Ngày 27-05-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 28/05: Sống sự thật từ Chúa Thánh Thần – Thầy Vincent Nguyễn Quốc Triệu, MSC.
Giáo Hội Năm Châu
02:32 27/05/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”

Đó là lời Chúa
 
Đầu về Trời – niềm hy vọng cho thân xác
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
06:54 27/05/2025
SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
(Lc 24, 46 – 53)
Đầu về Trời – niềm hy vọng cho thân xác

"Đã đến giờ Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha". Lời này được lặp đi lặp lại mỗi đoạn Tin Mừng trước lễ Chúa về Trời. Theo sự quan phòng trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, Chúa Giêsu từ giã Đức Maria Mẹ Người và các mộn đệ. "Người căn dặn các Tông đồ xong... ". Và sau đó " Người lên Trời " (x. Cvtđ 1, 1- 11). Toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh diễn tả và nội dung gồm tóm trong những lời trên.

Đầu về Trời

Chúa Giêsu, vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, sống lại, vinh hiển về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Theo lời thánh Lêo Cả, Chúa Giêsu Kitô, Vị Thủ Lãnh của chúng ta vinh hiển bước vào thiên đàng ngự bên hữu Đức Chúa và ở trên đó, “vinh quang của Đầu” đã trở thành “niềm hy vọng cho thân xác” (x. LEO CẢ, Bài giảng lễ Chúa lên Trời). “Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7, 25). Từ trên cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

Niềm hy vọng cho thân xác

Lễ Chúa Giêsu lên Trời là lễ của niềm hy vọng, vì lễ này báo trước cảnh ngọt ngào của Thiên Đàng. Chúa Giêsu là Đầu, chúng ta là chi thể, Người đi trước để chúng ta được tiếp bước theo sau vào Thiên Đàng. Vẫn theo lời Thánh Leo Cả : “Trong Đức Kitô chịu đóng đinh mà chúng ta chết cho tội, và trong Đức Kitô phục sinh chúng ta sống lại với Người trong đời sống mới đầy ân sủng, chúng ta cũng đạt tới Trời nhờ sự lên Trời của Người. Việc tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô với tư cách là thành viên của Người, hoàn toàn phụ thuộc vào Người và gắn bó mật thiết với vận mệnh của Người” (x. LEO CẢ, Bài giảng lễ Chúa lên Trời).

"Thầy đi dọn chỗ cho anh em…Thầy sẽ trở lại, và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó" (Ga 14,3). Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Đó cũng là niềm hy vọng của chúng ta (thân xác) chi thể của Người. Chứng kiến cảnh Chúa Giêsu lên Trời, các môn đệ lòng ngập niềm vui (x. Lc 24, 50-53) mang đến cho chúng một sứ điệp lữ hành trong hy vọng.

Hình ảnh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta dưới dạng “Con Chiên đứng (thẳng) như đã bị tế sát” (Kh 5,5) thực sự trở nên niềm hy vọng tuyệt đối cho chúng ta. Dầu “bị tế sát”, nhưng vẫn “đứng thẳng”. Nên dầu gian khổ, hay gặp bao thử thách, bị giằng co, xâu xé và thậm chí bị bách hại, con cái Chúa vẫn cảm thấy ứa trào sức sống và niềm vui của Đấng Phục Sinh để thốt lên trong hy vọng: “Marana Tha! Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22,20).

Hành hương trong hy vọng

Chúa Giêsu Kiô niềm hy vọng của chúng ta”: thực vậy, Người là đích điểm cuộc hành hương của chúng ta, và chính Người là đường để chúng ta bước đi.

Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được tháp nhập vào sự sống của Chúa Kitô, nghĩa là chúng ta hy vọng phục sinh và được chia sẻ vinh quang của Người. Chúng ta cũng sẽ theo Người đến cùng Chúa Cha khi kết thúc cuộc sống trần gian này. Lễ Chúa lên Trời là sự kiện phản ánh rõ nhất về niềm hy vọng của chúng ta, người hành hương hy vọng đang tiến về nhà Cha.

Là những người sống niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi không ngừng tin vào Chúa Kitô và sống khác với những người chưa biết đến Chúa Kitô. Chúa Giêsu Kitô ở cùng chúng ta và Người đang dẫn chúng ta đến cuộc sống đời đời. Người chỉ cho chúng ta đường lên Trời của Người, đường Giêsu. Chúng ta phải tránh những cám dỗ, sợ hãi, hoảng loạn và thất vọng. Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng”(1 Tx 4,13). Ở đây chúng ta cũng thấy một dấu hiệu riêng biệt của các Kitô hữu là họ có tương lai. Đức cố Giáo hoàng Bênêdictô XVI viết: “Không phải là họ biết chi tiết về những gì đang chờ đợi họ, nhưng họ biết một cách chung chung rằng cuộc sống của họ sẽ KHÔNG KẾT THÚC trong sự trống rỗng. Chỉ khi tương lai chắc chắn là một thực tế tích cực thì mới có thể sống tốt trong hiện tại” (x. BENEDICTO XVI, Spe Salvi, số 2).

Chính khi tin vào Chúa Kitô mà chúng ta sống an bình và hy vọng trong mọi hoàn cảnh, vì sự chết không có tiếng nói cuối cùng. Ngay cả khi cái chết đến với chúng ta, chúng ta vẫn thanh thản trong niềm hy vọng cuối cùng là được lên Trời sống đời đời với Chúa. Đó là ý nghĩa của cuộc sống người tín hữu chúng ta.

Xin Chúa khơi dậy nơi chúng ta lòng ái mộ những sự trên Trời. Trên hết, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, Đấng, qua Mẹ Giáo Hội, đã sinh chúng ta vào sự sống đời đời, sự sống của Chúa Giê-su, niềm hy vọng của chúng ta. Cậy trông vào Mẹ Maria, Nữ Vương linh hồn và xác lên Trời, phù hộ cho chúng ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng.

Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời, như thế chúng ta hy vọng sẽ được về Trời với Chúa. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:05 27/05/2025

136. Lời tán tụng của chúng ta nên ở nơi Thiên Chúa chứ không ở nơi mình chúng ta.

(Thánh Clement)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:06 27/05/2025
52. LẤY VỢ TRÊN BÀN TIỆC

Người nọ có một con trai ngu ngốc thường thích nói những lời chết chóc.

Một hôm, con trai của nhà em dâu lấy vợ, ông bố dẫn con trai cùng đi dự tiệc, đứa con vừa muốn mở miệng nói thì ông bố vội nói:

- “Nhà người ta cưới vợ tức là chuyện vui vẻ, dứt khoát không được nói chuyện chết chóc.”

Con trai nói:

- “Khỏi nhọc công bố dặn dò, con hiểu chứ, lấy vợ chứ không phải làm đám ma.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 52:

Biết rằng con trai mình khờ dại ngu ngốc thích nói lời chết chóc, biết rằng đám cưới là nơi luôn cần những điềm lành, những lời nói vui vẻ, vậy mà ông bố vẫn đem con theo để nó –theo thói quen ngu ngốc- nói những lời chết chóc, đây là lỗi của ông bố chứ không phải của con trai…

Biết nhà thờ là nơi có Đức Chúa Giê-su Thánh Thể đang ngự trong nhà tạm, là hạnh phúc của người Ki-tô hữu, nhưng rất ít người Ki-tô hữu đến nhà thờ hầu chuyện với Ngài; biết rằng mình sống ở đời này là đời tạm, nhưng vẫn có rất nhiều người Ki-tô hữu yêu mến đời tạm này đến nổi quên cả quê hương vĩnh viễn trên trời của mình; biết rằng Thiên Chúa rất ghét tội lỗi, vì tội lỗi làm cho mình mất ơn nghĩa với Ngài, nhưng vẫn có rất nhiều người Ki-tô hữu thích sống trong tội…

Đó là một nghịch lý đức tin nơi những người có mang danh là Ki-tô hữu, nhưng không sống đức tin của người Ki-tô hữu. Thật đáng tiếc cho bạn và tôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Bồn chồn
Lm Minh Anh
16:09 27/05/2025
BỒN CHỒN
“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn!”.

“Chúng ta chỉ có thể viết nên cuộc đời mình trong ‘bàn tay viết lách và luôn làm trổ sinh’ của Chúa Thánh Thần. Hãy dành chỗ cho Ngài, chính Ngài sẽ thổi, sẽ hoạ nên những kiệt tác bất ngờ với những nét rồng bay phượng múa. Nhưng trước hết, Ngài bồn chồn hồi sinh chúng ta từ những gì chết chóc; bởi lẽ, có quá nhiều thứ hoại tử trong đời sống và nơi linh hồn mỗi người!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến sự ‘bồn chồn’; Phaolô ‘bồn chồn’, Chúa Giêsu ‘bồn chồn!’.

Trên hành trình truyền giáo, Phaolô dừng chân ở Athêna, nơi ông thấy một bàn thờ “Kính thần vô danh”; Phaolô ‘bồn chồn’ lên tiếng, “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị!”. Ngài là Thiên Chúa, “Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca gợi lên ‘sự hiểu biết’ này, “Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ‘bồn chồn’ muốn các môn đệ nhận ra vai trò quan yếu của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội cũng như trong đời sống mỗi người, “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn!”. Như các tông đồ, chúng ta biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu; tuy nhiên, vẫn rất mù mờ và sẽ không bao giờ biết Ngài hoàn toàn. Bao lâu còn trên dương thế, chúng ta vẫn mãi dò dẫm hướng tới sự hiểu biết này! Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói đến sự cần thiết về Đấng Chúa Cha sẽ sai đến, Ngài sẽ là người hướng đạo dẫn chúng ta đến sự hiểu biết Thiên Chúa toàn vẹn.

Cùng lúc, hoạt động kín đáo của Chúa Thánh Thần trong đời sống sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân. Nhưng trước hết, Ngài sẽ hồi sinh chúng ta từ những gì chết chóc; bởi lẽ, có quá nhiều thứ hoại tử trong đời sống và trong linh hồn mỗi người. Tiếp đến, chính Chúa Thánh Thần sẽ trợ lực để mỗi người chúng ta khám phá những chân trời mới; ở đó, Ngài muốn mỗi người sẽ cùng Ngài thổi vào thế giới những làn gió mới - làn gió Thần Khí sự sống - bắt đầu với tất cả những gì nhỏ bé nhất với những con người gần gũi nhất.

Chính Thánh Thần, Đấng rất ‘bồn chồn’ để làm sao mọi việc lành phúc đức của chúng ta có một giá trị thật, giá trị cứu độ vĩnh cửu. Khi chúng ta cầu nguyện, hy sinh; khi chúng ta ngợi khen, làm chứng; hoặc khi chúng ta thực thi bác ái yêu thương, nhịn nhục hay tha thứ; xua tan bất hoà, xây dựng hiệp nhất… thì chính Ngài là tác nhân và là động lực giúp cho những công việc đó hoàn thành và mang ý nghĩa cứu độ.

Anh Chị em,

“Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn!”. Đức Phanxicô nói, “Đây là lời cầu nguyện mà chúng ta phải thưa lên mỗi ngày: ‘Lạy Chúa Thánh Thần, xin mở rộng lòng con với lời Chúa, mở rộng lòng con với sự thiện, mở rộng lòng con với vẻ đẹp của Thiên Chúa mỗi ngày!’”. Và này, với con - một người hèn yếu - Ngài cũng sẽ thổi, sẽ hoạ nên một kiệt tác bất ngờ bằng những nét rồng bay phượng múa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thật không hiểu nổi khi Chúa vừa chữa lành những hoại tử trong con, vừa sai con đi. Xin cứ dùng con như một khí cụ bình an của Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng gặp các các viên chức Tòa Thánh kể cả vị Hồng Y bị kết án vì tội tài chính, bị cấm tham gia mật nghị
Vũ Văn An
15:03 27/05/2025

Đức Giáo Hoàng Leo XIV vẫy tay chào khi đến Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateranô, nơi ngài sẽ chủ trì Thánh lễ và tiếp quản Nhà thờ chính tòa Rôma, ngày 25 tháng 5 năm 2025. (Nguồn: Andrew Medichini/AP.)


Elise Ann Allen của tạp chí Crux, ngày 27 tháng 5 năm 2025, nhận xét: Cũng như bất kỳ vị giáo hoàng mới nào, việc lướt qua các cuộc bổ nhiệm và buổi tiếp kiến đầu tiên của các vị trong hệ thống ít nhất cũng cung cấp một cái nhìn sâu sắc nhỏ về những gì đầu tiên và quan trọng nhất trong tâm trí các vị về các ưu tiên mục vụ và hành chính.

Đối với Đức Giáo Hoàng Leo XIV, với gần một tháng nắm quyền và khoảng hai tuần lên lịch họp và đưa ra một số quyết định ban đầu, ngoài các cuộc họp dự kiến với các nhà lãnh đạo nhà nước trong thành phố chứng kiến cuộc bầu cử và nhậm chức, các ưu tiên hàng đầu của ngài đã bắt đầu hình thành.

Nhìn chung, chúng dường như chỉ ra ý định của ngài là tiếp tục công việc còn dang dở của triều đại Giáo hoàng Phanxicô, từ tài chính đến cuộc khủng hoảng lạm dụng cho đến cải cách Giáo triều Rôma.

Một trong những cuộc họp đáng chú ý nhất diễn ra vào thứ Ba, ngày 27 tháng 5, khi Đức Giáo Hoàng Leo tổ chức một cuộc họp riêng với Hồng Y người Ý bị mất uy tín Angelo Becciu, 76 tuổi, người đã bị kết án năm năm rưỡi tù giam vào tháng 12 năm 2023 tại phiên tòa xét xử thế kỷ của Vatican về các tội danh tài chính liên quan đến một thỏa thuận bất động sản mờ ám ở London, trong đó Vatican đã mất khoảng 250 triệu đô la.

Ngoài thời gian ngồi tù, Becciu còn bị phạt khoảng 8,700 đô la và bị cấm vĩnh viễn giữ bất cứ chức vụ công nào tại Thị quốc Vatican.

Becciu, vị Hồng Y đầu tiên bị kết án và tuyên án tại tòa án dân sự Vatican, đã liên tục phủ nhận các cáo buộc chống lại mình và đã đệ đơn kháng cáo.

Trước mật nghị bầu Đức Giáo Hoàng Leo XIV, Becciu đã tham dự các cuộc họp chung của Hồng Y đoàn, khẳng định rằng ngài không bị cấm bỏ phiếu trong mật nghị cho đến khi được cho xem một lá thư từ Giáo hoàng Phanxicô nêu rõ rằng Becciu không được bỏ phiếu và rút lui khỏi tham dự.

Các Hồng Y tham gia vào các đại hội đồng sau đó đã công bố một thông cáo cảm ơn Becciu vì đã rút lui một cách lịch sự và bày tỏ hy vọng rằng các cơ quan tư pháp có thẩm quyền sẽ "chắc chắn xác định sự thật".

Một số Hồng Y được cho là không hài lòng với cách đối xử với Becciu và tin rằng ngài đã bị đối xử tệ.

Bằng cách gặp Becciu, Đức Giáo Hoàng Leo không nhất thiết phải phục hồi chức vụ hoặc tái bổ nhiệm ngài, hoặc đưa ra bất cứ sự chấp thuận nào, nhưng có khả năng đang cố gắng giải quyết một trong những tình huống cấp bách và rõ ràng nhất đã nảy sinh trong các cuộc họp trước mật nghị, khiến ít nhất một số Hồng Y cảm thấy khó chịu.

Được thực hiện song song với quyết định trao cho Hồng Y người Guinea Robert Sarah, Tổng trưởng danh dự của Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, một công việc chính thức, dù chỉ mang tính danh nghĩa, cho thấy Leo đang cố gắng ở một mức độ nào đó để hàn gắn rạn nứt và giải quyết những tình huống đau lòng không chỉ trong giáo hội mà còn trong toàn thể Hồng Y đoàn.

Vào ngày 24 tháng 5, Đức Giáo Hoàng Leo đã bổ nhiệm ĐHY Sarah làm Đặc phái viên của mình để chủ trì lễ kỷ niệm phụng vụ vào tháng 7 nhân kỷ niệm 400 năm ngày Đức Mẹ hiện ra với người nông dân Yvon Nicolazic tại Pháp.

ĐHY Sarah nổi tiếng là bất đồng quan điểm với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về một số vấn đề, và đã từng bị chỉ trích vì viết một cuốn sách đồng tác giả với Đức Benedict XVI lúc đó đã hưu trí lên án các đề xuất chấm dứt tình trạng độc thân của linh mục khi chính Phanxicô đang xem xét các đề xuất đó, dường như khiến các Đức Benedict và Phanxicô bất đồng quan điểm.

Là người ủng hộ nhiệt thành Thánh lễ La tinh Truyền thống, bị Đức Phanxicô hạn chế, ĐHY Sarah được Đức Phanxicô giữ lại làm người lãnh đạo nhưng thực tế là ngài bị trói tay cho đến khi nghỉ hưu ngay khi bước sang tuổi 75 vào năm 2021.

Ngài vẫn là một anh hùng và một dạng tử đạo đối với những người Công Giáo có tư tưởng bảo thủ hơn, những người cảm thấy bị Giáo hoàng Phanxicô coi thường, và việc Đức Leo chọn giao cho ngài một nhiệm vụ tương đối không đáng kể được coi là nỗ lực của vị giáo hoàng nhằm đưa ra một cành ô liu trong bối cảnh có khả năng vẫn tiếp tục là một tình huống đau đớn.

Tuy nhiên, có lẽ mang tính chỉ dẫn nhất là cuộc họp chính thức đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Leo sau khi nhậm chức, ngoài các nguyên thủ quốc gia đã đến chứng kiến việc ngài được bầu cử hành Thánh lễ nhậm chức.

Vào ngày 14 tháng 5, vị giáo hoàng này đã có cuộc họp riêng với Hồng Y người Mỹ Seán Patrick O'Malley, tổng giám mục hưu trí của Boston và chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên.

Trước mật nghị, trong các hội đồng chung, hai vấn đề liên tục nổi lên như một trong những vấn đề nổi cộm nhất mà giáo hội tiếp tục phải đối diện: Cuộc khủng hoảng tài chính của Vatican và hậu quả liên tục từ cuộc khủng hoảng lạm dụng của giáo sĩ.

Việc ngài quyết định gặp O’Malley trong buổi tiếp kiến chính thức đầu tiên của mình cho thấy mức độ ưu tiên của cuộc khủng hoảng lạm dụng trong triều đại giáo hoàng của ngài, đặc biệt là khi xét đến kinh nghiệm sâu rộng của ngài với Sodalitium Christiane Vitae (SCV) có trụ sở tại Peru, một hội sinh hoạt tông đồ mà lý lẽ về nó, vị giáo hoàng đã đích thân tham gia với tư cách là giám mục và Hồng Y, và đã bị Giáo hoàng Phanxicô bãi bỏ vào đầu năm nay, ngay trước khi ngài qua đời.

Đức Leo đã gặp Hồng Y Baldassare Reina, đại diện của Giáo phận Rome vào ngày 12 tháng 5, mặc dù cuộc họp đó rất có thể tập trung vào các nghi thức của ngài khi tiếp nhận các vương cung thánh đường của giáo hoàng ở Rome: Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành, Nhà thờ Đức Bà Cả, nơi chôn cất Đức Phanxicô, và Nhà thờ chính tòa Thánh Gioan Lateranô, tòa giám mục chính thức của Giám mục Rome.

Cũng vào ngày 14 tháng 5, Đức Leo đã gặp các viên chức được giao nhiệm vụ tổ chức Năm Thánh Hy vọng đang diễn ra và người đứng đầu Opus Dei, Đức ông Fernando Ocáriz người Tây Ban Nha.

Cuộc họp với Ocáriz có thể tập trung vào cuộc cải cách đang diễn ra đối với các điều lệ của Opus Dei, đây là một quá trình do Giáo hoàng Phanxicô chỉ thị, nhưng vẫn chưa hoàn thành hoặc chính thức hóa, có nghĩa là Đức Giáo Hoàng Leo khi tổ chức cuộc họp có thể rất muốn đưa vấn đề đó đến một giải pháp.

Ngày hôm đó, ngài cũng đã tổ chức một cuộc họp không chính thức, có nghĩa là nó không nằm trong danh sách bổ nhiệm của ngài do Văn phòng Báo chí Vatican công bố, với Sơ người Ý Simona Brambilla, Tổng trưởng Bộ Tu sĩ, người đã ký sắc lệnh bãi bỏ của Sodalitium Christiane Vitae và đang xử lý một số trường hợp khác.

Đức Leo cũng đã gặp Tổng giám mục Giordano Piccinotti, chủ tịch của Cơ quan Quản lý Di sản của Tòa thánh (APSA) vào ngày 22 tháng 5, cho biết tình hình tài chính của Vatican cũng là một ưu tiên.

Đức Leo đã từ từ gặp gỡ các tổng trưởng của các bộ thuộc Giáo triều Rôma, bao gồm cuộc họp ngày 15 tháng 5 với toàn bộ ban lãnh đạo của Bộ Phát triển Con người Toàn diện: Hồng Y Michael Czerny, tổng trưởng; Sơ Alessandra Smerilli, thư ký; Hồng Y Fagio Baggio, phó thư ký; và Đức ông Anthony Onyemuche Ekpo, phó thư ký.

Đáng chú ý, Đức Giáo Hoàng đã gặp lại Smerilli và Baggio vào ngày 27 tháng 5, mà không có Czerny như tổng trưởng, làm dấy lên kỳ vọng rằng Đức Giáo Hoàng Leo có thể thực hiện đúng như tin đồn cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có ý định, trước khi qua đời, bổ nhiệm Smerilli làm tổng trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện, vì ĐHY Czerny đã 78 tuổi, quá ba năm so với độ tuổi nghỉ hưu thông thường của các giám mục.

Đức Giáo Hoàng cũng đã có một cuộc họp vào ngày 16 tháng 5 với Đức Hồng Y Victor Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, và ngài đã gặp lại Fernandez vào ngày 26 tháng 5, khiến ngài trở thành tổng trưởng đầu tiên mà Đức Giáo Hoàng Leo đã gặp hai lần, trước khi gặp những người khác lần đầu tiên.

Có khả năng là ít nhất một phần của cuộc trò chuyện trong một hoặc cả hai cuộc họp đều liên quan đến vụ án đang diễn ra xung quanh Cha người Slovenia Marko Rupnik, một cựu tu sĩ Dòng Tên và là họa sĩ vẽ tranh tường nổi tiếng bị cáo buộc tấn công tình dục khoảng 30-40 phụ nữ trưởng thành, và vụ án của ngài là một trong những vụ án khét tiếng nhất trong Giáo Hội Công Giáo trong hai năm qua.

Đức Giáo Hoàng Leo ban đầu cho biết ngài muốn giữ nguyên vị trí hiện tại của tất cả các vị đứng đầu các bộ, dành thời gian để lắng nghe, cầu nguyện và phân định trước khi thực hiện bất cứ sự thay đổi nào, vì vậy các cuộc họp của ngài với các tổng trưởng có thể là một phần trong nỗ lực của ngài nhằm nắm bắt tình hình chính xác trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào về nhân sự.

Tuy nhiên, một số cuộc họp, chẳng hạn như cuộc họp đầu tiên của ngài với ĐHY O'Malley và quyết định gặp ĐTGM Piccinotti trước cả một số tổng trưởng, cho thấy các ưu tiên của riêng ngài và những ưu tiên được nêu trong các cuộc họp trước mật nghị.

Ngài cũng tỏ ra háo hức giải quyết "công việc còn dang dở" của triều đại giáo hoàng Phanxicô, trong các cuộc họp như cuộc họp với Đ.Ô. Ocáriz, đồng thời cũng muốn hàn gắn rạn nứt ở những nơi có thể, dù là với các HY Sarah hay Becciu.

Bất kể diễn giải các cuộc họp ban đầu của ngài như thế nào, không thể phủ nhận rằng Đức Giáo Hoàng Leo muốn bắt tay vào công việc, và nếu lịch trình của ngài trong hai tuần qua là bất cứ dấu hiệu nào, thì ngài đang làm đúng như vậy.
 
Cha Prevost từng thăm Trung Quốc và các phái bộ Augustinô tại Hồ Nam, Trung Quốc
Vũ Văn An
15:33 27/05/2025

Giorgio Bernardelli, trên AsiaNews ngày 21-05-2025, cho hay: Đức Hồng Y Stephen Chow của Hồng Kông cho biết Đức Giáo Hoàng đã nói với ĐHY rằng ngài “đã đến Trung Quốc nhiều lần và tìm hiểu về văn hóa và thực tế của Trung Quốc”. Đây là điều chưa từng có đối với một vị giáo hoàng, liên quan đến nhiệm kỳ dài của ngài với tư cách là tổng quyền trước đây của một dòng tu, theo lệnh của Đức Leo XIII (giáo hoàng mà giáo hoàng mới lấy tên) đã cử các nhà truyền giáo và giám mục của riêng mình đến Hồ Nam cho đến khi Mao ra sắc lệnh trục xuất. Bắt đầu từ những năm 1980, dòng tu đã xây dựng lại mối quan hệ và sự hiện diện tại Giáo phận Trường Sa thông qua tỉnh Philippines.

Nhà thờ và cộng đồng của một trong những phái bộ Augustinô ở phía bắc Hồ Nam vào đầu thế kỷ 20. (Ảnh từ trang Facebook của Tỉnh Dòng Augustinô mang Tên Thánh Chúa Giêsu ở Philippines)


Thực vậy, Cha Robert Francis Prevost “đã đến thăm Trung Quốc nhiều lần và đã tìm hiểu về văn hóa và thực tế của đất nước này”, Đức Hồng Y Stephen Chow Sau-yan, giám mục Hồng Kông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn về mật nghị và tân giáo hoàng được công bố vào tuần trước bởi phương tiện truyền thông giáo phận Hồng Kông.

Điều này đã khơi dậy sự quan tâm lớn đến một khía cạnh quan trọng trong lý lịch của Đúc Leo XIV. Nhiều người tự hỏi ngài sẽ nhìn Trung Quốc như thế nào sau những cởi mở của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đỉnh điểm là thỏa thuận bổ nhiệm giám mục năm 2018, và nuôi dưỡng ước mơ được chứng kiến một giáo hoàng đến thăm Bắc Kinh và những người Công Giáo ở Trung Quốc đại lục, một điều thường được nhắc đến trong vài năm qua.

Những phát biểu của Đức Hồng Y Chow tiết lộ một sự kiện chưa từng có đối với Giáo Hội Công Giáo, tức việc người hiện đang ngồi trên tòa Phêrô đã đến Trung Quốc đại lục. Điều này thật đáng chú ý khi xét đến việc, trong số những người tiền nhiệm của ngài, chỉ có Đức Phaolô VI đến thăm Hồng Kông khi nơi này vẫn còn là thuộc địa của Anh trong chuyến tông du của ngài đến Châu Á, trong khi Đức Benedict XVI, khi còn là Hồng Y Josef Ratzinger, đã tham gia các hội nghị tại cùng thành phố với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, rất lâu trước khi ngài trở thành giáo hoàng.

Việc trích dẫn các chuyến đi của Cha Prevost đến Trung Quốc cũng vô cùng có giá trị vì một lý do khác. Cũng như tất cả các chuyến đi của ngài với tư cách là Bề trên Tổng quyền của Dòng Augustinô, một chức vụ mà ngài đã nắm giữ từ năm 2001 đến năm 2013, không có thông tin nào về các chuyến thăm của ngài đến Trung Quốc trên các trang web của dòng và trong các ấn phẩm của dòng.

Khá dễ để suy ra bối cảnh. Giống như nhiều viện truyền giáo khác, dòng mà Đức Leo XIV thuộc về cũng có sự hiện diện quan trọng và tình bạn lâu dài với Trung Quốc. Mối liên kết này không chỉ là sự kiện của quá khứ.

Martin de Rada (1533-1578), một tu sĩ dòng Augustinô gốc Tây Ban Nha, học tiếng Trung tại Cebu (Philippines) là nhân vật nổi tiếng nhất trong câu chuyện này. Năm 1575, ngài đi cùng một phái đoàn Tây Ban Nha đến triều đình nhà Minh ở Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra bảy năm trước khi tu sĩ dòng Tên Matteo Ricci đến Ma Cao, đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa một nhà truyền giáo Công Giáo thời cận đại và Trung Quốc.

Bản báo cáo chi tiết mà Martin de Rada viết ngay sau chuyến đi đó có tầm quan trọng cơ bản trong việc giới thiệu châu Âu thế kỷ 16 với các nền văn hóa phương Đông.

Sợi dây liên kết tu sĩ dòng Augustinô với Trung Quốc đã được nối lại ba thế kỷ sau khi Giáo hoàng Leo XIII thiết lập một sự hiện diện truyền giáo thường trực. Đây cũng chính là vị giáo hoàng đã truyền cảm hứng cho Hồng Y Prevost khi ngài chọn tên giáo hoàng của mình sau khi được bầu.

Trên thực tế, vào năm 1879, với sắc lệnh ngắn gọn Ex debito Pastoralis Officii, Đức Leo XIII đã giao phó sứ mệnh ở phía bắc Hồ Nam cho các tu sĩ Augustinô Philippines thuộc Tỉnh Dòng Tên Cực Thánh của Chúa Giêsu, những người đã thành lập một giáo hạt đại diện tông tòa tại tỉnh miền nam Trung Quốc này.

Theo biên niên sử của dòng, các sứ vụ rất sôi động đã được thành lập trong vài năm sau đó, đặc biệt là tại các thành phố hiện đại là Changde, Lixian và Yueyang.

Trong 70 năm, các giám mục Augustinô điều hành lãnh thổ giáo hội được thành lập chính thức là Giáo phận Changde vào năm 1946, trực thuộc giáo tỉnh Changsha.

Giống như tất cả các nhà truyền giáo nước ngoài khác, các tu sĩ Augustinô đã bị chế độ cộng sản Trung Quốc trục xuất vào đầu những năm 1950, bao gồm cả Giám mục Gerardo Faustino Herrero Garrote.

Trong mọi trường hợp, sự hiện diện của Dòng Augustinô rõ ràng là quan trọng đối với Giáo hội địa phương vì chính quyền Trung Quốc đã chọn một tu sĩ Dòng Augustinô, Cha Michael Yang Gaojian, làm giám mục "yêu nước" của Changde. Được thụ phong linh mục vào năm 1938 và sau đó được bổ nhiệm làm bề trên khu vực của dòng tại Trung Quốc, ngài là một trong những nhóm giám mục đầu tiên được tấn phong mà không có sự ủy nhiệm của giáo hoàng.

Một tu sĩ Augustinô Trung Quốc khác, Cha James Li Shu-ren, đã được thụ phong giám mục "yêu nước" của Yueyang, một thành phố ở Hồ Nam, nơi nhà thờ địa phương vẫn mang tên Thánh Augustinô.

Giám mục Yang Gaojian, một nhân vật quan trọng trong Hiệp hội Yêu nước, đã qua đời vào năm 1995, tiếp theo là Giám mục Li Shu-ren hai năm sau đó.

Kể từ đó, toàn bộ phần phía bắc của Hồ Nam đã được sáp nhập vào một Giáo phận duy nhất là Changsha, thủ phủ hành chính của tỉnh, sau khi chính quyền Trung Quốc vẽ lại ranh giới giáo hội.

Giám mục Methodius Qu Ailin, 64 tuổi, đã lãnh đạo giáo phận kể từ năm 2012, một địa vị được Vatican công nhận sau đó theo các điều khoản của thỏa thuận năm 2018.

Trong giáo phận này, các tu sĩ dòng Augustinô vẫn còn có sự hiện diện ở phía bắc Hồ Nam thông qua Giáo hạt Đông phương của họ có trụ sở tại Philippines.

Điều quan trọng không kém cần lưu ý là, sau cơn bão của Cách mạng Văn hóa, một số Nữ tu Augustinô Trung Quốc đã tái lập gia đình tu trì của họ và thành lập một sự hiện diện truyền giáo trong những năm gần đây tại khu vực này của Trung Quốc.

Các giám mục Augustinô từ các giáo hạt và quận hạt ở phía bắc Hồ Nam đã nhấn mạnh về sự hiện diện của các Nữ tu tôn giáo, một yêu cầu đã được đáp ứng vào năm 1925 với sự xuất hiện của bốn nữ tu Augustinô người Tây Ban Nha đã sống thừa tác vụ của họ để phục vụ cộng đồng địa phương trong 25 năm tiếp theo.

Họ cũng phải rời đi vào năm 1950 nhưng hạt giống mà họ gieo, bất chấp sự giải thể cưỡng bức và nỗi đau khổ to lớn của những năm bị đàn áp, đã không bị mất đi.

Vào những năm 1980, khi Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình cho thấy dấu hiệu đầu tiên của một chính sách tôn giáo tự do hơn, một phụ nữ lớn tuổi từng là nữ tu Augustinô đã tập hợp xung quanh mình một số phụ nữ trẻ, hồi sinh viện và nối lại liên lạc với tổng quyền.

Vì vậy, như các nhà truyền giáo Augustinô viết trên trang web của họ, “Hiện tại, có 4 nữ tu người Trung Quốc ở Trung Quốc. Họ tham gia vào công tác mục vụ tại giáo xứ nơi họ sinh sống và các ngôi làng khác xung quanh. Công tác mục vụ của họ bao gồm việc đồng hành với người Công Giáo trong việc sống đức tin của họ. Họ đến thăm các gia đình, người bệnh, họ cầu nguyện với họ, họ chuẩn bị các nghi lễ và họ hướng dẫn những lời cầu nguyện.”

Không khó để tưởng tượng rằng những cộng đồng này ở Hồ Nam là một số điểm dừng chân trong hành trình của cha Robert Francis Prevost qua Trung Quốc. Và thông qua việc tiếp xúc với các tu sĩ Augustinô Trung Quốc và với tỉnh dòng Philippines của dòng - nơi ngài đã đến thăm vào năm 2004 và 2008 - ngài đã làm quen với “văn hóa và thực tế Trung Quốc” mà Đức Hồng Y Chow đã đề cập.

Trải nghiệm này rất quý giá đối với một giáo hoàng truyền giáo, người cũng nhìn bằng con mắt này vào những thách thức của Trung Quốc ngày nay.
 
Tự do và sự khác biệt: Người Công Giáo Trung Quốc và Giáo hoàng người Mỹ
Vũ Văn An
15:52 27/05/2025


Tạp chí AsiaNews ngày 14 tháng 5, 2025 cho hay: Một nguồn tin ở Trung Quốc đại lục đã nói chuyện với AsiaNews về cuộc bầu cử của một vị giáo hoàng sinh ra ở một quốc gia mà theo tuyên truyền của nhà nước, là kẻ thù không đội trời chung để phô trương sự vượt trội của Trung Quốc. Tuy nhiên, cái nhìn cởi mở của người Công Giáo Trung Quốc đối với Đức Leo XIV một lần nữa cho thấy rằng đức tin là tự do và người Trung Quốc không trở thành người Công Giáo nếu họ không chấp nhận, nội tâm hóa và sau đó giải thoát bản thân khỏi "những căng thẳng quốc tế" mà điều này kéo theo.

Tạp chí này hỏi: người Công Giáo Trung Quốc đã trải qua cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Leo XIV như thế nào? Vài ngày trước, chúng tôi đã đưa tin về phản ứng khiêm tốn của Bắc Kinh (phần tin tức Giáo hội được cập nhật thường xuyên trên trang web của Giáo phận Thượng Hải vẫn bị kẹt ở cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô). Đây là một vấn đề rất nhạy cảm ở một quốc gia mà tuyên truyền chính thức coi nơi sinh của vị giáo hoàng mới là đối thủ chính của Trung Quốc. Một nguồn tin ở Trung Quốc chia sẻ với AsiaNews phản ứng của họ đối với cuộc bầu cử giáo hoàng, nói về sự tự do nội tâm to lớn mà những người Công Giáo Trung Quốc đang thể hiện hiện nay, bất chấp những áp lực mà họ phải chịu.

Những người Công Giáo Trung Quốc cũng ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết trước cuộc bầu cử giáo hoàng mới. Chúng tôi có thể theo dõi chương trình phát sóng trực tiếp vào đêm khuya thông qua một ứng dụng chuyên dụng và đăng những bình luận rụt rè đầu tiên trực tuyến, chủ yếu tập trung vào tên đã chọn và phiên âm tiếng Trung. Sau đó, mọi thứ lại trở về sự im lặng thường thấy.

Thật vô ích khi che giấu sự kiện những ý tưởng "địa chính trị" ẩn núp trong những phản ứng đầu tiên (ít nhất là trong phản ứng của tôi), khi nghĩ về quốc tịch của giáo hoàng có thể có ý nghĩa gì đối với tương lai của Trung Quốc, nhưng trong lĩnh vực này, Giáo hội Trung Quốc là bậc thầy của tự do.

Không ai đưa ra bất cứ bình luận gián tiếp nào về điều này; một linh mục nói với tôi "Tôi không biết rằng chưa từng có một giáo hoàng người Mỹ nào", trong khi một phụ nữ trẻ nói, "Tôi không thể nói cho bạn biết những vị khác đến từ đâu".

Tất nhiên, câu hỏi "địa chính trị" vẫn còn đó và rất rõ ràng với mọi người, nhưng việc trở thành một Kitô hữu ở Trung Quốc là một trải nghiệm vốn đã đầy rẫy những căng thẳng về chủ nghĩa dân tộc.

Một người Trung Quốc không trở thành người Công Giáo nếu họ không chấp nhận, nội tâm hóa và sau đó giải thoát bản thân khỏi "những căng thẳng quốc tế" mà điều này kéo theo, những căng thẳng không phải là trí thức mà liên quan đến cuộc sống hàng ngày của mọi người, cho dù đức tin được sống công khai hay bí mật.

Thực thế, tuyên truyền muốn truyền bá khái niệm rằng trở thành người Công Giáo có nghĩa là không hoàn toàn là người Trung Quốc, mà là "bán mình cho người phương Tây".

Mặt khác, cca1c Ki-tô hữu cam kết hòa giải việc là người Trung Quốc với việc là Kitô hữu, mà không rơi vào tình trạng Hán hóa theo chủ nghĩa dân tộc. Đây không phải là điều tầm thường vì áp lực rất lớn; nếu đức tin không được neo giữ vào một lương tâm thực sự phổ quát, đức tin sẽ bị nghiền nát.

Người ta chỉ có thể được rửa tội nếu trước tiên người ta đồng ý giải quyết tất cả những điều này trong suốt cuộc đời mình - trẻ em được giáo dục về đức tin để nhận thức được áp lực bổ sung mà điều này sẽ gây ra cho chúng, và chỉ khi chúng hoàn toàn tin rằng chúng là những viên đá sống của một tính phổ quát lớn hơn. Điều sau cho phép gốc rễ của một người phát triển mạnh mẽ vì, trong khi nó yêu nền văn hóa của một người và vì nó mang lại sự sống, thì nó cũng bị buộc tội vì điều đó.

Do đó, một lần nữa, đối với Giáo hội Trung Quốc, đức tin là tự do, đưa ra nghịch lý truyền giáo rằng những người bị xiềng xích đôi khi tự do hơn những người không bị xiềng xích.

Một mặt, tuyên truyền chính thống ở Trung Quốc coi nước Mỹ là "kẻ thù số một", nhấn mạnh rằng sự vượt trội của Trung Quốc phải luôn được chứng minh và phô trương. Đây là một mô hình truyền thông thành công và hiệu quả.

Mặt khác, một thái độ cởi mở hơn nhiều, mặc dù là ngầm coi nước Mỹ là nước khác, nước khơi dậy sự tò mò. Người Mỹ không phải là kẻ thù mà là sự kỳ lạ cần được khám phá, là người khác ngoài tôi mà tôi muốn biết.

Tôi nhớ sự phấn khích dành cho những người tị nạn TikTok cách đây vài tháng. “Cuối cùng, người Trung Quốc và người Mỹ có thể giao tiếp trực tiếp với nhau", hoặc "Tôi không thể chờ để biết một đứa trẻ đại học sống ở Mỹ như thế nào", hoặc "Bây giờ hãy cho mọi người biết rằng các chính phủ có vấn đề với nhau, không phải với con người".

Mọi người đều cần sự khác biệt để sống, và mong muốn đa dạng không thể bị kìm hãm lâu dài - sớm hay muộn nó cũng sẽ tái xuất hiện. Về mặt biểu tượng, nước Mỹ duy trì mong muốn này.

Trong số những thái cực như vậy, có thể đọc cách cuộc bầu cử của Leo XIV được đón nhận, và cùng với ngài, Giáo hội, như một thứ đại diện cho một không gian tự do, mặc dù có một cái giá đắt, mà, nhân danh sự thống nhất và khác biệt, là dấu hiệu của sự hòa giải.
 
Lavrov bác bỏ Vatican là nơi có thể diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine
Đặng Tự Do
17:38 27/05/2025


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24 tháng 5 đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng Vatican là địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai với Ukraine, cho biết trụ sở Công Giáo này sẽ không phải là diễn đàn thích hợp cho các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia Chính thống giáo, Reuters đưa tin.

Sergei Lavrov đưa ra lập trường trên sau cuộc hội đàm với Thượng Phụ Kirill tại Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Trước đó, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã bày tỏ mong muốn tổ chức vòng đàm phán hòa bình tiếp theo tại Vatican. Một số đối tác của Ukraine, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã gợi ý rằng Vatican có thể trở thành một nền tảng trung lập cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Lavrov tuyên bố: “Hãy tưởng tượng Vatican là nơi diễn ra các cuộc đàm phán. Sẽ hơi thiếu lịch sự nếu các quốc gia Chính thống giáo sử dụng một diễn đàn Công Giáo để thảo luận các vấn đề về cách loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của chiến tranh.”

Lavrov nói thêm rằng ông tin rằng “bản thân Vatican sẽ không thoải mái khi phải tiếp đón các phái đoàn từ hai quốc gia Chính thống giáo trong những hoàn cảnh như thế này”.

Những lý do mà Lavrov đưa ra chỉ đơn thuần lặp lại những điều đã được Thượng Phụ Kirill nêu ra trước đó vài phút trong cùng một buổi họp. Lavrov dường như chưa có thời gian suy nghĩ sâu xa hơn về vấn đề này.

Cho đến nay, hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Nga và chính quyền dân sự dưới thời Vladimir Putin vẫn tự nhận Nga là một quốc gia Chính Thống Giáo mặc dù số người Hồi Giáo ở Nga đông hơn các tín hữu Chính Thống Giáo, và các cuộc điều tra cho thấy chỉ có 1% các tín hữu Chính Thống Giáo thực hành đạo. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trên thực tế, Nga là một quốc gia vô thần bất kể các phương tiện truyền thông nhà nước cố gắng phủ nhận thực tế này.

Các phái đoàn Ukraine và Nga đã họp tại Istanbul để đàm phán hòa bình vào ngày 16 tháng 5, nhưng không đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Trong cuộc họp, Mạc Tư Khoa yêu cầu Kyiv rút khỏi bốn khu vực của Ukraine mà họ tuyên bố đã sáp nhập, mặc dù không có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các khu vực này.

Các quan chức Ukraine cho biết phái đoàn Nga dường như thiếu thẩm quyền thực sự và không chuẩn bị để đàm phán các điều khoản thực chất.

Một kết quả của các cuộc đàm phán là một cuộc trao đổi tù nhân quy mô lớn, với 1.000 tù nhân sẽ trở về mỗi bên bắt đầu từ ngày 23 tháng 5. Ukraine cũng đã đề xuất một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và một cuộc gặp mặt trực tiếp tiềm năng giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Putin — một lời đề nghị đã bị Mạc Tư Khoa từ chối.

Tổng thống Zelenskiy đã gặp Đức Giáo Hoàng Lêô XIV tại Vatican vào ngày 18 tháng 5, sau lễ nhậm chức của giáo hoàng. Nhà lãnh đạo Ukraine mô tả Đức Giáo Hoàng là “biểu tượng của hy vọng hòa bình” và cho biết Tòa thánh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt chiến tranh. Hai vị đã thảo luận về việc trả lại trẻ em bị Nga bắt cóc cưỡng bức và các vấn đề nhân đạo khác.

Tổng thống Zelenskiy tặng Đức Giáo Hoàng Lêô một biểu tượng được vẽ trên mảnh vỡ pháo binh ở tiền tuyến — một món quà tượng trưng cho trẻ em Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Trước khi trở thành giáo hoàng, Đức Lêô XIV đã lên án cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine khi làm Giám mục Chiclayo ở Peru. Trong cuộc phỏng vấn năm 2022, ngài mô tả đó là “một cuộc xâm lược thực sự, mang bản chất đế quốc, nơi Nga tìm cách chinh phục lãnh thổ vì lý do quyền lực”.


Source:Kyiv Independent
 
Đức Hồng Y Kasper cho biết Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, và Đức Hồng Y Sarah đã ngăn chặn việc thay đổi luật độc thân
Đặng Tự Do
17:39 27/05/2025


Đức Hồng Y Walter Kasper cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chuẩn bị nới lỏng luật độc thân linh mục, nhưng đã quyết định không làm như vậy sau khi một cuốn sách do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah xuất bản phản đối sự thay đổi này.

“Tôi đánh giá rằng Đức Phanxicô muốn thay đổi điều gì đó, nhưng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô đã can thiệp thành công cùng với Hồng Y Robert Sarah vào thời điểm đó”, vị Hồng Y người Đức cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Cicero.

Đức Hồng Y Kasper đã nhắc đến việc xuất bản cuốn “From the Depths of Our Hearts” nghĩa là “Từ Sâu Thẳm Tâm Hồn Chúng Ta”, một cuốn sách gồm các bài tiểu luận của Đức Hồng Y Sarah và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, bảo vệ mạnh mẽ luật độc thân linh mục. Cuốn sách được xuất bản vào Tháng Giêng năm 2020, khi thế giới Công Giáo đang chờ đợi việc ban hành tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tóm tắt công trình của Thượng hội đồng Amazon. Thượng hội đồng đã đề xuất việc phong chức linh mục cho những người đàn ông đã kết hôn, lập luận rằng sự thay đổi này là cần thiết để bảo đảm rằng có đủ các linh mục có thể phục vụ các vùng xa xôi.

Việc xuất bản cuốn sách đã gây ra một sự náo động tại Vatican. Trong năm tiếp theo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay thế Đức Hồng Y Sarah đang làm tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích lúc bấy giờ, và sa thải Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Giáo hoàng danh dự Bênêđíctô, khỏi nhiệm vụ thường lệ của mình với tư cách là chủ tịch của phủ giáo hoàng.

Trong cùng một cuộc phỏng vấn với Cicero, Đức Hồng Y Kasper—một nhà thần học có ảnh hưởng và là cựu chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo—nói rằng vai trò của phụ nữ hiện là một “chủ đề lớn” để thảo luận trong Giáo hội. Ngài cũng nhắc lại lời chỉ trích của mình về “Tiến Trình Công Nghị” do hội đồng giám mục Đức bảo trợ, nói rằng đó “không phải là một công đồng, không phải là một tương tác chung”.


Source:Catholic World News
 
YouTube đóng kênh tung ra bài giảng giả mạo của Đức Giáo Hoàng Lêô
Đặng Tự Do
17:40 27/05/2025


YouTube đã thông báo với Aleteia vào thứ năm rằng trang web này đã chấm dứt kênh đăng tải các bài giảng giả mạo được cho là của Giáo hoàng Lêô XIV bằng giọng của ngài.

YouTube đã chấm dứt một kênh đang phát sóng các “bài giảng” giả mạo do trí tuệ nhân tạo tạo ra, được cho là của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV và được “đọc” bằng giọng của ngài.

Jack Malon, phát ngôn nhân của YouTube, trả lời Aleteia vào thứ năm, ngày 21 tháng 5 rằng: “Chúng tôi đã chấm dứt kênh nói trên vì vi phạm chính sách của chúng tôi về thư rác, và hành vi lừa đảo “.

Kênh có tên “Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV” có gần 18.000 người ghi danh và gần một triệu lượt xem trên 26 video tính đến thứ Tư, ngày 21 tháng 5, trước khi bị gỡ xuống.

Tất cả các video đều được tạo ra bởi Trí Tuệ Nhân Tạo, và Đức Giáo Hoàng Lêô XIV thực sự không nói bất cứ điều gì được cho là của ngài, hoặc đọc bằng “giọng” của ngài trong các video, mặc dù một số video dựa trên các bài phát biểu và bài giảng thực tế của Đức Giáo Hoàng.

Malon nói với Aleteia rằng sau khi kênh Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV bị chấm dứt, tất cả các kênh khác do người sáng tạo điều hành cũng đã bị chấm dứt. Hai kênh khác, không được nêu tên, cũng đã bị chấm dứt.

Malon cho biết thêm rằng việc tạo một kênh khác để tiếp tục đăng cùng nội dung với kênh đã bị chấm dứt hoặc sử dụng một kênh khác để lách lệnh cấm đều vi phạm điều khoản dịch vụ của YouTube.

Trong khi tất cả các video trên kênh đều có tuyên bố từ chối trách nhiệm của YouTube về Trí Tuệ Nhân Tạo rằng “Âm thanh hoặc hình ảnh đã được chỉnh sửa đáng kể hoặc được tạo bằng kỹ thuật số”, các bình luận trên các video khác nhau cho thấy không dễ để nhận ra ngay rằng bài giảng đó không phải do Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đưa ra.

“Wow! Đức Thánh Cha của chúng ta nói lên sự thật mạnh mẽ và đầy thách thức! Chúa ban phước cho ngài! Lạy Chúa, Cảm ơn vì Đức Giáo Hoàng Lêô XIV!” một bình luận đã viết.

“Cảm ơn bài giảng mà tất cả mọi người cần lắng nghe nếu chúng ta muốn trở thành người theo chân Chúa. Tôi đã không nghe một bài giảng như thế này trong một thời gian rất dài. Chúa ban phước cho Đức Giáo Hoàng của chúng ta. Amen,” một người khác nói.

Video được xem nhiều nhất trên kênh này có tựa đề “POPES WAKEUP URGENT CALL TO ALL TRUE CHRISTIANS || POPE LÊÔ XIV SPEECH” được tải lên vào ngày 13 tháng 5 và đã nhận được gần 330.000 lượt xem.

Video bao gồm một bài giảng mà Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ nói, được “đọc” bằng “giọng” của “ngài”.

“Pan-African Dreams”, một kênh khác có các video do Trí Tuệ Nhân Tạo tạo ra nhưng bị cho là của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV và Tổng thống Burkina Faso Ibrahim Traoré, vẫn hoạt động cho đến thứ năm.


Source:Aleteia
 
Một Linh mục Công Giáo khác bị sát hại ở Kenya
Đặng Tự Do
17:42 27/05/2025


Một linh mục Công Giáo được xác nhận đã chết vài ngày sau khi một linh mục khác qua đời trong hoàn cảnh bí ẩn. Cha Allois Cheruiyot Bett của Giáo xứ St. Matthias Mulumba Tot đã bị bắn và tử vong vào thứ năm, ngày 22 tháng 5 sau một vụ tấn công.

Chỉ huy cảnh sát hạt Elgeyo Marakwet Peter Mulinge xác nhận rằng vị linh mục đã bị những kẻ lạ mặt nghi là cướp giết hại tại Thung lũng Kerio.

Mulinge cho biết vị linh mục đang trên đường đến nhà thờ khi vụ việc xảy ra và cho biết cuộc điều tra đang được tiến hành để truy tìm những kẻ tấn công.

Sau đó, trong một tuyên bố xác nhận vụ việc, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, gọi tắt là NPS cho biết vụ việc xảy ra tại địa điểm Mokoro, tiểu khu Kakiptul, làng Kabartile.

“Các sĩ quan của Đơn vị Dịch vụ Chung đã phản ứng nhanh chóng và xác định rằng Cha Bett đã bị những kẻ tấn công có vũ trang tấn công và bắn chết. Một cuộc truy lùng đã được tiến hành ngay lập tức và sáu nghi phạm đã bị bắt và hiện đang bị giam giữ”, một phần của tuyên bố viết.

Tuy nhiên, NPS cho biết các cuộc điều tra sơ bộ chỉ ra rằng vụ việc không liên quan đến nạn trộm gia súc hoặc nạn cướp bóc.

Vào tháng 3 năm nay, bốn người đã thiệt mạng trong hai vụ cướp riêng biệt ở Thung lũng Kerio, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực sau một thời gian tương đối yên bình.

Vụ tấn công đầu tiên vào ngày 4 tháng 3 tại Dira, khu vực bầu cử Tiaty, Quận Baringo đã khiến một người chăn gia súc thiệt mạng, và những kẻ tấn công đã xua đuổi một số lượng gia súc chưa xác định.

Một cuộc tấn công trả đũa xảy ra ngay sau đó, khiến ba người thiệt mạng. Trong số ba người này có hai học sinh từ Trường tiểu học Kimongo.

Các báo cáo sơ bộ cho biết các nạn nhân đã bị phục kích và bắn trên đường về nhà từ trường gần Soko Bora, gần Tot ở Quận Elgeyo Marakwet.

Các vụ tấn công xảy ra sau khi ba người thiệt mạng trên Cầu Kolowa khi họ trở về Tot từ Chợ Kolowa vào tháng 2.

Cái chết của Cha Bett xảy ra vào ngày Cha John Maina Ndegwa từ Giáo xứ Công Giáo Igwamiti, Nyahururu được an táng sau khi ngài qua đời vì vết thương vào thứ năm tuần trước.

Cha John Maina đã được an nghỉ

Thánh lễ do Đức Giám Mục Joseph Mbatia chủ trì có sự tham dự của các linh mục, các Kitô Hữu và một số nhà lãnh đạo địa phương tại Trung tâm Tâm linh Tabor Hill ở khu vực bầu cử Ol-Joro Oork.

Cha John được tìm thấy bị bỏ lại bên lề đường dọc theo Xa lộ Gilgil-Nairobi. Theo Cục Điều tra Hình sự, gọi tắt là DCI, vị linh mục đã nói với người Samaritan tốt bụng, một người đi xe boda boda, rằng ngài đã bị bắt cóc từ Nyahururu.

Người ta đưa tin rằng ngài bị bầm tím ở phía bên trái đầu vào thời điểm đó trước khi người lái xe đưa ngài đến Bệnh viện Truyền giáo St. Joseph ở Gilgil.

“Khi đến bệnh viện, ngài có những vết thương rõ ràng, bao gồm vết bầm tím ở bên trái đầu, đang rỉ máu. Thật bi thảm, bất chấp những nỗ lực của đội ngũ y tế, Cha Maina đã qua đời trong khi đang được điều trị chỉ vài phút sau khi vào bệnh viện. Thi thể của ngài đã được chuyển đến nhà xác của Quận Nyahururu theo yêu cầu người thân để bảo quản và khám nghiệm tử thi “, DCI cho biết.

Vào ngày 19 tháng 5, cuộc khám nghiệm tử thi được tiến hành bởi bác sĩ Ngulungu, một nhà nghiên cứu bệnh học của chính phủ với những phát hiện ban đầu cho thấy những vết bầm tím được quan sát thấy trên đầu Cha Maina không có khả năng là nguyên nhân gây tử vong.

Do đó, các mẫu đã được thu thập và gửi đi để phân tích độc tính sâu hơn.

Vào ngày 27 tháng 4, vị linh mục đã tham dự lễ kỷ niệm 25 năm thành lập giáo xứ của mình và lễ thụ phong linh mục cho Cha Simon Thuita, có sự tham dự của cựu Phó Tổng thống Rigathi Gachagua và nhiều chính trị gia khác.

DCI cho biết đã xác định được rằng Cha Maina đang bị một số cá nhân theo dõi và yêu cầu trao cho họ toàn bộ số tiền đã được trao cho ngài trong buổi lễ.

Ngoài ra, các thám tử cho biết họ đang điều tra các báo cáo cho biết vị linh mục này đã khẳng định tính mạng của mình đang bị đe dọa, mặc dù ngài chưa từng trình báo điều này tại bất kỳ đồn cảnh sát nào.


Source:Kenya Times
 
Vatican công bố Thông điệp cho Ngày Du lịch Thế giới 2025
Thanh Quảng sdb
18:28 27/05/2025
Vatican công bố Thông điệp cho Ngày Du lịch Thế giới 2025

Bộ Truyền giáo của Vatican công bố thông điệp cho Ngày Du lịch Thế giới 2025, với chủ đề "Du lịch và Chuyển đổi Bền vững", kêu gọi khách du lịch và người lao động hãy bảo vệ môi trường, đồng thời mang niềm hy vọng Kitô giáo đến cho thế giới hôm nay.

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Du lịch phải được đánh dấu bằng công lý và sự tôn trọng Thiên nhiên, và trong Năm Thánh này, những người làm việc trong ngành du lịch nên mang hy vọng Kitô giáo đến cho thế giới đầy tăm tối ngày nay.

Những yếu tố này đã được nêu trong thông điệp của Vatican về Ngày Du lịch Thế giới lần thứ 46 năm 2025, được tổ chức hàng năm vào ngày 27 tháng 9, với chủ đề 'Du lịch và Chuyển đổi bền vững'.

Trong thông điệp, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Phó Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, đã thúc giục sự ngưỡng mộ và bảo vệ các nguồn tài nguyên của Trái đất, thúc đẩy du lịch thông qua các hoạt động công bằng và áp dụng lối sống bền vững.

Trước tình hình di chuyển toàn cầu, Đức Tổng Giám Mục Fisichella lưu ý, "cần phải xử dụng các nguồn tài nguyên có tác động đáng kể đến sức khỏe của con người và môi trường".

Do đó, ngài kêu gọi những người làm trong ngành du lịch tìm kiếm các giải pháp tôn trọng tính bền vững của môi trường.

Công lý, sự quan tâm và thận trọng

Du lịch, Đức Tổng Giám Mục Fisichella gợi ý, nêu ra vấn đề công lý, mà ngài nhấn mạnh, có nghĩa là trả lương công bằng cho những người làm trong ngành du lịch.

"Sự gia tăng không thể tránh khỏi của lượng khách du lịch phải đi đôi với những dịch vụ phù hợp", ngài nói, đồng thời cảnh báo một lần nữa về sự đầu tư chỉ nghĩ đến lợi nhuận và thái độ của một số người, trước hoạt động du lịch ngày càng tăng, phản ứng bằng cách đóng cửa với du khách.

"Tình trạng quá tải, ở một số nơi", ngài thừa nhận, "là những thách thức nghiêm trọng", nhưng ngài lý luận rằng "những thách thức này có thể được ngăn ngừa thông qua các biện pháp can thiệp kịp thời và bằng cách xử dụng các công cụ mà công nghệ cung cấp".

Sự tham gia của cộng đồng Kitô giáo vào du lịch

Đức Tổng Giám Mục nhắc lại rằng cộng đồng Kitô giáo cũng tham gia vào du lịch, đặc biệt thông qua lòng hiếu khách mà họ dành cho khách hành hương và khách du lịch.

Vì lý do này, ngài nhấn mạnh, các đền thờ được khuyến khích duy trì "không gian linh thiêng của tâm linh đích thực, nơi trái tim tìm thấy sự bình an và hồi tâm suy ngẫm về những vấn đề cơ bản của cuộc sống được khuyến khích thông qua sự im lặng, cầu nguyện và đối thoại với những người con cái của Chúa".

Đức Tổng Giám Mục Fisichella, người trách nhiệm giám sát Năm Thánh 2025, đã tái khẳng định mong muốn của mình rằng "Năm Thánh có thể truyền cảm hứng cho những dấu chỉ hy vọng bằng cách thúc đẩy việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên".

Ngoài ra, ngài tuyên bố rằng Đại hội Thế giới lần thứ Chín về Chăm sóc Mục vụ Du lịch sẽ được tổ chức tại Rome từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 10, gọi đây là "cơ hội quan trọng để cùng nhau suy ngẫm về những chủ đề du lịch và về cam kết mà Giáo hội muốn thực hiện để du lịch cũng có thể phát triển như một công cụ truyền giáo và tiến bộ của con người".
 
VietCatholic TV
TT Merz: Vũ khí Âu Châu có thể tấn công khắp Nga. Tướng Syrskyi: Gần 1000 quân Putin bất ngờ bị bắt
VietCatholic Media
02:58 27/05/2025


1. Thủ tướng Merz dỡ bỏ giới hạn tầm bắn của vũ khí Ukraine để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga

Đức và các đồng minh chủ chốt đã dỡ bỏ các hạn chế về tầm bắn đối với vũ khí được gửi tới Ukraine, cho phép Kyiv tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga mà không có giới hạn, Thủ tướng Friedrich Merz cho biết hôm thứ Hai.

Tuyên bố đó của nhà lãnh đạo Đức có thể mở đường cho Berlin chuyển giao hỏa tiễn hành trình Taurus mạnh mẽ của mình cho Kyiv, điều mà chính phủ trước đã từ chối thực hiện vì không muốn khiêu khích nước Nga sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Không còn giới hạn tầm bắn cho vũ khí được chuyển giao cho Ukraine. Không có giới hạn đối với các vũ khí được chuyển giao từ Anh, từ Pháp, cũng như từ chúng tôi. Ukraine có thể tấn công vào bất cứ nơi nào họ muốn” Merz phát biểu tại Diễn đàn Europaforum WDR ở Berlin vào thứ Hai. Ông nói thêm rằng Ukraine phải được phép phản công “bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ Nga.”

Sự thay đổi này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách an ninh của Đức theo liên minh trung hữu mới giữa đảng Dân chủ Kitô giáo bảo thủ của Merz và đảng Dân chủ Xã hội, gọi tắt là SPD trung tả.

Trong khi chính phủ trước đây do SPD lãnh đạo dưới thời Olaf Scholz liên tục từ chối chuyển giao hỏa tiễn Taurus - với lý do rủi ro leo thang - Merz đã ám chỉ trong chiến dịch rằng ông cởi mở với điều này, miễn là có sự liên kết với các đồng minh.

Điều kiện đó hiện có thể được đáp ứng. Pháp và Anh đã cung cấp hỏa tiễn hành trình tầm xa SCALP/Storm Shadow tương đương, và Hoa Kỳ đã nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ gần biên giới.

Hỏa tiễn Taurus của Đức, có tầm bắn hơn 500 km và mang theo đầu đạn mạnh, sẽ cho phép Kyiv phá vỡ các trung tâm hậu cần của Nga sâu trong lãnh thổ đối phương với độ chính xác cao.

Ukraine đã yêu cầu hệ thống này từ lâu, và Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã lên tiếng “hơn cả hy vọng” rằng chính phủ Merz sẽ thực hiện. Trong khi Merz không xác nhận động thái như vậy, ông cam kết rằng Đức sẽ “làm mọi thứ” để hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự.

Thủ tướng cũng đã thay đổi hướng đi về tính minh bạch: Các đợt chuyển giao vũ khí trong tương lai phần lớn sẽ được giữ bí mật, nhằm mục đích không cho Mạc Tư Khoa biết về những gì Ukraine đang nhận được.

[Politico: Merz lifts range limits on Ukraine weapons to hit targets inside Russia]

2. Nga nói Tổng thống Trump tấn công Putin là do “căng thẳng cảm xúc”

Điện Cẩm Linh coi nhẹ lời chỉ trích công khai của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và cho rằng đó là trường hợp “căng thẳng về mặt cảm xúc”.

Phát ngôn nhân Dmitry Peskov đưa ra bình luận này sau khi Tổng thống Trump phát biểu trên Truth Social vào Chúa Nhật rằng Putin đã “hoàn toàn ĐIÊN RỒ!” và “giết rất nhiều người một cách vô ích” trong cuộc chiến.

Sự thay đổi mạnh mẽ về giọng điệu diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Trump mô tả cuộc điện đàm với nhà độc tài Nga là “diễn ra rất tốt đẹp”.

“Chúng tôi thực sự biết ơn người Mỹ và cá nhân Tổng thống Trump vì sự hỗ trợ của họ trong việc tổ chức và khởi động tiến trình đàm phán này,” Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Hai.

Đáp lại một câu hỏi của phóng viên về mức độ nghiêm trọng trong lời khiển trách của Tổng thống Trump. Peskov dùng một từ tiếng Nga là “ругать мило” dịch ra tiếng Việt là “một lời mắng yêu” để chỉ tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Nhiều quan sát viên cho rằng Peskov quá chủ quan, nhưng nhiều người có thể đồng ý với Peskov rằng đó chỉ là những lời mắng yêu của Tổng thống Trump, vì cho đến nay những chỉ trích của Tổng thống Trump đối với Putin chưa đi kèm với bất cứ hành động trừng phạt cụ thể nào.

“Tất nhiên, đồng thời, đây cũng là thời điểm vô cùng quan trọng, liên quan đến sự căng thẳng về mặt cảm xúc của tất cả mọi người và những phản ứng cảm xúc.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Hai đã kêu gọi áp dụng nhiều lệnh trừng phạt dầu mỏ hơn đối với Nga, nói với Hoa Kỳ và Âu Châu rằng “Nga chỉ có thể bị kiềm chế bằng vũ lực”.

Lựa chọn từ ngữ của Điện Cẩm Linh là một cố gắng rõ rệt nhằm hạ thấp lời chỉ trích của Tổng thống Trump đối với tổng thống Nga. Mối quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ đã trở nên căng thẳng nghiêm trọng do cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, nhưng mối quan hệ đã tan băng kể từ khi Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức vào Tháng Giêng và thúc đẩy lệnh ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh.

Tổng thống Trump đã lên tiếng chỉ trích sau khi Nga bắn phá Ukraine bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa vào cuối tuần qua - hành động mà quân đội của Putin đã làm kể từ khi cuộc chiến nổ ra cách đây hơn ba năm. Đó là một trong những cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay.

Tổng thống Trump cho rằng “có điều gì đó đã xảy ra” với Putin khiến ông ta giết rất nhiều người một cách “vô ích”. “Và tôi không chỉ nói về những người lính. Hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa đang được bắn vào các thành phố ở Ukraine, không vì lý do gì cả”, Tổng thống Trump nói.

Khi được các phóng viên hỏi vào Chúa Nhật, Tổng thống Trump không muốn thảo luận về hành động mà ông có thể thực hiện.

Peskov cho biết những phát biểu của Tổng thống Trump có thể “liên quan đến tầm quan trọng của quá trình đàm phán” trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, Tass đưa tin hôm thứ Hai.

Tổng thống Trump, người nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng, đã vận động tranh cử với lời hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ sau khi ông trở lại nắm quyền.

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đã nói chuyện qua điện thoại vào tuần trước, sau đó các quan chức Âu Châu cáo buộc tổng thống Hoa Kỳ đã trao cho Putin một “chiến thắng” bằng cách ám chỉ rằng Washington sẽ rút lui khỏi các cuộc đàm phán ngoại giao. Tổng thống Trump cũng từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga để tăng áp lực buộc Putin phải nghiêm chỉnh đàm phán.

Cuộc gọi này không đáp ứng được kỳ vọng, làm tan biến hy vọng rằng nó sẽ là bước ngoặt lớn trong lời cam kết làm trung gian hòa bình của Tổng thống Trump.

[Newsweek: Russia Says Trump's Attack on Putin Due to 'Emotional Overstrain']

3. Bộ Tổng tham mưu cho biết Ukraine đã bắt giữ gần 1.000 lính Nga trong cuộc tấn công Kursk

Tổng Tư Lệnh Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết lực lượng Ukraine đã bắt giữ 971 binh sĩ Nga trong cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng tại Tỉnh Kursk của Nga, đồng thời mô tả chiến dịch này là chìa khóa để tiến hành trao đổi tù binh. Ông cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm Thứ Hai, 26 Tháng Năm.

Lời loan báo này được đưa ra một ngày sau khi Ukraine đưa 303 tù binh chiến tranh về nước trong giai đoạn cuối của cuộc trao đổi 1.000 đổi 1.000 với Nga. Cuộc trao đổi đã được đồng ý trong các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16 tháng 5, cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai nước trong ba năm.

Theo Tướng Syrskyi, 971 quân nhân Nga đã bị bắt làm tù binh trong khoảng thời gian từ ngày 6 tháng 8 năm 2024 đến ngày 25 tháng 5 năm 2025, như một phần của cuộc tấn công đang diễn ra của Ukraine tại Kursk. Quân đội mô tả chiến dịch này là một động thái “bất ngờ và không cân xứng” giúp lấp đầy cái gọi là “quỹ trao đổi” — thuật ngữ tiếng Ukraine dùng để chỉ những người lính Nga bị bắt có thể được trao đổi lấy tù binh chiến tranh Ukraine.

Những người chỉ trích trước đó đã đặt câu hỏi về giá trị chiến lược của hoạt động Kursk, với lý do chi phí cao và lợi ích không rõ ràng.

“Chỉ những quyết định phi truyền thống mới có thể đánh bại được đối phương có số lượng vượt trội”, Tướng Syrskyi nói. “Chiến dịch Kursk đã chứng minh chính xác điều đó — thành công của nó được công nhận trên toàn thế giới”.

Việc thả tù nhân ngày 25 tháng 5 đã đưa những người lính từ Quân đội, Vệ binh quốc gia, Biên phòng và Dịch vụ vận tải đặc biệt trở về nhà. Gia đình và đồng chí đã chào đón những người trở về, bao gồm 70 người lính đã bảo vệ Mariupol trong cuộc bao vây thành phố cảng năm 2022.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn nhóm đàm phán và nói rằng: “Chúng tôi sẽ đưa toàn bộ người dân của chúng tôi trở về từ nơi bị Nga giam cầm”.

Cuộc trao đổi gần đây được thực hiện trong ba giai đoạn trong ba ngày và vẫn là kết quả hữu hình duy nhất của các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức. Trong khi Kyiv tiếp tục ủng hộ việc trao đổi tù nhân “tất cả đổi tất cả”, thì cho đến nay Mạc Tư Khoa đã bác bỏ đề xuất này.

Putin được cho là đã đến thăm Kursk gần đây, đây là chuyến thăm đầu tiên của Putin đến khu vực này kể từ khi Mạc Tư Khoa tuyên bố vào ngày 26 tháng 4 rằng họ đã hoàn thành một chiến dịch quân sự để giải phóng lãnh thổ khỏi lực lượng Ukraine. Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine đã bác bỏ các tuyên bố này, nói rằng các hoạt động của quân đội Ukraine ở khu vực biên giới vẫn đang diễn ra.

[Kyiv Independent: Ukraine captured almost 1,000 Russian soldiers during Kursk offensive, General Staff says]

4. Ukraine biết ơn Thủ tướng Đức đã cởi trói, không còn áp dụng hạn chế về phạm vi vũ khí cho Ukraine

Tổng Tư Lệnh Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết Ukraine biết ơn Thủ tướng Đức đã cởi trói, không còn áp dụng hạn chế về phạm vi vũ khí cho Ukraine. Ông đưa ra lập trường trên hôm Thứ Ba, 27 Tháng Năm, sau khi Thủ tướng Đức Friedrich Merz loan báo một ngày trước đó rằng, sau các cuộc vận động của Đức, các đối tác phương Tây không còn áp đặt bất kỳ hạn chế tầm bắn nào đối với các loại vũ khí được chuyển giao cho Ukraine để sử dụng chống lại các mục tiêu quân sự của Nga.

“Không còn bất kỳ hạn chế nào về phạm vi vũ khí được chuyển giao cho Ukraine — cả từ Anh, Pháp và chúng tôi”, Merz phát biểu trong một diễn đàn thảo luận do kênh WDR tổ chức.

“Điều này có nghĩa là Ukraine hiện có thể tự vệ, ví dụ, bằng cách tấn công các vị trí quân sự ở Nga,” thủ tướng nói thêm. “Cho đến gần đây, họ không thể làm điều đó, và ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, họ cũng không làm như vậy.”

Trước đây, Ukraine đã nhận được hỏa tiễn tầm xa từ Hoa Kỳ, Anh và Pháp — bao gồm ATACMS, Storm Shadow và SCALP — nhưng ban đầu chỉ được phép điều động chúng chống lại lực lượng quân sự Nga trên các vùng lãnh thổ do Ukraine xâm lược.

Chỉ đến cuối năm 2024, chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh khác mới nới lỏng các hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa chống lại các mục tiêu quân sự của Nga ở các khu vực biên giới. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chỉ trích quyết định nới lỏng các hạn chế của cựu Tổng thống Joe Biden khi ông tìm cách đàm phán một thỏa thuận hòa bình giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa.

Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh rằng trong khi Ukraine đang sử dụng vũ khí để nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Nga, Nga vẫn tiếp tục tấn công “các thành phố, trường mẫu giáo, bệnh viện và viện dưỡng lão” của Ukraine.

Trước khi trở thành thủ tướng, Merz đã ra hiệu rằng ông sẽ lật ngược lệnh cấm của người tiền nhiệm Olaf Scholz về việc chuyển giao hỏa tiễn hành trình Taurus của Đức, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 500 km, hay 300 dặm. Ông vẫn chưa xác nhận liệu mình có ý định chuyển giao hỏa tiễn hay không kể từ khi nhậm chức.

[Kyiv Independent: West no longer imposing range restrictions on arms for Ukraine, Germany's Merz says]

5. Hòa Lan đã gửi 24 chiếc F-16 cuối cùng đã cam kết tới Ukraine vào ngày 26 tháng 5

Hôm Thứ Hai, 26 Tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan Ruben Brekelmans cho biết trên đài truyền hình WNL của Hòa Lan rằng Hòa Lan đã gửi phần còn lại trong số 24 chiến đấu cơ F-16 mà nước này đã hứa gửi cho Ukraine.

Ukraine đã nhận được những chiếc máy bay phản lực F-16 đầu tiên từ Hòa Lan và Đan Mạch vào năm 2024. Các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư do Mỹ sản xuất đã được điều động để tăng cường lá chắn bầu trời của Ukraine và giúp đẩy lùi các cuộc tấn công trên không của Nga.

Brekelmans phát biểu trên sóng truyền hình: “Chúng tôi cũng đang đào tạo phi công và kỹ thuật viên cũng như chia sẻ học thuyết quân sự của mình để Ukraine có thể xây dựng quân đội hiện đại ngang bằng với các quốc gia thành viên NATO”.

Ngoài máy bay của Hòa Lan, Ukraine đã được Đan Mạch hứa cung cấp 19 máy bay F-16, Bỉ hứa cung cấp 30 máy bay và Na Uy hứa cung cấp ít nhất sáu máy bay. Các quốc gia Âu Châu đã đồng ý cung cấp máy bay để giúp hiện đại hóa Không quân Ukraine khi họ chuyển sang sử dụng chiến đấu cơ F-35 tiên tiến hơn.

Máy bay F-16 được cung cấp trong khuôn khổ liên minh chiến binh quốc tế, một số đối tác đóng góp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật.

Đầu tháng này, Oslo tuyên bố sẽ hoàn tất việc giao máy bay vào cuối năm 2025. Tương tự, chính phủ Bỉ cho biết họ sẽ cung cấp máy bay sớm hơn thời hạn năm 2028.

[Kyiv Independent: Netherlands to send last of pledged 24 F-16s to Ukraine on May 26]

6. Putin kêu gọi ‘siết cổ’ các công ty phương Tây vẫn đang hoạt động tại Nga

Putin ngày 26 tháng 5 đã kêu gọi hành động trừng phạt đối với các công ty phương Tây vẫn đang hoạt động tại Nga, nói rằng họ phải bị “bóp nghẹt” để đáp trả những gì ông mô tả là nỗ lực của phương Tây nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Nga.

“Chúng ta nên bóp cổ họ. Tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi nói mà không hề xấu hổ, vì họ đang cố bóp cổ chúng ta. Chúng ta cần phải đáp trả”, Putin nói trong một cuộc họp với các doanh nhân Nga.

Những nhận xét này được đưa ra để đáp lại đề xuất của một đại diện doanh nghiệp về việc hạn chế “một chút” hoạt động của các công ty phương Tây còn lại, lấy Microsoft và Zoom làm ví dụ.

Người tham gia tuyên bố, trích dẫn các nhà phân tích giấu tên, rằng ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Nga đang mất hàng tỷ đô la do tiếp tục phụ thuộc vào các dịch vụ nước ngoài. Putin đưa ra đề xuất xa hơn, thúc giục chính phủ xác định những người vẫn sử dụng nhu liệu phương Tây.

“Hãy cho chúng tôi tất cả những ai không thể từ bỏ những thói quen xấu này. Tôi không đùa đâu, nghiêm chỉnh đấy,” ông nói.

Sau khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, hàng trăm công ty phương Tây đã rời khỏi Nga hoặc đình chỉ hoạt động dưới áp lực của công chúng và các lệnh trừng phạt pháp lý.

Theo dữ liệu từ Trường Kinh tế Kyiv, 472 công ty nước ngoài đã rút hoàn toàn khỏi Nga, trong khi 1.360 công ty khác đã thu hẹp hoạt động.

Trong một số trường hợp, Mạc Tư Khoa đã trực tiếp tịch thu tài sản từ các công ty vẫn còn trong nước. Đường lối ngày càng thù địch của Điện Cẩm Linh được coi là hành động trả đũa việc đóng băng khoảng 300 tỷ đô la tài sản có chủ quyền của Nga ở nước ngoài.

Bất chấp lời lẽ hoa mỹ, Nga vẫn tiếp tục khám phá các con đường để tái hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Vào tháng 2, Putin đã chỉ thị cho chính phủ của mình chuẩn bị cho sự trở lại cuối cùng của các công ty phương Tây.

Tuy nhiên, theo Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và cựu tổng thống, vẫn chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ các công ty muốn tái gia nhập.

[Kyiv Independent: Putin calls to 'strangle' Western companies still operating in Russia]

7. Nga có thể tấn công Âu Châu từ 2 đến 4 năm sau khi chiến tranh kết thúc, tức là nhanh hơn nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, giám đốc tình báo Ukraine cảnh báo

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 26 Tháng Năm, giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài Ukraine, gọi tắt là SZRU Oleh Ivashchenko cho biết Nga sẽ có thể khôi phục khả năng chiến đấu và phát động một cuộc xâm lược chống lại Âu Châu trong vòng hai đến bốn năm sau khi các hoạt động thù địch ở Ukraine kết thúc.

“Nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, quá trình tái vũ trang sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều”, Ivashchenko cho biết trong cuộc phỏng vấn, đồng thời nói thêm rằng Kyiv đã chia sẻ ước tính của mình với các đối tác Âu Châu.

Các quan chức phương Tây trước đây đã chia sẻ ước tính thời gian tương tự, nhấn mạnh mối đe dọa ngày càng tăng về một cuộc đụng độ công khai giữa Mạc Tư Khoa và NATO sau khi cuộc chiến toàn diện của Nga với Ukraine kết thúc.

Quân đội Nga hiện đang tham gia rất nhiều vào Ukraine, chịu tổn thất lớn về nhân lực và trang thiết bị. Tuy nhiên, Christopher Cavoli, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Âu Châu, đã cảnh báo vào tháng 4 rằng Nga đang xây dựng lại lực lượng của mình nhanh hơn nhiều so với dự đoán trước đây.

Quân đội Ukraine tuyên bố rằng Nga đã có gần 1 triệu người thiệt mạng, bị thương hoặc được liệt kê là thương vong kể từ khi cuộc chiến toàn diện nổ ra.

Các đối tác phương Tây của Kyiv — cụ thể là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu — cũng tìm cách hạn chế khả năng tái thiết lực lượng của Nga bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề nhằm cắt đứt chuỗi cung ứng và làm suy yếu nền kinh tế của Mạc Tư Khoa.

Các quan chức và chuyên gia quân sự Hoa Kỳ, Âu Châu và Ukraine tin rằng Nga đang mất đi lợi thế quân sự trên chiến trường, coi đây là động lực để tăng áp lực lên Mạc Tư Khoa và buộc nước này phải ngừng bắn, tờ Washington Post đưa tin.

Thay vào đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch áp dụng bất kỳ lệnh trừng phạt bổ sung nào đối với Nga, để không làm gián đoạn các nỗ lực hòa bình, làm tan vỡ hy vọng của Âu Châu về một chiến lược phối hợp. Liên Hiệp Âu Châu đã cam kết sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt nếu Nga tiếp tục từ chối lệnh ngừng bắn và gói trừng phạt thứ 18 của khối hiện đang được thảo luận.

Chính quyền Tổng thống Trump trước đây đã bày tỏ mong muốn nối lại quan hệ kinh tế với Nga sau một thỏa thuận hòa bình tiềm năng, mặc dù cam kết duy trì các lệnh trừng phạt hiện hành cho đến lúc đó.

[Kyiv Independent: Russia can attack Europe 2-4 years after war's end, faster with lifted sanctions, Ukrainian intel chief warns]

8. Tổng thống Zelenskiy lên tiếng sau khi Tổng thống Trump chỉ trích Putin ‘ĐIÊN RỒ!’

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi Washington kiềm chế Nga “bằng vũ lực” sau làn sóng tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa mới của Nga vào cuối tuần.

Ông đã đưa ra lời kêu gọi này sau khi Tổng thống Trump, trong một lời chỉ trích hiếm hoi đối với Vladimir Putin, cáo buộc nhà độc tài Nga là “hoàn toàn ĐIÊN RỒ!” và “giết nhiều người một cách vô ích”.

“Chỉ những ai có cảm giác ngây thơ, hoàn toàn vô tội mới có thể cho phép Nga thực hiện các cuộc tấn công như vậy và tiếp tục gia tăng quy mô của chúng”, Tổng thống Zelenskiy nói. “Giống như bất kỳ tên tội phạm nào, Nga chỉ có thể bị kiềm chế bằng vũ lực. Chỉ thông qua sức mạnh — sức mạnh của Hoa Kỳ, của Âu Châu, của tất cả các quốc gia coi trọng sự sống — thì những cuộc tấn công này mới có thể bị ngăn chặn và đạt được hòa bình thực sự”.

Trong khi Tổng thống Trump bắt đầu công khai chỉ trích Putin về cuộc chiến ở Ukraine, ông vẫn chưa thực hiện các hành động cụ thể mà các đồng minh phương Tây và Ukraine cho là cần thiết để gây áp lực buộc Nga phải đàm phán nghiêm chỉnh, chẳng hạn như áp đặt các lệnh trừng phạt mới.

Elina Beketova thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu nói với Newsweek rằng bà không tin Nga thực sự quan tâm đến việc đưa ra những nhượng bộ có ý nghĩa “nhưng họ cũng sẽ không rút khỏi quá trình đàm phán”.

Tổng thống Zelenskiy đã viết một lời kêu gọi dài tới Washington và các đồng minh phương Tây sau khi Mạc Tư Khoa tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn vào Ukraine bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa trong đêm thứ hai liên tiếp.

Không quân Ukraine cho biết hôm thứ Hai rằng lực lượng quân sự Nga đã phóng 355 máy bay điều khiển từ xa tấn công và chín hỏa tiễn hành trình.

Theo tờ Moscow Times, đêm hôm trước, các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga đã giết chết ít nhất 13 người. Tờ báo này đưa tin rằng quân đội của Putin đã phóng tổng cộng 300 máy bay điều khiển từ xa tấn công và 70 hỏa tiễn nhằm vào Kyiv, Chernihiv, Dnipropetrovsk, Zhytomyr, Sumy, Kharkiv, Odesa, Mykolaiv, Khmelnytskyi, Ternopil, Cherkasy và Poltava.

“Không có logic quân sự thực sự nào trong việc này, nhưng có ý nghĩa chính trị quan trọng. Khi làm như vậy, Putin cho thấy ông ta khinh thường thế giới đến mức nào — thế giới dành nhiều nỗ lực vào 'đối thoại' với ông ta hơn là gây áp lực thực sự”, Tổng thống Zelenskiy nói, trong một lời chế giễu rõ ràng đối với Tổng thống Trump, người đã nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Nga trong khoảng hai giờ vào tuần trước.

“Chỉ thông qua sức mạnh — sức mạnh của Hoa Kỳ, của Âu Châu, của tất cả các quốc gia coi trọng sự sống — thì những cuộc tấn công này mới có thể bị ngăn chặn và đạt được hòa bình thực sự,” Tổng thống Zelenskiy tiếp tục. “Việc gia tăng các cuộc không kích của Nga nên được đáp trả bằng các lệnh trừng phạt gia tăng.

“Việc Nga coi thường ngoại giao và từ chối thậm chí xem xét lệnh ngừng bắn phải được đáp trả bằng việc đóng băng tài chính của Nga và ngừng giao dịch dầu mỏ. Tôi cảm ơn tất cả mọi người trên thế giới đang ủng hộ chính xác chương trình nghị sự mạnh mẽ này. Nga phải chấm dứt chiến tranh. Và để điều đó xảy ra, chúng ta phải tước đoạt của họ các nguồn tài nguyên nuôi dưỡng ý chí chiến đấu của họ.”

[Newsweek: Zelensky Speaks Out After Trump Blasts 'CRAZY!' Putin]

9. NATO điều động chiến đấu cơ sau các cuộc tấn công hỏa tiễn tầm xa của Nga

Các chiến đấu cơ của NATO đã được điều động gần biên giới phía đông Ba Lan vào hôm thứ Hai khi Ukraine phải gánh chịu một cuộc tấn công lớn bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga.

Quân đội Ba Lan cho biết máy bay của Ba Lan và đồng minh đã cất cánh trong bối cảnh “hoạt động không quân tầm xa của Liên bang Nga tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các cơ sở nằm trên lãnh thổ Ukraine”.

Trong suốt cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Ba Lan thường xuyên cáo buộc Mạc Tư Khoa thực hiện các hành động khiêu khích dọc theo sườn phía đông của NATO. Quân đội Warsaw cũng tuyên bố hỏa tiễn hành trình của Nga đã xâm nhập không phận của mình.

“Mọi thủ tục cần thiết để bảo đảm an toàn cho không phận Ba Lan đã được kích hoạt”, quân đội Ba Lan cho biết trong một tuyên bố trên X, trước đây gọi là Twitter.

“Bộ Tư lệnh Tác chiến của Quân đội Ba Lan đang theo dõi tình hình hiện tại, đồng thời các lực lượng và nguồn lực trực thuộc vẫn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó ngay lập tức.”

Các máy bay phản lực đã được điều động sau khi Mạc Tư Khoa tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa quy mô lớn vào Ukraine trong đêm thứ hai liên tiếp.

Không quân Ukraine cho biết hôm thứ Hai rằng lực lượng quân sự Nga đã phóng 355 máy bay điều khiển từ xa tấn công và chín hỏa tiễn hành trình.

Đêm hôm trước, các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga đã giết chết ít nhất 13 người, tờ Moscow Times đưa tin.

Nga đã phóng tổng cộng 300 máy bay điều khiển từ xa tấn công và 70 hỏa tiễn nhắm vào Kyiv, Chernihiv, Dnipropetrovsk, Zhytomyr, Sumy, Kharkiv, Odesa, Mykolaiv, Khmelnytskyi, Ternopil, Cherkasy và Poltava.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng nước này cũng đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa quy mô lớn của Ukraine.

Tuyên bố cho biết: “Các hệ thống phòng không đã bắn hạ bảy quả bom dẫn đường JDAM và năm hỏa tiễn phóng hàng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất, cũng như 220 máy bay điều khiển từ xa loại máy bay, trong đó có 139 chiếc nằm ngoài khu vực hoạt động quân sự đặc biệt”.

Tổng thống Trump, người đã nỗ lực ngăn chặn xung đột kể từ khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào tháng Giêng, đã cảnh báo nhà độc tài Nga Vladimir Putin rằng những nỗ lực chiếm toàn bộ Ukraine sẽ dẫn đến “sự sụp đổ” của Nga.

Tổng thống Trump cho biết Putin “giết nhiều người một cách vô ích” bằng cách bắn hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa vào Ukraine “mà không có lý do gì cả”.

[Newsweek: NATO Scrambles Fighter Jets After Long-Range Russian Missile Strikes]

10. Tổng thống Zelenskiy ban hành lệnh trừng phạt mới nhắm vào các nhà tuyên truyền, mạng lưới tội phạm, các nhà tài chính Nga

Hôm Thứ Hai, 26 Tháng Năm, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng ba gói trừng phạt mới đã chính thức có hiệu lực, sau khi được Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine phê duyệt.

Tổng thống Zelenskiy đã phác thảo phạm vi của các biện pháp mới nhất, nhằm trừng phạt các cá nhân và mạng lưới người Nga ủng hộ cuộc chiến của Điện Cẩm Linh chống lại Ukraine.

Gói đầu tiên nhắm vào những cá nhân tham gia tài trợ khủng bố, gian lận tài chính và các chương trình trốn tránh lệnh trừng phạt có lợi cho Nga. Gói thứ hai tập trung vào “những kẻ tuyên truyền có lời nói dối trá thúc đẩy các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine”, theo Tổng thống Zelenskiy. Gói thứ ba áp dụng cho các thành viên của các tổ chức tội phạm Nga ủng hộ chế độ của nhà độc tài Vladimir Putin và đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với chế độ này.

Tổng thống Zelenskiy nhấn mạnh rằng những hành động này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Ukraine nhằm liên kết với các đối tác quốc tế. “Ukraine tiếp tục phối hợp các quyết định trừng phạt của mình với các chế độ trừng phạt của Liên minh Âu Châu và các khu vực pháp lý toàn cầu quan trọng khác”, tổng thống cho biết.

Ngoài việc công bố các gói mới, Tổng thống Zelenskiy đã ban hành một sắc lệnh riêng trừng phạt một số cá nhân. Những người này bao gồm Oleksandr Bohuslayev, con trai của cựu chủ tịch Motor Sich Vyacheslav Bohuslayev, cựu thành viên Quốc hội Ihor Mosiychuk và chủ sở hữu sòng bạc trực tuyến Pin-Up của Nga.

Bohuslayev gần đây đã bị bắt giữ tại Monaco vì tội gian lận liên quan đến một chương trình tài sản trị giá 650 triệu đô la, theo Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU. Vyacheslav Bohuslayev, cựu chủ tịch của Motor Sich, nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu của Ukraine, bị giam giữ từ năm 2022 vì tội hợp tác với Nga.

Mosiychuk đã công khai đổ lỗi cho giới lãnh đạo Ukraine về cuộc xâm lược của Nga, tuyên bố rằng cuộc chiến có thể được ngăn chặn thông qua ngoại giao. Ông cáo buộc chính quyền Tổng thống Zelenskiy đã không chuẩn bị cho cuộc xâm lược và thường xuyên tranh cãi về các báo cáo chính thức về các cuộc tấn công của Nga, cáo buộc rằng chính quyền đang nói dối về các vụ việc pháo kích. Các tuyên bố của Mosiychuk thường được các cơ quan tuyên truyền của Nga trích dẫn và lưu hành.

[Kyiv Independent: Zelensky enacts new sanctions targeting propagandists, criminal networks, Russian financiers]

11. Nga ‘thẳng thừng’ từ chối lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong các cuộc đàm phán hòa bình, quan chức Ukraine cho biết

Nhóm đàm phán của Nga tại Istanbul đã nhiều lần tuyên bố rằng “một lệnh ngừng bắn vô điều kiện là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Serhii Kyslytsia, người trước đây là Đại Sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào ngày 24 tháng 5 trên chương trình truyền hình gây quỹ toàn quốc của Ukraine.

Tuần trước, Kyslytsia đã có mặt tại Istanbul khi các nhà đàm phán Ukraine và Nga gặp nhau vào ngày 16 tháng 5 để bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên giữa hai nước sau ba năm.

Kyslytsia cho biết trong các cuộc đàm phán, nhóm Ukraine đã nhấn mạnh rằng cả Ukraine và Mỹ đều tiếp tục đề xuất lệnh ngừng bắn vô điều kiện như bước tiếp theo trong tiến trình đàm phán hòa bình.

Kyslytsia cho biết: “Tôi không nghĩ rằng nhóm đàm phán Nga có thẩm quyền cho phép đạt được thỏa thuận với phía Ukraine về lệnh ngừng bắn”.

Cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul kết thúc sau chưa đầy hai giờ mà không có thỏa thuận nào giữa hai bên về lệnh ngừng bắn.

Sau khi các cuộc đàm phán kết thúc, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov xác nhận rằng Mạc Tư Khoa không quan tâm đến việc đồng ý ngừng bắn ở Ukraine, phát biểu vào ngày 21 tháng 5 rằng “chúng tôi không muốn điều này nữa”.

Một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Ukraine được thông báo về các cuộc đàm phán đã xác nhận với tờ Kyiv Independent rằng phái đoàn Mạc Tư Khoa đã yêu cầu Ukraine rút lui khỏi các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, mặc dù Nga không kiểm soát hoàn toàn bất kỳ tỉnh nào trong số này.

Thỏa thuận cụ thể duy nhất trong các cuộc thảo luận là việc sắp xếp một cuộc trao đổi tù nhân lớn, hoàn tất vào ngày 15 tháng 5.

[Kyiv Independent: Russia 'categorically' rejected unconditional ceasefire in peace talks, Ukrainian official says]

12. Ukraine bảo đảm việc trả tự do cho các tù binh chiến tranh từ các đơn vị bị loại khỏi tất cả các cuộc trao đổi trước đó

Là một phần của chương trình trao đổi tù nhân theo tỷ lệ 1.000 đổi 1.000 với Nga, Ukraine đã giải cứu binh lính từ 46 đơn vị quân đội trước đó không có thành viên nào được trả về, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, người cũng là Phó Giám đốc Trụ sở điều phối đối xử với tù nhân chiến tranh, báo cáo hôm Thứ Ba, 27 Tháng Năm.

“Việc các chiến binh từ các đơn vị này trở về từ lâu đã bị phía Nga ngăn cản vì nhiều lý do”, ông nói, đồng thời mô tả kết quả này là một bước đột phá đáng kể.

Trong số 1.000 quân nhân Ukraine được hồi hương, hơn 300 người đã bị Nga giam giữ kể từ năm 2022. Hãng thông tấn này cho biết thêm rằng tất cả những người được trả về đều là binh lính hoặc hạ sĩ quan, nhiều người trong số họ đã chiến đấu ở những khu vực ác liệt nhất của tiền tuyến.

Cuộc trao đổi - được thống nhất trong cuộc đàm phán hòa bình ngày 16 tháng 5 tại Istanbul - được thực hiện theo ba giai đoạn từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 5.

Đây là cuộc trao đổi tù binh lớn nhất trong chiến tranh và là kết quả cụ thể duy nhất từ các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa trong gần ba năm.

Chiến dịch gây chú ý này đã mang lại cảm giác vừa nhẹ nhõm vừa thất vọng ở Ukraine.

Đại tá Denys Prokopenko, chỉ huy Quân đoàn Azov số 1, chỉ trích cuộc trao đổi này là một “sự chế giễu”, lưu ý rằng không có chiến binh Azov nào được đưa vào bản thông cáo.

Hàng ngàn thường dân và gia đình quân nhân đã dành hai năm để vận động trả tự do cho những quân nhân Azov bị bắt trong cuộc bao vây Mariupol năm 2022. Sự bỏ sót này đã làm dấy lên sự phẫn nộ mới trong người dân Ukraine, những người coi những người bảo vệ Azovstal là anh hùng dân tộc.

Cuộc chiến cuối cùng của Lữ đoàn Azov tại nhà máy thép Azovstal được cho là đã trì hoãn được bước tiến ban đầu của Nga, giúp Ukraine có thời gian huy động và bảo đảm sự hỗ trợ quân sự quốc tế.

Đại Úy Yusov nhấn mạnh rằng Kyiv không có ảnh hưởng nào đến việc Nga sẽ thả những cá nhân nào trong quá trình này.

“Chúng tôi không thể tác động đến danh sách. Nga đã giao nộp những người mà họ sẵn sàng giao nộp, và cả Ukraine nữa,” Yusov phát biểu vào ngày 26 tháng 5.

Trong khi Ukraine trước đây đã tiến hành các cuộc trao đổi tù nhân với quy mô nhỏ hơn, thường có sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian, thì cuộc trao đổi được đàm phán ở Istanbul lại có quy mô và mức độ phức tạp chưa từng có.

Kyiv từ lâu đã ủng hộ một cuộc trao đổi “tất cả đổi tất cả”, nhưng cho đến nay Mạc Tư Khoa vẫn bác bỏ đề xuất này.

[Kyiv Independent: Ukraine secures release of POWs from units excluded from all previous swaps]
 
Putin bất chấp TT Trump, tiếp tục đánh lớn. Đức viện trợ mạnh cho Kyiv. Nhà máy gián điệp Nga bại lộ
VietCatholic Media
16:39 27/05/2025


1. Đức có thể gửi cho Ukraine hỏa tiễn PAC-2 cũ hơn cho hệ thống phòng không Patriot, tờ Washington Post đưa tin

Đức đang có kế hoạch gửi cho Ukraine các hỏa tiễn PAC-2 Patriot cũ hơn để bổ sung kho đạn dược phòng không đang cạn kiệt của nước này, tờ Washington Post, gọi tắt là WP đưa tin vào ngày 26 tháng 5, trích lời một nhà ngoại giao Âu Châu.

Hệ thống phòng không Patriot do Hoa Kỳ sản xuất được công nhận rộng rãi vì khả năng phát hiện, theo dõi và đánh chặn máy bay, hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo có độ chính xác cao. Kyiv đang cạn kiệt đạn dược cho Patriot khi Nga tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn.

Vào đầu tháng 5, Hoa Kỳ đã cho phép Đức chuyển 100 hỏa tiễn phòng không Patriot cho Ukraine. Phát biểu với WP một cách ẩn danh, một nhà ngoại giao Âu Châu tại Kyiv cho biết Berlin có kế hoạch gửi hỏa tiễn PAC-2 cũ hơn, kém hiệu quả hơn trong việc đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo so với hỏa tiễn PAC-3 Patriot mới hơn.

Một quan chức tình báo cao cấp của Ukraine, cũng yêu cầu giấu tên, cho biết ngay cả hỏa tiễn PAC-3 cũng không thể đánh chặn được Oreshnik của Nga, hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, gọi tắt là IRBM mới mà Mạc Tư Khoa đã sử dụng để tấn công thành phố Dnipro vào tháng 11.

Nhà ngoại giao Âu Châu nói thêm rằng vũ khí phòng không duy nhất khác có khả năng bắn hạ đạn đạo là Aster, một hỏa tiễn Pháp-Ý. Ông cho biết khả năng này vẫn chưa được chứng minh.

Các hỏa tiễn PAC-3 hiện đại hơn được thiết kế với công nghệ tấn công chính xác “hit-to-kill”, công nghệ mà các hỏa tiễn PAC-2 cũ không có. PAC-3 cũng nhỏ hơn, nhẹ hơn và cơ động hơn so với hỏa tiễn PAC-2. Một bệ phóng Patriot tiêu chuẩn có thể lắp 16 hỏa tiễn PAC-3 cùng một lúc, so với chỉ bốn hỏa tiễn PAC-2.

Tuyên bố rằng gói phòng không mới nhất của Đức có thể bao gồm các hỏa tiễn kém hiệu quả hơn được đưa ra sau khi Ukraine phải chịu đựng ba đêm liên tiếp các cuộc tấn công quy mô lớn của Nga. Mạc Tư Khoa đã bắn phá Kyiv và các thành phố khác bằng hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình trong khi cũng phóng một số lượng kỷ lục máy bay điều khiển từ xa vào Ukraine.

Sau cuộc tấn công đầu tiên, phát ngôn nhân của Không quân Yurii Ihnat cho biết Nga đã nâng cấp hỏa tiễn đạn đạo của mình bằng radar mồi bẫy và các động tác né tránh, khiến chúng khó bị đánh chặn hơn ngay cả bởi hệ thống Patriot.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đề nghị mua 10 khẩu đội Patriot từ Washington, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bác bỏ yêu cầu này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cho biết vào ngày 20 tháng 5 rằng Washington đang tìm kiếm các quốc gia NATO khác để cung cấp thêm Patriot cho Ukraine.

[Kyiv Independent: Germany may send Ukraine older PAC-2 missiles for Patriot air defenses, WP reports]

2. Putin tiếp tục tấn công Ukraine bằng hỏa tiễn khi Tổng thống Trump gọi ông là ‘KẺ ĐIÊN’

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 27 Tháng Năm, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết trong một tuyên bố rằng Nga đã tấn công Ukraine bằng 350 máy bay điều khiển từ xa sát thủ và chín hỏa tiễn vào sáng sớm thứ Hai.

Lực lượng Điện Cẩm Linh đã bắn hơn 900 máy bay điều khiển từ xa và 92 hỏa tiễn các loại chỉ trong ba ngày qua — một kỷ lục trong thời gian ngắn như vậy kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

Các cuộc tấn công lớn của Mạc Tư Khoa kéo dài hơn sáu giờ mỗi đêm.

Ông Donald Trump gọi Putin là “ĐIÊN!” trong lời chỉ trích hiếm hoi dành cho nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh, nhưng ông cũng đổ lỗi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vì đã “khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn” khi Hoa Kỳ và Ukraine hướng tới một con đường mơ hồ hướng tới hòa bình.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Zelenskiy cho biết cần phải tăng cường áp lực lên Putin.

“Chỉ những ai có cảm giác hoàn toàn ngây thơ vô tội mới có thể cho phép Nga thực hiện các cuộc tấn công như vậy và tiếp tục gia tăng quy mô của chúng. Không có logic quân sự thực sự nào trong việc này, nhưng có ý nghĩa chính trị quan trọng. Khi làm như vậy, Putin cho thấy ông ta khinh thường thế giới đến mức nào — thế giới dành nhiều nỗ lực vào 'đối thoại' với ông ta hơn là gây áp lực thực sự”, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết trong một tuyên bố.

“ Giống như bất kỳ tên tội phạm nào, Nga chỉ có thể bị kiềm chế bằng vũ lực. Chỉ thông qua sức mạnh — sức mạnh của Hoa Kỳ, của Âu Châu, của tất cả các quốc gia coi trọng sự sống — thì những cuộc tấn công này mới có thể bị ngăn chặn và đạt được hòa bình thực sự”, ông nói thêm.

Đầu tháng này, Tổng thống Trump đã từ chối áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga “vì sẽ mất cơ hội đạt được điều gì đó” và ông cũng đã đưa ra cho Putin nhiều cơ hội để chấm dứt “cuộc tắm máu”.

Theo lực lượng không quân, lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ hầu hết các máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn. Tuy nhiên, đã có những vụ tấn công gây ra hậu quả bi thảm.

Vào cuối tuần, quân đội Nga đã tấn công 13 khu vực của Ukraine, phá hủy hơn 80 ngôi nhà và gây ra ít nhất 27 vụ cháy. Mười hai người đã thiệt mạng, bao gồm ba trẻ em từ một gia đình ở khu vực Zhytomyr. Hơn 70 người bị thương, chính quyền Ukraine đưa tin.

[Politico: Putin continues to batter Ukraine with missiles as Trump calls him ‘CRAZY’]

3. Latvia kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu ngừng cấp thị thực cho Nga vì “lo ngại về an ninh”

Latvia kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu đình chỉ việc cấp thị thực cho công dân Nga, với lý do các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng từ Mạc Tư Khoa, Ngoại trưởng Baiba Braze tuyên bố vào ngày 25 tháng 5.

Trong khi một số nước Liên Hiệp Âu Châu đã hạn chế hoặc dừng cấp thị thực cho công dân Nga, một số nước khác vẫn tiếp tục giải quyết đơn xin thị thực, duy trì con đường hợp pháp để người Nga đi du lịch đến khối này.

“Latvia kêu gọi các nước Liên Hiệp Âu Châu ngừng cấp thị thực cho công dân Nga, với lý do lo ngại về an ninh”, Braze đăng trên X. Bà lưu ý rằng số lượng thị thực Schengen được cấp cho công dân Nga đã tăng 25% vào năm 2024 so với năm trước.

Thị thực Schengen cho phép người sở hữu được tự do đi lại giữa 29 quốc gia Âu Châu trong tối đa 90 ngày trong bất kỳ khoảng thời gian 180 ngày nào, cho phép các chuyến thăm ngắn hạn vì lý do du lịch, công tác hoặc gia đình.

Latvia đã áp dụng lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân Nga vào tháng 9 năm 2022 theo một thỏa thuận chung với Lithuania, Estonia và Ba Lan. Tiệp đã áp dụng lệnh hạn chế tương tự vào tháng 10 năm 2022.

Mối lo ngại về việc lạm dụng thị thực Schengen và các đặc quyền ngoại giao đã gia tăng trong bối cảnh làn sóng nghi ngờ về hoạt động phá hoại và gián điệp của Nga trên lãnh thổ Liên Hiệp Âu Châu.

Vào ngày 15 tháng 4, hãng truyền thông Ba Lan Rzeczpospolita đưa tin rằng Ba Lan và Tiệp đang dẫn đầu nỗ lực mới nhằm hạn chế sự di chuyển của các nhà ngoại giao Nga trong khu vực Schengen.

Sáng kiến này, được cho là lần đầu tiên được đề xuất tại Prague vào cuối năm 2023, nhắm vào những cá nhân bị cáo buộc hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao trong khi phục vụ cho tình báo quân sự Nga, gọi tắt là GRU và các cơ quan an ninh khác.

Các cơ quan tình báo và an ninh Liên Hiệp Âu Châu đã cảnh báo về các hoạt động phá hoại ngày càng gia tăng của Nga, bao gồm một số vụ tấn công đốt phá được cho là do Mạc Tư Khoa phối hợp thực hiện.

[Kyiv Independent: Latvia urges EU-wide halt to Russian visas over 'security concerns']

4. Quân đội NATO ở biên giới Nga đang cố gắng không nghĩ đến Mạc Tư Khoa

Nheo mắt vì mưa, những người lính Thụy Điển và Phần Lan dõi theo một nhóm xạ thủ pháo lựu Archer 155 ly của Stockholm đang bắn đạn thật qua khu vực huấn luyện lớn nhất Âu Châu, Rovajärvi.

Nằm trải dài ngay bên kia đường ranh giới, tạo thành Vòng Bắc Cực ở vùng cực bắc Lapland của Phần Lan, Rovajärvi đã là nơi quân đội Thụy Điển và Anh học cách chiến đấu cùng nhau, cách biên giới phía tây bắc của Nga khoảng 70 dặm.

Cách Archers vài dặm, quân đội Anh đã phóng hỏa tiễn từ Hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt M270, gọi tắt là MLRS, bắn trúng mục tiêu cách đó hơn 26 km về phía bắc trong vòng chưa đầy một phút, máy bay điều khiển từ xa bay vù vù trên cao để thăm dò địa hình. Xa hơn một chút ở Sodankylä, đội trực thăng Apache mới được nâng cấp của Vương quốc Anh đã thử nghiệm hơn một chục hỏa tiễn Hellfire tầm ngắn.

Nhưng những người lính đại diện cho ba thành viên NATO đang đặt vấn đề gần gũi với Nga sang một bên trong thời gian họ ở Rovajärvi và Sodankylä, những người theo dõi và thực hiện cuộc tập trận cho biết.

Đứng trong mưa đá, Trung tá Kimmo Ruotsalainen, chỉ huy một trung đoàn pháo binh thuộc Lữ đoàn Kainuu của Phần Lan chỉ huy cuộc tập trận Lapland, cho biết những người lính tập trung ở Bắc Cực đã tập trung vào việc làm sao để phối hợp ăn ý hơn, thay vì tập trung vào các chi tiết cụ thể của mối đe dọa bên kia biên giới.

Trong khi “hoàn toàn” được thiết kế có tính đến Nga, Ruotsalainen cho biết các cuộc tập trận này nhằm cải thiện sự đồng bộ giữa ba thành viên của liên minh.

Ông nói với tờ Newsweek rằng: “Mọi người đều biết tầm quan trọng của việc quân Đồng minh cùng nhau huấn luyện—lực lượng phòng thủ cùng nhau huấn luyện—và các cuộc diễn tập của quân dự bị”.

Khi được hỏi về sự hiện diện của Nga tại Rovajärvi, ông nhận xét, “Điều đó không quan trọng lắm về mặt tinh thần khi chúng tôi tập luyện, dù cho đó là mối đe dọa nghiêm trọng.”

Một người lính Thụy Điển tham gia cuộc tập trận cho biết: “Bạn không thể ngày nào cũng nghĩ về điều đó”.

Phần Lan, với hàng trăm năm lịch sử căng thẳng với Nga, đã trở thành thành viên của NATO chỉ hơn một năm sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào đầu năm 2022. Thụy Điển gia nhập một năm sau đó.

Mạc Tư Khoa đã tuyên bố sẽ trả đũa và đã bắt đầu cải cách mạnh mẽ lực lượng của mình ở phía tây bắc đất nước, bao gồm mở rộng các cơ sở quân sự gần Phần Lan và Estonia, một thành viên NATO nằm ngay phía nam Helsinki.

Các quân nhân ở rìa đông bắc NATO cho biết họ hy vọng quân đội Nga rút khỏi các căn cứ gần lãnh thổ liên minh này sẽ quay trở lại sau khi Mạc Tư Khoa và Kyiv ký kết thỏa thuận ngừng bắn trong các cuộc đàm phán do Hoa Kỳ thúc đẩy mạnh mẽ.

Những người lính Phần Lan cho biết Nga là mối đe dọa quen thuộc đối với Phần Lan, từ lâu trước cuộc xung đột dữ dội ở Ukraine.

“Người Phần Lan đã quen với việc sống cạnh nước Nga, vì vậy mọi thứ đều tập trung vào việc làm thế nào để bảo vệ Phần Lan khỏi Nga”.

Ông cho biết: “Điều đó làm cho nó trở nên thực tế theo cách mà nó không thể xảy ra nếu bạn được đào tạo ở Vương quốc Anh”.

“Chúng tôi đều biết điều đó,” Alfie Giles, một lính không quân 19 tuổi của Quân đội Anh làm việc với trực thăng tấn công Apache ở Sodankylä cho biết. “Vì thế, chúng tôi ở đây để tập luyện với các đồng minh NATO của chúng tôi.”

Nhưng nước Nga của vài thập niên qua sẽ không còn là quốc gia hay lực lượng quân sự như trước đây nữa. Kế hoạch của Điện Cẩm Linh nhằm tăng số lượng quân thường trực lên 1,5 triệu sẽ biến Nga trở thành lực lượng quân sự lớn thứ hai thế giới—một lực lượng dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, tiên phong trong phát triển máy bay điều khiển từ xa, được hỗ trợ bởi các vũ khí siêu thanh thế hệ tiếp theo đã được thử nghiệm và kiểm chứng mà NATO hiện không có.

Cơ quan tình báo nước ngoài của Estonia đã cảnh báo vào năm ngoái rằng NATO có thể đánh bại “một đội quân đông đảo theo kiểu Liên Xô, mặc dù kém hơn về mặt công nghệ so với các nước đồng minh, nhưng lại gây ra mối đe dọa đáng kể do quy mô, hỏa lực và lực lượng dự bị” vào giữa những năm 2030.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch cho biết vào tháng 2 rằng họ dự kiến Nga có thể tiến hành một “cuộc chiến tranh quy mô lớn” chống lại NATO trong năm năm tới nếu Hoa Kỳ từ chối tham gia.

Cuộc tập trận của Phần Lan, mang tên Northern Strike 125, là một phần trong loạt cuộc tập trận diễn ra ở rìa phía đông của lãnh thổ NATO, trải dài từ Scandinavia, qua các quốc gia vùng Baltic giáp ranh với Nga và Belarus và xa hơn về phía nam.

Bộ trưởng Quân đội Anh Luke Pollard cho biết: “Từ bầu trời Ba Lan đến phía bắc Phần Lan, Vương quốc Anh luôn sát cánh cùng các đồng minh để dẫn đầu trong việc bảo vệ sườn phía đông của NATO”.

Thiếu tá quân đội Anh Joe Wooldridge nói với Newsweek: “Tôi dự đoán sẽ có hoạt động trong tương lai ở cả đây và trên khắp các quốc gia vùng Baltic”.

[Newsweek: NATO Troops on Russia's Border Are Trying Not to Think About Moscow]

5. Nga phóng một con số kỷ lục lên đến 355 máy bay điều khiển từ xa vào Ukraine; làm 6 người thiệt mạng, 24 người bị thương trong 24 giờ qua

Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và trên không quy mô lớn lần thứ ba vào Ukraine trong ba đêm, khiến ít nhất sáu người thiệt mạng và 24 người bị thương trên nhiều khu vực trong 24 giờ qua.

Lực lượng của Mạc Tư Khoa đã phóng chín hỏa tiễn hành trình Kh-101 từ máy bay ném bom Tu-95MS và số lượng kỷ lục 355 máy bay điều khiển từ xa tấn công và mồi bẫy loại Shahed trong đêm, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết.

Theo tuyên bố, lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ tất cả 9 hỏa tiễn và 233 máy bay điều khiển từ xa, và 55 máy bay điều khiển từ xa của Nga đã bị hệ thống tác chiến điện tử vô hiệu hóa hoặc biến mất khỏi radar.

Cuộc tấn công này đánh dấu cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa quy mô lớn nhất nhằm vào Ukraine trong suốt cuộc chiến tranh toàn diện, vượt qua kỷ lục trước đó là 298 máy bay điều khiển từ xa trong đêm 25 tháng 5.

Tại tỉnh Kharkiv, hai người đã thiệt mạng tại Kupiansk khi lực lượng Nga tiến hành một loạt các cuộc tấn công trên quy mô lớn bao gồm bom lượn, nhiều loại máy bay điều khiển từ xa và pháo binh. Ba thường dân khác bị thương, theo Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Syniehubov.

Các cuộc không kích của Nga đã phá hủy 39 ngôi nhà, một doanh nghiệp, một cửa hàng sửa chữa xe hơi, một cửa hàng và hai phương tiện ở quận Kupiansk. Các cơ sở hạ tầng khác, bao gồm đường dây điện ở quận Bohodukhiv và một doanh nghiệp dân sự ở quận Kharkiv, cũng bị tấn công.

Theo Thống đốc Vadym Filashkin, tại tỉnh Donetsk, sáu thường dân đã bị thương trong các cuộc tấn công của Nga trên khắp khu vực.

Tại tỉnh Kherson, một người đã thiệt mạng và bốn người khác bị thương khi lực lượng Nga pháo kích và tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào ít nhất 30 thị trấn, bao gồm cả thành phố Kherson.

Các cuộc không kích đã làm hư hại hai tòa nhà chung cư, 11 ngôi nhà, một đường ống dẫn khí, một tháp điện thoại di động và một số phương tiện. Thống đốc cho biết các địa điểm cơ sở hạ tầng xã hội cũng bị tấn công.

Tại Tỉnh Zaporizhzhia, hai thường dân đã bị thương sau khi lực lượng Nga tiến hành 419 cuộc tấn công vào 12 thị trấn, bao gồm 26 cuộc không kích và hơn 250 cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa. Chính quyền báo cáo thiệt hại về nhà cửa, xe hơi và cơ sở hạ tầng dân sự ở nhiều thị trấn.

Tại Odessa, một thiếu niên 14 tuổi đã bị thương tại làng Velykodolynske sau một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Nga. Tại quận Odessa, một tòa nhà dân cư rộng 100 mét vuông đã bị phá hủy, và một số tòa nhà, nhà để xe và xe cộ khác đã bị hư hại hoặc phá hủy, thống đốc cho biết.

Tại Kyiv, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công kết hợp bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa khác vào đêm qua, chính quyền địa phương cho biết. Không có thương vong nào được báo cáo, nhưng các vụ nổ đã làm hư hại ba ngôi nhà và một số tòa nhà tiện ích ở quận Boryspil, một ngôi nhà ở quận Fastiv và một chiếc xe hơi ở quận Bucha. Hệ thống phòng không đã chặn được một số mối đe dọa đang đến và không có cơ sở hạ tầng quan trọng nào bị tấn công.

Tại Dnipropetrovsk, lực lượng Nga đã tấn công vào Nikopol và các cộng đồng xung quanh bằng hỏa tiễn Grad, pháo binh và máy bay điều khiển từ xa, gây thiệt hại cho cả tòa nhà dân cư và xe cộ. Tại quận Synelnykove, hai ngôi nhà đã bị máy bay điều khiển từ xa FPV tấn công. Không có thương vong nào được báo cáo.

Tại Khmelnytskyi, lực lượng Nga đã tiến hành đêm thứ hai liên tiếp các cuộc tấn công kết hợp vào khu vực này, Thống đốc Serhii Tiurin cho biết. Không có thương vong nào được báo cáo, nhưng một số ngôi nhà và doanh nghiệp đã bị hư hại.

Tại Mykolaiv, hai thường dân đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa lớn vào thành phố Mykolaiv, Thống đốc Vitalii Kim cho biết. Ba trong số những người bị thương đã phải vào bệnh viện và đang trong tình trạng nghiêm trọng. Trong các vụ việc riêng biệt, máy bay điều khiển từ xa FPV đã nhắm vào cộng đồng Kutsurub và Ochakiv qua đêm. Không có thêm thương vong nào được báo cáo ở những khu vực đó.

Tại Sumy, một người đã thiệt mạng và hai người khác bị thương trong các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và pháo binh riêng biệt trên khắp khu vực, chính quyền địa phương cho biết. Lực lượng Nga đã tiến hành 80 cuộc tấn công vào 33 thị trấn bằng bom lượn, pháo phản lực và máy bay điều khiển từ xa FPV. Nhà cửa và cơ sở hạ tầng đã bị hư hại tại các cộng đồng Khotin và Romny.

Tại Cherkasy, lực lượng phòng không đã bắn hạ 25 máy bay điều khiển từ xa trong khu vực qua đêm. Không có thương vong nào được báo cáo, mặc dù sóng nổ từ các cuộc tấn công trước đó đã làm hỏng cửa sổ và cơ sở hạ tầng ở Uman.

Để đáp trả các cuộc tấn công của Nga, Ba Lan một lần nữa điều máy bay quân sự vào ban đêm. Đây là đêm thứ hai liên tiếp hệ thống phòng không Ba Lan được đặt trong tình trạng báo động cao do hoạt động của không quân tầm xa của Nga, theo Quân đội Ba Lan. Warsaw đã nhiều lần thực hiện các biện pháp tương tự trong các cuộc tấn công lớn của Nga vào Ukraine.

[Kyiv Independent: Russia launches record 355 drones at Ukraine; 6 killed, 24 injured over past 24 hours]

6. Tổng thống Trump ‘nhận ra’ Putin đã nói dối về hòa bình, cuộc tấn công lớn của Nga chứng minh điều đó, Macron nói

Theo kênh truyền hình Pháp BFM, hôm Thứ Ba, 27 Tháng Năm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận xét rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hiểu rằng Putin đã lừa dối ông về việc sẵn sàng hòa bình với Ukraine.

“Tôi nghĩ Tổng thống Trump nhận ra rằng khi Tổng thống Putin nói với ông ấy rằng ông ấy đã sẵn sàng cho hòa bình, ông ấy đã nói dối”, Macron nói trong chuyến thăm Hà Nội. “Những gì đang xảy ra ở Ukraine là không thể chấp nhận được và cực kỳ nghiêm trọng. Bạn không thể nói rằng bạn đã sẵn sàng để nói chuyện rồi lại ném bom”.

Nga đã tiến hành đợt tấn công trên không kéo dài ba ngày từ ngày 24 tháng 5 đến ngày 26 tháng 5, bắn hơn 600 máy bay điều khiển từ xa và hàng chục hỏa tiễn vào Ukraine.

Không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng chín hỏa tiễn hành trình Kh-101 từ máy bay ném bom Tu-95MS và kỷ lục 355 máy bay điều khiển từ xa và mồi bẫy loại Shahed vào đêm 26 tháng 5.

Tổng thống Trump, người đã nhiều lần thúc đẩy lệnh ngừng bắn và có cuộc điện đàm kéo dài hai giờ với Putin vào ngày 19 tháng 5, đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với hành động leo thang mới nhất.

“Tôi không hài lòng với Putin,” ông nói với các phóng viên vào ngày 25 tháng 5, đồng thời nói thêm rằng tổng thống Nga đã “hoàn toàn” phát điên.

“Tôi luôn nói rằng ông ấy muốn toàn bộ Ukraine, không chỉ một phần của nó, và có lẽ điều đó đang chứng minh là đúng”, Tổng thống Trump viết. “Nhưng nếu ông ấy làm vậy, nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Nga!”

Mặc dù thừa nhận hành vi leo thang của Putin, Tổng thống Trump cũng chỉ trích Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, người mà ông có mối quan hệ căng thẳng.

Ngày 25 tháng 5, Tổng thống Zelenskiy lên án Hoa Kỳ vì không phản ứng trước cuộc tấn công lớn của Nga, kêu gọi các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn và nói rằng “Sự im lặng của Hoa Kỳ... chỉ khuyến khích Putin hơn nữa.”

“Tương tự như vậy, Tổng thống Zelenskiy không giúp ích gì cho đất nước của mình khi nói theo kiểu của ông ta”, Tổng thống Trump nói. “Mọi thứ phát ra từ miệng ông ta đều gây ra vấn đề, tôi không thích điều đó, và tốt hơn là nên dừng lại”.

Macron cho biết các cuộc ném bom mới nhất là bằng chứng thêm nữa cho thấy Mạc Tư Khoa không đàm phán một cách thiện chí. “Lời lẽ hai mặt này cho thấy bản chất không chân thực của các cuộc thảo luận có thể đã diễn ra”, ông nói.

Đường lối đàm phán của tổng thống Hoa Kỳ khiến các đồng minh Âu Châu thất vọng, nhiều nước trong số đó tìm kiếm sự ủng hộ của ông đối với tối hậu thư chung giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu yêu cầu ngừng bắn vô điều kiện có hiệu lực từ ngày 12 tháng 5 và áp dụng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Mạc Tư Khoa.

Tại Washington, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã hưởng ứng lời kêu gọi hành động trừng phạt đối với Mạc Tư Khoa. Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Ukraine Keith Kellogg nói với Fox Business rằng “Đạo luật trừng phạt Nga năm 2025 đã sẵn sàng có hiệu lực”.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết vào ngày 1 tháng 5 rằng luật này bao gồm các hình phạt tài chính sâu rộng và mức thuế 500% đối với các quốc gia tiếp tục mua dầu, khí đốt hoặc uranium của Nga.

Kellogg đã phản ứng trước cuộc tấn công quy mô lớn của Nga vào Ukraine vào ngày 25 tháng 5 bằng cách kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch.

“Việc giết phụ nữ và trẻ em bừa bãi vào ban đêm tại nhà của họ là hành vi vi phạm rõ ràng Nghị định thư Geneva năm 1977 được thiết kế để bảo vệ những người vô tội. Những cuộc tấn công này thật đáng xấu hổ”, Kellogg nói mà không nêu rõ tên Nga.

Mặc dù Nga từ chối chấp nhận lệnh ngừng bắn, cho đến nay vẫn chưa có lệnh trừng phạt mới nào của Hoa Kỳ được áp dụng.

[Politico: Trump 'realizes' Putin lied about peace, massive Russian assault proves it, Macron says]

7. ‘Nhà máy gián điệp’ của Nga ở Brazil bị vạch trần: Những điều chúng ta biết

Một “nhà máy sản xuất gián điệp” của Nga hoạt động ở Brazil đã bị các điệp viên phản gián phá vỡ, vạch mặt ít nhất chín điệp viên đã sống ở quốc gia này nhiều năm dưới danh tính giả - sử dụng nơi này làm bàn đạp để đào tạo những điệp viên mới vào nghề, những người sau đó sẽ xâm nhập vào phương Tây và những nơi khác.

Theo một cuộc điều tra của tờ New York Times được công bố hôm thứ Tư, một nhóm đặc vụ liên bang từ Brazil đã bí mật vạch trần đường dây gián điệp Nga, vốn sử dụng quốc gia này làm “dây chuyền lắp ráp các điệp viên hoạt động bí mật”.

Agentstvo, một hãng tin điều tra độc lập của Nga, đã mô tả vụ việc này vào thứ năm là “một trong những thất bại lớn nhất của các cơ quan tình báo Nga” tương tự như vụ một mạng lưới gồm 11 điệp viên bị vạch trần ở Hoa Kỳ 15 năm trước.

Các điệp viên phản gián Brazil đã phát hiện ra ít nhất chín sĩ quan Nga hoạt động dưới danh tính bí mật trong ba năm qua. Sáu người trong số họ chưa bao giờ được công khai danh tính cho đến bây giờ, tờ Times đưa tin.

Việc vạch trần bắt đầu vào tháng 4 năm 2022, nhiều tuần sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, khi CIA cảnh báo Cảnh sát Liên bang Brazil về Victor Muller Ferreira, tên thật là Sergey Cherkasov. Anh ta vừa mới nhận được một suất thực tập tại Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague khi tòa án này sắp bắt đầu điều tra Nga về tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Cherkasov, người được nhận vào trường sau đại học của Đại học Johns Hopkins tại Washington, DC, vào năm 2018, hiện đang thụ án tù năm năm tại Brazil vì tội làm giả giấy tờ. Các nhà chức trách cho biết Cherkasov, người đã dành gần một thập niên để xây dựng danh tính giả với bí danh Ferreira, là một điệp viên cho cơ quan tình báo quân sự Nga, GRU.

Anh ta đã dành bảy đến tám năm ở Brazil để xây dựng danh tính giả, nhưng khi đến Hòa Lan, chính quyền Hòa Lan đã từ chối nhập cảnh và gửi anh ta trở lại São Paulo.

Hộ chiếu Brazil và các giấy tờ tùy thân khác của anh ta đã được kiểm tra, nhưng khi cảnh sát tìm thấy giấy khai sinh của anh ta, câu chuyện của anh ta và hoạt động của Nga tại Brazil bắt đầu tan vỡ.

Giấy chứng nhận nêu rằng anh ta sinh năm 1989 tại Rio de Janeiro, có mẹ là người Brazil, một người phụ nữ thực sự đã mất năm 1993. Nhưng khi các đặc vụ lần theo dấu vết gia đình cô, họ phát hiện ra cô chưa bao giờ có con. Các nhà chức trách không thể tìm thấy bất kỳ ai trùng với tên được liệt kê là cha của anh ta trên giấy tờ.

Các nhân viên tình báo sau đó bắt đầu tìm kiếm những cái gọi là “bóng ma” khác ở Brazil trong một cuộc điều tra có tên là Chiến dịch Phương Đông.

Một quan chức cao cấp của Brazil chia sẻ với cơ quan truyền thông này rằng: “Mọi chuyện bắt đầu từ Sergey”.

Các chuyên gia tình báo đánh giá rằng có lẽ chính quyền Nga đã ra lệnh cho nhiều nghi phạm gián điệp được nêu tên trong cuộc điều tra về nước khi thế giới chuyển sự chú ý vào Nga sau khi nhà độc tài Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Chỉ có Cherkasov bị truy tố và kết án ở Brazil.

Một số người khác được cho là đã bị triệu hồi về Nga trước khi hoàn thiện danh tính ngụy trang của mình.

Agentstvo đưa tin hôm thứ Năm rằng điệp viên Nga Olga Tyutereva đã trở về Nga và sử dụng tên thật của mình và làm giáo viên ở vùng Magadan.

Agentstvo cho biết họ đã tìm thấy dấu vết kỹ thuật số tại Nga của ba điệp viên khác trong danh sách được công bố trên tờ Times.

Bản tuyên thệ của FBI nêu rõ rằng trong hai năm ở Washington, Cherkasov đã nộp báo cáo cho GRU về cách các quan chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Biden phản ứng trước việc Nga tăng cường quân đội gần biên giới Ukraine trước khi Putin xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Tại sao lại là Brazil?

Jane Bradley, đồng tác giả cuộc điều tra của tờ Times, nói với NPR rằng Brazil có “dân số rất đa văn hóa, đa dạng” nên “bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng hòa nhập”.

“Điều thứ hai là hộ chiếu Brazil là một trong những hộ chiếu hữu ích và quyền lực nhất thế giới. Nó cho phép bạn vào nhiều quốc gia mà không cần thị thực, vì vậy, đây là một hộ chiếu rất quyền lực và hữu ích.”

“Và sau đó, một điểm khác thú vị hơn và phức tạp hơn, đó là hệ thống ID của Brazil. Cách bạn xin giấy khai sinh về cơ bản có một ngoại lệ—một lỗ hổng, nếu bạn muốn—giúp việc xin giấy khai sinh dễ dàng hơn hầu hết các quốc gia khác ở nơi khác”, bà nói thêm.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo

Tờ Times đưa tin, các điệp viên này khó có thể tiếp tục hoạt động ở nước ngoài sau khi thân phận bị bại lộ.

[Newsweek: Russian 'Spy Factory' in Brazil Exposed: What We Know]

8. Nga xâm lược 4 làng biên giới ở tỉnh Sumy của Ukraine

Thống đốc khu vực Oleh Hryhorov báo cáo vào ngày 26 tháng 5 rằng bốn thị trấn dọc biên giới của tỉnh Sumy, đông bắc Ukraine đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Tỉnh Sumy, giáp với Nga ở phía bắc, đã liên tục trở thành mục tiêu tấn công và pháo kích của Nga kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào năm 2022. Khu vực này gần đây đã chứng kiến các cuộc giao tranh mới khi lực lượng Nga tăng cường hoạt động dọc theo biên giới đông bắc.

Lực lượng Nga kiểm soát các làng biên giới Novenke, Zhuravka, Veselivka và Basivka, Hryhorov tuyên bố hôm 26 Tháng Năm.

“Người dân ở những thị trấn này đã được di tản từ lâu và không còn mối đe dọa nào đối với dân thường nữa”, ông nói.

Những thị trấn hiện đang bị tạm chiếm trước đây được coi là một phần của “khu vực xám”, những khu vực có sự kiểm soát quân sự không rõ ràng hoặc đang bị tranh chấp.

Theo Hryhorov, Nga đang tiếp tục nỗ lực tiến vào Tỉnh Sumy “để tạo ra cái gọi là 'vùng đệm'. Giao tranh vẫn đang diễn ra gần các cộng đồng Vodolahy, Yunakivka và Khotin.

“Lực lượng Phòng vệ Ukraine và tất cả các thành phần của lực lượng phòng vệ đang kiểm soát tình hình, tấn công chính xác vào đối phương,” Hryhorov cho biết. “Những người bảo vệ của chúng tôi đang kiên quyết đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương và ngăn chặn chúng tiến sâu hơn vào Tỉnh Sumy.”

Chưa đầy một tuần trước, Hryhorov đã thông báo rằng khoảng 56.000 thường dân đã được di tản khỏi khu vực trong bối cảnh sự xâm lược của Nga đang leo thang. Cùng với các cuộc tấn công hàng ngày, Nga đã điều động các nhóm tấn công đến Sumy trong suốt mùa xuân năm 2025 trong nỗ lực mở rộng tiền tuyến.

Putin tuyên bố vào ngày 22 tháng 5 rằng Mạc Tư Khoa đang nỗ lực thiết lập một “vùng đệm an ninh” dọc biên giới với Ukraine, bao gồm cả khu vực gần Tỉnh Sumy.

Các báo cáo tình báo của Ukraine cho thấy Nga đang lên kế hoạch cho các hoạt động tấn công mới, ngay cả khi nước này chỉ nói suông về tiến trình hòa bình, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 26 tháng 5.

[Kyiv Independent: Russia occupies 4 border villages in Ukraine's Sumy Oblast]

9. Nhà đàm phán của Putin là Dmitriev thúc đẩy việc giải phóng 280 tỷ đô la tài sản bị đóng băng của Nga, giám đốc tình báo Ukraine cho biết

Nhà lãnh đạo quỹ đầu tư quốc gia của Nga, Kirill Dmitriev, đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm bảo đảm giải phóng số tài sản bị đóng băng trị giá 280 tỷ đô la của Nga, Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài Ukraine, gọi tắt là SZRU Oleh Ivashchenko cho biết như trên hôm Thứ Hai, 26 Tháng Năm.

Dmitriev sinh ra ở Kyiv trước đây được nhà độc tài Vladimir Putin bổ nhiệm làm đặc phái viên về các vấn đề kinh tế, có nhiệm vụ thúc đẩy đối thoại với chính quyền Tổng thống Trump.

“Nhiệm vụ chính của Dmitriev là đưa các tài sản bị đóng băng của Nga ra ngoài. Đây là một số tiền khổng lồ đối với họ”, Ivashchenko nói.

Các chính phủ phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ đô la tài sản có chủ quyền của Nga sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine năm 2022.

Kyiv đã nhiều lần thúc giục G7 và Liên Hiệp Âu Châu chuyển từ đóng băng sang tịch thu các khoản tiền đó và sử dụng chúng để tài trợ cho quốc phòng và phục hồi sau chiến tranh của Ukraine. Các chính phủ phương Tây chủ yếu dựa vào việc phân bổ lại thu nhập lãi suất do các khoản tiền đóng băng tạo ra để hỗ trợ Kyiv.

Ivashchenko cáo buộc Dmitriev cố gắng định hướng lại cuộc thảo luận quốc tế theo hướng khác ngoài cuộc chiến của Nga với Ukraine.

“Dmitriev đang cố gắng cho Hoa Kỳ thấy rằng chúng ta đừng tập trung vào chiến tranh và hòa bình, hãy nhìn vào bức tranh lớn hơn. Chúng ta có Bắc Cực, chúng ta có dầu mỏ, khí đốt, chúng ta có Siberia với các nguồn tài nguyên,” ông nói.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, phát biểu vào ngày 9 tháng 4, cũng cho biết Dmitriev đã được giao nhiệm vụ chuyển các đề xuất kinh tế của Mạc Tư Khoa tới Washington. Dmitriev trước đây đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại giao hậu trường của Nga với nhóm Tổng thống Trump sau cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016.

Sau cuộc gọi ngày 19 tháng 5 với Putin, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết Nga sẵn sàng tham gia vào các thỏa thuận thương mại lớn với HoNewsUKEve28May2025a Kỳ sau khi chiến tranh kết thúc.

“Nga có một cơ hội to lớn để tạo ra một lượng lớn việc làm và của cải”, Tổng thống Trump nói. “Tiềm năng của họ là vô hạn. Tương tự như vậy, Ukraine có thể là một bên hưởng lợi lớn về thương mại, trong quá trình xây dựng lại đất nước của mình”.

Ivashchenko cảnh báo rằng những lời đề nghị này của Dmitriev là một phần trong nỗ lực có chủ đích nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi Ukraine và giành đòn bẩy trong các cuộc đàm phán địa chính trị rộng lớn hơn.

“Vấn đề về Ukraine đang bị lu mờ”, ông nói thêm.

[Kyiv Independent: Putin's negotiator Dmitriev pushing for release of $280 billion in frozen Russian assets, Ukrainian intel chief says]

10. Đức đặt hạn chót vào năm 2029 để trang bị vũ khí đầy đủ cho quân đội trong bối cảnh lo ngại về mối đe dọa từ Nga, Reuters đưa tin

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Carsten Breuer, đã ban hành chỉ thị yêu cầu quân đội Đức phải trang bị đầy đủ vũ khí và quân trang, quân dụng vào năm 2029, với lý do lo ngại rằng Nga có thể tấn công lãnh thổ NATO vào thời điểm đó.

Tài liệu nội bộ mà Reuters xem được có tiêu đề “Các ưu tiên chỉ thị để tăng cường khả năng sẵn sàng” và được ký vào ngày 19 tháng 5, phác thảo lộ trình chi tiết để chuẩn bị cho quân đội của Đức trong năm năm tới.

Chỉ thị này phản ánh những đánh giá chung của Breuer và các quan chức NATO rằng Nga có thể đã xây dựng lại quân đội đủ để gây ra mối đe dọa trực tiếp đến biên giới của liên minh. Nguồn tài trợ cho kế hoạch sẽ đến từ việc nới lỏng “phanh nợ” của Đức vào tháng 3, cho phép chi tiêu quốc phòng bổ sung.

Tài liệu này đặt ra các ưu tiên mua sắm phù hợp với các khuyến nghị của NATO. Trong đó, quan trọng nhất là tăng cường hệ thống phòng không của Đức, đặc biệt chú trọng vào việc chống lại máy bay điều khiển từ xa. NATO dự kiến sẽ yêu cầu Berlin tăng ít nhất gấp bốn lần hệ thống phòng không của mình, từ các nền tảng tầm xa như Patriot đến các máy bay đánh chặn tầm ngắn.

Ngoài việc tăng cường phòng thủ trên không, chỉ thị này còn kêu gọi khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác sâu vào các mục tiêu cách xa hơn 500 km. Breuer cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bổ sung kho đạn dược của Đức và tăng mục tiêu dự trữ trên tất cả các loại đạn dược.

Các lĩnh vực phát triển quan trọng khác bao gồm tăng cường hệ thống tác chiến điện tử và xây dựng khả năng tấn công và phòng thủ mạnh mẽ trong không gian.

[Kyiv Independent: Germany sets 2029 deadline to fully arm military amid fears of Russian threat, Reuters reports]

NewsUKMor28May2025
 
ĐHY Kasper: Đức Bênêđíctô 16, và ĐHY Sarah đã chặn đứng việc thay đổi luật độc thân linh mục
VietCatholic Media
17:36 27/05/2025


1. Lavrov bác bỏ Vatican là nơi có thể diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24 tháng 5 đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng Vatican là địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai với Ukraine, cho biết trụ sở Công Giáo này sẽ không phải là diễn đàn thích hợp cho các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia Chính thống giáo, Reuters đưa tin.

Sergei Lavrov đưa ra lập trường trên sau cuộc hội đàm với Thượng Phụ Kirill tại Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Trước đó, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã bày tỏ mong muốn tổ chức vòng đàm phán hòa bình tiếp theo tại Vatican. Một số đối tác của Ukraine, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã gợi ý rằng Vatican có thể trở thành một nền tảng trung lập cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Lavrov tuyên bố: “Hãy tưởng tượng Vatican là nơi diễn ra các cuộc đàm phán. Sẽ hơi thiếu lịch sự nếu các quốc gia Chính thống giáo sử dụng một diễn đàn Công Giáo để thảo luận các vấn đề về cách loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của chiến tranh.”

Lavrov nói thêm rằng ông tin rằng “bản thân Vatican sẽ không thoải mái khi phải tiếp đón các phái đoàn từ hai quốc gia Chính thống giáo trong những hoàn cảnh như thế này”.

Những lý do mà Lavrov đưa ra chỉ đơn thuần lặp lại những điều đã được Thượng Phụ Kirill nêu ra trước đó vài phút trong cùng một buổi họp. Lavrov dường như chưa có thời gian suy nghĩ sâu xa hơn về vấn đề này.

Cho đến nay, hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Nga và chính quyền dân sự dưới thời Vladimir Putin vẫn tự nhận Nga là một quốc gia Chính Thống Giáo mặc dù số người Hồi Giáo ở Nga đông hơn các tín hữu Chính Thống Giáo, và các cuộc điều tra cho thấy chỉ có 1% các tín hữu Chính Thống Giáo thực hành đạo. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trên thực tế, Nga là một quốc gia vô thần bất kể các phương tiện truyền thông nhà nước cố gắng phủ nhận thực tế này.

Các phái đoàn Ukraine và Nga đã họp tại Istanbul để đàm phán hòa bình vào ngày 16 tháng 5, nhưng không đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Trong cuộc họp, Mạc Tư Khoa yêu cầu Kyiv rút khỏi bốn khu vực của Ukraine mà họ tuyên bố đã sáp nhập, mặc dù không có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các khu vực này.

Các quan chức Ukraine cho biết phái đoàn Nga dường như thiếu thẩm quyền thực sự và không chuẩn bị để đàm phán các điều khoản thực chất.

Một kết quả của các cuộc đàm phán là một cuộc trao đổi tù nhân quy mô lớn, với 1.000 tù nhân sẽ trở về mỗi bên bắt đầu từ ngày 23 tháng 5. Ukraine cũng đã đề xuất một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và một cuộc gặp mặt trực tiếp tiềm năng giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Putin — một lời đề nghị đã bị Mạc Tư Khoa từ chối.

Tổng thống Zelenskiy đã gặp Đức Giáo Hoàng Lêô XIV tại Vatican vào ngày 18 tháng 5, sau lễ nhậm chức của giáo hoàng. Nhà lãnh đạo Ukraine mô tả Đức Giáo Hoàng là “biểu tượng của hy vọng hòa bình” và cho biết Tòa thánh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt chiến tranh. Hai vị đã thảo luận về việc trả lại trẻ em bị Nga bắt cóc cưỡng bức và các vấn đề nhân đạo khác.

Tổng thống Zelenskiy tặng Đức Giáo Hoàng Lêô một biểu tượng được vẽ trên mảnh vỡ pháo binh ở tiền tuyến — một món quà tượng trưng cho trẻ em Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Trước khi trở thành giáo hoàng, Đức Lêô XIV đã lên án cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine khi làm Giám mục Chiclayo ở Peru. Trong cuộc phỏng vấn năm 2022, ngài mô tả đó là “một cuộc xâm lược thực sự, mang bản chất đế quốc, nơi Nga tìm cách chinh phục lãnh thổ vì lý do quyền lực”.


Source:Kyiv Independent

2. Đức Hồng Y Kasper cho biết Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, và Đức Hồng Y Sarah đã ngăn chặn việc thay đổi luật độc thân

Đức Hồng Y Walter Kasper cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chuẩn bị nới lỏng luật độc thân linh mục, nhưng đã quyết định không làm như vậy sau khi một cuốn sách do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah xuất bản phản đối sự thay đổi này.

“Tôi đánh giá rằng Đức Phanxicô muốn thay đổi điều gì đó, nhưng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô đã can thiệp thành công cùng với Hồng Y Robert Sarah vào thời điểm đó”, vị Hồng Y người Đức cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Cicero.

Đức Hồng Y Kasper đã nhắc đến việc xuất bản cuốn “From the Depths of Our Hearts” nghĩa là “Từ Sâu Thẳm Tâm Hồn Chúng Ta”, một cuốn sách gồm các bài tiểu luận của Đức Hồng Y Sarah và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, bảo vệ mạnh mẽ luật độc thân linh mục. Cuốn sách được xuất bản vào Tháng Giêng năm 2020, khi thế giới Công Giáo đang chờ đợi việc ban hành tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tóm tắt công trình của Thượng hội đồng Amazon. Thượng hội đồng đã đề xuất việc phong chức linh mục cho những người đàn ông đã kết hôn, lập luận rằng sự thay đổi này là cần thiết để bảo đảm rằng có đủ các linh mục có thể phục vụ các vùng xa xôi.

Việc xuất bản cuốn sách đã gây ra một sự náo động tại Vatican. Trong năm tiếp theo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay thế Đức Hồng Y Sarah đang làm tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích lúc bấy giờ, và sa thải Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Giáo hoàng danh dự Bênêđíctô, khỏi nhiệm vụ thường lệ của mình với tư cách là chủ tịch của phủ giáo hoàng.

Trong cùng một cuộc phỏng vấn với Cicero, Đức Hồng Y Kasper—một nhà thần học có ảnh hưởng và là cựu chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo—nói rằng vai trò của phụ nữ hiện là một “chủ đề lớn” để thảo luận trong Giáo hội. Ngài cũng nhắc lại lời chỉ trích của mình về “Tiến Trình Công Nghị” do hội đồng giám mục Đức bảo trợ, nói rằng đó “không phải là một công đồng, không phải là một tương tác chung”.


Source:Catholic World News

3. YouTube đóng kênh tung ra bài giảng giả mạo của Đức Giáo Hoàng Lêô

YouTube đã thông báo với Aleteia vào thứ năm rằng trang web này đã chấm dứt kênh đăng tải các bài giảng giả mạo được cho là của Giáo hoàng Lêô XIV bằng giọng của ngài.

YouTube đã chấm dứt một kênh đang phát sóng các “bài giảng” giả mạo do trí tuệ nhân tạo tạo ra, được cho là của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV và được “đọc” bằng giọng của ngài.

Jack Malon, phát ngôn nhân của YouTube, trả lời Aleteia vào thứ năm, ngày 21 tháng 5 rằng: “Chúng tôi đã chấm dứt kênh nói trên vì vi phạm chính sách của chúng tôi về thư rác, và hành vi lừa đảo “.

Kênh có tên “Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV” có gần 18.000 người ghi danh và gần một triệu lượt xem trên 26 video tính đến thứ Tư, ngày 21 tháng 5, trước khi bị gỡ xuống.

Tất cả các video đều được tạo ra bởi Trí Tuệ Nhân Tạo, và Đức Giáo Hoàng Lêô XIV thực sự không nói bất cứ điều gì được cho là của ngài, hoặc đọc bằng “giọng” của ngài trong các video, mặc dù một số video dựa trên các bài phát biểu và bài giảng thực tế của Đức Giáo Hoàng.

Malon nói với Aleteia rằng sau khi kênh Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV bị chấm dứt, tất cả các kênh khác do người sáng tạo điều hành cũng đã bị chấm dứt. Hai kênh khác, không được nêu tên, cũng đã bị chấm dứt.

Malon cho biết thêm rằng việc tạo một kênh khác để tiếp tục đăng cùng nội dung với kênh đã bị chấm dứt hoặc sử dụng một kênh khác để lách lệnh cấm đều vi phạm điều khoản dịch vụ của YouTube.

Trong khi tất cả các video trên kênh đều có tuyên bố từ chối trách nhiệm của YouTube về Trí Tuệ Nhân Tạo rằng “Âm thanh hoặc hình ảnh đã được chỉnh sửa đáng kể hoặc được tạo bằng kỹ thuật số”, các bình luận trên các video khác nhau cho thấy không dễ để nhận ra ngay rằng bài giảng đó không phải do Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đưa ra.

“Wow! Đức Thánh Cha của chúng ta nói lên sự thật mạnh mẽ và đầy thách thức! Chúa ban phước cho ngài! Lạy Chúa, Cảm ơn vì Đức Giáo Hoàng Lêô XIV!” một bình luận đã viết.

“Cảm ơn bài giảng mà tất cả mọi người cần lắng nghe nếu chúng ta muốn trở thành người theo chân Chúa. Tôi đã không nghe một bài giảng như thế này trong một thời gian rất dài. Chúa ban phước cho Đức Giáo Hoàng của chúng ta. Amen,” một người khác nói.

Video được xem nhiều nhất trên kênh này có tựa đề “POPES WAKEUP URGENT CALL TO ALL TRUE CHRISTIANS || POPE LÊÔ XIV SPEECH” được tải lên vào ngày 13 tháng 5 và đã nhận được gần 330.000 lượt xem.

Video bao gồm một bài giảng mà Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ nói, được “đọc” bằng “giọng” của “ngài”.

“Pan-African Dreams”, một kênh khác có các video do Trí Tuệ Nhân Tạo tạo ra nhưng bị cho là của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV và Tổng thống Burkina Faso Ibrahim Traoré, vẫn hoạt động cho đến thứ năm.


Source:Aleteia

4. Một Linh mục Công Giáo khác bị sát hại

Một linh mục Công Giáo được xác nhận đã chết vài ngày sau khi một linh mục khác qua đời trong hoàn cảnh bí ẩn. Cha Allois Cheruiyot Bett của Giáo xứ St. Matthias Mulumba Tot đã bị bắn và tử vong vào thứ năm, ngày 22 tháng 5 sau một vụ tấn công.

Chỉ huy cảnh sát hạt Elgeyo Marakwet Peter Mulinge xác nhận rằng vị linh mục đã bị những kẻ lạ mặt nghi là cướp giết hại tại Thung lũng Kerio.

Mulinge cho biết vị linh mục đang trên đường đến nhà thờ khi vụ việc xảy ra và cho biết cuộc điều tra đang được tiến hành để truy tìm những kẻ tấn công.

Sau đó, trong một tuyên bố xác nhận vụ việc, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, gọi tắt là NPS cho biết vụ việc xảy ra tại địa điểm Mokoro, tiểu khu Kakiptul, làng Kabartile.

“Các sĩ quan của Đơn vị Dịch vụ Chung đã phản ứng nhanh chóng và xác định rằng Cha Bett đã bị những kẻ tấn công có vũ trang tấn công và bắn chết. Một cuộc truy lùng đã được tiến hành ngay lập tức và sáu nghi phạm đã bị bắt và hiện đang bị giam giữ”, một phần của tuyên bố viết.

Tuy nhiên, NPS cho biết các cuộc điều tra sơ bộ chỉ ra rằng vụ việc không liên quan đến nạn trộm gia súc hoặc nạn cướp bóc.

Vào tháng 3 năm nay, bốn người đã thiệt mạng trong hai vụ cướp riêng biệt ở Thung lũng Kerio, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực sau một thời gian tương đối yên bình.

Vụ tấn công đầu tiên vào ngày 4 tháng 3 tại Dira, khu vực bầu cử Tiaty, Quận Baringo đã khiến một người chăn gia súc thiệt mạng, và những kẻ tấn công đã xua đuổi một số lượng gia súc chưa xác định.

Một cuộc tấn công trả đũa xảy ra ngay sau đó, khiến ba người thiệt mạng. Trong số ba người này có hai học sinh từ Trường tiểu học Kimongo.

Các báo cáo sơ bộ cho biết các nạn nhân đã bị phục kích và bắn trên đường về nhà từ trường gần Soko Bora, gần Tot ở Quận Elgeyo Marakwet.

Các vụ tấn công xảy ra sau khi ba người thiệt mạng trên Cầu Kolowa khi họ trở về Tot từ Chợ Kolowa vào tháng 2.

Cái chết của Cha Bett xảy ra vào ngày Cha John Maina Ndegwa từ Giáo xứ Công Giáo Igwamiti, Nyahururu được an táng sau khi ngài qua đời vì vết thương vào thứ năm tuần trước.

Cha John Maina đã được an nghỉ

Thánh lễ do Đức Giám Mục Joseph Mbatia chủ trì có sự tham dự của các linh mục, các Kitô Hữu và một số nhà lãnh đạo địa phương tại Trung tâm Tâm linh Tabor Hill ở khu vực bầu cử Ol-Joro Oork.

Cha John được tìm thấy bị bỏ lại bên lề đường dọc theo Xa lộ Gilgil-Nairobi. Theo Cục Điều tra Hình sự, gọi tắt là DCI, vị linh mục đã nói với người Samaritan tốt bụng, một người đi xe boda boda, rằng ngài đã bị bắt cóc từ Nyahururu.

Người ta đưa tin rằng ngài bị bầm tím ở phía bên trái đầu vào thời điểm đó trước khi người lái xe đưa ngài đến Bệnh viện Truyền giáo St. Joseph ở Gilgil.

“Khi đến bệnh viện, ngài có những vết thương rõ ràng, bao gồm vết bầm tím ở bên trái đầu, đang rỉ máu. Thật bi thảm, bất chấp những nỗ lực của đội ngũ y tế, Cha Maina đã qua đời trong khi đang được điều trị chỉ vài phút sau khi vào bệnh viện. Thi thể của ngài đã được chuyển đến nhà xác của Quận Nyahururu theo yêu cầu người thân để bảo quản và khám nghiệm tử thi “, DCI cho biết.

Vào ngày 19 tháng 5, cuộc khám nghiệm tử thi được tiến hành bởi bác sĩ Ngulungu, một nhà nghiên cứu bệnh học của chính phủ với những phát hiện ban đầu cho thấy những vết bầm tím được quan sát thấy trên đầu Cha Maina không có khả năng là nguyên nhân gây tử vong.

Do đó, các mẫu đã được thu thập và gửi đi để phân tích độc tính sâu hơn.

Vào ngày 27 tháng 4, vị linh mục đã tham dự lễ kỷ niệm 25 năm thành lập giáo xứ của mình và lễ thụ phong linh mục cho Cha Simon Thuita, có sự tham dự của cựu Phó Tổng thống Rigathi Gachagua và nhiều chính trị gia khác.

DCI cho biết đã xác định được rằng Cha Maina đang bị một số cá nhân theo dõi và yêu cầu trao cho họ toàn bộ số tiền đã được trao cho ngài trong buổi lễ.

Ngoài ra, các thám tử cho biết họ đang điều tra các báo cáo cho biết vị linh mục này đã khẳng định tính mạng của mình đang bị đe dọa, mặc dù ngài chưa từng trình báo điều này tại bất kỳ đồn cảnh sát nào.


Source:Kenya Times