Ngày 29-12-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ðức Maria: Mẹ của Chúa Tôi
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
09:42 29/12/2009
Kính mừng, Ðấng đầy ân sủng, Chúa ở cùng Bà! Bà có phúc hơn mọi người nữ" (Luca 1:28)

Một số Kitô hữu chỉ trích Hội Thánh Công Giáo vì nâng Ðức Maria lên tước hiệu: Mẹ Thiên Chúa. Họ cho rằng tước hiệu này của Ðức Maria không được tìm thấy trong Thánh Kinh.

Có thể đúng là Thánh Kinh không dạy về tín điều Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa; tuy thế, được Chúa Thánh Thần linh hứng, bà Êlidabét đã gọi Ðức Maria là "Mẹ Chúa tôi."

Và khi bà Êlidabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì con trẻ nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlidabét được đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng, “Em có phúc hơn mọi người nữ, và phúc thay người con em đang cưu mang. Vì đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến thăm tôi? [Lc 1:41-43].

Danh hiệu chúa thường được dùng để gọi người chủ chính. Sau thời lưu đầy ở Babylon, người Do Thái quen gọi Thiên Chúa là Chúa, nhất là vì Tên Ngài, Giavê, không thể nói ra được. Hầu hết các bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước tiếng Anh dịch chữ Giavê là Chúa. Ngay cả Tự Ðiển American Heritage công nhận Chữ Lord (viết hoa) là chỉ Thiên Chúa.

Chương đầu tiên của Tin Mừng Thánh Luca thường dùng danh hiệu Chúa, thí dụ: "Giới răn và lề luật của Chúa" [Lc 1:6], "Ðền thờ của Chúa" [Lc 1:9] và "sứ thần của Chúa" [Lc 1:11]. Danh hiệu này dành riêng cho Thiên Chúa. Cho nên thật kỳ lạ nếu chữ "Chúa" trong Luca 1:43 lại là một luật trừ.

Có người lại cho rằng bà Êlidabeth dùng từ "Chúa tôi" thay vì "Chúa", vậy nó có nghĩa khác. Lý luận này yếu nhất. Bà Êlidabeth là một người Do Thái sùng đạo nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa của bà. Tác giả Thánh Vịnh gọi Thiên Chúa là "Thiên Chúa của tôi" và "Chúa tôi" như trong TV 35 (34):23.

Tin Mừng Thánh Matthêu cũng củng cố việc gọi Ðức Maria như Mẹ Thiên Chúa. Chương đầu tiên nói rằng Con của Ðức Maria được thụ thai bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần:

...vì con trẻ bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. [Mt 1:20; cũng xem 18]

Ðây nhất định không phải là một việc mang thai cách bình thường [Mt 1:23]. Trong chuơng hai, các Ðạo Sĩ đến viếc Ðức Kitô Hài Nhi:

Họ vào nhà, thấy Con Trẻ với mẹ Người là bà Maria, họ liền sấp mình thờ lạy Người. [Mt 2:11]

Các Ðạo sĩ là Dân Ngoại; tuy thế, chúng ta khó mà tin rằng Thánh Matthêu ghi lại việc họ thờ lạy Con Trẻ bằng một phương cách như thế, nếu con của Ðức Maria không phải là Thiên Chúa. Nếu Ðức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa, thì trong câu này Thánh Kinh đã cho phép thờ ngẫu tượng.

Nestôriô, thượng phụ giáo chủ Constantinople, trong năm 428 sau CN đã tuyên bố rằng Ðức Maria không thể là Mẹ Thiên Chúa, vì một tạo vật không thể mang Ðấng Tạo Hóa. Sau đó ông cũng không nhận Hài Nhi Kitô là Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không bao giờ có thể trở nên một con trẻ bất lực như thế. Khai triển lý luận sai lầm này xa hơn nữa, một người phải hỏi rằng Thiên Chúa có thực sự chịu đau khổ và đổ máu trên Thánh Giá vì tội chúng ta không? Vấn đề căn bản đối với Nestôriô là ông ta đã không hoàn toàn chấp nhậm Mầu Nhiệm Nhập Thể [Gal 4:4].

Ngay cả ngày nay cũng có những Kitô hữu cho rằng Ðức Maria chỉ là mẹ của bản tính nhân loại của Ðức Kitô. Ðiều này nghe có vẻ hợp lý cho đến khi người ta ý thức một sự thật là một người mẹ sinh ra một người chứ không sinh ra một bản tánh. Khi một người phụ nữ chỉ sinh ra bản tánh mà thôi là sanh ra môt bào thai đã chết.

Ðức Maria không phải là Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa dựng nên Mẹ nên Mẹ không có trước Thiên Chúa; tuy nhiên, như một Công Cụ Xứng Ðáng (được Thiên Chúa làm cho xứng đáng), Mẹ sinh ra một Ngôi Hằng Sống, là Ðức Chúa Giêsu Kitô. Mẹ sinh ra Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Con, một Ngôi Thiên Chúa. Ðức Chúa Giêsu Kitô chỉ là một Người chứ không phải hai; Người không là loài lưỡng thể. Như được công bố trong Tập Lêo tại Công Ðồng Chung Chalcedon (451 sau CN), Chúa Giêsu là một Ngôi Thiên Chúa với hai bản tánh: bản tánh Thiên Chúa và bản tánh nhân loại. Vì Ðức Maria là Mẹ thật của một Người, Ðức Chúa Giêsu Kitô và Ðức Chúa Giêsu Kitô lại là Thiên Chúa thật, nên Ðức Maria quả là Mẹ Thiên Chúa. Ai không chấp nhận kết luân này, thì cũng không nhận Ðức Maria thật là Mẹ của Ðức Kitô, hoặc Ðức Kitô không phải là Thiên Chúa thật.

Phải hiểu đúng rằng Thiên Chúa muốn được sinh ra bởi một người nữ (Gal 4:4), làm một Hài Nhi, chịu khổ hình và chết trên Thánh Giá. Ðối với Thiên Chúa thì không gì là không thể được, trừ tội lỗi. Đức Chúa Giêsu Kitô thật sự là "Con Thiên Chúa" (Lc 1:35; Ga 1:14,18) và "Con Ðức Maria" (Lc 2:34). Không nhận Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa là ngấm ngầm chối từ bản tính Thiên Chúa thật của Ðức Chúa Giêsu Kitô và việc Nhập Thể của Nguời: "Ngôi lời là Thiên Chúa [Ga 1:1].. . Và Ngôi Lời đã làm người, và ở cùng chúng ta" [Ga 1:14].

Dịch từ Mary: The Mother of My Lord (http://users.binary.net/polycarp/mary.html) của Catholic Response.
 
THư 1 của thánh Phêrô Tông đồ
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
10:58 29/12/2009
THƯ I CỦA THÁNH PHÊ-RÔ TÔNG ĐỒ

Thư này ít được các nhà thần học lưu tâm, vì sánh với toàn bộ Tân Ước, nó chẳng khai triển sâu xa giáo lý nào, cũng chẳng đem lại giáo huấn nào đặc sắc. Chỉ có một đoạn nói về chức tư tế và một đoạn khác nhắc đến việc Chúa Ki-tô xuống ngục tổ tông (2,3) là đáng kể. Ngoài hai đoạn đó ra, tư tưởng trong thư cũng giống như giáo lý trong các sách Tin Mừng nhất lãm, Công vụ Tông đồ và các huấn dụ đạo đức của thánh Phao-lô.

Nhưng phải chăng chính sự trùng hợp giữa thư này, và những bản văn Tân Ước khác lại có thể nói cho chúng ta biêt về giáo huấn thời các Tông đồ, và về điều cốt yếu trong đời sống Ki-tô hữu. Nhiều nhà chú giải ngày nay đồng ý như thế, nên thư này từ nhiều năm qua lại được hâm mộ và nghiên cứu.

1. Người nhận thư

Trong thư không có nhiều chỉ dẫn cho biết người nhận thư là ai. Thư đề gửi các tín hữu trong năm tỉnh thuộc Tiểu Á trong đế quốc Rô-ma mà tác giả gọi là những người được chọn, hiện là khách tha phương (2,1) Ban đầu, kiểu nói tha phương ngụ ý chỉ những người Do thái sống ở nước ngoài, khíến thoạt nhìn người ta tưởng viết cho các tín hữu gốc Do thái. Nhưng kiểu nói này được dùng để chỉ các tín hữu sống rải rác ở khắp nơi (2,11) mà đa số gốc gác là dân ngoại. Quả vậy, những ám chỉ về lối sống trước đây của họ hợp với dân ngoại hơn là Do thái (1,24-18; 4,3). Tuy nhiên, họ củng đã là những người hiểu biết Kinh thánh khá, vì trong thư có rất nhìều chỗ nói đến Cụu Ước.

Các cộng đoàn đón nhận thư này đa số đã được thiết lập khi thánh Phao-lô truyền đạo. Có thể chính thánh Phao-lô đã thiết lập, nếu không thì cũng là những ai đã cộng tác với ngài. Phát xuất từ một vài trung tâm chính, những người đó đã đi rao giảng ở các miền Tiểu Á như ông Ê-pha-ta chẳng hạn. Ông này đã đến Cô-lô-xê để rao giảng Tin Mừng (Cl 1,7).

Việc tổ chức phẩm trật ở đây chưa được hoàn bị như trong các thư mục vụ của thánh Phao-lô. Như vậy, thư này nói đến Hội thánh thời sơ khai, qua các niên trưởng (5,1-4) và gián tiếp đề cập đến các phó tế. Còn vị trí của các phần tử trong các đoàn thể này, nói chung rất là khiêm tốn.

2. Tác giả, thời gian và nơi viết thư này

Tác giả là thánh Phê-rô Tông đồ (1,1), niên trưởng và người chứng kiến các đau khổ của Đức Ki-tô (5,1). Thánh Phê-rô đã viết thư này nhờ ông Xin-va-nô (5,2). Truyền thống xác nhận thư này là của thánh Phê-rô, một trong những văn thư muộn nhất của Tân Ước, như ngài nói trong thư thứ hai (2 P 3,1). Sau đó, thánh I-rê-nê, giáo phụ Te-tu-li-a-nô và thánh Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a cũng nói như vậy.

Tuy thế, có một số nhà chuyên môn đặt nghi vấn không chắc thánh Phê-rô có phải là tác giả của thư này hay không, dựa vào những lý do sau đây:

2.1 Thư được viết bằng một thứ văn Hy-lạp khá, đến nỗi khó có thể nói đó là tác phẩm của thánh Phê-rô, một ngư phủ ở Ga-li-lê. Khó khăn này cũng không thể được giải quyết, khi bảo rằng thư đã được viết bằng tiếng A-ram, rồi một ai đó như Xin-va-nô đã đem dịch ra tiếng Hy-lạp (5,12). Nếu như thế thì tại sao mọi trích dẫn Cựu Ước đều lấy thẳng từ bản dịch Hy-lạp. Do dấy, lập luận trên không hoàn toàn đứng vững vì một đàng sử liệu cho thấy vào thời Đức Ki-tô, tiếng Hy-lạp rất thông dụng ở Pa-lét-tin, nên rất có thể thánh Phê-rô cũng biết tiếng đó. Đàng khác, thánh nhân cũng có thể nhờ ông Xin-va-nô giúp thảo ra bức thư này nên văn chương mới khá như vậy.

2.2 Ngoài ra người ta còn nại đến những chỗ giống nhau về tư tưởng trong thư này với thần học của thánh Phao-lô, như dùng hình ảnh tảng đá bị loại bỏ trong Cựu Ước (1 P 2,4-8 với Rm 9,32-33), như khuyên tín hữu vâng phục quyền bính (1 P 2,13-17 và Rm 13,1-7) như dùng công thức “trong Đức Ki-tô”. Nhưng nếu dựa vào một đoạn như Gl 2,11-14 thì khó mà nói Phê-rô đã chịu ảnh hưởng của Phao-lô.

Thực ra, những chỗ giống nhau trong thư này với các thư của thánh Phao-lô cũng dễ giải thích, vì thời các Tông dồ có một nền giáo lý chung mà cả Phê-rô lẫn Phao-lô đều sử dụng. Riêng về biến cố ở An-ti-ô-khi-a được tường thuật trong Gl 2,11-14, có thể nói rằng đó không phải là một sự xung khắc về chủ trương thần học, mà chỉ là một sự bất đồng ý kiến về cung cách xử sự trong một sự việc cụ thể mà thôi.

2.3, Người ta lại vấn nạn rằng tác giả thư này xem ra không biết trực tiếp về cuộc đời tại thế của Đức Ki-tô, như được trình bày trong các sách Tin Mừng. Tác giả chỉ nói chung chung về những đau khổ và cuộc Thương khó của Đức Giê-su và hoàn toàn không nói gì đến những điểm chính yếu trong giáo huấn của Người, như Nước Trời hay Con Người. Chẳng lẽ một người rất gần gũi Đức Giê-su như thánh Phê-rô lại không có thể diễn tả một cách khác hay sao ? Chẳng lẽ Phê-rô lại không nói đến những kinh nghiệm sống bên Thầy của mình cách đích xác hơn sao ?

Người ta có thể trả lời rằng có nhiều chỗ trong thư phảng phất những lời lẽ của Đức Giê-su như 1 Pr 1,8=Ga 20,29; 1 Pr 2,2=Mc 10,15; 1 Pr 2,12; Mt 5,16; 1 Pr, 2,23=Mt 5,39; 1Pr 3.9=Lc 6,28; 1 Pr 3,14=5,10; 1 Pr 5,3=Ga 13,15-17; 1Pr 1,4.13=Lc 12,33.35.41. Gần đây, người ta lại nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của đề tài người tôi tớ đau khổ của Đức Chúa trong bức thư này. Đó là đề tài bắt nguồn từ sách I-sai-a (52,13-53,12) Và được Tin Mừng Lu-ca 22,37, các diễn từ của Phê-rô trong Cv 3,13.26 và 1 Pr 2,21-29 nói đền rõ ràng. Tất nhiên, không nên dành cho những câu so sánh này một tầm quan trọng quá đáng, vì ngay từ đầu trong Hội thánh đã sớm có những bản sưu tập Lời Chúa. Nhưng những điều vừa nói ít nhất cũng chứng tỏ rằng vấn nạn thứ ba này không đứng vững.

2.4 Vấn nạn thứ bốn là bức thư này như muốn ám chỉ những cuộc bách hại công khai và toàn diện (4,12; 5,9). Thế mà những cuộc bách hại như thế không thể xảy ra trước thời hoàng đế Do-mi-xi-a-nô ((8i-96), tức là sau khi thánh Phê-rô đã qua đời. Nhưng ý kiến này cũng có thể phi bác được. Trước hết, bức thư này phản chiếu một tình trạng tâm lý khác hẳn với sách Khải huyền, trong đó cho thấy rõ chính quyền đang bắt đạo. Trong thư này không có như vậy. Tác giả vẫn còn khuyên tín hữu kính trọng quyền bính như trong thư Rô-ma 2,13-17 và 13,1-7, đặc biệt còn nói đến vai trò tích cực của chính quyền (2,14). Thêm vào đó, theo cha Spicq, còn có sự kiện là bức thư này không dùng các từ chuyên môn về bách hại, cũng chẳng nói đến tòa án, xét xử hay tố cáo mà chỉ dùng toàn những từ thần học như cám dỗ, thử thách hoặc đau khổ oan uổng vì sự công chính. Có lẽ tác giả chỉ muốn nhắc đến những sự làm khó dễ mà ngay từ đầu các tín hữu đã phải chịu, do những người ngoài đạo hay Do thái gây nên, thành ra có thể coi thư này đã được viết khi thánh Phê-rô còn sống.

Tóm lại, dù có các nghi vấn nêu trên, vẫn có thể công nhận thánh Phê-rô là tác giả thư này, có lẽ với sự trợ giúp của ông Xin-va-nô, người mà sách Công vụ Tông đồ gọi là Xi-lát (Cv 15,22.40; 18,5). Còn thời gian viết thư có thể là năm 64, lúc vua Nê-rô bắt đạo, tức là ít lâu trước khi thánh Phê-rô qua đời. Thư này đã được viết ở Rô-ma.

3. Thể văn và mục đích của thư

Đây là một bức thư bố cục khá duy nhất. Tư tưởng trong thư lấy từ giáo lý thông thường của Hội thánh thời sơ khai. Câu kết 5,12 xác định rõ mục đích của thư là muốn khích lệ tín hữu củng cố đức tin, giữ vững lòng nhiệt thành, không để cho chí can đảm suy sụp vì những gian truân thử thách. Để đạt mục đích này, tác giả đã dùng giáo lý họ đã được nghe khi mới vào đạo và chịu phép Rửa.

4. Nội dung bức thư

Không thể đưa ra một dàn bài chặt chẽ về bức thư, vì thư rất đặc biệt ở chỗ luôn luôn pha trộn các tư tưởng thần học vào các lời khuyến dụ đạo đức, để củng cố và biện minh cho những khuyến dụ này. Nói chung, các lời khuyến dụ thường đi trước các lời biên minh cho thần học, khác hẳn với thánh Phao-lô, trong các thư, bao giờ cũng trình bày giáo thuyết trước rồi mới khuyến dụ sau. Dù vậy, cũng có thể trình bày nội dung đại khái như sau:

4.1 Gửi lời chào

4.2 Tạ ơn, tiếp theo là suy niệm về chương trình cứu chuộc đã được mặc khải

4.3 Khuyên tín hữu gốc lương dân đoạn tuyệt hẳn với lối sống cũ (1,13-2,10) và khuyên mọi người sống thánh thiện vì chính niềm hy vọng mà Đức Ki-tô đã đem lại (1,13-21). Sau đó, nhắn nhủ đôi điều về đời sống cộng đoàn (1,22-2,3). Sở dĩ Thiên Chúa đã tuyển chọn tín hữu để làm thành đền thờ thiêng liêng có Đức Ki-tô làm nền tảng, là để họ tuyên bố các kỳ công của Đấng đã kêu gọi họ từ nơi tối tăm đi vào vùng ánh sáng (2,4-10)

4,4 Lời khuyên 2: 2,11-3,12

Trình bày tổng quát về thái độ phải có giữa lương dân (2,11-12). Bổn phận của tín hữu tùy hoàn cảnh của mỗi người: bổn phận đối với chính quyền, bổn phận đối với chủ nhân, bổn phận theo nghĩa vợ chồng (2,13-3,7). Kêu gọi tình bác ái huynh đệ (3,8-12).

4.5 Lời khuyên 3: 3,13-4,11

Khuyên cứ tin tưởng dù thế gian ghét bỏ (3,13-17). Niềm tin tưởng đó căn cứ vào việc Đức Ki-tô đã toàn thắng (3,18,22). Trong thực tế, noi gương Đức Ki-tô là phải dứt khoát vời tội lỗi (4,1-6). Phải tỉnh thức (4,7-11)

4.6 Lời khuyễn 4: 4,12-13 được đưa ra vì cuộc bách hại đã gần.

4.7 Lời khuyên 5: 5,7-11 nhắc lại nhiệm vụ của những người lãnh đạo cộng đoàn (5,1-4), khuyên ăn ở khiêm nhường và sống tỉnh thức (5,5-11)

4.8 Kết thư: 5,12-14

5. Đời sống Ki-tô hữu theo thư này

Giá trị đặc biệt của thư này thường ít người nhận thấy. Chỉ khi nào biết được hoàn cảnh đã xui khiến tác giả viết ra thư, bấy giờ người ta mới thấy rõ giá trị. Tác giả viết thư này muốn khuyên cộng đoàn nhận thư đang gặp khó khăn tư bề hãy giữ vững đức tin dựa vào niềm hy vọng họ đã được nghe loan báo. Tác giả khuyên tín hữu nhìn vào Đức Ki-tô để nhận ra sức mạnh của sự sống mới nơi Người (1,3-2,2)

5.1 Gắn bó chặt chẽ với Đức Ki-tô

Tác giả xác tín rằng độc giả của mình đã được Thiên Chúa tuyển chọn trong Đức Ki-tô Giê-su và từ đó họ đã trở nên thành phần của Người (1,2-3; 2.9). Tuy nhiên, tác giả còn muốn làm cho độc giả gắn bó chặt chẽ hơn nữa với sự nghiệp của Thầy chí thánh. Vì thế, ông nhắn nhủ họ nhớ lại hy tế của Đức Ki-tô (1,2; 1,19) và các đau khổ của Người (2,21-24), để họ noi gương bắt chước. Ông còn nhấn mạnh hơn nữa đến chiến thắng của Người, chiến thắng lan rộng khắp nơi trong vũ trụ (3,18-22). Vì thế, tín hữu phải luôn sống liên kết với Đấng đã trở thành nền tảng kiên cố của tất cả cộng đoàn (2,4-8).

5.2 Niềm hy vọng sống động

Ngay từ đầu thư (1,3.13-21), đề tài về niềm hy vọng đã chiếm một chỗ quan trọng. Tác giả xét đên đề tài này theo ba khía cạnh: nguồn gốc, đối tượng và hậu quả.

Xét về nguồn gốc, đây không phải là sản phẩm của óc tưởng tượng hay nỗ lực của loài nguời, nhưng là ơn Thiên Chúa ban không qua biến cố Phục sinh của Đức Ki-tô (1,3).

Xét về đối tượng, niềm hy vọng đưa tín hữu hướng tới Nước Trời trong tương lai, tức gia tài bất diệt đã được bảo đảm cho họ, hướng tới giai đoạn mà đức tin sẽ trở thành phúc diện kiến nhan Chúa, lúc Dân Chúa chiếm được trọn vẹn và vĩnh viễn ơn cứu độ trong Đức Giê-su Ki-tô (1,4.7.13).

Còn hậu quả của niềm hy vọng này trong đởi sống hiện tại thì người tín hũu không được lẫn lộn với thái độ hãm mình và hy sinh tiêu cực; trái lại, đó phải là động lực mang lại một thái độ mới hẳn (3,15-16).

5.3 Chứng nhân trong đời sống hàng ngày

Bức thư nhấn mạnh đến sứ mệnh của Dân Chúa trong trần gian: Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân để phụng sự Người và để làm cho mọi nơi trên mặt đất nhận biết công trình của Người. Vì thế, trong thư này, khi tác giả nói rằng các tín hữu được tuyển chọn thì đồng thời cũng nói đến chức tư tế của họ ((2,5-9; x Rm 12,1). Trước hết, họ phải thi hành sứ vụ trong Hội thánh (1,22; 2,1-5; 3,8-12; 4,7-11; 5,1-7). Các kỳ mục có trách nhiệm đặc biệt phải duy trì việc thực thi bác ái trong cộng đoàn (5,1-4). Nhưng cũng còn những trách nhiệm khác liên quan đến các vấn đề chính trị, xã hội và gia đình trong đời sống con người (2,11-3,7). Các chỉ thị đưa ra ở đây cũng giống như các luật đạo đức có thế thấy trong văn chương thời đó hay trong Do thái giáo. Nhưng các chỉ thị đó có một hướng đi và một nội dung mới hẳn vì dựa vào Chúa (2,13) và chú ý đến từng người, kể cả những ai tầm thường nhất, lại chỉ cho thấy đường lối phải theo là hy vọng, tin tưởng ở tình yêu của Thiên Chúa và nhờ việc cải hóa nội tâm mà nhận ra nghĩa vụ phải thi hành những cải cách xã hội.

Tưởng cũng nên nhắc lại là thư này không có “ác ý” đối với lương dân, trái lại còn nhắc nhở trách nhiệm của Dân Chúa đối với họ. Trong mọi hoàn cảnh, kể cả những hoàn cảnh nặng nề vất vả nhất, tín hữu vẫn phải ăn ở thế nào để nêu gương sáng cho họ (2,11-12; 3,12-17).

Kết luận

Với tín hữu ở mọi thời, thư I của thánh Phê-rô nhắc nhở cho ai nấy nhớ đến nhiệm vụ của mình, qua niềm hy vọng sống động họ đã nhận được nơi Đức Giê-su Ki-tô. Họ phải trung thành với Chúa hiển vinh và phải tích cực hoạt động để phụng thờ Người và phục vụ tha nhân.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 trg. 2965-2971)
 
Nói với lương dân về hy vọng Kitô Giáo
Thiên Dương Anh
12:44 29/12/2009
Có lẽ bạn cũng như tôi đều công nhận rằng, con người trên trần gian này sống có mục đích, có niềm hy vọng. Con người hy vọng đạt cho được điều mình nhắm tới, điều mình ước mong. Có người ước mong được phú túc giàu sang. Có người hy vọng sẽ thành đạt, danh vọng trổi trang, vợ đẹp con khôn. Người khác lại khát khao được sống lâu. Có người khát khao được sống hạnh phúc. Tuy nhiên những điều mà người ta ước mong ấy dường như không lấy gì làm bảo đảm bền vững bởi ta thấy rất rõ trong cuộc sống thường ngày. Và như thế chúng mang tính nhất thời, mau qua chóng tàn. Giàu sang ư? Danh vọng ư? Sống thọ ư? Hạnh phúc chăng?… Tất cả như vuột khỏi tầm tay con người hoặc chợt đến rồi chợt đi.

Vậy phải chăng còn có mối hy vọng lớn lao vượt quá những hy vọng trần gian kể trên? Đúng vậy, còn có mối hy vọng vượt quá những hy vọng trần gian: Hy vọng ấy dẫn con người đến hạnh phúc, sự sống trường cửu trong Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Cứu Chúa của nhân loại. Quả thế, tôi dám lấy đời mình ra để làm chứng cho niềm hy vọng vào Chúa Kitô, vào sự sống đời đời mà tôi đang sống. Tôi dám quả quyết rằng, đây chính là mối hy vọng đích thật.

Tôi đang sống mối hy vọng đích thật: mối hy vọng Kitô giáo

Tôi xin mượn lời Thánh Vịnh 26 để nói lên niềm xác tín của tôi: "Nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, chính là Chúa" (TV 26,1).

Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã yêu thương và muốn cứu độ con người. Ngài đã tự mạc khải mình ra để con người nhận biết và đáp lại tình yêu của Ngài. Thiên Chúa đã đi vào dòng lịch sử nhân loại, ngang qua dân tộc Israel, dân Ngài tuyển chọn trước tiên, để mạc khải, thi thố quyền năng và thực thi kế hoạch cứu độ nhân loại. Thiên Chúa đã thực thi trọn vẹn kế hoạch cứu độ nhân loại nơi người con dấu ái, duy nhất của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu đã nhập thể, nhập thế, đã loan báo Tin Mừng cứu độ, vì yêu thương nhân loại đã chịu khổ hình, chịu chết và phục sinh vinh hiển hầu cứu độ con người (x. Cv 4,12; 2 Cr 5,15). Hiện giờ Chúa Giêsu Phục sinh vẫn đang sống và hiện diện với con người (trong đó có tôi, có bạn), để dẫn đưa con người vào trong sự sống, sự viên mãn của Thiên Chúa. Chỉ có Ngài là Chúa và là Cứu Chúa của tôi. Chỉ có Ngài mới có thể cứu tôi khỏi thân xác hay chết này (như thánh Phaolô đã từng nói) để đưa tôi vào trong sự sống vinh quang. Công đồng Vatican II của Giáo Hội chúng tôi diễn tả rất rõ: "… Vì quá nhân từ thương xót, Thiên Chúa tự ý dựng nên chúng ta, và lại nhưng không mời gọi chúng ta tham dự sự sống và vinh hiển với Ngài… Thật vậy, Thiên Chúa muốn mời gọi mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không những chỉ từng cá nhân không liên lạc gì với nhau, mà Ngài còn liên kết họ thành một dân duy nhất, trong đó đoàn tụ mọi con cái đã tản mác khắp nơi" (Ad Gentes số 2 tr603).

Trải qua dòng lịch sử, con người không ngừng khám phá, tin tưởng và đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và lời hứa cứu độ của Ngài. Từ Abraham - được mệnh danh là cha của những kẻ tin - đến các tông đồ, các thế hệ sau đó và đến chúng tôi (trong đó có tôi) không ngừng sống và "chuyển giao di sản đức tin và niềm hy vọng" vào Thiên Chúa tình yêu, vào Chúa Giêsu Kitô. Tôi và những người tin không ngừng tuyên xưng niềm tin trong cộng đoàn Hội thánh với niềm hy vọng, phó thác, yêu mến. Thực ra, sống trọn niềm tin, niềm hy vọng không thể tự mình tôi có thể sống được, nhưng tôi luôn cậy dựa vào ơn Chúa giúp. Sách Giáo lý Công giáo có nói: "Nhân đức trông cậy là nhân đức đối thần làm cho ta ước ao Nước Trời và sự sống vĩnh cửu làm hạnh phúc của ta, tin tưởng vào những lời hứa của Chúa Kitô và không dựa vào sức mạnh của mình, nhưng dựa vào sự tự lực của ân sủng Chúa Thánh Thần" (Số 1817; x. Dt10,23; Rm 4,18; 5,5; Tt 3,6-7; 1 Tx 5,8).

Có một tác giả đã viết: "Trong cuộc sống này, tương quan đối thần của lòng cậy trông vượt quá mọi khát vọng hạnh phúc trần thế, nhưng lại lãnh nhận tất cả, niêm ấn tất cả vào một mối: Chúa Kitô là hy vọng phúc lạc độc nhất và toàn diện". Thật thế, nơi Chúa Kitô, mọi sự trở nên thành toàn, viên mãn. Chính qua cái chết và phục sinh của Chúa Kitô, Người đã lôi kéo và dẫn đưa tất cả những ai tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Người, đi vào trong sự sống dồi dào, viên mãn (x. Rm 5,5). "Ở nơi Thiên Chúa, vừa là lời Hứa, vừa là Bảo đảm. Vì yêu mến, Ngài đã hứa, và do thủy chung Ngài đã bảo đảm cho ta nơi Chúa Kitô Phục sinh". Tôi vẫn luôn xác tín điều đó và hằng hy vọng đạt được sự viên mãn, sự sống đời đời trong Chúa Kitô, cùng với cộng đoàn Hội Thánh. Và tôi có thể xác quyết rằng: "Có Chúa là có tất cả". Tôi xin được trưng dẫn những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô cũng như những quả quyết chắc chắn của thánh Phaolô và của các thánh tông đồ. Sách Công vụ Tông đồ ghi nhận: Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ duy nhất (Cv 4,12); Đức Kitô Giêsu, hy vọng của ta (1Tm 1,1); Đức Kitô, Đấng làm giá chuộc thay cho loài người (1 Tm 2,4-5); Kitô hữu biết mình có mối hy vọng vinh quang (Cl 1,27)… Và đến lượt tôi cũng thế, tôi biết mình có mối hy vọng vinh quang nơi Chúa Kitô. Thật thế, chính Thiên Chúa hằng sống đã đi vào lịch sử nhân loại, lịch sử đời tôi, vực tôi dậy khỏi những yếu đuối tội lỗi và tôi hy vọng chắc chắn rằng Người sẽ dẫn tôi vào trong cõi phúc vĩnh hằng, sự sống đời đời. Tôi tin chắc rằng, điều ấy cũng xảy ra cho tất cả những người tin, và những ai đang hướng về Người, có thể trong đó có bạn nữa.

Trải qua bao thế hệ, Chúa luôn yêu mến và thủy chung với con người. Ngài vẫn luôn yêu mến và thủy chung với tôi. Quả thế chính Chúa Kitô phục sinh là một bảo đảm chắc thực cho tôi, cho mối hy vọng của tôi.

Mối hy vọng trong "thể động":

Nhờ ơn Chúa và tin tưởng vào Ngài, cho đến nay và chắc chắn trọn đời tôi, tôi vẫn luôn sống niềm hy vọng của tôi. Tôi luôn đặt niềm tin, yêu, phó thác, cậy trông vào Chúa Kitô - Cứu Chúa của tôi. Tôi luôn ý thức sống mạnh mẽ niềm hy vọng đích thực. Tôi luôn được mời gọi và thúc bách sống liên kết mật thiết với Chúa và thiết thân, yêu mến tha nhân, chia sẻ niềm hy vọng với tha nhân để rồi cùng dắt nhau đạt cho được niềm hy vọng đích thực là sự sống viên mãn trong Chúa Kitô. "Ta đọc ra được ý nghĩa của cuộc đời mọi anh em mình. Do đó đời sống người tin sẽ làm sao cùng với anh em mình ứng đáp được lời mời gọi cứu độ của Chúa, hầu làm thành một dân trên hành trình tiến về Nhà Cha". Tôi và tất cả những ai đang nỗ lực dấn thân và phục vụ đang chứng thực điều đó.

Tôi sống mối hy vọng của tôi trong "thể động" cũng là nỗ lực sống niềm hy vọng của cộng đoàn Kitô giáo, nghĩa là sống đời chứng tá, niềm vui, khiêm tốn, nhẫn nại, hy sinh, trung tín, thủy chung, cầu nguyện, trung thành sống thánh ý Thiên Chúa. Bởi lẽ “con đường của mối hy vọng phần phúc đời đời cũng là con đường cầu nguyện". "Chính sự cầu nguyện, người ta vững chắc sẽ được điều người ta hy vọng”. Thật vậy, tôi vẫn luôn hy vọng, sống niềm hy vọng bằng chính đời sống cầu nguyện. Chính nhờ cầu nguyện, tôi càng vững tâm, càng tin tưởng, càng yêu mến. Tôi luôn nỗ lực cố gắng mỗi ngày để mến Chúa và yêu người, hầu sống chứng tá cho niềm hy vọng mà tôi đã được thừa hưởng và lãnh nhận.

Nói đến đây, tôi nhớ đến lời của thánh Phêrô nhắc nhở: "Anh em hãy sẵn sàng làm chứng về mối hy vọng anh em có nơi mình anh em" (1 Pr 3,15). Thật thế, lời của thánh Phêrô như là lời động viên, khích lệ tôi sống trọn vẹn niềm hy vọng và tích cực làm chứng về niềm hy vọng ấy. Có lẽ hiện nay, bạn cũng thấy tôi đang làm chứng, sống triệt để hơn cho niềm hy vọng bằng chính đời sống hiến dâng trong đời sống tu trì. Bởi lẽ tôi luôn đặt niềm hy vọng của tôi trên căn cứ đích thật là chính Chúa Giêsu Kitô, nguồn sống và ơn cứu độ của tôi. Tôi xin mạnh mẽ nói như Công đồng Vatican II rằng: "Được mạnh mẽ nhờ niềm hy vọng, người tín hữu (tôi) tiến lên đón nhận ngày sống lại" (x. MV 22).

Thời của cứu rỗi:

Ai hy vọng đến cùng sẽ được cứu rỗi (x. Mt 10,22b), được "an nghỉ trong Chúa" (thánh Augustin). Lời Chúa luôn thúc bách, mời gọi tôi (và cả bạn nữa) sống trọn vẹn cho Thiên Chúa, dường như không thể chậm trễ, chần chừ. Nếu không, tôi và bạn sẽ bỏ lỡ và có thể nói là mất luôn ơn cứu rỗi và được sống viên mãn trong Chúa Kitô. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến và tôi cũng như bạn hãy mở lòng ra đón Người. Đây không phải là một lời khuyến thiện đạo đức, nhưng là lời chân thành liên quan đến cả vận mệnh hư đi mất hay sống tròn đầy trong Thiên Chúa, của tôi cũng như của bạn.

Tôi, bạn và mọi người đang sống trên trần gian này, đang cùng đồng hành trên cuộc hành trình lữ thứ. Chúng ta đang tiến lên trên hành trình ấy. Chúng ta sẽ tiến đến cái đích cuối cùng là Thiên Chúa, là Đức Kitô hằng sống, Đấng đem lại hạnh phúc đời đời cho con người (trong đó có tôi và bạn). Có thể đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra được một thứ ánh sáng và ơn thúc đẩy từ bên trong, để rồi đón nhận ơn đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo, thì đó quả là một mối phúc cho bạn và là niềm vui cho tôi, cho cộng đoàn Hội Thánh và cho Thiên Chúa. Hy vọng chúng ta được viên mãn trong Thiên Chúa. Quả thế, tôi vẫn luôn xác tín Chúa Kitô là nguồn sống và là mối hy vọng độc nhất của tôi. Tôi được mời gọi để nhận Người làm Cứu Chúa của tôi. Để có được Chúa, để đạt được cùng đích của niềm hy vọng, tôi phải có lòng tin, yêu phó thác, cậy trông và không ngừng sống toàn diện con người cách trọn vẹn trong sự liên kết với Chúa và yêu mến tha nhân. Vì vậy, tôi không ngừng sống niềm hy vọng của tôi. Sau đây, tôi xin mượn lời của Công đồng Vatican II để nói lên xác quyết và niềm hy vọng của mình và để kết thúc chia sẻ này: "Tôi tin rằng, đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Đức Kitô, là Chúa và là Thầy của tôi… nền tảng cuối cùng, ơn cứu độ viên mãn là chính Chúa Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi (x. Gaudium et Spes số 10 tr739)./.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:23 29/12/2009
GIÀU CÓ GẶP ĂN MÀY

N2T


Một người ăn mày đứng trước văn phòng của một phú thương, thành khẩn xin bố thí chút ít.

Phú thương kêu thư ký đến, nói: "Nhìn thấy người tội nghiệp ấy không, đôi giày của hắn ta đã há miệng rách nát, mấy ngón chân đều lòi cả ra ngoài, áo khoác và quần đều lôi thôi nhếch nhác không ra thứ gì cả. Tôi dám chắc là hắn ta mấy ngày nay không cạo râu, không tắm rửa, không ăn được bữa cơm cho ra hồn, vừa nhìn thấy dáng tội nghiệp của anh ta, tôi thật rất buồn, cho nên anh mau ra đuổi nó đi gấp gấp !"

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Người phú thương phân tích rất rõ ràng cái thiếu thốn của người nghèo, nhưng rồi sai người ra đuổi họ đi gấp, thì đúng là ông ta tàn nhẫn hơn cả thú vật, bởi vì thú vật vẫn còn chút lưu luyến với đồng loại khi đồng loại sắp chết, còn ông ta thì đem người nghèo khổ ra phân tích để khinh bỉ.

Người giàu có trên đây biết phân biệt thế nào là người nghèo, ông ta phân biệt người nghèo thì khác với ông: giày dép cũ mèm, áo quần lếch lếch, râu tóc không cạo, ăn không đủ no.v.v...thế nhưng người giàu không phân biệt được tâm hồn của những ngưởi nghèo thì như thế nào, bởi vì người giàu có này chưa bao giờ đem tâm hồn của mình ra soi gương để coi nó có đẹp hơn những người nghèo không, hoặc đem tâm hồn của mình lên bàn cân công lý của lương tâm để cân coi trọng lượng làm việc thiện, làm việc bác ái của mình được bao nhiêu, có nặng hơn của người nghèo không ?!

Không ai giàu ba họ và cũng không ai khó ba đời, hôm nay giàu có thì hãy nhớ đến ngày mai mình sẽ không được như hôm nay, cho nên bằng cách làm việc bác ái từ thiện, bởi vì khi cho đi là lúc nhận lại.

Tiền bạc vật chất quyền thế danh vọng mà hôm nay chúng ta có chính là Thiên Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta thay mặt Ngài giúp đỡ cho những anh chị em nghèo khổ bất hạnh chung quanh mình.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:24 29/12/2009
N2T


13. Khi dầu (lửa) hòa lẫn với các dung dịch khác thì thường nằm ở trên mặt, cũng vậy trên tất cả mọi hành động của chúng ta cũng phải thêm sự hiền lành trên mặt, như dầu nằm ở mặt trên khi hỗn hợp với các dung dịch khác vậy.

(Thánh Francis de Sales)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:30 29/12/2009
N2T


329. Cuộc sống chính là suy nghĩ.

 
Chuyện Peter, Michelle, Andy: Giao Thừa! Count Down!
Nguyễn Trung Tây, SVD
18:45 29/12/2009
Chuyện Peter, Michelle, Andy: Giao Thừa! Count Down!
Bước vào Năm Mới, Ảnh NTT


Peter, Michelle, Andy, ba anh em. Michelle và Andy sinh ra và lớn lên bên Mỹ. Michelle tham gia ca đoàn giáo xứ...

Andy đề nghị,

— Sư tỷ, năm nay đón Giao Thừa, mình chơi binh 25 cents đi.

Michelle lắc đầu,

— Tao không rành binh xập xám. Thôi, tụi mình chơi xì dách đi. Xì dách 21 dễ chơi.

Andy nói nhảm,

— Số you xui, chơi chi cũng xui!

Michelle ký đầu Andy một cái cốp,

— Mi cà chớn! Chưa chơi đã trù ẻo.

Andy nổi nóng,

— Heh, bà đừng có ỷ làm chị rồi ăn hiếp tui đó nghen.

Michelle phá ra cười,

— Thôi! Tao lạy mi. Ăn thôi, không có cái vụ kia đâu. Bơ sữa như mi, to như con trâu cui như thế kia, ai mà dám…

Andy ngơ ngác,

— Nghĩa là làm sao, tui không hiểu.

Michelle cự nự,

— Mi lười học tiếng Việt. Tiếng Việt dở òm…

Peter chen vào,

— Hey Michelle, chơi lôtô hay nhất. Chơi lôtô, ai cũng chơi được. Chơi lôtô hay hơn.

Michelle khua tay,

— Chơi chi cũng được. Xui cũng không sao! Cứ chơi đi để tui có dịp sả xui. Hy vọng sau khi count down, sang năm mới, tui làm ăn khá hơn...

Peter vỗ tay vào trán,

Yeah! You’re right! Lúc count down, mình đếm 10 xui, 9 xui, rồi 8 xui, 7 xui, sau cùng là 0 xui. Như vậy sang năm mới, không còn xui nữa.

Suy Niệm

Cuối năm, trước ngưỡng cửa năm mới, vào giây phút Giao Thừa, tôi count down mười con số...

10 lần tôi đã vấp ngã trên con đường hành hương, bởi đã từng cúi xuống nhặt đá ném vu vơ.

9 lần tôi sống không trọn vẹn với lời khấn linh mục, tu sĩ.

8 lần tôi nhắm mắt làm ngơ trong khi người thân đang cần một bàn tay nâng đỡ…

Cứ thế tôi đếm xuống, count down...

Khi âm vang con số 0 bật ra nơi cửa miệng, khi đó, người người cùng nhau hân hoan chào mừng năm mới, trong tà áo đức tin mới tinh chưa hoen ố bụi trần đầu năm dương lịch.

Vào giây phút pháo bông bắn cháy rực sáng bến cảng Sydney, thánh đô Roma, thủ đô Paris, và phố cảng New York, mời bạn khu sâm-banh, uống chúc mừng nhau, “Happy New Year”, bởi 365 ngày mới tinh khôi lại vừa được Thiên Chúa ân cần gửi tặng trao ban trần gian.

www.nguyentrungtay.com
 
Thẩm định về việc nói/cầu nguyện bằng ''tiếng lạ'' trong phong trào Canh Tân Thánh Linh.
LM. Trần Bình Trọng
23:11 29/12/2009
THẨM ĐỊNH VỀ VIỆC NÓI/CẦU NGUYỆN BẰNG ‘TIẾNG LẠ’ TRONG PHONG TRÀO CANH TÂN THÁNH LINH

Vào thời các thánh Tông đồ, có những người nói tiếng lạ nghĩa là nói những ngôn ngữ khác nhau như Chúa Giêsu đã báo trước (Mc 16:17). Lời tiên báo đã được thực hiện trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ được ơn nói ‘tiếng lạ’, nghĩa là tiếng ngoại quốc (Cv 2:1- 4) mà những người nghe thuộc những ngôn ngữ khác nhau hiểu được (Cv 2: 6, 9-11). Những đặc sủng Thiên Chúa ban, gồm đặc sủng nói tiếng lạ mà thánh Phaolô nói được nhiều tiếng lạ hơn tất cả (Cv 10:46; 19:6; 1Cr 14:2-19) là để mưu cầu lợi ích chung (1 Cr 12:7) và nhắm đến sự hiệp nhất (1 Cr 14:26). Thánh Phaolô bảo người cầu nguyện bằng tiếng lạ - mà không hiểu - thì chỉ có lòng cầu nguyện, nhưng trí không thu được kết quả (c. 14) và người khác cũng không cùng cầu nguyện được (c. 16). Thánh Phaolô còn bảo người nói tiếng lạ mà không hiểu, và cũng không có người cắt nghĩa tiếng lạ, thì không nói được với người khác vì không ai hiểu, nhưng chỉ nói với Thiên Chúa (c. 2). Vậy nếu trong nhóm cầu nguyện có người cầu nguyện bằng tiếng lạ mà không hiểu và không có người khác được đặc sủng giải thích tiếng lạ, thì thánh Phaolô bảo người cầu nguyện bằng tiếng lạ phải xin cho được ơn giải thích (1Cr 14: 13).

Vào những thời điểm khác nhau của dòng lịch sử Giáo hội, Thiên Chúa dùng những cá nhân hay nhóm người: giáo sĩ hoặc giáo dân để phát động những đường lối sống đạo khác nhau, hầu giúp đổi mới đức tin của người tín hữu. Phong trào Canh tân Thánh linh Công giáo phát động từ Đại học Công giáo Duquesne, Hoa Kì vào năm 1967, nhấn mạnh đến việc canh tân cầu nguyện, xin ơn Chúa Thánh thần tác động tâm hồn và đời sống. Nhóm người trong Đại học cảm thấy xuống tinh thần khi chứng kiến việc thực hành đức tin của sinh viên trong Đại học, cũng như của toàn thể Giáo hội xuống dốc. Họ tụ họp nhau lại cầu nguyện thường xuyên. Rồi họ xin cầu nguyện chung với nhóm Tin Lành Pentecostal tại Pittsburgh, Pennsylvania như Công Đồng Vatican II khuyến khích người Công giáo học hỏi về tác động của ơn Thánh thần từ những giáo phái Tin lành. Từ đó trong giờ cầu nguyện thấy có những người trong Phong trào Canh tân Thánh linh Công giáo được đặc sủng cầu nguyện bằng ‘tiếng lạ’.

Trong tiến trình ước muốn cầu nguyện bằng tiếng lạ của mỗi cá nhân, lúc đầu có những người chỉ lặp đi lặp lại được vài lời bằng ‘tiếng lạ’ mà họ có thể hiểu hay không hiểu được như thánh Phaolô nói (1 Cr 14:14). Với thời gian, đặc sủng cầu nguyện bằng tiếng lạ của một số người tăng dần. Sau thời gian lắng nghe, nghiên cứu và tìm hiểu bởi những người hiện diện trong nhóm cũng như ngoại cuộc, người ta chứng minh được đó là tiếng ngoại quốc hiện đại hay cổ xưa. Những người ngoại cuộc - gồm cả linh mục và giáo dân - muốn nhạo báng, thì cho là họ nói ‘ú ớ’. Người khác hùa theo, thêm ‘ú a’ vào, phụ họa thành điệu hợp ca hai bè: ‘ú a, ú ớ’. Người bị nhạo báng nghe như vậy cũng tức mà cười.

Tuy nhiên thánh Phaolô bảo: Đừng dập tắt Thần khí (1 Tx 5:19). Đàng khác thánh Phaolô cũng bảo: Hãy cân nhắc mọi sự (1 Tx 5:21) và phải xin cho được ơn phân định thần khí (1 Cr 12:10; 14:29). Còn thánh Gioan thì bảo: Đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí, xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian (1Ga 4:1). Suy luận theo Thánh Gioan, thì khi người ta thấy một hiện tượng lạ, đó có thể là do Thiên Chúa, do ảo thuật, do khoa học làm ra, hay do ma quỉ bầy đặt. Hiện tượng lạ cũng có thể là do ảo ảnh, ảo giác, ảo tưởng hay do trí tưởng tượng của loài người.

Khi mới tham gia Phong trào Thánh linh Công giáo, có những người có khuynh hướng Tin Lành hoá, nghĩa là coi nhẹ việc đạo đức truyền thống công giáo như việc sùng kính Mẹ Maria và các thánh. Do đó Phong Trào Thánh linh Công giáo tại Hoa Kì ban đầu bị hiểu lầm và nghi kị. Tuy nhiên càng ở lâu trong Phong trào với ước muốn canh tân đời sống đức tin và tìm kiếm sự thật để trở về nguồn, công giáo tính của thành viên Phong trào càng được tăng triển. Những nhóm dấn thân thực sự của Phong Trào canh tân nhấn mạnh việc cầu nguyện với lòng sám hối, bầy tỏ lòng tôn sùng Bí tích Thánh Thể và lòng sùng kính Mẹ Maria cách đặc biệt. Họ còn tuân phục quyền bính giáo huấn chính thức của Giáo hoàng. Và do đó Phong Trào được sự ủng hộ của Đức Thánh Cha và nhiều vị trong hàng Giáo phẩm và giáo sĩ.

Vào tháng 10, 1984, một tuần tĩnh tâm dành cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ do Phong trào Thánh linh Công giáo thế giới tổ chức - ảnh hưởng nhiều bởi Phong trào Thánh Linh Công giáo Hoa kì - tại Hội trường Phaolô VI trong toà thánh Vatican với khoảng 6000 (sáu ngàn) linh mục – trong số này có bảy linh mục Việt Nam: ba vị tại Ý, ba từ Hoa Kì, và một từ Pháp) và 80 (tám mươi) giám mục từ 101 (một trăm lẻ một) quốc gia đã có kinh nghiệm hay chưa có kinh nghiệm trong Phong trào Thánh linh đến tham dự. Chủ đề của tuần tĩnh tâm là: lời kêu gọi nên thánh. Ban giảng phòng gồm Hồng y Suenens người Bỉ, Giám mục Jaramilla người Colombia, Giám mục D’Sousa người Ấn độ, Linh mục Cantalamessa người Ý với giọng nói thao thao bất tuyệt, líu lo như chim hót, Linh mục Adlay người Mễ Tây Cơ, Linh mục Tom Forest, người Hoa kì, Linh mục Tardif người Gia Nã Đại, mẹ Têrêsa cũng được mời chia sẻ một bài. Những vị giảng lễ gồm Hồng y Oddi người Ý, Hồng Y Gantin người Benin, Giám mục Dias người Ấn độ. Mỗi bài thuyết giảng được dịch ra năm thứ tiếng do những chuyên viên dịch tại chỗ: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Ai muốn nghe tiếng nước nào thì gắn máy nghe tiếng đó vào.

Chương trình tĩnh tâm được xếp sát nút từ 9 giờ sáng tới 7:30 tối, ngoại trừ một giờ rưỡi ăn trưa và nghỉ trưa. Ai nấy mang hộp đồ ăn được phát sẵn tự tìm chỗ nào đó ngồi ăn mà chim câu cứ bâu lại rình ăn chung quanh quảng trường Thánh Phaolô. Có vị tìm chỗ dựa lưng hay gục đầu mà ngủ. Giữa những giờ thuyết trình, đoàn tĩnh tâm cầu nguyện, suy niệm, sám hối, ca hát, chúc tụng bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, bằng cả tiếng lạ. Hội nhập với khối giáo sỉ phẩm đông đảo này, người ta thấy quên đi những nét đặc thù của mình, không còn thấy mình là trung tâm vũ trụ. Trái lại người ta có cái nhìn phổ quát hơn về Giáo hội. Mỗi ngày đều có giờ thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô. Trước Thánh thể Chúa ngự, đoàn tham dự viên bày tỏ lòng mình với Chúa trong thinh lặng hay lớn tiếng bằng tâm tình sám hối, lời cầu nguyện, thờ phượng và ca tụng Thiên Chúa bằng tiếng La tinh nếu có tập cầu nguyện in sẵn, hoặc bằng những ngôn ngữ riêng, bằng cả tiếng lạ, bằng những cử chỉ đạo đức như giang tay, quì gối, sấp mình thờ lạy mà không sợ người bên cạnh cho là kì quặc và lập dị.

Trong những lúc giải lao, có những linh mục xưng tội và giải tội lẫn cho nhau. Người ta cũng chứng kiến việc hoà giải cộng đồng. Hai nhóm linh mục Anh Cát Lợi và Á Căn Đình làm hoà với nhau về chiến tranh xung đột giữa hai quốc gia của họ tại hải đảo Falkland xẩy ra năm trước đó, ngoài khơi Á Căn Đình. Lại có ông bà kia người Hoà Lan đã giúp tài trợ vé máy bay cho những linh mục thuộc những quốc gia ‘đệ tam’ nghèo túng sang dự tuần tĩnh tâm này. Trước kia ông bà này thường phê bình chỉ trích Giáo hội cách khắt khe. Cuối tuần tĩnh tâm, hai ông bà bay sang Toà Thánh La mã để xin được Đức Thánh Cha và đoàn giáo-sĩ-phẩm dự tuần tĩnh tâm tha thứ.

Vào ngày cuối tuần tĩnh tâm, đoàn tham dự viên dâng thánh lễ đồng tế với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Đền thờ thánh Phêrô bằng tiếng La tinh và lập lại lời hứa xin vâng ‘volo’ khi thụ phong linh mục vang dội khắp Đền thờ Thánh Phêrô. Hàng giáo-phẩm-sĩ tham dự viên còn kí vào thư ngỏ gửi lên Đức Thánh Cha, bầy tỏ lòng biết ơn Ngài đã cho xử dụng Hội trường Phaolô VI trong suốt thời gian tĩnh tâm và bầy tỏ ý muốn quyết tâm đáp lại tiếng gọi nên thánh, sống đời dâng hiến.

Nếu cứ dùng lí trí mà phân tích lời cầu nguyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình xem có đúng văn phạm hoặc có hợp lí không, thì đặc sủng cầu nguyện bằng tiếng lạ khó có thể tác dụng tâm trí được, cho tới khi người ta ‘nhượng bộ’ cho tiếng lạ. Vì thế có những trường hợp, lời cầu nguyện bằng tiếng lạ không liên kết với một ngôn ngữ nào. Nếu coi tiếng chim kêu vượn hót là cách thế mà những con vật này làm theo bản năng để ca tụng Đấng tạo thành chúng, thì người cầu nguyện bằng tiếng lạ cũng là cách thế để lòng họ ca tụng Thiên Chúa mặc dầu trí họ không hiểu, nhưng có nhắm mục đích để ca tụng (1Cr 14:14). Có những người với khoa nói kém, nghĩa là nói khó ra lời, mà trong lúc cầu nguyện lớn tiếng với nhóm, ước muốn ca tụng Thiên Chúa, mà không biết diễn tả thế nào bằng tiếng mẹ đẻ của mình để ca tụng; hoặc có những người khác cảm thấy ngôn ngữ mẹ đẻ giới hạn, không đủ để diễn tả cách mau lẹ và liên tục trong việc ca tụng Chúa, thì ước muốn có đặc sủng cầu nguyện bằng tiếng lạ để ca tụng Thiên Chúa, được tăng cường độ với thời gian. Những người này lúc đầu nên ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa bằng cách lặp đi lặp vài lời chúc tụng vắn tắt nào đó.

Lập đi lặp lại một lời chúc tụng nào đó, còn có tác dụng tâm lí là khi lặp đi lặp lại mãi rồi người ta cũng cảm, cũng tin, dựa theo phương pháp ‘tự kỉ ám thị’. Và khi người ta không có đủ từ ngữ để cầu nguyện và diễn tả tâm tình của mình với Đấng tối cao, thì người ta cần lặp đi lặp lại kinh nguyện có sẵn. Phải nói rằng trước đây người công giáo tại một số Giáo phận Miền duyên Hải Bắc Việt đọc Kinh Cầu Chữ bằng Hán Việt mà câu đầu đọc là: Thiên Chúa Căng Lân Thần Đẳng’ hay Kinh ‘Phục Rĩ’, còn gọi là Vãn Cầu Hồn, viết bằng chữ Nôm. Câu đầu của kinh này đọc là ‘Chí tôn chân Chúa Cửu trùng cao ngự chi thiên’ mà linh mục Vũ Đình Trác cho rằng do một hoà thượng Phật giáo trở lại Công giáo mang tên là thầy giảng Phanxicô sáng tác (1), cũng chỉ hiểu lõm bõm vậy. Còn dự dễ hay hát lễ bằng tiếng La tinh như kinh ‘Gloria’ (Vinh Danh) hay kinh ‘Credo’ (Tin Kính), đa số người công giáo cũng chỉ hiểu ‘qua loa rơ măng’. Tuy nhiên người công giáo biết đó là lời cầu nguyện và thờ phượng. Có những người Phật giáo cũng đã dùng phương pháp lặp đi lặp lại khi họ tụng niệm kinh như: ‘Na mô A Di đà Phật’ bằng tiếng Phạn, được dịch ra Hán Việt, mặc dù nhiều người đọc chỉ hiểu sơ qua vậy thôi.

Ngay cả những linh mục dâng lễ bằng tiếng La tinh trước Công Đồng Vaticanô II cũng chỉ hiểu một cách giới hạn. Những linh mục có khiếu về ngoại ngữ và thực tập nhiều thì hiểu nhiều hơn. Nói như vậy có thể chạm đến tự ái của những linh mục thời tiền Công Đồng Vaticanô II hay chịu chức vào giai đoàn giao thời. Thực tế mà nói là như vậy. Trong tiểu chủng viện thời tiền Công Đồng Vaticanô II, chủng sinh phải học tiếng La tinh và văn phạm La ngữ, gồm cả mẹo ‘gầm sàn’ (tiểu chú cuối trang) trong bảy năm. Tuy nhiên La tinh là cổ ngữ không còn quốc gia nào dùng trong đời sống hằng ngày. Cách chia động từ trong ngôn ngữ La tinh lại rất phức tạp, có khi chia động từ, từ thì nọ qua thì kia, từ ngữ biến đổi hoàn toàn. Nếu có từ điển La tinh tốt và sách văn phạm La ngữ để ngồi xuống mà dịch ra, thì những linh mục thời tiền Công Đồng Vaticanô II chắc được điểm cao đấy.

Điều cần ghi nhận ở đây là Công Đồng Vaticanô II không công bố một sắc lệnh nào đình chỉ lễ Tridentinô bằng tiếng La tinh. Nhóm người theo tổng Giám mục Marcel Lefèbre, lập Hiệp Hội Piô X, đặt đại bản doanh tại Thụy Sĩ, bị cắt đứt mối thông hiệp với Toà Thánh Vatican chỉ vì chống lại những cải cách của Công Đồng Vaticanô II, chứ không phải vì chủ trương làm lễ Tridentinô bằng tiếng La tinh. Có những nhóm đã tách khỏi sự kiểm soát của Hiệp Hội Hội Piô X, xin trở lại thông hiệp với Toà Thánh La mã. Hơn bốn mươi năm sau, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI lại thu hồi lại quyết định rút phép thông công bốn giám mục đã được tổng Giám Mục Lefèbre tấn phong trái phép với hi vọng mở đường cho Hiệp Hội Piô X tại Thụy Sĩ trở về với Giáo Hội mẹ và còn cho phép những linh mục nào vẫn thông hiệp với Toà Thánh, mà muốn dâng lễ Tridentinô bằng tiếng La tinh, thì được làm như ý. Trong khi những linh mục tiền Công Đồng Vaticanô, hoặc chịu chức vào giai đoạn giao thời lại không muốn trở về với lễ Tridentinô, mà một số linh mục mới chịu chức ở Âu Mĩ, vì những lí do như tâm lí, lại thích dâng lễ Tridentinô bằng tiếng La tinh. Và như vậy thì những linh mục này lại càng ít hiểu vì không được học tiếng La tinh trong bảy năm tại tiểu chủng viện.

Trở về đề tài nói/cầu nguyện bằng tiếng lạ, thì để áp dụng thực hành, người được đặc sủng nói/cầu nguyện bằng tiếng lạ phải tỏ thái độ và hành sử thế nào? Nói chung họ cần nhận thức rằng chức năng của đặc sủng là để xây dựng cộng đoàn (1Cr 14:26) và vì thế cần dè dặt trong việc sử dụng đặc sủng. Nếu những người hiện diện không ai hiểu, mặc dù cả nhóm nói cùng một ngôn ngữ, thì họ chỉ nên cầu nguyện bằng tiếng lạ cách âm thầm, để người khác khỏi hoang mang khi nghe người đó cầu nguyện bằng tiếng lạ. Còn nếu không có ai hiện diện xung quanh, thì mới nên cầu nguyện to tiếng bằng tiếng lạ mà thôi. Riêng trong nhóm cầu nguyện Thánh linh, người ta có thể cầu nguyện lớn tiếng bằng tiếng lạ, mặc dù có những người không hiểu, vì cả nhóm ý thức được rằng có những người trong nhóm cầu nguyện bằng những ngôn ngữ khác nhau, gồm cả tiếng lạ. Những người nói tiếng lạ cần nhận thức rằng đặc sủng cầu nguyện bằng tiếng lạ chỉ là một phần nhỏ trong tiến trình canh tân cầu nguyện và không nhất thiết phải gắn liền với đời sống canh tân cầu nguyện. Cũng cần nhận thức rằng mỗi đặc sủng thì có thứ bậc (1Cr 12:27-28; 1Cr 14:5) và chức năng của đặc sủng là nhắm ích chung (1Cr 12:7). Thánh Phaolô còn căn dặn thêm: ‘Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chủm choẹ xoang xoảng (1Cr 13:1).

Điều quan trọng là những vị giảng phòng hay tuyên uý cần hướng dẫn thế nào cho nhóm cầu nguyện khỏi đi lạc đường hướng. Trong nhóm cầu nguyện Thánh linh hoặc trong bất cứ hội đoàn công giáo tiến hành hay phong trào giúp canh tân đời sống đức tin, có thể có những hội viên khi học biết được vài lối sống đạo mới hay được đặc sủng nọ kia, thì sinh ra tự hào ta đây, coi mình biết hơn ai hay đạo đức hơn người khác, hơn cả linh mục, rồi coi thường người khác. Nói như vậy không có nghĩa là không có người nào được đặc sủng, hoặc biết hơn hay đạo đức hơn người kia, hay hơn cả linh mục. Khi hướng dẫn hoặc lãnh đạo một phong trào hay hội đoàn, hoặc cổ võ một đường lối sống đạo mới, người ta có thể bị cám dỗ để trình diễn hoặc gây chú ý, hoặc cám dỗ chiều theo khuynh hướng ‘con hát mẹ khen hay’. Có những cám dỗ dễ chống đối, có những cám dỗ thì lại khó đối đầu. Chống trả cám dỗ để trình diễn và gây chú ý là tuỳ thuộc vào mức độ khiêm tốn và tinh thần mưu cầu lợi ích chung và tinh thần tự kỉ luật của người lãnh đạo hoặc hướng dẫn. Vì thế có những người quan sát với ý muốn phê bình, thì cho rằng có cả ‘cò mồi’ trong việc cổ võ hiện tượng nọ kia trong việc biểu lộ hay xin được ơn hay đặc sủng nào đó.

Do đó vị giảng phòng hay tuyên úy cổ võ đường lối sống đạo mới, cần hướng dẫn hội viên thế nào để khỏi gây chia rẽ, đố kị hay bè phái trong nhóm hoặc trong cộng đồng dân Chúa, chứ không phải chỉ cổ võ sao cho có nhiều hội viên. Thử vào làm hội viên của hết phong trào này đến hội đoàn kia, mà đi theo kiểu bắt cá hai tay, chỉ muốn ‘đá gà đá vịt’, để xem may ra có được ơn này hay đặc sủng kia không, chứ không thực sự cố gắng đổi mới tâm hồn và đời sống nội tâm và dấn thân để xây dựng và hoạt động tông đồ theo đường hướng của hội đoàn/phong trào, thì e rằng không biết có bắt được con cá nào không?

Lm Trần Bình Trọng

______________________________

Ghi chú: Những trích dẫn Thánh kinh là của:

Nhóm Phiên dịch các Giờ kinh Phụng Vụ. Các tác giả giữ bản quyền. ã 1994, 1998.

1. Nguyệt San Hiệp Nhất. Santa Ana, California. Số 38. Tháng 2, 1996, trang 35.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tên 'Grinch' đã ăn trộm quà Giáng Sinh dành cho người nghèo tại Louisiana
Trần Mạnh Trác
22:28 29/12/2009
Tên trộm Giáng Sinh (The Grinch) đi giầy số 11.5, cân nặng 240 Lbs và để lại một vài dấu máu.

Nhưng 65 món quà cho người nghèo bị mất sáng ngày 20 tháng 12 tại giáo xứ Our Lady of Lourdes Church ở Violet Louisiana đã khởi động một làn sóng từ tâm.

“Tuy tên Grinch đã vơ vét hết, nhưng chúng tôi vẫn còn những món này” một giáo dân chỉ vào hàng trăm món quà đã tràn ngập nhà thờ sau khi tin cuả vụ trộm được tung ra trên truyền hình và mạng Internet.

Cha John Arnone, chánh xứ Our Lady of Lourdes tâm sự: ”đúng là một cuộc phục sinh. Sau khi cố gắng xây dựng một cuộc sống mới thì lại bị mất hết như thế này”, ngài nhắc lại những nỗi khó khăn sau cơn bão Katrina và nhà thờ hầu như bị phá huỷ hoàn toàn dưới 12 feet nước trong tháng 8 2005. ” Ấy thế mà chúng tôi đã được đền bù gấp bẩy lần số quà bị mất. Sự hổ trợ và lòng hảo tâm thì thật là vượt trội.”

Ngày 22 tháng 12, cảnh sát quận St. Bernard đã bắt tên Herman "Peter" Smiles, 45 tuổi. Được biết thủ phạm đã thú tội đi ăn trộm là để thoả mãn cơn ghiền crack cuả hắn. Hắn đang tại ngoại vì một tiền án và ở cách nhà thờ chỉ khoảng 100 thước. Cảnh sát cũng tìm thấy 6 túi rác đựng quà giáng sinh còn giấu trong nhà hắn.

Vụ trộm đã được phát hiện ngày 20 tháng 12 khi một giáo dân đến mở cửa nhà thờ cho Thánh lễ buổi sáng chủ nhật và phát hiện giấy gói vất tứ tung trên sàn còn các món quà thì đã biến mất.

Các món quà được đặt dưới một thánh giá lớn để phân phối cho trẻ em nghèo và người cao niên trước Giáng sinh. Tên trộm đã dùng một khối xi măng ném vỡ cửa kính phía sau nhà thờ. Trong khi đột nhập, hắn đã bị cắt.

Tên trộm để lại một đường máu bên trong nhà thờ và vết giầy có kích thước cỡ 11.5 trên thảm cỏ ngoài nhà thờ.

Cha Arnone nói thêm: "Tôi đã nổi giận ở trong đầu, nhưng bây giờ thì tôi cảm thấy tội nghiệp cho anh ta. Ai lại có thể đột nhập vào một nhà thờ và ăn cắp quà cuả người nghèo như thế chứ? Nhưng sau đó những cảm xúc biến thành sự thương hại vì anh ta phải là bệnh tật lắm hay có một vấn đề lớn. Anh ta phải là một người tuyệt vọng, và tôi cầu nguyện cho anh ta, tôi thực sự cầu nguyện cho anh ta. "

Cha Arnone cho biết phản ứng của hàng xóm và cuả những người xa lạ trước việc tội này đáng được liệt vào hàng dụ ngôn cuả muà Giáng sinh. Sau khi đài CNN phát sóng câu chuyện, điện thoại cuả cha Arnone bắt đầu đổ chuông liên tục.

"Có người gọi cho tôi từ Ohio và Wisconsin và nhiều người cho biết họ biết chuyện nhờ Internet," Cha Arnone nói. "Họ hỏi tôi, 'Cha có một tài khoản Pay Pal để chúng tôi gửi cho cha một món quà không?’ hoặc họ xin địa chỉ của chúng tôi. Đây là một nhu cầu xảy ra bởi chuyện không may, nhưng từ đó đã có quá nhiều sự tốt đẹp mang tới. Sự Thiện sẽ luôn luôn chiến thắng sự Ác. Và đây là một dấu hiệu cho thấy chúng ta sẽ chiến thắng. "

Giáo xứ đã phải trải qua bốn năm rưỡi để tự phục hồi sau khi gần như bị xóa sổ bởi cơn bão Katrina. Trong buổi lễ tái dâng hiến nhà thờ tháng 11 vừa qua, toàn thể giáo dân đã đẫm lệ khi nhìn thấy nhà thờ của họ họat động trở lại.

Một người đàn ông lạ đã làm cha Arnone xúc động đặc biệt khi ông ta tìm gặp ngài bên ngoài nhà thờ.

"Ông ta nói, 'Thưa cha, tôi muốn dâng cho cha nhiều hơn, nhưng bây giờ tôi chỉ có bằng này,'" Cha Arnone nói. "Ông ấy trao cho tôi một số tiền và đó là năm tờ một đồng. Ông ta giống như bà goá trong Thánh Kinh đã dâng hiến đồng xu duy nhất của mình. Số tiền đó có ý nghĩa nhiều hơn so với những người dâng hiến cuả dư thừa của họ. Đó là ý nghiã cuả sự chia sẻ. "
 
Top Stories
THAILANDE: Des milliers de réfugiés Hmong sont expulsés vers le Laos, malgré la condamnation unanime de la communauté internationale
Eglises d'Asie
11:59 29/12/2009
Lundi 28 décembre, l’armée thaïlandaise a commencé à vider le principal camp de réfugiés de l’ethnie Lao Hmong, à Huay Nam Khao, dans la province de Phetchabun au nord-est du pays, reconduisant de force plus de 4 000 d’entre eux à la frontière laotienne. Débutée à 5 h 30 du matin, cette opération s’est effectuée sous le contrôle de soldats armés de matraques et de boucliers anti-émeutes, qui ont forcé les familles de réfugiés pour la plupart présentes sur le sol thaïlandais depuis plus de 30 ans, à embarquer dans des camions puis des bus les reconduisant à la frontière.

Face aux craintes exprimées aussi bien par l’ensemble de la communauté internationale que par les organisations de défense des droits de l’homme concernant la sécurité des réfugiés une fois de retour dans leur pays d’origine, le gouvernement thaïlandais a affirmé que les Hmong de Huay Nam Khao étaient des immigrants économiques clandestins ne pouvant prétendre à ce titre au statut de réfugié politique et que Vientiane avait assuré par ailleurs que les rapatriés ne feraient l’objet d’aucune persécution. Une promesse qui n’a pas semblé rassurer les organismes humanitaires lesquels ont été nombreux à rappeler que les précédentes vagues d’expulsion de Lao Hmong de Thaïlande s’étaient soldées par des assassinats, des tortures, des emprisonnement et des mesures discriminatoires dès leur arrivée sur le sol laotien.

Depuis la prise de pouvoir du Pathet Lao communiste au Laos, on estime qu’entre 300 000 et 600 000 membres de cette minorité ethnique montagnarde qui s’était ralliée aux Etats-Unis durant la guerre du Vietnam, ont dû fuir les persécutions, se réfugiant pour la plupart d’entre eux en Thaïlande. Ils seraient selon certains rapports d’ONG, encore plusieurs milliers à se terrer dans la jungle laotienne où l’armée continue de les traquer.

Dans un communiqué daté du 28 décembre 2009, le porte-parole du département d’Etat américain Ian Kelly, a rappelé au gouvernement thaïlandais que ce dernier avait reconnu officiellement avec les Nations Unies que les Hmong « avaient besoin de protection en raison des risques qu’ils pourraient encourir au Laos » et a enjoint Bangkok de « suspendre immédiatement l’opération d’expulsion ».

Le même jour, le Haut commissariat aux réfugiés de l’ONU qui a demandé fermement la suspension du rapatriement forcé, a été suivi dans ses déclarations par l’Union européenne ainsi que par de nombreux pays occidentaux qui tous, ont condamné une expulsion « en contravention avec le droit international ».

L’inquiétude des ONG et de la communauté internationale est d’autant plus grande que l’opacité entourant l’opération d’expulsion est totale. La presse, les organisations humanitaires ou encore le HCR n’ont pu avoir accès au site, tandis que les téléphones portables des résidents du camp étaient confisqués afin d’éviter tout contact avec l’extérieur. Aucun organisme n’a pu approcher les réfugiés, comme en témoigne auprès de l’agence Ucanews (1), le Bureau catholique pour l’aide d’urgence et les réfugiés (COERR) qui s’est « vu refuser l’accès au camp dès le dimanche matin ». L’ONG catholique créée par la Conférence des Evêques de Thaïlande et soutenue par l’UNICEF, était le seul organisme humanitaire encore autorisé à intervenir auprès des Hmong de Huai Nam Khao, depuis le retrait de MSF en mai dernier en raison « des pressions exercées par l’armée » qui selon l’ONG médicale, ne lui permettait plus d’assurer sa mission (2).

Ce mardi 29 décembre, l’opération baptisée « grand nettoyage » par l’armée thaïlandaise semble achevée. Selon des sources locales, les derniers bus de réfugiés seraient parvenus au Laos. Un accord bilatéral entre Vientiane et Bangkok prévoyait que la dernière phase du processus de rapatriement des Hmong qui s’était accéléré depuis 2006, devait être terminé d’ici le 31 décembre de cette année.

(1) Ucanews, 29 décembre 2009

(2) sources: Radio Suisse Romande, 29 décembre 2009; Reuters, 28 décembre 2009; RFI, 28 décembre 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 29 décembre 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Năm linh mục 2009: Ba người Cha
Micae Nguyễn Ngọc Sáng
08:15 29/12/2009
Ba người cha

Trong đời, tôi có ba người cha: cha ruột mà tôi gọi bằng ba, cha vợ tôi cũng gọi bằng ba, và người cha nữa là ông cha nhà thờ mà tôi gọi là cha.

Ba ruột tôi chết sớm, khi tôi mới có 3 tuổi, nên tôi hân hạnh được xếp vào danh sách những trẻ mồ côi cha. Vì ba tôi chết sớm quá, tôi không có được một kỷ niệm nào về ba tôi, may mà gia đình còn giữ đưọc một tấm ảnh, nhờ đó khi có ai hỏi ba anh là ai, tôi có được tấm ảnh để chỉ, hay đối với riêng mình, có được một hình ảnh để nhớ.

Lớn lên, lập gia đình (nghĩa là có vợ đó), tôi có cha vợ mà theo cách gọi trong gia đình, tôi cũng gọi là ba. Tôi là rễ út nên chuyện gì ba vợ tôi cũng kêu út. Đi đâu: út chở ba đi. Rồi có hôm, sau khi đi đâu đó, ba tôi nói: “Út, mình ghé vô đây uống vài chai chơi”, tôi mới nói: “Ở nhà mình còn bia ba!”, “Ậy, bia ở nhà sao bằng bia ở tiệm!” Được thì ghé! Rồi ba vợ tôi cũng mất.

Còn người cha nữa là … “cha nhà thờ”. Vị cha này, tôi đã có từ khi mới được 3 ngày tuổi cho đến bây giờ, đã gần “thất thập cổ lai hi”, nên có biết bao nhiêu là kỷ niệm, biết bao nhiêu chuyện để nói, biết bao nhiêu chuyện để mà nhớ. Vị cha này, trong đời tôi, tôi còn có hoài. Bởi là con người, mà người khác nhau thì tánh ý khác nhau, “bá nhân bá tánh” mà, cho nên đối với các cha, tôi có đủ hết những tình cảm thương ghét giận hờn …

Cha thì tôi có: cha sở, cha phó, cha khách, cha giáo, cha bà con, cha bạn bè… Cha đã gieo trong lòng tôi nhiều cảm mến, nay nhắc lại trước là để nhớ đến cha, sau là nói thêm cho người ta biết để mà nhớ về cha. Bài này tôi viết là để nói tới người cha này, với tất cả tâm tình, nhưng xin chỉ nói ở đây những chuyện nhớ thương.

Tình nghĩa anh em

Hồi nhỏ, ba tôi cũng có đi nhà trường la tinh, nghĩa là đi tu, nhưng tu không thành. Vì vậy mà có nhiều cha là bạn cũ của ba tôi, cùng lớp hay lớn hơn hoặc nhỏ hơn một vài lớp, thỉnh thoảng khi có dịp đến quê tôi là các cha đều có ghé thăm. Ngay cả sau khi ba tôi mất rồi, các cha bạn cũ của ba tôi cũng ghé nhà để thăm “vợ con anh mười”, mỗi lần như vậy là anh em tôi … có quà. Sau khi chịu chức, cha có đi làm cha phó, rồi đi lính, rồi làm cha sở, rồi …

Hôm đó, có chiếc Jeep đậu trước cửa nhà. Chó sủa, anh em tôi chạy ra. Một ông “lính” trên xe bước xuống, nói tiếng oang oang:

- Có má ở nhà không con?

Má tôi nghe vậy chạy ra, chào:

- Thưa cha, cha vô nhà chơi!

Thì ra “ông lính” đó là ông cha, được biết là bạn cùng lớp với ba tôi trước đây. Cha cười hề hề:

- Sao, chị với mấy đứa nhỏ bình yên hả? Chị biết hông, tui đi “opération” ngang qua đây, nhớ lại tháng tới đây là tới ngày giỗ anh mười, rán ghé thăm chị với mấy đứa nhỏ một chút, tôi sẽ làm lễ cầu cho linh hồn Phêrô …

Cha đưa tay ngoắc, một ông lính ôm vô một bao bự:

- Đem cho chị với mấy đứa nhỏ chút ít bánh trái cho tụi nó ăn, tội nghiệp!

Má tôi mới hỏi thăm:

- Lúc rày cha khỏe không? Thấy cha có vẻ hơi mập hơn trước.

- Ờ, không biết sao mà bây giờ tôi mập quá, mập ú như … con heo! Mà được cái là khoẻ chị.

Qua loa mấy câu xong, cha vuốt đầu anh em tôi rồi vội vả ra xe đi.

Ai nói làm “cha” rồi không còn có tình anh em?

Cha còn nhớ con

Lần đó, tôi có dịp gặp cha. Khi đó, cha đã luống tuổi rồi, mái tóc cha muối nhiều hơn tiêu, vậy mà miệng cũng vẫn còn luôn chúm chím như ngày nào. Hai anh em tôi tới chào:

- Cha nhớ con không cha?

Cha ngẩng mặt lên nhìn rồi nói:

- Không! Đám học trò của cha nhiều quá, nhớ không xuể! Đám học trò ở chủng viện, rồi đám học trò ở trường Thánh Mẫu …

- Dạ hai anh em con là Ánh Sáng Bà Rịa đó cha.

Trời đất ơi, cha nói liền:

- Ờ, nhớ rồi, hai đứa con là cháu Đức cha Quang Cần Thơ…

Rồi cha nhắc tới dám chủng sinh miệt Bà Rịa, Đất Đỏ, Vũng Tàu thời đó, nào là thằng Tầm, thằng Tơ, thằng Khiêm, thằng Kinh, thằng Đầy, thằng Tích, … Đức cha Louis Phạm Văn Nẫm đó, thầy cũ của tôi đó. Chèn ơi! Sao mà nhớ dai quá trời!

Cha mà còn nhớ được ra con thì làm sao con không nhớ cha!

Tình gia đình

Cha của cha qua đời. Mấy hôm rồi, ông cụ đau nặng, ngày nào cha cũng có về thăm, đút cháo cho ông cụ, rồi ở lại với gia đình tới gần khuya mới trở về họ. Sáng sớm hôm đó, còn thật sớm, người quen đến báo cho cha hay. Cha nhờ cha phó nhì làm lễ sáng thay cha. Cha ghé vô nhà thờ cho tôi hay, vì tôi là người bạn chí thân.

Liền sáng hôm đó, tôi với vài người trong họ đi liền qua Thị Nghè, nơi ông cụ đang ở. Tụi tôi lo dọn dẹp trong ngoài phụ cha. Sau khi hòm đã được mang tới, giờ vĩnh biệt sắp đến. Ông cụ được đưa đặt vô trong hòm. Cha đứng bên cạnh hòm. Một chiếc khăn tang trắng quàng hai bên cổ cha, thả dài xuống trước ngực. Nấp hòm được đóng lại, vậy là kể từ nay vĩnh biệt.

Cha nói: “Đêm nay ở lại với tôi nghe!” Tôi gật đầu ưng thuận. Tối lại, khách ra về, có tôi ở lại. Đêm khuya, chỉ còn có hai “đứa” thức. Cha rủ tôi đọc kinh cho ông cụ. Rồi cha biểu: “Anh ngủ một chút đi!” Tôi lại nằm trên mấy cái ghế, sắp chung lại. Nằm cho khỏe lưng chớ ngủ nghê gì, nghe sột sọet, tôi hé mắt ra nhìn: thỉnh thoảng cha đi lại đứng bên hòm, lấy tay vuốt nhẹ hòm cha… Tôi nghiệm: “Có con cho đi tu làm linh mục sợ gì thiếu mất một vành khăn tang.”

Cha làm cha nhưng trọn nghĩa hiếu đạo.

Tình nghĩa “cha con”

Anh ta là người đạo mới. Anh ta theo đạo là do cảm tình, cảm tình với ông cha phó. Anh làm nghề sữa xe gắn máy. Xe của cha hư, người ta giới thiệu anh với cha. Anh hút thuốc mà cha cũng hút thuốc, hút dữ lắm. Anh mời cha, cha lấy thuốc của anh cha hút. Tới phiên cha mời, anh lấy thuốc của cha anh hút. Hai người trở thành bạn hút thuốc. Xe sữa xong, anh không lấy tiền. Cha không chịu nên anh đành lấy … chút xíu. Cha cám ơn rồi về, không quên mời anh “hôm nào rảnh ghé tôi uống cà phê chơi.”

Anh đâu có giờ rảnh, sữa xe xong thì chạng vạng tối rồi, chỉ còn có nước lo tắm rửa, đi kiếm cơm mua ăn rồi trở về leo lên căn gác nhỏ anh mướn gần chỗ anh sữa xe để ngủ. Rồi năm đó, lễ Giáng Sinh, anh đi theo bạn bè “coi lễ”. Sau lễ cha thấy anh, cha rủ anh cùng với anh em ở lại ăn réveillon. Anh nhận lời. Anh thấy vui. Anh nói: “Vui quá cha!” Cha mời anh: “Anh vô đạo đi, anh vô đạo rồi còn thấy vui hơn nữa.”

Rồi anh vô đạo. Ngày rửa tội cho anh, cha mua cho anh cái áo sơ mi trắng. Anh mặc vô mà nước mắt rưng rưng. Anh nghẹn ngào nói: “Hồi đó giờ, tui toàn mặc áo dính đầy dầu nhớt…” Sau khi theo đạo rồi, anh thường hay nghỉ sớm để lo đi công tác. Anh hay đi “tòn ten” theo cha nơi này nơi nọ. Đang sữa xe vậy mà khi có ai đi ngang chỗ anh làm, cho anh hay có người mới mất, chiều lại là anh lo te te, hàng hai hàng ba lên đi với cha. Người ta nói đùa rằng anh là “hộ vệ” của cha. Nghe vậy, anh cười khoái chí. Nhưng mà rồi một hôm …

Đang ngồi sữa xe, tự nhiên anh ngả ra xỉu. Người ta vội lo chở anh vô nhà thương rồi cho cha hay. Cha vô liền. Thấy cha, anh mừng rở, cười tươi ra mặt. Anh nằm nhà thương được hai ngày thì khi cha đến, bác sĩ kêu cha ra, nói riêng với cha … Không hiểu sao mà ngay chiều hôm đó, anh nói lại đùa với cha: “Bữa rửa tội cho con, cha mua cho con cái áo sơ mi vải, giờ cha rán mua cho cái áo sơ mi bằng cây nghe cha!” Cha chỉ mĩm cười và cha đã làm tròn lời hứa! Anh không vợ, không con, không anh em, không nhà cửa nhưng có được tình cha con với cha!

Tức cười quá chời!

Thánh Tôma là bổn mạng của cha. Thông thường, ngày áp lễ hay chính ngày lễ, người ta lo mừng bổn mạng cha, vậy mà năm đó, tôi còn đang học ở “trường họ”. Danh từ trường họ người xứ tôi dùng để phân biệt với trường nhà nước. Thầy cô, không chỉ có các “cô” thôi, là các bà phước trắng. Các bà dạy chữ, các bà dạy đạo.

Hôm đó, tụi tôi đang ngồi học thì thấy chú từ gánh một gánh chuối tới trường, lấy chuối ra để trước cửa các lớp, rồi có cái anh đó cũng gánh một gánh đầy bánh lạt. Các bà ngạc nhiên không biết là chuyện gì thì thấy cha “lù lù” đi tới. Cha vừa vô lớp, chúng tôi đứng lên, đồng thanh: “Chúng con kính chào cha!” Cha vô mỗi lớp, biểu các bà chia cho mỗi đứa một trái chuối, một cái bánh lạt để … ăn mừng bổn mạng cha.

Hai bên hông và sau nhà cha, có một vườn chuối. Thường, có chuối chín, cha sai đem qua cho các bà phước. Cha “đón đường” cho các ông biện, hay ai đó đi lễ hay phép lành về mà đi ngang “nhà cha” để biếu người một nãi. Nhè hôm đó, chuối chín rộ mà lại gặp ngày sắp lễ bổn mạng cha, cha sai lấy chuối cho tụi tôi ăn. Sáng ra, cha đi qua tiệm tạp hóa ngay trước cửa nhà thờ, cha “quơ” hết mớ bánh lạt có trong tiệm để đem cho tụi tôi.

Vô lớp tôi rồi, cha vô mấy lớp sau, các bà biết được “tình thế” rồi nên câu chào cha trở thành: “Chúng con kính chào cha! Chúng con mừng bổn mạng cha!” Đi vô thăm hết 6 lớp của trường, cha trở về. Cha đi ngang qua lớp, tụi tôi kêu “cha, cha” mà “tức cười quá chời!

Nay cha không còn, mà tôi cũng đã già rồi, trái chuối và cái bánh lạt ngày xưa đó, biết làm sao mà ăn lại được nữa, cha ơi!

***

Chưa hết đâu, chuyện còn nhiều lắm, nhớ tới đâu, nói tới đó để như là … ghi lại kỷ niệm một đời làm giáo dân.
 
Mời theo dõi cuộc thi xướng họa
LM Trăng Thập Tự
09:36 29/12/2009
MỜI THEO DÕI CUỘC CHƠI XƯỚNG HỌA - 11

Thoạt đầu Ban Tổ Chức dự tính sau cuộc thi sẽ thực hiện một tuyển tập mỏng với những bài đoạt giải và những bài hay khác. Nay, với số lượng bài tham dự cuộc chơi càng lúc càng tăng nhanh, chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện tuyển tập từ 200 đến 300 bài, một công trình khá giá trị để tôn vinh Mẹ Maria và cổ võ sống khiết tịnh. Cha Trần Cao Tường, chủ nhiệm Website Dũng Lạc, đã tặng 1000 USD để góp phần ấn phí. Xin chân thành biết ơn tất cả những vị ân nhân sẽ giúp ấn phí.

Về hình thức, điều tối thiểu để được chọn vào tuyển tập là phải đúng luật bằng trắc và đúng vần. Xin Quý tác giả vui lòng kiểm tra lại và gởi các bài sửa vào hai tuần lễ chót của cuộc thi, tức từ giữa tháng 3-2010. Xin nhắc lại: Ban giám khảo sẽ chấm trên bài sửa lần chót chứ không phải trên bài gởi lúc đầu.

Bài dự thi và bài sửa xin gởi về cả hai điện chỉ: gopnhattho@yahoo.com và ttmvcssr@yahoo.com

Muốn theo dõi tử đầu cuộc chơi, xin mở:
http://huongvedaihoidanchua.net/doanhuakhiettinh/3445.html

Tiếp theo là các bài dự thi số 220-250
Những tác giả có thứ tự bài là bội số của 25 được nhận coupon mua hàng trên mạng www.Fatimacompany.com, trị giá 200.000 VNĐ. Lần này là hai tác giả Đình Chẩn (bài số 225) và Phạm Văn Tiên (bài số 250). Xin lưu ý: Quí vị ở nước ngoài vui lòng cho một địa chỉ tại Việt Nam để nhận quà.


Bài 220
SUY TƯ


Con Chúa giáng trần giữa đêm đen
Hang lừa tăm tối hóa tòa sen
Trên trời Thiên sứ ca tán tụng
Dưới đất nhân loài hát ngợi khen
Tri ân Thiên Chúa – Đấng cao sang
Sám hối phận con – kẻ yếu hèn
Xin dâng tâm sự làm lễ vật
Quyết chí đơn nghèo chẳng bon chen

Giáng sinh 2009
TRẦM THIÊN THU


Bài 221
CHÚA GIÁNG SINH.


Một Lời Chúa hứa giữa Ê-ĐEN
"Đạp nát đầu xà dưới gót sen..."
Thiên sứ vang loa thiên sứ gọi
Mục đồng hát xướng mục đồng khen
Gọi người kíp đến tìm cao quý
Khen Chúa vừa qua kiếm mọn hèn
Cứu Chúa giáng trần nơi khốn khó
Hoa lòng nhân thế nở đua chen.

Giuse Nguyễn văn Sướng
suongoc5254@gmail.com

BÀI 223
THEO MẸ MARIA


Tìm đâu thanh khiết giữa bùn đen?
Hỏi lạ chưa kìa muôn đóa sen!
Diễm lệ khiết trinh ngàn diễm lệ
Ca khen hương sắc vạn ca khen
Nước trời tuôn đổ mùa ơn phúc
Trần thế tung gieo hạt mọn hèn
Hy vọng tin yêu theo gót Mẹ
An vui thầm lặng giữa bon chen

Đình Chẩn
dinhchan973@gmail.com

Bài 224
MẸ MARIA-CÂY THÁNH VẸN


Đâu rồi thuở ấy vườn E-đen
Diễm lệ trinh nguyên tựa búp sen
Thiên sầu táo rụng thiên đường tiếc
Địa thảm hồn rơi địa ngục khen
Chúa Trời thương xót ban ơn phước
Nhân loại khóc than thống tội hèn
Tội-phúc sinh mầm “Cây Thánh Vẹn”
Non chồi lộc khiết hương hoa chen

Rm 11.12.09
Đình Chẩn
dinhchan973@gmail.com

Bài 225
LINH MỤC GIỮA ĐỜI


Kìa ai thanh thoát áo chùng đen
Thầm lặng dâng đời tựa đóa sen
Sóng đẩy năm chìm không ngại bước
Thuyền xô bảy nổi vẫn ca khen
Đèn chầu soi tỏ đời thanh tịnh
Muối đất ướp tan kiếp mọn hèn
Theo Mẹ từng ngày trên nẻo thánh
Đường đời thơm ngát hương hoa chen

Rm 12.12.09
Đình Chẩn
dinhchan973@gmail.com

Bài 226
DỐC LÒNG THEO MẸ


Áo gấm đi đêm áo gấm đen
Trinh nguyên hương sắc riêng gì sen
Núi đồi muôn đóa không cao quý?!
Đồng nội ngàn hoa chẳng đáng khen?!
Hoa cỏ rướn mình tìm ánh sáng
Giai nhân cam chịu sống ươn hèn?!
Dốc lòng theo Mẹ vâng theo Mẹ
Hạnh phúc tràn vui hương ngát chen

Rm 15.12.’09
Đình Chẩn
dinhchan973@gmail.com

Bài 227
GIEO HẠT TIN THƯƠNG


Em ơi gieo hạt/ giữa bùn đen
Chuỗi hạt tin thương/ chuỗi hạt sen
Tin cậy/ Bốn mùa(*)/ Cha vẫy gọi
Mến yêu/ tứ đức/ Mẹ ban khen
Nước trời nuôi dưỡng/ muôn người thế
Lòng Mẹ ấp ôm/ vạn vật hèn
Gieo một gặt mười/ thêm cố gắng
Đài hoa hương sắc càng đua chen

Rm 17.12.09
(*) Kinh mân côi: mùa vui, mùa thương, mùa sáng, mùa mừng.

Đình Chẩn
dinhchan973@gmail.com

Bài 228
ĐỜI QUÁN TRỌ


Kìa sao bừng sáng/ giữa đêm đen
Máng cỏ Ngôi Lời-Thánh điện sen
Thiên sứ bái quỳ/ thần nhạc xướng
Mục đồng thờ lạy/ ngỡ ngàng khen
Mẹ bồng âu yếm/ thương Lời khóc
Cha cúi lặng nghe/ cảm phận hèn
Nguyện Chúa xót thương/ đời quán trọ
Người vào không tiếp/ tiếp bon chen

Rm 18.12.’09
Đình Chẩn
dinhchan973@gmail.com

Bài 229
MẬT NGỌT CHẾT RUỒI


Mật ngọt chết ruồi chết thối đen
Thối đen kỳ diệu nở hoa sen
Đỉnh cao trí tuệ ai làm được
Chí thấp tài hèn bái phục khen!
Viên đạn bọc đường ôi cám dỗ
Bùn đen nhầy nhụa hỡi hư hèn
Đường trần đâu dễ gì thanh thoát
Không có ơn trời, mãi lấn chen

Rm 20.12.09
Đình Chẩn
dinhchan973@gmail.com

Bài 230
MAI-ĐỆ-LIÊN GỬI CÁC EM


Một thời lầm lỡ cả đời đen
Cúi mặt thẹn lòng ngẩng thẹn sen
Rao bán ngàn vàng mơ đổi phận
Đổi về vạn bạc tủi lời khen
Tô son trát phấn hồn mồ sống
Ủ đắng ngâm cay kiếp nhục hèn
Rũ rượi bò về chân Thập Tự
Mong Nguồn Thanh Tẩy tẩy bon chen

Rm 20.12.09
Đình Chẩn
dinhchan973@gmail.com

Bài 231
NÊN THÁNH GIỮA ĐỜI


Em ơi nên thánh giữa bùn đen
Thanh thoát đời vui tựa đóa sen
Tứ đức tạc lòng cha ngóng đợi
Tam tòng ghi dạ mẹ khuyên khen
Dâu hiền mẹ quý thêm cao quý
Rể thảo cha thương chẳng tủi hèn
Gương mẫu Thánh Gia tin cậy mến
Chan hòa hạnh phúc giữa bon chen!

Rm 21.12.09
Đình Chẩn
dinhchan973@gmail.com

Bài 232
VƯỜN THƠ DÂNG MẸ

(kính tặng cuộc chơi xướng họa…)

Đây một vườn thơ giữa Eđen
Chung lời vinh chúc một hoa Sen
Trinh khiết giữa lầy, Thiên Chúa chọn
Vẹn tuyền trên sóng, thế trần khen
Thơ cất muôn lời trong trọng thể
Nhạc trỗi vạn câu giữa đơn hèn
Xướng họa đôi bè vinh chúc Mẹ
Thành bản trường ca mãi đan chen

Mic. Cao Danh Viện



Bài 233
MẸ KHIẾT TRINH

(Thể thơ liên hoàn thuận nghịch vận)

Đọc thuận
Chen đua mà chi! Về tối đen!
Thánh tịnh trong hồn ngọc tựa sen
Hèn yếu thân con,danh hư lụy
Trọng cao phước Mẹ tiếng ca khen
Khen Mẹ! mến yêu! luôn tịnh khiết!
Giữ con! yêu mến! tránh hư hèn!
Sen nụ mãi xinh trong ước nguyện
Đen trắng phải chi mà đua chen

Mic. Cao Danh Viện


Đọc nghịch
Chen đua mà chi, phải trắng đen
Nguyện ước trong xinh mãi nụ sen
Hèn hư tránh! mến yêu! con giữ!
Khiết tịnh luôn! yêu mến !Mẹ khen!
Khen ca tiếng Mẹ, phước cao trọng
Lụy hư danh con,thân yếu hèn
Sen tựa ngọc hồn trong tịnh thánh
Đen tối về chi mà đua chen

Mic. Cao Danh Viện


Bài 234
Đoan hứa khiết tịnh


Mẹ, Evà mới giữa Eden
Trinh trắng nguyên tuyền tận gót sen
Trong lớp phàm nhân, Cha chọn gọi
Giữa hàng thánh tử, Mẹ ca khen
Nam thanh dõi bước, luôn cao quý
Nữ tú noi gương, chẳng đớn hèn
Năm thánh hồng ân xin đoan hứa
Vườn hoa khiết tịnh nở đan chen

Mic. Cao Danh Viện


Bài 235
Vườn E đen Lạc Việt


Hội thánh Việt Nam: vườn E đen
Khoe sắc thơm hương giữa hồ sen
Bốn thế kỷ hơn, gieo tiếng gọi
Năm mươi năm đủ, gặt lời khen
Đầu rơi máu đổ không ngại khó
Thịt nát xương tan chẳng hư hèn
Trong Chúa, với Mẹ, dù thiên biến
E đen Lạc Việt lá hoa chen…

Mic. Cao Danh Viện


Bài 236
QÚI TRỌNG KHIẾT TRINH


Buông xuống chiều hôm mịt mù đen
Con nhìn lên Mẹ ánh hoa sen
Lòng con ớn lạnh hoa tàn cánh
Qúi trọng khiết trinh lắm lời khen
Hối tiếc mất rồi càng thêm hận
Dại khờ, khờ dại qúa yếu hèn
Đời con xin Mẹ thương dìu dắt
Trần thế phù du không đua chen

Nam Giao -thica


Bài 237
CON MẾN MẸ


Lạnh lẽo u buồn bóng đêm đen
Nhìn lên Mẹ thánh tỏa hương sen
Lòng con nhẹ gánh sầu vơì vợi
Mến Mẹ tâm con vẩn thầm khen
Tuyệt đẹp trần gian ôi!tuyệt đẹp
Cao vời sâu thẳm sống mọn hèn
Theo gương Mẹ Thánh ôm ghì Chúa
Thú vui trần thế chả đua chen.

Nam Giao-thica


Bài 238
TRINH NỬ THÁNH


Đêm tối âm u mây mù đen
Sao mai soi chiếu một bông sen
Tình yêu trinh nữ đời tận hiến
Dưới thế đoàn con hát ca khen
Trời ban phúc lộc dành cho Mẹ
Trinh tuyền đẹp qúa sống mọn hèn
Khiêm nhường sâu thẳm Chúa Trời mến
Cao ngạo thế nhân: Người chê chen

Nam Giao -thica


Bài 239
XIN MẸ DẮT DÌU


Con trót chạy theo xã hội đen
Đã làm hoen ố cánh hoa sen
Đường đường, chính chính không hành động
Tà tâm, ám muội lại ca khen
Quyết chí từ nay vâng ý Mẹ
Dốc lòng từ bỏ thói ươn hèn
Mẹ ơi, con Mẹ đà quy phục
Đưa tay dìu dắt thoát bon chen.

Mynh Hứa, Tacoma WA. USA
huadoan45@yahoo.com

Bài 240
NGẮM MẸ


Bóng qủy lờn vờn giữa đêm đen
Chúa Trời ngắm Mẹ đóa hoa sen
Đẹp ôi! tuyệt đẹp đời nhân thế
Lòng mến niềm tin tụng ca khen
Nhân đức cao vời lắm nhân đức
Khiêm nhường sâu thẳm thật mọn hèn
Say mê ánh mắt diụ hiền qúa
Trần thế phù du chẳng bon chen

Anna Nguyễn Thị Thạnh


Bài 241
HỒNG ÂN TRINH KHIẾT


Hận qúa đi thôi qủa táo đen
Yêu thương thơm ngát đóa hoa sen
Hồng ân trinh khiết tuyệt vời đẹp
Thiên Chúa ngắm nhìn tấm tắc khen
Quỷ quyệt cúi đầu thầm vâng phục
Sống thời bình dị thật mọn hèn
Khiêm nhu nhân ái thanh cao lắm
Tự đại, độc tài chẳng đua chen

Anna nguyễn Thị Thạnh


Bài 242
MẸ HIỀN


Nguyên tổ kiêu căng ngã bùn đen.
Mẹ người chúc phúc ngát hương sen.
Đường trần gai lắm con hằng ngắm,
Nhìn Mẹ dâng lời ngợi ca khen.
Học Mẹ tâm hồn con phơi phới
Hiền lành sâu thẳm thật mọn hèn
Cao vời đức mến Chúa sâu thẳm
Tự đại nâng mình không đua chen.

Anna Nguyễn Thị Thạnh


Bai 243
TIẾNG GỌI


Sứ thần truyền tin xóa đêm đen
Mẹ vâng vô nhiễm ngự tòa sen
Ngời sáng đêm đen ngời sáng gọi
Khổ đau rỉ máu, khổ đau khen
Gọi con giữa đời nên trinh trắng
Khen con khiết tịnh, sống nghèo hèn
Mở lòng ra hướng tạ ơn Cha
Điềm hẹn Giê-su sen nở chen

Maria Nguyễn Thị Xuyến
mariaxuyen@yahoo.com.vn

Bài 244
CUNG CHÚC


Vang vọng lời gọi giữa đêm đen
Thiên sứ truyền tin chọn đóa sen
Triều thiên mũ, triều thiên sao sáng
Muôn dân mừng chúc muôn dân khen
Sáng trung kiên không vướng tội truyền
Khen trinh vương, khiêm hạ mọn hèn
Kìa hoa nở quanh bàn thờ Chúa
Trông người đón mẹ Chúa đan chen

Maria Nguyễn Thị Xuyến
mariaxuyen@yahoo.com.vn

Bài 245
MẸ


Trời đông lạnh lẽo một đêm đen
Lời xin vâng sinh hạ ngọc sen
Đồng trinh trắng trong đồng trinh mãi
Vạn lời ca vạn tiếng chúc khen
Mãi giục lòng con nên trinh trắng
Khen Mẹ không vương vấn tội truyền
Ngẩng cao đầu vươn hồn tới Chúa
Cuối nhìn đất dạ tỏ chẳng chen

Maria Nguyễn Thị Xuyến
mariaxuyen@yahoo.com.vn

Bài 246
GHI NHỚ MÃI


Giáng sinh về con nhớ Ê đen
Rắn quỷ đội lốt cướp lá sen
Địa đàng kia địa đàng chọn vẹn
Nhiệm mầu đạp rắn nhiệm mầu khen
Mẹ đồng trinh sinh con cao trọng
Khen cho ai phúc ngắm nôi hèn
Kìa tiếng gọi gọi người lưới cá
Sao chỉ đường, hoa lạ đua chen

Maria Nguyễn Thị Xuyến
mariaxuyen@yahoo.com.vn

Bài 247
NGƯỜI NỮ


Ta-ma, Ra-khap, Rut, Va, Đen
Maria trong trắng tựa sen
Trung trinh trong trắng trung trinh gọi
Khôi nguyên thầm dạ, dạ thầm khen
Gọi mời ai thanh cao đoan hứa
Khen ngợi ai, vâng, cứu dân hèn
Hướng tạ ơn Chúa con mong Mẹ
Tay lần chuỗi hạt bớt bon chen

Maria Nguyễn Thị Xuyến
mariaxuyen@yahoo.com.vn

Bài 248
MẸ CHÚA TRỜI


Ớn lạnh chiều hôm bóng đêm đen
Nâng hồn lên Mẹ ngát hương sen
Chúa thương chúc phúc Mẹ Cứu Thế
Trầm bổng ngân nga hát mừng khen
Mẹ Chúa Ngôi Lời thâm sâu qúa
Không màng danh vọng sống khó hèn
Ngẫm suy tình Chúa cao vời vợi
Cảm mến hồng ân quyết đua chen.

Nam Giao Sydney Uc


Bài 249
SEN MUỘN


Phép rửa đư¬¬a con thoát tội đen
áo trắng Ng¬ời trao trắng mầu sen
Trung chinh, theo b¬¬ớc!lời Mẹ nhủ
Vâng lời, con sẽ! mẹ cư¬ời khen
Ngoảnh nhìn mới buổi ngày hôm đó
Mà con phận nọ, quá đớn hèn
Giật mình bừng tỉnh, lòng rư¬¬ng cảm
Đư¬¬ờng cũ tìm về lá hoa chen

Khoan vỹ
Ductoan97@gmail.com

Bài 250
TRUYỆN ÔNG MAI SEN


Dòng đời xuôi ngược trắng với đen,
Ba chìm bảy nổi như Mai Sen:
Lên voi—có lúc làm hoàng tử; (1)
Xuống chó—chạy xa chẳng dám khen. (2)
Một hôm Chúa gọi trong đám lửa,
Ông từ chối quanh, bảo: thấp hèn. (3)
Dẫn dân lưu lạc trong hoang địa,
Dân ngoại khiếp viá chẳng dám chen.

Phạm Văn Tiên


Ghi chú:
(1) Prince of Egypt, cf. Xuất Hành 2:1-10.
(2) Cf. Xuất Hành 2:11-15.
(3) Cf. Xuất Hành 3:11, 13; 4:1, 10, 13.


 
Noel tại Mái Ấm Rosa thuộc giáo xứ Nam Hưng
A.P Mặc Trầm Cung.
09:55 29/12/2009
SAIGÒN - Không khí Noel vẫn đang rộn rã vui tươi khắp nơi, ngoài đường phố mọi người vẫn đang vui cười trẩy hội, những bài hát Noel vẫn đang réo rắt, niềm vui Noel vẫn đang mời gọi mọi người. Đêm nay 25/12 Hài Nhi Giêsu vẫn tiếp tục ngự xuống nơi những tâm hồn trẻ thơ nơi một Mái Ấm nhỏ bé thuộc giáo xứ Nam Hưng, Mái Ấm Rosa, ngụ tại 53/8 Thống Nhất 2, Tân Thới Nhì, Hóc Môn - thuộc giáo hạt Hóc Môn -Saigòn.

Hình ảnh Giáng Sinh tại Mái ấm Rosa

Mái Ấm Rosa được sự chăm sóc của các nữ tu dòng Đa Minh Rosa Lima- Miền Mân Côi. Nơi đây hiện đang có 30 em đang sinh sống, tuổi từ 2 đến 20 tuổi. Trong số này có những em mất mẹ, cha thì bị bệnh không đủ khả năng nuôi con, có những em cha mẹ bị bệnh tâm thần không đủ khả năng chăm sóc em, có những em đều mồ côi, và có những em được đưa vào đây mà chẳng ai biết đến người thân của em, tất cả các em đều được các soeurs chăm sóc và nuôi dưỡng.

Làm sao có để nói hết được sự thiếu thốn tình cảm trong các tâm hồn trẻ thơ tại nơi đây, ai có thể bù đắp lại được sự mất mát đó, những công việc của các nữ tu dù có cố gắng hết sức cũng không thể lấp đầy khoảng trống tình cảm thiêng liêng gia đình của các em, nơi sâu thẳm tâm hồn của các em chỉ có Thiên Chúa mới đong đầy được những lỗ hổng quá lớn này.

Nơi đây, 30 em đều được đi học từ mẫu giáo cho đến cao đẳng. Các em được sống nhờ vào tình thương và công sức lao động của các soeurs, và quí ân nhân xa gần có tấm lòng rất quảng đại, âm thầm để cùng cộng tác với các soeurs trong việc chăm sóc các em. Các soeurs cũng đã dạy học, trông nom Nhà Trẻ để lấy tiền chăm sóc các em, thỉnh thoảng cũng có người giúp được ít gạo hoặc có ai đó cảm thông đã dúi vào tay các soeurs một vài bó rau, ít trái bí, trái cà… mỗi khi các soeurs đi chợ, nhất là Quý ông bà cô bác ở giáo xứ Nam Hưng cũng đã thương các em cách này hay cách khác. Dẫu vậy, việc chi phí nhu cầu của các em ăn học cũng tốn phí rất nhiều, nhưng mọi sự các soeurs chỉ biết trông mong vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa để lo cho các em.

Đêm nay để các em bớt đi những nỗi buồn sâu thẳm đang sẵn có, ít ra cũng để cho các em được hòa vào niềm vui Noel cùng với mọi người, được sự cộng các của những người tốt bụng và các cộng tác viên trong giáo xứ. Một bữa tiệc Reveillion nho nhỏ Mừng Chúa Giáng Sinh được diễn ra tại Mái Ấm, hai chiếc bánh kem xinh xắn, những ly cocktail, những cuốn bò bía, món gỏi, món súp, món cá viên chiên, hột vịt lộn và cả món ốc luộc chấm nước mắm nữa…. đã được các soeurs và các anh chị cộng tác viên cặm cụi chuẩn bị từ sáng sớm. Các món ăn thật đơn sơ, giản dị ấy thế mà cũng đã làm rộn vang lên một góc trời riêng nhỏ bé của các em, những tiếng cười, những bài hát noel và chúc mừng năm mới được hát lên từ những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ phát âm chưa sõi của các em nhỏ cũng làm nôn nao trong lòng những người có mặt.

Những phần quà nhỏ nhắn xinh xinh được các soeurs gói ghém rất cẩn thận trông đẹp mắt làm quà tặng giáng sinh cho nhau, không ai biết trong gói quà đó có cái gì, phần quà được tặng theo rút số, ai rút trúng số nào nhận món quà số đó, có em nam lại nhận được cái kẹp tóc, em nữ nhỏ bé lại nhận được áo thun nam số lớn, những tiếng cười vui ngỡ ngàng đầy thích thú khi các em mở quà tạo nên bầu khí vui tươi yêu thương nơi Mái Ấm.

Trao đổi với Soeur Phụ Trách, Soeur cho biết thao thức của các Soeurs ở đây là mong cho các em được sống trong ngôi nhà thoáng mát hơn để đảm bảo cho sức khỏe, vì hiện nay ngôi nhà các em đang ở hơi thấp nên vào mùa nóng nực các em thường phải ra ngoài tìm những nơi có bóng cây để nghỉ ngơi và học hành. Bên cạnh đó thì điều mong muốn nhất của các Soeurs là các em được học đến nơi đến chốn, được giáo dục đức tin và đời sống nhân bản… Vì chỉ có việc học mới có thể giúp các cho em có kiến thức và có được nghề nghiệp ổn định để tự đứng vững trên đôi chân của mình khi các em bước vào đời.

Soeur còn cho biết thêm là tình thương dành cho các em không chỉ có ở nơi 7 Soeurs đang phục vụ, mà còn có sự đồng hành của Hội Dòng, của Miền Dòng của Quý Bề Trên, và các Chị Em nữa. Đây là một niềm vui chan hòa rất lớn lao cho các em và các Soeurs đang phục vụ ở đây.

Bài hát “ Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ…” cứ được các Bé cất lên hát hồn nhiên rộn ràng và an bình làm sao !!!, Đến phần nhập tiệc, Các anh chị lớn giúp các bé nhỏ lấy đồ ăn, chỗ nào cũng thấy vui vẻ, chan hòa mùa Hồng Ân, Mùa Trao tặng như Thiên Chúa đã trao tặng con của Ngài cho nhân lọai.

Ước gì niềm vui đem lại cho các em tại Mái Ấm này ngày càng được kéo dài và nhân rộng.

Hài Nhi Giêsu vẫn đang ngự xuống với nhân loại hằng ngày, nhưng dường như Người thường bị con người lãng quên vì những xô bồ của cuộc sống, những đua tranh, chộp giựt của cuộc đời, vì hẹp hòi ích kỷ của con người mà Hài Nhi Giêsu đã bị bỏ rơi bên lề cuộc sống nơi những người nghèo khổ, lang thang không nơi nương tựa và đặc biệt nơi các em bé mồ côi trong các mái ấm đang sống nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người.

Trong bài giảng trước Kinh Truyền Tin của ĐGH Bênêđictô XVI tại Rôma, Chủ Nhật 20 tháng 12, 2009 Ngài đã mời gọi: “Phần chúng ta, phải mở ra, mở to các cánh cửa ra để đón chào Người.” (http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=74677)

Ngày Chúa nhật 27/12/09 ĐGH Bênêđictô XVI cũng đã đến dùng bữa ăn với các người vô gia cư tại trung tâm nuôi dưỡng người nghèo trong thành phố Roma. (http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=74971)

Hãy mở to cánh cửa lòng chúng ta để chào đón Hài Nhi Giêsu. Chúng ta hãy sưởi ấm cho Người bằng những hành vi bác ái cụ thể, chung quanh chúng ta có những Hài nhi Giêsu vẫn đang rét run vì sự thờ ơ lạnh nhạt của con người, vẫn đang đói khát cơm bánh và nhất là đang đói khát tình thương. Chúng ta hãy mau mắn nhanh chân như các mục đồng năm xưa đi tìm “Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ” bên vệ đường. Hãy tiếp nhận Người và dành chỗ cho Người trong con tim bé nhỏ của mỗi chúng ta. Như lời Chúa Giêsu đã phán: “Mỗi khi các người làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây là các người đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

Để Noel 2009 này Hài Nhi Giêsu bớt lạnh lẽo cô đơn, một hành động cụ thể và thiết thực nhất là chúng ta cùng mở toang cánh cửa tâm hồn của mỗi chúng ta để dành chỗ cao nhất, đẹp nhất cho Người.
 
Đêm Nhạc J.S. Bach
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
10:54 29/12/2009
ĐÊM NHẠC J.S.BACH
Nhân Mùa Giáng sinh - Ngày thứ Bảy 9.1.2010, Lúc 7g30 tối
Tại nhà thờ tu viện Mai Khôi: 44 Tú Xương P.7, Q.3, Saigon
Do Ban Hợp Xướng và các nhạc công Pio X trình diễn
Dưới quyền điều khiền của nhạc sĩ Tiến Linh.
(vào cửa tự do)

Ca mục
1. Mục tử nhân lành, trích Cantata 208 đoạn 3 (BWV 208, 1713) Cải soạn và Lời Việt: Tiến Linh
2. Hãy ngợi ca Chúa, trích Cantata 137 đoạn 1 & 5 (BWV 137, 1724) Lời Việt: Lm Đỗ Xuân Quế
3. Xác thân làm bánh, Ave Sanctum Viaticum (A cappella) Lời Việt: Lm Vũ Khởi Phụng
4. Gloria, trích Bộ lễ cung Si thứ (BWV 232, 1724)
5. Giêsu nguồn hoan lạc, trích Cantata 147 đoạn kết phần I & II (BWV 147, 1723) Lời Việt: Lm Đỗ Xuân Quế
6. Concerto, trích Cantata 142 đoạn 1 (BWV 142)
7. Chúa đã ra đời, trích Cantata 142 đoạn 2, Lời Việt: IBH II
8. Alleluia, trích Cantata 142 đoạn 8, Lời Việt: IBH II
9. Lạy Chúa con yêu mến tôn thờ (A cappella) (Choral 62, BWV 434 - BWV 88, 1726; BWV 647, 1747) Lời Việt: Lm Nguyễn Hữu Phú
10. Tình Chúa thương ta, trích Oratorio Christmas đoạn kết (BWV 248, 1734) Cải soạn và Lời Việt: Tiến Linh

Mùa Giáng Sinh là mùa của bình an và hoan lạc. Nhằm kéo dài sự bình an và hoan lạc đó, tu viện và nhà thờ Mai Khôi tổ chức đêm hát nhạc Bach, với sự hợp tác của BHX Pio X. Bach là nhạc sĩ thiên tài, gắn bó mật thiết với Thiên Chúa qua các nhạc phẩm của ông, đặc biệt là các bản Cantata. BHX Pio X xin cống hiến quí vị một số nhạc phẩm và các bài cantata đó, để niềm vui và sụ bình an của chúng ta đươc đầy tràn.

Kính mời
TM Tu viện và nhà thờ Mai Khôi
 
Giáo xứ Bạch Liên - GP Phát Diệm, tổ chức kĩ niệm lễ cưới cho các gia đình
Bạch Liên
11:04 29/12/2009
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA MỘT GIA ĐÌNH NHÂN DỊP KỶ NIỆM NGÂN KHÁNH HÔN NHÂN

Hình ảnh thánh lễ kỉ niệm ngày cưới

Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa. Nhìn lại chặng đường suốt 25 năm qua, và suốt cuộc đời chúng con hằng được sống trong vòng tay yêu thương của Chúa. Thật là hạnh phúc cho chúng con. Chúa đã thấu suốt mọi sự, Chúa biết con thiếu gì và cần gì. Vậy con xin dâng hy lễ này để tạ ơn Chúa.

Con xin dâng vợ chồng, con cái và hết mọi sự. Xin được hoàn toàn phó thác nơi Chúa. Xin Chúa ban đức Tin, đức Cậy và đức Mến cho chúng con, để chúng con biết sống đấng bậc mình cho nên. Cho các con con ngoan ngoãn, học giỏi, vâng lời.

Xin Chúa thương chúc lành cho gia đình con. Sau nữa con xin cho các linh hồn ông bà, cha mẹ, anh chị em, các linh hồn nơi luyện ngục; nhất là linh hồn Đức Cha Phaolô, đức Ông Phaolô đã dạy dỗ và đã ban lễ cưới cho con để chúng con được nên vợ chồng trước nhan thánh Chúa.

Vậy, con xin Chúa ban cho các ngài sớm được hưởng nhan thánh Chúa. Amen.

(Ngày 29 tháng 12 năm 2009- 24 gia đình cưới bạc, 4 gia đình cưới vàng và 1 gia đình cưới ngọc - Thánh lễ được tổ chức tại nhà thờ giáo xứ Bạch Liên - Giáo phận Phát Diệm)
 
Đôi nét về chương trình họp mặt của Nhóm Tu Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ
Nhóm Tu Sĩ
17:29 29/12/2009
Khép lại những bộn bề lo lắng thường nhật của đời sinh viên, chúng tôi lên đường trở về Thành Phố Houston thuộc Tiểu Bang Texas, nơi được chọn làm “điểm hẹn” hằng năm của nhóm Tu Sĩ Du Học chúng tôi, với một niềm hứng khởi dạt dào. Lần gặp gỡ thứ hai, từ ngày 20-23/12/2009 tại Cirle Lake, của nhóm mang nhiều hứa hẹn tốt đẹp không những cho thời gian sống và học tập trên đất Hoa Kỳ, mà còn là cơ hội để chúng tôi cùng nhau chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm bổ ích cho việc thi hành sứ vụ sau này.



Khác với những ngày mưa lạnh trước đó, thời tiết ở Houston mấy ngày hôm nay thật nhẹ nhàng dễ chịu với nắng ấm và những làn gió dịu mát, tạo thêm bầu khí ấm cúng cho các buổi găp gỡ của nhóm tu sĩ chúng tôi. Về với cuộc họp mặt năm nay có 80 thành viên là Quý Cha, Quý Tu Sĩ, và Quý Chủng Sinh thuộc nhiều giáo phận và hội dòng ở Việt Nam đang học tập trên đất Hoa Kỳ. Mặc dù khác nhau về địa danh nơi chúng tôi đến, nơi sống và học tập hiện thời, về linh đạo của hội dòng, và về thời gian chúng tôi đã “dùi mài kinh sử” trên đất Mỹ, song đến với cuộc họp mặt này các thành viên đều mang chung một tâm tình tạ ơn và những sẻ chia huynh đệ, hầu giúp nhau đạt tới những thành quả tốt nhất trong quãng thời gian quý báu được sống và học tập tại đây. Đó cũng là những tâm tình mà Cha Phaolô, trưởng nhóm, đã chia sẻ trong buổi khai mạc.



Mặc dù không thể hiện diện trong buổi khai mạc của nhóm, nhưng Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương và Đức Ông Giuse Phạm Xuân Thắng, cựu Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, cũng nhắn gửi những ưu tư, trăn trở về tình hình giáo hội nơi quê nhà và niềm tin tưởng về sự cố gắng của các thành viên trong nhóm vì một tương lai tốt đẹp hơn cho quê hương và cho Giáo Hội. Quý ngài sẽ hiện diện và đồng hành cùng nhóm từ Thứ Hai ngày 21 cho tới ngày kết thúc cuộc họp mặt Thứ Tư ngày 23/12. Nhóm chúng tôi cũng rất vinh hạnh có được sự đồng hành quý giá của Cha Mark Lewis, S.J Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Tên, Tỉnh Dòng New Orleans trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp. Đồng thời nhóm cũng rất vui mừng về sự hiện diện của Tiến Sĩ Lê Xuân Hy, giáo sư Tâm Lý Học tại Seattle University, tiểu bang Washington; Sơ Mai Oánh, Bề Trên Giám Tỉnh, và Sơ Kim Hồng Đặc Trách Kinh Viện Dòng Đa Minh Houston. Bên cạnh đó, những người đã âm thầm giúp đỡ và đồng hành cùng nhóm trong suốt thời gian qua và hiện hiện trong kỳ họp lần này, đó là Cha Uông Quang Lượng, Dòng Chúa Cứu Thế Mỹ tại Houston - Cha tuyên úy của nhóm, và Cha Antôn Nguyễn Quốc Dũng, Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Việt Namm tại Houston.

Chương trình họp mặt sẽ bao gồm các buổi thảo luận, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm theo nhóm; các buổi thuyết trình do Đức Cha Mai Thanh Lương với đề tài về tình hình Giáo Hội Hoa Kỳ; Cha Mark Lewis chia sẻ về Sứ Mạng Giáo Dục và Viễn Cảnh Giáo Hội.

Trong ngày cuối cùng của kỳ họp mặt năm nay, nhóm sẽ tổ chức “Đêm Hát Thánh Ca Mừng Chúa Giáng Sinh” vào lúc 7h tối tại Nhà Hàng Kim Sơn, Houston với mục đích trước là mời gọi bà con hướng tâm hồn chào đón Chúa Giáng Sinh, sau là kêu gọi sự hảo tâm đóng góp cứu trợ các nạn nhân bão lụt trong mùa mưa lũ vừa qua tại quê nhà. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhóm nói lên tâm tình tri ân đối với tất cả các ân nhân đã cách này cách khác ủng hộ, giúp đỡ về nhiều mặt trong đời sống, sinh hoạt, và học tập cho các thành viên của nhóm trong thời gian sống và học tập tại Mỹ.



Xin Chúa ban Thánh Thần giúp chúng con có những ngày họp mặt bổ ích và đầy ý nghĩa vì long yêu mến Ngài. Và cũng xin kính chúc các thành viên tham gia cuộc họp mặt và các vị thuyết trình viên một mùa Giáng Sinh An Bình và năm mới tràn đầy ơn Chúa nhờ lời chuyển cầu của Gia Đình Thánh Gia, các Thánh Tử Đạo Việt Nam cùng Chư Thánh.
 
Đêm Thánh Ca Giáng Sinh do Cộng Đoàn Thánh Lucy - Long Beach - Los Angeles
CĐ Lucy
22:12 29/12/2009
Đêm Thánh Ca Giáng Sinh do Cộng Đoàn Thánh Lucy - Long Beach trình bầy
 
Đêm thánh ca Giáng Sinh do Cộng đoàn Phục Sinh - San Gabriel - Los Angeles trình bầy
CĐ Phục Sinh
22:14 29/12/2009
Đêm thánh ca Giáng Sinh do Cộng đoàn Phục Sinh - San Gabriel - Los Angeles trình bầy
 
Đêm thánh ca Giáng Sinh do Cộng đoàn Mân Côi - Claremont - Los Angeles trình bầy
CĐ Mân Côi
22:44 29/12/2009
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thập Giá Trên Công Trường
Dominic Đức Nguyễn
23:11 29/12/2009

THẬP GIÁ TRÊN CÔNG TRƯỜNG



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn (Hình chụp tại công trường xây cất Đan Viện Châu Sơn tại Sacramento, California)

Ban mai sương lạnh công trường vắng

Thập giá vừng đông vẫn sáng ngời!

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền