Ngày 15-12-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Có người được Chúa sai đến : ông đến để làm chứng.
LM. Anphong Nguyễn công Minh, ofm
08:16 15/12/2017
Vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, tức quãng năm 1959, ai cũng công nhận câu gán ghép của Đức Athenagoras, Thượng Phụ chính thống giáo Constantinople là chí lý, là rất đạt, là cực kỳ hay, khi vị thượng phụ này gán một câu Phúc Âm thời xưa để ghép cho một người thời nay, là vị giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo Roma: “Có một người được Chúa sai đến, tên là Gioan” : Đây là câu Phúc âm chúng ta vừa nghe, được Đức Thượng Phụ Athenagoras Đông Phương ghép cho Đức Gioan 23, một Giáo Hoàng Roma Tây Phương.

Câu ghép này rất ý vị vì Đức Roncalli khi lên ngôi Giáo hoàng, lấy hiệu là Gioan (chứ nếu lấy Piô, Phaolô, Benedicto, thì sao gán ghép được); và câu ghép này thật chí lý vì quả Đức Gioan 23, nay đã được phong thánh, là người “được Chúa sai đến” thật, một vị đến làm đảo lộn, canh tân lại bộ mặt của Hội thánh, để Hội Thánh không tì ố, không vết nhăn, mặc dầu đức Gioan lúc đó đã ngót nghét 80 tuổi, khuôn mặt đã nhiều nếp gấp, khoé mắt nhiều dấu chân chim, nhưng đúng là người được Chúa sai đến, đến để làm chứng cho con người thế kỷ 20 và 21 này.

Hôm nay ta chỉ mở đề với thánh Gioan 23 để vào đề với thánh Gioan Tẩy giả. Đề tài bài suy niệm Tin Mừng hôm nay là : Gioan, Kẻ Làm Chứng. “Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng.”

Vậy làm chứng là gì và làm chứng cái gì ? Đó là 2 điểm ta sẽ trả lời.

1. Làm chứng là gì ?

- Từ Điển tiếng Việt cho ta biết: Làm chứng là đứng ra xác nhận những gì mình đã thấy, đã nghe… Td : Làm chứng một tai nạn giao thông ; hai người làm chứng trong Hôn phối nghe và thấy rằng đôi bạn đã bày tỏ sự ưng thuận.

Người làm chứng thì không phải là đương sự. Như hai người làm chứng trong Hôn phối phải khác hai người ưng thuận lấy nhau. Ra toà, người làm chứng không thể là bị cáo hay nguyên đơn. Cũng vậy, Gioan được Chúa sai đến để làm chứng, thì cũng là để làm chứng về một điều gì, về một ai đó chứ không phải để làm chứng chính mình. Nếu có phải nói về mình là cũng chỉ nhằm làm chứng về người kia, như Gioan nói thẳng: tôi không phải là Êlia, không phải Kitô, không phải Ngôn sứ người ta trông đợi… “Tôi chỉ là tiếng kêu…” Gioan nói vậy để làm chứng cho những người đến dò hỏi Gioan, là hãy đi tìm Đấng Kitô nơi người khác đi.

- Nghĩa thứ hai của làm chứng mới đáng giá. Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan, ông đến để làm chứng. Phải mở chính nguyên bản Sách Thánh Hilạp xem tác giả Tin Mừng dùng chữ gì để khi nói đến làm chứng ? Thưa : từ Marturios, cũng “từ” này còn có nghĩa tử đạo. Làm chứng tương đương với tử vì đạo, chết vì nghĩa. Kinh các thánh tử đạo : Lạy các thánh tử đạo là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô. Tiếng Anh, người tử vì Đạo là Martyr. Do đó, làm chứng không chỉ có nghĩa trả lời “có,” “không.” Tôi thấy cái này, tôi nghe cái kia, đưa ra bằng chứng, thế là xong, mà còn là bảo đảm cho điều mình làm chứng đi đến kết cuộc, dẫu có phải chết. Từ ngữ Việt phần nào nói được điều đó: LÀM chứng (chứ không phải “nói chứng,” “giơ chứng” : có một tích cực chứ không thụ động. Từ Hi lạp thì nói rõ : làm chứng là chết vì nghĩa. Quả Gioan đã chết vì làm chứng.

2. Làm chứng cho cái gì ?

Bài Tin Mừng trả lời rõ ràng cho chúng ta: “Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan, ông đến để làm chứng. Và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Chỉ một câu ngắn mà đã có ba chữ “ánh sáng.”

Ánh sáng rất cần để thấy. Mắt không mù, nhưng không có ánh sáng thì cũng không thấy gì. Như trong đêm tối, đêm ba mươi, không có một tí ánh sáng gì, ta mở mắt mà đâu có thấy, phải vận dụng đôi tay sờ soạng dò đường.

Gioan đến là để làm chứng cho Ánh Sáng. Người Do Thái mở mắt mà nhìn không ra. “Ở giữa các ông có một vị mà các ông không biết”… “Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dép cho Người.” Sau này chính Chúa Giêsu đã gọi Gioan Tẩy Gỉả là chiếc đèn (Ga 5,33-36). Đêm mà không có lửa thì không có ánh sáng, Ánh sáng dùng đèn như một phương thế để chiếu soi. ĐGH Gioan 23 khi trả lời cho câu hỏi của một phóng viên rằng ĐGH chờ đợi gì ở Công đồng Vatican này (ta nên nhớ ĐGH Gioan 23 là vị có sáng kiến triệu tập CĐ Vaticano 2). Bằng một hành động tượng trưng, đức Gioan đi về phía cửa sổ vừa mở ra vừa nói : “Chờ đợi gì ư ? Một chút gió.” Mở cửa thì gió thổi vào được : Gió là Thần Khí. Mở cửa thì ánh sáng mới vào được. Ánh sáng là Đức Kitô.

Khi tiếp vị đại sứ, ĐGH Gioan (người được Chúa sai đến) nói : Phải rũ hết bụi đế quốc đã chồng chất lên toà thánh Phêrô kể từ thời vua Constantin ! Bụi phủ nhiều làm sao ánh sáng lọt vào. Phải phủi bụi đi thì mới thấy rõ ràng được. ĐGH Gioan cũng nói về Giáo Hội, sau bao thế kỷ bị phủ lên mình một lớp bụi dày: bụi cơ cấu, bụi tuyệt thông, bụi tiên báo sự dữ và tai họa… Hãy phủi đi thì anh em ly khai sẽ về, thế giới người đời sẽ tới với Giáo Hội. Hãy phủi, hãy cất những màn che để Ánh sáng Chúa Kitô lọt vào.

Có một người được Chúa sai đến, tên là Gioan, ông tới để làm chứng và làm chứng cho ánh sáng.

Người có tên là Gioan: chính là Gioan Tẩy giả; và người có tên là Gioan là thánh Gioan 23 giáo hoàng. Cả hai đều muốn làm chứng cho ánh sáng.

Người có tên là Gioan còn là mỗi chúng ta. Khi lãnh nhận 2 bí tích Thánh tẩy và Thêm sức là chúng ta được Chúa sai đến. Trong bí tích Thánh tẩy, ta cầm nến trong tay. Trong bí tích Thêm sức, nến cũng ở trong tay ta. Điều đó muốn nói chúng ta hãy là ánh sáng, và chúng ta hãy để Ánh Sáng là Chúa Kitô đậu vào chiếu soi. Phải làm sao đích thực ta là bạn hữu của Kitô, bởi ta là Kitô hữu.

Ánh nến có 2 công dụng : sưởi ấm nhờ sức nóng và chiếu soi nhờ ánh sáng. Hãy an ủi sưởi ấm người cùng cực, đói khổ, rét mướt… Và hãy toả sáng đức tin bằng cách sống Đạo của mình trong niềm vui không ngơi (CN III Gaudete, hãy vui lên, màu hồng). ĐGH Phanxicô với tông huấn Niềm Vui Tin Mừng nhắc mãi điểm này. ĐGM giáo phận Nhatrang thì có sẵn mấy cái gương trong phòng, để soi gương và nở nụ cười với mình để đem vui cho người. Có lần đang mỉm cười trong gương, thì có cha muốn gặp. Mở cửa ra, linh mục đó nói ngay : hôm nay con xin điều này chắc thế nào cũng được, vì thấy đức cha đang mỉm cười.

Ánh nến có 2 công dụng : sưởi ấm nhờ sức nóng và chiếu soi nhờ ánh sáng. Cả 2 việc đó đều nhắm làm chứng cho Ánh Sáng. Chúng ta xin Đấng là Ánh sáng giúp chúng ta. Và chúng ta tuyên xưng Đấng là “Ánh sáng bởi Ánh sáng” trong kinh Tin Kính đây.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Chúa Nhật III Mùa Vọng: Chứng nhân niềm vui Tin Mừng
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
16:55 15/12/2017
Chúa Nhật III Mùa Vọng: Chứng nhân niềm vui Tin Mừng
Is 61,1-2a.10-11 ; 1 Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

Với Chúa Nhật III Mùa Vọng, chúng ta đang tiến gần tới đại lễ Giáng Sinh. Khắp nơi đã bừng lên bầu khí Giáng Sinh: hang đang, cây thông, đèn điện đã được trang hoàng nơi các nhà thờ, các gia đình, bên các con đường, ở phố xá cũng như nơi thôn quê. Tất cả là rất tốt. Tất cả đều diễn tả niềm vui Giáng Sinh.
Cùng với bầu khí bên ngoài đó, theo truyền thống phụng vụ, Chúa Nhật III được gọi là Chúa Nhật của niềm vui: ‘Gaudate in Domino Semper – Anh em hãy vui luôn trong Chúa.’ Trong bối cảnh đó, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về chủ đề như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài đọc: “Chứng nhân cho niềm vui Tin Mừng.” Đây cách thế tốt nhất để cử hành lễ Chúa Giáng Sinh.
1- Tiên báo và để đón nhận niềm vui
Trong bài đọc I, trích sách tiên tri Isaia, Đấng Messia được miêu tả như là một người được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần và được sai đi để làm chứng nhân cho niềm vui cứu độ. Nhờ việc xức dầu và sai đi này, Đấng Messia thực sự trở thành chứng nhân cho niềm vui, cho ơn cứu độ của Thiên Chúa. Người đến để “loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xác cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của đức Chúa” (Is 61,1-2). Như thế, theo lời ngôn sứ, Đấng Messia là người mang niềm vui của Thiên Chúa cho nhân loại.
Trong bài đọc II, qua lời nhắn nhủ các tín hữu Thessialônica, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng trong khi đón chờ Chúa đến, chúng ta phải làm chứng cho Chúa là niềm vui, nhờ đời sống thánh thiện và tinh tuyền của mình. Nhưng làm sao thực hiện được điều đó? Thánh Tông Đồ đưa ra ba việc quan trọng cần làm: Trước hết, anh em hãy vui luôn trong Chúa, nghĩa là hãy trải nghiệm niềm vui, rồi mới có thể chia sẻ niềm vui; Thứ đến, hãy cầu nguyện không ngừng: nghĩa là để có niềm vui thực sự, phải luôn kết hợp và sống thân tình với Chúa trong cầu nguyện; Thứ ba là hãy luôn kiên nhẫn, bền tâm vững chí như người nông phu chờ mùa gặt, đừng có kêu trách, thất vọng, nhưng luôn tin tưởng và hy vọng vào quyền năng của Chúa, vào ân sủng và hoạt động của Người trong đời sống; đến thời Chúa sẽ ra tay, đến lúc ơn Chúa sẽ trổ sinh hoa trái. Quả là giáo huấn mà chúng ta luôn khắc cốt ghi tâm.
2- Chúa Giêsu, người mang niềm vui và là niềm vui đích thực
Bài Tin Mừng diễn tả sứ vụ đặc biệt của Gioan Tẩy Giả là sứ vụ của chứng nhân cho ánh sáng và niềm vui. Ánh sáng và niềm vui đó chính là Chúa Giêsu. Bởi thế, mặc dầu đang bị ngồi tù, Gioan nghe biết những việc Đức Giêsu làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Chúa Giêsu trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều tai thấy mắt nghe: Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” Như thế, những lời tiên báo của Isaia nay đã được ứng nghiệm. Đấng Messia mà dân chúng đang mong đợi chính là Chúa Giêsu, Người mang niềm vui và Người chính là niềm vui của Thiên Chúa. Thật vậy, Con Thiên Chúa làm người là tin mừng cứu độ lớn nhất cho nhân loại. Người đến để giải thoát nhân loại khỏi cảnh nô lệ và mọi hậu quả của tội lỗi, đồng thời mang đến cho chúng ta cứu độ và ơn làm con cái Thiên Chúa. Đó là niềm vui lớn lao nhất! Bởi thế, Origene quả quyết: Chúa Giêsu vừa là nội dung Tin Mừng, vừa là Tin Mừng.
Từ đó, chúng ta đi xa hơn trong suy tư: Niềm vui đích thực mà chúng ta có không phải nhờ vào những thành tựu khoa học, kỷ thuật, cũng không phải do sự giàu có của cải vật chất, hay ý thức hệ mang lại và như thế gian ban tặng, nhưng một cách chính yếu, niềm vui đó đến từ chính Thiên Chúa, từ ân sủng mà Chúa Kitô mang lại. Nó phát xuất từ trong sâu thẳm nhất của con người, không có gì và không ai có thể lấy đi được.
Kitô giáo một cách chính yếu là “tin mừng” hay “tin vui,” dẫu một số người nghĩ rằng Kitô giáo là sự cản trở niềm vui, bởi vì họ thấy trong đó một loạt những điều cấm chế và luật lệ. Trong thực tế, Kitô giáo là lời loan báo về chiến thắng của ân sủng trên tội lỗi, về sự sống trên sự chết. Và nếu Kitô giáo đòi hỏi sự hy sinh và kỷ luật của lý trí, con tim và cách hành xử, điều đó là chính đáng, bởi vì trong con người luôn có những gốc rễ độc tố ích kỷ và tội lỗi, vốn nó làm cho chúng ta phải buồn phiền và đánh mất niềm vui đích thực.
Chúa Giêsu là niềm vui của nhân loại, là niềm vui của Hội Thánh và của mỗi người chúng ta. Chúng ta được mời gọi chia sẻ niềm vui này với mọi người.
3- Làm sao để làm chứng cho niềm vui
Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể làm chứng cho niềm vui Tin Mừng? Phụng vụ Lời Chúa giới thiệu với chúng ta dung mạo Gioan Tẩy Giả, như là tượng đài của Mùa Vọng. Qua mẫu gương trổi vượt này, chúng ta học nơi Gioan Tẩy Giả những bài học quý báu để có thể làm chứng cho Chúa là niềm vui: Trước hết, nơi con người cao trọng này, chúng ta có mẫu gương về đời sống: Ông không chọn đời sống gấm vóc lụa là trong cung điện, không chạy theo hình thức hoành tráng bên ngoài, nhưng ông chọn lựa đời sống đơn giản, khó nghèo và khổ chế ở trong hoang địa, chỉ ăn châu chấu uống mật ong rừng, ông dám lội ngược dòng với trào lưu xã hội lúc bấy giờ đang có nguy cơ chạy theo sự xa hoa trần thế và tục hóa cả những gì thánh thiêng nhất.
Thứ đến, chúng ta cần học nơi Gioan Tẩy Giả về những đức tính quý báu như tính chân thật, thành thật và khiêm tốn để trở thành chứng nhân đích thực: ông quả quyết: Tôi không phải là Đấng phải đến, tôi chỉ là tôi tớ của Người, tôi chỉ là người dọn đường cho Người. Với tư cách ngôn sứ, ông dám lên án bất công và chấp nhận trả giá vì sứ vụ ngôn sứ. Cám dỗ của chứng nhân là thay vì đưa người khác về với Chúa, lại kéo họ về với mình. Nhiều lúc cái mình, cái tôi che khuất chính Chúa. Cũng không thiếu những trường hợp vì sợ, nên đã không dám nói sự thật hoặc nhìn nhận sự thật.
Sống trong thế giới mà tất cả mọi người đều bị cám dỗ muốn khẳng định mình bằng sức mạnh của cải, quyền lực và địa vị và lòng tự cao tự đại được coi như là chuẩn mực của đời sống, tất cả chúng ta được mời gọi dám lội ngược dòng cuộc sống bằng việc sống đơn giản, khó nghèo và bao gồm cả đời sống khổ chế, khi cách sống âm thầm, khiêm tốn phục vụ.
Cuối cùng, Gioan là tiếng kêu mời gọi sám hối. Chúng ta có thể trở thành chứng nhân đích thực cho mọi người nhờ việc nhắc nhở mỗi người ý thức rằng mình là tội nhân. Tất cả chúng ta cần phải trở về với Chúa. Bởi chỉ có Chúa mới mang lại niềm vui đích thực cho con người. Đó là cách thế mà Gioan Tẩy Giả đã làm.
Vì thế, trong Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi hãy đến với Chúa để đón nhận niềm vui và mang niềm vui đó cho tha nhân, nhất là cho những người nghèo khổ, bằng những việc làm cụ thể, như thăm viếng và an ủi những người bệnh tật, những kẻ cô đơn không ai nương tựa, giúp đỡ những ai đói rách, chào hỏi những ai chúng ta gặp gỡ hằng ngày với nét mặc vui tươi trong Chúa. Đó là cách thế tốt nhất để chúng ta mừng Giáng Sinh và chia sẻ niềm vui Giáng Sinh. Amen!

 
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng 17/12/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
19:59 15/12/2017
Bài Ðọc I: Is 61, 1-2a. 10-11

"Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1, 46-48. 49-50. 53-54

Ðáp: Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa.

Xướng: Ðức Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước.

Xướng: Vì Ðấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là thánh. Ðức từ bi Người từ đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người.

Xướng: Kẻ đói khát, Người cho no đầy thiện hảo; bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Chúa đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người.

Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 16-24

"Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến".

Trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Ðừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức.

Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Ðấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Ðấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 18)

Alleluia, alleluia! - Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 6-8. 19-28

"Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: "Tôi không phải là Ðấng Kitô". Họ liền hỏi: "Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?" Gioan trả lời: "Tôi không phải là Elia". - "Hay ông là một đấng tiên tri?" Gioan đáp: "Không phải".

Họ liền bảo: "Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?" Gioan đáp: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo".

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: "Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?" Gioan trả lời: "Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người". Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng B Tâm Tình Trong Hoang Địa
Lm. Vinh Sơn scj, Sài gòn .
21:52 15/12/2017
Chúa Nhật Iii Mùa Vọng B Tâm Tình Trong Hoang Địa

Is 61,1-2a.10-11; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

Cách đây ít năm, một người làm nghề hốt rác tại thành phố Dallas, thuộc bang Texas tên là George Cummings, đã được dân chúng tuyên dương. Mười bảy cư dân đã viết thư cho ông giám đốc sở vệ sinh công cộng để ca ngợi người phu đổ rác này -một người hiền lành với nụ cười đầm ấm, thân hữu và lịch thiệp:

“Chúng tôi sống trên con đường này công nhận bác là một Kitô hữu trung kiên, một công dân yêu nước và một người bạn chân tình. Bác đã giúp họ mua hàng, Bác nhặt được một chiếc đồng hồ, rồi cố tìm ra chủ nhân để trao trả lại, bác cũng tìm hết cách để trả lại cho cư dân những vật họ đánh rơi ngoài đường thay vì lầm lẫn mà vứt đi”.

Ông giám đốc sở vệ sinh Davis đã gởi cho bác Cummings một bức thư với những lời lẽ như sau:

… Mọi người đều mến chuộng bác, vì cách làm việc của bác thật đặc biệt". Chúng tôi tin rằng người ta có thể hoàn thành những công việc phi thường trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, không kể gì đến địa vị hay trách nhiệm. Việc làm của bác đã cho thấy ý nghĩa thực sự của niềm tin ấy…

Bác Cummings đã hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ người phu hốt rác: làm sạch đẹp đường phố, hơn cả một người làm công, bác trở nên người bạn thân thiện niềm nở lịch thiệp với dân cư khiến họ luôn cảm thấy bình an và vui tươi... vì có một người bạn làm sạch đẹp cho khu phố của họ. Hình ảnh của bác Commings cần mẫn làm việc và hoàn thành xuất xắc gợi cho chúng ta trong Mùa Vọng nhớ tới Gioan Tẩy Giả, con người được sai đi dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông khiêm tốn chỉ nhận là tiếng kêu trong sa mạc kêu gọi mọi người dọn đường cho Đức Chúa

Chính vì sứ mạng tiền hô Gioan luôn tôn cao Đấng Cứu Thế, ông chỉ tự nhận thân phận là người được sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Bằng lời rao giảng chân thành, đi đôi với cuộc sống khổ hạnh và khiêm nhu, làm cho mọi người khâm phục và tin theo. Cho nên từng đoàn lũ đông đảo, thuộc mọi thành phần xã hội, từ khắp nơi tuôn đến, say mê nghe lời ông giảng: sám hối cải thiện và cúi đầu thú tội chịu Phép Rửa Sám Hối do tay ông tại sông Jordan.

Nếp sống đặc biệt với lời rao giảng và được dân chúng mến mộ, phái đoàn các tư tế, kinh sư thắc mắc, họ từ Giêrusalem đến, hỏi Gioan: “Ông là ai?”. Gioan biết trong tâm trí họ nghĩ gì, nên ông khẳng định ngay: “Tôi không phải là Đấng Cứu Thế “. Các tư tế hỏi: “nếu ông không phải là Đấng Cứu Thế, vậy ông là ai? Ông có phải là Êlia không?”. Nhiều người Do Thái tin rằng Êlia sẽ trở lại vào thời Đấng Cứu Thế đến, Nếu ông không phải là Elia thì ông có phải là một vị tiên tri không ? Gioan trả lới không phải.

Gioan chỉ nhận mình chỉ là một tiếng hô trong hoang địa: Tiêng hô mời gọi con người sửa đường cho Đấng Messia. Nếu so với Đấng sẽ phải đến ông không đáng cúi cởi quai dép (Ga 1,26-27). Cởi quai dép là công việc của một nô lệ: Khi chủ nhà đi thăm bạn, người nô lệ đi theo. Trước khi chủ bước vào nhà bạn, người nô lệ cúi xuống cởi quai dép cho chủ, và đứng cầm hai chiếc dép chờ chủ, tư thế của Gioan so với Đấng Cứu Thế còn thấp kém hơn tương quan chủ và đầy tớ. Thật thế, Gioan rao giảng dọn đường Đấng Cao Trọng, Đấng đang ở giữa họ, nhưng họ không nhận biết Người; Người cao trọng đến mức chính Gioan cũng không xứng đáng phục vụ Người theo cách thức của một nô lệ.

Tác giả Marchadour giải thích mối tương quan của Gioan và Đấng Cứu Thế: "Đối với Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu phải được tiếp nhận như một ân huệ nhiệm mầu của Thiên Chúa, đấng mà không ai biết nguồn gốc. Chính ông cũng không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài”, một việc chỉ do hàng tôi tớ làm mà thôi. Điều đó nói lên sự cách biệt giữa Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả” ("Tin Mừng thánh Gioan", Centurion, tr. 43).

X. Léon Dufour dẫn giải thêm: “Tự giới thiệu mình là "tiếng kêu”, Gioan đảm nhận phẩm cách cao trọng của Kinh Thánh. Nếu tự Gioan không có gì cả cho riêng mình, ông nhận lấy Lời Hứa trong chính bản thân ông. Nếu thánh sử không diễn tả những nét đặc biệt của Gioan Tẩy giả, là vì muốn mặc cho Gioan khuôn mặt của Cựu ước để qua nhân chứng này, chính Thánh Kinh của Israel nhận ra và chỉ rõ Đức Kitô là Đấng Mêsia. Từ lúc mở đầu cuốn sách cái nhìn này là chủ yếu trong suốt cuốn Tin Mừng của Gioan”. (Sđd., Tr. 161).

Gioan không làm chứng về mình và cho mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng. Ông chỉ là ngọn đèn (x. Ga 5,35) ngọn đèn báo hiệu giúp mọi người tin vào nguồn Ánh Sáng thật là Đức Kitô.

Chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, dù chỉ mang sứ vụ tiền hô dọn đường, làm chứng cho Đấng Cứu Thế, Chúa Kitô khen thưởng trước mặt mọi người về tư cách chính danh của Đấng tiền hô mà ông đã hoàn thành xuất xắc: "Trong các nam nhân do phụ nữ sinh ra không một ai cao trọng hơn Gioan Tiền Hô" (Lc 7, 28).

Hôm nay Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng được gọi là “Gaudete Sundae”. “Gaudete” tiếng La tinh có nghĩa là “vui mừng” tức là Chúa Nhật của Mừng Vui lên vì Giáo Hội sống trong hoan ca chào mừng Đấng Cứu Thế, Giáo Hội muợn lời thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Thessalônikê công bố với chúng ta trong ngày Chúa Nhật thứ III mùa Vọng: "Hãy vui lên, hỡi anh em, hãy vui lên! Hãy cảm tạ Thiên Chúa trong mọi sự, vì đó là thánh ý Người về tất cả anh em trong Đức Kitô. Anh em đứng dập tắt tác động của Thánh Thần" (1Th 5,16-17). Chúa Nhật của Mừng Vui lên trước đây trong nhà thờ, đốt lên cây nến hồng ở Vòng Lá Mùa Vọng – Advent Wreath. Mầu hồng biểu tượng cho sự vui tươi, yêu đời và hy vọng, vì Thiên Chúa đã gần đến rồi!. Ngày nay Giáo Hội dùng phụng vụ màu hồng: phụng vụ của niềm vui để nói lên niềm vui chào đón Chúa Cứu Thế, như Gioan Tẩy giả đã từng biểu lộ: "Niềm vui của tôi là được nghe tiếng Ngài. Niềm vui của tôi đã sung mãn. Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ dần đi" (Ga 3,29-30).

Nghe lời Gioan chúng ta sống sám hối dọn đường cho Đấng Cứu Thế, và sau khi đã sám hối thì đợi chờ Ngài đến như Gioan với niềm vui chờ đón.

Sống niềm vui với đời sống khiêm nhu thánh thiện của Gioan chứa đựng tất cả ý nghĩa trong lời mà ông đã tuyên bố trước mặt mọi người về Chúa Cứu Thế: " Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ dần đi" (Ga 3,30).

Nhỏ bé trước Đấng Cứu Thế và nhỏ bé trong Chúa,

Vâng,

“Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi” (R. Tagore).

Thật thế, niềm vui được gắn bó với Chúa và sống tâm tình của ngày Chúa Nhật III Mùa Vọng: Lắng nghe tâm tình của hoang địa vang lên, cũng là lúc:

“Vui lên anh em!, Chúa đã gần đến” (Pl 4,5)

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn…
 
Chúa Nhật IV Mùa Vọng B Khiêm Cung Phó Thác
Lm. Vinh Sơn scj, Sài gòn .
21:55 15/12/2017
Chúa Nhật IV Mùa Vọng B Khiêm Cung Phó Thác

2 Sm 7,1-5, 8b-12,14a,16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38

Một sự kiện có một không hai tại lễ trao giải điện ảnh Oscar năm 2012 diễn ra hôm 26 tháng 2 đó là sự có mặt của một minh tinh màn bạc rất đặc biệt, một nữ tu chiêm niệm 73 tuổi dòng kín Bénédictines, Mẹ Dolores. Hiện nay, Mẹ là bề trên của đan viện Regina Laudis ở Bethlehem, thuộc tiểu bang Connecticut.

Từng là ngôi sao trẻ mới nổi lên vào đầu thập niên 60, Mẹ Dolores được công chúng biết đến với cái tên diễn viên điện ảnh Dolores Hart. Nữ nghệ sĩ đầy tài năng này từng vào vai diễn của mình với nam tài tử nổi tiếng thời bấy giờ Elvis Presley trong các phim « Loving you» (1957), King Creole (1958). Ngoài ra, Dolores Hart còn đóng những vai chính trong nhiều phim với các nam diễn viên nổi tiếng khác như George Hamilton, Robert Wagner, Stephen Boyd, Montgomery Clift v.v...

Mẹ Dolores đến với làng điện ảnh Hollywood lần này để giới thiệu bộ phim tài liệu "Thiên Chúa quan trọng hơn là Elvis", một bộ phim được ban tổ chức đề cử cho giải Oscar 2012. Phim tài liệu không chỉ đề cập đến sự nghiệp điện ảnh lừng danh của Mẹ, mà còn phục vụ cho việc Phúc Âm Hoá, giới thiệu linh đạo dòng Biển Đức cũng như đời sống thường nhật của các nữ tu chiêm niệm.

Sinh năm 1938 tại Chicago, thuộc tiểu bang Illinois với tên trong giấy khai sinh Dolores Hicks, Dolores Hart là con gái của diễn viên Bert Hicks (1920-1965), và là cháu gái của nghệ sĩ Mario Lanza (1921-1959). Cứ theo suy đoán logic bình thường, Dolores Hicks sẽ chọn trong tương lai cho mình nghề diễn viên để kế tục truyền thống của các bậc cha chú. «Khi lớn lên, tôi đã không có ý định trở thành nữ tu. Tôi muốn là một nghệ sĩ. Nếu như có ai nói với tôi rằng một ngày nào đó tôi sẽ là một tu sĩ, thì tôi hoàn toàn không tin vào điều này. May mắn ấy chỉ chiếm một trên phần một triệu mà thôi », Mẹ Dolores tâm sự.

Trở thành nữ tu chiêm niệm dòng Biển Đức vào năm 1963, là Bề Trên đan viện Regina Laudis kể từ tháng 11 năm 2004, Mẹ Dolores chia sẻ về ơn gọi của mình : « Tôi đã đấu tranh suốt cả cuộc đời để đáp trả tiếng gọi của Đức Kitô. Nhờ vậy, tôi có thể hiểu ra tại sao nhiều người lại có những hoài nghi, bởi vì ai mà có thể hiểu nổi Thiên Chúa ? Chẳng phải tôi ! Ở cấp độ này, các bạn bước vào mối liên hệ với mầu nhiệm »…. (trích bản tin của Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng).

Maria không xin khiêm tốn, nhưng Maria đáp trả lại với tâm tình khiêm tốn bằng Lời Xin Vâng với tất cả niềm tin tín thác, trước đề nghị của Sứ Thần mời Maria cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa.

Trinh nữ Maria đã đính hôn cùng chàng trai Giuse và hai người cùng quyết tâm sống trinh khiết tận hiến cho Thiên Chúa, hòa chung với niềm mong đợi của toàn dân: khao khát và hằng trông đợi Đấng Cứu Thế. Trong niềm khát vọng đó, tại Nagiaret hẻo lánh, Maria đón một vị khách lạ, chính là Sứ thần Gabriel đến với lời chào: “Mừng vui lên!, hỡi Trinh nữ”. Lời chào như thể được liên kết với biến cố Đấng Cứu Thế ngự đến như lời các ngôn sứ đã vang lên : “ Thiếu nữ Sion hãy reo vui lên khi ngắm nhìn Đấng cứu độ mình đang tiến đến gần ” (x. Xp.3, 14; Ge 2,21; Dcr 2,14. 9,9 ; Is 54,1). Maria là người đầu tiên được loan báo niềm vui vĩ đại này cho nên được đầy ơn phúc. Sau đó niềm vui sẽ được loan báo cho toàn dân.

Lời chào và sự loan báo của Sứ thần làm Maria bối rối vì không hiểu hết sự việc hơn nữa mình là một thôn nữ thấp kém sao lại được hồng ân cao cả.

Sứ thần Gabriel nói tiếp : “ Thiên Chúa ở cùng Trinh nữ ”, lời tiên báo của Ngôn sứ về hồng ân vĩ đại cho con người: Thiên Chúa ở với dân Người như ngôn sứ Isaia nói về tên Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta -(x. Is 7,14), Thiên Chúa ở cùng nhân lọai nhưng trước hết với và qua Đức Maria: Đấng được Đức Chúa ở cùng, cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế.

Maria thắc mắc làm sao việc sinh con có thể thực hiện được, vì Trinh nữ đã khấn hứa trọn đời trinh khiết. Sứ Thần Giải thích: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô". Sứ thần nhấn mạnh vai trò của Thánh Thần theo Kinh Thánh: Thánh Thần là quyền năng của Thiên Chúa ban sự sống vào lúc bắt đầu công trình Tạo Dựng: “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2) ban sự sống cho vũ trụ lúc còn nguyên sơ. Giờ đây Thánh Thần - Hơi Thở sáng tạo - từ lúc khởi đầu vũ trụ, sẽ làm lại cuộc sáng tạo mới trong lòng Đức Maria: sự thụ thai và sinh con Thiên Chúa mà vẫn còn đồng trinh.

Vì thế, Sứ Thần quả quyết: “ quyền năng Đấng Tối Cao sẽ phủ bóng trên bà và vì thế người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa", diễn ngữ "phủ bóng" dùng ở Kinh Thánh: trong hoang địa “đám mây phủ bóng trên Lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 40,34) và lan đến với dân Chúa. Giờ đây phủ bóng trên Maria, Cô Trinh Nữ trở nên Nhà Tạm cho Đấng Cứu Thế. Thánh Luca sử dụng diễn ngữ "phủ bóng" để mô tả biến cố Biến Hình: “Bỗng có một đám mây phủ bóng…và từ đám mây có tiếng nói rằng: Đây là Con Ta…” (Lc 9,34). Chính vì quyền năng và hồng ân của Thiên Chúa, Maria được vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa bao phủ, và Thánh Thần thổi hơi sự sống vào trong cung lòng Mẹ. Sự sống nầy là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa, nên sứ thần khẳng định: “Vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa”.

Sứ Thần khẳng định : “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (St 18,14). Như xa xưa Thiên Chúa đã khẳng định với tổ phụ Ápraham, khi ông rất đỗi kinh ngạc vì vợ ông, bà lão Sara, có thể sinh cho ông một cậu con trai (St 11,30). Cũng một cách thức như vậy đối với bà cụ Rêbêca (St 25,21), bà Raken đã cao niên (St 29,31) và mẹ của ông Samson cũng đã già (Tl 13,2). Sứ Thần nói đến một dấu lạ mà chính Maria cũng được biết trong dòng tộc: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi mà cũng đã thụ thai: một người vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng”, điều mà về phương diện con người không thể được…

Dù bối rối, chưa hiểu và biết rõ hết sự việc Maria khiêm tốn đặt toàn bộ cuộc đời của mình trong Thánh Ý của Thiên Chúa qua việc đáp trả với Sứ Thần: « Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền »

Maria hoàn toàn sẵn sàng thi hành ý muốn của Chúa, như một tôi tớ khiêm cung, thưa vâng trong tin tưởng, yêu mến và phó thác. Trước công trình cứu độ của Thiên Chúa đang diễn ra, trong khung cảnh truyền tin, Giacaria được loan báo về cuộc chào đời và nhiệm vụ Tiền hô của con ông là Gioan, Giacaria đã ngờ vực, hoài nghi... Đức Maria khi được loan báo về cuộc chào đời và định mệnh của con ngài là Đấng Messia mang tên Giêsu, đã trả lời một cách xác tín.

Thánh Augustinô nói: "Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần ta. Nhưng Ngài không cứu độ ta, nếu ta không cộng tác”.

Trong công cuộc cứu độ trần gian, Maria đã cộng tác bằng cả cuộc đời khiêm cung tín thác vào thánh ý. Maria dù không biết rõ ý muốn Thiên Chúa sẽ xảy ra như thế nào, và cuộc đời của Maria cũng gặp những gian nan: lưu lạc sang Ai Cập, lạc con và chứng kiến con phải chết trên thập tự, Maria vẫn luôn "Xin Vâng" hoàn toàn tận hiến đời mình để thực hiện thánh ý Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi vào chương trình cứu độ chung của nhân loại và cho chính chúng ta khi sẵn sàng phó thác cho đường lối Chúa Quan phòng. Khi đứng trước các ngõ ngách của cuộc đời, trước mọi thử thách và chúng ta không hiểu hết được tại sao ta phải đối diện, như Maria chúng ta khiêm tốn:

Lòng con chẳng dám tự cao,

mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!

Ðường cao vọng, chẳng đời nào bước,

việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;

hồn con, con vẫn trước sau

giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,

trong con, hồn lặng lẽ an vui.

(Tv 131, 1 - 2)

Với sự tín thác khiêm cung, chúng ta được Thiên Chúa chiếm hữu hoàn toàn trong vĩnh cửu. Chúng ta phó thác toàn thân cho ý muốn của Thiên Chúa với thái độ sẵn sang:

“Con xin đến để thực thi Ý Chúa” (Dt 10,7).

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bạo lực vô nghĩa giết chết hai vũ công trong vũ đoàn sửa soạn mừng Đức Mẹ Guadalupe
Thanh Quảng sdb
04:59 15/12/2017
Bạo lực vô nghĩa giết chết hai vũ công trong vũ đoàn sửa soạn mừng Đức Mẹ Guadalupe

Theo Thông tấn xã Fides ngày 14/12 từ thành phố Ciudad Juárez cho hay Đức Giám Mục José Guadalupe Torres Campos của Giáo phận Ciudad Juárez, Chihuahua (Mexico) khi nghe biết những kẻ bạo loạn đã giết chết hai vũ công đang khi họ tập dượt để mừng lễ Đức Mẹ Guadalupe, chính ngài đã tự hỏi: "Không ai kính trọng ai, đó là điều ác, sao những kẻ giết người dám làm điều này?"
ĐGM nhấn mạnh rằng sự kiện này chẳng làm suy yếu niềm tin của các Kitô hữu, trái lại càng tăng thêm niềm tin cho họ. Thật đáng buồn và đáng tiếc khi những dấu hiệu bạo lực gây ra chết chóc đang xảy ra ngay trong thành phố của chúng ta!
"Vụ thảm sát này không giống như những vụ giết người khác, nói thế không có nghĩa là bao che cho những người giết người này là tốt, vì các nạn nhân là những người mẫu đang tập nhảy cho việc mừng lễ Đức Mẹ Guadalupe. Họ chết cho đức tin và tình yêu, điều này cho thấy thế giới ngày nay loạn rồi không còn biết tôn trọng tha nhân...
Theo tin từ các cơ quan báo chí tại thành phố Ciudad Juarez, cho hay thì vào đầu tuần đã có sáu người đã thiệt mạng nội trong hai ngày. Điều này gây sốc cho cư dân nơi đây trước những cuộc bạo loạn vô nghĩa này.
Đức Cha Torres Campos đã giống lên việc lên án, khiếu nại và kháng nghị vào đúng thời điểm rối răm của đất nước Mexico; trước dự thảo về luật an ninh nội bộ của đất nước đang được bàn thảo (xem Fides 7/12/2017). Qua Ủy ban Chăm sóc Mục vụ Xã hội (CEPS) của Hội đồng Giám mục, các Giám mục đã lên tiếng về sự thất bại của các chính sách an ninh quốc gia: "Một số khu vực đã phải hứng chịu sự bất an, đòi hỏi cảnh sát phải được đào tạo đàng hoàng, an ninh nội bộ phải được giữ gìn, quân đội có nghĩa vụ bảo đảm an ninh cho quốc dân".
Giáo hội kêu gọi: "Hoạt động lập pháp thật cần thiết để đánh dấu một con đường quan yếu là nêu rõ các nguyên nhân, đề xuất chính sách trước sự hiện diện của lực lượng vũ trang nắm giữ quyền hạn của cảnh sát”. Các Giám mục hy vọng các biện pháp lập pháp như vậy có thể đạt được sự đồng thuận của tất cả các lực lượng chính trị và xã hội, để thiết lập một cơ cấu an toàn cho quốc gia, cho các tiểu bang và các thành phố trong sự tôn trọng quyền của con người ".
 
Lễ Giáng sinh có thể sưởi ấm lại những trái tim băng giá và loại bỏ những rào cản trước tâm lòng thờ ơ.
Thanh Quảng sdb
18:07 15/12/2017
Lễ Giáng sinh có thể sưởi ấm lại những trái tim băng giá và loại bỏ những rào cản trước tâm lòng thờ ơ.
ĐTC thăm viếng bệnh viện trong dịp Giáng sinh

Vatican sáng ngày 15 tháng 12 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở những nghệ sĩ đang sửa soạn trình diễn cuộc 'Hòa tấu Giáng sinh tại Vatican' rằng: Lễ Giáng sinh có thể sưởi ấm lại những trái tim băng giá và loại bỏ những rào cản trước tâm lòng thờ ơ.
Buổi hòa nhạc sẽ được tổ chức vào thứ bảy ngày 16 tháng 12, tại Hội trường Phaolô VI, do Bộ Giáo dục Công Giáo đảm trách. Số tiền thu được sẽ dành yểm trợ cho Quỹ Scholas Occurrentes và Quỹ Don Bosco Thế giới.
Tại nguyện đường Clementê, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được nghe các bài Giáng sinh do các ca viên bao gồm các ca viên trẻ của các nhóm Chòm sao Nhỏ của Piazza Vittorio và các thành viên của Học viện Âm nhạc Nghệ thuật cùng các ca viên của nhóm Hallelujah trình diễn.
Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn của ngài trước sự tham gia của tất cả các nhạc sĩ, nhạc công và ca sĩ hiện diện trong cuộc hòa và hát Thánh ca này. ĐTC nhấn mạnh, số tiền thu được sẽ tài trợ cho hai dự án giúp các thanh thiếu niên của nước Cộng hòa Dân chủ Congo và Argentina.
Quang cảnh Giáng sinh tại Quảng trường Vatican
ĐTC nói: "Giáng sinh là một bàn tiệc ân tình được mở rộng cho những ai đang có trái tim băng giá, để loại bỏ những rào cản thờ ơ với lân cận, rộng mở tâm hồn cho tha nhân trong tự do."
ĐTC nói tiếp: "Vì vậy ngày nay cần phải truyền bá sứ điệp hòa bình và tình huynh đệ của mùa Giáng sinh; cần phải thể hiện những hành động cổ súy cho tinh thần của Mùa Giáng sinh được sống động."
Đức Thánh Cha cho hay Nghệ thuật là một phương tiện vô song để mở các cánh cửa tâm hồn, mở trái tim ra để sống cái ý nghĩa đích thực của Giáng sinh. "Sự sáng tạo và tài khéo của các nghệ sĩ hình thành ra các tác phẩm, dệt nên những dòng nhạc và các lời ca đánh động tâm lòng người nghe và làm thức tỉnh lương tâm con người."
 
Bài giảng của Đức Phanxicô dịp Lễ Đức Mẹ Guadalupe
Vũ Văn An
21:07 15/12/2017
Ngày 12 tháng 12 vừa qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã long trọng cử hành Thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ Guadalupe.

Theo Associated Press, nhân dịp này, ngài thúc giục người Công Giáo Châu Mỹ La Tinh và vùng Carribbean cử hành và bảo vệ tính đa dạng của họ: bản địa, hợp chủng (mestizo) và da đen, một bản sắc đã được chính Đức Mẹ, khi hiện ra ở Guadalupe thập niên 1500, mang lấy.

Ngài thúc giục họ chống lại điều ngài gọi là đồng thể hóa (homogenization) hay thứ thực dân hóa ý thức hệ “nhằm tiêu diệt những người phong phú nhất, bất kể họ là người bản địa, người Mỹ Châu gốc Phi Châu, người hợp chủng, nông dân hay dân phố xá”.

Hãng tin Associated Press cho rằng Đức Phanxicô thực ra chỉ tiếp nối truyền thống của Đức Bênêđíctô XVI trong việc cử hành Lễ Đức Bà Guadalupe vì nhìn nhận rằng Châu Mỹ La Tinh là quê hương của gần 40 phần trăm người Công Giáo thế giới và Mễ Tây Cơ là một trong những nước có đông người Công Giáo nhất.

Tuy nhiên, Thánh Lễ kính Đức Bà Guadalupe đáng nhớ nhất là Thánh Lễ năm 2014 do Đức Phanxicô cử hành, trong đó có những bài ca của nhà soạn nhạc Á Căn Đình Ariel Ramirez. Thánh Lễ năm nay được cử hành theo truyền thống hơn, nhưng điều đáng lưu ý là Đức Phanxicô, người rất ít khi hát, cuối cùng cũng đã hát theo ca khúc kết lễ "La Guadalupana".

Tạp chí Crux thuật lại: Đức Phanxicô, mặc lễ phục trắng, tượng trưng cho sự trong sạch, tiến vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Ngài tiến tới tấm tilma của Thánh Juan Diego trên đó có hình Đức Mẹ, Đấng đã hiện ra với thánh nhân người bản địa Mễ Tây Cơ vào năm 1531. Đức Giáo Hoàng im lặng đứng trước bức ảnh một lúc, rồi cúi đầu cung kính chào và xông hương ba lần.

Tuy nhiên, trong bài giảng lễ, Đức Phanxicô đã lồng các điều ngài nói trên đây vào hai nội dung chính yếu khi nói tới nhân vật phụ là bà Elisabét: người đàn bà như dấu chỉ hiếm muộn và cũng là dấu chỉ sinh sản.

Sau đây là toàn nội dung bài giảng của ngài:

Tin Mừng vừa được công bố là lời nói đầu của hai ca khúc: ca khúc của Đức Mẹ gọi là Magnificat và ca khúc của Ông Giacaria gọi là Benedictus nhưng tôi thích gọi nó là “ca khúc của bà Êlisabét hay ca khúc sinh sản”. Hàng ngàn Kitô hữu khắp thế giới bắt đầu ngày sống bằng cách hát bài “Ngợi khen Chúa” và họ kết thúc ngày sống bằng cách “công bố sự cao cả của Người vì Người đã đoái nhìn phận hèn tôi tớ”. Như thế, ngày lại ngày, tín hữu thuộc các quốc gia khác nhau tìm cách tưởng nhớ, nhớ lại rằng từ thế hệ này qua thế hệ nọ, lòng thương xót của Thiên Chúa trải dài tới mọi con người, như Người đã hứa với cha ông ta. Và trong bối cảnh tưởng nhớ biết ơn này, bài ca của bà Elisabét trổ thành câu hỏi: “tôi là ai mà được Mẹ Chúa tới thăm?” Ta thấy bà Elisabét, người đàn bà vốn có tiếng nhờ dấu chỉ không sinh sản, nhưng nay ca hát dưới dấu chỉ sinh sản và bỡ ngỡ.

Tôi muốn nhấn mạnh hai khía cạnh: Elisabét, người đàn bà dưới dấu chỉ không sinh sản và dưới dấu chỉ sinh sản.

Elisabét, người đàn bà hiếm con, với tất cả những gì hàm ý trong não trạng tôn giáo thời bà, một não trạng coi hiếm muộn như một hình phạt của Thiên Chúa, hậu quả tội lỗi của riêng bà hay của chồng bà. Một dấu chỉ nhuốc nhơ mang ngay trong xác thịt bà hay bị coi là phạm một tội mà chính bà không phạm hay tự cảm thấy mình không sống đủ theo mức đo mà người ta vốn mong đợi nơi bà. Ta hãy tưởng tượng, một lúc, cái nhìn của thân nhân bà, của người hàng xóm, của chính bà… hiếm muộn, vốn in rất sâu và kết thúc với việc làm trọn cuộc sống trở thành tê liệt. Sự hiếm muộn có rất nhiều tên và hình thức mỗi lần người nào đó cảm nhận trong da thịt mình nỗi tủi nhục thấy mình bị bêu xấu hoặc tự cảm thấy mình chỉ là một vật vô nghĩa.

Ta thoáng thấy điều trên nơi người thổ dân thấp bé Juan Diego, khi ông thưa với Đức Mẹ “Con, nói thật, con chẳng đáng gì, con chỉ là cái dây da đeo đồ (mecapal), con chỉ là cái bị đeo lưng (cacaxtle), con là cái đuôi, là cái cánh cảm thấy lệ thuộc và phụ thuộc ngoại nhân, đó không phải là nơi con ở mà con cũng không tới cái nơi mà bà hạ cố sai con đi”. Như các giám mục Châu Mỹ La Tinh đã cho thấy, tâm tình này cũng tìm thấy nơi “các cộng đồng bản địa và Mỹ gốc Phi Châu của chúng ta, những cộng đồng trong khá nhiều dịp đã không được đối xử xứng đáng và bình đẳng; hoặc nơi nhiều phụ nữ, những người bị loại bỏ vì giới tính, nòi giống hay hoàn cảnh kinh tế xã hội; nơi các người trẻ, những người chỉ nhận được một nền giáo dục có phẩm chất tồi và không có cơ hội tiến bộ trong việc học hành hay gia nhập thị trường lao động để tự phát triển và thành lập một gia đình; nơi nhiều người nghèo, người thất nghiệp, di dân, di tản, các nông dân không có đất đai, những người cố gắng sinh tồn trong nền kinh tế không chính thức; nơi các bé trai bé gái phải làm đĩ điếm con nít thường liên hệ tới ngành du lịch tình dục”.

Và, cùng với bà Elisabét, người đàn bà hiếm muộn, ta hãy chiêm ngắm bà Elisabét, người đàn bà sinh nở và bỡ ngỡ. Bà là người đầu tiên nhận ra và ca ngợi Đức Mẹ. Chính bà, trong tuổi già, đã cảm nghiệm sự nên trọn của lời Thiên Chúa hứa ngay trong đời mình, ngay trong xác thịt mình. Chính bà, người không thể có con đã mang trong dạ mình Đấng Tiền Hô Ơn Cứu Rỗi. Nơi bà, chúng ta hiểu rằng giấc mơ của Thiên Chúa không phải và sẽ không phải là hiếm muộn hay bêu xấu con cái Người hay làm họ tràn đầy nhục nhã, nhưng làm bừng lên trong họ và từ họ bài ca chúc phúc. Ta thấy điều này cùng một cách nơi Thánh Juan Diego. Thực vậy, chính ngài, chứ không ai khác, đã mang hình ảnh Trinh Nữ trong tấm tilma của mình: Trinh Nữ da ngăm ngăm đen, khuôn mặt hợp chủng, được một thiên thần nâng bằng đôi cánh chim đuôi seo (quetzal), bồ nông và vẹt đuôi dài (macaw); Bà Mẹ mang các đặc điểm của con cái mình để làm chúng cảm thấy là thành phần của ơn phúc ngài.

Xem ra rất nhiều lần, Thiên Chúa vốn quyết tâm cho chúng ta thấy viên đá các thợ xây loại bỏ đã trở nên viên đác góc tường (xem Tv 117:22).

Anh chị em thân mến, giữa biện chứng sinh sản và vô sinh sản này, ta hãy nhìn vào sự phong phú và đa dạng của các dân tộc Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean, đây là dấu chỉ sự phong phú lớn lao mà chúng ta được mời gọi không những vun xới mà, nhất là thời ta, còn phải bảo vệ một cách can đảm chống lại mọi mưu toan đồng thể hóa, kết thúc với việc áp đặt, dưới các khẩu hiệu hấp dẫn, một lối suy nghĩ, một lối hiện hữu, một lối sống duy nhất, mà kết cục là biến mọi điều ta thừa hưởng từ các bậc trưởng thượng trở thành vô giá trị hoặc cằn cỗi; kết cục làm chúng ta, nhất là giới trẻ, cảm thấy nhỏ nhoi vì thuộc nền văn hóa này hay nền văn hóa nọ. Tóm lại, khả năng sinh sản của chúng ta mời gọi ta bảo vệ các dân tộc của ta khỏi chính sách thực dân ý thức hệ vốn nhằm tiêu diệt những người phong phú nhất của họ bất kể là người bản địa, người Mỹ gốc phi châu, người hợp chủng, các nông dân hay người ở phố xá.

Mẹ Thiên Chúa là gương mặt của Giáo Hội và từ ngài, chúng ta học để trở thành Giáo Hội với gương mặt hợp chủng, với gương mặt Bản Địa, Mỹ gốc Phi Châu, gương mặt nông dân, gương mặt bé trai bé gái, gương mặt người già người trẻ, để không một ai còn cảm thấy hiếm muộn hay không sinh hoa trái, để không ai còn cảm thấy phải xấu hổ hay là đồ vô nghĩa nữa. Nhưng, trái lại, để mỗi người, giống như Thánh Elisabét và Thánh Juan Diego, tự cảm thấy mình là người mang hứa hẹn, mang hy vọng và từ thâm tâm có thể nói: “Thưa Bố, nghĩa là lạy Cha! (Thư Galát 4:6) nhờ mầu nhiệm nhận làm con, một mầu nhiệm tuy không hủy bỏ các đặc điểm của mỗi người, nhưng vẫn đã phổ quát hóa chúng ta để thiết lập ta thành một dân tộc. Anh chị em thân mến, trong bầu khí tưởng nhớ đầy biết ơn này về việc chúng ta được làm người Châu Mỹ La Tinh, ta hãy hát lên bài ca của Thánh Êlisabét trong tâm hồn mình, bài ca mầu mỡ sản sinh, và hãy cùng nhau nói với các dân tộc chúng ta đừng mệt mỏi nhắc đi nhắc lại rằng: Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
 
ĐGH Phanxicô nói âm nhạc mở lòng chúng ta về ý nghĩa thật của lễ Giáng Sinh.
Giuse Thẩm Nguyễn
21:59 15/12/2017
(EWTN News/CNA) Hôm thứ Sáu, ĐGH Phanxicô đã nói rằng âm nhạc và nghệ thuật rất thích hợp trong việc giúp chúng ta hiểu sâu xa về ý nghĩa thật của mầu nhiệm Giáng Sinh.

“Nghệ thuật là những phương tiện đặc biệt để mở lòng, mở trí chúng ta về ý nghĩa thực sự của lễ Giáng Sinh. Sự sáng tạo và tài năng của các nghệ sĩ qua các tác phẩm nghệ thuật, qua âm nhạc, lời ca có thể đụng chạm tới cõi sâu thẳm của lương tâm chúng ta. Nghệ thuật rõ ràng đi vào chiều sâu của cõi lòng.”

“Giáng Sinh là một lễ hội cảm nhận của trái tim, hòa đồng và có khả năng là ấm lại những trái tim lạnh giá nhất, dẹp bỏ mọi rào cản của những khác biệt đối với tha nhân và khuyến khích mở lòng đón nhận mọi người bằng món quà chính mình.

“Đây cũng là lý do hôm nay chúng ta cần phổ biến rộng rãi thông điệp hòa bình và tình huynh đệ phù hợp với lễ Giáng Sinh; chúng ta cần biểu lộ tình cảm chân thành để làm sống lại ý nghĩa của ngày lễ này.”

ĐGH Phanxicô đã nói như trên với ban tổ chức và anh chị em trình diễn buổi hòa nhạc từ thiện hàng năm của Vatican “Giáng Sinh Tại Vatican” sẽ diễn ra vào ngày 16 tháng Mười Hai.

Năm nay buổi hòa nhạc giúp đỡ cho những kế hoạch dành cho trẻ em: Quỹ Học Học Bổng Giáo Hoàng “Scholas Occurrentes” và kế hoạch giải thoát các trẻ em làm nô lệ trong các mỏ đá ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

Buổi trình diễn sẽ có sự góp mặt của các ca sĩ, nhạc sĩ từ Ý và thế giới, đặc biệt có phần đóng góp của ca đoàn thiếu nhi Roma.

Ca sĩ người Scotland là Annie Lennox và ca nhạc sĩ Hoa Kỳ là Patti Smith cũng sẽ tham gia, cùng với Suor Cristina, một nữ tu trẻ thuộc hội dòng Thánh Gia Ursuline đã làm say mê hằng triệu thính giả khi đạt danh hiệu giọng ca vàng của Ý vào năm 2014.

Một bài ca giáng sinh đã được nhiều ca sĩ, cùng với ca đoàn thiếu nhi “Small Choir of Piazza Vittorio” và các ca sĩ thuộc Học Viện Âm Nhạc và Hallelujah Gospel đã cất tiếng đồng ca để đón ĐGH khi ngài bước vào hội trường Clementine.

ĐGH đã cám ơn mọi người, người trình diễn cũng như quý thính giả đã liên đới quan tâm, đoàn kế với những người nghèo khổ.

ĐGH Phanxicô hy vọng rằng buổi hòa nhạc có thể là cơ hội reo trồng sự quan tâm trên thế giới, một thế giới “bị lãng quên hôm nay.”

Ngài nhắn gởi mọi người, “Hãy gieo trồng sự quan tâm, hòa bình và đón mừng mọi người là những hạt giống nẩy sinh từ hang đá Bathlehem.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ an táng Đức cố Giám mục Dominic Mai Thanh Lương
VietCatholic
10:12 15/12/2017
NAM CALI - Đức cha Kevin Vann, giám mục giáo phận Orange đã chủ sự thánh lễ an táng ĐC Dominic Lương vào lúc 10:00g sáng ngày 14/12/2017 tại Holy Family Cathedral của giáo phận. Cùng với ngài có các Đức TGM Los Angeles, New Orleans, các Đức cha phụ tá, và 3 Đức Cha từ Việt Nam là ĐC Lôrensô Chu Văn Minh, ĐC Tôma Vũ Đình Hiệu và ĐC Giuse Trần Văn Toản cùng với trên 200 linh mục Việt Mỹ đồng tế. Có nhiều nam nữ tu sĩ và giáo dân hiệp dâng thánh lễ cầu cho đức cố giám mục Dominicô.

Hình ảnh thánh lễ an táng

Trước thánh lễ Đức cha Vann chào mừng tòan thể các giám mục, linh mục tu sĩ và cộng đồng dân Chúa, và tiếp đến giới thiệu Cha Trần văn Kiểm, giám đốc Trung tâm CGVN đọc điện văn của Đức Thánh Cha Phanxicô như sau:

The Holy Father was saddened to learn of the death of the Most Reverend Dominic Dinh Mai Luong, and he sends heartfelt condolences to you, the late Bishop's family, and the clergy, religious and lay faithful of the Diocese. With gratitude for Bishop Luong's dedicated ministry, and his particular solicitude for the Vietnamese community throughout the United States, His Holiness joins you in commending his soul to the merciful love of God our Father. To all who mourn Bishop Luong's passing, Pope Francis cordially imparts his Apostolic Blessing as a pledge of peace and consolation in our Lord Jesus Christ.

Signed by
Cardinal Pietro Parolin
Secretary of State


Được tin Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương qua đời, Đức Thánh Cha vô cùng thương tiếc và chân thành gửi lời phân ưu đến quý ông bà và anh chị em: tang quyến của Đức Cha Đaminh, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo hữu trong giáo phận. Trong niềm tri ân tinh thần phục vụ tận tụy của Đức Cha Đaminh, đặc biệt là ngài đã ưu ái quan tâm đến cộng đồng Việt Nam trên khắp nước Mỹ, Đức Thánh Cha xin được cùng quý ông bà và anh chị em phó dâng linh hồn Đức Cha Đa Minh cho Thiên Chúa Cha chúng ta đầy lòng xót thương nhân ái. Và cho tất cả những ai đang thương khóc sự ra đi của Đức Cha Đaminh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh như bảo chứng của bình an và ơn an ủi trong Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Ký tên
Đức Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh


Xem tiếp bài giảng do LM Kerry Beanlieu:
Homily for Bishop Dominic


Today we come together to pray for Bishop Dominic Mai Luong. We come with profound respect for this humble and loving bishop, priest, uncle, spiritual father, friend and brother in the Lord who has given his whole life to God. Today is a day of thanksgiving to God for the life and ministry God gave to Bishop Dominic and for the faithful and generous life he lived among us.

The words of Bishop Dominic’s Episcopal Motto “You are strangers or aliens no longer.” describe well both the mission and the impact of Bishop Dominic’s life and ministry as he spent his lifetime as a ‘bridge builder’ between the Church in Vietnam and the Church in the United States, between the Vietnamese culture and the American culture, between two peoples who knew very little about each other but who were destined to become neighbors and friends, even brothers and sisters in the household of faith.

Bishop Dominic’s own life bridged both Churches: one the Church of his birth and childhood in Vietnam, the other the Church of his adult life in the United States. He brought the two together in a ministry that he could never have foreseen. But today as we look back at Bishop Dominic’s full lifetime, it seems perfectly clear that God was preparing him for a unique ministry in the Catholic Church of this country as the first Vietnamese Bishop in the United States.

I had the privilege to live in the same rectory with Bishop Dominic for six years when he lived at Our Lady Queen of Angels. He was a great support to me personally during the building of our church and I grew very fond of him.

He was always kind and considerate, interested in parish life, always willing to help, humble and caring for people. He was generous to a fault. He had a calmness and serenity about him that people noticed and appreciated. In the midst of a noisy celebration he seemed to be centered and relaxed.

Sometimes he was homesick for his former parish, Mary Queen of Vietnam, that he founded in New Orleans and served as pastor for 20 years, and he was always homesick for the food New Orleans is famous for. He was visiting in New Orleans the weekend Hurricane Katrina arrived and was on the last plane to leave New Orleans Airport before the hurricane closed the airport down.

He was very generous with the Church in Vietnam which he loved so much. In his home village of Ninh Cuong he recently was able after many years of work to establish a Pilgrimage Center where his family’s home had once been and where many years earlier a bishop had been ordained in the barn on the property who later became a martyr and canonized saint.

In his last months with us he was able to see the beginning of the Shrine to Our Lady of La Vang at Christ Cathedral, a project he worked on with a group of Vietnamese business men with whom he met regularly.

Bishop Dominic was popular in our house because he loved to celebrate the early Mass during the week and the first Mass on Sunday. He made good friends in the parish and just last May he joined us for a birthday brunch for one of the parishioners. On Wednesdays after the 6:30 Mass he would join a group from the Mass and they would go out for coffee and breakfast and they solved all the Church’s problems. The name Bishop Dominic gave the group was Vatican III… He was always looking ahead! They loved him dearly and met with him as recently as the Wednesday before Thanksgiving.

To those who got to know him he became a friend and a fellow pilgrim. He was always a source of encouragement and support for new initiatives. Always raising funds for new initiatives.

Bishop Dominic was always a priest and this past Spring celebrated 51 years of ordination and fourteen years as a Bishop. As the first Vietnamese bishop to serve the Church in the United States he belonged not only to us here in the Diocese of Orange but to Vietnamese Catholics all across the country.

On Mondays he would appear in the rectory kitchen after having been to Texas or Kansas over the weekend to visit a Vietnamese Catholic community or to help dedicate a new church. He was a tireless sign of encouragement to newcomers adjusting to a new country and finding their place in the church. Beginning with his work for the United States Conference of Catholic Bishops as Director of Pastoral Care for Migrants and Refugees, then continuing in New Orleans and finally here in Orange he helped to re-settle thousands of people from Vietnam in new lives here in the US.

Bishop McFarland called his appointment as bishop a “happening of major historical significance” because Bishop Dominic’s appointment as bishop was a dramatic recognition of the tremendous positive impact Vietnamese Catholics have had on the Church in the United States in a relatively short period of time. At the time of his appointment as bishop in 2003 there were 400,000 Vietnamese Catholics in the US, some 600 priests and 500 religious.

Bishop Brown, our retired Diocesan bishop, deserves credit for recognizing the impact of Vietnamese Catholics on the Church in Orange, seeing the benefit a Vietnamese Auxiliary bishop would bring and then petitioning the Holy Father for just such an appointment.

Bishop Vann will be affirming the importance of Bishop Dominic’s work and the tremendous contribution the Vietnamese community makes to the Church in Orange next week when Bishop-elect Thomas Thai will be ordained the second Vietnamese-American bishop to serve in the Diocese of Orange.

Bishop Dominic was the right person at the right time and in the right place

Bishop Dominic lived out in his ministry before and after he became a bishop the episcopal motto he took from the letter to the Ephesians 2:19-22:

“So then you are no longer strangers and aliens, but you are fellow citizens with the holy ones and members of the household of God, built upon the foundation of the apostles and prophets, with Christ Jesus himself as the capstone. Through him the whole structure is held together and grows into a temple sacred in the Lord; in him you also are being built together into a dwelling place of God in the Spirit.”

There are no strangers and aliens in the household of God-rather we are called to ‘truly welcome the stranger among us’ (Mat 25:35) and to “become fellow citizens with the holy ones …built into a dwelling place of God in the spirit” (Ephesians 2:19f).

That is exactly the vision Bishop Dominic spent his life working for: a household of God where there are no strangers and aliens but only fellow citizens…. built into a dwelling place of God in the Spirit.

As the Bishops’ document “Strangers No Longer, Together on the Journey of Hope” declares: “In effect, the Church is increasingly called to be as Lumen Gentium declares, a “sign and instrument of a very closely knit union with God and of the unity of the whole human race.” In the church no one is a stranger, and the Church is not foreign to anyone, anywhere.”

While we may or may not be able to change human hearts or the laws or the politics as much or as quickly as we would like- to embrace the stranger, the immigrant or the vulnerable - at least in the household of God- there ought to be no strangers, no aliens, no one disposable or unworthy of human respect and dignity. For we have a different perspective: the intrinsic dignity and eternal destiny of every human being.

The prophet Habakkuk tells us: “The vision still has its time, presses on to fulfillment, and will not disappoint…” (Habakkuk 2:3)

My favorite story about Bishop Dominic is one that he told me himself. As many of you know Bishop Dominic left Vietnam at the age of 16 to continue his studies for the priesthood in the United States. He had returned once in 1969 after his ordination.

It was now 1975 and the conditions in Saigon were worsening. Bishop Dominic, then Father Dominic, flew to Saigon from the U.S. to visit his family in Vietnam to see how they were doing and to see if he could help them.

But his plane was turned away and not allowed to land because the evacuation from Saigon was underway.

The plane was diverted to the island of Guam where refugees from Vietnam were being taken. At this time Bishop Dominic had no idea what was happening to his family back in Saigon. Of course, he was worried. He had begun to hear reports that the city was being overrun by the enemy. What would become of his family?

Once he landed at Guam, then Fr. Dominic was invited to concelebrate Mass by a bishop who was celebrating Mass for the refugees in the camp.

At some point during Mass the clouds moved and the sunlight fell on a section of the congregation. One face in the crowd drew Bishop Dominic’s attention and he instantly knew who it was. He recognized his mother in the crowd. He quickly excused himself to the presiding bishop. He said, “I think I see my mother. I have to go” and he rushed into the crowd to embrace his mother. The Mass stopped while mother and son embraced.

That unexpected reunion with his mother was one of the most joyful moments in his life.

St. Paul tells us “our Citizenship is in heaven.” In the household of God we recognize each other’s faces not as those of strangers and aliens but as the faces of mother and father, sister and brother - built together into a dwelling place of God.

Jesus says “I go to prepare a place for you so that where I am you also may be.”

Isaiah says: “On this mountain the Lord of hosts will provide for all peoples…The Lord God will wipe away the tears from all faces. And it will be said: Behold Our God to whom we looked to save us! This is the Lord for whom we looked; let us rejoice and be glad that he has saved us!”

After welcoming so many people to this land may Bishop Dominic be welcomed by the saints and angels of God and arrive safely in that place the Savior has prepared for him where there will be no strangers, no aliens but only the family of God’s sons and daughters, in the household of God.

Eternal life grant unto him O Lord and let perpetual light shine upon him.

May his soul and all the souls of the faithful departed rest in peace. Amen.


Lời chia sẻ sau Thánh lễ của Đức ông Phạm Văn Tuấn:
BISHOP DOMINIC LUONG

Of this very unassuming man, it would not be uncommon to hear someone say, "Oh, I didn't know there was a Vietnamese bishop". But to those of us who knew him, this quiet and gentle soul impacted our lives in a way that made us think that somehow, we had come into the presence of the Lord.

What comes to mind is the Christ's own invitation in Mt 11:29, "Come to me…for I am meek and humble of heart". People were drawn to him, precisely because of his unassuming nature. And they came to love him.

Though of Vietnamese birth, he was not previously known by those he came to serve in California, but quickly after arriving, became a great supporter of the growing Vietnamese community in the Diocese of Orange. His episcopal motto, taken from St Paul to the Ephesians (2:19),

You Are Strangers And Aliens No Longer,

itself was a testimony to Dominic's own conviction that the Vietnamese Catholic community, having wandered and suffered for so many years in the desert of persecution, was welcome in the church of the United States. That community, offering the riches of its own spiritual heritage to the American church -- in particular, to the Diocese of Orange -- was integrated according to the model established by Bishop Brown, and came to be accepted, valued and loved in such a way, that it now felt secure in its new home and in the "household of God".

The English speaking and Spanish speaking communities, also, eventually came to be touched by the kindness of Dominic's outreach to all, and for them, this translated into their perception of the Christ-like holiness of the soul of this unassuming priest.

He always had a moment to stop and chat and offer a word of encouragement to anyone and everyone, and today, as we bid farewell to God's humble servant, we offer a loving word back to him:

Well done, good and faithful servant.
Enter into the joy of the Master.
Pray to God for us, Bishop Dominic,
from your lofty place in Heaven!


Đức Cha Lương … một cái tên quen thuộc đối với người Việt Công Giáo Hải Ngọai bởi vì Ngài là vị Giám Mục Việt Nam đầu tiên ở Hải Ngọai. Có nhiều người thắc mắc … không hiểu sao biết bao nhiêu người Công Giáo mà sao lại chọn một người Lương để làm Giám Mục Công Giáo.

Đức Cha Lương thân yêu của Giáo Phận Orange hôm nay đã ra đi trở về với Chúa, sau một cuộc hành trình khá dài với tuổi đời là 80.

Ngài đi không để lại di chúc bằng văn tự … nhưng cả cuộc sống của Ngài chính là một di chúc qúy giá.

Nhiều người trong chúng ta đây đã có dịp tiếp xúc với Ngài, đều nhận thấy rằng Ngài rất giản dị, và bình dân. Bình dân hơn khi ngài nói tiếng anh có pha một chút gốc bùi chu thì thật là khôi hài.

Sự giản dị và bình dân của Ngài đến độ nhiều người cho rằng Ngài đã quên mình là một vị GIÁM MỤC. Ngài thường ăn mặc cũng rất giản dị, một quần kaki cũ, một chiếc áo ấm lôi thôi … có những lúc luộm thuộm, quên cổ trắng, quên mũ Giám Mục, chỉ có Thánh gía treo vào túi.

Ngài ăn nói rất khiêm nhường, hòa nhã … không bao giờ xưng là cha với ai.. Ngài thường xưng là “mình” một ngôn ngữ “rất bắc kỳ” nhưng rất gần gũi, quen thuộc với mọi người.

Đức Cha Lương rất thương người, nhất là những người kém may mắn, vô gia cư. Khi còn làm giám đốc ở TTCG, Ngài thường mua thức ăn sáng ở McDonald cho homeless, những người vô gia cư. Ngài cũng không bao giờ từ chối tham gia phân phát quần áo, tặng qùa cho người nghèo trong khu vực Civic Center hay trên Los Angeles.

Cuộc sống đầy bác ái, yêu thương đó phát xuất từ đời sống thiêng liêng, đạo đức của Đức Cha.

Ngài đặc biệt tôn sùng Thánh Thể … và Ngài cũng muốn mọi người yêu mến Thánh Thể nên đã dầy công, sọan bộ sách chầu Thánh Thể – mà hiện nay nhiều giáo dân trong nhiều cộng đòan còn đang xử dụng …

Theo gương thánh Quan thầy Đaminh, Ngài rất yêu mến Đức Mẹ … mỗi lần vào phòng cấp cứu, Ngài luôn nhắc mang tràng hạt cho Ngài. … Bài hát sau cùng mà Đức Cha hát trước khi giã từ cõi thế là bài hát “Mẹ ơi, con yêu Mẹ, yêu từ thời thơ bé, yeu mãi đến tuổi già, yêu tha thiết bao la.” Ngài đã trút hơi thở với câu kết của bài hát “chết trong tình yêu Mẹ.”

Thày Sáu Bình, con tinh thần của Đức Cha, luôn sát cánh bên Ngài kể lại một kỷ niệm khó quên – khi về thăm quê quán tại Ninh Cường … Ngài cùng với qúy cha gốc Bùi Chu, chuẩn bị dâng Lễ tại Nghĩa Trang gần đó … mây kéo đến cả bầu trời, cơn mưa như đang chuẩn bị đổ xuống.

Đức Cha vẫn cương quyết cầu nguyện cùng Đức Mẹ và tiếp tục dâng Lễ … trong suốt Thanh Lễ không một hạt mưa rơi xuống … ngay khi Thánh Lễ kết thúc, mưa đổ xuống nhu thác lũ.

Sự ra đi của Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương là một phần thưởng mà Chúa dành cho “người đầy tớ trung tín” của Chúa trong 50 Năm Linh Mục và 14 Năm Giám Mục.

Di chúc của Đức Cha không gì khác hơn là chính đời sống gương mẫu của Ngài. Di Chúc đó được ghi khắc trong Khẩu hiệu Giám Mục của Ngài, “chúng ta không còn là kẻ xa lạ” với nhau, nhưng cùng là anh em trong một nhà. Vì thế, chúng ta, những người Công Giáo Việt Nam, hãy bắt chước Ngài, sống giản dị, khiêm tốn, và cư xử tử tế với nhau...
 
Văn Hóa
Giáng Sinh An Bình
Lê Đình Thông
08:13 15/12/2017
Cả vạn vật chìm trong thinh lặng
Giữa đêm trường trống vắng canh ba
Từ trời cao thẳm chốn xa
Thiên triều nhập thế bôn ba cứu đời.

Sách Cựu ước Ngôi Lời nói trước
Linh ứng trong Tân ước Luca :
‘‘Mừng vui có Chúa cùng Bà
Hạ sinh con trẻ tên là Giêsu.’’

Trong đêm tối âm u cuối tháng
Dải ngân hà sáng láng chói chan
Đêm đông máng cỏ cơ hàn
Ngôi Hai xuống thế cứu trần thoát nguy.

Thánh danh Chúa Giêsu Cứu Thế (ישוע)
Là Kitô (χριστός) phổ hệ Thiên sai
Ngày nay loài quỷ ra oai
Khắp nơi máu đổ cuồng quay ruột mềm.

Trong máng cỏ Bê Lem sưởi ấm
Nhờ thánh gia trải tấm lòng son
Tình yêu thánh hóa vuông tròn
Noi gương ta hãy thật lòng yêu thương

Nhe nhạc tấu cung thương thắm thiết
Tiếng đàn tranh khôn xiết bình an
Nghe như lưu thủy hành vân
Hài nhi thưởng thức cung đàn đã lâu.

Tiếng nghé ọ đàn trâu ấm cúng
Trẻ mục đồng xin chứng lòng thành
Kết tình huynh đệ trung trinh
Cùng nhau nối lại nghĩa tình anh em.

Ngài sinh xuống trong đêm tăm tối
Chiên bình an xóa tội người trần
Tình thương thánh hóa ân cần
Nào cùng hòa giải, giận hờn chuyện xưa.

Nơi Giáo xứ thi đua hang đá
Có thấy chăng Thánh Cả Giuse
Ngài mặc chiếc áo dài the
Hai tay chắp lại duyên se đạo đời.

Và Đức Mẹ sáng ngời thánh đức
Cất tiếng ru thiên chức mẹ hiền :
‘‘Con ơi an giấc thần tiên
Mai này con sẽ là chiên cứu đời’’.

Lê Đình Thông
(tranh sơn mài Giáng sinh do họa sĩ
Nguyễn Gia Trí thực hiện)
 
Cảm Ơn Mẹ Đã Đưa Con Vào Đời Như Thế
Sơn Ca Linh
21:57 15/12/2017
Cảm Ơn Mẹ Đã Đưa Con Vào Đời Như Thế

Có ai biết từ mênh mông vũ trụ,

Trên dòng thời gian hun hút vô biên…

Tình yêu nào đã bén nhụy se duyên,

Để ta có mặt, ta làm người dương thế.

Cảm ơn Trời, con cảm ơn Thượng Đế

Đã gọi con từ thăm thẳm hư vô.

Cát bụi chắt chiu hòa thần khí vô bờ,

Thân tạo vật mang dáng hình Thiên Chúa !

Nhưng để làm người con đường muôn thủa,

ai cũng ra đời qua nẻo “mẹ trần gian”.

Mang nặng đẻ đau ngày tháng gian nan,

mẹ ẵm, mẹ bồng, dòng sửa ngon bú mớm…

Bữa đói bữa no thức khuya dậy sớm,

lặn lội thân cò dãi nắng dầm mưa.

Chuỗi ngọc hy sinh đếm mấy cho vừa…

Cảm ơn mẹ đã đưa con vào đời như thế !

Nhật ký “mẹ-con” qua muôn ngàn thế hệ,

Vẫn những trang dài từ “Bêlem đến tận Canvê”.

Khổ cực lầm than hay nước mắt tràn trề,

bóng mẹ bên con chưa phai nhòa ký ức !

Mỗi độ Giáng Sinh về bổng trong hồn thao thức.

Thương làm sao những mẹ, những đứa con !

Chiếc võng lời ru : mẹ, những trái tim son,

ánh mắt nụ cười : con, hồn nhiên tỏa sáng…!

Mẹ, mãi mãi là những tinh cầu rỡ rạng,

Con, là kho tàng, bảo ngọc trân châu.

Thiên thần ơi, xin trở lại địa cầu,

để hát khúc “Gloria” và báo “Tin Mừng” lần nữa nhé !

Sơn Ca Linh

Chút cảm nhận Giáng Sinh 2017