Linh mục Gerald E. Murray, trên The Catholic Thing, Thứ Sáu, ngày 18 tháng 7 năm 2025, nhận định: Khi Đức Giáo Hoàng Lêô XIV phát biểu từ ban công Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày được bầu làm Giáo hoàng, ngài đã nói: "Chúng ta muốn trở thành một Giáo hội đồng nghị." Ý nghĩa của điều này, tất nhiên, phụ thuộc vào cách Đức Giáo Hoàng Lêô hiểu về tính đồng nghị. Khái niệm về một Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công Giáo, Tông truyền – và giờ là đồng nghị – không rõ ràng với hầu hết mọi người, bởi vì tính đồng nghị là một khái niệm phần lớn chưa được biết đến. Ý nghĩa của nó sẽ được hé lộ khi Đức Giáo Hoàng Lêô XIV hướng dẫn "con đường đồng nghị" với sự hỗ trợ của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng. Đóng góp mới nhất của Văn phòng này vào câu chuyện định nghĩa đang diễn ra không mấy khả quan. Nếu bạn đang thắc mắc về mục đích của Thượng Hội đồng Giám mục về Tính Đồng nghị, thì Văn phòng Tổng Thư ký, trong tài liệu Lộ trình Thực thi Thượng Hội đồng Giám mục 2025-2028, đã đưa ra câu trả lời: "xây dựng một Giáo hội Đồng nghị".

Nếu bạn cũng đang thắc mắc tính đồng nghị là gì, Sơ Nathalie Becquart, XMCJ, Phó Thư ký Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn gần đây:

Tôi thường trích dẫn lời của Ormond Rush, một nhà thần học người Úc đã tham dự Thượng Hội đồng Giám mục của chúng ta, rằng "Tính đồng nghị chính là Công Đồng Vatican II nói một cách vắn tắt". Và tất cả các văn kiện của chúng ta, và vẫn còn trong các lộ trình này, trong Văn kiện Cuối cùng, đều nhấn mạnh rằng những gì chúng ta đang làm thực sự liên quan đến tầm nhìn của Công Đồng Vatican II. Chúng ta có thể nói rằng tính đồng nghị là cách để hiểu giáo hội học của Công Đồng Vatican II trong giai đoạn tiếp nhận Công Đồng này. Vì vậy, nó không gì khác hơn là tiếp tục việc tiếp nhận Côngg Đồng Vatican II. Bởi vì, theo một cách nào đó, Công đồng vẫn chưa được thực hiện ở khắp mọi nơi.

Tuy nhiên, không có văn kiện Công Đồng nào nêu ra ý tưởng như vậy.

Sơ Becquart tiếp tục:

Vậy đó là một cách để trở thành Giáo hội. Đó là một cách, từ Giáo hội sơ khai, mà chúng ta rút ra từ Công Đồng Vatican II như một kết quả nhấn mạnh rằng, trước hết, tất cả chúng ta đều đã được rửa tội; và khi cùng chịu phép rửa tội với tư cách là dân Chúa, chúng ta được kêu gọi cùng nhau thực thi việc sai đi. Vì vậy, nó kêu gọi mỗi người đã chịu phép rửa tội trở thành nhân vật chủ đạo của sứ mệnh, giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta được kêu gọi cùng nhau làm việc, thực thi đồng trách nhiệm đối vói sứ mệnh - tất nhiên, một đồng trách nhiệm dị biệt hóa bởi vì không phải tất cả chúng ta đều có cùng một ơn gọi. Có sự đa dạng về ơn gọi, về đặc sủng, về các thừa tác vụ. Nhưng chúng ta là dân Chúa, đồng hành với những người khác.

"Con đường để trở thành Giáo hội" này sẽ diễn ra như thế nào? Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, khi đề cập đến Tài liệu Cuối cùng [FD] của Đại hội Thượng Hội đồng năm 2024, đã đưa ra lời biện minh dài dòng, đầy biệt ngữ cho một chương trình mang tính cách mạng [biệt ngữ được nhấn mạnh]:

Tính năng động làm nên sức sống của Tài liệu Cuối cùng, và giai đoạn thực hiện được kêu gọi phải tiếp nhận, bắt nguồn từ việc nối khớp liên tục một số đối cực và căng thẳng nhất định, những đối cực cấu trúc nên đời sống của Giáo hội và cách thức các phạm trù giáo hội học diễn đạt điều đó. Dưới đây là một số đối cực này: toàn thể Giáo hội và Giáo hội địa phương; Giáo hội là Dân Thiên Chúa, là Thân thể Chúa Kitô và là Đền thờ của Chúa Thánh Thần; sự tham gia của tất cả mọi người và quyền bính của một số người; tính đồng nghị, tính hiệp đoàn và tính tối thượng; chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác; thừa tác vụ (các thừa tác vụ được truyền chức và được thiết lập) và sự tham gia vào sứ mệnh nhờ ơn gọi rửa tội mà không có hình thức thừa tác vụ. Việc thực hiện Tài liệu Cuối cùng đòi hỏi phải giải quyết và phân định những căng thẳng này khi chúng phát sinh trong hoàn cảnh hiện hữu của mỗi Giáo hội địa phương. Con đường tiến lên không phải là tìm kiếm một sự sắp xếp bất khả thi nhằm loại bỏ căng thẳng có lợi cho một trong hai bên. Thay vào đó, ngay tại hiện tại của mỗi Giáo hội địa phương, cần phải phân định xem sự cân bằng nào trong số những sự cân bằng khả hữu này cho phép phục vụ sứ mệnh một cách năng động hơn. Rất có thể những quyết định khác nhau sẽ được đưa ra ở những nơi khác nhau.

Georg Wilhelm Friedrich Hegel của Jakob Schlesinger, 1825 [Phòng trưng bày Quốc gia Berlin, Đức]


Công Đồng Nicaea có lẽ không vượt qua được các tiêu chuẩn của tính đồng nghị vì trên thực tế, nó đã đạt được “sự sắp xếp bất khả hữu” là “loại bỏ căng thẳng” bằng cách quyết định “có lợi cho một trong hai bên”, nghĩa là, chính thống giáo được khẳng định và dị giáo bị lên án.

Có khi nào Giáo hội từng dạy rằng các giáo lý Công Giáo là “hai cực” bộc lộ “những căng thẳng” cần được khắc phục bằng cách đạt được “sự cân bằng”? Đây hoàn toàn là chủ nghĩa Hegel. Bước một: chính đề gặp phản đề, dẫn đến một sự tổng hợp; bước hai: lặp lại bước một, vô tận. Trong mô hình này, Giáo hội không giảng dạy chân lý tín điều, mà cân nhắc những cách tiếp cận khác nhau, cần được cân bằng lẫn nhau.

Cả hai bên trong một “tình huống phân cực” cần phải hài lòng với một loại “sự đa dạng được hòa giải”. Tính vĩnh cửu của chân lý đã không còn, “tính năng động” định hình lại “các phạm trù giáo hội học” đã lên ngôi. Nhân tiện, liệu giáo lý Công Giáo giờ đây có phải chỉ là một “phạm trù giáo hội học” có thể tùy ý thay đổi không? Dường như là vậy.

Giáo huấn của Công Đồng Vatican II vẫn đứng vững trên đôi chân của nó. Bản chất” của tính đồng nghị như là cốt lõi của sứ điệp Công Đồng không hề được tìm thấy trong các văn kiện của Công Đồng. Thượng Hội đồng Giám mục, do Công Đồng thành lập, là một cơ quan tư vấn gồm các giám mục được Đức Giáo Hoàng triệu tập để đưa ra lời khuyên tại các cuộc họp định kỳ về các chủ đề đặc biệt liên quan đến đời sống của Giáo hội. Đó không phải là fons et origo (nguồn gốc và cội nguồn) để xây dựng một Giáo hội đồng nghị mới, trong đó tất cả những người đã chịu phép rửa tội đều có quyền tham gia quản trị Giáo hội.

Giáo hội không cần phải được tái cấu trúc thành một nhóm thảo luận đồng nghị liên tục do các quan chức Vatican dẫn dắt, bao gồm các giám mục được lựa chọn và những người không phải giám mục, trong đó những căng thẳng (tự nhiên phát sinh khi các ý tưởng dị giáo được đưa ra như những phiên bản mới và cải tiến của Đức tin Công Giáo) phải được xoa dịu bởi vì tính đồng nghị đòi hỏi khái niệm sai lầm về “sự đa dạng được hòa giải”.

Lập luận cho rằng khái niệm đồng nghị do Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng đưa ra chỉ đơn giản là sự hiện thực hóa cuối cùng lời hứa chưa được thực hiện của Công Đồng Vatican II có thể thuyết phục những người ủng hộ, nhưng nó không tương ứng với những gì thực sự đã xảy ra tại Công Đồng Vatican II.

Nếu tìm hiểu các tiền lệ lịch sử, việc nghiên cứu Anh giáo sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn các đầm lầy và nguy hiểm ngầm trong đó mọi thứ đang hướng tới quỹ đạo hiện tại.