Ngày 23-12-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:26 23/12/2011
ĐỨC TÍNH TỐT ĐẸP là NHÀ PHÁT MINH
N2T

Ngày chủ nhật nọ, đức giám mục quỳ trước bàn thờ, do lúc ấy vì xúc động nên đấm ngực nói: “Con là người tội lỗi, xin Chúa thương xót. Con là người tội lỗi, xin Chúa thương xót !”
Cha sở tận mắt nhìn thấy gương khiêm tốn ấy, lòng cảm động sâu xa bèn quỳ xuống bên cạnh đức giám mục, bắt đầu đấm ngực nói: “Con là kẻ tội lỗi, xin Chúa xót thương. Con là kẻ tội lỗi xin Chúa xót thương !”
Vừa lúc ấy ông từ ở trong nhà thờ thấy vậy cũng rất là cảm động, không thể kiềm chế mình, thế là ông ta bèn quỳ xuống, đấm ngực nói: “Con là kẻ có tội, xin Chúa xót thương.”
Đức giám mục vừa nghe bèn dùng cùi chỏ khều nhẹ cha sở tay chỉ ông từ, mĩm cười nói: “Cha coi ông đó cũng tự cho mình là người có tội.”

Suy tư:
Khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức, nó cũng là “máy phát” ra các nhân đức khác, và cũng tỏa sáng cho người khác để họ nhận ra được tội lỗi của mình.
- Một đức giám mục quỳ gối đấm ngực xin Chúa thương xót thì ngài là một nhà phát minh đại tài: phát minh ra các nhân đức khác nơi các linh mục.
- Một linh mục khiêm tốn hòa nhã với mọi người, thì ngài là một nhà phát minh ra nhân đức hiền lành nơi mọi người.
- Một cha sở hiền lành khiêm tốn, vui vẻ hòa nhã với mọi người, thì ngài là nhà phát minh ra nhân đức bác ái, đoàn kết và yêu thương trong giáo xứ của ngài.
- Một tu sĩ khiêm tốn phục vụ, là các vị ấy đã phát minh ra nhiều tâm hồn biết phục vụ nơi người khác.
- Một giáo dân có đức tính nhiệt thành vì Chúa Giê-su và vì Giáo Hội, là họ đã phát minh ra hàng loạt tấm gương phục vụ vô vị lợi nơi các người khác.
Các đức tính tốt đẹp thì thường đem lại hiệu quả rất cao trong đời sống cộng đoàn và trong việc phục vụ tha nhân, mà đức khiêm nhường chính là “nhà máy” phát sinh ra các nhân đức và đức tính tốt đẹp khác vậy.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ Giáng Sinh (Lễ Đêm)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:28 23/12/2011
LỄ GIÁNG SINH
(Thánh Lễ Đêm)

Tin mừng : Lc 2, 1-14.
“Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em”.


“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

Lễ đêm Giáng Sinh, người Công Giáo Trung Quốc gọi là Đêm Bình An.

Tên gọi rất có ý nghĩa, và quả thật là như vậy, vì đêm Bình An chính là đêm mà Con Thiên Chúa đã làm người vì yêu thương nhân loại.

Đêm nay được gọi là Đêm Bình An, vì là đêm đánh dấu một kỉ nguyên mới cho nhân loại: kỉ nguyên của tình yêu.
Đêm Bình An có các thiên thần bởi trời xuống hát mừng và loan báo tin vui cứu độ cho người nghèo, người công chính...
Đêm Bình An có ánh sao lạ dẫn đường cho muôn dân nhận biết dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người.
Đêm Bình An là đêm mà trời hoan ca và đất hát mừng, vì tất cả đều được đổi mới bởi Đấng Làm Người.
Đêm Bình An người người vui mừng, vì ơn cứu độ đã đến...

Đêm nay, toàn thể nhân loại, không phân biệt màu da tín ngưỡng đều hoan ca vui vẻ và hát mừng Thiên Chúa Giáng Sinh, từ các cửa hàng sang trọng cho đến các sạp buôn bán nhỏ, chúng ta đều thấy được không khí của Bình An, của Hoà Bình, người người chen chúc mua sắm mùa giáng sinh, trên khuôn mặt mỗi người đều rạng lên nét hân hoan và nếu quan sát kỉ, chúng ta sẽ thấy hình như tâm hồn của họ đổi thay, mà cái đổi thay dễ thấy nhất chính là họ rất dễ dàng thông cảm bỏ qua những lỗi lầm cho nhau, bởi vì tâm hồn họ tràn ngập sự bình an của ngày Giáng Sinh.

Đêm nay là Đêm Bình An, là đêm của Hoà Bình, bởi vì như lời tiên tri Ê-li-a nói: “Một trẻ thô chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta, danh hiệu Người là Cố Vấn kì diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, thủ Lãnh hoà bình” (Is 9, 5). Trẻ thơ ấy chính là Chúa Giê-su, Ngài là ánh sáng chiéu soi đêm tối, đem lại cho đêm một sự bình an.

Bóng tối là tội lỗi, là chết chóc, là thù hận; ánh sáng là bình an, là sự sống, là tình yêu, đi trong ánh sáng, chúng ta thấy anh chị em mình cũng có những ưu điểm hơn mình, đi trong ánh sáng, chúng ta cũng rất dễ dàng nhìn thấy những thói hư tật xấu của chúng ta, vì ánh sáng chiêu soi cho cả người tốt cũng như người không tốt. Ánh sáng đã chiếu soi trần gian từ rất lâu rồi, nhưng vì cứ mãi mê trong những ánh đèn mờ của hưởng thụ và thích những nơi tăm tối, nên nhân loại vẫn chưa nhận ra được ánh sáng đích thực đang chiếu soi trên trần thế, ánh sáng ấy chính là Đức Giê-su Ki-tô.

Đêm nay là Đêm Bình An, là đêm mà ma quỷ và mọi thế lực của nó đều sững sờ kinh ngạc, vì ánh sáng đã đến, vị cứu tinh nhân loại đã đến để xua tan bóng đêm thống trị địa cầu, ánh sáng ấy chính là Đức Ki-tô.

Mừng Chúa Giáng Sinh cũng có nghĩa là mừng Ơn Cứu Độ đã đến, chúng ta –những người Công Giáo- đã chuẩn bị cho việc giáng trần của Con Thiên Chúa trong những ngày tháng của mùa vọng, chúng ta chuẩn bị tâm hồn theo lời mời gọi của thánh Gioan Tiền Hô: sửa đường lối cho ngay thẳng, tức là sửa đổi cuộc sống của minh cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm; chúng ta cũng chuẩn bị tâm hồn như Đức Trinh Nữ Ma-ri-a: sống phục vụ người thân cận với tất cả tâm tình khiêm tốn. Và giờ đây chúng ta đang vui mừng hân hoan kỷ niệm Con Thiên Chúa làm người đang chọn tâm hồn của mình thành nơi sinh hạ của Ngài.

Đêm Bình An rồi cũng sẽ qua đi, và con người sẽ trở lại với công việc thường ngày của mình, nhưng chúng ta quyết tâm biến mỗi giây phút của mình trở thành đêm Bình An, nghĩa là chúng ta sống thật hoà bình với người thân cận của chúng ta. Sống thật hoà bình tức là diễn tả lại việc Con Thiên Chúa làm người cho mọi người thấy, đó chính là lòng khiêm hạ của một tâm hồn đầy ắp tình yêu thương của Thiên Chúa...
--------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ Giáng Sinh (Lễ ban ngày)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:34 23/12/2011
THÁNH LỄ BAN NGÀY

Tin Mừng: Ga 1, 1-18
“Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, và cư ngụ giữa chúng ta”


Thiên Chúa đã trở thành con người, có nghĩa là Thiên Chúa đã trở nên con người như chúng ta, Ngài đã trở thành anh em, chị em của chúng ta, ở giữa chúng ta mà chúng ta không nhận ra Ngài như lời của thánh Gioan Tông Đồ nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”.

Chúng ta không nhận ra Ngài, bởi vì chúng ta cứ tưởng Ngài là một vị Thiên Chúa cao xa không với tới được; chúng ta không nhận ra Ngài ở giữa chúng ta, bởi vì chúng ta cứ mãi mê tìm kiếm Ngài trong những nhà thờ tráng lệ nguy nga đồ sộ vào những ngày chủ nhật hay lễ trọng; chúng ta không nhận ra Ngài, vì chúng ta cứ tưởng Ngài chỉ đến lại lần thứ hai của ngày tận thế mà thôi...

“Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, và cư ngụ giữa chúng ta” . Ngài cư ngụ giữa chúng ta khi chúng ta dư sức nhận ra và đón tiếp Ngài nhưng chúng ta lại không đón tiếp Ngài, Ngài ở đó bơ vơ không nơi nương tựa vì trận lụt tháng trước đã cuốn trôi mất nhà cửa và bố mẹ của mình; Ngài đang đứng đó, nơi các cửa hàng sang trọng có rất nhiều người sang trọng đi vào đi ra, trong đó có tôi, mà tôi không nhận ra Ngài, tôi chỉ thấy có rất nhiều người ăn xin nghèo nàn rách rưới đang ngữa tay xin bố thí mà thôi; Ngài đang đi đến với tôi, với anh và với chị, nhưng chúng ta đều xua đuổi Ngài, vì hôm qua tôi bận lu bù cho việc trang hoàng nhà thờ để đón Ngài nên không có thời giờ để đón tiếp Ngài, vì hôm qua anh và chị bận đi mua sắm quà giáng sinh để tặng người thân nên không có thời gian để chào đón Ngài...

Ngài đứng đó, ở giữa chúng ta, nhưng chúng ta không thèm để ý đến Ngài đang cần chúng ta bố thí cho vài đồng bạc lẻ để mua củ khoai ăn trong đêm Ngài giáng trần, Ngài ở giữa chúng ta khi chúng ta mãi mê chuẩn bị làm cho Ngài những hang đá lộng lẫy tốn kém tiền bạc mà không nghĩ rằng, Ngài đang cần cóm ăn áo mặc hơn là những thứ ấy...

Nhân loại ngày càng văn minh, thì những hang lừa máng cỏ sẽ trở thành hiện đại và vui mắt, nhưng tâm hồn của con người thì càng xa Chúa hơn, bởi vì người ta thường hay gán cho Ngôi Lời đã trở thành xác phàm một hình hài bên ngoài sang trọng, mà quên mất rằng, Ngài đã trở nên xác phàm như chúng ta, Ngài cũng đang cần cơm ăn áo mặc, Ngài cũng đang cần có công ăn việc làm, Ngài cũng đang cần một xã hội công bằng hơn, Ngài chính là tất cả những ai có tâm hồn công chính, Ngài chính là tất cả những ai đang bị người anh em chị em mình áp bức, Ngài là những người đang lang thang đầu đường xó chợ để kiếm ăn... Ngài đã đến, nhưng chúng ta đã từ chối Ngài...

“Lạy Chúa Giê-su, chúng con đang tưng bừng chào đón mừng ngày Chúa giáng trần, trong nhà thờ, bên ngoài nhà thờ chúng con trang hoàng rất đẹp, nơi hang đá thì càng đẹp lộng lẫy hơn, ai cũng khen chúng con có tài trang hoàng hang đá, ai cũng khen chúng con có con mắt nghệ thuật... chúng con rất vui.
Nhưng thánh lễ đêm vừa kết thúc, ai nấy ra về vui đêm giáng sinh với người thân của họ, thì hang đá lộng lẫy chẳng còn ý nghĩa gì nữa cả, ngày mai người ta sẽ không còn háo hức đi lễ để coi hang đá nữa.
Và con nghe Chúa nói với con rằng: “Hang đá mà Ta ưa thích nhất chính là tâm hồn của mỗi người, tại sao con không dạy các tín hữu của con hãy đem tâm hồn của mình trở thành hang đá cho Ta sinh ra, bởi vì những hang đá ấy đã được thánh hiến trong bí tích Rửa Tội, nếu tâm hồn họ trở thành hang đá cho Ta sinh ra, thì gia đình họ cũng sẽ trở thành những hang đá rất dễ thương, rất đẹp đẽ, đó là điều mà Ta muốn nơi họ... ?”

Lạy Chúa, xin làm cho tâm hồn của mỗi người chúng con trở thành những hang đá sống động cho Chúa sinh ra và cư ngụ. Amen.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:35 23/12/2011
N2T

32. Sống chính là cùng ở với Chúa Giê-su, ở đâu có Chúa Giê-su thì ở đó có cuộc sống, ở đó chính là thiên đàng.

(Thánh Jerome)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:47 23/12/2011
TRIỂN LÃM HANG ĐÁ
Đứa em vừa đi coi “đường” hang đá bên quận 8 thành phố Sài Gòn về khoe với anh:
- “Đẹp, quá đẹp các nhà thờ ở trong thành phố không có hang đá nào đẹp như bên đó, người đi coi đông ơi là đông”.
Người anh nói:
- “Chắc tốn nhiều tiền lắm”.
- “Khỏi phải nói, em nghe nói cái hang đá “nghèo nhất” cũng khoảng năm triệu đồng trở lên…”
Người anh nói thầm: không biết Chúa buồn hay vui, vì số tiền bỏ ra để làm hang đá ấy, có thể giúp cho rất nhiều hài nhi Giê-su con nhà nghèo trong các con hẽm của quận 8 này.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Đêm Ánh Sáng
GM. Giuse Vũ Duy Thống
23:41 23/12/2011
ĐÊM ÁNH SÁNG

Ngày 25/12/354, lần đầu tiên Giáo Hội công giáo mừng lễ Giáng Sinh với tất cả niềm vui hợp pháp đạo đời. Thực ra trước đó khá lâu, dù chưa được chính quyền Roma công nhận, tín hữu đã âm thầm mừng lễ Giáng Sinh vào ngày đông chí, tức là dịp mừng mặt trời xuất hiện sau đêm đông dài nhất; nhưng từ khi hoàng đế Roma là Constantin gia nhập công giáo, lễ Giáng Sinh đã được công khai mừng kính và nhất là với tông sắc của Đức Giáo Hoàng Liberius, ngày 25/12 đã trở thành ngày mừng Chúa Giáng Sinh từ đó cho đến hôm nay. Vì lý do lịch sử ấy, người ta rất tự nhiên chuyển những nghi thức bên đời mừng ánh sáng vươn lên giữa đêm đông vào trong tổ chức của lễ Giáng Sinh bên đạo, và cũng vì thế có hàng loạt những trưng bày ánh sáng sao đèn giăng mắc, từ tư gia đến công sở, từ nhà thờ đến công viên và ngay cả dưới mái hiên của các cửa hàng thương mại nữa. Giáng Sinh là lễ của ánh sáng và đêm nay cũng được gọi là đêm ngập tràn ánh sáng.

1. Ánh sáng hồng ân

Nếu dọc dài mùa Vọng, sắc phục của phụng vụ là màu tím của kiên bền chờ đợi, thì sắc phục hôm nay lại vui tươi bừng sáng. Cả lịch sử Dân Chúa, từ khi nguyên tổ sa ngã cho tới ngày Chúa Giêsu sinh ra, được dệt bằng màu tím trông mong mòn mỏi của bao thế hệ. Bởi vì hạnh phúc địa đàng Chúa ban quá lớn đã bị mất đi và cũng vì con người không thể tự mình vùng vẫy thoát ra được, nên phải trông chờ nguồn ơn trên cao đổ xuống. Công trình sáng tạo là cuộc giao duyên trời-đất: Thiên Chúa dựng nêncon người giống hình ảnh Ngài. Hồng ân vĩ đại. Nhưng một khi làm mất rồi có xoay xở cách mấy đi nữa cũng chẳng thể vớt vát được. Tiếc hùi hụi. Đã có nỗ lực như xây tháp Babel chọc trời mà nào có xong. Thành thử thái độ duy nhất tương ứng là đợi ơn trên ban cho, do Chúa nghiêng trời ngự xuống. Chả thế mà lời kinh thống thiết diễn tả nỗi lòng thấu đến trời xanh chính là “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời”.

“Thiên Chúa đã sáng tạo con người cách lạ lùng, nhưng Ngài còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”. Thánh Augustinô đã cảm nhận như thế và Mùa Giáng Sinh cũng sử dụng tâm tình này như là kinh nguyện của mình. Cuộc giao duyên trời-đất giữa Thiên Chúa và loài người bị cắt đứt nay đã được nối lại: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã chào đời cho chúng ta”. Đó là sáng kiến do tình thương của Thiên Chúa chứ không do áp lực mong chờ của nhân loại. Đó là hồng ân Chúa ban cho muôn người và đó cũng là Aùnh sáng giáng sinh xua đi đêm dài tăm tối trải dài bao ngàn năm lịch sử. Vì thế đêm nay chính là đêm của ánh sáng hồng ân như trong nhãn giới của bài đọc một: “Dân đi trong u tối đã nhìn thấy ánh sáng”.

2. Ánh sáng cứu đời

Nhưng Hài Nhi giáng sinh trong đêm hồng phúc với ánh sáng thắp lên muôn nơi, dẫu mang lấy hình hài bé bỏng mỏng giòn trẻ thơ, lại chẳng phải là siêu nhân quyền phép biến hóa như trong truyện phù thủy Harry Potter nổi tiếng, hay là thần tiên giáng thế như trong truyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, mà là Ngôi Lời nhập thể, Con Thiên Chúa làm người. Ngài đến với thế giới không theo kiểu du hành của các nhà thám hiểm vũ trụ, hết thời hạn bay quy định là phải quay về trái đất; cũng không theo kiểu vi hành của mấy vị hoàng đế trong truyện nghìn lẻ một đêm, cải trang thành thường dân trà trộn vào ngõ ngách cuộc sống để quan sát sự tình, mong tìm thêm chất liệu cười đùa cho ngày sẽ tới; mà theo kiểu riêng của Ngài là đồng hành với con người, đón lấy thân phận con người trong mọi sự ngoại trừ sự tội, để cứu gỡ con người khỏi vòng tội lỗi và chết chóc. Để cứu thế, Thiên Chúa nhập thế; để cứu người, Thiên Chúa làm người.

Thánh Kinh bảo rằng Ngài đến viếng thăm dân mình, nhưng không phải kiểu thăm xã giao của tiếng chào mâm cỗ, mà một lần đến thăm là thực thi cho bằng được công cuộc cứu rỗi đã hứa từ xưa, cho dẫu có phải gánh chịu những nghiệt ngã của phận số và thời cuộc. Hang đá bây giờ quá đẹp quá sang, chứ hang đá đích thực nơi Con Chúa ra đời thì hẩm hiu lắm. Chuồng bò, hang chiên mà. Nhưng đó chính là điểm khởi đầu của công trình tái tạo thế giới, giải thoát mọi người. Con Thiên Chúa đã làm người để con người được nhận lại phẩm giá làm con Chúa. Qua lời thiên thần báo, mục đồng biết: Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh; và trong lời thiên thần hát, mọi người hiểu: trời cao Thiên Chúa vinh quang, thế trần nhân loại hát vang hòa bình. Vì thế, đêm nay, đêm của ánh sáng xua đi bóng tối cũng là đêm của Đấng là ánh sáng đem lại ơn giải thoát cho muôn người.

3. Ánh sáng niềm vui

Và như kết quả tất yếu của hồng ân, nhất là hồng ân cứu đời, đêm nay rất tự nhiên đem lại cho mọi người niềm vui hạnh phúc. Người công giáo thì khỏi nói, như chúng ta đêm nay quy tụ lại đây mừng Chúa Giáng Sinh, ai cũng rạng rỡ vui tươi, ai cũng hân hoan thanh thản dâng lời ca hát trong ánh sáng Noel. Những người lương cũng được mời gọi chia sẻ trong niềm vui cộng hưởng này. Các nhân sự phục vụ xã hội trong những ngày qua đã đến Tòa Giám Mục mừng Giáng Sinh và hân hoan gửi lời cầu chúc an lành đến tất cả bà con giáo dân. Đây quả là niềm vui đặc biệt không chỉ dừng lại trên hàng chữ “Chúc Mừng Giáng Sinh” bằng mọi ngôn ngữ, mà trên hết và trước hết là niềm vui trọng đại như lời thiên thần báo tin trong bài Phúc Âm: “Ta báo cho anh em một tin mừng, một niềm vui trọng đại cho toàn dân: hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh”.

Niềm vui trọng đại vì liên quan đến lịch sử mọi dân tộc, cả quá khứ hiện tại lẫn tương lai; niềm vui trọng đại vì ảnh hưởng đến vận mạng của muôn người trần thế, và niềm vui trọng đại cũng còn vì thỏa đáp lại nguyện vọng của bao thế hệ. Hài nhi trong máng cỏ chính là Đấng cứu nhân độ thế, nên ánh sáng đêm nay chan hòa niềm vui và niềm vui đêm nay ngoài tính cách trọng đại của bầu khí lễ nghi cũng còn mang tính hiện đại nữa. Mỗi tín hữu chúng ta, khi biết chia sẻ ánh sáng cho những mảnh đời tối tăm, khi biết an ủi cho những cảnh sống sầu buồn, khi biết nâng đỡ, giúp đỡ và bênh đỡ những người trong cơn khốn khó cả vật chất lẫn tinh thần, thiết nghĩ, đó là lúc chúng ta biết tích cực nhận lấy ánh sáng vui tươi đêm nay và rồi biết khai triển niềm vui ánh sáng Giáng Sinh ấy thành quà tặng gửi trao cho những người chung quanh mình.

Đó là ba tư tưởng nhỏ về ý nghĩa lớn của đêm nay, đêm ánh sáng, từ ánh sáng hồng ân đến ánh sáng cứu độ và đậu lại trên ánh sáng niềm vui; cũng là ánh sáng mà tín hữu, tùy thuộc thái độ sống Tin Mừng của mình, có thể góp phần làm cho hội tụ, khuyếch tán hoặc khúc xạ.

Xin hồng phúc của Chúa Hài Đồng cũng như hạnh phúc của Mùa Giáng Sinh đến với mọi người và xin cho mỗi người với hoàn cảnh sống cũng như với bậc sống hiện tại, biết nỗ lực trở thành tông đồ của ánh sáng niềm vui Giáng Sinh cho mọi người ta gặp gỡ.

+ GM Giuse Vũ Duy Thống
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
''Mầu nhiệm Giáng Sinh'' theo thánh nữ Edith Stein
Nguyễn Trọng Đa
09:33 23/12/2011
"Mầu nhiệm Giáng Sinh" theo thánh nữ Edith Stein

Bài viết của Nhà văn Eric De Rus

Sự ra đời của Đấng Cứu Chuộc và tính hợp thời của nó

ROMA - "Lễ Giáng sinh là sự khởi đầu của một cuộc phiêu lưu, vốn không gì khác hơn là cuộc phiêu lưu của ân sủng trong đời chúng ta”: việc đọc "Mầu Nhiệm Giáng sinh" này và tính hợp thời của nó cho chúng ta, theo trường phái Edith Stein (1891-1942, được phong thánh năm 1998), vị thánh Dòng Cát Minh người gốc Do thái - Têrêsa Bênêđícta Thánh Giá - đã bị giết trong trại tập trung Auschwitz vào năm 1942, được Eric de Rus, Giáo sư thạc sĩ Triết học trong giáo dục Công Giáo (Rueil Malmaison) viết dành cho độc giả hãng tin Zenit cho mùa Giáng sinh này.

Là nhà văn, ông đã xuất bản hai cuốn tập thơ, và các tiểu luận về tư tưởng của Edith Stein và con đường nghệ thuật của bà.

"Mầu nhiệm Giáng sinh"

Năm 1931, ở Ludwigshafen (Đức), nhà triết học Công Giáo Edith Stein đã có bài nói chuyện về chủ đề Mầu nhiệm Giáng Sinh. Bài suy tư này mở chúng ta cho chiều sâu đáng kinh ngạc của mầu nhiệm Chúa Cứu thế ra đời và tính hợp thời của nó, trong đời ta và cho thế giới.

Edith Stein đặt chúng ta ngay lập tức trong sự chiêm ngắm "Hài nhi mang hoà bình cho trái đất". Nhưng chúng ta đừng để bị lừa: ngôi sao tỏa sáng, trên cao và tinh khiết trong đêm Giáng sinh, cho chúng ta ý nghĩa rằng việc Ánh sáng đến giữa chúng ta không được tiếp nhận ngay lập tức do bề dày của tội lỗi. Lễ Giáng Sinh chính là mầu nhiệm lớn của Tình yêu được gieo trong bóng tối, và cuối cùng đã chiến thắng! "Đây là một sự thật khó khăn và nghiêm trọng, mà hình ảnh thơ mộng của Hài nhi nằm trong máng cỏ không che khuất chúng ta được".

Edith Stein giải mã độ sáng của ngôi sao, được các mục đồng đi theo trong đêm, như một lời mời gọi, vốn phải rẻ đường đi một cách đau đớn trong lòng chúng ta. Bởi vì Giáng sinh đã là cái quý nhất của lời Chúa mời gọi, mà các môn đệ Chúa Kitô sẽ nghe vang vọng: “Hãy theo tôi". Và nói thêm: "Chúa cũng nói lời này với chúng ta, và đặt chúng ta trước sự chọn lựa giữa ánh sáng và bóng tối".

Nói cách khác, Lễ Giáng sinh là sự khởi đầu của một cuộc phiêu lưu, vốn không gì khác hơn là cuộc phiêu lưu của ân sủng trong đời chúng ta. Edith Stein đã học ở trường các bậc thầy Dòng Cát Minh, nhất là thánh nữ Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá, rằng ân sủng muốn triển khai trong chúng ta như một hạt giống sự sống, vốn biến đổi chúng ta bằng cách làm cho chúng ta hiệp thông vào sự Sống của chính Thiên Chúa. Và chính xác là trong Chúa Giêsu mà mầu nhiệm này hoàn tất, Đấng mà chúng ta, qua phép rửa tội, trở thành các thành viên sống động của Thân Thể Người, đó là Giáo Hội.

Vì vậy, phần tiếp theo của bài suy niệm của Edith Stein nhấn mạnh đến các dấu hiệu cơ bản của đời sống con người hiệp nhất với Thiên Chúa: lòng bác ái với tha nhân, -“dù là bà con hay không, dù chúng ta thấy người ấy có thiện cảm hay không, dù người ấy có xứng đáng về mặt đạo đức để chúng ta giúp đỡ hay không” - và việc đặt ý chúng ta vào tay Thiên Chúa. Làm theo ý Chúa là “đặt tay chúng ta vào tay Chúa Hài nhi", theo gương Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse và tất cả các thánh.

Trong sự chiêm niệm về Chúa Hài nhi, Edith Stein lôi kéo chúng ta đi trên đường của sự nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và mầu nhiệm cứu độ. Bởi vì đón nhận Chúa Hài nhi là tham gia vào sự sẵn sàng nền tảng của Trái Tim Chúa Kitô, vốn hoàn toàn đặt trong Chúa Cha với trọn tình yêu thương, như người con dấu ái của Ngài, trong niềm tin tưởng "không hề lay chuyển”.

Vì vậy, thách thức của Giáng sinh là để cho ân sủng "làm thấm sự sống của Chúa cho toàn cuộc đời con người". Điều này giả thiết “sống mỗi ngày trong mối quan hệ với Thiên Chúa" bằng cách lắng nghe lời Chúa, cầu nguyện nội tâm, và cầu nguyện phụng vụ, có đời sống bí tích. Tại trường học của Chúa Hài nhi, chúng ta học sống “làm con Chúa”, để "sinh ra cho sự sống bao la của Chúa Kitô". Đây là "con đường mở ra cho mỗi người chúng ta, cho toàn nhân loại”.

Trong bài nói chuyện của Edith Stein, chúng ta tìm thấy lần nữa nhà mô phạm và nhà hiện tượng học, ngài giáo dục cái nhìn nội tâm của chúng ta. Ở đây, cần giải mã dưới sự dường như vô nghĩa của máng cỏ sự vĩ đại một lời mời gọi bao la: lời mời gọi dự phần vào "công cuộc vĩ đại của Đấng Cứu Chuộc".

Nếu Giáng Sinh là lễ của niềm vui, đó bởi vì niềm vui là một chuyển động lôi kéo chúng ta đi ra khỏi chính mình. Việc suy niệm về Chúa Giêsu trong máng cỏ thực hiện chính xác sự đi ra khỏi chính mình như thế. Sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp tiềm ẩn của Chúa Cứu thế giải thoát chúng ta khỏi chính mình, và mở chúng ta ra cho thế giới, vốn chờ đợi chúng ta loan báo Chúa, qua cuộc sống của chúng ta, là “Ánh sáng bất diệt, là Tình yêu và Sự sống”.

Edith Stein có một người bạn gái rất thân mến, đó là nữ thi sĩ và người kháng chiến Đức Gertrud von le Fort. Một cách thật đẹp, nhà thơ này tóm tắy lời mời gọi trên, mà lễ Giáng sinh làm rung chuông trong lòng mỗi Kitô hữu: "Hãy hát lời này trong sự chờ đợi bình minh, hãy hát dịu dàng, thật dịu dàng vào tai của bóng tối trần gian!”.

Một số tác phẩm của Eric Rus:

« Intériorité de la personne et éducation chez Edith Stein » (Cerf, 2006);

« L'art d'éduquer selon Edith Stein : Anthropologie, éducation, vie spirituelle » de Eric de Rus et Marguerite Léna (Cerf, 2008);

« La personne humaine en question : Pour une anthropologie de l'intériorité » de Eric De Rus (Cerf, 2011).

Về Edith Stein, người ta cũng có thể đọc:

« La crèche et la Croix » (Ad Solem, 1995)

Cécile Rastoin, « Edith Stein (1891-1942). Enquête sur la source » (Cerf, 2007)

(ZENIT.org 22-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Hơn 2 tỷ Ki tô hữu trên thế giới
Giuse Nguyễn Thụ Nhân
09:44 23/12/2011
Hơn 2 tỷ Ki tô hữu trên thế giới

Theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Mỹ xuất bản, con số Ki tô hữu trên thế giới tăng đều đặn nhưng việc phân bố về mặt địa lý đã thay đổi sâu sắc.

Người Ki tô hữu bao gồm 2/3 số tín đồ, đứng trước người Hồi giáo.

Một nửa trong số 2,2 tỷ Ki tô hữu được thống kê là Công giáo, 37% là Tin Lành và 12% là Chính thống giáo.

Những ý kiến của những người có xu hướng cho rằng số Ki tô hữu trên thế giới giảm sút nghiêm trọng thì đây là một đòn trí mạng đối với họ.Theo một nghiên cứu đồ sộ được công bố ngày 19.12.2011 của Diễn đàn PEW, Viện nghiên cứu Mỹ, gần 1/3 dân số thế giới là Ki tô hữu, là nhóm tín đồ đứng hàng đầu thế giới, chiếm 2,2 tỷ người, đứng trên “xa” người Hồi giáo

Số Ki tô hữu đã tăng lên hơn 3 lần trong 100 năm, chẳng khác nào như dân số trên hành tinh, từ 1,8 tỷ năm 1910 lên 6,9 tỷ sau một thế kỷ. Nhưng nếu việc tăng này là bình thường theo dòng thời gian, chúng ta sẽ xem xét đến sự thay đổi hoàn toàn về việc phân bố của nó. Viện nghiên cứu dựa trên những dữ kiện từ 2400 nguồn khác nhau, thực ra nhấn mạnh rằng tất cả các châu lục đã không cùng tăng lên theo cách như nhau.

Châu Âu, có số Ki tô hữu tập trung đông nhất (66%) vào đầu thế kỷ XX về sau chỉ còn bằng vùng Châu Phi hạ Sahara. Hai châu lục mà mỗi châu lục có số Ki tô hữu chiếm ¼ số Ki tô hữu trên thế giới, trong khi 37% trong số đó là châu Mỹ, từ Groënland đến mũi Horn ( Mũi Horn, còn gọi là mũi Sừng, là điểm tận cùng về phía Nam của châu Mỹ.)

10% số Ki tô hữu trên thế giới tạo nên những nhóm thiểu số trong quốc gia của họ. Châu Phi được ghi nhận là có tiến bộ ấn tượng nhất, bời lẽ số Ki tô hữu trên lục địa đen đã tăng hơn 60 lần, từ 8 triệu năm 1910 lên 516 triệu năm 2010. Con số tăng khiêm tốn hơn, những cũng đáng chú ý, là châu Á và vùng Thái Bình Dương, tăng 10 lần là 285 triệu ngày nay.

Mỹ với 246 triệu tín đồ, sau đó là Bra-din (175 triệu) là những quốc gia có số Ki tô hữu đông đảo nhất. Xếp thứ ba là Mê-hi-cô với hơn 107 triệu, chiếm 95% số dân. Trung Quốc chỉ có 5% số dân tự nhận là Ki tô hữu, cũng chiếm 3,1% số Ki tô hữu trên thế giới, khoảng 67 triệu, vượt xa nước Đức (58 triệu) hoặc Ê-ti-ô-pi-a (52 triệu). Bản nghiên cứu cũng xác định rằng 10% số Ki tô hữu trên thế giới đã tạo nên những nhóm thiểu số trong những quốc gia của họ.

Những nhà nghiên cứu của Viện PEW cũng nhấn mạnh rằng số Ki tô hữu sau này được lập nên vượt xa những nơi lịch sử đã tạo nên tín ngưỡng cuả mình. Cũng như thế, số Ki tô hữu chỉ chiếm 4% dân số Bắc Phi và vùng Trung Đông, khoảng 13 triệu người. Một ví dụ khác, Ni-giê-ri-a có số tín hữu Tin Lành vượt gấp 2 lần nước Đức, nơi khai sinh ra đạo Tin Lành.

Nước Pháp có số người Công giáo xếp thứ bảy trên thế giới.

Một nửa trong số 2,2 tỷ Ki tô hữu được thống kê theo Viện Nghiên cứu Mỹ là Công giáo. Trong số những tín ngưỡng khác thì 37% là Tin Lành và 12% là Chính thống giáo. Mười quốc gia có số Công giáo chiếm một nửa số tín đồ Công giáo trên thế giới. Với hơn 133 triệu người đã chịu phép rửa tội, chỉ một mình Bra-din đã chiếm 12% số tín đồ Công giáo trên thế giới. Nước này sẽ là nơi tổ chức Ngày thế giới giới trẻ năm 2013, như thế vượt hơn số Ki tô hữu của I-ta-li-a, Pháp và Tây Ban Nha cộng lại. Theo sau là Mê-hi-cô và tiếp đến là Phi-lip-pin (76 triệu)

Rất ngạc nhiên, nước Pháp xếp vị trí thứ bảy với 38 triệu người Công giáo, xếp thứ hai ở châu Âu sau I-ta-li-a . Ba lan và Tây Ban Nha hạng 8 và 9 là những quốc gia có số người Công giáo nhiều nhất tại những nước này.

Những con số đã công bố số Công giáo rõ ràng là rất ít giống nhau theo thống kê của Phòng thống kê trung ương của Giáo hội đã công bố tại Rô-ma năm 2004. Vào lúc đó, Tòa Thánh nhấn mạnh đến việc tăng số người đã chịu phép rửa tội từ năm 1978 từ 757 triệu lên 1,1 tỷ. Việc tăng của con số này cũng chỉ tương đương với việc tăng dân số thế giới từ 4,2 tỷ lên 6,4 tỷ.

Giuse Nguyễn Thụ Nhân (Gia Lai)

(Theo La Croix, 21.12.2011)
 
Đức Thánh Cha bảo đảm là hiện tượng mệt mỏi về đức tin không phải ở đâu cũng có
Bùi Hữu Thư
16:32 23/12/2011
Ngài nói với Cuba trong điện văn truyền thống về “Kiểm Điểm Một Năm Qua”

VATICAN ngày 22, tháng 12, 2011 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói là giải pháp cho các vấn đề của thế giới và giáo hội là phải trở về với đức tin. Và sự sốt sắng về đức tin đang hiện diện tại một số điạ điểm, nhất là tại Phi Châu và giữa các người trẻ.

Đức Thánh Cha trình bầy suy tư của ngài hôm nay trong một diễn văn đọc trước Giáo Triều Rôma, bầy tỏ khả năng của ngài là có thể đi vào trọng tâm các vấn đề một cách giản dị và rõ ràng.

Ngài thẳng thắn khi nói: các quan sát viên công nhận là “những người đi nhà thờ ngày càng lớn tuổi hơn và con số của họ ngày càng giảm đi; ơn gọi linh mục thì ngưng trệ, và tâm trạng bi quan và khô khan cũng gia tăng."

Đức Thánh Cha hỏi, "Như vậy, chúng ta phải làm gì bây giờ?” Chắc chắn có nhiều điều khác nhau cần phải làm. Nhưng chỉ hành động mà thì thôi không thể giải quyết được vấn đề. Gốc rễ của cuộc khủng hoảng của Giáo Hội Âu Châu là cuộc khủng hoảng về đức tin. Nếu chúng ta không tìm được giải pháp cho vấn đề này, nếu đức tin không có một đời sống mới, và không có niềm tin và sức mạnh chân chính từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, thì tất cả mọi sự cải tiến nào cũng vẫn không hữu hiệu.”

Đức Thánh Cha tiếp tục nói về sự cần thiết của đức tin sâu đậm, và quan trọng nhất là hoa quả của đức tin.

Nhắc lại chuyến đi Benin tháng vừa qua của ngài, Đức Thánh Cha nói: “cuộc tiếp xúc với niềm hân hoan và hăng say về đức tin đã đem lại nhiều sự phấn khởi.”

Đức Thánh Cha Benedict nói, "Không có sự mỏi mệt vì đức tin ở đây, không thấy có cảm tưởng là ở đây không thiếu vắng Kitô giáo. Giữa tất cả những vấn đề, những đau khổ và thử thách rõ ràng là Phi Châu đã phải gánh chịu, người ta vẫn có thể cảm nhận được niềm vui của họ vì được là người kitô hữu, họ bừng bừng lên với hạnh phúc nội tâm vì được biết Chúa Kitô và trực thuộc vào Giáo Hội của Người. Từ niềm vui này cũng có sức mạnh để phục vụ Chúa Kitô trong những hoàn cảnh khó khăn với những đớn đau của con người, có sức mạnh để dâng mình cho Người sử dụng, mà không nhìn quanh quẩn để tìm lợi ích riêng. Được gặp gỡ đức tin này là đã sẵn sàng để hy sinh, và có tràn đầy hạnh phúc, và là một liều thuốc cực mạnh để chữa bệnh mỏi mệt về đức tin Kitô, như chúng ta đã cảm nhận tại Âu Châu ngày nay.”

Mới lạ và trẻ trung hơn

Đức Thánh Cha tiếp lời bằng việc phân tích các Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, và mô tả 5 điểm ngài gọi là “một hình thức mới lạ và trẻ trung hơn của Kitô giáo.”

Ngài nói về kinh nghiệm của giới trẻ về tình trạng Công Giáo của Giáo Hội, và về sự sẵn sàng của họ để làm việc lành. Nhắc đến những tình nguyện viên Ngày Giới Trẻ, ngài nói, “Những người trẻ này hoạt động tốt, dù cho phải hao tổn, dù cho phải hy sinh, chỉ vì đối với họ làm việc lành là điều tốt đẹp. Họ chỉ cần có can đảm là làm được một bước nhẩy. Trên hết tất cả những điều này là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô nung nấu lòng chúng ta với tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, và giải thoát chúng ta khỏi phải mải mê tìm kiếm lòng tự ái của mình."

Đức Thánh Cha nói về việc thờ phượng, và xưng tội, và cuối cùng là niềm vui.

Ngài nói một trong những giải thích quan trọng của niềm vui của họ, và cũng là đặc điểm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới là “niềm xác tín rằng, dựa trên đức tin: tôi được mọi người cần đến, tôi có một trách vụ trong lịch sử; tôi được chấp nhận, tôi được yêu thương."

Đức Thánh Cha lưu ý, “Những ai không yêu thương, cũng không có thể tự yêu chính mình. Cảm nghiệm về việc được mọi người cần đến mình xuất phát ngay từ giây phút đầu gặp gỡ người khác. Nhưng tất cả những sự chấp nhận của con người rất mỏng manh. Cuối cùng, chúng ta cần phải cảm nghĩ rằng mình được người ta chấp nhận vô điều kiện.

Chỉ khi nào Thiên Chúa chấp nhận tôi, và tôi tin tưởng được như vậy, thì tôi mới biết chắc chắn là: sự việc tôi hiện hữu là điều tốt đẹp. Được làm một con người là điều tốt đẹp. Nếu cảm nghĩ được Thiên Chúa chấp nhận và yêu thương bị mất đi, thì sẽ không còn một giải đáp cho câu hỏi là con người có tốt lành hay không. Điều nghi ngờ về sự hiện hữu của con người sẽ trở nên không vượt thắng nổi. Ở đâu có sự nghi ngờ Thiên Chúa quá mạnh, thì sự nghi ngờ về con người kế tiếp theo sau sẽ không thể tránh được. Ngày này chúng ta thấy là sự nghi ngờ này đang lan tràn.

Chúng ta thấy trong sự đánh mất niềm vui, trong những đau khổ nội tâm, chúng ta có thể nhìn thấy trên gương mặt của biết bao nhiêu con người. Chỉ có đức tin mới ban cho tôi sự xác tín là sự hiện hữu của tôi tốt lành. Được làm một con người là điều tốt, ngay cả khi gặp khó khăn. Đức tin làm cho một người cảm thấy được hạnh phúc từ trong đáy sâu cuả tâm hồn.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lời Chúc Giáng Sinh của cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành
04:07 23/12/2011
 
Các Nhà Thờ Hà Nội Chuẩn Bị Đón Giáng Sinh
Thùy Chi
10:49 23/12/2011
Các Nhà Thờ Trong Thành Phố Hà Nội Chuẩn Bị Đón Giáng Sinh 2011

HÀ NỘI – Chỉ còn hai ngày nữa là đến Lễ Giáng Sinh, ngày 25.12.2011. Không khí nhộn nhịp mừng đón Lễ Giáng Sinh tại các nhà thờ nằm trong thành phố Hà Nội, thủ đô của Việt Nam đã được chuẩn bị từ nhiều tuần nay. Chiều và tối nay, với mong muốn ghi lại những hình ảnh trước Lễ Giáng Sinh gửi đến bạn đọc, chúng tôi đã đi đến Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội và nhà thờ của 4 giáo xứ trong thành phố Hà Nội, đó là: Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Nhà thờ Hàm Long, Nhà thờ Cửa Bắc và Nhà thờ Thái Hà.

Với những hình ảnh chủ đạo về Giáng Sinh đó là Hang Đá, Ngôi Sao, Cây Thông Noel sáng lấp lánh trong ánh đèn nhấp nháy, và tượng Ông Già Noel thì tại sảnh Nhà thờ Chính Tòa, một cây thông Noel cao hơn 5m đã được dựng và đang được các ông trong giáo xứ chăng đèn. Phía bên cánh phải là Hang Đá với những khối đá giả đá to đồ sộ đứng sừng sững áp vào tháp chuông nhà thờ. Bên trong Hang Đá là Gia đình Nazareth, có Thánh Giuse và Đức Mẹ đang ngắm nhìn Hài Nhi Giêsu, xung quanh là các mục đồng và chiên cừu bò lừa. Tỉ lệ của các bức tượng thánh là 1:1 khiến cho người xem và chiêm ngắm cảm nhận thấy tính sinh động và sự thật tái hiện một sự kiện của 2011 năm trước.

Vào lúc 17 giờ 30 phút, khi đèn đường phố được bật sáng thì đèn trên cổng ra vào của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội (số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàng Kiếm, Hà Nội) cũng bật sáng. Ánh đèn pha chiếu rọi vào tấm biển ghi dòng chữ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH. Một lá cờ Giáo Hội Công Giáo được treo trên trấn song cổng, những cơn gió thổi đã làm cuộn tròn lấy một nửa lá cờ, nhưng người gác cổng, bảo vệ, các thầy, các sơ và các cha trong Tòa Tổng Giám Mục vẫn chưa biết để mở lại lá cờ như đó là cử chỉ đẹp trước mọi người đi đường hay khách bước vào Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội tham quan Cây Thông Noel trang trí trước cửa chính của Tòa nhà Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và trong sân trong có Hang Đá với Ngôi Sao sáng như đang bay lên giữa bầu trời. Bên cạnh tòa nhà Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội là Nhà nguyện Fatima. Khi xưa Nhà nguyện Fatiama là căn nhà ở của Đức cha Paul Francois Puginier (4.7.1835 – 1868 – 25.4.1892), Giám mục Tông Tòa Địa Phận Tây Đàng Ngoài, người đã có công lớn lao xây dựng cùng lúc hai Nhà thờ Sở Kiện (1877 - 1882) và Nhà thờ thánh Giuse (1882 - 1886) [nay là Nhà thờ Chính tòa Hà Nội] Trên tường tầng hai nhà nguyện Fatima có một bức tranh họa lại việc Ba Vua đang đi đâu đó trong vô định. Theo Kinh Thánh viết thì các ngài đi tìm Ngôi Sao (x. Mt 2, 1-12). Nhưng trên tường nhà nguyện Fatima, tác giả hình như là quên không gắn thêm ngôi sao dẫn đường?!. Phía trong sân Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội đã có sân khấu được đặt ở giữa sân, trên sân khấu chưa có trang trí gì, những dây đèn nhấp nháy được treo lên các cây xanh ở sân Chủng viện, lung linh đẹp mắt. Cổng Đại Chủng Viện treo tấm biển với dòng chữ Emmanuel có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23) và hai câu Thánh vịnh:

Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ

Hòa bình công lý đã giao duyên. (Tv 85, 11)

Nhà thờ Hàm Long thì đã trăng đèn rực sáng cả dãy phố Hàm Long từ cả tuần lễ nay. Sân khấu cũng đã được dựng tuy chưa có ánh sáng, nhưng âm thanh thì “miễn chê”. Trong thời gian cha Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh làm Chính xứ Hàm Long, cuối năm 2005 ngài đã huy động được các ân nhân trong và ngoài giáo xứ giúp cho việc làm sân khấu, âm thanh ánh sáng phục vụ cách đặc biệt cho ngày Lễ Chúa Giáng Sinh và những dịp lễ trọng khác tổ chức tại Giáo xứ. Được biết, Hang đá trong Nhà thờ Hàm Long là do các anh chị em sinh viên Công Giáo Hải Hà thực hiện và vừa làm xong lúc chiều tối nay, trước thánh lễ khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Và thánh lễ tối nay dành cho thiếu nhi được lui lại 30 phút, bắt đầu lúc 19 giờ do cha xứ Giacoôbê Nguyễn văn Lý chủ tế.

Sau khi chụp hình tại Nhà thờ Hàm Long xong, chúng tôi lên đường tới Nhà thờ Cửa Bắc nằm trên phố Cửa Bắc. Những ngày đầu mới Cung hiến Nhà thờ Cửa Bắc năm 1931 còn có tên gọi là Nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngôi nhà thờ được xây dựng trong thời Pháp thuộc, với kiến trúc đồ sộ; tháp chuông cao sừng sững; bên trong nhà thờ, chiều ngang của Cung Thánh rộng 8m nằm giữa hai cánh Thánh Giá của Nhà thờ và phía trên là mái vòm tròn cao mấy chục mét nên mỗi khi bước vào nhà thờ ai ai cũng cảm thấy mình thật nhỏ bé làm sao. Những người bạn của chúng tôi thường chia sẻ niềm vui mỗi lần đến nhà thờ Cửa Bắc, họ nói ngôi nhà thờ này có phong cách rất Tây!. Ngoài sân Nhà thờ, sân khấu đã dựng và vẫn còn ngổn ngang với thang dựa bên tường nhà thờ, cốt pha chưa được phủ rèm và ánh sáng cho sân khấu chưa được kéo hết. Các diễn viên trong giáo xứ đã lên sàn diễn để ghép nhạc và thử bài tiết mục của mình. Mỗi người đều thấy phấn khỏi trong từng phần việc được giao.

Khí hậu về đêm tại Hà Nội đã xuống 15 độ C, có sương muối, trời se lạnh. Rời Nhà thờ Cửa Bắc chúng tôi đến Nhà thờ Thái Hà. Từ đầu ngõ 180 phố Nguyễn Lương Bằng trên địa bàn quận Đống Đa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng âm thanh của Giáng Sinh vang ra từ Nhà thờ. Vào tới cổng nhà thờ thì thấy đang có ca nhạc và là Đêm tổng duyệt cho hai đêm Ca Mừng Giáng Sinh vào ngày 23 và 24.12.2011 được bắt đầu vào lúc 19h30'. Mỗi năm mỗi tiến triển, quí cha Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội coi sóc giáo xứ Thái Hà đã nâng đỡ cho giáo xứ những cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ hàng nghìn, chục nghìn giáo dân từ khắp nơi đến viếng Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Từ ghế nhựa để ngồi đến nước uống và hương nến; trong nhà thờ đèn sáng, âm thanh tốt và âm thanh ánh sáng còn mạnh hơn, vang hơn trong những ngày lễ trọng ca ngợi Thiên Chúa, Đức Mẹ và Các thánh. Nhìn sân khấu của Nhà thờ Thái Hà thực sự hoàng tránh với trang trí bắt mắt. Chúng tôi muốn vào gần sân khấu chụp hình cho rõ nét nhưng ngoài cổng và trên hai cột đầu nhà thờ có dán bảng ghi: “Nơi tôn nghiêm không quay phim chụp ảnh”. Thanh niên trong giáo xứ làm bảo vệ an ninh cho nhà thờ tay đút túi quần đi lại quanh cổng hay một số thanh niên khác thì ngồi gác chân lên đùi tay cầm điếu thuốc lá hút và nhả khói rất điệu nghệ. Sợ chưa?! Thôi thì đành đứng ngoài hàng rào chụp “trộm” lấy kiểu ảnh toàn cảnh không khí đón Giáng Sinh của giáo dân Giáo xứ Thái Hà và cũng lấy được góc bản tin HÃY ĐẾN MÀ XEM.

Thùy Chi
 
Phan Thiết: Giáo Xứ Gia An Chia Sẽ Niềm Vui Giáng Sinh.
Phaolô Hữu Tạo
10:17 23/12/2011
Phan Thiết: Giáo Xứ Gia An Chia Sẽ Niềm Vui Giáng Sinh.

Nhằm góp phần tăng thêm niềm vui cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong địa phương Xã Gia An, theo truyền thống rất tốt đẹp của Giáo xứ: Vào những ngày Lễ, tết, được sự giúp đỡ của quý ân nhân trong Giáo xứ, cũng như những giáo dân gốc Giáo xứ Gia An nay đang làm ăn sinh sống tại Sài gòn, đặc biệt năm nay có thêm sự hỗ trợ của Caritas TGP Sài Gòn.

Xem hình

Cha Quản xứ và Hội Legiô của Giáo xứ đã tổ chức trao quà, xe lăn cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người già neo đơn, những người tàn tật trong địa phương giúp họ có thêm niềm vui chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giáng Sinh, đồng thời giúp những người tàn tật, liệt lào có phương tiện di chuyển dễ dàng hơn, bớt đi phần nào gánh nặng cho gia đình. Để niềm vui nhanh chóng đến được với mọi người, ngay từ 7 giờ sáng thứ sáu ngày 23 tháng 12 năm 2011, đoàn đã chia ra nhiều nhóm tỏa đi các hướng đến với các gia đình.

Cảm động nhất khi nhận được phần quà tuy đơn sơ bé nhỏ nhưng nhiều gia đình đã vui mừng khôn xiết không nói lên lời, đặc biệt có cháu Trương Thị Hồng My đã 13 năm nay từ lúc sinh ra cháu chỉ lê lết trên nền nhà do dị tật bẩm sinh, khi nhận được xe lăn cháu tuy nói không rõ nhưng qua cử chỉ, khuôn mặt rạng rỡ của cháu chúng tôi những - người có nhiệm vụ trao quà - thấy cháu và mẹ cháu hết sức vui mừng, vì từ nay không còn cảnh phải bồng ẵm cháu mà có thể chiều chiều đẩy cháu đi chơi để hít thở không khí bên ngoài căn nhà tối tăm của cháu, mẹ cháu nói thêm : “Tối nay, tôi nhất quyết đẩy cháu sang sân Nhà thờ cho cháu ngắm quang cảnh đông vui, sáng sủa của khu vực chắc chắn cháu sẽ rất vui” và ngay tức khắc cháu đòi mẹ đưa cháu về trên chiếc xe lăn mới nhận, nhìn cảnh đó chúng tôi không thể cầm lòng và tự hỏi sao xã hội còn nhiều người thiếu may mắn đến thế?, và chúng ta thực sự chưa giúp gì cho họ bớt khó khăn, trong khi Chúa vẫn dạy phải yêu thương người khác như chính mình. Rồi những cụ ông, cụ bà nằm liệt trên giường bệnh, khi biết mục đích của đoàn đến thăm, họ đã rưng rưng nước mắt, có cụ không còn nghe, thấy những già chung quanh, nhưng cũng ước nguyện nhanh chóng bình phục để có thể đến được Nhà thờ, thật cảm động thay. Đúng 12 giờ trưa đoàn mới về lại Giáo xứ, ai nấy mệt phờ, mồ hôi nhễ nhại, nhưng cảm thấy vui vì đã làm được một việc có ích như Lời Chúa dạy.

Với việc làm rất bé nhỏ của các người thiện tâm, hy vọng sẽ mang đến niềm vui cho những người kém may mắn. Cầu chúc Chúa Giáng Sinh sẽ đem lại niềm hỉ hoan cho toàn thể nhân loại.

Phaolô Hữu Tạo
 
Lương Dân, Giáo Dân Cùng Làm Hang Đá Đón Chúa Giáng Sinh – 2011
GM. Giuse Vũ Duy Thanh Quang CSsR
23:50 23/12/2011
Lương Dân, Giáo Dân Cùng Làm Hang Đá Đón Chúa Giáng Sinh – 2011

Lễ Giáng Sinh hiện nay không dành riêng cho người Công Giáo nữa mà còn dành cho mọi người trên thế giới. Trong bầu không khí vui tươi phấn khởi của ngày lễ Giáng Sinh, anh chị em giáo dân, lương dân thuộc khu vực Giáo Xứ Thuận Nghiệp, Bách Thuận, Vũ Thư, Thái Bình đã nô nức cùng nhau làm hang đá để đón chào Con Thiên Chúa Giáng Trần.

Sau thánh lễ chiều 23.12.2011, ông Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ Thuận Nghiệp đã mời tôi đi dạo một vòng xem và “chấm điểm” hang đá. Tôi thấy bà con phấn khởi tập trung ở các hang đá của khu xóm mình. Riêng hang đá của anh Cẩn, bác Thi và bác Thành – những anh em lương dân – anh chị em giáo dân và lương dân tập trung rất đông, do hiếu kỳ hay do khích lệ tinh thần và giúp tăng thêm niềm vui Giáng Sinh? Chắc là lý do thứ hai.

Xem hình

Anh Cẩn đã vui mừng đón tiếp tôi. Còn bác Thi, bố của anh Cẩn đã không ngớt biểu lộ niềm vui bằng việc mời chào, “khoe” hang đá của gia đình mình, lại còn mời “ông cha” chụp hình lưu niệm nữa. Hiếm thấy ở đâu anh em lương dân lại hứng khởi và những mong nhà mình cũng có một hang đá, có tượng Chúa Hài Đồng, Đức Maria và thánh Giuse như ở đây. Phải nói hang đá của anh Cẩn quá đẹp vì anh đã dùng khả năng sẵn có (một thợ giỏi ghép đá vào cây cảnh) để tạo nên mô hình hang đá độc đáo cho riêng mình. Phía trước, cảnh quan như Vịnh Hạ Long, sâu vào bên trong là hang đá rất đẹp, có tượng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ va Thánh Giuse. Thêm vào đó là có đôi bò lừa đang nằm thở hơi ấm cho Hài Nhi Giêsu. Bản Thân bác Thi đã mời tôi phát biểu đôi lời cảm tưởng. Tôi nói rằng hết sức cảm động và vui mừng khi thấy tình thương, tình người, tình Chúa được thể hiện ở đây. Chính Chúa đã quy tụ mọi người lại để cùng nhau chia sẻ niềm vui này. Tôi ước mong niềm vui này, sự nối kết này, tình thương này, việc làm hang đá chung này được kéo dài mãi trong cuộc sống, trong những năm tới. Mọi người hết sức hưởng ứng và vui vẻ tán thành.

Bác Thi cho biết, bác không thể nào không vui mừng dịp Đại Lễ Giáng Sinh này được, vì Lễ Giáng Sinh là lễ không chỉ cho người Công Giáo mà còn cho toàn thể nhân loại. Bác phải vui mừng và tận hưởng niềm vui hạnh phúc này. Bác lại mời tôi uống một ly trà nóng. Tôi đón nhận và nói: “Bác Thi ạ, thật là ấm cúng giữa trời đông giá rét!” Tôi đã chào bác, anh Cẩn và mọi người để lại tiếp tục đi thăm các hang đá khác, lòng đầy phấn chấn!

Đến hang đá của anh Thành – một lương dân khác. Anh cũng hết sức phấn khởi mời chào tôi thăm hang đá của anh (được làm chung với một số anh em tín hữu). Tôi chúc Lễ Giáng Sinh anh và mong sang năm hang đá đẹp hơn, to hơn và thêm nhiều người hơn cùng với anh làm.

Tôi tới hang đá của anh Hồng, một giáo dân gương mẫu. Anh làm hang đá gần đường lớn có nhiều người qua lại, lại cũng rất gần với khu dân cư đông đúc, có nhiều anh em lương dân. Khi tới nơi, tôi thấy có rất đông thanh niên nam nữ đang xem, đang nhảy múa tưng bừng trước hang đá. Một người dẫn chương trình đã mời tôi phát biểu đôi lời. Vì thấy giới trẻ quá đông, nên tôi “tận dụng cơ hội” để gửi đến các bạn trẻ một “thông điệp Giáng Sinh”. Tôi nói rằng người trẻ là tương lai của Đất Nước, của Giáo Hội. Người trẻ mà yếu ớt, èo uột thì Đất Nước, Giáo Hội cũng yếu ớt, èo uột. Người trẻ mà mạnh mẽ, đầy sinh lực thì Đất Nước, Giáo Hội cũng mạnh mẽ, đầy sức sống. Sức mạnh, sức sống ở đây không chỉ là sức mạnh, sức sống thể chất mà hơn cả là sức mạnh, sức sống tinh thần. Để có được sức mạnh, sức sống tinh thần cần trau dồi các nhân đức: công bằng, bác ái, quảng đại, hy sinh, yêu mến, yêu làm việc thiện, mến làm việc nghĩa, mau mắn làm việc có ích,... Khi có được các nhân đức đó, chắc chắn người trẻ sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng Quê hương Đất Nước, Giáo Hội mạnh mẽ, phồn vinh, hạnh phúc. Vậy, dịp Lễ Giáng Sinh là dịp tốt để thúc đẩy các bạn trau dồi những nhân đức đó. Sau đó tôi đã chúc mừng lễ Giáng Sinh các bạn trẻ, rồi chào tạm biệt các bạn. Tôi lên xe Honda trở về lại Bổng Điền. Phía sau tôi lại vang lên những bài Thánh Ca Giáng Sinh, những bài nhạc xập xình, các bạn lại nhảy múa để tiêu hao sức trẻ vào bầu không khí của Đại Lễ Chúa Giáng Sinh trong tình yêu thương vô hạn.

Hình ảnh những hang đá mà anh em Lương Giáo cùng làm, những tình cảm thắm thiết, những niềm vui hạnh phúc đang lộ rõ trên những khuôn mặt rạng rỡ của bà con, của các bạn trẻ đã in đậm trong tâm trí và tâm hồn tôi, chắc mãi không bao giờ mờ phai. Nguyện xin Chúa Hài Đồng cũng là Đấng Cứu Tinh giơ tay ban phúc lành cho tất cả nhân loại này, nhất là những anh chị em lương giáo đã cùng nhau làm nên những hang đá xinh xinh bên ngoài và cả những hang đá trong tâm hồn nữa.

Thanh Quang CSsR
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mừng lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
09:41 23/12/2011
Mừng lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh

Hằng năm toàn thể Giáo Hội Công giáo mừng ngày sinh nhật Chúa Giêsu, đấng Cứu thế từ trời cao sinh xuống làm người trên trần gian. Mừng sinh nhật Chúa Giêsu, đấng Cứu thế, Con Thiên Chúa, cũng là vị Thủ lãnh sáng lập Giáo Hội Chúa ở trần gian. Lễ mừng sinh nhật của Chúa Giêsu, con Thiên Chúa sinh ra làm người, là ngày lễ trọng đại của đức tin đạo Công giáo. Và ngày lễ trọng đại đó có nguồn gốc trong dòng thời gian lịch sử về khía cạnh văn hóa cũng như chính trị của đời sống xã hội nhân loại.

1. Chúa Giêsu giáng sinh dòng trong lịch sử

Martyrologium Romanum ghi chép tên tuổi lịch sử các vị Thánh của Giáo Hội Công giáo toàn cầu đã có bài công bố về niên đại cùng nơi chốn lịch sử Chúa Giêsu giáng sinh làm người:

„ANNO ein creatióne mundi,
quando in principio Deus creávit coelum et terram,
quinquies Millesimo Centesimo nonagésimo nono:
Ein diluvio autem, anno bis Millesimo nongentésimo quinquagésimo Septimo:
Ein Nativitate Abrahae, anno bis Millesimo quintodécimo:
Ein Moyse et egréssu populi Israel de Ægypto, anno Millesimo quingentésimo Decimo:
Ab unctióne David in Regem, anno Millesimo trigésimo Secundo;
Hebdómada Sexagesima quinta, juxta Danielis prophetíam:
Olympiade centésima nonagésima quarta:
Ab urbe Roma condita, anno septingentésimo quinquagésimo Secundo:
Anno Imperii Octaviáni Augusti Quadragesimo Secundo,
toto Orbe in Tempo compósito, sexta mundi Aetate, -
Jesus Christus Aeternus Deus, æterníque Patris Filius,
mundum volens advéntu suo piíssimo consecráre,
de Spiritu Sancto Conceptus, novémque post conceptiónem decúrsis ménsibus,
in Bethlehem Judae nascitur ex María Virgine factus Homo.
Nativitas Domini nostri Jesu Christi secundum carnem. “


Xin tạm dịch:

“ Vào 5199 năm từ khi trời đất vũ trụ do Thiên Chúa sáng tạo nên,
Vào 2957 năm xảy ra nạn lụt đại hồng thủy,
Vào 2015 năm Tổ Phụ Abraham chào đời
Vào 1510 năm Tiên Tri Maisen dẫn đưa dân Israel trở về quê hương từ Ai Cập
Vào 1032 năm David được xức dầu phong làm Vua
Vào tuần lễ thứ 65. trong năm sau lời tiên báo của Daniel
Vào lễ Thế vận hội thứ 194.
Vào năm 752 từ khi thành phố Roma được lập nên
Vào năm thứ 42. triều đại chính phủ Oktavianus Augustus,
Vào thời gian năm thứ 6. niên lịch thế giới, nền hòa bình có khắp nơi trên địa cầu
Chúa Giêsu Kito, Đấng là Thiên Chúa hằng có, là Con của Thiên Chúa Cha hằng có, đã muốn thánh hóa thế giới qua việc Ngài đến hứa ban chan chứa đầy tràn ân phúc,
Đấng đã bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, sau chín tháng thụ thai trong cung lòng người mẹ đã sinh ra làm người ở Bethlehem miền Juda bởi Đức Mẹ đồng trinh Maria:
Đức Giêsu Kito Chúa chúng ta đã sinh ra làm người với thân xác xương thịt.”


Theo dòng lịch sử văn hóa cùng tập tục sống đức tin, Giáo Hội đã ấn định ngày 25.12. hằng năm theo dương lịch là ngày lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế sinh xuống làm người trên trần gian.

Nhưng tại sao lại chọn ngày 25.12. là ngày sinh nhật Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu thế?

2. Lễ Chúa giáng sinh ngày 25.12. trong lịch sử Giáo Hội.

Trong Kinh thánh phúc âm không ghi ngày tháng Chúa Giêsu sinh ra, và thời Giáo Hội sơ khai lúc ban đầu cũng không có ngày mừng sinh nhật của Chúa Giêsu. Các tín hữu Chúa Kitô lúc đó chỉ nghĩ nhớ đến ngày kỷ niệm qua đời của các vị Thánh Tử đạo, chứ không đến ngày sinh nhật của các Vị.

Trước năm 221 Julius Africanus đã chọn ngày 25. Tháng Ba là ngày nhớ sự thương khó của Chúa Giêsu, và đồng thời cũng là ngày Chúa Giêsu thụ thai trong cung lòng Đức Mẹ Maria. Tình từ ngày này thai nhi Giêsu chín tháng trong cung lòng đức mẹ, thì ngày sinh nhật mở mắt chào đời phải là ngày 25. Tháng Mười Hai.

Bên Giáo Hội Armenien ấn định ngày 5. và 6. tháng Một ( tháng Giêng) là ngày sinh nhật Chúa Giêsu. Đang khi bên Giáo Hội Georgien lấy ngày 25.tháng 12 là ngày mừng sinh nhật Chúa Giêsu.

Bên Giáo Hội cổ xưa miền Palestina đã có một thời gian mừng ngày sinh nhật Chúa Giêsu vào giữa tháng Năm.

Furius Dionysius Filocalus trong niên giám năm 354 đã ghi lại ngày 25. tháng 12 là ngày lễ gíang sinh Chúa Giêsu. Viết lại ngày 25.12. trên ông đã căn cứ vào nguồn sử liệu Roma năm 336 - một năm trước khi Hoàng đế Contantino qua đời, vị Hoàng đế này vào thời gian đó đã công nhận cho phép đạo Công gíao Chúa Kitô chính thức hoạt động ở Roma và trong đế quốc đế Roma-

Trong bản mục lục của các vị Tổng trấn của đế quốc Roma còn ghi thêm: “ Giêsu Kitô trong thời kỳ Tổng trần C. Augustus và L. Aemilianus Paulus vào ngày 25. tháng 12, vào ngày thứ Sáu trong tuần lễ, vào ngày thứ 15. của tháng theo lịch mặt trăng, đã sinh ra đời.” .

Ghi chép lại như thế để báo cáo về những sự việc xảy ra gửi về trung ương chính trị Roma, nơi hoàng đế trị vì. Và ngày 25.12. nêu ra dường như chỉ là biến cố lễ mừng tôn giáo nhiều hơn. Nhưng ngày 25. 12. thời gian những năm trước đó có phải là ngày lễ mừng không, điều này không rõ cho lắm.

Ở Roma ngày 25.tháng 12 là ngày sinh nhật Chúa Giêsu trước hết được mừng theo như bài giảng ngày lễ giáng sinh của Thánh Hyronymus ngay nơi phần đầu. Nhưng Afrikanus không căn cứ theo đó để công nhận nguồn gốc ngày 25. 12. Trái lại còn có những gỉa thuyết khác nói về nguồn gốc khởi thủy của ngày này nữa.

Ngày 25.12. là ngày tạ ơn được Giáo hội lập ra, vì sự thắng trận của Hoàng đế Contanstino ở Constantinopel. Ngày lễ này có sau năm 313, có lẽ vào năm 380.

Ngày 24.12. là ngày mừng sinh nhật Thần Mặt Trời – Sol Invictus – do Hòang đế Aurelius lập ra - Lễ nghi kính thờ thần này có vào năm 275 - .

Theo lịch Julius vào ngày 25.12. thời tiết chuyển sang mùa đông. Vào ngày này cũng là ngày mừng sinh nhật của Thần Mithras. Có lẽ vào khoảng năm 300 ngày lễ mừng này được ấn định. Và như thế nếu so sánh với thời gian Chúa Giêsu Kitô và mặt trời cùng sự việc, hiểu được rằng, với lễ mừng lễ sinh nhật ở thành Roma đạt tới cao điểm lễ nghi thờ thần mặt trời.

Tưởng nhớ tới mặt trời công chính “Sol invictus”, vị chiến thắng sự chết, cũng liên tuởng đến sự hài hòa trong vũ trụ theo trật tự do Thiên Chúa ấn định: Theo trật tự này lịch theo mặt trời quy định tính ra như sau, vào tiết Thu phân ngày 24.tháng Chín ngày Thánh Gioan tiền hô thụ thai trong cung lòng mẹ, rồi chuyển sang tiết Hạ chí mùa hè ngày 24.tháng sáu là ngày sinh nhật của Ông; Cũng thế vào tiết Xuân phân Chúa Giêsu thụ thai trong cung lòng đức mẹ Maria và sang tiết Đông chí mùa đông sẽ là ngày sinh nhật của ngài.

Thuyết về ngày lễ mừng Sol invictus có ảnh hưởng rất lớn đến nền văn hóa, đến đời sống Giáo Hội thời đạo Công giáo lúc ban đầu. Và trong dòng thời gian lịch sử đạo Công giáo từ hơn hai ngàn năm nay, việc biến đổi, công nhận hay rửa tội những thói tục của nền văn hóa đạo nghĩa dân gian, mà quen gọi là “bên lương hay không có đạo!”, cho trở thành theo ý nghĩa Công giáo, cũng không phải là chuyện gì xa lạ bất thường. Như trong trường hợp cắt nghĩa lại ngày lễ thờ Sol invictus 25. Tháng 12. Vào những ngày cuối tháng 12 trong năm, con người ở vùng bắc bán cầu sống trong khao khát mong mỏi ánh sáng đến xua đuổi sự tối tăm lạnh rét mùa đông trong trời đất, Giáo Hội Công giáo đã công nhận “rửa tội” cho ngày lễ đó thành ngày lễ giáng sinh Chúa Giệsu, Đấng là ánh sáng trần gian, là mặt trời công chính, mang ánh sáng hơi nồng ấm đến trần gian đang sống trong bóng tối tội lỗi, cho thích hợp với giáo lý đạo Công giáo.

Trong dòng thời gian lịch sử Giáo Hội Chúa Giêsu dẫu vậy vẫn có hai ngày khác nhau mừng sinh nhật Chúa Giêsu: Giáo Hội Công Giáo Roma mừng vào ngày 25. tháng 12, nhưng Giáo Hội Chính Thống mừng vào ngày 06. tháng Giêng hằng năm.

Theo Phúc âm thuật ghi chép lại: Chúa Giêsu sinh ra được đặt nằm nằm trong máng của xúc vật ăn thay vì trong một nôi có chăn chiếu ấm êm. Thật thương tâm cám cảnh!

Trong hoàn cảnh thiếu thốn bơ vơ giữa đường, cha mẹ Chúa Giêsu phải làm xử sự như vậy. Nhưng đối với người tín hữu Chúa Kito lại mang một ý nghĩa đạo giáo tinh thần cao đẹp khác hơn.

3. Chiếc máng cỏ

Không có sử sách nào ghi lại rõ hình thù chiếc máng cỏ lúc Chúa Giêsu sinh ra như thế nào ở Bethlehem ngày xưa. Theo tương truyền những mảnh gỗ máng cỏ Chúa Giêsu nằm lúc sinh ra còn lưu giữ ở đền thờ Đức Bà cả S. Maria Maggiore bên Roma. Điều này không có gì chắc chắn đúng trăm phần trăm cả.

Chúa Giêsu sinh ra nằm trong máng cỏ với cái nhìn và nhận xét của con người là việc qúa nghèo nàn cùng tầm thưòng hèn hạ. Nhưng điều này lại mang một hình ảnh tinh thần rất có ý nghĩa: Con người chúng ta được sinh ra trong một nôi chuồng có sự che chở bao bọc của Thiên Chúa.

Máng để cỏ rơm cho thú vật ăn, máng chứa nước cho súc vật uống. Như thế máng cỏ cho súc vật trở thành chén bát, cái thau chứa đựng thực phẩm dinh dưỡng nuôi sống súc vật trong chuồng trong trại.

Chúa Giêsu khi sinh ra nằm trong máng chứa đựng thực phẩm sự sống, rồi sau này Ngài với sứ vụ đem sự sống ơn cứu rỗi cho con người, nói lên hàm chứa ý nghĩa rất tương đồng thích hợp.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa từ trời sinh xuống làm người đã chấp nhận cảnh sống nghèo nàn cúi mình nằm xuống trong máng cho súc vật ăn, nói lên nếp sống khiêm cung sâu thẳm.

Chúa Giêsu sinh ra được đặt nằm trong máng ăn của súc vật còn nói lên ý nghĩa kính trọng thiên nhiên: những gì Thiên Chúa tạo dựng nên cho con người, cho súc vật để sinh sống, không có gì tầm thường hèn hạ.

Gương sống lòng chan chứa tình yêu thương và lòng khiêm cung, con người chúng ta thấy cụ thể nơi cha mẹ mình. Trong đời sống con người, hầu như cha mẹ nào cũng chấp nhận những hy sinh tận cùng nhất để cho con cái mình, nhất là người con còn nhỏ thơ bé, được có đời sống khoẻ mạnh tươi tốt.

************

Càng ngày lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu ngày 25. tháng 12. như càng nhuốm mầu sắc lễ hội, mầu sắc thương mại, cùng đôi chỗ, đôi lúc có pha lẫn chính trị vào nữa. Đó là tiến trình trong nếp sống văn hóa xã hội thay đổi lên xuống.

Nhưng cốt lõi chính yếu ngày lễ mừng vẫn lễ ánh sáng hòa bình Chúa Giêsu mang xuống cho nhân lọai từ trời cao.

Sứ điệp ngày lễ mừng sinh nhật Đấng Cứu Thế trước sau cũng vẫn luôn là tin mừng tình yêu thương tha thứ làm hòa giữa Trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người trần gian.

“Từ hang đá Chúa giáng sinh Bethlehem không phát tỏa ra điều ảo tưởng nào, nhưng là điều chắc chắn bảo đảm: con người không bị giao nộp trong những phiên tòa phân xử lịch sử cũng như sinh vật học. Thiên Chúa và Chúa Giêsu luôn hằng đồng với con người trong mọi hòan cảnh đời sống và luôn gìn giữ che chở họ.” như lời Đức giáo hoàng Benedictô 16. ngày 15.12.2011 ngỏ lời với 10.000 sinh viên và giáo sư các đại học thành Roma trong buổi đọc kinh chiều theo truyền thống vào mùa Vọng.

Mừng lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Ông Già Noel Là Ai?
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:51 23/12/2011
Ông Già Noel Là Ai?

Mỗi năm Giáng Sinh về, hình ảnh Ông Già Noel xuất hiện khắp mọi nơi. Ông Già Noel thân thương gần gũi vui vẻ trao quà cho trẻ em. Ông Già Noel thăm viếng và chia sẽ cho những người kém may mắn. Ông Già Noel làm MC trong các chương trình ca nhạc mừng Giáng Sinh…

Ông Già Noel là nhân vật lịch sử hay chỉ là huyền thoại ?

Thánh Nicôla và Ông Già Noel là cùng một người. Thánh Nicôla là một Giám Mục của Giáo Phận Myra, bên Thổ Nhĩ Kỳ.

Người Pháp gọi là: Le Père Noel (ông Cha, linh mục Noel), người Anh gọi trực tiếp là Santa Claus (Thánh Nicôla), Thánh Giám mục,lễ mừng ngày 6 tháng 12 hàng năm.

Người Pháp thân mật gọi Ngài là “Le Père Noel” (ông cha Noel) vì ngài liên hệ nhiều đến lễ Noel, nhất là với trẻ em, đến nỗi sau khi Ngài qua đời đã lâu rồi, mà hình ảnh Ngài còn được lưu truyền cho hậu thế. Đầu tiên ở Châu Âu, rồi tới toàn thế giới qua bóng dáng một cụ già đẹp lão, râu tóc bạc phơ, mặc áo choàng đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội mũ chóp đỏ, lưng vác một giỏ lớn đây đồ chơi và bánh kẹo cho thiếu nhi.

Người ta còn thi vị hóa, đem niềm vui cho trẻ em, bằng cách “bắt ông cha Noel đêm 24 tháng 12 chui qua lò sưởi vào phòng ngủ của các em, bỏ đồ chơi, bánh kẹo vào những chiếc giày các em để bên lò sưởi, hay bỏ vào những chiếc vớ mà các em treo ở chân giường”. Thật ra là cha mẹ các em bỏ vào đó để khuyên các em phải ngoan thì “Cha Noel” mới cho quà! Một cách giáo dục hay!

Khi tới Việt Nam, dân chúng không hiểu rõ nguồn gốc, thấy hình cụ già râu tóc bạc phơ, nên gọi là Ông Già Noel.

Ông Già Noel ngày nay đã bị xã hội tục hóa quá nhiều khiến lu mờ đi ý nghĩa chính của câu truyện, đó là tấm gương quảng đại của vị Giám mục thánh thiện, Thánh Nicôla.

Cả hai giáo hội Ðông Phương và Tây Phương đều vinh danh ngài. Có thể nói, sau Ðức Mẹ, ngài là vị thánh thường được các nghệ sĩ Kitô giáo mô tả. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử, chúng ta chỉ biết một dữ kiện, Thánh Nicôla là giám mục ở Myra vào thế kỷ thứ tư. Myra là một thành phố nằm trong Lycia, một tỉnh của Tiểu Á. Tuy nhiên, như nhiều vị thánh khác, chúng ta có thể biết được mối quan hệ giữa thánh nhân và Thiên Chúa qua sự ngưỡng mộ mà các Kitô hữu dành cho ngài. Sự ngưỡng mộ được diễn tả qua các câu truyện đầy màu sắc và thường được kể đi kể lại trong nhiều thế kỷ.

Có lẽ câu truyện nổi tiếng nhất về Thánh Nicôla là lòng bác ái của ngài đối với một gia đình nghèo khổ mà ông bố không có của cải để cho ba cô con gái làm của hồi môn. Vì không muốn trông thấy họ phải lâm vào cảnh đĩ điếm, Thánh Nicôla đã bí mật ném ba gói vàng qua cửa sổ nhà ông này vào ba trường hợp khác nhau, để giúp các cô con gái ấy đi lấy chồng. Qua các thế kỷ, huyền thoại này trở thành thói quen tặng quà nhân ngày lễ kính thánh nhân. Trong thế giới nói tiếng Anh, Thánh Nicôla trở thành Santa Claus và người Việt thường gọi là Ông Già Noel.(x.nguoitinhuu.com)

1. Cuộc đời Thánh Nicôla

Năm 1969, Giáo Hội Công Giáo đã chính thức đặt vấn đề tra cứu về thân thế của Thánh Nicôla. Ngài là một vị thánh thực sự hay chỉ là một huyền thoại?

Sử liệu còn để lại đã chứng minh rằng Ngài là một nhân vật có thật.

Thánh nhân sinh năm 280 scn, tại một ngôi làng nhỏ tên Batara thuộc vùng Tiểu Á (ngày nay thuộc lãnh thổ nước Thổ Nhỉ Kỳ). Cha mẹ đặt tên cho con trai bằng tiếng Hy Lạp là Nicôla. Lúc ấy nền văn minh và văn hóa Hy lạp còn thống trị nhiều vùng đất rộng lớn trong đó có Thổ Nhỉ Kỳ. Theo tiếng Hy Lạp, Nicôla có nghĩa là Người Anh Hùng của Dân Tộc. Cái tên định mệnh đó rất xứng đáng đối với ngài ít nhất ở lãnh vực đạo đức và tôn giáo. Ông bà thân sinh tuy không giàu có lắm nhưng luôn giúp đỡ người nghèo. Hấp thụ nền đạo đức bác ái từ cha mẹ: "Phải luôn là người lương thiện, nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình", Nicôla đã trở thành một mẫu người thánh thiện ngay khi ngài còn ở độ tuổi thiếu niên. Một cơn dịch bệnh tràn qua thôn xóm. Cha mẹ qua đời, lúc này Nicôla mới 12 tuổi. Tuy vậy, cậu bé vẫn tiếp tục đem tiền bạc giúp đỡ cho những người cùng khổ. Nicôla miệt mài học tập giáo lý. Ngài có một khả năng siêu nhiên lạ lùng là có thể cảm nghiệm được nỗi khổ đau đang xảy ra ở đâu đó và lập tức đến nơi cứu giúp.

Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, có lẽ thánh Nicôla là người được phong chức Giám Mục thành Mira ở độ tuổi trẻ nhất. Lúc đó ngài mới có 19 tuổi. Vì vậy, bạn bè đặt cho ngài biệt danh vui nhộn là "chú nhóc Giám Mục". Ngài cười đón nhận và chẳng phiền lòng tí nào.

Năm 303, lúc Nicôla 23 tuổi, Vua La Mã là Dio Pletian buộc mỗi vùng thuộc đế quốc La Mã phải tôn phục ông là thượng đế. Dĩ nhiên Giám Mục Nicôla và giáo dân địa phận Mira không chịu tuân phục. Ðối với Kitô hữu, chỉ có một Thượng Ðế duy nhất, đó là Thiên Chúa. Vì vậy, thầy trò Nicôla đều được ưu ái mời vô khám nằm đếm lịch, ăn bánh mì đen và uống nước lã. Riêng Nicôla bị biệt giam trong một cái nhà tù nhỏ xíu, bị bỏ đói, khát và lạnh đến 10 năm. Vô cùng mầu nhiệm, ngài vẫn sống.

Đến năm 313, hoàng đế Constantine lên ngôi, ra sắc chỉ Milan, đại xá thiên hạ. Lao lý 10 năm đã làm cho đức tin và con người của Nicôla thêm bền vững. Ngài dốc tâm giảng đạo, phát triển Giáo hội, bố thí của cải và đem vô số người về với Chúa.

Ngày 6 tháng 12 năm 343, ĐGM Nicôla từ trần, hưởng thọ 63 tuổi. Ngài để lại cho trần thế một công nghiệp đồ sộ, một tên tuổi rực chói và những câu chuyện có thật lẫn huyền thoại mà vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Một thời gian ngắn sau khi ĐGM Nicôla từ trần, người dân Mira dựng lên một ngôi đền thờ tôn kính ngài, lưu giữ tất cả các vết tích và các vật dụng của ngài.

Ðến năm 800 Giáo Hội Công Giáo Đông Phương chính thức tuyên dương ngài là thánh.

2. Từ một vị Thánh trở thành Ông Già Noel.

Làm cách nào mà từ một vị Thánh đầy lòng bác ái lại trở thành Ông Già Noel, một biểu tượng mang tính tiêu dùng vào mỗi mùa Giáng Sinh?

Jeremy Seal, một nhà văn chuyên viết về các đề tài du lịch (hay một nhà văn lãng du, travel writer), đã lao vào một cuộc tìm kiếm mang tính quốc tế để trả lời cho câu hỏi trên và Ông đã cho viết lại những tìm kiếm của Ông trong cuốn sách có nhan đề: “Nicholas: Cuộc Viễn Du Mang Tín Thiên Hùng Ca từ Một Vị Thánh trở thành Ông Già Noel” (Nicholas: The Epic Journey from Saint to Santa Claus) do nhà sách Bloomsbury xuất bản.

Ông đã chia sẽ cho hãng tin Zenit về những gì mà Ông đã khám phá ra, bằng việc dõi theo sự sùng kính Ông Già Noel trên khắp địa cầu và lý do tại sao Ông nghĩ Thánh Nicôla và lòng bác ái từ nhân của vị Thánh này vẫn còn âm vang mãi cho đến ngày hôm nay, mặc cho chủ nghĩa tiêu thụ hóa của mùa Giáng Sinh.

Hỏi (H): Thưa Ông, điều gì đã khiến Ông có cảm hứng để viết ra cuốn sách này? Và Ông định tìm kiếm mãi cho đến tận đâu?

Ông Seal (T): Thưa, tôi bị lôi cuốn vào đề tài này bởi vì chính tôi cũng có hai cô con gái nhỏ, 6 và 2 tuổi khi tôi bắt đầu dự án này. Chúng nhắc nhở cho tôi biết được nhân vật Ông Già Noel có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với các trẻ em.

Tôi cũng bị lôi cuốn vào Thánh Nicholas vì lẽ câu chuyện của vị Thánh này có tính chất thiên hùng ca hay thiên sử thi. Tôi là một nhà văn chuyên viết về các đề tài du lịch và ý thức rằng mãi cho đến khi vị Thánh này chết đi thì mọi người mới biết được vị Thánh đã thực hiện một cuốn viễn du lạ kỳ bắt đầu từ Thổ Nhĩ Kỳ đến tận Châu Âu, Manhattan và sau cùng là vùng Bắc Cực lạnh giá.

Tôi cũng đã đi đến tất cả những nơi có gắn liền với cuộc sống của vị Thánh Nicholas này.

Tôi bắt đầu chuyến viễn du tại Thổ Nhĩ Kỳ là nơi mà Vương Cung Thánh Đường nguyên thủy mang tên vị Thánh đứng sừng sững giữa thành phố Myra, giờ đây là thành phố Demre; rồi lần theo sự sùng kính của vị Thánh này đến vùng phía Tây của Bari, Ý Quốc; và phía Bắc đến thành Venice, Áo Quốc; rồi đến Amsterdam của Hòa Lan và rất nhiều nơi khác nữa tại Châu Âu; rồi đến thành phố Manhattan và sau cùng là đến Lapland ở phía Bắc Phần Lan và Thụy Điển cùng với hai đứa con gái của tôi vào mùa Giáng Sinh năm vừa qua.

(H): Thưa Ông, Thánh Nicholas của thành Myra là ai vậy?

(T): Thưa, chúng ta biết rất ít về vị Thánh này. Vị Thánh chính là Đức Giám Mục của Giáo Phận Myra vào thế kỷ thứ 4. Myra là một thị trấn ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nay được biết đến là thành phố Demre. Không có bằng chứng nào còn sót lại về cuộc sống thật sự của vị Thánh này ngoại trừ việc tham khảo vào bản viết tay của thế kỷ thứ 6.

Chúng ta hoàn toàn chẳng biết gì cả về Thánh Nicholas ngay cả sau khi vị Thánh này mất đi. Nhưng bởi vì vị Thánh là một người rất nổi tiếng, được biết tới sau khi vị Thánh đã chết đi, do đó, có lẽ là do một điều gì đó trong cuộc sống của Ngài mới làm cho Ngài được ca ngợi nhiều đến như vậy; chúng ta tuy không biết được gì nhiều về vị Thánh này, nhưng giác quan cho chúng ta biết được rằng: Ngài là một người rất đặc biệt.

Trông có vẽ là Ngài là một người rất tế nhị nên đã khiến cho tên tuổi của Ngài được đề cập đến trong việc cầu xin một sự trợ giúp về vật chất lẫn một sự trợ giúp mang tính thực tế nào đó. Khía cạnh này vẫn mãi âm vang qua biết bao nhiêu thế hệ bởi vì sự trợ giúp về vật chất là một điều gì đó mà tất cả chúng ta đều cần đến hay có thể liên hệ đến.

(H): Thưa Ông, đâu là những hành động khác thường, nổi bật của vị Thánh này?

(T): Thưa, có rất nhiều loại câu chuyện minh chứng cho những hành động khác thường và nổi bật của vị Thánh này, vì lẽ, Ngài là vị Thánh duy nhất sống rất thọ. Trong thời của Ngài, hầu hết những vị Thánh Kitô Giáo đều bị tử vì đạo, chỉ có Thánh Nicholas là có nhiều câu chuyện được kể về nhất vì vị Thánh sống rất lâu và đã qua đời ngay trên giường ngủ của Ngài.

Bạn có thể chọn lựa một vài mẫu chuyện về Ngài, nhưng hầu hết mọi câu chuyện đều có một điểm chung duy nhất là việc Ngài chủ động giúp đỡ tất cả mọi người. Có vô số câu chuyện về việc Ngài cứu các thủy thủ khỏi bị sóng bão đánh ngoài khơi bờ biển của thành phố Myra. Khi Ngài thuyết phục vị thuyền trưởng của một chiếc tàu vừa mới vượt qua mang các hàng hóa về lúa thóc đến thành phố Myra là nơi mà mọi người đang phải chết đói, tức thì chuyến hàng của vị thuyền trưởng đó tự nhiên được bổ sung thêm rất nhiều.

Một số binh sĩ đang chờ đợi tử hình đã nói dối là thấy được vị Thánh trong giấc mộng, tức thì Thánh Nicholas liền đến an ủi họ và giúp họ được giải thoát.

Khi ý tưởng của Thánh Nicholas đến được Nga Sô vào thế kỷ thứ 11, thì một loạt câu chuyện mới về vị Thánh được nêu ra. Những người Nga Sô gọi Ngài là “ugodnik” tức “người giúp đỡ.” Tại Nga Sô, Ngài đã giúp đỡ dân chúng dưới nhiều hình thức khác nhau như: hổ trợ những người chăn cừu trong việc bảo vệ đàn cừu khỏi bị chó sói, bảo vệ các ngôi nhà khỏi bị cháy rụi, vân vân..

(H): Thưa Ông, đâu là những cản trở mà sự sùng kính về vị Thánh này gặp phải qua nhiều thế kỷ?

(T): Thưa, tôi nghĩ là có hai khía cạnh cụ thể.

Khía cạnh đầu tiên là từ thế kỷ thứ 8 trở đi, nơi mà Ngài đã bắt đầu, tại phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bị đe dọa từ các thế lực Hồi Giáo đang lớn mạnh tại đó, những người vốn không mấy thích thú gì cả về vị Thánh này.

Những di tích của Thánh Nicholas đã bị đưa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1087 và được mang đến Bari, Ý Quốc, vốn đã thiết lập nên tên tuổi của Ngài tại Âu Châu và sự sùng kính đó cứ thế mà được lan tràn ra khắp lục địa Âu Châu. Rất đáng ngạc nhiên là nó được dời ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ kịp thời vì lẽ Ngài không bị tách rời ra khỏi nhịp điệu phát triển tại một quốc gia Hồi Giáo tương lai; và tại Bari, một Vương Cung Thánh Đường đã được dựng lên bên trên những di tích của Ngài.

Khía cạnh thứ nhì chính là phong trào cải cách đã càn quét toàn bộ vùng phía Bắc Âu Châu vào các thế kỷ 16 và 17 và việc xem nhẹ / coi thường tầm quan trọng của các vị Thánh. Tôi nghĩ Ngài chính là vị Thánh duy nhất đã tạo ra được sự cảm kích, sâu đậm cho tất cả mọi người vượt qua cả phạm vi của Giáo Hội, vì lẽ Ngài đã trở thành một thành viên yêu mến nhất của tất cả mọi người và mọi nhà.

Thánh Nicholas sẽ đến cứ vào mỗi ngày thứ 6 của tháng 12 để mang các món quà xuống từ ống khói cho các trẻ em ở phía Bắc Châu Âu; và bắt đầu từ thế kỷ thứ 14 Ngài đã trở nên phổ biến và được yêu mến nhiều bởi tất cả mọi người. Chính điều này đã tạo cho việc sùng kính Ngài trở nên ngày một kiên vững và thành trì hơn, đang khi đó, thì tại tất cả những nơi khác những hình ảnh và bức tượng của các vị Thánh khác đều bị phá trụi, bị thiêu hũy, bị đốt cháy hay bị đập tan ra từng mãnh.

(H): Thưa Ông, làm thế nào mà vị Thánh này có liên quan đến hình ảnh của Ông Già Noel thời nay?

(T): Thưa, vì tình yêu thương vào Thánh Nicholas đã giữ cho việc sùng kính Ngài được tồn tại và sống động mãi cho đến cuối thế kỷ thứ 18 tại thành phố Manhattan, thuộc tiểu bang New York, là nơi mà sự trở lại của Ông Già Noel đã xảy ra.

Cái tên “Santa Claus” (Ông Già Noel) là cách đọc theo giọng Mỹ của từ “Sinterklaas” của người Hà Lan. Thánh Nicholas và Ông Già Noel là cùng một người, thế nhưng rất nhiều người không hề biết được điều này. Cả hai đều là một, nhưng trông có vẽ khác nhau là vì sự tiến triển tại nhiều thời điểm khác nhau sau cái chết của vị Thánh.

Chúng ta không biết được vào thời gian nào mà ý tưởng này được lan truyền từ phía Bắc Châu Âu đến vùng Tân Amsterdam, bây giờ là thành phố Manhattan. Nhưng thật là an toàn khi nói rằng vị Thánh này đã đến cùng thời với những người di cư đầu tiên như là một trí nhớ giả tạo (fake memory) và sau đó bị im lặng tại vùng Bắc Mỹ mãi cho đến cuối thế kỷ thứ 18.

Điều đã xảy ra chính là việc cho quà, mà vào thời gian đó chỉ đơn thuần là một việc trao đổi các vật gia dụng trong nhà mang tính chất địa phương và nhất thời mà thôi, và rồi sau đó bùng nổ thành một thứ gì đó lớn hơn rất nhiều. Việc sản xuất đại trà cũng từ đó mà bắt đầu, các tiệm bán lẻ bắt đầu mở ra, các loại đồ chơi trở nên thịnh hành từ phía Bắc Châu Âu, và các cuốn sách, các dụng cụ âm nhạc và các đồ vải lanh đều có thể mua sắm được.

Tầm ảnh hưởng của việc này chính là truyền thống trao tặng quà cáp được hoán chuyển trên tất cả mọi khía cạnh nhận thức của con người. Điều này đã tạo ra một nhu cầu cho việc cần phải có một tinh thần trong việc trao tặng quà cáp. Thánh Nicholas chính là người hay trao tặng quà cáp từ thế giới cổ trong các truyền thống của người Hòa Lan và người Anh Quốc, và mọi người chẳng cần phải nghĩ ngợi quá lâu để liên tưởng ngay đến Ngài.

Mọi người ở vào cuối thế kỷ 18 đại chúng hóa ý tưởng về Ông Già Noel, nhưng vào thời đó, họ không có chủ ý là thương mại hóa. Thánh Nicholas cũng từ đó mà nổi trội lên và dần dà tên của Ngài được đổi thành Santa Claus tức Ông Già Noel.

Vào những năm của thập niên 1820, Ngài bắt đầu đạt được những sự công nhận qua các loại đồ trang trí như: nai tuyết, ngựa kéo xe trượt tuyết và các quả chuông. Chúng chỉ đơn thuần là những thứ trang điểm bề ngoài trong một thế giới mà Ngài nổi trội lên. Vào thời đó, xe ngựa trượt tuyết chính là phương tiện để bạn có thể đến được vùng Manhattan.

Bài thơ “Một Cuộc Viếng Thăm của Thánh Nicholas” (A Visit from St. Nicholas) cũng còn được biết đến như “Twas the Night Before Christmas” (Mãi Cho Đến Đêm Trước Giáng Sinh) được xuất hiện ra trước công chúng vào năm 1822 và mô tả đầy đủ các chi tiết về vị Thánh. Khi đó Ngài hút thuốc bằng tẩu, và dần dà trở thành nhân vật mà giờ đây chúng ta được biết đến.

Tất cả những yếu tố này được thành hình nên về Ngài, và càng ngày Ngài càng bị thương mại hóa, vốn là một điều thật dễ hiểu, nhưng đó lại là một sự sai lạc so với ý nghĩa nguyên thủy của việc Ngài là ai và có ý nghĩa như thế nào. Trong thời đại Trung Cổ, Ngài chính là một biểu tượng và một thần tượng về lòng bác ái. Tôi không dám chắc là liệu điều này còn đúng hay không nữa trong thời đại ngày nay, vì có vẽ con người thời nay đã hình tượng hóa Ngài trong một sự pha trộn lạ kỳ giữa lòng bác ái và sự bùng nổ của việc thương mại hóa.

(H): Thế thưa Ông, Ông có đề nghị gì cho các bậc làm cha mẹ Kitô Giáo để họ kể về Ông Già Noel cho các con cái của họ?

(T): Thưa, điều mà tôi đã cố gắng làm bằng cách lần theo dấu vết của Ông Già Noel về tận nguồn gốc nguyên thủy của vị Thánh chính là cách để nhắc nhở chính bản thân tôi rằng thật sự có một khía cạnh đạo đức luân lý thật trong việc trao tặng quà. Thánh Nicholas luôn tìm cách giúp đỡ mọi người khi họ rơi vào tình trạng túng quẫn.

Đây chính là bài học mà chúng ta có thể rút ra được từ việc trao tặng quà. Các món quà, nhằm để trao cho những người thân mà họ đã có đầy đủ hay dư thừa, không thể nào phản ánh đúng cho được những gì mà Thánh Nicholas thường hay làm. Làm cách nào mà vị Thánh này trở nên quan trọng và có ý nghĩa đối với tất cả các trẻ em, thì tôi thật sự không biết.

Tôi là một người theo đạo Anh Giáo đã từng sa ngã, nhưng điều thú vị mà tôi tìm được qua Thánh Nicholas này chính là từ các quan điểm về mặt trí thức lẫn về mặt đạo đức, luân lý học. Tôi yêu mến khía cạnh đạo đức luân lý mà vị Thánh này đại diện cho và về những hoạt động mang tính bác ái của Ngài.

Thánh Nicholas có sức lôi cuốn cho bất kỳ ai trên bất kỳ mọi khía cạnh đạo đức, và luân lý học nào, và không có một hệ thống tín ngưỡng nào có thể bất đồng về những gì mà Ngài tượng trưng cho.

Ngài nói chuyện với tất cả mọi người vì lẽ quá nhiều thần học có thể làm cho rối rắm thêm, thế nhưng chính Ngài và những câu chuyện của Ngài là rất đơn giản, mộc mạc. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao mà chúng vẫn còn âm vang mãi qua hàng trăm năm và tại sao chúng lại có tính liên kết tồn tại trong truyền thống của mọi gia đình khi chúng ta đề cập tới Ông Già Noel trong thời đại ngày nay. (nguồn: Vietcatholic 22/12/2005).

3. Vài cầu chuyện về Thánh Nicôla.

a. Thánh Nicôla làm phép lạ trên biển

Câu chuyện kể về người thủy thủ một chiếc tàu sắp bị đắm trong vùng biển Ðịa Trung Hải. Con tàu bị lạc giữa một cơn bão tố và va phải đá ngầm và bị thủng một lỗ to. Nước biển tràn vào ồ ạt. Con tàu chồng chềnh ngã nghiêng và chìm dần xuống. Một vài thủy thủ chợt nhớ lại tên thánh Nicôla hằng cứu giúp, mặc dầu lúc ấy ngài đã tạ thế. Lập tức họ cùng nhau quỳ xuống khấn nguyện tên ngài và khẩn cầu ngài cứu vớt. Ðột nhiên từ trên không, giữa những làn nước giá buốt trút ầm ầm như thác, giữa những cơn sóng gầm thét điên cuồng, thánh Nicôla trong chiếc áo giám mục màu đỏ từ từ hạ xuống giữa khoang tàu. Gió bỗng thôi gào, mưa bão ngưng tạnh. Thánh Nicôla cùng thuỷ thủ đoàn quỳ xuống tạ ơn Thiên Chúa, rồi ngài cùng họ chèo chống con tàu ra khỏi vùng đá ngầm bằng một chiếc sào dài. Khi con tàu đã đến chỗ bình yên, thì ngài vẫy tay từ biệt họ, cất mình lên không và biến mất sau những đám mây trắng. Vẫn chưa chấm hết câu chuyện, khi con tàu cập bến Myra, các thủy thủ cùng vị thuyền trưởng đi đến ngôi đền thờ thánh Nicôla để làm lễ tạ ơn, thật lạ lùng, họ thấy ngài đã hiện ra lúc nào và đang mĩm cười đứng bên đền thờ nhìn họ. Một người hỏi rằng làm thế nào mà ngài đã biết và đến cứu họ. Thánh Nicôla cho biết, ngay từ thuở nhỏ, ngài đã có năng khiếu siêu nhiên là có thể nhìn thấy những người đang lâm nạn và nghe thấy tiếng kêu khóc của họ, vì đó là ý của Chúa. Từ câu chuyện này, mãi cho đến ngày sau, người Hy Lạp thay vì đập chai sâm banh để khánh thành một chiếc tàu mới chuẩn bị hạ thủy thì họ khấn nguyện xin thánh Nicôla bảo hộ cho họ được bình yên trên các nẽo đường hàng hải.

b. Thánh Nicôla làm phép lạ cứu sống 3 trẻ em.

Có một buổi sáng trời giá lạnh, Đức cha Nicôla bước vào một quán ăn nhỏ bên đường cách đô thị chừng 15km. Chủ quán nhận ra Đức Giám mục liền chào Ngài. Đức cha hỏi: “Quán có gì ăn không?”. Chủ quán thưa: “Dạ, có thịt, trứng và bánh mì, nhưng hết mất rượu vang. Xin Đức cha vui lòng ngồi nghỉ chờ con ít phút, con vào trong làng mua rượu”.

Chủ quán đi rồi, Đức cha Nicôla xuống bếp, mở nắp khạp thịt, vỗ vào hông khạp và gọi:

- Dậy đi, các con!

Thế là có ba bé trai lùng nhùng từ đống thịt tươi mới ướp muối, liền lại, sống lại và bước ra. Ngài chỉ chỗ cho ba đứa trẻ lấy quần áo mặc vào, rồi lên nhà trên ngồi vào bàn ăn chờ. Thì ra đó là ba bé trai nhà nghèo, chiều hôm trước đi mót lúa ngoài cánh đồng, bị đói lạnh, đã vào quán xin ăn, bị chủ quán giết chết, chặt ra bỏ vào khạp ướp muối để sẽ nấu món ăn bán cho khách. Thánh nhân biết được nên đã tới cứu các cháu.

Lát sau chủ quán về tới, giật mình trông thấy ba đứa bé anh đã giết chết, ngồi cạnh Đức Giám mục. Anh sợ hãi qùy xuống trước mặt Ngài thú tội:

- Con nghèo quá nên đã làm nhiều sai trái, xin Đức Cha tha tội cho con!

Ngài giải tội cho anh, lại còn cho anh một túi tiền để làm vốn và khuyên anh từ nay không được làm điều ác. Sau đó Ngài bảo anh dọn bánh mì, chiên trứng, bốn cha con ăn xong, Ngài dẫn ba đứa bé đi theo về trả lại cho gia đình và cấp dưỡng cho chúng được ăn học.

Những truyện về Thánh Giám Mục Nicôla còn rất nhiều. Điều chủ yếu muốn nói đến qua các câu chuyện là Ngài rất gần gũi với lễ Giáng Sinh, hay giúp đỡ dân nghèo, đặc biệt là bạn của các thiếu nhi. Dù khi còn ở gia đình, khi đã đi tu, khi làm linh mục hay khi đã làm giám mục, khi còn trẻ hay khi đã râu dài tóc bạc, mỗi mùa Giáng Sinh về, Thánh Nhân đều mang trên lưng một bao lớn bánh mì bánh kẹo, đem tới từng nhà chia cho trẻ em nghèo mừng lễ Giáng Sinh.

Cuộc đời Thánh Nicôla thắp sáng lên một ngọn đuốc tình yêu trong thế gian.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con là một “Little Santa Claus”, một ông già Noel nhỏ. Chúa sinh ra, đem mùa xuân hạnh phúc cho cả nhân loại. Cuộc đời Thánh Nicôla mang niềm vui hạnh phúc cho bao người, đặc biệt là trẻ em. Xin cho chúng con biết đem niềm vui Giáng Sinh đến cho mọi người, đặc biệt những người bên Lương hàng xóm láng giềng của chúng con. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Văn Hóa
Đêm Đông Chúa Sinh Ra Đời
Tuyết Mai
09:04 23/12/2011
(Lễ Giáng Sinh)

Quả thật hôm nay là ngày trọng đại của toàn thể nhân loại con người. Chúa đã đến cùng chúng ta. Nào tất cả trên trời và dưới đất hãy cất lên những tiếng tù và, chiêng, trống, cùng đủ loại đàn, cộng tiếng ca thanh trong và vút cao, để hát chào mừng Con Thiên Chúa đã Giáng Sinh xuống trần. Ôi một ngày trọng đại chưa từng có trong lịch sử của loài người. Nay Đấng ấy là Con Một Thiên Chúa đã chọn ngày này mà giáng trần, là Món Quà cao quý và cao trọng nhất mà Thiên Chúa, đã tặng ban cho nhân loại chúng ta.

Ngài thật là Đấng uy hùng và thống trị của cả vũ trụ, nhưng Ngài lại chọn sinh hạ xuống trần, một cách thật độc đáo, và một cách không ai hay biết, chỉ những ai mà được Ngài cho biết mà thôi!. Ngài xuống trần chỉ được báo cho những người có tâm hồn bình dị, nghèo khổ, chân chất, và rất bình thường là mấy em mục đồng. Con Chúa Đấng vô cùng quyền năng ấy đã bị con người trần gian từ chối không cho trú thân. Một Đấng vô cùng quyền năng và vô song ấy đã sinh hạ trong một hang lừa thật hôi hám và thật bất xứng cho Ngài. Còn thật tệ thay là ngay cả chiếc nôi Ngài nằm là máng cỏ của chúng bò lừa, sự ấm êm không ngoài những cọng cỏ khô được gom lại.

Còn sự đau khổ nào bằng khi cha mẹ dưỡng phụ và dưỡng mẫu của Ngài không thể trao ban cho Ngài chỗ nương thân có thể tươm tất hơn thế!. Sự đau khổ ấy các ngài chỉ biết giữ trong lòng và phó mặc tất cả cho Thiên Chúa Cha định liệu và sắp đặt. Sự xuống trần của Chúa Hài Đồng Giêsu hẳn có nguyên do và là Thánh Ý Chúa Cha muốn vậy!. Có phải sự nghèo hèn ấy đã phát sinh ra biết bao nhiêu bài học mà Thiên Chúa muốn dậy và muốn chia sẻ thật nhiều cho con cái của Người?. Mà hằng bao nhiêu thế kỷ, biết bao nhiêu con người nghèo sống cùng khắp thế giới.

Sự an ủi ấy thật là bao la và thật to tát cho cùng khắp mọi thành phần nghèo khổ trong xã hội!. Từ trẻ sơ sinh bị vất ra ngoài đường cho đến các em nhỏ không nơi nương tựa, không người thân, không cơm áo, không một vật dính thân, bệnh tật, tật nguyền, trần truồng và rách rưởi vì bị đời chối bỏ. Ngày Chúa Giáng Trần tùy từng người, tùy mọi thành phần của xã hội, Chúa đã trao ban cho nhân loại một Hạnh Phúc thật vô biên là Chính Ngài. Sự Sinh Hạ của Ngài là một Hồng Ân thật cao cả đối với nhân loại con người. Mà từ khắp mọi nơi, mọi ngả đường, mọi nhà đều cảm thấy sự ấm cúng và hạnh phúc ấy!. Chúa đến trần gian cho tất cả nhân loại một Ý Nghĩa thật sâu sắc, đậm mầu tình yêu thương của Thiên Chúa.

Người người tìm đến nhau để cho nhau sự ấm áp. Sao Chúa không chọn chào đời ở những mùa khác trong năm, mà lại chọn giáng trần trong mùa đông lạnh đầy tuyết phủ này?. Có phải mùa đông con người thường tìm đến nhau nhiều hơn. Chẳng phải để tấm thân hay chết được ấm áp bên cạnh lò sưởi cho những tiếng tí tách trong đêm, nhưng là tìm một hạnh phúc thật của một gia đình. Ít nhất hạnh phúc ấy cũng được chia sẻ từ người cha, người mẹ, và đứa con duy nhất. Vì nhìn trong máng cỏ chúng ta thấy ai trong đó?. Thưa có phải là Đức Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, và Chúa Giêsu Hài Đồng đấy sao?. Vâng, ý nghĩa Chúa muốn nhắn nhủ cho nhân loại hạnh phúc có nghĩa là tất cả những gì chúng ta có thể trao ban cho nhau, dù cả hai cha mẹ có cuộc sống thiếu thốn và thật khó nghèo.

Ý nghĩa của Hạnh phúc đích thật ở đây Chúa muốn dậy con người là chúng ta chỉ cần cho nhau trái tim biết yêu thương chứ không phải là đồng tiền. Gia đình Thánh Gia không có tiền và họ sống thì rày đây mai đó!. Không nơi nào là nhà thật của họ cả!. Nhưng không ai trên trần gian lại được Hạnh Phúc như thế!. Định nghĩa của một mái ấm gia đình là hình ảnh ấn tượng nhất cho nhân loại là trong Mùa Giáng Sinh. Nhà nhà ai cũng có chưng một Hang Đá với Chúa Giêsu Hài Đồng nằm trong máng cỏ, bên cạnh Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.

Những hình ảnh khác cũng cần phải có để tôn vinh và hát khen chào mừng Chúa Giêsu chào đời là các Thiên Thần, ba vua, và các em mục đồng. Vì Chúa Giêsu sinh hạ nơi thế trần, chính Ngài là Hạnh Phúc đích thật. Ngài ban cho chúng ta Bình An, Tình Yêu, và một tâm hồn biết sống chia sẻ. Amen.
 
Ánh Sáng Tình Yêu
Thanh Sơn
09:07 23/12/2011
Ánh Sáng Tình Yêu đang đến gần
Này! Đấng Tình Quân đến trước sân
Cửa lòng em ơi! mở ra nhé
Hỏi trái tim em có dọn phần?

Ánh Sáng Tình Yêu đang đến gần
Tim em nhịp đập có vọng ngân
Cón còn cảm súc rung lòng mến?
Hay đã cằn khô nỗi bất cần

Ánh Sáng Tình Yêu đang đến gần
Thiếu nữ Si-on chờ trước sân
Dầu đèn sẵn cả vui canh thức
Chờ đón Quân Vương, đón phúc phần

Ánh Sánh Tình Yêu đang đến gần
Sao trái tim ta lại phân vân?
Nửa muốn mở toang chào Ánh Sáng
Nửa lại buông xuôi chốn cơ bần

Ánh Sáng Tình Yêu đang đến gần
Hồn em khờ khạo như thiêu thân
Muốn bay vào lửa Tình Yêu ấy!
Để hưởng Tình Yêu, hưởng Phúc Ân

Ánh Sáng Tình Yêu đến rất gần
Xua tan giả tạo của phù vân
Em xin hóa thân thành bạch lạp
Xin Chàng hãy đốt để tan dần.

23.12.2011
 
Nghe bản nhạc Chúa Sinh Ra Vì Ta: For Unto Us A Child Is Born
G. F. Handel / Lê Văn Khoa
17:09 23/12/2011
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đêm Huyền Diệu/Chúc Mừng Giáng Sinh-Merry Christmas!
Nguyễn Đức Cung
22:08 23/12/2011
ĐÊM HUYÊN DIỆU/ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH – Merry Christmas!
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Mùa Giáng Sinh lại đến, khắp toàn cầu đang trong khung cảnh tưng bừng hân hoan đón mừng ngày Đấng Cứu Thế giáng trần. Trong bầu không khí linh thiêng ấy, Gia Đình Trang Ảnh Chiêm/Niệm/Thiền và Làng Văn Hữu Dũng Lạc
Chân thành kính chúc quí vị độc giả và qúi quyến:
- Lễ Giáng Sinh tràn đầy an bình, hạnh phúc.
- Năm mới 2012 muôn vàn như ý.
Trân trọng.


Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Thế giới nhìn từ Vatican 16/12 - 23/12/2011
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:26 23/12/2011


1. Sứ điệp ngày Hòa Bình Thế Giới

Trong năm 2011 sắp trôi qua, cảm thức bất mãn gia tăng vì cuộc khủng hoảng đang đè nặng trên xã hội, thế giới lao động và nền kinh tế. Dường như một tấm màn đen tối đang che phủ thời đại chúng ta với một tâm lý bi quan lan rộng.

Do đó, cần tăng cường giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình, với xác tín rằng do lòng hăng say và sự theo đuổi lý tưởng, người trẻ có thể mang lại cho thế giới một niềm hy vọng mới.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Đứng trước thách đố khó khăn trong hành trình công lý và hòa bình, chúng ta có thể bị cám dỗ tự hỏi như Tác giả Thánh Vịnh: ‘Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi: ơn phù trợ tôi đến từ nơi nao?’

Tôi muốn mạnh mẽ nói với tất cả mọi người, đặc biệt là người trẻ, rằng: ‘không phải các ý thức hệ cứu vãn thế giới, nhưng là nhờ qui hướng về Thiên Chúa hằng sống, Ngài là Đấng tạo dựng nên chúng ta, là người bảo đảm tự do của chúng ta, người bảo đảm những gì đúng thật là tốt và chân thật”.

2. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 18 tháng 12.

Trong Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, phụng vụ Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta trình thuật truyền tin cho Đức Maria. Chúng ta thấy tầm quan trọng trong câu hỏi của Đức Maria, dành cho sứ thần đang khi Mẹ "rất bối rối": "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! Trong sự đơn sơ của mình, Mẹ Maria thật sáng suốt. Mẹ không hoài nghi quyền năng của Chúa nhưng muốn hiểu hơn ý định của Người hầu theo trọn ý định nhiệm mầu của Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa vượt xa trí hiểu của Mẹ Maria. Tuy nhiên, Mẹ đã hoàn thành trọn vẹn vai trò được trao phó. Tâm trí của Mẹ tràn đầy khiêm tốn, và chính do lòng khiêm tốn này, Thiên Chúa trông chờ tiếng "Xin vâng" từ Mẹ để thực hiện công trình của Người.

Ngài nói tiếp:

Ai tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa, người đó đón nhận Chúa Giê-su nơi mình, đón nhận cuộc sống thánh thiêng của Ngài do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Đây chính là mầu nhiệm Giáng Sinh! Tôi cầu chúc anh chị em sống mầu nhiệm đó với niềm vui sâu xa trong lòng.

3. Buổi triều yết chung thứ Tư 21/12

Sáng thứ Tư 21 tháng 12 trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến cuối cùng trước lễ Giáng Sinh. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa lễ Giáng Sinh. Ngài mở đầu bài huấn dụ như sau:

Anh chị em thân mến, tôi vui mừng tiếp đón anh chị em trong buổi tiếp kiến chung mấy ngày trước lễ Chúa sinh ra. Lời chào trên môi miệng của tất cả mọi người trong những ngày này là “Mừng lễ Giáng Sinh! Chúc mừng lễ Giáng Sinh!”, chúng ta hãy làm sao để cả trong xã hội hiện nay, lời trao đổi chúc mừng lễ không mất đi ý nghĩa tôn giáo sâu xa của nó, và ngày lễ không bị thu hút bởi các khía cạnh bề ngoài, nhưng đánh động con tim.

Trong Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh chúng ta sẽ hát “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh”. Từ ngữ “hôm nay” hướng đến một thời hiện tại vĩnh viễn vì biến cố Giáng Sinh mặc lấy và thấm nhập tất cả lịch sử, tiếp tục là một thực tại cả ngày nay nữa.

Trong các buổi cử hành phụng vụ, khi chúng ta lắng nghe hay nói lên câu “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã được sinh ra cho chúng ta”, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta “hôm nay”, bây giờ đây, cho tôi và cho mọi người trong chúng ta, khả thể hiểu biết Người và tiếp đón Người như các mục đồng đã làm xưa kia tại Bếtlehem, để Người cũng sinh ra trong cuộc sống chúng ta, canh tân nó, soi sáng nó, và biến đổi nó với Ơn Thánh, với Sự Hiện Diện của Người.

Chúng ta hãy sống lễ Giáng Sinh của Chúa bằng cách chiêm ngưỡng con đường tình yêu vô biên của Thiên Chúa, là Đấng đã nâng chúng ta lên với Người qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Con của Người.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc tất cả một Lễ Giáng Sinh tuơi vui, an lành, thánh thiện.

4. Đức Tổng Giám Mục Santos Abril nhận chức linh mục trưởng đền thờ Đức Bà Cả

Sáng thứ Tư 21 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Tây Ban Nha Santos Abril đã nhận chức linh mục trưởng Đền Thờ Đức Bà Cả, một trong bốn đại giáo đường tại Rôma. Nghi lễ đã diễn ra rất long trọng và cảm động, bắt đầu với vòng hoa kính Đức Mẹ tại nhà nguyện “Salus Populi Romani”.

Đền Thờ Đức Bà Cả là một di sản nghệ thuật của Rôma với những phù điêu từ thế kỷ thứ 5 và đặc biệt hơn cả là di tích về hang đá nơi Chúa Giêsu đã sinh ra.

Hiện diện trong buổi lễ có Đại Sứ Tây Ban Nha cạnh Tòa Thánh là bà María Jesús Figa. Sự hiện diện của bà cho thấy liên hệ đặc biệt đã có từ thế kỷ thứ 16 giữa Đền Thờ Đức Bà Cả và nước Tây Ban Nha. Vua Tây Ban Nha lúc bấy giờ là Carlos Đệ Ngũ đã tặng cho Đền Thờ Đức Bà Cả một số vàng đưa từ Mỹ Châu về để lát trên trần đền thờ.

Trong diễn từ của mình tại buổi lễ, Đức Tổng Giám Mục Santos Abril đã mời vua Tây Ban Nha đến thăm đền thờ.

Đức Cha Santos Abril là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ngài đã từng là sứ thần Tòa Thánh tại nước Guinea, Á Căn Đình và Bosnia Herzegovina. Dưới triều đại của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ngài phục vụ trong phân bộ/ Tây Ban Nha của Bộ Quan Hệ với Các Nước.

Ngoài chức vụ linh mục trưởng Đền Thờ Đức Bà Cả, Đức Cha Santos Abril còn là Nhiếp Chính của Tòa Thánh.

5. 23 sắc lệnh liên quan đến các án phong hiển thánh và chân phước.

Có 7 sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của 7 vị chân phước, trong đó có chân phước Phêrô Calungsod, giáo dân Philippines tử đạo; nữ chân phước Marianne Cope, dòng ba Phan Sinh tại thế ở Syracuse ở Mỹ, tổng đồ người cùi tại đảo Molokai; nữ chân phước Catarina Tekakwitha, giáo dân người Mỹ.

Có 5 sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của 5 vị Tôi Tớ Chúa; 4 sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của tổng cộng 63 vị Tôi Tớ Chúa, phần lớn bị sát hại trong thời nội chiến Tây Ban Nha 1936 đến 1939. Sau cùng là 7 sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 7 vị Tôi Tớ Chúa.

Với việc công bố các sắc lệnh trên đây, Giáo Hội sắp có thêm 7 vị Hiển Thánh và 68 vị chân phước sẽ được tôn phong.

6. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 bày tỏ tình liên đới với dân chúng bị bão lụt tại Phi Luật Tân.

Trong đêm thứ Bẩy, rạng sáng Chúa Nhật 18 tháng 12, bão Washi, với vận tốc hơn 100 cây số một giờ đã thổi qua và tàn phá 4 tỉnh. Lụt lội và đất chuồi đã khiến 650 người bị thiệt mạng, 800 người mất tích, hàng trăm ngàn nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hại. Chính quyền cho biết con số nạn nhân còn gia tăng và đã huy động khoảng 20 ngàn binh sĩ để tìm kiếm những người bị mất tích và cứu trợ tại những vùng bị lụt, đồng thời tìm cách tái lập điện nước cho các khu vực dân cư. Đức Thánh Cha nói:

“Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với dân chúng miền Nam Phi Luật Tân đang chịu thiệt hại bởi một trận bão nhiệt đới tàn khốc. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân, hầu hết là trẻ em, những người vô gia cư và đông đảo những người bị mất tích”.

7. Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia.

Sau khi nồng nhiệt cám ơn các em, Đức Thánh Cha nhắc đến chủ đề suy tư năm nay của các thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia là lời dân chúng nói với người mù Bartimeo trong Phúc Âm: “Đứng dậy đi, Người đang gọi anh đó!” Đức Thánh Cha mời gọi các em hãy thực thi lời này trong các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống: từ lời đánh thức của cha mẹ các em ban sáng, cho đến ơn gọi của bí tích rửa tội, rước lễ lần đầu và ơn gọi dấn thân trong đời sống linh mục, tu sĩ sau này. Một em đại diện nói:

“Trong tim chúng con, lời Đức Thánh Cha vang vọng một lời mời gọi chúng con trở nên các bằng hữu thân tình với Chúa Giêsu”

Đức Thánh Cha đáp lại:

“Hãy luôn nhớ đến những ai đag cần đến sự trợ giúp của các con. Hãy làm như Chúa Giêsu, Đấng không quên bất cứ ai đang cơn hoạn nạn nhưng luôn đón tiếp họ, chia sẻ những khó khăn của họ, củng cố và ban bình an của Thiên Chúa cho họ”.

Các trẻ em đã hát cho Đức Thánh Cha cũng như trao tặng ngài một giỏ kẹo bánh và sách.

8. Đức Thánh Cha thăm viếng nhà tù Rebibbia trong vùng ngoại ô thành phố Rôma.

Omar nói: “Con rất xúc động trước biến cố này. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha dành cho các phạm nhân Công Giáo rất quan trọng và trong sự chịu đựng của chúng con Đức Thánh Cha và gia đình là những điểm bám víu của chúng con như dây cáp điện để chúng con thân thưa với Chúa. Con yêu mến Đức Thánh Cha.”

Federico thì nói:

“Đức Thánh Cha là Giáo Hoàng của tất cả chúng con. Xin đừng để chúng con bị tước đoạt cả nhân phẩm và tự do. Tại sao người ta có thể giả định rằng đã là thân tù tội thì bị tước đoạt tất cả mãi mãi. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha là một vinh dự lớn cho chúng con. Xin kính chúc Đức Thánh Cha và thế giới một Mùa Giáng Sinh hạnh phúc”

Đức Thánh Cha đã phàn nàn về tình trạng đông đúc trong các trại giam và kêu gọi những cấu trúc nhà tù tốt hơn trên thế giới. Ngài nói:

“Tôi biết là sự đông đúc và xuống cấp trong các trại giam làm cuộc sống trong tù tệ hại hơn: Tôi đã nhận được nhiều thư của các tù nhân nhấn mạnh đến điểm này. Điều quan trọng là các cơ quan cần cổ võ một cuộc khảo sát cẩn thận về các trại giam, kiểm tra lại các cơ cấu, các tài nguyên và nhân lực để các tội nhân không phải chịu án ‘gấp đôi’”

Đức Thánh Cha sau đó đã đọc một diễn văn rất xúc động trong đó ngài cho biết luôn cầu nguyện cho các phạm nhân và nhấn mạnh rằng chính Chúa Kitô cũng đã từng bị giam cầm. Ngài nói thêm:

“Tù nhân là con người cho dù đã phạm tội đi chăng nữa. Họ phải được đối xử với sự trân trọng và với phẩm gía. Họ cần được chúng ta lưu ý đến”.

Trước khi rời khỏi nhà tù, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chào thăm nhiều tội nhân. Nhiều người đã trao tặng ngài những quà tặng như tranh vẽ diễn tả hòa bình, gia đình và những trẻ sơ sinh.

9. Đức Thánh Cha đã tiếp đoàn đại biểu Ukraine là nước đã tặng cho Tòa Thánh cây thông Giáng Sinh năm nay.

“Cây thông và máng cỏ Giáng Sinh là những yếu tố đặc thù của Giáng Sinh, là những gì thuộc về di sản tinh thần của các cộng đoàn chúng ta”

10. Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi kinh chiều với hơn 10,000 sinh viên của thành phố Rôma.

Trong cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã nói với các bạn trẻ như sau:

“Các sinh viên đại học Rôma thân mến, cha rất vui gặp gỡ các con trong biến cố truyền thống này, cha thân ái chào các con.”

Mỗi người trẻ đến với cuộc gặp gỡ này có thể vì những lý do khác nhau, nhưng tất cả đồng ý rằng gặp gỡ Đức Thánh Cha là một điều tích cực và đặc biệt.

“Đây là dịp tốt cho các sinh viên canh tân tinh thần Kitô của chúng ta, nhưng trên hết là để canh tân dấn thân xã hội của đại học trong xã hội.”

“Tôi thường đến trước hết là để cầu nguyện, và với lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha tôi thấy gắn bó hơn với ngài và ý cầu nguyện của ngài”.

“Cuộc gặp gỡ này luôn hào hứng vì Đức Giáo Hoàng luôn gần gũi với giới trẻ. Lời ngài là điểm tham chiếu cho chúng tôi”.

Chủ đề cho cuộc gặp gỡ năm nay là “Câu hỏi về Thiên Chúa ngày hôm nay”. Nhân dịp Giáng Sinh, Đức Thánh Cha đã mời gọi các bạn trẻ đương đầu với các vấn nạn bằng cách đặt Thiên Chúa là trọng tâm của đời mình.

“Các bạn sinh viên thân mến, chúng ta hãy chạy đến Bethlehem với niềm vui, chúng ta hãy mở rộng cánh tay chào đón hài nhi Giêsu mà Đức Mẹ và Thánh Giuse đưa ra cho chúng ta. Từ nơi Ngài và với Ngài, chúng ta sẽ đối diện với mọi khó khăn”.

Cuối buổi gặp gỡ, một nhóm sinh viên từ Tây Ban Nha đã trao lại bức ảnh “Đức Bà là Tòa Đấng Khôn Ngoan” cho các sinh viên Italia. Đây là bức ảnh Đức Mẹ và Chúa Giêsu mà các bạn trẻ Italia đã cho các bạn trẻ Tây Ban Nha mượn nhân dịp ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

11. Một nữ tu người Đức sắp được Đức Thánh Cha tôn phong là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Sơ Hildegard của thành Bingen sống vào thế kỷ thứ 12 được biết đến như vì những thị kiến và khả năng tiên tri của mình. Sơ Hildegard là một nhà soạn nhạc, một triết gia, một nhà vật lý, và một nhà môi sinh. Sơ là người tiên phong trong nhiều lãnh vực thời Trung Cổ.

Xuất thân trong một gia đình quyền quý, năm 8 tuổi sơ được theo học tại một tu viện nơi sau này sơ đã trở thành một nữ tu và sau đó là Mẹ bề trên.

Những thị kiến và những lời tiên tri của sơ được Đức Thánh Cha đương thời nhìn nhận.

Theo truyền thống, sơ sẽ được phong thánh trước khi Đức Thánh Cha chính thức tôn phong sơ là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Trong buổi triều yết chung tuần qua, Đức Thánh Cha nói rằng sơ đã nhiệt thành phụng sự Giáo Hội trong một giai đoạn đen tối ghi dấu bởi tội lỗi của các giáo sĩ và giáo dân.

“Sơ đã mang đến những suy tư của một người phụ nữ về mầu nhiệm đức tin. Trong nhiều công việc của mình, sơ đã chiêm ngắm cuộc hôn nhân diệu kỳ giữa Thiên Chúa và nhân loại được hoàn thành nơi biến cố Nhập Thể, cũng như sự kết hiệp phu thê giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Sơ cũng tìm hiểu quan hệ thiết yếu giữa Thiên Chúa và tạo vật, và lời mời gọi nhân loại tôn vinh Thiên Chúa qua cuộc sống thánh thiện và nhân đức”.

Trong 33 vị Tiến Sĩ Hội Thánh, chỉ có 3 vị là nữ giới. Trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng đã loan báo rằng thánh San Juan de Avila người Tây Ban Nha sẽ được tôn phong là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Với việc tôn phong này Giáo Hội chính thức nhìn nhận những đóng góp của thánh nữ trong Thần Học Công Giáo.

12. Giáo phận Syracuse, New York hân hoan trước tin nữ chân phước Marianne Cope thuộc dòng ba Phan Sinh tại thế sắp được phong thánh.

Trong thông cáo đưa ra trong tuần qua, giáo phận Syracuse, New York đã bày tỏ vui mừng sau khi Đức Thánh Cha chuẩn y án phong thánh cho nữ chân phước Marianne Cope.

Vào thập niên 1860, chị đã phục vụ tại Syracuse, New York, trước khi đến đảo Hawaii nơi chị đã phụ giúp cha Damien trong việc chăm sóc sức khoẻ cho những bệnh nhân phong.

Phép lạ dọn đường cho việc phong thánh của chị đã diễn ra khi một phụ nữ đang hấp hối đã được chữa lành nhờ kêu cầu đến chị. Bộ Phong Thánh đã xác nhận biến cố này là phép lạ sau khi một nhóm các nhà thần học và các vị Hồng Y đã tiến hành điều tra sâu rộng.

Chị Cope đã là giáo viên và sau đó là hiệu trưởng một trường học tại New York. Chị cũng đã giúp xây dựng bệnh viện St. Elizabeth tại Utica và bệnh viện St. Joseph tại Syracuse. Đây là những bệnh viện đầu tiên được xây dựng tại New York.

Trong thời gian hoạt động tại Hawaii sơ cũng đã mở một trung tâm giáo dục cho con em của những bệnh nhân phong.

13. Đức Thánh Cha thay đổi nghi lễ tiếp kiến tân đại sứ đến trình quốc thư

Từ nay trở đi, Đức Thánh Cha sẽ không đọc diễn văn khi tiếp kiến mỗi tân đại sứ đến trình quốc thư. Truyền thống đọc diễn văn khi tiếp kiến tân đại sứ đã được hình thành từ thập niên 1960 bởi Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục. Thực ra, điều này không được áp dụng ở các quốc gia khác.

Đây là một thay đổi nhỏ nhưng giúp giảm thiểu công việc tại Tòa Thánh xét vì hiện nay Tòa Thánh đã có quan hệ với 178 nước và mỗi năm một con số đông đảo các vị tân đại sứ đến thay cho các vị tiền nhiệm của mình.

Trong tuần qua, Đức Thánh Cha đã tiếp tập thể 11 vị tân đại sứ thay vì từng vị một.

Trong diễn từ với các vị ngài nói:

“Trinidad và Tobago, Cộng Hòa Guinea-Bissau, Liên tổng Thụy Sĩ, Burundi, Thái Lan, Pakistan, Mozambique, Kyrgyzstan, Cộng Hòa Andorra, Sri Lanka và Burkina Faso.”

Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình liên đới đối với sự phát triển toàn cầu và mời gọi các vị đại sứ cổ vũ cho việc giáo dục các giá trị luân lý cho thế hệ trẻ. Ngài nói:

“Tôi khích lệ mỗi người, bất kể mức độ trách nhiệm của họ như thế nào, đặc biệt là các nhà cầm quyền, hãy phát huy những sáng kiến, đầu tư các tài nguyên cần thiết để trao cho những người trẻ những căn bản luân lý nền tảng giúp họ trưởng thành và chiến đấu chống lại các vấn nạn xã hội như thất nghiệp, ma túy, tội ác và thiếu tôn trọng con người”.

Bên cạnh các quốc gia, Tòa Thánh cũng có đại diện tại các cơ chế khác như Liên Hiệp Âu Châu, Khối Malta, và duy trì những quan hệ ngoại giao đặc biệt với Palestinẹ

Hiện nay Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Ả Rập Saudi và Bắc Triều Tiên.
 
Sứ Điệp Giáng Sinh: Công Lý – Tình Thương Ngự Trị
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:28 23/12/2011
Sứ Điệp Giáng Sinh: Công Lý – Tình Thương Ngự Trị

Giáng Sinh đã trở thành đại lễ chung cho mọi người. Ý nghĩa thâm sâu nhất của lễ Giáng Sinh không chỉ biểu hiện ở giá trị văn hoá, mà đặc biệt hơn, nó chứa đựng chiều kích tâm linh cao cả mà Ngôi Hai Thiên Chúa đem đến trần gian. Sự kiện Giáng Sinh nguyên khởi nói cho chúng ta về nét đặc trưng nhất của Đêm Hồng Ân mà muôn người nô nức mong chờ.

1. Giáng Sinh: Công Lý – Tình Thương Ngự Trị

Giữa đêm Bê-lem hiu quạnh năm xưa, chính Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, được “đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 7b) khiến cho nhiều người thời nay khó lòng tin nổi. Nhưng đó là sự kiện có thực, nói lên hoàn cảnh mà Đấng Cứu Độ đã hạ mình sinh xuống trần gian để cảm thông với nỗi khó khăn bần cùng của con người. Ngài muốn đồng cảm với nhân loại ngay từ tiếng khóc đầu tiên, với muôn ngàn nỗi éo le đặt ra cho một đời người.

2. Giáng Sinh: Công Lý – Tình Thương nối dài

Đến nay, đã hơn hai ngàn năm kể từ đêm đầu tiên thiêng liêng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần “nằm trong máng cỏ” nghèo hèn, đơn sơ, bé nhỏ. Tình thương và công lý của Đấng Nhập Thể “đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2, 11). Chúng ta không đón nhận ân sủng ấy một cách thụ động, mà phải thể hiện thái độ tiếp nhận bằng nỗ lực sống sứ điệp Giáng Sinh.

Tình thương của Thiên Chúa làm người hướng chúng ta tới việc đồng cảm, sẻ chia với những phận người bần cùng, nhỏ bé quanh ta. Đêm Giáng Sinh sẽ nối dài vô tận khi mỗi người tự hoá thân thành những “Hài Nhi Giê Su”, biết nhìn tha nhân với ánh mắt thương cảm, và sẵn sàng cho đi phần đang có riêng mình, vì sự sống và nhân phẩm của anh chị em đồng loại.

Hơn thế nữa, sứ điệp tình thương từ đêm Giáng sinh mà chúng ta kín múc được sẽ thật sinh động khi chúng ta biết vận dụng nó như nền tảng cho việc thực thi công lý và tình thương. Vì không thể có một nền công lý đích thực khi nền “công lý” ấy thiếu vắng tình thương.

Có một câu chuyện kể về một mùa Giáng sinh đáng ghi nhớ như sau: Lúc đó là mùa Ðông năm 1864, một mùa Ðông thật lạnh tại Hiệp chủng quốc.

Cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc Hoa Kỳ đang ở vào thời kỳ ác liệt nhất. Những trận giao tranh giết hại hàng chục ngàn người và những tiểu bang nằm trong vùng trận địa đều chịu cảnh tàn phá đổ nát: nhà cửa bị cháy rụi, nông trại bỏ hoang, đàn bà con nít chạy trốn khỏi nơi lửa đạn, súc vật lang thang đói khát không người săn sóc...Thật là một mùa Ðông lạnh ở ngoài trời mà giá buốt cả trong lòng người.

Trong một trang trại nhỏ ở miền Nam chỉ cách Shiloh - nơi mới xảy ra một cuộc giao tranh ác liệt làm đôi bên tử thương cả chục ngàn quân sĩ - chừng 100 dặm, Sandra Johnson đứng nhìn qua cửa kính ra ngoài trời đầy tuyết bay lả tả. Nàng là một cô gái xinh xắn, dễ thương, tính tình hiền hậu và hay thương người. Sandra mới 16 tuổi nhưng đã sớm biết thế nào là cảnh chiến tranh giết chóc, cảnh gia đình tan nát chia ly, phần vì nàng được nghe người ta kể lại, phần vì nàng đã được chứng kiến ngay trong cuộc sống hàng ngày tại cái tỉnh nhỏ bé của nàng.

Cha Sandra ra đi chiến đấu bên phía Nam quân đã được gần hai năm. Trong khoảng thời gian ấy, chỉ có một lần ông ghé thăm nhà rồi biệt vô âm tín.

Có những buổi chiều khi hoàng hôn xuống, Sandra đã nhớ thật nhiều người cha thân yêu mà ngày còn ở nhà ông thường dắt nàng đi chơi cũng trong những buổi chiều đẹp như vậy.

Những lúc đó, Sandra đã không ngăn được những giọt lệ lăn tròn trên má. Thỉnh thoảng Sandra cũng bắt gặp những giọt lệ như thế trên khoé mắt mẹ nàng mặc dầu Sandra biết mẹ cố giấu những xúc động, không muốn cho Sandra thấy.

Hôm nay đứng nhìn tuyết bay, Sandra lại cảm thấy nhớ cha hơn. Ước gì ông về ngay bây giờ để Sandra sà vào lòng ông mà vòi vĩnh, nũng nịu và để được ông nhìn với ánh mắt đầy yêu thương trìu mến, được ông vuốt ve vỗ về và nhất là được ông kể chuyện chiến trường cho nghe.

Sandra càng nhớ cha khi nàng chợt nghĩ sắp đến lễ Giáng Sinh rồi. Nàng gọi mẹ:

“Má ơi! Chỉ ba ngày nữa là lễ Giáng Sinh rồi đấy má!”

Bà Johnson đang lúi húi trong phòng. Bà lục tìm trong đống đồ lộn xộn bộ tượng Giáng Sinh mà gia đình bà đã có từ lâu, mỗi mùa Giáng Sinh lại lấy ra trưng bày ở giữa nhà. Giọng bà âu yếm:

“Ừ, Sandra, má đang tìm bộ tượng Sinh Nhật đây!”

Hồi chưa có chiến tranh, đồ đạc của mỗi gia đình được xếp dọn đâu đó. Từ dạo xẩy ra nội chiến giữa hai miền Nam Bắc, tình trạng hỗn loạn xẩy ra thường xuyên, không biết lúc nào. Ðồ đạc được chia ra làm hai loại: thứ quí báu và thiết dụng thì lúc nào cũng sẵn sàng để mang theo lúc chạy. Thứ không cần thiết và nặng nề thì dọn cả vào căn phòng chứa đồ. Bộ tượng Sinh Nhật tuy quí nhưng không thể mang theo mỗi khi hữu sự. Ðành phải bỏ vào trong một chiếc hộp và để trong phòng đồ vậy. Phòng đồ chất đủ thứ lộn xộn, hai mẹ con tìm hoài không ra bộ tượng Sinh nhật. Sandra vừa lục lọi vừa hỏi mẹ:

“Má à, bao giờ ba về? Giáng Sinh này ba có về không?”

Bà Johnson sững sờ trong giây phút. Cổ họng bà nghẹn lại. Bà không trả lời ngay được con gái.

Người chồng yêu quí của bà ra đi đã hai mùa Giáng Sinh rồi. Không biết chàng sống chết ra sao. Trước đây ba tháng, một trận chiến khốc liệt xẩy ra làm cả đôi bên Nam quân và Bắc quân đều tổn hại hàng chục ngàn người. Vô số người bị thương. Bà mong John bị thương và về nhà để bà săn sóc, để bà mãi mãi được gần người chồng yêu quí, Sandra được gần cha. Nhưng trông hoài không thấy chồng về, bà đinh ninh có lẽ chồng bà đã chết trong trận ấy vì nhiều người chết trận quá, người ta chưa kịp báo tin cho bà. Bà vẫn giấu thầm những giọt nước mắt không muốn cho Sandra biết và mỗi khi Sandra hỏi, bà trả lời:”Ba con sắp về!”

Chiến tranh đã tàn phá hết, thiêu hủy hết, ngay cả những nhu yếu phẩm cho đời sống... “Kìa, sao má không trả lời con?”

Bà Johnson bừng tỉnh như ra khỏi giấc mộng. Bà chợt nhớ đến câu hỏi của Sandra:

“À, có lẽ ba con sắp về. Giáng Sinh này ba con sẽ về...”

Giọng Sandra nũng nịu:

“Lúc nào má cũng nói: ba sắp về, ba sắp về... mà chẳng bao giờ ba về. Con không tin được má nữa!...”

Bà Johnson thở dài. Bà biết giải thích với con làm sao? Bà chỉ còn trông cậy vào Chúa, nhất là ngày lễ Giáng Sinh sắp tới. Chúa sẽ thương gia đình bà đưa người chồng yêu quí của bà về với gia đình.

Bỗng Sandra reo lên:

“Má, bộ tượng đây rồi má!”

Hai mẹ con đưa bộ tượng Giáng Sinh ra trưng bày trên một chiếc bàn nhỏ tại phòng khách, chỗ long trọng nhất. Sandra thắp hai ngọn đèn cho bộ tượng rồi đứng ngắm một cách say mê. Căn phòng được bày biện lại và nhờ có bộ tượng Giáng Sinh, trông vui mắt và ấm cúng hẳn lên.

“Má à, còn thiếu cây thông nữa. Má với con ra góc vườn chặt một cành đi.”

Bà Johnson đáp:

“Phải đó, ra chặt lẹ kẻo sắp tối.”

Hai mẹ con đi ra vườn. Bà Johnson xách theo một con dao để chặt cây. Sandra ngắm nghía xong lựa được một cành ưng ý:

“Cành này đẹp đấy má. Má chặt cho con đi!”

Lúc bà Johnson vừa chặt xong cành cây thì có tiếng chuông reo ở cổng. Hai mẹ con ngó qua hàng rào ra ngoài. Hai người đàn ông mặc quân phục Bắc quân cỡi trên hai con ngựa.

Bà Johnson và Sandra bỗng nhiên thấy hai người lạ mặt một cách đột ngột, sợ không còn hồn vía, muốn la lên và chạy, nhưng vì sợ quá lưỡi cứng lại, chân ríu lại, không la cũng không chạy được nữa. Hai mẹ con đành cứ đứng như trời trồng ở đó. Ai còn lạ gì những cuộc tấn công của Bắc quân? Họ đốt phá và hãm hiếp đàn bà con gái. Họ làm tất cả những gì dã man không ai có thể tưởng tượng. Nhưng có lẽ đoán được tâm trạng, hai người đàn ông lên tiếng:

“Bà và cô đừng sợ. Chúng tôi không làm gì bà và cô đâu. Xin cho chúng tôi ngủ nhờ một đêm và cho nước uống, sáng mai chúng tôi sẽ đi.”

Bà Johnson định thần lại. Bà không biết tính sao. Thực sự bà ngại cho hai người lính Bắc quân này vào nhà quá. Ðêm hôm chỉ có hai mẹ con bà, nếu hai người lính “giở trò” thì làm sao? Bà đã lớn tuổi rồi có thể đối phó nhưng Sandra còn nhỏ quá... Bà đưa mắt ngó Sandra. Sandra nghĩ mẹ hỏi ý kiến mình, nàng nói không suy nghĩ:

“Sắp Giáng Sinh rồi má à. Má cứ cho họ ngủ nhờ một đêm đi!”

Hai người đàn ông nghe thế cũng phấn khởi:

“Cô bé nói phải đó. Sắp Noel rồi. Chúng tôi cũng có gia đình nhưng không về thăm nhà được, nhớ nhà quá! Cho chúng tôi ngủ nhờ trong phòng khách một đêm đi. Chúng tôi hứa không làm gì phiền bà và cô.”

Bà Johnson thấy hai người ăn nói có vẻ tử tế lại còn trẻ tuổi. Noel sắp tới, bà không làm được điều gì tốt để dâng lên Chúa sao? Bỗng nhiên bà thấy niềm thương dào dạt trong lòng. Bà liền hăng hái đi mở cổng cho hai người đàn ông.

Sau khi gài then cổng cẩn thận, bà chỉ chỗ cho hai người cột ngựa ở phía vườn sau rồi hướng dẫn họ vào phòng khách. Bà bỏ thêm củi vào lò sưởi và ân cần săn sóc họ.

Hai người lính Bắc quân gỡ súng đạn đang mang trên người ra, đem để ở một góc phòng. Sau đó họ tự giới thiệu với bà Johnson và Sandra.

Một người là Mark Wilson, 30 tuổi, có vợ và một đứa con trai 2 tuổi, đang ở Illinois. Người kia, Tom Harrison mới 21 tuổi còn độc thân và gia đình ở tại Ohio. Hai người có vẻ đói và mệt. Họ bảo bà Johnson họ đã không có gì ăn từ mấy ngày nay.

Bà Johnson cảm thấy ái ngại quá. Bà muốn đãi họ một chút gì cho ấm lòng vì họ nói sáng mai họ sẽ đi sớm.

Chỉ còn một chút đường và bột. Bà dã định khi nào chồng về bà sẽ làm một cái bánh cho chồng ăn và để gia đình mừng ngày đoàn tụ luôn thể. Nhưng nay có khách. Dù họ là những người đang có mối tử thù với chồng bà nhưng bà nghĩ đã cho họ vào ngủ nhờ thì cũng phải đối đãi tử tế với họ. Hơn nữa họ lại là những ngưòi lịch sự, lễ phép, rất kính trọng bà và vui vẻ, nhã nhặn với con gái bà.

“Thôi để John về sẽ kiếm cách khác” bà Johnson tự nhủ.

Liền đó bà bảo hai người đàn ông nằm nghỉ rồi đi lấy chỗ bột và đường cuối cùng, bà bắt đầu làm bánh. Trong lúc nướng bánh, bà nghe Sandra hỏi hai người đàn ông đủ thứ về chién trận, về đời sống vất vả nơi quân ngũ. Bà nhận thấy Sandra và anh chàng lính trẻ có vẻ hợp nhau và quyến luyến nhau lắm.

Lát sau bánh chín, bà Johnson mời mọi người vào bàn. Sandra và bà luôn tay tiếp bánh cho hai người đàn ông. Họ ăn thật ngon lành và dần dần sắc mặt họ hồng lên, tươi tắn, trái với vẻ xanh xám và mệt mỏi lúc trước. Họ tỏ ra rất vui vẻ, sung sướng.

Trời chạng vạng tối. Tiếng chuông lanh lảnh của ngôi nhà thờ gần đó làm không gian bớt tịch mịch hơn. Bà Johnson lặng lẽ làm dấu Thánh giá. Bà nghĩ đến chồng thật nhiều và cầu nguyện cho chàng sớm về.

Bỗng có tiếng chuông rộn ràng ngoài cổng. Mọi người mắt nhìn nhau. Hai người lính Bắc quân thì nghĩ chắc một vài người bạn của họ lại xin vào ngủ trọ nữa. Còn bà Johnson thì không đoán ra ai nhưng bà thấy tim mình đập loạn xạ trong lồng ngực. Bà thầm nghĩ: “Lậy Chúa cho John về.” Nhưng liền đó bà bỏ ý nghĩ đó đi ngay. John về đang lúc có hai người lính Bắc quân trong nhà? Chúa ơi, không thể như thế. Không bao giờ có thể như thế. Tính John xưa nay nóng nảy, nghỉ sao là làm vậy liền. Ắt sẽ có những chuyện không hay xẩy ra.

Bà Johnson bảo hai người đàn ông:

“Các ông cứ tiếp tục ăn uống. Ðể tôi và Sandra ra xem ai gõ cửa giờ này.”

Khi hai mẹ con ra tới cổng thì thấy hai người đàn ông mặc binh phục Nam quân trên lưng hai con ngựa. Bà Johnson giơ cao cây đèn cầm nơi tay, chăm chú nhìn họ rồi rú lên:

“John đó hả? Anh đã về đó sao?”

Tiếng chồng bà:

“Ừ, anh đã về, em lạ lắm sao? Sao không mở cổng ngay cho anh còn đứng đó?”

Chúa ơi, điều mơ ước mong John về đã thành sự thực nhưng hai người lính đang ở trong nhà thì sao đây? Ðầu óc bà Johnson tê liệt, mụ mẫm đi khiến bà cứ đứng trơ ra đó. Lời cầu xin của bà với Chúa đã được Chúa chấp nhận nhưng Chúa không cho nó ở trong hoàn cảnh tốt một tí nào. Chồng bà đang đứng kia và cả người bạn của ảnh nữa, hai người đều có súng và có vẻ như vừa từ mặt trận về. Bà nghĩ ngay đến hai khẩu súng của hai người đàn ông trong nhà.Rồi bà tưởng tượng những gì sẽ xẩy ra khi chồng bà và người bạn bước vào nhà. Bà sẽ nghe đạn nổ dòn, sẽ thấy những thân người gục ngã và máu chảy lênh láng khắp nhà bà. Hoặc có thể, chồng bà sẽ tấn công trước và giết chết hai người lính Bắc quân trong khoảnh khắc.

“Chúa ơi,” Bà rùng mình lẩm bẩm. Những giọt mồ hôi lạnh buốt thấm lưng áo vì bà quá sợ hãi. Nhưng liền lúc đó, Sandra lay lay vai bà:

“Má à, má mở cửa cho ba và ông khách. Cứ cho ba hay sự thực. Má đừng sợ vì Noel sắp tới rồi.”

Thấy lâu quá cổng không đưọc mở, John la lên từ phía ngoài hàng rào:

“Diane, sao em không mở cửa cho anh? Có gì ở trong nhà mình vậy?”

Nhưng bà Johnson vẫn bất động. Bà không biết tính sao? Vì vậy Sandra đã lanh lẹ ra mở cổng và ôm chầm lấy cha nàng:

“Gặp lại ba con mừng lắm. Ba ở nhà luôn chứ ba?”

Người bạn của John đứng đó nhìn cảnh hai cha con John âu yếm nhau.

“Hình như có chuyện gì lạ trong nhà mình phải không Sandra?” Ông Johnson hỏi con gái.

Sandra đáp:

“Con muốn kể cho ba nghe hết nhưng trước nhất ba phải hứa với con ba không làm điều gì, nhất là giết người ta...”

John vô cùng kinh ngạc, ông nhìn con gái:

“Chuyện gì vậy Sandra? Nói mau đi!”

Sandra lúc đó mới kể cho cha nàng nghe về hai người lính Bắc quân trong nhà. Càng nghe ông ta càng tức giận:

“À, bọn đó là kẻ thù không đội trời chung của ba. Ba phải giết hai thằng đó. Bao nhiêu bạn hữu của ba đã bị bọn nó giết thảm thương. Ba phải báo thù.”

Quay về phía bà vợ, ông nói:

“Bà đã làm một lầm lỗi không thể tha thứ. Bà dám tiếp rước kẻ thù của tôi trong nhà. Tôi phải hạ chúng trước, sau sẽ hỏi tội bà.”

Nói là làm, John và người bạn của ông ta, súng trên tay, xăm xăm đi vào nhà. Nhưng bà Johnson đã lanh chân chạy theo chồng và người bạn và cố sức cản họ. Bà năn nỉ chồng:

“Em lạy anh. Ðừng làm thế. Họ là những người tử tế và dễ thương lắm.”

Người chồng càng tức giận hơn, ông ta trừng trừng nhìn vợ:

“Cô tiếp đãi kẻ thù của tôi ở trong nhà rồi bây giờ lại bênh vực chúng, phải không?Tôi không muốn nhìn mặt cô nữa. Cô không phải là vợ tôi.”

Ông ta đẩy bà vợ chúi nhủi ra một bên rồi lại tiếp tục đi về phía ngôi nhà với ý định phải giết bằng được hai người lính Bắc quân. Phải giết chúng ngay lập tức.

Nhưng bà Johnson và Sandra cố sức níu hai người lại. Sandra nói:

“Ba ơi, gần Noel rồi, ba không thể tha cho họ một lần được sao? Ba biết rõ Chúa đâu có thích giết chóc hả ba?”

Sandra đã đánh trúng nhược điểm của cha nàng và người bạn ông ta. Hai người mềm lòng trước lý lẽ vô cùng hợp lý của Sandra. Sau một hồi lưỡng lự, họ cất súng vào bao. Ông Johnson nói:

“Thôi được, vì Giáng Sinh sắp tới rồi không nên giết người. Ba bằng lòng tha cho họ lần này.”

Bà Johnson vô cùng mừng rỡ khi nghe chồng bà nói như thế. Ðược đà, bà nói tiếp:

“Không phải chỉ một lần này nhưng là mãi mãi. Có phải không bao giờ anh muốn trái giới răn của Chúa không? Giết chóc như thế quá đủ rồi anh à!”

Sau đó cả bốn người cùng vào nhà. Bà mẹ và cô con gái vô cùng sung sướng vì đã thuyết phục được chồng và cha của mình và người bạn bỏ ý định giết chóc. Nhưng khi vào tới nhà, họ chẳng thấy hai người lính Bắc quân đâu.

Ông Johnson hỏi vợ:

“Hai người kia đâu em?”

Bà Johnson đoán chừng hai người lính Bắc quân đã chứng kiến vụ “níu kéo” vừa xong, sợ quá nên trốn rồi vì hai khẩu súng của họ cũng không còn đó. Bà ra phía sau nhà gọi lớn:

“Xin anh Mark và anh Tom vô trong nhà. Không có điều gì đáng ngại cả. Ông chồng tôi và bạn ông sẽ không làm gì hai anh đâu.”

Hai người lính Bắc quân từ trong bụi cây chui ra. Họ cũng không mang súng. Bốn người lính, hai phía Bắc quân và hai phía Nam quân cùng niềm nở bắt tay và tự giới thiệu. Họ cùng ngồi vào bàn và thưởng thức nốt cái bánh lúc nãy. Bữa ăn vô cùng thanh đạm nhưng là bữa ăn nhớ đời.

Với những giọt lệ long lanh vì cảm động và nụ cười tươi trên khuôn mặt rạng rỡ, bà Johnson nói với mọi người:

“Mặc dầu chúng ta mừng lễ Giáng Sinh hơi sớm nhưng tôi rất vui sướng có sự hiện diện của mọi người hôm nay. Tôi mong chiến tranh sẽ sớm chấm dứt và mọi người đều trở nên huynh đệ bởi vì chúng ta cùng đang sống trên một lục địa. Xin Chúa xuống phúc lành cho các anh và gia đình tôi.”

Vào ngày lễ Giáng Sinh năm sau, năm 1865, vừa lúc chiến tranh Nam - Bắc kết thúc, Tom Harrison - người lính trẻ Bắc quân năm ngoái - lại trở lại nông trại của gia đình Johnson. Lần này anh ta không xin nước uống và ngủ nhờ một đêm, nhưng là để xin cưới Sandra.

Từ đó, đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau!

Câu chuyện thật cảm động và làm chúng ta suy nghĩ… Chúng ta đang sống trong bối cảnh y hệt trong câu chuyện, chúng ta tự hỏi mình có thể tha thứ cho nhau như trong câu chuyện hay không? Chúa đến để mang an hòa: an bình và hòa giải. Hiện thực được điều Chúa muốn thật là khó đòi hỏi phải cả đôi bên có thiện chí và thiện tâm mới có thể bắt tay làm hòa và chung sống an hòa. Giáng sinh về chúng ta cầu mong cho quê hương đất nước chúng ta và đặc biệt đồng bào chúng ta biết rộng mở tâm lòng sống an hòa trong tình thương của Hài Nhi thơ bé. Bạn và tôi chúng ta hãy sống Tin mừng yêu thương hòa giải này ngay trong gia đình cộng đoàn chúng ta để tin mừng cứu Chúa được lan tỏa khắp nơi nơi.
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News