Ngày 17-11-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 18/11: Ngày nay chúng ta còn mù không? – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:51 17/11/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” Đức Giê-su nói: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sinh Tử Vòng Đời
Đinh văn Tiến Hùng
00:32 17/11/2024
*Sinh Tử Vòng Đời
‘ Tiền công của tội lỗi là sự chết. ‘

Vòng đời kiếp sống thế trần,
Sinh ra từ biệt một lần mà thôi,
Nếu ta biết sống cho đời,
Mai sau sẽ nở nụ cười ra đi !

Đời người sinh ký tử qui,
Sống là chuẩn bị để ly biệt trần.
‘Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì?’ (*)

Bé thơ ngây hoa đời chớm nở,
Chẳng có gì lo sợ vấn vương,
Bao quanh tràn ngập yêu thương,
Như hoa vừa nở dâng hương ngạt ngào.

Trai trưởng thành nuôi bao mộng đẹp,
Chung quanh ta chật hẹp không gian,
Sự nghiệp, danh vọng, giàu sang,
Đuổi theo đạt được lại càng hăng say.

Gái tự hào soi gương tô điểm,
Vẻ diễm kiều sai khiến lòng người,
Tâm hồn rộng mở thêm tươi,
Tương lai bừng sáng đón mời vào xuân.

Nhưng cuộc đời có đâu đẹp mãi,
Có vui nay, mai lại có sầu,
Hoa kia tươi mãi được đâu,
Con người không thể sống lâu ngàn đời.

Mới ngày nào tuổi thơ tươi thắm,
Mới ngày nào phấn khởi hiên ngang,
Chàng thì sự nghiệp vẻ vang,
Nàng thì rực rỡ cao sang hơn người.

Vừa mới đây tháng ngày thấm thoát,
Giờ lúc này sao khác năm xưa,
Hàm răng đã thấy lưa thưa,
Tóc mây bỗng chốc lại vừa điểm sương.

Xưa nay nhân trần nuôi hy vọng,
Tìm mọi cách xây mộng trường sinh,
Thật không biết lựa sức mình,
Luật trời sinh tử chứng minh tỏ tường.

Suốt đời dù mải mê tích lũy,
Xuôi hai tay nắm giữ được gì,
Đời người sinh ký tử qui,
Sống là cõi tạm, thác là trường sinh.

Luật trời chính là quyền Thượng Đế,
Phúc của mình tích để sau này,
Nếu sống tốt đẹp hôm nay,
Mai sau vĩnh cửu tràn đầy hân hoan.

Hoàng hôn xuống chậm nghiêng soi bóng,
Cô khách dừng chân đứng ngẩn ngơ,
Màn đêm buông phủ lờ mờ,
Bóng người chìm lắng ơ hờ trong đêm.

Lạy Chúa! Là Đường! Là Sự Sống!
Lạy Chúa chính là Đấng tình thương!
Bụi trần che phủ mù sương,
Xin Ngài dìu dắt soi đường con theo.

*Suy niệm :

Nếu chết là một chấm hết, thì cái chấm hết ấy chỉ có giá trị với sự thù hận. Người chết không còn thù hận nữa. dù có căm thù đến đâu, nằm kề bên nhau trong một nghĩa trang, những người chết không còn thấy cuộc chiến giữa những người chết. Nếu có một thế giới không còn chiến tranh, không còn hận thù, không còn vũ khí, đó là thế giới của nghĩa trang. Đó là nơi an nghỉ, quên hết hận thù. Cái chết dù độc ác đến đâu cũng trở thành dấu chỉ của bình an hòa bình. Đó là điều chúng ta có thể xác quyết khi suy ngắm cái chết của Đức Ki-tô trên Thập giá. Ngài chết để lôi kéo chúng ta đến với Ngài và chúng ta đến với nhau. Để thực hiện điều đó trong những giây phút cuối cùng sống nơi trần gian, Ngài đã tha thứ cho chính những kẻ hành hạ mình.

Trong cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tưởng nhớ đến những người quá cố. Những người đó có thể là những người thân yêu, có thể là những người chưa quên biết và cả kẻ thù của chúng ta. Tấm lòng của người Ki-tô, trước hết phải là tâm tình thứ tha như Chúa. Vì cái chết của Chúa đã trở thành nguồn ơn cứu rỗi và đem lại hòa bình. Những người mà chúng ta đang ngậm ngùi tưởng nhớ trong tháng 11 này, cũng là âm vang từ ái nhờ chính cái chết của Chúa trên Thập giá : Xin cha tha tội cho chúng !

(*)Ghi chú: Trích thơ Nguyễn công Trứ


* Vòng tuần hoàn của Cuộc đời
Khi Tiến sĩ và Người Chăn Trâu đều nói về ‘Vòng tuần hoàn Cuộc đời’

Có một vị bác sĩ là tiến sĩ chuyên ngành y khoa nổi danh hàng đầu thế giới tình cờ đi tới một khu vực hẻo lánh nọ trên núi để khám chữa bệnh miễn phí cho những người dân nghèo trong vùng. Tại đây, anh ta gặp một người chăn trâu trông có vẻ khá vất vả.

Vị tiến sĩ nọ đột nhiên cảm thấy thương xót thay cho số phận kẻ sinh ra tại vùng quê nghèo nàn, lớn lên trong sự nghèo nàn và chết đi cũng trong sự nghèo nàn như vậy. Ông nghĩ, người chăn trâu này thật tội nghiệp, anh ta sẽ mãi mãi không bao giờ được đặt chân tới những chân trời mới, tiếp xúc với nhiều điều mới rồi trở thành một người thành đạt, giỏi giang của xã hội.

Một thoáng động lòng trắc ẩn, vị Tiến sĩ đến gần và cất giọng hỏi thăm :
“Sao anh lại đi chăn trâu?”
Người chăn trâu lúc đó đang nghỉ ngơi bèn trả lời:
“Tôi chăn trâu đương nhiên là để nuôi trâu lớn, bán lấy tiền.”
Tiến sĩ lại hỏi: “Vậy anh bán lấy tiền để làm cái gì?”
Người chăn trâu đáp: “Tôi lấy tiền xây nhà.”
Tiến sĩ hỏi: “Vậy anh xây nhà để làm gì?”
Người chăn trâu đáp: “Tôi xây nhà để cưới vợ.”
Tiến sĩ hỏi: “Vậy anh cưới vợ để làm cái gì?”
“Tôi cưới vợ để rồi sinh con đẻ cái.”
Tiến sĩ lại hỏi: “Vậy anh sinh con đẻ cái để làm cái gì?”
“Để con cháu sau này lớn lên đi chăn trâu kiếm tiền.”
Tiến sĩ nghẹn họng không biết nói gì. Anh ta ngậm ngùi cảm khái, than thở rằng:
“Thật là, tại sao quanh đi quẩn lại anh vẫn chỉ nghĩ đến chuyện chăn trâu thôi vậy? Cuộc đời như vậy thì còn có ý nghĩa gì nữa chứ.”

Sau một hồi giảng giải, suy ngẫm chuyện nhân sinh cuộc đời, người chăn trâu bỗng hỏi lại vị Tiến sĩ:
“Ông được đi học đúng không, tôi thấy mọi người gọi ông là Tiến sĩ, vậy ông làm Tiến sĩ để làm gì?”
Vị Tiến sĩ trả lời:
“Học nhiều biết nhiều là để trở nên giỏi giang, thành tài.”
Người chăn trâu hỏi:
“Giỏi giang thành tài để ông nổi danh, để ông kiếm được nhiều tiền tiền đúng không? Vậy kiếm nhiều tiền rồi ông làm gì?”
Vị Tiến sĩ trả lời:
“Nổi tiếng, có tiền rồi thì sự nghiệp ổn định đi lên, có thể mua nhà, mua xe, lấy vợ, lập nghiệp.”
“Lấy vợ lập nghiệp rồi ngài cũng phải sinh con đẻ cái đúng không? Vậy sau đó ông làm gì?”
“Đương nhiên ta sẽ dạy dỗ con cái nên người, khôn lớn thành tài.”
Người chăn trâu lại hỏi tiếp:
“Vậy con cái ông khôn lớn thành tài để làm gì?”
Vị Tiến sĩ điềm nhiên nói:
“Thành tài rồi mới có thể kiếm tiền…” Đến đây thì anh ta im bặt.
“Thật là, tại sao quanh đi quẩn lại ông chỉ nghĩ đến kiếm tiền thôi nhỉ. Cuộc đời xoay vòng như vậy thì còn có ý nghĩa gì đây?”

Nhìn bóng lưng kẻ chăn trâu đi xa, vị Tiến sĩ nọ mới đột nhiên cảm thấy rằng, một người học thức đầy mình như anh ta thật ra cũng chẳng khác là bao so với kẻ chăn trâu nghèo khổ trong một vùng quê hẻo lánh. Cả cuộc đời, mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống của họ đều nằm trong một vòng tuần hoàn mà thôi.

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi về lại cát bụi…”.

Có lẽ, đã là một kiếp người thì không thể nào tránh khỏi được cái vòng tuần hoàn ấy mà thôi.
Còn bạn, đã bao giờ bạn tự hỏi ý nghĩa kiếp nhân sinh là gì?

( Sưu tầm )