Ngày 31-12-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Radio Vatican ngừng tồn tại như một thực thể độc lập từ sau ngày 31 tháng 12, 2016
Đặng Tự Do
05:53 31/12/2016
Cha Federico Lombardi


Đức Jorge Mario Bergoglio là giáo sĩ dòng Tên đầu tiên trong lịch sử được ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô. Nhưng điều khôi hài là chính trong triều đại của ngài, Dòng Tên đang có nguy cơ bị biến mất khỏi Vatican!

Cố nhiên, may ra dòng này vẫn còn giữ được đài quan sát thiên văn ở tuốt Castel Gandolfo. Nhưng dòng này đã lần lượt mất đi quyền chỉ huy phòng báo chí Tòa Thánh, các mạng lưới phát thanh, và đài truyền hình, là ba cơ quan hình thành nên đầu não của hệ thống truyền thông Vatican.

Trong nhiều năm, Cha Federico Lombardi đã là nhà lãnh đạo của cả ba cơ quan trên. Nhưng ngài mất dần quyền lãnh đạo các cơ quan này và không có một vị dòng Tên nào đã được bổ nhiệm thay thế cho ngài.

Nhà lãnh đạo mới của các phương tiện truyền thông Vatican, được chỉ định bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, với trọng trách là thành lập một cơ cấu truyền thông mới, là Đức Ông Dario Edoardo Viganò (một chuyên gia về điện ảnh, dưới cái nhìn của cha Lombardi.)

Radio Vatican là trung tâm của biến động này. Được ủy thác cho Dòng Tên từ khi được chào đời vào năm 1931, Radio Vatican đã mang các sứ điệp của Giáo Hội đến các góc trời xa nhất của thế giới.

Phát trên sóng ngắn (short wave), Radio Vatican có thể nghe được ngay cả ở những nơi bị cấm triệt để như ở Siberia trong những năm dưới chế độ tàn bạo của Stalin, hay như ngày hôm nay đây ở Bắc Triều Tiên hay Ả Rập Saudi.

Radio Vatican phát thanh bằng 40 thứ tiếng, và nếu muốn, Cha Lombardi có thể tăng thêm một vài ngôn ngữ khác nữa. Ngài thậm chí có lần đã phát các chương trình bằng tiếng Hausa, cho khu vực phía Bắc Nigeria, nơi bọn Boko Haram đang hoành hành, với một chi phí bổ sung chỉ khoảng 10,000 € mỗi năm.

Tuy nhiên, những người giữ hầu bao tại Vatican đã buộc ngài phải đóng cửa các chương trình này vì lý do ngân sách eo hẹp.

Trong thực tế, Tòa Thánh phải chi tiêu rất nhiều cho Radio Vatican. Không có quảng cáo, không một doanh thu đáng kể nào, và vì phát trên nhiều ngôn ngữ khác nhau, ít nhất Tòa Thánh phải trả lương cho hơn 200 người trong đó có 35 nhà báo làm việc toàn thời. Tổng chi ngân sách cho Radio Vatican dao động từ hai mươi đến ba mươi triệu euro mỗi năm.

Vì thế, Đức Ông Viganò không muốn nghe đến hai từ sóng ngắn nữa. Ngài xem nó là lỗi thời và phải được tháo dỡ, bởi vì nó đã và đang bị thay thế bởi các trang web.

Trong khi đó thì cha Lombardi lại thấy sóng ngắn tiếp tục giữ một vai trò thiết yếu như một dịch vụ “cho người nghèo, những người bị áp bức, những dân tộc thiểu số” thay vì phải bị loại bỏ trong một cố gắng tối đa hóa số khán thính giả với một ngân sách eo hẹp.

Đó là hai viễn kiến đối chọi nhau. Tuy nhiên, con đường xem ra đã được vạch ra. Tại châu Phi, nơi thực là khó khăn để truy cập internet, Đức Ông Viganò đã có một thỏa thuận với Facebook theo đó các thông điệp của Đức Giáo Hoàng sẽ được mang đến 44 quốc gia trong vùng, qua một ứng dụng trên điện thoại di động.

Ngày 31 tháng 12, 2016 là ngày cuối cùng Radio Vatican tồn tại như một thực thể độc lập. Sau ngày đó, nó sẽ được hội nhập vào một “trung tâm nội dung” duy nhất hay theo cách nói của Đức Ông Viganò, là vào “một trung tâm sản xuất đa phương tiện duy nhất bao gồm các văn bản, hình ảnh, phim ảnh và podcast được phát bằng nhiều ngôn ngữ,” dưới sự lãnh đạo về biên tập do chính Đức Ông Viganò đảm nhiệm và sẽ sớm được bàn giao cho một “lực lượng đặc nhiệm các ký giả”, nhiều người trong số đó sẽ được mời từ Radio Vatican và được khích lệ tự thích nghi bản thân với vai trò mới.

Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đã quyết định đi theo hướng này khi ngài lần lượt tiếp các ngôi sao trong các hệ thống hiện đại nhất của ngành truyền thông. Trong năm nay thôi, ngài đã lần lượt tiếp các “ông trùm” của Apple, Google, Instagram, Facebook, Vodafone. Không ai trong số họ ra về trắng tay. Và vào đầu tháng Mười Hai, ngài đã tiếp các nhà lãnh đạo trong ban biên tập của Giants Fortune và Time Warner, là những người hứa hẹn sẽ cộng tác với Vatican trong việc hỗ trợ những người tị nạn, và những người nghèo trên toàn thế giới, với sự tham gia của các công ty như IBM, McKinsey, Siemens WPP, và vân vân.

Đức Ông Edoardo Viganò
 
Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2017
LM Trần Đức Anh OP chuyển ý
10:18 31/12/2016
Ngày 1-1-2017 là Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 50 kể từ khi được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6 thiết lập. Lần này có chủ đề là ”Bất bạo động: một đường lối chính sách hòa bình”.

Văn kiện này được chia làm 7 đoạn lần lượt nói đến một thế giới bị phân hóa và phải chịu nạn bạo lực ”từng mảnh” bằng nhiều cách ở nhiều cấp độ khác nhau, gây ra những đau khổ lớn lao như chúng ta đang chứng kiến: chiến tranh tai nhiều nước và đại lục, nạn khủng bố, tọi pháp, những cuộc tấn công võ trang không lường trước được..

ĐTC xác quyết bạo lực không phải là cách săn sóc thế giới chúng ta bị tan thành mảnh. Dùng bạo lực để đáp trả bạo lực cùng lắm chỉ dẫn tới những cuộc tản cư vì bị bó buộc và những đau khổ vô biên.

ĐTC nhận xét rằng bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy... Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo... Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiển tạo hòa bình, chỉ để giúp đã một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống của họ.

ĐTC cũng xác tín rằng nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình.

ĐTC xác quyết: ”Việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ”.


Sau đây là toàn văn Sứ điệp Hòa bình của ĐTC, dịch từ nguyên bản tiếng Ý.

1. Vào đầu năm mới, tôi gửi lời chân thành cầu chúc an bình tới các dân tộc và quốc gia trên thế giới, tới các vị Quốc Trưởng và Chính Phủ, cũng như các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo và những tổ chức khác của xã hội dân sự. Tôi cầu chúc an bình cho mỗi ngừơi nam, nữ, trẻ em và cầu nguyện để hình ảnh và sự sống Thiên Chúa nơi mỗi người giúp chúng ta nhìn nhận nhau như những món quà thánh thiêng có một phẩm giá vô biên. Nhất là trong những tình trạng xung đột, chúng ta tôn trọng ”Phẩm giá sâu xa nhất” và biến bất bạo động thành một lối sống của chúng ta.

Đây là Sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 50. Trong sứ điệp đầu tiên, Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 đã ngỏ lời với tất cả các dân tộc, - không những với các tín hữu Công Giáo mà thôi,- với những lời thật rõ ràng: ”Sau cùng chúng ta thấy rất rõ rệt hòa bình là con đường duy nhất và chân thực của sự tiến bộ con người (không phải những căng thẳng của chủ nghĩa quốc gia tham vọng, không phải những chiếm đoạt bằng bạo lực, không phải những đàn áp đưa tới một trật tự dân sự giả tạo)”. Ngài cảnh giác trước ”nguy cơ tin rằng những tranh chấp quốc tế không thể giải quyết được bằng những con đường lý trí, nghĩa là bằng những cuộc thương thuyết dựa trên luật pháp, công lý, công chính, nhưng chỉ bằng những cuộc thương thuyết dựa trên sức mạnh làm cho đối phương nể sợ và gây chết chóc”. Trái lại, ngài trích dẫn thông điệp ”Hòa bình dưới thế” của vị tiền nhiệm là thánh Gioan 23, ca ngợi ”ý nghĩa và lòng yêu mến hòa bình dựa trên sự thật, công lý, tự do và tình thương”. Những lời này rất thời sự, ngày nay nó không kém phần quan trọng và cấp thiết so với cách đây 50 năm.

Trong dịp này tôi muốn bàn về sự bất bạo động như một đường lối chính trị hòa bình và cầu xin Chúa giúp tất cả chúng ta kín múc nơi sự bất bạo động trong chiều sâu của tâm tình và những giá trị bản thân của chúng ta. Ước gì đức bác ái và bất bạo động hướng dẫn cách thức chúng ta đối xử với nhau trong các quan hệ giữa người với nhau, trong các quan hệ xã hội và quốc tế. Khi biết kháng cự lại cám dỗ báo thù, các nạn nhân của bạo lực có thể giữ vai chính đáng tín nhiệm hơn trong các tiến trình bất bạo động xây dựng hòa bình. Trên bình diện địa phương và thường nhật cho đến bình diện hoàn cầu, bất bạo động có thể trở thành cách thức đặc biệt trong các quyết định, các quan hệ, hành động và chính trị trong tất cả các hình thức của nó.

Một thế giới bị phân tán

2. Thế kỷ 20 vừa qua đã bị hai thế chiến chết chóc tàn phá, đã cảm nghiệm sự đe dọa của chiến tranh hạt nhân và một số lớn các cuộc xung đột khác, trong khi ngày nay, đáng tiếc là chúng ta phải đương đầu với một thế chiến từng mảnh kinh khủng. Không dễ biết thế giới hiện nay có bị bạo lực hơn hay kém so với trước kia, và các phương tiện truyền thông hiện đại và đặc tính di động của thời đại ngày nay có làm cho chúng ta ý thức hơn về bạo lực và quen thuộc với nó nhiều hơn hay không.

Dầu sao, bạo lực này được thực thi từng mảnh, theo những thể thức và mức độ khác nhau, tạo nên những đau khổ kinh khủng mà chúng ta biết rõ: những cuộc chiến tranh tại nhiều quốc gia và đại lục; nạn khủng bố, tội phạm, và các cuộc tấn công võ trang không lường trước được; những lạm dụng mà người di dân và các nạn nhân nạn buôn người phải chịu; sự tàn phá môi trường. Với mục đích nào? Bạo lực có cho phép đạt tới những mục tiêu có giá trị lâu bền hay không? Tất cả những điều mà nó đạt được chẳng phải là khơi lên những vụ trả thù và các vòng xung đột chết chóc chỉ mang lại ích lợi cho một thiểu số ”các lãnh chúa chiến tranh” sao?

Bạo lực không phải là sự chữa lãnh thế giới bị phân tán từng mảnh của chúng ta. Lấy bạo lực đáp lại bạo lực, cùng lắm chỉ đưa tới những tình trạng buộc lòng phải di cư và đau khổ vô biên, vì số lượng tài nguyên lớn lao được dành cho các mục tiêu quân sự và được rút khỏi những nhu cầu thường nhật của người trẻ, các gia đình gặp khó khăn, người già, bệnh nhân, và đại đa số dân trên thế giới. Tệ nhất, nó có thể đưa tới chết chóc, về thể lý và tinh thần, của nhiều người, nếu không phải là tất cả mọi người.

Tin Mừng

3. Cả Chúa Giêsu cũng đã từng sống trong thời bạo lực. Ngài dạy rằng chiến trường đích thực trong đó bạo lực và hòa bình đương đầu với nhau chính là tâm hồn con người: “Thực vậy, từ bên trong, tức là từ tâm hồn con người, xuất phát những ý hướng xấu xa” (Mc 7,21). Sứ điệp của Chúa Kitô, đứng trước thực tại ấy, mang lại câu trả lời hoàn toàn tích cực: Ngài rao giảng không biết mệt mỏi tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đón tiếp và tha thứ, và dạy các môn đệ hãy yêu thương kẻ thù (Xc Mt 5,44) và giơ má bên kia (Xc Mt 5,39). Khi ngăn cản những kẻ cáo buộc người phụ nữ ngoại tình ném đá bà (Xc Ga 8,1-11) và trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã bảo Phêrô hãy xỏ gươm vào vỏ (Xc Mt 26,52), Chúa Giêsu vạch ra con đường bất bạo động, con đường mà Ngài đi tới cùng, tới thập giá, nhờ đó Ngài thực thi hòa bình và phá hủy sự thù nghịch (Xc Ep 2,14-16). Vì thế ai đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu, thì biết nhận ra bạo lực mang trong mình và để cho lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành, nhờ đó họ trở thành dụng cụ hòa giải, theo lời khuyên của thánh Phanxicô Assisi: ”Hòa bình mà các con loan báo bằng miệng, các con hãy có hòa bình ấy dồi dào hơn nữa trong tâm hồn các con”.

Ngày nay, là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là gắn bó với đề nghị của Ngài về bất bạo động. Như vị Tiền nhiệm Biển Đức 16 của tôi đã khẳng định, ”bất bạo động có tính chất thực tiễn, vì ý thức rằng trong thế giới có quá nhiều bạo động, quá nhiều bất công, và vì thế không thể vượt qua tình trạng này nếu không kháng cự nó bằng một điều lớn hơn: bằng tình yêu, bằng lòng từ nhân. Điều lớn hơn này đến từ Thiên Chúa”. Và Ngài mạnh mẽ nói thêm rằng: ”Sự bất bạo động đối với các tín hữu Kitô không phải chỉ là một thái độ chiến thuật, nhưng là một lối sống, là thái độ của người xác tín mạnh mẽ về tình yêu của Thiên Chúa và quyền năng của Ngài đến độ không sợ đối đầu với sự ác chỉ bằng võ khí tình thương và sự thật mà thôi. Lòng yêu thương kẻ thù chính là nòng cốt ”cuộc cách mạng Kitô giáo”. Chính lời dạy của Tin Mừng hãy yêu thương kẻ thù (Xc Lc 6,27) được coi như ”Đại hiến chương về sự bất bạo động Kitô giáo”: nó không hệ tại ”đầu hàng sự ác [...] nhưng là đáp trả sự ác bằng điều thiện (Xc Rm 12,17-21), nhờ đó phá vỡ xiềng xích của bất công”.

Mạnh hơn bạo lực

4. Bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và chỉ thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi Mẹ Têrêsa nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố rõ ràng sứ điệp của Mẹ là bất bạo động tích cực và nói: ”Trong gia đình chúng ta, chúng ta không cần bom đạn và võ khí, không cần tàn phá để mang lại hòa bình, nhưng cần ở với nhau, yêu thương nhau [...] Và chúng ta có thể vượt thắng mọi sự ác trên thế giới”. Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo. ”Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiến tạo hòa bình, chỉ để giúp đỡ một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống cho tha nhân. Đối với những người xây dựng hòa bình như thế, Mẹ Têrêsa chính là một biểu tượng, một hình ảnh của thời đại chúng ta”. Tháng 9 năm 2016, tôi đã được niềm vui lớn khi tôn phong Mẹ lên hàng hiển thánh. Tôi đã ca ngợi sự sẵn sàng của Mẹ đối với tất cả mọi người qua 'sự tiếp đón và bảo vệ sự sống con người, sự sống chưa sinh ra và sự sống bị bỏ rơi và gạt bỏ. [...]. Mẹ đã cúi mình trên những người kiệt lực, bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường, Mẹ nhìn nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ; Mẹ đã lên tiếng với những người hùng mạnh của trái đất này, để họ nhìn nhận của họ trước những tội ác - trước những tội ác! - nghèo đói do chính họ tạo nên”. Đối lại, sứ mạng của Mẹ - qua đó Mẹ đại diện cho hàng ngàn người, đúng hơn là hàng triệu người - đi gặp các nạn nhân với lòng quảng đại và tận tụy, động đến và băng bó mỗi thân thể bị thương, chữa lành mỗi cuộc sống bị tan vỡ.

Sự bất bạo động được thực hành với lòng tận tụy và phù hợp với niềm tin tạo nên những kết quả lạ lùng. Những thành công của Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaffar trong việc giải phóng Ấn độ và của Martin Luther King Jr chống lại nạn kỳ thị chủng tộc sẽ không bao giờ bị quên lãng. Đặc biệt các phụ nữ thường là những người lãnh đạo bất bạo động, ví dụ như Leymah Gbowee và hàng ngàn phụ nữ Liberia, đã tổ chức những cuộc gặp gỡ cầu nguyện và phản đối bất bạo động (pray-ins) đạt được những cuộc thương thuyết ở cấp độ cao để kết thúc cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia.

Chúng ta không thể quên thập niên lịch sử được kết thúc với sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Âu Châu. Các cộng đồng Kitô đã đóng góp bằng việc cầu nguyện liên lỷ và hành động can đảm. Họ đã thực hiện một ảnh hưởng đặc biệt đối với sứ vụ và giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô 2. Suy tư về các biến cố năm 1989 trong Thông điệp Năm Thứ 100 (1991), vị tiền nhiệm của tôi đã nhấn mạnh rằng một sự thay đổi lịch sử trong đời sống các dân tộc, các quốc tộc và quốc gia được thực hiện ”nhờ cuộc chiến đấu hòa bình, chỉ dùng võ khí sự thật và công lý”.

Hành trình chuyển tiếp chính trị này tiến về hòa bình đã thực hiện được nhờ ”sự dấn thân bất bạo động của những người, trong khi luôn luôn từ khước chiều theo quyền bính của sức mạnh, đã biết thỉnh thoảng tìm được những hìonh thức hữu hiệu để làm chứng cho sự thật”. Và Ngài kết luận: ”Ước gì con người học cách chiến đấu cho công lý mà không bạo động, từ bỏ cuộc đấu tranh giai cấp trong các cuộc tranh chấp nội bộ và chiến tranh trong các cuộc tranh chấp quốc tế”.

Giáo Hội dấn thân thực hiện những chiến lược bất bạo động thăng tiến hòa bình tại nhiều nước, thậm chí yêu cầu cả các tác nhân bạo lực nhất trong cố gắng xây dựng một nền hòa bình công chính và lâu bền.

Sự dấn thân này để bênh vực các nạn nhân bất công và bạo lực không phải là một gia sản riêng của Giáo Hội Công Giáo, nhưng của nhiều truyền thống tôn giáo, đối với họ, ”sự cảm thương và bất bạo động là điều thiết yếu và chỉ cho con đường sự sống”. Tôi mạnh mẽ lập lại rằng: ”Không có tôn giáo nào là khủng bố”. Bạo lực là một sự xúc phạm đến danh Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi lập lại điều này: ”Không bao giờ danh Thiên Chúa có thể biện minh cho bạo lực. Chỉ có hòa bình là thánh thiêng. Chỉ có hòa bình là tháng, chứ không phải chiến tranh!”

Căn cội tại gia của một nền chính trị bất bạo động

5. Nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình. Đó là một thành phần niềm vui của tình thương mà tôi đã trình bày hồi tháng 3 năm nay trong Tông Huấn ”Amoris laetitia” (Niềm vui yêu thương), kết thúc 2 năm suy tư của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Gia đình là lò tôi luyện không thể thiếu được trong đó đôi vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em học cách đả thông và chăm sóc nhau một cách vô vị lợi, và nơi mà những sầu muộn và thậm chí những xung đột phải được vượt thắng không phải bằng võ lực, nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, tìm kiếm thiện ích cho người khác, từ bi và tha thứ. Từ bên trong gia đình niềm vui yêu thương lan truyền trên thế giới và tỏa lan trong toàn xã hội. Đàng khác, một nền luân lý đạo đức huynh đệ và sống chung hòa bình giữa con người và các dân tộc không thể dựa trên sợ hãi, bạo lực và khép kín, nhưng trên trách nhiệm, tôn trọng và đối thoại chân thành. Trong chiều hướng đó, tôi kêu gọi giải trừ võ trang, và cấm chỉ cũng như bãi bỏ các võ khí hạt nhân: việc dùng võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ và sự đe dọa tàn phá lẫn nhau không thể tạo nên nền luân lý đạo đức huynh đệ. Tôi cũng khẩn thiết kêu gọi hãy chấm dứt sự bạo hành trong gia đình và những lạm dụng phụ nữ và trẻ em.

Năm Thánh Lòng Thương xót, kết thúc hồi tháng 11 vừa qua, là một lời mời gọi hãy nhìn vào chiều sâu của tâm hồn chúng ta và để cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đi vào. Năm Thánh đã làm cho chúng ta ý thức có đông đảo những người khác nhau và các nhóm xã hội bị đối xử dửng dưng, họ là nạn nhân của bất công và bị bạo hành. Họ thuộc ”gia đình” chúng ta, họ là anh chị em của chúng ta. Vì thế các chính sách bất bạo động phải bắt đầu từ trong 4 bức tường gia đình chúng ta để lan tỏa ra trong toàn thể gia đình nhân loại. Tấm gương của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu mời gọi chúng ta thực hành con đường thơ ấu của tình thương, đừng đánh mất cơ hội nói một lời tử tế dễ thương, một nụ cười, bất kỳ cử chỉ nhỏ bé nào gieo vãi an bình và tình thân hữu. Một nền môi sinh học toàn diện cũng được hình thành bằng những cử chỉ đơn sơ thường nhật trong đó chúng ta phá vỡ đường lối bạo lực, bóc lột và ích kỷ”.

Lời mời gọi của tôi

6. Việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ. Chúa Giêsu đã trao tặng cho chúng ta một cuốn chỉ nam trong kế hoạch kiến tạo hòa bình qua Bài Giảng Trên Núi. 8 mối phúc thật (Xc Mt 5,3-10) phác họa mẫu mực của người mà chúng ta có thể định nghĩa là người có phúc, người tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu nói: ”Phúc cho những người hiền lành, người có lòng thương xót, người xây dựng hòa bình, người có tâm hồn thanh thiết, những người đói khát sự công chính”

”Đây cũng là một chương trình và là một thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các vị trách nhiệm các tổ chức quốc tế và những người điều khiển xí nghiệp, các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới: đó là áp dụng các Mối Phúc Thật, qua đó họ thực thi trách nhiệm của mình. Một thách đố xây dựng xã hội, cộng đoàn hoặc xí nghiệp mà họ trách nhiệm theo thể thức của người xây dựng hòa bình; chứng tỏ lòng từ bi thương xót bằng cách từ chối gạt bỏ con người, từ chối gây thiệt hại cho môi trường và khước từ ý muốn chiến thắng bằng mọi giá. Điều này đòi phải có sự sẵn sàng ”chịu đựng xung đột, giải quyết nó và biến đổi nó thành một mắt xích liên kết trong tiến trình mới”. Hoạt động như thế có nghĩa là chọn lựa tình liên đới như một cách thức làm lịch sử và kiến tạo tình thân hữu xã hội. Sự bất bạo động tích cực là một cách thức để chứng tỏ rằng quả thực sự hiệp nhất thì mạnh mẽ và phong phú hơn xung đột. Tất cả trong thế giới đều có liên hệ mật thiết với nhau. Tuy có thể xảy ra là những tranh chấp sinh ra sầu muộn: nhưng chúng ta hãy đương đầu với chúng một cách xây dựng và bất bạo động, như thế ”những căng thẳng và đối nghịch (có thể) đi tới một sự hiệp nhất đa dạng sinh ra đời sống mới”, bảo tồn ”những tiềm năng quí giá của những lập trường đối nghịch nhau”.

Tôi cam đoan rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ đồng hành với mỗi cố gắng xây dựng hòa bình kể cả qua sự bất bạo động tích cực và có tinh thần sáng tạo. Ngày 1-1-2017 là ngày khai sinh Bộ mới, Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, giúp Giáo Hội thăng tiến một cách ngày càng hữu hiệu ”những thiện ích khôn lường của công lý, hòa bình và bảo tồn thiên nhiên”, và sự quan tâm đối với những người di dân, ”những người túng thiếu, các bệnh nhân và những người bị gạt bỏ, những người ở ngoài lề, và các nạn nhân của những cuộc xung đột võ trang và những thiên tai, các tù nhân, những người thất nghiệp và các nạn nhân của bất kỳ hình thức nô lệ và tra tấn”. Mỗi hành động trong chiều hướng này, dù là bé nhỏ, đều góp phần xây dựng một thế giới không còn bạo lực, một bước tiến đầu tiên hướng về công lý và hòa bình.

Kết luận

7. Theo truyền thống, tôi ký Sứ điệp này ngày 8-12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình. Khi Con của Mẹ sinh ra, các thiên thần tôn vinh Thiên Chúa và cầu chúc hòa bình cho con người trên trái đất, những người nam nữ thiện chí (Xc Lc 2,14). Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ hướng dẫn chúng ta.

”Tất cả đều mong ước hòa bình; bao nhiêu người hằng ngày kiến tạo hòa bình với những cử chỉ nhỏ bé và nhiều người chịu đau khổ và kiên nhẫn chịu đựng vất vả với bao nhiêu cố gắng để xây dựng hòa bình”. Trong năm 2017, chúng ta hãy dấn thân, bằng kinh nguyện và hoạt động để trở thành những người loại trừ bạo lực khỏi tâm hồn, khỏi lời nói và cử chỉ, và xây dựng cộng đoàn bất bạo động, chăm sóc căn nhà chung. ”Không gì là không có thể nếu chúng ta chạy đến cùng Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả có thể là những người xây dựng hòa bình
 
Các vụ Đức Mẹ hiện ra
Linh Tiến Khải
10:20 31/12/2016
** Khi tìm hiểu về Đức Mẹ, chúng ta không thể không đề cập đến các vụ Đức Mẹ hiện ra đó đây trên thế giới. Trong lịch sử dài hơn 2.000 năm của Kitô giáo có hàng ngàn vụ Đức Mẹ hiện ra, đó đây trên thế giới, nhưng chỉ có một số ít được Giáo Hội chính thức công nhận. Nhiều vụ hiện ra khác tuy không được chính thức công nhận, nhưng Giáo Hội cho phép tín hữu sùng kính và lui tới hành hương.

Rất nhiều đền thánh hay trung tâm hành hương nổi tiếng trên thế giới đã được xây cất kính nhớ các biến cố Đức Trinh Nữ Maria hiện ra. Chẳng hạn như tại Lourdes miền nam nước Pháp, Đức Đức Mẹ đã hiện ra với chị Bernadette Soubiroux năm 1858, và tại Fatima bên Bồ Đào Nha với ba trẻ mục đồng Lucia, Giacinta và Phanxicô năm 1917. Bên Mỹ châu Latinh biến cố Đức Mẹ hiện ra trên đồi Tepeyac bên Mehicô năm 1531 với ông Juan Diego Cuauhtlatoatzin, một thổ dân Aztec, làm nảy sinh ra đền thánh Đức Bà Guadalupe. Năm 1717 Đức Mẹ không hiện ra tại Aparecida bên Brasil, nhưng một nhóm dân chài đã tìm thấy một tượng Đức Mẹ nổi tiếng làm phép lạ làm nảy sinh ra đền thánh vĩ đại như chúng ta thấy hiện nay.

Các đền thánh nổi tiếng này hằng năm thu hút hàng triệu tín hữu và du khách hành hương đến cầu nguyện và kính viếng: 12 triệu tại Aparecida, 7 triệu tại Guadalupe, hơn 7 triệu tại Fatima, 5 triệu tại Lourdes.

Tại Việt Nam Đức Mẹ đã hiện ra với một số tín hữu bị bách hại chạy trốn vào rừng La Vang năm 1798. Đức Mẹ cũng hiện ra che chở tín hữu tại Trà Kiệu, khi họ bị 4.000 quân Văn Thân vây hãm năm 1855.

Tại Roma đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng tám năm 352 Đức Mẹ hiện ra với ĐGH Liberio và với nhà quyền quý Giovanni, xin xây một nhà thờ kính Mẹ. Khi ĐGH hỏi: “Mẹ muốn xây ở đâu?”, thì Đức Mẹ trả lời sáng ngày mai con thấy tuyết rơi ở đâu thì xây nhà thờ ở đó”. Quả nhiên sáng mùng 5 tháng 8 năm 352 tuyết rơi ngay giữ mùa hè trên đồi Esquilino, và ĐGH đã cho xây Đền Thờ Đức Bà Cả ở đó. Gọi là Đức Bà Cả vì nó là đền thờ lớn nhất đầu tiên kính Đức Mẹ bên Tây Phương. Nhưng vì sự tích tuyết rơi nên đền thờ cũng còn được gọi là Đền thờ Đức Bà xuống tuyết. Hiện nay vào mỗi ngày mùng 5 tháng 8 lễ kính Đức Bà xuống tuyết vẫn được cử hành long trọng tại đây. Đền thờ cũng còn được gọi là đền thờ máng cỏ, vì có giữ hai thanh gỗ lấy ở máng cỏ Bếtlêhem.

** Tại Tre Fontane ở ngoại ô Roma ngày 12 tháng 4 năm 1947 Đức Mẹ cũng hiện ra với ông Bruno Cornacchiola và ba đứa con nhỏ của ông. Ông Bruno sinh năm 1913 và qua đời năm 2001. Ông đã từng tham chiến bên Tây Ban Nha và bị một binh sĩ gốc Đức lôi kéo theo Tin Lành Adventist và chống Giáo Hội Công Giáo. Ngày 12 tháng 4 năm 1947 ông đưa ba con đến ngọn đồi nhỏ ở Tre Fontane để chuẩn bị một diễn văn đả kích giáo lý của Giáo Hội Công Giáo liên quan tới sự trọn đời đồng trinh của Đức Maria, sự vô nhiêm nguyên tội và hồn xác lên trời. Gianfranco, đứa con trai bé nhất của ông, chơi chạy theo trái banh lọt vào trong một hang đá. Ông tìm thấy con qùy gỗi xuất thần trước hang đá miệng lẩm bẩm :”Bà Đẹp”. Hai đứa con khác cũng xuất thần quỳ xuống. Ông vào trong hang đá và trông thấy Đức Maria mặc áo trắng, thắt lưng mầu hồng có áo choàng xanh, tay ôm cuốn Thánh Kinh, biểu tượng cho sự mạc khải và nói với ông: “Ta là Đức Trinh Nữ của sự mạc khải. Con bách hại Ta. Bây giờ đủ rồi! Hãy vào trong chuồng chiên. Điều Thiên Chúa hứa là không thể thay đổi: chín thứ sáu kính Thánh Tâm mà vì tình yêu vợ ngưòi vợ trung thành của con đã thôi thúc con làm trước khi con vĩnh viễn theo con đường của lầm lạc, đã cứu con”. Khi nghe vậy, ông Bruno cảm thấy niềm vui sâu thăm trong tâm hồn, và ngửi thấy một mùi thơm êm dịu trong hang đá. Trước khi từ biệt Đức Mẹ cho ông một dấu chỉ để ông không còn nghi ngờ nguồn gốc thiên linh của thị kiến: đó là cuộc găp gỡ của ông với một linh mục. Và sự việc đã xảy ra như Đức Mẹ báo trước. Sau khi khước từ sai lầm, ông lại được tiếp nhận vào cộng đoàn Công Giáo. Ông cũng kể là đã trông thấy Đức Mẹ hiện ra trong các ngày mùng 6, 23 và 30 tháng 5 năm đó. Ngày mùng 9 tháng 12 năm 1949 khi gặp ĐGH Piô XII ông đã xưng thú là mưởi năm trước, khi từ cuộc nội chiến bên Tây Ban Nha về, ông đã có dự tính giết ngài. Theo miêu tả của ông một bức tượng đã được tạc và đặt trong hang đá. Cũng có một bảng khắc lời ông nói ghi nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra ngày 12 tháng 4 năm 1947. Tuy không được Giáo Hội chính thức công nhận, nhưng năm 1956 ĐGH Pio XII cho phép xây một nhà nguyện nhỏ kính Đức Mẹ và giao cho các tu sĩ Phanxicô viện tu trông coi. Năm 1997 ĐGH Gioan Phaolô II chấp thuận tên gọi nơi đây là “Thánh Maria của Ngàn năm thứ ba ở Tre Fontane”. Đã có rất nhiều tín hữu nhận đưọc các ơn lành với hàng ngàn tấm bảng tạ ơn Đức Mẹ.

** Thật ra, Đức Mẹ ra hiện ra tại rất nhiều nơi trên thế giới, và các vụ hiện ra đó đã đưọc thu thập trong hai cuốn sách dầy. Chúng chứng tỏ cho thấy tình yêu thương của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đối với tín hữu và con cái loài người. Đức Mẹ có thể hiện ra với một người hay nhiều người. Các vụ hiện ra có thể xảy ra một lần hay nhiều lần, tại những nơi chốn và thời điểm khác nhau. Thông thường chúng mang tên nới chốn xảy ra, hay từ tên do Đức Mẹ tỏ lộ cho trong lần hiện ra đó, hoặc từ khía cạnh được miêu tả. Đây là hiện tượng rất thường xảy ra trong lịch sử của Kitô giáo kể từ thế kỷ thứ IV và gia tăng mạnh mẽ trong thế kỷ XIX, và nhất là trong thế kỷ XX.

Theo từ điển Công Giáo việc Đức Mẹ hiện ra là một thị kiến mà một hay nhiều người cho rằng họ đã trông thấy Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu Kitô, trong cử chỉ hướng tới họ với lời nói hay cử chỉ. Trong trường hợp trong đó các khẳng định được trình bầy không có thực tại hay hình ảnh, mà chỉ có trong hình thức các lời loan báo thôi, thì từ diễn tả đúng đắn nhất là kiểu nói, như xảy ra trong các kinh nghiệm thần bí, liên quan tới các sứ giả khác với Đức Maria.

Say đây là một số vụ Đức Mẹ hiện ra đã được Giáo Hội chính thức chấp nhận: Đức Bà Canh Giữ tại Genova tây bắc Italia năm 1490; Đức Bà Guadalupe bên Mêhicô năm 1531; Đức Bà Laus bên Pháp trong các năm 1664-1718; Đức Bà cứu giúp Champion bên Hoa Kỳ năm 1859; Đức Bà Aparecida bên Brasil năm 1717; các vụ hiện ra với bà thánh Caterina Labouré bên Paris năm 1830 cũng gọi là Đức Bà Mề đai phép lạ; Đức Bà Phép Lạ hiện ra với Alphonse Marie Ratisbone tại Roma năm 1842; Đức Bà La Salette bên Pháp năm 1846; Đức Bà Lộ Đức bên Pháp năm 1858; Đức Bà Pontmain bên Pháp năm 1871; Đức Bà Gietrzwald bên Ba Lan năm 1877; Đức Bà Knock bên Ailen năm 1879; Đức Bà Fatima bên Bồ Đào Nha năm 1917; Đức Bà Beauraing bên Bỉ năm 1932-1933; Đức Trinh Nữ người nghèo tại Banneux bên Bỉ năm 1933; Đức Bà của mọi dân tộc tại Amsterdam bên Hoà Lan 1945-1959; Đức Bà Akita bên Nhật Bản năm 1973; Đức Maria Trinh Nữ và là Mẹ Hoà Giải mọi dân tộc và quốc gia tại Finca Betanaia bên Venezuela năm 1976; Đức Bà Kibeho bên Rwanda năm 1981; Đức Bà Mân Côi của thánh Nicolas bên Argentina năm 1983.

** Ngoài ra Giáo Hội cũng chính thức thừa nhận các vụ hiện ra sau đây: Nữ Vương các Thánh hay phép lạ thánh Ciriaco tại Ancona trung Italia năm 1796; Đức Bà làm phép lạ tại Taggia năm 1855; Đức Bà khóc tại Siracusa trên đảo Sicilia nam Italia năm 1953.

Liên quan tới các vụ Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Caterina Labouré năm 1830 tại Rue du Bac bên Paris, đã không thể có chứng tá của chị, nhưng bắt đầu từ thời ĐGH Gregorio XVI Giáo Hội có thái độ thuận tiện đối với Mề Đai làm phép lạ.

Có nhiều vụ hiện ra khác nữa tuy không được Giáo Hội chính thức thừa nhận, nhưng được phép sùng kính Đức Mẹ. Trong đó có Đức Bà Caravaggio bên Italia năm 1432; Thánh Maria tại Parete vùng Liveri Napoli, nam Italia năm 1514; Đức Bà các Thiên Thần tại Arcola năm 1556; Đức Bà Coromoto bên Venezuela năm 1652; Đức Bà của Lòng Thương Xót tại Rimini năm 1850; Đức Maria Rất Thánh Sầu Bi tại Castelpetroso Italia năm 1888; Đức Trinh Nữ Sầu Bi bên Quito năm 1906; Đức Bà Đá Tảng tại Belpasso 1981-1986.

Ngày 25 tháng 2 năm 1978 Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố tài liệu “Các điều lệ việc tiến hành phán xử các vụ hiện ra hay các mặc khải trong đó có các khoản sau đây: ĐGM sở tại có thể bắt đầu một tiến trình do sáng kiến riêng của mình hay vi lởi xin của một tin hữu để điều tra các sự kiện liên quan tới một vụ hiện ra. Giám Mục có thể không xem xét vụ hiện ra nếu muốn, đặc biệt khi nghĩ rằng câu chuyện sẽ không đi đến đâu. Hội Đồng Giám Mục có thể can thiệp nếu Giám Mục sở tại yêu cầu, hay nếu biến cố trở thành quan trọng trên bình diện quốc gia, hay ít nhất trên bình diện rộng rãi hơn một giáo phận. Cả Toà Thánh cũng có thể can thiệp, nếu có lời xin của chính Giám Mục sở tại, hay do lởi thỉnh cẩu của một nhớm tín hữu, hay do sáng kiến của Toà Thánh muốn điều tra vụ hiện ra.
 
Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động
Lm. Trần Đức Anh OP
10:21 31/12/2016
VATICAN. Từ Chúa Nhật 1-1-2017, Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động, chiếu theo quyết định của ĐTC, trong tự sắc công bố ngày 31-8-2016.

ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Peter Turkson, người Ghana, làm Bộ trưởng của cơ quan mới này. Ngài năm nay 68 tuổi, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm TGM thành phố Cape Coast hồi năm 1992 và được thăng Hồng Y hồi năm 2003. Năm 2009, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình.

Bộ Phục Vụ phát triển nhân bản có thẩm quyền đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến di dân, những người nghèo túng, các bệnh nhân và những người bị loại trừ, bị gạt là ngoài lề và các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, các tù nhân, người thất nghiệp cũng như các nạn nhân của bất kỳ hình thực nô lệ và tra tấn.

Qui chế của Bộ mới được phê chuẩn thử nghiệm, theo đó, từ ngày 1-1-2017, thẩm quyền của 4 Hội đồng Tòa Thánh hiện nay sẽ tập trung vào Bộ Phục Vụ phát triển nhân bản toàn diện, đó là Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Cor Unum Đồng Tâm, mục vụ di dân và người lưu động, sau cùng là Hội đồng Tòa Thánh mục vụ các nhân viên y tế.

Kể từ ngày đó, 4 Hội đồng vừa nói sẽ ngưng hoạt động và bị bãi bỏ, cùng với các điều khoản từ số 142 đến số 153 của Tông Hiến Mục Tử Nhân Lành (Pastor Bonus).

Theo qui chế mới, trong Bộ tân lập có một Phân Bộ đặc biệt biểu lộ mối quan tâm của ĐTC đối với những người tị nạn và di dân. Thực vậy, ngày nay không thể có một dịch vụ phát triển nhân bản toàn diện mà không đặc biệt quan tâm đến hiện tượng di dân. Vì thế, phân bộ này được tạm thời ở dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ĐTC (Qui chế, art, 1,4).

Trong thời gian qua, ĐTC đã bổ nhiệm hai vị phó tổng thư ký giúp ngài điều hành Phân Bộ di dân trong Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, để giúp ngài trong các vấn đề di dân và tị nạn.

Đó là Cha Michael Czerny, dòng Tên 70 tuổi, người Canada gốc Tiệp, chuyên gia về các vấn đề nhân quyền, và Cha Fabio Baggio, 51 tuổi, người Argentina, thuộc dòng Scarabrini, đã từng giúp ĐTC về mục vụ di dân, khi ngài còn làm TGM giáo phận Buenos Aires. (SD 29-12-2016)
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi hát kinh chiều tạ ơn cuối năm 2016
J.B. Đặng Minh An dịch
19:51 31/12/2016
Vào lúc 5h chiều thứ Bẩy 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với tất cả các vị trong giáo triều Rôma trong đó có 36 Hồng Y, đặc biệt là Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản Roma, 7 Giám Mục phụ tá và 40 Giám Mục khác, 150 linh mục và khoảng 8 ngàn tín hữu. Hiện diện trong buổi lễ cũng có đông đảo các vị trong Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh.

Đây là một truyền thống đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau: “Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cám tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta”.

Phụng Vụ ngày hôm nay nhắc nhớ chúng ta những lời của Thánh Gioan Tông đồ: “Hỡi các con, giờ đã tận” (1 Ga 2:18), và lời của Thánh Phaolô về “sự viên mãn của thời gian” (Gl 4: 4). Và tất cả điều này khiến chúng ta suy tư về sự kết thúc của cuộc hành trình dương thế, sự kết thúc cuộc lữ hành của chúng ta. Đã có bắt đầu tất sẽ có hồi kết thúc, “một thời để được sinh ra và một thời để chết” (Quoleth 3: 2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên, Mẹ Thánh Giáo Hội dạy chúng ta kết thúc một năm và mỗi ngày trong đời chúng ta với một sự tự vấn lương tâm, trong đó chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra: chúng ta cảm ơn Chúa vì mọi điều thiện hảo chúng ta đã nhận được hay đã có thể làm được, đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về những thất bại và tội lỗi của chúng ta - để biết ơn Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài.

Đó cũng là những gì chúng ta làm hôm nay vào ngày cuối năm này. Chúng ta ca ngợi Chúa với Thánh Thi Te Deum và đồng thời chúng ta cầu xin Ngài tha thứ. Thái độ tạ ơn của chúng ta dẫn chúng ta đến tấm lòng khiêm cung, để nhận biết và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:


“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.” (Gal 4:4-5)

Những lời này của Thánh Phaolô thật mạnh mẽ. Một cách ngắn gọn và súc tích, những lời ấy giới thiệu kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta: Ngài muốn chúng ta sống như con cái của Ngài. Toàn bộ lịch sử cứu độ vang lên trong những lời này. Ngài là Đấng không sống dưới Lề Luật, nhưng vì tình yêu, đã trút bỏ mọi đặc quyền và giáng sinh trong một nơi bất ngờ nhất để giải thoát chúng ta là những người sống dưới Lề Luật. Điều đáng ngạc nhiên là Thiên Chúa thực hiện điều này thông qua sự nhỏ bé và dễ bị tổn thương của một hài nhi mới sinh. Ngài tự quyết định đến gần chúng ta và trong thân xác của Ngài để ôm lấy thân xác của chúng ta; trong sự yếu đuối của Ngài để đón nhận sự yếu đuối của chúng ta; trong sự bé nhỏ của Ngài để bao bọc sự bé nhỏ của chúng ta. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa không đeo mặt nạ con người; nhưng thay vào đó, Ngài trở nên một phàm nhân và chia sẻ hoàn toàn tình trạng con người của chúng ta. Thiên Chúa không muốn chỉ là một ý tưởng hoặc một bản chất trừu tượng, nhưng Ngài muốn được gần gũi với tất cả những ai cảm thấy đang lạc lối, bị sỉ nhục, tổn thương, chán nản, buồn rầu và sợ hãi. Ngài muốn gần gũi với tất cả những ai đang mang trong thân xác họ những gánh nặng của ly thân và cô đơn, để tội lỗi, xấu hổ, đau đớn, tuyệt vọng và loại trừ sẽ không có tiếng nói chung cuộc trong đời sống của con cái Ngài.

Máng cỏ nhắc nhở chúng ta phải biến “luận lý” này của Thiên Chúa thành “luận lý” của chúng ta. Đó không phải là một thứ luận lý tập trung vào đặc quyền đặc lợi, loại trừ hay ưa chuộng nhưng là thứ luận lý của gặp gỡ và gần gũi. Máng cỏ cũng mời gọi chúng ta phá vỡ cái thứ luận lý dành ngoại lệ cho người này trong khi lại khó khăn với những người khác. Thiên Chúa đến để phá vỡ các chuỗi đặc quyền luôn gây ra sự loại trừ, để giới thiệu với chúng ta sự vuốt ve của lòng từ bi mang đến sự bao gồm, và làm cho phẩm giá của mỗi người được tỏa sáng. Một hài nhi được quấn trong tã cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa là Đấng đã cách tiếp cận chúng ta như một món quà, một trao ban, một thứ men và một cơ hội để hình thành một nền văn hóa gặp gỡ.

Chúng ta không thể cho phép bản thân mình ngây thơ. Chúng ta biết rằng chúng ta đang bị cám dỗ dưới những hình thức khác nhau để áp dụng cái luận lý đặc quyền đang phân cách, loại trừ và đóng kín chúng ta lại, trong khi tách biệt, loại bỏ và dập tắt những ước mơ và cuộc sống của biết bao anh chị em chúng ta.

Hôm nay, trước hài nhi bé nhỏ thành Bethlehem, chúng ta nên thừa nhận rằng chúng ta cần Chúa soi sáng cho chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta cũng quá thường khi hẹp hòi hay là tù nhân của thái độ “tất cả hoặc không có gì” trong đó buộc người khác phải cúc cung tùng phục ý kiến riêng của chúng ta. Chúng ta cần ánh sáng này, là điều giúp chúng ta học hỏi từ những sai lầm của chúng ta và những nỗ lực bất thành ngõ hầu có thể cải thiện bản thân chúng ta và vượt thắng chính mình; ánh sáng này được phát sinh từ ý thức khiêm tốn và lòng can đảm của những ai tìm thấy sức mạnh, hết lần này đến lần khác, để đứng lên và bắt đầu lại.

Khi thêm một năm nữa đã đến hồi kết thúc, chúng ta hãy dừng lại trước máng cỏ và bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta với Thiên Chúa vì tất cả những dấu chỉ hào phóng của Ngài trong cuộc sống chúng ta và trong lịch sử của chúng ta, thể hiện nơi cơ man những chứng tá của những người lặng lẽ gánh lấy rủi ro. Một lòng biết ơn không phải là một sự nhìn lại chẳng sinh ơn ích gì hay một ký ức trống rỗng về một quá khứ được lý tưởng hóa và xa vời, nhưng là một ký ức sống động, một ký ức giúp hình thành nên sự sáng tạo cá nhân và cộng đoàn khi chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Chúng ta hãy dừng lại trước máng cỏ để chiêm ngưỡng Thiên Chúa đã hiện diện thế nào trong suốt năm nay và để nhắc nhở bản thân chúng ta rằng mọi thời đại, mọi thời điểm đều mang những dấu ấn của ân sủng và ơn lành của Ngài. Máng cỏ thách thức chúng ta đừng tuyệt vọng trước bất cứ điều gì hay trước bất cứ người nào. Nhìn vào máng cỏ có nghĩa là tìm kiếm sức mạnh để đặt mình trong lịch sử mà không than phiền, bực bội, không đóng kín trong bản thân mình, hay tìm kiếm một lối thoát, tìm kiếm các con đường tắt theo ích lợi riêng của mình. Nhìn vào máng cỏ có nghĩa là nhận ra thời gian trước mắt đòi hỏi phải có các sáng kiến táo bạo và đầy hy vọng, cũng như từ bỏ sự tự cao huyễn hoặc và những lo lắng bất tận vẻ bề ngoài của chúng ta.

Nhìn vào máng cỏ có nghĩa là nhận ra cách thế Thiên Chúa mời gọi chúng ta tham gia, và biến chúng ta thành một phần trong kỳ công của Ngài, mời gọi chúng ta chào đón tương lai một cách can đảm và dứt khoát.

Khi nhìn vào máng cỏ, chúng ta gặp khuôn mặt của Thánh Giuse và Mẹ Maria, những khuôn mặt trẻ trung đầy hy vọng và ước mong, đầy những câu hỏi. Những khuôn mặt trẻ trung ấy đang nhìn về tương lai ý thức về nghĩa vụ khó khăn là giúp Chúa Hài Đồng lớn lên. Không thể nói về tương lai mà không chiêm ngưỡng những khuôn mặt trẻ trung ấy và đảm nhận trách nhiệm của chúng ta đối với những người trẻ; xa hơn là một trách nhiệm; từ ngữ đúng ra phải là món nợ; vâng, món nợ mà chúng ta nợ họ. Nói về năm cùng tháng tận nghĩa là cảm thấy nhu cầu phải suy tư xem chúng ta đã quan tâm thế nào về vị trí của người trẻ trong xã hội chúng ta.

Chúng ta đã kiến tạo một nền văn hóa ca tụng sự trẻ trung, tìm cách làm cho nó thành vĩnh cửu. Nhưng đồng thời, nghịch lý thay, chúng ta lại kết án những người trẻ của chúng ta, không cho họ có một không gian để thực sự hội nhập vào, vì dần dần chúng ta gạt họ ra ngoài đời sống công cộng, buộc họ phải xuất cư hoặc phải ăn xin những công việc không còn nữa, hoặc thất bại không mang đến được cho họ một lời hứa cho tương lai. Chúng ta dành ưu tiên cho sự đầu cơ thay vì những công việc xứng đáng và chân thực để giúp người trẻ trở thành những người tích cực dự phần trong đời sống xã hội chúng ta. Chúng ta mong đợi nơi người trẻ và đòi họ phải trở thành men tương lai, nhưng chúng ta lại kỳ thị họ, buộc họ phải gõ những cánh cửa tiếp tục khép kín.

Chúng ta được yêu cầu trở nên những người khác hơn là các chủ nhà trọ tại Bethlehem là những kẻ đã nói với cặp vợ chồng trẻ: không có chỗ ở đây. Không có chỗ cho cuộc sống, cho tương lai. Mỗi người chúng ta được yêu cầu phải gánh lấy một số trách nhiệm, dù nhỏ đi chăng nữa, để giúp những người trẻ tìm thấy, ở đây, ngay trên miền đất của họ, trên quốc gia của chính họ, những khả thể thực sự để xây dựng một tương lai. Đừng để mình bị tước mất sức mạnh nơi bàn tay của họ, tâm trí của họ, và khả năng của họ nói tiên tri những giấc mơ của tổ tiên của mình (xem Giô-ên 2:28). Nếu chúng ta muốn đảm bảo một tương lai xứng đáng cho họ, chúng ta phải vạch ra một sự bao gồm chân thực trong đó cung cấp công việc xứng đáng, miễn phí, sáng tạo, dự phần và liên đới (x Diễn từ trong buổi trao giải thưởng Charlemagne, 6 May 2016).

Nhìn vào máng cỏ thách thức chúng ta giúp những người trẻ đừng trở nên tuyệt vọng bởi sự non nớt của chúng ta, và thúc đẩy họ để họ có thể mơ ước và chiến đấu cho những ước mơ của họ, để họ có khả năng phát triển và trở thành những người cha và người mẹ.

Khi chúng ta dần đến thời điểm cuối cùng của năm nay, chúng ta hãy chiêm ngưỡng Hài Nhi-Thiên Chúa! Làm như thế nhắc nhớ chúng ta trở về nguồn gốc và cội rễ đức tin của chúng ta. Trong Chúa Giêsu, đức tin trở thành niềm hy vọng; nó trở thành một chất men và một phước lành. “Với một sự dịu dàng không bao giờ làm ta thất vọng, nhưng luôn có khả năng khôi phục lại niềm vui của chúng tôi, Chúa Kitô làm cho chúng ta có thể ngước mặt lên và bắt đầu lại” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 3)

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Lễ kính Thánh Gia Thất - kỷ niệm các đôi hôn phối
Văn Minh
09:22 31/12/2016
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Lễ kính Thánh Gia Thất - kỷ niệm các đôi hôn phối

“Gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội, chúc cho các gia đình trở thành những Thánh Gia Thất của ngày hôm nay”.

Xem Hình

Đó là tâm tình của cha Gioakim Lê hậu Hán trong Thánh lễ mừng kính Thánh Gia Thất và kỷ niệm cho 77 đôi hôn phối, nhân dịp Năm Thánh của giáo xứ. Trong đó, có 15 đôi được 5 năm, 04 đôi 10 năm, 13 đôi 15 năm, 10 đôi 20 năm, 10 đôi 25 năm, 10 đôi 30 năm, 06 đôi 35 năm, 02 đôi 40 năm, 05 đôi 45 năm, 01 đôi 50 năm, và 01 đôi 60 năm.

Thánh lễ trọng thể được cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, cử hành vào lúc 17g30 thứ Sáu ngày 30.12.2016. Đến tham dự Thánh lễ, ngoài những đôi hôn phối đã được ấn định còn có các con các cháu trong gia đình, các em thiếu nhi và đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ cùng hiệp dâng.

Khởi đầu là cuộc rước cha chủ tế từ trước sân nhà thờ vào trong ngôi thánh đường do các gia đình kỷ niệm hôn phối đi rước hòa trong bài hát “Thánh Gia Thất” bởi ca đoàn Thánh Tâm hợp xướng.

Chia sẻ Tin Mừng, cha Gioakim đã diễn đạt nét tươi đẹp nơi mỗi gia đình: Ơn gọi đời sống gia đình là món quà tặng của Thiên Chúa thương ban, thông thường trong gia đình gồm có ông bà, cha mẹ, các con và cháu; vì Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Ngày nay, các bậc cha mẹ thường lo cho con cháu của mình làm sao có được nhiều bằng cấp, địa vị xã hội, sự nghiệp giàu sang, thì sẽ được nhiều người kính trọng, còn những nghi lễ thuở xưa như; hiền lành, đức độ, lễ phép, ngoan hiền thì ít được nhắc tới. Cha Gioakim chia sẻ về một gia đình mà ngài quen biết, có hai anh chị kia kết hôn với nhau được 20 năm và có được hai người con, thời gian đầu vợ chồng luôn quấn quýt hết mực yêu thương nhau, nhưng sau 20 năm, anh chị đường ai nấy đi, gia đình ly tán. Trong cuộc sống hôn nhân gia đình, chúng ta không nói trước được điều gì, nhất là khi chúng ta bị cám dỗ về tiền bạc, của cải vật chất, đặc biệt hơn là vẻ đẹp của vợ hoặc chồng không còn hấp dẫn như thuở ban đầu, cùng với sự yếu đuối mỏng dòn của thân xác dễ làm người ta xa ngã mềm lòng. Đối với gia đình người Kitô giáo thì tin vào “Thiên Chúa là tình yêu, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” chỉ có tình yêu mới đem lại cho gia đình chúng ta hạnh phúc. Qua đây, cha Gioakim mời một gia đình kết hôn được 05 năm lên chia sẻ; được biết vợ của anh hiện đang bị ung thư tất trầm trọng, anh cho biết: cho dù vợ con bị bệnh nặng, gầy gò, ốm yếu, nhưng chúng con vẫn yêu thương nhau như thuở ban đầu, tiếp theo, là chia sẻ của bà trùm giáo họ Phaolô kết hôn được 35 năm, vợ chồng chúng con luôn yêu thương nhau, con cháu ngoan hiền và vâng lời cha mẹ, và cuối cùng là chia sẻ của ông cố Giuse Phạm Văn An, điều quan là phải biết cầu nguyện trong gia đình lúc vui cũng như lúc buồn, cách xưng hô giữa vợ chồng (em làm cho anh cái này – anh làm giúp em cái kia) cha mẹ phải làm gương sáng cho con cháu của mình.

Cha Gioakim diễn giảng tiếp, sống trong gia đình không tránh khỏi những lúc cơm không lành, canh không ngọt: những lúc như thế, chúng ta hãy nhìn vào gương gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, và Thánh cả Giuse, biết chấp nhận bỏ đi cái tôi của mình, hy sinh bản thân vì người khác, đặt tình yêu phu thê lên trên tất cả, và học hỏi các gia đình Công Giáo sống đời đạo đức, để làm tỏa sáng tình yêu của Thiên Chúa trước mặt mọi người. “Gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội, chúc cho các gia đình trở thành những Thánh Gia Thất của ngày hôm nay”.

Thánh lễ được nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể, và kết thúc lúc 18g45. Trước khi cộng đoàn lãnh nhận Ơn Toàn Xá từ cha chủ tế, ông Giuse Phạm Văn An, phó chủ tịch, thay mặt cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa có lời cảm ơn cha xứ Gioakim cùng mọi thành phần dân Chúa đã hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng; bó hoa tươi thắm gói ghém tình cảm của những người con được vị đại diện dâng lên trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Đáp lời, cha Gioakim chúc mừng các gia đình hôn phối hôm nay được nhiều hồng ân Thiên Chúa, cách riêng, chúc mừng gia đình ông Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thiện và bà Elizabeth Nguyễn Thị Minh Châu, được lãnh nhận “Phép lành Tòa Thánh” nhân dịp kỷ niệm 20 năm hôn phối.
 
Giáo xứ Phú Bình Sàigòn:Noi gương Thánh Gia
Martino Lê Hoàng Vũ
10:54 31/12/2016
Giáo xứ Phú Bình Sàigòn:Noi gương Thánh Gia

Chiều nay thứ sáu ngày 30.12.2016 theo lịch Phụng vụ của Giáo Hội mừng kính Thánh Gia thất.Cộng đoàn giáo xứ Phú Bình đã hân hoan mừng kính Thánh Gia – bổn mạng giáo xứ và trong thánh lễ chiều nay có Nghi thức ban bí tích Thêm sức cho 36 em thiếu nhi trong giáo xứ.

Xem Hình

Trước tiên,cộng đoàn chào đón Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc,Tổng Giám mục-Tổng Giáo phận Sài Gòn về thăm mục vụ giáo xứ.

Lúc 17g, khởi đầu là cuộc rước tôn vinh mẫu gương sống đạo tuyệt vời của Thánh Gia,Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh cả Giuse.Gia đình Thánh là mẫu gương cho các gia đình Công Giáo trong việc siêng năng phụng thờ Thiên Chúa,tìm kiếm Thánh ý Ngài,siêng năng lao động làm sáng danh Chúa.Gia đình của mỗi Kitô hữu phải là trường dạy nhân bản cho con cái lớn lên thành người hữu ích,là trường dạy đức tin cầu nguyện,niềm trông cậy,niềm tin và lòng yêu mến.Gia đình phải thắng vượt các cám dỗ của cải vật chất,chủ nghĩa tiêu thụ,sống dửng dưng và vô tâm với cả những người trong nhà của mình.Đó là những nội dung của các bài suy niệm trên đường đi kiệu.

Thánh lễ mừng bổn mạng giáo xứ diễn ra thật long trọng do Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế,cùng với cha Giuse Phạm Bá Lãm hạt trưởng Phú Thọ, kiêm chánh xứ Hòa Hưng,cha Gioan B. Trần Văn Trí chánh xứ Phú Bình, cha Giuse Nguyễn Cảnh Thịnh phó xứ Phú Bình và quý cha khách mời.

Các em sắp được lãnh nhận bí tích Thêm sức và khu đạo phụ trách phần Phụng vụ Lời Chúa,cha phó giáo xứ Phú Bình công bố Tin Mừng.

Sau đó,Đức Tổng Giám mục Phaolô đã nói với cộng đoàn về gia đình thánh gia dựa theo các bài đọc Thánh Kinh.Thánh Gia là mẫu mực cho các gia đình Công Giáo.Chúng ta học được từ gia đình Nagiarét bài học: Nếp sống quan sát – lắng nghe và chiêm ngắm trong thinh lặng.Sách Huấn ca dạy chúng ta về lòng hiếu thảo:“Ai yêu mến cha mình thì đền bù mọi tội lỗi.Ai thảo kính mẹ mình thì như người thu được kho tàng”(bđ1).Chúa Giêsu luôn vâng lời cha mẹ của mình là Thánh Giuse và Đức Maria,không bao giờ làm cho các ngài phiền lòng.Trong thư gửi tín hữu thành Côlêsê,Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta hãy mặc lấy những tâm tình từ bi,nhân hậu,khiêm cung,ôn hòa,chịu đựng,tha thứ,trên hết mọi sự hãy có đức yêu thương,cảm tạ chúc tụng Chúa trong mọi hoàn cảnh. (bđ2)

Thánh Giuse là người gia trưởng luôn tận tuy chăm lo cho gia đình;Chúa Giêsu và Mẹ Maria.Trong bài Tin mừng thuật lại: Ông đã đem gia đình thánh trốn sang Ai cập để tránh sự truy sát hài nhi Giêsu của bạo chúa.Ông cũng dẫn gia đình thánh trở về sống tại Nagiarét.( bài Tin Mừng)

Chúa Giêsu đã sống trong gia đình như mọi người con trọn vẹn,cũng phải lao động vất vả.

Đức Tổng Giám mục nói với các em về ý nghĩa bí tích Thêm sức là nhận lãnh Chúa Thánh Thần một cách tràn đầy hơn,củng cố và gia tăng đức tin, đức cậy và lòng yêu mến và trưởng thành hơn.Qua bí tích Thêm sức,các em sẽ trở nên chứng nhân can đảm của Chúa Kitô.

Sau đó là nghi thức ban bí tích Thêm sức cho các em thiếu nhi.Thánh lễ được tiếp nối với phần Phụng vụ Thánh Thể

Trước khi ban phép lành kết thúc thánh lễ,ông Giuse Nguyễn Châu Long,Chủ tịch HĐMVGXPhú Bình cám ơn Đức Tổng Giám mục,cha chánh xứ GB,cha phó Giuse và quý cha.Kế đến một em đại diện các em vừa lãnh nhận bí tích Thêm sức trình bày niềm hạnh phúc và nói lời tri ân Đức Tổng Giám mục,cha chánh xứ,cha phó,quý quý cha và nhất là quý sr và các anh chị Huynh Trưởng giáo lý viên đã hướng dẫn các em trong thời gian học hỏi giáo lý vừa qua.

Đáp từ,Đức Tổng Giám mục cầu chúc cho giáo xứ Phú Bình trở thành một cộng đoàn truyền giáo,luôn biết dấn thân ra đi loan báo Tin Mừng,nhất là với các em hôm nay được lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong bí tích Thêm sức.

Xin Thánh Gia thất ban cho cộng đoàn giáo xứ Phú Bình mãi là một gia đình yêu thương hiệp nhất nâng đỡ nhau nhờ có sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mọi công việc và sinh hoạt,để giáo xứ mỗi ngày phát triển hơn.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Nhân ngày đầu Năm Mới đọc lại 2 bức thư của người trẻ về thân phận người Việt Nam?
Tulip Sa Châu và Tiểu My
11:00 31/12/2016
Tâm Thư Sinh Viên Nhật Gởi Thế Hệ Trẻ Việt Nam
Tulip Châu Sa
Tulip Châu Sa


Một bạn trẻ người Nhật từng du học ở Việt Nam vừa có bài viết gửi giới trẻ Việt Nam khiến dư luận xôn xao.

Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan

Tôi đang là một du học sinh Nhật, có hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam. Với ngần ấy thời gian, tôi đã kịp hiểu một đạo lý giản đơn của người Việt: “Sự thật mất lòng”. Song không vì thế mà tôi sẽ ngoảnh ngơ trước những điều chưa hay, chưa đẹp ở đây. Hy vọng những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục – ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một.

Tôi có một nước Nhật để tự hào

Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng biển bạc. Song, “trong đêm tối nhất, người ta mới thấy được, đâu là ngôi sao sáng nhất”. Thế đấy, với một xứ sở thua thiệt về mọi mặt, nghèo tài nguyên, hàng năm gánh chịu sự đe dọa của hàng trăm trận động đất lớn nhỏ lại oằn mình gánh chịu vết thương chiến tranh nặng nề, vươn lên là cách duy nhất để nhân dân Nhật tồn tại và cho cả thế giới biết “có một nước Nhật như thế”.

Tôi tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời nên chúng tôi sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận tinh hoa mà các dân tộc khác “chia sẻ”. Từ trong trứng nước, mỗi đứa trẻ đã được học cách cúi chào trước người khác. Cái cúi chào ấy là đại diện cho hệ tư tưởng của cả một dân tộc biết trọng thị, khiêm nhường nhưng tự trọng cao ngời.

Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ. Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan”, là thương hiệu uy tín vượt trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng biết.

Bạn cũng có một nước Việt để tự hào

Nói Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu văn hóa… Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự giàu có ấy.

Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?

Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày.

Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy Bird đã không phải chết yểu đau đớn; người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa.

Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?

Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?

Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. "Là một người Việt – khó lắm! Thật vậy sao?”

(Nguồn: Đất Việt)

-----------------------------------------------------------------------------------------------
Mời quí vị đọc:

Lá thư Hồi-Âm của một người trẻ đang sống và lớn lên ở Việt Nam

Bạn thân mến,

Lâu lắm rồi giới trẻ chúng tôi mới nhận được một bài viết nói lên sự thật ở đất nước tôi, dù sự thật ấy làm chúng tôi hết sức đau buồn.

Xin cám ơn bạn. Ở đất nước tôi có câu “sự thật mất lòng” nhưng cũng có câu “thương cho roi cho vọt”, “thuốc đắng đả tật”.

Bức thư của bạn đã làm thức dậy trong tôi niềm tự ái dân tộc lâu nay được ru ngủ bởi những bài học giáo điều từ nhà trường như “Chúng ta tự hào là một nước nhỏ đã đánh thắng hai cường quốc Pháp và Mỹ”.

Bạn đã nói đúng: “Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt, khó lắm. Thật vậy sao?”

Bạn biết đặt câu hỏi như thế là bạn đã có câu trả lời rồi. Những gì tôi viết sau đây chỉ là những lời tâm tình của một người trẻ thiếu niềm tin, với một người bạn đến từ một đất nước vững tin vào dân tộc mình, vào chính bản thân mình.

Bạn nói đúng. So với nước Nhật, nước Việt chúng tôi đẹp lắm. Đối với tôi không có tấm bản đồ của nước nào đẹp như tấm bản đồ của nước tôi. Tấm bản đồ ấy thon thả đánh một đường cong tuyệt đẹp bên bờ Thái Bình Dương ấm áp. Trên đất nước tôi không thiếu một thứ gì cho sự trù phú của một dân tộc .

Nhưng chúng tôi thiếu một thứ. Đó là Tự Do, Dân Chủ.

Lịch sử của chúng tôi là lịch sử của một dân tộc buồn.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Người đã từng nhận được đĩa vàng tại đất nước Nhật của các bạn năm 1970 (bán được trên 2 triệu bản) với bài hát “Ngủ Đi Con” đã từng khóc cho đất nước mình như sau:

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi Năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn
”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong “hai mươi Năm nội chiến từng ngày” ông sống tại miền nam Việt Nam nên nỗi đau của ông còn nhẹ hơn nỗi đau của người miền Bắc chúng tôi. Ông còn có hạnh phúc được tự do sáng tác, tự do gào khóc cho một đất nước bị chiến tranh xâu xé, được “đi trên đồi hoang hát trên những xác người” được mô tả người mẹ điên vì đứa con “chết hai lần thịt xương nát tan”.

Nếu ông sống ở miền Bắc ông đã bị cấm sáng tác những bài hát như thế hoặc nếu âm thầm sáng tác ông sẽ viết như sau:

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Bảy mươi năm Cộng Sản đọa đày
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt Buồn


Bị đô hộ bởi một nước Tàu tự coi mình là bá chủ ở phương Bắc, bị một trăm năm Pháp thuộc . Một ít thời gian không bị ngoại bang đô hộ chúng tôi không có minh quân như Minh Trị Thiên Hoàng ở nước bạn. Huống gì thay vào đó chúng tôi bị cái xui là một trong những nước hiếm họi bị thống trị bởi một chế độ bị coi là quái vật của thế kỷ.

Tại sao người Việt tham vặt.

Vì họ đã từng đói kinh khủng.Trong cuộc chiến tranh gọi là chống Mỹ chống Pháp người dân miền Bắc chúng tôi đã đói đến độ mất cả tình người. Vì một ký đường, một cái lốp xe đạp, vài lạng thịt người ta tố cáo nhau, chơi xấu nhau dù trước đó họ là người trí thức.

Cho nên ăn cắp là chuyện bình thường.

Tôi cũng xin nhắc cho bạn , năm 1945 hàng triệu người Việt miền Bắc đã chết đói vì một lý do có liên quan đến người Nhật các bạn đấy. Xin bạn tìm hiểu phần này trong lịch sử quân Phiệt Nhật ở Việt Nam. Tất nhiên người Việt vẫn nhớ câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” nhưng “thượng bất chính , hạ tắc loạn”.

Khi chấm dứt chiến tranh. Người Việt biết họ phải tự cứu đói mình chứ không ai khác. Kẻ có quyền hành tranh dành nhau rừng vàng biển bac, kẻ nghèo xúm lại hôi của những xe chở hàng bị lật nhào .

Thật là nhục nhã, thật là đau lòng.

Bạn bảo rằng ở nước bạn người dân giữ gìn vệ sinh công cộng rất tốt. Còn ở Việt Nam cái gì dơ bẩn đem đổ ra đường. Đúng vậy. Nhưng Tự Do , Dân Chủ đã ăn vào máu của các bạn để các bạn ý thức rõ đây là đất nước của mình. Còn chúng tôi? Chúng tôi chưa thấy nước Việt thực sự là của mình.

Ngày trước Nước Việt là của Vua , Có khi nước Việt thuộc Tàu, rồi nước Việt thuộc Pháp, rồi nước Việt là của Đảng Cộng Sản. Ruộng của cha ông để lại đã từng trở thành của của hợp tác xã, rồi ruộng là của nhà nước chỉ cho dân mượn trong một thời gian nhất định. Đất là của nhà nước nếu bị quy hoạch người dân phải lìa bỏ ngôi nhà bao năm yêu dấu của mình để ra đi.

Cái gì không phải là của mình thì người dân không cảm thấy cần phải gìn giữ. Nhưng sự mất mát đau lòng nhất trên đất nước chúng tôi là mất văn hóa và không còn nhuệ khí. Biết làm sao được khi chúng tôi được dạy để trở thành công cụ chứ không được dạy để làm người.

Tiếc thay bản chất thông minh còn sót lại đã cho chúng tôi nhận ra chúng tôi đang bị dối gạt. Nhất là trong những giờ học về lịch sử, văn chương.

Lớp trẻ chúng tôi đã mất niềm tin và tìm vui trong những trò rẻ tiền trên TV trên đường phố. Nhớ năm nào nước của bạn cất công đem hoa anh đào qua Hà Nội cho người Hà Nội chúng tôi thưởng ngoạn. Và thanh niên Hà Nội đã nhào vô chụp giựt , bẻ nát cả hoa lẫn cành , chà đạp lên chính một nơi gọi là “ngàn năm Thăng Long văn hiến”.

Nhục thật bạn ạ. Nhưng lớp trẻ chúng tôi hầu như đang lạc lối, thiếu người dẫn đường thật sự chân thành thương yêu chúng tôi, thương yêu đất nước ngàn năm tang thương , đau khổ.

Thật buồn khi hàng ngày đọc trên báo bạn thấy giới trẻ nước tôi hầu như chỉ biết chạy theo một tương lai hạnh phúc dựa trên sắc đẹp và hàng hiệu. Họ không biết rằng nước Hàn có những hot girls, hot boys mà họ say mê còn là một quốc gia cực kỳ kỷ luật trong học hành, lao động.

Bạn nói đúng. Ngay cả bố mẹ chúng tôi thay vì nói với chúng tôi “con hãy chọn nghề nào làm cuộc sống con hạnh phúc nhất” thì họ chỉ muốn chúng tôi làm những công việc , ngồi vào những cái ghế có thể thu lợi tối đa dù là bất chính.

Chính cha mẹ đã chi tiền để con mình được làm tiếp viên hàng không, nhân viên hải quan, công an giao thông… với hy vọng tiền thu được dù bất minh sẽ nhiều hơn bội phần.

Một số người trẻ đã quên rằng bên cạnh các ca sĩ cặp với đại gia có nhà trăm tỉ, đi xe mười tỉ còn có bà mẹ cột hai con cùng nhảy sông tự tử vì nghèo đói. Mới đây mẹ 44 tuổi và con 24 tuổi cùng nhảy cầu tự tử vì không có tiền đóng viện phí cho con. Và ngày càng có nhiều bà mẹ tự sát vì cùng quẩn sau khi đất nước thái bình gần 40 năm.

Bạn ơi. Một ngày nào chúng tôi thực sự có tự do, dân chủ chúng ta sẽ sòng phẳng nói chuyện cùng nhau. Còn bây giờ thì :

trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
”.

Dù sao cũng biết ơn bạn đã dám nói ra những sự thật dù có mất lòng.

Và chính bạn đã giúp tôi mạnh dạn nói ra những sự thật mà lâu nay tôi không biết tỏ cùng ai.

Thân ái.

Tiểu My
 
Giáo xứ Việt Nam Paris trong năm Bính Thân 2016
Trần Văn Cảnh
14:04 31/12/2016
GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS TRONG NĂM BÍNH THÂN 2016

Xin giới thiệu 37 ghi nhận những sự kiện đáng ghi nhớ, trích lục chính yếu từ mạng http://giaoxuvnparis.com/ trong năm Bính Thân 2016 của Giáo Xứ Việt Nam Paris.

1. KIÊN TRÌ VÀ CAN ĐẢM GIỮ Ý CHÍ TẠO DỰNG CƠ SỞ GIÁO XỨ VN PARIS. Biên bản buổi họp Ban Kỹ Thuật và Tài Chánh Cơ Sở, ngày 10. 01. 2016. Theo lời mời của Đức Ông Giám Đốc Giuse Mai Đức Vinh, sau thánh lễ 11g30, ngày Chúa Nhật 10.01.2016, các vị trong Ban Kỹ Thuật và Tài Chánh Cơ Sở, từng người đã từ từ tiến vào phòng ăn và họp. Đó là 12 vị sau đây : Đức Ông Mai Đức Vinh,Thầy ptvv Phạm Bá Nha, Thầy Ptvv Nguyễn Sơn, Bà Cố Vấn Gs Tạ Thanh Minh Khánh, Ông Cố Vấn Gs Trần Văn Cảnh, Bà Chủ Tịch Trần Kim Chi, Ông Phó Chủ Tịch Nguyễn Anh Hải, Và 5 chuyên viên kỹ thuật xây dựng, là Bà Đoàn Thị, Ông Nguyễn Văn Thơm, Ông Antoine Toàn, Ông Nguyễn Đình Chiểu và Ông Lương Thanh Trung. Sau một vài câu truyện thường ngày, các vị đã trực tiếp đi vào chủ đề của buổi họp : Cơ sở GXVN vùng Paris.

Khởi đầu, Đức Ông đã nhắc lại hai chặng đường đã đi qua và tóm tắt về tiến triển 3 tháng cuối năm 2015. Sau đó là trao đổi. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong đó, có câu sau đây : « Thưa Đức Ông, dường như có một số người bất đồng ý kiến với Đức Ông, ở nhiều cấp bậc trong Giáo Xứ, về việc tiến hành « Dự Án Cơ Sở GXVN Paris » ? Đức ông đã điềm tĩnh trả lời : « Là cha sở, tôi có trách nhiệm của mình. Trong bất cứ một chương trình nào, tôi cũng cầu nguyện, suy nghĩ rồi trình bày với các cơ quan liên hệ. Sau đó tôi an tâm và bình thản thực hiện. Còn những người không đồng ý và không đóng góp thực hiện, thì đó là trách nhiệm của họ, trước lương tâm họ, trước cộng đoàn và trước mặt Chúa. Khi Lập Hội Đồng Mục Vụ tôi cũng gặp đối lập, mỗi chiến dịch Sổ Vàng, Ngũ Niên, tôi cũng gặp đối lập, mua căn nhà ở trên lầu một, tôi cũng găp đối lập. Nhưng vì đã có phép của Toà Giám Mục nên tôi không nản chí hay lo sợ ». ( http://giaoxuvnparis.org/chi-tiet/kien-tri-va-can-dam-giu-y-chi-tao-dung-c0-s0-giao-Xu-vn-paris.html )

2. TÂM THƯ VỀ CƠ SỞ GIÁO XỨ, gửi ngày 22/01/2016 do Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh Giám Đốc GXVN và Bà Michèle Trần Kim Chi Chủ Tịch HĐMV, để xin quý Gia Đình rộng lòng giúp đỡ Giáo Xứ trong chương trình mua tậu cơ sở.

3. Tiệc xuân Bính Thân, 31/01/2016 do Ban Thường Vụ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ tổ chức. Và tiếp theo là tiệc xuân của các Địa Điểm Mục Vụ, và của các Hội Đoàn, Phong Trào, Ban, Nhóm Mục Vụ tổ chức.

4. Ngày 14/02/2016, Giới Trẻ GXVN PARIS đã mừng Tết Bính Thân 2016 cùng Cộng Đoàn với chủ đề " Tình Thắm Duyên Xuân " : ‘‘Nhạc sẽ vang lên, những người trẻ cần có tiếng nhạc để nâng niềm vui mùa xuân… Trái tim đỏ hồng giữa sân khấu là trái tim của ngày 14 tháng 2, trái tim của ngày Lễ Tình Nhân (Saint-Valentin), thế nên các đôi uyên ương – dù có 70, 80 tuổi – đừng e dè, hãy trao cho nhau những cử chỉ để kỉ niệm ngày lễ trong tinh thần, trong niềm vui mùa xuân

5. Trong buổi đốt Tết Bính Thân tối ngày 28.02.2016, các anh chị Liên đới Xây Dựng cùng nhau quyết định làm Sổ vàng lao động năm 2016 ưu tiên cho Dự Án Cơ Sở Mới Của Giáo Xứ. Là những người chuyên môn xây dựng trong những khâu khác nhau, các thành viên Liên Đới Xây Dựng đã hào hứng đóng góp những tâm tư của mình cho việc bảo trì cơ sở đang ở và vào việc đóng góp lao động cho Dự Án Cơ Sở Mới của Giáo Xứ.

Về việc bảo trì cơ sở 38 rue des Epinettes, ngày 23/03/2016 sắp tới, từ 10 đến 12 giờ, Công Ty Điện ERDF sẽ đến Giáo Xứ để kiểm soát lại cái cầu nối tổng quát (disjoncteur général). Anh Sơn tình nguyện đến để giải thích cho họ về tình trạng hiện tại và những vấn đề của cái cầu nối này, xem xét công việc họ làm, hầu điều chỉnh tìm được vận hành bình thường.

Về việc đóng góp lao động cho cơ sở mới, anh chị em đã nhìn thấy 5 khâu công việc mà họ có thể đóng góp : 1- Điện, trong việc giúp mua đồ và lắp đặt ; 2- Ống nước ; 3- Bếp nấu ; 4- Sơn và gạch ; 5- Mộc cho cửa, ghế bàn, kệ sách,…Họ đề nghị Đức Ông lập một Sổ Vàng Lao Động.

Hoan hô ý kiến này, Đức Ông đưa ra mấy nguyên tắc về lao động cho dự cơ sở : 1- Sự đóng góp lao động vào việc xây dựng cơ sở là một công việc chuyên nghiệp ; 2- Phải làm theo chương trình kế hoạch do kiến trúc sư tiên liệu và phác họa theo những giai đoạn tiến triển của dự án ; 3- Giáo xứ sẽ trả tiền cho nhưng người đóng góp, theo sự đồng ý của họ ; 4- Phải làm theo luật lao động, có bảo hiểm an ninh, ngay cả với những người tình nguyện không công.

6. Chúa Nhật 06 tháng 03 năm 2016, Ngành Liên Đới Chuyên Gia Giáo xứ Việt nam Paris đã tổ chức Tết cho các vị cao niên. Khoảng 200 vị cao niên đã đến tham dự. Đây là một sinh hoạt đã được Ban Mục Vụ Hôn Nhân và Gia Đình khởi xướng ngày 31.12.1999 và tiếp tục tổ chức vào ngày 31.12. 2006.

Sinh hoạt này đã được cộng đoàn hưởng ứng và khích lệ. Trong buổi “Toạ Đàm” mừng 60 năm thành lập Giáo Xứ và 25 năm thành lập Hội Đồng Mục Vụ do Ban Thường Vụ tổ chức ngày 30.09.2007, một đề nghị đã được đưa ra và thu hút sự đồng thuận của nhiều người. Đề nghị đó là mong cho “Giáo xứ nên lưu tâm hơn đến mục vụ xã hội, đặc biệt đến các vị cao niên, để tổ chức cho họ họp mặt, gặp gỡ, thảo luận, giải trí”.

Hai năm sau, Nhóm Chuyên Gia đã xung phong đứng ra tổ chức Tết Cao Niên vào ngày Chúa Nhật 15.02.2009 cho các bậc cao niên trong Giáo Xứ. Rồi trong năm, một số sinh hoạt khác cũng đã được tổ chức cho các vị cao niên, như trao đổi thảo luận với các bác sĩ về vấn đề sức khoẻ, du ngoạn hành hương, Văn nghệ ngày hội âm nhạc tháng sáu,… Những công việc này, trong suốt bảy năm qua : 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014 và 2015, đã được Nhóm Liên Đới Chuyên Gia liên tục tích cực đảm đương, với năm chuyên gia nòng cốt và cha tuyên úy Đinh Đồng Thượng Sách.

Chúa Nhật 06 tháng 03 năm 2016 là lần thứ 10 mà Tết Cao Niên đã được tổ chức tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, nhưng với một lực lượng nhân sự mới của Ngành Liên Đới Chuyên Gia là Ban Thư Viện và vị tuyên úy mới là thầy sáu vĩnh viễn Cao Trọng Nghĩa.

7. Chúa Nhật 13/03/2016, từ 14 giờ, một chương trình Diễn Nguyễn Thánh Ca mừng năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa đã được tổ chức dưới sự điều hành tổng quát của Ông Ùy Viên Phụng Vụ & Thánh Ca Nguyễn Xuân Chương.

Được mời nói Lời Mở Đầu, Đức Ông Giuse Giám Đốc Mai Đức Vinh đã xác định ba mục tiêu của buổi Diễn Nguyện Thánh Ca hôm nay. Thứ nhất là để suy tôn Lòng Chúa Thương Xót trong Năm Thánh có cùng một tên. Thứ hai là để cám ơn Chúa đã cho Giáo xứ Việt nam Paris chúng ta một nhóm người đông đảo gia nhập các ca đoàn, dùng lời ca tiếng hát giúp cho phụng vụ được tôn nghiêm, sốt sắng hơn. Thứ ba là đề Giáo xứ nói lên lời khích lệ và cám ơn các ca đoàn và các ca viên đã luôn nhiệt tình góp phần cử hành một cách sốt sắng và trang trọng các nghi lễ phụng vụ.

Trong buổi Diễn Nguyện Thánh Ca hôm nay, 13 bài thánh ca về “Lòng Thương Xót Chúa” đã được diễn nguyện. 12 bài do 12 ca đoàn ở trung ương Giáo xứ hay đến từ các họ lẻ đã chọn lựa và diễn nguyện. Bài thứ 13 đã được Ủy Viên Phụng Vụ chọn lựa và dành cho toàn thể cộng đoàn giáo xứ cùng chung diễn nguyện. Chương trình và thứ tự diễn nguyện đã được suy tư và thiết kế đề “Ca ngợi Lòng Thương Xót Chúa”qua hoạt cảnh “Đứa con hoang đàng” hay “Lòng Cha nhân từ”, với bốn phần : 1- Tên của Chúa là Thương Xót, 2- Chúa đã chết trên thập giá vì yêu con, 3- Xin cùng nhau đắm mình vào dòng sông ân tình của Chúa, 4- Hãy biết nắm lấy bàn tay của Chúa để chỗi dậy sau mỗi lần vấp ngã.

8. Sa Mạc Phục Sinh TNTT (26-28/03/2016).

9. Chúa Nhật 10-04-2016 từ 14g00 đến 17g00 tại phòng ăn GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, « Ngày Gia Đình 15 » đã được tổ chức, trong tâm tình thiết tha liên kết với Giáo Hội hầu sống tốt lành « Năm Thánh Lòng Thương Xót » qua hai mục chính : Tìm hiểu về « Năm Thánh và gia đình » do cha Antôn Nguyễn Kiên trình bày ; Và Thảo luận chung về đề tài « Làm thế nào để gia đình biết đón nhận và sống Lòng Thương Xót trong xã hội ngày nay »?

10. TNTT Truyền Lửa Huynh Đệ FRAT Với Cộng Đoàn. Từ ngày 24 đến 29/04/2016, Giới trẻ thuộc Tổng Giáo Phận Paris ở lứa tuổi 16-18 đã hành hương, tụ họp về Lộ Đức để gặp gỡ, chia sẽ và làm quen với nhau trong tình Huynh Đệ ( FRATERNEL, viết tắt là FRAT). Đoàn TNTT GX VN PARIS, với khoảng 50 em Huynh Trưởng và Nghĩa sĩ đã tham dự và đồng hành củng với giới trẻ của Tổng Giáo phận.

11. ĐHMV ĐẶC BIỆT VỀ CƠ SỞ VÀ KERMESSE, Thứ bảy 09.04.2016. Sau phần trao đổi, để thể hiện tinh thần dân chủ, các Quý Chức được yêu cầu tham khảo và đặt bút ký trên bản “Biểu Quyết” với quan điểm (đồng ý hay không đồng ý) về 3 đề tài quan trọng : 1. Chiến dịch Sổ Vàng; 2. Dự Án Cơ Sở Mới; 3. Địa điểm Cơ Sở Mới - Dự kiến A - Ngoại ô Xa Paris - Địa điểm xa nhất la Zone 5, Ví dụ : Emerainville 2

Kết quả cuộc biểu quyết

QUÝ CHỨC HIỆN DIỆN : 45

QUÝ CHỨC HIỆN DIỆN BIỂU QUYẾT : 45

QUÝ CHỨC VẮNG MẶT ỦY QUYỀN BIỂU QUYẾT : 2

TỔNG CỘNG QUÍ CHỨC BIỂU QUYẾT : 47

1°) - Chiến Dịch Sổ Vàng

- Đồng ý : 47 Không đồng ý : 0 Tỷ số đồng ý : 100%

2°) - Dự Án Cơ Sở Mới

- Đồng ý : 47 Không đồng ý : 0 Tỷ số đồng ý : 100%

3°) - Địa Điểm Cơ Sở Mới

- Dự kiến : Ngoại ô xa Paris – Địa điểm xa nhất là Zone 5, Ví dụ : Emerainville 2 - Đồng ý : 32 Không đồng ý : 14 Không ý kiến : 1 Tỷ số đồng ý : 68%

12. Đại Hội Liên Đới Nghề Nghiệp 01.05.2016 là đại hội « Hồng Ân Thiên Chúa ». Càng ý thức về hồng ân Chúa trao ban, chúng ta càng có bổn phận làm phát triển hồng ân đã lãnh nhận. Đó là điều Chúa Giêsu đòi hỏi trong dụ ngôn « Những đầy tớ được chủ trao cho các nén bạc » (Mt 25,14-30).

Trong các sinh hoạt hằng năm của phong trào Liên Đới Nghề Nghiệp, có 3 việc căn bản là : 1- tham dự thánh lễ mừng kính thánh Giuse Thợ, quan thầy và là mẫu mực của những người lao động ; 2- đại hội hằng năm, để thẩm lượng những việc đã làm và đưa ra chương trình hành động cho năm sau ; 3- học hỏi một đề tài về đức tin, đức cậy, đức mến, hay về một khía cạnh nghề nghiệp. 4- Thêm vào đó, từ năm 2003, việc thứ tư đã được đưa ra là tổ chức Tiệc Truyền Giáo để gây quỹ gửi về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, giúp vào việc phát triển Truyền Giáo. 5- Và từ năm 2012, việc thứ năm đã được quyết định, là tổ chức bữa cơm huynh đệ, gây quỹ giúp tu bổ cơ sở giáo xứ.

Tổng cộng, theo sổ sách ghi lại, Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã góp vào Quỹ Truyền Giáo của HĐGM Việt Nam 41.096,00 € và cho Quỹ Cơ Sở GXVN Paris 44.140,00 €. Tạ Ơn Chúa !

13. Thứ bảy 07/05/2016, trong Thánh Lễ, các em tham dự FRAT ỡ Lourdes đã chia sẽ những hình ảnh sinh hoạt trong những ngày này, cũng như 4 em đã thay mặt cả nhóm nói lên những cảm nhận của mình cho toàn thề Đoàn TNTT và Cộng Đoàn Giáo Xứ.

14. Hai Ngày Thân Hữu - Kermesse Giáo Xứ - 14-15/05/2016 đã được chuẩn bị, thực hiện và kết thúc tốt đẹp, do sự đóng góp của toàn thể các Cộng Đoàn và Đơn vị Hội Đoàn Ban Nhóm mục vụ của Giáo Xứ. Mời quý vị cùng xem lại một số hình ảnh của ngày cao điểm Chúa Nhật 15/05/2016 đã được anh Ngọc Huy ghi lại (http://giaoxuvnparis.org/chi-tiet/hinh--hai-ngay-than-huu-kermesse-giao-Xu-14-15-05-2016.html).

15. Paris, Lễ Hiện Xuống, ngày 15.05.2016, Đức Ông Mai Đức Vinh và Gs Trần Văn Cảnh đã GIỚI THIỆU BỘ SÁCH « THÁNH KINH VÀ GIA ĐÌNH » mà Ban Tu Thư đã quyết định soạn thảo và phổ biến. Chương trình dự liệu 12 cuốn sách khổ A5, dầy khoảng 100 đến 150 trang. Bốn cuốn đầu đã và đang được in vào năm 2016 : 1- Gia đình sống đạo / Lm Mai Đức Vinh ; 2- Người trẻ sống đức tin / Lm Mai Đức Vinh ; 3- Con cái là hồng ân của Thiên Chúa / Pt Phạm Bá Nha ; 4- Giáo Dục con cái / Gs. Trần Văn Cảnh. Tám cuốn sau dự định sẽ thực hiện vào năm 2017 : 5- Ông bà nội ngoại / Bà Trần Kim Chi ; 6- Gia đình dưới những góc cạnh dân luật và Giáo Luật / Ls Lê Đình Thông ; 7- Tình nghĩa vợ chồng / Ô. Phạm Hòa Hiệp ; 8- Vai trò của người cha / Ô. Giang Minh Đức ; 9- Vai trò của người mẹ / ÔB. Long - Hằng ; 10- Những ngày lễ hội trong gia đình / Bà Đoàn Thị ; 11- Những vấn đề thực tế lớn trong gia đình / Gs Tạ Thanh Minh Khánh ; 12- Gia súc / Ô. Đoàn Quốc Khánh.

Cuốn sách cuối cùng của năm 2016 vừa được in « Giáo dục con cái ; 2016 ; 188 tr. » là cuốn sách thứ 57 của Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris.

16. Chiều thứ bảy 21/05/2015, 9 em Nghĩa sĩ trong Đoàn TNTT - Đoàn Kitô Vua của GXVN Paris đã long trọng Tuyên Xưng Đức Tin của mình trước Cộng Đoàn. Lớp Tuyên Xưng Đức Tin năm nay do anh Giáo lý viên Võ Tri Văn phụ trách. Đây là lớp cuối cùng trong quá trình đào tạo Giáo lý cho các em Thiếu Nhi của Đoàn TNTT Giáo Xứ VN Paris. Trước đó các em đã được học qua các lớp giáo lý : Rước Lễ Lần Đầu - Thêm Sức và Rước Lễ Trọng Thể.

17. Chiều thứ 7 ngày 28/05/2016, Đoàn TNTT GXVN Paris đã long trọng dâng Thánh Lễ mừng kính Mình và Máu Thánh Chúa. Đầu Thánh lễ, các em thiếu nhi trong Đoàn TNTT đã hân hoan mừng lễ cho cả Cha Mẹ trong dịp lễ các bà mẹ năm nay. Hầu như đã trở thành phong tục, các em trong mỗi nghành của Đoàn đã cùng nhau hát tặng cho Cha Mẹ qua các bài hát : Dự bị Ấu Nhi : Cho Con - Ấu Nhi : Gia đình nhỏ, Hạnh phúc to - Thiếu nhi : Mẹ ơi có biết & Con kể Ba nghe - Nghĩa sĩ : Mái ấm yêu thương & các anh chị Huynh trưởng : Cảm ơn Cha.

Cũng trong Thánh lễ hôm nay, chị Maria Đào thị Thúy Hằng và anh Stêphanô Nguyễn Cao Đệ, qua hai khoá huấn luyện, đã được anh Huấn Luyện Viên Trưởng Võ Thành Nhân giới thiệu với Đoàn và qua lời Tuyên hứa quyết tâm cộng tác, Cha Tuyên Úy chính thức trao khăn Trợ tá cho hai anh chị.

Sau Thánh lễ, cả Cộng đoàn đã cùng quây quần bên nhau để thưởng thức những món ăn tay cầm do các phụ huynh Thiếu Nhi khoản đãi.

18. Thánh Lễ Lãnh Nhận Ơn Toàn Xá Tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - 29/05/2016. Chiều Chúa Nhật 29/05/2016, cộng đoàn GXVN Paris đã qui tụ đông đảo hành hương về Vương Cung Thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Paris quận 11 để bước qua cửa Thánh và dâng Thánh Lễ Tạ Ơn, và lãnh nhận ơn Toàn Xá Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Sau Thánh lễ, các em TNTT Đoàn Kitô Vua và Giới Trẻ GX đã cùng diễn nguyện Dâng Hoa lên Đức Mẹ để kết thúc Tháng Hoa Đức Mẹ.

19. Phái Đoàn GXVN Paris Hành Hương Roma, tháng 06/2016.

20. Thánh Lễ Rước Lễ Lần Đầu Của 26 Em TNTT Tại Giáo Xứ Chiều Thứ Bảy 04/06/2016. Chiều thứ 7 ngày 04 tháng 6 năm 2016 vừa qua, 26 em trong Đoàn TNTT đã được Rước Chúa lần đầu. Trước đó một tuần các em đã được các anh chị Giáo Lý viên giúp đỡ dọn lòng Tĩnh Tâm và nhận Bí Tích hoà giải. Thánh Lễ được chủ tế bởi Cha Maurits GIJDBRECHTS Bề trên Giám Tỉnh Dòng Thánh Thể. Cùng đồng tế có hai Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách, cha Gioan Vũ Minh Sinh, linh hướng của Đoàn TNTT Đoàn Kitô Vua, Cha Giuse Trần Anh Dũng, Cha Gioan Nguyễn Quốc Tuấn (SJ), 2 Cha khách mời và các Thầy phó Tế.

21. Thánh Lễ Thêm Sức 28 Em Trong Cộng Đoàn Giáo Xứ - Thứ Bảy11/06/2016. Chiều thứ bảy ngày 11 tháng 6 năm 2016, Giáo xứ Việt Nam Paris đã được hân hạnh đón tiếp Đức Cha Jérôme BEAU, giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Paris. Ngài đến chủ tế Thánh Lễ ban phép Bí Tích Thêm Sức cho 28 em trong Cộng Đoàn Giáo Xứ.

Được biết, trước đó các em đã được anh Trưởng giáo lý viên Gioan-Thiện Võ Thành Nhân đặc trách lớp Thêm Sức và các anh chị Giáo lý viên khác hướng dẫn Tĩnh Tâm trong hai ngày cuối tuần trên đồi Montmartre, trong nhà dòng các soeur Bénédictine.

Và Đức Cha Jérôme BEAU cũng đã thân hành đến gặp gỡ các em và cha mẹ các em, trong vòng vài giờ tại giáo xứ, để giải thích rõ ràng hơn về Bí Tích mà các em sắp lãnh nhận.

22. Đại Hội Mục Vụ thứ 67, ngày 12.06.2016. Trong bài nói mở đầu, Đức Ông đã đưa hai tin quan trọng về Mục Vụ Cơ Sở Giáo Xứ :

● Chúng ta chưa tìm được một cơ sở nào đúng với tiêu chuẩn. Thực tế chúng ta đã đi xem 29 cơ sở, quá nửa là ở Paris hay gần Paris, nhung không cơ sở nào được như ý… Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải chọn một cơ sở xa ‘Paris hiện nay’, nhưng sẽ gần sát ‘Paris mở rộng’ trong mấy năm nữa. Việc chọn lựa này cũng đã được 72% những người đi dự hội thứ bảy 09. 04. 2016 chấp thuận.

● Chúng ta chưa đủ tiền tân trang cơ sở dự kiến sẽ mua. Cái khó bó cái khôn. Kính thư Đại Hội, tôi đã dài lời. Còn những gì, chúng ta sẽ trao đổi với nhau sau. Bây giờ, tôi xin nhường lời cho bà Micheline Trần Thị Kim Chi, chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ. Tôi chúc Đại Hội thành công nhờ Lòng Thương xót của Chúa.

23. Thánh Lễ Rước Lễ Trọng Thể Ngày 18/06/2016 của 17 Em TNTT. Sau một năm lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và sau một niên khoá bồi dưỡng thêm về giáo lý do 2 giáo lý viên : chị Như Lan và anh Anh Khoa phụ trách, chiều thứ bảy ngày 18 tháng 6 năm 2016, 17 em trong Đoàn TNTT đã hân hạnh Rước Lễ Trọng Thể trong sự Hiêp nhất và chứng kiến của Cộng Đoàn & Đoàn TNTT Giáo Xứ.

Thánh Lễ được chủ tế bởi Cha linh hướng Giuse Đinh Đồng Thượng Sách, Cha Gioan Vũ Minh Sinh và Cha khách mời cùng đồng tế. Đặc biệt, sau Thánh Lễ các em đã cùng Cộng Đoàn suy niệm và chầu Thánh Thể rất sốt sắng và uy nghiêm.

Được biết, để chuẩn bị cho ngày trọng đại hôm nay, trước đó vài tuần, các em đã được 2 anh chị Giáo lý viên phụ trách lớp RLTT, hướng dẫn qua cửa Thánh và lãnh nhận ơn Toàn Xá tại nhà thờ Thánh Sulpice (Xuân Bích), môt trong những nhà thờ lớn và đẹp nhất Paris. Và sau đó lại dành trọn một ngày Chúa Nhật để Tĩnh Tâm, Cầu nguyện và Dọn mình tại nhà Dòng Thánh Thể của Cha Linh hướng Giuse Đinh Đồng Thượng Sách.

24. Lễ Bế Mạc Niên Khoá 15-16 Và Kỷ Niệm 30 Năm Đoàn KiTô Vua. Chiều thứ bảy 25/06/2016, Đoàn TNTT đã tổ chức Lễ Bế giảng Năm Sinh Hoạt Niên Khoá 2015-2016 và Lễ Kỷ Niệm 30 Năm ngày thành lập Đoàn TNTT Giáo Xứ VN PARIS - Đoàn KITÔ VUA.

25. Phái đoàn Giới Trẻ GXVN Paris tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (Journées Mondiales de la Jeunesse) được tổ chức tại Cracovie (Thủ đô Ba Lan) từ 20 đến 31.07.2016. Nhập chung với Giáo Phận Paris, phái đoàn Giới Trẻ Giáo Xứ Việt Nam Paris gồm 17 người trong đó có đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, nhóm Giới Trẻ và hai bạn thanh niên đến từ Phần Lan và Đài Loan. Cùng đồng hành với chúng các bạn trẻ trong suốt cuộc hành trình còn có Cha Sinh, linh giám Giới Trẻ, và Cha Thái từ Rôma sang. Anh Nha Ty (Huynh trưởng đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể) lãnh trách nhiệm làm Trưởng phái đoàn.

26. Hai Khóa Ba Ngày Cursillo đã được thực hiện tại Giáo Xứ Việt Nam Paris vào đầu tháng 08/2016. Khóa Nam từ 03 đến 06/08/2016 với sự tham dự của 24 khóa sinh. Tuyên Úy là cha Bùi Phạm Tráng. Khóa nữ từ 10 đến 13/08/2016 với sự tham dự của 36 khóa sinh. Tuyên Úy là cha Bùi Thượng Lưu.

27. Ngày 10/09/2016, Khai Giảng Sinh Hoạt TNTT Niên Khoá 2016-2017. Sau hai tháng hè, các em thiếu nhi đã quay trở lại sân "trường" giáo xứ để bắt đầu cho một năm sinh hoạt mới (Niên khoá 2016-2017). Tưởng cũng nên nhắc lại, phong trào sinh hoạt TNTT Giáo xứ VN Paris mỗi chiều thứ 7, bắt đầu từ 15h00, gồm có 3 phần : học Giáo lý, học Tiếng Việt và sinh hoạt Đoàn và kết thúc bằng một Thánh Lễ.

Đặc biệt trong Thánh lễ ngày khai giảng này, cha linh hướng đã giới thiệu Tân ban lãnh đạo phong trào TNTT cùng toàn thể cộng đoàn.

28. Ngày 17/09/2016, Nghi Thức SAI ĐI dành Cho Giáo Lý Viên và TNTT vui Tết Trung Thu tại GXVN Paris Niên Khoá 2016-17. "Hãy sống điều chúng con tin, Hãy tin điều chúng con dạy, Và hãy dạy điều chúng con sống". Đó là lời nhắn nhủ của Cha linh hướng Đoàn TNTT KiTô Vua - GXVN Paris trong nghi thức "Sai Đi".

29. ĐC Giuse Nguyễn Tấn Tước - GM Giáo Phận Phú Cường, đến thăm và dâng lễ tại GX ngày 18/09/2016. Sau khi dự khoá thường huấn Giám mục tại Roma, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục giáo phận Phú Cường đã ghé thăm Paris, thăm lại nhà MEP (Hội Dòng Thừa Sai Paris) nơi ngài đã ở một thời gian dài để theo học tại học viện Công Giáo Paris và nhất là ghé thăm lại giáo xứ Việt nam Paris thân thương, nơi đã không ít lần ngài đến để đồng tế trong những dịp lễ lớn trong thời gian tu học tại Paris. Sau hơn 10 năm mới quay trở lại Paris, trong Thánh Lễ sáng Chúa Nhật 18/09/2016 lúc 11h30,, Ngài đã chia sẻ Lời Chúa, chủ tế dâng Thánh Lễ cùng cộng đoàn và sau cùng ban phép lành ("Mở Tay" Giám Mục) cho Cộng Đoàn.Giáo xứ.

30. Cụ Trần Louis, một trong những giáo dân nhiệt tình và dầy công xây dựng GXVN Paris, từ năm 1980 đã được Chúa gọi về ngày 25/09/2016, thánh lễ an táng được cử hành ngày thứ năm, 29. 09. 2016 tại nhà thờ Sainte Marie, Torcy.

Tới Pháp, cụ lần lượt định cư tại Lille (1978), Sarcelles-Paris (1979) và Torcy (1996). Từ 1980 cụ đã gia nhập tiểu đội Đức Bà Yên Ủi Kẻ Âu Lo trong GXVN. Cùng với bà Lucie Chu Đức Tích, hai người thay nhau làm trưởng cho tới năm 2008.

Song song với sinh hoạt tông đồ Legio Mariae, cụ Trần Louis dành nhiều giờ cho công trình xây dựng Giáo Xứ. Đầu tiên cụ là một trong những người dày công chuẩn bị thành lập Hội Đồng Mục Vụ của Giáo Xứ. Thực tế, cụ Trần Louis là thành viên của Ban Thường Vụ trong 4 khóa liền. Hai khóa đầu (1983-1985 và 1985-1987) cụ giữ chức Phó Chủ Tịch đặc trách Xã Hội, hai khóa sau (1987-1989 và 1990-1992), cụ giữ chức Phó Chủ Tịch đặc trách Tôn Giáo. Cụ được Tòa Thánh ân thưởng huy chương Pro Ecclesia et Pontifice, 1996. Dịp GXVN kỷ niệm 50 năm thành lập (1947-1997).

31. Đại hội Tuyên Úy Đoàn Việt nam tại Pháp lần thứ XXXIX, từ 10 đến 14.10.2016, tại Trung tâm Thánh Mẫu Notre-Dame de Laghet. Giáo phận Nice, Pháp. Số tuyên úy đến tham dự đại hội đa số trẻ tuổi, gồm 24 vị : 3 nữ tu, 2 phó tế và 19 linh mục. Với chủ đề: Mục vụ gia đình Công Giáo VN tại Pháp theo tinh thần Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình, các tuyên uý đã 1-cùng nhau thảo luận và trao đổi về Tông Huấn ''Niềm vui của Tình yêu'' ; 2- tiếp đón và trao đổi với các Ủy Ban quốc gia và địa phương về Mục vụ Ngoại Kiều ; 3- Duyệt qua tình hình hiện tai của Tuyên Úy Đoàn và 4- Chương trình cho 2 năm tới : Giới Trưởng Thành và Giới Trẻ tổ chức ngày gặp mặt chung vào lễ Chúa Lên Trời 2017. Đại hội Tuyên Úy, 9-13.10. 2017, tại Troyes với đề tài ''Giới Trẻ và ơn gọi''. Năm 2018, kỷ niệm 30 năm Phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, Cộng đoàn Công Giáo VN sẽ tổ chức hành hương Lộ Đức, 2-6.8.2018.

32. Sa Mạc Huấn Luyện Đội Trưởng Đội Phó - ĐTNTT KtTô Vua Paris -21-23/10/2016

33. Bữa Cơm Liên Đới tu bổ cơ sở Giáo Xứ Việt Nam Paris, ngày 30/10/2016. Trong các sinh hoạt hằng năm của phong trào Liên Đới Nghề Nghiệp, có 3 việc căn bản là : 1- tham dự thánh lễ mừng kính thánh Giuse Thợ, quan thầy và là mẫu mực của những người lao động ; 2- đại hội hằng năm, để thẩm lượng những việc đã làm và đưa ra chương trình hành động cho năm sau ; 3- học hỏi một đề tài về đức tin, đức cậy, đức mến, hay về một khía cạnh nghề nghiệp. 4- Thêm vào đó, từ năm 2003, việc thứ tư đã được đưa ra là tổ chức Tiệc Truyền Giáo để gây quỹ gửi về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, giúp vào việc phát triển Truyền Giáo. 5- Và từ năm 2012, việc thứ năm đã được quyết định, là tổ chức bữa cơm huynh đệ, gây quỹ giúp tu bổ cơ sở giáo xứ. Tổng cộng, theo sổ sách ghi lại, từ khi thành lập ngày 01/05/2000 cho đến ngày 01/05/ 2016, Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã góp vào Quỹ Truyền Giáo của HĐGM Việt Nam 41.096,00 € và cho Quỹ Cơ Sở GXVN Paris 44.140,00 €. Tạ Ơn Chúa !

Bữa Cơm Liên Đới tu bổ cơ sở GXVN Paris ngày 30/10/2016 đã đạt một kết quả tốt đẹp, nhờ sự cộng tác và đóng góp của hết các địa điểm và đoàn nhóm mục vụ của Giáo Xứ. 320 thực khác đã đến tham dự. Tổng số lời thâu được 11.253,00€. Thêm một ân nhân ủng hộ 10.000,00 dollars (tương đương 9.013,00€). Vị chi số thu tổng quát là 11.253+9.013=20.266,00€.

34. ĐẠI HỘI MỤC VỤ KỲ II NĂM 2016, LẦN THỨ 65, Chúa Nhật 06-11-2016 TẠI GIÁO XỨ VIỆT-NAM PARIS. Đại Hội đã tiến hành qua hai phần : A- Tường trình của các Hội đoàn, Phong trào, Ban, Nhóm mục vụ ; B- Trao đổi và đóng góp ý kiến về cơ sở, đặc biệt là về những vấn đề sau đây: 1- các thông tin về cơ sở mới, 2- an ninh và phương tiện giao thông công cộng tại Emerainville, 3- những thuận lợi mà giáo xứ nên tận dụng để tiến hành việc mua cơ sở mới vào thời điểm hiện nay, 4- chi phí điều hành và các thứ thuế cho cơ sở mới, 5- an toàn lao động cho những người làm việc thiện nguyện trong một số công viêc xây dựng cơ sở mới, 6-việc sa sút niềm tin nơi giới trẻ hiên nay.

35. Giáo Xứ Việt Nam Paris đã Mừng Kính Trọng Thể Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật 13 tháng 11 năm 2016. Thánh lễ do Cha Phaolô Trương Hoàng Phong, linh mục đại diện các Cha sinh viên du học tại Paris, chủ tế. Cùng đồng tế có ĐÔ Giuse Mai Đức Vinh giám đốc, các cha, các thầy phó tế trong ban giám đốc Giáo xứ và đông đảo các cha sinh viên du học. Hoà cùng niềm vui với Giáo Hội Việt Nam và với Cộng Đoàn Giáo xứ Việt Nam Paris, Ca Đoàn TNTT Đoàn Kitô Vua đã tấu vang khúc ca "Vui Ngày Trở Về", nhạc và lời của Thành Tâm, sau Thánh Lễ mừng kính và tôn vinh các Thánh Tử Đạo (tại) Việt Nam và (cho) Giáo Hội Việt Nam.

36. Thứ 7, 19/11/2016, trong Thánh Lễ mừng kính Chúa Kitô Vua, quan thầy Đoàn TNTT Giáo Xứ VN Paris, cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách, tuyên úy linh hướng Đoàn cùng với Ban Điều Hành Đoàn đã chủ sự nghi thức trao khăn Đội trưởng Đội phó cho các em trong các nghành Áu nhi, Thiếu nhi và Nghĩa sĩ của Đoàn.

Để mừng lễ Quan Thầy Đoàn, sau Thánh lể, ban phụ huynh Thiếu nhi đã thiết đãi cả Đoàn một bữa cơm rất thịnh soạn với trên 20 món đặc sản chỉ có ở Paris.

37. Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh đến thăm Giáo Xứ Việt Nam Paris từ chiều thứ bảy 17 đền thứ hai 19/12/2016. Chiều thứ bảy 17/12/2016, phong trào TNTT Đoàn Kitô Vua Giáo Xứ mừng Lễ Giáng Sinh sớm trước khi chia tay để nghĩ Lễ Giáng Sinh và Tết Tây. Mỗi em trong Đoàn TN đều được một món quà nho nhỏ, nhưng cả Đoàn TN năm nay được một món quà lớn "đặc biệt", đó là sự hiện diện của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám Mục chánh toà Giáo phận Kontum, đến chia vui và chủ tế Thánh Lễ cho Đoàn TNTT và Cộng Đoàn.

Sáng Chúa Nhật 18/12/2016, Cộng Đoàn Giáo xứ Việt Nam Paris đã có được một món quà Giáng Sinh "đặc biệt" trước Giáng Sinh do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám Mục chánh toà Giáo phận Kontum mang lại bằng chính sự hiện diện của Ngài. Ngài đến thăm Cộng Đoàn và chủ tế Thánh Lễ, cũng như chia sẻ Lời Chúa với Cộng Đoàn.

Ba mươi bảy ghi nhận này xoay quanh 4 nhóm Công Việc Mục Vụ Quan Trọng trong năm Bính Thân 2016 :

1- Mục Vụ Cơ Sở Giáo Xứ có chiều tiến hành khả quan, với 8 sự việc ;

2- Mục vụ Giáo Dục Thiếu Nhi trong năm mừng sinh nhật thứ ba mươi Phong Trào Thiếu Nni Thánh Thể, với 14 sự việc ;

3- Mục vụ Tổ chức Cộng Đoàn, Văn Hóa, Lễ Hội Tết Nguyên Đán và Tu Thư ấn hành sách, với 6 sự việc ;

4- Mục Vụ Thiêng Liêng chung với toàn thể Giáo Hội thế giới trong NămThánh Lòng Chúa Thương Xót với 9 sự việc, trong đó 6 sự việc quan trọng đặc biệt :

• Chúa Nhật 13/03/2016, từ 14 giờ, một chương trình Diễn Nguyễn Thánh Ca mừng năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót

• Thánh Lễ Lãnh Nhận Ơn Toàn Xá Tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Paris quận 11, Chúa Nhật 29/05/2016. Sau Thánh lễ, các em TNTT Đoàn Kitô Vua và Giới Trẻ GX đã cùng diễn nguyện Dâng Hoa lên Đức Mẹ để kết thúc Tháng Hoa.

• Phái Đoàn GXVN Paris Hành Hương Roma, tháng 06/2016.

• Phái đoàn Giới Trẻ GXVN Paris tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Cracovie, Thủ đô Ba Lan, từ 20 đến 31.07.2016.

• Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, GM Giáo Phận Phú Cường, đến thăm và dâng lễ tại GX ngày 18/09/2016.

• Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh đến thăm Giáo Xứ Việt Nam Paris từ chiều thứ bảy 17 đền thứ hai 19/12/2016. Chiều thứ bảy Ngài dâng lễ với Đoàn TNTT và sáng Chúa Nhật 18 Ngài dâng lễ với Cộng Đoàn Giáo Xứ.

Số những sự kiện đáng ghi nhớ chắc chắn sẽ còn nhiều, nhất là những sinh hoạt thường xuyên của các nhóm mục vụ. Nhưng nguồn tài liệu giới hạn, xin quí độc giả thứ lỗi những thiếu sót.

Paris, ngày 30 tháng 12 năm 2016

Trần Văn Cảnh
 
Văn Hóa
Chào biệt, Auf Wiedersehen, Adieu, Good bye, Au revoir năm 2016
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
20:22 31/12/2016
Chào biệt, Auf Wiedersehen, Adieu, Good by, Au revoir năm 2016

Năm 2016, cũng như tất cả mọi năm khác trứơc đó đã trôi qua, đang đi dần vào qúa khứ. Khi các kim đồng hồ ngày 31.12.2016 chỉ chập vào nhau đúng chỗ con số 12.00 giờ lúc nửa đêm, thời điểm năm 2016 kết thúc. Và cũng từ thời điểm đó ngày 01.01.2017 bắt đầu xuất hiện mở cánh cửa tiến vào không gian năm mới, một khởi đầu mới đến trong trời đất và lòng con người. Đó là cách tính phân chia niên lịch theo tập tục nếp sống văn hóa con người trần gian.

Khi năm cũ 2016 kết thúc, nó để lại dấu vết 12 tháng đã trôi qua. Trong quãng thời gian đó có 52 tuần lễ, 366 ngày, 8784 giờ, 527040 phút cùng 31.622.400 giây đồng hồ ghi khắc lưu lại trong lịch sử, cùng với những biến cố chung cũng như cá nhân riêng tư của trời đất và của con người.

Thời gian năm tháng năm cũ trôi qua đi vào qúa khứ, nhưng tâm tình lòng con người không vì thế cũng vô tình trôi theo nhanh chóng như dòng nứơc chảy. Trái lại những suy nghĩ cùng cảm xúc của con người luôn hằng nhìn trở ngược lại thời gian năm cũ, đồng thời cũng hướng tầm nhìn suy tư vào năm mới đang ló dạng.

Tâm tình những ngày cuối cùng năm cũ sắp kết thúc nơi nhiều người là tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Trời đất, tạ ơn những bậc sinh thành nuôi dưỡng giáo dục ta nên người, mà nay đã khuất núi, cám ơn những ân nhân đã giúp đỡ trong đời sống vượt qua những bước đường khó khăn buồn tủi, cám ơn những người thân yêu ruột thịt đã cùng chung vai sát cánh nâng đỡ khuyến khích nhau cố gắng vươn lên, và cùng nhau mừng vui cũng như cùng chịu đựng trong mọi hoàn cảnh lên xuống trong đời sống.

Nhìn nghĩ lại những điều đã đạt được thành công trong đời sống, cũng như những thất bại đã phải gánh chịu, vui mừng hạnh phúc có mà cũng có những suy nghĩ thất vọng hay hối hận nữa. Suy nghĩ đi tìm nguyên nhân dẫn đến thành công hay thất bại, nhiều công việc sự kiện khách quan hay chủ quan xuất hiện dần ra trong tâm trí.

Lẽ dĩ nhiên, con người với tâm trí suy hiểu, đều muốn rút ra bài học kinh nghiệm cho mình vào thời gian tương lai năm mới ngày mai. Nhưng sau cùng ta không thể đổ lỗi tất cả cho những lý do dẫn đến thất bại, hay tự hào mình đạt được thành công là do tài trí sức lực của riêng mình.

Trong dân gian có ngạn ngữ khôn ngoan: Làm bởi bay, ban bởi ta! hay Mình lo Chúa liệu!

Ngạn ngữ khôn ngoan này không là sự an ủi rẻ tiền, hay khuyến khích sự lười biếng.

Không, ngạn ngữ này là kinh nghiệm qúy báu thấm nhuần sâu đậm tâm tình đạo đức: con người được Đấng Tạo Hóa tạo dựng nuôi dưỡng cùng phú ban cho thân xác, trí tuệ, sức khoẻ cùng cơ hội sống ở đời. Họ cần cố gắng nỗ lực làm việc phát triển, nhưng họ có giới hạn không có thể làm được tất cả mọi sự như mong muốn, hay do tài trí sức của mình làm đạt được.

Đấng tạo Hóa khi tạo dựng nên con người đã có chương trình con đường đời sống cho mỗi người. Đời sống mỗi người có cánh thư của Đấng tạo Hóa gửi cho đời họ. Cánh thư đó dần dần được mở ra bằng chính đời sống của người đó, như nhà triết học Kiekergaard đã có suy tư: „ Mỗi người đi vào lòng thế giới với một lá thư trong một phòng bì còn dán kín niêm phong.“

Con người ai chả muốn, cùng nỗ lực vượt qua mọi hàng rào cản ngăn giới hạn. Nhưng có những giới hạn ta không thể vượt qua bài trừ được. Những lằn ranh giới hạn đó có nhiều tên tuổi khác nhau, như sức khoẻ thể xác lẫn tinh thần, tuổi tác, như cơ hội thuận tiện hay không thuận tiện, nhất là chữ „ nhưng, nào ai ngờ được!“.

Điều này nói lên con người luôn cần chúc phúc lành, sự trợ giúp của Đấng Tạo Hóa đã dựng nên mình, nuôi dưỡng mình và trao cho mình lá thư còn dán kín niêm phong.

Một tâm tình vừa diễn tả thâm sâu giới hạn loài thụ tạo của mình cùng luôn cần sự phù giúp từ trên Trời Cao cho đời sống, và cũng là tâm tình tạ ơn Đấng Tạo Hóa , mà Martin Luther đã viết nói lên: Chúng ta là người hành khất!

Ngày cuối năm 31.12.2016

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Tình Yêu Nhập Thể
Trúc Nguyễn
10:44 31/12/2016
Tình Yêu Nhập Thể

Anh học bài khi phố phường chưa thức
Mặt trời còn ngái ngủ ở phương trời
Đông đang về giá lạnh khắp muôn nơi
Cây rụng lá như không còn hơi sức

Bài thần học anh chú tâm suy nghĩ
Chúa tình yêu Ngài xuống thế làm người
Nhiều khi thấy đời ta như phi lý
Nhưng Chúa Trời nghịch ý đến muôn lần

Em nghĩ xem Chúa quyền năng cao cả
Chọn phận người để cứu chuộc chúng ta
Phi lý nào hơn Chúa Trời nhập thể
Chết đồi cao Thập Giá rất ê chề

Khi gẫm suy tình yêu Ngài giáng thế
Anh và em như lạc lối đi về
Sao hiểu được dù qua muôn thế hệ
Chúa yêu người đã sinh xuống gian trần

Tình Chúa yêu nơi hang lừa nhỏ bé
Đưa ta về hồng phúc chốn trời cao
Trên non xa ngàn tinh tú xôn xao
Trời với đất giao hòa nơi cõi thế

Đi hừng sáng muôn loài vừa thức giấc
Cảm tạ Ngài từng giây phút hồng ân
Xin giúp con tâm hồn không vương vấn
Sống hiến dâng lòng không chút phân vân




 
Năm mới, khởi đầu mới
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
10:46 31/12/2016
Năm mới, khởi đầu mới

Một tuần lễ sau lễ mừng Chúa giáng sinh ngày 25.Tháng 12. , năm cũ Dương lịch kết thúc vào ngày 31. Tháng 12., và thời gian năm mới bắt đầu xuất hiện tiến vào không gian đời sống sinh hoạt xã hội.

Đức Giáo Hoàng Leo cả đã có suy tư về ngày lễ Chúa giáng sinh: „ Chúng ta với lòng kính mến mừng sinh nhật Đấng cứu chuộc xuất hiện sinh ra. Điều này nói lên chúng ta mừng chính khởi đầu của chúng ta. Hôm nay tôi có thể bắt đầu mới, vì Thiên Chúa đã sinh ra nơi tôi như một hài nhi.“.

Lễ mừng Chúa giáng sinh là lễ Thiên Chúa bắt đầu khởi đầu mới nơi con người trên trần gian. Điều cũ dù thấm nhập khắc ghi dấu vết nơi con người, phai lạt cùng mất sức mạnh trên ta. Con người không bị ràng buộc cứng nhắc với thời gian qúa khứ, với những vết thương đau đớn. Thiên Chúa khai mở ra cho con người một khởi đầu mới. Con người được phép có những ước mơ dự định với lòng phấn khởi mới. Họ không còn phải luôn hằng mang theo mình gánh nặng cũ, nhưng được phép bắt đầu mới.

Giáo Hội Công Giáo mừng lễ đức mẹ Maria là mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm mới, 01.01. hằng năm cũng nói lên ý nghĩa đức mẹ Maria đã trao tặng nhân loại hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa, một khởi đầu mới.

Toàn thể vũ trụ đón mừng Năm Mới, và năm mới nhắc nhớ con người muốn tất cả bắt đầu mới lại. Nơi sự mới, điều gì mới còn ẩn chứa điều hứa hẹn trong đời sống con người. Dẫu vậy kinh nghiệm sống cho hay, sự hay điều mới trôi qua nhanh chóng và trở thành cũ. Trong năm mới con người vẫn còn sống trải qua cái gì cũ còn lưu lại.

Trong ngôn ngữ Hy lạp có hai từ ngữ nói về mới: „neos“ và „kainos“.

Neos chỉ về sự mới, như người học trò bắt đầu học nghề nghiệp, mà trước đó họ chưa có hiểu biết hay kinh nghiệm về lãnh vực này.

„Kainos“ có ý nghĩa ngược lại, cũng chỉ về sự mới, nhưng trong đó gói ghém lời hứa: sự mới ẩn chứa điều tốt đẹp hơn. Chúa Giêsu loan báo tin mừng mới, và ngài nói: người ta không đổ rượu mới vào bình cũ. Ngài lập gia ước mới và trao cho những người tin theo ngài điều răn mới: Giới luật yêu thương. Thời gian năm mới xuất hiện với dung mạo dáng vẻ của „kainos“. Thời gian năm mới là lời hứa, cho đời sống nội tâm được làm mới lại, và như thế sự mới bắt đầu chiếu tỏa sáng tự nơi con người.

Từ ngữ „ bắt đầu“ có ý nghĩa khởi sự làm từ nguyên thủy hoang sơ. Hình ảnh một thửa ruộng có đầy dẫy cỏ dại gai góc hoang dại mọc chen lấn um tùm nói lên ý nghĩa sâu đậm về nguyên thủy hoang sơ.

Truyện về một tu sỹ được sai phái đi lao động khai phá cánh đồng ruộng đầy cây cỏ hoang dại thuật lại : Một tu sỹ trẻ tuổi than phiền với Tu sỹ Viện Trưởng rằng mình đã ra công sức khai phá thửa ruộng hoang, nhưng trên đường luôn có gai góc vướng chắn gây trở ngại, nên không sao tiến thêm hơn được. Những sai lỗi cũ cứ vẫn luôn mọc thêm ra, không sao có thể khai phá diệt trừ hết cỏ hoang dại được…

Vị Tu sỹ Viện Trưởng kể cho vị tu sỹ trẻ một câu truyện: Một người cha sai con trai mình ra ruộng đồng khai phá sao cho trở nên nguyên thủy như lúc ban đầu. Nhưng thửa ruộng lại lớn cùng đầy dẫy những cây cỏ hoang dại gai góc mọc lan tràn um tùm. Anh ta vâng lời cha ra đi đến đó, và ngắm nhìn rồi thất vọng tìm chỗ bóng mát nghỉ và ngủ thiếp đi…Vì anh ta không tin tưởng nơi sức mình làm sao có thể phá những cây cỏ gai góc hoang dại mọc lan tỏa dầy kín trên thửa ruộng này được..

Người cha sau vài ba ngày ra nhìn đồng ruộng thấy mọi sự vẫn còn như cũ, không có gì xảy ra…Thất vọng, nhưng Ông ta vẫn gọi con mình tới và bảo: Con hãy khai phá làm mỗi ngày một khoảng đất to lớn nhiều như sức con có thể làm được!

Người con nghe lời cha chỉ bảo, và sau một thời gian ngắn nỗ lực từ từ khai phá từng ngày từng mảnh đất nhỏ. Tuy chậm nhưng sau cùng cả thửa ruộng trở thành mầu mỡ không còn cỏ cây hoang dại gai góc. Và vùng ruộng đất đó trở thành như lúc nguyên thủy hoang sơ.

Dân gian có ngạn ngữ: vạn sự khởi đầu nan! Bắt đầu nào cũng thường có niềm lo sợ ẩn chứa lởn vởn trong tâm trí đầu óc của ta. Vì thế ta thường có cảm nghĩ ái ngại, không làm nổi, cho nên đẩy bắt đầu sang một bên. Hay là từ chối bắt đầu: Việc đó đâu có đưa đến kết qủa gì ! Và kinh nghiệm sống dân gian cho hay càng kéo dài do dự đẩy sự bắt đầu sang một bên, công việc càng nặng nề khó khăn thêm ra để bắt đầu lại.

Thiên Chúa qua sự giáng sinh của Con ngài xuống trần gian đã làm cho thửa đất trần gian thành nguyên thủy hoang sơ như lúc khởi đầu. Ngài đã gieo trồng mầm hạt giống tình yêu xuống thửa ruộng tâm hồn con người, và mong muốn hạt giống đó nẩy mầm sinh hoa trái tươi tốt.

Việc này tùy vào con người cùng cộng tác làm việc trên thửa đất tâm hồn mình, để cho sự khởi đầu mới mà Thiên Chúa đã gieo trồng có thể phát triển sinh hoa kết qủa tươi tốt.

Sự bí ẩn mầu nhiệm của Năm Mới được khai mở nơi mầu nhiệm lễ Chúa Giêsu giáng sinh làm người, nói với ta: Con người không bị trói chặt ràng buộc vào qúa khứ. Họ có thể bắt đầu một khởi đầu mới. Vì sự mới ở trong con người họ. Nơi mỗi con người có hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa sinh ra cùng cư ngụ. Và nhờ thế con người tiếp xúc trực tiếp đụng chạm với sự mới còn nguyên thủy thuở ban đầu không bị làm cho sai lạc, chưa được đem ra sử dụng.

Hãy tin tưởng điều mới còn nguyên thủy nơi con người của mình!

Lễ Đức mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, 01.01.2017

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Chào 2017 , Bầy vịt mừng nhau trên đỉnh lũ
Linh mục Trăng Thập Tự
20:46 31/12/2016
CHÀO 2017, BẦY VỊT MỪNG NHAU TRÊN ĐỈNH LŨ

Ghi vội mùa Giáng sinh 2016

Trên đường đến Bêlem, một thiên sứ nhí hỏi:

- Nếu những người chăn chiên đang ngủ, làm sao mình báo tin cho họ được?

Một Sêraphim đáp:

- Thì mình thổi loa đánh thức họ dậy.

(Vô Ngôn Thư)


Sau bữa sáng 24-12-2016, một nữ tu ở Tòa Giám mục Qui Nhơn đặt tượng Hài đồng tí teo vào cái nôi nhựa nhỏ, phủ giấy bóng gương lên và thả xuống bể cạn trong hòn non bộ cạnh nhà hưu dưỡng. Hệt như người đàn bà họ Lêvi đem đứa con đỏ đặt vào thúng, thả vào đám sậy trên sông Nil. Lúc người nữ tu thả chiếc nôi xuống nước và lặng ngắm Đấng Emmanuel chia sẻ thân phận bèo trôi của người dân miền Trung khốn khổ, cũng là lúc tôi lên đường cử hành lễ Giáng sinh với anh chị em ở một họ đạo xa xôi hẻo lánh vừa bị nhận chìm trong lũ lụt.

NOEL VÙNG LŨ

Tỉnh lộ 639. Km 44,100 - rẽ trái, gặp ngã tư - rẽ phải 100 mét, có ngã ba bên trái. Tôi tiến vào khuôn viên nhà thờ An Mỹ, một Giáo họ biệt lập của Giáo xứ Phù Mỹ, nằm trên địa bàn thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ngoại trừ nhà thờ, tất cả các nhà khác, kể cả nhà xứ, còn in ngấn nước trên tường 3 tấc, 5 tấc, một mét hoặc hơn... Nước lũ chỉ mới buông tha cho giáo họ chưa được 5 ngày để vừa quét dọn vừa chuẩn bị trang trí mừng lễ Giáng sinh. Chiều 24, gần 5 giờ cha quản nhiệm vẫn còn tất bật ở “công trường”. Hai nữ tì Chúa Giêsu Tình Thương và thầy xứ làm việc quần quật, chạy vào ăn vội chén bún rồi chạy ra lo cho các em nhỏ trong đội văn nghệ.

Bảy giờ, trời lại mưa. Đám đông chạy dạt lên hè nhà thờ, nhưng chỉ chừng 15 phút là thôi mưa, trời ấm. Lời chúc và thông điệp Giáng sinh được trao tận tay từng người qua cánh bướm màu photocopy. Chương trình canh thức lược tóm lịch sử cứu rỗi, nhấn vào chủ đề hạnh phúc gia đình. Giáo họ chỉ đếm được 300 người lớn nhỏ nhưng vẫn đủ những mục hát múa và thoại kịch đông vui. Nhiều người nhà xa hằng chục cây số vẫn có mặt trên sàn diễn. Bà con đến xem đứng chật sân nhà thờ. Sau diễn nguyện, các em nhỏ chen nhau nhận quà. Cộng đoàn chia tay bà con lương dân, rồi vào nhà thờ cử hành thánh lễ.

Sáng ngày 25, không có thánh lễ. Hai nữ tu sẽ về lại cộng đoàn ở Làng Sông trong buổi sáng, do đó giờ ăn sáng cũng là lúc nhìn lại mọi việc để rút kinh nghiệm cho năm sau. Ban chiều, lễ ở đây xong, cha quản nhiệm sẽ đi cử hành lễ Giáng sinh tại giáo điểm Mỹ An, cách nhà thờ hơn 20 cây số. Nghe nói sẽ có rửa tội cho hai gia đình, 10 người, tôi rất muốn tham dự, thế nhưng đã trót hẹn, phải về lại Qui Nhơn.

Tôi nhờ thầy xứ chở bằng xe máy ngược đường tỉnh 639 để thăm một vài gia đình. Nhà anh Tưởng cách nhà thờ hơn chục cây số, mới được ơn trở lại, đang học giáo lý. Do bị mất giống lần thứ ba, vừa sạ lại, sáng nay vợ chồng anh tranh thủ ra thăm nước. Ở nhà chỉ có người con dâu và bà cụ, gần 90 tuổi, bị lòa. Nghe có linh mục đến thăm, bà mừng muốn khóc:

- Cha ơi, tôi không thấy gì cả, nhưng mừng lắm. Cha thằng Tưởng mất khi nó mới bốn tuổi, nay nó đã 56. Sau 75, đâu còn nhà thờ nhà thánh gì, tôi ở đây một mình, chỉ đọc kinh sáng kinh tối một mình. Ăn cơm, tôi làm dấu, con nó hỏi, phải nói tránh đi: Cứ gần ăn cơm là má bị ngứa trán, má gãi chút mà! Bây giờ nó được ơn trở lại, có cha có thầy đến, mừng sao là mừng.

CHÚT LÒNG MUỐN NGHE TRONG CÕI VẮNG

Về nhà đã 12 giờ. Tôi ghé hòn non bộ viếng Chúa Hài Nhi. Lá rơi trên bể cạn, chiếc nôi bập bềnh thê lương, có lẽ đã chẳng mấy ai để ý. Cơn lũ giết người cũng lùi vào quá khứ, những nạn nhân của nó chỉ mới hơn một tuần cũng đã bị trôi dần vào quên lãng. Chúa Hài Nhi của người nữ tu bị bỏ rơi trong góc vắng. Phải chi đêm qua tôi ở nhà, hẳn tôi đã làm cái gì đó để các bạn trẻ chú ý tới tác phẩm của chị. Họ sẽ kéo nhau đến chụp hình. Tôi sẽ kể cho họ câu chuyện Môsê ngày xưa và Môsê của thời Tân ước. Rồi chờ khi họ động lòng với câu chuyện, tôi sẽ bảo họ:

- Này em, tên của Hài Nhi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài vẫn ở với em trên mọi nẻo đường, cả khi em chới với một mình giữa mưa dày lũ cuốn. Hãy thầm nói với Ngài một đôi lời rồi em sẽ thấy sáng bừng lên sự thật, và em sẽ hiểu ra Ngài chấp nhận bị bỏ rơi để cho em cũng như bất cứ ai khác trong loài người không còn thấy lẻ loi giữa những bế tắc trong cuộc sống.

Lời đã làm người. Lời đang gọi nhưng hỏi có ai nghe chăng? Thưa có. Trên điện thoại của tôi, có không ít tin nhắn và cuộc gọi của anh chị em lương dân hướng về niềm vui ngày lễ, và một cách nào đó cũng là đang hướng về Chúa Cứu Thế.

Hai giờ có điện thoại. Một giảng viên Đại học hẹn gặp. Ba giờ chiều, chị đến cùng một bạn đồng nghiệp, cũng là tín hữu. Ồ, tại sao các chị lại chọn lúc này mà đến thăm? Có biết bao bạn hữu của các chị, đã ghé tới khuôn viên các nhà thờ đêm qua, và hôm nay đang mở lòng muốn nghe các chị nói! Tại sao các chị không đáp ứng? Tôi chỉ nghĩ thế thôi, không nỡ nói ra điều mình nghĩ. Có lẽ Chúa đang gửi họ đến cho tôi như một món quà, như một gợi ý và cũng để tôi giúp họ đôi phần trong nỗi băn khoăn của người tín hữu trí thức. Phố thị bên ngoài ồn ã, nhưng tại những góc thinh lặng nào đó, không thiếu những con cái Chúa đang đến với nhau trong đức tin và đức mến. Trong cái vắng lặng của nhà hưu dưỡng này cũng thế, có hai tâm hồn đang muốn biết mình phải làm gì cho Chúa. Tôi đã lắng nghe và chia sẻ với họ gần một tiếng đồng hồ.

Đúng 5 giờ, anh T. nhờ một người bạn đến đón tôi. T. tổ chức bữa ăn mừng lễ với một nhóm bạn. Ngoài chủ nhà, có một giáo dân “đạo gốc”, chính là người vừa làm tài xế xe ôm đón tôi, một vị lão thành mới lãnh bí tích thánh tẩy hơn ba năm, một người sau nhiều năm lưu lạc nay đang trên đường hội nhập lại vào đời sống Hội thánh, một dự tòng, một nhà báo rất gần gũi với Đạo Chúa và một linh mục. Người trẻ nhất trong nhóm đã hơn năm mươi tuổi. Trong bầu khí ấm áp, chúng tôi chia sẻ cho nhau những ghi nhận, suy tư và cảm nghiệm về cuộc sống, về nỗi đau của con người và về ơn cứu rỗi. Các bạn cũng nêu những câu hỏi liên quan đến Kinh thánh để mọi người cùng góp ý.

Tôi hỏi anh T., tổ chức bữa ăn Giáng sinh gia đình, sao lại không có ai khác trong nhà cùng tham dự? Câu trả lời thật bất ngờ:

- Vị lão thành trong bàn ăn hôm nay là một Phật tử kỳ cựu, đọc nhiều hiểu rộng, đến tuổi 72 mới ngộ ra rằng ngoài Chúa Kitô, không thể tìm thấy ai khác là Đấng Cứu Rỗi. Thế nhưng cụ vẫn còn phải mất hai năm để chọn giữa những hướng tuyên xưng khác nhau trong Kitô giáo. Trước đó, một người con rể của cụ là thành viên “Chứng nhân Giê-hô-va” đã từng thuyết phục cụ theo giáo phái này nhưng cụ không quan tâm. Cuối chặng đường đời, sự ngập ngừng của cụ là giữa Hội thánh Tin lành Việt Nam và Hội thánh Công Giáo. Năm qua, người con rể từ Úc về thăm mấy tháng, đã mượn phòng khách nhà bố vợ, quy tụ một số người vào chiều Thứ Bảy hằng tuần để diễn giải Kinh thánh. Con may mắn có mặt ở đó kể như từ đầu. Sau mấy lần tham dự, con tự thấy nhu cầu phải tìm hiểu Kinh thánh, đồng thời tự hỏi: Người ấy có khác gì mình đâu? Anh ta chỉ là một thành viên thường, không phải là chức sắc gì của giáo phái, tại sao anh ta làm chứng nồng nhiệt đến thế, còn mình dù từ nhỏ đã biết đến sứ mạng làm chứng của người tín hữu mà mãi gần cuối đời vẫn còn ngập ngừng chưa dám nói và chưa biết nói về Đấng Cứu Thế của mình? Thưa cha, lý do là như thế.

Dự tính ban đầu của tôi cho chiều ngày lễ Giáng sinh là cùng đi với một anh em linh mục tới dự giờ hát thánh ca và chia sẻ của một Hội thánh Tin Lành nhưng rồi “mộng chưa thành”, tôi nhận lời dự buổi chia sẻ ở nhà anh T. Ai ngờ tại đây Chúa đã cho tôi được gặp những anh chị em các hệ phái khác qua một đường dây vô hình. Mà sao vẫn cứ thấy còn ray còn rứt? Hình như chỉ gặp gỡ trong tâm tưởng thôi không đủ, bởi lẽ: “Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh... Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người” (Ê-phê-sô 4,4-6 - Các trích dẫn Kinh thánh trong bài đều trích theo bản dịch Tin lành, ấn bản 1990). Những người tôi gặp chiều nay đều là trí thức, nếu họ hỏi tại sao các môn đệ Chúa lại chia rẽ, tôi có thể trả lời không khó. Thế nhưng làm sao trả lời gãy gọn được nếu một học sinh hỏi rằng: “Mấy người cứ bảo là đạo yêu thương, thế tại sao người Công Giáo lại bôi bác người Tin lành và người Tin lành lại bêu xấu người Công Giáo?” “Mấy người đã rủ người lương chúng tôi đi cứu trợ lũ lụt, còn Công Giáo và Tin lành sao chưa thấy rủ nhau?”

Hơn 9 giờ tối, tôi qua cổng nhà thờ lớn về lại nhà hưu dưỡng. Trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa và chủng viện, người lương đi chơi lễ thật đông, đa số là thanh niên nam nữ và các phụ huynh trẻ. Phải chi tôi kịp lôi những tấm panô ở An Mỹ về đây giăng đầy dãy hàng rào xung quanh để khách đi chơi có cơ hội học biết sứ điệp Giáng sinh. Phải chi tôi còn trẻ, tôi sẽ đứng đây đến khuya, đến lúc người khách cuối cùng ra về, tôi sẽ rao bán Kinh thánh với một giá rẻ rề và sẽ cho người mua cả số điện thoại của tôi để họ có thể gọi bất cứ lúc nào họ cần đến. Thế nhưng, rồi chợt thấy nặng lòng: Làm sao người ta có thể tin được khi chính các con cái Chúa chưa yêu thương hiệp nhất với nhau?

XIN CHO HỌ ĐƯỢC NÊN MỘT ĐỂ THẾ GIAN TIN

Tối 27-12. Đèn màu của chủng viện và nhà thờ Chính tòa vẫn còn thu hút một số người đến chụp hình và xem hang đá. Phải chăng đây là những người đã “nghe chuyện bọn chăn chiên nói và lấy làm lạ” (Lu-ca 2,18). Tôi nhìn quanh không thấy “bọn chăn chiên” đâu cả. Nhưng kìa, đã có em bé vừa sinh giữa cánh đồng Bết-lê-hem (x. Ma-thi-ơ 2,1), để sẽ trở thành người chăn chiên đích thật và duy nhất (x. Giăng 10,2). Tôi chợt nghe văng vẳng: “Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình mà phó sự sống mình. Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta. Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng nầy; ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi” (Giăng 1,11.14.16).

Tôi thấy tiếc nhớ làm sao cái dự định không thành, muốn thông công đôi chút với anh em Tin lành nhân mùa Giáng sinh, trước khi bước vào thời khắc kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách của Martin Luther và 50 năm hành trình tìm về đoàn tụ. Hầu như ai cũng biết các môn đệ của Chúa Cứu Thế đã chia rẽ nhau nhưng ít ai biết rằng hơn một thế kỷ nay, Đức Thánh Linh/Chúa Thánh Thần đã thổi xuống trên tâm hồn các Cơ đốc nhân/Kitô hữu một luồng gió mới, một nỗi khát khao hiệp một/hiệp nhất. Thế nhưng ít ai biết được, trong 50 năm qua, cuộc đối thoại giữa Hội thánh Công Giáo và các hệ phái ly khai đã tiến nhanh tới mức nào. Cụ thể tại Việt Nam này, rất ít ai biết, kể cả giữa vòng các tín hữu Tin lành và Công Giáo. Hỏi mấy ai biết đến bản tuyên bố chung 1999 giữa Công Giáo và Tin lành cùng khẳng định một giáo lý về ơn cứu rỗi (trong tiếng Anh và tiếng Pháp là “justification”, còn trong tiếng Việt, thuật ngữ Tin lành gọi là “sự xưng công nghĩa”, thuật ngữ Công Giáo gọi là “ơn công chính hóa”)? Hỏi mấy người đọc được nó khi mà đã 17 năm rồi nó vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt? Tôi thấy mình đang cùng thổn thức với Đấng Christ/Đức Kitô Cứu Thế qua ý nguyện của Ngài trong đêm cuối đời: “Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa, để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho cả họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến” (Giăng 17,20-21).

Tôi muốn tìm một ai đó đã dự một phần trong các cử hành Giáng sinh năm nay của anh em Tin lành để hỏi thăm, nhưng rồi lại tự nhủ: tại sao mình không đến thẳng nhà thờ Tin lành mà hỏi? Phút chốc, tôi rời cổng nhà thờ Chính tòa, thả bộ lên Hội thánh Tin lành ở đường Hai Bà Trưng. Mặt tiền và khuôn viên nhà thờ đã trở lại dáng vẻ ngày thường, như một Bêt-lê-hem thầm lặng, không đèn hoa nào lôi cuốn người qua đường phải chú ý. Riêng văn phòng Mục sư vẫn mở cửa, sáng đèn. Cổng lớn đóng nhưng may mắn, cổng nhỏ đang mở. Tôi vừa chào, Mục sư Nguyễn An Toàn đã nhận ra. Ba năm trước đây, tôi đã có lần cùng cụ Trương Hồ đến thăm Mục sư.

Hằng tuần vào tối thứ Ba, cả trong và ngoài Thành phố có 17 nhóm học Kinh thánh dành cho chị em phụ nữ, mỗi nhóm vài ba chục người, tất cả đều học đồng loạt vào cùng một giờ để vừa học, vừa hiệp thông trong tâm tình cầu nguyện. Tối Thứ Ba nào Mục sư Toàn cũng đi dự giờ học với một nhóm, riêng tối nay người đứng đầu lớp học tại đây vắng mặt, vị Mục sư phải ở nhà giúp thay. Có thế, chúng tôi mới may mắn được gặp nhau.

Tôi hỏi thăm và vui mừng tạ ơn Chúa vì những ơn lớn lao Thiên Chúa đang ban cho Hội Thánh Tin Lành Quy Nhơn. Chỉ khoảng nửa giờ thôi nhưng tôi nhận được nhiều thông tin lý thú. Nhiệm kỳ phục vụ của các mục sư tại mỗi Hội thánh là 4 năm. Mục sư Toàn về đây được 5 năm, đang phục vụ năm đầu của nhiệm kỳ thứ hai. Với những Hội thánh còn ở giai đoạn tự dưỡng, Hội đồng Tổng liên hội chủ động bổ nhiệm mục sư, không cần hỏi ý kiến tín hữu. Với những Hội thánh đã có khả năng tự trị, Tổng liên hội cử đến ba ứng viên để anh chị em tín hữu bầu chọn. Mỗi vị trong ba ứng viên sẽ giảng lễ một Chúa Nhật, rồi tín hữu bỏ phiếu. Vị nào được nhiều phiếu hơn cả, và phải hơn 50% số phiếu, sẽ được bổ nhiệm. Hết nhiệm kỳ I, sẽ có bỏ phiếu tín nhiệm, phải được hơn 60% số phiếu, vị mục sư mới có thể tiếp tục nhiệm kỳ II. Sau nhiệm kỳ II, phải đạt tới 80% số phiếu mới có thể tiếp tục nhiệm kỳ III. Cách làm việc này tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiệp nhất mạnh mẽ giữa mục sư và cộng đồng tín hữu.

Ngày Mục sư Toàn mới nhận nhiệm sở, mọi hoạt động đều tập trung tại nhà thờ ở đường Hai Bà Trưng này. Nay thì nhà thờ ở Chợ Dinh đã là trụ sở của một Hội thánh tự trị. Mục sư Toàn phụ trách mười điểm nhóm tại nội thành Quy Nhơn và trên địa bàn huyện Tuy Phước, mấy năm qua đã có thêm nhà nguyện tại Phú Tài và Phước Sơn. Mùa Giáng sinh năm nay, do chỉ có một mình, vị Mục sư phải phân bố cả một chương trình 8 ngày, từ 17 đến 25-12, mới truyền giảng đều khắp cả mười điểm nhóm. Không riêng tại Quy Nhơn và Tuy Phước, khó khăn lớn chung cho Hội thánh Tin lành Việt Nam hiện nay là thiếu nhân sự. Vừa qua, một trường đào tạo trung cấp đã được mở tại Đà Lạt. Các học viên học hai năm, thực tập hai năm rồi quay lại học thêm một năm, mới có thể ra trường làm Thầy Truyền đạo. Nói chung, những năm gần đây, nhờ ơn Chúa, Hội thánh Tin lành đang lan rộng.

Đầu tháng 12, cha Lê Kim Ánh, cha sở Chính Tòa và là Hạt trưởng Giáo hạt Qui Nhơn đã trao đổi với Mục sư Toàn để thực hiện một buổi hát thánh ca chung mừng lễ Giáng sinh 2016, nhưng thời giờ quá eo hẹp, không kịp chuẩn bị, nên năm nay dự án tốt đẹp ấy chưa thực hiện được. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta sắp có tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp một các Cơ đốc nhân (nói theo người Công Giáo là sự hiệp nhất các Kitô hữu), 18-25 tháng Giêng, nếu xúc tiến ngay thì vẫn không muộn để đánh dấu kỷ niệm lịch sử của 500 năm chia cách và 50 năm tìm về đoàn tụ.

Câu chuyện chia sẻ tới đây thì chị em học viên của lớp giáo lý bắt đầu đến. Tôi lưu luyến ra về để Mục sư bắt đầu giờ lớp.

NHỮNG BẦY VỊT VÀ CƠN LŨ

Rời phòng khách vị Mục sư, tôi có một niềm vui rất siêu nhiên, đồng thời cũng có một nỗi buồn vừa rất siêu nhiên vừa có phần nhân loại. Niềm vui là niềm vui Thánh Phaolô nói trong thư Phi-líp: “Song có hề gì! Dẫu thế nào đi nữa, hoặc làm bộ, hoặc thật thà, Đấng Christ cũng được rao truyền; ấy vì đó tôi đương mừng rỡ, và sẽ còn mừng rỡ hơn nữa” (Phi 1,18). Kết quả việc truyền giảng những thập niên qua của anh em Tin lành rất cao. Những con số thống kê cho phép người ta dự đoán rằng muộn lắm là 15 năm nữa, số tín hữu Tin lành tại Việt Nam sẽ đạt tới 10 triệu người.

Nỗi buồn của tôi là, với cách nói, cách làm, cách nghĩ và cách sống hiện nay, vào cũng thời điểm ấy, liệu Giáo Hội Công Giáo có đạt tới con số ấy chưa? Mà đó lại chính là lúc người Công Giáo đang nô nức kỷ niệm 500 năm Tin mừng đến với Dân tộc (1533-2033)! Thiên Chúa và tiền nhân đang đợi chờ gì nơi ta vào thời điểm ấy? Có phải lúc ấy Giáo Hội trên khắp 26 giáo phận Việt Nam sẽ dâng lên Chúa Cứu Thế cái cảnh nức lòng, đâu đâu cũng nườm nượp những đoàn người gánh lúa về kĩu cà kĩu kịt? Hay lại cũng chỉ có những lễ hội hoành tráng như bao nhiêu lễ hội hoành tráng khác đã qua đi, chỉ nửa ngày sau khi bế mạc là trôi theo cơn lũ, để lại những rệu rã, mệt mỏi, chán chường và phân hóa?

Tôi không thể không nghĩ tới kinh nghiệm ở Hàn Quốc. Người Tin lành đến Hàn Quốc (1884) saungười Công Giáo (1603) đúng 281 năm, và rồi “vào năm 1945 cả hai hệ phái (Công Giáo và Tin lành) chiếm khoảng 2% dân số. Sau đó họ tăng trưởng rất nhanh: năm 1991, có 18,4% dân số (8,0 triệu) là Tin Lành, và 6,7% (2,5 triệu) là Công Giáo” (https://en.wikipedia.org/wiki/Christianity_in_Korea). Theo thống kê mới cập nhật tháng 8-2016 thì hiện nay Công Giáo chỉ chiếm 7.6% dân số, đang khi Tin lành chiếm 24% (http://www.indexmundi.com/).

Trong những yếu tố đem lại kết quả cho mùa gặt Tin lành tại Hàn, có một chi tiết rất đáng ghi nhận: “Năm 1924, người Tin Lành thành lập Hội đồng Kitô giáo Toàn quốc Hàn để điều phối hoạt động bằng cách chia thành các khu vực được phân công cụ thể cho các hệ phái Tin Lành khác nhau” (https://en.wikipedia.org/wiki/Christianity_in_Korea).

Tôi nhớ câu chuyện một mục sư trẻ đã kể cho tôi. Ở một vùng nọ người ta nuôi rất nhiều vịt. Mỗi bầy vịt có một người lùa đi ăn, rồi lại lùa về chuồng. Bọn vịt chỉ nhìn thấy những bầy vịt khác từ xa, chẳng khi nào có dịp giao lưu gặp gỡ. Một hôm chẳng biết do đâu, lũ về dâng cao đột ngột. Ai nấy hớt hải chạy người, chạy của. Trâu, bò, mèo, chó, heo, gà đều hoảng hốt tìm đường sống sót. Chỉ có bọn vịt là nước càng lớn, càng mừng reo thỏa thích. Rồi mọi hàng rào của các chuồng vịt đều lần lượt bị nhận chìm dưới sâu, những người chăn vịt bó tay, mọi con vịt đều đang bơi trên đỉnh lũ, chúng í ới chào gọi nhau, chẳng còn ai phân biệt được vịt nào của chuồng nào...

Chẳng biết có sự kiện nào tương tự xảy ra tại Bình Định này trong đợt cuồng lũ cuối năm nay chăng nhưng trên thế giới thì có. Cơn lũ tục hóa đã khiến nhiều bầy vịt là con cái Chúa bị bó buộc phải gặp nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô đang hô hào sự gặp gỡ, đang lớn tiếng kêu gào các bầy vịt ngoi đầu lên khỏi cơn lũ, bơi xích lại gần nhau. Kính thưa Đức Thánh Cha, nghe lời Cha, đêm nay ở cái xứ sở năm nào cũng lũ lụt này, có một con vịt Công Giáo bơi sang thăm chuồng vịt Tin lành.

RỒI SẼ CHỈ CÓ MỘT BẦY VÀ MỘT NGƯỜI CHĂN

Tôi về đến nhà thờ Chính Tòa mới hơn 8 giờ. Điện vẫn sáng choang rực rỡ. Các cây xanh ở chủng viện vẫn thả xuống những chuỗi đèn màu huyền hoặc. Tại khuôn viên Tòa Giám mục chỉ có mấy dây đèn màu trên hòn non bộ. Tôi nhìn xuống kiếm tìm, phải chú ý lắm mới thấy chiếc nôi của Chúa Cứu Thế dạt vào một mé của bể nước. Bóng điện nhỏ đặt trên chiếc nôi chiếu sáng khuôn mặt Hài Nhi đã hết pin, mấy bóng màu chớp nháy trên khối đá không đủ soi xuống bể nước. Chính lúc này, hình ảnh những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và những thai bị gạt khỏi cuộc sống, mới xoáy sâu vào lòng tôi.

Mầu nhiệm Giáng sinh là mầu nhiệm người chăn cừu trở thành con cừu và nói bằng tiếng nói loài cừu, người chăn vịt trở thành con vịt và dùng ngôn ngữ của vịt, Đấng làm ra con người trở thành con người cho ta được mắt thấy tai nghe. “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật giống như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha” (Giăng 1,14).

Nơi chiếc nôi bé bỏng, tôi hiểu ra rồi. “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4,15). Tôi hiểu ra rằng chính là để đoàn tụ chúng ta mà Chúa Cứu Thế đã sẵn lòng để mình bị bỏ rơi. “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu, chúng ta được bình an, bởi lằn roi người, chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người” (Ê-sai 53,4-6). “Đức Chúa Jêsus sẽ vì dân mà chết; mà không những vì dân thôi, mà cũng để nhóm con cái Đức Chúa Trời đã tản lạc lại làm một đoàn” (Giăng 11,51-52).

Tất cả những hang đá huy hoàng trong mọi nhà thờ trên thế giới đều bắt nguồn từ một giờ chiêm niệm của Thánh Phanxicô Assisi. Cả Thánh Gioan Thánh Giá cũng lắm lần ngắm nhìn ngây ngất, rồi ôm lấy Hài Nhi vào lòng mà múa nhảy. Thế nhưng ngày nay, dưới những ánh điện sáng choang, hang đá Bê Lem có còn đủ sự giản đơn nghèo khó để dọi ánh sáng vào lòng người tăm tối? Cả tiếng chuông vang, cả lời kinh ngân nga dìu dặt, những bài thánh ca và âm nhạc đã từng có sứ mạng dẫn dắt lòng người vào chiều sâu chiêm niệm, nhưng thử hỏi ngày nay chúng còn đóng đúng vai trò ấy chăng hay chỉ là những lợi khí giúp cuộc đời biến việc cử hành lễ Giáng sinh thành một lễ hội dân gian trần tục? Cứ đều đặn hằng năm, khi mùa đông đến, người ta lại theo thông lệ rước tượng Hài Đồng về để tổ chức lễ hội. Ôi Chúa Cứu Thế, Đấng Emmanuel, khi được long trọng mời về dự ngày lễ của chính Người, Người buồn hay vui?

Hãy để cho lễ hội qua đi. Hãy về lại với đêm sâu chiêm niệm. Hãy nghe điều Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Chúa Cha chỉ nói một lời rằng đó là Con Ngài. Ngài hằng nói lời ấy mãi trong thinh lặng vĩnh cửu, thì linh hồn cũng phải lắng nghe Ngài trong thinh lặng” (Châm ngôn, 99).

MẸ ƠI, MẸ Ở ĐÂU?

Sáng 30-12, nơi hang đá trong phòng nguyện nhà hưu dưỡng, Chúa Hài Nhi tỏa ánh sáng ấm cúng của Ngài, chiếu lên khuôn mặt Thánh cả Giuse và Đức Mẹ. Gia đình bé nhỏ này thật sự là Thánh vì có Chúa Giêsu ở giữa. Khuôn mẫu ấy gợi hứng cho các gia đình con cái Chúa hướng về hạnh phúc thật. Sau thánh lễ, tôi dừng chân trước máng cỏ cầu nguyện cho các gia đình trên thế giới. Tôi nhớ đến những gia đình ở An Mỹ. Chiều hôm qua cha Mai gọi vào cho biết, gió quá mạnh đã thổi bay cả hang đá ngoài sân nhà thờ, Thánh Gia lâm cảnh màn trời chiếu đất. Bão nữa chăng? Tôi ra ngoài, lân la lại gần bên ngọn non bộ. Chiếc nôi bị bỏ quên trong bể cạn, chiếc nôi được cảm hứng từ câu chuyện của em bé người Hípri mới ba tháng tuổi. Ba tháng, em chưa có từ và chưa có ý nhưng đã có cảm xúc. Tôi lặng nhìn và đọc ra nơi tâm hồn bé bỏng ấy cái chấn động thảng thốt: “Mẹ! Mẹ! Mẹ ở đâu? Mẹ ở đâu?”

Ở nhà, Mẹ của bé đứng ngồi không yên, thấp thỏm mong chờ đưa con gái đem tin lành về. Đang khi đó, bên bờ sông, chị đứa bé làm như đang ngồi vọc cát, mắt không ngừng hướng về phía chiếc nôi, miệng cứ mấp máy: “Em ơi, đừng sợ! Mẹ đang lo cho em và đang có chị ở đây!”

Tôi nhìn chiếc nôi Hài Nhi lênh đênh trong bể cạn mà hiểu ra người mẹ của Hài Nhi không xa đây, và hơn nữa tôi còn hiểu ra mẹ của Hài Nhi cũng là mẹ của tôi, mẹ của Đầu cũng là mẹ của mọi chi thể, cả Công Giáo lẫn Tin lành. Làm sao chúng ta có thể ngập ngừng không dám gọi Mẹ Đấng Cứu Thế là mẹ chúng ta khi mà chính Ngài không thẹn gọi chúng ta là anh em Ngài? (x. Hê-bơ-rơ 2,11). Bất giác, tôi nhớ ra một điều kỳ diệu: ngày đầu năm dương lịch này, bắt đầu kỷ niệm 500 năm chia cắt và 50 năm tìm gặp lại, cũng là ngày lễ của Mẹ và cũng là bắt đầu kỷ niệm 100 năm Mẹ ngỏ lời tại Fatima để ủi an và gọi mời nhân loại. Thì ra, Mẹ ở đây. Mẹ vẫn ở đây với chúng con, chăm lo cho chúng con, để giữa lũ chồng lũ, chúng con tìm thấy suối hồng ân, và sau cuồng phong bão táp lại là ngọn gió yên lành của Thánh Linh Thiên Chúa .

Qui Nhơn, 01-01-2017

Linh mục Trăng Thập Tự