Ngày 25-12-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáng sinh vùng chiến tuyến Iraq.
Trần Mạnh Trác
05:04 25/12/2016


Một cây Giáng sinh đã được dựng lên giữa cảnh đổ nát cuả Mosul, ngay trong tầm đạn cuả đám chiến binh ISIS như đế thể hiện một quyết tâm mừng lễ Giảng sinh.

Cuộc tấn công tái chiếm Mosul khỏi tay cuả đám ISIS vẫn còn gây cấn dù cho chiến dịch đã bắt đầu từ tháng Mười.

Không rõ ai đã dựng lên cây Giáng sinh này vì lực lượng dân quân Kitô giáo tham chiến không có mặt ở đây. Theo kế hoạch của Liên Minh thì họ phải dừng quân ớ bên ngoài thành phố.

Các cộng đồng Kitô giáo ở vùng này sẽ cử hành lễ Giáng sinh thứ ba trong lưu vong, nhưng vẫn hy vọng họ sẽ sớm trở về nhà.

Tuy nhiên, ở thị trấn Bartell, một thị trấn Kitô giáo Assyria 13 dặm về phía đông của thành phố Mosul, hàng trăm tín đồ lưu vong đã đến được nhà thờ chính toà vào đêm Giáng sinh.

Đây là lễ Giáng sinh lần đầu tiên được cử hành tại đây kể từ năm 2013.

"Chúng tôi đã có những vui buồn lẫn lộn", Đức Cha Mussa Shemani nói với báo chí. "Chúng tôi rất buồn khi nhìn thấy những gì xãy ra cho những nơi linh thiêng nhất của chúng tôi , nhưng đồng thời chúng tôi rất vui mừng vì đây là thánh lễ đầu tiên sau hai năm."

Binh sĩ Iraq đã bảo vệ các đoàn xe của các tín đồ, vì khu vực nhà thờ vẫn còn nằm trong vùng giao tranh.

Một cây thánh giá đã được dựng lên trên nhà thờ. Quân ISIS đã tàn phá tất cả, các biểu tượng tôn giáo và những bức tượng của các thánh đã bị phá hủy hoặc bị đập vỡ.

Giáo dân đốt nến khi bước vào nhà thờ, các phụ nữ uốn lưỡi để ngân nga những giọng điệu dân tộc khi bước qua ngưỡng cửa, họ hát thánh ca, cầu nguyện và nghe một bài giảng để tạ ơn việc tái chiếm thành phố

Bà nội trợ Shurook Taqfiq cho biết: "Đây là ngày tuyệt vời nhất trong đời tôi. Đôi khi tôi nghĩ rằng nó sẽ không bao giờ đến.."

Nhưng sẽ là một thời gian dài nữa trước khi bà Taqfiq có thể trở về nhà mình.

Thị trấn bị quân Isis chiếm khi họ tràn qua biên giới Syria vào năm 2016. Những ai không phải là người Sunni Hồi giáo thì phải chuyển đổi, trả thuế nặng hoặc bị giết, và vì vậy những người Thiên Chúa giáo của thị trấn đã phải trốn sang khu cuả người Kurd tự trị.

Mặc dù thành phố đã được lực lượng dân quân Kitô giáo và lực lượng peshmerga Kurd giải phóng trong những ngày đầu tiên của cuộc hành quân tái chiếm Mosul, nó vẫn bị bỏ hoang. Hầu hết các nhà xung quanh đã bị phá hủy.

Trong bài giảng, Đức Cha Shemani cho biết: "Vẫn còn có một đám mây đen bao phủ trên Iraq Nhưng chúng tôi sẽ ở lại đây. Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta..."
 
Thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô
J.B. Đặng Minh An dịch
07:55 25/12/2016
“Anh chị em thân mến, Chúc mừng Giáng Sinh!

Hôm nay Giáo Hội một lần nữa trải nghiệm sự bỡ ngỡ của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse và các mục đồng tại Bêlem, khi họ chiêm ngắm Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế.

Vào ngày chan hòa ánh sáng này, lời tiên tri loan báo lại được vang lên:

“Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,

một người con đã được ban tặng cho ta.

Người gánh vác quyền bính trên vai,

danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh,

người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình.” (Is 9:5)

Quyền bính của hài nhi này, là Con Thiên Chúa và Con của Mẹ Maria, không phải là thứ quyền bính của thế gian, dựa trên sức mạnh và sự giàu có; nhưng là quyền bính của tình yêu. Đó là sức mạnh đã tạo dựng trời và đất, sức mạnh trao ban sự sống cho tất cả mọi loài thụ tạo: khoáng sản, thực vật và động vật; đó là sức mạnh thu hút người nam và người nữ đến với nhau, và làm cho họ thành một thân xác, một hữu thể duy nhất; đó là sức mạnh sinh ra sự sống mới, tha thứ lỗi lầm, hòa giải những kẻ thù, và biến đổi ác thành thiện. Đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Sức mạnh của tình yêu này dẫn Chúa Giêsu Kitô đến việc từ bỏ vinh quang của Ngài và trở thành người phàm; và rồi dẫn Ngài đến chỗ hiến mạng sống của mình trên thập giá, để sống lại từ cõi chết. Đó là sức mạnh của sự phục vụ, khai mở trong thế giới của chúng ta Nước Thiên Chúa, một vương quốc của công lý và hòa bình.

Vì lý do này, sự ra đời của Chúa Giêsu đã được đi kèm với bài hát của các thiên thần khi họ loan báo:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”(Lc 2:14).

Hôm nay thông điệp này vươn ra đến tận cùng trái đất để đến với tất cả các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc đang mang những vết sẹo của chiến tranh và xung đột gay gắt, là những dân nước xem ra đang khao khát hòa bình mãnh liệt hơn cả.

Hòa bình cho những người nam nữ ở các vùng đất bị chiến tranh tàn phá của Syria, nơi quá nhiều máu đã đổ ra. Trên tất cả là ở thành phố Aleppo, địa điểm xảy ra các trận đánh khủng khiếp nhất trong những tuần gần đây, điều cấp thiết nhất là các trợ giúp và hỗ trợ cần phải được bảo đảm đến được với người dân đang kiệt quệ, luật nhân đạo phải được tôn trọng. Đây là thời điểm mà vũ khí cần phải bị câm nín mãi mãi, và cộng đồng quốc tế phải tích cực tìm kiếm một giải pháp thương thảo, sao cho việc chung sống dân sự có thể được phục hồi ở quốc gia này.

Hòa bình cho những người nam nữ của Thánh Địa thân yêu, miền đất đã được lựa chọn và ưa chuộng bởi Thiên Chúa. Cầu xin cho Israel và Palestine có can đảm và quyết tâm viết lên một trang sử mới, trong đó lòng thù hận và ước muốn trả thù trả oán nhường bước cho ý chí cùng nhau xây dựng một tương lai của sự hiểu biết và hòa hợp.

Cầu xin cho Iraq, Libya và Yemen - nơi người dân đang phải gánh chịu chiến tranh và sự tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố - có khả năng tìm thấy sự đoàn kết và hòa hợp một lần nữa.

Hòa bình cho những người nam nữ ở các miền khác nhau của châu Phi, đặc biệt là ở Nigeria, nơi mà chủ nghĩa khủng bố cực đoan đang lợi dụng cả trẻ em để gieo rắc kinh hoàng và chết chóc.

Hòa bình cho Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo, để những chia rẽ có thể được chữa lành và tất cả mọi người thiện chí có thể phấn đấu để thực hiện con đường phát triển và chia sẻ, cũng như ưa chuộng nền văn hóa đối thoại hơn những não trạng xung đột.

Hòa bình cho những người nam nữ cho đến nay vẫn còn đang phải gánh chịu những hậu quả của cuộc xung đột ở Đông Ukraine, nơi đang có một nhu cầu cấp thiết của một mong muốn chung là xoa dịu khổ đau cho dân chúng và đưa vào thực hiện các cam kết đã được chấp nhận.

Chúng ta cầu xin sự hài hòa cho người dân Colombia thân yêu, đang tìm cách bắt tay vào một con đường mới với can đảm đối thoại và hòa giải. Xin cho một lòng can đảm như thế cũng thúc đẩy đất nước thân yêu Venezuela thực hiện các bước cần thiết để chấm dứt căng thẳng hiện nay, và cùng nhau xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn dân.

Bình an cho tất cả những ai, tại các khu vực khác nhau, đang chịu đựng những đau khổ vì những mối hiểm nguy liên tục và những bất công dai dẳng. Cầu xin cho Miến Điện củng cố nỗ lực của mình để thúc đẩy việc sống chung hòa bình, và với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sẽ cung cấp sự bảo vệ cần thiết và các hỗ trợ nhân đạo cho tất cả những ai đang rất cần đến sự bảo vệ này một cách khẩn cấp. Xin cho bán đảo Triều Tiên vượt qua được những căng thẳng đang trải qua trong một tinh thần hợp tác.

Hòa bình cho những ai đã mất đi những người thân yêu vì các hành vi tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố, và hòa bình cả cho những ai đã gieo sợ hãi và chết chóc vào con tim của rất nhiều quốc gia và thành phố.

Hòa bình - không phải thứ hòa bình chỉ trên môi miệng, nhưng là một nền hòa bình thực sự và cụ thể - cho những anh chị em của chúng ta đang bị bỏ rơi và loại trừ, cho những ai đang đói khát và cho tất cả các nạn nhân của bạo lực. Hòa bình cho những người lưu vong, những người di cư và tị nạn, cho tất cả những ai trong thời đại chúng ta đang là đối tượng của nạn buôn bán người. Hòa bình cho các dân tộc đang đau khổ vì những tham vọng kinh tế của một thiểu số, vì sự tham lam quá đáng và vì sự tôn thờ thần tiền, dẫn đến sự nô lệ. Hòa bình cho những ai chịu ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn xã hội và kinh tế, và cho những ai chịu đựng những hậu quả của các trận động đất hoặc các thảm họa thiên nhiên khác.

Bình an cho các trẻ em, vào ngày đặc biệt này khi Thiên Chúa đã trở thành một hài nhi, hòa bình trước hết cho những trẻ em bị tước đi những niềm vui của tuổi thơ vì đói khát, chiến tranh hay sự ích kỷ của người lớn.

Bình an dưới thế cho những người nam nữ thiện chí đang làm việc lặng lẽ và kiên nhẫn mỗi ngày, trong gia đình của họ và trong xã hội, để xây dựng một thế giới nhân bản và công chính hơn, một thế giới được dưỡng nuôi bởi xác tín rằng chỉ với hòa bình chúng ta mới có khả năng có được một tương lai thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến,

“Vì một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta, một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Ngài là Hoàng tử của bình an”. Chúng ta hãy đón chào Ngài!

[Sau khi ban phép lành Urbi et Orbi, Đức Thánh Cha nói thêm]

Anh chị em thân yêu, là những người tụ họp tại quảng trường này từ tất cả các miền trên thế giới, và những ai ở các quốc gia khác nhau đang liên kết với chúng tôi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, tôi gởi lời chào đến anh chị em.

Vào ngày vui mừng này, chúng ta tất cả đều được mời gọi chiêm ngắm Hài nhi Giêsu, Đấng đem lại hy vọng một lần nữa cho tất cả mọi người trên trái đất này. Nhờ ân sủng của Ngài, chúng ta hãy dùng tiếng nói và hành động của mình làm chứng cho tình đoàn kết và hòa bình. Giáng Sinh vui vẻ cho tất cả anh chị em!”
 
Cây thông Noel nhân tạo cao nhẩt thế giới bị chê.
Trần Mạnh Trác
13:08 25/12/2016

Xứ nghèo vào bậc nhất Sri Lanka vừa dựng lên một cây Giáng sinh cao chót vót, ở giữa thủ đô Colombo, vượt kỷ lục thế giới.

Cây thông nhân tạo cao 238 feet (73m), hơn kỷ lục hiện tại 59 feet (18m), làm bằng cột thép và dây thép có lưới bao trùm và trang trí với hơn 1 triệu trái thông sơn màu xanh đỏ vàng bạc. Thắp sáng với 600.000 bóng đèn LED và đỉnh điểm là một ngôi sao cao 20 feet (6m).

Mặc dù đã có sự chậm trễ trong việc xây dựng, nhưng đã hoàn chỉnh kịp thời vào dịp Giáng Sinh.

Chi phí $80,000 (1 tỷ 821 triệu) đã bị Giáo Hội Công Giáo chỉ trích như là một "lãng phí." Giáo Hội cho rằng số tiền đó tốt hơn nên được chi tiêu vào việc giúp đỡ người nghèo.

Hàng trăm công nhân và tình nguyện viên đã vật lộn bốn tháng trời để dựng cây thông lên cho kịp ngày lễ. Công việc đã bị đình chỉ sáu ngày hồi đầu tháng, sau khi Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, đại diện cho 1,5 triệu người Công Giáo của đảo quốc, chỉ trích dự án.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đáp lại lời chỉ trích rằng cây Noel này đã không xử dụng công quĩ, nhưng là do những đóng góp từ các cá nhân và các công ty tư nhân.

Kỷ lục Guinness World Records vẫn chưa xác nhận đây là cây Giáng sinh nhân tạo cao nhất. Hiện nay, kỷ lục năm ngoái là do Trung Quốc giữ với một cây thông nhân tạo cao 180 feet (55m) tại thành phố Quảng Châu .

Những người tổ chức cuả Sri Lanka cho biết họ muốn dùng cây Noel để thúc đẩy sự hòa hợp dân tộc và tôn giáo tại đảo quốc mà đa số là Phật Tử, và một cuộc nội chiến dài mới được kết thúc vào năm 2009 nhưng việc hòa giải dân tộc vẫn còn là một thách thức.

"Đây chỉ là để cho thế giới thấy rằng chúng ta có thể sống như một quốc gia, một dân tộc," ông Arjuna Ranatunga, bộ trưởng Thương Cảng cho biết. Sri Lanka vẫn đang phải vật lộn với các vấn đề liên quan đến tôn giáo, giai cấp và chủng tộc.

Người Kitô hữu và người Hồi giáo là thiểu số, và họ thường phàn nàn về sự phân biệt đối xừ cuả nhà nước. Vẫn có nhiều cáo buộc về đàn áp đối với người thiểu số Tamil, là những người thua trận trong cuộc nội chiến.
 
Kim Jong Un 'đắc cử' làm tên Grinch muà Giáng sinh!
Xavier Nguyễn Đông
20:35 25/12/2016


Mỗi mùa Giảng Sinh, ngoài những tin vui và lạ,̣ người ta cũng tìm xem ai là tên Grinch (thọc gậy bánh xe) cuả muà Giáng sinh.

Năm nay có 2 đối thủ tranh nhau cái 'vinh dự' này, đó là cơn bão Nock-Ten ở Phi Luật Tân và tên bạo chuá Bình Nhưỡng Kim Jong Un (Kim Chính Ân).

Cà hai 'cái tên' đều khó nghe, nhưng có vẻ như tên 'Un' nghe nặng nề, 'ủn ỉn' hơn!

Tên bạo chúa mập ù của Bắc Triều Tiên ra lệnh cho các Kitô hữu chỉ được ăn mừng 'Sinh Nhật' cuả 'Bà Nội Hắn' mà thôi!

Cụm từ 'Bà Nội Hắn' nói trên là nghĩa đen đấy! không phải là chửi xéo theo kiểu VN đâu! 'Bà Nội Hắn' tên là Kim Jong Suk (Kim Chung Tô.)

'Suk' sinh ra vào đêm Giáng sinh, năm 1919, là một du kích cộng sản chống Nhật, là vợ của nhà độc tài đầu tiên của Bắc Triều Tiên Kim Il Sung (Kim Nhật Thành,) và là mẹ cuả cựu lãnh đạo Kim Jong Il (Kim Chính Nhật,) đã chết bí ẩn vào năm 1949.

Người Bắc Triều Tiên phải tỏ lòng tôn kính "Bảo Mẫu Cách Mạng," bằng cách đi thăm viếng ngôi mộ của bà ta.

Đây không phải là lần đầu tiên tên 'Un' tìm cách 'thọc gậy bánh xe' muà Giáng Sinh, người ta kể rằng hắn đã tức giận đến 'lồng lộn lên' trong năm 2014 khi phát hiện ra rằng Nam Hàn đang lên kế hoạch xây dựng một cây thông Noel khổng lồ dọc ngay biên giới.

Trước mối đe dọa của chiến tranh, cây thông đã không được dựng lên.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáng Sinh 2016 tại Giáo xứ Thuận Nghĩa
Jos. Đức Tiến
09:45 25/12/2016
Giáng Sinh 2016 tại Giáo xứ Thuận Nghĩa

Chúa Giáng sinh - Niềm mong đợi và hy vọng của toàn nhân loại. Đây là dịp mà tất cả mọi người dù có phải là người Công Giáo hay không đều hướng về hang đá - nơi Chúa Hài Đồng được sinh ra để kỷ niệm mừng sinh nhật Ngài. Một cách nào đó nhằm tìm kiếm niềm vui và mong hưởng ơn thánh từ Chúa Hài Đồng. Tại giáo xứ Thuận Nghĩa, bầu không khí đó đã rộ lên khá sớm từ ngày chuẩn bị đến ngày đón mừng lễ Giáng sinh.

Xem Hình

Đêm 24/12/2016, trong niềm vui đại đồng, chương trình diễn nguyện được tổ chức long trọng và quy mô với ánh đèn rực rỡ bao phủ cả một dòng người mang trong mình sự phấn khởi quy tụ về. Cùng với các tiết mục văn nghệ tham gia khá công phu và ý nghĩa từ đoàn ca kịch giáo họ Thuận Nghĩa, đoàn ca kịch giáo họ Yên Lưu, đoàn TNTT Phê-rô Vũ Đăng Khoa, giới trẻ Phan Sinh, cộng đoàn Thừa Sai Bác Ái, mái ấm Vũ Đăng Khoa, ca sĩ Xuân Thắm, ca sĩ Duy Ninh đã vẽ lên một đêm thật huyền diệu và lung linh. Trước đó, Cha quản xứ Antôn Nguyễn Văn Đính đã có bài diễn văn khai mạc rất ý nghĩa dẫn mọi người bước vào khung cảnh hồng phúc của đêm Giáng Sinh. Ngài nói: “Đức Giê-su là Đấng đầy quyền năng và giàu có tột đỉnh trong nước trời, nhưng lại chịu trở nên nghèo nàn vô cùng, đã chấp nhận sinh ra tại chuồng chiên nằm trong máng cỏ cách đây 2016 năm. Ngài đã từ trời giáng thế để đem tin nhận Ngài từ trần gian về cõi trời. Chính nhờ Ngài mà chúng ta quy tụ về đây trong đêm Giáng Sinh này”. Sau chương trình diễn nguyện, thánh lễ vọng mừng Chúa Giáng Sinh được diễn ra nghiêm trang sốt sắng trong niềm hân hoan và tạ ơn.

Một đêm tràn ngập ánh sáng của tình yêu và niềm vui đã kết thúc trong sự quan phòng của Chúa Hài Đồng.

07h00 ngày 25/12, tiếng chuông nhà thờ thánh thót ngân lên trong niềm vui Chúa Nhập Thể. Tiếng chuông như đánh thức mọi người sau một giấc ngủ ngon trong hạnh phúc của đêm hồng ân và dẫn lối tới thánh đường. Không lâu sau đó, dòng người đông đảo đã quy tụ về thánh đường với đủ mọi thành phần trong giáo xứ cũng như bạn bè ngoại đạo.

07h45, đoàn rước nhập lễ khởi đi từ khuôn viên nhà xứ vào thánh đường được diễn ra trong ca mừng hỉ hoan. Tiếng kèn, tiếng trống, tiếng hát vang lên cho mọi người cảm tượng về khung cảnh thiên thần múa hát khi xưa tại Bê-lem. Thánh lễ trọng mừng Chúa Giáng Sinh đã diễn ra rất long trọng và sốt sắng. Trong phần giảng lễ, Cha Antôn đã chia sẻ về một thói quen của ngài cũng như của nhiều người mỗi dịp giáng sinh về – thói quen quỳ bên hang đá. Ngài nói: “Mỗi dịp giáng sinh về, quỳ bên hang đá, tôi cảm thấy có những lời mời gọi sau đây: lời mời gọi sống tinh thần nghèo khó, lời mời gọi xây dựng hòa bình, lời mời gọi bảo vệ sự sống, lời mời gọi truyền giáo”. Qua đó, ngài nhắn nhủ tới mọi người về một đời sống biết tiết kiệm nhưng quảng đại, biết xây dựng hòa bình thế giới qua việc xây dựng hòa bình trong tâm hồn, biết tôn trọng sự sống từ những phôi thai mới bắt đầu hình thành, đặc biệt Ngài muốn tất cả mọi người truyền giáo bằng chính đời sống bác ái yêu thương. Quả vậy, lễ Giáng sinh là dịp để chúng ta bày tỏ niềm vui, và hy vọng vào ơn phúc của Chúa Hài Đồng, nhưng cũng là dịp để chúng ta nhìn lại bản thân, qua đó lắng nghe lời Thiên Chúa mời gọi. Có thể nói, những gì Cha Antôn đã chia sẻ trong thánh lễ là lời mời gọi chung cho toàn nhân loại. Thực thi những lời mời gọi đó chính là món quà ý nghĩa dành tặng Chúa Hài Đồng mỗi dịp Giáng Sinh về.

Kết thúc thánh lễ trong tâm tình tạ ơn và mừng vui, cộng đoàn giáo xứ Thuận Nghĩa lại một lần nữa được sống trong giây phút huyền nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể. Hy vọng rằng, với ân sủng của Chúa Hài Đồng, mọi người biết sống tinh thần Phúc âm để hưởng múc ơn bình an và ơn cứu độ cho chính mình cũng như cho toàn thể nhân loại.

Jos. Đức Tiến
 
Làng phung đã bừng lên ánh sáng : Giáng Sinh 2016 tại giáo xứ Qui Hòa
Lm Giuse Trương Đình Hiền
09:56 25/12/2016
LÀNG PHUNG ĐÃ BỪNG LÊN ÁNH SÁNG

(Giáng Sinh 2016 tại giáo xứ Qui Hòa)

Từ một làng dành riêng cho những bệnh nhân phong cùi được Cố Paul Anre Maheu thiết lập từ năm 1929 và được chính thức điều hành-quản lý bởi các nữ tu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ từ năm 1932, “Qui Hòa” ngày nay, trên cái nhìn tổng thể về phương diện hành chánh-dân sự, là Bệnh viện Phong- Da liễu “Quy Hòa” trực thuộc Bộ Y Tế, nhưng trên phương diện tôn giáo, tín ngưỡng, “Qui Hòa” là một đơn vị giáo xứ thuộc giáo hạt Qui Nhơn, giáo phận Qui Nhơn.

Xem Hình

Cho dù ngày xưa đây là vùng đất “bị cách ly”, và ai đến cũng đều nơm nớp lo sợ bị lây lan qua đủ mọi tình huống ; vì thế, chỉ có những bệnh nhân thực thụ mới chọn định cư nơi nầy như chon một nơi cho “một cõi đi về” ! Nhưng hôm nay, đây lại là một trong những điểm đến du lịch của thành phố biển “Quy Nhơn” ; và nhất là, do gốc gác, cội nguồn và điều kiện an cư lập nghiệp, nên nhiều gia đình, cho dù không mang chút bệnh tật phong nào, đã quyết chọn nơi đây như quê cha đất tổ, bất chấp mọi cái nhìn hay quan niệm tiêu cực của nhiều người nếu có !

Đêm nay, Đêm Thánh Giáng Sinh 2016, Cộng đoàn giáo xứ Qui Hòa tập trung cử hành Thánh lễ Đêm trong bầu khí trang nghiêm và ấm cúng nơi nhà thờ giáo xứ cũng là nguyện đường của Tu Viện các nữ tu Phan Sinh. Trước Thánh lễ, chương trình diễn nguyện canh thức hướng tâm hồn cộng đoàn sống lại con đường lịch sử cứu độ của Thiên Chúa qua những cột mốc quan trọng để dẫn tới mầu nhiệm Ngôi Hai giáng trần, mà trọng tâm chính là Tình yêu. Đó cũng chính là tiêu đích mà định hướng mục vụ của giáo phận Qui Nhơn nhắm tới cho năm 2017 với chủ đề YÊU THƯƠNG-PHỤC VỤ, và là trọng tâm cốt lỏi của đời sống hôn nhân-gia đình, điểm nhấn mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho 3 năm 2017, 2018,2019.

Phụng Vụ Lễ Đêm Giáng Sinh diễn ra trang trọng và ấm cúng, chan hòa bầu khí vừa thiêng liêng thánh thiện phản ảnh qua những gương mặt hồn nhiên vui tươi của đông đảo các em thiếu nhi trong những bộ cánh thiên thần, vừa hiệp thông huynh đệ với thái độ trân trọng, nghiêm trang của đông đảo các bạn lương dân cùng hiện diện để chung chia niềm vui Giáng Sinh với cộng đoàn tín hữu.

Quả thật, niềm vui Giáng Sinh, ân sủng Giáng Sinh, như những giọt ánh sáng muôn màu rực rỡ, đang bừng lên ở một góc thung lũng Qui Hòa, nơi đã từng là địa chỉ của cách ly và đau khổ, của bóng tối thất vọng và nổi buồn triền miên của sự chết, mà cố thi sĩ Công Giáo Hàn Mặc Tử, một người cùi đã sống những ngày cuối đời và an nghỉ nơi đây, đã từng rên rỉ thảm thiết :

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu ?
Ai đem tôi bỏ dưới sông sâu ?
Sao bông phượng nở trong màu huyết ?
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu ?

(Những Giọt Lệ)

Hoặc :

Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã,
Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa .
Hồn mất xác, hồn sẽ cười nghiêng ngả,
Và kêu rêu thảm thiết khắp bao la ...

(Hồn lìa khỏi xác)

Hoặc :

Một mai kia ở bên khe nước ngọ
Với sao sương Anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn Anh và rửa vết thương tâm

(Duyên kỳ ngộ)

Không, Qui Hòa đêm nay chan hòa ánh sáng, thứ ánh sáng cứu độ mà sứ ngôn Isaia đã từng cảm nghiệm bao ngàn năm trước khi dự báo về ngày xuất hiện của Đấng Emmanuen :

“Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám người người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi…” (Is 9,1)

Đó cũng chính là điều mà nhà thi sĩ phung cùi tuyệt tài của chúng ta, Hàn Mặc Tử, đã từng cảm nghiệm và dệt những vần thơ đức tin đã trở thành bất hủ :

Cả trời bỗng tiêu diêu như báu vỡ:
Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm,
Mà ta ngỡ đấng tiên tri muôn thuở
Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm.
Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang,
Thiên hạ bình và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian...

(Nguồn Thơm)

Quản thật, đêm Giáng Sinh đã làm cho LÀNG PHUNG ĐÃ BỪNG LÊN ÁNH SÁNG.

Trương Đình Hiền
 
Đêm canh thức mừng Chúa Giáng Sinh tại xứ Sơn Lộc, Phú Cường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
16:20 25/12/2016
ĐÊM CANH THỨC MỪNG CHÚA GIÁNG SINH TẠI XỨ LỘC SƠN PHÚ CƯỜNG

Hòa vào niềm vui chung với Giáo Hội toàn cầu, Giáo xứ Sơn Lộc đã tổ chức buổi canh thức Mừng Chúa Giáng Sinh 2016, chương trình được bắt đầu lúc 19 giờ ngày 24.12.

Chiều chưa tắt nắng, đã có nhiều tín hữu phương xa và bà con các tôn giáo bạn đến chiêm ngắm hang đá và cảnh quan vui đẹp của thánh đường, đối với họ đây là lễ hội.

.Xem Hình

Trước đó, một cơn mưa vừa đã làm ướt lễ đài nhưng bù lại thời tiết trở nên mát dịu làm tăng thêm phần hưng phấn cho mọi người.

Chương trình đã trễ thêm 30 phút, vì thế, mọi người có dịp quan sát cảnh người "vui chơi" một năm mới có một lần.

Không vì thời tiết xấu, đường xá lầy lội cản bước chân người đến với đêm canh thức, ngược lại từng tốp người già có, trẻ có, họ là gia đình, là bạn bè rảo bước qua khu vực hang đá, cây thông để ngắm nhìn, chụp hình. Họ vui vẻ lịch sự trong phong cách và phục sức.

Có những ông bà lớn tuổi và trung niên là người chưa biết đến "đạo Chúa", thấy họ vui vẻ ngồi theo dõi, ngắm nhìn tháp chuông, cây thông hang đá mà lòng suy tư (niềm tin đã được thể hiện qua việc làm) hoặc điều gì đó.

Sau khi đã ổn định và sau lời khai mạc của cha xứ Simon, chương trình bắt đầu, các em thiếu nhi đã hát và múa bài "Tuyết rơi đêm Giáng Sinh". Tiếp theo có 7 tiết mục múa và hát của các bạn trẻ và của các giới. Quý soeur Hội Dòng Mẹ Nhân Ái cũng có một tiết mục. Đặc biệt, bài ca cổ cải lương "Lời ca đêm Giáng sinh" được anh Giuse Bùi Văn Ít thể hiện đã có đông đảo bà con vỗ tay cổ vũ, bởi làn điệu thích hợp với văn hóa vùng miền.

Tiếp theo là phần diễn nguyện. Sau khi thầy xứ công bố Lời Chúa và cha Simon đã chia sẻ về "Niềm vui đón mừng Thiên Chúa Giáng Trần". Theo đó, cha cho mọi người hiểu được căn nguyên sự tội và ơn Thương Xót của Thiên Chúa.

Các em thiếu nhi đã trình diễn hoạt cảnh của bài Tin Mừng đêm nay. Hình ảnh Belem năm xưa nơi Đức Maria và Thánh Giuse vất vả tủi nhục đi tìm nơi trú ngụ trong đêm đông lạnh giá đã gợi lên suy nghĩ của nhiều người trong đó có nhiều lương dân.

Thánh lễ đêm nay được chủ sự bởi cha xứ Simon Nguyễn Văn Thu. Hiệp dâng có cha Giuse Đỗ Văn Thụy, cha Antôn Lê Ngọc Tỉnh - Hội Thừa Sai Việt Nam. Tham dự Thánh lễ còn có quý soeur Hội Dòng Mẹ Nhân Ái, quý thầy dòng Phanxicô và khoảng 2.500 giáo dân.

Trong bài giảng, cha Giuse đã chia sẻ về tình thương của Thiên Chúa qua Ngôi Lời nhập thể. Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài không nỡ bỏ rơi con người khi con người phạm tội. Về phần mình, chúng ta có muốn được làm con cái Thiên Chúa hay mãi mãi chỉ là tượng đất nung, qua câu chuyện: "Tượng đất nung muốn làm người".

Mặc dù nghi thức diễn nguyện và Thánh lễ kéo dài gần 3 giờ đồng hồ trong tư thế đứng nhiều hơn ngồi, mệt, nhưng ai nấy vui mừng hân hoan vì được bình an của Đấng Giáng sinh qua phép lành cuối lễ.

Thánh lễ kết thúc lúc 23 giờ, nhiều người nhất là các bạn trẻ còn lưu lại chụp hình với Chúa Hài Đồng và với nhau.

Tôma Đỗ Lộc Sơn – Truyền thông giáo phận
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh sử Mattheo
Lm. Đa Minh Nguyễn Ngọc Long
15:59 25/12/2016
Thánh sử Mattheo ( 3)

Biểu tượng xưa nay trong Giáo Hội khắc tạc vẽ Thánh sử Mattheo là hình một người có hai cánh , tay cầm bút đang viết.

Đâu là nghĩa ẩn chứa nơi biểu tượng này diễn tả về Thánh sử Mattheo?

Thánh sử Mattheo viết Phúc âm Chúa Giêsu khởi đầu ngay từ chương thứ nhất với trình thuật về gia phả Chúa Giêsu, về nguồn gốc dòng dõi con người của Chúa Giêsu trên trần thế bắt đầu từ tổ phụ Abraham. ( Mt 1,1-17)

Thánh sử đã hệ thống cây gia phả của Chúa Giêsu theo ba giai đoạn thời gian, mỗi giai đoạn thời gian có 14 đời thế hệ:

„ Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.“ ( Mt 1,17).

Ngoài ra, chỉ có Thánh sử Mattheo viết thuật về các nhà Thiên Văn, mà chúng ta quen gọi là Ba Vua, tìm đến thờ lạy hài nhi Giêsu lúc sinh ra ở Bethlehem. ( Mt 2, 1-12).

Như thế Thánh sử Mattheo viết nhấn mạnh đến nguồn gốc dòng dõi thân thế con người của Chúa Giêsu, mặc dù Ngài căn bản Con Thiên Chúa từ trừi cao đến trong trần gian, và đã làm người.

Đức tin vào Chúa Giêsu có nguồn gốc là một con người về phương diện chủng tộc máu huyết trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Vì thế, hình biểu tượng hình người có đôi cánh và tay cầm bút được lấy đặt cho Thánh sử Mattheo viết về con người Chúa Giêsu.

Cây gia phả của Chúa Giêsu

Thánh sử Mattheo viết khởi đầu: Liber generationis Jesu Christi - Sách gia phả Đức Giêsu Kitô. ( Mt 1,1)i.

Với câu khởi đầu này, Mattheo nhắc đến mối tương quan nơi sách sáng thế ký: „ Istae generationes caeli et terae quando creatur sunt - Đó là gốc tích trời đất được sáng tạo.“ ( St 2,4).

Bằng những lời nhưmthế, Thánh sử mattheo muốn nói lên ý nghĩa mầu nhiệm của con người Chúa Giêsu.

Lịch sử dân Do Thái khởi đầu với lời đoan hứa của Thiên Chúa với tổ phụ Abraham“ Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.“ ( St 12,3).

Nơi Chúa Giêsu, lịch sử mà Thiên Chúa tạo dựng đoan hứa có một khởi đầu mới.

Như Thiên Chúa ngay từ khởi đầu đã tạo dựng trời và đất, ngàincũng tạo dựng nơi con người Chúa Giêsu ý nghĩa và mục đích của công trình tạo dựng.

Chúa Giêsu hoàn tất những gì Thiên Chúa đã đoan hứa với tổ phụ Abraham“ là chúc lành cho mọi thế hệ tương lai.“

Trong trình thuật cây gia phả Chúa Giêsu có nhắc tới bốn người phụ nữ: Tamar, Rahab, Ruth và Batseba. Các nhà chún giải Kinh Thánh căn cứ vào lịch sử ighi chép để lại cho rằng bốn người phụ nữ này là những người tội lỗi, nhưng đó không phải là ý muốn của Thánh sử Mattheo khi nhắc đến bốn người phụ này.

Với Mattheo bốn ngưpời phụ này đều là người ngoại quốc, và như thế Ông muốn nơi dòng dõi gia phả Chúa Giêsu ngay từ đầu rằng, Chúa Giêsu chấp nhận toàn thể nhân loại , dù là người ngoại giáo họ cũng được hưởng ơn cứu độ.

Bốn người phụ nữ đó chỉ hướng về người phụ nữ thứ năm là Maria, dù cây gia phả hướng đến Thánh Giuse nhiều hơn. Nhưng vai trò Maria rất quan trọng: Chúa Giêsu Kitô sinh ra làm người từ cung lòng Maria. ( Mt 1,16).

Maria là người phụ nữ thứ năm trong cây gia phả Chúa Giêsu. Qua Maria hoàn tất điều bốn người phụ trước đó ước vọng muốn nói đến.

Cây giả phả của Chúa Giêsu có những giai đoạn hay những người trong dòng họ có đời sống không tốt đẹp tích cực nói lên, Thiên Chúa không thực hiện theo khuôn thước của con người, và cũng nói lên lịch sử Chúa Giêsu Kitô chấp nhận trải qua với những cao điểm thăng trầm lên xuống, với những con đường thẳng và cả với những khúc đoạn quanh co đường vòng.

Nơi Maria công việc của Thiên Chúa đạt đến mức cao điểm: Ngay giữa thời điểm lịch sử của ơn cứu độ và sự sa ngã bất hạnh Thiên Chúa đã đặt để một khởi đầu mới. Điều này có thể cắt nghĩa được: Maria là người phụ nữ thứ năm.

Trong năm sách lề luật của Mose - Ngũ thư- cũng có nnăm người phụ nữ đứng đối diện. Con số năm là con số của nữ thần Venus, nữ thần tình yêu. Tình yêu hoàn tất lề luật. Bốn bước dẫn đưa đến sự phát triển từ thế giới thiên nhiên sang thế giới thảo mộc, thế giới loài động vật và tới con người. Bước thứ năm là bước nhảy vọt dẫn đưa đến mức thần thánh.

Nơi Maria nhân loại bước qua và hướng về Chúa, đang khi Thiên Chúa trở thành người sống giữa con người nơi trần thế.

Thánh sử Mattheo thuật lịch sử Chúa Giêsu sinh ra làm người dựa trên hình ảnh khung cảnh kinh thánh báo trước về Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là một Mose thứ hai. Chúa Giêsu đến hoàn thành điều Mose đã nói với dân Do Thái.:

„ Từ giữa anh (em), trong số các anh em của anh (em), ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh (em) hãy nghe vị ấy.“ ( Đệ nhị luật 18,15).

Thánh sử Mattheo không chỉ muốn thuật lại lịch sử, nhưng Ông còn muốn cắt nghĩa làm sáng tỏ lịch sử, bằng cách diễn tả sự sinh ra của Chúa Giêsu và những năm đầu đời của Chúa Giêsu trên nền tảng lịch sử đời Ngôn sứ Mose.

Lịch sử sinh ra của Ngôn sứ Mose trong cộng đồng Do Thái thời lưu đày nô lệ bên Aicập luôn được nói đến rộng rãi trong dân chúng xã hội Do Thái mãi cả sau này, Thánh sử Mattheo cũng đã học biết lịch sử đó. Bài tường thuật về lịch sử sự sinh ra của Chúa Giêsu cũng có nố tương tự song song.

Thời Mose sinh ra có lệnh truyền của Vua Pharao bên Ai cập truyền giết tất cả nhửng hài nhi trẻ em nam giới người Do Thái mới sinh. Việc này gây ra làn sóng lo sợ giữa người Do Thái đang bị đày đoạ sống làm nô lệ bên Ai Cập.

Lịch sử sinh ra của Chúa Giêsu bắt đầu cũng với sự sợ hãi: Giuse người chồng đính hôn của Maria phát hiện Maria đã đang có thai..

Theo luật pháp đạo đời thời lúc đó, người phụ nữ có thai ngoài hôn nhân bị lên án bị ném đá cho chết. Giuse người có đời sống công chính, không muốn bị mù lòa vô nhân đạo vì luật lệ đó. Ông có ý nghĩ làm sao nối kết sự công chính với lòng thương xót. Đây là điều quan trọng với Thánh sử Mattheo.

Nếu Giuse hoàn thành như luật dạy, chắc chắn sẽ đưa tới hậu qủa là Maria bị ném đá cho chết. Nhưng Ông không muốn bị lề luật khuất phục như thế. Trái lại Ông muốn con người được đối xử nhân đạo công bằng. Ông muốn chọn cung cách vừa công bằng chính trực vừa có lòng thương xót. Ông muốn viết cho Maria lá thư từ gĩa chia tay khỏi bị ràng buộc lời hứa với nhau nữa. Như thế vừa hợp với luật lệ, vừa công bằng với lới hứa hôn.

Ngay trong lúc con người còn đang hoang mang suy nghĩ do dự, thì Thiên Thần Chúa hiện đến với Giuse trong giấc ngủ và nói lời can thiệp vào: Giuse được cắt nghĩ cho hiểu, thai nhi trong cung lòng Maria là Con Thiên Chúa do quyền phép Chúa Thánh Thần tác động vào. Con trẻ sinh ra là đấng Cứu Thế cho toàn nhân loại.

Thiên Thần Chúa yêu cầu Giuse nhận Maria làm vợ người bạn đường, để cho con trẻ theo luật lệ Do Thái là con con trai hợp pháp của Giuse. Đây là chương trình đầy bí ẩn mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà Thiên Thần đã cho Giuse biết.

Con trẻ Giesu là lời đoan hứa về Đấng Cứu Thế được hoàn thành:“ : Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là „Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.“ ( Mt 1,23).

Thánh sử Mattheo đã viết bài tường thuật lịch sử sự sinh ra của Chúa Giêsu với nghệ thuật khéo léo, Ông liên kết sự khởi đầu và sự kết thúc lại với nhau. Điều gì khởi sự lúc sinh ra, sẽ được chứng thực trong bài diễn từ của Chúa Giêsu phục sinh lúc từ gĩa các môn đện để trở về trời:

„Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28, 20).

Mùa lễ mừng Chúa giáng sinh 2016
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Câu chuyện đầu năm : Phép lạ của tiếng cười
Trà Lũ
16:54 25/12/2016
Câu chuyện đầu năm: PHÉP LẠ CỦA TIẾNG CƯỜI

Mục đích cuộc đời này là đi tìm hạnh phúc và hưởng hạnh phúc. Biểu hiệu của hạnh phúc là tiếng cười. Tiếng cười đây là tiếng cười chân thực, hồn nhiên, thoải mái và tự phát, tiếng cười ròn rã, cười ngặt nghẽo, bò lăn bò càng, cười tít mắt, chứ không phải tiếng cười gượng hay xã giao.

Xưa nay đã có bao nhiêu bài nghiên cứu và đề cao gíá trị của tiếng cười. Nụ cười là phương tiện mở đầu cuộc giao tiếp mà ta không cần phải phiên dịch hay dùng ngôn ngữ để diễn tả. Nụ cười mang ‎ý nghĩa ta muốn nói với mọi người rằng ta hạnh phúc. Nó hoàn toàn tự phát chứ không phải do cố gắng. Nụ cười tự nhiên và thành thực được biểu lộ qua miệng và khóe mắt. Nụ cười không chỉ biểu lộ cái hạnh phúc của ta mà còn có khả năng tạo cảm giác hạnh phúc cho người. Những người có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì thường có nụ cười rạng rỡ hơn những người ly thân ly dị. Nụ cười vui tươi có tác động đến vùng bắp thịt quanh miệng và khu vực cơ vòng quanh khóe mắt, nó làm cho mắt sáng lên và long lanh. Ta thấy vui hơn không những khi cười mà cả sau khi cười.

Cha ông Việt Nam chúng ta đã nói từ ngàn xưa: Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ. Nguyệt san lâu đời và uy tín quốc tế Reader’s Digest đã gọi tiếng cười là thần dược, là thuốc tiên, Laughter is the best medicine.

Triết gia Bertrand Russel đã nói nhiều lời chí lý về tiếng cười, như ‘Tiếng cười là thần dược miễn phí nhưng vô cùng hiệu nghiệm’, hay ‘Tiếng cười không mất tiền mua mà nó mua được tất cả, nó mua được sức khoẻ cả thể xác cả tinh thần, nó mua được tình yêu, hoà khí, nó tạo được sự đoàn kết’.

Nhiều người bi quan cho rằng cuộc đời là bể khổ, nhưng ông Trời đã cho ta thuốc thánh để cứu khổ đó là tiếng cười. Mẹ Teresa Calcutta đã ý thức được việc này nên trước khi về cõi ngàn thu Mẹ đã dặn các môn sinh: Các con hãy cười nhiều hơn nữa.

Nói đến đây thì tôi nhớ tới một ông linh mục nổi tiếng ở Los Angeles hồi xưa, thập niên 2000. Đó là Cha Maurice Chase. Báo chí cho biết rằng trong nhiều năm, cứ mỗi sáng Chúa Nhật, dù mưa hay nắng, ông đều đến khu vực đông người vô gia cư. Mỗi người ông tặng một đô la và một cái vỗ vai, vừa cười ông vừa nói lời thăm hỏi. Có người bảo ông: Muốn cho tiền tại sao Cha cần phải tới trao tận tay cho họ ? Ông cha vừa cười vừa trả lời: Tôi không những cho họ 1 đồng mà tôi còn cho họ một nụ cười và một câu chúc lành. Tôi đã làm y như lời Mẹ Thánh Teresa Calcutta: Muốn an ủi người nghèo, cho tiền là một chuyện, nhưng chuyện quan trọng hơn là cười với họ và nói lời yêu thương. Bạn để ‎ý‎ quan sát mà coi, đa số chúng ta chỉ bỏ đồng bạc vào nón người homeless rồi vội vã đi ngay.

Trong Phật Giáo tôi thích nhất tượng Đức Phật Di Lặc. Miệng cười mở rộng thật lớn của Ngài đẹp vô cùng. Một lần tôi nghe giảng pháp trên TV, tôi thấy vị hòa thượng lập đi lập lại câu kệ này mà tôi rất thích, tôi đã thuộc lòng:

Nụ cười và hơi thở

Hai tác phẩm tuyệt vời

Nuôi dưỡng mầm hạnh phúc

Cho ta và cho người

Họa sĩ Picasso tuy nổi tiếng về ngành họa nhưng đã nói một câu rất hay về kinh nghiệm cuộc đời: Bạn đừng để ý tới chiều cao, sức nặng hay số tuổi vì đây là việc của y sĩ. Việc của bạn là hãy lo sao cho cuộc sống được hạnh phúc, được đầy tiếng cười.

Về mặt vật lý, cái gì xảy ra khi ta tức giận? Thưa, khi ta tức giận thì các bắp thịt ở đầu, ở mặt, ở cổ căng lên; máu từ tim chạy nhiều lên mặt nên mặt ta đỏ bừng, miệng ta ngậm lại, răng cắn vào nhau, ta thấy nghẹn ở cổ, nghẹt thở, tim ta đập thình thình. Còn khi ta cười, nhất là khi ta cười ha hả, cười giòn, thì tất cả các bắp thịt trên đây đang căng cứng đều giãn nở, miệng mở rộng, khí độc bay ra, dưỡng khí ùa vào, máu lưu thông dễ dàng, người như tỉnh lại.

Tôi cũng vừa đọc một bài nghiên cứu về tiếng cười, trong đó tôi thích nhất đoạn viết rằng tiếng cười làm đẹp da mặt, các bà các cô nhớ kỹ việc này nha. Rằng khi cười, các cơ mặt co giãn nhịp nhàng nên cười sẽ giúp làm mờ đi các vết nhăn. Khi cười, các cơ mặt vận động tăng cường lưu thông khí huyết góp phần làm tươi tắn làn da. Người có tính tình vui vẻ luôn tươi cười sẽ giữ được nét mặt trẻ lâu. Tại sao ta không chăm sóc da mặt bằng loại ‘mỹ phẩm’ thiên nhiên, miễn phí và hiệu nghiệm này?

BS William Fry của Đại Học Stanford cho biết khi cười thì các bắp thịt ở cổ, ở mặt ở đầu ở ngực ở bụng đều hoạt động đồng loạt, và nhờ vậy mà tình trạng đau nhức của cơ thể bớt đi. Riêng những người bị phong thấp, đau khớp xương, đau đầu nên cười lớn tiếng.

Trong hội nghị quốc tế về y khoa tại Montréal, Canada, tháng 6, 1997, phái đoàn Y Khoa Oakhurst ở Los Angeles đã trình bày một bài rất giá trị về hiệu quả của tiếng cười. Theo kết quả nghiên cứu của Viện thì những ai đã bị bệnh tim, đã bị đột qụy, mỗi ngày chỉ cần cười 15 phút thì bệnh tim không bao giờ tái phát nữa.

Chuyện xưa chép rằng nhà bác học và triết gia Henri Bergson vì làm việc tinh thần nhiều qúa nên hay bị choáng váng nhức đầu và ngộp thở. Ông đã đi gặp nhiều bác sĩ nhưng căn bệnh này không hề hết. Cuối cùng, may thay, ông gặp được một bác sĩ chuyên ngành, ông này đã chữa cho ông Bergson lành bệnh bằng thuốc tiên. Ông bảo ông Bergson không cần uống thuốc gì cả, ông chỉ cần tối nào cũng đến hý viện để xem các chú hề làm trò. Ông đã đi xem, đã cười rất nhiều và quả nhiên ông hết bệnh.

Đây cũng là cách chữa bệnh của ông Francois Rabelais người Pháp ở thế kỷ 15. Rabelais là một thày tu, một văn sĩ, một chuyên viên giải phẫu. Ông chủ trương dùng tiếng cười để chữa bệnh, nên trong tiếng Pháp gọi phuơng pháp chữa bệnh này là ‘ le rire rabelais. Theo Rabelais, chỉ có loài người mới biết cười, le rire est le propre de l’homme. Cười là một đặc ân Tạo Hoá tặng cho con người, chúng ta hãy xử dụng nó.

Có 2 loại cười. Loại cười chữa bệnh và mang lại hạnh phúc như trên tôi gọi là loại A, là loại kích động tự nhiên cả tâm cả xác ta. Trong tiếng VN có rất nhiều từ để chỉ loại cười hạnh phúc này, như: cười ha hả, cười bò lăn bò càng, cười chảy nước mắt, cười đau cả bụng. cười vãi đái, cười tít mắt, cười tới tận mang tai, cười đấm nhau thùm thụp, cười đập bàn đập ghế... Và loại B tức là loại cười không phát ra từ cái tâm vui vẻ, không tự nhiên, như cười gượng, cười giã lả, cười mỉa mai, cười nhạt, cười khinh bỉ… Đây là loại cười tôi không có ‎‎ý nói ở đây. Tôi ghét loại B này.

Môn thể thao phổ thông nhất hiện nay là chạy bộ. Buổi sáng ta thường gặp nhiều người chạy bộ trên đường phố hay trong các công viên. Việc chạy bộ này được gọi là external jogging, ta tập thể thao cho các cơ thể bên ngoài. Còn việc thể thao cho các cơ thể bên trong thì sao? Các nhà khoa học bảo tiếng cười chính là một loại chạy bộ bên trong, internal jogging. Khi ta cười ngặt ngẽo, ta thử để tay lên bụng mà coi, toàn bộ dạ dày, ruột non ruột già của ta như long lên sòng sọc. Đó là chúng ta đang chạy bộ bên trong, đang tập thể thao cho nội tạng. Ta có thể tập môn thể thao này bất cứ lúc nào.

Ngày xưa còn bé tôi được nhiều thày giáo dạy câu ‘ Un saint triste est un triste saint’ mà chả hiểu gì cả. Sao lại ‘một ông thánh buồn là một ông buồn thánh? Câu này khó hiểu quá. Mãi gần đây thì tôi mới hiễu trọn vẹn. Câu ấy phải dịch thế này: Một ông thánh mà mặt mũi buồn bã là một ông thánh vất đi, chả ra cái gì cả.

Người Trung Hoa có 2 câu mà tôi cho là chí lý:

- Nhất tiếu thiên địa không: Òa lên được tiếng cười thì sẽ coi trời đất như không

- Ai không biết cười thì người đó không nên mở tiệm buôn bán

Trên đây là chúng ta mới nói về những ích lợi cho xác cho hồn của mỗi cá nhân. Tiếng cười còn mang sự vui vẻ và đoàn kết đến cho tha nhân và xã hội. Hai người đang giận nhau mà tự nhiên cùng cười lên một tiếng thì coi như sự thù hằn đã hết, hai bên có thể bắt tay nhau làm hòa ngay. Cộng đồng gặp nhau rồi nhờ nghe mấy chuyện vui mà cùng phá ra cười thì sự đoàn kết tự nhiên đến, bao nhiêu sai biệt được san bằng, buổi họp đương nhiên sẽ thâu được những thành quả tích cực.

Có một câu danh tiếng mà tôi rất thích nhưng quên tên tác giả: Tiếng cười là một ngôn ngữ quốc tế, không cần phải phiên dịch. Đúng qúa chứ, phải không cơ?

Trên đây là bài diễn văn bất ngờ của ông ODP, một người bạn già rất thân của tôi.

Trong làng tôi có một bà cụ cũng trọng tuổi như cụ Chánh tiên chỉ. Chúng tôi đặt tên là Cụ B.95, vì cụ người Bắc và từ Hà Nội sang thẳng Canada này năm 1995. Cụ là một biểu tượng của các bà mẹ ngoài Bắc trước năm di cư 1954 khi xưa. Cụ sang Canada do con trai bảo lãnh. Chuyện cụ B.95 dài lắm. Những lời cụ nói bao giờ cũng đầy ắp chân tình và chất ngất yêu thương và rất Bắc Kỳ. Nghe bài diễn văn của ông ODP trên đây xong thì cụ nói ngay:

- Bữa nay bác nói về tiếng cười mà tôi thấy toàn chuyện lịch sử, toàn các câu trích dẫn, chả có chỗ nào làm tôi cười cả, tại sao vậy?

Diễn giả ODP cười xòa. Ông trả lời ngay:

- Tiếng cười là một đề tài lớn nên tôi cũng phải nói có ngành có ngọn, phải một chút lý thuyết, một chút lịch sử chứ. Cụ muốn cười ngay ư, chuyện này quá dễ. Để tôi kể chuyện về cái tên bài này nha. Ban đầu tôi định đặt tên bài ‘ Tiếng cười là thuốc trường sinh’. Khi nghe tiếng trường sinh thì mấy ông bạn già đây phản đối. Các ông lập luận thế này: Bây giờ bọn mình đã vào tuổi già, Ông Trời cho con người ai cũng có 4 cái sướng căn bản là ăn ngủ ị và ấy. Lũ già chúng mình bây giờ chỉ còn hưởng được 3 cái sướng đầu, chứ cái thứ tư thì nó biến mất từ lâu rồi. Có đúng thế không ạ. Tôi nhớ Giáo Sư quốc văn Nguyễn Quốc Hùng đã kể chuyện ngày xưa bố ông ấy được nổi tiếng về 2 câu thơ cực tả tuổi già như sau:

Trên thì móm mém nhai không vỡ

Dưới lại chun choăn nhét chẳng vào

Các bác cứ nghiệm mà xem, hai câu thơ này hay qúa và đúng sự thực quá chứ. Bây giờ bọn già mình mà trường sinh bất tử, trường sinh mà chỉ có 3 cái sướng đầu, thiếu cái sướng thứ 4, cái sướng tột điểm của đời người, thì trường sinh làm gì, sống mà trên móm mém dưới chun choăn thì trường sinh mà làm chi ! Bởi vậy đừng viết tiếng cười là thuốc trường sinh, tôi không ham trường sinh, mà chỉ nên viết tiếng cười là thần dược, là thuốc tiên chữa được bách bệnh. Nghe có lý quá, phải không các cụ?

Nhân nghe 2 câu thơ nổi tiếng cực tả tuổi già trên đây tôi chợt nhớ tới một chuyện tiếu lâm khác. Rằng có một cặp cụ già kia suốt đời sống đạo đức thánh thiện nên trong đêm kỷ niệm 50 năm thành hôn, một bà tiên hiện ra và nói: Vợ chồng các ngươi đã sống tốt lành gương mẫu, vậy ta cho các ngươi hai điều ước. Nào hai ngươi ước gì? Cụ ông nhìn cụ bà rồi nói: Con xin cho con được luôn luôn cứng rắn bền bỉ và bà già nhà con được hết khô khan nguội lạnh.

Nghe xong, cả làng tôi vỗ tay râm ran vì thấy lời xin của ông chồng già hay qúa, có lý qúa, thật là khôn ngoan và tối cần thiết. Các cụ độc giả có nghĩ như vậy không?

Cụ Bà B.95 cười to tiếng nhất, mãi mới thôi, rồi cụ xin nghe nữa. Cụ bảo trên đây là chuyện cười liên hệ tới người già, vậy không có chuyện cười liên hệ tới thanh niên hay con nít sao.

Câu này chạm tới mạch điện tếu của anh John. À, làng tôi có một ông con rể người da trắng Canada. Anh là chồng chị Ba Biên Hoà. Ngày xưa trước 1975, anh là thành viên Canada trong ủy ban giám sát đình chiến ở Việt Nam. Anh làm việc ở Biên Hoà. Ủy ban thuê một cô giáo VN giỏi anh văn làm thông dịch, anh mê cô giáo này, hai người yêu nhau và lấy nhau. Anh này yêu vợ và đã yêu luôn quê hương nhà vợ, từ thức ăn, phong tục tập quán đến ngôn ngữ VN. Anh đã học tiếng Việt và bây giờ anh nói tiếng Việt như gió.

Anh John xin kể một câu chuyện cười về con nít. Chuyện rất trong sạch và thơm tho. Rằng một ông kia có đứa con trai lên 5 tuổi. Ông này cưng con vô cùng. Ông hay dắt con đi dạo. Bữa đó hai bố con đi qua khu đèn hồng. Cậu bé thấy nhiều cô gái chạy ra níu kéo ông bố. Cậu bé liền hỏi: Các cô này mời bố mua món gì vậy? Ông bố lúng túng, nghĩ mãi mới tìm ra câu trả lời: À, các cô ấy mời bố mua món hạnh phúc. Cậu bé hỏi tiếp: Món hạnh phúc là món gì? Đến đây thì ông bố bị tắc, ông không biết trả lời đứa con như thế nào. Ông liền bảo: Lớn lên rồi con sẽ hiểu món hàng này. Chính vì câu trả lời lấp lửng này đã gây sự tò mò trong đầu cậu bé. Cậu quyết tự mình tìm hiểu. Ngày hôm sau, khi ông bố đi làm thì cậu bé đi xuống phố, đúng đoạn đường hôm qua. Cậu bé gặp một cô gái thứ nhất, cậu liền nói: Xin chị bán cho em một chút hạnh phúc. Cô gái thấy cậu bé dễ thương quá, liền dẫn vào nhà và mở tủ lạnh lấy cho cậu bé một ly kem. Cậu ăn ngon lành và hiểu đây là món hạnh phúc. Ăn xong cậu cám ơn và đi tiếp. Cậu gặp cô gái thứ hai và cũng đòi mua hạnh phúc. Cô này cùng dẫn cậu vào nhà và cũng cho ăn kem. Cậu bé sung sướng quá sức, và đi tiếp. Rồi cậu gặp cô gái thứ ba và cũng xin mua hạnh phúc, và cậu cũng được cho ăn kem. Đến đây thì qúa sức của cậu. Cậu chỉ ăn được một chút xíu, rồi vội nói lời cám ơn và chạy về nhà. Buổi tối hôm đó, trước khi đi ngủ, cậu bé nói với bố: Bố ơi, hôm nay con đã đi khu đèn hồng và đã hỏi mua hạnh phúc. Hai cô gái đầu đã làm cho con hạnh phúc vô cùng. Đến cô thứ ba thì con không còn sức lấy nữa, dù lè lưỡi ra liếm con cũng không còn sức.

Cả làng tôi bò ra cười. Quả là hay. Ai cho chuyện này là tục thì trong đầu có sạn nha. Thấy mọi người vỗ tay khen hay nên anh John đươc hứng xin nói một câu chuyện văn học. Đó là một câu đố của tạp chí uy tín và lâu đời Reader’s Digest năm xưa đố độc giả: Giữa hai chân của người đàn bà có bông hoa gì? Nhiều người nghĩ nát óc mà không ra, nhiều người cũng đã trả lời bông hoa này bông hoa kia, nhưng Báo Reader’s Digest vẫn lắc đầu. Một năm sau mới có một người đáp trúng. Câu trả lời là: Giữa hai chân người đàn bà có bông hoa tulips.

Nghe xong, mấy bà mấy cô trong làng tôi ngơ ngác: Nghĩa là làm sao ?

Các cụ có hiểu câu trả lời này không cơ? Tôi phải nghĩ mãi mới hiểu đấy các cụ ạ. Tulips nghe mài mại như two lips, nghĩa là hai môi. Quả là hay, quả là thanh lịch.

Nhân nói về việc vui cười này, tôi liền nhớ ngay tới cô đào Elizabeth Taylor nổi tiếng. Cô có 7 đời chồng. Cuối đời thì cô tuyên bố không lấy ai làm chồng nữa. Nhưng nếu cô gặp ai mà làm cho cô vui vẻ và cười nhiều thì cô sẽ sống chung, chỉ sống chung thôi, không làm lễ cưới. Các cụ còn nhớ cô đào Taylor chứ. Cô này đẹp hết sức vậy đó. Lúc bé đã đẹp, về già còn đẹp hơn, sắc đẹp chín mùi. Gần đây, cũng theo gương cô đào Taylor, cô đào trẻ đẹp Britney Spears cũng yêu thích tiếng cười. Khi báo chí hỏi tại sao cô cưới người hùng Jason Trawick thì cô trả lời: Bởi vì anh Jason luôn làm cho tôi cười, sống bên anh tôi sung sướng lắm.

Chuyện gây ra tiếng cười nhiều vô cùng. Cụ nào hay bi quan chán đời, cụ nào gia đình lục đục bất hòa, cụ nào tối ngủ không an giấc, xin hãy tìm tiếng cười. Đó là thần dược. Tạo Hóa ban cho con người 3 thứ qúy giá vô song mà ta thường không để ý: không khí, nước và tiếng cười. Theo thống kê thì em bé sơ sinh mỗi ngày mỉm cười 200 lần, khi thành người lớn thì chỉ còn mỉm cười mỗi ngày 15 lần.

Tiếng cười quả là đã làm bao nhiêu phép lạ cho ta, cho tâm hồn ta cho thân xác xác ta, cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội.

Kính chúc các cụ Năm Mới cười nhiều, nhiều hơn nữa, thuốc tiên mà.

TRÀ LŨ
 
Giáng Sinh dưới mắt thần học gia Ratzinger
Vũ Văn An
23:42 25/12/2016
Lễ Giáng Sinh cuối cùng trong tư cách giáo hoàng trị vì, tức năm 2012, Đức Bênêđíctô XVI, nhân dịp giảng Lễ Giáng Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, đã cảm kích nói đến việc “vẻ đẹp của đoạn Tin Mừng này làm tâm hồn chúng ta xúc động: một vẻ đẹp vốn chói chang sự thật. Nó luôn làm chúng ta ngạc nhiên khi Thiên Chúa tự biến mình thành một trẻ nhỏ để chúng ta có thể yêu mến Người, để chúng ta có thể dám yêu mến Người, và như một trẻ nhỏ, tự để Người cho chúng ta ôm ẵm. Như thể Thiên Chúa muốn nói rằng: Ta biết vinh quang của ta làm chúng con sợ hãi, và chúng con luôn cố gắng muốn khẳng định tư cách của chúng con trước sự cao cả của Ta. Nên giờ đây, Ta đến với chúng con như một trẻ nhỏ, để chúng con có thể tiếp nhận Ta và yêu mến Ta”.

Bốn năm sau, nhân nói chuyện với nhân viên Giáo Triều dịp Lễ Giáng Sinh 2016, Đức Phanxicô lặp lại gần như nguyên vẹn các ý tưởng trên, lồng trong một trích đoạn, không phải của vị tiền nhiệm tức khắc, mà là của Chân Phước Phaolô VI:

“Thiên Chúa có thể đến bọc trong vinh quang, huy hoàng, chói lọi và đầy quyền lực, để chúng ta sợ hãi, để chúng ta giụi mắt kinh ngạc. Nhưng thay vào đó, Người đã đến như một con người bé nhỏ nhất, mòng dòn và yếu ớt nhất. Tại sao? để không ai xấu hổ khi đến gần Người, để không ai phải sợ sệt, để mọi người có thể tới gần Người, tới sát bên Người, để không còn khoảng cách nào giữa chúng ta và Người. Thiên Chúa đưa ra cố gắng lao mình xuống, lặn sâu trong chúng ta, để mỗi người chúng ta, mỗi người trong anh chị em, có thể chuyện trò thân mật với Người, tin tưởng nơi Người, tới gần Người và hiểu rõ rằng Người nghĩ đến anh chị em và thương yêu anh chị em… Thiên Chúa quyết định trở thành một trẻ thơ tí hon vì Người muốn được yêu mến”.

Và từ luận lý học nói trên, Đức Phanxico đã nói tới việc cải tổ Giáo Triều, không theo “luận lý học thế gian, không theo não trạng quyền lực và sức mạnh, tư duy Biệt Phái và những người chỉ thấy sự việc theo định luật nhân quả hooặc định mệnh thuyết”. Mà là luận lý học khiêm nhường.

Ngày sinh của Chúa Giêsu

Cũng trong tinh thần khiêm nhường ấy, Đức Bênêđíctô XVI đã “từ bỏ” ngôi vị Giáo Hoàng của mình ngay từ năm 2007 khi cho xuất bản cuốn đầu tiên, tựa là “Jesus of Nazareth” trong bộ ba cuốn viết về Chúa Giêsu của ngài. Thực vậy, khi cho xuất bản cuốn này, Đức Bênêđíctô nói rõ: khảo luận này “không hề là một thao tác của huấn quyền” mà đúng hơn “nói lên việc bản thân [tác giả] đi tìm gương mặt của Chúa” hay nói một cách trực tiếp hơn, đây là công trình của một thần học gia, kết luận việc làm có tính khoa học của Giáo Sư Ratzinger.

Năm 2012, cuốn sau cùng của bộ ba trên được xuất bản dưới tựa đề “Jesus of Nazareth: The Infancy Narative” (Chúa Giêsu Nadarét: Trình Thuật Tuổi Thơ).

Báo Time hồi ấy, khi đưa tin về cuốn sách trên, đã cho rằng “Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tranh luận về năm sinh của Chúa Giêsu… Gợi ý cho rằng Chúa Giêsu không thực sự sinh ra vào ngày 25 tháng Mười Hai vốn được các nhà thần học, các nhà sử học và các nhà lãnh đạo tinh thần tranh luận không thôi, nhưng điều làm cho vụ này ra khác là nay nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo là người nêu ra câu hỏi này”.

Đặt tin như thế quả là cố tình lập lờ và coi thường lời nói trên đây của ngài khi cho xuất bản cuốn đầu tiên. Ngài không viết dưới danh hiệu Giáo Hoàng mà là thần học gia Ratzinger. Chính trong tư cách này, ngài cho rằng Chúa Giêsu rất có thể đã sinh ra trước niên hiệu ta vốn nghĩ. Vì lịch ta hiện dùng, tức lịch bắt đầu với ngày sinh của Chúa Giêsu, đã được lập ra bởi Dionysius Exiguus, một đan sĩ thế kỷ thứ 6. Lịch này rất có thể sai.

Trong cuốn sách trên, tác giả giải thích rằng Exiguus, người được coi như nhà sáng chế ra lịch Kitô Giáo, “đã lầm trong cách tính toán của ông đến vài năm. Ngày Chúa Giêsu thực sự sinh ra có thể trước đó một ít năm”.

Thực thế, Tin Mừng Mátthêu cho hay: Chúa Giêsu sinh ra lúc Hêrốt Đại Vương đang cai trị Giuđêa. Và vì Hêrốt chết năm thứ 4 trước Công Nguyên, nên Chúa Giêsu hẳn phải đã sinh ra trước năm theo tính toán của Exiguus.

Thực ra, đây cũng chỉ là một lập luận vì Tin Mừng Luca thì quả quyết Chúa Giêsu sinh ra lúc Quirinius làm Tổng Trấn ở Syria, năm thứ 6 Công Nguyên.

Tuy nhiên, trọng tâm của thần học gia Ratzinger không phải ở đó. Điều ngài muốn nhấn mạnh là tái xác nhận tín lý Chúa Giêsu được sinh ra cách đồng trinh, một chân lý đức tin “không thể đặt thành nghi vấn”. Theo ngài, đây là hòn đá tảng của đức tin, dấu chỉ “quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa… Nếu Thiên Chúa không có quyền năng trên vật chất, thì Người đơn thuần không phải là Thiên Chúa”.

Thần học gia Ratzinger cũng đề cập tới “vấn đề lịch sử được giải thích” (interpreted history). Theo ngài, “mục đích của các soạn giả Tin Mừng không phải là đưa ra một trình thuật thấu đáo, nhưng ghi lại những gì xem ra quan trọng đối với cộng đồng đức tin mới phát sinh… Các trình thuật tuổi thơ là lịch sử được giải thích, được cô đọng và viết xuống phù hợp với việc giải thích”.

Nhưng tác giả vẫn nhấn mạnh rằng lịch sử các ngài kể quả là “những gì thực sự đã xảy ra”. Nói cách khác, trái với mong chờ của ta trong tư cách những con người nam nữ hiện đại, các thánh sử không nhằm cung cấp cho ta một tường thuật như in (video report) cuộc sống gia đình của Chúa Giêsu hay chép lại chính xác lịch sử gia đình Người. Đấy không phải là quan tâm của những người Do Thái và Kitô hữu thời Chúa Giêsu, và do đó, không nên bắt các ngài phải theo đúng tiêu chuẩn sử học của ta ngày nay.

Nói theo kiểu nói của thần học gia Ratzinger, điều quan yếu là “mục đích yếu tính” của các ngài. Đây là kiểu nói được dùng nhiều lần trong tác phẩm mà nếu nói theo ngôn từ của trường phái Thomist, nó có nghĩa: phải nhận diện được những điều thuộc bản chất (substantial) của bản văn Thánh Kinh ngược với những điều chỉ có tính phụ thuộc (accidental).

Như Công Đồng Vativan II vốn dậy, mọi điều được các tác giả của Thánh Kinh quả quyết đều được Chúa Thánh Thần linh hứng và do dó, không sai lầm. Nhưng ta phải thận trọng biện phân bản chất chính xác của nó nếu không mốn rơi vào các chủ trương cực đoan, coi mọi điều Thánh Kinh viết đều là sự thật tuyệt đối.

Với nguyên tắc đó, tác giả kết luận như sau về các trình thuật xem ra không tương hợp với nhau bao nhiêu về gia phả Chúa Giêsu của các Tin Mừng Mátthêu và Luca:

“Cả hai tin mừng gia đều không quan tâm nhiều tới các tên cá nhân cho bằng cấu trúc biểu tượng trong đó, vị trí của Chúa Giêsu trong lịch sử được sắp đặt trước mắt ta: sự phức tạp của việc Người được đan kết với các tuyến lịch sử của lời hứa, cũng như sự bắt đầu mới vốn lên đặc điểm cho nguồn gốc của Người song song với tính liên tục của hành động Thiên Chúa trong lịch sử”.

Nhưng thần học gia Ratzinger có cái hiểu đặc biệt về chữ biểu tượng vì, như trên đã nói, ngài không hề có ý nói: các trình thuật của Tin Mừng chỉ là các biểu tượng, không hề có nội dung lịch sử.

Nhận định về gia phả của Chúa Giêsu, thần học gia Ratzinger cho rằng: tuy không dùng chữ gia phả, nhưng “tự ngôn” của Thánh Gioan là “gia phả” căn cội nhất trong các Tin Mừng, vì ngài không những tìm căn cội của Chúa Giêsu nơi Ápraham hay nơi Ađam như hai tin mừng gia kia, mà leo lên tới tận Thiên Chúa: “từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vốn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Bản chất của Thánh Kinh là thế. Một bản chất vụ thực (realist) hơn cả.

Lễ Giáng Sinh theo Joseph Ratzinger

Đó là tựa đề một bài báo của Andrea Gagliarducci viết ngày 26 tháng Mười Hai năm 2011. Theo ông, Đức Bênêđíctộ XVI luôn coi Ngày Giáng Sinh là một ngày đặc biệt. Vào ngày này, gia đình ngài thường họp mặt và Đức Ông Georg, anh trai ngài, thường từ Đức tới thẳng Vatican. Hai anh em ăn với nhau một bữa ăn Đức hết sức đặc trưng. Rồi họ cùng suy niệm về mầu nhiệm sinh hạ Thiên Chúa, thường là trước Hang Đá. Tại Phủ Giáo Hoàng, có hai Hang Đá, một là Hang Đá do chính Georg và Joseph làm hồi còn nhỏ. Đức Bênêđíctô cầu nguyện trước Hang Đá này và suy niệm. Và một phần trong bài suy niệm có thể tìm thấy trong các bài giảng lúc ngài chưa làm giáo hoàng.

Ta hãy lui về lịch sử một chút. Đó là mùa Giáng Sinh năm 2000, Năm Đại Thánh. Tờ 30 Giorni, một nguyệt san quốc tế, yêu cầu Đức Hồng Y Joseph Ratzinger viết một bài gần như xã luận nhân dịp Lễ Giáng Sinh.

Ngài viết: “Trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta trao đổi quà cáp, hân hoan với nhau và dự phần vào niềm vui được các thiên thần loan báo cho mục đồng, nhớ lại Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho như một quà tặng cho nhân loại: Con của Người, Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho nhân loại tiếp nhận món quà này. Trong câu truyện dài này, Thiên Chúa trở nên quen thuộc với việc ở với con người và con người trở nên quen thuộc với việc hiệp thông với Thiên Chúa. Câu truyện này bắt đầu với đức tin của Ápraham. Ápraham là cha của những người tin, cha của đức tin nơi người Kitô hữu, là cha của chúng ta trong đức tin”.

Đức Hồng Y Ratzinger nhân cơ hội này liên kết Giáo Hội với Israel. Vì theo ngài, đối với các Kitô hữu, Israel và Giáo Hội không thể tách rời nhau. Ngài giải thích: “ai cũng biết cuộc sinh hạ nào cũng đều khó khăn. Chắc chắn mối liên hệ giữa Giáo Hội đang xuất hiện và Israel đôi lúc có tính thù nghịch. Giáo Hội bị chính mẹ mình coi như đứa con gái thoái hóa, trong khi các Kitô hữu coi mẹ mình như đui mù, cố chấp”. Và điều này dẫn tới nhiều thái độ bài Do Thái.

Một bài giảng khác được ngài lấy hứng nhân dịp viếng Đài Thiên Văn Vatican ở Castelgandolfo năm 1994. Đây là đài thiên văn do các cha Dòng Tên điều khiển. Trong nhiều thế kỷ, các cha dòng Tên vẫn leo lên Đài Thiên Văn này để quan sát bầu trời. Nhưng ngày nay, Đài này đã trở thành gần như một viện bảo tàng. Các dụng cụ ở đó vẫn còn dùng được. Nhưng ánh đèn của Thành Phố Rôma và của cả Âu Châu nay sáng quá khiến các cha không tài nào quan sát được bầu trời nữa. Thành thử một đài thiên văn mới đã phải được xây dựng trên Núi Graham ở Tiểu Bang Arizona, Hoa Kỳ.

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đến viếng Đài Thiên Văn ở Castelgandolfo trước Lễ Giáng Sinh ít ngày. Ngài có ấn tượng sâu sắc đến nỗi đã nhắc đến nó trong bài giảng Lễ Vọng Giáng Sinh ở nhà thờ Berchtesgaden. Ngài so sánh việc quan sát bầu trời với việc tìm kiếm Thiên Chúa, việc đầu là ẩn dụ cho việc sau. Và ngài kết luận: “ánh sáng của con người, ánh sáng do ta sản xuất ra đã che khuất ánh sáng của bầu trời. Ánh sáng của ta đã che khuất các vì tinh tú của Thiên Chúa. Đây gần như một ẩn dụ: vì quá nhiều các sự vật do ta tạo ra, ta khó nhận ra các dấu vết của Công Trình Sáng Thế của Thiên Chúa, và chính Sáng Thế”.

Gấu Teddy, danh sách Giáng Sinh

Nhân dịp mừng 65 năm thụ phong linh mục của Đức Bênêđíctô XVI, một chuyến du hành qua Bavaria đã được tổ chức từ Rôma do sử gia Michael Hesemann, đồng tác giả cuốn “Em Trai Tôi, Đức Giáo Hoàng” với Georg Ratzinger, tổ chức. Nhân dịp này, các người hành hương đã khám phá nhiều điều lý thú về tuổi thơ của anh em nhà Ratzinger, nhất là những hoài niệm liên quan tới Lễ Giáng Sinh.

Lúc lên hai, Joseph đã cùng anh chị em qua bên kia phố ngắm nhìn thỏa thích các đồ trang trí Lễ Giáng Sinh bầy bán ở một cửa hàng đối diện với nhà mình. Con ngươi trong mắt cậu là con gấu teddy trưng ở cửa sổ. Ngày nào, cậu cũng tới ngắm nghía cho thỏa thích. Nhưng rồi ngay ngày trước lễ Giáng Sinh, gấu bỗng biến mất. Cậu òa lên khóc, không ai dỗ nổi. Phải đợi sau Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh, cậu mới hân hoan trở lại: thì ra gấu đã xuất hiện dưới cây thông giáng sinh của gia đình!

Đến lúc 7 tuổi, cậu viết trên một danh sách Giáng Sinh rằng: “con hứa sẽ là một người tốt”. Chắc chắn cậu giữ lời hứa này. Để tưởng thưởng, cậu đã được ba đồ vật cậu tha thiết xin: một chiếc áo để mặc chơi trò làm lễ với anh trai Georg, Sách Lễ dịch sang tiếng Đức để cậu có thể học chữ La Tinh, và mẫu ảnh Thánh Tâm.
 
VietCatholic TV
Thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi 2016 và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:24 25/12/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 11 giờ 15 ban quân nhạc và đại diện các lực lượng quân binh chủng Italia đã được xe cảnh sát dẫn đường diễn hành từ Lâu Đài Thiên Thần tiến theo dọc đại lộ Hòa Giải để vào quảng trường Thánh Phêrô dàn hàng chào danh dự trước thềm đền thờ.

Bây giờ là 12 giờ trưa, chúng tôi thấy Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô. Hai ban nhạc của Đội Ngự Lâm Quân Thụy sĩ và Cảnh sát Italia đang trình tấu Quốc thiều Vatican.

Mở đầu sứ điệp Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, Chúc mừng Giáng Sinh!

Hôm nay Giáo Hội một lần nữa trải nghiệm sự bỡ ngỡ của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse và các mục đồng tại Bêlem, khi họ chiêm ngắm Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế.

Vào ngày chan hòa ánh sáng này, lời tiên tri loan báo lại được vang lên:

“Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,

một người con đã được ban tặng cho ta.

Người gánh vác quyền bính trên vai,

danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh,

người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình.” (Is 9:5)

Quyền bính của hài nhi này, là Con Thiên Chúa và Con của Mẹ Maria, không phải là thứ quyền bính của thế gian, dựa trên sức mạnh và sự giàu có; nhưng là quyền bính của tình yêu. Đó là sức mạnh đã tạo dựng trời và đất, sức mạnh trao ban sự sống cho tất cả mọi loài thụ tạo: khoáng sản, thực vật và động vật; đó là sức mạnh thu hút người nam và người nữ đến với nhau, và làm cho họ thành một thân xác, một hữu thể duy nhất; đó là sức mạnh sinh ra sự sống mới, tha thứ lỗi lầm, hòa giải những kẻ thù, và biến đổi ác thành thiện. Đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Sức mạnh của tình yêu này dẫn Chúa Giêsu Kitô đến việc từ bỏ vinh quang của Ngài và trở thành người phàm; và rồi dẫn Ngài đến chỗ hiến mạng sống của mình trên thập giá, để sống lại từ cõi chết. Đó là sức mạnh của sự phục vụ, khai mở trong thế giới của chúng ta Nước Thiên Chúa, một vương quốc của công lý và hòa bình.

Vì lý do này, sự ra đời của Chúa Giêsu đã được đi kèm với bài hát của các thiên thần khi họ loan báo:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”(Lc 2:14).

Hôm nay thông điệp này vươn ra đến tận cùng trái đất để đến với tất cả các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc đang mang những vết sẹo của chiến tranh và xung đột gay gắt, là những dân nước xem ra đang khao khát hòa bình mãnh liệt hơn cả.

Hòa bình cho những người nam nữ ở các vùng đất bị chiến tranh tàn phá của Syria, nơi quá nhiều máu đã đổ ra. Trên tất cả là ở thành phố Aleppo, địa điểm xảy ra các trận đánh khủng khiếp nhất trong những tuần gần đây, điều cấp thiết nhất là các trợ giúp và hỗ trợ cần phải được bảo đảm đến được với người dân đang kiệt quệ, luật nhân đạo phải được tôn trọng. Đây là thời điểm mà vũ khí cần phải bị câm nín mãi mãi, và cộng đồng quốc tế phải tích cực tìm kiếm một giải pháp thương thảo, sao cho việc chung sống dân sự có thể được phục hồi ở quốc gia này.

Hòa bình cho những người nam nữ của Thánh Địa thân yêu, miền đất đã được lựa chọn và ưa chuộng bởi Thiên Chúa. Cầu xin cho Israel và Palestine có can đảm và quyết tâm viết lên một trang sử mới, trong đó lòng thù hận và ước muốn trả thù trả oán nhường bước cho ý chí cùng nhau xây dựng một tương lai của sự hiểu biết và hòa hợp.

Cầu xin cho Iraq, Libya và Yemen - nơi người dân đang phải gánh chịu chiến tranh và sự tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố - có khả năng tìm thấy sự đoàn kết và hòa hợp một lần nữa.

Hòa bình cho những người nam nữ ở các miền khác nhau của châu Phi, đặc biệt là ở Nigeria, nơi mà chủ nghĩa khủng bố cực đoan đang lợi dụng cả trẻ em để gieo rắc kinh hoàng và chết chóc.

Hòa bình cho Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo, để những chia rẽ có thể được chữa lành và tất cả mọi người thiện chí có thể phấn đấu để thực hiện con đường phát triển và chia sẻ, cũng như ưa chuộng nền văn hóa đối thoại hơn những não trạng xung đột.

Hòa bình cho những người nam nữ cho đến nay vẫn còn đang phải gánh chịu những hậu quả của cuộc xung đột ở Đông Ukraine, nơi đang có một nhu cầu cấp thiết của một mong muốn chung là xoa dịu khổ đau cho dân chúng và đưa vào thực hiện các cam kết đã được chấp nhận.

Chúng ta cầu xin sự hài hòa cho người dân Colombia thân yêu, đang tìm cách bắt tay vào một con đường mới với can đảm đối thoại và hòa giải. Xin cho một lòng can đảm như thế cũng thúc đẩy đất nước thân yêu Venezuela thực hiện các bước cần thiết để chấm dứt căng thẳng hiện nay, và cùng nhau xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn dân.

Bình an cho tất cả những ai, tại các khu vực khác nhau, đang chịu đựng những đau khổ vì những mối hiểm nguy liên tục và những bất công dai dẳng. Cầu xin cho Miến Điện củng cố nỗ lực của mình để thúc đẩy việc sống chung hòa bình, và với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sẽ cung cấp sự bảo vệ cần thiết và các hỗ trợ nhân đạo cho tất cả những ai đang rất cần đến sự bảo vệ này một cách khẩn cấp. Xin cho bán đảo Triều Tiên vượt qua được những căng thẳng đang trải qua trong một tinh thần hợp tác.

Hòa bình cho những ai đã mất đi những người thân yêu vì các hành vi tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố, và hòa bình cả cho những ai đã gieo sợ hãi và chết chóc vào con tim của rất nhiều quốc gia và thành phố.

Hòa bình - không phải thứ hòa bình chỉ trên môi miệng, nhưng là một nền hòa bình thực sự và cụ thể - cho những anh chị em của chúng ta đang bị bỏ rơi và loại trừ, cho những ai đang đói khát và cho tất cả các nạn nhân của bạo lực. Hòa bình cho những người lưu vong, những người di cư và tị nạn, cho tất cả những ai trong thời đại chúng ta đang là đối tượng của nạn buôn bán người. Hòa bình cho các dân tộc đang đau khổ vì những tham vọng kinh tế của một thiểu số, vì sự tham lam quá đáng và vì sự tôn thờ thần tiền, dẫn đến sự nô lệ. Hòa bình cho những ai chịu ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn xã hội và kinh tế, và cho những ai chịu đựng những hậu quả của các trận động đất hoặc các thảm họa thiên nhiên khác.

Bình an cho các trẻ em, vào ngày đặc biệt này khi Thiên Chúa đã trở thành một hài nhi, hòa bình trước hết cho những trẻ em bị tước đi những niềm vui của tuổi thơ vì đói khát, chiến tranh hay sự ích kỷ của người lớn.

Bình an dưới thế cho những người nam nữ thiện chí đang làm việc lặng lẽ và kiên nhẫn mỗi ngày, trong gia đình của họ và trong xã hội, để xây dựng một thế giới nhân bản và công chính hơn, một thế giới được dưỡng nuôi bởi xác tín rằng chỉ với hòa bình chúng ta mới có khả năng có được một tương lai thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến,

“Vì một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta, một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Ngài là Hoàng tử của bình an”. Chúng ta hãy đón chào Ngài!

[Sau khi ban phép lành Urbi et Orbi, Đức Thánh Cha nói thêm]

Anh chị em thân yêu, là những người tụ họp tại quảng trường này từ tất cả các miền trên thế giới, và những ai ở các quốc gia khác nhau đang liên kết với chúng tôi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, tôi gởi lời chào đến anh chị em.

Vào ngày vui mừng này, chúng ta tất cả đều được mời gọi chiêm ngắm Hài nhi Giêsu, Đấng đem lại hy vọng một lần nữa cho tất cả mọi người trên trái đất này. Nhờ ân sủng của Ngài, chúng ta hãy dùng tiếng nói và hành động của mình làm chứng cho tình đoàn kết và hòa bình. Giáng Sinh vui vẻ cho tất cả anh chị em!”