Ngày 22-05-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bình An của Thầy và của Con
Nguyễn Trung Tây
02:39 22/05/2025
Bình An của Thầy và của Con (John 14:27)
Nguyễn Trung Tây


“Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14:27).
Khi sắp rời khỏi trần gian, Đức Giêsu biết các môn đệ sẽ đối diện với sợ hãi, chia ly và thử thách. Ngài không hứa rằng họ sẽ không đau khổ, nhưng Ngài hứa ban một điều lớn hơn cả sự an toàn. Đó là “bình an của Thầy.” Không phải là một bình an tạm bợ, một “bình an của tôi” được thế gian tạo ra. Nhưng “bình an của Thầy” với nội tâm sâu xa, phát xuất từ niềm tin vào một Thiên Chúa thủy chung.

—“Bình an của thế gian” phụ thuộc vào hoàn cảnh:
Khi mọi việc trôi chảy, tôi thấy yên tâm.
Khi không ai nói xấu, không ai làm phiền, tôi thấy dễ chịu.
Khi gia đình không có xáo trộn, tài chính ổn định, tôi cảm thấy an toàn.
Nhưng, khi những điều đó bị xáo trộn, bệnh tật gõ cửa, hiểu lầm xảy ra, tương quan đổ vỡ, “bình an của thế gian” biến mất.

Nhưng,
“Bình an của Thầy” thì không như thế.
Bình an của Thầy ở trong tôi, trong khi đau khổ và nghịch cảnh vẫn hiện diện ngập tràn trong đời và trong hồn.
Bình an của Thầy giúp tôi thêm nghị lực, trung kiên vác thập giá nghịch cảnh. Chứ tôi không trốn tránh thập giá, bởi tôi hy vọng sau thập giá đời là ánh sáng hồi sinh.

Một nữ tu trẻ từng tâm sự rằng chị bị một số chị em hiểu lầm và xa lánh trong dòng. Ban đầu, chị đau khổ, tức giận, sau cùng muốn xin chuyển đổi cộng đoàn. Nhưng sau một thời gian cầu nguyện và suy gẫm lời Chúa, chị quyết định ở lại, âm thầm phục vụ và giữ lòng hiếu hòa. Một ngày nọ, một chị đồng tu từng hiểu lầm chị đến xin lỗi, và nói: “Em không biết làm sao chị vẫn luôn tươi cười và bình tĩnh như vậy.”

Người nữ tu trẻ trả lời đơn sơ: “Thưa chị! Bởi vì bình an của em không đến từ việc các chị yêu hay ghét em, mà từ việc em biết bình an của Chúa vẫn ở với em mỗi ngày.”

Một người cha công nhân, như bao nhiêu người trong xóm, bị mất việc trong thời kỳ dịch bệnh. Trong khi hàng xóm lo lắng và thất vọng, người cha vẫn giữ được vẻ bình thản. Mỗi sáng, anh quyết định dậy sớm đi lễ, suy niệm Kinh Thánh và cầu nguyện với vợ con.

Khi được hỏi vì sao anh không sợ, anh nói:
“Ồ không! Tôi sợ chứ, bởi tôi không biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng tôi nhận được bình an của Đấng nắm giữ hình thức và nội dung của ngày mai.”

Người cha mất việc không có tiền, nhưng anh có bình an, không phải bình an của trần gian, nhưng bình an của Thầy. Bình an của một người biết mình không vác thánh giá đời lặng lẽ và vác một mình.

Suy niệm
Những khi tôi mất bình an tôi, tôi quay đến với bình an của Thầy qua những lời kinh nguyện.

Tôi cầu nguyện xin bình an của Thầy, bởi bình an của Thầy không tự nhiên mà có. Bình an của Thầy đến từ mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa. Bởi thế tôi dành thời gian để thinh lặng lắng nghe tiếng Thiên Chúa trong Lời Ngài.

Những khi nghịch cảnh gõ cửa tâm hồn, tôi không than phiền, gieo lo âu, gây thêm chia rẽ bất hòa. Tôi chọn lựa tránh bị cuốn theo sóng gió tiêu cực, tạo ra từ tha nhân. Tôi giữ tâm hồn hiền hòa. Tôi khiêm tốn cầu nguyện cho người tạo nghịch cảnh tôi, thay vì đáp trả bằng cay đắng. Và tôi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con không hiểu, nhưng con tin.” Trong giây phút đen tối của nghịch cảnh, tôi vẫn kiên nhẫn đợi chờ giây phút ánh sáng.

Những khi hận thù mọc rễ trong tâm, tôi biết hận thù là kẻ thù lớn nhất của bình an. Bởi thế, tôi học tha thứ, bởi mong muốn nhận được món quà bình an của Thầy.

Đức Giêsu không hứa rằng đời sống Kitô hữu sẽ dễ dàng. Nhưng Ngài hứa một điều chắc chắn, “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”

Tôi đón nhận bình an ấy mỗi ngày trong cầu nguyện, trong khiêm nhường, trong đức tin như người nữ tu bị hiểu lầm, như người cha bị mất việc.

Và khi tôi đã nhận được, để rồi sở hữu bình an của Thầy, tôi hy vọng trở thành khí cụ bình an tới tha nhân, giống như thánh Phanxicô Assisi đã từng cầu xin:
“Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Vui: Đức Giáo Hoàng Leo XIV bổ nhiệm Đức Cha Michael Phạm Minh Cường kế nhiệm Đức Hồng Y McElroy tại San Diego
Vũ Văn An
14:22 22/05/2025

Theo tin Tòa Thánh, bổ nhiệm giám mục chính tòa đầu tiên của Đức Leo XIV là nâng Đức Cha Michael Phạm Minh Cường, vốn là Giám Mục Phụ Tá của San Diego từ năm 2023 lên hàng Giám mục chính tòa, kế nhiệm Đức Hồng Y McElroy hiện là Tổng giám mục của Thủ đô Washington.

Sau đây là tiểu sử của Đức Tân Giám Mục Chính Tòa San Diego, dựa vào tài liệu của Wikipedia:



Michael Phạm Minh Cường (sinh ngày 27 tháng 1 năm 1967) là một giám mục Công Giáo gốc Việt, phục vụ với tư cách là Giám Mục Phụ Tá cho Giáo phận San Diego từ năm 2023. Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục San Diego vào năm 2025.

Michael Phạm sinh ngày 27 tháng 1 năm 1967 tại Đà Nẵng, khi đó là Nam Việt Nam. Năm 1980, khi Phạm 13 tuổi, gia đình ngài đã chạy trốn khỏi Việt Nam, đến một trại tị nạn ở Malaysia. Gia đình di cư đến Hoa Kỳ vào năm 1981, định cư tại Blue Earth, Minnesota. Họ chuyển đến San Diego vào năm 1985. Phạm tốt nghiệp trường trung học San Diego và sau đó vào Đại học bang San Diego. Ngài tốt nghiệp với bằng Cử nhân Khoa học chuyên ngành kỹ thuật hàng không.

Trong khi học thạc sĩ tại Đại học bang San Diego, Phạm quyết định đi tu. Sau đó, ngài theo học tại Chủng viện Saint Patrick ở Menlo Park, California. Ngài nhận bằng Cử nhân Thần học Hệ thống và bằng Thạc sĩ Thần học từ trường Saint Patrick.

Vào ngày 25 tháng 6 năm 1999, Phạm được Đức cha Robert Henry Brom truyền chức linh mục cho Giáo phận San Diego tại Nhà thờ Saint Michael ở Poway, California.

Sau khi thụ phong năm 1999, giáo phận đã chỉ định Phạm làm cha phó xứ tại Giáo xứ St. Mary, Ngôi sao Biển ở Oceanside, California. Ngài rời St. Mary vào năm 2001 để trở thành giám đốc ơn gọi cho giáo phận. Năm 2004, giáo phận bổ nhiệm Phạm làm cha xứ tại giáo xứ Holy Family ở San Diego. Ngài sẽ phục vụ tại Holy Family trong mười năm tiếp theo.

Năm 2014, giáo phận chuyển Phạm đến Giáo xứ St. Therese ở San Diego để phục vụ với tư cách là cha xứ ở đó. Sau hai năm, ngài được chuyển đến Giáo xứ Good Shepherd ở San Diego. Năm 2017, Giám mục Robert McElroy bổ nhiệm Phạm làm đại diện giám mục cho các cộng đồng dân tộc và liên văn hóa và năm 2018 là tổng đại diện. Ngài đã hoàn thành thạc sĩ Thần học Thánh tại Chủng viện St. Patrick vào năm 2020.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Phạm làm Giám Mục Phụ Tá San Diego vào ngày 6 tháng 6 năm 2023. Vào ngày 28 tháng 9 năm 2023, Phạm được tấn phong làm giám mục tại Nhà thờ St. Therese of Carmel ở San Diego bởi ĐC McElroy, với các Giám mục Joseph J. Tyson và John P. Dolan làm đồng tấn phong. Với tư cách là Giám Mục Phụ Tá, Phạm phục vụ với tư cách là đại diện cho hàng giáo sĩ.

Trên huy hiệu của ngài có một tổ ong, tượng trưng cho Thánh John Chrysostom, vị thánh bổn mạng rửa tội của ngài.

Vào ngày 22 tháng 5 năm 2025, Phạm được Đức Giáo Hoàng Leo XIV bổ nhiệm làm Giám mục San Diego.
 
VietCatholic TV
Putin: Ukraine vẫn còn ở Kursk. Vụ ám sát kinh hoàng ở Tây Ban Nha: Kyiv bị oan, ai mới là thủ phạm?
VietCatholic Media
04:04 22/05/2025


1. Nhà môi giới quyền lực người Ukraine bị ám sát ở Tây Ban Nha

Cảnh sát Tây Ban Nha đang điều tra cái chết của Andrii Portnov, 51 tuổi, một cựu chính trị gia quyền lực người Ukraine, người đang sống ở Tây Ban Nha.

Bộ Nội vụ Tây Ban Nha xác nhận với POLITICO rằng Portnov đã bị một số kẻ tấn công không rõ danh tính bắn chết trên một con phố ở Pozuelo de Alarcón, một thị trấn thuộc tỉnh Madrid của Tây Ban Nha.

“Các nguồn tin chính thức xác nhận rằng nạn nhân đã bị bắn nhiều phát khi đang lên xe. Một số người đã bắn vào lưng và đầu anh ta rồi bỏ chạy khỏi hiện trường vào một khu rừng”, dịch vụ báo chí của bộ cho biết.

Portnov là một trong những viên chức chủ chốt của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych thân Nga. Năm 2021, ông bị Hoa Kỳ trừng phạt vì cáo buộc tham nhũng cao cấp, đặc biệt là trong ngành tư pháp.

Trong một diễn biến có liên quan, Mikhail Khodorkovsky, một nhà hoạt động đối lập người Nga lên tiếng cảnh giác rằng vụ giết Portnov là một cách để Putin đổ lỗi cho Ukraine.

Ông nhấn mạnh rằng “Theo logic bình thường, Portnov là một tên phản quốc, việc tình bào Ukraine giết hại Portnov xem ra có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, Ukraine là quốc gia có lịch sử lâu dài tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác. Giết hại Portnov chẳng có lợi gì cho họ. Trong khi đó, cục an ninh hải ngoại của Nga thường xuyên dính líu vào các hành động ám sát các nhân vật đối lập và cả những người khác đang sống ở Âu Châu và cả ở Hoa Kỳ.”

Ông chỉ ra rằng vụ giết Portnov không phải là vụ xả súng gây chú ý đầu tiên ở Tây Ban Nha liên quan đến Ukraine. Maxim Kuzminov, một phi công Nga được ca ngợi vì đã đào tẩu sang Kyiv sau cuộc xâm lược của Nga, đã bị bắn chết tại Villajoyosa, gần Alicante, vào năm 2024.

Khodorkovsky nhắc cho mọi người nhớ rằng trợ lý tổng thống Nga Yuri Ushakov đã tiết lộ những chi tiết mới về cuộc điện đàm kéo dài hai giờ giữa nhà độc tài Vladimir Putin với Tổng thống Donald Trump vào thứ Hai.

Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước Nga Interfax, Ushakov cho biết Putin đã chia sẻ thông tin chi tiết về các cuộc tấn công của Ukraine mà Nga tuyên bố đã đẩy lùi trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Mạc Tư Khoa vào ngày 9 tháng 5.

Theo Ushakov, Putin đã nói với Tổng thống Trump rằng các cơ quan an ninh Nga đã ngăn chặn “các cuộc tấn công khủng bố” gần Điện Cẩm Linh và Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 5.

Ushakov cho biết Ukraine muốn “đe dọa các nhà lãnh đạo nước ngoài và ngăn họ đến Mạc Tư Khoa”.

Ushakov cho biết: “Chủ đề này đã được thảo luận khá chi tiết trong cuộc trò chuyện giữa hai tổng thống và đáng được đề cập đặc biệt”.

Theo Ushakov, cuộc thảo luận về các cuộc tấn công của Ukraine đã làm Tổng thống Trump hiểu rõ hơn Nga mới là quốc gia yêu chuộng hòa bình, và chính quyền Ukraine là một bọn phát xít cực kỳ hiếu chiến.

Theo Khodorkovsky, chính Nga đã ra tay giết hại Portnov, một đồng minh của mình nhưng nay đã hết xài. Hành động này nhằm nhấn mạnh thêm rằng “Nga mới là quốc gia yêu chuộng hòa bình, và chính quyền Ukraine là một bọn phát xít cực kỳ hiếu chiến”.

Tưởng cũng nên biết thêm: Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.

[Politico: Ukrainian power broker shot dead in Spain]

2. Pistorius của Đức cho biết Tổng thống Trump đã đánh giá sai ảnh hưởng của mình đối với Putin

Hôm Thứ Năm, 22 Tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tính toán sai lầm trong các cuộc đàm phán với nhà độc tài Nga Vladimir Putin.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã tìm cách làm trung gian chấm dứt cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine — nhưng những nỗ lực của ông không mang lại nhiều kết quả và các đồng minh của Kyiv đã chỉ trích ông vì làm theo ý Nga.

“Tôi không nghĩ ông ấy cố tình phản bội Âu Châu. Tôi tin rằng ông ấy chỉ đơn giản là đánh giá sai tình hình đàm phán với Vladimir Putin — và ảnh hưởng của chính ông ấy với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói với đài phát thanh công cộng Đức Deutschlandfunk.

Pistorius cho biết “sai lầm đầu tiên của nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa là ngay từ đầu, về cơ bản ông đã nhượng bộ tư cách thành viên NATO của Ukraine và một số yêu cầu về lãnh thổ của Nga trước khi bắt đầu đàm phán”.

Tổng thống Trump — người từ lâu đã ca ngợi tài đàm phán của mình và trong khi vận động tranh cử, ông tuyên bố có thể dễ dàng chấm dứt xung đột — đã công khai loại trừ khả năng Ukraine tham gia liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương và nói rằng Kyiv khó có thể đòi lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga tạm chiếm, khiến những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây kinh ngạc.

“Đó không phải là cách bạn bắt đầu đàm phán. Và đó là một vị thế rất yếu để theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình hoặc ngừng bắn”, Pistorius nói thêm.

Nhưng bộ trưởng quốc phòng Đức - người từng phục vụ trong Nội các của cựu Thủ tướng Olaf Scholz và vẫn giữ vai trò của mình dưới thời nhà lãnh đạo mới Friedrich Merz - cho biết Tổng thống Trump “có vẻ đang dần nhận ra rằng mọi chuyện không đơn giản như ông nghĩ” và rằng ông có thể cần sử dụng “các công cụ khác nhau” để gây áp lực với Putin, dường như ám chỉ đến các lệnh trừng phạt.

Pistorius cho biết Tổng thống Trump “cũng phải thừa nhận rằng Putin sẽ không bị ảnh hưởng theo cách này”.

[Politico: Germany’s Pistorius says Trump misjudged his influence over Putin]

3. Các chuyên gia cho rằng Âu Châu ‘sốc’ khi Tổng thống Trump trao cho Putin ‘chiến thắng’

Cuộc điện đàm dài giữa Tổng thống Trump và Vladimir Putin không mang lại đột phá lớn nào và khiến một số quan chức Âu Châu cáo buộc tổng thống Hoa Kỳ đã trao cho nhà độc tài Nga một chiến thắng.

Tổng thống Trump và Putin đã nói chuyện trong hai giờ vào hôm thứ Hai như một phần trong nỗ lực mới nhất của Washington nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm với Ukraine.

Sau cuộc gọi, Tổng thống Trump ám chỉ rằng Hoa Kỳ sẽ không còn đóng vai trò trực tiếp trong các cuộc đàm phán hòa bình. Ông cũng từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga để tăng áp lực buộc Putin phải nghiêm chỉnh đàm phán.

Nhà kinh tế học người Thụy Điển Anders Åslund, từng là cố vấn kinh tế cho cả chính phủ Nga và Ukraine, nói với Newsweek rằng “Âu Châu vẫn bị sốc” trước những gì mà họ coi là sự bỏ rơi của Washington, “nơi từng là mỏ neo trong liên minh phương Tây”.

Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt phát biểu trên X rằng cuộc gọi này “chắc chắn là một chiến thắng cho Putin”.

Cuộc gọi hôm thứ Hai không đạt được kỳ vọng, làm tiêu tan hy vọng rằng nó sẽ đại diện cho một bước ngoặt lớn trong lời cam kết làm trung gian hòa bình của Tổng thống Trump. Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ bỏ đi trừ khi có thêm tiến triển, và kể từ đó đã nói rằng chìa khóa để mở khóa hòa bình ở Ukraine là một cuộc gặp giữa ông và Putin, mà ông muốn diễn ra càng sớm càng tốt. Cuộc gọi là một bước tiến tới một cuộc gặp.

Nhưng Ukraine và các đồng minh Âu Châu muốn Tổng thống Trump tăng áp lực lên Putin thông qua các lệnh trừng phạt và viện trợ quân sự nhiều hơn cho Kyiv để củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán. Họ không tin Putin sẽ dừng cuộc xâm lược theo các điều khoản dễ chịu trừ khi ông bị buộc phải làm như vậy.

Sau cuộc gọi, Tổng thống Trump cho biết Mạc Tư Khoa và Kyiv sẽ nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp về khả năng ngừng bắn, đồng thời một lần nữa tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút khỏi tiến trình này nếu các cuộc đàm phán bị đình trệ.

“ Tôi nghĩ rằng điều gì đó sẽ xảy ra. Và nếu không, tôi chỉ cần lùi lại và họ sẽ phải tiếp tục,” ông nói với các phóng viên, gọi các cuộc đàm phán là “có hiệu quả”.

Điện Cẩm Linh cho biết cuộc điện đàm diễn ra “thẳng thắn và thân thiện”, tiết lộ rằng hai nhà lãnh đạo đã gọi nhau bằng tên riêng và không ai muốn cúp máy trước.

Tổng thống Trump “đang rút lui”, một nhà ngoại giao cao cấp của Âu Châu được báo cáo về cuộc gọi này nói với tờ Financial Times. “Ủng hộ và tài trợ cho Ukraine, gây áp lực lên Nga: tất cả những điều đó giờ là trách nhiệm của chúng ta”.

Aslund, thành viên cao cấp tại Diễn đàn Thế giới Tự do Stockholm, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown và là tác giả của cuốn Chủ nghĩa tư bản thân hữu của Nga, cho biết Tổng thống Trump đang đầu hàng Putin.

“Trong mọi hành động liên quan đến Nga, Tổng thống Trump cho thấy ông chỉ là đối tác cấp dưới của Putin, chấp nhận lập trường của ông chủ và không bao giờ đưa ra bất kỳ lời chỉ trích thực sự nào ngay cả khi đôi khi ông cố gắng che giấu hành động của mình bằng một số lời chỉ trích”, ông nói.

“Chúng ta nên nhận ra rằng cá nhân Tổng thống Trump là bạn và đồng minh của Putin,” Aslund nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, cho biết Putin nên được đánh giá bằng hành động chứ không phải lời nói, và rằng hắn ta “tiếp tục câu giờ” bằng “lời nói suông” sau cuộc gọi với Tổng thống Trump.

Cả Kyiv và Mạc Tư Khoa đều từ chối nhượng bộ khi Nga tiếp tục yêu cầu Ukraine công nhận các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm là của Nga và từ bỏ tham vọng NATO - những yêu cầu mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kiên quyết từ chối, từ chối nhượng bất kỳ vùng lãnh thổ nào cho Putin.

[Newsweek: Europe 'Shocked' as Trump Hands Putin 'Win': Experts]

4. Đồng minh NATO xua đuổi tàu Nga ‘đáng ngờ’ gần cáp ngầm

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết ông đã cử quân đội can thiệp vào một “hạm đội bóng tối” của Nga đang bị trừng phạt vì có hành động đáng ngờ gần đường cáp điện ngầm nối Ba Lan và Thụy Điển, hai đồng minh của NATO.

Một số tuyến cáp ngầm ở Âu Châu đã bị cắt trong những năm gần đây, gây ra những nghi ngờ có hành vi phá hoại. Các đồng minh NATO Âu Châu cáo buộc Nga tiến hành chiến tranh hỗn hợp chống lại họ, chẳng hạn như thông qua các cuộc tấn công mạng, chiến dịch thông tin sai lệch và phá hoại.

Ba Lan gần đây cáo buộc lực lượng đặc nhiệm của Nga đứng sau vụ hỏa hoạn lớn tại trung tâm mua sắm Marywilska, trung tâm thương mại lớn nhất Warsaw, vào năm 2024.

Hôm Thứ Năm, 22 Tháng Năm, Thủ tướng Tusk cho biết con tàu “đã thực hiện các động thái đáng ngờ” gần tuyến cáp vào sáng thứ Tư.

“Sau khi quân đội của chúng tôi can thiệp thành công, con tàu đã đi đến một trong những cảng của Nga”, Tusk cho biết, đồng thời nói thêm rằng tàu hải quân Ba Lan ORP Heweliusz đang trên đường đến hiện trường.

Cái gọi là “hạm đội bóng tối” của Nga là những con tàu mà nước này sử dụng để phớt lờ các lệnh trừng phạt của phương Tây để có thể tiếp tục xuất khẩu dầu, khí đốt và ngũ cốc đánh cắp từ Ukraine.

Anh và Liên Hiệp Âu Châu đã áp dụng thêm lệnh trừng phạt vào Nga vào thứ Hai, bao gồm các biện pháp mới chống lại “hạm đội bóng tối”.

Ngoại trưởng Ba Lan đã ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại thành phố Krakow ở phía nam sau khi chính quyền đổ lỗi cho Mạc Tư Khoa về vụ cháy trung tâm thương mại Warsaw.

Văn phòng công tố viên quốc gia cũng cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã truy tố hai công dân Ukraine đã hợp tác với những kẻ thực hiện vụ đốt phá, xác định danh tính của họ là Daniil B. và Oleksander V.

Vụ hỏa hoạn bùng phát vào ngày 12 tháng 5 năm 2024, tại trung tâm mua sắm Marywilska 44, nơi có khoảng 1.400 cửa hàng và điểm dịch vụ, một khu chợ bình dân trong một công trình giống như nhà kho ở một quận phía bắc Warsaw.

Nhiều người bán hàng rong đến từ Việt Nam và điều này đã gây ra thảm kịch cho nhiều người trong cộng đồng người Việt tại Warsaw.

“Đây là một vụ cháy lớn tại một trung tâm mua sắm ở Warsaw, may mắn thay, không ai bị thương. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski cho biết.

“Vì vậy, Lãnh sự quán Nga sẽ phải rời đi. Và nếu những cuộc tấn công này tiếp tục, chúng tôi sẽ có hành động tiếp theo.”

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov mô tả những cáo buộc này là vô căn cứ và bắt nguồn từ tâm lý chống Nga.

Ông cũng cho biết quyết định đóng cửa lãnh sự quán của Warsaw sẽ gây tổn hại đến quan hệ song phương giữa Nga và Ba Lan, mà Peskov mô tả là đã ở trong “tình trạng đáng tiếc”.

“ Ba Lan đang chọn thái độ thù địch với chúng tôi,” ông nói với các nhà báo.

Năm ngoái, Sikorski đã ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại Poznan, một trong ba lãnh sự quán Nga tại Ba Lan vào thời điểm đó, để đáp trả các hành vi phá hoại, bao gồm cả các vụ tấn công đốt phá mà ông cho là do Mạc Tư Khoa tài trợ.

Như vậy chỉ còn một Lãnh sự quán Nga tại Ba Lan, đặt tại thành phố Gdansk.

Âu Châu ngày càng lo ngại về những nỗ lực của Nga nhằm gây bất ổn khu vực thông qua các hoạt động bí mật.

Các quốc gia dọc theo sườn phía đông của NATO, như Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, cảm thấy đặc biệt dễ bị tổn thương. Vào tháng 3, Lithuania đã cáo buộc Nga thực hiện một vụ tấn công đốt phá tại một cửa hàng IKEA ở thủ đô Vilnius vào năm ngoái.

[Newsweek: NATO Ally Scares Off 'Suspicious' Russian Ship Near Undersea Cable]

5. ‘Tội ác chiến tranh đã được thực hiện’ — Rubio thừa nhận Nga là kẻ xâm lược, nhưng từ chối coi Putin là tội phạm chiến tranh

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio ngày 21 tháng 5 đồng ý rằng Nga là kẻ xâm lược Ukraine, nhưng từ chối coi Putin là tội phạm chiến tranh.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Putin vào ngày 19 tháng 5. Ấn tượng tích cực của Tổng thống Trump về cuộc điện đàm đã khiến các đồng minh của Ukraine ở Âu Châu bị sốc vì Nga tiếp tục từ chối ngừng bắn.

Đại diện đảng Dân chủ Bill Keating hỏi Rubio, “Liệu Nga có phải là kẻ xâm lược trong cuộc chiến tranh Ukraine này không?”

“Đúng là họ đã xâm lược,” Rubio trả lời.

Khi được Keating hỏi liệu Putin có phải là tội phạm chiến tranh không, Rubio thừa nhận tội ác chiến tranh đã xảy ra ở Ukraine, nhưng từ chối coi nhà lãnh đạo Nga là tội phạm chiến tranh.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, tội ác chiến tranh đã xảy ra, và ai phải chịu trách nhiệm về điều đó, sẽ có thời điểm và địa điểm để giải trình, nhưng ngay bây giờ nhiệm vụ là chấm dứt chiến tranh,” Rubio phát biểu khi được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ chất vấn.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, vào ngày 7 tháng 5, đã đồng ý khi được hỏi liệu ông có coi Putin là tội phạm chiến tranh hay không.

Khi được đại diện đảng Dân chủ Juan Vargas hỏi: “Ông có coi Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh không?”, Bessent trả lời: “Có”.

Khi Vargas hỏi, “Ông có đàm phán với một tội phạm chiến tranh không?” Bessent trả lời, “Tôi nghĩ đó là bản chất của ngoại giao, người ta phải đàm phán với cả hai bên, thưa ngài.”

Tòa Bạch Ốc trước đây đã chỉ trích giới lãnh đạo Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Vào ngày 1 tháng 5, Bessent đã đề xuất thiết lập lại quan hệ giữa Ukraine và Hoa Kỳ sau khi ký kết thỏa thuận khoáng sản song phương vào ngày 30 tháng 4.

[Kyiv Independent: 'War crimes have been committed' — Rubio admits Russia is an aggressor, declines to label Putin as a war criminal]

6. Putin thăm Kursk lần đầu tiên kể từ khi Mạc Tư Khoa tuyên bố giành lại được

Điện Cẩm Linh cho biết Putin đã đến thăm Tỉnh Kursk vào ngày 21 tháng 5, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi Mạc Tư Khoa tuyên bố đã giành lại khu vực biên giới của Nga từ lực lượng Ukraine.

Nga tuyên bố vào ngày 26 tháng 4 rằng họ đã hoàn thành chiến dịch “giải phóng” Kursk. Ukraine đã bác bỏ tuyên bố này, nói rằng giao tranh vẫn đang diễn ra ở một số khu vực.

Trong chuyến thăm, Putin đã gặp Quyền Thống đốc Alexander Khinshtein, nhà lãnh đạo các thành phố địa phương và các thành viên của các tổ chức tình nguyện. Ông cũng đã đến thăm Nhà máy điện hạt nhân Kursk, dịch vụ báo chí của Điện Cẩm Linh cho biết. Ngày chính xác của chuyến thăm không được tiết lộ.

Tổng thống Nga trước đó đã đến thăm Tỉnh Kursk vào tháng 3, đây là chuyến đi đầu tiên của ông tới khu vực này kể từ khi Ukraine bắt đầu cuộc tấn công vào mùa hè năm ngoái.

Ukraine đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk vào tháng 8 năm 2024, đánh dấu cuộc xâm lược quy mô lớn đầu tiên vào lãnh thổ Nga của các lực lượng nước ngoài kể từ Thế chiến II. Chiến dịch này nhằm phá vỡ một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của Nga vào Sumy lân cận và kéo lực lượng Nga ra khỏi Donetsk đang bị bao vây.

Được tăng cường bởi quân đội Bắc Hàn, Nga đã phát động chiến dịch tái chiếm khu vực này vào đầu tháng 3, buộc Ukraine phải rút lui khỏi phần lớn lãnh thổ đã chiếm được ban đầu, bao gồm cả thành phố Sudzha.

Theo nhóm giám sát DeepState của Ukraine, quân đội Ukraine vẫn giữ một số vị trí quan yếu ở các thị trấn Gornal và Oleshnya.

Bất chấp tuyên bố chiến thắng của Mạc Tư Khoa trong khu vực, Putin thừa nhận rằng “tàn dư” của lực lượng Ukraine vẫn còn ở Tỉnh Kursk.

[Kyiv Independent: Putin visits Kursk Oblast for first time since Moscow claimed its recapture]

7. Netanyahu chỉ trích Starmer, Macron và Carney về mối đe dọa trừng phạt Israel

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích dữ dội các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Canada sau khi họ đe dọa sẽ “áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu” đối với cuộc tấn công quân sự mới của Israel vào Gaza.

Trong một tuyên bố chung vào thứ Hai, nhà lãnh đạo chính phủ Anh, Pháp và Canada đã lên án tình hình nhân đạo “không thể chấp nhận được” tại vùng đất ven biển bị bao vây này và kêu gọi Israel dừng chiến dịch mới, tăng cường hơn nữa, diễn ra sau nhiều tháng phong tỏa và liên quan đến một làn sóng tấn công trên bộ và trên không mới.

“Israel đã phải chịu một cuộc tấn công tàn bạo vào ngày 7 tháng 10. Chúng tôi luôn ủng hộ quyền của Israel trong việc bảo vệ người Israel khỏi chủ nghĩa khủng bố. Nhưng sự leo thang này hoàn toàn không cân xứng”, ba nhà lãnh đạo cho biết.

“Chúng tôi sẽ không đứng nhìn khi chính quyền Netanyahu theo đuổi những hành động vô lý này. Nếu Israel không ngừng cuộc tấn công quân sự mới và dỡ bỏ các hạn chế về viện trợ nhân đạo, chúng tôi sẽ có thêm các hành động cụ thể để đáp trả”, họ nói thêm.

Sự can thiệp chung hiếm hoi của Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Mark Carney đã nhận được sự chỉ trích gay gắt từ Netanyahu, người đã chỉ trích ba nhà lãnh đạo trong một tuyên bố của riêng ông.

Netanyahu cho biết: “Bằng cách yêu cầu Israel chấm dứt cuộc chiến phòng thủ vì sự sống còn của chúng tôi trước khi những kẻ khủng bố Hamas ở biên giới của chúng tôi bị tiêu diệt và bằng cách yêu cầu thành lập một nhà nước Palestine, các nhà lãnh đạo ở Luân Đôn, Ottowa và Paris đang đưa ra một giải thưởng lớn cho cuộc tấn công diệt chủng vào Israel vào ngày 7 tháng 10 trong khi lại mời gọi thêm nhiều hành động tàn bạo như vậy nữa”.

“Israel chấp nhận tầm nhìn của Tổng thống Trump và kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo Âu Châu làm như vậy”, ông nói thêm, dường như ám chỉ đến đề xuất của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về việc tiếp quản Gaza, trục xuất người Palestine thường trú và tái phát triển nơi này. Kế hoạch này đã bị các nước Trung Đông và Âu Châu và Liên Hiệp Quốc bác bỏ, họ đã cảnh báo chống lại “bất kỳ hình thức thanh trừng sắc tộc nào”, nhưng kế hoạch đó đã nhanh chóng được Netanyahu chấp nhận.

Tuyên bố của Anh-Pháp-Canada phản ánh thái độ bất bình chung của các đồng minh phương Tây của Israel đối với cuộc tấn công quân sự dữ dội của nước này vào Gaza, cuộc tấn công mà Israel tiến hành sau cuộc đột kích xuyên biên giới của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 khiến 1.200 người Israel thiệt mạng.

Macron đã công khai bất đồng với Netanyahu vào năm ngoái sau khi kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Israel và một lần nữa vào tháng trước khi ông đưa ra đề xuất công nhận nhà nước Palestine của Pháp.

Gần đây, Hòa Lan cũng kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu xem xét lại quan hệ đối tác với Israel về tình hình nhân đạo thảm khốc ở Gaza, nơi hơn 50.000 người Palestine đã thiệt mạng và hàng trăm ngàn người bị đẩy đến bờ vực chết đói và bệnh tật do cuộc tấn công quân sự của Israel.

Pháp đã tăng áp lực vào thứ Ba, tuyên bố rằng họ ủng hộ đề xuất của Hòa Lan về việc xem xét lại thỏa thuận liên kết Liên Hiệp Âu Châu với Israel. “Tôi kêu gọi Ủy ban Âu Châu xem xét thỏa thuận này”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cho biết.

“ Thỏa thuận này có chiều hướng chính trị và cũng có chiều hướng thương mại. Không ai có lợi khi chấm dứt. Nhưng tình hình ở Gaza buộc chúng ta phải tăng cường áp lực”, ông nói trên đài phát thanh Pháp.

[Politico: Netanyahu blasts Starmer, Macron and Carney over Israel sanctions threat]

8. Tổng thống Donald Trump từ bỏ một trong những lời hứa quan trọng của mình

Tổng thống Trump đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các nhà lãnh đạo Âu Châu khác rằng Mạc Tư Khoa và Kyiv phải tự mình chấm dứt cuộc chiến do Vladimir Putin phát động.

Lời tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump rằng ông có thể chấm dứt cuộc chiến do Putin phát động trong vòng 24 giờ đã tan thành mây khói khi đối mặt với thực tế, nhưng sau hơn 100 ngày tại nhiệm, tổng thống Hoa Kỳ vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng của mình với tư cách là người đàm phán chính.

Lời biện minh rõ ràng của Tổng thống Trump cho việc Putin vắng mặt trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul tuần trước và báo cáo rằng ông coi việc làm trung gian hòa bình là nhiệm vụ của Nga và Ukraine sẽ làm tăng thêm mối lo ngại rằng ông sẽ bỏ cuộc, chỉ vài ngày sau khi đe dọa trừng phạt nếu Nga từ chối cùng Ukraine tuyên bố lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày.

Sau nhiều lần hứa rằng ông có thể là trung gian chấm dứt chiến tranh, tờ New York Times cho biết Tổng thống Trump đã thông báo với Tổng thống Zelenskiy và các đồng minh của ông rằng hòa bình phụ thuộc vào Nga và Ukraine, là điều mà tờ báo này cho rằng cho thấy ông đang xa lánh tiến trình này.

Trích dẫn nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán, Tờ New York Times cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ không tham gia lệnh trừng phạt của Âu Châu cho dù Putin từ chối ngừng bắn vì những cơ hội thương mại mà Nga mang lại.

John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Kyiv và Mạc Tư Khoa, cho biết việc Tổng thống Trump từ bỏ chính sách trừng phạt trước tiên sẽ gây sốc cho Âu Châu, những nước đã bị “lừa như những kẻ ngốc”.

Vuk Vuksanovic, cộng sự tại tổ chức tư vấn LSE Ideas thuộc Trường Kinh tế Luân Đôn, nói với Newsweek: “Tổng thống Zelenskiy không thể bị coi là kẻ ngốc vì ông ấy rất thận trọng và chưa bao giờ coi Tổng thống Trump là đồng minh toàn diện”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm thứ Ba rằng Washington vẫn đang cung cấp vũ khí cho Ukraine và Tổng thống Trump đang cố gắng chấm dứt một cuộc chiến mà “không bên nào có thể chiến thắng”.

Kể từ cuộc tranh cãi tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 2, Tổng thống Zelenskiy đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn vô điều kiện của Tổng thống Trump, ký một thỏa thuận khoáng sản và đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự các cuộc đàm phán do Putin triệu tập, nhưng nhà lãnh đạo Nga không tham dự.

Mối lo ngại rằng sự hối hả của Tổng thống Trump trong việc đạt được thỏa thuận nhanh chóng bằng mọi giá sẽ trao cho Putin lợi thế đã được chứng minh rõ ràng khi tổng thống Hoa Kỳ từ chối đe dọa áp thuế và trừng phạt Nga cho dù nước này từ chối cùng Ukraine tuyên bố lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày.

Tổng thống Trump dường như đã biện minh cho việc nhà lãnh đạo Nga không tham dự cuộc đàm phán ở Istanbul và rằng “sẽ không có gì xảy ra cho đến khi Putin và tôi gặp nhau”.

Trước đó, khi đề cập rằng ông có thể hủy bỏ các cuộc đàm phán, Tổng thống Trump đã nói sau cuộc điện đàm với Putin rằng Nga và Ukraine phải tự tìm ra giải pháp cho cuộc chiến, một lập trường được củng cố bởi báo cáo của tờ New York Times.

Foreman cho biết Tổng thống Trump đã từ bỏ đường lối của chính quyền ông kể từ Tháng Giêng bằng ngoại giao con thoi, đạt được lệnh ngừng bắn và đàm phán kèm theo các mối đe dọa trừng phạt nhiều hơn và thay vào đó để Putin tha hồ trì hoãn.

Foreman nói với Newsweek hôm thứ Tư rằng việc Tổng thống Trump ám chỉ Hoa Kỳ đang từ bỏ vai trò trung gian cũng cho thấy bản năng tự bảo vệ của ông này khi không thể mang lại hòa bình như đã hứa.

Foreman nói thêm rằng “Mạc Tư Khoa đang hân hoan và phải vui mừng khi các yêu cầu của Putin không thay đổi, quân đội của ông tiến quân sau khi tránh được lệnh ngừng bắn và lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ với lời hứa mơ hồ về việc đàm phán, và đã chia rẽ Hoa Kỳ và Âu Châu”.

Vuksanovic nói với Newsweek rằng Tổng thống Trump đang cố gắng giảm thiểu những lời chỉ trích về vai trò của ông trong các cuộc đàm phán bằng cách chuyển trách nhiệm cho Nga và Ukraine.

Ông cho biết điều tốt nhất mà nhà lãnh đạo Ukraine có thể hy vọng là có Tổng thống Trump làm trung gian, người sẽ cố gắng chấm dứt chiến tranh theo những điều khoản ít gây đau đớn nhất cho Ukraine.

Nhưng Nga chỉ đang câu giờ để hoàn thành nhiệm vụ của mình ở khu vực Donbas của Ukraine vì Kyiv cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump rằng Mạc Tư Khoa là trở ngại cho một thỏa thuận hòa bình khi họ tìm kiếm sự hỗ trợ thêm từ Hoa Kỳ, Vuksanovic nói thêm.

Khi Putin từ chối ký lệnh ngừng bắn 30 ngày vào thứ Hai, Tổng thống Trump đã không áp đặt thêm lệnh trừng phạt vì tổng thống Hoa Kỳ không muốn gây nguy hiểm cho các cơ hội kinh tế mà Nga mang lại, một quan chức Tòa Bạch Ốc nói với tờ Times.

Chính phủ Anh tuyên bố sẽ tham gia Liên Hiệp Âu Châu trong gói trừng phạt gồm 17 lệnh trừng phạt chống lại Nga không đề cập đến Hoa Kỳ Một quan chức Âu Châu nói với tờ NYT rằng Tổng thống Trump “có vẻ không bao giờ đầu tư” vào việc tham gia các biện pháp nếu Putin từ chối tuân thủ lệnh ngừng bắn vô điều kiện, với các mối đe dọa “phần lớn chỉ mang tính hình thức”, theo tờ báo.

Điều này để lại sự chia rẽ giữa Washington và các thành viên NATO đang tiến hành các lệnh trừng phạt. Foreman cho biết điều này khiến Ukraine rất dễ bị tổn thương khi Tổng thống Zelenskiy tìm cách giữ cho Hoa Kỳ tham gia và chuyển từ vị thế bảo đảm an ninh sang ngừng bắn để đàm phán, chỉ để bị thất vọng.

[Newsweek: Donald Trump Gives Up on One of His Major Promises]

9. Vệ binh Quốc gia cho biết: 6 binh sĩ thiệt mạng, hơn 10 người bị thương trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở Tỉnh Sumy

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine cho biết một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga nhằm vào một trường bắn ở Tỉnh Sumy vào ngày 20 tháng 5 đã khiến sáu quân nhân thiệt mạng và hơn 10 người bị thương.

“Một cuộc điều tra chính thức về thảm kịch này đang được tiến hành”, Vệ binh Quốc gia cho biết trong một tuyên bố.

Đơn vị này lưu ý rằng Bộ tư lệnh Vệ binh Quốc gia đã thiết lập các giao thức và ban hành chỉ thị để ứng phó với các mối đe dọa không kích và tránh tập trung nhân sự không cần thiết.

“Người chỉ huy đơn vị đã bị đình chỉ công tác và thông tin cần thiết đã được chuyển cho các cơ quan thực thi pháp luật”, tuyên bố viết.

Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga đã tấn công cộng đồng Shostka ở Tỉnh Sumy vào buổi chiều ngày 20 tháng 5, đánh trúng một doanh nghiệp, chính quyền quân sự khu vực đã báo cáo vào thời điểm đó. Không quân cũng đã đưa ra cảnh báo về các cuộc tấn công trên không của Nga ở các khu vực đông bắc Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin một bãi tập quân sự của Ukraine đã bị hỏa tiễn Iskander tấn công.

Cả Ukraine và Nga đều hiếm khi thừa nhận các cuộc tấn công thành công của phe đối lập vào các cơ sở quân sự và doanh trại của họ.

[Kyiv Independent: 6 soldiers killed, over 10 injured in Russian missile strike in Sumy Oblast, National Guard says]

10. Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ giới thiệu nghị quyết lưỡng đảng yêu cầu trả lại trẻ em Ukraine bị bắt cóc

Trong một động thái hiếm hoi thể hiện sự đoàn kết lưỡng đảng, một nhóm thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đưa ra một nghị quyết kêu gọi trả lại hàng ngàn trẻ em Ukraine bị Nga bắt cóc, đồng thời thúc giục không được ký kết bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine cho đến khi tất cả trẻ vị thành niên được hồi hương an toàn.

Nghị quyết lên án những gì được mô tả là hành vi bắt cóc có hệ thống, chuyển giao cưỡng bức và bắt cóc bất hợp pháp trẻ em Ukraine của Nga. Nghị quyết nêu rõ rằng “Việc Nga bắt cóc và Nga hóa trẻ em Ukraine chứng tỏ ý định diệt chủng của Nga là xóa bỏ quốc gia và bản sắc Ukraine”.

Nỗ lực này đang được dẫn đầu bởi một nhóm gồm sáu thượng nghị sĩ, bao gồm các thành viên Cộng hòa Charles E. Grassley, Roger Wicker, Joni Ernst và Rick Scott, và các thành viên Dân chủ Amy Klobuchar, Dick Durbin và John Fetterman. Nghị quyết nhấn mạnh rằng cuộc xâm lược Ukraine đã làm tăng nguy cơ trẻ em dễ bị tổn thương trước nhiều mối đe dọa, lưu ý rằng “cuộc xâm lược Ukraine của Liên bang Nga đã làm tăng đáng kể nguy cơ trẻ em bị buôn bán và bóc lột, lao động trẻ em, bạo lực tình dục, nạn đói, thương tích, chấn thương, thiếu giáo dục và nơi trú ẩn, và tử vong”.

Theo chính quyền Ukraine, tính đến ngày 16 tháng 4, hơn 19.500 trẻ em đã được xác nhận là bị trục xuất bất hợp pháp hoặc bị chuyển đến Nga, Belarus hoặc các khu vực của Ukraine dưới sự xâm lược của Nga. Cho đến nay, chỉ có 1.274 trẻ em được trả lại các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.

Nghị quyết coi việc bắt cóc trẻ em là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế và Công ước diệt chủng, trích dẫn Điều 147 của Công ước Geneva lần thứ tư và Điều II(e) của Công ước diệt chủng, trong đó cấm việc cưỡng ép chuyển giao trẻ em từ nhóm này sang nhóm khác.

Báo cáo về nạn buôn người năm 2024 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận tình trạng tuyển dụng trẻ em làm lính của Nga và mô tả quốc gia này là trung tâm toàn cầu về nạn buôn người do nhà nước bảo trợ.

Razom for Ukraine, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine, đã tán thành nghị quyết này.

Tổ chức này tuyên bố, “Đây là một bước quan trọng trong lời hứa ngày 19 tháng 3 của Tổng thống Trump nhằm bảo đảm trẻ em Ukraine bị Nga bắt cóc sẽ được trả về với gia đình. Bằng cách bắt cóc hơn 19.546 trẻ em từ Ukraine, Nga đồng thời xóa bỏ danh tính của những đứa trẻ này là người Ukraine trong khi vẫn giữ chúng làm con tin. Hoa Kỳ phải nói rõ rằng trẻ em không phải là con bài mặc cả và phải được trả về ngay lập tức.”

Đại sứ John Herbst, giám đốc cao cấp của Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, cho biết “Những đứa trẻ bị bắt cóc của Ukraine đang trông cậy vào Quốc hội và Tổng thống Trump để yêu cầu Mạc Tư Khoa trả tự do cho chúng. Chấm hết.”

“Theo dữ liệu có sẵn, Nga đã bắt cóc hơn 19.400 trẻ em Ukraine kể từ năm 2022 — một tội ác vô lý. Giải thoát trẻ em Ukraine phải là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán nào, và tôi cảm ơn Tổng thống Trump vì đã bày tỏ mong muốn giúp giải thoát trẻ em Ukraine.”

Mykola Kuleba, Tổng giám đốc điều hành và nhà sáng lập của Save Ukraine và cựu thanh tra viên cho trẻ em tại Ukraine, đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đưa trẻ em trở về. “Là một nhà lãnh đạo phi lợi nhuận làm việc để giải cứu và đoàn tụ những đứa trẻ này với gia đình, tôi biết ơn mọi tiếng nói được nêu ra thay mặt cho chúng. Chúng tôi vô cùng trân trọng những nhà lãnh đạo thúc giục hành động để bảo đảm rằng những đứa trẻ này được đưa về an toàn và cấp bách”, ông nói.

Nghị quyết này cũng tham chiếu đến những phát biểu trước đó của cựu Tổng thống Trump, người đã tuyên bố rằng ông có thể thuyết phục Putin thả những đứa trẻ bị bắt cóc. “Tổng thống Trump đã hứa... sẽ giúp bảo đảm những đứa trẻ đó được trở về nhà”, Ngoại trưởng Marco Rubio và Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz khi đó cho biết.

Năm 2022, Putin đã ký một sắc lệnh giúp các gia đình Nga dễ dàng hơn trong việc nhận con nuôi người Ukraine. Chính phủ Nga đã sửa đổi luật nhận con nuôi để đẩy nhanh việc đưa trẻ em bị bắt cóc đến các gia đình người Nga, thường là sau khi tước bỏ tên, ngôn ngữ và quốc tịch của chúng.

Đài quan sát xung đột của Bộ Ngoại giao báo cáo rằng ít nhất 35.000 trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi những cuộc chuyển giao cưỡng bức này. Các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu này rất quan trọng đối với những nỗ lực đang diễn ra của Ukraine nhằm xác định vị trí và hồi hương trẻ em bị bắt cóc.

Vào tháng 3 năm 2023, Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Putin và Ủy viên Quyền Trẻ em Nga Maria Lvova-Belova vì vai trò của họ trong việc trục xuất bất hợp pháp trẻ em Ukraine. Hoa Kỳ cũng đã trừng phạt ít nhất 32 cá nhân và ba thực thể của Nga vì liên quan đến các vụ bắt cóc này và các hành vi vi phạm nhân quyền liên quan.

Nghị quyết lưỡng đảng này cho thấy cả các nhà lập pháp Cộng hòa và Dân chủ đều thống nhất lên án hành động của Nga và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho trẻ em Ukraine.

[Kyiv Independent: US senators introduce bipartisan resolution demanding return of abducted Ukrainian children]