Ngày 15-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy “học trường” Thánh Giuse
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
00:37 15/12/2010
Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Vọng, Năm A

Tin mừng Matthêu kể câu chuyện truyền tin cho Thánh Giuse:“Bà Maria, mẹ của Đức Giêsu, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”... Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” ( Mt 1, 18 – 21.24).

Tin mừng giới thiệu về những đóng góp của Thánh Giuse vào công trình Nhập Thể. Với sự quãng đại, Thánh Giuse đã bỏ dự định của mình để thi hành chương trình của Chúa. Ngài đã cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Vua Đavit. Đúng như lời Thiên Chúa đã hứa từ thời Cựu Ước. Thánh Giuse đặt tên cho Hài Nhi, nhận Chúa Giêsu là con mình theo pháp lý. Từ nay Thánh Giuse bao bọc Đức Maria và Chúa Giêsu. Ngôn sứ Isaia loan báo: “Này đây Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Is 7,14). Lời ngôn sứ có một tầm quan trọng trong nhiệm cục cứu rỗi. Lời đó khẳng định "chính Thiên Chúa" sẽ ban cho Đavid một người thuộc dòng dõi, như là "dấu chứng" lòng trung tín của Người. Lời hứa này đã thực hiện: Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ Chúa Giêsu. Thánh Giuse đựơc vinh dự tham gia vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu Kitô là Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Người là Đấng Cứu Độ, Đấng đến giải thoát và ban bình an cho dân Chúa. Nhưng qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Thánh Giuse đã gặp một cú sốc quá lớn. Khi biết Maria bỗng dưng có thai, Giuse đau khổ, rất bối rối, buồn phiền, thậm chí thấy mình bị xúc phạm mãnh liệt. Theo luật dân sự, trong trường hợp này, Giuse có quyền từ hôn. Giuse có thể tố cáo Maria về vụ việc này, và nhà cầm quyền Do Thái có thể xử tử Maria bằng cách ném đá cho đến chết, chiếu theo luật trong Đnl 22,23-24. Giuse âm thầm mang lấy nổi đau riêng mình, dự định “tẩu vi thượng sách”. Dự tính lặng lẽ ra đi không phải chỉ do sự tôn trọng luật pháp hay tôn trọng danh dự Maria thúc đẩy, nhưng còn có cái gì sâu xa hơn nữa. Có thể ví với thái độ của những người đối diện với một mầu nhiệm cao cả: họ thụt lại vì kính sợ, tựa như ông Môsê đã cởi dép khi tiến gần bụi gai đang cháy rực (St 3,5), tựa như Isaia thất kinh khi diện kiến Thiên Chúa cực thánh(Is 6,5), tựa như ông Simon sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng (Lc 5,8). Giuse được biết là Maria “có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, vì thế ông không dám chiếm hữu người con không phải là của mình nên toan tính rút lui. Để cũng cố thêm cho sự giải thích vừa rồi, cha Ignace de La Potterie nhận xét rằng cần phải xét lại các bản dịch cổ truyền. Thay vì “ông Giuse là người công chính không muốn tố giác bà”, cần phải dịch là “ông Giuse là người công chính không muốn tiết lộ (mầu nhiệm), quyết định rời bỏ bà cách kín đáo”. Động từ deigmatisai (ít được sử dụng trong tiếng Hy lạp) tự nó chỉ có nghĩa là thông báo, nói cho biết, đưa ra ánh sáng), và tuỳ theo mạch văn mà thay đổi ý nghĩa: có thể là “tố cáo, tố giác” (điều xấu), “bày tỏ, tiết lộ” (điều tốt). Ông Giuse đựơc bà Maria tâm sự về sự cưu mang do quyền năng Thánh Thần, và ông không dám tiết lộ mầu nhiệm này. (x.Lm Phan Tấn Thành, Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Kitô và Hội thánh).

Là người công chính nên Giuse luôn lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Vì vậy, ngài trở nên Thánh Cả và là mẫu gương cho mọi tín hữu.

1. Mẫu gương đức tin, công chính và cầu nguyện.

Thánh Giuse, con người đức tin, công chính và cầu nguyện. Đức tin liên kết với sự công chính và sự cầu nguyện, đó là thái độ xứng hợp để gặp “Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta".

Tự thâm sâu, tình yêu của Giuse vẫn trổi vượt. Ngài không hề quay lại bản thân mình để cảm thấy bị lừa dối xúc phạm, nhưng chỉ hướng về Maria để tiếp tục tin rằng vị hôn thê của mình vẫn thật sự trong sạch vẹn tuyền. Không hề tra hỏi Maria một lời nào.Vì yêu Maria nên Giuse không muốn làm hại bạn mình. Ngài đã chọn con đường rút lui trong âm thầm, một giải pháp thua thiệt cho bản thân vì sẽ mang tiếng là “sở khanh”. Một quyết định can đảm nói lên tình yêu và tấm lòng quảng đại của ngài. Giuse đúng thật là người công chính. Nơi Thánh Giuse, "sự công chính nội tâm" trùng với "tình yêu". Tình yêu dâng hiến luôn hướng về người khác, sẵn sàng hy sinh để làm người mình yêu có giá trị hơn và đựơc hạnh phúc hơn. Chấp nhận chịu thiệt thòi để người yêu đựơc lợi, chấp nhận đau khổ để người mình yêu hạnh phúc. Sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho người mình yêu khi có lầm lỗi. Giuse đã yêu Maria bằng tình yêu dâng hiến như thế.

Thánh Giuse là một người mở lòng đón nghe Lời Chúa trong cầu nguyện. Thiên thần giải thích cho Giuse biết "người sinh bởi Đức Maria là do Chúa Thánh Thần", theo lời ngôn sứ phán xưa: "Này đây: Trinh nữ sẽ thụ thai", và Giuse sẵn sàng tiếp nhận những ý định của Chúa, những ý định vượt quá những giới hạn của loài người. Ngài sống đức tin đích thực bằng việc lắng nghe và thi hành ý Chúa.

2. Mẫu gương luôn vâng theo thánh ý Chúa.

Thánh Giuse là người công chính như Kinh Thánh đã khen tặng. Trong suốt cuộc đời Giuse hằng luôn vâng theo Thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 1,18-25; 2,13-23; Lc 2,1-7.22).

Thánh ý Chúa, được sứ thần truyền đạt đến cho Giuse, vừa xoá tan mọi nghi ngờ đang dằn vặt ngài vừa mạc khải cho ngài về lai lịch và sứ mạng của thai nhi đang được cưu mang. Đó là Đấng Thánh vì được thụ thai do quyền năng của Thiên Chúa. Đó cũng là Đấng sẽ giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ ngoại bang. Sứ thần xác nhận “Maria mang thai do Chúa Thánh Thần” và bảo ông đừng rút lui mà “hãy đưa Maria về với mình”, bởi Chúa đã giao cho ông một sứ mạng. Giuse sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để hoàn tất chương trình của Người.

Như một khí cụ ngoan ngoãn trong tay người sử dụng, thánh Giuse đã được Thiên Chúa chọn làm người bảo trợ Đấng Thiên Sai, và ngài đã cùng bạn mình là Đức Maria, thực hiện mọi quyết định của Thiên Chúa, dầu có phải trải qua biết bao thử thách gian nan, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Người Công Chính Giuse suốt cuộc đời luôn luôn thức tỉnh trước thánh ý Thiên Chúa, thức tỉnh ngay cả trong giấc ngủ.

- Ở Bêlem: “Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi !” Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập.” ( Mt 2, 13 – 14 ).

- Ở Aicập: “Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Aicập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. ”Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen.” ( Mt 2, 19 – 21 ).

- Ở Giuđê: “Vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông Giuse sợ, không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét.” ( Mt 2, 22 – 23 ).

Sống tỉnh thức nên Thánh Giuse trở thành một vị thánh lớn. Ngài đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động. Thánh Gioan Tẩy Giả đã khiêm tốn rao giảng rằng: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” ( Ga 3, 30 ). Thánh Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời nào. Tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria ở Nadarét và tiếng “xin vâng” của Chúa Giêsu ở vườn Ghếtsêmani đã được hòa âm trong trọn vẹn cả cuộc đời Thánh Giuse.

Thánh Giuse, con người lặng thầm nhất của Mùa Vọng. Chiêm niệm, thao thức lắng nghe tiếng Chúa, đáp lại không chần chừ, dù cho phải trả giá.

Một câu ngạn ngữ của người Nigêria nói rằng: Hãy lắng nghe và bạn sẽ nghe đựoc những bước chân của các con kiến. Chúng ta được mời gọi để lắng nghe những bước chân âm thầm của Thiên Chúa trong cuộc đời.

Hãy “học trường” Thánh Giuse, bài học lắng nghe và thi hành Lời Chúa trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng và phó thác.
 
Mỗi Ngày Môt Câu Kinh Thánh - Từ 16 đến 31 tháng 12 năm 2010
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
01:45 15/12/2010
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ ngày 16 đến 31-12-2010

Ngày 16-12-10: Nhưng tại Xác-đê, ngươi có một ít người đã không làm nhơ bẩn áo mình; họ mặc áo trắng cùng đi với Ta, vì họ xứng đáng. (Kh 3, 4) * Áo ngày chịu phép rửa tội, người Tín hữu đã sống vững đức tin, trung thành với Chúa. Tôi có bổn phận trung tín và kiên trì sống đạo trong mọi hoàn cảnh đang xảy đến hiện nay.

Ngày 17-12-10: Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng; Ta sẽ không xoá tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh; Ta sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta…(Kh 3, 5) * Vì theo Chúa, nên tôi được gọi tên là Kitô hữu, tôi sẽ được vào Nước Trời, nếu sống thực hành Lời Đức Kitô.

Ngày 18-12-10: Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với Hội Thánh. (Kh 3, 6) * Tôi cần nghe Lời Chúa bằng cái tai tâm hồn bởi Chúa Thánh thần nhắc bảo qua mọi người, mọi dấu chỉ và Giáo hội.

Ngày 19-12-10: Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. (Mt 5, 28) * Chúa muốn dạy tôi phải có hành động quyết liệt với con mắt để sửa chữa nó, vì nó làm tôi phạm tội ngoại tình với Chúa và giữa vợ chồng. Bạn cần cầu nguyện nhiều và quyết tâm hướng về Chúa.

Ngày 20-12-10: Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mấp một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục. (Mt 5, 29) * Vì mắt là cửa sổ của tâm hồn, dù đi tu hay có gia đình, tôi cần có hành động thật tích cực, chiến đấu liên lỉ.

Ngày 21-12-10: Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục. (Mt 5, 30) * Việc móc mắt và chặt tay là nói đến tôi phải quyết tâm xa lánh mọi dịp tội hàng ngày, để vào Nước Trời.

Ngày 22-12-10: Người đến dùng bữa tại nhà ông Lêvi. Nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ, vì họ đông đảo và đã đi theo Người. (Mc 2, 15) * Đức Giêsu cùng ngồi ăn uống với đủ loại người. Tôi cần theo gương Chúa để sống gần mọi người.

Ngày 23-12-10: Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi.!?” (Mc 2, 16) * Bạn cũng thường có những câu hỏi như vậy với những người trong Giáo hội. Tôi cần bỏ những khép kín, hẹp hòi và mở rộng tâm hồn quảng đại, tha thứ cho những ai lỡ bước lầm đường.

Ngày 24-12-10: Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người…, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2, 17) * Đức Giêsu có ý ám chỉ các kinh sư và người Pha-ri-sêu, và có thể là bạn và tôi, đã tự khoe mình là người công chính mà khinh chê kẻ khác.

Ngày 25-12-10: Chúa Giêsu đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. (Mc 3, 10) * Hôm nay tôi cần bỏ ngay mọi tật xấu, để không còn làm nô lệ cho tội, và hoàn toàn tự do đến gặp Người chữa bệnh thể xác và tâm hồn cho tôi.

Ngày 26-12-10: Hàng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem để mừng lễ vượt qua. (Lc 2, 41) * Theo luật Do thái mỗi năm phải hành hương ba lần phỏng theo sách 1 Samuel 1, 3.7. Tôi noi gương Thánh Gia dâng con cho Chúa để Ngài giữ gìn thánh hoá.

Ngày 27-12-10: Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. (Lc 2, 42) * Đây là tuổi mà người Do thái cho là tuổi trưởng thành về mặt tôn giáo. Tôi cần săn sóc con tuổi này vì chúng có nhiều thay đổi, gặp gỡ khuyên bảo, làm gương sáng.

Ngày 28-12-10: Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. (Lc 2, 43) * Việc theo dõi mọi hành động của con ở tuổi này rất cần thiêt, cha mẹ đừng mải mê làm ăn mà quên con. Tôi quyết dành nhiều thì giờ để gần con.

Ngày 29-12-10: Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. (Mc 3, 13) * Chúa lên núi là đi cầu nguyện, gặp gỡ Cha của Người để quyết định chọn các môn đệ. Tôi hãy noi gương Đức Giêsu dành nhiều thì giờ bàn hỏi, cầu nguyện với Chúa, trước khi làm bất cứ công việc nào.

Ngày 30-12-10: Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3, 14) * Bạn đã được Chúa gọi làm môn đệ, và sai đi rao giảng Tin Mừng. Tôi hãy trung thành với ơn gọi hiện tại và sống làm chứng cho Chúa bằng việc làm.

Ngày 31-12-10: Đức Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc 3, 20) * Các thân nhân của Đức Giêsu sợ sự hoạt động thành công của Người ảnh hưởng đến gia đình họ. Hôm nay tôi nhiệt thành phục vụ Chúa đôi khi cũng bị gia đình chống đối, chê bai.

Phó tế: JB. Maria Nguyễn Định * johndvn@yahoo.com
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần Thứ IV Mùa Vọng
Lm Jos Tạ Duy Tuyến
04:05 15/12/2010
Ngày 17.12

Mt 1,1-17

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tin rằng Chúa đang hiện diện trong tâm hồn chúng con. Chúa viếng thăm linh hồn chúng con qua hình bánh đơn sơ bé mọn. Chúa lưu lại trong chúng con bằng ơn thánh qua bí tích Thánh Thể. Chúng con thật hạnh phúc vì được đón nhận quà tặng vô giá là chính Chúa ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Chúng con xin tri ân và cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con thật hạnh phúc được sinh ra trong đức tin của Hội Thánh. Đức tin đó được chính Chúa nuôi dưỡng và củng cố qua suốt dọc dài lịch sử của ơn cứu độ. Nhưng Chúa ơi, đức tin của chúng con cũng có lúc tăm tối như Abraham và cũng trải qua biết bao thử thách như Mô-sê. Cuộc đời đâu mấy khi bình yên. Sóng gió, thử thách, gian nan, lận đận vẫn cuốn vào kiếp người chúng con. Có những lúc chúng con muốn buông trôi theo dòng đời. Có những lúc chúng con hụt hẫng mất niềm tin vào sự quan phòng của Chúa. Xin tha thứ cho những lầm lỗi của chúng con. Xin ban cho chúng con đức tin kiên vững để vượt qua những thử thách gian nguy. Xin cho chúng con một lòng trung tín vào Chúa cho dẫu giòng đời có xô đẩy bởi biết bao khốn khó tư bề.

Lạy Chúa, Chúa luôn có chương trình cho từng cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con luôn tin tưởng, phó thác cậy trông vào Chúa. Xin giúp chúng con luôn đọc ra ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời chúng con. Amen.

Ngày 18.12

Mt 1,18-24

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua việc nhập thể làm người Chúa đã mang ơn thánh hóa đến cho nhân trần chúng con. Chúa làm người cho con người làm con Thiên Chúa. Đây là ân huệ vô cùng cao quý mà Chúa đã dành cho chúng con. Chúng con xin hết lòng tri ân cảm tạ Chúa. Tạ ơn Chúa đã yêu thương chúng con. Tạ ơn Chúa đã mang thân phận con người để nâng loài người chúng con lên làm con Thiên Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết mở rộng lòng đón rước Chúa mỗi ngày, để Chúa ở cùng chúng con sẽ mang lại cho chúng con niềm vui và sự hoan lạc tràn ngập tâm hồn.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, có Chúa ở cùng chúng con là một hồng ân vô giá mà Chúa dành cho chúng con. Quả thực, đâu còn gì hạnh phúc hơn khi được chính Chúa cùng chia sẻ vui buồn trong những thăng trầm của cuộc đời chúng con. Sự hiện diện của Chúa như người cha luôn mang lại cho con cái niềm tin, nghị lực, sức phấn đấu và sự ủi an. Xin giúp chúng con biết học nơi Mẹ Maria thái độ lắng nghe, cầu nguyện để nhận ra ý Chúa trong từng biến cố của cuộc đời. Xin giúp chúng con luôn quảng đại dấn thân cho ý Chúa được thực hiện như thánh Giuse đã quảng đại đón nhận Mẹ Maria về làm bạn của mình. Xin giúp chúng con cũng biết đón nhận ý Chúa bằng hai tiếng xin vâng với trọn lòng yêu mến như Mẹ Maria.

Lạy Chúa, xin dùng chúng con như khí cụ của Chúa để công việc và thánh ý Chúa được nên trọn trong cuộc đời hôm nay. Amen

Ngày 19.12

Lc 1,5-25

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã đến lần thứ nhất, đã nhập thế làm người và qua đó trao ban cho chúng con niềm vui ơn cứu độ. Chúng con thực sự vui mừng vì có Chúa ở cùng chúng con. Chúng con thật hạnh phúc vì có Chúa luôn đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa đến và lưu lại trong tâm hồn chúng con. Chúng con xin hết lòng cảm tạ, tri ân tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con.

Vâng, lạy Chúa, tình yêu đó hôm nay Chúa đã dành cho gia đình Giacaria. Chúa đã viếng thăm gia đình ông. Chúa đã tỏ lòng thương xót gia đình ông qua món quá vô giá là đứa con được sinh ra trong lòng thương xót của Chúa. Xin cho các gia đình trẻ hôm nay biết yêu mến sự sống là quà tặng của Chúa. Xin cho họ biết quảng đại đón nhận con cái là hồng ân Chúa ban. Xin đừng để tính ích kỷ, thói hưởng thụ khiến họ loại trừ mầm sống nơi các thai nhi vô tội. Xin cho các quốc gia trên toàn thế giới biết tôn trọng sự sống của con người để luôn dùng luật pháp mà bảo vệ sự sống chứ không bóp chết sự sống như một số quốc gia vẫn làm.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng giầu lòng xót thương. Xin thương ban cho chúng con tâm hồn bình an, thân xác khỏe mạnh. Xin bồi bổ tâm hồn chúng con bằng ân sủng và tình thương của Chúa. Amen

Ngày 20.12

Lc 1,26-38

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể

Người ta thường nói rằng “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: Niềm vui Giáng sinh không hệ tại ở ngoại cảnh, nhưng nằm ở trong chính tâm hồn chúng con. Từ đó, chúng con luôn sẵn sàng đổi mới tâm hồn mình luôn mau mắn giao hòa cùng Chúa và anh em.

Lạy Chúa Giê-su, Trời mỗi ngày thêm lạnh hơn, không khí Noel có vẻ như tưng bừng nhộn nhịp lên. Nơi nơi tiếng hát mừng sinh nhật Chúa được vang xa bao trùm khắp không gian. Những cánh thiệp mừng sinh nhật Chúa được trao tặng nhau trong tình thương mến nồng nàn. Không gian và thời gian như đang hòa điệu với nhau để mang lại vẻ tươi vui nhộn nhịp cho ngày đại lễ. Lòng người cũng rộn lên niềm vui. Con người cũng muốn hòa chung niềm vui cùng vạn vật bằng sự sửa soạn từ tâm hồn đến thể xác những điều cần thiết cho niềm vui được trọn vẹn và bền vững. Xin cho chúng con luôn biết noi gương Đức mẹ, biết kiên trì lắng nghe, cầu nguyện và suy niệm lời Chúa, để lời Chúa thực sự trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của chúng con. Xin cho chúng con cũng biết đón nhận ý Chúa trong mọi biến cố cuộc đời, bằng hai tiếng xin vâng với trọn niềm phó thác tin yêu. Xin cho mọi người đều nhận ra Chúa chính là hoàng tử bình an, là niềm vui đích thực để nhân loại cùng chung niềm vui mừng sinh nhật của Chúa, không chỉ bằng những nhộn nhịp bên ngoài, nhưng bằng một sự hoán cải nội tâm, ngõ hầu niềm vui và sự bình an của Chúa ngự trị nơi mọi tâm hồn.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết xin vâng như Mẹ. Xin vâng trong mọi hoàn cảnh. Xin vâng theo thánh ý Chúa để tâm hồn chúng con luôn bình an trong Chúa. Amen

Ngày 21. 12

Lc 1,39-45

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Giờ đây ở trước tôn nhan Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa của lòng trí chúng con. Chúa làm chủ thời gian. Chúa biết rõ cuộc sống chúng con. Xin soi sáng hướng dẫn chúng con đi trong đường lối của Chúa. Xin giúp chúng con biết tôn vinh danh Chúa qua đời sống bác ái yêu thương. Xin giúp chúng con luôn quảng đại dấn thân vì hạnh phúc của tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, năm xưa Chúa đã cùng với Mẹ Maria mang niềm vui của chia sẻ, của yêu thương phục vụ đến cho gia đình Giacaira. Xin Chúa cùng đồng hành với chúng con trong cuộc sống hôm nay. Xin cho từng bước chân chúng con đi luôn để lại những dấu ấn của yêu thương, của tình người cảm thông và chia sẻ. Xin cho chúng con một tâm hồn vui tươi và quảng đại như Mẹ Maria để có thể mang niềm vui của phục vụ đến cho tha nhân. Xin giúp chúng con biết yêu thương và phục vụ khởi đi từ gia đình, làng xóm, xứ đạo chúng con. Xin đừng để một ai sống với chúng con mà cảm thấy bị bỏ rơi vì đời sống thiếu yêu thương của chúng con.

Lạy Chúa, xin cho niềm vui có Chúa ở cùng luôn mang lại cho chúng con tinh thần hăng say và nhiệt tình sống phục vụ tha nhân. Amen

Ngày 22.12

Lc 1,46-56

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Thật hạnh phúc cho chúng con khi được Chúa viếng thăm. Chúa là Thiên Chúa cao cả nhưng lại đến cư ngụ giữa những người phàm hèn chúng con. Chúa là Thiên Chúa chí thánh nhưng lại ngự vào tâm hồn yếu đuối của chúng con. Chúng con xin được chúc tụng, tạ ơn Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ở đời rất cần hai tiếng cám ơn. Cám ơn Chúa, cám ơn đời vì biết bao quà tặng của cuộc sống mang đến cho chúng con. Nhưng Chúa ơi, con mắt kiêu căng đã khiến chúng con không nhận ra ân huệ Chúa ban. Chúng con còn tự cao tự đại nên càng không nhận ra những hy sinh mà anh em đã dành cho chúng con. Chúng con còn thiếu khiêm tốn để có thể nói lời cám ơn. Xin tha thứ cho chúng con. Xin mặc cho chúng con tâm tình như Mẹ Maria để chúng con biết ca tụng Chúa, cám ơn đời vì biết bao niềm vui mà cuộc đời ban tặng.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tâm hồn đơn sơ luôn biết ngỡ ngàng trước ân ban của Chúa, để có thể cất lên lời tạ ơn Chúa, tạ ơn đời trong mỗi ngày sống của cuộc đời chúng con. Amen

Ngày 23.12

Lc 1,57-66

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Noel đã gần kề. Niềm vui Chúa giáng sinh đang rộn rã trong tâm hồn chúng con. Chúng con muốn hòa với vạn vật, với không gian để hát khen mừng Chúa đã viếng thăm nhân trần. Chúa đã viếng thăm và lưu lại nơi trái đất này để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Chúa còn viếng thăm và ở lại từng tâm hồn chúng con để trở nên đồng hình đồng dạng với chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã viếng thăm và ban ơn cho gia đình Giacaria. Chúa đã ban cho họ niềm vui qua việc đón nhận người con mới sinh là dấu chỉ đầy tình yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con luôn nghiệm thấy tình thương của Chúa để không ngớt lời ngợi khen và cảm tạ Chúa. Cám ơn Chúa đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh Chúa. Cám ơn Chúa đã cho chúng con nên nghĩa tử của Chúa. Cám ơn Chúa vẫn tiếp tục tuôn đổ muôn ơn lành hồn xác xuống trên cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều là một tác phẩm đầy yêu thương của Chúa. Xin giúp chúng con biết sống một đời tri ân và cảm tạ Chúa luôn. Amen

Ngày 24.12

Lc 1,67-79

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Đấng thành tín và đầy yêu thương. Chúa luôn trung thành với tình yêu của mình. Chúa đã tỏ lòng yêu thương vô bờ bến cho nhân trần chúng con qua việc giáng thế cứu đời. Chúa luôn thành tín trong mọi lời Chúa phán: Chúa sẽ cứu thoát chúng con khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét, sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết chuẩn bị lòng mình cho xứng đáng đón mừng Chúa đến viếng thăm.

Lạy Chúa, nếu không gian đã được trang hoàng bởi những cây thông, những hang đá, những đèn sao lấp lánh, thì tâm hồn chúng con cũng cần được dọn dẹp cho xứng đáng để đón mừng Chúa viếng thăm. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria, biết kiên trì lắng nghe, cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, để lời Chúa thực sự trở thành kim chỉ nam cho đời sống chúng con. Xin cho chúng con biết đón nhận ý Chúa trong mọi biến cố cuộc đời bằng hai tiếng xin vâng với trọn niềm phó thác tin yêu.

Lạy Chúa, Chúa là hoàng tử bình an, xin cho chúng con biết thành tâm thiện chí tìm đến với Chúa để được bình an trong tâm hồn giữa những khó khăn trong cuộc đời hôm nay. Amen

Ngày 25.12

LỄ GIÁNG SINH

Lạy Chúa Giêsu mến yêu !

Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giáng sinh làm người. Chúng con xin dâng lời cảm tạ tình thương ưu ái mà Chúa đã dành cho nhân loại chúng con. Tình thương đó thể hiện qua việc từ bỏ của Chúa. Chúa từ bỏ ngai trời để xuống cư ngụ giữa chốn dương gian. Chúa từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa mà mặc lấy xác thân phàm nhân. Ba mươi ba năm tại thế của Chúa, là bấy nhiêu năm Chúa ghi dấu tình yêu trên trần gian. Ba mươi ba năm là thời gian qúa ngắn của một đời người. Thế mà Chúa đã làm biết bao điều cao cả. Thập tự giá của Chúa đã trở thành biểu tượng cho mọi tình yêu trên trái đất. Yêu thương đến quên cả chính mình và dám chết cho người mình yêu. Cuộc sống của Chúa đã trở nên gương mẫu cho con người sống với nhau. “Nếu Thầy là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, các con cũng hãy rửa chân cho nhau”. Sự Phục sinh và lên trời của Chúa đã khai mở cho nhân loại một mùa xuân hy vọng và lạc quan. “Thầy đi để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy”

Vì vậy, mà hơn hai ngàn năm trôi qua, nhân loại vẫn không ngừng nói về những công việc của Chúa. Dù kẻ có niềm tin hay không, cũng không thể chối bỏ gía trị cuộc sống gương mẫu của Chúa. Càng không thể gạt ra ngoài những lời dậy dỗ đầy tình bác ái yêu thương. “Hãy yêu thương tha nhân như chính mình”. Lời nói thật chí tình được kèm theo cả hành vi thấm đượm tình người của Chúa đã đi vào trong tâm khảm từng người chúng con. Biến đổi thế giới đầy hoang mạc khô cằn tình người, thành một mùa xuân nở rộ hoa bác bái yêu thương. Chính cách sống của Chúa đã giúp cho con người biết sống cho nhau và vì nhau, để đến hôm nay, cả nhân loại đều mừng lễ Noel, mừng ngày Chúa giáng trần và ở cùng chúng con. Bất luận người lương hay giáo, lời cầu chúc Noel đã luôn sẵn sàng phát ra trên đôi môi mỗi người, và chúc nhau mừng lễ Noel, nghiã là mừng chúc nhau có Chúa ở cùng. Có lẽ đây là lời cầu chúc tốt đẹp nhất mà con người đã trao tặng nhau. Lời cầu chúc này gởi gắm cả một sứ điệp yêu thương và bình an. Vì Chúa chính là hoàng tử bình an, là Đức vua thái bình, là Đấng mà muôn dân mong đợi đã đến và ở giữa chúng ta.

Xin cho chúng con không chỉ trao gởi cho nhau những lời cầu chúc, mà còn nỗ lực giúp nhau đón nhận Chúa. Xây dựng niềm tin cho nhau bằng chính cuộc sống chứng tá tin mừng của mình. Xin cho chúng con biết từ bỏ như Chúa, để xóa đi những thành kiến, đố kỵ, ghen tương, những hận thù chia rẽ đã ngăn cách chúng con đến với nhau. Xin cho chúng con biết sống chân thành với nhau. Người người biết tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống của nhau. Sẵn lòng hy sinh những ý riêng để gìn giữ sự hiệp nhất và yêu thương. Xin cho mỗi người chúng con cũng là một ánh sao để thắp sáng niềm tin và hy vọng cho thế giới, và dẫn lối anh chị em đến với Chúa, ngõ hầu danh Chúa được tán dương trên khắp hoàn cầu. Amen

Ngày 26.12

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì được rước Chúa vào lòng. Chúng con tin rằng mỗi lần rước Chúa là một lần chúng con nhận lãnh sự sống phục sinh của Chúa. Chúng con được nuôi dưỡng bằng chính Thánh Thể Chúa trên hành trình tiến về quê hương trên trời. Điều đó cho chúng con một niềm hy vọng mai sau sẽ được chung hưởng sự sống vĩnh cửu trong hạnh phúc viên mãn với Chúa. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Ước gì chúng con luôn yêu mến và hằng tôn sùng Thánh Thể Chúa như cứu cánh và mục đích cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, khi nhập thể làm người, Chúa đã đón nhận thân xác hữu hạn như chúng con. Chúa đã sinh ra trong thời gian. Lớn lên theo năm tháng như bao người khác. Chúa đã nêu gương cho chúng con về cách dùng thời giờ đời này để chuẩn bị cho hành trình mai sau. Chúa đã luôn chu toàn tốt bổn phận hằng ngày của mình. Khi con nhỏ Chúa hằng vâng phục cha mẹ mình. Khi lớn lên Chúa hằng sống hy sinh phục vụ anh em đồng loại. Chúa hằng cầu nguyện để tìm hiểu thánh ý Chúa Cha, và khi đã hiểu ra thiên ý Chúa Cha, Chúa vui lòng đón nhận, dẫu phải trả giá bằng đớn đau khổ hình. Chúa vẫn sẵn lòng để ý Chúa Cha được nên trọn. Chính sự vâng phục đó đã khai mở một mùa xuân mới cho nhân loại. Sự chết đã bị đánh bại bởi sự vâng phục của Chúa. Chúa đã được Chúa Cha ban tặng vinh hiển trên trời. Chúa cũng nói với chúng con, “Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy”.

Lạy Chúa, Chúa đã nhập thể để khai mở cho chúng con một con đường về trời. Xin cho chúng con biết phấn đấu đi vào con đường hẹp trong hy sinh từ bỏ để vào Nước trời. Xin ban ơn can đảm để chúng con nói không với tội lỗi và trung thành với Chúa cho đến cùng. Amen

Ngày 27.12 – Thánh Gioan

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin được cùng với thánh Gioan, vị tông đồ được Chúa yêu: “tựa sát vào lòng Chúa” để được nghe nhịp đập yêu thương của Chúa. Chúng con muốn được kề bên Chúa để được hun nóng tình yêu đối với tha nhân. Chúng con muốn được vào học nơi trường đào tạo yêu thương của Chúa để có thể sống quên mình mà phục vụ tha nhân.

Vâng lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại mà Chúa đã đến cư ngụ giữa loài người chúng con. Chúa thực sự hòa nhập vào lịch sử nhân loại để dẫn dắt chúng con đi trong chân lý vẹn toàn. Chúa trở nên đồng hình đồng dạng với con người hầu kết hợp chúng con nên một trong gia đình của Chúa. Xin cho chúng con luôn nhận ra nhau là anh em để biết sống liên đới và chia sẻ với nhau. Xin giúp chúng con biết nhận ra Chúa đang giáng sinh trong cuộc đời chúng con qua những mảnh đời bất hạnh, yếu đau, tù đày đang cần chúng con chăm sóc. Xin giúp chúng con luôn quảng đại nhập thế giúp đời như Chúa để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.

Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Xin cho chúng con biết họa lại tình yêu của Chúa cho thế giới hôm nay. Xin cho nhịp đập con tim của chúng con cùng chung nhịp với Chúa để hòa lên khúc hát yêu thương cho nhân thế hôm nay. Amen

Ngày 28.12

Lạy Chúa Giê-su mến yêu.

Chúa là Đấng Emmanuel đã đến và ở cùng chúng con. Chúa đến trong thân phận một hài nhi yếu đuối đang cần sự chăm sóc chở che. Chúa đang cần một chiếc nôi. Chúa cần một hơi ấm tình người. Chúa cần một gia đình để đón nhận Chúa. Chúa cần một nhu cầu cuộc sống thật bình thường như bao trẻ thơ khác, thế mà dòng đời luôn khắc nghiệt, luôn đòi lấy đi tất cả những gì thiết yếu của cuộc sống. Dòng đời muốn loại trừ Chúa. Con người chỉ vì một chút bổng lộc mà đang tâm loại trừ Thiên Chúa.

Và cho đến hôm nay, dòng đời vẫn còn đó những trẻ thơ bị khước từ, bị bỏ rơi và lợi dụng. Dòng đời vẫn còn đó những trẻ thơ không một mái nhà, không một chiếc nôi và chẳng bao giờ được hưởng hơi ấm tình người. Xin Chúa là Đấng Emmanuel ở cùng chúng con luôn gìn giữ các trẻ thơ trong tình thương quan phòng của Chúa. Xin cho các bậc làm cha mẹ biết bỏ đi tính ích kỷ, thói hưởng thụ của mình để sống vì con cái và có trách nhiệm với tuổi thơ mà Thiên Chúa trao gởi. Xin đừng vì sự thiếu trách nhiệm của mình mà đẩy tuổi thơ vào cảnh đời khốn khổ lầm than.

Lạy Chúa, Chúa luôn yêu quý tuổi thơ, xin Chúa hãy chúc lành cho tuổi thơ giáo xứ chúng con. Xin cho mọi trẻ thơ đều được lớn lên trong tình thương chăm sóc của cha của mẹ. Xin Chúa hài đồng mang lại niềm vui, nụ cười cho tuổi thơ giáo xứ chúng con. Amen

Ngày 29.12

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Với niềm vui được đón rước Chúa vào lòng, xin cho chúng con cũng tràn đầy niềm vui như cụ già Si-mê-on năm xưa để có thể thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin để tôi tớ Chúa ra đi bình an, vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ”. Thật, chẳng có vinh dự nào cao quý hơn vinh dự được chính Thiên Chúa viếng thăm. Chúa viếng thăm linh hồn chúng con. Chúa lưu lại nơi mảnh đất tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con biết biến niềm vui thành một đời sống hân hoan ca tụng Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, dân tộc Do Thái đã từng hãnh diện vì được Chúa ở giữa họ qua hòm bia giao ước. Nhưng đáng tiếc là họ không đủ đức tin để nhận ra Chúa đang hiện diện qua thân phận con người một hài nhi nhỏ bé. Họ lại càng không nhận ra Chúa qua thân phận một Giê-su đang miệt mài gieo vãi yêu thương vào cho nhân thế. Xin ban thêm đức tin để chúng con có thể nhận ra Chúa vẫn đang nhập thể từng ngày nơi những hài nhi đang cần sự chăm sóc chở che. Xin giúp chúng con nhận ra Chúa đang nhập thế cứu đời nơi những con người biết sống quên mình phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa, Chúa đã mang lấy thân phận con người để ở cùng chúng con. Xin cho chúng con biết vì Chúa mà đón nhận nhau trong yêu thương chân thành. Xin giúp chúng con đừng vì tính ích kỷ, thói tự cao tự đại mà xa lánh nhau. Amen

Ngày 30.12

Lạy Chúa Giê-su Thánh thể,

Chúa đã đến trần gian trong âm thầm lặng lẽ. Chúa không đến để thay đổi nhịp sống của con người. Chúa không làm đảo lộn cuộc sống bằng những việc phi thường. Nhưng một cách nhẹ nhàng Chúa đi vào dòng đời trong thân phận một hài nhi nhỏ bé. Chúa lớn lên trong một thôn làng bình thường như bao trẻ thơ khác. Chúa cũng từng bước: học ăn, học nói, học gói, học mở như bao trẻ thơ khác, nhưng điều quan yếu là Chúa luôn được ơn nghĩa cùng Chúa Cha.

Lạy Chúa Giê-su hài đồng mến yêu, xin cho chúng con đôi mắt đức tin như bà Anna để có thể nói với Chúa và nói về Chúa cho anh em. Bà Anna đã mãn nguyện khi được bồng ẵm Đấng mà bà tôn thờ nơi hài nhi bé nhỏ. Bà được diễm phúc nhận ra Chúa trong khung cảnh rất đời thường. Xin cho chúng con được diễm phúc nhận ra Chúa đang hiện diện với chúng con qua Thánh Thể, qua các bí tích và qua tha nhân đang đồng hành với chúng con. Xin giúp chúng con biết vui với phận mình và đón nhận thập giá của bổn phận với niềm yêu mến Chúa sắt son. Xin giúp chúng con biết tận dụng khả năng, hoàn cảnh của mình để nói về Chúa cho anh em.

Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con luôn được sống trong ân nghĩa của Chúa. Xin cho chúng con luôn được sống trong ân sủng và tình thương của Chúa. Amen

Ngày 31.12

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là ánh sáng cho trần gian. Chúa đã hóa thánh “nhục thể và cư ngụ giữa chúng con”. Chúa đã mang lại cho chúng con niềm hy vọng sau đêm dài là ánh bình minh. Sau những đau khổ chồng chất là chân trời hạnh phúc. Chúa đã soi sáng cho nhân loại chúng con biết đâu là thiện, là ác. Chúa soi lối cho chúng con bước đi trên con đường tìm về chân thiện mỹ vẹn tuyền.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, thế là 365 ngày đã trôi qua. Một năm trôi qua với biết bao thăng trầm của đời người. Buồn vui cứ đan quyện vào từng cuộc đời chúng con. Điều hạnh phúc cho chúng con đó chính là sự đồng hành của Chúa ở cùng chúng con. Chúa cùng chia vui sẻ buồn với chúng con. Chúa luôn là chỗ dựa, lả điểm tựa an bình cho từng cuộc đời chúng con. Chúng con xin dâng lời cảm tạ tình thương Chúa. Tình thương Chúa đã giúp chúng con vượt thắng những khó khăn, những thử thách của giòng đời. Tình thương Chúa đã cho chúng con những phút giây bình an, những tháng ngày hạnh phúc.

Lạy Chúa, mọi sự rồi sẽ qua đi. Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích gì. Xin cho chúng con biết chọn Chúa hơn là những vinh hoa phú quý trần gian. Xin giúp chúng con biết xây dựng ngôi nhà tâm hồn chúng con luôn thanh thoát khỏi những bợn nhơ tội lỗi, luôn quy hướng về sự thiện toàn mỹ. Xin Chúa luôn là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng con. Amen

LỄ THÁNH GIA LC (2,22-40)

“Con trẻ lớn lên thêm mạnh mẽ dầy khôn ngoan và vâng phục”

Lạy Chúa Giêsu thánh thể!

Tâm hồn chúng con tràn đầy niềm vui và hạnh phúc vì được kết hiệp với Chúa. Qua hình bánh đơn sơ, Chúa hòa nhập vào cuộc đời chúng con. Chúa trở người bạn luôn gần gũi, để hướng dẫn và nâng đỡ chúng con. Chúa ơi! Giờ đây chúng con tưởng nhớ về mái ấm gia đình Nagiaret xưa. Nơi Chúa đã bập bẹ những tiếng nói đầu tiên và chập chững những bước đi đầu đời trong vòng tay của Cha thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa là Chúa muôn loài, nhưng để làm người như chúng con, Chúa đã chấp nhận làm người của một gia đình nghèo khó.

Lạy Chúa, cây có cội-nước có nguồn. Công cha nghĩa mẹ thật bao la như trời biển. Nhờ gương sống của Chúa, đã giúp chúng con hiểu rằng: chúng con chỉ sống đẹp lòng Chúa, nếu chúng con chỉ sống đẹp lòng Chúa, nếu chúng con biết vâng lời và hiếu thảo với mẹ cha. Chúng con nguyện sẽ mãi mãi sống đẹp lòng Chúa qua việc ăn ở thảo kính với cha mẹ. Trong giây phút linh thiêng này, chúng con cầu xin Chúa cho những bạn thiếu nhi đang sống cảnh gia đình li tán, cha mẹ bất hòa. Xin cho gia đình họ sớm quay về đoàn tụ và yêu thương nhau. Hầu con cái được hưởng đầy đủ hơi ấm của tình thương gia đình.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Nếu có lần nào chúng con lỡ lầm về lời nói, cữ chỉ hay có thái độ bất hiếu với cha mẹ. Và nếu có lần nào chúng con gây bất hòa trong gia đình. Giờ đây chúng con thành tâm thống hối ăn năn quyết tâm chừa sửa. Cầu Chúa dủ lòng thương tha thứ, để gia đình chúng con luôn sống yêu thương nhau và tạo hạnh phúc cho nhau. Amen.

Ngày 01.01.2010 Lễ Mẹ Thiên Chúa

Lạy Chúa Hài đồng Giê-su,

Chúa có một người Mẹ thật tuyệt vời. Một người Mẹ cho Chúa dòng sữa, cho Chúa tình thương. Một người Mẹ đã nói lời xin vâng bằng cả cuộc đời dấn thân cho chương trình Thiên Chúa Cha được nên trọn. Một người Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa Cha và được mọi ân huệ lớn lao đến nỗi là người có phúc hơn mọi người nữ.

Người Mẹ đó Chúa đã tặng ban cho nhân loại chúng con. Qua Môn đệ Gioan, Mẹ Maria đã nhận chúng con là con cái của mẹ. Mẹ đã đi vào trong từng cuộc đời chúng con. Mẹ vẫn đang đồng hành để chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng con. Chúng con xin cám ơn Chúa đã ban Mẹ Maria cho chúng con. Xin cho chúng con luôn chạy đến cùng Mẹ, luôn nương nhờ ơn phước của Mẹ, để nhờ Mẹ chúng con được đón nhận ơn lành của Chúa.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người có phước hơn mọi người nữ vì mẹ luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Xin Mẹ dạy chúng con biết noi gương Mẹ để sống theo lời Chúa. Xin cho cuộc đời chúng con luôn được ướp mặn bằng những trang tin mừng, để chúng con hiểu được thánh ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời. Xin cho các gia đình luôn biết siêng năng đọc lời Chúa và thực thi khởi đi từ chính gia đình chúng con. Xin Mẹ luôn viếng thăm gia đình chúng con để hàn gắn những đổ vỡ, bất hòa đang làm mất đi sự êm ấm của gia đình. Xin Mẹ luôn hiện diện để nâng đỡ gia đình chúng con khi gặp những bất hạnh, rủi ro. Xin vực dậy niềm tin nơi những ai đang thất vọng, giúp họ vượt qua những khó khăn trong niềm tin vào Chúa như Mẹ đã từng bước đi trong niềm tin tuyệt đối vào sự quan phòng Chúa.

Lạy Mẹ Maria, hôm nay khởi đầu năm mới, chúng con xin phó dâng gia đình chúng con cho Mẹ, để nhờ lời cầu bầu của Mẹ, xin Chúa nâng đỡ những gia đình đang đổ vỡ. Biết bao nhiêu niềm tin đang bị đánh mất từ những người thân trong gia đình. Cha mẹ thiếu tin tưởng nhau. Con cái đánh mất niềm tin nơi cha mẹ. Vợ chồng bất trung với nhau. Bạn bè bất tín với nhau. Biết bao sự dữ đang tung hoành khắp nơi, khiến nhiều người rơi vào thất vọng, tủi hổ và đắng cay. Xin nhờ Mẹ chuyển cầu để tình thương Chúa gìn giữ các gia đình. Xin nhờ ơn phước của Mẹ ngõ hầu chúng con được nhận lãnh ơn lành của Chúa. Amen

Ngày 02.01

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì được Chúa hiện diện giữa chúng con. Chúa đang đi vào trong cuộc đời chúng con. Chúa cùng đồng hành với chúng con qua những thăng trầm của giòng đời. Chúng con tạ ơn Chúa đã bao lần nâng đỡ, chở che, giúp chúng con vượt qua những gian truân thử thách trong cuộc đời. Tạ ơn Chúa luôn là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng con trước sóng gió ba đào. Chúng con xin tri ân cảm tạ tình yêu cao sâu của Chúa. Xin giúp chúng con biết sống trong ân nghĩa cùng Chúa, biết phụng sự Chúa trên hết mọi sự.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin giúp chúng con biết bắt chước thánh Gioan, luôn khiêm nhu chân thành để Chúa được lớn lên trong cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con luôn ý thức rằng mình chỉ là hạt cát giữa sa mạc mênh mông, là giọt nước góp nên biển cả, một phận người nhỏ bé trong muôn tạo vật mà Chúa đã tạo dựng nên. Xin loại trừ nơi chúng con bản tính tự cao, tự đại để sống khiêm nhu trước mặt Chúa và với anh em.

Lạy Chúa, Chúa luôn yêu thích tâm hồn trẻ thơ, xin giúp chúng con biết tin tưởng, phó thác vào Chúa như em thơ phó thác nơi cha mẹ mình. Amen

Ngày 03.01 - LỄ HIỂN LINH

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Nếu như Ba vua đã được ánh sao soi lối để gặp nhau nơi máng cỏ Be lem, giờ đây chúng con cũng được chính Chúa quy tụ chúng con quanh bàn tiệc Thánh Thể của Chúa. Chúng con xin được như ba vua nghiêng mình thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Lạy Chúa, Chúa chính là ánh sáng trần gian. Chúa đã đến để mang ánh sáng tin yêu, hy vọng vào nơi thế gian. Giữa đêm đen của cuộc đời đầy bất công thù hận, chiến tranh và chia rẽ, Chúa đã khai mở một mùa xuân yêu thương và hiệp nhất bằng chính tình yêu hiến thân quên mình của Chúa. Nơi bí tích Thánh Thể Chúa đã nối kết tình người bằng của ăn là chính Chúa trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng con. Ước gì qua sự chia sẻ bữa ăn yêu thương này, tình người mỗi ngày thêm gắn bó và yêu thương nhau hơn. Ước gì sự hiệp nhất chia sẻ này được khởi đi từ bàn ăn gia đình chúng con. Chúng con mong sao nơi gia đình chúng con luôn chan hòa tình yêu thương của cha mẹ và đậm đà tình huynh đệ của anh em một nhà. Xin Chúa mãi là ánh sao luôn phù hộ và che chở gia đình chúng con trong tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng con nhận ra dấu chỉ sự hiện diện yêu thương của Chúa trong mọi biến cố vui buồn của cuộc đời. Cho dù phải vượt qua những đêm dài của mò mẫm trong đức tin, hay những năm tháng dài vất vả trên hành trình dương thế. Chúa muốn chúng con phải theo chân ba vua, can đảm vượt qua những chán nản, thất vọng. Chúa mời gọi chúng con phải chiến thắng với chính bản thân mình, phải vượt qua sự uể oải, lười biếng để tìm gặp và đến với Chúa mỗi ngày. Đến với Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể, đến với Chúa qua người anh em, đến với Chúa qua những người nghèo hèn và tật nguyền khốn khó.

Lạy Chúa, cùng với lòng yêu mến sắt son như vàng của ba vua dâng tiến Chúa. Và lời cầu nguyện chân thành đơn sơ như nhũ hương lan tỏa trước thánh nhan Chúa. Chúng con nguyện sẽ tiến bước cùng ba vua lên đường đi tìm gặp Chúa trong những người anh em mà Chúa đang kêu gọi chúng con quảng đại yêu thương họ. Chúa chẳng cần chi lễ vật cao sang, Chúa chỉ đòi hỏi nơi chúng con tình yêu và sự hy sinh cao thượng đối với anh em đồng loại. Tình yêu đó thể hiện qua thái độ cảm thông, chia sẻ, và sự quảng đại giúp đỡ mà không mong đền đáp. Xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa qua việc siêng năng học hỏi giáo lý, cùng suy niệm lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống thường ngày. Ngõ hầu qua những lời nói và việc làm của chúng con, người ta sẽ nhận biết tôn thờ và ngợi khen Chúa là Đấng yêu thương và cứu độ nhân loại. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Phanxicô Xaviê
06:31 15/12/2010
Cô đơn là đe dọa lớn nhất đối với hạnh phúc. Người cô đơn không tìm thấy lời đáp cho các vấn nạn của đời mình. Họ trở thành người bất hạnh, tuyệt vọng, vì luôn phải đối diện với cái phi lý. Emmanuel, Đấng ở cùng chúng ta sẽ cứu chúng ta khỏi nỗi niềm cô đơn tuyệt vọng ấy, vì Chúa đến trần gian này để chia sẻ với chúng ta thân phận làm người. Chính niềm tin ở Chúa, Đấng đến với chúng ta qua Đức Giêsu Kitô, sẽ cứu chúng ta khỏi cuộc sống vô nghĩa. Thiên Chúa sẵn sàng can thiệp khi chúng ta hoang mang trong tăm tối nếu chúng ta có lòng trông cậy vào Người.

Thời vua Akhaz trị vì Giu-đa cũng vậy, bị tranh chấp trong nội bộ vương quốc, bị đe dọa bởi các nước láng giềng. Vua Akhaz nghĩ đến việc nhờ ngoại binh giúp đỡ. Tiên tri Isaia khuyên ông không nên làm thế. Ông tin vào hòa ước với người Assyri hơn là tin vào Thiên Chúa. Đống thời ông tiếp tục đường lối tội lỗi, lập nhiều đền thờ tà thần. Nhưng Chúa vẫn đến như lời tiên tri Isaia đã loan báo. Để bảo đảm lời khuyên của mình, cũng như để củng cố niềm tin cho nhà vua và dân chúng, một lần nữa nhà tiên tri thúc giục vua Akhaz đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa hơn là dựa vào sức mạnh liên minh quân sự. Đức tin mà ngôn sứ Isaia đòi hỏi, bao hàm một sự tín nhiệm tuyệt đối vào Thiên Chúa. Nhưng ông vẫn không nghe và sai sứ ra ngoại quốc xin viện binh. Vì không nghe theo lời khuyên khôn ngoan của nhà tiên tri, vua Akhaz sẽ bị trừng phạt và vương quốc của ông bị tàn phá. Nhưng vì lòng thương xót, qua Tiên tri Isaia Thiên Chúa đã cho ông một dấu chỉ nói lên ý muốn của Người sẽ hiện diện giữa dân và cứu thoát họ. Đức Chúa ban cho vua Akhaz một dấu hiệu: từ dòng dõi ông, một người con sẽ chào đời, chính người con này sẽ giúp giải thoát dân. Sự long trọng của lời sấm cũng như cái tên biểu tượng Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta) đặt cho con trẻ, làm cho người ta thấy trong cuộc sinh hạ này một điều gì khác hơn nữa. Đó là sự can thiệp của Thiên Chúa để thiết lập hẳn một triều đại Messia. Người con này là Ezêkia, một vị vua tuyệt vời. Ông là hình ảnh của Đấng Messia và mẹ ông là hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria. Đây là những dấu chỉ để hướng tới việc chuẩn bị chờ đón Chúa Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô - Đấng Emmanuel đích thực.

Trong trình thuật của bài Tin Mừng Mt 1, 18-24, Matthêu trích dẫn lời Tiên tri Isaia ngày trước nhằm minh chứng Chúa Giêsu đã nhập thể trong cung lòng Trinh Nữ Maria để thực hiện lời hứa mà Thiên Chúa đã hứa qua miệng Tiên tri Isaia với vua Akhaz. Đoạn Tin Mừng cho thấy vai trò cao trọng của Thánh Giuse được chọn làm cha Chúa Giêsu theo luật pháp. Đồng thời cho chúng ta biết, Con Một Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng Trinh Nữ Maria nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

Sự công chính của thánh Giuse trong bài Tin Mừng không thể hiểu đơn giản là sự công chính theo lề luật, mà là sự công chính mang ý nghĩa tôn giáo, đó là vì Ngài biết tôn trọng công trình của Thiên Chúa nơi Đức Maria và vâng nghe thánh ý Người. Mặc dù đã âm thầm từ chối coi mình là cha đứa trẻ mà Chúa không ủy thác. Nhưng sau khi được Thiên sứ báo mộng, biết ý định của Thiên Chúa mời gọi tham dự vào chương trình của Ngài. Thánh Giuse không từ chối, mà trỗi đậy thực hiện lệnh truyền của Thiên Chúa. Chính hành động này làm cho thánh Giuse trở thành người cộng tác tích cực trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, và nên người công chính. Giuse đã đón nhận Chúa Giêsu. Đến lượt mỗi người chúng ta cũng phải biết lắng nghe và đón Chúa đến trong cuộc đời, trong gia đình mình.

Thiên Chúa đến ở với chúng ta chính vì yêu thương và ban tặng hạnh phúc cho nhân loại. Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có bình an, hoan lạc và tình yêu. Nhưng để cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa mang lại niềm vui và hạnh phúc không phải là điều dễ dàng. Cần phải có niềm tin, phải chuyên cần cầu nguyện và nhất là cần phải gắn bó với Chúa luôn trong Bí tích Thánh Thể.
 
Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emanuel
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:23 15/12/2010
Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Vọng, Năm A

Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta quả là một niềm mơ ước bất tận của con người có niềm tin vào Thiên Chúa. Trong cuộc sống, nhất là trong cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, không biết bao lần ta chúc nhau đuợc Thiên Chúa ở cùng: “Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng cha”. Xin được chia sẻ đôi nét về sự biểu hiện của tình trạng được có Thiên Chúa ở cùng và một vài điều kiện để được Thiên Chúa ở cùng.

I. Sự biểu hiện của tình trạng có Chúa ở cùng: “Kính chào bà đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28).

Dựa trên lời chào chúc của sứ thần Gabriel với mẹ Maria ta có thể chắc chắn rằng Mẹ chính là người được Chúa ở cùng. Tình trạng được Chúa ở cùng này được trình bày như là tình trạng “đầy ân sủng”. Một tâm hồn đầy ân sủng Chúa là tâm hồn được “rợp bóng” Thánh Thần, là Tình Yêu bản vị giữa Chúa Cha và Chúa Con, một Tình yêu hoàn toàn “hướng tha”. Chính vì thế người đầy ân sủng luôn lấy lợi ích của tha nhân làm mục đích của lẽ sống, của mọi hành vi của mình.

Tương tự một số nam nhân thời bấy giờ, chẳng hạn nhóm “tu trì” ở Qumrân, khi tự nguyện sống đời trinh khiết, Mẹ Maria đã tự nguyện hiến dâng đời mình, tự nguyện hy sinh hạnh phúc cá nhân để góp phần cầu mong Đấng Thiên Sai mau đến. Sự cao cả của tấm lòng vị tha của Mẹ hiện rõ qua việc Mẹ tự nguyện chọn lấy tình cảnh như bị Thiên Chúa chúc dữ trước mặt người đời. Người Do Thái xưa và thời bấy giờ vẫn xem những phụ nữ không sinh con là đồ bị chúc dữ. Đã đính hôn với thánh Giuse, nghĩa là vẫn lập gia đình, thế mà Mẹ tự nguyện sẽ không có con thì quả là một quyết định anh dũng trong tình yêu vị tha. Không sinh con trong đời độc thân tự hiến đã là một hành vi cao cả, còn lập gia đình mà quyết định sẽ không có con thì có thể nói rằng đó là trường hợp ngoại thường. Căn cứ vào quy định của Giáo Luật về hôn nhân Công giáo thì đây là trường hợp kết hôn không thành sự vì loại bỏ một trong hai mục đích của hôn nhân.

Khi Sứ Thần truyền tin cho Mẹ rằng Mẹ sẽ thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh một con trai thì tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ bày tỏ rõ nét tâm hồn tràn đầy tình yêu vị tha cách hoàn hảo. Các nhà chú giải Thánh kinh cho ta hay nội hàm của hai từ xin vâng không phải là thái độ thụ động mà ngược lại đó chính là tâm tình tích cực trong hân hoan. Vì tha nhân, vì hạnh phúc của nhân loại, Mẹ Maria đã chọn con đường Thiên Chúa vạch ra. Rất có thể bị Giuse hiểu lầm, rất có thể chuốc lấy nhuốc nhơ cho danh giá giá của mình và số phận Mẹ có thể bị kết liễu dưới những viên đá vô tâm vô tình theo luật pháp thời bấy giờ. Mẹ hân hoan đón nhận tất cả chỉ vì hạnh phúc của đồng loại. Đúng là một trái tim tràn đầy ân sủng Chúa.

II. Một vài điều kiện để có Chúa ở cùng:

1. “Đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình…người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel (Mt 1,20-23).

Đón nhận nhau là một trong những nghĩa cử yêu thương. Đã yêu thì không chỉ đón nhận những gì dễ yêu, những gì đáng thương hay thích hợp với mình mà còn đón nhận cả những gì khó yêu, những điều mình chẳng muốn. “Thương cả đuờng đi” thì mới là thương yêu thật sự. Đón nhận cả những gì mà lòng mình không mong và nhiều khi chưa hiểu rõ thì mới là tình yêu không tính toán, không tham vọng cách ích kỷ.

Dù chỉ được Sứ Thần tỏ bày qua một giấc mơ thế mà Giuse đã mau mắn “tiếp nhận bạn mình”. Động thái tiếp nhận nhau như là bạn hữu đòi hỏi ta từ bỏ mình và tự hủy mình một cách nào đó. Khi đón nhận các môn đồ thành bạn hữu của mình Đức Kitô đã từ bỏ tước vị là Thầy, đã tự hủy thân phận là Chúa của mình (x.Ga 13). Khi đón nhận Maria và Con trẻ trong dạ về nhà, Giuse đã tự nguyện từ bỏ vị thế làm cha của Ngài. Nét cao cả của Giuse còn thể hiện qua việc Ngài đón nhận cả sự hiểu lầm của họ hàng, dòng tộc, xóm giềng khi họ nghĩ rằng Ngài chính cha ruột của con trẻ.

Việc thánh Giuse đón nhận Maria về nhà làm bạn cũng chính là việc Ngài đón nhận chương trình của Thiên Chúa. Dĩ nhiên đây là chương trình ngoài dự kiến, ngoài ý định của Ngài. Tin mừng tường thuật “khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Sứ Thần truyền” (Mt 1,24). Sự mau mắn, không đắn đo này nói lên thái độ tin tưởng trong an bình của chính Ngài. Đón nhận tha nhân với toàn bộ hiện trạng tha nhân đang có, đang là trong sự tin tưởng và an bình đó là một trong những điều kiện tuyệt hảo để được Thiên Chúa ở cùng.

2. “Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu”(Mt 1,21).

Theo Thánh kinh, việc đặt tên có ý nghĩa rất quan trọng. Tên là người và tên cũng là sứ mạng. Vì thế người đặt tên là người có trách vụ hướng dẫn, đào tạo. Khi dẫn các con vật đến với Ađam để Ađam đặt tên cho chúng, Thiên Chúa đã trao phó trách nhiệm cai quản, huớng dẫn muôn loài cho con người (x.St 2,19). Khi đặt tên cho Abram thành Abraham, Thiên Chúa đã huấn luyện một người bán du mục cao niên, son sẻ đang chăn nuôi súc vật trong tư thế tìm sự bảo đảm, an toàn thành một người cha của đoàn lũ con cái đông đúc trong niềm tin phó thác (x.St 17,5). Khi đặt tên cho Giacop thành Israel, Thiên Chúa cũng đã huấn luyện một người láu cá “hất cẳng anh” thành một người đã “gặp gỡ, chiến đấu với Thiên Chúa” và dĩ nhiên sau đó tuân phục Thiên Chúa (x.St 32,23-30)

Thánh Giuse đã dùng gương sáng, lời nói, hành vi của mình để dạy dỗ, hướng dẫn con trẻ thành một Giêsu, Đấng cứu nhân độ thế. Quả thật các áng văn Tin Mừng minh chứng cho ta thấy nhân cách và lối hành xử của Chúa Giêsu mang đượm dấu ấn của thánh Giuse. “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng vậy” (x.Ga 5,17). “Lương thực của Ta là làm theo thánh ý Cha Ta trên trời” (x.Ga 4,34). “Ta không làm điều gì mà không nhìn việc Cha Ta làm” (x.Ga 5,19). Các thái độ, hành vi, cung cách ứng xử của Đấng Cứu Thế chắc hẳn có sự góp phần không nhỏ của thánh Giuse, đặc biệt trong thời thơ ấu và ẩn dật của Người.

Có Emmanuel, có Thiên Chúa ở cùng chúng ta chính là hạnh phúc đích thật. Dù rằng ở trần gian này hạnh phúc ấy chưa vĩnh viễn nhưng nó có thể là hoàn toàn một đôi lúc nào đó. Và những thời điểm có được hạnh phúc này chính là bảo chứng cho hạnh phúc đích thực cách hoàn hảo vĩnh viễn mai sau. Hạnh phúc ấy chính là tình trạng khi ta hết lòng vì lợi ích của tha nhân trong sự quên mình. Để có được điều này tiên vàn hãy biết tiếp nhận nhau với toàn vẹn con người của nhau, cả nhưng ưu điểm lẫn những hạn chế, cả những sự tốt lành lẫn những điều tồi tệ. Và đồng thời cần nỗ lực giáo dục dệt xây cho đời những Giêsu. Trước tòa án phong thánh cho Cha Gioan Maria Vianey, một cụ già đã thề trên Thánh Kinh rằng: “Con đã nhìn thấy Thiên Chúa nơi một con người”. Mong sao không phải đợi đến những dịp phong thánh mà ngay trong cuộc sống thường nhật người ta, bà con tín hữu lẫn anh em lương dân hay khác đạo có thể thốt lên rằng: “Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta”.
 
Thay đổi
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
15:11 15/12/2010
"Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt. 18,3).

Sufi Bayazid tâm sự rằng: Tôi là nhà canh tân, khi tôi còn trẻ và lời cầu nguyện của tôi với Chúa là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi cả thế giới. Thế rồi, đã qúa nửa đời người trôi qua, tôi nhận ra rằng nửa cuộc đời của tôi đã qua mà chẳng thay đổi được một linh hồn nào. Tôi thay đổi lời cầu xin với Chúa: Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng để con có thể thay đổi tất cả những người liên hệ với con. Họ là tất cả các thành viên trong gia đình, bạn bè và con sẽ được thỏa mãn. Giờ đây, con đã già, tháng ngày còn lại vắn vỏi, cho con cầu xin một lần nữa: Lạy Chúa, xin ban ân sủng để con thay đổi chính mình con. Nếu con biết cầu nguyện cho điều này ngay từ lúc khởi đầu, con đã không uổng phí cuộc đời.

1. Tự Biết Mình

Ai trong chúng ta cũng muốn điều tốt, sự hoàn hảo và sống vui hạnh phúc. Sống hạnh phúc là khi chúng ta biết chấp nhận hoàn cảnh sống. Chúng ta thường có khuynh hướng muốn thay đổi người khác và hướng ngoại nhiều hơn là hướng nội. Gia đình là đơn vị nhỏ nhất của xã hội. Mỗi thành viên trong gia đình cần giúp nhau hoàn thiện cá nhân của mình. Nhìn tấm gương của Mẹ Maria và thánh Giuse, trong hoàn cảnh khó khăn nhất xảy đến khi Maria thụ thai Ngôi Hai bởi phép Chúa Thánh Thần, thánh Giuse âm thầm lặng lẽ, không muốn sự việc ồn ào và định tâm rời xa cách kín đáo. Mẹ Maria không lên tiếng giải thích hay bào chữa mà chỉ âm thầm cầu nguyện và suy niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể trong lòng.

Chúng ta biết rằng đời sống hôn nhân gia đình là một tổ ấm của tình yêu. Tình yêu liên kết vợ chồng con cái lại với nhau trong niềm vui và hạnh phúc. Những ai đang được ngụp lặn trong tình yêu gia đình hãy biết trân quý và bảo toàn. Chúng ta biết rằng sự khác biệt tâm lý và sinh lý giữa nhau là để bổ túc cho nhau nên hoàn hảo. Biết rằng khi nhập gia phải tùy tục nhưng không phải vì thế mà chúng ta tự đánh mất mình. Muốn nên hoàn hảo, trước hết hãy tự thay đổi chính mình. Chúng ta đừng bắt ép người khác phải thay đổi theo sở thích của riêng ta. Đôi khi chúng ta muốn người khác thay đổi và trở nên hoàn hảo trong khi chúng ta cứ tự do thoải mái sống theo sở thích riêng tư. Điều này khó có thể thuyết phục người khác.

2. Phê Bình

Ông Tổng Thống Obama của Hoa Kỳ đã thắng cử vì đã khéo léo đưa ra một tiêu đề ‘Thay Đổi’. Nhiều người háo hức và phấn khởi dồn phiếu cho một ứng cử viên Đảng Dân Chủ rất trẻ. Ai cũng mong muốn có sự thay đổi kinh tế giúp cho cuộc sống cho tốt hơn. Mọi người đã đặt nhiều hy vọng vào sự thay đổi của vị tân cử. Nhưng rồi 2 năm trôi qua thật nhanh, nhiều người đã không còn kiên nhẫn đợi chờ thay đổi. Trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhiều người lại quay sang Đảng Cộng Hòa tìm lối thoát. Xã hội và con người thay đổi, đổi thay là thế! Xem ra ai cũng thích thú và mong muốn có sự thay đổi.

Trong cuộc sống, hầu như mọi người đều bị rơi vào những bất cập của thiên kiến. Thí dụ: Khi chúng ta ngồi nghe các ca sĩ hát và nghệ sĩ diễn tuồng, chúng ta có thể chê bai họ hát và diễn dở. Chúng ta có thể bực mình la hét vì các cầu thủ thất bại trên sân đấu. Chúng ta có thể dề môi bỉu miệng vì một đầu bếp nấu nướng không ngon miệng. Chúng ta có thể phê bình thầy này hay cha kia giảng dài, giảng dai và giảng dở. Chúng ta cũng có thể lên án gắt gao những bậc thày, cha mẹ, người lãnh đạo và các bề trên đã không chu toàn bổn phận. Dĩ nhiên, ai cũng có quyền lên tiếng, góp ý, phê bình và chia sẻ ý kiến. Tuy rằng chúng ta không có khả năng làm tốt hơn, nhưng ít nhất chúng ta cũng có ý hướng, ước mong và có tấm lòng về điều tốt, điều hay và điều thiện hảo. Thế đó, ước muốn có sự tốt lành, hoàn hảo và thánh thiện thì bao la, nhưng nhìn lại con người cụ thể của mình thì còn biết bao thiếu xót, thói hư, tật xấu và lỗi lầm cần được sửa đổi và khắc phục.

Năm 2002, quân đội Hoa Kỳ đã tấn công quân Taliban và đánh chiếm Afghanistan. Tôi nhớ câu truyện về người đàn ông bản xứ thường để râu quai sàm rậm rạp. Vì sợ bị ghép tội là quân Tabiban nội loạn, nhiều người đã đến tiệm hớt tóc để xuống chòm râu. Người thợ hớt tóc vui mừng vì có rất nhiều người đã đến để xuống tóc và cạo râu. Ông thợ miệt mài làm việc giờ này qua giờ khác và ngày này qua ngày nọ. Người thợ hớt tóc lo lắng xuống tóc cạo râu cho mọi người nhưng ông lại quên chính bộ râu rậm rạp của mình. Sau nhiều tuần bận bịu với công việc, một hôm khi soi gương, ông giật mình và lo sợ, vì ông vẫn còn dáng dấp của người lính Taliban.

3. Chữ Tôi

Trong chữ ‘tôi’, tiếng Việt Nam có thể đổi dấu chữ tôi thành chữ tồi, chữ tối và chữ tội. Nếu chúng ta bỏ đi được cái tôi, chúng ta sẽ dễ hòa đồng và mưu ích chung. Môt môn đệ nói: Tôi đến để phục vụ thầy. Sư phụ đáp: Nếu con bỏ chữ tôi, sự phục vụ sẽ tự động theo sau. Chữ tôi là chủ từ. Tôi sống, tôi làm và tôi ăn. Cái tôi chịu trách nhiệm cho tất cả những gì mình làm. Từ đó cái tôi có thể trở nên tốt hoặc xấu. Cái Tôi có thể trở thành ‘tồi’, khi tôi sống bê tha, đồi trụy và đánh mất phẩm giá của con người. Có nhiều người thích sống trong bóng tối và làm những việc mờ ám. Tôi cũng có thể trở thành ‘tội’ nhân. Tôi cũng có thể trở nên ‘tối tăm’, sống trong sự mù quáng và sa đọa. Chúng ta có thể phạm tội nơi bản thân, tội bất tín nơi gia đình và xã hội. Thường thì tôi phạm tội trong bóng tối và tôi trở thành người tồi.

Vậy sự thay đổi cần thiết là thay đổi cái ‘tôi’kiêu căng, cái ‘tôi’ tự ái. Tôi phải chịu trách nhiệm về hành động và cách sống của tôi. Khi tôi làm sai, tôi phải sửa đổi. Khi tôi phạm lỗi, tôi phải xin lỗi. Khi tôi phạm tội, tôi phải xin ơn tha thứ. Chúng ta đừng trốn tránh hay đổ trách nhiệm cho nhau. Hãy tự đứng trên chân của mình. Hãy tự xét mình hằng ngày vì chỉ có tôi mới biết chính tôi một cách rõ ràng hơn hết. Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan. Biết mình thì trăm trận trăm thắng. Muốn biết mình là phải đi trở lại mình, có nghĩa là đi vào đời sống nội tâm. Muốn biết được mình, chúng ta cần phải đi vào nơi thanh tịnh vắng vẻ mà hồi tâm. Mỗi người chỉ có thể tìm thấy mình khi soi mình qua tiếng nói lương tâm. Tiếng nói lương tâm trong sáng sẽ không lừa dối chúng ta. Chỉ cần chúng ta thành thật với chính mình và muốn thay đổi cho tốt hơn, chúng ta có thể làm được.

4. Thay Đổi

Những ai cần canh tân và thay đổi cuộc sống? Chúng ta hãy tự hỏi mình trước khi đòi hỏi người khác. Thay đổi một thế giới chung chung thì dễ dàng hơn thay đổi tâm hồn một con người. Tìm thay đổi người khác thì thoải mái và vui hơn là thay đổi chính mình. Trước khi muốn thay đổi người khác, chúng ta phải tu thân tích đức. Tự rèn luyện để có nội lực thâm hậu và đời sống nội tâm vững chãi. Vì thay đổi là để trở nên tốt hơn và hoàn thiện hơn. Cứ tự nhiên, chúng ta ngại thay đổi và cũng có thể chúng ta không muốn thay đổi vì ngựa quen đường cũ. Sự thay đổi làm mất đi những thói quen và cách sống cũ thoải mái. Thói quen và tập tục hằng ngày có thể trở nên những pháo đài kiên cố xây dựng cái tôi của mình. Muốn thay đổi, chúng ta không chỉ thay đổi nơi ăn chốn ở, thay đổi hình thức bề ngoài mà là thay đổi cách sống và cuộc sống. Cuộc thay đổi nội tâm là một cuộc đổi đời. Thay đổi quan niệm và nhận thức về Thiên Chúa và con người. Chúng ta cần sống đời phó thác cầu nguyện trong niềm tin và xin ơn Chúa giúp.

Trong những ngày còn lại của Mùa Vọng, mỗi tín hữu chúng ta cũng mong có sự gì thay đổi trong cuộc sống. Hôm nay, hầu như chúng ta đã chuẩn bị xong những thứ lỉnh kỉnh bên ngoài như là trang trí đèn đóm, ngôi sao, cây thông, làm hang đá, mua qùa, gởi qùa, gởi thiệp chúc và chuẩn bị tiệc mừng Giáng Sinh. Này đây, tất cả những chuẩn bị bề ngoài xem ra đã sẵn sang, nhưng xem ra hình ảnh Chúa Kitô còn xa lạ. Chúng ta cần một thay đổi rất quan trọng trong đời sống nội tâm. Thay đổi, sửa đường Chúa cho ngay thẳng và tỉnh thức đón chờ Chúa đến. Chúng ta có nghĩ rằng, mình đang chuẩn bị tâm hồn để đón một vị thượng khách. Ngài là Chúa Các Chúa, Vua Các Vua, Ngài là Con Thiên Chúa và là Hoàng Tử Bình An.

Chúng ta đang cầm giữ chìa khóa của tâm hồn mình. Hãy mở cửa chờ đón Chúa ghé thăm. Mỗi người chúng ta hãy tự chuẩn bị cho mình một máng cỏ đơn sơ, thanh sạch và ấm cúng để đón mừng Chúa ngự vào tâm hồn. Lạy Chúa, xin hãy đến cứu độ và đem bình an cho chúng con.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:37 15/12/2010
NGỌA HỔ

N2T


Thời Đông Hán, huyện lịnh Lạc Dương là Đổng Tuyên một người chấp pháp nghiêm minh, ông ta cho rằng hoàng thân quốc thích mà phạm pháp thì cũng theo đó mà trị tội.

Bởi vì ông ta xử tội chết tên đầy tớ của công chúa Hồ Dương nên đắc tội với công chúa. Công chúa bèn một mực cáo trạng trước mặt vua Quang Võ đế, Quang Võ đế bèn bắt Đổng Tuyên phải quỳ lạy tạ lỗi với công chúa, Đổng Tuyên cho rằng công chúa buông thả cho tên đầy tớ giết người, mà vốn là không nên làm như thế, cho nên ông ta thà bị chém đầu chứ không xin lỗi. Kết quả, Quang Võ đế không những không bắt tội Đổng Tuyên, mà lại còn ban thưởng cho ông ta ba mươi vạn quan tiền và khen ngợi ông ta chấp pháp nghiêm minh.

Đổng Tuyên sau khi về đến quan phủ thì tiếp tục đánh đến các nhà quyền quý không chấp hành pháp luật. Các quý tộc ở huyện Lạc Dương khi nghe đến danh của ông ta thì sợ phát run, lại còn gán cho ông ta biệt hiệu là “ngọa hổ”.

(Hậu Hán thư, Đổng Tuyên truyện)

Suy tư:

Luật pháp là như cái thắng của chiếc xe (xe hơi, xe máy, xe đạp), khi xe chạy nhanh thì thắng dừng lại hoặc chạy chậm lại, bảo đảm an toàn tính mạng cho mọi người. Luật pháp làm cho con người sống công bằng, trật tự và tôn trọng lẫn nhau hơn, khi con người vì tham sân si mà có lối sống đi quá trớn quá đà trên phương diện luân lý, đức tin, phong hóa, thì pháp luật sẽ “phanh” họ lại, làm cho hơn đi đúng đường và an toàn hơn.

Chúa Giê-su Ki-tô nói: “Ách của Ta thì êm ái, gánh của ta thì nhẹ nhàng”. Ách và gánh của Chúa Giê-su Ki-tô chính là luật yêu thương của Ngài, luật yêu thương này không làm cho con người ta sợ hãi, nhưng làm cho họ vui vẻ, bình an và thăng tiến đời họ, bởi vì ai tuân giữ giới luật của Ngài thì cũng đều được hạnh phúc không những đời này mà còn ở đời sau nữa.

“Pháp bất vị thân” cho nên dù là vua, là tổng thống, là chủ tịch, là bộ trưởng, là người tu hành.v.v...thì cũng đều không được miễn chuẩn, hể làm sai pháp luật thì sẽ bị pháp luật trừng trị, bởi vì pháp luật chính là kim chỉ nam để hướng dẫn con người đi đúng đường hơn, đó chính là hạnh phúc vậy.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:38 15/12/2010
N2T


3. Lấy việc xét mình cầu nguyện để tu sửa hoàn toàn các đức hạnh, giữ gìn sự thanh sạch của lương tâm, là phương pháp hữu hiệu nhất.

(Thánh Dorothy)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Pakistan: Số mạng của bà Asia Bibi vẫn như chỉ mành treo chuông
Nguyễn Việt Nam
06:45 15/12/2010
Cuộc tranh luận về luật Phạm Thượng vẫn còn đang tiếp diễn trong khi tòa Thượng Thẩm của thành phố Lahore vẫn chưa định ngày xử phúc thẩm bà Asia Bibi, một người Công Giáo đã bị xử tử hình vì bị cáo buộc xúc xiểm Muhammad.

Bà Asia Bibi
Luật Phạm Thượng của Pakistan đã làm cho hình ảnh nước này trở nên dã man trước con mắt của thế giới. Tổng thống Pakistan, ông Zardari tiết lộ với một thành viên quốc hội là ông đồng ý với việc phải nhanh chóng tu chính luật này. Trong khi đó, nhiều nhà chính trị và các nhà hoạt động xã hội tại Pakistan đã lên án luật này và việc lạm dụng luật này trong các tranh chấp dân sự tại Pakistan.

Trong khi vụ bà Asia Bibi chưa ngã ngũ ra sao thì lại đến lượt một bác sĩ tại Hyderabad, ông Naushad Ahmed Valiyani bị cáo buộc oan uổng là xúc xiểm Muhammad. Ông Valiyani đã bị đánh một trận đòn nhừ tử, thừa sống thiếu chết.

Hôm thứ Sáu 10/12, một người quảng cáo dược phẩm tên là Muhammad Faizan đến gặp bác sĩ Valiyani để chào hàng. Ông Valiyani, một người Hồi Giáo thứ thiệt theo giáo phái Shiite, trong một lúc tức giận đã quăng tấm danh thiếp của tên Muhammad Faizan vào sọt rác. Tên này lập tức báo cảnh sát đến bắt bác sĩ Valiyani về tội dám xúc xiểm đến tiên tri Muhammad vì trong danh thiếp của hắn có chữ Muhammad.

Sau cuộc thẩm vấn, cảnh sát Pakistan đã thả bác sĩ Valiyani vì thấy cáo buộc của tên Muhammad Faizan quá vô lý. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Hồi Giáo tại địa phương đã nằng nặc không chịu và áp lực cảnh sát địa phương bắt lại ông Valiyani và đánh cho một trận rất tàn bạo gây ra một tâm lý khiếp sợ trong dân chúng tại vùng Ismaili.

Asia Bibi, một phụ nữ Kitô giáo 45 tuổi, mẹ của năm đứa con, đã bị kết án tử hình vì tội phỉ báng tôn giáo ngày 07 tháng 11 vừa qua. Một tòa án ở Punjab đã ra phán quyết rằng người phụ nữ nông dân này đã xúc phạm đến Đấng tiên tri Mohammed. Nhưng trong thực tế, Asia Bibi đã bị xỉ nhục trước khi bị gọi là "không tinh khiết" (chỉ vì bà không theo Hồi giáo), sau đó buộc phải bảo vệ đức tin Kitô giáo của mình khi đối mặt với áp lực từ người lao động Hồi giáo khác. Chồng của một trong số những người này cũng là một tư tế địa phương, đã quyết định đưa ra lời cáo buộc và tố giác người phụ nữ này, khiến bà bị đánh đập, sau đó bị bỏ tù và cuối cùng bị kết án tử hình một năm sau đó.

Asia Bibi và chồng là anh Ashiq Masih đã quyết định kháng cáo mong đảo ngược phán quyết của tòa án. Trong khi đó, người mẹ này bây giờ phải hứng chịu nhiều tháng tù đày, số phận nằm trong tay cai tù hoặc những kẻ cuồng tín, người có thể giết bà với niềm tin sai lầm rằng họ làm thế để vinh danh đấng Allah.

Cho đến nay, luật định về tội phỉ báng tôn giáo chưa hề dẫn đến một án tử hình dành cho bất cứ ai bị kết án hoặc cáo buộc. Nhưng 33 người bị buộc tội phỉ báng tôn giáo đã bị giết bởi các cai tù, hoặc (bị giết) ngay trong khu vực lân cận của tòa án. Mới nhất như trường hợp liên quan đến hai Kitô hữu Tin Lành, Mục sư Emmanuel và anh trai của ông Rashid Sajjad, đã bị bắn ở cự ly gần khi họ rời tòa án ở Faisalabad hôm 19 tháng Bảy. Tuy nhiên chúng ta có thể xếp loại những cái chết này tương đương với những người thiệt mạng trong vụ thảm sát tại các làng mạc trong vùng Gojra, Korian, Kasur, Sangla Hill, nơi hàng trăm ngôi nhà của các anh em Kitô hữu đã bị đốt cháy, phụ nữ và trẻ em đã bị giết hoặc bị thiêu sống chỉ vì một thành viên của làng đã bị buộc tội phỉ báng tôn giáo.

Sự việc ngày càng trở nên rõ ràng rằng điều luật này đã trở thành một công cụ trong tay của những người Hồi giáo chính thống muốn gài cho người đạo Hồi chống lại người Kitô hữu để đo lường mức độ quyền lực của họ trong xã hội Pakistan. Một điều cũng trở nên rõ ràng là hầu như tất cả các cáo buộc về tội phạm thánh đều được nảy sinh từ ý tưởng ghen tị, trả thù, cạnh tranh, và việc bắt giữ người bị cáo buộc chỉ là bước đầu tiên để cho phép việc chiếm hữu đất đai, cướp bóc và trộm cắp.

Theo yêu cầu của độc giả, AsiaNews đã quyết định gởi ra một thỉnh nguyện thơ quốc tế gởi đến Tổng thống Asif Zardari để xin cứu mạng châu Á Bibi, người đã bị kết án treo cổ vì tội phỉ báng tôn giáo. AsiaNews cũng yêu cầu Tổng thống Zardari hủy bỏ hoặc thay đổi luật phỉ báng tôn giáo bất công đã giết chết nhiều nạn nhân vô tội và phá hủy sự sống chung hòa bình trên đất nước này. Chúng tôi yêu cầu quý vị hỗ trợ bước khởi động này bằng cách gởi một thông điệp tới các email sau đây: saveasiabibi@asianews.it

Hoặc quý vị có thể gởi tin nhắn trực tiếp cho Tổng thống Pakistan: publicmail@president.gov.pk
 
Đức quốc: Hội đồng Giám mục xác nhận chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng vào năm 2011.
Tiền Hô
07:27 15/12/2010
VATICAN, 14 Tháng Mười Hai 2010 (ZENIT) - Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến nước Đức vào Tháng Chín năm sau đã được Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch - tổng giám mục Freiburg im Breisgau - chính thức xác nhận.

Trong một tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục này nói rằng, Đức Giáo Hoàng sẽ đến nước Đức từ ngày 22 đến 25 Tháng Chín, và đây là một chuyến thăm cấp nhà nước. Đức Giáo Hoàng đã nhận được lời mời từ cả Tổng thống Christian Wulff và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức.

Dự kiến, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô sẽ đến thăm ba thành phố là Bá Linh, Freiburg và Erhfurt, tuy nhiên, tuyên bố của tổng giáo phận lưu ý rằng, chưa có lịch trình chính thức được vạch ra và chưa thể bắt đầu ngay được.

Đức Tổng Giám Mục Zollitsch cho biết là lịch trình mà toàn thể Hội đồng Giám mục Đức đưa ra vào đầu Tháng Mười tại Fulda sẽ được chuyển sang ngày khác, chưa được xác nhận là ngày nào.

Ngoài chuyến thăm quê hương lần này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dự kiến sẽ còn có ba chuyến đi quốc tế trong năm 2011: đó là Croatia (ngày 4-5 Tháng Sáu), Tây Ban Nha (ngày 18-21 Tháng Tám) và Benin (ngày 18-20 Tháng Mười Một). Ngài cũng sẽ có bốn chuyến thăm mục vụ nước Ý: tại Venice (ngày 7-8 Tháng Năm), San Marino (19 Tháng Sáu), Ancona (11 Tháng Chín) và Lamezia Terme (9 Tháng Mười).
 
Á Căn Đình: Tổng Giám Mục khuyến cáo: đừng nhầm lẫn về Ông Già Noel
Tiền Hô
07:27 15/12/2010
Buenos Aires (Á Căn Đình), 15 Tháng Mười Hai (AFP) - Một Tổng Giám Mục Công giáo tỏ ra bất bình khi giáo dân của mình nói với trẻ con những điều không trung thực về Ông Già Noel, và chỉ trích đó là một biểu tượng thương mại hóa của Lễ Giáng Sinh.

Trong một Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục Fabriciano Sigampa của Resistencia nói với mọi người rằng "Đó không phải là Lễ Giáng sinh", cách riêng với trẻ em, ngài nhấn mạnh là đừng nhầm lẫn việc kỷ niệm sự ra đời của Chúa Kitô với "một người đàn ông to béo mặc quần áo màu đỏ".

Sự bất bình của Đức Tổng Giám Mục Sigampa bắt đầu khi có một kế hoạch cho tuyết bao phủ một ngôi nhà tại quảng trường chính của thành phố, nơi đó sẽ có hình một Ông Già Noel đứng nghe những điều ước của trẻ em và tiếp nhận đồ chơi của chúng tặng cho trẻ em nghèo.

"Chắc chắn, trong những ngày tới sẽ tràn ngập quảng cáo sau khi cái nhà này khai trương, nơi có một người đàn ông to béo mặc bộ quần áo màu đỏ. Và chúng ta không nên nhầm lẫn, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa Lễ Giáng Sinh với điều đó". Ngài nói với trẻ em, "chúng con nên biết rằng, thực tế là những món quà mà các con nhận được đều đến từ những nỗ lực của cha mẹ và với sự giúp đỡ của Chúa Giêsu".

Sau khi Đức Tổng Giám Mục tuyên bố lời phản đối của mình, những nhà tổ chức đã bỏ kế hoạch về Ông Già Noel và đổi tên ngôi nhà này thành "Ngôi nhà của Lễ Giáng sinh".
 
Các nhà truyền thông cần thinh lặng trong mùa Vọng
Nguyễn Hoàng Thương
09:10 15/12/2010
Các nhà truyền thông cần thinh lặng trong mùa Vọng

Vatican City (Zenit.org) - Chủ tịch Hội đồng truyền thông của Tòa Thánh Vatican mời gọi các nhà truyền thông dùng thời gian này của Mùa Vọng để được tĩnh lặng. Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội đề cập đến điều này trong một bức thư gửi các nhà truyền thông Mỹ Châu Latin nhân dịp lễ trọng kính Đức Mẹ Guadalupe vào Chúa Nhật vừa qua.

Ngài lưu ý cách mà các giáo hội đang cổ vũ cho sứ mạng của lục địa: "cần nhớ rằng làm môn đệ nghĩa là sống một cuộc gặp gỡ chân thật với Đức Kitô, để có kinh nghiệm về lòng nhân từ, tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài trong lịch sử cá nhân của chúng ta".

Đức Tổng Giám Mục cho hay: "Kinh nghiệm này ghi dấu và biến đổi đời sống một cách vĩnh viễn, và đó là lý do tại sao chúng ta muốn thông truyền cho tha nhân, vì thế biến đổi bản thân chúng ta trở thành những người Nam, người Nữ truyền giáo".

Đức Tổng Giám Mục Celli đề nghị một cuộc gặp gỡ Chúa về nhiều mặt, cả trên phương diện cá nhân và cộng đoàn, nảy sinh cả ở nơi tĩnh mịch, trong phụng vụ và trong gia đình. "Nó được nuôi dưỡng bằng sự đối thoại và cộng đoàn cầu nguyện, được diễn tả trong bài hát, trong giáo lý và kết thúc trong hành động và sự phục vụ. Đó là lý do tại sao, vào dịp lễ trọng kính Đức Mẹ Guadalupe này, tôi muốn mời gọi anh chị em, chính xác là các nhà truyền thông, nam cũng như nữ, một lần nữa có được kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô".

"Tôi mời gọi anh chị em sống những giây phút thinh lặng trong những ngày Mùa Vọng để nghe tiếng Chúa Giêsu nói với con tim chúng ta. Nắm tay Đức Maria, chúng ta gặp gỡ Chúa mà không cần vội vã, như Ngài luôn chờ đợi chúng ta!"

Viên chức Tòa Thánh Vatican đề nghị cần thinh lặng trước "sự tràn ngập những ưu tư và huyên náo vốn thường không ngừng lôi kéo chúng ta". Ngài cho hay: "Im lặng giống như một màn hình trống mà trên đó chúng ta có thể chiếu bộ phim đời sống thường nhật của mình để thấy nó một cách rõ ràng. Nếu chúng ta chiếu nó trên một bức tường đầy những hình ảnh, sách vở và các đối tượng, với một hậu cảnh ồn ào, chúng ta sẽ chỉ hiểu được chút ít [...] Trong thinh lặng, chúng ta nghe thấy tiếng Chúa. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể là những người gánh vác chân thật Lời Chúa như Mẹ Maria, người ‘ghi nhớ những điều ấy trong lòng’".

Đức Tổng Giám Mục Celli thừa nhận rằng lời cổ vũ của ngài thật khó khăn trong thời điểm của "oanh tạc tin tức, những nhu cầu mục vụ, của những vội vàng nơi gia đình, nơi các phương tiện truyền thông của chúng ta và nơi các giáo xứ, chưa nói đến mua sắm, quà tặng, các buổi tiệc và các hoạt động kỷ niệm".

Đức Tổng Giám Mục kết luận: "Tuy nhiên, nếu chúng ta dành thời gian để lựa chọn các thành phần và để chuẩn bị bữa ăn tối cùng các bữa ăn, chúng ta sẽ chia sẻ qua những ngày nghỉ, chúng ta cũng không chuẩn bị, và thậm chí còn hơn thế nữa, chúng ta sẽ thông truyền những gì qua radio, báo chí, các chương trình truyền hình và các trang Web? Chúng ta có thể đưa ra những gì đáng kể, nếu đời sống chúng ta chứa đầy những lời nói lặp đi lặp lại, với rất ít chiều sâu và nội dung? Chúng ta hãy dành thời gian cho Chúa, Đấng đang chờ đợi chúng ta trong Mùa Vọng này".
 
Căng thẳng tôn giáo gia tăng tại Indonesia
VOA
10:18 15/12/2010
Căng thẳng tôn giáo gia tăng tại Indonesia

Một nhóm các tín đồ Cơ đốc giáo ở Indonesia nhận được ít quan tâm của chính phủ về yêu cầu bảo vệ họ sau khi hàng trăm tín đồ Hồi giáo theo đường lối cứng rắn buộc họ phải ra khỏi nhà ở ngoại ô Jakarta. Vụ việc đã khiến người ta chú ý tới lòng khoan dung tôn giáo tại một nước mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gần đây ca ngợi là một xã hội đa dạng về tôn giáo. Thông tín viên VOA Sara Schonhardt có bài tường thuật từ Jakarta sau đây.

Các thành viên của Giáo hội Tin lành Batak phải tìm một nơi thờ phượng mới, sau khi những người biểu tình là các tín đồ Hồi giáo theo đường lối cứng rắn buộc họ phải rời khỏi 7 địa điểm trong số các nơi họ từng cử hành các buổi thánh lễ. Những người biểu tình cho rằng các tín đồ Cơ đốc giáo tham gia hoạt động tôn giáo bất hợp pháp.

Những người biểu tình hôm Chủ Nhật bao gồm các ủng hộ viên của Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo, một nhóm Hồi giáo quá khích được nhiều người biết tới với hình thức phản đối theo kiểu đối đầu, cũng như các thành viên của một số phong trào Hồi giáo khác.

Theo luật Indonesia, nhà dân không thể được sử dụng để làm nơi cử hành lễ cầu nguyện tôn giáo. Tuy nhiên, các tín đồ Tin lành cho rằng họ phải sử dụng nhà để làm nơi thờ tự vì chính phủ không cho phép họ xây dựng nhà thờ.

Một nghị định được bộ trưởng ký hồi năm 2006 yêu cầu các nhóm tôn giáo với hơn 90 thành viên trở lên phải nhận được sự ủng hộ của 60 người dân địa phương trước khi họ có thể xây một nơi thờ tự. Họ cũng cần phải nhận được sự chấp thuận của đa số thành viên trong một ủy ban gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo cấp quận và tỉnh.

Các tổ chức nhân quyền cho rằng qui định này đã được sử dụng như là một cái cớ cho các cuộc tấn công gia tăng khắp Jakarta trong những tháng gần đây. Một số nhà lập pháp yêu cầu ban hành một điều luật mới để bảo đảm sự hòa hợp tôn giáo.

Ông Andreas Harsono thuộc tổ chức Human Rights Watch cho rằng điều luật này quá khắc khe.

Ông Andreas cho biết: "Nghị định về nơi cầu nguyện về cơ bản chỉ được thi hành khi người ta định xây nhà thờ, nhưng không được thi hành khi người ta muốn xây đền thờ. Nên xét về một khía cạnh nào đó, nghị định này phân biệt đối xử đối với những thành phần thiểu số tại Indonesia."

Tổ chức Human Rights Watch đã kêu gọi chính phủ Indonesia tuân thủ cam kết trong hiến pháp về tự do tôn giáo bằng cách duyệt xét lại nghị định về nơi thờ tự.

Nhưng các giới chức của Bộ Tôn giáo cho rằng nghị định này là cần thiết để ngăn chặn xung đột giáo phái trong các cộng đồng có cư dân thuộc nhiều tôn giáo khác nhau.

Họ cũng nói rằng các vấn đề nội bộ, như việc xây dựng một nơi cầu nguyện hay xác định xem điều gì là cấm kỵ theo đạo Hồi, vượt quá thẩm quyền của họ.

Ông Nasaruddin Umar là người đứng đầu cơ quan hướng dẫn thi hành đạo Hồi tại Bộ Tôn giáo.

Ông Umar cho biết chính phủ chỉ quản lý các quan hệ giữa các tôn giáo khác nhau để không dẫn tới xung đột, và chính quyền không can thiệp vào vấn đề tín ngưỡng hay công việc của các tôn giáo. Indonesia là nước có số tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới, nhưng chính phủ lại theo đường lối thế tục, và công nhận quyền hành đạo của một trong sáu tôn giáo được nhà nước công nhận, trong đó có Cơ đốc giáo.

Các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã không làm gì để chống lại những phần tử cực đoan gây bạo lực. Họ cho rằng việc đốt phá cũng như buộc các nhà thờ đóng cửa cho thấy tình trạng không khoan dung về tôn giáo đang ngày càng gia tăng tại nước này.

Các tổ chức thúc đẩy đa dạng tôn giáo cho rằng chính phủ có trách nhiệm phải bảo vệ quyền thờ tự của người dân bằng cách trấn áp những ai vi phạm hiến pháp, ngay cả trong trường hợp sự vi phạm không dẫn tới xung đột.

Các cuộc đối đầu giữa các tín đồ Tin lành và Hồi giáo tại các khu vực ngoại ô của Jakarta đã gia tăng trong những tháng gần đây. Cho dù vụ việc xảy ra hôm Chủ Nhật không dẫn tới bạo lực, một số các nhân vật lãnh đạo hội thánh đã bị đâm và bị đánh trong một lần đụng độ ở Bekasi hồi tháng Chín.

Ông Bonar Tigor Naipospos, người đứng đầu Viện Đa dạng Tôn giáo Setara, cho rằng xã hội Indonesia vốn rất bao dung và không quá khích về tôn giáo. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến về quan hệ giữa các nhóm tôn giáo khác nhau cho thấy việc các nhóm thiểu số khác nhau sống chung với nhau khắp Jakarta đã gây ra căng thẳng mới.

Ông Bonar nói: "Đây là một hiện tượng tại đô thị, đặc biệt là tại những nơi có các tổ chức quá khích. Thế nên, các cuộc thăm dò ý kiến do chúng tôi tiến hành cho thấy, phần lớn các mối đe dọa tự do tôn giáo là ở Jakarta và Tây Java, nơi các tổ chức cực đoan hoạt động mạnh."

Một nhóm các phần tử cực đoan được biết tới với tên gọi Jemaah Islamiya đã đứng ra nhận trách nhiệm về một loạt các vụ đánh bom tại nước này trong thập kỷ qua, làm hơn 220 người thiệt mạng. Họ chủ yếu nhắm mục tiêu vào các quán bar, nhà hàng và khách sạn có nhiều người nước ngoài lui tới. Chính phủ Indonesia đã bắt giữ, xét xử và kết án một số các thành viên JI, và nhóm này nhận được ít sự ủng hộ của công chúng.

Tuy nhiên, gần tới lễ Giáng sinh, chính phủ đã yêu cầu lực lượng cảnh sát cảnh giác trước các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các tín đồ Cơ đốc giáo. Năm 2000, những kẻ khủng bố đã tấn công một loạt các nhà thờ ở Jakarta vào Đêm Giáng sinh. Và trong các cuộc tấn công gần đây, cảnh sát đã phát hiện một số quả bom chưa nổ bên ngoài các nhà thờ ở tỉnh Trung Java.
 
Giúp các nạn nhân nô lệ tình dục
Trầm Thiên Thu
19:42 15/12/2010
Với tổ chức mới của mình, Sarah Symons đang xoa dịu vết thương lòng và tạo niềm hy vọng cho các nạn nhân bị bán làm nô lệ tình dục.

Bảy năm trước, trên chuyến đi công tác tời New York, Sarah Symons xem bộ phim khiến thay đổi cuộc đời chị. Đó là phim tài liệu The Day My God Died (Ngày Thượng Đế Chết), phim thuật lại chuyện đời của những cô gái (thậm chí có em chỉ mới 7 tuổi) được cứu khỏi tay những kẻ buôn bán phụ nữ qua biên giới. Có những người đã liều mạng để cứu thoát người khác. Chị xem phim và xúc động. Sarah Symons 45 tuổi, ở Massachusetts, có 2 con. Chị nói: “Trước khi xem phim, tôi hầu như không biết gì về việc buôn người. Thực sự tôi không hiểu về nô lệ tình dục đã gây tổn thương cho hàng triệu người. Khi tôi xem phim về những cô gái can đảm như vậy, tôi nghĩ về cuộc đời mình và cuộc đời con gái mình. Thật không thể chịu nổi. Nếu những người thoát khỏi có thể hành động nhiều để giúp đỡ người khác thì tôi chắc rằng tôi cũng có thể làm được”.

Sarah quá mủi lòng và quyết định hợp tác với một tổ chức thiện nguyện ở Hoa kỳ, đó là tổ chức Friends of Maiti Nepal, để đến Nepal và thăm nơi ở của các cô gái đã được cứu như phim đã chiếu. Chị nói: “Thật ngạc nhiên khi gặp các cô gái mới được cứu. Nhìn các em như những con thú bị thương – thân thể biến dạng, đầy vết bầm tím, vết thương, hoặc sắp chết vì bị AIDS. Nhưng người ta có thể nhìn thấy nỗi vui mừng ở các em được cứu 6 tháng trước. Các em múa hát và vui đùa ngoài sân. Niềm vui đó lớn hơn những gì các em đã phải chịu”.

Khi thăm các em, Sarah tấy một căn phòng đầy những túi vải, nữ trang và những đồ thủ công mà các em đã làm. Chị nói: “Tôi mua nhiều món đồ hết số tiền tôi có trong ví”. Chị muốn bán các món đồ này cho thân nhân và bạn bè, rồi trao tiền tặng lại các em.

Trở về Massachusetts, chị mau mắn biến ý định thành hành động. Chị đã cho 30 người bạn xem phim The Day My God Died. Chị cũng kể về những món đồ thủ công mà các em làm, mỗi món đều kèm tấm giấy ghi lại câu chuyện và người làm ra sản phẩm đó dùng tiền để làm lại cuộc đời như thế nào: Khi ra khỏi trung tâm sẽ đi học và tái hòa nhập cộng đồng. Sarah đã gây quỹ được 1.600 USD và gởi hết về trung tâm Maiti Nepal.

Sarah Symons (áo vàng, trái)
Thành công đó làm khai sinh Emancipation Network, một tổ chức phi lợi nhuận mà Sarah thành lập để khuyến khích các phụ nữ hoạt động từ thiện. Cứ 30 phụ nữ lại mở một Shop for Freedom riêng, và số tiền cứ vậy được nhân lên. Tổ chức này lan rộng khắp nước sau khi chương trình Lifetime Television nói về việc buôn người qua biên giới và tạo sự nối kết với tổ chức Emancipation Network trên website kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ các nạn nhân được cứu khỏi cảnh nô lệ tình dục.

Ngày nay, tổ chức của Sarah đã thành lập được 18 nhà mở cho các nạn nhân đến trú ngụ ở 9 quốc gia, kể cả 1 nhà ở New York, và bán sản phẩm của họ trên website madebysurvivors.com – có nhiều sản phẩm như đồ trang sức, đồ trang trí, ví, sản phẩm bằng giấy,… Mỗi năm Sarah đến các nhà mở 4 lần, chị nói: “Đôi khi tôi thấy lo, vì cuộc sống của các em tùy thuộc vào tôi. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ so với sự mãn nguyện mà tôi cảm thấy khi nhìn thấy cuộc sống của các em được cải thiện”. Nhiều em được Sarah giúp đỡ đã có căn hộ riêng, các em khác đang đi học, một số khác làm chương trình truyền thanh để giáo dục cộng đồng về việc buôn người. Sarah nói thêm: “Khi nhìn thấy tinh thần các em thay đổi, tôi rất vui”.

(Chuyển ngữ từ Redbookmag.com)

Sarah Symons (áo vàng, trái)
 
Đẻ thuê
Trầm Thiên Thu
20:07 15/12/2010
Ngày nay Ấn độ có thêm nhiều dịch vụ. Vậy sao không mang thai? Nhiều phụ nữ Ấn độ sẵn sàng mang thai dùm nguời khác.

Một ngày nắng gay gắt bên ngoài Bệnh viện Vô sinh Akanksha, thuộc thành phố nhỏ Anand. Dưới bóng cây gần cổng có một con bò và một gia đình người hành khất. Bên trong bệnh viện, phòng chờ chật những phụ nữ quấn sari đi chân đất. Các y tá loay hoay quanh họ, gọi tên và đưa thuốc. Không khí nồng nặc mùi mồ hôi và mùi xi-măng. Trên tường treo những hình em bé và những bài cắt từ báo. Một bài có tiêu đề “Cái nôi của thế giới”.

Trong trường hợp này, ẩn dụ cũng là nghĩa đen. Bệnh viện Akanksha là hàng đầu về kinh doanh phát đạt của Ấn độ, gọi là “du lịch sinh sản” – người ngoại quốc đến nước này để chữa vô sinh và thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, nỗ lực chính của bệnh viện là thành công trong việc dùng phụ nữ để sinh con cho người ngoại quốc. Mang thai dùm ở Ấn độ giá khoảng 12.000 USD, bao gồm chi phí y tế và tiền đẻ thuê. Ở Mỹ, chi phí có thể lên đến 70.000 USD.

Tại sao việc đẻ thuê phổ biến ở vùng Anand khan hiếm nước với dân số 150.000 người thuộc Gujarat của Ấn độ? Đó là câu chuyện dài nhưng câu trả lời ngắn gọn thôi. BS Nayna Patel, 47 tuổi, giám đốc bênh viện, một phụ nữ có sức quyến rũ với mái tóc dài, đã đặt Anand lên hàng đầu từ năm 2003, khi bà sắp xếp việc mang thai dùm cho một phụ nữ địa phương muốn “cho mượn” tử cung. Phụ nữ này đã sinh đôi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Tên tuổi BS Patel nổi như cồn khắp thế giới, bà nhận nhiều đơn đặt hàng, hiên nay bà có 45 phụ nữ muốn mang thai dùm, đa số là phụ nữ nghèo ở các làng gần đó. 27 người trong số họ hiện đang mang thai, mỗi người được trả 5.000–7.000 USD (tương đương tiền lương 10 năm đối với dân quê Ấn độ). Hơn 50 đứa trẻ đã được sinh ra tại bệnh viện này trong 3 năm qua, ½ là sinh dùm người Tây phương hoặc Ấn kiều sống ở ngoại quốc.

Một ví dụ khác về việc lạm dụng thế giới thứ ba? Toàn cầu hóa là khùng điên? Hệ thống này chắc chắn tự phê phán mình rằng phụ nữ ngoại quốc không đồng ý hoặc không thể trả phí cao để lợi dụng các phụ nữ nghèo ở mức 1/10 giá cả so với trong nước họ. Hệ thống này cũng tránh thói quan liêu hợp pháp và tạo bộ mặt xấu cho phụ nữ ở Mỹ. (Đừng nói rằng Ấn độ, khác với một số nước phát triển, có hệ thống y tế khá tiến bộ và các BS đều nói tiếng Anh). Hoặc đó có là mối quan hệ lợi ích hỗ tương? Ở mức đánh giá nào đó, việc mang thai dùm ở Ấn độ là việc kinh doanh trị giá 445 triệu USD/năm.

Jessica Ordenes là chủ một trường nhỏ dạy yoga ở New Jersey. Nóng bức, vô định, uể oải và riêng lẻ. Chồng chị là David cũng tham gia với chị suốt tuần. Chị ngồi ở một phòng vắng khách của một bác sĩ ở bệnh viện Akanksha, uống nước dừa tươi và chờ tiêm hormone mỗi ngày. Chị là một phụ nữ nhỏ nhắn, nữ tính, tóc dài và cột đuôi gà. Chị mặc áo sơ-mi xanh lá và môi son bóng. Chị phải đến Anand vì chị đã 40 tuổi, gần hết tuổi sinh sản. Chị không mang thai nhưng vẫn thấy kinh nguyệt, chị đã mất nhiều năm chạy chữa ở Mỹ để có con mà không được. chị nói: “Tôi sắp hết trứng, sắp hết hy vọng, và sắp hết kiên nhẫn để chữa trị ở Mỹ. Tôi đọc thấy bệnh viện này trên mạng, tôi cảm thấy Ấn độ là cơ hội cuối cùng của tôi”.

Ordenes đến vài ngày trước, ở khách sạn gần bệnh viện để tiện đi lại. Chị được tiêm hormone kích thích buồng trứng. Khoảng 10 ngày, trứng sản sinh sẽ được trích ra và cho kết hợp với tinh trùng của chồng. Hai ngày sau đó, nếu “xuôi chèo mát mái”, một số phôi thai sẽ được cấy vào Najima Vohra (30 tuổi, có 2 con, người mang thai dùm Ordenes). Ordenes biết rất ít về người phụ nữ mamg thai dùm. Ordenes mới gặp chị ta 1 lần khi mới đến chữa trị.

Ordenes không phải không có con. Chị đã có 1 con gái 20 tuổi với chồng trước, nhưng tử cung chị nhiễm trùng sau khi sinh mổ nên phải cắt tử cung. Hôn nhân tan vỡ sau đó. Ba năm sau chị gặp David, và họ kết hôn. Chị ray rứt vì không thể có con với David. Chị nói: “Tôi xuất thân từ một gia đình lớn, tôi luôn muốn có nhiều con”. Chị hy vọng ít nhất cũng có 1 con với David để làm cho hôn nhân trọn vẹn.

Bang New Jersey có luật là những người sinh ra do “thuê đẻ” thì không được trợ cấp. Ordenes cảm thấy mệt mỏi đi tìm người đẻ dùm. Chị nói: “Đó là kinh nghiệm làm nản lòng nhất đời tôi”.

Ordenes đang ngồi trong phòng bác sĩ thì một người đàn ông Ấn độ trẻ tuổi bước vào. Không nói gì, anh ta chích kim vào cánh tay chị và hút máu. Chị không hiểu gì, mà cũng chẳng biết anh ta là ai. Anh ta đi ra, chị nhìn vết đỏ xám trên tay và nhún vai: “Dù sao thì nhiều năm đã qua. Mình đang ở Ấn độ mà”.

Najima Vohra đến bệnh viện một giờ trước để gặp Ordenes và để 2 người làm quen trước khi mọi chuyện được tiến hành. Cũng như các phụ nữ khác đến đây bí mật nhận mang thai dùm, Vohra thấy không thoải mái. Vohra mảnh mai, tóc dài và cột lại phía sau. Chị nói: “Tôi không thể đợi lâu. Tôi rất vui khi BS Patel chọn tôi mang thai dùm, tôi nôn nao đến mất ngủ. Tôi không mắc cở, nhưng dân địa phương đây theo truyền thống và không hiểu biết. Họ nghĩ vậy là sai, vô đạo đức. Họ không tin có thể mang thai mà không sinh hoạt tình dục. Nếu họ biết thì sẽ xa tránh gia đình tôi”.

Vohra sống ở một làng cách Anand 20 dặm, nhưng vợ chồng chị tạm thời đến ở trong thành phố cùng con gái 12 tuổi và con trai 7 tuổi để không ai biết chuyện. Chị nói: “Chúng tôi nói với hàng xóm là chúng tôi đi làm ăn xa. Như vậy không hẳn là nói dối”. Chị không có nghề, chỉ phụ chồng làm sắt vụn, mỗi ngày kiếm được chừng 50–60 rupi (khoảng 1,5 USD). Nếu chị mang thai thành công, chị có 5.500 USD “để lo tương lai cho các con”.

Từ nhỏ tới lớn, Vohra chỉ trồng lúa mì, học hành rất ít. Cha mẹ gả chồng cho chị lúc chị 16 tuổi, vợ chồng chị ở nhà tranh vách đất, năm nào cũng bị xói mòn vì gió mùa. Chị mang thai dùm để có tiền làm 3 việc: mua nhà gạch, lấy vốn cho chồng làm, và cho con ăn học. Chị nói: “Con gái tôi muốn làm cô giáo. Tôi sẽ làm bất cứ việc gì để con gái có cơ hội. Tôi vẫn khỏe mạnh. Tôi đã sinh 2 lần rồi”. Bệnh viện quy định những người mang thai dùm phải là những người đã làm mẹ để hiểu những gì liên quan về thể lý và ít có thể gắn chặt tình cảm với những đứa trẻ mà họ sinh ra dùm.

Dĩ nhiên Vohra không thể hiểu mình sẽ cảm thấy thế nào sau khi sinh. Đây là vấn đề khó khăn đã gây tranh cãi nhiều. Những người mẹ đẻ dùm tại bệnh viện này đều phải làm bản cam kết giao đứa trẻ – tái khẳng định cha mẹ tương lai, nhưng cũng gây tranh cãi về việc phụ nữ (nhiều người không biết chữ) đang bị lợi dụng. Ở Mỹ, chỉ một số bang coi hợp đồng thuê đẻ là hợp pháp. Các bang khác, người mang thai dùm có ít cơ hội đòi quyền làm mẹ.

Vohra lặng ngồi một lúc và xem lại những móng tay nứt của mình. Chị nói: “Nếu tôi cảm thấy buồn sau khi sinh, tôi cũng không tỏ ra. Tôi có thể hiểu Jessica cần con như thế nào. Ở Ấn độ, vô sinh là bị nguyền rủa”.

Ordenes đến lúc 10 giờ sáng. Chị bước đến ôm Vohra dù phụ nữ nghèo ở Ấn độ bị khinh miệt. Vohra mỉm cười. Ordenes thuê thông dịch viên vì Vohra không biết tiếng Anh. Lúc đó, Ordenes đã sản sinh được 6 trứng nhưng cần thêm thời gian để trứng chín. Chị siết tay Vohra và hứa chăm sóc Vohra trong thời gian mang thai. Ordenes nói: “Chị là thiên thần của tôi”.

Phòng làm việc của Patel tối tăm, chật hẹp, có chiếc máy tính và máy siêu âm. Giữa phòng có chiếc bàn lớn với những chồng hồ sơ. Khách đến nườm nượp. Lên xuống cầu thang nhiều lần để khám cho các bà mẹ mang thai dùm, Patel có khoảng 150 cặp vợ chồng ngoại quốc chờ đến lượt, mỗi tuần có 3 phụ nữ đến xin mang thai dùm. Mỗi ngày Patel làm việc 14 giờ. Chị nói: “Tôi nhận những người có vấn đề về sinh sản. Có một số phụ nữ nhờ người mang thai dùm vì họ không thể bỏ công việc để mang thai”. Chị cũng công nhận có nguy hiểm nếu việc mang thai dùm tiếp tục phát triển ở Ấn độ. Chị nói: “Có ít quy chế của Hội đồng Y tế Ấn độ về các hoạt động như vậy. Luật phải chặt chẽ hơn để bảo đảm phụ nữ không bị lợi dụng”.

Là khách mời phát biểu tại nhiều hội nghị quốc tế về vô sinh, Patel không bị “quấy rầy” bởi người ngoại quốc – kể cả khách hàng đến từ Đài loan, Nhật bản, Hoa kỳ, Âu châu và Úc châu. Nhưng chị từ chối điều trị cho các vợ chồng đồng tính, chứng tỏ nền tảng văn hóa “bảo thủ” của chị. Chị cho biết: “Tôi nhận nhiều email của những người đồng tính nam và nữ, một số người này viết rất hay nhưng tôi cảm thấy không thể giúp họ”. Những người chị cảm thấy đúng khi giúp đỡ là dân địa phương (những người mang thai dùm). Chị bày tỏ: “Tôi phải chắc chắn phụ nữ đó đã quyết định đúng. Nếu nghi ngờ, tôi không giúp”.

Patel cũng giúp họ kiểm soát chi phí. Chẳng hạn, nếu họ muốn mua nhà thì chị giữ tiền hộ đến khi họ mua nhà. Nếu họ muốn dành tiền cho con cái thì chị đưa họ đến ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản với tên của họ. Chị nói: “Tôi thấy vui khi mọi chuyện xuôi xắn cho họ”.

RubinaMondal (trái) kiểm tra RaziaVohra với thai ky 10 tuần
Trong số đó có Rubina Mondal, 30 tuổi, là nhân viên ngân hàng, chị này vừa sinh một bé trai kháu khỉnh hồi tháng Hai cho một cặp vợ chồng người Mỹ ở California. Mondal đã biết đến Patel trong một chương trình truyền hình và đã đến gặp Patel. Mondal ở Kolkata, Đông Ấn, con trai 8 tuổi của chị bị hở van tim, chị muốn mang thai dùm để có tiền chữa bệnh cho con.

Đẻ thuê

Ngày nay Ấn độ có thêm nhiều dịch vụ. Vậy sao không mang thai? Nhiều phụ nữ Ấn độ sẵn sàng mang thai dùm nguời khác.

Một ngày nắng gay gắt bên ngoài Bệnh viện Vô sinh Akanksha, thuộc thành phố nhỏ Anand. Dưới bóng cây gần cổng có một con bò và một gia đình người hành khất. Bên trong bệnh viện, phòng chờ chật những phụ nữ quấn sari đi chân đất. Các y tá loay hoay quanh họ, gọi tên và đưa thuốc. Không khí nồng nặc mùi mồ hôi và mùi xi-măng. Trên tường treo những hình em bé và những bài cắt từ báo. Một bài có tiêu đề “Cái nôi của thế giới”.

Trong trường hợp này, ẩn dụ cũng là nghĩa đen. Bệnh viện Akanksha là hàng đầu về kinh doanh phát đạt của Ấn độ, gọi là “du lịch sinh sản” – người ngoại quốc đến nước này để chữa vô sinh và thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, nỗ lực chính của bệnh viện là thành công trong việc dùng phụ nữ để sinh con cho người ngoại quốc. Mang thai dùm ở Ấn độ giá khoảng 12.000 USD, bao gồm chi phí y tế và tiền đẻ thuê. Ở Mỹ, chi phí có thể lên đến 70.000 USD.

Tại sao việc đẻ thuê phổ biến ở vùng Anand khan hiếm nước với dân số 150.000 người thuộc Gujarat của Ấn độ? Đó là câu chuyện dài nhưng câu trả lời ngắn gọn thôi. BS Nayna Patel, 47 tuổi, giám đốc bênh viện, một phụ nữ có sức quyến rũ với mái tóc dài, đã đặt Anand lên hàng đầu từ năm 2003, khi bà sắp xếp việc mang thai dùm cho một phụ nữ địa phương muốn “cho mượn” tử cung. Phụ nữ này đã sinh đôi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Tên tuổi BS Patel nổi như cồn khắp thế giới, bà nhận nhiều đơn đặt hàng, hiên nay bà có 45 phụ nữ muốn mang thai dùm, đa số là phụ nữ nghèo ở các làng gần đó. 27 người trong số họ hiện đang mang thai, mỗi người được trả 5.000–7.000 USD (tương đương tiền lương 10 năm đối với dân quê Ấn độ). Hơn 50 đứa trẻ đã được sinh ra tại bệnh viện này trong 3 năm qua, ½ là sinh dùm người Tây phương hoặc Ấn kiều sống ở ngoại quốc.

Một ví dụ khác về việc lạm dụng thế giới thứ ba? Toàn cầu hóa là khùng điên? Hệ thống này chắc chắn tự phê phán mình rằng phụ nữ ngoại quốc không đồng ý hoặc không thể trả phí cao để lợi dụng các phụ nữ nghèo ở mức 1/10 giá cả so với trong nước họ. Hệ thống này cũng tránh thói quan liêu hợp pháp và tạo bộ mặt xấu cho phụ nữ ở Mỹ. (Đừng nói rằng Ấn độ, khác với một số nước phát triển, có hệ thống y tế khá tiến bộ và các BS đều nói tiếng Anh). Hoặc đó có là mối quan hệ lợi ích hỗ tương? Ở mức đánh giá nào đó, việc mang thai dùm ở Ấn độ là việc kinh doanh trị giá 445 triệu USD/năm.

Jessica Ordenes là chủ một trường nhỏ dạy yoga ở New Jersey. Nóng bức, vô định, uể oải và riêng lẻ. Chồng chị là David cũng tham gia với chị suốt tuần. Chị ngồi ở một phòng vắng khách của một bác sĩ ở bệnh viện Akanksha, uống nước dừa tươi và chờ tiêm hormone mỗi ngày. Chị là một phụ nữ nhỏ nhắn, nữ tính, tóc dài và cột đuôi gà. Chị mặc áo sơ-mi xanh lá và môi son bóng. Chị phải đến Anand vì chị đã 40 tuổi, gần hết tuổi sinh sản. Chị không mang thai nhưng vẫn thấy kinh nguyệt, chị đã mất nhiều năm chạy chữa ở Mỹ để có con mà không được. chị nói: “Tôi sắp hết trứng, sắp hết hy vọng, và sắp hết kiên nhẫn để chữa trị ở Mỹ. Tôi đọc thấy bệnh viện này trên mạng, tôi cảm thấy Ấn độ là cơ hội cuối cùng của tôi”.

Ordenes đến vài ngày trước, ở khách sạn gần bệnh viện để tiện đi lại. Chị được tiêm hormone kích thích buồng trứng. Khoảng 10 ngày, trứng sản sinh sẽ được trích ra và cho kết hợp với tinh trùng của chồng. Hai ngày sau đó, nếu “xuôi chèo mát mái”, một số phôi thai sẽ được cấy vào Najima Vohra (30 tuổi, có 2 con, người mang thai dùm Ordenes). Ordenes biết rất ít về người phụ nữ mamg thai dùm. Ordenes mới gặp chị ta 1 lần khi mới đến chữa trị.

Ordenes không phải không có con. Chị đã có 1 con gái 20 tuổi với chồng trước, nhưng tử cung chị nhiễm trùng sau khi sinh mổ nên phải cắt tử cung. Hôn nhân tan vỡ sau đó. Ba năm sau chị gặp David, và họ kết hôn. Chị ray rứt vì không thể có con với David. Chị nói: “Tôi xuất thân từ một gia đình lớn, tôi luôn muốn có nhiều con”. Chị hy vọng ít nhất cũng có 1 con với David để làm cho hôn nhân trọn vẹn.

Bang New Jersey có luật là những người sinh ra do “thuê đẻ” thì không được trợ cấp. Ordenes cảm thấy mệt mỏi đi tìm người đẻ dùm. Chị nói: “Đó là kinh nghiệm làm nản lòng nhất đời tôi”.

Ordenes đang ngồi trong phòng bác sĩ thì một người đàn ông Ấn độ trẻ tuổi bước vào. Không nói gì, anh ta chích kim vào cánh tay chị và hút máu. Chị không hiểu gì, mà cũng chẳng biết anh ta là ai. Anh ta đi ra, chị nhìn vết đỏ xám trên tay và nhún vai: “Dù sao thì nhiều năm đã qua. Mình đang ở Ấn độ mà”.

Najima Vohra đến bệnh viện một giờ trước để gặp Ordenes và để 2 người làm quen trước khi mọi chuyện được tiến hành. Cũng như các phụ nữ khác đến đây bí mật nhận mang thai dùm, Vohra thấy không thoải mái. Vohra mảnh mai, tóc dài và cột lại phía sau. Chị nói: “Tôi không thể đợi lâu. Tôi rất vui khi BS Patel chọn tôi mang thai dùm, tôi nôn nao đến mất ngủ. Tôi không mắc cở, nhưng dân địa phương đây theo truyền thống và không hiểu biết. Họ nghĩ vậy là sai, vô đạo đức. Họ không tin có thể mang thai mà không sinh hoạt tình dục. Nếu họ biết thì sẽ xa tránh gia đình tôi”.

Vohra sống ở một làng cách Anand 20 dặm, nhưng vợ chồng chị tạm thời đến ở trong thành phố cùng con gái 12 tuổi và con trai 7 tuổi để không ai biết chuyện. Chị nói: “Chúng tôi nói với hàng xóm là chúng tôi đi làm ăn xa. Như vậy không hẳn là nói dối”. Chị không có nghề, chỉ phụ chồng làm sắt vụn, mỗi ngày kiếm được chừng 50–60 rupi (khoảng 1,5 USD). Nếu chị mang thai thành công, chị có 5.500 USD “để lo tương lai cho các con”.

Từ nhỏ tới lớn, Vohra chỉ trồng lúa mì, học hành rất ít. Cha mẹ gả chồng cho chị lúc chị 16 tuổi, vợ chồng chị ở nhà tranh vách đất, năm nào cũng bị xói mòn vì gió mùa. Chị mang thai dùm để có tiền làm 3 việc: mua nhà gạch, lấy vốn cho chồng làm, và cho con ăn học. Chị nói: “Con gái tôi muốn làm cô giáo. Tôi sẽ làm bất cứ việc gì để con gái có cơ hội. Tôi vẫn khỏe mạnh. Tôi đã sinh 2 lần rồi”. Bệnh viện quy định những người mang thai dùm phải là những người đã làm mẹ để hiểu những gì liên quan về thể lý và ít có thể gắn chặt tình cảm với những đứa trẻ mà họ sinh ra dùm.

Dĩ nhiên Vohra không thể hiểu mình sẽ cảm thấy thế nào sau khi sinh. Đây là vấn đề khó khăn đã gây tranh cãi nhiều. Những người mẹ đẻ dùm tại bệnh viện này đều phải làm bản cam kết giao đứa trẻ – tái khẳng định cha mẹ tương lai, nhưng cũng gây tranh cãi về việc phụ nữ (nhiều người không biết chữ) đang bị lợi dụng. Ở Mỹ, chỉ một số bang coi hợp đồng thuê đẻ là hợp pháp. Các bang khác, người mang thai dùm có ít cơ hội đòi quyền làm mẹ.

Vohra lặng ngồi một lúc và xem lại những móng tay nứt của mình. Chị nói: “Nếu tôi cảm thấy buồn sau khi sinh, tôi cũng không tỏ ra. Tôi có thể hiểu Jessica cần con như thế nào. Ở Ấn độ, vô sinh là bị nguyền rủa”.

Ordenes đến lúc 10 giờ sáng. Chị bước đến ôm Vohra dù phụ nữ nghèo ở Ấn độ bị khinh miệt. Vohra mỉm cười. Ordenes thuê thông dịch viên vì Vohra không biết tiếng Anh. Lúc đó, Ordenes đã sản sinh được 6 trứng nhưng cần thêm thời gian để trứng chín. Chị siết tay Vohra và hứa chăm sóc Vohra trong thời gian mang thai. Ordenes nói: “Chị là thiên thần của tôi”.

Phòng làm việc của Patel tối tăm, chật hẹp, có chiếc máy tính và máy siêu âm. Giữa phòng có chiếc bàn lớn với những chồng hồ sơ. Khách đến nườm nượp. Lên xuống cầu thang nhiều lần để khám cho các bà mẹ mang thai dùm, Patel có khoảng 150 cặp vợ chồng ngoại quốc chờ đến lượt, mỗi tuần có 3 phụ nữ đến xin mang thai dùm. Mỗi ngày Patel làm việc 14 giờ. Chị nói: “Tôi nhận những người có vấn đề về sinh sản. Có một số phụ nữ nhờ người mang thai dùm vì họ không thể bỏ công việc để mang thai”. Chị cũng công nhận có nguy hiểm nếu việc mang thai dùm tiếp tục phát triển ở Ấn độ. Chị nói: “Có ít quy chế của Hội đồng Y tế Ấn độ về các hoạt động như vậy. Luật phải chặt chẽ hơn để bảo đảm phụ nữ không bị lợi dụng”.

Là khách mời phát biểu tại nhiều hội nghị quốc tế về vô sinh, Patel không bị “quấy rầy” bởi người ngoại quốc – kể cả khách hàng đến từ Đài loan, Nhật bản, Hoa kỳ, Âu châu và Úc châu. Nhưng chị từ chối điều trị cho các vợ chồng đồng tính, chứng tỏ nền tảng văn hóa “bảo thủ” của chị. Chị cho biết: “Tôi nhận nhiều email của những người đồng tính nam và nữ, một số người này viết rất hay nhưng tôi cảm thấy không thể giúp họ”. Những người chị cảm thấy đúng khi giúp đỡ là dân địa phương (những người mang thai dùm). Chị bày tỏ: “Tôi phải chắc chắn phụ nữ đó đã quyết định đúng. Nếu nghi ngờ, tôi không giúp”.

Patel cũng giúp họ kiểm soát chi phí. Chẳng hạn, nếu họ muốn mua nhà thì chị giữ tiền hộ đến khi họ mua nhà. Nếu họ muốn dành tiền cho con cái thì chị đưa họ đến ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản với tên của họ. Chị nói: “Tôi thấy vui khi mọi chuyện xuôi xắn cho họ”.

Trong số đó có Rubina Mondal, 30 tuổi, là nhân viên ngân hàng, chị này vừa sinh một bé trai kháu khỉnh hồi tháng Hai cho một cặp vợ chồng người Mỹ ở California. Mondal đã biết đến Patel trong một chương trình truyền hình và đã đến gặp Patel. Mondal ở Kolkata, Đông Ấn, con trai 8 tuổi của chị bị hở van tim, chị muốn mang thai dùm để có tiền chữa bệnh cho con.

(Theo Marie Claire)
 
Đức Thánh Cha nói với giới trẻ: “Các con hãy đón Chúa Giêsu vì Người đến để cứu chuộc chúng ta.”
Bùi Hữu Thư
21:44 15/12/2010
Giới Trẻ Công Giáo Tiến Hành vào buổi triều kiến chung

ROME, Thứ Tư 15 tháng 12, 2010 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha nói với giới trẻ: “Các con hãy đón tiếp Chúa Giêsu vì Người đến để cứu chuộc chúng ta.”

Vào cuối buổi triều kiến chung ngày Thứ Tư, như thường lệ, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã chào đón giới trẻ, các bệnh nhân và các cặp vợ chồng mới cưới.

“Các bạn trẻ thân mến, cha chúc chúng con – đặc biệt là các giới trẻ thuộc phong trào Công Giáo Tiến Hành – biết mở lòng để đón Chúa Giêsu, vì Người đến để cứu chuộc chúng ta bằng quyền năng của tình yêu của Người.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Các bệnh nhân thân mến, các bạn đang cùng chia sẻ với Chúa Kitô gánh nặng của Thánh Giá, qua kinh nghiêm của bệnh tật của các bạn, chớ gì dịp lễ Giáng Sinh sẽ mang lại cho các bạn sự bình an và niềm an ủi.”

Ngài đã kết luận: “Cha chào mừng các cặp vợ chồng mới cưới, các bạn vừa mới xây dựng gia đình trẻ, chúc cho các bạn tiếp tục tăng trưởng luôn mãi trong tình yêu Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khi Người Giáng Sinh.”
 
Top Stories
Nuove minacce e incursioni della autorità contro i redentoristi vietnamiti
Asia-News
05:47 15/12/2010
Funzionari ordinano ai religiosi della chiesa di Nostra Signora del perpetuo soccorso di Ho Chi Minh City di togliere dal loro bollettino articoli definiti “anti-governativi”. I testi ricordano controversie sui beni religiosi e attacchi contro i cattolici. Il superiore costretto a una “sessione di lavoro”.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – L’approssimarsi del congresso del Partito comunista, previsto per l’inizio del prossimo anno, sta suscitando in Vietnam un’ondata di repressione contro i dissenzienti, avvocati, intellettuali e attivisti in genere, che sta coinvolgendo anche i redentoristi. Le autorità locali di Ho Chi Minh City, infatti, nei giorni scorsi hanno organizzato due incursioni nella chiesa di Nostra Signora del perpetuo soccorso (nella foto), ordinando ai religiosi che se ne occupano di togliere dal loro bollettino articoli definiti “anti-governativi”.

A quanto riferisce padre Joseph Dinh Huu Thoai, responsabile del Segretariato della Provincia dei redentoristi in Vietnam, in una lettera datata 13 dicembre, per due giorni, l’8 e il 9 di questo mese, funzionari locali si sono presentati nella chiesa, la seconda, per grandezza, della città. Il giorno successivo, le autorità del terzo distretto della città hanno convocato il superiore provinciale, padre Vincent Pham Trung Thanh, per una “sessione di lavoro”.

In tale occasione, riferisce il religioso, rappresentanti dell’amministrazione statale per gli affari religiosi e funzionari locali hanno rivolto accuse contro i redentoristi di essere “istigatori di disordini”. Nella stessa occasione, al superiore provinciale è stato detto che era imputabile per “omelie dei redentoristi e articoli pubblicati nel bollettino riguardanti controversie per le proprietà della ex-delegazione apostolica e Thai Ha, atti di persecuzione a Tam Toa, Con Dau, Dong Chiem e il progetto governativo per le miniere di bauxite negli Altopiani centrali”. Dal punto di vista governativo, si tratta di “questioni non religiose”, delle quali i preti non hanno il permesso di parlare. Ogni violazione può essere imputata come condotta anti-governativa.

Padre Pham ha respinto tutte le accuse, divendo che il suo ordine religioso ha sempre lavorato per il bene di tutto il popolo, pregando e vivendo nel servizio del Vangelo e invitando alla riconciliazione tra le parti sociali e per il rispetto della giustizia e dela verità.

In risposta alle parole del religioso, la presidente del Comitato del distretto popolare ha annunciato “nuove incursioni” nella chiesa nei prossimi giorni.
 
Le gouvernement cambodgien décide de fermer un centre de réfugiés accueillant des Montagnards des Hauts Plateaux du centre du Vietnam
Eglises d'Asie
06:28 15/12/2010
Le gouvernement cambodgien s’apprête à fermer un centre de réfugiés de nationalité vietnamienne. Placé sous la responsabilité du Haut Commissariat des Nations Unies pour les réfugiés, le centre se trouve dans le district de Sen Sok. Il abrite sans doute plus de 80 pensionnaires (le chiffre exact n’est pas connu) appartenant à diverses ethnies minoritaires des Hauts Plateaux du centre du Vietnam. Ceux-ci ont quitté leur pays à diverses époques...

... pour fuir les pressions et tracasseries policières après les soulèvements de 2001 et 2004. Beaucoup d’entre eux sont chrétiens, le plus souvent de confession protestante.

La presse cambodgienne du 14 décembre dernier (1) fait état d’une lettre du ministère cambodgien des Affaires étrangères adressée, le 29 novembre dernier, au Haut Commissariat aux réfugiés. Elle l’informe de la décision de fermer les portes du centre pour le 1er janvier 2011. Elle demande à l’organe des Nations Unies de hâter le processus d’installation dans un pays tiers des 62 réfugiés du camp déjà enregistrés comme réfugiés. La lettre ajoute qu’avant la fermeture du centre, le gouvernement souhaite rapatrier au Vietnam les demandeurs d’asile attendant encore l’examen de leur cas, ainsi que les éventuels nouveaux arrivants. Dans la journée du 14 décembre, deux communiqués, émanant respectivement des ministères des Affaires étrangères et de l’Intérieur, ont confirmé les indications données par la lettre et ont informé que la mesure de rapatriement toucherait plus d’une dizaine de demandeurs d’asile actuellement dans le centre.

Pour sa part, le Haut Commissariat a demandé au gouvernement de lui donner davantage de temps pour régler les problèmes posés par la fermeture du centre, en particulier l’installation en pays tiers des Montagnards déjà enregistrés comme réfugiés. Selon les déclarations du Haut Commissariat, les pensionnaires actuellement au centre sont les derniers de la vague de demandeurs d’asile venus des Hauts Plateaux du centre Vietnam pour se mettre sous la protection des Nations Unies au Cambodge. Depuis 2006, ils ont été 1 812 à venir demander l’asile. Grâce au Haut Commissariat, 999 d’entre eux sont allés s’installer dans un pays tiers, pour la plupart aux Etats-Unis, tandis que 751 ont été rapatriés au Vietnam.

Mais, en réalité, les chiffres sont beaucoup plus importants si l’on tient compte du fait que cette vague de réfugiés venant des Hauts Plateaux a débuté en 2001. Cette année-là, la répression et les procès qui suivirent le premier soulèvement montagnard entraînèrent un premier exode des militants les plus engagés vers le Cambodge. Un millier de ces premiers demandeurs d’asile avaient été ensuite admis dans un pays d’asile définitif, la plupart aux Etats-Unis. Trois ans plus tard, après le soulèvement du week-end pascal de 2004 et la violente répression qui suivit, le mouvement d’exode avait repris, moins massif mais durable, un mouvement aussi mal considéré par les autorités vietnamiennes que cambodgiennes. Les chiffres précis de la totalité des Montagnards des Hauts Plateaux ayant franchi la frontière depuis avril 2004 ne sont pas connus. En janvier 2005, des accords tripartites ont été signés entre le Haut Commissariat, le Vietnam et le Cambodge (2), prévoyant la possibilité pour les Montagnards de revenir volontairement dans leur pays. En 2OO6, 700 Montagnards du second exode avaient déjà choisi de s’établir dans un tiers pays, généralement aux Etats-Unis. Depuis les accords, des rapatriements ont eu lieu à de nombreuses reprises, touchant des Montagnards n’ayant pas obtenu du Haut Commissariat le statut de réfugié. D’autres arrêtés par la police cambodgienne avant de rencontrer les fonctionnaires du HCR ont été directement livrés à la police vietnamienne.

Par ailleurs, les accords tripartites de janvier 2005 donnent au Haut Commissariat aux réfugiés un droit de regard sur les conditions d’existence des Montagnards ayant choisi le retour dans leur pays. Des délégués du HCR sont venus rendre visite aux anciens réfugiés revenus au Vietnam. Certains des rapports publiés à l’issue de ces voyages ont été violemment critiqués par des associations humanitaires concernées par le problème, en particulier le groupe américain Human Rights Wacht.

(1) Voir The Phnom Penh Post du 14 décembre 2010, « Vietnamese refugees face deportation ». Voir également la dépêche d’Associated Press du 14 décembre 2010.

(2) Voir EDA 346,347, 349

(Source: Eglises d'Asie, 15 décembre 2010)
 
Pope: nurturing love in our Christian life, keeping our gaze fixed on Heaven
Asia-News
09:08 15/12/2010
VATICAN - The life of St. Veronica Giuliani described today by Benedict XVI to eight thousand people in the Paul VI Hall for the general audience is an invitation to “nurture love in our Christian life, to "keep our gaze fixed on heaven where we will live the joy of divine love with so many brothers and sisters", because "death does not have the last word”.

A mystic not of the Middle Ages, but remembered by the Pope on the 350th anniversary of her birth the 27 December 1660, who is joyfully recalled by "Città di Castello, Urbino," the place that is deeply linked the life of the saint. Ursula Giuliani was born in Mercatello, near Urbino, the last of seven sisters, three of whom embraced monastic life. At the age 17, she entered the Poor Clare Sisters of Citta di Castello, taking the name Veronica at her religious profession. She became superior of the convent and remained there until her death in 1727.

Author of a diary covering 34 years of life, Veronica "became true image of Christ crucified" through "many penances, great suffering and some mystical experiences linked to Christ’s passion", "corroborating her prayers of intercession through the offering of herself”. "Christ to whom Veronica united herself is the Christ of the passion, death and resurrection" and Veronica "arrives at asking Jesus to be crucified with him”.

Hers is a “markedly Christ centered and spousal experience”. She lives the experience of being loved by Christ, faithful and sincere husband, and wanted to respond with passionate and enduring love". Veronica, who received the stigmata, has "an intense and suffering love for the Church," for which Veronica prays, as well as for the pope, his bishops, priests and all the souls in need, even in purgatory. "Compared to the preaching of the time, often focused on saving of the soul in individual terms, she shows a sense of solidarity with her brothers and sisters on the path to heaven."

Her figure, "invites us to grow in our Christian life, in union with the Lord, abandoning ourselves to His will with complete confidence and total union with the Church, the Bride of Christ; it invites us to share the suffered love of Jesus on the Cross for the salvation of all sinners, inviting us to keep our eyes fixed on Heaven, the goal of our earthly journey, where we will live together the joy of full communion with God with many brothers and sisters; she calls us to nourish ourselves daily with the Word of God, to warm our heart and directs our lives. " In statements like "nothing can separate me from God's will, not even death" and especially in her last words, the conclusion of the Pope, we can find "the summary of her passionate mystical experience: 'I found love, love revealed itself".
 
New threats and attacks by authorities against the Redemptorists in Vietnam
Asia-News
16:26 15/12/2010
Officials order the religious men of the church of Our Lady of Perpetual Help in Ho Chi Minh City to remove articles, described as "anti-government", from their newsletter. The texts speak of religious property disputes and attacks against Catholics. The Superior forced to attend a "working session".

Ho Chi Minh City (AsiaNews) - The approach of the Communist Party Congress, scheduled for early next year, is attracting a wave of repression against dissidents, lawyers, intellectuals and activists in general in Vietnam, which is involving also the Redemptorists. Local authorities in Ho Chi Minh City, in fact, in recent days made two raids on the church of Our Lady of Perpetual Help (pictured), ordering the religious men who run it to remove articles, described as "anti-government", from their newsletter.

According to a a letter dated December 13 by Father Joseph Dinh Huu Thoai, head of the Secretariat of the Province of the Redemptorists in Vietnam, on two consecutive days, 8th and 9th of this month, local officials arrived at the church, the second, in size of the city. The next day, the authorities of the third district of the city called the provincial superior, Father Vincent Pham Trung Thanh, for a "working session".

On that occasion, reports the priest, representatives of state administration for religious affairs and local officials accused the Redemptorists of being "instigators of disorder." On the same occasion, the provincial superior was told the charge referred to "the Redemptorist Homilies and articles published in the Bulletin concerning disputes for the properties of the former nunciature and Thai Ha, acts of persecution in Tam Toa, Con Dau, and Dong Chiem as well as the government project for bauxite mines in the Central Highlands. " From the government point of view, these are "non-religious matters", of which priests are not allowed to speak. Any violation may be charged as anti-government behaviour.

Father Pham has rejected all accusations, claiming that his religious order has always worked for the good of the whole people, praying and living in the service of the Gospel and calling for reconciliation between the social partners and the respect for justice and truth.

In response to the priest’s words, the president of the district People's Committee announced "new raids" on the church in the coming days.
 
New wave of harassment against Redemptorists in Vietnam
Catholic World News
16:27 15/12/2010
Local authorities in Ho Chi Minh City (Saigon) have summoned a Redemptorist provincial superior after repeated raids on a monastery church.

The preparation for Christmas at the Church of Our Lady of Perpetual Help in Saigon has been repeatedly interrupted by raids by local officials who have been insisting that the Redemptorists who are in charge of the church must remove from their bulletin boards what the authorities had described as “anti-regime" articles, and stop delivering homilies calling for justice.

On December 8, local officials abruptly raided the church-- the second largest in Saigon-- interrupting scheduled liturgical celebrations. The next day, government officials backed by security police in plain clothes raided the church again, taking photos and filming activities with video cameras, Father Joseph Dinh Huu Thoai, chief of the secretariat of the local Redemptorist province, reported in a letter circulated among all the Redemptorists in Vietnam.

Father Joseph Dinh lamented that the harassment did not stop there; on next day, officials summoned Father Vincent Pham Trung Thanh, the provincial superior, to attend "working sessions" at a local government office. At the meeting, representatives of state administration for religious affairs and local officials took turns criticizing Redemptorists for allegedly “preaching anti-government sentiment, instigators of disorder, inciting riots, falsely accusing the government, disrespecting the nation, breaking and ridiculing the law, and instigating others to violate it.”

A the same "working session" the provincial was told that he would be held personally liable for homilies by other Redemptorist priests, and for articles posted on church bulletin boards regarding clashes between the government and Catholics demanding return of confiscated parish properties. From the government’s point of view, they are “non-religious issues” that priests are not allowed to mention. Any violation of the government rules, the provincial was warned, could result in charges of conducting anti-government activities.

Father Vincent Pham rejected the accusations against the Vietnamese Redemptories, and said that the members of his community were working for the welfare of the people and in service to the Gospel. In response, Nguyen Thi Le, who chairs the district “People’s Committee,” said that there would be more raids on the Redemptorist church in coming days.

The Redemptorist province in Vietnam is the largest religious community in Asia. Over the past twenty years, the province has grown in size from 179 professed members in 1983 to 278 today, including 168 priests who live in about 20 houses scattered throughout the country. There are also 222 postulants.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Giám Mục Thái Bình làm phép nhà mồ nghiã trang Xứ Bồ Ngọc
Trường Giang
10:39 15/12/2010
14h30 chiều ngày 14/12/2010, Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình cắt băng khánh thành và làm phép nhà mồ, tại nghĩa trang giáo xứ Bồ Ngọc – Nơi đã thiêu sinh 50 hiền phúc Tử Đạo thời vua Tự Đức cấm đạo.

Dấu ấn lịch sử

Trong cuốn sử ký địa phận Trung năm 1916, trang 92 có ghi một địa điểm quý tại giáo xứ Bái: “Ở Bồ Trang có một nơi trong thời vua Tự Đức cấm đạo, thì các bổn đạo phải luận xử ở xứ đó”. Mảnh đất mang di tích lịch sử này, theo truyền tụng của bổn đạo cũng như lương dân nơi đây thường gọi là Đống 50. Nghĩa là, tại đây năm 1862 tổng đốc Nam Định đã xử 50 bổn đạo bằng án thiêu sinh. Đống 50 ngày nay chính là nghĩa trang, nơi an nghỉ của các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và anh chị em thôn Bái Trang (giáo xứ Bồ Ngọc), xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Ngày 20/07/2002 bề trên giáo phận cử cha Đaminh Nguyễn Trung Lương về coi sóc giáo xứ Bồ Ngọc. Từ đó đến nay cha sống hết mình với đoàn chiên, chăm lo cho đời sống tâm linh cho giáo dân, sửa chữa và nâng cấp các công trình Đức Tin như: xây nhà thờ mới, xây lăng mộ cho 15 tôi tớ Chúa quê hương Bồ Ngọc, sửa lại các công trình nhà xứ, xây nhà giáo lý, lắp đặt nhà máy nước sạch cung cấp cho 400 hộ gia đình cả lương lẫn giáo, thuộc hai xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Minh với giá ưu đãi, lắp đặt máy nước lọc tinh khiết cung cấp cho người Công Giáo và cả lương dân cũng như các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở xã Quỳnh Hoa, với giá cả hợp lý, ông trưởng ban hội đồng giáo xứ Bồ Ngọc cho biết.

Cắt băng khánh thành, làm phép nhà mồ

Sau thời cấm đạo thảm khốc, Đống 50 được dùng làm nghĩa trang an táng cho dân làng Bái Trang đến ngày nay. Để tưởng nhớ các tổ tiên đã anh dũng hi sinh vì đạo Chúa và ghi dấu mảnh đất quê hương Bồ Ngọc đã chứng kiến 50 tôi tớ Chúa chịu bao cực hình tra tấn đớn đau, giáo dân trong xứ hưởng ứng lời mời gọi của cha xứ, cũng như sự cộng tác quảng đại của bà con đồng hương và quý vị ân nhân, mà ngôi nhà mồ (diện tích 100m2) được dựng lên ngay giữa lòng đất nơi an nghỉ của các tổ tiên, ông bà, cha mẹ và anh chị em xứ Bồ Ngọc. Công trình xây cất và tu tạo nghĩa trang rất ý nghĩa này hôm nay đã hoàn tất trùng vào dịp năm thánh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cha xứ cùng với bà con giáo dân trong giáo xứ xin bề trên giáo phận về cắt băng khánh thành và làm phép ngôi nhà mồ.

Đúng 14h30, Đức cha giáo phận, cha Đaminh Nguyễn Trung Lương, chánh xứ Bồ Ngọc và cha Gioan Chu Văn Yên, thư ký Tòa giám mục cắt băng khánh thành ngôi nhà mồ, trong tiếng vỗ tay vui mừng của con dân Bồ Ngọc. Lớp cháu con Bồ Ngọc thật kiêu hãnh về một thời lịch sử oai hùng mà tổ tiên đã truyền lại. Tại chân cây Thánh Giá được tạc bằng đá đặt trên bàn thờ có ghi:

“Vào năm một tám sáu hai
Mồng sáu tháng sáu, nơi đây pháp trường
Năm mươi tử đạo kiên cường
Toàn thiêu hiến tế, lửa hồng vươn cao
Ngàn năm con cháu tự hào
Tạc ghi công đức nghìn sau lưu truyền”.

Làm phép tượng đài ba thánh Tử Đạo quê hương

Sau khi Đức giám mục cắt băng và làm phép ngôi nhà mồ xong, các hội kèn giáo xứ Tân Mỹ, họ Đông Châu, họ Giáo Thiện, đội trống họ Bái Đông và cộng đoàn giáo dân toàn xứ rước tượng ba thánh quê hương, đó là thánh Augustino Nguyễn Văn Mới, thánh Thomas Nguyễn Văn Đệ và thánh Stephano Nguyễn Văn Vinh (là 3 vị Tử Đạo trong 19 thánh Tử Đạo Thái Bình và trong số 117 Tử Đạo Việt Nam) về quảng trường nhà thờ giáo xứ. Tại đây, cha chánh xứ Đaminh Lương giới thiệu cùng Đức cha và cộng đoàn về tượng đài với ba pho tượng thánh Tử Đạo quê hương mới được dựng lên, nằm phía bên phải quảng trường nhà thờ, từ cuối nhà thờ nhìn lên. Bên trái một tượng đài họa lại toàn cảnh một vị thừa sai đang giảng đạo cho con dân làng khi mới đặt chân đến đất Kẻ Bái. Đức cha và các cha tiến đến làm phép tượng đài ba thánh Tử Đạo, đoạn các ngài xá hương, kết thúc nghi thức làm phép tượng đài.

Thánh lễ mừng kính ba thánh Tử Đạo quê hương

Đoàn đồng tế và cộng đoàn tiến vào thánh đường trong tiếng trống và tiếng kèn hùng tráng “Tiếng nhạc oai hùng vang trên khắp cõi trời Việt Nam…”. Mở đầu thánh lễ, Đức cha ca ngợi công lao và sự can đảm hi sinh vì Chúa Ki tô của ba thánh Tử Đạo quê hương Bồ Ngọc. Trong bài giảng Đức cha kêu mời lớp cháu con ba thánh quê hương Bồ Ngọc, hãy sống xứng đáng với niềm kiêu hãnh và tự hào mà cha ông, tổ tiên đã dày công gầy dựng và để lại. Đó là kho tàng Đức Tin vô cùng quý giá, đồng thời để lại cho hậu duệ một bài học về lòng can đảm, dám chấp nhận đánh đổi gia đình, vợ con và chính bản thân mình, để chọn Chúa và làm vinh danh Chúa. Sau lời nguyện giáo dân, đoàn dâng lễ vật đại diện con dân Bồ Ngọc dâng lên Thiên Chúa những hoa trái và lòng chân thành của con cháu các thánh Tử Đạo, cũng như những quyết tâm bảo vệ Đức Tin son sắt và những gia sản quý báu các bậc tổ tiên đã để lại.

Trước khi nhận phép lành trọng thể cuối thánh lễ, một vị đại diện cộng đoàn giáo xứ cám ơn Đức cha, quý cha và tất cả những ai đã góp phần làm cho thánh lễ được trang trọng, sốt sáng và kéo nhiều ơn Chúa xuống cho cộng đoàn tín hữu nơi đây.

Đức Giám MụcThái Bình làm phép
 
Lễ Ngọc Khánh Linh Mục của cha giáo G.B. Phạm Năng Trí tại Nhà thờ Phú Hải
Lm. Jos. Phạm Bá Lãm
22:46 15/12/2010
Lễ Ngọc Khánh Linh Mục của cha giáo G.B. Phạm Năng Trí tại Nhà thờ Phú Hải Q.Phú Nhuận

Cách đây 10 năm cha giáo G.B. Phạm Năng Trí đã tổ chức lễ Kim Khánh Linh Mục tại Nhà thờ Phú Hải cùng Lm. nghĩa tử Phêrô Nguyễn Xuân Quýnh mừng Ngân Khánh Linh Mục. Đến hẹn lại lên, vàng nay đã lên ngọc, ngày thứ năm 2/12/2010 cũng tại nhà thờ Phú Hải, cha giáo G.B. Trí đã tổ chức lễ mừng Ngọc Khánh Linh Mục và Đại thọ 89 tuổi có phần long trọng hơn. Sự hiện diện đông đảo với những con số biết nói: ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám Mục Phụ tá Sàigòn, ĐC Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám Mục Phụ tá Xuân Lộc, Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, trên 70 cha đồng tế: các Linh mục gốc Phát Diệm, các Linh mục gốc Gp. khác từng học tại TCV Phú Nhuận, các Linh mục Phát Diệm trước đây là tu sinh từ bắc vào nam đã thụ huấn nơi cha giáo Trí, các Linh mục hạt Phú Nhuận… khá đông tu sĩ nam nữ, còn anh chị em giáo dân ngồi chật nhà thờ.

Xem hình

1. Phỏng vấn

Đầu lễ: cha chính xứ Phêrô Hoàng Đình Thành giới thiệu, chào mừng các thành phần tham dự và ca ngợi cha G.B. đã thành công trong hai lãnh vực: cha giáo và cha xứ. Cha Nguyễn Duy Diễm đã phỏng vấn và cha giáo Trí trả lời rất tỉnh táo:

- Về hành trình cuộc đời: lúc nhỏ ngài theo học với các Sư Huynh tại Phát Diệm, ước mơ sẽ là Sư Huynh. Nhưng cha Trần Công Hoán đã hướng dẫn ngài vào TCV Phúc Nhạc. Muốn làm thầy lại được làm cha: thật sung sướng. Nhiệm vụ cũng đơn giản: làm giám thị chăm sóc các chú nhỏ.

- Về những thuận lợi và khó khăn: xuất thân từ gia đình nhà nho (bác làm ông Cử đầu thế kỷ trước, bố đậu nhất khoá, được gọi là ông Nhất Nhiên), ngài được mẹ đã dìu dắt đi con đường của Chúa: làm Linh mục. Chăm sóc các chú nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của thời Công giáo Cứu quốc, các chú nhỏ đau yếu và nhớ nhà.

- Về những trăn trở: lo cho các chú nhỏ hay đau yếu, ngài đã học một khoá y tá với các xơ ở Phát Diệm. Một kỷ niệm khó quên: một chú nhỏ hấp hối trên tay của ngài. Cuối cùng ngài ngỏ lời xin lỗi các trò cũ về những thiếu sót của mình trong khi làm giám thị và làm giáo sư Pháp văn.

2. Bài giảng của ĐC Nguyễn Văn Khảm

Đại Hội Dân Chúa tại Trung Tâm Mục Vụ, góp ý khá nhiều về Linh mục: công cuộc canh tân GH phải bắt đầu từ giới Linh mục. Không phải giỏi về quản trị mà phải thực sự là người của Chúa, phục vụ cho dân Chúa. Tạ ơn Chúa đã ban cho Phát Diệm và Sàigòn một Linh mục gương mẫu: cha G.B. Phạm Năng Trí. Thấy cha G.B. khoẻ mạnh, minh mẫn và nói năng rõ ràng, hỏi rằng đâu là bí quyết. Ngài trả lời đơn sơ: làm giám thị 11 năm, nên giữ luật và giữ điều độ. Hai bài học của cha G.B. dành cho chúng ta sau đây:

- Tinh thần kỷ luật: người ta không muốn chấp nhận vì sợ mất tự do. Nhưng muốn tiến xa, phải rèn luyện bền bỉ và chấp nhận kỷ luật như trong các lãnh vực: thể dục thể thao, nghệ thuật, khoa học… Theo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: để có giây phút “bùng nổ sáng tạo” phải có rèn luyện và suy tư. Các TCV. ngày xưa thường dạy 2 câu: sống theo luật là sống theo Chúa và con giữ luật thì luật giữ con. Kỷ luật đưa đến tự chủ, đứng vững trước các nghịch cảnh. Không phải là con người không có khả năng giữ luật. Các cô gái kiêng ăn chẳng hạn, cũng biết giữ luật, vì có động lực: làm đẹp. Chúng ta phải có niềm khao khát mới giữ được nền nếp.

- Hiền hoà và khiêm nhường, nên sống bình thản dù giữa những thách đố. Đó là chìa khoá của sự thành công. Khi ngài về hưu, giáo dân yêu cầu với Toà TGM rằng khi cho cha xứ mới thì cũng phải giữ cha xứ cũ lại. Lý do là vì ngài sống hiền hoà, lại có công xây dựng nhà thờ và xây dựng cộng đoàn từ khởi đầu cho đến bây giờ.

Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một Lm. gương mẫu. Tổng Giáo phận Sàigòn phải cảm ơn ngài đã cống hiến thật nhiều cho Giáo Hội.

3. Chúc mừng: cuối lễ ông Chủ Tịch HĐMVGX lược lại cuộc hành trình và những đóng góp của cha G.B., bày tỏ lòng tri ân sâu xa, dâng lời chúc mừng tốt đẹp. Cha giáo G.B. vui vẻ đón nhận một bó hoa tươi thắm và một món quà kỷ niệm: một khánh vàng ghi ảnh nhà thờ Phú Hải và lời chúc.

4. Lời ngỏ của cha Phạm Bá Lãm, không những với tư cách là Đại Diện LM-TS gốc Phát Diệm còn mạn phép thay lời cho cựu môn sinh của các giáo phận khác để chào mừng và chúc mừng cha giáo G.B. Chỉ còn 4 cha giáo của TCV. Phú Nhuận, ngoại quốc có 2 cha: cha Antôn Nguyễn Ngọc Bảo ở Oklahoma City và cha giáo Antôn Trần Văn Kiệm ở Atlanta, trong nước có 2 cha: cha giáo G.B. mừng lễ hôm nay và cha giáo Louis Trần Phúc Vỵ đang ngồi ở bàn chủ toạ: đến năm 2013 kỷ niệm 65 năm LM và đến năm 2018 sẽ kỷ niệm 70 năm LM. Riêng cha giáo G.B. đã thành công trong cả 2 lãnh vực: cha giáo và cha xứ. Thành quả của việc đào tạo giáo sĩ: 2 Giám Mục: ĐC Tôma Vũ Đình Hiệu hiện diện, ĐC Phêrô Nguyễn Soạn, GM Quy Nhơn, 3 Đức Ông: Đ/ô F.B. Trần Văn Khả hiện diện, Đ/ô Phanxicô Phạm Văn Phương, Đ/ô Phêrô Trần Văn Phát và hàng trăm Linh mục môn sinh cùng các cựu chủng sinh. Thành quả Mục vụ 39 năm tại Giáo Xứ Phú Hải (tên cũ là Đội Có): xây dựng nhà thờ và cộng đoàn, 9 năm hưu trí an bình. Năm 2001 cha giáo về hưu, Nhà Vãng Lai Phát Diệm (TCV Phú Nhuận cũ) muốn cha giáo về chốn xưa, nhưng Cha Sở mới là cha Vũ Ngọc Long cùng giáo dân mời ngài ở lại. Năm ngoái nghe tin Cha Sở khác được điều về, Nhà Vãng Lai đã chuẩn bị phòng đón ngài, nhưng Cha Sở mới là cha Hoàng Đình Thành và giáo dân tha thiết níu ngài ở lại. Các trò cũ của cha giáo cảm ơn HĐMVGX. và giáo dân Phú Hải đã thay thế để phụng dưỡng cha giáo. ĐC Khảm nói: làm việc gì cũng phải có động lực. Nay chúng tôi mới ngộ ra lý do tại sao Cha Sở và giáo dân Phú Hải nhất định giữ cha giáo G.B. ở lại: nếu để cha giáo Trí đi khỏi, thì bị mang tiếng là Gx. Phú Hải “mất trí’, hỏng cho Cha Sở, hỏng cho giáo dân (mọi người cười ồ). Nên phải cố gắng giữ cha Trí ở lại, chớ đánh mất. Cuối cùng để mừng đại thọ của cha giáo G.B., xin bắt chước quảng cáo truyền hình: chúc cha giáo 89 năm chạy vẫn còn tốt (cười giòn và vỗ tay).

5. Lời cảm ơn : cha giáo G.B. ngỏ lời cảm ơn các Đức Cha, Đức Ông, các cha bạn, các cha học trò, các cha trong hạt Phú Nhuận, các tu sĩ nam nữ, linh tông huyết tộc, đồng hương, nhất là các thành cộng đoàn Gx. Phú Hải, đồng thời xin mọi người cầu nguyện cho ngài. Lời cảm ơn đầy đủ rõ ràng chứng tỏ thể xác mạnh khoẻ, tinh thần minh mẫn, hy vọng 10 năm nữa mừng lễ lớn hơn !

6. Tiệc mừng: sau lễ mọi người xuống Hội Trường chung vui. Một vị Thượng Toạ ở chùa gần đó chúc mừng với tràng hạt vòng vào cổ cha giáo Trí. Một đại diện chính quyền địa phương cũng trao quà mừng. Tiệc liên hoan thêm phần đậm đà hương vị với chương trình văn nghệ đầy mầu sắc.

7. Tiểu Sử của cha giáo G.B. Phạm Năng Trí:

* 17.12.1922: Sinh tại Xuân Hồi, Kim Sơn, Ninh Bình, thuộc Gx. Cách Tâm, Gp. Phát Diệm

* 15.08.1935: Nhập TCV. Phúc Nhạc

* 07.09.1944: Nhập ĐCV. Thượng Kiệm

* 02.12.1950: Thụ phong Linh Mục tại Nhà thờ Chính toà Phát Diệm

* 01.01.1951: Phó Xứ Gx. Dưỡng Điềm

* 15.08.1951: Giám thị tại TCV. Phúc Nhạc

* 30.06.1954: Di cư cùng với TCV. vào miền nam

* 1954-1968: Tiếp tục làm Giám thị rồi Giáo sư Pháp văn tại TCV. Phú Nhuận

* 1962-1968: Phụ trách thêm xóm đạo Phú Hải (tức là Đội Có)

* 1968-2001: Chính Xứ tiên khởi Gx. Phú Hải

* 2001-đến nay: Nghỉ hưu tại Nhà thờ Phú Hải.



8. Thông tin mới nhất:


- Bốn cựu giáo sư TCV Phú Nhuận còn lại phải gọi là “Tứ Quý”. Hôm nay chúng ta được mừng Quý I nơi Nhà thờ Phú Hải, anh em ở hải ngoại không tham dự được, may có Đ/ô Trần Văn Khả. Cha giáo Antôn Trần Văn Kiệm mừng Đại thọ 90 tuổi và 65 năm LM thứ bảy 1/1/2011 tại Atlanta: anh em hải ngoại sẽ kéo nhau đến mừng Quý II. Xin mở “ThiepChaKiem” và “TieusuChaKiem” (Bản dịch chưa kịp sửa và thiếu giai đoạn quan trọng: Giáo sư TCV Phú Nhuận và Trung Học Phát Diệm 1955-1973). Xin chúc mừng cha giáo Antôn quý mến. Còn mừng Quý III và IV: hãy đợi đấy!

- Linh mục cao tuổi nhất Phát Diệm: Cha Bênađô Phạm Văn Quy (sinh 24/1/1912) sẽ mừng Đại thọ Bách niên (100 tuổi) và 69 năm LM. tại Trụ Sở Phát Diệm lúc 9g00 thứ sáu 14/1/2011, với sự hiện diện của Đ/ô Khả là nghĩa tử (xem Thiệp Mời dưới đây). Mừng lớn, nhưng không quên ngày giỗ 4 năm của ĐC Phaolô-Maria Nguyễn Minh Nhật: thứ hai 17/1.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
''Luật'' mới của UBND Q3
Mặc Lâm - RFA
06:08 15/12/2010
Mặc Lâm: Theo thông tin chúng tôi nhận được thì bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND-Q3 trong cuộc họp với các vị Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) đã cáo buộc rằng các linh mục DCCT đã có hành động sai phạm mà bà gọi là "chống đối chế độ", xin Linh Mục cho biết ngài đã trả lời những cáo buộc đó như thế nào?

LM Phạm Trung Thành: Vâng, ngày 10 tháng 12 vừa qua, tôi theo giấy triệu tập của Ủy Ban Nhân Dân - Quận 3 và người tiếp tôi là bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND-Q3, cùng với những nhân viên cùng làm việc với bà. Một trong những nội dung là cáo buộc chúng tôi có những sai phạm gọi là "chống đối chế độ".

Có một điểm cần phải nhận định thế này là ngay từ khởi đầu cuộc gặp gỡ thì ông Chánh văn phòng của UBND-Q3 đã đưa ra một cái luật là "không ai được nói, chỉ một mình tôi (tức LM Thành)", cho nên những người đi theo tôi, tức là LM Đinh Hữu Thoại là thư ký của tôi, cũng như là tu sĩ Phạm Công Thuận không được phép nói.

“... ngay từ khởi đầu cuộc gặp gỡ thì ông Chánh văn phòng của UBND-Q3 đã đưa ra một cái luật là "không ai được nói, chỉ một mình tôi (tức LM Thành)"...

LM Phạm Trung Thành:

Trước "đề nghị" đó của ông Chánh văn phòng thì tôi có trả lời với bà Lệ và mọi người rằng nếu mà không cho anh em tôi nói thì tôi cũng sẽ không nói, là bởi vì chúng tôi cùng có trách nhiệm ra để mà gặp gỡ UBND theo thư mời, đồng thời tôi cũng cần phải có anh em tôi, cần phải nghe anh em tôi chứ tôi không thể nghe một phía chính quyền được.

Tuy nhiên, sau đó thì có những cuộc trao đổi mà phía bên Ban tôn giáo cũng như bà Lệ gọi là "những cuộc trao đổi tâm tình riêng với tư cách là những sự tâm tình riêng và cá nhân", thì tôi có trả lời, tôi có nói với họ rằng khi nào mà tòa án có đủ bằng chứng để kết luận là những người anh em của chúng tôi phạm tội thì lúc đó mới có thể gọi là có hành động sai, còn bây giờ thì chúng tôi đề nghị phải suy đoán theo hướng vô tội.

Mặc Lâm: Bà Nguyễn Thị Lệ cũng cho rằng Dòng Chúa Cứu Thế đã thành lập trang web cũng như đưa những bài viết lên trang này là trái phép thì DCCT trả lời ra sao, thưa Linh Mục?

LM Phạm Trung Thành: Vẫn là trong giới hạn gọi là trao đổi cá nhân chứ không với tư cách là giám tỉnh, thì Cha Đinh Hữu Thoại - thư ký của tôi, Ngài đã trả lời với bà Lệ và những người làm việc cùng với bà, là "Chúng tôi không có đưa những bài viết nào gọi là trái phép cả".

Tuy nhiên, họ cáo buộc rằng là trang web này đã không đăng ký theo như thông báo của Bộ trưởng Bộ thông tin tuyên truyền, nhưng Cha Đinh Hữu Thoại cũng đã nói cho họ biết rằng trang web này không vi phạm điều đó bởi vì cái luật đó được áp dụng cho các trang web đặt tại lãnh thổ Việt Nam, trong khi đây là trang web không đặt tại lãnh thổ Việt Nam tức không chịu sự chi phối của quyết định đó.

Mặc Lâm: Trong cuộc họp đó thì ông Nguyễn Anh Xuân, cán bộ của UBND Quận, cáo buộc DCCT tổ chức cầu nguyện hiệp thông là vi phạm pháp luật. Cáo buộc này có vẻ rất là nghiêm trọng, xin Linh Mục cho biết ý kiến của ngài về việc này ạ.

LM Phạm Trung Thành: Với tư cách cá nhân tôi cũng đã trả lời ông Xuân rằng cầu nguyện là việc của chúng tôi không có gì là phạm pháp cả. Cái thứ hai nữa là chúng tôi cầu nguyện cho mọi người. Ông ta có đưa ra trường hợp 8 giáo dân ở Thái Hà, thì chúng tôi bảo là nếu mà họ sai thì chúng tôi cầu nguyện cho họ để họ biết họ sai, còn nếu họ đúng thì chúng tôi cầu nguyện để cho tòa án thấy rõ là họ đúng, thì cái đó không phải là sự sai phạm.

Ông Giang, phó Ban tôn giáo thành phố, cũng lấy Pháp lệnh tôn giáo ra định nghĩa "cầu nguyện". Ông ta nói là Pháp lệnh định nghĩa "cầu nguyện tức là vận động quần chúng làm tốt, xây dựng tốt xã hội", thì chúng tôi có lưu ý rằng đây thuộc phạm trù tôn giáo, chính quyền mà định nghĩa thì cũng như ông rằng bài thánh ca là không được hát. Tôi nói đây thuộc phạm trù tôn giáo, chúng ta không thể bước lấn sang một phạm trù khác.

Chính quyền có thể định nghĩa những việc của chính trị, của chính quyền, của quản trị, nhưng mà cầu nguyện là gì, hay là thánh ca là gì thì là thuộc lãnh vực tôn giáo của chúng tôi. Tôi còn có nói với bà Lệ rằng là tôi chỉ đơn giản một thí dụ là nếu mà người em ruột của bà ở một quận khác mà có một vấn đề gì đó, bị một tai nạn gì đó, hoặc là bị hàng xóm láng giềng gây gổ gì đó thì với tư cách bà là chị ruột thì bà có nâng đỡ người em của bà hay không, bà có đề nghị trợ giúp người em bà không?

Cho nên chuyện Thái Hà là chuyện của chúng tôi, anh em của chúng tôi khi ở ngoài đó gặp "quần chúng tự phát" một cách hết sức căng thẳng thì chúng tôi cầu nguyện cho anh em chứ. Chúng tôi thấy cái đó chẳng bao giờ trái pháp luật cả.

Có ý chống chính quyền?

Mặc Lâm: Bên phía nhà nước cũng cáo buộc DCCT khi giảng trong nhà thờ đã nhiều lần nói rằng: “chúng ta đang ở trong một xã hội đầy rẫy bất công và áp bức” - đó là nguyên văn của bài giảng - và câu này là có ý chống lại chính quyền, thưa Linh Mục, xin cho biết ngài đã trả lời các cáo buộc này như thế nào?

LM Phạm Trung Thành: Tôi thì cũng rất là đơn giản, tôi nói với ông Xuân - là người phát biểu câu này - sau đó là ông Giang:

"Tôi xin phép, nếu ông nói là trao đổi tâm tình thì tôi cũng xin hỏi ông là bây giờ ông trả lời thật đi, ông trả lời thật bằng trái tim của ông, bằng con người thật của ông là có bất công hay không? Xã hội mình đang có bất công hay không?

Mặc Lâm: Và khi Cha hỏi như vậy thì ông ấy trả lời ra sao ạ?

LM Phạm Trung Thành: Vâng, thì ông im lặng thôi. Tôi hỏi tiếp câu thứ hai là hôm nay ông đọc báo Tuổi Trẻ chưa? Vâng, trước khi tôi ra UBND-Q3 thì tôi đã đọc báo Tuổi Trẻ của ngày hôm đó, ngày mùng 10, thì báo Tuổi Trẻ đăng lại cuộc họp của UBND thành phố trong đó các nghị viên của thành phố đặt vấn đề, một nghị viên đặt vấn đề và báo Tuổi Trẻ đăng đàng hoàng là "ra đường gặp cảnh sát giao thông là phải lót tay", thì tôi hỏi ông là ông có đọc bài đó chưa, và cũng trong bài báo đó, tất cả bài báo nói rằng là phó giám đốc Sở công an thành phố xác nhận điều đó là có.

Vậy tôi hỏi ông là ông có đọc bài đó chưa? Nếu ông đọc rồi thì tôi hỏi ông có bất công hay không? Thì ông ngồi im tại vì chuyện đó là chuyện quá thật, chuyện quá thật. Nhưng mà sau đó bà Lệ có nói tôi là "nhưng mà phát biểu lúc nào và phát biểu ở đâu, chứ không phải là phát biểu ở nhà thờ như thế thì làm hoang mang quần chúng", thì tôi bảo rằng nếu mà anh em tôi có phát biểu ở nhà thờ thì một lễ chỉ có hai ngàn, ba ngàn người dự thôi, có khi một ngàn người dự

Nhưng mà tờ báo Tuổi Trẻ thì theo như tôi được biết và có ghi trong tờ báo là một ngày họ phát hành 300 ngàn số, tức là có thể trên 300 ngàn người đọc, vì gia đình có thể mua một tờ báo thôi, như thế thì tốc độ thông tin của tờ Tuổi Trẻ mạnh hơn nhiều chứ, nếu có bức xúc thì quần chúng sẽ bức xúc nhiều hơn.

Mặc Lâm: Xin Linh Mục cho biết cuối cùng thì thái độ của bà chủ tịch, tức là bên phía tống đạt giấy mời, thì như thế nào? Thái độ ấy có cởi mở, hay thật sự muốn tìm kiếm một con đường hòa giải giữa hai bên, thái độ mà bà Lệ gọi là tâm tình như bà ấy nói vào lúc ban đầu hay không?

“Ông trả lời thật bằng trái tim của ông, bằng con người thật của ông là xã hội mình đang có bất công hay không?

LM Phạm Trung Thành: Tôi cho rằng họ làm cái việc họ phải làm, tại vì cái bài gọi là kết án tôi và anh em tôi thì được viết sẵn trong một cuốn vở, tôi nghĩ rằng bà phải làm cái việc bà phải làm. Và tôi cũng phát biểu với bà là "Vâng, tôi hiểu, tôi hoàn toàn cảm thông với bà vì bà phải làm cái việc bà phải làm".

Sau đó thì đến khi bà kết luận thì bà cũng lại đọc y như vậy thì bà hỏi ý kiến tôi, tôi nói là bài mở đầu và bài kết luận của bà không có thay đổi gì cả, cho nên nãy giờ những gì tôi nói thì tôi thấy nó vô ích. Tôi có dùng cái câu là "(những gì nãy giờ tôi nói) nó không đi vào con tim của các ông các bà. Thôi, tôi cảm ơn các ông các bà, tôi đi về thôi." Tôi nghĩ rằng bà ấy làm cái việc bà phải làm.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn Linh mục Giám tỉnh Phạm Trung Thành đã giúp chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn đặc biệt ngày hôm nay.

Audio: