Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.
Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được! Phải đặt tên cháu là Gio-an.” Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
Đó là lời Chúa
Góc KINH THÁNH: Thiên Chúa của Người Nghèo (Luke 1:46-55)
Sau khi Tin Mừng ngự trong cung lòng, Đức Maria đã ra đi, gặp bà Elizabeth. Để rồi chính Đức Mẹ loan báo Tin Mừng tới người bị xã hội Do Thái coi thường khinh chê, vì bà Elizabeth không có khả năng sinh con.
Nội dung của Tin Mừng mà Đức Maria loan báo là Thiên Chúa qua việc Chúa Con đến đã giải thoát những người nghèo khổ khỏi thân phận thấp hèn của họ, "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc" (Luke 1:46, 48). Thông điệp này được lặp lại sau đó bởi chính Chúa Giêsu tại quê hương của mình. Trong hội đường Nadarét, Chúa Giêsu công bố rằng Thiên Chúa đã sai Người đến thế gian để loan báo Tin Mừng cho những người bị xã hội ruồng bỏ. Do đó, người câm sẽ lên tiếng, người điếc sẽ nghe được người mù sẽ nhình thấy, người thu thuế sẽ diện đối diện khuôn mặt Con Thiên Chúa.
Theo dấu chân của các nhà truyền giáo Chúa Giêsu và Mẹ Maria, các nhà truyền giáo của muôn thế hệ tiếp tục ra đi loan báo Tin Mừng tới những người gặp gỡ trên con đường hành hương. Tin Mừng đó chính là Thiên Chúa là Đấng Giải Thoát, Người luôn đứng về phía người nghèo. Bởi Thiên Chúa là Chúa của người nghèo, những người nhận được Tin Mừng vào đêm Giáng Sinh chính là những người chăn chiên, những người bị xếp vào hạng thấp kém và không có tiếng nói trong xã hội Israel.
“Thiên Chúa là Thiên Chúa của người nghèo” là Tin Mừng trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh này, bởi thật ra con người tự bản chất là người nghèo khó trên mọi phương diện.
Chúc tụng Đấng Emmanuel, Người sinh ra trong khó nghèo để người nghèo không còn nghèo khổ nữa, nhưng hân hoan trong Thiên Chúa của người nghèo.
God is the God of the Poor (Luke 1:46-55)
Having embraced Jesus in her womb, Mary, the missionary in the first century goes out, encounters Elizabeth in her house. Mary in this setting proclaims the Good News to her cousin who is classified as a cursed woman in Jewish society, for Elizabeth fails to bear a child.
The content of the Good News that Mary proclaims is that God through the arrival of the Son has liberated the poor from their lowly status. However, the power will be cast down from royal thrones. This message is repeated later by Jesus in his hometown. In the synagogue of Nazareth, Jesus proclaims that God has sent him to the world in order proclaim the Good News to the outcast in society. Consequently, the voiceless will raise their voice, the deaf will hear, the blind will see, the tax collectors will see the face of God’s son.
Following in the footsteps of the missionaries Jesus and Mary, the missionaries of all ages will proclaim to the people whom they encounter on the roads the Good News. That is, God is the Liberator who is always on the side of the poor. In short, God is the God of the poor. No wonder the only ones who are informed of the Good News and then come to visit the newborn Jesus in the Lukan account are the shepherds who are classified as the lowly and the voiceless in Israel society.
"God is the God of the poor" is the Good News in this Advent season, for human beings by nature are poor in many aspects. Physical and emotional are the two of this many.
Praise the God of Jesus, who is born in poverty so the poor will no longer suffer poverty, but exult in the God of the Poor.
(Trích Suy Niệm Ta Thương Tổn Ta sẽ xuất bản)
Suy niệm lễ Đêm Giáng Sinh 2022
Một vị quan lớn gửi thiệp mời các người thân quen đến dự tiệc mừng sinh nhật thất tuần của ông. Tất cả quan khách đến dự buổi liên hoan đều ăn mặc sang trọng và có xe ngựa sang trọng đưa rước. Một vị quan cao tuổi là bạn chí thân của quan chủ tiệc cũng đến dự. Do già yếu nên khi bước xuống xe, chẳng may ông bị trượt chân té xuống một vũng nước dơ khiến các gia nhân gần đó đều cười ồ lên. Trước tình trạng quần áo bị hoen ố nước dơ, vị quan cảm thấy xấu hổ trước trăm con mắt đang nhạo cười mình và quyết định lên xe ra về. Viên quản gia hiện diện đã đến năn nỉ hết cách mà vị quan kia nhất định không vào trong nhà dự tiệc. Bấy giờ chủ nhà được gia nhân cấp báo liền vội vàng chạy tới. Khi ngang qua vũng nước, ông lại cố tình té ngã vào vũng nước và quần áo ông cũng vấy bẩn không khác vị quan khách kia bao nhiêu. Lần này bọn gia nhân không ai còn dám cười nữa. Sau đó chủ nhà đã nắm tay vị khách quý mời vào phòng dự tiệc, và ông này không còn viện lý do gì để từ chối nữa.
Việc làm của chủ nhà trong câu chuyện trên là hành động tế nhị và đầy tình người, khiến chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao Đức Giê-su vốn là Con Thiên Chúa nhưng lại hạ mình xuống làm một phàm nhân. Người đã trở nên giống như chúng ta để ban ơn cứu độ cho chúng ta.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em, đặc biệt những anh chị em tôn giáo bạn đang hiện diện trong ngôi thánh đường đầy hiệp thông và yêu thương này.
Lễ Noel hay lễ Giáng Sinh mà chúng ta đang mừng kỷ niệm hôm nay, có thể khẳng định với nhau ngay rằng đây không chỉ là lễ dành riêng cho người theo đạo Công Giáo nữa, mà đã trở thành ngày lễ chung của cả thế giới, của tất cả mọi người. Đây đó, từ nông thôn đến thành phố, từ miền xuôi đến miền ngược, từ các công ty cũng như các quán xá đều nô nức trang trí hang đá, cây thông và treo ngôi sao để chào mừng lễ hội Noel. Một đại lễ mang tầm quốc tế và có sức thu hút thật mạnh liệt và nối kết con người với nhau mà không phân biệt màu da, sắc tộc và tôn giáo chính trị.
Nơi đây, Giáo xứ Cự Tân cũng đang tưng bừng và nô nức đón mừng đại lễ Giáng Sinh 2022, kỷ niệm việc Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đức Giê-su Ki-tô, là Hài Đồng Giê-su sinh xuống gian trần để cứu nhân độ thế. Chúng ta đang chiêm ngắm vị Hoàng Tử Hoà Bình nằm trong máng cỏ nơi hang đá phía trước mặt chúng ta. Chúng ta vui mừng vì nơi sự lạnh lẽo và giá rét của phận người, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã đến và cư ngụ với chúng ta để san chia những vui buồn sướng khổ với kiếp nhân sinh. Vì yêu thương nhân loại tội lỗi, vì muốn chia sớt nỗi tột cùng kiếp nghèo của con người chúng ta, Thiên Chúa đã đích thân đến với con người bằng một hình hài con người giống con người mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. (x.Gl 4,4). Ngài là Thiên Chúa thật, bởi Thiên Chúa thật, nhưng đã được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria để làm người thật. Như vậy, nơi Đức Giê-su Ki-tô, Ngài mang hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8). Theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 470: “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay nhân loại, suy nghĩ bằng trí óc nhân loại, hành động theo ý chí nhân loại, yêu mến bằng quả tim nhân loại. Sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi”.
Quả thật, vì Thiên Chúa là tình yêu, mà yêu thương thì luôn luôn thuộc về Thiên Chúa, hoà bình và hạnh phúc đích thực thuộc về Thiên Chúa, nên Đức Giê-su, Đấng Thiên Sai đã được loan báo từ các tiên tri trong Cựu Ước nay đã trở thành hiện thực qua việc nhập thể và nhập thế này. Chính Ngài là Hoàng Tử Hoà Bình vì sự xuất hiện của Ngài là nối kết, là hiệp hành muôn loài muôn vật. Ngài là điểm quy chiếu mọi điều tốt lành thánh thiện. Ngài là trung tâm điểm của vũ trụ hoàn cầu này. Nơi Ngài, sự nô lệ và tự do, công chính và tội lỗi, bệnh tật và khoẻ mạnh, giàu nghèo, sắc tộc,…được dung hoà và trở nên hiệp nhất.
Vì tình yêu mà Ngài đã có mặt nơi trần gian và trong mỗi tâm hồn của chúng ta. Ngài hiện diện là để thi ân giáng phúc. Ngài hiện diện là để cho nhân loại được sống và sống dồi dào. Ngài hiện diện là để cứu vớt hơn là luận phạt. Ngài hiện diện để quy tụ, thân thiện và bao dung thay vì loại trừ và xa cách. Ngài hiện diện để sẻ chia bình an và hạnh phúc khi Ngài sẵn sàng trao ban chính Máu Thịt của Ngài cho cả và nhân loại. Ngài hiện diện để phục vụ và hy sinh mạng sống làm giá chuộc muôn người. Đỉnh điểm của việc nhập thể không gì khác là việc chấp nhận chịu chết trên cây Thập Giá để cứu độ nhân loại tội lỗi.
Mặt khác, nhìn vào hang đá đơn sơ và lạnh giá, chúng ta đang bắt gặp một vị Thiên Chúa yêu mến sự khó nghèo và muốn cứu giúp những ai có tâm hồn nghèo khó. Ngài không chọn kiểu giàu sang theo cách nhìn của con người vốn luôn luôn khát khao và tìm kiếm, nhưng Đức Giê-su đã chấp nhận bước vào cảnh tột cùng của kiếp nhân sinh để nâng con người tội luỵ lên làm con Thiên Chúa và để giải thoát con người thoát khỏi cảnh nghèo đói và khổ đau. Nhìn những mục đồng nghèo nàn và đơn sơ đã được đón gặp Hài Nhi Giê-su hôm nay, chúng ta cảm nhận được tình yêu khôn dò của Thiên Chúa dành cho những ai sống giản dị và khiêm tốn. Những mục đồng đại diện cho những con người bần cùng của nhân loại đã, đang và sẽ luôn được Thiên Chúa viếng thăm và ban ơn cứu độ. Như vậy, Thiên Chúa đã thực hiện đúng mục đích của Ngài là đem yêu thương và bình an của Ngài cho con người ngay từ lúc mới sinh ra trong hang đá Bê-lem đơn hèn. Quả thật, máng cỏ là dấu chỉ của sự khó nghèo, là biểu hiệu của tình thương. Con Thiên Chúa đã chấp nhận sinh ra trong cảnh khó nghèo để gần gũi với những người nghèo, để cảm thông với nếp sống mong manh của những con người không nhà không cửa, của những con người, đó là lý do sâu xa của mầu nhiệm Giáng Sinh. Vâng, Đức Giêsu thực sự đã đem lại cho thế giới, cho nhân loại một Tin mừng: “Thiên Chúa chính là Cha của chúng ta, còn chúng ta là anh chị em với nhau trong một đại gia đình”. Đây là ý nghĩa của sự hiệp hành mà chúng ta đang được hướng tới trong Thượng Hội Đồng lần thứ 16 năm 2023. Vì không có mầu nhiệm Nhập Thể, không có sự hiệp hành và con người sẽ chết trong tội lỗi.
Chính vì thế, đáp lại tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta ngang qua việc nhập thể của Đức Giê-su Ki-tô, là những ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi cảm nhận tình yêu vi diệu của Thiên Chúa, đồng thời làm phát sinh tình yêu ấy bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Chính thánh Phaolô đã căn dặn chúng ta ngang qua bài đọc 2: để đón gặp Chúa “chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” (Tt 2,12) Hơn nữa, để đón gặp Chúa và đón gặp tha nhân trong đời sống hằng ngày, mỗi chúng ta được mời gọi trở nên con người dễ mến, đơn giản và nghèo khó như các mục đồng xưa đã đón nhận được tin mừng Giáng sinh.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
Suy niệm lễ Giáng Sinh 2022
Năm 2018, sau khi cùng tuyển Pháp vô địch World Cup, Mbappé đã nhận được một khoản tiền lương và thưởng rất lớn cho chiến thắng này, khoảng 500.000 USD (gần 12 tỷ VND tính theo tỷ giá hiện tại). Tất cả số tiền này đã được chàng cầu thủ đem đi quyên góp cho một tổ chức từ thiện dành cho trẻ em. Chia sẻ về quyết định này, Mbappé nói: “ - Tôi không cần được trả tiền. Tôi thi đấu để bảo vệ màu cờ sắc áo của đất nước. - Tôi kiếm đủ tiền - rất nhiều tiền. Vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là phải giúp đỡ những người gặp khó khăn. Rất nhiều người đang đau khổ và đối với những người như chúng tôi, giúp đỡ mọi người không phải là điều gì to tát.”. Đặc biệt, ngay sau trận chung kết nảy lửa với Argentina ngày 18/12/2022, anh chàng Mbappe lại khiến cho người hâm mình phải nức lòng khi quyết định quyên góp toàn bộ số tiền thưởng của mình tại mùa World Cup này cho một quỹ vì trẻ em nghèo Châu Phi. Theo những chia sẻ của Mbappe với phóng viên tại họp báo sau trận đấu, anh cho biết sẽ dùng số tiền thưởng 400.000 USD (khoảng 9,4 tỷ đồng) để tặng cho một quỹ từ thiện vì trẻ em ở Châu Phi. Anh chia sẻ: “Số tiền đó sẽ không thay đổi cuộc sống của tôi, nhưng có thể thay đổi cuộc sống của các trẻ thơ nghèo..”. Câu nói đơn giản nhưng hành động của anh không hề đơn giản, đã phản ảnh nhân cách của anh. Anh đáng được thế giới “ngưỡng mộ”!
Bên cạnh đó, người hâm mộ bóng đá thế giới không còn xa lạ với cái tên Antonio Rudiger, trung vệ của tuyển Đức. Trên sân cỏ, Rudiger là một chiến binh. Ra ngoài sân, anh có trái tim thật ấm áp. Anh chia sẻ: “Thật đau lòng khi chứng kiến hoàn cảnh của những đứa trẻ ở Sierra Leone. Tại Đức, tôi được trao một cuộc sống tốt đẹp mà nhiều người dân Sierra Leone không có được. Tôi biết ơn cuộc sống này và những quyền lợi mà mình đang được hưởng. Tôi cũng cảm thấy rất vinh dự khi được tham gia vào dự án ở đây”.
Hôm nay, cộng đoàn chúng ta vui mừng đón đại lễ Giáng Sinh, kỷ niệm Con Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta. Chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su nơi máng cỏ Bê-lem, chúng cảm nhận được điều gì? Chúng ta có cảm nhận được tình Chúa yêu thương chúng ta không? Chúng ta có tin rằng Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta hết mực ngang qua việc trao ban Con của Người, là Đức Giê-su cho chúng ta không? Chúng ta có tin rằng Thiên Chúa đã đến cư ngụ và trở nên giống chúng ta ngay giờ phút này và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế không? Thái độ của chúng ta lúc này như thế nào khi chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su nơi hang đá? Thánh Gioan đã viết: “Người ở giữa thế gian,và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.”. (Ga 1, 10-12). Niềm xác tín của chúng ta ngay lúc này đang có về Đức Giê-su như thế nào? Lời mời gọi của thánh Gioan đang nhắc nhở mỗi chúng ta về cách tiếp đón Hài Nhi Giê-su nơi môi trường sống của chúng ta.
Quả thật, kính thưa quý ông và anh chị em, Đức Giê-su mà chúng ta tin nhận. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa mà thánh Gioan đã trình thuật: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại." (cc.1-4)… “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (c.14). Đây là niềm tin chắc chắn mà mỗi chúng ta buộc phải tin. Đây là một trong những lời tuyên xưng về mầu nhiệm cao cả mà Giáo Hội, mẹ của chúng ta đã dạy: Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiệm Ngôi Hai làm người và Mầu nhiệm Ngôi Hai chuộc tội cho thiên hạ. Vì thế, giờ này, chúng ta tin nhận Chúa Giê-su, Ngôi Hai làm người đang cư ngụ với chúng ta, không chỉ nơi máng cỏ đơn sơ mà chính Ngài đang ngự thật nơi Bí tích Thánh Thể mà lát nữa đây chúng ta sẽ tiếp rước Ngài vào hang đá tâm hồn của chúng ta. Chính Ngài đã được loan báo từ ngàn xưa, nay đã trở thành hiện thực. “Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.”(Dt 1, 2-4).
Quả thật, khi chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm làm người nơi Hài Nhi Giê-su, chúng ta tin nhận hình ảnh của Thiên Chúa nơi mỗi chúng ta. Nhờ Mầu nhiệm Ngôi Lời làm người, mà chúng ta được mời gọi xác nhận lại vị trí hay sự hiện diện vô cùng quan trọng của chúng ta ở trên trần gian này. Mỗi chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta đều có một phẩm giá, một phẩm vị ngang nhau trước mặt Chúa: dù là giám đốc, dù là ăn mày, dù là lành lặn, dù là tàn tật, dù giàu sang, dù nghèo đói, dù là giáo hoàng – giám mục – linh mục hay giáo dân,…tất cả chúng ta đều có giá trị tuyệt vời và không bị phân biệt đối xử trước mặt Thiên Chúa. Mỗi chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta là ‘những Hài Nhi Giê-su’ đang nhập thể và nhập thế trong giây phút hiện tại. Trong gia đình, mỗi người là “một Giê-su” đang hiện diện và sống bên cạnh chúng ta. Chồng là Giê-su mà vợ cố gắng nhận ra. Vợ là Giê-su mà chồng cũng phải đón nhận. Cha mẹ là Giê-su đang hiện diện mà con cái phải biết trân quý và đón nhận. Con cái là Giê-su mà cha mẹ phải yêu thương, nâng đỡ, giáo dục và quan tâm từng giây. Đặc biệt hơn nữa, chính nơi Hài Nhi Giê-su, một Thiên Chúa mạnh mẽ nhưng xem ra yếu ớt nơi những hoàn cảnh khổ đau, bệnh hoạn tật nguyện, nơi những ông già bà lão bị bỏ rơi và loại trừ, nơi những cảnh đời éo le và mồ côi, nơi những gia đình ‘khố rách áo ôm’, nơi những trẻ em nghèo đói, nơi những nạn nhân của chiến tranh, bạo lực, thiên tai và nhân tai,…Chính Đức Giê-su đã và đang đồng hoá Ngài với những hoàn cảnh như thế: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy (Mt 25,45). Hoặc “Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta".(Mt 25, 40).
Như vậy, khi chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su trong ngày lễ Giáng Sinh hôm nay, một mặt, chúng ta tuyên xưng tình yêu khôn dò của Thiên Chúa dành cho nhân loại tội lỗi. Ngài hiện diện làm người để cứu độ chúng ta. Mặt khác, chúng ta được mời gọi đón nhận Ngài nơi tha nhân, nhất là nơi những hoàn cảnh đói nghèo và khổ đau, nơi những gia cảnh bần cùng và bị loại trừ. Thật vậy, sau khi gặp được Hài Nhi nơi máng cỏ, nơi Bí tích Thánh Thể, mỗi người được mời gọi ra khỏi nhà thờ, khỏi khuôn viên được coi là xinh đẹp này để về gia đình, đến với trường học, đến với công sở, đến với chợ búa, ruộng đồng và khắp mọi nơi để gặp gỡ những Hài Nhi Giê-su bằng ‘người trần mắt thịt’ để biết yêu thương, sẻ chia, quan tâm và trao ban. Phải chăng công việc của hai cầu thủ bóng đá được nhắc trên là việc làm đáng để chúng ta noi gương bắt chước: Hãy ra đi để gặp Hài Nhi Giê-su trong cuộc sống đời thường bằng những hành động cụ thể hơn là ngồi đó mà than thân trách phận. Đúng là “Hãy cố gắng thắp lên một ngọn nến còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối”!
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
Trong đêm cực thánh này, đêm Noel, đêm mà hầu như toàn thể nhân loại đều hướng đến ngày sinh nhật của Đấng Cứu Thế, cách riêng theo cái nhìn đức tin của người Kitô hữu. Thánh tông đồ dân ngoại khẳng định niềm tin của mình: “Thánh Tử là hình ảnh của Đấng vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình và vô hình” (Cl 1,15-16). Để sống mầu nhiệm Giáng Sinh cho hữu hiệu, thiển nghĩ rằng cần thấu hiểu mục đích của việc Con Thiên Chúa giáng trần. Xin cũng ngẫm suy đôi điều về một trong những mục đích của sứ điệp Giáng Sinh đó là “Con Thiên Chúa giáng trần để làm người”. Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, chính Chúa Giêsu thường tự xưng mình với danh hiệu “Con Người” (x.Mc 10,45; Lc 19,10).
Là trưởng tử giữa các loại thọ sinh, Con Thiên Chúa giáng trần để soi sáng cho con người biết cách thế làm người đúng với thánh ý Đấng Tối Cao khi tạo dựng nên loài người, loài cao trọng nhất trong các loài hữu hình, là hình ảnh và là họa ảnh của Đấng Sáng Tạo (x.St 1,27). Đấng bỏ trời cao xuống thế làm người là để tỏ bày chân lý. Chúa Giêsu đã khẳng định điều này trước mặt Philatô (x.Ga 18.37). Một chân lý nền tảng mà Người ngỏ với nhân loại đó là tạo vật thì phải hiện hữu và vận hành đúng quy luật của Đấng Sáng Tạo. Chiếc bình sành chỉ thực sự là nó khi biết uốn mình theo bàn tay của người thợ gốm (x. Gr 18,1-6). Và ngay khi chào đời Hài Nhi Giêsu đã thực sự sống chân lý căn bản này.
Hài Nhi Giêsu với đôi bàn tay bé bỏng mở ra muốn nói với nhân trần chúng ta rằng việc làm người của bất cứ ai trên cõi trần này đều cần đến tình thương của Đấng Tối Cao, cần đến nghĩa tình của mẹ cha, ông bà, cần đến sự đỡ nâng và sẻ chia của rất nhiều người, cần đến sự góp phần của loài vật bậc thấp và cả giới tự nhiên. Sự hiện hữu, tồn tại và phát triển của một con người có đó sự góp phần của bao nghĩa tình và công sức bên ngoài và nhất là bên trên. Đây cũng là lý do để bất cứ ai đã là người thì phải biết sống cùng, sống cho Thiên Chúa, cho tha nhân và cho mọi loài thụ tạo khác. Chân lý nền tảng này đã được những trang đầu Sách Thánh khẳng định: “con người ở một mình không tốt” (x.St 2,18). Bàn tay Hài Nhi Giêsu mở ra không chỉ là để khiêm nhu đón nhận ân tình mà còn là dấu chỉ của sự sẵn sàng chia sẻ, trao ban trong tình hiệp thông, liên đới với nhân trần.
Biết sống với, sống cùng và sống cho tha nhân chính là cách thế sống đúng phận con người. Hài Nhi Giêsu được đặt nằm trong máng cỏ là dấu chỉ cho nguồn sống và sự sống của muôn loài, cách riêng của loài người. Khi đi rao giảng Tin Mừng chính Người đã khẳng định mình “là Bánh Hằng Sống từ trời xuống cho muôn người” (x.Ga 6,51). Không ai là một hòn đảo. Để làm người cách có ý nghĩa thì cuộc đời của chúng ta phải hữu ích cho những ai đó trong tình yêu liên đới.
Sứ điệp Giáng Sinh đã tỏ bày: Chúng ta phải khiêm nhu nhìn nhận sự hiện hữu, tồn tại và phát triển, nhất là để được hạnh phúc đích thực, chúng ta cần nhờ đến tình yêu của Thiên Chúa và nghĩa tình của biết bao người. Và hiện thực này thúc bách chúng ta phải biết sống hữu ích trong tình quảng đại cống hiến cho Danh Thiên Chúa và hạnh phúc của tha nhân. Một nhận định đáng cho chúng ta phản tỉnh đó là con người hôm nay với sự phát triển nhiều mặt của khoa học kỹ thuật đã làm được rất nhiều sự lớn lao về các mặt kinh tế văn hóa… mà xem ra còn hạn chế về lãnh vực làm người.
Một vài động thái làm biến dạng chân dung con người mà chúng ta cần cẩn trọng đề phòng đó là sự độc tôn, độc đoán, độc quyền. Những hình thái này nói lên sự bất cần sự góp sức, góp phần của tha nhân. Và thái độ sống ích kỷ, dửng dưng, vô tâm cũng là kiểu sống làm chân dung con người bị biến dạng. Chính vì thế mà sứ điệp Con Thiên Chúa xuống thế làm người mãi vẫn là sứ điệp luôn mang tính thời sự. Chính khi chúng ta thực sự làm người đúng nghĩa thì Danh Thiên Chúa được cả sáng, vì con người là hình ảnh của Đấng Tối Cao. Và chúng ta có thể nói rằng “Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời” là khi mỗi người chúng ta đã và đang thực sự là người như Đấng đã bỏ trời cao xuống thế để làm người.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột (Noel 2022)
29. Đức ái là mô phạm, là động lực, là mẹ hiền và là căn nguyên của tất cả các đức hạnh.
(Thánh Thomas de Aquino)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Trước đây, có người tặng cho quan đại phu Tử Sản nước Trịnh một con kình ngư còn sống nhảy lung tung, Tử Sản ra lệnh cho viên thư lại nuôi trong hồ nước, viên thư này lại tự tiện đem cá nấu ăn mất tiêu.
Ăn xong thì báo cáo với Tử Sản:
- “Lúc bỏ con cá ấy vào trong nước thì nó đã cứng đờ không nhúc nhích, nửa sống nửa chết; một chặp sau thì lắc đầu vẫy đuôi, từ từ bơi lội; cuối cùng, giống như một vệt sáng vô hình vô dạng ạ!”
Tử Sản khoái chí nói:
- “Tốt, tốt lắm, con cá đến nơi nên đến, đi nơi nên đi.”
( Mạnh tử )
Suy tư 21:
Quan đaị phu Tử Sản đúng là người hào phóng và thông minh, hào phóng là vì không khiển trách viên quan lại đã ăn cá của mình, thông minh là vì ông biết trước “đường đi nước bước của tên quan lại”. Ông đã cười khoan khoái khi nghe báo cáo.
Thiên Chúa cũng rất biết đường đi nước bước của chúng ta, mọi suy nghĩ, mọi lo toan của chúng ta Ngài đều biết, nhưng Ngài không mâu thuẩn với chính mình khi đặt để sự tự do cho con người.
Ngài để cho con người rất thoải mái khi sử dụng tự do của họ, và khi ngày giờ đến, nghe các Thiên thần báo cáo về những việc lành của mỗi người, thì Ngài cũng vui mừng reo lên: “Tốt, tốt lắm, người ấy đã đến nơi nên đến, đi nơi nên đi”. Cũng có nghĩa là, nếu chúng ta sử dụng tự do để làm điều thiện, thì chúng ta sẽ đến nơi chúng ta nên đến là thiên đàng; nếu chúng ta sử dụng tự do để làm điều ác, thì chúng ta sẽ đi nơi chúng ta nên đi là hỏa ngục.
Chỗ nơi tôi nên đến, nơi tôi nên đi là hạnh phúc thiên đàng, chứ không phải là hỏa ngục trầm luân.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Ml 3,1-4.23-24; Lc 1,57-66
GIOAN TẨY GIẢ,VỊ NGÔN SỨ CAO CẢ NHẤT
Trong ngày áp lễ Giáng Sinh, chúng ta suy niệm về sứ vụ ngôn sứ của Gioan Tẩy Giả như là người dọn đường cho Chúa đến qua trình thuật về ngày sinh nhật của ông. Gioan đã làm gì mà được đề cao như là một ngôn sứ vĩ đại nhất?
Trước hết, kế tục con đường các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả xuất hiện như là tiếng kêu trong hoang địa thức tỉnh lương tâm con người:
“Hãy dọn sẵn đường cho Đức Chúa” (x. Lc 3,4-6).
Gioan kêu gọi dân chúng sám hối và chịu Phép Rửa để được ơn tha tội. Ông không lôi kéo người ta về với mình, nhưng ông hướng họ tới chân lý là Đức Kitô. Ông đã lớn tiếng chống lại những áp bức và bất công xã hội. Ông đề nghị:
“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng phải làm như vậy” (Lc 3,11).
Ông cũng yêu cầu những người thu thuế:
“Các anh không được đòi hỏi gì quá mức đã ấn định” (Lc 3,11).
Và ông còn dám chỉ tay vào vua Hêrôđê mà nói rằng:
“Ngài không được phép lấy bà ấy” (Mt 14,4).
Hơn hết, ông đã chỉ ngón tay mình về phía Đức Giêsu và nói:
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Theo đó, Gioan Tẩy Giả đã khai mở một hình thức mới mẻ của ngôn sứ Kitô giáo. Trong khi các ngôn sứ khác loan báo ơn cứu độ trong tương lai, ông cho thấy ơn cứu độ trong hiện tại, lúc này, tại đây nơi Đức Kitô. Tất cả những điều đó làm nên sự vĩ đại của Gioan.
Như thế, chúng ta dễ dàng nhận ra tính chân thực của một ngôn sứ: đó là người thúc đẩy sự thay đổi, lên án những bất công, dám chỉ tay chống lại những lạm dụng trong mọi hình thức của các quyền lực tôn giáo, chính trị, kinh tế, quân sự v.v…
Khi nói về ngôn sứ thật và ngôn sứ giả thời nay, Thomas Merton, một bậc thầy tu đức nổi tiếng ở Mỹ, đưa ra những tiêu chuẩn để phân định:
“Ngôn sứ giả là người rao giảng về mình, kéo người khác đến với mình và chạy theo thị hiếu của đám đông. Ông làm ngôn sứ để được giàu có và nổi tiếng, thích đưa ra câu trả lời hoặc một hướng đi dễ dàng. Còn ngôn sứ thật là người rao giảng chân lý và hướng người khác tới chân lý, ông chấp nhận chịu đau khổ vì ơn gọi ngôn sứ, ông nói cho chúng ta biết chúng ta là ai, và thách thức chúng ta hơn là làm cho chúng ta cảm thấy hài lòng với chính mình.” (Morgan C. Atkinson – Jonathan Montaldo, Soul Searching. The Journey of Thomas Merton, Johngarrattpublishing, p. 91-92. )
Tất cả những điều này muốn nói gì với chúng ta hôm nay? Trước hết, sứ vụ ngôn sứ của Gioan nhắc chúng ta nhớ lại sứ vụ ngôn sứ của mỗi người Kitô hữu mà hôm nay đang có nguy cơ bị lãng quên hoặc bị lệch đường. Chúng ta cần phải giữ cả hai phương diện với nhau của sứ vụ ngôn sứ: một đàng, ngôn sứ là người vì công lý xã hội và đàng khác, ngôn sứ là người loan báo Tin Mừng. Nếu việc loan báo về Chúa Kitô mà không được đồng hành bởi những cố gắng để cải thiện đời sống con người, có lẽ sứ vụ ngôn sứ sẽ không thiết thực và thiếu sự khả tín.
Nhưng nếu chúng ta chỉ thi hành sứ vụ ngôn sứ vì công lý mà không hướng tới việc rao giảng Tin Mừng và không có sự gặp gỡ sống động với Lời Chúa, chúng ta sẽ sớm đối diện với những giới hạn bản thân và kết thúc chỉ như những người chống đối hay “người gây rối trật tự công cộng!”
Từ tấm gương của Gioan Tẩy Giả, chúng ta học biết rằng việc loan báo Tin Mừng và đấu tranh cho công lý cần phải gắn liền và liên kết với nhau. Sống trong xã hội mà gian dối và lừa lọc lên ngôi, thật đáng quý trọng nếu mỗi người chúng ta được Tin Mừng Chúa Giêsu thúc đẩy dám đấu tranh cho sự tôn trọng sự thật, nhân vị và phẩm giá con người; dám lên tiếng chống lại những bất công xã hội. Nhờ đó, nhân quyền được tôn trọng, môi trường sống được an toàn để mỗi người có thể “nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Nhưng chúng ta cũng phải noi gương Gioan Tẩy Giả không làm ngôn sứ như là một người gây rối xã hội mà là như một sứ giả Tin Mừng “để làm cho tâm tư người ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17). Đó là cách thức thi hành sứ vụ ngôn sứ như là một cách thế loan báo Tin Mừng, và dọn đường cho Chúa đến trong cuộc sống hôm nay. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
NGÀY 23/12
Ml 3,1-4.23-24; Lc 1,57-66
KHÔNG AI CAO TRỌNG HƠN GIOAN TẨY GIẢ
Một trong những nhân vật của Mùa Vọng đó là Gioan Tẩy Giả, ông nổi bật như một tượng đài của Mùa Vọng. Chính Chúa Giêsu cũng ca ngợi vị tiên tri này:
“Tôi nói thật với anh em, trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).
Tại sao Gioan có sự cao trọng và được Chúa ca ngợi như thế? Đây là câu trả lời cho câu hỏi đó dựa trên ba lý do chính sau đây:
1. Vì một con người đặc biệt
Gioan Tẩy Giả là một con người được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt; lớn lên ông sống một đời sống khiêm tốn, khắc khổ, và hy sinh; tất cả đời sống hoàn toàn trong sa mạc cho Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của ông đã can đảm đi ngược với trào lưu của con người thời đó là chạy theo sự dễ dãi, hưởng thụ và thế tục. Con người ông hội tụ những phẩm tính quý báu của một tiên tri.
2. Vì sứ vụ đặc biệt
Gioan Tẩy Giả là một sứ giả, một tiên tri thu hút dân chúng. Ông xuất hiện như là tiếng kêu trong hoang địa “hãy dọn đường cho Chúa đến.” Ông chính là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ông rao giảng và làm chứng cho Đấng Cứu Thế nhưng dân chúng tưởng ông là chính Đấng Cứu Thế. Nhưng ông không rao giảng về mình, không tìm kiếm vinh quang cho mình. Ông rao giảng Đức Kitô và giới thiệu Người cho dân chúng. Ông quả quyết:
“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27).
Quả thật, Gioan Tẩy Giả vĩ đại bởi vì ông rất khiêm tốn.
3. Vì cái chết đặc biệt
Có nhiều người rao giảng chân lý, nhưng có mấy người dám chết vì chân lý. Gioan Tẩy là một trong số những người đó. Ông dám nói sự thật và chấp nhận phải trả giá bằng cái chết đau đớn. Ông bị chặt đầu ở trong tù. Cái chết của ông là lời chứng hùng hồn nhất của một vị ngôn sứ đích thật đã dám sống chết cho chân lý. Tiêu chuẩn để lượng giá một ngôn sứ thật và ngôn sứ giả hệ tại ở điều này: Ngôn sứ thật là người dám nói sự thật vì lợi ích chung, dù phải chịu đau khổ và phải chết vì sự thật, trong khi ngôn sứ giả chỉ chạy theo thị hiếu người nghe, vì lợi ích bản thân và nhượng bộ trước khó khăn thử thách.
Như thế, Gioan Tẩy Giả là mẫu gương cho mỗi người chúng ta hôm nay. Để trở thành người rao giảng, trước hết chúng ta phải trở thành một người có một đời sống thánh thiện, người sống những gì mình rao giảng, người có nơi mình những đức tính tốt như khiêm tốn, khó nghèo, đơn giản và khổ chế. Chúng ta hãy học nơi Gioan là tránh không rao giảng mình, tìm kiếm mình, nhưng tìm kiếm vì vinh quang Thiên Chúa. Cuối cùng, chúng ta học nơi Gioan bài học can đảm để chấp nhận những hy sinh vì sứ vụ rao giảng chân lý Tin Mừng. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
2 Sm 7,1-5.8b-12.16; Lc 1,67-79
DACARIA, NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Hôm nay là ngày cuối cùng của Mùa Vọng, chúng ta suy niệm về nhân vật cuối cùng của mùa này là ông Dacaria.
Trong tiếng Do Thái, Dacaria có nghĩa là “Thiên Chúa nhớ đến.” Ông là cha của Gioan Tẩy Giả, một tư tế theo dòng tộc Aarôn (x. Lc 1,67-79), là chồng của bà Êlisabét, người chị em họ của Đức Maria.
Dacaria và Êlisabét là những người công chính trước mặt Thiên Chúa. Họ luôn trung thành tuân giữ lề luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hai ông bà sống với nhau đến lúc già mà vẫn không có con.
Khi ông đang lo việc tế tự trong đền thờ, một thiên thần hiện ra với ông và báo tin:
“Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1,13).
Nhưng Dacaria nghi ngờ về lời thiên thần báo tin, nên ông bị câm cho đến ngày con trai ông được sinh ra. Chính ông là người đặt tên cho con trẻ là Gioan theo lời thiên thần truyền. Trong ngày đó, miệng ông được mở ra, ông được Thánh Thần tác động, liền chúc tụng Thiên Chúa và nói tiên tri về Gioan qua bài ca Benedictus là bài Tin Mừng hôm nay.
Trong bài ca này, Dacaria ngợi khen Thiên Chúa đã đoái thương và đã đến viếng thăm dân Người. Thiên Chúa là trung tâm của lịch sử. Chính Người đã đi bước trước trong mọi biến cố lịch sử. Người đã đến gần, viếng thăm và cứu độ dân Người khỏi mọi sự khốn cùng nên Người đã sai Con Một Người đến với dân của Người, nhập thể làm người để cứu dân Người khỏi quyền bính của ma quỷ và tội lỗi.
Dacaria còn nói tiên tri về Gioan:
“Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76-77).
Đây là sứ vụ dọn đường, sứ vụ tiền hô của Gioan Tẩy Giả cho Đấng Cứu Thế đến.
Sau nữa, Dacaria ca tụng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Đấng trung tín giữ lời hứa với tổ phụ là sai Đấng Cứu Thế đến để cứu giúp chúng ta, soi sáng cho những ai ngồi trong tối tăm và dẫn chúng ta bước vào đường nẻo bình an.
Như thế, tâm tình tạ ơn của Dacaria phải là tâm tình của mỗi người chúng ta trong mỗi ngày sống và trong suốt cuộc đời. Đó là lý do tại sao Giáo Hội chọn đọc lời ca Benedictus này mỗi ngày trong kinh sáng. Chúng ta hãy luôn tạ ơn Thiên Chúa vì tình thương của Người dành cho chúng ta qua việc sai Con Một xuống làm người để cứu độ chúng ta. Đó là hồng ân lớn lao nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại. Giáng Sinh là cử hành biến cố trọng đại đó. Chúng ta hãy hân hoan để đón mừng ngày Con Chúa chào đời. Amen.
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
TRỞ NÊN MỘT SỨ GIẢ
“Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta!”.
Trong phòng của Charles Spurgeon, một tấm bảng ghi, “Ta đã chọn con trong lò hoạn nạn!”. Ông giải thích, “Chúng ta được chọn, không phải trong cung điện, mà là trong hoả hào! Ở đó, sắc đẹp bị huỷ hoại, thời trang bị thiêu đốt, sức mạnh tan chảy và mọi vinh quang bị triệt tiêu. Nhưng cũng ở đó, tình yêu vĩnh cửu tiết lộ bí mật của nó; nó tuyên bố lý do lựa chọn của mình! Chúa chọn bạn trong lò hoạn nạn, để bạn có thể ‘trở nên một sứ giả!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy cách thức Thiên Chúa chọn một sứ giả không như cách nhìn, lối nghĩ của con người. Qua bài đọc Malakia hôm nay, Ngài nói, “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta!”. Cần một tổ phụ dọn đường cho một Dân Mới, Ngài chọn ‘sứ giả Abraham’, một cụ già; cần một người chăn dắt, dọn đường cho dân vào Đất Hứa, Ngài chọn ‘sứ giả Môisen’, một người nhút nhát và cà lăm; cần một hoàng thân dọn đường cho vị Vua của Vương Quốc mới, Ngài chọn ‘sứ giả Đavít’, một cậu út; cần một trụ cột, dọn đường cho việc xây dựng toà nhà Giáo Hội, Ngài chọn ‘sứ giả Phêrô’, kẻ chối Thầy; cần một gương mặt diễn tả tình yêu được tha thứ, Ngài chọn ‘sứ giả Maria Mađalêna’, người dọn đường cho các tội nhân; cần một người dọn đường cho dân ngoại đón nhận đạo thánh, Ngài chọn ‘sứ giả Phaolô’, kẻ bắt đạo. Và từ ‘lò hoạn nạn’, Gioan ‘trở nên một sứ giả’ dọn đường cho Giêsu Sứ Giả, Đấng là Đường!
Từ thế kỷ thứ tư, thánh Ephrem đã có những ý tưởng song đối tuyệt vời khi chiêm ngắm hai người mẹ và hai người con họ cưu mang. “Elisabeth, phụ nữ đứng tuổi, sinh vị ngôn sứ cuối cùng; Maria, thiếu nữ nhỏ tuổi, sinh Chúa các thiên thần. Elisabeth, con gái Aarôn, sinh tiếng kêu của sa mạc; Maria, nữ tử Đavít, sinh Lời quyền năng của trời đất. Kẻ cằn cỗi sinh người kêu gọi dân từ bỏ tội lỗi; Trinh Nữ xuân thì sinh Chiên xoá tội. Elisabeth sinh vị tiền hô khuyến dụ dân giao hoà qua phép rửa sám hối; Maria, sinh Đấng thanh tẩy những vùng đất uế nhơ. Phụ nữ tuổi tác thắp sáng ngọn đèn cho nhà Giacóp; thiếu nữ xuân sắc đốt lên Mặt Trời Công Chính cho muôn dân. Thiên sứ truyền tin cho Zacharia, để kẻ bị giết tiền hô cho Đấng chịu đóng đinh; và kẻ bị ghét dọn đường cho Đấng chịu căm ghét. Kẻ rửa bằng nước rao giảng Đấng rửa bằng Thánh Thần và lửa. Ánh sáng không bị che khuất công bố Vầng Hồng Chính Trực; người đầy Thánh Thần công bố Đấng ban Thánh Thần. Vị tư tế gióng kèn loan báo Đấng quang lâm; ‘Tiếng’ công bố Lời, và người nhìn thấy chim bồ câu giới thiệu Đấng mà bồ câu đậu xuống, như tia chớp trước sấm sét!”.
Anh Chị em,
“Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta!”. Mọi ơn gọi từ Cựu Ước đến Tân Ước, và cho đến ngày nay, đều là ơn gọi ‘trở nên một sứ giả’ dọn đường cho Chúa Kitô. Không dọn đường cho Chúa Kitô, mọi ơn gọi mất phương hướng và người được gọi không phải là sứ giả! Trong mọi đấng bậc, từ ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta được gọi, được chọn và được sai đi làm sứ giả dọn đường cho Chúa Giêsu; và thật thú vị, không ai mà không trải qua các ‘lò hoạn nạn!’. Sứ vụ càng cao, ‘hoạn nạn’ càng nhiều, và con người càng cảm thấy nhỏ bé. Vì thế, chúng ta xác tín, tất cả “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa”. Liệu bạn và tôi có vững tin như Abraham, tín thác như Môisen, biết thống hối như Đavít, yêu mến như Phaolô, quảng đại như Maria Mađalêna và khiêm nhượng như Gioan không? Các nhân đức ấy phải là những tính cách không thể thiếu để bạn và tôi có thể ‘trở nên một sứ giả’ đích thực của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, việc ‘trở nên một sứ giả’ của Chúa đòi con phải chịu thiêu đốt bởi mọi thứ ‘hoả hào’; xin giúp con can đảm mỗi ngày. Có như thế, tình yêu của con với Chúa mới thật tinh tuyền!”, Amen.
(Tgp. Huế)
LỄ GIÁNG SINH (Lễ Đêm)
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14
TÌNH YÊU GIÁNG SINH
Trong đêm mừng Con Chúa giáng sinh, chúng ta suy niệm về tình yêu Thiên Chúa biểu lộ qua mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể làm người và ở giữa chúng ta.
Triết gia người Đan Mạch Soren Kierkegaard kể câu chuyện tình như sau:
“Có một vị vua trong một chuyến vi hành, bỗng dưng đem lòng yêu thương một cô thôn nữ nghèo. Ông nghĩ rằng mình có thể dùng quyền vua để cưới cô ấy làm vợ. Nhưng ông lại sợ rằng cô lấy ông chỉ vì nể phục chứ không phải vì yêu. Như thế, hôn nhân của hai người không được trọn vẹn. Nhưng làm sao để cô ấy có thể yêu mình, bởi vì khoảng cách giữa vua và cô thôn nữ là quá lớn, tập tục hoàng gia lại không cho phép vì không “môn đăng hộ đối.” Sau một thời gian suy nghĩ, ông quyết định rời bỏ ngai vàng và vương quyền, trở thành một người nông dân nghèo, sống một cuộc sống bình dị, để tìm cách gần gũi và bày tỏ tình yêu với cô. Ông biết rằng, khi làm như thế, ông cũng có thể bị cô từ chối, nhưng ông vẫn làm, vì ông quá yêu cô và muốn xây dựng một cuộc hôn nhân thực sự dựa trên tình yêu và tự do đến với nhau. Cuối cùng, ông đã thành công, cô đã nhận lời cầu hôn lấy ông làm chồng. Và họ đã cưới nhau, rồi vua đưa cô ấy về hoàng cung để sống với mình.”
Câu chuyện tình rất cảm động trên đây giúp chúng ta hiểu biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người mà chúng ta đang cử hành đêm nay.
Quả thế, biến cố nhập thể là biến cố mà Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người với loài người một cách tuyệt hảo nhất. Thiên Chúa yêu thương loài người và Người bày tỏ tình yêu đó qua nhiều cách thế khác nhau: Cách thức đầu tiên đó là Thiên Chúa tạo dựng nên con người và chia sẻ vinh quang và hạnh phúc của mình với con người qua công trình tạo thành (St 1,1-10tt).
Thứ đến, sau khi con người sa ngã vì nguyên tổ Ađam và Evà đã phạm tội chống lại Thiên Chúa và vâng theo ma quỷ cám dỗ, nhưng Thiên Chúa vẫn không từ bỏ con người. Người tiếp tục yêu thương và chuẩn bị cứu độ họ bằng các giao ước qua các tổ phụ và các ngôn sứ trong Cựu Ước.
Đến thời gian viên mãn, Thiên Chúa sai Con Một của Người, xuống thế, nhập thể, làm người và ở giữa chúng ta. Biến cố này được thánh Luca trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay mà chúng ta vừa nghe. Khi thánh Giuse đưa Đức Maria từ Nadarét lên thành vua Đavít, miền Giuđêa, để khai hộ khẩu, thì Đức Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai khoa. Khi hai người đang ở Bêlem, Đức Maria sinh Chúa Giêsu tại một chuồng bò, và đặt Hài Nhi nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trọ (x. Lc 2,1-14).
Với biến cố này, lời tiên báo của Isaia trong bài đọc I đã được ứng nghiệm:
“Dân đang lần bước giữa tối tăm
đã thấy một ánh sáng huy hoàng;
đám người sống trong vùng bóng tối,
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ,
đã tăng thêm nỗi vui mừng…
Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,
một người con đã được ban tặng cho ta…
Vì yêu thương nồng nhiệt,
Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 9,1-6).
Thánh Gioan khi chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa đã thốt lên rằng:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Giống như vị vua đang ở chốn cung điện cao sang, nhưng vì yêu thương cô thôn nữ, nên ông đã từ bỏ mọi sự, sống một cuộc sống đơn hèn để có thể yêu và cưới cô, cũng thế, Con Thiên Chúa vì yêu loài người và muốn cứu độ loài người, đã từ bỏ địa vị, vinh quang và uy quyền Thiên Chúa, trở nên một người phàm, sống một kiếp sống nghèo hèn, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời: Người sinh ra ở ngoài đồng, sống bên đường và chết trên đồi. Tất cả vì yêu thương và để cứu độ chúng ta. Ôi tình yêu Chúa thật là lớn lao!
Khi suy ngắm về tình yêu Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta phải làm gì để đáp lại tình yêu đó?
Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta:
“Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này… Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta trở thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2,11-14).
Mỗi độ Giáng Sinh về là thời gian để chúng ta hoán cải đời sống mình, bằng cách từ bỏ nếp sống cũ, nếp sống tội lỗi và sống một cuộc sống mới theo mẫu gương của Chúa Kitô, Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó vì yêu chúng ta và muốn cứu độ chúng ta.
Vì thế, Giáng Sinh là dịp đặc biệt để chúng ta nhớ đến những người nghèo, những người đau khổ và cô thế cô thân. Chúng ta cùng nhau mang niềm vui Giáng Sinh đến cho họ bằng sự viếng thăm, an ủi và giúp đỡ. Vì họ là hiện thân của Chúa Giêsu.
Giáng Sinh cũng là cơ hội để bày tỏ, chia sẻ niềm vui và tình thương mến với nhau. Đó là cách thức để chia sẻ món quà mà Hài Nhi Giêsu mang đến cho chúng ta đêm nay. Chúng ta hãy nhớ tới những người thân yêu trong gia đình, và hãy chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.
Mừng đại lễ Con Chúa làm người, tôi trân trọng cầu chúc tất cả anh chị em một Mùa Giáng Sinh an lành, thánh đức và tràn đầy phúc lộc của Thiên Chúa. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
LỄ GIÁNG SINH (Lễ Ngày)
Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-18
HÀI NHI GIÊSU LÀ AI?
Trong ngày mừng đại lễ Sinh Nhật Chúa Giêsu, chúng ta cùng nhau tìm hiểu câu trả lời cho câu hỏi: “Hài Nhi Giêsu là ai?”
Bài Tin Mừng trong đại lễ Giáng Sinh được trích từ Lời Tựa của Tin Mừng Gioan. So với phụng vụ Lời Chúa của thánh lễ đêm và lễ rạng đông, chúng ta thấy sự khác biệt rõ rệt từ bài Tin Mừng của ngày lễ này. Trong khi các bài Tin Mừng của các thánh lễ trước tường thuật về biến cố Chúa Giêsu giáng sinh xảy ra như thế nào, thì ở đây, trong Tin Mừng Gioan, chúng ta được tiếp cận một suy tư sâu sắc về ý nghĩa của biến cố giáng sinh này. Vì thế, trong Tin Mừng Gioan, chúng ta không tìm thấy một tường thuật nào về việc Chúa giáng sinh, nhưng Gioan cung cấp cho chúng ta một cái nhìn chiêm niệm sâu sắc về biến cố nhập thể của Con Thiên Chúa, để từ bản văn này giúp chúng ta trả lời cho câu hỏi như là trọng tâm của ngày Lễ Giáng Sinh: Chúa Giêsu là ai? Hài Nhi vừa mới sinh là ai? Và tại sao chúng ta phải cử hành sinh nhật Người?
Chúng ta tìm thấy câu trả lời rất rõ ràng ngay tại những dòng đầu tiên của Tin Mừng Gioan: Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, là Ngôi Lời (Logos) hằng hữu. Người hiện hữu với Thiên Chúa trước khi tạo thành thế giới. Người ở với Thiên Chúa và Người chính là Thiên Chúa. Đó là câu trả lời về nguồn gốc tiền hữu của Hài Nhi Giêsu.
Điều này đòi hỏi chúng ta có cặp mắt đức tin để có thể nhìn thấy trong Hài Nhi nhỏ bé này chính là Thiên Chúa, là Ngôi Lời hằng hữu, Người hiện hữu từ trước khi tạo thành thế giới.
Trong bài đọc II, tác giả thư Hípri quả quyết: Người chính là Lời của Thiên Chúa, Đấng đã hoạt động trong tiến trình sáng tạo. Nhờ Người mọi sự được tạo thành. Chúa Cha đã tạo dựng mọi sự và mọi loài nhờ Ngôi Lời. Ngôi Lời cũng chia sẻ vinh quang, vinh dự và quyền năng với Chúa Cha. Người là ánh sáng cho muôn dân. Người là ánh sáng bởi ánh sáng (x. Hr 1,1-6). Đó là điều chúng ta tin và tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Nicêa:
“Người là ánh sáng bởi ánh sáng,
Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,
được sinh ra mà không phải được tạo thành,
đồng bản thể với Đức Chúa Cha.”
Nguồn gốc của Chúa Giêsu được nói ở đây bắt nguồn từ Lời Tựa của Tin Mừng Gioan. Như thế, câu hỏi Chúa Giêsu là ai được thánh Gioan và tác giả thư Hípri trả lời cho chúng ta hôm nay: Người là Ngôi Lời Thiên Chúa; Người là ánh sáng của Chúa Cha; Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng mà duy trì vạn vật. Nhờ Người, chúng ta hiện hữu, sống và tồn tại. Nếu không có Người, không có gì được tạo dựng; Người chính là Lời sáng tạo của Chúa Cha.
Một phần mầu nhiệm Con Thiên Chúa mà chúng ta đang cử hành là Ngôi Lời hằng hữu này, Đấng mà nhờ Người chúng ta hiện hữu và sống động, Ngôi Lời đó được sai đến, làm người và ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy hình dung: Đấng Tạo Hóa nay đã trở thành một thụ tạo, chia sẻ mọi hoàn cảnh thụ tạo mà Người đã tạo dựng! Thật khó tin quá! Chúng ta hãy dành nhiều thời gian trong ngày này để suy nghĩ về điều đó. Hình ảnh của Đấng Sáng Tạo quyền năng nay trở thành một em bé, nghèo hèn, đơn sơ, nhỏ bé, như chúng ta. Đấng mà nếu không có Người, chúng ta không hiện hữu được, nay lại trở thành một thụ tạo mỏng giòn như chúng ta; Đấng Sáng Tạo ra khỏi tình yêu, tự do để vâng lời Chúa Cha đã xuống thế, cắm lều ở giữa chúng ta. Người thực sự trở thành một người như chúng ta. Người vui với niềm vui chúng ta. Người buồn với nỗi buồn chúng ta. Người cũng chịu đói khát, bị cám dỗ như chúng ta; Người cũng trải qua mọi kinh nghiệm thường nhật của kiếp người, ngoại trừ tội lỗi. Người thực sự “cắm lều” ở giữa chúng ta. Người thực sự đã hội nhập, sống chết với điều kiện con người. Ôi, đây thật là một vinh dự lớn lao! Thật hạnh phúc vì chúng ta cũng thuộc về Thiên Chúa và Thiên Chúa thuộc về chúng ta.
Chúng ta hãy hình dung, nếu có một ai đó cao trọng đến viếng thăm gia đình chúng ta, chẳng hạn như Đức Giám Mục viếng thăm một gia đình giáo dân nghèo, chúng ta thường nghe họ nói: Lạy Chúa tôi, nhà con không đáng để Đức Cha đến viếng thăm! Chúng con bất xứng để được Đức Cha viếng thăm…” Đây cũng là âm hưởng của lời mà viên đại đội trưởng trong Tin Mừng khi ông gặp Chúa Giêsu và chúng ta tuyên xưng trước khi rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con.” Đó là cách thức Thiên Chúa đến với chúng ta, khi Người trở thành một người bé mọn, để chúng ta có thể tới gần Người và yêu mến Người. Người trút bỏ mọi thứ vinh quang, địa vị của Thiên Chúa, để trở thành một người như chúng ta; Người quả thật là Thiên Chúa ở với loài người. Nhờ đó, chúng ta có thể đến gần, đụng chạm Người và yêu mến Người.
Nhưng có một thực tế thật đáng buồn vì con người đã và đang khước từ Con Thiên Chúa. Sự hiện diện của Ngôi Lời trong cách thức nhân loại đòi hỏi chúng ta có sự đáp trả, nhưng thay vì đáp trả, nhiều người đã khước từ Người. Đoạn Tin Mừng hôm nay đã không giấu giếm thực tại đáng buồn này:
“Người đến với gia nhân của mình. Nhưng gia nhân Người không tiếp nhận Người” (Ga 1,11).
Chúa Giêsu có thể bị từ chối bởi chúng ta. Con người không nhìn thấy nơi Người ánh sáng Thiên Chúa, ánh rạng ngời Chúa Cha, họ không nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa nơi Người. Nên họ không thấy và không đón nhận Người. Sự thật này có thể vẫn còn xảy ra hôm nay, cả trong ngày lễ Giáng Sinh: Chúng ta đón nhận điều gì? Chúng ta đón nhận quà tặng, thích nhận phần thưởng và lời mời đi dự tiệc… Chúng ta đón nhận rất nhiều món quà Giáng Sinh, cả những ân sủng và phúc lành nữa, nhưng có thể chúng ta không đón nhận chính Chúa Giêsu, là nhân vật chính của ngày lễ, là ánh sáng của Chúa Cha.
Thật là một niềm vui lớn lao khi biết rằng Chúa Giêsu đến với chúng ta vì một mục đích như Tin Mừng Gioan nói: Người đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta để Người cho chúng ta quyền trở nên con Thiên Chúa (x. Ga 1,12). Người đến để chia sẻ với chúng ta quyền làm con của Người. Người đến để dẫn đưa chúng ta về với Chúa Cha, vì Người là đường dẫn tới Thiên Chúa. Người đến để thần hóa chúng ta và làm cho chúng ta nên giống Chúa.
Như thế, lễ Giáng Sinh không phải là dịp để chúng ta nhận nhiều quà cáp; cũng không phải là ngày lễ hội để chúng ta vui chơi, ăn uống linh đình v.v… Nhưng là ngày để đón nhận ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Hài Nhi Giêsu. Ngôi Lời làm người để làm cho chúng ta được trở thành con Thiên Chúa. Đây chính là hồng ân lớn nhất mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta. Chúng ta hãy biết hồng ân này khi đến chiêm ngắm và thờ lạy Hài Nhi Giêsu nơi hang đá. Người là Ngôi Lời hằng hữu, là Thiên Chúa, nay làm người để cứu độ chúng ta.
Kính chúc anh chị em một Mùa Giáng Sinh an lành, thánh đức và tràn đầy ân lộc của Chúa Hài Đồng Giêsu. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
LỄ THÁNH GIA THẤT
Hc 3,2-6.12-14; Cl 3,12-21; Mt 2,13-15.19-23
ĐỂ GIA ĐÌNH ĐƯỢC HẠNH PHÚC
Hôm nay, chúng ta long trọng cử hành lễ Thánh Gia Thất, là gia đình của Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Dựa vào Lời Chúa trong thánh lễ này, chúng ta chiêm ngắm gia đình Thánh Gia như mẫu gương tuyệt hảo cho mỗi gia đình học hỏi khi đối diện với những khó khăn thử thách. Chúng ta suy tư về những đức tính cần thiết của một gia đình phải có cho sự phát triển nhân bản và nên thánh của mỗi người trong gia đình.
1. Những phẩm chất cần thiết
Ở bài đọc I trích sách Huấn Ca (Hc 3,2-6.12-14), chúng ta thấy rằng nếu mỗi người trong gia đình biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau sẽ làm cho gia đình thực sự trở thành mảnh đất tốt cho sự phát triển nhân đức và thánh thiện: Đó là lúc con cái sống hiếu thảo với cha mẹ và cha mẹ luôn yêu thương và chăm lo cho con cái. Điều này sẽ mang lại cho gia đình biết bao niềm thương mến và hạnh phúc từ mỗi thành viên. Đặc biệt, con cái biết thảo hiếu và chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ già yếu và bệnh tật. Đó là yếu tố quan trọng của một gia đình muốn thực sự trở thành gia đình thánh thiện. Như thế, thảo hiếu cha mẹ hay cha mẹ yêu thương con cái không chỉ là hiện diện với nhau khi cuộc sống gia đình bình an và yên ổn, hay chỉ khi cơm lành canh ngọt, nhưng cả khi gia đình gặp khó khăn, thử thách, khi đau yếu, già nua, bệnh tật… đó là lúc chữ hiếu thảo phải được chứng tỏ một cách rõ ràng nhất.
Trong bài đọc II, trích từ thư gửi tín hữu Côlôxê (Cl 3,12-21), chúng ta tìm thấy tình yêu hay lòng bác ái là yếu tố, là mối giây giữ cho gia đình được bình an và hạnh phúc. Tuy nhiên, tình yêu mà thánh Phaolô nói ở đây bằng những hạn từ rất cụ thể. Ngài nói với mọi thành viên trong gia đình rằng:
“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương. Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nãi. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau… Anh em hãy tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).
Ngài nhắn nhủ những ai làm vợ:
“Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa” (Cl 3,18).
Ngài nhắc bảo những ai làm chồng:
“Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ” (Cl 3,19).
Cuối cùng, ngài cũng không quên khuyên bảo những ai làm cha mẹ và làm con:
“Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,12-21).
Đây là những giáo huấn quan trọng giúp gia đình trở thành tổ ấm bình an và hạnh phúc, trở thành môi trường cho mỗi thành viên phát triển nhân cách và nên thánh. Nhất là trong những lúc khó khăn thử thách, tình yêu thương là sức mạnh giúp gia đình đứng vững và vượt qua những khó khăn thử thách đó.
2. Khi gia đình gặp thử thách
Trong bài Tin Mừng, chúng ta tìm thấy một khía cạnh khác của một gia đình tốt lành và thánh thiện, đó là sự gắn bó, sự tuân phục và thực hành thánh ý Thiên Chúa. Đây là bí quyết của Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy rằng Ba Đấng trong Thánh Gia là những con người luôn tuân phục Thiên Chúa, các Ngài rất nhạy bén trong việc phân định thái độ phù hợp theo thánh ý Thiên Chúa. Khi thánh ý đó trở nên rõ ràng, cả Ba Đấng đều thực hiện thánh ý và làm theo lời Chúa.
Trích đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe tường thuật về một thời điểm rất khó khăn trong cuộc sống của Thánh Gia. Trẻ Giêsu chào đời bị bạo chúa Hêrôđê coi là mối đe dọa cho vương quyền của ông, nên ông đã tìm cách giết hại Hài Nhi và các con trẻ khác từ hai tuổi trở xuống. Ông chủ trương giết nhầm hơn bỏ sót. Chúng ta hãy tưởng tượng xem, gia đình Thánh Gia phải đối diện với nỗi sợ hãi và khó khăn như thế nào trước sự độc ác và nguy hiểm này! Có lẽ, chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm về những khó khăn tương tự của gia đình mình, và hãy hình dung: khi một thành viên trong gia đình chúng ta đang bị săn lùng để kết án vì một tội mà người đó không vi phạm. Trước một hoàn cảnh nguy hiểm như thế, chúng ta sẽ làm gì? Có phải gia đình chúng ta sẽ gắn kết với nhau trong những giây phút khó khăn này hay gia đình chúng ta sẽ chia rẽ nhau và mỗi người một hướng không? Chúng ta hãy học từ gương thánh Giuse, ngài thật là một người nhạy bén với ý muốn của Thiên Chúa. Chỉ qua giấc mơ, Thiên Chúa mạc khải cho ngài biết mối nguy hiểm này và truyền cho ngài phải đưa Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Thánh Giuse đã mau mắn thực hiện theo sự linh hướng này. Và sau khi vua Hêrôđê băng hà, ngài lại đưa cả hai về Nadarét để sinh sống.
3. Bài học từ Thánh Gia
Quả là một mẫu gương tuyệt hảo cho mỗi người chúng ta về sự nhạy bén trước thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria cũng là người đã hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa khi thiên thần truyền tin. Mẹ đã hoàn toàn phó thác và hiến mình cho thánh ý Thiên Chúa. Cả hai là mẫu gương cho những ai làm cha, làm mẹ về sự nhạy bén và sẵn sàng trước thánh ý Thiên Chúa. Cả hai chỉ tìm thánh ý đó để thực hiện. Đặc biệt, cả hai đã áp dụng thánh ý Thiên Chúa cho sự tốt lành của người con. Vâng, nhiều lúc, các bậc làm cha mẹ bị cám dỗ là lấy ý mình thay cho ý Chúa để áp dụng cho con cái. Nhưng điều chúng ta muốn nhiều lúc không phải là điều Chúa muốn cho con cái; điều chúng ta cho là tốt lại không phải là điều tốt cho con cái.
Vì thế, chúng ta cần học nơi thánh Giuse và Đức Maria về điểm này, là kiên vững theo thánh ý Chúa để tìm kiếm sự tốt lành cho con cái. Khi chúng ta sẵn sàng để lắng nghe thánh ý Thiên Chúa, gia đình không chỉ có tình yêu thương, mà còn có sự bảo vệ, sự chăm sóc mà Thiên Chúa ban cho gia đình bạn. Khi chúng ta vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta sẽ bảo vệ nhau tốt hơn. Khi chúng ta vâng theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta có thể tìm kiếm những gì thực sự là tốt cho nhau.
Vì thế, tôi mời gọi các thành viên trong gia đình hãy mở lòng, mở mắt và mở tai ra để nhìn vào gia đình của mình, tôi dám chắc rằng chúng ta sẽ cảm nghiệm về sự chăm sóc của cha mẹ đối với con cái. Hãy nhìn xung quanh chúng ta, có nhiều người trẻ chăm sóc những cha mẹ già; có nhiều người sống trong cảnh thiên tai, động đất, bão lụt, chiến tranh, nên gia đình họ tan nát, nhưng nhiều cha mẹ vẫn cố gắng để bảo vệ và chăm sóc con cái, dẫu nhiều lúc họ phải thí mạng sống mình vì con cái.
Chúng ta hãy cố gắng làm một điều gì đó để giúp đỡ những gia đình như thế, chứ không chỉ khép kín trong gia đình mình. Ước mong rằng điều xưa đã xảy ra cho Đức Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu thì nay tiếp tục được thực hiện trong mỗi gia đình. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì gia đình chính là hồng ân Chúa ban. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21
ĐỨC MARIA, THIÊN MẪU VÀ MẪU GƯƠNG
Hôm nay là ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta cử hành trọng thể lễ Mẹ Thiên Chúa với ý nguyện cầu bình an cho toàn thế giới.
1. Một tín điều để tin
Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là một đặc ân rất cao trọng, được Giáo Hội tuyên tín như là một chân lý đức tin buộc mỗi người chúng ta phải tin.
Tuy nhiên, nếu không có sự hiểu biết đúng đắn, tước hiệu này có thể làm cho chúng ta bối rối và thắc mắc: phải chăng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là một sự phạm thượng? Làm sao một thụ tạo bất toàn lại có thể sinh ra Thiên Chúa được?
Thực ra, thắc mắc này đã có từ rất xa xưa. Vào khoảng năm 428 Nestorius, giám mục ở Constantinople, phủ nhận tước hiệu này. Ông chủ trương rằng: “Chúa Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa.” Theo ông, Đức Maria chỉ là Mẹ Chúa Giêsu thôi, cùng lắm là Mẹ Chúa Kitô, không thể là Mẹ Thiên Chúa.
Trước lạc giáo này, Công Đồng Chung họp tại Êphêsô vào năm 431 để giải quyết tranh luận và đã tuyên tín rằng:
“Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với nhục thể trong lòng Đức Maria, do đó Đức Maria đã sinh ra Ngôi Lời nhập thể, và đáng được gọi là Mẹ Thiên Chúa (Théotokos).”
Tước hiệu này không có nghĩa là Đức Maria đã sinh ra Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng là người sinh ra Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, nên Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Hay nói chính xác hơn Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, người đã sinh Con Thiên Chúa trong thời gian.
Chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của tín điều này khi đặt nó trong mối tương quan với Chúa Kitô và dựa trên nền tảng Kinh Thánh.
2. Nền tảng Kinh Thánh
Trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể tìm thấy nền tảng Kinh Thánh cho tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Bài đọc II là một trích đoạn trong thư của thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Galát. Đây là bản văn cổ nhất của Tân Ước nói về Đức Maria:
“Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4).
Quả thế, người phụ nữ được nói ở đây chính là Đức Maria, người đã cưu mang và sinh hạ Con Đức Chúa Trời làm người.
Đặc biệt, chúng ta còn tìm thấy trong Tin Mừng Luca tước hiệu này dành cho Đức Maria khi Người đi thăm bà Êlisabét (x. Lc 1,38-48). Bà Êlisabét được tràn đầy Thánh Thần và kêu lên rằng:
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1,43-44).
Bà Êlisabét gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” bởi vì Mẹ đang cưu mang trong lòng Ngôi Hai Thiên Chúa và sẽ sinh ra cho loài người Đấng Cứu Độ là Chúa Giêsu Kitô.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể lại chứng tá của các mục đồng về biến cố Chúa Giêsu được sinh hạ bởi Đức Maria tại Bêlem. Các mục đồng hết sức ngạc nhiên vì đã chứng kiến những sự việc xảy ra đúng như lời các thiên thần loan báo cho họ. Con Thiên Chúa sinh ra trong cảnh cơ hàn. Họ đến thờ lạy Người và gặp Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,16-21).
Như thế, Đức Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn, chuẩn bị nên xứng đáng để cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa. Mẹ đã hoàn toàn vâng phục và cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nên Giáo Hội đã tôn kính Mẹ với tước hiệu rất cao trọng là Mẹ Thiên Chúa.
Chúng ta cũng nên biết rằng: Trong phụng vụ, bậc thứ nhất là sự tôn thờ (latria) được dành cho Thiên Chúa Ba Ngôi. Như Kinh Thánh dạy:
“Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (Đnl 6,5).
Bậc thứ hai gọi là sự biệt kính (hyperdulia) hay sự tôn kính đặc biệt được dành cho Đức Maria. Sau Thiên Chúa phải là Đức Maria, bởi vì Đức Maria có một địa vị hết sức cao cả trong chương trình cứu độ. Mẹ là người sinh ra Đấng Cứu Độ. Nhờ Mẹ, chúng ta mới có Chúa Kitô.
Bậc thứ ba là sự tôn kính dành cho chư thánh (dulia). Theo đó, Giáo Hội tôn kính các thánh như là những mẫu gương trổi vượt về sự thánh thiện Kitô giáo. Qua việc tôn kính này, chúng ta cầu xin các thánh cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa, đồng thời chúng ta được mời gọi sống thánh thiện như cách thánh đã sống.
3. Đức Maria là mẫu gương
Bởi thế, khi cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc suy tôn và chiêm ngắm dung mạo cao cả của Đức Maria, nhưng chúng ta còn được mời gọi noi gương Đức Maria để sống như Mẹ đã sống.
Thánh Luca nhắc đi nhắc lại mẫu gương của Đức Maria:
“Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51).
Mẹ là người luôn lắng nghe Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành. Trước khi Mẹ cưu mang Ngôi Lời trong dạ, Mẹ đã cưu mang Lời Chúa trong tâm hồn rồi. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về việc lắng nghe và sống Lời Chúa.
Nếu Đức Maria được vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa, thì mỗi người Kitô hữu cũng được chia sẻ sự vinh dự đó. Bởi vì, như Chúa Giêsu nói:
“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8,21).
Giáo Hội là mẹ, nghĩa là Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Đức Maria, người tiếp tục sinh hạ Chúa Kitô cho người khác. Bởi vì mỗi người Kitô hữu là Giáo Hội, nên chúng ta được mời gọi sinh hạ Chúa Giêsu cho người khác bằng sự hy sinh phục vụ, lời cầu nguyện và đời sống chứng tá của chúng ta, đặc biệt nhờ việc dạy giáo lý, huấn luyện đức tin cho con cái và giới trẻ.
Nhân dịp bước vào Năm Mới, dưới sự phù trì và cầu bầu của Đức Maria, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta được bình an và dồi dào phúc lành của Thiên Chúa. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Đúng là Nhà thờ Truyền tin hùng vĩ, xây theo hình tròn với những chiếc cửa sổ có tranh tuyệt diệu, nổi bật trên nền trời thị trấn nhỏ; đúng là có hàng ngàn du khách, những người chào hàng muốn hướng dẫn thăm thú các nơi thánh, những trẻ em học cách nheo nhéo quấy rầy xin tiền; nhưng những cửa hàng nhỏ mở toang vẫn còn đó, vẫn bán hạt, trái cây, thịt dê. Bất chấp xe hơi, vẫn có hàng trăm con lừa; đàn ông vẫn mặc áo dài Ảrập và khăn chùm đầu của người Bơđuin, tức chiếc khăn trùm đầu Ảrập mầu trắng được cột bằng hai sợi dây mầu đen. Nhà nguyện Truyền tin nhỏ xíu với chiếc bàn thờ lớn xem ra có vẻ không thuyết phục bao nhiêu, nhưng cửa tiệm thợ mộc có tường đất sét, với phòng gia đình mát mẻ ở tầng hầm có những hốc tường để đèn, một cỗ trũng để chứa lò than nấu nướng rất dễ nhận diện là căn nhà của Thánh Gia.
Có trọn cả một dẫy phố thợ mộc. Đàn bà vẫn mang các bình nước trên vai đến ‘Ain-sitt Miriam’ (Giếng Maria), như ngài vẫn thường làm; giếng của nó là nguồn nước chính của Nadarét.
Bao quanh bởi những trang trại và vườn tược trên đồi đẹp mắt, mầu mỡ hoa dại, cây chà là, cây vả, cây ôliu và cây lựu, Nadarét vốn được gọi là “hoa Galilê”. Nhưng vào thời Chúa Giêsu, hình như nó là một nơi không có mấy tiếng tốt: Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được? Nói về Chúa Giêsu, Nathanaen hỏi như thế. Ảnh hưởng ngoại giáo Hy Lạp lúc ấy vẫn còn rất mạnh ở Nadarét, và liệu có người Nadarét nào được tin tưởng là chính thống một cách nghiêm ngặt như cha mẹ của vị Mêxia không?
Hơn nữa, Nadarét không thuộc Giuđêa, nơi, các trưởng thượng biết rõ, Người sẽ sinh ra. Há tiên tri Mikha đã không nói rõ như thế đó sao?
Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha,
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa,
từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Israel (5:1).
Các trưởng thượng làm thế nào đã có thể đoán được cách lạ theo đó Bà Maria thành Nadarét được mang tới Bêlem?
Cha mẹ của bà Maria không được các sách Tin Mừng nhắc đến, nhưng theo truyền thống, họ có tên là Gioakim và Anna và được tôn kính như các vị thánh, vì trong chín tháng, Anna từng là “nhà tạm” cho Maria. Anna là bổn mạng thợ mộc và thợ làm tủ, của các bà đỡ, thậm chí của tủ nhà bếp hữu dụng.
Truyện các ngài được kể trong các tin mừng ngụy thư, được viết sau này như để “thêu thùa” cho Kinh Thánh, một số đẹp đẽ, một số quá ngây thơ. Các dã sử kể cho chúng ta rằng Gioakim và Anna, mặc dù cưới nhau đã 20 năm nhưng vẫn chưa có con, và đã lên Đền thờ Giêrusalem theo tập tục chính thống Do thái giáo, để dự Lễ Vượt qua. Gioakim dâng một con chiên nhưng bị tư tế từ chối vì ông hiện sống dưới lời nguyền rủa áp đặt lên bất cứ ai không dưỡng dục con cái cho Israel. Gioakim lên tận đỉnh núi ngồi khóc thảm thiết, ăn chay ở đó 40 ngày rồi đọc một lời cầu nguyện vĩ đại lên Thiên Chúa.
Trong khi đó, Anna nghĩ mình bị bỏ rơi nên rất buồn sầu, nhưng đúng vào lúc Gioakim đọc lời cầu nguyện vĩ đại, bà được thúc giục mặc áo cưới vào và ra ngoài vườn. Thình lình, một thiên thần hiện ra với bà và với cả Gioakim và cho họ biết họ sẽ có một đứa con mà hạt giống của em sẽ được nói đến trên khắp thế giới. Đến ngày, con trẻ được sinh ra, nhưng không phải đứa con trai như lòng họ ước mong, mà là một đứa con gái.
Để tạ ơn vì con sinh ra, Chúa đã cất đi sự sỉ nhục của họ, Gioakim và Anna đã đem con Maria vào đền thờ vì em mới có 3 tuổi và trao con cho vị thượng tế; vị này hôn em, chúc lành cho em và nói em ngồi xuống bậc thứ ba của bàn thờ. Nhưng Chúa nói với em cách khác và, thay vì ngồi xuống, em đã múa, điều này làm cho ai thấy em cũng hết sức vui thích.
“Những truyện thêu dệt” như thế tiếp tục cho tới lúc đính hôn và Giáng Sinh. Phần lớn nói rằng Giuse là một người góa vợ, ở cỡ tuổi từ 50 tới 90, và dường như các nhà thần học trung cổ còn cổ vũ thứ niềm tin này, nghĩ rằng sự đồng trinh vĩnh viễn của Đức Maria, đối với con mắt thế gian, sẽ dễ dàng có được nếu bà lấy một ông già khú đế; nhưng điều này quả đã hạ giá ngài, và càng hạ giá Thánh Giuse nhiều hơn nữa. Việc ngài còn trẻ làm cho việc tự chế, đức khôn ngoan, niềm tin không nghi vấn, hành động mau lẹ và việc bảo vệ Đức Maria và Con Trẻ trở thành quên mình và kỳ diệu hơn nhiều.
Có lẽ Đức Maria và Thánh Giuse yêu nhau theo lối bình thường của một người đàn ông và một người đàn bà trẻ, nhưng cuộc hôn nhân của họ chắc chắn do cha mẹ sắp xếp qua mối lái. Cuộc “tenaim”, tiếng Do Thái chỉ hôn nhân, của hồi môn, trong đó chắc chắn có những cây nến mà Đức Maria sẽ đốt lên vào những ngày Sabát, những tặng phẩm người ta mong chờ từ chú rể, và ngày cưới, tất cả phải được giải quyết xong vào ngày Đính Hôn, một nghi thức trói buộc và long trọng.
Do đó, Đức Maria ngỏ với Thánh Giuse lòng trung thành, trung thực của mình, và rồi thiên thần hiện ra. Chúng ta không biết lúc ấy, Đức Maria đang ở đâu, dù nhiều bức tranh vẽ ngài đang dệt vải. Có phải ngài chỉ đơn giản ngước trông lên và thấy sự hiện diện sáng láng?
Các thiên thần đẹp một cách dễ sợ. Tiên tri Đanien mô tả thiên thần của ngài có mắt như những ngọn đuốc rực lửa. Trong Tân Ước, tại mộ Chúa Giêsu, mặt thiên thần giống như sấm sét, áo ngài trắng như tuyết, và các lính canh sợ đến như chết đi được. Thật vậy, dường như các vị khách thiên thần thường bắt đầu sứ điệp của các ngài bằng cách nói: “Đừng sợ”.
Có lẽ sự độc đáo của Đức Maria biểu lộ qua việc ngài không sợ hãi, dù lời Gabriel Chào bà có phúc, Thiên Chúa ở cùng bà, bà có phúc hơn mọi người nữ có làm ngài bối rối; ngài rõ ràng khiêm tốn, nhưng ngài không mất bình thản và sự ưng thuận của ngài không phải là ngôy ngô. Ngài chỉ đơn giản nói, Làm sao việc ấy có thể có được? Gần như chắc chắn ngài đã nghe nhiều lời tiên tri, nhất là của Isaia, và do đó, sự ngạc nhiên của ngài không phải là chuyện một trinh nữ sẽ mang thai, mà là ngài, một người thấp hèn và tối tăm đến thế, mà lại là trinh nữ ấy.
Việc một cô gái, đáng kính, khiêm tốn, yêu người, trung thành, như Kinh Thánh đã mô tả về Đức Maria, bỗng nhiên mang thai trước khi cô và vị hôn thê về chung sống với nhau sẽ ra sao đây? Từ các sách Tin Mừng, chúng ta có thể thu lượm được như sau: cha mẹ ngài vốn là những người Do Thái chính thống dám không thừa nhận ngài nữa; vì chính Thánh Giuse đã nghĩ sẽ bỏ ngài một cách bí mật để khỏi đặt ngài vào thế bị sỉ nhục.
Dĩ nhiên, Đức Maria không hề cảm thấy ô nhục, một điều rõ ràng gây ngạc nhiên, nhưng ngài cũng không thể giải thích; ai mà tin ngài nếu ngài dám giải thích? Phải chăng việc Thánh Giuse cay đắng thất vọng đối với ngài là lưỡi gươm đầu tiên đâm thấu trái tim ngài? Thế nhưng, ngài không nói gì với Thánh Giuse. Trong trọn bộ Tân Ước, Đức Maria chỉ nói không quá 200 lời, thánh Giuse không nói lời nào, nhưng các hành vi của các ngài nói hùng biện hơn bất cứ lời nói nào. Chắc hẳn phải là một sự nhẹ lòng cho Đức Maria xiết bao khi thiên thần đến báo mộng, lần này, cho Thánh Giuse và, theo Mátthêu, yêu cầu ngài đón Đức Maria về làm vợ.
Thánh Giuse chắc chắn là dụng cụ của Thiên Chúa hay, nếu ta muốn, là một dụng cụ của quan phòng. Ngày nay, thật khó mà hiểu được sự rủi ro Đức Maria phải chịu, không những bị ô nhục, mà còn có thể chết nữa: ngài có thể bị ném đá, vốn là hình phạt cho tội ngoại tình. Sự im lặng của Giuse làm im lặng mọi sự, nhưng ở một thị trấn nhỏ như Nadarét, vẫn còn rất nhiều tò mò, và có lẽ đây là lý do khiến ngài đưa Đức Maria đi với ngài lên Bêlem nhân cuộc kiểm tra dân số.
Cứ 14 năm, người La Mã lại tổ chức một cuộc kiểm tra dân số trong khắp đế quốc để, qua loại thuế thân, họ có thể có tiền trả lương cho đoàn quân của họ, cho các xa xỉ của họ, và “bánh mì cùng trò xiếc” cho người dân của họ. Có điều chắc là cuộc kiểm tra dân số đặc thù được Tin Mừng Luca nói đến diễn ra giữa năm 10 và năm 7 TCN dưới triều Hoàng đế Augustô. Để dự cuộc kiểm tra dân số này, Thánh Giuse phải trở về Bêlem nơi ngài sinh ra và là thị trấn của nhà Đavít.
Đưa một thiếu nữ, gần đến ngày sinh đứa con đầu tiên, vào một cuộc hành trình gian lao dài tới 4 hay 5 ngày trên lưng lừa quả là một điều khùng điên. Nhưng với Đức Maria, sự trùng hợp của kiểm tra dân số với việc sinh hạ đứa con của ngài hẳn phải là “một xác nhận” khác; nó ứng nghiệm lời tiên tri xưa của Mikha về nơi sinh của Đấng Mêxia.
Nhiều thế kỷ về sau, đan sĩ Rôma, Dionysius Exiguus, nẩy sinh ra ý tưởng phân chia lịch sử thành hai kỷ nguyên phân cách bởi ngày sinh của Chúa Kitô, nhưng nay ta biết năm lịch 1 CN không hẳn là năm Chúa Giêsu sinh ra đời, vì Người sinh ra dưới triều Hêrốt, và Hêrót, lúc đó bệnh sắp chết, đã qua đời năm thứ 4 TCN. Khi các chiêm tinh gia đến thăm ông thì không thấy nhắc gì đến sức khỏe kém của ông cả. Có lẽ Con Trẻ sinh vào khoảng năm 7 TCN, là năm cũng trùng hợp với một hoặc hai cố gắng của các chiêm tinh gia giải thích ngôi sao của ba nhà chiêm tinh.
Thánh Giuse và Đức Maria hẳn đã du hành dọc thung lũng Giócđăng, tương đối không nóng, khô và hiểm trở như ngày nay; hồi đó, vẫn còn dấu vết mầu mỡ và rừng xưa của Palestine. Các ngài có thể đã đi theo con đường xa như Giêricô rồi leo lên những ngọn đồi để tới Giêrusalem và tiếp tục tới Bêlem cách đó quá 5 dặm.
Cũng dường như các ngài đi một mình. Có lẽ thánh Giuse muốn giấu Đức Maria khỏi những con mắt tò mò, nhưng đây quả là một quyết định táo bạo, trên đường, giữa những vách đá chơ vơ, có thể có những bọn cướp. Lừa đã trở thành một phần của bức tranh mà chúng ta vẫn coi là chuyện đương nhiên, còn Đức Maria, nặng nề với thai nhi, chắc không thể nào cuốc bộ được.
Có lẽ về đêm, các ngài nghỉ ngơi cho an toàn tại các quán ăn hay nhà trọ dọc đường, có lẽ là một căn nhà nhỏ một tầng, có sân với tường bao quanh, có giếng ở giữa, dây cột xúc vật, chỗ để đốt lửa, xây bằng đất sét hay đào dưới đất.
Lừa có thể vác một cuộn đồ nằm, và Đức Maria hiển nhiên mang theo các tã quấn, những miếng vải hẹp trong đó chân tay bé thơ được quấn chặt theo thói quen thời ấy để tránh quá nhiều cựa quạy. Và thế là các ngài tới Bêlem Éphrata, một thị trấn miền đồi núi giữa những khu rừng trồng ôliu.
Éphrata, danh xưng của quận quanh Bêlem, có nghĩa là “nhiều hoa trái”, trong khi “Bêlem” có nghĩa là “nhà làm bánh”; Chúa Giêsu sau này sẽ nói rằng Người là “cây nho đích thực”, và là “bánh ban sự sống”; và hàng triệu Kitô hữu tin rằng Người tái hiện dưới hình bánh và rượu hàng ngày, trên các bàn thờ khiêm hạ hay kỳ diệu tại hầu như mọi ngõ ngách trần gian. Nhưng đêm đó, như chúng ta biết, ở Bêlem, không ai đón tiếp Người cả, không có chỗ để Người sinh ra một cách thích đáng. Chuồng bò, có lẽ của một chủ quán, hẳn là một cái hang, vì ở Bêlem đồi núi, đó là nơi trâu bò của gia đình và các thú vật khác được giữ ở đó.
Đức Maria có lẽ sinh con một mình; nhưng trong một câu truyện ngụy thư khác, Thánh Giuse đi kiếm một bà đỡ và bỗng nhiên cả thế giới đứng im: Lúc này Giuse tôi đang bước đi nhưng không bước được nữa...Và tôi nhìn lên chiếc trụ trên thiên đàng và thấy nó đứng yên, còn các gà vịt trên thiên đàng cũng bất động. Và tôi nhìn xuống đất và thấy đĩa bát được dọn sẵn, và các công nhân đang nằm gần đó, và tay của họ đang với tới đĩa bát: và những người đang nhai thì ngừng nhai, còn những người đang nâng thức ăn lên thì không nâng lên được, và những người đang đút thức ăn vào miệng thì không đút được, nhưng mặt tất cả bọn họ đều hướng lên trời. Và kìa, có những con chiên bị lùa đi, nhưng chúng tiến lên không được mà đứng im, và người chăn chiên giơ tay dùng gậy thúc đánh chúng, nhưng tay ông lơ lửng giữa trời. Và tôi nhìn xuống giòng sông và tôi thấy miệng các con dê con đang định uống nước nhưng chúng uống không được. Và bỗng nhiên mọi vật lại chuyển động trở lại trong diễn trình của chúng.
... và kìa một vầng mây sáng phủ lên hang... mây tự rút đi... và một ánh sáng vĩ đại xuất hiện trong hang... và từ từ ánh sáng đó cũng tự rút lui cho tới lúc con trẻ xuất hiện.
Một bức tranh tuyệt diệu trong đó cả thế giới kìm giữ hơi thở của mình.
Sự hiện diện của con bò và con lừa đã ứng nghiệm lời tiên tri. Ở giữa hai sinh vật, Ngài sẽ làm Ngài được biết đến, Khabacúc đã viết như thế về Đấng Mêxia, trong khi Isaia viết, Con bò biết chủ của nó còn con lừa biết máng của chủ nhân nó. Ở Phương Đông, máng được làm bằng đất sét hay có lẽ là một cái máng bằng đá, và mặc dù Đức Maria có thể đã trải đầy cỏ khô, nhưng hẳn nó phải rất lạnh. Câu truyện truyền thống vẫn cho rằng bò và lừa đã giữ cho Con Trẻ được ấm bằng hơi thở của chúng.
Ở Palestine, người ta không thể đi xa mà không gặp một người chăn chiên, thường với một chiên con hay chiên mẹ bị thương trên vai. Anh có thể mặc chiếc áo khoác Bơđuin bằng lông chiên trên chiếc áo dài của mình, phần lông hướng vào bên trong; anh mang chiếc gậy trong tay để hướng dẫn đoàn vật, nói với chúng bằng một giọng nói như hát. Các người chăn chiên rất nổi bật trong Kinh Thánh, từ Ápraham với đoàn vật của ông, và Đavít, người được kêu gọi khi đang chăn chiên để trở thành vua được xức dầu, đến chính Chúa Kitô: "Chúa là Đấng chăn chiên tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn chi", có lẽ là thánh vịnh được yêu mến nhiều nhất, và hết lần này đến lần nọ, Chúa Kitô sẽ nói về Người trong các dụ ngôn Người là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành. Thành thử còn gì xứng đáng hơn khi những người ở bên ngoài đầu tiên được thấy Người sơ sinh là những người chăn chiên?
Dù thế, vẫn đã phát sinh ra những lập luận bất tận. Một số thần học gia nói rằng Chúa Giêsu có thể không sinh ra trong mùa đông vì Bêlem vào tháng Mười Hai xuống tới điểm đông đá và đoàn vật thường được giữ ở bên trong. Việc Chúa sinh ra chắc chắn xẩy ra vào mùa xuân, nhiều người khác nói thế, vì đó là lúc thả chiên ngoài đồng, khi những người chăn chiên canh chúng lúc đêm khuya, vào các thời điểm khác, họ để mặc đoàn chiên. Lập luận hay không, các sách Tin Mừng nói rằng các người chăn chiên của Lễ Giáng Sinh sống ngoài đồng, căn cứ vào đây, hình như họ là người Bơđuin hay những người du mục khác; ngay bây giờ, quanh Bêlem, những chiếc lều thấp, mầu đen vẫn được nhìn thấy cả mùa đông lẫn mùa hè, và đốt lửa ban đêm.
Ngày nay, vào lễ Giáng sinh, Bêlem chen chúc các du khách, hàng ngàn người họ khiến các Kitô hữu địa phương không thể dự được Thánh Lễ nửa đêm của họ. Hang đá hiện nay nằm dưới nhà thờ Rôma vĩ đại; hai dẫy bậc thang dẫn xuống một cái động chỉ rộng và dài vài thước Anh; nó nặc mùi hương và có những trang trí cầu kỳ, hơn 50 cây đèn; nhưng nền động được gắn một ngôi sao, bạc của nó mòn đi vì các nụ hôn, địa điểm nơi Chúa Kitô sinh ra, một nhắc nhớ tới dòng dõi Đavít và ngôi sao dẫn các nhà chiêm tinh.
Các nhà chiêm tinh đã gây sôn sao xiết bao trên các phố xá Bêlem khi họ cỡi lạc đà tới chỗ ngôi sao dừng lại! Mátthêu viết rằng nó đậu lại trên một ngôi nhà, như thế, Thánh Gia hẳn đã rời khỏi chiếc hang.
Không ai biết các nhà chiêm tinh đã phát xuất từ đâu, nhưng sự giầu có trong các tặng phẩm của họ và sự kính trọng họ nhận được tại triều đình vua Hêrốt, chắc hẳn họ phải là những người danh tiếng; trong truyền thống bình dân, họ là những vị vua. Hiển nhiên họ đã du hành một đoạn đường rất dài. Nếu, rất có thể như thế, nếu họ phải vượt hoang địa, thì chắc hẳn họ phải dùng lạc đà. Theo ngôi sao, hẳn họ phải du hành ban đêm.
Các sử gia và chiêm tinh gia vốn lý luận hàng nhiều thế kỷ nay về việc ngôi sao đầy ấn tượng này có thể là gì. Một ngôi sao chổi? Một ngôi đã được nhìn thấy vào năm 17 TCN, quá sớm; một ngôi khác, được coi như báo trước cái chết của Nêrông, xẩy ra năm 66 CN, quá muộn. Người Trung Hoa, những quan sát viên thiên thể chính xác nhất, ghi nhận rằng một sao chổi lúc ẩn lúc hiện trong bẩy ngày vào năm 5 TCN. Hay ngôi sao có thể là một sao mới (nova), không hẳn một ngôi sao mới, cho bằng một ngôi sao bỗng tăng độ sáng khi nó nổ tung ở bên trong; độ sáng của một sao mới có thể hết sức lớn. Người Trung Hoa nhận thấy một ngôi vào năm 4 TCN; họ gọi những sao mới này là “sao chổi không có đuôi”, ngôn ngữ thiên văn học đầy vẻ đẹp thiên thể.
Có một sự trùng hợp khác, chắc chắn như thế, không những chỉ đươc sự hỗ trợ của khoa thiên văn mà thôi mà của cả khoa chiêm tinh nữa, tức khoa nghiên cứu ảnh hưởng của các vì sao và hành tinh đối với con người và việc làm của họ; các hành tinh di chuyển qua thái dương hệ, đôi khi tới gần nhau đến nỗi đối với chúng ta cách xa cả hàng triệu dặm dường như giao hội (conjunction). Năm 1603, nhà thiên văn học nổi tiếng người Đức, Johannes Kepler, qua viễn vọng kính, thấy Jupiter và Saturn trong chòm sao Song Ngư (pisces) giao hội nhau, và nhớ lại điều ông từng đọc, rằng các nhà chiêm tinh xưa vốn tin rằng việc các hành tinh gần như gặp nhau này biểu thị cho đêm, thậm chí cả giờ, khi Đấng Mêxia xuất hiện vì Song Ngư, hai “con cá” thiên thể ấy cột lại với nhau bằng đuôi của chúng, chính là dấu hiệu của Người; Jupiter vốn là hành tinh vương giả và may mắn, còn Saturn được tôn kính như người bảo vệ Israel.
Nhờ tính toán cẩn thận các ghi chú của mình, Kepler học biết rằng sự giao hội hiếm có và lạ lùng này từng diễn ra trước đây, vào năm 6 hoặc 7 TCN. Trong nhiều năm, việc khám phá của ông bị bác bỏ, nhưng vào năm 1925, một số tài liệu xưa được tìm thấy tại một Trường Chiêm Tinh nổi tiếng tại Sippar của Babylon; và ở đó, dưới hình thức chữ nêm Babylon, một vụ giao hội đã được đánh dấu rõ ràng và được quan sát trong 5 tháng liền vào năm 7 TCN: đó chính là sự giao hội của Jupiter và Saturn trong vòm sao Song Ngư.
Xem ra không thể tranh cãi, thế nhưng... Đối với những con người đầy kinh nghiệm như các Chiêm Tinh Gia, liệu vụ giao hội, dù gần đến bao nhiêu, có thể chỉ là một ngôi sao? Họ đâu có nói: “Chúng tôi nhìn thấy các ngôi sao của Người” ở số nhiều? Hơn nữa giải thích hoặc bằng các hành tinh hay bằng sao chổi hay sao mới của người Trung Hoa, vẫn còn một khiếm khuyết: tất cả đều hiển hiện ở Babylon và khắp Phương Đông xa tới tận Trung Hoa, thế nhưng ở Palestine, dường như không ai lưu ý đến chúng, kể cả các thượng phẩm và luật sĩ của Hêrốt, kể cả bất cứ ai ở Giêrusalem. Thậm chí khi các Chiêm Tinh Gia nói với họ, họ vẫn lấy làm lạ. Tại sao?
Trong cuốn Kinh Thánh Giêrusalem, lời chú giải về các sách Tin Mừng cẩn thận chặn đứng mọi óc tưởng tượng, thận trọng tách biệt sự thật ra khỏi dã sử, nhưng ghi chú liên hệ vẫn nói rằng, “Hiển nhiên, tin mừng gia [sử gia thận trọng Mátthêu] nghĩ tới một ngôi sao mầu nhiệm; quả là vô dụng khi đi tìm một lối giải thích tự nhiên”. Và há yếu tính của một thị kiến không phải là nó chỉ được nhìn thấy bởi những người nó được định dành cho đó sao? Không hề có bất cứ bút tích nào về việc không ai mà chỉ có Gioan Tẩy Giả mới nhìn thấy Chim Bồ Câu ngự xuống tại Phép Rửa của Chúa Giêsu; trên đường Đamát, không ai trừ Thánh Phaolô đã thấy gì, nhưng Thánh Phaolô đã bị mù trong chốc lát bởi một ánh sáng. Cũng giống như thế đối với mọi thị kiến.
Thành thử, rất có thể, sự kỳ diệu thực sự của ngôi sao là không ai ngoài các Chiêm Tinh Gia đã thấy nó. Đối với Đức Maria, việc tôn kính của họ dường như không thuộc trần gian, những khách viếng thăm vĩ đại này đến từ những đất nước xa xôi, qùy gối trước Con Trẻ, nhưng rồi các cúng phẩm trần gian, kỳ lạ đối với phần lớn các Bé Thơ, nhưng Các Người Khôn Ngoan này biết nhìn xa: họ tặng vàng này cho vương quyền của Người, nhũ hương cho Thiên tính của Người và mộc dược cho cái chết và buồn sầu cay đắng của Người.
Còn tiếp
(Aleteia)
Một trong những buâng khuân chới với mà toàn Giáo hội và những người thiện tâm tự hỏi trước mối ưu tư về hòa bình cho thế giới, đặc biệt ở Ukraine, sự bất ổn về kinh tế và xã hội, về sức khỏe và sự mong manh của gia đình và bạn thân, chúng ta tự hỏi lời cầu nguyện của mình có được Chúa đón nhận?...
Chúng ta đều hy vọng vào Năm Mới
Các thành viên của gia đình Aleteia có thể tin tưởng vào những lời cầu nguyện và tạ ơn mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Hãy hiệp thông với tâm tình cầu nguyện trong một mạng lưới của cả 550 tu viện chiêm niệm trong mùa Giáng sinh này.
Trong Thánh Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, ngày 25 tháng 12, hàng trăm ngàn tu sĩ nam sẽ hiệp thông để cầu nguyện cho những ý chỉ được gửi về...
Mạng lưới cầu nguyện dựa trên lời hứa của Chúa Giê-su trong Phúc âm Thánh Ma-thi-ơ (18:19): “Ở dưới đất, nếu có hai ba người trong các ngươi hiệp thông với nhau mà cầu xin điều gì, thì Cha anh em ở trên trời sẽ ban cho các ngươi.”
Để xin 550 tu viện cầu nguyện cho, quí vị chỉ cần điền vào biểu mẫu đơn tại: https://aleteia.org/prayer-intentions/
Nếu bạn muốn cảm ơn hoặc muốn chia sẻ cảm nghiệm, chứng từ về hồng ân bạn nhận được, hãy gửi email về: monasteria@aleteia.org (Bạn có thể dấu tên, để ẩn danh, thì xin vui lòng ghi chú rõ trong email.)
Đức Tổng Giám Mục Canterbury, Justin Welby, cho biết cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã “mở ra các cánh cổng địa ngục”, cởi trói cho “mọi thế lực xấu xa” trên toàn thế giới, từ giết người và hãm hiếp trong lãnh thổ bị xâm lược đến nạn đói và nợ nần ở Phi Châu và Âu Châu.
Đức Cha Welby, giáo sĩ cấp cao nhất trong cộng đồng Anh giáo trên toàn thế giới, đã tới Ukraine vào tháng trước để gặp gỡ các nhà lãnh đạo nhà thờ và các Kitô hữu cũng như những người phải di dời do xung đột.
Ngài nói rằng đã có những ấn tượng sâu sắc bởi “kích thước của những ngôi mộ tập thể ở Bucha, những bức ảnh về những gì đã xảy ra với người dân ở đó, những vụ hãm hiếp, những vụ thảm sát, sự tra tấn của các lực lượng Nga đang xâm lược Ukraine”.
Và ngài nói rằng những hậu quả của cuộc xâm lược cũng đang được cảm nhận vượt ra ngoài biên giới của Ukraine.
“Hậu quả là chúng ta đang ở trong một cuộc đấu tranh kinh hoàng. Khi Ukraine bị xâm lược theo quyết định của Tổng thống Vladimir Putin, các cánh cổng địa ngục đã mở ra và mọi thế lực tà ác tràn ra khắp thế giới,” ngài nói với Laura Kuennsberg trong chương trình BBC's Sunday.
Ngài cho biết: “Một tuần trước khi tôi đến Ukraine, tôi đã ở Mozambique, nơi có nạn đói dọc theo bờ biển Đông Phi.”
Ngài nói thêm: “Có lạm phát… có khủng hoảng năng lượng, có đau khổ, thiếu thuốc, mọi thứ xấu xa đã được giải phóng và cho đến khi Nga rút quân và ngừng bắn, chúng ta không thể đạt được tiến bộ trong việc hòa giải”.
Ngài nói, tại Anh, giá lương thực và nhiên liệu tăng ít nhất một phần do xung đột đã dẫn đến sự gia tăng 400% trong 18 tháng qua, và nhiều người đã phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các ngân hàng thực phẩm.
Ngài nói thêm: “Chúng ta đang chứng kiến nợ nần gia tăng, áp lực lên các gia đình ở mọi cấp độ.
Đức Tổng Giám Mục Welby đã công khai chỉ trích cuộc chiến của Nga với Ukraine, gọi cuộc xâm lược của nước này vào tháng Hai là “một hành động tội lỗi lớn”.
Đến thăm Mozambique một tuần trước chuyến đi Ukraine, ngài đã đến vùng Cabo Delgado bị quân thánh chiến tấn công, nơi ngài gặp những người sống sót sau cuộc nổi dậy ở đó.
Đầu tháng này, Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ thêm 2.5 tỷ đô la lương thực cho Phi Châu, cam kết giúp lục địa này đối phó với tình trạng giá cả tăng cao, một phần là do cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine.
Vùng Sừng Phi Châu đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề sau những mùa mưa thất bát liên tiếp, với việc Liên Hiệp Quốc cho biết viện trợ đã ngăn chặn nạn đói nghiêm trọng ở Somalia.
Source:Church Times
Viện dẫn Kinh Thánh làm vỏ bọc thần học cho cuộc xâm lược của Nga, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga cho biết phương Tây sẽ 'biến thành tro bụi' nếu Nga thất bại trong chiến tranh
Putin và các cận thần của ông ta, kể cả Thượng Phụ Kirill, luôn cho mình là các Kitô Hữu chính hiệu. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn, xã hội Nga sau 70 năm sống dưới chế độ cộng sản về cơ bản vẫn là một xã hội vô thần. Vì thế, họ mới có khả năng gây ra những điều tàn ác khủng khiếp tại Ukraine. Điều trớ trêu là cả các tuyên truyền viên của Putin lẫn Thượng Phụ Kirill đều luôn cố gắng đưa ra các vỏ bọc thần học để che đậy sự tàn bạo của họ.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Host Says West Will Be 'Reduced to Ashes' if War Is Lost”, nghĩa là “Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga cho biết phương Tây sẽ 'biến thành tro bụi' nếu Nga thất bại trong chiến tranh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Một người dẫn chương trình truyền hình nhà nước của Nga đã nói rằng phương Tây sẽ bị “biến thành tro bụi” trong một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu nước này nhận thấy mình thua cuộc trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Người dẫn chương trình truyền hình Rossiya 1 Vladimir Solovyov tuyên bố Nga đang trong một cuộc “thánh chiến” chống lại Ukraine và phương Tây khi ông chỉ trích Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Solovyov nói: “Chúng ta đang sống trong những ngày sau hết. Những gì đang xảy ra ở Ukraine sẽ không chỉ gói gọn tại Ukraine. Một cuộc thánh chiến đang diễn ra. Chúng ta đang đấu tranh cho quyền của loài người được sống trong tình trạng ban đầu, như được thiết kế bởi Đấng Tạo Hóa.”
“Những kẻ ngốc đang cố gắng chiến đấu, họ không chống lại chúng tôi, họ đang gây chiến với Chúa. Trong trường hợp họ chiến thắng, kết thúc của họ là chắc chắn.”
“Khi tôi nói rằng hoặc chúng ta thắng, hoặc cả thế giới sẽ biến thành tro bụi, thì điều này cũng có một ý nghĩa khác. Làm sao loài người chiến đấu chống lại Thiên Chúa có thể tiếp tục tồn tại?”
Đoạn clip được chia sẻ bởi Russian Media Monitor, nơi chia sẻ bản dịch các bình luận của các nhà tuyên truyền Điện Cẩm Linh, vào ngày 17 tháng 12.
Solovyov - người đôi khi nghe thấy tiếng ho - đã ca ngợi Nga là người bảo vệ Kitô Giáo, một tuyên bố được đưa ra bởi những người ủng hộ Vladimir Putin, là người cho rằng phương Tây là suy đồi.
Solovyov nói thêm: “Hãy nhìn vào khuôn mặt của Zelenskiy. Hãy nhìn vào khuôn mặt của Biden, một kẻ hoàn toàn gian dối, xấu xa, đáng sợ.
“Ông ấy không giống Trump. Tại sao Trump không được ủng hộ? Bởi vì ông ấy hoàn toàn truyền thống, ít nhất là theo một số cách. Tính cách truyền thống của Trump kích động người ta ghét ông ấy.”
“Nếu bạn nghĩ về những gì đang xảy ra. Đó là chủ nghĩa Satan. Chúng hoàn toàn là ma quỷ, bạn không thể nói theo cách nào khác.”
Người dẫn chương trình truyền hình Nga, người thường xuyên thúc đẩy tuyên truyền ủng hộ Điện Cẩm Linh trong quá khứ, sau đó biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Tây Âu và Hoa Kỳ bằng cách tham khảo câu chuyện trong Kinh thánh về thành Sodom và Gomorrah.
Solovyov nói: “Khi mọi người cố gắng nói với tôi về việc liệu vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng hay không, tôi sẽ trả lời ngắn gọn và rõ ràng rằng 'bạn có nhớ phần này của lịch sử Kinh thánh không?' Sodom và Gomorrah?'“
Theo Kinh thánh, Thiên Chúa đã phá hủy hai thành phố thịnh vượng do sự xấu xa và gian ác của dân chúng.
Hai thành phố này đã được nhắc đến nhiều lần trong thời gian gần đây bởi những người coi các quốc gia hiện đại là suy đồi và đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa.
Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để xin bình luận.
Người dẫn chương trình truyền hình Nga thường xuyên đưa ra những lời đe dọa gián tiếp tới phương Tây kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ vào đầu năm nay.
Đầu tháng này, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga trên Rossiya 1 đã nói đùa về việc xâm lược các thủ đô phương Tây bao gồm London và Lisbon.
Trong clip, cả nhóm đã thảo luận về kế hoạch để Mạc Tư Khoa chiếm lấy London, bao gồm cả các câu lạc bộ bóng đá và quán rượu của thành phố này.
“Nếu chúng ta đến được Lviv, nó sẽ là của chúng ta. Nếu chúng tôi đến được Lisbon và London, chúng sẽ là của chúng ta”, một nhà tuyên truyền của điện Cẩm Linh cho biết.
Source:Newsweek
Sáng thứ Năm 22 tháng Mười Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các Hồng Y và thành viên khác của Giáo triều Roma, đến chúc mừng ngài nhân dịp Giáng Sinh và Năm mới. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người thực thi tinh thần hoán cải, và loại trừ mọi thứ võ khí, chiến tranh, và bạo lực, bắt đầu từ chính bản thân mình.
Lên tiếng sau lời chúc mừng của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, Đức Thánh Cha nói:
1. Một lần nữa Chúa ban cho chúng ta ân sủng được mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh. Mỗi năm, khi quỳ gối trước Hài Nhi nằm trong máng cỏ (x. Lc 2:12), chúng ta có thể nhìn đời mình dưới ánh sáng đặc biệt này. Đó không phải là ánh sáng vinh quang của thế gian này, mà là “ánh sáng đích thực, soi sáng mọi người” (Ga 1:9). Đối với chúng ta, sự khiêm nhường của Con Thiên Chúa, Đấng đã dự phần vào thân phận con người của chúng ta, là một bài học để nhìn mọi sự đúng như bản chất của chúng. Như Chúa đã chọn sự thanh bần, nghĩa là không chỉ thiếu của cải, mà là hoàn toàn đơn sơ, cũng vậy, mỗi chúng ta được mời gọi trở về với những gì thiết yếu trong cuộc sống của chính mình, loại bỏ tất cả những gì thừa thãi và là những trở ngại tiềm ẩn trên con đường tu tập, con đường nên thánh. Và con đường nên thánh đó là không thể tương nhượng.
2. Đồng thời, chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng khi nhìn lại cuộc sống và quá khứ của mình, chúng ta phải luôn bắt đầu bằng việc hồi tưởng lại tất cả những điều tốt đẹp mà chúng ta đã biết. Vì chỉ khi chúng ta ý thức được lòng nhân hậu của Chúa đối với chúng ta, chúng ta mới có thể nêu đích danh sự dữ mà chúng ta đã trải qua hoặc chịu đựng. Nhận thức về sự nghèo khó của chúng ta, nếu không đi kèm với việc nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, sẽ nghiền nát chúng ta. Do đó, thái độ nội tâm mà chúng ta phải là đánh giá cao lòng biết ơn, như một điều quan trọng nhất.
Để giải thích lòng biết ơn này, Tin Mừng thuật lại câu chuyện mười người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành; nhưng chỉ có một người trong số họ, một người Samaria, trở lại cám ơn Người (x. Lc 17,11-19). Ngoài việc được chữa lành thể xác, hành động tạ ơn của anh đã mang lại cho anh ơn cứu rỗi hoàn toàn (xem câu 19). Cuộc gặp gỡ của anh ấy với sự tốt lành do Thiên Chúa ban cho anh ta không phải là hời hợt; nó đã chạm đến chính trái tim của anh. Đó là cách nó nên diễn ra: nếu không liên tục thực hành lòng biết ơn, cuối cùng chúng ta sẽ chỉ liệt kê những thất bại của mình và đánh mất điều quan trọng nhất là những ân sủng mà Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày.
3. Nhiều điều đã xảy ra trong năm nay và trước hết, chúng ta muốn cảm tạ Chúa vì mọi ơn lành của Người. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng rằng trong số những phước lành đó có sự hoán cải của chúng ta. Hoán cải là một câu chuyện không bao giờ kết thúc. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với chúng ta là nghĩ rằng chúng ta không còn cần phải hoán cải, với tư cách cá nhân hay cộng đồng.
Hoán cải là luôn luôn học lại cách tiếp nhận sứ điệp Tin Mừng một cách nghiêm túc và đem sứ điệp Tin Mừng ra thực hành trong cuộc sống của chúng ta. Nó không chỉ đơn giản là tránh điều ác mà là làm tất cả những điều lành phúc đức mà chúng ta có thể. Đó là ý nghĩa của việc được hoán cải. Tin Mừng đi đến đâu, chúng ta luôn như trẻ thơ cần học hỏi đến đó. Ảo tưởng rằng chúng ta đã học được mọi thứ khiến chúng ta rơi vào sự kiêu ngạo tâm linh.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II. Công đồng là gì nếu không phải là một thời điểm hoán cải tuyệt vời cho toàn thể Giáo hội? Như Thánh Gioan XXIII đã nhận xét: “Tin Mừng không thay đổi; chính chúng ta mới bắt đầu hiểu Lời Chúa đầy đủ hơn”. Việc hoán cải mà Công đồng khơi dậy là một nỗ lực để hiểu Tin Mừng đầy đủ hơn và làm cho Tin Mừng trở nên có liên quan, sống động và hữu hiệu trong thời đại chúng ta.
Như đã xảy ra nhiều lần khác trong lịch sử của Giáo hội, trong thời đại của chúng ta cũng vậy, chúng ta cảm thấy được kêu gọi, với tư cách là một cộng đồng tín hữu, hãy hoán cải. Quá trình này còn lâu mới hoàn thành. Suy tư hiện tại của chúng ta về tính đồng nghị của Giáo hội là kết quả của niềm xác tín của chúng ta rằng tiến trình hiểu biết sứ điệp của Chúa Kitô không bao giờ kết thúc, trái lại không ngừng thách thức chúng ta.
Ngược lại với hoán cải là “bất động”, là niềm tin thầm kín rằng chúng ta không có gì khác để học hỏi từ Tin Mừng. Đây là sai lầm cố gắng giản lược sứ điệp của Chúa Giêsu trong một hình thức duy nhất có giá trị vĩnh cửu. Thay vào đó, hình thức của sứ điệp ấy phải có khả năng thay đổi liên tục, để bản chất của sứ điệp của Chúa Giêsu có thể không thay đổi. Lạc giáo đích thực không chỉ bao gồm việc rao giảng một Phúc Âm khác (x. Gl 1:9), như Thánh Phaolô đã nói với chúng ta, mà còn bao gồm trong việc ngừng dịch thông điệp của Phúc Âm sang các ngôn ngữ và lối suy nghĩ ngày nay, đó chính là điều mà Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã làm. Bảo tồn có nghĩa là giữ cho sống động chứ không phải cầm tù sứ điệp của Chúa Kitô.
4. Tuy nhiên, vấn đề thực sự, và là vấn đề mà chúng ta thường xem nhẹ, là việc hoán cải không chỉ làm cho chúng ta nhận thức được điều ác để chúng ta có thể chọn điều thiện; nhưng hoán cải cũng buộc cái ác phải thay đổi chiến thuật của nó, trở nên quỷ quyệt hơn, tìm ra những lớp ngụy trang mới mà chúng ta khó có thể nhìn thấu. Trận chiến là có thật. Kẻ cám dỗ tiếp tục quay trở lại, cải trang, nhưng chắc chắn hắn quay trở lại.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn để minh họa trận chiến này diễn ra như thế nào vào những thời điểm khác nhau và theo những cách khác nhau: “Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.”(Lc 11:21-22). Vấn đề lớn đầu tiên là khi chúng ta đặt quá nhiều niềm tin vào bản thân, vào chiến lược và chương trình của mình. Đây là “thuyết pelagiô” mà tôi thường nói đến. Thực ra, một số thất bại của chúng ta có khi lại là một ân sủng, vì chúng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không nên đặt niềm tin hoàn toàn vào chính mình, mà chỉ tin vào một mình Chúa mà thôi. Một số thất bại của chúng ta, cũng như Giáo hội, là một lời kêu gọi mạnh mẽ để đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm, vì như Người nói: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11: 23). Điều đó thật dễ dàng xảy ra.
Anh chị em thân mến, kết án sự dữ là chưa đủ, kể cả sự dữ đang âm thầm ẩn nấp giữa chúng ta. Chúng ta cần phải đáp lại bằng cách chọn con đường hoán cải. Chỉ lên án thôi cũng có thể tạo ra ảo tưởng rằng chúng ta đã giải quyết được vấn đề, trong khi điều thực sự quan trọng là tạo ra những thay đổi để bảo đảm rằng chúng ta không còn để mình bị giam cầm bởi những đường lối tư duy xấu xa, thường là lối suy nghĩ của thế gian này. Một trong những đức tính hữu ích nhất để thực hành về mặt này là đức tính cảnh giác. Chúa Giêsu dùng một ví dụ nổi bật để minh họa sự cần thiết phải cảnh giác, nghĩa là chú ý đến chính mình và Giáo hội. Ngài nói với chúng ta rằng: “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.’ Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.” (Lc 11:24-26). Sự hoán cải ban đầu của chúng ta tuân theo một khuôn mẫu nhất định: điều ác mà chúng ta thừa nhận và cố gắng loại bỏ khỏi cuộc sống của mình thực sự đã rời bỏ chúng ta, nhưng chúng ta sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng nó sẽ biến mất luôn. Trong một thời gian ngắn, nó trở lại dưới một vỏ bọc mới. Trước đây, nó có vẻ thô bạo và dữ dội, bây giờ nó hiện lên thanh lịch và tinh tế. Chúng ta cần nhận ra điều đó và một lần nữa vạch mặt nó. Hãy để tôi nói theo cách này: chúng là “những con quỷ tao nhã”: chúng xâm nhập một cách trơn tru mà chúng ta thậm chí không hề hay biết. Chỉ có thực hành tự vấn lương tâm hàng ngày mới có thể giúp chúng ta ý thức được chúng. Do đó, việc xét mình có một tầm quan trọng trong việc canh chừng ngôi nhà của chúng ta.
Chẳng hạn, vào thế kỷ 17, có trường hợp nổi tiếng của các nữ tu ở Port Royal. Một trong những tu viện trưởng của họ, Mẹ bề trên Angélique, đã khởi đầu rất tốt; Mẹ bề trên đã cải tổ bản thân và tu viện của mình một cách “đầy đặc sủng”, thậm chí trục xuất cha mẹ khỏi tu viện. Bà là một phụ nữ rất tài năng, được sinh ra để cai trị, nhưng sau đó cô ấy trở thành linh hồn của cuộc phản kháng Jansenist, không khoan nhượng và không khuất phục ngay cả khi đối mặt với thẩm quyền giáo hội. Về bà và các nữ tu của bà, người ta nói rằng họ “trong sáng như thiên thần và kiêu hãnh như ác quỷ”. Họ đã đuổi được con quỷ, nhưng ma quỷ đã trở lại mạnh mẽ gấp bảy lần, và dưới chiêu bài thắt lưng buộc bụng và nghiêm khắc, ma quỷ đã đưa ra sự cứng nhắc và tự cho rằng họ tốt hơn những người khác. Con quỷ, một khi bị đuổi, luôn luôn quay trở lại; mặc dù dưới một vỏ bọc khác, nhưng nó luôn quay trở lại. Chúng ta hãy cảnh giác!
5. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kể nhiều dụ ngôn nhắm vào những người công chính, kinh sư và Pharisêu, để vạch trần ảo tưởng cho mình là công chính và coi thường người khác (x. Lc 18:9). Chẳng hạn, trong một dụ ngôn chúng ta thường gọi là dụ ngôn về lòng thương xót (x. Lc 15), Người kể chuyện con chiên lạc và chuyện người con út của người cha tội nghiệp, là người coi cha mình như đã chết. Những câu chuyện ngụ ngôn này nhắc nhở chúng ta rằng cách đầu tiên dẫn đến tội lỗi là đi chệch hướng, lạc lối và làm điều sai trái tỏ tường. Tuy nhiên, những câu chuyện ngụ ngôn này cũng bao gồm những câu chuyện về đồng xu bị mất và người con trai cả. Những câu chuyện ngụ ngôn này đã đánh trúng mục tiêu: chúng ta có thể lạc lối ngay cả khi ở nhà, giống như đồng xu của người phụ nữ đó, và chúng ta có thể bất hạnh ngay cả khi về mặt chính thức vẫn trung thành với bổn phận của mình, giống như người con cả của người cha nhân từ. Những người lên đường và lạc lối rất dễ nhận ra họ đã lang thang bao xa; đối với những người ở nhà, không dễ để đánh giá đúng mức địa ngục mà họ đang sống, tin chắc rằng họ chỉ là nạn nhân, bị đối xử bất công bởi chính quyền được thành lập và, trong phân tích cuối cùng, bởi chính Chúa. Điều này thường xảy ra ở đây, ở nhà này biết bao!
Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm về việc lạc lối, giống như con chiên đó, hoặc bỏ Chúa lại phía sau, giống như người con út đó. Những tội lỗi này đã khiến chúng ta bị sỉ nhục và chính vì lý do này, nhờ ân sủng của Chúa, chúng ta đã có thể đối mặt với chúng một cách thẳng thắn. Vào thời điểm này trong cuộc sống của mình, chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến thực tế là, theo nghĩa chính thức, chúng ta hiện đang sống “ở nhà”, trong các bức tường của tổ chức, phục vụ Tòa thánh, ngay trung tâm của Giáo Hội. Chính vì lý do này, chúng ta dễ rơi vào cám dỗ nghĩ rằng mình an toàn, tốt hơn người khác, không cần hoán cải nữa.
Tuy nhiên, chúng ta đang gặp nguy hiểm hơn tất cả những người khác, bởi vì chúng ta bị bao vây bởi những “con quỷ thanh lịch”, những kẻ không bước vào ầm ĩ, nhưng đến với những bông hoa trên tay. Thưa anh chị em, xin thứ lỗi cho tôi nếu đôi khi tôi nói những điều nghe có vẻ gay gắt và chói tai; không phải vì tôi không tin vào giá trị của lòng tốt và sự thuyết phục. Đúng hơn, đó là bởi vì thật tốt khi chúng ta dành sự âu yếm cho những người mệt mỏi và bị áp bức, và có can đảm “làm khổ những người thoải mái”, như Tôi Tớ Chúa Don Tonino Bello thích nói. Vì có những lúc sự thoải mái mà họ được hưởng chỉ là sự lừa dối của ma quỷ chứ không phải là ân sủng của Thánh Linh.
6. Tôi muốn nói một lời cuối cùng về chủ đề hòa bình. Trong số các tước hiệu mà ngôn sứ Isaia trao cho Đấng Mêsia là tước hiệu “Hoàng Tử Bình An” (9:5). Chưa bao giờ chúng ta cảm thấy khát khao hòa bình lớn như lúc này. Tôi nghĩ đến Ukraine bị chiến tranh tàn phá, nhưng cũng nghĩ đến nhiều cuộc xung đột đang diễn ra ở những nơi khác nhau trên thế giới của chúng ta. Chiến tranh và bạo lực luôn là một thảm họa. Tôn giáo không được cho phép mình thúc đẩy xung đột. Tin Mừng luôn là Tin Mừng của hòa bình, và không thể nhân danh Thiên Chúa để tuyên bố chiến tranh là “thánh thiện”.
Bất cứ nơi nào sự chết, chia rẽ, xung đột và đau khổ vô tội ngự trị, ở đó chúng ta chỉ có thể nhận ra Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Vào thời điểm này, chính tôi muốn hướng suy nghĩ của chúng ta đến những người đang đau khổ nhất. Lời của Dietrich Bonhoeffer có thể giúp ích cho chúng ta. Anh đã viết từ phòng giam của mình như sau: “Dĩ nhiên, theo quan điểm của Kitô Giáo, lễ Giáng Sinh trong phòng giam khó có thể được coi là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Rất có thể, nhiều người trong tòa nhà này sẽ tổ chức lễ Giáng Sinh ý nghĩa và đích thực hơn ở những nơi chỉ tổ chức lễ này trên danh nghĩa. Sự đau khổ, buồn phiền, nghèo khó, cô đơn, bất lực và tội lỗi có ý nghĩa gì đó hoàn toàn khác dưới mắt Thiên Chúa so với theo phán đoán của con người; Chúa hướng về chính những nơi mà con người quay lưng lại; Chúa Kitô đã sinh ra trong chuồng ngựa vì không có chỗ cho Người trong quán trọ – một tù nhân nắm bắt điều này tốt hơn những người khác, và đối với anh ta đây thực sự là một tin tốt lành” (Letters and Papers from Prison, Letter to his Father, 17 December 1943 ).
7. Anh chị em thân mến, nền văn hóa hòa bình không chỉ được xây dựng giữa các dân tộc và các quốc gia. Nó bắt đầu trong trái tim của mỗi người chúng ta. Khi cảm thấy đau khổ vì sự lan rộng của chiến tranh và bạo lực, chúng ta có thể và phải đóng góp cho hòa bình bằng cách cố gắng loại bỏ khỏi trái tim mình mọi hận thù và oán giận đối với các anh chị em mà chúng ta cùng chung sống. Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, chúng ta đọc thấy những lời này, những lời này cũng được tìm thấy trong Kinh Thần Vụ: “Hãy loại bỏ khỏi anh em mọi cay đắng, phẫn nộ, giận dữ, tranh cãi, vu khống, cùng với mọi ác ý, và hãy tử tế với nhau, nhân từ tha thứ nhau, như Thiên Chúa trong Chúa Kitô đã tha thứ cho anh em” (4:31-32). Chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta có bao nhiêu cay đắng trong lòng? Cái gì đang nuôi dưỡng những điều ấy? Đâu là nguồn gốc của sự phẫn nộ thường tạo ra khoảng cách giữa chúng ta và châm ngòi cho sự tức giận và oán ghét? Tại sao việc nói xấu sau lưng dưới mọi hình thức lại trở thành cách duy nhất để chúng ta nói về những thứ xung quanh mình?
Nếu chúng ta thực sự muốn chiến tranh chấm dứt và nhường chỗ cho hòa bình, thì mỗi chúng ta phải bắt đầu với chính mình. Thánh Phaolô nói rõ ràng với chúng ta rằng lòng tốt, lòng thương xót và sự tha thứ là liều thuốc để chúng ta xây dựng hòa bình.
Tử tế có nghĩa là luôn chọn điều thiện trong cách chúng ta liên hệ với nhau. Bên cạnh bạo lực vũ khí, còn có bạo lực lời nói, bạo lực tâm lý, bạo lực lạm dụng quyền lực và bạo lực giấu giếm của những lời đàm tiếu, tất cả đều có hại và hủy diệt sâu sắc. Trước mặt Hoàng Tử Bình An đến thế gian, chúng ta hãy vứt bỏ mọi loại vũ khí. Mong sao không ai trong chúng ta trục lợi từ vị trí và vai trò của mình để hạ thấp người khác.
Lòng thương xót có nghĩa là chấp nhận sự thật rằng những người khác cũng có giới hạn của họ. Ở đây cũng vậy, thật công bằng khi chấp nhận rằng các cá nhân và tổ chức, chính vì họ là con người, nên cũng bị giới hạn. Một Giáo hội trong sạch và chỉ dành cho người trong sạch chỉ là sự trở lại với lạc giáo Cathari. Nếu đúng như vậy, Phúc Âm và toàn bộ Kinh Thánh đã không cho chúng ta biết những hạn chế và thiếu sót của nhiều người mà ngày nay chúng ta thừa nhận là thánh.
Cuối cùng, sự tha thứ có nghĩa là luôn cho người khác cơ hội thứ hai, với nhận thức rằng chúng ta trở thành thánh nhân nhờ những hoán cải và bắt đầu lại. Chúa làm điều này với mỗi người chúng ta; Ngài tiếp tục tha thứ cho chúng ta; Ngài tiếp tục đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của mình; Ngài luôn cho chúng ta một cơ hội khác. Chúng ta cũng nên làm như vậy. Anh chị em thân mến, Thiên Chúa tha thứ không bao giờ mệt mỏi; chúng ta là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ.
Để mọi cuộc chiến kết thúc, cần phải có sự tha thứ. Nếu không, công lý sẽ trở thành sự trả thù, và tình yêu chỉ được coi là một hình thức của sự yếu đuối.
Thiên Chúa trở thành Hài Nhi, và Hài Nhi ấy, khi đã lớn, để mình bị đóng đinh trên thập giá. Không có gì yếu hơn một người bị đóng đinh, nhưng sự yếu đuối đó đã trở thành sự mạc khải quyền năng tối cao của Thiên Chúa. Trong sự tha thứ, quyền năng của Thiên Chúa luôn hoạt động. Xin cho lòng biết ơn, hoán cải và bình an là quà tặng của Lễ Giáng Sinh này.
Chúc anh chị em một Giáng Sinh vui vẻ! Và một lần nữa, xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Sự buồn rầu xẩy đến ngay sau đó. Trong toàn bộ lịch sử, có thể không có quái vật nào khủng khiếp như Hêrốt; về ông ta, Flavius Josephus viết, “Hắn không phải là một vị vua, nhưng là tên bạo chúa tàn ác nhất đã ngự trên ngai vàng. Hắn cướp bóc dân của hắn, hành hạ cả những cộng đồng; gần như ngày nào cũng có một người bị xử tử, thậm chí trong vòng bạn bè của hắn, tư tế và gia đình của hắn, kể cả vợ và các con trai của hắn”. Nhưng dường như không có gì khiếp đảm hơn, trong cuộc đời khủng khiếp của hắn, việc sát hại mấy trăm trẻ sơ sinh, các Thánh Anh Hài, mọi trẻ nam dưới hai tuổi, tại và quanh Bêlem. Chúa Giêsu được cứu bởi hành động nhanh chóng của Thánh Giuse và đức vâng lời của ngài đối với lời lẽ thiên thần của Chúa, không đợi đến ánh sáng ban ngày; nhưng chuyến trốn đi Ai cập ấy ra sao đối với Đức Maria, để lại đàng sau cả một vụ thảm sát thê lương?
Cuộc hành trình dưới bóng kinh hoàng thật là dài, dài hơn nhiều từ Nadarét lên Giuđêa, hai trăm năm mươi dặm, con đường của đoàn lái buôn phía nam Hebron, tây Gaza và dọc theo duyên hải, phần lớn là sỏi đá và cát bụi, người ta nói, lừa thường chết dọc đường.
Bên kia biên giới và cách Bắc Cairo chừng vài dặm, là làng El Matariya, nay tọa lạc tại những cánh đồng trồng mía làm đường, đó là nơi nhiều người cho là Thánh Giuse đã đưa Đức Maria và Con Trẻ tới. Khách hành hương vẫn tới đó để viếng Nhà thờ Thánh Gia, cả cây rỗng xưa trong đó, người ta tin, Đức Maria đã ẩn mình với Chúa Giêsu khi bị lính tráng và kẻ cướp săn đuổi; một con nhện ở gần đã nhanh chóng dệt nên một cái màng rất tốt qua chỗ rỗng khiến không ai nhìn thấy bên trong được.
Khi Hêrốt chết, Thánh Giuse được thiên thần Chúa nói cho biết gia đình có thể trở về Palestine, ngài đã trở về Nadarét, nơi Chúa Giêsu lớn lên.
Trong câu truyện Kinh thánh, Lễ Giáng Sinh chấm dứt ở đây và điều lạ, khó hiểu đối với chúng ta ngày nay, là nó thực sự không được tưởng nhớ trong gần như bốn trăm năm. Nó bị gần như giấu ẩn, giống như phần lớn cuộc sống dương trần của Chúa Kitô bị giấu ẩn vậy; trong ba năm ngắn ngủi, Người giảng dậy và chữa bệnh, lay động lòng và tâm trí người ta, bị đóng đinh vì thế như một Mêxia giả và nguy hiểm, và được chôn cất. Các người theo Người chỉ là một nhóm đàn ông và đàn bà, phần lớn là những người tầm thường chưa bao giờ ra khỏi Palestine.
Ánh sáng của Người leo lét đến độ gần như tắt ngúm; thế nhưng sử gia Suetonius nói với chúng ta rằng chỉ 15 năm sau ngày Đóng Đinh, đã có một phái Kitô giáo ở La Mã rồi. Trong vòng 300 năm sau đó, chính Hoàng đế La Mã, Constatinô Đại đế, sẽ gắn Thập giá lên khiên thuẫn binh lính như dấu hiệu niềm tin của ông và trở thành người bảo vệ thế giới Kitô giáo. Giáo huấn của tiên tri Amos đã thành sự thật: Thiên Chúa không phải là độc quyền của người Do Thái.
Những sứ giả chính của Chúa Kitô là các tông đồ. Tông đồ dịch chữ “apostolus” nghĩa là “người được sai đi”. Các ngài giảng dậy bằng lời và bằng thư từ, nhưng khi hết vị này tới vị nọ qua đời, một cách thê thảm, Phêrô và Giacôbê bị đóng đinh, Phaolô bị chặt đầu, Giacôbê Hậu bị ném từ đỉnh tháp Đền thờ rồi bị ném đá, Barnaba bị phanh thây, điều trở nên rõ ràng là nhu cầu khẩn thiết phải biến các giáo huấn của Chúa Kitô thành bản văn, thành “tin vui” như các sách Tin Mừng được gọi trước khi chúng bị bóp méo hay thất lạc. Những người phải làm chuyện này dĩ nhiên phải là những người từng biết Người và chia sẻ một phần đời sống Người.
Có người cho rằng đã có các hình thức Tin Mừng thô sơ bằng tiếng Aram rất sớm từ năm 50 CN, nhưng không như hình thức chúng ta biết hiện nay. Mátthêu, một người có học, dường như hoàn tất Tin Mừng của ngài vào khoảng 20 năm sau đó; ngài viết nhằm thuyết phục người Do Thái, đó là lý do tại sao ngài ưa nhắc lại các lời tiên tri trong Cựu Ước. Tin Mừng Máccô có thể đã được viết vào năm 64 CN. Gioan, người gần gũi nhất với Chúa Kitô, đã đọc chính tả cuốn sách của ngài tại Êphêsô, khoảng sau năm 70 CN.
Các sách Tin Mừng đều không đầy đủ, trục trặc, kể cùng các biến cố một cách khác nhau; thế nhưng Chúa Kitô sống động trong chúng tất cả, kể cả trong Tin Mừng hơi sống sượng của Máccô. Một cách mầu nhiệm, chỉ có một trong bốn Tin Mừng cho ta toàn bộ câu truyện sinh hạ của Người, đó là Tin Mừng Luca. Hẳn phải có nguyên do.
Vào thời Luca, các sử gia không nêu tên tác giả, đặc biệt nếu đây là một người đàn bà, nói chung, phụ nữ gần như bị người Do Thái coi thường. “Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, là Vua Vũ trụ, chúc tụng Ngài vì đã không dựng nên con là đàn bà”, đó là lời cầu nguyện của nam nhi Do Thái. Nhưng làm thế nào Luca có thể biết những chi tiết riêng tư về việc thụ thai và sinh hạ Chúa Kitô, về những lời lẽ của Êlisabét và Maria trong biến cố Thăm Viếng, khi không ai khác hiện diện, ngoại trừ chính Đức Maria đã kể cho ngài nghe? Giuse, Êlisabét và Dacaria đã qua đời từ lâu, và Luca, trong ấn bản King James, cho biết rõ những điều này là những điều bí mật: “Nhưng Maria giữ kín tất cả những điều này, và suy gẫm chúng trong lòng”. Luca là một thầy thuốc và do đó rất dễ nghi ngờ chuyện sinh hạ đồng trinh, ấy thế nhưng niềm tin của ngài chói sáng trong mỗi dòng viết của hai chương đầu tiên.
Các Giáo phụ biến lễ Phục sinh thành ngày thánh thiêng nhất của Giáo Hội, như nó vẫn còn đến nay, theo lẽ tự nhiên: đức tin Kitô giáo xây dựng trên sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Sau đó đến lễ Ngũ Tuần, một lần nữa, cũng theo lẽ tự nhiên vào thời đó; những lưỡi lửa ấy phải lan tỏa tới tận cùng thế giới, nói bằng mọi ngôn ngữ. Cuối cùng đến lễ Hiển Linh, một “tưởng niệm” ba mặt: việc các Chiêm Tinh Gia xuất hiện, phép lạ đầu tiên của Chúa Kitô tại Cana và việc Người chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả trong sông Giócđăng vốn được coi như việc Người sinh ra thực sự. Đây là một ngày lễ trọng đại, nhưng một điều gì đó quan trọng dường như vẫn còn thiếu. Chúa Kitô là thuần thần, là Thiên Chúa đích thực, nhưng Người cũng là con người thực sự; làm ngơ việc sinh hạ nhân bản của Người là tước đi của Người điều kỳ diệu kép của Người. Thế là dần dần nẩy sinh nơi các giáo phụ ý niệm nên có một ngày lễ riêng, lễ Giáng Sinh.
Câu hỏi đầu tiên là nên tổ chức ngày lễ này khi nào? Bất chấp các cách đọc và lý luận về ngôi sao và phong tục của các người chăn chiên, không ai biết Chúa Giêsu sinh ra vào tháng nào, nhưng dường như người ta có cảm tưởng lễ Giáng Sinh nên vào Mùa Đông, trong mọi tôn giáo được con người biết đến, luôn có một ngày lẽ vào Mùa Đông.
Chẳng hạn, người Sumer cổ thời có ngày lễ mùa đông gọi là Zagmuk, nhằm thuyết phục vị thần đã tạo ra thế giới ngự xuống và đánh tan Hỗn Mang ở hạ giới để trái đất nở rộ cho một chu kỳ các mùa nữa. Đó là ngày để cầu nguyện và dâng hy lễ; hy lễ chính là hy lễ của nhà vua đang cai trị, người sẵn sàng chết để đền tội lỗi của dân ông. Ở đây, ta thấy có mầm mống của ý niệm Kitô giáo, ngoại trừ việc vua đích thực không chết; một tội nhân, mặc y phục hoàng gia, bị hy sinh thế cho ông.
Lễ Yule, ngày lễ của Na Uy, diễn ra trong tháng 12, tháng tối nhất, lúc chỉ còn 3 hay 4 giờ ánh sáng ban ngày. Yule kéo dài 12 ngày, và lửa củi được giữ cho cháy suốt thời gian này để làm sống lại mặt trời đang dần khuất dạng.
Các vị tiên khởi cai quản Giáo Hội tinh khôn đủ để biết rằng, hoặc có lẽ học được cách vất vả, rằng thay vì đánh phá các phong tục ngoại giáo, tốt hơn nên chấp nhận chúng và tinh tế biến cải chúng, nhất là các ngày lễ.
Lễ Phục Sinh là việc tôn vinh Lễ Vượt Qua của người Do Thái, Lễ Ngũ Tuần tôn vinh Lễ Tuần, tổ chức để tưởng niệm việc Môsê được ban cho hai bảng Lề luật trên núi Sinai. Một ngày lễ vĩ đại nữa của người Do Thái, Lễ Lều, nhưng nó rơi vào mùa thu, xem ra không thích hợp. Giáo Hội muốn có một ngày lễ vào cuối năm hay gần như thế. Trong tháng 12, có lễ Chanukkah, Lễ Nến; tên nào tốt hơn cho lễ Giáng Sinh? Thế nhưng các giáo phụ do dự; đến thế kỷ thứ tư, Giáo Hội Kitô giáo đã tiến khá xa, khá xa khỏi người Do Thái; thực ra, thù nghịch hơn: đã có những vụ dấy loạn, đánh nhau.
Rome cũng có Ngày Lễ Ánh Sáng, Natalis Invicti; tại Rome, mặt trời, trong đông chí của nó, yếu nhất vào ngày 25 tháng 12, và cần được làm sống lại bằng sự giúp đỡ của lửa mừng, đèn đuốc, rước xách và cầu nguyện.
Điều xem ra thích đáng là ngày sinh của mặt trời nên trở thành ngày sinh của “Mặt Trời Phục Sinh” và người ta ước đoán đó là việc hoà lẫn ngoại giáo – Kitô giáo trong đầu các giáo phụ khi các ngài chấp nhận ngày 25 tháng 12 như ngày của Lễ Giáng Sinh, nhưng có cặp ngày lễ Rôma khác, nổi tiếng hơn ngày Natalis Invicti: ngày lễ Saturnalia, kéo dài từ ngày 17 tới ngày 23 tháng 12 và ngày lễ Kalends trong tháng Giêng, 3 ngày đầu tiên của năm mới.
Ngày Lễ Saturnalia từng khởi đầu như một ngày lễ phá tan, trong một ít ngày, mọi rào cản giai cấp và tác phong, một ký ức về thời hoàng kim khi Saturn công chính và nhân hậu đang cai trị làm vua, và mọi người được hạnh phúc và tốt lành; nô lệ có thể chọc ghẹo và nhại các chủ nhân của họ, còn đàn bà, nếu chịu đeo mặt nạ, có thể tán tỉnh bất cứ ai họ muốn. Ngày lễ Kalends có tính báo gở hơn, đầy những lời đoán gở, nhưng nhà cửa được trang trí với đèn đuốc và cây lá trường xuân, và mọi người tặng quà cho nhau và mời mọc nhau.
“Mọi nơi đều có chè chén say sưa và những chiếc bàn đầy ứ; sự dưa thừa xa xỉ được nhìn thấy nơi các nhà giầu, nhưng nơi các gia đình nghèo, thức ăn ngon hơn thường cũng được dọn lên bàn. Thúc bách tiêu pha chiếm hữu mọi người...Hàng dẫy quà cáp chẩy đi khắp phía... Các xa lộ và đường hẻm đầy những cuộc rước của người và vật... Có thể nói một cách chính đáng đây là thời điểm đẹp nhất trong năm... Ngày lễ Kalends loại bỏ mọi điều liên quan đến lao nhọc, và cho phép mọi người tự dành cho mình một sự vui hưởng không bị quấy rầy”.
Đó quả là những ngày lễ lạt, không ai mô tả chúng là “những ngày thánh thiện”, nhưng chính Chúa Kitô đã đi tham dự các ngày lễ lạt, đi lại với những con người bình thường. Các giáo phụ nghĩ rằng, nếu Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị, na ná như Mùa Chay, và Vọng Giáng Sinh là thời gian canh thức, như vẫn còn đến nay cho những người muốn đi lễ nửa đêm, thì các ngày lễ này có thể được biến cải.
Cho cả ngày sinh nhật của Con Trẻ, các giáo phụ cũng nghĩ phải dành vài giờ để ca ngợi và cầu nguyện, một ngày lễ như ngày lễ Agape khởi đầu rất đạm bạc, tức “ngày lễ yêu thương” của Giáo Hội thời các Tông đồ, khi nhóm gặp nhau, mỗi người mang đến bất cứ thực phẩm hay rượu nho nào họ có thể, người giầu cung cấp cho người nghèo. Đàn ông và đàn bà ngồi ở các bàn khác nhau và, sau hoặc trước khi ăn, một ổ bánh được làm phép và bẻ ra, một ly rượu nho, chén chúc lành, được chuyền tay nhau. Buổi tối kết thúc với lời cầu nguyện, và lễ Giáng Sinh này, lễ Giáng sinh đầu tiên và thử nghiệm đã được phép cử hành, gần như chắc chắn tại Rome. Trải qua nhiều thế kỷ, người ta đã thay đổi ra sao lễ Giáng Sinh của các giáo phụ đều được biểu lộ trong các bài ca hát của họ.
Ngay từ những năm sớm sủa 130 đến 135 CN, đã có lệnh truyền “trong đêm thánh Chúa Sinh Ra, người ta nên long trọng hát bài thánh ca của các thiên thần” tức những lời thiên thần nói với các người chăn chiên; nhưng ngay khi lễ Giáng Sinh bắt đầu trở thành một ngày lễ, các linh mục và đan sĩ đã bắt đầu soạn các bài thánh ca của riêng họ. Nhiều bài thánh ca này vẫn đang được hát trong các nhà thờ chính tòa và đan viện, nhất là trong mùa Vọng, các bài bình ca của họ làm tinh thần dâng cao.
Đấng tạo dựng các sao đêm,
ánh sáng muôn đời cho dân Ngài,
Lạy Chúa Giêsu cứu chuộc, xin cứu chúng con hết thẩy,
Và lắng nghe tôi tớ Ngài khi họ kêu van...
Chúa đã đến, chàng rể của nàng dâu,
Khi thế giới lui dần vào buổi chiều tà,
Xuất thân từ đền Trinh Nữ,
Của lễ vẹn toàn tràn đầy thần linh.
Nhưng chúng được viết bằng tiếng Latinh cổ cho các ca đoàn, ít người bình dân có thể hát được, và không điều gì trong lời lẽ của chúng gợi nhớ đến Thánh gia hay Bêlem cho tới khi các thi sĩ dám liều phá rào. Thi sĩ đầu tiên dám phá rào là các người Ý; họ đã sáng tác các bài thánh ca của họ bằng ngôn ngữ bình dân. Các thi sĩ tinh quái như Jacopone da Todi, người bị các giáo sĩ coi như bất kính, ấy thế nhưng chẳng bao lâu sau đó có biệt danh là “người hát rong của Chúa”.
Quét lò sửa và sàn nhà
Mọi nơi chứa đồ trên thuyền của bạn
Phải bóng loáng và sạch sẽ
Rồng mang vị khách tí hon
Và dành cho Ngài,
Thịt và đồ uống tốt nhất.
Nhưng không chỉ có thịt của bạn
Phải đặt một món quà
dưới chân Vua bạn. Tôi muốn nói,
Một trái tim, đầy tràn
Yêu thương, và tất ca dành cho Người
Và sạch hết mọi ganh tị”
Đó là “tinh thần bài hát mừng”, mặc dù bài hát mừng (carol) vốn là bài vũ, chỉ được chấp nhận trong các nhà thờ một trăm năm sau.
Các ngày lễ Saturnalia và Kalends, cùng tổ chức với nhau, có thể là hai tuần gần như náo loạn, say sỉn, ồn ào và cuộc chơi, những anh nô lệ cởi truồng ca hát, người ăn mặc giống thú vật và cư xử kém lịch thiệp, đầy “sex”, đôi khi tồi bại; và mặc dầu các giáo phụ và giám mục rất đỗi kiên nhẫn, nhưng sau cùng một bài giảng nghiêm khắc cũng phải được giảng, đầy những ngăn cấm. Vào dịp Lễ Giáng Sinh, đàn ông và đàn bà không được, không được nhắc lại, không được ăn mặc hóa trang hay nhái lại; không được xem điềm mà bói, như các trò mê tín về lửa; nhà cửa không được trang trí, không được tặng quà, không bày biện thức ăn đầy bàn, và phải nghiêm nhặt về chuyện say sưa. Hơn một ngàn năm sau, Oliver Cromwell cố gắng ngăn cấm cùng những điều như thế, lần này bằng lệnh của chính phủ.
Điều mà những nhà ra giới luật này quên là không trẻ em nào thấy điều gì sai trong những điều bị ngăn cấm, và khi tới các ngày lễ, phần lớn chúng ta trở thành như con trẻ, không hẳn trẻ nít, vốn là điều khác hẳn, nhưng như con trẻ, muốn được tự nhiên, dù điều này có nghĩa ầm ĩ và háu ăn đôi chút; có những bất ngờ, bí mật, một chút hài hước, có lẽ hy vọng có được một chút ma thuật nào đó. Không ai có thể điếc như con trẻ vốn không muốn nghe và như thể các giám mục và thống đốc chưa bao giờ lên tiếng, người ta đã nhóm lửa lễ Giáng Sinh y hệt như họ muốn.
Nhóm lửa là chữ thích hợp, trong bất cứ loại mùa đông nào, đêm tối của khí hậu nào, hay của linh hồn nào, một ngày lễ cũng cần có hơi ấm sống động.
Gió và lửa vốn là biểu tượng của năng lượng và một trong những điều đáng buồn của Lễ Giáng Sinh hiện nay là ít căn nhà nào của chúng ta còn được nghe tiếng lửa reo vang trong ống khói, khúc củi Yule trở lại, ánh sáng chập chờn của nó làm căn phòng vui hẳn lên, và mùi khói gỗ biến căn nhà thành hương xông.
Trò chơi lửa vốn là những trò bạt mạng, đàn ông tung các cô gái lên cao khỏi đống lửa mừng khi họ khiêu vũ quanh nó ở chỗ khoảng khoát; chúng ta vẫn cố gắng bắt kịp sự phấn khích của trò chơi lửa, bằng cách hơ lửa bánh pútđinh mận, và trong các buổi tiệc vui, chúng ta vẫn có thể chơi trò rồng táp (snapdragon), thách nhau giựt nho khô từ một chiếc đĩa có rượu mạnh đang bốc cháy. Nếu ngón tay chắc chắn và lanh lẹ, chúng sẽ không bị phỏng, hay ai đó muốn bị phỏng, một chút chơi? Trò chơi hay nhất luôn có mùi nguy hiểm.
“Cha rất đáng kính và hiền huynh giám mục London đáng tôn thờ...” (The ryghte reverende fader and worshypfull lorde my broder Bysshopp of London...) nhưng tiếng nói từ tòa giảng không phải là tiếng nói của một giáo phẩm. Đó là giọng kim rõ ràng của một nam sinh mà chiếc cằm, trên cổ áo choàng cậu mặc trong dịp này, chưa đụng tới mép tòa giảng. Má cậu hồng lên vì phấn khích bởi vì cậu là Cậu Trai Giám Mục (Boy Bishop), được đề cử trong các nhà thờ chính toà và cao đẳng Anh trong dịp Lễ Giáng Sinh và cậu có quyền giảng lễ trong dịp Lễ Các Thánh Anh Hài.
Những cậu trai giám mục như thế được phép nói bất cứ điều gì cậu muốn, nhưng nếu các cậu quá hỗn xược, như cậu này chẳng hạn dám gọi Giám Mục London là hiền huynh!, các cậu có thể bị quất roi vào ngày hôm sau. Dù sao, vào một ngày như thế này, các cậu có thể biến các giáo sĩ đĩnh đạc và cao niên thành những người mang nến hay mang bình hương, có quyền đòi ăn tối từ vị trưởng nhà thờ chính tòa và giữ tiền quyên trong buổi lễ.
Những trò đùa ở nhà thờ như thế vốn là và vẫn là những trò vui tươi và thường khôn khéo; các linh mục có tài dí dỏm tự cười vào mình và bị người ta nhạo cười, nhưng ngay các linh mục cũng có thể đi quá xa; như trong Ngày Lễ Đánh Lừa [feast of fools] thời trung cổ khi “các linh mục và các tu sĩ đeo mặt nạ, nhẩy múa trong các ca đoàn và làm những trò cười”. Có lần, ở Beauvais, Pháp, một con lừa đã thực sự được mang lên bàn thờ; việc hát kinh nhập lễ, kinh thương xót, Sáng danh, cả kinh tin kính nữa, nghĩa là các bài thánh ca linh thiêng nhất của phụng vụ, kết thúc bằng tiếng “bray” của con lừa!
Các vở kịch Giáng Sinh thẩy đều có tính tôn giáo nhưng các vở khiến người ta xúc động nhất vẫn mang bộ mặt trần thế nhân bản. Có một bài hát trong Black Nativity của các ca sĩ Da Đen Mỹ trong đó các phụ nữ Nadarét đếm các tháng mang thai của Đức Maria, hệt như những lời ngồi lê đôi mách với bất cứ cô gái gặp rắc rối nào, làm nó thành hiện thực một cách sống động.
Các vở kịch trên, trong nhà thờ, luôn lôi kéo được các tác phong tương đối tốt từ cộng đoàn; nhưng có một điều gì đó trong phần lớn chúng ta, lúc đó cũng như bây gờ, thích đánh lừa, nên các trò đùa và mặt nạ đã được du nhập vào các gia đình.
Tại triều đình Tudor và các đại gia hồi đó, Ngài Luật Bậy (Lord of Misrule) được chọn để ban hành mọi lệnh lạc liên quan đến ngày lễ, áp dụng cho cả vua, hoàng hậu và cận thần. Ngài Luật Bậy ăn vận rất cầu kỳ và mang một bong bóng đã thổi hơi đầy cột vào đầu một cây gậy; anh dùng bong bóng này để đánh hoặc đẩy một cách vô hại, và anh được đánh hay đẩy ai tùy ý, các bong bóng của chúng ta hiện nay là hậu duệ của chiếc bong bóng này.
Chuyện đó dành cho triều đình, giới quí tộc, còn đối với thường dân, họ cũng chơi trò đeo mặt nạ, nhưng người được đoán là một em nhỏ làm việc ở nông trại, một người học nghề, có thể là ông thợ rèn của làng hay cô gái vắt sữ e thẹn. Chính họ trở thành người trình diễn kịch câm, đi từ nhà này qua nhà nọ, phần nào giống các trẻ em trong ngày Halloween với trò đòi kẹo hay bị nghịch phá; chỉ có điều trò đòi kẹo hay bị nghịch phá dữ dội hơn nhất là khi những người diễn trò câm này được cho uống.
Còn tiếp
Thánh Phanxicô thành Assi, năm1123, cùng với các Anh em tu sĩ Dòng dựng hang đá Chúa giáng sinh lần đầu tiên có ánh sáng đèn nến với ba bức tượng hài nhi Giesu, mẹ Maria và Thánh Giuse, cùng với tượng những con thú vật chiên bò lừa, tượng các người mục đồng, ca hát mừng lễ Chúa gíang sinh.
Trong dòng lịch sử thời gian, tập tục văn hóa này trở thành một truyền thống đạo đức. Phải, nó gợi lên hình ảnh chất chứa sự gì vừa lung linh huyền ảo, vừa diễn tả sự khó nghèo thiếu thốn thương tâm cùng sự linh thiêng thần thánh!
Vì thế xưa nay trong hang đá Chúa giáng sinh nào cũng đều có tượng các người mục đồng.
Tượng hình ảnh các người mục đồng trong hang đá Chúa giáng sinh ẩn chứa sứ điệp gì?
Người ta thường cho các người mục đồng chăn dắt các con thú vật ngoài đồng cỏ là những người nghèo hèn, không có học vấn gì mấy. Họ là những người sống nay đây mai đó đi theo sát đàn thú vật trên các cánh đồng cỏ. Họ như thuộc vào những người sống bên lề xã hội.
Và họ cũng bị coi khinh thường là những người có lối sống không thành thật, có khi bị cho là những người hay ăn trộm cắp!
Họ bị liệt vào nấc thang cuối cùng, vào lớp những người nghèo lao động cực nhọc trong nếp sống xã hội.
Những người mục đồng đã được chứng kiến biến cố đêm Chúa giáng sinh năm xưa ở Bethlehem cũng là những người có đời sống nghèo tột cùng trong xã hội thời lúc đó. Họ vừa không có tên cùng không có mái nhà trú ngụ. Họ sống nay đây mai đó trong hang lều ngoài cánh đồng, như phúc âm thuật lại ( Luca 2,8).
Họ là những người có nếp sống đơn giản, phải vất vả đổ mồ hôi, chịu đựng nắng mưa, nóng rét chăn dắt đàn thú vật ngoài trời mưa nắng, nóng lạnh …để kiếm miếng cơm nuôi sống mình và gia đình.
Và biết đâu trong đêm nơi hang lều chuồng thú vật, họ thay phiên canh giữ chúng và nói kể chuyện cho nhau nghe những biến cố đã diễn xẩy ra cho khỏi buồn ngủ quên !
Trong lúc thức canh giữ đàn thú vật, bỗng Thiên Thần Chúa hiện đến với họ, nói cho biết ở góc bên cạnh chỗ họ ở “ một hài nhi đã sinh ra trên trần gian. Hài nhi đó là Đấng Cứu Thế, là Đức Kitô” ( Lc 2, 9-11)
Ân đức chữa lành bình an thịnh vượng cho trần gian không do Hoàng đế Roma có ảnh hưởng tới. Nhưng do Hài Nhi Giêsu sinh ra không ở Roma, cũng không ở Nazareth, nhưng ở Bethlehem.
Không phải Hoàng đế Augustô đế quốc Roma tạo mang hoà bình cho con người. Nhưng là hài nhi Giêsu.Và qua đó Thiên Chúa được vinh danh.
Tại sao các người mục đồng trên cánh đồng Bethlehem năm xưa lại là những người đầu tiên được Thiên Thần báo tin bình an vui mừng này? Tại sao hoàng đế Roma không được báo tin này, như truyền thuyết dân gian thường thuật lại là nền hòa bình do hoàng đế thiết lập công bố? Phải chăng thánh sử Luca viết thuật biến cố Chúa giáng sinh theo kiểu mô thức thần thoại huyền nhiệm hoang đường thi vị?
Tất cả không phải như thế, như nghĩ suy tưởng! Thánh sử Luca viết phúc âm Chúa Giêsu Kitô theo khía cạnh thần học đạo đức, nên Ông được gọi là “vị Thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu về người nghèo” hay phúc âm của Ông là phúc âm nhấn mạnh đến khía cạnh người nghèo.
Vì thế Luca muốn qua hình ảnh những người mục đồng nói lên: Người nghèo hèn, Đấng là Thiên Chúa sinh làm người trong hang chuồng xúc vật, tìm đến những người nghèo hèn khốn khó!
Những người mục đồng sau khi được báo tin vui, là những chứng nhân được mạc khải cho biết về sự thánh thiêng của trời cao. Dẫu vậy, họ giữ thinh lặng trong lòng, không thắc mắc tranh cãi bàn thảo. Và sau cùng họ cùng rủ nhau: Nào ta cùng đến Bethlehem.( Lc 2,15). Họ muốn chính mình xác tín nhận ra sự chân thật do Thiên Thần nói cho biết.
Họ lên đường ra đi không có ngôi sao, không ai hướng dẫn tìm đường. Nhưng họ theo “compass”của trái tim tâm hồn họ chỉ dẫn tìm đường đi tới.
Họ đã thành công tìm đến đích điểm muốn tìm tới. Vào hang chuồng xúc vật họ thấy đúng như Thiên Thần nói cho họ một hài nhi đã sinh ra. Họ trò chuyện với mẹ Maria, cùng cả với Giuse nữa. Họ ngạc nhiên về những gì đã nghe, đã tận mắt nhìn thấy biến cố quang cảnh thần thánh xảy diễn ra ngay nơi giữa họ.
Họ là những chứng nhân đầu tiên nghe, nhìn Thiên Chúa hiện thân nơi hài nhi Giesu đã sinh ra làm người trên trần gian. Họ trở thành sứ gỉa của tin mừng tình yêu đêm hài nhi Giesu giáng sinh.
Có thể họ cũng mang chút qùa gì cho hài nhi Giêsu Nhưng chắc là không có gì sang trọng, mà chỉ những vật cần thiết như quần áo cũ bằng lông thú vật, chăn đắp cho ấm, như sữa của chiên bò mà họ có, với cả nước uống cho Đức Mẹ nữa, ngọn đèn dầu để soi sáng…
Họ không có gì tặng bé Giêsu cả. Họ chỉ có tình yêu lòng thương cảm với bé Giêsu sinh ra trong chuồng thú vật nghèo khó thiếu thốn.
Sau khi thăm viếng hài nhi Giêsu, các người mục đồng trở về với đàn thú vật của họ. Họ vui mừng hạnh phúc với lòng biết ơn vì được nghe, được nhìn bằng đôi con mắt sự thần thiêng thánh đức như Thiên Thần nói cho biết trước đó. ( Lc 2,20)
Và họ tiếp tục đời sống chăn dắt thú vật nay đây mai đó trên các đồng cỏ tìm thức ăn cho thú vật.
Họ tiếp tục đời sống nghèo nàn cùng mãi là những người không có tên tuổi gì trong xã hội.
Tâm hồn họ nhận được tràn đầy niềm vui mừng hạnh hạnh. Điều này là lương thực, động lực cho đời sống họ.
Món qùa tặng họ mang cho bé Giesu có thể là ít, là cũ cùng thô sơ đơn giản. Nhưng lại là nhiều cùng cao qúi. Vì nó gói trọn cả tình yêu lòng thương cảm của họ cho Hài nhi Giesu, con Thiên Chúa.
Mừng lễ Chúa giáng sinh 2022
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Truyện ngắn Nhà Thờ Chula Vista
Lời Dẫn: Truyện ngắn xảy ra tại một phố biên giới Mỹ Mễ. Đêm 24/12 trước thánh lễ nửa đêm, cô gái giang hồ trao đứa con cho ông cha xứ nhờ ông coi để cô đi “làm.” Nhìn bộ mặt ngần ngại của ông cha xứ, “cô gái cau mày khó chịu, buông lời nói thẳng thừng, “Có được hay không?”
Thị trấn sa mạc Chula Vista tháng Mười Hai năm nay tự nhiên tuyết đổ trắng xóa phố phường. Người dân Chula Vista trăm người là cả trăm đi ra đi vô, than thở càm ràm,
— Trời ơi! Khùng ơi là khùng!
Cứ thế, gặp nhau, giáo dân nhà thờ Chula Vista bật ra ngay cửa miệng câu than nghe đến là nhàm. Câu than đều đặn phát ra như chuông đồng hồ điện tử sáng sớm rú lên từng hồi, “Tít! Tít! Tít!” Thôi đủ rồi, đừng rơi tuyết nữa, bởi dân du lịch trốn tuyết của Bắc Mỹ và Âu Châu giờ đã rục rịch dọn đồ bỏ đi trống hoắc phố phường. Nền kinh tế của thị trấn sát đường biên giới với Mễ chỉ trông mong vào khách du lịch mấy tháng cuối năm trời ấm áp, giờ này tanh banh chỉ vì tuyết bất ngờ đổ dầy từng tảng. Thì đấy, ai bảo chế cho lắm xe hơi vào, xăng dầu cứ đổ ồng ộc vô miệng như người chết khát. Giờ thán khí bốc lên xám đen bầu trời, thế là global warming.
— Hả? Nói cái gì?
— Điếc hả? Global warming chứ còn nói cái gì nữa. Không tin thì cứ leo hẳn lên nóc tháp chuông nhà thờ Chula Vista mà nom cho rõ. Khói xăng bốc cao đục ngầu cả cái bầu trời San Diego rồi. Sống ở đó, đố mà có nom thấy mặt người!
— Global warming! Rồi thì sao?
— Ơ hay! Có đọc báo nghe đài hay không mà mặt cứ ngớ ngẩn ra như gái Tijuana mới vượt đường biên giới vậy? Thì cứ thử nghĩ coi, cả trăm năm nay rồi, có bao giờ Chula Vista với San Diego đổ tuyết. Quanh năm suốt tháng khu này mùa xuân phơi phới. Thế mà giờ này tuyết rơi ngập đường!
Giáo dân nhà thờ Chula Vista cứ than, tuyết vẫn chẳng màng. Tuyết cứ thản nhiên đổ xuống từng tảng bông tuyết trắng xóa. Sáng trưa chiều tối, bốn cữ đủ cả bốn. Tuyết rơi bám trắng tháp chuông nhà thờ Chula Vista vươn cao sừng sững. Cha Quang, người gầy gò ốm yếu nom như dân bàn đèn thuốc phiện. Thế mà sáng trưa chiều tối lại cứ lom khom xách cái xẻng mới mua ngoài tiệm Home Depot ra sân nhà thờ rộng mênh mông cào tuyết. Dân Mễ sùng đạo đi ngang qua ái ngại,
— Sao cố không gọi ông Bõ làm cho?
Cha Quang nhìn lên, ánh mắt hấp háy như người mắt toét dưới cặp kính cận dầy cộm,
— Ông Bõ? Ông Bõ nào?
Ông đứng thẳng người, hơi thở đứt quãng,
— Hay là ông chịu làm Bõ thì ghé vào văn phòng ký giấy. Nhà xứ trả lương hẳn hoi.
Anh chàng thanh niên cười cười bỏ đi. Nhưng nghĩ sao đứng lại,
— Cố trả nhiêu một giờ?
Cha Quang chép miệng,
— Chắc cũng chỉ trả lương căn bản mà thôi…
Người thanh niên ái ngại nhìn “cố” Quang gầy ốm như cò ma và nhà thờ Chula Vista mái ngói bạc phếch. Anh chàng ngần ngại nói cám ơn, rồi bỏ đi thẳng một mạch.
Sơ Bề Trên gốc Anh, hiệu trưởng trường Mẫu Giáo nằm cách nhà thờ đúng hai góc đường ghé vào nhà xứ ăn nói dấm dẳng,
— Thì cha xúc tuyết ngày một lần thôi. Việc gì mà cứ phải vất vả ngày đủ bốn cữ!
Cha Quang không nói chi. Ông tiếp tục gặm cái bánh mì sandwich có kẹp miếng thịt nguội đỏ lờ lợ, cọng rau sà lách xanh úa, vài lát cà chua đỏ bầm, và một miếng cheese vàng khô queo.
Có người thương cảm,
— Đến là khổ. Cứ như người đi tu dòng khó khăn.
Có giọng tố khổ,
— Chỉ có vẽ chuyện! Tớ Việt Nam, ông cha Quang này hồi xưa ở gần nhà trên khu Little Saigon, lại còn học chung trường. Chuyện gì của ông mà tớ lại không rành. Hồi xưa cũng lăng nhăng lắm. Hết gái Mỹ lại tới Mễ, rồi bẵng đi một dạo. Giờ tự nhiên lại lạc xuống dưới đây làm cha xứ. Thật đúng là thời thế đảo điên…
Có âm thì thào,
— Thì đã gọi là chuyện phường chèo mà! Thế giới năm 2000 rồi, mở banh mắt ra mà coi. Cha cụ người ta, năm thay xe một lần. Thế mà đằng này cứ xe đạp cọc cạch. Rõ dở hơi!
Có lời chửi thề,
— Ừ! Ông nói đúng đó. Mẹ kiếp! Tối tối tôi còn nghe thấy tiếng phụ nữ ở trong nhà xứ nữa cơ!
Có tiếng bênh vực,
— Đừng có mà nói nhảm!
— Sao lại nói nhảm? Tớ là nói có sách, mách có chứng. Thì đấy, mới tuần trước, tớ dẫn con Ki ra ngoài đường cho nó đi ị. Con Ki tối hôm đó cuồng chân chạy toáng cả lên. Vớ vẩn làm sao lại đâm sầm vào ngay sân sau của nhà xứ. Bởi thế tớ mới rõ chuyện…
— Ông có nhìn thấy ba năm rõ mười hay không?
— Cần gì phải nhìn thấy! Đứng ngay bên cạnh hàng rào mà vẫn nghe rõ tiếng thì thào trong nhà bếp thì đủ rồi. Mà đây lại là giọng đàn bà. Thế mới chết chứ lị!
Tuyết vẫn rơi nhưng vẫn không che cản nổi hàng rào biên giới giữa Chula Vista và Tijuana. Từ bao lâu rồi, dân nghèo Nam Mỹ cứ nườm nượp kéo lên thành phố địa đầu biên giới Tijuana của Mễ Tây Cơ ăn chực nằm chờ, rình rình giây phút cắt đứt được hàng rào biên giới vượt thoát vào thiên đàng. Tá túc tại thị trấn địa đầu Tijuana, hết tiền, nhỡ độ đường. Vậy là gái Tijuana bán mình cho khách du lịch. Con trai chân cẳng cứng hơn. Có người vượt thoát đường biên giới. Rồi lần đường hương lộ xó xỉnh trốn lên Los Angeles rửa chén cho nhà hàng Tàu, hay là đi cắt cỏ cho người Việt. Nhưng đấy là hên, còn phần nhiều đều bị cảnh sát rượt đuổi, bắn què chân. Mỹ mà, tử tế ra mặt. Bắn què lọi giò con nhà người ta rồi. Nhưng vẫn gọi xe cứu thương chở vào bệnh viện rịt thuốc hẳn hoi. Cẩn thận, đồn biên phòng còn gửi tới một người thông dịch viên đàng hoàng. Chân vừa lành ngày hôm trước, ngày hôm sau xe cảnh sát hú còi ầm ĩ, mang người vượt biên tống thẳng về lại bên kia đường biên giới.
Có lần ông Đại úy Trưởng đồn biên phòng ngờ ngợ, ngón tay điểm mặt người vừa bị ông bắn què đang nằm lăn lộn trên nền đất,
— Lại tên này! Đúng là hắn rồi.
Ông lật ống quần jean bạc thếch của người thanh niên lên. Vết sẹo của cùng một viên đạn súng lục hiện lên, còn mới tươi. Bởi tuyết, có lần ông Đại úy hụt chân té lăn quay. Lồm cồm ngồi dậy, bấm đèn pin. Ông nhận ra dấu chân biến mất ngay tại sân nhà thờ Chula Vista. Ông gõ cửa nhà xứ. Cha Quang bước ra, ho sù sụ như người ho lao. Ông Đại úy gốc Irish con nhà đạo gốc gỡ nón cầm tay, lúng túng cất tiếng,
— Chào cha...
Cha Quang tránh sang một bên,
— Mời ông Đại úy vào trong nhà uống ly café Mocha của quán Starbucks.
Ông Đại úy kín đáo quan sát tình hình, nhã nhặn cúi chào,
— Cám ơn cha! Đang trong giờ làm việc, e không tiện…
Cha Quang nhìn theo bóng dáng của ông Đại úy, rồi nhẹ nhàng đóng lại cánh cửa nhà xứ. Ông Đại úy quay lại nhìn. Bóng cha xứ khẳng khiu ngồi lặng lẽ bên khung cửa, lời kinh nho nhỏ bắt đầu vọng ra. Ông Đại úy tay làm dấu thánh giá, bỏ đi về đồn biên phòng. Cũng có lần ông nhìn thấy vết máu dừng lại ngay cửa nhà xứ. Ông Đại úy lưỡng lự lắm. Con nhà đạo nòi cả mấy trăm năm nay rồi. Giờ chẳng lẽ lại đi hạch xách cha cụ. Nhưng còn tên tội phạm vượt biên. Rõ ràng là vết máu còn rành rành ngay trước sân nhà xứ. Ông Đại úy đã tính dợm chân bước hẳn vào trong nhà xứ uống một ly café Mocha của Starbucks. Nhưng nhớ tới áo chùng thâm đen và viền cổ trắng của cha Quang, ông lại lưỡng lự, rồi thôi.
Nhưng ông Thiếu úy Phó đồn thì không. Ngài Thiếu úy dân Tin Lành. Nửa đêm về sáng dộng cửa ầm ĩ, đòi cha Quang dắt đi xem xét từng ngõ ngách. Chưa hết, ông còn bắt ông cha xứ mở cửa dẫn vào gian cung thánh của nhà thờ lục tìm dưới chân bàn thờ và ngay dưới bệ Nhà Tạm!
Tối hôm nay, Hai Mươi Bốn tháng Mười Hai, lễ Giáng Sinh. Như thông lệ đã có gần hai trăm năm từ hồi lập giáo xứ, năm nay nhà thờ Chula Vista lại tổ chức thánh lễ nửa đêm vào lúc mười hai giờ. Sáu giờ chiều, cha Quang mở cửa bước vào nhà thờ. Ông vui vẻ nhận ra mọi sự đã sẵn sàng cho thánh lễ nửa đêm. Ông huýt sáo nho nhỏ, khoác vào người áo len dầy cộm. Nhìn tuyết trắng trơn trợt mặt đường, ông quyết định không đạp xe, nhưng đi bộ ra tiệm tạp hóa Đại Hàn mua thùng mì cay Nongshim. Tiện đường, ông ghé vào quán café Starbucks móc tiền ra mua mấy gói café Mocha loại thượng hảo hạng.
Vừa bước ra khỏi cửa tiệm quán café Starbucks, ông bị một bóng đen nhỏ thó bất ngờ xuất hiện cản lối. Cha Quang nhận ra khuôn mặt một cô gái, người Nam Mỹ, chắc khoảng mười tám, hai mươi. Trời chiều mùa đông nhờ nhợ tô thêm đậm màu da bánh mật căng căng và đôi mắt đầm đậm của cô gái. Thoang thoảng đâu đây mùi nước hoa rẻ tiền bốc mùi hăng hắc. Cô gái ngọng nghịu cất tiếng chào. Người đàn ông nhìn sâu vào đôi mắt xanh đậm nước biển, ông gật đầu chào lại. Cô gái cúi xuống, chỉ phía dưới, giọng chắc nịch,
— Bốn chục!
Người đàn ông hụp một nhịp thở, tim đập thật nhanh. Bình bịch! Rồi ông bỏ đi. Cô gái chạy theo, tay chỉ vào bộ ngực căng tròn,
— Hai chục đô.
Người đàn ông vẫn bỏ đi, cô gái đuổi theo,
— Mười! Chỉ mười đô thôi… Vậy là rẻ lắm rồi!
Ngay tới dưới gốc cây dừa cành lá rậm rạp che kín mặt người, bước chân người đàn ông chậm lại. Ông thở mạnh, hơi thở dồn dập. Ông cởi cởi bao tay, móc móc hai tay vào trong túi quần. Cô gái yên lặng bất động, kiên nhẫn chờ đợi. Người đàn ông móc ra tờ giấy đôla mười đồng. Cầm được tiền, cô gái cúi đầu chậm chạp cởi ra những nút áo len… Ngẩng đầu lên, cô chưng hửng nhận ra người đàn ông đã bỏ đi. Bóng ông ta khuất sâu vào màn đêm đông dầy đặc của đêm Giáng Sinh có tuyết rơi trắng xóa phố phường.
Về tới nhà thờ Chula Vista, cha Quang nhận ra bóng một người đang đứng ngay trước cửa nhà xứ. Tưởng ai, hóa ra là anh thanh niên người Mễ đã từng hỏi ông về số tiền lương làm Bõ cho nhà thờ Chula Vista.
— Mời anh vào uống ly café Mocha.
Người thanh niên lắc đầu,
— Cố! Cố cho con mượn cái xẻng xúc tuyết…
Cha xứ phá ra cười,
— Tôi đã nói rồi! Nhà xứ chỉ có đủ tiền trả lương căn bản mà thôi…
Người thanh niên lắc đầu quầy quậy,
— Không! Con không nộp đơn xin việc. Từ nay cố cứ để việc xúc tuyết mặc cho con.
Người thanh niên ngần ngừ, hai tay xoa xoa vào nhau, rồi lại đưa tay lên đầu vuốt vuốt tóc,
— Con vừa mới gặp Sơ Bề Trên. Sơ ấy nói cha xúc tuyết ngày đủ bốn lần. Sáng trưa chiều tối, cho nên bị sưng phổi, ho sù sụ như người ho lao. Sơ còn nói…
Anh dừng lại, nuốt nước miếng, ánh mắt nhìn về trạm biên phòng ánh đèn sáng chưng một góc trời. Cha Quang tự nhiên nghiêm mặt lại! Không nói chi thêm nữa, ông bỏ đi thẳng vào nhà xứ. Còn lại người thanh niên đứng bên ngoài khung cửa! Anh cầm xẻng bắt đầu xúc tuyết, miệng nói nho nhỏ,
— Cố ơi! Thì mình cũng phải xúc tuyết để cho giáo dân đi lễ nửa đêm không trợt chân té đau chứ cố.
Lại thêm tiếng gõ cửa. Cha xứ ôm ngực ho sù sụ đi ra mở cửa. Tưởng ai, hóa ra Sơ Bề Trên, trên tay ôm mấy bọc café Mocha thơm lừng của Starbucks,
— Merry Christmas! Qua thăm cha, tiện dịp tặng cha món quà Giáng Sinh.
Cha xứ cau mày nhìn Sơ Bề Trên,
— Sao lại là café Starbucks?
Sơ Bề Trên nói ngay,
— Sao lại không? Cha cứ bày vẽ mua café loại mắc tiền mời khách khứa cho thiên hạ khỏi đàm tiếu nói thế kỷ hai mươi mốt rồi, mà cha vẫn sống khó nghèo kiểu cổ. Nhưng mà thôi, cái đó là tùy cha. Tuy tôi không đồng ý với cách sống khó nghèo như vậy, nhưng tôi vẫn ủng hộ cha.
Sơ Bề Trên đứng lên, tính đi về, nhưng lại ngồi xuống,
— Xin lỗi nếu lời tôi nói có đụng chạm! Nhưng đâu có phải là cha bán xe hơi phun khói ngập trời, lấy số tiền đó cho người nghèo. Rồi cứ cọc cạch đạp xe thì thế giới thôi không bị global warming đe dọa nữa... Cả hằng vạn người vẫn cứ tỉnh bơ lái xe hơi vậy thôi!
Nói xong, Sơ Bề Trên đứng lên bỏ đi. Cha xứ đóng cửa phòng lại. Bên khung cửa, ông vẫn thấy bóng dáng lum khum của người thanh niên Mễ đang xúc tuyết trước cửa nhà thờ. Ông ngồi xuống, tính coi lại bài giảng cho thánh lễ nửa đêm. Nhưng chợt ông nghe tiếng động sột soạt dẫm đạp trên sân vườn phía sau nhà?! Ông dừng lại, nghiêng tai nghe ngóng, mắt nhìn thật nhanh về trạm biên giới. Ông lẹ làng bước xuống nhà bếp. Mở cửa, nhưng không bật đèn sân vườn, ông cẩn thận nhìn ra bên ngoài. Bóng một người phụ nữ đứng lù lù ngay bên khung cửa không làm ông giật mình. Ông đứng tránh sang một bên, nhường chỗ cho cô gái bước vào. Dưới ánh đèn vàng tối tù mù của căn nhà bếp, ông nhận ra cô gái đang ôm trong lòng một đứa bé ngủ say, mặt thằng bé xám ngoét lại vì lạnh. Cha Quang vội vàng đóng lại cánh cửa. Ông bật máy sưởi, đưa tay mời cô gái lạ mặt ngồi xuống ghế nệm cạnh bên lò sưởi. Cha Quang cất tiếng hỏi,
— Cô ăn mì nhé…
Cô gái mệt mỏi gật đầu. Cha Quang đã bước đi nhưng ông dừng lại. Cặp mắt của cả cô gái và cha Quang đều trợn tròn nhìn nhau! Cô gái ngại ngùng cúi mặt nhìn xuống. Cha Quang quay lưng, đi thẳng tới bếp nổi lửa nấu mì Nongshim. Không quay lại, ông hỏi,
— Cô ăn cay có được không?
Cô gái vẫn cúi mặt, miệng nói nho nhỏ,
— Ngày nào mà tôi chẳng ăn thức ăn cay.
— Còn thằng bé?
— Nó mới bú sữa mua ngoài tiệm. Mười đôla, ba bình sữa.
Cô gái yên lặng ngồi ăn hết thật nhanh tô mì cay, tô lớn. Cô đứng dậy,
— Cám ơn cha. Hèn chi họ cứ gọi ông cha tử tế.
Cha Quang gật đầu không nói chi. Cô gái ngần ngừ,
— Nhờ cha giúp cho một chuyện…
Cô gái trao thằng bé cho ông. Cha Quang trợn tròn mắt,
— Giờ này tối khuya rồi, cô còn đi đâu nữa?
Khuôn mặt cô gái xa xầm lại, giọng nhỏ rưng rức,
— Còn đi đâu nữa… Không làm, lấy tiền đâu mà mua sữa cho con?
Cô gái cau mày khó chịu, buông lời nói thẳng thừng,
— Có được hay không?
Cha Quang gật đầu thật nhanh, tay ôm đứa bé vào lòng,
— Ồ! Được chứ. Chắc chắn là được rồi.
Rồi ông nói luôn,
— Tôi cũng có một chuyện.
Cô gái ngần ngừ,
— Cha có chuyện gì?
Cha Quang nhìn đồng hồ trên tường, chép miệng,
— Còn một tiếng đồng hồ nữa thôi là lễ nửa đêm rồi. Cô đi đâu thì đi. Nhưng nhớ quay về lại đây dự lễ Giáng Sinh.
Cô gái bỗng dưng cúi gập người xuống như cây bị sét đánh dính ngay giữa thân. Hai tay cô ôm mặt bật tung tiếng khóc, tóc dài quăn lọn buông rơi tung tóe. Bởi tiếng khóc, thằng bé giật mình cựa quậy, nhưng thật nhanh, lại nhoẻn đôi môi bé tí ti mầu hồng hồng cười tươi, nụ cười thiên đàng. Cha xứ cúi xuống vỗ nhè nhè bàn tay vào lưng thằng nhỏ, miệng cũng cười,
— Đêm nay Giáng Sinh. Dù có chuyện gì đi nữa thì mình cũng vẫn phải đốt nến ăn mừng sinh nhật chứ.
Cô gái ngưng tiếng khóc, ngạc nhiên hỏi lại,
— Sinh nhật? Sinh nhật của ai?
— Thì còn của ai nữa. Đêm nay là đêm Giáng Sinh. Cô quên rồi sao?
Cô gái ngẩng lên nhìn. Cô nhận ra ông cha xứ đang bước từng bước lên bậc thang gỗ mỏng manh ọp ẹp. Vừa đi ông vừa nói,
— Tôi cho thằng nhỏ lên phòng ngủ trước. Hẹn gặp cô lúc nửa đêm. À! Tối nay sau thánh lễ, tôi mời cô ăn tiệc Revillion với Mẹ Bề Trên và ông Bõ mới của nhà thờ nhé.
Bên ngoài, tuyết bông vẫn đổ trắng xóa hằn soi bóng ông Bõ mới đang cắm cúi xúc tuyết trên sân gạch mênh mông của nhà thờ. Bên trong, lò sưởi cháy đỏ than hồng vẫn nổ tí tách tô hồng đôi má cô gái Tijuana đang nhắm mắt ngủ say. Đàn dương cầm từ trong nhà thờ Chula Vista nhè nhẹ nổi lên những nốt đầu tiên của bản nhạc Giáng Sinh bất hủ, “Silent night! Holy night!” Hồi chuông Giáng Sinh bắt đầu vang dội từ trên nóc tháp chuông. Kính koong! Kính koong! Tiếng chuông sinh nhật của hân hoan và mừng vui tiếp tục vang xa xé rách toang màn đêm của sầu tủi và nước mắt. Kính koong! Kính koong!
Thị trấn tuyết trắng Chula Vista bắt đầu nửa đêm.□
(Tập truyện Ông Giáo Bán Mắm, "Nhà Thờ Chula Vista," Văn Học Press, 2021, 421-430)
Toàn văn diễn từ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước Quốc Hội Hoa Kỳ
Lúc 7h30 tối thứ Tư 21 tháng 12 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, tức là 7h30 sáng thứ Năm 22 tháng 12, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã phát biểu trước cuộc họp chung của Lưỡng Viện Quốc hội.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đọc một bài phát biểu bằng tiếng Anh đầy cảm xúc nhưng mạnh mẽ, cảm ơn Hoa Kỳ vì đã hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại Nga của đất nước ông. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Người Mỹ thân mến, ở tất cả các tiểu bang, thành phố và cộng đồng, tất cả những người coi trọng tự do và công lý, những người trân trọng nó mạnh mẽ như chúng tôi, những người Ukraine ở các thành phố của chúng tôi, trong mỗi và mọi gia đình, tôi hy vọng những lời tôn trọng và biết ơn của tôi sẽ vang vọng trong mỗi trái tim người Mỹ.
Thưa bà Phó Tổng thống, tôi cảm ơn bà vì những nỗ lực của bà trong việc giúp đỡ Ukraine. Thưa bà Chủ tịch Hạ Viện, bà đã dũng cảm đến thăm Ukraine trong cuộc chiến tranh toàn diện. Cảm ơn rất nhiều. Vinh dự lớn lao. Cảm ơn các bạn.
Tôi rất vinh dự được ở đây. Kính thưa các thành viên của Quốc hội, các đại diện của cả hai đảng cũng đã đến thăm Kyiv, tôi chắc chắn, trong tương lai các nghị sĩ và thượng nghị sĩ đáng kính của cả hai đảng, cũng sẽ đến thăm Ukraine, thưa các đại diện thân mến của cộng đồng hải ngoại, hiện diện trong căn phòng này, và lan rộng khắp đất nước; các nhà báo thân mến, tôi rất vinh dự được có mặt tại Quốc hội Hoa Kỳ và nói chuyện với các bạn và toàn thể người dân Mỹ.
Bất kể tất cả những gian truân và tình cảnh diệt vong và u ám, Ukraine đã không sụp đổ. Ukraine đang sống và quật khởi. Cảm ơn các bạn. Và tôi có lý do chính đáng để chia sẻ với các bạn chiến thắng chung đầu tiên của chúng ta: Chúng ta đã đánh bại Nga trong cuộc chiến giành tâm trí của thế giới. Chúng ta không sợ hãi, và bất cứ ai trên thế giới cũng không nên khiếp sợ người Nga. Người Ukraine đã giành được chiến thắng này, và điều đó mang lại cho chúng ta lòng can đảm truyền cảm hứng cho toàn thế giới.
Người Mỹ đã giành được chiến thắng này, và đó là lý do tại sao các bạn đã thành công trong việc đoàn kết cộng đồng toàn cầu để bảo vệ tự do và luật pháp quốc tế. Người Âu Châu đã giành được chiến thắng này, và đó là lý do tại sao Âu Châu giờ đây mạnh mẽ và độc lập hơn bao giờ hết. Bạo chúa Nga đã mất quyền kiểm soát đối với chúng tôi. Và nó sẽ không bao giờ ảnh hưởng đến tâm trí chúng tôi nữa.
Tuy nhiên, chúng ta phải làm mọi điều cần thiết để bảo đảm rằng các quốc gia ở Nam bán cầu cũng giành được chiến thắng như vậy. Tôi biết thêm một điều nữa, tôi cho là rất quan trọng: Người Nga sẽ chỉ có cơ hội được tự do khi họ đánh bại Điện Cẩm Linh trong tâm trí họ. Tuy nhiên, trận chiến vẫn tiếp tục, và chúng ta phải đánh bại Điện Cẩm Linh trên chiến trường, vâng, đúng thế.
Trận chiến này không chỉ vì lãnh thổ, hay vì phần này hay phần khác của Âu Châu. Trận chiến không chỉ vì cuộc sống, tự do và an ninh của người Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào khác mà Nga cố gắng chinh phục. Cuộc đấu tranh này sẽ xác định con cháu chúng ta sẽ sống trong thế giới nào, và những thế hệ tương lai sau đó nữa sẽ sống ra sao.
Nó sẽ xác định liệu đó có phải là một nền dân chủ cho người Ukraine và cho người Mỹ - cho tất cả mọi người hay không. Trận chiến này không thể bị đóng băng hoặc hoãn lại. Nó không thể bị bỏ qua, hy vọng rằng đại dương hoặc một cái gì đó khác sẽ cung cấp một sự bảo vệ. Từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, từ Âu Châu đến Mỹ Châu Latinh và từ Phi Châu đến Úc, thế giới quá liên kết và phụ thuộc lẫn nhau đến mức không có thể đứng sang một bên và đồng thời cảm thấy an toàn khi một trận chiến như vậy tiếp diễn.
Hai quốc gia của chúng ta là đồng minh trong trận chiến này. Và năm tới sẽ là một bước ngoặt, tôi biết điều đó, thời điểm mà lòng dũng cảm của người Ukraine và quyết tâm của người Mỹ phải bảo đảm tương lai cho nền tự do chung của chúng ta, nền tự do của những người đại diện cho các giá trị của họ.
Thưa quý vị và các bạn — thưa quý vị và các bạn, những người Mỹ thân mến, ngày hôm qua trước khi đến Washington, DC, tôi đã ở tiền tuyến tại Bakhmut của chúng tôi. Trong thành trì của chúng tôi ở phía đông Ukraine, ở Donbass. Quân đội Nga và lính đánh thuê đã không ngừng chiếm lấy Bakhmut kể từ tháng Năm. Họ đã quyết liệt giành lấy nó cả ngày lẫn đêm, nhưng Bakhmut vẫn đứng vững.
Năm ngoái — năm ngoái, 70,000 người đã sống ở đó tại Bakhmut, trong thành phố đó, và bây giờ chỉ còn rất ít thường dân ở lại. Mỗi tấc đất đó đều thấm máu; tiếng súng nổ ầm ầm từng giờ. Các chiến hào ở Donbas đổi chủ nhiều lần trong ngày trong các trận giao tranh ác liệt, thậm chí là đánh xáp lá cà. Nhưng Donbas của Ukraine vẫn đứng vững.
Người Nga — Người Nga sử dụng mọi thứ, mọi thứ họ có để chống lại Bakhmut và các thành phố xinh đẹp khác của chúng tôi. Quân xâm lược có lợi thế đáng kể về pháo binh. Họ có lợi thế về đạn dược. Họ có nhiều hỏa tiễn và máy bay hơn chúng tôi từng có. Đó là sự thật, nhưng lực lượng phòng thủ của chúng tôi đứng vững. Và - và tất cả chúng ta đều tự hào về họ.
Chiến thuật của người Nga rất bán khai. Họ đốt cháy và phá hủy mọi thứ họ nhìn thấy. Họ đã gửi những tên côn đồ ra tiền tuyến. Họ đã gửi những người bị kết án ra chiến trường. Họ ném mọi thứ chống lại chúng tôi, tương tự như một chế độ độc tài khác, trong Trận chiến Bulge. Họ đã ném tất cả những gì họ có để chống lại thế giới tự do. Giống như những người lính Mỹ dũng cảm đã giữ vững phòng tuyến và đánh trả lực lượng của Hitler trong Lễ Giáng Sinh năm 1944, những người lính Ukraine dũng cảm cũng đang làm điều tương tự với lực lượng của Putin vào dịp Lễ Giáng Sinh này.
Ukraine — Ukraine giữ vững phòng tuyến của mình và sẽ không bao giờ đầu hàng. Vì vậy, vì vậy, bạo quyền vốn không thiếu sự tàn ác, đã tấn công vào cuộc sống của những người dân tự do - và sự hỗ trợ của các bạn là rất quan trọng, không chỉ giúp chúng tôi đứng vững trong cuộc chiến đó mà còn đi đến bước ngoặt là giành chiến thắng trên chiến trường.
Chúng tôi có pháo binh, vâng. Cảm ơn các bạn. Chúng tôi có nó. Đủ chưa? Thành thật mà nói, không thực sự đủ. Để bảo đảm Bakhmut không chỉ là thành trì kìm hãm Quân đội Nga, mà để Quân đội Nga có thể rút lui hoàn toàn, cần phải có thêm nhiều đại bác và đạn pháo. Nếu vậy, giống như Trận chiến Saratoga, cuộc chiến giành Bakhmut sẽ thay đổi quỹ đạo cuộc chiến giành độc lập và tự do của chúng ta.
Nếu những người yêu nước của các bạn ngăn chặn khủng bố của Nga chống lại các thành phố của chúng tôi, điều đó sẽ cho phép những người yêu nước Ukraine làm việc hết mình để bảo vệ nền tự do của chúng tôi. Khi Nga - khi Nga không thể tiếp cận các thành phố của chúng tôi bằng pháo binh, họ sẽ cố gắng tiêu diệt người dân chúng tôi bằng các cuộc tấn công hỏa tiễn. Hơn thế nữa, Nga đã tìm thấy một đồng minh trong việc này - trong chính sách diệt chủng này: đó là Iran. Hàng trăm máy bay không người lái chết người của Iran được gửi đến Nga - hàng trăm chiếc đã trở thành mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi. Đó là cách một kẻ khủng bố đã tìm thấy kẻ khủng bố khác.
Chỉ là vấn đề thời gian khi chúng tấn công các đồng minh khác của các bạn nếu chúng ta không ngăn chặn chúng ngay bây giờ. Chúng ta phải làm điều đó. Tôi tin rằng không nên có điều cấm kỵ nào giữa chúng ta trong liên minh của chúng ta. Ukraine không bao giờ yêu cầu lính Mỹ chiến đấu trên đất của chúng tôi thay cho chúng tôi. Tôi bảo đảm với các bạn rằng những người lính Ukraine có thể tự mình điều khiển xe tăng và máy bay Mỹ một cách hoàn hảo.
Hỗ trợ tài chính cũng cực kỳ quan trọng và tôi muốn cảm ơn các bạn, cảm ơn các bạn rất nhiều, cảm ơn các bạn về cả gói tài chính mà các bạn đã cung cấp cho chúng tôi và những gói mà các bạn có thể sẵn sàng quyết định. Tiền của các bạn không phải là tiền bác ái. Đó là một khoản đầu tư vào nền dân chủ và an ninh toàn cầu mà chúng tôi giải quyết theo cách có trách nhiệm nhất.
Người Nga, người Nga thực sự có thể ngăn chặn sự xâm lược của mình nếu họ muốn, nhưng các bạn có thể đẩy nhanh chiến thắng của chúng tôi. Tôi biết điều đó. Và nó, nó sẽ chứng minh cho bất kỳ kẻ xâm lược tiềm tàng nào rằng không ai có thể thành công trong việc phá vỡ biên giới quốc gia, không ai có thể phạm tội ác và cai trị người dân trái với ý muốn của họ. Sẽ là ngây thơ nếu chờ đợi những bước đi hướng tới hòa bình từ Nga, vốn thích trở thành một quốc gia khủng bố. Người Nga vẫn bị điện Cẩm Linh đầu độc.
Việc khôi phục trật tự luật pháp quốc tế là nhiệm vụ chung của chúng ta. Chúng ta cần hòa bình, vâng. Ukraine đã đưa ra các đề xuất mà tôi vừa thảo luận với Tổng thống Biden, công thức hòa bình của chúng tôi, 10 điểm nên và phải được thực hiện vì an ninh chung của chúng tôi, được bảo đảm trong nhiều thập kỷ tới và hội nghị thượng đỉnh có thể được tổ chức.
Tôi vui mừng nói rằng Tổng thống Biden đã ủng hộ sáng kiến hòa bình của chúng tôi ngày hôm nay. Mỗi người trong số các bạn, thưa quý vị và các bạn, có thể hỗ trợ việc thực hiện để bảo đảm rằng sự lãnh đạo của Hoa Kỳ vẫn vững chắc, lưỡng viện và lưỡng đảng. Cảm ơn các bạn.
Các bạn có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt để khiến Nga cảm thấy sự xâm lược của họ thực sự tàn khốc như thế nào. Các bạn thực sự có khả năng giúp chúng tôi đưa ra công lý tất cả những người đã bắt đầu cuộc chiến tranh tội phạm vô cớ này. Hãy làm điều đó. Hãy bắt kẻ khủng bố - hãy bắt nhà nước khủng bố phải chịu trách nhiệm về hành vi khủng bố và xâm lược của mình và bồi thường mọi tổn thất do cuộc chiến này gây ra. Hãy để thế giới thấy rằng Hoa Kỳ đang ở đây.
Thưa quý vị — thưa quý vị và các bạn, người Mỹ, trong hai ngày nữa chúng tôi sẽ mừng Lễ Giáng Sinh. Có lẽ dưới ánh nến. Không phải vì chúng tôi muốn nó lãng mạn hơn, không phải, nhưng bởi vì sẽ không có, sẽ không có điện. Hàng triệu người sẽ không có máy sưởi cũng như nước sinh hoạt. Tất cả những điều này sẽ là kết quả của các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng tôi.
Nhưng chúng tôi không phàn nàn. Chúng tôi không phán xét và so sánh cuộc sống của ai dễ dàng hơn. Hạnh phúc của các bạn là sản phẩm của an ninh quốc gia của các bạn; kết quả của cuộc đấu tranh giành độc lập và nhiều chiến thắng của các bạn. Chúng tôi, những người Ukraine, cũng sẽ trải qua cuộc chiến giành độc lập và tự do với phẩm giá và thành công.
Chúng tôi sẽ ăn mừng Giáng Sinh. Mừng Lễ Giáng Sinh và dù không có điện, ánh sáng niềm tin của chúng tôi vào chính mình sẽ không bị dập tắt. Nếu người Nga - nếu hỏa tiễn của Nga tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tự bảo vệ mình. Nếu họ tấn công chúng tôi bằng máy bay không người lái của Iran và người dân của chúng tôi sẽ phải đến hầm tránh bom vào đêm Giáng Sinh, người Ukraine vẫn sẽ ngồi xuống bàn để mừng lễ và cổ vũ lẫn nhau. Và chúng tôi không cần nói ra cũng biết ước muốn của mọi người, vì chúng tôi biết rằng tất cả chúng ta, hàng triệu người Ukraine, đều mong muốn giống nhau: Chiến thắng. Chỉ có chiến thắng.
Chúng tôi đã xây dựng Ukraine hùng mạnh, với những con người mạnh mẽ, quân đội mạnh mẽ, các thể chế vững mạnh cùng với các bạn. Chúng tôi đã phát triển những bảo đảm an ninh mạnh mẽ cho đất nước của chúng tôi và cho toàn bộ Âu Châu và thế giới, cùng với các bạn. Và cùng với các bạn, chúng tôi sẽ khống chế tất cả những người thách thức tự do.
Đây sẽ là cơ sở để bảo vệ nền dân chủ ở Âu Châu và trên thế giới. Bây giờ, vào dịp Giáng Sinh đặc biệt này, tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn. Tôi cảm ơn mọi gia đình người Mỹ đã trân trọng sự ấm áp trong ngôi nhà của mình và mong muốn sự ấm áp đó đến với những người khác. Tôi cảm ơn Tổng thống Biden và cả hai đảng, tại Thượng viện và Hạ viện, vì sự hỗ trợ vô giá của các bạn. Tôi cảm ơn các thành phố và công dân của các bạn đã ủng hộ Ukraine trong năm nay, những người đã tiếp đón những người Ukraine của chúng tôi, những người dân của chúng tôi, những người đã vẫy cờ quốc gia của chúng tôi, những người đã hành động để giúp đỡ chúng tôi. Cảm ơn tất cả các bạn, từ tất cả những người hiện đang ở tiền tuyến, từ tất cả những người đang chờ đợi chiến thắng.
Đứng đây hôm nay, tôi nhớ lại những cuộc chiến của tổng thống Franklin Delano Roosevelt, mà tôi nghĩ là rất tốt cho thời điểm này. Nhân dân Mỹ bằng sức mạnh chính nghĩa của mình đã giành thắng lợi tuyệt đối. Người Ukraine chắc chắn cũng sẽ thắng.
Tôi biết rằng mọi thứ phụ thuộc vào chúng tôi, vào các lực lượng vũ trang Ukraine, nhưng còn rất nhiều điều phụ thuộc vào thế giới. Rất nhiều thứ trên thế giới phụ thuộc vào các bạn. Khi tôi ở Bakhmut ngày hôm qua, các anh hùng của chúng ta đã trao cho tôi lá cờ, lá cờ chiến đấu, lá cờ của những người bảo vệ Ukraine, Âu Châu và thế giới bằng cái giá của mạng sống mình. Họ yêu cầu tôi mang lá cờ này đến các bạn, đến Quốc hội Hoa Kỳ, đến các thành viên Hạ viện và thượng viện nơi mà những quyết định của họ có thể cứu hàng triệu người.
Vì vậy, hãy để những quyết định này được thực hiện. Hãy để lá cờ này ở lại với các bạn, thưa quý vị và các bạn. Lá cờ này là biểu tượng cho chiến thắng của chúng ta trong cuộc chiến này. Chúng ta đứng vững, chúng ta chiến đấu và chúng ta sẽ chiến thắng vì chúng ta đoàn kết - Ukraine, Mỹ và toàn bộ thế giới tự do.
Chỉ một điều, nếu tôi có thể, điều cuối cùng - cảm ơn các bạn rất nhiều, xin Chúa bảo vệ những người lính và công dân dũng cảm của chúng ta, xin Chúa mãi mãi phù hộ cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chúc Giáng Sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc, thắng lợi. Slava Ukraine. Niềm tự hào cho Ukraine.
1. Nga thiệt hại nặng ở Kherson, tấn công khu vực Dnipropetrovsk bằng pháo hạng nặng để trả thù
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 22 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết “quân xâm lược Nga đang tập trung tại một sân bay gần Kakhovka, vùng Kherson, đã bị tấn công”. Thương vong của quân xâm lược vẫn còn đang được kiểm đếm.
Trước đó, lực lượng Nga được nhìn thấy đang di tản từ Kakhovka và Nova Kakhovka đến Nyzhni Sirohozy, nằm trên đường Kherson-Melitopol, giáp biên giới với vùng Zaporizhzhia. Đoàn xe của họ được trực thăng tấn công bảo vệ. Hai chiếc đã bị bắn rơi vào tối thứ Hai. Để tránh bị tấn công, quân Nga đã di chuyển trong đêm nhưng vẫn bị phát hiện: 3 xe tăng, 4 xe thiết giáp, 7 hệ thống pháo, 2 xe công binh và 7 xe chuyển quân và nhiên liệu của đoàn xe này đã bị phá hủy vào tối thứ Ba. Có lẽ vì thế quân Nga định chuyển quân bằng máy bay. Một máy bay Sukhoi 25 và một trực thăg tấn công Aligator đã bị phá hủy, cùng với các hệ thống pháo và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt đang chờ được di tản.
Chuẩn tướng Oleksii Hromov cũng xác nhận thiệt hại do cháy nổ tại các kho đạn dược của quân xâm lược gần Kadiivka ở khu vực Luhansk, nơi đã từng bị pháo binh Ukraine tấn công vào cuối tuần trước. Vụ nổ tại các nhà kho với những tiếng nổ long trời và các cột khói đen cao đến hàng trăm mét đã kéo dài hơn 20 giờ mà chưa dứt.
Đáp lại, quân đội Nga đã tấn công cộng đồng Marhanets của vùng Dnipropetrovsk bằng pháo hạng nặng.
“Chiều nay thật không yên trong cộng đồng Marhanets của quận Nikopol. Lực lượng xâm lược của Nga đã tấn công các khu định cư của họ bằng pháo hạng nặng,” ông nói.
Theo lời của ông, bảy ngôi nhà dân cư đã bị trúng đạn. Hai tòa nhà hộ gia đình và một đường ống dẫn khí đốt bị hư hại nghiêm trọng. May mắn thay, không có thương vong nào trong dân thường được báo cáo.
Vào đêm ngày 19 tháng 12, quân xâm lược Nga đã tấn công khu vực Dnipropetrovsk bằng máy bay không người lái tự sát, pháo hạng nặng và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Nhiều vụ phá hủy đã được báo cáo, nhưng thường dân vẫn bình an vô sự.
Quân đội Nga tiếp tục tập trung nỗ lực vào các hướng Bakhmut và Avdiivka, đồng thời cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật của họ ở các hướng Kupyansk và Lyman. Lực lượng vũ trang Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga gần 25 khu định cư trong ngày qua.
Trong ngày, kẻ thù đã tiến hành ba cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và một cuộc không kích vào các mục tiêu dân sự ở vùng Zaporizhzhia. Máy bay Nga oanh tạc một bệnh viện ở thị trấn Huliaypole. Ngoài ra, kẻ thù đã phát động hơn 20 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.
Chuẩn tướng Oleksii Hromov cũng tiết lộ rằng quân đội Ukraine vừa hạ được một máy bay không người lái của đối phương trị giá khoảng 6 triệu USD
“Trong ngày, Lực lượng Không quân Ukraine đã tiến hành 9 cuộc tấn công vào các cụm nhân viên, vũ khí và thiết bị quân sự của kẻ thù. Ngoài ra, quân phòng thủ của chúng tôi đã bắn hạ một máy bay không người lái Forpost của kẻ thù trị giá khoảng 6 triệu USD”
Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đánh trúng một sở chỉ huy và hai cụm nhân lực của địch.
Quân xâm lược Nga đã tổ chức một bệnh viện dã chiến ở làng Novobohdanivka, vùng Zaporizhzhia. Tại Novotroitske, vùng Kherson, quân Nga chiếm một bệnh viện địa phương để chữa trị cho những người lính bị thương của họ. Bệnh nhân địa phương bị cưỡng chế “xuất viện”. Ngoài ra, quân xâm lược Nga đã tăng cường các biện pháp phản gián trong khu định cư. Bộ Tổng tham mưu nhấn mạnh, tất cả điều này cho thấy tổn thất đáng kể của kẻ thù.
Trong 24 giờ qua, quân Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 510 binh sĩ Nga, cùng với 7 xe tăng, 5 xe thiết giáp, 12 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một máy bay và một trực thăng.
Từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 21 tháng 12, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại bỏ khoảng 99,740 quân xâm lược Nga, 3,002 xe tăng, 5,979 xe thiết giáp, 1,972 hệ thống pháo, 412 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 212 hệ thống phòng không, 282 máy bay, 267 máy bay trực thăng, 1,688 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 653 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,608 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 178 đơn vị thiết bị đặc biệt.
2. Những điểm chính từ cuộc gặp của Zelenskiy với Biden và chuyến thăm lịch sử của ông tới Washington
Ba trăm ngày sau khi đất nước của ông bị Nga xâm lược, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đáp máy bay tới Washington, DC, để đàm phán về những gì có thể xảy ra trong 300 ngày tới.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhà lãnh đạo Ukraine tỏ ra là một mặt trận thống nhất, nhưng Biden sẽ không mời Zelenskiy đến Washington trong một chuyến đi đầy rủi ro bên ngoài Ukraine lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu nếu ông ấy không tin rằng có thể đạt được điều gì đó thực sự trong cuộc gặp gỡ trực tiếp thay vì qua điện thoại.
Sau cuộc đàm phán kéo dài hàng giờ đồng hồ, cả hai người đàn ông đều nói rõ rằng họ thấy cuộc chiến đang bước vào một giai đoạn mới.
Dưới đây là những điểm chính từ chuyến thăm lịch sử của Zelenskiy tới Washington cho đến nay:
Thứ nhất là cố gắng tìm hiểu xem chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào: Hiểu rõ lập trường của Zelenskiy khi nói đến việc kết thúc chiến tranh là một trong những điểm quan trọng đối với Tòa Bạch Ốc. Nhà lãnh đạo Ukraine đã bày tỏ mong muốn về một “nền hòa bình công chính” sẽ chấm dứt xung đột – một điểm mà các quan chức Mỹ cho biết sẽ là trọng tâm của cuộc đàm phán hôm thứ Tư.
Trong số các quốc gia phương Tây đã tập hợp lại để ủng hộ Zelenskiy, đã có những lo ngại kéo dài về kế hoạch dài hạn của ông có thể là gì. Vào hôm thứ Tư, ông ấy dường như đã nói rõ con đường kết thúc chiến tranh sẽ không liên quan đến việc nhượng bộ Nga.
“Đối với tôi với tư cách là một tổng thống, 'hòa bình đơn thuần' không phải là thỏa hiệp,” ông nói, cho thấy ông không thấy bất kỳ con đường dẫn đến hòa bình nào liên quan đến việc đòi buộc Ukraine phải từ bỏ lãnh thổ hoặc chủ quyền. Về phần mình, Biden nói rằng tùy thuộc vào Zelenskiy “quyết định xem ông ấy muốn chiến tranh kết thúc như thế nào,” một quan điểm lâu nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời.
Thứ hai là việc thêm hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine - bao gồm cả hệ thống hỏa tiễn Patriot: Ngay trước khi Zelenskiy đến, chính quyền Biden đã thông báo rằng họ sẽ gửi gần 2 tỷ đô la hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine - bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot mới tinh vi mà Zelenskiy đã yêu cầu trong nhiều tháng.
Khi cân nhắc về chuyến thăm, Zelenskiy đề nghị với các cố vấn rằng ông không muốn tới Washington nếu mối quan hệ song phương với Hoa Kỳ không có bước phát triển đáng kể nào, theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này. Ông Zelenskiy coi quyết định của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tới Ukraine là một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa hai đồng minh.
Tuy nhiên, đứng bên cạnh Biden, Tổng thống Zelenskiy thẳng thắn nói rằng ông không coi hệ thống Patriot duy nhất là đủ.
“Chúng tôi muốn có nhiều Patriot hơn,” ông ấy nói khi Biden cười. “Tôi xin lỗi nhưng chúng ta đang trong chiến tranh.”
Thứ ba là một mặt trận thống nhất trong một mối quan hệ phức tạp: Nhìn bề ngoài, Biden và Zelenskiy đã duy trì mối quan hệ đối tác bền vững. Và Zelenskiy đã hết lời khen ngợi Biden khi ông đi từ Phòng Bầu dục đến Phòng phía Đông để đến Đồi Capitol.
Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để thấy những căng thẳng ngay bên dưới bề mặt. Zelenskiy đã liên tục kích động sự hỗ trợ bổ sung của Hoa Kỳ, bất chấp hàng chục tỷ đô la hỗ trợ quân sự mà Biden đã hướng đến đất nước của mình.
Điều đó không phải lúc nào cũng phù hợp với Biden hoặc nhóm của ông ấy. Nhưng giống như ông đã làm với một loạt các nhà lãnh đạo nước ngoài khác, vào hôm thứ Tư, Biden dường như có ý định muốn có sự gần gũi về thể chất để hiểu rõ hơn về người đồng cấp của mình.
3. Tổng tham mưu trưởng Ba Lan thăm Irpin, Hostomel
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Cộng hòa Ba Lan Rajmund Andrzejczak đã có cuộc gặp gỡ với Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi tại Kyiv. Sau đó, ông cũng đã đến thăm Irpin và Hostomel của vùng Kyiv.
“Trong cuộc họp ở Kyiv, các tướng lĩnh cũng đã thảo luận về nhu cầu của Lực lượng vũ trang Ukraine về hỗ trợ vật chất và kỹ thuật, là điều rất quan trọng để bổ sung lực lượng dự trữ của Ukraine và duy trì khả năng phòng thủ. Các bên cũng thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ về mặt huấn luyện quân sự”
Andrzejczak đã gặp đại diện của chính quyền Irpin và thăm căn cứ không quân Hostomel.
Sau cuộc gặp gỡ với Zaluzhnyi, Tướng Andrzejczak nói với các phóng viên báo chí rằng quân Ukraine đang kìm hãm quân đội Nga một cách hiệu quả.
4. Nga và Trung Quốc tập trận hải quân bắn đạn thật ở vùng biển gần Nhật Bản
Trung Quốc và Nga sẽ bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung kéo dài một tuần ở Biển Hoa Đông từ thứ Tư 21 tháng 12, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác ở khu vực Tây Thái Bình Dương ngày càng căng thẳng.
“Phần tích cực của cuộc tập trận sẽ bao gồm bắn hỏa tiễn và pháo chung nhằm vào các mục tiêu trên không, bắn pháo vào các mục tiêu trên biển và thực hành các hành động chung chống tàu ngầm với việc sử dụng vũ khí thực tế”, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết như trên.
Cuộc tập trận mang tên Hợp tác Hàng hải 2022 sẽ có sự tham gia của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga - tàu tuần dương hỏa tiễn Varyag - một tàu khu trục nhỏ và hai tàu hộ tống, tuyên bố cho biết thêm rằng Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ gửi hai tàu khu trục, hai tàu tuần tra, một tàu tiếp tế đa năng, và một tàu ngầm diesel.
Máy bay Trung Quốc cũng sẽ tham gia, Konashenkov nói.
Theo Konashenkov, “Mục đích chính của cuộc tập trận là tăng cường hợp tác hải quân giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương”.
Cho đến nay, Trung Quốc đã từ chối thẳng thừng lên án cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine trong khi tăng cường hỗ trợ kinh tế cho nước láng giềng, thúc đẩy thương mại song phương lên mức kỷ lục nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Thông báo của Nga được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Nhật Bản tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng và sẽ mua vũ khí tầm xa, viện dẫn các mối đe dọa ngày càng tăng đối với môi trường an ninh của Nhật Bản.
Trung Quốc và Nga nằm trong số những mối đe dọa đó và các cuộc tập trận sắp tới là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga xung quanh Nhật Bản, bao gồm các cuộc tập trận không quân chung gần không phận Nhật Bản và thậm chí là hoạt động đi vòng quanh các đảo chính của Nhật Bản bởi một đội tàu chung Trung Quốc-Nga ở Biển Đông.
Vào tháng 6, Tokyo cho biết họ đã theo dõi 8 tàu chiến của Nga và Trung Quốc gần vùng biển của mình trong vòng một tuần.
Các nhà phân tích lưu ý vào thời điểm đó rằng hoạt động quân sự của Trung Quốc và Nga là một mối lo ngại đối với Nhật Bản.
James Brown, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo, nói với CNN vào tháng 6: “Việc theo dõi các chuyển động của cả lực lượng quân sự Nga và Trung Quốc là một sự căng thẳng đối với các nguồn lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
5. Ukraine nhận được hơn 10.000 ăng-ten Starlink
Ukraine đã đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Công nghệ Khám phá Không gian của Elon Musk để nhận hơn 10,000 ăng-ten Starlink nhằm giúp chống lại các cuộc không kích của Nga.
Mykhailo Fedorov, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, cho biết điều này trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
Ông cho biết các thiết bị cung cấp dịch vụ internet được truyền xuống từ vệ tinh sẽ được gửi tới Ukraine trong những tháng tới.
“SpaceX và Musk nhanh chóng phản ứng với các vấn đề và giúp đỡ chúng tôi. […] Musk bảo đảm với chúng tôi rằng anh ấy sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Khi chúng tôi mất điện đột ngột, tôi đã nhắn tin cho anh ấy vào ngày hôm đó và anh ấy đã phản ứng ngay lập tức và đã thực hiện được một số bước. Anh ấy hiểu tình hình,” Fedorov nói.
Theo ông, Ukraine đã nhận được khoảng 22,000 ăng-ten Starlink kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng Hai.
Mặc dù chưa có hợp đồng, chính phủ của một số quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu đã sẵn sàng chia sẻ khoản thanh toán, ông cho biết như trên nhưng từ chối công khai danh tính của họ. “Cho đến nay, tất cả các vấn đề tài chính đã được giải quyết,”, đồng thời cho biết thêm rằng Ukraine sẽ cần tìm thêm nguồn tài trợ vào mùa xuân.
Fedorov nói: “Các kết nối vệ tinh là điều không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại”.
Kế hoạch dự phòng của quốc gia bao gồm triển khai hàng nghìn cái gọi là “điểm bất khả chiến bại”, những địa điểm mà người Ukraine có thể tiếp cận liên tục với nguồn điện, hệ thống sưởi và internet, một số được cung cấp bởi ăng-ten Starlink.
“Chúng tôi sẵn sàng sống không có điện trong một tháng nhưng ít nhất là có mạng di động và tin nhắn. Về internet, chúng tôi có rất nhiều Starlink, nhưng điểm mấu chốt là chúng tôi đã nhận được sự đồng ý cho một lô hàng khác sẽ được sử dụng để ổn định kết nối trong các tình huống quan trọng,” Fedorov nói.
6. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai máy bay vận tải quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ mắc kẹt ở Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh 10 tháng trước đã trở về Thổ Nhĩ Kỳ an toàn hôm thứ Ba.
Reuters đưa tin, hai máy bay vận tải quân sự Airbus A400M của không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bay tới sân bay Kyiv-Boryspil đúng vào thời điểm Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai chiếc máy bay đã tới Kyiv để vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo và di tản công dân Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng bị mắc kẹt tại sân bay Kyiv khi không phận Ukraine bị đóng cửa do bùng phát chiến sự.
Hai máy bay đã rời Ukraine vào chiều thứ Ba và đến sân bay ở thành phố Kayseri, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ vào buổi tối, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
7. Khoảng một phần tư dân số Ukraine – hay khoảng 10 triệu người - có thể bị rối loạn sức khỏe tâm thần liên quan đến cuộc xung đột.
Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Ukraine, Jarno Habicht, cho biết khoảng một phần tư dân số Ukraine – hay khoảng 10 triệu người - có thể bị rối loạn sức khỏe tâm thần liên quan đến cuộc xung đột.
Các rối loạn có thể gặp bao gồm lo lắng, căng thẳng và rối loạn căng thẳng sau chấn thương do các sự kiện đau buồn gây ra. Các trường hợp đang gia tăng sau 10 tháng xung đột, khiến một cơ quan riêng của Liên Hiệp Quốc phải ra mắt các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến.
Reuters báo cáo rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ukraine đã chịu áp lực kể từ khi Nga xâm lược vào tháng Hai. Cho đến nay, đã có ít nhất 700 cuộc tấn công vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ, theo dữ liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO. Việc Nga gia tăng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng kể từ tháng 10 đã làm tăng thêm thách thức khi gây mất điện và làm gián đoạn nguồn cung cấp nước. Mạc Tư Khoa phủ nhận việc tấn công vào dân thường.
Habicht cho biết các bệnh về đường hô hấp sẽ gia tăng khi thời tiết lạnh và không đủ hệ thống sưởi, cũng như tai nạn xe hơi trên những con đường thiếu ánh sáng do mất điện.
Hệ thống y tế đang hoạt động. Nhưng vì đã 10 tháng nên đây là một thử thách căng thẳng rất lớn. Chúng tôi liên tục nhìn thấy những thách thức mới.
1. Người Ukraine muốn tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày nào?
Lyubomyr Mysiv - Phó Giám đốc Nhóm nghiên cứu xã hội học của Ukraine đã có một bài thuyết trình tại trung tâm báo chí Kyiv vào sáng thứ Ba 20 tháng 12 về đề tài: “Người Ukraine muốn tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày nào?”.
Theo ông, 91% những người được hỏi muốn cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Lý do chủ yếu là việc cử hành vào ngày 25 tháng 12 theo lịch Gregoriô thay vì ngày 7 tháng Giêng có thể được xem là một động thái tách biệt với Chính Thống Giáo Nga, mà người đứng đầu Giáo Hội này, là Thượng Phụ Kirill, đã nồng nhiệt ủng hộ cuộc xâm lược của Putin.
Giáo Hội Chính thống của Ukraine đã quyết định cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Đức Tổng Giám Mục Epiphanius Đệ Nhất của Kyiv và Toàn Ukraine đã cho biết như trên, và coi quyết định này như là một cách để Ukraine thoát dần khỏi tầm ảnh hưởng của Chính Thống Giáo Nga.
Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương có thể cũng đang cân nhắc để từ năm 2023 sẽ cử hành lễ Giáng Sinh theo lịch Công Giáo Latinh.
2. Câu chuyện thú vị đằng sau cây thông Giáng Sinh của Trung tâm Rockefeller
Một hành động hào phóng đã mang đến cho chúng ta cây thông Giáng Sinh Rockefeller mang tính biểu tượng giúp đoàn kết mọi người và là dấu hiệu của hy vọng.
Bạn đã bao giờ tự hỏi cây thông Giáng Sinh mang tính biểu tượng của Trung tâm Rockefeller đến từ đâu chưa?
Năm nay, chúng tôi muốn chia sẻ câu chuyện ngọt ngào về hành động hào phóng đằng sau một trong những cây thông Giáng Sinh nổi tiếng nhất thế giới.
Nhóm thực hiện cây thông Giáng Sinh của Rockefeller bắt đầu tìm kiếm cây từ rất lâu trước tháng 12. Họ nhận được hàng trăm những đề nghị giúp đỡ từ khắp nước Mỹ.
Vào tháng 6, họ đang kiểm tra một đối thủ cạnh tranh ở Glens Falls, một thị trấn cách Thành phố New York 3 tiếng rưỡi về phía bắc, thì thay vào đó, một cái cây khác thu hút sự chú ý của họ.
“Khi tôi đến vào đầu mùa hè, tôi đang lái xe xuống phố Main ở Queensbury, tôi nhìn thấy cái cây ở bên cạnh và tôi biết sau khi hoàn thành một cuộc hẹn khác, tôi sẽ ghé qua và kiểm tra. nó xem sao,” Erik Pauze, trưởng bộ phận làm vườn tại Trung tâm Rockefeller, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Spectrum News.
Cây vân sam Na Uy 90 tuổi đứng trên tài sản của gia đình Lebowitz, và họ hoàn toàn bất ngờ khi Pauze liên hệ với họ.
Luật sư Neil Lebowitz ở Glens Falls, New York, hồi tưởng lại khoảnh khắc Pauze liên lạc với anh ta.
“Tôi không biết anh ấy đang đề cập đến điều gì,” ông nói với tờ Glens Falls Chronicle, nhưng “anh ấy đã gửi cho tôi một bức ảnh về cái cây và tôi nhận ra cái cây và tài sản ngay lập tức.”
Gia đình Lebowitz nhanh chóng quyết định tặng cây của họ. Họ nhận ra rằng hành động hào phóng này sẽ thắp sáng rất nhiều cuộc đời trong mùa Giáng Sinh này.
“Đó là thứ mà chúng tôi có thể chia sẻ với những người khác,” Lebowitz nói. “Đó là món quà của chúng tôi dành cho mọi người.”
Cây Giáng Sinh là dấu hiệu của hy vọng, là ánh sáng thực sự trong bóng tối mùa đông. Và nó kết nối mọi người trên khắp thế giới, đoàn kết mọi người trong tinh thần kỳ diệu của Giáng Sinh.
Gia đình Lebowitz biết rằng cái cây của họ sẽ là thứ mang lại hạnh phúc cho vô số người.
“Nó giúp mọi người hạnh phúc, tại sao lại không cho?” Lebowitz nói.
Nhìn vào cây Spruce hùng vĩ, cao 62 foot này, hàng triệu người phải kinh ngạc trước sự hùng vĩ của thế giới được tạo ra.
Có lẽ cái cây xinh đẹp này có thể là một lời nhắc nhở về Ánh Sáng của Thế Giới, Đấng mà chúng ta hân hoan chờ đợi đang đến.
Source:Aleteia
3. Thêm 140 giáo dân, linh mục Tây Ban Nha tử đạo vì đức tin được xét phong chân phước
Hôm nay, giai đoạn cấp giáo phận của tiến trình phong chân phước cho 140 linh mục và giáo dân bị sát hại ở Tây Ban Nha trong cuộc đàn áp tôn giáo vào những năm 1930 đã kết thúc. Trong số các ứng cử viên có vị linh mục đã giấu thi thể của Thánh Isidore để không bị mạo phạm.
Có ba án phong chân phước: một cho 61 linh mục triều từ Madrid, một cho 71 giáo dân, và một cho tám thành viên của Hiệp Hội Truyền Thông Công Giáo, tất cả đều bị sát hại trong cuộc bách hại tôn giáo diễn ra trong thời Đệ nhị Cộng hòa Tây Ban Nha và cuộc nội chiến.
Những nguyên nhân này được thúc đẩy bởi Tổng giáo phận Madrid, Giáo phận Getafe, Hiệp Hội Truyền Thông Công Giáo, gọi tắt là ACdP, Công Giáo Tiến Hành Madrid và Công Giáo Tiến Hành Getafe.
Cuộc đàn áp tôn giáo trong những năm đó “là cuộc đàn áp đẫm máu nhất mà Giáo hội ở đất nước chúng ta phải gánh chịu, mặc dù không phải là lớn nhất trong lịch sử; vâng, có lẽ là dữ dội nhất,” theo một Giám Mục Phụ Tá của Madrid, Đức Cha Juan Antonio Martínez Camino.
Chỉ trong năm tháng cuối năm 1936, khi chiến tranh bắt đầu, hơn 7,500 linh mục đã tử vì đạo. Trong số các ứng viên được phong chân phước mà giai đoạn cấp giáo phận đã kết thúc hôm nay ở Madrid, có rất nhiều ví dụ về những cuộc bách hại đẫm máu.
Nhiều người đã bị theo dõi và giết trong vòng vài giờ. Không ít người đã kết thúc cuộc sống trong các cuộc thảm sát Paracuellos de Jarama. Những người khác đã bị làm nhục. Tất cả đều tiến đến cái chết như một chiến thắng dành cho Chúa.
Án tuyên thánh của Cha Federico Santamaría cho biết người dân thị trấn đã tập trung lại để chứng kiến cảnh tượng này. Vị linh mục đã bị trẻ em tát và đánh đập trước khi bị bắn, sau khi “một nữ dân quân cắt tai của ngài như một chiến lợi phẩm khi ngài vẫn còn sống”
Một nhóm giáo dân bị giam giữ ở thị trấn miền núi Los Molinos, phía bắc Madrid, đã bị tra tấn trong bốn ngày. Để thêm vào sự nhạo báng, họ đã cử hành một Thánh lễ báng bổ để làm nhục họ.
Cha Timoteo Rojo là phụ trách giáo luật của giáo phận và là thủ thư của Nhà thờ St. Isidore bắt đầu từ năm 1929. Ngài là con mồi đắt giá cho dân quân, vì người ta tin rằng ngài có thể tiếp cận tài liệu quan trọng của giáo phận.
Cùng với ba linh mục khác, ngài chịu trách nhiệm đóng bình đựng thi hài của Thánh Isidore, người được phong thánh cách đây 400 năm vào năm 1622. Việc giữ bí mật khiến ông phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Sau khi cứu được bức tranh Đức Trinh Nữ Paloma, một bức tranh được lòng sùng kính đặc biệt phổ biến ở Madrid, Cha Andrés Rodríguez Perdiguero về nhà cha mẹ mình. Là một người nổi tiếng, ngài bị bọn dân quân theo dõi, bắt giữ và buộc tội “bất mãn với lực lượng dân quân Fuencarral.” Ngài bị hành quyết “với hai cánh tay dang rộng hình chữ thập” sau khi tha thứ cho những kẻ giết mình.
Cha Manuel Escribano nói thẳng với các dân quân đang vào nhà ngài: “Nếu các người đang tìm linh mục, thì chính là tôi đây!” Sau khi bị bắt, ngài nói lời tạm biệt với người thân của mình rằng: “Hẹn gặp lại ở thiên đường!”
Cha José Bermúdez trốn trong nhà cha mẹ mình, và bị một phụ nữ hàng xóm báo tin. Khi bị bắt, ngài kêu lên: “Hãy biết rằng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ đức tin của mình; bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn với tôi. Bị đưa đến một nhà tù tạm thời, ngài bị đánh đập trước khi bị giết.
Luật sư Fernando Urquijo, bị giết ở tuổi 34, đã viết trước khi chết:
“Tôi sắp chết vì những lý tưởng này, và tôi tuyên bố đó là dấu ấn vinh quang lớn nhất của mình, vì đã là một người Công Giáo, một Tông đồ cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời tôi, trong đó, nếu Chúa cho phép, tôi sẽ chết trong tiếng hét : 'Chúa Kitô Vua muôn năm!' và 'Tây Ban Nha muôn năm!'“
Có tám thành viên của Hiệp Hội Truyền Thông Công Giáo là một phần của án tuyên chân phước này.
Trong số đó có José María de la Torre Rodas, một luật sư từng là tổng thư ký của Hiệp Hội Truyền Thông Công Giáo. Ông cũng là thành viên của Hội Dòng Thánh Mẫu, một hiệp hội giáo dân được thành lập để thúc đẩy sự thánh thiện nhờ Mẹ Maria.
Hiệu trưởng đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Đại học, Federico Salmón, cũng là một phần của án tuyên Chân Phước này. Là Luật sư của bang, ngài lãnh đạo các sinh viên luật của Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Quốc gia.
Trong lĩnh vực chính trị, ông là ủy viên hội đồng quốc gia và tổng thư ký của Liên đoàn các quyền tự trị Tây Ban Nha và Bộ trưởng Bộ Lao động, Tư pháp và Y tế vào năm 1935.
Source:Catholic News Agency
1. Giao tranh dữ dội, 100.400 binh sĩ Nga tử trận cho đến nay
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm 22 tháng 12, Đại Tá Georgi Gleba cho biết giao tranh đã diễn ra dữ dội trong ngày thứ Năm với con số lính Nga tử trận cao nhất trong hơn một tuần qua là 660 người.
Ông nói: “Tiếp tục gây hấn, trong 24 giờ qua, kẻ thù đã tiến hành 6 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và 15 cuộc không kích, đặc biệt là vào các mục tiêu dân sự ở khu vực Zaporizhzhia. Kẻ thù cũng đã phát động 64 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.”
Giao tranh dữ dội đã diễn ra tại vùng Donbas, cụ thể là tại Chervonopivka thuộc vùng Luhansk và Krasnohorivka thuộc vùng Donetsk.
Chervonopivka là một thị trấn nhỏ trong quận Sievierodonetsk thuộc tỉnh Luhansk của Ukraine. Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, thị trấn đã bị lực lượng Nga chiếm trong tháng 3 năm 2022. Lực lượng Ukraine đã chiếm lại thị trấn vào tháng 10 năm 2022. Hôm 11 tháng 12 vừa qua, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov báo cáo rằng thị trấn đã bị lực lượng Nga chiếm vào ngày 11 tháng 12, nhưng vào ngày 15 tháng 12, thị trấn đã bị Ukraine tái chiếm. Từ tối thứ Tư 21 tháng 12, quân Nga đã mở các cuộc tấn công dữ dội vào thị trấn này. Đến sáng thứ Năm, quân Nga đã rút lui bỏ lại hàng trăm xác đồng đội.
Krasnohorivka là một thành phố ở tỉnh Donetsk của Ukraine với dân số trước chiến tranh là 14.700 người. Bắt đầu từ giữa tháng 4 năm 2014, phe ly khai thân Nga đã chiếm được một số thị trấn ở tỉnh Donetsk; bao gồm cả Krasnohorivka. Vào ngày 1 tháng 8 năm 2014, các lực lượng Ukraine đã giải phóng thành phố khỏi các lực lượng ly khai thân Nga. Thị trấn sau đó trở nên nằm gần chiến tuyến với Donetsk do quân ly khai kiểm soát. Nó tiếp tục bị phe ly khai tấn công bằng pháo kích.
Vào ngày 3 tháng 6 năm 2015, khi phiến quân thân Nga mở cuộc tấn công, với sự tham gia của 1.000 quân, xe tăng và pháo hạng nặng vi phạm thỏa thuận Minsk II và Công ước Geneva. Lực lượng phiến quân tấn công bao gồm cả các binh sĩ chính quy của Nga.
Trong cuộc xâm lược năm nay, quân Nga đã tấn công thành phố này từ tháng 5 năm nay. Cuộc tấn công tuyệt vọng từ tối ngày thứ Tư 21 đến trưa ngày thứ Năm 22 tháng 12 là cuộc tấn công thứ mấy, không ai nhớ nổi. Tuy nhiên, đó có thể là cuộc tấn công gây tổn thất nặng nề nhất cho quân Nga tại thành phố này cho đến nay.
Theo Đại Tá Georgi Gleba, có vẻ như người Nga đang đói khát một chiến thắng. Thắng ở đâu cũng được, miễn có thắng là được.
Trong 24 giờ qua, Lực lượng Không quân Ukraine đã thực hiện 14 cuộc tấn công vào các khu vực quân nhân và thiết bị của kẻ thù. Quân phòng thủ Ukraine cũng bắn hạ thêm một máy bay không người lái Forpost trị giá tới 6 triệu Mỹ Kim và hai máy bay không người lái Lancet-3 của đối phương. Một máy bay vận tải chuyển quân đã bị không quân tấn công và phá hủy tại phi trường Zaporizhzhia cùng với ba xe tải chở đạn dược.
Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công ba sở chỉ huy và hai khu vực tập trung nhân lực của kẻ thù.
Thống đốc Belgorod, là ông Vyacheslav Gladkov cáo buộc pháo binh Ukraine tiếp tục pháo kích xuyên biên giới và cảnh báo rằng quân Ukraine có thể tràn vào Nga chiếm thành phố Belgorod. Vì thế, ông hô hào xây dựng các công sự ở vùng Belgorod. Trong chương trình truyền hình sáng thứ Năm theo giờ địa phương, Vyacheslav Gladkov đã thông báo tuyển dụng các tình nguyện viên xây dựng các chiến hào và lắp đặt các kim tự tháp bằng xi măng. Ông nói các tình nguyện viên sẽ được trả lương hậu hĩnh.
Đại Tá Georgi Gleba cho biết tính chung trong 24 giờ qua, 660 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 1 xe tăng, 2 xe thiết giáp, 6 hệ thống pháo, 1 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.
Tổng cộng, kể từ ngày 24 tháng 2, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện cho đến ngày 22 tháng 12, Nga đã mất hơn 100.000 binh sĩ, 3.000 xe tăng và khoảng 6.000 phương tiện bọc thép khác ở Ukraine.
Cụ thể, tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược bao gồm 100.400 binh sĩ tử trận, 3.003 xe tăng, 5.981 xe thiết giáp, 1.978 hệ thống pháo, 413 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 212 hệ thống tác chiến phòng không, 283 máy bay, 267 trực thăng, 1.693 máy bay không người lái, 653 hỏa tiễn hành trình, 4.615 xe chuyển quân và nhiên liệu, 16 tàu chiến, và 178 chiếc thiết bị đặc biệt.
2. Hai quan chức cao cấp của Nga trúng HIMARS tại Donetsk
Các hãng thông tấn Nga cho biết, nguyên phó thủ tướng Nga và một quan chức thân Mạc Tư Khoa đã bị thương khi lực lượng Ukraine nã pháo vào thành phố Donetsk ở miền đông nước này hôm thứ Tư.
Donetsk, do quân đội thân Mạc Tư Khoa kiểm soát, nằm trong khu vực công nghiệp Donbas, là tâm điểm của cuộc giao tranh gay gắt gần đây giữa Nga và Ukraine.
Một trong những người bị thương là Dmitry Rogozin, cựu phó thủ tướng Nga, người đang cố vấn quân sự cho hai khu vực bị xâm lược của Ukraine mà Mạc Tư Khoa tuyên bố là của họ, một phụ tá nói với hãng tin Tass rằng ông đang được các bác sĩ trợ giúp để giành lại mạng của sống.
Người đứng đầu chính phủ Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng là Vitaly Khotsenko cũng bị tổn thương, thư ký báo chí của ông nói với các hãng thông tấn Nga.
Hai người đàn ông bị thương khi một khách sạn ở ngoại ô Donetsk bị tấn công bằng vũ khí chính xác cao, các phụ tá nói với các phương tiện truyền thông Nga. Một nghị sĩ Nga cũng có mặt tại khách sạn cho rằng những kẻ tấn công đã hành động theo chỉ dẫn của tình báo Hoa Kỳ.
Rogozin từng đứng đầu cơ quan vũ trụ của Nga nhưng đã bị thay thế vào tháng Bảy. Ông đã có những xung khắc với Sergei Shoigu kể từ khi cơ quan này bị trừng phạt vì vai trò của nó trong ngành công nghiệp quốc phòng.
3. Putin chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến Ukraine: Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu hạt nhân, tăng quân số từ 350.000 lên 1,5 triệu, hải quân được trang bị hỏa tiễn siêu thanh và quân đội được gửi về phía tây để đối phó với NATO ở Phần Lan và Thụy Điển
Hôm thứ Năm 22 tháng 12, Vladimir Putin đã leo thang đáng kể cuộc chiến Ukraine một lần nữa bằng cách nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu hạt nhân và tăng cường thêm 350.000 binh sĩ để lật ngược tình thế trong chiến dịch thất bại của mình, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột toàn cầu.
Vladimir Putin đã ra lệnh cho Nga tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu hạt nhân, tăng cường quân số, chuẩn bị cho việc sử dụng hỏa tiễn siêu thanh Zircon và gửi các đơn vị quân đội mới tới biên giới với Phần Lan
Bạo chúa hiếu chiến đã cảnh báo Điện Cẩm Linh sẽ đầu tư bất cứ điều gì cần thiết để tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình và thề rằng các hỏa tiễn hành trình siêu thanh Zircon được thổi phồng quá mức của ông ta sẽ sẵn sàng cho lực lượng của ông ta trong vòng vài tuần tới.
Các đơn vị quân đội mới sẽ được thành lập ở biên giới phía tây của Nga để khủng bố và trừng phạt Phần Lan và Thụy Điển vì đã tìm cách gia nhập NATO trước cuộc xâm lược của Điện Cẩm Linh.
Sự gia tăng đáng sợ của cuộc chiến sẽ khiến các nhà lãnh đạo phương Tây lạnh xương sống sau một thời gian tương đối yên bình và những bước tiến của Ukraine, làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra ở Âu Châu sẽ kéo theo NATO.
Thời điểm Volodymyr Zelenskiy đang có mặt tại Washington DC để gặp Joe Biden, là lúc Putin tung ra một lời nhắc nhở rõ ràng về khả năng cuộc chiến hiện nay sẽ dẫn đến Thế chiến thứ ba.
Mỹ dự kiến sẽ công bố một gói hỗ trợ quân sự khổng lồ mới cho Kyiv, mà Điện Cẩm Linh đã phủ đầu bằng các cam kết chi tiêu đầy tham vọng của mình.
Trong bài phát biểu trước các chỉ huy quốc phòng ở Mạc Tư Khoa, Putin đã đưa ra một loạt những xác nhận hiếm hoi và thẳng thắn về cuộc xâm lược thất bại của mình, thừa nhận có 'vấn đề' với việc huy động quân và thừa nhận có 'sự chỉ trích' mơ hồ đối với chiến lược quân sự của ông.
Nhưng để đảo ngược vận may của mình, tổng thống sẽ chi 'bất cứ thứ gì cần thiết' cho quân đội, 'cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ ba hạt nhân của chúng ta' và tăng quân số từ 1,15 triệu lên 1,5 triệu.
Ông nói quân đội nước này nên rút ra bài học và hiện đại hóa dựa trên kinh nghiệm ở Ukraine và đặc biệt chú trọng phát triển lực lượng hạt nhân của Nga, là lực lượng mà ông mô tả là 'sự bảo đảm chính cho chủ quyền của Nga'.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cũng tuyên bố kế hoạch thành lập các đơn vị quân sự mới ở miền tây nước Nga, khi những người đứng đầu Điện Cẩm Linh chuẩn bị cho một giai đoạn mới của cuộc chiến đang bước vào tháng thứ mười.
Các hỏa tiễn Zircon tiên tiến có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, di chuyển với tốc độ gần 7.000 dặm hay 11.265km một giờ, là loại hỏa tiễn mà Putin cho rằng 'không có loại tương đương trên thế giới'.
Bất kể các lực lượng của ông đã bị bao vây bởi hết sự sỉ nhục này đến sự sỉ nhục khác trong cuộc chiến ở Ukraine, bạo chúa đã thề: 'Chúng tôi không có giới hạn tài trợ nào. Đất nước và chính phủ đang cung cấp mọi thứ mà quân đội yêu cầu.'
Putin cũng thừa nhận rằng việc triệu tập 300.000 quân dự bị mà ông ra lệnh vào tháng 9 đã không diễn ra suôn sẻ. Ông nói: “Việc huy động từng phần đã bộc lộ một số vấn đề nhất định, như mọi người đều biết, cần được giải quyết kịp thời”.
Lệnh động viên đã bị chỉ trích mạnh mẽ ngay cả từ các đồng minh của Điện Cẩm Linh, vì có thông tin cho rằng các quân ủy đang tuyển mộ nhiều người đàn ông không đủ sức khỏe hoặc quá già. Thêm vào đó, những tân binh than thở rằng họ thiếu các thiết bị cơ bản như túi ngủ và quần áo mùa đông.
Shoigu sau đó công bố kế hoạch tăng quân số của Nga lên 1,5 triệu người, bao gồm 695.000 quân nhân hợp đồng tình nguyện.
4. Zelenskiy đã có cuộc gặp gỡ “chân thành và thành công” với Biden
Chuyến thăm lịch sử của Volodymyr Zelenskiy tới Hoa Kỳ đã diễn ra tốt đẹp và ông “hài lòng” với kết quả, một nguồn tin thân cận với tổng thống Ukraine nói với Jake Tapper của CNN.
“Các cuộc gặp gỡ của ông ấy với Tổng thống Joe Biden rất chân thành và thành công. Phiên họp chung diễn ra tuyệt vời và ông ấy cảm thấy được sự ủng hộ thực sự của lưỡng đảng”
Phát biểu trước Quốc hội hôm thứ Tư, Zelenskiy nói về mối quan hệ bền chặt giữa Hoa Kỳ và đất nước của ông, đồng thời đưa ra thông điệp hy vọng cho người Ukraine ở quê nhà.
Ông cũng kêu gọi tiếp tục hỗ trợ tài chính từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ, nói rằng: “Tiền của các bạn không phải là tiền bác ái. Đó là một khoản đầu tư vào an ninh và dân chủ toàn cầu mà chúng tôi giải quyết theo cách có trách nhiệm nhất.”
5. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Nga dự định cung cấp cho Iran các bộ phận quân sự tiên tiến để đổi lấy hàng trăm máy bay không người lái.
“Iran đã trở thành một trong những người ủng hộ quân sự hàng đầu của Nga,” Wallace nói với quốc hội như một phần của tuyên bố về cuộc xung đột Nga-Ukraine.
“Đổi lại việc Iran cung cấp hơn 300 máy bay không người lái kamikaze cho Nga, Putin hiện có ý định cung cấp cho Iran các thành phần quân sự tiên tiến, làm suy yếu cả Trung Đông và an ninh quốc tế”.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell hôm thứ Ba đã lên án việc Iran hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine và việc đàn áp phe đối lập đang diễn ra ở nước này, nhưng cho biết Liên Hiệp Âu Châu sẽ tiếp tục hợp tác với Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
“Cuộc gặp cần thiết với ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian ở Jordan trong bối cảnh quan hệ Iran-Liên Hiệp Âu Châu đang xấu đi,” Ông Borrell viết trên Twitter trước một hội nghị khu vực do Jordan tổ chức.
“Liên Hiệp Âu Châu nhấn mạnh cần phải ngừng ngay lập tức hỗ trợ quân sự cho Nga và đàn áp nội bộ ở Iran. Tuy nhiên, chúng tôi đồng ý rằng vẫn cần phải giữ liên lạc cởi mở để tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 trên cơ sở các cuộc đàm phán ở Vienna.”
Ông Borrell thừa nhận có những lo ngại rằng Iran đã quyết định tham gia với Nga trong cuộc xâm lược Ukraine; đặc biệt sau khi có các bằng chứng cho thấy quân Iran đang có mặt tại bán đảo Crimea để huấn luyện cho quân Nga cách sử dụng các máy bay không người lái Shahed-136 và Shahed-139.
Các quan chức an ninh Mỹ và đồng minh cũng cáo buộc rằng Tehran đang có kế hoạch gửi hỏa tiễn đất đối đất của Iran tới Nga.
Cho đến nay lập trường của Iran hết sức lắt léo. Ban đầu, Bộ Ngoại giao Iran quyết liệt phủ nhận, bất kể các bằng chứng không thể chối cãi là xác các máy bay không người lái bị bắn hạ. Trong cuộc phản công giành lại các lãnh thổ trong khu vực Kharkiv, quân Ukraine còn tịch thu được tại Kupiansk, các máy bay không người lái Shahed-136 còn nguyên vẹn.
Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, tiết lộ rằng ông khá ngạc nhiên vì trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với phía Iran, Bộ Trưởng Ngoại Giao nước này là Hossein Amir-Abdollahian, vẫn tiếp tục khẳng định rằng “Chính trị của chúng tôi là chúng tôi phản đối chiến tranh và sự leo thang chiến tranh ở Ukraine”.
Ngoại trưởng Iran nói “Cáo buộc Iran gửi hỏa tiễn cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine là không có cơ sở. Chúng tôi có hợp tác trong các vấn đề quốc phòng với Nga, nhưng việc gửi vũ khí và máy bay không người lái chống lại Ukraine chắc chắn không phải là chính trị của chúng tôi.”
Sau đó, Ngoại trưởng Iran lại nói rằng Iran có gởi cho Nga một số máy bay không người lái, nhưng đó là trước cuộc xâm lược vào Ukraine.
Trong gần hai tuần, từ ngày 17 tháng 11 đến đầu tháng 12, Nga đã không sử dụng máy bay không người lái tấn công Shahed-136 do Iran sản xuất trong các cuộc không kích chống lại Ukraine.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 12, các máy bay không người lái chết người của Iran lại xuất hiện.
6. Bản tin của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh
Hôm 22 tháng 12, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:
Ngày 19 tháng 12, Tổng thống Putin tới Minsk để hội đàm với Tổng thống Lukashenko của Belarus. Cuộc thảo luận của các tổng thống bao gồm cuộc thảo luận về một “không gian phòng thủ duy nhất”.
Mặc dù Nga và Belarus công bố rộng rãi việc triển khai các đơn vị của Nga vào Belarus, các lực lượng vũ trang của Belarus gần đây có thể đã đảm nhận một vai trò quan trọng nhưng kín đáo hơn trong việc huấn luyện hàng nghìn quân nhân dự bị mới được huy động của Nga.
Việc sử dụng các huấn luyện viên người Belarus có khả năng là một nỗ lực nhằm khắc phục một phần tình trạng thiếu các huấn luyện viên quân sự của Nga, nhiều người trong số họ đang được triển khai ở Ukraine hoặc đã chịu thương vong.
Mặc dù Nga và Belarus có một nền tảng hợp tác quân sự sâu rộng, nhưng việc dùng người Belarus để đào tạo các tân binh Nga mới bị gọi nhập ngũ thể hiện một sự đảo ngược vai trò.
Theo truyền thống, các lực lượng Belarus bị Nga coi là kém hơn các lực lượng Nga và việc họ được tuyển dụng làm huấn luyện viên là một dấu hiệu cho thấy hệ thống quân sự Nga đã quá căng thẳng.
7. Các nhà lập pháp phản ứng với diễn văn thời chiến của Zelenskiy trước Quốc hội
Các nhà lập pháp của cả hai đảng phản ứng rất nồng nhiệt với bài phát biểu lịch sử thời chiến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khi cuộc chiến chống lại Nga vẫn tiếp diễn. Tổng thống đến Washington, DC, để cảm ơn người Mỹ, nhưng cũng để kêu gọi tiếp tục hỗ trợ từ Hoa Kỳ - là điều mà Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhắc lại trong chuyến thăm.
Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa Thượng viện Mitch McConnell cho biết Zelenskiy tối nay “vẫn truyền cảm hứng như thường lệ” trong bài phát biểu của ông
“Điều này rất quan trọng, điều quan trọng nhất là đánh bại người Nga ở Ukraine,” ông nói. “May mắn thay, người Ukraine có một nhà lãnh đạo mà mọi người có thể kính trọng và ngưỡng mộ. Ngoài ra, thật tuyệt khi có một điều gì đó ở đây vào cuối năm mà tất cả chúng ta thực sự đồng ý”
Lãnh đạo nhóm thiểu số Thượng viện Whip John Thune cho biết Zelenskiy “đã đưa ra lý do tại sao quyết tâm của Mỹ lại quan trọng đối với sự thành công của Ukraine,” điều này lại rất quan trọng đối với “sự thành công rộng lớn hơn của tự do và dân chủ trên toàn thế giới.”
Thune nói rằng khi lắng nghe Zelenskiy, anh ấy có thể “cảm nhận được lòng yêu mến mãnh liệt đối với đất nước và người dân của mình cũng như mong muốn của người Ukraine về tự do và dân chủ,” và gọi đó là “sự truyền cảm hứng”. Anh ấy nói thêm rằng bài phát biểu của Zelenskiy “xuất phát từ trái tim.”
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Cynthia Lummis, là người trước đây đã bỏ phiếu chống lại viện trợ cho Ukraine, cho biết sau bài phát biểu của Zelenskiy rằng bà cảm thấy việc ông “cảm ơn mọi gia đình Mỹ” trước khi cảm ơn Quốc hội là “khôn ngoan”, để công nhận “đó là sự hy sinh của các gia đình Mỹ và người dân Mỹ đã kiếm được số tiền này cho họ.”
Cô ấy nói rằng cô ấy phản đối việc tài trợ vì nó “đi ra từ túi của người nộp thuế” và cô ấy đang ủng hộ việc sử dụng quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để cung cấp tài trợ cho Ukraine.
“Người Ukraine xứng đáng, họ cao thượng, họ đang chiến đấu hết mình để cứu đất nước và người dân của họ và sự hy sinh mà họ đang thực hiện thật đáng kinh ngạc,” cô nói. “Tôi ước rằng chúng ta đã thông minh trong việc tìm nguồn tài trợ cho họ.”
1. Đức Tổng Giám Mục Welby cảnh báo rằng: Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã mở ra các 'cánh cổng địa ngục'
Đức Tổng Giám Mục Canterbury, Justin Welby, cho biết cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã “mở ra các cánh cổng địa ngục”, cởi trói cho “mọi thế lực xấu xa” trên toàn thế giới, từ giết người và hãm hiếp trong lãnh thổ bị xâm lược đến nạn đói và nợ nần ở Phi Châu và Âu Châu.
Đức Cha Welby, giáo sĩ cấp cao nhất trong cộng đồng Anh giáo trên toàn thế giới, đã tới Ukraine vào tháng trước để gặp gỡ các nhà lãnh đạo nhà thờ và các Kitô hữu cũng như những người phải di dời do xung đột.
Ngài nói rằng đã có những ấn tượng sâu sắc bởi “kích thước của những ngôi mộ tập thể ở Bucha, những bức ảnh về những gì đã xảy ra với người dân ở đó, những vụ hãm hiếp, những vụ thảm sát, sự tra tấn của các lực lượng Nga đang xâm lược Ukraine”.
Và ngài nói rằng những hậu quả của cuộc xâm lược cũng đang được cảm nhận vượt ra ngoài biên giới của Ukraine.
“Hậu quả là chúng ta đang ở trong một cuộc đấu tranh kinh hoàng. Khi Ukraine bị xâm lược theo quyết định của Tổng thống Vladimir Putin, các cánh cổng địa ngục đã mở ra và mọi thế lực tà ác tràn ra khắp thế giới,” ngài nói với Laura Kuennsberg trong chương trình BBC's Sunday.
Ngài cho biết: “Một tuần trước khi tôi đến Ukraine, tôi đã ở Mozambique, nơi có nạn đói dọc theo bờ biển Đông Phi.”
Ngài nói thêm: “Có lạm phát… có khủng hoảng năng lượng, có đau khổ, thiếu thuốc, mọi thứ xấu xa đã được giải phóng và cho đến khi Nga rút quân và ngừng bắn, chúng ta không thể đạt được tiến bộ trong việc hòa giải”.
Ngài nói, tại Anh, giá lương thực và nhiên liệu tăng ít nhất một phần do xung đột đã dẫn đến sự gia tăng 400% trong 18 tháng qua, và nhiều người đã phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các ngân hàng thực phẩm.
Ngài nói thêm: “Chúng ta đang chứng kiến nợ nần gia tăng, áp lực lên các gia đình ở mọi cấp độ.
Đức Tổng Giám Mục Welby đã công khai chỉ trích cuộc chiến của Nga với Ukraine, gọi cuộc xâm lược của nước này vào tháng Hai là “một hành động tội lỗi lớn”.
Đến thăm Mozambique một tuần trước chuyến đi Ukraine, ngài đã đến vùng Cabo Delgado bị quân thánh chiến tấn công, nơi ngài gặp những người sống sót sau cuộc nổi dậy ở đó.
Đầu tháng này, Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ thêm 2.5 tỷ đô la lương thực cho Phi Châu, cam kết giúp lục địa này đối phó với tình trạng giá cả tăng cao, một phần là do cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine.
Vùng Sừng Phi Châu đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề sau những mùa mưa thất bát liên tiếp, với việc Liên Hiệp Quốc cho biết viện trợ đã ngăn chặn nạn đói nghiêm trọng ở Somalia.
Source:Church Times
2. Viện dẫn Kinh Thánh làm vỏ bọc thần học cho cuộc xâm lược của Nga, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga cho biết phương Tây sẽ 'biến thành tro bụi' nếu Nga thất bại trong chiến tranh
Putin và các cận thần của ông ta, kể cả Thượng Phụ Kirill, luôn cho mình là các Kitô Hữu chính hiệu. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn, xã hội Nga sau 70 năm sống dưới chế độ cộng sản về cơ bản vẫn là một xã hội vô thần. Vì thế, họ mới có khả năng gây ra những điều tàn ác khủng khiếp tại Ukraine. Điều trớ trêu là cả các tuyên truyền viên của Putin lẫn Thượng Phụ Kirill đều luôn cố gắng đưa ra các vỏ bọc thần học để che đậy sự tàn bạo của họ.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Host Says West Will Be 'Reduced to Ashes' if War Is Lost”, nghĩa là “Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga cho biết phương Tây sẽ 'biến thành tro bụi' nếu Nga thất bại trong chiến tranh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Một người dẫn chương trình truyền hình nhà nước của Nga đã nói rằng phương Tây sẽ bị “biến thành tro bụi” trong một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu nước này nhận thấy mình thua cuộc trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Người dẫn chương trình truyền hình Rossiya 1 Vladimir Solovyov tuyên bố Nga đang trong một cuộc “thánh chiến” chống lại Ukraine và phương Tây khi ông chỉ trích Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Solovyov nói: “Chúng ta đang sống trong những ngày sau hết. Những gì đang xảy ra ở Ukraine sẽ không chỉ gói gọn tại Ukraine. Một cuộc thánh chiến đang diễn ra. Chúng ta đang đấu tranh cho quyền của loài người được sống trong tình trạng ban đầu, như được thiết kế bởi Đấng Tạo Hóa.”
“Những kẻ ngốc đang cố gắng chiến đấu, họ không chống lại chúng tôi, họ đang gây chiến với Chúa. Trong trường hợp họ chiến thắng, kết thúc của họ là chắc chắn.”
“Khi tôi nói rằng hoặc chúng ta thắng, hoặc cả thế giới sẽ biến thành tro bụi, thì điều này cũng có một ý nghĩa khác. Làm sao loài người chiến đấu chống lại Thiên Chúa có thể tiếp tục tồn tại?”
Đoạn clip được chia sẻ bởi Russian Media Monitor, nơi chia sẻ bản dịch các bình luận của các nhà tuyên truyền Điện Cẩm Linh, vào ngày 17 tháng 12.
Solovyov - người đôi khi nghe thấy tiếng ho - đã ca ngợi Nga là người bảo vệ Kitô Giáo, một tuyên bố được đưa ra bởi những người ủng hộ Vladimir Putin, là người cho rằng phương Tây là suy đồi.
Solovyov nói thêm: “Hãy nhìn vào khuôn mặt của Zelenskiy. Hãy nhìn vào khuôn mặt của Biden, một kẻ hoàn toàn gian dối, xấu xa, đáng sợ.
“Ông ấy không giống Trump. Tại sao Trump không được ủng hộ? Bởi vì ông ấy hoàn toàn truyền thống, ít nhất là theo một số cách. Tính cách truyền thống của Trump kích động người ta ghét ông ấy.”
“Nếu bạn nghĩ về những gì đang xảy ra. Đó là chủ nghĩa Satan. Chúng hoàn toàn là ma quỷ, bạn không thể nói theo cách nào khác.”
Người dẫn chương trình truyền hình Nga, người thường xuyên thúc đẩy tuyên truyền ủng hộ Điện Cẩm Linh trong quá khứ, sau đó biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Tây Âu và Hoa Kỳ bằng cách tham khảo câu chuyện trong Kinh thánh về thành Sodom và Gomorrah.
Solovyov nói: “Khi mọi người cố gắng nói với tôi về việc liệu vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng hay không, tôi sẽ trả lời ngắn gọn và rõ ràng rằng 'bạn có nhớ phần này của lịch sử Kinh thánh không?' Sodom và Gomorrah?'“
Theo Kinh thánh, Thiên Chúa đã phá hủy hai thành phố thịnh vượng do sự xấu xa và gian ác của dân chúng.
Hai thành phố này đã được nhắc đến nhiều lần trong thời gian gần đây bởi những người coi các quốc gia hiện đại là suy đồi và đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa.
Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để xin bình luận.
Người dẫn chương trình truyền hình Nga thường xuyên đưa ra những lời đe dọa gián tiếp tới phương Tây kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ vào đầu năm nay.
Đầu tháng này, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga trên Rossiya 1 đã nói đùa về việc xâm lược các thủ đô phương Tây bao gồm London và Lisbon.
Trong clip, cả nhóm đã thảo luận về kế hoạch để Mạc Tư Khoa chiếm lấy London, bao gồm cả các câu lạc bộ bóng đá và quán rượu của thành phố này.
“Nếu chúng ta đến được Lviv, nó sẽ là của chúng ta. Nếu chúng tôi đến được Lisbon và London, chúng sẽ là của chúng ta”, một nhà tuyên truyền của điện Cẩm Linh cho biết.
Source:Newsweek
1. “Không có âm mưu” gì cả. Tổng thống Belarus Lukashenko bác bỏ đồn đoán về tập trận
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, hoạt động gần đây của các lực lượng vũ trang Belarus không nằm trong kế hoạch can dự vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
“Chúng tôi đã và đang có những cuộc tập trận. Bây giờ chúng mở rộng hơn vì tình hình hiện tại và các mối đe dọa. Do đó, chúng tôi đang tiến hành các cuộc tập trận trên lãnh thổ của mình”, ông Lukashenko cho biết như trên theo sau các chỉ trích của lãnh tụ đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, người cáo buộc Lukashenko đang bán đứng đất nước cho Nga.
Cô nói: “Belarus không phải là để bán buôn. Sự độc lập của chúng ta không phải có thể mua bán. Nhà độc tài Lukashenko không thể thay mặt người dân của chúng ta thực hiện các thỏa thuận—ông ta chỉ đại diện cho chính mình. Và ông ta sẽ không cứu được làn da của chính mình.”
Lukashenko bác bỏ các cáo buộc này và khẳng định: “Tất cả chỉ là tập trận, tất cả chỉ có thế. Không có ý định nào khác, không có âm mưu nào khác.”
Đầu tháng 12, Belarus đã công bố các cuộc tập trận quân sự cấp tốc trên khắp đất nước và một phái đoàn Nga do Tổng thống Nga Vladimir Putin dẫn đầu đã tới Belarus để gặp Lukashenko.
Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Putin có thể đã ép Lukashenko giúp mình trong cuộc chiến chống lại Ukraine. Belarus có chung đường biên giới dài 674 dặm với Ukraine.
Lãnh thổ Belarus đã được quân đội Nga sử dụng làm bàn đạp trong cuộc xâm lược vào tháng 2, nhưng quân đội nước này cho đến nay vẫn chưa tham gia vào cuộc xung đột.
Lukashenko cho biết các hoạt động chuyển quân gần đây là một phản ứng đối với tình trạng căng thẳng gia tăng.
Ông nói: “Chúng tôi không thể loại trừ khả năng gây hấn có thể được triển khai chống lại đất nước chúng tôi. Ít nhất, chúng tôi thấy sự sẵn sàng như vậy từ phía những người hàng xóm của chúng tôi.”
Các nhà tuyên truyền người Nga có vẻ không hài lòng với tuyên bố mới nhất của Lukashenko. Có vẻ như họ tin rằng Putin đã ép buộc được Lukashenko lao vào cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt là sau cái chết bất ngờ của Bộ Trưởng Ngoại Giao Belarus Vladimir Makei. Lukashenko tỏ ra nhượng bộ khi Putin sang thăm Belarus và đang tìm cách thoái thác những cam kết của mình.
Hôm thứ Hai 19 tháng Hai, Lukashenko đã làm Putin ngớ người ra khi tuyên bố rằng ông ta và Putin là hai tên gian ác nhất trên đời. Nhiều người Nga tin rằng ông ta muốn chửi sỏ Putin trong cuộc họp báo chung.
Ông ta nói: “Các bạn biết đấy, hai chúng tôi là những kẻ đồng xâm lược, những kẻ nguy hiểm và độc hại nhất trên hành tinh này,” Lukashenko nói trong khi Putin ngồi bên cạnh.
2. Lukashenko tự gọi mình, và Putin là 'Những người có hại và độc hại' nhất trên trái đất
Sau khi Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei bị đột tử, mà nhiều người cho rằng là do người Nga gây ra nhằm cảnh cáo nhà độc tài Alexander Lukashenko và thúc giục ông ta phải đưa quân tham gia cuộc xâm lược Ukraine, đã có nhiều chuyến viếng thăm của quan chức Nga đến Belarus. Cao điểm của các chuyến viếng thăm này là cuộc gặp gỡ hôm thứ Hai tại Minsk, thủ đô của Belarus giữa Putin và Lukashenko. Cuối các cuộc hội đàm này, Lukashenko tuyên bố rằng mình, và Putin là 'Những người có hại và độc hại' nhất trên trái đất. Chi tiết này củng cố tin tưởng của các quan sát viên rằng, một khối trục đã được hình thành, bao gồm Nga và Belarus, và có thể có cả Iran. Nhiều người bi quan cho rằng thế chiến thứ ba là không thể tránh khỏi.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Lukashenko Calls Himself, Putin Most 'Harmful and Toxic People' on Earth”, nghĩa là “Lukashenko tự gọi mình, và Putin là 'Những người có hại và độc hại' nhất trên trái đất.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đưa ra một bình luận vào hôm thứ Hai trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đã thu hút thêm một số sự chú ý.
“Bạn biết đấy, hai chúng tôi là những kẻ đồng xâm lược, những kẻ nguy hiểm và độc hại nhất trên hành tinh này,” Lukashenko nói trong khi Putin ngồi bên cạnh. “Chúng ta chỉ có một tranh luận với nhau—ai lớn hơn. Vladimir Vladimirovich Putin nói tôi lớn hơn, tôi bắt đầu nghĩ rằng anh ấy mới đúng là lớn hơn, vì vậy chúng tôi đã quyết định cùng nhau. Giống nhau. Tất cả như nhau.” Tiếp đó, trong một diễn biến gây ngỡ ngàng, Lukashenko tự gọi mình, và Putin là “những người có hại và độc hại” nhất trên trái đất.
Đoạn clip dài 20 giây được cố vấn nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko đăng lên Twitter. Lukashenko và Putin gặp nhau ở Minsk, Belarus, lần đầu tiên sau ba năm. Tất cả các cuộc gặp trước đó đều diễn ra ở Mạc Tư Khoa.
Cuộc gặp hôm thứ Hai diễn ra sau nhiều tuần đồn đoán về vai trò tương lai của Belarus, nếu có, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nó cũng xảy ra chỉ vài ngày kể từ khi Lukashenko dường như ngụ ý rằng đất nước của ông có thể đã rơi vào thảm trạng hiện nay của Ukraine nếu không nhờ tình bạn của ông với Putin.
Kể từ khi Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Belarus đã nổi lên như một trong những đồng minh chiến lược thân cận nhất của Nga khi Putin phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Lukashenko đã công khai ủng hộ nhà lãnh đạo Nga, thậm chí cho phép quân đội Nga tiến vào Ukraine từ biên giới Belarus-Ukraine, giúp tiếp cận gần hơn với thủ đô Kyiv.
Mặc dù ban đầu được các quan chức Belarus và Nga lên kế hoạch là một cuộc họp để thảo luận về kinh tế và các biện pháp trừng phạt do cuộc xâm lược gây ra, nhưng người ta cho rằng đây là một nỗ lực của Nga nhằm ép buộc Belarus can thiệp quân sự.
Lukashenko nói rằng Belarus và Nga đã xoay sở để đối phó với tất cả các mối đe dọa bất chấp áp lực do đại dịch COVID-19, các lệnh trừng phạt và các cuộc khủng hoảng khác, hãng truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin hôm thứ Hai.
Lukashenko nói: “Việc tăng cường quan hệ Belarus-Nga đã trở thành một phản ứng tự nhiên đối với tình hình đang thay đổi trên thế giới, trong đó sức mạnh của chúng tôi liên tục bị thử thách. Tôi tin rằng, mặc dù có một số điểm khó khăn, chúng tôi vẫn có thể tìm ra những phản ứng hiệu quả đối với các thách thức và các mối đe dọa khác nhau.”
TASS đưa tin rằng phần đầu tiên của cuộc họp hôm thứ Hai bao gồm các phái đoàn từ hai nước. Trong số các quan chức có mặt có Phó Thủ tướng Nga Alexey Overchuk, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, trợ lý Điện Cẩm Linh Yury Ushakov, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov và Giám đốc điều hành Roscosmos Yury Borisov.
Peskov được cho là đã nói trước cuộc gặp Putin-Lukashenko rằng hai người sẽ thảo luận về các vấn đề quân sự, các vấn đề khu vực và quốc tế. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp Ngoại trưởng Belarus Sergey Aleinik để thảo luận về Ukraine và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt.
Cuộc họp kéo theo cuộc trò chuyện về các vấn đề song phương khác, bao gồm cả “sự quan tâm đặc biệt” dành cho việc thực hiện cái gọi là các chương trình của Nhà nước Liên minh nhằm hội nhập kinh tế của cả hai quốc gia.
“Các bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực, bao gồm cả tình hình xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga viết. “Họ tái khẳng định quyết tâm phối hợp các bước trên nền tảng quốc tế và nỗ lực chống lại áp lực trừng phạt chính trị và bất hợp pháp mà Nga và Belarus đang phải đối mặt từ các quốc gia không thân thiện.”
Sau cái bắt tay thân mật giữa Putin và Lukashenko, nhà đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya đã tweet rằng Belarus “không phải để ai muốn bán thì bán”.
“Belarus không phải là để bán buôn. Sự độc lập của chúng ta không phải có thể mua bán,” cô viết. “Nhà độc tài Lukashenko không thể thay mặt người dân của chúng ta thực hiện các thỏa thuận—ông ta chỉ đại diện cho chính mình. Và ông ta sẽ không cứu được làn da của chính mình.”
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, hồi đầu tháng này cho biết trong một báo cáo rằng Belarus “rất khó có khả năng” can dự vào cuộc chiến Nga-Ukraine.
ISW viết: “Belarus thiếu khả năng sản xuất xe chiến đấu bọc thép của riêng mình khiến việc chuyển giao thiết bị này cho lực lượng Nga vừa là hạn chế trong hiện tại vừa có thể là lâu dài đối với năng lực vật chất của Belarus để đưa lực lượng cơ giới tham gia chiến đấu ở Ukraine”..