Ngày 12-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Theo Thánh Gioan dọn đường cho Chúa
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:26 12/12/2020
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM B

THEO THÁNH GIOAN DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA

Mời gọi suy niệm gương thánh Gioan Tẩy Giả, một khuôn mặt của mùa Vọng –– qua chính lời khen ngợi của Chúa Giêsu: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”, Hội Thánh muốn ta lắng nghe và sống Lời Chúa để nên người “cao trọng”.

Cách duy nhất để thực hành Lời Chúa và nên cao trọng như thánh Gioan là: dọn đường. Nghĩa là canh tân cuộc sống của mình, lấp đi mọi ghồ ghề của chia rẻ, hận thù, lường gạt, mưu toan xấu, tính toán bẩn thỉu…

Tâm hồn là nơi Chúa ngự đến. Một khi ta biết dọn con đường đến tâm hồn, cho nó thông thoáng, Chúa mới có thể đến và có chỗ cư trú trong tâm hồn ta.

Cái đẹp của người dọn đường của Chúa ý thức mình dọn đường cho ai và Đấng mà mình dọn đường là ai.

Bởi đó, kẻ dọn đường đáng được tôn vinh. Thánh Gioan Tẩy giả là người dọn đường của Chúa, thánh nhân đáng được tôn vinh. Chính Chúa Kitô không tiếc lời khen ngợi người dọn đường cho mình:

“Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa… Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời cũng còn cao trọng hơn ông”.

Bắt đầu bằng những hình ảnh rất đời thường: cây sậy trước gió, một người ăn diện… Chúa Giêsu đưa người nghe càng lúc càng tiến xa, càng có giá trị cao dần, và càng xoáy vào trọng tâm của vấn đề.

Vấn đề trọng tâm ở đây là một con người, thánh Gioan, người mà Chúa muốn khắc họa thành hình tượng tiêu biểu giúp ta ấn tượng sâu, dễ nhớ hơn.

Lúc đầu chỉ là “cây sậy phất phơ trước gió” đến “một người ăn mặc lả lướt” rồi đến “một tiên tri”.

Sau cùng, vấn đề được sáng tỏ: Người dọn đường của Chúa: “Vì trong sách có lời chép rằng: ‘Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con’”.

Cũng bằng những hình ảnh ấy, Chúa Giêsu đưa ra vấn đề rồi phủ nhận nó, để mỗi lúc một xác định rõ hơn trọng tâm, làm cho trọng tâm có giá trị cao: “Các ngươi đi xem gì? Một cây sậy phất phơ trước gió ư?”. Cây sậy trong sa mạc đáng gì để mà xem! Hay là đi xem một người ăn mặc lả lướt? Họ ở đền vua, chẳng có ở trong sa mạc để mà xem.

Có một người gọi là tiên tri, còn hơn một tiên tri nữa: Gioan Tẩy giả.

Thánh Gioan cao trọng đến nỗi không có ai hơn được, thánh nhân là người dọn đường cho Chúa.

Nhưng Chúa vẫn chưa dừng lại. Gioan đã cao trọng lắm rồi, “nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”. Đó mới là điều đáng nói. Đó mới là điều quan trọng chúng ta cần khắc ghi và ý thức luôn luôn.

Kẻ dọn đường chẳng phải là người nhỏ hay sao? Hình như Chúa tự mâu thuẫn với chính mình trong lời của Người: Một mặt bảo “chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan”, nhưng sau cùng lại kết luận: “Người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”?

Vâng! Làm kẻ dọn đường thì không là người lớn. Chấp nhận làm kẻ dọn đường là chấp nhận mình nhỏ đi. Mà người nhỏ trong nước trời không có nghĩa là kẻ tầm thường, không phải là những người nhỏ nhoi ích kỷ, không bao giờ là loại người tiểu nhân, càng không phải là kẻ tội lỗi.

Người nhỏ nhất trong nước trời chỉ có thể là người lớn nhất khi họ tự chấp nhận mình trở nên nhỏ nhất.

Hóa ra lời Chúa Giêsu không mâu thuẫn. Dù thánh Gioan không lý luận, nhưng khi tự hạ làm người dọn đường, thánh nhân lập tức trở thành người nhỏ nhất trong nước trời.

Và nếu đã là người nhỏ nhất trong nước trời, thì chính thánh Gioan lại là người lớn nhất. Đó là danh dự của kẻ dọn đường. Danh dự này một mặt do chính công việc dọn đường tạo nên cho người dọn đường. Mặt khác rất cần thiết và rất quan trọng, đó là được Chúa Giêsu nhìn nhận và khen ngợi: “Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan”.

Chúa Giêsu không tiếc lời khen ngợi thánh Gioan, vì thánh Gioan là người dọn đường cho Chúa, thì chắc chắn Người cũng sẽ không tiếc lời khen ngợi bạn và tôi, nếu chúng ta biết dọn đường cho Chúa ngự vào tâm hồn mình. Vậy làm sao để trở thành người dọn đường cho Chúa? Dọn bằng cách nào?

Xung quanh chúng ta lúc nào cũng tràn ngập tiếng ồn, xao động. Âm thanh của tiếng ồn và âm thanh của những xao động trong lòng ta: nào là một nắng hai sương tảo tầng, tất bậc lo toan của cuộc sống, nào là mưu mô, dục vọng, đam mê… cuốn ta trôi theo chúng, làm lòng ta lúc nào cũng bộn bề.

Dọn đường để Chúa đến trong tâm hồn cũng có nghĩa là dọn tâm hồn bớt ồn ào, bớt xao động.

Bạn và tôi chỉ có thể làm điều này nếu mỗi ngày ta biết dành một chút lắng đọng tâm hồn, im lặng hoàn toàn để tự đặt mình trước Chúa và kiểm điểm con người của chính mình sau một ngày sống, một ngày làm việc. Nếu nhận ra mình còn thiếu sót thì cố quyết tâm sửa chữa.

Ta cũng hãy lợi dụng giây phút im lặng ấy, để dâng lên Chúa những xao động, những lo toan, những nỗi vui, nỗi buồn để lòng ta bớt căng thẳng, và sẽ được bình an.

Nếu thực hiện được như thế, chúng ta là người dọn đường của Chúa để Chúa đến trong tâm hồn mình. Được như thế chắc chắn Chúa sẽ khen ngợi ta là người nhỏ nhất trong nước trời, nhờ đó ta sẽ trở thành người cao trọng.

Đó là danh dự của chúng ta, kẻ dọn đường của Thiên Chúa.
 
Lời Ca Nguyện Cầu: Anh em hãy vui luôn trong Chúa
Giáo Hội Năm Châu
02:07 12/12/2020
 
Vui tươi trong tình yêu Chúa
Lm. Nguyễn Xuân Trường
04:33 12/12/2020
VUI TƯƠI TRONG TÌNH YÊU CHÚA

Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng được gọi là “Chúa Nhật Vui Mừng”. Để diễn tả niềm vui nên các cha mặc áo lễ màu hồng cứ như dâng lễ cưới vậy, chỉ có điều thiếu cô dâu chú rể thôi!

Vui thì ai mà chả thích. Điều quan trọng là: Vui điều gì? Làm chi để có niềm vui? Lời Chúa tuần này cho thấy không phải là niềm vui hưởng thụ có nhiều tiền bạc hay niềm vui thỏa mãn thân xác, mà là niềm vui tinh thần, niềm vui trong Chúa: Chúa yêu thương cứu độ con người và con người làm chứng về tình yêu Chúa.

1. Chúa yêu thương cứu độ. Ngôn sứ Isaia đã reo vui trong bài đọc I: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa. Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao. Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ.” Mẹ Maria cũng vui mừng cất tiếng ca: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” Thời buổi ngày hôm nay, người ta sẽ vui lắm nếu xóa sạch được dịch bệnh Covid-19, dỡ bỏ hết cách ly phong tỏa, để mọi người được sống vui vầy bên nhau. Thế thì, chúng ta còn vui hơn nữa khi được Chúa yêu thương cứu độ, xóa sạch mọi tội lỗi gây ngăn cách, nối lại liên hệ yêu thương gần gũi giữa con người với nhau và với Thiên Chúa.

2. Người làm chứng về Chúa. Phúc Âm kể chuyện thánh Gioan Tiền Hô làm chứng về Chúa là ánh sáng đến trong thế gian. Gioan kêu gọi mọi người dọn đường cho Chúa đến. Thực tế đời sống cho thấy: khi yêu quý ai thì người ta luôn vui vẻ hãnh diện giới thiệu người yêu cho gia đình, cho bè bạn cứ như thể không khoe người yêu là không chịu được. Thế thì, nếu yêu mến Chúa, chúng ta cũng sẽ vui vẻ làm chứng và giới thiệu cho những người xung quanh về một Thiên Chúa đã xuống thế để yêu thương cứu độ loài người.

Xin cho lòng dạ mỗi người chan chứa niềm vui vì cảm nhận được tình thương cứu độ của Chúa và vui sống làm chứng cho tình thương cứu độ tuyệt vời ấy. Amen.
 
CN III Vọng B
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
11:39 12/12/2020
CN III Vọng B

Có người được Chúa sai đến : ông đến để làm chứng.

Vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, tức quãng năm 1959, ai cũng công nhận câu gán ghép của Đức Athenagoras, Thượng Phụ chính thống giáo Constantinople là chí lý, là rất đạt, là cực kỳ hay, khi vị thượng phụ này gán một câu Phúc m thời xưa để ghép cho một người thời nay, là vị giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo Roma: “Có một người được Chúa sai đến, tên là Gioan” : Đây là câu Phúc âm chúng ta vừa nghe, được Đức Thượng Phụ Athenagoras Đông Phương ghép cho Đức Gioan 23, một Giáo Hoàng Roma Tây Phương.

Câu ghép này rất ý vị vì Đức Roncalli khi lên ngôi Giáo hoàng, lấy hiệu là Gioan (chứ nếu lấy Piô, Phaolô, Benedicto, thì sao gán được); và câu ghép này thật chí lý vì quả Đức Gioan 23, nay đã được phong thánh, là người “được Chúa sai đến” thật, một vị đến làm đảo lộn, canh tân lại bộ mặt của Hội thánh, để Hội Thánh không tì ố, không vết nhăn, mặc dầu đức Gioan lúc đó đã ngót nghét 80 tuổi, khuôn mặt đã nhiều nếp gấp, khoé mắt nhiều dấu chân chim, nhưng đúng là người được Chúa sai đến, đến để làm chứng cho con người thế kỷ 20 và 21 này.

Hôm nay ta chỉ mở đề với thánh Gioan 23 để vào đề với thánh Gioan Tẩy giả. Đề tài bài suy niệm Tin Mừng hôm nay là : Gioan, Kẻ Làm Chứng. “Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng.”

Vậy làm chứng là gì và làm chứng cái gì? Đó là 2 điểm ta sẽ trả lời.

1. Làm chứng là gì?

- Từ Điển tiếng Việt cho ta biết: Làm chứng là đứng ra xác nhận những gì mình thấy, đã nghe… Td : Làm chứng một tai nạn giao thông. Hai người làm chứng trong Hôn phối nghe và thấy rằng đôi bạn đã bày tỏ sự ưng thuận.

Người làm chứng thì không phải là đương sự. Như hai người làm chứng trong Hôn phối phải khác hai người ưng thuận lấy nhau. Ra toà, người làm chứng không thể là bị cáo hay nguyên đơn. Cũng vậy, Gioan được Chúa sai đến để làm chứng, thì cũng là để làm chứng về một điều gì, về một ai đó chứ không phải để làm chứng chính mình. Nếu có phải nói về mình là cũng chỉ nhằm làm chứng về người kia, như Gioan nói thẳng: không phải Kitô, tôi không phải là Êlia, không phải Ngôn sứ người ta trông đợi… “Tôi chỉ là tiếng kêu…” Gioan nói vậy để làm chứng cho những người đến dò hỏi Gioan, là hãy đi tìm Đấng Kitô nơi người khác đi.

- Nghĩa thứ hai của làm chứng mới đáng giá. Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan, ông đến để làm chứng. Phải mở chính nguyên bản Sách Thánh Hilạp xem tác giả Tin Mừng dùng chữ gì để khi nói đến làm chứng? Thưa : từ Marturios, cũng “từ” này còn có nghĩa tử đạo. Làm chứng tương đương với tử vì đạo, chết vì nghĩa. Kinh các thánh tử đạo : Lạy các thánh tử đạo là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô. Tiếng Anh, người tử vì Đạo là Martyr. Do đó, làm chứng không chỉ có nghĩa trả lời “có,” “không.” Tôi thấy cái này, tôi nghe cái kia, đưa ra bằng chứng, thế là xong, mà còn là bảo đảm cho điều mình làm chứng đi đến kết cuộc, dẫu có phải chết. Từ ngữ Việt phần nào nói được điều đó: LÀM chứng (chứ không phải “nói chứng,” “giơ chứng” «đưa chứng»: có một tích cực chứ không thụ động. Từ Hi lạp thì nói rõ : làm chứng là chết vì nghĩa. Quả Gioan đã chết vì làm chứng.

2. Làm chứng cho cái gì?

Bài Tin Mừng trả lời rõ ràng cho chúng ta: “Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan, ông đến để làm chứng. Và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Chỉ một câu ngắn mà đã có ba chữ “ánh sáng.”

Ánh sáng rất cần để thấy. Mắt không mù, nhưng không có ánh sáng thì cũng không thấy gì. Như trong đêm tối, đêm ba mươi, không có một tí ánh sáng gì, ta mở mắt mà đâu có thấy, phải vận dụng đôi tay sờ soạng dò đường.

Gioan đến là để làm chứng cho Ánh Sáng. Người Do Thái mở mắt mà nhìn không ra. “Ở giữa các ông có một vị mà các ông không biết”… “Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dép cho Người.” Sau này chính Chúa Giêsu đã gọi Gioan Tẩy Gỉa là chiếc đèn (Ga 5,33-36). Đêm mà không có lửa thì không có ánh sáng, Ánh sáng dùng đèn như một phương thế để chiếu soi. ĐGH Gioan 23 khi trả lời cho câu hỏi của một phóng viên rằng ĐGH chờ đợi gì ở Công đồng Vatican này (ta nên nhớ ĐGH Gioan 23 là vị có sáng kiến triệu tập CĐ Vaticano 2). Bằng một hành động tượng trưng, đức Gioan đi về phía cửa sổ vừa mở ra vừa nói : “Chờ đợi gì ư? Một chút gió.” Mở cửa thì gió thổi vào được : Gió là Thần Khí. Mở cửa thì ánh sáng mới vào được. Ánh sáng là Đức Kitô.

Khi tiếp vị đại sứ, đức Gioan (người được Chúa sai đến) nói : Phải rũ hết bụi đế quốc đã chồng chất lên toà thánh Phêrô kể từ thời vua Constantin ! Bụi phủ nhiều làm sao ánh sáng lọt vào. Phải phủi bụi đi thì mới thấy rõ ràng được. Đức Gioan cũng nói về Giáo Hội, sau bao thế kỷ bị phủ lên mình một lớp bụi dày: bụi cơ cấu, bụi tuyệt thông, bụi tiên báo sự dữ, tai họa… Hãy phủi đi thì anh em ly khai sẽ về, thế giới người đời sẽ tới với Giáo Hội. Hãy phủi, hãy cất những màn che để Ánh sáng Chúa Kitô lọt vào.

Có một người được Chúa sai đến, tên là Gioan, ông tới để làm chứng và làm chứng cho ánh sáng.

Người có tên là Gioan: chính là Gioan Tẩy giả; và người có tên là Gioan là thánh Gioan 23 giáo hoàng. Cả hai đều muốn làm chứng cho ánh sáng.

Người có tên là Gioan còn là mỗi chúng ta. Khi lãnh nhận 2 bí tích Thánh tẩy và Thêm sức là chúng ta được Chúa sai đến. Trong bí tích Thánh tẩy, ta cầm nến trong tay. Trong bí tích Thêm sức, nến cũng ở trong tay ta. Điều đó muốn nói chúng ta hãy là ánh sáng, và chúng ta hãy để Ánh Sáng là Chúa Kitô đậu vào chiếu soi. Phải làm sao đích thực ta là bạn hữu của Kitô, bởi ta là Kitô hữu.

Ánh nến có 2 công dụng : sưởi ấm nhờ sức nóng và chiếu soi nhờ ánh sáng. Hãy an ủi sưởi ấm người cùng cực, đói khổ, rét mướt… Và hãy toả sáng đức tin bằng cách sống Đạo của mình trong niềm vui không ngơi (CN III Gaudete, màu hồng). ĐGH Phanxicô với tông huấn Niềm Vui Tin Mừng nhắc mãi điểm này.

Ánh nến có 2 công dụng : sưởi ấm nhờ sức nóng và chiếu soi nhờ ánh sáng. Cả 2 việc đó đều nhắm làm chứng cho Ánh Sáng. Chúng ta xin Đấng là Ánh sáng giúp chúng ta. Và chúng ta tuyên xưng Đấng là “Ánh sáng bởi Ánh sáng” trong kinh Tin Kính đây.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:08 12/12/2020

2. Không muốn xem xét lời nói và hành vi của mình, thì giống như người nhắm mắt khi đi ngoài đường, nhất định là phải đi lạc hướng mà tự mình cũng không biết.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:15 12/12/2020
6. KỶ NỮ GIỎI BIỆN MINH

Xóm bình khang ở Kim Long có một kỷ nữ tên là Mã Tương Lan, lúc còn trẻ rất có giá, có một ông hiếu liêm nghe danh thì đến thăm, nhưng cô ta không muốn đi ra để gặp.

Qua hơn mười năm sau, nhan sắc phai tàn mà ông hiếu liêm nọ nay đã là tiến sĩ làm chức Nam Kinh ngự sứ.

Mã Tương Lan vì liên lụy mà bị áp tải vào quan phủ để hỏi cung, ngự sứ nhìn bà ta nói:

- “Dung mạo của bà vốn là như thế, mấy năm trước chỉ là hư danh mà thôi chăng?”

Mã Tương Lan nói:

- “Chính là bởi vì cái hư danh mấy năm trước ấy, cho nên mới gây ra tai họa ngày hôm nay”.

Ngự sứ suy nghĩ rồi nói:

- “Coi, kỷ nữ này có thể nói ra những lời ấy, quả nhiên là danh bất hư truyền”.

Nói xong bèn tha cho bà ta.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 6:

Kỷ nữ dù có danh tiếng thì cũng là hư danh mà thôi, vì kỷ nữ vốn là như thế, và thời xưa hay thời nay ngừơi ta đều nhìn người kỷ nữ bằng cặp mắt không mấy thân thiện...

Dù người ta nhìn kỷ nữ không mấy thân thiện thì kỷ nữ vẫn càng ngày càng hiện đại hóa mình cho “bắt” mắt người khác: có những người mẫu làm kỷ nữ, có những học sinh trung học làm kỷ nữ, có những sinh viên làm kỷ nữ, có những thiếu phụ giàu có làm kỷ nữ, có những minh tinh màn bạc làm kỷ nữ, và còn có rất nhiều kỷ nữ trong những mốt hiện đại mà không ai ngờ được khi bị báo chí phanh phui...

Nhưng dù thế nào chăng nữa, kỷ nữ cũng là những con người có một tâm hồn như mọi người khác và một linh hồn được Đức Chúa Giê-su cứu chuộc bằng giá máu của Ngài đổ ra, những tâm hồn kỷ nữ này vẫn hằng ước mong sống thánh thiện như những người khác, nhưng hoàn cảnh và những cám dỗ níu kéo không làm cho họ vươn lên được, chúng ta phải cầu nguyện và giúp họ đứng lên bằng những quan tâm thành thật, bằng những lời nói thân tình...

Danh tiếng chỉ là hão huyền, thực chất mới là đáng nói.

Ki-tô hữu là một danh từ rất có thực trên người Ki-tô hữu, thực chất này được biểu hiện qua lời nói và hành động đầy bác ái với tất cả mọi người như Đức Chúa Giê-su đã làm, dù họ là kỷ nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na hay người phụ nữ ngoại tình, hoặc là người đạo đức, vì Đức Chúa Giê-su đã chết để cứu họ cũng như đã cứu chúng ta...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
LIVE STREAM Giờ Chầu Lòng Chúa Thương Xót Chúa Nhật 13/12/2020
St Margaret Mary, Brunswick
17:46 12/12/2020
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin vui cho tự do tôn giáo: cá nhân quan chức chính phủ phải chiụ bồi thường cho những vi phạm tự do tôn giáo.
Trần Mạnh Trác
16:34 12/12/2020
(CNA ngày 11 tháng 12 năm 2020 ).- Ba người Hồi giáo bị FBI gây áp lực cung cấp thông tin về các cộng đồng Hồi giáo có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về tiền bạc như là một phần của vụ kiện tự do tôn giáo mà họ đang theo đuổi. Tòa án tối cao Hoa Kỳ vừa đưa ra phán quyết như trên.

Quyết định này tăng cường hành động pháp lý đối với các vấn đề tự do tôn giáo.

“Quyết định nhất trí của Tòa án tối cao nói rõ rằng các quan chức chính quyền phải coi trọng tự do tôn giáo — họ không thể thay đổi luận điệu của mình ở giữa chừng để tránh hậu quả của hành vi xấu trước đó,” là lời cuả bà Lori Windham, luật sư cao cấp cuả nhóm pháp lý Quỹ Becket, nói với CNA ngày 11 tháng 12.

Bà Windham cho biết tòa án đã phán quyết rằng Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo “mang lại cho những nạn nhân tôn giáo một cách thức mới để bảo vệ quyền lợi của họ”.

Bà nói: “Hết lần này qua lần khác, chúng ta thường chứng kiến trường hợp một quan chức chính quyền vi phạm tự do tôn giáo của một người nào đó, rồi thay đổi luận diệu khi phải ra tòa. "Điều đó khiến những nạn nhân tôn giáo không có cách nào để bảo vệ quyền lợi của mình trong tương lai."

Quỹ Becket, một nhóm pháp lý tập trung vào các vấn đề tự do tôn giáo, đã đệ trình một bản tóm tắt về vụ kiện ở Tòa án Tối cao gọi là “Tanzin v. Tanvir“.

Vụ kiện dựa trên vụ việc ba người đàn ông Hồi giáo là Muhammad Tanvir, Jameel Algibhah và Naveed Shinwari, đã bị đưa vào danh sách Cấm bay của FBI nhằm gây áp lực buộc họ phải hành động làm ăng teng ở các cộng đồng Hồi giáo. Họ đòi các cá nhân sĩ quan cuả FBI phải bồi thường thiệt hại, vì đó là một việc thuộc Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo năm 1993, đạo luật đó cấm chính phủ tạo ra những gánh nặng phi pháp cho việc thực hành tôn giáo.

Tòa án tối cao đã đứng về nguyên đơn với tỷ số 8-0. Vị tân thẩm phán Amy Coney Barrett đã không tham gia vì vụ kiện được tranh luận trước khi bà nhậm chức.

Vụ kiện bắt đầu từ năm 2013. Tòa án Tối cao đã không xử các tình tiết khác của vụ án, chỉ xử về việc nguyên đơn có thể yêu cầu bồi thường về tiền bạc đối với cá nhân các quan chức hay không.

“Biện pháp bồi thường không chỉ là 'thích hợp' qua lăng kính một vụ kiện chống lại nhân viên chính phủ," Theo lời Tư pháp Clarence Thomas viết trong mục ý kiến tòa án vào ngày 10 tháng 12.

Ông nói: “Đây còn là hình thức đền bù duy nhất cho một số vi phạm (theo luật khôi phục tự do tôn giáo). “Đối với một số thiệt hại nhất định, chẳng hạn như mất tiền vé máy bay, thì biện pháp bồi thường là để đền bù các thiệt hại chứ không phải là vì vấn đề có lệnh cấm cuả toà hay không.”

Tư pháp Thomas nói rằng các quan chức có thể viện dẫn quyền miễn trừ hợp pháp cuả họ để lập luận rằng họ được bảo vệ khỏi bị kiện, vì các quyền hiến pháp cuả nguyên đơn đã không được thiết lập rõ ràng vào thời điểm xảy ra những hành vi đó. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề đã được đưa ra trước tòa (Tối Cao) này.

Quốc hội vẫn có thể đưa ra các đạo luật khác để bảo vệ nhân viên chính phủ khỏi phải chịu trách nhiệm pháp lý, ông (Thomas) nói, "nhưng không có lý do hiến pháp nào cho thấy tại sao chúng ta phải làm như vậy."

Các nguyên đơn đều là công dân Hoa Kỳ hoặc đã có thẻ xanh. Tanvir, nguyên đơn chính, là một thường trú nhân hợp pháp sống ở Queens. Anh là một tài xế xe tải đường dài, thường bay về nhà sau khi kết thúc tuyến đường giao hàng. Vào tháng 10 năm 2010, anh ta bị từ chối không cho bay từ Atlanta. Hai nhân viên FBI đã đưa anh ta ra xe buýt và chuyến về nhà của anh ta phải kéo dài mất 24 giờ.

Tanvir đã bỏ việc, nhưng lại phải đối mặt với những vấn đề khác khi đi thăm người mẹ đau yếu ở Pakistan. Anh ta bị từ chối bay ba lần, sau khi đã mua vé máy bay. Các nhân viên FBI nói với anh rằng anh sẽ được rút ra khỏi danh sách cấm bay nếu anh trở thành một người cung cấp thông tin.

Chính quyền Trump nói chung đã ủng hộ Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo, nhưng trong trường hợp này đã bác bỏ việc áp dụng Đạo luật vì có "các vấn đề nhạy cảm về an ninh quốc gia và việc thực thi pháp luật", theo lập luận cuả luật sư chính phủ.

Quĩ Becket lập luận rằng các cơ quan chính phủ thường thay đổi hành động hoặc chính sách có hại cho họ ngay lúc họ bị thách thức ra trước tòa, với lập luận rằng vì việc tác hại đã ngưng nên người bị ảnh hưởng không thể khởi kiện được nữa.

“Điều này không xảy ra trong mọi trường hợp, nhưng khi các quan chức chính phủ vi phạm các quyền tự do tôn giáo của ai đó một cách nghiêm trọng và cố ý, họ có thể phải chịu trách nhiệm về hành động của mình,” Bà Windham nói. “Nếu vụ việc (phán quyết cuả Toà Án Tối Cao) diễn ra theo chiều hướng khác, thì sẽ không có cách nào để minh xét những vi phạm nghiêm trọng, khi các quan chức chính phủ lùi bước trước lập trình của tòa án”.

Bà Windham cho biết điều quan trọng cần lưu ý là tòa án không ấn định mức thiệt hại phải là bao nhiêu hay quyết định một quan chức có vi phạm luật hay không.

“Vụ kiện này chỉ cho phép nguyên đơn có dịp ra tòa và chứng minh các lời cáo buộc của họ,” bà nói với CNA. “Chúng tôi đã thấy nhiều thành phần chính phủ vi phạm tự do tôn giáo, và sau đó rút lui, trong nhiều vụ, từ việc tập thể dục trong khuôn viên đại học, đến việc nhà thờ sử dụng đất của họ để làm lễ, và các tù nhân muốn thờ phượng hoặc nghiên cứu tôn giáo. Phán quyết mới sẽ chấm dứt tình trạng các quan chức chính phủ lập đi lập lại các vi phạm tự do tôn giáo ấy”.
 
ĐTC Phanxicô: Nghệ sĩ truyền tải chân lý và vẻ đẹp qua sáng tạo nghệ thuật
P. Hoàng Nghị
17:28 12/12/2020
Các nghệ sĩ có một ơn gọi cao cả và cần yếu, đặc biệt là vào thời điểm đại dịch đã làm cho bóng tối ngày càng phủ rộng.

Đó là phát biểu của ĐTC Phanxicô sáng thứ Bảy 12 tháng 12, khi gặp gỡ các nghệ sĩ tham gia buổi hòa nhạc Giáng sinh năm nay. Ngài nói: Vẻ đẹp của nghệ thuật có thể truyền cảm hứng cho hy vọng, sự hài hòa và bình an. Ở thời điểm lịch sử quan trọng này, khi nhân loại đang tái khám phá sự phụ thuộc của chúng ta vào nhau do đại dịch, thì nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng.

Nói chuyện với các nghệ sĩ sẽ trình diễn trong buổi hòa nhạc Giáng sinh năm nay, Đức Thánh Cha đã chia sẻ “một vài suy nghĩ về nghệ thuật và vai trò của nó tại thời điểm quan trọng này trong lịch sử”.

Từ nghệ thuật đến sự đồng cảm

Đức Giáo Hoàng nói: Sáng tạo nghệ thuật, “nhận thức và chiêm ngưỡng vẻ đẹp,” có thể được hiểu “theo ba chuyển động”: sự thán phục và kinh ngạc được tạo ra trong các giác quan; sự cảm kích sâu sắc “chạm đến chỗ sâu thẳm trong trái tim và linh hồn chúng ta” đánh thức những ký ức, hình ảnh và cảm xúc; và “ý thức hy vọng có thể thắp sáng thế giới của chúng ta” được tạo ra bởi nghệ thuật.

“Những chuyển động bên ngoài và bên trong kết hợp lại với nhau và lần lượt ảnh hưởng đến cách chúng ta liên hệ với những người chung quanh.” “Chúng tạo ra sự đồng cảm, khả năng hiểu biết người khác, những người cùng chúng ta có rất nhiều điểm chung. Chúng ta cảm thấy có một mối dây liên kết với họ, một mối ràng buộc không còn mơ hồ, mà có thật và được chia sẻ. "

Hài hòa, mỹ lệ, và thiện hảo

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: chuyển động ba lần về sự kỳ diệu, khám phá cá nhân và chia sẻ này tạo ra một cảm giác bình yên, giải thoát chúng ta khỏi mong muốn thống trị người khác, khiến chúng ta nhạy cảm với những khó khăn của họ và nhắc nhở chúng ta sống hòa hợp với tất cả mọi người. Ngài nói thêm: sự hài hòa này “liên quan sâu xa với cái đẹp và sự thiện hảo”.

Thắp lên ánh sáng trong thời đại đại dịch

Đức Giáo Hoàng giải thích: Mối liên hệ giữa sự hài hòa, vẻ đẹp và sự thiện hảo, có thể được nhìn thấy ngay nơi sách Sáng thế ký, trong đó, tính từ “tốt” có thể được phiên dịch rộng rãi là “hài hòa”. Từ vẻ đẹp của Sự sáng tạo, chúng ta cũng có thể hiểu, “vị trí của chúng ta trên thế giới trước sự hùng vĩ đó.”

Ngài nói tiếp: Các nghệ sĩ hiểu biết điều này. Họ là những người, “như Thánh Gioan Phaolô II đã viết, ‘nhận thấy trong mình một thứ tia lửa thánh thiêng’ và cảm thấy được kêu gọi để phục vụ nhân loại; và theo cách nói của Thánh Phaolô VI, họ là “những người yêu cái đẹp”, những người mà thế giới cần để không chìm trong tuyệt vọng.

Ngay cả “giữa sự lo lắng do đại dịch gây ra, sự sáng tạo của các bạn có thể là một nguồn sáng. Cuộc khủng hoảng đã làm cho ‘những đám mây đen trên một thế giới bị khép kín’ trở nên dày đặc hơn, dường như che khuất ánh sáng thần thánh, vĩnh cửu. Chúng ta đừng khuất phục trước ảo ảnh đó, nhưng hãy tìm kiếm ánh sáng của lễ Giáng sinh, có thể xua tan bóng tối phiền muộn và đau thương”.

Được kêu gọi để truyền tải chân lý và cái đẹp

Kết thúc bài phát biểu, Đức Thánh Cha kêu gọi các nghệ sĩ là “những người bảo vệ vẻ đẹp trong thế giới của chúng ta”, những người có “ơn gọi cao cả và cần yếu” là truyền tải chân lý và vẻ đẹp bằng “bàn tay tinh khiết và trung thực”:



Bởi vì những niềm vui này khơi dậy trong trái tim con người, và quả là 'một loại trái cây quý giá trường tồn qua thời gian, gắn kết các thế hệ và khiến họ chia sẻ với nhau một cảm giác diệu kỳ.' Hôm nay, cũng như mọi lúc, vẻ đẹp đó xuất hiện với chúng ta trong sự thấp hèn của máng cỏ Giáng sinh. Hôm nay, cũng như mọi lúc, chúng ta tôn vinh vẻ đẹp đó với trái tim tràn đầy hy vọng.

(Nguồn: Vatican News, http://www.vaticannews.va/en/pope/news/2020-12/pope-calls-on-artists-to-transmit-truth-and-beauty-through-art.html)
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Ðức Mẹ Guadalupe tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Đặng Tự Do
17:56 12/12/2020


Lúc 11 giờ sáng ngày 12 tháng 12 theo giờ Rôma, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Ðức Mẹ Guadalupe tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha ứng khẩu nói bằng tiếng Tây Ban Nha như sau:


Trong Phụng vụ hôm nay, có ba từ, ba ý tưởng nổi bật: đó là sự quảng đại, phước lành và hồng ân. Và, khi nhìn vào hình ảnh của Đức Trinh Nữ Guadalupe, phần nào chúng ta cũng thấy một sự phản ánh của ba thực tại: quảng đại, phước lành và hồng ân.

Quảng đại, vì Chúa luôn trao ban chính mình một cách hào phóng, luôn ban một cách dư dật. Ngài không biết liều lượng. Ngài để cho mình được “đo lường” bằng sự kiên nhẫn của mình. Chính chúng ta – do bản chất của chúng ta, do những giới hạn của chúng ta – mới biết đến nhu cầu cần phải có các hạn ngạch. Ngược lại, Ngài tự ban phát chính mình một cách dồi dào, và hoàn toàn. Và ở đâu có Chúa, ở đó có sự hào phóng.

Suy nghĩ về mầu nhiệm Giáng sinh, phụng vụ Mùa Vọng lấy ý tưởng hào phóng từ tiên tri Isaia. Thiên Chúa trao ban chính Ngài tất cả, như Ngài là, toàn bộ. Tôi thích nghĩ sự hào phóng là một “hạn chế” của Thiên Chúa. Ngài không thể hiến thân một cách khác không dồi dào dư dật.

Từ thứ hai là chúc phúc. Cuộc gặp gỡ của Đức Maria với bà Elizabeth là một sự chúc phúc, một phước lành. Chúc phúc có nghĩa là “nói tốt”. Và Thiên Chúa, từ trang đầu tiên của sách Sáng thế ký, đã làm chúng ta quen thuộc với phong cách nói tốt của Ngài. Từ thứ hai mà Ngài phán, theo Kinh thánh, là: “Và điều đó thật tốt”, “nó tốt”, “nó rất tốt”. Phong cách của Thiên Chúa là luôn luôn nói tốt, vì vậy nguyền rủa là phong cách của ma quỷ, của kẻ thù; phong cách của sự hèn hạ, không có khả năng cống hiến trọn vẹn chính mình, nhưng nói kiểu “độc địa”. Chúa luôn luôn nói tốt. Và Ngài nói điều đó với niềm vui, Ngài nói điều đó bằng cách cống hiến chính mình. Tốt. Ngài tự trao ban chính mình một cách dồi dào, nói tốt, và chúc phúc.

Từ thứ ba là hồng ân. Hai thực tại dư dật, và chúc phúc, là một hồng ân, là một món quà. Đó là một món quà được ban cho chúng ta trong Đấng là tất cả mọi ân sủng, Đấng là tất cả, tất cả mọi thần tính: trong Đấng Đầy Ân Sủng. Một món quà được ban cho chúng ta nơi Mẹ là Đấng “đầy ơn phúc”, “Đấng được đầy ơn sủng”. Đấng Đầy Ân Sủng đầy ân sủng tự bản chất và Đấng đầy ơn phúc đầy ân sủng nhờ được chúc phúc: đây là hai tham chiếu mà Kinh thánh chỉ ra. Đối với Mẹ, Kinh Thánh nói: Mẹ “được chúc phúc giữa những người phụ nữ”, “đầy ân phúc”. Chúa Giêsu là Đấng mang những ân phúc ấy đến.

Và khi nhìn hình ảnh Mẹ chúng ta đang trông đợi Đấng Đầy Ân Sủng, Đấng đầy ơn phúc đang trông đợi Đấng Đầy Ân Sủng, chúng ta mới hiểu được phần nào sự dồi dào dư dật, và sự chúc phúc. Và chúng ta hiểu món quà này, món quà của Thiên Chúa, Đấng đã tự hiến cho chúng ta trong sự phong phú tự bản chất của Con Chúa, trong sự phong phú của Mẹ Người, nhờ ân sủng. Đó là món quà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta như một phước lành, nơi Đấng đầy ơn phúc tự bản chất và Đấng đầy ơn phúc nhờ ân sủng. Đây là món quà mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và Ngài không ngừng muốn làm nổi bật trong quá trình mặc khải.

“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” - “Em là Mẹ Thiên Chúa là Đấng nhờ Người chúng ta được sống, Đấng ban sự sống, Đấng chúc phúc”.

Hôm nay nay khi chiêm ngắm hình ảnh của Mẹ chúng ta, chúng ta có thể “đánh cắp” từ Thiên Chúa một chút phong cách mà Ngài có: đó là quảng đại, hào phóng, “nói tốt”, không bao giờ nguyền rủa, và rồi biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà, một món quà cho tất cả mọi người. Xin cho được như thế.


Source:Vatican News
 
Thông Báo
Chương trình Tang lễ tại Hoa Kỳ cho Nghệ sĩ Giuse Nguyễn Chí Tài
Tang Gia kính báo
16:55 12/12/2020
center>
 
Văn Hóa
Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa, Chương bẩy
Vũ Văn An
21:20 12/12/2020

Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





CHƯƠNG BẨY: Hình ảnh chân thực

Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình

Chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô trên các thần minh của Hy Lạp và Rôma ở thế kỷ thứ tư đã không triệt hạ nghệ thuật tôn giáo (1) như cả bạn lẫn thù mong đợi. Trái lại, trong 15 thế kỷ tiếp theo, nó chịu trách nhiệm đối với việc triển nở ồ ạt và kỳ diệu tính sáng tạo có lẽ vô sánh trong toàn bộ lịch sử nghệ thuật. Chuyện này đã diễn ra cách nào và tại sao? Làm thế nào Chúa Giêsu biến chuyển từ một phản đề hoàn toàn của mọi mô tả thần linh bằng hình ảnh trở thành linh hứng cụ thể nhất và quan trọng nhất của những mô tả này – và cuối cùng biện minh chính về lý thuyết cho chúng?

Trong Thập Điều của Môsê, mà giá trị vĩnh cửu của nó được các Kitô hữu chấp nhận (2), việc cấm nghệ thuật tôn giáo, coi nó như thờ ngẫu thần, hết sức minh nhiên và toàn diện: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20:4). Trích dẫn các lệnh cấm như thế trong Thánh Kinh Do Thái cũng như ý kiến của các nhà tư tưởng ngoại giáo như Cicero, người cho rằng “các thần minh mà con người tôn thờ đều giả tạo”, các người theo chân Chúa Giêsu cho rằng họ chỉ tham gia với cả Do Thái Giáo lẫn những hiền nhân bậc nhất của ngoại giáo để bác bỏ các hình ảnh, nhưng họ khiển trách nhiều người ngoại giáo thông sáng, vì chủ nghĩa tôn thờ giai cấp ưu tú nên đã không nhất quán trong việc cho phép “những người tầm thường và dốt nát” giữ các hình ảnh về mình (3). Hơn thế nữa, họ còn vượt xa Do Thái Giáo trong việc bài bác cả ý niệm kiến trúc tôn giáo: “Thiên Chúa, Đấng dựng nên thế giới và mọi loài trong đó, là Chúa của trời và đất, không sống trong các đền đài do con người làm ra”(4). Họ áp dụng lệnh cấm ảnh tượng không những vào những người thờ ngẫu tượng mà cả vào các nghệ sĩ tạo ra chúng, những người thực hành thứ “nghệ thuật đánh lừa” và họ ca tụng những người “từ khước ngắm nhìn các đền thờ và bàn thờ” (5). Do đó, trong một phản kháng đối với ngoại giáo và một cách nào đó đối với cả Do Thái Giáo, nhân danh mạc khải thần thiêng, họ cho rằng mình đang công bố một Thiên Chúa vượt lên trên mọi cố gắng của bàn tay con người muốn tô vẽ ra các ảnh tượng thánh; vì linh hồn thuần lý mới là “hình ảnh của Thiên Chúa” (6). Không có cả ảnh tượng thánh lẫn các nơi thánh; thậm chí cả những nơi Chúa Giêsu sinh ra và được chôn cất cũng không sở đắc được bất cứ sự thánh thiện đặc biệt nào (7).

Nhờ cuộc nghiên cứu khảo cổ tại Dura Europos, thực hiện trong thế kỷ 20, nay ta biết, đến mức các thế hệ học giả trước đây không biết, rằng lệnh cấm tuyệt đối các ảnh tượng trong luật Môsê không ngăn cản Do Thái Giáo cùng thời với Kitô Giáo tiên khởi tạo ra các hình ảnh thánh và trưng bầy chúng tại các nơi thờ phượng. Theo Carl Kraeling, “Hội đường Dura, với các trang trí của nó là một trong các đền đài cao quí nhất và thích đáng nhất của Do Thái Giáo cổ thời” và “các tranh vẽ ở Dura có thể xứng đáng được coi là tiền thân của nghệ thuật Byzantine” (8). Kraeling phân biệt công trình của hai nghệ sĩ tại hội đường Dura; một người được ông gọi thuộc “phái biểu tượng” (symbolist), một điều không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng người kia được ông gọi thuộc phái “đại diện” (representationalist). Người ta thậm chí còn gợi ý rằng các nguyên mẫu minh họa [của các ảnh tường tại Dura] đã tô mầu rực rỡ cho các bản chép tay Hy Lạp của tư liệu Thánh Kinh: các bản dịch như Bản Bẩy Mươi chẳng hạn; các diễn giải bằng tiếng Hy Lạp các sách biệt lập hoặc các phần Thánh Kinh; hay các loại trước tác Hy Lạp khác, như các anh hùng ca hoặc các bi kịch hoặc lịch sử, do các người Do Thái chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp sáng tác dựa trên các chủ đề Thánh Kinh (9). Thế nhưng trong phần kết luận công trình của mình, Kraeling lại cảnh cáo:

“Một cuộc nghiên cứu truyền thống văn chương cẩn thận cho thấy các Kitô hữu, sau khi đã chấp nhận Thánh Kinh của Dân Do Thái, đã phải vật lộn với cùng một lệnh cấm sử dụng các ảnh tượng vốn khiến người Do Thái thời hậu Macabê lao tâm nhiều, và không tìm được giải pháp dễ dàng nào. Cả sau khi Do Thái Giáo Palestine đã tìm được đường dẫn tới một giải thích cấp tiến hơn về giới răn của Thánh Kinh, các văn sĩ Kitô Giáo vẫn còn duy trì một chủ trương bảo thủ hơn trong cuộc thảo luận của họ về nó” (10).

Do đó, bất chấp các song hành đầy thách thức và không thể chối cãi giữa thực hành nghệ thuật của Kitô giáo tiên khởi và của Do Thái giáo chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, ở cả Palestine lẫn ở ngoại quốc, ta không thể giải thích việc khai triển Kitô giáo chỉ đơn giản bằng việc thích ứng người Do Thái. Làm thế là quá đơn giản hóa các đặc điểm đặc biệt và các vấn đề đặc biệt của cả hai bên. Đối với Kitô giáo tiên khởi, các đặc điểm và vấn đề đặc biệt này rõ ràng là các đặc điểm và vấn đề có liên hệ đến cuộc đời và con người Chúa Giêsu. Dù từng đối đầu với các vấn đề này ngay từ đầu (11), nhưng chỉ khi phải đối đầu với thách thức sử dụng các ảnh tượng trong thế kỷ thứ tám và thứ chín, các nhà giải thích Byzantine chính thống về con người và sứ điệp của Chúa Giêsu mới buộc phải nói rõ một nền mỹ thuật toàn diện có tính triết lý và thần học dựa trên con người của Chúa Giêsu, một nền mỹ thuật trong đó, tính hợp lệ của việc vẽ hình ảnh đấng thần thiêng có được vị trí thích đáng của nó (12).

Nền tảng của mọi xem xét các vấn đề trong nền mỹ thuật của ngành ảnh tượng Byzantine là việc đồng thanh khẳng định của Tân Ước và của các giáo phụ thời Giáo Hội sơ khai rằng, theo một nghĩa đặc biệt và độc đáo, “hình ảnh Thiên Chúa chính là Logos của Ngươì, Con chân thực của Trí, Logos thần thiêng, ánh sáng nguyên mẫu của ánh sáng” như Thánh Clêmentê thành Alexandria đã viết trong việc khai triển về chủ đề do Thư gửi tín hữu Côlôsê gợi ý (13); vì, như trong công thức của Vladimir Lossky, “chính trong bối cảnh Nhập Thể (nói đúng hơn: do sự kiện, do biến cố Nhập Thể) mà việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa mới nhận được trọn giá trị thần học của nó (14). Theo Whitehead, như đã ghi nhận ở đầu cuốn sách này, nếu chúng ta phải tìm trong bất cứ cuộc tranh cãi nào trong quá khứ “các giả định nền tảng mà đồ đệ của mọi hệ thống khác nhau của một thời đại vô thức cùng giả dụ” (15), thì giả định cho rằng Chúa Giêsu Kitô là hình ảnh độc đáo của Thiên Chúa được chia sẻ bởi các nhà đề xuất của cả hai bên của cuộc tranh cãi của thế kỷ thứ 8 và thứ 9 về hình ảnh. Nhưng từ giả định thần học này về Chúa Giêsu Kitô, họ đã rút ra các kết luận ngược nhau hoàn toàn về nghệ thuật thánh.

Việc áp dụng sớm nhất giả định này vào vấn đề nghệ thuật tôn giáo phát xuất từ những người chống đối ảnh tượng (16). Constantia, em gái Hoàng đế Constantinô viết cho Eusêbiô thành Xêdarêa xin ảnh Chúa Kitô. Ngài trả lời: “tôi không biết điều gì đã thôi thúc bà yêu cầu để hình ảnh Chúa Cứu Thế của chúng ta được vẽ ra. Bà muốn Hình ảnh nào của Chúa Kitô? Là hình ảnh đích thực và không thay đổi, mô tả khuôn dung Người thực sự, hay là hình ảnh Người mặc lấy vì chúng?” (17). Các lựa chọn được Eusêbiô trình bầy đã cẩn trọng xem xét các hệ luận của chúng đối với ngành ảnh tượng. Trong việc ngạc nhiên đối với việc Constantia lưu tâm tới ảnh tượng Chúa Kitô, Eusêbiô rõ ràng không thể nào tưởng tượng được việc một ai đó lại có thể lưu tâm đến một ảnh tượng về khuôn mặt mà Chúa Kitô “mặc lấy vì chúng ta khi Người mang lấy vẻ bề ngoài ‘của hình thức nô lệ’”, vì đó chỉ có tính thoáng qua chứ không có gì liên quan vĩnh viễn cả, mặc dù, có lẽ, một nhân chứng tận mắt nào đó ở Giêrusalem, người từng thấy Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt ở thế kỷ thứ nhất, có thể đã vẽ một hình ảnh như thế về Người, thậm chí nếu kỹ thuật cho phép, còn có thể đã chụp hình Người. Nhưng đó vẫn không phải là “hình ảnh đích thực” của Đấng là Hình Ảnh Đích Thực. Với Eusêbiô, hình ảnh “đích thực” của Hình Ảnh ấy phải là hình ảnh bất biến, vì chỉ có hình ảnh ấy “mới vẽ được khuôn mặt Người một cách chân thực” mà thôi. Và hình ảnh ấy, theo định nghĩa, là chuyện không thể có. Do đó, theo Eusêbiô, các đòi hỏi của tín lý chân chính về con người Chúa Kitô loại bỏ mọi mưu toan vẽ hình ảnh.

Eusêbiô trở thành “ca trưởng (coryphaeus) và thành trì” (18) của những người chủ trương phi ảnh tượng (iconoclast) của thế kỷ thứ 8 và nhất là thế kỷ thứ 9, vì ngài đã đặt vấn đề Chúa Kitô như hình ảnh vào tâm điểm cuộc tranh cãi về ảnh tượng. Khi áp dụng ý niệm Chúa Kitô như hình ảnh vào vấn đề, các người phi ảnh tượng đã nại đến thế giá của các công đồng thế kỷ thứ 4, trong đó, tư cách Chúa Giêsu như hình ảnh Chúa Cha đã được lên công thức một cách dứt khoát. Cách duy nhất một hình ảnh về Chúa Kitô là hình ảnh đích thực cũng cùng một cách y như Chúa Kitô là Hình ảnh Đích thực của Chúa Cha. Công đồng Nixêa năm 325 đã xác định ý nghĩa của tư thế Chúa Kitô như hình ảnh đích thực của Chúa Cha trong Ba Ngôi Thiên Chúa bằng các tuyên bố rằng Người “cùng bản thể” (one in being) với Đấng Người là hình ảnh (19). Do đó, theo Hoàng đế Constantinô V, một hình tượng của Chúa Kitô có thể không phải là hình ảnh đích thực của Người ngoại trừ nó cũng “cùng bản thể” với Người, cùng một cách như Chúa Kitô Con Thiên Chúa cùng bản thể với Chúa Cha (20). Hiển nhiên, không tác phẩm nghệ thuật nào do bàn tay con người tạo ra, thậm chí cả các hình ảnh tạo ra không phải bằng tay, tức bởi các thiên thần (21), có bao giời hy vọng thoả mãn được điều kiện ấy. Hình ảnh duy nhất của Chúa Kitô có thể được cho là “cùng bản thể” với Chúa Kitô theo cùng một nghĩa như Chúa Kitô cùng bản tính với Chúa Cha là Thánh Thể, vốn chứa sự hiện diện thực sự của mình và máu Chúa Kitô. Theo Constantinô, Bánh của Phép Thánh Thể thực sự là “hình ảnh của mình Người, mang mô thức xác thịt Người và trở nên một loại hình của mình Người” (22). Phái phi ảnh tượng chủ trương rằng “điều đã đặt định cho chúng ta là Chúa Kitô phải được mô tả bằng hình ảnh, nhưng chỉ như giáo huấn thánh thiện từng được thánh truyền lưu truyền dạy ‘Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta’. Cho nên, điều hiển nhiên là không được phép mô tả Người bằng một hình ảnh hay thi hành một tưởng niệm Người theo một cách khác, vì lối mô tả [trong Phép Thánh Thể] là chân thực và lối mô tả này là thánh thiêng” (23). Như thế, Phép Thánh Thể, như một hình ảnh mà mọi người phải nhất trí là cùng bản thể với nguyên bản của nó, loại bỏ mọi điều khác vốn được gọi là hình ảnh của Chúa Kitô.

Sau Công Đồng Nixêa năm 325, công đồng quan trọng nhất của Giáo Hội là Công Đồng Canxêđoan năm 451, trong đó, mối tương quan giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại nơi Chúa Kitô đã được ấn định trong một công thức, đối với thế kỷ 15, tiếp tục là định tín của niềm tin chính thống đối với con người Chúa Giêsu (24). Dựa vào các công thức của Canxêđoan, các người chống đối ảnh tượng nhấn mạnh rằng Chúa Kitô, như Hình ảnh Chân thực của Thiên Chúa, “vượt quá mọi mô tả, mọi thấu hiểu, mọi thay đổi, và mọi thước đo” vì tính siêu việt như thế vốn là đặc điểm của Thiên Chúa (25). Dường như họ muốn chủ trương rằng qui luật này, áp dụng cho cả các phép lạ và sự đau khổ của Chúa Giêsu trong thời gian Người mang xác thịt, có nghĩa “mô tả bằng hình ảnh là điều không hợp lệ” (26). Tuy nhiên, bất kể tư thế của Chúa Kitô có thể là gì “trước cuộc khổ nạn và phục sinh”, các họa sĩ sau này, dù sao, cũng không có quyền mưu toan vẽ chân dung Người lúc này; vì lúc này, “thân xác Chúa Kitô không thể hư nát, đã được hưởng tính bất tử” (27). Nại tới tín điều chính thống về Chúa Kitô, như đã được Canxêđoan xác định, như gồm hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại, trong một ngôi vị đơn nhất, họ phát biểu việc chống đối các hình tượng về Chúa Kitô dưới hình thức một tam đoạn luận phân biệt (disjunctive syllogism). Những người vẽ hình ảnh Chúa Kitô một là họ tô vẽ thiên tính của Người bằng một hình ảnh, hai là họ không tô vẽ: nếu họ tô vẽ, họ vi phạm bản tính cốt yếu của nó vốn vượt quá sự mô tả và giới hạn; nếu họ không tô vẽ, họ đã tách biệt hai bản tính của Chúa Kitô và do đó chia rẽ ngôi vị đơn nhất của Người. Trong cả hai trường hợp, họ đều phãm tội phạm thượng và lạc giáo chống lại ngôi vị Chúa Kitô như đã được định tín bởi các Công Đồng chính thống của Giáo Hội, nhất là các Công Đồng Nixêa và Canxêđoan. Như Hoàng đế Constantinô V, có lẽ là lý thuyết gia sâu sắc nhất của phe phi ảnh tượng, đã nói “nếu ai tạo ảnh tượng của Chúa Kitô... người ấy chưa thực sự hiểu thấu sự sâu sắc của tín điều về sự kết hợp không thể nào tách biệt của 2 bản tính Chúa Kitô” như đã được xác định bởi 2 Công Đồng này (28).

Nằm bên dưới sự phỉ báng việc dùng nghệ thuật tô vẽ Chúa Giêsu Kitô này, người ta thấy rõ có một sự tởm gớm rất sâu xa đối với các khía cạnh vật chất và thể lý trong con người của Người: “Điều hạ giá và làm mất ý nghĩa là mô tả Chúa Kitô bằng những trình bầy vật chất. Vì người ta nên tự hạn chế vào việc quan sát [Người] bằng tâm trí... qua việc thánh hóa và chính trực” (29). Bằng cách hướng tầm nhìn của người xem chỉ vào các phẩm tính “hạ giá và làm mất ý nghĩa” này của con người có tên Giêsu, việc vẽ Người bằng hình ảnh nhất thiết làm ta sao lãng khỏi điều vốn rất quan trọng về Người, tức các phẩm tính siêu việt hơn là các phẩm tính nội tại của Người. Như các người bênh vực Tin Mừng chống lại người Hy lạp từ lâu vốn trích dẫn những người Hy Lạp khôn ngoan nhất để nhấn mạnh rằng các đòi hỏi của truyền thống Platông và Tin Mừng Gioan, “Thiên Chúa là tinh thần và những ai thờ phượng Người phải thờ phượng Người trong tinh thần và chân lý” đã bị vi phạm bất cứ khi nào hình ảnh thể lý bề ngoài thay thế cho tinh thần và bất cứ khi nào sự lừa dối của ảnh tượng thay thế cho chân lý (30). Do đó, các Kitô hữu chống đối ảnh tượng tại Byzantium các thế kỷ thứ 8 và thứ 9 có đàng sau họ cả một lịch sử sáng chói, Do Thái, Hy Lạp và cả Kitô Giáo, về cuộc tranh đấu để giải thoát việc trình bầy thể thần thiêng khỏi việc trình bầy thể lý bất xứng về cùng thể thần thiêng này. Chúa Giêsu Kitô là Hình ảnh Đích thực, mọi hình ảnh khác đều sai lạc” (31).

Những người bênh vực các ảnh tượng nói với phe phi ảnh tượng (32), “Chúng tôi tham gia với qúy vị trong việc tuyên bố rằng Chúa Con là Hình ảnh Thiên Chúa Cha. Theo câu nói của Whitehead, đây là giả thiết nền tảng được mọi người ủng hộ thuộc các hệ thống khác nhau của thời đại đó đưa ra. Nhưng Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Hình Ảnh Đích Thực, là Đấng đã trở thành phàm nhân, và do đó là thể lý và vật chất, bởi việc nhập thể và sinh hạ từ Trinh Nữ Maria, và do đó, một ảnh tượng Kitô giáo không phải là một ngẫu tượng mà là hình ảnh của Hình Ảnh: trong yếu tính, đó là trường hợp đối với nghệ thuật Kitô giáo (33). Hệ luận hợp luận lý của quan điểm về Chúa Kitô được trình bầy trong truyền thống Chính Thống, vì điều này vốn được phe bài ảnh tượng trưng dẫn, là một biện minh cho việc trình bầy Chúa Kitô trong các hình ảnh. Lý lẽ bênh vực cho các hình ảnh trong nghệ thuật Kitô giáo đã được đưa vào bối cảnh của toàn bộ lý thuyết về ảnh tượng, một lý thuyết một lần nữa đã minh họa sự tổng hợp khéo léo các viễn tượng Thánh Kinh và triết học, ngôn ngữ Do Thái và ngôn ngữ Hy Lạp, từng được chúng tôi nhấn mạnh nhiều lần. Mọi thực tại, cả thần thánh lẫn phàm nhân, đều đã tham dự, cách này hay cách khác, vào điều có thể gọi là chuỗi hình ảnh vĩ đại. Vì quả là sai lầm khi cho rằng các ảnh tượng là một điều mới mẻ được phát minh gần đây bởi những người muốn tìm cách đưa lậu việc thờ ngẫu thần trở lại với các Giáo Hội. Ai đã phát minh ra các ảnh tượng? Thánh Gioan thành Đamát (34) đã trả lời “Chính Thiên Chúa là Đấng đầu tiên” đã làm việc đó. Thiên Chúa là Đấng tạo ảnh tượng thứ nhất và nguyên thủy của vũ trụ.

Trong ý nghĩa nền tảng nhất của chữ ảnh tượng, Con Thiên Chúa duy nhất là Hình Ảnh của Thiên Chúa, “Hình Ảnh sống động, Đấng là hình ảnh của Người trong chính bản tính của mình, Đấng là hình ảnh của Chúa Cha vô hình, không hề khác chi Người” ngoại trừ việc là Con chứ không phải Cha (35). Như Thư gửi Tín hữu Côlôxê từng viết “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15). Việc thờ phượng Chúa Con vì thế không phải là thờ ngẫu thần, vì, trong công thức được trích dẫn nhiều của Thánh Basilêô thành Xêdarê, “vinh dự dành cho hình ảnh [Chúa Con] được chuyển qua nguyên mẫu [Chúa Cha]” (36). Mọi hình ảnh khác trong chuỗi hình ảnh đều có quyền được gọi là “hình ảnh” nhờ một thứ tham dự nào đó vào việc tạo hình đầu hết và đời đời bên trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngay Chúa Thánh Thần cũng là hình ảnh Chúa Con, vì “không ai có thể nói ‘Chúa Giêsu là Chúa” ngoại trừ nhờ Chúa Thánh Thần” (1Cr 12:3). Cho nên, tách biệt hẳn với lịch sử con người, vẫn đã có, trong chính đời sống Thiên Chúa, việc tạo hình ảnh và việc biểu lộ hình ảnh, nói lên mầu nhiệm trong mối tương quan đời đời của Cha, Con và Thánh Thần. Theo nghĩa này, Con Thiên Chúa, trước khi nhập thể, không những chỉ là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” mà còn là “hình ảnh vô hình của Thiên Chúa vô hình” không được biết đến và không thể được biết đến ngoại trừ khi Người quyết định làm cho Người thành được biết đến và hữu hình.

Theo nghĩa đệ nhị đẳng và phát sinh (derivative), hình ảnh có thể được dùng để chỉ “các hình ảnh hay mô hình trong Thiên Chúa của những điều sẽ được Người tạo dựng”. Vì Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối và bất biến, “không hề có biến đổi” (Gcb 1:17), nên Người, trong tư cách Nghệ Sĩ – Sáng Tạo của vũ trụ, không trực tiếp tạo dựng các thể đặc thù của thế giới thực nghiệm. Thay vào đó, việc tạo dựng hệ ở việc thiết kế các hình ảnh và mô hình này, những thứ người ta có thể gọi là “các tiền định” [proorismos = predeterminations] của thế giới thực nghiệm (37). Trước khi bất cứ thực tại đặc thù nào bước vào hiện hữu thể đúng nghĩa, thẩy đều, trong tư cách hình ảnh, được tiền định bên trong “ý định [boulē]” của Thiên Chúa và theo nghĩa này, nó đã nhận được thực tại. Thực tại có trước thực nghiệm này tìm được thí dụ hay nhất trong công trình của một kiến trúc sư nhân bản, người, “trước khi căn nhà được xây dựng, đã phóng chiếu trong tâm trí mình hình ảnh sơ đồ và họa đồ của điều sẽ hiện hữu”. Đối với truyền thống Tân Platông Kitô giáo do các triết gia thế kỷ thứ tư phát biểu, các hình ảnh của một điều thực nghiệm chưa hiện hữu đều được tạo nên bởi và qua Logos, tức Đức Kitô vũ trụ, vì “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì đã được tạo thành được tạo thành” (Ga 1:3). Thiên Chúa tạo dựng thế giới mà ta thấy qua Logos, vốn là Hình Ảnh của Người, Đấng, đến lượt Người, đã mời gọi các hình ảnh mà từ đó thế giới này sẽ phát xuất trở thành các mô thức (forms) theo triết lý Platông.

Mặc dù toàn bộ thế giới tạo vật, theo nghĩa này, đều là hình ảnh của Thiên Chúa, hoặc có lẽ chính xác hơn, đều là hình ảnh của Hình Ảnh Thiên Chúa, tạo vật nhân bản có quyền đặc biệt đáng được tước hiệu vinh dự này. Vì trong câu truyện tạo dựng của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa của Israel được tường thuật tạo dựng con người giống hình ảnh của Người. Hơn nữa, Người chỉ làm thế sau khi đã bàn hỏi với chính Người: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta, theo họa ảnh Ta” (St 1:26). Dù số nhiều tiếng Do Thái trong Sách Sáng Thế có nghĩa gì chăng nữa, các nhà chú giải Kitô giáo, gần như “từ thuở ban đầu”, đã cho rằng chúng dùng để chỉ lời bàn hỏi giữa Chúa Cha và Chúa Con trong mầu nhiệm Ba Ngôi (38); và Thánh Augustinô thậm chí còn dùng chúng làm nền tảng cho giả thuyết đầy kích thích của ngài, như đã nhắc trên đây, rằng chính hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người cũng có tính ba ngôi trong cơ cấu (39). Vì hình ảnh Thiên Chúa Hóa Công trong con người tạo vật là một thí dụ của một hình ảnh “nhờ mô phỏng” phản chiếu lại nơi cơ cấu sự sống và tư duy nhân bản chính bản chất của Thiên Chúa, Đấng tạo hình ảnh. Như thế, Thiên Chúa, Đấng, trong luật Sinai, cấm việc tạo hình ảnh, chính Người đã tạo ra hình ảnh trong chính tạo vật sau đó bị cấm trở thành người tạo hình ảnh; và cuộc bút chiến chống hình ảnh trong suy tư Kitô giáo tiên khởi thường đã dựa vào chính lý luận này, là Thiên Chúa hằng sống không thể có gỗ hay đá làm hình ảnh tương xứng của mình, nhưng chỉ có linh hồn hữu lý của tạo vật tối cao mới là hình ảnh của Người mà thôi (40). Do đó, giới răn không được tạo hình ảnh không đặt nền tảng trên việc coi thường hình ảnh mà là trên việc coi trọng hình ảnh: vì hình ảnh thích đáng của Thiên Chúa chỉ có thể là một thứ phải cao quí như linh hồn con người, nên ta sẽ làm nhục cả Thiên Chúa, Đấng tạo hình ảnh, lẫn con người, là hình ảnh, khi ta mưu toan thay thế nó bằng một hình ảnh kém giá trị hơn.

Thêm vào các việc sử dụng chữ hình ảnh trên đây, những việc sử dụng ta có thể gọi là siêu hình, còn có cách sử dụng lịch sử nữa. Vì cung cách tâm trí con người được xây dựng, nó không tri nhận được thực tại thiêng liêng ngoại trừ thông qua việc sử dụng các hình ảnh thể lý. Nó cũng không thể mô tả ngay cả các “thụ tạo” phi vật lý (nonphysical), như các thiên thần, ngoại trừ bằng cách sử dụng ngôn ngữ “vật lý” (41). Chính Kinh Thánh cũng phải thích nghi cách nói của mình cho phù hợp với đặc điểm của tư duy và ngôn ngữ con người, bằng cách trình bầy nội dung siêu phàm của mình bằng các loại suy đơn sơ và thậm chí chất phác. Vì không có cuộc khổ công tâm trí nào có thể nhờ các loại suy này mà có được một viễn kiến tri thức và thiêng liêng về Thiên Chúa; đúng hơn, “những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1:20). Do đó, trong các thực tại hữu hình của thế giới thực nghiệm và lịch sử này, có những hình ảnh của hữu thể siêu việt của Thiên Chúa, và việc không tránh được là sử dụng các thực tại tạm thời này làm ẩn dụ cho các thực tại vĩnh cửu, như các hình ảnh và biểu tượng cho Ba Ngôi Thiên Chúa đã chứng tỏ.

Như việc sử dụng của Kinh thánh cũng đã chứng tỏ, với thời gian, các hình ảnh lịch sử thuộc loại này chuyển động theo cả hai hướng, diễn tả hoặc “những điều sẽ còn phải hiện hữu trong tương lai” hoặc “những điều đã diễn ra rồi trong quá khứ”. Theo cách đọc nó của Kitô Giáo, Kinh thánh Do thái đầy những hình ảnh và dự ứng điều sẽ được nên trọn với việc xuất hiện của Chúa Giêsu. Chúng có thật trong và tự chúng: Israel quả có vượt qua Biển Đỏ trong cuộc xuất hành khỏi Ai Cập, vào một ngày mà việc tìm tòi lịch sử, ít nhất trên nguyên tắc, có thể ấn định được. Nhưng đồng thời, đó cũng là các hình ảnh của điều sẽ diễn ra: việc vượt qua Biển Đỏ là “tiên trưng” (type) của phép rửa Kitô giáo. Một đàng, có những hình ảnh giống nhau nhằm để được dùng làm “đài kỷ niệm các biến cố quá khứ, một số thành tựu kỳ diệu hay một nhân đức nào đó, để tôn vinh và tôn danh cùng tưởng niệm” Một cuốn sách lịch sử được viết ra làm sách tưởng niệm các biến cố quá khứ chính là loại hình ảnh như thế, vì mục đích của nó là thông tri cho các thế hệ đến sau biết những điều đã xẩy ra và nhờ thế dạy dỗ chúng về đức hạnh và thói hư. Các hình ảnh không phải chữ viết để tưởng nhớ các biến cố hay các nhân vật lịch sử, từ trong nội tại, không khác chi các sách lịch sử; thực thế, chúng là “những cuốn sách dành cho người không biết chữ” chỉ khác Kinh Thánh về hình thức, không khác về nội dung (42).

Tuy nhiên, giữa hai loại hình ảnh trên đây, tức loại siêu hình và loại lịch sử, có một hố phân cách vĩ đại và cố định. Bao lâu hố phân cách này còn đó, thì biện minh duy nhất có thể có đối với nghệ thuật tôn giáo là biện minh giáo huấn được diễn tả trong câu “những cuốn sách cho người không biết chữ”. Thờ ngẫu thần là một cố gắng vô dụng của con người thờ phượng toan tính vượt qua hố phân cách này, bằng cách cho rằng một hình ảnh có tính nghệ thuật và lịch sử, được treo trên tường hay cầm trong tay, trên thực tế, là hình ảnh có tính vũ trụ và siêu hình thực sự gần gũi với Đệ Nhất Nguyên Nhân của vũ trụ. Việc cấm tạo hình tượng trong Giới Răn Thứ Hai là xác quyết và hạn chế của Thiên Chúa muốn duy trì hố phân cách. Nhưng hố phân cách ấy, thực ra là mọi hố phân cách, kể cả việc phân cách giữa thể hữu hình và thể vô hình, giữa thời gian và vĩnh cửu, đã được bắc cầu khi Logos trở thành xác phàm. Việc nhập thể của Logos vũ trụ và siêu hình trong con người dưới thế gian này và có tính lịch sử của Chúa Giêsu Nadarét cung cấp điều người ta chỉ có thể gọi là mấu nối vốn thiếu trong chuỗi hình ảnh vĩ đại. Sự ngụy biện đặt sai chỗ tính cụ thể, qua đó, việc thờ ngẫu thần đã trực giác đúng bản sắc các hình ảnh trong trừu tượng nhưng lại thi hành sai lạc trong cụ thể, nay đã bị thay thế bởi các biến cố cụ thể trong đời sống của Chúa Giêsu như đã được mô tả trong các sách Tin Mừng, như đã được Thánh Gioan thành Đamát thuật lại trong điều giống như một danh mục đã được hợp lý hóa các ảnh tượng thời Byzantin (43).

“Vì Đấng, do tính ưu việt của bản chất, vốn vượt trên mọi khối lượng, mọi kích thước và độ lớn, Đấng hữu thể vốn mang hình (form) Thiên Chúa, nay, bằng việc mang lấy hình nô lệ, đã tự giao ước đi vào khối lượng và kích thước và sở hữu một căn tính vật lý, không còn ngần ngại chi trong việc vẽ hình ảnh và trình bầy cho mọi người xem Đấng đã quyết định để mình được nhìn thấy: việc Người từ trời xuống thế không thể nào tả xiết; việc Người sinh ra từ Trinh Nữ; việc Người chịu phép rửa ở Sông Giócđăng; việc Người hiển dung trên Núi Tabo; việc Người chịu thống khổ để chúng ta thoát khỏi đau khổ; các phép lạ vốn nói lên bản tính và hành động Thiên Chúa của Người khi chúng được thực hiện qua hành động của thân xác (phàm nhân) của Người; việc mai táng, phục sinh, và lên trời nhờ đó, Đấng Cứu Rỗi đã hoàn tất ơn cứu rỗi cho chúng ta – đã mô tả mọi biến cố ấy, cả bằng lời lẫn bằng mầu sắc, cả bằng sách vở lẫn hình ảnh”.

Như thế, Thiên Chúa, Đấng vốn ngăn cấm nghệ thuật tôn giáo bị coi như cố gắng ngẫu thần muốn mô tả Đấng Thần Thiêng dưới hình thức hữu hình, nay có sáng kiến tự mô tả mình trong hình thức hữu hình và làm như thế không phải bằng ẩn dụ hay ký ức mà đích thân và hoàn toàn theo nghĩa đen, “bằng xác thịt”. Thể siêu hình đã trở thành thể lịch sử, và Logos vũ trụ, Đấng vốn là hình ảnh đích thực của Chúa Cha từ thuở đời đời nay trở thành một phần của thời gian và có thể mô tả bằng hình ảnh ngôi vị thần nhân của mình vì ngôi vị này sẽ thực hiện các biến cố của lịch sử cứu rỗi. Việc tạo dựng Ađam và Evà theo hình ảnh Thiên Chúa vốn là dự ứng cho việc Chúa Giêsu, Ađam Thứ Hai, xuống thế và cho việc Đức Maria, Evà Thứ Hai, xuất hiện, đến nỗi việc mô tả Chúa Kitô và Mẹ của Người đồng thời là sự mô tả hình ảnh đích thực của Thiên Chúa trong nhân tính. Hình ảnh diễn tả Người trong tính chuyên biệt cá nhân của ngôi vị độc đáo của Người không phải là nhân tính trừu tượng. Tuy nhiên, nhân tính của Chúa Giêsu được mô tả trong các ảnh tượng, và do đó, nhân tính của các thánh của Người và của mọi người được làm cho sống ở trong Người, đều là một nhân tính thấm nhiễm sự hiện diện của Thiên Chúa: theo nghĩa này, chính thân thể “được thần hóa” của Chúa Kitô đã được mô tả, và cách nói hết sức đặc trưng của Chính Thống Giáo Đông phương về ơn cứu rỗi được ban cho nơi Chúa Kitô phải được gọi là “thần hóa” (deification, theōsis trong tiếng Hy Lạp) (44). Sự mô tả bằng ảnh tượng đã được thiết kế rất tốt để thực thi cả hai chủ đề này cùng một lúc: chuyên biệt hóa và thần hóa, và do đó, là điều một trong các nhà giải thích ảnh tượng sâu sắc nhất của thế kỷ 20, Evgenii Nikolaevich Trubetskoi, vốn gọi là ‘học lý mầu sắc” hay “việc chiêm niệm bằng hình ảnh” (45).

Một hình ảnh về Chúa Kitô Tòan Năng (Christ Pantocrator), Chúa Kitô Tối Thượng, có lẽ đã có từ thế kỷ thứ sáu và có lẽ được sản xuất tại Constantinople, đã hiện thân chính sự kết hợp tính chuyên biệt và việc thần hóa ấy. Nó thuộc một nhóm nhỏ nhưng quan trọng được bảo quản tại Đan Viện Catherine trên Núi Sinai. Một trong các hệ quả của tính triệt để mà những người chống ảnh tượng vốn dùng trong việc thực thi nhiệm vụ của họ chính là số lượng ít ỏi các ảnh tượng có trước thời kỳ chống ảnh tượng hiện còn lại (46). Trong số này, bức ảnh Chúa Kitô Toàn Năng hiện nay giữ một vị trí đặc biệt khi nó được khám phá ra dưới các lớp sơn sau này từng che phủ nó. Đây là khuôn mặt người chuyên biệt nhưng trong đó, như André Grabar từng nói, “Nhà nghệ sĩ đã thực hiện được một hiệu ứng xa cách và phi thời gian, một biểu thức bằng hình ảnh vẽ nên bản tính Thiên Chúa”. Tuy nhiên, ông nói tiếp, nhà nghệ sĩ lại đã thành công trong việc sử dụng “các nét trừu tượng hóa cùng một lúc với các nét có tính duy tự nhiên hơn” một cách tinh tế đến nỗi ông “đã có thể truyền tải bằng hình ảnh tín điều hai bản tính của Chúa Kitô, vừa là Thiên Chúa vừa là người” (47). “Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng Logos [ho Pantocratōr Theos Logos]” từ lâu vốn là một trong các tước hiệu của Chúa Kitô (48). Bằng cách mô tả sự kết hợp bất khả phân giữa bản tính phi thời gian của Đấng Toàn Năng và bản tính lịch sử của Chúa Giêsu Nadarét, bức ảnh thời Byzantine về Chúa Kitô Toàn Năng này thành công trong việc ý niệm hóa Đấng vốn là hiện thân không những của Đấng Chân Thật trong giáo huấn của Người và Đấng Tốt Lành trong đời sống của Người, mà còn là hiện thân của Đấng Đẹp Đẽ trong hình thể Người như là “người đẹp đẽ nhất trong con cái loài người” (Tv 45:2).

Trong bộ ba Mỹ, Chân, Thiện ấy, vốn được nhắc tới ở phần dẫn nhập Sách này như một cách nói lên nhiều khía cạnh trong ý nghĩa của Chúa Giêsu đối với nền văn hóa nhân bản, Mỹ cần nhiều thời gian hơn cả để diễn biến. Một trong các sách sớm nhất của Thánh Augustinô, nay đã mất ngoại trừ những trích dẫn thỉnh thoảng được ngài nhắc đến nó, có tên là Về Đấng Đẹp Đẽ và Cân Đối (On the Beautiful and Fitting) (49). Trong một đoạn đáng ghi nhất trong cuốn Tự Thú của ngài, ngài kêu lên “Con đã yêu Chúa quá muộn, lạy Chúa, Đấng Đẹp Đẽ luôn cổ xưa, luôn mới mẻ, con đã tiến đến chỗ yêu Chúa quá muộn màng!” (50). Tuy nhiên, nếu Thánh Augustinô được kể là có một lý thuyết về Đấng Đẹp Đẽ, thì điều này thành công nhất trong phân tích của ngài về ngôn ngữ và ý nghĩa của nó, liên kết với mỹ học của ngài về các dấu chỉ (51), và khảo luận Về Âm Nhạc của ngài, cả hai đã lên khuôn cho lý thuyết và thực hành mỹ học thời Trung Cổ ở Phương Tây Latinh cả hàng nghìn năm.

Nhưng về việc biện minh nghệ thuật thánh của Kitô giáo, chỉ đến thế kỷ thứ chín và tại Phương Đông Hy Lạp, việc khám phá và áp dụng ý nghĩa sâu sắc nhất của con người Chúa Giêsu mới xuất hiện. Như các nhà chống ảnh tượng đã nhìn thấy một cách hết sức rõ ràng, Mỹ đã là (và vẫn còn là) điều tinh tế và nguy hiểm nhất trong bộ ba: các nguy hiểm trong việc đồng nhất Đấng Thánh với Đấng Chân (thuyết duy tri thức) và với Đấng Thiện (thuyết duy luân lý) đã liên tiếp xuất hiện trong lịch sử Do Thái Giáo và Kitô Giáo, nhưng điều đáng lưu ý là cả Điều Răn Thứ hai lẫn sứ điệp của các tiên tri Do Thái đều đã đặc biệt đơn cử việc đồng nhất Đấng Thánh với Đấng Mỹ như là cơn cám dỗ đặc biệt để phạm tội. Việc phát biểu một nền mỹ học phù hợp với thực tại của cơn cám dỗ này đòi phải có sự tinh vi của triết và thần học. Ngoài ra, dĩ nhiên, cũng phải có sự gợi hứng của nghệ thuật tôn giáo, một sự gợi hứng không chỉ thuộc loại giáo khoa, trước khi có bất cứ biện minh mỹ học nào như thế; và thách thức triết thần học tinh vi đối với nghệ thuật tôn giáo là điều cần thiết trước khi bất cứ cuộc bênh vực nào cho nó có thể có. Tất cả các điều này, gợi hứng, thách thức và biện minh, cuối cùng đã được cung cấp bởi con người Chúa Giêsu, Đấng đến để được coi như cả cơ sở cho tính liên tục trong nghệ thuật lẫn nguồn cho việc canh tân nghệ thuật, và do đó, trong một ý nghĩa mà chính thánh Augustinô cũng không có ý định, được coi như “vẻ đẹp luôn cổ xưa, luôn mới mẻ”.
__________________________________________________________________________________________

Ghi chú

(1) Origen, Chống Celsus 7.65-67; Arnobius, Lý lẽ Chống Ngoại Đạo 1.38-39
(2) Thánh Irenaeus, Chống Các Lạc giáo 4.16.4
(3) Lactantius, Các Thể chế Thần linh 2.2-4
(4) Cv 17:24; Arnobius, Lý lẽ Chống Ngoại Đạo 6.3-5
(5) Tertullian, Về Việc Thờ Ngẫu Thần 4; Thánh Clement thành Alexandria, Huấn dụ cho Tín hữu Hy Lạp 4.
(6) Origen, Chống Celsus 7.65
(7) Thánh Gregory thành Nyssa, Thư 2.
(8) Carl H. Kraeling, The Synagogue, ấn bản 2, lời tựa của Jaroslav Pelikan (New York: KTAV Publishing House, 1979) tr. 384.
(9) Harold R.Willoughby, bài duyệt sách trên The Synagogue của Carl H. Kraeling. Journal of Near Eastern Studies 20 (January 1961): 56.
(10) Kraeling, The Synagogue tr.399
(11) Muốn có 1 tiểu luận sâu sắc, xem Hans von Campenhausen, “The Theological Problem of Images in the Early Church” trong Tradition and Life in The Church, bản tiếng Anh của A.V. Littledale (Philadelphia: Fortress Press, 1968); các tr. 171-200.
(12) Muốn có vài ý tưởng gợi ý, xem Gervase Matthew, Byzantine Aesthetics (New York: Viking Press, 1964).
(13) Cl 1:15; Thánh Clement thành Alexandria, Huấn dụ cho Tín hữu Hy Lạp 10.
(14) Vladimir Lossky, In the Image of God, bản tiếng Anh của John Erikson và Thomas E. Bird, dẫn nhập của John Meyendorf (Tuckahoe, N.Y.: Saint Vladimir’s Seminary Press, 1974) tr.136
(15) Whitehead, Science and Modern World, tr.49-50.
(16) Về xem xét của thế kỷ thứ tư về vấn đề, xem Georges Florovsky, “Origin, Eusebius, and the Iconoclastic Controversy”, Church History 19 (1950): 77-96.
(17) Eusebius,Thư cho Constantia, trích dẫn Pl 2:7.
(18) Nicephoros, Biện giáo Vĩ Đại hơn Cho Các Hình ảnh Thánh 12.
(19) Xem các tr.52-53 trên đây
(20) Nicephorus, Biện giáo Vĩ Đại hơn Cho Các Hình ảnh Thánh 1.15
(21) Thánh John thành Giêrusalem, Chống Constantinus Cabalinus 4.
(22) Nicephorus, Bác bỏ Các Người Chống Ảnh Tượng 2.3.
(23) Thánh Theodore thành Studios, Bác bỏ Các Bài thơ của những người chống Ảnh tượng 1.10.
(24) Pelikan, Christian Tradition 1:263-66
(25) Thánh John thành Giêrusalem, Chống Constantinus Cabalinus 4.
(26) Thánh John Thành Đamát, Về Các Ảnh Tượng 3.2
(27) Nicephorus, Bác bỏ Các Người Chống Ảnh Tượng 3.38
(28) Nicephorus, Bác bỏ Các Người Chống Ảnh Tượng, 1.42; 2.1
(29) Thánh Theodore thành Studios, Bác bỏ Các Bài thơ của những người chống Ảnh tượng, 1.7
(30) Ga 4:24; xem Origen, Về các Nguyên lý đệ nhất đẳng 1.1.4
(31) Nicephorus, Bác bỏ Các Người Chống Ảnh Tượng 3.18
(32) Nicephorus, Bác bỏ Các Người Chống Ảnh Tượng 3.19
(33) Thánh Theodore thành Studios, Bác bỏ Các Bài thơ của những người chống Ảnh tượng 1.16
(34) Thánh John Thành Đamát, Về Các Ảnh Tượng 3.26.
(35) Sau đây là bản tóm lược và giải thích một cách đặc biệt của Thánh John thành Đamát Về Các Ảnh Tượng 1. 9-13; 3:18-23.
(36) Thánh Basil, Về Chúa Thánh Thần 18.45.
(37) Pseudo-Dionysius người Areopagite, Về Các Tên của Chúa 1.5
(38) Thánh Justin Tử đạo, Đối thoại với Trypho 62.
(39) Thánh Augustine, Về Thiên Chúa Ba Ngôi 7.6.12
(40) Origen, Chống Celsus 7.65; xem tr.41 trên đây
(41) Thánh Gregory thành Nazianzus, Thuyết Văn Thần Học 2.31
(42) Thánh John thành Đamát, Về Các Ảnh Tượng 1.
(43) Thánh John thành Đamát, Về Các Ảnh Tượng 3.8.
(44) Pelikan, Christian Tradition 2:10-16
(45) Evgenii Nicolaevich Trubetskoi, Icons :Theology in Color, bản tiếng Anh của agertrude Vahar (New York: Saint Vladimir’s Seminary Press 1973)
(46) Xem Ernst Kitzinger, “The Cult of Images before Iconoclasm”, Dumbarton Oaks Papers 7 (1954):85-150
(47) André Grabar, Early Christian Art: From the Rise of Christianity to the Death of Theodosius, bản tiếng Anh của Stuart Gilbert và James Emmons (New York: Odyssey Press, 1968), “Catalogue” tr. 15.
(48) Thánh Clement Thành Alexandria, Trợ Giáo [Tutor]3.7
(49) xem Thánh Augustine, Tự Thú 4.13.20
(50) Thánh Augustine, Tự Thú 10.27.38
(51) Thánh Augustine, Về Học Lý Kitô Giáo 2.1.1-2
 
VietCatholic TV
Sống Mùa Vọng hãy nghe ĐHY Cantalamessa giảng trước ĐTC và giáo triều Rôma về Cuộc Sống Đời Đời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:06 12/12/2020


“CHÚNG TÔI LOAN BÁO CHO ANH EM SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI” [1 Ga 1: 2]

Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 11 tháng 12 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Dòng Anh Em Hèn Mọn, Giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, đã trình bày bài thuyết giảng thứ hai trong loạt bài tĩnh tâm Mùa Vọng của Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Rôma với chủ đề: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90:12).

Bài thuyết giảng thứ hai của ngài có tựa đề: “Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời.” Đó là một câu trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan.

Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


J.B. Đặng Minh An dịch

“Hãy yên ủi, hãy an ủi dân Ta, Thiên Chúa anh em phán” (Is 40: 1). Bài đọc thứ nhất trong Chúa nhật thứ hai mùa Vọng bắt đầu với những lời này của tiên tri Isaia. Những lời ấy giống như một lời mời, thực ra là một mệnh lệnh, luôn có tính thời sự, được gửi đến các mục tử và những nhà thuyết giáo của Giáo hội. Hôm nay chúng ta muốn ghi khắc lời mời gọi này trong lòng và suy gẫm về lời công bố an ủi nhất mà đức tin nơi Chúa Kitô mang lại cho chúng ta.

“Sự thật vĩnh cửu” thứ hai mà hoàn cảnh đại dịch đã làm nổi lên là sự bất ổn và tạm bợ của vạn vật. Mọi thứ đều là tạm bợ: sự giàu có, sức khỏe, sắc đẹp, thể chất… Đó là điều mà chúng ta luôn phải đối mặt. Để nhận ra điều này chỉ cần so sánh bất kỳ hình ảnh nào ngày hôm nay - của chúng ta hoặc của bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào - với những tấm ảnh hồi hai mươi, hay ba mươi năm về trước. Bị lắc lư bởi nhịp sống, chúng ta không chú ý đến điều này, chúng ta không cần luận bàn sâu xa hơn về điều đó cũng đủ để rút ra các kết luận cần thiết.

Và kìa, đột nhiên, tất cả những gì chúng ta cho là hiển nhiên đã để lộ ra mặt mong manh của nó, giống như một tảng băng bạn đang vui vẻ trượt trên đó đột nhiên vỡ ra dưới chân bạn và bạn bị chìm trong dòng nước băng giá. Như Đức Thánh Cha đã nói trong buổi ban phép lành “urbi et orbi” đáng nhớ hôm 27 tháng 3: “Cơn bão này làm lộ rõ tính dễ bị tổn thương của chúng ta và phơi bày ra những quả quyết sai lầm và vô dụng mà trên đó chúng ta đã xây dựng lịch trình hàng ngày, các dự án, các thói quen, và những ưu tiên của chúng ta”.

Cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới mà chúng ta đang trải qua có thể là một cơ hội để chúng ta khám phá với một sự nhẹ nhõm trong lòng rằng, dù thế nào đi chăng nữa, vẫn còn một điểm vững chắc, một nền tảng kiên cố nào đó, hay đúng hơn là một tảng đá để chúng ta có thể xây dựng cuộc sống của mình trên trái đất này. Từ Phục sinh - tiếng Do Thái gọi là Pesach - có nghĩa là vượt qua / quá cảnh, và tiếng Latinh gọi là transitus. Từ này, như thế, gợi lên một cái gì đó “đang trôi qua” và “thoáng qua”, do đó, nó là một cái gì đó khá tiêu cực. Thánh Augustinô đã cảm nhận được khó khăn này và giải quyết vấn đề theo một cách thức khai sáng. Ngài giải thích rằng sống theo kinh nghiệm Phục sinh thực sự có nghĩa là vượt qua / thay đổi, nhưng là “vươn đến những gì không trôi qua”; nó có nghĩa là “vượt ra khỏi thế giới, để không trôi qua cùng với thế giới.” Vượt qua bằng trái tim, trước khi vượt qua bằng cơ thể của bạn!

Theo định nghĩa, vĩnh cửu là điều “không bao giờ trôi qua”. Chúng ta phải tìm lại niềm tin vào thế giới bên kia. Đây là một trong những đóng góp mà các tôn giáo có thể cùng nhau thực hiện trong nỗ lực tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và huynh đệ hơn. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau trên con đường hướng đến một quê hương chung, nơi không có sự phân biệt về chủng tộc hay quốc tịch. Chúng ta không chỉ chia sẻ lộ trình, mà còn chia sẻ đích điểm. Giữa những quan niệm và bối cảnh rất khác nhau, sự thật này là chung cho tất cả các tôn giáo lớn, ít nhất là những tôn giáo độc thần. “Ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.” (Dt 11: 6). Đây là cách Thư gửi các tín hữu Do Thái tổng hợp cơ sở chung - và là mẫu số chung tối thiểu - của mọi tín ngưỡng và mọi tôn giáo.

Đối với các Kitô hữu, đức tin vào sự sống đời đời không dựa trên những lập luận triết học về sự bất tử của linh hồn. Nó dựa trên một sự kiện chính xác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, và lời hứa của Ngài: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14: 2-3). Đối với chúng ta, các Kitô hữu, sự sống đời đời không phải là một phạm trù trừu tượng, mà là một con người. Nó có nghĩa là sống với Chúa Giêsu, “làm nên một thân thể” với Người, chia sẻ sự sống của Đấng Phục sinh trong sự sung mãn và niềm vui sự sống của Chúa Ba Ngôi: “Cupio dissolvi et esse cum Christo”, như thánh Phaolô đã nói với dân thành Philípphê thân yêu: “Tôi khao khát được rời bỏ cuộc sống này và ở với Đức Kitô” (Pl 1:23).

Một sự lu mờ niềm tin

Chúng ta có thể tự hỏi điều gì đã xảy ra với chân lý Kitô về sự sống đời đời. Trong những thời đại như thời của chúng ta, bị chi phối bởi vật lý và vũ trụ học, những người theo thuyết vô thần đưa ra trên hết là thái độ phủ nhận sự tồn tại của một đấng sáng tạo ra thế giới; vào thế kỷ 19, họ thích bác bỏ đời sau. Hegel đã tuyên bố rằng “những người theo đạo Thiên Chúa làm lãng phí năng lượng dành cho trái đất”. A dua theo lời chỉ trích này, Feuerbach và đặc biệt là Marx đã chống lại niềm tin vào một cuộc sống sau khi chết, cho rằng điều đó dẫn đến thái độ xa lánh những dấn thân trên trần thế. Ý tưởng về sự tồn tại của cá nhân trong Chúa đã được thay thế bằng sự tồn tại trong chủng loại và trong xã hội tương lai. Dần dà, từ “vĩnh cửu” không chỉ bị nghi ngờ, mà còn bị lãng quên và chìm vào im lặng.

Trào lưu thế tục hóa (secularization) sau đó đã đưa quá trình này đến chỗ hoàn thành và làm điều đó mạnh đến mức thậm chí ngày nay rất là bất tiện để tiếp tục nói về sự vĩnh cửu giữa những người có học thức, là những người cố theo cho kịp thời đại. Thế tục hóa là một hiện tượng phức tạp trong sự bất nhất của nó. Nó có thể được dùng để đề cập đến quyền tự quyết của các vấn đề trần thế và sự tách biệt giữa Nước Trời và vương quốc của Caesar, và theo nghĩa này, nó không những không chống lại Tin Mừng, mà còn tìm thấy trong Tin Mừng một trong những cội nguồn sâu xa nhất của nó. Mặt khác, từ thế tục hóa cũng có thể được dùng để chỉ một tập hợp các thái độ xã hội thù địch với tôn giáo và đức tin. Theo nghĩa này, thuật ngữ chủ nghĩa thế tục (secularism) là thích hợp hơn. Chủ nghĩa thế tục có cùng mối tương quan với thế tục hóa như mối tương quan giữa chủ nghĩa khoa học và tính chính xác khoa học, hay như mối tương quan giữa chủ nghĩa duy lý đối với tính hợp luận lý.

Ngay cả trong những giới hạn như vậy, các khía cạnh nhiều mặt của thế tục hóa xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như thần học, khoa học, đạo đức học, khoa diễn giải Kinh thánh, và các biểu hiện của văn hóa và đời sống thường nhật. Tuy nhiên, ý nghĩa nguyên thủy của nó chỉ có một và rất rõ ràng. “Thế tục hóa”, cũng giống như “chủ nghĩa thế tục”, bắt nguồn từ thuật ngữ saeculum mà trong ngôn ngữ hàng ngày tối hậu là dùng để chỉ thời điểm hiện tại – theo Kinh Thánh đó là “thời gian dài hiện tại – l’eone attuale”, đối lập với vĩnh cửu – là thời gian bất tận tương lai, hay “saeculum saeculorum”, nghĩa là “thời của mọi thời, sự sống đời đời”, như Kinh thánh gọi. Theo nghĩa này, chủ nghĩa thế tục là một từ đồng nghĩa với chủ nghĩa đời tạm (temporalismo, temporalism), trong đó giản lược thực tại trong chiều kích trần thế của nó mà thôi. Điều đó nhắm đến sự sụp đổ triệt để của chiều kích vĩnh hằng.

Tất cả những điều này đã có một tác động rõ ràng đến đức tin của các tín hữu. Chính đức tin này, từ lúc đó, đã trở nên nhút nhát và rụt rè. Lần cuối cùng chúng ta nghe ai đó giảng về cuộc sống vĩnh cửu là khi nào? Nhà triết học Kierkegaard đã rất chí lý: “Cuộc sống đời sau đã biến thành một trò đùa, một nhu cầu không chắc chắn đến mức không những không còn được tôn trọng mà thậm chí không còn được xem xét. Người ta thậm chí còn cười cợt khi nghĩ rằng đã có lúc ý tưởng này định hình toàn bộ cuộc sống.” Chúng ta tiếp tục nói trong Kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, nhưng không thực sự đánh giá cao tầm quan trọng của những lời đó. Sự sụp đổ của chiều kích vĩnh cửu có ảnh hưởng tương tự đối với đức tin Kitô như tác động của cát trên một ngọn lửa: nó làm ngọn lửa tắt ngúm.

Đâu là hậu quả thực tế của tình trạng lu mờ ý tưởng về sự vĩnh cửu? Đề cập đến ý định của những người không tin vào sự sống lại từ trong kẻ chết, Thánh Phaolô nói: “Chúng ta hãy ăn uống, vì ngày mai chúng ta chết” (1Cor 15:32). Khi bị xuyên tạc, mong muốn tự nhiên được sống muôn đời trở thành một sự thèm khát, hay đúng hơn là một sự điên cuồng, muốn được sống cho đã, nghĩa là sống cho thoải mái, ngay cả khi, nếu cần, thì người khác phải trả giá cho điều đó. Toàn bộ trái đất trở thành những gì Dante Alighieri đã từng mô tả về nước Ý vào thời của ông như “một cái sàn đập lúa nhỏ kích động mạnh sự dã man của chúng ta.” Một khi chiều kích vĩnh hằng đã sụp đổ, nỗi đau khổ của con người dường như tăng lên gấp đôi một cách phi lý và không có biện pháp khắc phục. Thế giới trông giống như “một đống kiến đang vỡ vụn”, hay như “hình vẽ của một con sóng trên bờ biển bị xóa bởi con sóng tiếp theo.”

Niềm tin vào vĩnh cửu và phúc âm hóa

Đức tin vào sự sống đời đời là một trong những điều kiện giúp cho việc truyền giáo có thể thực hiện được. Như thánh Phaolô Tông đồ viết: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. […] Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1Cor 15: 14 và 19). Sự công bố về sự sống vĩnh cửu là sức mạnh và sự can đảm trong việc rao giảng Kitô Giáo. Chúng ta hãy xem những gì đã xảy ra trong việc rao giảng Kitô Giáo lúc đầu. Ý tưởng lâu đời nhất và phổ biến nhất trong các tà giáo Hy Lạp và La Mã là cuộc sống thực tại sẽ kết thúc bằng cái chết; sau đó chỉ có một cuộc sống như ấu trùng, trong một thế giới bóng tối, không có hình dạng và màu sắc. Khi đang cận kề cái chết, hoàng đế La Mã Hadrian đã tự nói với mình những lời nổi tiếng trong văn bia trên lăng mộ của ông như sau:

Linh hồn nhỏ bé, nhẹ nhàng và trôi dạt, khách và bạn đồng hành của thân xác tôi, bây giờ bạn sẽ ở dưới đây trong những nơi xanh xao vàng vọt, trơ trọi và trần trụi; ở đó bạn sẽ từ bỏ vai trò cũ của bạn. Nhưng hãy còn một lúc nữa, chúng ta hãy cùng nhau ngắm nhìn những bờ biển quen thuộc này, nhìn những vật thể mà chắc chắn chúng ta sẽ không còn nhìn thấy nữa.

Trong đời mình, Hadrian đã có những ngôi nhà sang trọng xây cho riêng mình – chúng ta chỉ cần ghé thăm Villa Adriana ở Tivoli là thấy rõ. Một người được như vậy mà đã chua chát như thế thì viễn cảnh này thậm chí còn gây thất vọng biết bao cho những người bình thường. Để làm phần mộ của chính mình, ông đã xây dựng Lăng mộ Hadrian, mà ngày nay gọi là Castel Sant”Angelo, nhưng ông hoàn toàn nhận thức được rằng điều này sẽ không thay đổi số phận của ông khi trôi dạt tới “những nơi xanh xao vàng vọt, trơ trọi và trần trụi”

Trong bối cảnh này, bạn có thể hiểu tác động tất yếu của lời công bố Kitô về một cuộc sống sau khi chết, một cuộc sống phong phú hơn vô hạn so với cuộc sống trần thế, trong đó không còn nước mắt, không còn cái chết, và chẳng còn phải lo lắng nữa (xem Kh 21: 4). Bạn cũng hiểu tại sao chủ đề và các biểu tượng của cuộc sống vĩnh cửu – như cây cọ, con công, các cụm từ “requies aeterna” hay “yên nghỉ muôn đời” - lại thường xuyên xuất hiện trong các nghi thức chôn cất các tín hữu Kitô trong các hang toại đạo.

Khi công bố sự sống vĩnh cửu, chúng ta không chỉ có thể sử dụng đức tin của mình, mà còn sử dụng được mối tương giao thắm thiết giữa điều đó với niềm khao khát sâu xa nhất trong trái tim con người. Chúng ta thực sự là “một hữu hạn có khả năng vươn đến vô hạn” (ens finitum, capax infiniti), những sinh vật phàm trần với khao khát thầm kín cho sự bất tử. Trong một lá thư trả lời cho một người bạn Á Căn Đình, là người đã trách móc anh ta vì cho rằng anh ta tự hào ra mặt và đắm mình trong chủ đề vĩnh cửu, Miguel de Unamuno, người chắc chắn không phải là một nhà vô địch về Kitô Giáo, đã viết:

Tôi không nói rằng chúng ta xứng đáng có cuộc sống đời sau, cũng không nói rằng luận lý học chứng minh điều đó cho chúng ta; Tôi đang nói rằng chúng ta cần điều đó - cho dù chúng ta có xứng đáng với điều đó hay không, và chỉ có như thế. Tôi đang nói rằng những gì chỉ là nhất thời không làm tôi thỏa mãn, trong tôi khao khát vĩnh cửu, và nếu không có nó, tôi thờ ơ với mọi thứ khác và mọi thứ khác không có gì khác biệt đối với tôi. Tôi cần cuộc sống vĩnh cửu, tôi thực sự rất cần! Không có nó thì không còn niềm vui trong cuộc sống và những thú vui cuộc sống không còn gì để nói với tôi nữa. Thật quá dễ dàng để nói: “Bạn chỉ cần sống và hài lòng với cuộc sống”. Thế nhưng, đối với những người không bằng lòng thì sao?

Và chính ông cũng nói thêm rằng không phải chỉ có những người khao khát sự vĩnh cửu mới cho thấy họ coi thường thế giới và cuộc sống trần thế, mà thực tế là cả những người không khao khát điều đó cũng vậy: “Tôi yêu cuộc sống đến nỗi mất nó dường như là điều khốn nạn nhất đối với tôi trong tất cả những cái khốn nạn. Những người tận hưởng cuộc sống ngày qua ngày và không quan tâm đến việc liệu họ có mất đi tất cả hay không thì họ không thực sự yêu thích cuộc sống mình”. Thánh Augustinô đã nói điều khá tương tự: “Sống tốt có ích lợi gì nếu người ta không thể sống mãi mãi?” Một trong những nhà thơ của chúng ta đã tuyên bố: “Mọi thứ, trên thế giới đều là hư không ngoại trừ sự vĩnh cửu”. Đối với những người đương thời của chúng ta, những người nuôi dưỡng nhu cầu vĩnh cửu này trong sâu thẳm trái tim của họ, mà có lẽ không dám thú nhận nó ngay cả với chính mình, chúng ta có thể lặp lại những gì Thánh Phaolô đã nói với dân chúng thành Nhã Điển: “Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.” (x. Cv 17:23).

Đức tin vào sự vĩnh cửu như một con đường dẫn đến sự thánh thiện

Chúng ta không canh tân niềm tin nơi sự vĩnh cửu chỉ để truyền giáo, tức là loan báo Tin Mừng cho người khác; nhưng trước hết, chúng ta cần làm điều đó để tạo cho mình động lực mới trên con đường nên thánh. Kết quả đầu tiên của hành động này là niềm tin ấy khiến chúng ta không dính mắc vào những thứ nhất thời, chẳng hạn như sự gia tăng của cải và uy tín.

Chúng ta hãy hình dung tình huống này. Một người nhận được thư trục xuất và được yêu cầu phải mau chóng rời khỏi ngôi nhà họ đang sống. May mắn thay, một lựa chọn tốt cho một ngôi nhà mới xuất hiện ngay lập tức. Và người đó sẽ làm gì? Chẳng lẽ họ lại dành tất cả tiền bạc của mình để trùng tu và trang trí lại ngôi nhà mà họ sẽ phải bỏ đi, thay vì họ trang bị nội thất cho ngôi nhà mà họ sắp chuyển đến! Điều đó quá ngớ ngẩn đi chứ? Chúng ta cũng được yêu cầu “rời bỏ” thế giới này và chúng ta sẽ trông giống như một kẻ ngớ ngẩn nếu chỉ nghĩ đến việc trang hoàng ngôi nhà trần gian của mình mà không quan tâm gì đến việc làm những việc lành phúc đức, là những gì sẽ theo cùng chúng ta sau khi chết.

Khi khái niệm về sự vĩnh cửu mất dần, điều này tác động đến các tín hữu, vì nó làm giảm khả năng can đảm đối mặt với những đau khổ và thử thách trong cuộc sống của họ. Chúng ta cần khám phá lại đức tin của thánh Bernard và thánh Ignatius thành Loyola. Trong bất kỳ tình huống nào hoặc khi gặp bất kỳ trở ngại nào, các ngài sẽ tự nói với mình: “Quid hoc ad aeternitatem?”, nghĩa là “Cái này có là gì so với vĩnh cửu?”

Chúng ta hãy tưởng tượng một người đàn ông đang cầm một cái cân: một trong những loại cân được gọi là cân đòn mà bạn chỉ cầm bằng một tay và có một cái đĩa để bạn đặt vật muốn cân lên, nó còn có một thanh ngang được phân độ với một quả cân để chúng ta cân bằng trọng lượng muốn cân đo. Nếu quả cân đặt không đúng chỗ, những gì bạn đặt trên đĩa cân sẽ ghì nó xuống, nâng thanh ngang lên làm đảo lộn sự cân bằng. Mọi thứ đều đè nặng xuống, ngay cả một nắm lông.

Chúng ta cũng giống như vậy, bất cứ khi nào chúng ta đo lường không đúng thực chất của vĩnh cửu: linh hồn của chúng ta có thể dễ dàng bị đè nặng bởi những thứ trần thế và đau khổ. Mọi thứ dường như quá nặng nề, quá sức chịu đựng của chúng ta. Chúa Giêsu nói: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục.” (x. Mt 18:8-9). Tuy nhiên, khi đã đánh mất tầm nhìn về cõi vĩnh hằng, chúng ta cảm thấy thật quá đáng khi được yêu cầu nhắm mắt lại đừng xem một màn trình diễn vô luân, hoặc khi được yêu cầu vác một cây thánh giá nhỏ trong im lặng.

Thánh Phaolô tìm thấy can đảm để viết điều này: “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.” (2Cor 4: 17-18). Sức nặng của đau khổ là “nhẹ nhàng” chính vì nó chỉ mang tính tạm thời, sức nặng của vinh quang “vượt quá mọi sự so sánh” chính vì nó là vĩnh cửu.

Nhiều người hỏi: “Sự sống vĩnh cửu sẽ bao gồm điều gì và chúng ta sẽ làm gì mọi lúc ở trên trời?” Câu trả lời nằm trong những lời lẽ của Thánh Tông đồ về những gì chưa từng được đề cập đến: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (1Cor 2: 9). Nếu được phép ví von một chút, chúng ta sẽ nói rằng chúng ta sẽ sống đắm mình trong đại dương không bờ bến và không đáy của tình yêu Ba Ngôi. “Nhưng chúng ta sẽ không cảm thấy nhàm chán chứ?” Chúng ta hãy hỏi những người yêu nhau thực sự xem họ có cảm thấy buồn chán khi đang ở đỉnh cao của tình yêu hay không, hay họ muốn khoảnh khắc đó kéo dài mãi mãi.

Vĩnh cửu: hy vọng và hiện tại

Trước khi kết thúc, tôi muốn giải tỏa một nghi ngờ đè nặng lên niềm tin vào cuộc sống vĩnh hằng. Đối với một tín hữu, vĩnh hằng không chỉ là một lời hứa hay một hy vọng, như Carl Marx nghĩ, và ông ta coi đó như một cách để trút hết lên trời tất cả những thất vọng của chúng ta trên đời này. Vĩnh hằng cũng là hiện tại và là trải nghiệm. Thánh Gioan nói: Trong Chúa Kitô “sự sống đời đời là ở cùng Chúa Cha và được tỏ bày cho chúng ta - là những điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến.” (1 Ga 1: 1~3)

Với Chúa Kitô, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, “vĩnh cửu đã đến”. Chúng ta cảm nghiệm điều đó mỗi khi chúng ta thực sự đặt niềm tin vào Đức Kitô, vì những ai tin vào Người thì đã được sự sống đời đời (x. 1 Ga 5:13); chúng ta cảm nghiệm điều đó mỗi khi chúng ta rước lễ, bởi vì ở đó “chúng ta có một bảo chứng về sự vinh hiển trong tương lai”; chúng ta cảm nghiệm điều đó mỗi khi chúng ta lắng nghe những lời trong Tin Mừng, vì đó là “những lời ban sự sống đời đời” (x. Ga 6:68). Thánh Thomas Aquinas nói rằng “ân sủng là khởi đầu của vinh quang trên trời”.

Sự hiện diện vĩnh cửu trong thời gian được gọi là Chúa Thánh Thần, Đấng được định nghĩa là “bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta” (Ep 1:14; 2Cor 5: 5), và đã được ban cho chúng ta để sau khi nhận được hoa trái đầu mùa, chúng ta khao khát được viên mãn. “Chúa Kitô - như thánh Augustinô đã viết - đã ban cho chúng ta bảo chứng đầu tiên là Chúa Thánh Thần, qua đó Người, Đấng không thể lừa dối chúng ta, muốn cho chúng ta xác tín về sự thành toàn lời hứa của Người. Ngài đã hứa những gì? Thưa: Ngài hứa ban sự sống đời đời mà Thánh Linh được ban cho chúng ta là bảo chứng đầu tiên.”

Giữa cuộc sống đức tin hiện nay và sự sống vĩnh cửu có một mối quan hệ giống như mối quan hệ giữa sự sống của phôi thai trong lòng mẹ và sự sống của đứa trẻ sơ sinh. Như nhà thần học Byzantine vĩ đại thời Trung Cổ Nicola Cabasilas đã viết:

Thế giới này mang trong mình con người tâm linh mới, được tạo dựng theo thánh ý Chúa, cho đến khi anh ta được sinh ra trong thế giới hoàn hảo không hư nát, một khi anh ta đã được hình thành, tạo dáng và hoàn thiện ở đây. Như một phôi thai, khi tồn tại trong một hiện sinh tối tăm và trôi giạt, người đó được thiên nhiên chuẩn bị để sống trong ánh sáng. Điều tương tự cũng xảy ra với các vị thánh […]. Tuy nhiên, đối với một phôi thai, cuộc sống tương lai hoàn toàn là tương lai: không có tia sáng nào chạm được đến phôi thai, không có bất cứ điều gì liên quan đến cuộc sống này chạm được đến nó. Đối với chúng ta thì không phải như vậy, vì thế giới tương lai đã và đang được đổ vào, và trộn lẫn với thế giới hiện tại […]. Vì vậy, các thánh không chỉ mới bắt đầu chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu, mà còn sống và làm việc ngay trong đó.

Có một câu chuyện ngắn minh họa sự so sánh này giữa quá trình mang thai và khi sinh nở mà tôi xin mạn phép kể lại bằng tất cả sự đơn giản của nó.

Có hai cặp song sinh trai / gái rất thông minh và sớm trưởng thành, đến nỗi khi còn trong bụng mẹ chúng đã nói chuyện được với nhau. Cô gái hỏi em trai của mình: “Theo em thấy, liệu có sự sống sau khi sinh không?” Đứa bé trai trả lời: “Đừng ngố như thế! Điều gì khiến chị nghĩ rằng có bất cứ thứ gì bên ngoài không gian tối tăm chật hẹp mà chúng ta đang ở?” Cô gái, cố tỏ ra dũng cảm, nói: “Ai biết được, có lẽ có một người mẹ, hay một người nào đó đã đặt chúng ta ở đây và là người sẽ chăm sóc chúng ta.” Nhưng bé trai phản bác lại: “Chị có bao giờ thấy một người mẹ ở chỗ nào không? Tất cả những gì chị thấy là tất cả rồi đó”. Cô chị lại nói: “Nhưng chẳng lẽ em không cảm thấy rằng đôi khi có một thứ áp lực đè lên ngực mình đang lớn lên từng ngày và thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước sao?” Bé trai trả lời: “Thực ra nếu em để ý hơn thì đúng là như vậy. Em có thể cảm nhận được điều đó mọi lúc”. “Em thấy không - cô gái ta đắc thắng kết luận - nỗi đau này không thể vô ích. Chị nghĩ nó đang chuẩn bị cho chúng ta một thứ gì đó vĩ đại hơn không gian nhỏ bé này”.

Giáo hội nên là đứa trẻ giúp con người ý thức được niềm khao khát mà họ có, là điều mà vẫn chưa được nhìn nhận và đôi khi còn bị chế giễu. Cũng cần phải phủ nhận lời buộc tội làm nảy sinh mối nghi ngờ hiện đại chống lại quan niệm về cuộc sống vĩnh cửu theo đó kỳ vọng về cuộc sống vĩnh cửu làm xao lãng cam kết của chúng ta với hành tinh và với việc chăm sóc tạo vật. Trước khi các xã hội hiện đại chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc nâng cao sức khỏe và văn hóa cũng như cải thiện các phương pháp nông nghiệp và mức sống của người dân, ai đã thực hiện những nhiệm vụ đó hàng ngày tốt hơn các tu sĩ, là những người sống bằng niềm tin vào cuộc sống vĩnh cửu?

Không nhiều người biết rằng Bài Ca Mặt Trời hay Bài Ca Các Tạo Vật của Thánh Phanxicô thành Assisi xuất phát từ niềm tin bất ngờ vào cuộc sống vĩnh cửu. Các nguồn tài liệu của dòng Phanxicô mô tả nguồn gốc của bài ca ấy như sau. Một đêm nọ, khi Thánh Phanxicô đặc biệt đau đớn vì nhiều bệnh tật trầm kha của mình, ngài nói trong lòng: “Lạy Chúa, xin hãy cứu giúp con trong nhiều bệnh tật của con, để con kiên nhẫn chịu đựng chúng!”. Và ngay lập tức ngài nghe thấy những lời này trong tinh thần: “Phanxicô, hãy nói với Ta: nếu ai đó đã cho con một kho tàng quý giá lớn lao để đền đáp cho những bệnh tật và đau khổ của con, con sẽ không coi đất, đá và nước chẳng là gì so với kho báu đó chứ? Con không tràn ngập niềm vui sao?”. Phanxicô trả lời: “Lạy Chúa, đó sẽ là một kho tàng tuyệt vời mà không có gì so sánh được, quý giá và đáng yêu và đáng mơ ước”. Giọng nói kết thúc: “Vậy thì, hãy vui vẻ và vui mừng trước những bệnh tật và khó khăn của con; từ bây giờ hãy sống hạnh phúc, như thể con đã ở trong Vương quốc của Ta. “

Khi thức dậy vào sáng hôm sau, Phanxicô nói với những người bạn đồng hành của mình: “Bây giờ tôi rất vui mừng trong lúc ốm đau và đau đớn, và luôn cảm tạ Thiên Chúa vì ân sủng và phước lành tuyệt vời Ngài đã ban cho tôi. Thật vậy, Ngài đã rủ lòng thương xót mà ban cho tôi, người tôi tớ nhỏ bé bất xứng của Ngài vẫn còn sống dưới trần gian này, sự chắc chắn sẽ chiếm hữu được Vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Vì vậy, để ngợi khen Ngài và an ủi tôi, cũng như xây đắp cho người lân cận của chúng ta, tôi muốn sáng tác một “Lauda” mới, một bài thơ ca ngợi Chúa thay cho các tạo vật của Ngài. Mỗi ngày chúng ta vui thích trước các tạo vật của Thiên Chúa và chúng ta không thể sống thiếu chúng. Và mỗi ngày, chúng ta tỏ ra vô ơn vì lợi ích to lớn đó, và chúng ta không ca ngợi Đấng Tạo Hóa về điều đó như chúng ta nên làm”. Và thánh nhân ngồi xuống, chìm sâu vào suy nghĩ, rồi nói: “Altissimo, onnipotente, bon Segnore...” nghĩa là “Lạy Chúa là Đấng tối cao, toàn năng, và nhân lành”. Ý nghĩ về cuộc sống vĩnh cửu đã không khơi dậy trong thánh Phanxicô sự khinh miệt đối với thế giới này và các tạo vật, nhưng khơi lên nhiệt tình và lòng biết ơn đối với chúng thậm chí đến mức khiến nỗi đau hiện tại dễ chịu đựng hơn.

Việc suy ngẫm về sự vĩnh hằng hôm nay chắc chắn không miễn trừ cho chúng ta cảm nghiệm chung cùng với tất cả các cư dân khác trên hành tinh này về mức độ chông gai chúng ta phải chịu đựng trước đại dịch chúng ta đang trải qua; nhưng ít nhất giúp chúng ta với tư cách là các tín hữu không bị đè bẹp bởi nó và có thể truyền lòng can đảm và hy vọng của chúng ta cho những người không có sự an ủi của niềm tin. Chúng ta hãy kết thúc bằng một lời cầu nguyện tuyệt đẹp từ phụng vụ:

Lạy Chúa, Đấng khiến cho tâm trí của các tín hữu hợp nhất trong một mục đích duy nhất, xin ban cho dân Chúa biết yêu mến những gì Chúa đã truyền và khao khát những gì Chúa đã hứa, để, giữa những bất ổn của thế giới này, trái tim của chúng con có thể đặt cố định ở nơi mà niềm vui thực sự được tìm thấy. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. AMEN


Source:Raniero Cantalamessa

1.S. Agostino, Trattati su Giovanni 55, 1 (CCL 36, pp. 463 s.).

2.Cf. G.W.F. Hegel, Frühe Schriften, 1, in Gesammelte Werke, 1, Amburgo 1989, p. 372.

3.S. Kierkegaard, Postilla conclusiva, Sez. II, cap. 4 (in Opere, a cura di C. Fabro, Firenze 1972, p. 458).

4.Paradiso, XXII, 151.

5.Miguel de Unamuno, “Cartas inéditas de Miguel de Unamuno y Pedro Jiménez Ilundain”, a cura di H. Benítez, Revista de la Universidad de Buenos Aires 3 (9/1949) 135.150.

6.S. Agostino, Trattati sul Vangelo di Giovanni, 45, 2 (PL 35, 1720).

7.A. Fogazzaro, “A Sera”, in Le poesie, Mondadori, Milano 1935, 194-197.

8.S. Tommaso d’Aquino, Somma teologica, II-II, q. 24, a. 3, ad 2.

9.S. Agostino, Sermo 378, 1 (PL 39, 1673).

10.N. Cabasilas, Vita in Cristo, I, 1-2, a cura di U. Neri, UTET, Torino 1971, 65-67.

11.Legenda Perugina 43 (Fonti Francescane, 1591-1592)

12.Orazione XXI Domenica del Tempo Ordinario.
 
ĐTC cử hành Lễ Đức Mẹ Guadalupe, ban phép lành trọng thể kèm với Ơn Toàn Xá tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
10:42 12/12/2020


Lúc 11 giờ sáng ngày 12 tháng 12 theo giờ Rôma, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Ðức Mẹ Guadalupe tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha Phanxicô có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt nên năm nào ngài cũng cử hành Lễ Ðức Mẹ Guadalupe vào ngày 12 tháng 12. Năm nay lại là là kỷ niệm 125 năm lễ đội triều thiên cho ảnh Ðức Mẹ. Do đó, bất kể các khó khăn do đại dịch coronavirus gây ra, Đức Thánh Cha vẫn cử hành thánh lễ này cho dù với một cộng đoàn rất ít ỏi.

Những người được mời tham dự là các vị Đại sứ của các nước Mỹ châu Latinh cạnh Tòa Thánh, và gia đình của họ, cũng như một số đại diện cho các linh mục sinh viên Mỹ châu Latinh.

Trong khi Đức Thánh Cha tiến lên bàn thờ, ca đoàn hát một bài thánh ca bằng tiếng Tây Ban Nha có tựa đề “América despierta” nghĩa là “Mỹ Châu hãy bừng tỉnh” với những lời như sau:

Mẹ của người nghèo, của những người hành hương, chúng con xin Mẹ cho Mỹ Châu La Tinh. Vùng đất mà Mẹ đến thăm bằng đôi chân trần, ôm chặt một đứa trẻ trong tay.

Ánh sáng của một đứa trẻ mong manh làm cho chúng con mạnh mẽ, ánh sáng của một đứa trẻ nghèo làm cho chúng con giàu có. Ánh sáng của đứa trẻ nô lệ khiến chúng ta được tự do, ánh sáng mà một ngày kia bạn đã ban cho chúng ta ở Bêlem.

Mẹ của những người nghèo, còn nhiều khốn khó vì bánh mì luôn thiếu trong nhiều nhà. Bánh của sự thật thiếu nhiều tâm trí, bánh của tình yêu, thiếu trong nhiều người.

Mẹ liên đới nhân loại; khi nói với Sứ Thần: “Xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền” Hôm nay, chúng con cần sự can thiệp của Mẹ để chúng con không ra hư nát.

Mẹ của Giáo Hội, đấng đã sinh Con Mẹ, cùng với Mẹ, chúng con chờ đợi sự tái lâm của Người.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trong Phụng vụ hôm nay, có ba từ, ba ý tưởng nổi bật: đó là sự quảng đại, phước lành và hồng ân. Và, khi nhìn vào hình ảnh của Đức Trinh Nữ Guadalupe, phần nào chúng ta cũng thấy một sự phản ánh của ba thực tại: quảng đại, phước lành và hồng ân.

Quảng đại, vì Chúa luôn trao ban chính mình một cách hào phóng, luôn ban một cách dư dật. Ngài không biết liều lượng. Ngài để cho mình được “đo lường” bằng sự kiên nhẫn của mình. Chính chúng ta – do bản chất của chúng ta, do những giới hạn của chúng ta – mới biết đến nhu cầu cần phải có các hạn ngạch. Ngược lại, Ngài tự ban phát chính mình một cách dồi dào, và hoàn toàn. Và ở đâu có Chúa, ở đó có sự hào phóng.

Suy nghĩ về mầu nhiệm Giáng sinh, phụng vụ Mùa Vọng lấy ý tưởng hào phóng từ tiên tri Isaia. Thiên Chúa trao ban chính Ngài tất cả, như Ngài là, toàn bộ. Tôi thích nghĩ sự hào phóng là một “hạn chế” của Thiên Chúa. Ngài không thể hiến thân một cách khác không dồi dào dư dật.

Từ thứ hai là chúc phúc. Cuộc gặp gỡ của Đức Maria với bà Elizabeth là một sự chúc phúc, một phước lành. Chúc phúc có nghĩa là “nói tốt”. Và Thiên Chúa, từ trang đầu tiên của sách Sáng thế ký, đã làm chúng ta quen thuộc với phong cách nói tốt của Ngài. Từ thứ hai mà Ngài phán, theo Kinh thánh, là: “Và điều đó thật tốt”, “nó tốt”, “nó rất tốt”. Phong cách của Thiên Chúa là luôn luôn nói tốt, vì vậy nguyền rủa là phong cách của ma quỷ, của kẻ thù; phong cách của sự hèn hạ, không có khả năng cống hiến trọn vẹn chính mình, nhưng nói kiểu “độc địa”. Chúa luôn luôn nói tốt. Và Ngài nói điều đó với niềm vui, Ngài nói điều đó bằng cách cống hiến chính mình. Tốt. Ngài tự trao ban chính mình một cách dồi dào, nói tốt, và chúc phúc.

Từ thứ ba là hồng ân. Hai thực tại dư dật, và chúc phúc, là một hồng ân, là một món quà. Đó là một món quà được ban cho chúng ta trong Đấng là tất cả mọi ân sủng, Đấng là tất cả, tất cả mọi thần tính: trong Đấng Đầy Ân Sủng. Một món quà được ban cho chúng ta nơi Mẹ là Đấng “đầy ơn phúc”, “Đấng được đầy ơn sủng”. Đấng Đầy Ân Sủng đầy ân sủng tự bản chất và Đấng đầy ơn phúc đầy ân sủng nhờ được chúc phúc: đây là hai tham chiếu mà Kinh thánh chỉ ra. Đối với Mẹ, Kinh Thánh nói: Mẹ “được chúc phúc giữa những người phụ nữ”, “đầy ân phúc”. Chúa Giêsu là Đấng mang những ân phúc ấy đến.

Và khi nhìn hình ảnh Mẹ chúng ta đang trông đợi Đấng Đầy Ân Sủng, Đấng đầy ơn phúc đang trông đợi Đấng Đầy Ân Sủng, chúng ta mới hiểu được phần nào sự dồi dào dư dật, và sự chúc phúc. Và chúng ta hiểu món quà này, món quà của Thiên Chúa, Đấng đã tự hiến cho chúng ta trong sự phong phú tự bản chất của Con Chúa, trong sự phong phú của Mẹ Người, nhờ ân sủng. Đó là món quà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta như một phước lành, nơi Đấng đầy ơn phúc tự bản chất và Đấng đầy ơn phúc nhờ ân sủng. Đây là món quà mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và Ngài không ngừng muốn làm nổi bật trong quá trình mặc khải.

“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” - “Em là Mẹ Thiên Chúa là Đấng nhờ Người chúng ta được sống, Đấng ban sự sống, Đấng chúc phúc”.

Hôm nay nay khi chiêm ngắm hình ảnh của Mẹ chúng ta, chúng ta có thể “đánh cắp” từ Thiên Chúa một chút phong cách mà Ngài có: đó là quảng đại, hào phóng, “nói tốt”, không bao giờ nguyền rủa, và rồi biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà, một món quà cho tất cả mọi người. Xin cho được như thế.

Lời nguyện giáo dân

Đức Thánh Cha: Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên cùng Chúa, Đấng quan tâm đến tất cả các tạo vật của Ngài, và chúng ta hãy thân thưa với Ngài với lòng khiêm nhường chân thành.

Bằng tiếng Tây Ban Nha:

Xin Chúa cho Giáo hội được thăng tiến trong sự thánh thiện. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa bảo vệ Đức Thánh Cha Phanxicô. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa nâng đỡ hàng giám mục. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa giúp đỡ những người vô gia cư. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa cho những kẻ đói tìm được lương thực hàng ngày. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Bằng tiếng Bồ Đào Nha

Xin Chúa khai sáng cho những người sống trong tăm tối đức tin. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa tăng sức mạnh cho những người sống đời thánh hiến. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa cho các nhà lập pháp biết thận trọng. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Kết thúc các lời nguyện, Đức Thánh Cha nói:

Lạy Chúa, xin hãy lắng nghe những lời khẩn cầu của chúng con và ban cho chúng con những gì chúng con khẩn khoản cầu xin Chúa. Nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Amen.

Phép lành trọng thể kèm Ơn Toàn Xá

Đức Thánh Cha: Chúa ở cùng anh chị em.

Và ở cùng Cha.

Người dẫn chương trình: Xin anh chị em cúi đầu nhận phép lành kèm theo Ơn Toàn Xá của Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha: Xin Thiên Chúa, Đấng quan phòng đầy yêu thương đã nhân từ muốn cứu chuộc nhân loại qua Người Con thánh thiện nhất của Người do Đức Trinh Nữ Maria sinh ra, ban tràn đầy ơn phúc của Người trên anh chị em.

Amen.

Đức Thánh Cha: Xin cho anh chị em luôn luôn, mọi nơi mọi lúc có thể cảm nghiệm được sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria, đấng xứng đáng hạ sinh ra Chúa của sự sống.

Amen.

Đức Thánh Cha: Xin Chúa ban cho tất cả các anh chị em đã quy tụ về đây hôm nay để mừng lễ Đức Mẹ Maria này những niềm vui thiêng liêng và phần thưởng trên trời.

C. Amen.

Đức Thánh Cha: Và xin phép lành của Thiên Chúa toàn năng, là Cha, Con, và Chúa Thánh Thần, ngự xuống trên anh chị em và lưu lại trên anh chị em luôn mãi.

Amen.

Người dẫn chương trình: Niềm vui của Chúa là sức mạnh của chúng ta. Chúc anh chị em ra đi bình an.

Tạ ơn Chúa.

Ca đoàn đã hát một bài ca kết lễ. Đó là bài La Guadalupana, với những lời như sau

Juan Diego đang đi ngang qua núi, Juan Diego đang đi ngang qua núi và sau đó anh ấy đến gần, và sau đó đến gần, và sau đó đến gần, khi anh ấy nghe thấy tiếng hát.

Juan Diego, Đức Trinh Nữ nói với anh ta, Juan Diego, Đức Trinh Nữ nói với anh ta ngọn đồi này ta chọn, ngọn đồi này ta chọn, ngọn đồi này ta chọn, để làm nhà thờ của ta.

Mẹ hiện ra tràn ngập niềm vui, Mẹ hiện ra tràn ngập niềm vui với ánh sáng và sự hài hòa, với ánh sáng và sự hài hòa, với ánh sáng và sự hài hòa, lên toàn bộ Anahuac.

Và trên chiếc Tilma giữa những bông hồng được vẽ, và trên chiếc Tilma giữa những bông hồng được vẽ là hình ảnh anh yêu mến, hình ảnh anh yêu mến, hình ảnh anh yêu mến, anh đã vâng lời ra đi.

Trong nỗi buồn, anh gục mình trên hàng rào, trong nỗi buồn, anh gục mình trên hàng rào và ngước mắt lên và ngước mắt nhìn lên.
 
FBI: Ít nhất hai thị trưởng trúng mỹ nhân kế của Tầu. Làm sao chống lại cám dỗ xem hình ảnh dâm ô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:41 12/12/2020

1. Bảo tàng viện Vatican và Dinh thự Đức Giáo Hoàng bị đóng cửa tới ngày 15 tháng Giêng

Trong một diễn biến cho thấy tình hình đại dịch coronavirus tại Italia đang trở nên bi đát hơn, Bảo tàng viện Vatican, hôm 4 tháng 12 đã ra một thông báo như sau:

“Phù hợp với các biện pháp do chính quyền Italia ban hành để đối phó với tình trạng y tế, Bảo tàng viện Vatican tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 15 tháng Giêng.”

“Cũng vậy, Dinh thự Giáo hoàng ở thị trấn Castel Gandolfo tiếp tục ngưng các hoạt động đón du khách, bảo tàng viện và văn hóa tại đây. Những người đã mua vé hoặc giữ chỗ sẽ được hoàn lại tiền”.

Từ ngày 4 tháng 12 năm 2020, thủ tướng Italia đã ban hành một sắc luật mới tiếp tục các biện pháp hạn chế để chống lại sự lan lây của Coronavirus cho đến ngày 15 tháng Giêng. Ban tối có giới nghiêm trên toàn quốc, từ 10 giờ đêm cho đến 6 giờ sáng. Các thánh lễ đêm vọng Giáng sinh cần được kết thúc làm sao để các tín hữu có thể về nhà trước khi bắt đầu giới nghiêm.

Chiều ngày 4 tháng 12 năm 2020, tại Italia có thêm hơn 24,000 ca nhiễm mới chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ và 814 người chết.

Trong khi đó, một khoa học gia Đài Loan tuyên bố Trung Quốc đã tìm cách che đậy sau khi đã có các dấu chỉ tỏ tường của một đại dịch kinh hoàng

Một năm sau khi bệnh nhân đầu tiên mắc các triệu chứng COVID-19 được chính thức ghi nhận ở Vũ Hán, một khoa học gia tuyên bố bọn cầm quyền đã che đậy những gì họ biết khi đại dịch coronavirus bắt đầu bùng phát.

Giáo sư Trang Ngân Chính (Chuang Yin-ching, 庄银正) của Đài Loan đã bay đến Vũ Hán vào tháng Giêng để gặp các quan chức Trung Quốc và tỏ ra nghi ngờ về thông tin cho rằng virus này không thể lây truyền từ người sang người.

“Họ đã cố gắng phủ nhận khả năng lây truyền từ người sang người,” ông nói.

Giáo sư Trang Ngân Chính đã lên tiếng cảnh giác khả năng lây truyền COVID-19 từ người sang người trước khi điều này được Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận.

Nhờ lời cảnh báo của ông, chính phủ Đài Loan trở thành nước đầu tiên áp đặt các biện pháp kiểm soát và kiểm dịch nghiêm ngặt ở biên giới.

Ở Đài Loan, chỉ có bảy người chết vì COVID-19 trong toàn bộ đại dịch


Source:Sky News Australia

2. Doanh số bán vũ khí của Trung Quốc tăng 8.5%, vượt qua Nga, chỉ sau Hoa Kỳ

Doanh số bán vũ khí của 25 công ty lớn nhất trong ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc đã đạt tổng cộng 361 tỷ Mỹ Kim vào năm 2019, tăng 8.5% so với năm 2018, theo một nghiên cứu mới được công bố hôm 8 tháng 12 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, gọi tắt là SIPRI, vừa cho biết như trên.

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, Hoa Kỳ chiếm giữ 61% doanh thu toàn cầu về buôn bán vũ khí. Các công ty Trung Quốc theo sau với 16% thị trường.

Năm công ty quốc phòng của Hoa Kỳ chiếm vị trí đầu bảng sắp hạng doanh thu buôn bán vũ khí trên thế giới. Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, Tổng công ty Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc và Tổng công ty Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc lần lượt xếp ở vị trí thứ sáu, thứ tám và thứ chín; Tập đoàn Công nghiệp Nam Trung Quốc đứng thứ 24.

Theo SIPRI, chương trình hiện đại hóa rộng lớn của Quân Giải phóng Nhân dân đang thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc.

Ngược lại, Nga đã quyết định giảm chi tiêu quân sự nên đành xếp thứ ba sau Trung Quốc.


Source:Asia News

3. Khi bị cám dỗ phạm tội, hãy làm theo lời khuyên của Thánh Phanxicô đệ Salê

Vấn đề những hình ảnh dâm ô trên Net là một vấn nạn đối với nhiều người, kể cả người Công Giáo. Năm 2008, một trường trung học Công Giáo tại Midwest đã thực hiện một nghiên cứu trên 175 học sinh. 48% thừa nhận đã xem những hình ảnh dâm ô trên Net. Trong số đó, 36% bày tỏ lo ngại là các em đã rơi vào tình trạng nghiện ngập những hình ảnh này.

Với sự ra đời của các loại Ipad, Iphone tình hình còn trầm trọng hơn nữa.

Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân lý tỏ tường”, hôm 7 tháng 12, có bài của tác giả Philip Kosloski về các biện pháp khi bị cám dỗ phạm tội.

Tác giả cho biết: Khi chúng ta cảm thấy bị cám dỗ quá mức để phạm một tội lỗi nào đó, chúng ta có thể khó cưỡng lại. Chúng ta có thể biết điều đó là xấu, nhưng dù sao thì đam mê của chúng ta cũng thúc đẩy chúng ta làm điều đó.

Thánh Phanxicô Đệ Salê, trong cuốn sách Giới thiệu về Đời sống sùng đạo, giải thích những gì bạn nên làm khi bị cám dỗ.

Ngay khi bạn cảm thấy bản thân bị cám dỗ, hãy làm như những đứa trẻ nhỏ của chúng ta khi chúng nhìn thấy một con sói hoặc một con gấu trên núi. Chúng chạy đến kêu cầu sự bảo vệ của cha hoặc mẹ, hoặc ít nhất là la làng kêu cứu. Cũng thế, bạn phải chạy ngay theo cùng một cách như thế, đến với Chúa, kêu cầu lòng thương xót và sự chở che của Ngài, — đó là phương dược được chính Chúa dạy cho chúng ta: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi sa vào cơn cám dỗ.” (Mt 26:41)

Tuy nhiên, nếu cơn cám dỗ vẫn tiếp tục đeo bám hay không ngừng gia tăng thì chúng ta vẫn có một cách khắc phục khác.

Hãy vội vàng ôm lấy Thánh Giá, ít là trong tinh thần, như thể bạn thấy Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh thực sự đang hiện diện. Hãy kiên quyết phản đối, đừng chiều theo cơn cám dỗ, và cầu xin sự giúp đỡ của Ngài; và, nếu sự cám dỗ còn kéo dài, bạn cứ tiếp tục thực hiện các hành vi phản kháng. Nhưng trong khi thực hiện những phản kháng này, đừng dán mắt vào cơn cám dỗ — nhưng chỉ nhìn vào Chúa của chúng ta, vì nếu bạn cứ tiếp tục nghĩ đến cơn cám dỗ, nhất là khi nó đang dâng lên mạnh mẽ, lòng can đảm của bạn có thể bị lung lay.

Bên cạnh những mẹo cơ bản này, một cách hiệu quả khác để chống lại cơn cám dỗ là hướng sự chú ý của bạn sang một thứ khác, tham gia vào một hoạt động khác.

Hãy chuyển hướng tâm trí của bạn vào bất kỳ một công việc phù hợp và lành mạnh nào đó, vì nếu điều đó chiếm hữu và lấp đầy suy nghĩ của bạn, nó sẽ xua đuổi được cơn cám dỗ và những tưởng tượng xấu xa.

Sự cám dỗ có thể khó cưỡng lại, nhưng với sự giúp đỡ của Chúa, mọi thứ đều có thể.


Source:Aleteia

4. Cục Điều Tra Liên Bang tiết lộ tin tức về việc ít nhất hai thị trưởng trúng mỹ nhân kế của Tầu

Cục Điều Tra Liên Bang, gọi tắt là FBI, vừa tiết lộ tin tức về việc ít nhất hai thị trưởng của hai thành phố miền trung Tây nước Mỹ đã lọt bẫy một gián điệp Trung Quốc có tên gọi là Christine Phương, hay còn gọi là Phương Phương, trong một kế hoạch dùng mỹ nhân kế để nhắm đến mục tiêu là các ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ.

Được biết, Phương Phương đã được chính quyền cộng sản Trung Quốc gởi sang khu Vùng Vịnh thuộc bắc California vào năm 2011. Cô đã ghi danh vào trường đại học Cal State East Bay, sau đó len lỏi vào các sinh hoạt chính trị của người Mỹ địa phương dưới danh nghĩa đại diện Hội Sinh Viên Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian từ 2011-2015, Phương Phương đã dùng mọi thủ đoạn và kỹ xảo của một đặc tình để làm quen và thiết lập quan hệ cá nhân với rất nhiều dân biểu thuộc đảng Dân Chủ như Ro Khanna, Judy Chu, Mike Honda, Ra Salwan, Ash Kalra v.v.. mà bằng chứng là những tấm hình chụp chung với họ. Theo FBI, Phương Phương đã từng bị thu hình trong lúc quan hệ tình dục với một thị trưởng Mỹ, và cho đến gần ngày bị bại lộ vào 2014, cô ta vẫn đang tích cực vận động gây quỹ cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ là dân biểu Eric Swalwell của tiểu bang California và dân biểu Tulsi Gabbard của Hawaii vào năm 2013.

Tuy nhiên, sau khi được FBI tiếp xúc, dân biểu Swalwell đã nhanh chóng rút lui khỏi mối quan hệ với nữ gián điệp này, và Phương Phương tức khắc biến khỏi sân sau của chính trường Mỹ ngay sau đó.

Các dân biểu kể trên đều từ chối không bình luận về hiện tượng Phương Phương, hoặc tuyên bố “không hề nhớ có cuộc gặp gỡ với cô ta”


Source:Business Insider
 
Biểu tình rất lớn đã nổ ra tại thủ đô Washington DC để ủng hộ Tổng thống Trump
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:04 12/12/2020


Tối thứ Sáu 11 tháng 12, Tổng thống Trump cho biết vắc xin trị COVID-19 sẽ bắt đầu được sử dụng tại Hoa Kỳ vào ngày thứ Hai 14 tháng 12. Tổng thống nói:

Tôi có một tin vui. Hôm nay, quốc gia của chúng ta đã đạt được một kỳ tích y học. Chúng ta đã sản xuất được một loại vắc xin an toàn và hiệu quả chỉ trong vòng có chín tháng. Đây là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử. Nó sẽ cứu sống hàng triệu người và sớm kết thúc đại dịch một lần và mãi mãi. Tôi rất vui mừng được thông báo rằng FDA đã cho phép vắc xin Pfizer được sử dụng.

Một cuộc biểu tình ở Washington vào ngày 12 tháng 12 năm 2020 đã thu hút rất đông đảo những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump; nhiều người khẳng định rằng ông đã đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tháng 11

Trong một tweet vào sáng thứ Bẩy, Tổng thống Trump viết:

“Wow! Hàng ngàn người đang tụ họp ở Washington (DC) để ngăn chặn hành vi trộm cắp”

Không lâu sau đó, trực thăng của ông cất cánh từ sân bay của Tòa Bạch Ốc và bay lượn trên đám đông - nhiều người đang hát quốc ca Hoa Kỳ.

Trong số những người biểu tình, có thể thấy rõ có rất đông người Việt Nam.

Cách đó vài dãy nhà, những người ủng hộ phong trào Black Lives Matter cũng tổ chức một cuộc biểu tình của riêng họ, nhưng nhỏ hơn rất nhiều so với cuộc biểu tình của những người ủng hộ Tổng thống Trump.

Các cuộc đụng độ bạo lực thỉnh thoảng đã xảy ra giữa những người ủng hộ Tổng thống Trump và nhóm Black Lives Matter. Cảnh sát đã thực hiện ít nhất 6 vụ bắt giữ liên quan đến các cuộc ẩu đả đó.

Hàng nghìn người biểu tình đội mũ đỏ đã tập trung xung quanh Freedom Plaza, cách Tòa Bạch Ốc vài dãy nhà, trong bầu không khí lễ hội ngay từ sáng sớm thứ Bẩy. Những người đến sớm là những người rất can đảm vì họ thường là nạn nhân bị nhóm Black Lives Matter tấn công.

Nhiều cảnh sát viên trong trang phục chống bạo động, sử dụng cơ thể và xe đạp của họ để giữ cho hai nhóm tách biệt với nhau. Cũng có ít nhất một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và nhóm Black Lives Matter.

Những người biểu tình ủng hộ tổng thống Trump hô vang “Hoa Kỳ” và “bốn năm nữa” cho tổng thống.

“Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc,” Luke Wilson, một người biểu tình ở độ tuổi 60, đến từ bang Idaho, miền Tây, nói.

“Tôi tin rằng có một sự bất công lớn đối với người dân Mỹ”.

Những người biểu tình khẳng định, như Tổng thống Trump đã nhiều lần quả quyết, rằng đã có gian lận rất phổ biến trong cuộc bầu cử.

Một số người chỉ ra rằng đã có các “can thiệp từ nước ngoài” nhằm làm suy yếu Hoa Kỳ, đặc biệt là từ Trung Quốc và Iran. Nhiều người khác cho rằng các nhu liệu điện toán đã được dùng để ăn gian xóa hàng triệu phiếu bầu cho tổng thống và chuyển qua cho ông Joe Biden.

Susan Bowman, 62 tuổi đến từ Hampton, Virginia, cho biết “đây không phải là một nước banana republic. Chúng ta cần phải sửa chữa cuộc bầu cử.” Trong thuật ngữ chính trị banana republic chỉ một quốc gia có nền chính trị chao đảo vì nền kinh tế của nó phụ thuộc vào việc xuất khẩu các tài nguyên hạn chế như chuối và khoáng sản.

Những người phát biểu trước đám đông bao gồm cả Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, là người gần đây đã được tổng thống ân xá sau khi các cuộc điều tra cho thấy ông vô tội đối với các cáo buộc do chính quyền Obama đưa ra.

Những người biểu tình, bao gồm cả một số người đeo mặt nạ có hình tổng thống Donald Trump, đã tuần hành trên nhiều đường phố ở Washington để phản đối cuộc bầu cử tháng 11 và khẳng định Tổng thống Trump chỉ thua vì có sự gian lận tràn lan.


Source:CNA
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News