khốn thay, chính trị trong quốc gia chúng ta thường là nơi tranh quyền, chính đảng đấu đá nhau bằng ngôn từ và qua báo chí. Giáo hội kêu gọi một phương thức cạnh tranh khác. Một phương thức tranh luận dựa trên luân lý và chú trọng đến nhân phẩm, sự theo đuổi công ích, sự bảo vệ những người yếu đuối và dễ bị xâm phạm. Giáo hội kêu gọi các tín hữu xác nhận sự quan trọng của vấn đề tham gia chính trị và minh định rằng phục vụ công ích là một ơn gọi đáng giá.

Là người Công Giáo, chúng ta phải được huớng dẫn thêm bởi lòng tin vào các nguyên tắc luân lý hơn là vào các sinh hoạt liên quan đến chính đảng hay nhóm quyền lợi. Khi cần, sự tham gia của chúng ta phải nhằm mục đích giúp cải cách, biến đổi các chính đảng mà chúng ta đang hoạt động; Chúng ta không nên để chính đảng cải cách chúng ta khiến cho chúng ta chểnh mãng hay loại bỏ các nguyên tắc luân lý căn bản. Chúng ta được mời gọi để cùng nhau mang lại những nguyên tắc và sự chọn lựa về chính trị, những giá trị và lá phiếu của chúng ta để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

15. Giáo sĩ và giáo dân có vai trò bổ sung cho nhau trong đời sống công cộng. Các Giám Mục, có bổn phận chính yếu rao truyền giáo huấn của Giáo hội về luân lý và chính trị. Với các Linh Mục và Phó Tế được sự trợ giúp của các tu sĩ và giáo dân của Giáo hội. Các Giám Mục giảng huấn về các nguyên tắc luân lý căn bản để có thể giúp các tín hữu Công Giáo hình thành lương tâm một cách chính trực về những khía cạnh luân lý liên quan sự quyết định trong chính sách chung, để khuyến khích người tín hữu thực hiện trách nhiệm của họ trong đời sống chính trị. Khi hoàn thành những trách nhiệm nầy, các nhà lãnh đạo của Hội Thánh nên tránh uỷ nhiệm hay chống đối các ứng cử viên hay khuyên quần chúng nên bầu như thế nào.

ĐGH Benedictô XVI đã nhắc nhở qua Tông Thư Deus Caritas Est như sau: “Giáo hội muốn giúp giáo dân hình thành lương tâm trong đời sống chính trị và khích lệ sự tìm hiểu sâu xa hơn về những đòi hỏi chính đáng về công lý cũng như sự sẵn sàng hành động thích nghi, ngay khi những hoạt động nầy có thể xung đột với các trường hợp có ích lợi cá nhân. Giáo hội không thể và không nên tự đảm trách việc tranh đấu chính trị để mang lại một xã hội công bằng như ý. Giáo hội không thể và cũng không nên thay thế chính quyền. Tuy nhiên, đồng thời Giáo hội không thể và không nên giữ thái độ im lặng như người ngoại cuộc trong công tác tranh đấu cho công lý. (no.28)”

16. Như Đức Thánh Cha cũng đã giáo huấn trong Thông Điệp Deus Caritas Est” Bổn phận trực tiếp hoạt động cho một xã hội được trật tự là việc chính đáng của mỗi tín hữu” (no.29). Bổn phận nầy ngày nay khẩn trương hơn bao giờ hết trong môi trường chính trị, nơi dó người Công Giáo có thể có cảm nghĩ bị tách rời ra khỏi đời sống chính trị, có cảm tưởng như có quá ít ứng cử viên chia sẻ với quan niệm của Giáo hội, cam kết đối với đời sống và nhân phẩm của con người từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi lâm chung.

Tuy nhiên, bây giờ không phải là thời gian thoái thác hay nản chí, mà hơn thế nữa là thời gian canh tân sự cam kết. Canh tân lương tâm theo giáo huấn của Giáo hội, tín hữu Công Giáo nam, nữ, có thế tích cực tham gia vaò việc ứng cử vào các chức vụ công cử, làm việc với các chính đảng, thông đạt các nguyện vọng và lập trường cho các vị dân cử, và tiếp tay với chương trình mục vụ của giáo phận hay các tổ chức tán trợ, các Hội Công Giáo, các chương trình cộng đồng, và những cố gắng áp dụng các giáo huấn chính thống về luân lý cho quần chúng. Ngay đến những người không thể đầu phiếu cũng có quyển đạo đạt nguyện vọng gây ảnh hưởng đến đời sống của họ và đến phúc lợi chung.

IV- Hội Thánh giúp đở các Tín Hữu đạo đạt nguyện vọng về các vấn đề Chính Trị và Xã hội như thế nào: Một Lương Tâm được đào luyện đầy đủ.

17. Giáo hội trang bị cho tín hữu để đạo đạt các vấn nạn về chính trị và xã hội bằng cách giúp tín hữu phát triển một lương tâm Công Giáo. Tín hữu Công Giáo có bổn phận đaò luyện lương tâm suốt cuộc đời phù hợp với lý trí của con người và giáo huấn của Giáo Hội. Lương tâm không phải là cơ năng thích nghi để thực hiện điều chúng ta mong muốn, cũng không phải là cảm xúc về những việc chúng ta phải làm hay không nên làm. Hơn thế nữa, lương tâm là tiếng nói của Thượng Đế vang vọng trong tâm hồn của chúng ta, linh thông chân lý cho chúng ta và mời gọi chúng ta làm những việc lành và tránh xa những điều ác. Lương tâm luôn đòi hỏi chúng ta cố gắng quyết định một cách chính trực dựa trên đức tin của chúng ta như đã ghi trong sách Giáo Lý Công Giáo: “Lương tâm là sự phán xét của lý trí nhờ đó con người nhận ra được những đức tính luân lý của việc sẽ làm, trong khi đang thực hiện hay đã làm xong. Trong các giai đoạn nầy, con người buộc phải áp dụng một cách trung thành những gì mình biết là công chính và phải đạo: (CCC.1778)

18. Sự đào luyện lương tâm gồm nhiều yếu tố: Thứ nhất là có sự ước muốn về sự thật, những điều tốt lành. Đối với người tín hữu, đây là giai đoạn bắt đầu với lòng mong muốn và cởi mở đi tìm sự thật, những gì chính trực và đúng sự thực bằng cách học hỏi Kinh Thánh và Giáo huấn của Hội Thánh có trong sách Giáo Lý Công Giáo. Ngoài ra, nghiên cứu các sự việc xảy ra và lý do khi quyết định lựa chọn các giải pháp. Cuối cùng, cầu nguyện là điều khẩn thiết để minh định ý muốn của Thiên Chúa. Người tín hữu Công Giáo cũng phải hiểu rằng nếu không đào luyện lương tâm, họ có thể quyết định lầm lẫn.

Đức tính Thận Trọng

19. Giáo hội thăng tiến vấn đề đào luyện lương tâm không chỉ bằng cách giáo huấn về các chân lý, về luân lý mà còn bằng cách khuyến khích tín hữu phát triển đức tính thận trọng. Đức tính thận trọng giúp chúng ta “minh định được sư thánh thiện trong mọi hoàn cảnh và tuyển chọn được phương thế đứng đắn để thực hiện”. (Giaó lý Công Giáo, no.1806). Đức tính thận trọng định hình và biểu lộ khả năng của chúng ta khi bàn thảo về các giải pháp, giúp chúng ta quyết định phuơng cách nào thích ứng nhất cho sự thực thi công tác và quyết tâm hành động. Thực thi đức tính thận trọng thường đòi hỏi sự can đảm hành động theo các nguyên tắc luân lý khi chấp nhận các quyết định làm thế nào để xây dựng một xã hội công bình và an lạc.

20. Giáo huấn của Giáo hội rõ ràng là “cứu cánh tốt không biện minh cho phương tiện xấu - a good end does not justify for an immoral means”. Khi chúng ta tìm cách thăng tiến công ích - bằng cách biện hộ cho sự sống của con người từ lúc được mang thai cho đến khi lâm chung, bằng cách bảo vệ hôn nhân, cho kẻ đói ăn, cho khách đậu nhà, tiếp nhận di dân, và bảo vệ môi trường - cần phải nhận thức được rằng không phải mọi giải pháp nầy đều được chấp nhận về khía cạnh luân lý. Chúng ta có trách nhiệm minh định chính sách nào hợp lý. Người Công Giáo có thể lựa chọn phương cách khác để đáp ứng với các nhu cầu cấp thiết của các vấn đế xã hội, nhưng chúng ta không thể làm khác với trách nhiệm luân lý nhằm xây dựng một thế giới công bình và an lạc theo các phương tiện được chấp nhận về phương diện luân lý, hầu người nghèo khổ, người dễ bị xâm phạm được bảo vệ, nhân quyền và nhân phẫm được bảo toàn.

Làm lành lánh dữ

21. Được trợ lực bởi đức tính thận trọng trong khi thực thi lương tâm chính trực, người tín hữu được mời gọi hình thành những quyết định lựa chọn thiện và ác trong đấu trường chính trị.

22. Có những vấn đề chúng ta không nên thực hiện, với tư cách cá nhân hay tư cách tập thể, vì những vấn đề nầy không phù hợp với với tình yêu của Chúa và với tha nhân. Vì các hành vi nầy quá khiếm khuyết đì ngược lại với tính bổn thiện của con người. Các hành vi nầy được gọi là những hành vi “chí ác” (Malum in se). Chúng ta phải loại bỏ, chống đối và không bao giờ trợ lực hay khoan dung. Như sự cố tâm kết liễu mạng sống, như phá thai, giúp người khác kết liễu cuộc đời hay trợ tử. Tại quốc gia nơi chúng ta đang sống “Phá thai và trợ tử đang là mối đe doạ cho nhân phẩm của con người, vì các hành vi nầy đang tấn công chính đời sống, là điều thiện căn bản nhất làm điều kiện cho mọi việc khác”. “Abortion and euthanasia have become preeminent threats to human dignity”. (Living the Gospel of Life no.5). Thật là một sự sai lầm với các hậu quả luân lý trầm trọng khi xem sư huỷ hoại đời sống vô tội chỉ vì vấn đề tôn trọng sự lựa chọn cá nhân (pro choice). Một hệ thống pháp lý vi phạm quyền sống căn bản dựa trên sự lựa chọn là một khuyết điểm từ bản gốc.

23. Cũng vậy, sự đe dọa trực tiếp đến thiên tính và nhân phẫm như thụ nhân (human cloning) hay nghiên cứu trên thai nhi là những hành vi độc ác. Những hành vi nầy cần được chống đối. Những sự xúc phạm khác trên đời sống người vô tội và vi phạm nhân phẩm, như diệt chủng, tra tấn, kỳ thị chủng tộc, sắc dân hay khủng bố thường dân, gây chiến, có thể không bao giờ được biện minh.

24. Sự chống đối các hành vi ác ôn đối với nhân phẩm nhằm mở mắt cho chúng ta thấy những việc tốt mà chúng ta phải thực hiện, nghĩa là chúng ta có bổn phận tích cực đóng góp vào công ích và hành động liên kết những ai đang cần sự giúp đở. ĐGH Gioan Phao Lồ II đã dạy. “Sự kiện chỉ thực hiện những mệnh lệnh tiêu cực (như chống đối) luôn luôn bắt buộc trong mọi hoàn cảnh không có nghĩa là trong đời sống luân lý những sự cấm kỵ quan trọng hơn những bổn phận làm việc thiện do các mệnh lệnh tích cực thúc đẩy” (Veritatis Slendor, no.52). Cả hai hành động chống đối hành vi độc ác và thưc thi việc thiện đều là những bổn phận thiết yếu.

25. Quyền sống ám tàng và liên quan đến các nhân quyền khác; đến các điều thiện căn bản mà mọi người cần có để sống và phát triển. Tất cả mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống liên hệ với nhau vì sự kính trọng bị suy thoái đối với một cá nhân hay một nhóm người trong xã hội sẽ làm suy thoái toàn bộ cuộc sống của con người. Các ràng buộc về luân lý đáp ứng nhu cầu của tha nhân – các nhu cầu cần thiết như thực phẩm, nhà ở, chăm sóc bệnh nhân, giáo dục, và công ăn việc làm – là những ràng buộc phổ quát đối với lương tâm của chúng ta và có thể được chính thức thoã mãn bằng nhiều phương cách khác nhau. Tín hữu Công Giáo phải tìm kiếm cách thế hay nhất để đáp ứng các nhu cầu nầy. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã dạy, “Mỗi tín hữu đều có quyền sống, có quyền giữ gìn toàn vẹn cơ thể, quyến xử dụng các phương tiện thích ứng cho sự phát triển nhân sinh, như thực phẩm quần aó, nhà ở, nghỉ ngơi, y tế, và cuối cùng những nhu cầu về tiện ích xã hội. (Pacem in Terris, no.11)

26. Thánh GH Gioan Phao Lồ II giải thích sự quan trọng của Giáo Huấn Công Giáo:

Trên hết, tiếng kêu gào chung, được vang lên nhân danh nhân quyền – ví dụ quyền hưởng sự chăm sóc về y tế, nhà ở, việc làm, gia đình, văn hóa, - là giả tạo và không tưởng nếu quyền sống, là quyền căn bản nhất và là điều kiện cho tất cả các quyến cá nhân không đuợc bảo vệ tối đa” (Christifideles Laici, no. 38)

27. Hai cám dỗ trong đời sống công cộng có thể làm lêch lạc sự bênh vực của Giáo hội về nhân sinh và nhân phẩm:

28. Thứ nhất là sự tương tự về luân lý khiến con người không phân biệt được rõ ràng giữa nhiều loại chủ đề liên quan đến đời sống nhân loại và nhân phẩm. Sự trực tiếp và cố ý phá hoại đời sống vô tội của thai nhi, thay vì con nguời được sống đến khi lâm chung tự nhiên, là hoàn toàn sai và cũng không phải chỉ là một chủ đề giữa nhiều chủ đề khác. Sự việc nầy cần được hoàn toàn chống đối.

29. Thứ hai là sự xử dụng sai lầm các sự phân biệt về luân lý như là phương tiện để bác bỏ hay quên lãng, các đe doạ khác đối với cuộc sống và nhân phẩm. Kỳ thị chủng tộc và những kỳ thị bất công khác, sự áp dụng luật tử hình, trông cậy vaò các cuộc chiến bất công (unjust war), áp dụng phương pháp tra tấn, tội ác chiến tranh, và sự bất lực trong công tác đối phó với những người đau khổ vì nghèo đói, thiếu chăm sóc y tế, hay chinh sách di dân bất công, là tất cả những vấn đề luân lý thử thách lương tâm và đòi hỏi chúng ta phải hành động.

Đó không phải là vấn đề nhiệm ý có thể bỏ qua. Nguời tín hữu Công Giáo được thúc dục quan tâm đến Giáo Huấn Công Giáo về các vấn đề nầy. Mặc dầu sự lựa chọn làm sao đề đáp ứng với những vấn nạn nầy và những vấn đề đe doạ cấp thiết khác, đối vơí đời sống và phẩm giá là những vấn đề cần thảo luận và quyết định, đây không phải là những vấn đề nhiệm ý hay cho phép tín hữu Công Giáo bỏ qua hay không lưu tâm đến Giáo Huấn Công Giáo liên quan đến các vấn đề nầy. Rõ ràng là mỗi người Công Giáo có thể tham gia tích cực vaò các vấn đề nầy, nhưng chúng ta cần hổ trợ lẫn nhau như là một cộng đồng đức tin để baỏ vệ đời sống và nhân phẩm mỗi khi bị đe doạ. Chúng ta không phải là phân số mà là một gia đình đức tin nhằm chu toàn sứ mệnh của Chúa Ktitô.

30. Học thuyết về Đức Tin (Doctrine of the faith)

Phải lưu ý rằng lương tâm Kitô hữu được đào luyện chính trực không được phép bầu cho lập trường chính trị hay ứng viên hay luật lệ đi ngược lại những chủ trương căn bản về đức tin và luân lý….

Quyết định theo Luân Lý

31. Quyết định về đời sống chính trị thật phức tạp và đòi hỏi một lương tâm được đào luyện vững vàng, được giúp sức bởi đức tính thận trọng. Lương tâm tác động từ một vị thế chính trực chống đối lại các luât lệ hay chính sách vi phạm đơì sống con người hay làm cho sự bảo vệ đời sống bị suy yếu. Những ai biết rõ, cố ý, trực tiếp hổ trợ các chính sách hay luật lệ làm suy yếu những nguyên tắc luân lý do Giáo hội chủ trương là cộng tác với tội ác.

32. Có khi các luât lệ bất nhân vẫn hiện hữu. Trong trường hợp nầy diễn trình thành hình luật lệ để bảo vệ đời sống phải được phán xét một cách thận trọng. Có khi tiến trình thận trọng nầy có thể dần dần phục hồi lại công lý. Thánh GH Gioan Phaolồ II đã dạy rằng khi một viên chức công quyền chống đối luật phá thai thất bại, người này có thể quay ra hổ trợ các chương trình bảo vệ thai nhi để “giảm thiểu tai họa do luật phá thai gây ra” (limiting the harm done by such a law). Người Công Giáo không bao giờ được từ bỏ công tác tìm kiếm phương cách bảo vệ đời sống của con người từ lúc mang thai đến khi lâm chung tự nhiên.

33. Sự phán xét thận trọng thật cần thiết để áp dụng các nguyên tắc luân lý trong khi chọn lựa chính sách như chiến tranh, gia cư, y tế, di dân, và các vấn đề khác. Nói thế không có nghĩa các sự lựa chọn có giá trị ngang nhau hay sự hướng dẫn của chúng tôi và của các vị lãnh đạo khác của Giáo hội chỉ là những ý kiến khác nhau về chinh sách hay sự lựa chọn chính sách giữa các người khác nhau. Hơn thế nữa, chúng tôi thúc dục những người Công Giáo lắng nghe các vị thượng phụ của Giáo Hội khi chúng tôi áp dụng Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo vào các đề nghị hay hoàn cảnh loại biệt. Sự phán xét và khuyến cáo mà chúng tôi đề nghị với tư cách là giám mục về các vấn đề đặc biệt không mang tính cách thẩm quyền như các lời tuyên bố có tính cách giáo huấn phổ quát. Tuy nhiên, sự hướng dẫn của Giáo hội về những vấn đề nầy là tài nguyên khẩn thiết cho tín hữu Công Giáo khi họ phán xét các quyết định có tính cách luân lý của họ xem thử có phù hợp với Thánh Kinh hay Giáo huấn của Giáo hội hay không.

34. Người Công Giáo thường gặp khó khăn khi phải quyết định bầu như thế nào. Đó là lý do tại sao phải bầu theo lương tâm đã được đào luyện vì chỉ khi đó mới có thể thấy được sự liên hệ rõ ràng giữa các điều ích lợi về phương diện luân lý. Người Công Giáo không thể bỏ phiếu cho ứng cử viên có lập trường thiên về việc ác như phá thai ... Trong các trường hợp như vậy, người Công Giáo sẽ bị phạm tội hợp tác với tội ác. “A Catholic cannot vote for a candidate who takes a position in favor of an intrinsic evil such as abortion…In such case, a Catholic woud be guilty of formal cooperation in grave evil”. Đồng thơì, cử tri cũng không được dùng lập trường chống đối tội ác của ứng cử viên để biện hộ cho sự hờ hửng của ứng viên đối với các vấn đề luân lý quan trọng khác có liên quan đến đơì sống và nhân phẩm của con người.

35. Cũng có khi người giáo hữu không chấp nhận lập trường của một ứng cử viên có quyết định bầu cho ứng cử viên đó vì các lý do luân lý khác. Bấu cử như vậy cũng có thể chấp thuận vì những lý do luân lý trầm trọng khác nhưng không phải để thăng tiến các lợi ích hạn hẹp có tính các phe phái hay lờ đi những tội ác căn bản.

36. Khi tất cả ứng cử viên chấp nhận lập trường hổ trợ điều xấu, người cử tri gặp phải tình trạng khó xử. Cử tri có thể quyết định không bầu ai hết hoặc bầu cho ứng cử viên ít có khuynh hướng phạm tội và có khuynh hướng theo đuổi phúc lợi chung.

37. Khi quyết định như vậy, người tín hữu có lương tâm được đào luyện nhận biết rằng không phải mọi vấn đề mang một trách nhiệm luân lý giống nhau và sự chống đối tội ác cũng đòi hỏi sự cân nhắc của lương tâm. Các quyết định như vậy phải xét đến sự cam kết, tư cách, và khả năng ảnh hưởng đến vấn đề được tranh cải. Cuối cùng, đó cũng là một quyết định mà mỗi tín hữu cần được hướng dẫn bởi lương tâm được đào luyện theo giáo huấn luân lý Công Giáo.

38. Điều quan trọng là người công dân lựa chọn về các quyết định chính trị không những có ảnh hưởng trên sự an bình và thịnh vượng mà còn ảnh hưởng đến sự cứu rỗi của mỗi người. Cũng vậy, các luật lệ, chính sách được các viên chức công cử hổ trợ có thể ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người công dân như ĐGH Benedicto XVI đã đề câp đến trong Tông thư “a Eucharist form of life”, nghĩa là tình yêu qua phép Thánh Thể có mãnh lực hình thành tư tưởng, lời nói, quyết định của chúng ta.

“Điều quan trọng cần lưu ý là Hội Đồng các Thượng Phụ mô tả... Sự thờ phượng làm vui lòng Thiên Chúa không bao giờ được xem là việc riêng tư…mà chúng ta cần nhân chứng cho đức tin của chúng ta.”Worship pleasing to God can never be a purely private matter, without consequences for our relationships with others: It demands a public witness to our faith” ( Sacramentum Caritas, no.83) Điều này hiển nhiên là chân chính cho tất cả những người tín hữu, nhất là đối với những ai đang tại vị có nhiệm vụ quyết định các vấn đề liên quan đến các giá trị căn bản của đời sống con người và sự bảo vệ đời sống đó từ khi mang thai cho đến khi chết; gia đình phải đươc xây dựng trên hôn nhân giữa nam và nữ, cha mẹ phải có tự do giáo huấn con cái, và thăng tiến phúc lợi chung dưới nhiều hính thức…

39. Đức Thánh Cha đã kêu gọi các chính trị gia Công Giáo và các nhà lập pháp nhìn nhận trách nhiệm trọng đại của họ trong xã hội để hổ trợ các luật lệ tôn trọng các giá trị căn bản của con người và thúc đẩy họ chống đối các luật lệ, chính sách vi phạm quyền sống và nhân phẩm trong mọi giai đoạn từ trong tình trạng thai nhi đến lúc lâm chung tự nhiên. Đức Thánh Cha xác nhận trách nhiệm của hàng Giám Mục trong việc giáo huấn những giá trị nầy cho giáo dân.

V- Học Thuyêt Xã hội Công Giáo

40. Nền luân lý được áp dụng thường xuyên trong đời sống tạo thành một khung cảnh luân lý cho người Công Giáo tham gia vào đời sống chính trị và được hiểu một cách đứng đắn chứ không lẫn lộn cho rằng mọi vấn đề như có giá trị luân lý như nhau và cũng không thu hẹp giáo huấn Công Giáo vào một hay hai vấn đề. Luân lý Công Giáo phát xuất từ sư cam kết của Giáo hội trong vấn đề bảo bệ đời sống của con người từ khi được đậu thai cho đến khi chết theo luật tự nhiên và tôn trọng nhân phẩm của mỗi người như là con cái của Thiên Chúa. Nền luân lý đó kết hợp nhân loại như “Một con người của sự sống và cho đời sống” (Evangelium Vitae, no.6, 77) mà Thánh GH Gioan Phao Lồ II gọi là “Văn hoá của sự sống- Culture of life”. Văn hoá nầy bắt nguồn từ sự bảo vệ thai nhi khỏi phải bị tấn công và tiếp tục bảo vệ khi nào thai nhi còn bị de doạ …

41. Cử tri Công Giáo phải xét định lập trường của các ứng cử viên theo giáo huấn của Giáo hội về những vấn đề liên quan đến đời sống và nhân phẩm của con người cũng như các vấn đề liên quan đến công lý, hoà bình và phải lưu tâm đến sự thanh liêm, chủ trương cá nhân và thành tích của mỗi ứng cử viên. Người tín hữu phải nhìn xa hơn cương lĩnh và chương trình của các chính đảng và chọn ứng cử viên theo lương tâm chứ không theo khuynh hướng chính trị đảng phái hay tư lợi cá nhân. (Living the Gospel of life, no 33)

42. Là cử tri Công Giáo chúng ta không bầu cho một lập trường duy nhất. Vì ứng cử viên hổ trợ môt lập trường duy nhất không đáng để bầu. Tuy nhiên nếu lập trường của ứng cừ viên hổ trợ phá thai hay kỳ thị chúng ta không được hổ trợ các ứng viên như vậy.

43. Như đã trình bày, cử tri Công Giáo phải trung thành với các nguyên tắc được hướng dẫn qua Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội về phương diện luân lý và theo lương tâm chính trực của những người có thiện tâm.

QUYỀN SỐNG VÀ PHẨM GIÁ CỦA CON NGƯỜI

44. Đời sống của con người là thiêng liêng. Nhân phẩm của con người là nền tảng của viễn tượng luân lý của xã hội. Hành vi tấn công những người vô tội không được chấp nhận trong bất cứ giai đọan nào của đời sống…

45. Giáo huấn Công Giáo về sự tôn trọng nhân phẩm kêu gọi chúng ta chống đối: Các sự tra tấn, chiến tranh phi nghĩa, luật tử hình, ngặn chận sự diệt chủng, sự tấn công người thường dân, chống kỳ thị để vượt qua sự nghèo đói và đau khổ. … Chúng ta bảo toàn đời sống thai nhi, đời sống của những người bị đe doạ vì chiến tranh, vì thiếu thực phẩm…và đơì sống của nhân loại là con cái của Thiên Chúa.

LỜI MỜI GỌI LIÊN QUAN ĐẾN GIA ĐINH, CỘNG ĐỒNG

46. Đời sống con người chẵng những có tính cách thiêng liêng mà còn có tính cách xã hội chỉ có thể được phát triển toàn diện trong sự tương quan với những người khác. Gia đình căn bản phát xuất từ hôn nhân giữa một Nam và một Nữ để nuôi dưởng con cái. Gia đình phải được bảo vệ và thăng tiến. Gia đình đã bị khuynh hướng đồng tính luyến ái làm thay đổi tính cách thiêng liêng của hôn nhân. Định chế gia đình phải được baỏ vệ qua các chính sách và chương trình nhằm duy trì quyền lợi và trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái và sự giáo dục con cái.

47. Phương thức tổ chức xã hội - về kinh tế, chính trị, luật lệ và chính sách - ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chung và khả năng của cá nhân trong sự phát triển tiềm năng của mỗi người. Mọi người có quyền tham gia vào sự hình thành xã hội và thăng tiến an sinh chung …

48. Nguyên tắc phụ trợ lưu ý chúng ta là các tổ chức lớn trong xã hội không được lấp áp các tổ chức nhỏ mà phải có trách nhiệm phụ trợ để cùng nhau bảo vệ nhân phẩm, thỏa mãn nhu cầu nhân sinh và đồng tiến xã hội.

QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM

49. Nhân phẩm phải được tôn trọng và phúc lợi chung phải được thăng tiến…Mọi người đều có quyền sống, là quyến căn bản phát sinh ra các quyền khác như quyền đươc được sống xứng đáng, có thực phẩm đế ăn, nhà để ở, được chăm sóc khi lâm bệnh, già yếu, được làm việc, tự do tín ngưởng, xây dựng gia đình …Tất cả được bắt nguồn từ các căn bản tôn trọng nhân phẫm của con người…

50. Mười điều Tâm Niệm

Giáo huấn về tín lý và xã hội Công Giáo hướng dẫn cử tri, các viên chức công quyền được đề cử (appointed) hay được bầu cử (elected) phải tuân theo các nguyên tắc luân lý căn bản nhằm vào việc hình thành chính sách hoặc thi hành chính sách phải nhắm vaò 10 mục tiêu sau đây:

(1) Bảo vệ những người yếu đuối - kể cả trẻ em chưa sinh- bằng cách chấm dứt sự phá hoại thai nhi qua sự phá thai;

(2) Duy trì quốc gia khỏi lâm vaò cảnh bạo tàn bằng cách đối đầu với những vấn đề căn bản như phá thai, trợ tử, tự tử, dùng luật tử hình để ngăn chận tội phạm, trông cậy vào vũ lực để giải quyết tranh chấp thế giới;

(3) Minh định định chế hôn nhân là sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ. Hổ trợ đời sống luân lý, xã hội, kinh tế của gia đình, giúp đở cha mẹ giáo huấn con cái, tôn trọng đời sống và duy trì các giá trị luân lý xã hội;

(4) Tu chính luât lệ về di trú, kiểm soát sự an toàn biên giới, tôn trọng luật lệ, quan tâm đến các vấn đề di dân bắt buộc vì hoàn cảnh;

(5) Chống nạn nghèo đói bằng cách cung cấp việc làm, huấn nghệ, gia tăng mức sống tối thiểu, phát triển hệ thống cứu trợ, thương mãi quốc tế;

(6) Cung cấp y tế cho quần chúng thiếu chăm sóc y tế, trong lúc tôn trọng nhân phẫm, tự do tôn giáo trong hệ thống cung cấp y tế;

(7) Chống đối chính sách khích lệ sự kỳ thị, gây hấn, và các hình thức kỳ thị khác

(8) Khuyến khích sự hợp tác giữa các hiệp hội, cơ quan công quyền, tư nhân, để thăng tiến phúc lợi chung;

(9) Kiến tạo và áp dụng các giới hạn về vấn đề xử dụng vũ lực, khi nào được xử dụng, theo thẩm quyến nào, vấn đề tổn phí sinh mạng và biện pháp chuyển tiếp từ chiến tranh sang hoà bình…

(10)Xây dựng sự an bình bằng cách phối hợp với các cơ quan nhân quyền, tự do tôn giáo, thăng tiến sự công bằng về kinh tế và các công trình sáng tạo.

Tạm kết

(1). Người tín hữu Công Giáo phải hiểu rằng nếu lương tâm không được đào luyện ( formation), họ có thể quyết định lầm lẫn.

(2). Cả hai hành động chống đối các hành vi độc ác (phần tiêu cực) và thưc thi việc thiện (phần tích cực) đều là những bổn phận thiết yếu để chu toàn ơn gọi, loan truyền Tin Mừng cho nhân thế trong sự tôn trong sự sống của thai nhi, nhân phẫm, nhân quyền, tự do tôn giáo…

(3). Giáo hội hiện hữu để hướng dẩn, bảo vệ quyền sống là quyền căn bản cho mọi nhân quyền khác hầu mang lạị đời sống sung mãn cho nhân loại.

(4). Với tư cách là Giaó Hội điạ phương, các Giám Mục khuyến khích Kitô hữu trên toàn quốc Hoa Kỳ tích cực tham gia tiến trình chính trị, đặc biệt trong những giai đoạn có nhiều thách đố nầy.

(5). Sự tôn trọng nhân phẩm của mỗi người là điểm chính của các chân lý nầy. Đó là chủ đích của Giáo Huấn Công Giáo về luân lý và xã hội

(6) Luân lý Công Giáo phát xuất từ sư cam kết của Giáo hội trong vấn đề bảo bệ đời sống của con người từ khi được đậu thai cho đến khi lâm chung theo luật tự nhiên và tôn trọng nhân phẩm của mỗi người như là con cái của Thiên Chúa. Nền luân lý đó kết hợp nhân loại như “Một con người của sự sống và cho đời sống” (Evangelium Vitae, no.6, 77

(7) Sự thờ phượng làm vui lòng Thiên Chúa không bao giờ được xem là việc riêng tư…mà cần nhân chứng cho đức tin của chúng ta.”Worship pleasing to God can never be a purely private matter, without consequences for our relationships with others: It demands a public witness to our faith” (Sacramentum Caritas, no.83)

(8).Trên hết, tiếng kêu gào chung, được vang lên nhân danh nhân quyền – ví dụ quyền hưởng sự chăm sóc về y tế, nhà ở, việc làm, gia đình, văn hóa, - là giả tạo và không tưởng nếu quyền sống, là quyền căn bản nhất và là điều kiện cho tất cả các quyến cá nhân không đuợc bảo vệ tối đa” (Christifideles Laity, no. 38)

(9). Tất cả mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống liên hệ với nhau vì sự kính trọng bị suy thoái đối với một cá nhân hay một nhóm người trong xã hội sẽ làm suy thoái toàn bộ cuộc sống của con người. “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” (Prov.). “Một phần tử được vinh quang cả tập thể được quang vinh “. (Bible).

(10). Người Công Giáo không thể bỏ phiếu cho ứng cử viên có lập trường thiên về việc ác như phá thai... Trong các trường hợp như vậy, người Công Giáo sẽ bị phạm tội hợp tác với tội ác. “A Catholic cannot vote for a candidate who takes a position in favor of an intrinsic evil such as abortion…In such case, a Catholic woud be guilty of formal cooperation in grave evil”.

(11). Điều quan trọng là người tín hữu lựa chọn về các quyết định chính trị không những có ảnh hưởng trên sự an bình và thịnh vượng mà còn ảnh hưởng đến sự cứu rỗi của mỗi người. Cũng vậy, các luật lệ, chính sách được các viên chức công cử hổ trợ có thể ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người công dân như ĐGH Benedicto XVI đã đề câp đến trong Tông thư “A Eucharist form of life”, nghĩa là tình yêu qua phép Thánh Thể có mãnh lực hình thành tư tưởng, lời nói, quyết định của chúng ta.

(12). Tại quốc gia nơi chúng ta đang sống “Phá thai và trợ tử đang là mối đe doạ cho nhân phẩm của con người, vì các hành vi nầy đang tấn công chính đời sống là điều thiện căn bản nhất làm điều kiện cho mọi việc khác” “Abortion and euthanasia have become preeminent threats to human dignity.” (Living the Gospel of Life no.5).

(13). Lương tâm không phải chi là cơ năng thích nghi để thực hiện điều chúng ta mong muốn, cũng không phải là cảm xúc về những việc chúng ta phải làm hay không nên làm. Hơn thế nữa, lương tâm là tiếng nói của Thượng Đế vang vọng trong tâm hồn của chúng ta, linh thông chân lý cho chúng ta và mời gọi chúng ta làm những việc lành và tránh xa những điều ác.

Trần Xuân Thời - Tóm lược phỏng theo chủ trương của HĐGM Hoa Kỳ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Hồng
Lê Trị
22:37 10/12/2019
CHIỀU HỒNG
Ảnh của Lê Trị

Hoàng hôn biển vắng mây hồng
Nhớ về người ấy áo hồng ngày xưa
(bt)
 
VietCatholic TV
Tại sao người Mỹ thắp nến bên cửa sổ trong mùa Giáng Sinh? Một câu chuyện thật cảm động
Giáo Hội Năm Châu
13:50 10/12/2019
 
AP: Đức Hồng Y Tagle được đưa về Vatican để trở thành Giáo Hoàng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:00 10/12/2019
Trong thông báo cực kỳ hiếm có vào một ngày Chúa Nhật - và trong một ngày lễ lớn – vào trưa ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, 62 tuổi, cho đến nay là người đứng đầu giáo phận lớn nhất Á châu tại Manila, trong chức vụ người đứng đầu Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, là thực thể hoạt động trong 400 năm qua để giám sát các công việc truyền giáo của Giáo Hội toàn cầu.

Động thái, diễn ra chỉ vài ngày trước khi Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ thường niên với các nhà lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh nhân dịp lễ Giáng Sinh, đã đặt Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle vào một vị trí quan yếu Giáo Hoàng có thể thúc đẩy cơ hội cho vị Hồng Y Á châu một ngày nào đó trở thành giáo hoàng.

Việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Tagle làm tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc làm nổi bật sự chú ý mà Đức Phanxicô dành cho Giáo hội ở các nước đang phát triển.

Các nhà quan sát về Vatican từ lâu đã thấy Đức Hồng Y Tagle có phẩm chất của một “papabile”, tức là một giáo sĩ được coi là có nhiều khả năng được bầu làm giáo hoàng một ngày nào đó bởi các vị Hồng Y khác.

Đức Hồng Y Tagle đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nâng lên hàng Hồng Y vào năm 2012. Phi Luật Tân là quốc gia có nhiều người Công Giáo nhất ở Á châu.

Việc hy sinh Đức Hồng Y Fernando Filoni, năm nay mới 73 tuổi, được đánh giá rộng rãi là vị tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc xuất sắc nhất trong vài chục năm trở lại đây, cho thấy rõ ý của Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đưa Đức Hồng Y Tagle vào tiêu điểm các chú ý trong các hoạt động của Tòa Thánh, và như thế, khả năng ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng được nhân lên gấp bội.


Source:Crux


 
Cảnh sát hé lộ các tình tiết vụ tấn công ở Đền Thánh Quốc Gia Hoa Kỳ hôm thứ Ba 10/12/2019
Giáo Hội Năm Châu
20:02 10/12/2019
Cảnh sát đã kết thúc một cuộc giằng co với nghi phạm vụ tấn công tại Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Hoa Kỳ khiến hai người bị thương.

Hai nhân viên bảo vệ tại đền thờ được tường thuật là là “đã tỉnh và có thể thở được” sau khi một người bị đâm và một người khác bị xe tông vào khoảng 9 giờ sáng thứ Ba ngày 10 tháng 12.

Theo Sở Cảnh sát thủ đô, một cú gọi 911 đã nhận được vào lúc 9:14 sáng sau khi một nữ nhân viên bảo vệ bị một chiếc ô tô đâm vào tại bãi đậu xe ở phía đông của Đền Thánh Quốc Gia Hoa Kỳ. Chiếc SUV của nghi can còn tông vào một loạt xe khác đang đậu trong bãi xe. Nghi phạm sau đó đuổi theo một nhân viên bảo vệ nam trước khi đâm anh ta ở bên trong Đền Thánh.

Nghi phạm sau đó đã trốn khỏi hiện trường trong một chiếc Lincoln Navigator, Chiếc xe sau đó được tìm thấy ở Tây Bắc Washington DC. Cảnh sát thủ đô cho biết, nghi phạm sau đó tử thủ trong nhà mình trước khi tự bước ra đầu hàng và bị cảnh sát giam giữ. Anh ta đã được đưa đến một bệnh viện để điều trị những vết thương nhẹ. Cảnh sát xác nhận đang làm hồ sơ truy tố.

Một tuyên bố từ Trợ lý Cảnh sát trưởng Jeffery Carroll tuyên bố rằng cảnh sát có thể liên lạc với nghi phạm trong thời gian y tử thủ, dẫn đến quyết định đầu hàng của y. Carroll nói rằng cảnh sát tin rằng nghi phạm có mối quan hệ gia đình với nữ nhân viên bảo vệ.

“Vụ tấn công dường như không phải do thù hận đức tin, nhưng do những mối quan hệ với những cá nhân làm việc tại đó,” Carroll nói. “Động lực mà chúng tôi có, sơ bộ mà nói, có vẻ như là vấn đề gia đình”.

Carroll cũng cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ tấn công. Carroll nói rằng nữ nhân viên bảo vệ đã bị nghi phạm dùng xe tông vào ít nhất là hai lần, và còn bị kẹp chặt giữa xe của anh ta và một chiếc xe khác trong một khoảng thời gian. Nhân viên bảo vệ nam đã bị đâm nhiều nhát bên trong Đền Thánh Quốc Gia sau khi nữ bảo vệ bị xe đâm.

“Cả hai nạn nhân đều ổn định tại một bệnh viện địa phương, thật là lạ lùng,” Carroll nói.

Không có thêm thông tin nào về nghi phạm đã được công bố. Không rõ liệu anh ta có tiền sử tội phạm hay anh ta đã từng làm việc tại Đền Thánh Quốc Gia hay không.

Jacquelyn Hayes, giám đốc truyền thông của Đền Thánh Quốc Gia, nói với CNA rằng nghi phạm đã quen biết cả hai nhân viên bảo vệ và không có thông tin nào khác được đưa ra vào thời điểm này.

Không có du khách hoặc khách hành hương đến đền thờ nào bị thương.


Source:Catholic Herald