Ngày 24-12-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:26 24/12/2008
PHÚC THẬT

N2T


Có một người quản lý chơi cổ phiếu bị thất bại, lại một lần sau khi bị thua lỗ thì đến chùa để tìm kiếm sự yên tĩnh cho nội tâm, nhưng ông ta bụng dạ rối bời, không cách gì cầu nguyện được.

Sau khi rời khỏi nhà chùa, thì đại sư nói một câu ngắn ngủi khiến ông ta kinh ngạc: “Người an tâm ngủ trên sàn, thì từ trước đến nay không bị đau khổ vì sẽ rơi trên giường xuống đất.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Ngủ trên sàn nhà thì không còn sợ rơi xuống sàn nữa; không chơi cổ phiếu thì lấy gì mà sợ thua lỗ; không đánh số đề thì lấy gì mà bán vợ đợ con.v.v...chân lý đã rành rành trước mắt như thế mà không thấy thì thua luôn.

Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều người biết chân lý ấy, nhưng vẫn cứ chơi cổ phiếu, vẫn cứ dánh bài bạc số đề, tại sao vậy ? Thưa, tại vì con ma cờ bạc đã nhập vào trong tâm của họ rồi, khi con mà cờ bạc nhập tâm thì nó đẻ ra lòng tham, lòng tham đẻ ra lòng ích kỷ, ích kỷ đẻ ra lòng ghen ghét, lòng ghen ghét đẻ ra sự không công bằng, lòng không công bằng đẻ ra gian dối, gian dối đẻ ra lòng tham, và cứ như thế cái vòng luẩn quẫn ấy cứ xoay mãi trong tâm hồn của họ.

Ngủ trên sàn đất thì sẽ không sợ bị té xuống sàn, siêng năng đọc kinh cầu nguyện thì sẽ không sợ ngã vào trong vũng bùn tội lỗi...

Làm người Ki-tô hữu chắc chắn ai cũng hiểu được điều ấy, nay chỉ xin nhắc lại mà thôi, ai muốn nghe thì nghe.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:29 24/12/2008
N2T


46. Người tìm kiếm tinh thần tự do thì không muốn tâm tình suy sụp, cái gì gọi là khô cạn nhạt nhẽo, tinh thần không muốn, và hiện tượng phân tán tư tưởng, thì đều không nên để cho mình buồn bực.

(Thánh Terese of Avila)
 
Tản mạn Giáng Sinh 2008
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:32 24/12/2008
TẢN MẠN GIÁNG SINH 2008

1.

Giáng sinh lại về, năm nay Giáng sinh về sớm nơi một số nhà thờ, nơi một vài khu phố, vì nhạc giáng sinh đã vang lên vui tai, vui tâm hồn nơi những khu phố thương mại lớn: “Mừng ngày Chúa sinh ra đời...” và nơi các cửa hàng bán hàng tôn giáo, đã bày bán những mặt hàng cho lễ Noel tràn cả ra bên lề đường, không khí Noel đã về, lại một mùa Noel nữa đang đến trong mọi tâm hồn của người Ki-tô hữu, và-có khi- nơi tâm hồn của những người thiện tâm, nơi người không cùng niềm tin Ki-tô giáo.

2.

Giáng sinh lại về, những người lớn không còn thấy nét hớn hở trên khuôn mặt của họ nữa, người người lo âu, vì ảnh hưởng kinh tế trên toàn thế giới, những người nghèo lại càng lo âu hơn vì việc làm ngày càng hiếm, vật giá đắt đỏ leo thang, đây đó có nhiều tiếng than thở của người nghèo: “Giáng sinh năm nay buồn quá, thất nghiệp dài dài.” Vô hình chung họ trở thành Chúa Giê-su nghèo hèn nơi hang đá Bê lem năm xưa mà họ không hề biết, họ có cơ hội cảm nghiệm được sự thiếu thốn để nhận thấy thật rõ Chúa Giê-su nghèo hèn như thế nào khi sinh ra: nghèo hơn cả người nghèo nhất trong họ: không nhà cửa, không chăn ấm, không lò sưởi, không bạn bè, quạnh quẻ cô đơn giữa mùa đông giá tuyết...

3.

Giáng sinh lại về, mặc ai có nỗi buồn vì thất nghiệp, mặc ai giàu có vì trúng áp phe, mặc ai buôn ngược bán xuôi, thì lễ Giáng Sinh của Chúa Giê-su cũng là ngày vui của nhân loại, ngày vui vì “bình an dưới thế cho người lòng ngay”. Ngày sinh nhật của Đấng Cứu Thế không đóng khung trong khung cảnh của người Ki-tô hữu nữa, nhưng tràn lan đến mọi dân tộc chủng tộc tôn giáo trên thế giới; ngày giáng sinh của Chúa Giê-su không còn trong phạm vi tôn giáo nữa, nhưng đã tỏa lan trong mọi ngõ ngách nghề nghiệp của con người, nơi xã hội, nhà máy, xí nghiệp.v.v...bởi vì lễ Giáng Sinh chính là lễ an bình cho mọi người mọi nhà trên thế gian này.

Rồi đêm Giáng Sinh đã đến, giờ này thì không còn ai biết phân biệt kinh tế xuống dốc, người này thất nghiệp, người kia trúng mánh nữa, nhưng tất cả mọi người đều mang một nét hân hoan vui cười trên khuôn mặt của họ. Mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách đều dẫn đến nhà thờ, nơi đây, người ta nhìn ngắm Con Thiên Chúa xuống thế làm người trong hang lừa máng cỏ năm xưa –Chúa Giê-su Hài Nhi- Ngài nằm đó trong hang lừa, những người đến chiêm ngắm thờ lạy Ngài mang nhiều tâm trạng khác nhau: người Ki-tô hữu thì chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu nơi Ngài, người không phải là Ki-tô hữu thì trầm trồ khen ngợi Ngài nằm trong hang đá dễ thương quá; người thất nghiệp nghèo khó thì cảm nghiệm được sự khó nghèo của Ngài; người đau khổ thì cầu xin cho gia đình được hạnh phúc.v.v...

4.

Chúa Giê-su Hài Nhi nằm đó, trong hang đá, hai tay giơ cao như đòi Đức Mẹ Maria ẳm bồng che chở; như dang tay đón nhận tất cả mọi người vào trong vòng tay yêu thương của mình, vòng tay yêu thương của Thiên Chúa; như mời gọi tất cả mọi người hãy trở nên một, hãy trở nên một đoàn chiên không phân rẽ, không chia lìa, không phe phái, không tranh chấp, nhưng một đoàn chiên biết yêu thương, biết phục vụ nhau...

Này bạn,

Cứ mỗi lần lễ giáng sinh của Chúa Giê-su đến, thì Ngài luôn mang một sứ điệp duy nhất đến cho nhân loại, cho bạn và cho tôi, sứ điệp đó là: yêu thương. Bởi vì Ngài chính là tình yêu, từ tình yêu này phát sinh ra tất cả mọi điều thiện hảo cho nhân loại: tình yêu đem lại bình an, tình yêu đem lại hạnh phúc, tình yêu đem lại hòa bình, tình yêu đem lại tha thứ, tình yêu đem lại hòa thuận.v.v...

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người lòng ngay.”


Áp lễ Giáng Sinh năm 2008

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
VietCatholic và Saigon Echo thực hiện hai chương trình đặc biệt mang tựa đề Bài Ca Giáng Sinh (truyện tình phần I và II)
Nguyễn Long Thao
06:48 24/12/2008
Nhận dịp đại lễ Chúa Giáng Sinh, VietCatholic được sự hợp tác của mạng lưới www.saigonecho.com thực hiện hai chương trình phát thanh đặc biệt trình bày một truyện tình lịch sử của Con Thiên Chúa xuống trần vì yêu thương con người. Truyện tình Lịch sử ấy được lồng trong khung cảnh:

- Một truyện tình rất đẹp và thơ mộng của một sĩ quan quân lực VNCH và một cô gái ngoan đạo miền Nam.

- Một truyện tình rất gần gũi và thân thương của những chàng trai đã một lần khoác áo chiến binh và của những cô gái muốn làm người tình của lính.

- Một truyện tình được kết hợp bởi những giọng đọc điêu luyện của các xướng ngôn viên chương trình phát thanh Tiếng Vọng Tình Thương với 18 ca khúc Giáng Sinh do các ca sĩ nổi tiếng trong nền âm nhạc VN trình bày.

- Một chuyện tình chứa đựng nhiều xung khắc nan giải trong học thuyết đạo Công Giáo.

- Một chuyện tình bốc lửa giữa bom đạt, đầy máu và nước mắt với kết cuộc bềnh bồng như mệnh nước nổi trôi, hệ lụy do việc cưỡng chiếm miền Nam của bạo quyền miền Bắc.

- Để mừng Giáng Sinh năm nay, xin quý vị hãy thả hồn theo những âm thanh qua hai buổi phát thanh mang tựa đề "Bài Ca Đêm Giáng Sinh: (truyện tình phần I và II) trong mục Phụng Vụ
 
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh - Lễ Ban Ngày
Linh mục Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R
08:58 24/12/2008
Thứ Năm ngày 25.12.2008.

Bài đọc 1: Isaia 52: 7-10

Bài đọc 2: Trích Thư Do Thái 1: 1-6

Tin Mừng: Gioan 1:1-18.

Kính thưa qúi ông bà và anh chị em rất thân mến,

Đại lễ giáng sinh một lần nữa lại đến trên quê hương đất nước thân yêu của chúng ta. Trên các đường phố tại VN, đặc biệt là tại Sài Gòn, người ta trang hoàng thật lộng lẫy những hình ảnh nói về ngày lễ Noel. Tôi nhìn thấy những hình ảnh này thật đẹp mắt, được trang trí rất mỹ thuật, và điều đó đã lôi cuốn và hấp dẫn rất nhiều người. Họ tuôn về thành phố Sài Gòn vào những ngày gần đây, nhất là vào các buổi tối để đi xem các triển lãm về ngày lễ giáng sinh và tôi thấy họ đua nhau chụp rất nhiều hình ảnh với các biểu tượng nói về ngày lễ, như ông gìa Noel, cây giáng sinh và đoàn xe trượt tuyết. Tất cả diễn ra trong một bầu khí vui tươi, đầy hớn hở. Tôi thấy họ cười nói thật vui vẻ, dáng mặt ai nấy đều lộ rõ sự phấn khởi đầy thích thú. Dường như họ cảm nhận được một cái gì đó thật đặc biệt trong những ngày này… Tuy nhiên, tôi không dám chắc chắn 100% là họ có thể hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của đại lễ giáng sinh và niềm vui mà họ có thể đang cảm nhận được trong tâm hồn.

Tôi thiết tưởng, nếu tôi được thực hiện một cuộc phỏng vấn đối với những người này và nếu tôi có thể hỏi họ về ý nghĩa đích thực của lễ giáng sinh, tại sao chúng ta lại cử hành một đại lễ như vậy. Tôi dám chắc, có lẽ sẽ không có bao nhiêu ngươi có thể trả lời câu hỏi ấy một cách thấu đáo, theo đúng ý nghĩa và tinh thần của ngày lễ giáng sinh.

Riêng đối với chúng ta là những người tín hữu Công Giáo, đại lễ giáng sinh luôn luôn là một niềm vui, và một sự phấn khởi, một sự hân hoan tràn trào, bao gồm niềm hy vọng lớn lao là chúng ta sẽ được cứu độ, vì chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể, Ngài đã đến trần gian và sống giữa chúng ta. Chính Ngài sẽ cứu rỗi chúng ta và giải thoát con người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, khỏi mọi oan khiên, mọi bất công, mọi đàn áp… Đem lại cho con người sự tự do đích thực, cho họ được sống trong bình an và hạnh phúc. Phục hồi lại phẩm gía của con người, sống xứng đáng là tước vị con cái của Thiên Chúa.

Ngài sẽ mở rộng quyền bính và lập nền hòa bình vô tận. Ngài sẽ xây dựng một vương quốc vững bền trên nền tảng chính trực công minh, trên sự bình đẳng và sự tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt hơn hết, vương quốc của Ngài được thiết lập bởi tình yêu và duy trì bởi lòng mến. Lẽ đó, triều đại của người sẽ vô tận và bền vững đến muôn đời. Chỉ có tình yêu chân chính và lòng mến vô vi lợi mới có thể tồn tại mãi mãi, và chỉ có vương quốc nào xây dựng trên nền tảng ấy, mới hy vọng có được sự công bình đích thực và công lý sẽ được hiển trị.

Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đã xây dựng triều đại của Người trên những nền tảng ấy, lẽ đó nó sẽ được tồn tại và chính nó sẽ mang lại sự hạnh phúc viên mãn và niềm vui đích thực cho con người. Tất cả những niềm vui khác chỉ có tính cách tạm bợ, nhất thời và gỉa tạo. Nó sẽ không bao giờ vững bền và mang lại sự ý nghĩa thật sự cho cuộc sống.

Đó chính là một vài ý nghĩa đích thật và là lý do tại sao chúng ta có ngày lễ giáng sinh. Vì chính nó đánh dấu một thời đại mới. Thời đại của chân lý và sự thật. Thời đại của Tình Yêu trong sự tôn trọng những giá trị chân thật và quyền cơ bản của con người.

Tiên tri Isaia đã loan báo cho chúng ta về thời đại mới này và ngài đã cất tiếng reo vui, mời gọi mọi người hãy ngẩng đầu lên và cất cao đôi mắt để có thể nhìn thấy ơn cứu độ đang gần kề. “Kià nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được tận mắt thấy Đức Chúa đang trở về Xi-on. Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an uỉ dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. Trước mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy. (Isaia 52: 8-10).

Chính điều này sẽ được ban tặng cho chúng ta qua người con chí ái của Chúa cả trời đất, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Đây chính là tin vui đích thực và là niềm mong đợi của nhân loại qua nhiều thế kỷ. Chính điều này đã được các tiên tri loan báo qua nhiều thời điểm khác nhau và nay đã trở thành hiện thực. Tin vui ấy chính là sự kiện Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và cư ngụ giữa chúng ta. Ngài chính là vị Cứu thế nhân trần là Hoàng tử của sự bình an, là Cố vấn kỳ diệu là Thần Linh dũng mãnh và là vua của tình yêu.

Xưa kia, Dân Israel đã phải trải qua và sống trong một thời kỳ hãi hùng: quân đội Assyria đã càn quét đất nước, đâu đâu cũng toàn cảnh điêu tàn đổ nát; dân chúng rên siết dưới ách thống trị bạo tàn của ngoại bang, vì lẽ đó mà Isaia đã viết: "Dân tộc bước đi trong u tối".

Nhưng giữa bóng tối hãi hùng đó, Ngôn sứ Isaia tiên báo một thời tươi sáng. Chúa đã ban cho họ chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng.

Vì tin chắc tương lai tươi sáng ấy sẽ tới, nên tuy nói về tương lai nhưng Isaia đặt những động từ ở thì quá khứ, kể như sự việc đã xảy đến rồi: "Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết... Cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức, Chúa đã nghiền nát ra... Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi và một người con đã được ban tặng cho chúng tôi". (Is 9: 1-2).

Lời tiên tri của Isaia đã được ứng nghiệm khi Israel thoát khỏi ách thống trị của Assyria. Nhưng lời tiên tri này còn mang một chiều kích phổ quát hơn nhiều: sự cứu thoát ấy chỉ sẽ được thực hiện trọn vẹn nơi Ðấng Messia.

Bởi lẽ ấy, con người chỉ có thể được giải thoát một cách toàn diện và đích thực do quyền năng và ân sủng đến từ Đức Giêsu Kitô, vì Ngài là chính là Đấng cứu độ trần gian. Đấng cứu tinh nhân trần. Đấng đã được Thiên Chúa Cha sai đến để giao hòa giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa, để nhờ đó ơn cứu chuộc cho con người và cả vũ trụ sẽ được thiết lập. Điều này Thánh Gioan đã ghi lại trong phần dẫn nhập nơi Phúc Âm của Ngài: “Lúc khởi đầu, nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là sự sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Gio 1:2-5)

Chúa Giêsu Kitô đã đến trong trần gian, Ngài đã sống giữa chúng ta và ngài đã thực thi sứ mệnh được giao phó cho Ngài từ Chúa Cha. Ngài đã hoàn tất ơn cứu chuộc cho loài người và sẵn sàng ban tặng cho những ai đang thành tâm thiện chí kiếm tìm nước Thiên Chúa và những chân gía trị đã được thiết định trong vương quốc của Thiên Chúa, nơi đó, mọi người đều là anh chị em với nhau, không phân biệt màu da hay ngôn ngữ. Họ được đối xử bình đẳng, không có phân biệt trong cung cách ứng xử. Không bị trù dập và ngược đãi. Nhân vị và phẩm gía của họ luôn luôn được kính trọng, dù họ thuộc tầng lớp xã hội nào. Ở nơi đó không có những bất công, những thù hận và chém giết lẫn nhau, vì đây chính là vương quốc của hòa bình, của công lý và của công bình. Vương quốc ấy đã được chính Đức Giêsu Kitô khai mào và loan báo. Chính Ngài đã ra sức kiến tạo và xây dựng trong thời gian thực hiện sứ mạng rao giảng công khai… và để bảo vệ cho những giá trị cao cả và thánh thiêng ấy, Ngài đã không ngần ngại lên tiếng đấu tranh cho những bất công đã diễn ra trong xã hội thời Do Thái lúc bấy giờ. Ngài can đảm lên tiếng phê bình và chỉ trích những người cầm quyền, cụ thể là các quan lại và các nhà Biệt Phái, các nhóm luật sĩ đã lạm dụng quyền hành và chức vụ của chính mình để đàn áp dân lành và những người yếm thế, nói chung là những người nghèo, phường thấp cổ bé họng. Ngài vạch cho bọn quan lại và các thầy thông luật thấy những cách đối xử phân biệt và những việc làm mang tính cách gỉa hình của họ mà đứng đầu là nhóm người Biệt Phái. Ngài can đảm nói thắng thắn với họ là các ông chỉ biết nghĩ đến quyền lợi riêng tư và bè phái của các ông, mà không hề đoái hoài hay đếm xỉa gì đến những lợi ích chung của xã hội, hay những nhu cầu cấp bách của các nhóm riêng biệt.

Ngài tố cáo bọn người này nơi công cộng, tại các hội đường để cho dân chúng thấy được sự gỉa dối, cái tính hai mặt của họ, và nhất là cái thói giả hình của họ. Vì giữa họ: “Ngôn hành bất đồng.” Ngài ví họ như là các mồ mả tô vôi, bên ngoài trông thì lịch lãm, thế nhưng bên trong mồ của chúng chỉ toàn là những đống xương hôi thúi, nồng nặc, nghe mùi là muốn nôn mửa.

Ngài can đảm dấn thân cho nước trời và mong cho nó sớm được hiển trị. Ngài không ngừng nhắc nhở và loan báo cho mọi người, mọi thời và mọi nơi rằng: Nước Trời đang ở giữa chúng ta, và chúng ta phải có bổn phận xây dựng nước ấy ngay tại trần thế, nơi mà chúng ta đang sống. Thêm vào đó, chúng ta cũng có trách nhiệm bảo vệ các chân lý nền tảng thuộc về vương quốc này. Đó chính là sự công bình, bác ái và tình yêu tha nhân.

Mỗi khi chúng ta cử hành đại lễ giáng sinh là mỗi lần chúng ta được nhắc nhở là Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Ngài đang ở giữa chúng ta, và sẵn sàng chia sẽ những khó khăn trong cuộc sống làm người. Vì Ngài yêu thương chúng ta, như Tin Mừng trong phúc âm thánh Gioan đã ghi lại: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã sai chính Con Một của Người đến trong trần gian và phàm ai tiếp nhận Người thì Ngài ban cho họ quyền được làm con Thiên Chúa.”

Ngài hiểu và cảm thông cho những nghịch cảnh và những nỗi thống khổ mà chúng ta đang gặp phải. Những bất công xã hội mà chúng ta đang phải gánh chịu. Những đàn áp đang đè nặng trên đôi vai của chúng ta, tưởng chừng không thể nào có sức gánh chịu nổi.

Việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, trước tiên, là để đồng cảm với chúng ta trong thân phận làm người. Thứ đến, Ngài muốn nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trên con đường lữ thứ trần gian, trên hành trình tiến về quê trời. Quê hương đích thực của chúng ta. Lẽ đó, mỗi lần chúng ta cử hành và mừng kính đại lễ giáng sinh, là chúng ta được mời gọi để sống mầu nhiệm nhập thể, nghĩa là hãy đi ra khỏi chính con người của mình để đến với tha nhân, để thông chia và đồng cảm với những khó khăn của những anh chị em đang sống giữa chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng đưọc mời gọi để kiến thiết một xã hội, trong đó, công bình và chân lý đưọc tôn trọng, hầu công lý xã hội và các quyền cơ bản của con người đưọc thừa nhận.

Nguyện xin Thiên Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta một giáng sinh an bình và thánh thiện và xin Ngôi Hai Thiên Chúa làm người luôn hiện diện nơi tâm hồn, nơi gia đình, nơi xứ đạo và xã hội mà chúng ta có mặt, để Ngài không ngừng thánh hóa và biến đổi môi trường mà chúng ta đang sống. Ngõ hầu thế giới này được trở nên tốt đẹp hơn, theo như kiểu mẫu mà Thiên Chúa mong muốn.

Giáng Sinh, ngày 25.12.2008.
 
Chúa Giáng Sinh có ảnh hưởng gì đến đời sống của bạn?
LM Trần Bình Trọng
14:17 24/12/2008
Lễ Ðêm Giáng Sinh, Năm A, B, C (Is 9: 1-6; Tit 2 11-15; Lc 2: 1-14)

Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại bằng nhiều cách thế khác nhau: trong đám mây, ngoài sa mạc, trên đỉnh đồi.. Và Chúa nói với loài người cách gián tiếp: qua các ngôn sứ, các tổ phụ. Sau cùng khi thời gian đã điểm, Thiên Chúa sai chính Con Một Người đến với nhân loại. Chính thánh Phaolô cũng nói về thời gian đã điểm (Rm 5:6). Vậy thời gian đã điểm có nghĩa là gì? Thời gian đã điểm là thời gian chín mùi, thời gian mà người Do thái mong đợi Ðấng Cứu thế đến hơn bao giờ hết, bởi vì họ đã chán ngấy cảnh suy đồi trong xã hội họ đang sống. Những nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như dân sự lại xuống giốc. Còn trên bình diện chính trị, thì đất nước của họ đang bị ngoại bang là người La Mã cai trị. Cho nên họ mong đợi Ðấng Cứu Thế đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ ngoại bang, khỏi cảnh đồi trụy trong giới lãnh đạo dân sự và tôn giáo đồng hương chứ không hẳn là giải thoát khỏi tội lỗi.

Dầu sao đi nữa thì việc Ðấng Cứu Thế sinh ra, đã đổi hẳn lại dòng lịch sử nhân loại. Từ khi Chúa Cứu Thế sinh ra, thì thời gian đổi ngược hẳn lại. Vì thế ngưòi ta gọi năm nay là năm nọ, năm kia sau khi Chúa Cứu Thế giáng sinh. Nếu biến cố xẩy ra trước khi Chúa Cứu thế giáng sinh, thì người ta lại tính niên hiệu ngược lại, chẳng hạn sự việc xẩy ra năm này năm nọ trước năm Chúa giáng sinh. Nhiều sử gia trên thế giới dựa trên năm Chúa giáng sinh để tính thời gian và đặt lại niên hiệu. Và gần đây người ta đã khám phá ra là họ đã tính lầm niên hiệu Chúa giáng sinh khoảng bốn hay năm năm trước niên hiệu đã ấn định. Tuy nhiên người ta không muốn đổi lại các niên hiệu của các biến cố trên thế giới, bởi vì làm như vậy quá phức tạp và tốn kém về thời giờ và tiền bạc.

Việc Ðấng Cứu Thế giáng sinh là một biến cố quan trọng nhất trong lịch sử loài người. Tuy nhiên Chúa đến không phải chỉ đổi ngược lại dòng lịch sử. Chúa đến để làm một việc đổi mới toàn diện trong tâm hồn mỗi người: đổi lại cách suy tư, đổi lại những giá trị trong đời sống. Trước khi Chúa Cứu Thế giáng sinh độ 700 năm, thì ngôn sứ Isaia đã tiên báo: Ðoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng (Is 9:1). Lời ngôn sứ Isaia về Ðấng Cứu Thế đã được thực hiện trong đêm Giáng sinh. Trong đêm giáng sinh đầu tiên, chỉ có ít nhân vật được chứng kiến cảnh hang đá Bêlem: đó là Mẹ Maria, Thánh Giuse và mấy người mục đồng, và chiên bò lừa (Luc 2:8,10,16).

Ngày nay người ta thường dựng những cảnh hang đá máng cỏ trông có vẻ đẹp mắt. Tuy nhiên chính nơi Chúa sinh ra chỉ là cái hang mục đồng, có thể dơ bẩn, hôi hám. Và làm sao mục đồng có thể nhận ra hài nhi mới sinh trong hang bò lừu là Ðấng cứu thế, con Thiên Chúa? Mỗi người có thể tìm ra những câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên để giúp người ta có được câu trả lời thoả đáng, người tín hữu có thể đặt câu hỏi một cách khác. Làm sao để có thể dễ nhận ra sự hiện diên của Thiên Chúa trong đời sống? Người ta phải có tâm hồn thế nào hay tạo ra một tâm hồn ra sao thì mới có thể nhận ra sự hiên diện của Thiên Chúa ?

Ðọc Thánh kinh, người ta thấy Mẹ Maria mừng lễ Giáng sinh một cách khác thường. Thánh Kinh nói về Mẹ: Còn bà Maria, thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (Luc 2:19). Mừng lễ Sinh nhật trong lòng có nghĩa là mở rộng tâm hôn đón nhận Chúa Cứu thế. Tai ta có thế nghe câu truyện Giáng sinh nhiều lần, nhưng chỉ có tâm hồn mới có thể rung động trước màu nhiệm Giáng Sinh. Nhiều người đã có thể mừng lễ Giáng Sinh 20, 30, 40,.. 70 năm. Ai nấy đã có thể quen thuộc với câu truyện Giáng sinh: truyện trinh nữ Maria thụ thai cách huyền diệu, truyện Chúa Cứu thế giáng sinh trong cảnh cơ hàn tại Bêlem, truyện Ba Vua đến thờ lạy Ðấng Cứu thế giáng sinh. Một số người khi còn nhỏ đã có thể được chọn đóng vai thánh Giuse, mẹ Maria, thiên thần, mục đồng, ba vua... Tuy nhiên đời sống ta có gì thay đổi không?

Ngay từ khi mới sinh, Chúa Cứu thế đã làm xáo trộn tâm trí loài người, như Chúa đã làm xáo trộn tâm trí Hêrôđê. Sứ mệnh của Chúa là làm xáo trộn tâm trí loài người, làm cho họ bất mãn với con người cũ, với lối sống hiện tại: tư tưởng cũng như hành động để Chuá có thể làm chủ tâm hồn họ, ban bình an và niềm vui cho họ. Sau những ngày giờ bận rộn sửa soạn mừng lễ Sinh nhật: Gửi quà sinh nhật, thiệp sinh nhật, làm hang đá máng cỏ, ta nên dành ít thời giờ yên lặng để suy niệm về màu nhiệm Giáng sinh. Chỉ trong thinh lặng người ta mới dễ nhận ra sự hiện diện của Chúa, mới dễ khám phá ra ý nghĩa của màu nhiệm Giáng Sinh. Chúa đã đến trong lịch sử loài người hơn 2000 năm để làm cuộc giao hoà giữa Thiên Chúa và loài người. Và Chúa hứa sẽ đến trong ngày sau hết để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Giữa hai cuộc thăm viếng vĩ đại này, Chúa thường đến với loài người qua ơn thánh, mỗi lần người tín hữu lãnh nhận bí tích, cầu nguyện, hi sinh, hay làm việc thiện.

Người công giáo trưởng thành không được coi Sinh nhật như một biến cố xa xưa, không ăn nhập gì tới nếp sống hiện tại. Người công giáo phải tìm cho ra ý nghĩa đích thực của việc mừng lễ Giáng sinh. Người công giáo phải làm mới lại và sống lại việc Chúa đến. Ðể Chúa có thể đến ngự trị và làm chủ tâm hồn, người ta phải biết loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn, để Chúa có thể ở lại trong tâm hồn, ban bình an và niềm vui cho cuộc sống. Và đó là tất cả ý nghĩa của việc mừng lễ Sinh nhật.

Lời cầu nguyện xin Chúa đến sinh lại trong tâm hồn:

Lạy Chúa hài nhi giáng sinh!
Chúa sinh ra trong cảnh cơ hàn
nơi hang bò lừa.
Xin dạy con biết dọn cho Chúa một máng cỏ
trong tâm hồn
dệt bằng những việc cầu nguyện, hi sinh, bác ái
để sưởi ấm lòng Chúa. Amen.
 
Lời Kinh bên vệ đường (Lời thơ: Nắng Sai gòn)
Lã mộng Thường
14:39 24/12/2008
 
Thánh ca và Thi ca: Niềm vui Giáng Sinh
Trầm Thên Thu
14:54 24/12/2008
NIỀM VUI GIÁNG SINH

Trên cao ngàn tinh tú
Lấp lánh đêm nhiệm mầu
Mừng Ngôi Hai giáng thế
Thắp sáng tình thương yêu

Đêm hồng ân cứu độ
Hạnh phúc cho trần gian
Thoát ly ách thống trị
Của mãnh lực tối tăm

Xin thương người lữ khách
Đời ở trọ quanh năm
Bôn ba bước phiêu bạt
Chưa thấy bến dừng chân

Xin thương người khốn khổ
Trĩu nặng những lo toan
Xin thương người lầm lỡ
Biết thức tỉnh hồi tâm

Vinh danh cho Thiên Chúa
Bình an người lòng ngay…

KHÚC TIN YÊU

Dừng chân trên bến tình Ngài
Con vui đến nỗi vắn dài lệ tuôn
Đời đời Chúa vẫn thương con
Con không thấu hiểu nên còn đa mang
Mê đời gặp phải trái ngang
Khi bừng tỉnh bỗng bang hoàng con tim
Xin Ngài thêm chút niềm tin
Để con yêu mến trọn niềm khôn nguôi
Yêu Thiên Chúa, yêu mọi người
Cho tròn giới luật mà Ngài truyền ban.

KÝ ỨC THẬP GIÁ

Mùa chay tím rịm cõi hồn
Thiết tha kinh nguyện lệ thầm ăn năn
Theo lời Kinh thánh bước lần
Phúc âm chợt sáng lòng trần hoan ca
Tháng ngày xa nẻo đam mê
Trở về để sống bên Cha độ trì
Thôi trăng khuyết dẫu muà đi
Rằm hồng ân, đẹp áng thi ca tình
Bừng lên ánh sáng Phục sinh
Ca vang điệp khúc Thánh kinh tuyệt vời
Ước mong giữ trọn niềm vui
Ký ức Thập giá ngọt bùi hôm nay

THẬP GIÁ

Một nhánh vươn lên trời
Hồn con vươn lên Chúa
Một nhánh vươn ngang đời
Ôi tình Ngài chan chứa
Con đi lên với Ngài
Bằng trái tim con người
Con đến với cuộc đời
Bằng tình yêu bé nhỏ
Ước vọng say Thập giá
Yêu thương những con người
Vượt qua muôn gian khổ
Lên Can-ve gặp Ngài

EM

Xin sẽ được, tìm sẽ thấy, gõ sẽ mở (Kinh thánh)

Khi ta nhẹ gõ Cửa Em
Thì Em đã mở hân hoan chân tình
Khi ta mải miết đi tìm
Thì ta đã gặp thấy mình nơi Em
Khi ta xin một chút duyên
Thì ta nhận được một Em đầy tròn
Ngất ngây hạnh phúc căng hồn
Trăm năm ta mãi hoàn toàn có em

HOA MÂN CÔI

Nghe tiếng chuông chiều rơi
Chợt hướng lòng lên Mẹ
Có những đoá Mân côi
Nở trên môi rạng rỡ

Tuổi trẻ sống giữa đời
Nhiều cạm bẫy, Mẹ ơi!
Nguyện xin Mẹ nâng đỡ
Trên bước đường tương lai

Xin son sắt thuỷ chung
Dẫu đường xa muôn trùng
Xin không hề nao núng
Dẫu gặp những gai chông

Ave Maria
Tình yêu Mẹ bao la
Vui, Mừng, Thương – Mầu nhiệm
Tràng Mân côi ngọc ngà

THÁNG NĂM

Mưa về gội tháng Năm
Tươi sắc hoa, màu lá
Nghe cõi lòng rất lạ
Xôn xao những tứ thơ

Chuông giáo đường ngân xa
Thiết tha như kinh nguyện
Sáng lung linh ánh nến
Sưởi ấm lòng mến tin
Chân thành hướng tâm lên

Một đoá VUI dâng Mẹ
Bên đoá THƯƠNG nhiệm lạ
Có đoá MỪNG nở ra

Lòng con tựa đoá hoa
Khi tươi lại khi úa
Tháng Năm về êm ả
Dịu mát lòng nhân sinh

Chiều tháng Năm mông menh
Tâm hồn chợt lắng đọng
Biển đời còn gợn sóng
Thuyền bồng bềnh lãng du.

NGUYỆN TRẦM

Con chỉ là hạt bụi
Đã làm bận mắt Ngài
Con chỉ là hoa dại
Thân phận quá nhỏ nhoi

Con không là ánh nắng
Soi sáng bước chân ai
Con không là lá thắm
Chỉ như hạt mưa bay

Vì con quá yếu đuối
Thương cứu độ, Chúa ơi!
Bước đời con mệt mỏi
Giăng mắc sợi chơi vơi

Cho con làm đom đóm
Vâng, chỉ thế mà thôi
Mong sao được nhen nhóm
Một chút sáng cho đời

Con chỉ là thụ tạo
Nào có đáng gì đâu
Xin xa đời vật chất
Sống mầu nhiệm tình yêu.
 
Lời nguyện mùa đông
Viễn Dzu Tử
14:56 24/12/2008
LỜI NGUYỆN MÙA ĐÔNG

Lạy Thiên Chúa, Đấng muôn trùng cao cả
Ngài luôn chí thiện và chí minh
Suốt thiên thu vẫn nhất mực công bình
Và thấu suốt nỗi lòng con trăn trở

Ngài nghèo khó để con được giàu có
Ngài lạnh lẽo để con được ấm lòng
Con hạnh phúc chan hoà giữa đêm đông
Dù đường đời vẫn còn nhiều gian khó

Những nỗi lo cứ đè nặng tim nhỏ
Lời hoàng hôn sao buồn quá, Chúa ơi!
Tuổi xuân xanh mà như chợt già rồi
Vì hai vai: bên thơ và bên nhạc

Nửa đời qua là những bước lưu lạc
Nửa còn lại là hoài vọng thiên thu
Con vẫn tìm chỉ một lối đi về
Nhưng, Chúa ơi, con tìm mà chưa gặp

Xin dẫn con đi về hướng sự thật
Gặp được Ngài là gặp được chính con
Để đời con: một Viên-đá-cuội-tròn
Sẽ nghỉ ngơi sau khi lăn mòn dốc.

CHIỀU GIÁO ĐƯỜNG

Chiều êm chầm chậm xuống dần
Lâng lâng cầu nguyện nhặt lần tiếng chuông
Vang ngân từ tháp Giáo đường
Lung linh ánh sáng yêu thương mỗi ngày
Nhịp chân đếm bước thiên thai
Tìm về hạnh phúc miệt mài tháng năm.
 
Sự sống của Thiên Chúa trên nẻo đường nhân loại !
LM. Giuse Trương Đình Hiền
15:50 24/12/2008
BÀI GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 08

Sự sống của Thiên Chúa trên nẻo đường nhân loại !



Dẫn nhập đầu lễ: Kính thưa ông bà và anh chị em

Đặc biệt, kính thưa tất cả quý vị, quý bạn trẻ và các em thiếu nhi, cùng tất cả những người đang hiện diện trong khuôn viên thánh đường,

Một lần nữa, “Đêm Thánh vô cùng” lại về với chúng ta, với toàn thể nhân loại. Noel trở về với hết mọi người, không phân biệt chủng tộc màu da, tín ngưỡng hay văn hóa, vô thần hay hữu thần, thôn quê hay thành thị, nghèo khố rách áo ôm hay giàu nhà cao cửa rộng…

Cùng với những bước chân thời gian vội vã của những ngày cuối năm để chuẩn bị bước sang một cuộc hành trình của Năm Mới, Giáng Sinh, Noel đang mang đến cho tất cả chúng ta một thông điệp đầy tin yêu hy vọng như nhận định của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong bài huấn từ về ý nghĩa Giáng Sinh trong buổi triều yết chung hôm 17.12 vừa qua tại Vatican:

“Vì bầu không khí đặc biệt của nó, Lễ Chúa Giáng Sinh là một ngày hội chung. Thực ra, ngay cả những người không nhận mình là tín hữu cũng coi ngày lễ hằng năm của Kitô giáo này là điều gì phi thường và siêu việt, là điều gì nói với họ tận đáy tâm hồn. Đây là một buổi lễ hát mừng ân sủng sự sống.”

Vâng, Niềm vui Giáng sinh và Hạnh phúc Năm Mới đó chính là lời chúc mừng xin được gởi đến toàn thể anh chị em như tâm tình quý mến và món quà Noel chân tình của tôi trong Đêm Thánh nầy. Merry Christmas and Happy New Year ! (Vỗ tay).

Giờ đây, trong tâm tình hiệp thông cảm tạ tình yêu Thiên Chúa và nguyện cầu Chúa Giáng Sinh ban muôn ân lộc xác hồn, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm sám hối tội lỗi để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Giảng Lời Chúa:

Kính thưa Ông Bà Anh Chị em giáo dân, Kính thưa Quý Vị và các bạn ngoài Kitô giáo,

Trước hết, thay mặt cho bà con giáo dân giáo xứ Tuy Hòa, xin được trân trọng gởi đến quý vị không có chung niềm tin Kitô đang có mặt ở đây hôm nay lời cám ơn chân tình và lời chúc mừng Giáng Sinh tốt đẹp nhất.

Chúng tôi cám ơn quý vị, quý bạn đã đến đây để chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với chúng tôi, để tham quan ngôi từ đường của đại gia đình kitô hữu, để chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, để nghe những bài thánh ca Noel và giờ đây đang nghiêm túc sốt sắng cùng chúng tôi dâng lễ Tạ Ơn, một hành vi hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng tín ngưỡng và mến mộ, huynh đệ và hiệp thông.

Chúng tôi cám ơn Quý vị về nghĩa cử đặc biệt nầy. Vì chúng tôi cứ ngỡ rằng, nếu quý vị đã từng đọc cuôn “Tây Dương Gia tô bí lục” do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1981 với số lượng 20.500 bản, chắc các bạn sẽ không còn chút cảm tình và tin tưởng nào về ngày lễ Giáng Sinh của một Hài Nhi Giêsu. Vì mục đích của tác phẩm nầy là để bôi nhọ và giải thể Kitô giáo, một thứ tà đạo đi ngược lại với văn hóa dân tộc.

Và cách đây vài năm, khi thế giới ầm ĩ cả lên với cuốn tiểu thuyết trinh thám giả tưởng “Mật mã Đa Vinci” của Dan Brown và kế tiếp cuốn phim cùng tên được hãng Sony tung ra thị trường thế giới, với động lực và mục đích hạ bệ thần tượng và trần tục hóa nhân vật Giêsu, thì chúng tôi lại sợ rằng: chắc niềm tin nếu có về Đức Giêsu của quý vị, các bạn sẽ bị xói mòn hoặc sụp đổ hoàn toàn.

Nhất là, mới đây, với một thời gian dài được nghe, được đọc qua các kênh thông tin của nhà nước về sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội, chúng tôi cũng lo rằng: chắc quý vị quý bạn sẽ không dám đặt chân tới Nhà thờ Công Giáo, không đủ can đảm để liên hệ với người Công Giáo, vì phạm trù Công giáo trong một thời điểm nhất định nào đó gần như gắn liền với phản động, với vọng ngoại, với bán nước.

Thế nhưng đêm nay, đúng hơn, trong nhiều ngày của tuần lễ nầy, khuôn viên nhà thờ chúng tôi vẫn đầy ắp những dấu chân thân thương của quý vị, vẫn ngập tràn những ánh mắt, nụ cười thân thiện tươi vui và thấm đẫm tình bạn, tình người, tình tự trân trọng tín ngưỡng và tình cảm sẻ chia niềm tin của quý vị.

Chúng tôi cám ơn quý vị về nghĩa cử đầy tính hiệp thông và khoan dung nhân ái. Chúng tôi cám ơn quý vị đã biểu lộ tâm tình trân trọng, kính tôn đối với Chúa Giêsu, một Đấng mà chắc chắn quý vị còn rất mù mờ, có khi được hiểu cách lệch lạc và được thông tin với một ý đồ không mấy thiện chí, nếu không muốn nói là thù nghịch.

Thì ra, huyền nhiệm Giáng Sinh có một sức thu hút lạ kỳ mà không một quyền lực nào của loài người có thể khuất phục, không một sức mạnh nào có thể triệt tiêu, điển hình như cuộc tàn sát các trẻ em Bêlem của bạo vương Hêrôđê khi hài nhi Giêsu mới xuất hiện, hay những cuộc bách hại đẩm máu dưới thời hoàng đế Nêrô của đế quốc La mã khi Giáo Hội của Ngài mới vừa nhen nhúm trong xã hội loài người.

Với sự hiện diện đông đảo và thân tình của Quý vị trong giờ phút linh thiêng nầy, chúng tôi tin rằng niềm vui Giáng Sinh, chân lý Giáng Sinh, huyền nhiệm Giáng Sinh đã nối kết tất cả chúng ta, để chúng ta có thể mạnh mẽ tuyên bố rằng: cho dù có khác biệt về niềm tin, về ý thức hệ, về quan niệm sống, về cung cách ứng xử, thì chúng ta vẫn có thể nói chung một ngôn ngữ, ngôn ngữ của tình bạn, tình người, vẫn có thể để cùng đọng lại một tâm tình, tâm tình yêu thương, nhân ái và vẫn có thể chung xây một ước nguyện, ước nguyện cho hòa bình, hiệp nhất, khoan dung, tự do và phát triển.

Chúng tôi ước mong và xác tín rằng: chút nữa đây, khi từ giã ngôi nhà thờ nầy để trở về với mái ấm gia đình, quý vị sẽ mang theo hình ảnh của Hài Nhi Giêsu dễ thương cùng với lời chúc phúc bình an của Ngài; sẽ mang về hình ảnh của Mẹ Maria dịu hiền khả ái với bàn tay che chở bảo bọc của Ngài; và mang theo hình ảnh thánh Giuse với trái tim cương nghị và trách nhiệm làm cha làm chồng của Ngài. Và như thế, quý vị sẽ trở về với một tâm hồn bình an và một niềm hy vọng tươi sáng, hạnh phúc cho cuộc đời vì quý vị cùng với thái độ hiếu khách, huynh đệ, mến thương của tất cả chúng tôi, những đồ đệ của Giêsu, những người được Ngài trao sứ mệnh làm chứng rằng: “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết anh em là môn sinh của Thầy, đó là anh em hãy mến thương nhau”.

Giờ đây, xin quý vị cho phép tôi được ngỏ lời với anh chị em của chung tôi, cộng đoàn giáo dân thuộc giáo xứ Tuy Hòa.

Hình như, cứ mỗi độ Giáng Sinh về là mỗi lần chúng ta lại tìm được một ý nghĩa mới cho cuộc hành trình của nhịp sống đức tin. Năm nay, tôi xin được chia sẻ cùng ông bà anh chị em ý nghĩa nầy: GIÁNG SINH: MÓN QUÀ SỰ SỐNG KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC BAN TẶNG.

Phải chăng, ý nghĩa đầu tiên và cuối cùng của mầu nhiệm Thiên Chúa Giáng Sinh chính là “sự sống thần linh, là ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta qua chính Người Con Một của Ngài”, đúng như lời khẳng định trong Tin Mừng Thánh Gioan:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16)

Và chân lý đó đã được sứ ngôn Isaia tiên báo trong bối cảnh sự chết đang bao trùm lên dân Chúa trong thời nộ lệ Babylon mà trích đoạn của BĐ1 hôm nay đã vừa nhắc lại:

“Đoàn người bước đi trong tăm tối, đã nhìn thấy ánh sáng bao la, ánh sáng bừng lên trên những miền âm u sự chết…vì một Hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người con đã được ban tặng cho chúng ta”.

Nhưng Thiên Chúa đã ban tặng “Sự sống” đó cho chúng ta bằng cách nào ?

Sự sống của Thiên Chúa trên nẻo đường nhân loại !

Dẫu cho bao ngàn năm mong đợi hy vọng Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện cách diệu kỳ ngoài nẻo bước thường tình của kiếp nhân sinh: “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa Đấng Công chính, đất rộng mở, cho xuất hiện Vị Cứu Tinh ơi “ (Is 45,8); thì sau lời “Xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria, Ngôi Lời đã trở thành một thai nhi. Con Thiên Chúa mang lấy thân phận và cuộc sống loài người. Sự sống của Thiên Chúa đã được ban tặng trên nẻo đường nhân loại. Và kể từ đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã bắt đầu chọn đi trên nẻo bấp bênh của kiếp phận con người: lớn lên chín tháng trong lòng mẹ như bao vạn triệu con người để rồi cất tiếng khóc oa oa chào đời giữa đêm đông giá rét.

Ngài đã không chọn cách kiểu vào đời oai phong lẫm lẫm bước xuống từ trời như một thiên sứ giáng lâm, mà Ngài cần sự sống được chuyển thông từ dòng sửa mẹ, để đi ra cuộc đời bằng xác thân mỏng manh yếu đuối.

Ngài không chọn gác tía lầu son để xa xôi cách biệt giữa Thiên Chúa Tối Cao với đớn hèn nhân loại, nhưng đã sẻ chia trọn vẹn phận người như ta ngoại trừ tội lỗi.

Ngài không đã không bước đi trên nhung lụa mượt mà của giàu sang, an nhàn sung sướng, nhưng là cuộc hành trình mang theo tất cả buồn vui, âu lo, trăn trở; sẽ đong đầy nước mắt đoạn trường, sẽ dập dìu những đau thương khổ lụy, như cách diễn đạt của thi sĩ linh mục F.X. Nguyễn Xuân Văn, trong lời thơ mở đầu tác phẩm “Sứ điệp tình thương”:

Lời Hằng Sống mang tình thương nổi nhớ

Dựng nên đời và sống giữa lòng đời…

Lời Nhập Thể vào cõi đời hoang lạnh,

Để cùng ta chia sẻ kiếp phù sinh.

Và một khi chọn sự sống nhân loại là sự sống của chính mình, Thiên Chúa đã hết lòng trân trọng và yêu cuộc sống nhân loại lầm than đó:

Vì yêu cuộc sống, Ngài đâu dám xem thường lưỡi gươm truy sát của bạo chúa Hêrôđê nên đã tất tả trốn sang Ai Cập; Vì yêu cuộc sống đó nên Ngài đã chấp nhận lao động vất vả bằng nghề thợ mộc để nuôi sống bản thân và phụng dưỡng cha mẹ.

Vì yêu cuộc sống đó nên Ngài đã mủi lòng trước những giọt nước mắt của người chị mất em (Matta, Maria Beetania), mẹ già mất con trai yêu dấu (Bà góa thành Naim), người cha mất đứa con gái rượu (Ông Giai-rô), và đã quyết định thi thố quyền năng “hoàn sanh cải tử”, trao trả sự sống lại cho những con người đang thất vọng nảo nề trước cái chết.

Vì yêu cuộc sống vốn là tạo vật tuyệt vời mang ảnh hình Thiên Chúa, nên Ngài cảm thông nổi thất vọng ê chề của những người mà cuộc đời và thân xác đã trở nên bất hạnh, tàn phế: phong cùi, mù què, câm, điếc, quỷ ám, bại liệt…và Ngài đã ra tay phục hoạt chữa lành.

Vì yêu cuộc sống vốn được Thiên Chúa ban hơi thở Thần Linh, nên Ngài đã đem niềm hy vọng làm lại cuộc đời cho Mai-đệ-liên, xóa đi nổi hổ thẹn ê chề của người phụ nữ ngoại tình bị loài người kết án.

Vì yêu cuộc sống vốn đã được Thiên Chúa trao ban cho vũ trụ như một vườn địa đàng để hưởng hạnh phúc tròn đầy, nên Ngài đã động lòng xót thương mấy ngàn người bơ vơ trong hoang mạc đói khát như chiên không người chăn và đã làm phép lạ bánh, cá hóa nhiều để cho họ no lòng chắc dạ trên đường từ hoang mạc về nhà…

Vì yêu cuộc sống, nên trong tâm tưởng và môi miệng của Ngài đều tràn ngập những hình ảnh đáng yêu của sự sống: “cây huệ ngoài đồng”, con chim sẻ trên cây, đàn chiên trên đồng cỏ”

Và vì yêu cuộc sống, cuộc sống vĩnh cửu đã bị đánh mất, cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng trong sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa đã bị cất đi do Nguyên tội, nên Ngài đã chấp nhận “trở thành hạt lúa mì chôn vào lòng đất”, chấp nhận đi qua nẻo tối tăm bất hạnh cuối cùng của thân phận nhân loại đó là cái chết để đem về sự sống vinh quang cho hết thảy chúng sinh.

Khi dấn bước vào đời, phải chăng Con Thiên Chúa muốn đích thân kết bạn với chúng ta cho dù tội lỗi đã làm cho ta mất đi sự sống thần linh, mất đi khuôn mặt giống ảnh hình Thiên Chúa.

Vì thế, mừng lễ Giáng Sinh đó chính là “chào mừng sự sống”, như lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô:

“Đó là lễ hát mừng ơn sự sống. Biến cố một trẻ em sinh ra đáng lý phải luôn luôn là một biến cố đem lại niềm vui. Việc ôm ấp một trẻ sơ sinh thường khơi dậy các tâm tình của sự chú ý, mau mắn, cảm động và dịu hiền. Giáng Sinh là cuộc gặp gỡ với một trẻ thơ khóc oe oe trong một hang đá khó nghèo. Khi chiêm ngưỡng Chúa trong hang đá, làm sao chúng ta lại không nghĩ tới biết bao nhiêu trẻ em chào đời trong cảnh bần cùng tại nhiều nơi trên thế giới này? Làm sao không nghĩ tới các trẻ sơ sinh bị khước từ không được tiếp đón, các trẻ sơ sinh không sống còn vì thiếu săn sóc và chú ý? Làm sao không nghĩ tới biết bao nhiêu gia đình muốn nếm hưởng niềm vui có đựơc đứa con, nhưng không được toại nguyện? Rất tiếc là dưới sự thúc đẩy của một khuynh hướng duy tiêu thụ hưởng lạc, lễ Giáng Sinh có nguy cơ mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nó, để chỉ còn là dịp mua bán sắm sửa và trao đổi qùa cáp. Nhưng thật ra các khó khăn, các bất ổn, và chính cuộc khủng hoảng kinh tế mà biết bao nhiêu gia đình đang phải sống trong các tháng này, có thể là một khích lệ giúp tái khám phá ra hơi ấm của sự đơn sơ, của tình bạn và tình liên đới, là các giá trị đặc thù của lễ Giáng Sinh.

Quả thật, khi mang lấy khuôn mặt loài người, Ngôi Lời đã dạy chúng ta phải yêu sự sống, yêu thương con người, bởi vì kể từ biến cố nầy, khuôn mặt của nhân loại sẽ lại được tái tạo sao cho giống ảnh hình của Thiên Chúa, con của một Cha, anh em một nhà, cho dù khác nhau về màu da, tôn giáo, ngôn ngữ, ý thức hệ…

Trong một thế giới mà nạn tàn phá môi trường đã trở nên báo động và nạn tàn sát sự sống thai nhi đã đến hồi nghiêm trọng cảnh báo, một thế giới mà nạn chiến tranh, khủng bố, bạo lực lan tràn khắp chốn, “Sứ điệp Giáng Sinh” hôm nay quả thật cần thiết biết bao !

Người Kitô hữu phải là chứng nhân của tình yêu sự sống và hãy luôn biết trở thành quà tặng sự sống. Mọi biểu hiện của sự khinh thường, xúc phạm đến sự sống như: bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bóc lột sức lao động, sử dụng xì ke ma túy, chà đạp quyền con người, đối xử bất công xã hội…phải được loại trừ, như lời hiệu triệu đầy biểu tượng của sứ ngôn Isaia:

“Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng Mađian. Vì mọi giày lính nện xuống rần rần, và mọi áo choàng đẩm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa. Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta…”

Riêng đối với cộng đoàn chúng ta, mừng lễ Giáng Sinh chỉ thật sự ý nghĩa, nếu sau đó luôn đi kèm một quyết tâm xây dựng một cuộc sống mới: mới trong tương quan với Chúa: Yêu mến Thánh Thể hơn vì đây chính là nguồn mạch sự sống; biết lắng nghe và thực hiện Lời Chúa hơn, vì đó là những con đường dẫn đến sự sống; siêng năng lãnh nhận bí tích Giải tội hơn vì đó là phương thế để Chúa phục hồi sự sống; trung thành với những việc đạo đức: Chuổi Mân Côi, kinh tối sáng…đó chính là những hương vị cần thiết mà nếu thiếu cuộc sống thiêng liêng sẽ nhạt nhòa. Và mới trong quan hệ ứng xử với nhau: vợ chồng kính trọng, thuận hòa, cha mẹ yêu thương làm gương sáng cho con cái, luôn quảng đại, phục vụ, khoan dung với mọi ngươi xung quanh và sẵn sàng đoàn kết, hiệp nhất chung tay xây dựng mái nhà chung giáo xứ, là địa chỉ thường xuyên nâng đỡ sự sống của chúng ta từ khi mở mắt chào đời cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.

Đó cũng chính là những gọi mời của ĐTC dành cho chúng ta trong mùa Giáng Sinh nầy như lời kết của bài huấn dụ hôm 17.12:

Vì thế chúng ta hãy chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh với lòng khiêm tốn và đơn sơ, hầu sẵn sàng lãnh nhận ơn ánh sáng, niềm vui và hòa bình tỏa rạng từ mầu nhiệm này. Chúng ta hãy đón nhận lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô như một biến cố có thể canh tân cuộc sống chúng ta ngày nay. Cuộc gặp gỡ với Chúa Hài Nhi biến chúng ta trở thành những người rộng mở cho các chờ mong và nhu cầu của các anh chị em khác. Và như thế chúng ta cũng sẽ trở thành các chứng nhân của ánh sáng mà lễ Giáng Sinh dãi tỏa trên nhân loại của ngàn năm thứ ba. Chúng ta hãy xin Mẹ Maria Rất Thánh, nhà tạm của Ngôi Lời nhập thể, và thánh Giuse chứng nhân thinh lặng của các biến cố cứu độ, thông truyền cho chúng ta các tâm tình của các Ngài để chúng ta chuẩn bị cứ hành lễ Giáng Sinh sắp tới một cách thánh thiện, trong niềm vui của lòng tin và sự dấn thân của một cuộc hoán cải đích thực.

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Trong mùa Giáng Sinh nầy chúng ta đã từng nhận được rất nhiều cánh thiệp chúc mừng Giáng Sinh, và chắc chắn ai trong chúng ta cũng ước mơ những lời chúc ấy sẽ trở thành hiện thực. Riêng tôi, tôi ước mong anh chị em phải biến cuộc đời mình, gia đình mình, cộng đoàn mình thành Tin Mừng Giáng Sinh, thành một Quà Tặng Sự sống, quà tặng của sự trung thành và hy sinh trong mái ấm gia đình, quà tặng của yêu thương và phục vụ ở giữa cộng đoàn, quà tặng của bác ái vị tha với mọi người chung quanh, quà tặng của bao dung tha thứ dành cho những người ghét ghen đố kỵ và xúc phạm đến mình. Chắc chắn, khi có được những quà tặng như thế, chúng ta sẽ nhận được “chiếc hộp vàng đựng nụ hôn chúc phúc của Chúa Hài Nhi Giêsu”, nụ hôn của niềm vui và an bình, nụ hôn của tin yêu và hạnh phúc hôm nay để dẫn dắt chúng ta đi trót cuộc hành trình dương thế để nhận được nụ hôn của Ba Ngôi Thiên Chúa trong hạnh phúc vĩnh hằng. Bởi vì, đó chính là lời chúc mà các thiên sứ đã hát lên trong đêm Giáng Sinh đầu tiên ở Bê-lem: ”Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”; và đó cũng chính tiêu đích của cuộc Nhập thể - Giáng sinh mà chính Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “Ta đến để chúng được sống và sống phong phú”. Amen.
 
Đất với Trời xe chữ đồng
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:52 24/12/2008

Đất với Trời xe chữ đồng



Theo tập tục đạo đức, hằng năm người Công giáo mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh trên trần gian ngày 25.Tháng Mười Hai.

Đây là việc phải đạo chính đáng, cùng cần thiết hun đúc làm sống động lại đức tin, như điều tin trong lòng và tuyên xưng ra bằng môi miệng: „ Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria, và đã làm người“.

Vậy khi Chúa Giêsu sinh ra làm người trên trần gian có những sự kiện gì xảy ra?

Thưa có nhiều biến cố xảy ra. Một trong những biến cố chính yếu là Trời và đất gặp gỡ nhau.

Thông thường người mẹ nào cũng cảm thấy vui mừng hạnh phúc, lúc sinh con mà có chồng cùng ở bên cạnh. Chị cảm thấy không đi sông biển một mình.

Vui mừng hơn nữa, khi em bé mở mắt chào đời, mà có cha mẹ, hay anh chị em, hai bên nội ngoại cùng đến gặp gỡ chào đón em bé mới. Niềm vui thiên đàng hạnh phúc lúc đó tràn ngập trong tâm hồn người mẹ, người cha của em bé sơ sinh.

Em bé mới còn thơ bé. Nhưng em là trung tâm đời sống của gia đình từ lúc này.

Em bé tuy có làm đảo lộn phần nào nhịp sống hằng ngày trong gia đình. Nhưng em là nhịp cầu sống động nối liền những người thân thiết trong gia đình.

Đời sống em bé giữa gia đình cũng đồng nghĩa với bận rộn lo lắng cho cha mẹ em. Nhưng em là niềm vui thánh đức, cùng là niềm hy vọng trời cao ban cho gia đình.

Lúc hài nhi Giêsu mở mắt chào đời trên cánh đồng Bethlehem, Thiên Chúa sai các Thiên Thần đến báo tin cho các mục đồng nơi đó. Và ca đoàn các Thiên Thần hát ca mừng Thiên Chúa: „Gloria in exelcis Deo. Et in terra pax hominibus bonae voluntatis - Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới đất cho người Chúa thương.“ ( Lc 2,13…)

Thiên Thần Gabriel đến truyền tin cho Maria, cho trần gian: Giêsu, con Thiên Chúa nhập thể xuống làm người, được sai đến từ trời cao.

Đêm Hài nhi Giêsu sinh ra trên trần gian, ca đòan các Thiên Thần xuất hiện ca hát báo tin vui ca hát đón mừng, cũng đến từ trời cao.

Sự xuất hiện của các Thiên Thần từ trời cao xuống nơi trần gian đã mở cánh cửa trời cao cùng nhịp cầu nối với trần gian.

Vẻ huy hoàng trong sáng của trần gian, công trình tạo dựng của Thiên Chúa, đã biến mất từ ngày Ông Adong Bà Evà lỗi luật Thiên Chúa. Cánh cửa thông thương thiên đàng và trần gian đã khép cánh lại cũng từ ngày đó. Khoảng ngăn cách giữa trời và đất đã xa nhau. Vì nhịp cầu thông thương giữa hai bên đã bị bẻ gẫy từ sự cố ngày đó.

Hài nhi Giêsu, con Thiên Chúa và các Thiên Thần xuống trần gian từ trời cao đã nối liền hai bờ vực lại với nhau. Bình an mà các Thiên Thần ca hát mừng hài nhi Giêsu cho trần gian, là hòa bình được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ tội lỗi.

Nhịp cầu từ trời cao bắc nối với trần gian là trả lại cho con người nhân phẩm nguyên thủy: vừa là người từ đất bụi tạo thành và đồng thời vừa thuộc về sự thánh thiêng trên trời. Con người sinh ra trên trần gian trong một nơi chốn đất nước. Nhưng quê hương thật của họ ở trên trời, và họ không được quên điều này.

Với biến cố Chúa Giêsu sinh ra làm người trời và đất gặp gỡ nhau. Và cũng với biến cố thánh thiêng này, cuộc gặp gỡ trời và đất, Thiên Chúa và con người trần thế đạt tới lằn mức sâu thẳm chan chứa tình yêu thương.

Qua gặp gỡ giữa Thiên Chúa và trần gian, đời sống con người được thay đổi: ơn tha thứ và bình an cho tâm hồn. Vẻ đẹp trong sáng tâm hồn con người là hình ảnh Thiên Chúa được phục hồi.

Thiên Chúa làm người, để con người giữ được địa vị làm người cùng làm con Thiên Chúa!

Lễ mừng Chúa giáng sinh 25.12.2008

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Đất trời kết giao
Hai Tê Miệt Vườn, ofm
16:58 24/12/2008
ĐẤT TRỜI KẾT GIAO

Ngày Con Thiên Chúa làm người,
Khởi đầu thời điểm: Đất Trời kết giao.
Đây là quà tặng Cha trao,
Cho toàn vũ trụ cùng bao người trần.
Và Ngài mặc lấy xác thân,
Chung chia thân phận phàm nhân kiếp người.
Để rồi sống trọn cuộc đời,
Với bao thử thách như người trần gian.
Ngõ hầu đem lại bình an,
Khiến lòng nhân thế đầy tràn tình thương.
Cuộc đời khỏi mọi vấn vương,
Chẳng còn man trá, ghen tương oán hờn.
Mọi người gặp Đấng Chí Tôn,
Chính là Thiên Chúa cội nguồn tình thương.
Dắt nhau về cõi Thiên đường,
Muôn đời vui sống luôn thường bên Cha.

“ Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14)

Mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh 25/12/2008

LÀM NGƯỜI NHƯ CHÚA

Việc Con Thiên Chúa làm người,
Giúp cho người thế sống đời thiện chân.
Từ nay nhân loại thông phần,
Vinh quang phúc lộc tốt lành đẹp tươi.
Vậy là trở lại làm người,
Đúng theo hình ảnh Chúa Trời dựng nên.
Chính nhờ biết sống trung kiên,
Bước theo chân lý suốt trên đường trần.
Ngày đêm chỉ biết đấu tranh,
Loại trừ man trá, góp phần dựng xây.
Giúp cho tình nghĩa tràn đầy,
Mọi người luôn sống sum vầy bên nhau.
Thế trần hết cảnh khổ đau,
Vết thương Chia rẽ được mau chữa lành.
Cuối đời chắc chắn chung phần,
Vinh quang phúc lộc trong thành Thiên cung

Mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh 25/12/2008
 
Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện cho mọi người
Phaolô Phạm Xuân Khôi
18:03 24/12/2008
Chú giải Thánh Thư Lễ Giáng Sinh - Lễ Nửa Đêm (Tt 2, 11-14)

Đêm Giáng Sinh, Hội Thánh dùng đoản ca của Thánh Phaolô trong thư gửi Thánh Titô để chúc tụng Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa đã được tỏ bầy qua Đức Kitô trong Mầu Nhiệm Nhập Thể. Đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta phải sống thế nào trong khi chờ đợi ngày trở lại của Người. Trong phần đầu của Chương 2 (1-10) gửi Thánh Titô, Thánh Phaolô đã dặn dò Thánh Titô phải dạy cho mỗi Kitô hữu biết làm tròn bổn phận của mình, dù bất cứ ở lứa tuổi hay địa vị nào trong xã hội. Nhờ làm như thế, họ làm sáng tỏ đạo lý của Thiên Chúa trong mọi sự. Tất cả những điều ấy là kết quả của ân sủng. Và Thiên Chúa chính là nguồn mạch của mọi ân sủng. Ngài ban ân sủng cho chúng ta qua Đức Kitô để chúng ta được cứu độ trong khi chờ đợi ngày trở lại của Người.

Câu 11 – Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người,

Từ ân sủng là dịch chữ χαρις (charis) của Hy Lạp. Thực ra, Charis không những chỉ có nghĩa là ân sủng, mà còn có nghĩa là lòng khoan dung, lòng nhân từ, độ lượng…. Vậy chữ ân sủng của Thiên Chúa ở đây có thể được hiểu là lòng khoan dung và nhân hậu của Thiên Chúa mà cũng có thể được hiểu là ân sủng của Ngài. Lòng khoan dung này đã xuất hiện cho mọi người trong việc giáng trần của Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngôi Lời Nhập Thể, để cứu độ chúng ta. Ân sủng còn là sự sống của Thiên Chúa mà Đức Kitô mang lại cho chúng ta. Thiên Chúa khoan dung đối với mọi người. Nhưng ân sủng của Ngài chỉ hoạt động nơi những ai sẵn lòng đón nhận lòng khoan dung này. Đối với chúng ta là những người đã đón nhận lòng khoan dung của Thiên Chúa, thì ân sủng này đang hoạt động nơi chúng ta để thánh hoá chúng ta, giúp cho chúng ta sống một cuốc đời thánh thiện. Đó cũng là nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta trong ngày Đức Kitô trở lại.

Như thế trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2:4). Qua Mầu Nhiệm Phục Sinh, Đức Kitô, “Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, tự hiến làm giá chuộc mọi người” (x. 1 Tm 2:5-6). Chúng ta được lãnh nhận ân sủng và được dự phần vào ơn Cứu Độ khi tin vào Người và vâng phục Đức Tin ấy bằng cách cùng chết và sống lại với Người qua Bí Tích Thánh Tẩy, đồng thời trung thành sống trong ân sủng của Người.

Câu 12 - dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này,

Nhưng tin không vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải nghe theo giáo huấn của Đức Kitô và sự hướng dẫn của các môn đệ Người để luôn biết điều khiển cuộc sống của mình bằng cách từ bỏ gian tà và sống một đời thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa. Chính Đức Kitô đã dùng đời sống của Người mà dạy chúng ta. Người không bảo chúng ta phải làm điều này, phải tránh điều kia, nhưng dạy chúng ta “hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29). Người không tránh bắt chúng ta phải khó nhọc còn Người thì vui sống an nhàn như những vị thầy thế gian, nhưng Người bảo chúng ta hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy (Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23). Không những Người đã từ bỏ mình trước và vác thập giá trước để làm gương cho chúng ta, mà Người còn chết trên thập giá để đền tội chúng ta và đem lại sự sống cho chúng ta. Cho nên Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy sống tiết độ, công minh hay công bình và đạo đức ở đời này theo như giáo huấn của Đức Kitô.

Các môn đệ Đức Kitô cũng theo gương Thầy Chí Thánh. Các ngài không những chỉ rao giảng bằng lời nói, mà còn bằng việc làm, như Thánh Phaolô đã nhiều lần quả quyết: Anh em hãy theo gương tôi, như tôi theo gương Đức Kitô” (1 Cor 11:1; x. 1 Cor 4:6; Ph 3:17; 2 Th 3:9). Ngày nay cũng thế. Những người rao giảng Đức Kitô chỉ có hiệu quả nếu họ thật sự theo gương Đức Kitô, và đem chính cách sống của mình ra làm những lời giảng dạy và hướng dẫn người khác như Thánh Phaolô đã làm.

Tiết độ và công chính là hai đức tính trong các đức tính nhân bản hay nhân đức. Nhân đức là những thái độ chắc chắn, khuynh hướng vững bền, thói quen hướng thiện của lý trí và ý chí; chúng điều khiển các hành động, các đam mê, và hướng dẫn cách ăn ở của ta theo lý trí và đức tin. Các đức tính này đem lại cho ta sự thoải mái, tự chủ và an vui, để sống một cuộc đời tốt đẹp. Người nhân đức tự nguyện làm điều lành. Muốn có các đức tính luân lý này, ta phải cố gắng luyện tập. Các đức tính hướng mọi năng lực của con người đến sự hiệp thông với tình yêu Thiên Chúa (x. GLCG 1804).

1.     Tiết độ giúp ta kiềm chế sức lôi cuốn của lạc thú và sử dụng chừng mực của cải.  Tiết độ giúp ý chí làm chủ các bản năng và kềm chế các ham muốn trong một giới hạn chính đáng (x. GLCG 1809).

2.     Công bình được thể hiện qua quyết tâm trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và cho tha nhân những gì thuộc về họ; đối với Thiên Chúa là "nhân đức thờ phượng"; đối với tha nhân, là tôn trọng quyền lợi của mỗi người, đối xử chính trực với họ và thực thi công ích, ngay cả trong tư tưởng (x. GLCG 1807).

3.     Đạo đức đạo đức được thể hiện qua việc sống Đức Tin, Cậy và Mến, là những nhân đức đối thần. Các nhân đức này làm cho ta có khả năng thông phần bản tính Thiên Chúa.  Các nhân này là nền tảng, linh hồn và nét đặc thù của hoạt động luân lý Kitô giáo. Thiên Chúa ban cho ta các nhân đức này để ta có khả năng hành động như con cái Ngài và đáng hưởng sự sống đời đời. Các nhân đức đối thần là bảo chứng Chúa Thánh Thần hiện diện và tác động trong những năng lực của con người.  Có ba nhân đức đối thần là tin, cậy, mến (x. GLCG 1812-1813).

Nhờ sống tiết độ với mình, công bình với tha nhân và đạo đức với Thiên Chúa, chúng ta trở thành hiện thân của lòng nhân lành của Thiên Chúa giữa thế gian, trở thành những người mang Đức Kitô đến cho người khác và là nhân chứng cho niềm hy vọng Kitô giáo là niềm hy vọng được chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa muôn đời.

Câu 13 - khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng Cứu Độ chúng ta.

Nếu chúng ta học theo Đức Kitô khi còn sống ở đời này thì chúng ta sẽ vui mừng mong đợi niềm hy vọng hạnh phúc vĩnh cửu khi Người lại đến mà không sợ hãi gì cả.

Đức Thánh Cha Bênêđictô giải thích về niềm hy vọng vĩnh cửu của chúng ta rằng “chúng ta cần những hy vọng lớn nhỏ để sống ngày qua ngày. Nhưng những hy vọng này không đủ nếu thiếu một hy vọng cao cả, một thứ hy vọng phải vượt lên trên mọi thứ khác. Hy vọng cao cả này chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng bao gồm toàn thể thực tại và là Đấng ban phát cho chúng ta cái mà chúng ta, tự mình, không thể đạt được. Sự kiện là chúng ta có được niềm hy vọng này như một hồng ân Chúa ban cho thực sự đã là một phần của hy vọng. Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng” (Spe Salvi, 31)

Nhưng chúng ta không phải là những kẻ ngồi không mà hy vọng. “Mọi hành động nghiêm chỉnh và đúng đắn của con người đều là niềm hy vọng bằng hành động. Trước tiên điều đó có nghĩa là chúng ta nỗ lực thực hiện các niềm hy vọng của chúng ta, nhỏ bé hay lớn lao hơn: hoàn thành công việc này hoặc công việc kia vốn quan trọng trong cuộc hành trình tiến lên của chúng ta, hoặc chúng ta hành động cho một thế giới tươi đẹp và nhân bản hơn để mở rộng cửa cho tương lai. Tuy nhiên những nỗ lực hằng ngày trong việc theo đuổi đời sống chúng ta và trong việc hành động cho tương lai của thế giới làm chúng ta mệt mỏi và biến thành cuồng tín, trừ phi chúng ta được chiếu sáng bởi vẻ huy hoàng của niềm hy vọng lớn lao vốn không thể bị huỷ diệt bởi những thất bại trong những việc nhỏ cũng như trong sự sụp đổ của những vấn đề có tầm quan trọng lịch sử “(Spe Salvi, 35).

“Đức Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng Cứu Độ chúng ta”. Ở đây Thánh Phaolô long trọng tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa. Câu này đánh đổ những luận điệu chối từ Thiên Tính của Đức Kitô của nhiều học giả Thánh Kinh ngày nay. Theo văn phạm Hy Lạp, thì chữ “Thiên Chúa cao cả” và “Đấng Cứu Độ” có cùng một mạo từ (article), nên phải chỉ một Đấng, và Đấng ấy là Đức Chúa Giêsu Kitô. Như thế Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Chúng ta cũng là Thiên Chúa cao cả như Đức Chúa Cha.

Câu 14 - Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.

Thánh Phaolô đã tóm tắt toàn thể học thuyết Cứu Độ trong câu này. Đức Kitô đã yêu thương chúng ta đến nỗi hy sinh mạng sống Người vì chúng ta (x. Ga 15:13), đã hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20:28; Mc 10:45). Tình yêu của Đức Kitô dành cho chúng ta được thể hiện trong cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Ở đây Thánh Phaolô đưa ra bốn yếu tố của ơn Cứu Độ: Việc tự hiến của Đức Kitô; cứu chúng ta khỏi tất cả mọi điều gian ác; luyện sạch hay thanh tẩy chúng ta; thành lập một dân tộc xứng đáng của Người.

Trước hết Đức Kitô đã hiến mình chịu chết cho chúng ta trên Thánh Giá (x. Gal 1:4; 2:20; Ep 5:2; 1 Tm 2:6). Nhờ Máu Người đổ ra mà chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi. Sự hy sinh của Đức Kitô đã đem lại tự do cho chúng ta như việc Thiên Chúa dẫn dân Do Thái qua Biển Đỏ vào tự do. Người nào muốn được thoát ly khỏi ách nô lệ Ai Cập thì phải cùng dân Israel vượt qua biển đỏ. Cũng thế ai muốn được cứu độ thì phải cùng chết với Đức Kitô qua Nước Rửa Tội.

Không những thế, chúng ta phải được thanh luyện như dân Do Thái ngày xưa phải thanh luyện 40 năm trong hoang địa. Đây là quan niệm khác nhau giữa học thuyết Cứu Độ của Công Giáo và hầu hết các giáo phái Tin Lành. Lutherô và hầu hết các nhà lãnh đạo Tin Lành theo sau ông dạy rằng, con người được nên công chính chỉ nhờ Đức tin mà thôi, chứ không cần phải thanh luyện. Theo Lutherô thì nhờ cái chết của Đức Kitô, Thiên Chúa tha bổng cho con người. Trước mặt Thiên Chúa, con người vẫn tội lỗi, nhưng nhờ sự công chính của Đức Kitô che phủ nên Thiên Chúa tuyên bố là con người vô tội và Ngài không còn nhìn đến tội lỗi người ấy nữa. Giống như một tội nhân được tổng thống ân xá. Tuy vẫn là một người ác, nhưng trước pháp luật vì được tổng thống ân xá, nên được tự do. Giống như một món quà dơ bẩn được phủ lên bằng một tấm khăn tuyệt đẹp. Tóm lại theo hầu hết các giáo phái Tin Lành thì con người được Thiên Chúa coi là công chính theo chỉ thị của Ngài, chứ không cần phải thật sự trở nên công chính. Còn Đạo Công Giáo thì dạy rằng, Nhờ cái chết của Đức Kitô, Thiên Chúa không những tha tôi chúng ta mà Ngài còn ban ân sủng để thanh luyện và thánh hoá chúng ta, để giúp chúng ta thật sự hoán cải và trở nên công chính, thánh thiên trước nhan Thiên Chúa.

Nhờ được thanh luyện chúng ta trở thành những phần tử của Dân Thiên Chúa (x. Ed 37:23). Như xưa kia Thiên Chúa chọn dân Do Thái làm Dân Riêng qua Giao Ước Sinai (x. Xh 19:5) thế nào, thì Đức Kitô qua Giao Ước Mới bằng Máu của Người đã thiết lập Hội Thánh là Dân Riêng của Người, bao gồm mọi dân tộc. Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: “Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã được gọi là Hội Thánh của Thiên Chúa (x. 2Esd 13:1; Ds 20:4; Dnl 23:1tt), dân Israel mới tiến bước trong thời đại này đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt (x. Dt 13:14) cũng được gọi là Hội Thánh của Đức Kitô (x. Mt 16:18). Thực vậy, chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lấy Hội Thánh đó (x. Cv 20:28), Người đổ tràn Thánh Thần và ban các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình. Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Đức Kitô, Ðấng ban ơn Cứu Độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Hội Thánh để Hội Thánh trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người. Với bổn phận phải lan rộng khắp thế giới, Hội Thánh đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Hội Thánh đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc” (Lumen Gentium, 9).

Tóm Lại:

Lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa được tỏ bày qua hình ảnh Đức Kitô giáng sinh làm một hài nhi trong máng cỏ mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu của Người. Một tình yêu không gì có thể diễn tả được. Chúa sinh ra để cứu độ chúng ta. Ơn cứu độ này tuy là ơn nhưng không Thiên Chúa ban, nhưng chúng ta không có quyền thụ động đón nhận như đón nhận một món quà bất động. Ơn này là ơn giao hòa giữa chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân. Muốn cho ơn giao hòa này có kết quả, cần sự hợp tác của chúng ta bằng cách sống một cuộc sống tiết độ, công bình và đạo đức, từ bỏ gian tà và những dục vọng trần gian, sống hợp nhất với những chi thể khác của Nhiệm Thể Đức Kitô, là Hội Thánh. Có như thế, Mùa Giáng sinh sẽ đem lại cho chúng ta và toàn thế giới một hạnh phúc và và một niềm hy vọng thật trong Đức Kitô.

Lạy Chúa xin ban ơn cho con biết sống tiết độ, công bình và đạo đức như Thánh Phaolô khuyên nhủ hôm nay. Muốn được như thế, xin Chúa giúp con luôn ghi nhớ những lời này và tâm niệm trong lòng như Mẹ Thánh Chúa đã làm trong Đêm Cực Thánh năm xưa ở hang đá Bethlêhem. Amen.

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận:

1)    Ân sủng của Thiên Chúa đang hoạt động thế nào trong tôi? Ân sủng này có làm cho tôi sống khác những người khác không?

2)    Tại sao Thánh Phaolô lại nhấn mạnh đến việc sống tiết độ? Sống tiết độ quan trọng thế nào đối với  tôi trong đời sống hằng ngày? Trong đời sống vĩnh cửu?

3)    Làm thế nào để tôi có thể xứng đáng là một phần tử của dân tộc mới của Đức Kitô? Tôi đã nhiệt tâm làm việc thiện như Đức Kitô mong mỏi chưa?

 
Cha chết! Mẹ chết!
Anmai, CSsR
22:23 24/12/2008
Vì hoàn cảnh mục vụ xa xôi nên ít có dịp trở về với mái ấm Mai Hoà thân thương. Nhân dịp người anh em vì hoàn cảnh xa xứ dâng hiến đời mình về lại quê nhà thăm viếng nên anh em lại dắt díu nhau về mái ấm thân thân thương mà anh em đã có thời gian gần gụi.

Đám trẻ thân thương quen thuộc mà anh em chúng tôi có cơ may tiếp xúc, gần gụi nay có vài đứa lớn hẳn, cao khều chứ không còn nhỏ nhoi như ngày xưa nữa. Chúng vui đùa chạy nhảy thật hồn nhiên, thật hạnh phúc trong tình thương của các sơ phụ trách ở đây cũng như tình thương từ nhiều người chung chia với nỗi đau nhiễm bệnh ngặt nghèo. Trên chiếc “bên bập bên” trong mái ấm có một chú bé da dẻ thật hồng hào, mũm mĩm đang hồn nhiên đung đưa. Thấy bé dễ thương quá tôi bèn đến làm quen. Đôi chân nhỏ bé của cháu càng dễ thương hơn trong đôi dép Lào màu vàng mà theo như lời của cháu là của ông ngoại mua cho.

Ngồi cạnh bé một lúc tôi bèn hỏi:
- Con tên gì ?
Bé trả lời:
- Dạ con tên Tuấn Anh.
- Con bao nhiêu tuổi ? Tôi hỏi bé.
- Dạ con 3 tuổi.
Thấy bé thông minh quá tôi lại hỏi tiếp:
- Cha con tên gì ?
- Dạ cha chết !
Tôi tiếp tục:
- Mẹ con tên gì ?
- Dạ mẹ chết !

Tưởng Tuấn Anh nói tên cha tên mẹ của em như bao trẻ em khác nhưng câu trả lời vô cùng đau đớn: cha chết ! mẹ chết !

Hai câu trả lời của Tuấn Anh làm tôi nhói lòng. Chưa kịp học được chữ cha, chữ mẹ nhưng đã biết trả lời với người hỏi thăm mình là “cha chết ! mẹ chết”.

Thật ra Tuấn Anh trả lời như vậy thôi chứ nào bé biết được cái nghĩa của “cha chết - mẹ chết” là gì ? Và Tuấn Anh cũng không cảm được nỗi đau là dường nào khi còn cha còn mẹ. Hiện tại, Tuấn Anh chỉ biết có một điều là được sống chung với các bạn, vui với các bạn và được mọi người yêu thương, chăm sóc, vỗ về. Tuấn Anh cũng nào biết được mình đang mang trong mình căn bệnh chết người do cha mẹ bé để lại. Một ngày nào đó gần đây Tuấn Anh cũng sẽ về với Chúa như thiên thần nhỏ Martinô Dũng đã về với Chúa gần một năm. Dù cố gắng, dù giành giật mạng sống nhưng căn bệnh thế kỷ sẽ lấy mạng của Tuấn Anh khi sức đề khác của bé đã không còn.

Đâu phải chỉ mình Tuấn Anh rơi vào tình cảnh “cha chết - mẹ chết” như em trả lời với tôi nhưng tất cả đám trẻ trong trung tâm Mai Hoà này đều đồng thân đồng phận như em. Xã hội nào chỉ có Mai Hoà cưu mang những mảng đời “cha chết - mẹ chết” như thế này. Còn đó nhiều và nhiều mái ấm cũng như trại mồ côi đang cưu mang những mảng đời “cha chết - mẹ chết”.

Tiếp tục nhìn đám trẻ vui đùa nơi những chiếc cầu tuộc, xích đu mà lòng tôi làm sao ấy ! Tại sao xã hội lại có những con người như thế này ? Tại sao lại có những đứa trẻ “cha chết - mẹ chết” như thế này ?
Chẳng biết đổ lỗi cho ai nhưng trong thực tế Xã hội và Giáo Hội phải gánh hậu qủa vô cùng bi thương này.

Cần lắm để xây dựng một đất nước “Công bằng – văn minh – giàu mạnh” nhưng cũng cần lắm xây dựng một đất nước bớt đi những tệ nạn của xã hội. Cần lắm xây dựng một xã hội có một nền đạo đức chuẩn mực, cần lắm xây dựng một xã hội sống chân lý và sự thật.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, những ngày gần đây nổi cộm lên những băng cướp nhí tuổi 9X. Tại sao có những băng trộm cướp 9X này ? Phải chăng là đời sống luân lý, đời sống của gia đình ngày nay không còn như trước nữa.
Tưởng chừng xã hội giàu có, phát triển thì sẽ giảm bớt những trẻ con không cha không mẹ nhưng nào ngờ ngày càng nhiều vì xã hội ngày càng tăng những người vô trách nhiệm. Đừng bao giờ chăm chú vào cái phồn vinh bên ngoài của xã hội. Những đứa trẻ “cha chết - mẹ chết” như Tuấn Anh, như các em ở mái Ấm Mai Hoà và nhiều mái ấm khác vẫn là tiếng kêu ai oán của những con người chỉ chăm chăm chú chú đến danh, đến quyền và đến lợi.

Trên xe về lại tu viện, hình ảnh của những con người nghèo, những con người bất hạnh như Tuấn Anh chiều nay trong mái ấm lại cứ râm ran được anh em ôn lại.

Không còn dịp để sống những kỷ niệm xưa ở vùng đất thép cằn cỗi này của thời tu học nhưng người nghèo, người tất bạt cô thế cô thân vẫn sống chung quanh mỗi người chúng ta. Chuyện quan trọng là chúng ta có nhận ra sự hiện diện của họ trong cuộc đời của chúng ta và chúng ta có nhiệt huyết để sống với họ hay không mà thôi.

Giờ kinh tối đêm nay, anh em lại chung chia lời thầm thì xin Chúa ban ơn cho mọi người để cuộc sống lấy lại thăng bằng, lấy lại đạo lý để xã hội cũng như Giáo hội bớt đi những người lâm vào thảm cảnh “cha chết - mẹ chết” như Tuấn Anh mà chúng tôi gặp gỡ chiều nay.
 
Tôi đã gặp Ngài
Phanxicô Xaviê
22:49 24/12/2008
Tôi đã gặp được Ngài,
Một đông về lạnh giá,
Trong tiếng vọng thiên thai,
Giữa muôn trùng đêm vắng,
Đã có một hình hài,
Đôi bàn tay rộng mở
Cho người thương mến nhau.

Tôi đã gặp được Ngài,
Nằm phơi mình đây đó,
Nghe gió lạnh tàn hơi,
Một mảnh đời co quắp,
Khi chưa biết phận người.

Tôi đã gặp được Ngài,
Vừa qua mùa mưa lũ,
Chân bước nhịp khoan thai
Tìm trao tình thân ái,
Cho xóm nhỏ bình an.

Tôi đã gặp được Ngài,
Từ nơi hè phố ấy,
Giữa tiếng cười đông vui,
Một người đang lặng lẽ,
Ngồi nghe những tàn phai.

Tôi đã gặp được Ngài,
Ngoài kia nhìn xa vắng,
Bên mái hiên nhà người,
Một thân già côi cút,
Dõi theo bóng chiều trôi.

Tôi đã gặp được Ngài,
Khi đêm về qua phố,
Sương xuống lạnh đôi vai,
Một người phu quét lá,
Đường khuya vẫn miệt mài.

Và tôi đã gặp Ngài,
Khi bình minh thức giấc,
Trong nắng ấm ban mai,
Một dáng gầy thon nhỏ,
Đi tìm kế sinh nhai.
 
Thân phận Hài Nhi
Pm. Cao Huy Hoàng
22:57 24/12/2008
Khi sai các môn đệ vào đời loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói: “Nầy Ta sai các ngươi đi như chiên vào giữa sói rừng. Hãy khôn ngoan như con rắn và chân thực như chim câu”. (Mt 10,16). Chúa Giêsu muốn các môn đệ mặc lấy thân phận của Ngôi Con Một Thiên Chúa, thân phận của Tin Mừng Nhập Thể và Nhập Thế, chẳng khác nào một con chiên được sai vào hang sói.

Vâng, Thiên Chúa Cha sai Con Một mình đến trong trần gian để thực hiện chương trình cứu rỗi:“Thiên Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16), và Ngài đã chọn cho mình một chỗ giáng sinh thật đơn sơ thấp hèn: Một hang đá, một máng lừa chiên. Chỗ đơn sơ thấp hèn ấy, thiết nghĩ, là sự khôn ngoan, là tình thương của Thiên Chúa, vì Tin Mừng của Thiên Chúa đã đến, trước tiên, cho nơi thấp hèn và cho người thấp hèn. Sự thấp hèn cùng cực khi làm người trần gian cho trần gian nhận ra rằng: với Thiên Chúa cao sang thì sự đơn sơ khiêm tốn không hề thấp hèn tí nào, mà ngược lại, Ngài làm cho sự thấp hèn ấy nên cao cả trong ý định của Ngài. Quả vậy, tiếng ca cung chúc của các Thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người lòng ngay” vẫn hài hòa giữa cái cao sang tuyệt đỉnh của Thiên Chúa với tấm lòng chân chất của những chú mục đồng, những con người cùng khổ trong xã hội, làm thành một Thiên Đàng Be lem giữa Thiên Chúa và loài người ngay đêm Ngôi Hai giáng thế.

Cả một trần gian mênh mông trời bể, không lẽ chỉ có mấy con người bé nhỏ ấy thôi sao? Còn cả một loài người kia đâu mà chưa nhận ra được Ánh sáng và Tin Mừng Ngôi Lời Nhập Thể? Vẫn có đó, vẫn còn đó, cả một loài người, nhưng hoặc chưa ai báo tin cho họ, hoặc họ đã nhận được tin báo nhưng lòng họ là lòng lang dạ sói, cụ thể là Vua Herode, nhà cầm quyền Giuđêa, nên họ vẫn chưa chầu kính Đấng Thiên Sai. Với các đạo sĩ, Herode tỏ vẻ rất trân trọng Đấng Cứu Thế: “Các ông hãy đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi; và khi đã tìm thấy, thì hãy báo lại cho Trẫm, để Trẫm cùng đi yết bái Ngài” (Mt 2, 8). Cách nào đó ông cũng đã chúc mừng giáng sinh đấy chứ? Hoặc là cũng đã đánh lừa được ba nhà thông thái kia một lần, để hiểu cho nhà cầm quyền của ông quá tốt lành, có đạo đức, biết trời biết đất, biết lành biết dữ… Nhưng thực tế khác hẳn. Ông ta “nói một đàng, làm một nẻo”: “Ông đã sai quân tru diệt hết các trẻ con tại Belem và toàn vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian ông đã hỏi kỹ nơi các đạo sĩ” (Mt 2, 16). Lòng ông như hang đầy sói muốn ăn thịt người, mà người đầu tiên ông nhắm tới là Đức Giêsu Cứu Thế.

Ý định giết chết Hài Nhi Giêsu không chỉ của Herode một thời Giuđêa thuở ấy, mà còn là của mọi thời. Chúa Giáng Sinh Trong Hang Sói, vì trần gian như hang sói, lòng người như hang sói. Khắp nơi đang đón mừng Chúa Giáng Sinh hoành tráng, bóng loáng, lộng lẫy ánh sáng, cùng với những lời chúc mừng Giáng Sinh đẹp đẽ… nhưng có ai dám tin rằng mỗi người, mỗi nơi đang dọn cho mình một hang đá để Chúa Hài Nhi sinh hạ? Hay là, bên trong cái lộng lẫy ấy lại là một hang sói?

Thuở ấy, lòng Herode như con sói muốn thống trị lòng tin của con người bằng vũ lực, bằng bạo hành, bằng cưỡng bức áp chế, vì sợ con người không tin vào sức mạnh vô song của mình, hoặc vì sợ niềm tin vào Đấng Cứu Thế sẽ chi phối sự phụng mệnh cần có trong một quốc gia trần gian của mình đang thủ lĩnh.

Và hôm nay, sau hai ngàn năm Chúa Giáng Sinh, thân phận Tin Mừng cũng có khác gì hơn? Lòng người như con sói muốn giết chết Đấng Cứu Thế và giáo lý của Ngài khi cả tin vào những hạnh phúc ảo, hưởng thụ ảo, mà xa dần lời mời gọi nên thánh theo con đường hẹp tiến đến một hạnh phúc thiên thu bền vững. Những con người tin vào Chúa Giêsu Giáng Sinh và ơn cứu chuộc của Ngài vẫn được xem là những con người thấp hèn, vô học trước mắt những người đời ngạo nghễ, tự cho mình là Chúa Tể- và còn hơn thế nữa, bị xem là tội đồ trước mắt nhân dân. Dịp mừng Lễ Giáng Sinh của những người tin, trở thành cơ hội cho những người không tin nói khoác với thiên hạ rằng chúng tôi rất trân trọng. Một kiểu trân trọng của Herode.

Trân trọng Chúa Giáng Sinh hay trân trọng Lế Giáng Sinh? Cứ nhìn vào một thực tế thì biết: Bao nhiêu thai nhi phải chết từ trong trứng nước, không được chào đời, là kết quả của một chủ trương không Thiên Chúa, không tội lỗi, không đời sau, không ơn cứu chuộc, không có Đấng Cứu Thế…, chỉ có con người tự cứu lấy mình trong cuộc sinh tồn của loài sói. Và còn bao nhiêu thực tế khác nữa, trong cuộc thanh trừng, trục xuất Hài Nhi Giêsu ra khỏi lòng người…



Con Một Thiên Chúa Giáng Sinh, người làm vườn nho cho Thiên Chúa Cha đã đến, như lời dân Chúa khẩn cầu:

“ Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho nầy. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình”.(TV 79, 15-16 )

Trong ví dụ về làm vườn nho (Mt 21, 34-44; Mc 12, 1-11; Lc 20, 9-19), Chúa Giêsu nhắc đến câu nói của ông chủ Vườn Nho “Ta sẽ phái con một ta! Biết đâu, chúng sẽ kính nể con ta”. Nhưng rồi: Thấy người Con, các tá điền mới bàn tính cùng nhau rằng: “Kẻ thừa tự đó! Ta giết quách nó đi, để cơ nghiệp thành của ta” (Lc 20, 13-15).

Mừng Chúa Giáng Sinh năm nay trong toàn cảnh Giáo hội toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, chắc hẳn chúng ta không khỏi ngậm ngùi xót thương cho thân phận Chúa Giêsu, xót thương cho thân phận của Tin Mừng.

Nhưng, thiết tưởng, lòng mến yêu Chúa Hài Nhi Giêsu nối kết chúng ta chia sẻ thân phận của Ngài bằng việc dọn cho mình một hang đá đơn sơ chân thành nhất để Chúa Giáng sinh. Càng nhiều người “có lòng ngay” đón mừng Chúa Giáng Sinh, thì chứng từ về Thiên Chúa càng giá trị trong một xã hội đang muốn loại trừ tên tuổi và sự nghiệp của Ngài.

……

Trước lòng lang dạ sói của Herode, Thiên thần bảo Thánh Giuse: “Hãy chỗi dậy, đem Hài Nhi và Mẹ Người mà trốn qua Ai cập, và cứ ở đó, cho đến khi ta nói lại, vì Herode sắp lùng bắt Hài Nhi để giết đi” (Mt 2,13).
 
Hang Đá Ngày Xưa và Hôm Nay
Pt JB Nguyễn văn Định
23:15 24/12/2008
Cảm nghiệm Sống # 76:

HANG ĐÁ NGÀY XƯA và HÔM NAY

Tôi còn nhớ cách đây mấy chục năm, thầy quản coi Nghĩa binh trong giáo xứ tập cho chúng tôi bài hát: “Vào trong hang đá” để viếng hang đá sáng và tối như sau:

- Vào trong hang đá, tôi thấy con bò với con lừa, nằm yên thở hơi, đôi con mắt trông hiền từ.

- Và Giuse đang suy ngắm nơi cao sang xa vời, Maria trông con dưới ngôi sao vàng ánh tơ.

- Lòng tôi bùi ngùi khôn tả, quỳ đây lòng tôi lạnh giá, nhớ xưa ngày này Chúa con sinh ra giữa nơi đồng xa.

1- Hang đá thương xót: Hang đá ngày xưa gợi cho tôi thấy lòng Chúa thương xót nhân loại và tôi thật cụ thể, vô bến bờ, bằng cách Ngài xuống thế làm người ở chuồng bò lừa, nghèo hèn lạnh gía vì tôi, để tôi học sống noi gương Ngài. Hôm nay Ngài vẫn tiếp tục sống trong tôi, cùng tôi trong gia đình và xã hội với biết bao ơn huệ không kể hết.

2- Hang đá trong tôi: Chúa Giêsu vẫn ở trong tôi qua Chúa Thánh Linh để nhắc nhở, có Mẹ Maria dịu dàng, khiêm tốn đi cùng tôi trong cuộc sống qua công việc gia đình. Có thánh Giuse là mẫu mực, giúp tôi quán xuyến cuộc sống, vui vẻ để phục vụ cho người chung quanh. Khi thành công hay thất bại, tôi đều thấy Chúa đi cùng.

3- Hang đá trong Gia đình: Mỗi ngày, tôi được nhìn và sống cùng Thánh Gia qua cha mẹ, vợ chồng và con cháu sinh hoạt, làm việc, ăn uống, nói năng, vui cười, trò truyện, ăn ngủ, đi phố… Với những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên đầy trìu mến ấy, làm tôi luôn thốt lên kinh Mangificat cùng với Đức Mẹ: Linh hồn tôi ngơi khen Chúa, và lòng tôi hớn hở mừng rỡ trong Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi…”

4- Hang đá trong cuộc đời: Hôm nay tôi vẫn thấy Chúa Giêsu nhỏ bé qua những người nghèo hèn trên các nẻo đường, Đức Maria trong những căn nhà lụp xụp, thiếu thốn đủ phương tiện, thánh Giuse tất tưởi làm lụng vất vả trong các xưởng thợ để lo cho gia đình có cơm cháo ăn qua ngày. Những nhân vật này chính là hình ảnh Hang đá sống động trong xã hội hiện tại, Chúa cần đến tôi quan tâm giúp đỡ.

5- Hang đá đang ở đây: Tới đây, tôi sực nhớ Lời Chúa nói qua ông Gia-cóp khi tỉnh giấc: “Qủa thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết !!” (St 28, 16). Chúa ở với tôi mọi lúc, Ngài đang hiện diện trong chỗ tầm thường, dù tôi có biết hay không. Có thể tôi không biết Ngài, có thể tôi cảm thấy cô đơn và buồn, có thể ngày của tôi dường như thê lương và ảm đạm, không chút hy vọng; nhưng Chúa vẫn hiện diện lắng nghe và nâng đỡ tôi.

Sống thực hiện tinh thần của các hang đá trên, là tôi lúc nào cũng có Bình an và Hạnh phúc thật sự, như lời Chúa đã nói và tôi vẫn thường ca hát trên môi miệng hàng ngày:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm. (Lc 2, 14)

Lạy Cha, Đức Giêsu đã dạy cho con một bài học khiêm nhường. Xin Mẹ Maria giúp con trở nên nhỏ bé với một tình yêu bao la với anh em, để xứng đáng vào Nước Trời.

Phó tế: JB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Benedict XVI gọi Năm Thánh Phaolô là một cuộc hành hương
Bùi Hữu Thư
03:48 24/12/2008

Đức Thánh Cha Benedict XVI gọi Năm Thánh Phaolô là một cuộc hành hương



VATICAN, ngày 23, tháng 12, 2008
(Zenit.org).- ĐTC nói, mặc dầu năm 2008 được ghi dấu bằng nhiều kỷ niệm trong Giáo Hội, việc kỷ niệm 2000 năm ngày sanh Thánh Phaolô không chỉ là việc tưởng niệm một biến cố trong quá khứ.

ĐTC khẳng định điều này ngày Thứ Hai lúc ngài đọc diễn từ hàng năm cho các giám mục và thành viên của Giáo Triều Rôma trong khi trao đổi theo truyền thống những lời cầu chúc Giáng Sinh. ĐTC nhắc đến các cao điểm của năm 2008, kể cả Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Úc và Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10.

Ngài cũng nhắc lại một số các kỷ niệm trong năm 2008, kể cả việc kỷ niệm 50 năm ngày ĐTC Piô XII qua đời và việc bầu cử ĐTC Gioan XXIII, cũng như 40 năm kể từ ngày ấn hành thông điệp "Humanae Vitae" và 30 năm kể từ ngày tác giả của thông điệp là ĐTC Phaolô VI qua đời.

Còn về Năm Thánh Phaolô – được ĐTC Benedict XVI khai mạc ngày 28 tháng 6, 2008, và sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng 6, 2009 – ngài nói đây không chỉ là một sự tưởng nhớ, vì “ký ức đã hồi tưởng quá xa hơn các biến cố của thế kỷ vừa qua và chính bằng cách này, đã đưa dẫn chúng ta đi vào tương lai.”

ĐTC khẳng định, "Thánh Phaolô đối với chúng ta không phải là một nhân vật của quá khứ. Qua các lá thư của ngài, ngài vẫn còn nói với chúng ta ngày nay. Và bất cứ ai bước vào sự đối thoại với ngài đều được ngài đưa dẫn tới Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại."

Ngài tiếp, Năm Thánh Phaolô, “là một năm hành hương, không chỉ theo nghĩa đen của một hành trình tới các địa danh Thánh Phaolô đã đi qua, mà trên hết, còn là một cuộc hành hương của con tim, cùng với Thánh Phaolô, để đi tới Chúa Giêsu Kitô."

ĐTC đề cao tầm quan trọng đại kết của việc kỷ niệm, và nhắc rằng trong nghi lễ khai mạc tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, Thượng Phụ Chính Thống Giáo Bartholomew I ở Constantinople và các đại biểu khác của các Giáo Hội và Cộng Đồng Thiên Chúa Giáo khác cũng hiện diện.

Ngài nói, "Chắc chắn Thánh Phaolô đã dậy cho chúng ta rằng Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô; rằng đầu và thân mình không thể phân cách, và không thể có tình yêu Chúa Kitô mà không có tình yêu Giáo Hội của Người và tình yêu cộng đồng sống động của Giáo Hội."
 
Tâm tình Giáng Sinh của vị chủ chăn nơi vùng đất thống khổ của Ấn Độ
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
15:54 24/12/2008
Tâm tình Giáng Sinh của vị chủ chăn nơi vùng đất thống khổ của Ấn Độ

Bhubaneshwar (AsiaNews) - Tổng Giám Mục của Bhubaneshwar nhấn mạnh rằng Giáng Sinh là dịp để vui mừng ngay cả trong các trại tị nạn dành cho các Kitô hữu bị ngược đãi. Giữa những đau đớn và thống khổ của hơn 50.000 nạn nhân, sự chia sẻ và tình liên đới đã được soi rọi từ khắp thế giới, khởi đầu của một thế giới mới, một trật tự thế giới mới.

Dưới đây là những suy tư của Đức Tổng Giám Mục Cheenath của Bhubaneshwar, Orissa, Ấn Độ:

"Vinh Danh Thiên Chúa trên Trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm": Các Kitô hữu trên khắp thế giới, hiệp cùng những người thiện chí đang đón mừng Giáng Sinh để nhớ lại Chúa Giêsu ra đời trong máng cỏ.

Quận Kandhamal nhỏ nhoi này nhờ quyền năng của Chúa Giêsu Kitô báo trước một trật tự thế giới mới.

Tôi nhận thức sâu sắc những đau khổ và đau đớn cùng cực mà nhiều anh chị em chúng tôi, người Ấn giáo và Kitô giáo, người sắc tộc và người dalit, và nhiều người khác đã trải qua trong thời gian gần đây ở tiểu bang của chúng tôi. Đó là thời gian chúng tôi liên đới, xóa bỏ mọi chia rẽ trong chúng tôi và gióng lên một tiếng nói, thế là đủ. Mọi người chúng tôi đang khao khát hòa bình, nơi chúng tôi có thể sống mà không sợ hãi. Chúng tôi cần biểu lộ cảm giác về tình yêu và sự tôn trọng của chúng tôi đối với tha nhân để tôn vinh tính đa dạng về văn hóa và đức tin và bắt đầu quá trình làm lành với nhau.

Giáng Sinh này sẽ suy ngẫm về các sự kiện của năm ngoái [ghi chú: khi các phần tử quá khích Ấn giáo phá hủy 13 nhà thờ, giết hại 3 người], Giáng Sinh này sẽ suy ngẫm về những đau đớn tột độ mà người dân chúng tôi phải gánh chịu, và quan trọng hơn, câu chuyện Giáng Sinh sẽ được tái hiện nơi đây, quận Kandhamal của bang phía Đông Ấn Độ.

Đêm Giáng Sinh nhắc cho chúng tôi về Thánh Giuse và Mẹ Maria, những người đã sinh ra Đấng Cứu Độ cho thế giới nơi máng cỏ, trong hang dành cho động vật. Thánh Giuse và Mẹ Maria, những người trải qua tình cảnh vô gia cư không mong muốn - không có phòng trong quán trọ - đây là tình cảnh của 13.000 người dân chúng tôi trong các trại cứu tế - không nhà cửa, không mong muốn, những người sẽ mang Đấng Cứu Độ của Thế giới trong các trại cứu tế - hài nhi này sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới trong nhân loại.

Khi Chúa Kitô được sinh ra, các cơ binh thiên thần xướng ca, nhưng nơi đây những lời ca hân hoan chưa được nghe thấy, âm thanh và tiếng thét gào của những kẻ vô lại và vô luân đã vang rền từ năm ngoái, và trong hoàn cảnh này một hài nhi đã được sinh ra cho chúng tôi, Vì Sao sẽ chiếu soi Kandhamal, một Đấng Cứu Độ được sinh ra sẽ thành lập vương quốc của công lý, hòa bình và tình yêu. Đó là lý do tại sao thật là quan trọng đối với chúng tôi để đón mừng Giáng Sinh và chào đón Chúa Kitô được sinh ra, sự kiện cứu chuộc này có thể mang đến niềm hy vọng mới cho cuộc sống của mỗi con người.

Hòa bình được lập trên nền tảng công lý sẽ không bao giờ diệt vong; nó chỉ có thể bị suy đồi hoặc bị gạt bỏ như là một hiện tượng tạm thời, và cuối cùng hòa bình sẽ thắng thế. Tôi kêu gọi anh chị em hãy nhớ và cầu nguyện cho hòa bình ở Orissa và đặc biệt là hòa bình có thể thắng thế trong con tim của tất cả những người bị ảnh hưởng.

Tôi nắm lấy cơ hội này để gợi lại trong tâm trí về tình liên đới và cảm thông tuyệt vời mà anh chị em đã bày tỏ trong suốt thời gian âu lo và phiền muộn của chúng tôi. Anh chị em trên khắp thế giới đã đứng ra giúp đỡ như trong một cộng đoàn để diễn tả sự quan tâm và tình bằng hữu của họ. Tôi muốn biểu lộ lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi đối với anh chị em về việc này. Tôi rất vui khi được gợi lại lòng nhân từ của con người vốn đã được chứng minh trong suốt quá trình các Kitô hữu bị ngược đãi ở Kandhamal, nhất là vụ bạo lực Giáng Sinh 2007 và tháng Tám, 2008. Làn sóng bạo lực chống Kitô giáo này, vốn kéo theo chết chóc và tàn phá, một lần nữa đánh thức lương tâm nhân loại trên khắp địa cầu. Tình liên đới hoàn vũ không lĩnh xướng thật sự là công trình của Thiên Chúa, Ánh sáng chiếu rọi giữa bóng đêm.

Hơn 50,000 Kitô hữu của Kandhamal trải qua đau khổ vì ngược đãi tàn bạo, nghèo khổ nhục nhã, và mất nhà cửa và đằng sau cái quận nhỏ nhoi này, cộng đồng toàn cầu to lớn đã bày tỏ tình liên đới và quy tụ xung quanh các Kitô hữu đau khổ chúng tôi. Nhiều vận động hành lang các chính phủ địa phương, quốc gia cũng như quốc tế cho công lý và hòa bình, và người dân đã được nhắc nhở về sức mạnh của cầu nguyện, hàng trăm nghàn người đã cầu nguyện cho Orissa, người dân canh tân đức tin của họ thông qua cầu nguyện. Sự ngược đãi Kitô giáo Kandhamal mang đến sự canh tân tâm hồn trong dân chúng.

Trong đất nước và thế giới trần tục của chúng ta, người thiện chí sẽ thúc giục bảo vệ các quyền sơ đẳng nhất của các Kitô hữu Kandhamal chúng tôi đang phải trải qua sự ngược đãi về đức tin. Chúng tôi đã chứng kiến một nhân loại hợp nhất, một nhân loại chu đáo và tình liên đới hoàn vũ. Một trật tự thế giới mới đang nổi lên như là kết quả của sự khao khác và đau khổ vì đức tin của chúng tôi.

Và lời cầu chúc của tôi dành cho tất cả những người thiện chí rằng sự giáng sinh mới này, sự sống mới bé nhỏ dễ bị tổn thương của Hài nhi Giêsu có thể khuyến khích nhân loại xây dựng một trật tự thế giới công bằng hơn. Một nhân loại được canh tân bằng các giá trị của Tin Mừng sẽ làm việc hướng tới xây dựng một nền văn minh tình thương.

Bí tích Thánh Thể sẽ được cử hành trong tất cả các trại cứu tế xung quanh Kandhamal, và đây là một dấu hiệu của tình liên đới của Giáo Hội hoàn vũ với các Kitô hữu Kandhamal. Tổng Giáo phận sẽ chiêu đãi bữa trưa cho mười ba ngàn Kitô hữu trong các trại cứu tế, Người phụ trách thu thuế và Sĩ quan cảnh sát cũng sẽ thăm viếng từng trại để chia sẻ tấm bánh với các nạn nhân của bạo lực.
 
Chúa Kitô, ánh sáng chiếu rọi bóng đêm xung đột nơi Thánh Địa
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
15:54 24/12/2008
Giêrusalem (AsiaNews) – Thượng phụ của Giêrusalem, Đức Cha Foud Twal đã công bố bức thư mục vụ Giáng Sinh của mình cùng với 12 nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô, trong đó ngài tái khẳng định đức tin trong Chúa Kitô, người được sinh ra tại Bêlem, như là ánh sáng soi rọi bóng đêm. Trong bức thư, 12 vị giáo sĩ cao cấp lưu ý rằng "trong thế giới đang có chiều hướng gia tăng bóng đêm, xung đột và tuyệt vọng", nhưng các Kitô hữu được kêu gọi để nhắc nhở mọi người rằng "Chúa Kitô là ánh sáng không bao giờ tắt".

Sau khi nhấn mạnh sự khẩn cấp liên đới với người nghèo nhất, người thất nghiệp, người vô gia cư, các nhà lãnh đạo Kitô giáo khẳng định rằng ánh sáng của Chúa Kitô tác động khả năng "làm việc theo một đường hướng thực tế hơn cho các giải pháp hai nhà nước [Israel và Palestine], để có thể đặt dấu chấm hết cho gánh nặng hạn chế tạo ra việc làm liên tục".

Các giám mục cũng cầu nguyện cho "Tổng Thống Hoa Kỳ đắc cử (Barak Obama), để ông cùng với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới có thể thấy được sự cần thiết hòa bình ở Trung Đông và hơn thế nữa". Và họ yêu cầu tất cả mọi người "bằng ánh sáng của Chúa Kitô, thấy được hoàn cảnh đau khổ ở Gaza, để thực hiện những nỗ lực cụ thể mang đến cho họ sự giúp đỡ khẩn cấp".

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo cảm ơn tất cả những người hành hương đã đến Thánh Địa và yêu cầu họ "bước theo bước chân của Chúa Giêsu" và trong những thời khắc thảnh thơi trong chuyến hành hương của mình tại những nơi Thánh, hãy lưu tâm đến "hoàn cảnh của các Kitô hữu đồng đạo mình".
 
Top Stories
Lettre pastorale de la Conférence des évêques catholiques du Vietnam pour l’année 2008
Eglises d'Asie,
15:20 24/12/2008
Lettre pastorale de la Conférence des évêques catholiques du Vietnam pour l’année 2008
L’éducation au sein de la famille catholique

NDLR: Comme la lettre de l’année précédente, la Lettre pastorale publiée le 5 décembre 2008 (1) traite de la famille catholique et du rôle essentiel joué par elle dans l’éducation et la formation de l’homme. Elle insiste sur la spécificité de l’idéal familial au Vietnam et déplore de voir celui-ci perdre de son attrait. Les évêques reviennent aux sources chrétiennes pour restaurer et revivifier le rôle éducatif de la famille catholique au Vietnam. La lettre a été traduite du vietnamien par la rédaction d’Eglises d’Asie.

TEXTE
À la communauté du peuple de Dieu au Vietnam.

Introduction

1. Nous, les cardinaux, archevêques et évêques de la Conférence épiscopale du Vietnam, voulons vous faire parvenir nos salutations affectueuses et nos souhaits de paix dans le Christ.

2. Conscients de la mission de formation qui nous a été confiée en tant que pasteurs, à l’occasion de la Xème assemblée annuelle de notre Conférence de 2007 à Hanoi, nous vous avions fait parvenir une lettre commune sur le thème « L’éducation d’aujourd’hui, c’est la société et l’Eglise de demain ». Nous avons été heureux de constater que cette lettre a été bien reçue et mise en pratique grâce à de nombreuses et fécondes initiatives à l’intérieur des différents diocèses. Nous vous remercions d’avoir chaleureusement répondu à notre appel en apportant votre propre contribution à l’éducation religieuse et culturelle dans le cadre de l’édification de l’Eglise et de la société du Vietnam d’aujourd’hui et de demain.

3. En continuité avec l’esprit de cette lettre commune de 2007 sur l’éducation chrétienne, nous vous invitons aujourd’hui, frères et sœurs, à réfléchir et à agir avec nous pour contribuer à la restauration du milieu éducatif de la famille (voir lettre commune de 2007, n° 38). L’éducation à l’intérieur de la famille constitue un élément important et nécessaire. C’est elle qui créé les conditions préalables au développement de l’éducation générale, car la famille est le fondement de l’Eglise et de la société. Si le fondement familial est renforcé, l’Eglise et la société de demain s’en trouveront plus florissantes et iront en se développant. A travers cette Lettre pastorale, nous voulons exprimer notre inquiétude à l’égard de la situation présente de la famille vietnamienne et vous présenter des propositions concrètes qui contribueront au renouveau pastoral en ce domaine, un domaine fondamental de la vie humaine et de la vie de l’Eglise.

I - Le fondement de l’éducation familiale

4. Dans le dessein de Dieu, la famille est le lieu de l’éducation à l’amour. « Dieu est amour » (1 Jn 4,16). C’est par amour qu’il a créé l’homme à son image pour lui transmettre sa gloire éternelle. Il a créé l’être humain, homme et femme, qui, bien que différents par le sexe, sont entièrement égaux et complémentaires entre eux. Il leur a donné la capacité d’aimer pour réaliser leurs légitimes aspirations. Dans la vie conjugale, l’amour unit l’homme et la femme d’une manière si intime qu’ils ne sont plus deux mais forment une même chair. De plus, l’amour conjugal est un reflet de l’amour même de Dieu et, pour cela, il est béni par lui.

5. La famille a été la première école du fils de Dieu incarné

Lorsqu’il est venu en ce monde, le Seigneur Jésus a vécu dans une famille. Il a eu un village d’origine, un père, une mère, un voisinage. Les gens de son village le connaissaient bien, lui, « le fils du charpentier » dont « la mère était Marie » (Mt 13,55). Saint Joseph et la Vierge Marie ont élevé et éduqué l’enfant Jésus dès sa naissance. C’est dans le cadre familial que Jésus a reçu ses premières leçons fondamentales pour la vie, religieuses et culturelles. Pour sa part, Jésus « leur était obéissant » (Lc 2,51). On peut dire que ce type d’éducation donnée par Saint Joseph et la Vierge Marie a contribué à enrichir la prédication du prophète de Nazareth. Il a utilisé les expressions traditionnelles, les proverbes, les images populaires de la culture locale pour annoncer le royaume des cieux. Ainsi, la famille de Nazareth nous fait mesurer l’importance de la famille dans l’éducation. La Sainte Famille est un modèle pour tous ceux qui exercent les fonctions parentales dans toutes les cultures et milieux sociaux. Fils très aimant dans une famille, Jésus est aussi le fils bien-aimé de Dieu le Père qui l’a lui-même affirmé: « Celui-ci est mon Fils bien-aimé, qui a toute ma faveur, écoutez-le. » (Mt 17,5). Il s’est toujours soucié d’accomplir le dessein de Dieu le Père, depuis son enfance, lorsqu’il était resté au temple au milieu des docteurs de la loi, jusqu’à l’heure de sa Passion sur la croix. Jésus a toujours réalisé la volonté du Père dans ses paroles comme dans ses actes. Obéir à la volonté de Dieu le Père, telle est sa nourriture (Jn 4,34).

6. La famille représente l’amour de Jésus et de son Eglise

Dans l’Ancien Testament, les prophètes ont l’habitude d’emprunter l’image des épousailles pour décrire les liens existant entre Dieu et son peuple. Plus tard, saint Paul sera encore plus concret en utilisant l’image de l’alliance amoureuse entre homme et femme pour décrire l’union de Jésus et de l’Eglise (Eph 5,21-33). Le mariage catholique a été élevé au rang de sacrement, devenant ainsi un signe et un instrument de l’amour qui unit le Christ à son Eglise. C’est un amour généreux par lequel on sacrifie et offre sa vie pour celui qu’on aime. C’est pourquoi, comme le Christ en a donné l’exemple en s’offrant pour son Eglise, l’amour conjugal doit être édifié sur ce modèle fondamental. Le pape Jean Paul II a rappelé cela dans son instruction apostolique sur la famille: « Le mariage des baptisés devient ainsi le symbole réel de l’alliance nouvelle et éternelle, scellée dans le sang du Christ. L’Esprit, que répand le Seigneur, leur donne un cœur nouveau et rend l’homme et la femme capables de s’aimer, comme le Christ nous a aimés ». (Jean Paul II, exhortation apostolique Familiaris Consortio, 13).

7. La famille est le milieu éducatif de l’amour de communion

« La famille, fondée par amour et vivifiée par lui, est une communauté de personnes: les époux, homme et femme, les parents et les enfants, la parenté. Son premier devoir est de vivre fidèlement la réalité de la communion. » (Jean Paul II, exhortation apostolique de 1981 Familiaris consortio, 18). Cette communion se renforce et se développe grâce à l’affection et au soutien mutuels dont font preuve les membres de la famille aussi bien dans la vie humaine que dans la vie de foi. Vraiment, si ses membres vivent dans la concorde et s’entraident mutuellement, la famille connaîtra une grande intimité. Cette communion contribuera même à renforcer la grande famille humaine et la famille de Dieu, à savoir l’Eglise.

8. La famille est l’école de l’amour filial et de l’amour de Dieu

La loi de l’Ancien Testament évoque l’amour filial immédiatement après avoir mentionné les devoirs de l’homme à l’égard de Dieu dans les trois premiers commandements. Ce qui nous enseigne que l’amour à l’intérieur d’une famille est lié à l’adoration de Dieu. Autrement dit, l’amour filial à l’égard de ceux qui nous ont engendrés, nourris et éduqués est un devoir important, venant juste après le culte dû à Dieu. Les auteurs de la littérature sapientiale (2) ont fait l’éloge des enfants animés par l’amour filial. Celui-ci n’est pas seulement une façon de se montrer reconnaissant pour la naissance et l’éducation reçues. L’Ecclésiastique (ou Livre de Ben Sirach le Sage) l’affirme: « Celui qui honore son père expie ses fautes, celui qui glorifie sa mère est comme quelqu’un qui amasse un trésor (...). Celui qui glorifie son père verra de longs jours, celui qui obéit au Seigneur donne satisfaction à sa mère » (Ecclesiastique, 3,1-6 ou Livre de Ben Sirach le Sage 3,2-14). On peut dire que l’adoration de Dieu garantit le bonheur de la famille et que la vénération à l’égard des parents constitue le devoir essentiel de ceux qui aiment Dieu et recherchent la perfection. La famille est à la fois le berceau et l’école où se forment les hommes qui sauront accomplir ce sublime idéal.

II - La famille dans le Vietnam d’aujourd’hui

9. Considérations générales

Le monde en général et la société vietnamienne en particulier sont en train de se transformer fortement. Certains changements sont positifs mais d’autres ont entraîné de très grands reculs. Le plus regrettable concerne les valeurs fondamentales en rapport avec la solidité des liens du mariage et de la famille, avec la solidarité entre ses membres. Nous vous invitons, frères et sœurs, à considérer avec nous la situation de la famille vietnamienne dans la société d’aujourd’hui afin de trouver des orientations pastorales qui répondent à des besoins effectifs et urgents.

10. Les crises de la famille

En tant que Vietnamiens, nous nous enorgueillissons d’une tradition familiale qui fait régner la bonne entente entre les parents et les enfants. L’amour filial tient une place importante dans notre vie familiale et sociale. On peut dire que la famille constitue un élément fondamental qui permet à l’homme de s’humaniser et d’acquérir de la valeur. Mais cette belle tradition court le risque de s’effacer et de disparaître demain. Il existe des familles qui sont devenues de véritables ‘auberges’ au lieu d’être des foyers d’amour. Beaucoup de personnes âgées sont abandonnées par leurs enfants, sans lieu où ils pourraient trouver asile. La violence familiale se répand. Plus particulièrement, beaucoup de femmes ne sont ni respectées ni aimées à la mesure de leur dignité. La proportion de divorces ne cesse d’augmenter avec, pour conséquences, des enfants de plus en plus nombreux qui désertent l’école, quittent la maison pour aller vivre dans les rues. Les médias mentionnent en permanence des actes criminels dont les auteurs, comme les victimes, sont des mineurs. Une grande partie d’entre eux viennent de familles divorcées, séparées ou brisées. Parallèlement à ces contradictions et ces crises qui affectent la famille, les statistiques connues nous apprennent que le fléau de l’avortement devient chaque jour plus grave, y compris chez les adolescentes encore à l’école. En plus des conséquences physiques obligatoires, l’avortement laisse des blessures psychiques dramatiques sur celles qui le subissent et sur leurs proches.

11. La famille dans le contexte de la mondialisation et des migrations

Autrefois, la vie des Vietnamiens était liée à la campagne. Toutes les activités sociales, économiques, culturelles et religieuses se déroulaient à l’intérieur des haies de bambous entourant le village. Dans les paroisses, pouvaient être organisés de façon commode les cours de catéchisme, les activités caritatives et le culte liturgique. Les fidèles avaient beaucoup d’occasions de se rencontrer et d’échanger dans de nombreux domaines différents. Les membres d’une même famille étaient toujours les uns auprès des autres dans chacune de leurs activités. Cette proximité permanente les aidait à s’encourager mutuellement, à se mobiliser mutuellement et ainsi, vivre leur foi effectivement et sans difficulté. Le milieu paroissial à la campagne était donc favorable aux rapports interpersonnels et à l’éducation chrétienne.

Un tel milieu est en train de changer progressivement sous l’influence de la vague d’urbanisation et d’industrialisation. De plus en plus de monde quitte la campagne pour trouver un emploi dans les villes. La plus grande partie de ces migrants sont des jeunes. Ce sont des étudiants, des écoliers, des ouvriers, des petits commerçants et beaucoup d’autres individus travaillant dans différents secteurs. C’est aussi pour gagner leur vie que beaucoup vont travailler à l’étranger ou encore que des jeunes filles vont chercher un mari à l’étranger. Ces expatriés sont confrontés à de nombreuses difficultés pour s’adapter à une nouvelle culture, à des coutumes totalement étrangères à celles de leurs pays, étrangères surtout à la vie familiale des catholiques vietnamiens. Particulièrement occupés par la lutte épuisante pour la subsistance, ils n’ont plus de temps à consacrer à la vie spirituelle. Dans une telle situation, la conception de l’amour conjugal et de l’amour familial est transformée. On assiste à l’apparition de façons de vivre dépourvues de moralité et fausses, comme le mariage à l’essai, la vie de couple en dehors du mariage et la liberté de divorcer. Beaucoup de familles se sont brisées et se brisent encore lorsque le l’épouse ou le mari partent à l’étranger pour y travailler. Le souci des migrants est une nouvelle forme de la pastorale de l’Eglise du Vietnam, aujourd’hui.

12. Les conséquences d’une éducation comportant beaucoup d’insuffisances

Devant cette longue série de caractères négatifs affectant le domaine de l’éducation, beaucoup de personnes ont élevé la voix pour appeler l’attention sur la qualité effective de l’éducation dispensée. Une éducation qui ne se préoccupe que des diplômes et s’efforce seulement d’acquérir des notes élevées au lieu de suivre le principe traditionnel: « D’abord apprendre le savoir-vivre et ensuite, la littérature », ne pourra que créer une génération d’hommes sans probité et sans talent. C’est précisément à cause de ce manque de « savoir-vivre » que la tradition du respect du maître est en train de se perdre, avec pour résultat l’aggravation de la violence dans le milieu scolaire. Des écoliers, encore dans leur prime jeunesse, sont devenus les auteurs de crimes, individuels aussi bien que collectifs. Il arrive que l’école qui devrait être le lieu où sont formés les sujets humains de demain, sachant respecter la vérité, devienne un milieu où les enfants apprennent le mensonge. Un certain nombre de parents d’élèves se laisse aller à des actes anti-éducatifs, par exemple, en achetant les notes ou même les diplômes pour leurs enfants, ou encore en faisant en sorte qu’ils passent à la classe supérieure. Par la suite, les enfants imiteront ce mensonge. C’est un des drames qui menacent l’avenir de l’Eglise, de la société et du peuple vietnamiens.

III - Quelques directives pastorales

13. Comme nous l’avons mentionné dans la lettre commune de 2007, l’éducation chrétienne relève de la responsabilité de tous et de chacun. La cible visée par elle, c’est la totalité des composantes de la société, sans exclure personne. Après avoir considéré ensemble la situation générale de la famille au Vietnam, nous vous proposons un certain nombre de pratiques éducatives en commençant par le domaine familial, car la famille est la première école, le lieu où se forme la personnalité, le lieu où l’homme s’oriente vers son avenir.

14. La famille et l’éducation de la foi

« Leur amour parental est appelé à devenir pour leurs enfants le signe visible de l’amour même de Dieu, ‘d’où vient toute paternité au ciel et sur la terre’ » (Jean Paul II, Familiaris Consortio, 14). De par la mission sacrée qui est la leur, les parents ont la responsabilité de transmettre la foi aux générations suivantes. Ce sont eux les premiers catéchistes de leurs enfants. Qu’ils leur présentent et leur fassent connaître Dieu dès leur petite enfance avec des prières toutes simples, des gestes (le signe de croix, les bras croisés, l’inclination de la tête, etc.). Des prières courtes, des leçons catéchétiques élémentaires, des histoires tirées des Ecritures saintes, inculquées par leurs parents, créeront chez eux des fondements doctrinaux solides et les prépareront à une vie spirituelle profonde. Mais la responsabilité des parents ne s’arrête pas là. Elle s’exprime également avec les directives qu’ils donnent à leurs enfants, en leur rappelant la nécessité d’étudier la doctrine, de participer aux diverses associations chrétiennes pour pouvoir ainsi grandir dans la foi. L’image d’une famille vietnamienne catholique a pour trait marquant la prière commune de tous ses membres. L’heure de prière récitée ensemble les aide à être plus près les uns des autres et à se prendre en charge mutuellement. La prière commune est un élément important pour dissiper les différends et aider les membres de la famille à se pardonner les uns les autres.

De nombreuses raisons expliquent la disparition progressive des activités éducatives, cependant, les causes principales sont la multiplication des occupations et des études, la différence de religion entre les membres de la famille, l’appétit immodéré de distractions. Nous appelons nos frères prêtres, les parents et nos collaborateurs apostoliques à encourager avec ardeur la restauration de la prière en famille. Les prières et les lectures de la Parole de Dieu, si elles ont lieu de façon permanente à l’intérieur de la famille, donnent à la jeunesse l’habitude de la prière. Ces comportements vertueux accompagneront les enfants tout au long de leur vie, y compris lorsqu’ils quitteront la famille pour vivre dans des milieux différents. La prière en résonnant quotidiennement à l’intérieur des maisons augmente en elle le bonheur et la joie. Car grâce à elle, nous transformerons nos familles en temples du Dieu Très-Haut.

15. La famille et l’éducation à la charité

Face aux diverses crises qui touchent la famille dans la société d’aujourd’hui, nous avons besoin de prendre conscience que, depuis le début, la famille est structurée par l’amour. Pour être conforme à la volonté de Dieu, elle doit se maintenir et se développer dans l’amour. Elle constitue ainsi un milieu éducatif particulier en ce qui concerne l’amour. L’éducation de la foi doit aller de pair avec l’éducation de la charité. Il est nécessaire d’apprendre aux enfants ce qu’est l’amour, pour qu’ils sachent aimer avec vénération leurs parents et grands-parents, aimer avec respect les membres de leur parenté, aimer et respecter tous les hommes. Il est aussi nécessaire de leur apprendre à s’aimer, se respecter, se soutenir les uns les autres et à se sacrifier les uns pour les autres. Celui qui ne sait pas aimer à l’intérieur de la famille, ne saura pas non plus aimer dans les différents milieux sociaux. L’éducation à l’amour a besoin de persévérance mais surtout de l’exemple donné par les parents, en tant que mari et femme. Le modèle de l’éducation à l’amour nous est donné par la Sainte Famille. Plus sublime encore est le modèle du Seigneur Jésus qui aime son Eglise, se met à son service, et va jusqu’au sacrifice de sa vie pour chacun de nous. Y a-t-il un sentiment plus beau que celui qu’éprouvent les membres de la famille lorsqu’ils se sentent aimés par les autres et que leur propre amour trouve un accueil et une réponse chez eux ?

16. La famille enseigne aux enfants à vivre en accord avec leur conscience et avec la vérité

Le pape Benoît XVI a affirmé: « Si au progrès technique ne correspond pas un progrès dans la formation éthique de l’homme, dans la croissance de l’homme intérieur, alors ce n’est pas un progrès, mais une menace pour l’homme et pour le monde » (Benoît XVI, encyclique Spe Salvi, 22). Ainsi, une conscience droite et une vie spirituelle profonde sont les éléments fondamentaux susceptibles d’assurer la solidité et le développement de la société. Les activités sociales, culturelles et politiques, pour avoir des résultats positifs, doivent être menées sur la base d’une conscience droite. La famille est un milieu important et irremplaçable pour sa formation. Le père et la mère sont les formateurs de la conscience de la génération à venir. Pour que cette formation porte des fruits, la collaboration de toutes les composantes de l’Eglise et de la société est nécessaire. La société est, en effet, le prolongement de la famille dans sa mission éducative. Si, à l’intérieur de la famille, les parents enseignaient la franchise à leurs enfants et que, eux-mêmes, à l’extérieur, pratiquaient la tricherie avec les autres, il y aurait là une contradiction insupportable. Le modèle des parents et des aînés joue un rôle important dans l’éducation de la conscience des générations qui suivent. Que deviendront notre Nation et notre Eglise du Vietnam si la génération d’aujourd’hui, indifférente, ferme les yeux devant la tromperie et la fourberie ? C’est une question que doivent se poser, avec gravité, les parents et les responsables de l’éducation s’ils veulent trouver à temps les mesures susceptibles de sauver la situation.

17. La famille et l’éducation aux vertus humaines

En raison de la vie industrielle et du développement urbain, l’homme d’aujourd’hui risque de vivre enfermé sur lui-même, privé d’amour et sans attention pour autrui. La famille est un milieu favorable qui aide ses membres à vivre la solidarité, l’altruisme, l’esprit de concorde et la générosité. Lorsqu’ils s’efforcent d’enseigner aux enfants les vertus humaines comme la sagesse, la justice, le courage ou la sobriété, les parents forment leurs enfants en sorte qu’ils deviennent des hommes. Cette éducation de l’humanité chez nos enfants vise aussi à former des hommes conscients de leurs responsabilités vis-à-vis d’autrui et du bien commun, contribuant à la protection et au développement de la vie sociale, respectant la nature et favorisant les activités caritatives. Encourager tous les membres de la famille à participer à des activités culturelles honnêtes est un moyen pédagogique concret et efficace de permettre aux générations à venir d’acquérir une formation humaine.

18. La famille et son devoir de respecter la vie.

L’Ecriture Sainte nous apprend que Dieu est Celui qui vit éternellement. Il a partagé sa vie et l’a accordée à l’homme, qui a été « créé à son image » (Gn 1,27). C’est lui qui bénit la vie humaine et en prend soin dès qu’elle apparaît dans le sein de la mère. A son tour, l’homme collabore avec Dieu pour donner cette vie qu’il a reçue. Bien qu’il ait la possibilité de propager cette vie humaine, l’homme n’a pas le droit d’attenter à sa propre vie. Le pape Jean Paul II a écrit: « La vie étant sacrée, elle est dotée d’une‘ inviolabilité inscrite depuis les origines dans le cœur de l’homme’, dans sa conscience. » (encyclique Evangelium Vitae, 40). La vie étant un don accordé par Dieu, elle est le bien le plus précieux de l’homme. Elle doit « être respectée et protégée de manière absolue depuis le moment de la conception » (Catéchisme de l’Eglise catholique, § 2 270). Qu’il soit beau ou laid, intelligent ou non, l’être humain a été créé et aimé par Dieu. Sa vie est entre ses mains et le fils de Dieu est mort sur la croix pour lui. C’est pourquoi les interventions de la science visant à choisir le sexe, les actions provoquant la mort d’un être humain, comme l’avortement ou l’euthanasie, vont à l’encontre de la dignité de l’homme et s’opposent à Dieu, car elles transforment l’homme en une sorte de marchandise ou de produit alors qu’il est un être vivant précieux portant en lui l’image du Très-Haut. Les séances de catéchèse préparant au mariage devront aider les futurs mariés à comprendre cet enseignement. Les parents doivent eux aussi s’en imprégner afin d’enseigner à leurs enfants à respecter la vie.

19. L’année de saint Paul et l’éducation familiale

Parlant de l’éducation familiale, nous ne pouvons pas ne pas mentionner saint Paul, surtout cette année où l’Eglise commémore le 2000e anniversaire de la naissance de l’Apôtre. L’enseignement de saint Paul nous ouvre de nouveaux horizons en attribuant à la famille des dimensions grandioses, des dimensions trinitaires et éternelles. Selon saint Paul, chaque être humain qui naît à la vie est appelé à vivre dans la vérité et l’amour (Ep 4,15). Cet appel ne concerne pas seulement la vie en ce monde mais il oriente aussi vers la vie éternelle. C’est Dieu le Père qui est l’origine de toutes les familles au ciel et sur la terre, il est l’amour paternel par excellence. (Ep 3,14-15). Portant en lui ce précieux modèle, le chrétien, quitte sa famille et se met en route pour édifier une civilisation de l’amour, grâce à « l’amour de Dieu (qui a été) répandu dans nos cœurs par le Saint Esprit (…) » (Rm 5,5), un amour qui aide l’homme à persévérer dans le service et à supporter toutes choses (1 Co 13,7). Il est sublime de découvrir que, grâce au Christ, l’éducation de l’homme comporte une dimension salvifique et parvient jusqu’à la cime de l’humanité dans le mystère pascal (Ep 3,14-15).

Avec les conseils détaillés qu’il adresse à chaque membre de la famille dans la lettre envoyée à la communauté chrétienne d’Ephèse, saint Paul nous donne à connaître sa conception du bonheur familial et son enseignement à ce sujet. Une famille où règnent la discipline et l’ordre, où les supérieurs sont respectés et les inférieurs favorisés, n’est pas seulement un foyer d’amour, mais c’est aussi un reflet de l’amour du Christ pour l’Eglise. Les membres d’une même famille doivent se sacrifier les uns pour les autres avec les sentiments de Jésus qui s’est sacrifié et s’est offert pour son Eglise. Telle est l’étape initiale du bonheur et la condition pour parvenir à la perfection.

En résumé, selon saint Paul, par l’intermédiaire de la famille et d’une éducation conforme à l’esprit évangélique, l’homme construit positivement la société de ce monde tout en accomplissant sa mission d’édification de l’Eglise, pour finalement parvenir au salut par le Christ victorieux.

Conclusion

20. Par les propos ci-dessus, nous voudrions appeler chacune des composantes du peuple de Dieu à collaborer à la formation des générations à venir. Si la famille est un élément décisif pour la survie ou la disparition de l’Eglise et de la société, la première chose à laquelle nous devons réfléchir, c’est aux moyens de la fortifier et de la faire progresser de telle sorte que le couple puis la famille aient la force de vivre un amour débordant et de progresser humainement aussi bien que moralement.

Nous confions les perspectives pastorales de cette année à l’intercession de saint Joseph et de la Vierge Marie. Ils ont été des parents modèles, sans cesse attentifs à la volonté du Seigneur. Ils l’ont mise en pratique. Les membres de la famille de Nazareth se respectaient les uns les autres, chacun désirant pour les autres ce qui était le meilleur, réalisant tous ensemble la volonté du Père qui est au ciel. Joseph et Marie ont été des éducateurs de talent et ont accompli avec sagesse et loyauté la mission qui leur avait été confiée. Nous les prions d’intercéder pour nous et de toujours protéger nos familles.

Frères et sœurs, nous vous souhaitons de recevoir la grâce de Dieu en abondance et de vivre dans le bonheur et la paix.

Hanoi, le 5 décembre 2008.

pour la Conférence épiscopale du Vietnam,
Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, président,
Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, secrétaire général.

Note
Dans le cadre de l’année de saint Paul et sur les conseils du dernier Synode des évêques sur « La Parole de Dieu dans la vie et la mission de l’Eglise », nous proposons ci-dessous un certain nombre de lectures de la Parole de Dieu, extraite des écrits de saint Paul, pour que vous puissiez les lire, les méditer et ainsi prier pour votre vie conjugale et familiale:
- Rm 8,35-39: « Qui pourra nous séparer de l’amour du Christ ? »
- Rm 12,1-2: « Offrir vos personnes en «sacrifice vivant, saint, agréable à Dieu »
- Rm 15,1-3, 5-7,13: « Soyez accueillants les uns pour les autres, comme le Christ le fut pour vous (…) ».
- 1 Co 6,13-20: « Votre corps est un temple du Saint Esprit (…). »
- 1 Co 12,31; 13,8: « Si je n’ai pas la charité cela ne me sert à rien. »
- 1 Co 13,4-7: « (La charité) excuse tout (…) et supporte tout. »
- Ep 4, 1-6: « Il n’y a qu’un Corps et qu’un Esprit (…). »
- Ep 5,32: « Ce mystère est grand; je dis cela par rapport au Christ et à l’Eglise.»
- Ph 2,1-5: « (…) Ayez le même amour, une seule âme (…). »
- Ph 4,4-9: « Alors le Dieu de la paix sera avec vous. »

(1) NDLR: les Lettres pastorales annuelles des évêques du Vietnam sont généralement publiées immédiatement après les travaux de leur assemblée. Exceptionnellement, cette année, à l’issue de leur réunion plénière, le 25 septembre, les évêques ont préféré publier d’abord le document intitulé «Point de vue de la Conférence épiscopale sur un certain nombre de problèmes posés par la situation actuelle ». Ce texte, inspiré par le conflit opposant les catholiques de Hanoi aux autorités civiles, prend parti sur deux problèmes brûlants de la société vietnamienne actuelle, à savoir la propriété des terres et l’utilisation des mass media par l’Etat. De ce fait, la Lettre pastorale annuelle n’a paru que le 5 décembre.
(2) Les Livres sapientaux comprennent les livres suivants: Job, Les Psaumes, Les Proverbes, L’Ecclésiaste, le Cantique des Cantiques, La Sagesse de Salomon, L’Ecclésiastique (ou Livre de Ben Sirach le Sage).

 
Vietnam: affaire de la paroisse de Thai Ha, lettre du supérieur des rédemptoristes
Zenit
15:21 24/12/2008
Il plaide pour innocenter ses confrères faussement accusés

ROME, Lundi 22 décembre 2008 (ZENIT.org) - Une lettre du supérieur des rédemptoristes du Vietnam innocente ses confrères faussement accusés.

Le 12 décembre dernier, le président du Comité populaire de Hanoi, M. Nguyên Thê Thao, dans une lettre adressée à la Conférence épiscopale et au supérieur provincial des religieux rédemptoristes au Vietnam avait émis des accusations graves contre les religieux responsables de la paroisse de Thai Ha et demandé que des sanctions soient prises contre eux, en particulier qu'ils soient déplacés hors du diocèse de Hanoi, rappelle « Eglises d'Asie » (EDA), l'agence des Missions étrangères de Paris.

Dans une interview à Radio Free Asia, le supérieur provincial avait déjà annoncé qu'il rejetait aussi bien les accusations que les sanctions. Dans une lettre datée du 19 décembre, adressée au maire de Hanoi et diffusée sur le site de la congrégation et sur celui de VietCatholic News, il confirme son refus. La traduction de la lettre est de la rédaction d'Eglises d'Asie.

à M. Nguyên Thê Thao,
président du Comité populaire de Hanoi


Dans un esprit de respect pour la vérité et de respect mutuel, je vous adresse mes salutations.

Nous avons reçu la lettre N° 3990/UBND-NC datée du 12 décembre 2008. Nous jugeons que, du point de vue de la loi de l'Eglise, des constitutions et du règlement de la congrégation des rédemptoristes comme du point de vue pastoral, les prêtres Vu Khoi Phung, Nguyên Van Thât, Nguyên Van Khai et Nguyên Ngoc Phong n'ont commis aucune infraction pour laquelle ils devraient « être critiqués, frappés d'une mesure éducative, ou déplacés hors du diocèse de Hanoi ».
Nous n'avons pas constaté que ces prêtres aient tenu des propos provocateurs ou calomnieux; au contraire, leurs déclarations ont été entièrement conformes à la vérité. Ils ne se sont jamais opposés à l'Etat pas plus qu'ils n'ont voulu créer la division. Ils se sont simplement opposés à des actions erronées.

Les prêtres Vu Khoi Phung, Nguyên Van Thât, Nguyên Van Khai et Nguyên Ngoc Phong n'ont commis aucun acte erroné. Ils accomplissent au contraire une œuvre louable en se tenant du côté de ceux qui sont injustement traités pour défendre la vérité et la faire connaître.

Si vous jugiez que ces prêtres ont commis des actions en infraction avec la loi, je vous prierais de mettre en œuvre les procédures judiciaires qui s'imposent et de les juger conformément à la loi.
Avec mes salutations respectueuses.

(Source: http://zenit.org/article-19708?l=french)
 
In Ho Chi Minh City children sing Christmas carols, say prayers for justice and peace
JB Vũ
15:23 24/12/2008
Children from a local parish take to the streets every evening, surrounded by people. A survey weighs the importance the family and the environment have on young people’s upbringing. For the bishop of Vinh Long “power seems to prevail over justice and one’s conscience,” exerting its negative influence.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – Every evening during the Christmas break hundreds of children aged 8 to 12 from Ho Chi Minh City’s Binh An Thuong parish walk down Pham The Hien Street, singing Christmas carols and praying for peace, justice and truth in Vietnam, surrounded by large crowds, mostly Buddhists or ancestor worshippers.

In the Ho Chi Minh City parents are faced today with the challenge of their children’s moral upbringing. Mr Le, a high school teacher, told AsiaNews that a survey on parents’ education and the environment’s effect on children in the city, showed that 26 per cent of respondents live in peaceful areas compared to 21.7 per cent who reside in noisy quarrel-prone areas; at the same time, 32.6 per cent said that adults take care of their children compared to 19.6 who said they did not. The sample included some 150 participants. A child’s environment is thus crucial for his or her upbringing.

About 52.2 per cent of parents believe that if children are raised in a good environment, they will grow up well. If not children will end up picking up the bad habits of adults and the wider environment, habits like lying, unfairness, cheating (on exams or forged degrees, for example), etc.

“We are concerned about the moral education of our children and the impact of their environment, said Ms Hang, who took part in a parenthood counselling class offered by the Archdiocese of Saigon. “Caring for our children is only one aspect of reality. There are also bad influences like bad friends, unfairness in life and lies that shape children’s developmental process,” she said.

“Perhaps I am but a ‘voice in the desert’ (Mt, 3:3), ‘tieng keu trong sa mac’ in Vietnamese, said Mgr Nguyen Van Tan, bishop of Vinh Long as he, too, contemplated the apparent loss of meaning in today’s life.

“Today power seems to prevail over justice and one’s conscience, especially at a time when materialism overwhelms morality, charity and justice,” he said. “Still I must raise my voice so that future generations will not condemn us as those who had eyes but could not see, had ears but did not hear and had a mouth but dared not to speak.”

Around the world everyone is beginning to celebrate Christmas but many in Vietnam are experiencing anxiety, feeling threatened and enduring discrimination in their environment.

Let us pray fir instance for the sisters, priests and parishioners of Thai Ha as well as the parents and children of the Church of Vietnam.

Let us pray for the Sisters of the Congregation of Saint Paul who had their house torn down by the authorities in Vinh Long to give way to a hotel, thrown out even though they worked, prayed and provided social and pastoral assistance to orphans.

The authorities have failed to understand the sisters and have instead condemned them, claiming that “for 31 years they have educated unlucky children to be a counterrevolutionary force opposed to the Revolution and the country’s freedom.”

Yet it is not so. Vietnamese Catholics have worked and contributed to the overall development of children and teenagers as well as of the country as a whole.

(Source: by JB. VU http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=14076&size=A
 
New form of persecution: Children required to take Exams On Christmas Day
Thuy Huong
23:28 24/12/2008
Bishop of Kontum Diocese Michael Hoang Duc Oanh has recently spoken out about what he thought might be a form of governmental prejudice against Christian school children in the name of education as they are required to be present in class on one of the most important religious holiday: Christmas day. Any student being absent in class that day can be subject to disciplinary action.

Vietnamese children after 1975 had involuntarily become subject to a brand-new rule in school which had never existed under the South Vietnam regime. They are required to go to school on Christmas day by the communist government. Many public schools also scheduled for the students to take exam on Christmas day while allowing them to stay home for several weeks to celebrate Lunar New Year festival.

That policy has been viewed as strenuous on children especially on Christian youngsters who usually participate in religious activities in their parishes or at home during the holidays. To the Catholic leadership, Christmas would provide an excellent opportunity for them to introduce and educate interested Vietnamese especially young children about Immaculate Conception and Jesus' birth. Since the fall of Saigon regime in 1975, Vietnamese society had collapsed back into the most hardcore anti-Christianity culture like the rest of the remaining communist regimes in the world. Business was as usual as any working day of the week, workers and students got no break, and any religious activity had to be approved by the local officials. Worst of all, there was a time when priests who were imprisoned for serving as chaplain in the former South Vietnam army had to ask for government permission before they can celebrate masses with the congregation, hence the spirit of Christmas had to be confined within the boundary of the parish, and the restriction had created a clergy drought for so many year.

The policy had loosened up a little bit about the time Vietnam government started dialogues with the Vatican on establishing a formal diplomatic relation. As a result of that, school children have become the beneficiary of the new "tolerant policy" from the government and school officials without a full understanding of how politics had played a role in their daily lives.

But the gracious break has come to an end this year as tension between the Catholic Church and Vietnam government has reached a high point during the year. Parents from North Vietnam, especially from Hanoi area were warned during the Thai Ha/Nunciature events taking place about the consequences they might face if their children participating in the praying vigils to protest the government. Now all school children throughout the country are back in school to take the exams on Christmas day without any exception. It's something parents cannot publicly complain about since there's no written law regarding the issue. But the strain has been taken a toll on children as more of them committing suicides as a way out. According to Hanoi Net, Children Hospital 1 had received in average 5 cases of children of ages ranging from 12- 14 who tried to take their own lives to get relief from stress in only a few months time span.

Dr Pham Xuan Tuan a physician working at Trung Vuong Emergency Hospital reported:" The highest rate of suicide and suicide attempts, 71.9 percent, is among women aged between 16 and 35. It is a dangerous number because young people have a lot to contribute to society," Tuan said.

Forty-three percent of patients admitted for suicide attempts complained of depression, loneliness, hatred, stress, physical pain or disease. Family crisis and academic pressure were major factors in 62 percent of the cases." (*)

Dr Tuan called on the city department of health and relevant agencies, including the department of education, to pay serious heed to the growing problem.

Vietbao.vn also posted the result from the most recent independent study conducted by the Association of Psychiatrists from Ho chi Minh city which also disclosed that suicide rate among young Vietnamese children was 24.1 % compared to all group ages.

While no one knows for sure why Vietnamese school children seem to be the only ones who can not stay home for Christmas, the local government, however, has a habit of presenting gifts and wishes to Church leaders on Christmas day. Recently installed rule has given most outspoken critics reason to call for Church leaders to refuse accepting gifts and wishes from the government officials during Christmas season, citing the goodness if being done it should also be included in Christian children.
 
Vietnam: Les huit fidèles de Thai Ha ont fait appel du jugement du 8 décembre
Eglises d'Asie
16:10 24/12/2008
Les huit fidèles de la paroisse catholique de Thai Ha condamnés, le 8 décembre dernier, à des peines allant du simple avertissement à 17 mois de prison avec sursis (1), ont fait appel de ce jugement. Le 17 décembre, accompagnés de leur avocat, Me Lê Trân Luât, ils ont déposé, tous ensemble, leur déclaration d’appel au greffe du tribunal de deuxième instance. Le motif déclaré de leur recours indique que leurs activités n’ont jamais enfreint la loi et que la peine prononcée contre eux est injuste.

Le 8 décembre, le Tribunal populaire de l’arrondissement de Dong Da, à Hanoi, avait condamné l’un des accusés à 17 mois de prison avec sursis. Deux autres avaient écopé de 13 mois de prison avec sursis et un quatrième de 12 mois de prison avec sursis. Trois autres s’étaient vus condamnés à des peines de 15 et 12 mois de rééducation sans internement. Le tribunal avait adressé un avertissement au plus jeune des accusés. Tous, sauf ce dernier, avaient été condamnés sous un double chef d’accusation: « destruction de biens » et « trouble à l’ordre public ».

Devant des journalistes de Radio Free Asia (2), ceux qui sont désormais appelés au Vietnam « les victimes de la justice et de la vérité » ont tous affirmé qu’ils ont été poussés à accomplir cette démarche par la conviction intime de leur innocence. « Nous nous sommes contentés de prier pour la justice et la vérité, a dit l’un d’entre eux. Nous ne sommes venus sur le terrain accaparé par le gouvernement, ni pour nous battre, ni pour injurier… » D’autres ont souligné que les assemblées de prière avaient pour principal objectif le culte du Seigneur et de la Vierge Marie. Certains ont fait remarquer que la destruction d’un petit pan de mur de clôture d’une propriété appartenant à la paroisse était un acte sans gravité en comparaison des travaux de terrassement qui ont transformé les lieux en jardin public. Les huit fidèles ont déclaré qu’ils désiraient que l’innocence qu’ils revendiquent soit reconnue publiquement.

Les requérants ont également déclaré que, durant la période qui a suivi le procès, ils avaient reçu un certain nombre de conseils émanant de la police, de la Sécurité publique et même de certains membres du tribunal, leur suggérant de ne pas faire appel du jugement. Ils risquaient, leur a-t-on dit, de se voir condamnés à une peine plus grave. Apparemment, cela n’a pas intimidé les huit fidèles qui ont quand même déposé leur demande de recours. Selon leur avocat, le code pénal vietnamien prévoit qu’une procédure en appel ne peut aggraver la sentence portée par le tribunal de première instance.

Lors de son interview, l’avocat a lancé un appel à l’opinion publique et à la presse internationale dont le soutien est indispensable pour que le procès se déroule dans des conditions qui permettront la reconnaissance de l’innocence de ses clients.

(1) Voir EDA 497.
(2) Radio Free Asia, émission en vietnamien du 22 décembre 2008.

(Source: Eglises d'Asie, 24 décembre 2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc giúp VietCatholic vượt qua khó khăn tài chính
Thúy Hồng
17:28 24/12/2008
Trong khung cảnh đón Chúa Giáng Sinh tại Perth, thủ phủ miền Tây Úc Đại Lợi, cộng đoàn Công Giáo Việt Nam đã tổ chức một đêm Giáng Sinh long trọng và tưng bừng. Trong niềm hân hoan đón mừng Chúa đến, cộng đoàn cũng không quên nhớ đến Giáo Hội Việt Nam vừa trải qua một năm đầy biến động và thử thách cam go.
Song song với những lời cầu nguyện cho Giáo Hội Mẹ Việt Nam, Ban Tuyên Úy và Ban Thường Vụ đã trích ngân sách cộng đoàn và kêu gọi anh chị em ủng hộ thêm để giúp cho thông tấn xã Công Giáo Việt Nam duy trì và phát triển ngõ hầu có thể tiếp tục truyền bá Tin Mừng trên mạng lưới toàn cầu, phổ biến những giáo huấn của Giáo Hội và truyền đi những tin tức nóng bỏng từ quê nhà.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chúng tôi, cha Phêrô Nguyễn Minh Thúy, quản nhiệm cộng đoàn cho biết: “Chỉ Dẫn Mục Vụ Về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội Communio et Progressio năm 1971 nhấn mạnh rằng ‘Giáo Hội xem các phương tiện truyền thông là quà tặng của Thiên Chúa mà, theo dự định quan phòng của Ngài, hiệp nhất nhân loại trong tình huynh đệ.’ Vận dụng nhận định này trong hoàn cảnh cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại tôi thấy rất xác đáng. Bây giờ người Công Giáo Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, làm sao chúng ta hiệp nhất với nhau, hợp tác với nhau trong sứ mạng truyền bá Tin Mừng, giữ gìn bản sắc dân tộc và hiệp thông với Giáo Hội Mẹ Việt Nam nếu chúng ta không có một cơ quan truyền thông có khả năng vượt mọi biên giới và thời gian.”

Ngài nói thêm, “Chính vì thế tôi kêu gọi anh chị em trong cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc ủng hộ cho VietCatholic. Trong suốt 12 năm hoạt động vừa qua, VietCatholic đã đóng góp rất nhiều cho việc truyền bá Tin Mừng, cho việc liên kết giữa các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam hải ngoại và với Giáo Hội Mẹ Việt Nam, đồng thời chú ý đến những hoạt động giới trẻ mà tiêu biểu là trong các kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.”

Anh Lê Minh, chủ tịch ban Thường Vụ cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc thì nói như sau: “Tôi nghĩ bằng mọi giá chúng ta phải duy trì và phát triển mạng lưới VietCatholic.”

Trả lời câu hỏi tại sao, anh cho biết:

“Trong tư cách là một người giáo dân tôi thấy xã hội hôm nay đặt ra nhiều vấn đề cho cuộc sống đạo hôm nay. Lượng thông tin choáng ngợp trên các phương tiện truyền thông, nhiều thứ chưa được đánh giá về phương diện chính xác và tầm quan trọng, là một vấn đề cho nhiều người. Trong hoàn cảnh như thế, cần thiết là chúng ta có một cơ quan truyền thông quảng bá Tin Mừng, hướng dẫn những dư luận ngay chính và bảo vệ những huấn giáo tinh tuyền của Giáo Hội.”

Anh nói thêm: “Tôi học tập được nhiều thứ từ VietCatholic những bài huấn giáo hàng tuần của Đức Thánh Cha, những bài suy niệm của các linh mục khắp nơi trên thế giới, và những tin tức của Giáo Hội Hoàn Vũ và Giáo Hội Việt Nam.”

Trong quyết định trích ngân sách ủng hộ cho VietCatholic, người ta không thể không nói đến chị Thiện, ủy viên tài chính của cộng đoàn.

“Tôi rất tán thành ý kiến của Ban Tuyên Úy. Trước hết bởi vì tôi là một ‘fan’ của VietCatholic. Ngày nào tôi cũng đọc VietCatholic nhất là trong những lúc sôi động vừa qua ở Tòa Khâm Sứ và Thái Hà. Thứ hai nữa là tôi tán thành chủ trương của Ban Tuyên Úy là chú trọng đến các nhu cầu tâm linh. Chúng tôi may mắn mua được một Trung Tâm rất khang trang. Nhưng vì thế mà chúng tôi mắc nợ rất nhiều, đến hôm nay còn nợ đến 600 ngàn đô. Tuy nhiên không sao. Mỗi chu kỳ Phụng Vụ, Ban Tuyên Úy đều mời các vị giảng thuyết lừng danh như cha Nguyễn Tầm Thường, cha Chu Quang Minh, cha Vũ Đình Tường, cha Vũ Chí Hỷ, rất nhiều, bất chợt tôi không nhớ hết, kể cả các linh mục từ Việt Nam như các cha Dòng Chúa Cứu Thế. Chủ trương chung của các vị là nợ thì vẫn cố trả nhưng không vì thế mà lơ là nhu cầu thiêng liêng của anh chị em giáo dân.”

Chị nói thêm: “Đối với VietCatholic thì cũng thế. Chúng tôi sử dụng rất nhiều những của ăn tinh thần do VietCatholic mang lại. Thành ra, cố thêm một chút đóng góp vào công việc chung cũng là việc rất đáng làm.”

“Khi họp bàn về vấn đề này thì trong Ban Thường Vụ rất tán thành. Riêng cá nhân tôi, trong việc này tôi thấy là tầm nhìn của Ban Tuyên Úy vượt xa khuôn khổ của cộng đoàn nhỏ bé ở đây để nghĩ đến những viễn tượng chung của Giáo Hội Việt Nam và các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Chính vì thế tôi ủng hộ hoàn toàn,” chị kết luận.

Cha Gioan Trần Công Nghị, Giám Đốc VietCatholic rất cảm động trước nghĩa cử của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc. Cha cho biết:

“Sau khi đưa ra lời kêu gọi, chúng tôi nhận được đóng góp từ nhiều cá nhân ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, đóng góp với danh nghĩa cả một cộng đoàn như thế này thì Tây Úc là cộng đoàn đầu tiên. ”

Ngài nói thêm “Sự trợ giúp của anh chị em từ Tây Úc lại được đi kèm với những lời bình luận cho thấy anh chị em đánh giá cao công việc của chúng tôi và tất cả các cộng tác viên trên thế giới. Đó là một khích lệ rất lớn với chúng tôi.”

Cha cho biết thêm với sự ủng hộ của Tây Úc, VietCatholic đã có khả năng trả dứt những món nợ cũ, đồng thời mở lại những chương trình video và audio mà trong thời gian qua đã phải tạm ngưng.

Thời gian vừa qua, do phải “dọn nhà” và phải chuẩn bị ráo riết các văn bản gởi cho các cơ quan nhân quyền và cho Ủy Ban Tôn Giáo Hoa Kỳ trước kỳ nghỉ cuối năm, nên VietCatholic chưa có điều kiện tổng kết và đăng tải danh sách các vị ân nhân.

Riêng tại Úc Đại Lợi, ngoài cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc, VietCatholic cũng đã nhận được 1,000 AUD từ linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, chủ nhiệm báo Dân Chúa Úc Châu và 150 AUD của nhạc sĩ Thanh Thiên Giang.
 
Diễn văn nghệ Thánh ca tại giáo phận Núi Kạng Sơn và Cao Bằng
Dominic Vũ
19:57 24/12/2008
LẠNG SƠN - Trong tiết trời lạnh buốt cái lạnh mùa đông của vùng núi cực Bắc, tại giáo xứ Thất Khê giao điểm giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng chiều tối 21 tháng 12 đã diễn ra buổi giao lưu và hội diễn Thánh Ca Giáng Sinh của các bạn trẻ giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng. Chính sức trẻ và sự năng động của những người trẻ đã làm cho cả một vùng không gian mùa đông được ấm lên; sức sống và âm vang của những bài thánh ca Giáng Sinh đã phần nào phá tan sự tĩnh mịch cô quạnh của một giáo phận được coi là nhỏ bé và hoang sơ nhất của hội thánh Việt Nam.

Buổi giao lưu bắt đầu từ lúc 14 giờ 30 chiều với các điệu múa và băng reo khởi động. Tiếp đó là những chàng pháo tay và các bạn trẻ đồng loạt đứng lên hân hoan chào đón vị cha chung của mình đến để chung chia niềm vui gặp gỡ cũng như bày tỏ sự quan tâm và tình thương của người mục tử đối với mầm non của giáo phận. Trong lời khai mạc, không dấu được niềm vui và sự cảm động của mình đức cha Giuse đã bày tỏ tâm tình và cám ơn các bạn trẻ đã đến với buổi giao lưu và hội diễn. Đến lượt mình, các bạn trẻ cũng bày tỏ sự năng động và khát vọng cao đẹp của mình ngang qua “workshop” với chủ đề “quà tặng dâng Chúa Hài Đồng” để rồi trong Thánh Lễ, đỉnh cao của buổi gặp gỡ, tất cả đồng lòng hiệp ý dâng những ước mơ và khát vọng lên Đấng Chí Tôn. Những ước nguyện đã đực đại diện của từng giáo xứ trong giáo phận dâng lên Cha Nhân Lành thật thiết thực và gần gũi.

Cao điểm vẫn là hội diễn văn nghệ Thánh Ca Giáng Sinh với gần 20 tiết mục được trình diễn bởi các bạn trẻ và ca đoàn của các giáo sứ trong giáo phận. Ngoài những bài hợp xướng của các ca đoàn còn được đan xen bởi các điệu vũ, điệu múa của các bạn trẻ và các em thiếu nhi đã góp phần làm cho hội diễn thêm sinh động và đa dạng. Dù không được hoành tráng và chuyên nghiệp như một số nơi khác, nhưng buổi hội diễn thực sự đã để lại những dấu ấn đẹp và ấn tượng khó phai không chỉ với bà con giáo dân mà con cả với những bà con lương dân xung quanh.

Rồi cũng đến lúc các bạn trẻ phải nói lời chia tay để lại quay về với giáo xứ của mình, với bổn phận học hành của mình. Nhìn lại buổi giao lưu và hội diễn Thánh Ca, các bạn trẻ đã thấy mình nhận được nhiều lắm. Hơi ấm của tình Chúa và hơi ấm của tình người được lan tỏa khi mọi thành viên trong giáo phận chung tay cộng tác và sẻ chia cho nhau những giá trị cao đẹp của niềm tin Kitô. Nói như đức cha Giuse, sức sống và những khát vọng cao quý của các bạn trẻ đã đánh dấu và nói lên một khởi đầu mới trong hành trình trẻ hóa và thăng tiến giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng.
 
Món Quà Giáng Sinh Tại Trung Tâm Thánh Mẫu Từ Phong - Bắc Ninh
Francis Xavier
21:28 24/12/2008
BẮC NINH - ngày 21/12/ 2008, tại Trung Tâm Thánh Mẫu Từ Phong, cha giám đốc Đa Minh Nguyễn Văn Kinh kết hợp với trạm y tế xã Cách Bi và một số bác sĩ của bệnh viện huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đã tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho gần 200 bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên thuộc thôn Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Ngay từ sáng sớm các bác sĩ trong bộ trang phục trắng đã túc trực để đón các bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Bà con trong thôn đã tấp nập đến Trung Tâm Thánh Mẫu để trờ đến lượt khám bệnh suốt từ sáng đến tối.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Bắc (không Công giáo) cho biết: Được sự quan tâm của cha và các bác sĩ đã khám chữa bệnh cho mọi người, cho nên tôi mới được khám bệnh và nhận thuốc miễn phí. Bà rất phấn khởi nói thêm: từ nhỏ tôi ở cùng thôn với người Công giáo, tôi đã từng tham gia dâng hoa, các dịp lễ Giáng sinh tôi cũng thường tới nhà thờ xem lễ. Còn bệnh nhân Trịnh Thị Chính (không Công giáo), bà được bác sĩ chẩn đoán là Viêm khớp tiền đình, bà cho biết: từ trước tới nay, có những công việc gì thì lương giáo cùng tham gia, lương giáo như là một. Bà nói thêm: tôi rất vui được khám bệnh miễn phí, lễ Giáng sinh này tôi sẽ đến xem lễ tại đây.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng (không Công giáo) cho biết: Tôi rất phấn khởi và vinh dự được tham gia khám bệnh và phục vụ bệnh nhân ở Trung Tâm Thánh Mẫu này. Đợt khám chữa bệnh này chỉ tổ chức khám trong một ngày, đây là sự kết hợp của Trung Tâm Thánh Mẫu và của ngành y tế. Mục đích khám và phát thuốc để giúp đỡ các cụ nhân dịp Giáng sinh. Bác sĩ Hoàng còn cho biết thêm: bà con ở đây chủ yếu mắc chứng bệnh “Tuần Hoàn Não”.

Cha giám đốc Trung Tâm Thánh Mẫu cho biết: nhân dịp Giáng sinh, ngoài những vấn đề trang trí trang hoàng để mừng Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Tôi còn muốn có món quà cụ thể và ý nghĩa cho các cụ già và các cháu nhỏ, không kể lương hay giáo. Đối với các cụ già, sức khoẻ là quan trọng hơn hết, cho nên tôi tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc vào ngày hôm nay. Còn đối với các cháu nhỏ, tôi sẽ tổ chức phát quà cho các cháu vào chính đêm lễ Giáng sinh. Cha giám đốc nói thêm: tôi rất tiếc là không thể mở rộng khám bệnh và phát thuốc cho toàn xã được như nhiều người mong muốn, vì đây là bước đầu cho nên tôi mới chỉ có thể mở cho thôn này thôi. Lần sau tôi sẽ cố gắng mở rộng thêm nữa, không những cả xã Cách Bi, mà còn cả huyện Quế Võ để cho nhiều người được khám chữa bệnh hơn.

Làm việc suốt cả ngày, các bác sĩ và những người phục vụ đều mỏi mệt. Tuy hầu hết các bác sĩ không phải là người Công giáo, nhưng họ rất phấn khởi vì được phục vụ mọi người, nhất là khám bệnh và phát thuốc nhân dịp lễ Giáng sinh. Còn các bệnh nhân, chắc hẳn họ sẽ không thể nào quyên được: Giáng sinh này sẽ rất có ý nghĩa trong cuộc đời còn lại của mình, đặc biệt là tấm lòng của một linh mục đối với các cụ nhân ngày lễ Giáng sinh.
 
Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh tại Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
21:43 24/12/2008
Thánh Đêm Lễ Giáng Sinh tại Nam Úc


Xông Hương Hang Đá
Lúc 9 giờ tối, thứ Tư ngày 24 tháng 12 năm 2008. Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson, TGM giáo phận Adelaide, Nam Úc đã đến Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc cử hành Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh.

Đồng tế Thánh Lễ có: Đ/ô Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng, Lm. G.B. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm Cộng Đồng, Lm. Giuse Phạm Minh Ước Sj cựu quản nhiệm Cộng Đồng từ Manila, Philipine về thăm gia đình.

Bài giảng trong Thánh Lễ ĐTG Philip Wilson đã chia bài phúc âm về gia phả dòng họ của Chúa Giêsu, qua 3 dòng tộc, mỗi dòng tộc 14 đời, từ dòng tộc tổ tiên, rồi đến các dòng tộc bị lưu đày, tới Mẹ Maria đã sinh ra Chúa Giêsu đấng Cứu Thế nhân loại. Ngài quảng diễn bài phúc âm, Chúa mặc khải thân phận nghèo hèn của con người, đến thế gian để cứu nhân loại, sau đó đã tạo dựng nên hội thánh công giáo qua các Thánh Tông Đồ. Ngài mời gọi toàn thể Cộng Đồng hãy hướng về hang đá Belem nơi Chúa sinh ra, để noi gương Chúa trở nên những người tôi tớ hèn mọn phục vụ tha nhân.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, ông Nguyễn Quốc Hiệp chủ tịch Cộng Đồng đã lên cảm ơn và chúc mừng Giáng Sinh đến Đức Tổng Giám Mục, Đức Ông, Quí Cha cùng toàn thể Cộng Đồng.

Sau đó các em thiếu nhi đã đại diện Cộng Đồng dâng những gói quà Noel lên chúc mừng Đức Cha và quí Cha đồng tế.

Có khoảng trên 1,500 giáo dân đến tham dự Thánh Lễ Giáng Sinh đêm nay.

Kết thúc Thánh Lễ ca đoàn Việt Linh với đồng phục đội mũ Noel, đã đồng ca những bản nhạc vui nhộn chúc mừng Giáng Sinh – tung mũ lên cao để Merry Christmas đến hết mọi người.

Sau Thánh Lễ toàn thể Cộng Đồng đã kéo nhau ra sân hóng mát Cánh Buồm ngoài trời uống café và trà đàm cho tới khuya.


























































 
Thánh ca Giáng Sinh vang vọng giữa lòng Phố Hiến, Hưng Yên
Đàm Nguyên
22:48 24/12/2008
HƯNG YÊN, Việt Nam -- Gần bên những con đường và dãy phố “tân cổ giao duyên”, lần đầu tiên nơi đây có một đêm trình diễn Thánh Ca mang tính chuyên nghiệp, làm vang vọng giữa đêm đông tĩnh mịch, khơi dậy tình nồng ấm giữa mọi người tín hữu và hàng ngàn anh chị em lương dân đến tham dự.

Chương trình đêm 22-12 với chủ đề: “Nổi lửa lên nối vòng tay lớn” diễn ra tại khuôn viên Nhà thờ Giáo xứ Thị xã Hưng Yên (Phố Hiến), do các nhạc sĩ và ca sĩ Công Giáo biểu diễn. Họ là nhạc sĩ Kim Lệ, Nhóm Tam Ca Áo Trắng, ca sĩ Khánh Duy, ca sĩ Xuân Trường, ca sĩ Minh Trang. Đồng hành với họ là anh Phêrô Nguyễn Hoàng Long, giám đốc công ty chuyên gia xử lý nước uống tinh khiết M-KITECH, anh Long cũng chính là chồng của ca sĩ Minh Thư một thành viên trong nhóm Tam Ca Áo Trắng. Tất cả đi từ Sài Gòn đến diễn ở Toà Giám Mục Thanh Hóa cho khoảng 20 ngàn người lương giáo rồi ra Hưng Yên để hát cho mọi người nghe những âm hưởng giai điệu Thánh ca Giáng Sinh bằng giọng hát chuyên nghiệp của mình.

Trước giờ biểu diễn, có Thánh lễ đồng tế do Cha Đaminh Đặng Văn Cầu, Tổng đại diện Giáo phận Thái Bình chủ sự, Cha Giuse Trịnh Tiến Thành của giáo xứ Võng Phan và Cha Phêrô Nguyễn Thái Vạn của giáo xứ Tiên Chu đồng tế. Hàng ngàn người Công Giáo thuộc các giáo xứ lân cận và người dân trong thị xã quy tụ về làm chật cứng sân Nhà thờ, vỉa hè và đoạn đường Bãi Sậy để tham dự Thánh lễ, nghe giảng và thưởng thức một đêm diễn đặc biệt chưa từng diễn ra tại đây.

Sau lời tuyên bố lý do, Cha Đaminh Bùi Ngọc Hải, chánh xứ nhà thờ Thị xã Hưng Yên, cùng với Cha Tổng đại diện Giáo phận và ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó giám đốc Sở Văn Hoá-Du Lịch-Thể Thao tỉnh Hưng Yên, tặng hoa cho nhóm ca sĩ. Các em thiếu nhi Công Giáo đã trình diễn vũ điệu “Nổi lửa lên nối vòng tay lớn” để chào mừng Quý Cha, Quý Khách, các văn nghệ sĩ và tất cả mọi người hiện diện. Sau đó, sân khấu được nhường cho Ca sĩ-Nhạc sĩ Kim Lệ biên tập, dàn dựng và dẫn dắt các tiết mục của nhóm. Kim Lệ chính là “con chim đầu đàn” quy tụ các ca sĩ Công Giáo tại Tổng giáo phận Sài Gòn và đã được Đức Hồng Y G.Baotixita Phạm Minh Mẫn cho thành lập Giới Nghệ Sĩ Công Giáo sinh hoạt từ hơn 10 năm nay.

Ngoài các bài hát mang âm hưởng Tin Mừng và Giáng Sinh, như “Chuyện người đàn bà 2000 năm trước”, “Jingle bell rock”, “Lời hát kinh cầu”, “Ngài đã sinh ra”, “Cánh thiệp Noel”, “Nửa đêm khấn hứa”, “Lời con xin Chúa”, “Lời chúc bình an”, “Hang Bêlem” và Liên khúc Giáng Sinh; các ca sĩ còn thể hiện các bài hát đời thường dễ thương, như “Bóng cả”, “Nhé anh” để đáp ứng mọi đối tượng khán giả ở Phố Hiến – Hưng Yên nhân dịp Lễ Giáng Sinh năm 2008.

Tiết mục cuối cùng, các ca sĩ nắm tay Quý Linh mục và Tu sĩ trên sân khấu để đồng ca với tất cả mọi người bài “Hang Bêlem” của nhạc sĩ Hải Linh. Trước đó, trong trang phục ông già Noel, các ca sĩ vừa hát liên khúc “Merry Christmas and Happy New Year” vừa mang theo túi kẹo để trao tận tay khán giả.

Nhân dịp này, Tam Ca Áo Trắng đã mang theo hàng trăm đĩa CD “Theo bóng hoàng hôn” và CD “Một chút” có chữ ký Ngân-Tú-Thư để tặng và bán giảm giá 50% cho mọi người ngay trước sân khấu và hang đá Giáng Sinh, số tiền thu được sẽ gây quỹ từ thiện.

Người dân cho biết đây là lần tổ chức mừng lễ Giáng Sinh hoành tráng và lớn nhất tại Giáo xứ với 3 đêm văn nghệ, canh thức và diễn nguyện, vào các ngày 22, 24 và 25/12. Những người đồng hương Thái Bình đang làm ăn và sinh sống tại Thị xã Hưng Yên đã cùng nhau dựng sân khấu biểu diễn và làm một hang đá Giáng Sinh lớn nhất từ trước đến nay tại sân cuối Nhà thờ Giáo xứ. Người ta loan tin và đồn đại về những ngày trình diễn này từ nhiều hôm trước trên vô tuyến truyền hình địa phương và vô tuyến truyền miệng tại các khu phố, cơ quan, Trường học, chợ và các cửa hàng. Chính vì người dân có lòng thiện cảm và náo nức đón Lễ Giáng Sinh, đồng thời vì sự hâm mộ các ca sĩ và lòng ước mong ơn an lành từ trời cao, nên đã đem lại sự thành công cho chương trình, thoả mãn lòng khán giả, đặc biệt là các fan hâm mộ những ca sĩ nổi tiếng lâu nay.

Cha Hải, người tổ chức đêm diễn, tin rằng tiếng vang vọng của đêm diễn sẽ làm sống lại và hâm nóng lên những bước chân truyền giáo của các vị tiền bối ngày xưa, qua đó sẽ thôi thúc thế hệ ngày nay tiếp nối sứ mạng giới thiệu Thiên Chúa tình thương cho mọi người. Vị Linh mục trẻ nói thêm rằng:“Nhờ có tổ chức đêm diễn này, tôi nhận thấy niềm vui, lòng phấn khởi, tinh thần đoàn kết, chung tay làm việc, đối thoại thân mật trong các mối tương quan giữa giáo dân với nhau, giữa giáo dân với lương dân và giữa Giáo xứ với chính quyền địa phương”.

Phố Hiến - Hưng Yên không phải là một con phố cổ mà là một quần thể di tích lịch sử bao gồm những khúc sông, bờ đê, bến thuyền, chợ búa, đường phố, đình đền, văn miếu, nhà thờ và nhiều chứng tích văn hoá đậm nét Á Đông và Tây Âu được ghi chép trong nhiều sử sách của đời và đạo trên Thế giới. Nơi đây cũng là quê hương của đặc sản long nhãn thơm ngon và nổi tiếng vào bậc nhất Việt Nam.

Theo tài liệu lịch sử của Giáo Hội Công Giáo, năm 1670, Đức cha Lambert De La Motte đã nhóm họp Công Đồng Đàng Ngoài đầu tiên tại Phố Hiến, hay còn gọi là Công Đồng Dinh Hiến 1670, để họp bàn và phổ biến những quy định trong Giáo Hội địa phương.

Giáo xứ Hưng Yên hiện có 5 họ lẻ với 431 giáo dân. Từ sau biến cố di cư năm 1954 đến nay, người Công Giáo sống rải rác trên 10 phường xã, chiếm tỉ lệ khoảng 1% của hơn 4 vạn dân trong thị. Cuộc sống của bà con giáo dân chủ yếu là làm nông, buôn bán lặt vặt, làm mướn; nhìn chung họ đã thoát khỏi cảnh đói nghèo nhưng kinh tế vẫn chưa khá.

Tôi muốn gọi Giáo xứ Thị xã Hưng Yên bằng một cái tên rất đẹp, rất hợp lý, rất hay và rất ý nghĩa, đó là Giáo xứ Phố Hiến hoặc là Giáo xứ Dinh Hiến (tên của Công Đồng tiên khởi Đàng Ngoài 1670). Nhờ có đêm diễn của Nhóm ca sĩ Công Giáo mà tiếng vang của Phố Hiến sâu và xa hơn! Phải chăng đây chính là một hồi chuông ngân vang báo hiệu mùa Giáng Sinh đã về trên Phố Hiến?

Không khí lạnh tăng cường toàn bộ khu vực Thủ đô Hà Nội và miền Bắc nước Việt, ở nơi khuôn viên Giáo Đường chật hẹp và bộn bề nhiều nỗi trăn trở, người ta ví đêm Thánh Ca Giáng Sinh 2008 của các ca sĩ chuyên nghiệp như là một ngọn lửa ấm nồng được thắp lên soi sáng và sưởi ấm muôn người và sự hiện diện của các ca sĩ – nhạc sĩ Công Giáo như là “một chút” ấm ấp nghĩa tình, một món quà đặt biệt trong mùa Giáng Sinh 2008 của người Sài Gòn trao gửi đến Hưng Yên và cũng như trong bài hát của nhạc sĩ-ca sĩ Kim Lệ “ Lời Chúc Bình An” đến tất cả mọi người dân Thành phố Hưng Yên thân thương dễ mến và rất hiếu khách.
 
Giáng Sinh cho người nghèo ở Tam Tổng- Thanh Hóa
LM Raphael Đỗ Minh Tuấn
22:55 24/12/2008
THANH HÓA - Nhìn vào hang đá Be-lem, mỗi chúng ta đều cảm nghiệm rõ ràng về cảnh nghèo hèn khốn khổ mà Chúa Giêsu phải đón nhận, trong những giờ phút đầu tiên sống kiếp con người, mặc dù Ngài là một vì Thiên Chúa quyền uy cao trọng. Đúng như lời thánh Phaolô Tông đồ đã tuyên tín xưa kia: Thật vậy, dù giàu có, Chúa Kitô đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta để nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta trở nên giàu có. Cũng thế, chính các Tông Ðồ đã làm gương chứng minh rằng: đã lãnh nhận ơn cách nhưng không thì cũng phải ban phát cách nhưng không, và các ngài đã biết sống khi được sung túc cũng như khi phải túng thiếu (Pl 4:12).

Bước theo Chúa Kitô và tiếp nối truyền thống các Tông đồ hầu thực hiện lời dạy của Hội Thánh, giáo xứ Tam tổng, giáo phận Thanh hoá đã tổ chức ngày mừng lễ “TẾT GIÁNG SINH” cho 355 người nghèo, ông già bà lão neo đơn, người tàn tật, trưa ngày 24 tháng 12 năm 2008. Đây thực sự là ngày “TẾT GIÁNG SINH”, vì những người nghèo của Giavê được dịp quây quần bên nhau trong phòng hội giáo xứ, được sống trong bầu khí yêu thương đầm ấm trong gia đình giáo xứ. Cha chính xứ Raphael Đỗ Minh Tuấn, cha phó xứ Giuse Nguyễn văn Ba, Ban Thường Vụ Hội Đồng Giáo Xứ, và các Xơ Dòng Mến Thánh Giá Thanh hoá đã cùng đồng bàn với mọi người, chia sẻ với nhau bữa ăn tình thương. Trước bữa ăn, giáo xứ đã trình chiếu bộ phim về cuộc đời Chúa Giêsu cho mọi người cùng cảm nghiệm về tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại và mỗi người chúng ta. Và trước khi từ giã ngày vui trở về với cuộc sống vốn nghèo khổ, cha xứ cùng quý xơ đã trao tặng cho mỗi người một chiếc ao len, 10kg gạo và một gói quà (bánh+kẹo). Ai ai cũng thấy vui và hạnh phúc, người trao tặng lẫn người lãnh nhận. Do đó, tất cả mọi người đã cùng nhau dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và tri ân tất cả Quý Vị Ân Nhân trong cũng như ngoài nước, đã luôn yêu thương và quảng đại dành cho người nghèo của Giavê muôn vàn ân phúc.

Với ngày “TẾT GIÁNG SINH” này, giáo xứ Tam tổng xin nói lời giã từ năm 2008, một năm với biết bao là gian lao thử thách, nhất là đối với những người nghèo của Giavê, vì mùa màng thất bát, vì thiên tai dịch bệnh, vì sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là nhịp cầu đón chào mùa xuân mới 2009 trong niềm hy vọng và tin yêu vào ngày mai tươi sáng. Niềm mong ước có được nhiều ngày “TẾT” cho người nghèo của Giavê hơn năm 2008 vừa qua, không chỉ là 4 hay 5 lần mà là nhiều hơn thế. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là niềm mong ước. Niềm mong ước có trở thành hiện thực hay không lại còn tuỳ thuộc vào tấm lòng nhân ái của Quý Vị Ân Nhân, của tất cả mọi người.

Nhân dịp lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2008 và đón mừng năm mới 2009, thay lời cho tất cả anh chị em nghèo khó, tôi kính chúc Quý Vị Ân Nhân và tất cả mọi người luôn nhận được dồi dào ân thánh và niềm vui của Chúa Hài Nhi Giêsu. Đồng thời, tôi cũng xin chân thành cám ơn Quý Vị Ân Nhân xa gần đã thương yêu giúp đỡ cho anh chị em nghèo khó giáo xứ chúng tôi. Nguyện xin Chúa là Cha nhân ái, trả công bội hậu cho Quý Vị.

Tam tổng, ngày 24 tháng 12 năm 2008

Raphael Đỗ Minh Tuấn, raphaeltuan@yahoo.com
 
Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế mở tiệc Giáng Sinh đón những ông già Noel
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
23:03 24/12/2008
HUẾ - 22-12-2008-- Những người bất hạnh được mời đến tham dự buổi tiệc mừng Chúa Giáng Sinh, tại trụ sở dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế, nhận thấy vinh dự và không còn cảm giác bị bỏ rơi qua vai những ông, bà già Noel.

Hoàn cảnh những người già bị bỏ rơi, trong khi con cháu của họ phải đi làm ăn xa, không có thời giờ chăm sóc họ, mỗi ngày càng gia tăng tại các vùng trên tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hơn 100 người đội mũ đỏ ông già Noel, gồm những người già cả, neo đơn, khuyết tật, xích lô, vạn đò và bệnh nhân nhiễm HIV; đã có một buổi liên hoan gồm tiếng hát, dự tiệc, bốc số, phát quà để mừng kỷ niệm Chúa Giáng Sinh do các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế tổ chức hôm 21-12-2008.

Cụ Nguyễn Thị Lê, 73 tuổi, một người Không Công Giáo, có 5 người con sống xa gia đình cảm thấy sung sướng khi được các nữ tu mời dự tiệc. Cụ Lê được các nữ tu dìu vào phòng tiệc,vừa lau nước mắt, vừa mếu máo tâm sự:’’Tôi không muốn sống cảnh bị con cháu bỏ rơi. Tôi mong được mọi người yêu mến’’.

Từ ngày ông cụ qua đời vì tai biến máu não, cụ sống một mình ở thôn Phú Hậu, hằng tháng cụ Lê được các nữ tu thăm viếng, giúp đỡ vật chất. Buổi tiệc Giáng Sinh 2008 giúp cụ vơi đi nỗi khổ ở tuổi già.

Đa số những người tham dự tiệc Giáng Sinh, đều là những người Ngoài Công Giáo, nhà cửa xiêu vẹo, chắp vá, hoặc có người không có nhà cửa. Một điều mà họ mong ước là được sống hạnh phúc giữa mọi người, được con cháu sum vầy, biết kính trọng và thảo hiếu với ông bà.

Ao ướt mỗi tuần, được có một ngày nghỉ ngơi, để bồi dưỡng bản thân, thăm viếng họ hàng, là điều rất khó với ông Nguyễn Hùng, một Lương dân, mới về định cư ở khu Bãi Dâu - Huế.

Chỉ còn vài hôm nữa, ông Hùng bước sang tuổi 70, nhưng ông vẫn còn đạp xích lô để nuôi sống bản thân vì 6 người con của ông tuy có gia đình nhưng sống nghèo khổ, ông nói: ’’ Tôi biết ơn các nữ tu, đã mang đến cho tôi một niềm vui nhân ngày lễ Chúa Giáng Sinh’’.

Nhiều bệnh nhân có nhiễm HIV cũng được mời tham dự tiệc Giáng Sinh vì họ cũng bị thân nhân và gia đình bỏ rơi. Một chị quê ở Nghệ Tỉnh không muốn được nêu tên cho biết, chị và người con gái không có nhà cửa, sống được đến ngày hôm nay là nhờ các nữ tu Công giáo chăm sóc và không phân biệt đối xử.

Nữ tu Anê Nguyễn Thị Lợi, đặc trách bác ái của hội dòng cho biết, hằng năm cứ vào dịp Giáng Sinh, tết nguyên đán, nhà dòng thường tổ chức tiệc tại dòng để tiếp đón những người neo đơn, già cả. Trong khi những người khuyết tật khác như bại liệt, phung cùi, mỗ tim, các chị phải chia thành những nhóm, mang quà đến tận nhà hay tại viện để giúp đỡ.

Mục đích của việc làm này nhằm chia sẻ, truyền rao Sứ điệp Tình thương của Chúa Hài Đồng, cho những người bất hạnh. Nữ tu Têrêxa Nguyễn Thị Diệu Cảnh, bề trên dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng- Huế gọi họ là những ông già Noel đáng kính” trong buổi tiệc mừng kỷ niệm Chúa Giáng Sinh 2008.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nữ Tử Bác Ái về nhà có phải là ''Bác Ái'' không?
Trường Chinh
05:07 24/12/2008
Gần trưa 20/12/2008 chúng tôi ghé qua 32 bis NTD các nữ tu vẫn còn khá đông đảo. Nhiều giáo dân và nữ tu của các dòng khác đang đến hiệp thông cầu nguyện.

Đầu buổi chiều nhiều giáo dân và nam nữ tu sĩ trong thành phố được thông tin đã bắt đầu đến hiệp thông cầu nguyện đông hơn. Khi không thấy các nữ tu nào ở đấy họ ra về và lòng vẫn phân vân, nuối tiếc.

Tìm hiểu vấn đề chúng tôi biết rằng gần trưa 20/12/2008 có một đoàn cán bộ quận 3 và Thành phố đã xin đến gặp các đại diện Nhà Dòng Vinh Sơn tại 42 Tú Xương.

Đoàn này gồm có 6 cán bộ đại diện là: PCT UBND quận 3, Phó Phòng Nội vụ-Ban Tôn giáo, CT Liên hiệp Phụ nữ, Phó Phòng GD ĐT Quận 3, Phó Ban Tôn giáo Thành Phố.

Đoàn cán bộ này khẩn khoản xin gặp các nữ tu. Có 4 nữ tu đã ra tiếp đoàn cán bộ này.

Sau cuộc họp này, các nữ tu đã mau chóng trở về tu viện.

Khi biết chuyện này, chúng tôi tự hỏi:

Thực chất đây có phải là một màn kịch hoãn binh của chính quyền TP HCM?

Có tin được không vì cái kịch bản này dịp tháng 3/2008 vừa qua chính quyền cũng đã áp dụng để lừa các nữ tu trở về tu viện mà không canh giữ cơ sở 32 bis NTD nữa?

Tại sao đang là vũ trường, đang thuộc quyền quản lý của những ông chủ nào đấy mà bây giờ 32 bis Nguyễn Thị Diệu lại trở thành cơ sở của “Trường Mầm Non Tuổi Thơ 6 A”?

“Giải quyết thoả đáng” của chính quyền Thành phố là như thế nào?

Sự “giải quyết thoả đáng” ấy có bảo đảm quyền lợi của Nhà Dòng Vinh Sơn không?

Tại sao các nữ tu lại đồng ý trước các đề nghị của đoàn cán bộ đến làm việc này?

Các nữ tu đơn sơ quá chăng ?!

Các chị có biết các các chị đang đòi nhà cho người nghèo trong khi người nghèo cả nước đang mất đất mất nhà tiếng kêu thấu trời xanh ?

32bis về tay nhà nước cho dù nó sẽ là trường học đi nữa thì mấy đứa con cù bất cù bơ của các chị có được bước qua cửa của nó không ?

Rút lui có phải là bác ái ? là đứng về phía người nghèo ?

Khi lời cầu nguyện của các chị đến tai những người thiện chí trên khắp thế giới thì chính quyền "ngại" thế nào ? Các chị không cầu nguyện nữa thì còn gì phải "ngại" ? Mà không ngại thì còn khuya ! Vài bữa nữa đi cửa sau vào xây tiếp chứ sợ quái gì? Các chị có thấy mấy bà mẹ dỗ con hay hứa lèo "nín đi con rồi mẹ cho kẹo", mấy cái biên bản ký với các chị không hơn mấy cái kẹo ảo đó đâu. Vi phạm biên bản thì ai phạt đây ? Không lẽ nhà nước phạt nhà nước ?
 
Hí họa: Thừa thắng xông lên
HK
05:10 24/12/2008
thừa thắng xông lên
 
Hạt kinh trong lệ nến
Tú Nạc
14:42 24/12/2008
Từ hạt kinh Mân Côi,
Đôi bàn tay ấp ủ,
Những đêm trường không ngủ,
Lòng xao xuyến bồi hồi.

Những hạt kinh Mân Côi,
Hòa theo dòng lệ nến,
Chứa chan muôn tình Mến,
Cho hồn thôi đơn côi.

Ngàn hạt kinh Mân Côi,
Lung linh bao lệ nến,
Lan tỏa giữa trời đêm,
Thắp niềm Tin sáng ngời

Vạn hạt kinh Mân Côi,
Sa đầy vơi lệ nến,
Tha thiết Cậy- trông- mong,
Hồng ân đổ xuống đời.

Triệu hạt kinh Mân Côi,
Xuôi theo hàng lệ nến,
Trải khắp bốn phương trời,
Hiệp thông nơi xa xôi.

Những lời kinh Mân Côi,
Thì thầm trong đêm lặng,
Xin thức tỉnh hồn mê,
Biết nẻo lối tìm về.

Lệ nến nào lung linh,
Qua đêm dài thổn thức,
Xin thắp sáng tim người
Còn vô cảm lênh đênh.

Hạt kinh trong lệ nến,
Vang tiếng hát nguỵện cầu,
Cùng lời ca hiệp nhất,
Cho nước Việt xinh tươi,
Cho trời Nam sáng ngời.

LỜI KINH CHƯA ĐỌC HẾT

Dậy đi em, chưa tàn đêm canh thức,
Cất lời kinh còn lại hãy nguyện cầu.
Lời kinh nào em đan,

Lời tình nào chưa ngỏ,
Năm canh dài cùng bạch lạp đêm sâu.

Thái Hà em ơi,
Không nghe lời chuông gọi?
Thái Hà em ơi,
Đùng bỏ dở lời kinh.
Ta nghe em môi run lời khấn nguyện,
Chuông vang xa ấm áp gợi men tình,
Trên môi nào hàm tiếu nụ tình xinh.

Rồi nụ tình sẽ nở hoa muôn cánh,
Ngọt ngào hương vương vấn chốn Cửu Trùng,
Đôi tay Mẹ mở ra và khép lại,
Ôm trọn tình em ấp ủ bao dung.

Nói nốt đi em,
Lời kinh chưa đọc hết,
Lời kinh buồn có u uẩn niềm đau!
U tình hôm nay sẽ thánh hóa nhiệm mầu,
Mẹ CÔNG LÝ rồi đem về CHÂN LÝ.

Thái Hà em yêu,
Dù chưa lần tao ngộ,
Thiên duyên này hiệp nhất đỗi diễm kiều.
Em trong ta qua mầu nhớ lời kinh,
Thao thức cùng em
Hằng đêm dáng mỹ miều.

Hãy để em tôi-Thái Hà
Trọn lời kinh chưa đọc hết…
Đừng vũ phu, kìa bàn tay nhơ vết,
Cùng những nghĩ suy mất hết tính người.

Vì,
Ta là bạn, là con dân Đất Việt,
Niềm Tin khác nhưng cùng chung giòng máu,
Con Lạc- cháu Hồng đâu phải giặc Bắc phương.
Hãy bên nhau sống xứng đáng kiếp người,
Chung ánh mắt cùng nhìn về một hướng.
 
Noel về tôi nhớ Uỷ ban Đoàn kết
Hương Giang
17:40 24/12/2008
Noel về tôi nhớ Uỷ ban Đoàn kết

Từ nhỏ tôi rất lấy làm hãnh diện mỗi khi nghe nói đến Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo vì tôi nghĩ rằng nơi đó có những người cha, người anh, người chị là người Công Giáo sẽ nói lên những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người giáo dân mỗi khi có cuộc họp.

Thế nhưng tôi thật buồn qua lần đầu tiên tôi được đi dự họp do uỷ ban này khởi xướng, với tinh thần chuẩn bị rất cao: áo quần, dày dép lo lắng trước mấy ngày vì tôi nghĩ đây là cuộc họp vừa vinh dự cho các đại biểu vừa trọng thể.

Khi tôi đến thấy đại biểu đã khá đông, tôi tự hào hơn khi thấy một số cha trong giáo hạt đã đến. Trong hội trường đã vang lên những bài hát, bài nhạc nghe khá sôi động, nhưng từ lúc mở nhạc cho đến giờ khai mạc tôi không hề nghe bài hát nào có nội dung về Chúa hay là về Mẹ gì cả.

Điều làm tôi băn khoăn nhất đó là, cuộc họp uỷ ban đoàn kết Công Giáo mà lại không hề làm dấu, không hát kinh: Cầu xin Chúa Thánh Thần, không cầu nguyên...như các buổi sinh hoạt tôn giáo thường làm, mặc dù uỷ ban này vẫn khá đông số tu sỹ nam nữ, và có một ít các cha.

Ngỡ ngàng hơn nữa khi nghe bản báo cáo tổng kết nhiệm kỳ thi đua của uỷ ban này có đoạn viết: “Ở một họ đạo thuộc giáo xứ... có 120 chị em ở độ tuổi sinh đẻ, nhờ sự động viên của UB này mà đã có 90 chị em đặt vòng tránh thai và dùng các phương tiện khác để hạn chế sinh đẻ, đó là một thắng lợi lớn trong vấn đề dân số mà uỷ ban công giáo này đã làm được".

Lúc đó tôi thật sự kinh hoàng và chán nãn: tại sao về vấn đề sinh sản đã có các văn thư, văn kiện của Đức Giáo Hoàng, và cụ thể hơn là tiếng nói của các cha trong giáo xứ, vậy tại sao lại có họ đạo ấy lại làm như thế.

Bản báo cáo đọc lên vị cha làm chủ tịch của UB này không hề có phản ứng gì, tôi nghĩ chẳng lẽ cha ấy, các tu sỹ trong UB này không biết gì về quan điểm của Giáo hội về vấn đề này sao: Vợ chồng chỉ được phép … là không lỗi, còn mọi thứ khác như đặt vòng, uống thuốc...thì đều có tội đó cả sao. Vậy tại sao vị cha ấy có vẽ bình thường làm như hề không có chuyện gì xảy ra và thậm chí sau khi đọc xong bản báo cáo, cha ấy và một số tu sỹ còn thi đua nhau vỗ tay rầm rập.

Trước đây, mỗi dịp Giáng Sinh về tôi rất thích nghe cha xứ hay là ông đại diện Ban Hành Giáo xứ đọc thư chúc mừng Giáng Sinh của UB này ca ngợi người Công Giáo đã sống tốt đời đẹp đạo, ca ngợi người Công Giáo...nhưng từ lần dự cuộc họp đó lại nay, cộng thêm vào các biến cố xảy ra gần đây đối với Giáo Hội và nhất là qua vụ Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà tôi thật sự chán chường với UB này và thấy rõ ràng UB này không phải là tổ chức để đại diện cho giáo dân.

Bởi vậy, tôi nghĩ năm nay (2008) các cha không đọc thư chúc mừng của UB này trong dịp lễ Giáng Sinh vì như trên đã nói, hơn nữa UB này chẳng thấy làm lợi gì cho Giáo Hội, nếu không muốn nói là đã làm khổ Giáo Hội thì có. Cụ thể, qua bài viết của một vị linh mục nào đó trong cái UB này khi nói về đất đai của Toà Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà thì gọi đó là đất của Chùa Bảo Thiên-Phật Giáo!!!

Đã là người Công Giáo thì phải sống theo tinh thần của người Công giáo: có thì nói có, không thì nói không. Danh xưng thì nghe có vẽ rất Công giáo "Đoàn kết Công giáo" mà việc làm thì như trên đã nói chẳng có gì là tinh thần Công giáo. Nếu thấy không có lợi gì cho Giáo hội thì UB này đừng lấy tên ( danh) của Công giáo, kẻo phải ô danh sự đạo.

UB này có thể lấy một danh xưng khác, không thiếu gì từ ngữ, không thiếu gì tên gọi, chẳng hạn: UB...UB...Chứ không nên và không được lấy danh công giáo.

Tôi cũng rất mừng và tán thành khi đông các cha đã không đồng tình với ub này vì thực tế các ngài cũng thừa biết UB này không hề làm gì có lợi cho Giáo hội, nếu có lợi thì cũng chỉ lợi cho một số ít người Công giáo trong cái UB đó mà thôi.

Đã đến lúc người Công giáo phải nói không với UB này, nghĩa là không chơi, không tham gia và UB nếu cứ tiếp tục thì đề nghị phải sửa lại danh xưng đúng với mục tiêu của UB.

Nếu cứ gọi danh xưng " UB đoàn kết Công giáo" thì tôi thấy thừa và nghe có vẽ lạt lẽo, vì khi nói đến đoàn kết trong Giáo hội thì cách đây đã hơn 2000 năm Chúa Giêsu đã dùng từ ( không dám khen Chúa) rất rộng và rất sâu sắc, đó là tinh thần hiệp nhất: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một". Người Công giáo thực hành được điều đó thì đã mệt rồi, thêm thắt làm gì nữa.

"Đã đến lúc anh em phải thức dậy vì ngày cứu độ đã gần kề". Nói cách khác, các vị chủ chăn trong Giáo hội phải lên tiếng đề phòng cho đoàn chiên của mình biết những "tiên tri giả""ngôn sứ giả"và những "con sói đột lốt chiên" để khỏi nó làm tan tác đàn chiên của mình.

Chúa nói rồi: "Những kẻ chỉ biết bú sữa chiên, chén thịt chiên, chứ đâu là người chăn chiên".

Hương Giang 24/12/08
 
Nữ Tử Bác Ái: Chứng từ của sự im lặng Giáng Sinh
Trần Duy Nhiên
19:22 24/12/2008
Nữ Tử Bác Ái: Chứng từ của sự im lặng Giáng Sinh.

LTS: Chúng tôi nhận được bài sau đây của tác giả Trần Duy Nhiên nhận định về sự kiện các Nữ tu Nữ Tử Bác Ái liên quan tới vụ cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu. Có vài điểm chúng tôi không đồng tình với cái nhìn của tác giả nhân bài viết của Hồng Loan mà VietCatholic đã đăng trước đây, tuy nhiên chúng tôi muốn đăng nguyên văn để chúng ta có một cái nhìn khác hầu rộng đường dư luận.

Còn mười hai giờ nữa là đến thánh lễ đêm Mừng Chúa Giáng Sinh. Thế là một Mùa Vọng đã đi qua, và mọi tín hữu trên thế gian đang chờ giờ phút Chúa đến với mình. Tôi muốn nhìn lại những gì Chúa gửi đến cho tôi trong Mùa Vọng năm nay.

Trong ba chủ nhật liên tiếp, Phúc Âm trình bày hai gương mặt chứng nhân trái ngược nhau: Thánh Gioan Tẩy Giả (Chúa Nhật 2 và 3) và Đức Mẹ Maria (Chúa nhật 4). Gioan Tẩy Giả là người lên tiếng với mọi hạng người: chỉ đường cho Anrê và Gioan trở thành tông đồ của Chúa Kitô, kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn, phê phán những cấp lãnh đạo tôn giáo đi lệch đường Thiên Chúa, chỉ mặt kẻ cầm quyền, cụ thể là Vua Hêrôđê, để tố cáo những sai trái đối với lề luật và lương tâm… Và vì động đến quyền lực tội lỗi, nên ông đã trả giá bằng mạng sống mình để làm chứng cho sự thật và công lý.

Trái lại với Gioan Tẩy Giả, Đức Mẹ là một người thinh lặng chia sẻ các truân chuyên và đau đớn của Chúa Kitô trên từng bước một. Mẹ cơ cực nghèo hèn với Chúa ngày giáng sinh ở Bêlem. Mẹ ẵm bồng hài nhi Giêsu trên con đường vô định sang Ai Cập để thoát khỏi bàn tay sát nhân của Hêrôđê, để rồi cuối cùng, Mẹ câm lặng theo Chúa trên đường lên Núi Sọ, chia sẻ trọn vẹn nỗi thống khổ của Chúa trên Thập Giá và bất lực nhìn Con mình chết đi! Mẹ làm chứng bằng sự đồng hành và đồng cảm của mình, mà không hề nói lên một lời nào.

Ba tuần lễ Mùa Vọng này cũng trùng hợp với hai biến cố xót xa trên quê hương Việt Nam, khiến lời chứng của Gioan Tẩy Giả và của Đức Mẹ được tái hiện một cách cụ thể.

Giữa tuần lễ thứ hai và thứ ba Mùa Vọng, khi hình ảnh Gioan Tẩy Giả được Giáo Hội nêu lên, thì tại Hà Nội, tám giáo dân liên quan đến giáo xứ Thái Hà bị ra tòa. Thế là hàng ngàn người tại Hà Nội, cùng với không biết bao nhiêu người tại các tỉnh lân cận, tại khắp nơi trên đất nước Việt Nam cũng như tại các cộng đồng Việt Nam trên thế giới đều lên tiếng đòi hỏi công lý. Và đồng hành từng bước một, các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã khẳng khái nói lớn tiếng trên mọi phương tiện thông tin lời ủng hộ các anh chị em này, đồng thời tố cáo mọi sự gian trá của thế gian, mặc dù các ngài thừa biết rằng những tiếng nói như thế có thể buộc các ngài trả những cái giá thật đắt: Tiếng nói chứng nhân của Gioan Tẩy Giả lại vang lên trên thế giới hôm nay trong Mùa Vọng này.

Vào tuần lễ tư, khi gương mặt chứng nhân của Đức Mẹ được nêu lên với lời ‘Xin Vâng’, thì các Nữ Tử Bác Ái rút lui về tu viện, rồi sau đó là một sự im lặng hoàn toàn. Trên các trang web xuất hiện những lời chia sẻ cầu nguyện hiệp thông với Tu hội, hoặc những phê phán nặng lời đối với nhà dòng, thậm chí nêu đích danh vị cựu bề trên giám tỉnh như là người bắt tay với thế lực bóng tối để ‘làm hại’ Tu hội, nói riêng, và Giáo Hội, nói chung. Sự im lặng vẫn kéo dài: không một lời cám ơn, không một lời giải thích, không một tin tức gì để làm rõ sự việc, ngoại trừ một hàng tin ngắn của một tín hữu cho biết rằng: đã có một biên bản giữa Tu hội và chính quyền, và chính quyền cam kết giữ nguyên hiện trạng. Chứng từ của Đức Maria, giữa bao nhiêu truân chuyên, lại được bộc lộ qua sự im lặng ‘khó hiểu’ của các Nữ Tử Bác Ái.

Hai thái độ làm chứng trái ngược này - chứng từ của Gioan Tẩy Giả và của Đức Maria - thay vì chống đối nhau, thì đấy lại là hai mặt không thể nào thiếu được trong đời sống của người Kitô hữu nói riêng, và của Giáo Hội nói chung. Người ta nói nhiều đến ‘chứng từ bằng lời nói’, đến độ câu nói ‘im lặng là đồng lõa’ gần như trở thành một chân lý. Tuy nhiên, cái ‘im lặng’ của Đức Mẹ là một chứng từ của tình yêu, của khoan nhân, của lời mời gọi. Đúng là có những lời nói chứng nhân như Gioan Tẩy Giả, nhưng cũng có những lời nói gây tổn thương, gây chia rẻ, gây hận thù. Và trái lại, có những ‘im lặng đồng lõa’ nhưng cũng có những im lặng của chứng nhân, cái im lặng đòi hỏi sự cam đảm và tận hiến không thua gì chứng từ của lời nói.

Chúa Kitô, vị chứng nhân tuyệt đối cho Tình Yêu Thiên Chúa, là Đấng đã thể hiện hai khía cạnh làm chứng này: Ngài lên tiếng dạy dỗ và an ủi người cô thế; Ngài chỉ ngay vào những kẻ ‘bó gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào’ và thẳng thắn nói ra: “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng!” (Mt 23, 4.16). Và cũng vì thế mà Ngài bị kết án tử hình. Nhưng mặt khác, Ngài đã im lặng trước những kẻ xử án bất công, Ngài đã im lặng chết đi… và lời Ngài nói lên trong cơn đau đớn cùng cực là: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ” và “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay cha” .

Hai thái độ chứng nhân mà Giáo Hội nêu ra trong Mùa Vọng, cũng như Chúa Kitô đã thể hiện trong cuộc đời trần thế của Ngài, đã được hiện tại hóa qua những gương mặt con cái Giáo Hội hôm nay.

Thái độ chứng nhân của Gioan Tẩy Giả bộc lộ qua biến cố Thái Hà thì đã quá rõ rệt. Chỉ cần google “Thái Hà” thì sẽ thấy xuất hiện 1,690,000 bài, mà trong số đó ít nhất là 80 % nêu lên những lời chứng không ai bịt miệng nổi. Vì thế trong những hàng sau đây, tôi chỉ nói đến chứng từ của các chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn.

Ngày 17-12, các NTBA đến cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu lần thứ ba để chứng kiến người ta đập phá nhà mình, và ở lại đó để canh giữ. Sự hiện diện của các chị được nhiều người công giáo nhìn thấy. Thế là từ Saigon, tiếng nói ủng hộ các chị vang lên và được nối dài trên nhiều phương tiện truyền thông thế giới. Nhưng khi bầu không khí trở nên căng thẳng vì công an đến định làm biên bản vi phạm ‘an ninh trật tự’, thì hôm sau, các chị lẳng lặng rút về tu viện. Trước thắc mắc của bao nhiêu người, và trước một bài báo qui trách nhiệm cho vị cựu giám tỉnh NTBA, một vài thân hữu yêu cầu tôi nói lên một lời giải thích với những người đang xót xa hướng lòng về các chị.

Sở dĩ tôi được yêu cầu như vậy, có lẽ vì tôi là một ‘người ngoài’ biết khá chính xác về các hoạt động và tâm tình của các NTBA. Các chị xem tôi là ‘con cái của Thánh Vinh Sơn’, nên không ngần ngại bày tỏ những điều mà các chị không nói với một người ngoài nào khác. Tôi từng được nuôi dạy và lớn lên trong vòng tay của chị nguyên giám tỉnh; tôi từng dạy ngoại ngữ cho chị đương kim giám tỉnh; tôi từng bước cùng nhịp với Tu hội để biết nhiều thế hệ NTBA dâng hiến cuộc đời mình cho người nghèo, chỉ vì bị thúc bách bởi ‘Tình Yêu Chúa Kitô chịu đóng đinh’.

Tôi từng biết ba NTBA ở Trại Phong Di Linh, những người suốt đời chăm sóc các bệnh nhân tại đấy trải qua hai chế độ, mà không bao giờ nói lên một lời nào. Chết vì đạo là một hành động anh hùng. Đấy là một điều khó và cần ơn Chúa thật nhiều. Nhưng sống vì đạo, sống phục vụ lặng lẽ mà không được ai biết đến, điều này cũng đòi hỏi một thái độ anh hùng không kém. Bằng chứng là một trong ba chị đã được Nhà nước Việt Nam - một Nhà nước không xét gì đến động cơ tôn giáo - phong tước hiệu ‘anh hùng’: chị Mai Thị Mậu. Các chị chưa từng viết lách gì về những việc mình làm.

Tôi từng gần gũi với ‘Dì Hai’ Phạm Thị Ngọc Loan, phụ trách Trại Phong Bến Sắn. Năm 1976, chế độ chăm sóc các bệnh nhân phong hầu như không có gì, trong khi các nhân viên mới đổi tới lấy hết cái này đến cái nọ trong trại về làm của riêng. Dì đã phải đứng ra bảo vệ cho bệnh nhân và cỡi chiếc gắn máy tồi tàn chạy bằng xăng pha dầu lửa về Sàigòn mỗi tuần nhiều lần hầu tìm nguồn lương thực cho họ, đồng thời kêu gọi và đưa về Bến Sắn những bệnh nhân bỏ trại lên sống vất va vất vưởng trên vỉa hè Sàigòn. Tim của dì đập theo từng nhịp của con tim bệnh nhân trong vòng 17 năm trường, để rồi ngưng lại khi người ta phát hiện quá muộn bệnh ung thư trong hình hài của dì. Dì sợ rằng cho biết sớm thì nhà dòng sẽ cấm dì tiếp tục phục vụ bệnh nhân phong: Dì đã hy sinh mạng sống mình cho họ, theo nghĩa đen. Dì âm thầm chết đi mà không nói ra lời nào.

Tôi từng tiếp xúc với chị Tuệ Linh, một NTBA được gửi sang Pháp để học chuyên môn về HIV-AIDS trong bao nhiêu năm, nhưng khi về lại quê hương thì biến mất. Chị không ở lại trong khuôn viên nhà dòng mà dạy dỗ đàn em; chị không bước ra khỏi nhà dòng để chia sẻ kiến thức với những người đang phục vụ cho bệnh nhân Aids; chị ẩn mình vào một khu vực xa thành phố để sống với các bệnh nhân AIDS vào giai đoạn cuối cùng, tại trung tâm Mai Hòa, Củ Chi. Cách đây 10 năm, khi ở Pháp về, chị là một con người trẻ trung, trí thức, xinh tươi. Hiện nay chị là một bà già trước tuổi, mái tóc bạc phơ, gương mặt quê mùa, dáng đi mệt mỏi. Tất cả đã mất hết rồi! Duy chỉ có ánh mắt là còn nguyên: ánh mắt của chị vẫn kiên trì sáng lên bình an và tình yêu của Chúa Kitô. Chị đã sống với bệnh nhân AIDS thay vì lớn tiếng nói về họ.

Và còn bao nhiêu chị em NTBA khác nữa, làm sao tôi kể hết! Mà kể để làm chi, khi các chị luôn luôn yêu cầu đừng ai nhắc đến tên mình. Những chị em ấy đã từng bước đi cùng nhịp với chị nguyên giám tỉnh, dì Béatrice Mỹ, trong một hành trình trên dưới 20 năm. Dì Mỹ là người phụ trách lâu nhất của Tỉnh Dòng Việt Nam. Dì chính là người thổi Tinh Thần Vinh Sơn vào Tu hội, trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử các hội dòng tại Việt Nam.

Trước khi viết bài này, tôi đến nhà Tỉnh Dòng nêu các thắc mắc với hai chị phụ trách: chị Justina Tươi, đương kim giám tỉnh, và dì Béatrice Mỹ, nguyên giám tỉnh. Các chị chỉ lập lại: Chúng tôi không chủ trương loan tin trên các phương tiện truyền thông. Cũng vì thế mà chúng tôi cũng đã yêu cầu xóa trên mạng những lời của một chị nói chuyện với anh chị em đến thăm mình tại hiện trường, mà ai đó đã ghi lại và ưu ái gửi lên. Sở dĩ chúng tôi muốn kéo xuống, không phải vì những lời ấy có gì sai trái, mà vì tất cả các chị em có trách nhiệm trong tỉnh dòng từng từ chối mọi cuộc phỏng vấn, nên không muốn để bất cứ một lời nào của NTBA xuất hiện trên mạng.

Tôi đưa ra mấy bài rút xuống từ internet, trong đó có bài “Nỗi nghẹn ngào của các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn…” do VietCatholic đăng. Chị Justina nói: “Chúng tôi đã đọc bài này cho tất cả chị em tối hôm qua. Những gì cần nói với chị em trong nhà, thì chúng tôi đã nói với nhau rồi. Còn đối với các phương tiện truyền thông, bất cứ một lời nói nào cũng có thể gây ngộ nhận. Chúng tôi chỉ cầu nguyện xin Chúa cho chúng tôi sống đúng với thánh ý Ngài, và rồi người đời sẽ nhìn thấy sự thật.”

Tôi bức xúc nói với dì Béatrice: “Dì nói lên lời cải chính đi! Những lời oan ức như thế này thì nhục nhã quá!” Dì nhìn tôi mỉm cười, mà không nói gì! Qua ánh mắt dịu hiền và nụ cười thật buồn nhưng rất bình an, tôi nghe vang lên lời Thánh Augustin nói với một giám mục bạn, đức cha Honorat: “Đức Kitô đã từng chịu nhục nhã đến tuyệt đối. Vậy tôi là hạng tôi tớ nào mà đòi hỏi được ưu đãi hơn chủ mình?”

Im lặng một lúc, dì nói: “Xơ chỉ biết cảm tạ Chúa. Chúa biết dùng những điều thuận lợi cũng như bất thuận lợi để thực thi thánh ý Ngài. Vì thế xơ không có gì để nói về biến cố này. Nếu phải nói một lời, thì đấy là lời cám ơn đối với các anh chị em giáo dân và tu sĩ ở Sàigon, cũng như ở khắp nơi, đặc biệt là các tu sĩ và các cha dòng Chúa Cứu Thế, vì sự hiệp thông rất cảm động trong những ngày vừa qua. Nhưng ngay điều đó cũng không cần thiết, vì chắc chắn quí vị ấy đã hiểu lòng các xơ rồi!”

Tôi ra về trong tâm trạng hơi thất vọng. Tôi không được phép nói gì thêm về vụ việc 32 bis Nguyễn Thị Diệu để trả lời cho anh chị em mong mỏi biết ‘sự thật’ ở hậu trường. Tuy nhiên, những lời nói của các chị đã giúp tôi chuẩn bị đêm Noel này một cách thật ý nghĩa.

Và trước khi cám ơn Chúa về những hồng ân Ngài ban cho tôi trong Mùa Vọng này, tôi muốn cám ơn những người con Chúa, anh chị em của tôi.

Trước hết, cám ơn các anh chị em Thái Hà, đặc biệt các cha Dòng Chúa Cứu Thế, vì đã khẳng khái nói lên lời tố cáo sự dối trá, và sẵn sàng trả mọi giá để làm chứng cho sự thật. Chính các anh chị em và các cha đã đẩy tôi ra khỏi sự ươn hèn của bản thân, để cùng góp tiếng tố cáo sự dữ mà người dân Việt Nam âm thầm chịu đựng không biết bao nhiêu năm rồi. Các anh chị em và các cha xứng đáng là những Gioan Tẩy Giả của ngày hôm nay.

Và cũng không thể nào không cám ơn các chị NTBA, đặc biệt là các chị phụ trách, vì đã nêu lên một khía cạnh khác của lòng can đảm. Các chị im lặng trước những kẻ không đồng thuận với mình, chia sẻ cái câm lặng của những người thấp cổ bé miệng, những người thực sự nghèo: nghèo cả danh dự, bất chấp cả lý trí. Bởi vì như lời của Sr Rosalie Rendu, một NTBA vừa mới được nâng lên hàng chân phước: “Khi có mâu thuẫn giữa tiếng nói của tình yêu và tiếng nói của lý trí, thì chúng tôi vâng theo tiếng nói của tình yêu” . Như Đức Mẹ, các chị đã làm chứng bằng đời sống bác ái và sự thinh lặng của mình.

Và cái tình yêu bất chấp lý trí ấy nhắc lại cho tôi thái độ kiên trì của các chị trong vụ việc 32 bis Nguyễn Thị Diệu: “Thái độ của các chị luôn luôn là chờ đợi một thiện chí. Và cho đến giờ phút này, các chị vẫn còn tiếp tục đợi chờ…”

Từ trước đến giờ, tôi cứ ngỡ rằng Mùa Vọng là mùa mà tôi phải chờ đợi Chúa đến, và Ngài sẽ đến tối hôm nay trong thánh lễ Giáng Sinh. Qua chứng từ thinh lặng của các chị NTBA, tôi hiểu rằng Mùa Vọng là mùa mà Thiên Chúa im lặng kiên trì chờ đợi tôi, chờ đợi nơi tôi một thiện chí để đến với Tình Yêu và Sự Thật của Ngài. Và chua chát thay, cho đến giờ phút này, có thể Ngài vẫn còn tiếp tục đợi chờ…
 
Noel yêu thương
Nắng Sàigòn
20:22 24/12/2008
NOEL YÊU THƯƠNG!

Noel đã về trên đất nước Việt Nam,
Đêm đông ân tình nhẹ êm làn gió mát.
Noel nhiệm mầu muôn lòng chung câu hát,
Vinh danh Chúa Trời làm người ở giữa chúng ta.

Noel đã về yêu thương đến mọi nhà,
Chung tay kết đoàn xây dựng tình nhân ái.
Xua tan nỗi sầu bao mảnh đời oan trái,
Bình an thắm nồng cho những tấm lòng thiện tâm.

Noel về! Noel đã về!
Tay chung tay dựng xây thế giới mới.
Noel về! Noel đã về!
Lòng hiệp lòng nguyện cho Công Lý sáng ngời.

Noel đã về gieo chân lý mọi nơi,
Chia vui sẻ buồn dẫu đời nhiều cay đắng.
Đập tan xích xiềng, sự thật luôn chiến thắng,
Dũng khí kiên cường đồng một lòng chống bất công.

Noel đã về trên sông núi ruộng đồng,
Chim ca hát mừng kinh Hòa Bình vang mãi.
Yêu thương, phục vụ, công bình và bác ái,
Xua tan đói nghèo, tình người luôn mãi thắm tươi.

Noel về! Noel đã về!
Tay chung tay dựng xây thế giới mới.
Noel về! Noel đã về!
Lòng hiệp lòng nguyện cho Công Lý sáng ngời,

- Nắng Sài Gòn - Noel 2008.
 
CSVN phá một nhà thờ mới xây ở Đắc Lắc, trong khi công nhận 2 giáo hội Tin Lành mới
VOA
22:31 24/12/2008
Chính quyền CSVN đã phá bỏ nhà thờ trong tỉnh Dak Lak, theo bản tin đài VOA hôm 22-12-2008.

Bản tin viết rằng, một nhà thờ vừa được dựng lên trong tỉnh Dak Lak đã bị chính quyền địa phương phá bỏ. Khi loan tin vừa kể, Christian Freedom International, một tổ chức có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ chuyên giúp đỡ những giáo dân bị ngược đãi trên toàn cầu, cho rằng hành động phá bỏ nhà thờ này phản ánh đường lối coi thường Thiên Chúa Giáo đang lan tràn tại Việt Nam.

Christian Freedom International và Compass Direct News cho hay khoảng hơn 500 người Hmong theo Thiên Chúa Giáo, từng chạy trốn sự ngược đãi của chính quyền địa phương tại các tỉnh ở vùng tây bắc Việt Nam để tìm nơi nương thân trên vùng cao nguyên trung phần 8 năm trước đây, đã mơ ước xây được một nhà thờ tại xã Cu Dram, quận Krong Bong, tỉnh Dak Lak, để giúp họ tránh được cảnh phải chịu đựng mưa nắng trong lúc đang cử hành những lễ nghi tôn giáo.

Tháng 9 năm 2008, các giáo dân đã thu mua được đủ vật liệu để xây cất một nhà thờ khang trang. Tin cho biết dù nhiều nhà cửa tại Việt nam được xây cất không có giấy phép, nhà chức trách địa phương đã buộc cho những giáo dân này tội xây cất trái phép, dù giáo hội đã tìm cách xin đăng ký một cách hợp lệ từ hơn một năm nay.

Tin nói rằng một lực lượng gồm các viên chức cấp quận, cảnh sát và công nhân đã kéo tới địa điểm này sáng sớm hôm 18 tháng 12 để san bằng nhà thờ giữa lúc lực lượng bảo vệ an ninh trật tự dùng gậy đánh đuổi hàng trăm giáo dân đang trong trạng thái tuyệt vọng.

Một nhân vật lãnh đạo nhà thờ nói rằng hành động phá bỏ nhà thờ vào lúc Lễ Giáng sinh sắp sửa diễn ra cho thấy sự tàn ác của giới hữu trách đối với các tín đồ Thiên Chúa Giáo. Theo ông, giới hữu trách nghĩ rằng sẽ không ai để ý tới hành động của họ tại một nơi xa xôi hẻo lánh như thế này.

Christian Freedom International cho rằng tín đồ Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam thường xuyên chịu cảnh phân biệt đối xử và ngược đãi, trong có chuyện nhà cửa của họ bị phá bỏ và họ bị áp lực buộc phải từ bỏ niềm tin.

Mặt khác, một bản tin khác cùng ngày của VOA đã loan rằng chính phủ CS Việt Nam đã công nhận 2 giáo hội Cơ Đốc Giáo.

Bản tin VOA viết rằng Chính phủ CS Việt Nam vừa mới nhìn nhận hai giáo hội Cơ đốc Giáo trước kia bị coi là bất hợp pháp. Thông Tấn Xã DPA của Đức cho hay hôm thứ Hai, giới chức của giáo hội và của chính phủ cho biết chuyện nhìn nhận Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam và Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Việt Nam đã dược cử hành trong một buổi lễ chính thức tại Thành Phố Sài Gòn hôm Chủ Nhật.
 
Thông Báo
Cáo Phó: thân mẫu LM Joachim Lê Quang Hiền đã tạ thế tại Spokane
GIa đình họ Lê
13:50 24/12/2008

CÁO PHÓ


Trong niềm tin vào Thiên Chúa Quan Phòng và vào Đức Kitô Phục Sinh,
chúng con xin báo tin đến
Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu Sĩ,
Quý Thân Bằng Quyến Thuộc:

Bà Cố LÊ TẤN BỬU
Khuê Danh ANNA NGUYỄN THỊ XỬ


Sinh ngày 18 tháng 12 năm 1917 tại Quảng Nam, Việt Nam
Đã được Chúa gọi về lúc 11 giờ tối Thứ Hai, ngày 22 tháng 12 năm 2008
Tại Spokane, Washington, USA
Hưởng Thọ 91 tuổi.

Tang gia đồng kính báo
Trưởng nam: Linh mục Joachim Lê Quang Hiền
Thứ nữ: Theresa Lê thị Lệ Hoa, chồng Anthony Trương Lễ Năng
và các con, Mary Kay Trương Trác Dao, Amy Marie Trương Cát Nhi


Chương Trình Tang Lễ:

Nghi thức Phát Tang: Thứ Sáu ngày 26-12-2008 6:30 tối
tại Nhà Quàn Hennessey, 2203 N. Division St.,
Spokane, WA 99207 - Tel: 509-328-2600

Thánh Lễ An Táng: Thứ Bảy ngày 27-12-2008 11 giờ sáng
tại nhà thờ St. Anthony
2320 N. Cedar St., Spokane, WA 99205.
do Đức Cha William Skylstad, Giám Mục Spokane chủ tế.

Theo ý nguyện của người quá cố, thay vì phúng điếu hoa, đèn -
xin dâng lễ hoặc thương giúp người nghèo đói.

CÁO PHÓ NÀY THAY THẾ THIỆP TANG
 
Phân Ưu cùng LM Joachim Lê Quang Hiền và gia đình
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
13:57 24/12/2008

PHÂN ƯU


Được tin Thân Mẫu của LM Joachim Lê Quang Hiền, là:

Bà Cố ANNA NGUYỄN THỊ SỰ

Đã an nghỉ trong Chúa hôm thứ Hai ngày 22 tháng 12 năm 2008
tại thành phố Spokane, Washington, Hoa Kỳ;
Hưởng thọ 91 tuổi.

Thánh lễ An táng sẽ cử hành vào sáng thứ Bảy ngày 27 tháng 12 năm 2008
tại Saint Anthony Church, 2320 N. Cedar St., Spokane, WA 99205

Chúng con thành kính phân ưu cùng Cha Hiền và toàn thể tang quyến.

Nguyện xin Chúa là Cha nhân từ đón nhận Linh hồn Anna vào Thiên Đàng.

Thành Kính,

Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
Chủ tịch LĐCGVNHK
 
Phân Ưu: Thân mẫu LM Joseph Trần Minh Thái, SSS, qua đời tại Florida
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
14:12 24/12/2008

PHÂN ƯU



Được tin Thân Mẫu của Linh mục Joseph Trần Minh Thái, SSS, Florida, là:

Bà Cố MARIA VŨ THỊ ĐÀO

Đã an nghỉ trong Chúa hôm thứ Hai ngày 22 tháng 12 năm 2008 tại Việt Nam.

Thánh lễ An Táng sẽ cử hành tại Việt Nam.

Chúng con thành kính phân ưu cùng Cha Thái và toàn thể tang quyến.

Nguyện xin Chúa là Cha nhân từ đón nhận Linh hồn Maria vào Thiên Đàng.

Thành Kính,

Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
Chủ tịch LĐCGVNHK
 
Văn Hóa
Truyện ngắn: Quán trọ Cây Thầu Dầu
Nguyễn Trung Tây, SVD
09:52 24/12/2008

Truyện ngắn: Quán trọ Cây Thầu Dầu

Cây Thầu Dầu, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem, xứ Judea của Do Thái. Vào những năm thứ nhất Công Nguyên, Do Thái thuộc về quyền bảo hộ của đế quốc La Mã… Thời đó hoàng đế Caesar Augustus vừa mới ban hành lệnh kiểm tra dân số trong toàn đế quốc. Theo như sắc lệnh, mọi người phải quay về ghi danh tại nguyên quán…

Hơn một tháng rồi, bởi lệnh kiểm tra dân số, quán trọ thị trấn Bethlehem đặc biệt quán trọ Cây Thầu Dầu, bỗng dưng tấp nập những bước chân lạ mặt. Những người khách này nguyên gốc Do Thái, nhưng có người nói tiếng Do Thái pha giọng mũi nghèn nghẹt của tiếng Hy Lạp, có người giọng cổ vướng nghẹn tiếng Ba Tư, người khác líu lo chim hót tiếng La Tinh; nhiều người không đọc được bảng tên chỉ đường ngoại trừ ngọng nghịu câu chào tiếng Do Thái: Shalom. Nhưng thật ra, tất cả những người khách không mời mà tới này đều có liên hệ mật thiết với thị trấn Bethlehem, bởi mồ mả tổ tiên của họ nằm xếp lớp tại những ngôi mộ đá đục sâu trong đồi Cánh Đồng Bethlehem.

Mặc dù xuất hiện với nhiều âm ngữ, những người khách này đều chia sẻ chung với nhau ba đặc điểm nổi bật; thứ nhất, mặt lúc nào cũng đỏ ké bởi rượu vang; thứ hai, mở miệng ra là chửi tục; thứ ba, họ không đi tới hội đường Do Thái vào ngày thường cũng như ngày Sabbath, nhưng nằm ngủ thẳng cẳng cho tới mười hai giờ trưa mới mò dậy.

Chui ra khỏi giường, khách không làm gì hết, nhưng bước thẳng tới quán rượu. Nhậu xong, uống xong, họ lại dẫn nhau đi ra giếng nước đầu làng vốc nước uống ừng ực như dân du mục đang phải cơn khát. Có người nhổ xoèn xoẹt xuống mặt đường như dân mục đồng của thôn. Có người gục ngay bên lề, miệng nôn thốc nôn tháo, mùi ói tanh lờm lợm chết úa cỏ cây. Có người cất giọng hát lời lẽ trai gái lẳng lơ, âm thanh phát ra từ cuống họng nghe bền bệt hơi thở nặng nề sặc sụa mùi rượu vang.

Bởi những người khách lạ mặt, thôn làng Bethlehem tự động tách ra làm hai, phe chống đối, phe cổ võ.

Phe chống đối gồm có thầy Rabbi Daniel, hội đồng hương chức, và phụ nữ trong thôn. Đặc biệt từ ngày có những người khách lạ mặt lai vãng, phụ nữ trong làng trở nên dè dặt khi phải ra giếng đầu làng. Thay vì sáu giờ chiều như thông lệ, những người phụ nữ hẹn nhau, đúng vào lúc mặt trời chiều tà nghiêng bóng chỉ xuống con số năm, tất cả cất bước tới cổng làng ngay tại chỗ có cây thầu dầu mọc lẻ loi làm điểm hẹn. Dưới sự hướng dẫn của vợ thầy Rabbi Daniel, mọi người rồng rắn dẫn nhau đi ra giếng. Sau đó, họ lại dẫn nhau về nhà. Sau khi nhận ra mọi người đã bước hẳn qua cổng về lại đất làng với bình sành đựng nước trĩu nặng trên đầu, vợ thầy Rabbi mới ra hiệu giải tán.

Phe cổ võ thì ngược lại bao gồm những ông chủ quán của quán rượu, quán ăn, và quán trọ của thôn. Mà thiệt tình cũng khó trách. Những quán trọ của thôn làng bình thường không rộn ràng bóng người, giờ này bỗng dưng hóa ra không còn một căn phòng trống. Quán trọ nào cũng treo cao bảng gỗ: HẾT CHỖ!

Chưa hết, những người khách phải quay về thôn làng Bethlehem theo lệnh kiểm tra dân số ai cũng giàu có. Có nhiều người lận sâu trong mình những đồng tiền bạc khắc hình hoàng đế Alexander và nhiều đồng tiền vàng khắc hình nổi hoàng đế Caesar Augustus. Một ngôi nhà xập xệ tệ nhất trong thôn trị giá ngót nghét một trăm đồng tiền bạc. Ngôi nhà mắc nhất nằm ở cuối thôn chính là hội đường Do Thái Isaiah trị giá xấp xỉ trên dưới mười ngàn đồng tiền vàng Caesar. Thế mà khi bước vào quán rượu, nhiều ông khách quẳng thẳng ra mặt bàn cả một đống tiền vàng mang hình Caesar Augustus. Có tiền là một chuyện, họ đốt tiền như đốt than củi lại là chuyện khác. Nếu ưng ý được lòng khách, bồi bàn có thể nhận được một đồng tiền thưởng bằng bạc mang hình đại hoàng đế Alexander.

Cho nên không lạ gì, ngoại trừ thầy Rabbi Daniel và hội đồng hương chức, mọi người đàn ông trong làng đều hoan hỉ vui mừng với lệnh kiểm tra dân số.

Mà cũng khó trách thầy Rabbi Daniel và hương chức trong làng. Làng Bethlehem từ bao lâu nay không chỉ nổi tiếng về đặc sản bánh mì, di tích lịch sử mà còn về nét đẹp mặn mà của thiếu nữ trong thôn. Dân gian từ lâu vẫn có tiếng đồn, “Trai tộc Benjamen, gái đẹp Bethlehem”. Mà đúng là như vậy, thiếu nữ Bethlehem hằng năm vẫn được quan thái giám trong triều tuyển chọn để cống vua. Nổi tiếng đẹp là một chuyện, công dung ngôn hạnh của thiếu nữ Bethlehem cũng không chịu thua kém. Cả trăm năm nay, người trong làng chưa bao giờ phải nhặt cục đá nào để ném chết bất cứ ai. Cổng làng, chỗ mọc cao một cây thầu dầu từ tháng Ba năm ngoái, đất vẫn đen thơm mùi đất lành, đá vẫn sạch không vương mùi tanh máu đỏ.

Thế đó, vậy mà mới chỉ mắt trước mắt sau, ngay khi bóng dáng của những người khách không mời vừa đổ xuống ở cổng làng, những con kên kên phục vụ lính tuần La Mã ở làng bên đã nhấp nhổm ngóng đầu quay về hướng thị trấn Bethlehem.

Thì đấy, gần một tháng trước, mặc cho những lời cảnh cáo xa gần của hương chức trong thôn, một cô gái giang hồ khét tiếng trong vùng thản nhiên gõ cửa căn nhà cho thuê trong phố. Cô gái vừa dọn vào, một tiếng sau khách khứa đã cửa trước ra vào, cửa sau tấp nập.

Được đúng hai ngày, căn nhà bỗng nhiên phát hỏa!

Nửa đêm về sáng, lửa bốc cháy từ cánh cửa gỗ của căn phòng khách, ngọn lửa liếm lem lẻm vách gỗ mặt tiền rồi bốc cao hừng hực. Rất hên, nhờ can thiệp kịp thời, căn nhà trọ còn đứng vững, mặc dù đã bị cháy đen nham nhở ở mặt tiền. Mật thám kéo tới lập biên bản điều tra. Họ đặt nghi vấn có người nhúng tay vào vụ đốt nhà. Nhưng thủ phạm vẫn kiếm không ra…

Sau trận hỏa hoạn, người phụ nữ buôn hương không chịu thua. Cô nhờ người sơn phết qua loa ở mặt tiền rồi lại tiếp tục. Thế là lại tấp nập tiếng cười rộn ràng từ xế chiều cho tới nửa đêm về sáng. Người ra người vô căn nhà thổ vẫn cứ rộn ràng.

Được khoảng một tuần.

Vào một buổi sáng sớm tinh mơ, ông bõ trông coi hội đường Isaiah, ngày nào cũng dậy thật sớm đi tới hội đường đốt nến chuẩn bị cho giờ kinh sáng, bỗng hét to như bị ma rượt khi đi ngang qua căn nhà thổ. Người trong thôn chạy tới chỉ để kịp nhìn thấy cánh cửa lớn của căn nhà mở tung để lộ ra hai xác người đang treo lủng lẳng ngay trên xà ngang, một của cô gái buôn hương, một của người khách. Nhân viên Sở Mật Vụ La Mã lại tấp nập kéo tới. Thầy Rabbi Daniel, hương chức trong làng, và cả ông bõ trông giữ hội đường Isaiah lần lượt bị gọi lên thẩm vấn. Nhưng cũng như lần trước, nhân viên mật vụ vẫn không kiếm ra thủ phạm giết người rồi lạnh lùng treo hai xác người lên xà ngang của căn nhà. Kiếm không ra thủ phạm, Sở Mật Vụ đóng hồ sơ lại, lần lượt bỏ đi.

Nhưng bắt đầu từ ngày hôm đó, khoảng nửa đêm về sáng tự nhiên căn nhà bỗng chập chờn những bóng ma. Tối tối có người thấy hai xác, một của đàn bà một của đàn ông hiện ra treo tòng teng lơ lửng. Có người nửa đêm về sáng nghe thấy tiếng hú nghe rõ mồn một lanh lảnh từ trong căn nhà còn loang lổ vết cháy. Vào đêm sáng trăng, có người còn thấy bẩy hạt máu đỏ từ trên xà ngang nhỏ xuống nền đất viết thành chữ Nhân thật rõ nét trong chữ Hy Lạp.

Người trong làng xì xào hỏi nhau tại sao lại không là ba hay là bốn nhưng lại là bẩy? Mà tại sao bẩy hạt máu đỏ đó lại hòa với nhau viết nên một chữ Nhân? Chữ Nhân có nghĩa là gì trong trường hợp này? Tại sao lại không viết chữ Nhân trong tiếng Do Thái nhưng lại là chữ Hy Lạp? Có người nhắc nhở, “Ủa, bộ quên rồi sao? Ông bà mình có câu, ‘Giết bẩy bò mới đủ lễ tế’. Mà, nè, cũng đừng có quên cô này không phải là người Do Thái, nhưng nguyên gốc người Syria sinh ra ở Damascus. Cô ta nói tiếng Hy Lạp chứ đâu có biết tiếng Do Thái”.

Thằng Judas mồ côi mười sáu tuổi chăn chiên trong làng phá phách ma chê quỷ hờn. Sểnh ra là ăn cắp. Lơ đãng một chút là mất đồ. Cuối tuần nó tếch sang thôn bên cạnh, đứng đường dẫn mối cho những con kên kên. Chủ bầy chiên có lần mắng nó tật hay ăn cắp vặt. Nó tức, ban đêm gọi bạn bè tới túp lều nằm giữa cánh đồng, cắt cổ một con chiên đực nướng thịt ăn. Thế mà nửa đêm, không biết để làm gì, dám mò tới căn nhà ma. Sáng hôm sau, lại một lần nữa, đi ngang qua, ông bõ thấy nó oặt ẹo nằm trên nền đất hoang của ngôi nhà ma, mặt bầm tím, tay chân như không còn xương. Mang nó về nhà, người ta đổ cháo nóng vào miệng, giật tóc mai hú gọi ba hồn chín vía. Ba ngày sau thằng Judas mới dần dần hồi tỉnh, nhưng tay chân quặt quẹo mềm oặt. Hỏi gì, nó cũng không nói, mặt cứ tái xanh mét lại. Thế là những người đàn bà trong thôn ồn ào cả lên với nhau, “Chết rồi! Vậy là đã ứng nghiệm lời nguyền của bẩy giọt máu viết ra một chữ Nhân. Thằng Judas là nạn nhân đầu tiên. Trong làng mình, ai sẽ là người thứ hai?”.

Cứ thế, tiếng đồn về căn nhà ma lan xa khắp vùng.

Đêm nay tối Hai Mươi Bốn tháng Mười Hai.

Đã gần mười một giờ đêm, chỉ còn khoảng một tiếng đồng hồ nữa thôi bầu trời đêm đen của thị trấn Bethlehem sẽ chuyển mình nửa đêm về sáng...

www.nguyentrungtay.com
 
Phố đêm
Kha Đông Anh
14:58 24/12/2008
PHỐ ĐÊM

Dập dìu đêm phố xa
Người với người chung đôi
Chỉ mình ta lặng lẽ
Đếm nỗi buồn xa xôi

Giờ này, em có lẽ
Nỗi nhớ là hư không
Nơi phương trời xứ lạ
Em vẫn là người dưng

Đêm Saigon đầy nhớ
Ta nghe khuya trong lòng
Em vẫn là tất cả
Hy vọng và chờ mong

Buồn lạ - Buồn khôn tả
Ta cứ hoài lãng du
Dù em quên tất cả
Ta còn nhớ như thơ

Đêm nay khuya rất lạ
Ta nghe hát Thánh ca
Nhớ ngày xưa Thiên Chúa
Tạo nên một Êva

(Vương Cung Thánh đường, Đêm 20/12/1995)

HAI NỬA CUỘC ĐỜI
Vui xuân cứ việc vui xuân
Nên chăng nhớ chút thì thầm mùa Chay?
Nhớ đêm nhớ cả ban ngày
Nhớ nô-tì-kiếp đắng cay gian trần
Sầu lòng chứ chẳng bi quan
Dẫu phận sang hèn cũng hoá bụi tro
Trăm năm nào phải là thơ
Nhập nhoà mơ ước thực hư cuộc đời
Nửa môi cười với xuân vui
Nửa môi méo xệch chơi vơi phận mình
Một con mắt ngó mông mênh
Một con mắt ướt lệ kinh cầu buồn
Kiếp người hai nửa xác, hồn
Xác thân nặng trĩu, hồn bồng bềnh bay
Nắng xuân thắp sáng lên cây
Giáo đường chuông đổ chợt gầy trầm tư
Hồng ân Thiên Chúa bao la
Dốc đời lăn mãi, phù du kiếp người
Giằng co hai nửa cuộc đời
Nửa tôi thanh thoát, nửa tôi nặng nề
Quanh năm lạc giữa đam mê
Trở đi mắc núi, trở về mắc sông
Chỉ mong lượng Chúa khoan hồng
Đón xuân chay tịnh cho lòng bình an.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ánh Sáng Hang Belem
Lm. Tâm Duy
06:22 24/12/2008

ÁNH SÁNG HANG BELEM



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Và khi giờ đến,

Ánh sáng đã ra đời.

(Gal. 4,4)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền