Ngày 20-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một Người Con đã được ban tặng cho ta
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:21 20/12/2021

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH
“MỘT NGƯỜI CON ĐÃ ĐƯỢC BAN TẶNG CHO TA”
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14

Mỗi độ Giáng Sinh về, chúng ta thường tặng quà cho người thân, bạn bè. Mỗi món quà dù lớn, dù bé, dù đắt hay rẻ, đều chứa đựng thông điệp yêu thương mà người tặng gửi gắm trong đó. Khi nhận quà, người nhận phải khám phá sứ điệp đó.

1- Món quà ý nghĩa

Người ta kể rằng: có một anh lính từ chiến trường xa trở về thăm vợ con nhân dịp mừng lễ Giáng Sinh. Lâu ngày xa cách, nhớ vợ thương con, nay được trở về, anh muốn mua một món quà để tặng vợ nhưng trong túi không có đồng nào. Về gần tới nhà, anh nghĩ ra một cách làm vợ con ngạc nhiên. Anh lấy một băng vải, rồi viết lên trên đó hàng chữ: “Quà tặng em.” Anh mang lên ngực và gõ cửa. Người vợ ra mở cửa và thấy chồng mình trở về bình an từ chiến trường, chị rất vui mừng, và khi đọc hàng chữ “quà tặng em” chị càng ngạc nhiên, xúc động hơn, chị liền ôm lấy anh. Vì quả thật đối với chị lúc này, sau bao ngày xa cách, chồng là món quà quý nhất, hơn mọi món quà khác trong ngày lễ Giáng Sinh.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta nói đến một món quà khác giá trị hơn các món quà vật chất. Đó là món quà Hài Nhi Giêsu mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta.

Quả thế, từ xa xưa trong Cựu Ước, tiên tri Isaia tiên báo về món quà mà Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại: “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng… Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu độ ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,1.5). Những lời này đã thực ứng nghiệm qua biến cố Con Thiên Chúa sinh ra tại Bêlem. Đó là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại, được các thiên thần loan tin trong bài Tin Mừng: “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em, trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11).

2- Quà tặng và người tặng quà

Thần học gia nổi tiếng người Đức, Karl Rahner nói rằng: “Nơi Thiên Chúa, người tặng và quà tặng là một. Thiên Chúa không ban một cái gì, một vật gì, mà ban chính mình Người cho chúng ta. Nhờ quà tặng là chính Thiên Chúa, mà chúng ta mới có thể đón nhận sự sống của Người cho chúng ta.” (K. Rahner, Corso fondamentale sulla fede.) Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chính Con Một yêu dấu của Người.

Thật vậy, Đức Giêsu là quà tặng quý nhất mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại. Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ con người nên Người sai Ngôi Hai xuống thế làm người, cứu nhân độ thế. Chiêm ngắm biến cố này, thánh Gioan cảm nghiệm: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Khi tặng ban Con Một, Thiên Chúa đã ban điều lớn lao nhất, điều quý giá nhất, để minh chứng tình yêu lớn lao nhất của Người đối với nhân loại. Vì yêu là cho đi; yêu là hiến mình; và yêu là cứu độ.

Thế nên, sứ điệp mà Hài Nhi Giêsu mang đến cho nhân loại trong đêm nay là sứ điệp yêu thương: Thiên Chúa yêu thương chúng ta; Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta. Nếu lịch sử của con người là lịch sử của sa ngã và phản bội, thì lịch sử của Thiên Chúa là lịch sử của trung thành và cứu độ. Thiên Chúa không bỏ mặc con người phải hư mất trong lầm than và tội lỗi.

Thánh Phanxicô Assisi quỳ bên hang đá, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh, ngài tự vấn: tại sao Thiên Chúa quyền năng lại trở nên một em bé thấp hèn? Tại sao Thiên Chúa cao sang lại sinh ra trong hang lừa nghèo khó? Từ đó, ngài cảm thấy tâm hồn tràn ngập lòng yêu mến và không thể kiềm chế cảm xúc, ngài chạy ra các đường phố Assisi và kêu lên: “Anh chị em hãy yêu mến Chúa Hài Đồng, hãy yêu mến Chúa Hài Đồng.”

3- Trở nên quà tặng cho nhau

Đêm nay, chúng ta cử hành đại lễ mừng Con Chúa giáng sinh. Đây là đêm an lành, đêm hồng ân và đêm ánh sáng. Tất cả chúng ta được mời gọi quỳ bên hang đá, để thờ lạy Chúa Hài Nhi, chiêm ngắm Con Thiên Chúa làm người trong cảnh cơ hàn, để cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Lễ Giáng Sinh là “lễ tình thương,” tình Chúa giáng sinh trên tình người. Khi đón nhận món quà giáng sinh là Chúa Hài Đồng, chúng ta hãy mang Chúa về trong gia đình và chia sẻ niềm vui đó với mọi người xung quanh. Sứ điệp giáng sinh là sứ điệp hãy sống hòa bình, tôn trọng và nhân ái đối với tha nhân.

Để sống mùa Giáng Sinh ý nghĩa, thánh Phaolô trong bài đọc II mời gọi chúng ta: “Phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,11-12).

Chúng ta cũng được mời gọi trở thành món quà cho nhau khi biết hoán cải đời sống. Mùa Giáng Sinh và năm mới là dịp thuận tiện để chúng ta hòa giải với Chúa và làm hòa với nhau. Như thế, việc cử hành lễ Giáng Sinh mới mang lại ý nghĩa đích thực cho chúng ta. Bởi lẽ, như lời các Giáo Phụ dạy: “Nếu Chúa Giêsu tiếp tục giáng sinh ngàn lần ở Bêlêm, mà không giáng sinh một lần trong lòng chúng ta, thì những lần giáng sinh ấy có mang lại ý nghĩa gì cho chúng ta không?”

Kính chúc anh chị em được đầy niềm vui, ân sủng của Thiên Chúa trong mùa Giáng Sinh và năm mới này. Nguyện xin Chúa Giêsu Hài Đồng chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/









 
Để Cứu Độ Chúng Ta
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:33 20/12/2021

LỄ NGÀY GIÁNG SINH
“ĐỂ CỨU ĐỘ CHÚNG TA”
Is 52,7-10; Dt 1,1-16; Ga 1,1-18

Trong ngày đại lễ mừng Con Chúa Giáng sinh hôm nay, chúng ta lắng nghe thánh Gioan nói về nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu Hài Đồng qua lời mở đầu Tin Mừng của ngài. Giáo Hội cho chọn đọc bài Tin Mừng này với dụng ý giúp chúng ta khám phá nguồn gốc của Con Thiên Chúa nơi hình hài khiêm hạ của một trẻ thơ nằm trong hang lừa.

Thật vậy, trong Kinh Tin Kính, có một đoạn mà trong thánh lễ này khi đọc đến đó chúng ta phải quỳ gối: “Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế.” Đây chính là câu trả lời nền tảng và vững chắc cho câu hỏi: “Tại sao Ngôi Lời đã trở thành nhục thể?” Tuy nhiên, lời tuyên xưng này cần được hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ. Câu hỏi trên được đặt ra theo cách nói khác: “Tại sao Người đã làm người “để cứu độ chúng ta?” Có phải bởi vì chúng ta đã phạm tội và cần được cứu độ không?

Trong quá khứ, các nhà thần học của Giáo Hội đã tranh luận về vấn nạn này. Nhiều người cho rằng vì con người đã phạm tội, nên Con Chúa mới nhập thể làm người. Nhà thần học nổi tiếng Duns Scotus, một tu sĩ dòng Phanxicô, đã tháo cởi sự liên kết quá mức giữa nhập thể với tội lỗi của con người khi giả thiết rằng nếu con người không phạm tội nguyên tổ, Thiên Chúa vẫn nhập thể làm người. Theo Duns Scotus, Thiên Chúa nhập thể không chỉ vì tội lỗi và còn để bày tỏ tình yêu và vinh quang của Người. Đây là lý do chính yếu của mầu nhiệm nhập thể.

Quan điểm này, dẫu rất ý nghĩa, nhưng vẫn chưa phải là câu trả lời dứt khoát và đầy đủ. Chúng ta biết rằng đối với các triết gia Hy Lạp, điều quan trọng nhất đó là Thiên Chúa được yêu; nhưng đối với Kinh Thánh, điều quan trọng nhất không phải là Thiên Chúa được yêu, nhưng là Thiên Chúa yêu và đã yêu chúng ta trước (x. 1 Ga 4,19). Thiên Chúa đã muốn Chúa Con nhập thể không phải vì để được yêu với một tình yêu vô biên của Con Thiên Chúa như Duns Scotus nói, nhưng căn bản để yêu loài người với một tình yêu vô biên đó qua Chúa Con.

Khi Hài Nhi Giêsu được sinh ra, Chúa Cha có một người để yêu với tình yêu vô biên, bởi vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Cùng với Người, chúng ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta được liên kết trong tình yêu này với Chúa Giêsu khi trở thành những chi thể Nhiệm Thể Chúa Kitô, là “con cái Thiên Chúa trong Chúa Con.” Trong lời mở đầu, thánh Gioan nhắc nhở chúng ta điều đó: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).

Vì thế, Chúa Kitô đã từ trời xuống thế “vì ơn cứu độ chúng ta,” nhưng điều đã thúc đẩy Người xuống thế vì ơn cứu độ chúng ta là tình yêu, không gì ngoài lý do tình yêu.

Giáng Sinh là bằng chứng hùng hồn nhất về “sự biểu lộ lòng từ bi và nhân ái” (philanthropy) của Thiên Chúa như Kinh Thánh diễn tả (Tt 3,4). Nghĩa là sự biểu lộ “tình yêu” (philea) vì loài người (anthropos). Thánh Gioan cũng trả lời câu hỏi tại sao Thiên Chúa nhập thể theo cách thức này: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Như thế, chúng ta phải làm gì để trả lời cho sứ điệp Giáng Sinh? Trong bài Cao Cung Lên, có một lời ca rất đơn sơ mà thâm thúy: “Ôi hỡi trần gian, im tiếng đi mà cung kính. Chúa Con ra đời trong máng cỏ hang lừa.”

Có nhiều điều chúng ta làm để mừng đại lễ Giáng Sinh, nhưng điều ý nghĩa nhất nên làm, là hãy có một tâm tình đơn sơ tạ ơn, một tình yêu cảm mến dành cho Đấng đã đến và ở giữa chúng ta. Đó là món quà quý nhất mà chúng ta có thể dành cho Hài Nhi Giêsu, là đồ trang trí đẹp nhất nơi hang đá.

Tuy nhiên, tình mến đơn sơ cần được thể hiện trong những hành vi cụ thể. Một biểu cảm đơn sơ nhất và khắp mọi nơi đều làm, là đến thờ lạy và hôn kính Hài Nhi.

Chúng ta hãy đến thờ lạy và hôn kính Hài Nhi, như chúng ta muốn hôn những đứa trẻ dễ thương vừa mới sinh. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ hôn kính những bức tượng bằng thạch cao hay gỗ đá, nhưng hãy thăm viếng Hài Nhi Giêsu bằng xương bằng thịt, hiện thân trong những người nghèo khổ.

Giáng Sinh về là dịp để chúng ta thăm viếng những người nghèo khổ và giúp đỡ họ bằng những việc làm cụ thể như khích lệ, ủi an, giúp đỡ họ với thái độ vui tươi… Chúng ta cũng hãy dành cho nhau những lời chào hỏi thân ái và thánh thiện trong Chúa khi gặp gỡ nhau.
Đó là những món quà đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể dâng lên Chúa Hài Đồng bên hang đá Bêlem mỗi độ Giáng Sinh về. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Thánh Gia, Mẫu gương cho các gia đình
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:40 20/12/2021


CHÚA NHẬT I MÙA GIÁNG SINH

LỄ THÁNH GIA THẤT

THÁNH GIA, MẪU GƯƠNG CHO CÁC GIA ĐÌNH

1 Sm 1,20-22.24-28; 1 Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52

Gia đình là nền tảng của xã hội. Nếu gia đình tốt, thì xã hội sẽ tốt. Ngược lại, nếu gia đình loạn, thì xã hội sẽ loạn. Bởi thế, gia đình có một vai trò quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Người đã sai Con Chúa nhập thể làm người, sinh ra và lớn lên trong một môi trường gia đình như là phương thế để cứu độ chúng ta.

Nhưng làm sao để có thể xây dựng một gia đình thánh thiện, hạnh phúc và yêu thương? Đó là câu hỏi mà mỗi người chúng ta đặt ra để suy nghĩ trong thánh lễ này.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trả lời cho câu hỏi đó qua việc giới thiệu với chúng ta mẫu gương Thánh Gia Thất như là lý tưởng cho mỗi gia đình chiêm ngắm và noi gương. Gia đình Thánh Gia được xây dựng trên ba nền tảng chính yếu: Đức tin, tình yêu và tha thứ.

1- Một gia đình đức tin

Trước hết, Thánh Giuse và Đức Maria đã xây dựng đời sống gia đình của mình dựa trên nền tảng đức tin. Đây là nền tảng quan trọng nhất cho đời sống gia đình Kitô giáo. Quả thế, thánh Giuse và Đức Mẹ là những người đầu tiên của Tân Ước tin vào Thiên Chúa. Tin Mừng cho thấy Đức Maria đã tin vào lời của thiên thần truyền; Đức Mẹ đã thưa “xin vâng” và cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức Maria đã cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế cho nhân loại vì Mẹ đã tin vào lời Chúa hứa.

Còn thánh Giuse là người luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, sống theo lề luật Người. Ngài tin vào lời thiên thần giải thích và đã mau mắn đón nhận Đức Maria và Hài Nhi về nhà mình. Ngài trở thành cha nuôi Con Đức Chúa Trời.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho chúng ta biết sự kiện hai ông bà đưa Chúa Giêsu đi hành hương lên Giêrusalem, nhưng hai ông bà đã lạc mất Chúa, và phải vất vả lo lắng đi tìm con như thế nào. Sau khi tìm thấy Chúa, hai ông bà đưa Chúa trở về gia đình Nadarét, chăm sóc và dưỡng dục. Nhờ đó, trẻ Giêsu càng ngày càng thêm khôn ngoan, cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Còn Đức Maria thì ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy gẫm trong lòng (x. Lc 2,41-52).

Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng gia đình Thánh Gia là một gia đình của đức tin. Đức Maria và thánh Giuse là những con người của đức tin. Tất cả những gì các ngài làm đều phát xuất từ một đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa. Cả hai cố gắng chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, để có bình an và hạnh phúc, mỗi gia đình cần xây dựng trên nền tảng đức tin. “Chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 3,23). Noi gương Thánh Gia Thất, chúng ta hãy mở cửa cho Chúa bước vào và hiện diện ở trong gia đình. Mỗi người trong gia đình hãy sống và hành xử theo tiêu chuẩn của đức tin. Nếu chúng ta xây dựng gia đình của mình chỉ dựa trên tiền bạc, danh vọng và hưởng lạc; chúng ta đang xây nhà mình trên cát. Khi khó khăn ập tới, nhà sẽ sụp đổ tan tành như Lời Chúa đã cảnh báo! Bởi thế, chúng ta hãy xây dựng gia đình của chúng ta trên đá tảng đức tin là Chúa Kitô để gia đình chúng ta được vững vàng khi những sóng gió ập tới.

2- Một gia đình yêu thương

Chúng ta… phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (1 Ga 2,23). Thánh Gia Thất là mẫu gương tuyệt hảo về đức yêu thương. Thánh Giuse là cột trụ của gia đình, là người công chính và luôn trung thành với lề luật Thiên Chúa, đồng thời là người rất mực yêu thương Đức Maria và Chúa Giêsu. Suốt những năm tháng ở Nadarét, Giuse đã chăm chỉ lao động, sản xuất để nuôi sống gia đình. Khi gặp cảnh khó khăn thử thách, ngài tìm mọi cách để bảo vệ và che chở Hài Nhi và vợ mình.

Còn Đức Maria thì luôn chu toàn bổn phận của một người vợ, lo lắng chăm sóc gia đình, tận tụy cung cúc một đời cho chồng con. Mẹ luôn tuân phục thánh Giuse và nhất là luôn chăm sóc yêu thương con mình là Chúa Giêsu.

Riêng đối với Chúa Giêsu, dẫu là Con Thiên Chúa, Người luôn vâng phục cha mẹ của mình trong gia đình. Người luôn đón nhận lời chỉ bảo của cha mẹ. Với tư cách là một người con, Người đã sống tròn chữ hiếu đối với cha mẹ.

Quả thật, “yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng cả hai cùng nhìn về một hướng.” Thánh Gia Thất là một gia đình đầy tình yêu thương giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái. Các ngài luôn hướng về nhau, lo lắng và quan tâm nhau; các ngài cố gắng làm mọi sự tốt nhất cho nhau. Đúng là “thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn.”

Noi gương Thánh Gia Thất, mỗi người chúng ta hãy yêu thương nhau như Chúa dạy. Gia đình yêu thương là gia đình hạnh phúc. Gia đình yêu thương là gia đình vượt thắng mọi thử thách. Gia đình yêu thương là gia đình truyền giáo.

3- Một gia đình cảm thông và tha thứ

Khi sống chung, Thánh Gia Thất cũng có những hiểu lầm, những khó khăn như khi thánh Giuse phát hiện Đức Maria mang thai mà không phải do mình, các ngài không cãi cọ và tố cáo nhau. Nhưng các ngài bình tĩnh, cầu nguyện và tìm ý Chúa, nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho những khó khăn. Khi được sứ thần giải thích, các ngài mau mắn đón nhận nhau với sự cảm thông và tha thứ cho nhau những hiểu lầm.

Gia đình nào cũng có những hiểu lầm và những khó khăn, điều quan trọng là chúng ta phải biết cảm thông, thấu hiểu và tha thứ cho nhau. Bởi lẽ, có sống chung là có đụng chạm; chúng ta là những bình sành dễ vỡ ở cạnh nhau. Mỗi người đều bất toàn. Ai cũng có những thiếu sót. Vì thế, chúng ta cần phải có lòng tha thứ cho nhau như Chúa đã dạy: “Không phải tha bảy lần, mà bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18,23). Cảm thông và tha thứ là nhịp cầu đưa gia đình chúng ta tới niềm vui và hạnh phúc.

Xin đừng biến gia đình thành “vườn bách thú,” nghĩa là cứ gọi nhau là “con này, con kia” nhưng cố gắng xây dựng một gia đình thành “Giáo Hội tại gia,” để gia đình trở thành môi trường tốt, trong đó mỗi người sống đúng nhân phẩm của mình, vì “anh em là con cái Thiên Chúa và quả thật là thế” (1 Ga 3,1).

Lạy Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse, xin giúp mỗi người chúng con biết xây dựng gia đình trên đá tảng là đức tin vào Chúa Kitô, trên tình yêu, trung thành và tha thứ cho nhau, như Thánh Gia đã sống. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Ngày 21/12: Nhảy mừng đón Chúa. Linh Mục Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh
Giáo Hội Năm Châu
03:59 20/12/2021

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
 
Chuyện tình Emmanuel
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:05 20/12/2021

Lễ Giáng Sinh
Chuyện tình Emmanuel

Một Trinh Nữ thụ thai, sinh con, đồng trinh trọn đời, một giáo lý độc đáo nhất chỉ có trong Kitô giáo. Đức Maria nhận được một sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa. Mẹ đón lấy quyền năng sáng tạo của Thánh Thần.Vì thế Đấng Mẹ sinh ra được gọi là Con Thiên Chúa. Ngôi Hai làm người là "Con Thiên Chúa" theo nghĩa viên mãn chưa từng có.

Chúa Giêsu Kitô là Con của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa; Ngài là Lời của Thiên Chúa (x.Ga 1,1-18). Ngài đã nhập thể làm người, trở thành xác thịt và ở giữa loài người. Thánh sử Matthêu đã trích dẫn sách Ngôn sứ Isaia (7,14) để cho biết tên Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. EL (Thiên Chúa) và NU (chúng ta) trở nên một. Thiên Chúa làm người để nâng con người lên làm con Thiên Chúa: “Mầu nhiệm về con người thực sự được sáng tỏ qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể” (CĐ Vatican II, GS 22).

Thiên Chúa xuống thế làm người “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”( Kinh Tin Kính Công đồng Nicêa năm 325). Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo đã đưa ra 4 lý do : là để cứu độ chúng ta, là để giúp chúng ta nhận ra tình thương của Chúa, là để trở thành mẫu mực thánh thiện cho chúng ta và là để chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (GLCG số 457-460).

Thánh Phanxicô Assissi quỳ bên hang đá, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh, ngài tự hỏi: tại sao Thiên Chúa quyền năng lại trở nên một em bé thấp hèn? Tại sao Thiên Chúa cao sang lại sinh ra trong hang lừa nghèo khó? Từ đó, ngài cảm thấy tâm hồn tràn ngập lòng yêu mến và không thể kiềm chế cảm xúc, ngài chạy ra các đường phố Assisi và kêu lên: “Anh chị em hãy yêu mến Chúa Hài Đồng, hãy yêu mến Chúa Hài Đồng”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thốt lên lời thán phục: “Thiên Chúa quá cao cả đến nỗi Người có thể trở nên bé nhỏ, quá toàn năng đến nỗi có thể trở nên yếu kém và để gặp gỡ ta như một đứa trẻ không có bảo vệ để ta có thể yêu mến Người”.

Thiên Chúa siêu việt đã trở thành một con người.Thiên Chúa vĩ đại, quyền uy đã hiện thân nơi một đứa trẻ bé bỏng mong manh, bọc tã, nằm trong máng cỏ.Thiên Chúa làm người vì yêu thương con người, một tình yêu thật lạ lùng vượt quá trí hiểu.

Nhạc sĩ Mai Nguyên Vũ chiêm niệm tình yêu kỳ diệu ấy và viết ca khúc thật trữ tình ‘Chuyện tình Emmanuel’: “Emmanuel, một chuyện tình kỳ lạ nhất trần thế, một chuyện tình say đắm muôn thế hệ, làm nhỏ bao châu lệ, làm đui mù muôn lý trí. Emmanuel, một cuộc tình chẳng môn đăng hộ đối, một cuộc tình gây chấn động đất trời: Thiên Chúa yêu con người, hạ sinh xuống cõi đời”. Mời quý vị nghe ca sĩ Như Ý hát với trọn tâm hồn yêu mến (https://www.youtube.com/watch?v=hP-g3WGEJu0).

Các Thiên thần báo tin cho các Mục đồng tại Bêlem: “Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, cũng là tin mừng cho cả toàn dân : hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi trong thành vua Đavít” (Lc 2,10-11). Thánh Gioan tông đồ viết : “Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng Cứu Độ thế gian” (1Ga 4,14).

Từ nay,Thiên Chúa không còn đến với con người qua trung gian mà là Con Một được tặng ban cho nhân loại. Tình yêu Thiên Chúa không chỉ là lời hứa mà bằng chính nghĩa cử cao đẹp Ngôi Lời nhập thể. Từ nay, lời hứa cứu độ đã được thực hiện nơi Một Hài Nhi đã sinh ra. Lời hứa ngọt ngào từ thưở địa đàng khi Nguyên Tổ sa ngã đánh rơi khỏi tầm tay trái táo hạnh phúc (St 3,15). Rồi trải qua hàng ngàn năm bằng sự loan báo của các Ngôn sứ, Thiên Chúa vẫn mãi lời hứa tình yêu cứu độ.

Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định : “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai thấy được và do đó con người cũng khó nhận ra tình yêu của Người. Vì thế thánh Gioan viết tiếp : “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến trần gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9).

Nếu tội tổ tông gây tác hại là làm mất tình trạng ơn phúc và để cho tội lỗi lẻn vào thế giới, từ đó đau khổ và sự chết mặc sức hoành hành. Hài Nhi Giêsu sinh đến trong xác phàm lại là khởi đầu một mùa giải thoát. Khi xuống thế, Thiên Chúa đã đem thiên đàng vào cõi trần gian, để mối tình trời đất bị cắt đứt bao đời lại được kết nối một cách mầu nhiệm cho vinh danh trời cao và cho an bình dưới thế.

Tình yêu Thiên Chúa được Chúa Giêsu thể hiện qua đời sống nhân hậu, bao dung vô bờ của Ngài. Lời nói việc làm của Ngài chính là lời nói việc làm của Chúa Cha (Ga 14,10). Toàn bộ cuộc đời của Ngài được Chúa Cha chiếm ngự. Ngài như tấm gương trong suốt phản chiếu khuôn mặt và trái tim Chúa Cha.

"Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Người đã thông tri" (Ga 1,18). Con người có thể biết Thiên Chúa qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ, nhưng chưa ai thấy khuôn mặt Ngài. Chính Chúa Con tỏ bày cho nhân loại biết sự thật sâu xa của Thiên Chúa "Ai thấy Thầy là thấy Cha". Qua cuộc sống và lời giảng dạy, Chúa Giêsu đã chỉ cho nhân loại thấy Chúa Cha nhân hậu giàu lòng xót thương.

Thiên Chúa là Đấng chí thánh. Chúa Giêsu đã dạy con người phải sống thánh thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Chúa Giêsu, một con người thánh thiện không có một dấu vết tội lỗi nào. Chính Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống đã làm người, giống chúng ta mọi phần, chỉ trừ tội lỗi (Dt 4,15). Ngài dạy cho nhân loại con đường thánh thiện, và nêu gương thánh thiện. Vì thế, Ngài đã có thể nói : “Hãy học cùng tôi” (Mt 11,29). Khuôn mẫu thánh thiện mà Ngài để lại cho chúng ta được biểu lộ một cách rõ ràng qua tình yêu của Ngài đối với chúng ta, vì tình yêu là cốt lõi của lề luật. Vì thế Ngài dạy rằng : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Nơi Thiên Chúa, tình yêu và sự thánh thiện là một, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu và đồng thời cũng là Đấng Thánh.

Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5,48). Công Ðồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: "Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người" (GH 11,3).Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh.Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên trời, trở nên thánh, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu.

Trước Máng Cỏ Bêlem, thật ngạc nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra tình thương bao la của Thiên Chúa. Lời hứa từ thuở ban sơ, hôm nay đã được thực hiện. Thiên Chúa tỏ bày tình thương bằng cách trao ban chính Con Một của Ngài cho nhân loại.Thánh Phaolô diễn tả: Thiên Chúa bước xuống phận con người, để con người được thông phần bản tính Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Ngôi Lời làm người mang lấy bản tính nhân loại và làm cho bản tính ấy được thông phần bản tính Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa, Ngài đã tự nguyện sinh ra làm con loài người để loài người trở thành con Thiên Chúa nhờ kết hợp với Ngài. Từ khi xuống thế làm người, Con Thiên Chúa đã tự đồng hóa mình với mỗi người trong nhân loại. Từ đây, phẩm giá của con người được nhìn nhận không chỉ vì họ là con người vượt trên mọi loài, nhưng còn vì họ là con Thiên Chúa.

Tin Mừng Giáng Sinh nâng cao phẩm giá con người ngay từ khi được cưu mang trong dạ mẹ và vừa mới sinh ra. Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, chúng ta sẽ học được nhiều bài học về Sự Thật, Tự Do, Công Lý, Hoà Bình và Tình Thương. Hài Nhi Giêsu đã mở ra triều đại của Công Lý Tình Thương trên “nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9,5-6). Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau. Giáng Sinh trở thành một đại lễ của nhân loại.

Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ, câu chuyện tình Emmanuel. Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau. Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau.
 
Tán Tụng Ca
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:36 20/12/2021
Tán Tụng Ca

(Thứ Tư sau Chúa Nhật IV Mùa Vọng – 22/12 – 1Sm 1,24-28; Lc 1,46-56)

Cầu nguyện là động thái căn bản của người có niềm tin vào Đấng Tối cao, Đấng dựng nên vũ trụ đất trời. Lex orandi lex credendi (The way we pray leads to the way believe). Trong các hình thức cầu nguyện thì việc ngợi khen, chúc tụng luôn được xếp hàng đầu. Khi ngợi khen chúc tụng Đấng Toàn Năng là chúng ta nói lên niềm tin vào quyền uy vô biên và sự cao cả vô song của Đấng chúng ta tiếp xúc, gặp gỡ.

Phụng vụ lời Chúa ngày 22/12 qua bài đọc thứ nhất Giáo hội cho đoàn tín hữu nghe chuyện bà Anna đem trẻ Samuel lên Đền thờ dâng lễ tạ ơn và bà đã tiến dâng con trẻ vào Đền thờ phụng sự Thiên Chúa. Phần đáp ca Giáo hội cùng với bà Anna dâng lên Thiên Chúa lời tán tụng: “Tâm hồn con hoan hỷ vì Đức Chúa, nhờ Đức Chúa, con ngẩng đầu hiên ngang…Chẳng có Đấng thánh nào như Đức Chúa, chẳng một ai khác ngoại trừ Ngài, chẳng có Núi Đá nào như Thiên Chúa chúng ta” (1Sm 2,1-2). Bài Tin Mừng tường thuật lời ngợi khen của Mẹ Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…”( Lc 1,46-55).

Có thể nói rằng Kitô hữu chúng ta không chỉ ý thức về sự cần thiết của việc cầu nguyện mà còn chuyên chăm cầu nguyện. Tuy nhiên khi cầu nguyện chúng ta thường chú trọng đến tâm tình tạ ơn, ăn năn thống hối và khẩn xin ơn lành cho bản thân, gia đình hay tha nhân mà xem ra thiếu sót việc chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa để kết hiệp với Người trong sự hiệp thông và đối thoại. Việc xin ơn lành, bày tỏ lòng sám hối ăn năn hay dâng lời tạ ơn thật là chính đáng và phải đạo nhưng có phần nghiêng về chúng ta hơn. Trong khi đó việc ngợi khen, chúc tụng thì chủ yếu hướng về Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ.

Một tâm hồn thánh thiện thì rất dễ kinh ngạc lẫn hân hoan trước sự hùng vĩ của vũ trụ đất trời, trước cảnh bình minh ló dạng, trước vẻ long lanh của giọt sương trên cánh hoa hồng… Một tâm hồn thánh thiện thì sẽ dễ vui mừng hân hoan và cảm nhận sự bình an khi thấy bàn tay của Thiên Chúa qua vòng xoay của lịch sử, khi thấy sự quảng đại phi thường nơi những con người bình thường… Và lời ngợi khen chúc tụng được cất lên.

“Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con!” (thánh Âugustinô). Không phải nhờ biết mình rồi sẽ biết Thiên Chúa, nhưng chính nhờ biết Thiên Chúa hơn thì chúng ta sẽ biết mình hơn. Càng nhiều tâm tình ngợi khen chúc tụng thì chúng ta sẽ càng biết Thiên Chúa hơn và nhờ thế chúng ta sẽ biết mình hơn. Chính động thái chúc tụng ngợi khen sẽ dẫn đến việc tạ ơn, ăn năn thống hối và cầu xin ơn lành.

“Trời xanh ơi, hãy tường thuật vinh quang của Chúa. Ngàn mây ơi, hãy loan truyền những kỳ công tay Chúa đã làm…”. Mong sao Kitô hữu Công Giáo biết noi gương anh chị em Tin Lành tập thói quen hiệp với tác giả Thánh Vịnh dâng lời ngợi ca Thiên Chúa. Hãy chúc tụng Chúa đi ! Allêluia !

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Thế giới đang cần Chúa : Suy Niệm Lễ Đêm Giáng Sinh
LM. Antôn Nguyễn Văn Độ
22:02 20/12/2021
Thế giới đang cần Chúa : Suy Niệm Lễ Đêm Giáng Sinh

(Lc 2, 1-14)

"Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta" (Lc 1,11).

Từ 21 thế kỷ qua, lời rao giảng vui mừng trên vang lên từ con tim Giáo Hội. Trong đêm thánh này, Thiên Thần Chúa lặp lại với toàn thể nhân loại trên thế giới những lời như sau: "Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Vua Ðavít" (Lc 2,10-11).

Câu "Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi ", gợi lên cho chúng ta những câu hỏi: Con người là gì và làm sao mà phải cứu độ? Tại sao Thiên Chúa làm người? Tại sao Thiên Chúa làm điều đó?

Con người là gì?

Có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng : Con người là con vật thượng đẳng đã đạt tới chặng cuối cùng trong quá trình tiến hóa ( Đác- Uyn). Có ý kiến khác cho rằng: Con người là cây sậy biết suy tư. Trước sự bao la của vụ trụ, sức mạnh của thiên nhiên, thân phận con người chỉ như một cây sậy, nhưng là một cây sậy có lý trí. Thiên nhiên có thể đè bẹp con người, nhưng không biết mình thắng, ngược lại con người bị thiên nhiên quật ngã, nhưng con người ý thức được mình thua. Những ý kiến đó không nói lên đầy đủ về phẩm giá và định mệnh con người theo kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo con người giống hình ảnh Chúa (St 1, 26).

Vì không biết đầy đủ về giá trị con người nên nhiều kẻ sống không xứng đáng với phẩm giá của mình, và xúc phạm đến phẩm giá người khác một cách bất công và tàn bạo, quyền con người bị tước đoạt, kể cả quyền sống, người nô lệ trở thành con vật trong tay chủ nhân ông. Ngày nay chế độ nô lệ được bãi bỏ, nhưng cảnh người bóc lột người vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau, mà nạn nhân luôn là kẻ yếu người thua. Mãi đến năm 1948, Liên Hiệp Quốc mới công bố bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, trong đó nói : "Mọi người sinh ra đều bình đẳng có quyền bất khả xâm pham: như quyền sống, quyền cư trú, quyền làm việc, quyền đi lại, quyền tự do tôn giáo…" Tuyên ngôn thì như thế, nhưng trong thực tế thì nhân phẩm và nhân quyền luôn bị chà đạp ở nhiều nơi và dưới nhiều hình thức.

Thiên Chúa làm người vì yêu

Để trả lời cho câu hỏi được đặt ra xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử kitô giáo : Tại sao Thiên Chúa đã làm người? Tại sao Thiên Chúa đã làm như vậy?

Thưa vì yêu thương con người, tất cả vì yêu, tình yêu là lý do cuối cùng Thiên Chúa Nhập Thể. Về điểm này, H.U. von Balthasar đã sau: "Thiên Chúa, trước hết, không phải là một quyền lực tuyệt đối, nhưng là tình yêu tuyệt đối, " (Trích Mầu nhiệm Vượt Qua I,4). Thiên Chúa mà các mục đồng gặp thấy nằm trong máng cỏ, có Mẹ Maria và thánh Giuse ấy là Thiên Chúa Tình Yêu (x. Lc 2, 16). Vì yêu thương nhân loại : "Người đã đến nhà các gia nhân Người" (Ga 1,11).

Noel Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta; Người đến và ở lại với chúng ta, vì yêu chúng ta như Kinh Tin Kính chúng ta vẫn đọc “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta "; " Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14) ban cho những ai tiếp nhận Người "quyền trở nên con cái Thiên Chúa"(Ga 1,12).

Hiện nay, con người đã lên tới Mặt Trăng và Sao Hoả, sẵn sàng chinh phục vũ trụ. Con người đang không ngừng khám phá những bí mật của thiên nhiên và giải mã thành công cả những điều kỳ diệu nơi tế bào "gen", đi vào trong đại dương ảo của internet, nhờ những kỹ thuật truyền thông tân tiến, biến trái đất, ngôi nhà chung to lớn thành một làng nhỏ toàn cầu, thử hỏi Ðấng Cứu Thế có còn cần thiết cho con người nữa hay không?

Thế giới cần Thiên Chúa

Chúng ta phải khẳng định rằng: trong thời đại hiện hôm nay, con người có lẽ cần đến Ðấng Cứu Thế hơn bao giờ hết, bởi vì xã hội trong đó con người sinh sống đã trở nên phức tạp hơn, và những hăm dọa xúc phạm đến sự toàn vẹn bản thân và luân lý. Ai có thể bênh vực con người, nếu không phải Ðấng yêu thương con người cho đến mức độ trao ban chính Con Một làm giá chuộc muôn người.

Đại dịch xảy đến chỉ cho con người biết mình thật sự mong manh và nhận ra sự giới hạn của chính mình. Nhân loại đang rất cần Chúa, thế giới quần quại vì đại dịch càng cần Chúa hơn. Để cất lên những tiếng kêu cầu, con người khiêm nhường cúi đầu quỳ gối xuống xin Chúa đến chữa lành cho. “Thế Giới Cần Chúa” làm một thông điệp gửi đến tất cả mọi người trên thế giới này, giữa lúc mà nhân loại đang hoang mang dường như không còn dựa vào sức riêng của mình được nữa, thế giới đang cần Chúa hơn bao giờ hết. Chỉ có Chúa mới mang bình an, ơn cứu độ đến cho nhân loại.

Thiên Chúa đã làm người trong Chúa Giêsu Kitô, sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ Maria, mang đến cho chúng ta tình yêu, bình an và hạnh phúc của Chúa Cha trên trời gửi tặng nhân loại nhân ngày mừng sinh nhật Con Chúa. Chính Người là Ðấng cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng con tim để Chúa ngự vào, và hãy đón tiếp Người, ngõ hầu Vương Quốc tình yêu và an bình của Người ngự trị trên toàn thế giới.

Xin chúc tất cả Giáng Sinh an lành!

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:39 20/12/2021

19. Con có hai loại sự sống: một loại là xác thịt thoáng cái đã mất; một loại là linh hồn sống mãi bất tử. Do đó, con phải chú ý đến mình, đề phòng cẩn thận, không nên lấy sự sống hay mất làm sự sống đời đời.

(Thánh Basil)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:45 20/12/2021
44. CHỈ THIẾU MỘT TÍ MÀ KHÔNG THÀNH

Một hôm, họ Lăng nhặt được một cái ống tiêu, bèn cầm đi hỏi bạn bè:

- “Ống tiêu này tốt không?”

Bạn bè nói:

- “Tốt thì tốt, nhưng đáng tiếc nó không được liệt vào ba loại tài nghệ, nên không thể cho là quý”.

Họ Lăng nói:

- “Như thế nào mới được gọi là tài nghệ?”

Bạn bè nói:

- “Sáng sớm anh trèo lên trên đình nhà, lợi dụng lúc mặt trời xuất hiện thì đối diện với nó tay cầm ống tiêu, mười ngày sau thì có thể thu hút được tinh hoa của nó”.

Cách mười ngày sau bạn bè lại dạy anh ta:

- “Được khí trời rồi thì còn phải được khí đất nữa, lấy ống tiêu ngâm trong giếng bảy ngày, và để được nhân khí thì lấy ống tiêu bỏ trong hạ thể của phụ nữ ba ngày”.

Sau khi họ Lăng đem ống tiêu bỏ trong giếng bảy ngày thì nghĩ rằng, trong nhà có một bà già dễ dàng xử trí chuyện này, bèn lặng lẽ đi đến bên giường vén mùng và bỏ cái ống tiêu vào, nhưng nào ngờ, bà già phát giác được thì hét to lên.

Phu nhân tỉnh dậy, ngồi lên tra hỏi rồi lấy ống tiêu bẻ gãy, họ Lăng cau có mặt mày nói:

- “A, đây là vì thiếu một tí mà không thành việc lớn”.

(Minh Tề Tiểu Thức)

Suy tư 44:

Ống tiêu đạt tiêu chuẩn, nghệ nhân thổi tiêu tài hoa điêu luyện, thì đã đạt đến tài nghệ rồi, cần gì phải nghe lời bạn bè mà mang họa, đúng là vì thiếu một tí cân nhắc nên vợ con nghi ngờ, thân bại danh liệt.

Từ tốt qua xấu chỉ cách nhau có một tý xíu mà thôi.

Có người hôm qua là người làm ăn lương thiện, hôm nay họ trở thành người giàu có gian xảo: họ thiếu một tý lương tâm.

Có người hôm qua rất dễ thương đáng mến, hôm nay họ vênh váo kênh kiệu với anh em: họ thiếu một tý nhân đức khiêm nhường.

Có người khi chưa được đổi tên “linh mục” thì đơn sơ, hòa đồng với mọi người, khi được gọi là linh mục rồi thì trở nên xa cách với mọi người, kiểu cách với tha nhân: họ thiếu một tý tinh thần tu đức và cầu nguyện.

Đời sống tâm linh có khi thiếu một tý mà mất tất cả, tuy một tí nhưng rất quan trọng, đó chính là cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Linh mục Uruguay gần giành được chiến thắng trong vụ trang tài đầu bếp nhờ món tráng miệng mà thánh Giáo hoàng John Paul II ưa thích
Thanh Quảng sdb
05:26 20/12/2021
Một Linh mục Uruguay gần giành được chiến thắng trong 'vụ tranh tài đầu bếp' nhờ món tráng miệng mà thánh Giáo hoàng John Paul II ưa thích

(Aleteia)

Cha Juan Andrés Verde đã lọt vào vòng chung kết của cuộc thi đầu bếp nổi tiếng sau khi đánh bại nhiều thí sinh tài giỏi. Trong vòng chung kết vào ngày 10/12/2021, cha ấy đã hoàn tất một bữa ăn ba món tuyệt vời. Cha ấy quyết định làm món tráng miệng mà thánh Giáo hoàng John Paul II yêu thích được mang tên là "papal millefeuille", Papieska Kremowka nổi tiếng.

Cha Verde thừa nhận: “Món tráng miệng là điểm yếu của tôi, nhưng thánh Giáo hoàng John Paul II đã cứu tôi!"

Sau đó, cha ấy cũng thêm rằng cha ấy muốn chuẩn bị món tráng miệng cho ĐTC Phanxicô vào một ngày nào đó.

Mặc dù không đạt được giải trong cuộc thi, nhưng cha Verde đã trở thành một người chiến thắng, vì có thể truyền đạt niềm tin vào Chúa qua niềm đam mê nấu nướng của mình.

Cha ấy nói với Aleteia, “Tôi muốn truyền tải một thông điệp trong từng món: Với món đầu tiên (“vitel toné”, một món ăn Giáng sinh truyền thống trong vùng, Ed.), món ăn này có một tầm quan trọng trong gia đình, vào dịp Giáng sinh. Tiếp đến là món thịt nấu với trái vải polenta, tôi muốn nhắc nhớ một món ăn truyền thống trong bất kỳ gia đình nào”.

Với món tráng miệng, cha muốn bày tỏ lòng kính trọng đối với thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã “đi khắp thế giới để truyền giáo. Tôi nghĩ tôi cũng đã làm một việc truyền giáo qua cuộc thi này.

Thật vậy, động lực của cha ấy khi tham gia cuộc thi này là quyên tiền để giúp đỡ những người nghèo ở khu Santa Eugenia của thủ đô Montevideo của Uruguay. Mặc dù không giành chiến thắng trong cuộc thi, nhưng cha ấy đã công khai lý do tham gia của mình và cha ấy nghiễm nhiên trở thành một nhà tài trợ đã thu được một số tiền tương đương số tiền mà cha ấy nhận được nếu cha ấy trúng giải cuộc thi. Sau cuộc thi, cha ấy đã nhận được sự chào đón của người từ các khu phố.

Cha ấy đã chia sẻ: “Tôi muốn nói với mọi người rằng: CUỘC SỐNG rất đáng quí! Xin Chúa ban phước dồi dào cho tất cả các bạn! Và CHÚNG TA SẼ KHÔNG DỪNG LẠI CHO ĐẾN KHI ĐẠT ĐẾN ĐÍCH! ”.

Ngay cả trước khi tham gia giải nấu ăn, cha Verde đã được biết đến trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Trước khi vào trường dòng, ngài đã chơi bóng bầu dục cho đội bóng bầu dục trẻ quốc gia Uruguay trong các cuộc thi thế giới ở Ireland và Nhật Bản. Việc anh xuất gia đi tu vào năm 2017 đã gây xôn xao dư luận và anh từng có hàng chục nghìn người hâm theo dõi Facebook của cha.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh sinh hoạt kỷ niệm 15 năm thành lập của Chương trình Thăng tiến Hôn nhân, Melbourne
Trần Văn Minh và hình của Vu Ngo
17:08 20/12/2021
Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Melbourne mừng kỷ niệm 15 năm thành lập

Melbourne, vào lúc 4 giờ chiều ngày 19/12/2021. Tại Nhà thờ Saint Martin vùng Avondale Height, Melbourne. Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Melbourne đã dâng lễ đồng tế tạ ơn kỷ niệm 15 năm ngày thành lập hội đoàn.

Xem hình

Thánh lễ do Linh mục Martine Đinh Trung Hòa SJ là Linh nguyền và Linh Mục Vincent Lê Thành Nhân Chánh xứ, cùng các song nguyền của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân và gia đình cùng hiệp dâng Thánh Lễ Tạ ơn.

Để kỷ niệm, vào lúc 7 giờ chiều cùng ngày, chương trình cũng có bữa tiệc mừng để cho các song nguyền có dịp gặp gỡ nhau sau thời gian dài bị lockdown vì dịch Covid Tầu. Tiệc tại Nhà hàng Happy Receptions
 
Giáo xứ St. Maria Goretti, San Jose: Đêm thánh nhạc Giáng Sinh 2021
Thái Phạm
21:48 20/12/2021
 
Văn Hóa
Khi Maria von Trapp đối đầu với phá thai và Hitler
Vũ Văn An
21:14 20/12/2021

Nhân vật nữ chính của 'The Sound of Music' đã phải đối đầu với nhiều thách thức khi gia đình rời quê hương Áo. Đức tin của Maria và tình yêu của gia đình lớn của bà đã khiến ngày sống họ tràn ngập niềm vui bất chấp các hoàn cảnh.



Làm thế nào bạn giải quyết một vấn đề như Maria? Nhân vật nữ chính của bộ phim ca nhạc Mỹ năm 1965, The Sound of Music, Bà nam tước Maria Augusta von Trapp, thực sự rất lôi cuốn. Các sự kiện của bộ phim chỉ là một chương nhỏ trong cuộc đời đáng kinh ngạc của Maria, chồng bà Georg và 10 đứa con của họ. Khi cuộc sống của bà diễn biến, Maria đối đầu (theo nghĩa đen) với cả phá thai lẫn Adolf Hitler.

Báo ứng đầu tiên là Adolf Hitler. Gia đình von Trapp lúc đó sống ở Áo một thời gian sau cuộc xâm lược của Đức Quốc xã. Đức Quốc xã nhanh chóng siết chặt sự kìm kẹp của họ đối với nền văn hóa Áo bằng cách thay thế các bài hát dân gian, phong tục và các bức tượng bằng hình ảnh Adolf Hitler và cờ chữ vạn mang hình ảnh của điều bị Maria gọi là “con nhện đen”.

Ở các trường công lập của họ, những đứa con von Trapp được cung cấp các giáo viên mới, người của “đảng”. Trong cuốn sách của riêng mình, Câu chuyện về những ca sĩ của gia đình Trapp, Maria viết,

“Bọn trẻ đi học về nói rằng giáo viên này hay giáo viên nọ không còn ở đó nữa, giáo viên mới, thậm chí cả hiệu trưởng mới đã thay thế họ… [bọn trẻ được dặn] về nhà, không bao giờ được kể lại những gì chúng đã học ở trường lúc này… Điều này có thể tiếp diễn trong bao lâu? "

Rất nhanh sau đó, Maria và Georg quyết định rời quê hương của họ. Trong phim, gia đình von Trapp âm mưu vượt ngục táo bạo trên những ngọn núi của đất nước Áo bị phát xít Đức xâm lược. Trên thực tế, gia đình này thực hiện một chuyến khởi hành ít kịch tính hơn từ đất nước họ đến thành phố New York. Tuy nhiên, trước khi trốn khỏi quê hương bản quán của họ, Maria và Georg đã chạm trán với chính Lãnh Tụ. Trong khi ăn trưa ở Munich, gia đình von Trapps phát hiện họ đang ngồi cạnh Adolf Hitler.

Maria nhớ lại, "'Nhìn! LãnhTụ kìa! Ở bàn bên cạnh!’ Và đúng như vậy. Ngồi ngay bàn bên cạnh là Lãnh Tụ của nhân dân Đức, được bao quanh bởi sáu hoặc tám nhân viên S.S. Tất cả đều uống bia, còn Hitler, thì uống nước ép quả mâm xôi, vì một trong những đức tính vô kể của ông ta là không đụng đến rượu, cũng không ăn thịt. Trong bốn mươi phút tiếp theo, chúng tôi đã có cơ hội hạng nhất để nhìn ngắm Đấng Mêxia của Đệ tam Đế chế… Tuy nhiên, người ta không thể chịu đựng được điều này quá lâu. Biết hắn là ai làm người ta quá phiền lòng”.

Không lâu sau cuộc chạm trán này, ngân hàng của gia đình von Trapps bị phá sản, và gia đình mất hết tài sản kếch xù của họ. Họ bỏ lại tất cả để thực hiện một cuộc hành trình đến Mỹ với số tiền ít ỏi trong túi. Gia đình lớn của họ đã giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Maria suy tư, “Dù ngày sống có ra sao đi nữa, nó cũng sẽ chỉ biến thành một bữa tiệc bởi tình âu yếm chân tình được một gia đình lớn cung ứng thực sự”.

Quả thực, đúng như trong phim, Maria đã nhận nuôi bảy đứa con riêng của chồng. Bà và Georg sẽ sớm có thêm ba đứa con với nhau. Họ du hành như một gia đình đến Mỹ với sự bổ sung của một người bạn là linh mục, người sẽ cử hành Thánh lễ hàng ngày và Chầu Thánh thể buổi tối với toàn bộ gia đình. Với số tiền ít ỏi hoặc không có tiền, họ buộc phải triệt để thay đổi lối sống của mình, và điều nghịch lý là Maria lại trở nên đặc biệt vui vẻ. Giữa các khó khăn về tài chính, chồng bà từng nhận xét, "'Có chuyện gì với em vậy? Em hành động như thể em đã kiếm được cả triệu đô la không bằng’. Bà nói,‘Ồ, còn nhiều hơn thế nữa. Em mới phát hiện ra rằng chúng ta không thực sự giàu có, chúng ta chỉ tình cờ có rất nhiều tiền. Đó là lý do tại sao chúng ta không bao giờ có thể nghèo’".

Chính trong thời gian bất trắc này, Maria đã mang thai. Ngay lập tức, bà bắt đầu thấy những cơn đau lưng dữ dội và đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Maria kể lại chuyến thăm, “ ‘Vợ anh không thể có con nữa’, ông ấy nói với chồng tôi; ‘Ít nhất, cho đến khi thận trở lại bình thường. Hiện chúng đều bị nhiễm trùng nặng… Tất nhiên, đứa trẻ phải bị loại bỏ ngay lập tức’. Điều này khiến tôi phẫn nộ. ‘anh nói gì mà tất nhiên? Đây không hề là điều tất nhiên. Ngược lại, điều này hoàn toàn không phải là vấn đề - chúng tôi là người Công Giáo, anh biết đấy’. Thế là bác sĩ có vẻ lo lắng nghiêm trọng. 'Đứa trẻ sẽ không được sinh ra mà còn sống; điều này tôi có thể nói chắc với chị".

Maria đã tiến hành theo cách duy nhất mà bà biết: cầu nguyện sốt sắng. Bà đọc, “Lạy Mẹ diễm phúc, xin Mẹ giúp con. Mẹ đừng để chuyện gì xảy ra với đứa trẻ này”.

Khi đến giờ sinh em bé, cả gia đình cùng tụ họp cầu nguyện lúc lâm bồn: “Gia đình tập trung trong phòng khách, lần chuỗi Mân Côi to tiếng. Sau đó họ hát thánh ca. Rồi họ lại cầu nguyện ”. Sau khi chuyển dạ, em bé ra đời! “Tôi phải siết tay Georg thật chặt, và thời gian như đứng yên. Rồi, tôi nghe thấy một tiếng the thé nhỏ vui nhộn… Ngay phút đó, một dàn hợp xướng đầy đủ ở tầng dưới bắt đầu: ‘Bây giờ chúng ta hết thẩy hãy cảm tạ Chúa của chúng ta!’… ‘Tại sao, vì đây là một cậu bé trai!’… Những dự đoán của bác sĩ đã chứng minh là sai, và Johannes hứa hẹn trở thành một cậu bé người Mỹ tốt lành”.

Về việc trên, Maria đưa ra lời động viên cho những bà mẹ tương lai khi bà kể lại khoảnh khắc bà biết tới nhà cung cấp dịch vụ phá thai hàng đầu tại Hoa Kỳ:

“Nhiều năm sau, tôi tình cờ học biết về Làm Cha mẹ có Kế hoạch và việc kiểm soát sinh sản để đề phòng những đứa con không mong muốn. Tôi phải nói rằng, Johannes đã không được lên kế hoạch chính xác cho thời điểm đó, còn về việc được mong muốn, tôi sẽ vui mừng nói nhiều lần, 'Ồ, há bạn không vui lòng chờ đợi thêm sáu tháng nữa sao?’… Nếu có bất cứ kế hoạch nào được thực hiện, tại sao chúng ta không để Người thực hiện? Bây giờ nhìn lại, tôi biết rằng Người đã chọn đúng thời điểm duy nhất để Johannes ra đời”.

Gia đình von Trapp tiếp tục giành được thành công lớn về âm nhạc với nhiều chuyến lưu diễn ở Hoa Kỳ và nước ngoài. Cuối cùng họ mua được một trang trại ở Stowe, Vermont và xây dựng ngôi nhà của họ bằng chính tay của họ. Họ thực sự leo lên mọi ngọn núi của một thế giới đầy rối ren và tạo được mọi dòng suối trong những hoàn cảnh bất trắc. Với tình yêu bất diệt dành cho nhau, gia đình von Trapp đã thực sự tìm thấy ước mơ của mình.

“Dù phạm phải bất cứ lỗi lầm gì, dù lớn hay nhỏ, bất kể những đám mây có thể chồng chất phía chân trời, tăm tối và đe dọa, tình yêu sẽ vượt qua tất cả.” - Maria Augusta Trapp

Nguồn: https://aleteia.org/2021/12/19/when-maria-von-trapp-was-faced-with-abortion-and-hitler/
 
Chuyện TU SĨ Chuyện EM: Giáng Sinh Covid 2021
Lm Nguyễn Trung Tây
05:59 20/12/2021
LM Nguyễn Trung Tây
Chuyện TU SĨ Chuyện EM: Giáng Sinh Covid 2021


Em từ Việt Nam gọi tôi. Em nói, giọng rất buồn,
– Cha ơi! Giáo xứ của con ở Sài Gòn, đại dịch quét qua, chết nhiều lắm. Chết thiêu không kịp. Hôm lễ các Linh Hồn vừa qua, con một mình phụ trách hát thánh ca. Con đếm được gần 50 hũ tro của giáo dân chết vì Covid.
Em lắc đầu, thở dài,
– Cha ơi! Tháng 12 rồi, bây giờ con chẳng biết năm nay giáo xứ của con sẽ ăn mừng Giáng Sinh hay không?
Tôi trợn mắt nhìn em,
– Ủa, sao vậy? Giáng Sinh tới rồi. Đại dịch thì đại dịch, mình vẫn ăn mừng Giáng Sinh chứ. Ngoại trừ Sài Gòn lại lockdown.
Em tuổi 25, trẻ măng, mà lại thở dài,
– Cha ơi! Sài Gòn bây giờ vẫn còn đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, rửa tay bằng cồn trước thánh lễ. Hàng quán nhiều nơi không dám mở cửa buôn bán. Người ở Sài Gòn hốt hoảng, lũ lượt lên đường bỏ về quê quán. Sài Gòn giờ này nghi ngờ nhau, không ai dám gặp ai.
Em tiếp tục,
– Nhà thờ xứ con đã mở cửa, nhưng cũng vắng người, bởi sợ lây Covid. Tình hình Covid căng thẳng quá, ca đoàn tụi con cũng chẳng dám gặp nhau để tập hát Lễ Giáng Sinh… Cha xứ nhờ con một mình hát lễ chiều chỉ có mấy chục người tham dự thánh lễ. Xứ con giờ này cũng chưa làm hang đá. Anh em tụi con cũng ngại gặp nhau… Sợ lây, sợ dính Covid…
Em yên lặng, rồi nói tiếp, một lời nói dường như kết luận,
– Thật không ai ngờ Covid càn quét Sài Gòn mấy tháng rồi. Năm nay vợ chồng con chỉ mừng lễ Giáng Sinh trong âm thầm, tham dự thánh lễ nửa đêm trên Zoom.

Em mến,
Đêm Giáng Sinh đầu tiên cũng là một đêm Giáng Sinh âm thầm. Thật ra mùa Vọng và mùa Giáng Sinh đầu tiên là một mùa của những điều không bình thường, không ai ngờ. Những câu chuyện của mùa Vọng và mùa Giáng Sinh thiên niên kỷ thứ nhất đậm màu nghi ngờ, phạt câm, hốt hoảng, có “vấn đề,” toan tính, giết hại trẻ thơ, lên đường tỵ nạn!

Tư Tế Zechariah
Tin Mừng Giáng Sinh đến với thầy tư tế Zechariah nơi cực thánh của ngôi đền thờ Jerusalem.
Zechariah và vợ không có con từ bao lâu nay. Tủi hổ xuất hiện trên khuôn mặt của vợ và của chồng. Đàn bà không con trong một xã hội trọng danh dự như kính trọng linh hồn tổ tiên là một điều không ai muốn xảy đến với mình. Thế đấy, vợ chồng họ từ những ngày cưới nhau vẫn không con.
Nơi cực thánh, sứ thần Gabriel hiện ra, báo tin vợ ông, bà Elizabeth sẽ mang thai. Tư tế Zechariah với bộ óc suy luận không tin vào những điều như thế. Bởi thế ông phản ứng ngay, chuyện đó làm sao có thể xảy ra cho được bởi tôi đã già và vợ tôi cũng đã qua một thời có khả năng.
Thật bất ngờ! Bởi nghi ngờ, ông bị phạt, ông trở thành người câm ngay tại nơi cung thánh.
Trong con mắt ngỡ ngàng của bao nhiêu người, Zechariah từ trong cung thánh bước ra. Ông ú ớ, không nói năng chi được nữa. Những âm thanh vô nghĩa xuất hiện từ cổ họng một vị tư tế có chức danh trong xã hội. Thiên hạ có thể lại đồn thổi những “tin” nhà ông bà Zechariah lại một lần nữa…bị Adonai phạt. Nhìn kìa! Bà (bị phạt) không có con. Ông giờ này tự nhiên hóa ra người câm!
Mùa Vọng đầu tiên do đó là một mùa của nghi ngờ, phạt câm, và hốt hoảng!

Maria & Joseph
Tin Mừng Giáng Sinh đến với cô thôn nữ từ sứ thần Gabriel.
Xin đừng thầm nghĩ cả thôn nhỏ Nazareth khoảng 300 cư dân vào thời đó ít hay nhiều đều hiểu và cảm nghiệm được mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể vừa xảy ra tại nhà của ông bà Joachim-Anna. Xin đừng nói người trong xóm nhỏ hiểu và biết cô thôn nữ của tuổi 16 mang thai bởi sự can thiệp của Chúa Thánh Linh.
Câu trả lời quá rõ ràng. Bởi thế hôn phu Joseph dự tính yên lặng bỏ đi, để lại hôn thê với bào thai mà riêng Joseph biết mình không phải là bố.

Gia phả Đức Giêsu Kitô
Gia phả của gia đình Thánh gia ngay trong những hàng chữ đầu tiên của Tin Mừng Matthew đã được giới thiệu như là một gia tộc có “vấn đề.”
Gia phả của Đức Giêsu Kitô có bà tổ Tamar (Matt 1:3), đã từng gạt gẫm bố chồng Judah (Gen 38). Bà tổ Rahab cư dân thành phố Jericho, người đã giúp lính dọ thám Do Thái ẩn nấp trong nhà là một người làm việc ở “khu phố đèn đỏ” (Matt 1:5, Joshua 2, 6). Bà tổ Ruth là người dân ngoại cũng có những dự tính rất riêng tư với ông Boaz (Matt 1:5, Ruth 3). Bà tổ Bathsheba (không được nhắc tới tên) sinh ra Salomon đã bị vua David gọi vào cung điện, để rồi chiếm đoạt bất hợp pháp từ ông chồng Uriah, sĩ quan đóng đồn mặt trận tiền tuyến (Matt 1:6, 2Sam 11). Bản gia phả nhắc tới tên Maria (Matt 1:16), mẹ của Hài Nhi thánh, với những dòng chữ xác định hôn phu Joseph nghi ngờ lòng chung thủy của hôn thê Maria.
Có “vấn đề,” nghi ngờ, và toan tính là những nét của Tin Mừng Mùa Vọng, cả trong Tin Mừng thánh sử Matthew và thánh sử Luke.

Thiên Thần & Người Chăn Chiên
Tin Mừng Giáng Sinh nối tiếp với lệnh kiểm tra dân số thật bất ngờ. Gia đình thánh gia lặn lội từ phương bắc Galile xuống phương nam Judea.
Nơi đó, ngày sinh đã tới, Hài Nhi hạ sinh. Và Mẹ của Ngài đặt Hài Nhi thánh nằm trong máng cỏ.
Giây phút Ngôi Lời hạ sinh, không ai biết, chẳng ai hay, ngoại trừ những người chăn chiên thấp cổ bé miệng trong xã hội.
Nhận được Tin Mừng Giáng Sinh từ sứ thần thiên quốc cao vời vợi, những người chăn chiên thấp nhất trong bậc thang xã hội cũng nghi ngờ, không dám chắc. Ai biết đâu, tất cả chúng ta đều đang mơ ngủ (Luke 2:15-16).
Họ vội vã nhanh nhanh lên đường, tìm kiếm, xem coi nếu đây là sự thật.
Mùa Giáng Sinh đầu tiên với những người chăn chiên cũng đậm nét nghi ngờ, vội vã lên đường.

Ba Vua & Hoàng Đế Herod & Tỵ Nạn
Tin Mừng Giáng Sinh quay những vòng tròn nối tiếp với câu truyện Ba Vua lên đường tìm kiếm kính viếng Đông Cung Thái Tử mới hạ sinh.
Họ lạc đường. Họ ghé vào cung điện, hỏi đường từ vua Herod, vị vua đương nhiệm ngồi trên ngai vàng tại kinh thành Jerusalem. Herod, người nổi tiếng ác vương, bởi đã từng hạ lệnh sát hại chính những người con trai của mình để bảo vệ ngôi vương báu.
Bởi thế, cũng không là một điều lạ nếu vua Herod ra lệnh tàn sát tất cả Hài Nhi dưới 2 tuổi của phố Bethlehem và vùng lân cận.
Máu đổ thịt rơi! Những máu và thịt của những thân xác ngây thơ chưa hề biết chi trong đời ngoài việc ăn ngủ ngon lành. Những khuôn mặt mập mạp dễ thương, như những thiên thần đập đập đôi cánh gắn trên hang đá Việt Nam.
Bởi ác vương Herod, gia đình Hài Nhi thánh vội vã trỗi dậy trong đêm, bỏ quê hương ra đi như người Việt Nam một thời đã bỏ quê cha đất tổ đi tìm tự do. Gia đình thánh đã tỵ nạn bên đất Ai Cập, người láng giềng một thời tổ tiên Do Thái làm nghề nô lệ!
Gia đình thánh vội vã bỏ đi tỵ nạn nhắc nhở một thời những thuyền gỗ mong manh lao mình rời quê cha đất tổ, bởi biến cố 75. Người Việt Nam hải ngoại, ai có thể quên một khoảng thời gian họ cũng đã vội vã rời bỏ quê hương nửa đêm về sáng.
Đức Giêsu, thân mẫu của Ngài, thánh Giuse và Mẹ Maria và người Việt tỵ nạn có những mẫu số chung của nửa đêm vội vã bỏ đi tỵ nạn.

Em mến,
Mùa Giáng Sinh đầu tiên là một chuỗi dài của những bất ngờ, hoảng loạn, hiểu lầm, dự tính bỏ nhau, âm mưu, sát hại trẻ thơ, hốt hoảng lên đường bỏ trốn trong đêm.
Nhưng đêm đó, đêm cực thánh, thiên đường vẫn hát vang vang bài ca thiên quốc,
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế tới người Chúa thương.”
Ngôi sao Bethlehem vẫn hiện ra rực rỡ trên bầu trời đêm đen tội lỗi.
Trên tất cả, trong đêm cực trọng, Hài Nhi thánh hạ sinh, bật tiếng khóc vang vang, mở đầu một kỷ nguyên cứu rỗi tới nhân loại.
Dù bóng đêm tử thần Covid-19 vẫn bao trùm nhân loại. Dù nghi ngờ, hoảng loạn, hốt hoảng, dự tính, âm mưu, thịt da thiêu đốt vội vàng, vội vã lên đường, bỏ đi lánh nạn Covid.
Ánh sáng Mùa Giáng Sinh từ những ngày Giáng Sinh đầu tiên vẫn chiếu sáng đêm đen bóng tối của Mùa Giáng Sinh Covid năm 2021.
Đêm đen tử thần vẫn không chiến thắng được Hào Quang Ngôi Lời Nhập Thể.

Em mến,
Mời em vẫn mừng Giáng Sinh.
Mời em vẫn hát vang vang bài ca bất hủ, “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời.”
Mời em hãy gửi những lời chúc mừng Một Giáng Sinh Hạnh Phúc tới tất cả những người thân.
Và trên tất cả, mời em mời gọi người thân đốt nến mừng sinh nhật 2021 của Hài Nhi Thánh!
Giáng Sinh 2021 – Mùa Covid tàn phá địa cầu
 
Cảm nhận sứ điệp Truyền Tin – Lc 1,26-38
Sơn Ca Linh
10:22 20/12/2021
Em Đã Mang Thai Từ Dạo Ấy !

Cảm nhận sứ điệp Truyền Tin – Lc 1,26-38

“Bà Ngoại Anna” vui mừng,
“Ông Nội Giacob” hớn hở…
Bởi cái Tin Vui động trời: “Em đã có thai” !
Thiệt hông dẫy trời ! Biết đúng hay sai?
Bởi con bé Maria,
Mười mấy xuân xanh gương trong tuyết trắng !

Ai hiểu, ai không hiểu, mặc, cô nàng thinh lặng !
Bởi mấy ai tin “mầu nhiệm” trong câu chuyện nầy !
Lịch sử được bao người như “bà lão Sa-rai”,
Hay kẻ “muộn màng”, như bà mẹ Samuel thuở trước… !

Chính đương sự,
Cô thiếu nữ Maria cũng không hề biết được,
Đã chọn con đường “chẳng biết đến người nam”.
Cứ tưởng “toàn tâm, toàn ý” là mở cửa thiên đàng,
“Nhân đã định”, nhưng “thắng Thiên” lại là chuyện khác !

Thế thái nhân tình ngàn đời qua… vẫn bạc,
Tiên tổ cháu con… vạn kiếp mãi lầm than !
Lệ đắng tràn mi, khổ ải chưa tan…
Phận lưu đày, bài ca tắt, đàn treo, bình rượu vỡ…

Những đêm dài thánh cung,
Lời Chúa với “những “Ước Giao” hay “cuộc tình duyên nợ”,
Maria đã từng trăn trở những ca kinh:
“Trời Cao ơi ! Chúa ơi… trên tận cõi thiên đình,
Xin hãy đổ sương mai và tuôn mưa “Đấng Công Chính”…

“Thiên Chúa viếng thăm”, một chương trình đã định:
“Cho đến khi một người nữ, … phải sinh con” !
Khổ thân thiên sứ Gabriel,
Dãi dầu mưa nắng, lặn suối trèo non,
Suốt mấy ngàn năm mới tìm ra “địa chỉ” !

Thôn Nadarét có “mảnh đất màu tuyệt mỹ”,
Để “bóng mây Thần Khí Chúa” ngự xuống từ đây !
Để “Lời Toàn Năng”, Con Một Cha, Chúa Ngôi Hai,
Và sau tiếng “Xin Vâng”,
Em đã mang thai từ dạo ấy !

Rồi thế giới,
Sau những đêm dài, bỗng hừng đông đã dậy,
“Lửa không tắt, bình không cạn” vì đời đã có “Em”.
Trái đất từ đây hiện diện Đấng Emmanuel,
Huyền nhiệm tiếng “Xin Vâng”,
Nhân loại cảm ơn Maria, cô Trinh Nữ của làng Nadarét !

Sơn Ca Linh (20.12.2021)






 
VietCatholic TV
Đón Chúa đến: Lời khuyên của ĐTC cho một mùa Giáng Sinh tròn đầy ý nghĩa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:02 20/12/2021


Chúa Nhật 19 tháng 12, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng, là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng trước Lễ Giáng Sinh. Bài Tin Mừng tường thuật với chúng ta câu chuyện Đức Mẹ đi thăm bà Thánh Isave.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Tin Mừng Phụng Vụ hôm nay, Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng, kể về cuộc viếng thăm của Đức Maria với bà Isave (x. Lc 1,39-45). Sau khi nhận được sứ thần Chúa truyền tin, Đức Trinh Nữ không ở nhà, suy nghĩ về những gì đã xảy ra và xem xét các vấn đề và những hiểm nguy trước mặt, là những điều chắc chắn không thiếu: bởi vì, cô gái tội nghiệp không biết phải làm gì với tin này, với nền văn hóa trong thời đại đó… Mẹ không hiểu… Nhưng trái lại, thay vì đắm chìm trong những vấn đề của riêng mình, trước hết Mẹ nghĩ đến một ai đó đang cần; Mẹ nghĩ về ai đó đang gặp khó khăn, Mẹ nghĩ đến Isave, người thân của Mẹ, người đã cao tuổi và đang có một đứa trẻ trong bụng, việc thụ thai này một điều gì đó kỳ lạ và kỳ diệu. Đức Maria lên đường với lòng quảng đại, không để cho mình bị ảnh hưởng bởi những khó chịu của cuộc hành trình, để đáp lại một sự thôi thúc bên trong kêu gọi Mẹ phải gần gũi và giúp đỡ. Một đoạn đường dài, hết cây số này đến cây số khác và không có một chuyến xe nào đi tới đó: Mẹ đi bộ. Mẹ đã ra ngoài để giúp đỡ. Giúp cách nào? Thưa: Bằng cách chia sẻ niềm vui của Mẹ. Mẹ Maria mang đến cho bà Isave niềm vui của Chúa Giêsu, niềm vui mà Mẹ mang trong tâm hồn và trong bụng Mẹ. Mẹ đến với bà ấy và công bố cảm xúc của mình, và lời tuyên bố cảm xúc này sau đó đã trở thành một lời cầu nguyện, là kinh Magnificat, mà tất cả chúng ta đều biết. Và bản văn nói rằng Đức Mẹ “trỗi dậy và ra đi một cách vội vã” (câu 39).

Mẹ đứng dậy và ra đi. Trong đoạn cuối cùng của hành trình Mùa Vọng, chúng ta hãy được hướng dẫn bởi hai động từ này. Trỗi dậy và vội vã ra đi: đây là hai chuyển động mà Mẹ Maria đã thực hiện và Mẹ cũng mời gọi chúng ta thực hiện khi Giáng sinh đến gần. Trước hết là trỗi dậy. Sau lời loan báo của thiên thần, một giai đoạn khó khăn đang hiện ra trước mắt Đức Trinh nữ: việc mang thai ngoài ý muốn khiến Mẹ bị hiểu lầm và có thể bị trừng phạt một cách nghiêm khắc, trong văn hóa thời đó thậm chí Mẹ có thể bị ném đá. Hãy tưởng tượng Mẹ xiết bao băn khoăn và lo lắng! Tuy nhiên, Mẹ không nản lòng, Mẹ không thất vọng: Mẹ đã trỗi dậy. Mẹ không xem thường những vấn đề của mình, mà hướng đến Chúa. Và Mẹ không nghĩ đến việc phải nhờ ai giúp đỡ mà lại nghĩ đến ai đó đang cần đến sự giúp đỡ của mình. Mẹ luôn nghĩ về người khác: đó là tính cách của Đức Maria, luôn nghĩ đến nhu cầu của người khác. Mẹ cũng sẽ làm như vậy sau đó, trong đám cưới ở Cana, khi Mẹ nhận ra rằng chủ nhà không còn rượu nữa. Đó là một vấn đề đối với người khác, nhưng Mẹ nghĩ về điều này và tìm kiếm một giải pháp. Đức Maria luôn nghĩ về người khác. Mẹ cũng nghĩ về chúng ta.

Chúng ta hãy học nơi Đức Mẹ cách phản ứng này: trỗi dậy, nhất là khi những khó khăn đang đe dọa đè bẹp chúng ta. Để trỗi dậy, để không sa lầy vào những vấn đề, không chìm đắm trong sự tủi thân hay rơi vào một nỗi buồn khiến chúng ta tê liệt. Nhưng tại sao phải trỗi dậy? Thưa: Vì Thiên Chúa cao cả và sẵn sàng nâng chúng ta lên nếu chúng ta tìm đến Ngài. Vì vậy, chúng ta hãy loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, những nỗi sợ hãi ngăn cản mọi thôi thúc và cản trở chúng ta tiến lên phía trước. Và sau đó chúng ta hãy làm như Đức Maria đã làm: chúng ta hãy nhìn xung quanh và tìm kiếm ai đó mà chúng ta có thể giúp đỡ! Có người lớn tuổi nào mà tôi biết đang cần giúp đỡ hay cần được đồng hành không? Tất cả mọi người chúng ta hãy nghĩ đến điều đó. Hãy nghĩ đến việc phục vụ cho ai đó, một sự tử tế, một cú điện thoại. Nếu có ai đang cần tôi giúp thì tôi trỗi dậy và tôi giúp người ấy ngay. Bằng cách giúp đỡ người khác, chúng ta tự giúp mình vươn lên từ khó khăn.

Động tác thứ hai là vội vã lên đường. Điều này không có nghĩa là tiến hành một cách kích động, một cách hấp tấp. Không, nó không có nghĩa như thế. Thay vào đó, nó có nghĩa là tiến hành công việc hàng ngày của chúng ta với một bước đi vui vẻ, nhìn về phía trước với sự tự tin, không lê đôi chân của chúng ta, không hành xử như kẻ nô lệ của những lời phàn nàn - những lời phàn nàn này hủy hoại rất nhiều cuộc sống, bởi vì trong khi ta bắt đầu phàn nàn và cứ tiếp tục than thở như thế, thì cuộc sống đang trôi đi. Phàn nàn khiến anh chị em luôn tìm kiếm ai đó để đổ lỗi. Trên đường đến nhà bà Isave, Đức Maria tiến bước nhanh chóng theo cung cách của một người có tâm hồn và sự sống thuộc về Thiên Chúa, tràn đầy niềm vui của Ngài. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình, vì thiện ích của chúng ta: “bước đi” của tôi như thế nào? Tôi là người chủ động hay tôi nán lại trong u uất, trong buồn phiền? Tôi tiến về phía trước với hy vọng hay tôi dừng lại và cảm thấy có lỗi với chính bản thân? Nếu chúng ta tiến bước mệt mỏi vì cằn nhằn và than thở, chúng ta sẽ không mang Chúa đến cho ai cả, chúng ta sẽ chỉ mang lại những điều cay đắng và u sầu. Trái lại, chúng ta cần trau dồi khiếu hài hước lành mạnh, chẳng hạn như Thánh Thomas More hay Thánh Philip Neri, là các vị đã làm rất tốt. Chúng ta cũng có thể cầu xin ân sủng này, ân sủng của một khiếu hài hước lành mạnh: nó mang đến rất nhiều điều tốt đẹp. Chúng ta đừng quên rằng hành động bác ái đầu tiên mà chúng ta có thể làm cho người hàng xóm của mình là mang đến cho người ấy một khuôn mặt thanh thản và tươi cười. Đó là mang lại cho họ niềm vui của Chúa Giêsu, như Mẹ Maria đã làm với bà Isave.

Xin Mẹ Thiên Chúa cầm tay chúng ta, và xin Mẹ giúp chúng ta trỗi dậy và nhanh chóng tiến tới Lễ Giáng Sinh!

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến

Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với người dân Phi Luật Tân bị ảnh hưởng bởi một cơn bão mạnh, đã phá hủy nhiều ngôi nhà. Cầu mong Santo Niño, nghĩa là Chúa Hài Đồng, mang lại niềm an ủi và hy vọng cho những gia đình đang gặp khó khăn nhất; và mong Người truyền cảm hứng giúp đỡ thiết thực cho tất cả chúng ta! Sự giúp đỡ thực sự đầu tiên là lời cầu nguyện.

Tôi xin chào tất cả anh chị em, những người hành hương từ Ý và từ các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào cộng đồng Peru ở Rôma và nhóm dân ca của họ đã tụ họp tại đây để tổ chức lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh “Niño Jesús Andino” của Chopcca, nơi xuất xứ của cảnh Chúa giáng sinh được thiết lập tại Quảng trường này. Cảm ơn anh chị em! Tôi chào Ban nhạc Soriano al Cimino. Tôi muốn nghe họ sau này. Họ chơi tốt, những bản nhạc này! Tôi chào các tín hữu từ Terni, các hướng đạo sinh của Marigliano và những người trẻ của Cingoli, Macerata.

Và tôi cầu chúc cho tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành và một hành trình tốt đẹp trong giai đoạn cuối cùng của Mùa Vọng này để chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng ta có một thời gian mong đợi và cộng tác: hy vọng, hy vọng và cầu nguyện, trong sự đồng hành của Đức Trinh Nữ Maria, người phụ nữ của sự mong đợi. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt. Và bây giờ ban nhạc ơi, anh chị em có thể sẽ chơi bài gì đó thật hay nhé!

Đáp lại lời Đức Thánh Cha, ban nhạc đã chơi bài “Happy Birthday” để chúc mừng sinh nhật 85 của ngài.
Source:Holy See Press Office
 
Năm 2022 sẽ có công nghị lớn tấn phong Hồng Y, ta hãy cầu nguyện thêm cho Giáo Hội Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:26 20/12/2021


1. Lần đầu tiên trong triều Giáo Hoàng của ngài Đức Thánh Cha không tấn phong Hồng Y trong năm 2021

Từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, năm nào Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tấn phong Hồng Y. Trách nhiệm thể chế mà Giáo hội trao phó cho Đức Giáo Hoàng là bảo đảm sự kế vị của Thánh Phêrô, Giám mục của Rôma. Trong suốt triều Giáo Hoàng của ngài, năm nào ngài cũng tấn phong Hồng Y, ngoại trừ năm nay.

Qua 7 công nghị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong cho 101 Hồng Y.

Sau cái chết ở tuổi 94 của vị Hồng Y người Chí Lợi, Jorge Medina Estévez, ngày 8 tháng 10 vừa qua, và sau khi Đức Hồng Y Angelo Scola qua tuổi 80 vào ngày 7 tháng 11 vừa qua, tình trạng của Hồng Y Đoàn hiện nay có thể tóm tắt như sau: Tổng số Hồng Y là 215 vị, trong đó 120 vị là Hồng Y cử tri và 95 vị không còn quyền bầu Giáo Hoàng.

Số 120 Hồng Y cử tri, là con số được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục ấn định. Vào năm 2022, từ ngày 7 tháng Giêng đến ngày 29 tháng 12, 11 Hồng Y cử tri khác sẽ mất quyền bầu Giáo Hoàng. Do đó, nếu không có bổ sung thêm các tân Hồng Y, tính đến cuối năm 2022, chỉ còn 109 Hồng Y. Như thế, trong năm 2022, khả thể rất cao là Đức Thánh Cha sẽ triệu tập công nghị tấn phong hàng chục tân Hồng Y.

Việc dự báo danh sách các tân Hồng Y trong triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày càng khó khăn. Đức Giáo Hoàng hầu như luôn luôn mang đến cho Giáo hội những bất ngờ đáng kể. Theo truyền thống, các vị được tấn phong sẽ được thông báo trước. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều vị cho biết rất ngạc nhiên khi hay tin.

Dù thế nào, tên của một số nhân vật quan trọng trong Giáo triều Rôma liên tục được lưu truyền: Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher (67 tuổi), đương kim Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước của Vatican; Đức Tổng Giám Mục Hàn Quốc Lagiarô Du Huỳnh Trị Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ từ ngày 11 tháng 6 năm 2021, ngài sẽ 70 tuổi vào tháng 11; Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche (72 tuổi), tân Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Đức Tổng Giám Mục Fernando Vérgez Alzaga (76 tuổi), nguyên Tổng Giám Mục Leeds; tân Chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Quốc gia Thành phố Vatican.

Trong số 7 công nghị tấn phong Hồng Y trước đây của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự 2 công nghị vào tháng Hai, 2 công nghị vào tháng Sáu, 2 công nghị vào tháng Mười Một và một công nghị vào tháng Mười.

Trong số 120 vị Hồng Y cử tri

12 vị được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong.

38 vị được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tấn phong.

70 vị được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tấn phong.

Trong số 94 Hồng Y không còn quyền bầu Giáo Hoàng

44 vị được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong.

27 vị được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tấn phong.

23 vị được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tấn phong.

Các vị Hồng Y không còn quyền bầu Giáo Hoàng thường là các vị trên 80 tuổi, trừ trường hợp Hồng Y Angelo Becciu mới 73 tuổi nhưng bị mất các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y.

2. Các Giám Mục Việt Nam nhiều triển vọng được tấn phong Hồng Y trong năm 2022

Đức Thánh Cha Phanxicô có cách hành động hơi khó đoán. Năm 2017, ngài đã không tấn phong Hồng Y cho Đức Cha José Luis Escobar Alas, Tổng Giám Mục San Salvador, nhưng lại tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Gregorio Rosa Chávez, là Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận.

Tuy nhiên, thông thường mà nói, trong số các vị Giám Mục Việt Nam, 3 vị Tổng Giám Mục vẫn là những người có nhiều triển vọng được tấn phong Hồng Y nhất.

Nếu tính theo thâm niên Tổng Giám Mục, trước hết, chúng ta có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục Huế. Ngài sinh năm 1949, được thụ phong linh mục tại giáo phận Nha Trang vào năm 1992. Ngày 12 tháng 06, 2004, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục chính toà giáo phận Thanh Hoá. Ngày 29 tháng 10, 2016, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng giám mục Chính toà Tổng giáo phận Huế, kiêm Giám quản Tông toà giáo phận Thanh Hoá.

Tiếp theo là Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngài sinh năm 1960, được thụ phong linh mục năm 1988. Ngày 06 tháng 11, 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục Hải Phòng. Ngày 17 tháng 11 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên làm Tổng giám mục Hà Nội.

Sau cùng là Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Sài Gòn. Ngài sinh năm 1953, được thụ phong linh mục tại giáo phận Xuân Lộc năm 1990. Ngày 25 tháng 07, 2009, ngài được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phát Diệm. Ngày 19 tháng 10, 2019, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Sài Gòn.

3. Đại tang của VietCatholic trong năm 2021

Nhìn lại năm 2021, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ đến Cha Giám Đốc. Trong năm 2021, VietCatholic đã phải gánh chịu một đại tang. Năm 1996, Cha Gioan Trần Công Nghị cùng với kỹ sư Đặng Minh An đã sáng lập ra mạng lưới truyền thông VietCatholic, đến nay đã hoạt động được hơn 25 năm.

Cha Gioan Trần Công Nghị, bút hiệu là Đồng Nhân, và Thiên Ân, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1945 tại Đồng Nhân, Ninh Bình, Phát Diệm, Việt Nam, đã được Chúa gọi về tại tư gia ở Garden Grove, Orange County, Hoa Kỳ, sau cuộc hành trình dương thế dài 76 năm, trong đó 50 năm là linh mục của Chúa.

Từ 1957, Thầy Trần Công Nghị đã từng theo học tại Tiểu Chủng Viện Phát Diệm, Phú Nhuận, và Đại Chủng Viện Saigòn, trước khi sang Rôma theo học tại Đại Học Giáo Hoàng Urbanô trong 4 năm từ 1967 đến 1971.

Ngài được thụ phong Linh mục tại Rôma ngày 27.3.1971.

Ngài cũng đã theo học môn khoa học xã hội tại Đại Học Fordham, New York, trong 4 năm từ 1971 đến 1975.

Năm 1977, ngài trở sang Rôma theo học trong hai năm 1977 và 1978 tại các Đại Học Giáo Hoàng Urbanô và Grêgôriô để lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học.

Ngài từng là Giáo Sư tại Đại Chủng Viện New Orleans từ 1983 đến 1984, và Giáo sư Chủng Viện Đức Mẹ Nữ Vương Các Thiên Thần của Tổng Giáo Phận Los Angeles, từ 1987 đến 1993.

Khi làn sóng người Việt Nam sang định cư tại Hoa Kỳ, ngài lần lượt đảm trách các chức vụ Tuyên úy trưởng trại Tị nạn Fort Chaffee, Giám đốc Trung tâm Mục Vụ Việt Nam, tổng giáo phận New Orleans, Lousianna, Giám đốc Điều Hành Indochinese Center, Washington DC, Giám đốc Điều Hành Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á, tổng giáo phận Portland, Oregon.

Ngài cũng đã từng đảm trách các chức vụ Phó Chủ tịch Liên đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, Chủ tịch miền Washington DC, Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa kỳ Miền Tây Bắc, Giám đốc Dự Án nghiên cứu Nhu cầu Mục Vụ VN tại Hoa Kỳ, do Văn phòng Mục vụ thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tài trợ, văn phòng tại Orange County, Nam California.

Trong các hoạt động mục vụ, Cha Gioan Trần Công Nghị đã từng phục vụ tại tổng giáo phận Los Angeles trong các giáo xứ St. Paul of the Cross, La Mirada, St. Finbar, Burbank, St. John Fisher, Rancho Palos Verdes, Our Lady of the Assumption, Claremont, và St. Catherine of Alexandria, Avalon, Catalina.

4. VietCatholic có Tân Ban Điều Hành

Sau khi Cha Gioan Trần Công Nghị qua đời, Ban Điều Hành VietCatholic đã cùng nhau gặp gỡ, cầu nguyện, và bàn thảo về hướng đi trong tương lai. Do những khó khăn về đi lại do đại dịch coronavirus gây ra, các cuộc họp không thể diễn ra trực tiếp nhưng phải tiến hành online.

Ngày 15 tháng 12 vừa qua, Tân Ban Điều Hành VietCatholic đã ra mắt. Trong nhiệm kỳ từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2024, ban điều hành lâm thời sau khi Cha Gioan Trần Công Nghị qua đời đã bầu ra các vị sau:

Linh mục Nhạc sĩ Phaolô Chu Văn Chi là Tân Giám Đốc VietCatholic..

Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng là Phó Giám Đốc Nội Vụ

Đức Ông Giuse Phạm Quốc Tuấn là Phó Giám Đốc Ngoại Vụ

Kỹ Sư JB. Đặng Minh An là Phó Giám Đốc Kỹ Thuật

Giáo Sư Louis Nguyễn Long Thao là Phó Giám Đốc Kế Hoạch Nhân Sự

Ông Phaolô Nguyễn Ngọc Trúc là Tổng Thư Ký

Ông Giuse Nguyễn Việt là Tổng Thủ Quỹ

Ông Giuse Đào Đồng là Phụ Tá Tổng Thủ Quỹ.

Cha tân Giám Đốc Chu Văn Chi viết:

“Kỷ Niệm 25 năm Thông Tấn Xã VietCatholic, Ban Điều Hành VietCatholic, Quý Cộng Tác Viên, và Quý Độc Giả toàn cầu xin chân thành tri ân Cha Cựu Giám Đốc Gioan Trần Công Nghị, Kỹ Sư Đặng Minh An, và Quý Cộng Tác Viên còn sống hay đã qua đời, đã cố gắng điều hành Thông Tấn Xã VietCatholic qua những thăng trầm và thách đố, để tiếp tục rao truyền Tin Mừng qua Truyền Thông. Nhân dịp này, chúng con cũng nhớ đến và tri ân tất cả Quý Cộng Tác Viên và Quý Độc Giả yêu thương, đã tích cực nâng đỡ và đóng góp cho Thông Tấn Xã VietCatholic xuyên suốt 25 năm qua. Chúng con nhớ đến và cầu nguyện cho Cha Cố Giám Đốc Gioan Trần Công Nghị, Quý Cộng Tác Viên, và Quý Độc Giả, đã yên nghỉ bình an trong Đức Kitô.

Chúng con kính xin Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Tổng Giám Mục, Quý Giám Mục, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Cộng Tác Viên, Quý Độc Giả toàn cầu, và toàn thể Cộng Đồng dân Chúa, tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ chúng con trong hành trình tương lai.”
 
Diễn biến phấn khởi: ĐTGM Michel Aupetit khởi kiện tờ Paris Match vì đã bôi lọ thanh danh ngài
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:54 20/12/2021


1. Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit khởi kiện Paris Match vì đã bôi lọ thanh danh ngài

Theo tin tờ La Croix International, Đức Cha Michel Aupetit, gần đây đã được Đức Giáo Hoàng miễn nhiệm làm Tổng giám mục Paris, đã cho biết ngài có kế hoạch khởi kiện một tạp chí nổi tiếng của Pháp đã đăng những bức ảnh bóng gió mà họ bí mật chụp ngài và một phụ nữ trẻ.

Trong tuần này, vị Tổng giám mục 70 tuổi cho biết luật sư của ngài đang chuẩn bị các giấy tờ để kiện Tuần san Paris Match vì tội phỉ báng nhân cách.

Tuần san này ngày 8 tháng 12 đã đăng các bức hình của ngài với nhà thần học Laetitia Calmeyn, 46 tuổi, gợi ý rằng hai người đang có chuyện tình lăng nhăng.

Trong một cuộc phỏng vấn đăng hôm thứ Ba trên nhật báo Le Parisien, vị tổng giám mục cũng đề cập tới các cáo buộc đưa ra vào ngày 22 tháng 11 bởi một tuần báo khác của Pháp, Le Point – cho rằng ngài mất lòng mọi người bởi phong cách quản trị của ngài và ngài có quan hệ thân mật với một phụ nữ vào năm 2012 trước khi ngài làm giám mục.

Đức Cha Aupetit nói với Le Parisien rằng “không có chuyện tình lăng nhăng” vào năm 2012 khi ngài còn là tổng đại diện của Paris. Và ngài nói rõ rằng, dù sao, sự việc “không phải về Laetitia Calmeyn”, người mà ngài thậm chí còn không biết vào thời điểm đó.

Người đàn bà trong vấn đề này “là một người thường hay bám vào mình nếu mình là một linh mục hay một bác sĩ, vì bà ta bị chứng lẻ loi cô độc”.

Đức Cha Aupetit, một bác sĩ trước khi được thụ phong linh mục ở tuổi 44, cho biết ngài đã trao đổi email với người phụ nữ này và thừa nhận rằng mối quan hệ của họ không rõ ràng.

Ngài nói rằng người đàn bà viết cho ngài “mỗi ngày” và thừa nhận rằng “có một lần” khi cô ấy “bị đau lưng”, ngài đã “xoa bóp cho cô ấy bớt căng thẳng”.

Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói, “Một vài năm trước, tôi đã báo cáo điều này cho các bề trên của tôi”.

Ngài nói thêm, “Quả thực không có gì mới trong câu truyện này. Nhưng việc phơi bầy công khai về nó có thể đã đặt người cai quản giáo phận ở thế khó khăn”.

Ngài nói chính vì thế ngài đã quyết định trao chức vụ của ngài cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô quyết định.

Ngài có mong Đức Giáo Hoàng chấp nhận việc từ chức của ngài hay không?

Đức Cha Aupetit nói, “Nếu ngài hỏi tôi, có thể tôi đã vượt qua được cơn giông bão. Tôi có thể làm được việc này”.

Ngài thừa nhận “Tôi đoán ngài cảm thấy tình hình có thể làm suy yếu giáo phận”.

Sau khi Đức Phanxicô chấp nhận việc từ chức của Đức Cha Aupetit, Đức Giáo Hoàng có nói Đức Tổng Giám Mục không còn cai quản được nữa vì “danh tiếng của ngài đã bị xâm hại”, trích dẫn sự “vi phạm” điều răn thứ sáu, “không phải toàn diện, nhưng bao gồm những cái vuốt ve và mát xa nhỏ mà ngài đã làm cho thư ký của mình”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng người phụ nữ được đề cập không phải là thư ký của ngài.

Ngài nói, “tôi nghĩ (Đức Giáo Hoàng) hơi lẫn lộn các yếu tố của câu chuyện một chút”.

Ngài cho biết, “Cô thư ký tội nghiệp của tôi chẳng liên quan gì. Tôi biết rõ về chồng và gia đình của cô ấy. Tôi đã rửa tội cho cháu của cô ấy”.

Liên quan đến những bức ảnh của ngài và Calmeyn được đăng trên Paris Match, vị tổng giám mục nói rằng ngài đã ăn trưa với nhà thần học sinh quán ở Bỉ và sau đó họ đi dạo trong một công viên gần đó.

Đức Cha Aupetit đặt câu hỏi: “Nếu bạn không còn khả thể đi ăn với một người bạn mà không bị báo chí săn đuổi chụp hình bạn, thì chúng ta đang sống trong một loại thế giới nào đây?”

Ngài nhấn mạnh, “Điều này không liên quan gì đến một mối quan hệ yêu đương hay tình dục. Đó là một tình bạn”.

Ngài nói thêm, “Tôi thấy thật ti tiện khi nó bị vấy bẩn”.

Luật sư của Đức Tổng Giám Mục, Jean Reinhart, hiện đang soạn thảo khiếu nại chống phỉ báng.

Ngài nói, “tôi không thể chấp nhận được việc sự im lặng của tôi bị giải thích như là thừa nhận mình có tội”.

Calmeyn cũng nói với La Croix vào đầu tuần này rằng “sẽ có một vụ kiện” chống lại Paris Match.

Đức Cha Aupetit nói với Le Parisien rằng ngài cảm thấy mình là nạn nhân của nạn phe phái.

Ngài nói, “có người gợi ý với tôi rằng có một số người và một số nhóm có ác cảm với tôi và họ đã hành động. Nhưng tôi không có bằng chứng nào”.

Liên quan đến những vấn đề quản trị được bài báo của Le Point chỉ ra và các quyết định “không được lòng dân” của mình, ngài giải thích ngài không đưa ra bất cứ quyết định nào một mình”.

Vị tổng giám mục nhấn mạnh, “bất kể là việc thay thế hiệu trưởng trường trung học Saint-Jean-de-Passy hay việc đóng cửa trung tâm mục vụ Saint-Merry, tôi luôn hành động với sự tham khảo ý kiến của các hội đồng của tôi”.

“Nhưng tôi, với tư cách là giám mục, là người phải chịu trách nhiệm, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải chịu hiềm thù”.

Đối với việc hai tổng đại diện của ngài từ chức liên tiếp nhau, ngài giải thích làm “tổng đại diện là một chức vụ khó khăn”.

Ngài nói thêm, “Tôi đã làm chức vụ này trong bảy năm. Thà làm một linh mục trong một giáo xứ còn tốt hơn”.

2. Nhìn lại năm 2021: Các con số trong báo cáo lạm dụng tính dục tại Pháp là quá sức vô lý!

Hôm thứ Ba 5 tháng 10, Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo Hội, gọi tắt theo tiếng Pháp là CIASE, đã đưa ra một báo cáo dài 500 trang, kèm theo khoảng 2,000 trang tài liệu hỗ trợ. Ủy ban ước tính có khoảng 330,000 nạn nhân, trong đó có khoảng 216,000 nạn nhân bị các linh mục lạm dụng.

Jean-Marc Sauvé, chủ tịch của ủy ban, một quan chức cấp cao của Pháp và là cựu phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước cho biết con số cao như thế là ước tính cả các nạn nhân tiềm năng, tức là những người có thể đã bị lạm dụng nhưng không báo cáo. Nói cụ thể là như thế này, ủy ban đã xác định được 2,700 nạn nhân lạm dụng từ năm 1950 đến năm 2020 thông qua các cuộc phỏng vấn và 4,800 người khác thông qua nghiên cứu lưu trữ. “Từ đó, Ủy ban đã làm việc với một cơ quan thăm dò ý kiến và Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Pháp để ước tính tổng số nạn nhân có tiềm năng bị các giáo sĩ lạm dụng trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 2020, ở mức 216,000. Ủy ban ước tính có khoảng 3,200 kẻ đã thực hiện những hành vi lạm dụng đó.”

Trước con số kinh khủng 330,000 nạn nhân, các giới chức trong Giáo Hội chới với, trong khi các phương tiện truyền thông thế tục bài Công Giáo nhào vào chế nhạo. Tuy nhiên, sau khi hoàn hồn, người Công Giáo đã bắt đầu thấy con số 330,000 nạn nhân là cực kỳ vô lý.

Khi thực hiện một phép chia đơn giản, người ta thấy rằng điều này có nghĩa là trung bình một kẻ lạm dụng trong Giáo hội đã lạm dụng hơn 100 trẻ em. Điều này thật khó tin. Báo cáo năm 2018 do Giáo hội ở Đức ủy quyền cho thấy khoảng 1,670 giáo sĩ có liên quan đến việc lạm dụng 3,677 trẻ em. Báo cáo chi tiết từ đại bồi thẩm đoàn ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ đã tìm thấy hơn 300 linh mục lạm dụng tính dục và hơn 1,000 nạn nhân trẻ em được biết đến, nhưng họ tin rằng số nạn nhân thực tế là “hàng nghìn”. Cả hai báo cáo này đều cho thấy một kẻ lạm dụng trung bình chỉ tấn công từ 2 đến 4 nạn nhân. Phải thừa nhận rằng số nạn nhân trên thực tế và tổng số kẻ lạm dụng có lẽ lớn hơn những con số thống kê đã được biết. Các báo cáo của Đức và Pennsylvania nêu rõ điều này. Tuy nhiên, nhảy một phát từ mức trung bình là 2 đến 4 nạn nhân lên hơn 100 nạn nhân xem ra không hợp lý và không thế nào biện minh được. Cho dù người ta cho rằng số kẻ lạm dụng thực tế trong Giáo Hội ở Pháp cao gấp đôi so với báo cáo đã nêu, thì điều đó vẫn có nghĩa là trung bình một kẻ lạm dụng đã tấn công 50 trẻ em - một con số quá cao để có thể tin nổi.

3. Nhìn lại năm 2021: Các Giám mục Pháp quỳ gối đền tội vì những lạm dụng tình dục trẻ em bởi hàng giáo sĩ

Các thành viên cấp cao trong hàng giáo phẩm Công Giáo của Pháp đã quỳ gối để tỏ lòng sám hối tại đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức vào thứ Bảy, một ngày sau khi các giám mục nhận trách nhiệm của Giáo Hội sau nhiều thập kỷ lạm dụng trẻ em.

Nhưng một số nạn nhân bị lạm dụng - và các giáo dân ủng hộ họ - cho biết họ vẫn đang chờ đợi các chi tiết về bồi thường và một cuộc cải tổ toàn diện của Giáo Hội.

Tại Lộ Đức, nơi hành hương của các tín hữu trên toàn thế giới, khoảng 120 tổng giám mục, giám mục và giáo dân đã tụ tập để công bố một bức ảnh tượng trưng cho đầu của một đứa trẻ đang khóc.

Theo yêu cầu của các nạn nhân, các giáo sĩ đã không mặc các phẩm phục tôn giáo của các ngài trong buổi lễ.

Bức tường có bức ảnh sẽ là “nơi tưởng nhớ” cho các nạn nhân. Bản thân bức ảnh được chụp bởi một trong những nạn nhân bị lạm dụng và những đau khổ mà anh ta phải chịu đựng được trình bày chi tiết trong một đoạn văn do một người khác đọc.

Tại buổi lễ hôm thứ Bảy, Hugues de Woillemont, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Pháp, cho biết: “Chúng tôi muốn đánh dấu địa điểm Lộ Đức này như là chứng từ tượng hình đầu tiên tưởng nhớ rất nhiều bạo lực, kịch tính và các cuộc tấn công.”

Chỉ một ngày trước đó, sau một cuộc bỏ phiếu tại hội nghị thường niên của các ngài, các giám mục của Pháp cuối cùng đã chính thức chấp nhận rằng Giáo Hội Công Giáo phải chịu một “trách nhiệm thể chế” trong hàng ngàn vụ lạm dụng trẻ em.

Các trường hợp lạm dụng, kéo dài từ những năm 1950 và ảnh hưởng đến ít nhất 216,000 trẻ vị thành niên, đã được nêu chi tiết trong một báo cáo độc lập được công bố cách đây một tháng. Con số 216,000 là cao một cách bất thường. Tính trung bình một kẻ lạm dụng đã gây hại cho hàng trăm trẻ em. Điều này, khiến nhiều người nghi ngờ tính chính xác của bản báo cáo.

Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, gọi tắt là CEF, cho biết, hội nghị cũng thừa nhận rằng Giáo Hội Pháp đã lúng túng khiến cho những hành vi lạm dụng trở thành “có hệ thống”.

Một nạn nhân bị lạm dụng, Veronique Garnier, cho biết cô đã rất xúc động trước buổi lễ.

Garnier, người đã hợp tác chặt chẽ với CEF, cho biết điều quan trọng là công lý phải được thực hiện cho các nạn nhân.

Theo AFP, Cha Jean-Marie Delbos, người khi còn nhỏ là nạn nhân của sự lạm dụng, đã giận dữ bác bỏ buổi lễ.

“Sự ăn năn, đó là một sự giả tạo,” vị linh mục 75 tuổi nói về buổi lễ. Nói chuyện với các nhà báo, ông kêu gọi vị linh mục đã lạm dụng ông phải bị trừng phạt và huyền chức.

Khoảng 20 thành viên giáo dân của đức tin, với những dải ruy băng màu tím buộc quanh tay hoặc cổ, tụ tập bên dưới một biểu ngữ kêu gọi “4 R-nghĩa là công nhận, có trách nhiệm, sửa chữa và cải cách.

“Chúng tôi có vai trò của mình trong tiến trình đó,” Anne Reboux, 64 tuổi, đến từ thành phố Toulouse phía tây nam nói.

Bà lập luận rằng càng có nhiều thành viên giáo dân đóng vai trò tích cực trong Giáo Hội, thì hàng giáo phẩm càng ít bị cám dỗ lạm dụng quyền lực.

Tại Paris, vài chục người, trong đó có một số người tự nhận mình là nạn nhân của lạm dụng, đã tập trung bên ngoài trụ sở CEF.

“Chúng tôi hy vọng, sự hiện diện của chúng tôi sẽ được tính đến trong việc xây dựng kế hoạch hành động và lịch trình sẽ phải đưa ra mức bồi thường,” một trong những người tổ chức, Yolande Fayet de la Tour, nói với AFP-TV.

Dự kiến sẽ có quyết định về việc bồi thường cho các nạn nhân của vụ lạm dụng vào ngày cuối cùng của hội nghị CEF.