Ngày 03-07-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:25 03/07/2025

12. Hãy nên luôn nói với mình: “Nếu tôi muốn nên thánh thì phải chịu đau khổ.”

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:29 03/07/2025
83. PHÂN BIỆT CHỮ “CÁ”

Có người đi hỏi chữ “cá 魚 (ngư)” viết như thế nào, người ta bèn viết chữ “cá” cho anh ta coi.

Anh ta nhìn ngang rồi nhìn dọc con chữ, sau cùng lắc lắc đầu nói:

- “Cái chữ này, trên đầu có hai cái sừng, dưới chân có bốn cái đùi, cá bơi trong nước thì làm gì có sừng với đùi chứ?”

Người viết chữ nói:

- “Đây chính là chữ “cá魚”, nếu anh nói không phải, vậy thì nó là chữ gì?”

Anh ta gật gù đắc ý, làm như việc ấy có thật, nói:

- “Theo như tôi thấy, có sừng có đùi thì nhất định là động vật ở trên đất, nhưng cuối cùng là chữ gì thì phải coi anh viết chữ lớn hay nhỏ: nếu viết chữ lớn thì nhất định đó là con trâu, viết không lớn không nhỏ thì là con hưu, viết nhỏ thì nhất định là con dê.”

(Tiếu đắc Hảo)

Suy tư 83:

Chữ “ngư” có nghĩa là “cá”, con cá, dù cho chữ cá viết theo chữ Hoa có sừng hay có chân.

Người Ki-tô hữu là Ki-tô hữu, dù cho có người tốt người xấu, thì vẫn cứ là người Ki-tô hữu đã trở nên con cái của Thiên Chúa, và là môn đệ của Đức Chúa Giê-su nhờ bí tích Rửa Tội…

Đừng thấy có một vài người Ki-tô hữu sống không xứng đáng với ơn gọi làm Ki-tô hữu của mình, mà lên án người Ki-tô hữu là loại người dở dở ươn ươn, hoặc chỉ trích người Ki-tô hữu là xấu, là cá mè một lứa, nhưng hãy nhìn ra nơi ruộng lúa: có những bụi lúa tốt tươi và có những cây lúa vàng úa, có những hạt lúa vàng óng ánh và có những hạt lúa lép, nhưng không phải vì thế mà nói đó không phải là cây lúa…

Chữ “cá魚” viết theo chữ Hoa thì có sừng và có chân, viết theo chữ Việt thì có lưỡi dao sắc trên đầu, viết theo chữ tiếng Anh chữ tiếng Pháp thì không có gì trên đầu dưới chân cả, nhưng nó chắc chắn là chữ “ngư魚” chữ “cá魚”.

Con người ta ai cũng có khuyết điểm, nhưng không phải vì khuyết điểm mà làm họ mất đi ấn tích Rửa Tội làm con Thiên Chúa, nhưng chỉ những ai vì ghen ghét mà phê bình khuyết điểm của người khác, mới không hiểu thế nào Thiên Chúa là Tình Yêu mà thôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Sứ Giả Bình An
Lm Vũđình Tường
04:56 03/07/2025
Ai cũng mong muốn có cuộc sống anh bình bởi an bình và hoan lạc luôn chung vai sát cánh. Bình an, hoan lạc do khôn ngoan con người tạo nên thường mong manh, mang tính nhất thời. Thứ nhất, í kiến người lãnh đạo thường thay đổi. Tính người hiền hoà, hiếu chiến, trung lập, nhiều tham vọng hay thích an nhàn ảnh hưởng nhiều đến cách hiểu về bình an. Người ta định nghĩa bình an khác nhau. Có người cho là vắng bóng chiến tranh là có bình an; kẻ khác lí luận có bình an khi dân chúng được ăn no, mặc ấm; người khác nữa lại cho là còn nghiện ngập, tệ đoan xã hội là chưa có bình an.

Bình an, hoan lạc đến từ Lời Chúa trường trường cửu, trường tồn, vững bền bao lâu cá nhân Kitô hữu đó còn tuân giữ, thực hành lời Chúa trong cuộc sống. Điều này có thể bởi bình an Chúa biến ta thành con người mới, con người của tình thương. Bình an Chúa thay đổi lối ta suy nghĩ, quan niệm sống; sống thứ tha, hiền hoà bởi có bình an trong tâm hồn. Bình an Chúa ban cải hoá, biến đổi con tim; biến con tim cố chấp, hận thù thành con tim bỏ qua, thông cảm. Bình an Chúa ban đóng đinh mọi định kiến, thói hư, tội ta vào thập giá và nhờ sức mạnh Phục Sinh Đức Kitô ban nguồn sống mới, tinh thần mới, sức mạnh mới giúp ta trung thành với đường lối Chúa. Lời Chúa mang lại bình an cho tâm hồn, con tim con người. Nơi đâu bình an đến từ Lời Chúa, nơi đó có nguồn vui chan hoà. Nơi đâu bình an đến từ con người, nơi đó sớm có tranh chấp, bất hoà. Có sự khác biệt giữa bình an đến từ Lời Chúa và bình an do con người tạo nên. Bình an do xã hội tạo ra đặt căn bản trên cá tính người lãnh đạo và trên vật chất. Lãnh đạo nào cũng có thời. Vật chất khi dư thừa, lúc khan hiếm nên cần tích trữ. Tích trữ tạo nên tình trạng khan hiếm. Khan hiếm gây nên tranh giành, chèn ép, đè nén. Đây là nguồn gốc phát sinh bất an. Tiên tri Isaiah 66:10 diễn tả nguồn vui bình an Chúa ban không phải nhất thời, nhỏ giọt nhưng tuôn chảy như giòng sông chan hoà trong cuộc sống người Kitô hữu. Đón nhận Tin Mừng chính là đón nhận giáo huấn của Đức Kitô và tôn thờ Ngài là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời ban bình an trong tâm hồn. Sống và thực hành lời Ngài để có cuộc sống an lành cho cả thể xác lẫn tâm hồn.

Môn đệ chân chính của Đức Kitô là sứ giả bình an. Người sứ giả bình an có cuộc sống bình an và trong người mang sứ mạng phân phát bình an cho tha nhân. Khi sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng, Đức Kitô nói nếu anh em vào nhà nào mà người trong nhà đó đón nhận ơn bình an thì ơn bình an anh em mang theo sẽ sinh ích cho gia đình đó, bằng không thì bình an anh em ban cho họ sẽ trở về với anh em. Điều này xác nhận sứ giả có nguồn bình an của Đức Kitô trong người. Nguồn sống, nguồn bình an đó giúp họ có cuộc sống bình an ngay cả trong hoàn cảnh bất an. Trong trường hợp hoàn cảnh bất an xảy ra họ vẫn có bình an. Dù bị chối bỏ, bài trừ, xua đuổi, bách hại, người sứ giả vẫn cảm thấy có Đức Kitô cùng đồng hành. Ơn bình an người sứ giả trao ban là bình an của Đức Kitô nên ơn bình an đó không lệ thuộc, ảnh hưởng, chi phối bởi hoàn cảnh xã hội nhưng lệ thuộc vào con tim người đón nhận. Một con tim yêu mến đón nhận ơn bình an thì người đó có bình an trong tâm hồn họ. Một con tim chối bỏ, xua đuổi sứ giả bình an tâm hồn người đó không có bình an vì bình an trao ban không tồn tại trong họ nhưng trở về với người sứ giả ban bình an và về cùng Đức Kitô, nguồn sống bình an. Bình an không chung sống cùng xa đoạ, bạo động, bất hoà.

Sau chuyến đi, môn đệ, sứ giả bình an của Đức Kitô trở về vui mừng bởi các ông nhận biết bình an của Đức Kitô có sức mạnh. Khi nhân danh Đức Kitô ma quỉ phải vâng phục. Đức Kitô cho biết niềm vui đó không quan trọng, còn niềm vui quan trọng hơn rất nhiều đó là tên các ông được ghi trên nước trời. Niềm bình an vĩnh cữu này dành riêng cho môn đệ, sứ giả Tin Mừng tín trung.

Xin ơn trung thành với sứ mạng sứ giảTin Mừng của Đức Kitô.

TiengChuong.org
 
Không bao giờ trở lại
Lm. Minh Anh
18:24 03/07/2025
KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI
“Ông đứng dậy đi theo Người”.

Trong “Vinh Quang Ngày Mới” - “Morning Glory” - tác giả kể lại cuộc đào thoát của Lana, 31 tuổi, con gái một của Stalin; một biến cố khiến thế giới sửng sốt và nước Nga vuốt mặt. Vừa đáp xuống New York, cô tiết lộ, “Tôi cảm nhận, không thể tồn tại nếu không có Chúa trong lòng!”. Cuộc đấu tranh của cô thật khủng khiếp. Để rời Nga, Lana phải trả một giá quá đắt, “bỏ lại hai đứa con nhỏ” và “buộc mình không bao giờ trở lại!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Không bao giờ trở lại!’, một trong những chủ đề của Lời Chúa hôm nay. Một khi đã vào Đất Mới, Abraham tổ phụ sẽ ‘không bao giờ trở lại’ chốn cũ! Cũng thế, Matthêu quan thuế sẽ vĩnh viễn rời bỏ nếp xưa!

Câu chuyện tìm vợ cho Isaac vừa ly kỳ, vừa giản dị - bài đọc một. Abraham buộc lão quản gia, “Chú sẽ về quê tôi mà cưới vợ cho nó!”; nhưng “Đừng đưa con trai tôi về đó!” - nói như thế, khác nào nói - ‘Đừng đưa tôi về đó!’. Với Chúa, ai đã ra đi, sẽ ‘không bao giờ trở lại’ chốn xưa. Nhưng câu chuyện trở nên giản dị khi Ngài sắp đặt để viên quản gia đưa Rêbêca về, “Cậu lấy cô làm vợ và yêu thương cô”. Ngày ấy, nhà Abraham sống trong tâm tình tri ân, “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Tin Mừng nói đến một cuộc ra đi tương tự, “Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở đó, Người bảo ông, “Hãy theo tôi!”. Ông đứng dậy đi theo Người!”. Sự vắn gọn tiết lộ ‘một sự bị động hoàn toàn’. Ở đây, xem ra tác giả ‘đổ lỗi’ cho người gọi, “Ngài bất thần đột nhập thế giới của tôi - thế giới tiền bạc của tôi - chộp tôi và xô tôi đi tới!”. Trong kiệt tác “Ơn Gọi của Matthêu”, Caravaggio đã nhanh tay ‘chụp’ được khoảnh khắc đó. Ông vẽ Chúa Giêsu nhìn Matthêu và gọi ông. Matthêu đang ngồi với nhiều người khác; tay phải giữ chặt nhúm tiền, tay trái chỉ vào mình, như thể đang nói, “Ai? Tôi? Tiền này của tôi!”.

Câu chuyện của Matthêu là câu chuyện của một tội nhân. Như Phaolô, Matthêu “Quên đi chặng đường đã qua, lao mình về phía trước”; quên chặng đường của một thu thuế để trải nghiệm chặng đường ‘vô định’ của một môn đệ mà ‘Đấng là Đường’ chỉ ra. Từ đó, Matthêu rời sổ sách, bỏ hòm tiền; học bài học của chim muông, của hoa đồng nội - những loài không hề tính toán. Và thật thú vị, ngay trong nhóm Mười Hai, Matthêu cũng không đảm trách vai trò thủ quỹ! “Từ bỏ con người cũ không phải là mất mát, mà là sự mở đường cho Đấng đang hình thành một tạo vật mới trong ta!” - Edith Stein.

Anh Chị em,

‘Không bao giờ trở lại!’. Một lúc nào đó, Chúa Giêsu cũng tìm cách đột nhập thế giới của chúng ta. Đó có thể là một cuộc đấu tranh mà ở đó, ‘các thứ khác’ và tiền bạc có lẽ sẽ ‘nhỉnh hơn’ Chúa. Chớ gì bạn và tôi nhanh nhẹn đứng lên, đi tới trong ý thức rằng, “Khi Chúa gọi, Ngài không mời chúng ta cải thiện quá khứ, nhưng là tái sinh hiện tại và sống trọn cho điều đang đến!” - Dietrich Bonhoeffer.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, Chúa không đòi con trở nên hoàn hảo trước khi đến với Chúa, nhưng đòi con can đảm buông bỏ điều không còn là sự sống!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hồng Y Dri, một Hồng Y của Lòng Thương Xót qua Bí tích Hòa giải
Thanh Quảng sdb
00:01 03/07/2025
Hồng Y Dri, một Hồng Y của Lòng Thương Xót qua Bí tích Hòa giải

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV gửi lời chia buồn về sự ra đi của Đức Hồng Y Luis Pascual Dri, OFMCap., người được biết đến với sứ vụ không biết mệt mỏi trong việc ngồi tòa giải tội.

Đức Hồng Y Luis Pascual Dri, OFMCap., đã qua đời tại Buenos Aires, Argentina, vào ngày 30 tháng 6 năm 2025, thọ 98 tuổi. Đức cố Giáo hoàng Phanxicô phong ngài làm Hồng Y vào năm 2023 và phong cho ngài danh hiệu Hồng Y Phó tế của Đền thờ Thiên Thần ở Pescheria.

Ngày 2 tháng 7, Đức Lêô XIV đã chia buồn qua bức điện tín do Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin ký và gửi đến Đức Tổng Giám Mục Jorge Ignacio García Cuerva, Tổng Giám mục Buenos Aires. Đức Giáo Hoàng cho biết ngài đã nhận được tin về sự ra đi của Đức Hồng Y Dri và đã gửi lời chia buồn đến những người thân và các thành viên của Dòng Anh em Hèn mọn Capuchin. Ngài gọi Đức Hồng Y Dri là “một mục tử vị tha - được Đức Giáo Hoàng Phanxicô kính trọng - người đã dành nhiều năm để phục vụ Chúa và Giáo hội với tư cách là người giải tội và linh hướng”. Đức Giáo Hoàng Lêô đã đảm bảo “lời cầu nguyện tha thiết của ngài cho sự an nghỉ vĩnh hằng”, và xin Chúa ban cho ngài “vương miện vinh quang bất diệt” trên trời.

Đức Hồng Y Dri cầm một bức ảnh chụp ngài với Đức Giáo Hoàng Phanxicô… Đức Hồng Y Dri chụp với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài đã phục vụ như một nhà truyền giáo và hướng dẫn tâm linh thần, và mục vụ thánh của ngài theo gương của Cha Thánh Pio thành Pietrelcina và Thánh Lêôpold Mandić.

Khi suy ngẫm về cuộc đời, Đức Hồng Y Dri đã từng nói: “Tôi không có bằng cấp, không có chức tước. Nhưng cuộc sống đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Vì sinh ra trong hoàn cảnh nghèo, tôi cảm thấy được kêu gọi để trao ban lời thương xót, giúp đỡ và gần gũi với tha nhân...”
 
Vatican không thấy tầm trầm trọng của các tài liệu bị rò rỉ về Thánh lễ La tinh
Vũ Văn An
15:27 03/07/2025

Kinh Cáo Mình tại Thánh lễ La tinh Truyền thống. | Tín dụng: James Bradley, CC BY 2.0, qua Wikimedia Commons


Theo Hannah Brockhaus, trong bản tin của CNA ngày 3 tháng 7 năm 2025, một phát ngôn viên của Vatican đã không thấy tầm trầm trọng của các tài liệu Vatican bị rò rỉ gần đây, những tài liệu dường như gây nghi ngờ đối với lý do Đức Giáo Hoàng Phanxicô viện ra khi hạn chế Thánh lễ La tinh. Phát ngôn viên này gọi các tài liệu vừa nói là "một phần và không đầy đủ".

Các tài liệu này dường như cho thấy các giám mục có quan điểm thuận lợi hơn đối với Thánh lễ La tinh Truyền thống, không như Đức Giáo Hoàng Phanxicô gợi ý khi ngài ban hành các hạn chế gây tranh cãi về việc cử hành Thánh lễ này vào năm 2021.

Nhà báo chuyên về Vatican Diane Montagna đã công bố hai đoạn trích từ một báo cáo nội bộ của Vatican về cuộc tham vấn các giám mục hoàn cầu trong bản tin Substack vào ngày 1 tháng 7. Việc công bố các bản văn này đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi mới về quyết định hạn chế việc cử hành Thánh lễ La tinh Truyền thống của Đức Phanxicô vào thời điểm một số người theo chủ nghĩa truyền thống phụng vụ đang bày tỏ hy vọng Đức Giáo Hoàng Leo sẽ đảo ngược hoặc điều chỉnh hành động của vị tiền nhiệm.

Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, cho biết vào ngày 3 tháng 7 rằng thông tin bị rò rỉ "có lẽ liên quan đến một phần của một trong những tài liệu mà quyết định [hạn chế Thánh lễ La tinh] dựa vào".

Trả lời câu hỏi của CNA trong một cuộc họp báo về một chủ đề khác, Bruni gọi các báo cáo đã công bố là "một bản tái thiết rất phiến diện và không đầy đủ về quá trình ra quyết định". Đồng thời, ông từ chối xác nhận tính xác thực của các tài liệu.

Người phát ngôn nói thêm rằng "các tài liệu khác, các báo cáo khác, cũng như kết quả của các cuộc tham vấn tiếp theo" cũng đã được xem xét liên quan đến các hạn chế đối với Thánh lễ La tinh.

Một viên chức tại Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, tức thánh bộ chịu trách nhiệm áp dụng Traditionis Custodes, tức tự sắc hạn chế Thánh lễ La Tinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào tháng 7 năm 2021, đã nói với CNA vào ngày 3 tháng 7 rằng bộ này "không có gì thêm để thêm" vào câu trả lời của Bruni.

Các văn bản bị rò rỉ, tóm tắt kết quả tham vấn các giám mục và trích dẫn chọn lọc từ các ngài, đã được những người chỉ trích Traditionis Custodes ca ngợi là bằng chứng cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gây hiểu lầm khi nêu lý do cho việc đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc cử hành Thánh lễ La tinh.

Tự sắc của Đức Phanxicô đã thu hồi các quyền mà Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã cấp trong Tự sắc Summorum Pontificum năm 2007 của ngài.

Joseph Shaw, chủ tịch liên đoàn Thánh lễ La tinh Una Voce International, đã viết trong một bản tin vào ngày 2 tháng 7:

"Tuyên bố rằng phần lớn các giám mục trên thế giới muốn hạn chế Thánh lễ cổ xưa [Thánh lễ La tinh Truyền thống] luôn là điều đáng ngờ, nhưng tài liệu này cho mọi người thấy rằng tuyên bố đó hoàn toàn sai sự thật".

Shaw cho biết các tài liệu bị rò rỉ cho thấy "chỉ có quan điểm của một số ít giám mục thực sự không thích Thánh lễ Latinh Truyền thống được căn cứ để hành động. Quan điểm của đa số đã bị bỏ qua".

Traditionis Custodes đã đặt ra những hạn chế đáng kể đối với việc cử hành Thánh lễ theo các sách lễ từ trước các cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II. Trong Tự sắc, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài đã cân nhắc đến “những mong muốn được bày tỏ bởi các giám mục” và “ý kiến của Bộ Giáo lý Đức tin”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích trong một lá thư kèm theo sắc lệnh rằng vào năm 2020, ngài đã yêu cầu Bộ Giáo lý Đức tin tiến hành một cuộc khảo sát các giám mục trên toàn thế giới về kết quả thực hiện các quy tắc năm 2007 về việc cử hành Thánh lễ La tinh Truyền thống.

Đức Phanxicô viết trong thư: “Các trả lời cho thấy một tình huống khiến tôi bận tâm và buồn bã, và thuyết phục tôi phải can thiệp”. Ngài nói thêm rằng ý định của những vị tiền nhiệm của ngài, nhằm thúc đẩy sự hiệp nhất giữa những người Công Giáo có nhiều mẫn cảm phụng vụ khác nhau, “thường bị coi thường nghiêm trọng” và cơ hội này “bị lợi dụng để nới rộng khoảng cách, củng cố sự khác biệt và khuyến khích những bất đồng gây tổn hại cho Giáo hội, cản trở con đường của Giáo hội và khiến Giáo hội có nguy cơ chia rẽ”.

Theo một trong những tài liệu bị rò rỉ, một "đánh giá tổng thể" dài năm trang mà theo Montagna là một phần của báo cáo chưa từng được công bố dài hơn 200 trang về kết quả của bảng câu hỏi năm 2020, cuộc tham vấn đã phát hiện ra rằng "phần lớn các giám mục, những vị đã trả lời... và đã thực hiện Tự sắc Summorum Pontificum một cách hào phóng và thông minh, cuối cùng đều bày tỏ sự hài lòng với nó." Nhưng "một số giám mục tuyên bố rằng Tự sắc Summorum Pontificum đã không đạt được mục tiêu thúc đẩy hòa giải và do đó yêu cầu bãi bỏ nó."

Đánh giá bị rò rỉ cho biết một số giám mục tuyên bố rằng họ muốn quay lại các quy tắc trước năm 2007 đối với Thánh lễ La tinh Truyền thống, khi việc cử hành của nó đòi phải có phép của giám mục địa phương, "để có thể kiểm soát và quản lý tình hình tốt hơn."

Bản văn viêt tiếp: "Tuy nhiên, phần lớn các giám mục trả lời bảng câu hỏi tuyên bố rằng việc thực hiện các thay đổi về mặt lập pháp đối với Tự sắc Summorum Pontificum sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi.”
 
Nhận định của A.P. về Cuộc tranh luận Thánh lễ La tinh
Vũ Văn An
16:04 03/07/2025

Các nữ tu đứng cạnh các bản sao của tờ báo L’Osservatore Romano có tiêu đề bằng tiếng La tinh về Đức Giáo Hoàng Leo XIV tại Vatican, thứ sáu, ngày 09 tháng 05 năm 2025, một ngày sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng đầu tiên của Bắc Mỹ. (Nguồn: Francisco S


Nicole Winfield của hãng tin Associated Press, ngày 02/07/2025, cho rằng: Cuộc tranh luận trong Giáo Hội Công Giáo về việc cử hành Thánh lễ La tinh cũ đang nóng lên ngay lúc triều Giáo hoàng của Đức Leo XIV đang bắt đầu, với vụ rò rỉ tài liệu của Vatican làm suy yếu lý do được vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Phanxicô nêu ra để hạn chế quyền tiếp cận nền phụng vụ cổ xưa.

Các tài liệu cho thấy rằng phần lớn các giám mục Công Giáo trả lời cuộc khảo sát của Vatican năm 2020 về Thánh lễ La tinh đã bày tỏ sự hài lòng chung với nó và cảnh cáo rằng việc hạn chế nó sẽ "gây hại nhiều hơn là có lợi".

Các bản văn từ văn phòng giáo lý của Vatican đã được một phóng viên Vatican, người từng theo dõi cuộc tranh chấp về Thánh lễ La tinh, Diane Montagna, đăng trực tuyến vào hôm thứ Ba. Vào hôm thứ Tư, người phát ngôn của Vatican và người đứng đầu văn phòng giáo lý đã không trả lời ngay lập tức khi được yêu cầu xác nhận tính xác thực của chúng hoặc bình luận.

Nếu được xác nhận, các tài liệu này có thể gây thêm áp lực khiến Đức Leo phải cố gắng xoa dịu các chia rẽ phụng vụ đang lan rộng trong suốt 12 năm làm giáo hoàng của Đức Phanxicô, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài, Đức Leo đã nói rằng mục tiêu của ngài là sự hiệp nhất và hòa giải trong giáo hội, và nhiều người bảo thủ và theo chủ nghĩa truyền thống đã nhấn mạnh rằng tranh chấp Thánh lễ La tinh là một lĩnh vực cần được giải quyết khẩn cấp.

Năm 2021, trong một hành động gây tranh cãi nhất của ngài, Đức Phanxicô đã đảo ngược di sản phụng vụ đặc trưng của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và hạn chế quyền tiếp cận Thánh lễ Latinh cũ đối với những người Công Giáo bình thường. Phụng vụ cổ xưa đã được cử hành trên khắp thế giới trước những cải cách hiện đại của Công đồng Vatican II, cho phép Thánh lễ được cử hành bằng tiếng bản địa, với linh mục quay mặt về phía giáo dân.

Đức Phanxicô cho biết ngài đang hạn chế việc truyền bá phụng vụ cũ vì quyết định nới lỏng các hạn chế của Đức Benedict vào năm 2007 đã trở thành nguồn gây chia rẽ trong giáo hội. Đức Phanxicô cho biết vào thời điểm đó, ngài chỉ đáp lại "những mong muốn được bày tỏ" của các giám mục trên khắp thế giới đã trả lời cuộc tham khảo của Vatican, cũng như ý kiến riêng của văn phòng giáo lý Vatican.

Đức Phanxicô đã viết vào thời điểm đó: "Những câu trả lời cho thấy một tình huống khiến tôi bận tâm và buồn bã, và thuyết phục tôi phải can thiệp". Ngài cho biết, sự nới lỏng của Đức Benedict đã bị "lợi dụng để nới rộng khoảng cách, củng cố sự khác biệt và khuyến khích những bất đồng gây tổn hại cho giáo hội, cản trở con đường của giáo hội và khiến giáo hội phải đối diện với nguy cơ chia rẽ".

Tuy nhiên, các tài liệu được đăng trực tuyến đã vẽ nên một bức tranh khác. Chúng cho thấy phần lớn các giám mục trả lời cuộc tham khảo của Vatican đều có quan điểm chung là thuận lợi về cải cách của Đức Benedict và cảnh cáo rằng việc đàn áp hoặc làm suy yếu nó sẽ khiến những người Công Giáo theo chủ nghĩa truyền thống rời khỏi giáo hội à tham gia vào các nhóm ly giáo. Họ cảnh cáo rằng bất cứ thay đổi nào "sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến đời sống của giáo hội, vì nó sẽ tái tạo những căng thẳng mà tài liệu đã giúp giải quyết".

Các tài liệu bao gồm "đánh giá tổng thể" dài năm trang về những phát hiện của cuộc tham khảo, do văn phòng giáo lý của Vatican biên soạn, cũng như bảy trang thu thập các trích dẫn từ các giám mục hoặc hội nghị giám mục cá thể.

Các tài liệu chứa một số ý kiến tiêu cực và trung lập, và nói rằng một số giám mục coi cải cách của Đức Benedict là "không phù hợp, đáng lo ngại", nguy hiểm và đáng bị dẹp bỏ. Nhưng đánh giá của riêng Vatican cho biết phần lớn các giám mục trả lời đều bày tỏ sự hài lòng với nó. Bài báo trích dẫn sự gia tăng ơn gọi tu trì trong các cộng đồng theo truyền thống và cho biết những người Công Giáo trẻ tuổi đặc biệt được thu hút bởi "tính thánh thiêng, nghiêm túc và long trọng của phụng vụ".

Không rõ bằng chứng, giai thoại hay tài liệu nào khác đã thông báo cho quyết định đảo ngược Đức Benedict của Đức Phanxicô. Nhưng ngay từ đầu, Đức Phanxicô thường xuyên chỉ trích những người Công Giáo theo truyền thống, những người mà ngài cáo buộc là những người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, lạc hậu và không theo kịp sứ mệnh truyền giáo của giáo hội trong thế kỷ 21.

Các tài liệu mới đã an ủi những người theo truyền thống, những người cảm thấy bị Đức Phanxicô tấn công và bỏ rơi.

Joseph Shaw, thuộc Hiệp hội Thánh lễ Latinh của Anh và xứ Wales, cho biết:"Những tiết lộ mới xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hạn chế Thánh lễ Truyền thống theo yêu cầu của một số ít giám mục và trái với lời khuyên của bộ phụ trách vấn đề này. Quan điểm của đa số các giám mục, rằng việc hạn chế Thánh lễ Latinh Truyền thống sẽ gây hại nhiều hơn là lợi, thật đáng buồn đã được chứng minh là đúng".

Trong một email, ông cho biết Đức Leo nên giải quyết vấn đề này "một cách khẩn cấp".
 
Linh mục trong tình trạng nguy kịch sau khi bị bắn ở Mễ Tây Cơ
Đặng Tự Do
16:57 03/07/2025


Giáo phận Tabasco ở Mễ Tây Cơ đã báo cáo vào ngày 30 tháng 6 rằng một trong những linh mục của giáo phận đã bị thương do trúng đạn khi đang trên đường đến thăm một giáo dân bị bệnh. Vụ tấn công rõ ràng là một trường hợp nhầm lẫn danh tính.

Giám mục giáo phận, Đức Cha Gerardo de Jesús Rojas López, đã chia sẻ một tuyên bố giải thích rằng vào khoảng 5:45 sáng giờ địa phương, Cha Héctor Alejandro Pérez, một linh mục giáo xứ tại Nhà thờ St. Francis of Assisi ở Villahermosa, thủ phủ của tiểu bang Tabasco, đã bị bắn.

Kẻ tấn công dường như đã nhầm lẫn vị linh mục “với một người khác. Cha Héctor đang rời khỏi nhà xứ để đến thăm một người bệnh tại nhà,” Rojas nói.

Sau vụ tấn công, vị linh mục đã trải qua phẫu thuật. Theo vị giám mục, Cha Pérez được báo cáo là đang trong tình trạng nguy kịch, “với dự đoán tổng thể thận trọng do mất máu và tình trạng phức tạp của các vết thương bên trong”.

Đức Cha Rojas cũng đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới cộng đồng hãy hiến máu cho vị linh mục đang được điều trị tại Bệnh viện chuyên khoa khu vực Dr. Gustavo A. Rovirosa Pérez ở Villahermosa.

Đức Giám Mục khẳng định Giáo Hội Công Giáo “hoàn toàn bác bỏ” “hành động man rợ này” và cầu xin Chúa “làm lay động trái tim của những kẻ tấn công bất công để họ hoán cải và ăn năn, và tất cả các tín hữu và những người thiện chí đoàn kết trong việc tìm kiếm hòa bình cho Tabasco thân yêu của chúng ta”.

Thống đốc tiểu bang, Javier May Rodríguez, trong một cuộc họp báo đã lên án những gì đã xảy ra với vị linh mục và bày tỏ sự đoàn kết với Giáo Hội Công Giáo, bảo đảm với họ rằng “chúng tôi đã vào cuộc; vụ tấn công sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt, và chúng tôi sẽ tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm”.

Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ đã lên án vụ tấn công trong một thông điệp đăng trên X, bày tỏ sự đoàn kết “trước vụ tấn công vũ trang hèn nhát nhằm vào Cha Héctor Pérez”.

Các giám mục của đất nước đã cầu nguyện “Chúa của Sự Sống để Cha Héctor sớm bình phục và phó thác ngài cho sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria”. Họ cũng cam kết hỗ trợ Giáo phận Tabasco và cộng đồng giáo xứ Thánh Phanxicô thành Assisi cũng như gia đình và bạn bè của ngài.

“Xin Chúa Kitô, hoàng tử hòa bình, soi sáng và nâng đỡ những nỗ lực của chúng ta nhằm xây dựng một xã hội nơi công lý, hòa giải và tôn trọng sự sống được đề cao”, các giám mục tuyên bố.

Mễ Tây Cơ đã nhiều lần được coi là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với chức thánh và việc rao giảng đức tin. Theo Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo, một tổ chức ghi lại các cuộc tấn công chống lại Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này, 80 linh mục, tu sĩ và giáo dân đã bị sát hại kể từ năm 1990.

Chỉ riêng trong sáu năm qua, từ năm 2018 đến năm 2024, 10 linh mục và một chủng sinh đã bị sát hại. Ngoài ra, theo một nghiên cứu của trung tâm, trong cùng thời gian đó, sáu giám mục và bảy linh mục là nạn nhân của các mức độ bạo lực khác nhau — bao gồm bị chặn lại ở trạm kiểm soát, bị cướp hoặc bị tội phạm có tổ chức bắn.


Source:Catholic News Agency
 
Các giám mục mời Đức Giáo Hoàng Lêô đến thăm Peru: Sự hiện diện của ngài sẽ đổi mới hy vọng của người dân chúng ta
Đặng Tự Do
16:58 03/07/2025


Các giám mục Peru đã chính thức mời Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đến thăm Peru, bảo đảm với ngài rằng “sự hiện diện của ngài sẽ khơi dậy hy vọng cho người dân chúng ta”.

Theo tuyên bố từ Hội đồng Giám mục Peru, gọi tắt là CEP, là tên viết tắt tiếng Tây Ban Nha, một phái đoàn giám mục, bao gồm chủ tịch hội đồng, là Đức Cha Carlos García Camader của Lurín, đã gặp Giáo hoàng Lêô XIV tại Vatican vào ngày 30 tháng 6.

Trong buổi tiếp kiến, “các giám mục đã chính thức mời ngài đến thăm mục vụ tại Peru”, CEP cho biết.

Đức Thánh Cha Lêô XIV, sinh ra tại Chicago với tên Robert Francis Prevost vào năm 1955, đã sống ở Peru trong gần 20 năm, phục vụ tại nhiều thời điểm khác nhau với nhiều chức vụ khác nhau, từ cha sở giáo xứ Chulucanas ở vùng Piura đến giám mục Chiclayo. Ngài đã trở thành công dân Peru vào năm 2015.

Chào mừng đám đông tại Quảng trường Thánh Phêrô sau khi được bầu vào ngày 8 tháng 5, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã có đôi lời gửi đến Giáo phận Chiclayo yêu dấu của ngài, “nơi những người dân trung thành đã đồng hành cùng giám mục của họ, chia sẻ đức tin của họ và đã cống hiến rất nhiều để tiếp tục là Giáo hội trung thành của Chúa Giêsu Kitô.”

Công việc truyền giáo của ngài ở Peru đã được giới thiệu trong bộ phim tài liệu mới được Vatican phát hành có tựa đề “León de Perú”.

Theo CEP, Đức Cha García Camader đã gửi một lá thư cho Đức Giáo Hoàng vào ngày 30 tháng 6, bày tỏ “thay mặt cho tất cả các giám mục và người dân Peru, tình cảm sâu sắc và sự gần gũi của chúng tôi đối với Đức Thánh Cha” đồng thời cảm ơn ngài vì đã dành một vị trí đặc biệt trong trái tim mình cho Peru.

Phái đoàn Peru gồm có Đức Giám Mục Luis Alberto Barrera, Đức Giám Mục Antonio Santarsiero, Đức Hồng Y Pedro Barreto, Đức Tổng Giám Mục Alfredo Vizcarra, Đức Giám Mục Pedro Bustamante, Đức Giám Mục Marco Cortez, Đức Giám Mục César Huerta, Đức Giám Mục Ricardo García, Đức Giám Mục Lizardo Estrada, Đức Giám Mục Raúl Chau, Giám mục Juan Asqui, và Cha Guillermo Inca.

Trong một đoạn trích từ bức thư, chủ tịch CEP đã bảo đảm với Đức Lêô XIV rằng “sự hiện diện của ngài sẽ đổi mới hy vọng của dân tộc chúng ta, củng cố đức tin của cộng đồng chúng ta và là dấu chỉ tuyệt đẹp của sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ”.


Source:Catholic World Report

 
Tiến sĩ George Weigel : Ngày Độc Lập thứ 249
J.B. Đặng Minh An dịch
17:03 03/07/2025

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Independence Day number 249”, nghĩa là “Ngày Độc Lập thứ 249”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

“Chúng ta, những người dân” còn rất nhiều việc phải làm để đoàn kết lại, để chúng ta có thể ăn mừng “Nước Mỹ 250” với lòng biết ơn và hy vọng thay vì buồn bã.

Trong mười hai tháng dẫn đến lễ kỷ niệm 500 năm của Hoa Kỳ vào năm tới, người ta thường kể câu chuyện về cuộc gặp gỡ ở Philadelphia giữa Benjamin Franklin với bà Elizabeth Willing Powel, người đã hỏi khi Franklin rời khỏi Hội nghị Lập hiến: “Thưa Tiến sĩ, chúng ta có gì - một nền cộng hòa hay một chế độ quân chủ?” Và nhà hiền triết 81 tuổi đã trả lời, “Một nền cộng hòa, nếu bà có thể giữ vững được nó.” Lời cảnh báo đó vẫn đúng cho đến ngày nay như khi Franklin khắc ghi nó vào ký ức quốc gia vào ngày 17 tháng 9 năm 1787.

“Giữ vững” thực sự là nhiệm vụ của “Chúng ta, Nhân dân”, cụm từ mở đầu cho Lời nói đầu của Hiến pháp mà Franklin đã giúp viết ra. Vì “Chúng ta, Nhân dân” là những người sáng lập ra Hoa Kỳ. John Adams đã nói ngắn gọn điều này trong một lá thư năm 1818, được viết khi đất nước đang tiến gần đến lễ kỷ niệm vàng: “Nhưng chúng ta có ý gì khi nói đến Cách mạng Hoa Kỳ? Chúng ta có ý nói đến Chiến tranh Hoa Kỳ không? Cách mạng đã diễn ra trước khi Chiến tranh bắt đầu. Cách mạng nằm trong Tâm trí và Trái tim của Nhân dân.”

Vì vậy, nếu niềm tin và tình cảm của những người cộng hòa “Chúng ta, Nhân dân” suy yếu, nền cộng hòa sẽ gặp nguy hiểm.

Có phải chúng ta đang ở giữa khoảnh khắc như vậy, một năm trước lễ kỷ niệm toàn quốc “Nước Mỹ 250” không?

Những thách thức nghiêm trọng, tự gây ra cho hình thức chính phủ cộng hòa và hiến pháp của chúng ta không hề thiếu trong hai trăm năm mươi năm qua. Những thách thức này thường diễn ra dưới hình thức lạm quyền của chính phủ bởi các tổng thống có khuynh hướng độc đoán: việc Woodrow Wilson quấy rối và giam giữ những người biểu tình phản chiến và việc Franklin Delano Roosevelt giam giữ những công dân Mỹ gốc Nhật yêu nước không thể luận tội là hai ví dụ đáng tiếc của thế kỷ 20 Nhưng như Mark Helprin đã chỉ ra trên tờ Wall Street Journal sáu tuần trước, mối nguy hiểm hiện tại đối với chủ nghĩa hiến pháp cộng hòa bắt nguồn từ “việc người dân thiếu sự giám sát trong việc trao quyền tự quyết và sự chấp thuận cho các quan chức được bầu ở cấp cao và cấp thấp, những người đi chệch khỏi các nguyên tắc của Bản Hiến pháp và kỷ luật và thiết kế của Hiến pháp”.

Ít thanh lịch lòng vòng hơn, có thể nói thẳng rằng: “Chúng ta, Nhân dân” đang bỏ lỡ cơ hội.

Bỏ lỡ cơ hội như thế nào?

Hồ sơ gần đây về những sai sót như vậy trong “thiếu giám sát” trải dài qua nhiều chính quyền tổng thống và hoàn toàn mang tính chất lưỡng đảng (hoặc thiếu tính lưỡng đảng). Tại sao, trích dẫn lại Helprin, rằng “Chúng ta, Nhân dân” lại dung túng khi “đa số quốc hội nhút nhát cư xử như một người vợ bị bạo hành; khi các thẩm phán lập pháp và các cơ quan hành pháp phán quyết; và khi tòa án gây bất tiện cho cơ quan hành pháp hoặc Quốc hội và những gì tiếp theo là các mối đe dọa luận tội hoặc ràng buộc các thẩm phán…”?

Hay đi ngay vào những trường hợp trước mắt:

Tại sao những người biết ơn vì một số sáng kiến của chính quyền hiện tại lại không nhận ra rằng chính quyền đang hạ thấp chính mình (và đất nước) khi tổng thống và cựu cố vấn chính phủ được chỉ định của ông, là ông Musk, cư xử như hai đứa trẻ mẫu giáo tranh giành que kem — điều này, ngoài sự xấu hổ gây ra, còn cho thấy sự thiếu nghiêm chỉnh sâu sắc đối với đối thủ của chúng ta ở Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Tehran và những nơi khác?

Tại sao những người than thở về sự si mê của Đảng Dân chủ đối với nền văn hóa và chính trị thức tỉnh lại không tẩy chay và sau đó đẩy những chính trị gia chỉ trích gay gắt vào quên lãng chính trị, những người có lời lẽ góp phần tạo nên sự phẫn nộ bài Do Thái ở Harrisburg, Washington và Boulder?

Và Quốc hội, nhánh được cho là độc lập của chính phủ liên bang, ở đâu? Đôi khi người ta có ấn tượng rằng Điều Một của Hiến pháp đã bị bãi bỏ trong tâm trí của nhiều Thượng nghị sĩ và Đại biểu, những người dường như tưởng tượng mình là những chiếc bảng danh sách cơ khí được gửi đến Điện Capitol để ghi lại bất cứ điều gì mà cử tri lớn tiếng nhất của họ yêu cầu trong các bài diễn văn trên mạng xã hội — hoặc để chấp thuận bất cứ điều gì mà Ông Lớn ở đầu bên kia Đại lộ Pennsylvania ra sắc lệnh. Lần cuối cùng “Chúng tôi, Nhân dân” cho các đại diện được bầu của chúng tôi biết rằng chúng tôi mong đợi sự phán đoán chín chắn, được cân nhắc từ họ, chứ không phải là một ngón trỏ ướt át giơ lên trước những cơn gió chính trị là khi nào?

Một năm trước sinh nhật lần thứ 250, Hoa Kỳ vẫn là một điều kỳ diệu: một nước cộng hòa toàn lục địa với 340 triệu người, bất chấp tất cả những khiếm khuyết vừa nêu, vẫn là xã hội bình đẳng nhất thế giới, trung tâm đổi mới của thế giới và là hy vọng tốt nhất của thế giới tự do về sự lãnh đạo trong việc đối đầu với những chế độ chuyên chế với sự hung hăng trong tâm trí. Tuy nhiên, “Chúng ta, Nhân dân” vẫn còn nhiều việc phải làm để hành động cùng nhau, để chúng ta có thể ăn mừng “Nước Mỹ 250” với lòng biết ơn và hy vọng thay vì tinh thần chán nản.

Sự đổi mới công dân quốc gia đó sẽ bắt đầu khi từng người một, “Chúng ta, Nhân dân” xây dựng lại mối liên hệ giữa tự do và đức hạnh; tái cam kết với chủ nghĩa lập hiến cộng hòa; từ chối dung túng cho chủ nghĩa kích động bằng cách bắt các quan chức được bầu phải chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn hành vi của người trưởng thành; và ứng xử trong các cuộc tranh luận, công khai hoặc giữa các cá nhân, theo cách phù hợp với sự trưởng thành mà chúng ta đáng lẽ phải đạt được trong hai thế kỷ rưỡi của đời sống quốc gia.


Source:First Things
 
Đức Leo XIV gặp thủ tướng Ý lần thứ ba
Vũ Văn An
17:41 03/07/2025

Alexandros Michailidis | Shutterstock. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, năm 2023


Theo tạp chí Aleteia, xuất bản ngày 03/07/25, Đức Leo XIV đã tiếp Thủ tướng Ý Giorgia Meloni vào ngày 2 tháng 7 năm 2025. Chủ đề cuộc họp của họ chưa được tiết lộ, nhưng các cuộc trao đổi trước đây của họ là về ngoại giao liên quan đến Ukraine và Gaza, và chính trị Ý.

Đây là buổi tiếp kiến chính thức đầu tiên dành cho người đứng đầu chính phủ của đất nước kể từ khi tân giáo hoàng được bầu vào ngày 8 tháng 5. Trong buổi sáng tại Vatican, chính trị gia và các đại diện của đoàn ngoại giao Vatican đã thảo luận về cam kết hòa bình ở Ukraine và Trung Đông.

Giorgia Meloni đã đến Vatican cùng với Bộ trưởng Ngoại giao của Phủ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Alfredo Mantovano, và hai Phó Thủ tướng, Antonio Tajani và Matteo Salvini.

Theo một video do Văn phòng Báo chí Tòa thánh công bố, Đức Leo XIV đã tiếp Giorgia Meloni tại thư viện riêng của ngài ở Điện Tông tòa, như thường lệ đối với các nguyên thủ quốc gia.

Chính trị gia Công Giáo đã tặng Đức Giáo Hoàng một bức tranh khắc thế kỷ 17 mô tả Angelicum, trường đại học giáo hoàng nơi Đức Hồng Y Prevost đã học khi còn trẻ.

Vatican chưa tiết lộ nội dung cuộc gặp riêng của họ.

Những cuộc gặp gỡ lặp đi lặp lại liên quan đến nền ngoại giao quốc tế

Kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng, Giorgia Meloni đã chào đón tân giáo hoàng hai lần, một cách ngắn gọn.

Lần đầu tiên, họ gặp nhau trong Thánh lễ nhậm chức giáo hoàng vào ngày 18 tháng 5, và sau đó là vào dịp ngày năm thánh dành cho các cơ quan công quyền vào ngày 22 tháng 6.

Họ cũng đã nói chuyện qua điện thoại vào ngày 15 tháng 5 về khả năng làm trung gian cho hòa bình ở Ukraine — sau đó đã bị Moscow bác bỏ — và về thách thức của trí tuệ nhân tạo.

Trong chuyến thăm Vatican vào thứ Tư, Meloni cũng đã gặp Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các quốc gia.

Theo tuyên bố của Tòa thánh, những cuộc trao đổi này tại Phủ Quốc vụ khanh là cơ hội để thảo luận về cam kết chung giữa Vatican và Ý đối với "hòa bình ở Ukraine và Trung Đông và hỗ trợ nhân đạo cho Gaza".

Theo tuyên bố, Meloni và các nhà ngoại giao của Tòa thánh cũng đã giải quyết "các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương và các chủ đề cùng quan tâm của Giáo hội và xã hội Ý", nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Các cuộc thảo luận liên quan đến luật pháp Ý

Tờ báo hàng ngày La Repubblica gần đây đã trích dẫn một số vấn đề hiện tại có thể là chủ đề của các cuộc thảo luận song phương này: chăm sóc cuối đời (một dự luật hiện đang được chính phủ đàm phán), cơ chế thuế của Ý được gọi là "l'otto per mille" (có lợi cho Giáo Hội Công Giáo, trong số những chủ thể khác, và là chủ đề gây tranh cãi), và hợp tác về một nhà máy điện mặt trời trên khuôn viên của Santa Maria di Galeria, một tài sản của Tòa thánh ở phía bắc Rome.

Meloni là một trong những nhà lãnh đạo chính trị cuối cùng gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào ngày 19 tháng 2, bà đã đến thăm ngài tại Bệnh viện Gemelli, nơi ngài đang được điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng. Bà nói trong một tuyên bố sau cuộc gặp cuối cùng của họ: "Ngài vẫn chưa mất đi khiếu hài hước đặc trưng của ngài". Vị Giáo hoàng người Argentina đã qua đời hai tháng sau đó, vào ngày 21 tháng 4.

Trước Thủ tướng, Đức Leo XIV đã tiếp Tổng thống Cộng hòa Ý, Sergio Mattarella, vào ngày 7 tháng 6.
 
Ý cầu nguyện tháng 7 của Đức Giáo Hoàng: Xin ơn phân định
Thanh Quảng sdb
18:19 03/07/2025
Ý cầu nguyện tháng 7 của Đức Giáo Hoàng: 'Xin ơn phân định'

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV công bố ý cầu nguyện tháng 7 và mời gọi chúng ta cầu xin để chúng ta biết cách chọn con đường đúng đắn cho cuộc sống và từ chối bất cứ điều gì khiến chúng ta xa rời Chúa Kitô.

Tin Vatican - Devin Watkins

“Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể học lại cách phân định, biết cách chọn con đường sống và từ chối mọi thứ khiến chúng ta xa rời Chúa Kitô và Phúc âm.”

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã đưa ra lời mời đó trong ý cầu nguyện của tháng 7 năm 2025, được công bố trên The Pope Video, đi kèm với ý cầu nguyện hàng tháng của ngài.

Trong video do Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng thực hiện, Đức Thánh Cha đã nguyện xin để hướng dẫn các Kitô hữu trong quá trình phân định (xem bên dưới).

Ngài nguyện xin Chúa Thánh Thần soi dẫn các quyết định của chúng ta và để chúng ta có thể học cách lắng nghe một cách chăm chú tiếng nói nhẹ nhàng của Chúa.

Khi lắng nghe, chúng ta học cách “phân định những con đường ẩn giấu trong trái tim mình” và hiểu được điều thực sự quan trọng đối với Chúa.

“Tôi cầu xin Chúa ban ơn để biết cách dừng lại,” ngài cầu nguyện, “để nhận thức được cách tôi hành động, những cảm xúc đang ngự trị trong tôi, và những suy nghĩ đang lấn át tôi, mà tôi thường không nhận ra.”

Đức Giáo Hoàng Lêô dẫn dắt người xem cầu nguyện cho những lựa chọn của chúng ta có thể dẫn chúng ta “đến với niềm vui của Phúc âm,” bất chấp những khoảnh khắc nghi ngờ và mệt mỏi, liên tục tìm cách bắt đầu lại.

“Bởi vì, ở cuối hành trình, sự an ủi của Chúa là hoa trái của quyết định đúng đắn,” ngài khẳng định.

Đức Giáo Hoàng kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng cách cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu rõ hơn “điều gì thúc đẩy tôi, để tôi có thể từ chối những gì khiến tôi xa rời Chúa Kitô, và yêu mến Người và phục vụ Người trọn vẹn hơn.”

Lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng về sự phân định, theo đó, xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta đi đúng con đường cho cuộc sống của mình bằng cách lắng nghe sâu sắc tiếng nói của Người trong trái tim chúng ta.

Đoạn video cho thấy một phụ nữ trẻ đang đi lạc trong rừng khi cô ấy tìm kiếm con đường đúng đắn. Khi cô ấy tìm kiếm con đường để đi, cô ấy giải thoát bản thân khỏi những gánh nặng không cần thiết và tìm thấy một la bàn và bản đồ để chỉ đường cho các bước đi của mình. Sau khi mở Phúc âm, người phụ nữ đến một hang động có hình ảnh Đức Mẹ Maria, nơi cô cầu nguyện trong thinh lặng để được hướng dẫn.

Lời cầu nguyện ban đầu của Đức Giáo Hoàng lặp lại lời cầu nguyện nổi tiếng của Thánh Augustine trong quyển “Tự Thú”: "Lạy Chúa, xin cho con biết chính mình để con có thể biết Chúa!"

"Để phân định, cần phải đặt mình vào sự thật trước Chúa, đi vào chính mình, thừa nhận những điểm yếu của chính mình và cầu xin Chúa chữa lành", thông cáo báo chí giải thích. "Đây là những bước để tái sinh thông qua mối quan hệ chân thực với Chúa".

Quá trình này được gọi là sự phân định và giúp các Kitô hữu khám phá ra con đường hướng đến Thiên Chúa - được thể hiện trong các hành động hằng ngày - vốn đã nằm sâu trong trái tim chúng ta.

Trong thông cáo báo chí, Cha Cristóbal Fones, SJ, Giám đốc quốc tế của Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Giáo hoàng, giải thích rằng mỗi người chúng ta phải học và được hướng dẫn để có thể phân định tốt.

Việc hình thành sự phân định, ngài nói, “bao gồm cầu nguyện, suy ngẫm cá nhân, nghiên cứu Kinh thánh và hướng dẫn tâm linh. Nuôi dưỡng mối quan hệ sâu sắc với Chúa Giêsu là khía cạnh quan trọng nhất”.

Lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV về sự phân định

Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài là ánh sáng của sự hiểu biết của chúng con,

là hơi thở nhẹ nhàng hướng dẫn các quyết định của chúng con,

xin ban cho con ân sủng để chăm chú lắng nghe tiếng nói của Ngài

và phân định những con đường ẩn giấu trong trái tim con,

để con có thể nắm bắt được điều thực sự quan trọng đối với Chúa,

và giải thoát trái tim con khỏi những rối loạn.

Con cầu xin Chúa ban ơn để con biết dừng lại,

để nhận thức được cách con hành động,

về những cảm xúc ngự trị trong con,

và về những suy nghĩ lấn át con mà con thường không nhận ra.

Con mong muốn những lựa chọn của mình dẫn con đến với niềm vui của Phúc Âm.

Ngay cả khi con phải trải qua những khoảnh khắc nghi ngờ và mệt mỏi,

ngay cả khi con phải đấu tranh, suy ngẫm, tìm kiếm và bắt đầu lại…

Bởi vì, ở cuối hành trình, sự an ủi của Chúa là hoa trái của quyết định đúng đắn.

Xin ban cho con sự hiểu biết sâu sắc hơn về điều thúc đẩy con,

để con có thể từ chối những gì kéo con ra xa lìa Chúa Kitô,

và yêu mến Người và phục vụ Người trọn vẹn hơn.


Amen.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khuôn mặt dọc đường gío bụi
Linh Mục Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:37 03/07/2025

Dọc đường gío bụi xưa nay luôn thuộc về nếp sống con người. Vì hằng ngày họ phải đi lại vận chuyển làm việc trong khoảng cách ngắn gần hay xa, thời gian ngắn hạn hay lâu dài.

Nếp sống này không là sự vất vả đầu tắt mặt tối. Nhưng diễn tả người sống dọc đường gío bụi là người mạnh khoẻ có sức khoẻ tốt đầy năng lượng hoạt bát, cùng tính thích nghi mềm dẻo.

Trong nếp sống đạo giáo tinh thần đức tin dọc đường gío bụi không là luật trừ. Trái lại là điều cần thiết căn bản cho đời sống đức tin tinh thần triển nở phát huy theo hướng chiều tích cực, trong tương quan với Thiên Chúa, với con người cùng chung sống và với thiên nhiên.

Khi sống dọc đường gío bụi, lẽ dĩ nhiên cần phải mang theo những vật dụng cần thiết như quần áo, thực phẩm nước uống, giấy tờ tùy thân, thuốc uống cần thiết và chút ít tiền bạc… Nhưng Chúa Giêsu Kitô ngày xưa sai các môn đệ đi ra cánh đồng truyền giáo dọc đường gío bụi lại có chỉ thị khác: “Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.” ( Lc 10, 1-9).

Chỉ thị này của Chúa Giêsu xem ra không thích hợp với nếp sống ngày hôm nay, khi dọc đường gío bụi, nhất là làm công việc truyền giáo đức tin vào Thiên Chúa giữa con người cùng cho con người!

Hành trang cần thiết là thứ cần phải có mang theo khi đi đến nơi đâu. Nhưng khi mang nhiều hành trang qúa lại là gánh nặng phải đeo khuân vác gây ra mệt nhọc mất nhiều công sức, làm vơi bớt hào hứng niềm vui đời sống chính mình và cả cho người mình gặp gỡ... Kinh nghiệm này hầu như ai củng có khi đi chơi xa sắp soạn mang chất đầy vali, rương quần áo, phải mang xách kéo nặng mệt cùng sinh ra khó chịu cau có, mà sau cùng lại không dùng tới! Mang nhiều vật dụng đồ đạc, sau cùng chỉ loay hoay canh giữ, khuân vác chúng mất nhiều thời giờ công sức rồi.

Có nhiều người đi hành hương xa đường dài, lúc phải đi bộ, đeo kéo túi, vali nặng nhiều đồ mang theo mệt nhọc… thế là dọc đường dần

phải sọan lại hy sinh bỏ bớt những gì không cần thiết đi cho nhẹ, để mong có sức khoẻ cùng niềm vui hứng thú đi bộ tiếp!

Mục đích của hành trình dọc đường gío bụi là quan trọng chứ không phải những vật dụng mang theo. Vì thế những gì căn bản cần thiết mới hữu ích thích hợp giúp cho đạt mục đích hành trình.

Cũng vậy Chúa Giêsu Kitô trong chiều hướng đó đã đưa ra lời khuyên chỉ thị cho các Môn đệ, khi Ngài sai họ đi làm việc truyền giáo.

Lòng yêu mến nhiệt tâm dấn thân cho việc ra truyền tin mừng của Chúa mới là hành trang căn bản cần thiết cho việc ra đi làm việc truyền giáo.

Con người là điều quan trọng nhất, chứ không phải những vật dụng mang theo. Nếp sống dấn thân, đơn giản và lòng nhiệt thành vào tình yêu Chúa của người môn đệ có sức gây lòng phấn khởi cho con người. Và qua đó họ cảm nhận được tinh thần niềm hy vọng cho đời sống.

Chúa Giêsu Kitô lúc khởi đầu đi ra rao giảng nước Thiên Chúa, đã tuyển chọn kêu gọi 12 vị làm Tông Đồ, và trên 12 vị cột trụ này Giáo hội Chúa được xây dựng nơi trần gian. Nhưng Kinh thánh nơi phúc âm Thánh Luca (Lc 10,1-10) nói đến Chúa Giêsu còn tuyển chọn 72 người khác nữa, rồi sai họ đi làm việc rao giảng tin mừng Chúa giữa lòng đời sống xã hội con người thời lúc đó cách đây hơn hai ngàn năm.

Con số 72 từ thời cổ đại xa xưa được hiểu là toàn vũ trụ có 72 dân tộc và 72 ngôn ngữ. Thánh vịnh (90, 10) cũng nói tuổi thọ 72.

Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan trình bày các thị kiến trên trời nói đến vinh quang của Thiên Chúa ba ngôi hiển thị qua con số 24 Vị trưởng Lão với những nhạc cụ khác nhau đàn ca chúc tụng Thiên Chúa trên trời: 24 X 3 = 72

Như thế con số 72 là con số hình ảnh biểu tượng diễn tả sự toàn thể, sự rộng lớn.

Phúc âm Thánh sử Luca tường thuật Chúa Giêsu kêu gọi 72 môn đệ khác nữa sai đi làm việc truyền giáo ngụ ý muốn diễn tả mọi người

được Chúa kêu gọi sai đi làm việc truyền giáo ở các nơi trong xã hội con người.

Giáo hội Chúa mở ra Năm Thánh hành hương Niềm Hy Vọng 2025 trong ý nghĩa chiều hướng: Người đi hành hương dọc đường gío bụi với niềm hy vọng vào Chúa, và cũng muốn mang niềm hy vọng vào Chúa đến cho người khác nơi đời sống dọc đường gío bụi.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
SU-34 gặp nạn, phi công Nga phóng ra được, NHƯNG..Tướng Nga tù 13 năm. Kyiv và vụ tạm dừng viện trợ
VietCatholic Media
03:05 03/07/2025


1. Máy bay Su-34 của Nga bị rơi trong chuyến bay huấn luyện, phi công tử nạn, truyền thông đưa tin

Một chiến đấu cơ Su-34 của Không quân Nga đã bị rơi trong một cuộc tập trận ở Tỉnh Nizhny Novgorod, hãng thông tấn nhà nước Nga Ria Novosti đưa tin hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy, trích dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga.

Một trong những phi công đã tử vong do bị thương kéo dài, hãng truyền thông Nga Mash đưa tin sau đó trong ngày. Sau khi phóng ra, anh ta đã hạ cánh trên một cái cây. Theo Mash, các nhân viên y tế không thể cứu anh ta.

Một trong những thanh chống càng đáp không được thả ra trong khi hạ cánh. Phi hành đoàn đã cố gắng nhiều lần để khắc phục sự việc trong khi bay nhưng không có tác dụng.

Theo Bộ Quốc phòng, phi hành đoàn đã thoát ra khỏi máy bay thành công và không có thương vong.

Máy bay Su-34 của Nga là máy bay tiêm kích-ném bom tầm trung thời Liên Xô.

Các vụ tai nạn máy bay và trực thăng ngày càng trở nên phổ biến ở Nga kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu và các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt sau đó.

Theo tình báo Anh, Nga đã mất hơn 30 máy bay Su-34 kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào năm 2022.

Mạc Tư Khoa không bình luận về những tổn thất mà nước này phải đối mặt trong cuộc chiến với Ukraine.

[Kyiv Independent: Russian Su-34 aircraft crashes during training flight, pilot dies, media reports]

2. Nga không thể phóng 500 máy bay điều khiển từ xa mỗi ngày, giám đốc tình báo Ukraine khẳng định

Nga có khả năng phóng tới 500 máy bay điều khiển từ xa tấn công Shahed do Iran thiết kế vào Ukraine chỉ trong một cuộc tấn công, nhưng không thể thực hiện điều đó hàng ngày, giám đốc tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov cho biết vào ngày 2 tháng 7.

Trong những tuần gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào các thành phố của Ukraine, thường phóng hàng trăm máy bay chỉ trong một ngày. Cuộc tấn công trên không lớn nhất kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu diễn ra vào đêm ngày 29 tháng 6, khi Mạc Tư Khoa phóng 477 máy bay điều khiển từ xa và 60 hỏa tiễn trên khắp Ukraine.

“Phóng 450–500 Shahed mỗi ngày — điều đó không thực tế”, Budanov phát biểu trong buổi lễ công nhận năm thành tựu tình báo của Ukraine trong sách kỷ lục quốc gia, theo đài truyền hình công cộng Suspilne.

“Nhưng thật không may, họ có khả năng thực hiện điều đó theo định kỳ. Họ thực sự có thể phóng tới 500 chiếc trong một lần tấn công”, Budanov nói thêm.

Budanov cũng cho biết Nga đang nâng cấp khả năng của máy bay điều khiển từ xa kiểu Shahed bằng cách cải thiện hệ thống CRPA tức là Ăng-ten thu phát, giúp bảo vệ máy bay điều khiển từ xa khỏi bị gây nhiễu GPS. Ông lưu ý rằng các kỹ sư Nga hiện đang sản xuất ăng-ten CRPA 16 kênh, loại ăng-ten khó bị chống lại bằng điện tử hơn.

“Những ăng-ten này hiện đang được sản xuất tại Nga, nhưng kỹ sư phát triển ăng-ten CRPA này lại ở Ukraine”, Budanov cho biết.

“Quay trở lại đầu những năm 2000, không ai ở đây cần nó, vì vậy kỹ sư đã chuyển đến Nga. Một trong hai kỹ sư tham gia phát triển đã chết trong những hoàn cảnh không rõ ràng. Người kia vẫn còn sống, mặc dù có lẽ không còn sống được lâu nữa”.

Nga đã sử dụng hàng ngàn máy bay điều khiển từ xa loại Shahed trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của mình để tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine, thường là trong những đợt tấn công lớn vào ban đêm. Hệ thống phòng không của Ukraine đã thích nghi theo thời gian nhưng phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng khi Mạc Tư Khoa cải thiện khả năng chống chịu của máy bay điều khiển từ xa và khả năng tác chiến điện tử.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Mạc Tư Khoa đã phóng 28.743 máy bay điều khiển từ xa loại Shahed vào Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện.

Budanov cũng cho biết Nga đã có những nỗ lực không thành công trong việc phát triển thuyền điều khiển từ xa của riêng mình. Nỗ lực cuối cùng được biết đến diễn ra vào đầu tháng 6, khi các mô hình thử nghiệm phát nổ trước khi đến vùng biển lãnh thổ của Ukraine, ông cho biết.

“Chúng không đạt được kết quả. Dựa trên thông tin của chúng tôi, chúng đang hướng đến thành phố Yuzhne, tìm kiếm mục tiêu”, ông cho biết.

Ukraine đã sử dụng thuyền điều khiển từ xa Magura do trong nước phát triển để tấn công vào các tài sản quân sự của Nga ở Hắc Hải, khiến phần lớn hạm đội của Nga bị mắc kẹt trong cảng.

Mặc dù có kích thước nhỏ, các tàu mặt nước điều khiển từ xa đã chứng minh được hiệu quả, bao gồm cả trong một hoạt động vào ngày 2 tháng 5 khi tình báo quân sự Ukraine sử dụng thuyền điều khiển từ xa Magura-7 được trang bị hỏa tiễn không đối không để bắn hạ hai chiến đấu cơ Su-30 của Nga gần Novorossiysk. Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về việc chiến đấu cơ bị thuyền điều khiển từ xa bắn hạ.

[Kyiv Independent: Russia cannot launch 500 drones every day, Ukraine's intel chief says]

3. Ukraine chuẩn bị cho tác động của việc tạm dừng vũ khí của Hoa Kỳ

Với việc vũ khí và hỏa tiễn của Hoa Kỳ bị chặn lại tại biên giới Ukraine, Kyiv đang chuẩn bị tìm cách duy trì hoạt động của hệ thống phòng không trước các cuộc pháo kích dữ dội của Nga và hướng hỏa lực về phía lực lượng Nga đang tiến chậm.

Oleksandr Merezhko, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine, cho biết: “Tôi hy vọng đây chỉ là sự dừng lại tạm thời liên quan đến nhu cầu tính toán một số điều liên quan đến kho dự trữ của Mỹ”.

Merezhko nói với Newsweek: “Tôi cũng hy vọng những người đưa ra quyết định này nhận thức đầy đủ về hậu quả mà nó có thể gây ra cho Ukraine, bao gồm cả sự an toàn của dân thường, nếu chúng tôi không kịp thời cung cấp đủ đạn dược cần thiết”.

Hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy, Hoa Kỳ xác nhận đã tạm dừng việc cung cấp một số thiết bị có nhu cầu cao nhất của Ukraine. Politico lần đầu tiên đưa tin rằng một cuộc đánh giá về kho dự trữ đạn dược của Hoa Kỳ đã làm dấy lên mối lo ngại về sự sụt giảm trong kho dự trữ của Bộ Quốc phòng và quyết định ban đầu về việc giữ lại một số viện trợ quân sự đã cam kết trong chính quyền Biden đã được đưa ra gần một tháng trước.

Theo báo cáo, lệnh dừng áp dụng cho viện trợ mà Ukraine nhận được thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, gọi tắt là USAI và thông qua các khoản quyên góp được rút khỏi kho dự trữ quân sự của Hoa Kỳ. Theo USAI, Washington đã có thể mua thiết bị cho Ukraine từ các công ty công nghiệp Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo báo chí vào tháng 3 rằng Hoa Kỳ đã cung cấp khoảng 67 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng vào tháng 2 năm 2022. Các lực lượng Hoa Kỳ—và quan trọng hơn là kho dự trữ của quốc gia này—cũng đã tham gia rất nhiều vào Trung Đông, bao gồm cả việc đánh chặn hỏa tiễn hướng đến Israel.

“Quyết định này được đưa ra nhằm đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu sau khi xem xét lại sự hỗ trợ và trợ giúp quân sự của quốc gia chúng tôi cho các quốc gia khác trên toàn cầu”, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Anna Kelly cho biết. “Sức mạnh của Quân đội Hoa Kỳ vẫn không bị nghi ngờ - hãy hỏi Iran”.

Tháng trước, Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào một số địa điểm hạt nhân của Iran.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hôm thứ Tư rằng họ “chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc đình chỉ hoặc sửa đổi lịch trình cung cấp viện trợ quốc phòng đã thỏa thuận”.

Các loại vũ khí bị trì hoãn bao gồm đạn pháo lựu 155 ly, hơn 100 hỏa tiễn Hellfire và đạn dẫn đường chính xác được gọi là GMLRS, NBC News đưa tin.

Hoa Kỳ cũng đã tạm dừng việc cung cấp hỏa tiễn Stinger tầm ngắn được Ukraine sử dụng rộng rãi và hàng chục hỏa tiễn phòng không Patriot, rất quan trọng để bảo vệ các thành phố lớn của Ukraine khỏi vũ khí tiên tiến nhất của Nga. Việc tiếp nhận thêm các hệ thống Patriot do Hoa Kỳ sản xuất, được tường trình đã đánh bại hỏa tiễn siêu thanh của Nga, luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ukraine.

Nga đã tấn công Ukraine bằng các đợt không kích dữ dội trong những tuần gần đây khi các cuộc đàm phán ngừng bắn không đạt được bất kỳ tiến triển nào hướng tới một thỏa thuận. Không quân Ukraine cho biết hôm thứ Ba rằng Kyiv đã bắn hạ 4.750 mục tiêu trên không chỉ riêng trong tháng 6, bao gồm gần 100 hỏa tiễn hành trình Kh-101 và 14 hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn.

Phòng không là mối quan tâm hàng đầu của các quan chức Ukraine, mặc dù Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục tiến hành những bước tiến nhỏ nhưng đều đặn dọc theo các tuyến đầu ở phía đông. Bộ Quốc phòng Kyiv cho biết hôm thứ Tư rằng họ đã yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp thêm thông tin và rằng việc tăng cường mạng lưới phòng không của mình là “cực kỳ quan trọng”.

Oleksiy Goncharenko, một nhà lập pháp Ukraine đại diện cho khu vực Odessa phía nam nước này, cho biết: “Ngay cả việc ngừng một phần viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cũng có thể rất nguy hiểm đối với Ukraine”.

“Nga tiếp tục ném bom các thành phố của chúng ta hầu như mỗi đêm, máy bay điều khiển từ xa bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine, và khoảng một lần một tuần, Nga thực hiện các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn lớn,” ông nói với Newsweek. “Nói cách khác, chúng ta đang bị từ chối các phương tiện để tự vệ.”

Goncharenko nói thêm: “Tôi thực sự hy vọng Hoa Kỳ sẽ cân nhắc cung cấp hỗ trợ phòng không vì chúng tôi đang rất cần, đặc biệt là để bảo vệ thường dân”.

“ Nga chắc chắn sẽ lợi dụng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cung cấp viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine và có thể tăng cường các cuộc ném bom vào các mục tiêu dân sự”, Merezhko nói.

Ivan Stupak, cựu quan chức của cơ quan an ninh SBU của Ukraine, nói với Newsweek rằng hỏa tiễn Patriot là “điểm dễ bị tổn thương nhất” trong việc chặn viện trợ.

Khi được hỏi về hỏa tiễn Patriot trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở The Hague tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết Washington “sẽ xem xét liệu chúng tôi có thể cung cấp một số hỏa tiễn hay không”.

“Rất khó để có được chúng,” ông nói thêm. “Chúng tôi cũng cần chúng. Chúng tôi đã cung cấp chúng cho Israel.”

Sidharth Kaushal, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu Royal United Services Institute của Anh, cho biết đợt bùng phát bạo lực mới ở Trung Đông đã sử dụng hết nhiều loại hỏa tiễn đánh chặn, nhưng chủ yếu là hỏa tiễn do Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm cao giai đoạn cuối, gọi tắt là THAAD của Mỹ bắn, có chức năng đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo, và hỏa tiễn bắn từ tàu.

Trong khi hỏa tiễn Patriot thỉnh thoảng được sử dụng ở Trung Đông, một “số lượng đáng kể” đã được gửi đến Ukraine, Kaushal nói với Newsweek. Nhưng Hoa Kỳ đã bổ sung một số kho dự trữ của mình thông qua việc mua lại hỏa tiễn, chuyển hướng các lô hàng từ khách hàng xuất khẩu và hưởng lợi từ việc tăng tốc độ sản xuất hỏa tiễn Patriot, ông tiếp tục.

“Lượng hàng tồn kho không phải là quá thấp”, Kaushal cho biết. Nhưng nhu cầu về Patriots đang “tăng đáng kể”, không chỉ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông nói thêm.

Số lượng đạn dược chính xác trong kho vũ khí của Hoa Kỳ không phải là thông tin công khai.

Cựu quan chức Ngũ Giác Đài Jim Townsend nói với Newsweek rằng Bộ Quốc phòng luôn lo ngại về kho hỏa tiễn Patriot, đặc biệt là để sử dụng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chống lại phiến quân Houthi phóng hỏa tiễn từ Yemen. “Chúng tôi luôn thiếu Patriot”, ông nói.

“Đây không phải là vấn đề về kho dự trữ”, Tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Ben Hodges, người trước đây đứng đầu Quân đội Hoa Kỳ tại Âu Châu, cho biết. “Đây là lựa chọn của chính quyền này nhằm ve vãn Nga, với cái giá phải trả là Ukraine”, Hodges nói với Newsweek.

Tổng thống Trump và các quan chức cao cấp của ông dường như không muốn gây áp lực đau đớn lên Nga trong các cuộc đàm phán ngừng bắn, bất chấp mong muốn rõ ràng của Tổng thống Trump là đạt được thỏa thuận và chấm dứt cuộc xung đột trên bộ lớn nhất Âu Châu kể từ Thế chiến II.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã nói rằng “khó khăn hơn mọi người nghĩ” để đạt được một thỏa thuận, đồng thời nói thêm, “Vladimir Putin còn khó khăn hơn”. Tổng thống Trump thường tránh chỉ trích nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh nhưng lại chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Trong khi hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga trút xuống khắp Ukraine, quân đội Nga “vẫn đang tiến về phía trước” ở phía đông, John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Mạc Tư Khoa và Kyiv, nói với Newsweek.

Một viên chức do Nga bổ nhiệm đã nói vào đầu tuần này rằng lực lượng Nga đã chiếm toàn bộ khu vực Luhansk, một trong hai khu vực phía đông Ukraine tạo thành khu vực Donbas, trung tâm công nghiệp của Ukraine. Tuyên bố này chưa được xác nhận bởi các nguồn khác, bao gồm cả cộng đồng các blogger quân sự có ảnh hưởng của Nga.

Nga cho biết họ đã sáp nhập Luhansk và ba khu vực khác ở phía đông vào năm 2022, nhưng động thái này không được quốc tế công nhận.

Mạc Tư Khoa vẫn chưa thiết lập được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với bất kỳ khu vực nào mà họ tuyên bố là đã sáp nhập. Theo phân tích do Viện nghiên cứu chiến tranh công bố, Nga đã kiểm soát khoảng 99 phần trăm Luhansk trong nhiều tháng, nhưng họ đã phải vật lộn để chiếm được phần đất còn lại.

Nga cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn dược, mặc dù đã làm méo mó nền kinh tế của mình bằng cách đặt nó vào thế chiến tranh bấp bênh. Daniel Rice, cựu trợ lý của tổng tư lệnh Ukraine và là chủ tịch của Đại học Mỹ Kyiv, cho biết bước tiến của họ đang khiến Mạc Tư Khoa phải trả giá đắt.

“Việc bắn hàng chục ngàn quả đạn pháo mỗi ngày thậm chí còn làm cạn kiệt một băng đạn lớn”, ông nói với Newsweek. “Nga phải giải quyết vấn đề này bằng cách hợp tác với Bắc Hàn”.

Nga đã nhận được nhiều đạn pháo và hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn từ Bình Nhưỡng. Năm ngoái, Bắc Hàn đã trở thành quốc gia đầu tiên không trực tiếp tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine của Nga đưa quân ra tiền tuyến.

[Newsweek: Ukraine Braces for Impact of U.S. Weapons Pause]

4. NATO điều động nhiều chiến đấu cơ sau các cuộc tấn công tầm xa của Nga

Hôm Thứ Năm, 03 Tháng Bẩy, Bộ Quốc phòng Rumani cho biết quốc gia thành viên NATO này đã phải điều động hai chiến đấu cơ vào đêm qua sau khi Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa mới gần biên giới của liên minh này với Ukraine.

Nga thường xuyên tấn công cảng Izmail của Ukraine, nằm ngay đối diện với thị trấn Rumani và khu vực rộng lớn hơn là Tulcea. Sông Danube đánh dấu biên giới giữa hai nước.

Máy bay điều khiển từ xa của Nga đã xâm nhập vào lãnh thổ NATO nhiều lần kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, với các mảnh vỡ được tìm thấy ở Rumani trong nhiều dịp khác nhau. Các thành viên NATO có nghĩa vụ phải coi các cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của mình là một cuộc tấn công vào tất cả và phải phản ứng tương ứng. Cho đến nay, các cuộc xâm nhập vào lãnh thổ đồng minh vẫn chưa được coi là các cuộc tấn công cố ý vào NATO.

Hai chiến đấu cơ F-16 đã cất cánh từ một căn cứ không quân lớn ở phía đông thủ đô Rumani lúc 11:15 tối giờ địa phương hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy, sau khi Mạc Tư Khoa “tiếp tục các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào các mục tiêu dân sự và cơ sở hạ tầng cảng ở Ukraine”, Bucharest cho biết trong một tuyên bố.

Oleh Kiper, thống đốc vùng Odessa phía nam bao gồm Izmail, cho biết khu vực xung quanh thành phố cảng đã bị máy bay điều khiển từ xa tấn công qua đêm. Các nhà chức trách ở Izmail cho biết trong một tuyên bố riêng rằng Điện Cẩm Linh đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa Shahed do Iran thiết kế để phá hoại cơ sở hạ tầng cảng và du lịch.

Oleksiy Goncharenko, nhà lập pháp Ukraine của khu vực Odessa, nói với Newsweek rằng Mạc Tư Khoa đã sử dụng từ 12 đến 13 máy bay điều khiển từ xa để tấn công xung quanh Izmail.

Không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 114 máy bay điều khiển từ xa, bao gồm cả máy bay điều khiển từ xa Shahed, gọi tắt là UAV qua phía bắc, phía đông và phía nam của đất nước. Quân đội cho biết Kyiv đã bắn hạ 40 máy bay điều khiển từ xa và 39 máy bay khác đã bay chệch khỏi mục tiêu.

Lực lượng không quân cho biết thêm, Mạc Tư Khoa cũng đã bắn bốn hỏa tiễn phòng không có điều khiển.

Quân đội Ba Lan cho biết hôm Chúa Nhật rằng họ đã điều động máy bay của mình, hoạt động cùng với các máy bay phản lực NATO khác, khi Nga tiến hành các cuộc tấn công lớn vào Ukraine. Không có hỏa tiễn hoặc máy bay điều khiển từ xa nào của Nga xâm nhập không phận Ba Lan, bộ chỉ huy cho biết.

[Newsweek: NATO Scrambles Multiple Fighter Jets After Long-Range Russian Strikes]

5. Quan chức quốc phòng hàng đầu của Nga bị kết án 13 năm tù vì tội tham nhũng

Hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy, thông tấn xã TASS của Nga cho biết cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nga Timur Ivanov đã bị kết án vào ngày 1 tháng 7 với mức án 13 năm tù giam sau khi bị kết tội tham nhũng - mức án nghiêm khắc nhất từ trước đến nay trong một loạt cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến các quan chức quốc phòng cao cấp.

Chính quyền Nga đã bắt giữ Ivanov vào tháng 4 năm 2024 vì cáo buộc hối lộ, sau đó thêm tội tham ô vào tháng 10. Hơn một chục cá nhân, bao gồm hai cựu thứ trưởng khác, đã bị liên lụy trong các cuộc điều tra riêng biệt.

Phiên tòa được tổ chức kín vì lý do an ninh quốc gia. Bị cáo đồng phạm của Ivanov, Anton Filatov, cựu giám đốc điều hành công ty hậu cần, đã nhận mức án 12,5 năm tù. Theo phương tiện truyền thông nhà nước, số tiền biển thủ lên tới 4,1 tỷ rúp (48,8 triệu đô la), phần lớn được chuyển qua chuyển khoản ngân hàng vào hai tài khoản nước ngoài.

Ivanov không nhận tội. Tòa án đã tước bỏ mọi danh hiệu nhà nước của ông và ra lệnh tịch thu tài sản, xe cộ và tiền mặt trị giá 2,5 tỷ rúp. Các báo cáo trên phương tiện truyền thông Nga mô tả tài sản của ông và vợ, bao gồm một căn nhà sang trọng ở trung tâm Mạc Tư Khoa, một biệt thự ba tầng theo phong cách Anh bên ngoài thành phố và một bộ sưu tập xe hơi cao cấp với các thương hiệu như Bentley và Aston Martin.

Các phóng viên chiến tranh nổi tiếng của Nga được gọi là “Z-bloggers” đã công khai lên án tình trạng tham nhũng bị phơi bày trong lĩnh vực defenae, đặc biệt là khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Một trong số họ, Alexander Kots, thừa nhận rằng 13 năm là một bản án dài nhưng lập luận rằng các quan chức tham nhũng nên phải ra hầu tòa trong thời chiến với tư cách là “những kẻ phản bội Tổ quốc”.

Từ năm 2016, Ivanov giám sát các hợp đồng hậu cần lớn tại Bộ quốc phòng, bao gồm các hợp đồng liên quan đến bất động sản, nhà ở và hỗ trợ y tế.

Ông phục vụ dưới quyền Sergei Shoigu, người đã bị thay thế khỏi chức bộ trưởng quốc phòng vào năm ngoái nhưng vẫn có ảnh hưởng với tư cách là thư ký Hội đồng An ninh Nga. Các nhà chức trách cũng đã bắt giữ hai cựu phó tướng khác của Shoigu trong các vụ án riêng biệt. Vào tháng 4, một tòa án đã tuyên án Trung tướng Vadim Shamarin, cựu phó tổng tham mưu trưởng quân đội, bảy năm tù vì nhận hối lộ trị giá hàng trăm ngàn đô la.

Làn sóng truy tố này phản ánh nỗ lực của nhà độc tài Vladimir Putin nhằm đổ lỗi những thất bại của cuộc xâm lược Ukraine cho nạn tham nhũng, tình trạng kém hiệu quả và lãng phí trong ngân sách quân sự khổng lồ của Nga, chiếm tới 32% chi tiêu liên bang trong năm nay.

[Kyiv Independent: Top Russian defense official gets 13 years in graft crackdown]

6. Đức vẫn đang cân nhắc cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine, Merz cho biết

Hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết quyết định cung cấp hỏa tiễn hành trình Taurus cho Ukraine vẫn đang được xem xét nhưng nhấn mạnh rằng Đức sẽ không trở thành một bên trong cuộc chiến.

“Luôn rõ ràng rằng nếu chúng tôi cung cấp Taurus, vũ khí này sẽ không được sử dụng bởi lính Đức, mà là bởi người Ukraine,” Merz nói với Tagesschau. “Nhân tiện, điều tương tự cũng áp dụng cho các hỏa tiễn hành trình khác do Vương quốc Anh hoặc Pháp cung cấp.”

Taurus là hỏa tiễn hành trình mạnh mẽ có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 500 km — tầm bắn xa hơn so với vũ khí tầm xa mà Ukraine nhận được từ các đối tác khác.

Phát biểu với hãng tin, Merz nhấn mạnh tính phức tạp của hệ thống Taurus, lưu ý rằng nó đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu trước khi lực lượng Ukraine có thể vận hành. Về tầm bắn, tốc độ và tải trọng, hỏa tiễn Taurus tương tự như Storm Shadow, được sản xuất bởi bộ phận Pháp của MBDA. Sự khác biệt chính nằm ở thiết kế đầu đạn — Taurus có thể được lập trình để phát nổ sau khi xuyên thủng các mục tiêu kiên cố, chẳng hạn như hầm trú ẩn kiên cố hoặc các cơ sở được gia cố.

“Vấn đề đối với chúng tôi là hệ thống này cực kỳ phức tạp và việc đào tạo binh lính về hệ thống này mất ít nhất sáu tháng. Họ đã được đào tạo chưa? Chúng tôi vẫn chưa thống nhất về điều đó”, ông nói. “Tôi đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống (Volodymyr) Tổng thống Zelenskiy, và tôi cũng đã nêu vấn đề này trong liên minh. Chúng tôi vẫn chưa bắt đầu. Đây là và vẫn là một lựa chọn”.

Thủ tướng cũng nói thêm rằng Đức sẽ không còn tiết lộ công khai thông tin chi tiết về hỗ trợ quân sự của mình cho Ukraine để ngăn chặn Mạc Tư Khoa đánh giá toàn bộ phạm vi hỗ trợ của phương Tây.

Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Đức đã cung cấp cho Kyiv khoảng 47,8 tỷ euro (khoảng 51,8 tỷ đô la) tổng hỗ trợ song phương, trở thành quốc gia tài trợ lớn thứ hai của Ukraine. Viện trợ này bao gồm thiết bị quân sự, hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ người tị nạn, sửa chữa cơ sở hạ tầng và viện trợ tài chính cho năng lượng và cứu trợ mùa đông, riêng hỗ trợ quân sự đã lên tới khoảng 28 tỷ euro (30 tỷ đô la).

[Kyiv Independent: Germany still weighing Taurus missile supply to Ukraine, Merz says]

7. Hoa Kỳ trừng phạt công ty công nghệ thông tin Aeza Group của Nga vì hoạt động ransomware

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài, gọi tắt là OFAC thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với công ty CNTT của Nga là Aeza Group vì tổ chức các hoạt động đánh cắp thông tin và ransomware, theo thông cáo báo chí được công bố hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy.

Tuyên bố cho biết các hạn chế cũng được áp dụng đối với hai công ty con và bốn thành viên trong ban quản lý của Tập đoàn Aeza.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ mô tả Aeza là “dịch vụ lưu trữ an toàn” cung cấp dịch vụ cho những kẻ đánh cắp thông tin Meduza và Lumma, cũng như cho các nhóm ransomware BianLian và RedLine.

Aeza Group cũng là chủ sở hữu chợ đen tiếng Nga chuyên buôn bán ma túy bất hợp pháp mang tên BlackSprut.

Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Aeza Group bán quyền truy cập vào các máy chủ chuyên dụng giúp tội phạm mạng tránh bị phát hiện và chống lại các nỗ lực của cơ quan thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn các hoạt động tội phạm của chúng.

Các biện pháp trừng phạt đối với công ty bao gồm việc chặn toàn bộ tài sản của những cá nhân được nêu tên ở Hoa Kỳ. Bất kỳ pháp nhân nào do một hoặc nhiều cá nhân được nêu tên sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp, riêng lẻ hoặc tổng hợp, từ 50% trở lên cũng sẽ bị chặn.

Vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ có thể dẫn đến hình phạt dân sự hoặc hình sự.

Tin tức này xuất hiện khi Ukraine tiếp tục kêu gọi Hoa Kỳ tăng cường lệnh trừng phạt đối với Nga. Bất chấp việc Nga từ chối chấp nhận đề xuất ngừng bắn và quân đội nước này vẫn tiếp tục tiến quân qua lãnh thổ Ukraine, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa áp đặt các hạn chế mới.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Đảng Cộng hòa) và Richard Blumenthal (Đảng Dân chủ) đã đưa ra dự luật áp dụng mức thuế 500% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia tiếp tục mua dầu và nguyên liệu thô của Nga.

Dự luật hiện nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, với 82 trong số 100 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ ủng hộ. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson cũng lên tiếng ủng hộ dự luật.

Ransomware là thủ đoạn tấn công điện toán và đòi tiền chuộc. Thủ đoạn này đã bắt đầu xảy ra vào năm 2005 và ngày càng trở nên tinh vi. Hiện nay, các ransomware không chỉ có khả năng tấn công các máy desktop và laptop, mà còn có thể tấn công cả những điện thoại di động.

Năm 2015, một loại ransomware được ngụy trang dưới hình thức một chương trình ứng dụng tên là Porn Droid, hứa hẹn sau khi cài đặt các điện thoại cầm tay có thể truy nhập miễn phí vào các hình ảnh khiêu dâm. Tuy nhiên, ứng dụng này sau khi cài đặt đã khóa điện thoại của nạn nhân, thay đổi PIN number và đòi 500 Mỹ Kim tiền chuộc.

Bi hài đến mức khó tin được là cả cảnh sát Mỹ cũng phải đóng tiền chuộc. Thật vậy, một máy tính cảnh sát ở Swansea, Massachusetts cũng bị tấn công và sở cảnh sát đã quyết định trả tiền chuộc khoảng $750.

Thanh tra cảnh sát Gregory Ryan của Swansea nói với tờ Herald News:

“Virus này rất phức tạp và thành công nên chúng tôi đành phải mua những Bitcoins trả tiền chuộc, là điều chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến”.

Ðể tránh khỏi bị tấn công, bạn đừng bao giờ mở xem những files đính kèm trong một email không hề mong đợi, đặc biệt nếu nó đến từ một người chưa hề quen biết. Bạn cũng đừng lang thang quá nhiều trên Net. Ðừng vào những web sites lạ. Thế giới sa ngã này đầy rẫy những hình ảnh dâm dục trên Net. Xem những hình ảnh ấy là một tội lỗi với các hậu quả nghiêm trọng.

[Kyiv Independent: US sanctions Russian IT company Aeza Group over ransomware operations]

8. Iran xác nhận các quyết định quan trọng liên quan đến hạt nhân

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã ký một đạo luật đình chỉ hợp tác của nước này với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, là cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, hãng truyền thông nhà nước Tasnim đưa tin. Quốc hội Iran đã bỏ phiếu đình chỉ hợp tác trước đó.

“Chúng tôi biết về những báo cáo này”, một phát ngôn viên của IAEA nói với Newsweek. “IAEA đang chờ thông tin chính thức tiếp theo từ Iran”.

Iran có thể sử dụng việc đình chỉ hợp tác với IAEA làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán trong tương lai về chương trình hạt nhân của nước này, mặc dù hiện tại không có cuộc đàm phán nào được mong đợi sau khi Tehran từ chối lời đề nghị của Tổng thống Trump về việc tái khởi động ngoại giao ngay lập tức về vấn đề này.

Hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Tammy Bruce cho biết Iran “phải hợp tác toàn diện, không được trì hoãn thêm nữa” sau động thái của Iran.

Bộ ngoại giao Iran trước đó đã cảnh báo rằng việc IAEA mong đợi sự trở lại hợp tác bình thường ngay sau các cuộc tấn công của Hoa Kỳ và Israel là không thực tế, và rằng IAEA không thể bảo đảm sự an toàn và an ninh cho các thanh sát viên hạt nhân.

Tổng thống Trump đã nói rằng các cuộc tấn công đã gây ra “sự xóa sổ hoàn toàn” các cơ sở hạt nhân của Iran. Các quan chức cao cấp của Iran đã thừa nhận thiệt hại nghiêm trọng đối với các địa điểm. Nhưng các thanh tra viên quốc tế vẫn chưa được tiếp cận để đánh giá đầy đủ tình hình.

Ba địa điểm hạt nhân chính liên quan là Fordow, Natanz và Isfahan.

Tehran cáo buộc IAEA đưa ra những quyết định mang động cơ chính trị và đổ lỗi cho nghị quyết hồi tháng 5 của hội đồng quản trị gồm 35 quốc gia, trong đó phát hiện Iran không tuân thủ các nghĩa vụ hạt nhân của mình, đã tạo ra cái cớ cho hành động quân sự gần đây của Israel và Mỹ.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đã nhiều lần nói rằng không nên tấn công các cơ sở hạt nhân, cảnh báo về khả năng gây ra hậu quả tàn khốc và kêu gọi các nhà lãnh đạo tìm giải pháp ngoại giao.

Nhưng Ali Mozaffari, phó giám đốc cơ quan tư pháp Iran, đã cáo buộc Grossi có “hành vi lừa dối”, theo Iran International, một cơ quan truyền thông độc lập, và cho biết giám đốc IAEA có thể bị xét xử vắng mặt vì “ông ta phải chịu trách nhiệm”.

Israel cáo buộc Iran tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, mà họ cho là gây ra mối đe dọa hiện hữu mà họ không thể chịu đựng được, buộc họ phải tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Hoa Kỳ cũng tham gia vào các cuộc tấn công được thiết kế để phá hủy chương trình hạt nhân của Iran.

Iran nói rằng chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích năng lượng dân sự và vì vậy là hòa bình. Nhưng họ đã làm giàu uranium đến mức gần cấp độ vũ khí và vượt xa mức cần thiết cho năng lượng, khiến họ gần như có thể phát triển bom nếu họ quyết định làm như vậy.

Tổng thống Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự một lần nữa nếu Iran tiếp tục làm giàu uranium và cố gắng xây dựng lại các cơ sở hạt nhân của mình.

[Newsweek: Iran Confirms Significant Nuclear Decision]

9. Các công tố viên cho biết Nga đã hành quyết ít nhất 273 tù binh chiến tranh Ukraine trong cuộc chiến tranh toàn diện

Các công tố viên Ukraine đã ghi nhận các trường hợp quân đội Nga hành quyết tập thể 273 tù nhân chiến tranh, gọi tắt là POW Ukraine, hãng tin Liga.net đưa tin, trích dẫn một tuyên bố từ Văn phòng Tổng công tố.

Kyiv và Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng báo động về số lượng các vụ việc như vậy ngày càng tăng, nói rằng họ chỉ ra chính sách có hệ thống của Nga nhằm giết hại những người bị bắt giữ ở Ukraine. Một nửa số vụ việc có tài liệu được ghi nhận chỉ trong năm nay.

Bảy mươi bảy vụ án hình sự đã được đưa ra liên quan đến vụ giết hại tù binh chiến tranh, trong khi chỉ có hai người bị kết án, và một phiên tòa xét xử người thứ ba đang diễn ra. Tuyên bố không làm rõ liệu các bản án có được đưa ra vắng mặt hay không.

Tổng cộng có 188 người bị kết án về nhiều tội ác chiến tranh khác nhau, bao gồm 18 binh lính Nga bị bắt và một thường dân, những người bị kết án trực tiếp. Những người còn lại bị kết án vắng mặt.

Đầu tuần này, Thanh tra viên Dmytro Lubinets đã báo cáo về một vụ án có khả năng là giết một tù binh chiến tranh Ukraine. Người này dường như bị lính Nga trói vào xe máy và kéo lê trên đường.

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR cho biết vào tháng 5 rằng riêng họ đã ghi nhận hơn 150 trường hợp binh lính Ukraine bị hành quyết sau khi đầu hàng lực lượng Nga. Nhiều báo cáo tình báo cho thấy binh lính Nga đã nhận được lệnh rõ ràng là giết tù binh chiến tranh.

Ủy ban điều tra quốc tế độc lập của Liên Hiệp Quốc về Ukraine đã xác nhận vào tháng 3 rằng ngày càng có nhiều vụ việc quân đội Nga giết hoặc làm bị thương binh lính Ukraine đầu hàng.

Một cuộc điều tra riêng của Ukraine cũng đang được tiến hành về vụ giết hại khoảng 50 tù binh chiến tranh Ukraine tại nhà tù Olenivka do Nga điều hành vào năm 2022. Kyiv đổ lỗi cho Nga về vụ giết người này, nói rằng lực lượng Mạc Tư Khoa cố tình đưa các chiến binh Azov vào một tòa nhà riêng biệt sau đó đã bị phá hủy.

Nga phủ nhận trách nhiệm, cho rằng vụ nổ là do cuộc tấn công HIMARS của Ukraine gây ra—một tuyên bố mà các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ.

Mặc dù Mạc Tư Khoa đã ngăn chặn một cuộc điều tra độc lập bằng cách từ chối cho các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc tiếp cận, Lubinets gần đây cho biết một phân tích nội bộ của Liên Hiệp Quốc đã kết luận rằng Nga phải chịu trách nhiệm.

[Kyiv Independent: Russia killed at least 273 Ukrainian POWs during full-scale war, prosecutors say]

10. Iran tăng cường đàn áp bằng các cuộc đột kích bắt giữ hàng loạt người bị cáo buộc là các điệp viên của Israel

Các phong trào đòi dân chủ cho Iran cho biết ít nhất hai người đã thiệt mạng và hơn 50 người khác bị bắt trong một cuộc đột kích an ninh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, gọi tắt là IRGC, lực lượng này cho biết họ nhắm vào “những kẻ khủng bố” có liên hệ với Israel, các phương tiện truyền thông nhà nước Iran đưa tin.

Các vụ bắt giữ là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của xã hội Iran sau các cuộc tấn công của Israel và Hoa Kỳ.

Chính quyền đã tăng cường trấn áp an ninh đối với các điệp viên Mossad bị cáo buộc sau cuộc xung đột kéo dài 12 ngày, trong đó Israel tấn công các địa điểm hạt nhân và quân sự trên khắp cả nước, giết chết các chỉ huy cao cấp và các nhà khoa học.

Phát ngôn nhân Lực Lượng Phòng Vệ Israel, Trung Tá Jonathan Conricus, cho biết Israel đã xâm nhập rộng rãi vào lãnh thổ Iran và coi đó là điều cần thiết cho các cuộc tấn công chính xác trong chiến dịch “Rising Lion” hay “Sư Tử Trỗi Dậy” vào tháng 6, trong đó hệ thống phòng không của Iran đã bị vô hiệu hóa hiệu quả.

Lực lượng bộ binh IRGC cùng với các cơ quan an ninh và tình báo đã tiến hành các cuộc đột kích vào các tỉnh Sistan và Baluchestan trong một chiến dịch mang tên 'Những người tử vì an ninh', Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo, gọi tắt là IRNA đưa tin.

IRGC không làm rõ hai người đã bị giết như thế nào trong các cuộc đột kích. IRGC nói thêm rằng một lượng lớn vũ khí, bao gồm cả vũ khí sản xuất tại Hoa Kỳ, đã được tìm thấy trong tay những người bị bắt.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin, tính đến tuần trước, ít nhất sáu người đã bị hành quyết vì các tội danh liên quan đến hoạt động gián điệp, chẳng hạn như buôn lậu thiết bị và hỗ trợ các hoạt động nhắm vào cơ sở hạ tầng lớn của Iran, và 700 người đã bị bắt.

Các nhóm nhân quyền cho biết Iran có một trong những hồ sơ hành quyết cao nhất. Tổ chức Ân xá Quốc tế mô tả các vụ hành quyết vì cáo buộc làm gián điệp cho Israel là “tùy tiện” và kêu gọi chính phủ dừng lại.

Một nguồn tin an ninh Israel nói với Reuters rằng các cuộc tấn công vào Iran được hỗ trợ bởi nhiều năm hoạt động tình báo của quân đội và Mossad. Tại Israel, cảnh sát đã bắt giữ năm người bị tình nghi làm gián điệp cho Iran, hãng tin Yedioth Ahronoth đưa tin hôm thứ Ba.

[Newsweek: Iran Escalates Crackdown on Accused Israeli Spies With Mass Raid]

11. Nga có kế hoạch khai thác khí đốt ở Biển Azov, các quan chức Ukraine cảnh báo

Các nhà chức trách Nga đang có kế hoạch bắt đầu khai thác khí đốt từ Biển Azov, trích dẫn dữ liệu địa chất thời Liên Xô và xác định 22 mỏ ngoài khơi tiềm năng, bao gồm một số mỏ nằm gần thành phố Berdiansk do Ukraine xâm lược, các quan chức Ukraine nói với Suspilne hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy.

Theo Cơ quan Quản lý Quân sự Thành phố Berdiansk, Cơ quan Tài nguyên Đất liên bang của Nga (Rosnedra) đã công bố kế hoạch thăm dò và có thể phát triển các mỏ khí đốt như các mỏ Morske, Pivnichno-Kazantypske và Skhidno-Kazantypske.

Ksenia Kleshchenko, quyền giám đốc truyền thông của chính quyền Berdiansk, nói với Suspilne rằng: “(Nga) đã tuyên bố có trữ lượng khí đốt thương mại ở Biển Azov, trích dẫn tài liệu lưu trữ của Liên Xô liệt kê 22 công trình dầu khí”.

“ Những mỏ này bao gồm mỏ Morske, được phát hiện vào năm 1977 (và vẫn đang được bảo tồn). Cần phải tiến hành thăm dò và vận hành thử nghiệm thêm nữa.”

Kleshchenko lưu ý rằng các mỏ Pivnichno-Kazantypske và Skhidno-Kazantypske được phát hiện vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 trong thời kỳ Ukraine độc lập, nhưng chưa được khai thác. Công ty Chornomornaftogaz của Ukraine đã tiến hành khảo sát tại các địa điểm Pivnichno-Kazantypske và Strilkove trước khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tịch thu tài sản ngoài khơi của Ukraine.

Chính quyền Ukraine cho biết mối quan tâm của Điện Cẩm Linh đối với tài nguyên khoáng sản có thể là một phần động lực thúc đẩy việc xâm lược tỉnh Zaporizhzhia phía Nam, bao gồm cả Berdiansk.

“Tất cả các 'kế hoạch' của Nga đều tập trung vào việc làm giàu cho bản thân và Liên bang Nga, nhưng không phải vào phúc lợi của người dân ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm”, chính quyền Berdiansk cho biết trong một tuyên bố. “Trong khi người dân Berdiansk phải đối mặt với tình trạng mất nước và điện liên tục, (chính quyền Nga) đang vạch ra những kế hoạch lớn để khai thác tài nguyên của khu vực”.

Chính quyền cũng cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng đối với môi trường. Do độ sâu trung bình của Biển Azov nông, khoảng 14 mét (khoảng 46 feet), bất kỳ hoạt động khai thác nào cũng có thể gây ra thiệt hại sinh thái nghiêm trọng. Công việc thăm dò được cho là sẽ diễn ra trong giai đoạn 2026–2030.

Mối quan tâm của Nga đối với các vùng lãnh thổ giàu tài nguyên vượt ra ngoài Biển Azov. Vào tháng 6, lực lượng Nga đã kiểm soát một mỏ lithium lớn gần làng Shevchenko ở Tỉnh Donetsk, một trong những địa điểm có giá trị nhất của Ukraine đối với loại khoáng sản được sử dụng trong pin xe điện.

Ukraine hiện đã mất hai trong bốn mỏ lithium đã biết vào tay Nga, bao gồm mỏ Kruta Balka ở Zaporizhzhia. Theo Trường Kinh tế Kyiv, Ukraine nắm giữ khoảng một phần ba trữ lượng lithium của Liên minh Âu Châu.

[Kyiv Independent: Russia plans gas extraction in Sea of Azov, Ukrainian officials warn]
 
Moscow rơi lệ: Lính Dù Ukraine tấn công táo bạo ở Kursk, Tướng Nga Phó Tổng Tư Lệnh Hải quân tử trận
VietCatholic Media
15:57 03/07/2025


1. Phó tổng tư lệnh Hải quân Nga tử trận ở Kursk trong cuộc tấn công táo bạo của quân Ukraine

Hôm Thứ Năm, 03 Tháng Bẩy, Thiếu tướng Mikhail Gudkov, phó tư lệnh Hải quân Nga, người cũng chỉ huy lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 810 chống lại Ukraine, đã thiệt mạng tại vùng Kursk của Nga. Oleg Kozhemyako, thống đốc vùng Primorsky Krai ở Viễn Đông của Nga, cho biết hôm thứ Năm.

Các kênh Telegram quân sự không chính thức của Nga và Ukraine trước đó đã đưa tin rằng Gudkov đã thiệt mạng cùng với 10 quân nhân khác trong một cuộc tấn công của Ukraine vào một sở chỉ huy ở Korenevo thuộc khu vực Kursk, giáp biên giới với Ukraine.

Theo các blogger quân sự Nga, vào rạng sáng ngày Thứ Năm, 03 Tháng Bẩy, Lữ Đoàn Dù số 95 của Ukraine đã tấn công dữ dội sở chỉ huy của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Nga số 810 và tràn ngập căn cứ này sau hơn một giờ giao tranh. Thiếu Tướng Gudkov bị Tổng thống Zelenskiy cáo buộc là tội phạm chiến tranh, được tường trình là mục tiêu tấn công chủ yếu của Lữ Đoàn Dù Ukraine. Ông ta tử trận tại chỗ cùng với 10 Thủy Quân Lục Chiến Nga. Lữ Đoàn Dù số 95 của Ukraine chỉ rút lui sau khi bắt được một số tù binh Nga và chắc chắn rằng Gudkov đã chết. Cho đến nay, người ta vẫn chưa rõ là xác của Gudkov nằm trong tay quân Ukraine hay được quân Nga di tản.

Ông là một trong những sĩ quan quân đội cao cấp nhất của Nga bị Ukraine sát hại kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine vào năm 2022.

Kozhemyako, người cho biết đã nói chuyện rất nhiều với Gudkov trong nhiều năm qua, cho biết trong một tuyên bố rằng Gudkov đã thiệt mạng “khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là một sĩ quan” cùng với những người khác, và bày tỏ lời chia buồn tới người thân của những người đã khuất.

“Khi trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng Hải quân, anh ấy không ngừng đích thân đến thăm các vị trí của Thủy Quân Lục Chiến của chúng tôi,” Kozhemyako nói trên Telegram.

Alexander Khinshtein, quyền thống đốc tỉnh Kursk của Nga xác nhận tin này vào chiều Thứ Năm, 03 Tháng Bẩy, và cho biết Gudkov đã nhận được giải thưởng vì lòng dũng cảm trong hành động quân sự chống lại Ukraine. Putin đã bổ nhiệm ông làm phó tổng tư lệnh Hải quân vào tháng 3, theo một tuyên bố trên trang web của Điện Cẩm Linh.

Gudkov đã chỉ huy Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 810 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, đơn vị đã chiến đấu ở Kursk. Một số khu vực của Kursk đã bị lực lượng Ukraine chiếm giữ trong một cuộc tấn công bất ngờ vào tháng 8 năm 2024 trước khi Nga tuyên bố vào đầu năm nay rằng họ đã đánh đuổi họ. Tuy nhiên, “cuộc tấn công giết chết Thiếu tướng Mikhail Gudkov, một tên tội phạm chiến tranh chứng minh chúng tôi vẫn hiện diện ở tỉnh Kursk,” Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Năm, 03 Tháng Bẩy.

2. Tổng thư ký NATO kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi Ngũ Giác Đài dừng chuyển giao vũ khí

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết vào ngày 2 tháng 7 rằng ông hiểu nhu cầu của Washington trong việc bảo vệ nhu cầu quốc phòng của chính mình, nhưng nhấn mạnh rằng Ukraine rất cần sự hỗ trợ liên tục của phương Tây.

“Tôi hoàn toàn hiểu rằng Hoa Kỳ luôn phải bảo đảm lợi ích của mình được bảo vệ,” Rutte nói với Fox News. “Khi nói đến Ukraine, trong ngắn hạn, Ukraine không thể không có tất cả sự hỗ trợ mà họ có thể nhận được.”

Nhận xét của ông được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã dừng việc cung cấp các hệ thống vũ khí quan trọng đã hứa trước đó cho Kyiv, bao gồm hỏa tiễn Patriot, đạn pháo dẫn đường chính xác, hỏa tiễn Hellfire và các loại đạn dược tương thích với chiến đấu cơ F-16.

Tòa Bạch Ốc xác nhận việc tạm dừng các chuyến hàng, trích dẫn đánh giá lại rộng rãi hơn về kho dự trữ quân sự của Hoa Kỳ. Không có gói viện trợ quân sự mới nào của Hoa Kỳ được chấp thuận kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức vào tháng Giêng.

Rutte cho biết: “Tôi hiểu rằng Hoa Kỳ phải chăm lo cho kho dự trữ của mình, đồng thời chúng ta phải cho phép có một số sự linh hoạt ở đây. Trong khi đó, Âu Châu đang thực sự tiến lên”.

Ukraine nói với phái viên Hoa Kỳ rằng việc trì hoãn viện trợ quân sự sẽ 'khuyến khích Nga tiếp tục chiến tranh'

Trong hội nghị thượng đỉnh NATO tuần trước tại The Hague, Tổng thống Trump và Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã gặp nhau sau cánh cửa đóng kín. Rutte mô tả cuộc trò chuyện là “một cuộc thảo luận rất tốt, đặc biệt tập trung vào các hệ thống phòng không”.

Việc báo cáo về việc tạm dừng giao hàng diễn ra trong bối cảnh Ukraine phải đối mặt với một trong những đợt tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn dữ dội nhất của Nga kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu.

Bộ Quốc phòng Ukraine trả lời rằng họ chưa nhận được thông báo chính thức về việc chậm trễ hoặc hủy bỏ và đã yêu cầu tham khảo ý kiến khẩn cấp với các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao đã triệu tập Đại biện lâm thời Hoa Kỳ John Ginkel cùng ngày, cảnh báo rằng bất kỳ sự do dự nào trong việc duy trì năng lực phòng thủ của Ukraine đều sẽ khiến Nga trở nên hung hăng hơn.

Điện Cẩm Linh hoan nghênh việc dừng vận chuyển vũ khí, cho rằng động thái này đưa cuộc chiến đến gần hơn với chiến thắng.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết khi trả lời thông tin này: “Càng ít vũ khí được cung cấp cho Ukraine thì thời điểm kết thúc chiến tranh càng đến gần”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth trước đây đã ám chỉ rằng ngân sách quốc phòng sắp tới sẽ cắt giảm hỗ trợ quân sự dài hạn cho Ukraine, phản ánh sự thay đổi trong các ưu tiên của Washington.

[Politico: NATO chief urges continued US support for Ukraine as Pentagon halts arms shipments]

3. Ukraine cảnh báo việc chính quyền Tổng thống Trump dừng viện trợ quân sự chỉ khuyến khích Nga

Hôm thứ Tư, Ukraine đã triệu tập một nhà ngoại giao Hoa Kỳ để giải thích về quyết định của Ngũ Giác Đài về việc hoãn viện trợ quân sự đã được thỏa thuận mà Kyiv cảnh báo là tin tốt cho Nga.

Tờ POLITICO đưa tin hôm thứ Ba rằng Ngũ Giác Đài đã dừng các chuyến hàng hỏa tiễn phòng không và các loại đạn dược chính xác khác tới Ukraine do lo ngại kho vũ khí của Hoa Kỳ đã giảm quá thấp.

Phó Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Anna Kelly cho biết trong một tuyên bố rằng quyết định này “được đưa ra nhằm đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu sau khi xem xét lại sự hỗ trợ và trợ giúp quân sự của quốc gia chúng tôi cho các quốc gia khác trên toàn cầu”.

Nhưng việc cắt viện trợ - lần thứ hai kể từ khi Ông Donald Trump nhậm chức vào Tháng Giêng - khiến Ukraine phải chịu thế bất lợi khi phải chống trả ngày càng nhiều cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga tấn công vào các thành phố của nước này mỗi ngày.

Mariana Betsa, thứ trưởng ngoại giao Ukraine, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư: “Bất kỳ sự chậm trễ hoặc chậm lại nào trong việc hỗ trợ năng lực phòng thủ của Ukraine sẽ chỉ khuyến khích kẻ xâm lược tiếp tục chiến tranh và khủng bố, thay vì tìm kiếm hòa bình”.

Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu tập John Ginkel, phó trưởng phái đoàn tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ukraine, để đàm phán vào thứ Tư. Bộ này bày tỏ lòng biết ơn đối với viện trợ của Hoa Kỳ, nhưng cũng thảo luận về nguồn cung cấp quốc phòng và các mối liên hệ tiếp theo giữa Ukraine và Hoa Kỳ.

Việc tạm dừng vũ khí được Nga hoan nghênh tích cực.

“ Càng ít vũ khí cung cấp cho Ukraine thì chiến dịch quân sự đặc biệt này sẽ càng gần kết thúc”.

Quyết định giữ lại một số khoản viện trợ đã được chính quyền trước của Tổng thống Joe Biden phê duyệt đã được đưa ra vào đầu tháng 6 và các quan chức ở Kyiv đang phải nỗ lực tìm cách giải quyết tác động.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng: “Ukraine chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc đình chỉ hoặc sửa đổi lịch trình cung cấp viện trợ quốc phòng đã thỏa thuận, vì vậy chúng tôi tiến hành dựa trên dữ liệu thực tế và kiểm tra chi tiết từng yếu tố trong quá trình cung cấp”.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte nói với Fox News rằng mặc dù ông hiểu Hoa Kỳ cần bảo vệ kho dự trữ của mình, nhưng ông cảnh báo: “Trong ngắn hạn, Ukraine không thể hoạt động mà không có mọi sự hỗ trợ mà họ có thể nhận được khi nói đến đạn dược và hệ thống phòng không”.

Lần dừng viện trợ vũ khí đầu tiên cho Ukraine diễn ra vào tháng 3, khi Tổng thống Trump cố gắng ép Kyiv đàm phán với Nga. Lần này, quyết định được đưa ra bởi giám đốc chính sách của Ngũ Giác Đài, Elbridge Colby. Sau khi xem xét kho dự trữ của Ngũ Giác Đài, ông nêu lên mối lo ngại rằng tổng số đạn pháo, hỏa tiễn phòng không và đạn dược chính xác đang giảm. Colby là người chỉ trích lâu năm việc Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Một số mặt hàng bị giữ lại là hỏa tiễn PAC-3 dành cho hệ thống phòng không Patriot, đạn pháo chính xác, Hellfire và các hỏa tiễn khác mà Ukraine phóng từ chiến đấu cơ F-16 và máy bay điều khiển từ xa.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết: “Ukraine phải duy trì sự ổn định, tính liên tục và khả năng dự đoán trong việc cung cấp hỗ trợ quốc phòng phối hợp, chủ yếu trong lĩnh vực tăng cường hệ thống phòng không”.

Sự việc này xảy ra khi quân đội Nga đang tiến nhanh vào Ukraine trong khi số lượng các cuộc không kích nhằm vào các thành phố xa tiền tuyến tăng vọt.

Mykola Bielieskov, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, cho biết: “Việc dừng sản xuất hỏa tiễn đánh chặn PAC-3 SME cho Patriot là điều đáng báo động — trong bối cảnh sản xuất hỏa tiễn đạn đạo ở Nga và nguồn cung từ [Bắc Hàn] ngày càng tăng, cũng như tính dễ bị tổn thương của một loạt các thành phố tiền tuyến lớn trước tình hình này”.

Ông nói thêm rằng việc dừng lại là “không ổn”, vì Ukraine có thể tồn tại trong vài năm tới nhờ viện trợ theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, một chương trình của Hoa Kỳ mà ông cho biết đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất để mua khoảng 35 tỷ đô la vũ khí và đạn dược.

Sidharth Kaushal, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Luân Đôn, cho biết lập luận cho rằng Hoa Kỳ đang thiếu hỏa tiễn đánh chặn là không có cơ sở.

Kaushal cho biết, trong khi Hoa Kỳ đã gửi một số lượng lớn hỏa tiễn đánh chặn Patriot tới Ukraine, nước này đã bổ sung kho dự trữ thông qua các chương trình mua lại từ Nhật Bản và các lô hàng gần đây hơn được chuyển hướng từ các khách hàng xuất khẩu thay vì từ kho dự trữ của Ngũ Giác Đài.

Hoa Kỳ sản xuất khoảng một chục hệ thống Patriot mỗi năm và sản lượng hỏa tiễn đánh chặn PAC-3 của nước này đã tăng khoảng 30 phần trăm vào năm ngoái lên khoảng 500 hỏa tiễn. Điều đó có nghĩa là lượng dự trữ không hề thấp.

“ Mặc dù số liệu chính xác về kho dự trữ không được công khai, nhưng không nhất thiết là kho dự trữ hỏa tiễn như PAC-3 đã bị cạn kiệt đáng kể theo nghĩa là số lượng tuyệt đối giảm đáng kể”.

Tuy nhiên, quyết định này phản ánh sự thay đổi trong các ưu tiên của Hoa Kỳ.

“Sự khan hiếm là tương đối chứ không phải tuyệt đối và được thúc đẩy bởi sự gia tăng về nhu cầu hơn là về nguồn cung”, Kaushal cho biết. “Ngoài ra, vì việc chuyển hướng ban đầu của Patriot đã gây thiệt hại cho các đối tác xuất khẩu, bao gồm một số đối tác ở Trung Đông, nên có thể có niềm tin (và thực sự là nghĩa vụ theo hợp đồng) là phải cung cấp hỏa tiễn đánh chặn cho các đối tác trong một số trường hợp nằm trong tầm bắn của SRBM của Iran”.

Hôm thứ Hai, Hoa Kỳ đã công bố chấp thuận bán cho Israel bộ dụng cụ dẫn đường bom và các thiết bị hỗ trợ liên quan trị giá 510 triệu đô la.

[Politico: Trump administration military aid halt will only encourage Russia, Ukraine warns]

4. ‘Bị trói vào xe máy và bị kéo lê’ — Nga có thể đã hành quyết một tù binh chiến tranh Ukraine khác, thanh tra viên cho biết

Hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy, Thanh tra viên Dmytro Lubinets cho biết lực lượng Nga có khả năng đã hành quyết một tù nhân chiến tranh, gọi tắt là POW người Ukraine khác, ám chỉ đến một đoạn video gần đây dường như cho thấy cảnh tù nhân bị trói vào xe máy và bị kéo lê trên đường.

Vụ hành quyết bị cáo buộc này càng làm tăng thêm bằng chứng cho thấy lực lượng Nga đang vi phạm Công ước Geneva một cách có hệ thống bằng cách giết hại các tù nhân Ukraine.

Lubinets cho biết trong một tuyên bố: “Một đoạn video đang lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh một người đàn ông bị trói vào xe máy và bị kéo lê trên đường”.

“Đây rõ ràng là hành động tàn ác và là một tội ác chiến tranh nữa của Liên bang Nga.”

Lubinets cho biết ông đã gửi các lá thư chính thức liên quan đến tội ác chiến tranh bị nghi ngờ tới Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự quốc tế, gọi tắt là ICRC.

“Nga đang hành động như một quốc gia khủng bố. Và họ phải chịu trách nhiệm công bằng cho mọi tội ác”, ông nói thêm.

Chỉ riêng cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR đã báo cáo vào tháng 5 rằng họ đã ghi nhận hơn 150 trường hợp binh lính Ukraine bị hành quyết sau khi đầu hàng lực lượng Nga. Các quan chức lưu ý rằng đây chỉ là những vụ việc đã được xác nhận, và con số thực tế có thể cao hơn.

HUR và các cơ quan khác cho biết những vụ hành quyết như vậy không phải là riêng lẻ mà là một phần của chính sách rộng hơn, có chủ đích do giới lãnh đạo quân sự Nga chỉ đạo. Nhiều báo cáo tình báo cho thấy rằng binh lính Nga đã nhận được lệnh rõ ràng là giết tù nhân chiến tranh.

Ủy ban điều tra quốc tế độc lập của Liên Hiệp Quốc về Ukraine đã xác nhận vào tháng 3 rằng ngày càng có nhiều vụ việc quân đội Nga giết hoặc làm bị thương binh lính Ukraine đầu hàng.

Ủy ban đã trích dẫn lời khai của những người Nga đào ngũ cho biết họ được lệnh không bắt tù binh mà phải bắn họ ngay khi nhìn thấy.

Đầu năm nay, Phái bộ giám sát nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine đã báo cáo về sự gia tăng mạnh mẽ các vụ hành quyết tù binh chiến tranh, ghi nhận 79 vụ giết người trong 24 vụ việc kể từ tháng 8 năm 2024. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân không có vũ khí hoặc bị thương, và một số bị giết theo nhóm.

[Kyiv Independent: 'Tied to a motorcycle and dragged' — Russia likely executed another Ukrainian POW, ombudsman says]

5. Iran được tường trình đang chuẩn bị thả thủy lôi ở eo biển Hormuz, một lợi ích rất lớn cho kho bạc chiến tranh của Nga

Iran được tường trình đang chuẩn bị phong tỏa eo biển Hormuz, một động thái có thể làm tăng giá dầu toàn cầu và thúc đẩy đáng kể nền kinh tế Nga cũng như cỗ máy chiến tranh của nước này tại Ukraine.

Hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy, Reuters, trích lời hai quan chức Hoa Kỳ, cho biết Iran đã chất thủy lôi lên các tàu ở Vịnh Ba Tư. Họ nhấn mạnh rằng hoạt động chuẩn bị này đã bị phát hiện sau khi Israel tiến hành cuộc tấn công “phủ đầu” vào Iran vào ngày 13 tháng 6.

Trong bối cảnh xung đột với Israel hiện đang diễn ra dưới lệnh ngừng bắn mong manh, Iran đã nhiều lần đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz như một biện pháp răn đe.

Nếu eo biển này bị phong tỏa, Iran có thể chặn một phần năm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu và làm tăng giá năng lượng thế giới - một lợi ích cho nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga.

“Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung cấp dầu của vùng Vịnh cũng sẽ đẩy giá dầu thô toàn cầu lên cao. Giá dầu thô của Nga cũng sẽ tăng theo”, John Gawthrop, biên tập viên của Argus Eurasia Energy, nói với tờ Kyiv Independent.

Ngành năng lượng của Nga chiếm từ 35 đến 40% doanh thu ngân sách trước cuộc xâm lược toàn diện và đóng vai trò cung cấp năng lượng cho cỗ máy chiến tranh của nước này.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành năng lượng Nga và mức giá dầu trần của G7 tại Nga là 60 đô la một thùng đã cản trở lợi nhuận của nước này, khiến Nga mất hơn 150 tỷ đô la trong ba năm qua, nhưng vẫn chưa giáng một đòn nặng nề nào.

Xung đột giữa Israel và Iran đã khiến giá cả tăng đột biến — giá dầu thô Brent, chuẩn mực toàn cầu, đã tăng vọt từ 69,36 đô la lên 75 đô la một thùng vào ngày 13 tháng 6, một mức tăng đột biến dường như có thể giúp nền kinh tế Nga được cứu vãn.

Cho đến khi Israel tấn công, tương lai của dầu thô Nga không mấy tươi sáng. Âu Châu đang lên kế hoạch cho gói trừng phạt thứ 18 nhắm vào ngành năng lượng của Nga, và G7 đang thúc đẩy mức giá trần là 45 đô la. Hung Gia Lợi và Slovakia đã chặn gói trừng phạt này kể từ đó.

Giá cả đã ổn định cùng với xung đột và vào ngày 2 tháng 7, giá dầu thô Brent là 67,50 đô la, nhưng nếu Iran vẫn tiếp tục thả thủy lôi ở eo biển Hormuz, chặn một phần năm nhu cầu dầu toàn cầu, thì một đợt tăng giá khác sẽ xảy ra.

David Fyfe, nhà kinh tế trưởng tại Argus Media, một nhóm phân tích thị trường, đã nói với tờ Kyiv Independent vào tháng trước rằng điều này cũng có nghĩa là Iran sẽ chặn cả hoạt động xuất khẩu dầu của chính mình, do đó đây chỉ là giải pháp cuối cùng của Tehran.

[Kyiv Independent: Iran reportedly preparing to mine Strait of Hormuz, a possible boon for Russia's Ukraine war coffers]

6. Iran sẵn sàng làm giàu Uranium lên cấp độ bom: “Chúng tôi có thể làm được”

Một thành viên nổi bật của quốc hội Iran cho biết sau các cuộc tấn công của Israel và Hoa Kỳ vào chương trình hạt nhân của nước này, Iran hiện có thể làm giàu uranium lên tới mức 90 phần trăm, là mức cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân mặc dù nước này không có mong muốn chế tạo chúng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA để xin bình luận.

Các bình luận nêu bật lập trường cứng rắn của Iran về việc làm giàu uranium sau các cuộc tấn công của Israel và Hoa Kỳ nhắm vào các cơ sở hạt nhân của nước này. Kể từ các cuộc tấn công, Iran và Hoa Kỳ đã không tỏ ra quan tâm đến các cuộc đàm phán ngoại giao ngay lập tức, làm dấy lên triển vọng rằng Iran sẽ tìm cách đẩy nhanh chương trình hạt nhân của mình — mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng thực hiện điều đó sau thiệt hại do các cuộc tấn công gây ra.

Theo tuyên bố của Alaeddin Boroujerdi trên truyền hình Iran, nhiều phương tiện truyền thông Iran đưa tin, trong tương lai, Iran sẽ làm giàu uranium theo nhu cầu ở mọi cấp độ và không cần tuân thủ bất kỳ điều kiện nào.

“Iran có thể cần làm giàu uranium đến độ tinh khiết 90% để làm nhiên liệu cho tàu biển của mình. Chúng ta có thể làm được điều đó. Lằn ranh đỏ duy nhất là bom nguyên tử”, thành viên cao cấp của Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại của Quốc hội được hãng thông tấn Iran International English có trụ sở tại Anh trích dẫn. Ông mô tả yêu cầu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc Iran không được làm giàu Uranium là một “ảo tưởng”.

Người ta vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại tại các cơ sở hạt nhân ngầm của Iran, được Tehran thừa nhận, ảnh hưởng đến sự phát triển của chương trình như thế nào.

Tổng thống Trump và các quan chức chính quyền đã nói về việc “xóa sổ” chương trình hạt nhân của Iran bằng cuộc tấn công nhưng nhà lãnh đạo IAEA Rafael Grossi ước tính sự thất bại của Iran chỉ là vấn đề của “nhiều tháng”.

IAEA đã đánh giá rằng Iran, làm giàu uranium ở mức 60 phần trăm, gần đạt đến mức 90 phần trăm cần thiết cho cấp độ vũ khí. Cơ quan giám sát của Liên Hiệp Quốc cũng đã bày tỏ mối quan ngại về vật liệu và hoạt động hạt nhân chưa được khai báo, cáo buộc Iran không hợp tác thực hiện Hiệp định bảo vệ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tranh cãi về những phát hiện này, quốc hội Iran đã kêu gọi đình chỉ hợp tác với các thanh tra viên IAEA, với lý do thiên vị chính trị. Iran cho biết chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích dân sự.

“Chưa bao giờ có hoạt động làm giàu cấp độ vũ khí ở Iran. Xin hãy xem qua các báo cáo của IAEA và cho tôi thấy một manh mối hoặc bằng chứng duy nhất về chương trình hạt nhân của Iran đi chệch khỏi mục đích hòa bình”, Amir-Saeid Iravani, Đại Sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc cho biết hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy.

Amir-Saeid Iravani nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích dân sự. Ông khẳng định rằng lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei trước đây đã tuyên bố rằng ông tin rằng tôn giáo cấm phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân.

[Newsweek: Iran Ready to Enrich Uranium to Bomb-Grade Levels: “We Can Do That”]

7. Iran ngừng hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên bố hôm thứ tư rằng Tehran đã đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA.

Động thái này đánh dấu bước thụt lùi đáng kể trong hợp tác quốc tế của Iran sau cuộc tấn công dữ dội của Washington vào các cơ sở làm giàu hạt nhân của nước này vào ngày 21 tháng 6.

Các nhà lập pháp Iran đã thông qua một dự luật nhằm đóng băng hợp tác vào ngày 25 tháng 7. Phạm vi của dự luật - và nội dung chính xác của nó - vẫn chưa rõ ràng, nhưng phương tiện truyền thông nhà nước cho biết các thanh tra viên của IAEA sẽ cần sự cho phép của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran để đến thăm các cơ sở hạt nhân của Iran, điều này sẽ phụ thuộc vào việc “an ninh của các cơ sở hạt nhân của quốc gia này và các hoạt động hạt nhân hòa bình” được bảo đảm.

IAEA cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã biết về các báo cáo về việc Iran ngừng hợp tác và đang chờ xác nhận chính thức.

Tuần trước, Iran đã cấm Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đến các cơ sở hạt nhân của nước này và gỡ bỏ các camera giám sát tại các địa điểm này, khiến Anh, Pháp và Đức lên án.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết các cuộc không kích của Mỹ đã “phá hủy hoàn toàn” các cơ sở này, nhưng Grossi ước tính thiệt hại không phải là “hoàn toàn”.

Grossi gần đây đã nói với CBS News rằng Iran có thể bắt đầu sản xuất uranium làm giàu trở lại “trong vài tháng nữa”. Các quan chức Iran chỉ trích nặng nề Grossi vì không lên án các cuộc tấn công, và Pezeshkian đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc gọi rằng “niềm tin vào thanh tra hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã bị phá vỡ bên trong Iran”.

Trước đó, Iran đã cho phép IAEA tiếp cận và thanh tra các nhà máy hạt nhân của nước này và sử dụng các thiết bị giám sát tinh vi như một phần của thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với Pháp, Nga, Anh, Hoa Kỳ, Đức và Liên minh Âu Châu vào năm 2015 để kiểm soát chương trình hạt nhân của nước này.

Chính quyền Tổng thống Trump đầu tiên đã rút khỏi thỏa thuận đó vào năm 2018.

[Politico: Iran halts cooperation with UN nuclear watchdog]

8. ‘Oreshnik sẽ có mặt trên đất Belarus’, Lukashenko nói về việc triển khai hỏa tiễn của Nga vào cuối năm

Hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy, nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố rằng hệ thống hỏa tiễn Oreshnik do Nga sản xuất sẽ được điều động tại Belarus vào cuối năm 2025. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Độc lập, Lukashenko cho biết quyết định này được đưa ra phối hợp với Putin trong một cuộc họp tại Volgograd.

“Các hỏa tiễn Oreshnik đầu tiên sẽ ở Belarus. Bạn đã thấy Oreshnik hoạt động như thế nào: cùng một hỏa tiễn, cùng một cuộc tấn công — nhưng không có đầu đạn hạt nhân, không có ô nhiễm phóng xạ trên đất liền và trên không. Vũ khí này sẽ được triển khai tại Belarus vào cuối năm nay”, Lukashenko nói.

Lukashenko, người đã cai trị từ năm 1994 và tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp lần thứ bảy vào tháng Giêng, lập luận rằng việc lưu trữ vũ khí như vậy sẽ không khiến Belarus trở thành mục tiêu, đồng thời nói thêm rằng những lo ngại như vậy đang được “áp đặt từ bên ngoài”. Ông tuyên bố rằng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trong lịch sử đã tránh xâm lược quân sự và cho biết sự hiện diện của các hệ thống như vậy ở Belarus chỉ nhằm mục đích răn đe.

Ông cũng cho biết đã đưa ra cảnh báo tới các quan chức Hoa Kỳ, nêu rõ rằng trong khi vũ khí hạt nhân tại Belarus được cất giữ an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế, bất kỳ hành động xâm nhập trái phép nào vào lãnh thổ Belarus cũng sẽ gây ra “phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ”.

Nhà lãnh đạo Belarus nhấn mạnh rằng bất kỳ việc sử dụng hệ thống Oreshnik nào cũng sẽ không liên quan đến đầu đạn hạt nhân và việc duy trì năng lực quân sự hiện đại là rất quan trọng đối với quốc phòng.

Nga lần đầu tiên phóng hỏa tiễn thử nghiệm Oreshnik trong cuộc tấn công vào thành phố Dnipro của Ukraine vào ngày 21 tháng 11. Putin tuyên bố cuộc tấn công này là để trả đũa việc Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa của Mỹ và Anh nhằm vào lãnh thổ Nga.

Mặc dù công chúng biết rất ít về loại hỏa tiễn này, các chuyên gia quốc phòng tin rằng Oreshnik không phải là một phát triển hoàn toàn mới mà có thể là phiên bản nâng cấp của hỏa tiễn RS-26 của Nga, còn được gọi là Rubezh, được sản xuất lần đầu tiên vào năm 2011.

Lukashenko được cho là đã cảm ơn Mạc Tư Khoa vì đã hỗ trợ điều động các hệ thống vũ khí tiên tiến tới Belarus và cho biết việc đưa Oreshnik vào sử dụng sẽ đóng vai trò là công cụ cho sự ổn định trong nước. “Tôi tin rằng ngay cả những người ủng hộ chúng tôi vẫn chưa hiểu điều này cũng sẽ nhận ra điều đó — mà không cần chiến tranh. Đó là lý do tại sao Oreshnik sẽ có mặt trên đất Belarus. Để ngăn chặn các cuộc nổi loạn”, ông nói.

[Kyiv Independent: 'Oreshnik will be on Belarusian soil,' Lukashenko says of Russian missile deployment by year-end]

9. Anh và Đức chuẩn bị ký kết hiệp ước phòng thủ chung rộng rãi

Vương quốc Anh và Đức đang chuẩn bị ký một hiệp ước có phạm vi rộng bao gồm điều khoản hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai quốc gia bị đe dọa. Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy.

Thủ tướng Keir Starmer và cựu Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đặt nền móng cho hiệp ước này trong tuyên bố chung vào mùa hè năm ngoái, cam kết hợp tác chặt chẽ hơn về hòa bình, an ninh và tăng trưởng kinh tế.

Hai viên chức có trụ sở tại Luân Đôn cho biết văn bản hiệp ước sắp hoàn thành. Dự kiến sẽ được ký vào ngày 17 tháng 7 trước khi hai quốc hội họp vào kỳ nghỉ hè.

Các chương chính bao gồm một chương dành riêng cho quốc phòng, dựa trên Hiệp định Trinity House được ký kết vào năm ngoái, trong đó nêu rõ rằng bất kỳ mối đe dọa chiến lược nào đối với một quốc gia cũng sẽ là mối đe dọa đối với quốc gia kia.

Điều này sẽ mang lại cho Đức một điều khoản hỗ trợ lẫn nhau với cả hai cường quốc hạt nhân của Âu Châu, phù hợp với mong muốn của Thủ tướng Đức Friedrich Merz nhằm tăng cường khả năng răn đe của lục địa này tách biệt với Hoa Kỳ.

Trong khi hiệp ước có thể tái khẳng định cam kết của cả hai quốc gia đối với NATO như là nền tảng cho phòng thủ tập thể của họ, việc đưa điều khoản này vào nhấn mạnh động lực thúc đẩy các đồng minh Âu Châu hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh khi Hoa Kỳ rút khỏi liên minh phòng thủ xuyên Đại Tây Dương.

Tài liệu này dự kiến sẽ bao gồm các biện pháp tiếp theo về giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp, vận chuyển, nghiên cứu và đổi mới. Tài liệu cũng sẽ nêu rõ cam kết thúc đẩy trao đổi xuyên biên giới — một lĩnh vực cực kỳ khó khăn đối với chính phủ của Starmer khi ông phải đối mặt với áp lực giảm cả di cư hợp pháp và bất hợp pháp.

Bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào về tính di động của thanh niên sẽ được đàm phán ở cấp độ Liên Hiệp Âu Châu, sau khi Vương quốc Anh không thể đạt được thỏa thuận về lĩnh vực này như một phần của “thiết lập lại” đã được thống nhất vào tháng 5. Berlin là một trong những thủ đô thúc đẩy mạnh mẽ nhất việc tự do hóa các quy tắc đối với những người trẻ tuổi đến Anh.

Hiệp ước giữa Starmer và Merz là kết quả của 18 vòng đàm phán, trong đó có ba vòng được tổ chức trực tiếp tại Berlin và hai vòng ở Luân Đôn.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Đức cho biết: “Hiệp ước sẽ giải quyết toàn bộ phạm vi quan hệ của chúng tôi”.

Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển của Vương quốc Anh vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận cho đến thời điểm xuất bản.

[Politico: UK and Germany prepare to sign wide-ranging mutual defense treaty]

10. Sĩ quan Nga thừa nhận bắn hạ máy bay chở khách của Azerbaijan trong vụ rò rỉ được báo cáo

Một người tự xưng là sĩ quan Nga cho biết anh ta đã nhận được lệnh nổ súng vào một mục tiêu trên không vào tháng 12 năm ngoái, sau đó phát hiện ra đó là một máy bay chở khách của Azerbaijan, hãng tin Minval của Azerbaijan đưa tin hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy, trích dẫn đoạn ghi âm và một tuyên bố bằng văn bản mà hãng này nhận được.

Một chiếc máy bay Embraer 190AR do Azarbaijan Airlines khai thác đã bị rơi ở Kazakhstan vào ngày 25 tháng 12 năm 2024, sau khi bị tấn công trên bầu trời Grozny, Chechnya. Ba mươi tám người đã thiệt mạng.

Chính quyền Azerbaijan đổ lỗi cho Nga, với cuộc điều tra chỉ ra hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga đã nhắm nhầm vào máy bay trong bối cảnh có báo cáo về một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine.

Minval viết rằng họ đã nhận được ba bản ghi âm, một lá thư nặc danh và một ghi chú giải thích của một người đàn ông ký tên là Đại úy Dmitry Paladichuk, một đội trưởng phi hành đoàn phòng không Nga, người tuyên bố đã chuyển tiếp lệnh bắn hạ máy bay.

Trong ghi chú giải thích được cho là, Paladichuk cho biết ông không có phương tiện liên lạc đáng tin cậy nào với bộ chỉ huy quân sự Nga ngoài kết nối di động. Một radar phát hiện ra một mục tiêu lúc 8:11 sáng giờ địa phương, sau đó Paladichuk được cho là đã được lệnh phá hủy máy bay — không nhìn thấy được do sương mù dày đặc — qua điện thoại.

Cơ trưởng tuyên bố rằng sau khi quả đạn đầu tiên trượt mục tiêu, ông đã ra lệnh bắn tiếp. Paladichuk không nêu rõ tên chuyến bay Azerbaijan trong lá thư giải thích của mình.

Minval viết rằng họ không thể xác nhận tính xác thực của tuyên bố bằng văn bản nhưng có thể xác nhận ba tin nhắn thoại bị rò rỉ, trong đó cũng xác nhận lệnh bắn hạ máy bay và thiệt hại sau đó.

Các hãng tin độc lập của Nga là Agentstvo và Insider xác nhận danh tính của Paladichuk là một sĩ quan phòng không từng phục vụ trong nhiều đơn vị khác nhau, bao gồm Tập đoàn quân số 14 của Không quân và Phòng không ở Novosibirsk.

Tờ Insider cũng viết rằng ghi chú này có vẻ là xác thực và chỉ ra rằng tốc độ của máy bay được tiết lộ trong các tài liệu bị rò rỉ cho thấy bộ chỉ huy Nga hẳn phải biết mục tiêu không phải là máy bay điều khiển từ xa.

Vụ việc dẫn đến một cuộc đụng độ công khai giữa Azerbaijan và Nga, vốn là những đối tác chính trị và kinh tế thân thiết. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cáo buộc Mạc Tư Khoa che giấu bằng chứng và chỉ trích người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, vì không công khai thừa nhận tội lỗi.

Putin đã gửi lời chia buồn về sự việc xảy ra trên không phận Nga, nhưng không thừa nhận trách nhiệm của Nga.

Những chi tiết mới của vụ án xuất hiện ngay khi quan hệ Nga-Azerbaijan lại trở nên tồi tệ. Hơn 50 người Azerbaijan đã bị bắt giữ như một phần của cuộc điều tra giết người ở Yekaterinburg vào ngày 27 tháng 6, hai người trong số họ đã chết trong khi bị giam giữ.

Baku gọi cái chết của họ là “có động cơ sắc tộc” và là những vụ giết người “phi pháp”. Vài ngày sau, chính quyền Azerbaijan đã đột kích một văn phòng của hãng thông tấn tuyên truyền Nga Sputnik ở Baku, bắt giữ những người mà họ cho là điệp viên Nga.

[Kyiv Independent: Russian officer admits to downing Azerbaijani airliner in reported leak]

11. Hệ thống điều hòa của Nghị viện Âu Châu bị hỏng do thời tiết nóng

Nghị viện Âu Châu đang trở nên căng thẳng và nóng nực, nhưng không phải vì các cuộc đàm phán sắp tới về ngân sách Liên Hiệp Âu Châu.

Hệ thống điều hòa không khí ở Khu C của tòa nhà Paul-Henri Spaak tại Brussels, nơi làm việc của các nhân viên Đảng Xanh, đảng Tự do Renew Europe, đảng Bảo thủ và Cải cách cánh hữu Âu Châu, đã trục trặc.

Ít nhất thì các bên bị ảnh hưởng có vẻ đang đón nhận sự việc này với thái độ vui vẻ.

“Tình hình chưa bao giờ nóng như thế này kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cắt giảm các yêu sách về môi trường!” một phát ngôn viên của Renew nói đùa, ám chỉ đến tình hình chính trị hỗn loạn tuần trước về thông điệp trái chiều của Ủy ban về việc liệu họ có bãi bỏ dự luật chống tẩy xanh hay không.

Phát ngôn nhân nói thêm: “Tôi nghe nói ở tầng 5 tốt hơn, nơi họ không tin vào biến đổi khí hậu”, ám chỉ đến văn phòng của ECR, một nhóm muốn làm loãng các chính sách về khí hậu của Liên Hiệp Âu Châu.

Không chịu thua kém, một phát ngôn viên của ECR cho biết: “Tôi biết họ muốn khiến chúng ta phải đổ mồ hôi vì lập trường chính trị của mình, nhưng điều này không phải là nực cười sao?”

Tòa nhà Spaak được lên kế hoạch cải tạo với kinh phí 440 triệu euro bắt đầu từ năm 2027, sẽ mất khoảng năm năm. Theo ban quản lý của Quốc hội, dự án này nhằm mục đích đưa cơ sở hạ tầng lên tiêu chuẩn an toàn và xanh hiện đại sau khi trần phòng họp toàn thể bị sập một phần.

Vào đêm thứ Ba, hệ thống đã gặp phải “một sự việc lớn” do “nhiệt độ cao bất thường”, một thông báo nội bộ từ bộ phận cơ sở hạ tầng của Quốc hội cho biết. “Nhóm của chúng tôi không thể khôi phục hệ thống trong đêm và công việc sửa chữa đang tiếp tục vào sáng nay như một vấn đề ưu tiên tuyệt đối”, thông báo cho biết thêm.

[Politico: European Parliament’s air conditioning breaks down due to hot weather]

NewsUKMor04Jul2025
 
Trường hợp thương tâm của một linh mục Mễ Tây Cơ. ĐGH Lêô và Peru. Diễn từ của ĐGH với các nữ tu
VietCatholic Media
16:56 03/07/2025


1. Linh mục trong tình trạng 'nguy kịch' sau khi bị bắn ở Mễ Tây Cơ

Giáo phận Tabasco ở Mễ Tây Cơ đã báo cáo vào ngày 30 tháng 6 rằng một trong những linh mục của giáo phận đã bị thương do trúng đạn khi đang trên đường đến thăm một giáo dân bị bệnh. Vụ tấn công rõ ràng là một trường hợp nhầm lẫn danh tính.

Giám mục giáo phận, Đức Cha Gerardo de Jesús Rojas López, đã chia sẻ một tuyên bố giải thích rằng vào khoảng 5:45 sáng giờ địa phương, Cha Héctor Alejandro Pérez, một linh mục giáo xứ tại Nhà thờ St. Francis of Assisi ở Villahermosa, thủ phủ của tiểu bang Tabasco, đã bị bắn.

Kẻ tấn công dường như đã nhầm lẫn vị linh mục “với một người khác. Cha Héctor đang rời khỏi nhà xứ để đến thăm một người bệnh tại nhà,” Rojas nói.

Sau vụ tấn công, vị linh mục đã trải qua phẫu thuật. Theo vị giám mục, Cha Pérez được báo cáo là đang trong tình trạng nguy kịch, “với dự đoán tổng thể thận trọng do mất máu và tình trạng phức tạp của các vết thương bên trong”.

Đức Cha Rojas cũng đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới cộng đồng hãy hiến máu cho vị linh mục đang được điều trị tại Bệnh viện chuyên khoa khu vực Dr. Gustavo A. Rovirosa Pérez ở Villahermosa.

Đức Giám Mục khẳng định Giáo Hội Công Giáo “hoàn toàn bác bỏ” “hành động man rợ này” và cầu xin Chúa “làm lay động trái tim của những kẻ tấn công bất công để họ hoán cải và ăn năn, và tất cả các tín hữu và những người thiện chí đoàn kết trong việc tìm kiếm hòa bình cho Tabasco thân yêu của chúng ta”.

Thống đốc tiểu bang, Javier May Rodríguez, trong một cuộc họp báo đã lên án những gì đã xảy ra với vị linh mục và bày tỏ sự đoàn kết với Giáo Hội Công Giáo, bảo đảm với họ rằng “chúng tôi đã vào cuộc; vụ tấn công sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt, và chúng tôi sẽ tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm”.

Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ đã lên án vụ tấn công trong một thông điệp đăng trên X, bày tỏ sự đoàn kết “trước vụ tấn công vũ trang hèn nhát nhằm vào Cha Héctor Pérez”.

Các giám mục của đất nước đã cầu nguyện “Chúa của Sự Sống để Cha Héctor sớm bình phục và phó thác ngài cho sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria”. Họ cũng cam kết hỗ trợ Giáo phận Tabasco và cộng đồng giáo xứ Thánh Phanxicô thành Assisi cũng như gia đình và bạn bè của ngài.

“Xin Chúa Kitô, hoàng tử hòa bình, soi sáng và nâng đỡ những nỗ lực của chúng ta nhằm xây dựng một xã hội nơi công lý, hòa giải và tôn trọng sự sống được đề cao”, các giám mục tuyên bố.

Mễ Tây Cơ đã nhiều lần được coi là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với chức thánh và việc rao giảng đức tin. Theo Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo, một tổ chức ghi lại các cuộc tấn công chống lại Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này, 80 linh mục, tu sĩ và giáo dân đã bị sát hại kể từ năm 1990.

Chỉ riêng trong sáu năm qua, từ năm 2018 đến năm 2024, 10 linh mục và một chủng sinh đã bị sát hại. Ngoài ra, theo một nghiên cứu của trung tâm, trong cùng thời gian đó, sáu giám mục và bảy linh mục là nạn nhân của các mức độ bạo lực khác nhau — bao gồm bị chặn lại ở trạm kiểm soát, bị cướp hoặc bị tội phạm có tổ chức bắn.


Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục mời Đức Giáo Hoàng Lêô đến thăm Peru: 'Sự hiện diện của ngài sẽ đổi mới hy vọng của người dân chúng ta'

Các giám mục Peru đã chính thức mời Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đến thăm Peru, bảo đảm với ngài rằng “sự hiện diện của ngài sẽ khơi dậy hy vọng cho người dân chúng ta”.

Theo tuyên bố từ Hội đồng Giám mục Peru, gọi tắt là CEP, là tên viết tắt tiếng Tây Ban Nha, một phái đoàn giám mục, bao gồm chủ tịch hội đồng, là Đức Cha Carlos García Camader của Lurín, đã gặp Giáo hoàng Lêô XIV tại Vatican vào ngày 30 tháng 6.

Trong buổi tiếp kiến, “các giám mục đã chính thức mời ngài đến thăm mục vụ tại Peru”, CEP cho biết.

Đức Thánh Cha Lêô XIV, sinh ra tại Chicago với tên Robert Francis Prevost vào năm 1955, đã sống ở Peru trong gần 20 năm, phục vụ tại nhiều thời điểm khác nhau với nhiều chức vụ khác nhau, từ cha sở giáo xứ Chulucanas ở vùng Piura đến giám mục Chiclayo. Ngài đã trở thành công dân Peru vào năm 2015.

Chào mừng đám đông tại Quảng trường Thánh Phêrô sau khi được bầu vào ngày 8 tháng 5, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã có đôi lời gửi đến Giáo phận Chiclayo yêu dấu của ngài, “nơi những người dân trung thành đã đồng hành cùng giám mục của họ, chia sẻ đức tin của họ và đã cống hiến rất nhiều để tiếp tục là Giáo hội trung thành của Chúa Giêsu Kitô.”

Công việc truyền giáo của ngài ở Peru đã được giới thiệu trong bộ phim tài liệu mới được Vatican phát hành có tựa đề “León de Perú”.

Theo CEP, Đức Cha García Camader đã gửi một lá thư cho Đức Giáo Hoàng vào ngày 30 tháng 6, bày tỏ “thay mặt cho tất cả các giám mục và người dân Peru, tình cảm sâu sắc và sự gần gũi của chúng tôi đối với Đức Thánh Cha” đồng thời cảm ơn ngài vì đã dành một vị trí đặc biệt trong trái tim mình cho Peru.

Phái đoàn Peru gồm có Đức Giám Mục Luis Alberto Barrera, Đức Giám Mục Antonio Santarsiero, Đức Hồng Y Pedro Barreto, Đức Tổng Giám Mục Alfredo Vizcarra, Đức Giám Mục Pedro Bustamante, Đức Giám Mục Marco Cortez, Đức Giám Mục César Huerta, Đức Giám Mục Ricardo García, Đức Giám Mục Lizardo Estrada, Đức Giám Mục Raúl Chau, Giám mục Juan Asqui, và Cha Guillermo Inca.

Trong một đoạn trích từ bức thư, chủ tịch CEP đã bảo đảm với Đức Lêô XIV rằng “sự hiện diện của ngài sẽ đổi mới hy vọng của dân tộc chúng ta, củng cố đức tin của cộng đồng chúng ta và là dấu chỉ tuyệt đẹp của sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ”.


Source:Catholic World Report

3. Diễn Từ Của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV Gửi Đến Các Đại Diện Của Một Số Dòng Nữ

Hôm 30 Tháng Sáu, tại điện Clêmentê của Vatican, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã có cuộc gặp gỡ với đại diện của một số dòng nữ đang có mặt tại Rôma để tham dự Tổng Tu Nghị hay hành hương Năm Thánh Hy Vọng.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Chúc chị em bình an!

Các chị em thân mến, chào buổi sáng và chào mừng!

Tôi rất vui được gặp chị em. Đối với một số chị em, đây là dịp để họp Tổng Hội, những người khác đến đây để hành hương mừng Năm Thánh. Trong cả hai trường hợp, chị em đến mộ thánh Phêrô để đổi mới tình yêu của mình đối với Chúa và lòng trung thành của mình đối với Giáo hội.

Các chị em thuộc về các Hội dòng được thành lập vào những thời điểm khác nhau và trong những hoàn cảnh riêng biệt: Các Nữ tu Dòng Thánh Basilô Cả; Các Nữ tu Bác ái Thiên Chúa; Các Nữ tu Augustinô Amparo; Các Nữ tu Phanxicô Thánh Tâm. Tuy nhiên, lịch sử của các chị em có chung một sợi chỉ có thể thấy được dưới góc nhìn của những nhân chứng lịch sử vĩ đại về đời sống tâm linh như các Thánh Augustinô, Basil và Phanxicô, những vị khổ hạnh, dũng cảm và thánh thiện trong cuộc sống đã truyền cảm hứng cho những người sáng lập của các chị em nuôi dưỡng những cách thức mới để phục vụ người khác. Điều này đặc biệt rõ ràng trong sự chăm sóc của các chị em đối với những người yếu đuối nhất: trẻ em, trẻ em gái và trẻ em trai nghèo, trẻ mồ côi, người di cư và gần đây hơn là người già và người bệnh cũng như nhiều mục vụ bác ái khác.

Phản ứng của chị em trước những thách đố trong quá khứ và sức sống hiện tại của chị em cho thấy rõ rằng lòng trung thành với sự khôn ngoan cổ xưa của Phúc Âm là con đường tốt nhất để tiến về phía trước cho những ai, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thực hiện những con đường mới của sự hiến thân, tận tụy yêu mến Thiên Chúa và tha nhân và lắng nghe chăm chú các dấu chỉ của thời đại (x. CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 4; 11).

Với ý nghĩ này, Công đồng Vatican II, khi đề cập đến các dòng tu chuyên lo các công việc bác ái, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “toàn bộ đời sống tu trì của các thành viên phải thấm nhuần tinh thần tông đồ, và mọi hoạt động tông đồ của họ phải thấm nhuần tinh thần tôn giáo”, để họ “trước tiên có thể đáp lại tiếng gọi của mình là theo Chúa Kitô và phục vụ chính Chúa Kitô trong các chi thể của Người... trong sự kết hợp mật thiết với Người” (Sắc lệnh Perfectae Caritatis, 8).

Thánh Augustinô, khi nói về quyền tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống Kitô hữu, đã khẳng định rằng, “Thiên Chúa là tất cả của anh chị em. Nếu anh chị em đói, Thiên Chúa là bánh của anh chị em; nếu anh chị em khát, Thiên Chúa là nước của anh chị em; nếu anh chị em ở trong bóng tối, Thiên Chúa là ánh sáng không bao giờ tàn lụi của anh chị em; nếu anh chị em trần truồng, Thiên Chúa là chiếc áo vĩnh cửu của anh chị em” (In Ioannis Evangelium, 13, 5). Thật vậy, chúng ta nên tự hỏi: những lời này đúng với tôi đến mức nào? Chúa thỏa mãn cơn khát cuộc sống, tình yêu hoặc ánh sáng của tôi đến mức nào? Đây là những câu hỏi quan trọng. Hơn nữa, sự bén rễ trong Chúa Kitô này là điều đã dẫn dắt những người đi trước chúng ta - những người nam nữ như chúng ta, với những ân sủng và giới hạn như chúng ta - để làm những điều mà có lẽ họ không bao giờ nghĩ rằng họ có thể đạt được. Sự bén rễ này đã giúp họ gieo những hạt giống của sự tốt lành, tồn tại qua nhiều thế kỷ và trên khắp các châu lục, giờ đây đã lan tỏa đến hầu như toàn bộ thế giới, như sự hiện diện của chị em ở đây chứng minh.

Như tôi đã đề cập, một số chị em đang tham gia Tổng Hội, những người khác ở đây để mừng Năm Thánh. Trong mọi trường hợp, chị em phải đối mặt với những lựa chọn quan trọng sẽ quyết định tương lai của chị em, tương lai của các chị em khác và của chính Giáo hội. Vì lý do này, thật là thích hợp kết thúc bằng cách nhắc lại, cho tất cả chúng ta, niềm hy vọng tuyệt vời mà Thánh Phaolô đã bày tỏ khi nói với các Kitô hữu ở Êphêsô: Tôi cầu nguyện rằng “Đức Kitô ngự trong lòng anh chị em qua đức tin, khi anh chị em được bén rễ và xây dựng trên đức ái. Tôi cầu nguyện rằng anh chị em có thể hiểu được, cùng với tất cả các thánh, chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu là gì, và biết được tình yêu của Đức Kitô vượt quá mọi hiểu biết, để anh chị em được đầy dẫy tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3:17-19). Cảm ơn chị em về công việc và lòng trung thành của chị em. Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành cùng chị em. Và tôi ban phép lành cho chị em.


Source:Vatican News