Ngày 12-05-2025
 
Văn Hóa
Trước ngày bầu Tân Giáo Hoàng
Nguyễn Trung Tây
05:55 12/05/2025
Trước ngày bầu Tân Giáo Hoàng
Nguyễn Trung Tây


Trước ngày bầu Tân Giáo Hoàng, chúng tôi, các cha giáo của Đại Chủng Viện Chúa Chiên Lành PNG rộn ràng bên bàn ăn, bàn chuyện “tôn giáo sự.” Cha người PNG dạy Kinh Thánh có những nhận xét riêng về vị Giáo Hoàng kế tiếp, từ góc nhìn của một người đã từng sinh hoạt ở Rôma gần 10 năm. Cha dạy Latin và Lịch sử Giáo Hội, gốc Ba Lan, cũng đã ở Ý gần 5 năm, chia sẻ những cảm nhận rất “Âu Châu-Ba Lan.” Cha dạy Triết học đến từ Philippines góp ý kiến nhè nhẹ về vị Giáo Hoàng tương lai. Dù không nói ra, ngài cũng thầm ý một vị Giáo Hoàng gốc Á Châu hoặc Phi Châu sẽ thích hợp với bối cảnh của ngôi làng toàn cầu. Còn tôi, cha giáo dạy Thần học, chuyên về Bối cảnh, tôi nghĩ đã đến lúc Giáo Hội nên đi vào giai đoạn của bối cảnh.

Bữa cơm nào cũng vậy, sáng, trưa, chiều, gần 10 người chúng tôi rôm rả cười nói vang vang, bàn luận, chia sẻ xoay quanh những câu chuyện “tòa trong,” nghe được từ các cha giáo từng sống và có mối liên hệ với những nhân vật tầm cỡ ở thủ đô Giáo Hội. Có cha giáo đoán vị Giáo Hoàng tiếp theo sẽ lấy danh hiệu Francis II, hoặc John Paul III, hay một tên gọi mới. Nhưng không ai nhắc đến tên Leo hết.

Không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi còn đoán già đoán non. Trong bối cảnh hiện nay, trung tâm Công Giáo đã dịch chuyển từ Tây phương, Bắc Mỹ và Úc/New Zealand xuống phương Nam. Nơi đây bao gồm Châu Mỹ Latinh, Á Châu và Phi Châu. Vì vậy, rất có thể vị Giáo Hoàng nối tiếp sẽ đến từ Phi hoặc Á Châu. Riêng Nam Mỹ thì đã có Đức Thánh Cha Phanxicô, một người đến từ “ngoại biên” rồi. Cho nên cơ hội cho Nam Mỹ chắc hiếm.

Cuối cùng, trong các cuộc trò chuyện, tên của Hồng Y Louis Tagle người Philippines được nhắc đến rất nhiều. Riêng tôi cũng thầm mong vị Giáo Hoàng kế nhiệm sẽ là một Hồng Y đến từ Châu Á.

Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở những suy đoán.

Rồi chúng tôi tếu táo với nhau rằng: ai bước vào mật nghị như một Giáo Hoàng, thì bước ra vẫn là...Hồng Y! Và dù có là ai đi nữa, tất cả chúng tôi đều đồng ý sẽ tổ chức ăn mừng một bữa “zô, zô,” vì Giáo Hội có thêm một vị Giáo Hoàng mới.

Sau hai lần khói đen, rồi thêm một lần nữa, chúng tôi bắt đầu hụt hẫng, câu chuyện dần nhạt. Nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm đợi chờ, và cứ thắc mắc hoài: sao lại vẫn là khói đen, tới ba lần rồi?

Sáng ngày 9/5, lúc 2:10 giờ PNG, mọi người đang ngủ say. Tôi là người thức dậy sớm nhất, 5 giờ sáng. Vừa mở mắt, tôi liền cầm điện thoại lên xem tin.

Và… thật bất ngờ. Vẫn là một khuôn mặt Tây phương. Tên ngài nghe lạ hoắc. Ngài là người Mỹ. Tôi thầm nhủ: “Thiệt không ta!”

Tôi mở to mắt, đọc kỹ thêm: Tân Giáo Hoàng lấy danh hiệu Leo XIV, chứ không phải Francis II hay John Paul III. Nhưng điều làm tôi bất ngờ rộn ràng hơn cả là ngài sinh ra ở Chicago, “Phố Gió,” nơi tôi từng sinh hoạt học đường với Ngôi Lời từ năm 1996. Tôi đã sống đời mục vụ tại Chicago và Epworth từ 1997 đến 2005, trước khi chuyển xuống Melbourne, Úc, để bắt đầu một sứ vụ ông giáo tại Yarra Theological Union.

Rộn ràng nối tiếp rộn ràng, khi tôi đọc hàng tin: Tân Giáo Hoàng Leo XIV đã theo học Thần học tại Catholic Theological Union (CTU). Ngôi trường tôi từng theo học từ 1997 đến 2001, rồi tiếp tục năm 2002.

Thêm một chi tiết thật đặc biệt: Tân Giáo Hoàng, Linh mục Robert Francis Prevost, OSA thuộc dòng Augustinô, đã thi hành sứ vụ truyền giáo hơn 20 năm tại Peru, một vùng ngoại biên Châu Mỹ Latinh.

Sáng hôm đó, ngày 9/5, các cha giáo trong chủng viện hồ hởi chúc mừng tôi, cha giáo khoai lang cũng gốc Mỹ, từng học ở CTU, từng thi hành sứ vụ vùng ngoại biên: từ ghetto da đen ở Southside Chicago, đến sa mạc nước Úc, và giờ đây là Papua New Guinea. Hơn 100 thầy Triết trong chủng viện mấy ngày liền rôm rả chúc mừng “cha giáo khoai lang”!

Nhìn lại và phân tích Conclave vừa qua, tôi nhận ra chỉ trong vòng hai ngày, ở vòng thứ tư, Hồng Y đoàn đã nhanh chóng chọn ra một khuôn mặt tiêu biểu cho Giáo Hội của ngày hôm nay, một GIÁO HỘI TRUYỀN GIÁO. Một Giáo Hội không còn ngồi trong tháp ngà, nhưng can đảm bước ra khỏi vùng an toàn, hòa mình vào với những trăn trở, xáo động của thế giới ngày hôm nay, đặc biệt là ở các vùng ngoại biên như Peru. Chính điều này cũng đã được Đức Tân Giáo Hoàng Leo XIV nhấn mạnh ngay trong lời phát biểu đầu tiên:

“Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo Hội truyền giáo, xây dựng những cây cầu, đối thoại, luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người.”

Tôi, “ông giáo khoai lang,” đọc những lời ấy như một lời gọi mang tính quyết liệt. Đó là Giáo Hội phải đi ra, để trở thành những nhịp cầu cảm thông giữa các tôn giáo, các nền văn hóa, và với những người nghèo của ngôi làng toàn cầu.

Bởi đã “đi ra,” chúng ta phải có khả năng trở thành chiếc cầu nối, giữa khác biệt và chia rẽ. Đồng thời, như chính Đức Giêsu, Bạn người nghèo, chúng ta phải làm bạn với những người bị xã hội bỏ rơi, coi thường và tước mất tiếng nói.

Chương đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng Leo XIV chỉ mới lật vài trang. Còn nhiều trang chưa viết, vẫn còn trắng tinh. Nhưng cá nhân tôi, tôi cầu nguyện và hy vọng rất nhiều. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tôi tin rằng Giáo Hội dưới triều đại Giáo Hoàng Leo XIV sẽ tiếp tục là một Giáo Hội bước ra, bị bầm dập, thương tích, như chính hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh, chịu thương tích và đã chết vì Ngài bước ra và bước tới.

Khởi đầu nào cũng mới mẻ, và đoạn đường phía trước của Đức Thánh Cha Leo XIV chắc chắn sẽ có những thử thách không nhỏ, giữa một thế giới phân cực, biến động và khát khao hy vọng. Nhưng từ niềm vui bất ngờ sáng hôm đó, từ mối dây liên kết âm thầm giữa tôi và vị Giáo Hoàng mới, tôi tin rằng Chúa Thánh Linh vẫn đang âm thầm viết nên câu chuyện của Giáo Hội Người. Và tôi, ông giáo khoai lang nơi vùng ngoại biên Papua New Guinea, cũng được mời gọi tiếp tục hành trình đồng hành, cầu nguyện và góp phần nhỏ bé trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, một Giáo Hội “đi ra,” như chính Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã mời gọi vào ngày 9 tháng 5 vừa qua.

Papua New Guinea, 5/12/2025