Ngày 17-12-2017
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thảm trạng Nigeria: Dân thà bỏ tiền chạy trốn tham nhũng thay vì đầu tư cho đất nước.
Moses Trương Võ
22:09 17/12/2017
Thảm trạng tham nhũng ở Nigeria đã tạo ra một quốc gia thối nát, kinh tế tụt hậu và dân chúng tìm cách bỏ đi dù phải đóng một số tiền mãi lộ rất cao, bị nguy hiểm đến tính mạng và nhiều khi bị luà vào số kiếp nô lệ.

Mới đây người ta khám phá ra một cái chợ nô lệ lớn ở Libya mà đa phần những người bị bán là những thanh niên thiếu nữ từ Nigeria. Mới từ đầu tháng 12 mà thôi, chính phủ Nigeria đã phải nhận hồi hương tới 3.000 người dân.

Theo ĐGM Joseph Bagobiri, giáo phận Kafanchan, thì người Nigeria sẵn sàng trả một số tiền lớn là $1.400 cho một đầu người để vượt biên tới Libya hoặc các nước khác mà tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.

"Nếu mỗi người trong số họ dùng tiền đó để đầu tư ở trong nước, miễn là Nigeria có một môi trường tích cực và sáng tạo cho các cơ hội kinh doanh, thì họ sẽ trở thành những người chủ tuyển dụng lao động, thay vì phải chịu làm nô lệ hoặc phải sống dưới nhiều hình thức vô nhân đạo khác của Libya" ĐGM Bagobiri nói.

"Chính phủ Nigeria nên tạo ra điều kiện để cho người dân nhận ra rằng họ có nhiều triển vọng ‘sống được’ ở Nigeria hơn là ở châu Âu và những nơi khác", Ngài nói thêm. "Với rất nhiều tài nguyên và các nguồn lực hiện có ở đất nước này, người Nigeria không cần phải làm ăn mày hoặc phải quyết định đi tha phương cầu thực để tìm những đồng cỏ xanh khó nắm bắt", ĐGM Bagobiri nhấn mạnh như thế.

Nigeria là một quốc gia có nhiều mỏ dầu, sẵn có đất canh tác và nhiều tài nguyên và khoáng sản chưa được khai thác. Nhưng chỉ số tham nhũng do ủy ban minh bạch Quốc tế cho thấy Nigeria đứng thứ 136 trên 176 nước cuả thế giới*, là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Tham nhũng cản trở phát triển kinh tế, gây thất vọng cho những người trẻ tuổi và họ cố gắng chạy ra nước ngoài, nhưng thường kết thúc bị xa vào cạm bẫy của những kẻ buôn bán người.

Note * Trong năm 2017, VN có điểm là 33/100 và đứng hạng 113/176 trong Chỉ Số Tham Nhũng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tham dự Đại hội với các Bạn Trẻ Việt Nam tại Úc Châu
Sr Teresa Rose Tran SPC
10:34 17/12/2017
Sau Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Úc Châu diễn ra từ ngày 7- 9/12/2017, các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội gặp mặt để chia sẻ và nâng đỡ nhau trong tình bác ái, yêu thương trong tâm tình đón đợi Chúa đến.


Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội tham gia buổi hội ngộ với các bạn trẻ Việt Nam trong một bầu khí đặc biệt như thế này. Và cùng chia sẻ về một chủ đề nổi cộm của thời đại- “Hôn nhân đồng tính”. Được gặp gỡ các bạn là một cơ hội để tôi có thể học hỏi và biết thêm về các bạn trẻ trong của thế kỷ 21 này.

Trước tiên là một tình thần hăng hái, say mê và tình người ấm áp mà mọi người dành cho nhau. Đó là điều làm tôi xúc động và thầm cảm tạ Chúa nhiều. Dù ở đâu, bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào, con người Việt Nam luôn tự hào về tinh thần tương thân tương ái và tình yêu đồng loại. Các bạn đang sống lời dạy của Chúa Giê su là “Cứ dấu này mà người ta nhận biết Thầy là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga13, 35). Niềm hạnh phúc của tôi là nhận thấy sự cảm thông giữa người với người, một điều vô cùng quý giá trong thời đại này. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” có lẽ là một trong những tâm tình và thao thức của những con người mang trong mình dòng máu “Rồng- Lạc”. Điều đáng nói là các bạn không ngại và chần chừ để bày tỏ những tình cảm tốt đẹp ấy. Trong tôi lúc này dậy lên một niềm vui và niềm tự hào khôn tả. Tôi yêu con người Việt Nam, tôi yêu các bạn.

Qua chương trình thảo luận nhóm về những chủ đề được đưa ra cho thấy một sư phong phú và sự trộn lẫn các quan niệm. Phần lớn các bạn trẻ giữ quan niệm truyền thống và mẫu hình lý tưởng cho một cuộc hôn nhân đó là sự kết hợp một nam, một nữ. Đó cũng là quy luật của tạo dựng mà Thiên Chúa đã thiết lập. Tuy nhiên, một số cho rằng cho dù Hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ. Một số khác đưa ra ý kiến rằng đây là một trong những xu hướng thay đổi của xã hội và chúng ta phải thích ứng với nó. Các bạn trẻ có cơ hội bày tỏ những suy nghĩ và quan điểm của mình song có thể thấy rằng các bạn cần được dẫn dắt và giúp đỡ trong quá trình phát triển nhân cách và trong việc hình thành những giá trị nhân bản của mình. Để có thể lắng nghe tiếng nói của lương tâm trong việc đưa ra những quan điểm và quyết định, lương tâm của mỗi người cần đượchình thành, huấn luyện và uốn nắn theo ánh sáng Tin Mừng và những giá trị nhân bản của mọi thời đại.

Có thể nói rằng: đây là một dịp vô cùng thuận lợi cho tất cả những ai đã tham gia cuộc hội ngộ này. Các nhà huấn luyện, những người có trách nhiệm và các bạn trẻ có cơ hội hiểu nhau nhiều hơn để có thể giúp đỡ nhau xây dựng Xã hội và Giáo Hội.

Thiết nghĩ những vấn đề được đề cập đến hôm nay là sự thức tỉnh và kêu gọi mỗi người biết tôn trọng những món quà quý gía của cuộc sống mà Thiên Chúa đã ban. Đồng thời quyết tâm gìn giữ và xây đắp những giá trị truyền thống của nhân loại trải qua hàng thế kỷ.

Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn đồng hành, gìn giữ Giáo Hội và cho mỗi người hăng say mang Chúa đến cho nhân loại.
 
Lễ Hội Giáng Sinh của Trẻ Em có hòan cảnh đặc biệt tại TGP Saigòn 2017
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du
10:57 17/12/2017
SÀI GÒN 17/12/2017 -- Hàng năm, rẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lại được Caritas của Tổng GP. Saigon tổ chức một ngày vui chơi, ăn uống, nhận quà, thưởng thức ca nhạc hay gọi vắn tắt là được tham gia vào lễ hội mừng đón Chúa Giáng Sinh.

Hình ảnh

Cha giám đốc Caritas TGP. Saigon Vinh-sơn Phạm Ngọc Đồng cho chúng tôi biết: năm nay số lượng các em tham gia tại Trung tâm Mục vụ đến từ 48 mái ấm, cơ sở tổng số các em tham dự 2.980 em với 361 người phụ trách đi kèm. Trong số đó Các em khiếm thì là 242 em, khuyết tật nặng 133 em, khuyết tật nhẹ 333 em, khiếm thính 532 em và các em vân động tốt là 1749 em. Số người của ban tổ chức phục vụ các em gần 1500 người và 361 anh chị em phụ trách các đơn vị nữa. Chúng ta làm thử con số trung bình thì cứ 1 người phục vụ 2 em.

Ngoài ra năm nay vì sân Trung tâm chất gạch nên không gian bị thu hẹp lại. Do vậy, có khoảng 10 mái ấm được Caritas đến tận nơi tổ chức lễ hội Giáng Sinh cho các em.

Với số lượng đông đảo thiếu nhi tụ họp lại như thế này đã là một cái chợ lớn rồi. Vậy mà các em này lại có hoàn cảnh đặc biệt nên mọi công tác chuẩn bị cho các em cũng đặc biệt theo. Sr. Nguyễn Thị Ngọc Thủy, phó Giám đốc Caritas cho biết: Đã có rất nhiều cuộc họp diễn ra trước ngày khai mạc và phân chia công việc theo 27 tiểu ban như: ẩm thực, quà, trò chơi, đón tiếp, trật tự, văn nghệ, giữ xe, cơ động, sinh động...

Có 40 gian hàng ẩm thực được các giáo hạt trong giáo phận đảm trách gồm các món chính, món ăn nhẹ, nước, đùi gà. Gian hàng trò chơi có 13 gian và 10 gian hàng quà lưu niệm. Rất nhiều món ăn cho các em chọn lựa nào bò bía, mỳ Ý thịt xay, bánh mỳ thịt quay, bò viên, xúc xích, xôi mặn, chả cá.... Gian hàng nước uống cũng rất phong phú. Cái gì ngoài hàng quán có thì hôm nay tại trung tâm Mục vụ đều có để phục vụ cho các em. Các tình nguyện viên cũng được phục vụ các bữa ăn như các em. Tôi hỏi Trang- người phục vụ trong ban dọn dẹp rác về ngày hôm nay. Em nói: Dạ con được đi phục vụ rất thích và nhất là được ăn ngon lại no nữa chứ. Năm sau con sẽ đi tiếp.

Bạn D. Lưu xá Lasan trong vai ông già Nọl đi phát quà cho các em. D. cho biết: Năm nay là năm thứ ba bạn phục vụ các em trong vai trò này. Năm đầu thấy lạ, năm thứ hai thấy lạ và năm nay thấy đặc biệt. Một câu trả lời làm cho Ban tổ chức chắc chắn hài lòng và các em nhỏ chắc là hạnh phúc.

Tâm tình trong ngày hôm nay được em Ánh Thư- sinh viên lưu xá Ánh Sáng thuộc Dòng Đa Minh Rosa Lima cho biết: Năm sau con sẽ không đi trễ nữa mà con sẽ đi từ rất sớm! Trời ! Tôi phụ trách lưu xá, các em đi từ 7.30 đón xe bus đến trung tâm mục vụ khoảng 8.30, trong khi đó chương trình dành cho các em khuyết tật 12g trưa mới bắt đầu. Niềm vui phục vụ cho các em kém may mắn làm cho trái tim ai cũng phải dừng lại chia sẻ tiền bạc, thời gian và nụ cười, những cái vẫy tay và nụ cười cho các em.

Các em nhận được quà khi đến, nhận được quà khi về và cả quà trong lúc diễn ra lễ hội nữa. Cha Giám đốc cho biết đó là nhờ các mạnh thường quân quảng đại giúp cho các em. Vâng, Caritas mãi mãi là cầu nối yêu thương giữa người tặng vànguowif nhận. Mỗi người chung tay góp sức của mình cho nụ cười của các em, nụ cười của người trung gian và người nhắn gửi mãi tỏa sáng. Tuy nhiên đích nhắm đến của Caritas TGP. Saigon ước ao các doanh nghiệp có thể nhận các em có hoàn cảnh khó khăn này vào làm trong các hãng xưởng trong tương lai.

Một ngày trôi qua, các em được nhận những nụ cười ngay từ cổng chào, được đón tiếp vào chỗ ngồi, được tặng quà, được ăn uống, được phục vụ, được chơi trò chơi, được xem văn nghệ, được cả ba đức cha của tổng Gp. Saigon đến thăm và chia sẻ tâm tình.

Cám ơn Caritas Saigon đã nỗ lực hết sức cho các em ngày vui. Quý Sơ và các anh chị em đứng sau sân khấu... cám ơn các tình nguyện viên đến từ khắp nơi đã đáp lời yêu thương đến chia sẻ và phục vụ.

Chắc chắn tối qua ra về ai cũng mệt nhoài. Mỏi nhừ đôi chân, đau nhừ đôi vai, cái lưng rã rời và khan tiếng. Nhưng nếu chứng kiến được cảnh các em ra về sau một ngày mệt nhoài, bắt tay giã từ ban tiếp tân ở ngoài cổng sẽ nức lòng mà quên mệt. Các em ra về và nới gương mặt thật tười và luôn miệng nói: chúc Giáng Sinh vui vẻ và hẹn năm sau gặp lại. Đoàn nào cũng chia tay với một mẫu thức chung như thế.

Tay cầm lái điều khiển chiếc Honda cà tàng rời sân Trung tâm Mục vụ dù đường Saigon nhiều xe nhưng tôi chỉ thấy ánh mắt lấp lánh của các em, chỉ thấy nụ cười rạng rỡ của các em... mà thôi!
 
Văn Hóa
Mười hai con đường tới Lễ Giáng Sinh, tiếp theo
Vũ Văn An
23:48 17/12/2017
VI. Sợ sệt và yêu thương

Một người bạn thân vô thần của tôi, luôn đáng yêu nhưng chỉ thỉnh thoảng mới thông sáng, có lần, lên án nhiều tôn giáo với một tam đoạn luận đại khái như sau: Thiên Chúa đáng sợ, mà Thiên Chúa là tình yêu, vậy tình yêu là đáng sợ; do đó, ta phải sợ tình yêu, nếu thế, thì hết thẩy chúng ta đều không còn gì nữa và tôn giáo thì vô nghĩa hơn phần lớn người ta tưởng. Như thế, anh ta cười, làm thế nào bạn lại có thể sợ một Thiên Chúa của Tình Yêu? Tôi trả lời bằng một giọng giảng giải như một giáo sư rằng một phần của vấn đề là “sợ hãi” đã bị chỉ trích nhiều trong các thế kỷ qua, còn “tình yêu” thì bị đơn giản hóa và tầm thường hóa đến chỉ còn là mật ngọt hoa lá gần như không còn là gì khác. Mọi khía cạnh tốt đẹp của “sợ hãi” và mọi khía cạnh sợ hãi của “tình yêu” đã bị mất đi trong thứ tình cảm tính ướt át và ủy mị thời hiện đại. Về một vài phương diện nào đó, tôi qui cho Lễ Giáng Sinh. Thật khó nghĩ tới sợ hãi khi nhìn vào những cây rực rỡ ánh đèn, và thật khó thấy được bất cứ điều khó nào về tình yêu khi mọi hình ảnh của Giáng Sinh đều nói đi nói lại với bạn rằng đời sống và tình yêu phải nên dễ dàng như thế nào.

Nhưng giải thích sự tốt đẹp của sợ hãi là điều dễ dàng: một nỗi sợ lành mạnh đối với lửa giữ cho ta khỏi bị phỏng, y hệt như nỗi sợ lành mạnh gây thương tổn cho ai giữ cho họ được an toàn khỏi bị ta làm hại. Những nỗi sợ khác thì tinh tế hơn, nhưng cũng làm người ta mất tự tin hơn. Như, lần đầu tiên, nhìn lên và thấy bầu trời bao la đầy sao lấp lánh nhưng lạnh lùng, tôi bỗng run sợ. Và trong những khoảnh khắc họa hiếm ấy, khi tôi hiểu rõ hơn việc mình đã làm bậy đến bao nhiêu và gây đau khổ đến chừng nào, tôi lại càng run sợ hơn nữa. Nên đúng thế, tình yêu có thể đáng run sợ và nghiêm nghị y như nó dịu dàng và nhân từ vậy, như lúc nó tàn nhẫn buộc ta phải làm ngơ chính sự an nhàn thoải mái của mình hoặc phải mạo hiểm mọi điều ta hiện có; vậy thì ta đến phải sợ nó thôi.

Một trong các ý niệm xưa nhất về Thiên Chúa, một thứ không hiểu thấu xa xôi, lạnh lùng, không hề mủi lòng, quả là đáng sợ và khiến người ta hãi hùng một cách dễ hiểu. Nhưng ý niệm về Thiên Chúa mà ta có được lúc Giáng Sinh lại đáng sợ một cách khác hẳn: trái tim thoi thóp ấm áp của một hài nhi mới sinh. Lần đầu tiên ẵm một bé thơ, tôi rất sợ, thực là sợ, chỉ sợ đánh rơi cháu, cứ nghĩ mình sẽ để cháu lọt tay mình rớt xuống sàn nhà. Và cho đến bây giờ, khi tôi đã thỏai mái và tự tin khi ẵm các cháu, chúng vẫn làm tôi sợ và khiến tôi hãi. Và khi Giáng Sinh tới gần, tôi tưởng tượng hài nhi đó trong máng cỏ, vừa là người tạo dựng vừa là người được tạo dựng, trượt khỏi bàn tay ta, rớt xuống dưới. Há tất cả chúng ta không nối kết với sự sống và ánh sáng đủ để run và sợ khi chỉ cần nghĩ tới việc vũ trụ có thể lọt khỏi tay ta rớt xuống sàn?

VII. Cây ngày nghỉ, cuộc chiến Giáng Sinh và những điều phi lý khác

Hồi trước, tôi có cô bạn gái, vào dịp này, hỏi xem liệu chúng tôi có sắm một “cây ngày nghỉ” (holiday tree) hay không. Tôi trả lời là không. Tôi giải thích: không, giống mọi năm, thay vào đó, chúng ta sẽ sắm một cây Giáng Sinh. Cô ta khó chịu. Tôi cũng thế. Phải nói sự thật, khi cô ta đặt câu hỏi, tôi tưởng cô ấy chỉ nói giỡn. Tôi bình luận rằng cây Giáng Sinh không phải là “cây ngày nghỉ” y như Menorah không phải là “cột nến ngày nghỉ”. Tôi thấy ý muốn tục hóa mọi sự này quả hết sức nực cười trong lần bổ nhiệm ngoại giao cuối cùng của tôi ở Ljubljana, Slovenia. Thành phố đẹp đẽ này năm nào cũng chật vật với việc phải làm cho Lễ Giáng Sinh trở thành “nuốt được” đối với khá nhiều người không tin. Trước đó mấy năm, cố gắng này lên đến cao điểm ngớ ngẩn của nó khi thành phố rực lên với các chữ năng lực, ý niệm và sự sống, một Ba Ngôi được tục hóa! Ngay ở trung tâm các cuộc trưng bầy Giáng Sinh, cố gắng hết mình để chứng tỏ rằng mùa này có thể được cử hành dù bạn không thoải mái với các phù phép tôn giáo.

Tôi từng du hành khắp thế giới đủ để lưu ý tới những người ở giữa chúng ta tuy có ý ngay lành nhưng bị hướng dẫn sai: họ coi sự bình đẳng y như sự như nhau, và nghĩ rằng việc đánh giá một cách tôn trọng các nền văn hóa khác là việc y như nhau với việc đồng hóa không cần suy nghĩ (thoughtless assimilation). Hình như người ta sợ rằng những khác biệt rõ ràng từng xác định và tương phản các tôn giáo và văn hóa cần được làm cho yếu đi và phẳng lỳ ra. Tôi không đồng ý như thế. Lòng tôn trọng đích thực nên buộc ta phải đánh giá cao những điều tốt đẹp nhất trong mỗi tôn giáo và mỗi nền văn hóa, nhưng không cần phải e ngại việc phê bình các khía cạnh ta thấy là đáng trách về luân lý. Tôi từng cầu nguyện tại các hội đường Do Thái, chùa Phật Giáo và Ấn Giáo, đền thờ Hồi Giáo, và rất nhiều nhà thờ, nhưng tất cả không y hệt nhau, mặc dù, tất cả đều có một điều gì đó đánh động lòng tôi một cách sâu xa. Chúng ta cũng thấy cùng một sự thúc đẩy vô nghĩa về phía như nhau này cả đối với các cá nhân, cái hoài mong cấp tiến vô lý và phi lý muốn làm mọi người ra như nhau vì cho rằng mọi người đều có tiềm năng thông minh và tài giỏi như nhau. Nhưng khi nói người ta bình đẳng, ta chỉ muốn nói mỗi người đều đáng qúy vô chừng; chứ không phải mỗi người đều sẽ trổi vượt như nhau trong việc hiểu cơ lượng học hay chơi piano.

Dù sao, cô bạn gái đó cũng không lâu bền gì. Sau một cuộc tranh luận khá gây cấn, 2 điều trở nên rõ ràng. Một là cô ấy là người thực sự tin vào cuộc tranh đấu hoàn vũ nhằm bảo đảm tính chính xác chính trị. Hai là những người thực sự tin một nguyên cớ nào đều không có óc hài hước, kể cả các ông bà bảo thủ, nhất là trong quan tâm thái quá của họ đối với “âm mưu” hiện đại nhằm phá hoại Kitô Giáo. Không hề có “chiến tranh” thảm hại chống lại Lễ Giáng Sinh. Các dị biệt trong quan điểm và tâm tư không nên dẫn tới thứ hoang tưởng nín thở về tương lai nền văn minh Tây Phương. Những người có ý hướng tốt có thể bất đồng, và bất đồng không cần dẫn đến các kết án gay gắt. Tôi đã thấy những người có ý ngay ở cả hai phía, và trong tinh thần Giáng Sinh đích thực, cả hai phía nên dành nhiều thì giờ hơn để cố gắng tìm ra cơ sở chung và ít tìm cơ sở để đánh nhau. Ngay sau các năm trên, tôi vẫn không chắc chắn điều nào ngớ ngẩn hơn: xu hướng cấp tiến khi họ cố gắng biến mọi sự và mọi người ra như nhau, hay xu hướng bảo thủ khi họ nghi ngờ những người bất đồng hay khác với họ. Như một vị khôn ngoan nào đó từng nói, điều tốt nhất và điều xấu nhất bạn có thể nói về phần lớn người ta là họ có ý tốt. Em bé sinh đã hai ngàn năm kia hiểu điều đó, và điều này có lẽ là một lý do khiến em cứ thế tha thẩn với những người thu thuế và đĩ điếm cũng nhiều như với các tư tế và chính trị gia; xem ra em không thấy mấy khác nhau giữa những người này với nhau.

VIII. Bầu bạn cùng con người

Thánh Phanxicô Assisi là người đầu tiên đặt các con vật sống vào cảnh Hang Đá. Thể tài loài vật này trở thành nổi tiếng suốt trong các thế kỷ qua, nhưng theo tôi, vẫn chưa đủ tập chú vào các vai thú vật phụ này. Ngày nay, các thú vật này vẫn để làm cảnh trí ở phía sau, ấy thế nhưng chúng cũng cảm thấy cái đau thể lý, nhiều con còn cảm thấy mất mát xúc cảm, nhiều con thậm chí lo lắng, biết yêu thương và buồn sầu tang chế và biểu lộ dạ trung thành và anh hùng tính. Và, như Thánh Phaolô từng viết, nếu “mọi tạo vật đang rên rỉ”, thì có lẽ sẽ là điều sai lầm nếu con người chỉ nghĩ đến mình khi đề cập đến ơn cứu chuộc. Trong bầu bạn với con người, các thú vật có xu hướng trở nên tốt hơn hay tệ hơn khi chúng sống trong các môi trường thiên nhiên của chúng, một điều tự nó đã phần nào là một mầu nhiệm tâm linh rồi. Có lẽ vấn đề luôn luôn đặt ra là: ta vướng giữa những người ngây thơ thờ phượng thiên nhiên và những người khuyển nho coi thiên nhiên chỉ như một điều để được sử dụng. Con người nhân bản chúng ta có thể là triều thiên của sáng thế, là đỉnh cao của diễn trình biến hóa, nhưng điều này chỉ nên có nghĩa: ta có trách nhiệm lớn hơn đối với mọi tạo vật bên dưới ta. Câu trong Sách Sáng Thế kia khi nói rằng loài người có “quyền thống trị” trên mọi tạo vật từng gây ra không biết bao phiền lụy trong nhiều ngàn năm qua. Có “quyền thống trị” không phải là “thống trị”; thực ra, trái lại mới đúng: phải phục vụ và bảo vệ lãnh vực của ta. Điều này, thú thực, có hơi nghịch lý vì tôi cần tới mấy thập niên mới tiến tới chỗ biết đánh giá thú vật, nhất là chó. Suốt cuộc sống hôn nhân của tôi, tôi từng sống trong một thứ hòa bình khó chịu với loài vật này, bị bao vây bởi một người phối ngẫu và mấy đứa con cứ nằng nặc cho rằng chúng cũng đáng qúy như bất cứ thành viên nào khác của gia đình. Và dù tôi chưa bao giờ chấp nhận tiền đề ấy, tôi đã học được một đức khiêm nhường nào đó, khi quan sát thấy các giống vật này rất dễ dàng tha thứ và không bao giờ mệt mỏi đi tìm sự an ủi bất kể bao nhiêu lần bị từ chối.

IX. Quá nhiều công lý

Công lý là người làm công đáng tin cậy nhưng là một ông chủ tàn bạo. Ở đây, ở Hoa Kỳ này, ngày nào tôi cũng được nhắc nhở điều đó. Có một ít thí dụ trong lịch sử của những người có khả năng vượt lên trên cái khát khao ma qủy về công lý này, một trong số này là Nelson Mandela, người chết cách nay 4 năm cũng vào tháng này. Trong 27 năm ròng, gần một phần ba đời ông, Mandela bị cầm tù. Công lý đòi hỏi những người cầm tù ông phải bị trừng phạt; công lý đòi ông không nên nghỉ ngơi cho tới khi tất cả những ai cướp mất những năm tháng đẹp nhất đời ông phải trả đủ cân lượng cho tội ác của họ. Nhưng có điều gì đó nơi Mandela cứu ông nguôi cơn khát thứ công lý kia, nếu không, Nam Phi rất có thể vẫn đang đổ máu. Công lý là một nhân đức đáng khen, nhưng người ta thường quên rằng nó cũng là bộ máy mạnh mẽ tạo ra sự ác. Từ Alexăng và Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) tới Hitler và bin Laden, thường chính công lý đã tạo nên không biết bao đau khổ trên thế giới. Phần lớn những người phạm những điều ác đức mỗi lần thức giấc vào buổi sáng không tự nhủ: hôm nay, mình sẽ làm điều ác đức nhất. Thường họ sẽ nói: Hôm nay, mình sẽ sửa lại những điều sai người ta làm cho mình hay cho dân tộc mình, cho xứ sở mình hay cho tôn giáo mình. Khi mục tiêu của bạn cao thượng như công lý thì bạn có thể biện minh cho bất cứ hành vi nào.
Không được lòng thương xót làm dịu đi, công lý là một bạo chúa lạnh lùng. Và rồi, tôi được nhắc nhở rằng bé thơ sinh ra đã hai ngàn năm nay kia cũng có cùng một thái độ như Mandela: có một tiêu chuẩn cao hơn công lý đơn thuần. Vì, như Gandhi có lần phát biểu một cách nổi tiếng, công lý nhất thiết dẫn tới một thế giới không mắt, không răng và không tim. Con trẻ nằm trong máng cỏ kia không lớn lên với một tâm thức cay đắng vì cảnh nghèo của mình hay hận thù đối với người giầu và người quyền thế. Em không từ trên thập giá thét gào công lý, nhưng thay vào đó, khóc cho những kẻ sát hại mình. Nếu Giáng Sinh có nghĩa gì, thì nó là một cuộc cách mạng của trái tim chống lại thứ thế giới răng đền răng này, chống lại các đòi hỏi của thế giới này muốn cân bằng cán cân và sửa lại mọi sai lầm bằng một nền luận lý cứng rắn. Cuối cùng, nếu thế giới được cứu thoát, thì chính lòng thương xót chứ không phải công lý đã cứu nó.

X. Bốn Câu Truyện Giáng Sinh Gia Đình

Ở Marốc, Lễ Giáng Sinh năm 1996, chúng tôi có con Labrador không manh mối một cách lạ lùng tên Edgar này. Edgar thực sự không bao giờ cần phải được dạy phải tiêu tiểu ở ngoài nhà; nó như nhờ bản năng mà biết việc như thế phải làm ở bên ngoài. Nhưng nó hơi rối trí một chút ngày tôi đem về nhà cây Giáng Sinh rất lớn. Nó hứng chí đến nỗi tè vào cây này khi đứng đó ngỡ ngàng và lạ lùng. Cả gia đình cười rộ lên, nhưng chỉ có tôi là nổi giận lôi đình, và không có niềm vui Giáng Sinh nào làm tôi nguôi giận. Con chó khốn khổ không bao giờ phạm lầm lỗi đó một lần nữa. Rồi còn mấy năm trước đó nữa, tức Giáng Sinh 1992 tại Virginia, khi con gái Alessia của tôi mới lên sáu, và cháu nài nỉ chúng tôi khởi sự trang hoàng ngày lễ lúc mới chỉ là tháng Mười Một. Chưa bao giờ thành công trong việc nói không với bất cứ ai, tôi lấy ra một dụng cụ xưa bằng kim khí do người Đức sản xuất với 4 cây nến. Khi đốt lên, các cây nến làm nóng chiếc quạt khiến nó làm quay 3 thiên thần rung 2 cái chuông. Alessa rất thích cả tôi cũng thế, luôn sẵn lòng tìm cớ để bắt đầu Lễ Giáng Sinh sớm. Nhưng khi tôi tựa lưng vào chiếc quầy ở bếp, tôi cảm thấy nhức nhối như thể con ong đang chích tôi. Và rồi tôi cảm thấy như bị hàng trăm con ong thi nhau chích vào lưng. Rồi Alessa kêu lên “Bố, ngưng lại, té đi, lăn đi!!” Tôi thắc mắc, trời đất quỉ thần ơi, con nhỏ sao vậy, rồi tôi chợt hiểu: Trời đất, tôi bị cháy!”. Khi Alessa tiếp tục la, và lúc này với sự tham gia của má cháu, tôi ngoan ngoãn nằm xuống sàn nhà và lăn đi cho tới khi lửa tắt. Đúng là đau hết thuốc chữa nhưng thật khó cho các y tá và bác sĩ ở khu cấp cứu dấu sự khoái chí của họ: họ hãnh diện tuyên bố tôi là nạn nhân đầu tiên của mùa Giáng Sinh năm đó! Ở nhà sau đó, Alessa làm tôi cảm thấy mọi việc đều đáng cả khi cháu đến vỗ tay tôi và nói cháu ân hận khi tôi bị phỏng như thế. Cháu còn tỏ ý ân hận chiếc áo sơmi của tôi cũng bị cháy. Tôi nói với cháu không hệ gì vì tôi có thể sắm cái áo khác. Nghe thấy thế, cháu lập tức sáng mắt lên, tôi liền hiểu cháu chỉ giả vờ làm bộ an ủi tôi thôi. Cháu cười toe toét và hỏi một cách đầy mong đợi “Vậy, thưa bố, con có thể đem chiếc áo bị cháy tới trường vào ngày mai để các bạn của con thấy không?”

Một Lễ Giáng Sinh khác, có lẽ năm 1968 gì đó, khi tôi còn là 1 thiếu niên sống ở New Jersey, anh tôi và tôi thi nhau nghĩ cách mới lạ để trang hoàng căn nhà của chúng tôi với đèn Giáng Sinh. Nửa thế kỷ sau, tôi không chắc ai nghĩ ra, nhưng chúng tôi hiểu ra rằng cộng đồng của chúng tôi nửa theo Do Thái Giáo, nửa theo Công Giáo và do đó, có thể chúng tôi sẽ làm nổi giận hay ít ra cũng làm khó chịu cả hai nhóm khi lấy đèn tạo nên ngôi sao Đavít to tổ bố và dựng nó lên chiếu tỏa trên cảnh Giáng Sinh. Không người hàng xóm nào than phiền cả, nhưng ta có thể làm Lễ Giáng Sinh đáng thưởng ngoạn hơn bằng cách tin rằng có thể ta sẽ làm một số người hàng xóm không vui. Chúng tôi không còn trang hoàng để làm ai khó chịu hay không hài lòng nữa, nhưng chúng tôi luôn có những cuộc trang hoàng càng bao gồm nhiều người càng tốt, dù một số vẫn bị xúc phạm hay sợ ý nghĩa Giáng Sinh sẽ phai lạt đi hoặc bị bóp méo. Chúng tôi đặt vào đó 1 ngôi sao Đại Hàn thu nhỏ hay những ngôi sao Đavít khác nhau làm vật trang trí và chúng tôi đặt cả một cây cọ (palm) nữa vì cây này đóng một vai trò quan trọng trong truyện Giáng Sinh của Kinh Kôrăng. Chúng tôi cũng đặt vào những vật trang trí của Phật Giáo, Ân Giáo và thế tục khác, vì tin rằng Giáng Sinh không bao giờ bị phai lạt hay bóp méo khi chào đón những người không tin như mình.

Và rồi, còn lần trước đó nữa. Lễ Giáng Sinh năm 1963 ở New Jersey. Năm đó, không có quà cáp mua ở tiệm; chúng tôi đang chật vật phải trả tiền muợn mua căn nhà đầu tiên, và cha tôi đang vật lộn với công việc mới làm thầy giáo sau khi phục vụ quân ngũ hơn 30 năm. Nhưng chúng tôi vẫn vui hưởng mùa Giáng Sinh vì hai người chị của tôi, Maryann và Ursula, giữ được tinh thần cao bằng cách giúp chúng tôi thực hiện các món quà cho nhau chỉ bằng giấy và băng vải và những thứ như thế. Người em gái thứ ba của tôi, Susan, trẻ nhất trong nhà thì tôi không nhớ có lo âu gì không vì lúc ấy, cũng như bây giờ đã 64 tuổi, em vẫn nghĩ Ông Già Noel luôn mang đủ quà cáp đến cho mọi người. Nhưng món quà mà tôi thực sự rất thích thì đã đến rất sớm vào buổi sáng Giáng Sinh năm đó, ngay sau nửa đêm. Chúng tôi đang chen chúc ngồi vào xe để đi Lễ Nửa Đêm, và khi cộng đoàn đứng lên để được xông hương, thì tôi xỉu. Trước khi đến nửa Thánh Lễ, thì tôi không còn thấy gì nữa; tôi chỉ còn ý thức rất mù mờ, và đầu tôi quay như chong chóng. Tôi vừa xỉu, cha tôi đã túm lấy tôi, đem tôi chạy vội về nhà và đặt tôi vào giường. Tôi chưa bao giờ thấy cha tôi lo lắng như thế và tôi không hiểu tại sao lại như vậy. Tôi là một cậu bé 11 tuổi, cường tráng, khỏe mạnh, vô địch. Tại sao lại có vẻ mặt lo âu ngớ ngẩn ấy, tôi thắc mắc? Người cúi xuống khi tôi nằm đó và hôn trán tôi rồi im lặng ra khỏi phòng, vai xệ hẳn xuống. Chuyện gì vậy không biết? Tôi 11 tuổi, tôi là một cậu trai mà! Một cậu trai Hoa Kỳ! Hôn chỉ dành cho con gái thôi. Hôn là một điều mà bạn khoan dung tiếp nhận từ mẹ bạn chứ tôi chưa bao giờ nhớ đã nhận được từ cha tôi. Đã hơn một nửa thế kỷ qua kể từ ngày ấy, nhưng cái hôn kia cứ vẫn êm ái nóng trên trán tôi.

XI. Lạnh, mệt, và hãi

Tôi yêu các cảnh hang đá Giáng Sinh, nhưng tôi cũng thấy chúng gây khó chịu. Nhà chúng tôi có hơn nửa tá cảnh này từ Á Châu, Châu Mỹ La Tinh, Âu Châu và Trung Đông; tất cả đều mầu sắc và vui tươi; chúng thắp sáng mọi ngóc ngách trong nhà và mọi hầm hóc tâm trí. Nhưng, như tôi đã thưa, chúng cũng làm tôi khó chịu. Chúng quá sạch sẽ, quá sáng sủa, quá ấm cúng và quá ấp ủ. Nụ cười thanh thản trên mỗi Đức Mẹ, con mắt sáng ngời của mỗi Thánh Giuse, bé thơ bụ bẫm hạnh phúc, đôi khi quá đáng. Đó là cách có lẽ không bao giờ có. Đôi khi tôi mong một cảnh máng cỏ thực sự với con lừa kêu the thé và con chiên kêu be be cả các con lạc đà xùi nước miếng. Tôi có thể thấy ông già mệt mỏi thắc mắc mình đang mắc phải chuyện chi và thiếu nữ hãi sợ cho đứa con sơ sinh của mình và chính mình. Tất cả đang co ro trong đêm lạnh tối đen. Và tiếng các con vật kêu to và ồn ào lộn xộn đến nỗi bé thơ cứ thế thức giấc mà nước mắt đầm đìa và người mẹ tha hồ vô ích dỗ con ngủ. Và rồi các mục đồng tới, hôi thối, rụt rè, dốt nát, muốn thấy hiện tượng lạ mà họ bị lôi cuốn một cách kỳ diệu không hiểu nổi. Còn người mẹ thì nay lo âu không biết phải đương đầu ra sao với đứa con thơ khóc nhè và quá nhiều khách thăm bất ngờ, dù sao bà cũng là một bà mẹ Do Thái! Tôi thích cảnh giáng sinh ảm đạm hơn này vì nó giống nhiều hơn với những gì tất cả chúng ta đều trải qua và chắc chắn là điều người nghèo và người bị xua đuổi trải nghiệm hàng ngày. Tôi thích ý nghĩ này là mọi con người đổ vỡ, mọi người trẻ và bà mẹ hãi hùng, mọi người cha bối rối và mệt lử, mọi gia đình thiếu thốn và thất vọng, có thể đồng hóa với và đánh giá cao gia đình bé nhỏ gồm 3 con người đang cùng cực tìm kiếm chỗ trú 2 ngàn năm trước đây. Không hơn những người tị nạn, những người sơ tán nội địa như nền hành chánh của ta hiện đang mô tả, đang chật vật với việc ngày mai phải ra đi, mà không nghĩ gì tới những ngày tươi sáng và êm dịu ở đàng trước. Vì sự kiện có biết bao nhiêu người nghèo và người đổ vỡ vẫn ôm lấy cuộc sống và vui tươi dưới các hoàn cảnh như thế tự nó đã là một phép lạ hàng ngày khiến tôi phải khiêm hạ. Và như thế, có thể ở một ý nghĩa sâu xa hơn và có nguy cơ mâu thuẫn với tôi, cảnh Giáng Sinh “đã được dọn sạch sẽ” có thể làm nó ra đúng đắn: dưới tất cả những cái dơ dáy và ồn ào, có một nụ cười thanh thản của một bà mẹ trẻ bất chấp mọi âu lo, có những ánh mắt sáng ngời ấm áp của một ông cha già bất chấp mọi kiệt lực, và có hài nhi bừng sức sống và niềm vui bất chấp mọi đói khát và lạnh lẽo. Các ngài có thể là một “thánh gia” nhưng các ngài cũng là một “gia đình nhân bản trọn vẹn”.

XII. Sự bất khuất của Giáng Sinh

Đây là cách hoàn toàn khác để nhìn Lễ Giáng Sinh: như một hành vi bất phục tùng có tính vũ trụ làm ta bỡ ngỡ, một đức tính nguy hiểm nhất. Điều mà nhiều người có óc khoa học thấy khó chịu hơn cả về Giáng Sinh là toàn bộ ý niệm này mâu thuẫn với luật lệ và trật tự: nó vi phạm các định luật tự nhiên, nó làm ngơ các qui luật lịch sử và văn hóa, và nó cười nhạo thẳng mặt các thẩm quyền đã được thiết lập. Tôi có thiện cảm chút đỉnh. Bất phục tùng không phải là đức tính nguy hiểm nhất chỉ vì nó đánh thẳng vào cốt lõi các giá trị đã được thiết lập; nó còn nguy hiểm vì nó dễ bị hiểu sai và áp dụng sai. Nó có thể là cái cớ để che dấu sự hèn nhát, hay để tránh trách nhiệm và kỷ luật, hay đơn giản để làm bất cứ điều gì ta chọn.

Cách dây mấy ngày, tôi được nhắc nhở tầm quan trọng thánh thiêng của bất phục tùng khi tôi ngồi xuống và xem lại một trong cuốn phim Giáng Sinh tôi ưa thích, “Joyeux Noel”, về ngày Giáng Sinh đầu tiên của Thế Chiến I, cách nay hơn 1 thế kỷ. Dù không đúng lịch sử về nhiều phương diện, cuốn phim vẫn chuyển tải một số sự thật. Vốn đã quá buồn mửa với cảnh máu chẩy thịt rơi của cuộc chiến tranh này và bắt đầu hoài nghi các lời nhàm chán nơi cửa miệng các nhà lãnh đạo của họ từng giảng giải về “thập tự chinh thánh chiến” chống lại kẻ thù ác độc, những người lính thông thường, người Pháp, người Tô Cách Lan, và người Đức, đều làm ngơ các qui luật của chiến tranh, bất chấp cấp chỉ huy của họ, và bác bỏ các kỷ luật sai lạc lúc được huấn luyện. Họ bắt đầu những cuộc ném banh tuyết vào nhau, họ chơi những trận túc cầu và họ ngạc nhiên hiểu ra rằng họ thẩy đều cùng hát bài “Silent Night” dù bằng các ngôn ngữ khác nhau. Nguyên cái khủng khiếp khi thấy những người lính thường này dám đánh vào tim óc các nhà cai trị của họ bằng cách ném những trái bánh tuyết thân hữu vào nhau quả là điều vừa thích thú vừa lo sợ. Các vị tướng hết sức khó chịu bởi các trái bánh tuyết ấy giống hệt Hêrốt và Philatô từng bực mình hai ngàn năm trước khi đối đầu với sự bất phục tùng thần thánh, một bất phục tùng bất chấp luận lý học và bản nhiên.
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 18/12/2017
VietCatholic Network
19:10 17/12/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 17 tháng 12: Hãy liên lỉ tươi vui, kiên trì cầu nguyện.

2- Đức Giáo Hoàng tiếp các nhà lãnh đạo giáo hội Truyền Giáo để bàn về sự tự do tôn giáo.

3- Đức Thánh Cha tiếp kiến các Tân Đại sứ của 7 quốc gia.

4- Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ Guadalupe.

5- Đức Thánh Cha nói âm nhạc mở lòng chúng ta về ý nghĩa thật của lễ Giáng Sinh.

6- Tòa Thánh lên viếng về vụ thành Jerusalem.

7- Hội nghị tại Vatican nhấn mạnh tới vai trò giáo dân trước những thách đố của thời đại.

8- Sau 100 năm, nhà thờ Công Giáo lớn nhất Bắc Mỹ bây giờ mới hoàn tất.

9- Chính phủ Ấn ca ngợi sự phục vụ của Giáo Hội Công Giáo dành cho người nghèo.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Ave Maria

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Giáo hội Năm Châu 18/12/2017
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:01 17/12/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Đặc sứ của Đức Thánh Cha cho biết các cuộc hành hương chính thức đến Medjugorje đã được cho phép
Từ nay trở đi, các giáo phận và các tổ chức khác có thể tổ chức các cuộc hành hương chính thức đến Medjugorje. Vị tổng giám mục Ba Lan chịu trách nhiệm đánh giá tình hình mục vụ tại đền thờ đã cho biết như trên.
Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser của Warsaw-Praga, là vị được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phái đến Medjugorje, nói với thông tấn xã Aleteia: “Các hình thức tôn sùng Đức Mẹ tại Medjugorje đã được cho phép. Điều này không bị cấm nữa, và không cần phải thực hiện trong bí mật.”
Cho đến nay, các giáo phận và các tổ chức chính thức không được phép tổ chức các cuộc hành hương đến Medjugorje, mặc dù cá nhân những người Công Giáo có thể hành hương tự túc hay thông qua các tổ chức du lịch do tư nhân điều hành.
“Các quyết định của các Hội Đồng Giám Mục Nam Tư, trước cuộc chiến Balkan, có ý hướng chống lại các cuộc hành hương ở Medjugorje do các giám mục tổ chức trên thế giới, không còn phù hợp nữa”, ngài nói thêm.
Đức Tổng Giám Mục cũng nói rằng Đức Giáo Hoàng gần đây đã yêu cầu một Hồng Y người Albania ban phép lành cho những người Công Giáo đến hành hương ở Medjugorje.
Về tình hình mục vụ, Đức Tổng Giám Mục nói ngài “đầy lòng ngưỡng mộ” đối với các tu sĩ Phanxicô làm việc tại Medjugorje.
“Với một đội ngũ tương đối nhỏ - chỉ có một chục người - họ làm rất nhiều công việc để chào đón những người hành hương. Mỗi mùa hè họ tổ chức một lễ hội thanh thiếu niên. Năm nay, đã có 50,000 người trẻ tuổi trên khắp thế giới cùng với hơn 700 linh mục tụ tập về đây.”
Đức Tổng Giám Mục cho biết có một số lượng rất lớn những người xưng tội tại khu vực này. “Có đến 50 tòa giải tội, mà vẫn không đủ. Đây là những việc hóan cải rất sâu sắc.”
“Đây là một hiện tượng. Và điều xác nhận tính xác thực của nơi này là số lượng lớn các tổ chức bác ái chung quanh đền thánh. Và có một khía cạnh khác nữa là một nỗ lực lớn đang được thực hiện cho việc hình thành đức tin Kitô Giáo. Hàng năm, họ tổ chức các hội nghị ở các cấp độ khác nhau, cho nhiều đối tượng (linh mục, bác sỹ, cha mẹ, người trẻ, các cặp vợ chồng...)”
Bất kể những báo cáo của Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ vẫn phải đưa ra quyết định cuối cùng về tính xác thực của những cuộc hiện ra.
“Hồ sơ hiện tại đang nằm ở Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Tôi tin rằng quyết định cuối cùng sẽ sớm được đưa ra,” Đức Tổng Giám Mục nói.

2.  Sơ Linh---- Đức Hồng Y Christoph Schönborn chỉ trích một phán quyết của Tòa Án Tối Cao nước này
Chủ tịch hội đồng giám mục Áo đã chỉ trích một phán quyết gần đây của Toà án Hiến pháp là dọn đường cho hôn nhân đồng tính ở một đất nước có truyền thống Công Giáo.
Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng Giám Mục Vienna, nói: “Nếu toà án bác bỏ tính độc đáo và đặc quyền pháp lý của hôn nhân, dựa trên sự khác biệt giới tính, nó phủ nhận thực tế và không phục vụ xã hội. “Nó cũng làm hại đến tất cả mọi người, kể cả những gì nó cho rằng đang tìm kiếm để bảo vệ và những ai cần được bảo vệ.”
Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Áo vào ngày 5 tháng 12 cho rằng luật hôn nhân hiện tại của Áo vi phạm các quy tắc không được phân biệt đối xử khi cấm các kết hiệp tính dục đồng giới và buộc các cặp vợ chồng phải minh nhiên xác nhận xu hướng tính dục của họ. Phán quyết này là một mưu toan nhằm mở đường cho hôn nhân đồng giới trở nên hợp pháp vào năm 2019.
Nếu điều này xảy ra, Áo sẽ là quốc gia Châu Âu thứ 16 cho phép kết hôn đồng giới; 11 quốc gia châu Âu khác đã cho phép các quan hệ dân sự đồng tính.
Trong buổi họp toàn thể đầu tháng 11, các giám mục Công Giáo Áo cảnh báo về những mưu toan hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Trong một bản tuyên bố được thông tấn Kathpress của Áo đăng tải, Đức Hồng Y Schonborn nói rằng 14 thẩm phán toà án tối cao đã đánh “mất đi tính độc đáo của hôn nhân” như là một mối quan hệ giữa nam và nữ “sinh sản, nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái, do đó bảo đảm sự kế thừa của các thế hệ.”
Ngài nói thêm rằng phán quyết cũng mâu thuẫn với những phán quyết đã được lặp đi lặp lại của Toà án Châu Âu về Nhân Quyền theo đó hôn nhân giữa người nam và người nữ không thể bị phân biệt đối xử.

3.  Yến------ Đức Giám Mục thành phố Castenaso than phiền chính quyền địa phương về việc cải biên hang đá Giáng Sinh
Một giám mục Ý đã đụng độ với thị trưởng địa phương về việc thành phố này thay thế cái nôi trong cảnh giáng sinh bằng một chiếc xuồng.
Đức Giám Mục Vecchi nói rằng, việc đưa một chiếc xuồng vào cảnh Giáng Sinh có thể là chính đáng, nhưng bỏ hẳn chiếc nôi Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ làm sai lạc quá xa ý nghĩa việc Chúa Giêsu hạ mình xuống thế làm người.
Thị trưởng Castenaso, Stefano Sermenghi, nói ông đã thay đổi để thu hút sự chú ý của dân chúng đối với cuộc khủng hoảng người nhập cư.
Nhưng Đức Giám Mục Ernesto Vecchi, một Giám Mục Phụ Tá của giáo phận Bologna, nói rằng việc sử dụng chiếc xuồng trong cảnh Giáng Sinh là một bước đi quá xa. Đức Giám Mục Vecchio nói với tờ Il Resto di Carlino, rằng chiếc nôi là một dấu hiệu cho thấy Chúa Kitô khiêm tốn tự hạ mình để chết trên thập tự giá cho chúng ta. Ở đây, cảnh Giáng Sinh phải tuân theo Phúc Âm “từng chữ một”.
Cảnh máng cỏ Giáng Sinh của Vatican năm ngoái cũng bao gồm một chiếc thuyền thể hiện hành trình nguy hiểm của người nhập cư qua Địa Trung Hải. Nhưng cảnh Giáng Sinh ở Castenaso năm nay đi xa hơn nữa, nó miêu tả Đức Trinh Nữ Maria đang ngồi, với Chúa Giêsu trong vòng tay, trên chiếc thuyền cao su, cùng với Thánh Giuse đứng bên họ.
Đức Giám Mục Vecchi nói rằng việc đưa chiếc xuồng vào là có thể hiểu được, nhưng nó không có vai trò trung tâm như vậy.
Vị giám phụ tá đồng ý rằng sự thay đổi này có ý hướng tốt, nhưng nói rằng nó làm méo mó ý nghĩa của lễ Giáng sinh, vì “Chúa Giêsu là Đấng cứu thế cho mọi vấn đề, chứ không phải chỉ một vấn đề đặc thù.”

4.  Hạnh----- Hội Đồng Giám Mục Ba Lan bác bỏ những lời đe dọa của Liên Hiệp Âu Châu
Một phát ngôn viên Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã lên tiếng bác bỏ những lời đe dọa của Liên minh Châu Âu nếu quốc hội nước này thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn phá thai được Giáo Hội hậu thuẫn.
Cha Pawel Rytel-Andrianik, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, nói: “Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nhấn mạnh rằng quyền sống là điều cơ bản đối với mọi người, vì vậy tất cả chúng ta đều phải bảo vệ quyền này cho những đứa trẻ vô phương thế tự vệ. “Không ai có thể lấy phủ nhận, hoặc áp lực từ bên ngoài hay bên trong nhằm thay đổi một thực tế đã được khoa học chứng minh rằng cuộc sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai.”
Nghị viện châu Âu cho biết họ sẽ yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu hành động nếu các nhà lập pháp Ba Lan thông qua những hạn chế mới, đã được 830,000 người Ba Lan đưa ra trong một kiến nghị được trao cho viện Sejm, tức là Hạ viện của Quốc hội Ba Lan vào ngày 30 tháng 11 vừa qua.
Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 8 tháng 12 với Catholic News Service, linh mục Rytel-Andrianik nói rằng sẽ rất khó để “đánh giá trước” tác động các mối đe dọa của Liên Hiệp Âu Châu. Những lời đe dọa này bị chỉ trích là can thiệp vào đất nước Công Giáo Bal Lan.
Cha Rytel-Andrianik nói: “Nghiên cứu cho thấy trẻ phát triển như thế nào trước khi sinh, vì thế đây không chỉ là vấn đề về tôn giáo, mà là vấn đề về mặt khoa học.”

5.  Sơ Linh ------  Hai Giám Mục Anh Giáo sẽ sớm gia nhập Giáo Hội Công Giáo
Hai Giám Mục Anh Giáo và đồng thời là hai anh em sinh đôi, Peter Ball, nguyên Giám Mục Lewes và Gloucester; và Michael Ball, nguyên Giám mục Truto đã quyết định gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Cả hai vị này đã về hưu và sống chung với nhau tại Sommerset thuộc giáo phận Anh Giáo Arundel và Brighton.
 Trong một thông báo vào ngày 6/12, Giáo phận Anh Giáo Arundel và Brighton nói: “Chúng tôi xác nhận hai vị này đã có những tiếp xúc với giáo phận Clifton của Công Giáo La Mã, nơi họ đang sống, để bày tỏ mối quan tâm đến việc trở thành một thành viên của Giáo Hội Công Giáo.”
Việc trở lại Công Giáo của hai vị này cố nhiên vấp phải nhiều chống đối của Anh Giáo. Điều oái oăm là việc trở lại Công Giáo của hai vị cũng vấp phải những dèm pha từ một vài người Công Giáo. Lý do chủ yếu là vì Đức Cha Peter Ball đã bị tù 32 tháng từ tháng 10 năm 2015 vì tội sách nhiễu tình dục 18 thanh niên trong thập niên 1970.
Tiến trình thảo luận với giáo phận Clifton của Công Giáo Anh đã có những phức tạp sau khi Đức Cha Michael Ball gởi một email cho một ký giả của BBC cho biết ý hướng muốn gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Ký giả này đã forward email đó cho Peter Saunders, một thành viên trong Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Em của Tòa Thánh. Peter Saunders không chào mừng việc hai vị Giám Mục này gia nhập Giáo Hội Công Giáo nhưng trái lại nói ông ta “kinh tởm” trước quyết định này.
Trong những diễn biến mới nhất, hai vị Giám Mục Anh Giáo nói họ đang trao đổi với giáo phận Clifton để được trở thành các tín hữu bình thường trong Giáo Hội Công Giáo hầu có thể “thờ phượng Chúa trong thầm lặng”.

6.  Yến ------  Nghị sĩ Công Giáo chỉ trích cuộc vận động ''ly hôn không có lỗi'' tại Anh
Một Nghị sĩ Công Giáo đã chỉ trích các cuộc vận động cho tiến trình “ly hôn không có lỗi”, nghĩa là người muốn ly hôn không cần đưa ra bất cứ “lỗi” của người phối ngẫu; không thích ở chung với nhau nữa thì ly hôn vậy thôi. Ông nói rằng đó sẽ là một bước “thoái hóa” có thể gây tổn thương cho “người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất” trong xã hội.
Sir Edward Leigh đã phát biểu như trên sau khi tờ Times tung ra một chiến dịch vận động thay đổi luật để các cặp vợ chồng có thể được ly dị nhanh chóng - tức là dưới hai năm - mà không cần đổ bất cứ lỗi nào cho người phối ngẫu. Thẩm phán cao cấp nhất của Anh, là Baroness Hale của thành phố Richmond, chủ tịch Tòa án Tối cao, đã ủng hộ chiến dịch này, và nói rằng hệ thống hiện nay đã gây khó khăn cho các gia đình.
Nhưng Sir Edward cho biết bằng chứng từ nhiều quốc gia - từ Hoa Kỳ đến Thụy Điển - cho thấy “ly hôn không có lỗi” đã “có ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và những hành vi chống lại xã hội. Phụ nữ trở nên nghèo hơn, các bà mẹ độc thân phải làm việc lâu hơn, và trẻ em trở nên bất lợi hơn.”

7.  Hạnh -----  Hai bổ nhiệm Tổng Giám Mục quan trọng trên thế giới
Sáng ngày thứ Năm 7 tháng 12, Tòa Thánh đã công bố hai bổ nhiệm Tổng Giám Mục quan trọng trên thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit làm Tổng Giám Mục Paris, và Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes làm tân Tổng giám mục thành phố Mexico.
Đức Cha Aupetit, hiện là Tổng giám mục của Nanterre, từng là cựu bác sĩ y khoa và một nhà đạo đức sinh học, và là chủ tịch Hội đồng Gia đình và Xã hội của Hội Đồng Giám Mục Pháp. Ngài thay thế Đức Hồng Y André Vingt-Trois, nghỉ hưu vì lý do tuổi tác.
Đức Hồng Y Aguiar hiện là Tổng giám mục Tlalnepantla, ngay phía bắc thành phố Mexico. Ngài là chủ tịch Hội đồng Giám mục Mexico từ năm 2006 đến năm 2012, và là chủ tịch CELAM (Hội nghị các Giám Mục Mỹ Latinh) từ năm 2011 đến năm 2015. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào năm 2016.
Ngài cũng là thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn và của Uỷ ban Giáo hoàng về Mỹ Latinh trong giáo triều Rôma.
Ngài thay Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera trong vai trò chủ chăn một giáo phận lớn nhất thế giới.

8.  Sơ Linh ------  78 phạm nhân tại các nhà tù ở Á Căn Đình được rửa tội.
78 phạm nhân trong các nhà tù ở giáo phân San Isidro, nước Á Căn Đình, đã được chịp phép rửa tội, thêm sức và rước lễ lần đầu vào ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội 8 tháng 12 năm 2017.
Đức Giám Mục Oscar Ojea, Đức Giám Mục Martin Fassi, Nữ Tu María Cristina Albornoz và hơn 20 thiện nguyện viên của giáo phận Isidro đã tham gia chương trình mục vụ cho các tù nhân nam và nữ tại các nhà tù trong thành phố Buenos Aires. Chương trình này bắt đầu hoạt động từ năm 2010 cho đến nay.
Đức Cha Fassi, Giám Mục Phó giáo phận Isidro đã chủ sự thánh lễ rửa tội cho 68 phạm nhân nam và 10 phạm nhân nữ. Trong bài giảng Đức Cha Fassi đã khuyến khích các phạm nhân hãy sống theo con đường của Chúa, kết hợp đời sống mình với đời sống của Chúa. Ngài nói thêm:
Chúa Giêsu cũng bị người ta chối bỏ, nhưng Ngài đã trở lại, đến với chúng ta để thay đội tâm tư, mang lại cho chúng ta cách suy nghĩ mới.
Chương trình mục vụ dành cho các phạm nhân của giáo phận Isidro không những là dậy giáo lý, cử hành thánh lễ, ban các bí tích, mà còn huấn nghệ cho các phạm nhân để sau này khi trở về đời sống bình thường họ có một nghề nghiệp sinh sống.
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.
Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về địa chỉ tv@vietcatholic.net
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô