Ngày 21-12-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:52 21/12/2013
TU ĐỨC.
N2T

Có người hỏi sư phụ: “Tu đức là gì ?”
Sư phụ nói: “Không ngừng chuyển hoá nội tại của con người, đó là tu đức”.
- “Nếu con dùng phương pháp của sư phụ truyền dạy, tức không phải là tu đức ?”
- “Nếu trong nội tâm của con không phát sinh tác dụng, tức không được coi là tu đức. Một tấm thảm không làm cho con được ấm áp, tức không phải là tấm thảm”.
- “Tu đức có thay đổi không ?”
- “Người thay đổi, cần thiết cũng phải thay đổi. Cho nên, tu đức trước đây không còn là tu đức; cái gọi là kinh nghiệm tu đức, nói trắng ra, chẳng qua là ghi chép lại phương pháp của (tu đức) trong quá khứ”.


Suy tư:
Khi một tu sĩ sống không xứng đáng với chức phận của tu sĩ, thì người ta nói: không có tu đức; khi một linh mục sống không xứng đáng với thiên chức linh mục, thì người ta phê bình: không có tu đức hoặc là thiếu tu đức.
Tu đức không có gì mới lạ, chỉ là ghi chép lại phương pháp và kinh ghiệm của các bậc thánh nhân trong quá khứ dể đạt tới sự toàn vẹn cho thân xác và linh hồn, nói tắt một lời là: nên thánh.
Tu đức là phương pháp giúp cho con người ta, theo thứ bậc và bổn phận của mình để nên thánh, tức là giúp con người ta sống hài hòa với Thiên Chúa và con người, cho nên có tu đức dành cho bậc linh mục, có tu đức dành cho bậc tu sĩ, có tu đức dành cho bậc giáo dân.
Tu đức thì không thay đổi, nhưng con người thì luôn thay đổi bởi hoàn cảnh của cuộc sống. Cái tâm con người ta cứ quay cuồng trong cơn lốc của hưởng thụ thế gian mà lạc đường lạc hướng, nên tu đức như kim chỉ nam luôn chỉ hướng bắc là hướng về Thiên Chúa, để dẫn đường cho họ đi đúng hướng cần phải đi, là hướng đến Thiên Chúa và sống chan hòa với tha nhân.
------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:54 21/12/2013
Chúa Nhật 4 MÙA VỌNG

Tin mừng : Mt 1, 18-24
“Đức Giê-su sinh làm con bà Ma-ri-a. Bà đã thành hôn với ông Giu-se, con cháu vua Đa-vít”.


Anh chị em thân mến,
Mùa vọng sắp kết thúc, mùa giáng sinh sắp đến, mọi người đang hân hoan chờ đợi ngày đại lễ giáng trần của Con Thiên Chúa –Đức Chúa Giê-su Ki-tô- với tất cả tâm tình vui tươi và hy vọng. Trong niềm hân hoan ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em mấy điều này :

1. Đừng ngại nhận Ma-ri-a làm vợ.
Được gọi là người công chính, tất nhiên là người có cuộc sống rất đạo đức thánh thiện, cho nên không lạ gì mà thánh Giu-se đã rất buồn khi thấy Mẹ Ma-ri-a mang thai ngoài ý muốn, cho nên thánh Giu-se rất buồn, cái buồn của người công chính.

Buồn, nhưng là người công chính nên thánh Giu-se âm thầm quyết định phải ra đi mà không muốn tố cáo Ma-ri-a, đó là hành động của người công chính, nhưng Thiên Chúa đã can thiệp kịp thời và đúng lúc vì đó là việc của Ngài. Thiên thần nói: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về...” . Người công chính thì dễ dàng nghe được thánh ý của Thiên Chúa qua hoàn cảnh, qua cuộc sống, qua nơi những người mà mình tiếp xúc, thánh Giu-se đã nghe và đã vui lòng đón nhận bà Ma-ri-a làm vợ mình...

Càng đau khổ thì niềm vui càng nhân lên gấp bội, đó là niềm vui của thánh Giu-se, trong đau khổ biết nghe được tiếng của Thiên Chúa và thực hành lời của Ngài, đó là người công chính; đau khổ của người công chính đã trở nên niềm vui vì đã biết để cho ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong nghịch cảnh của đời mình.

2. Đừng ngại đối thoại với người mình không thích.
Dưới ánh sáng của Tin Mừng hôm nay và qua bài học phó thác trong tay Thiên Chúa của người công chính –thánh Giu-se- chúng ta nhận ra được niềm vui trong đau khổ của người công chính, đó là chấp nhận người anh em như là một món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Có rất nhiều lúc chúng ta tự cho mình là người công chính mà khinh thường tha nhân khi họ phạm lỗi, từ thái độ khinh thường ấy chúng ta xa lánh người anh em chị em của mình, không thèm trò chuyện với họ, không muốn nghe lời góp ý và chia sẻ của họ, đó không phải là thái độ của người công chính nhưng là thái độ của người kiêu ngạo.

Đừng ngại đối thoại với những người mà mình cho là tội lỗi, nhưng học theo gương lành của thánh Giu-se, mau mắn chấp nhận và đón họ đồng hành với mình trong cuộc sống hằng ngày, bởi vì Con Thiên Chúa đã chấp nhận sinh ra trên trần gian là để cùng đồng hành và chia sẻ với con người những vui buồn, hạnh phúc cũng như đau khổ...

Anh chị em thân mến,
Chỉ còn mấy ngày nữa là chúng ta hân hoan đón mừng ngày trọng đại “làm người của Con Thiên Chúa”, mọi trang hoàng nhà thờ, làm hang đá tráng lệ đẹp đẽ, hoạt cảnh thiên thần mục đồng cũng đã chuẩn bị xong và chỉ chờ ngày ấy đến, mọi người đều nô nức chờ đợi...

Nhưng quan trọng hơn đó là sứ điệp của thánh Giu-se trong những ngày cuối mùa vọng này: mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để đón Thiên Chúa đến, cũng có nghĩa là, chúng ta hãy làm cho tâm hồn của chúng ta trở thành hang đá để Giê-su Hài Nhi sinh ra, bằng cách chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa đón nhận tha nhân như đón nhận chính Con Thiên Chúa giáng trần.

Có những tâm hồn đau khổ đang chờ đợi chúng ta nói lời tha thứ, có những tâm hồn đang chờ đợi chúng ta đem niềm vui và hy vọng đến cho họ...

Cửa trời đã mở và mưa ân sủng đã đổ xuống trên trần gian, nhưng tin vui Con Thiên Chúa giáng trần đang bị chận lại không bay tới nơi các tâm hồn vì những kiêu căng và gương xấu của chúng ta...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:01 21/12/2013
N2T

12. Ai muốn khắc phục sự phẫn nộ thì nên có khát vọng vô hạn bị sỉ nhục, trái lại luôn khát vọng vô hạn được tôn vinh, thì không hồ nghi gì cả, chính là tham hư danh.

(Thánh John Climacus)
-----------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:28 21/12/2013
XIN CHA CƯỜI

Ban đại diện giáo xứ đã họp xong, cha sở thân tình trò chuyện với mọi người về những công việc của các ban ngành trong giáo xứ, một giáo dân nói:

- “Thưa cha, cha làm việc gì cũng có kế hoạch, chúng con rất nể phục, có một việc chúng con xin cha giúp... ”

Cha sở cười vui, hỏi: “Tôi sẽ giúp chuyện gì ?”

- “Xin cha cười nhiều nhiều, vì thấy cha lúc nào cũng nghiêm khắc ngay cả tụi con cũng không dám đến thưa chuyện với cha, huống hồ là tụi thanh niên và trẻ em...”

Cha sở nghe phảng phất đâu đây lời của Tôi Tớ Chúa Hồng Y Nguyễn Văn Thuận: “Một vị thánh không biết cười là một vị thánh buồn bã... làm phép lạ trái giờ trái ngày…”

-------------

http://nhantai.info

http://www.vietcatholic.net/nhantai

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
CN 4a MV : Thánh Giuse, chuyên viên mơ mộng.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:38 21/12/2013
Đời vua Trang Tông bên nước Tề, có một người tên là Tân Ti Tụ, đêm nằm mơ thấy một người to lớn mặc quần gai, áo vải, đội mũ trắng, đi giày mới, đeo thanh gươm, tự dưng đi vào nhà rồi nhổ vào mặt. Ông ta giật mình, sực tỉnh dậy, tuy biết là chuyện chiêm bao, nhưng ông ta vẫn tức, ngồi suốt đêm lấy làm bực dọc khó chịu.

Sáng hôm sau, ông ta mời một người bạn thân đến và nói rằng: “Bác ơi ! từ thuở bé đến giờ tôi vẫn là người hiếu dũng, đến nay đã 60 tuổi, chưa phải đứa nào làm nhục bao giờ. Thế mà đêm qua bị một đứa nó làm nhục, tôi định tìm kỳ được đứa ấy, báo thù mới thôi. Nếu tôi tìm thấy nó thì hay, nếu không tìm thấy thì tôi chết mất”.

Rồi từ hôm đó sáng nào ông cũng cùng người bạn ra đứng ngoài đường cái để rình. Rình đã ba ngày mà vẫn không thấy, ông ta về nhà uất lên mà chết.

Truyện kể rằng: ngày nọ Trang Chu (Trang Tử) nằm mộng thấy mình hoá bướm. Tỉnh dậy, ông nghi ngờ, chẳng hay bướm hoá thân thành Trang Chu hay Trang Chu biến thành bướm !

Chẳng bao lâu sau biến cố mùa xuân 1975, có bà cụ kia đã nhờ người đào bới mấy ngôi mộ của quân nhân Miền Nam được chôn chất trong một nghĩa trang cạnh nhà, vì lý do đêm qua bà nằm mơ thấy có người đến mách bảo là dưới những ngôi mộ ấy, ngoài những thi thể mục rữa là cả mấy kho tàng vàng bạc châu báu. Người ta đào mãi nhưng rốt cuộc cũng chỉ tìm thấy những đất cốt đen sậm khô khốc…

Tin Mừng Mát-thêu cũng thuật lại sự kiện ba lần ông Giu-se nằm mơ thấy Thiên Sứ Chúa hiện đến báo mộng. Một lần Thiên Sứ đến báo tin ông hãy đón nhận cô Ma-ri-a bạn ông về làm vợ (Mt 1, 20). Lần kia Thiên Sứ xuất hiện để báo tin cho ông hãy dậy đưa bà Ma-ri-a và con trẻ trốn sang Ai-cập vì Hê-rô-đê đang tìm giết hại con trẻ (Mt 2, 13) và lần nọ khi báo mộng đưa trẻ từ Ai Cập trở về.

Từ những giấc mộng trên chúng ta thử phân tích

Theo các nhà tâm lý thì con người ta không đêm nào không nằm mộng, thế nhưng khi tỉnh giấc chúng ta chỉ có thể nhớ những giấc mộng xảy đến gần với khi ta vừa tỉnh giấc mà thôi. Còn những giấc mơ xảy ra từ lúc ta vừa ngả lưng ngon giấc hoặc xảy đến xa với lúc tỉnh giấc thì nó đã không được bộ nhớ của ta lưu giữ.

Vẫn theo các nhà tâm lý, thì mộng là một hiện tượng lặp lại của trí nhớ. Người ta không thể mộng thấy những gì mà trong thực tế người ấy chưa một lần thấy hay chưa một lần tưởng tượng. Nhưng có người sẽ phản đối : “Hôm qua tôi mơ điều mà tôi chưa nghĩ tới bao giờ : lái xe hơi.” Chẳng qua những điều ta đã nghe, đã thấy, đã tưởng tượng đó theo ngày tháng đã đi vào vô thức khiến ta có cảm tưởng những gì trong giấc chiêm bao đêm qua ta gặp là những gì mới mẻ đó thôi. Nhất là những gì người ta khao khát, ước ao thì đêm về người ta sẽ thấy nó lặp lại trong giấc chiêm bao: người ta sẽ gặp lại người yêu, hay được một ai đó đến cho một số tiền, hoặc cả sự hận thù trả oán người khác... tất cả đều tuỳ thuộc ở những suy nghĩ, tưởng tượng, ao ước của ta trong thực tế đời thường.

Vì thế, nhiều nhà tâm lý cũng khuyên chúng ta trước khi đi ngủ không nên xem các phim ảnh bạo lực, đọc sách báo xấu. Cũng vì những lý do đó mà các nhà tu đức đã không ngừng khuyên ta nên đọc một vài kinh hay một đoạn Thánh kinh trước khi đi ngủ.

Trở lại vấn đề, như thế, chắc chắn trong thực tế ông Tân Ti Tụ kia đã ít nhất một lần trong đời bị một kẻ nào ấy mạ lị, hay chính ông đang mang một mối thù oán đối với ai đó mà hình ảnh người này nay đã rơi vào vô thức, bất chợt trong giấc mơ nó hiện lên đó thôi. Cũng như cụ bà kia, vì thân phận nghèo khổ ngày qua tháng lại bương chải với cuộc sống nhưng vẫn không đủ ăn, nên đã từng mơ ước, tưởng tượng ra những kho báu dưới mấy ngôi mộ kia như thể đó là một thực tế.

Như thế ta lý giải sao đối với những giấc chiêm bao của Thánh Giu-se trên đây. Những giấc mơ đó có thật chăng hay cũng chỉ là sản phẩm của một niềm mơ ước, là thành qủa của một nỗi khao khát chờ mong Đấng Cứu Thế từ bấy lâu nay ?

Có 2 điểm giống nhau giữa giấc mơ của Tân Ti Tụ và cụ bà kia với cha nuôi của Giêsu, và có 2 điểm khác nhau.

Hai điểm giống nhau

1. Đó là có nuôi những suy nghĩ trước, như các nhà tâm lý đã phân tích. Giuse suy nghĩ đắn đo : bên tình bên lý. Khi trốn qua Ai Cập, chắc hản Giuse ngày đêm nghĩ đến giá mà ngày nào đó được đưa Ấu Vương và mẹ Người về lại quê nhà… Thế là sứ thần báo mộng.

2. Và cái giống nhau kỳ thú hơn, là cả ba trỗi dậy thi hành ngay những gì giấc mơ bảo : Tân Ti Tụ cầm gậy đón đường người mình thấy trong mộng. Bà cụ già kia thì thuê ngay người đào tìm mỏ vàng cạnh nhà. Còn Giuse trỗi dậy nhận Maria về nhà mình ; dậy đưa con trẻ trốn ; và dậy đưa Ấu Chúa hồi hương. Nhưng cái khác nhau là căn bản.

Hai điểm khác nhau

1. Ông Tân Ti Tụ đã thực hiện theo giấc mơ mình gặp nhưng vẫn không hề gặp được người trong mộng. Cụ bà kia vẫn thực hiện theo sự chỉ vẽ của giấc mơ nhưng kết quả là vàng trong mộng, mộng về vàng. Ta nhiều khi nằm mơ và sáng ngày cũng thực hiện ngay điều giấc mộng cho thấy. Thấy con cá trắng đi đánh số 1, 41, 81, thấy con dê đi đánh 35, 75, thấy con heo đánh số 07, 47…, mà chẳng thấy đúng như vậy, bởi nếu đúng như vậy thì những người mua số đề đã xây nhà lầu cao vút trung tâm thành phố đây.

Còn Giuse cũng thực hiện ngay điều giấc mộng bảo, và thực tế đúng như vậy. Nói theo kiểu nói dân gian là “linh.” Bởi thế, phải hiểu đó là một cuộc gặp gỡ giữa Giuse và Thần Linh Thiên Chúa qua trung gian Sứ Thần của Người. Hay nói cách khác đây là một cuộc tiếp xúc trong một giờ cầu nguyện khi mà Thánh Cả Giu-se đang trong một cơn xâu xé nội tâm.

Nói tóm lại, giấc mộng của Thánh Giu-se không phải là một giấc mộng tâm lý bình thường như những giấc mộng khác của bao người. Nhưng đúng hơn, phải nói theo ngôn ngữ của sách Khải Huyền thì đây là những “thị kiến ban đêm.”

2. Cái khác thứ hai chứa đầy hương vị Kinh Thánh giữa các giấc mơ chúng ta phân tích, đó là “tên” người mơ khác nhau. Tân Ti Tụ và bà cụ kia, cùng Trang Chu tiên sinh không phải là Giuse. Phải là Giuse, người Do Thái, dòng tộc vua Davit, thì mới có những giấc mộng như thế được. Lý do :

Trong các Sách Tin Mừng, có nhiều cuộc truyền tin : truyền tin cho Maria, thì ban ngày, có lẽ đang đan áo. Cho Zacaria thì đang cầu nguyện, cũng ban ngày, trong đền thờ trước hương án… Matthêu khi thuật lại cuộc truyền tin cho Giuse, thì lồng vào giấc mộng, cả 3 lần, lần nào cũng báo mộng, là để nhắc cho dân Do Thái biết về một ông tổ của giấc mộng mang tên Giuse, con cưng của Giacop và nàng Raken. Tổ phụ Giuse đã bị anh em chế nhạo là “kẻ mơ mộng” vì ông đã kể ra mình nằm mơ thấy bó lúa của các anh em cúi xuống thần phục bó lúa của mình ; và trong một giấc mơ khác ông thấy mặt trời, mặt trăng, và 11 ngôi sao cúi mình trước mặt ông (St 37:5-9). Rồi khi bị bán qua Ai Cập, Giuse giải mộng cho 2 vị quan bị giam, và cuối cùng giải mộng lúa lép nuốt lúa mập, 7 bò gầy trơ xương nuốt gọn 7 con bò mập ú, để báo trước : sau 7 năm được mùa sẽ là 7 năm đói kém kinh khiếp, hơn cái đói năm Ất Dậu 45 ở Bắc Nước Ta, khiến Ai Cập chuẩn bị kịp và Giuse lên ngôi tể tướng.

Vậy giờ đây, một Giuse khác, con vua Đavit xuất hiện, và điểm chung với Giuse tổ phụ kia cũng chính là báo mộng. Tên cúng cơm là Giuse thì gắn liền với mơ mộng.

Ta có nên ao ước noi gương Giuse để được Chúa cho biết ý của Ngài qua giấc mộng hay không ?

Chắc là không. Bởi vì như ta vừa phân tích, tối thiểu phải mang tên Giuse mới được. Cựu Ước biết bao nhiêu lần Chúa tỏ cho biết ý Chúa, nhưng trong giấc mộng không nhiều đâu. Chỉ Giuse, tổ giấc mộng là rõ nhất. Phải Giuse mới được, vậy chọn tên thánh Giuse đủ chưa, chưa đủ, phải dân Semit nữa kìa !

Nhưng lý thứ hai này mạnh hơn chắc là không cần noi gương Giuse tìm ý Chúa trong giấc mộng : Mộng để làm gì ? Để biết ý Chúa. Không ai biết ý Chúa Cha và thực thi ý của Chúa Cha như người Con giáng sinh làm người. Vậy là với những lời người Con, là Lời, nói trong sách Tin Mừng thì đã đủ biết ý Chúa rồi, cần gì mộng mơ. Còn nếu muốn thoả lòng các nhà tâm lý, họ nói giấc mơ phản ánh những gì mình ấp ủ trong ngày, thì trong ngày và nhất là trước khi ngủ, hãy đọc Lời Chúa, để trong giấc mơ ta thấy được ý Chúa mà ta suy gẫm trong ngày.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Ba quả táo - Lễ Giáng Sinh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:55 21/12/2013
BA QUẢ TÁO LỄ GIÁNG SINH

Một bạn giáo lý viên mới mua điện thoại iphone, đến khoe và hỏi tôi: tại sao quả táo trên iphone bị khuyết mất một góc? Tôi lên google tìm câu trả lời và thú vị biết thêm mấy quả táo đặc biệt nữa.

Trong lịch sử nhân loại có ba quả táo nổi tiếng liên quan đến đời sống con người. Đó là quả táo của bà Evà trong trình thuật sách Sáng thế, quả táo của Newton trong định luật vạn vật hấp dẫn và quả táo của hãng Apple qua ứng dụng ipad iphone không ngừng cải tiến.

1. Quả táo Newton

Isaac Newton (1642-1727) là nhà vật lý, toán học nước Anh, người được thế giới tôn là "người sáng lập ra vật lý học cổ điển". Ông đã khám phá ra "Nguyên lý vạn vật hấp dẫn". Đây là nguyên lý cơ sở cho những phát minh vật lý học, cơ học, thiên văn học trong nhiều thế kỷ.

Vào một ngày mùa thu, Newton ngồi trên chiếc ghế trong vườn hoa đọc sách, bỗng nhiên một quả táo từ cây rơi xuống "bịch" một tiếng trúng đầu Newton. Ông xoa đầu, nhìn quả táo chín lăn xuống vũng bùn. Quả táo đã cho ông một gợi ý làm ông nghĩ miên man.Quả táo chín rồi, tại sao lại rơi xuống đất? Tại vì gió thổi chăng? Không phải, khoảng không rộng mênh mông, tại sao lại phải rơi xuống mà không bay lên trời chứ? Như vậy trái đất có cái gì hút nó sao? Mọi vật trên trái đất đều có sức nặng, hòn đá đã ném đi rốt cuộc lại rơi xuống đất, trọng lượng của mọi vật có phải là kết quả của lực hút trái đất không?

Sau này Newton nêu ra: mọi vật trên trái đất đều chịu sức hút của trái đất, mặt trăng cũng chịu sức hút của trái đất, đồng thời trái đất cũng chịu sức hút của mặt trăng; trái đất chịu sức hút của mặt trời, mặt trời đồng thời cũng chịu sức hút của trái đất. Nói một cách khác là vạn vật trong vũ trụ đều có lực hấp dẫn lẫn nhau. Vì có loại lực hấp dẫn này mà mặt trăng mới quay quanh trái đất, trái đất mới quay quanh mặt trời.

Chuyện quả táo rơi xuống đất chứng tỏ trái đất có lực hút quả táo, đương nhiên quả táo cũng có lực hút của trái đất, nhưng lực hút của trái đất đối với quả táo lớn nên quả táo rơi xuống đất. Nếu ta coi mặt trăng là một quả táo khổng lồ, như vậy trái đất cũng có lực hút nó, vậy tại sao nó không rơi xuống mặt đất? Vì mặt trăng là một quả táo lớn, sức hút của trái đất đối với nó không đủ để làm nó rơi xuống đất, chỉ có thể làm nó quay quanh trái đất mà thôi. Đối với mặt trời thì trái đất cũng là một quả táo khổng lồ, nó quay quanh mặt trời.

Vào buổi tối khi nhìn lên bầu trời thấy vô vàn những vì sao đang nhấp nháy, giữa chúng đều có lực hút lẫn nhau. Đây chính là định luật "Vạn vật hấp dẫn" nổi tiếng của Newton.

2. Quả táo Steve Jobs

Apple Inc là tập đoàn công nghệ máy tính của Hoa Kỳ.Theo số liệu khảo sát đầu năm 2013 của IDC, Apple đã trở thành hãng điện thoại lớn thứ nhất thế giới, đứng trước Nokia và Samsung. Hàng của Apple nổi tiếng là đẹp, vừa toát lên vẻ hiện đại, kỹ nghệ cao, vừa tiện dụng. Logo đầu tiên của hãng do Steve and Wayne thiết kế năm 1976 vẽ hình nhà vật lý Isaac Newton ngồi dưới gốc cây táo và có dòng chữ Apple Computer Co quấn quanh.Sau đó, logo đã được thay đổi bởi nhà thiết kế Rob Janoff với một quả táo màu cầu vồng (vì nó có nhiều màu sắc) và bị cắn một bên phải được cho là để kỷ niệm sự kiện khám phá lực hút trái đất và sự tán sắc ánh sáng của Isaac Newton.Qua vài năm, logo Apple xuất hiện với nhiều màu sắc khác nhau và đến giờ thì chỉ sử dụng màu trắng hoặc màu crôm bạc.Theo quan niệm của người phương Tây thì táo tượng trưng cho sức mạnh, sự khám phá và cái đẹp cao quý.Còn về chi tiết quả táo bị cắn mất một miếng phía bên phải cũng có một cách lý giải khác là xuất phát từ một quả táo nguyên vẹn, nhưng Steve Jobs cho là Apple chưa thực sự hoàn hảo, và ông luôn muốn đi tìm kiếm sự hoàn hảo, coi như là một thông điệp để nhắc nhở các nhân viên phải luôn sáng tạo.

3. Quả táo Eva

Sách Sáng Thế kể về công trình sáng tạo tốt đẹp, vũ trụ chào đời, mùa xuân về theo gió, nắng phủ cho rừng lá xanh, muôn hoa xinh tươi vẫy gọi. Thiên Chúa chúc lành trao quyền làm chủ muôn loài cho Nguyên Tổ với một điều kiện duy nhất là phải tuân phục: “Mọi cây trong vườn ngươi đều được ăn. Nhưng cây ‘sự biết tốt xấu’ ngươi không được ăn, vì chưng ngày nào ngươi ăn nó, tất ngươi phải chết” (St 2,16-17).

Ađam, Evà phơi phới trong hạnh phúc mùa xuân địa đàng.Thế rồi một hôm, Evà đi dạo một mình trong vườn Eđen, ngang qua cây biết lành biết dữ. Không may gặp phải Satan quyến rũ. Lời Satan đường mật: Evà, Evà ơi, cô có muốn giữ mãi nhan sắc tuyệt vời này không? hay cô có muốn bằng Đức Chúa Trời không? Evà phản kháng: không dám đâu, không dám đâu, đừng dụ dỗ tôi, Thiên Chúa đã dặn kỹ lắm rồi. Sau một hồi đôi co lý sự, con rắn ngọt ngào: “Chẳng chết chóc gì đâu, Thiên Chúa biết ngày nào người hái quả táo ấy mà ăn mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu” (St 3, 4-5).Người thiếu nữ thấy giấc mơ đẹp như màu hồng của quả táo “nhìn thì đã thấy sướng mắt” (St 3,6). Nàng đã hái. Nàng đã ăn. Nàng chia cho chồng với ước mơ hão huyền là chồng được thông minh như Thiên Chúa.

Còn Ađam thì sao? Một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa tiếng lương tâm và lời nài nỉ của người yêu: ăn đi anh, ăn đi, đây là cơ hội ngàn vàng, cơ hội chúng ta bằng Đức Chúa Trời đó anh; Ađam đừng ăn, nếu ăn sẽ vi phạm luật Chúa truyền, đừng, xin đừng…“Và ông đã ăn” (St 3,6). Lời Thánh Kinh ngắn gọn diễn tả sự yếu đuối, nhu nhược đến sa ngã của Ađam trước cám dỗ quá ư dịu ngọt. Thôi rồi, xong hết cả rồi, còn đâu địa đàng, còn đâu ân nghĩa Thiên Chúa dành cho ngươi, Ađam ơi !

Nguyên Tổ cắn vào quả táo “Mắt họ liền mở ra và họ thấy mình trần truồng nên kết lá vả che thân” (St 3,7). Kể từ đó Địa Đàng đóng ngõ cài then. Xuân Địa Đàng đã thành mùa đông ảm đạm cho trần thế. Kinh Thánh viết về một nổi đớn đau làm sao: “Những gai cùng góc nó sẽ mọc lên cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ lả ngoài đồng nội. Mồ hôi đẫm mặt, ngươi mới có bánh ăn cho đến lúc ngươi về lại với bụi đất” (St 3,18-19).

4. Giáng sinh đất trời giao duyên

Trong ba quả táo đó thì quả táo của bà Evà có tầm vóc và mức độ ảnh hưởng sâu rộng hơn cả, không chỉ ghi dấu trên một thế hệ mà còn “gây hậu quả nghiêm trọng”đến sự tồn vong của cả nhân loại gọi là “Tội Tổ Tông”.

Nhưng cũng từ ngày quả táo Eva nhiễm nộc độc Satan, nhân loại lại được nghe vang lên lời hứa của Thiên Chúa: một người thuộc dòng giống người nữ sẽ đến giải cứu “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3,15). Một người trong dòng giống người nữ, đó là Đấng Cứu Thế (Gl 4,4). Người nữ ấy chính là Đức Maria (Lc 1,30-33). Thiên Chúa không bỏ rơi con người dưới quyền lực sự dữ.Người hứa sẽ thực hiện cứu độ con người và nhân loại. Niềm tin đó đi liền với niềm hy vọng. Nên từ đó, lời kinh cầu luôn vang vọng qua các thế hệ: “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tội. Trời cao hãy đỏ sương xuống và ngàn mây hãy mưa đấng cứu đời”.

Thiên Chúa đã nghe tiếng vọng cầu kinh. Ngài đã sai Con Một của Ngài xuống thế làm người để cứu rỗi nhân loại. Con Thiên Chúa vào đời nối lại tình người với tình thánh, làm nhịp cầu liên kết con người với Thiên Chúa và nối kết con người với nhau. Bởi vậy, Mầu nhiệm Nhập Thể chính là Mầu nhiệm Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương nhân loại nên đã ban chính Con Một của mình đến trần gian làm người để cứu nhân loại khỏi tội lỗi, để đem ơn bình an cho con người.Thánh Luca ghi lại dấu chỉ để nhận ra Tình Yêu Thiên Chúa, đó là “một Hài Nhi bọc tã, nằm trong máng cỏ”.

Trong đêm Đấng Cứu Thế Giáng Sinh, Sứ thần loan báo cho các mục đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa“ (Lc 2, 11). Khung cảnh thật đơn sơ, thanh bạch, nghèo hèn: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Dấu chỉ quá bình thường, chẳng có gì đặc biệt.

Mẹ Maria và Thánh Giuse vất vả một hành trình xa xôi từ Nadarét về Bêlem để kê khai nhân hộ khẩu.Các quán trọ khinh người nghèo hất hủi. Hài Nhi Giêsu chào đời nơi đồng hoang giá lạnh. Chẳng có ai thân thích. Chỉ có các mục đồng và bò lừa sưởi ấm.

Chẳng có gì kỳ diệu, không có gì ngoại thường, không có gì huy hoàng được trưng dẫn như một dấu chỉ cho những mục đồng.Tất cả những gì họ thấy chỉ là một Hài Nhi bọc tã, một hài nhi như bao hài nhi khác, cần sự chăm sóc của người mẹ; một Hài Nhi sinh ra trong chuồng súc vật, và như thế, không nằm trong nôi nhưng là trong máng cỏ. Dấu chỉ của Thiên Chúa là một hài nhi cần sự trợ giúp và đang sống trong nghèo khó. Chỉ bằng con tim, những mục đồng mới có thể thấy nơi Hài Nhi này sự viên mãn lời hứa của tiên tri Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai” (Is 9,5).

Dấu chỉ của Thiên Chúa thật là đơn sơ. Đó là một Hài Nhi mới sinh. Dấu chỉ của Thiên Chúa là Ngài trở nên bé nhỏ vì chúng ta. Ngài không đến với quyền lực và một bề ngoài xa hoa. Ngài đến như một hài nhi cần sự giúp đỡ của chúng ta. Ngài không muốn choáng ngợp chúng ta với sức mạnh của Ngài. Vì thế, Ngài đã hóa chính mình thành nhỏ bé. Ngài không muốn điều gì khác nơi chúng ta ngoại trừ tình yêu, qua đó chúng ta phải học biết cách tiếp cận với cảm giác, tư duy và ý chí của Ngài. Chúng ta học biết sống với Ngài và thực hành với Ngài sự khiêm hạ từ bỏ mình là điều tinh túy nhất của tình yêu. Ngài đã hóa thành nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu Ngài, chào đón Ngài, và yêu thương Ngài.

Theo Thánh Kinh, biến cố lớn nhất đánh dấu lịch sử nhân loại là Thiên Chúa làm người vì tình yêu. Hài Nhi Giêsu ra đời trong cảnh nghèo hèn chính là một vị Thiên sai. Ngài đã cắt đôi dòng lịch sử loài người thành hai phần: trước công nguyên và sau công nguyên. Em bé ấy không phải là một nhà bác học, không phải là một nhạc sĩ mà chính là Thiên Chúa, là Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng cao sang, quyền năng, Đấng sáng tạo vũ trụ, hôm nay đã làm người. Ngài giáng sinh làm người trong thân phận một em bé yếu ớt nằm trong máng cỏ hang lừa chứ không phải trong một cung điện sang trọng lầu son gác tía.

Thiên Chúa làm người trong thân phận một bé thơ yếu ớt nhưng chất chứa một tình yêu lớn lao. Một trẻ thơ sinh ra vào một đêm đông giá rét trong hang đá bò lừa ngoài đồng hoang nghèo hèn. Dưới con mắt người đương thời không những bình thường mà còn tầm thường hơn những trẻ thơ khác. Nhưng sự chào đời của Hài Nhi Giêsu là một niềm vui cao cả, trọng đại, đặc biệt. Một niềm vui khởi điểm cho mọi niềm vui và vượt lên trên mọi niềm vui.

Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.

Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hài Nhi Giêsu đã trở nên một sự tái tạo mới. Tái tạo khởi đi từ tha thứ và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Độ làm nên trọng tâm sứ điệp của đức tin Kitô giáo. Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Giáo Hội công bố niềm tin ấy dọc dài thời gian giữa những thách đố của thế giới. Giáo Hội uỷ thác cho con cái mình như kho tàng quí giá để gìn giữ và chia sẻ cho người khác. Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.

Giáng Sinh trở thành một đại lễ của nhân loại. Giáng Sinh là ngày hội lớn duy nhất trên trái đất được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Từ núi cao, trong rừng sâu, xuống đồng bằng, vào thị tứ giàu sang….Qua đủ mọi hình thức: nhóm vài cây củi trên rừng, thắp ngọn nến đơn sơ trong ngôi nhà thờ bé nhỏ nghèo nàn vùng quê hẻo lánh, hay trăm ngàn ánh đèn muôn màu rực rỡ chốn đô hội văn minh tráng lệ, khắp nơi đón mừng và cùng hát lên tâm tình:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14)

Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ.Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau.Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau. Dấu chỉ của tình yêu nằm nơi sự đơn sơ của tấm khăn bọc Hài Nhi, đó là sự chân tình không lừa lọc giả dối.Dấu chỉ của tình yêu ở nơi sự nghèo hèn của máng cỏ, đó là sự phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa không cậy dựa vào vật chất thế gian.

Nguyện xin Chúa Giêsu Hài Đồng ban cho mỗi người chan chứa ân sủng và bình an của Tình Yêu Thiên Chúa.
 
Niềm vui Giáng Sinh đích thật
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
10:56 21/12/2013
Giáng Sinh 2013 - NIỀM VUI GIÁNG SINH ĐÍCH THỰC

Điểm lại trong lịch sử nhân loại, chúng ta thấy có một số vị vua có lòng yêu thương dân đặc biệt, nên đã xuống với các thường dân thăm hỏi, ủng hộ, động viên và khích lệ người dân. Việt Nam có vua Nhân Tông, vua Thánh Tông… Trung Quốc có vua Đường, vua Khang Hy, v.v...

Tuy nhiên chưa có một vị vua nào đến với các thường dân và chấp nhận trở thành một “thường dân” như Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, Đức Giêsu là vua trời đất và Chúa muôn loài, nhưng Ngài không đến trần gian chỉ để viếng thăm, hay trao tặng cho con người một vài món quà nào đó rồi trở về cung điện như các vị vua chúa trần gian.

Ngài đến với con người và trở thành một con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan là Ngài đã “làm người”. “Làm người” đến nơi đến chốn, “làm người” thực sự, “làm người” 100%, chứ không phải chỉ “làm” lấy có, “làm” hình thức.

Quả vậy, Đức Giêsu vốn là thân phận Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chấp nhận đi vào trần gian trong hình hài của một trẻ thơ được sinh ra trong cảnh nghèo hèn trần trụi. Là Đấng Hằng Hữu, nhưng Ngài đã vui nhận mang lấy thân phận phải chết của con người chúng ta. Để làm gì?

Trước hết là để “ở với” con người, để cảm thông với thân phận con người, đặc biệt là thân phận của những người thấp cổ bé miệng, và hơn thế nữa là để chết cho con người, để rồi qua cái chết của Ngài, con người được hưởng ơn cứu độ. Nếu Thiên Chúa sinh ra trong cung điện, trong đền đài vua chúa, hay sinh ra trong một gia đình giàu sang quyền quý, có lẽ những người phận hèn không bao giờ có cơ hội đến được với Ngài, càng không bao giờ dám được làm bạn với Ngài.

Chuyện kể rằng một đêm kia, đứa bé nghèo nằm mơ thấy Chúa Giêsu đi ngang qua cửa nhà em, một mái nhà tranh xiêu vẹo. Vừa thấy Chúa, em vội vàng chạy theo Ngài.

Nghe tiếng chân em từ phía sau, Ngài liền quay mặt lại và đứng chờ em bước tới. Em run run lên tiếng hỏi: ‘Xin cho con được nói chuyện với Chúa”. Ngài trả lời: “Hãy nói đi hỡi người bạn nhỏ bé của Ta ơi”.

Em ngạc nhiên khi thấy Ngài trả lời và gọi em là bạn, tuy em chỉ là đứa bé cùng đinh. Em lấy hết can đảm hỏi thêm: “Trong nhà của Chúa còn có chỗ cho con không?”

Ngài vui vẻ trả lời: “Dĩ nhiên rồi, trong nhà của Ta còn rất nhiều chỗ”. Em đánh bạo hỏi thêm: “Xin Chúa cho con đi theo Chúa được không?” Ngài dang rộng hai tay và mỉm cười nói: “Tại sao không, hãy đến với Ta hỡi người bạn nhỏ bé của Ta”.

Sau cùng em đánh liều hỏi tiếp: “Xin cho con được ở gần bên Chúa luôn mãi được không?”

Ngài âu yếm ôm em vào lòng và nói nhỏ vào tai em: “Tất nhiên rồi, con sẽ ở gần bên Ta luôn vì Ta thương yêu con”.

Em sung sướng nhắm mắt dựa lòng vào Chúa và tự nhủ, Ngài đã trả lời với em như thế, tuy em chỉ là đứa bé nghèo hèn thuộc lớp người cùng đinh.

Thiên Chúa đến trần gian để ở với con người và làm bạn với con người đó là điều có thật, chứ không phải là giấc mơ nữa. Và đây cũng là điều làm kỳ diệu. Noel Amstrong, nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng đã nói với các phóng viên khi trở về trái đất rằng: “Cái vĩ đại không phải là con người đã lên được trên trời nhưng điều vĩ đại là Thiên Chúa đã đi xuống trần gian làm người”.

Thiên Chúa đã làm người thực sự để nói cho con người điều gì nữa? Thưa là để nói cho con người biết Thiên Chúa yêu thương con người như thế nào. Chắc hẳn, con người sẽ không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa nếu Thiên Chúa chỉ ngồi ở trên trời cao và rêu rao là mình yêu thương con người. Một Thiên Chúa cao sang uy quyền đã hạ cố đến với con người, chắc chắn không còn cách thế nào hơn thế để chứng tỏ tình yêu thương lớn lao cho con người.

Một người cha ngồi trên trên lầu và bảo với đứa con nhỏ mới chập chững biết đi của mình rằng cha yêu thương con lắm, con chịu khó leo cầu thang và lên đây với cha đi. Đứa con thơ ấy khó có thể hình dung được tình yêu của cha dành cho nó là tròn hay méo. Ngược lại, chỉ cần người cha ấy bước xuống khỏi cầu thang rồi ẳm lấy đứa con của mình và đưa lên lầu với mình; tức khắc, đứa con đó sẽ cảm nhận được tình thương mà cha của nó dành cho nó ngay. Khỏi cần nói, khỏi cần giải thích gì nhiều.

Thiên Chúa là một người cha đã xuống với đứa con thơ của mình là nhân loại, vốn không thể tự mình “lên trời” được, để đồng hành, để sẻ chia thân phận giới hạn bất toàn của con người, và rồi để nâng con người “lên trời” với Ngài mai sau. Thật vậy, qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa muốn nói cho con người biết rằng Ngài yêu thương họ đến dường nào. Thánh Gioan cũng đã khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình để những ai tin vào Người thì không bị hư mất”.

Đó cũng là lý do nhân loại mừng ngày Ngài chào đời một cách tưng bừng và mừng vui như thế! Đó cũng là lý do tại sao người Kitô hữu chúng ta cử hành Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh một cách long trọng và hân hoan như thế!

Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận niềm vui ấy như nhau. Niềm vui ấy trước hết là hoa trái của đức tin. Bởi chưng, trước biết cố Giáng Sinh của Con Thiên Chúa, không phải ai cũng đón nhận được niềm vui ơn cứu độ. Vua Hêrôđê, các giới chức đạo đời Dothái và nhiều con dân thành Giêrusalem không hề có được niềm vui Giáng Sinh. Đơn giản vì họ không tin Đức Giêsu vừa giáng thế là con Thiên Chúa. Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ và tin tưởng thì mới đón nhận được niềm vui Giáng Sinh thực sự. Họ là Giuse, là Maria, là các mục đồng, là ba nhà đạo sĩ, và là những môn đệ thành tâm tin nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa cùa đời mình.

Tắt một lời, để có thể đón nhận được niềm vui của ơn cứu độ, con người phải có niềm tin, nói cách khác niềm vui đích thực của Giáng Sinh - niềm vui ơn cứu độ chính là hoa trái của niềm tin. Không có niềm tin, người ta chỉ mừng Giáng Sinh một cách hời hợt, theo kiểu hoàn toàn trần tục. Không có niềm tin, người ta sẽ không có thể có được niềm vui Giáng Sinh thực sự.

Năm ngoái, có dịp vào Sàigòn mua đồ trang trí Giáng sinh, chúng tôi đã đi tham quan một vòng ở khu trung tâm Sài Gòn, qua đường Đồng Khởi, đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi… đường nào cũng trang hoàng thật đẹp và rất hành tráng. Có điều tìm mãi mà vẫn không thấy bóng dáng nhân vật chính của ngày lễ Giáng sinh là Chúa Hài Đồng đâu cả. Thực tế, người ta tưng bừng chuẩn bị cho Noel vì mục đích vui chơi hay thương mại, chứ không phải vì để đón Chúa. Đơn giản vì họ không có niềm tin.

Là Kitô hữu, ta đón Noel phải là đón Chúa. Mà muốn đón Chúa thì cần có niềm tin. Nói cách khác, niềm tin phải là thứ mà ta cần trau dồi, “nâng cấp” hơn hết, để có thể đón Chúa đến với mình, gia đình mình và xứ đạo của mình.

“Trang trí lộng lẫy sẽ trở nên vô nghĩa nếu quên đi một nhân vật chính của ngày lễ: Vị Hoàng Tử của Công Lý và Hòa Bình. Hang đá sẽ mất đi sự thánh thiêng nếu thiếu đi một Hài Nhi Giêsu bé bỏng sinh làm người trần thế. Ngày lễ Giáng Sinh sẽ trở nên trần tục nếu thiếu đi những tâm hồn rộng mở để đón Chúa vào trong cuộc đời mình và để cho Người biến đổi và hoán cải chính bản thân mình” (Giáng Sinh: Niềm vui của toàn nhân loại và thế giới, Lm. Vũ Tiến Tặng).

Do đó, chúng ta là những người có niềm tin, chúng ta mừng lễ Giáng Sinh trong cung cách khác, và niềm vui Giáng Sinh mà chúng ta đón nhận là niềm vui sâu lắng.

Vậy ơn mà chúng ta phải xin trong ngày lễ Giáng Sinh là gì? Thưa là ơn đức tin. Xin ơn đức tin để nhận ra Hài Nhi bé bỏng Giêsu đang nằm trong máng cỏ là Con Thiên Chúa làm người. Xin ơn đức tin để nhận ra con trẻ Giêsu tạm cư trong hang đá nghèo hèn cùng với Đức Maria và Thánh Giuse là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông đợi. Xin ơn đức tin để nhận ra được tình yêu sâu thẳm dường nào mà Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Xin ơn đức tin để chúng ta biết hăng say nhiệt thành hơn nữa khi đem niềm vui ơn cứu độ cho những người anh em chưa biết Chúa, chưa đón nhận được Tin Mừng. Đó là cách thức tốt nhất chúng ta mừng Chúa Giáng Sinh trong Năm Đức Tin này.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Phanxicô sẽ dâng thánh lễ tại nhà thờ Dòng Tên ở Rôma ngày 3/1/2014
Chỉnh Trần, S.J.
08:47 21/12/2013
18/12/2013 – Cha Federico Lombardi, S.J., giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu của Dòng Tên tại Rôma để dâng Lễ mừng kính Tước hiệu Dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên) vào ngày 3 tháng 1 năm 2014. Đức Giáo Hoàng sẽ đồng tế với các anh em Giêsu hữu của ngài trong Thánh Lễ vào lúc 9 giờ sáng. Đây sẽ là dịp để Dòng tạ ơn Chúa vì Chân phước Phêrô Faber vừa mới được Đức Giáo Hoàng ghi tên vào sổ bộ các Thánh vào ngày 17 tháng 12 năm 2013 vừa qua.

Cha Lombardi cũng cho biết Đức Thánh Cha, khi trò chuyện với cha Adolfo Nicolas, S.J., Bề trê Cả Dòng Tên đã bình luận rằng ngài là người đầu tiên cầu nguyện với vị thánh mới khi ngài ký sắc lệnh phong thánh.

Chỉnh Trần, S.J
 
Đức Thánh Cha tiếp các Hồng Y và Giáo Triều Roma
Lm. Trần Đức Anh OP
21:15 21/12/2013
VATICAN -. ĐTC Phanxicô nêu bật 3 đặc tính những người phục vụ trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh cần phải có, đó là khả năng chuyên môn, tinh thần phục vụ và đời sống thánh thiện.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-12-2013, dành cho các Hồng Y và các chức sắc thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, đến chúc mừng ngài nhân dịp lễ Giáng Sinh và đầu năm mới.

Sau khi nồng nhiệt cám ơn sự cộng tác và phục vụ của các vị tại Tòa Thánh, đặc biệt là các vị chuẩn bị về hưu, ĐTC nhấn mạnh đến các đặc tính của những người phục vụ tại Tòa Thánh:

Trước tiên là khả năng chuyên môn, bao gồm cả việc học hỏi nghiên cứu và cập nhật. Ngài nói: ”Đây là điều kiện cơ bản để làm việc tại Tòa Thánh. Dĩ nhiên khả năng chuyên môn là do sự huấn luyện và một phần do sự thủ đắc, và để được vậy ngay từ đầu cần có một căn bản tốt.”

Đặc tính thứ hai là phục vụ: phục vụ Giáo Hoàng và các GM, Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương. Trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh, người ta học hô hấp một cách đặc biệt hai chiều kích của Giáo Hội, chiều kích hoàn vũ và địa phương thấu nhập vào nhau.

ĐTC nhận xét rằng ”nếu không có khả năng chuyên môn thì dần dần người ta sa vào sự tầm thường. Những hồ sơ trở thành những phúc trình rập theo khuôn mẫu và những thông báo không có men sự sống, không có khả năng tạo ra những chân trời cao cả. Đàng khác một khi thái độ không phải là phục vụ các Giáo Hội địa phương và các GM của các Giáo Hội ấy, thì cơ cấu giáo triều tăng trưởng như một sở quan thuế bàn giấy nặng nề, thanh tra và hạch hỏi, không để cho Chúa Thánh Linh hoạt động và dân Chúa được tăng trưởng”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Thêm vào hai đức tính đó, - khả năng chuyên môn và tinh thần phục vụ,- tôi muốn kể đến một đức tính thứ ba, đó là đời sống thánh thiện. Chúng ta biết rõ đây là điều quan trọng nhất trong thứ tự các giá trị. Thực vậy, nó ở nơi nền tảng chất lượng làm việc, và phục vụ. Sự thánh thiện có nghĩa là đời sống được chìm đắm trong Thánh Linh, cởi mở tâm hồn đối với Thiên Chúa, cầu nguyện liên lỷ, khiêm tốn sâu xa, bác ái huynh đệ trong tương quan với các đồng nghiệp. Thánh thiện cũng có nghĩa là làm tông đồ, làm việc mục vụ kín đáo, trung thành, nhiệt thành và có tiếp xúc trực tiếp với dân Chúa. Đây là điều không thể thiếu được đối với một linh mục”.
ĐTC đặc biệt nhấn mạnh điều này: ”Sự thánh thiện trong các cơ quan Tòa Thánh cũng có nghĩa là phản kháng lương tâm, chống lại thói nói hành nói xấu! Chúng ta có lý mà nhấn mạnh đến sự giá trị của sự phản kháng lương tâm, nhưng có lẽ chúng ta cũng phải thực thi điều này để bảo vệ chống ta chống lại một luật bất thành văn trong môi trường của chúng ta, rất tiếc môi trường này là môi trường nói hành nói xấu. Vì thế, tất cả chúng ta hãy thực thi việc phản kháng lương tâm, và xin anh chị em chú ý: tôi không muốn làm một diễn văn luân lý ở đây! Những vụ nói hành nói xấu làm thiệt hại chất lượng con người, công việc và môi trường chung quanh”.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã đứng lại bắt tay chào thăm từng vị Hồng Y và GM tại Tòa Thánh (SD 21-12-2013)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Bắc Thần trao quà Giáng Sinh cho các em thiếu nhi
Phước Lý
08:56 21/12/2013
Ban Tình Thương Giáo Xứ Bắc Thần trao quà Noel mừng Chúa Giáng Sinh cho các em thiếu nhi

Sau lễ Thiếu nhi trong Tuần Bát nhật chuẩn bị Mừng Chúa Giáng sinh, chiều 21.12.2013, Hội Tình thương Giáo xứ Bắc Thần (hạt Phước Lý) cùng với các anh chị Giáo lý Viên tổ chức trao trên 600 phần quà cho tất cả các em Thiếu nhi đang học các lớp Giáo lý. Phần quà là hộp bánh có giá trị (khoảng 25.000 đến 30.000 đồng/phần)

Xem hình

Trước Thánh lễ, một em Thiếu nhi thay mặt các bạn Thiếu nhi có lời cảm ơn và chúc mừng Giáng Sinh - Năm mới đến cha xứ, cha phó, quý dì, các anh chị Giáo lý viên… nhất là ông bà cô chú trong ban Tình thương trong và ngoài nước đã luôn quan tâm, khích lệ con em Thiếu nhi. Các em hứa sẽ chăm ngoan học tập, học Giáo lý, đi tham dự Thánh lễ như lời đáp trả cụ thể lòng biết ơn, hiếu kính.

Được biết hàng năm các ân nhân trong và ngoài nước thông qua Ban Tình Thương của Giáo xứ đã có nhiều hoạt động thiết thực thể hiện tinh thần bác ái yêu thương cho người nghèo trong giáo xứ, đặc biệt đặc biệt quan tâm đến các em Thiếu nhi, những học sinh nghèo, sinh viên.

Phước Lý
 
Bổn Mạng Giáo Đoàn Georges Hall Sydney
Diệp Hải Dung
11:28 21/12/2013
Chiều thứ Bảy 21/12/2013 các Hội Đoàn Đoàn Thể trong Giáo đoàn, quý Quan Khách Úc Việt và các Giáo đoàn bạn đã đến nhà thờ St.Mary’s Queen of Heaven Georges Hall Sydney tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa là Quan Thầy của Giáo Đoàn Georges Hall.

Hình ảnh

Quý Cha và tất cả mọi người tập trung tại khuôn viên trường học nhà thờ và Cha Phêrô Dương Thanh Liêm Tuyên úy Đặc trách Giáo Đoàn Georges Hall xông hương kiệu Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa đồng thời Ban Tây Nhạc Cecilia hợp tấu bài Chào Mừng và 3 hồi chiêng trống nổi lên kiệu cung nghinh tượng Thánh Simon Phan Đắc Hòa rước vào nhà thờ an vị trên cung Thánh.

Cha Phêrô Dương Thanh Liêm ngỏ lời chào mừng quý Cha, quý Sơ, tất cả mọi người và chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn, và cùng với quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Chính xứ Georges Hall Joseph Kolodziel hiệp dâng Thánh lễ.

Sau nghi thức Thiếu Nhi Thánh Thể của Xứ đoàn cung nghinh Phúc Âm. Cha Dương Thanh Liêm trong bài giảng nói về Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa xuất thân trong một gia đình không Công Giáo, nhưng Ngài sống với người Công Giáo nhìn thấy cái đẹp của Đạo KiTô Giáo và năm 12 tuổi Ngài học đạo và gia nhập vào Giáo Hội của Chúa và Ngài đã sẵn sang hy sinh mạng sống của Ngài để làm chứng nhân đức tin cho Thiên Chúa…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, bà Donna Busuttil Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ Georges Hall lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng của Giáo Đoàn, bà thay mặt Hội Đồng Giáo Xứ cám ơn Giáo Đoàn đã giúp ích đóng góp cho Giáo Xứ được phát triển tốt đẹp. Kế tiếp anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn, Ca đoàn, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Huynh Đoàn Đaminh, anh khen ngợi Giáo Đoàn đã tích cực đóng góp rất nhiều cho Cộng Đồng và Giáo Xứ trong suốt những năm tháng qua. Sau cùng ông Trần Thanh Tịnh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn Ông cũng đặc biệt cám ơn quý ân nhân đã đóng góp trợ giúp cho Giáo Đoàn và sau cùng ông xin tất cả mọi người hãy luôn cầu nguyện cho Giáo Đoàn ngày bền vững và tiến triển trong Cộng Đồng trong Giáo Hội.

Kế tiếp là nghi thức đặt tượng Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa an ngự trong nhà thờ. Qúy Cha và mọi người cùng quỳ dâng lời kinh nguyện lên Thánh Simon Hòa đồng thời đại diện Ban Mục Vụ Giáo Đoàn đã trịnh trọng cung nghinh đặt tượng Thánh Simon Phan Đắc Hòa trên bệ bàn thờ. Đây là một niềm vinh dự lớn cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, đã có được một vị Thánh Anh Hùng Việt Nam an ngự trong thánh đường của Giáo xứ Úc để mọi người tôn kính.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại qua sân trường nhà thờ tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng và thưỡng lãm văn nghệ do Ca đoàn và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trình diễn.
 
Nhóm CTTTHNGD Cộng đoàn Phục Sinh thăm viếng Nhà Dưỡng Lão
Quân Trần
08:59 21/12/2013
 
Đêm nhạc Giáng Sinh tại Trung tâm mục vụ TGP Saigòn
Sr Minh Du
11:31 21/12/2013
Tối ngày 20/12 tại trung tâm mục vụ tổng giáo phận Sàigòn người người khắp nơi nô nức kéo nhau về cùng lắng đọng tâm hồn với những ca khúc Giáng Sinh mừng đón Chúa Hài Đồng.

Hình ảnh

Đêm nhạc Giáng Sinh với chủ đề: Đêm Thánh, đêm rực sáng yêu thương đã làm những người tham dự cảm nhận một đêm yêu thương thực sự giữa tình trời và đất. Với mười bảy ca khúc Giáng Sinh bất hủ, truyền thống đến những bài Noel mới đan quyện nhau làm cho một không gian dặc quánh mùi, màu và hơi thở Giáng Sinh. Mở đầu chương trình là lời mời gọi từ ban tổ chức cho mọi người tham dự cầu nguyện. Cả khuôn viên Trung tâm mục vụ vang lên lời ca Maranatha của cha Thành Tâm, cầu mong Chúa đến.

Phần một với chủ đề Đêm thánh, nhạc sĩ Ngọc Linh chỉ huy một ca đoàn tổng hợp kỷ lục với khoảng ba trăm năm mươi (350) ca viên gồm quý sơ dòng nữ Đaminh Rosa Lima, Đaminh Bùi Chu, quý thầy dòng Đồng Công, các ca đoàn Tam Hà, Tam Hải, Thiện Chí Gx. Phát Diệm, Hồng Ân của Trung tâm mục vụ với hai ca khúc của cố nhạc sĩ Viết Chung là Kinh Cầu Giáng Sinh và Đêm yêu thương...những lời hát mượt mà, êm dịu đầy tình Giáng Sinh làm cho những người thưởng thức cảm nhận được ánh sáng của Thiên Chúa chiếu dọi vào tâm hồn. Nhạc sĩ Ngọc Linh cho biết thêm hai bài hát này Thầy đi tập các nhóm ở các nơi khác nhau trong vòng một tháng và trước đêm diễn ráp lại một lần chung với nhau chỉ trong một tiếng đồng hồ. Thêm một kỷ lục nữa cho thầy Ngọc Linh. Cảm ơn người nhạc sĩ sống cống hiến cho một nền thánh nhạc Việt Nam với những tận tụy và bền chí, cho những bài thánh ca và những đêm chỉ huy lớn như thế này cho anh chị em Kitô hữu được thưởng thức.

Các ca sĩ Gia Ân, Bích Hiền, Duyên Quỳnh, Hoàng Kim, Thùy Trâm, Quang Thái, Minh Khoa, Ngọc Mai Khắc Triệu, Xuân Trường, Tuyết Mai, Thanh Sử và Diệu Hiền với những ca khúc Nơi Belem ( Kim Long), Đêm hồng phúc, Ơn Giáng Sinh và Xanh trời Noel ( Nguyễn Duy), Ba Vua lên đường ( Thông Vi Vu),Hãy vùng đứng ( Vinh Hạnh ), Đêm Thánh huy hoàng ( Nguyễn Văn Đông) và các bài ngoại quốc như Silent Night, Joy to the world, Một đêm đông giá ( Ciro Dammicco). Tham gia múa gồm hai hội dòng: Mến Thánh Giá Chợ Quán và Mân Côi.

Tiết mục nào cũng đặc sắc, đan xen giữa những lời ca bất hủ là những bài hát hiện đại. Đan chen vào giữa những bản hợp ca là những song ca, tam ca và những bài múa của các thiên thần. Không khí đêm diễn như đã nói trên là đặc quánh một mùi Giáng Sinh. Tôi ngồi xem, dù ghế có lưng dựa nhưng hình như tôi đã quên không dựa ghế mà ngồi thẳng đứng, thưởng thức, mặc cho những tiếng bình luận chung quanh, lòng trào dâng một niềm vui. Vui vì được lắng nghe những ca khúc Giáng Sinh và vui vì được xem tận mắt, vui vì một bầu khí ấm cúng, một bữa tiệc ngon mắt và “đã tai”.

Trong các tiết mục thì bài múa của các em thiếu nhi Hạnh Thông Tây là đặc sắc nhất, vì khán giả là những vị giám khảo công bằng nhất, và khi các em vừa chạy ra sân khấu thì những tràng pháo tay nổ ra khắp các khán đài. Trong trang phục ngộ nghĩnh khi hóa thân thành những cây trạng nguyên, những chú nai, những giọt tuyết và cây thông và chen lẫn với các thiên thần trong bài múa Mary’s Boy Child. Các điệu múa rất đơn giản, nhưng với trang phục đẹp mắt, sự xuất hiện dễ thương của các em đã làm cho khán giả mềm lòng và không tiếc vỗ những tràng pháo tay thật lớn để cổ vũ. Chẳng cần ai cầm micro lớn tiếng xin cho một tràng pháo tay, vậy mà bài múa của các em đã lấy của khán giả không biết bao nhiêu là pháo tay. Cảm ơn các em đã cống hiến một bài múa hay và một làn khí tươi mát cho chương trình.

Có lẽ không thể không nhắc đến tứ ca Cha Cha Cha Cha, khi mới nghe giới thiệu về nhóm này, ai cũng ơ hờ vì chưa từng nghe đến nhóm này bao giờ, nhưng khi xuất hiện, thì khán giả bắt đầu chỉ chỏ rồi hỏi nhau có phải là cha Đăng Linh không, à kia là cha Duy Khánh, đó là cha Hoàng Quân, ồ cha Hoàng Chương nữa.... và chúng ta có tứ ca Cha Cha Cha Cha.

Ca đoàn Piô với nhạc sĩ Tiến Linh với những giọng ca đều và trầm ấm, không cần âm thanh lớn đã để lại trong lòng những người tham dự một sự lắng đọng của phần cuối chương trình.

một điểm hết sức đặc biệt nữa là gần cuối chương trình có bài Hãy yêu nhau đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một bài hát chẳng có chất gì là Giáng Sinh ở đây cả, một điều lạ thường chưa từng xảy ra trước đây. Khi tôi đem thắc mắc này đến cha Roco Nguyễn Duy, là một trong những người biên tập và đạo diễn cho đêm diễn, cha nhạc sĩ cho biết: vì bài hát mang chất Tin Mừng và vì nhạc sĩ họ Trịnh này cũng không có đạo mà năm nay là năm phúc âm hóa nên hãy yêu nhau đi được đưa vào chương trình với một thông điệp nhắn gửi rằng: phúc âm hóa toàn thể xã hội và hãy hướng về mọi người. Mở đầu là Maranatha với lời nhắn: xin cho dương thế người biết thương nhau thì khép lại là hãy yêu nhau đi. Xin cảm ơn thâm ý của các đạo diễn và nhờ đó thông điệp này sẽ được sẻ chia và lan rộng.

Một bữa tiệc Giáng Sinh, có thể nói như vậy về Đêm thánh, đêm yêu thương của Tổng giáo phận Saigon đêm qua. Một chương trình không mang tính hình thức, không có quảng cáo, không bán vé, không ồn ào, không giới thiệu dài dòng. Bắt đầu đúng 19 giờ và kết thúc 21 giờ như trong thiệp mời, không xê xích chút nào, âm thanh tuyệt hảo, ánh sáng rạng ngời và những bài cảm ơn và phát biểu của Đức Hồng Y, của cha Nguyễn Văn Hiền ngắn gọn, xúc tích chứa đựng tâm tình của vị cha chung. Và ngoài những phần cảm ơn như bình thường, người viết thích nhất khi nghe cha Hiền cảm ơn những gia đình hàng xóm của trung tâm Mục vụ hôm nay đã hy sinh chịu đựng những âm thanh của đêm diễn này. Thật dễ thương và tình người !

Một đêm tuyệt vời, khó quên và nếu ai đó bỏ lỡ dịp này thì thật là tiếc ! Riêng những người có mặt tại mái nhà của tổng giáo phận hôm nay thì nhủ lòng khi ra về rằng: sang năm mình sẽ đến sớm hơn để tìm được chỗ ngồi quan sát tốt nhất.

Xin cảm ơn Đức Hồng Y, quý Đức Cha, Quý Cha, Quý nhà Dòng, quý nhạc sĩ, ca sĩ, quý diễn viên, ca sĩ và những anh chị em trong các ban vệ sinh, trật tự... đã dọn cho mọi người một bữa tiệc Giáng Sinh tinh thần ấm cúng và thánh đức. Xin Thiên Chúa Ngôi Hai đổ tràn lòng Quý Vị bằng những ngọn lửa của tình yêu và sự nhiệt thành cộng với một sức khỏe tốt để việc phục vụ trân quý này mỗi ngày một vinh danh Chúa hơn.

Saigon 21/12/2013
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo xứ Phú Yên : Tường trình về vụ chìm tàu ngày 28.11.2013
BTT GP Vinh
11:01 21/12/2013
Giáo xứ Phú Yên (giáo phận Vinh): Tường trình về vụ chìm tàu ngày 28.11.2013

GPVO - Như tin đã đưa, sáng ngày 30.11.2013, ngay sau thánh lễ tại giáo họ Quý Vinh (xứ Yên Hoà), Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp nhận được tin và đã lập tức lên đường đến giáo xứ Phú Yên (hạt Thuận Nghĩa) thăm gia đình những người gặp nạn trong vụ chìm tàu ngày 28.11.2013.

Cùng với cha quản nhiệm, Đức Cha Phaolô đã đến tận nơi thăm hỏi động viên các thân nhân, thắp nén hương và dâng lời nguyện cầu cho những người con xấu số. Có những gia cảnh đã làm cho vị chủ chăn nghẹn lời cảm thương trước nỗi mất mát quá lớn lao của họ, như gia đình bà quả phụ Anna Nguyễn Thị Hương khi 2 con trai của bà ra đi không trở về nữa…

Đức Cha ân cần an ủi các thân nhân và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau thương mất mát, đồng thời hỗ trợ cho mỗi gia đình gặp nạn 5 triệu đồng. Ngài yêu cầu cha quản quản nhiệm Antôn Nguyễn Văn Thanh cùng bà con giáo xứ tìm mọi cách cứu vớt các nạn nhân và trục vớt con tàu.

Liên quan đến vụ chìm tàu này, Cha Antôn Nguyễn Văn Thanh, quản nhiệm giáo xứ Phú Yên đã có văn bản “Tường trình về vụ chìm tàu ở Giáo xứ Phú Yên ngày 28.11.2013”

gửi đến Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giáo mục giáo phận Vinh. Nội dung văn bản tường trình như sau:

********

Giáo Phận Vinh

Giáo xứ Phú Yên

***

Giáo xứ Phú Yên (hạt Thuận Nghĩa): Tường trình về vụ chìm tàu ngày 28.11.2013

Kính gửi: Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Giám mục Giáo phận Vinh

Vụ chìm tàu tại giáo xứ Phú Yên vào ngày 28.11.2013 thật sự đã gây rúng động và đau thương, cách riêng cho các gia đình nạn nhân. Mọi người trong giáo xứ vẫn chưa hết bàng hoàng khi những người con của giáo xứ ra đi trên chuyến tàu định mệnh sáng ngày 17.11 vĩnh viễn không trở về nữa. Bên cạnh niềm xót thương vô bờ, vẫn còn đó những điều đáng buồn khác về trách nhiệm và sự quan tâm của phía đại diện chính quyền trong việc hỗ trợ cứu nạn người dân. Sau đây, với tư cách Cha Quản nhiệm giáo xứ Phú Yên, con – linh mục Antôn Nguyễn Văn Thanh xin được tường trình cụ thể về vụ chìm tàu kinh hoàng trên như sau:

Sáng ngày 17.11.2013, con tàu mang biển kiểm soát: NA 90249 TS xuất phát từ thôn Tân An, An Hòa, Quỳnh Lưu ra khơi đánh cá. Tàu do anh Phêrô Nguyễn Văn Trí (thuộc giáo xứ Phú Yên, sinh năm 1982) làm thuyền trưởng, cùng đi có 9 ngư dân khác:

1. Phêrô Nguyễn Văn Huỳnh (em trai anh Trí), sinh năm 1990, thôn Tân An, An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An

2. Giuse Nguyễn Duy Khiêm, sinh năm 1998, thôn Tân An, An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An

3. Phêrô Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1997, thôn Tân An, An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An

4. Phêrô Trần Văn Hùng, sinh năm 1984, (giáo họ Vạn Thủy, xứ Thuận Giang) Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu. Nghệ An

5. Hồ Vĩnh Thế, sinh năm 1985, thôn Hồng Phong, An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An

6. Phạm Thanh Ngoan, sinh năm 1965, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An

7. Anh Lâm, sinh năm 1986, Phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An

8. Hồ Vĩnh Lai, sinh năm 1978, thôn Hồng Phong, xã An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An

9. Nguyễn Văn Hà, sinh năm 1997, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An

Sau 7 ngày đêm đánh bắt cá, khoảng 5 giờ ngày 28.11.2013, các thuyền viên đang kéo lưới, gặp gió mùa Đông Bắc, sóng to gió mạnh, nước tràn vào tàu, làm tàu bị nghiêng sang một bên, các thuyền viên đã tìm mọi cách để cân bằng con thuyền, nhưng mọi nỗ lực của các thuyền viên đều không đạt được mục đích. Trên tàu chỉ có 2 áo phao và một tấm xốp (tấm xốp rộng khoảng 2m vớt được khi tàu đang trên đường đi ra khơi).

Khi cảm thấy đã hoàn toàn bất lực, các thuyền viên đã phát tín hiệu cấp cứu, với 3 tiếng “cứu, cứu, cứu” và “anh Kính ơi, cứu em với”, sau đó nước biển tràn vào thuyền làm mất toàn bộ tín hiệu (lúc đó là khoảng 5giờ20’). Tọa độ tàu nhận được tín hiệu cấp cứu xác định là ở vào 107,5 độ Vĩ Bắc, 108 độ Kinh Đông, cách đất liền chừng 82 hải lý.

Các thuyền viên sau khi rời khỏi thuyền, đã cùng nhau bám vào tấm xốp có bọc lưới và để trôi lênh đênh trên biển. Do trời lạnh và sóng lại lớn nên các thuyền viên chỉ có thể bám trụ trên tấm xốp 5-7 giờ đồng hồ, sau đó họ bị tê cứng không thể bám trụ, thế là lần lượt từng người một “ra đi”, người yếu trước, người mạnh sau. Chỉ có hai thuyền viên có áo phao là vẫn còn bám trụ được, cho đến khi được thuyền đánh bắt cá của Quảng Bình cứu sống ở vĩ tuyến 15 độ Bắc.

Khi nhận được tín hiệu cấp cứu, các tàu thuyền khác đánh bắt cá gần đó đã cấp báo về đất liền, đồng thời liên lạc với nhau để xác định chủ và vị trí tàu để tìm kiếm. Dù gặp khó khăn vì gió to sóng mạnh nhưng các tàu thuyền khác đã cùng nhau hỗ trợ nhằm tìm cứu sống những người trên tàu.

Đến khoảng 9giờ30’ ngày 29.11.2013, tàu đánh bắt cá của ông Trần Văn Mơ và Nguyễn Văn Kính đã tìm thấy con tàu gặp nạn và nó vẫn còn nhô lên một phần mũi tàu, chiều cùng ngày, các tàu khác của ngư dân thôn Tân An cũng đến sát con tàu bị chìm.

Vào khoảng 14giờ20’ ngày 29.11.2013, các ngư dân trên tàu Quảng Bình mang số hiệu QB 92287 TS vớt được hai thuyền viên mang áo phao đã mệt lử là anh Hồ Vĩnh Lai và Nguyễn Văn Hà, sau đó họ được chủ tàu là Nguyễn Trung Thành cùng các ngư dân khác chăm sóc và hồi phục phần nào sức khỏe. Đến chiều ngày 29.11.2013, tàu ông Nguyễn Văn Kính vào Quảng Bình đón hai thuyên viên may mắn sống sót, hai người này được đưa về thôn Tân An vào lúc 16giờ35’ chiều 30.11.2013.

Trong khi đó, về phía xã hội, sáng ngày 28.11.2013, dù nhận được cấp báo và tín hiệu cấp cứu, có trong tay đầy đủ phương tiện, nhưng các cơ quan công quyền vẫn chần chừ trong việc cứu hộ cứu nạn. Khi đã tìm thấy con tàu bị chìm, các tàu thuyền của ngư dân đã liên lạc với quý cấp chính quyền, bộ đội biên phòng, đội cứu nạn của tỉnh Nghệ An, xin hỗ trợ kịp thời để trục vớt con tàu, vì lúc này con tàu đang nhô lên một phần mũi tàu, đồng thời tìm kiếm những người gặp nạn, nhưng không hiểu vì lý do gì, việc cứu nạn vẫn không được tiến hành, phải đến 23giờ, ngày 29.11.2013, tàu cứu hộ của Hải Đội 2 mới ra đến nơi vị trí con tàu bị chìm, và sau 30 phút “xem xét”, điện đàm xin chỉ đạo của cấp trên, họ đã cho tàu quay vào bờ với lý do: “tưởng là tàu nổi, đằng này tàu chìm, chúng tôi không làm được”.

Người dân trong khi gặp cảnh đau thương cần đến sự trợ giúp của quý cấp chính quyền, thì những người có trách nhiệm lại chần chừ lần lữa, ngư dân liên tục kêu cứu, thì đội cứu hộ cứu nạn chỉ xem xét và quay về; lúc thì bảo để chúng tôi sẽ giúp, lúc thì bảo chúng tôi không làm được. Đến khi ngư dân không còn hy vọng vào sự trợ giúp của những người có trách nhiệm bên xã hội, linh mục quản nhiệm Antôn Nguyễn Văn Thanh và bà con giáo dân xứ Phú Yên đã phải tự mình lo liệu, một mặt thuê tàu trục vớt ở Hà Tĩnh (Công ty TNHH một thành viên Hữu Tòng, giáo xứ Đông Yên) và các thợ lặn ở Nha Trang ra để vớt vát tài sản, mặt khác vẫn “đơn thương độc mã” trong việc tìm kiếm những người gặp nạn.

Ngày 02.12.2013, vào lúc 16giờ40’ tàu trục vớt và các thợ lặn ra đến nơi và tiếp cận với con tàu bị nạn, khoảng 20 phút sau, tàu cứu hộ của tỉnh Nghệ An ra chỉ để “xem xét tình hình”, đồng thời tìm mọi cách để lấy thông tin về các thợ lặn và tần số các tàu của ngư dân, quay phim chụp ảnh, sau đó lại quay trở về đất liền (neo đậu ở đảo Hòn Ngư, Cửa Lò).

Ngày 03.13.2013, các thợ lặn đã tiến hành lặn xuống để xem xét và đánh giá tình hình đồng thời cắt dây neo, cắt lưới để chuẩn bị trục vớt, nhưng vì sóng to, gió mạnh, trời lạnh mà thuyền lại chìm sâu đến gần 70m, nên công tác trục vớt gặp nhiều khó khăn, họ đã phải cột dây để dùng các tàu của các ngư dân ở thôn Tân An dìu kéo con tàu bị chìm vào nơi có độ sâu ít hơn.

Đến chiều ngày 06.12.2013, con tàu bị chìm đã được kéo dìu vào gần Lạch Quèn, ở đây các thợ lặn đã rất vất vả trong việc làm cho con tàu nổi lên mặt nước, họ phải nhờ đến sự trợ giúp của các tàu đánh cá của hai giáo xứ là Phú Yên và Mành Sơn, mới có thể đưa con tàu nổi lên mặt nước vào 23giờ ngày 09.12.2013.

Vào lúc 5giờ sáng ngày 10.12.2013, con tàu được các ngư dân đưa vào neo đậu ở thôn Tân An để sửa chữa.

Tổng chi phí của việc trục vớt con tàu bị chìm theo hợp đồng với công ty TNHH Một Thành Viên Hữu Tòng là 460.000.000đ(bốn trăm sáu mươi triệu đồng), nhưng chủ công ty và anh em thợ lặn đến từ Nha Trang đều là người Công Giáo, nên chỉ nhận 355.000.000đ(ba trăm năm mươi lăm triệu đồng), còn lại 105.000.000đ(một trăm lẻ năm triệu đồng) họ đã ủng hộ cho các gia đình gặp nạn. Đó là chưa kể chi phí cho đoàn tàu của anh chị em giáo dân Phú Yên hỗ trợ trong việc trục vớt con tàu từ đầu cho đến khi hoàn thành.

Trong suốt quá trình gặp nạn-cứu hộ cứu nạn và trục vớt con tàu, các cơ quan chức năng đã không làm việc với khả năng và trách nhiệm của mình, đánh lừa dư luận với bản “Báo cáo nhanh với Thủ Tướng về vụ chìm tàu ở Thôn Tân An, An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An” (*) sai sự thật, bên cạnh đó dùng báo chí để tuyên truyền những thông tin không đúng; thậm chí lại còn gây khó dễ cho những người xả thân để giúp những gia đình bị nạn. Thật đáng buồn về cung cách làm việc thiếu trách nhiệm như vậy, nếu đội cứu hộ nhanh chóng, kịp thời cứu nạn thì chắc hẳn những người được cứu sống không phải là hai mà hơn thế, đồng thời, việc trục vớt con tàu gặp nạn cũng không khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức và tiền của như vậy.

Trên đây là những gì mà con và giáo dân xứ Phú Yên đã chứng kiến và ghi lại đúng sự thật, chúng con xin được báo cáo với Đức Cha.

Cuối cùng, chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha đã đồng hành với chúng con trong mọi biến cố, nhất là trong biến cố đau thương này. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Mẹ tuôn đổ muôn ơn lành trên Đức Cha, và kính chúc Đức Cha một Mùa Giáng Sinh an lành thánh đức, một năm mới tràn đầy hồng ân, để Đức Cha chia tiếp tục dẫn dắt chúng con cập bến bình an, đạt được hạnh phúc viên mãn trong sự thật và tình yêu của Thiên Chúa.

Phú Yên, ngày 11 tháng 12 năm 2013

Linh mục quản Xứ

(Đã ký)

Antôn Nguyễn Văn Thanh

* Các thông số của con tàu NA 90249 TS:

- Chiều dài: 18m

- Chiều rộng: 4,95m

- Độ chìm: 2,7m

- Công suất: 380CV

- Tàu mới đi được 2 lượt, lượt thứ 3 thì gặp nạn

- Giá thành của con tàu: 1,7tỷ đồng (Hai gia đình chung nhau: Nguyễn Văn Cung và bà Nguyễn Thị Hương (góa chồng), nhưng chủ yếu là vốn vay của gia đình bà Hương)


-------------------

(*):

http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201311/bao-cao-nhanh-ve-viec-t
au-ca-ngu-dan-nghe-an-gap-nan-tren-bien-422420/
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Mừng Giáng Sinh 2013 và Năm Mới 2014
Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí
13:42 21/12/2013

MỪNG GIÁNG SINH 2013 VÀ NĂM MỚI 2014

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Trong niềm hân hoan đón mừng
“Thiên Chúa xuống thế làm người và ở giữa chúng ta”
kính chúc:

Quý Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Quý Đức Giám Mục, Quý Đức Ông và Quý Cha
Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ, Chủng Sinh
Cộng Đồng Dân Chúa tại Hoa Kỳ, Hải Ngoại và Việt Nam

MÙA GIÁNG SINH 2013 TRÀN ĐẦY ÂN SỦNG CHÚA HÀI ĐỒNG
và NĂM MỚI 2014 AN BÌNH, SỨC KHỎE VÀ THÀNH CÔNG TRONG MỌI HOẠCH ĐỊNH


Chân thành cám ơn sự cộng tác, giúp đỡ và hỗ trợ của tất cả quý vị
cho những sinh hoạt và chương trình của Liên Đoàn trong năm qua.
Philadelphia ngày 20 tháng 12 năm 2013
Trân trọng,

Chủ Tịch Liên Đoàn CGVNHK
 
Văn Hóa
Dưới ánh sáng Đức Tin - Nỗ lực hội nhậtp về Văn hóa của Đạo Công giáo Việt Nam
Nguyễn Đức Cung
11:00 21/12/2013
DƯỚI ÁNH SÁNG ĐỨC TIN, NỖ LỰC HỘI NHẬP VỀ VĂN HÓA CỦA ĐẠO Công Giáo VIỆT NAM (Bài I)

Trong cuốn sách nhỏ có tên “Đường vào THẦN HỌC VỀ TÔN GIÁO” xuất bản cách đây đúng 10 năm, Tác giả NGUYỄN THÁI HỢP (O.P.), nay là Đức Giám Mục cai quản Giáo Phận Vinh đã cho biết Huấn dụ ngày 10-11-1659 của Bộ Truyền Giáo thuộc Giáo Hội Công Giáo Rô Ma khi cử hai Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Pallu đến coi sóc hai Giáo Phận Đàng Trong và Đàng Ngoài thuộc lãnh thổ Đại Việt, có nói rõ như sau:

“Các vị đừng tìm cách, đừng tìm lý lẽ để thuyết phục các dân tộc thay đổi nghi thức, tập tục và phong hóa của họ, ngoại trừ tất cả những gì rõ rệt trái ngược với tôn giáo và luân lý. Không có gì vô lý bằng đem nước Pháp, nước Tây Ban Nha, nước Ý Đại Lợi hay một nước Âu châu nào khác vào Trung quốc. Đừng đem đến cho các dân tộc ấy xứ sở của quí vị, mà chỉ đem đến đức tin, một đức tin không chối từ cũng không làm tổn thương các nghi thức, các tập tục của bất cứ một dân tộc nào, miễn là tất cả những cái đó không có gì là xấu, mà trái lại, đức tin của chúng ta muốn người ta cứ duy trì và bảo vệ các thứ đó. Có thể nói rằng tự bản chất con người luôn quí trọng, yêu mến và trân trọng tập tục của xứ sở mình hơn hết. Vậy nguyên nhân gây nên xa cách và hận thù là tìm cách thay đổi tập tục riêng của mỗi dân tộc, nhất là những tập tục đã có từ lâu đời. Vậy việc gì sẽ xảy ra, nếu các vị xóa bỏ các tập tục đó để thay thế bằng tập tục của xứ sở của các vị, đưa từ ngoài vào? Đừng bao giờ so sánh tập tục của các dân tộc đó với các tập tục của các nước Âu châu. Trái lại các vị hãy tìm cách làm quen với những tập tục đó. Hãy chiêm ngưỡng và tán dương những gì đáng tán dương. Những gì không đáng ca ngợi, nếu không nên ca ngợi om xòm như những kẻ nịnh hót, thì cũng nên khôn ngoan đừng phê phán hay đừng bao giờ kết án một cách thiếu suy xét hoặc quá đáng…” (Định Hướng Tùng Thư xuất bản, 2004, trang 10).

Lập trường khôn ngoan ở trên của Giáo Hội Công Giáo Rô Ma đã được các Đức Giám Mục này thực hiện rất đúng đắn trong chức vụ mới của các ngài tại Việt Nam trước đây.

Nói đến hai vị Giám Mục khả kính Lambert De La Motte và Francois Pallu thuộc Hội Dòng Thừa Sai Ngoại Quốc Tại Paris (Mission De L’Étranger De Paris) thường viết tắt là M.E.P người ta không thể nào quên công lao của Cha Alexandre De Rhodes trong lãnh vực hình thành chữ Quốc Ngữ và công sức xây dựng công việc truyền giáo ở Đại Việt trong những năm thuộc thế kỷ XVII. Ngài là người rất tha thiết mến yêu dân tộc Việt Nam, tôn trọng phong tục, tập quán, tiếng nói và các bản sắc văn hóa dân tộc. Ngài đã sang tận La Mã vận động đề xin Đức Giáo Hoàng thành lập hàng giáo phẩm bản quốc cho Đại Việt. Các công trình xây dựng của ngài về các phạm trù nói trên đã được nối tiếp trong trong các lãnh vực văn hóa, nghệ thuật nói chung vốn là các sáng tác phẩm của nhiều tác giả Công Giáo Việt Nam về âm nhạc, thi ca sẽ được điển hình nhắc tới trong các bài viết sau. Tuy nhiên trước hết thử tìm hiểu một số quan điềm tổng quát về vấn đề văn hóa.

Khi suy tư về văn hóa Việt Nam, người ta thường hay nhắc đến cụm từ “Việt Nam có bốn nghìn năm văn hiến” mà văn hiến là truyển thống văn hóa lâu đời. Người ta cũng nói đến hai chữ văn vật vốn là truyền thống văn hóa biểu hiện ở nhiều nhân tài và nhiều di tích lịch sử, “công trình, hiện vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử”. (Trần Ngọc Thêm, Tìm về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2004, trang 27). Con số bốn nghìn năm văn hiến ngày nay đã từng gây ra những cuộc tranh cãi trong nhiều giới và giới nghiên cứu sử học có lẽ cũng nên thẩm định lại với một thời lượng khoảng hai nghìn năm thôi, một khoảng thời gian tương đối hợp lý tình từ thời điểm dựng nước, thời kỳ độc lập và phát triển cho tới ngày hôm nay. Và đó là quan điểm của giới sử học có những công trình nghiên cứu đứng đắn.

Trước khi đề cập khái quát về nền văn hóa dân tộc và những nỗ lực của các thế hệ đi trước trong việc xây đắp tô bồi cáí gia sản văn hóa thiêng liêng của giống nòi, cùng những hoài bảo đăm chiêu của thế hệ trẻ ngày nay, nhất là ở hải ngoại, thiết tưởng cũng cần tìm hiều một vài định nghĩa về hai chữ văn hóa.

1.- Một số định nghĩa về Văn Hóa.

Văn hóa dịch từ tiếng La-tinh là CULTUS có nghĩa là “trồng trọt”. Văn hóa là một phạm trù hết sức rộng lớn và bao quát vì đã từng có trên 300 định nghĩa nói về văn hóa, bởi thế ở đây chúng tôi chỉ đưa ra một số định nghĩa khái quát làm thí dụ điển hình mà thôi.

Trong bài Bàn phiếm về văn hóa Đông Tây, đăng trên báo Nam-Phong số 84, tháng 6 năm 1924, Phạm Quỳnh, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX, đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn-hóa là cách đào-luyện tinh-thần người ta thế nào cho được thập phần tốt đẹp, để nẩy-nở ra những công-trình to-tát, sự-nghiệp lớn-lao mà đem tư-cách một quốc-dân đến tuyệt-phẩm. Ví người ta như cái cây, thời văn-hóa là cách trồng cây, bón cây, tưới cây, cho cây nở ngành xanh ngọn, kết-quả sinh-hoa, để tô-điểm cho cái vườn hoa của thế-giới.”

Ở một đoạn khác, Phạm Quỳnh viết tiếp rằng: “Văn-hóa là dịch tiếng Tây culture, nghĩa đen là cách cấy trồng. Người ta ví như cái cây thì văn-hóa là cách vun trồng cho nẩy nở được hết cái tinh-hoa. Cây có trồng cây mới tốt, người có hóa người mới hay. Văn-minh với dã-man khác nhau là một bên có văn-hóa, một bên không. Như vậy thời văn-hóa là một sự cần, một dân một nước không thể khuyết được.” (Trích trong tác phẩm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh (1892-1992) Tuyển tập & Di cảo, An Tiêm xuất bản, Paris, 1992, trang 211)

Định nghĩa của Phạm Quỳnh gần tám mươi năm về trước vẫn còn có ý nghĩa rất cụ thể và thực dụng đối với thế hệ chúng ta ngày nay.

Trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, học giả Đào Duy Anh viết rằng: “Người ta thường cho rằng văn hóa là chỉ những học thuật tư tưởng của loài người, nhân thế mà xem văn hóa vốn có tính chất cao thượng đặc biệt. Thực ra không phải như vậy. Học thuật tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi của văn hóa nhưng phàm sự sinh hoạt về kinh tế, về chính trị, về xã hội cùng hết thảy các phong tục tập quán tầm thường lại không phải là ở trong phạm vi văn hóa hay sao? Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng: Văn hóa tức là sinh hoạt.” (Đào Duy Anh, Sách đã dẫn, Nhà xuất bản Xuân Thu, Houston, bản in ở hải ngoại dựa theo bản in cũ năm 1938, trang 13).

Quan niệm về văn hóa của Đào Duy Anh mang tính hiện thực, bao quát trong nhiều phương diện và phần lớn dựa trên giới thuyết của Félix Sartiaux khi ông này cho rằng “văn hóa về phương diện động, là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng xã hội về kỹ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật, xã hội tổ chức, những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì văn hóa là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định, và tất cả các tính chất mà những tác dụng ấy bày ra ở các xã hội loài người” (Đào Duy Anh, Sách đã dẫn, trang VIII).

Trong tác phẩm Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm đã đưa ra định nghĩa như sau: “ Văn Hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.” (Trần Ngọc Thêm, Sách đã dẫn, trang 25).

Với định nghĩa mang tính chất kinh điển này văn hóa không chỉ là những vật thể cụ thể hiện diện trước mắt con người như đền đài, miếu vũ, lăng tẩm, thành quách, các tác phẩm nghệ thuật, ngôn ngữ v.v… hàm chứa giá trị vật chất mà còn có cả những giá trị tinh thần vượt thời gian và không gian. Con người hoạt động trong môi trường tự nhiên và xã hội với trí thông minh và đầu óc sáng tạo, đối cảnh sinh tình cho nên đã tạo ra được các công trình văn hóa như văn học, nghệ thuật, các hình thái cuộc sống, lối ứng xử cũng như đạo đức luân lý của con người.

Trong cuốn Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L. Cadière, Giáo sư Đỗ Trinh Huệ (dạy về văn hóa Pháp tại Trường Đại Học Tổng Hợp Huế, người nhận được Huân chương của Tòa Thánh Vatican cách đây mấy năm) cho biết văn hóa là một khái niệm rất mông lung khó lòng mà có thể đưa ra một khái niệm rõ ràng như là một định nghĩa toàn bích và trọn vẹn. Cũng không thể dùng lối chiết tự như có người đã từng làm, dù đựa trên cơ sở ngôn ngữ nào, dù dựa trên khái niệm phương Đông hay phương Tây, La Mã hay Hy Lạp, Trung Hoa hay Ấn Độ… Có điều ai cũng cảm nhận được văn hóa của dân tộc mình, của cộng đồng mình đang chung sống và … của mình. Giáo sư Đỗ Trinh Huệ trích dẫn một định nghĩa được nhiều người quan tâm, bởi thấy nó quen thuộc, cho dù đọc nó lần đầu, tự nó như là một dạng thức cảm nhận : Văn hóa như là “một toàn bộ phức tạp: nghệ thuật, luân lý, lề luật, phong tục và tất cả các khuynh hướng cũng như tập quán mà con người xét như là một thành phần xã hội đã tiếp nhận được” (E.Tylor, 1871) Ý chúng tôi muốn thêm là còn dự phóng cho tương lai. Bởi lẽ, văn hóa không tĩnh mà luôn động, giao thoa và chuyển biến.” (Nhà xb. Thuận Hóa, 2006, trang 78)

Có người như Mạc Định Hoàng Văn Chí trong cuốn sách mang tên Duy Văn Sử Quan dẫn giải quan điểm của nhiều học giả (trong đó có Đào Duy Anh) khi cho rằng “Văn hóa là nếp sống, là lề lối sinh hoạt.” Theo ông Hoàng Văn Chí thì nhận định đó rất gọn nhưng có lẽ vì gọn quá nên thành ra thiếu sót, vì có người có thể nêu lên câu hỏi: Mỗi sinh vật đều có lề lối sinh hoạt riêng biệt, vậy thì chiếu theo định nghĩa ấy chúng cũng có văn hóa hay sao? Thí dụ như loài ong là một xã hội hoàn hảo có phân công, phân phối, có giai cấp, nào ong chúa, ong thợ, v.v… có tổ chức hành chính, có đội quân tình nguyện ‘thần phong’. Và ông đưa ra một định nghĩa khác với dụng ý bổ túc: “Văn hóa phải là lề lối sinh hoạt và suy nghĩ.” (Tủ sách Cành Nam, 1990, trang 27). Thật ra nếu đọc kỹ sách của Đào Duy Anh, chúng ta thấy rằng học giả họ Đào đã nghiên cứu khá tỉ mỉ hệ thống tư tưởng Việt Nam tức là lối suy nghĩ khi viết về phần Trí thức Sinh hoạt trong cuốn sách giá trị của ông.

Trước đây hơn nửa thế kỷ, trong một bài báo có tên Vấn-đề đào-tạo trí-thức tại Việt-Nam, Giáo sư Đặng Vũ Biền cho biết “tìm được một định nghĩa cho thật đúng cho chữ văn hóa quả là một việc khó khăn và vì thế, dĩ nhiên, việc xét giá trị văn hóa của người lại càng khó khăn hơn nữa.” Sau đó, Giáo sư Đặng Vũ Biền đưa ra một định nghĩa mang tính thực dụng:

“Định nghĩa tôi đưa ra dưới đây không phải là một định nghĩa có giá trị tuyệt đối, mà chỉ là một định nghĩa tôi xét thấy thích hợp nhất đối với vấn đề.

Theo ý tôi, cái văn hóa mà ta cần phải huấn luyện cho các học sinh ở Trung học là sự tổng hợp của:

  • 1) Những hiểu biết thực dụng trong đời sống như ngôn ngữ, sinh ngữ, khoa học thường thức.
  • 2) Những tư tưởng hay đẹp, những sự khôn ngoan của các văn gia, các triết gia.
  • 3) Những hiểu biết về văn nghệ, về nghệ thuật.
  • 4) Và nhất là óc suy luận, biết nhận thấy cái hay cái đẹp, cái phải cái trái.


(Tạp chí Đại Học, số 11, Tháng 9 năm 1959, trang 152, Viện Đại Học Huế xuất bản).

Những liệt kê các hiểu biết này của Giáo sư Đặng Vũ Biền thực ra không phải là một định nghĩa về văn hóa nhưng là những thành tố cấu tạo nên văn hóa và quan điểm này cũng không có gì khác biệt với một số khái niệm đã trình bày ở trên.

Tất cả những định nghĩa nêu trên – qua nhiều thế hệ cầm bút - quả thực đã cho chúng ta một vài khái niệm về hai chữ văn hóa, dĩ nhiên trong hoàn cảnh của một cộng đồng người Việt cư trú ở hải ngoại cũng cần thiết phải rút ra những áp dụng cụ thể mang lại ích lợi cho bản thân mình nhất là cho các thế hệ trẻ đang lớn lên chung quanh.

2.- Văn hóa Việt Nam nhìn qua những nguyên tắc ứng dụng và những mô hình khắc họa đan thanh.

Hoạt động trong môi trường văn hóa dưới hình thức một tổ chức văn học hay nghệ thuật thậm chí trong cơ cấu của một tổ chức chính trị, người đứng đầu tổ chức phải có viễn kiến (vision) đề ra một số nguyên tắc làm chuẩn mực cho các hoạt động của mình để rồi từ đó những nguyên tắc chuẩn mực cho các sáng tác phẩm được thai nghén, sáng tạo và phổ biến.

Năm 1933, khi sáng lập tổ chức Tự Lực Văn Đoàn, Nguyễn Tường Tam đã chủ trương lập một nhóm nòng cốt (formation d’un noyau) lấy tên Tự Lực “là có ý họ tự sức mình gây lấy môt cơ sở chứ không cậy nhờ bàn tay chính phủ hoặc một thế lực tài chính nào, do đó có tư cách độc lập, không tuân theo một chỉ thị nào, ngoài đường lối tự họ vạch ra.” (Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học sử Giản ước Tân biên, tập 3, trang 433).

Năm 1933, trong lời tuyên bố của Tự Lực Văn Đoàn đăng trên báo Phong Hóa số 87, ngày 2-3-1933, những người thành lập văn đoàn này đã nói rõ cái tôn chỉ và mục đích của họ như sau:

“Tự lực Văn đoàn họp những người đồng chí trong văn giới: người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương. Tôn chỉ gồm 10 điều nguyên văn như sau:

  • 1-Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giầu thêm văn chương trong nước.
  • 2-Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và cho xã hội ngày một hơn lên.
  • 3-Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
  • 4-Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.
  • 5-Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
  • 6-Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của đất nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái.
  • 7-Trọng tự do cá nhân.
  • 8-Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
  • 9-Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam.
  • 10-Theo một trong 10 điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.

(Nhiều tác giả, Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ, Người Chiến Sĩ, Nhà xuất bản Thế Kỷ, 2004, trang 143)

Mười năm sau, năm 1943, Trường Chinh tức Đặng Xuân Khu người được coi là lý thuyết gia của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa ra bản Đề Cương Văn Hóa Việt Nam trong đó có nói đến chính sách văn hóa của Đảng Cộng Sản Đông Dương với ba nguyên tắc như sau: “ Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa” .

Một số cây bút hoạt động phục vụ nhà nước Cộng Sản đã ca tụng bản đề cương văn hóa này, thí dụ Trần Hoàn, Bộ Trưởng Văn Hóa Thông tin (1987-1996) đã viết: “50 năm qua, hiệu quả của “Đề cương Văn hóa Việt Nam” thật là rộng lớn. Đã có biết bao biến đổi trên các hoạt động tư tưởng, văn hóa, giáo dục và xã hội. Đã có biết bao tác phẩm nghiên cứu, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản cách mạng, giàu bản sắc dân tộc được đưa vào cuộc sống, làm nên những sức mạnh vật chất cực kỳ to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc, xây dựng nên một diện mạo mới của nền văn hóa Việt Nam đáng phấn khởi và tự hào.” (Trần Hoàn, Tuyển Tập Văn Hóa & Âm Nhạc, Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, Nhà xuất bản Văn Hóa – Hà Nội 1997, trang 129).

Tuy nhiên phải công bình mà nói, ba nguyên tắc Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa của bản Để Cương Văn Hóa Việt Nam 1943 do Trường Chinh soạn thảo (có người cho rằng Trường Chinh “cóp” của Mao Trạch Đông, nhưng luận chứng này xét ra không vững), đã vay mượn từ tư tưởng hay viễn kiến của Tự Lực Văn Đoàn qua bản tuyên bố năm 1933. Dân tộc hóa rất gần với tôn chỉ số 2 và 4. Đại chúng hóa nằm trong nội dung tôn chỉ số 3, số 6. Khoa học hóa là phản ánh tôn chỉ số 9. Đây là một sự cóp nhặt hay rõ hơn chịu ảnh hưởng công trình tim óc của người đi trước nhưng vì sĩ diện “ lý thuyết gia”này không chịu nói ra.

Ở Miền Nam Việt Nam, từ ngày mồng 7 đến ngày 16 tháng giêng năm 1957, Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc với sự tham dự của rất nhiều tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, chính khách, nhà báo, nhà văn được triệu tập dưới thời của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và người ta cũng đưa ra ba nguyên tắc ứng dụng trong lãnh vực văn hóa đó là Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng. Tuy được khai sinh dưới thời Đệ I Cộng Hòa nhưng ba nguyên tắc này vẫn được mặc nhiên công nhận dưới thời Đệ II Cộng Hòa nghĩa là tiếp tục làm khuôn phép cho các hoạt động văn học nghệ thuật và những bộ môn sáng tác khác. Trong đại hội đó, “một dân biểu Miền Nam, ông Nguyễn Phương Thiệp trình bày về tự do tư tưởng trong hiến pháp VNCH và cho rằng sự “chỉ huy văn hóa” của cộng sản đã tiêu diệt sáng tác văn hóa vì nó phủ nhận bản sắc cá nhân của mọi người nghệ sĩ, nguồn gốc của sự sáng tác.” ( Trần Anh, Chủ nghĩa quốc gia của chánh quyền Đệ Nhứt Cộng hòa, 1954-1963, Tạp chí Talawas số mùa Thu 2009, Chuyên đề “Bao nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?”)

Xét chung mỗi miền của đất nước có một lề lối ứng xử trong văn hóa nhưng cả hai đều lấy phải Dân Tộc làm đối tượng đề cao tiên khởi. Con người được đề cao vì con người có tự do đó là ý nghĩa của hai chữ nhân bản và khai phóng. Văn hóa như ở Miền Bắc tuy nói rằng hướng về đại chúng và xây dựng trên tinh thần khoa học nhưng quần chúng miền Bắc trước năm 1975 vẫn đa số mù chữ và sống trong cảnh ngu dốt, mê tín và mông muội thì thật là hoàn toàn trái ngược với đường hướng đại chúng và khoa học.

Để nhận diện rõ nét vóc dáng văn hóa Việt Nam, thiết tưởng nên có một cái nhìn khái khát về phạm vi các nền văn hóa thế giới và như thế có thể dễ dàng đối chiếu khi nhận định về văn hóa của ta.

Trong tác phẩm Chính Đề Việt Nam, tác giả Tùng Phong (bút hiệu của ông Ngô Đình Nhu ?) đã chia khu vực văn hóa trên thế giới làm 5 khối với những luận giải như sau: “Bây giờ nếu chúng ta đứng vào lĩnh vực văn hóa thì nhận thấy thế giới lại chia ra làm nhiều khối hơn. Trước tiên là khối Âu Mỹ gồm các nước ở Âu Châu, kể cả Nga Sô và các nước Đông Âu thuộc Nga. Các nước ở Bắc và Nam Mỹ và những quốc gia do người Âu lập ra ở Úc Châu, Tân Tây Lan và Nam Phi. Khối này gồm các nước thuộc vào xã hội Tây Phương. thừa hưởng văn hóa Hy Lạp và La Mã khi xưa và văn hóa Gia Tô sau này.

Khối thứ hai gồm các quốc gia Ả Rập ở từ vùng cận Đông đến Hồi Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Soudan, Ai Cập và các quốc gia Bắc Phi Châu. Khối này thành lập xã hội Hồi Giáo thừa hưởng văn hóa Hồi Giáo.

Khối thứ ba gồm các quốc gia ở phía Đông Đại lục Âu Á: Nhật Bổn, Đại Hàn, Trung Hoa và Việt Nam, lập thành xã hội Đông Á thừa hưởng văn hóa xưa của Trung Hoa.

Khối thứ tư gồm Ấn Độ và, ngoài các nước nhỏ phụ cận Ấn Độ phía Bắc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Mã Lai và Nam Dương. Lập thành xã hội Ấn Độ thừa hưởng văn hóa Ấn Độ.

Và sau hết khối Hắc Phi gồm các quốc gia mới xuất hiện ở Phi Châu lập thành xã hội Hắc Phi có một văn hóa phôi thai.” (Tùng Phong, Chính Đề Việt Nam, Nhà xuất bản Hùng Vương, Los Angeles, 1988, trang 17)

Việt Nam thuộc nền văn hóa xưa của Trung Hoa, thừa hưởng nhiều di sản nhưng lại có tinh thần sáng tạo và nhờ tinh thần đó Việt Nam thoát được sự đồng hóa của Bắc phương.

Ở Việt Nam, nếu xét theo bình diện địa lý, người ta thường dùng tên các con sông để định vị cho một phạm vi văn hóa, thí dụ Văn hóa Sông Hồng ở Bắc, Văn hóa Sông Hương ở Miền Trung hay Văn Hóa Sông Cửu Long thuộc Miền Nam. Tại sao vậy? Bởi vì các con sông nhất là những con sông lớn trên thế giới thường là nơi phát tích và quần cư của cả một dân tộc thí dụ như sông Hoàng Hà, Dương Tử ở Trung Quốc là nơi quần tụ các nền văn minh của Hán Tộc. Các sông Tigre và Euphrate là nơi hình thành nền văn minh Lưỡng Hà Địa vùng cư trú của các giống dân Trung Đông. Sông Nil làm nên nền văn minh Ai Cập. Các sông Seine, Loire, Garonne làm thành nền văn minh Pháp và nói chung Âu châu. Ở Hoa Kỳ, các con sông lớn Mississipi, Missouri đóng góp nhiều công sức vào việc hình thành nền văn minh Hoa Kỳ. Người ta cũng nhắc đến các nền văn hóa Tây Bắc (Thái, Mường), Việt Bắc (Tày, Nùng), văn hóa Đông Sơn thời thượng cổ, văn hóa Đại Việt thời trung cổ, văn hóa Tây Nguyên với trung tâm là bốn tỉnh Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc, Lâm Đồng thuộc trên 20 tộc người sử dụng các ngôn ngữ Môn-Khmer và Nam Đảo, và văn hóa Nam Bộ gồm các cư dân Việt, Chăm, Hoa là những sắc dân đi khai phá đất hoang và các cư dân bản địa như Khmer, Mạ, Xtiêng, Chơro, Mnông. (Trần Ngọc Thêm, Sđd, trang 62).

Về phương diện khảo cổ học, ở nước người ta thường hay nhắc đến tên các địa danh văn hóa như Bắc Sơn, Hòa Bình, Đông Sơn, Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu, v.v.. ở Miền Bắc. Các nền văn hóa Bàu Tró ở Quảng Bình, văn hóa Cù Bai ở Quảng Trị, di chỉ Gò Quảng ở Quảng Nam, Gò Rừng Cây ở Quảng Ngải v.v… ở Miền Trung. Các nền văn hóa Óc Eo, Phù Nam ở Miền Nam và thêm vào đó là các di chỉ khảo cổ học ở Long Khánh, Xuân Lộc, Bà Rịa v.v…

Về nghệ thuật, chúng ta có nền văn hóa thuộc âm nhạc như quan họ Bắc Ninh, hát ví hát dặm Nghệ Tĩnh, văn hóa bài chòi ở Bình Định. Văn hóa chèo, tuồng, hát bội, ca trù, rối nước, hội hè đình đám, thi đua, đánh vật, đánh đu kể cả các hình thức tín ngưỡng dân gian như lên đồng, cầu cơ, xin xăm, xũ quẻ v.v.. cũng được kể như những hình thái văn hóa. Ở Miền Nam, nhất là vùng Lục Tỉnh Nam Bộ, nghệ thuật trình diễn cải lương được xem là một bộ môn văn hóa rất được quần chúng ưa thích.

Về phương diện ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam trước đây được biểu thị trong hơn mười mấy thế kỷ bằng chữ Hán rồi từ thế kỷ 13, với sự xuất hiện của chữ Nôm và thế kỷ XVII với chữ Quốc Ngữ là hai thứ ngôn tự đã giúp cho nền văn hóa chúng ta trở thành phong phú, đa dạng hơn.

Văn hóa Việt Nam vô cùng biến hóa trong lãnh vực ngôn từ, văn chương từ khả năng trao đổi đàm thoại hàng ngày cho đến thứ ngôn ngữ thù tạc đối đáp trong phạm vi ngoại giao, ứng xử, thậm chí cả đến những lúc chửi bới rủa sả nhau cũng có một thứ văn hóa gọi là “văn hóa chửi”, dĩ nhiên cũng phải có bài bản, mạch lạc, văn chương.

Về ăn uống, chúng ta cũng có loại hình gọi là văn hóa ẩm thực mà mỗi miền có một hay nhiều món ăn điển hình cho địa phương thí dụ : nói đến Bắc là nói đến phở, nói đến Huế là nói đến bún bò, nói đến Nam là nói hũ tiếu v.v… Văn hóa ẩm thực là một phạm trù rất bao quát, đa diện, phong phú về nghệ thuật và lối trình bày dưới nhiều chủ đề lại tỏ ra có khả năng hấp dẫn đối với bên ngoài.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Alain Ruscio khoảng năm 1995, khi được hỏi rằng: “Tôi tin rằng ông cũng có một thuyết lý về vai trò đặc thù của người phụ nữ trong sự phòng giữ bản diện, bản sắc Việt Nam?”, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), một học giả nổi tiếng đã cống hiến gần trọn cuộc đời cho nền văn hóa Việt Nam, đã trả lời :

“Đó là sự thể thường xuyên trong suốt lịch sử của đất nước chúng tôi. So với đàn ông, đàn bà khó chấp nhận hơn những tập tục của kẻ chiếm đóng. Đúng là như vậy về trang phục. Đúng là như vậy về những lề thói gia đình. Rõ rệt nổi bật ở lĩnh vực ngôn ngữ. Ai giữ gìn tiếng nói nếu không phải là phụ nữ? Ai dạy cho trẻ thơ biết nói? So với đàn ông, đàn bà ít có dịp tiếp xúc hơn với các nhà chức trách người Trung Hoa. Tôi nghĩ rằng phần lớn công việc phòng giữ văn hóa Việt Nam là do các bà mẹ, các bà vợ.” (La Sơn Yên Hồ HOÀNG XUÂN HÃN, Tập I Con Người và Trước Tác, Phần I, Nhà xuất bản Giáo Dục, 1998, trang 1130).

Câu trả lời của Hoàng Xuân Hãn xác định một thực tế về vai trò của người phụ nữ trong việc giữ gìn bản sắc của nền văn hóa dân tộc.

Cách đây hơn hai nghìn năm, Lão Tử, một nhà hiền triết Đông Phương tương truyền có nói rằng “Làm thầy thuốc mà lầm thì giết một người, làm chính trị mà lầm thì giết một nước, làm văn hóa mà lầm thì giết muôn đời.” Câu nói này đã nói lên được tất cả sự quan trọng của công tác văn hóa bởi vì văn hóa là cái gốc của tư tưởng mà tư tưởng luôn luôn điều khiển hành động của con người.

Gần đây, một nhà hoạt động chính trị ở Âu châu cũng cho rằng: “Văn hóa của một dân tộc là toàn bộ những giá trị đã được chấp nhận và tạo ra cách suy nghĩ, hành động và ứng xử của dân tộc đó…Văn hóa quyết định tổ chức xã hội và tổ chức xã hội quyết định chỗ đứng và sự hơn kém của các dân tộc.” (Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc Ăn Năn, 2000, trang 368).

Lịch sử đất nước trong những thập niên gần đây đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm đau thương về cái gọi là văn hóa vô sản, hay qua một cụm từ nghe rất kêu “văn hóa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, lồng dưới tấm áo chủ nghĩa Mác Lê xâm nhập đất nước Việt Nam hiện đã được nhiều thức giả như Nguyễn Kiến Giang, Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh, v.v. đánh giá lại.

Năm 1945, với sự hình thành nhà nước CS dấu mặt do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đại diện là bốn vị Giám Mục Nguyễn Bá Tòng, Phan Đình Phùng, Ngô Đình Thục, Hồ Ngọc Cẩn đã gửi thư cho một số cường quốc thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Anh để thỉnh cầu thế giới bên ngoài hỗ trợ giúp đỡ dân tộc Việt Nam có được nền độc lập công chính. Như thế các vị chức sắc cao cấp của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã chọn thế đứng với dân tộc, với nền văn hóa VN trong viễn tượng hướng về tương lai.

Trước đây qua một cái nhìn còn chất chứa ít nhiều thù hận và nghi kỵ, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (con cụ Thưọng Nguyễn Khắc Niêm và anh của Giáo sư Nguyễn Khắc Dương) vẫn còn đầy thiên kiến khi ông nhìn nóc tháp cao vút một thánh đường ở miền quê Việt Nam là một cái gì kỳ dị, một vật lạ (un objet étranger)) nhưng cuối cùng ông bác sĩ suốt một đời phục vụ với công dã tràng này, có lẽ cũng đã có dịp tham quan thánh đường Phát Diệm, công trình tim óc văn hóa đầy tính dân tộc của Cha Trần Lục (Père Six), cũng đã đọc một số tác phẩm của các tác giả Công Giáo như Hiếu Tự Ca của cụ Trần Lục, thơ ca, âm nhạc tôn giáo của Linh Mục Phaolô Đoàn Quang Đạt, Cha Gabriel Long (Địa Phận Sài Gòn), Cha Nguyễn Văn Thích (Địa Phận Huế), các vần thơ đạo hạnh của Hàn Mặc Tử, các kinh nguyện của Đức Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn, Đức Cha Trịnh Như Khuê (thuộc các Địa Phận Miền Bắc trước năm 1945) mang những nét đặc thù dân tộc; ông Viện ắt đã suy nghĩ lại. Chắc ông NKV (mặc dù đã qua bên kia thế giới) cũng thấy rằng không những ngày xưa mà đến bây giờ cho mãi mãi về sau tinh thần văn hóa của dân tộc vẫn là chất keo gắn kết mọi người Việt Nam; bằng chứng là trong bản góp ý với nhà nước CS về bản hiến pháp, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thẳng thắn đề nghị bỏ chủ nghĩa xã hội Mác-Lê Nin để lấy tinh thần văn hóa dân tộc làm cơ sở tư tưởng cho cuộc sống của đất nước, xã hội và con người Việt Nam. Cũng may cuối đời vị bác sĩ uyên bác này cũng đã có những lời nói để lại mang tính cách “mea culpa”, “mea culpa”, “mea maxxima culpa” cũng như cụ luật sư Nguyễn Mạnh Tường trong tác phẩm Kẻ bị dứt phép thông công (Un ex-communiqué) viết với niềm ai oán thê lương, có những tháng ngày nhìn lại quá khứ của mình.

Ngày nay những giá trị tinh thần cốt lõi tinh túy của nền văn hóa truyền thống Việt Nam dù ở trong nước hay ở hải ngoại đều là những cái cần được bảo tồn, phát huy để làm nổi bật bản sắc của chúng. Chúng ta chủ trương duy trì và phát triển một nền văn hóa dân tộc dựa trên ba tiêu ngữ mang tính chiến lược mà cũng rất vắn gọn đó là Chân, Thiện, Mỹ nghĩa là một nền văn hóa tôn trọng sự thật, hướng về cái tốt của con người và xiển dương cái đẹp của thể phách cùng tâm linh trong vũ trụ. Cơ chế chính trị của Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác chấp nhận hình thức đa văn hóa cho nên nhiệm vụ của các Cộng đồng, Cộng đoàn Việt Nam là làm sao gìn giữ và phát huy nền văn hóa độc đáo của Việt Nam, tiếp tục truyền thụ lại cho các thế hệ mai sau. Mong sao con đường văn hóa đó sẽ được nhiều giới tiếp sức yểm trợ, từ trẻ tới già thuộc nhiều thế hệ, nhất là các bà mẹ, bà vợ trong gia đình, để cho nền văn hóa Việt Nam trở thành một nền văn hóa mang chiều sâu tâm linh, hướng thượng hơn là tình trạng đáng lo ngại của ngày nay.

(Philadelphia, Mùa Vọng Giáng Sinh, 21-12-2013)
 
Video tiếng hát Viet-Dzũng: Một chút quà cho Quê hương
Việt Dzũng
14:57 21/12/2013