Ngày 17-12-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:26 17/12/2016

32. Thường những khuyết điểm đều đến từ cá nhân, và những ưu điểm đều là Thiên Chúa ban cho chúng ta.

(Thánh Thomas de Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:30 17/12/2016
85. TRONG BỤNG CÓ VẬT GÌ.
Chương Tử Hậu và Tô Đông Pha từ nhỏ đã tình đầu ý hợp. Mùa hè năm ấy, Tử Hậu đang cởi trần đưa cái bụng nằm ngay cửa sổ, Đông Pha đến, Tử hậu bèn vừa xoa xoa cái bụng vừa nói:
- “Ông thử nói xem, ở trong này có những thứ gì ?”
Đông Pha giả vờ lên mặt ta đây đứng đắn nói:
- “Để ta xem thử ra sao, ở trong bụng này toàn là những chuyện mưu phản nước nhà !”
Tử Hậu cười ha ha.
(Phủ Chưởng lục)

Suy tư 85:
Người ta ai cũng thích cái đẹp vì Thiên Chúa đã muốn thế, mà cái đẹp thì chỉ tỏ hiện trên khuôn mặt, trên dáng người cảnh vật cho nên ai cũng thấy và cũng thích, còn cái đẹp bên trong tâm hồn thì không ai thấy, dù có thấy chăng nữa thì được mấy người nhìn thấy ?
Có nhiều cô gái mặt đẹp như hoa nhưng lòng dạ thì như hoa độc chết người; có người miệng nói toàn là những lời quân tử, nhưng bụng dạ thì hẹp hòi hơn cả tiểu nhân; có những vị thượng cấp vì muốn lấy lòng thuộc hạ nên đã dùng những lời lẽ dịu ngọt để dụ dổ họ, nhưng trong lòng thì lắm mưu chước để họ làm nô lệ cho mình...
Có một vài người Ki-tô hữu cũng như thế, ngày ngày đi dâng thánh lễ, hể mở miệng ra là Chúa với Mẹ, nhưng trong lòng thì luôn chất chứa những lời cay đắng độc địa để rủa sả thiên hạ và anh em.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 4 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:33 17/12/2016
Chúa Nhật IV MÙA VỌNG

Tin mừng: Mt 1, 18-24.
“Đức Giê-su sinh làm con bà Maria. Bà đã thành hôn với ông Giu-se, con cháu Đa-vít.”


Bạn thân mến,
Thời nay có nhiều người không tin Đức Chúa Giê-su là một con người thật sự, họ nói rằng Ngài chỉ là sản phẩm tưởng tượng của những người Công Giáo cuồng tín bịp bợm. Thế nhưng, thánh Mát-thêu trong bài Phúc Âm hôm nay kể rất rõ ràng gia phả của Đức Chúa Giê-su cho chúng ta nghe: bà Ma-ri-a là người đã cưu mang Ngài là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, và ông Giu-se là cha nuôi của Ngài.

Người ta không hiểu hay cố tình bóp méo lịch sử thì mặc kệ họ, nhưng bạn và tôi và những người Ki-tô hữu khác trên khắp thế giới đều tin rằng: Đức Chúa Giê-su là con người thật và là Thiên Chúa thật, Ngài đã xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta, trả lại cho chúng ta ơn làm con của Thiên Chúa, và nhờ đức tin vào Ngài mà chúng ta trở nên những sứ giả hòa bình cho tha nhân.

Nhờ tin vào Đức Chúa Giê-su mà cuộc sống của bạn thay đổi hoàn toàn, nhờ biết Đức Chúa Giê-su mà bạn và tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, và vì tin vào Đức Chúa Giê-su mà những người chung quanh chúng ta sống vui vẻ hơn, vì chính họ nhìn thấy Đức Chúa Giê-su đang sống trong những người Ki-tô hữu.

Chỉ còn vài ngày nữa là cả thế giới hân hoan mừng lễ Ngôi Hai Thiên Chúa -Đức Chúa Giê-su- giáng sinh làm người, bạn có quà tặng cho Hài Nhi Giê-su chưa, Ngài cũng là một con người thích quà tặng có ý nghĩa lắm đó, riêng quà tặng của tôi tặng Ngài là quyết tâm làm tròn bổn phận một mục tử của mình trong vui vẻ, để trở nên một đầy tớ vô dụng của Ngài trong cuộc sống của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Giuse - Tuấn Kiệt - Công Chính
Lm. Vinh Sơn Dũng scj
10:16 17/12/2016
Chúa Nhật IV Mùa Vọng A.

GIUSE – TUẤN KIỆT – CÔNG CHÍNH

Is 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24

Thời Tam Quốc, sau khi rời Tào Tháo lập nghiệp riêng với danh nghĩa tông thất nhà Hán, Lưu Bị phải đi nương nhờ nhiều người, nhưng sự nghiệp luôn gian nan. Cuối năm Đông Hán, Lưu Bị đến nương nhờ Lưu Biểu sau đó Lưu Bị đồn trú ở Tân Dã , Lưu Biểu cho ông ta một ít người và ngựa.Lưu Bị trong lòng nghĩ phải liều để làm nên nghiệp lớn, phải tìm người tài giỏi trợ giúp, cho nên ông chiêu nạp hiền tài nghĩa sĩ. Ông đi khắp nơi cầu hiền, cuối cùng tìm được một danh sư tên là Tư mã Huy ở Tương Dương, ông bèn đặc biệt đi thăm, thỉnh giáo việc thiên hạ đại sự.

Tư mã Huy nghe xong thì cười ha ha, nói: “Tôi là một người bình thường làm sao có thể hiểu được việc đại sự của thiên hạ chứ ? Muốn nói chuyện thiên hạ đại sự thì phải cậy nhờ người tuấn kiệt tài năng”.

Lưu Bị vội vàng hỏi: “Đi đâu để tìm người tuấn kiệt như thế ?”

Tư mã Huy trả lời: “Ở đất này có Ngọa Long lại còn có Phụng Sồ nữa ! Ngài có thể mời một trong hai người thì có thể bình định được thiên hạ”.

Ngọa Long chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng, và Phụng Sồ là Sỹ Nguyên Bàng Thống. Nhờ thỉnh được Khổng Minh Gia Cát Lượng và Phụng Sồ, hai vị trở nên Quân sư phò tá, Lưu Bị đã làm nên nghiệp lớn lập lên nhà Thục Hán.

Người hiểu thời thế mới là người tuấn kiệt. Có nhiều người có tài năng nhưng không hiểu thời thế nên thân bại danh liệt; có những người tài cao học rộng nhưng không hiểu thế sự cho nên quanh năm suốt tháng sống trong góc nhà không ai biết đến. Trái lại có những người tuy tài sức không có nhiều nhưng lại hiểu và vận dụng thời thế, trở nên người tuấn kiệt lưu danh với đời,.

Hiểu rõ và sống thánh ý Chúa trong cuộc đời mình sẽ trở thành người tuấn kiệt của đức tin, người công chính theo Tin Mừng. Ban đầu Giuse không hiểu được thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc hôn nhân của mình nên ông bối rối, đau khổ và muốn lìa xa người bạn dời. Khi được Sứ Thần giải thích thiên ý trong cuộc hôn nhân của ông, Giuse trở nên tuấn kiệt của Tin mừng trong ý nghĩa người công chính.

Theo chú giải của William Barclay, hôn nhân theo phong tục tập quán của người Do Thái có ba bước:

• Hứa hôn: là sự hứa hẹn thường do cha mẹ hoặc do người thân quen hoặc người làm mai mối giới thiệu khi đôi bạn còn nhỏ, chưa biết nhau. Hôn nhân được xem là một bước vô cùng quan trọng nên không thể tuỳ thuộc đam mê và tình cảm con người được.

• Đính hôn: là xác nhận sự hứa hẹn khi trước hay có thể bị xoá bỏ, nếu người nữ không bằng lòng. Nhưng một khi đã đính hôn thì đôi bên bị ràng buộc với nhau cách tuyệt đối. Thời gian đính hôn kéo dài chừng một năm. Trong năm đó, đôi bạn được kể là vợ chồng dù họ không có những quyền của chồng và vợ. Nếu muốn chấm dứt thì chỉ có cách duy nhất là ly dị. Cho nên theo luật Do Thái trong giai đọan này nếu người con gái có vị hôn phu chết trong năm này thì được gọi một cách thức rất lạ là “trinh nữ goá”.

• Giai đoạn thứ ba là hôn nhân chính thức được cử hành vào cuối năm đính hôn.

Maria và Giuse đang ở giai đoạn đính hôn. Maria có thai, Giuse và Maria đều biết thai nhi không phải của Giuse. Maria biết rõ ràng: Nàng chịu thai không do ý muốn của phàm nhân như thông thường, nhưng do sự tác động của Chúa Thánh Thần trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa như Sứ Thần Gabriel đã truyền tin (x. Lc 1,26 - 38). Giuse phát hiện người bạn đời có thai không phải của mình - người chồng đã đính hôn. Là người công chính nên Giuse có ý định bỏ vợ mình một cách kín đáo (x. Mt 1,19). Nếu Giuse muốn chấm dứt công khai thì không thể làm gì khác hơn là ly dị khi tố cáo vợ mình là nàng đã không còn trinh trong khi đến với mình, nàng sẽ bị hình phạt cho kẻ ngoại tình sẽ là ném đá cho đến chết (Đnl 22, 20 -28). Luật này còn áp dụng cho cả xã hội cùng các tôn giáo xưa Hình phạt ném đá này vẫn còn duy trì ở vài nước Trung Đông Hồi Giáo như Iran… và ở các vùng quê nước Hồi Giáo Pakistan.

Maria mang thai làm Giuse “tan vỡ bao dự tính”, thật là khủng hoảng cho Giuse. Tất cả mọi giấc mơ đầu bị phá tan. Có lẽ Giuse đau đớn tinh thần dày vò, tâm trí bị che khuất bởi bao thác mắc… Chỉ có một cách là lìa bỏ Maria một cách dứt khoát nhưng kín đáo. Dự tính hôn nhân trở nên xa cách chia ly trong đau khổ.

Sứ Thần của Chúa đã hiện ra trong giấc mơ của Giuse giúp chàng khám phá ra chiều kích sâu của đời sống thánh ý Thiên Chúa trong các sự kiện, cũng như nhận thức được ơn gọi của Chúa mà Giuse được mời tham dự trong chương trình cứu độ mà với con mắt phàm trần không thể nhận biết trọn vẹn. Sứ Thần mặc khải cho Giuse biết: Maria vợ mình thụ thai là kết quả tác động của Chúa Thánh Thần. Cho nên con trẻ là con Thiên Chúa. Con trẻ sẽ thực hiện công trình cứu độ và làm thành hiện thực sự tín trung của Thiên Chúa ở với con người, qua việc làm đầy lời phán truyền của ngôn sứ Isaia Đấng Thiên Sai đến sẽ hiện thực ở nơi gia đình ông: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7, 14-16). Trong sách Xuất Hành, khi giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ của Ai Cập, Thiên Chúa hiện xuống với những người bị áp bức (x. Xh 3, 8) và phán với Môisen: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3, 12) và từ đó Ngài không bao giờ từ bỏ dân Ngài Cho nên trong chương trình lời hứa ở với dân và cứu độ dân, con trẻ được sinh ra trở nên ơn cứu độ cho cả nhân loại. Vì thế, Sứ Thần mới truyền cho Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu mang ý nghĩa “Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ” (Mt 1,23-25). Hai tên Giêsu và Emmanuel, đưa ra sự chứng thực: Thiên Chúa ở cùng và cứu độ dân Ngài như Thánh Gioan sau này đã xác tín: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14) va làm cho dân luôn hy vọng vào Ngài, vì "ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa" (Ga 1, 12)

Biết được thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc hôn nhân với thai nhi nhiệm màu, Giuse đã tiếp tục tiến trình hoàn thiện hôn nhân với bước thứ ba chung cuộc : đón Maria về nhà mình và sau này Giuse đã săn sóc tận tình Hài Nhi Giêsu ra đời cũng với Mẹ ngài, tìm nơi sinh cho Maria đầy vất vả (x. Lc 2, 1-13) trốn sang Ai cập để tránh việc truy bắt của Hêrôđê (x. Mt 2, 13 - 23) chính vì sự tận tụy phục vụ mà văn sĩ Origène kết luận vai trò của Giuse trong tương quan với Đấng Cứu Thế:”Bởi sự phục vụ trung thành, Kinh Thánh đã cho ngài danh hiệu người cha” (Origène : « Leviticum », XII 4), người cha của Con Thiên Chúa.

Thánh ý của Chúa khác với chương trình của con người, nhưng luôn dành cứu độ con người. Có những lúc chúng ta cảm nghiệm Ngài làm đảo lộn cuộc sống như Ngài làm trong Hôn nhân Giuse Maria bằng sự hợp - tan, tan - hợp. Người tin tưởng đi trong ánh sáng Thiên Ý luôn nhận ra “dấu chỉ” của Ngài, dấu chỉ của tình thương của sức mạnh như Giuse đã có trong sự phục vụ trong gia đình thánh gia đày bôn ba.

Quả thật Chúa thật gần gũi trong cuộc đời con người, mang tâm tình của Tagore, chúng ta cầu nguyện :

Chỉ mong con chẳng còn gì,

nhờ thế con không bao giờ lẩn tránh Ngài.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong con chẳng còn gì,

nhờ đó con trói buộc thân mình vào ý muốn của Ngài

và nhờ thế thực hiện ý Ngài trong suốt đời con,

ý ấy là tình yêu Ngài ràng buộc thân con.

(R. Tagore, Tâm Tình Hiến Dâng 34)

Vâng ràng buộc thân con trong thiên ý…



Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 17/12/2016
 
Ba điều Giuse cho Giêsu
LM. An-Phong Nguyễn Công Minh, ofm
10:18 17/12/2016
CN 4A Vọng : Ba điều Giuse cho Giêsu

Tuy dành rất ít đất cho Giuse trong các sách Tin Mừng, nhưng vai trò của thánh Giuse trong chương trình của Thiên Chúa làm người khá quan trọng. Có người mạnh miệng nói, rất quan trọng ! Ta chỉ dùng, quan trọng. Quan trọng vì Giuse cho Giêsu 3 điều : (1) cho Giêsu được sống (2) trong gia đình (3) hoàng tộc.

1. Cho Giêsu được sống

Nếu không có Giuse, Giêsu không chào đời được. Bởi chẳng cần đợi đến ngày chào đời, khóc một tiếng rồi chết, mà ngay khi còn trong dạ mẹ, Giêsu đã bị ném đá chết cùng với mẹ mình là Maria. Một người nữ chưa về nhà chồng mà có thai với ai đó, Việt Nam ta cạo trọc đầu bôi vôi, nhưng luật Môi-sê là : đem ra ngoài thành ném đá cho đến chết.

Thế kỉ 21 rồi, mà luật Hồi Giáo cũng mạnh tay như vậy, khi tại Nigeria bà kia có thai, cương quyết không khai tác giả, bị toà sơ thẩm kết án tử hình. May sao nhờ sự can thiệp của quốc tế, kể cả của ĐGH, và Tổng Thống sở tại hứa xem xét, nên toà cao hơn đã tha bổng. Tôi có lưu lại mẩu tin cùng với hình của bà ôm đứa nhỏ khóc vì vui, nhưng đêm qua tìm lại mãi không thấy vì bà nấp đâu kỹ quá (trong máy vi tính) !

Còn Maria thì không thể nấp kỹ được, nên chỉ còn lãnh đá ném, nếu Giuse không đem Maria về nhà mình. Thế là Giuse đã cho Giêsu sống.

Tại một sa mạc bên Phi Châu, tu sĩ Caretto, Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu, nghe biết có cô gái kia khoảng 14 tuổi mà đã được nhắm để gả cho một chàng trai cách trại bố mẹ cô khá xa. Trong thời gian chờ đợi ngày cưới đến, cô gái vẫn tiếp tục đi kín nước và làm việc nội trợ như thường. Bẵng một thời gian khoảng 2 năm sau, tình cờ tu sĩ Caretto gặp bố cô gái. Tu sĩ hỏi xem con gái của ông đã về nhà chồng chưa. Bố cô gái bối rối không muốn trả lời. Chiều đến khi đi kín nước tại lưu vực cách trại vài trăm mét, tu sĩ Caretto đã gạn hỏi người đầy tớ của bố cô gái. Người đầy tớ này cũng không dám lên tiếng trả lời, mà chỉ ra hiệu cho biết: cô gái ấy đã bị bóp cổ chết (Châu Phi không có tục ném đá). Tại sao vậy ?

Vì người ta đã khám phá ra cô gái ấy có thai trong thời gian chờ ngày về nhà chồng, nên vì danh dự, người ta đòi buộc cô sự hy sinh vừa nói, cô bị bóp cổ chết. Một cái chết giết luôn hai sinh mạng: cô gái và thai nhi trong bụng. Nhưng nếu có một Giuse nào đó đứng ra, chắc cô và con cô không chết.

Nhiều bộ tộc, và cả một số làng bên Ấn Độ hiện nay, người cha sẽ đích thân giết con gái của mình ngay, nếu cô ta có thai trước ngày cưới. Họ xem đó là vì danh dự, vì lệnh, vì luật ! Còn trường hợp Maria nhờ Chúa quan phòng cho có Giuse, nên Giêsu được sống.

2. Cho Giêsu được sống trong gia đình

Nếu thời đó (thời Maria-Giuse) có sự can thiệp của quốc tế, -một chữ nếu chẳng bao giờ xảy ra-, mà Maria không bị ném đá, khi Giuse lìa bỏ Maria cách kín đáo, thì thử hỏi Maria có sống nổi không khi nhà cửa chẳng giàu có gì, khi Nazaret quê hương là một thôn làng chẳng ai biết đến, như Natanael : Nazaret nào có chuyện gì lạ hay !

Bởi thế nếu không có Giuse, thôn nữ Maria sinh ra Giêsu, biết lấy ai làm chỗ dựa. Có thể là còn ông bà ngoại Gioakim Anna, nhưng đây là ta đã có một chữ “nếu” to tướng, nếu Maria không bị ném đá, Giêsu được sinh ra. Và sinh ra không có cha. Ông bà ngoại đâu phải là cha. Đi học các bạn cùng lớp hỏi “bố mầy đâu,” về nhà Giêsu hỏi : “mẹ, ba con đâu,” Maria biết trả lời sao. Bởi thế, trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, Chúa Cha muốn Con của mình giáng sinh trong một gia đình có cha có mẹ, như chính Ba Ngôi là một gia đình.

Trong gia đình nhân loại, người cha là chỗ dựa cho vợ con. Mà quả Giuse là chỗ dựa thật sự, nhất là khi ấu vương Giêsu trốn chạy qua Ai Cập. Chắc gia đình nào chạy loạn, 68 Mậu Thân, 72 đỏ lửa, 75 loạn ly sẽ thấy được nhà nào có người cha là thấy an tâm hơn. Tôi không nói, nhiều nhà người mẹ đóng vai trò thật xuất sắc khi vắng cha, hay khi người cha không đáng là chỗ tựa. Nhưng bình thường lúc có việc, nơi tựa vững chắc vẫn là người cha.

Thế là vai trò của thánh Giuse đối với Giêsu: cho Giêsu được sống (tuy hơi quá, vì Chúa mới cho sống !), và cho Giêsu được sống trong gia đình. Và cái “cho” thứ ba là :

3. Cho Giêsu được sống trong gia đình hoàng tộc

Cách đây ít lâu, ta thấy có bài báo đăng tin người cuối cùng của dòng tộc của vua Nguyễn, sống ẩn dật tại Cần Thơ, chứ không phải tại Huế hoàng triều. Giuse coi vậy chứ cũng thuộc dòng dõi vua chúa, và là vua nổi tiếng, Đavit chứ không phải Saulê. (Luca thuật biến cố truyền tin đã nói một trinh nữ thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng tộc vua Đavít. Còn sứ thần nói trong giấc mộng với Giuse của sách Tin Mừng Matthêu thì : Này Giuse, con vua Đavit). Lẽ ra Giuse phải ở tại miền Nam có Giêrusalem là kinh đô, nhưng vì lý do nào đó đã lưu lạc lên phía Bắc, vậy mới đính hôn được với thôn nữ Maria, người Nazaret. Khi kiểm tra dân số, Giuse phải đưa vợ mình là Maria về quê Đavit để khai sổ bộ.

Tại sao lại cần có Giuse để Giêsu nhập hộ hoàng gia. Lý do là lời tiên báo của các ngôn sứ loan rằng Đấng Cứu Thế phải xuất thân từ dòng dõi Đavit, chi tộc Giuđa. Maria nếu bà con gần với Zacaria, chắc thuộc chi tộc Lêvi, còn nếu là bà con gần với Elizabet thì chẳng biết thuộc chi tộc gì. Có người nói, Maria cũng thuộc hoàng tộc Đavit, dẫu vậy, vẫn chưa đủ, vì Israel theo chế độ phụ hệ, quan trọng là người cha. Chính anh sẽ đăt tên con trẻ là Giêsu. Bởi thế cần có một người cha nhân loại, thuộc dòng tộc Đavit, để các lời loan báo về Đấng Thiên Sai (Messia) ứng nghiệm. Cái “cho” thứ ba này nặng kí lắm đối với dân kinh sư và luật sĩ, bị điều họ không chịu nhận ra thôi, chứ nếu Giêsu không thuộc dòng dõi vua Đavit, là họ dễ dàng phi bác cái một. Đây là cái cho về mặt pháp lý, về mặt luật (Kinh Thánh là luật).

Vậy Giuse đã cho Giêsu 3 điều :

-được sống

-được sống trong gia đình

-được sống trong gia đình hoàng tộc.

Ngày nay thánh Giuse cũng cho chúng ta, những người em của anh cả Giêsu nhiều điều. Nhưng đó lại là đề tài của một bài giảng khác. Tuy nhiên những lời xướng trong kinh cầu ông thánh Giuse là một gợi ý đáng giá về những cái cho mà thánh Giuse dành cho chúng ta.

LM. An-Phong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Ngăn trở
Lm Vũđình Tường
19:56 17/12/2016
Cuộc sống luôn có những ngăn trở. Ngăn trở do chính mình gây nên cũng lắm mà do hoàn cảnh dẫn đến cùng nhiều. Ngăn trở rõ ràng nhất là những giấc mơ trong đời. Người nào cũng có những giấc mơ ước mong hoàn thành và những giấc mơ cho tương lai dài. Có những giấc mơ đến rồi qua đi rồi lại thêu dệt giấc mơ khác rồi lại để chúng qua đi rồi lại thêu dệt giấc mơ mới đến nỗi thân hữu cho là người sống tron mơ. Lí do không thực hiện được giấc mơ vì họ không thực hành điều mơ ước. Lại cũng có người thực hiện giấc mơ nửa chừng rồi chán nản, thất vọng để giấc mơ tan vào dĩ vãng. Một ít thực hiện giấc mơ cách tốt đẹp và hưởng thành quả tốt đẹp của điều hằng mơ ước.

Lịch sử Ơn Cứu Độ cũng có một số ít nhân tuyển vui lòng chấp nhận thay đổi giấc mơ cá nhân mình để thực hiện í định chung của Thiên Chúa. Họ chấp nhận từ bỏ giấc mơ cá nhân và thay vào đó là thực hiện sứ vụ thiên quốc với mục đích rõ ràng. Mục đích đó là cộng tác vào công trình cứu độ của Đấng Cứu Thế. Người đầu tiên chúng ta biết đến đó là Đức Trinh Nữ Maria, Đấng khấn sống trọn đời khiết trinh nhưng theo í Chúa qua ngôn sứ Đức Trinh Nữ chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Sau khi thưa hai tiến xin vâng cuộc sống trinh nữ của Mẹ hoàn toàn thay đổi. Người khác nữa là hai mẹ con là thánh nữ Elizbeth và thánh Gioan Tẩy Giả. Như bao nhiêu người mẹ khác luôn có những ước mơ riêng cho con mình nhưng thánh nữ vui lòng chấp nhận để con mình trở thành người mở đường cho Chúa Cứu Thế, sống trong hoang địa, mặc áo da thú và ăn châu chấu trộn mật ong. Người nữa cũng hoàn toàn thay đổi giấc mơ riêng để làm theo lời sứ thần là thánh Giuse. Phúc âm không ghi lại thánh Giuse có giấc mơ riêng gì nhưng qua trao đổi giữa thánh nhân và sứ thần thánh Giuse đã chấp nhận cưới cô Maria làm người bạn đường. Dù chấp nhận làm công việc đó nhưng thánh nhân trong hoàn cảnh sống cũng cảm thấy khó có thể thực hiện điều đã hứa. Sau nhiềm đêm mất ngủ, suy nghĩ chín chắn thánh Giuse đã định li dị cô Maria một cách kín đáo. Ý riêng đã quyết nhưng thánh nhân cảm thấy tâm hồn mất bình an. Âm thầm liên tục cầu nguyện tìm rõ í Chúa và sứ thần Chúa đến với thánh nhân qua những giấc mơ hướng dẫn đừng ngại tiếp tục lời đã hứa. Là người khôn ngoan tin vào lời cầu nguyện cộng thêm tính cẩn trọng không vội thi hành í riêng, thánh nhân thực hành lời sứ thần hướng dẫn trong giấc mơ và tìm lại bình an nội tâm. Chính bình an nội tâm là dấu chỉ rõ ràng giúp thánh nhân giữ trọn điều thề hứa thi hành thánh í Chúa đến cùng.

Nhiều người trong chúng ta cũng thi hành thánh í Chúa trong cuộc sống. Thánh í Chúa một cách chung cho tất cả mọi người là sống làm chứng nhân cho Chúa giũa đời và loan báo Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Ngoài thánh í chung ra mỗi cá nhân thường gặp khó khăn khi phải tìm hiểu thánh í riêng cho cá nhân mình. Điều rõ ràng là hầu như ai cũng có kinh nghiệm khi sống đời sống đạo chúng ta luôn có những lúc tự tin, cảm thấy con đường mình đang đi là con đường Chúa mời gọi chúng ta đi; khi khó khăn đến chúng ta lại cảm thấy con đường mình đang đi là con đường sai, con đường dẫn đến ngõ cụt. Đây chính là kinh nghiệm của Thánh Giuse khi chấp nhận là cha nuôi Đấng Cứu Thế. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, ơn gọi trong đời sống bị ngăn trở hãy học hỏi từ thánh Giuse, đừng vội vã, hấp tấp đi đến quyết định dứt khoát nhưng khôn ngoan, cẩn trọng và tin vào những kinh nguyện âm thầm trong đêm, tìm bình an cho tâm hồn nhất là bình an sau khi đã có giải đáp cho vấn đề. Lắng nghe tiếng nói nhẹ nhành trong đêm tối sẽ nhận ra ánh sáng của Lời Chúa.

Trong nhiều trường hợp bệnh tật và điều kiện xã hội ngăn cản ta thi hành í Chúa trong đời. Nhiều người muốn theo đời sống ơn gọi tu trì nhưng nếu sống trong xã hội người lãnh đạo không có thiện cảm với Thiên Chúa giáo thì ơn gọi đó thường bị ngăn cản. Sức ép của bạn bè và thiếu khuyến khích từ gia đình cũng là những cản trở cho việc thực hiện ơn gọi tu trì. Điều quan trọng cần nhớ là một khi con đường ta đang đi gặp ngõ cụt đừng quá chán nản, đầu hàng bởi nếu con dường này cụt sẽ có một con đường gần đó là con đường dẫn đến nơi tốt lành, có thể là nơi ta không muốn đến nhưng í Chúa nhiệm mầu, hiểu sao thấu. Tỉnh táo, cẩn trọng và kiên nhẫn tìm kiếm sẽ gặp được con đường mới dẫn đến đích Chúa mời gọi. Kẻ thất bại là kẻ đầu hàng. Học từ thánh Giuse, kiên tâm bền chí dẫn đến thành công.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2017 trình bày các suy tư về cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Lộ Đức
Đặng Tự Do
02:42 17/12/2016
Một câu trong Kinh Magnificat của Đức Trinh Nữ Maria “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” đã được chọn làm chủ đề cho sứ điệp Ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 25 diễn ra vào ngày 11 tháng 2 năm tới.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy niệm về những lần hiện ra của Đức Mẹ tại Lộ Đức, bên Pháp, vào năm 1858 và cuộc sống của Thánh Nữ Bernadette Soubirous.

“Ngay cả lúc này đây, trong tinh thần, tôi như đang hiện diện tại hang đá Massabielle, trước tượng Đức Trinh Nữ Maria, người mà Đấng Toàn Năng đã thực hiện những điều trọng đại để cứu chuộc nhân loại,” Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết như trên trong sứ điệp Ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 25, ký ngày ngày 08 tháng 12 và được công bố hôm 15 tháng 12.

Ngài viết tiếp:

“Cũng như Thánh Bernadette, chúng ta đứng dưới cái nhìn trìu mến của Đức Maria. Ðức Mẹ Rất Đáng Yêu Mến nói với thánh nữ với một sự tôn trọng không hề xem thường. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng tất cả mọi người là, và luôn luôn là một con người, và phải được đối xử với một sự tôn trọng như thế. Các bệnh nhân và những ai bị tàn tật, thậm chí nghiêm trọng, vẫn có một phẩm giá bất khả xâm phạm, và sứ vụ riêng của mình trong cuộc sống.”

“Ðức Mẹ Rất Đáng Yêu Mến đã yêu cầu thánh nữ cầu nguyện cho những người tội lỗi. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng những người yếu đau và buồn khổ không chỉ mong muốn được chữa lành, nhưng cũng họ cũng mong được sống một cuộc sống Kitô đích thật, thậm chí đến độ chấp nhận đau khổ ấy như các môn đệ truyền giáo đích thực của Chúa Kitô”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm:

“Đức Maria đã trao cho thánh nữ Bernadette ơn gọi phục vụ người bệnh và mời gọi cô trở thành một nữ tu Bác Ái, một sứ mệnh mà thánh nữ đã thực hiện rất gương mẫu đến độ trở nên một mô hình cho mỗi nhân viên y tế. Trước các bệnh nhân là những người chắc chắn cần sự trợ giúp của chúng ta, lắm lúc cả trong các việc đơn giản nhất, chúng ta hãy xin Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ban cho chúng ta ân sủng luôn luôn biết nhận ra nơi họ những ân sủng riêng mà họ có thể chia sẻ với người khác.”

Source: Catholic World News - Pope recalls Lourdes apparitions in message for World Day of the Sick
 
Tục lệ Đón Giáng Sinh 'Simbang Gabi' cuả người Philippines.
Xavier Nguyễn Đông
10:53 17/12/2016

Hầu như ở khắp mọi nơi, người Philippines sẽ đi dự lễ vào lúc bình minh ngày hôm nay, để khai mạc một tập tục tốt đẹp '9 ngày lễ hội' gọi là Simbang Gabi, dịch ra là Lễ Bình Minh.

Đây là một truyền thống đã ăn sâu vào nền văn hóa địa phương, có thể gọi là 'quốc hồn quốc tuý' cuả người Philippines trong dịp Giáng sinh, được cử hành để chờ đợi Giáng sinh và để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria.

Truyền thống bắt đầu từ năm 1587 ở Mexico khi Đức Giáo Hoàng ban phép cho Fray (Phan Sinh Khó Nghèo) Diego de Soria được cử hành lễ Giáng Sinh ở ngoài trời vì không thể cử hành lễ đêm với số lượng người tham dự quá đông.

Do đó những lễ Giáng sinh vào thời điểm này được tổ chức vào thời khắc sau nửa đêm, cũng là để tượng trưng cho thời gian Chuá thực sự được sinh ra. Dần dà, giờ lễ được điều chỉnh thành thời gian trước bình minh để cho giáo dân cỏ thể bắt đầu những công việc ban ngày sau đó.

Với bước chân cuả những nhà thám hiểm Tây Ban Nha (Conquistadores), Lễ Bình Minh đã được du nhập vào Philippines vào khoảng thế kỷ 17.

Từ đó, hễ tiếng chuông nhà thờ đánh thức mọi người, thì hàng loạt đông đảo những 'con chiên ngoan đạo' cũng lũ lượt kéo nhau tới nhà thờ, đi giữa hai hàng ánh sáng nhấp nháy cuả những chiếc đèn lồng Giáng sinh trang trí ở trước nhà.

Ở vùng nông thôn, nhiều nơi có tổ chức những ban kèn đồng, chơi nhạc Giáng sinh quanh phố, một giờ trước lễ, để thúc đẩy các tín hữu đi nhà thờ.

Thậm chí có nơi, các linh mục giáo xứ còn đi gõ cửa từng nhà để đánh thức tín hữu...

Đây là giờ thuận lợi cho nông dân và ngư dân phải đi làm việc sớm. Họ có thời gian để nghe Tin Mừng và cầu nguyện cho 'mưa thuận gió hoà' trước khi đi đến trang trại hoặc ra biển.

Mặc dù ngày nay đã có nhiều thay đổi, Simbang Gabi vẫn tiếp tục là nền tảng của dịp lễ Giáng sinh.

Thể thức là đọc kinh Truyền Tin lúc 06:00g chiều, lần chuỗi Mân Côi trong gia đình vào ban đêm và chúc lành cho trẻ em bằng dấu thánh giá trước khi chúng đi ngủ, sau đó là đi Lễ bình minh.

Lễ bình minh là di sản truyền giáo được người Tây Ban Nha để lại. Là dịp cho người dân học hỏi về ý nghĩa của Giáng sinh và chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế. Cũng còn là dịp để dạy giáo lý về ý nghĩa của thánh lễ Misa.

Simbang Gabi, từ khởi đầu, là một cơ hội thuận lợi cho các linh mục và giáo dân loan truyền cho cộng đồng bên ngoài về việc Giáng Sinh của Chúa và được vui mừng trong lời hứa của Đấng Cứu Thế.

Truyền thống Simbang Gabi vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả sau khi người Tây Ban Nha bị người Mỹ đánh bại, nhưng nó đã trở thành một lễ hội có tính cách xã hội, du nhập thêm vào những trào lưu phổ biến như salo-salo, có nghĩa là Tụ Tập Chung Vui.

Trong khi những du nhập mới này làm cho Simbang Gabi được chấp nhận nhiều hơn, ý nghĩa tôn giáo đã bị suy giảm vì người ta đi nhà thờ không còn là để chuẩn bị tinh thần cho việc Chúa Kitô đến, nhưng là để gặp gỡ gia đình và giao lưu xã hội.

Một số chuyên gia về tôn giáo mô tả Simbang Gabi là một hình thức đạo đức bình dân.

Trước đây, trước Công Đồng Vatican II, Giáo Hội coi những tục lệ đạo đức bình dân với một cái nhìn hoài nghi vì những khía cạnh tiêu cực được nhấn mạnh nhiều hơn là tích cực. Tuy nhiên sau Công Đồng thì những tục lệ đạo đức bình dân đã được chấp nhận nhiều hơn.

Để giảm bớt khía cạnh tiêu cực, Tổng Giáo Phận Manila (Rcam) khuyên người Philippines đi tham dự lễ hội Simbang Gabi, dù ở đâu, cũng nên ăn mặc phù hợp.

Nghĩa là không mặc quần short, áo không tay, ngay cả khi đi tham dự Simbang Gabi trong những trung tâm thương mại.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô ăn mừng sinh nhật với người vô gia cư
Biển Đức Phan Anh
12:44 17/12/2016

Theo tin AP thì Đức Thánh Cha Phanxicô đã ăn mừng sinh nhật thứ 80 một cách giản dị: ăn sáng với tám người vô gia cư trước khi cử hành Thánh Lễ với các Hồng Y, trong khi những lời chào mừng từ khắp nơi trên thế giới tới tấp gửi đến thùng thơ điện tử của Ngài.

Đức Thánh Cha đã nói chuyện riêng với từng người khách vô gia cư, bốn người là người Ý, hai người Rumani, một người Moldova và một người Peru, tại phòng ăn cuả Nhà Thánh Martha, nơi ngài trú ngụ, và chia sẻ một chiếc bánh cỏ hương vị Argentina với họ trước khi đi cử hành thánh lễ.

Khách mời đã tặng ĐGH một bó hoa hướng dương. Họ là những người vô gia cư ở xung quanh quảng trường Thánh Phêrô và khu nhà tắm gần đó, là nhà tắm đã được dựng lên do sáng kiến cuả 'vị quan phát chẩn' (almsgiver) của Đức Giáo Hoàng.

Tâm sự với các Hồng Y trong bưổi lễ sau đó, ĐGH đưa ra vài suy tư về tuổi già, ngài nói, "Một vài ngày qua, tôi đã có trong tâm trí một từ có vẻ xấu xí: Tuổi già, một ý nghĩ đáng sợ" Nhưng sau đó ngài nhớ lại lời nói mà ngài đã phát biểu trong lời chào đầu tiên khi lên ngôi giáo hoàng vào năm 2013: "Tuổi già là khao khát tri thức"

Ngài nói thêm: "Tôi hy vọng nó vẫn là như thế đối với tôi."

Thứ bảy là một ngày làm việc ở Vatican, và ĐGH Phanxicô vẫn giữ tốc độ bình thường, tức là họp với Tổng thống cuả đảo quốc Malta, tiếp đón các thành viên của cộng đồng Nomadelfia, là một nhóm giáo dân sống theo lối sống cuả các Kitô hữu tiên khởi, họ đã hát bài "Happy Birthday".

Những lời chúc mừng đã đến từ khắp nơi trên thế giới qua hình thức tin nhắn cá nhân và qua 'tweet' ngắn gọn với hashtag #Pontifex80.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ĐGH Phanxicô "truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh thế giới với thông điệp về tình thương, hy vọng và hòa bình", trong khi Tổng thống Ý Sergio Mattarella, lập lại lời cuả Đức Giáo hoàng kêu gọi châu Âu hãy bày tỏ tình đoàn kết với những người di cư ít may mắn, đặc biệt "những người tị nạn và tất cả những người sống ngoài lề xã hội ".

Đức Thánh Cha đã đặt 1.500 bánh sinh nhật cho nhà bếp đang phục vụ người nghèo và người vô gia cư ở Rome.
 
Mạng Lưới 'Trở về Nhà' ở Hoa Kỳ đạt kỷ lục số người trở lại Công Giáo năm 2016
Kateri Diễm Châu
15:55 17/12/2016

Theo CNA / EWTN News ngày 16 tháng 12 năm 2016, thì Mạng Lưới 'Trở về Nhà' (Coming Home network), là tổ chức phục vụ những người cải đạo sang Công Giáo, sẽ kết thúc năm 2016 với một con số kỷ lục, hơn 5.000 thành viên mới.

Mạng Lưới được thành lập để giúp "cuộc hành trình chuyển đổi sang Công Giáo cuả những người Tin Lành và những Kitô hữu ngoài Công Giáo khác, được gặp gỡ những người Công Giáo chân chính, cũng như gặp gỡ những người đã chuyển đổi có kinh nghiệm về những khó khăn của cuộc hành trình đi vào Giáo Hội," ông JonMarc Grodi, giám đốc của Mạng, nói.

"Đạt được con số này là một thách thức tuyệt vời, bởi vì sứ vụ cuả chúng tôi là một sứ vụ rất cá nhân. Chúng tôi phải nỗ lực để hiểu cuộc hành trình và nhu cầu của từng cá nhân một, và giúp đỡ họ một cách phù hợp, " Grodi tiếp tục.

Mạng Lưới 'Trở về Nhà' là một chương trình mục vụ được thành lập bởi các thành viên của Chương trình 'Hành trình Về Nhà,' (The Journey Home program) được phát sóng trên chương trình Công Giáo EWTN . 'Mạng' được thành lập 25 năm trước đây, và cung cấp các tài liệu 'hộ giáo' (apologetic, biện luận cho giáo lý ), các cuộc tĩnh tâm, và những chương trình giáo lý đồng hành với các cá nhân trên con đường trở về Công Giáo.

'Mạng' bắt đầu ghi chép số thống kê vào năm 1993, và cho biết năm 2016 là năm đánh dấu con số lớn nhất.

Để giải quyết con số ngày càng tăng, 'Mạng' đã sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội tiên tiến và thiết kế lại trang web để có hiệu quả hơn. Họ cũng chuẩn bị một đội ngũ nhân viên để "đáp ứng nhu cầu gia tăng cuả những dò hỏi (inquiries)."

Những người tham gia hành trình trên 'Mạng' trong năm 2016 "bao gồm các giáo sĩ không Công Giáo, giáo sư chủng viện, chủng sinh, giáo sĩ, giáo dân, lãnh tụ đoàn thể và thậm chí cả vợ hoặc chồng hàng giáo sĩ."

Trong số các thành viên có người "tìm cách gia nhập Giáo Hội Công Giáo" và cũng có người đã là Công Giáo nhưng bỏ đạo nay "muốn kinh nghiệm một sự trở lại với đức tin của họ".

Nhiều người chuyển đổi sang Công Giáo hiện đang phục vụ Giáo Hội trong nhiều cách khác nhau: ngoài bậc giáo dân, nhiều vị là giám mục, linh mục, phó tế và tu sĩ.

"Họ đang phục vụ trong mọi cách có thể tưởng tượng được," Grodi nói.
 
Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ có thể giúp thế hệ bị nghiện ngập không?
Giuse Thẩm Nguyễn
19:49 17/12/2016
Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ có thể giúp thế hệ bị nghiện ngập không?

(EWTN News/CNA) Giới trẻ Hoa Kỳ hiện nay đang bị chết với một mức độ chưa từng thấy từ cuộc chiến tranh Việt Nam.

Không phải họ bị chết nơi trận mạc, nhưng họ bị chết do tác hại của uống thuốc quá liều lượng, nghiện rượu, bệnh thần kinh và tự tử, ở mức độ cao hơn 200 phần trăm so với thập niên 1980.

Một bản tường trình mới đây của viện nghiên cứu về sức khỏe Hoa Kỳ thì có tới 27 triệu người Mỹ có vấn đề về việc dùng thuốc theo toa, ma túy hay rượu. Trong số đó, chỉ khoảng 10 phần trăm là được giúp đỡ có hiệu quả.

Không phải chỉ việc nghiện ngập gia tăng mà những hành vi gây nên do nghiện cũng đang tăng lên tới mức báo động. Đặc biệt là việc nghiện xem phim, hình ảnh khiêu dâm đã leo lên tới mức được coi như khủng hoảng.

Một cuộc khảo sát của Viện Thông Tin Kỹ Thuật Sinh Học Quốc Gia cho biết rằng có vào khoảng 47 phần trăm tất cả những người trưởng thành ở Mỹ đã phải chiến đấu với ít nhất một trong 11 loại nghiện phổ biết nhất cả về nghiện hành vi hay nghiện chất thuốc.

Điều này có nghĩa là không loại trừ những người Công Giáo tham dự các Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, có thể chính họ hay người thân cũng đã trải qua những hình thức nghiện này.

Như thế Giáo Hội sẽ làm gì để giải quyết vấn nạn đó?

Hiểu được bệnh nghiện.

Tiến sĩ Gregory Bottaro là một nhà tâm lý, cũng là nhà sáng lập và giám đốc của Viện Tâm Lý Công Giáo ở tiểu bang Connecticut. Ông thường tiếp xúc với các khách hàng đang gặp phải bệnh nghiện hành vi hay nghiện chất thuốc.

Ông cho biết nghiện là do thiếu hiểu biết về chứng nghiện cũng như thiếu ý chí.

Ông nói với đài EWTN rằng “Bạn cần biết là bệnh nghiện thực sự đi từ não, do vậy cần phải thường xuyên ngồi xuống và nói về những vấn đề bạn đang gặp phải. Những hóa chất trong não làm bạn mất sự quân bình và một căn bệnh thực sự đang xảy ra trong não, vì thế tìm cách giải quyết tâm trạng này qua nhiều góc độ khác nhau là điều rất quan trọng.”

Tiến Sĩ Batto nói rằng sự lạm dụng hành vi hay chất thuốc đến một mức nào đó thì được coi như nghiện. Thông thường chứng nghiện xảy ra khi một người buộc phải lệ thuộc vào một chất thuốc hay hành vi và họ tiếp tục làm điều đó dù biết hậu quả tệ hại và có ý muốn dừng lại.

Người nghiện quen dần với chất thuốc và càng muốn hơn nữa để cho đã cơn thèm. Nghiện hành vi cũng vậy, người ta quen dần với việc coi phim hay hình ảnh khiêu dâm và càng muốn xem nhiều hơn nữa để thỏa mãn.

Erik Vagenius là sáng lập viên của Hội Giúp Lạm Dụng Chất Thuốc, viết tắt là SAM Scripts. Hội này giúp người nghiện nhận ra chứng nghiện để tìm sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn. Erik đã làm việc trong lãnh vực này trên mười năm và chính ông cũng từng thoát ra khỏi chứng nghiện rượu, nói rằng bước đầu tiên để chữa chứng nghiện là nhận ra mình đang nghiện.

Ông nói với EWTN rằng sự hậu thuẫn của cộng đồng dân Chúa sẽ góp phần trong việc giúp các người nghiện cũng như ai đó bị bệnh ung thư thoát khỏi mặc cảm.

Chứng nghiện không phải là vấn đề của Giáo Hội, nhưng người nghiện cũng hay viện những lý do để biện hộ cho mình, đó là kinh nghiệm của những người đã từng vướng vào các chứng nghiện.

Đức Tin phải làm gì với chứng nghiện.

Từ lâu đức tin đã là nguyên tắc cho nhiều chương trình phục hồi cai nghiện. Một trong những chương trình phổ biến nhất là Alcoholic Anonymous ( tạm dịch là Chương Trình Giúp Tự Cai Nghiện Rượu) dựa trên niềm tin Kitô giáo vì người đồng sáng lập là Bill Wilson, cũng đã phục hồi sau khi phải nhập viện vì chứng nghiện rượu vào năm 1934. Ông đã tham gia vào nhóm Oxford, một phong trào Kitô giáo có tiếng ở Mỹ và Châu Âu vào thời điểm đó và giúp thành lập Chương Trình Giúp Tự Cai Nghiện Rượu.

Nhóm Oxford khuyến khích và vận động nguyên tắc của chương trình AA là tự kiểm tra, nhận ra những sai phạm và phục hồi những thiệt hại gây cho người khác.

Hiện nay người tham dự chương trình không buộc phải có cùng niềm tin dù nhóm này vẫn tự coi mình là nhóm tâm linh. Bốn trong 12 giai đoạn trong chương trình AA nhắc đến Thiên Chúa và giai đoạn 12 mời gọi sự thức tỉnh của tâm linh như là kết quả của các giai đoạn trước.

Vagenisu cũng coi việc phục hồi chứng nghiện là một cuộc chiến tâm linh khi ông nói “Chúng ta đang phải đối diện với căn bệnh tâm linh và đó là lý do Giáo Hội cần tham gia vào.”

Trang mạng của SAM Scripts chỉ ra rằng “nghiện là một căn bệnh tâm linh, nó tách rời một người ra khỏi chính mình, những người thân yêu và Thiên Chúa. Nhiệm vụ của SAM là giúp những người này nối kết lại qua giáo dục, ngăn ngừa, giới thiệu và sự trợ giúp của gia đình.”

Tiến sĩ Battaro cho biết ông cũng kết hợp niềm tin trong các chương trình phục hồi cai nghiện của ông. Ông nói rằng ông đã rất phấn chấn sau khi nghe buổi nói chuyện của diễn giả Công Giáo là Christopher West, người chuyên về Thần Học Thân Xác.

Về cơ bản chúng ta có sự mong ước và những mong ước của chúng ta thì vô cùng. Vì Thiên Chúa tạo nên chúng ta với mong ước mãi như thế nên chúng ta có thể trở thành một trong ba loại người: người theo chủ nghĩa khắc kỷ, người nghiện hay người theo chủ nghĩa thần bí.

Người theo chủ nghĩa khắc kỷ bỏ qua hay cố đè nén các mong ước và coi như nó không hề có. Người nghiện thì cố sức thỏa mãn những mong ước với những gì có thể và người theo chủ nghĩa thần bí thì trao những mong ước của mình cho thượng đế vì sự huyền bí vượt ra ngoài sự hữu hạn của cuộc sống này.

Dù là cái nhìn trừu tượng về một chứng bệnh có thật nhưng vẫn có nhiều chương trình Công Giáo nhằm giúp đỡ thiết thực cho những người muốn cai nghiện ở mọi cấp độ.

Những chương trình phục hồi của Công Giáo.

Tiến sĩ Battaro đã có chương trình 8 tuần cai nghiện trên mạng gọi là Catholic Minfulness để ai cũng có thể truy cập vào. Để chữa trị cần sự nhận thức về việc quan phòng của Thiên Chúa.

Hãy nhìn vào sự nhận thức của mình, bạn đang chỉ cho não của bạn biết là bạn đang được an toàn, bởi vì tâm trạng lo lắng là cách Thiên Chúa ban cho bạn để phản ứng lại với sự nguy hiểm. Vấn đề là chúng ta xử dụng quá mức…chúng ta có tâm trạng lo lắng, nhưng rất nhiều khi chúng ta không thực sự ở trong tình trạng nguy hiểm. Do đó nhận thức là chỉ lo chú tâm vào những gì đang thực sự xảy ra lúc này để thuyết phục não của mình rằng mình đang an toàn và sự an toàn ấy điều chỉnh hóa chất trong não.

Đối với Giáo Hội Công Giáo thì chúng ta luôn được an toàn vì chúng ta có Cha là Đấng yêu thương và Cha luôn gìn giữ chúng ta trong vòng tay Ngài và chúng ta có lý do để tin rằng mọi việc sẽ đâu vào đó.

Vagenius giới thiệu những người trong nhóm SAM là những anh chị chia sẻ thời gian và tài năng của họ qua các buổi nói chuyện, gặp gỡ, đem lại hy vọng, sự chữa lành và hòa giải cho những người vướng vào nghiện. SAM cung cấp nơi chốn an toàn và tín cẩn cho những người tìm sự giúp đỡ và giới thiệu ở cấp giáo xứ.

Thành viên của nhóm không nhất thiết là đã phục hồi cai nguyện, nhưng cần phải quen thuộc với việc nghiện và phải được chấp thuận của cha xứ của mình.

Hình thức sinh hoạt có thể khác nhau tùy theo hoàn cảnh của các giáo xứ, lệ thuộc vào những người tham gia cũng như nhu cầu của cộng đồng đức tin. Việc huấn luyện của Vagenius đưa ra mẫu sinh hoạt cơ bản và rồi nhóm SAM của giáo xứ phát triển tùy theo nhu cầu của giáo xứ.

Tùy thuộc vào mỗi người, có người cần quan tâm đặc biệt hơn bao gồm trị liệu tâm lý ngoại trú và tư vấn của nhóm và nếu cần có thể đến tận nhà.

Trung tâm tĩnh tâm Gregory là một chương trình Công Giáo tại gia cho những người trưởng thành đang chiến đấu với nghiện ma túy ở Adair, tiểu bang Iowa.

Chương trình này cung cấp nơi ăn ở cho người nghiện, nam cũng như nữ và giúp sự tiếp cận toàn diện, kết hợp những nghiên cứu tốt nhất về tâm lý, sức khỏe, xã hội và những phương pháp khác.

Chương trình nhắm vào việc nghiện hành vi theo bốn khía cạnh khác nhau của cuộc sống: sinh học, tâm lý, xã hội và tâm linh.

Ngoài việc tư vấn, sinh hoạt xã hội và tập thể dục, người cai nghiện còn hàng ngày tham dự Thánh Lễ và thường xuyên chịu các phép bí tích.

Natalie Cataldo, Quản lý của trung tâm Gregory nói với đài EWTN rằng sự phối hợp tinh thần trong tiến trình phục hồi đã chứng tỏ có nhiều hiệu quả tốt, và thêm rằng những người cai nghiện thành công thường là họ đời sống tâm linh sống động.

Những người đến với chúng tôi thường không có một quá khứ tốt đẹp. Với bí tích hòa giải, họ có thể được tha thứ… cho họ có cảm giác là loại bỏ được quá khứ, tạo một thói quen tốt trong tương lai và họ có thể bắt đầu làm lại để có sự chọn lựa tốt hơn. Họ cũng tự suy nghĩ và tự đánh giá.

Những người đã phục hồi rồi thì có những chương trình giúp họ trở lại với cuộc sống thường nhật.

Tiến sĩ Battaro làm việc cho một cơ sở như thế, Ender’s Island ở Connecticut, một chương trình tại gia cho những bạn trẻ “có và không có đức tin” vừa xong chương trình phục hồi. Nó giúp thực tập 12 giai đoạn và hướng tới đời sống thường nhật như tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các phép bí tích.

Cái khó khăn nhất để giúp người nghiện là sự khước từ của chính bản thân họ và cái mặc cảm cần tìm sự giúp đỡ. Tăng cường giáo dục và sự hiểu biết của mọi người trong Giáo Hội sẽ giúp vượt qua những rào cản này.

Điều quan trọng để có sự hỗ trợ và sự hiểu biết là chúng ta có những cách khác để chiến đấu chống lại bệnh nghiện hơn là chỉ cầu nguyện, hay chỉ đặt vấn đề rồi không làm gì cả cho đến lúc qua trễ để được giúp đỡ.

Một khi bạn tìm kiếm sự giúp đỡ, thì luôn có cơ hội rộng mở.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Nghĩa trang Công giáo ở Texas an táng miễn phí cho các bào thai đã chết vì bị phá hay sẩy thai.
Nguyễn Long Thao
22:38 17/12/2016
Nghĩa trang Công Giáo ở Texas an táng miễn phí cho các bào thai đã chết vì bị phá hay sẩy thai.

Giám đốc hội Công Giáo Texas phát biểu "Đối với phần còn lại của thi thể con người, chúng ta phải xử sự một cách có nhân ai, kính trọng, bất kể họ đã sống bao lâu và đã chết như thế nào.

Texas hiện đang phải phải đối mặt với những vụ kiện chống lại việc chôn cất hay hỏa táng thi hài thai nhị bị phá hay sẩy thai. Nhưng tại các nghiã trang Công Giáo tại Texas các Đức Giám Mục vẫn cho phát triển chương trình cung cấp việc chôn cất miễn phí cho các bào thai đã chết.

Bà Jennifer Carr Allmon, Giám Đốc Hội Công Giáo Texas tuyên bố “ Việc chôn cất người chết là một hành động của lòng thương xót. Chúng tôi đối xử một cách nhân ái, và kính trọng đối với phần cơ thể của con người, bất kể họ đã sống bao lâu và đã chết như thế nào.

Ở Texas có 50 nghiã trang Công Giáo. Ở Tổng Giáo Phận San Antonio việc cung cấp chỗ và dịch vụ mai táng cho các thai nhi bị phá đã được thực hiện từ lâu. Nhiều bệnh viện đã hợp tác với các nhà quàn để chôn cất phần còn lại của các thai nhi bi phá.

Theo dữ liệu của Sở Y tế bang Texas thì chỉ nội trong năm 2014, tại Texas có gần 55.000 trường hợp nạo phá thai.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đêm Yêu Thương đượm thắm ân tình tại Hội Dòng Thánh Tâm Huế
Aug. Nam Phong
19:53 17/12/2016
Đêm Yêu Thương đượm thắm ân tình tại Hội Dòng Thánh Tâm Huế

Tối ngày 14/12/2016, tại dòng Thánh Tâm Huế đã diễn ra chương trình “Đêm Yêu Thương” hết sức ý nghĩa, dành cho các trẻ em nghèo, trẻ em ở các trung tâm khuyết tật.v.v.. Đồng thời, đây cũng là dịp để Hội Dòng Thánh Tâm Huế, cũng như mọi người bày tỏ lòng biết ơn chân thành và Tri Ân Đức Tổng Phanxicô xaviê - vị chủ chăn đầy tình thương, trong bầu khí chan hòa Tình Chúa và thắm đậm tình người.

Xem Hình

Hòa vào trong những phút giây gặp gỡ, sinh hoạt hát ca vui nhộn giữa các em, khoảng 18g30, chương trình Đêm Yêu Thương bắt đầu, với những liên khúc sôi động của Lưu Trú Thánh Tâm, Merry Chrismas của Trung Tâm Nguyệt Biều, Hợp xướng của Sinh Viên Công Giáo, cùng nhiều tiết mục thú vị khác.

Đến tham dự “Đêm đặc biệt ý nghĩa” này, có sự hiện diện của Đức Tổng Phanxicô Xavie, Nguyên Tổng Giám mục – Tổng Giáo Phận Huế; Cha Êmiliano, phó Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Tâm; Quý Cha chánh xứ, Quý cha, Quý Bề trên các Hội Dòng; quý tu sĩ nam nữ, ân thân nhân, khách mời và thành phần tham dự đặc biệt- là các trẻ em nghèo và khuyết tật.

Đây là năm thứ 5 ( năm thứ nhất diễn ra 2004) cha Giuse Phan Tấn Hồ, đại diện Dòng Thánh Tâm đứng ra tổ chức “Đêm Yêu Thương”. Thật ra nội dung chương trình nhắm đến sự kiện mang yêu thương đến với các thanh thiếu niên nghèo, nương theo sứ vụ của Dòng Thánh Tâm đó là giáo dục thanh thiếu niên và người cùng khổ. Hơn nữa, dịp này Ban Tổ Chức muốn gói trọn mọi cung bậc hân hoan dâng về Chúa Hài Đồng, để nên như lời nguyện xin Chúa ban muôn điều thiện hảo xuống trên Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavie, thay cho lời tri ân của Hội Dòng vì những lao công to lớn của Đức Cha dành cho Tổng Giáo Phận Huế nói chung và Dòng Thánh Tâm nói riêng.

Đại diện cho Ban Tổ Chức, Cha Tổng thư ký,Giuse Phan Tấn Hồ, biểu lộ sự vui mừng và hân hoan chào đón Quý Đức Cha, Quý cha, Quý vị Ân nhân và mọi thành phần tham dự. Cách riêng là Đại Gia đình Chị Maria Vũ Thụy Lê Thủy, những người bạn đến từ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, các ca sĩ, nhạc sĩ…đã quảng đại tài trợ để tổ chức Đêm Yêu Thương này.

Trong tiếng vỗ tay vang rền, Đức Tổng Phanxicô xaviê - Vị chủ chăn tận tình, đầy lòng nhiệt thành, ân cần chia sẻ rằng: “Thiên Chúa đã trao ban Tình thương cho chúng ta, khi đến trần gian này, Ngài vẫn tiếp tục dậy chúng ta hãy trao ban tình thương cho nhau trong cuộc sống…dầu chỉ là một cái bắt tay thân thiện, một cái nhìn cảm thông, một lời nói khích lệ, xin lỗi, cám ơn…cũng ấm lòng và tốt đẹp biết bao...”.Tiếp đó, Ngài chính thức tuyên bố khai mạc Đêm Yêu Thương.

Chị Maria Vũ Thụy Lê Thủy đại diện các nhà tài trợ phát biểu, và gọi các em với giọng thật thân thương, trìu mến “ chào các con…”. Bên cạnh đó, với sự cảm thông, chia sẻ, chị đã giúp các em cảm nhận được hơi ấm tính người; về những nghĩa cử cao đẹp, về đạo lý dân tộc, làm hành trang giúp trẻ bước vào đời; và động viện các em cố gắng học tập, vươn lên, vượt qua khó khăn và thử thách về sức khỏe, bệnh tật nghèo đói, rèn luyện để trở thành người tốt, cố tâm có đức có tài để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Đồng thời, luôn biết sống bằng tình yêu của Chúa, bằng trái tim nhân hậu của Mẹ Maria Thánh Mẫu La vang, để mang niềm vui và sự ấm áp cho mọi người…

Đan xen với những tiết mục sôi động và ý nghĩa như: Merry Christmas, hip hop của trẻ em Gx. Phủ Cam; Bé vui Noel của Trẻ em TT Nước Ngọt; Nhảy hiện đại của Đệ Tử Viện; Oh! Holy Night – Xuân và tuổi trẻ; Khát vọng Yêu thương, Khúc cảm tạ của ca sĩ Tiến Lực và nhóm bạn; hay những điệu múa “ Tình Cha cho con” đậm thắm ân tình của Quý chị Bác Ái Vinh tri ân Đức Tổng..v.v. là phần bốc số trúng thưởng đầy hồi hộp, rộn tiếng cười với những phần quà giá trị, hấp dẫn và thú vị mà Đức Tổng Giám mục, Quý Cha, Quý souer, Nhà tài trợ dành cho các em.

Trước khi kết thúc chương trình Đêm Yêu Thương, Cha Phó Bề trên DTT Huế phát biểu, bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến Đức Tổng Phanxicô Xaviê- người đã thương quan tâm, hướng dẫn đồng hành trong những năm qua, cũng như hiện diện để trao ban tình thương của vị mục tử nhân lành đến cho trẻ em và mọi người, chứng kiến những công việc bác ái chia sẻ của hội dòng. Đồng thời, trong tình yêu của Thánh Tâm Chúa, Cha Êmiliano kính chúc Đức Tổng sức khỏe và vui hưởng ân lộc Chúa ban sau một đời phục vụ Chúa, hội thánh trong xứ vụ mục tử của mình.

Bên cạnh đó, Cha Êmiliano cũng không quên cám ơn những nghĩa cử yêu thương cao quý mà quý vị Ân nhân, cách riêng là gia đình chị Vũ Thị Lệ Thúy và những người bạn góp công, góp của để làm lên đêm yêu thương này. Cám ơn các trẻ và mọi thành phần tham dự. Theo đó, Cha cầu mọi người luôn được dồi dào An Bình của Thiên Chúa và Tình thương của Chúa Hài Đồng.

Đêm yêu Thương đã khép lại trong niềm vui và rộn rã tiếng cười của tất cả mọi người. Bởi chính nơi đây, các em không chỉ đón nhận được những phần quà ý nghĩa, được ăn uống cười đùa thỏa thích, mà còn cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ... Nhìn các em hân hoan, phấn khởi trong vẻ mặt ngây thơ, hạnh phúc… đó cũng chính là lời cám ơn Thiên Chúa, lời cầu nguyện đơn sơ, với những khát khao thắm đậm tình người được biểu lộ dành cho những người tổ chức, quý vị ân thân nhân mà tất cả các em muốn gửi đến.

Được biết, có tới 12 đoàn tham dự Đêm Yêu Thương vừa qua, là các trung tâm, mái ấm nghèo và khuyết tật: TT Nước Ngọt; Mái ấm Nguyệt Biều; TT Sơn ca; Chùa Long Thọ; Tổ 14 – Vỹ Dạ; Các em Hội EDM; Các em Sr Bác Ái Vinh; Gx. Thủy Yên; Gx. Phủ Cam; Gx. An Truyền; Gx. Phú Hậu; Gx. Thiên An. Con số tổng cộng lên tới gần 900 em.

Quả vậy, Đêm Yêu Thương được tổ chức tại Dòng Thánh Tâm Huế là sự biểu lộ tình thương và lòng quảng đại được diễn tả không phải dừng lại ở lời nói, nhưng là ở hành động của con tim biết rung cảm; biết noi theo Lòng Thương Xót Chúa để mở rộng cánh cửa tâm hồn, để cảm tạ, yêu thương và đón nhận niềm hi vọng trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Aug. Nam Phong
 
Phong trào Cursillo Ngành Việt Nam Melbourne Mừng Giáng Sinh 2016
Trần Văn Minh
14:16 17/12/2016
Melbourne, chiều Thứ Bảy ngày 17/12/2016, từ lúc 2 giờ 30, tại Thánh đường Saint Margaret Mary, vùng Brunswick. Phong trào Cursillo Ngành Việt Nam thuộc Tổng Giáo phận Melbourne đã tổ chức dâng Thánh lễ tạ ơn và mừng Chúa Giáng Sinh năm 2016.

Mời xem hình

Thánh lễ do Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Chánh xứ Giáo xứ St Margaret Mary, cũng là linh hướng của phong trào Cursillo chủ tế, cùng với Ca đoàn Cursillo và các hội viên của phong trào, thân hữu và gia đình về để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn. Trong dịp này, Cha linh hướng cũng hiệp ý cùng mọi người cầu nguyện cho các hội viên đã qua đời.

Trong phần chia sẻ lời Chúa. Linh mục chủ tế đã kể hai câu chuyện đời nói về một con chó đã chiến đấu với con rắn độc để bảo vệ gia đình chủ của nó. Một chuyện khác là một người qua đường đã giúp một người mù chuyển được ý nghĩa về sự kém may mắn của mình đến tha nhân. Tất cả nói nên sự yêu thương và thông điệp đánh động lương tâm những người thờ ơ đến anh em, đồng loại. Người hội viên của phong trào có đôi bàn tay, một tay nắm chặt Thầy Chí Thánh Giê Su, còn tay kia cũng phải biết đưa ra nắm lấy anh em đồng loại.

Với ý nghĩa đó nên khi thực hiện nghi thức chúc bình an, mọi người đã cùng nắm tay nhau nối kết từ Linh mục chủ tế đến tới hết mọi người hiện diện trong nhà thờ và hát bài: bình an của Chúa.

Trước khi Linh mục chủ tế ban phép lành cuối lễ, chị Maria Tống Thị Quế đã lên cám ơn Cha Linh hướng, các khối trong phong trào và toàn thể các hội viên đã về để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn cuối năm, cùng chúc mọi người một mùa Giáng Sinh an bình và chào đón năm mới 2017 đang đến. Cùng nhắc nhở mọi người trong phong trào luôn sống trong tinh thần Cursillo “khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại.” Mời mọi người cùng tham dự buổi văn nghệ và tiệc mừng Chúa Giáng Sinh tại hội trường giáo xứ.

Buổi văn nghệ thật đặc sắc, đa dạng từ hợp ca của các liên Nhóm Toma Thiện, vũ của các Nhóm Andre Dũng Lạc, Andre Phú Yên, Nhóm trẻ và Liên nhóm Vinh Sơn Liêm, song ca của hai cha con anh Quang Minh và bé Vincent. Sau phần văn nghệ, Cha Linh hướng được mời ra chủ tọa chương trình xổ số thật vui nhộn với ông Santa ngồi trao giải, chụp hình lưu niệm trong tiếng cười vui của mọi người. Và bữa ăn nhẹ đã kết thúc Đại hội Giáng Sinh Năm 2016 của Phong trào Cursillo Ngành Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne trong tiếng cười, niềm vui đón mừng Chúa ra đời.
 
Bổn Mạng Giáo Đoàn Georges Hall Sydney
Diệp Hải Dung
21:33 17/12/2016
Bổn Mạng Giáo Đoàn Georges Hall Sydney

Chiều thứ Bảy 17/12/2016 các Hội Đoàn Đoàn Thể trong Giáo đoàn, quý Quan Khách Úc Việt và các Giáo đoàn bạn đã đến nhà thờ St.Mary’s Queen of Heaven Georges Hall Sydney tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa là Quan Thầy của Giáo Đoàn Georges Hall

Xem Hình

Quý Cha và tất cả mọi người tập trung tại khuôn viên trường học nhà thờ và Cha Tuyên úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm xông hương kiệu Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa đồng thời 3 hồi chiêng trống nổi lên kiệu cung nghinh tượng Thánh Simon Phan Đắc Hòa rước vào nhà thờ an vị trên cung Thánh.

Cha Paul Văn Chi ngỏ lời chào mừng quý Cha, quý Sơ, tất cả mọi người và chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn, và cùng với quý Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Mai Văn Thịnh và Cha Chính xứ Georges Hall Joseph Kolodziel hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Paul Văn nói về “ Emmanuel Chúa ở cùng chúng ta” và chính Emmanuel này mà Thánh Simon Phan Đắc Hòa đã hết lòng yêu mến và đã can đảm. trung trinh, trong suốt cuộc đời của mình. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan…và chúng tôi rao giảng Đức Giêsu KiTô tử nạn thập giá vẫn còn vang vọng cho tới ngày hôm nay và mãi mãi cho đến tận cùng trái đất không gian và thời gian…vẫn vinh danh lòng mến yêu sự cản đảm trung tín của các Thánh Tử Đạo Việt Nam nói chung và Thánh Quan Thầy Simon Phan Đắc Hòa thân yêu của chúng ta nơi đây.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Joseph Chính xứ lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng của Giáo Đoàn, Cha cũng cám ơn Giáo đoàn đã giúp ích đóng góp cho Giáo Xứ được phát triển tốt đẹp. Kế tiếp anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn, Ca đoàn, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, anh khen ngợi Giáo Đoàn đã tích cực đóng góp rất nhiều cho Cộng Đồng và Giáo Xứ trong suốt những năm tháng qua và sau cùng ông Bùi Thanh Vân Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn Ông cũng đặc biệt cám ơn quý ân nhân đã đóng góp trợ giúp cho Giáo Đoàn và sau cùng ông xin tất cả mọi người hãy luôn cầu nguyện cho Giáo Đoàn ngày bền vững và tiến triển trong Cộng Đồng trong Giáo Hội.

Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm cũng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn và cầu chúc Giáo Đoàn luôn thăng tiến trong Cộng Đồng trong Giáo Hội của Chúa.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại qua sân trường nhà thờ tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng.

Diệp Hải Dung
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cuộc họp báo cuối cùng của Obama
Vũ Văn An
19:15 17/12/2016
Theo hãng tin A.P. ngày 17 tháng Mười Hai 2016, Ông Obama đã tổ chức cuộc họp báo cuối cùng trong tư cách Tổng Thống tại Phòng Thuyết Trình của Nhà Trắng.

Trước khi nhận các câu hỏi của cử tọa, Ông Obama đã lên tiếng “ca ngợi” các thành tích của mình: giảm tỷ lệ thất nghiệp, con số người được bảo hiểm gia tăng, nhiều thành tựu ngoại giao, trong đó có việc mở lại bang giao với Cuba.

Ông cho rằng ông để lại một đất nước “mạnh hơn và thịnh vượng hơn khi chúng ta bắt đầu”. Nhưng Ông nhắc nhở dân chúng rằng còn cần phải làm nhiều hơn nữa trong các vấn đề lớn của quốc gia. Ông hứa sẽ tiếp tục thúc đẩy nghị trình của chính phủ ông sau khi đã rời chức vụ.

Syria, Nga và Iran vấy máu

Ông Obama cho rằng Syria, Nga và Iran vấy máu đầy tay về những gì xẩy ra tại Aleppo. Ông bảo cả thế giới “hợp nhất với nhau trong kinh hoàng” trước cuộc tấn công vào các khu vực do quân nổi dậy chiếm giữ ở Aleppo.

Obama kết án chính phủ Syria và hai đồng minh hùng mạnh của họ đã cố tình “bao vây, phong tỏa và bỏ đói các thường dân vô tội” và nhắm cả các nhân viên cứu trợ và nhân viên y tế. Ông bảo: toàn bộ nhiều khu phố đã biến thành “gạch vụn và tro tàn”.

Ông cũng cho rằng nhiều thường dân đã bị xử tử.

Obama thừa nhận rằng cuộc nội chiến gần 6 năm ở Syria là một trong các vấn đề khó khăn nhất ông từng phải đương đầu. Bất kể sự thất bại của ông không ngăn chặn được cuộc nội chiến, Obama không gợi ý gì là sẽ có thay đổi chiến lược.

Nga giúp Trump thắng cử

Obama bênh vực cung cách Ông xử lý vụ truy cập trái phép các trang mạng chính trị xẩy ra trước cuộc bầu cử tháng Mười Một.

Ông cho hay: mục tiêu của ông là gửi một thông điệp rõ ràng cho Nga rằng các vụ xâm nhập như thế không thể nào dung tha được. Nhưng ông không cho biết đáp trả của Hoa Kỳ sẽ như thế nào.

Obama bảo: với “bầu không khí cự kỳ phe đảng” của cuộc bầu cử, quan tâm chính của ông là tính liêm chính (integrity) của diễn trình bầu cử. Ông nói: ông muốn biết chắc công chúng Hoa Kỳ hiểu rằng Nhà Trắng đã cố gắng “thủ diễn mọi sự một cách ngay thẳng”.

Ông cho biết: ông đã nói chuyện với Tổng Thống Nga Vladimir Putin hồi tháng Chín và bảo ông ta “cắt bỏ đi!” (cut it out).

Nhà Trắng chưa bình luận gì về nội dung trả đũa. Có thể là tấn công trả thù trên liên mạng hoặc chế tài nhằm vào các cộng sự của Putin.

Theo Obama, mọi người cần quan tâm đến bình diện truy cập trái phép từng khiến cho các chính phủ, các doanh nghiệp và các cá nhân bị thương tổn.

Ông cho hay: việc Nga truy cập trái phép không hẳn là một “mưu đồ gián điệp tinh vi, phức tạp” gì. Nhưng bản chất không tinh vi của việc này làm ông lo ngại và mọi người nên lo ngại. Vì việc trên đặt ra một thách đố liên tục: đất nước bị truy cập trái phép mỗi ngày. Ông quả quyết Nga đã can thiệp giúp Donald Trump thắng cử!

Sự thất bại của Dân Chủ

Obama nói: ông hối tiếc đã không thể chuyển giao sự thành công chính trị của ông cho các cuộc đua của Đảng Dân Chủ trên khắp nước.

Ông nhìn nhận sự thất bại của đảng mình, và của chính ông, đã không xây dựng được một cơ sở ủng hộ rộng rãi suốt thời ông cầm quyền. Ông bảo: đảng phải làm công việc tốt hơn bằng cách vươn tay ra nắm lấy các cử tri, ở cả các tiểu bang và quận hạt mình không chắc gì nắm phần thắng.

Obama bảo: "đó là điều đáng lý ra tôi đã phải làm nhiều hơn nhưng không dễ làm khi bạn phải xử lý cả một mớ vấn đề ở đây, ở Nhà Trắng”.

Đảng Dân Chủ đã mất hơn 1,000 ghế ở Quốc Hội, ở các cơ quan lập pháp tiểu bang và các tòa thống đốc dưới thời Obama làm tổng thống 2 nhiệm kỳ.

Với Donald Trump

Obama nói rằng ông hiến cho tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump “một số gợi ý khá chuyên biệt” về việc bảo vệ tính liêm chính của chức vụ và các định chế khác. Nhưng không cho biết đó là những gợi ý gì.

Ông bảo Ông Trump “lắng nghe” ông. Nhưng ông cho biết ông không thể nói chắc chắn liệu Ông Trump có nghe theo lời cố vấn của ông hay không.

Obama và Trump điện thoại với nhau vài lần kể từ ngày hai người gặp nhau ở Nhà Trắng, 2 ngày sau cuộc bầu cử. Và thường là Trump tiết lộ việc họ nói chuyện với nhau.

Obama cho rằng các cuộc điện đàm của họ “thân tình” chứ không “đề phòng chi cả” dù họ bất đồng sâu xa về nhiều vấn đề.

Đáng lẽ phải tấn công ồ ạt ở Syria

Obama cho hay: Hoa Kỳ đáng lẽ phải “tấn công ồ ạt và sẵn sàng chiếm đóng Syria” để ông có thể can thiệp một cách mạnh mẽ hơn vào cuộc nội chiến của nước này.

Tuy nhiên, theo ông, làm thế không khả thi vì một số lý do. Việc này đòi rất nhiều quân sĩ Hoa Kỳ; ông thiếu sự hỗ trợ của Quốc Hội và quyền theo luật quốc tế; Hoa Kỳ đã triển khai rất tốn kém tại Iraq và Afghanistan; phe đối lập ở Syria không sẵn sàng để cai trị; và Nga cùng Iran hết lòng che chở chính phủ Syria.

Obama nói rằng: giải pháp quân sự nhằm xâm lăng ngắn hạn rất cám dỗ vì “chúng ta muốn làm một điều gì đó”. Nhưng “không thể thực hiện việc này một cách rẻ tiền”.

Ông bảo: ông tự hỏi mình xem liệu mình có thể làm gì để cứu các sinh mạng. Nhưng ông cho hay: ưu tiên số 1 của ông là làm điều đúng cho Hoa Kỳ.

Tấn công Cộng Hòa

Obama phê bình việc Đảng Cộng Hòa tỏ ra ấm áp với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, cho rằng "Ronald Reagan có thể đang trở mình trong quan tài”.

Ông bảo: Đảng Cộng Hóa đang sa vào thế nạn nhân cho các cố gắng của Nga nhằm làm yếu đi nền dân chủ Hoa Kỳ.

Obama trích dẫn một cuộc thăm dò mới cho thấy hơn 1 phần 3 đảng viên Cộng Hòa tỏ ra thân thiện với Putin. Việc này gia tăng vì hồi tháng Bẩy năm 2014, tỷ lệ này chỉ là 10%. Ông dành khá nhiều thì giờ nói đến việc can dự của Nga vào việc truy cập trái phép Ủy Ban Toàn Quốc của Đảng Dân Chủ và giám đốc tranh cử của bà Clinton.

Công bố phúc trình tình báo

Nhưng ông không đi xa đến chỗ đích danh nói chính Vladimir Putin sắp xếp việc truy cập Đảng Dân Chủ trái phép trong lúc có bầu cử ở Hoa Kỳ. Nhưng ông xác nhận rằng nó đã được thực hiện ở cấp cao nhất của Điện Cẩm Linh.

Obama nói rằng ở Nga, ít có điều gì xẩy ra mà lại không có sự gật đầu của Putin. Ông bảo ông sẽ để công chúng quyết định xem liệu có những viên chức Nga cao cấp ngổ ngáo nào dám hành động mà Putin không biết chăng.

Obama cũng cho hay ông muốn dành cho cộng đồng tình báo cơ hội công bố phúc trình về việc truy cập trái phép trước khi mãn nhiệm. Nhưng ông dè dặt cho rằng một số tư liệu sẽ được xếp loại mật vì tiết lộ chúng sẽ tiết lộ luôn cách Hoa Kỳ thu lượm tình báo.

Chính sách một Trung Hoa

Obama nói ông đã khuyên Ông Trump “suy nghĩ thấu đáo” trước khi thực hiện bất cứ thay đổi nào về chính sách “một Trung Hoa”.

Ông Trump thì cho hay ông không bị trói buộc bởi chính sách đã có cả nhiều thập niên qua theo đó, Hoa Kỳ nhìn nhận Đài Loan là một phần của Trung Hoa.

Chính sách “một Trung Hoa” trở thành một vấn đề sau khi Ông Trump phá cả hàng thập niên nghi lễ ngoại giao bằng cách điện đàm với Nữ Tổng Thống Đài Loan.

Obama nói rằng ông bảo Ông Trump nên có đủ cả nhóm của mình trước đã rồi được thuyết trình đầy đủ, sau đó mới nên cân nhắc việc thay đổi. Ông bảo vấn đề Đài Loan cực kỳ quan trọng đối với Trung Hoa, và việc họ phản ứng ra sao trước bất cứ thay đổi nào là điều quan yếu.

Cử tri đoàn

Obama nói rằng ông sẽ không phát biểu ý kiến về việc liệu cử tri đoàn có nên được thuyết trình về việc can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ trước khi họ bỏ phiếu vào hôm thứ Hai này hay không.

Theo ông, “đó là việc của nhân dân Hoa Kỳ, và nay là việc của cử tri đoàn phải quyết định người kế nhiệm tôi”.

Ông mô tả cử tri đoàn là “vết tích xưa” và là di vật của lịch sử. Nhưng theo ông, nếu các chính khách có một sứ điệp mạnh mẽ, phiếu của dân và phiếu của cử tri đoàn nên ăn khớp với nhau.

Obama nói thêm: khó có thể giải thích chiến thắng bất ngờ của Ông Trump và việc gia tăng của tinh thần phe phái chính trị.

Đọc các phát biểu của Obama, cảm tưởng rõ rệt nhất là: dù hứa sẽ tiếp tục hoạt động để đẩy mạnh nghị trình hay di sản của mình, ông biết rõ với Trump, việc đẩy mạnh ấy chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Chiến thắng của Trump sẽ luẩn quẩn mãi trong đầu ông như nó đã luẩn quẩn trong suốt cuộc họp báo này.

Thượng viện sẽ điều tra

Hãng tin A.P. cũng cho hay uỷ ban tình báo của Thượng Viện sẽ tiến hành một cuộc điều tra thấu đáo, lưỡng đảng và tổ chức các cuộc điều trần về điều gì đã khiến chính phủ Obama tuyên bố vào ngày 7 tháng Mười rằng chính phủ Nga điều khiển việc truy cập trái phép các trang mạng chính trị.

Chủ Tịch Ủy Ban, Richard Burr của Bang North Carolina, nói: “Ủy Ban sẽ theo chân tình báo đến bất cứ nơi nào nó dẫn tới”.

Dân Biểu Cộng Hòa California, Devin Nunes, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, cho hay việc xem xét của ủy ban ông đối với vụ truy cập trái phép đã gặp trở ngại vì các cơ quan tình báo không cung cấp tín liệu cho ủy ban. Ông Nunes nói rằng ông “rất hoảng khi tín liệu được cho là mới cứ tiếp tục được rì rỏ cho truyền thông nhưng lại không được cung cấp cho Quốc Hội”.

Ông Nunes nói: ủy ban dự định sẽ viếng thăm các cơ quan FBI, NSA, CIA và Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng vào tháng Giêng này để điều tra thêm về vụ truy cập trái phép.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tại sao Giáo Hội Công Giáo tôn kính thánh giá có hình Chúa Kitô bị đóng đanh
Lm P.X Ngô Tôn Huấn
19:30 17/12/2016
TẠI SAO Giáo Hội Công Giáo TÔN KINH THÁNH GIÁ CÓ HÌNH CHÚA KITÔ BỊ ĐÓNG ĐANH ( Crucifix) ?

Hỏi : xin cha cho biết tại sao người Tin Lành chỉ trưng cây thập giá không có Chúa chịu đóng đanh, trong khi người Công Giáo lại trưng hình Chúa chịu đóng đanh trên thập giá ở trong nhà thờ cũng như ở tư gia ?

Trả lời : đây là câu hỏi rất quan trọng về sự khác biết giữa Công Giáo và Tin Lành liên quan đến cây thập giá của Chúa Kitô

Các Nhóm Tin Lành, nói chung, đều cho rằng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại rồi, nên không cần thiết phải tôn kinh thánh giá với thân thể Chúa bị đóng đanh nữa. Đó là lý do họ chỉ tôn kinh thập giá không có Chúa bị đóng đanh mà thôi.

Đây là niềm tin của anh em Tin Lành, chúng ta không muốn phê bình và tranh cãi gì với họ.

Về phần mình, sở dĩ Giáo Hội Công Giáo tôn kinh Thánh giá với hình Chúa chịu đóng đanh vì giáo lý sau đây của Thánh Phao lô Tông Đồ:

“ Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đanh, một điều người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” ( 1 Cor 1: 22-23)

ở nơi khác, Thánh Phaolô cũng viết:

“ Bởi thế tại vì lề luật mà tôi đã chết đối với lề luật để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đanh với Đức Kitô vào thập giá.” ( Gl 2: 19)

Hay rõ hơn nữa:

“ Hồi còn ở giữa anh em, tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Kitô bị đóng đanh vào thập giá,” ( 1 Cor 2 : 2)

Như thế cho ta thấy rõ là Thánh Phaolô đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Kitô bị đóng đanh vào thập giá để hiến mạng sống mình làm “ giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20:28),

Dĩ nhiên Thánh Phaolô cũng không coi nhẹ sự kiện Chúa đã sống lại, đã ra khỏi Mồ đá sau ba ngày được mai táng ở đây, như Thánh Kinh đã quả quyết, căn cứ vào ngôi mộ trống và lời chứng của Maria Mac-đa-lê- na, và hai phụ nữ khác , là những người đầu tiên đã đến viếng Mộ Chúa sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần . Các bà đã không thấy xác Chúa và Mac-đa lêna đã khóc vì tưởng ai đã lấy trộm xác Chúa. Cho nên , để an ủi và cho các bà niềm tin về việc Người đã sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các bà và bảo họ về nói với các Tông Đồ là Chúa đã sống lại và sẽ gặp các ông ở Ga-li-lê , (Mt 28: 1-8; Mc 16: 1-8; Lc 24: 1-7).

Thánh Phaolô cũng quả quyết như sau về sự Phục Sinh của Chúa Kitô:

“ Trước hết tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh; rồi Người đã được mai táng , và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.” ( 1 Cor 15: 3-4)

Đây là niêm tin của Giáo Hội và là điều Giáo Hội phải dạy cho con con mình tin từ xưa đến nay và còn mãi về sau cho đến ngày cánh chung tức là ngày tận thế hay hết thời gian.

Nhưng sự kiện Giáo Hội vẫn tôn kính Thánh giá với hình Chúa bị đóng đinh ( Crucifix) không có nghĩa không chú trọng đến việc Chúa đã sống lại như anh em Tin Lành quan niệm; mà ngược lại, Giáo Hội muốn nhấn mạnh thêm về ý nghĩa Chúa đã chịu đóng đinh và chết trên thập giá để đền tội thay cho cả nhân loại đáng phải phạt vì tội.

Nghĩa là Giáo Hội muốn cho con cái khi nhìn thân hình Chúa bị treo trên Thánh giá, phải nhớ đến trước tiên điều Thánh Phaolô đã dạy là : “ Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” ( Rm 8: 3)

Lên án tội trong thân xác Con mình , vì con người đã phạm tội trong thân xác nên Thiên Chúa đã sai Con mình là Chúa Giê su Kitô đến trần gian mang thân xác giống thân xác tội lỗi của con người để đền tội thay cho tất cả nhân loại.

Như thế, nếu ai sống theo xác thịt, với những đòi hỏi bất chính, đối nghịch hoàn toàn với bản chất cực tốt cực lành của Thiên Chúa, thì sẽ dẫn đưa đến sự chết đời đời.Ngược lại, ai sống theo thần khí, tức sống theo ý muốn tốt lành của Thiên Chúa được Chúa Thánh Linh soi dẫn, thì sẽ được cứu độ để sống đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau.

Lại nữa, vì Chúa Kitô đã chịu mọi khốn khó trong thân xác mình để đền tội thay cho con người, nên Thánh giá vởi hình Chúa đầu đội mão gai, chân tay bị đanh đóng thâu qua treo trên thập giá sẽ nhắc nhở cho chúng ta về tội lỗi của mọi người chúng ta khiến Chúa phải bị đánh phạt cách nặng nề như vậy.

Do đó,để xứng đáng hưởng công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa, mọi người tín hữu chúng ta phải quyết tâm chừa bỏ tội lỗi để không đóng đanh Chúa thêm lần nào nữa trong tâm hồn mình. Phải xa tránh tội vì chỉ có tội mới làm ngăn cách chúng ta với Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành. Chỉ có tội mới đẩy chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa để thuộc về ma quỷ là kẻ cầm đầu và gây ra mọi tội lỗi và sự dữ từ đầu cho đến bây giờ và còn mãi về sau cho đến ngày hết thời gian.Cứ nhìn vào thực trạng của thế giới hôm nay thì đủ biết tội lỗi ghê gớm thế nào, và vì sao Chúa Kitô còn phải chịu đóng đanh thêm nhiều lần nữa vì tội con người.

Đó là tội giết người, giết thai nhi để lấy các cơ phận của thai nhi đem bán như những món hàng thương mại để kiếm tiền cách vô luân như bọn điều hành cơ quan Planned Parenthood đã và đang làm công khai và hợp pháp từ bao lâu nay ở Mỹ. Đó là tội nhân danh tôn giáo để giết hại những ai không thuộc về phe của chúng, như bọn quá khich Hồi giáo ( ISIS) đang làm ở Trung Đông. Lại nữa, đó là tội ác của bọn buôn người, buôn bán phụ nữ cho nô lệ tình dục, và bắt cóc trẻ gái để bán cho bọn ma cô tú bà hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn ở nhiều nơi trên thế giới tục hóa này.

Lại nữa, đó là tội của bọn tham quyền cố vị , cố duy trì cai trị độc ác, để vơ vét của cải, làm giầu cho bọn chúng, và tạo bất công bóc lột người dân lành chẳng may rơi vào ách thống trị của chúng . Sau cùng đó là tội dửng dưng trước sự đau khổ , nghèo khó của biết bao người kém may mắn trong xã hội, nạn nhân của bóc lột và bất công của chế độ cai trj hà khắc.

Sự có mặt của các tội con người đã và đang phạm ở khắp nơi cũng biện minh cho lý do có nơi gọi là hỏa ngục để cho những kẻ đang làm những sự dữ mà không biết sám hối từ bỏ thì sẽ tự dẫn thân đến nơi khốn nạn này để bị trừng phạt xứng đáng với tội họ đã làm khi còn sống trên trần gian này.

Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, không muốn ai phải hư mất, vì Người “ muốn cho mọi người được cứu độ và nhậm biết chân lý,” ( 1 Tm 2: 4). Nhưng chính con người lại muốn chọn bị hư mất, vì đã tự do chọn lựa cách sống nghich cùng Thiên Chúa mà không hề biết ăn năn sám hối để xin Người tha thứ .

Mặt khác, Thánh giá với hình Chúa bị đóng đanh cũng minh chứng hùng hồn điều Chúa Kitô đã nói với các Tông Đồ trước ngày Người bị bắt và bị treo trên thập giá. Chúa nói:

“ Không có tình thường nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.

Anh em là bạn hữu của Thầy” ( Ga 15: 13-14)

Chúa coi tất cả chúng ta là bạn hữu của Người, và Chúa đã thực sự hy sinh tính mạng của Người cho chúng ta khi giang tay chịu chết trên thập giá. Vì thế, mỗi lần ngắm hình Chúa bị đóng đanh trên thập giá là dịp cho ta nhớ đến tình thương lớn lao của Chúa dành cho mọi người chúng ta, để từ đó ta thêm quyết tâm yêu mến Chúa Kitô và bước đi theo Chúa là “ con Đường, là sự Thật và là sự Sống.” ( Ga 14: 6).

Tóm lại, thập giá với thân hình Chúa chịu đóng đanh nhắc cho ta giá đắt Chúa Kitô đã trả cho chúng ta được cứu rỗi, đồng thời cũng nhắc cho ta tình thương vô biên của Thiên Chúa Cha, Đấng đã hy sinh Con mình cho chúng ta được cứu chuộc và có hy vọng được sống đời đời với Chúa trên Thiên Đàng mai sau.

Do đó, Giáo Hội dạy phải tôn kính thập giá với thân hình Chúa Kitô bị treo trên đó cho những ai nhìn lên để xin ơn cứu chuộc, giống như con rắn đồng mà ông Mô-sê đã treo trên cây cột trong sa mạc xưa để những ại bị rắn độc cắn nhìn lên sẽ được cứu sống.(x. Ds 21: 6-9)

Ước mong giải đáp trên đây thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

Lm P.X Ngô Tôn Huấn