Ngày 22-05-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bình An của Thầy và của Con
Nguyễn Trung Tây
02:39 22/05/2025
Bình An của Thầy và của Con (John 14:27)
Nguyễn Trung Tây


“Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14:27).
Khi sắp rời khỏi trần gian, Đức Giêsu biết các môn đệ sẽ đối diện với sợ hãi, chia ly và thử thách. Ngài không hứa rằng họ sẽ không đau khổ, nhưng Ngài hứa ban một điều lớn hơn cả sự an toàn. Đó là “bình an của Thầy.” Không phải là một bình an tạm bợ, một “bình an của tôi” được thế gian tạo ra. Nhưng “bình an của Thầy” với nội tâm sâu xa, phát xuất từ niềm tin vào một Thiên Chúa thủy chung.

—“Bình an của thế gian” phụ thuộc vào hoàn cảnh:
Khi mọi việc trôi chảy, tôi thấy yên tâm.
Khi không ai nói xấu, không ai làm phiền, tôi thấy dễ chịu.
Khi gia đình không có xáo trộn, tài chính ổn định, tôi cảm thấy an toàn.
Nhưng, khi những điều đó bị xáo trộn, bệnh tật gõ cửa, hiểu lầm xảy ra, tương quan đổ vỡ, “bình an của thế gian” biến mất.

Nhưng,
“Bình an của Thầy” thì không như thế.
Bình an của Thầy ở trong tôi, trong khi đau khổ và nghịch cảnh vẫn hiện diện ngập tràn trong đời và trong hồn.
Bình an của Thầy giúp tôi thêm nghị lực, trung kiên vác thập giá nghịch cảnh. Chứ tôi không trốn tránh thập giá, bởi tôi hy vọng sau thập giá đời là ánh sáng hồi sinh.

Một nữ tu trẻ từng tâm sự rằng chị bị một số chị em hiểu lầm và xa lánh trong dòng. Ban đầu, chị đau khổ, tức giận, sau cùng muốn xin chuyển đổi cộng đoàn. Nhưng sau một thời gian cầu nguyện và suy gẫm lời Chúa, chị quyết định ở lại, âm thầm phục vụ và giữ lòng hiếu hòa. Một ngày nọ, một chị đồng tu từng hiểu lầm chị đến xin lỗi, và nói: “Em không biết làm sao chị vẫn luôn tươi cười và bình tĩnh như vậy.”

Người nữ tu trẻ trả lời đơn sơ: “Thưa chị! Bởi vì bình an của em không đến từ việc các chị yêu hay ghét em, mà từ việc em biết bình an của Chúa vẫn ở với em mỗi ngày.”

Một người cha công nhân, như bao nhiêu người trong xóm, bị mất việc trong thời kỳ dịch bệnh. Trong khi hàng xóm lo lắng và thất vọng, người cha vẫn giữ được vẻ bình thản. Mỗi sáng, anh quyết định dậy sớm đi lễ, suy niệm Kinh Thánh và cầu nguyện với vợ con.

Khi được hỏi vì sao anh không sợ, anh nói:
“Ồ không! Tôi sợ chứ, bởi tôi không biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng tôi nhận được bình an của Đấng nắm giữ hình thức và nội dung của ngày mai.”

Người cha mất việc không có tiền, nhưng anh có bình an, không phải bình an của trần gian, nhưng bình an của Thầy. Bình an của một người biết mình không vác thánh giá đời lặng lẽ và vác một mình.

Suy niệm
Những khi tôi mất bình an tôi, tôi quay đến với bình an của Thầy qua những lời kinh nguyện.

Tôi cầu nguyện xin bình an của Thầy, bởi bình an của Thầy không tự nhiên mà có. Bình an của Thầy đến từ mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa. Bởi thế tôi dành thời gian để thinh lặng lắng nghe tiếng Thiên Chúa trong Lời Ngài.

Những khi nghịch cảnh gõ cửa tâm hồn, tôi không than phiền, gieo lo âu, gây thêm chia rẽ bất hòa. Tôi chọn lựa tránh bị cuốn theo sóng gió tiêu cực, tạo ra từ tha nhân. Tôi giữ tâm hồn hiền hòa. Tôi khiêm tốn cầu nguyện cho người tạo nghịch cảnh tôi, thay vì đáp trả bằng cay đắng. Và tôi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con không hiểu, nhưng con tin.” Trong giây phút đen tối của nghịch cảnh, tôi vẫn kiên nhẫn đợi chờ giây phút ánh sáng.

Những khi hận thù mọc rễ trong tâm, tôi biết hận thù là kẻ thù lớn nhất của bình an. Bởi thế, tôi học tha thứ, bởi mong muốn nhận được món quà bình an của Thầy.

Đức Giêsu không hứa rằng đời sống Kitô hữu sẽ dễ dàng. Nhưng Ngài hứa một điều chắc chắn, “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”

Tôi đón nhận bình an ấy mỗi ngày trong cầu nguyện, trong khiêm nhường, trong đức tin như người nữ tu bị hiểu lầm, như người cha bị mất việc.

Và khi tôi đã nhận được, để rồi sở hữu bình an của Thầy, tôi hy vọng trở thành khí cụ bình an tới tha nhân, giống như thánh Phanxicô Assisi đã từng cầu xin:
“Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.”
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 22/05/2025

132. Anh tuy đã thuộc về thượng giới, nhưng phải luôn trăn trở vì cảm thấy mình thấp hèn vì sống trong dơ bẩn.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:16 22/05/2025
48. TỐN TIỀN MUA BÁNH

Có một phú ông rất bủn xỉn keo kiết, muốn mời thầy giáo đến dạy học cho con cháu, nhưng vừa không muốn cung cấp cơm ăn, và tốt nhất là mời loại thầy giáo ăn cơm không có thịt rượu.

Có một thầy giáo nọ thường thích ăn cơm nhạt, mỗi ngày chỉ ăn ba bát cháo, có người biết vậy thì giới thiệu cho phú ông.

Phú ông trầm tư rất lâu rồi nói với thầy giáo:

- “Nấu cháo cũng là chuyện lãng phí, như thế này nhé, mỗi bữa cháo tốn hai xu tiền, chi bằng tôi đưa cho ông hai cái bánh để ăn. Giả như sức ăn của ông ít, thì có thể tiết kiệm được một xu tiền, như thế chẳng lẽ ông và tôi đều không có lợi sao?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 48:

Người có lòng dạ keo kiết bủn xỉn thì luôn tính đến chuyện bủn xỉn với tất cả mọi người, người có tâm địa tốt thì luôn tìm kiếm điều tốt để làm giúp ích cho tha nhân.

Giàu có không phải là tội, nhưng giàu có mà keo kiết với tha nhân, bủn xỉn với mình thì chắc chắn là lỗi đức bác ái, và phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về việc keo kiết bủn xỉn của mình trong ngày phán xét…

Có một vài người Ki-tô hữu chỉ biết rằng Thiên Chúa là tình yêu mà quên mất rằng Ngài cũng là Đấng rất công bằng, Ngài yêu thương ban cho chúng ta thì Ngài cũng công bằng đòi ta trả lại cho Ngài qua việc phục vụ và giúp đỡ tha nhân, như Đức Đức Chúa Giê-su đã nói: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại,. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dần, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. vì anh em cho bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Bởi vì yêu mến mà không có sự công bằng thì phương hại đến đức ái và trở thành thiên vị; keo kiết bủn xỉn là tảng đá lớn ngăn cách con người đi tới thiên đàng…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Trùng khớp ý chí
Lm Minh Anh
19:56 22/05/2025
TRÙNG KHỚP Ý CHÍ
“Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em!”.

“Cho tôi 100 người yêu mến Thiên Chúa hết lòng và không sợ hãi gì ngoài tội, tôi sẽ đem cả thế giới về cho Chúa Kitô! Đó là những con người yêu thương, phục vụ đến chết mà không cần tính toán, không cần phân biệt, không sợ mất mát!” - John Wesley.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu đem ý tưởng của Wesley áp dụng vào lời Chúa Giêsu hôm nay, một câu hỏi bất ngờ có thể nảy sinh, “Như vậy, tình yêu bị điều khiển?”. “Không! Tình yêu không đơn thuần là một tình cảm; nhưng là một hành động của ý chí. Khi ý chí con người hành động trùng khớp với ý chí Chúa Kitô - ‘trùng khớp ý chí’ - nó có thể yêu như Ngài yêu mà không cần tính toán, không cần phân biệt, không sợ mất mát!” - Bênêđictô XVI.

Trong “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, ngài viết, “Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta một cảm giác mà bản thân chúng ta không có khả năng tạo ra!”. Chúng ta không thể được lệnh “phải thích” ai đó, hoặc “phải lòng” ai đó; nhưng bạn và tôi có thể “chọn yêu” ngay cả kẻ thù của mình! Quan trọng hơn, một khi cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, thì chính niềm vui “được yêu” đó sẽ cởi trói con tim chúng ta, khiến chúng ta muốn đáp lại tình yêu Ngài bằng cách yêu như Ngài yêu! “Nếu bạn tìm kiếm một mẫu gương của tình yêu: ‘Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình’ thì Chúa Kitô trên thập giá là một mẫu gương ngời sáng nhất. Và nếu Ngài đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, thì sẽ không khó để chúng ta chịu đựng bất kỳ khó khăn nào phát sinh vì Ngài!” - Tôma Aquinô.

Tình yêu thương dẫn đến một sự ‘trùng khớp ý chí’ - “một cộng đồng ý chí và suy nghĩ”; nghĩa là tôi muốn biết bạn tôi đang nghĩ gì và mong muốn gì để tôi có thể chia sẻ những suy nghĩ đó và thậm chí, thoả mãn chúng! Tình yêu thương đó đã thể hiện trong Hội Thánh sơ khai. Các tông đồ đã đồng tâm nhất trí, “không đặt thêm một gánh nặng nào khác” cho những người trở lại; nói cách khác, họ không cần phải “cắt bì”, ngoài “mấy điều cần kíp” phải giữ - bài đọc một. Nhờ đó, các tín hữu reo mừng, “Lạy Thiên Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em!”. Chúa Kitô yêu thương từng người chúng ta trước bằng một tình yêu ‘không cần tính toán’; Ngài yêu mỗi người mà ‘không cần phân biệt’ chúng ta tốt hay xấu hoặc rồi sẽ xấu hơn; Ngài yêu chúng ta đến nỗi hiến trao cả thân mình mà ‘không sợ mất mát’ cho đến giọt máu cuối cùng. Xác tín được điều đó một cách sâu sắc, chúng ta mới có thể luôn mong ước cho mình có một ý chí trùng khớp với ý chí của Chúa Kitô, nên một với Ngài. Bấy giờ, con tim của chúng ta sẽ ‘cùng nhịp’ với con tim Ngài, thổn thức của Ngài sẽ là thổn thức của chúng ta. Và chính lúc đó, chúng ta mới có thể yêu như Ngài yêu, yêu cho đến cùng, cho đến dám chết cho người mình yêu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì tim con trùng nhịp với tim Chúa, ý chí con trùng khớp với ý chí của Chúa. Và con không sợ hãi chi ngoài tội; nhờ đó, con đem thế giới về cho Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Vui: Đức Giáo Hoàng Leo XIV bổ nhiệm Đức Cha Michael Phạm Minh Cường kế nhiệm Đức Hồng Y McElroy tại San Diego
Vũ Văn An
14:22 22/05/2025

Theo tin Tòa Thánh, bổ nhiệm giám mục chính tòa đầu tiên của Đức Leo XIV là nâng Đức Cha Michael Phạm Minh Cường, vốn là Giám Mục Phụ Tá của San Diego từ năm 2023 lên hàng Giám mục chính tòa, kế nhiệm Đức Hồng Y McElroy hiện là Tổng giám mục của Thủ đô Washington.

Sau đây là tiểu sử của Đức Tân Giám Mục Chính Tòa San Diego, dựa vào tài liệu của Wikipedia:



Michael Phạm Minh Cường (sinh ngày 27 tháng 1 năm 1967) là một giám mục Công Giáo gốc Việt, phục vụ với tư cách là Giám Mục Phụ Tá cho Giáo phận San Diego từ năm 2023. Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục San Diego vào năm 2025.

Michael Phạm sinh ngày 27 tháng 1 năm 1967 tại Đà Nẵng, khi đó là Nam Việt Nam. Năm 1980, khi Phạm 13 tuổi, gia đình ngài đã chạy trốn khỏi Việt Nam, đến một trại tị nạn ở Malaysia. Gia đình di cư đến Hoa Kỳ vào năm 1981, định cư tại Blue Earth, Minnesota. Họ chuyển đến San Diego vào năm 1985. Phạm tốt nghiệp trường trung học San Diego và sau đó vào Đại học bang San Diego. Ngài tốt nghiệp với bằng Cử nhân Khoa học chuyên ngành kỹ thuật hàng không.

Trong khi học thạc sĩ tại Đại học bang San Diego, Phạm quyết định đi tu. Sau đó, ngài theo học tại Chủng viện Saint Patrick ở Menlo Park, California. Ngài nhận bằng Cử nhân Thần học Hệ thống và bằng Thạc sĩ Thần học từ trường Saint Patrick.

Vào ngày 25 tháng 6 năm 1999, Phạm được Đức cha Robert Henry Brom truyền chức linh mục cho Giáo phận San Diego tại Nhà thờ Saint Michael ở Poway, California.

Sau khi thụ phong năm 1999, giáo phận đã chỉ định Phạm làm cha phó xứ tại Giáo xứ St. Mary, Ngôi sao Biển ở Oceanside, California. Ngài rời St. Mary vào năm 2001 để trở thành giám đốc ơn gọi cho giáo phận. Năm 2004, giáo phận bổ nhiệm Phạm làm cha xứ tại giáo xứ Holy Family ở San Diego. Ngài sẽ phục vụ tại Holy Family trong mười năm tiếp theo.

Năm 2014, giáo phận chuyển Phạm đến Giáo xứ St. Therese ở San Diego để phục vụ với tư cách là cha xứ ở đó. Sau hai năm, ngài được chuyển đến Giáo xứ Good Shepherd ở San Diego. Năm 2017, Giám mục Robert McElroy bổ nhiệm Phạm làm đại diện giám mục cho các cộng đồng dân tộc và liên văn hóa và năm 2018 là tổng đại diện. Ngài đã hoàn thành thạc sĩ Thần học Thánh tại Chủng viện St. Patrick vào năm 2020.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Phạm làm Giám Mục Phụ Tá San Diego vào ngày 6 tháng 6 năm 2023. Vào ngày 28 tháng 9 năm 2023, Phạm được tấn phong làm giám mục tại Nhà thờ St. Therese of Carmel ở San Diego bởi ĐC McElroy, với các Giám mục Joseph J. Tyson và John P. Dolan làm đồng tấn phong. Với tư cách là Giám Mục Phụ Tá, Phạm phục vụ với tư cách là đại diện cho hàng giáo sĩ.

Trên huy hiệu của ngài có một tổ ong, tượng trưng cho Thánh John Chrysostom, vị thánh bổn mạng rửa tội của ngài.

Vào ngày 22 tháng 5 năm 2025, Phạm được Đức Giáo Hoàng Leo XIV bổ nhiệm làm Giám mục San Diego.
 
Thánh Augustinô, Bổn mạng của Thời đại
Vũ Văn An
14:43 22/05/2025

Francis X. Maier, trên The Catholic Thing (*), ngày 21 tháng 5 năm 2025, cho hay: Đầu tháng này, tôi đã trở về sau hai tuần ở Rome để đưa tin về quá trình chuẩn bị và kết thúc mật nghị gần đây. Đó là một trải nghiệm phi thường. Vào ngày trước khi Hồng Y Prevost được bầu, một người bạn và đồng nghiệp tuyệt vời - Jayd Henricks - đã hỏi tôi rằng tôi nghĩ một giáo hoàng mới nên lấy tên giáo hoàng là gì. Tôi đã nói là Augustinô. Hơn cả Benedict hay Dominic hay bất cứ vị thánh nào khác, Thánh Augustinô là vị bổn mạng rõ ràng cho thời đại của chúng ta. Tất nhiên, chúng ta đã không có một "Giáo hoàng Augustinô". Nhưng chúng ta đã có một Giáo hoàng Dòng Thánh Augustinô. Tôi nghĩ - và tôi hy vọng - điều đó có ý nghĩa. Và tôi sẽ cố gắng giải thích lý do tại sao.

Nhìn lại triều Giáo hoàng Phanxicô, tôi tự hỏi liệu một trong những chức năng chính, mặc dù không cố ý, của triều đại này có phải là tạo ra sự tách biệt rõ ràng giữa giai đoạn hậu công đồng và các xung đột của nó, và một điều gì đó sống động, hữu cơ và mới mẻ trong triều đại Giáo hoàng Leo hay không. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ hỗn loạn. Nó tương tự như cuộc Cải cách - không phải ở các chi tiết lịch sử, mà ở các động lực và động lực cơ bản của nó. Đó là một sự tái cấu trúc sâu sắc về cách chúng ta suy nghĩ về thế giới, tổ chức xã hội và ý nghĩa của việc trở thành con người - tất cả đều được thúc đẩy bởi các công nghệ khiến máy in của Gutenberg trông giống như một món đồ chơi.

Trên thực tế, chúng ta đang ở cuối một thời đại và bắt đầu một thời đại khác. Và đó chính là chỗ Thánh Augustinô thấy mình là giám mục của Hippo, khi thế giới La Mã cổ thời sụp đổ. Thánh Augustinô luôn là người theo chủ nghĩa hiện thực, nhưng cũng là người của hy vọng. Ngài đã chăn dắt, động viên và phục vụ trung thành cho dân mình trong thời kỳ vô cùng khó khăn, đồng thời tạo ra một số tư tưởng sáng suốt và hiệu quả nhất trong lịch sử loài người. Nếu Đức Leo XIV có thể mang lại một phần sự giàu có đó thông qua việc đào tạo Augustinô của mình, Giáo hội sẽ được chữa lành và phát triển mạnh mẽ.

Chúng ta cần cuộc sống mới đó. Chúng ta cần nó vì nhiều người trong chúng ta – quá nhiều người trong chúng ta ở thế hệ của tôi – sống đức tin của mình chủ yếu như một quy tắc thực tế về hành vi hàng ngày và đạo đức xã hội tốt. Nhưng đó không phải là Kitô giáo, và chúng ta không thực sự cần Chúa Giêsu Ki-tô hay Thánh giá của Người cho bất cứ điều gì trong số đó. Người Công Giáo ở đất nước này trong lịch sử là những người ngoài cuộc và không được chào đón. Vì vậy, chúng ta đã làm việc rất chăm chỉ trong thế kỷ qua để được chấp nhận vào nền văn hóa Mỹ. Theo một nghĩa nào đó, đó đã trở thành tôn giáo thực sự của chúng ta. Và chúng ta đã thành công một cách đặc biệt tốt trong việc đó – tốt đến nỗi nhiều người trong chúng ta trung thành với "người Mỹ" hơn là "người Công Giáo". Kết quả có thể dự đoán được.

Phần lớn cuộc sống của người Mỹ ngày nay là sự pha trộn giữa linh đạo vanilla không đòi hỏi nhiều thời gian và sự chú ý của chúng ta, và một chủ nghĩa vô thần tiêu dùng thực tế đòi hỏi chúng. Sự suy giảm số lượng người Công Giáo trên toàn quốc chỉ đơn giản là sự thật đang dần lộ diện thông qua những lớp tự lừa dối mà chúng ta đã tích lũy với tư cách là một Giáo hội trong hơn nửa thế kỷ. Sự thật có thể đau đớn, nhưng không bao giờ là xấu. Sự thật làm chúng ta được tự do: tự do thay đổi; tự do nhớ mình là người Công Giáo và lý do chúng ta ở đây; và tự do làm tốt hơn.

Quan điểm của tôi là: Những gì chúng ta chọn hoặc không chọn, những gì chúng ta làm hoặc không làm đều quan trọng. Thánh Augustinô đã nói rằng trung thành trong những điều nhỏ nhặt là một điều lớn lao, và những điều nhỏ nhặt chúng ta làm có thể gây ra hậu quả rất lớn. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là thành công, mà là làm chứng. Khôi phục lại sự khiêm nhường về sự bội giáo thầm lặng của chính chúng ta, nhu cầu hoán cải sâu sắc hơn của chính chúng ta và sự sáng suốt về những thách thức đối với đời sống Công Giáo ở đất nước chúng ta sắp tới - những điều này bắt đầu cho sự đổi mới của Giáo hội và quốc gia chúng ta. Và chúng ta có thể cảm ơn các phương tiện truyền thông và các nhà lãnh đạo chính trị hiện tại, ở cả hai đảng, vì đã thúc đẩy quá trình đó cùng với món quà vô tình là sự dối trá của họ.

Ông Maier tại Christendom College [ảnh: Ảnh chụp màn hình YouTube]


Lịch sử là một người thầy tuyệt vời, và một trong những bài học của nó là: Dưới áp lực, những kẻ yếu đuối sẽ rời đi. Nhưng những người trung thành sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, cam kết hơn với sự thật và do đó tự do hơn. Đó luôn là câu chuyện của Giáo hội. Và Chúa luôn chiến thắng. Luôn luôn. Bất chấp mọi sự ác ý nhắm vào Giáo hội qua nhiều thế kỷ; bất chấp những giai đoạn tồi tệ nhất của chính Giáo hội về sự vụng về và tham nhũng; bất chấp tội lỗi và thất bại của chính chúng ta và những hành động tự phá hoại tài tình nhất với tư cách là các môn đệ: Chúng ta ở đây ngày hôm nay - nhân danh Chúa, nhờ ân sủng của Người.

Thánh Augustinô cũng nói rằng mọi người luôn phàn nàn về bóng tối của thời đại; nhưng chúng ta là thời đại; chúng ta tạo nên thời đại. Và nếu chúng ta không làm cho thời đại tốt đẹp hơn nhân danh Chúa Giêsu Ki-tô, thì thời đại sẽ khiến chúng ta tệ hơn nhân danh các vị thần nhỏ hơn và xấu xí hơn. Đây là lý do tại sao cuộc sống và sự phục vụ của chúng ta đối với Giáo hội lại quan trọng.

Tôi đã làm việc trong và xung quanh Giáo hội trong 47 năm. Đó là một vinh dự lớn. Tôi đã thấy nhiều, làm nhiều và học được nhiều. Nhưng đây là vấn đề. Những điều khiến mọi người giỏi trong công việc của họ cũng có thể khiến họ mù quáng trước những khả thể khác, những giải pháp khác, những ý tưởng khác. Và đó là lý do tại sao những người Công Giáo trẻ cần học hỏi từ những con khủng long đi trước họ - những con khủng long giống như tôi, nhưng hy vọng thông minh hơn tôi– mà không bị trói buộc bởi những sai lầm và giới hạn của chúng ta.

Hầu hết chúng ta ngày nay sẽ không bao giờ được yêu cầu đổ máu vì bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì, kể cả đức tin của chúng ta. Nhưng chúng ta được yêu cầu sống vì Chúa và sống vì người khác, mỗi ngày, mỗi ngày, bất kể phải trả giá như thế nào. Cuộc sống trong Chúa Giêsu Ki-tô không phải là tập hợp những “bổn phận và điều không nên làm”. Đó là một câu chuyện tình yêu; một gia đình bạn bè gắn kết với nhau như anh chị em bởi tình yêu của họ dành cho Chúa, và tình yêu, sự khích lệ và hỗ trợ của họ dành cho nhau. Trải nghiệm về tình bạn Ki-tô giáo đó đã trở thành cốt lõi và niềm an ủi của cuộc hôn nhân và gia đình tôi. Nó đã làm cho cuộc sống của chúng tôi trở nên vô cùng phong phú với những người bạn cùng chia sẻ sứ mệnh. Và tôi không thể cầu chúc niềm vui và phước lành nào lớn hơn cho bất cứ ai đọc những dòng này.
_____________________________________________
(*) Tiểu luận này được chuyển thể từ bài phát biểu khai giảng năm 2025 của tác giả tại Cao đẳng Christendom.
 
Đức Giáo Hoàng Leo XIV là chủ đề của các video lừa đảo AI
Vũ Văn An
15:06 22/05/2025



Christine Rousselle của Aleteia, ngày 22/05/25, cho hay: Các video có vẻ chính thức gán ghép những điều mà ngài chưa từng nói cho Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã xuất hiện trên internet kể từ khi ngài được bầu.

Đức Giáo Hoàng Leo mới nhậm chức được hai tuần, nhưng đã trở thành chủ đề của nhiều video lừa đảo do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Một video dài 36 phút được cho là gửi đến tổng thống của quốc gia châu Phi Burkina Faso, thậm chí còn bị Vatican News, dịch vụ tin tức của Tòa thánh lên án.

Video có tựa đề “Giáo hoàng Leo XIV trả lời Đại úy Ibrahim Traoré – Thông điệp về Sự thật, Công lý & Hòa giải”, đã được đăng trên tài khoản YouTube “Pan African Dreams”, Vatican News cho biết. Nó được tạo ra bằng cách sử dụng cảnh quay từ buổi tiếp kiến của Đức Giáo Hoàng Leo XIV với các nhà báo vào ngày 12 tháng 5.

Một kỹ thuật “biến hình” đã được sử dụng để đảm bảo miệng của giáo hoàng khớp với văn bản trong âm thanh, Vatican News cho biết.

Trong video, Đức Giáo Hoàng Leo XIV “gọi” tổng thống Burkina Faso, Ibrahim Traoré, là “người con của đất châu Phi, người bảo vệ nhân dân của mình” và “mong muốn” “ân sủng và hòa bình nhân lên cho ngài thông qua trí tuệ, lòng dũng cảm và sự thật”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Leo “ca ngợi” tổng thống, “nói rằng”, “Tôi đã đọc những lời của ngài không chỉ một lần mà là nhiều lần, và mỗi lần đọc lại sâu sắc hơn lần trước, bởi vì trong giọng nói của ngài, tôi không chỉ nghe thấy sự tức giận của một tổng thống, mà còn là tiếng kêu chính đáng của một lục địa đã bị tổn thương từ lâu bởi hai lưỡi dao của sự bỏ rơi và bóc lột”.

Burkina Faso đã trải qua một cuộc nội chiến trong khoảng một thập niên. Traoré, tổng thống, đã giành quyền kiểm soát đất nước vào năm 2022 thông qua một cuộc đảo chính.

Tin giả

Đức Giáo Hoàng Leo XIV chưa bao giờ ca ngợi tổng thống Burkina Faso, Vatican News lưu ý.

Cần lưu ý rằng—với việc lưu hành trên nhiều phương tiện truyền thông xã hội các văn bản được cho là của tân Giáo hoàng mà không có nguồn gốc—tất cả các bài phát biểu, bài diễn văn và văn bản của Giáo hoàng Leo XIV đều có thể được tham khảo đầy đủ tại vatican.va.

Tin tức về các hoạt động và thông điệp video của ngài có sẵn theo thời gian thực trên cổng thông tin Vatican News tại vaticannews.va, bằng nhiều ngôn ngữ, cũng như trên trang web báo của Vatican là L’Osservatore Romano tại osservatoreromano.va.

Bài giảng của Giáo hoàng Leo XIV? Không hẳn vậy

Trên YouTube, một trang có tiêu đề “Bài giảng của Giáo hoàng Leo XIV” có gần 18,000 người đăng ký và gần một triệu lượt xem trên 25 video của trang này.

Tất cả đều do AI tạo ra và Đức Giáo Hoàng Leo XIV thực sự không nói bất cứ điều gì được cho là của ngài, hoặc đọc bằng “giọng” của ngài trong các video.

Video đầu tiên được tải lên kênh có tiêu đề “Thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Leo XIV gửi đến tất cả người Công Giáo || Bài phát biểu của Đức Hồng Y Robert Francis Prevost” chứa một bài giảng hoàn toàn do AI tạo ra, được cho là của Đức Giáo Hoàng Leo XIV, bằng giọng nói của ngài.

Video được xem nhiều nhất có tiêu đề “CÁC VỊ GIÁO HOÀNG ĐÁNH THỨC LỜI KÊU GỌI KHẨN CẤP ĐẾN TẤT CẢ CÁC GIÁO HỘI THỰC SỰ || BÀI PHÁT BIỂU CỦA Đức Giáo Hoàng LEO XIV.”

Video được tải lên vào ngày 13 tháng 5 và đã nhận được gần 330,000 lượt xem. Đây cũng là điều mà Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ nói, được đọc bằng giọng nói của ngài.

Mặc dù tất cả các video trên kênh đều có tuyên bố từ chối trách nhiệm rằng “Âm thanh hoặc hình ảnh đã được chỉnh sửa đáng kể hoặc được tạo bằng kỹ thuật số”, nhưng các bình luận trên video cho thấy không thể thấy ngay bài giảng đó không phải do Đức Giáo Hoàng Leo XIV đưa ra.

“Ồ! Đức Thánh Cha của chúng ta nói lên sự thật mạnh mẽ và đầy thách thức! Xin Chúa ban phước cho ngài! Cảm ơn Chúa. Vì Đức Giáo Hoàng Leo XIV!” một bình luận viết.

“Cảm ơn bài giảng mà tất cả mọi người cần lắng nghe nếu chúng ta muốn trở thành người theo chân Chúa. Tôi đã không nghe một bài giảng như thế này trong một thời gian rất dài. Chúa phù hộ Đức Giáo Hoàng của chúng ta. Amen,” một người khác nói.

Trớ trêu

Một trong những điều đầu tiên mà Đức Giáo Hoàng Leo XIV thực sự nói khi trở thành giáo hoàng là những lo ngại của ngài xung quanh trí tuệ nhân tạo. Trong bài phát biểu trước các Hồng Y anh em, Đức Leo XIV đã giải thích về lựa chọn danh hiệu của mình:

"Có nhiều lý do khác nhau để [lựa chọn danh hiệu Leo], nhưng chủ yếu là vì Đức Giáo Hoàng Leo XIII trong Thông điệp lịch sử Rerum Novarum đã đề cập đến vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng kỹ nghệ vĩ đại đầu tiên.

Trong thời đại của chúng ta, Giáo hội trao cho mọi người kho tàng giáo huấn xã hội của mình để ứng phó với một cuộc cách mạng kỹ nghệ khác và với những phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động”.

Aleteia đã liên hệ với YouTube để xin bình luận về kênh "Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Leo XIV".

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa trí tuệ nhân tạo trở thành chủ đề của nhiều bài phát biểu và thông điệp khác nhau, và Vatican đã cân nhắc cả những lời hứa và mối đe dọa mà kỹ thuật này gây ra.
 
Nếu Đức Leo XIV là một CEO mới, ngài sẽ thành công rực rỡ, các chuyên gia về lãnh đạo cho biết
Vũ Văn An
15:57 22/05/2025

Giáo hoàng Leo XIV tiếp quản Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành vào thứ Ba tại Rome (ảnh: Daniel Ibáñez / EWTN News)


Những phẩm chất khiêm nhường, sáng suốt và lãnh đạo phục vụ là những dấu hiệu ban đầu cho thấy Đức Giáo Hoàng Leo đang vạch ra một con đường thống nhất.

Đó là nhận định của Zelda Caldwell trên National Catholic Register ngày 21 tháng 5 năm 2025.

Bà viết: Chưa đầy hai tuần kể từ khi Đức Leo XIV được bầu làm giáo hoàng thứ 267, và trong thời gian ngắn đó, ngài dường như đã thực hiện được kỳ tích đáng kinh ngạc là giành được sự ủng hộ của hầu hết người Công Giáo vào thời điểm Giáo hội chia rẽ sâu xa.

Giáo Hội Công Giáo là một "corpus" hoàn cầu — không phải theo nghĩa kinh doanh hiện đại, mà theo nghĩa gốc của từ này: một thân thể, một cơ thể, Thân thể của Chúa Kitô.

Và khi mọi con mắt đổ dồn vào một CEO mới, thế giới đang hướng về Đức Giáo Hoàng Leo để tìm kiếm dấu hiệu cho thấy ngài là người phù hợp cho vị trí kế nhiệm Thánh Phêrô — một vai trò mà Sách Giáo lý dạy là “nguồn gốc và nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của sự hiệp nhất giữa các giám mục và toàn thể cộng đồng tín hữu”.

Những đánh giá ban đầu từ các chuyên gia quản lý doanh nghiệp? Đức Thánh Cha đang làm rất tốt, đưa ra một “lớp học làm thầy”, như thể, về việc làm thế nào để tiến lên vị trí cao nhất.

Các chuyên gia lãnh đạo mà Register tham khảo ý kiến cho bài viết này đã chỉ ra một số lý do cụ thể tại sao Đức Giáo Hoàng Leo lại có khởi đầu mạnh mẽ như vậy.

Ngài đang đảm nhận vai trò của một “nhà lãnh đạo phục vụ”. Thuật ngữ “lãnh đạo phục vụ”, được Robert Greenleaf, một giám đốc điều hành và nhà nghiên cứu quản lý của AT&T, đặt ra vào năm 1970, mô tả một triết lý lãnh đạo ưu tiên nhu cầu và phúc lợi của những người khác trong tổ chức.

Trong thế giới kinh doanh, lãnh đạo phục vụ có thể chuyển thành mức lương và phúc lợi cao hơn cho người lao động, đầu tư vào đào tạo và phát triển sự nghiệp, và đối xử với người lao động như những người cộng tác trong một doanh nghiệp chung.

Các chuyên gia như Andreas Widmer — cựu Vệ binh Thụy Sĩ dưới thời Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và sau đó là giám đốc điều hành kỹ thuật— cho biết tân giáo hoàng là hiện thân của phương pháp lãnh đạo đó.

“Ngài đang khảo sát bối cảnh và tìm ra tiếng nói chung với mọi người. Và đó chính là điều tôi khuyên những ai mới vào vị trí quản lý nên làm trước tiên”, Widmer, giám đốc Trung tâm Arthur & Carlyse Ciocca về Khởi nghiệp có Nguyên tắc tại Trường Kinh doanh Busch của Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, giải thích.

“Đó là dấu hiệu rõ ràng của phong cách lãnh đạo phục vụ khi bạn làm như vậy”, ông nói.

Trong Thánh lễ nhậm chức vào Chúa Nhật, ngài đã nhấn mạnh rõ ràng rằng Đại diện của Chúa Kitô phải là một “người phục vụ” chứ không phải là một “kẻ độc đoán”. Đức Giáo Hoàng Leo đã nói:

Chính Tông đồ Phêrô đã nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu ‘là viên đá mà anh em, những người xây dựng, loại bỏ, và đã trở thành viên đá góc tường’ (Công vụ 4:11). Hơn nữa, nếu tảng đá là Chúa Kitô, thì Phêrô phải chăn dắt đàn chiên mà không bao giờ khuất phục trước cám dỗ trở thành một nhà độc tài, thống trị những người được giao phó cho mình (xem 1 Phêrô 5:3).

Ngược lại, ngài được kêu gọi phục vụ đức tin của anh chị em mình và đồng hành cùng họ, vì tất cả chúng ta đều là “những viên đá sống” (1 Phêrô 2:5), được kêu gọi qua phép rửa tội để xây dựng ngôi nhà của Chúa trong sự hiệp thông huynh đệ, trong sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, trong sự cùng hiện hữu của sự tính dạng.

Ngài khiêm nhường và chân thực. Rob Neal, một giám đốc điều hành bất động sản và là chủ tịch hội đồng quản trị tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, tin rằng hai phẩm chất này là thiết yếu cho sự lãnh đạo hữu hiệu.

"Tôi nghĩ rằng hai điểm chân thực và khiêm nhường này tỏa ra dễ dàng từ ngài, và điều đó rất quan trọng", Neal nói với Register. "Bạn không thể giả tạo sự chân thực. Mọi người có thể ngửi thấy sự chân thực không chân thực, nếu bạn muốn."

Đức Giáo Hoàng Leo, Neal cho biết, đã thể hiện rõ sự khiêm nhường của ngài trong Thánh lễ đầu tiên của ngài vào ngày 9 tháng 5 khi ngài phát biểu trực tiếp trước Hồng Y đoàn và thừa nhận nhu cầu được các vị hỗ trợ.

“Các huynh đệ đã gọi tôi để mang thập giá đó và thực hiện sứ mệnh đó. Tôi biết tôi có thể tin tưởng vào từng người trong số các huynh đệ để cùng tôi bước đi, khi chúng ta tiếp tục là một Giáo hội, là một cộng đồng bạn hữu của Chúa Giêsu, là những người tin, để công bố tin mừng, để công bố Phúc âm,” Đức Giáo Hoàng nói.

“Đó là một sự thừa nhận khiêm nhường và tuyệt đẹp rằng bạn không thể lãnh đạo một mình. Bạn chỉ có thể lãnh đạo bằng cách tham gia,” Neal nhận xét.

Theo Stephen Henley, chủ tịch của Legatus, một mạng lưới các nhà lãnh đạo Công Giáo, thì thái độ khiêm nhường của Đức Giáo Hoàng Leo cũng giúp truyền đạt trạng thái tinh thần này.

“Hầu hết các Hồng Y trở thành giáo hoàng,” ông nói, “đều không tìm kiếm vai trò này. Bất kể thế nào, họ đã khiêm nhường chấp nhận ý muốn của Chúa.”

“Đức Giáo Hoàng Leo đã hiện thân cho điều này thông qua những gì đã thể hiện rõ ràng là sự lãnh đạo phục vụ. Một nhà lãnh đạo khiêm nhường luôn là nhà lãnh đạo giỏi nhất và được kính trọng nhất.”

Ngài đang gửi đi những “tín hiệu sớm” thông minh. Henry Kutarna, cựu bộ trưởng chính phủ Canada và là doanh nhân tư vấn cho các giám đốc điều hành Công Giáo, cho biết Đức Giáo Hoàng Leo, giống như những CEO mới thành công, đang gửi đi những “tín hiệu sớm” để trấn an những người có thể lo lắng về sự thay đổi trong ban lãnh đạo.

“Khi một CEO mới xuất hiện, khách hàng muốn biết liệu CEO đó có nhạy cảm với nhu cầu của họ không, liệu sản phẩm có thay đổi không, và điều gì sẽ xảy ra với giá cả. Nhân viên muốn biết liệu sứ mệnh và kế hoạch kinh doanh có thay đổi không. Nói cách khác, tôi sẽ phải chịu đựng bao nhiêu kịch tính và thay đổi?” ông giải thích.

“CEO mới sẽ đến thăm nhiều văn phòng khu vực và các khách hàng lớn. Ông ấy thậm chí có thể thực hành 'quản lý bằng cách đi bộ xung quanh', một mô hình cũ nhưng vẫn hợp thời trang", Kutarna, người cố vấn cho các CEO Công Giáo thông qua công ty tư vấn của mình, The Catholic CEO, cho biết thêm.

Ví dụ, khi Đức Giáo Hoàng Leo được bầu, ngài đã gửi một tín hiệu trấn an đến những người theo chủ nghĩa truyền thống ngay khi ngài xuất hiện trên loggia trung tâm của Nhà thờ Thánh Phêrô. Mặc bộ lễ phục giáo hoàng cầu kỳ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn không mặc — một chiếc áo mozzetta đỏ và khăn choàng — Đức Giáo Hoàng Leo ngay lập tức truyền đạt rằng triều đại giáo hoàng này sẽ khôi phục lại một số truyền thống đã bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, bằng cách tỏ lòng thành kính tại lăng mộ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore trong chuyến đi đầu tiên ra khỏi Vatican sau khi trở thành Giáo hoàng, ngài cũng đã truyền đạt ý định duy trì tính liên tục với một số khía cạnh nhất định trong triều đại giáo hoàng của vị tiền nhiệm.

“Những người quan sát thông thái đã thấy rằng ngài đã cẩn thận gửi những thông điệp xoa dịu đến tất cả các phe phái khác nhau trong Giáo hội. Kutarna cho biết, "Mỗi 'nhóm' đều háo hức ghi chú lại điều họ muốn nghe".

Tim Busch, Tổng giám đốc điều hành của Pacific Hospitality Group và là chủ tịch hội đồng quản trị của Viện Napa, chỉ ra rằng Đức Giáo Hoàng dường như đang tìm kiếm một lập trường trung dung.

Đức Leo, ông nói, "rất am hiểu về giáo lý của Giáo hội" và thường trích dẫn các Giáo phụ và thánh nhân, gửi đi thông điệp rằng ngài muốn bảo vệ Huấn quyền.

Ví dụ, vào ngày 16 tháng 5, Đức Giáo Hoàng Leo đã trở thành tiêu đề cho tuyên bố rằng gia đình dựa trên "sự kết hợp ổn định giữa một người đàn ông và một người đàn bà" và bảo vệ phẩm giá của những đứa trẻ chưa chào đời.

Theo những cách khác, Busch cho biết, ngài đã lặp lại chủ đề của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ví dụ, vào ngày 19 tháng 5, ngài đã đảm bảo với các nhà lãnh đạo đức tin về sự ủng hộ của mình đối với tính đồng nghị, hứa sẽ thúc đẩy "bản chất đồng nghị của Giáo Hội Công Giáo và phát triển các hình thức mới và cụ thể để tính đồng nghị ngày càng mạnh mẽ hơn trong các mối quan hệ đại kết".

Ngài đang tập chú vào "điều chính". Neal học được bí quyết kinh doanh này từ Rex Tillerson, khi đó là CEO của ExxonMobil.

"Tôi hỏi ông ấy, 'Làm sao ông có thể điều hành một tổ chức với 400,000 người một cách đặc biệt như vậy?'" và ông ấy trả lời, 'Rob, chúng ta tập chú vào điều chính yếu", ông nhớ lại. Đối với ExxonMobil, điều chính yếu không phải là khí đốt hay dầu mỏ, mà là năng lượng. Và, Tillerson nói với Neal, mọi nỗ lực của công ty từ ban quản lý cấp cao đến từng cá nhân trong tổ chức đều cần tập chú vào điều chính yếu.

"Ông ấy coi đó là vai trò của ban quản lý, bắt đầu từ cấp cao nhất, để nhắc nhở và giữ cho mọi người tập chú vào điều chính yếu", Neal nói.

"Với tôi, có vẻ như Đức Thánh Cha đã tập chú mọi người vào điều chính yếu", ông nói thêm.

"Giáo huấn của Chúa Giêsu là 'Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con'. Đó là điều chính yếu", ông nói. "Ngài đã nói rõ điều đó ngay từ những lời đầu tiên của mình, 'Bình an cho các con'. Đó thực sự là một lời mở đầu tuyệt đẹp".

Ngài đang vượt lên trên óc bè phái. Trong những ngày đầu tiên, Đức Giáo Hoàng đã nhận được sự hoan nghênh từ mọi ngóc ngách của Giáo hội, một phần vì ngài đã từ chối nói hoặc làm bất cứ điều gì có thể gây chia rẽ.

Luke Burgis, tác giả và giáo sư tại Trường Kinh doanh Busch của Đại học Công Giáo, cho biết đây là bài học giá trị cho bất cứ nhà lãnh đạo nào.

"Một dấu hiệu của một nhà lãnh đạo vĩ đại là khả năng chống lại sự phân loại dễ dàng. Trong những ngày đầu lãnh đạo, họ không 'ra hiệu' điều gì đó cho các phe phái khác nhau, ngay cả khi mọi người thực sự muốn họ làm như vậy. Trong cách truyền đạt của mình, Đức Giáo Hoàng mới của chúng ta dường như hiểu được tầm quan trọng của chức vụ của mình là phải vượt qua óc bè phái", Burgis cho biết.

Ngài rất thận trọng và lắng nghe người khác. Cho đến nay, Đức Giáo Hoàng Leo chưa đưa ra bất cứ tuyên bố hay sáng kiến táo bạo nào có thể khiến mọi người xa lánh. Cristofer Pereyra, Giám đốc điều hành của Tepeyac Leadership, Inc. (TLI), một tổ chức phi lợi nhuận đào tạo các chuyên gia Công Giáo giáo dân để đảm nhận các vai trò lãnh đạo, cho biết đây là một chiến lược tuyệt vời cho một nhà lãnh đạo mới.

Mặc dù ông lưu ý rằng còn quá sớm để đưa ra đánh giá về triều đại của Đức Giáo Hoàng Leo, ông vẫn ấn tượng khi thấy Đức Giáo Hoàng dường như dành những ngày đầu này để lắng nghe.

“Khi ai đó bước vào với tư cách là một phần của ban lãnh đạo mới trong bất cứ loại tổ chức nào — bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo — họ không thể bước vào, vẫy cờ cách mạng, thông báo những thay đổi hoặc gián đoạn lớn đối với cách thức thực hiện mọi việc”, Pereyra nói.

“Vì vậy, đối với tôi, có vẻ như ngài đang bước vào và cho chúng ta thấy rằng ngài đã sẵn sàng lắng nghe Chúa Thánh Thần và lắng nghe những nhu cầu của Giáo hội khi ngài gặp phải chúng trong vai trò mới của mình.

“Ngay cả khi nói, ngài cũng không vội vàng”, ông nói. “Ngài không phải là người chỉ bùng nổ với một điều gì đó dường như là một suy nghĩ đột ngột đến với ngài. Ngài dường như là người thực sự suy nghĩ về những gì mình làm và những gì mình nói”.

Sự thận trọng khôn ngoan mà Đức Giáo Hoàng Leo đã biểu lộ tuân theo cùng một chiến lược mà Kutarna sẽ khuyên bất kỳ CEO mới nào nên làm theo.

“Ngài đang kiểm tra những khách hàng lớn — Ukraine, Nga, Hoa Kỳ, Trung Đông. Ngài nói những điều Công Giáo bình thường. Ngài không đưa ra lập trường chắc chắn và mạnh mẽ. Ngài tránh nói về thỏa thuận với Trung Quốc hoặc tình trạng quyên góp ở Hoa Kỳ,” ông nói.

“Ngài được coi là quan tâm, tham gia và lo lắng. Ngài đang giữ cho mọi thứ ‘nhẹ nhàng’ vào lúc này, đó là điều mà một CEO thông minh sẽ làm. Ngài rất cẩn thận.”

Ngài đang chứng minh rõ ràng lý do tại sao ngài được chọn. Cũng giống như một hội đồng quản trị công ty tìm kiếm một giám đốc điều hành có đủ năng lực nhất để đáp ứng nhu cầu của công ty, mỗi thành viên của Hồng Y đoàn đều trải qua quá trình phân định và đưa ra phán đoán của riêng mình khi lựa chọn một giáo hoàng mới.

Sự khác biệt (trong hầu hết các trường hợp) là các Hồng Y cầu nguyện để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để các vị lựa chọn một người đàn ông để tham gia vào kế hoạch của Chúa dành cho Giáo hội và thế giới. Đối với Widmer, Chúa Thánh Thần rõ ràng đã tác động trong việc lựa chọn Hồng Y Robert Prevost.

Là một cựu giám đốc điều hành kỹ thuật, công trình học thuật của Widmer khám phá các câu hỏi về đạo đức nảy sinh do sự tham gia vào thị trường, trong các công ty và với khách hàng của một người. Ông rất vui khi nghe Đức Giáo Hoàng Leo nói rằng ngài đã chọn tên giáo hoàng của mình vì những lời dạy của Đức Giáo Hoàng Leo XIII về phẩm giá của người lao động trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo mới này.

Widmer cho biết: "Chúa Thánh Thần đang đưa đến đây một người đàn ông có đủ khả năng để giải quyết kỷ nguyên mới của Giáo hội". "Tôi nghĩ rằng đây hiện là triều đại giáo hoàng mà chúng ta đang tiến vào thế kỷ tiếp theo".
 
Ba vị Chân phước mới: hai nhà truyền giáo ở Ecuador và một giám mục Ấn Độ
Thanh Quảng sdb
16:28 22/05/2025
Ba vị Chân phước mới: hai nhà truyền giáo ở Ecuador và một giám mục Ấn Độ

Giáo hoàng Leo XIV đã châu phê các sắc lệnh khác nhau cho ba Tôi tớ Chúa: Sơ Agnese Arango Velásquez người Colombia, Giám mục Matthew Makil người Ấn Độ và Giám mục Alessandro Labaka Ugarte người Tây Ban Nha lên bậc chân phước.

(Tin Vatican - Alessandro De Carolis)

Một người phụ nữ và hai người đàn ông của hòa bình — đây là cách mô tả cuộc sống của ba vị đáng kính mới được Giáo hoàng Leo XIV chấp thuận vào ngày 22 tháng 5 trong buổi tiếp kiến với Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh.

Hai người trong số họ đã hy sinh mạng sống trong cuộc tử đạo vì đức tin — một cái chết dữ dội trong rừng nhiệt đới Ecuador trong khi bảo vệ quyền của người dân bản địa.

Một giám mục có tâm hồn truyền giáo

Alejandro Labaka Ugarte, sinh năm 1920, đến từ Beizama ở miền bắc Tây Ban Nha. Ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã cảm thấy được kêu gọi trở thành một nhà truyền giáo. Sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1945, các bề trên của Dòng Capuchin — nơi ngài gia nhập vào năm 1937 với tên gọi tu sĩ là Anh Manuel — đã cử ngài sang Trung Quốc.

Khoảng mười năm sau, ngài và những nhà truyền giáo khác bị chế độ Mao trục xuất. Sau đó, ngài đi Ecuador, nơi ngài phục vụ với tư cách là một linh mục giáo xứ và giữ nhiều vai trò khác, bao gồm cả chức giám mục tông tòa, tích cực tham gia vào việc truyền giáo cho người Huaorani.

Năm 1984, cha Manuel được tấn phong giám mục và tiếp tục sứ mệnh của mình trong cộng đồng người bản địa, đồng thời thiết lập mối liên hệ với nhóm dân tộc Tagaeri. Đó là thời kỳ căng thẳng dữ dội. Các công ty dầu mỏ di chuyển khắp khu vực như những kẻ săn mồi, phá rừng để tìm kiếm vàng đen.

Đối với Giám mục Manuel, hiện là Giám mục Ugarte — được biết đến với khả năng làm trung gian và hòa giải — ưu tiên hàng đầu là bảo vệ quyền lợi của người Tagaeri. Trong sứ mệnh này, ngài đã gặp Sơ Inés.

Một nữ tu giữa những người bản địa

Nữ tu Inés Arango Velásquez đã 40 tuổi khi bà tham gia chuyến thám hiểm truyền giáo đầu tiên của Dòng Nữ tu Capuchin đến Aguarico, Ecuador vào năm 1977. Là người bản xứ Colombia, sơ được sinh ra tại Medellín vào năm 1937 và gia nhập dòng vào năm 1955, hoàn thành quá trình đào luyện tại đó.

Sau khi tuyên khấn trọn đời, sơ đã cống hiến hết mình cho công việc giảng dạy và khi đến Ecuador, sơ đã đi đến nhiều cộng đồng khác nhau, cuối cùng trở thành bề trên. Sơ đã tận tụy truyền giáo cho người Huaorani dưới sự hướng dẫn của Giám mục Manuel. Sơ Inés cũng nhận thức sâu sắc về tình hình khốn khổ mà người Tagaeri phải đối mặt, những người đã trở thành mục tiêu của các công ty khai thác dầu và khai thác gỗ.

Bị giết để bảo vệ những người yếu thế nhất

Là giám mục, GM Manuel hy vọng sẽ tránh được một cuộc đối đầu dữ dội với những kẻ đánh thuê từ các công ty bằng cách đích thân khởi xướng cuộc đối thoại với người bản địa.

Đức cha đã được Sơ Inés hỗ trợ, và cả hai — hoàn toàn nhận thức được những nguy hiểm liên quan đến việc tiếp cận một bộ tộc được biết là thù địch với người ngoài — đã được trực thăng đưa đến một điểm hẹn đã định vào sáng ngày 21 tháng 7 năm 1987. Ngày hôm sau, một trực thăng khác đến đón họ, nhưng thay vào đó lại tìm thấy thi thể của họ — bị đâm bằng giáo và mũi tên.

Đối với cả hai người, đó là sự dâng hiến có ý thức cuộc sống của họ để trung thành với sứ mệnh của mình, như cũng được phản ánh trong bức thư Sơ Inés đã viết một ngày trước khi họ khởi hành, bức thư giống như một di chúc cuối cùng. Cái chết của họ đã để lại một tác động mạnh mẽ và đã góp phần tạo nên danh tiếng lâu dài về sự thánh thiện cho đến ngày nay.

Giám mục và Người cổ súy hòa bình tại Ấn Độ

Câu chuyện về Đấng đáng kính thứ ba là câu chuyện về người Ấn Độ Matthew Makil, giám mục và là người sáng lập Dòng Nữ tu Thăm viếng Đức Trinh Nữ Maria. Sinh năm 1851 tại Manjoor trong một gia đình Công Giáo khá giả, ngài trở thành linh mục vào năm 1865 và phục vụ trong giáo xứ cho đến khi được bổ nhiệm làm Tổng đại diện của Giáo phận Kottayam vào năm 1889.

Ba năm sau, ngài thành lập một dòng tu có sứ mệnh chính là giáo dục trẻ em nữ. Mục vụ của ngài rất sôi nổi và năng động, cuối cùng dẫn đến việc ngài được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa của Changanacherry vào năm 1896.

Ngài tích cực thúc đẩy việc đào tạo giáo lý, giáo dục trường học, thành lập các tổ chức và hiệp hội tôn giáo, và cuộc chiến chống lại đói nghèo, vốn đang ảnh hưởng đến phần lớn xã hội vào thời điểm đó. Ngài cũng khuyến khích ơn gọi sống đời thánh hiến.

Hơn nữa, ngài không nản lòng trước những xung đột cục bộ, đôi khi bùng phát dữ dội, giữa những người “phía bắc” (tự coi mình là hậu duệ của cộng đồng do Thánh Thomas Tông đồ sáng lập) và những người “phía nam” (tự coi mình là người kế thừa những người di cư Lưỡng Hà). Giám mục Matthew Makil được hướng dẫn bởi phương châm giám mục của mình: “Chúa là hy vọng của tôi”.

Với cách cư xử bình thản và hòa giải, ngài đã làm việc không mệt mỏi để mang lại hòa bình giữa hai cộng đồng đối địch này. Những nỗ lực của ngài đã lên đến đỉnh điểm trong một đề xuất được đệ trình lên Tòa thánh vào năm 1911 để chia Giáo phận Changanacherry thành hai giáo phận riêng biệt: một dành cho “người phía nam” và một dành cho “người phía bắc”.

Giáo hoàng Pius X đã chấp nhận đề xuất này và thành lập Giáo phận Kottayam cho “người phía nam”, giao phó quyền lãnh đạo cho Giám mục Makil, người kiến trúc sư của sáng kiến này.

Giám mục Matthew Makil đã cống hiến hết mình cho sứ mệnh này cho đến khi qua đời vào tháng 1 năm 1914 sau một thời gian ngắn lâm bệnh
 
Kiểm tra thực tế: Đức Giáo Hoàng Lêô có bài phát biểu dài 36 phút ca ngợi nhà lãnh đạo Burkina Faso không?
Đặng Tự Do
18:18 22/05/2025


Một đoạn video dài 36 phút được cho là ghi lại cảnh Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đọc tuyên bố lên án chủ nghĩa thực dân và ca ngợi Đại úy Ibrahim Traoré, nhà lãnh đạo 37 tuổi của Burkina Faso, đã thu hút gần một triệu lượt xem trên YouTube tính đến thứ Hai.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV được mô tả đang ngồi trong Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục đang đọc một bài báo. Trong một phản hồi rõ ràng cho bài phát biểu được cho là của Ibrahim Traoré, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV dường như đề cập đến sự vướng mắc lịch sử của Giáo Hội Công Giáo với chủ nghĩa thực dân và thừa nhận những thất bại trong quá khứ của mình khi đứng về phía những người bị áp bức và lên tiếng chống lại sự bóc lột kinh tế và can thiệp chính trị ở Phi Châu.

Vị “Giáo hoàng” trong ngoặc kép đề cập đến những bất công đang diễn ra, bao gồm việc cướp bóc tài nguyên của Phi Châu, đánh cắp ký ức văn hóa, phủ nhận chủ quyền và khủng hoảng di cư, khẳng định vai trò quan trọng của Phi Châu như một “ngọn hải đăng của đức tin” và kêu gọi một kỷ nguyên mới của công lý, hòa giải và hợp tác.

Thật ra, video này hoàn toàn là giả và những người đưa lên mạng xã hội cũng thừa nhận điều đó trong phần mô tả trên YouTube — nhưng điều đó không ngăn được hàng ngàn người xem bị lừa.

“Điều này khiến tôi khóc!! Điều mà tôi đã chờ đợi một vị giáo hoàng nói cả đời!! Mang lại cho tôi hy vọng cho thế giới”, một người dùng bình luận, trong số hàng trăm người khác cũng bày tỏ cảm xúc tương tự.

Tuy nhiên, trên thực tế, một tuyên bố từ chối trách nhiệm trong phần mô tả video do kênh Pan-African Dreams đăng tải đã mô tả rõ ràng video này là “một tác phẩm hư cấu lấy cảm hứng từ cuộc đời của Ibrahim Traoré”.

“Mặc dù một số yếu tố dựa trên các sự kiện có thật, nhưng các tình huống và đoạn hội thoại được mô tả hoàn toàn là tưởng tượng và không phản ánh bất kỳ sự kiện thực tế nào. Bất kỳ sự giống nhau nào với các sự kiện thực tế đều hoàn toàn là ngẫu nhiên”, tuyên bố miễn trừ trách nhiệm cho biết.

Nhãn bắt buộc của YouTube trên video cũng lưu ý rằng video có chứa “Nội dung đã thay đổi hoặc tổng hợp: Âm thanh hoặc hình ảnh đã được chỉnh sửa đáng kể hoặc được tạo bằng kỹ thuật số”.

Video này không phải là video giả đầu tiên do Trí Tuệ Nhân Tạo tạo ra về Đức Giáo Hoàng Lêô mới đắc cử được lan truyền trực tuyến. Chính Đức Giáo Hoàng, trong bài phát biểu trước giới truyền thông vào ngày 12 tháng 5, đã nhấn mạnh đến trách nhiệm và sự sáng suốt cần thiết của tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, khi sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, đây không phải là video giả mạo, tuyên truyền đầu tiên xuất hiện trực tuyến đặc biệt ca ngợi Traoré. Trên thực tế, các bài đăng gần đây được lan truyền trên mạng xã hội tuyên bố chia sẻ một bài hát do ca sĩ R. Kelly phát hành để ủng hộ Traoré và chế độ của ông, AFP Fact-Check đưa tin rằng ca sĩ này hiện nay đang ở trong tù không thể hát ủng hộ Traoré.

Nhà lãnh đạo quân sự trẻ tuổi, lên nắm quyền vào năm 2022 sau một cuộc đảo chính, đã bị các nhà quan sát cáo buộc hưởng lợi từ tuyên truyền do Nga sản xuất, có thể là do có liên hệ với tổ chức lính đánh thuê khét tiếng của Nga là Wagner Group.

Kết luận: Video vừa nêu là giả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Đức Giáo Hoàng Lêô sẽ không bao giờ đề cập đến các chủ đề được nêu trong video, chẳng hạn như chủ nghĩa thực dân và Công Giáo ở Phi Châu — chỉ có điều cho đến nay ngài chưa làm như vậy.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Đức Giáo Hoàng Lêô XIV gặp nhau tại Rôma, lên kế hoạch cho cuộc họp Nicê vào tháng 11
Đặng Tự Do
18:19 22/05/2025


Hôm Chúa Nhật, ngày 18 tháng 5 năm 2025, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã bay đến Rôma để tham dự lễ nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV. Trong khoảnh khắc khó quên, ngài đã cầu nguyện cùng với Đức Tân Giáo Hoàng khi Đức Giáo Hoàng Lêô XIV bắt đầu hành trình của mình với tư cách là nhà lãnh đạo tinh thần của Công Giáo Rôma trên thế giới.

Ngày hôm sau, Đức Thượng Phụ đã có cuộc gặp riêng với Đức Giáo Hoàng Lêô. Tại cuộc gặp này, cả Đức Thượng Phụ Đại Kết và Đức Giáo Hoàng Lêô đều khẳng định cam kết của các ngài trong việc tiếp tục và củng cố mối quan hệ huynh đệ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có với Đức Thượng Phụ. Các ngài cùng nhau quyết tâm làm việc cùng nhau để bảo vệ những người yếu đuối và đang cần giúp đỡ, và thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.

Đức Thượng Phụ và Đức Tân Giáo Hoàng cũng đã đồng ý sẽ gặp nhau tại Nicê vào cuối tháng 11, gần Lễ Thánh Anrê Tông đồ, để cùng nhau kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Chung đầu tiên diễn ra vào năm 325. Trong chuyến viếng thăm lịch sử này, Đức Giáo Hoàng Lêô cũng có thể đến thăm trụ sở của Tòa Thượng phụ Đại kết tại Phanar ở Constantinople.

Cuộc họp tại Phanar sẽ là để đáp lại lời mời của Đức Thượng Phụ. Ngài gần đây đã tuyên bố về Đức Giáo Hoàng Lêô: “Xin ngài kết hợp chuyến viếng thăm Nicê với chuyến viếng thăm chính thức tới Tòa Thượng phụ Đại kết, nhân dịp lễ bổn mạng của chúng tôi là lễ Thánh Anrê Tông đồ, vào ngày 30 tháng 11.”

Đức Thượng phụ Đại kết và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc gặp tại Nicê hơn một thập niên trước. Vào thời điểm Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời, Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew nhớ lại rằng ngài và Đức Giáo Hoàng Phanxicô quá cố đã lên kế hoạch trong cuộc gặp năm 2014 tại Giêrusalem cho cuộc gặp lịch sử trong năm nay: “Ngài dự kiến sẽ đến đất nước chúng tôi và chúng tôi sẽ cùng nhau đến Nicê, nơi Công đồng Đại kết đầu tiên được triệu tập, để tôn vinh ký ức về các Nghị Phụ và trao đổi suy nghĩ và mong muốn cho tương lai của Kitô giáo. Tất nhiên, tất cả những điều này đã bị hủy bỏ — hay đúng hơn là bị hoãn lại.”

Khi Đức Giáo Hoàng Lêô được bầu, Đức Thượng Phụ đã tuyên bố: “Chúng ta trông đợi, với niềm hy vọng Kitô giáo, vào người kế nhiệm mới. Tôi dự định tham dự lễ đăng quang của ngài và đề xuất rằng chúng ta tiếp tục đối thoại giữa Đông và Tây.”

Cuộc đối thoại đó đã được tiếp tục tại Vatican vào Chúa Nhật và Thứ Hai, và nhờ ơn Chúa, sẽ tiếp tục diễn ra tại Nicê và Constantinople vào tháng 11.


Source:Orthodox Times
 
Đức Hồng Y Ngô Thành Tài: Đức Giáo Hoàng Lêô XIV là người phù hợp để mang lại sự thống nhất, cân bằng cho Giáo hội
Đặng Tự Do
18:20 22/05/2025


Đức Hồng Y William Goh hay Ngô Thành Tài của Singapore tin rằng Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ xây dựng sự thống nhất lớn hơn trong Giáo hội, đặc biệt là đối với các tín hữu Công Giáo thường chia rẽ về các vấn đề giáo lý và đạo đức của Giáo hội.

Trong cuộc phỏng vấn với Phó chủ tịch EWTN News Matthew Bunson, Đức Hồng Y gọi tân giáo hoàng là “món quà của Chúa”, ngài cho biết Đức Thánh Cha là “người phù hợp” để lãnh đạo Giáo hội hướng tới tính đồng nghị và giải thích sự cân bằng giữa “chính thống và cấp tiến”.

Mô tả tân giáo hoàng là người lắng nghe tích cực và “rất chú ý đến những mối quan tâm và chia sẻ của các Hồng Y”, Đức Hồng Y Singapore cho biết mong muốn đoàn kết của Đức Thánh Cha thể hiện rõ trong cả lời nói và hành động của ngài kể từ khi được bầu vào ngày 8 tháng 5.

“Tôi tin rằng, cho đến nay, dựa trên các bài phát biểu của mình, ngài đang thực hiện lời kêu gọi về tính công đồng,” ngài nói. “Trong cuộc gặp với các Hồng Y, ngài đã nói chuyện với chúng tôi theo cách rất riêng tư.”

“Tôi tin rằng sẽ có sự hợp tác và đối thoại lớn hơn để chúng ta có thể thực sự mang lại sự hiệp nhất lớn hơn trong Giáo hội,” ngài nói thêm.

Suy ngẫm về các vấn đề “gây chia rẽ Giáo hội” trong thời kỳ Đức Giáo Hoàng Phanxicô trị vì như “sự mơ hồ” trong một số giáo lý được nêu trong Amoris Laetitia và tiến trình đồng nghị, vị Hồng Y Á Châu cho biết ngài hy vọng Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ mang lại sự rõ ràng và ít gây nhầm lẫn hơn cho các cuộc thảo luận về giáo lý Công Giáo.

“Tôi liên tục nhấn mạnh rằng chúng ta không thể nói về tính đồng nghị nếu không có sự thống nhất về học thuyết, không có sự thống nhất về đức tin,” ngài nói với Bunson.

“Sự hiệp nhất được xây dựng trên tình yêu hời hợt không bao giờ có thể là sự hiệp nhất thực sự,” ngài nói tiếp. “Sự hiệp nhất phải được xây dựng trên sự thật được thể hiện trong đức ái.”

Với sự phát triển liên tục của Giáo hội ở cả Á Châu và Phi Châu, Đức Hồng Y cho biết nhiều tín hữu Công Giáo là những người cải đạo và không muốn thỏa hiệp với tôn giáo mới tìm thấy của mình.

“Chúng tôi là những người có đức tin mạnh mẽ vào Chúa và chúng tôi muốn bước đi trên con đường của Phúc âm,” vị Hồng Y đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Singapore cho biết trong cuộc phỏng vấn. “Trên thực tế, chúng tôi đã từ bỏ đức tin cũ để đổi lấy đức tin chân chính.”

“Chúng tôi muốn đi theo con đường chân lý và noi theo Phúc âm và những gì Giáo hội đã dạy chúng tôi,” ngài nhấn mạnh. “Đó là những gì đang hướng dẫn chúng tôi và người dân của chúng tôi ở Á Châu.”

Ngoài khả năng lắng nghe tốt của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y lưu ý rằng khả năng nói được nhiều thứ tiếng của Đức Giáo Hoàng là một lợi thế cho những ai muốn thảo luận với ngài về những thách thức mục vụ mà Giáo hội phải đối mặt ở nhiều nơi trên thế giới trước và sau Cơ Mật Viện gần đây.

“ Điểm tốt của Đức Giáo Hoàng Lêô là ngài nói được tiếng Anh vì rất nhiều Hồng Y Á Châu thường không nói tiếng Ý tốt,” ngài nói. “Vì vậy, chúng tôi muốn giao tiếp và chia sẻ quan điểm của mình với Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhưng hơi khó khăn vì ngôn ngữ.”

Ngài nói: “Tôi nghĩ rằng một khi bạn biết tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý, bạn có thể bao quát được ít nhất hai phần ba địa cầu, phải không?”


Source:Catholic News Agency
 
Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Sơ Tiziana Merletti làm Thư ký của Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến
Thanh Quảng sdb
20:12 22/05/2025
Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Sơ Tiziana Merletti làm Thư ký của Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến

Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã bổ nhiệm Sơ Tiziana Merletti làm Thư ký của Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến, chịu trách nhiệm về các dòng tu và các hội dòng, cũng như các Tu hội đời.

(Tin Vatican - Joseph Tulloch)

Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã bổ nhiệm Sơ Tiziana Merletti, cựu Bề trên Tổng quyền của Dòng Phanxicô Nữ, làm Thư ký của Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Các Tu Hội Tông đồ.

Bộ này chịu trách nhiệm về các dòng tu và các hội dòng, cũng như các Tu hội đời.

Với tư cách là Thư ký, Sơ Merletti sẽ phục vụ dưới quyền Sơ Simona Brambilla, người được bổ nhiệm làm chủ tịch Thánh Bộ vào tháng 1 - trở thành người nữ đầu tiên lãnh đạo một thánh bộ của Vatican.

Từ năm 2023 đến năm 2025, Sơ Brambilla đã phục vụ với tư cách là Thư ký của Thánh bộ, vai trò hiện do Sơ Merletti đảm nhiệm.

Phó Tổng trưởng của Thánh bộ Đời sống thánh hiến là Hồng Y Ángel Fernández Artime.

Cuộc sống

Sơ Tiziana Merletti sinh ngày 30 tháng 9 năm 1959 tại Pineto, miền trung nước Ý. Năm 1986, sơ tuyên khấn lần đầu tiên tại Tu hội Nữ Phanxicô. Sơ có bằng Luật năm 1984 và lấy bằng Tiến sĩ Luật Giáo hội tại Đại học Giáo hoàng Lateran ở Rome năm 1992.

Từ năm 2004 đến năm 2013, sơ là Bề trên Tổng quyền của Hội Dòng của mình. Hiện nay sơ là Giáo sư tại Khoa Luật Giáo hội tại Đại học Giáo hoàng Antonianum ở Rome và làm luật sư giáo luật cho Liên minh Quốc tế các Bề trên Tổng quyền.

Phụ nữ tại Vatican

Sơ Merletti là người phụ nữ thứ ba giữ chức vụ Thư ký trong một bộ của Giáo triều Rôma, sau Sơ Alessandra Smerilli tại Bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện và người tiền nhiệm là Sơ Simona Brambilla.

Với Tông hiến Praedicate Evangelium của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giáo dân, bao gồm cả phụ nữ, hiện có thể lãnh đạo các bộ và trở thành chủ tịch, một vai trò mà trước đây chỉ dành riêng cho các Hồng Y và tổng giám mục.

Trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tỷ lệ phụ nữ làm việc tại Tòa thánh và Thành quốc Vatican đã tăng từ 19,2% lên 23,4%..
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khuôn mặt nếp sống bình an
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
17:38 22/05/2025
Khuôn mặt nếp sống bình an

Trong mỗi thánh lễ Misa lời của Chúa Giesu Kitô đoan hứa với các Thánh Tông đồ và Giáo hội được cầu nguyện đọc lên: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em.” ( Ga 14,23-29).

Lời đoan hứa chan chứa niềm hy vọng đó từ hơn hai ngàn năm qua luôn hằng là khát vọng mong chờ của con người. Vì trong thực tế đời sống nhân loại sự bất an, chiến tranh loạn lạc, khủng bố, sự hận thù, chém giết tử vong, cảnh tàn phá thiên nhiên, đời sống kinh tế lên xuống bất thường…tất cả gây nên cảnh lo âu sợ hãi, chao đảo hoài nghi cùng làm đời sống hầu như luôn trong cơn khủng hoảng!

Viện khảo sát về hòa bình trụ sở ở Stockholm bên nước Thụy Điển, hằng năm đưa ra thống kê với những con số về những vụ xung đột, chiến tranh chém giết tàn phá giữa những đất nước quốc gia trên thế giới và cả nền hòa bình. Những con số tiêu cực về xung đột chiến tranh, gây bất an sát hại nhau gây tử vong luôn kinh khủng chiếm hàng đầu. Theo thống kể, năm 2023 ước tính có 170.000 ngàn người bị tử vong trong chiến tranh.

Cũng trong năm 2023 các nước trên thế giới ước tính đã bỏ ra 2,4 ngàn tỷ US Dolar chi tiêu cho việc mua sắm trang bị hiện đại vũ khí để tự vệ.

Và những hậu qủa do chiến trang gây ra cho môi trường sinh thái thiên nhiên bị tàn phá hủy hoại thảm hại không thể đo lường hết.

Nhìn vào thực tế chiến tranh gây tử vong chết chóc, tỵ nạn bệnh tật nghèo đói…hiện tại bên Ukraina, bên dải Gaza, bên Yemen, bên Phi Châu, bên Myamar… làm tinh thần chúng ta hoài nghi.

Bình an Chúa để lại cho Giáo hội, cho con người là gì vậy? Và đã có bình an trên toàn thế giới không?

Liên Hiệp quốc đã bàn thảo về hòa bình xưa nay hằng chục năm rồi, và sau cùng đưa ra một định nghĩa: Hòa bình là sự vắng bóng, không có sự xung đột chiến tranh chém giết nhau.

Định nghĩa này tuy muốn nói lên chiều tích cực, nhưng nó cũng mang khía cạnh tiêu cực. Thời thượng cổ xa xưa người Hy lạp cũng đã có suy tư như thế và hiểu như đó là sự gián đọan cắt đứt có thời hạn về tình trạng chiến tranh vĩnh cửu.

Sự gián đoạn như thế được cắt nghĩa tích cực như chúc lành cho đất nước, cho con người. Không có chiến tranh, đời sống lao động của người dân trong xã hội có cơ hội an toàn phát triển. Và như thế đời sống được bảo đảm về lương thực, về nhà ở cùng phúc lợi có điều kiện an toàn phát triển vươn lên.

Không có gì lạ vị nữ thần hoà bình Eirene của Hylạp được trình bày khắc vẽ với vị thần phúc lợi sung túc Plutos trên tay, và kèm theo một chiếc tù và có bông hoa trái tươi tốt nảy sinh vươn ra bên ngoài như hình ảnh trượng trưng cho sự hạnh phúc thịnh vượng. Và như thế hòa bình theo chiều hướng tích cực được định nghĩa, tất nhiên chỉ với điều kiện cho đời sống phúc lợi giầu có thịnh vượng. Đó cũng là mong muốn của Liên Hiệp Quốc trong bản tuyên ngôn về hòa bình: Đời sống trong thanh bình giữa hàng xóm với nhau, kiến tạo sự phát triển xã hội và đạt được mức sống căn bản tốt đẹp hơn, nâng đỡ sự tự do lớn lao hơn.

Chúa Giêsu Kitô hứa ban cho bình an, nhưng không phải bình an như của trần gian hiểu, bình an của thịnh vượng phúc lợi giầu sang, của phát triển đời sống.

Bình an của Chúa Giêsu Kitô ẩn chứa nhiều hơn cùng liên quan chặt chẽ mật thiết vưới chính bản thân con người của Ngài, như Thánh Phaolô đã viết giảng dậy: Chúa Giêsu Kitô là sự bình an.( Epeso 2,14)

Chúa Giêsu Kitô chính là sự bình an muốn nhắn bảo: bất kể sự xung đột, chiến tranh nào làm anh em bị khủng hoảng, bị chao đảo, nhưng hãy giữ vững niềm hy vọng tin tưởng, vì Thầy hằng luôn ở bên cạnh anh em và hiến mạng sống cho anh em.

Sau lời cầu xin và chúc bình an cho nhau trong thánh lễ, người tín hữu Chúa Kitô tiếp nhận Tấm bánh nhỏ Thánh Thể tình yêu Chúa Kito cho hiện tại, và Tấm bánh Thánh Thể Chúa Kitô là bình an cho tâm hồn đời sống đức tin.

Thánh giáo phụ Augustino đã có cảm nghiệm sâu xa về sự bình an trên con đường hành hương nơi trần gian: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và lòng chúng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Putin: Ukraine vẫn còn ở Kursk. Vụ ám sát kinh hoàng ở Tây Ban Nha: Kyiv bị oan, ai mới là thủ phạm?
VietCatholic Media
04:04 22/05/2025


1. Nhà môi giới quyền lực người Ukraine bị ám sát ở Tây Ban Nha

Cảnh sát Tây Ban Nha đang điều tra cái chết của Andrii Portnov, 51 tuổi, một cựu chính trị gia quyền lực người Ukraine, người đang sống ở Tây Ban Nha.

Bộ Nội vụ Tây Ban Nha xác nhận với POLITICO rằng Portnov đã bị một số kẻ tấn công không rõ danh tính bắn chết trên một con phố ở Pozuelo de Alarcón, một thị trấn thuộc tỉnh Madrid của Tây Ban Nha.

“Các nguồn tin chính thức xác nhận rằng nạn nhân đã bị bắn nhiều phát khi đang lên xe. Một số người đã bắn vào lưng và đầu anh ta rồi bỏ chạy khỏi hiện trường vào một khu rừng”, dịch vụ báo chí của bộ cho biết.

Portnov là một trong những viên chức chủ chốt của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych thân Nga. Năm 2021, ông bị Hoa Kỳ trừng phạt vì cáo buộc tham nhũng cao cấp, đặc biệt là trong ngành tư pháp.

Trong một diễn biến có liên quan, Mikhail Khodorkovsky, một nhà hoạt động đối lập người Nga lên tiếng cảnh giác rằng vụ giết Portnov là một cách để Putin đổ lỗi cho Ukraine.

Ông nhấn mạnh rằng “Theo logic bình thường, Portnov là một tên phản quốc, việc tình bào Ukraine giết hại Portnov xem ra có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, Ukraine là quốc gia có lịch sử lâu dài tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác. Giết hại Portnov chẳng có lợi gì cho họ. Trong khi đó, cục an ninh hải ngoại của Nga thường xuyên dính líu vào các hành động ám sát các nhân vật đối lập và cả những người khác đang sống ở Âu Châu và cả ở Hoa Kỳ.”

Ông chỉ ra rằng vụ giết Portnov không phải là vụ xả súng gây chú ý đầu tiên ở Tây Ban Nha liên quan đến Ukraine. Maxim Kuzminov, một phi công Nga được ca ngợi vì đã đào tẩu sang Kyiv sau cuộc xâm lược của Nga, đã bị bắn chết tại Villajoyosa, gần Alicante, vào năm 2024.

Khodorkovsky nhắc cho mọi người nhớ rằng trợ lý tổng thống Nga Yuri Ushakov đã tiết lộ những chi tiết mới về cuộc điện đàm kéo dài hai giờ giữa nhà độc tài Vladimir Putin với Tổng thống Donald Trump vào thứ Hai.

Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước Nga Interfax, Ushakov cho biết Putin đã chia sẻ thông tin chi tiết về các cuộc tấn công của Ukraine mà Nga tuyên bố đã đẩy lùi trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Mạc Tư Khoa vào ngày 9 tháng 5.

Theo Ushakov, Putin đã nói với Tổng thống Trump rằng các cơ quan an ninh Nga đã ngăn chặn “các cuộc tấn công khủng bố” gần Điện Cẩm Linh và Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 5.

Ushakov cho biết Ukraine muốn “đe dọa các nhà lãnh đạo nước ngoài và ngăn họ đến Mạc Tư Khoa”.

Ushakov cho biết: “Chủ đề này đã được thảo luận khá chi tiết trong cuộc trò chuyện giữa hai tổng thống và đáng được đề cập đặc biệt”.

Theo Ushakov, cuộc thảo luận về các cuộc tấn công của Ukraine đã làm Tổng thống Trump hiểu rõ hơn Nga mới là quốc gia yêu chuộng hòa bình, và chính quyền Ukraine là một bọn phát xít cực kỳ hiếu chiến.

Theo Khodorkovsky, chính Nga đã ra tay giết hại Portnov, một đồng minh của mình nhưng nay đã hết xài. Hành động này nhằm nhấn mạnh thêm rằng “Nga mới là quốc gia yêu chuộng hòa bình, và chính quyền Ukraine là một bọn phát xít cực kỳ hiếu chiến”.

Tưởng cũng nên biết thêm: Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.

[Politico: Ukrainian power broker shot dead in Spain]

2. Pistorius của Đức cho biết Tổng thống Trump đã đánh giá sai ảnh hưởng của mình đối với Putin

Hôm Thứ Năm, 22 Tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tính toán sai lầm trong các cuộc đàm phán với nhà độc tài Nga Vladimir Putin.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã tìm cách làm trung gian chấm dứt cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine — nhưng những nỗ lực của ông không mang lại nhiều kết quả và các đồng minh của Kyiv đã chỉ trích ông vì làm theo ý Nga.

“Tôi không nghĩ ông ấy cố tình phản bội Âu Châu. Tôi tin rằng ông ấy chỉ đơn giản là đánh giá sai tình hình đàm phán với Vladimir Putin — và ảnh hưởng của chính ông ấy với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói với đài phát thanh công cộng Đức Deutschlandfunk.

Pistorius cho biết “sai lầm đầu tiên của nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa là ngay từ đầu, về cơ bản ông đã nhượng bộ tư cách thành viên NATO của Ukraine và một số yêu cầu về lãnh thổ của Nga trước khi bắt đầu đàm phán”.

Tổng thống Trump — người từ lâu đã ca ngợi tài đàm phán của mình và trong khi vận động tranh cử, ông tuyên bố có thể dễ dàng chấm dứt xung đột — đã công khai loại trừ khả năng Ukraine tham gia liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương và nói rằng Kyiv khó có thể đòi lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga tạm chiếm, khiến những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây kinh ngạc.

“Đó không phải là cách bạn bắt đầu đàm phán. Và đó là một vị thế rất yếu để theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình hoặc ngừng bắn”, Pistorius nói thêm.

Nhưng bộ trưởng quốc phòng Đức - người từng phục vụ trong Nội các của cựu Thủ tướng Olaf Scholz và vẫn giữ vai trò của mình dưới thời nhà lãnh đạo mới Friedrich Merz - cho biết Tổng thống Trump “có vẻ đang dần nhận ra rằng mọi chuyện không đơn giản như ông nghĩ” và rằng ông có thể cần sử dụng “các công cụ khác nhau” để gây áp lực với Putin, dường như ám chỉ đến các lệnh trừng phạt.

Pistorius cho biết Tổng thống Trump “cũng phải thừa nhận rằng Putin sẽ không bị ảnh hưởng theo cách này”.

[Politico: Germany’s Pistorius says Trump misjudged his influence over Putin]

3. Các chuyên gia cho rằng Âu Châu ‘sốc’ khi Tổng thống Trump trao cho Putin ‘chiến thắng’

Cuộc điện đàm dài giữa Tổng thống Trump và Vladimir Putin không mang lại đột phá lớn nào và khiến một số quan chức Âu Châu cáo buộc tổng thống Hoa Kỳ đã trao cho nhà độc tài Nga một chiến thắng.

Tổng thống Trump và Putin đã nói chuyện trong hai giờ vào hôm thứ Hai như một phần trong nỗ lực mới nhất của Washington nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm với Ukraine.

Sau cuộc gọi, Tổng thống Trump ám chỉ rằng Hoa Kỳ sẽ không còn đóng vai trò trực tiếp trong các cuộc đàm phán hòa bình. Ông cũng từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga để tăng áp lực buộc Putin phải nghiêm chỉnh đàm phán.

Nhà kinh tế học người Thụy Điển Anders Åslund, từng là cố vấn kinh tế cho cả chính phủ Nga và Ukraine, nói với Newsweek rằng “Âu Châu vẫn bị sốc” trước những gì mà họ coi là sự bỏ rơi của Washington, “nơi từng là mỏ neo trong liên minh phương Tây”.

Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt phát biểu trên X rằng cuộc gọi này “chắc chắn là một chiến thắng cho Putin”.

Cuộc gọi hôm thứ Hai không đạt được kỳ vọng, làm tiêu tan hy vọng rằng nó sẽ đại diện cho một bước ngoặt lớn trong lời cam kết làm trung gian hòa bình của Tổng thống Trump. Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ bỏ đi trừ khi có thêm tiến triển, và kể từ đó đã nói rằng chìa khóa để mở khóa hòa bình ở Ukraine là một cuộc gặp giữa ông và Putin, mà ông muốn diễn ra càng sớm càng tốt. Cuộc gọi là một bước tiến tới một cuộc gặp.

Nhưng Ukraine và các đồng minh Âu Châu muốn Tổng thống Trump tăng áp lực lên Putin thông qua các lệnh trừng phạt và viện trợ quân sự nhiều hơn cho Kyiv để củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán. Họ không tin Putin sẽ dừng cuộc xâm lược theo các điều khoản dễ chịu trừ khi ông bị buộc phải làm như vậy.

Sau cuộc gọi, Tổng thống Trump cho biết Mạc Tư Khoa và Kyiv sẽ nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp về khả năng ngừng bắn, đồng thời một lần nữa tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút khỏi tiến trình này nếu các cuộc đàm phán bị đình trệ.

“ Tôi nghĩ rằng điều gì đó sẽ xảy ra. Và nếu không, tôi chỉ cần lùi lại và họ sẽ phải tiếp tục,” ông nói với các phóng viên, gọi các cuộc đàm phán là “có hiệu quả”.

Điện Cẩm Linh cho biết cuộc điện đàm diễn ra “thẳng thắn và thân thiện”, tiết lộ rằng hai nhà lãnh đạo đã gọi nhau bằng tên riêng và không ai muốn cúp máy trước.

Tổng thống Trump “đang rút lui”, một nhà ngoại giao cao cấp của Âu Châu được báo cáo về cuộc gọi này nói với tờ Financial Times. “Ủng hộ và tài trợ cho Ukraine, gây áp lực lên Nga: tất cả những điều đó giờ là trách nhiệm của chúng ta”.

Aslund, thành viên cao cấp tại Diễn đàn Thế giới Tự do Stockholm, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown và là tác giả của cuốn Chủ nghĩa tư bản thân hữu của Nga, cho biết Tổng thống Trump đang đầu hàng Putin.

“Trong mọi hành động liên quan đến Nga, Tổng thống Trump cho thấy ông chỉ là đối tác cấp dưới của Putin, chấp nhận lập trường của ông chủ và không bao giờ đưa ra bất kỳ lời chỉ trích thực sự nào ngay cả khi đôi khi ông cố gắng che giấu hành động của mình bằng một số lời chỉ trích”, ông nói.

“Chúng ta nên nhận ra rằng cá nhân Tổng thống Trump là bạn và đồng minh của Putin,” Aslund nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, cho biết Putin nên được đánh giá bằng hành động chứ không phải lời nói, và rằng hắn ta “tiếp tục câu giờ” bằng “lời nói suông” sau cuộc gọi với Tổng thống Trump.

Cả Kyiv và Mạc Tư Khoa đều từ chối nhượng bộ khi Nga tiếp tục yêu cầu Ukraine công nhận các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm là của Nga và từ bỏ tham vọng NATO - những yêu cầu mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kiên quyết từ chối, từ chối nhượng bất kỳ vùng lãnh thổ nào cho Putin.

[Newsweek: Europe 'Shocked' as Trump Hands Putin 'Win': Experts]

4. Đồng minh NATO xua đuổi tàu Nga ‘đáng ngờ’ gần cáp ngầm

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết ông đã cử quân đội can thiệp vào một “hạm đội bóng tối” của Nga đang bị trừng phạt vì có hành động đáng ngờ gần đường cáp điện ngầm nối Ba Lan và Thụy Điển, hai đồng minh của NATO.

Một số tuyến cáp ngầm ở Âu Châu đã bị cắt trong những năm gần đây, gây ra những nghi ngờ có hành vi phá hoại. Các đồng minh NATO Âu Châu cáo buộc Nga tiến hành chiến tranh hỗn hợp chống lại họ, chẳng hạn như thông qua các cuộc tấn công mạng, chiến dịch thông tin sai lệch và phá hoại.

Ba Lan gần đây cáo buộc lực lượng đặc nhiệm của Nga đứng sau vụ hỏa hoạn lớn tại trung tâm mua sắm Marywilska, trung tâm thương mại lớn nhất Warsaw, vào năm 2024.

Hôm Thứ Năm, 22 Tháng Năm, Thủ tướng Tusk cho biết con tàu “đã thực hiện các động thái đáng ngờ” gần tuyến cáp vào sáng thứ Tư.

“Sau khi quân đội của chúng tôi can thiệp thành công, con tàu đã đi đến một trong những cảng của Nga”, Tusk cho biết, đồng thời nói thêm rằng tàu hải quân Ba Lan ORP Heweliusz đang trên đường đến hiện trường.

Cái gọi là “hạm đội bóng tối” của Nga là những con tàu mà nước này sử dụng để phớt lờ các lệnh trừng phạt của phương Tây để có thể tiếp tục xuất khẩu dầu, khí đốt và ngũ cốc đánh cắp từ Ukraine.

Anh và Liên Hiệp Âu Châu đã áp dụng thêm lệnh trừng phạt vào Nga vào thứ Hai, bao gồm các biện pháp mới chống lại “hạm đội bóng tối”.

Ngoại trưởng Ba Lan đã ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại thành phố Krakow ở phía nam sau khi chính quyền đổ lỗi cho Mạc Tư Khoa về vụ cháy trung tâm thương mại Warsaw.

Văn phòng công tố viên quốc gia cũng cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã truy tố hai công dân Ukraine đã hợp tác với những kẻ thực hiện vụ đốt phá, xác định danh tính của họ là Daniil B. và Oleksander V.

Vụ hỏa hoạn bùng phát vào ngày 12 tháng 5 năm 2024, tại trung tâm mua sắm Marywilska 44, nơi có khoảng 1.400 cửa hàng và điểm dịch vụ, một khu chợ bình dân trong một công trình giống như nhà kho ở một quận phía bắc Warsaw.

Nhiều người bán hàng rong đến từ Việt Nam và điều này đã gây ra thảm kịch cho nhiều người trong cộng đồng người Việt tại Warsaw.

“Đây là một vụ cháy lớn tại một trung tâm mua sắm ở Warsaw, may mắn thay, không ai bị thương. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski cho biết.

“Vì vậy, Lãnh sự quán Nga sẽ phải rời đi. Và nếu những cuộc tấn công này tiếp tục, chúng tôi sẽ có hành động tiếp theo.”

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov mô tả những cáo buộc này là vô căn cứ và bắt nguồn từ tâm lý chống Nga.

Ông cũng cho biết quyết định đóng cửa lãnh sự quán của Warsaw sẽ gây tổn hại đến quan hệ song phương giữa Nga và Ba Lan, mà Peskov mô tả là đã ở trong “tình trạng đáng tiếc”.

“ Ba Lan đang chọn thái độ thù địch với chúng tôi,” ông nói với các nhà báo.

Năm ngoái, Sikorski đã ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại Poznan, một trong ba lãnh sự quán Nga tại Ba Lan vào thời điểm đó, để đáp trả các hành vi phá hoại, bao gồm cả các vụ tấn công đốt phá mà ông cho là do Mạc Tư Khoa tài trợ.

Như vậy chỉ còn một Lãnh sự quán Nga tại Ba Lan, đặt tại thành phố Gdansk.

Âu Châu ngày càng lo ngại về những nỗ lực của Nga nhằm gây bất ổn khu vực thông qua các hoạt động bí mật.

Các quốc gia dọc theo sườn phía đông của NATO, như Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, cảm thấy đặc biệt dễ bị tổn thương. Vào tháng 3, Lithuania đã cáo buộc Nga thực hiện một vụ tấn công đốt phá tại một cửa hàng IKEA ở thủ đô Vilnius vào năm ngoái.

[Newsweek: NATO Ally Scares Off 'Suspicious' Russian Ship Near Undersea Cable]

5. ‘Tội ác chiến tranh đã được thực hiện’ — Rubio thừa nhận Nga là kẻ xâm lược, nhưng từ chối coi Putin là tội phạm chiến tranh

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio ngày 21 tháng 5 đồng ý rằng Nga là kẻ xâm lược Ukraine, nhưng từ chối coi Putin là tội phạm chiến tranh.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Putin vào ngày 19 tháng 5. Ấn tượng tích cực của Tổng thống Trump về cuộc điện đàm đã khiến các đồng minh của Ukraine ở Âu Châu bị sốc vì Nga tiếp tục từ chối ngừng bắn.

Đại diện đảng Dân chủ Bill Keating hỏi Rubio, “Liệu Nga có phải là kẻ xâm lược trong cuộc chiến tranh Ukraine này không?”

“Đúng là họ đã xâm lược,” Rubio trả lời.

Khi được Keating hỏi liệu Putin có phải là tội phạm chiến tranh không, Rubio thừa nhận tội ác chiến tranh đã xảy ra ở Ukraine, nhưng từ chối coi nhà lãnh đạo Nga là tội phạm chiến tranh.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, tội ác chiến tranh đã xảy ra, và ai phải chịu trách nhiệm về điều đó, sẽ có thời điểm và địa điểm để giải trình, nhưng ngay bây giờ nhiệm vụ là chấm dứt chiến tranh,” Rubio phát biểu khi được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ chất vấn.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, vào ngày 7 tháng 5, đã đồng ý khi được hỏi liệu ông có coi Putin là tội phạm chiến tranh hay không.

Khi được đại diện đảng Dân chủ Juan Vargas hỏi: “Ông có coi Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh không?”, Bessent trả lời: “Có”.

Khi Vargas hỏi, “Ông có đàm phán với một tội phạm chiến tranh không?” Bessent trả lời, “Tôi nghĩ đó là bản chất của ngoại giao, người ta phải đàm phán với cả hai bên, thưa ngài.”

Tòa Bạch Ốc trước đây đã chỉ trích giới lãnh đạo Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Vào ngày 1 tháng 5, Bessent đã đề xuất thiết lập lại quan hệ giữa Ukraine và Hoa Kỳ sau khi ký kết thỏa thuận khoáng sản song phương vào ngày 30 tháng 4.

[Kyiv Independent: 'War crimes have been committed' — Rubio admits Russia is an aggressor, declines to label Putin as a war criminal]

6. Putin thăm Kursk lần đầu tiên kể từ khi Mạc Tư Khoa tuyên bố giành lại được

Điện Cẩm Linh cho biết Putin đã đến thăm Tỉnh Kursk vào ngày 21 tháng 5, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi Mạc Tư Khoa tuyên bố đã giành lại khu vực biên giới của Nga từ lực lượng Ukraine.

Nga tuyên bố vào ngày 26 tháng 4 rằng họ đã hoàn thành chiến dịch “giải phóng” Kursk. Ukraine đã bác bỏ tuyên bố này, nói rằng giao tranh vẫn đang diễn ra ở một số khu vực.

Trong chuyến thăm, Putin đã gặp Quyền Thống đốc Alexander Khinshtein, nhà lãnh đạo các thành phố địa phương và các thành viên của các tổ chức tình nguyện. Ông cũng đã đến thăm Nhà máy điện hạt nhân Kursk, dịch vụ báo chí của Điện Cẩm Linh cho biết. Ngày chính xác của chuyến thăm không được tiết lộ.

Tổng thống Nga trước đó đã đến thăm Tỉnh Kursk vào tháng 3, đây là chuyến đi đầu tiên của ông tới khu vực này kể từ khi Ukraine bắt đầu cuộc tấn công vào mùa hè năm ngoái.

Ukraine đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk vào tháng 8 năm 2024, đánh dấu cuộc xâm lược quy mô lớn đầu tiên vào lãnh thổ Nga của các lực lượng nước ngoài kể từ Thế chiến II. Chiến dịch này nhằm phá vỡ một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của Nga vào Sumy lân cận và kéo lực lượng Nga ra khỏi Donetsk đang bị bao vây.

Được tăng cường bởi quân đội Bắc Hàn, Nga đã phát động chiến dịch tái chiếm khu vực này vào đầu tháng 3, buộc Ukraine phải rút lui khỏi phần lớn lãnh thổ đã chiếm được ban đầu, bao gồm cả thành phố Sudzha.

Theo nhóm giám sát DeepState của Ukraine, quân đội Ukraine vẫn giữ một số vị trí quan yếu ở các thị trấn Gornal và Oleshnya.

Bất chấp tuyên bố chiến thắng của Mạc Tư Khoa trong khu vực, Putin thừa nhận rằng “tàn dư” của lực lượng Ukraine vẫn còn ở Tỉnh Kursk.

[Kyiv Independent: Putin visits Kursk Oblast for first time since Moscow claimed its recapture]

7. Netanyahu chỉ trích Starmer, Macron và Carney về mối đe dọa trừng phạt Israel

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích dữ dội các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Canada sau khi họ đe dọa sẽ “áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu” đối với cuộc tấn công quân sự mới của Israel vào Gaza.

Trong một tuyên bố chung vào thứ Hai, nhà lãnh đạo chính phủ Anh, Pháp và Canada đã lên án tình hình nhân đạo “không thể chấp nhận được” tại vùng đất ven biển bị bao vây này và kêu gọi Israel dừng chiến dịch mới, tăng cường hơn nữa, diễn ra sau nhiều tháng phong tỏa và liên quan đến một làn sóng tấn công trên bộ và trên không mới.

“Israel đã phải chịu một cuộc tấn công tàn bạo vào ngày 7 tháng 10. Chúng tôi luôn ủng hộ quyền của Israel trong việc bảo vệ người Israel khỏi chủ nghĩa khủng bố. Nhưng sự leo thang này hoàn toàn không cân xứng”, ba nhà lãnh đạo cho biết.

“Chúng tôi sẽ không đứng nhìn khi chính quyền Netanyahu theo đuổi những hành động vô lý này. Nếu Israel không ngừng cuộc tấn công quân sự mới và dỡ bỏ các hạn chế về viện trợ nhân đạo, chúng tôi sẽ có thêm các hành động cụ thể để đáp trả”, họ nói thêm.

Sự can thiệp chung hiếm hoi của Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Mark Carney đã nhận được sự chỉ trích gay gắt từ Netanyahu, người đã chỉ trích ba nhà lãnh đạo trong một tuyên bố của riêng ông.

Netanyahu cho biết: “Bằng cách yêu cầu Israel chấm dứt cuộc chiến phòng thủ vì sự sống còn của chúng tôi trước khi những kẻ khủng bố Hamas ở biên giới của chúng tôi bị tiêu diệt và bằng cách yêu cầu thành lập một nhà nước Palestine, các nhà lãnh đạo ở Luân Đôn, Ottowa và Paris đang đưa ra một giải thưởng lớn cho cuộc tấn công diệt chủng vào Israel vào ngày 7 tháng 10 trong khi lại mời gọi thêm nhiều hành động tàn bạo như vậy nữa”.

“Israel chấp nhận tầm nhìn của Tổng thống Trump và kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo Âu Châu làm như vậy”, ông nói thêm, dường như ám chỉ đến đề xuất của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về việc tiếp quản Gaza, trục xuất người Palestine thường trú và tái phát triển nơi này. Kế hoạch này đã bị các nước Trung Đông và Âu Châu và Liên Hiệp Quốc bác bỏ, họ đã cảnh báo chống lại “bất kỳ hình thức thanh trừng sắc tộc nào”, nhưng kế hoạch đó đã nhanh chóng được Netanyahu chấp nhận.

Tuyên bố của Anh-Pháp-Canada phản ánh thái độ bất bình chung của các đồng minh phương Tây của Israel đối với cuộc tấn công quân sự dữ dội của nước này vào Gaza, cuộc tấn công mà Israel tiến hành sau cuộc đột kích xuyên biên giới của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 khiến 1.200 người Israel thiệt mạng.

Macron đã công khai bất đồng với Netanyahu vào năm ngoái sau khi kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Israel và một lần nữa vào tháng trước khi ông đưa ra đề xuất công nhận nhà nước Palestine của Pháp.

Gần đây, Hòa Lan cũng kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu xem xét lại quan hệ đối tác với Israel về tình hình nhân đạo thảm khốc ở Gaza, nơi hơn 50.000 người Palestine đã thiệt mạng và hàng trăm ngàn người bị đẩy đến bờ vực chết đói và bệnh tật do cuộc tấn công quân sự của Israel.

Pháp đã tăng áp lực vào thứ Ba, tuyên bố rằng họ ủng hộ đề xuất của Hòa Lan về việc xem xét lại thỏa thuận liên kết Liên Hiệp Âu Châu với Israel. “Tôi kêu gọi Ủy ban Âu Châu xem xét thỏa thuận này”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cho biết.

“ Thỏa thuận này có chiều hướng chính trị và cũng có chiều hướng thương mại. Không ai có lợi khi chấm dứt. Nhưng tình hình ở Gaza buộc chúng ta phải tăng cường áp lực”, ông nói trên đài phát thanh Pháp.

[Politico: Netanyahu blasts Starmer, Macron and Carney over Israel sanctions threat]

8. Tổng thống Donald Trump từ bỏ một trong những lời hứa quan trọng của mình

Tổng thống Trump đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các nhà lãnh đạo Âu Châu khác rằng Mạc Tư Khoa và Kyiv phải tự mình chấm dứt cuộc chiến do Vladimir Putin phát động.

Lời tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump rằng ông có thể chấm dứt cuộc chiến do Putin phát động trong vòng 24 giờ đã tan thành mây khói khi đối mặt với thực tế, nhưng sau hơn 100 ngày tại nhiệm, tổng thống Hoa Kỳ vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng của mình với tư cách là người đàm phán chính.

Lời biện minh rõ ràng của Tổng thống Trump cho việc Putin vắng mặt trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul tuần trước và báo cáo rằng ông coi việc làm trung gian hòa bình là nhiệm vụ của Nga và Ukraine sẽ làm tăng thêm mối lo ngại rằng ông sẽ bỏ cuộc, chỉ vài ngày sau khi đe dọa trừng phạt nếu Nga từ chối cùng Ukraine tuyên bố lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày.

Sau nhiều lần hứa rằng ông có thể là trung gian chấm dứt chiến tranh, tờ New York Times cho biết Tổng thống Trump đã thông báo với Tổng thống Zelenskiy và các đồng minh của ông rằng hòa bình phụ thuộc vào Nga và Ukraine, là điều mà tờ báo này cho rằng cho thấy ông đang xa lánh tiến trình này.

Trích dẫn nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán, Tờ New York Times cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ không tham gia lệnh trừng phạt của Âu Châu cho dù Putin từ chối ngừng bắn vì những cơ hội thương mại mà Nga mang lại.

John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Kyiv và Mạc Tư Khoa, cho biết việc Tổng thống Trump từ bỏ chính sách trừng phạt trước tiên sẽ gây sốc cho Âu Châu, những nước đã bị “lừa như những kẻ ngốc”.

Vuk Vuksanovic, cộng sự tại tổ chức tư vấn LSE Ideas thuộc Trường Kinh tế Luân Đôn, nói với Newsweek: “Tổng thống Zelenskiy không thể bị coi là kẻ ngốc vì ông ấy rất thận trọng và chưa bao giờ coi Tổng thống Trump là đồng minh toàn diện”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm thứ Ba rằng Washington vẫn đang cung cấp vũ khí cho Ukraine và Tổng thống Trump đang cố gắng chấm dứt một cuộc chiến mà “không bên nào có thể chiến thắng”.

Kể từ cuộc tranh cãi tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 2, Tổng thống Zelenskiy đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn vô điều kiện của Tổng thống Trump, ký một thỏa thuận khoáng sản và đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự các cuộc đàm phán do Putin triệu tập, nhưng nhà lãnh đạo Nga không tham dự.

Mối lo ngại rằng sự hối hả của Tổng thống Trump trong việc đạt được thỏa thuận nhanh chóng bằng mọi giá sẽ trao cho Putin lợi thế đã được chứng minh rõ ràng khi tổng thống Hoa Kỳ từ chối đe dọa áp thuế và trừng phạt Nga cho dù nước này từ chối cùng Ukraine tuyên bố lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày.

Tổng thống Trump dường như đã biện minh cho việc nhà lãnh đạo Nga không tham dự cuộc đàm phán ở Istanbul và rằng “sẽ không có gì xảy ra cho đến khi Putin và tôi gặp nhau”.

Trước đó, khi đề cập rằng ông có thể hủy bỏ các cuộc đàm phán, Tổng thống Trump đã nói sau cuộc điện đàm với Putin rằng Nga và Ukraine phải tự tìm ra giải pháp cho cuộc chiến, một lập trường được củng cố bởi báo cáo của tờ New York Times.

Foreman cho biết Tổng thống Trump đã từ bỏ đường lối của chính quyền ông kể từ Tháng Giêng bằng ngoại giao con thoi, đạt được lệnh ngừng bắn và đàm phán kèm theo các mối đe dọa trừng phạt nhiều hơn và thay vào đó để Putin tha hồ trì hoãn.

Foreman nói với Newsweek hôm thứ Tư rằng việc Tổng thống Trump ám chỉ Hoa Kỳ đang từ bỏ vai trò trung gian cũng cho thấy bản năng tự bảo vệ của ông này khi không thể mang lại hòa bình như đã hứa.

Foreman nói thêm rằng “Mạc Tư Khoa đang hân hoan và phải vui mừng khi các yêu cầu của Putin không thay đổi, quân đội của ông tiến quân sau khi tránh được lệnh ngừng bắn và lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ với lời hứa mơ hồ về việc đàm phán, và đã chia rẽ Hoa Kỳ và Âu Châu”.

Vuksanovic nói với Newsweek rằng Tổng thống Trump đang cố gắng giảm thiểu những lời chỉ trích về vai trò của ông trong các cuộc đàm phán bằng cách chuyển trách nhiệm cho Nga và Ukraine.

Ông cho biết điều tốt nhất mà nhà lãnh đạo Ukraine có thể hy vọng là có Tổng thống Trump làm trung gian, người sẽ cố gắng chấm dứt chiến tranh theo những điều khoản ít gây đau đớn nhất cho Ukraine.

Nhưng Nga chỉ đang câu giờ để hoàn thành nhiệm vụ của mình ở khu vực Donbas của Ukraine vì Kyiv cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump rằng Mạc Tư Khoa là trở ngại cho một thỏa thuận hòa bình khi họ tìm kiếm sự hỗ trợ thêm từ Hoa Kỳ, Vuksanovic nói thêm.

Khi Putin từ chối ký lệnh ngừng bắn 30 ngày vào thứ Hai, Tổng thống Trump đã không áp đặt thêm lệnh trừng phạt vì tổng thống Hoa Kỳ không muốn gây nguy hiểm cho các cơ hội kinh tế mà Nga mang lại, một quan chức Tòa Bạch Ốc nói với tờ Times.

Chính phủ Anh tuyên bố sẽ tham gia Liên Hiệp Âu Châu trong gói trừng phạt gồm 17 lệnh trừng phạt chống lại Nga không đề cập đến Hoa Kỳ Một quan chức Âu Châu nói với tờ NYT rằng Tổng thống Trump “có vẻ không bao giờ đầu tư” vào việc tham gia các biện pháp nếu Putin từ chối tuân thủ lệnh ngừng bắn vô điều kiện, với các mối đe dọa “phần lớn chỉ mang tính hình thức”, theo tờ báo.

Điều này để lại sự chia rẽ giữa Washington và các thành viên NATO đang tiến hành các lệnh trừng phạt. Foreman cho biết điều này khiến Ukraine rất dễ bị tổn thương khi Tổng thống Zelenskiy tìm cách giữ cho Hoa Kỳ tham gia và chuyển từ vị thế bảo đảm an ninh sang ngừng bắn để đàm phán, chỉ để bị thất vọng.

[Newsweek: Donald Trump Gives Up on One of His Major Promises]

9. Vệ binh Quốc gia cho biết: 6 binh sĩ thiệt mạng, hơn 10 người bị thương trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở Tỉnh Sumy

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine cho biết một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga nhằm vào một trường bắn ở Tỉnh Sumy vào ngày 20 tháng 5 đã khiến sáu quân nhân thiệt mạng và hơn 10 người bị thương.

“Một cuộc điều tra chính thức về thảm kịch này đang được tiến hành”, Vệ binh Quốc gia cho biết trong một tuyên bố.

Đơn vị này lưu ý rằng Bộ tư lệnh Vệ binh Quốc gia đã thiết lập các giao thức và ban hành chỉ thị để ứng phó với các mối đe dọa không kích và tránh tập trung nhân sự không cần thiết.

“Người chỉ huy đơn vị đã bị đình chỉ công tác và thông tin cần thiết đã được chuyển cho các cơ quan thực thi pháp luật”, tuyên bố viết.

Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga đã tấn công cộng đồng Shostka ở Tỉnh Sumy vào buổi chiều ngày 20 tháng 5, đánh trúng một doanh nghiệp, chính quyền quân sự khu vực đã báo cáo vào thời điểm đó. Không quân cũng đã đưa ra cảnh báo về các cuộc tấn công trên không của Nga ở các khu vực đông bắc Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin một bãi tập quân sự của Ukraine đã bị hỏa tiễn Iskander tấn công.

Cả Ukraine và Nga đều hiếm khi thừa nhận các cuộc tấn công thành công của phe đối lập vào các cơ sở quân sự và doanh trại của họ.

[Kyiv Independent: 6 soldiers killed, over 10 injured in Russian missile strike in Sumy Oblast, National Guard says]

10. Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ giới thiệu nghị quyết lưỡng đảng yêu cầu trả lại trẻ em Ukraine bị bắt cóc

Trong một động thái hiếm hoi thể hiện sự đoàn kết lưỡng đảng, một nhóm thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đưa ra một nghị quyết kêu gọi trả lại hàng ngàn trẻ em Ukraine bị Nga bắt cóc, đồng thời thúc giục không được ký kết bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine cho đến khi tất cả trẻ vị thành niên được hồi hương an toàn.

Nghị quyết lên án những gì được mô tả là hành vi bắt cóc có hệ thống, chuyển giao cưỡng bức và bắt cóc bất hợp pháp trẻ em Ukraine của Nga. Nghị quyết nêu rõ rằng “Việc Nga bắt cóc và Nga hóa trẻ em Ukraine chứng tỏ ý định diệt chủng của Nga là xóa bỏ quốc gia và bản sắc Ukraine”.

Nỗ lực này đang được dẫn đầu bởi một nhóm gồm sáu thượng nghị sĩ, bao gồm các thành viên Cộng hòa Charles E. Grassley, Roger Wicker, Joni Ernst và Rick Scott, và các thành viên Dân chủ Amy Klobuchar, Dick Durbin và John Fetterman. Nghị quyết nhấn mạnh rằng cuộc xâm lược Ukraine đã làm tăng nguy cơ trẻ em dễ bị tổn thương trước nhiều mối đe dọa, lưu ý rằng “cuộc xâm lược Ukraine của Liên bang Nga đã làm tăng đáng kể nguy cơ trẻ em bị buôn bán và bóc lột, lao động trẻ em, bạo lực tình dục, nạn đói, thương tích, chấn thương, thiếu giáo dục và nơi trú ẩn, và tử vong”.

Theo chính quyền Ukraine, tính đến ngày 16 tháng 4, hơn 19.500 trẻ em đã được xác nhận là bị trục xuất bất hợp pháp hoặc bị chuyển đến Nga, Belarus hoặc các khu vực của Ukraine dưới sự xâm lược của Nga. Cho đến nay, chỉ có 1.274 trẻ em được trả lại các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.

Nghị quyết coi việc bắt cóc trẻ em là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế và Công ước diệt chủng, trích dẫn Điều 147 của Công ước Geneva lần thứ tư và Điều II(e) của Công ước diệt chủng, trong đó cấm việc cưỡng ép chuyển giao trẻ em từ nhóm này sang nhóm khác.

Báo cáo về nạn buôn người năm 2024 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận tình trạng tuyển dụng trẻ em làm lính của Nga và mô tả quốc gia này là trung tâm toàn cầu về nạn buôn người do nhà nước bảo trợ.

Razom for Ukraine, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine, đã tán thành nghị quyết này.

Tổ chức này tuyên bố, “Đây là một bước quan trọng trong lời hứa ngày 19 tháng 3 của Tổng thống Trump nhằm bảo đảm trẻ em Ukraine bị Nga bắt cóc sẽ được trả về với gia đình. Bằng cách bắt cóc hơn 19.546 trẻ em từ Ukraine, Nga đồng thời xóa bỏ danh tính của những đứa trẻ này là người Ukraine trong khi vẫn giữ chúng làm con tin. Hoa Kỳ phải nói rõ rằng trẻ em không phải là con bài mặc cả và phải được trả về ngay lập tức.”

Đại sứ John Herbst, giám đốc cao cấp của Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, cho biết “Những đứa trẻ bị bắt cóc của Ukraine đang trông cậy vào Quốc hội và Tổng thống Trump để yêu cầu Mạc Tư Khoa trả tự do cho chúng. Chấm hết.”

“Theo dữ liệu có sẵn, Nga đã bắt cóc hơn 19.400 trẻ em Ukraine kể từ năm 2022 — một tội ác vô lý. Giải thoát trẻ em Ukraine phải là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán nào, và tôi cảm ơn Tổng thống Trump vì đã bày tỏ mong muốn giúp giải thoát trẻ em Ukraine.”

Mykola Kuleba, Tổng giám đốc điều hành và nhà sáng lập của Save Ukraine và cựu thanh tra viên cho trẻ em tại Ukraine, đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đưa trẻ em trở về. “Là một nhà lãnh đạo phi lợi nhuận làm việc để giải cứu và đoàn tụ những đứa trẻ này với gia đình, tôi biết ơn mọi tiếng nói được nêu ra thay mặt cho chúng. Chúng tôi vô cùng trân trọng những nhà lãnh đạo thúc giục hành động để bảo đảm rằng những đứa trẻ này được đưa về an toàn và cấp bách”, ông nói.

Nghị quyết này cũng tham chiếu đến những phát biểu trước đó của cựu Tổng thống Trump, người đã tuyên bố rằng ông có thể thuyết phục Putin thả những đứa trẻ bị bắt cóc. “Tổng thống Trump đã hứa... sẽ giúp bảo đảm những đứa trẻ đó được trở về nhà”, Ngoại trưởng Marco Rubio và Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz khi đó cho biết.

Năm 2022, Putin đã ký một sắc lệnh giúp các gia đình Nga dễ dàng hơn trong việc nhận con nuôi người Ukraine. Chính phủ Nga đã sửa đổi luật nhận con nuôi để đẩy nhanh việc đưa trẻ em bị bắt cóc đến các gia đình người Nga, thường là sau khi tước bỏ tên, ngôn ngữ và quốc tịch của chúng.

Đài quan sát xung đột của Bộ Ngoại giao báo cáo rằng ít nhất 35.000 trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi những cuộc chuyển giao cưỡng bức này. Các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu này rất quan trọng đối với những nỗ lực đang diễn ra của Ukraine nhằm xác định vị trí và hồi hương trẻ em bị bắt cóc.

Vào tháng 3 năm 2023, Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Putin và Ủy viên Quyền Trẻ em Nga Maria Lvova-Belova vì vai trò của họ trong việc trục xuất bất hợp pháp trẻ em Ukraine. Hoa Kỳ cũng đã trừng phạt ít nhất 32 cá nhân và ba thực thể của Nga vì liên quan đến các vụ bắt cóc này và các hành vi vi phạm nhân quyền liên quan.

Nghị quyết lưỡng đảng này cho thấy cả các nhà lập pháp Cộng hòa và Dân chủ đều thống nhất lên án hành động của Nga và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho trẻ em Ukraine.

[Kyiv Independent: US senators introduce bipartisan resolution demanding return of abducted Ukrainian children]
 
Ukraine đánh dữ dội suốt đêm, đóng cửa 6 phi trường Moscow. Biệt kích ám sát 4 sĩ quan của Kadyrov
VietCatholic Media
16:36 22/05/2025


1. Nga cáo buộc Ukraine tấn công ồ ạt vào Mạc Tư Khoa làm nhiều phi trường đóng cửa

Hôm Thứ Năm, 22 Tháng Năm, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ 105 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trong đêm 21 rạng sáng 22 tháng 5, bao gồm 35 chiếc bị đánh chặn trên không phận Mạc Tư Khoa.

Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin cho biết tất cả máy bay điều khiển từ xa đều bay về phía thủ đô Nga.

Do cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa, cả bốn phi trường ở Mạc Tư Khoa — Sheremetyevo, Vnukovo, Domodedovo và Zhukovsky — cũng như các phi trường ở Tambov và Vladimir đều tạm thời đóng cửa.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay điều khiển từ xa khác của Ukraine cũng bị bắn hạ trên các vùng Oryol, Kursk, Belgorod, Tula, Kaluga, Voronezh, Lipetsk, Smolensk và Bryansk.

Thống đốc Tula Dmitry Milyaev cho biết một trong những máy bay điều khiển từ xa đã đâm vào mái của một tòa nhà chung cư ở Tula. Cuộc tấn công cũng làm hư hại các tòa nhà dân cư và phi dân cư khác.

Chính quyền Nga chưa báo cáo bất kỳ thiệt hại nào khác hoặc thương vong.

Ukraine thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào các cơ sở công nghiệp và quân sự của Nga ở hậu phương nhằm làm suy yếu khả năng tiến hành chiến tranh toàn diện của Nga.

Mạc Tư Khoa và các khu vực xung quanh đã phải đối mặt với số lượng ngày càng tăng các cuộc xâm nhập bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trong những tuần gần đây.

Một ngày trước đó, vào ngày 21 tháng 5, máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công nhà máy bán dẫn Bolkhov của Nga ở Tỉnh Oryol, nơi sản xuất các bộ phận cho chiến đấu cơ Sukhoi và hỏa tiễn Iskander và Kinzhal, Bộ Tổng tham mưu Ukraine tuyên bố.

[Kyiv Independent: Mass Ukrainian drone strike targets Moscow, Russia claims, multiple airports closed]

2. Hoa Kỳ phản đối tuyên bố chung của G7 về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, Politico đưa tin

Hoa Kỳ phản đối việc đưa các điều khoản về “hỗ trợ thêm” cho Ukraine vào một tuyên bố chung trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, tại Canada, Politico đưa tin vào ngày 21 tháng 5, trích dẫn lời của hai quan chức giấu tên.

Canada, nước chủ trì nhóm G7 năm nay, sẽ tổ chức cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 vào tuần này. Hội nghị thượng đỉnh này là tiền đề cho cuộc họp chính của các nguyên thủ quốc gia G7, sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 6.

Theo các nguồn tin nói với Politico, Washington cũng từ chối coi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine là “bất hợp pháp” trong văn bản.

Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ chặn các tuyên bố chung của G7 ủng hộ Ukraine và lên án chiến tranh của Nga.

Trước đó, Washington đã không ủng hộ tuyên bố chung lên án cuộc tấn công chết người của Nga vào Sumy, khiến 35 người thiệt mạng và 119 người bị thương vào Chúa Nhật Lễ Lá ngày 13 tháng 4. Chính quyền Tổng thống Trump cũng phản đối tuyên bố chung vào dịp kỷ niệm ba năm cuộc chiến toàn diện của Nga và phủ quyết đề xuất thành lập lực lượng đặc nhiệm theo dõi “hạm đội tàu chở dầu” của Nga.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng, Tổng thống Trump đã đảo ngược chính sách đối ngoại nhiều năm của Hoa Kỳ về chiến tranh Nga-Ukraine, nối lại liên lạc trực tiếp với Mạc Tư Khoa trong khi gây áp lực lên Kyiv bằng cách thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình với Nga theo các điều kiện có lợi cho Điện Cẩm Linh.

Trong các cuộc đàm phán gần đây tại Istanbul giữa Nga và Ukraine vào ngày 16 tháng 5, Mạc Tư Khoa tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát hoàn toàn bốn tỉnh bị tạm chiếm một phần của Ukraine và bán đảo Crimea, cũng như yêu cầu Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO.

Phản ứng trước những yêu cầu của phía Nga, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố Ukraine sẽ không bao giờ rút quân khỏi lãnh thổ của mình.

[Kyiv Independent: US opposes joint G7 statement on further support for Ukraine, Politico reports]

3. 4 sĩ quan Chechnya thiệt mạng trong vụ đánh bom xe ở khu vực Kherson bị Nga tạm chiếm

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Năm, 22 Tháng Năm, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, tuyên bố rằng bốn sĩ quan Chechnya thuộc đơn vị Akhmat do Nga hậu thuẫn đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe gần thành phố Skadovsk bị tạm chiếm ở tỉnh Kherson vào chiều tối ngày 20 tháng 5.

Theo HUR, chiếc xe phát nổ giữa Skadovsk và Antonivka ở khu vực bị tạm chiếm của Kherson. Skadovsk, một thành phố có dân số trước chiến tranh là 17.000 người, nằm trên bờ Hắc Hải. Nga đã xâm lược thành phố này từ tháng 3 năm 2022.

Đại Úy Yusov cảnh báo ráo “sẽ có sự trừng phạt thích đáng cho mọi tội ác chiến tranh chống lại người dân Ukraine”.

Các quan chức Nga, người đại diện và những người cộng tác với họ thường xuyên bị nhắm tới ở cả những vùng bị tạm chiếm của Ukraine và bên trong nước Nga.

Hôm Thứ Tư, 21 Tháng Năm, Vladimir Saldo, tên phản bội, đã cáo buộc đặc công Ukraine dùng thủ đoạn “hèn nhát” gài mìn hẹn giờ trong chiếc xe của các sĩ quan Chechnya.

Saldo cho biết các sĩ quan Chechnya đã đến Skadovsk để nhận đạn dược. Sau đó, họ ăn tối và đó là lúc đặc công Ukraine gài mìn trong chiếc xe. Saldo cáo buộc thủ đoạn tàn ác của quân Ukraine là canh giờ để quả bom nổ ở khúc đường vắng giữa Skadovsk và Antonivka ngõ hầu không ai có mặt để tiếp cứu cho các nạn nhân. Đến sáng Thứ Tư, 21 Tháng Năm, người đi đường mới phát hiện ra vụ nổ. Mọi nỗ lực cấp cứu đã quá trễ.

[Kyiv Independent: 4 Chechen officers killed in car bombing in Russian-occupied part of Kherson Oblast, Ukraine's HUR claims]

4. Tổng thống Trump khiến tổng thống Nam Phi phải vào thế phòng thủ vì những cáo buộc ‘diệt chủng’ chưa được chứng minh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy có thể cảm thấy có chút an ủi khi biết rằng ông không phải là nạn nhân duy nhất bị Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mỹ James David Vance “nướng” tại phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc. Một diễn biến tương tự như thế đã xảy ra với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa.

Tổng thống Trump đã tắt đèn trong Phòng Bầu dục và đảo ngược tình thế với tổng thống Nam Phi, phát một đoạn video ghi lại cảnh các nhà hoạt động da đen kêu gọi tịch thu đất đai của nông dân da trắng và chỉ ra những bia mộ mà ông đưa ra làm bằng chứng về một “cuộc diệt chủng”.

Cyril Ramaphosa, người có những phát biểu ban đầu ca ngợi nồng nhiệt Tổng thống Trump trong nỗ lực “thiết lập lại” mối quan hệ, cho biết các bài phát biểu của “một đảng thiểu số nhỏ” “không phải là chính sách của chính phủ” và ông không quen thuộc với hình ảnh các ngôi mộ.

Cuộc tranh luận qua lại sau đó rất căng thẳng và kéo dài hơn nửa giờ, được truyền hình trực tiếp, vì Tổng thống Trump, háo hức muốn nhấn mạnh những cáo buộc chưa được chứng minh về “tội diệt chủng” đối với người da trắng Nam Phi, đã không muốn bỏ qua.

“Họ đã nói với ngài nơi đó chưa, ngài Tổng thống?” Ramaphosa nói. “Tôi muốn biết nơi đó ở đâu, vì tôi chưa từng thấy nơi này.”

Chỉ vào những hình ảnh in bổ sung mà ông cho là có bằng chứng về tội diệt chủng và tuyên bố rằng “người Nam Phi da trắng đang chạy trốn vì bạo lực và luật phân biệt chủng tộc”.

Các ký giả có mặt tại Tòa Bạch Ốc tỏ ra không hưởng ứng cáo buộc của Tổng thống Trump rằng đang có nạn diệt chủng người da trắng ở Nam Phi. Tổng thống Trump đã tỏ ra bị bất ngờ khi được một ký giả hỏi ông muốn Tổng thống Ramaphosa làm gì về vấn đề này.

“Tôi không biết,” Tổng thống Trump nói.

Tòa Bạch Ốc đã chia sẻ đoạn video được phát trên một chiếc tivi lớn đẩy vào Phòng Bầu dục với đoàn báo chí sau cuộc họp.

Trong khi Tổng thống Trump và cựu người dẫn chương trình của Fox News Channel Tucker Carlson đã thúc đẩy câu chuyện về cuộc đàn áp người Afrikaner trong nhiều năm, không có bằng chứng nào về một cuộc diệt chủng. Mặc dù một số nông dân da trắng đã bị sát hại, nhưng những trường hợp đó chỉ chiếm chưa đến một phần trăm trong số 27.000 vụ giết người hàng năm của đất nước.

Ngoài ra, tuyên bố của tổng thống về việc tịch thu đất đai là phóng đại. Trong khi Ramaphosa đã ký một đạo luật vào đầu năm nay nêu rõ các trường hợp mà nhà nước có thể tịch thu đất đai cho mục đích công cộng, thì hầu hết chủ đất đều được bồi thường.

Khi Tổng thống Trump tiếp tục nhấn mạnh rằng “khi họ giết người nông dân da trắng, chẳng có gì xảy ra cả”, Ramaphosa đã cố gắng phản bác, thừa nhận rằng “có tội phạm ở đất nước chúng tôi” và nói rõ rằng ông sẵn sàng thảo luận về mối quan ngại của tổng thống.

“Thật không may, những người bị giết thông qua hoạt động tội phạm không chỉ là người da trắng. Phần lớn trong số họ là người da đen”, Ramaphosa nói.

Ramaphosa, người đã yêu cầu chuyến thăm Tòa Bạch Ốc vào thứ Tư để thiết lập lại quan hệ và muốn tập trung chủ yếu vào thương mại, cho rằng cuộc trò chuyện sẽ hiệu quả hơn khi không có báo chí trong phòng. Nhưng Tổng thống Trump không đuổi nhóm nhà báo khỏi Phòng Bầu dục, thay vào đó, ông trả lời một câu hỏi khác và tiếp tục chỉ trích.

“Bạn đang lấy đi đất đai của người dân,” Tổng thống Trump nói tiếp.

“Chúng tôi không làm vậy,” Ramaphosa trả lời, ông đã nhờ bộ trưởng nông nghiệp của mình, một người da trắng thuộc đảng đối lập, ủng hộ mình.

Bộ trưởng John Henry Steenhuisen lưu ý rằng các chính trị gia da đen xuất hiện trong đoạn video kêu gọi bạo lực chống lại nông dân da trắng là từ “các đảng thiểu số đối lập” mà liên minh của ông và Ramaphosa đã cùng nhau hợp tác để ngăn chặn họ nắm quyền.

Phó Tổng thống JD Vance, ngồi trên ghế dài cạnh Tổng thống Trump, sau đó xen vào đặt câu hỏi cho Ramaphosa.

“Vậy anh lên án loại ngôn ngữ đó trong video phải không?” ông hỏi.

“Ồ vâng, chúng tôi vẫn luôn làm như vậy”, Ramaphosa trả lời. “Chúng tôi hoàn toàn phản đối điều đó”.

Nhưng Tổng thống Trump không chịu nhượng bộ, ông hỏi Ramaphosa tại sao những nhà lãnh đạo đối lập đó lại được thả tự do sau bài phát biểu khuyến khích bạo lực.

“Tại sao ông không bắt giữ người đàn ông đó?” Tổng thống Trump nói “Ông ta nói: 'Hãy giết những người nông dân da trắng!'“

Có lúc, Tổng thống Trump nhắc đến Elon Musk, tỷ phú gốc Nam Phi và là cố vấn không chính thức đứng bên trái ông sau ghế sofa. Nhưng CEO của Tesla, Starlink và SpaceX không nói gì.

Ramaphosa đã mang theo hai vận động viên chơi golf chuyên nghiệp da trắng đến từ Nam Phi là Retief Goosen và Ernie Els, những người đã nói về tội phạm ở Nam Phi và thúc giục Tổng thống Trump giúp đất nước này giải quyết tình hình.

Khi phần công khai của cuộc họp đạt đến mốc một giờ, một phóng viên đã hỏi Tổng thống Trump rằng liệu ông có tin rằng nạn diệt chủng đang xảy ra ở Nam Phi hay không. Mặc dù ông đã nói chắc chắn về tình hình này, ông vẫn né tránh: “Tôi vẫn chưa quyết định”.

Trong những bình luận ban đầu, cả hai nhà lãnh đạo đều bỏ qua vấn đề này, trao đổi những lời xã giao và khen ngợi. Ramaphosa cảm ơn Tổng thống Trump vì đã gửi máy thở cho Nam Phi trong đại dịch Covid và cho biết ông đã tập chơi golf theo lời thúc giục của Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump, có lẽ đã tiết lộ về những gì sắp xảy ra, đã thận trọng hơn một chút, mô tả Ramaphosa là “chắc chắn thực sự được tôn trọng, trong một số nhóm, — trong những nhóm khác, ít được tôn trọng hơn một chút. Giống như tất cả chúng ta, nói một cách công bằng.”

Báo chí Nam Phi tỏ ra hằn học với những gì vừa xảy ra đã liên kết những diễn biến mới nhất này với câu chuyện đã xảy ra cho Tổng thống Zelenskiy vào ngày 28 Tháng Hai, và gọi đó là “chính sách ngoại giao bắt nạt” của Tổng thống Trump và phó tổng thống JD Vance.

Tình trạng bạo lực ở Nam Phi là đặc biệt đáng quan ngại. Tuy nhiên, theo tổ chức theo dõi nhân quyền, gọi tắt là HRW, các băng đảng giết hại cả người da trắng lẫn người da đen. Câu chuyện về nạn diệt chủng người da trắng ở Nam Phi có vẻ hoang đường; và trên phương diện địa chính trị có thể gây thêm bất lợi cho Hoa Kỳ vì có khả năng cao là sau vụ này Nam Phi sẽ ngả về phía Nga nhiều hơn.

[Politico: Trump puts South Africa’s president on the defensive over unproven ‘genocide’ claims]

5. Các quan chức Ukraine phủ nhận sự hiện diện của quân đội Nga ở Dnipropetrovsk

Các quan chức Ukraine đã bác bỏ những tuyên bố lan truyền trực tuyến vào ngày 21 tháng 5 rằng lực lượng Nga đã đến biên giới hành chính của Tỉnh Dnipropetrovsk.

Hôm Thứ Năm, 22 Tháng Năm, Serhii Lysak, nhà lãnh đạo Cục Quản lý Quân sự Tỉnh Dnipropetrovsk, gọi những cáo buộc này là “giả mạo” và cho biết bức ảnh đi kèm được cho là chụp quân đội Nga trong khu vực này cũng là bịa đặt.

“Cái gọi là 'tin tức' này và bức ảnh được cho là minh họa cho nó không phản ánh thực tế,” Lysak cho biết trong một tuyên bố. “Chúng được (Nga) cố tình công bố để dọa người dân trong khu vực của chúng tôi, gieo rắc sự hoảng loạn và làm mất ổn định tình hình.”

Nhóm giám sát DeepState của Ukraine cũng giải quyết hình ảnh lan truyền, dường như cho thấy những người lính Nga gần một chiếc xe bán tải vướng vào hàng rào thép gai. Các blogger quân sự Nga tuyên bố bức ảnh chứng minh họ đã đến biên giới Dnipropetrovsk gần làng Novomykolaivka.

DeepState đã bác bỏ tuyên bố này, nói rằng bức ảnh được chụp tại làng Troitske thuộc tỉnh Donetsk và chiếc xe này thuộc về quân đội Ukraine đã bị tấn công vào ban đêm. Các lực lượng Nga được cho là đã đến sau đó và dàn dựng các bức ảnh với chiếc xe bị bỏ lại vào buổi sáng.

Chưa có xác nhận chính thức nào về việc Nga tiến quân vào Tỉnh Dnipropetrovsk.

Trong khi Tỉnh Donetsk là tâm điểm của cuộc xâm lược của Nga chống lại Ukraine kể từ năm 2014 - với sự leo thang đáng kể sau cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022 - thì lực lượng Nga vẫn chưa tiến vào Tỉnh Dnipropetrovsk lân cận.

Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa vẫn thường xuyên tấn công vào Tỉnh Dnipropetrovsk bằng máy bay điều khiển từ xa, hỏa tiễn và bom trên không, gây ra thương vong nặng nề cho dân thường.

Mức độ tiến công của Nga ở Ukraine vẫn không hề giảm bớt mặc dù Hoa Kỳ đã nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình và Kyiv đã kêu gọi ngừng bắn vô điều kiện trong những tháng qua. Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 19 tháng 5, Putin đã một lần nữa bác bỏ lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở Ukraine.

[Kyiv Independent: Ukrainian officials deny Russian troop presence in Dnipropetrovsk Oblast]

6. Con Tổng thống Donald Trump ám chỉ việc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ

Con trai cả của tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump Jr., hôm thứ Tư cho biết ông sẽ không loại trừ khả năng chạy đua vào Tòa Bạch Ốc trong tương lai.

“Có lẽ một ngày nào đó… tiếng gọi đó sẽ ở đó,” Trump Jr. phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar ở Doha. “Tôi nghĩ cha tôi đã thực sự thay đổi Đảng Cộng hòa.”

Trump Jr. được coi là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong phong trào MAGA và được coi là người kế nhiệm tiềm năng cho di sản chính trị của cha mình, nếu không muốn nói là muốn giành vị trí cao nhất.

Hiện ông đang giữ chức phó chủ tịch điều hành của Trump Organization, nhưng cũng giúp định hình chính quyền thứ hai của cha mình, bảo đảm rằng những người trung thành và những người thực sự có tư tưởng sẽ chiếm lĩnh nhánh hành pháp, đồng thời đóng vai trò là lực lượng chủ chốt ủng hộ Tổng thống Trump trên mạng xã hội.

Phát biểu tại diễn đàn Doha, Trump Jr. đã bảo vệ đường lối của chính quyền — đặc biệt là về thương mại — với lập luận rằng nó không gây ra mối đe dọa nào đối với sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ. “Những thay đổi cần có thời gian”, ông nói, đồng thời nói thêm rằng nỗi sợ hãi của công dân Hoa Kỳ về chính sách thương mại của Tổng thống Trump phần lớn là do “sự cuồng loạn” trên phương tiện truyền thông.

Vào tháng 3, Trump Jr. đã phủ nhận các báo cáo cho rằng ông đang cân nhắc tranh cử tổng thống vào năm 2028, chỉ ra rằng ông là nhân vật chủ chốt trong việc thuyết phục cha mình chọn JD Vance làm phó tổng thống, người mà ông mô tả là “một nhân tố nắm quyền lực tức thời” trong Đảng Cộng hòa.

Tổng thống Trump, mặc dù bị hiến pháp cấm phục vụ nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là tổng thống, đã tự mình khơi dậy ý tưởng rằng ông có thể tái tranh cử vào năm 2028.

[Politico: Donald Trump Jr. hints at run for US president]

7. Tổng thống Trump tuyên bố ‘tiến triển’ trong việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 21 tháng 5 rằng Hoa Kỳ đã đạt được “nhiều tiến bộ” trong việc chấm dứt chiến tranh của Nga tại Ukraine.

Vào ngày 19 tháng 5, Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Putin, đánh dấu cuộc trò chuyện đầu tiên giữa họ sau hai tháng.

“Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề Nga-Ukraine”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên. “Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Putin trong hai giờ vào ngày hôm kia. Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được nhiều tiến triển. Nhưng đó là một cuộc tắm máu”.

Tổng thống Trump mô tả cuộc chiến là “một điều khủng khiếp”.

“Có rất nhiều sự thù hận, rất nhiều cái chết,” ông nói. “Tôi có được những bức ảnh vệ tinh của cánh đồng đó — bạn chưa bao giờ thấy điều gì như thế trong đời mình.”

Cuộc gọi gần đây giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra vài ngày sau các cuộc đàm phán không có kết quả rõ ràng tại Istanbul, nơi Nga cử một phái đoàn gồm các quan chức cấp thấp và nhắc lại các yêu cầu toàn diện về lãnh thổ, bao gồm cả việc Ukraine chấp nhận mất Crimea và bốn khu vực khác.

Sau cuộc gọi, Putin nhắc lại những yêu cầu tối đa của Nga, phủ nhận thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn.

Tổng thống Trump đã không nhất quán trong lời lẽ của mình đối với nhà lãnh đạo Nga, đôi khi lên tiếng bày tỏ sự thất vọng với những nỗ lực hòa bình bị đình trệ nhưng chủ yếu là tránh chỉ trích trực tiếp Putin.

Bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ, Putin vẫn tỏ ra không mấy sẵn lòng thỏa hiệp để đạt được giải pháp.

Đường lối của Tổng thống Trump đã gây ra sự thất vọng và bối rối trong số các đồng minh Âu Châu, nhiều người trong số họ muốn ông ủng hộ tối hậu thư chung của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu về lệnh ngừng bắn vô điều kiện bắt đầu từ ngày 12 tháng 5 và các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Mạc Tư Khoa. Mặc dù Nga từ chối, cho đến nay vẫn chưa có lệnh trừng phạt bổ sung nào của Hoa Kỳ được áp dụng.

Tổng thống Trump thường khoe khoang về mối quan hệ được cho là nồng ấm của mình với nhà lãnh đạo Nga, mặc dù hai người chưa gặp nhau kể từ khi Tổng thống Trump trở lại nhiệm sở vào Tháng Giêng năm nay.

Hai vị tổng thống trước đó đã có cuộc điện đàm vào ngày 18 tháng 3, trong đó Putin đã từ chối lời đề nghị ngừng bắn trong 30 ngày của Tổng thống Trump do Kyiv hậu thuẫn nhưng tuyên bố tạm dừng các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng, điều mà Ukraine cho biết đã liên tục vi phạm.

Gần đây, Tổng thống Trump đã có thái độ chỉ trích Điện Cẩm Linh nhiều hơn trong bối cảnh Mạc Tư Khoa trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình và liên tục tấn công vào các khu vực dân sự ở Ukraine.

Đồng thời, chính quyền mới của Hoa Kỳ cũng thường xuyên sử dụng giọng điệu gay gắt đối với Ukraine, đáng chú ý nhất là trong cuộc họp gây chấn động giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelenskiy tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 2. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp thứ hai bên lề lễ tang của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 4, được cả hai bên mô tả theo hướng tích cực hơn.

[Kyiv Independent: Trump claims 'progress' on ending Russia-Ukraine war]

8. Chính quyền Tổng thống Trump chấp nhận máy bay phản lực Qatar cho Không lực Một

Theo Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ đã chính thức chấp nhận một chiếc máy bay phản lực hạng sang gây tranh cãi từ Qatar để sử dụng làm Không lực Một, bất chấp những lo ngại từ các nhà lập pháp và đồng minh của MAGA về những tác động về mặt tài chính và đạo đức.

Chiếc máy bay phản lực trị giá 400 triệu đô la này có thể sẽ khiến người nộp thuế phải tốn hàng trăm triệu đô la để nâng cấp nó theo tiêu chuẩn của tổng thống, bao gồm việc kiểm tra an ninh toàn bộ máy bay và nâng cấp tốn kém để bảo đảm thông tin liên lạc được phân loại.

Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã chấp nhận chiếc Boeing 747 “theo tất cả các quy tắc và quy định của liên bang”, “Bộ Quốc phòng sẽ nỗ lực để bảo đảm các biện pháp an ninh thích hợp và các yêu cầu về nhiệm vụ chức năng được xem xét cho một chiếc máy bay được sử dụng để vận chuyển tổng thống Hoa Kỳ”.

Tổng thống Trump đã coi máy bay phản lực này là giải pháp tạm thời tiết kiệm chi phí do sự chậm trễ lớn trong nỗ lực của Không quân nhằm thay thế đội bay hiện tại bằng hai máy bay Boeing. Nhưng sự quan tâm của Tổng thống Trump đối với máy bay phản lực đã khiến các nhà lập pháp ở cả hai đảng lo lắng, những người đã nhấn mạnh đến rủi ro an ninh và hậu quả về mặt đạo đức của việc tổng thống chấp nhận một chiếc máy bay do nước ngoài sở hữu làm quà tặng.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy, một thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Việc để một chính phủ nước ngoài trang bị cho chiếc máy bay nhạy cảm nhất trong kho vũ khí của Hoa Kỳ nghe có vẻ vẫn là một ý tưởng khá tồi”.

Murphy, người đã đưa ra một nghị quyết để thách thức thỏa thuận, có thể tạo động lực mới cho sự phản kháng của quốc hội. “Điều này nghe có vẻ như là một câu hỏi mà Quốc hội nên tranh luận”, ông nói.

Tổng thống Trump đã đề xuất giữ lại chiếc máy bay tại thư viện tổng thống của mình sau khi ông rời nhiệm sở, điều mà Murphy gọi là “về cơ bản là tham nhũng”.

ABC News là hãng tin đầu tiên đưa tin về việc chính quyền chấp nhận máy bay phản lực.

Không rõ Không quân, đơn vị được giao nhiệm vụ tái cấu hình máy bay Qatar, có thể nâng cấp máy bay phản lực và đưa vào sử dụng sớm như thế nào. Nhưng nhà thầu L3 Harris Technologies sẽ làm việc trên các thiết bị điện tử tại cơ sở ở Texas, theo hai người hiểu rõ vấn đề này, những người giống như những người khác, được cấp quyền ẩn danh để thảo luận về các vấn đề nội bộ.

Phát ngôn nhân của công ty từ chối bình luận.

Không quân và Boeing đã làm việc để bàn giao hai máy bay Air Force One mới nhưng một loạt các vấn đề, bao gồm các vết nứt trên thân máy bay và chậm lắp dây điện cùng các bản cập nhật quan trọng khác cho máy bay thương mại 747, đã đẩy ngày giao hàng sớm nhất là đến năm 2027. Và chỉ khi đó một số yêu cầu được nới lỏng.

Chiếc máy bay mà Tổng thống Trump lần đầu tiên bay tham quan vào tháng 2 khi dừng lại gần câu lạc bộ chơi golf của ông ở Florida đã nằm ở San Antonio, Texas trong nhiều tuần, theo một quan chức quốc phòng và các ứng dụng theo dõi chuyến bay, nơi nó có thể đang trải qua một số đánh giá sơ bộ và sửa chữa.

[Politico: Trump administration accepts Qatari jet for Air Force One]

9. ‘Tổng thống Trump không biết cách đối phó với bọn côn đồ’ — Hoa Kỳ lại làm Ukraine thất vọng lần nữa

Trong một sự kiện diễn ra khá thường xuyên, hoạt động ngoại giao toàn cầu do Hoa Kỳ dẫn đầu đã phủ bóng đen lên Ukraine.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói chuyện với nhà độc tài Nga, Vladimir Putin, vào ngày 19 tháng 5 trong nỗ lực mới nhất nhằm làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Cuộc gọi diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc đàm phán do Hoa Kỳ hậu thuẫn nhưng phần lớn không có kết quả giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa, nơi Nga cử một phái đoàn gồm các quan chức cấp thấp và nhắc lại các yêu cầu lãnh thổ sâu rộng.

Sau cuộc gọi, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng ông tin tưởng Putin, ông sẽ không trừng phạt Nga, nhưng sẽ từ bỏ các nỗ lực hòa bình cho Ukraine nếu không đạt được tiến triển.

Trong cuộc gọi tiếp theo giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, vị tổng thống Ukraine đã phải nhắc nhở Tổng thống Hoa Kỳ rằng các cuộc đàm phán với Nga đã đang diễn ra và Mạc Tư Khoa đã trì hoãn mọi nỗ lực nhằm áp đặt lệnh ngừng bắn.

“Rõ ràng là Nga đang cố gắng kéo dài thời gian để tiếp tục chiến tranh và xâm lược”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Tuy nhiên, giọng điệu từ Tòa Bạch Ốc sau cuộc gọi cho thấy điều đó không hề rõ ràng chút nào đối với Tòa Bạch Ốc.

Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Verkhovna Rada, tức là Quốc Hội độc viện của Ukraine, nhận xét rằng “Chẳng có gì tốt đẹp được mong đợi cả”.

Mặc dù tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố “mọi việc diễn ra rất tốt”, “đã đạt được một số tiến triển” và “giọng điệu và tinh thần của cuộc trò chuyện là tuyệt vời”, Ukraine và các đồng minh Âu Châu vẫn sửng sốt trước kết quả cuộc gọi giữa Tổng thống Trump với Putin.

Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng Putin đã đồng ý “ngay lập tức bắt đầu đàm phán hướng tới lệnh ngừng bắn”, dường như quên rằng chính ông đã yêu cầu điều này kể từ ngày 11 tháng 3 và các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ukraine và Nga đã và đang diễn ra rồi chứ không phải là “ngay lập tức bắt đầu đàm phán”.

Theo Merezhko, khi Tổng thống Trump nói với Zelesnky và các nhà lãnh đạo Âu Châu khác về kết quả cuộc gọi, ông đã nhận được sự im lặng sửng sốt.

Sau khi sự việc này qua đi, Tổng thống Zelenskiy phải nhẹ nhàng nhắc nhở Tổng thống Trump rằng chính ông là người đưa ra ý tưởng bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình bằng lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong 30 ngày.

“Putin đã làm nhục ông ấy trước công chúng nhiều lần liên tiếp, và tổng thống Hoa Kỳ không muốn thừa nhận điều đó và không biết phải làm gì.”

Ngoài ra, Nga một lần nữa từ chối đồng ý ngừng bắn, thay vào đó nói rằng họ đã chuẩn bị đàm phán một “bản ghi nhớ liên quan đến một hiệp ước hòa bình tiềm năng trong tương lai”.

Merezhko nhấn mạnh rằng “Cả Tổng thống Trump và Putin đều không thảo luận về thời hạn ngừng bắn, và tổng thống Hoa Kỳ một lần nữa đe dọa sẽ bỏ đi nếu Ukraine và Nga không thể đàm phán hòa bình với nhau, trên thực tế Tổng thống Trump đang trao cho Putin toàn quyền tiếp tục tiến hành cuộc xâm lược chống lại Ukraine.”

Tại Kyiv, tin tức này đã nhận được sự phản ứng quen thuộc gồm thái độ cam chịu, thất vọng và lo lắng ngày càng tăng về việc Tổng thống Trump tiếp tục ve vãn Putin.

Merezhko nói rằng: “Kết luận chính của cuộc điện đàm mới nhất giữa Tổng thống Trump và Putin là Tổng thống Trump không biết cách đối phó với những tên côn đồ thực sự”.

“Putin đã làm nhục ông ấy trước công chúng nhiều lần liên tiếp, và tổng thống Hoa Kỳ không muốn thừa nhận điều đó và không biết phải làm gì.”

Điều đáng quan ngại đặc biệt là ý tưởng cho rằng các cuộc đàm phán trong tương lai nên được tiến hành riêng giữa Nga và Ukraine, mà không có bên trung gian, và Tổng thống Trump dường như nhận thấy những nỗ lực làm trung gian hòa bình của mình đã có kết quả, mặc dù Nga không hề nhượng bộ bất cứ yêu cầu nào mà Putin đã đặt ra từ năm 2022.

Merezhko cho rằng: “Việc người Mỹ tin rằng hòa bình có thể đạt được thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp là một dấu hiệu nguy hiểm”.

“Người Nga chỉ sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp nếu họ cảm thấy chịu một số áp lực.”

Mọi hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ gây áp lực thực sự lên Điện Cẩm Linh đã nhanh chóng bị tổng thống Hoa Kỳ dập tắt - ngay sau cuộc gọi, ông nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng ông sẽ không áp dụng thêm lệnh trừng phạt đối với Nga “vì vẫn có cơ hội” đạt được tiến triển hướng tới lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, quan điểm từ Ukraine lại rất khác.

Merezhko nhấn mạnh rằng “Sau nhiều năm hợp tác với Nga, Ukraine đã học được một bài học rất rõ ràng: Putin liên tục nói dối”.

“Ngày nay, ông ấy vẫn tiếp tục sử dụng chiến thuật tương tự — cố gắng làm Tổng thống Donald Trump bất ngờ, kéo dài thời gian và lợi dụng bất kỳ sự tạm dừng nào để chiếm thêm lãnh thổ Ukraine”.

Đằng sau cảm giác thất vọng dữ dội ở Ukraine là một thực tế mà hầu như ai cũng thấy rõ, trừ Tổng thống Trump — rằng sau 119 ngày, Putin vẫn chưa đưa ra một nhượng bộ nào cho thấy hắn ta thực sự quan tâm đến hòa bình.

Merezhko thở dài cay đắng: “Cuộc gọi điện thoại này không thay đổi bất cứ điều gì cả”.

“Putin tiếp tục đưa ra tối hậu thư và các yêu cầu tối đa, đồng thời liên tục bác bỏ các đề xuất ngừng bắn.”

Tại cuộc hội đàm ở Istanbul ngày 15 tháng 5, Nga đã cử một phái đoàn gồm các quan chức cấp thấp và nhắc lại các yêu cầu tối đa, bao gồm cả việc Ukraine chấp nhận mất Crimea bị tạm chiếm và bốn vùng lãnh thổ nói chung mặc dù Nga không kiểm soát hoàn toàn bất kỳ vùng nào trong số đó.

Các cuộc tấn công nhằm vào dân thường ngày càng leo thang kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, và vào ngày 18 tháng 5, Nga đã thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện.

Tổng thống Trump, tác giả của cuốn “Nghệ thuật đàm phán”, một lần nữa lại khoe khoang về kỹ năng đàm phán của mình khi trả lời phóng viên vào ngày 19 tháng 5 về cuộc gọi của ông với Putin.

“Toàn bộ cuộc sống của tôi giống như những giao dịch — một giao dịch lớn,” ông nói.

Trong bối cảnh tiến trình hòa bình của ông tại Ukraine cho đến nay vẫn chưa thành công, tuyên bố này nghe có vẻ vô nghĩa.

Kaja Kallas, phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu, và cũng là Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu về chính sách đối ngoại và an ninh nhận định rằng: “Lập trường của Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ phải là tăng cường gây áp lực lên Nga nếu nước này từ chối lệnh ngừng bắn”.

“Nó đã từ chối, vì vậy bây giờ là lúc phải hành động — tăng cường lệnh trừng phạt và viện trợ quân sự, và tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga. Nga không muốn hòa bình, họ muốn Ukraine,” bà nói thêm.

Vào ngày 20 tháng 5, Liên Hiệp Âu Châu đã giữ đúng lời hứa khi chính thức phê duyệt gói trừng phạt thứ 17 áp dụng đối với Nga vì hành động xâm lược ở Ukraine, bao gồm các biện pháp chống lại gần 200 tàu ngầm.

Cho đến nay, Tổng thống Trump vẫn chưa thực hiện một hành động cụ thể nào để gây áp lực lên Điện Cẩm Linh.

Trong khi các cuộc gọi điện thoại, đàm phán và bài đăng trên Truth Social diễn ra trên toàn cầu, những người có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất — là người dân Ukraine đang sống dưới sự xâm lược của Nga — vẫn đang theo dõi.

Một người phụ nữ hiện đang sống tại Crimea bị tạm chiếm, tên được giấu kín vì lý do an ninh, đã nói với tờ Kyiv Independent vào ngày 19 tháng 5 rằng: “Tôi lo ngại rằng sau các cuộc đàm phán, Crimea có thể sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga”.

Bà là một nhà hoạt động của phong trào kháng chiến Yellow Ribbon, đấu tranh chống lại sự xâm lược của Nga vì bà muốn “thế giới thấy rằng người dân Ukraine ở đây vẫn chưa đầu hàng”.

“Tôi sẽ tiếp tục phản kháng ngay cả khi Crimea vẫn bị Nga tạm chiếm, bởi vì Crimea đã và đang là của Ukraine, bất kể các quyết định chính trị ra sao”, bà nói thêm.

[Kyiv Independent: 'Trump doesn't know how to deal with gangsters' — US lets Ukraine down, once again]
 
Khôi hài: Độc tài làm giả video ĐGH Lêô dành 36 phút ca ngợi hắn. Cảm nhận của ĐHY Ngô Thành Tài
VietCatholic Media
18:16 22/05/2025


1. Kiểm tra thực tế: Đức Giáo Hoàng Lêô có bài phát biểu dài 36 phút ca ngợi nhà lãnh đạo Burkina Faso không?

Một đoạn video dài 36 phút được cho là ghi lại cảnh Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đọc tuyên bố lên án chủ nghĩa thực dân và ca ngợi Đại úy Ibrahim Traoré, nhà lãnh đạo 37 tuổi của Burkina Faso, đã thu hút gần một triệu lượt xem trên YouTube tính đến thứ Hai.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV được mô tả đang ngồi trong Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục đang đọc một bài báo. Trong một phản hồi rõ ràng cho bài phát biểu được cho là của Ibrahim Traoré, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV dường như đề cập đến sự vướng mắc lịch sử của Giáo Hội Công Giáo với chủ nghĩa thực dân và thừa nhận những thất bại trong quá khứ của mình khi đứng về phía những người bị áp bức và lên tiếng chống lại sự bóc lột kinh tế và can thiệp chính trị ở Phi Châu.

Vị “Giáo hoàng” trong ngoặc kép đề cập đến những bất công đang diễn ra, bao gồm việc cướp bóc tài nguyên của Phi Châu, đánh cắp ký ức văn hóa, phủ nhận chủ quyền và khủng hoảng di cư, khẳng định vai trò quan trọng của Phi Châu như một “ngọn hải đăng của đức tin” và kêu gọi một kỷ nguyên mới của công lý, hòa giải và hợp tác.

Thật ra, video này hoàn toàn là giả và những người đưa lên mạng xã hội cũng thừa nhận điều đó trong phần mô tả trên YouTube — nhưng điều đó không ngăn được hàng ngàn người xem bị lừa.

“Điều này khiến tôi khóc!! Điều mà tôi đã chờ đợi một vị giáo hoàng nói cả đời!! Mang lại cho tôi hy vọng cho thế giới”, một người dùng bình luận, trong số hàng trăm người khác cũng bày tỏ cảm xúc tương tự.

Tuy nhiên, trên thực tế, một tuyên bố từ chối trách nhiệm trong phần mô tả video do kênh Pan-African Dreams đăng tải đã mô tả rõ ràng video này là “một tác phẩm hư cấu lấy cảm hứng từ cuộc đời của Ibrahim Traoré”.

“Mặc dù một số yếu tố dựa trên các sự kiện có thật, nhưng các tình huống và đoạn hội thoại được mô tả hoàn toàn là tưởng tượng và không phản ánh bất kỳ sự kiện thực tế nào. Bất kỳ sự giống nhau nào với các sự kiện thực tế đều hoàn toàn là ngẫu nhiên”, tuyên bố miễn trừ trách nhiệm cho biết.

Nhãn bắt buộc của YouTube trên video cũng lưu ý rằng video có chứa “Nội dung đã thay đổi hoặc tổng hợp: Âm thanh hoặc hình ảnh đã được chỉnh sửa đáng kể hoặc được tạo bằng kỹ thuật số”.

Video này không phải là video giả đầu tiên do Trí Tuệ Nhân Tạo tạo ra về Đức Giáo Hoàng Lêô mới đắc cử được lan truyền trực tuyến. Chính Đức Giáo Hoàng, trong bài phát biểu trước giới truyền thông vào ngày 12 tháng 5, đã nhấn mạnh đến trách nhiệm và sự sáng suốt cần thiết của tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, khi sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, đây không phải là video giả mạo, tuyên truyền đầu tiên xuất hiện trực tuyến đặc biệt ca ngợi Traoré. Trên thực tế, các bài đăng gần đây được lan truyền trên mạng xã hội tuyên bố chia sẻ một bài hát do ca sĩ R. Kelly phát hành để ủng hộ Traoré và chế độ của ông, AFP Fact-Check đưa tin rằng ca sĩ này hiện nay đang ở trong tù không thể hát ủng hộ Traoré.

Nhà lãnh đạo quân sự trẻ tuổi, lên nắm quyền vào năm 2022 sau một cuộc đảo chính, đã bị các nhà quan sát cáo buộc hưởng lợi từ tuyên truyền do Nga sản xuất, có thể là do có liên hệ với tổ chức lính đánh thuê khét tiếng của Nga là Wagner Group.

Kết luận: Video vừa nêu là giả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Đức Giáo Hoàng Lêô sẽ không bao giờ đề cập đến các chủ đề được nêu trong video, chẳng hạn như chủ nghĩa thực dân và Công Giáo ở Phi Châu — chỉ có điều cho đến nay ngài chưa làm như vậy.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Đức Giáo Hoàng Lêô XIV gặp nhau tại Rôma, lên kế hoạch cho cuộc họp Nicê vào tháng 11

Hôm Chúa Nhật, ngày 18 tháng 5 năm 2025, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã bay đến Rôma để tham dự lễ nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV. Trong khoảnh khắc khó quên, ngài đã cầu nguyện cùng với Đức Tân Giáo Hoàng khi Đức Giáo Hoàng Lêô XIV bắt đầu hành trình của mình với tư cách là nhà lãnh đạo tinh thần của Công Giáo Rôma trên thế giới.

Ngày hôm sau, Đức Thượng Phụ đã có cuộc gặp riêng với Đức Giáo Hoàng Lêô. Tại cuộc gặp này, cả Đức Thượng Phụ Đại Kết và Đức Giáo Hoàng Lêô đều khẳng định cam kết của các ngài trong việc tiếp tục và củng cố mối quan hệ huynh đệ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có với Đức Thượng Phụ. Các ngài cùng nhau quyết tâm làm việc cùng nhau để bảo vệ những người yếu đuối và đang cần giúp đỡ, và thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.

Đức Thượng Phụ và Đức Tân Giáo Hoàng cũng đã đồng ý sẽ gặp nhau tại Nicê vào cuối tháng 11, gần Lễ Thánh Anrê Tông đồ, để cùng nhau kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Chung đầu tiên diễn ra vào năm 325. Trong chuyến viếng thăm lịch sử này, Đức Giáo Hoàng Lêô cũng có thể đến thăm trụ sở của Tòa Thượng phụ Đại kết tại Phanar ở Constantinople.

Cuộc họp tại Phanar sẽ là để đáp lại lời mời của Đức Thượng Phụ. Ngài gần đây đã tuyên bố về Đức Giáo Hoàng Lêô: “Xin ngài kết hợp chuyến viếng thăm Nicê với chuyến viếng thăm chính thức tới Tòa Thượng phụ Đại kết, nhân dịp lễ bổn mạng của chúng tôi là lễ Thánh Anrê Tông đồ, vào ngày 30 tháng 11.”

Đức Thượng phụ Đại kết và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc gặp tại Nicê hơn một thập niên trước. Vào thời điểm Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời, Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew nhớ lại rằng ngài và Đức Giáo Hoàng Phanxicô quá cố đã lên kế hoạch trong cuộc gặp năm 2014 tại Giêrusalem cho cuộc gặp lịch sử trong năm nay: “Ngài dự kiến sẽ đến đất nước chúng tôi và chúng tôi sẽ cùng nhau đến Nicê, nơi Công đồng Đại kết đầu tiên được triệu tập, để tôn vinh ký ức về các Nghị Phụ và trao đổi suy nghĩ và mong muốn cho tương lai của Kitô giáo. Tất nhiên, tất cả những điều này đã bị hủy bỏ — hay đúng hơn là bị hoãn lại.”

Khi Đức Giáo Hoàng Lêô được bầu, Đức Thượng Phụ đã tuyên bố: “Chúng ta trông đợi, với niềm hy vọng Kitô giáo, vào người kế nhiệm mới. Tôi dự định tham dự lễ đăng quang của ngài và đề xuất rằng chúng ta tiếp tục đối thoại giữa Đông và Tây.”

Cuộc đối thoại đó đã được tiếp tục tại Vatican vào Chúa Nhật và Thứ Hai, và nhờ ơn Chúa, sẽ tiếp tục diễn ra tại Nicê và Constantinople vào tháng 11.


Source:Orthodox Times

3. Đức Hồng Y Ngô Thành Tài: Đức Giáo Hoàng Lêô XIV là 'người phù hợp' để mang lại sự thống nhất, cân bằng cho Giáo hội

Đức Hồng Y William Goh hay Ngô Thành Tài của Singapore tin rằng Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ xây dựng sự thống nhất lớn hơn trong Giáo hội, đặc biệt là đối với các tín hữu Công Giáo thường chia rẽ về các vấn đề giáo lý và đạo đức của Giáo hội.

Trong cuộc phỏng vấn với Phó chủ tịch EWTN News Matthew Bunson, Đức Hồng Y gọi tân giáo hoàng là “món quà của Chúa”, ngài cho biết Đức Thánh Cha là “người phù hợp” để lãnh đạo Giáo hội hướng tới tính đồng nghị và giải thích sự cân bằng giữa “chính thống và cấp tiến”.

Mô tả tân giáo hoàng là người lắng nghe tích cực và “rất chú ý đến những mối quan tâm và chia sẻ của các Hồng Y”, Đức Hồng Y Singapore cho biết mong muốn đoàn kết của Đức Thánh Cha thể hiện rõ trong cả lời nói và hành động của ngài kể từ khi được bầu vào ngày 8 tháng 5.

“Tôi tin rằng, cho đến nay, dựa trên các bài phát biểu của mình, ngài đang thực hiện lời kêu gọi về tính công đồng,” ngài nói. “Trong cuộc gặp với các Hồng Y, ngài đã nói chuyện với chúng tôi theo cách rất riêng tư.”

“Tôi tin rằng sẽ có sự hợp tác và đối thoại lớn hơn để chúng ta có thể thực sự mang lại sự hiệp nhất lớn hơn trong Giáo hội,” ngài nói thêm.

Suy ngẫm về các vấn đề “gây chia rẽ Giáo hội” trong thời kỳ Đức Giáo Hoàng Phanxicô trị vì như “sự mơ hồ” trong một số giáo lý được nêu trong Amoris Laetitia và tiến trình đồng nghị, vị Hồng Y Á Châu cho biết ngài hy vọng Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ mang lại sự rõ ràng và ít gây nhầm lẫn hơn cho các cuộc thảo luận về giáo lý Công Giáo.

“Tôi liên tục nhấn mạnh rằng chúng ta không thể nói về tính đồng nghị nếu không có sự thống nhất về học thuyết, không có sự thống nhất về đức tin,” ngài nói với Bunson.

“Sự hiệp nhất được xây dựng trên tình yêu hời hợt không bao giờ có thể là sự hiệp nhất thực sự,” ngài nói tiếp. “Sự hiệp nhất phải được xây dựng trên sự thật được thể hiện trong đức ái.”

Với sự phát triển liên tục của Giáo hội ở cả Á Châu và Phi Châu, Đức Hồng Y cho biết nhiều tín hữu Công Giáo là những người cải đạo và không muốn thỏa hiệp với tôn giáo mới tìm thấy của mình.

“Chúng tôi là những người có đức tin mạnh mẽ vào Chúa và chúng tôi muốn bước đi trên con đường của Phúc âm,” vị Hồng Y đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Singapore cho biết trong cuộc phỏng vấn. “Trên thực tế, chúng tôi đã từ bỏ đức tin cũ để đổi lấy đức tin chân chính.”

“Chúng tôi muốn đi theo con đường chân lý và noi theo Phúc âm và những gì Giáo hội đã dạy chúng tôi,” ngài nhấn mạnh. “Đó là những gì đang hướng dẫn chúng tôi và người dân của chúng tôi ở Á Châu.”

Ngoài khả năng lắng nghe tốt của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y lưu ý rằng khả năng nói được nhiều thứ tiếng của Đức Giáo Hoàng là một lợi thế cho những ai muốn thảo luận với ngài về những thách thức mục vụ mà Giáo hội phải đối mặt ở nhiều nơi trên thế giới trước và sau Cơ Mật Viện gần đây.

“ Điểm tốt của Đức Giáo Hoàng Lêô là ngài nói được tiếng Anh vì rất nhiều Hồng Y Á Châu thường không nói tiếng Ý tốt,” ngài nói. “Vì vậy, chúng tôi muốn giao tiếp và chia sẻ quan điểm của mình với Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhưng hơi khó khăn vì ngôn ngữ.”

Ngài nói: “Tôi nghĩ rằng một khi bạn biết tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý, bạn có thể bao quát được ít nhất hai phần ba địa cầu, phải không?”


Source:Catholic News Agency

4. Thủ tướng Ý Meloni cho biết Đức Giáo Hoàng Lêô sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine tại Vatican

Hôm Thứ Tư, 21 Tháng Năm, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã bày tỏ mong muốn tổ chức vòng đàm phán tiếp theo tại Vatican để đưa cuộc chiến của Nga tại Ukraine đến gần hơn với hồi kết.

Sau khi bầu ra giáo hoàng mới, một số đối tác của Ukraine, bao gồm Hoa Kỳ, đã đề xuất rằng Vatican có thể trở thành một nền tảng trung lập cho các cuộc đàm phán hòa bình tiếp theo.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cũng cho biết Kyiv đang xem xét khả năng tổ chức một cuộc họp với các phái đoàn từ Ukraine, Nga, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican hoặc Thụy Sĩ.

“Khi nhận được sự xác nhận của Đức Thánh Cha về sự sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo giữa các bên tại Vatican, tôi đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đức Giáo Hoàng Lêô XIV vì cam kết không ngừng của ngài đối với hòa bình”, Thủ tướng Ý nói.

Cuộc đàm phán mới nhất giữa Ukraine và Nga được tổ chức tại Istanbul vào ngày 16 tháng 5, đánh dấu cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa các bên kể từ năm 2022. Cuộc đàm phán kéo dài chưa đầy hai giờ mà không đạt được đột phá.

Ukraine đã đề xuất một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và một cuộc trao đổi tù binh toàn diện. Đổi lại, Nga một lần nữa đưa ra những yêu cầu toàn diện, bao gồm việc Ukraine chấp nhận quy chế trung lập, từ bỏ yêu cầu bồi thường chiến tranh từ Mạc Tư Khoa và thừa nhận việc mất Crimea và bốn vùng phía đông bị tạm chiếm một phần.

Sau khi được bầu, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV, người Mỹ đầu tiên lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, đã cam kết sẽ đích thân “nỗ lực hết sức để nền hòa bình này có thể được thiết lập”.

Trong bài phát biểu đầu tiên vào Chúa Nhật ngày 11 tháng 5, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi một “nền hòa bình đích thực và lâu dài” tại Ukraine, đồng thời nói thêm rằng ngài mang trong lòng “nỗi đau khổ của người dân Ukraine thân yêu”.

Trước đó, khi còn là giám mục của Chiclayo ở Peru, Đức Lêô XIV đã lên tiếng phản đối cuộc chiến liên tục của Nga chống lại Ukraine và lên án não trạng “đế quốc” của Nga.

Khả năng các cuộc đàm phán được tổ chức tại Vatican có nhiều trở ngại. Thứ nhất, bản thân Putin không muốn chấm dứt cuộc xâm lược. Nếu ông ta thực sự muốn có hòa bình, ông ta có thể ra lệnh ngưng tiếng súng và rút quân về nước bất cứ lúc nào. Hòa bình sẽ đến ngay lập tức. Thứ hai, Chính Thống Giáo Nga dưới sự lãnh đạo của Thượng Phụ Kirill đã theo đuổi một chính sách bài Công Giáo. Tất cả các Giáo Hội Chính Thống đều đã từng tham dự các buổi cầu nguyện chung với Công Giáo, ngoại trừ Chính Thống Giáo Nga.

Peter Anderson, một ký giả kỳ cựu chuyên về các vấn đề liên quan đến Chính Thống Giáo cho biết hôm 25 tháng 5, 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Daniel của Chính Thống Giáo Rumani. Một ngày trước đó, đại diện của Chính Thống Giáo Nga đã đến gặp Đức Thượng Phụ Daniel và bảo ngài phải tránh lặp lại một biến cố đã xảy ra vào năm 1999 khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Rumani, 10 năm sau sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Trong chuyến tông du này, vui mừng với tự do vừa đạt được, các tín hữu Chính Thống Giáo đã tham dự các cử hành của vị Giáo Hoàng Ba Lan, và hô lớn “hiệp nhất, hiệp nhất”. Các Giám Mục và linh mục Chính Thống Giáo Rumani cũng nhiệt thành tham gia vào các cử hành của Công Giáo trong dịp này. Được sự dặn dò của Thượng Phụ Kirill, khi Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người cùng đọc kinh Lạy Cha, Thượng Phụ Daniel đã không hề nhếch mép.

Ngày 12 tháng Hai, 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với Thượng Phụ Kirill tại phòng khánh tiết của sân bay Havana của Cuba. Peter Anderson nhấn mạnh rằng hai vị đã không cầu nguyện chung. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề nghị cầu nguyện chung nhưng Thượng Phụ Kirill từ chối thẳng thừng.

Anderson chỉ ra rằng, Chính Thống Giáo Nga vẫn coi Công Giáo là “tà ma ngoại đạo”, việc cầu nguyện chung là không thể.

Hầu như chắc chắn rằng Thượng Phụ Kirill sẽ cản trở Putin hội đàm hòa bình với Ukraine tại Vatican vì làm như thế có thể tăng ảnh hưởng cho Giáo Hội Công Giáo.


Source:Kyiv Independent

5. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã bắt đầu tiếp nối truyền thống có buổi yết kiến chung vào mỗi thứ tư hàng tuần của các vị tiền nhiệm tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài đã được đông đảo tín hữu hoan hô vang dội, khi dùng chiếc pope mobile đi vòng quanh Quảng trường với vẫy chào họ với nụ cười rộng mở. Nhân buổi yết kiến này, ngài đã đọc bài giáo lý soạn sẵn, tiếp nối luồng giáo lý của vị tiền nhiệm Phanxicô nói về năm thánh 2025, nhấn mạnh tới “Chúa Giêsu Kitô, Niềm Hy vọng của chúng ta. Cuộc đời Chúa Giêsu và Các dụ ngôn”.

Mở đầu bài huấn đức, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui mừng được chào đón anh chị em trong buổi Tiếp kiến chung đầu tiên này của tôi. Hôm nay, tôi sẽ tiếp tục chu kỳ giáo lý Năm Thánh, với chủ đề “Chúa Giêsu Kitô, Niềm Hy vọng của chúng ta”, do Đức Giáo Hoàng Phanxicô khởi xướng.

Hôm nay, chúng ta hãy tiếp tục suy gẫm về các dụ ngôn của Chúa Giêsu, giúp chúng ta lấy lại hy vọng, vì chúng cho chúng ta thấy cách Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử. Hôm nay, tôi muốn nói đến một dụ ngôn có phần kỳ lạ, vì nó là một dạng giới thiệu cho tất cả các dụ ngôn. Tôi muốn nói đến dụ ngôn người gieo giống (x. Mt 13:1-17). Theo một nghĩa nào đó, trong câu chuyện này, chúng ta có thể nhận ra cách truyền thông của Chúa Giêsu, có rất nhiều điều để dạy chúng ta về việc công bố Tin Mừng ngày nay.

Mỗi dụ ngôn đều kể một câu chuyện lấy từ cuộc sống hàng ngày, nhưng muốn nói với chúng ta điều gì đó hơn thế nữa, để hướng chúng ta đến một ý nghĩa sâu sắc hơn. Dụ ngôn đặt ra những câu hỏi trong chúng ta; nó mời gọi chúng ta không dừng lại ở vẻ bề ngoài. Trước câu chuyện được kể hoặc hình ảnh được trình bày cho tôi, tôi có thể tự hỏi: tôi đang ở đâu trong câu chuyện này? Hình ảnh này nói gì với cuộc sống của tôi? Trên thực tế, thuật ngữ “dụ ngôn” bắt nguồn từ động từ tiếng Hy Lạp paraballein, có nghĩa là ném trước mặt. Dụ ngôn ném trước mặt tôi một từ khiến tôi kích động và thúc giục tôi tự vấn bản thân.

Dụ ngôn người gieo giống nói chính xác về động lực của lời Chúa và những tác động mà nó tạo ra. Thật vậy, mỗi lời trong Tin Mừng giống như một hạt giống được ném vào đất cuộc sống của chúng ta. Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh hạt giống nhiều lần, với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong chương 13 của Tin mừng Mát-thêu, dụ ngôn về người gieo giống mở đầu cho một loạt các dụ ngôn ngắn khác, một số trong đó nói chính xác về những gì đang diễn ra trên địa hình: lúa mì và cỏ dại, hạt cải, kho báu ẩn giấu trong ruộng. Vậy thì đất này là gì? Đó là trái tim chúng ta, nhưng cũng là thế giới, cộng đồng, Giáo hội. Thực thế, lời Chúa làm cho sinh hoa trái và khơi dậy mọi thực tại.

Lúc đầu, chúng ta thấy Chúa Giêsu rời khỏi nhà và tập hợp một đám đông lớn xung quanh Người (x. Mt 13:1). Lời của Người hấp dẫn và lôi cuốn. Rõ ràng là trong số những người dân có nhiều tình huống khác nhau. Lời của Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người, nhưng nó tác động đến mỗi người theo một cách khác nhau. Bối cảnh này cho phép chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của dụ ngôn.

Một người gieo giống khá khác thường ra đi gieo hạt, nhưng không quan tâm đến việc hạt giống rơi ở đâu. Ngài gieo hạt giống ngay cả ở nơi mà chúng không có khả năng đơm hoa kết trái: trên đường, trên đá, giữa những bụi gai. Thái độ này làm người nghe ngạc nhiên và khiến họ phải hỏi: tại sao vậy?

Chúng ta quen tính toán mọi thứ – và đôi khi là cần thiết – nhưng điều này không áp dụng trong tình yêu! Cách mà người gieo giống “phung phí” này gieo hạt giống là hình ảnh về cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thật vậy, đúng là số phận của hạt giống cũng phụ thuộc vào cách mà trái đất chào đón nó và hoàn cảnh mà nó gặp phải, nhưng trước hết và quan trọng nhất trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Thiên Chúa gieo hạt giống Lời của Người trên mọi loại đất, nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào của chúng ta: đôi khi chúng ta hời hợt và mất tập trung hơn, đôi khi chúng ta để mình bị cuốn theo sự nhiệt tình, đôi khi chúng ta bị gánh nặng bởi những lo lắng của cuộc sống, nhưng cũng có những lúc chúng ta sẵn sàng và chào đón. Thiên Chúa tin tưởng và hy vọng rằng sớm hay muộn thì hạt giống sẽ nở hoa. Đây là cách Người yêu thương chúng ta: Người không chờ đợi chúng ta trở thành mảnh đất tốt nhất, nhưng Người luôn hào phóng ban cho chúng ta lời Người. Có lẽ khi thấy Người tin tưởng chúng ta, mong muốn trở thành mảnh đất tốt hơn sẽ được thắp sáng trong chúng ta. Đây là hy vọng, được xây dựng trên nền tảng là lòng quảng đại và thương xót của Thiên Chúa.

Khi kể về cách hạt giống sinh hoa trái, Chúa Giêsu cũng đang nói về cuộc đời của Người. Chúa Giêsu là Ngôi Lời, Người là Hạt Giống. Và hạt giống, để sinh hoa trái, phải chết đi. Vì vậy, dụ ngôn này cho chúng ta biết rằng Chúa sẵn sàng “hao mòn” vì chúng ta và Chúa Giêsu sẵn sàng chết để biến đổi cuộc sống của chúng ta.

Tôi nhớ đến bức tranh tuyệt đẹp của Van Gogh, Người gieo giống lúc hoàng hôn. Hình ảnh người gieo giống dưới ánh nắng chói chang đó cũng nói với tôi về công việc khó nhọc của người nông dân. Và tôi thấy rằng, đằng sau người gieo giống, Van Gogh đã mô tả hạt giống đã chín. Với tôi, đó dường như là hình ảnh của hy vọng: theo cách này hay cách khác, hạt giống đã sinh hoa trái. Chúng ta không chắc chắn bằng cách nào, nhưng nó là như vậy. Tuy nhiên, ở trung tâm của cảnh này không phải là người gieo giống, người đứng ở một bên; thay vào đó, toàn bộ bức tranh được thống trị bởi hình ảnh mặt trời, có lẽ để nhắc nhở chúng ta rằng chính Thiên Chúa là Đấng chuyển động lịch sử, ngay cả khi đôi khi Người có vẻ vắng mặt hoặc xa cách. Chính mặt trời sưởi ấm những cục đất và làm cho hạt giống chín muồi.

Anh chị em thân mến, Lời Chúa đang đến với chúng ta trong hoàn cảnh sống nào ngày nay? Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn luôn chào đón hạt giống này, tức là Lời của Người. Và nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta không phải là một mảnh đất màu mỡ, chúng ta đừng nản lòng, nhưng hãy cầu xin Người tác động nhiều hơn trên chúng ta để biến chúng ta thành một vùng đất tốt hơn.

Tình hình ở Dải Gaza ngày càng đáng lo ngại và đau đớn. Tôi xin gửi lời kêu gọi chân thành để cho phép viện trợ nhân đạo có phẩm giá được đưa vào và chấm dứt tình trạng thù địch, cái giá đau lòng mà trẻ em, người già và người bệnh đang phải trả.

Tôi chào đón những người hành hương và du khách nói tiếng Anh, đặc biệt là những người đến từ Anh, Ái Nhĩ Lan, Hung Gia Lợi, Na Uy, Nigeria, Senegal, Tanzania, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Việt Nam, Canada và Hoa Kỳ. Tôi đặc biệt chào mừng các Nữ tu dòng Thánh Giuse Annecy, các Nữ tu Truyền giáo Pallottine thuộc Tông đồ Công Giáo, các Nữ tu dòng Nữ tử Thánh Jerome Emiliani, nhóm các cặp vì Chúa Kitô, những người hành hương từ Giáo phận Kerry và một nhóm tình nguyện viên trẻ quốc tế từ Trung tâm Thánh Cassian. Với lời cầu nguyện tốt đẹp rằng Năm Thánh Hy vọng hiện tại có thể là thời gian ân sủng và đổi mới tinh thần cho anh chị em và gia đình anh chị em, tôi cầu xin Chúa Giêsu ban cho anh chị em tất cả niềm vui và sự bình an.