Ngày 21-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Giá Trị chân chính của các gia đình Kitô giáo
Lm Nguyễn Hữu Thy
15:59 21/12/2010
Suy niệm Giáng Sinh 2010:

Giá trị chân chính của các gia đình Kitô giáo


Ðại lễ Giáng Sinh, ngày sinh nhật của Ðức Giêsu Kitô, cũng là một đại lễ của gia đình, một dịp mà mọi thành viên của gia đình từ khắp nơi cùng về xum họp, cùng trao tặng cho nhau quà cáp và cùng chúc cho nhau những điều may mắn tốt đẹp nhất.

Vì thế, không phải là một việc ngẫu nhiên, nếu Giáo Hội dâng hiến ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Giáng Sinh để tôn kính Thánh Gia Thất Na-da-rét. Giáo Hội muốn cho chúng ta có dịp đánh giá lại các giá trị và ý nghĩa của gia đình, của gia đình Kitô giáo chúng ta, một cách đúng đắn và khách quan hơn.

Vâng, không có nơi nào con người lại sống gần gũi và gắn bó chặt chẽ với nhau cho bằng cuộc sống trong gia đình. Gia đình là nơi hằng ngày người ta gặp gỡ nhau, ăn uống với nhau, nói chuyện với nhau và người ta cũng quan tâm lo lắng cho nhau, nếu người ta muốn.

Dĩ nhiên, những kinh nghiệm về gia đình rất khác biệt nhau: Người này thì lấy làm vui mừng sung sướng về những giờ phút được gặp gỡ, họp mặt trong gia đình, còn kẻ khác lại coi đó như một điều nặng nề khó chịu, bất đắc dĩ. Vì lý do bất đồng quan điểm, bất đồng ý kiến, hay vì những lý do không đâu, người ta dễ hạch sách và bắt bẻ lẫn nhau, cãi cọ và giận dỗi nhau.

Nhưng rồi mọi người lại làm hòa và lại vui vẻ truyện trò với nhau. Và họ làm vậy không vì do ai đòi hỏi bắt buộc, nhưng vì mỗi người cảm thấy đó là điều tốt cho mình và cho cả gia đình, nhất là tình yêu và sự gắn bó máu mủ ruột thịt là sức mạnh thiêng liêng, là động lực chính giúp họ thực hiện được chuyện đó.

Qua đó, một điều hoàn toàn quá hiển nhiên là trong cuộc sống con người, gia đình quả là một cái chi vô cùng cao vời quý giá, chứ không phải như bất cứ một đoàn thể hay một nhóm người nào đó mà chúng ta có thể chấp nhận tham gia hay không tùy ý được.

Không! Gia đình luôn luôn phải là nơi chốn đầu tiên hiện thực cuộc sống liên đới Kitô giáo, là nơi chốn đầu tiên giúp con người cảm nghiệm được thế nào là làm người, thế nào là sống sứ mệnh làm người của mình! Gia đình là nơi con người tìm gặp được tình yêu, sự che chở chắc chắn và phẩm giá của mình.

Ðối với đứa trẻ nhỏ, gia đình trước hết là một thế giới mà trong đó nó được lớn lên và tập làm người, tập cười, tập nói và cả tập khóc nữa, và là nơi nó được chấp nhận và được đón nhận như một nhân vị! Vâng, đứa trẻ khám ra được thế giới ngoại cảnh và đồng loại trước tiên là nhờ mẹ nó, nhờ cha nó và nhờ anh chị em của nó, và từ đó nó học hỏi được con người phải sống chung với nhau thế nào, dĩ nhiên tiệm tiến từng bước nhỏ một! Trong gia đình và nhờ gia đình, đứa bé lãnh hội được tất cả: Sự sống, sự tồn tại, tình yêu, sự tha thứ. Gia đình thực sự là ngôi trường tốt nhất, đào tạo cho ta nên người, giúp ta học biết được tình yêu là gì, tại sao và làm thế nào con người cần phải làm hòa với nhau.

Không có một ảnh hưởng nào có thể đâm rễ sâu được trong lòng con người cho bằng ảnh hưởng giữa cha mẹ và con cái. Ảnh hưởng đó không dễ dàng một sáng một chiều bị xóa bỏ được. Tất cả chúng ta là con cái của cha mẹ chúng ta. Dĩ nhiên đứa trẻ vẫn có những tư duy và lối sống riêng biệt.

Nhưng nếu chúng ta đề cập đến các «gia đình Kitô giáo», thì điều đó có ý nghĩa gì? Làm thế nào để người ta có thể nhận ra được đó là một gia đình Kitô giáo? Có dấu hiệu nào để nhận diện một gia đình Kitô giáo không?

Khi một gia đình tự nhận là Kitô giáo thì theo nguyên tắc người ta có thể nhận ra được qua dấu chỉ này là khi gia đình đó trở thành một nơi để cho tình yêu Thiên Chúa đối với con người được cụ thể hóa, là một nơi sứ điệp Phúc Âm được tiếp tục loan báo và cuối cùng là một nơi công cuộc phục vụ tha nhân luôn được thực thi một cách hăng hái.

Như thế, gia đình Kitô giáo không chỉ là một nơi con người lớn lên, nhưng là lớn lên một cách đúng đắn và nỗ lực sống theo Thần Khí Ðức Giêsu, Ðấng duy nhất có thể bảo đảm hạnh phúc cho cuộc sống gia đình. Dĩ nhiên, các gia đình Kitô giáo cũng không được chuẩn chước khỏi phải đối mặt với những khó khăn vất vả và những đau khổ của cuộc sống, nhưng nhờ vào đức tin, nhờ vào sự thâm tín Kitô giáo sâu xa của mình, họ có thể đứng vững được trong các thử thách ngặt nghèo như thế. Ðó là sự khác biệt.

Ðúng vậy, Ðức Giêsu không hề hứa với các Kitô hữu chúng ta là nếu chúng ta tin vào Người, nếu chúng đi nhà thờ đọc kinh xem lễ, nếu chúng ta cầu nguyện cùng Người, thì chúng ta sẽ không còn gặp phải những khó khăn vất vả trong cuộc sống nữa, sẽ không còn đau khổ nữa và sẽ đạt được thành công trong mọi việc.

Tuyệt đối không! Nếu không, sẽ không còn đức tin nữa và đời sống tôn giáo của chúng ta chỉ còn là một dịch vụ thương mại, là một sự trao đi đổi lại, không hơn không kém. Ðức tin Kitô giáo chỉ bảo đảm cho chúng ta điều này là trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống chúng ta sẽ luôn tìm gặp được niềm hy vọng mới, sức mạnh mới và sự can đảm mới cho cuộc sống, nếu chúng ta biết phó thác hoàn toàn vào tình thương của Cha trên trời. Trong những cơn hoạn nạn, trong những thử thách khó khăn, trong các đau khổ, v.v…những người Kitô hữu có một đức tin đầy xác tín, bao giờ cũng tìm ra được giải pháp hợp lý, bao giờ cũng tìm ra được lối thoát dẫn tới ánh sáng của niềm hy vọng, và do đó họ không bao giờ bị thất bại đổ vỡ; hay nói đúng hơn, sự thất bại đối với người có đức tin không phải là lý do khiến họ dừng lại và bỏ cuộc, nhưng càng can đảm bắt đầu lại và hăng hái tiến lên phía trước. Nhờ có đức tin sống động và sâu xa, họ lại có được can đảm bắt tay làm hòa với nhau và trao cho nhau những mỉm cười thông cảm, sau những va chạm và cãi cọ.

Hôm nay, nhân dịp Đại lễ Giáng Sinh và lễ kính Thánh Gia Thất Na-da-rét, gương mẫu của các gia đình, chúng ta lại một lần nữa thử đánh giá một cách đúng đắn các giá trị và ý nghĩa của chính gia đình chúng ta. Ðể nhờ thế, gia đình chúng ta luôn luôn là điểm hẹn của tình yêu, của niềm hân hoan và của sự bảo đảm chắc chắn cho mọi thành viên của gia đình - mặc dù mỗi người trong họ vẫn có tâm tự nguyện vọng và ý kiến khác nhau, mặc dù vẫn có những va chạm và cãi cọ - bởi vì gia đình đã được xây dựng trên nền tảng chắc chắn của đức tin và đã được Thiên Chúa chúc phúc!
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Benedict XVI kêu gọi phải có một hạng người trí thức mới
Bùi Hữu Thư
08:06 21/12/2010
Ngài gửi lời chúc mừng Giáng Sinh đến các sinh viên tại Rôma

VATICAN, Ngày 19 tháng 12, 2010 (Zenit.org).- Theo Đức Thánh Cha: Nước Ý cần có “một hạng người trí thức mới.”

Đức Thánh Cha nói như vậy ngày Thứ Năm trong buổi gặp gỡ hàng năm trước Lễ Giáng Sinh với các sinh viên Rôma, được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Có khoảng 5.000 sinh viên và giáo sư thuộc các Đại Học Rôna tham dự buổi hội họp, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khởi sự từ năm 1979. Cùng hiện diện trong buổi hội họp có Đức Hồng Y Agostino Vallini phụ tá giáo phận Rôma.

Trong bải giảng, Đức Thánh Cha Benedict XVI nhấn mạnh đến sự cần thiết của hoạt động sâu xa về ngành giáo dục và một sự nhận định liên tục “bao gồm tất cả cộng đồng giáo huấn, để cổ võ sự tổng hợp giữa việc đào tạo trí tuệ, kỷ luật luân lý, và cam kết về tôn giáo.”

Ngài nhấn mạnh: "Vào thời đại của chúng ta, chúng ta thấy cần phải có một hạng người trí thức mới có thể giải thích các động lực về xã hội và văn hóa và cung cấp các giải pháp không trừu tượng, nhưng cụ thể và thực tiễn. Đại học được mời gọi để đóng vai trò không thể thay thế này và Giáo Hội là cơ quan hỗ trợ kiên quyết và năng động."

Vào lúc mở đầu của buổi hội họp, ông Renato Lauro, viện trưởng Đại Học Rôma"Tor Vergata," trình bầy lời chào mừng Đức Thánh Cha ngắn gọn, ông nhấn mạnh rằng “đức tin không trái nghịch với luận lý và cam kết của trí tuệ, nhưng đòi hỏi và phải được sử dụng bằng một phương thức mới, với những động lực thúc đẩy khác, như trong 2.000 năm qua của lịch sử Tây Phương, đã chứng tỏ qua các triết học gia, các thần học gia, nghệ sĩ, và khoa học gia là những người có đức tin vững mạnh.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Benedict XVI mời gọi những người hiện diện hãy nhìn lên máng cỏ Bê Lem và khởi sự bước đi trên con đường dẫn đến Chúa Kitô, Đấng sanh ra để giải phóng “trái tim khỏi mọi mầm mống của sự bất dung thứ và mong đợi hão huyền,” là những điều luôn luôn xẩy tới nếu người ta quên là “Thiên Chúa đã đến, ngài đã đang hoạt động trong lịch sử chúng ta,” và “Chúa đòi hỏi chúng ta phải lắng nghe Người.”

Ngài lưu ý: "Trở lại nơi đó, một nơi nghèo hèn và tôn kính, không chỉ là một hành trình lý tưởng, đây là hành trình chúng ta được mời gọi để có kinh nghiệm hôm nay về sự gần gũi của Thiên Chúa và hoạt động của Người để cải tiến và nâng đỡ đời sống của chúng ta."

Ngài khuyến khích cử tọa: "Chúng ta cũng phải đi tới Bê Lem, với ánh mắt hướng về Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn và trung thành, Đấng biết chờ đợi, biết ngưng nghỉ, biết cách tôn trọng các mùa trong đời sống chúng ta. Hài nhi đó chúng ta sẽ gặp gỡ biểu hiệu hoàn toàn mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa, Đấng yêu thương, và hy sinh mạng sống một cách nhưng không, Đấng dậy dỗ chúng ta yêu mến và chỉ xin để được yêu mến.”

Vào cuối chương trình cầu nguyện, một phái đoàn các sinh viên Phi Châu trao ảnh tượng Đức Maria Sedes Sapientiae cho một nhóm sinh viên Tây Ban Nha, để biểu tượng cho việc khởi hành của ảnh tượng này qua tất cả các Đại Học Tây Ban Nha trước Ngày Giới Trẻ Quốc Tế lần thứ 26 sẽ được tổ chức tại Madrid vào tháng 8, năm 2011.
 
Thống kê chính thức về dân số Hoa Kỳ 2010
Trần Mạnh Trác
14:09 21/12/2010
Dân số Hoa Kỳ tăng 9,7% so với năm 2000, từ 281.421.906 người lên 308.745.538 người.

Nói chung có sự tăng dân số khắp các Tiểu Bang trừ một nơi.

Tiểu Bang có tăng trưởng lớn nhất là Nevada với 35,1%; Tiểu bang tăng ít nhất là Rhode Island, 0,4 phần trăm; Tiểu Bang duy nhất bị giảm dân số là Michigan, giảm 0,6 phần trăm.

Texas đã tăng hơn 20 phần trăm đến 25 triệu người, trong khi Florida đã tăng 17,6 phần trăm đến 18.800.000.

Các TB khác với hơn 15 phần trăm tăng trưởng là Arizona (24,6), Colorado (16,9), Georgia (18,3), Idaho (21.1), Nevada (35,1), Bắc Carolina (18,5), và Nam Carolina (15,3 ).

Xét về miền thì xu hướng tăng triển cuả miền Nam và miền Tây vẩn tiếp tục. Miền Nam tăng 14,3% và miền Tây tăng 13,8%. Còn các vùng Đông Bắc cũng tăng nhưng chỉ có 3,2% và vùng Midwest 3,9%.

Với số ghế tại hạ viện là 435 ghế thì việc phân phối cho các Tiểu Bang sẽ thay đổi, và dù cho không mất dân, nhiều TB cũng sẽ mất ghế.

8 Tiểu Bang sẽ có thêm dân biểu, Texas thắng lợi to nhất với 4 ghế, theo sau là Florida tăng 2 ghế.

Các TB khác tăng 1 ghế là Arizona, Georgia, Nevada, Nam Carolina, Utah và Washington.

Các TB mất ghế là: Illinois, Iowa, Louisiana, Massachusetts, Michigan, Missouri, New Jersey, New York, Ohio và Pennsylvania.

Địa giới của các đơn vị bầu cử sẽ được vẽ lại cho cuộc bầu cử năm 2012, sự phân định này là do chánh quyền cấp Tiểu Bang thực hiện. Với sự thắng cử vừa qua của đảng Cộng Hòa tại nhiều cơ cấu Tiểu Bang, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi đơn vị bầu cử nhằm mang lại lợi ích cao hơn và lâu dài hơn cho đảng Cộng Hòa.

Sẽ có nhiều dân biểu đương nhiệm thấy địa giới của mình bị di dời và có khi phải ra tranh cử chống lại một ứng viên cùng trong một đảng.

Những lợi ích của các tiểu bang cũng sẽ thay đổi, quan trọng nhất là quỹ trợ cấp Liên Bang sẽ phải phân phối lại, giảm hay tăng, tùy theo thống kê mới.
 
Vai trò của nữ giới trong nỗ lực chống chế độ hồi giáo độc tài
Linh Tiến Khải
18:45 21/12/2010
Phỏng vấn bà Marina Nemat, nữ văn sĩ công giáo người Iran, về vai trò của nữ giới trong nỗ lực chống chế độ hồi giáo độc tài.

Ngày 16-12-2010 bà Marina Nemat, nữ văn sĩ công giáo gốc Iran đã chủ tọa cuộc họp báo tại trung tâm văn hóa Milano bắc Italia, để giới thiệu cuốn sách tựa đề ”Sau Teheran”. Ngày hôm sau 17 tháng 12, bà đã chủ tọa cuộc họp báo giới thiệu cuốn sách tại Trung tâm phụ nữ quốc tế ở Roma.

Nữ văn sĩ Marina Nemat đã nổi tiếng với cuốn sách đầu tiên tựa đề ”Nữ tù nhân của Teheran”, kể lại kinh nghiệm hai năm kinh hoàng sống trong nhà tù Evin bên Iran. Bà Nemat sinh năm 1965 tại Teheran, nhưng đã được giáo dục trong đức tin kitô. Thân phụ là người dậy vũ và thân mẫu làm nghề uốn tóc.

Marina Nemat theo học trung học khi chế độ quân chủ của vua Mohammad Reza Pahlavi bị lực lượng cách mạnh hồi giáo của Ayatollah Khomeini lật đổ. Là học sinh hồi đó Marina Nemat phản đối giáo sư dậy toán học, lý do vì ông dậy Hồi giáo thay vì môn toán học. Giáo sư trả lời rằng nếu cô không thích điều ông dang đậy, thì có thể đi về. Marina và nhiều bạn học đã rời bỏ lớp học. Sau đó cô tham dự các buổi biểu tình phản đối chính quyền và viết các bài báo chống lại đường lối cai trị độc tài đàn áp của chính quyền hồi trên tờ báo sinh viên.

Ngày 15-1-1982 Marina Nemat bị bắt và bị nhốt trong nhà tù Evin, là nhà tù biệt giam các tù nhân chính trị nổi tiếng là rất khắc nghiệt. Năm đó Marina lên 16 tuổi. Cô đã bị hai lính cai ngục hỏi cung, bị tra tấn dã man và bị kết án tử hình. Nhưng Marina sống sót vì được một lính cai tù tên là Ali Moosavi cứu thoát. Ali Moosavi yêu cô và dùng các quen biết ảnh hưởng của mình để cải án tử thành án tù chung thân và hoạch định chương trình cứu thoát cô. Năm tháng sau đó Ali Moosavi có ý định bắt buộc Marina phải lấy anh ta và phải theo Hồi giáo. Bị hãm hiếp và bị áp lực, Marina muốn cứu gia đình khỏi bị bách hại và bảo đảm cho sự sống còn của mình nên đồng ý theo Hồi giáo và lấy Moosavi. Sau 2 năm 2 tháng và 12 ngày bị tù, Marina Namat được tự do và có thể sống như là vợ của Ali Moosavi. Sau này Ali Moosavi bị các cai tù tranh giành ảnh hưởng giết chết. Sau đó Marina thành hôn với André Nemat, kỹ sư điện, từng là bạn trai và là người tình của mình thời còn đi học. Năm 1991 hai vợ chồng trốn sang Canada tị nạn.

Marina Nemat đã bị chính quyền của các Ayatollah bỏ tù từ năm 1982 tới năm 1984. Nhưng mãi cho đến năm 2008 bà mới cho xuất bản cuốn sách kể lại chứng từ của bà liên quan tới hai năm kinh hoàng này. Cuốn sách đã lập tức trở thành cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Tuy nhiên, độc giả có thể thắc mắc không hiểu tại sao chấn thương tinh thần đó đã cần phải đợi 20 năm sau mới được biện soạn thành lời. Cuốn sách thứ hai ”Sau Teheran” kể lại cuộc sống của Marina và gia đình bà sau khi được giải thoát và di cư sang Canada hồi năm 1991, nơi bà hiện sống với chồng và hai người con.

Marina Nemat đã lên tiếng thay cho hàng ngàn tù nhân chính trị đã bị chế độ hồi giáo độc tài sát hại và vạch trần cách đối xử tàn bạo của chính quyền Iran đối với các tù nhân chính trị. Cuốn sách của bà đã được dịch ra 13 thứ tiếng khác nhau và bà cũng đã bán bản quyền cho đài tryền hình Canada để biến cuốn sách trở thành chuyện phim. Từ khi cho xuất bản cuốn sách đến nay bà Marina Nemat đã diễn thuyết tại nhiều trường cao học và đại học trên toàn nước Canada. Bà cho biết Iran đã thay đổi nhiều, nhưng không trở thành khá hơn. Các vị tổng thống như ông Khatami và Ahmadinejad cũng không thể làm gì hơn, vì quyền bính thực sự nằm trong tay Ayatollah Khamenei, người kế vị Ayatollah Khomeini, và các vệ binh cách mạng hồi. Hiện nay nhà tù Evin có ít tù nhân hơn, nhưng họ vẫn bị đối xử tàn tệ như hồi thập niên 1980 vậy.

Sau đây chúng tôi xin gửi qúy vị và các bạn bài phỏng vấn nữ văn sĩ Marina Nemat về các tác phẩm của bà và vai trò mà nữ giới Iran có thể có trong cuộc vùng dậy chống chế độ hồi độc tài.

Hỏi: Thưa bà Nemat, cuốn “Sau Teheran” là tác phẩm thứ hai kể lại cuộc sống của bà và gia đình bên Canada cho tới ngày nay. Nhưng so với cuốn sách đầu tiên, các lý do làm nảy sinh ra cuốn sách này rất khác, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Lý do là vì khi tôi viết cuốn ”Nữ tù nhân của Teheran” chính là để tự chữa trị cho chính tôi, chữa trị cho chấn thương tâm sinh vật thể lý mà chế độ đã gây ra cho tôi, khi tôi chỉ là một nữ sinh: tôi bị tù khi mới 16 tuổi, rồi bị tra tấn và bị bắt buộc lấy người canh tù, là người đã hãm hiếp tôi và cưỡng bách tôi bỏ đạo Công Giáo để theo Hồi giáo. Khi tôi được trả tự do, cha mẹ tôi đã không hỏi tôi điều gì cả. Theo các ngài, tôi phải xóa bỏ kinh nghiệm đã có: đây là thái độ đã khiến cho tôi cảm thấy mình có lỗi trong một cách thức nào đó. Vì người thanh niên công giáo mà tôi đã yêu trước khi bị tù vẫn chờ đợi tôi, nên tôi đã muốn lấy anh ta theo lễ nghi công giáo, mặc dù tôi góa chồng người hồi, và vì thế có thể bị án tử vì bỏ Hồi giáo. Do đó, tình trạng của chúng tôi rất là nguy hiểm. Đó là lý do cần phải di cư khỏi Iran. Chúng tôi đã phải chắt bóp và vay nợ để có thể chạy các giấy tờ cần thiết cho việc di cư. Sau cùng chúng tôi đã tới được Canada, nơi có người anh ruột của tôi sinh sống, và cả cha mẹ chúng tôi cũng đã có thể sang Canada đoàn tụ với chúng tôi. Nhưng việc di cư đó vẫn chưa phải là một kết thúc hạnh phúc. Cố gắng bứng nhổ quá khứ đã khiến cho tôi phải sống các cơn ác mộng, các ám ảnh, các cảnh cũ quay lại, các đảo lộn tâm thể lý và tinh thần.

Hỏi: Thưa bà, vậy đâu là lúc đã giải phóng bà khỏi gánh nặng qúa khứ thương đau đó và khiến cho bà biên soạn ra cuốn sách kể lại kinh nghiệm bị chấn thương này?

Đáp: Biến cố khiến cho nỗi đớn đau trào ra là cái chết của mẹ tôi hồi năm 2000. Trong đám táng của bà sự giận dữ mà tôi tích tụ đã trào dâng, vì mẹ tôi đã luôn luôn khước từ không để cho tôi thổ lộ gì với bà cả. Từ từ tôi đã tự cho phép mình gợi lại tất cả những gì đã xảy ra cho tôi, và tôi cảm thấy cần phải ghi lại các kỷ niệm ấy. Tôi ghi danh theo học một khóa sáng tác văn chương, và tôi viết lại những gì tôi đã sống và chia sẻ với giáo sư và các bạn học cùng lớp. Thế rồi việc đọc các ký ức của một vài người tù Iran cũng đã giúp tôi hiểu rằng có biết bao nhiêu người khác đã sống các kinh nghiệm tương tư như các kinh nghiệm của tôi. Đó đã là một lộ trình dài và đau đớn, nhưng cuối cùng tôi đã viết xong cuốn sách mà tôi muốn và việc xuất bản nó đã là một phần thưởng cho tôi. Nó đã trao ban cho tôi một cuộc sống mới, trường thành hơn và ý thức hơn. Hiện nay tôi trợ giúp các cựu tù nhân khác, bằng cách cống hiến cho họ những gì tôi đã bị khước từ và không đươc hưởng. Nghĩa là với câu nói đơn sơ này: ”Khi nào bạn sẵn sàng muốn thổ lộ, thì hãy đến với tôi”.

Hỏi: Thưa bà Nemat, bà đã là một gương mặt biểu tượng của các nạn nhân của chế độ hồi giáo độc tài Iran cùng với các phụ nữ khác như nữ sinh Neda bị sát hại, nữ nhà báo Roxana Saberi, bà Sakineh đang bị tù. Tại sao những người bất đồng ý kiến với chế độ độc tài Iran lại là phái nữ?

Đáp: Cuộc cách mạng hồi giáo chắc chắn đã đảo lộn cuộc sống của toàn dân Iran, nhưng phụ nữ đã là những người bị trừng phạt nhất: vào thời của vua Iran nữ giới chúng tôi đã mặc váy ngắn, tô son đánh phấn và chúng tôi đã có thể có cung cách hành xử như các chị em phụ nữ tây âu, thế rồi kiểu ăn mặc của chúng tôi đã bị coi là bất hợp pháp. Theo tôi, chính các phụ nữ khi chúng tôi nhất loạt cùng nhau quyết định ăn mặc một cách tự do hơn, chúng tôi có thể thực thi một sự bất đồng ý kiến có ý nghĩa. Họ sẽ không thế bắt bỏ tù tất cả mọi phụ nữ không mang áo burqa che kín mặt mũi, nếu chúng tôi xuống đường tràn đầy khắp nơi.

Hỏi: Thưa bà, bà là tín hữu công giáo, bà có nghĩ rằng tại Iran cũng có việc bách hại các Kitô hữu như đang xảy ra tại Irak và tại Pakistan hay không?

Đáp: Truyền thống của chúng tôi là một truyền thống khoan nhượng tôn giáo. Đã không bao giờ có các cuộc bách hại chống lại các kitô hữu tại Iran và tôi không nghĩ rằng sẽ xảy ra các cuộc bách hại tín hữu kitô tại Iran. Tuy nhiên, điều quan trọng đó là thế giới tây âu phải gửi các sứ điệp để làm cho có sự kính trọng lớn hơn đối với các quyền con người tại Iran. Cả tại Italia này tôi cũng sẽ nói chuyện trong các trường học và tôi sẽ xin các độc giả và sinh viên gửi các sứ điệp cho tôi để bênh vực bà Sakineh, và tôi sẽ phố biến các sứ điệp bảo vệ đó trên hệ thống Internet. Đây là cuộc chiến đấu mà mọi người đều phải dấn thân: dấn thân bênh vực các quyền con người, dấn thân cho các quyền tự do và nhân phẩm.

(Avvenire 16-12-2010)
 
Chiến thuật tái phúc âm hóa (2)
Vũ Văn An
20:28 21/12/2010
Chủ nghĩa duy tục

Chủ đề buổi thuyết giảng thứ hai của Cha Cantalamessa trước Đức Thánh Cha và Giáo Triều nhân Mùa Vọng năm 2010 là “Chúng tôi công bố cho anh em Sự Sống Đời Đời (1 Ga 1:2): Đáp ứng của Kitô Giáo đối với chủ nghĩa duy tục”.

Tục hóa và chủ nghĩa duy tục

Tục hóa là một hiện tượng phức tạp và hàm hồ. Nó có thể chỉ tính độc lập của các thực tại trần gian và sự tách biệt giữa Nước Thiên Chúa và nước Xêda. Theo nghĩa này, nước Xêda không những không nhất thiết đi ngược lại Phúc Âm, mà nó còn bén rễ sâu trong Phúc Âm là đàng khác. Nó cũng có thể chỉ toàn bộ các thái độ trái ngược với tôn giáo và đức tin; do đó, người ta ưa dùng chữ “chủ nghĩa duy tục” để chỉ hiện tượng này. Chủ nghĩa thế tục đối với sự tục hóa cũng giống như chủ nghĩa duy khoa học đối với bản chất khoa học và chủ nghĩa duy lý đối với lý tính vậy.

Ở đây, ta bàn tới nghĩa tiêu cực của hiện tượng tục hóa. Dù vậy, hiện tượng tục hóa này vẫn mang nhiều bộ mặt khác nhau tùy theo lãnh vực trong đó nó xuất hiện: thần học, khoa học, đạo đức học, giải thích Thánh Kinh, văn hóa nói chung, hay đời sống hàng ngày. Theo cha Cantalamessa, tục hóa hay chủ nghĩa duy tục do chữ “saeculum” mà ra. Trong ngôn ngữ bình thường, chữ này cuối cùng có nghĩa thời hiện tại trái với tương lai vĩnh cửu. Theo nghĩa này, duy tục đồng nghĩa với tạm thời (temporality), rút gọn thực tại vào chiều kích trần gian. Đối với cuộc sống Kitô Giáo, việc cởi bỏ chân trời vĩnh cửu hay sự sống vĩnh cửu có tác dụng như nắm cát ném vào lửa: nắm cát này sẽ làm lửa ngột ngạt rồi tắt ngúm. Niềm tin vào sự sống vĩnh cửu là một trong những điều kiện tạo ra khả thể phúc âm hóa. Thánh Phaolô từng cho biết: “Nếu tin vào Chúa Kitô chỉ vì đời này mà thôi, ta là người đáng thương nhất” (1 Cor 15:19).

Sự thăng trầm của ý niệm vĩnh cửu

Vắn tắt nói về lịch sử niềm tin vào sự sống đời sau sẽ giúp ta hiểu sự mới mẻ do Tin Mừng đem tới cho lãnh vực này. Trong tôn giáo Hípri của Cựu Ước, niềm tin này xuất hiện rất chậm. Chỉ sau thời lưu đày, khi các hoài mong thế tục không thành, ý niệm phục sinh thân xác và phần thưởng không có tính thế trần cho người công chính mới nhận được đất phát triển, và cả lúc đó, không phải ai ai cũng nhìn nhận ý niệm ấy. Nhóm Xa-đốc chẳng hạn đâu có cùng niềm tin này.

Điều trên đã hùng hồn bác bỏ luận đề của những người như Feuerbach, Marx, và Freud, những người giải thích niềm tin vào Thiên Chúa với ước mong được phần thưởng đời đời như một phóng chiếu quá bên kia các hoài mong có tính thế trần không thành tựu. Israel tin vào Thiên Chúa, trước khi tin vào phần thưởng đời đời ở cõi bên kia cả hàng bao thế kỷ! Bởi thế, không phải lòng ước mong phần thưởng đời đời đã sản sinh ra niềm tin vào Thiên Chúa, nhưng chính niềm tin vào Chúa đã sản sinh ra niềm tin vào phần thưởng quá bên kia trần gian.

Trong thế giới Thánh Kinh, việc mặc khải trọn vẹn sự sống đời đời chỉ có với sự xuống thế của Chúa Kitô. Chúa Giêsu không đặt tính chắc chắn của sự sống đời đời trên bản tính con người, tức tính bất tử của linh hồn, mà là trên “quyền năng Thiên Chúa” Đấng vốn “không là Thiên Chúa người chết, mà là Thiên Chúa người sống” (Lc 20:27-38). Sau Phục Sinh, các Tông Đồ thêm căn bản Kitô học vào nền tảng thần học kia: đó là sự phục sinh của Chúa Kitô từ cõi chết. Trên sự phục sinh ấy, các Tông Đồ đã đặt căn bản cho niềm tin vào việc xác sẽ sống lại và vào sự sống đời đời: Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Chúa Kitô đã từ cõi chết sống lại, thì sao một số người trong anh em lại có thể nói rằng kẻ chết không sống lại? […] Nhưng nay Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, (Người là) hoa trái đầu mùa của những người đã an giấc” (1 Cor 15:12, 20).

Trong thế giới Hy Lạp và La Mã, cũng có sự biến hóa trong ý niệm về thế giới bên kia. Ý niệm cổ xưa nhất coi sự sống chấm dứt khi ta chết; sau khi chết, chỉ có hình thức giống như sống, trong thế giới bóng tối. Với sự xuất hiện của tôn giáo Orphic-Pythagorean, ta thấy có sự mới mẻ, theo đó, cái “tôi” thực sự của con người là linh hồn sau khi được giải thoát khỏi nhà tù (sema) thân xác (soma) mới có thể sống sự sống chân thực của nó. Platông đem lại cho khám phá mới đó sự đáng kính của triết học, đặt căn bản cho nó trên bản tính thiêng liêng, tức tính bất tử của linh hồn (1).

Tuy nhiên, niềm tin này vẫn chỉ là niềm tin của một thiểu số, dành cho những người đã được dẫn khởi vào huyền nhiệm hay là môn đồ các trường phái triết học đặc thù nào đó. Còn nơi quảng đại quần chúng, người ta vẫn duy trì xác tín xưa cho rằng sự sống quả đã chấm dứt cùng với cái chết. Câu nói của Hoàng Đế Hadrian nói với ông ta trước khi qua đời quả đáng lưu ý:

“Linh hồn nhỏ bé dịu hiền lạc lõng

Bạn đường và khách mời của thân xác,

Nay ngươi đang vội vã thăng thẳng về

chốn chán ngắt, gay go và trần trụi,

nơi không còn vui chơi như thường lệ.

Chỉ giây lát ta sẽ nhìn bến cũ,

những sự vật chẳng bao giờ thấy nữa” (2).

Với một hậu cảnh như thế, ta hiểu được tác động của việc Kitô Giáo công bố về sự sống đời sau, một sự sống trọn vẹn và hân hoan hơn sự sống trên trần đời; ta cũng hiểu được lý do tại sao ý niệm và biểu tượng của sự sống vĩnh cửu lại thường gặp đến thế nơi các phần mộ trong các hang toại đạo.

Nhưng điều gì đã xẩy ra cho ý niệm sự sống vĩnh cửu của Kitô Giáo dành cho linh hồn và thân xác, sau khi nó chiến thắng ý niệm ngoại giáo về “bóng tối bên kia sự chết” và sau khi nó đã thấm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống suốt thời Trung Cổ? Ngược với giây phút hiện tại trong đó người vô thần bác bỏ sự hiện hữu của Đấng Tạo Dựng, trong thế kỷ 19 người ta mới chỉ bác bỏ cõi bên kia mà thôi.

Hegel chẳng hạn cho rằng “Trên thiên đàng, người Kitô hữu phí phạm các năng lực dành cho trái đất”. Feuerbach và nhất là Marx chống lại niềm tin vào sự sống đời sau vì niềm tin này làm ta ra xa lạ với các cam kết trần thế. Thay thế cho ý niệm trường tồn của bản thân nơi Thiên Chúa là ý niệm trường tồn nơi nòi giống và nơi xã hội tương lai. Dần dần, hoài nghi, quên khuấy và im lặng trùm phủ mất ý niệm đời đời. Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu thụ giáng thêm đòn nữa vào xã hội sung túc, khiến nó thật ngượng ngịu khi phải nói về đời đời với những người có học. Tất cả những điều này có một vang dội hết sức rõ ràng trên đức tin của tín hữu, những người đến lúc này tỏ ra hết sức nhút nhát và co dãn. Lần chót ta được nghe một bài giảng nói về sự sống đời đời là khi nào vậy? Ai còn dám nhắc tới sự sống đời đời trước sự đau đớn của một đứa trẻ vô tội?

Ta vẫn tiếp tục đọc Kinh Tin Kính: "Et expecto resurrectionem mortuorum et vitam venturi saeculi": Tôi tin xác loài người ta sẽ sống lại; tôi tin hằng sống vậy! Nhưng đâu có dành cho chúng một kí lô nào. Kierkegaard rất đúng khi viết: “Cõi bên kia đã trở thành một trò đùa, một nhu cầu chẳng có chi chắc chắn đến nỗi không những người ta không kính trọng nó mà họ còn không thèm mong đợi nó nữa, đến nỗi ta phải buồn cười khi nghĩ đã có lúc ý niệm này biến đổi trọn bộ cuộc hiện sinh” (3).

Đâu là hậu quả thực tế của việc xóa mờ ý niệm đời đời này? Thánh Phaolô ám chỉ những người không tin vào sự phục sinh từ cõi chết: “Nào ta hãy ăn uống cho thỏa thích vì ngày mai ta sẽ chết” (1 Cor 15:32). Cái ý muốn được sống mãi, khi bị bóp méo, đã trở thành ý muốn hay cái điên loạn được sống bừa bãi miễn sao mang lại khoái cảm dù là gây thiệt hại tới người khác, nếu cần. Toàn bộ trần gian trở nên điều được Dante mô tả về nước Ý thời ông: “cái vườn hoa làm chúng ta ra tàn bạo”. Chân trời vĩnh cửu một khi đã xụp đổ, thì đau khổ của con người sẽ phi lý gấp đôi và hết thuốc cứu chữa.

Vĩnh cửu: một hy vọng và một hiện diện

Đối với chủ nghĩa duy khoa học cũng như chủ nghĩa duy tục, câu trả lời hữu hiệu nhất không hệ ở việc chống lại sai lầm cho bằng làm sáng lên trước con người việc chắc chắn có sự sống đời đời, cho họ thấy sức mạnh nội tại của chân lý qua chính chứng tá đời sống. Một Giáo Phụ xưa đã viết: “Một ý niệm luôn có thể bị một ý niệm khác chống đối và một ý kiến cũng luôn có thể bị một ý kiến khác chống đối; nhưng làm thế nào người ta có thể chống đối một cuộc đời?”

Về điểm này, cha Cantalamessa trưng trường hợp Miguel de Unamuno, tuy không phải là một nhà hộ giáo, nhưng trong một bức thư đã trả lời cho một người bạn trách cứ ông, coi ước vọng đời đời của ông gần như chỉ là một kiêu hãnh hay cao ngạo như sau: “Tôi không cho rằng ta đáng được một thế giới bên kia, hay luận lý học có thể chứng minh được nó; tôi chỉ cho rằng ta cần có nó, dù ta đáng được nó hay không, và chỉ có thế. Tôi cho rằng những gì đang diễn ra không thỏa mãn được tôi, tôi thèm khát vĩnh cửu, và nếu không có vĩnh cửu thì mọi sự đối với tôi chỉ là dửng dưng. Tôi cần có vĩnh cửu, vâng tôi rất cần nó! Không có nó, không còn niềm vui nào trong cuộc sống và niềm vui sống chẳng còn gì hiến tặng tôi nữa. Quả là quá dễ dàng khi nói rằng: ‘cần phải sống, ta phải bằng lòng với cuộc sống’. Nhưng còn những ai không bằng lòng với cuộc sống thì sao?” (4).

Cũng nhân dịp này, ông nói thêm: không phải những người thèm khát vĩnh cửu là những người khinh ghét thế giới và cuộc sống trần gian; trái lại, chính những người không thèm khát vĩnh cửu mới làm thế: “Tôi yêu cuộc sống đến độ nếu mất nó thì quả là tai họa tồi tệ nhất. Những người thực sự không yêu cuộc sống chính là những người chỉ vui hưởng nó ngày qua ngày mà không hề quan tâm tìm biết xem liệu mình có mất nó hay không”. Thánh Augustinô cũng nói cùng một điều như thế: “Cui non datur semper vivere, quid prodest bene vivere?" (Sống có ích gì nếu không được sống mãi mãi?) (5). Một thi sĩ Ý cũng từng ngâm ngợi “Trừ vĩnh cửu, mọi sự đều là phù vân đối với thế giới” (6).

Với những ai thời nay vốn thấy cần vĩnh cửu một cách sâu xa, nhưng không có can đảm nhìn nhận điều đó trước mặt người khác, và ngay cả với chính mình, ta có thể nhắc lại câu nói của Thánh Phaolô ngỏ với người dân thành Nhã Điển “tôi xin công bố với các ông điều mà chính các ông không biết nhưng vẫn tôn thờ” (Cv 17:23).

Giải đáp của Kitô Giáo đối với chủ nghĩa duy tục hiểu như chỉ có lúc này và ở đây, không đặt căn bản trên ý niệm triết học, như Platông, tức tính bất tử của linh hồn, mà trên một biến cố. Phong trào Ánh Sáng đã đặt câu hỏi thời danh về việc làm thế nào đạt được vĩnh cửu khi ta hiện hữu trong thời gian và làm thế nào có thể có một khởi điểm lịch sử cho ý thức vĩnh cửu (7). Nói cách khác, làm thế nào ta có thể biện minh được chủ thuyết của niềm tin Kitô Giáo trong việc hứa hẹn một sự sống vĩnh cửu đồng thời đe dọa sẽ có một trừng phạt vĩnh cửu chỉ vì những hành vi thực hiện trong thời gian.

Chỉ có một câu trả lời có giá trị cho câu hỏi trên là câu trả lời dựa trên niềm tin vào sự nhập thể của Thiên Chúa. Nơi Chúa Kitô, vĩnh cửu đã bước vào thời gian, nó tự tỏ mình ra trong xác phàm; trước mặt Người, ta có thể thực hiện được các quyết định đối với vĩnh cửu. Điều đó đúng đến nỗi thánh sử Gioan nói về sự sống vĩnh cửu như sau: “Chúng tôi […] công bố cho anh em sự sống vĩnh cửu vốn hiện hữu với Chúa Cha và đã trở nên hữu hình với chúng ta” (1 Ga 1:2).

Như đã thấy, đối với tín hữu, vĩnh cửu không phải chỉ là một hy vọng, nó còn là một hiện diện nữa. Ta có được cảm nghiệm đó mỗi lần ta thực hiện một hành vi đức tin thực sự vào Chúa Kitô, vì “anh em sẽ có sự sống vĩnh cửu nếu anh em tin vào danh Con Thiên Chúa” (xem 1 Ga 5:13); mỗi lần ta rước Lễ, trong đó “ta nhận được sự bảo đảm sẽ được vinh quang trong tương lai” ("futurae gloriae nobis pignus datur"); mỗi lần ta nghe lời Tin Mừng vốn là “lời ban sự sống vĩnh cửu” (xem Ga 6:68). Thánh Tôma Aquinô cũng nói rằng “ơn thánh là khởi đầu của vinh quang” (8). Sự hiện diện của vĩnh cửu trong thời gian này có tên là Chúa Thánh Thần. Người được mô tả là “phần đầu hết trong phần gia nghiệp của ta” (Eph 1:14; xem thêm 2 Cor 5:5), và Người được ban cho ta để, sau khi đã tiếp nhận những hoa trái đầu tiên, ta sẽ chờ mong các hoa trái viên mãn. Thánh Augustinô viết rằng: “Chúa Kitô đã ban cho ta sự bảo đảm của Chúa Thánh Thần qua đó Người, Đấng không thể nào đánh lừa ta, nhất định sẽ làm ta tin chắc vào sự nên trọn của lời Người hứa. Người hứa điều gì? Người hứa sự sống vĩnh cửu mà Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho ta, là chính bảo chứng” (9).

Ta là ai, từ đâu tới và đang đi đâu?

Giữa niềm tin vào thời gian và sự sống vĩnh cửu, có một liên hệ tương tự như mối liên hệ giữa sự sống của bào thai trong bụng mẹ và sự sống của bé thơ khi đã sinh ra đời. Cabasilas viết như sau: “Trong thai nghén, thế giới mang con người nội tâm, con người mới, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, để sau khi được lên khuôn và làm cho hoàn hảo ở đây, thì được sinh ra nơi thế giới hoàn hảo kia, thế giới không bao giờ già nua nữa. Giống bào thai mà thiên nhiên đang chuẩn bị, trong điều kiện tối tăm và đầy nước nôi, để một ngày kia sống trong ánh sáng thế nào, thì các thánh cũng thế […]. Tuy nhiên, đối với bào thai, sự sống tương lai tuyệt đối thuộc tương lai; không một tia sáng nào tới với em, không có gì thuộc sự sống này. Đối với chúng ta có khác, kể từ lúc thế giới tương lai như tràn đổ và hoà lẫn vào thế giới hiện tại […] Chính vì thế, các thánh được ơn không những quy hướng và chuẩn bị cho sự sống ấy mà còn đã sống và hành động trong sự sống ấy nữa” (10).

Cha Cantalamessa kể câu truyện vui để làm sáng tỏ điều trên. Có hai đứa trẻ sinh đôi, một trai một gái, rất thông minh và sớm phát triển đến độ dù còn trong bụng mẹ đã có thể chuyện trò với nhau. Bé gái nói với anh trai: “theo anh, liệu có sự sống sau khi mình sinh ra đời không?” Thằng anh trả lời: “Đừng nói chuyện tức cười. Điều gì khiến em nghĩ ngoài cái chốn chật chội và tối tăm này ra lại còn có chỗ nào khác cho mình nữa?” Bé gái thêm can đảm cãi lại: “Có lẽ có một người mẹ, một người nào đó từng đặt mình ở đây, và người ấy sẽ chăm sóc mình”. Thằng anh bảo: “Em có thấy một bà mẹ ở đâu chưa? Điều em thấy chỉ là chỗ này”. Bé gái đáp lại: “nhưng há có lúc anh chẳng cảm thấy một sức ép đụng vào ngực và gia tăng mỗi ngày đẩy chúng ta về phía trước đó không?” Thằng anh đành thú nhận: “Nói cho ngay, đúng như vậy, anh thấy sức ép đó mọi lúc”. “Thấy không”, em gái nó hô lên chiến thắng, “cái đau này đâu có thể nào vô cớ được. Em nghĩ nó đang chuẩn bị anh em mình cho một cái gì lớn hơn cái chốn chật hẹp này”.

Ta có thể dùng câu truyện vui nho nhỏ trên khi phải công bố sự sống vĩnh cửu cho những người đã mất đức tin, nhưng vẫn duy trì được lòng hoài nhớ và có thể đang chờ mong Giáo Hội đến giúp họ tin vào thực tại ấy, như bé gái trong bụng mẹ.

Có những câu hỏi được con người không ngừng tự hỏi mình từ ngày tạo thiên lập địa và con người ngày nay cũng thế: “Ta là ai? Ta từ đâu tới? Ta Đang đi về đâu?” Trong cuốn “Lịch Sử Giáo Hội của Người Anh”, Đấng Đáng Kính Bede kể lại việc đức tin Kitô Giáo đã đến miền Bắc Nước Anh ra sao. Khi các nhà truyền giáo từ Rôma tới vùng Northumberland, vua Edwin triệu tập hội đồng chức sắc để quyết định xem có nên cho phép các nhà truyền giáo này truyền bá sứ điệp mới hay không. Một trong các vị chức sắc tâu trình: “Thưa bệ hạ, cuộc đời hiện tại của con người, theo hạ thần, nếu đem so sánh với thời gian ta chưa biết cũng giống như đường vụt bay của con chim sẻ qua căn phòng bệ hạ ngự dùng bữa ăn tối vào mùa đông, với các vị thượng thư bộ trưởng, và một đống lửa ấm áp bên cạnh, trong khi bên ngoài trời đầy sấm sét cùng mưa lũ bão tuyết; con chim sẻ bay vào cửa này rồi lại tức khắc bay ra cửa khác, khi nó còn trong phòng, nó được yên ổn khỏi gió bão mùa đông; nhưng sau một khoảng thời tiết ấm áp, nó lập tức mất hút khỏi tầm nhìn của bệ hạ và bay vào mùa đông đen tối mà từ đó nó đã xuất hiện. Cuộc đời này của con người cũng chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc, nhưng ta hoàn toàn không biết chuyện gì xẩy ra trước đó hay điều gì xẩy ra sau đó. Bởi thế, nếu học thuyết mới này chứa đựng một điều gì đó chắc chắn hơn, thì theo hạ thần nó đáng được người ta tin theo” (11).

Có lẽ đức tin Kitô Giáo sẽ trở lại Nước Anh và lục địa Âu Châu với cùng một lý do như lúc nó du nhập vào đó: như đức tin duy nhất có câu trả lời chắc chắn cho những câu hỏi vĩ đại về sự sống trần gian. Lúc thuận tiện nhất để đưa ra sứ điệp này là dịp tang lễ. Vì trong tang lễ, người ta bớt chia trí hơn là trong các bí tích khác như Rửa Tội hay Hôn Phối, nhờ thế họ sẽ thắc mắc nhiều hơn về số phận của mình. Khi người ta khóc thương người thân yêu quá vãng, họ cũng khóc thương cho chính mình.

Có lần Cha Cantalamessa nghe được một chương trình hay của Đài BBC nói về “tang lễ phần đời” ghi trực tiếp từ diễn biến của một đám tang như thế. Người ta nghe được vị chủ sự nói với những người hiện diện: “Ta không nên buồn. Sống một cuộc sống tốt, thoả mãn, trong 78 năm (tuổi của người đàn bà quá vãng) là điều ta cần biết ơn.”. Nhưng mà biết ơn ai? Cha thắc mắc. Đám tang ấy chỉ làm hiển nhiên hơn toàn bộ thái độ của con người trước cái chết.

Các nhà xã hội học và các nhà làm văn hóa, khi được yêu cầu giải thích hiện tượng các đám tang phần đời hay các đám tang “nhân bản”, đã tìm ra nguyên nhân của việc phổ biến tập quá này tại một số quốc gia Bắc Âu là do sự kiện họ cho rằng các đám tang phần đạo mặc nhiên ngụ ý nơi những người hiện diện có một đức tin mà chính họ không cảm thấy họ có. Bởi thế, họ muốn đề nghị: trong tang lễ, Giáo Hội nên tránh đừng nhắc gì tới Thiên Chúa, tới sự sống vĩnh cửu, tới Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, và chỉ nên giới hạn vai trò của mình vào vai trò của “một người tổ chức tự nhiên và có kinh nghiệm nghi thức sang bên kia thế giới!”. Nói cách khác, phải chấp nhận sự tục hóa cả cái chết!

Ta hãy về nhà Chúa!

Một niềm tin đổi mới vào vĩnh cửu không phải chỉ phục vụ việc phúc âm hóa, nghĩa là việc công bố cho người khác; mà trước đó, nó còn phục vụ việc đem tới một thúc đẩy mới cho hành trình nên thánh của ta. Việc suy yếu trong ý niệm vĩnh cửu cũng đã tác động trên các tín hữu, làm giảm nơi họ khả năng can đảm đương đầu với đau khổ và các thử thách ở đời. Khi giáp mặt với một tình thế khó khăn, ta không còn thói quen nhắc lại điều mà Thánh Bernard và Thánh Ignatius thành Loyola quen nói: “Quid hoc ad aeternitatem?" (Đâu có nghĩa lý gì so với đời đời?).

Giống như cái cân, nếu quả cân không đủ đúng, thì đĩa cân đựng đồ cân sẽ nghiêng về phía đất. Cán cân vĩnh cửu của ta cũng thế, những sự việc trần đời cũng như các đau khổ rất dễ kéo linh hồn ta xuống phía dưới. Mọi sự xem ra quá nặng nề, quá sức chịu đựng. Chúa Giêsu nói với ta: “và nếu bàn tay bạn hay bàn chân bạn làm cớ cho bạn phạm tội, thì hãy cắt nó đi và vất nó đi khỏi bạn; thà được vào sự sống mà cụt chân cụt tay còn hơn có đủ hai tay hai chân mà phải bị liệng vào lửa đời đời” (xem Mt 18:8-9). Nhưng, khi đã không còn thấy vĩnh cửu, ta hẳn sẽ thấy là quá sức chịu đựng khi được yêu cầu phải nhắm mắt trước cảnh tượng vô luân. Thánh Phaolô đã viết thế này: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hửu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Cor 4:17-18). Quả cân gian truân nhẹ nhàng chính vì nó chỉ có tính tạm thời, quả cân vinh quang vô lượng vì nó vĩnh cửu. Chính vì thế, Thánh Phaolô dạy: “tôi coi những đau khổ của đời này chẳng là chi so với vinh quang được mạc khải cho ta” (Romans 8:18).

Đức Hồng Y Newman, người mà chúng ta chọn làm thầy dạy đặc biệt trong Mùa Vọng này, buộc ta phải thêm một sự thật hiện còn thiếu trong các suy niệm hiện nay về vĩnh cửu. Sự thật đó được ngài viết trong bài thơ “The Dream of Gerontius” được nhà soạn nhạc nổi tiếng của Anh là Edgar Elgar phổ nhạc. Đây quả là một tác phẩm bậc thầy thực sự vì các tư tưởng sâu sắc, vì thi hứng và vì kịch tính hợp ca.

Ngài mô tả giấc mộng của một ông già (đây là ý nghĩa của tên Gerontius), một người thấy mình đã gần tới lúc ra đi và ta biết người đó chính là Newman. Phụ họa cho các ý tưởng của ông về cuộc đời, về cái chết, về vực thẳm hư vô mà ông đang lao tới, là những nhận định của kẻ qua đường, lời cầu kinh của Giáo Hội “Hỡi linh hồn Kitô hữu, hãy ra khỏi đời này” ("proficiscere, anima christiana"), những tiếng nói mâu thuẫn nhau của thiên thần cùng quỉ dữ trong việc cân đo và đòi lãnh linh hồn ông. Đẹp và sâu sắc nhất là lời mô tả lúc vượt qua và lúc tỉnh thức thấy mình ở một thế giới khác:

“Tôi thiếp ngủ; và giờ đây tỉnh táo.

Một tỉnh táo lạ thường: vì cảm thấy trong tôi

một sáng láng khôn tả, và một cảm thức

tự do, mà bản thân tôi được no thoả,

như chưa từng được no thỏa bao giờ. Yên tĩnh làm sao!

Tôi không còn nghe tiếng đập bận rộn của thời gian,

Không, và cũng không cả hơi thở xốn xang và nhịp tim khó khăn của mình;

Mà phút này phút nọ cũng chẳng còn khác nhau” (12).

Những vần thơ sau cùng là những vần thơ ngài viết về Luyện Ngục:

“Ở đấy, con sẽ ca lên với Chúa và Tình Yêu xa vắng của con:

Hãy mang con đi,

Để con chóng bay lên, lên chốn cao,

Và được thấy Người trong chân lý trường cửu” (13)

Đối với hoàng đế Hadrian, chết là từ thực tại bước qua bóng tối, đối với Kitô hữu John Newman nó là từ bóng tối bước vào thực tại, “ex umbris et imaginibus in veritatem" (từ bóng tối và hình ảnh bước vào sự thật), câu mà ngài muốn viết trên phần mộ.

Như thế, sự thật nào chưa được nói tới mà Newman buộc ta không được câm lặng? Đó là sự thật này: đường từ thời gian bước vào vĩnh cửu không phải là đường phẳng phiu và đồng đều cho mọi người. Ta phải đương đầu với sự phán xét và sự phán xét này có thể đem lại hai hệ quả khác nhau: thiên đàng hay hỏa ngục. Linh đạo của Newman là linh đạo khắc khổ, đôi khi còn nhiệm nhặt nữa, giống như linh đạo của “Dies irae” (ngày thịnh nộ) nhưng lành mạnh biết bao vào một thời kỳ người ta có khuynh hướng xem thường mọi sự, coi chúng như một trò đùa, như lời Kierkegaard, liên quan tới vĩnh cửu.

Thành thử, ta hãy mạnh mẽ hướng tư tưởng ta vào vĩnh cửu, bằng cách nhắc lại lời của nhà thi sĩ: ngoại trừ vĩnh cửu, mọi sự chỉ là phù vân đối với thế giới”. Trong Sách Thánh Vịnh Hípri có một nhóm thánh vịnh gọi là “Các Thánh Vịnh lên đền” hay “ca khúc Xion”. Đây là các thánh vịnh được khách hành hương Do Thái hát trên đường tới thành thánh Giêrusalem. Một trong các thánh vịnh này bắt đầu như sau: “Tôi vui mừng khi người ta bảo tôi, ‘chúng ta hãy về nhà Chúa!’”. Các thánh vịnh lên đền này sau đó đã trở thành các thánh vịnh của những người trong Giáo Hội đang lên đường hướng về Giêrusalem trên trời; chúng là các thánh vịnh của ta. Chú giải những lời khơi mào của thánh vịnh, Thánh Augustinô nói với các tín hữu: “Ta hãy rảo bước vì ta sẽ về nhà Chúa; ta hãy rảo bước vì đường này không làm ta hao kiệt; vì cuối cùng ta sẽ tới nơi không còn hao kiệt. Ta hãy rảo bước về nhà Chúa và linh hồn ta hân hoan với những người từng nhắc lại các lời này. Họ đã thấy quê hương trước ta, các Tông Đồ đã thấy quê hương ấy và từng nói với ta: ‘Chạy mau lên, hãy rảo bước nhanh lên, hãy theo chân chúng tôi! Chúng tôi đang đi về nhà Chúa’” (14)

Ghi chú

(1) Xem M. Pohlenz, "L'uomo greco," Florence, 1967, p. 173ss.

(2) "Animula vagula, blandula."

(3) S. Kierkegaard, "Postilla conclusiva," 4, in "Opere," do C. Fabro biên tập, Florence, 1972, p. 458.

(4) Miguel de Unamuno, "Cartas inéditas de Miguel de Unamuno y Pedro Jiménez Ilundain," Hernán Benítez biên tập, Journal of the University of Buenos Aires, Vol. 3, No. 9 (January-March 1949), pp. 135-150.

(5) Thánh Augustinô, "Các Bài Giảng về Thánh Gioan" 45, 2 (PL, 35, 1720).

(6) Antonio Fogazzaro, "A Sera," trong "Le poesie," Milan, Mondadori, 1935, pp. 194-197.

(7) G.E. Lessing, "Über den Beweis des Geistes und der Kraft," Lachmann biên tập, X, p.36.

(8) Thánh Tôma Aquinô, "Summa theological", II-IIae, q. 24, art.3, ad 2.

(9) Thánh Augustinô, "Các Bài Giảng" 378,1 (PL, 39, 1673).

(10) N. Cabasilas, "Vita in Cristo," I,1-2, U. Neri biên tập, Turin, UTET, 1971, pp.65-67.

(11) Venerable Bede, "The Ecclesiastical History of the English People," II, 13.

(12) "The Dream of Gerontius," John Henry Newman, 1865.

(13) Ibid.

(14) S. Agostino, Enarrationes in Psalmos 121,2 (CCL, 40, p. 1802).
 
Top Stories
More trouble for Vietnam's Redemptorists: monastery turned into state office
Joseph Dang
20:36 21/12/2010
There are signs of serious troubles aiming directly at Redemptorists in Vietnam. Having their church in Saigon been raided, their provincial superior been investigated and threaten, now they have to face another outrageous harassment: one of their monasteries has just been decided unilaterally by the government to be converted into a state office.

In an urgent protest letter published on Dec. 20, Father Joseph Dinh Huu Thoai, chief of the secretariat of the local Redemptorist province, cried out that the Redemptorist monastery in Dalat city had just been ruled by the local government of Lam Dong to be converted into a regional biological research institute.

“People’s Committee of Lam Dong Province is unilaterally planning to build the Biological Research Institute of The Central Highlands on the land of the Redemptorist province without any discussions with us. It violates section 5 of article 25 in the current nation’s land law; and tramples our legitimate rights,” wrote the secretariat.

Dalat, a popular tourist destination where land prices have jumped sky-high during recent years, is the capital of Lam Dong Province. The city is located 1,500 m above sea level on the Langbiang Plateau in the southern parts of the Central Highlands.

The monastery has been seized by the communist government for decades, but as many Church properties in dispute with the government, it has been kept unchanged. The order to destroy it to build a state building is sudden. But the intrinsic reason for that decision is quite comprehensible.

Redemptorists are among those in Vietnam who actively campaign against Chinese-backed projects to mine bauxite in this back-boned region of the country. They have kept warning about potential catastrophes to the environment explaining that no bauxite plant in the world, even in modern countries, can guarantee the endurance of the red mud reservoir against acid erosion. Arguing that the underlying dangers may far outweigh the benefits, the critics have been calling for Vietnamese people to sign in a petition to the government, denouncing the plan to allow the China to mine in such environmentally strategically sensitive part of Vietnam.

More than 2000 intellectuals had signed the petition on bauxite mining projects, which was sent to the Party, the State and the Government in last October. It has been no secret that the Redemptorists are among those who have been victimized and severe punished by the government for their courageous actions. The steep price these brave priests have to pay now is watching their monastery converted to a state institute to study what they have warned about environmental effects of bauxite projects in the region.

"Around the world, people are celebrating the Christmas season, we here in Vietnam are still in the Good Friday, contemplating the Passion of Christ in the pains and sufferings of people from all walks of life including ourselves," sighed Fr. Joseph Nguyen in Hanoi.

Upon hearing a new campaign of harassment against the Redemptorists in Vietnam, Fr. Michael Brehl, the Superior General of the Order, on his letter published today Dec. 22, sent his support to "Fr. Vincent [Provincial Superior of Vietnam] and all confreres", expressing his closeness in prayer to his brothers in this time of difficulties. "I am writing to tell you that we are with you in prayer. As we draw closer to Christmas, know that you are very much in my Christmas novena," wrote the world-wide leader of the Redemptorists.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Bố Sơn chầu lượt
Bố Sơn
09:35 21/12/2010
VINH - Giáo xứ Bố Sơn, Gp Vinh. Sáng hôm nay Chúa Nhật IV mùa vọng, lúc 8h ngày 19 tháng 12 năm 2010, tổ chức thánh lễ cao điểm của tuần chầu. hàng ngàn giáo dân trong và ngoài giáo hạt Xã Đoài cùng về hiệp dâng thánh lễ với sự hiện diễn của 15 linh mục trong và ngoài giáo phận cùng đồng tế dâng lễ tạ ơn trong ngày cao điểm này. Hôm nay thánh lễ được tổ chức trước khuôn viên tượng đài Đức Mẹ.

Xem hình ảnh

Đi từ ngoài vào nhà thờ, đập vào mắt chúng tôi là hang đá khổng lồ cao 18m, rộng 17m nằm chếch cạnh phía trái mặt tiền nhà thờ mà giáo xứ đã dựng lên để đón mừng Chúa Giáng Sinh 2010, mọi người chen nhau đứng trước hang đá để ghi hình lưu niệm. Không biết hang đá khổng lồ này có được xếp vào kỷ lục Guinness năm nay không?.

Cha Phanxicô Võ Thanh Tâm nguyên là cha Tổng đại diện giáo phận, nay là cha hạt trưởng Xã Đoài chủ tế. Trong bài giảng ngài đã lui về quá khứ cách đây mấy chục năm của thời các cha quản xứ như cha Phêrô Nguyễn Xuân Lan, cha Girađô Khiêm. v.v., ngài ca ngợi lòng đạo đức và kiên cường bất khuất của tổ tiên, cha ông con cái giáo xứ Bố Sơn, ngài khơi lại một đoạn trong thời cha quá cố Phêrô Nguyễn Xuân Lan bị chính quyền thời đó bắt giam ngài, không cho ngài dâng thánh lễ và cứ đến thứ bảy hàng tuần giáo dân cả xứ Bố Sơn kéo nhau lên trụ sở chính quyền đòi cho được cha về dâng thánh lễ Chúa Nhật và chính quyền phải nhân nhượng thả ngài về dâng lễ mỗi Chúa Nhật cho bà con để thứ hai lại lên ngồi tù…, ngài cũng nhắc lại nhiều gia đình đạo đức của xứ đạo Bố Sơn trong đó điển hình là gia đình cố trùm Na, một gia đình đạo đức, kiên cường mà nay có người cháu nội là linh mục Giuse Nguyễn Trung Lĩnh mục vụ tại NiuDiLân và một người cháu ngoại tên là linh mục Gioan Nguyễn Huy Khiêm đang mục vụ tại Ba Lan, hôm nay các ngài cũng về quê hương và cùng hiệp dâng thánh lễ đồng tế. Cha Phanxicô Võ Thanh Tâm nhấn mạnh “ Nhờ Đức tin kiên cường và lòng đạo đức của tổ tiên cha ông giáo xứ Bố Sơn mà sự đạo hôm nay bền vững và lớn lên mỗi ngày…”.

Thiên Chúa không phụ lòng nhân, xứ Bố Sơn nằm phía tây bắc cửa ngõ của thành phố Vinh, có linh mục quản xứ Giuse Nguyễn Viết Nam trẻ khoẻ, đạo đức, năng nổ với một đội ngũ Hội đồng mục vụ giáo xứ và các giáo họ có truyền thống kiên cường, đạo đức nối tiếp nhau, và nhiều hội đoàn đang phát triển mạnh với gần 4000 Giáo dân trong toàn giáo xứ, tin chắc xứ đạo nơi đây sẻ là xứ đạo tuyệt vời về mọi mặt và sẻ là một điểm sáng cho giáo phận Vinh.
 
Gia đình Phan Sinh Lâm Đồng hành hương Năm Thánh
Công Minh
09:44 21/12/2010
ĐÀ LẠT - Theo gương đàn anh đàn chị là gia đình Đaminh đã tổ chức hành hương long trọng trong Năm Thánh về Nhà Thờ Chính Toà Đalat ngày lễ thánh Đaminh 8-8-2010, gia đình Phan Sinh cũng nối gót bằng một ngày hành hương về Nhà Thờ Tân Thanh, Bảo Lộc vào một ngày không thể muộn hơn, thứ bảy 18-12-2010 ! Muộn hơn sẽ gặp đại lễ Noel, và sau đó là luột khỏi năm thánh, vì ngày bế mạc Năm Thánh cấp giáo phận 2-1-2011 gần kề và cấp toàn quốc 6-1-2011 tại La Vang cũng theo ngay sau đó.

Xem hình ảnh

Gia đình Phan Sinh chọn Bảo Lộc vì anh chị em Phan Sinh Tại Thế, tức dòng Ba Phanxicô chiếm đa số tại đây, đến mấy trăm người. Chọn nhà thờ Tân Thanh (tại Hạt Bảo Lộc) vì là nhà thờ này được giáo phận chỉ định là nhà thờ có ơn toàn xá khi kính viếng.

Gia đình Phan Sinh miền Lâm Đồng gồm tu sĩ “dòng nhất” thuộc tu viện Du Sinh Đalat (OFM, o ép em), năm nay đông đảo hơn nhờ 16 “thầy” tập sinh trong áo dòng phan-sinh xúng xính; các sœurs và muội tử dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (FMM, ép 2 em), hệ dòng Phan Sinh Tại Viện, thuộc 3 nhà trong miền: Cô Giang, Thạnh Mỹ, Suối Thông; và anh chị em giáo dân dòng Ba, tên chính thức là Phan Sinh Tại Thế (OFS) cùng giới trẻ của họ. Lại còn có thành viên hội Bảo Trợ Ơn Gọi Phan Sinh và một số anh (chị) em Cựu Phan Sinh.

Khởi đầu ngày hành hương là lắng nghe cha An-phong Minh nhắc lại “năm bước hành hương của Phanxicô trên con đường hoán cải.” Tiếp đến là chầu Thánh Thể với phần suy niệm “hoán cải là gì” và “làm gì để hoán cải.” Trong giờ chầu, tất cả cũng hoàn tất “thủ tục” lĩnh ơn toàn xá như kinh Lạy Cha và Tin Kính kèm với việc viếng Nhà thờ, kinh Năm Thánh, kinh cầu theo ý ĐGH…

Sau chầu là giải lao và giải tội. Thánh lễ tiếp sau đó đưa mọi người vào mừng lễ Noel, dẫu ngày 25-12 chưa đến, vì đối với thánh Phanxicô, mỗi thánh lễ là mỗi “lễ giáng sinh,” bởi lẽ Phanxicô nói: “Này đây hằng ngày Người hạ mình xuống (x. Pl 2,8) như xưa Người rời ngai vàng (x. Kn 18,15) mà đến trong lòng Đức Trinh Nữ. Hằng ngày Người đến với chúng ta một cách khiêm nhường. Hằng ngày Người rời cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1.18) để ngự xuống trên bàn thờ, trong tay linh mục” (Huấn Ngôn 1, 16-18).

Bữa ăn mặn sau đó với trên 40 mâm gói lại ngày hành hương. Đến lúc này mới chính thức chào cha xứ Tân Thanh được, vì trước đó cha đi “làm việc” với CQ. Trong khi ăn, các nhóm lên sân khấu “giúp vui” để đưa thực khách đẩy thức ăn vào nhanh hơn.

Ngày hành hương của gia đình Phan Sinh miền Lâm Đồng chấm dứt vào lúc 1g hơn. Mọi người chia tay và hẹn gặp lại. Riêng chiếc xe lớn chở OFM và FMM trên đường về lại Đalat đã tạt qua “Nam Thiên Đệ Nhất Thác” Ponguar để ngắm thác đệ nhất này đã bị cản dòng vì đập Đại Ninh chặn mất nguồn nước. Xe về đến tu viện Du Sinh Đalat lúc 5g chiều đúng. Tạ ơn Chúa.
 
Giáo xứ Bó Tờ GP Lạng Sơn vui mừng chào đón Giám mục viếng thăm
Giuse trần ngọc Huấn
09:54 21/12/2010
CAO BẰNG - Tiếp tục chương trình mục vụ thăm viếng các giáo xứ nhân dịp chuẩn bị lễ Chúa Giáng Sinh, ngày hôm nay, 21 tháng 12 năm 2010, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân đã đến với giáo xứ Bó Tờ trong sự chào đón đầy tình nghĩa của cha xứ cùng mọi thành phần trong giáo xứ.

Xem hình ảnh

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay

Anh em được sống sum vầy bên nhau”

Lời Thánh Vịnh trên đây đã diễn tả thật ý nghĩa tâm tình của bà con giáo dân giáo xứ Bó Tờ hôm nay. Đã từ lâu, giáo xứ không được đón Đức Giám mục viếng thăm, vì thế lòng người càng tăng thêm niềm vui khi được gặp lại vị chủ chăn giáo phận. Niềm vui ấy hiện rõ trên khuôn mặt của từng người, từ các em nhỏ đến các cụ già, mọi người náo nức đến chào thăm Đức cha khả kính của họ.

Giáo xứ Bó Tờ nằm gần biên giới Việt – Trung với cửa khẩu Tà Lùng hiện nay có trên 300 giáo dân, đại đa số là người dân tộc thiểu số, cách xa Toà Giám mục Lạng Sơn khoảng 200km. Khi Đức cha Giuse đến, bà con giáo dân đã đợi sẵn từ lâu, khuôn mặt rạng rỡ hiện rõ niềm vui mừng. Là một giáo xứ vùng biên giới, cũng như giáo xứ Tà Lùng, giáo xứ Bó Tờ cũng đã phải hứng chịu hậu quả trực tiếp của nhiều cuộc chiến tranh thảm khốc. Tuy vậy, trong những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của giáo dân đã được từng bước cải thiện và nâng cao. Trước đây, giáo xứ Bó Tờ có ngôi nhà thờ rất nhỏ bé, chỉ rộng chừng mấy chục mét vuông, ngôi nhà lại đã xuống cấp, hiện nay, ngôi thánh đường mới của giáo xứ được xây dựng thật đẹp và mang đậm nét văn hoá Á Đông. Ở đây đã có cha xứ thường trực, có nhà thờ, nhà xứ, có cộng đoàn dòng tu và các sinh hoạt trong giáo xứ cũng ngày một khởi sắc, nhờ đó lòng đạo đức của giáo dân cũng không ngừng thăng tiến và đi vào chiều sâu.

Cha Vinhsơn Đào Văn Uyên – quản nhiệm giáo xứ Bó Tờ - cho biết: “Trước đây, sau chiến tranh, người dân trong xứ đã trở về quê hương để xây dựng lại đời sống, nhất là đã cùng nhau góp sức xây dựng lại ngôi thánh đường của giáo xứ, mặc dù theo dòng thời gian, ngôi nhà thờ này cũng đã xuống cấp và chật hẹp, nhưng đó chính là chứng tá hùng hồn về đời sống đạo đức của bà con giáo dân. Giờ đây, với ngôi nhà thờ mới thật khang trang và đẹp đẽ, bà con giáo dân thêm phấn khởi, sớm hôm có nơi xứng đáng để tụ họp nhau cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và các cử hành Bí tích. Qua những năm làm mục vụ tại đây, tôi nhận thấy giáo xứ Tà Lùng đang có một sức sống mạnh mẽ về đời sống đạo, dù đời sống còn quá nhiều khó khăn nhưng anh chị em giáo dân đã biết đoàn kết giúp đỡ nhau về mọi mặt, nhất là cùng nâng đỡ nhau trong để duy trì đức tin và lòng kính mến Chúa, ước mong mỗi người sẽ là những chứng tá sống động cho tình yêu Chúa ở nơi vùng đất biên giới này”.

Cha xứ Vinhsơn cũng cho biết thêm: “Từ mấy ngày qua, giáo xứ đã tích cực chuẩn bị các công việc cho ngày lễ Giáng sinh đang tới gần. Không chỉ trang trí nhà thờ cho đẹp hơn, giáo xứ cũng tới thăm, động viên và tặng quà những gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh bất hạnh, không phân biệt lương – giáo, để mọi người cùng đón Giáng sinh trong ấm no và chan hòa tình người, sự liên đới và chia sẻ”.

Ngay khi xe của Đức cha vừa đến đầu con đường nhỏ dẫn vào ngôi thánh đường giáo xứ, có nhiều em nhỏ và các bà, các cụ trong trang phục truyền thống của người Tày – Nùng đã rất vui mừng chào đón ngài. Là một giáo xứ toàn tòng người Tày – Nùng, đời sống và sinh hoạt nơi đây cũng có nhiều nét khác biệt mang bản sắc văn hoá riêng khá độc đáo của hai dân tộc này. Được gặp lại vị cha chung, mọi người tràn đầy niềm vui, đặc biệt trong khung cảnh ngày lễ Giáng sinh đang gần tới. Trong ngôi thánh đường hôm nay đông hơn thường lệ vì còn có thêm nhiều anh chị em khác tôn giáo tham dự, đây là nét đẹp nơi giáo phận truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng. Mọi người trong trang phục truyền thống Tày – Nùng cùng cất cao tiếng hát cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và chào đón Đức cha giáo phận. Những tâm hồn vui tươi hoà với lời ca tiếng hát, với lời kinh vang lên giữa núi rừng bát ngát xanh làm xúc động lòng người.

Cao điểm của sự thăm viếng và gặp gỡ chính là Thánh lễ. Vào lúc 19h00 chiều, Đức cha Giuse đã chủ sự Thánh lễ cùng với cha xứ Vinhsơn Đào Văn Uyên và cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Huy trong sự tham dự của các nam nữ tu sỹ và mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ Bó Tờ, cũng có một số anh chị em giáo dân từ giáo xứ Tà Lùng tới đây dự lễ. Ngôi thánh đường mang nét Á Đông trở nên thật ấm cúng, trang trọng và chứa đựng bầu khí Phụng vụ sốt sắng.

Khởi đầu bài chia sẻ trong Thánh lễ, Đức cha Giuse nhấn mạnh đến những giá trị của ngôi thánh đường là nơi quy tụ mọi sinh hoạt và cử hành Phụng vụ, Bí tích cũng như cầu nguyện của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ. Ngài mời gọi mọi người hãy hết sức giữ cho ngôi nhà thờ trở nên dấu chỉ của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại, giữ cho ngà thờ luôn tôn nghiêm và xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị, là mái nhà chung đầy tình yêu thương của cộng đoàn giáo xứ.

Mùa Vọng đã tiến đến những ngày cuối cùng, và một đại lễ Giáng sinh đang tới rất gần, phải mau mắn chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa ngự đến. Đó cũng là đề tài cho những tâm tình chia sẻ của Đức cha Giuse với cộng đoàn Phụng vụ. Ngài quảng diễn những giá trị của mầu nhiệm sự chờ đợi trong hy vọng, trong niềm tín thác của Dân Chúa suốt chiều dài của lịch sử ơn cứu độ. Trong khi chuẩn bị những hình thức bề ngoài như trang hoàng nhà thờ, nhà xứ hay các gia đình, mọi người cũng phải tích cực tô điểm chính ngôi nhà thiêng liêng của mình, đó mới là chốn cao quý nhất để Chúa ngự đến viếng thăm và chúc lành. Đức cha Giuse cầu chúc mọi người chuẩn bị tâm hồn sốt sắng để đón mừng Chúa đến trong an vui và hạnh phúc, dạt dào thánh ân.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha xứ Vinhsơn Đào Văn Uyên thay mặt mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ để bày tỏ lòng cảm ơn sự hiện diện đầy ý nghĩa của Đức cha Giuse nhân dịp ngày Giáng sinh sắp tới, đồng thời cầu chúc Đức cha luôn mạnh khỏe, bình an và tràn đầy Phúc lành của Chúa Hài Đồng.

Đức cha Giuse một lần nữa bày tỏ niềm vui khi trở lại thăm giáo dân tại Bó Tờ - một giáo xứ thật xa xôi của gia đình giáo phận. Tới đây, gặp những anh chị em người Tày – Nùng trong những trang phục mang sắc tộc riêng, thật thân thương và gần gũi. Đặc biệt, hôm nay nhà thờ giáo xứ có sự hiện diện của thật đông đảo anh chị em giáo dân, nhất là các bạn trẻ và một Ca đoàn khá quy mô. Điều này nói lên sự phát triển của xứ đạo. Đức cha Giuse mời gọi mọi người tích cực củng cố hành trình Đức Tin của mình, xây dựng ngôi đền thờ tâm hồn, xây dựng ngôi nhà chung thiêng liêng của giáo xứ để xứng đáng đón Chúa Hài Đồng Giáng Sinh.

Bà con giáo dân đã dâng tặng Đức cha Giuse những món quà đơn sơ, là chính sản vật của hoa màu ruộng đất nơi quê hương này, do bàn tay và công sức của họ tháng ngày vun trồng.

Sau Thánh lễ, Đức cha Giuse thăm hỏi mọi người, và ngồi Tòa Giải Tội để đón nhận các hối nhân chuẩn bị tâm hồn đón Giáng sinh.
 
Giáo xứ Mẫu Tâm, Sài Gòn: Xây dựng thánh đường đồng thời với việc truyền giáo
Nguyễn Hoàng Thương
09:59 21/12/2010
Giáo xứ Mẫu Tâm, Sài Gòn: Xây dựng thánh đường đồng thời với việc truyền giáo

Sáng ngày 18/12/2010, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã dâng Thánh Lễ cung hiến thánh đường Giáo xứ Mẫu Tâm, thuộc Hạt Xóm Chiếu, TGP Sài Gòn. Cùng đồng tế trong Thánh Lễ có cha chánh xứ, cha hạt trưởng và các cha trong hạt cùng sự tham dự của đông đảo nam nữ tu sĩ và giáo dân trong Giáo xứ.

Xem hình

Giáo xứ Mẫu Tâm hiện nay trải rộng trên diện tích 30 cây số vuông bao gồm các phường Tân Quy, Tân Kiểng, Tân Phong và Tân Hưng thuộc quận 7, Sài Gòn. Từ ngày hình thành giáo xứ đến nay đã 48 năm, giáo xứ trải qua 5 lần xây dựng thánh đường, lần xây dựng gần nhất là năm 1972, đến năm 2008 là 36 năm, ngôi thánh đường đã dầm mưa dãi nắng, không còn đủ sức chống chọi với thời gian cũng như không còn đủ sức chứa cho hơn 3.000 giáo dân trong giáo xứ cùng với những giáo dân di dân từ các tỉnh thành khác đến làm việc trong khu chế xuất Tân Thuận và các vùng phụ cận, dù ngày Chúa Nhật có 4 Thánh Lễ (05g30, 8g00, 16g30, 18g00).

Ngày 01/09/2007, cha Gioan Baotixita Bùi Bá Tam Quan về làm linh mục chánh xứ. Sau một năm phục vụ tại đây, nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải xây dựng nhà thờ mới nhằm đáp ứng lượng giáo dân càng đông trong một vùng rộng lớn. Và ngày 20/12/2008, Lễ Khai Móng và Đặt Viên Đá Đầu Tiên đã diễn ra để bắt đầu hình thành nên ngôi nhà thờ mới. Sau hai năm xây dựng, nhà thờ đã hoàn tất trên một diện tích chữ L với cung Thánh nằm ở góc, được xây dựng với một hầm để xe, tầng trệt và lầu một là nơi dâng lễ và lầu hai là hội trường để tận dụng tối đa khoảng không trên một diện tích hẹp.

Ngoài việc xây dựng nhà thờ, cha Gioan Baotixita còn chú trọng đến việc giáo dục và việc tổ chức các hội đoàn, ngài không ngừng kêu gọi giáo dân tham gia vào các hội đoàn giáo xứ để giáo dân có dịp học hỏi và nâng đỡ nhau trong mọi sinh hoạt của đời sống đức tin. Vào ngày Chúa Nhật, ngài dành riêng Thánh Lễ vào lúc 8 giờ sáng cho thiếu nhi. Trong Thánh Lễ, khi nghe bài Tin Mừng, các em mở Sách Thánh để cùng đọc với cha chủ tế, trong bài giảng, ngài luôn nhắc nhở các em làm tròn trách nhiệm của một người con trong gia đình, tham gia các phong trào trong giáo xứ và siêng năng tham gia vào các lớp giáo lý.

Bên cạnh đó, cha cũng chú ý đến công tác truyền giáo, dù giáo xứ trải rộng trên một diện tích lớn nhưng nhận thấy khu vực đường Lê Văn Lương bên kia cầu Rạch Đĩa, thuộc huyện Nhà Bè xưa kia vắng vẻ nhưng giờ dân cư đã đông đúc, nên vào năm 2009 cha đã chủ động lập Xóm Giáo Đức Mẹ La Vang gồm 2 xã Phước Lộc và Phước Kiển nhằm quy tụ những người Công Giáo mà giáo xứ chưa nắm được để nâng đỡ đức tin cho họ. Trong những tháng qua, Ban Điều Hành Xóm Giáo đã rất tích cực đi đến từng ngõ ngách của 2 xã để tìm hiểu, thống kê các gia đình Công Giáo, phát tờ rơi giới thiệu những thông tin sơ lược về giáo xứ, về Xóm Giáo và các số điện thoại liên lạc của cha sở cùng những người có trọng trách trong giáo xứ để họ tiện bề liên lạc. Hằng tháng, Ban Điều Hành Xóm Giáo đến từng nhà phát Lịch sinh hoạt Xóm Giáo trong đó có lịch đọc kinh liên gia thay phiên trong xóm vào tối thứ Bảy hàng tuần cùng các hoạt động sẽ diễn ra trong Xóm Giáo và trong Giáo Xứ… Tờ Lịch Sinh Hoạt cũng không quên nhắc nhở các gia đình sống gắn bó trước hết với những láng giềng cùng đức tin để nâng đỡ nhau về tinh thần cũng như vật chất (nếu có thể), và báo cho Ban Điều Hành nếu biết những người Công Giáo sống trong khu vực để mời gọi họ gia nhập Xóm Giáo.

Trở về lịch sử có thể thấy Giáo xứ Mẫu Tâm hôm nay bắt đầu từ tro bụi của cuộc hỏa hoạn ngày 20/03/1963 tại vùng Khánh Hội, Tân Quy, Nhà Bè. Với con số bé nhỏ 24 gia đình Công Giáo được chính quyền Tòa Đô Chính Sài Gòn cho phép tái định cư ngay trên phần đất Giáo xứ Mẫu Tâm vẫn tồn tại cho đến bây giờ.

Cuối năm 1963, ngôi Nhà nguyện tạm được dựng nên bằng 3 vì kèo gỗ từ nếp nhà hội cũ của giáo xứ Thuận Phát, nhờ lòng rộng rãi của Cha Cố Chánh xứ Antôn Đỗ Minh Độ. Nhưng nhà nguyện tạm này đã chẳng đứng vững được qua một cơn mưa bão, nên Cha Quản Nhiệm Antôn đã phải vội cho dựng nên một Ngôi Nhà thờ đầu tiên bằng vật liệu nhẹ và cha đã đến dân lễ cho giáo dân hằng tuần.

Vì đoàn chiên Chúa ngày càng đông nên năm 1966, Đức Cha FX. Trần Thanh Khâm, Cố Giám Mục Phụ Tá Sài Gòn, đã nhờ Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, lúc đó đang là Giám Đốc Caritas Việt Nam, giúp đỡ về tài chính, để giáo họ Mẫu Tâm có thể mở rộng diện tích đất nền và xây dựng Ngôi Nhà thờ thứ hai kiên cố hơn trước. Nhưng ngôi nhà thờ này lại sụp đổ hoàn toàn ngày 09/05/1968 trong biến cố Mậu Thân tại Miền Nam Việt Nam bấy giờ. Đến ngày 20/10/1969 ngôi nhà thờ thứ ba được xây dựng đến ngày 11/01/1970 thì khánh thành.

Ngày 11/05/1971, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, đấng bản quyền Giáo phận Sài Gòn đã chính thức nâng Giáo họ Mẫu Tâm lên thành giáo xứ và bổ nhiệm linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh làm chánh xứ đầu tiên. Để chuẩn bị Lễ Giáng Sinh năm 1972, và để đáp ứng số giáo dân ngày càng đông, ngài đã cho xây dựng tháp chuông mới, trùng tu từ nền đến trần, nới rộng diện tích sử dụng cho hết đất và đó là Nhà thờ thứ tư của Giáo xứ Mẫu Tâm.

Ngày 18/12/2010, Giáo xứ Mẫu Tâm đã chuyển sang giai đoạn mới khi cung hiến ngôi thánh đường mới, tuy diện tích không rộng lắm nhưng cũng đã tận dụng mọi không gian để đáp ứng đủ chỗ cho giáo dân tham dự Thánh Lễ cũng như các sinh hoạt giáo lý và hội đoàn. Hy vọng rằng với bước ngoặc này, giáo xứ sẽ phát triển hơn nữa không những trong việc củng cố đức tin cho giáo dân ở những vùng xa nhà thờ mà còn gieo rắc đức tin cho những người ngoại giáo.

Sài gòn, ngày 21 tháng 12 năm 2010,
 
Caritas Phan Thiết với “Giáng Sinh yêu thương”
Hồng Hương
11:13 21/12/2010
PHAN THIẾT - Hằng năm, cứ vào dịp Giáng Sinh và Năm Mới, Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas Giáo Phận Phan Thiết đều tổ chức các đợt viếng thăm và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi người già neo đơn và những gia đình có người khuyết tật hoặc bị nhiễm chất độc màu da cam để bà con có điều kiện mừng Lễ Giáng Sinh và đón Năm Mới.

Xem hình ảnh

Chương trình “Giáng Sinh yêu thương” năm nay, vào ngày 19 & 20.12.2010, Caritas Phan Thiết đã đến tận nơi thăm viếng và tặng quà cho 230 gia đình nghèo không phân biệt lương giáo tại 5 xã trong địa bàn tỉnh Bình Thuận là xã Vũ Hòa (huyện Đức Linh), xã Đức Tân và TàPứa (huyện Tánh Linh), xã Lương Sơn (huyện Bắc Bình) và xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam). Mỗi phần quà trị giá 250.000đ gồm: hiện vật (Gạo, dầu ăn, đường …) và 100.000đ tiền mặt. Tổng giá trị quà chương trình “Giáng Sinh yêu thương” đợt này là 57.500.000đ.

Niềm vui được chia sẻ sẽ gia tăng gấp đôi. Và mang niềm vui đến cho những người nghèo đang rất cần được giúp đỡ thì niềm vui đó tăng lên gấp bội. Lời cầu chúc Giáng Sinh An Lành sẽ trở nên thực tế với sự chia sẻ thiết thực của mỗi người. Chương trình “Giáng Sinh yêu thương” của Caritas Phan Thiết như nhịp cầu nối những tấm lòng quảng đại của Quý Ân Nhân đến bà con có hoàn cảnh khó khăn. Ước mong có nhiều những bàn tay chung góp của tất cả mọi người để “Giáng Sinh yêu thương” sẽ tiếp tục được kéo dài với chương trình Mừng Tết Nguyên Đán 2011 sắp đến.

Ngày 24 & 25. 12.2010, Caritas Phan Thiết sẽ mang “Giáng Sinh yêu thương” đến với bà con giáo dân vùng hải đảo Phú Quý, Bình Thuận.
 
Tĩnh tâm cho nhóm Truyền thông
Gioan Lê Quang Vinh
11:15 21/12/2010
Giữa bùn lầy có niềm hy vọng nào không? Có đấy. Một đóa hoa sen trắng ngần. Cha An Thanh đặt vấn đề cho nhóm Truyền Thông trong buổi tĩnh tâm Mùa Vọng: “Hoa sen tinh khiết có coi khinh bùn lầy không?”.

Bài chia sẻ của Cha hướng dẫn tĩnh tâm chiều hôm ấy xoáy vào niềm hy vọng giữa những điều tưởng chừng như không có lối thoát. “Người ta thất vọng vì họ đặt niềm tin vào những con người không phải là Giêsu”.

“Nếu đón nhận Chúa như máu như thịt, như sự hiện diện, thì Ngài không ở xa”. Mà khi đã có Chúa Giêsu, thì con người có quyền hy vọng.

Vinh quang của Thiên Chúa bao gồm cả những yếu đuối bất toàn của con người. Cha hướng dẫn ví vinh quang ấy như đóa hoa sen, còn tội lỗi, yếu hèn cũng như tình trạng tuyệt vọng của con người như bùn lầy. Hoa sen không khinh bùn, mà còn biết ơn bùn nữa! Như thế thì bùn nhơ có niềm hy vọng!

Có phải vì được đánh động bởi lời hướng dẫn mà anh chị em chia sẻ chân tình và tìm thấy bình an. Có người đang ở giữa lốc xoáy của gia đình, của chính tâm hồn mình bị hoặc phiền nhiễu giữa thế gian nhiều mưu mô.

Nhưng vấn đề là dù trong hoàn cảnh nào, “chúng ta có hãnh diện về vinh quang của Chúa Giêsu không?” Đi giữa lòng Hội Thánh, chúng ta đi với Chúa Giêsu, và “chỉ Chúa Giêsu mới đáp ứng được kỳ vọng của chúng ta”.

Con người thời đại dễ bị cám dỗ mất niềm hy vọng, khi thấy chính mình thất bại hay thấy Hội Thánh bị đàn áp tứ bề. Trong lời suy niệm giờ chầu Thánh Thể, Cha Đinh Hữu Thoại nhấn mạnh rằng vinh quang của Hội Thánh Chúa không phải là sự chiến thắng ở thế gian này, mà nằm ở chỗ biết tuân phục Thánh Ý Chúa và nằm ở nơi Thánh Giá Chúa Giêsu.

Những ý tưởng đó đặt nhiều vấn đề cho người làm truyền thông Công Giáo. Như Giêsu luôn rao truyền Chân Lý, dù có lúc phải đứng trước những kẻ muốn loại trừ Ngài, thì người làm truyền thông phải giữ vững niềm hy vọng.

Buổi tĩnh tâm ngắn ngủi nhưng anh chị em cảm thấy sốt sắng, chân thành nhìn lại mình với Chúa và bên nhau.

Những biến cố vừa mới xảy ra, gần gũi với mình vì chúng động đến Hội Thánh là Mẹ. Và trong cơn đau ấy, ai mà không có lúc thấy buồn tủi. Nhưng chính những lúc ấy dân Chúa mới nhận ra rằng Hội Thánh sống gần gương mặt Đấng Cứu Thế hơn.

Mùa Vọng là Mùa cho mỗi con người nhìn lại mình, xem mình đã đặt hy vọng nào ai, dựa vào cái gì và bắt đầu từ đâu. Người làm truyền thông cũng tìm thấy nơi Mùa Vọng câu hỏi này: tôi lên tiếng cho ai, nói về ai và dựa vào ai. Câu trả lời đã có: ấy là Chúa Giêsu và Hội Thánh Ngài thiết lập.

Trước đó tôi tình cờ đọc một bài viết lên án Hội Thánh, coi Hội Thánh hoàn toàn như một thể chế trần gian với mọi bất toàn. Buổi tĩnh tâm như một câu trả lời cho chính tôi, và có thể cho những người đang tìm cách phá nát vinh quang Đấng Cứu Chuộc và Hội Thánh Ngài.

Chuyện phá Hội Thánh là không tưởng. Nhưng, xin được nhắc lại câu của Cha hướng dẫn: “Chúng ta có hãnh diện về vinh quang của Chúa Giêsu không?”

Xin cầu chúc một Mùa Giáng Sinh bình an thật sự nhờ nép mình, và ném mình, vào vinh quang Đấng đã đến giữa thế gian
 
Chương trình Đại lễ bế mạc Năm thánh 2010 và Đại hội Hành hương La Vang lần 29
Ban Thông Tin
11:30 21/12/2010
CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH 2010 GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

VÀ ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG LẦN THỨ 29


(Ba ngày 4-5-6 tháng 1 năm 2011)

Thứ Ba, ngày 4.1.2010



Tại Linh đài Đức Mẹ, giải tội cho khách hành hương.

17g00: Thánh lễ Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 29 do Đức Cha Mt. NGUYỄN VĂN KHÔI, GM Phó Giáo phận Quy Nhơn chủ lễ và giảng lễ.

18g30: Cơm tối.

20g00: Kiệu Đức Mẹ La Vang và lần hạt Mân côi.



Thứ Tư, ngày 05.01.2011



Buổi sáng:

6g00 tại Linh đài Đức Mẹ: Thánh lễ do Đức Cha Giuse VÕ ĐỨC MINH, Giáo Phận Nha Trang chủ lễ và giảng lễ. Giải tội cho khách hành hương.

10g00: Thánh lễ do Đức Cha Vinh Sơn NGUYỄN VĂN BẢN, GM Giáo Phận Ban Mê Thuột chủ lễ và giảng lễ.

11g30: Cơm trưa.

NGHI THỨC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM ĐÓN TIẾP & CHÀO MỪNG PHÁI ĐOÀN TÒA THÁNH - PHÁI ĐOÀN CHÍNH QUYỀN VÀ CÁC THƯỢNG KHÁCH

Buổỉ chiều

15g30: tại Linh đài Đức Mẹ

- Đặc sứ Tòa Thánh làm phép tượng Đức Mẹ La Vang mới.

- Niệm hương & dâng hoa lên Đức Mẹ.

- Phái đoàn tiến ra Lễ đài.

- Diễu hành cờ của 26 Giáo phận qua lễ đài.

- Lễ thượng kỳ.

- Đức Cha Giuse NGUYỄN CHÍ LINH, Phó Chủ tịch HĐGM/VN giới thiệu Phái đoàn Tòa thánh, Phái đoàn Chính quyền, Phái đoàn các tôn giáo, các vị thượng khách, các vị đại diện HĐGM ngoại quốc, HĐGM Việt Nam.

- Đức Cha Phêrô Peter NGUYỄN VĂN NHƠN, Chủ tịch HĐGM/VN đọc diễn văn chào mừng.

- Đặc sứ của Đức Thánh Cha đáp từ.

- Phát biểu chúc mừng của Chủ tịch Nước hoặc Thủ Tướng Chính phủ.

- Trống và Vũ Khai Hội.

17g00: Cơm tối.

19g00: Diễn nguyện - Suy tôn Thánh Thể.

Thứ Năm, ngày 06.01.2011



06g00: Điểm tâm.

07g30: Mặc lễ phục tại nhà nguyện.

08g00: Đại lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 Giáo Hội Việt Nam.

- Giới thiệu các phái đoàn: Đức Cha Giuse NGUYỄN CHÍ LINH, Phó Chủ tịch HĐGM/VN.

- Tuyên đọc Sứ điệp của Đức Thánh Cha: Đức Cha Cosma HOÀNG VĂN ĐẠT, Tổng Thư Ký HĐGM/VN.

- Đọc các điện văn khác: Đức Cha Phêrô NGUYỄN VĂN KHẢM, Phó Tổng Thư Ký HĐGM/VN.

- Thánh lễ do Đức Hồng Y Đặc sứ Chủ tế và giảng lễ.

- Nghi thức Làm Phép Viên Đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang do Đức Hồng Y Đặc Sứ của Đức Thánh Cha chủ sự.

- Diễn văn Bế mạc của Đức Tổng Giám Mục Têphanô NGUYỄN NHƯ THỂ, Tổng Giáo phận Huế.

11g00: Cơm trưa.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thao thức về Giáo hội và quê hương Việt Nam qua con người Gioan Phaolô II
Joseph Nguyễn Văn Thống
11:17 21/12/2010
Giáo hội Việt Nam qua những sự kiện.

Trong thời gian qua, hai sự kiện được đánh giá là nỗi bật nhất của Giáo hội Công Giáo Việt Nam là, Sự kiện khai mạc năm Thánh 2010 được tổ chức tại Sở kiện thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội và sự kiện Đại Hội Dân Chúa được tổ chức tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Khi nhắc đến hai sự kiện đó trong Năm Thánh 2010, mọi người vẫn đánh giá sự thành công nỗi bật qua việc tổ chức hoành tráng và thu hút đông đảo mọi thành phần tham dự.

Nhưng khi nhắc đến các sự kiện đó, người ta không quên nhắc đến sự kiện Cây Thánh Giá đồng Chiêm bị nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội đập nát vào những ngày đầu năm 6/1/2010. Hành động xúc phạm đến biểu tượng linh thánh của người Công giáo được xem là có một không hai trên thế giới và đã ghi thêm một tội ác của cộng sản với nhân loại. Hành động đập nát biểu tượng cao quý của người Công giáo đã gây ra sự phán kháng mạnh mẽ trên thế giới. Nhưng GHVN, đứng đầu là HDGM đã không có một phán ứng nào trước hành động không còn tính người của nhà cầm quyền Hà Nội.

Nỗi đau tiếp nối đau buồn, khi một vị Tổng Giám Mục kiên cường đấu tranh cho Công lý và sự thật đã phải rời ngôi vị Tổng Giám mục Hà Nội. Người ta gọi đó là “Sự Kiện Ngô Quang Kiệt”. Chính sự kiện này thêm một lần nữa đã làm đau lòng mọi người yêu công lý, khi phải nén lòng chịu đựng sự ra đi của Đức Tổng Giuse. Từ đó cho đến hôm nay, có nhiều người đã bày tỏ nỗi lòng của mình trước sự kiện này của Giáo hội và mọi người vẫn chờ đợi sự lên tiếng từ chính HDGMVN để có cơ may tạo nên sự hiệp nhất trong Giáo hội. Nhưng tất cả chỉ là sự chờ đợi trong vô vọng. Sự kiện này cũng đã để lại không ít những tốn thương trong lòng Giáo hội Việt Nam.

Rồi đến sự kiện một xứ đạo Cồn Dầu, có nguy cơ bị giải toả trắng bởi nhà cầm quyền Đà Nẵng, trong khi Giáo quyền địa phương không có một sự can thiệp để bảo vệ công lý cho họ. Thêm nữa, kết quả của sự kiện Cồn Dầu là một tín hữu đã bị cộng an đánh chết và có nhiêù anh chị em bị đánh đập, tra tấn và tù đày, hiện hai người đang phải giam cầm bởi nhà cầm quyền Cộng Sản Đà Nẵng. Đồng thời, tài sản của Giáo hội bị nhà nước Cộng sản cướp đi trên dải đất hình chữ S, nỗi bật như: Toà Khâm sứ, Thái Hà, Tam Toà, Thái Nguyên….rồi nhiều nỗi oan sai, bất công đang ngày càng in đậm những vết thâm sâu trên quê hương của các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã cố công gầy dựng, gìn giữ và phát triển.

Tất cả những sự kiện ấy, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đứng đầu là các vị trong HDGMVN đã có trách nhiệm như thế nào?. Chắc chắn rằng, mỗi người chúng ta đã hy vọng, sẽ phải hy vọng và chờ đợi.

Con người Gioan Phaolô II với Ba Lan, Việt Nam và thế giới.

Những biên cố đã xảy ra tại Việt Nam làm chúng ta nhớ lại Giáo hội Ba Lan, nơi ấy đã có một vị Chủ Chăn kiên vững và đã trở thành Giáo hoàng của Giáo hội hoàn vũ. Đó là Đức Thánh Cha Gioan Phao Lô 2.

Theo các nhà nghiên cứu thì Gioan Phao lô2 là một trong những nguồn lực dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản Ba Lan và Đông Âu. Ngài đã để lại cho nhân loại những di sản tinh thần vô cùng quý giá và điểm đặc biệt trong triều đại của Đức Thánh Cha là luôn đứng về phía người nghèo, người bị bỏ rơi và lên án bạo quyền khắp mọi nơi. Điều này, đã biến Đức Thánh Cha Gioan PhaoLô 2 luôn là đối tượng tấn công của các thế lực ma quỷ. Ngài nhiều lần bị đe doạ và ngay cả khi bị bắn vào năm 1981. Sự kiện này, nếu không được Đức Mẹ che chỏ thì Ngài đã không thể sống được.

Nhưng tất cả những điều đó đã không thể ngăn cản được vai trò ngôn sứ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2

Chính khi được Chúa gọi “Hãy theo ta, đừng sợ”. Ngài đã can đảm đáp lời trong niềm hy vọng và khi đã trở thành linh mục, Giám mục, hồng y và với 26 năm triều đại Giáo hoàng, Ngài đã chu toàn sứ vụ Chủ chăn của mình xứng với lòng Chúa mong muốn.

Ngài đã lên tiếng thay cho những ai không thể tự nói thay cho mình được, Ngài chỉ mục đích khôi phục nhân phẩm và đặc ân cho con người, cho những ai sống bên lề xã hội. Khi thấy con cái của mình phải đối diện với cái chết, cái khổ đau, đứng trước sự dữ và sự bất công đầy tràn tại quê hương, Ngài đã đồng cảm và chia sẻ với nỗi thống khổ của con dân khi còn là Giám mục Ba Lan:

“Đối với tất cả những gia đình nào có những người Cha, người mẹ hay những người con đã phải chết vì bảo vệ sự tự do, đối với những ai vì sự tự do mà phải chiu bất công, đau khổ thì tôi nói rằng những đau khổ của họ phải chịu sẽ không trở thành vô ích. Giáo hội vẫn luôn đồng hành cùng các con, vẫn luôn đứng về phía các con”.

Sự kiện Đại Hội Dân Chúa vừa rồi tại Sài Gòn, xem nhật ký qua các ngày làm việc của DH trên Website của DHDC nỗi bật vẫn là các bài tham luận của mọi thành phần từ Giám mục đến giáo dân nói nhiều vấn đề. Nhưng có một bài viết được đăng tải trên dcctvn.net đã nhận định như sau “DHDC thảo luận sôi nỗi nhưng có thể quên một điều quan trọng” Tác giả đã không khẳng định ở nhan đề là điều gì, nhưng đọc xong bài viết, chúng ta biết được đó là: người nghèo, người oan ức, người cô đơn mà Giáo hội có thể bỏ quên.

Hai khuôn mặt sáng ngời của Giáo Hội Công Giáo ở thế kỷ 20 là, Mẹ TêrêSa Caculta và Đức Thánh Cha Gioan Phao lô 2. Các Ngài đã không có những bài tham luận mang tính hoa mỹ. Nhưng các Ngài đã để lại hai bài tham luận sáng ngời chính là con người của các Ngài. Trong chuỗi dài hành trình cuộc đời, các Ngài đã đứng về phía người nghèo, người bị áp bức và bỏ rơi. Nên trong dịp đến thăm những người nghèo khố nhất trong những người nghèo khố tại Caculta, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã bày tỏ tình yêu của mình với họ:

“Những người già và những người đau bệnh có một ví trí đặc biệt trong trái tim tôi. Các con không phải là những con cái của Thiên Chúa bị bỏ rơi, ngược lại Chúa sẽ thấy Đức Tin và cản đảm trong các con (Gioan Phaolô 2, tại caculta vào 1996).

Dù muốn nói hay không, GHVN chúng ta vẫn phải đối diện với sự thật trong nhiều năm qua. Người nghèo, người cô đơn và người bị áp bức đang khao khát và chờ đợi một niềm an ủi nơi Giáo hội, nhưng cánh cửa tiếng nói hiệp thông của các vị chủ chăn trong Giáo hội vẫn đang thật sự hẹp hòi đối với họ. Bằng chứng cụ thể là trước hàng ngàn người bị mất nhà, mất đất bởi tệ nạn tham nhũng của người có chức, có quyền trong xã hội. Đâu đâu ta cũng thấy đơn kêu cứu của dân nghèo la lết trên mọi nẻo đường. Hàng trăm ngàn người đứng trước nguy cơ môi trường bị huỷ hoại đe doạ đến tính mạng như dự án Bauxit Tây Nguyên của Chính phủ. Dự án này đã có hàng ngàn Nhân sỹ trí thức đồng loạt phán đối. Trong khi đó, ta chỉ thấy một vị tân Giám mục trong HDGMVN là Đức Cha Paul Nguyễn Thái Hợp phán đối về dự án chết người này. Rồi nhiều xứ đạo bị chính quyền lộng hành cướp đất hay đàn áp tôn giáo, nhưng ta vẫn chỉ thấy thấy thấp thoáng sự hiệp thông công khai của một số xứ đạo như Thái Hà, Hàm Long, Dòng Chúa cứu Thế Sài Gòn và một số giáo xứ khác. Nếu có ai đó cố gắng đi từ nam đến bắc để liệt kê danh sách số giáo xứ công khai hiệp thông với các sự kiện của Giáo Hội thì chỉ là đếm đầu ngón tay trên tổng số hàng trăm ngàn giáo xứ tại Việt Nam.

Cộng đồng Công giáo Việt Nam khắp muôn nơi chờ đợi tiếng nói của GHVN lên án bạo quyền, phán kháng trước sự dữ, sự bất công và trước những vi phạm đến quyền con người, sự vi phạm pháp luật của giới chức cầm quyền cộng sản đã và đang gây bao tang thương cho quê hương Việt Nam. Đồng thời, luật pháp chỉ phục vụ cho một nhóm người tạo nên một xã hội bạo lực, lộng quyền và hỗn loạn trong suốt nhiều năm qua.

Tại Ba Lan là một trong số những nước Cộng Sản đứng hàng đầu của Thế Giới chỉ sau liên xô và cũng đã tan rã sau khi Liên Xô sụp đổ vào 1990. Giám mục Karol JôZef wojtyla khi chưa làm Giáo Hoàng đã quyết liệt tố cáo những hành vi phạm pháp của chính phủ một cách quyết liệt.

“Chính phủ không thể thay thế cảm thức về công lý bằng loại dui cui, gậy gộc được, Chính phủ nào bôi nhọ thanh danh mình như thế thì rồi sẽ đi đến bị hủy diệt. Mọi sự vi phạm đến quyền tự do đều là sự phá vỡ trật tự luân lý toàn xã hội”

Ước mong, con người của Gioan Phaolô 2 được Giáo Hội Việt Nam chiêm ngắm, lắng nghe và noi gương Ngài. Nhờ đó hôm nay, GHCGVN cũng biết đặt vai trò và sứ mệnh của mình trước người nghèo, người bị áp bức, người bị bỏ rơi.

Ước mong, những người nghèo, người bị áp bức, người bị bỏ rơi trong xã hội này sẽ không còn cảm thấy cô đơn vì bên họ vẫn có môt Giáo hội đầy yêu thương.

Ước mong, mọi người dân Việt Nam sẽ được đánh thức trước sự ru ngủ của một xã hội luôn tuyên truyền những điều xáo rỗng, biết thao thức trước nỗi đau của dân tộc, với những thảm hoạ về kinh tế sa sút nghiêm trọng, nhân quyền bị chà đạp và đạo đức bị tha hoá dưới một chế độ độc tài Cộng Sản. Đồng thời, mọi người biết bảo vệ luật pháp như nhà triết gia Heraclite đã nói: “Nhân dân phải đấu tranh bảo vệ luật như bảo vệ chỗ nương thân của mình”

Ước mong lời mời gọi của Đức Thánh Cha nhắn nhủ Cộng đồng Công Giáo Việt Nam năm nào, sẽ được tái hiện trong cuộc sống của mọi công dân Việt Nam.

Hết mọi người việt nam có quyền xây dựng một xã hội mới tươi đẹp hơn với các cơ cấu dân sự và chính trị thoả mãn khát vọng sâu xa của toàn dân tức là khát vọng hoà bình, công bình và tự do.(Gioan Phao Lô 2 tại DH Giới trẻ Denver).

Năm 2010 đã sắp khép lại, để lại bao nỗi ưu tư về một Giáo hội và quê hương Việt Nam trong năm mới. Chúng ta ước mơ có một Giáo hôi duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền chu toàn vai trò sứ mệnh tiên tri, vương giá và ngôn sứ can đảm giữa lòng xã hội cộng sản và một xã hội Việt Nam được đổi mới, để con người Việt Nam được sống trong an bình và tự do.

Nhân dip cuối năm Canh Dần 21/12/2010
 
Văn Hóa
Mầu nhiệm Giáng Sinh
Quân Tuấn Anh
09:39 21/12/2010
MẦU NHIỆM GIÁNG SINH

Đêm đông lạnh lẽo tuyết rơi
Đón con Chúa đến sinh nơi hang lừa
Bê-lem in dấu khi xưa
Được Ngôi Hai Chúa tựa đầu hạ sinh
Muôn dân khắp chốn an bình
Trời cao muôn thủa vinh danh Chúa trời
Sứ thần ca hát muôn lời
Toàn dân chiêm ngắm lạy thờ Ngôi Hai
Nhủ Hương dâng tiến lên Ngài
Cùng Vàng, Mộc Dược ba Vua bái thờ
Thỏa bao năm tháng mong chờ
Đấng Con Một Chúa trẻ thơ chào đời.

GIÁNG SINH XƯA

Hòa vang khúc hát Thiên Thần
Ngôi Hai con Chúa hóa thân làm người
Bê Lem xưa đó ai ơi
Đấng Cực Thánh Chúa từ trời hạ sinh
Muôn dân chiêm ngắm tôn vinh
Nơi hang đá nhỏ Giáng sinh đơn nghèo
Đồng hoang lạnh lẽo gió reo
Hân hoan khúc nhạc hát theo cung đàn
Mục Đồng Thiên Sứ hòa vang
Cùng ngôi sao lạ dẫn đàng Ba Vua
Nằm trong máng cỏ hang lừa
Chúa tôi ngự giá ngày xưa vẫn còn.

LỜI CHÚC GIÁNG SINH

Gửi bạn niềm vui Chúa Giáng Sinh
Khắp nơi bày tỏ một tâm tình
Ngôi Hai con Chúa nay xuống thế
Giáo hội loài người bái tôn vinh.
Chiên lừa quỳ gối hà hơi ấm
Hang đá đơn hèn sáng lung linh
Cùng với muôn dân tung hô Chúa
Chia sẽ lời cầu chúc Giáng Sinh.
 
Linh Hồn Hàn Mạc Tử
Phạm Đình Khiêm
10:32 21/12/2010
LINH HỒN HÀN MẠC TỬ

Lời giới thiệu:

Nhân kỷ niệm 70 năm nhà thơ Hàn Mạc Tử, bài nghiên cứu vừa được công bố của cụ Phạm Đình Khiêm, “Linh hồn Hàn Mạc Tử”, giới thiệu một nét rất mới: Đời sống thánh thiện của nhà thơ trẻ. Bản gốc tiếng Việt của tác giả đã bị thất lạc. Bản dưới đây là bản dịch của Vĩnh An Nguyên Văn Sơn, dịch lại từ bản Pháp ngữ của cụ Võ Long Tê. Có thể xem đối chiếu trong quyển NHƯ HƯƠNG TRẦM BAY LÊN, Nxb Tôn Giáo 2010, tt. 79-180.

Đang khi cụ Phạm Đình Khiêm chuẩn bị xuất bản quyển sách, bản thân chúng tôi đã viết bài chia sẻ kỷ niệm 70 năm Hàn Mạc Tử, từ một góc nhìn khác nhưng rất bất ngờ lại cùng một chủ đề: “Hàn Mạc Tử, người kitô hữu trẻ trên lối vào nội tâm”. Mời quý độc giả tham khảo tại: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=611

và: http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=86039

Thiết tưởng đây là một chủ đề cần được nghiên cứu rộng rãi để dọn mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ, vào năm 2012 sắp tới đây.

Linh mục Trăng Thập Tự

Phạm Đình Khiêm


LINH HỒN HÀN MẠC TỬ

Từ Chơi Giữa Mùa Trăng đến câu chuyện Bà Như Lễ hay là ước mơ trong cõi thực và thực tại trong cõi mơ

Tiểu luận Tâm linh và Văn học

Tựa của Võ Long Tê

1974

Tủ sách Văn – Sử

LINH HỒN HÀN MẠC TỬ

Tiểu luận văn chương thần học

của Phạm Đình Khiêm

Dẫn nhập của Võ Long Tê

Một người bị bệnh phong đến trước Đức Giêsu nài xin: “Nếu ngài muốn ngài có thể chữa tôi lành.” Và Đức Giêsu chạm tay vào anh ta và nói: “Tôi muốn, hãy lành bệnh.” Ngay sau đó người phong hủi đã rời bỏ Đức Kitô (xem Lc 5,12-16; Mt 8, 2-4; Mc 1, 40-45). Về phần mười người phong hủi khác, họ đứng cách xa chỉ để Đức Giêsu nhìn thấy để không vi phạm luật của Môsê liên quan đến những người bị phong hủi. Thế nhưng họ nói to: “Lạy thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi.” Đức Giêsu truyền cho họ đi trình diện với các thầy tư tế và trong lúc đi đường, họ được chữa lành. Một người trong nhóm thấy mình được chữa lành, liền trở lại sấp mình dưới chân Đức Giêsu cảm ơn Ngài và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Buồn phiền vì không thấy chin người khác quay trở lại để cảm ơn Thiên Chúa như người Samari này, Đức Giêsu nói người này: “Hãy đứng dậy mà đi, đức tin anh đã cứu anh” (cx Lc, 17, 17-19).

Mặc dù hai trường hợp chữa lành kỳ diệu ấy bao hàm giáo huấn riêng, đó là trong trường hợp đầu, lòng thương xót của Chúa mau mắn chữa lành và trong trường hợp sau bổn phận làm con tri ân và tôn vinh Thiên Chúa Cha chúng ta; nhưng cả hai đều xác nhận đức tin trọn vẹn và sống động trước mọi thử thách là điều kiện chủ yếu để được cứu độ. Hai nhân vật kịch của Paul Claudel về phương diện này là một minh họa thú vị: Pierre Craon,bị phong hủi từ lúc mới sinh là một Kitô hữu nhiệt thành đã xây cất các ngôi thánh đường và đã được giải thoát khỏi căn bệnh khủng khiếp sau khi hành hương đến Mộ Thánh và Violaine người nữ bị mắc bệnh phong đã thánh hóa đời sống mình bằng vô vàn sự hy sinh tự nguyện và khi còn sống đã có được tinh thần trong sạch và tỏa sáng, trở thành công cụ mà Thiên Chúa dùng để làm phép lạ cho cháu gái của bà là Aubaine sống lại.

Về phần thi sĩ nổi tiếng Hàn Mạc Tử (1912-1940), đức tin của ông không kém nhiệt thành so với đức tin của mười hai người phong hủi được Chúa làm phép lạ chữa lành trong Tân Ước, và không kém sống động so với hai người phong hủi trong vũ trụ nghệ thuật của Claudel khiến chúng ta phải nghĩ rằng tâm hồn của thi sĩ chiếm một vị trí ưu ái trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Nhưng những ý định của Đấng Quan Phòng thường không thể dò thấu. Thi sĩ Hàn Mạc Tử lìa đời ngày 11 tháng 11 năm 1940, đúng năm giờ bốn mươi lăm* và căn bệnh ghê sợ, khủng khiếp không lìa bỏ ông. Sự chữa lành được mong mỏi rất nhiều khi ông còn sống đối với chúng ta dường như được nâng lên một bình diện khác. Nó trở thành sự giải thoát, thanh luyện, sự tiên báo của phúc đời đời nếu chúng ta tin vào lời bà Nguyễn Thị Như Lễ thuật lại về sự hiện ra của Hàn Mạc Tử hồi mười chín giờ mười lăm phút sau khi ông mất, nghĩa là lúc một giờ sáng ngày 12 tháng 11.

Đây là một điều bí mật mà từ lâu gia đình thi sĩ đã giữ kín và chị nhà thơ, bà Như Lễ lần đầu tiên tiết lộ với ông Nguyễn Đình Niên, giáo sư dạy văn; ông là người có công nhận biết ý nghĩa nghiêm túc và cao cả của nó và công bố năm 1973.

Chúng tôi đã thực hiện một dẫn nhập, có phân loại trong phần Những lời được gán cho Hàn Mạc Tử, trong tác phẩm Thư mục phê bình về Hàn Mạc Tử. Sau đây là đoạn đầu của bài dẫn nhập đó:

“Trong tiểu luận Cao học nhan đề Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử, được bảo vệ thành công ngày 31 tháng 7, 1973 ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ông Nguyễn Đình Niên thuật lại lời bà Nguyễn thị Như Lễ tiết lộ cho ông như sau:

“Một giờ khuya đêm Hàn Mạc Tử mất (rạng sáng ngày 12-11-1940) bà Như Lễ đương nằm ngủ ở Qui Nhơn thì thấy Hàn Mạc Tử ôm một bọc áo quần, mặc toàn trắng, đầu tỏa hào quang màu trắng bước vào, để bọc áo quần lên giường kêu:

– Chị ơi, em lành rồi này! Rồi chàng hơi cúi đầu xuống, đưa đầu cho chị:

– Chị ơi! Chị hôn em đi!

Bà bạn nằm ở giường bên cạnh, sực thức dậy, bảo bà Như Lễ:

– Cô ơi! Có ai vô nơi kìa, để cái gì trên giường kìa

Đến năm giờ sáng, ông Bữu Dõng đi trực đêm ở Bệnh viện Qui Nhơn về, báo tin cho vợ biết Hàn Mạc Tử đã chết” (Nguyễn Đình Niên, Sđd, tr.75, s. 78)

Có những thông tin bổ túc do hai bà Tuấn Khanh và Vân Khanh, hai con gái của bà Như Lễ, đưa ra như sau:

– Mẹ chúng tôi giữ điều bí mật ấy cho riêng bà không cho chúng tôi biết mãi đến ngày bà tiết lộ với ông Nguyễn Đình Niên, bà Tuấn Khanh nói với chúng tôi khi được hỏi về việc này. Còn bà Vân Khanh thì xác nhận:

– Mẹ tôi đã kể lại cho chúng tôi, tôi nhớ rất rõ, rằng trong buổi sáng ngày 12 tháng 11, 1940 cha chúng tôi trở về nhà sau ca trực đêm ở bệnh viện Qui Nhơn đã nhận thấy niềm vui khác thường của mẹ chúng tôi. Mẹ nói cho cha biết lý do khi kể lại cậu chúng tôi hiện ra mà bà tin chắc rằng đã được lành bệnh. Cha chúng tôi phải lựa lời để báo cho mẹ chúng tôi tin cậu chúng tôi đã mất, tin buồn này đã được trại phong Quy Hòa gọi điện thoại báo cho bệnh viện Qui Nhơn.

“Về vấn đề bà khách nằm cùng phòng với bà Như Lễ, bà Vân Khanh đáp:

– Đó là mẹ của anh Lê Văn An. Anh này đang trọ học nhà chúng tôi để dễ dàng đến bệnh viện Qui Nhơn nơi anh đang theo học nghề y tá. Hôm đó mẹ anh đến thăm anh và chúng tôi tiếp bà như một người khách trọ qua đêm.

“Về phần ông Nguyễn Bá Tín và Nguyễn Bá Hiếu, hai người em của Hàn Mạc Tử, cũng đã xác nhận với chúng tôi nội dung câu chuyện mà chị Như Lễ của họ kể lại.

Để bình luận câu chuyện ấy, chúng tôi đã nhờ người bạn văn và bạn tâm linh của chúng tôi là Phạm Đình Khiêm, một nhà văn có tiếng cả trong Pháp văn Việt văn. Từ năm 1940 ông là tác giả của những tác phẩmđáng chú ý về lịch sử và tâm linh.

Ông đã tế nhị giúp chúng ta rút ra lợi ích từ những suy tư sáng suốt và từ sự hiểu biết sâu xa của ông về nhà thi sĩ bị phong hủi khi ông viết ra một tiểu luận chính xác, một công trình hiếm hoi tóm tắt trong ít trang toàn bộ linh hồn Hàn Mạc Tử.

Tiểu luận này được soạn thảo với những luận cứ có cơ sở và những chứng từ được đối chiếu kỹ lưỡng nên nó buộc chúng ta phải chấp nhận phẩm chất văn chương và nội dung tâm linh cao độ của nó với cả tính chính xác khoa học. Đối với một hiện tượng vượt tự nhiên (ngoại nhiên), thần bí liên quan đến Hàn Mạc Tử thì điều quan trọng là có ba cách tiếp cận: lịch sử, văn chương và thần học, được tác giả tiến hành có phương pháp với sự thận trọng và tự tin. Trong những viễn cảnh được Ân sủng và Đức tin củng cố, nó bao gồm một thực tại kép vừa uyển chuyển vừa khó hiểu nhưng rất lôi cuốn và đầy ý nghĩa liên quan đến thi sĩ Hàn Mạc Tử, đó là: một đời sống mà số phận đã dồn vào những nỗi khổ đau đen tối nhất nhưng cũng được Đức Tin Kitô giáo biến đổi và chiếu giãi hào quang, làm cho các sáng tác thi ca và văn chương của thi sĩ thành một bài ca bất tận của tình yêu, một thánh thi trường cửu dâng lên Đấng Tạo Thành và tạo vật.

Đề cập đến đời sống tâm linh của một giáo dân, ông Phạm Đình Khiêm thế là đã viết một tiểu luận thần học mà giá trị của tác phẩm, bậc sống giáo dân và những ý hướng cao cả của tác giả, làm cho tiểu luận này cũng là một chứng cứ của việc thăng tiến bậc sống giáo dân, một vinh dự dành cho sự thánh thiện của bậc sống đó; mà sự thăng tiến và thánh thiện của bậc sống này đã được Công Đồng Vaticanô II (1962-1965)** và những Hội nghị và Văn Kiện hậu Công Đồng khuyến khích mạnh mẽ.

Chúng tôi xin giới thiệu tiểu luận này để nhiều người được biết một công trình có thể hướng những người thán phục Hàn Mạc Tử về thế giới mầu nhiệm của Đấng Khôn Dò Thấu. Có một mầu nhiệm Hàn Mạc Tử mà chúng ta phải suy gẫm và giải thích vì Hàn Mạc Tử là một dấu ấn dễ nhìn thấy về mầu nhiệm Thiên Chúa.

VÕ LONG TÊ

-------------

(*) Xem Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, ch. IV-5; Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong Thế giới của thời đại chúng ta “Gaudium et Spes”; Sắc lệnh về truyền giáo của giáo dân “Apostolicam Actuositatem”; Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội “Inter Mivifica”; Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo “Gravissimum educationis momentum”. Các bản văn Latinh và tiếng Pháp trong Concile OecumeniqueVatican II, Paris, xb. Centurion 1967. Bản dịch tiếng Việt trong Công Đồng Vatican II, Saigon, xb. Senatus 1969; Thánh Công Đồng Vaticano II, Dalat, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X.

Chúng ta cũng lưu ý một trong những tác phẩm về thần học giáo dân: Phạm Đình Khiêm, Giáo dân trong Giáo Hội, Saigon, nhà in Hạnh Phúc, 1966, 116 trang.

LINH HỒN HÀN MẠC TỬ

– I –



Cuộc hiện ra của Hàn Mạc Tử hay giấc mơ của bà chị Như Lễ?


Một trong những sự lạ lùng nhất chưa biết đến về Hàn Mạc Tử (1912-1940) từ lúc thi sĩ thiên tài từ biệt chúng ta đi vào vĩnh cửu, ngày 11 tháng 11 năm 1940, sau một cuộc đời ngắn ngủi và vô cùng đau khổ, ấy là giai thoại cảm động xảy ra sau lúc thi sĩ tắt thở mười chín giờ mười lăm phút. Thế nhưng giai thoại này phải chờ ba mươi ba năm trước khi được tiết lộ cho công chúng, qua một tiểu luận Cao học văn chương mà ông Trần Đình Niên đã trình ở Đại Học Văn Khoa Sài gòn năm 1973.

Về hình thức, người ta tự hỏi phải chăng đây là một giấc mơ của bà Như Lễ - chị Lễ mà trong thời niên thiếu được mô tả đã cùng đi chơi với Hàn Mạc Tử trong bài thơ ẩn dụ Chơi giữa mùa trăng (1) – hay đây là sự hiện ra của chính linh hồn Hàn Mạc Tử khi được giải thoát khỏi thân xác vật chất với chị Lễ ấy?

Vì bà Như Lễ kể rằng “trong khi bà đang ngủ [ở nhà bà] tại Qui Nhơn, bà thấy Hàn Mạc Tử ôm một bọc áo quần v.v…”, từ đó người ta kết luận là một giấc mơ. Nhưng có một sự việc khác trong phần tiếp theo của câu chuyện. “Bà bạn nằm ở giường bên cạnh, sực thức dậy, bảo bà Như Lễ: Cô ơi! Có ai vô nơi kìa, để cái gì trên giường kìa.” Lời chứng này khiến chúng ta phải tin vào việc người quá cố hiện ra hơn là một giấc mơ của bà chị, vì nói chung việc hai hay nhiều người cùng thấy một sự hiện ra thì dễ chấp nhận hơn việc hai hay nhiều người có cùng một giấc mơ. Nhân đây cũng nói thêm rằng tiếng Việt có một từ ngữ dung hòa hai khái niệm ấy là ‘báo mộng’.

Khỏi cần phải yêu cầu bà Như Lễ khẳng định đã nhìn thấy Hàn Mạc Tử trong thực tế hay trong giấc mộng. Tân Ước đã thuật lại Chúa sai Thiên sứ hiện ra để giải thoát thánh Phêrô khỏi ngục tối một cách kỳ diệu và dẫn thánh nhân theo Thiên sứ ra ngoài. Nhưng lúc đó vị Tông đồ của Đức Giêsu “không biết việc Thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng mình thấy một thị kiến”, sách Công vụ nói (ch. 12, 5-9). Phêrô chỉ biết sự thật khi đã đi đến cuối con phố và Thiên sứ rời bỏ ông, lúc đó ông mới hoàn hồn.

Thật vậy, Kinh Thánh thuật lại nhiều lần hiện ra hay báo mộng, chúng không phải đều từ Thiên Chúa hay các Thiên sứ theo lệnh của Thiên Chúa, nhưng cũng từ những người đã sống ở trần gian như ngôn sứ Samuen đã hiện ra với vua Saolơ (1 Sm 28,12-19), tổ phụ Môsê và ngôn sứ Êlia cùng hiện ra với Đức Giêsu Chúa chúng ta để đàm đạo với Ngài trên núi Tabor (Mt 17,3). Và theo Phúc Âm thánh Mátthêu, những sự kiện sau đây trong số những sự kiện khác xảy ra vào lúc Đức Giêsu Chúa chúng ta chết trên thánh giá để chuộc tội cho nhân loại: “Mồ mả bật tung và xác của nhiều vị thánh được an nghĩ đã chỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ vào thành thánh và hiện ra với nhiều người.” (Mt 27, 52-53)

Theo định nghĩa của thần học, “hiện ra” là một biểu lộ của Thiên Chúa, của các Thiên Sứ hay của những người chết (thánh thiện hay không) tỏ bày dưới một hình thức tác động đến các giác quan của con người (2).

Ngày nay nhiều tác phẩm nghiêm túc cũng thuật lại các trường hợp những người chết hiện ra dưới nhiều hình thức. Về phương diện này, tiêu biểu là nhật ký của nữ tu Marie de la Croix (chết ngày 15 tháng 5 năm 1917) dưới nhan đề Manuscrit du Purgatoire (Thủ bản Luyện ngục).

Ngày qua ngày tác giả đã ghi lại những lần trò chuyện với linh hồn của một nữ tu cùng dòng tên Marie Gabrielle (chết ngày 22 tháng 2, 1871). Nữ tu này lúc sinh thời, đã có một đời sống tôn giáo rất thông thường, có nhiều khuyết điểm và gương xấu, tự bản tính đã chống lại nữ tu Marie de la Croix trong con đường nên thánh. Nữ tu quá cố còn ở trong Luyện ngục để được thanh luyện đã được Thiên Chúa cho phép hiện ra không phải dưới hình thức thể chất, nhưng chỉ bởi âm thanh và một vài tiếng động báo sự hiện diện của chị để mời gọi và giúp đỡ nữ tu còn sống sửa mình và thánh hóa bản thân, để nhờ đó nữ tu quá cố được giải thoát. Trong sáu năm liên tiếp (1884-1890), xơ Marie de la Croix ghi lại trong nhật ký ngoài những lời khuyên bảo và dặn dò mà linh hồn ấy đã mang lại như một linh hướng với đầy sự khôn ngoan … còn có nhiều tiết lộ về Luyện ngục và những cứu cánh sau cùng khác của con người (cái chết, phán xét, thiên đàng, địa ngục). Trong thời gian đó chị sửa mình và thánh hóa thật sự làm cho linh hồn của nữ tu quá cố sau cùng đến – luôn luôn dưới hình thức không có thể chất – cám ơn và nói lời từ biệt để lên Thiên Đàng (3).

Những kiểu mẫu khác là hai lần hiện ra dưới hình người sáng láng và điểm trang lộng lẫy mà tu viện trưởng Gilbert Combe, cha xứ của giáo xứ Dion (Callier, Pháp): đó là sự hiện ra của cha mẹ của ngài, sau thời gian thanh luyện (mẹ của ngài chịu ba tuần và cha chịu mười lăm tháng) và trước khi vào Thiên đàng, đã được phép lần lượt đến cám ơn vị nữ ân nhân tại thế đã thực hiện những sự hy sinh cao cả khi sốt sắng cầu nguyện để họ được giải thoát. Vị nữ ân nhân của họ chính là Nữ Tu chân phước Marie de la Croix (cùng tên với nữ tu viết Manuscrit du Purgatoire) nổi tiếng hơn dưới cái tên thời thơ ấu Mélanie, cô bé chăn cừu ở La Salette, người cùng với Maximin nhỏ tuổi hơn cô đã nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra năm 1846 và nữ tu này vào giai đoạn của đời sống ẩn dật (1899-1904), đã sống như một nữ tu đơn độc và kín đáo trong giáo xứ do tu viện trưởng Combe phụ trách (4).

Ở Việt Nam, trường hợp của nữ tu Maria Catarina Nguyễn Thị Diện, chị được đặc sủng có những liên lạc khả giác với mẹ và người anh quá cố của chị liên tiếp đến báo cho chị biết họ đã được giải thoát khỏi Luyện ngục. Trường hợp của chị đã được một giám muc người Pháp, giám mục giáo phận cũng là cha linh hướng của chị, Đức Cha Louis de Cooman và những tài liệu đầu tay của ngài (5) đã giúp chúng tôi rất nhiều khi viết tác phẩm về chị nữ tu thần bí hiếm có ấy của Việt Nam (6).

Như thế lời kể lại của bà Như Lễ về thị kiến Hàn Mạc Tử vốn không xa lạ với Kinh Thánh, thần học và kinh nghiệm đời sống. Trong trường hợp này, nên lưu ý một chi tiết: bà Như Lễ đã có thị kiến ấy trước khi chồng bà trở về nhà báo cho bà biết cái chết của Hàn Mạc Tử, đã xảy ra mười chín giờ một khắc trước đó mà bà không hề biết. Nhân tố này có tính chất vô hiệu hóa những hoài nghi có thể có cho rằng lời kể lại của bà Như Lễ bị hoen ố bởi tính chủ quan, của ảo giác, của tự kỷ ám thị v.v… vì người ta có thể giả định như thế trong trường hợp thị kiến xảy ra sau khi bà đã biết cái chết của em trai bà.

II

Khỏi bệnh thân xác hay giải thoát linh hồn ?

Một nghiên cứu sâu hơn lời kể lại ấy mời chúng ta tìm hiểu kỹ ý nghĩa của lời Hàn Mạc Tử đã nói: “Chị ơi, em lành rồi này!”

Phải chăng sự lành bệnh của thể xác? Không. Thân xác của thi sĩ sẽ được mai tang cho đến lúc hư nát hoàn toàn, còn xấu xí và gớm ghiếc hơn cả bệnh phong hủi đã đục khoét ông khi còn sống – trong khi chờ đợi sự Sống lại, bởi ân sủng của Thiên Chúa phục hồi thân xác ấy và kết hiệp nó lại với linh hồn ông trong thời sau rốt cho cuộc Phán xét vũ trụ và số phận vĩnh cửu.

Trong lúc ấy, những lời “Em lành rồi này!” của Hàn Mạc Tử chỉ có thể được hiểu đối với linh hồn: Kết thúc cuộc lưu đày trần thế với mọi biến cố thăng trầm, nhọc nhằn, bệnh tật, đau khổ, buồn sầu … Linh hồn trung tín với ân sủng của Thiên Chúa được giải thoát, để đến chiêm ngưỡng Ngài trong Vương quốc ánh sáng của Ngài như Đức tin Hàn Mạc Tử đã xác tín và lòng Cậy trông của ông đã lôi kéo ông khi không ngừng cảm hứng cho ông những bài ca bất tận.

Thật vậy, những linh hồn hoàn hảo được tình yêu Thiên Chúa thiêu đốt, thanh luyện ngày càng nhiều trong lò lửa của tình yêu và của sự đau khổ -- luyện ngục trần gian này như người ta thường nói – và nhờ đó xứng đáng được đón nhận ngay lập tức trong đôi tay của Chúa Cha hằng hữu khi ra khỏi thế giới này, những linh hồn vàng ròng ấy chỉ là một số rất nhỏ! Hầu như mọi người chết còn phải đi qua thử thách của luyện ngục trong một thời gian không xác định, có thể được giới hạn trong vài giờ, vài ngày, vài tháng hoặc vài năm hoặc kéo dài đến hàng chục năm, thậm chí nhiều thế kỷ… Nếu tin theo cuốn Manuscrit du Purgatoire đã dẫn ở trên và những tiết lộ khác của các nhà thần bí, thời gian thanh luyện sau cùng này, trong phần lớn các trường hợp là từ ba mươi đến bốn mươi năm.

Vậy, số phận nào được dành cho linh hồn của thi sĩ thân yêu và sùng đạo của chúng ta? Chúng ta sẽ tránh mọi suy đoán tự phụ. Chỉ có Tông tòa Rôma trong các vụ án phong chân phước và phong thánh, mới đòi hỏi các thủ tục tìm hiểu và điều tra mà người ta không thể thực hiện kỹ lưỡng và thấu đáo hơn. Những thủ tục ấy kéo dài hàng chục có khi hàng trăm năm – ngoài ra tòa phong thánh còn đòi hỏi tối thiểu phải có ba phép lạ được xác nhận – để công nhận sự thánh thiện của linh hồn được đề nghị. Chỉ có Quyền bính không sai lầm mới có thể công bố một linh hồn nào đó được phong chân phước hay phong thánh, điều này có nghĩa là linh hồn ấy đã mang lại những chứng cứ rõ ràng về sự cứu chuộc của họ và họ được đón nhận vào trong vinh quang các thánh và xứng đáng được nêu ra làm gương cho những người còn bước đi trong cuộc lữ hành trần thế.

Trong trường hợp của Hàn Mạc Tử, ý định của chúng tôi không ngoài việc bàn luận về những hiện tượng bên ngoài và một giả thuyết của việc suy lý. Vả lại giả thuyết mà các hiện tượng bên ngoài đã được xem xét phải gợi ra là đối với người Kitô hữu cao cả ấy, tất cả là dấu chỉ của sự cứu độ và vinh quang. Các bạn hãy lưu ý rằng khi hiện ra với chị, Hàn Mạc Tử không hề xin sự trợ giúp của kinh nguyện và những hy sinh đền tội, như các linh hồn mà Thiên Chúa cho phép đặc biệt hiện về từ Luyện ngục thường làm. Vả lại thi sĩ “ mặc toàn trắng” và “đầu tỏa hào quang màu trắng” thì rõ ràng đó là dấu chỉ của sự thanh khiết, sự giải thoát, vinh quang… Thật vậy, con người trần tục không thể chịu được sự huy hoàng nguyên vẹn của ánh sáng một linh hồn ở tình trạng vinh quang trong Thiên Chúa. Điều này làm cho trong mỗi trường hợp đặc biệt sự tỏa sáng ấy được định mức theo khả năng tri giác của người tiếp nhận thị kiến, tùy theo những sự an bài của Thiên Chúa, Đấng đo lường mọi sự.

Chúng ta hãy trở lại một lần nữa từ-khóa ấy: “Chị ơi! Em lành rồi!” Lời nói này đơn giản và khiêm nhường biết bao, nó hoàn toàn ăn khớp với khung cảnh hiện ra: vẻ mặt, áo quần, hết thảy ở đây đều đơn sơ, khiêm nhường, từ tốn để thể hiện đúng đắn tính cách của con người Hàn Mạc Tử, cả khi ở ngưỡng cửa vinh quang lúc bấy giờ.

Sau cùng, điều gì được gợi ra về khoảng thời gian từ lúc Hàn Mạc Tử tắt hơi ở trại phong (năm giờ bốn mươi lăm ngày 11 tháng 11, 1940) đến lúc thi sĩ khải hoàn hiện ra cho chị mình? (một giờ sáng ngày 12 tháng 11, 1940).

Tuy vẫn là giả thuyết nhưng cũng có thể rất thật, đó là thời gian vật chất của sự thanh luyện sau cùng trước cuộc Hội ngộ khôn tả với Thiên Chúa của sự Hoàn Thiện. Do đó, “em lành rồi” là lời loan báo không chỉ của việc thi sĩ ra khỏi chốn lưu đày trần thế như chúng ta đã nói mà còn là lời loan báo thi sĩ đã được giải thoát khỏi Luyện ngục. Tóm lại, đó là tiếng kêu vinh quang để về Thiên Đàng, trong một ngôn ngữ kín đáo phù hợp với một lòng khiêm nhường như thế.

Và lúc đó sự thần hóa đã khởi đầu …

III

Bí mật về linh hồn Hàn Mạc Tử

Điều gì làm kinh ngạc và cũng mang lại hiệu quả khiến linh hồn Hàn Mạc Tử đã mau chóng bay lên khỏi những ngọn lửa của luyện ngục?

Được thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ, được thêm sức mạnh với nước rửa tội ngay từ lúc mới sinh rồi nhận được sự giáo dục tốt nhất trong gia đình cũng như từ các sư huynh các trường học công giáo, Hàn Mạc Tử đã sống đức Tin và nâng nó lên đến trình độ anh hùng. Hơn thế nữa ông đã làm chứng cho đức Tin qua những khổ đau bất tận, theo cách của vị Tử Đạo thách thức mọi sự bách hại và chấp nhận đổ máu mình ra vì đức Tin. Thật vậy còn hình ảnh nào gợi lại rõ ràng cái chết trên vỉ sắt nung đỏ của một thánh Laurent (tử đạo năm 258) như cái chết của Hàn Mạc Tử có thể nói cũng bị nung trên vỉ là cái giường của người phong hủi qua những năm tháng nhưng vẫn ca khen những điều kỳ diệu của Thiên Chúa?!

Về vấn đề khổ chế, khi một nhân đức của một người đã đạt đến mức độ anh hùng, nó đương nhiên kéo theo các nhân đức khác đi lên. Như thế với đức Tin anh hùng, Hàn Mạc Tử đã có được đức Cậy của một ông Gióp mà Kinh Thánh đã chép lại lời này của ông: “Ngài [Thiên Chúa] có thể giết tôi: tôi không còn hy vọng nào khác phải biện hộ cách sống tôi trước nhan Ngài” (G 13,15).

Về phần đức Mến làm cho người tín hữu thành người con yêu mến Chúa Cha và người anh em yêu thương hết thảy mọi người, Hàn Mạc Tử cũng đã có nhiều đức Mến và biểu lộ thành “người Kitô hữu tốt lành”, như người ta sẽ nói.

Cùng với ba nhân đức đối thần ấy, các nhân đức luân lý cũng là gương mẫu nơi vị anh hùng của chúng ta. “Anh em hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” Đức Giêsu đã nói (Mt 11,29). Đức khiêm nhường và hiền lành, hai nhân đức rất thân thiết với Ngài mà Ngài đã giáo huấn rõ ràng, Hàn Mạc Tử xem ra đã thể hiện chúng. Và vì khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức luân lý khác, làm thế nào một linh hồn đã thấm nhuần nhân đức ấy lại không được những viên kim cương khác trang điểm? Ví dụ như đức khó nghèo, người bạn không thể tách rời của đức khiêm nhường, một trong ba lời khấn của bậc tu trì. Hẳn Hàn Mạc Tử có thể đòi cho mình tước hiệu “người nghèo của những người nghèo”, theo gương của thánh bổn mạng ngày thi sĩ nhận phép thêm sức, thánh Phanxicô Átsidi. Ông cũng có thể lấy lại cho mình lời Đức Giêsu đã nói về chính Ngài: “Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Lc 9, 58). Thế nhưng, ông ca tụng, ngợi khen suốt ngày, trong đời sống khó nghèo cùng cực như một nhân đức của Tin Mừng.

Phải nói gì về sự thanh khiết của linh hồn và của thân xác? Câu hỏi này có lẽ bị bóng đen che phủ đối với một số người, chúng tôi chừa lại để sau sẽ làm sáng tỏ.

Còn đức nhẫn nại, lòng can đảm, kiên trì và sùng tín … ai sẽ chống lại Hàn Mạc Tử về những nhân đức ấy ? Hay đúng hơn ai không thán phục tất cả các phẩm chất ấy của người anh hùng trẻ tuổi của chúng ta?

Trình bày những luận cứ khẳng định rút ra từ cuộc đời và tác phẩm của Hàn Mạc Tử là điều không khó. Tuy nhiên vì khuôn khổ hạn chế của tiểu luận này, chúng tôi phải bằng lòng với một vài chỉ dẫn và chứng cứ có sức thuyết phục nhất, và dành quyền tự do khai thác lãnh vực này cho người nào muốn có vinh dự vẽ ra một bức tranh hoàn hảo và đầy đủ về linh hồn Hàn Mạc Tử với những hành trình khổ chế và đi lên thần bí của ông còn hiếm thấy nơi các tín hữu giáo dân.

Trước tiên là sự đánh giá tự phát của một nữ tu có thẩm quyền biết rõ điều mình nói: Mẹ Marie de Saint Venant, của Dòng Phanxicô Thừa Sai Đức Mẹ, phó giám đốc trại phong Qui Hòa, mẹ cùng các nữ tu khác đã hết lòng chăm sóc cho thi sĩ phong hủi: “Ông ấy thật bé nhỏ, rất mực lễ phép và sống vẹn toàn đạo Kitô”, mẹ đã thổ lộ như thế với nhà văn Trần Thanh Mại mà mẹ tiếp chuyện khi ông Mại đến thăm mộ thi sĩ vừa qua đời, chính xác là vào mùa thu 1941 (7).

Chỉ một lời đã vẽ ra toàn bộ chân dung tinh thần và tâm linh của Hàn Mạc Tử! Đã hẳn Hàn Mạc Tử vóc người nhỏ bé, nhưng điều đó không phải là không tính đến trình độ cao hơn của câu nói ấy. “Bé nhỏ” ở đây chính là có “nhân đức nhỏ bé”, đi theo “con đường nhỏ của tuồi thơ ấu thiêng liêng” là học thuyết tinh túy của Tin Mừng – “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em thì sẽ không vào được” (Mc 10,15; Lc 18,17) – và khi tuyên xưng học thuyết ấy, một nữ tu Cát Minh khiêm nhường thành Lisieux đã đạt đến vinh quang trong thời đại chúng ta, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu (1873-1897). “Lễ phép” chắc hẳn đã bao hàm trong nội tâm của thi sĩ một sự khiêm nhường chân thật cùng với sự tế nhị của tâm hồn và lòng nhân hậu của trái tim… Sau cùng, “một Kitô hữu tốt” chính là giữ mọi giới răn của Thiên Chúa, sửa đổi đời sống mình theo đời sống của Đức Giêsu, thực hành Hiến chương Nước Trời mà Ngài đã ban phát trong Bài giảng trên Núi, một bài giảng tuyệt hảo đã tạo nên biết bao vị thánh, cả những người không phải là Kitô hữu như Mahatma Gandhi. “Thật bé nhỏ, rất mực lễ phép, và sống vẹn toàn đạo Kitô”: tất cả đều ở thể trổi vượt của tính từ (superlatif). Vậy đó chính là sự hoàn thiện, sự thánh thiện của người giáo dân. Mẹ phó giám đốc dường như muốn nói tâm hồn cao thượng của Hàn Mạc Tử ở trình độ đó.

Về phần ông Nguyễn Văn Xê, một bệnh nhân được điều trị trong trại phong Qui Hòa và với tư cách một phụ y tá, người bạn trung tín của Hàn Mạc Tử, cũng đã làm chứng về sự khiêm nhường tinh tế và sự quên mình hoàn toàn của Hàn Mạc Tử. Suốt nhiều tháng tương giao thân thiết (8), không có gì được tiết lộ về hào quang văn chương của thiên tài Hàn Mạc Tử. Người bạn ấy cũng không biết rằng người bệnh được giao cho ông săn sóc là một thi sĩ. Ông cũng không ngờ ông có trong tay mình một tuyển tập thơ tôn giáo mà chính Hàn Mạc Tử đã tặng ông ba ngày trước khi qua đời. Tập sách nhỏ ấy không biết được đánh mày từ lúc nào mà trang đầu tiên đến lúc đó còn để trắng, bấy giờ mới được viết bằng bút chì nhan đề Thơ Cầu Nguyện và câu để tặng anh Xê cùng với chữ ký viết rõ François Trí (9). Đó là vinh dự sau cùng của thi sĩ dành cho bạn ông Nguyễn Văn Xê, từ ngày 30 tháng mười 1940 khi thi sĩ được đưa vào phòng chờ chết vì bị bệnh lị rất nặng.

Hàn Mạc Tử còn hủy mình ra không đến mức giấu kín việc ông biết rành tiếng Pháp – và do đó giữ vai trò làm một người dốt nát hay gần như thế, trong thời kỳ chế độ bảo hộ Pháp. Trong việc liên hệ với các mẹ và các nữ tu nói tiếng Pháp thì chính người bạn đồng bệnh của thi sĩ đã phải đóng vai trò thông ngôn! Sau cùng ông Xê đã tìm thấy trên thi hài của thi sĩ tờ giấy nhàu nát với tác phẩm bất hủ của Hàn Mạc Tử viết bằng tiếng Pháp đề tặng cho các mẹ và các nữ tu. Đó là bài thơ văn xuôi nhan đề La Pureté de l’Âme. Ông Xê đã trao tận tay cho Mẹ Bề Trên, Mẹ Résurrection, ông hết sức kinh ngạc như Mẹ và trước mặt ông Mẹ đã kêu lên:

– “Giỏi quá! Uổng quá! Một con người tài năng, Xê ạ! (10)”

Còn một điểm này chứng tỏ Mẹ Bề Trên chú ý đến bài thơ chắc chắn là của Hàn Mạc Tử như thế nào:

– “Nhưng Mẹ xin phép Trí đổi nénuphar (hoa súng) thay cho lotus (hoa sen) vì cuộc đời tu sĩ của chúng tôi ở đây chính là những hoa súng lên xuống như con nước và bập bềnh trôi nổi như mọi vật trong hồ, chứ không dám tự hào như hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” (10).

Một sự ganh đua của lòng khiêm nhường thật cảm động giữa những linh hồn ưu tuyển trong nếp sống tu trì và một linh hồn ưu tuyển của hàng giáo dân!

Chúng ta hãy trở lại chứng từ sau đây, nó xua tan mọi nghi ngờ về cái gọi là một đời sống tình cảm quá nông nổi – để không còn nói như thế nữa – và người thi sĩ trẻ tuổi của chúng ta. Trái lại chứng từ ấy đã trả lại cho ông mọi hào quang của sự ngây thơ ban đầu và của sự thanh sạch anh hùng. Chính nhà văn Hoàng Trọng Miên, người bạn thân của thi sĩ, đã kể lại giai thoại này:

“Ngoài chuyện thơ văn ra, Tử không biết gì khác nữa. Sống chung với các bạn, đang độ trai trẻ, hăng say, lại ở trong không khí phóng túng của văn nghệ trẻ, nhưng Tử theo một nếp sống thật hiền lành, yên dịu, ngoan ngoãn của một thư sinh chăm chỉ sách đèn.

“Đời sống xa hoa, ăn chơi đặc biệt của xã hội Sài-gòn trước chiến tranh thứ hai, cũng như những thú đam mê về nhan sắc, phù dung, rượu … phổ biến trong giới cầm bút thời đó, không hề ảnh hưởng gì đến Hàn Mạc Tử. Tử sống nhút nhát, e thẹn đến độ mỗi khi các bạn trai nói chuyện dính líu đàn bà, con gái là Tử đỏ mặt lên và lặng lẽ tránh đi.

“… Tính nết hay thẹn thùng của Tử làm cho Việt Hồ càng trêu già. Một lần Việt Hồ bàn với Thúc Tề tổ chức đưa Tử vào lòng đàn bà để ‘coi hắn ra sao?’. Tử không dè các bạn tinh nghịch muốn phá mình nên theo Việt Hồ và Thúc Tề đến ‘Xóm đặc biệt’.

“Khuya lại tôi thấy Tử về im lặng, không nghe ngâm nga như thường ngày nữa, còn Việt Hồ và Thúc Tề thì nhìn nhau khúc khích. Sáng hôm sau, Tử nằm dài trên chiếu trải sàn gác, nói giọng mệt nhọc nhờ tôi đến tòa soạn báo ‘Sài-gòn’ [của ông bà Bút Trà] nhắn giùm là anh đau không đi làm được.

“Hỏi ra mới biết là đêm qua lúc bị gạt đưa vào tay đệ tử thần Bạch Mi, Tử phải hết sức vùng vẫy mới thoát được vòng vây của các nàng. Tử hú vía về nhà, xúc động đến đỗi phát đau, và mỗi lần nghe các bạn cười nhắc lại việc Tử bị các nàng kéo tay lột áo … anh cười, nhắm đôi mắt nhỏ một mí lại mà la:

– Đồ quỷ! Thiệt mấy đứa bay là quỷ sứ!” (11)

Câu chuyện này – phần nào đó thật khác thường – xảy ra vào cuối năm 1935 hoặc đầu năm 1936 – chưa đầy bốn năm trước cái chết của Hàn Mạc Tử, bốn năm đau đớn ghê gớm chỉ càng củng cố sự thanh khiết nơi linh hồn và thân xác của vị anh hùng của chúng ta.

Đã hẳn thi sĩ có những tình yêu lớn – tất cả đều là tình lý tưởng – những người yêu mà thi sĩ gắn bó vẫn còn sống và sẵn sàng phủ nhận điều mà văn chương đã tưởng tượng thêu dệt, từ mấy thập kỷ nay, về những nữ lưu mà thi sĩ đã làm cho trở thành bất tử trong những bài thơ tình yêu bất hủ, đó là:

– Hoàng Thị Kim Cúc, cô láng giềng trên con phố Khải Định ở Qui Nhơn, ông đã yêu nàng trong bước đầu của nghề văn bằng một tình yêu sâu xa và thầm kín – do đó không kết quả – và nàng đã có một trực giác về tình yêu ấy của ông nhưng không vì thế nàng từ bỏ sự giữ gìn ý tứ của một thiếu nữ quý phái mẫu mực gốc Huế.

– Mộng Cầm, tên thật là Lê Thị Nghê, nữ thi sĩ đã có lúc gởi thơ cho các nhật báo ở Sàigòn mà ông đã cộng tác, nàng đã chấp thuận lời cầu hôn của ông như sự thành tựu của những mối đồng cảm về văn học, tuy nhiên thi sĩ đã trả lại tự do cho nàng với sự can đảm và sáng suốt nhưng không phải là không có những nỗi đau khôn tả, ngay khi ông có những triệu chứng của bệnh cùi.

– Mai Đình, tên thật là Lê Thị Mai, nữ sĩ tài năng và và cao thượng, mà thi sĩ đã đánh giá cao lòng trắc ẩn, lòng thương cảm này đã mau chóng chuyển đổi thành tình yêu mà nàng đã quảng đại dành cho thi sĩ ngay từ lúc ban đầu, vì căn bệnh hiểm nghèo của ông trước khi ông được nàng đồng thuận và cùng nàng thăng hoa vào sự hiệp thông tinh thần không phải trong “tuần trăng mật” theo nghĩa tầm thường, mà trong viễn cảnh say sưa ở nơi thoát tục.

– Thương Thương, cháu gái của bạn ông Trần Thanh Địch, được ông này giới thiệu cho Hàn Mạc Tử như một người ái mộ thi sĩ, mà tên gọi có âm thanh ngân vang và những bức thư nồng nàn được nàng viết ra theo lệnh của Trần Thanh Địch đã gợi lên cảm hứng cho những tác phẩm đáng chú ý trong số đó có một vở kịch thơ mà ông cố tình bỏ lững ngay khi biết được đó chỉ là sự tưởng tượng do người bạn quá tốt của ông dàn dựng, như dấu chỉ của sự từ bỏ điều thú vị của những hư cấu trong văn chương.(12)

Đó là chưa nói đến những đóa hoa biết nói khác là nguồn gốc những mơ mộng khác của ông vốn thường gặp ở mọi nhà thơ. Dù có bóng tối nào bay lượn trên mọi điều ấy, chỉ chứng từ trên kia đủ để xóa tan tất cả: cuộc chiến đấu vinh quang của một ngày tiết lộ về cả một đời. Vậy cho đến lúc chết, chàng thanh niên ấy vẫn còn khiết tịnh như các trinh nữ đã được thánh hiến mà chàng sẽ đã từng ca ngợi. “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Với tất cả những sự bảo đảm đạo đức ấy, còn có thêm một dấu chỉ rất rõ ràng trên trán của Hàn Mạc Tử: lòng sùng kính Đức Mẹ của ông. Không chỉ là một đứa con hiếu thảo của Mẹ, ông còn tỏ ra là một tông đồ nhiệt thành và một thiên thần thi nhân của Mẹ có lòng thương xót. Không gì bằng kiệt tác Ave Maria (13) say sưa tình yêu và hy vọng, và bởi âm điệu du dương lôi cuốn mọi tâm hồn hướng về Mẹ thiên quốc, và bởi ngôn ngữ như thêu hoa, dệt gấm nó sánh được với nhạc khúc của các Thiên Thần … Vâng, không gì bằng hành động hiếu thảo cao cả ấy, kiệt tác ấy của lòng sùng kính Đức Mẹ đủ để mở rộng cho ông Cửa Thiên Đàng – Toàn thể Giáo Hội đã đồng thanh dùng diễn ngữ ấy để chỉ về Đức Trinh Nữ Maria, cho ta thấy sự trung gian của Mẹ mạnh mẽ dường nào: Porta Caeli!

Bài thơ ấy như một lời đối đáp đầy ấn tượng cho bài thơ La Vierge à Midi của Paul Claudel. Sáng tạo của Hàn Mạc Tử sẽ là một sự thăng tiến của văn chương Việt Nam như bản nhạc Ave Maria của Schubert đối với âm nhạc, hay bức tượng Pièta đối với điều khắc. Trong thực tế, bài thơ ấy đã khơi dậy nhiệt tình các tâm hồn, lau khô những dòng lệ, xức thuốc thơm vào những vết thương, đồng thời mở ra những đỉnh cao chiêm niệm, mang lại những từ ngữ thần diệu cho các nhà thuyết giảng, và một đề tài hàng đầu cho các nhà soạn nhạc (14).

Liên kết với kiệt tác ấy trong đời Hàn Mạc Tử là một ý tưởng nhỏ mà thi sĩ đã thổ lộ từ đáy sâu của tâm hồn ông, luôn luôn hướng về Mẹ Maria, như một khúc nhạc thầm – ông sẽ nói lại là “nhạc thơm” – kéo dài suốt thời gian ông bị bệnh trước khi tan biến vào hòa âm của các Thiên Thần ngày Hội Ngộ.

Ý tưởng đó là: chiều ngày 30 tháng 10 năm 1940, khi ra khỏi nhà nguyện của trại phong sau giờ đọc kinh chung, nghĩa là trước buổi tối ông bị cách ly và chuyển vào phòng dành cho những người sắp chết như đã nói ở trên, Hàn Mạc Tử kéo ông Xê ra một nơi và nói:

– “Từ ngày tôi bị bệnh phong, tôi đã mong ước hành hương một chuyến đến Đức Mẹ La Vang, nhưng …” (15)

Mặt khác, ông Nguyễn Văn Xê, ngồi canh chừng liên tục bên cạnh thi sĩ đêm 10 tháng 11 năm 1940, kể lại rằng đêm đó “Trí đều đọc kinh lần chuỗi cho đến ngày 11-11-1940 lúc 5 giờ 45 phút thì Trí nhẹ nhàng tắt thở một cách êm ái” (16)

Như thế ước muốn sau cùng và những kinh nguyện cuối cùng là những cử chỉ yêu thương chân thành và tín thác dành cho Đức Mẹ và cuộc hành hương không thực hiện được ở đời này đã được thực hiện tuyệt vời khi ông bay về trời.

Hãy nói về Nữ Vương Thiên Đàng, Mẹ rất ân cần đã nhanh chân đến tìm ông với vòng hoa chắc hẳn là rạng ngời nhất!

Chính lúc đó, trên thi hài còn nóng của ông mà của báu La Pureté d’Âme đã được tìm thấy như đã nói ở trên. Trước đó đã lâu, Hàn Mạc Tử đã nghĩ ra trong đầu, ấp ủ trong tim và giấu trong y phục của ông bài ca - di cảo này – y như Thánh nữ thành Lisieux đã làm với bản kinh nồng cháy dâng mình cho Tình Yêu Nhân Hậu của Ba Ngôi Chí Thánh.(17).

“Văn là người” (le style c’est l’homme) người Tây phương nói thế. Văn chương được đọc giữa những dòng chữ, người Đông phương đáp lại, qua những đường gân (filigrane) như trong giấy bạc. Vậy nên, hồn thanh khiết mà ông ca ngợi nơi các trinh nữ đã được thánh hiến, thực chất cũng là hồn thanh khiết của chính ông. Hỡi linh hồn Hồn Mạc Tử, linh hồn đầy ân sủng, được tình yêu thiêu đốt, được lửa khổ đau thanh luyện, tinh khiết như nước đầu nguồn, sáng ngời như pha lê, nhẹ nhàng như thanh khí!... Hỡi linh hồn được chúc phúc mà ân sủng thánh hóa đã biến đổi nên giống với những linh hồn các “hôn thê Đức Kitô” từng làm ông thán phục và động viên những sức mạnh tâm linh của ông và cảm hứng ông đi lên những độ cao thần bí… cho đến khi đồng nhất với các hôn thê của Chúa! Và như ông đã bày tỏ trong bài ca vĩnh biệt, chính tại trần gian này đã hoàn thành các PHÉP LẠ khiến con người phải lặng thinh thán phục khi chiêm ngưỡng công trình thần bí của Đấng Tối Cao”(18).

Và đó là bí mật của linh hồn Hàn Mạc Tử. Bí mật của cả một đời người và nhất là của con đường ngắn ngủi – như người ta có thể nhận biết nếu không phải là thoáng thầy – từ nơi lưu đày trên trần thế đến nơi vĩnh phúc.

Hàn Mạc Tử chết trẻ: 28 tuổi đời. “Những người mà các thần linh yêu thích thường chết trẻ” (ceux que les dieux aiment, meurent jeunes), một tác giả cổ điển và ngoại giáo đã nói thế. Còn hơn thế nữa, làm thế nào Thiên Chúa của các Kitô hữu, Thiên Chúa của sự thật, xưng mình là TÌNH YÊU lại không sớm lôi kéo về với Ngài đứa con rất dễ thương, rất ngoan ngoản, rất mộ đạo ngay khi nó đã hoàn thành tốt cuộc lữ hành trần thế?

- IV -

Ba triều thiên

Cả cuộc đời của Hàn Mạc Tử, ông chỉ mơ đến “Xuân Như Ý, ” theo đuổi “Thượng Thanh Khí” (19)

Chúng ta hãy nghe một vài tiếng thở dài của ông:

– Tôi mong ước đội vòng hoa vinh dự của Thiên Chúa

Và tắm mình trong suối nguồn ánh sáng

(Ngoài Vũ Trụ, trong tập Đau Thương) (20)

– Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu

Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu

Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang!

(Ave Maria, trong tập Xuân Như Ý) (21)

– Hỡi các thiên thần trên trời, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an hoan lạc, xin mang xuống cho tôi một triều thiên.

(Hồn Thanh Khiết) (22)

Thiên Chúa vô cùng nhân hậu thường đáp lại những khát vọng tình yêu của con cái Ngài dưới trần gian với sự rộng rãi trên bình diện vũ trụ. Chính vì thế chúng ta phải nghĩ rằng Hàn Mạc Tử hẳn sẽ được ban thưởng không chỉ một triều thiên mà đến ba triều thiên:

+ Triều thiên Tông Đồ: Vì tâm hồn thi ca của ông chủ yếu thấm nhuần sứ điệp Tin Mừng, và tất cả nghệ thuật, tật cả tài năng mà người ta ca ngợi nơi ông cũng chủ yếu nhắm vào việc truyền bá Tin Mừng Cứu Độ cho những người còn chìm đắm trong bể khổ để họ được cứu như ông và với ông, như Lời Chúa đã hứa: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gán nặng nề hãy đến cùng tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hòa và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30)

+ Triều thiên Ngôn sứ: Vì ông thường xuyên làm sáng tỏ, ca ngợi, tôn vinh Chân, Thiện, Mỹ cho tới Chân, Thiện, Mỹ Tuyệt đối là Thiên Chúa. Như vậy là ông đã đóng vai trò như một ngôn sứ của Thiên Chúa, và xứng đáng lời chúc phúc này của Chúa Giêsu: “Ai đón nhận một ngôn sứ như ngôn sứ sẽ được phần thưởng dành cho ngôn sứ”. (Mt 11,41)

+ Triều thiên Tử đạo: “Thi sĩ của đạo binh thánh giá” như ông đã nói về mình (3), đời sống của ông là một sự tử đạo không ngừng, tử đạo không phải bởi một thanh gương, nhưng bởi cả ngàn mũi kim đâm, theo cách của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu … Và tại sao ở đây không thực tế để nói rằng: Hàn Mạc Tử đã Tử đạo với hàng ngàn vết thương và hàng ngàn điều sỉ nhục bởi chứng bệnh phong thời đó…: “Phúc thay ai sầu khổ vì sẽ được Thiên Chúa ủi an”, Đức Giêsu, Vua của các tử đạo, đã xác nhận (Mt 5,5).

xxx

Câu chuyện ẩn dụ Chơi giữa mùa trăng – hay nói về một đêm tối siêu hình – của cậu bé Hàn Mạc Tử đi chơi cùng với chị Lễ lúc đó mới mười lăm tuổi, kết thúc bằng những lời Hàn Mạc Tử nói cùng chị mình như sau:

“Không, không chị ơi! Rồi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi.” (24)

Nguyện vọng ấy của Hàn Mạc Tử giờ đây đã được nhận lời. Ông đã đi vào ánh sáng vĩnh cửu. Chính vì thế ông đã vội vã quay về chia sẻ với chị Như Lễ, bây giờ là bà Bữu Dõng. Như thế câu chuyện ẩn dụ hôm qua đã có một kết luận có thật và đã xác nhận kết luận của ẩn dụ tức là mơ ước hôm qua.

Mơ ước ngày xưa của Hàn Mạc Tử như thế đã trở thành hiện thực. Giờ đây chính hiện thực ấy – (đã hẳn thuộc bình diện tâm linh) - đi vảo giấc mơ của bà Như Lễ. Điều làm ngạc nhiên nhất là chính Hàn Mạc Tử đã thấy trước, loan báo và bình luận hết thảy điều đó như ông đã viết trong bài “Chiêm bao và sự thật”:

“Mộng tàn rồi, nghĩa là mộng biến đi, những điều tôi vừa thoáng thấy toàn là huyền hoặc cả? Có lẽ nào! Tôi đã thấy thực như đã thấy sự sống của tôi. Những phút giây trong sáng đây không phải là phút giây mê sảng nữa. Có ai nhận thấy hai hàng nước mắt của tôi không?” (25)

– Có chứ, hỡi nhà thơ yêu thương! Xin cho phép đứa em khiêm hạ trong lòng đời, trong văn chương và nhất là trong Thiên Chúa, được thưa với anh rằng em đã thấy hai hàng nước mắt nóng hổi của anh. Và đứa em này biết rằng đó là hai suối lệ tình yêu và hạnh phúc. Tình yêu khôn dò và hạnh phúc khôn tả mà anh đang tận hưởng hôm nay trong Xuân Như Ý của anh tức là trong Thiên Chúa, Chúa của chúng ta.

PHẠM ĐÌNH KHIÊM
 
Chúa giáng trần
Jos. Tú Nạc, NMS
11:07 21/12/2010
Trong vô vàn biết ơn thầm lặng
Ta chứng kiến bình minh Giáng Sinh này,
Sức sống tươi hồng đang vươn dậy
Trong huyết quản của ta.
Ta dâng lời cảm tạ
Vì ta còn được sống,
Để biết rằng chẳng có sự tận cùng.
Mà có trường tồn
Lúc này trong duy nhất.
Đấng Messhia
Giáng trần
Với thời gian
Để mỗi chúng ta đón nhận nơi Người
Mãi mãi vượt thời gian
Chúa giáng trần vì mọi loài thụ tạo.
Một sự phô diễn
Một tình yêu
Bao la đến nỗi
Cả vô biên
Chẳng thể nào chất chứa.

(Ý thơ: “Nativity” – Alan Atkins)
 
Tình yêu Giáng Sinh
Hai Tê Miệt Vườn
11:09 21/12/2010
MÓN QUÀ GIÁNG SINH

Vì yêu Cha tặng cho ta,
Người Con Chí ái: Món Quà Giáng Sinh.
Quà này gói trọn chữ Tình,
Ba Ngôi Thiên Chúa hiển vinh muôn đời.
Thế là nhân loại mọi thời,
Hưởng ơn cứu độ, thoát đời lầm than.
Vũ hoàn hưởng được bình an,
Cuộc đời nhân thế đầy tràn tình thương.
Từ nay sẽ sống can trường,
Hằng luôn tiến bước theo đường Phúc Âm.
Chẳng ai còn bị sai lầm,
Đâu còn tội ác giam cầm lương tri.
Mọi người hăng hái thực thi,
Giới răn bác ái không gì quý hơn.
Cuối đời gặp Đấng Chí Tôn,
Chính là Thiên Chúa – Cội Nguồn Tình Thương.
‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một… “ (Ga 3,16).

TÌNH YÊU GIÁNG SINH

Chiêm ngắm Chúa sinh trong hang đá,
Trí lòng con cảm tạ tri ân.
Vì yêu Chúa mặc xác thân,
Sẻ chia thân phận phàm nhân kiếp người.

Tình yêu Chúa cao vời tuyệt đối,
Giúp mọi người đổi mới con tim.
Từ nay sống trọn chữ Tình,
Với Cha từ ái đệ huynh mọi người.

Thế nhân hưởng cuộc dời hoan lạc,
Cùng cất lên bản nhạc yêu thương.
Thế trần khỏi mọi tai ương,
Cõi lòng người thế hết vương buồn phiền.

Toàn nhân loại về trên thiên quốc,
Chính là đây là cõi phúc vô biên.
Nghĩa tình nối kết gắn liền,
Mọi người nên một vững bền trong Cha.

Giáng sinh 2010
 
Đất trời bừng nở hiển vinh
Ngô xuân Tịnh
19:19 21/12/2010
Mọi nơi quán trọ chối từ

Hang nuôi súc vật trú nhờ tấm thân

Giê-su sinh hạ quấn khăn

Nằm trong máng cỏ tối tăm đêm trường...

Muôn phương vui sướng tụ về

Thiên thần ca ngợi hát bè không trung

Vang vang rộn rã thiên đàng:

"Vinh danh Thiên Chúa cao sang trên trời

Bình an ngự trị mọi nơi

Cho người dưới thế lòng thời thiện tâm"

Giu-se quỳ gối âm thầm

Bên Maria cũng lặng câm ngắm nhìn

Giê-su bé nhỏ thật xinh

Mục đồng thức giấc thất kinh bàng hoàng

Nhưng thiên thần đã dịu dàng

Báo tin cho họbiết đàng tới nơi

Ngắm chiêm khung cảnh tuyệt vời

Ki-tô cứu độ từ trời giáng sinh

Mau mau đến biết sự tình

Đất trời bừng nở hiển vinh Nước Trời

Mục đồg đi khắp nơi nơi

Loan truyền sự kiện vừa rồi xảy ra

Mọi người kinh ngạc hoan ca

Hồng ân Thiên Chúa ban ra loài ngươi

Ma-ri-a âm thầm thôi

Ghi lòng mọi chuyện để rồi gẫm suy

Món quà quý giá khôn bì

Tình yêu Thiên Chúa trao đi con người.
 
Đến với ''Đây Thôn Vĩ Dạ'' của Hàn Mạc Tử
Jos. Tú Nạc, NMS
22:50 21/12/2010

(Nhân kỷ niệm 70 năm nhà thơ Hàn Mặc Tử qua đời)
Với nhiều bút hiệu: Minh Duệ Thị, Phong Trần, rồi Lệ Thanh, và cuối cùng là Hàn Mặc Tử, Nguyễn Trọng Trí đã bước vào làng thơ. Đặc biệt dưới bầu trời thơ mới. Bên cạnh những vì sao như: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ v.v … vì sao Hàn Mặc Tử đã tỏa ánh hào quang thi ca với màu sắc của riêng mình – một phong cách cá nhân. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, ta chìm đắm trong ánh sáng khát vọng, khắc khoải của tình yêu trần thế với những thiên tình cổ lụy; ánh sáng chơi vơi huyền hoặc của thiên nhiên, và để rồi cuộc đời bất hạnh, thơ ông đã hòa quyện vào thứ ánh sáng nhiệm mầu của Đấng Siêu Nhiên trong niềm Thanh Khí Diệu Kỳ.
“Đây thôn Vĩ Dạ” cùng với nhiều giai thoại, nhiều cái nhìn dưới những lăng kính khác nhau, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận nó là tiếng vọng của tình yêu của tâm trạng nhà thơ gửi gắm vào thế giới mông mơ xứ Huế.
“Đây thôn Vĩ Dạ” chỉ với tám mươi bốn bước thơ mà Hàn Mặc Tử đã đưa ta về với mảnh vườn thân thương, sông nước, mây trời, và con người xứ Huế. Những hình ảnh, màu sắc trong bài thơ được Hàn Mặc Tử điểm tô bằng những ngôn từ giản dị, trong sáng. Ta có thể dung tưởng đó là bức tranh với đôi nét chấm phá bằng những gam màu êm nhẹ của nghệ thuật hội họa mà chất nặng ân tình. Đến với “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta không thể đến bằng lối trực giao, mà phải cảm nhận bằng ngả thần giao. Tại sao? Bởi cái giản dị của ngôn từ lại là cái siêu thực với những “vườn ai”, “sông trăng đó”. “khách đường xa”, “trắng quá”, “mờ nhân ảnh”, và “ai biết tình ai”. Tất cà những cụm từ phiếm chỉ; thực - ảo, ta có thể nói đó là một Picaso của thi ca. Có ai đó đã so sánh thơ của Hàn Mặc Tử với tranh của Picaso, nhất là trong tập “Thơ điên” của ông. Nhưng chưa bao giờ “Đây thôn Vĩ Dạ” bị xếp vào loại thơ điên tuy nó có mặt trong tập thơ ấy. Nó là bài thơ trong sáng trong cái lập thể, siêu thực của Hàn Mặc Tử.
Có một bức tranh vẽ: một cái “pipe”, một cây đàn “guitar” đã vỡ, bộ râu mép của anh thợ máy, một nửa mặt nhìn nghiêng của người đàn bà, tất cả bị chằng chịt bởi những dây điện thoại, và bao trùm bởi ánh tà huy, thế mà dưới bức tranh ghi chú “Hoàng hôn trên Auteuil”.
“Đây thôn Vĩ Dạ” ta cũng có thể có một nhận xét tương đồng, Hàn Mặc Tử có nói đến sông, đến gió, đến trăng, lại có cả “hoa bắp lay”. Những hình ảnh này chẳng thấy gì gắn liền với một thôn Vĩ, cho dù thôn Vĩ có hình ảnh sông Hương, vườn bắp, với trăng, nước, mây trời, nhưng ta bảo nó là một miền sông nước nào đó cũng chẳng sao. Rồi đến tả tình, Hàn Mặc Tử có nói đến “đường xa” và “áo trắng” nhưng lại “mờ nhân ảnh”. Tất cả như chẳng có gì gắn với thôn Vĩ. Vậy mà Hàn Mặc Tử lại bảo: “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Thế nên khi đọc bài thơ, ta không nên đọc theo đề tài mà đọc bằng tâm thức theo ngả thần giao.
Bước vào khổ thơ thứ nhất:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hang cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Câu thơ đầu là lời trách móc, cố nhiên, nhưng rất nhẹ đối với người yêu của “ai” đó giữa lòng Thần Kinh vời vợi nhớ mong. Nó như một nỗi nhớ từ xa xôi trở lại, rất gợi cảm. Hình ảnh của thôn Vĩ ngày nào chợt sống dậy từ tiềm thức của nhà thơ. Đó là thôn Vĩ Dạ của những “hàng cau” tràn ngập “nắng mới”, thôn Vĩ có mảnh “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Hàn Mặc Tử không tả mà chỉ với đôi nét bằng ấn tượng: hàng cau tràn ngập ánh ban mai. Hình ảnh với khoảnh khắc thời gian nhưng là ấn tượng tiêu biểu đáng nhớ chẳng khác gì giọt sương đầu cành của Reverdy: “Giọt nước rung rinh ở đầu chiếc lá”, nhất thời nhưng mãi mãi vấn vương. Với mảnh vườn, thi sỹ họ Hàn cũng chẳng miêu tả cỏ cây, hoa lá, mà chỉ tập trung vào một màu xanh, rất xanh, vì là xanh mướt, mà lại “xanh như ngọc”, có một cái gì là lạ đối với người thưởng thức, một lối so sánh không mấy phổ biến. Nhưng nếu đọc bằng cảm giác, ta mới thấy không những chính xác mà lại còn hay. Bởi lẽ, không có thể thay ngọc bằng hình ảnh nào khác, vì “bích” chỉ sánh đôi với “ngọc”. Thế ra nó còn hàm chứa tình cảm nâng niu của Hàn Mặc Tử.
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Nếu đọc liền mạch hai câu thơ, ta mới cảm nhận được cái mướt xanh như ngọc. Ví có ánh nắng chiếu rọi xuống màu xanh của lá thì mới tạo được hồi quang của ngọc bích – XANH NHƯ NGỌC. Siêu thực và tuyệt diệu, câu thơ đã vươn tới sự kỳ diệu của nghệ thuật. Hàn Mặc Tử quả là một “nghệ sỹ nhiệm mầu”, ông có một tâm hồn rung động để cảm thông và cảm nhận một cách tế nhị những đường nét mong manh của hình sắc, những xao động êm đềm của âm thanh, một nét gì rất Tây phương – “The sound of silence”. Không, nhưng cũng rất Đông phương:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
“Trúc” biểu tượng người quân tử, “mặt chữ điền” muốn nói gương mặt của đấng nam nhi cương nghị. Hai hình ảnh này phù hợp với “sao anh” ở câu đầu. Một câu thơ rất tạo hình được đan kết bằng nghệ thuật ngôn ngữ hình tượng của thi ca. Vì chỉ có “anh” là “trúc”, “anh” với gương “mặt chữ điền”.
Sang đến khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử đưa ta vào một quĩ đạo khác của một hành tinh khác. Đã xa rồi “khuôn mặt” với “vườn ai”, mà chỉ còn lại:
“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay,
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay.”
Khác với khổ thơ đầu được khai bằng vần trắc để phô diễn cái réo rắt, gọi mời; thì khổ thơ thứ hai được hòa âm với vần bằng, tạo nên một âm điệu man mác, chơi vơi, êm ái, nhẹ nhàng của không gian. Hàn Mặc Tử như muốn nhờ không gian nói lên tâm cảnh của mình. Hay nói một cách khác, đây là bức tranh tâm trạng. “Dòng nước” có “hoa bắp lay”, “bến sông” kia có “thuyền ai đậu”. Đó là dòng sông Hương bên thôn Vĩ thật đấy, nhưng cũng chỉ là những gợi nhớ một nỗi niềm xa xôi đã cuốn theo chiều gió. Vì đường mây cũng là lối gió. Để cuối khổ thơ, tác giả ngây ngất trong cảm giác mộng thực giao thoa:
“Có chở trăng về kịp tối nay”
Ánh trăng tràn ngập trong thi ca Hàn Mặc Tử. Với Hàn Mặc Tử, trăng là cõi mộng, trăng là tình si:
“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.”
Bốn câu thơ cuối cùng thấp thoáng, xa xôi màu bạc hạnh:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Lúc này tâm trạng nhà thơ không còn là trạng thái “mộng thực giao thoa” nữa, mà hoàn toàn rơi vào cõi mộng giữa những ảo ảnh. Tại sao không còn là “em” để ứng với “anh” trong lời thầm trách “sao anh không về” mà lại là “khách đường xa”. Ta liên tưởng đến “một khách má hồng” nào đó thấp thoáng một lần gặp gỡ để hôm nay lạc vào vùng hoài tưởng, dường như có một Thôi Hộ trong Hàn Mặc Tử:
“Khứ niên kim nhật, thử môn trung
Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”
“Nhân diện “ của Thôi Hộ “bất tri hà xứ khứ”, chỉ còn lại “hoa đào tiếu đông phong”; “khách đường xa” của Hàn Mặc Tử thì lại “áo em trắng quá nhìn không ra”. Cả hai hình ảnh cùng xuất phát từ tâm tưởng. Màu trắng của Hàn Mặc Tử, hoa đào cười với gió đông của Thôi Hộ đều được phản chiếu từ tâm tưởng để cảm nhận hình ảnh ký ức, mà ký ức chỉ là ảnh ảo của ảnh thực. Từ cái thực của thôn Vĩ, Hàn Mặc Tử khéo léo và kín đáo giới thiệu màu áo ấy, màu áo trắng đã phủ kín bài thơ bằng cảm xúc của ông, tình yêu chơi vơi nhưng da diết khôn nguôi.
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.”
“Sương khói” của Hàn Mặc Tử là sương khói cực vi, cực diệu mà che cả “nhân ảnh”, cuốn theo bao kỷ niệm hay kỷ niệm tan thành sương khói. Ta có thể hiểu thao cả hai cách. Bằng cách nào thì cũng chỉ giãi bày tình yêu trên con đường một chiều không giao điểm trùng phùng.
Câu thơ đã đưa ta lạc vào vùng suy tưởng, chẳng còn là thôn Vĩ Dạ của xứ Huế nữa. Thứ “sương khói” của Hàn Mặc Tử không phải là thứ sương khói thiên nhiên của làng thôn nhỏ bé ấy. “Ở đây” phải chăng là cõi lòng Hàn Mặc Tử đang hoài tưởng và đắm đuối nhìn theo bằng ánh mắt vi huyền, vi diệu của tâm hồn: chơi vơi, bồng bềnh, xa vắng trước “nhân ảnh” đậm nét Đông phương.
Có thể nói, ba khổ thơ là ba hình ảnh giới hạn trong không gian, nếu nhìn từ một phía. Nhưng với không gian ba chiều, “Đây thôn Vĩ Dạ” là tác phẩm toàn bích về nội dung và nghệ thuật. Toàn bích đến độ trong sáng, dễ hiểu nếu chỉ đọc một lần. Nhưng càng phân tích, chúng ta càng đi sâu vào vẻ đẹp với nhiều khám phá sâu xa, thầm kín từ cõi lòng Hàn Mặc Tử.
“Đây thôn Vĩ Dạ” có thể nói là viên ngọc nhiều màu sắc tuyệt vời trong chuỗi ngọc thi ca Việt Nam. Bài thơ là cả vẻ đẹp thiên nhiên và con người đất Thần Kinh mơ mộng – huyền ảo, nên thơ. Vẻ đẹp được tạo nen từ một si mê, đắm đuối u hoài.
Bằng thi tài và nghệ thuật đặc biệt, Hàn Mặc Tử của một lịch sử và Hàn Măc Tử của một huyền sử sẽ muôn đời là một Phan-xi-cô Nguyễn Trọng Trí – một thi sỹ của sự Mặc Khải đã tạo bao sức hấp dẫn cho nhà thơ Công Giáo ấy.
 
Cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời: Sơ Khảo Văn - 2
Lm. Trăng Thập Tự
22:58 21/12/2010
Cuộc thi viết Nhánh Huệ Nước Trời chuyển mình hơi chậm nhưng rồi cũng đến mùa nở hoa.

Những dòng văn xuôi đã khởi sắc hơn với những nét tinh tế, uyển chuyển... Thấp thoáng những dòng văn trác tuyệt ẩn chứa tâm tình sâu đậm dành cho Thánh Cả Giuse, nhằm tôn vinh mẫu gương cho mọi thời đại!

Thế nhưng, khi Thánh Giuse dần dần xuất hiện rõ nét hơn thì đồng thời cũng bị… biến dạng ít nhiều. Để khai thác tính hư cấu trong văn chương, các tác giả khó tránh khỏi một số khiên cưỡng nhất định (trong đó bao gồm cả những chi tiết từ Ngụy Thư được triển khai đôi khi thái quá). Tuy nhiên, Ban Sơ Tuyển vẫn đọc thấy những nỗ lực ngày càng mãnh liệt hơn từ phía quý tác giả. Những tác phẩm đã có chiều sâu hơn, chăm chút tỉ mỉ hơn. Ban Sơ Tuyển xin được trân trọng giới thiệu cùng độc giả như một sự ghi nhận những nỗ lực và tâm tình của quý tác giả.

Bên cạnh đó, Ban Sơ Tuyển cũng kính xin đề nghị quý tác giả khai thác nhiều hơn về Đức Khiết Tịnh trong xã hội hiện đại hôm nay, khắc họa một Giuse gần gũi hơn với giới trẻ, để mẫu gương Giuse trở nên sống động hơn và hương Huệ thánh khiết có thể lan tỏa đến khắp mọi người và mọi nhà…

Cũng xin được nhắc thêm về thể loại. Theo tinh thần bản thể lệ vừa được cập nhật, thể loại văn xuôi được hiểu rất đa dạng: tản văn, ký sự, suy tư, hồi niệm, miêu tả, truyện rất ngắn, đối thoại, thư tín, lời nguyện, dụ ngôn, truyện minh họa vv…

*

Tin vui: Ban Tổ Chức vừa nhận được hai tác phẩm góp phần cho Giải Nhánh Huệ Nước Trời:

- 100 quyển “KHI EM CẦU NGUYỆN”, tập thơ của nhà thơ bác sĩ LÊ QUANG HẬN, Nxb Phương Đông, 2010

- 100 quyển “NHƯ HƯƠNG TRẦM BAY LÊN – kỷ niệm 70 năm ngày mất của thi sĩ Hàn Mạc Tử”, khảo luận, do Dục Đức Phạm Đình Khiêm và Võ Long Tê chủ biên, Nxb Tôn Giáo, 2010.

Xin chân thành cám ơn quý tác giả.

Chúng tôi cũng ước mong sẽ nhận thêm được tác phẩm của nhiều vị khác, góp phần khích lệ giải Nhánh Huệ Nước Trời.

Kính chúc mừng quý tác giả và bạn đọc Lễ Giáng Sinh và Năm Mới chan hòa ơn phước,

Người Làm Vườn.

&

Mã số bài: K-002

GẶP NHAU TRONG GIẤC MỘNG

Thành phần diễn viên các vai: Thánh Giuse Nazaret (Giuse) - Ông Giuse bị bắt làm nô lệ, con tổ phụ Gia Cóp (Giuse Nô Lệ) được ghi tắt: GNL. - Vợ ông chủ nô lệ Người Đàn Bà: NDB.

Ông chủ nô lệ Người Đàn Ông: NDO. - Đức Maria: Maria. - Sứ thần: Sứ Thần.

Một bóng người (vai Giuse Nazaret) lủi thủi đi qua lại nơi bóng đêm nơi gian phòng thanh vắng với túi hành lý, miệng thì thầm.

Giuse: - Maria tại sao… tại sao, (tự hỏi và thinh lặng giây lát) anh đau khổ lắm em có biết không?(diễn tả buồn thương ê chề và chợt nói)… Tôi phải trốn, tôi phải trốn đi trốn sao? Tôi bỏ lại tất cả những gì tôi đã tạo được. Từ niềm tin của mọi người yêu mến, sự nghiệp... Tôi phải đi sao? (lắc đầu và thở dài)

Chợt có một người (vai Giuse nô lệ ở Ai Cập GNL) vội vã chạy vào, dáo dác và tỏ thái độ mừng rỡ:

- Anh là người Do Thái à, may quá, tôi nghe anh đang lẩm bẩm gì vậy? (Nhìn túi hành lý) Trốn à, cho tôi theo với! Càng nhanh càng tốt… (lôi kéo cánh tay Giuse thúc dục sợ sệt vì có người theo sau) bà ấy tới nơi rồi!

Giuse hỏi: - Anh là ai, trốn ai, ở đâu lại chạy vào nhà tôi vậy?

Người thanh niên lạ GNL: - Tôi tên là Giuse, cũng là người Do Thái (mặt buồn buồn kể lại). Gia đình tôi rất khá giả! Tôi không hiểu vì sao bị các anh của tôi bỏ xuống giếng, sau đó họ lại bán cho bọn buôn nô lệ... Giờ đây, tôi trở thành người nô lệ nơi đất Ai Cập! (GNL chợt nhớ) À, tôi đang trốn bà chủ tôi (sự sợ hãi lộ trên nét mặt),..

Giuse quan tâm: - Sao anh giống trường hợp của ông tổ Giuse của chúng ta bị bán sang Ai Cập. Sau nầy cứu thoát dân Ai Cập trong thời kỳ hạn hán đói kém thất mùa và ông đưa cha mình là Giacop cùng các anh em. Luôn cả dân Do Thái sang sinh sống, anh có biết ông tổ Giuse của chúng ta không?

GNL (Giuse Nô Lệ): - Không, chưa bao giờ nghe, à… tôi phải trốn! Chết cũng phải trốn, vì tôi không muốn phạm tội với Thiên Chúa.

Giuse: - Bà ta làm gì mà anh phải sợ hãi dữ vậy ?

GNL: - Bà ta… (ngập ngừng) bà ta muốn tôi phạm tội xác thịt với bà ta, tôi sợ sẽ không kềm hãm lòng mình. Bà ta thật… khủng khiếp! (Chợt nhớ) Còn anh, tại sao anh lại có ý định trốn chạy ?

Giuse buông giọng: - Người yêu tôi...

Có tiếng ồn ào…

Người đàn bà (NDB) từ xa nói vọng vào giọng lẳng lơ, đi tới ngắt ngang Giuse:

- Hỡi các chàng trai trẻ, có gì mà lo lắng xúm nhau chạy trốn, khi có một phụ nữ dâng hiến cả nhan sắc, tiền tài và con tim nồng cháy ân tình, cho các chàng, ha ha ha… Hãy đến và chúng ta cùng ân ái, cùng đi vào cõi mộng...

GNL la lên: - Bà ta đó... (luống cuống nấp sau Giuse nhìn về phía người đàn bà nài nỉ) Xin bà đừng làm vậy, ông nhà biết được thì tôi và bà sẽ chết thôi.

NDB: - Làm sao ông ta biết khi ngươi không nói, ta không nói ?(chợt nhìn thấy Giuse) À, chàng trai trẻ kia lại không nói thì ai biết?

Giuse với giọng buồn buồn nhìn vào khoảng không: - Thiên Chúa biết, Ngài là Đấng thấu biết mọi sự.

Người đàn bà tiến đến nhẹ nhàng quyến rũ GNL coi như không thấy sự có mặt của Giuse. GNL dẫy dụa, làm người đàn bà bực tức, nhưng vẫn kiên trì nhẹ nhàng quyến rũ đến gần vuốt ve mơn trớn:

- Nghe đây Giuse (GNL), nếu chàng bằng lòng làm người tình nhỏ của ta, chàng sẽ không còn là tên nô lệ, ta sẽ xây một ngôi nhà tráng lệ và tiền bạc ta sẽ cung ứng cho chàng dư thừa. Chỉ cần chàng ân ái với ta mỗi khi ta tìm đến... (nhẹ nhàng răn đe) Còn không thì, số phận tù đày và thân phận nô lệ muôn đời của chàng nơi đất Ai Cập nầy… sẽ thê thảm biết bao!

GNL cố chống trả:- Hỡi người đàn bà có chồng... mà mê trai tơ, ta dù làm nô lệ hay có chết cũng chết cho sự công chính.

Giuse nhìn vẻ khâm phục: - Đúng là một anh hùng, (nắm tay GNL) anh làm tôi ngưỡng mộ quá!

NDB như ngượng ngùng tức giận la to: - Đừng có trách ta sao không nói trước! (vừa la vừa dẫy dụa) Bớ ông nhà, tên nô lệ muốn làm nhục tôi nè, hu hu hu... (khóc rống) Hãy đến mà xem, tôi khổ quá!

Giuse và GNL cùng đồng lên tiếng: - Trời ơi, sao bà la to vậy!?!

Giuse bất bình: - Ai hiếp đáp làm nhục bà đâu, bà nói gì kỳ vậy ?

Một người đàn ông NDO ngũ tuần, chạy xộc vào quát to thị oai: - Ai ! ai đã làm nhục vợ ông, (nhìn về hai chàng trai) Tụi bây ? (xoay qua bà vợ và chỉ vào hai chàng trai) Hai đứa làm nhục em ?

NDB nhìn về hướng GNL và hất hàm: - Là tên nô lệ ông mang về đó !

NDO: - Tên nào ta mang về ? (lúng túng-suy nghĩ) Ta mang về biết bao nhiêu thằng làm sao nhớ, thằng nào là nô lệ của...

GNL không một chút rụt rè: - Tôi đây, nhưng tôi không có làm nhục bà chủ.

NDB: - Mầy còn dám chối ? (rống lên khóc chạy đến người đàn ông nũng nịu lôi kéo) Ông ơi là ông, rất may là ông tới kịp, không thôi thì còn gì danh giá của một phụ nữ ngoan hiền như tôi, hu hu...

NDO xông nắm cổ và đánh GNL: - Cái tội bỏ trốn ra đây, là lý do chắc chắn mầy xâm phạm tiết hạnh vợ ông, ông bỏ tù mầy. Đồ khốn kiếp!

Giuse chợt lên tiếng thở than: - Đời là thế, chẳng biết đâu mà lường, ai xâm phạm ai, thật oan nghiệt!

NDO trừng mắt:- Mầy nói cái gì, ta nói không đúng sao?

Giuse:- Tôi muốn nói anh nầy (chỉ vào GNL) và tôi đều bị xúc phạm và chịu đau khổ. Thật oan nghiệt!

NDB chen vào thay đổi tình thế và cũng muốn biết chuyện gì xảy đến với Giuse Nazaret: - Thú vị thật, xúc phạm, đau khổ, oan nghiệt... ha ha! (Bà ta cười khẩy, quay sang ông chồng) để nghe nó nói chuyện đau khổ của nó xem sao, sau đó mình đem cái thằng nô lệ lên quan tống giam cũng chưa muộn.

NDO chần chừ: - Bà thiệt nhiều chuyện! Thôi được, ta cũng muốn nghe. Tại sao chú mầy đau khổ? Nói nghe coi!

GNL đến vịn vai chia sẻ cùng Giuse: Nè anh bạn có chuyện gì nói ra đi, tôi có thể giúp gì được anh?

NDO nổi giận: - Đồ khùng ! Thân mầy lo chưa xong, còn đi lo cho người khác.

GNL cũng giận không kém: - Vừa thôi nghen ông, khùng mà ông mua tôi về, giao việc quản lý nhà cửa trong ngoài của hai ông bà à...

NDB gằn to: - Hai người có để yên cho hắn nói không? (Xoay qua Giuse âu yếm giục): Nói đi cưng chúng ta nghe đây ! (NDB đến gần Giuse, nhưng Giuse tránh ra xa vì sợ bà ta đụng chạm)

Giuse chậm rãi như chỉ nói với chính mình: - Tôi có người yêu, cũng là vị hôn thê tôi yêu nhất...

GNL nhẹ nhàng chen vào hỏi: - Cô ta không yêu anh nữa phải không ?

NDB thích thú đoán: - Vậy là nó bỏ em theo thằng khác hay nó đã cắm sừng chú em rồi phải không? Ha ha ha...

NDO phê phán theo bà vợ: - Đúng là hạng người đàn bà đê tiện!

NDB: - Ông kia, ông chửi ai đê tiện? (sừng sổ trừng mắt giận dữ, trỏ tay vào ông, như thể bà bị ông chửi NDO chống chế: - Tôi nói là tôi nói người yêu của thằng nhỏ, ai nói bà hồi nào? Tôi chửi dùm nó...

GNL khoát tay kêu hai người im lặng: - Thôi mà, hai ông bà. Nghe cho rõ đầu đuôi câu chuyện đã rồi hẳn phán quyết.

Giuse như thả hồn và nói vào khoảng không: - Tôi không biết, nàng có yêu tôi thật không... (lắc đầu buồn bã)

Maria tha thiết: - Có ! Em yêu anh... Giuse ạ, tại sao anh nghi ngờ tình yêu của em. (Maria một thiếu nữ dịu hiền xinh đẹp trả lời và bước ra tiến đến Giuse, trước sự sững sờ của mọi người)

GNL nói với Giuse: - Anh cũng tên Giuse à ? (Giuse gật đầu im lặng)

NDO: - Ồ, con bé đẹp quá!

NDB (nghiến răng): - Thấy gái máu dê nổi lên phải không ?

NDO: - Nói bậy không hà, hồi nhỏ bà cũng đẹp đâu kém cô ta. (NDB hứ một tiếng, cười duyên vẻ hài lòng. Giờ đây như chỉ còn thế giới của hai người Giuse và Maria. Những người khác dõi theo câu chuyện để chen vào)

Giuse: - Em nói yêu anh, còn...(nói ngập ngừng như hờn trách như ghen tuông)... cái thai...(lời nhẹ buông nhưng rất nặng nề)

NDB nhảy dựng, vỗ tay la hoáng lên cho mọi người biết lời nói lúc đầu bà nói là đúng: - Đúng chưa, thằng nầy bị mọc sừng lại còn mang của nợ !

GNL ngước lên trời thở dài: - Thật tội nghiệp cho đôi vợ chồng chưa cưới đã có chuyện không lành...

Maria tiến tới gần hơn nhìn tha thiết Giuse: - Chúng ta đính hôn với nhau không phải chỉ do cha mẹ hai bên. Theo em nghĩ, điều nầy còn là ý định của Thiên Chúa.

Giuse: - Đúng vì là ý của Ngài, nên tình yêu của anh đối với em luôn chung thủy và đầy tràn (nắm lấy tay Maria) Maria, anh yêu em nhiều lắm em có biết không, vì càng yêu em, anh càng đau khổ và vì yêu... (muốn ám chỉ đến cái thai) Anh chưa thể tin... (cúi mặt im lặng bỏ nhẹ vào khoảng không) cái thai...

Maria nhẹ nhàng cầm tay người chồng đính hôn: - Anh không chấp nhận sự thật, thì em cũng đau khổ biết bao, ngoài anh ra ai sẽ tin em, khi nói ra điều mà sứ thần truyền tin cho em?

NDO đang lắng nghe đến đây, giơ hai tay lên trời giận dữ: - Thật là hoang đường! Một cái thai do Sứ Thần trên trời, ai mà dám tin? Nếu không phải là sự vụng trộm !

NDB xen vào như không có gì là to tát: - Cái thai, thôi mà có gì khó đâu, (nhìn thương hại và dạy khôn) nếu hai em còn yêu nhau xem như đó là một cuộc truy hoan, dại dột thiếu suy nghĩ vượt qua lễ giáo. (tìm kiếm trong túi) Chị có thuốc nè, uống vô, qua hôm sau là tuột luốt ra hết, làm lại từ đầu! (vẫn cầm trên tay gói thuốc rất tự tin như linh dược cho mọi người chú ý)

GNL phản bác: - Bà chủ, bà độc ác vừa thôi chứ, thai nhi có làm gì nên tội mà bà đòi giết !

NDB: Mầy có im mồm không, tao muốn giúp cho đôi vợ chồng chưa cưới thoát qua cái cảnh tương tàn, cái thai chưa phải là một con người. Mầy thì biết gì về thai nghén sinh đẻ chứ?

Maria và Giuse không để ý những gì NDB nói với GNL.

Giuse vẫn lập đi lập lại mối quan tâm và chống chế cho sự công chính: - Xóm làng họ sẽ ném đá em vì tội ngoại tình, em có biết không?Nếu cái thai không phải là của anh. Anh không thể làm chứng dối điều anh biết đó là không phải của anh, người ta luôn đặt tin tưởng và thương mến anh. Trước mặt họ anh là người công chính.

Maria cười buồn: - Vậy anh chỉ quan tâm tới công chính cho riêng anh trước mặt mọi người thôi sao, anh Giuse?

NDO muốn giải quyết cho họ: - Thôi, hoàn cảnh nầy hãy trốn đến nhà chúng tôi sinh đẻ xong rồi, tính sau đi, ở đây công chính hay cong vòng gì... Thật phiền phức!

NDB cũng muốn chứa chấp nhưng phải có thêm điều kiện có lợi cho chính bà quay sang NDO: - Ông dư tiền của nuôi chúng sao? Về nhà chúng ta là phải làm việc thì mới nói tới «việc ở tạm». (Nhìn đến Giuse và Maria, bà ta tiếp) - Còn chuyện cái thai, ta sẽ dẫn đi phá cho. Bên Ai Cập chuyện nầy dễ ợt, tất cả mọi chi phí ta tạm ứng trước, hai ngươi làm việc trả lại sau.

NDO nghi ngờ: - Sao chuyện nầy bà rành vậy bà? Tôi với bà chung sống bao nhiêu năm chưa có con, bộ...

NDB: - Ông đừng có nói xàm nghen, xem lại ông kìa (chỉ vào người chồng) Ông pháp sư thời danh nói ông không thể có con, pháp sư nói đó nha !

Giuse thấy ồn ào nhìn họ, lên tiếng nài nỉ: - Xin quý vị hãy để cho chúng tôi yên.

GNL cũng buồn bã muốn rút lui: - Nếu là ý của anh, tôi cũng không muốn can vào (quay ra hai ông bà chủ) Bắt tôi đi, không thì tôi trốn đó nha !

NDO chợt nhớ: - Mầy dám...? (xông tới nắm cổ áo) Đi theo tao lên quan vì cái tội làm nhục vợ tao!

GNL chống lại: - Tôi xin nhắc lại là tôi không làm gì bà chủ cả, tôi thề có Thiên Chúa của tôi. Nếu ông không tin thì cứ bắt, cứ giết tôi đi cũng chẳng sao, tôi không nhận tội vô cớ đâu.

NDB gầm lên: Hãy đem nó đi, đồ nô lệ, cho nó chết rục xương trong lao tù. (Bà ta giận dữ đẫy Giuse Nô Lệ đi theo NDO) Nhà ngươi sung sướng không muốn, muốn chết ta cho chết, còn già mồm nói ta vu cáo à! Hãy mang nó đi.

Khi hai người ra đi rồi... Người đàn bà Ai Cập chưa muốn đi, quay lại với Giuse và Maria, đưa trước mặt hai người, một bọc nhỏ cầm trên tay

NDB: - Nầy, ta thấy chúng bây còn trẻ lại thích thú với chuyện ân ái trước hôn nhân, giống ta... ha ha. .. ta thương. (Cười nhẹ nhàng, đầy ẩn ý) Ta có hai loại thuốc, viên màu vàng để tống khứ cái thai hiện nay và sau khi tống khứ đi rồi, nhịn vài ba hôm. Viên thuốc xanh nầy giúp cho các người chung đụng mà không có thai, tránh biết bao nhiêu phiền toái.

Và ngó dõi theo hai bóng người đàn ông và Giuse đi khuất, bà ta tiếp như thể Giuse và Maria là những kẻ đồng tình với bà.

NDB: - Ta đã từng phá thai, ngừa thai để giữ gìn nhan sắc, danh giá và vụng trộm... hí hí (cười nham nhở)... với mấy tên nô lệ. (Đến bên Maria vuốt ve trên vẻ mặt hiền từ, nói tiếp như quảng cáo sự công hiệu của thứ thần dược giết người) Mấy tên pháp sư... ta cũng mua chuộc để qua mặt lão già. (cười khúc khích) Yên chí đi, ta tặng cho vợ chồng trẻ các ngươi chưa muốn có con. Ta đi đây, nếu cần qua Ai Cập hãy kiếm ta nhé. Bà nhét vào tay Giuse rồi nheo mắt bí ẩn ra đi, chàng nhìn những vật có thể giải quyết tất cả vấn đề trên tay, như người đàn bà Ai Cập nói.

Maria nhìn gói thuốc trên tay Giuse mở tròn đôi mắt như dò hỏi: - Giuse anh làm sao vậy ?

Giuse: - Em yêu anh không Maria ? nhìn vào đôi mắt đẹp của nàng.

Maria nhẹ nhàng: - Có, (ngập ngừng) anh biết, em yêu anh mà.

Giuse: - Anh cũng vậy, anh vì yêu em mà anh muốn có một quyết định để giữ lấy em trọn vẹn (Giuse cầm gói thuốc nhìn nó một lần nữa) Hãy cho anh thời gian suy nghĩ.

Maria nghẹn ngào trình bày: - Anh yêu em sao... anh vẫn yếu lòng trước sự việc mà Thiên Chúa đã an bài cho em. Chính Ngài đã chọn em như một nữ tỳ bé nhỏ, hèn mọn (cúi đầu tay kéo vạt áo và nhẹ nhàng xoa vuốt nâng niu cái bụng) Em cũng rất ngỡ ngàng khi Thiên Sứ nói: Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai... Anh có biết không, làm sao em biết chuyện vợ chồng. (chớp mắt như sượng sùng e thẹn trước điều mà nàng chưa hề nghĩ đến) Vả lại,... em đang là người vợ tương lai của anh mà.

Giuse (như hòa nhập niềm vui của nàng lắng nghe Maria mà quên đi chuyện hiện tại): - Rồi sao nữa, em?

Maria diễn tả hân hoan: - Sự ngỡ ngàng phút chốc chợt biến đi để lại tâm hồn em thanh thản, quấn quyện vào lời tiên báo về bà chị họ có mang thai được sáu tháng. (mỉm cười, sung sướng tiếp lời) Em cảm thấy Thiên Chúa thương chúng ta, đặt để công trình cao cả và to tát của Ngài vào nơi cung lòng em một Hài Nhi Thánh. Anh à, hãy cùng em sống giây phút vui sướng và hạnh phúc hiện tại nầy, được không anh?

Giuse thương quá sức người con gái hiền dịu và xinh đẹp nầy, nhưng vẫn chất chứa một ẩn số chưa giải được: - Em có biết em sẽ bị ném đá, nếu...(Giuse bối rối quá, cứ quy tội ném đá thay vì phải nói đến cái thai, hay là sự thật với tác giả của nó mà chàng vẫn chưa tin).

Maria tin tưởng phó thác và không hề khó chịu đối với cái câu hỏi nơi lòng vị phu quân: - Em biết nếu anh từ chối việc hôn nhân với em, đúng không? Em tin mọi việc sẽ được an bài theo thánh ý Thiên Chúa.

Giuse cầm tay nàng: - Anh cũng tin như vậy! (thở dài dù miệng nói tin nàng) Xin cho anh thời gian, em nhé! Để anh biết đâu là sự quyết định của anh qua ý của Ngài.

Maria không nói gì thêm đành bước đi thinh lặng ôm ấp sự kiện: Nàng và Giuse sẽ bắt đầu một hành trình. Maria đi rồi, chỉ còn lại Giuse ngồi xuống nền đất, chợt nhìn đến gói thuốc giật mình ném xa và quỳ xuống giang tay cao và cầu nguyện.

Giuse: - Lạy Chúa là Thiên Chúa của lòng con, Chúa thấu hiểu tâm lòng và nổi trắc ẩn của con. Con yêu nàng, vì yêu với tâm tình tinh khiết, cho nên con càng đau khổ và sầu muộn.

Con không muốn nàng phải khổ vì sự chất vấn của thiên hạ, không thể để nàng và thai nhi bị hại và cũng không thể dối chính lòng mình. Con xin ra đi, bỏ tất cả để giải được vấn nạn hiện nay, theo ý con là điều dễ thực hiện và làm lòng mình thanh thản hơn. (Sụp lạy và lấy lại tư thế ban đầu) Lạy Chúa, xin tha thứ điều con... có thể làm sai trái, hãy soi sáng cho con biết con đường nào là đúng ý và đẹp lòng Ngài.

Sau đó Giuse mệt mỏi ngủ thiếp...

Một Sứ thần xuất hiện: - “Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”...

Sứ thần lui dần để lại Giuse với ánh sáng chan hòa.

Giuse bừng tỉnh: - Lạy chúa là Thiên Chúa của con, con xin làm theo mọi sự theo Thánh Ý và quyền năng Ngài. Xin cảm tạ ơn Ngài đã mạc khải, cho con thấu hiểu ý định của Ngài. Con xin thi hành Thánh Ý Chúa trong mọi sự.

Maria, anh đã hiểu, anh đã hiểu và càng yêu em hơn. Em thật tuyệt vời hơn mọi người nữ nơi dương gian nầy. Hãy tha thứ cho những vằn vật trong thâm tâm vì chần chờ, nghi ngại của anh về tình yêu của chúng ta. Maria, em ở đâu? Maria!...

Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” ( Mt 1, 18 – 21. 24 ).

&

Mã số bài: K-003

ĐỐM LỬA KHÁT VỌNG

Trong xưởng mộc nhỏ nhắn nhưng ấm cúng, người ta nghe tiếng hát trầm ấm, nhịp nhàng và rộn rã theo tiếng cưa, tạo nên một giai điệu nên thơ đầy tính mộc mạc.

- GIUSE: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng lo sợ gì ! (Tv 23)

- MANASEH: Ồ! Giọng ai hát hay và vui tươi thế?

- JOSIAH: Tôi cảm thấy một niềm hoan lạc chảy tràn trong tâm hồn khi bước vào xưởng thợ kỳ lạ này đấy!

- GIUSE: A, chào các bạn! Có Thiên Chúa ở với chúng ta làm sao mà không vui được chứ! Tất cả cuộc đời chúng ta đều là tặng ân của Ngài mà; bởi thế, cuộc sống của mình chỉ hướng đến Thiên Chúa và chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi!

- MANASEH: Tại sao có Thiên Chúa là tràn niềm vui. Thế những niềm vui trần gian không làm bạn thỏa mãn à?

- GIUSE: Niềm vui chẳng gì hơn là tìm thấy bình an đích thật của cuộc sống. Cái vui của trần thế chỉ là một cảm khái thoáng chốc và mờ dần theo thời gian. Các bạn thấy đấy! Chúng ta từ Thiên Chúa mà đến, nên trái tim của ta chỉ tràn đầy bình an đích thật khi ở trong Thiên Chúa, khi chúng ta có Thiên Chúa làm sản nghiệp. Đó mới là Niềm Vui tuyệt hảo nhất của cõi đời.

- JOSIAH: Đúng như Giuse nói, thành công nhất của cuộc sống chúng ta chính là khi chiếm được Thiên Chúa và cư ngụ trong Thiên Chúa. Thánh Vịnh 16 đã nói rõ điều ấy:

Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài con đang ẩn náu.

Con thưa cùng Chúa: "Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc?"

Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn.

Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,

thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. (Tv 16, 1-2; 5-9)

- MANASEH: Ồ! Giuse đã chọn niềm vui đích thật mà bản thân tôi bao ngày vẫn chưa cảm nếm được. Tôi vẫn loay hoay đi tìm niềm vui trong những đối tượng hào nhoáng nhất thời và sau những thoả mãn đó bao giờ cũng để lại trong tôi những cảm giác chán chường.

- GIUSE: Đã là con người, chúng ta đều có hệ luỵ riêng cho mỗi quyết định của đam mê. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết hướng khát vọng và đam mê cho một mình Thiên Chúa và xin Ngài gìn giữ chúng ta thanh khiết trong từng ý tưởng. Đam mê ấy sẽ thăng hoa và làm trái tim chan hoà hoan lạc.

- JOSIAH: Đúng thế! Chúng ta luôn có khuynh hướng thoả mãn cho cảm tính giác quan hơn là tìm bình an đích thật của tâm linh, nên chúng ta luôn bị lệ thuộc ngoại giới và là nô lệ cho những vui thú trước mắt. Chỉ có trong Thiên Chúa, chúng ta mới đích thật là con người của tự do, sống cho Sự Thiện. Muốn thế chúng ta phải khát khao Ngài và mau mắn thực hiện Thánh Ý. Chính ân sủng Ngài sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn trong mọi suy nghĩ và hành động.

- MANASEH: Giuse này, sao lúc nào tôi cũng thấy bạn làm việc hết vậy? Chẳng lẽ cuộc sống của bạn đơn điệu vậy sao?

- JOSIAH: Manaseh ơi! Giuse chỉ có hai điều cần phải làm, đó là Cầu nguyện và Làm việc, đồng thời chỉ có một con đường là từ xưởng thợ đến Đền Thờ và từ Đền Thờ về xưởng thợ thôi! Đúng không, Giuse?

- GIUSE: Nói thật với các bạn, khi chúng ta đã có một Kho Tàng Quý Giá và một Niềm Vui Hoàn Hảo là chính Thiên Chúa thì mọi sự khác có nghĩa gì đâu? Tôi yêu Thiên Chúa qua anh em và Niềm Tin của tôi với Ngài được biểu đạt bằng các ân tứ.

Đời Cầu Nguyện giúp tôi đến với Đấng Tình Yêu và đời Lao Tác đưa tôi đến với anh em. Mỗi khi làm việc là tôi sáng tạo và khi tôi sáng tạo chính là tôi đang hiện hữu, và khi hiện hữu với Tình Yêu Thiên Chúa, tức là tôi đang Hiện Diện giữa anh em, như chính Thiên Chúa đang Hiện Diện trong tôi.

- MANASEH: Tuyệt quá, Giuse! Bạn đã cho tôi cái nhìn Khát Khao về Thiên Chúa. Chẳng trách xưởng thợ Giuse lúc nào cũng đông khách.

- JOSIAH: Đúng vậy! Nhìn thấy nụ cười bình an, tinh thần làm việc không mệt mỏi, lời nói khôn ngoan và nhất là lấy công vừa đủ, thì ai mà chẳng thích đến chứ!

- MANASEH: À, Giuse có nghe tin gì về Lệnh triệu tập từ Đền Thờ chưa?

- GIUSE: Thật tình tôi chẳng biết gì cả?

- MANASEH: Đúng thật là anh thợ mộc suốt ngày chỉ biết cưa đục! Mọi người đang loan tin rộn ràng về việc thầy Thượng Phẩm công bố Lệnh triệu tập: Tất cả các nam thanh niên thuộc hoàng tộc Đavít lên Đền Thờ đăng ký để chọn ra người đính ước với Trinh Nữ Maria đấy! - JOSIAH: Khắp thành thánh ai mà chẳng biết Lệnh này, nhiều người không thuộc hoàng tộc Đavít cũng đang xôn xao kéo về để chiêm ngưỡng Trinh Nữ Maria có một không hai mà!

- MANASEH: Hai chúng tôi đã đăng ký từ sớm rồi. Hình như còn vài hôm nữa là hạn chót đấy!

- GIUSE: Tôi không quan tâm lắm đến chuyện này!

- JOSIAH: Sao thế? Ai cũng mong muốn làm vị hôn phu của Trinh Nữ Maria, duy chỉ có mình Giuse là vẫn bàng quan như khúc gỗ vậy? Thật là lỳ lạ!

- MANASEH: Hỏi thật Giuse nè! Bạn có khát vọng gì trong cuộc sống không? Sao mọi thứ người ta ưa thích và ham chuộng trong cuộc sống đều không làm bạn xao động chút nào vậy ?

- GIUSE: Vì các bạn vừa là thân tộc vừa là bằng hữu nên tôi có thể nói mà không ngại gì! Ngay từ thuở bé, trong sâu thẳm hồn tôi có một Tiếng Gọi thôi thúc tôi hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa. Đây là Sự Hiến Dâng đích thật và hoàn toàn bằng chính cuộc sống của tôi chứ không phải bằng môi miệng. Nhiều đêm trong giấc mơ, Tiếng Gọi ấy như tiền định cho tôi một đặc ân cao trọng và linh thánh vô cùng mà bản thân tôi không có gì để có thể nhận lãnh cho cân xứng, ngoài Lòng Khát Khao sống trọn vẹn cho Thiên Chúa qua Đức Khiết Tịnh.

Từ đấy, trong tôi bừng cháy ngọn lửa mến yêu Thiên Chúa. Tôi không còn ham muốn một điều gì khác ngoài việc hướng đến Sự Thiện. Tâm hồn hoàn toàn trống rỗng chỉ để cung chứa những Thánh Ý và các ưu phẩm của Thiên Chúa mà thôi.

Khát vọng thâm sâu nhất của tôi là tha thiết khẩn nguyện mong Thiên Chúa sớm ban Đấng Cứu Độ cho nhân trần, cũng như ban cho tôi đặc ân huyền nhiệm đã tiền định của Ngài. Phần tôi chỉ biết phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa để những gì đẹp lòng Thiên Chúa luôn được thành sự nơi tôi.

- JOSIAH: Manaseh này, Giuse đã thật sự sống và khơi dậy niềm khao khát Đấng Cứu Độ trong chúng ta. Bao ngày qua, chúng ta - một dòng tộc được tuyển chọn - vẫn mãi loay hoay với bản ngã vị kỷ của chính mình, với những giá trị thoáng qua mà quên rằng chính chúng ta phải khao khát và cộng tác với Thiên Chúa để Đấng Thiên Sai được ngự đến.

- MANASEH: Đúng vậy! Sao chúng ta lại quá thờ ơ với Giao Ước của Thiên Chúa? Có lẽ chúng ta sống với Thiên Chúa bằng hình thức nhiều hơn bằng chân tình. Giuse đã thổi đốm lửa sống cho Sự Thiện và thắp lại trong ta khát vọng sống cho Đấng Thiên Sai – Đấng Messiah mà nhân loại đợi trông.

- JOSIAH: Chúng ta phải thay đổi cách sống của mình thôi, phải để cho Lửa của Thiên Chúa tinh luyện trái tim của mỗi chúng ta, để Lời hứa ban Đấng Cứu Độ không thể là lời nói gió thoảng mà đang thực hiện trong chính tâm hồn mỗi người.

- MANASEH: Này, Giuse! Thế là bạn đã khấn giữ đời độc thân khiết tịnh như một quyết định dấn thân cho niềm hy vọng về Đấng Messia của nhân loại.

- GIUSE: Phải, điều đó như một minh chứng cho sự hiến dâng trọn vẹn của tôi với Thiên Chúa!

- MANASEH: Ồ! Đây là một sự khác thường theo Lề luật. Bạn cầu mong Đấng Thiên Sai mà lại không tiến tới bậc hôn nhân làm sao có thể chu toàn được Lề luật.

- JOSIAH: Đúng thế! Đấng Cứu Độ phải đến từ Israel và xuất phát từ hoàng tộc Đavít. Lời kinh Thánh chép rất rõ ràng:

Từ gốc tổ Giê-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Ðức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Ðức Chúa (Is 11, 1-2)

- GIUSE: Tôi không hiểu hết ý nghĩa huyền nhiệm của Tiếng Gọi linh thánh; nhưng dấu chỉ rõ ràng là khi tôi tuyên giữ đời sống khiết tịnh trọn vẹn với Thiên Chúa, tâm hồn tôi ngập tràn hoan lạc và bình an! Niềm vui dạt dào này không thể diễn tả được bằng bất cứ ngôn từ nào.

- MANASEH: Đồng ý với những gì thuộc về Thánh Ý, nhưng còn Lệnh triệu tập thì sao?

- GIUSE: Tôi hoàn toàn rất bình an để thực hiện việc triệu tập. Đây là việc chu toàn Lề luật của tôi, còn mọi việc tiếp theo do sự an bài của Thiên Chúa.

- JOSIAH: Thế nếu Giuse được chọn làm hôn phu của Trinh Nữ Maria thì sao?

- GIUSE: Tôi không biết nữa! Nhưng tôi hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa. Không điều gì Ngài thực hiện mà không có dấu chỉ nơi chúng ta. Hãy nhận ra dấu chỉ để biết điều đó là Thiên Chúa muốn và điều đó đẹp lòng Ngài.

- MANASEH: Phải, tôi tán thành thiện hướng của Giuse.

- JOSIAH: À, đúng rồi! Theo Lệnh triệu tập, mỗi nam thanh niên thuộc hoàng tộc Đavít đến đăng ký phải đem theo một cây gậy và khắc tên mình trên đó, rồi trao cho các thầy tư tế đặt trong cung thánh. Cây gậy ai nở hoa người đó sẽ là hôn phu của Trinh Nữ Maria. Đây quả là dấu chỉ để nhận ra Thánh Ý diệu kỳ của Thiên Chúa như ngày xưa Thiên Chúa đã tuyển chọn Aaron làm tư tế của Ngài (Ds 17, 20-24).

- JOSIAH: Nào, Giuse! Hãy chọn cho mình một nhánh cây và khắc tên liền đi!

- MANASEH: Chà, có gì mà lưỡng lự thế, để tôi chọn cho dùm cho: Một khúc gỗ khô được chứ?

- GIUSE: Được thôi, cảm ơn bạn nhiều!

- JOSIAH: Này Giuse, sao bạn hiền vậy? Thế này là không phải chút nào cả! Manaseh muốn loại bớt một đối thủ cạnh tranh đấy.

- MANASEH: Ấy! Đừng hiểu lầm. Tôi đang giúp Giuse giữ gìn trọn vẹn lời khấn Khiết Tịnh mà!

- GIUSE: Không sao đâu, Josiah. Thiên Chúa sẽ tác thành mọi sự theo Thánh Ý của Ngài.

- MANASEH: Đúng! Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên. Sức chúng ta không làm được gì cả. Rồi chúng ta sẽ nhìn xem những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đang thực hiện trên dấu chỉ này.

- JOSIAH: Chúng ta giống như ba người bạn của Tiên tri Daniel quá! Nào, hãy ca khen Thiên Chúa trong Ngọn Lửa khao khát Đấng Cứu Độ đang bừng cháy mạnh mẽ nơi trái tim chúng ta.

- JOSIAH, MANASEH và GIUSE: Cả ba đồng thanh cất tiếng:

Lạy Chúa là Thiên Chúa tổ tiên chúng con,

xin chúc tụng và ca ngợi Chúa,

cùng tôn vinh Danh Thánh mãi muôn đời,

vì trong hết mọi việc Chúa làm cho chúng con,

Chúa đã xử công minh chính trực.

Mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin,

đường lối Chúa quả là ngay thẳng,

mọi phán quyết của Ngài thật công minh.

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Hỡi tất cả những ai kính sợ Chúa,

hãy chúc tụng Chúa là Thần các thần,

hãy dâng lời tạ ơn và ca tụng,

vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Dn 3, 26-27; 89-90)

- MANASEH: Nào, chúng ta cùng lên đường !

- JOSIAH, MANASEH và GIUSE: Chúng ta cùng lên đường !

Nhạc hân hoan trong niềm vui xuất hành, vượt qua chính mình để đến với Thiên Chúa trong niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai.

&

Mã số bài: K-004

HUỆ THẮM ĐỀN THỜ

Tại tiền đường Đền Thờ, các nam thanh niên với trang phục rạng rỡ đang hàn huyên trao đổi với nhau chung quanh chuyện triệu tập và Trinh Nữ Maria. Một nhóm ba thanh niên đứng lẫn vào một góc khuất, với một người mặc trang phục nâu nhạt, giản dị nhưng thanh tao đang ngước nhìn bầu trời quang đãng của một ngày nắng đẹp.

- MANASEH: Này các bạn chẳng lẽ chúng ta đứng đây hoài sao ? Hãy đến với mọi người để nghe thêm tin tức đi ! Tôi thấy sốt ruột quá !

- JOSIAH: Coi kìa Giuse ! sao bạn giống như tổ phụ Giuse làm Người Mơ Mộng hả ? Coi chừng bị bán sang Ai Cập đấy nhé ! Mọi người ai cũng bàn tán và muốn nghe nói về Trinh Nữ Maria, thế mà Giuse của tôi cứ thảnh thơi đứng ngắm trời mây như chẳng có việc gì hết !

- GIUSE: Các bạn biết rồi đấy ! Đây đâu phải là điều dành cho tôi, có gì mà phải xôn xao chứ ! Trong tôi là một bầu trời tĩnh lặng của bình an. Tôi là con người của tự do. Tôi không muốn quàng đeo vào mình những điều làm tâm hồn tôi thêm chật chội không còn chỗ cho Thiên Chúa ngự trị.

- MANASEH: Tư tưởng của bạn quá lạ so với chúng tôi đấy ! Bạn đúng là Người Mơ Mộng rồi !

- JOSIAH: Thôi ! chúng ta đến với mọi người nào !

- MANASEH: Chào các bạn, có chuyện gì mà các bạn bàn tán sôi nổi thế ! Tôi là Manaseh, còn kia là Josiah và Giuse còn gọi là Người Mơ Mộng đấy! Chúng tôi là ba người bạn đến từ Nagiarét.

- AMOS: À, xin chào tất cả ! Nhóm chúng tôi ở Jerusalem. Đây là Aram, Nahshon và tôi là Amos.

- ARAM: Các bạn có thấy kỳ lạ về Lệnh triệu tập của thầy Thượng Phẩm không ? Bao nhiêu năm chẳng có một động tĩnh gì với những người thuộc hoàng tộc Đavít. Nay bỗng nhiên có Lệnh triệu tập để đăng ký cho việc tuyển chọn hôn phu của Trinh Nữ Maria !

- NAHSHON: Thật cảm thương cho hoàng tộc Đavít của chúng ta đã ly tán và tản mạn khắp nơi, mãi đến bây giờ mới được nhớ đến qua Lệnh triệu tập này.

- MANASEH: Tất cả được triệu tập chỉ cho việc hôn nhân chứ không phải là chuyện đại sự gì khác !

- AMOS: Đúng, thật khó hiểu ?! Có lẽ thầy Thượng Phẩm sẽ giải thích rõ hơn cho chúng ta trong chốc lát nữa thôi !

- NAHSHON: Thế Trinh Nữ Maria là gì mà cần phải có lệnh triệu tập ?

- JOSIAH: Ồ ! các bạn chưa biết sao ? Nếu các bạn chỉ nhìn thấy Trinh Nữ Maria một lần thôi, đủ để các bạn mong thầy Thượng Phẩm công bố hằng trăm Lệnh triệu tập để được chiêm ngưỡng Trinh Nữ Maria nhiều lần đấy !

- MANASEH: Chúng tôi đã biết Trinh Nữ Maria từ khi còn ở Nagiarét mà !

- ARAM: Thật vậy sao ! Có người đẹp đến như thế à !

- JOSIAH: Đây không phải là đẹp mà còn hơn là đẹp nữa ! Có thể nói đó là sự cuốn hút mãnh liệt của Sự Thiện. Nếu bạn thấy nét dịu dàng của cây thông bá hương đang rung rinh cánh lá trong gió, nếu bạn thấy nét lung linh của mặt hồ lấp lánh ánh bạc huyền ảo trong đêm trăng, nếu bạn thấy nét thanh bình và đơn sơ của con chim câu bên tổ ấm hiền diệu, tất cả những điều diễm lệ đó còn kém xa hương thanh khiết của Trinh Nữ Maria.

- AMOS: Đúng vậy, Trinh Nữ Maria như đóa hoa ngập tràn Ánh Sáng ân sủng. Sự tinh trắng vẹn tuyền của Trinh Nữ đến giọt sương cũng ngại ngần và mọi ánh mắt đều lặng thầm chiêm ngưỡng. Hạnh phúc biết bao cho ai được là hôn phu của Trinh Nữ Thánh Đức này !

- MANASEH: Nét kiều diễm của Trinh Nữ Maria có thể được ngân giai điệu qua lời Diễm Ca:

Em là đoá thủy tiên của Sa-rôn đồng bằng, là bông huệ thắm hồng trong thung lũng.

Bạn tình tôi giữa đoàn thiếu nữ có khác gì cánh huệ giữa bụi gai. (Dc 2, 1-2)

- AMOS: Bồ câu của anh ơi, em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo. Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng, vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng.(Dc 2, 14)

- JOSIAH: Còn đây là hương thanh khiết trong sự khả ái:

Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới, em là khu vườn cấm, là dòng suối canh phòng nghiêm mật, là giếng nước niêm phong, là địa đàng xanh non mầm thạch lựu đầy hoa thơm trái tốt cùng mọi thứ kỳ hương, dị thảo. (Dc 4, 12-14)

- NAHSHON: Tuyệt vời quá các bạn ơi ! Trái tim tôi nôn nao như muốn bay lên cùng những điều cao đẹp và thanh khiết ấy.

- ARAM: Như vậy, đây là một vấn đề trọng đại thật rồi. Vương quyền Sư Tử nhà Giuđa đang gầm lên những tiếng hùng mạnh về Đấng Cứu Độ đấy.

(Vừa lúc ấy, tiềng kèn trầm hùng và trang trọng vang lên, Thầy thượng phẩm cùng các tư tế Lêvi bước ra.)

- THẦY THƯỢNG PHẨM: Hỡi các anh em hoàng tộc Đavít. Nào hãy chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng ta.

- TẤT CẢ: Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời.

- THẦY THƯỢNG PHẨM: Thưa anh em ! Từ trong sâu thẳm, khát vọng về Đấng Messiah luôn nung nấu trong chúng ta, nhất là những người con của dòng tộc Đavít. Chúng ta được kêu gọi để thực hiện sứ mệnh cao cả là trở thành khí cụ yêu thương, để Thiên Chúa đến với Dân Ngài.

Chính Tiếng Gọi đó thúc bách chúng ta hãy mau mắn đáp trả và chính sứ mệnh thiêng liêng được cộng tác với Thiên Chúa khiến cuộc sống của chúng ta tràn đầy ý nghĩa.

Khát vọng ấy có thể mịt mờ theo thời gian, nhưng ngày hôm nay lại bừng chiếu trên mỗi chúng ta, khi Tiếng Gọi ấy thôi thúc chúng ta khơi lại đốm lửa khát vọng từ nơi mỗi anh em; và tôi đã Nhân Danh Thiên Chúa triệu tập các anh em đến đây để làm cho vinh quang Ngài được tỏ hiện.

- TẤT CẢ: Tạ ơn Thiên Chúa !

- THẦY THƯỢNG PHẨM: Từ muôn ngày tháng, bao nhiêu đợi chờ, giờ đây tôi đã thấy một Đóa Huệ trắng ngần thánh đức, một bông hoa tỏa ngát băng trinh giữa chúng ta trong Đền Thánh này. Đó là Trinh Nữ Maria, miêu duệ của vua Đavít, con của Gioakim và Anna.

Trinh Nữ ấy chỉ luôn kiếm tìm Thiên Chúa và sự giàu sang của nhân đức để tất cả làm nên một thực tại diễm lệ: Sự Vâng Phục Trọn Vẹn xứng đáng xuất hiện trước ngai tòa Thiên Chúa.

Trong Lề luật của chúng ta, mọi trinh nữ sẽ trở thành hiền thê và là hiền mẫu để Đấng Messiah được đến với nhân loại. Nào có đóa hoa nào thanh khiết hơn Đóa Huệ Maria xinh tươi, là vinh quang của Đền Thánh và dòng dõi của những người kính sợ Thiên Chúa. Trinh Nữ Maria xứng đáng được chính Thiên Chúa cho biết tên vị hôn phu làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Người ấy phải là người công chính, được chọn lựa từ Thiên Chúa chứ không phải bởi người trần, để giám hộ và gìn giữ kho tàng thánh đức vô song.

Bởi thế, anh em đã đến đây cho sự kiện hệ trọng và vĩ đại này: Người được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện sứ mệnh của Ngài.

Dấu chỉ đó là sự trổ hoa nơi gậy của mình như lời Thiên Chúa đã phán với Môsê về việc tuyển chọn Aaron:

Ai được Ta chọn thì gậy của nó sẽ đâm chồi (Ds 17, 20)

- TẤT CẢ: Tạ ơn Thiên Chúa !

- THẦY THƯỢNG PHẨM: Tất cả anh em đã dọn lòng trí và tâm hồn để sẵn sàng đón nhận trách vụ vinh quang mà Thiên Chúa sẽ trao ban. Đây là hồng ân vô giá cho ai được người yêu mến.

Không phải anh em chờ đợi một trong các cây gậy sẽ nở hoa, nhưng bây giờ là lúc tâm hồn anh em đang bừng tỏa ngập tràn hương hoa Vâng Phục, khi anh em đã tuân giữ Lề Luật để đến trước Thanh Nhan Thiên Chúa khẩn cầu cho Ơn Cứu Độ.

Vì thế, anh em hãy dâng lên Thiên Chúa lời nguyện từ lòng mình như là của lễ sống động nhất của niềm khát khao Đấng Thiên Sai.

- MANASEH: Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ, đồng thời chính trực sẽ vươn lên. (Is 45, 8)

- AMOS: Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời (Tv 4, 2), vì Ngài đã phán: Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ. (Is, 56, 1).

- JOSIAH: Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Ðức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta. (Is 35, 1-2)

- ARAM: Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục.(St 49, 10)

- NAHSHON: Lạy Đức Chúa Ngài đã phán: Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Ða-vít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "Ðức Chúa, sự công chính của chúng ta." (Gr 23, 5-6b)

- GIUSE: Lạy Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước. Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. (Tv 63, 2; 5)

- THẦY THƯỢNG PHẨM: Lạy Thiên Chúa ! Xin hãy tỏ vinh quang Ngài trước toàn dân để mọi người nhìn thấy Ơn Cứu Độ của Ngài.

- TẤT CẢ: Tạ ơn Thiên Chúa !

(Thầy Thượng Phẩm tiến vào cung thánh và sau đó là một tiếng kèn vang lên uy hùng. Thầy Thượng Phẩm bước ra cùng với các tư tế ôm một bó gậy trong đó có một cây gậy nở cánh huệ trắng muốt)

- THẦY THƯỢNG PHẨM: Thưa anh em, Đức Chúa đã nhậm lời chúng ta khi một cây gậy có khắc tên trong anh em đã nở cánh Huệ Công Chính. Nào hãy vui mừng lên và hãy đến nhận lấy vinh dự của mình trước mặt Đức Chúa.

(Vị tư tế lấy các cây gậy có khắc tên từng người đưa cho mọi người, riêng cây gậy nở hoa được trao lại cho Thầy Thượng Phẩm)

- THẦY THƯỢNG PHẨM: Hỡi các anh em hoàng tộc Đavít, hãy chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta. Chính vinh quang của Ngài đã đem lại sự sống cao đẹp và mùa xuân ánh sáng cho một cành cây khô. Thiên Chúa đã nói lên tiếng nói của Ngài giữa các anh em, khi chọn ra người công chính đẹp lòng Ngài, để thực hiện sứ mệnh huyền nhiệm làm giám hộ cho Trinh Nữ Rất Thánh Maria. Sự vĩ đại của Thiên Chúa đã tỏ hiện giữa chúng ta vào giờ phút này.

Trong sự chúc phúc của Thiên Chúa, tôi long trọng tuyên bố danh tánh của vị hôn phu được Thiên Chúa tuyển chọn là: Giuse của nhà Giacóp, quê quán tại Bêlem, thuộc hoàng tộc Đavít, là thợ mộc tại Nagiarét, thành Galilê.

(Tiếng kèn và nhạc vang lừng xen lẫn từng tràng pháo tay … trong khi Giuse cúi đầu thinh lặng với hai tay nắm chặt và vẫn đứng yên.)

- THẦY THƯỢNG PHẨM: Đây là Thượng Phẩm, ta truyền cho anh Giuse hãy bước lên nhận lấy gậy công chính mà Thiên Chúa đã cho nở hoa giữa Đền Thánh này. Hãy nhận lấy sứ mệnh diệu kỳ để gốc Giêsê vươn lên mầm non Đấng Cứu Độ.

- GIUSE: Xin vâng lệnh truyền !

(Nhạc trỗi lên, tất cả cùng hát vang bài ca tán tụng.)

&

Mã số bài: K-005

BẢN SONG TẤU THANH KHIẾT

(Trong một phòng nhỏ bên Tiền Đường, Trinh Nữ Maria trong bộ đồ trắng muốt của sự đơn sơ đang tâm sự với bà giáo Anna Phanuel về ý định của Thiên Chúa đang thực hiện nơi mình).

Bà Anna Phanuel: Ồ ! Trông Maria kìa ! Hôm nay con xinh đẹp và dịu dàng như một bồ câu trắng. Ta vui mừng biết bao khi tiếp nhận con trong Đền Thờ này ngay từ khi con còn thơ ấu, để đến hôm nay ta thổn thức thật nhiều khi phải xa lìa con cho một sứ vụ trọng đại của Lề Luật. Con là niềm vui vô giá của Thiên Chúa ban đến cho ta và cho cuộc sống này.

Maria: Thưa bà giáo Anna, trái tim con thật ưu phiền khi giờ đây phải xa nơi cưu mang con trong ân sủng của tình thương yêu và dưỡng dục. Nhưng điều khắc khoải nhất trong cung lòng con là Đức Khiết Tịnh mà bao ngày con hằng ấp ủ, lại như khó thực hiện được qua việc chu toàn Lề Luật trong đời sống gia đình. Tâm hồn con thật lặng lẽ khi Thiên Chúa an bài cho con điều con không thể hiểu được. (Maria cúi mình trong vòng tay của bà giáo Anna Phanuel)

Bà Anna Phanuel: Ta cảm thông nỗi niềm của con. Con đã khấn giữ mình trinh khiết vẹn toàn cho Thiên Chúa từ mãi mãi. Điều ấy thật lạ thường đối với mọi người nhưng không gì nằm ngoài Thánh Ý Thiên Chúa cả.

Ta biết Thiên Chúa luôn thì thầm trong tâm hồn con những điều bí nhiệm của Ơn Cứu Độ, vì hương thơm nhân đức của con mỗi ngày càng thêm tinh khôi và đẹp ngời bay lên cùng với hương trầm trong ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

Maria: Con chỉ biết yêu mến Thiên Chúa trọn trái tim con mà thôi !

Bà Anna Phanuel: Đúng vậy ! Tuy nhiên, Lề Luật lại có cách nói riêng như là dấu chỉ của Thiên Chúa. Con đã trở thành thiếu nữ, không còn là một bé gái nữa. Mọi thiếu nữ Israel phải trở thành hiền mẫu để Thiên Chúa có thể đến với Dân Ngài. Con là sự kết hợp dòng máu Vương Đế Đavít từ cha con, ông Gioakim, và dòng dõi Tư Tế Lêvi từ mẹ con, bà Anna và chính con sẽ mang trách nhiệm Ngôn Sứ khi Thiên Chúa đã soi sáng con tận hiến cho Ngài trong nhân đức Khiết Tịnh, để con thuộc về Ngài trọn vẹn và con có thể nói lên tiếng nói của Thiên Chúa giữa mọi người.

Lề luật sẽ chở che con để từ nơi miêu duệ Đavít lòng con mà Đấng Messia sẽ đến với nhân loại. Con đừng sợ và đừng ngại. Ta biết Thiên Chúa luôn giữ gìn con cho sự thanh khiết cao trọng mà con đã dâng cho Ngài.

Maria: Trọn đời con luôn là câu vâng phục trọn vẹn những gì Thiên Chúa muốn thực hiện trên bản thể đời con.

Bà Anna Phanuel: Ta luôn cầu nguyện cho con thật nhiều. Thôi nào ! Hãy đứng lên ra gặp vị hôn phu mà Thiên Chúa đã chọn một cách đặc biệt cho con. Đây là người công chính giữa dân Israel để cùng con thực hiện sứ mệnh muôn thuở của Thiên Chúa.

(Giữa Tiền Đường cùng với các người bạn, Giuse nổi bật trong trang phục màu vàng trang trọng như một vị Vua phương Đông, với áo choàng lộng lẫy, dây lưng to bản, một chiếc mũ kim tuyến uy nghi trên đầu và tay cầm cây gậy nở hoa tinh trắng. Những tiếng trầm trồ khi Trinh Nữ Maria bước ra cùng bà giáo Phanuel và người chị họ Elizabeth)

Bà Anna Phanuel: Chào anh Giuse ! Theo lệnh Thầy Thượng Phẩm, chúng tôi đưa Trinh Nữ Maria đến đây để anh có thể gặp mặt và trao đổi trước khi các nghi thức chính thức khởi sự.

Bà Elizabeth: Đây là Trinh Nữ Maria, người mà Thiên Chúa tác thành trong sự chọn lựa của Ngài. Anh Giuse hãy gìn giữ và tôn trọng Maria như cánh Huệ Thiên Chúa đã cho nở trong vòng tay anh.

Giuse: Xin cám ơn bà giáo và bà Elizabeth.

(Mọi người ra khỏi phòng chỉ còn lại Giuse và Maria trao đổi với nhau về Thánh Ý Thiên Chúa)

Giuse: Chào em Maria ! Đã lâu lắm rồi từ khi em dâng mình vào Đền Thờ, đến bây giờ anh mới gặp lại. Nagiarét vẫn bình yên như ngày nào ! Chúc tụng Thiên Chúa đã thánh hiến em trong Tình Yêu của Ngài.

Maria: Cám ơn anh Giuse ! Trong mắt anh, em nhìn thấy một điều gì đó rất ưu tư và khác lạ. Sự sâu thẳm tâm linh đó chắc hẳn anh đang đón nhận Thánh Ý trong niềm tin phó thác !

Giuse: Đúng vậy, Maria ! Nhưng trước khi có thể giải bày cho nhau, chúng ta hãy cầu nguyện với Thiên Chúa để nhận lấy Ánh Sáng trên mỗi quyết định cuộc sống.

Maria: Vâng ! Trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy được dấu chỉ cho con đường hướng đến Sự Thiện.

Giuse: Lạy Thiên Chúa Tối Cao ! Chúa muôn đời tín thành với Minh Ước của Ngài. Linh hồn con luôn khát vọng Hồng Ân Thiên Sai và con đã hiến dâng cuộc sống này qua đời Khiết Tịnh để cầu mong Hồng Ân Thiên Sai đó được đến với nhân loại.

Phần con, con thấy mình hoàn toàn bất xứng để đón nhận Hồng Ân đó. Trái tim con chỉ mong được thăng tiến mỗi ngày trong Tình Yêu của Ngài qua tất cả những hoạt động bình dị của con. Thế là đủ cho con trong một đời chiêm nghiệm Tình Yêu Cực Thánh. Con cảm tạ Ngài luôn nhân lành và gìn giữ con đi trong đường lối Ngài qua mọi biến cố thăng trầm cuộc sống.

Giờ đây, Lạy Chúa ! Con nài xin lòng từ ái, ơn phù trợ và đức khôn ngoan của Ngài hướng dẫn con thực hiện việc chu toàn lề luật mà vẫn sống trọn vẹn đời Khiết Tịnh thanh cao. Đôi tay con thanh bạch và cuộc đời con thật giản đơn, để có thể nhận lãnh hoa trái tinh tuyền của Ngài là Trinh Nữ Maria làm hiền thê và tri kỷ. Con khắc khoải vì bản thân con muôn đời không xứng đáng với điều Ngài đã chọn con.

Lạy Chúa ! Con tín thác vào vòng tay dấu ái của Ngài. Xin đừng theo ý muốn dại khờ của trái tim mỏng dòn này, nhưng xin cho Thánh Ý Ngài luôn thành sự trọn vẹn nơi con.

Maria: Lạy Đấng Thượng Trí muôn đời vinh hiển ! Trong Cái Nhìn Vô Biên và trong Ý Nghĩ Thông Suốt mọi sự, con đã được dựng nên một cách trọn hảo từ hành động của Ý Muốn Cực Thánh và từ Hơi Thở Tình Yêu bao la nơi Ngài.

Ngài cho con dự phần vào Trí Tuệ Tối Cao và Tình Yêu Thiện Toàn khi tác thành con nên giống Hình Ảnh Ngài. Sự thông hiệp này luôn sung mãn và trọn vẹn trong sự nhỏ bé vô cùng của con. Ngài mời gọi con gắn kết mật thiết với Ngài qua nhân đức Khiết Tịnh mãi mãi.

Con suy niệm về Ngài qua những Lời được nghe trong Ý Nghĩ Tác Tạo và Tình Yêu của Ngài làm cho trái tim con sống và bay cao trong sự chiêm ngắm Chân Lý. Làm sao con có thể cảm tạ và đáp trả ân sủng diễm tuyệt mà Ngài đã bảo bọc con như Hòm Bia Giao Ước. Con chỉ có sự Trong Trắng và hương thơm của lòng Yêu Mến như của lễ tiến dâng Ngài.

Lạy Đấng Tình Yêu ! Đức Trong sạch cho con thấy sự Hiện Diện của Ngài thật gần gũi và lòng Vâng Phục Lề Luật cho con hiểu Ý Muốn của Ngài thật thâm sâu. Con sẽ bước theo Tiếng Gọi mầu nhiệm cho sứ mệnh cao cả của con, bằng sự từ bỏ những gì là ý riêng, để Thánh Ý Ngài được thành toàn nơi trái tim chỉ dành cho một mình Ngài mà thôi.

(Giuse va Maria thinh lặng đôi phút...)

Giuse: Này Maria, như vậy em cũng khấn giữ Đức Khiết Tịnh như một của lễ sống động dâng cho Thiên Chúa để nguyện xin Đấng Thiên Sai à !

Maria: Vâng, thưa anh Giuse. Có lẽ Đức Khiết Tịnh đã nâng niu em từ lúc vừa mới chào đời. Em luôn nghe Tiếng Gọi huyền nhiệm và êm ái của Thiên Chúa ngay trong sâu thẳm tâm hồn và Tình yêu Ngài ngập tràn trong em, đến nỗi em chỉ biết thốt lên: “Con yêu Ngài! Lạy Thiên Chúa của con, con yêu Ngài!” Và cứ thế, trái tim em tan chảy trong tình Ngài một cách trìu mến và thiết tha. Cuộc sống của em mãi là trang giấy trắng để Ngài viết lên khúc ca kỳ diệu của Tình Yêu.

Giuse: Ồ, quá cao vời cho Thánh Ý của Thiên Chúa! Cuộc sống của anh cũng luôn thôi thúc mãnh liệt từ Tiếng Gọi hiến dâng hoàn toàn cho sự mong chờ Ơn Cứu Độ qua việc sống Đức Khiết Tịnh. Em và anh cùng khước từ hy vọng và vinh dự làm mầm chồi Giêsê để Đấng Thiên Sai ngự đến, khi cả hai đều khấn giữ sự Trong Sạch và Trinh Khiết cho Thiên Chúa.

Thế nhưng, Thiên Chúa đã kết hợp chúng ta lại trong Lề Luật khi Ngài chọn anh để làm người giám hộ cho em. Điều đó quả thật lạ lùng và chúng ta vẫn sống đời Khiết Tịnh trong trách vụ chu toàn Lề Luật.

Maria: Tạ ơn Thiên Chúa muôn trùng khi Ngài đã tiền định em trong sự bảo bọc của anh. Thiên chúa luôn nhậm lời nguyện xin của những trái tim biết phó thác trọn vẹn cho Ngài. Chính Ngài đã chọn anh giữa muôn người cho trách vụ linh thánh, mà anh và em sẽ chẳng bao giờ thấu hiểu toàn vẹn. Tất cả đều trong sự quan phòng và an bài của Thiên Chúa.

Giuse: Maria này, chúng ta đến với nhau trong Tình yêu của Thiên Chúa, trong niềm khao khát Đấng Thiên Sai, chứ không phải vì tính mỏng dòn của chất thể. Em thuộc về Thiên Chúa và anh cũng thuộc về Ngài. Bởi thế, anh trao cho em Cành Huệ Trắng này như chính trái tim anh nở hoa khiết tịnh trong Tình Yêu Thiên Chúa và trong Lòng Mến em.

Maria: Cảm ơn anh, Giuse.

Giuse: Anh sẽ gìn giữ Đức Khiết Tịnh của em như chính trái tim anh, vì em xứng đáng được hơn thế!

Maria: Ôi, anh Giuse thật tuyệt vời! Chúng ta, hai trái tim trinh khiết liên kết với nhau từ Tình Yêu của Thiên Chúa, để muôn đời sở hữu nhau bằng sự đáp ứng khát vọng sống Khiết Tịnh. Chỉ trong ân sủng của thiên Chúa, chúng ta mới có thể giữ trọn cho nhau Đức Khiết Tịnh này.

Giuse: Đúng vậy, Maria! Chúng ta dâng trao quyền lợi cho nhau trong Đức Khiết Tịnh. Giờ đây em có quyền gìn giữ sự Khiết Tịnh của anh và anh có quyền bảo vệ sự Khiết Trinh của em. Tất cả là vì sự mong chờ Ơn Cứu Độ.

Maria: Cảm ơn anh Giuse. Sự kết hợp trong Tinh Thần chính là mối giây bền chặt nhất của hai trái tim đến với nhau cho cùng một sứ mệnh.

Giuse: Maria, em là Bồ câu Trắng của anh ! Anh chỉ là một người thợ thủ công bình thường. Anh không có kho tàng nào quý giá ngoài Thiên Chúa và anh không có lễ vật nào quý trọng ngoài Đức Khiết Tịnh. Anh xin đặt em trong Tình Yêu Thiên Chúa và trao cho em Lòng Khiết Tịnh tuyệt đối của anh để xứng đáng được ở gần em, Trinh Nữ của Thiên Chúa.

Maria: Anh Giuse ! Anh là niềm vui trong mắt em ! Em chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa đã ban anh cho em mà thôi.

(Nhạc vang lên, Giuse và Maria bước ra. Thầy Thượng Phẩm xuất hiện sau đó một cách trịnh trọng)

Thầy Thượng Phẩm: Hôm nay, ta loan báo tin vui cho mọi trái tim, khi chính thức công bố lời chúc phúc của Thiên Chúa cho đôi tân hôn Giuse và Maria này. Đây là sự kết hợp diệu kỳ của hai tâm hồn tinh trắng và tràn đầy thánh đức, là niềm kỳ vọng của chúng ta trong sự chờ mong Đấng Thiên Sai. Nào, hai con hãy bước tới đây để nhận ơn lành từ Thiên Chúa.

(Thầy Thượng Phẩm đặt tay phải của Maria trong tay của Giuse và long trọng chúc phúc lành)

Thầy Thượng Phẩm: Lạy Thiên Chúa chí tôn của tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp, xin Người luôn ở mãi với các con. Xin Người kết hợp các con trong Tình Yêu thanh khiết và thực hiện nơi các con sự chúc phúc của Người; ban cho các con hoa trái của bình an và thánh thiện để từ cung lòng các con Đấng Thiên Sai sẽ ngự đến.

Nào, hai con hãy xác tín điều hai con dành cho nhau trong sự cảm tạ Thiên Chúa.

Giuse: Lạy Thiên Chúa, điều cốt yếu của hôn nhân hệ tại mối hiệp nhất giữa hai tâm hồn, qua đó cả hai cùng có trách vụ bảo toàn sự trung thành của nhau trong Đức Khiết Tịnh, dưới sự chúc phúc của Ngài. Chúng con dâng Sự Khiết Tịnh từ trái tim như là hy lễ toàn thiêu để khấn xin Ngài ban Nguồn Cứu Độ cho dân Ngài.

Maria: Con sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.

Giuse Và Maria: Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Hãy cùng tôi ngợi khen Ðức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người. (Tv 34, 2-4).

Nhạc ngân vang trong tiếng kèn hùng tráng báo tin tiền tấu khúc của mầu nhiệm Nhập Thể đang hé nụ hoa giữa nhân loại.

&

Mã số bài: V-012

HÃY ĐẾN CÙNG GIUSE

Ngày xửa ngày xưa…

Trong nước Ai cập có 1 người được vua Pharaon tin dùng đặt làm quan tể tướng cho nhà vua. Mặc dù người này là người Israen, nghe đâu bị các anh em ghen tức rồi bán cho người Ai Cập. Chàng tên Giuse, con nhà Gia Cóp.

Chàng có biệt tài bói toán rất hay, được các cận thần của nhà vua yêu mến, nhưng chàng không hề tỏ ra kiêu ngạo, ngược lại chàng rất đoan trang, tâm hồn thanh thoát và luôn kính Chúa trong lòng.

Ngày tháng trôi đi nhanh chóng. Vào năm có nạn đói hoành hành khắp nước. Tin lành đồn ra khắp vùng, họ bảo nhau: “Hãy đến cùng Giuse”. Vì vậy, anh em nhà Giacop được tin ấy cũng tìm đến để được giải thoát nạn đói kém tới bảy năm.

Ngày nảy ngày nay…

Có một người cũng tên Giuse, ông này là con dòng dõi Đavít trâm anh, tuy sống đơn nghèo, nhưng có một tấm lòng trung trinh yêu mến Chúa và luôn yêu chuộng đức khiết tịnh. Ông sống bằng nghề thợ mộc, một nghề vất vả cực nhọc, mồ hôi nhễ nhại, tiền công ít ỏi, thế mà ông cứ sống bình thản và tươi vui với cuộc sống của mình.Thế rồi, một cái đùng! Như tiếng sấm. Các chàng thanh niên trong làng được quy tụ trong hội đường Nagiaret để thầy thượng tế tìm đức lang quân cho cô thiếu nữ Maria.

Lời mời của thầy cả: “Mỗi chàng thanh niên đến đều mang theo một cành cây khô cầu xin Chúa tỏ ý Ngài chọn ai ”

Giờ đã điểm, sau những giây phút lắng nghe và cầu nguyện. Hội trường Nagiaret trào dâng lên niềm vui “Cành cây khô nở hoa” Ồ, đó là gậy của anh Giuse mộc mạc và giản dị. “Ý Chúa đã chọn Giuse là bạn trăm năm của cô Maria” - Lời của vị thượng tế chắc nịch như đinh đóng cột. Còn chàng Giuse lại âm thầm lắng nghe ý Chúa.

Đời sống của chúng ta cũng vậy, giữa bao thử thách thăng trầm, giữa cuộc đời vàng thau lẫn lộn và ánh sáng mờ ảo của trần thế đan xen nhau, khó mà nhận ra điều đúng, điều sai. Thật dễ nhầm lẫn và rất dễ bị sa ngã mà tức thời ta không nhận ra.

Vậy ta phải làm thế nào đây?

“Hãy đến cùng Giuse”

Là Đấng bảo trợ Hội Thánh, ngài là chủ gia của gia đình Nagiaret, là quan thầy của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Và nhiều hiệp hội công giáo chọn người làm Bổn mạng. Ngài có quyền thế và được Thiên Chúa Cha tuyển trọn, để dưỡng nuôi Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế.

Vì vậy, qua những điều mà chúng ta đã được biết về thánh Giuse, và quyền thế mà Thiên Chúa đã giao cho người coi sóc và nâng đỡ toàn thể giáo hội trần gian, trong đó có tôi và bạn.

Vậy, chúng ta hãy nhìn lên mẫu gương sống động đó để đến với thánh cả Giuse, bạn nhé!

&

Mã số bài: V-013

NHÀNH HUỆ THƠM

Mở quà ra, nó vừa bất ngờ vừa lâng lâng một niềm vui. Lần đầu tiên nó nhận quà. Quà của thằng bạn thân hồi nhỏ hay đi lễ và học giáo lý với nó. Từ ngày mẹ nó mất, nó hay bị đòn roi và chửi bới khủng khiếp của mẹ kế. Nó bỏ nhà đi phiêu bạt và định cư ở Phan Rang. Kể từ đó, nó quên mất “đường” đến nhà thờ và cũng quên luôn cái tên thánh của mình.

Quà là một quyển sổ và một tấm hình Thánh Giuse, phía sau có ghi dòng chữ “Chúc mày một ngày Bổn mạng ý nghĩa. Nhớ đi lễ nghe, 19-3.”

Nó tan ca lúc 10 giờ. Trời tối om. Gió lạnh lẽo qua con đường hoang vắng. Ngọc mặt tái nhợt, run run đứng trên con đường không một bóng người. Thấy Ngọc, nó rà sát vào, định ve vãn mấy câu cho vui. Bỗng dưng mặt nó ngơ ngác, nó tự hỏi sao một cô gái ăn mặc giản dị lại đứng đây giờ này. Ý định cưỡng hiếp Ngọc lóe lên trong đầu nó…

- Em chờ ai hả? - Nó giả bộ tử tế.

- Da… a… dạ, em chờ bố ra đón.

- Sao lại đứng đây? Nguy hiểm lắm!

- Em về Cam Lâm, nhưng tài xế chạy tuột qua và cho em xuống đây!

- Em chờ lâu chưa?

- Dạ, 45 phút rồi.

- Đứng đây nguy hiểm lắm! Anh cũng ở Cam Lâm, tiện đường anh chở về luôn.

Ngọc lên xe nhưng vẫn lo lo…

Trong đầu nó lập ra một kế hoạch để “dớt” Ngọc trong đêm nay!

- Anh ghé qua phòng trọ lấy ít đồ rồi anh em mình hẵng về. Anh định mai mới về quê nhưng tiện chở em, nay về luôn.

Ngọc bắt đầu cảm thấy sợ hãi, nhưng lỡ lên xe rồi.

- Dạ… - Giọng Ngọc run run.

Nó mừng thầm, bước đầu đã thành công.

- Em đi làm hay đi học?

- Dạ, em đi tu ở Huế.

- Sao em không gọi cho bố?

- Dạ, em không có di động, em về ăn cưới anh trai.

Đến nhà trọ, nó sẽ thực hiện bước hai nhanh gọn.

- Anh dọn đồ vào vali, còn em đi tắm cho mát.

- Dạ không, em đợi anh. - Ngọc rưng rưng nước mắt, cô cảm giác anh ta sẽ hại mình.

- Người em đầy mùi khói xe, anh dị ứng với mùi này, thôi rửa ráy cũng được.

- Dạ!

Ngọc bước vào cái nhà tắm không chốt. Còn nó tới cái bàn, đặt túi xách xuống. Tự nhiên, nó khựng lại vì hình Thánh Giuse đập vào mắt. Và nó nhớ lại lời Cha giảng hồi chiều: “Khi biết Maria có thai, Giuse định tâm bỏ Maria một cách kín đáo đúng với người công chính là cái gì của mình thì mình nhận, còn không phải thì không nhận”. Rồi nó nghĩ bụng: Nếu mình “ dớt” cô ta thì mình phải chịu trách nhiệm đúng theo người công chính. Không được! Dứt khoát mình không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm này. Nó lắc đầu mấy cái cho quên cái suy nghĩ ngu ngốc hồi nãy, nhưng mắt nó lại đối diện với Thánh Giuse. Lời Cha giảng lại vọng về: “Sau khi được Sứ thần loan báo, ông sung sướng hân hoan đón Maria về. Suốt cả cuộc đời ông âm thầm cầu nguyện, âm thầm chiến đấu với chính mình để giữ tấm lòng trắng trong và bảo vệ đức khiết tịnh của Maria”. Tự dưng, nó thấy Thánh Giuse cao cả vô cùng: Hy sinh khát vọng tuổi thanh xuân để thi hành thánh ý Chúa, ông như môt bông huệ khiết trịnh đượm hương vô tận. Nhìn lại mình, nó thấy xấu hổ vô cùng: Một tên háo sắc ghê tởm, một kẻ tội lỗi bẩn thỉu! Nó thấy mình không đáng mặt nam nhi, đấm ngực ăn năn muốn thay đổi cuộc đời, nó muốn vượt qua cơn dục vọng này, muốn với lấy một nhành huệ thơm để cuộc đời không ngập trong bóng tối tội lỗi. Lòng nó chỗi dậy một quyết tâm mạnh mẽ và nó nghĩ bụng: Ngọc muốn hiến thân cho Chúa, không được hại mà phải bảo vệ Ngọc. Ngọc bước ra, nó nở nụ cười thật tươi:

- Chúng ta về nghe, anh tên Khanh.

- Dạ…

Bố Ngọc sốt ruột, ngồi không yên, gọi điện ra nhà dòng thì bảo về lâu rồi nhưng mà ông tìm hoài không thấy. Có tiếng xe trước ngõ. Ngọc bước xuống… Bố Ngọc chạy ra ôm lấy Ngọc sung sướng mà khóc.

Khanh đứng bên thấy lòng hạnh phúc quá chừng và cảm thấy mình như vừa với lấy một nhành huệ thơm.

&

Mã số bài: V-014

QUAN THẦY GIUSE

Tan buổi tập văn nghệ, anh đợi Nhiên trước cổng nhà thờ. Ngày mai là lễ Thánh Giuse, bổn mạng của giáo xứ và của anh nên anh rất náo nức! Anh suy nghĩ về vở kịch mà anh vào vai Thánh Giuse sẽ diễn vào tối mai. Anh may mắn vì được diễn lại cuộc sống thường ngày của người mà anh hằng yêu mến, kính trọng. Anh sẽ đem Thánh Giuse đến gần mọi người hơn. Những suy nghĩ của anh bị cắt đứt bởi một bàn tay vỗ nhẹ vào lưng. Đó là Nhiên, cô người yêu từ thời trung học. Nhiên lên xe, nhẹ nhàng áp hai bàn tay mềm mại vào lưng anh.

Chiếc xe đạp chạy dưới những ánh đèn vàng. Gió lùa xao xác những cánh đồng ngô. Anh nghe tiếng Nhiên thở rất nhẹ. Một sự im lặng êm đềm, hạnh phúc. Những cột đèn thưa dần, thưa dần rồi mất hẳn. Xe rẽ vào một đồi bát ngát cỏ may.

Bầu trời giăng mắc những ngôi sao lấp lánh, gió thổi những sợi tóc của Nhiên chạm nhẹ vào mặt anh. Anh ngửi thấy mùi hoa bưởi thoang thoảng trên tóc cô. Nhiên huyên thuyên về vở kịch ngày mai, về Thánh Giuse và Mẹ Maria. Cô thắc mắc không biết Thánh Giuse có chở Mẹ Maria đi dạo, ăn kem và cùng ngắm trăng sao như anh và cô tối nay không. Anh cười, những suy nghĩ ngộ nghĩnh đó chưa bao giờ xuất hiện trong đầu anh. Đúng rồi ! Thánh Giuse cũng trai tráng như anh, cũng là con người nên sẽ có những yếu đuối, chịu mọi cám dỗ như anh. Anh ngưỡng mộ Ngài vì Ngài đã chiến thắng cám dỗ vẻ vang. Dù sống chung một mái nhà nhưng Ngài đã giữ gìn sự trinh khiết của Đức Maria, vợ của Ngài. Anh khẽ liếc nhìn Nhiên. Dưới ánh trăng, Nhiên đẹp lộng lẫy. Một vẻ đẹp giản dị nhưng gợi cảm. Những suy nghĩ về Thánh Giuse và Mẹ Maria vụt khỏi đầu anh. Anh nghĩ về hiện tại, về Nhiên đang ngồi cạnh anh đây. Một cơn gió nhẹ áp tấm áo lụa mỏng vào người Nhiên, làm toát lên những đường nét đầy nữ tính. Hình ảnh cơ thể Nhiên vụt qua đầu anh như một tia chớp. Anh vẫn ôm hôn Nhiên nhưng chưa bao giờ Nhiên trọn vẹn của anh cả. Hai bàn tay anh ươn ướt mồ hôi và máu chạy rân rân dưới lớp da. Dục vọng đang tìm cách đánh động những ham muốn trong anh. Anh thầm nhủ mình đâu được công chính như Thánh Giuse, mình sẽ chịu trách nhiệm với Nhiên, sẽ đón Nhiên về nhà làm vợ vào một ngày không xa. Nhiên sẽ làm vợ anh, sẽ chung chăn gối và sinh cho anh những đứa con, làm sao anh có thể giữ Nhiên trong trắng trong đời sống vợ chồng được? Những suy nghĩ đó thôi thúc dục vọng trong anh. Anh sẽ kéo đổ Nhiên vào lòng mình và quyện lấy cô giữa cánh đồng cỏ may… Bỗng nhiên, Nhiên hỏi:

- Mai lễ Thánh Giuse, bổn mạng cả giáo xứ chắc sẽ long trọng lắm anh nhỉ?

Anh ậm ừ trả lời, câu hỏi của Nhiên như gáo nước lạnh dội vào đầu anh làm dịu đi hai thái dương đang giật giật. Một lần nữa Thánh Giuse lại hiện về trong tâm trí anh, mạnh mẽ và dứt khoát. Anh cảm thấy mình thật yếu hèn khi để cho những toan tính dục vọng dẫn dắt. Anh nhớ về Thánh Giuse, về những chiến đấu âm thầm nhưng mãnh liệt trong đời sống Thánh Gia. Anh luôn cầu xin Ngài giữ gìn anh từ lúc còn niên thiếu và giờ đây anh phải giữ gìn cho Nhiên. Ngày mai anh sẽ tham dự thánh lễ thật sốt sắng để cầu cho anh luôn biết noi gương Thánh Giuse trong cuộc sống, cho anh có một gia đình hạnh phúc với Nhiên và có nghị lực để giữ gìn hạnh phúc đó.

Đêm đã về khuya, anh và Nhiên sẽ ngồi lại thêm chút nữa. Một niềm hạnh phúc và bình yên trong tâm hồn vì anh yêu Nhiên và Nhiên cũng yêu anh, và vì đêm nay Thánh Giuse đã giúp anh chiến thắng chính mình. Anh sẽ giữ gìn sự trong trắng cho Nhiên đến khi cưới Nhiên về, và sẽ giữ gìn đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng!

&

Mã số bài: V-015

TRUYỀN TIN CHO GIUSE (*)

Ở làng quê nghèo Na-gia-rét, một vùng đất nhỏ thuộc xứ Galilê nằm phía Bắc nước Israel. Có chàng trai trẻ GIUSE, một người mạnh khỏe, tràn đầy sức sống và kính sợ Thiên Chúa, luôn giúp đỡ làng xóm với nghề thợ mộc. Ở đây, cuộc sống mọi người đa số với công việc đồng áng và một vài nghề nhỏ khác. Mọi người hay tới lui nhờ Giuse đóng cái bàn, cái ghế, sửa nhà, sửa cửa… Ai ai cũng quý mến, trong đó có bà góa Vidua, làm nghề mai mối và có biết về y thuật. Bà coi Giuse như con vì chàng thường giúp đỡ bà trong những lúc gặp khó khăn. Nhà bà Vidua sống gần bên nhà của nàng Maria, một thiếu nữ đức hạnh, rất xinh đẹp và nết na, thùy mị.

Vào một ngày trời nắng oi bức, Giuse đến nhà bà Vidua giúp đóng lại cái rương đã bị hỏng, chàng làm việc chăm chỉ, mồ hôi nhễ nhại… thấy mà thương! Bà Vidua rót nước, lấy cái quạt và bảo Giuse ngồi nghỉ một chút nói chuyện cho vui. Trong lúc nói chuyện, chợt một ý nghĩ đến với bà… Bà nói với Giuse:

- Cậu đã đến tuổi lập gia đình rồi. Vậy cậu để ý nàng nào chưa?

- Dạ... dạ...!!!

- Để tôi làm mai cho cậu với nàng Maria ở gần nhà tôi, cậu biết nàng ấy chứ?

- Dạ có, mỗi dịp qua nhà bà, con đều thấy nàng làm việc, giặt giũ trước nhà... Thật là một thiếu nữ đảm đang! Và con nghe biết có nhiều người thích nàng lắm...

- Tôi thấy cậu rất xứng với gia đình Maria, vì cậu là một người hiền lành, đạo đức, lại làm việc chăm chỉ nữa...

- Bà khen con quá, con không dám nghĩ vậy!

- Cậu thật là khiêm tốn! Trong làng này, mọi người ai cũng khen cậu.

- Cám ơn bà, nhưng con lo không đủ tiền để trả công mai mối cho bà đâu!

- Không sao, cậu cứ yên tâm, tôi sẽ giúp. Xem như đây là cơ hội tôi trả công vì lòng tốt của cậu. Cậu chỉ cần chuẩn bị tiền sính lễ cho gia đình nàng thôi!

Giuse mừng thầm và hy vọng điều này sẽ thành hiện thực vì trong lòng chàng mên mến nàng Maria rồi.

Một thời gian sau, niềm vui đã đến với Giuse, chàng được làm lễ đính hôn với nàng Maria nhờ sự mai mối của bà Vidua. Theo luật định thì nàng dâu ở nhà cha mẹ mình trong vòng một năm, rồi được rước về nhà chồng sau đó và sẽ cử hành hôn lễ. Nếu hai người có con trong giai đoạn này thì vẫn xem là hợp pháp.

Cuộc sống của Giuse trở lại với công việc hằng ngày, lòng chàng luôn háo hức trông chờ ngày được đón Maria về nhà.

Thời gian một năm thấm thoát trôi qua, vào buổi chiều ngày Giuse sắp rước Maria về nhà, bà Vidua mừng vui sang nhà Giuse với bước đi vội vã vì trời lúc này sắp mưa, mây đen đã kéo đến dày đặc.

Bà vừa gặp Giuse thì liền cất tiếng: - Cậu Giuse ơi, chúc mừng cậu sắp được làm cha! Maria vợ cậu đang thai nghén. Hãy qua thăm rồi đón nàng về!

Nghe như vậy, Giuse thật sự bàng hoàng vì chàng đâu có “ăn ở” với nàng trong thời gian vừa qua. Nhưng chàng vẫn cố giữ nét mặt bình tĩnh và hỏi:

- Sao bà biết?!?

- Tôi vừa ở nhà nàng về, tôi qua giúp bắt mạch và đem thuốc dưỡng thai cho nàng. Xong là qua đây luôn…

Đang lúc còn nói thì ngoài trời nổ cơn sấm chớp ầm ầm, bà Vidua giật mình nhớ ở nhà còn vài bộ quần áo đang phơi chưa lấy, bà chào vội Giuse để chạy về…

Lời chúc mừng của bà Vidua như tiếng sét đánh ngang tai Giuse! Lòng chàng băn khoăn, tâm trí rối bời… Lý trí với tình yêu trong chàng đang giằng co:

- Maria đã phản bội anh, hãy bỏ nàng và đi tố giác…

- Không thể, anh không thể tố cáo! Vì như vậy nàng sẽ bị ném đá chết, dù sao nàng là vợ anh và người anh yêu thương nhất.

- Còn nàng đâu yêu anh, sao anh còn muốn giúp?

- Anh đừng có suy nghĩ quá nhiều...mạnh mẽ lên, anh là người công chính mà! Để vẹn đôi đường anh có thể rời bỏ cô ấy một cách kín đáo cũng được...

Ngoài trời đang đổ cơn mưa nặng hạt và bóng tối đã bao phủ cả căn nhà. Giuse mãi suy nghĩ toan tính, với thêm tâm trạng buồn bã nên chàng mệt trí đi vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Trong đêm, Thiên sứ đến báo mộng cho Giuse: “Hỡi Giuse con cháu vua Đavít, anh đừng ngại đón Maria vợ anh về nhà. Nàng luôn trong trắng và chung thủy với anh. Người con nàng đang mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Con trẻ sinh ra là trai và anh phải đặt tên cho con là Giêsu, Người sẽ cứu dân khỏi tội lỗi!”

Giuse liền tỉnh giấc, những lời Thiên sứ vừa minh giải vẫn đang vọng trong tâm trí, chàng quỳ xuống cầu nguyện, cám ơn Thiên Chúa, vâng theo và phó thác tất cả mọi sự nơi Ngài.

Sáng sớm tinh sương, mọi cây cối vươn lên mạnh mẽ tràn đầy sức sống, vì đã được tắm thoả thuê trong một đêm mưa rào. Hương huệ đồng nội trinh trong ngát bay khắp nhà, tiếng chim ríu rít vui ca báo hiệu một ngày mới tốt lành. Giuse cảm thấy bình an, lòng đầy niềm vui, phấn khởi qua thăm Maria vợ mình, tâm sự cùng nàng mọi điều đã xảy ra với mình đêm qua. Maria rất xúc động và thầm tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã yêu thương an bài mọi sự.

Giuse trở về chuẩn bị chu đáo, và đón Maria. Hôn lễ được cử hành sau đó, mọi người trong làng xóm ai ai cũng đến chung vui với gia đình.

Giuse luôn sống âm thầm khiết tịnh, hy sinh giúp đỡ cho Maria và đợi ngày con trẻ chào đời. Đặc biệt, chàng luôn yêu thương, gìn giữ sự đồng trinh cho Maria trong suốt cuộc đời mình!

(*) Nội dung được viết dựa vào đoạn Thánh Kinh Mt 1,18-25.

&

Mã số bài: V-016

NHẬT KÝ

(Viết cho Bố)

Chẳng hiểu thế nào mà đêm nay Lâm không ngủ được. Anh nằm trằn trọc, gặm nhấm nỗi cô đơn của mình. Người ta bảo: Tam thập nhi lập. Thế mà anh, ngoài 30 tuổi, chưa sự nghiệp, chưa người yêu, thậm chí vẫn còn đang ăn bám gia đình. Bằng tuổi này của anh ngày trước, bố đã có vài mặt con. Song, đùng một cái! Mẹ qua đời, để lại cho bố một đàn con nheo nhóc. Bố kiêm thêm vai trò của mẹ, một thân một mình chăm sóc, dạy dỗ con cái mặc dù đang mang trong mình căn bệnh quái ác: teo cơ. Sau biến cố đó, bố đã vùng dậy, chống chọi lại với sóng gió cuộc đời và như có một phép mầu, bố đã dần dần bình phục. Căn bệnh quái ác không còn hành hạ bố nữa. Thế mà đã hai mươi mấy năm trường, bố vẫn ở vậy, không hề nghĩ đến bản thân mà chỉ lo cho con cái. Biết bao nhiêu lần ông bà, cô dì, chú bác thúc giục bố cưới vợ nhưng bố đều bảo: “Con tôi, con cô, con chúng ta… Khổ lắm!” Bỗng dưng, anh thấy thương bố và cảm thấy xấu hổ cho bản thân. Anh choàng dậy, lao ra khỏi giường, đến bên chiếc bàn kê ở góc tường, bật đèn lên, lôi cuốn nhật ký ra và hý hoáy viết:

Cả đời gom những nhọc nhằn

Lấy chua xót rửa, cạo bằng gian nan

Mồ hôi ướt sũng tâm can

Niềm riêng cha lót làm đường con đi!

Cảm xúc dâng trào làm cho anh viết liền mạch 4 câu thơ về bố mình như vậy. Điều này ngoài sức tưởng tượng của anh, bởi từ trước tới nay, anh chưa bao giờ viết nhanh như thế! Anh gấp cuốn nhật ký lại và cảm thấy tâm hồn thật bình an. Anh hãnh diện về bố của mình. Không như trước đây, biết bao nhiêu lần anh định viết về bố anh nhưng nào đâu có viết được. Anh lật giở cuốn nhật ký ra lần nữa và tìm lại trang nhật ký mà anh đã từng viết về bố mình:

Người ta viết về cha của họ rất hay, bằng những ngôn từ rất thật, dung dị, bao la. Nhưng sao con, cứ mỗi lần định viết một điều gì đó về cha thì con không sao viết nổi mặc dù con biết cha đã hy sinh cả cuộc đời vì chúng con. Cha có nhiều đức tính tốt, làm gương sáng cho mọi người noi theo. Thế mà, chẳng bao giờ con có thể viết nổi dù chỉ là vài dòng. Lạ!

Đọc xong đoạn nhật ký này và mấy câu thơ anh vừa mới viết về bố của mình. Bất giác, nước mắt từ từ trào ra nơi khoé mắt, bò xuống hai gò má, vị mặn chảy vào trong. Anh vội vàng gấp cuốn nhật ký lại như không muốn cho cảm xúc tan ra, bay đi… Có lẽ đây là lần đầu tiên anh mới thực sự hiểu về bố hơn bao giờ hết. Phải chăng anh không có năng khiếu viết văn, làm thơ? Hay là anh không đủ can đảm để nói một câu rất đơn giản rằng anh yêu bố? Không, không đúng! Tất cả đều không đúng. Đó chỉ là nguỵ biện!

Mãi tới hôm nay, anh mới nhận ra rằng: Sở dĩ anh không viết được là vì anh chưa thật sự hiểu bố, mến yêu bố.

&

Mã số bài: V-017

THƯ GỬI THÁNH GIUSE

Ông Giuse kính quý!

Sáng nay, khi con đang tất bật với việc mua sắm giữa chợ, con vô tình bước qua gian hàng bán hoa, con đã đi qua gian hàng này hàng ngàn lần, nhưng chưa bao giờ con có thời gian để cảm nhận vẻ đẹp của những loài hoa đủ màu sắc này, mặc dù con vốn rất yêu hoa. Và cũng như mọi lần, con lướt mắt nhìn qua rồi bước đi vội vàng. Bỗng, con giật mình nhìn lại khi thấy một loài hoa màu trắng trông rất giản dị nhưng lại rất sang trọng, con tiến lại gần và nhận ra đó là loài hoa huệ, loài hoa con đã nhìn thấy một lần trên cánh đồng quê con lúc con đi làm ruộng với mẹ. Con ngắm nghía loài hoa ấy và bỗng chốc những ký ức chưa đủ thời gian để gọi là xưa nhưng sao con cảm thấy dường như xa lắm lại ùa về trong trí nhớ.

Đó là những tháng ngày khi con còn nhỏ, những ngày mà đêm nào con cũng được ba dắt tới nhà thờ cầu nguyện, những ngày con mải miết nghe ba kể về một vị Thánh có tên là Giuse, vị Thánh ôm bó hoa huệ màu trắng trên bàn thờ trong ngôi Thánh Đường ấy. Ba bảo lúc con còn nhỏ, con đã từng tưởng như chết đi khi mắc phải căn bệnh viêm gan, nhưng ba đã dâng con cho Thánh Giuse để Ngài gìn giữ và cũng chính Ngài đã cứu chữa con. Ba luôn dặn dò con phải chăm chỉ cầu nguyện và làm việc kính nhớ Ngài. Hồi đó, con chưa đủ trí khôn để hiểu cầu nguyện và kính nhớ Ngài là như thế nào; nhưng con thích được mỗi lần cùng ba tới trước bàn thờ Ngài cầu nguyện, con thường chỉ nói mỗi câu: “Ông Giuse ơi! Con đây”, và đứng nhìn khuôn mặt hiền hậu của Ngài. Con thích thú khi nghe ba nói Ngài cũng đã từng là thợ mộc như ba bây giờ, con thích được ba kể Ngài đã từng chăm sóc nuôi dưỡng Chúa Giêsu… Những tháng năm ấy đã trôi qua êm đềm như vậy!

Thế mà, từ khi con đủ trí khôn, con đã dần dần xa Ngài, đặc biệt là từ khi con rời quê hương, rời gia đình tới thành phố này, con đã hòa mình vào cái vòng quay nhộn nhịp, tất bật của cuộc sống thành thị. Việc làm thêm kiếm tiền, việc học này học nọ, việc phải ăn mặc làm sao cho hợp thời hợp mốt… Tất cả đều khiến cho con luẩn quẩn trong vòng quay của xã hội. Con quên đi Ngài, quên đi việc cầu nguyện, quên việc tham dự Thánh Lễ, quên luôn cả việc mình là người Kitô hữu. Thay cho việc tới nhà thờ mỗi đêm, con lại lao vào việc làm thêm, kiếm tiền… Thay vào những giờ đọc kinh cầu nguyện, con lại tranh thủ ngủ bù sau những giờ làm việc mệt mỏi… Thay vào những giờ tham dự Thánh Lễ, con lại giành thời gian đi chơi với bạn bè, mua sắm, học thêm này nọ… Và cuộc sống cứ thế qua đi.

Con thẫn thờ nhìn những bó hoa trông có vẻ yếu ớt mảnh mai nhưng lại rất mạnh mẽ, vững chắc! Con nhớ, mẹ đã từng nói với con khi mẹ và con nhìn thấy loài hoa này mọc trên cánh đồng, mẹ bảo loài hoa này mọc từ bùn đất nhưng chẳng hề vương mùi bùn đất, vẫn mang một màu trắng toát, thanh tao…

Con chợt nghĩ, con cũng như loài hoa ấy, cũng mọc từ bùn đất, cũng sống trong sự bon chen, xô bồ của xã hội; nhưng con lại bị cuốn vào cái tấp nập, cái bon chen ấy!

“Khi ta chết đi liệu ta có thể mang theo được gì? Tiền bạc, danh vọng, của cải, và kể cả kiến thức chăng?” Câu hỏi đó chợt hiện lên trong đầu con, và con biết câu trả lời là không. Vậy mà con lại lao vào cuộc sống, lao vào những cái mình không thể mang theo…

Con vui mừng khi nghĩ rằng chưa quá muộn để con có thể bắt đầu lại, để con có thể quay về…

Con ôm bó hoa huệ trắng ấy, run run bước tới bàn thờ Thánh Giuse, đôi mắt con ướt nhòa chẳng nhìn rõ gương mặt của Ngài nữa, con cúi đầu xuống và dường như một thói quen, con lại nói: “Ông Giuse ơi! Con đây!”.

Mã số bài: V-018

VƯƠN

Tình yêu từ đâu ra? Ai cũng biết, và nếu có ai hỏi họ sẽ trả lời thật nhanh không cần suy nghĩ: “Từ trái tim của mình”. Khi người nam cũng như nữ đến tuổi dậy thì, tự bản thân họ đón nhận và tìm đến với tình yêu, không phải nhờ người khác nhắc bảo hay xui khiến. Rồi cả hai đi tìm nửa còn lại của mình, họ làm đủ mọi cách để chiếm hữu được người mình yêu thương.

Nhưng không phải thời nào tình yêu cũng đơn thuần. Chính vì thế, nhiều người trẻ họ không cần dè dặt, như báo chí, phim ảnh đã cảnh báo… Ngay cả trong đời thường, họ sống buông thả, theo trào lưu xã hội cho nên đã đánh mất bản tính con người của mình. Nếu có cố gắng đứng dậy sau những lần vấp ngã, thì vết sẹo trong tâm hồn khó mà quên được! Thật ra, không phải bạn trẻ nào cũng sống vô kỷ luật, hay chỉ biết hưởng thụ ở đời này. Có nhiều bạn đã vượt lên chính bản thân, gia đình để tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, can đảm đoan hứa sống độc thân theo gương Thầy Chí Thánh; nhất là theo gương Thánh Giuse, người sống rất gần với chúng ta.

Thánh Giuse là ai? Ngài đã sống như thế nào?

Thánh Giuse, sống nuôi thân bằng nghề thợ mộc tại một làng quê nghèo Nagiaret, là một thanh niên như bao thanh niên, đến tuổi trưởng thành cũng kết hôn để xây dựng một gia đình như mọi gia đình. Nhưng Ngài được Thiên Chúa chọn làm cha nuôi dưỡng Chúa Cứu Thế. Đây là một nhiệm vụ quan trọng Chúa giao cho Ngài, nhiệm vụ bảo vệ đức trinh khiết của Mẹ Maria, người bạn đời của mình, điều đó không dễ gì đối với bạn trẻ chúng ta thời nay, cũng không dễ gì đối với Thánh Giuse! Vì Đức Maria là bạn và là người đã đính hôn với Thánh Giuse trong xã hội Do thái thời bấy giờ.

Chúng ta đừng quên rằng Thánh Giuse vẫn là người thanh niên đầy cá tính và cũng có tình cảm như các bạn trẻ hôm nay, nhưng sao Ngài lại giữ được sự trinh khiết? Có phải Ngài được mệnh danh là người công chính? Thánh Giuse là người công chính nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc âm. Cuộc đời của Ngài được bắt đầu bằng một giấc mơ, để rồi những tháng ngày kế tiếp vẫn tiếp tục trong giấc mơ triền miên, không phải một giấc mơ của mộng ảo phù du, nhưng là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực. Mặc dầu Ngài đã được Thiên Chúa chọn, để đưa Chúa Cứu Thế - con của Đức Maria - vào dòng họ David, và được Chúa mặc khải cho biết những mầu nhiệm lạ lùng khó tin, nhất là sự đồng trinh của Mẹ Maria và sự đầu thai vô nhiễm của Chúa Giêsu. Nhưng Ngài hoàn toàn tín thác vào kế hoạch của Thiên Chúa, và trung thành chu toàn bổn phận của một người chồng và người cha…

Ngày nay, sống độc thân giữ đức Khiết tịnh là một thách đố, vẫn biết Thiên Chúa ban tặng ơn huệ sống trinh khiết cho ai, và mời gọi con người bước vào con đường nào thì Người cũng ban ơn giúp họ sống cho trọn. Vì thế người sống đời độc thân hãy trung thành với lời đoan hứa, hãy biết trông cậy vào ơn Chúa, noi gương Thánh Giuse, khi không còn gì để trông cậy, nhưng Ngài đã trông cậy.

Cho dù sống trong đời tu trì hay hôn nhân ai cũng có trái tim để yêu thương, nhưng trong đời sống tu trì mỗi người hãy biết dựa vào sức mạnh của Chúa, đừng tự phụ vì sức riêng của mình. Và để giữ được đức khiết tịnh toàn vẹn, bổn phận của mỗi người phải tạo cho mình có một kỷ luật sống, quy hướng mọi khả năng, tình cảm ý chí, ngay cả tình yêu về Thiên Chúa, và dùng thời giờ vào việc phục vụ tha nhân. Có như vậy mới mong vươn mình lên khỏi những khuynh hướng mà đời sống tu trì không cho phép….

Ở đây hình ảnh cây huệ được dùng để nói lên sự trinh khiết. Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta có thể thấy rằng: Cây huệ dù có trồng nơi sỏi đá, dù những ngày trong năm có bị lãng quên, nhưng đến mùa ra hoa, cây huệ đã chiến đấu thoát khỏi nơi khô cằn để vươn lên. Cũng vậy, Thánh Giuse trước kia Ngài cũng chiến đấu, Ngài cũng có những dằn vặt suy tư, nhất là khi biết người bạn của mình mang thai mà không biết lý do, đã định bỏ đi một cách kín đáo…

Còn chúng ta, có dám đứng lên chiến đấu với bản thân, giữa xã hội đầy nhiễu nhương, để sống trọn vẹn với lời đoan hứa, mà chúng ta đã tình nguyện. Để nói cho thế giới biết giữa một xã hội vẫy mời, còn có những người dám lội ngược giòng để làm chứng cho Nước Trời ở dưới trái đất nầy?

&

BẢN THỂ LỆ ĐÃ CẬP NHẬT

CUỘC THI VIẾT TÔN VINH THÁNH GIUSE

VÀ CỔ VÕ ĐỨC KHIẾT TỊNH

Vừa qua, nhân lễ trao giải cuộc xướng họa Sen Giữa Lầy, các tác giả hiện diện trong buổi giao lưu tại Trung tâm Mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn chiều 29-7-2010 đã nhất trí, để đóng góp thêm vào các thành quả của Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam, sẽ mở cuộc thi viết trên mạng mang tên CUỘC THI VIẾT TÔN VINH THÁNH GIUSE VÀ CỔ VÕ ĐỨC KHIẾT TỊNH.

Cuộc thi được đặt dưới sự bảo trợ của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Chủ đề và thể lệ cuộc thi được ấn định như sau.

I. CHỦ ĐỀ

+ Cuộc thi viết mang tên “NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI”, với nội dung TÔN VINH THÁNH GIUSE VÀ CỔ VÕ ĐỨC KHIẾT TỊNH.

+ Cuộc thi viết lần trước đã nhìn lên gương khiết tịnh của Mẹ Maria, lần này sẽ nhìn lên gương Thánh Giuse. Nghệ thuật thường diễn tả sự chín muồi tâm linh của thánh nhân bằng những nét của người cao tuổi nhưng thật ra Thánh Giuse là một người trẻ giữa những người trẻ ở tuổi lập gia đình, xưa cũng như nay.

+ Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, còn Thánh Cả Giuse cũng vướng mắc tội tổ tông truyền như chúng ta. Như thế Ngài rất gần gũi chúng ta trong thân phận tội lụy và cuộc chiến đấu của Ngài cũng gần gũi với cuộc chiến đấu của chúng ta hơn.

+ Lần trước, biểu tượng đức khiết tịnh được lấy theo kinh nghiệm Việt Nam: hoa sen. Lần này cuộc thi dùng biểu tượng truyền thống của Giáo hội Công giáo là hoa huệ.

“Làm chủ được bản năng và chiến thắng được đam mê, bạn trẻ sẽ thành người giàu nghị lực, sớm thành đạt. Điều ấy bạn trẻ đã biết, thế nhưng truyền thông, quảng cáo, phim ảnh đang liên kết thành một đạo quân có vẻ bách chiến bách thắng, nội lực của bạn trẻ thật mong manh yếu ớt, làm sao đứng vững được trước những tấn công dồn dập đến thế? Hơn nữa, trong thực tế, có thể những tấn công ấy đã đã khiến ta bị vấy bùn và bị tổn thương trầm trọng. Lắm khi nó gây ấn tượng mãnh liệt khiến ta có cảm tưởng sẽ phải chào thua cả đời, không sao thắng vượt được. Chính ở đây ta cần đến sự khôn ngoan của hoa huệ: Ngoi lên khỏi bùn, nó vươn cao thật cao. Nơi hoa huệ ngoài đồng, dù ếch nhái có nhảy xuống bùn, bùn cũng không bắn lên cao tới bông hoa được. Trong cuộc chiến tâm linh, cái vươn cao của hoa huệ là vươn đến Chân Thiện Mỹ Tuyệt Đối tức là Thiên Chúa. Ta không dựa vào sức riêng nhưng dựa vào ơn Chúa. Người môn đệ của Chúa Giêsu quyết vươn cao nhờ đức tin, đức cậy và đức mến. Chính tình yêu của Ngài cuốn hút ta vượt lên không ngừng, thoát khỏi mọi vấn vương tục luỵ.” (Trăng Thập Tự, lời dẫn vào tuyển tập Sen Giữa Lầy)

Tóm lại, cuộc thi nhằm hỗ trợ chương trình cổ võ đoan hứa khiết tịnh theo gương Thánh Cả Giuse trong cuộc sống độc thân, cuộc sống tiền hôn nhân cũng như cuộc sống gia đình – với hình ảnh hoa huệ.

II. THỂ LỆ

1. Cuộc thi sẽ có bốn bộ môn: văn xuôi, kịch bản, thơ mới và xướng họa thơ Đường luật.

- Văn xuôi: dài không quá 800 từ (tối đa là 1 trang A4 và ¼ - trừ lề như định sẵn trong máy vi tính), chữ Times New Roman 12 hoặc VNI-Times 11. Có thể là truyện, suy tư, tùy bút, ký sự.

- Kịch bản: dài không quá 4 trang A4, chữ Times New Roman 12 hoặc VNI-Times 11.

- Thơ mới, lục bát và song thất lục bát: Không quá 24 câu.

- Thơ Đường: Cuộc xướng hoạ sẽ được chấm theo các chuẩn mực của thơ Đường nhưng ở đây không nhắm so tài mà chỉ nhắm giao lưu giữa các tác giả, tôn vinh Thánh Giuse và cổ võ Đức Khiết Tịnh. Bài dự thi tối thiểu phải họa đủ 5 vần, đúng luật bằng trắc và có hai cặp đối.

2. Bài xướng thơ Đường:

Bài Huệ Trắng của tác giả Dzuy Sơn Tuyền:

Giuse gương sáng bậc làm cha,

Huệ trắng thơm hương khắp mọi nhà.

Nghèo khó thanh bần, nơi cõi thế,

Trinh trong khiết tịnh, chốn phong ba.

Dưỡng nuôi Con Thảo, tròn Thiên ý,

Chăm sóc Bạn Hiền, đẹp Thánh gia.

Luôn giữ tinh tuyền, con nguyện hứa

Dâng về Cha Thánh, khúc hoan ca.

3. Mỗi bộ môn sẽ có 16 giải:

- một giải nhất: 10.000.000 $VN

- hai giải nhì, mỗi giải 6.000.000 $VN

- ba giải ba, mỗi giải 4.000.000 $VN

- 10 giải triển vọng, mỗi giải 1.000.000 $VN

4. Mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt niềm tin, tuổi tác, nam nữ. Mỗi người có thể dự thi nhiều bộ môn với nhiều bài dự thi.

5. Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi attach file với định dạng. doc (word), không nhận bài gởi qua đường bưu điện.

6. Email dự thi xin ghi rõ: Dự thi Nhánh Huệ Nước Trời. Mỗi lần gởi chỉ đính kèm một bài dự thi, đính kèm hai bài trở lên là bất hợp lệ. Để tiện liên lạc khi trao giải, cuối mỗi bài dự thi xin ghi rõ: tên thật, bút danh, email, địa chỉ nhà và số điện thoại. Dù đã gởi nhiều email dự thi, cuối mỗi bài đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được dự thi.

7. Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gởi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.

8. Địa chỉ nhận bài, xin gởi cùng lúc về 3 điện chỉ email:

gopnhattho@yahoo.com, vuonoliu@gmail.com và dongxanhtho@gmail.com

9. Thời gian nhận bài: Từ nay đến hết ngày lễ Thánh Giuse 19-3-2011.

10. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố ngày 01-5-2011.

11. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 7-2011, tại ba địa điểm thuộc ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn – ngày giờ và địa điểm cụ thể sẽ được thông báo sau.

12. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên www.dunglac.org, trang www.huongvedaihoidanchua.net và những trang mạng ủng hộ chương trình này.

11. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.

Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc cho cuộc thi xin gởi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn – Email: gopnhattho@yahoo.com – Điện thoại: 0935-424-449.

Chúng tôi cũng ước mong có thêm quà tặng đặc biệt bằng sách gởi đến những người đạt giải (64), các vị giám khảo (24) và những người phục vụ khác trong cuộc thi (6). Những vị nào có nhã ý tặng sách, xin gưởi 94 bản, có đề tặng và chữ ký của tác giả. Sách xin gởi về: Bà Võ Thị Hiếu 355 Hòa Hảo, F. 5, Q. 10, TPHCM. Chân thành cám ơn.

Qui Nhơn, ngày 8-9-2010

TM Ban Tổ Chức

Lm Trăng Thập Tự

Chuẩn thuận:

Phan Thiết, ngày 11- 9-2010

+ Giuse Vũ Duy Thống

Giám Mục Phan Thiết

Chủ Tịch UBVH-HĐGMVN

Cập nhật các chi tiết:

Các chi tiết về thời hạn nhận bài, ngày công bố kết quả, ngày trao giải, mở rộng thể loại thơ và văn xuôi trong văn bản trên đây đã được cập nhật theo quyết định của Ban Tổ Chức ngày 12-12-2010.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thiên Thần Hát Mừng Giáng Sinh
Vũ Đình Huyến, Lm
22:15 21/12/2010
THIÊN THẦN HÁT MỪNG GIÁNG SINH

Ảnh của Vũ Đình Huyến, Lm (CMC)

Chuông vang, lay động mọi đóa trầm

Đàn ca thánh thót quyện hòa âm

Ngân nga, réo rắt, mừng khôn tả

Máng cỏ đơn sơ đỡ Chúa nằm !

(Trích thơ của Giuse Nguyễn Hữu Đạt)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền