Một cây ô liu cháy âm ỉ sau khi bị đốt cháy tại một ngôi làng Palestine gần thị trấn Sinjil ở Bờ Tây, thứ Sáu, ngày 11 tháng 7 năm 2025. (Ảnh: Maya Alleruzzo/AP.)


Charles Collins, giám đốc điều hành của tạp chí mạng Crux, ngày 21 tháng 7, 2025, tường trình rằng: Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã nhắc lại lời kêu gọi tôn trọng đầy đủ luật nhân đạo quốc tế.

Theo Vatican, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến những diễn biến gần đây trong cuộc xung đột ở Dải Gaza và bạo lực ở Bờ Tây.

Đức Giáo Hoàng Leo XIV đặc biệt nhấn mạnh đến nghĩa vụ bảo vệ thường dân và các địa điểm linh thiêng, cấm sử dụng vũ lực bừa bãi và cưỡng bức di dời dân cư.

Tuyên bố cho biết: “Trong bối cảnh tình hình nhân đạo bi thảm hiện nay, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết phải hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất trước hậu quả của cuộc xung đột và tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo được tiếp cận đầy đủ".

Hôm Chúa nhật, Abbas đã gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế, nói rằng đây là "thời điểm quan trọng và khó khăn đối với người dân Palestine của chúng tôi", đồng thời cho biết đây là hậu quả của các hoạt động của Israel kể từ khi cuộc xung đột hiện tại bắt đầu gần hai năm trước.

Cuộc chiến Gaza nổ ra sau cuộc tấn công bất ngờ của các chiến binh Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, khiến 1,200 người Israel thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt làm con tin.

Israel ngay lập tức phát động một cuộc tấn công trả đũa ở Gaza nhằm lật đổ Hamas khỏi vị trí lãnh đạo, với cuộc xung đột sau đó đã khiến hơn 70,000 người ở Gaza thiệt mạng, theo ước tính của Palestine.

Một thỏa thuận hòa bình được ký kết hồi đầu năm nay đã bị phá vỡ, và Israel đã gia tăng các cuộc tấn công vào Gaza, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hầu hết là dân thường.

Trong thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới, Abbas cáo buộc Israel phạm "tội ác diệt chủng, giết chóc, hủy diệt và gây ra nạn đói đối với người dân của chúng tôi ở Gaza mà không có sự răn đe hay trách nhiệm giải trình."

Nhà lãnh đạo Palestine phát biểu: “Những hành động này làm suy yếu giải pháp hai nhà nước và siết chặt vòng vây đối với người dân Palestine và các định chế quốc gia của họ, nhằm ngăn chặn việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền. Chúng cũng phá hủy các nỗ lực kiến tạo hòa bình, khiến khu vực của chúng ta và thế giới rơi vào tình trạng căng thẳng và bất ổn”.

Kể từ năm 2007, Gaza không nằm dưới sự kiểm soát của Chính quyền Palestine mà do Hamas điều hành, lực lượng từ chối công nhận nhà nước Israel. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế, về mặt kỹ thuật, nó vẫn là một phần của Palestine.

Trong thông điệp của mình, Abbas cho biết “ưu tiên cấp bách” của Nhà nước Palestine là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vĩnh viễn, để đảm bảo việc trả tự do cho các con tin và tù nhân, và đảm bảo việc cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp, đặc biệt là lương thực và vật tư y tế, cho Dải Gaza.

Ông nói: “Điều này phải đi kèm với việc rút toàn bộ lực lượng chiếm đóng Israel khỏi Dải Gaza, cho phép Nhà nước Palestine đảm nhận toàn bộ trách nhiệm tại đó, dẫn đến một lệnh ngừng bắn toàn diện, chấm dứt các tội ác của người định cư và các cuộc tấn công đang diễn ra vào các thánh địa Hồi giáo và Kitô giáo, và khởi động một tiến trình chính trị để chấm dứt sự chiếm đóng dựa trên các nghị quyết hợp pháp quốc tế, Sáng kiến Hòa bình Ả Rập, và thông qua một kế hoạch hòa bình với các bảo đảm quốc tế và một thời gian biểu được xác định trong Hội nghị Hòa bình Quốc tế sắp tới tại New York”.

Thông điệp của ông được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một xe tăng Israel bắn vào nhà thờ Công Giáo duy nhất ở Gaza, Giáo xứ Thánh Gia, gây ra sự lên án của quốc tế. Israel tuyên bố vụ tấn công là một sai lầm và đã hứa sẽ điều tra sự việc.

Tuy nhiên, Alistair Dutton, Tổng Thư ký Caritas Quốc tế, cho biết chính phủ Israel đang tạo ra các cuộc tấn công “gây tổn hại cho dân thường ngày này qua ngày khác” ở Gaza.

Ông nói với Vatican News: “Chúng ta cần chấm dứt ngay lập tức các cuộc ném bom và hành động tàn bạo này”.

Abbas cho biết "vấn đề cấp bách nhất hiện nay" là chấm dứt các vụ giết người ở Dải Gaza, mà ông gọi là "diệt chủng", và chấm dứt tình trạng người Palestine phải di dời và chết đói trên lãnh thổ này.

Ông nói: "Tình hình này là không thể chịu đựng được và không thể dung thứ. Nó đòi hỏi sự can thiệp khẩn cấp của quý vị và cộng đồng quốc tế để gây sức ép buộc Israel cho phép nhập cảnh ngay lập tức thực phẩm và vật tư y tế để cứu hàng ngàn trẻ em, phụ nữ và người già đang chết đói do lệnh phong tỏa và ngăn cản viện trợ nhân đạo".

Ông Abbas nói tiếp: "Cùng lúc trẻ em, phụ nữ và người già ở Gaza đang bị đói và bị giết hại một cách tàn nhẫn tại các trung tâm cứu trợ, Chính quyền Quốc gia Palestine đang phải chịu một cuộc bao vây tài chính và kinh tế chưa từng có do chính phủ Israel giữ lại nguồn thu thuế của Palestine, hiện đã vượt quá hai tỷ đô la. Đây rõ ràng là một nỗ lực nhằm phá hoại công việc của chính phủ Palestine và làm tê liệt khả năng chu tòan các nghĩa vụ của nó đối với nhân dân chúng tôi”.

Chủ tịch Palestine cho biết ông đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới gây sức ép buộc chính phủ Israel “chấm dứt chính sách đói nghèo” và đảm bảo việc tiếp cận viện trợ nhân đạo ngay lập tức, cũng như giải phóng nguồn thu thuế của Palestine.

Ông nói: “Điều quan trọng không kém là buộc thế lực chiếm đóng chấm dứt chủ nghĩa khủng bố định cư, chấm dứt việc phá hủy và di dời các trại tị nạn, chấm dứt mọi hình thức xâm lược ở Bờ Tây, ngừng mở rộng khu định cư và các nỗ lực sáp nhập đất đai, và chấm dứt các cuộc tấn công vào các thánh địa Hồi giáo và Kitô giáo ở Jerusalem, Hebron, Taybeh và Gaza”.

Hôm thứ Bảy, ông Abbas cho biết cuộc bầu cử Hội đồng Quốc gia Palestine - một cơ quan nội bộ của Tổ chức Giải phóng Palestine - sẽ được tổ chức vào cuối năm 2025, lần đầu tiên các cuộc bầu cử được tổ chức kể từ năm 2006. Ông cho biết điều này sẽ củng cố quyền lực của Nhà nước Palestine.

Trong cuộc đàm đạo giữa Đức Giáo Hoàng Leo và Abbas, Đức Giáo Hoàng đã nói về Hiệp định Toàn diện giữa Tòa thánh và Nhà nước Palestine, được ký kết vào ngày 26 tháng 6 năm 2015, và có hiệu lực từ ngày 2 tháng 1 năm 2016.

Một thỏa thuận giữa Tòa thánh và Israel đã được ký kết vào năm 1993. Đức Leo đã nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào tối thứ Sáu, một ngày sau vụ tấn công vào nhà thờ ở Gaza.