Phụng Vụ - Mục Vụ
Văn hoá khuyến khích
Lm Minh Anh
13:55 12/05/2025
VĂN HOÁ KHUYẾN KHÍCH
“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.
“Hãy tâng bốc tôi, tôi có thể không tin bạn! Hãy chỉ trích tôi, tôi có thể không thích bạn! Hãy quên bẵng tôi, tôi có thể không tha cho bạn! Nhưng hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!” - William Arthur Ward.
Kính thưa Anh Chị em,
Các nhân vật của Lời Chúa hôm nay là những con người luôn khích lệ mà Giáo Hội và thế giới sẽ không bao giờ lãng quên: Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’; và Giêsu, ‘Chúa của sự khích lệ!’. Lời Chúa muốn chúng ta sống ‘văn hoá khuyến khích!’. Vì lẽ, một ngọn nến sẽ không mất gì khi thắp sáng cho những ngọn nến khác!
Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc viếng thăm của Barnaba; “Barnaba”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Con của sự khích lệ!’. Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống Antiôkia để xem hiện tình. Vui mừng khi thấy “ơn Thiên Chúa” ban, Barnaba “khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa”; ông dành cho anh chị em tân tòng một sự khích lệ lớn lao. Sau đó, Barnaba đến Taxô tìm Phaolô, người mới tin; đưa ông đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này. Từ đó, Phaolô trở thành trụ cột của Antiôkia; và “Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên, các môn đệ được gọi là Kitô hữu”, Hội Thánh ngày càng có nhiều người tin; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ niềm vui, “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa!”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói những lời đầy khích lệ, “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi!”. Mục tử nhân lành Giêsu ra sức bảo vệ đoàn chiên; nhưng để khỏi bị cướp, mỗi con chiên cần đóng góp phần tích cực của mình, nghĩa là, phải im ắng đủ để nghe tiếng Ngài, quen thuộc với tiếng của Ngài; đồng thời, mỗi con chiên còn phải hỗ trợ những con chiên khác, cách riêng những con đau yếu và luôn đi chậm trong đàn. Hãy khuyến khích nhau, “Nếu bạn không thể bay, hãy chạy! Nếu bạn không thể chạy, hãy đi! Nếu bạn không thể đi, hãy bò! Nhưng dù bạn làm gì, hãy tiếp tục tiến về phía trước!” - Martin Luther King Jr..
Anh Chị em,
“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Noi gương Chúa Giêsu, ‘Chúa của sự khích lệ’; bắt chước Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’, chúng ta cũng ao ước “sự sống đời đời” cho mình và cho tha nhân. Như các ngài, chúng ta khuyến khích nhau trong đức tin, giúp nhau lớn lên khi sống mật thiết mối quan hệ với Chúa, với nhau. Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khuyến khích nhau để nên thánh mỗi ngày; vì “Không ai lên thiên đàng một mình!”. Ước gì chúng ta có một trái tim lặng đủ để giúp nhau nhanh nhạy ‘ngẩng lên’ mỗi khi nghe Giêsu Mục Tử gọi và mau mắn thi hành điều Ngài muốn! Từ đó, dám dấn thân, trở nên những con người sẵn sàng vực dậy những ai đang bủn rủn, đầu gối rã rời. Như vậy, trong mọi lĩnh vực, ‘mục vụ khuyến khích’, ‘văn hoá khuyến khích’ vẫn đóng một vai trò nhất định, không chỉ ở các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Giáo Hội trưởng thành và cả trong thế giới hiện đại!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con nhìn mọi sự dưới lăng kính tiêu cực. Cho con luôn dấn thân để khơi dậy niềm cảm hứng nơi anh chị em con!”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.
“Hãy tâng bốc tôi, tôi có thể không tin bạn! Hãy chỉ trích tôi, tôi có thể không thích bạn! Hãy quên bẵng tôi, tôi có thể không tha cho bạn! Nhưng hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!” - William Arthur Ward.
Kính thưa Anh Chị em,
Các nhân vật của Lời Chúa hôm nay là những con người luôn khích lệ mà Giáo Hội và thế giới sẽ không bao giờ lãng quên: Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’; và Giêsu, ‘Chúa của sự khích lệ!’. Lời Chúa muốn chúng ta sống ‘văn hoá khuyến khích!’. Vì lẽ, một ngọn nến sẽ không mất gì khi thắp sáng cho những ngọn nến khác!
Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc viếng thăm của Barnaba; “Barnaba”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Con của sự khích lệ!’. Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống Antiôkia để xem hiện tình. Vui mừng khi thấy “ơn Thiên Chúa” ban, Barnaba “khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa”; ông dành cho anh chị em tân tòng một sự khích lệ lớn lao. Sau đó, Barnaba đến Taxô tìm Phaolô, người mới tin; đưa ông đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này. Từ đó, Phaolô trở thành trụ cột của Antiôkia; và “Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên, các môn đệ được gọi là Kitô hữu”, Hội Thánh ngày càng có nhiều người tin; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ niềm vui, “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa!”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói những lời đầy khích lệ, “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi!”. Mục tử nhân lành Giêsu ra sức bảo vệ đoàn chiên; nhưng để khỏi bị cướp, mỗi con chiên cần đóng góp phần tích cực của mình, nghĩa là, phải im ắng đủ để nghe tiếng Ngài, quen thuộc với tiếng của Ngài; đồng thời, mỗi con chiên còn phải hỗ trợ những con chiên khác, cách riêng những con đau yếu và luôn đi chậm trong đàn. Hãy khuyến khích nhau, “Nếu bạn không thể bay, hãy chạy! Nếu bạn không thể chạy, hãy đi! Nếu bạn không thể đi, hãy bò! Nhưng dù bạn làm gì, hãy tiếp tục tiến về phía trước!” - Martin Luther King Jr..
Anh Chị em,
“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Noi gương Chúa Giêsu, ‘Chúa của sự khích lệ’; bắt chước Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’, chúng ta cũng ao ước “sự sống đời đời” cho mình và cho tha nhân. Như các ngài, chúng ta khuyến khích nhau trong đức tin, giúp nhau lớn lên khi sống mật thiết mối quan hệ với Chúa, với nhau. Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khuyến khích nhau để nên thánh mỗi ngày; vì “Không ai lên thiên đàng một mình!”. Ước gì chúng ta có một trái tim lặng đủ để giúp nhau nhanh nhạy ‘ngẩng lên’ mỗi khi nghe Giêsu Mục Tử gọi và mau mắn thi hành điều Ngài muốn! Từ đó, dám dấn thân, trở nên những con người sẵn sàng vực dậy những ai đang bủn rủn, đầu gối rã rời. Như vậy, trong mọi lĩnh vực, ‘mục vụ khuyến khích’, ‘văn hoá khuyến khích’ vẫn đóng một vai trò nhất định, không chỉ ở các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Giáo Hội trưởng thành và cả trong thế giới hiện đại!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con nhìn mọi sự dưới lăng kính tiêu cực. Cho con luôn dấn thân để khơi dậy niềm cảm hứng nơi anh chị em con!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
DIỄN VĂN CỦA Đức Thánh Cha LEO XIV GỬI CÁC ĐẠI DIỆN TRUYỀN THÔNG
Vũ Văn An
14:36 12/05/2025
Thứ Hai, ngày 12 tháng 5 năm 2025, tại Phòng tiếp kiến Phaolô VI, Đức Thánh Cha Leo XIV đã nói chuyện với 6,000 ký giả khắp thế giới, đến để nghe thông điệp của ngài thân ái gửi đến họ. Khi ngài xuất hiện, toàn thể cử tọa đã đứng lên, chào đón ngài bằng một tràng vỗ tay vang dội. Và sau đó, cứ mỗi đoạn trong diễn từ củ ngài lại được họ vỗ tay tán thưởng. Sau diễn từ, Đức Thánh Cha đã xuống bắt tay từng vị chủ bút hay giám đốc các cơ sở truyền thông thế giới. Người nào cũng nắm lấy tay ngài như không muốn buông bỏ và nói một vài lời được ngài gật gù tán thưởng và đáp lại. Nói chung, đây quả là một khởi đầu tốt đẹp của Đức Tân Giáo Hoàng với giới truyền thông thế giới.
Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài với giới truyền thông thế giới, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:

Chào buổi sáng và cảm ơn các bạn vì sự đón tiếp tuyệt vời này! Người ta nói rằng khi họ vỗ tay lúc đầu thì không quan trọng lắm, nếu bạn vẫn còn thức vào cuối buổi và bạn vẫn muốn vỗ tay… cảm ơn các bạn rất nhiều!
Anh chị em thân mến,
Tôi chào đón các bạn, những đại diện của các phương tiện truyền thông từ khắp nơi trên thế giới. Cảm ơn các bạn vì công việc mà các bạn đã và đang làm trong những ngày này, đây thực sự là thời gian ân sủng cho Giáo hội.
Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình” (Mt 5:9). Đây là một Phúc thật thách thức tất cả chúng ta, nhưng đặc biệt liên quan đến các bạn, kêu gọi mỗi người trong các bạn phấn đấu cho một loại truyền thông khác, một loại truyền thông không tìm kiếm sự đồng thuận bằng mọi giá, không sử dụng những lời lẽ hung hăng, không theo văn hóa cạnh tranh và không bao giờ tách biệt việc tìm kiếm sự thật khỏi tình yêu mà chúng ta phải khiêm nhường tìm kiếm. Hòa bình bắt đầu từ mỗi người chúng ta: trong cách chúng ta nhìn người khác, lắng nghe người khác và nói về người khác.
Theo nghĩa này, cách chúng ta truyền thông có tầm quan trọng cơ bản: chúng ta phải nói "không" với cuộc chiến tranh bằng lời nói và hình ảnh, chúng ta phải từ chối mô hình chiến tranh.
Do đó, hôm nay tôi xin nhắc lại tình liên đới của Giáo hội với các nhà báo đang bị cầm tù vì tìm cách đưa tin về sự thật, và với những lời này, tôi cũng yêu cầu trả tự do cho những nhà báo bị cầm tù này. Giáo hội công nhận ở những nhân chứng này - tôi đang nghĩ đến những người đưa tin về chiến tranh ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống của họ - lòng dũng cảm của những người bảo vệ phẩm giá, công lý và quyền được thông tin của mọi người, bởi vì chỉ những cá nhân được thông tin mới có thể đưa ra những lựa chọn tự do. Nỗi đau khổ của những nhà báo bị cầm tù này thách thức lương tâm của các quốc gia và cộng đồng quốc tế, kêu gọi tất cả chúng ta bảo vệ món quà quý giá là quyền tự do ngôn luận và báo chí.
Cảm ơn các bạn, thưa các bạn thân mến, vì sự phục vụ của các bạn cho sự thật. Các bạn đã ở Rome trong vài tuần qua để đưa tin về Giáo hội, sự đa dạng của Giáo hội và đồng thời là sự thống nhất của Giáo hội. Các bạn đã có mặt trong các nghi lễ của Tuần Thánh và sau đó đưa tin về nỗi buồn về cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mặc dù vậy, sự kiện này vẫn diễn ra trong bối cảnh của Lễ Phục sinh. Cũng chính đức tin Phục sinh đó đã đưa chúng ta vào tinh thần của Mật nghị, trong đó các bạn đã làm việc nhiều ngày dài và mệt mỏi. Tuy nhiên, ngay cả trong dịp này, các bạn đã cố gắng kể lại vẻ đẹp của tình yêu của Chúa Kitô, tình yêu đã hợp nhất và biến chúng ta thành một dân tộc, được hướng dẫn bởi Đấng Chăn Chiên Lành.
Chúng ta đang sống trong thời đại vừa khó khăn để điều hướng vừa khó khăn để kể lại. Những thời đại này đặt ra thách thức cho tất cả chúng ta nhưng chúng ta không nên trốn tránh. Ngược lại, chúng đòi hỏi mỗi người chúng ta, trong những vai trò và dịch vụ khác nhau của mình, không bao giờ được đầu hàng sự tầm thường.
Giáo hội phải đối diện với những thách thức do thời đại đặt ra. Tương tự như vậy, truyền thông và báo chí không tồn tại ngoài thời gian và lịch sử. Thánh Augustinô nhắc nhở điều này khi ngài nói, “Chúng ta hãy sống tốt và thời đại sẽ tốt đẹp. Chúng ta là thời đại” (Diễn văn 80.8).
Do đó, cảm ơn các bạn vì những gì các bạn đã làm để vượt qua những khuôn mẫu và sáo ngữ mà chúng ta thường dùng để diễn giải đời sống Kitô hữu và đời sống của chính Giáo hội. Cảm ơn các bạn vì đã nắm bắt được bản chất của chúng ta và truyền tải nó đến toàn thế giới thông qua mọi hình thức truyền thông có thể.
Ngày nay, một trong những thách thức quan trọng nhất là thúc đẩy truyền thông có thể đưa chúng ta ra khỏi “Tháp Babel” mà đôi khi chúng ta thấy mình đang ở trong đó, thoát khỏi sự nhầm lẫn của những ngôn ngữ vô tình thường mang tính ý thức hệ hoặc đảng phái. Do đó, dịch vụ của các bạn, với những từ ngữ bạn sử dụng và phong cách các bạn áp dụng, là rất quan trọng. Như các bạn đã biết, truyền thông không chỉ là truyền tải thông tin mà còn là tạo ra một nền văn hóa, môi trường của con người và kỹ thuật số trở thành không gian cho đối thoại và thảo luận. Khi nhìn vào cách công nghệ đang phát triển, sứ mệnh này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Tôi đặc biệt nghĩ đến trí tuệ nhân tạo, với tiềm năng to lớn của nó, tuy nhiên đòi hỏi trách nhiệm và sự sáng suốt để đảm bảo rằng nó có thể được sử dụng vì lợi ích của tất cả mọi người, để nó có thể mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại. Trách nhiệm này liên quan đến mọi người theo tỷ lệ tuổi tác và vai trò của họ trong xã hội.
Các bạn thân mến, chúng ta sẽ hiểu nhau hơn theo thời gian. Chúng ta đã trải qua - chúng ta có thể nói cùng nhau - những ngày thực sự đặc biệt. Chúng ta đã chia sẻ chúng thông qua mọi hình thức phương tiện truyền thông: TV, radio, internet và mạng xã hội. Tôi chân thành hy vọng rằng mỗi người chúng ta có thể nói rằng những ngày này đã hé lộ một chút mầu nhiệm về nhân loại của chúng ta và để lại cho chúng ta mong muốn về tình yêu và hòa bình. Vì lý do này, hôm nay tôi nhắc lại với các bạn lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thông điệp của ngài cho Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới năm nay: chúng ta hãy giải trừ mọi định kiến và oán giận, cuồng tín và thậm chí là hận thù khỏi truyền thông; chúng ta hãy giải phóng nó khỏi sự hung hăng. Chúng ta không cần thứ truyền thông ồn ào, mạnh mẽ, mà là thứ truyền thông có khả năng lắng nghe và tập hợp tiếng nói của những người yếu thế không có tiếng nói. Chúng ta hãy giải trừ vũ khí ngôn từ và chúng ta sẽ giúp giải trừ vũ khí thế giới. Giao tiếp giải trừ vũ khí và giải trừ vũ khí cho phép chúng ta chia sẻ một góc nhìn khác về thế giới và hành động theo cách phù hợp với phẩm giá con người của chúng ta.
Các bạn đang ở tuyến đầu trong việc đưa tin về các cuộc xung đột và khát vọng hòa bình, về các tình huống bất công và nghèo đói, và về công việc thầm lặng của rất nhiều người đang đấu tranh để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Vì lý do này, tôi yêu cầu các bạn hãy lựa chọn một cách có ý thức và can đảm con đường truyền thông ủng hộ hòa bình.
Cảm ơn tất cả các bạn và cầu xin Chúa ban phước cho các bạn!
A.P. tường trình buổi nói chuyện của Đức Leo XIV với giới truyền thông thế giới
Vũ Văn An
14:56 12/05/2025
Đức Giáo Hoàng Leo XIV kêu gọi thả các nhà báo bị cầm tù, khẳng định hồng phúc tự do ngôn luận và báo chí
Đó là tóm lược của của Nicole Winfield thuộc hãng tin A.P. khi loan tin cuộc gặp gỡ giới truyền thông thế giới của Đức Leo XIV ngày 12 tháng 5 năm 2025

THÀNH PHỐ VATICAN (AP) — Hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã kêu gọi thả các nhà báo bị cầm tù và khẳng định "hồng phúc quý giá của tự do ngôn luận và báo chí" trong buổi tiếp kiến với một số trong 6,000 nhà báo đã đến Rome để đưa tin về cuộc bầu cử ngài với tư cách là giáo hoàng người Mỹ đầu tiên.
Đức Leo đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi ngài bước vào khán phòng Vatican để có cuộc gặp đầu tiên với đại diện của công chúng.
Nhà truyền giáo Dòng Augustinô 69 tuổi, được bầu trong một mật nghị kéo dài 24 giờ vào tuần trước, đã kêu gọi các nhà báo sử dụng ngôn từ vì hòa bình, từ chối chiến tranh và lên tiếng cho những người không có tiếng nói.
Ngài bày tỏ tình liên đới với các nhà báo trên khắp thế giới đã bị bỏ tù vì cố gắng tìm kiếm và đưa tin về sự thật. Nhận được sự hoan nghênh từ đám đông, ngài đã yêu cầu thả họ.
“Giáo hội công nhận ở những nhân chứng này — tôi đang nghĩ đến những người đưa tin về chiến tranh ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống của họ — lòng dũng cảm của những người bảo vệ phẩm giá, công lý và quyền được thông tin của mọi người, bởi vì chỉ những cá nhân được thông tin mới có thể đưa ra những lựa chọn tự do,” ngài nói.
“Nỗi đau khổ của những nhà báo bị cầm tù này thách thức lương tâm của các quốc gia và cộng đồng quốc tế, kêu gọi tất cả chúng ta bảo vệ hồng phúc quý giá là quyền tự do ngôn luận và báo chí.”
Đức Giáo Hoàng Leo mở đầu cuộc họp bằng một vài từ bằng tiếng Anh, nói đùa rằng nếu đám đông vẫn còn thức và vỗ tay vào cuối buổi họp, thì điều đó quan trọng hơn tiếng hoan hô chào đón ngài.
Chuyển sang tiếng Ý, ngài cảm ơn các nhà báo vì đã đưa tin về quá trình chuyển giao giáo hoàng và kêu gọi họ sử dụng những từ ngữ hòa bình.
“Hòa bình bắt đầu từ mỗi người chúng ta: trong cách chúng ta nhìn người khác, lắng nghe người khác và nói về người khác,” ngài nói. “Theo nghĩa này, cách chúng ta truyền thông có tầm quan trọng cơ bản: chúng ta phải nói ‘không’ với cuộc chiến bằng lời nói và hình ảnh, chúng ta phải từ chối mô hình chiến tranh.”
Sau bài phát biểu ngắn gọn, trong đó ngài suy gẫm về sức mạnh của lời nói trong việc làm điều tốt, ngài chào một số nhà báo ở hàng ghế đầu và sau đó bắt tay đám đông khi ngài rời khỏi hội trường khán giả ở lối đi giữa. Ngài ký tặng một vài chữ ký và chụp một vài bức ảnh tự sướng.
Sau đó, các nhà báo đã chia sẻ một số ít lời họ trao đổi với ngài, bao gồm cả những gợi ý rằng Vatican đang có kế hoạch để Đức Leo đến Thổ Nhĩ Kỳ để kỷ niệm một sự kiện quan trọng trong quan hệ Công Giáo-Chính thống giáo: kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicea, công đồng đại kết đầu tiên của Kitô giáo.
Những thông tin thú vị khác xuất hiện: Các nhà báo đã đề nghị chơi quần vợt đôi hoặc tổ chức một trận đấu từ thiện. Đức Leo, một vận động viên quần vợt thường xuyên, có vẻ hào hứng "nhưng chúng ta không thể mời Sinner", ông nói đùa, ám chỉ đến tay vợt số 1 thế giới Jannik Sinner, người đang chơi ngay trên Tiber tại Giải quần vợt Ý mở rộng.
Trong buổi tiếp kiến năm 2013 với các nhà báo đưa tin về cuộc bầu cử của vị giáo hoàng Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích về sự lựa chọn danh hiệu của mình, theo tên của Thánh Phanxicô thành Assisi, và mong muốn của ngài về một "giáo hội nghèo và vì người nghèo!"
Trong suốt 12 năm trị vì của mình, Đức Phanxicô cũng đã nói về giá trị của báo chí và gần đây nhất là vào tháng 1, ngài đã kêu gọi trả tự do cho các nhà báo bị giam giữ trong một sự kiện Năm Thánh với giới truyền thông.
Đức Giáo Hoàng Leo XIV: Những điều chúng ta đã biết và những điều chúng ta mong đợi
Vũ Văn An
15:08 12/05/2025

Christopher R. Altieri của Crux, ngày 11 tháng 5 năm 2025, tường trình:
Robert Phanxicô Prevost, sinh ra là một linh mục truyền giáo dòng Augustinô, từng là tổng quyền của dòng Augustinô tại Rome và là giám mục của Chiclayo ở Peru, đã đến Vatican muộn - vào năm 2023 - khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm tổng trưởng Bộ Giám mục và trao cho ngài chiếc mũ đỏ.
Có rất ít điều chưa từng có trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng có thể nói rằng chưa từng có điều gì giống hệt như thế này xảy ra trước đây và có thể nói rằng điều đó khiến những người theo dõi Giáo hội khá bất ngờ.
Quyền lực cứng, quyền lực mềm
Theo quan niệm thông thường, các Hồng Y sẽ không chọn một người xuất thân từ Hoa Kỳ vì điều đó sẽ kết hợp "quyền lực mềm" của chức giáo hoàng với "quyền lực cứng" của ảnh hưởng chính trị (kinh tế, quân sự và văn hóa) của Hoa Kỳ theo những cách không lành mạnh.
Mối lo ngại này là có thật và không phải là không có tiền lệ.
Trong hầu hết thế kỷ XIV, giáo hoàng và cuối cùng là toàn bộ triều đình và chính phủ của ngài đã được chuyển đến thị trấn Avignon của Pháp. Giáo hoàng Avignon bắt đầu như một biện pháp do vua Pháp sắp xếp - khi đó là thế lực đang lên ở châu Âu - để phá vỡ một mật nghị bế tắc. Nó nhanh chóng phát triển thành điều được gọi là "Sự giam cầm Avignon" (và đôi khi là "Sự giam cầm Babylon") và kéo dài trong phần lớn bảy thập niên, từ năm 1309 đến năm 1376.
Trong yếu tính, nỗi sợ hãi là việc đưa Avignon vào ngôi vị giáo hoàng sẽ tệ hoặc tệ hơn việc đưa giáo hoàng đến Avignon.
Đức Hồng Y Phanxicô George của Chicago đã được trích dẫn rộng rãi trong nhiều năm qua khi nói rằng cuộc bầu cử một vị giáo hoàng từ Hoa Kỳ sẽ không diễn ra cho đến khi Hoa Kỳ bước vào thời kỳ suy thoái chính trị. Những độc giả tương lai của các dấu hiệu của thời đại bây giờ sẽ tự hỏi liệu chúng ta đã chứng kiến sự từ bỏ trí tuệ giản dị đó hay sự ứng nghiệm của một lời tiên tri, hoặc có lẽ là cả hai.
Cái tên có ý nghĩa gì?
Dù sao, có rất nhiều điều trong cái tên: Leo.
Đức Leo cuối cùng là Leo XIII, cha đẻ của Giáo lý xã hội Công Giáo trong thời đại hiện đại, người đã trao cho Giáo hội và thế giới bức thông điệp có tính chất nền tảng, Rerum novarum, về các quyền và nghĩa vụ của tư bản và lao động, trong những ngày tháng sôi động của cuộc cách mạng công nghiệp.
Đức Hồng Y Ladislav Nemet, người đã dùng bữa tối với Đức Giáo Hoàng Leo XIV vào tối thứ năm - đêm bầu cử Đức Leo - đã nói với Đài phát thanh Croatia HRT rằng Đức Giáo Hoàng rất nhạy bén với cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra trong thế kỷ 21.
"[Đức Giáo Hoàng Leo] đã nói rằng chúng ta đang ở trong một cuộc cách mạng mới", Nemet nói. Nemet cho biết: “Vào thời của Đức Leo XIII, đã có một cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra, nhưng giờ đây, một cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra”.
Như Charles Collins của Crux đã lưu ý một cách tinh tế trong những ngày trước mật nghị, phạm vi đưa tin của giới truyền thông – các bài tường thuật về phát biểu của các Hồng Y, các bài phân tích và các nhà bình luận – đã gợi ý mạnh mẽ rằng các Hồng Y sẽ tự đặt ra những câu hỏi tập trung vào sự chia rẽ bảo thủ/tự do được cho là tiêu biểu cho các cuộc tranh luận về “các giá trị truyền thống” và Thánh lễ La tinh ở một bên, hoặc hôn nhân đồng tính và giáo sĩ nữ ở bên kia.
Nói một cách ngắn gọn: Các cuộc tranh luận của nửa sau thế kỷ 20. Collins viết: “Phần đầu của thế kỷ 21 chứng kiến một xã hội đặt câu hỏi về ý nghĩa của việc trở thành con người”, “với ‘chủ nghĩa hậu nhân bản’ được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo của nhiều công ty công nghệ”.
Nếu những dấu hiệu ban đầu đó cho thấy vị giáo hoàng mới đồng ý, thì bản thân Đức Leo đã xóa tan mọi nghi ngờ còn sót lại khi ngài phát biểu trước toàn thể Hồng Y đoàn tụ họp tại Hội trường Thượng hội đồng mới vào sáng thứ Bảy.
“Đức Giáo Hoàng Leo XIII, với Thông điệp lịch sử Rerum novarum, đã giải quyết vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lớn đầu tiên”, Đức Giáo Hoàng Leo XIV cho biết.
“Ngày nay”, Đức Giáo Hoàng Leo tiếp tục, “Giáo hội trao tặng cho tất cả mọi người kho tàng giáo huấn xã hội của mình để ứng phó với một cuộc cách mạng công nghiệp khác đó là việc phát triển của trí tuệ nhân tạo”.
Ad intra, ad extra
Người ta đã nói nhiều về công việc phục vụ của Đức Giáo Hoàng Leo XIV với tư cách là một linh mục truyền giáo và là một giám mục ở một vùng nghèo đói của Nam bán cầu, cũng như vai trò lãnh đạo hành chính của ngài trong cả Dòng Thánh Augustinô mà ngài là tổng quyền trước đây và ở Rome với tư cách là tổng trưởng Bộ Giám mục.
Tất cả những điều đó chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phân định của các Hồng Y.
Việc Đức Giáo Hoàng Leo XIV là một nhà giáo luật có uy tín quan trọng hơn những gì người ta nghĩ nếu người ta đánh giá theo bình luận ban đầu, đặc biệt là xét theo tình hình luật pháp trong Giáo hội sau Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Một trong những lời chỉ trích được đưa ra bởi các giáo sĩ cấp cao trong triều đại của Phanxicô – thường là riêng tư, nhưng trên toàn bộ phạm vi ý kiến rộng lớn trong Giáo hội – là Đức Phanxicô không phải là nhà lập pháp cẩn thận hoặc có trật tự nhất từng ngồi trên tòa Phêrô.
Ví dụ, cải cách cơ cấu tòa án hôn nhân năm 2015 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô không phải được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Cuộc cải cách từng phần của Đức Phanxicô đối với giáo triều Rôma đã kéo dài trên lý thuyết nhưng lại thiếu sự chú ý đến chi tiết thực tế để đưa bộ máy quản lý trung ương của Giáo hội vào khuôn khổ cho hành động của thế kỷ 21.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thích ban hành các sắc lệnh pháp lý để giải quyết các vấn đề cụ thể. Cách tiến hành công việc đó có thể hoặc không thể giải quyết vấn đề trước mắt một cách dễ dàng nhưng luôn có xu hướng tạo ra khó khăn sau này. Đức Phanxicô đã ban hành hàng loạt các Tông thư theo lối motu proprio [tự sắc] - theo sáng kiến của riêng mình - trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, với tốc độ khoảng năm lần mỗi năm.
Để bạn có thể hình dung: Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành ba mươi mốt motu proprio trong suốt hai mươi sáu năm trị vì của ngài. Đức Phanxicô đã vượt qua con số đó vào cuối năm thứ năm tại vị và không bao giờ thực sự chậm lại cho đến cuối.
Cải cách lập pháp quan trọng nhất của triều đại giáo hoàng Phanxicô là Vos estis lux mundi, một luật toàn diện năm 2019 - ít nhất là trên giấy tờ - đã củng cố quy trình điều tra các cáo buộc lạm dụng và che đậy và cung cấp khuôn khổ thủ tục cho việc truy tố tư pháp theo luật của Giáo hội.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người có triều đại giáo hoàng của riêng mình bị ám ảnh bởi các trường hợp quản lý yếu kém thường xuyên đáng báo động, đã tỏ ra miễn cưỡng sử dụng luật với bất cứ sự đều đặn hoặc minh bạch có ý nghĩa nào.
Các Hồng Y biết rằng khi vào cuộc, người mà họ chọn sẽ phải sắp xếp mọi thứ vào trật tự.
Những bộ xương ra khỏi tủ
Một điều mà những người quan sát lưu ý gần như ngay lập tức là Đức Leo XIV có hồ sơ không hoàn hảo về việc xử lý các trường hợp lạm dụng và che đậy.
Một số cáo buộc mà ngài phải đối diện phát xuất từ các khu vực rất đáng ngờ về độ tin cậy của chúng và đã nhận được một đánh giá dường như đã minh oan cho Hồng Y Prevost khi đó.
Một cáo buộc về việc quản lý yếu kém nghiêm trọng dường như là có cơ sở.
Cáo buộc đó liên quan đến trường hợp của Cha. James Ray, một linh mục lạm dụng của Tổng giáo phận Chicago. Prevost lúc đó là linh mục Dòng Thánh Augustinô (OSA), người đứng đầu tỉnh dòng Augustinô tại Chicago vào năm 2000 đã cho phép Ray - người bị cáo buộc và đã bị hạn chế chức vụ trong gần một thập niên - sống (hoặc không ngăn cản vị này sống) trong một ngôi nhà thuộc Dòng Thánh Augustinô của mình.
Tổng giáo phận Chicago được cho là đã lưu ý đến những hạn chế khi họ yêu cầu Ray được tiếp đón tại nhà của dòng Augustinô, ngôi nhà này nằm rất gần một trường tiểu học. Cha Prevost lúc đó dường như không bao giờ báo động cho trường học, cũng không khiến trường học phải báo động.
Điều quan trọng cần lưu ý là vụ việc với Ray xảy ra hai năm trước khi cuộc khủng hoảng lạm dụng và che đậy bùng nổ thành vụ tai tiếng hoàn cầu. Vụ bùng nổ đó bắt đầu ở Boston vào năm 2002, nhưng nó có thể bắt đầu ở hầu hết mọi nơi. Vụ tai tiếng nhanh chóng nhấn chìm toàn bộ Hoa Kỳ trước khi lan rộng ra toàn thế giới.
Cuộc khủng hoảng lạm dụng và che đậy không chỉ là một phần trong lịch sử gần đây của Giáo hội mà còn hiện hữu rất lâu dài. Chắc chắn đây là một phần trong hiện tại của Giáo hội. Một trong những chuyên gia hàng đầu của Giáo hội về cuộc khủng hoảng, Cha Dòng Tên Hans Zollner, đã nói rằng chúng ta sẽ không sống để chứng kiến sự kết thúc của nó.
“Điều này sẽ không kết thúc trong cuộc đời chúng ta,” Zollner nói vào tháng 3 năm 2019, “ít nhất là ở những quốc gia mà họ vẫn chưa bắt đầu nói về nó.” Cuộc khủng hoảng đã xảy ra với chúng ta vào năm 2000, nhưng vụ tai tiếng- và nhận thức mà vụ tai tiếng - chỉ mới xuất hiện mờ nhạt trên đường chân trời.
Đừng nhầm lẫn: Tình tiết là một thất bại và đặt mọi người vào thế nguy hiểm.
Anne Barrett Doyle của BishopAccountability.org đã đưa ra một tuyên bố gọi hồ sơ của Đức Leo về lạm dụng là “đáng lo ngại” với “một ngoại lệ”, đó là việc đàn áp Sodalitium Christianae Vitae có trụ sở tại Peru, nơi Crux đã đưa tin rộng rãi (và thậm chí còn được ngồi đàm đạo với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã đàn áp nhóm này vào năm 2024).
“Pedro Salinas, người sống sót đã tiết lộ về Sodalitium Christianae Vitae (SCV),” Barrett Doyle cho biết, “ghi nhận Prevost đã đóng ‘vai trò cực kỳ quan trọng’ trong việc đàn áp giáo phái này,” khi Hồng Y Prevost khi đó là bộ trưởng Bộ Giám mục tại Rome.
Tuy nhiên, Barrett Doyle cho biết trong tuyên bố của mình, Đức Giáo Hoàng Leo XIV sẽ phải chứng minh rằng ngài sẵn sàng và có khả năng lãnh đạo trong những vấn đề này.
“Đức Giáo Hoàng Leo XIV phải giành được lòng tin của các nạn nhân và gia đình họ,” bà nói.
Thành tích không hoàn hảo của Prevost về lạm dụng thực tế có thể là dấu hiệu cho thấy các Hồng Y đã thức tỉnh một cách muộn màng. Nó có thể chứng minh rằng các Hồng Y – và người mà họ bầu chọn – cuối cùng cũng hiểu được rằng lạm dụng và che đậy là một vấn đề chính, có lẽ là vấn đề chính duy nhất: Họ đã chọn một người có bộ xương lộ rõ, điều đó có nghĩa là họ biết rằng người đó sẽ bị điều tra kỹ lưỡng và sẽ không có lý do gì để bào chữa.
Đọc theo góc độ đó, việc bầu Đức Leo thực sự có thể là một dấu hiệu cho thấy họ coi trọng cuộc khủng hoảng.
Văn Hóa
Trước ngày bầu Tân Giáo Hoàng
Nguyễn Trung Tây
05:55 12/05/2025
Trước ngày bầu Tân Giáo Hoàng
Nguyễn Trung Tây
Trước ngày bầu Tân Giáo Hoàng, chúng tôi, các cha giáo của Đại Chủng Viện Chúa Chiên Lành PNG rộn ràng bên bàn ăn, bàn chuyện “tôn giáo sự.” Cha người PNG dạy Kinh Thánh có những nhận xét riêng về vị Giáo Hoàng kế tiếp, từ góc nhìn của một người đã từng sinh hoạt ở Rôma gần 10 năm. Cha dạy Latin và Lịch sử Giáo Hội, gốc Ba Lan, cũng đã ở Ý gần 5 năm, chia sẻ những cảm nhận rất “Âu Châu-Ba Lan.” Cha dạy Triết học đến từ Philippines góp ý kiến nhè nhẹ về vị Giáo Hoàng tương lai. Dù không nói ra, ngài cũng thầm ý một vị Giáo Hoàng gốc Á Châu hoặc Phi Châu sẽ thích hợp với bối cảnh của ngôi làng toàn cầu. Còn tôi, cha giáo dạy Thần học, chuyên về Bối cảnh, tôi nghĩ đã đến lúc Giáo Hội nên đi vào giai đoạn của bối cảnh.
Bữa cơm nào cũng vậy, sáng, trưa, chiều, gần 10 người chúng tôi rôm rả cười nói vang vang, bàn luận, chia sẻ xoay quanh những câu chuyện “tòa trong,” nghe được từ các cha giáo từng sống và có mối liên hệ với những nhân vật tầm cỡ ở thủ đô Giáo Hội. Có cha giáo đoán vị Giáo Hoàng tiếp theo sẽ lấy danh hiệu Francis II, hoặc John Paul III, hay một tên gọi mới. Nhưng không ai nhắc đến tên Leo hết.
Không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi còn đoán già đoán non. Trong bối cảnh hiện nay, trung tâm Công Giáo đã dịch chuyển từ Tây phương, Bắc Mỹ và Úc/New Zealand xuống phương Nam. Nơi đây bao gồm Châu Mỹ Latinh, Á Châu và Phi Châu. Vì vậy, rất có thể vị Giáo Hoàng nối tiếp sẽ đến từ Phi hoặc Á Châu. Riêng Nam Mỹ thì đã có Đức Thánh Cha Phanxicô, một người đến từ “ngoại biên” rồi. Cho nên cơ hội cho Nam Mỹ chắc hiếm.
Cuối cùng, trong các cuộc trò chuyện, tên của Hồng Y Louis Tagle người Philippines được nhắc đến rất nhiều. Riêng tôi cũng thầm mong vị Giáo Hoàng kế nhiệm sẽ là một Hồng Y đến từ Châu Á.
Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở những suy đoán.
Rồi chúng tôi tếu táo với nhau rằng: ai bước vào mật nghị như một Giáo Hoàng, thì bước ra vẫn là...Hồng Y! Và dù có là ai đi nữa, tất cả chúng tôi đều đồng ý sẽ tổ chức ăn mừng một bữa “zô, zô,” vì Giáo Hội có thêm một vị Giáo Hoàng mới.
Sau hai lần khói đen, rồi thêm một lần nữa, chúng tôi bắt đầu hụt hẫng, câu chuyện dần nhạt. Nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm đợi chờ, và cứ thắc mắc hoài: sao lại vẫn là khói đen, tới ba lần rồi?
Sáng ngày 9/5, lúc 2:10 giờ PNG, mọi người đang ngủ say. Tôi là người thức dậy sớm nhất, 5 giờ sáng. Vừa mở mắt, tôi liền cầm điện thoại lên xem tin.
Và… thật bất ngờ. Vẫn là một khuôn mặt Tây phương. Tên ngài nghe lạ hoắc. Ngài là người Mỹ. Tôi thầm nhủ: “Thiệt không ta!”
Tôi mở to mắt, đọc kỹ thêm: Tân Giáo Hoàng lấy danh hiệu Leo XIV, chứ không phải Francis II hay John Paul III. Nhưng điều làm tôi bất ngờ rộn ràng hơn cả là ngài sinh ra ở Chicago, “Phố Gió,” nơi tôi từng sinh hoạt học đường với Ngôi Lời từ năm 1996. Tôi đã sống đời mục vụ tại Chicago và Epworth từ 1997 đến 2005, trước khi chuyển xuống Melbourne, Úc, để bắt đầu một sứ vụ ông giáo tại Yarra Theological Union.
Rộn ràng nối tiếp rộn ràng, khi tôi đọc hàng tin: Tân Giáo Hoàng Leo XIV đã theo học Thần học tại Catholic Theological Union (CTU). Ngôi trường tôi từng theo học từ 1997 đến 2001, rồi tiếp tục năm 2002.
Thêm một chi tiết thật đặc biệt: Tân Giáo Hoàng, Linh mục Robert Francis Prevost, OSA thuộc dòng Augustinô, đã thi hành sứ vụ truyền giáo hơn 20 năm tại Peru, một vùng ngoại biên Châu Mỹ Latinh.
Sáng hôm đó, ngày 9/5, các cha giáo trong chủng viện hồ hởi chúc mừng tôi, cha giáo khoai lang cũng gốc Mỹ, từng học ở CTU, từng thi hành sứ vụ vùng ngoại biên: từ ghetto da đen ở Southside Chicago, đến sa mạc nước Úc, và giờ đây là Papua New Guinea. Hơn 100 thầy Triết trong chủng viện mấy ngày liền rôm rả chúc mừng “cha giáo khoai lang”!
Nhìn lại và phân tích Conclave vừa qua, tôi nhận ra chỉ trong vòng hai ngày, ở vòng thứ tư, Hồng Y đoàn đã nhanh chóng chọn ra một khuôn mặt tiêu biểu cho Giáo Hội của ngày hôm nay, một GIÁO HỘI TRUYỀN GIÁO. Một Giáo Hội không còn ngồi trong tháp ngà, nhưng can đảm bước ra khỏi vùng an toàn, hòa mình vào với những trăn trở, xáo động của thế giới ngày hôm nay, đặc biệt là ở các vùng ngoại biên như Peru. Chính điều này cũng đã được Đức Tân Giáo Hoàng Leo XIV nhấn mạnh ngay trong lời phát biểu đầu tiên:
“Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo Hội truyền giáo, xây dựng những cây cầu, đối thoại, luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người.”
Tôi, “ông giáo khoai lang,” đọc những lời ấy như một lời gọi mang tính quyết liệt. Đó là Giáo Hội phải đi ra, để trở thành những nhịp cầu cảm thông giữa các tôn giáo, các nền văn hóa, và với những người nghèo của ngôi làng toàn cầu.
Bởi đã “đi ra,” chúng ta phải có khả năng trở thành chiếc cầu nối, giữa khác biệt và chia rẽ. Đồng thời, như chính Đức Giêsu, Bạn người nghèo, chúng ta phải làm bạn với những người bị xã hội bỏ rơi, coi thường và tước mất tiếng nói.
Chương đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng Leo XIV chỉ mới lật vài trang. Còn nhiều trang chưa viết, vẫn còn trắng tinh. Nhưng cá nhân tôi, tôi cầu nguyện và hy vọng rất nhiều. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tôi tin rằng Giáo Hội dưới triều đại Giáo Hoàng Leo XIV sẽ tiếp tục là một Giáo Hội bước ra, bị bầm dập, thương tích, như chính hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh, chịu thương tích và đã chết vì Ngài bước ra và bước tới.
Khởi đầu nào cũng mới mẻ, và đoạn đường phía trước của Đức Thánh Cha Leo XIV chắc chắn sẽ có những thử thách không nhỏ, giữa một thế giới phân cực, biến động và khát khao hy vọng. Nhưng từ niềm vui bất ngờ sáng hôm đó, từ mối dây liên kết âm thầm giữa tôi và vị Giáo Hoàng mới, tôi tin rằng Chúa Thánh Linh vẫn đang âm thầm viết nên câu chuyện của Giáo Hội Người. Và tôi, ông giáo khoai lang nơi vùng ngoại biên Papua New Guinea, cũng được mời gọi tiếp tục hành trình đồng hành, cầu nguyện và góp phần nhỏ bé trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, một Giáo Hội “đi ra,” như chính Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã mời gọi vào ngày 9 tháng 5 vừa qua.
Papua New Guinea, 5/12/2025
Nguyễn Trung Tây
Trước ngày bầu Tân Giáo Hoàng, chúng tôi, các cha giáo của Đại Chủng Viện Chúa Chiên Lành PNG rộn ràng bên bàn ăn, bàn chuyện “tôn giáo sự.” Cha người PNG dạy Kinh Thánh có những nhận xét riêng về vị Giáo Hoàng kế tiếp, từ góc nhìn của một người đã từng sinh hoạt ở Rôma gần 10 năm. Cha dạy Latin và Lịch sử Giáo Hội, gốc Ba Lan, cũng đã ở Ý gần 5 năm, chia sẻ những cảm nhận rất “Âu Châu-Ba Lan.” Cha dạy Triết học đến từ Philippines góp ý kiến nhè nhẹ về vị Giáo Hoàng tương lai. Dù không nói ra, ngài cũng thầm ý một vị Giáo Hoàng gốc Á Châu hoặc Phi Châu sẽ thích hợp với bối cảnh của ngôi làng toàn cầu. Còn tôi, cha giáo dạy Thần học, chuyên về Bối cảnh, tôi nghĩ đã đến lúc Giáo Hội nên đi vào giai đoạn của bối cảnh.
Bữa cơm nào cũng vậy, sáng, trưa, chiều, gần 10 người chúng tôi rôm rả cười nói vang vang, bàn luận, chia sẻ xoay quanh những câu chuyện “tòa trong,” nghe được từ các cha giáo từng sống và có mối liên hệ với những nhân vật tầm cỡ ở thủ đô Giáo Hội. Có cha giáo đoán vị Giáo Hoàng tiếp theo sẽ lấy danh hiệu Francis II, hoặc John Paul III, hay một tên gọi mới. Nhưng không ai nhắc đến tên Leo hết.
Không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi còn đoán già đoán non. Trong bối cảnh hiện nay, trung tâm Công Giáo đã dịch chuyển từ Tây phương, Bắc Mỹ và Úc/New Zealand xuống phương Nam. Nơi đây bao gồm Châu Mỹ Latinh, Á Châu và Phi Châu. Vì vậy, rất có thể vị Giáo Hoàng nối tiếp sẽ đến từ Phi hoặc Á Châu. Riêng Nam Mỹ thì đã có Đức Thánh Cha Phanxicô, một người đến từ “ngoại biên” rồi. Cho nên cơ hội cho Nam Mỹ chắc hiếm.
Cuối cùng, trong các cuộc trò chuyện, tên của Hồng Y Louis Tagle người Philippines được nhắc đến rất nhiều. Riêng tôi cũng thầm mong vị Giáo Hoàng kế nhiệm sẽ là một Hồng Y đến từ Châu Á.
Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở những suy đoán.
Rồi chúng tôi tếu táo với nhau rằng: ai bước vào mật nghị như một Giáo Hoàng, thì bước ra vẫn là...Hồng Y! Và dù có là ai đi nữa, tất cả chúng tôi đều đồng ý sẽ tổ chức ăn mừng một bữa “zô, zô,” vì Giáo Hội có thêm một vị Giáo Hoàng mới.
Sau hai lần khói đen, rồi thêm một lần nữa, chúng tôi bắt đầu hụt hẫng, câu chuyện dần nhạt. Nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm đợi chờ, và cứ thắc mắc hoài: sao lại vẫn là khói đen, tới ba lần rồi?
Sáng ngày 9/5, lúc 2:10 giờ PNG, mọi người đang ngủ say. Tôi là người thức dậy sớm nhất, 5 giờ sáng. Vừa mở mắt, tôi liền cầm điện thoại lên xem tin.
Và… thật bất ngờ. Vẫn là một khuôn mặt Tây phương. Tên ngài nghe lạ hoắc. Ngài là người Mỹ. Tôi thầm nhủ: “Thiệt không ta!”
Tôi mở to mắt, đọc kỹ thêm: Tân Giáo Hoàng lấy danh hiệu Leo XIV, chứ không phải Francis II hay John Paul III. Nhưng điều làm tôi bất ngờ rộn ràng hơn cả là ngài sinh ra ở Chicago, “Phố Gió,” nơi tôi từng sinh hoạt học đường với Ngôi Lời từ năm 1996. Tôi đã sống đời mục vụ tại Chicago và Epworth từ 1997 đến 2005, trước khi chuyển xuống Melbourne, Úc, để bắt đầu một sứ vụ ông giáo tại Yarra Theological Union.
Rộn ràng nối tiếp rộn ràng, khi tôi đọc hàng tin: Tân Giáo Hoàng Leo XIV đã theo học Thần học tại Catholic Theological Union (CTU). Ngôi trường tôi từng theo học từ 1997 đến 2001, rồi tiếp tục năm 2002.
Thêm một chi tiết thật đặc biệt: Tân Giáo Hoàng, Linh mục Robert Francis Prevost, OSA thuộc dòng Augustinô, đã thi hành sứ vụ truyền giáo hơn 20 năm tại Peru, một vùng ngoại biên Châu Mỹ Latinh.
Sáng hôm đó, ngày 9/5, các cha giáo trong chủng viện hồ hởi chúc mừng tôi, cha giáo khoai lang cũng gốc Mỹ, từng học ở CTU, từng thi hành sứ vụ vùng ngoại biên: từ ghetto da đen ở Southside Chicago, đến sa mạc nước Úc, và giờ đây là Papua New Guinea. Hơn 100 thầy Triết trong chủng viện mấy ngày liền rôm rả chúc mừng “cha giáo khoai lang”!
Nhìn lại và phân tích Conclave vừa qua, tôi nhận ra chỉ trong vòng hai ngày, ở vòng thứ tư, Hồng Y đoàn đã nhanh chóng chọn ra một khuôn mặt tiêu biểu cho Giáo Hội của ngày hôm nay, một GIÁO HỘI TRUYỀN GIÁO. Một Giáo Hội không còn ngồi trong tháp ngà, nhưng can đảm bước ra khỏi vùng an toàn, hòa mình vào với những trăn trở, xáo động của thế giới ngày hôm nay, đặc biệt là ở các vùng ngoại biên như Peru. Chính điều này cũng đã được Đức Tân Giáo Hoàng Leo XIV nhấn mạnh ngay trong lời phát biểu đầu tiên:
“Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo Hội truyền giáo, xây dựng những cây cầu, đối thoại, luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người.”
Tôi, “ông giáo khoai lang,” đọc những lời ấy như một lời gọi mang tính quyết liệt. Đó là Giáo Hội phải đi ra, để trở thành những nhịp cầu cảm thông giữa các tôn giáo, các nền văn hóa, và với những người nghèo của ngôi làng toàn cầu.
Bởi đã “đi ra,” chúng ta phải có khả năng trở thành chiếc cầu nối, giữa khác biệt và chia rẽ. Đồng thời, như chính Đức Giêsu, Bạn người nghèo, chúng ta phải làm bạn với những người bị xã hội bỏ rơi, coi thường và tước mất tiếng nói.
Chương đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng Leo XIV chỉ mới lật vài trang. Còn nhiều trang chưa viết, vẫn còn trắng tinh. Nhưng cá nhân tôi, tôi cầu nguyện và hy vọng rất nhiều. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tôi tin rằng Giáo Hội dưới triều đại Giáo Hoàng Leo XIV sẽ tiếp tục là một Giáo Hội bước ra, bị bầm dập, thương tích, như chính hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh, chịu thương tích và đã chết vì Ngài bước ra và bước tới.
Khởi đầu nào cũng mới mẻ, và đoạn đường phía trước của Đức Thánh Cha Leo XIV chắc chắn sẽ có những thử thách không nhỏ, giữa một thế giới phân cực, biến động và khát khao hy vọng. Nhưng từ niềm vui bất ngờ sáng hôm đó, từ mối dây liên kết âm thầm giữa tôi và vị Giáo Hoàng mới, tôi tin rằng Chúa Thánh Linh vẫn đang âm thầm viết nên câu chuyện của Giáo Hội Người. Và tôi, ông giáo khoai lang nơi vùng ngoại biên Papua New Guinea, cũng được mời gọi tiếp tục hành trình đồng hành, cầu nguyện và góp phần nhỏ bé trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, một Giáo Hội “đi ra,” như chính Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã mời gọi vào ngày 9 tháng 5 vừa qua.
Papua New Guinea, 5/12/2025